Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 28/6/2023)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

GRDP 6 tháng đầu năm của Hải Phòng đứng thứ 3 cả nước

Chiều 27/6, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6/2023 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Báo cáo kết quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long cho biết, kinh tế TP duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng ước tăng 9,94% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) ước tăng 12,28% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 46.490 tỷ đồng, giảm 15,17% so với cùng kỳ, bằng 44,41% dự toán Trung ương giao và bằng 39,93% dự toán HĐND thành phố giao. Sản lượng hàng hoá qua cảng 6 tháng ước đạt 69,10 triệu tấn, giảm 3,44% so với cùng kỳ. Số lượng khách du lịch ước đạt trên 3.466 nghìn lượt, tăng 10,07% so với cùng kỳ.

Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm của thành phố là thu hút đầu tư nước ngoài, ước đến 30/6/2023 đạt 1,98 tỷ USD, tăng 80,10% so với cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch năm. Qua đó thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp của thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, các chỉ tiêu kinh tế thành phố vẫn nằm trong top đầu cả nước như: chỉ tiêu GRDP gấp 4,6 lần bình quân chung của cả nước; chỉ số IPP gấp 3 lần bình quân chung của cả nước; thu hút FDI đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm; giải ngân vốn đầu tư công đạt 54%.

Tuy nhiên, dù một số chỉ tiêu ở mức cao nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu, khả năng, kỳ vọng phát triển của TP. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra; trong đó tập trung cao thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, rà soát nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu, chuyển đổi số, di dời các hộ dân ra khỏi chung cư cũ xuống cấp, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, ngành Y tế xây dựng đề án tăng cường năng lực các bệnh viện khối quận, huyện báo cáo HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm… (Baohaiphong.com.vn 28/6, Nguyên An)

Kỷ niệm 50 năm Chiến công rà phá thủy lôi phong tỏa bờ biển miền Bắc

Sáng 27/7, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 50 năm Chiến công Chống phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường trong chiến tranh. Gần 100 đại biểu là những cựu chiến binh trực tiếp đóng góp công sức, trí tuệ trong chiến dịch, cùng với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng ôn lại lịch sử.

Không chỉ một mà có đến hai lần, biển và các cửa sông miền Bắc bị phong tỏa vào những năm 1967, 1968 và 1972, 1973 bởi những loại vũ khí hiện đại của địch. Việc rà phá, mở đường ra biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phải cùng phối hợp với các lực lượng khác như Quân khu 3, Quân khu 4, một số tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Binh chủng Công Binh, Quân chủng Phòng không-Không quân, các ngành kinh tế, kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải…, để tạo thành một thế trận chống phong tỏa rộng khắp, phá hủy hơn 13.000 quả thủy lôi, bom từ trường.

Kỷ niệm 50 năm là dịp ôn lại lịch sử truyền thống, tôn vinh và tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. (Vtv.vn 27/6; Kênh VTV1 – Thời sự lúc 12h13 ngày 27/6; Qdnd.vn 27/6; Truyền hình thông tấn – Thời sự ngày 28/6)

Hải Phòng đẩy nhanh hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử

Triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), TP. Hải Phòng nằm trong nhóm hoàn thành 100% trước tiến độ về thu nhận hồ sơ, cấp CCCD gắn chip điện tử. Tuy nhiên, việc thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (ĐDĐT) đến giữa tháng 6 này mới chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố cả nước…

Cụ thể, theo Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP. Hải Phòng, tính đến giữa tháng 6, tỷ lệ kích hoạt ĐDĐT mới đạt 38,5% chỉ tiêu. Trong đó có những quận, huyện đạt tỷ lệ kích hoạt rất thấp như: Đồ Sơn (15%); An Lão (22,68%); Hồng Bàng (23%); Hải An (27%)…

Bên cạnh những lý do kỹ thuật, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự trì trệ này là do nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, thậm chí một số địa phương chưa ban hành văn bản lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan, phát động chiến dịch cao điểm thu nhận, kích hoạt ĐDĐT, phấn đấu hoàn thành trước ngày 5/7.

Theo đó, người đứng đầu UBND TP. Hải Phòng đã yêu cầu các quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, không được phó mặc cho lực lượng Công an. Đồng thời yêu cầu thủ trưởng Công an các cấp từ xã đến thành phố báo cáo tiến độ hàng ngày cho lãnh đạo đơn vị, địa phương cùng cấp. Để bảo đảm hoàn thành mốc thời gian nêu trên, đợt cao điểm đặt ra các mốc thời gian để làm cơ sở kiểm tra, đánh giá thi đua, khen thưởng. Trong đó đợt 1 đến hết ngày 20/6, đợt 2 đến hết ngày 30/6, đợt 3 đến hết ngày 5/7 và đợt 4 đến hết ngày 15/7. Trường hợp các địa phương hoàn thành sau thời hạn 15/7 thì xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Sau khi “mệnh lệnh khẩn tốc” được ban ra, toàn hệ thống được kích hoạt, việc triển khai thu nhận, kích hoạt ĐDĐT của Hải Phòng chuyển biến rõ nét. Chỉ 4 ngày tính từ ngày phát động đến mốc thời gian thứ nhất (20/6), tỷ lệ kích hoạt từ mức 38,5% đã lên mức 55,54%. Chuyển biến mạnh nhưng còn xa mục tiêu, vì vậy ngay trong ngày 20/6, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục ban hành công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thành phố về việc bố trí thời gian kích hoạt ĐDĐT.

Có thể nói, không khí mang tên “ĐDĐT” thực sự lan tỏa khắp Hải Phòng, từ nông thôn đến thành thị, trở thành câu chuyện mang tính thời sự, dường như ở đâu cũng nghe thấy người dân bàn tán về nội dung này.

Bà Ngô Thị Thanh Thủy, Chủ tịch UBND huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, cả hệ thống chính trị huyện quyết tâm nhập cuộc, thư vận động được lan tỏa đến từng người dân. Từ huyện đến xã, đến các tổ, thôn dân cư, từ nhà này sang nhà khác, người biết nói cho người chưa biết, người hiểu giải thích cho người chưa hiểu.

Bên cạnh đó, huyện An Lão cũng ưu tiên huy động cơ sở vật chất tối đa cũng như lực lượng hỗ trợ, với nòng cốt là Công an địa phương và đội ngũ tình nguyện, thường ứng trực cả trong và ngoài giờ hành chính. “Hiệu quả đã phát huy tức thì, chỉ trong 7 ngày đầu cao điểm, An Lão từ nhóm cuối đã vượt lên với tỷ lệ tăng thêm hơn 48%. Chúng tôi tự tin sẽ về đích đúng kế hoạch đề ra là ngày 30/6” - Chủ tịch UBND huyện An Lão tự tin nói.

Đại úy Nguyễn Duy Linh, Trưởng Công an xã Trường Thành (huyện An Lão) chia sẻ: “Đợt cao điểm diễn ra đúng thời điểm thời tiết khắc nghiệt, điện bị cắt luân phiên, nhưng chúng tôi đã chủ động chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phục vụ người dân”.

Nói đến lực lượng tham gia đợt cao điểm thu nhận, kích hoạt ĐDĐT tại Hải Phòng những ngày qua không thể không kể đến đội ngũ tình nguyện viên, họ là đoàn viên các tổ chức đoàn thể, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và thành viên các hội nhóm cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Tình nguyện viên Lê Gia Minh (sinh viên ĐH Hàng hải Việt Nam) tâm sự, trước khi tham gia tình nguyện, lãnh đạo nhà trường cũng như Đoàn trường đã quán triệt rất rõ về trách nhiệm đóng góp xây dựng TP. Hải Phòng, nơi Trường ĐH Hàng hải Việt Nam đứng chân. “Khi trực tiếp được giao nhiệm vụ tình nguyện tại phường Hàng Kênh (quận Lê Chân), nhóm chúng em được tập huấn kỹ về nghiệp vụ cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phục vụ nhân dân nên ý thức công việc rất hiệu quả” – sinh viên Lê Gia Minh cho biết.

Hàng ngày từ sáng đến tối, lực lượng tình nguyện thực hiện đón tiếp người dân; hỗ trợ người già, người khuyết tật gặp khó khăn trong di chuyển; nghe điện thoại hướng dẫn kích hoạt, cập nhật dữ liệu theo yêu cầu, rồi đi đến từng nhà vận động, phục vụ vì nhiều người dân còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của ĐDĐT hoặc lúng túng với công nghệ mới.

Theo Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Đề án 06, những ngày qua Công an TP. Hải Phòng, nhất là lực lượng cơ sở đã tập trung cao nhất cho nhiệm vụ này. Với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, lực lượng Công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, làm việc ngoài giờ hành chính, cả thứ bảy và chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ. Trong bất kể hoàn cảnh nào các CBCS Công an đều nỗ lực vượt qua, hết lòng hết sức phục vụ. Bên cạnh đó, Công an TP thiết lập hệ thống báo cáo tiến độ hàng ngày thông suốt từ cấp cơ sở trở lên, phân định rõ theo 4 cấp độ (hoàn thành, dự kiến hoàn thành, nguy cơ không hoàn thành và nguy cơ cao không hoàn thành) để các cấp ủy, chính quyền cũng như Ban chỉ đạo các cấp kịp thời điều chỉnh.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, ngoài huyện đảo Cát Hải đã hoàn thành (đạt 112,38 chỉ tiêu được giao) từ trước, sau 1 tuần phát động đợt cao điểm, tính đến nay TP. Hải Phòng đã có thêm 51 xã và toàn bộ huyện Kiến Thụy về đích, các địa phương còn lại cơ bản đảm bảo tiến độ, những số liệu tích cực tăng hàng ngày và liên tục được cập nhật.  (Cand.com.vn 28/6; Công an nhân dân 28/6, tr2)

Hải Phòng: Tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Tại hội nghị, Chánh Thanh tra TP Bùi Hùng Thiện cho biết: Ngay từ đầu năm, Thanh tra TP đã triển khai kế hoạch công tác năm và phong trào thi đua với các mục tiêu thiết thực chào mừng các ngày kỷ niệm lớn năm 2023: 93 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 78 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra (23/11/1945 - 23/11/2023), kỉ niệm 68 năm Ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/1955 - 13/5/2023),…

Toàn thành phố tiếp công dân với 1.916 lượt với 1.648 vụ việc. Trong đó, số đoàn đông người 113 đoàn với 108 vụ việc; số vụ việc thuộc thẩm quyền qua tiếp công dân 1.010 vụ việc.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đã tiếp 225 lượt với 204 vụ việc, trong đó có 22 đoàn đông người, 20 vụ việc.

Ủy quyền cho các phó thủ trưởng tiếp 25 lượt với 24 vụ việc (tiếp lần đầu 21 vụ, tiếp nhiều lần 3 vụ), trong đó có 5 đoàn đông người, 5 vụ việc.

Thanh tra thành phố được UBND thành phố giao tham mưu giải quyết 111 vụ (trong đó: Khiếu nại 52 vụ; tố cáo 1 vụ; rà soát đề xuất phương án giải quyết 58 vụ (khiếu nại 20 vụ, tố cáo 34 vụ, kiến nghị 4 vụ)).

Báo cáo UBND TP 82 vụ, đang tham mưu giải quyết 25 đơn, trong đó: Tham mưu giải quyết khiếu nại 18 đơn, rà soát 7 đơn (tố cáo 5 đơn, kiến nghị 2 đơn), đồng thời phối hợp với UBND các huyện tham gia ý kiến các hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn.

Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp PCTN theo quy định như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Trong kỳ báo cáo, toàn thành phố đã tổ chức 18 lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN cho hơn 1.819 lượt người tham gia.

Tổ chức kiểm tra thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động tại 29 đơn vị được kiểm tra. Nhìn chung các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Kiểm tra 77 đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, các đơn vị đã chuyển đổi vị trí công tác theo thẩm quyền đối với 23 vị trí cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng, ngừa tham nhũng theo quy định Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập đã được các cơ quan triển khai, thực hiện theo Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ.

Về kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Ngành Thanh tra đã tham mưu các cấp, ngành ban hành 55 văn bản chỉ đạo về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân đánh giá cao kết quả đã đạt được của ngành Thanh tra, đồng thời chỉ đạo ngành Thanh tra cần tập trung triển khai nhiệm vụ thanh tra 6 tháng cuối năm 2023: Bám sát kế hoạch thanh tra năm 2023 đã được ban hành; bám sát chủ đề năm, các nhiệm vụ trọng tâm của TP để cụ thể hoá thành nhiệm vụ của ngành; chủ động thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề xã hội quan tâm.

Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp tập trung thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ UBND thành phố giao tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 4/1/2016 về việc chấn chỉnh, đổi mới, nâng cao trách nhiệm Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Coi trọng công tác dân vận chính quyền, tập trung giải quyết những yêu cầu bức xúc của nhân dân, những vấn đề dư luận quan tâm, tăng cường công tác đối thoại, tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, nhất là chính sách xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị của thành phố và các dự án, công trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, xây dựng ngành Thanh tra, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động ngành Thanh tra, chuyển đổi số…

Triển khai Luật Thanh tra năm 2022, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cán bộ, công chức và nhân dân. Ngành Thanh tra cần sớm bám sát các nghị định, hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về thi hành Luật, tham mưu về xây dựng cơ cấu, tổ chức và sắp xếp hệ thống thanh tra theo luật mới.

Ngành Thanh tra quan tâm triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về PCTN... xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí tiêu cực.

Đối với Thanh tra chuyên ngành cần tập trung vào chấn chỉnh vi phạm trật tự xây dựng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, y tế… (Thanhtra.com.vn 27/6, Kim Thành)

KINH TẾ

Hải Phòng phê duyệt 137 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài

Theo Quyết định, Hải Phòng phê duyệt 137 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài của TP. Hải Phòng.

Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp (KCN) có 16 KCN thuộc danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài thì 3 dự án KCN tại huyện Tiên Lãng có diện tích sử dụng đất lớn nhất gồm dự án KCN Tiên Lãng 2 quy mô 500-550 ha, KCN sân bay Tiên Lãng có quy mô chừng 450-550 ha, dự án KCN Tiên Lãng 1 quy mô 407 ha. Tại huyện Vĩnh Bảo có 3 dự án KCN gồm KCN Vinh Quang (340-350 ha), KCN An Hoà (200 ha), KCN Giang Biên II (350 ha).

Các huyện Thuỷ Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thuỵ, mỗi huyện có 2 dự án KCN được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó, huyện Thuỷ Nguyên có KCN Thuỷ Nguyên 310-320 ha, KCN Tam Hưng – Ngũ Lão diện tích 150 – 170 ha; huyện An Dương có KCN Nomura 2 diện tích 240 – 245 ha, KCN An Hưng - Đại Bản diện tích 250 – 255 ha; huyện An Lão có KCN Tràng Duệ (giai đoạn 3) quy mô 400 ha, KCN Cầu Cựu 100 – 110 ha; huyện Kiến Thuỵ có KCN Ngũ Phúc 250ha, KCN Tân Trào 200 ha...

Huyện Cát Hải và quận Hải An, mỗi địa phương có 1 KCN trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài gồm KCN phía Vắc đảo Cát Hải quy mô 180 – 200 ha, KCN Nam Tràng Cát với diện tích 202 ha tại quận Hải An.

Đối với khu vực phát triển công nghiệp, Hải Phòng phê duyệt 7 khu vực kêu gọi đầu tư nước ngoài như Khu vực phát triển công nghiệp Bến Rừng (330 ha), Khu vực phát triển công nghiệp phía Tây Nam đảo Cát Hải (700 – 720 ha), Khu vực phát triển công nghiệp logistics phi thuế quan Bắc Lạch Huyện (1.200 -1.300 ha), Khu vực phát triển công nghiệp đảo Cái Tráp (100 – 110 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương – Hoà Bình (800 – 900 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Trung Lập (500 – 600 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Tam Đa (150 – 180 ha).

Về cụm công nghiệp, có 22 dự án cụm công nghiệp (CCN) trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài, quy mô nhỏ nhất là CCN làng nghề Cổ Am từ 20 – 30 ha, diện tích lớn nhất là CCN Tiên Cường I và CCN Tiên Cường III (huyện Tiên Lãng) cùng có quy mô hơn 220 - 230 ha; CCN An Thọ và CCN An Thọ - Chiến Thắng (huyện An Lão) có quy mô 130 ha; CCN Dũng Tiến – Giang Biên từ 110-120 ha. Các CCN còn lại trung bình 50-70 ha...

Lĩnh vực phát triển trung tâm logistics có 9 dự án trong danh mục, trong đó quy mô lớn nhất là Trung tâm logistics Lạch Huyện tại khu vực bến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nhằm phục vụ các dịch vụ cảng biển với quy mô 300 – 350 ha (tiềm năng thêm 500 – 650 ha). Ngoài ra là Trung tâm logistics VSIP tại KCN VSIP (15 ha); Trung tâm logistics Tràng Duệ (40 ha); Trung tâm logistics cảng Nam Đồ Sơn quy mô 200 – 300 ha; Trung tâm logistics Kiến Thuỵ (2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp) quy mô 120 ha; tại Tiên Lãng (50 ha); tại An Lão (30 – 100 ha); Trung tâm logistics Nam Đình Vũ (150 ha) tại KCN Nam Đình Vũ; Trung tâm logistics chuyên dùng hàng không tại phường Tràng Cát, quận Hải An (6 ha).

Đối với lĩnh vực phát triển mạng lưới viện nghiên cứu (R&D), có 5 dự án. Đó là Viện, trung tâm R&D tại quận Dương Kinh (15 – 25 ha), nghiên cứu công nghệ thông tin, phần mềm smart city (đô thị thông minh); Viện, trung tâm R&D về công nghệ cao tại Bắc sông Cấm (10 – 20 ha), tại Nam Đình Vũ (5 – 10 ha); Viện, trung tâm R&D về đại dương học, y học biển tại huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên (50 – 70 ha).

Lĩnh vực phát triển đô thị, Hải Phòng phê duyệt tới 52 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài. Dẫn đầu là huyện Thuỷ Nguyên với 10 dự án, trong đó dự án có quy mô lớn nhất là dự án Khu đô thị mới tại xã Thuỷ Đường và Hoà Bình diện tích 400 ha, tiếp đến là dự án Khu đô thị Hòn Ngọc (khu vực phía bắc sông Cấm (xã Hoa Động) quy mô 120ha. Cũng nằm ven sông Hòn Ngọc (huyện Thuỷ Nguyên), dự án Khu đô thị ven sông Hòn Ngọc và Khu đô thị Nam sông Hòn Ngọc quy mô 50 ha.

Tại địa bàn huyện An Dương có 8 dự án đô thị trong danh mục, trong đó lớn nhất là dự án mở rộng khu đô thị Tràng Duệ (xã Lê Lợi) với quy mô 150 ha, tiếp đó là dự án khu đô thị tại xã Đồng Thái quy mô hơn 73 ha. Tại huyện An Dương còn có dự án Khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng với quy mô 56 ha.

Trong số các dự án đô thị tại quận Đồ Sơn có khu đô thị Bàng La có quy mô rất lớn lên tới 520 ha. Quận Hồng Bàng có dự án Khu đô thị sinh thái thông minh đa chức năng Nam sông Cấm (phường Sở Dầu), quận Ngô Quyền có dự án Khu đô thị hỗn hợp đa chức năng kết hợp trung tâm tài chính văn hoá ven sông Cấm (phường Máy Tơ) cùng có diện tích 118 ha. Quận Hải An có khu đô thị Nam Tràng Cát (phường Tràng Cát) quy mô 200 ha. Huyện đảo Cát Hải có khu đô thị, dịch vụ du lịch Phù Long (xã Phù Long) diện tích lên tới hơn 170 ha.

Trong số các dự án phát triển đô thị, những dự án có diện tích đất nằm trên địa bàn 2 quận huyện là những dự án có quy mô lớn trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ngoài dự án Khu đô thị Kiến An – Dương Kinh quy mô 160 ha, dự án Khu đô thị Dương Kinh - Kiến Thuỵ quy mô 200ha thì dự án Khu đô thị Đông Nam Hải Phòng trên địa bàn các phường Hoà Nghĩa, Tân Thành (quận Dương Kinh) và Hợp Đức (quận Đồ Sơn) có quy mô lớn nhất với diện tích dự kiến lên tới 2.000 ha.

Đối với lĩnh vực phát triển du lịch, Hải Phòng có 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó, dự án phát triển du lịch với thể thao và vui chơi giải trí tại quận Đồ Sơn có quy mô rất lớn từ 900 - 910 ha. Dự án dự án khu du lịch sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, trải nghiệm gắn với các điểm nước khoáng nóng tại các xã Khởi Nghĩa, Quyết Tiến (huyện Tiên Lãng) có quy mô 340 ha. 2 dự án du lịch còn lại là dự án xây dựng cảng tàu khách quốc tế thuộc Tổ hợp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng vốn dự kiến đầu tư khoảng 20 triệu USD, dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Sông Giá (huyện Thuỷ Nguyên) với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD.

Ngoài ra, Thành phố còn kêu gọi 10 dự án trong lĩnh vực giáo dục tại các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão và quận Đồ Sơn; 7 dự án trong lĩnh vực y tế tại các Khu vực Bắc sông Cấm, huyện An Dương, huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy, huyện An Lão, huyện Vĩnh Bảo và quận Kiến An; 4 dự án xây dựng Khu xử lý chất thải rắn tại quận Hải An, huyện Vĩnh Bảo, huyện An Dương và huyện An Lão với quy mô mỗi dự án từ 10 - 20 ha. (Baodautu.vn 27/6, Thanh Sơn)

Hải Phòng gọi đầu tư vào dự án nhà ở thương mại 1.100 tỷ đồng

Dự án Khu nhà ở thương mại tại thôn Phạm Dùng, xã An Hồng, huyện An Dương đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng thông báo tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện.

Dự án có diện tích 72.909,46 m2, gồm 346 căn nhà ở liên kế cao tối đa 5 tầng, tổng diện tích đất xây dựng 24.167 m2; 349 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích đất xây dựng 8.873 m2 gồm 2 tòa nhà, cao tối đa 9 tầng; 1 trường mầm non; hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án dự kiến trên 1.109 tỷ đồng, bao gồm tổng chi phí thực hiện Dự án 1.059 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 50 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện Dự án là 10 năm, kể từ ngày UBND Thành phố ban hành quyết định giao đất để thực hiện Dự án. Dự kiến hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đất theo quy hoạch vào quý IV/2029.

Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng khu nhà ở thương mại để bán và nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định; hình thành một khu ở tập trung với các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội hấp dẫn; giải quyết nhu cầu nhà ở thương mại cho người dân và nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp tại địa phương và các địa bàn lân cận.

Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án vào ngày 26/7/2023. (Baodauthau.vn 28/6, Trung Hiếu; Đấu thầu 28/6, tr5)

Hải Phòng muốn xây hầm ra đảo Vũ Yên, lấn biển 1.000 ha ngoài khu công nghiệp Nam Đình Vũ 1 và 2

Đó là một số nội dung đề xuất quy hoạch tại quận Hải An, TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo hồ sơ trình thẩm địnhquy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố này dự kiến xây dựng và phát triển quận Hải An trở thành đô thị cảng hướng biển, xanh, thông minh, hiện đại, là cửa ngõ hội nhập quốc tế của thành phố và khu vực Bắc bộ; hình thành ngành dịch vụ logistics hiện đại và công nghiệp công nghệ cao.

Quận mục tiêu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2025 và cơ bản đạt các tiêu chí đô thị đặc biệt vào năm 2030; phát triển các khu đô thị phía đông nam hướng biển; đẩy mạnh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 Hải An trở thành quận điển hình về phát triển kinh tế số của thành phố;...

Dự thảo cũng đưa ra định hướng phát triển hạ tầng giao thông. Theo đó, Hải An dự kiến nghiên cứu xây dựng hầm qua đảo Vũ Yên nối Nguyễn Bỉnh Khiêm sang đảo Vũ Yên; nút khác mức ngã 6 Lê Hồng Phong vượt Bùi Viện và nút điểm cuối Cao tốc 04 với Đường tỉnh 356 nhằm giảm ùn tắc giao thông; nghiên cứu trên tuyến đường sắt mới đường đôi, khổ 1.435 mm Hà Nội – Hải Phòng kết nối cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, xây dựng nhà ga trên địa bàn quận.

Với mạng lưới giao thông cấp quốc gia, thành phố trên địa bàn quận, tuân thủ và đảm bảo quỹ đất triển khai phương án phát triển mạng lưới giao thông cấp quốc gia, thành phố trên địa bàn quận.

Trong đó, đường bộ có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; quốc lộ 5; đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyên; đường tỉnh 356 và cầu nối qua đảo Vũ Yên; các tuyến đường vành đai 2 Tân Vũ - Bùi Viện; Đình Vũ - Thuỷ Sơn. Hệ thống cầu vượt có cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2.

Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đạt tiêu chuẩn 4E, đang triển khai giai đoạn 2. Đường thủy gồm có tuyến sông Lạch Tray thuộc hành lang vận tải thủy quốc gia Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, đoạn đi qua quận Hải An dài gần 9 km (từ Cầu Rào I đến cửa sông Lạch Tray).

Các cầu và hầm đường bộ gồm có cầu Vũ Yên 2 (trên đường vành đai 3 – qua sông Cấm ); cầu Hải Thành (trên đường vành đai 3 – qua sông Lạch Tray); cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 (trên tuyến đường Quốc lộ 5C).

Nút giao thông khác mức gồm nút giao giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bên cạnh đó, Hải An dự kiến hoàn thành dự án Lạch Tray - Hồ Đông và công viên Hồ Đông tạo trục trung tâm và cảnh quan cho toàn bộ khu vực đô thị phía đông thành phố; hoàn thành đường bao Đông Nam kết hợp giữa giao thông của quận và củng cố khả năng ứng phó với thiên tai và nguy cơ nước biển dâng.

Về các bến, bãi đỗ xe, xây dựng các bến xe tại phường Tràng Cát. Bên cạnh đó, phát triển các tuyến đường đô thị kết nối với các di tích Từ Lương Xâm, Phủ Thượng Đoạn, Đền Phú Xá và các di tích khác trên địa bàn để phát triển là điểm đến du lịch tâm linh của thành phố.

Liên quan đến các khu công nghiệp, thành phố đề xuất giai đoạn sau năm 2025, bồi đắp, lấn biển mở rộng diện tích KCN Nam Đình Vũ 1 và Nam Đình Vũ 2.

Sau năm 2025, sau khi hoàn thành tuyến đê biển Nam Đình Vũ chiều dài 12.769 m theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tại phường Đông Hải 2 và phường Tràng Cát, phối hợp với các cơ quan của thành phố xin phép và thu hút nhà đầu tư tiến hành bồi lấp để mở rộng thêm khoảng 1.000 ha phía ngoài KCN Nam Đình Vũ 1 và Nam Đình Vũ 2.

Về phương án phát triển khu đô thị và nhà ở, tại Hải An sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển đô thị: Khu đô thị (KĐT) Kinh Bắc, KĐT Him Lam, KĐT Nam Tràng Cát và KĐT Nam Đình Vũ; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phục vụ nhu cầu của người lao động tại các khu công nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra phương án phát triển đối với một số lĩnh vực xã hội. Cụ thể, quận dự kiến đầu tư xây dựng các trường: Trường THCS Thành Tô (giai đoạn 1); Trường liên cấp THCS, Tiểu học Đông Hải 2; Trường Mầm non An Kiều, phường Đằng Lâm; Trường mầm non Đông Hải 1; Trường THCS Nam Hải (giai đoạn 2).

Đầu tư Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng tại phường Cát Bi; Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế Hải Phòng; và xây dựng Trung tâm văn hóa quận Hải An, Đài liệt sỹ quận Hải An, Tượng đài Chiến thắng Cát Bi;...

Quận cũng dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung Hồ Đông và mạng lưới đường cống thoát nước khu vực Đình Vũ, Tràng Cát để phuc vụ việc thoát nước. (Dongvon.doanhnhanvn.vn 27/6; Giaoducthudo.giaoducthoidai.vn 27/6)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Hải Phòng ngăn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới

UBND TP. Hải Phòng vừa có Công điện 02/CĐ-CT về triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào địa bàn thành phố.

Thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước; nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus Cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác từ nước ngoài vào nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm và sức khỏe người dân.

Tại Hải Phòng, hiện nay tổng đàn gia cầm chăn nuôi tăng, trong khi điều kiện thời tiết chuyển nắng nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, nguy cơ cao dịch Cúm gia cầm phát sinh, lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Vì vậy, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bến phà, bến đò, ... tiếp giáp với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào thành phố.

Cùng với đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y/Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố nơi xuất phát.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm thành phố giao; tổ chức tuyên truyền đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cẩm về sự nguy hiểm của bệnh Cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung ứng kịp thời vaccine tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm tới các địa phương theo kế hoạch thành phố giao. Đồng thời, triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm; gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ.... Sở thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cục Hải quan Hải Phòng, Ban Chỉ đạo 389 thành phố tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào địa bàn thành phố; phối hợp chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Cục Quản lý thị trường Hải Phòng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn thành phố; kinh doanh trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường. (Laodong.vn 27/6, Băng Tâm; Haiquanonline.com.vn 27/6)

Hải Phòng: Cháy lớn tại cửa hàng kinh doanh ống nhựa và quán bia hơi

Theo thông tin ban đầu, khoảng 20h36 ngày 27/6/2023, Trung tâm 114 - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an thành phố nhận tin báo cháy tại nhà dân tại thôn Phủ Niệm, xã Thái Sơn, huyện An Lão, Hải Phòng.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 4 xe chữa cháy (gồm: 2 xe Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực 2, 1 xe của Công an huyện An Lão, 1 xe Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực 4) đến cứu chữa. 21h17' cùng ngày, đám cháy cơ bản đã được dập tắt, không thiệt hại về người.

Sơ bộ ban đầu xác định cháy xảy ra tại 2 hộ dân liền kề là nhà ông H. V. H kinh doanh ống nhựa (diện tích cháy khoảng 50m2) và nhà ông H.V.T bán bia hơi, hàng ăn (diện tích đám cháy khoảng 20m2).

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ. (Tuoitrethudo.com.vn 28/6, Mai Anh)

VĂN HÓA – XÃ HỘI

Bài 3: Kiến An (Hải Phòng): Ra quân lấy lại vỉa hè, lập lại trật tự đường phố

Sau phản ánh của Báo Nhà báo và Công luận về tình trạng vỉa hè trên địa bàn quận Kiến An, TP. Hải Phòng bị chiếm dụng bán hàng, chính quyền quận này đã ra quân xử lý, lập lại trật tự đô thị.

Những ngày gần đây, các tuyến phố trên địa bàn quận Kiến An đã gọn gàng, trật tự hơn. Tình trạng dựng lán, cột trên vỉa hè không còn. Các mái đua bằng tôn phía trên vỉa hè cũng đã được tháo dỡ.

Tuy nhiên, khi vắng bóng lực lượng chức năng, trên một vài đoạn đường, các tiểu thương vẫn tranh thủ bày hàng hóa, chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ.

Ông Phạm Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND quận Kiến An cho biết: “Dẹp toàn bộ việc bày bán hàng trên vỉa hè là một vấn đề nan giải. Quận Kiến An đã liên tục họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch cụ thể để các phường phối hợp với phòng quản lý đô thị quận thực hiện. Trong tháng 5 vừa qua, theo kế hoạch, toàn bộ cột sắt, mái che bằng tôn đua ra vỉa hè đã được tháo dỡ.”

Theo ông Nguyễn Đình Thịnh – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Kiến An, cùng với việc thu đồ, xử phạt, việc quan trọng là phải tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan đô thị.

Về mái che mái vẩy, phòng quản lý đô thị cũng đưa ra các quy định cụ thể. Mái che mái vẩy phải là mái di động, không được quá nhếch nhác, phản cảm làm xấu mỹ quan đô thị.

"Phòng quản lý đô thị quận Kiến An cam kết sẽ phối hợp với các phường để thực hiện đúng theo chỉ đạo của thành phố nhưng phải theo lộ trình, chứ không phải muốn là làm ngay được", ông Thịnh cho biết.

Theo ý kiến của chuyên gia, quận Kiến An cần có những giải pháp mới mẻ, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời kết hợp với hướng dẫn cụ thể, các chế tài xử lý đủ mạnh, bao gồm cả “phạt nguội” và hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Như vậy, việc đảm bảo mỹ quan đô thị, đường thông hè thoáng mới thoát khỏi tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. (Congluan.vn 28/6)

Đất Hải Phòng biển dài, sông lớn có cua đồng, tép đồng, cá rô đồng làm ra món ngon, ăn rồi ai cũng xuýt xoa

Tháng Tư, những cơn nắng hanh hao đầu mùa bắt đầu tạo ra sự oi nồng, cũng là lúc Hải Phòng vào vụ khai thác cua đồng, nói đúng theo lịch âm là “Cua tháng Ba/ Cà ra tháng 10”. Ở một số địa phương của Hải Phòng, cua đồng còn được gọi là con “Giốc”.

Nói đến Hải Phòng, người ta nghĩ ngay đến vùng đất “lõm” của vịnh Bắc Bộ, với 125km bờ biển, mật độ sông thuộc diện lớn nhất miền Bắc. Bởi vậy người Hải Phòng cũng sở hữu những món ăn đặc thù, dù giá rẻ, chế biến đơn giản nhưng cũng đủ làm ngả lòng du khách muôn phương.

Tháng Tư, những cơn nắng hanh hao đầu mùa bắt đầu tạo ra sự oi nồng, cũng là lúc Hải Phòng vào vụ khai thác cua đồng, nói đúng theo lịch âm là “Cua tháng Ba/ Cà ra tháng 10”. Ở một số địa phương của Hải Phòng, cua đồng còn được gọi là con “Giốc”.

Sau mấy tháng đông ủ “mà” nằm tích gạch, chỉ đợi có mưa rào là chúng ùa ra, con cái mang theo những bè yếm xệ trứng, con đực căng phồng với vỏ mai nhầy mỡ. Đây chính là thời điểm cua đồng đáng ăn nhất, nói theo cách dân dã là chúng mẩy nhất.

Chế biến cua đồng cho món nấu nào cơ bản cũng giống nhau, mai yếm bóc bỏ khêu lấy phần gạch riêng ra bát, phần mình cả gọng cho vào cối giã nhuyễn lọc lấy nước.

Nếu nấu riêu thì thái mấy lát hành khô phi thơm lừng với mỡ, cho gạch vào chưng với cà chua, nước cua đun nhỏ lửa đến khi thấy từng chồng thịt quánh nổi lên, lấy muôi khẽ gạt sang một bên rồi thả vào một nắm lá tầm bỏi đun đến khi sôi lần nữa mới đổ gạch đã chưng vào.

Còn canh cua hợp nhất với rau đay hoặc mồng tơi nấu mướp, bầu. Cơm gạo quê chín tới, chan canh cua, ăn kèm cà pháo muối xổi, đủ để người ăn một lần phải nhớ.

Cũng là canh nhưng nhiều người Hải Phòng rất khoái món canh cải cá rô đồng. Cá rô đồng luộc qua gỡ lấy thịt, trứng ướp với gia vị rồi cho nước vào đun sôi, rau cải đắng thái nhỏ thả vào, vừa chín đập thêm vài miếng gừng, thế là có một nồi canh ngon.

Qua độ này, đợi đến tháng 5 là lúc lứa cá rô đồng sinh sản đầu mùa to chừng ngón tay cái, được gọi là rô ron, bắt được đem về chiên giòn hoặc kho vùi bếp trấu, ăn với rau muống đầm chấm mắm cáy xổi.

Nói đến cá kho vùi, vùng lợ Hải Phòng có giống cá lác. Cá lác là loài cá suốt ngày “khiêu  vũ” không biết mỏi, sống ở bãi lầy.

Làm cá lác ở quê, người ta dùng tro bếp tuốt sạch nhầy, mổ bỏ ruột, rửa sạch độn với chay khô, giã giềng và gừng, cà chua, ớt tươi, gia vị… đun sôi kỹ và vùi vào bếp trấu. Nửa ngày sau khi trấu cháy hết, nồi cá kho vừa sém cạnh mở vung ra cứ là thơm… nức nở. Thịt cá lác không đẹp nhưng ăn đậm đà và rất lành đối với những bà mẹ ở cữ.

Hải Phòng trước kia còn nổi tiếng có nhiều loại tép đồng, trong đồng lúa có tép gạo trắng ngần, giữa đầm có tép “riu” nhỏ bóng như mật, ngoài bãi cói có tép ngói lúc nào cũng căng bọc trứng, cửa sông có tép gai đầu sắc nhọn như chông…

Tép đồng, tép ngói là món dễ chế biến, phổ biến nhất là rang muối ăn với rau muống luộc, khi khai thác được nhiều có khi phơi khô để nấu canh hoặc khi làm mắm tích trữ.

Nhưng để cải thiện nhất thiết phải là món nộm, tép đồng bắt về còn tươi, rửa sạch rang vừa chín, hoa chuối hột “bao tử” thái nhỏ, rau muống non chần qua nước sôi cắt khúc từng đoạn dài bằng ngón tay, trộn tất cả cùng kinh giới, húng láng, mùi tàu, lạc rang giã vỡ rồi chế nước dấm, đường, ớt lên.

Những món ăn từ nguyên liệu đồng quê nói trên là đặc sản của Hải Phòng. Có điều, do tác động môi trường phát triển công nghiệp, đồng thời các phương pháp đánh bắt mang tính tận diệt, nên sản vật vùng biển Hải Phòng càng ngày càng khan hiếm. (Danviet.vn 28/6)

GIÁO DỤC

Hải Phòng: Thí sinh lớn tuổi nhất (SN 1986) sẽ tham gia kỳ thi THPT

Theo Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng, kỳ thi THPT năm học 2023 có một thí sinh lớn tuổi nhất tham gia đó là Vũ Đình Hoàng (38 tuổi) tại điểm thi 38 – Trường THPT Thái Phiên.

Được biết, đối với thí sinh Vũ Đình Hoàng ngoài các môn bắt buộc anh còn lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội để tham dự kỳ thi.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra từ ngày 27/6 đến 29/6/2023. Theo thống kê, thí sinh lớn tuổi nhất tham gia Kỳ thi tại Tại Hội đồng thi 03 - Sở GD&ĐT Hải Phòng là Vũ Đình Hoàng, sinh năm 1986 tại điểm thi 38 – Trường THPT Thái Phiên.

Chiều 27/6 các thí sinh trên cả nước làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2023. Tổng số thí sinh đăng ký tham dự kì thi tại Hải Phòng là 22.723 (trong đó, 19.545 thí sinh trường THPT; 2.593 thí sinh GDTX; 586 thí sinh tự do); thành lập 43 điểm thi chính thức và 14 điểm thi dự phòng; công tác coi thi, điều động khoảng 3.285 cán bộ, công chức, viên chức tham gia; công tác chấm thi, huy động khoảng 346 cán bộ, công chức, viên chức tham gia.

Số thí sinh dân tộc thiểu số tham gia Kỳ thi lần này tại Hội đồng thi 03 là 75 em, trong đó, Dân tộc Hoa 26 em, Dân tộc Tày 13 em, Dân tộc Thái 09 em, Dân tộc Mường 07 em, Dân tộc Dao 03 em, Dân tộc Khơ me 03 em, Dân tộc Sán chay 02 em, Dân tộc Nùng 02 em, Dân tộc Giáy 01 em, Dân tộc Thổ 01 em, Dân tộc Ngái 01 em, Dân tộc thiểu số khác 07 em.

Tại huyện đảo Cát Hải, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, Hội đồng thi bố trí 02 điểm thi tại Trường THPT Cát Hải và Trường THPT Cát Bà. Thí sinh cư trú trên đảo Cát Hải sẽ thi tại điểm thi Trường THPT Cát Hải, Thí sinh cư trú trên đảo Cát Bà sẽ thi tại điểm thi Trường THPT Cát Bà. (Kinhtedothi.vn 27/6, Vĩnh Quân; Laodong.vn 27/6; Giaoduc.net.vn 27/6)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Huyện ủy Vĩnh Bảo: Sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố

Sáng 27/6, Huyện ủy Vĩnh Bảo tổ chức hội nghị lần thứ 17 sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025; sơ kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm; bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm. Tới dự chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư thường trực Thành ủy; đại diện một số ban, ngành.

Sau gần 3 năm thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26, huyện Vĩnh Bảo đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Trong đó có 4/20 chỉ tiêu hoàn thành và vượt; các chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục thực hiện hoàn thành trong những năm tiếp theo.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá. Giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ đều tăng từ 3-12,5%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 332,649 tỷ đồng, tăng bình quân 2 năm 10,50 %/năm.

Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2022 đạt 2.720 USD/người/năm (63,39 triệu đồng/người/năm). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 2 năm 202-2022 đạt 9.800 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Huyện được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2022 theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chuẩn NTM nâng cao. Hiện huyên đã và đang triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại 15 xã…Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, vận động nhân dân được triển khai đồng bộ, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đề ra…

Từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Vĩnh Bảo tiếp tục lãnh đạo các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả cao các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 26 đề ra; đồng thời tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ khuyết một số chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong đó, điều chỉnh giảm chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn huyện đến năm 2025 giảm xuống còn 400-450 tỷ đồng (theo Nghị quyết: Thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng bình quân 20,3%/ năm, đến năm 2025 đạt: 620 tỷ đồng); điều chỉnh thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đến năm 2025 đạt từ 85-90 triệu đồng/người/năm, giảm 50% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; điều chỉnh chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 32.000 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra;...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư thường trực Thành ủy ghi nhận, biểu dương những kết quả huyện Vĩnh Bảo đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đồng chí lưu ý, từ nay đến hết nhiệm kỳ, nhieemjm vụ đặt ra đối với huyệ Vĩnh Bảo còn nặng nề, vì thế huyện cần nỗ lực quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương gắn với thay đổi phương thức lãnh đạo của các cấp từ huyện xuống cơ sở trong việc điều hành.

Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm địa phương, như công tác giải phóng mặt bằng, thu ngân sách, xây dựng NTM kiểu mẫu… (Anhp.vn 27/6, Trung Kiên)

Điện lực Hải Phòng: Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Sáng 27/6, Đảng ủy Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng (Điện lực Hải Phòng) tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ XXV và sơ kết công tác Đảng 6 tháng đầu năm 2023.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Tới dự Hội nghị có đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; Đồng chí Nguyễn Hữu Hưởng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã được nghe báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty Điện lực Hải Phòng và phương hướng, nhiệm vụ đến hết nhiệm kỳ 2020 – 2025. Báo cáo khẳng định, trong nửa đầu của nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Đảng uỷ Khu Kinh tế Hải Phòng và ngành điện cấp trên, Đảng bộ Công ty Điện lực Hải Phòng đã bám sát các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng bộ cấp trên, tích cực, chủ động đổi mới nội dung phương thức hoạt động, khắc phục khó khăn, thách thức tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trên địa bàn, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Từ năm 2020 - 2022, Công ty đã hoàn thành đóng điện 133 dự án lưới điện với tổng mức đầu tư 985 tỷ đồng. Hoàn thành các dự án trọng điểm đảm bảo chất lượng, tiến độ. 5 tháng đầu năm 2023 khởi công mới 14 dự án, chuẩn bị đầu tư 39 dự án, hoàn thành (đóng điện) 7 dự án. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bố trí lao động phù hợp, giảm lao động sản xuất kinh doanh điện, năng suất lao động của Công ty được nâng lên, giải quyết đủ việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho lực lượng lao động dôi dư; thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 19 - 21,8 triệu đồng người/tháng.

Trong những năm đầu của nhiệm kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và đặc biệt tình hình thế giới diễn biến phức tạp làm giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, cùng với thời gian gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết khiến nước tại các hồ thủy điện đang dần cạn kiệt dẫn đến công tác đảm bảo cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp, Công ty Điện lực Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả như: Bám sát và dự báo đúng nhu cầu phụ tải; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân, cơ quan doanh nghiệp cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,…; phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố thực hiện tốt công tác điều hành cung ứng điện mùa nắng nóng năm 2023.

Các năm 2020, 2021, 2022, Đảng bộ Công ty đều có từ 98% trở lên đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có từ 19-20% đảng viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay Đảng bộ Công ty đã kết nạp được 62 đảng viên, đạt 62% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ghi nhận những nỗ lực của Công ty điện lực Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm qua. Đồng thời, đề nghị tời gian tới Đảng ủy Công ty tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, làm tốt công tác phát triển đảng viên; Rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ, tiếp tục phát huy các chỉ tiêu thực hiện tốt, tìm giải pháp khắc phục các chỉ tiêu còn khó khăn, vướng mắc; Chuẩn bị tốt về mọi mặt, đặc biệt là công tác quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới 2025-2030.

Đồng chí Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng lưu ý, Đảng ủy Công ty cần tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm trong cộng đồng trong những tháng cuối năm. Tiếp tục nỗ lực triển khai các biện pháp cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và doanh nghiệp. Chú trọng hạ ngầm cáp điện, góp phần cùng thành phố chỉnh trang đô thị, nâng cao độ an toàn, tin cậy cho lưới điện. Tăng cường đầu tư, phát triển lưới điện thành phố ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng các phương án cho hạ tầng lưới điện tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, gắn với quy hoạch đô thị thành phố. Nhân dịp này, các tập thể có thành tích xuất trong công tác Đảng thời gian qua được biểu dương, khen thưởng. (Anhp.vn 27/6, Vũ Duyên)

Tiếp công dân định kỳ tháng 6/2023: Giải quyết đề nghị về bồi thường, giải phóng mặt bằng

Sáng 27/6, tại trụ sở Ban Tiếp công dân thành phố, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 6/2023 theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân.

Tại buổi tiếp công dân, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch thành phố lắng nghe kiến nghị của 2 công dân, nhóm công dân liên quan đến việc yêu cầu bồi thường thu hồi đất phục vụ thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Cụ thể, ông Nguyễn Cát Hạnh, ở xã Gia Minh (huyện Thủy Nguyên) đề nghị cấp lô đất tái định cư sau khi gia đình bị thu hồi đất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh; các bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hoàng Thị Thủy, Đào Thị Mai đang ở tại khu D10 tập thể Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) đề nghị thành phố hỗ trợ bố trí cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại khu vực Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) sau khi căn hộ tại khu nhà D10 Đồng Quốc Bình bị phá dỡ để xây dựng khu nhà 15 tầng Trường đại học Y Dược Hải Phòng.

Sau khi nghe phản ánh của các công dân, xem xét hồ sơ và nghe đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương báo cáo vụ việc, đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ cho rằng, việc giải quyết đề nghị của ông Nguyễn Cát Hạnh đúng theo quy định pháp luật, không đủ căn cứ bố trí đất tái định cư. Đối với các hộ dân ở khu D10 tập thể Đồng Quốc Bình, UBND quận Ngô Quyền khẩn trương di dời các hộ khỏi công trình này; các bên liên quan rà soát lại hồ sơ vụ việc, có phương án giải quyết dứt điểm đề nghị của các hộ dân. (Baohaiphong.com.vn 28/6, Minh Tuấn)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn