Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 14/6/2023)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Cần cách làm mới về dịch vụ công trực tuyến

Mười năm qua, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt từ 2020 - 2022 có bước phát triển đột phá nhờ sử dụng công nghệ số, đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng từ 10% lên 97%. Mặc dù vậy, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam hiện vẫn chưa toàn trình, thể hiện ở chỗ chưa thực sự chú trọng đến chất lượng dịch vụ công bằng thước đo hài lòng và thuận tiện cho người dân; chưa có đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công...

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, bây giờ là lúc cần phải thay đổi nhận thức cũng như cách cung cấp dịch vụ, cần có cách làm mới để tạo ra sự thay đổi căn bản về dịch vụ công trực tuyến Việt Nam.

Tại TP. Hải Phòng, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, cũng vui mừng chia sẻ tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến trung bình của TP. Hải Phòng đã tăng từ 18% năm 2021 lên 62,2% năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 94%.

Để có được sự tăng trưởng ấn tượng của dịch vụ công trực tuyến, ông Cường cho biết TP. Hải Phòng đã giao chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công toàn trình tới 35 sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã, phường trên toàn thành phố. Việc giao chỉ tiêu này căn cứ trên cơ sở tính toán thực trạng số lượng hồ sơ trực tuyến tại các sở, ngành, địa phương, từ đó đánh trọng số và giao tỷ lệ phù hợp làm động lực để các đơn vị, địa phương thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giao. Ví dụ, để giao chỉ tiêu cho một sở, một huyện, sẽ căn cứ tỷ lệ hồ sơ trực tuyến hiện có (4 tháng đầu năm) của đơn vị, dự kiến tổng số hồ sơ trực tuyến toàn thành phố cần đạt của 8 tháng cuối năm và tỷ trọng hồ sơ của đơn vị đó so với toàn thành phố để giao chỉ tiêu.

Ngoài ra, TP. Hải Phòng cũng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác liên ngành xuống tận cơ sở hỗ trợ cán bộ cơ sở, “cầm tay chỉ việc”, kịp thời chỉ ra những hạn chế và hướng dẫn cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Để đo lường hoạt động của các sở, ngành, quận, huyện trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Hải Phòng đã xây dựng dashboard theo dõi tỷ lệ này theo từng tháng để kịp thời biểu dương các đơn vị đạt thành tích tốt và nhắc nhở những đơn vị còn yếu kém... (Vneconomy.vn 13/6, Thủy Diệu)

KINH TẾ

Hải Phòng và Hàn Quốc ký kết hợp tác với số vốn cam kết 1,5 tỷ USD

Ngày 12/6, tại trụ sở Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA), Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), TP. Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Hải Phòng - Hàn Quốc năm 2023.

Hội nghị thu hút gần 200 doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tư vấn đầu tư tại Hàn Quốc, chủ yếu trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm điện - điện tử, chip - chất bán dẫn, logistics...

Tại Hội nghị, đoàn công tác của TP. Hải Phòng và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, dịch vụ trong khu công nghiệp, khu kinh tế thành phố đã giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào Hải Phòng; lắng nghe các ý kiến trao đổi, sự chia sẻ kinh nghiệm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc lớn đã thành công tại TP. Hải Phòng; giải đáp, làm rõ các quan tâm của các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào thành phố.

Phát biểu khai mạc ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc, kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm khảo sát, đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, năng lượng tái tạo, sản xuất linh kiện bán dẫn, phát triển hạ tầng và đô thị, xây dựng bệnh viện và trường học... tạo thành một hệ sinh thái các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng.

Đồng thời, tiếp tục cam kết mạnh mẽ về việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh tại thành phố, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển các KCN mới tạo quỹ đất lớn sẵn sàng đón các nhà đầu tư và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động, đảm bảo mọi nguồn lực ổn đinh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Nguyễn Vũ Tùng nêu rõ, Việt Nam và Hàn Quốc đều là hai đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động và du lịch hàng đầu của nhau, có tính bổ trợ cao với các chuỗi sản xuất được gắn kết chặt chẽ. Là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao, Việt Nam không tránh khỏi nhiều khó khăn về kinh tế trong nửa đầu năm 2023 do kinh tế thế giới suy giảm. Tuy nhiên, gần đây, kinh tế Việt Nam bắt đầu có một số dấu hiệu tích cực. Trong nước, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản được đảm bảo, trong khi các chỉ số về xuất nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng, du lịch và đặc biệt là kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã phục hồi trở về mức tiệm cận năm 2022.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đến các nhà đầu tư: Dự án Bumhan Vina Heavy Industries - Nam Đình Vũ (tổng vốn đầu tư 35 triệu USD), Công ty TNHH Haewon Vina (điều chỉnh tăng vốn 43,5 triệu USD), Công ty TNHH Hala Electronics Vina (điều chỉnh tăng vốn 35 triệu USD), Công ty TNHH EST Vina HaiPhong (điều chỉnh tăng vốn 68 triệu USD). Tổng số vốn đầu tư đạt 230 triệu USD.

Đồng thời, TP. Hải Phòng và Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới với số vốn đầu tư cam kết lên đến 1,5 tỷ USD.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư của TP. Hải Phòng và thúc đẩy các hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu và tiến tới các hoạt động đầu tư trong tương lai, tạo động lực để Hải Phòng trở thành một điểm đến đầu tư năng động, thuận lợi, an toàn; để thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là thành công của Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, Hàn Quốc là quốc gia có mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại toàn diện, thiết thực và hiệu quả, là đối tác quan trọng hàng đầu của thành phố. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội mà Hải Phòng đạt được hiện nay, có dấu ấn và sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Với thế mạnh là các ngành sản xuất công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm điện - điện tử, chip - chất bán dẫn, logistics, năng lượng tái tạo, xử lý chất thải... Hàn Quốc tiếp tục được đánh giá là thị trường trọng tâm, là động lực thu hút đầu tư của TP. Hải Phòng trong thời gian tới. (Baodautu.vn 13/6, Thanh Sơn; Vietnamnet.vn 13/6; Nhandan.vn 13/6)

Cục Thuế TP. Hải Phòng: Tăng tốc, đẩy mạnh thu ngân sách

Theo Cục Thuế TP. Hải Phòng, số thu ngân sách tháng 5/2023 trên địa bàn thành phố được 2.006 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng thu được 12.609,5 tỷ đồng, đạt 40,3% dự toán pháp lệnh. Trong đó, nếu không tính tiền thuê đất và tiền sử dụng đất thì thu ngân sách 5 tháng được 10.969 tỷ đồng, đạt 45% dự toán pháp lệnh, 40,2% dự toán HĐND giao.

Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng cho biết, so với dự toán trung ương giao có 10/18 chỉ tiêu đạt tốc độ thu bình quân năm (41,7%) trở lên là: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 51,3%; khu vực ngoài quốc doanh đạt 53,4%; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 50,2%; phí, lệ phí 43,8%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 79,2%; tiền thuê đất 44,4%; thu từ hoạt động xổ số 43,3%; thu tiền sử dụng khu vực biển đạt 551,7%; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 45,9%, thu khác ngân sách đạt 61,4%.

Có 8/18 chỉ tiêu có số thu nộp tăng so với cùng kỳ năm trước: Khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả số nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của Vinfast) tăng 23,3%; phí, lệ phí tăng 8,1%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tăng 37,2%; tiền sử dụng đất tăng 71,9%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết tăng 8,8%; thu khác ngân sách tăng 133,4%; thu quỹ đất công ích tăng 25,9% và tiền cấp quyền sử dụng khu vực biển.

Để có được kết quả trên, theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hải Phòng, cục thuế đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác thuế, như công tác quản lý hóa đơn, ấn chỉ được tiếp tục được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tính đến hết ngày 31/5/2023, đơn vị đã triển khai thành công hóa đơn điện tử đối với 21.233 tổ chức, doanh nghiệp và 1.055 hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố. Về công tác triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đã có 267 doanh nghiệp và 137 hộ kinh doanh đăng ký thành công, tiến độ cơ bản đảm bảo theo kế hoạch Tổng cục Thuế giao.

Tỷ lệ hồ sơ khai thuế điện tử đạt 99,70%, vượt mức chỉ tiêu của Tổng cục Thuế yêu cầu (95%); tỷ lệ người nộp thuế (NNT) đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99%, tỷ lệ số chứng từ đạt 98%.

Về kết quả thanh tra, kiểm tra, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, cục thuế đã hoàn thành 493 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số tiền thuế truy thu, truy hoàn, phạt tăng thêm 145,030 tỷ đồng, giảm lỗ 121,383 tỷ đồng, giảm khấu trừ 9,428 tỷ đồng.

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN quý II/2023, ông Trường cho biết, Cục Thuế Hải Phòng tiếp tục đôn đốc các tổ chức và cá nhân kinh doanh nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh (trừ các khoản được gia hạn thời gian nộp thuế); các khoản thuế còn nợ; rà soát các nguồn thu, sắc thuế có dư địa tăng thu, đặc biệt các nguồn thu phát sinh từ thuế nhà thầu, các doanh nghiệp đã hết thời gian ưu đãi thuế.

Đồng thời, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn nhưng nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra nhằm khai thác nguồn tăng thu lớn, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hoá đơn; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về kê khai sai, áp dụng ưu đãi thuế không theo đúng quy định của pháp luật, trốn thuế, gian lận thuế…

Lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng giao nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đến từng phòng, chi cục thuế, đội thuế, từng cán bộ, công chức, gắn trách nhiệm và coi đây là chỉ tiêu để đánh giá, xếp loại thi đua đối với từng đơn vị, chỉ tiêu đánh giá phân loại cán bộ, công chức hàng quý, năm; tham mưu với chính quyền địa phương triển khai các tổ chống thất thu ngân sách nhằm tăng cường công tác quản lý thuế và đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Theo ông Trường, cục thuế tiếp tục triển khai hướng dẫn gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023; triển khai rà soát, xử lý dữ liệu nộp thừa, ảo trên ứng dụng TMS để đảm bảo theo dõi, phản ánh đúng số phát sinh nghĩa vụ trên sổ thuế, hạn chế tối đa số thuế nợ ảo trên ứng dụng TMS.

Cùng với đó, cục thuế tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng, theo chuyên đề kiểm tra sau hoàn thuế. (Thoibaotaichinhvietnam.vn 13/6, Đức Việt)

Hải Phòng đầu tư 125 tỷ đồng cho mỗi xã làm nông thôn mới kiểu mẫu

Hội đồng thẩm định Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững TP. Hải Phòng đã nhất trí thông qua việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022 (đợt 3) đối với 17 xã trên địa bàn 4 huyện: An Lão, An Dương, Thủy Nguyên và Cát Hải.

TP. Hải Phòng đã phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho các địa phương để thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu và 5,7 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đợt 1) để thực hiện quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM, năm 2023 TP. Hải Phòng tập trung ưu tiên cho 35 xã hoàn thành NTM kiểu mẫu và 42 xã hoàn thành NTM nâng cao. Về công tác thi công, 484 công trình thuộc 35 dự án thực hiện từ năm 2022, hiện khối lượng trung bình ước đạt 71%.

Đối với 35 xã thực hiện từ năm 2023, có 4 xã (thuộc huyện An Dương) đã phê duyệt dự án, đang triển khai lập hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công các dự án; 27 xã (trong đó: 10 xã huyện Thủy Nguyên, 8 xã huyện Vĩnh Bảo, 5 xã huyện Tiên Lãng, 4 xã huyện Kiến Thụy) đang xin ý kiến thẩm định dự án của Sở Giao thông vận tải và 4 xã (thuộc huyện An Lão) đang triển khai lập dự án.

Các huyện đã giải ngân đạt 2.800 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Riêng năm 2023, các huyện giải ngân 411 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch vốn đầu tư công.

Có thể nói, triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu ở Hải Phòng bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn là nhờ cách làm sáng tạo, linh hoạt và phù hợp.

Nhiều địa phương khi đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM ở Hải Phòng đều đánh giá cao cách làm hiệu quả của thành phố. Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu tạo nên phong trào sâu rộng, có sức lôi cuốn, nhận được sự đồng thuận ủng hộ cao từ người dân.

Nếu như giai đoạn đầu xây dựng NTM, mỗi xã được thành phố đầu tư từ 18 đến 25 tỷ đồng thì khi làm NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã được thành phố đầu tư 125 tỷ đồng.

Với nguồn lực lớn này, các xã quyết liệt vào cuộc triển khai các công trình NTM kiểu mẫu theo các tiêu chí. Cùng với sự hỗ trợ của thành phố ở những khâu khó, người dân nông thôn cũng góp sức, chung tay cùng địa phương xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, việc triển khai Chương trình xây dựng NTM của Hải Phòng đang đi đúng hướng và được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trên toàn quốc trong việc huy động nguồn làm NTM.

Ngoài 17 xã đã được Hội đồng thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì trên địa bàn TP Hải Phòng, 7 huyện của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Theo ông Thọ, trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, xây dựng NTM được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực; điều này được thể hiện qua việc thực hiện Chủ đề năm của TP. Hải Phòng 2 năm liên tiếp đều có thành tố “Xây dựng NTM kiểu mẫu”, để khẳng định quyết tâm phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 thành phố sẽ có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Tuy nhiên, kết quả xây dựng công trình NTM kiểu mẫu tại các địa phương hiện nay chưa được như kỳ vọng, theo Phó Chủ tịch qua cuộc họp này những tồn tại, bất cập phải được kiểm tra rà soát, khắc phục.

Đối với các công trình kiểu mẫu được triển khai từ năm 2022, các địa phương phải quyết liệt, hoàn thành trong tháng 7/2023. Các công trình của 35 xã trong năm 2023, phải hoàn thành thủ tục chậm nhất trong tháng 9/2023.

Riêng Sở GTVT Hải Phòng cần có kế hoạch kiểm tra giám sát việc triển khai thi công dự án tại các địa phương. Lưu ý năng lực tư vấn giám sát của các chủ đầu tư, chất lượng công trình. (Nongnghiep.vn 13/6, Đinh Mười; Nông nghiệp Việt Nam 14/6, tr5)

Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng kêu gọi thực hành tiết kiệm điện

Dự báo công suất đỉnh TP. Hải Phòng năm 2023 là khoảng 1.700MW, tăng khoảng 14,09% so với năm 2022; trong khi đó năm 2023 sản lượng điện ngày đỉnh là khoảng 32.000.000kWh, tăng 10,42% so với năm 2022.

Mặc dù tình hình sử dụng điện không tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên tháng 5, 6 nắng nóng kéo dài, trong khi đó nguồn điện quốc gia bị thiếu hụt, mức phân bổ khả dụng nguồn cho TP. Hải Phòng là rất thấp. Việc sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân thành phố rất cao dẫn đến thiếu hụt công suất nguồn, các sự cố về điện trên lưới 220kV, 110kV và lưới trung áp nhiều hơn so với các tháng trước đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố. Vì vậy, việc tiết giảm điện trên diện rộng trên địa bàn thành phố đã diễn ra ở tần suất cao, đặc biệt là các ngày nắng nóng cao điểm để đảm bảo an toàn vận hành cho hệ thống điện quốc gia.

Trước tình hình đó, tại cuộc họp với Sở Công Thương thành phố và Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng về tình hình cung cấp điện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng - Lê Anh Quân nêu rõ, tình hình hệ thống điện vẫn sẽ diễn biến hết sức khó khăn do mới bước vào đầu cao điểm hè, dự kiến còn nắng nóng và khô hạn kéo dài do chịu ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu cực đoan El Nino. Đây cũng là sự việc bất khả kháng đối với hoạt động cung ứng điện của thành phố làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND thành phố đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng có phương án đảm bảo cấp điện cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng trên địa bàn thành phố. Quá trình thực hiện ngừng, giảm cung cấp điện đảm bảo hài hòa, tuân thủ các quy định pháp luật. Cân đối việc cắt điện luân phiên để đảm bảo phục vụ đời sống nhân dân và hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện thông báo lịch cắt điện trước cho tổ chức, doanh nghiệp, các hộ sử dụng điện biết để chủ động phương án sản xuất, sinh hoạt.

Cùng đó, yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nâng cao tính tự giác, thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp về tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.

Các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời cập nhật thông tin về khả năng cung ứng của nguồn để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân được biết để cùng đồng hành chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện. (Congthuong.vn 13/6, Hải Linh)

Hải Phòng đôn đốc các quận huyện đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước

Ngày 13/6, nguồn tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết Văn phòng UBND thành phố đã có văn bản thông báo ý kiến kết luận của ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu các quận huyện tập trung hoàn thành các thủ tục để đấu giá các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Theo đó, tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ tổ chức đấu giá các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đánh giá tiến độ triển khai thủ tục để tổ chức bán đấu giá cơ sở nhà, đất đã chuyển giao về địa phương còn chậm.

Ông Thọ giao UBND huyện An Dương lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đối với khu đất 187 Tôn Đức Thắng gửi Sở KH & ĐT trong tháng 6 để thẩm định và trình UBND thành phố. Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan để ban hành quyết định bán đấu giá tài sản trong tháng 7/2023 và hoàn thiện các thủ tục, hồ sở để tổ chức bán đấu giá tài sản trong tháng 8/2023.

Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao UBND huyện An Lão hoàn thiện hồ sơ bán đấu giá cơ sở nhà đất là trụ sở làm việc cũ của Chi cục thuế và khu đoàn thể cũ của huyện an Lão trong tháng 6/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định.

Tại huyện Thuỷ Nguyên, UBND huyện này được giao hoàn thiện hồ sơ bán đấu giá cơ sở nhà đất số 20 Bạch Đằng (thị trấn Núi Đèo) và trụ sở cũ của đội thuế Bến Kiền tại xã Kiền Bái trong tháng 6/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định.

Quận Lê Chân được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sở xác định giá khởi điểm để bán đấu giá cơ sở nhà đất số 199 Tô Hiệu trong tháng 6/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định. Quận này cũng được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bán đấu giá cơ sở nhà đất tại số 15 Nguyễn Đức Cảnh trong tháng 7/2023 và cơ sở nhà đất số 77 Hai Bà Trưng trong tháng 9/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định.

Phó chủ tịch TP. Hải Phòng giao UBND quận Hồng Bàng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xác định giá khởi điểm để bán đấu giá cơ sở nhà đất số 6 Cù Chính Lan trước ngày 15/6/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định để tổ chức bán đấu giá trong tháng 7/2023. Quận Hồng Bàng cũng được giao hoàn thiện hồ sơ bán đấu giá cơ sở nhà đất tại số 23, 25 Hoàng Văn Thụ trong tháng 9/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định, đồng thời triển khai các thủ tục để tổ chức đấu giá trong tháng 10/2023.

Đối với cơ sở nhà đất tại 19 Ký Con và 11 Hồ Xuân Hương, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ giao quận Hồng Bàng hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trong tháng 7/2023.

Ông Thọ giao UBND quận Ngô Quyền hoàn thiện hồ sơ bán đầu giá cơ sở nhà đất tại đường Phụng Pháp trong tháng 7/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định; chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch đối với cơ sở nhà đất tại số 111 Trần Phú, báo cáo UBND thành phố trước 15/6/2023.

Quận Ngô Quyền cũng được giao chủ trì cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà làm việc với Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng thống nhất phương án hoàn trả đối với các tài sản của doanh nghiệp này tại số 5 Lạch Tray, hoàn thiện hồ sơ bán đấu giá trong tháng 8/2023 gửi Sở Tài chính thẩm định.

Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao các sở Tài chính, Xây Dựng và TN & MT phối hợp chặt chẽ với các quận huyện để hoàn thiện hồ sơ bán tài sản, có văn bản trả lời các quận huyện trong 5 ngày đối với lĩnh vực của mình. (Nhadautu.vn 13/6)

Hải Phòng hỗ trợ hết mình kết nối, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà

Ngày 12/6, Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp với Sở NN-PTNT Hải Dương tổ chức sự kiện trưng bày, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà.

Đây là sự kiện thường niên nhằm tăng cường hoạt động kết nối tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tiếp cận với khách hàng Thành phố Cảng và các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị của quả vải.

Mặt khác, thông qua hoạt động kết nối, quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế từ cây vải thiều, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng cao với thương hiệu Sản phẩm Vải thiều Thanh Hà – Tinh hoa văn hóa xứ Đông.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, Hải Phòng và Hải Dương có vị trí địa lý giáp nhau, 2 địa phương thường xuyên trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản.

Những sự kiện hợp tác, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm vải thiều giữa Hải Dương và Hải Phòng đã được tổ chức nhiều lần nhằm hỗ trợ người dân tỉnh Hải Dương tiêu thụ mặt hàng vải thiều. Thời gian tới, Sở NN-PTNT Hải Phòng sẽ hỗ trợ kết nối người trồng vải với hệ thống bán lẻ như siêu thị, các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hải Phòng.

Các địa phương, hệ thống cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, các siêu thị và ban quản lý chợ tại Hải Phòng cũng sẽ bố trí không gian, địa điểm phù hợp để các doanh nghiệp, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương đưa hàng về bán trực tiếp.

Ông Tuất đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, trên địa bàn TP Hải Phòng cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ trái cây, hàng nông sản của tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, các sở, ngành có liên quan của tỉnh Hải Dương cũng cần chủ động, hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu để đưa vào kênh phân phối hiện đại cũng như hệ thống bán lẻ tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh Hải Dương có 8.880ha vải, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà với khoảng 3.250ha và TP Chí Linh khoảng 3.400ha.

Diện tích vải thiều sớm của Hải Dương chiếm khoảng 30% và 70% là vải thiều chính vụ. Hiện nay, trà vải sớm đã thu hoạch và tiêu thụ xong (từ ngày 15/5 – 5/6), trà vải chính vụ đang cho thu hoạch, thời gian từ khoảng 5/6 đến hết tháng 6/2023.

Cơ bản các diện tích sản xuất vải trên địa bàn tỉnh Hải Dương được sản xuất theo quy trình an toàn. Trong đó, có có 52 vùng trồng với diện tích 610ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Những vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhằm đảm bảo các điều kiện của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở sở đóng gói vải phục vụ xuất khẩu cũng được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm.

Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã được cấp và duy trì 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan. Có 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Newzeland, Hoa Kỳ và Thái Lan. Cơ bản, các mã số vùng trồng, cơ sở sở đóng gói vải của tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Theo đánh giá sơ bộ, năm 2023, sản lượng vải của Hải Dương sẽ đạt khá so với mọi năm, trong đó chất lượng vải quả tăng lên, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, châu Âu, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này ước đạt khoảng 6.000 tấn.

Dự kiến năm 2023, sản lượng vải thiều Hải Dương tiêu thụ gần 50% trong nước, trên 50% xuất khẩu, trong đó 45% là xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia..., khoảng 10% xuất khẩu đi các thị trường cao cấp khó tính như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Australia...

Năm 2023 là năm đầu tiền sản phẩm vải thiều Thanh Hà được đưa lên suất ăn của các hãng hàng không. Đây là sự kiện quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải Thanh Hà đến với thực khách trong nước cũng như quốc tế. Việc mở thêm các thị trường tiêu thụ vải, nhất là thị trường cao cấp, khó tính từ những năm trước đã tạo tiền đề thuận lợi cho tiêu thụ năm nay.

Tuy nhiên hiện nay, một số khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều cho người dân cần được tháo gỡ như: Khoảng thời gian thu hoạch trà vải sớm và chính vụ năm nay gối nhau nên thời gian thu hoạch gấp, dồn nên ít nhiều ảnh hưởng đến tiêu thụ.

Quy định về đối tượng kiểm dịch thực vật, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trên quả vải của mỗi thị trường nhập khẩu khác nhau và luôn thay đổi. Biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian chín của quả vải chưa có; công nghệ bảo quản, chế biến vải sau thu hoạch còn rất hạn chế nên thời vụ thu hoạch và tiêu thụ quả vải tươi vẫn rất áp lực... (Nongnghiep.vn 13/6)

GIAO THÔNG

Hải Phòng: Dự kiến xây dựng thêm 8 bến xe liên tỉnh

Trong dự thảo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050 Hải Phòng dự kiến xây dựng mới 8 bến xe liên tỉnh, chuyển đổi các bến nằm sâu trong đô thị hiện hữu thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt. xây dựng bãi đỗ xe P&R tại khu vực nhà ga chính đường sắt đô thị.

Theo đó, xây dựng mới 8 bến xe liên tỉnh tại khu vực phía bắc (một bến tại huyện Thủy Nguyên), khu vực phía nam (hai bến dự kiến tại khu vực huyện Vĩnh Bảo và khu vực cảng hàng không Tiên Lãng), khu vực phía tây (hai bến tại khu vực cửa ngõ QL 5 cũ và khu vực khu công nghiệp Tràng Duệ sát với QL 10), khu vực cửa ngõ gắn với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long (ba bến tại khu vực Tràng Cát, khu vực gần nút giao đường tỉnh 353, khu vực giao với đường tỉnh 354), xây dựng bến xe tại các huyện với chức năng chính là phục vụ xe buýt và xe khách nội tỉnh, lân cận.

Sẽ từng bước chuyển đổi các bến xe nằm sâu trong khu vực đô thị hiện hữu như Cầu Rào, Niệm Nghĩa, Lạc Long thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt kết hợp công trình dịch vụ, cây xanh.

Xây dựng và nâng cấp các bến xe hiện có và xây mới tại các vị trí gắn với khu vực cửa ngõ, ga đường sắt, cảng hàng không…

Về phương án phát triển các bãi đỗ xe chính, TP Hải Phòng tiếp tục thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trên địa bàn.

Bên cạnh đó là đề xuất xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực nhà ga chính đường sắt đô thị phát triển mô hình Park & Ride (P&R - bãi đỗ xe trung chuyển). Theo mô hình này, người dân từ các khu vực khi tiếp cận giao thông công cộng được tạo điều kiện thuận lợi để đỗ xe tại các bãi đỗ xe xP&R được xây dựng tại các nhà ga và chuyển sang sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng để tiếp tục hành trình. (Kinhtedothi.vn 14/6, Vĩnh Quân)

Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng liên tục tăng tàu dịp cuối tuần

Hiện tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đang thu hút đông khách đi tàu trải nghiệm food tour tại Hải Phòng. Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, tuyến này vận chuyển được hơn 554.000 hành khách, tăng trưởng đến 190% so với cùng kỳ năm 2022.

Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết thêm, trước việc nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đơn vị sẽ tiếp tục bổ sung thêm tàu LP9 chạy thêm thứ 7 hàng tuần. Tàu LP9 xuất phát ga Hà Nội lúc 7h15, đến ga Hải Phòng lúc 10h07, trên hành trình dừng đón trả khách tại các ga Long Biên, Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái, Thượng Lý.

Tàu HD2 chạy thêm ngày Chủ nhật hàng tuần. Tàu HD2 xuất phát ga Hải Dương lúc 16h30, đến ga Hà Nội lúc 18h05; dừng đón trả khách tại các ga Cẩm Giàng, Gia Lâm, Long Biên.

Hiện trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, hàng ngày đường sắt tổ chức chạy 4 đôi tàu. Xuất phát từ Hà Nội đi Hải Phòng có tàu HP1 xuất phát Hà Nội lúc 6h00, đến ga Hải Phòng lúc 8h25; Tàu LP3 xuất phát lúc 9h20, đến Hải Phòng lúc 12h00; Tàu LP5 xuất phát lúc 15h15, đến Hải Phòng lúc 18h10; Tàu LP7 xuất phát lúc 18h10, đến lúc 20h55.

Từ Hải Phòng đi Hà Nội có các chuyến tàu: Tàu LP2 xuất phát ga Hải Phòng lúc 6h10, đến ga Hà Nội lúc 8h49; Tàu LP6 xuất phát lúc 9h10, đến lúc 11h52; Tàu LP8 xuất phát lúc 15h00, đến lúc 17h40; Tàu HP2 xuất phát lúc 18h40, đến lúc 21h15.

Các tàu nhận vận chuyến hành lý, xe máy tại các ga có dừng đỗ, thuận lợi cho hành khách mang theo phương tiện di chuyển trải nghiệm food tour và các địa điểm khác.

Về giá vé, dao động từ 85.000-135.000 đồng/vé/lượt. Tuy nhiên, nếu khách đi đông, đường sắt vẫn áp dụng chính sách mua vé nhóm. Theo đó, khi mua vé tàu chạy các ngày thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần, hành khách mua cho nhóm 8 người chỉ cần trả tiền 6 vé, được tặng 2 vé; Mua cho nhóm 4 người, chỉ cần trả tiền 3 vé. (Cand.com.vn 13/6, Phạm Huyền)

Hải Phòng: Xử phạt 177 tài xế vi phạm nồng độ cồn trong một tuần

Ngày 13/6, Công an TP. Hải Phòng thông tin, từ ngày 1 - 7/6, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã kiểm tra, xử lý 668 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ (325 người điều khiển xe ô tô, 328 người điều khiển xe mô tô, 15 người sử dụng xe thô sơ vi phạm); Phạt tiền theo lỗi 1,32 tỷ đồng; Tước giấy phép lái xe 131 trường hợp và tạm giữ 184 mô tô.

Trong đó, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 177 trường hợp người lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn, phạt theo lỗi 756,9 triệu đồng, tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe đối với người điều khiển phương tiện.

Theo Đội Tham mưu, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, tình trạng vi phạm nồng độ cồn gia tăng do thói quen một bộ phận người dân thường uống bia vào cuối ngày, nhất là những ngày nắng nóng.

Do đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, các lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương đã chủ động bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, chốt điểm trên các tuyến giao thông để xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ, vi phạm tốc độ... (Tuoitrethudo.com.vn 13/6, Hoàng Phong)

Công an Hải Phòng thông báo tìm nhân chứng 3 vụ tai nạn giao thông

Công an Hải Phòng vừa có thông báo tìm người chứng kiến 3 vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên địa bàn quận Hải An, huyện An Lão, huyện Thủy Nguyên trong những ngày gần đây.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - đường sắt (Công an TP.Hải Phòng), khoảng 13h05 ngày 04/06/2023, tại Km 36 QL10, thuộc địa phận ngã 4 chợ Kênh (thôn Tân Trúng, xã Quang Trung, huyện An Lão, TP. Hải Phòng) xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ giữa xe môtô với xe ôtô.

Thời điểm trên, xe môtô BKS: 34B1 - 407.89 do anh Phạm Quang Xuân (SN 1989, trú thôn Vĩnh Linh, xã Thanh Cường, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) điều khiển đi theo chiều xã Cẩm Văn về ngã 4 chợ Kênh. Khi đi đến địa điểm trên xảy ra va chạm với xe ôtô BKS: 15C - 299.79 do anh Đỗ Văn Hải (SN 1982, trú thôn Câu Hạ A, xã Quang Trung, huyện An Lão, TP Hải Phòng) điều khiển đi theo chiều Thái Bình về Hải Phòng.

Hậu quả vụ tai nạn giao thông trên làm anh Phạm Quang Xuân bị thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, TP. Hải Phòng; môtô BKS: 34B1 - 407.89 và ôtô BKS: 15C - 299.79 hư hỏng một số bộ phận.

Trước đó, khoảng 20h30 ngày 01/6/2023, tại Km7+300 cầụ Tân Vũ - Lạch Huyện (khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP. Hải Phòng) xảy ra vụ TNGT giữa xe ôtô đầu kéo BKS: 15C - 067.84 kéo theo rơ mooc BKS: 15R - 025.45 do anh Nguyễn Văn Khoa (SN 1986, trú  thôn Lương Xá Bắc, xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) điều khiển theo hướng từ trung tâm thành phố đi huyện Cát Hải va chạm với xe môtô BKS: 15B3 - 94368 do bà Phạm Thị Chi (SN 1964, trú Tổ dân phố Hoà Hy, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng) điều khiển đi theo hướng huyện Cát Hải về trung tâm thành phố. Hậu quả: bà Chi tử vong, xe mô tô BKS: 15B3 - 943.68 hư hỏng nặng.

Vụ tai nạn thứ ba xảy ra vào khoảng 03h30 ngày 25/04/2023, tại Km 19 + 933 QL37 (thuộc địa phận thôn Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Thời điểm trên, xe ôtô đầu kéo BKS: 15H - 050.02 kéo theo sơ mi rơ moóc BKS: 15R- 173.56 do anh Đặng Văn Dương (SN 1981, trú thôn Cúc Thủy, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) điều khiển va chạm với xe môtô BKS: 15K1 - 194.17 do ông Lưu Hồng Phong (SN 1974, trú thôn Quán Khái, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) điều khiển, chở theo sau bà Vũ Thị Nga (SN 1975, trú thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Hậu quả: ông Phong và bà Nga bị thương, được đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó ông Phong đã tử vong.

Để phục vụ công tác điều tra, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - đường sắt, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận Hải An), Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Vĩnh Bảo) thông báo tới các đơn vị, địa phương, cá nhân, tổ chức biết, chứng kiến các vụ tai nạn giao thông nêu trên liên hệ ngay với Phòng Cảnh sát giao thông, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải An, Vĩnh Bảo để cung cấp thông tin phục vụ công tác thu thập tài liệu, giải quyết các vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật. (Tapchigiaothong.vn 13/6)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Hải Phòng xử lý nghiêm các phòng trà, cơ sở không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hải Phòng xảy ra 28 vụ cháy, làm chết 5 người và bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản nhiều tỷ đồng. Đặc biệt, vụ cháy phòng trà Nhật - Hàn Akatsuki (số 144 đường Văn Cao, quận Ngô Quyền) ngày 12/5 làm 3 người thiệt mạng, đến nay vẫn khiến người dân bàng hoàng.

Theo thông tin từ Công an TP. Hải Phòng, vụ cháy do chập điện; bên trong căn nhà chứa nhiều vật liệu dễ bắt lửa nên đám cháy bùng phát nhanh, hậu quả nặng nề. Trước đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại phòng trà và có phương án diễn tập, xử lý khi xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra vụ cháy, những người có mặt đều là nhân viên trẻ, kinh nghiệm xử lý tình huống còn hạn chế, mới làm việc tại quán được 15 ngày.

Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hải Phòng cho biết: “Căn nhà này có 4 phòng, ở phía trên tầng tum lẽ để thoáng thì người ta làm phòng ngủ. Sân phơi phía sau lẽ để thoáng thì làm phòng ngủ cho nhân viên vì thế mới tạo ra hiểm họa.

Ngay sau đó, công an quận Ngô Quyền đã kiểm tra và đình chỉ 40 phòng trà như vậy. Các phòng trà này chỉ làm việc từ 8h tối - 23h, việc quản lý như thế nào cũng đặt ra, không chỉ về công tác PCCC mà cả các vấn đề khác của địa phương”.

Trước đó, vào tháng 2/2023, vụ cháy nghiêm trọng tại chợ Tam Bạc (phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng) cũng thiêu rụi toàn bộ công trình chợ và gây thiệt hại lớn tài sản của các hộ kinh doanh. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, Công an TP. Hải Phòng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy 166 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước thành phố hơn 1,1 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 42 cơ sở, đình chỉ hoạt động 45 cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Trước yêu cầu cấp bách về đảm bảo phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, TP. Hải Phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết không cấp phép xây dựng hoặc nghiệm thu công trình không đảm bảo về PCCC theo quy định của pháp luật.

Hiện, các quận, huyện tại Hải Phòng đang đẩy nhanh xây dựng các mô hình tổ liên gia PCCC, các điểm chữa cháy công cộng; đảm bảo ít nhất mỗi hộ có 1 người được học tập nghiệp vụ PCCC và có ít nhất 1 bình cứu hỏa, hoàn thành trước ngày 31/12 năm nay.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: “UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. (Vov.vn 13/6, Thanh Nga)

VĂN HÓA – XÃ HỘI

Hạn chế mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng ở Hải Phòng

Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố có 10 trường hợp tử vong do tai nạn lao động, trong đó, nhiều trường hợp tai nạn lao động xảy ra ở các công trình xây dựng.

Tháng 2/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải An vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại công trường xây dựng Greenworks (thuộc khu công nghiệp Nam Đình Vũ thuộc phường Đông Hải 2, quận Hải An) xảy ra ngày 28/10/2022. Đáng nói, sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trên, đơn vị này tiếp tục để xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm chết người ngày 11/1 và 30/1/2023.

Trước đó, ngày 14/9/2022, tại Trường mầm non Hướng Dương (phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng) xảy ra sự cố sập giàn giáo ở hạng mục xây dựng sân khấu có mái. Mái sân khấu đang được đổ bêtông bất ngờ đổ sập, kéo theo khối bêtông nặng vài chục tấn đổ xuống mặt sàn. Vụ tai nạn cũng khiến 3 công nhân bị thương, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.

Ngoài ra, theo ông Vũ Ngọc Thức – Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng cho biết, nhiều vụ tai nạn lao động ở các công trình xây dựng nhưng chủ sử dụng lao động không khai báo đến cơ quan chức năng. Như trong tháng 3/2023, một vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Lê Chân) khiến 2 công nhân tử vong nhưng đến nay Liên đoàn Lao động thành phố chưa nhận được báo cáo của đơn vị thi công.

Cũng theo ông Thức, hiện nay, có tình trạng công nhân tại các công trình xây dựng không được đóng BHXH, điều này rất thiệt thòi cho công nhân về quyền lợi, nhất là khi xảy ra những sự việc rủi ro, mất an toàn.

Mới đây, UBND TP. Hải Phòng có văn bản 538/UBND-XD2 về việc tăng cường quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố.

Để kịp thời chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), vệ sinh lao động, hạn chế tối đa sự cố trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn thành phố, UBND TP. Hải Phòng yêu cầu rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, nhà thầu thi công) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình; kiên quyết tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Nhà thầu chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng và cấp quyết định đầu tư về chất lượng công trình, ATLĐ trong thi công xây dựng công trình do mình được giao làm chủ đầu tư, chủ sở hữu theo quy định.

Đối với nhà thầu thi công xây dựng, tổ chức lập kế hoạch tổng hợp về ATLĐ trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn trong xây dựng. (Laodong.vn 13/6, Băng Tâm)

Hội Nông dân Hải Phòng phát động phong trào nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường biển

Ngày 13/6/2023, Ban thường vụ Hội Nông dân TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị phát động phong trào “Nông dân, ngư dân tham gia bảo vệ môi trường biển” và thành lập mô hình “phân loại rác thải tại nguồn” trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.

Tại buổi lễ phát động nêu trên, ông Trần Quang Tường – Chủ tịch Hội Nông dân T.Hải Phòng cho biết, vấn đề về ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu.

Việc phát động phong trào nêu trên cũng là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của tài nguyên môi trường biển đảo, cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại, phát huy tinh thần dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam, từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Ông Trần Quang Tường cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Hội Nông dân TP. Hải Phòng đã tích cực chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần" trong các hoạt động đời sống sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, hội viên, nông dân. Nhiều mô hình, cách làm hay tại địa phương đã được xây dựng và nhân rộng như mô hình "Nông dân tham gia bảo vệ môi trường", "Tổ thu gom vỏ bao vì thuốc bảo vệ thuốc thực vật đã qua sử dụng"; Ga rác xanh, phân loại rác từ đầu nguồn...

Hàng năm, theo chỉ tiêu thi đua, các cấp Hội cơ sở thành lập mới và duy trì từ 179 mô hình "Nông dân tham gia bảo vệ môi trường" do Hội Nông dân các xã, thị trấn chủ động đảm nhận trong đó bao gồm các loại: mô hình"Phân loại rác thải biển tại nguồn"; mô hình xây dựng các bể chứa vỏ bao, bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ở khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung; tuyến đường cây xanh kiểu mẫu; tuyến đường hoa...

Cũng tại Chương trình phát động này, Hội Nông dân thành phố hỗ trợ ra mắt mô hình điểm về "Phân loại rác thải biển tại nguồn" và "Câu lạc bộ Cụm tàu tự quản" do hội viên, nông dân, ngư dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thực hiện với hoạt động thu gom, phân loại rác thải trên mặt biển, khu rừng ngập mặn ven biển, bến cá. (Danviet.vn 13/6, Trần Phượng - Thiên An)

Hải Phòng: Ngư dân cứu kịp thời người đàn ông nhảy cầu Bính

Khoảng 9 giờ ngày 13/6, một người đàn ông đi máy BS 15G1 - 29.xxx lên cầu Bính bắc qua sông Cấm nối quận Hồng Bàng với huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) rồi bất ngờ bỏ xe máy và đôi dép lại, nhảy cầu Bính.

Phát hiện có người nhảy xuống sông, các ngư dân đang đánh cá gần chân cầu Bính đã cho thuyền lại gần, cứu sống người đàn ông, đưa vào bờ an toàn.

Sau khi nhận được tin báo, tổ 3 Đội CSGT-TT Công an quận Hồng Bàng và Công an phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng) đã có mặt tại hiện trường xử lý vụ việc.

Người đàn ông nhảy cầu Bính được xác định là anh H.V.T (33 tuổi, trú tại xã Thiên Hương, H.Thủy Nguyên). Nguyên nhân vụ nhảy cầu đang được công an làm rõ. (Thanhnien.vn 13/6, Giang Linh)

GIÁO DỤC

Hải Phòng: Dự kiến sẽ công bố điểm thi lớp 10 vào chiều 13/6

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, dự kiến vào đầu giờ chiều 13/6 sẽ công bố kết quả thi vào lớp 10 THPT và THPT chuyên năm học 2023 – 2024.

Theo lịch trước đây của Sở GD&ĐT Hải Phòng, kết quả thi lớp 10 sẽ được công bố  vào ngày 17/6/2023. Nhưng thông tin mới nhất từ Sở này cho biết, điểm thi sẽ được công bố sớm hơn so với dự kiến ban đầu.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024 ở Hải Phòng được tổ chức từ ngày 1 - 6/6, với 24.499 thí sinh tham dự. Tại các trường được lựa chọn tổ chức thi, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh, an toàn được tích cực triển khai.

Theo đó, ngày thi vào lớp 10 THPT hệ công lập đã diễn ra trong 3 ngày từ ngày 1/6 - 3/6. Đối với hệ Chuyên, ngày thi diễn ra từ 4/6 - 6/6. Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 hệ trung học phổ thông công lập (2023 - 2024) tiếp tục thi 3 môn: Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ.

Đối với tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên Trần Phú được thực hiện theo Thông tư số 20/VBHN-BGDĐT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên. Bài thi môn tiếng Anh không chuyên (tiếng Anh điều kiện) thi theo hình thức trắc nghiệm; bài thi môn tiếng Anh chuyên và tiếng Nhật chuyên gồm 2 phần (phần trắc nghiệm làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, chấm bằng máy và phần viết chấm tự luận); các bài thi còn lại thi theo hình thức tự luận.

Sở GD&ĐT Hải Phòng đã thành lập 45 Hội đồng coi thi đại trà (1.034 phòng thi) và 3 hội đồng coi thi vào Trường THPT chuyên Trần Phú (97 phòng thi). Tại mỗi phòng thi, bàn ghế bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau theo hàng ngang là 1,2 m.

Mỗi phòng thi có 24 thí sinh, trường hợp đặc biệt có thể xếp đến 26. Bên cạnh việc bảo đảm an toàn cho thí sinh, kỳ thi năm nay, Sở GD&ĐT tiếp tục nêu cao tính nghiêm túc, minh bạch, đúng quy chế. Nơi làm đề thi, công tác in sao, đóng gói, vận chuyển, bàn giao, bảo quản đề thi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt…

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Văn Kiệm, kỳ thi năm học 2023 – 2024 diễn ra an toàn an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế. (Kinhtedothi.vn 13/6, Vĩnh Quân; Laodong.vn 14/6)

 

Y TẾ

Người phụ nữ ở Hải Phòng 60 tuổi sinh con khỏe mạnh

Chiều 13/6, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, cho biết đã thực hiện thành công ca mổ đẻ cho sản phụ N.T.M. (60 tuổi, ở Tiên Thanh, Tiên Lãng, Hải Phòng). Đây là người phụ nữ cao tuổi nhất từng sinh con tại cơ sở y tế này. Trước đó, bệnh viện từng có 2 ca sinh con ở tuổi 54 và 51.

Bà M. cho biết vợ chồng đã có 2 người con, một gái và một trai. Con gái lớn hiện định cư ở nước ngoài. Người con trai không may tai nạn qua đời năm 20 tuổi. Sau biến cố của con trai, vợ chồng bà M. rất buồn và ước mong có người con bên cạnh cho "vui cửa, vui nhà" nhưng mãi không thực hiện được.

Qua tìm hiểu, ông bà biết được nhiều phụ nữ cao tuổi vẫn sinh con nếu có sự trợ giúp của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Sau nhiều lần đắn đo, người phụ nữ quyết định trao đổi với con gái và người thân. Mọi người ủng hộ mong muốn này của vợ chồng bà M.

Vì vậy, năm 2022, lúc này, bà M. đã ở tuổi 59 và chồng 62 tuổi, đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, để bày tỏ nguyện vọng được làm IVF. Sau khi được các bác sĩ trao đổi những nguy cơ tiềm ẩn, vợ chồng họ vẫn quyết tâm thực hiện IVF.

Tại lần chuyển phôi thứ 2, kết quả thành công, thai kỳ diễn ra thuận lợi. Ngày 1/6, bà M. có dấu hiệu chuyển dạ, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ. Bé gái nặng 3,1 kg, khỏe mạnh chào đời. (Tienphong.vn 13/6)

THỂ THAO

Hải Phòng: Người dân háo hức chờ trận đấu giao hữu trên sân Lạch Tray

Sân vận động Lạch Tray, Hải Phòng đang dần nóng lên bởi sức hút của trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo đó, trong thông báo mới nhất của mình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận, trận giao hữu quốc tế giữa ĐT Việt Nam và ĐT Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ diễn ra trên sân Lạch Tray (Hải Phòng) vào lúc 19h30 ngày 15/6.

Đây cũng là trận đấu quốc tế đầu tiên của ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Philippe Troussier. Để chuẩn bị cho trận đấu này, ĐT Việt Nam dự kiến đã hội quân trở lại vào ngày 7/6, sau khi kết thúc vòng 11 của V-League 2023.

Trong thời gian diễn ra các trận đấu tại V-League, HLV Philippe Troussier và các cộng sự đã chia nhau tới các sân để theo dõi phong độ của các tuyển thủ cũng như tìm kiếm những nhân tố mới để triệu tập vào danh sách tập trung của đội tuyển.

Theo lịch năm 2023, ngoài các trận giao hữu quốc tế dịp FIFA Days tháng 6, 9 và 10, ĐT Việt Nam sẽ thi đấu hai trận tại Vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup 2027, lần lượt vào ngày 13/11 và 21/11.

Ông Trần Văn Hoàn – Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng cho biết: Các công việc chuẩn bị cho trận giao hữu giữa hai đội đã xong. Những hạng mục cuối cùng cũng được hoàn thành. Hiện thảm cỏ trên sân đã rất đều, thẳng tắp mượt như nhung đang chờ ngày khai mạc trận đấu.

Sân vận động Lạch Tray có sức chứa gần 30.000 chỗ ngồi chắc chắn sẽ không còn trống một chỗ nào. Tôi là người rất yêu và đam mê bóng đá, nên đã dành hết tình yêu ấy trên sân cỏ,   ông Hoàn cho biết thêm.

Hiện Lạch Tray là sân nhà của câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng – một trong những câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống nhất Việt Nam. Với sự đầu tư bài bản khá công phu lên tới hàng trăm tỷ đồng. Sân vận động Lạch Tray đã thay đổi ngoạn mục trở nên vô cùng hiện đại. Một trong những “chảo lửa” lớn nhất, sôi động nhất của cả nước.

Được biết đến hiện tại vé bán vào sân Lạch Tray đã hết. Nhiều người tiếc nuối cho rằng không mua sớm hơn để được tận mắt chứng kiến trận đấu.

Chắc chắn trong trận giao hữu tới đây khán giả trên cả nước sẽ được thưởng thức những hình ảnh trong và ngoài trận đấu vô cùng hấp dẫn, độc đáo. Sức nóng trên sân Lạch Tray đang ngày càng khiến người dân háo hức, mong đợi. (Kinhtedothi.vn 13/6, Vĩnh Quân)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Đồng chí Trần Thanh Minh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng

Sáng 13/6, Thường trực Thành ủy triệu tập hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về công tác cán bộ Ban Nội chính Thành ủy. Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì. Cùng dự có đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Thành ủy; Văn phòng Thành ủy…

Theo quyết định số 1046 ngày 10/6/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Trần Thanh Minh, Trưởng Phòng theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Thành ủy được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng. Thời hạn bổ nhiệm 5 năm.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy chúc mừng Ban Nội chính Thành ủy được kiện toàn một bước về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tạo điều kiện để Ban thực hiện ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Đồng chí Phó bí thư Thành ủy chúc mừng đồng chí Trần Thanh Minh và mong muốn trên cương vị mới, đồng chí Trần Thanh Minh luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, cùng tập thể lãnh đạo Ban và CBCC đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố; đề xuất với Thành ủy  các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác Nội chính. (Anhp.vn 13/6, Hồng Thanh)

Rà soát, kiểm tra, xử lý việc lấn chiếm đất công ở phường Ngọc Sơn (quận Kiến An)

Báo Hải Phòng nhận được đơn của các hộ dân sống trong dãy nhà tập thể K10 và K12, tổ dân phố số 3, phường Ngọc Sơn (quận Kiến An) phản ánh việc chính quyền địa phương chưa xử lý kịp thời việc có hộ dân tự ý lấn chiếm phần đất lưu không giữa hai dãy nhà.

Trong đơn, các hộ dân trình bày: Giữa hai dãy nhà trên có đường cống thoát nước và một khu đất chung rộng khoảng 20 m2. Nay gia đình ông Phạm Mạnh Hưng, ở đầu dãy nhà K8 ngay liền kề khu đất trống và đường cống thoát nước giữa hai dãy K10 và K12, dựng mái tôn lên đường cống thoát nước và khu đất kể trên để sử dụng, ảnh hưởng tới việc thoát nước mưa, nước thải và chắn lối thoát hiểm giữa hai dãy nhà.

Do vậy, ngày 23/12/2022, các hộ dân ở đây gửi đơn tới UBND phường Ngọc Sơn đề nghị xem xét, xử lý vụ việc theo quy định. Tại cuộc làm việc giải quyết đơn kiến nghị của các hộ dân ngày 5/1/2023 do UBND phường chủ trì, các bên thống nhất chậm nhất đến ngày 12/1, ông Hưng phải dỡ mái tôn, trả lại phần đất lưu không và rãnh thoát nước, nhưng sau đó gia đình ông Hưng không chấp hành. Đến ngày 12/4, UBND phường không căn cứ kết quả buổi làm việc trước, buộc ông Hưng tháo dỡ phần mái tôn lấn chiếm khu đất công mà lại mời các hộ có đơn lên phường tiếp tục giải quyết là không đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng vào chiều 5/6, Chủ tịch UBND phường Ngọc Sơn Nguyễn Văn Hinh cho biết: Các dãy nhà K8, K10, K12 trước đây là khu tập thể do Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà (Sở Xây dựng) quản lý, sau đó thanh lý cho các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này. Đến nay, một số hộ dân sinh sống tại đây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Quá trình sử dụng đất thực tế khi còn là khu tập thể, nhiều hộ cơi nới lấn chiếm các phần mặt đất công cộng, như rãnh nước, khu đất trống… để sử dụng.

Sau cuộc họp ngày 5/1 giải quyết đơn của các hộ dân dãy K10 và K12, vào cuối tháng 3/2023, UBND phường nhận được đơn của cụ Nguyễn Thị Lương (là mẹ đẻ của ông Hưng) về việc nhiều hộ dân ở khu K10, K12 xây dựng công trình trên đất công cộng. Vào các ngày 14 và 18/4, UBND phường tổ chức họp để giải quyết vụ việc, nhưng các hộ dân có liên quan không đến làm việc hoặc tự ý bỏ về giữa chừng. UBND phường thành lập tổ đo đạc, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của hộ ông Hưng và các hộ dân hai dãy nhà K10 và K12, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, giải thích để các hộ dân hiểu rõ thực tế sử dụng đất khu vực nói trên. Đến nay, có 4/17 hộ nhất trí rút đơn khiếu nại.

Việc đo đạc, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, UBND phường mới thực hiện được đối với 8/17 hộ có đơn khiếu nại. Với 9 hộ chưa chấp hành (5 hộ không nhận thông báo, 2 hộ nhận thông báo nhưng không bố trí người ở nhà theo thời gian làm việc tại thông báo và 2 hộ không có ở nhà), UBND phường chỉ đạo tổ đo đạc và tổ dân phố số 3 tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các hộ dân thực hiện yêu cầu phối hợp đo đạc, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất làm căn cứ giải quyết đơn phản ánh việc hộ ông Hưng lấn chiếm đất theo đúng quy định.

Còn theo ông Đặng Đình Hưng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 phường Ngọc Sơn: Nhiều năm trước, nhiều hộ dân trong khu tập thể trước đây, hai dãy nhà K10 và K12 hiện nay cơi nới ra phần đất chung để sử dụng. Riêng việc ông Hưng dựng mái tôn ở khu đất trống diễn ra từ khoảng năm 2019, các hộ dân chung quanh đều biết nhưng không ai có ý kiến. Sau này, do nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc sống, các hộ dân mới gửi đơn phản ánh về việc này tới chính quyền địa phương. Thực hiện chỉ đạo của UBND phường, cán bộ tổ dân phố số 3 tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chấp hành hướng dẫn của UBND phường giải quyết sự việc, sớm chấm dứt khiếu kiện để bảo đảm ổn định tình hình tại cơ sở.

Như vậy, việc các hộ dân Tổ dân phố số 3 phường Ngọc Sơn cơi nới, lấn chiếm diện tích đất công là thực tế lịch sử để lại do quá trình quản lý, sử dụng đất tại địa phương chưa chặt chẽ trong một thời gian dài. Thời gian tới, UBND phường Ngọc Sơn phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Kiến An rà soát, đo đạc, xác định rõ phần diện tích các hộ lấn chiếm, đề xuất UBND quận Kiến An xử lý vi phạm trên theo quy định, góp phần quan trọng giảm thiểu khiếu kiện trong nội bộ dân cư. (Baohaiphong.com.vn 12/6)

Họp đánh giá kết quả thực hiện Đề án 06/CP trên địa thành phố 6 tháng đầu năm 2023

Chiều 13/6, Công an thành phố tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện đề án 06/CP trên địa thành phố 6 tháng đầu năm 2023. Đại tá Bùi Trung Thành – Phó Giám đốc Công an thành phố dự, chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, UBND các quận/huyện trên địa bàn thành phố.

 Thời gian qua, triển khai Đề án 06/CP, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận huyện, các cơ quan trên địa bàn thành phố đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của đề án đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là kết quả, tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được hưởng từ đề án; tuyên truyền các văn bản quy định về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hướng dẫn sử dụng ứng dụng VneID.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp triển khai xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định, Thông tư theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến đề án.

Đáng chú ý, triển khai nhóm nhiệm vụ phục vụ phát triển công dân số, hiện Hải Phòng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu thu thập, cập nhật thông tin dân cư; tỷ lệ “làm sạch” thông tin dân cư đạt gần 99%; cấp thông báo số định danh cá nhân cho 100% công dân trên địa bàn.

Đặc biệt, tính đến ngày 31-5-2023, Hải Phòng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD được giao trước 2 tháng so với thời gian đăng ký hoàn thành với Bộ Công an. Cùng với đó, Hải Phòng đã hoàn thành 23/25 thủ tục trong nhóm dịch vụ công thiết yếu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy quá trình triển khai đề án 06/CP trên địa bàn thành phố còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để tập trung thảo luận, trao đổi, đánh giá thực tế kết quả triển khai Đề án 06/CP của các sở, ban, ngành, địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Bùi Trung Thành – Phó Giám đốc Công an thành phố đề nghị thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo hỗ trợ, chia sẻ cùng lực lượng CATP triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đề án.

Phó Giám đốc Công an thành phố giao Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH và Phòng Tham mưu tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với UBND TP nhanh chóng xây dựng, triển khai 39 mô hình điểm cấp thành phố về thực hiện Đề án 06/CP… (Anhp.vn 13/6)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng được đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Khóa XIII

Chiều 12/6, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hải Phòng, Vũ Thị Kim Liên chủ trì cung cấp thông tin về Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Khóa XIII. (Thuonghieucongluan.com.vn 13/6; Phunuvietnam.vn 14/6)

Hải Phòng mời đầu tư dự án nhà ở xã hội gần 6.000 tỷ

Ngày 13/6, thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đơn vị đang thông báo tìm nhà đầu tư cho dự án nhà ở xã hội giai đoạn 1 tại phường Tràng Cát, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. (Zingnews.vn 13/6, Quốc Nam; Plo.vn 13/6; Đại đoàn kết 14/6, tr4; Đấu thầu 14/6, tr1; Đại đoàn kết 14/6)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn