Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 23/6/2023)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Lãnh đạo Hải Phòng đề nghị Nhân dân bố trí thời gian kích hoạt tài khoản định danh điện tử

UBND TP. Hải Phòng mới ban hành công văn hoả tốc gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân TP. Hải Phòng, đề nghị người dân bố trí thời gian để làm thủ tục đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử.

TP. Hải Phòng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận, cấp 1755.013 thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn TP. Tuy nhiên, tỷ lệ người kích hoạt tài khoản định danh điện tử mới chỉ đạt 55,54%.

Để đảm bảo mục tiêu Hải Phòng hoàn thành tiến độ đề ra, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị Nhân dân TP bố trí thời gian để làm thủ tục đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử điện tử trước ngày 5/7.

Các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, bố trí thời gian cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình để tới các địa điểm kích hoạt tài khoản định danh điện tử theo hướng dẫn của Công an TP.

Trường hợp các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp không bố trí thời gian cho người lao động thực hiện việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử đề nghị công dân thông tin đến Công an TP (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố) qua số điện thoại 0692.785.831hoặc 0379.040.846 để tổng hợp báo cáo UBND TP kịp thời chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP giao Công an TP chỉ đạo các lực lượng công an từ TP tới quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục tăng cường, bám sát từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn, tổ dân phố; hướng dẫn, giúp đỡ tận tình để Nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện hoàn thành việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử theo quy định. (Baophapluat.vn 22/6, Nguyên An)

Thường trực HĐND TP. Hải Phòng giám sát việc khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế: Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, bền vững

Giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn, Đoàn giám sát Thường trực HĐND TP. Hải Phòng đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm xây dựng hệ thống y tế thành phố phát triển đồng bộ, bền vững; hướng tới trở thành Trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc bộ như mục tiêu Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã xác định.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, toàn ngành hiện có 3 cơ quan hành chính, 36 đơn vị sự nghiệp gồm: 9 bệnh viện tuyến thành phố, 7 trung tâm tuyến thành phố, 5 bệnh viện tuyến quận/huyện, 15 trung tâm y tế quận/huyện; 217 trạm y tế xã/phường/thị trấn và 1 trạm y tế thôn. Trong đó, 2 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế; 4 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên gồm: Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Mắt; 30 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Hết năm 2022, tổng số đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế làm việc thực hiện trong khối công lập của thành phố là 8.980 người, y tế tư nhân là 4.587 người. Tổng số giường bệnh kế hoạch là 8.178 giường bệnh; số giường bệnh thực kê là 10.919 giường bệnh; số giường bệnh theo yêu cầu là 1.354 giường bệnh (12,4% so với giường thực kê). Công suất sử dụng giường bệnh đạt 84%.

Các đơn vị y tế trên địa bàn đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, hình thức tuyên truyền phổ biến, chính sách, pháp luật về y tế. Nhân lực y tế công lập được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp y tế cơ sở dần được hoàn thiện, tinh gọn theo đúng chủ trương của Đảng và quy định, phù hợp với yêu cầu hoạt động thực tiễn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Ngành y tế cũng luôn hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, nổi bật là thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, góp phần vào thành công lớn trong thực hiện "mục tiêu kép" của thành phố; cơ bản thực hiện đạt và trên mức các chỉ tiêu chuyên môn; chất lượng, năng lực khám chữa bệnh tạo được lòng tin của đa số Nhân dân thành phố và khu vực lân cận; trình độ và tinh thần thái độ của nhân viên y tế ngày càng nâng cao; nhiều cơ sở y tế khang trang, được đầu tư trang thiết bị hiện đại…

Tuy nhiên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng; nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu... chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện lộ trình tự chủ tại các đơn vị y tế chưa thực sự phù hợp thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; biên chế công chức các cơ quan hành chính Sở Y tế chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...

Trao đổi với Đoàn giám sát, Sở Y tế Hải Phòng kiến nghị, Chính phủ ban hành chính sách quy định về chế độ phụ cấp thâm niên các cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở; hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhất là các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Bộ Y tế xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược, về đấu thầu; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có BHYT phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối Quỹ BHYT...

Từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ, Sở Y tế cũng đề nghị thành phố xem xét, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đồng bộ các giải pháp: bảo đảm thực hiện chính sách đặc thù của địa phương quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ và thu hút nhân lực; đầu tư, sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm chuyên khoa, trạm y tế... Có chính sách thu hút nhân lực dược; thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Cho phép các đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ bảo đảm trên nền tảng khả năng tài chính của đơn vị; trong đó, có việc tái đầu tư cho đơn vị đủ mạnh về quỹ phát triển sự nghiệp...

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập  - Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả thành phố đã đạt được trong thực hiện các quy định pháp luật về lĩnh vực y tế, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân và phòng, chống dịch Covid-19. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ngày càng được nâng cao chất lượng, số lượng, thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, thu hút người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; một số bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ đã phát huy hiệu quả...

Đối với những khó khăn, tồn tại, vướng mắc ngành y tế và các đơn vị liên quan phản ánh, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, UBND thành phố sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế, giải pháp đồng bộ thu hút nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc… để xây dựng hệ thống y tế thành phố phát triển đồng bộ, bền vững, hướng đến trở thành Trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc Bộ như mục tiêu Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã xác định.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng yêu cầu tổ giúp việc, thư ký nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến; hoàn thiện và gửi báo cáo tới lãnh đạo Đoàn giám sát làm cơ sở báo cáo Thường trực HĐND thành phố tại phiên họp thường kỳ tháng 6 trước khi trình Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp giữa năm 2023) của HĐND thành phố. (Daibieunhandan.vn 23/6, Mạnh Tuân; Đại biểu nhân dân 23/6, tr6)

Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng): Rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) cho rằng, cần tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ trong Luật Viễn thông đến đâu để đảm bảo vẫn thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng nhưng vẫn đảm bảo có các hành lang pháp lý để quản lý, đảm bảo các vấn đề an ninh quốc gia, an ninh mạng, an toàn thông tin, đồng thời đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. (Daibieunhandan.vn 22/6, Nhật Khánh)

KINH TẾ

Hải Phòng: Thúc tiến độ các dự án kết nối giao thông liên vùng

TP. Hải Phòng đề nghị ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công huy động nhân lực, thiết bị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm có vai trò phát triển, kết nối giao thông liên vùng của thành phố.

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tại buổi thực địa kiểm tra tiến độ thực hiện và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện một số dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng; Dự án cải tạo, nâng cấp QL10; Dự án nâng cấp, cải tạo đường tỉnh 359 (giai đoạn 2). Đây được cho là 3 dự án trọng điểm có vai trò phát triển, kết nối giao thông liên vùng của TP. Hải Phòng.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, 3 dự án trên là dự án trọng điểm của TP. Hải Phòng được triển khai trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội vì bảo đảm kết nối vùng, từng bước phát triển đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các dự án trên vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu sót cần phải điều chỉnh ngay.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, dự án này được khởi công ngày 13/5/2022, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng. Dự án có giá trị hợp đồng thi công là 1.775 tỷ đồng (không bao gồm dự phòng). Hiện, nhà thầu thi công đã hoàn thành 330/380 cọc khoan nhồi; đang thi công tại 33/38 vị trí mố, trụ. Ước khối lượng thực hiện dự án đạt 54% hợp đồng. Đến nay, dự án cơ bản bám sát tiến độ hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bên phía bờ tỉnh Quảng Ninh còn 0,85 ha rừng trồng thuộc thị xã Quảng Yên chưa được bàn giao, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành của dự án.

Ông Đỗ Tuấn Anh - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: “Ngày 23/2/2023, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, tạo điều kiện để bàn giao mặt bằng diện tích đất rừng trong tháng 2/2023 để triển khai dự án đảm bảo tiến độ. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục và đã ban hành Thông báo thu hồi đất số 35/TB-UBND ngày 24/3/2023.

Tuy nhiên, đến nay diện tích đất rừng vẫn chưa được bàn giao để thực hiện Dự án. Hiện nay, Dự án đang trong giai đoạn thi công nước rút, việc chậm giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do không có đường tiếp cận từ công trường đến trụ tháp T19 ngoài sông, khu vực đất rừng đang ngăn cách khu vực công trường với các trụ ngoài sông đang thi công”.

Còn tại dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 359 huyện Thủy Nguyên đoạn từ xã Thủy Triều đến khu công nghiệp Bến Rừng (giai đoạn 2), đến thời điểm này, hợp phần xây dựng khu tái định cư đã thi công đạt 97%; hợp phần xây dựng đường tỉnh 359 đạt 95% tiến độ. Riêng đoạn tuyến 780m qua địa bàn xã Tam Hưng do nhà thầu Công ty Cổ phần Thăng Long thi công còn ngổn ngang, chậm gần 3 tháng so với kế hoạch đề ra.

Đối với dự án cải tạo, nâng cấp QL10, đến thời điểm hiện tại, nhà thầu đã thảm bê tông nhựa lớp 1 chiều dài 11,6km/12,9km, đoạn còn lại 1,3 km thuộc địa bàn xã Lưu Kiếm, khối lượng thực hiện đạt 70% giá trị hợp đồng. Phần cầu gồm đơn nguyên cầu Hang Lương, cầu Giá, cầu Trịnh Xá đạt khối lượng 95%; hạng mục cải tạo cầu Trịnh Xá cũ đạt 71%. Khó khăn xuất hiện đối với một số hạng mục trong quá trình thi công là tại một số đoạn đã thi công, đặt dải phân cách, nhưng đến đêm, người dân lại cẩu đoạn dải phân cách để tự mở lối sang đường; việc bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều bất cập.

Mới đây, tại buổi thực địa kiểm tra tiến độ thực hiện và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên, ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, TP. Hải Phòng ghi nhận sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền huyện Thủy Nguyên trong công tác giải phóng mặt bằng, góp phần để các dự án thi công thuận lợi.

Cũng theo ông Thọ, đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, TP. Hải Phòng đề nghị ban Quản lý dự án huy động nhân lực, thiết bị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, quá trình thi công chú trọng công tác an toàn lao động, an toàn giao thông đường thủy. Đồng thời, giao các đơn vị liên quan tiếp tục làm việc với các ngành của tỉnh Quảng Ninh, xử lý dứt điểm, để bảo đảm tiến độ cuối năm 2023 sẽ hợp long cầu và thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2024.

Đối với dự án đường tỉnh 359 (giai đoạn 2), yêu cầu huyện Thủy Nguyên, nhà thầu phải có giải pháp dứt điểm, bảo đảm đến 30/6 hoàn thành toàn bộ dự án.

Còn liên quan đến dự án cải tạo, nâng cấp QL10, ông Thọ đề nghị ban Quản lý dự án, nhà thầu bám sát tiến độ, tập trung thi công cầu Trịnh Xá, phấn đấu thông tuyến vào dịp lễ 2/9 năm nay. Bên cạnh đó, rà soát toàn tuyến liên quan đến việc dải phân cách giữa, các tuyến đường ngang, các nút giao, đảo giao thông để có sự điều chỉnh phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông; hoàn trả lại công trình thủy lợi trên tuyến. Đồng thời, giao huyện Thủy Nguyên quản lý chặt chẽ diện tích đất chéo méo sau giải phóng mặt bằng, đất trống, hành lang an toàn giao thông trên tuyến.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đỗ Tuấn Anh - Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: “Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, ngày 31/5/2023, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bàn giao mặt bằng phần diện tích rừng nêu trên để thi công dự án. Hiện công trường đang huy động gần 200 cán bộ, công nhân tổ chức thi công đồng loạt các hạng mục, quyết tâm đảm bảo hoàn thành công trình theo kế hoạch tiến độ đã đề ra”.

Theo đại diện nhà thầu thi công dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, nếu mặt bằng được bàn giao trong tháng 6/2023 thì đơn vị sẽ phấn đấu để thông xe kỹ thuật vào 23 tháng Chạp năm nay.

Còn theo đại diện Công ty Cổ phần Thăng Long, phía nhà thầu cam kết hoàn thành thảm bê tông nhựa còn lại của đoạn tuyến qua địa bàn xã Tam Hưng thuộc Dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 359 trong tháng 6/2023. (Diendandoanhnghiep.vn 23/6, Hải Ngân)

Hải Phòng tìm nhà đầu tư xây công viên nghĩa trang gần 600 tỷ đồng

Dự án Đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Phi Liệt có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 571,771 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 205,673 tỷ đồng.

Tổng diện tích sử dụng đất cua dự án là 31,3 ha. Dự án sẽ được hoàn thành đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2025 - 2027. Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm xây dựng công viên nghĩa trang văn minh, hiện đại có tác dụng thay đổi nhận thức người dân về hình thức táng tại các nghĩa trang truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo không gian gần gũi, thoáng đãng, hiện đại, sạch đẹp; phù hợp với phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh của địa phương.

Hiện tại, TP. Hải Phòng đang mời nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. (Congluan.vn 22/6, Mỹ Hạnh)

Hải Phòng dự kiến quy hoạch quận Ngô Quyền thành trung tâm thương mại, dịch vụ, làm dự án cao 72 tầng ở đường Trần Phú

Theo hồ sơ dự thảo quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố này dự kiến xây dựng quận Ngô Quyền thành trung tâm thương mại, dịch vụ của thành phố vào năm 2025, đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới các tiêu chí đô thị đặc biệt, đô thị thông minh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm.

Đông thời, hoàn thành các dự án trọng điểm gồm: Dự án cải tạo sân vận động Máy Tơ thành Công viên cây xanh; xây dựng Trung tâm Hành chính – Chính trị quận; xây dựng Trung tâm thể dục - thể thao quận; cải tạo, xây dựng Cầu Rào 1; đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2; cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn; xây dựng tòa tháp 72 tầng Diamond Plaza tại số 4 Trần Phú.

Về giao thông đường sắt, quận dự kiến nâng cấp đường sắt Hà Nội – Hải Phòng hiện có thành đường đôi điện khí hoá, khổ đường 1.435 mm, đoạn từ ga Thượng Lý đến ga Hải Phòng được đi trên cao; xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường đôi khổ 1.435 mm đến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Tuyến kéo dài đến cảng Chùa Vẽ sẽ được dỡ bỏ sau khi xây dựng tuyến đường sắt dọc theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Trên địa bàn quận có hai tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến đường sắt đô thị số 2 nối khu Bắc Sông Cấm với Sân bay Cát Bi dự kiến đi ngầm dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi và Lê Hồng Phong; và tuyến đường sắt đô thị số 4 nối trung tâm thành phố với sân bay quốc tế Vùng, dự kiến đi ngầm dọc theo đường Lê Lợi.

Ga hành khách Hải Phòng được giữ nguyên vị trí và xây dựng trên cao phục vụ cho nhu cầu vận tải hành khách ngoại tỉnh. Xây dựng ga trung tâm đường sắt đô thị tại khu vực Máy Tơ và hệ thống ga dọc tuyến.

Đối với tuyến cáp treo, tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tuyến cáp treo nối trung tâm thành phố với công viên Vũ Yên tại vị trí Gas Đài Hải hiện nay.

Các tuyến đường phố trục chính trong đô thị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch cũ, bao gồm: Đường trục đô thị Hải Phòng (lộ giới 50,5 m); đường Nguyễn Trãi mở rộng lộ giới 50,5 m kết nối với khu đô thị bắc sông Cấm qua cầu Nguyễn Trãi; Đại lộ 13-5 (lộ giới 100 m); đường Đà Nẵng (lộ giới 28 m); đường An Đà (lộ giới 25 m); đường Trần Phú (lộ giới 21 m); đường Lương Khánh Thiện (lộ giới 20 m); đường song song với tuyến mương Đông Bắc nối đường Lê Hồng Phong với đường Ngô Quyền (lộ giới 30 m).

Quy hoạch tuyến đường cảnh quan ven sông Cấm, đoạn từ đường Lê Thánh Tông đến hết phạm vi của nhà máy Cá hộp Hạ Long, tuyến đường đi trùng với đường Ngô Quyền. Đoạn từ nhà máy Cá hộp Hạ Long đến bến tàu khách Bến Bính, tuyến đường chạy ven sông Cấm với lộ giới 28 m, quy hoạch không gian đi bộ phía giáp mép sông. (Dongvon.doanhnhanvn.vn 23/6; Giaoducthudo.giaoducthoidai.vn 23/6)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức giao lưu Sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc

Ngày 22/6, tại Hải Phòng, đoàn công tác Bộ tư lệnh Cảnh sát biển do Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó tư lệnh pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động phục vụ chương trình giao lưu Sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 3.

Đoàn đã thực hiện kiểm tra tại 3 địa điểm: Trụ sở Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1; Hải đoàn 11, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và làng chài tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra, rà soát các mặt công tác chuẩn bị, đặc biệt là các nội dung, địa điểm phục vụ chương trình giao lưu, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên đã quán triệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và lực lượng liên quan.

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên khẳng định, chương trình giao lưu Sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc là một nhiệm vụ trọng điểm của năm 2023. Trong đó, những hoạt động diễn ra ở Vùng Cảnh sát biển 1 là hoạt động lõi, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến thành công của toàn bộ chương trình.

Do vậy, Thiếu tướng Vũ Trung Kiên nhấn mạnh cần khẩn trương hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng, như: Quán triệt cho các cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vị trí, vai trò, mục tiêu của chương trình giao lưu, tạo phong trào thi đua sôi nổi thực hiện tốt nhiệm vụ chuẩn bị cho chương trình; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung kế hoạch để mọi phương án triển khai đạt hiệu quả tốt nhất; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị về lễ tân, trang trí, khánh tiết, y tế, tuyên truyền, bảo đảm công tác tổ chức trọng thị, chu đáo, tuyệt đối an toàn.

Chương trình giao lưu Sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 3 với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường biển”, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 tới, với các hoạt động: Chào xã giao lãnh đạo Tổng cục Chính trị và Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; thăm Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, thăm tàu Cảnh sát biển Việt Nam, trồng cây lưu niệm; thăm, tặng quà, hoạt động bảo vệ môi trường tại làng chài ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng; trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển; giao lưu thể thao và Đêm gala.

Chương trình nhằm củng cố, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai lực lượng, đưa quan hệ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc đi vào thực chất, hiệu quả hơn; làm tiền đề xây dựng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác ở cấp cao hơn trong thời gian tới.

Thông qua chương trình, các sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng cường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng. Bên cạnh đó, những hoạt động trong chương trình cũng giúp thế hệ trẻ hai bên có thể hiểu hơn về nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, những giá trị lịch sử của mỗi nước; tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc và hai lực lượng. (Qdnd.vn 22/6, Ngọc Thư)

Bắt 9x cầm đầu ổ nhóm mua bán, sử dụng ma tuý ở Hải Phòng

Tối 22/6, Công an TP. Hải Phòng cho biết, Công an quận Kiến An vừa triệt phá ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy tại chung cư Bắc Sơn.

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an quận Kiến An vừa triệt phá thành công chuyên án đấu tranh với ổ nhóm đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy tại chung cư Bắc Sơn, phường Bắc Sơn, Kiến An, do Đặng Phương Nam (sinh năm 1996, ở số 351 Trường Chinh, phường Lãm Hà, Kiến An) cầm đầu.

Nhờ nắm chắc tình hình, lực lượng trinh sát phát hiện Nam thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng nghiện ma tuý trên địa bàn quận và các địa bàn lân cận.

Tại nhà của Nam, thời gian gần đây có các đối tượng nghiện ma túy ra vào trong các khung giờ: tầm trưa từ 11h đến 15h và tối từ 20h đến 22h. Các đối tượng đi lại trong thoáng chốc, chỉ vào vài phút là ra ngay.

Đáng chú ý, cứ cách khoảng 5 đến 6 ngày, Nam lại bắt taxi đến khu vực đường tàu Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, sau đó về nhà riêng tại số 351 Trường Chinh, Lãm Hà, quận Kiến An. Một lúc sau đó, có nhiều đối tượng nghiện kéo đến nhà Nam rồi lại nhanh chóng tản đi.

Nhận định Nam và các đối tượng có biểu hiện mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an quận Kiến An đã báo cáo lập chuyên án đấu tranh.

Sau một thời gian kiên trì theo dõi, đơn vị nắm chắc được quy luật hoạt động của Nam cùng đồng bọn. Chiều ngày 1/6, Ban Chuyên án quyết định phá án, bắt quả tang đối tượng Đặng Phương Nam cùng đồng bọn. Tang vật thu giữ gồm: 0,77 gam ma túy cần sa, 1 xe máy biển kiểm soát 15B1-217.85, 2 điện thoại.

Ngày 22/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Kiến An cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đặng Phương Nam về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý và mở rộng điều tra đối với đối tượng có liên quan. (Laodong.vn 22/6, Hoàng Khôi; Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 22/6)

Hải Phòng: Diễn ra Hội thao phòng cháy chữa cháy tại Trung tâm Thương mại Aeon Mall

Sáng 21/6/2023, tại trung tâm Thương mại (TTTM) Aeon Mall thuộc quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH phối hợp với Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam, tổ chức Hội thao phòng cháy chữa cháy năm 2023.

Trước đó, các thí sinh đội tuyển PCCC 6 đơn vị đã tập luyện các kỹ năng, chuẩn bị kỹ lưỡng thực hành để có thể trình diễn tốt nhất tại hội thi. Với sự điều hành của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH các đội tuyển, thí sinh đã nhiệt tình tham gia hội thi, thể hiện những kỹ năng và kiến thức sâu, rộng về PCCC và CNCH.

Ban tổ chức đã trao giải cá nhân cho 1 Giải nhất, 1 Giải nhì, 3 Giải ba, đồng thời trao Giải nhất cho đội tuyển TTTM Aeon mall Long Biên, Giải nhì cho đội tuyển TTTM Aeon mall Hải Phòng Lê Chân, Giải ba cho đội tuyển TTTM Aeon mall Bình Tân và 3 giải khuyến khích cho các đội tuyển TTTM Aeon mall Hà Đông, TTTM Aeon mall Tân Phú, TTTM Aeon mall Bình Dương.

Qua hội thi, các đội PCCC và CNCH TTTTM Aeon mall Việt Nam trên toàn quốc nâng cao nhận thức về công tác phòng cháy chữa cháy và văn hóa đề cao an toàn tuyệt đối trong công tác vận hành. Bên cạnh đó, Hội thi cũng là dịp giao lưu gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm và vinh danh các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy trong toàn tập đoàn và hưởng ứng 22 năm ngày PCCC và CNCH (4/10/2001 - 4/10/2023). (Thuonghieucongluan.com.vn 22/6, Lương Huệ)

VĂN HÓA – XÃ HỘI

Di tích kháng chiến xuống cấp

Bến Nghiêng ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn có diện tích khoảng 200 m2 là bến tàu quân sự được thực dân Pháp xây dựng năm 1950. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bến là nơi đoàn lính thực dân cuối cùng rút khỏi miền Bắc.

Trong cuộc chiến chống phong tỏa các cảng biển Hải Phòng thời chống Mỹ, bến là nơi xuất phát của những con tàu tiếp tế hàng hóa cho Hòn Dáu (còn gọi là Hòn Dấu). Sau này, bến tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phục vụ sản xuất, đánh bắt hải sản và đưa du khách tham quan Hòn Dáu, Cát Bà, Hạ Long. Năm 2009, bến được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên, Bến Nghiêng hiện trong tình trạng xuống cấp và nhếch nhác do không được tu bổ. Hàng chục mét bờ kè sát biển của bến bị bong tróc, sụt lún, gây nguy hiểm cho người qua lại. Ở khu vực bia chứng tích được xây từ năm 2005, cỏ mọc ùm tùm, rác thải bừa bãi. Nhiều hạng mục như đèn chiếu sáng, lan can, bậc thang bia chứng tích hư hỏng, đổ nát.

"Bến nằm ngay cạnh bãi tắm khu II Đồ Sơn và khu du lịch quốc tế Hòn Dáu, nhiều người đến thăm thấy khung cảnh nhếch nhác đã bỏ đi", anh Trần Đạt, người dân Đồ Sơn chia sẻ.

Bà Lưu Thị Thu Huyền, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử Đồ Sơn, cho biết mới tiếp nhận quản lý Bến Nghiêng từ UBND phường Vạn Hương hồi giữa tháng 5 nhưng chưa được cấp kinh phí bảo trì. "Chúng tôi đã báo cáo các cấp về hiện trạng di tích và đang lên kế hoạch, dự toán kinh phí bảo trì", bà Huyền nói.

Sở Văn hóa Thể thao và ngành chức năng của Hải Phòng đã khảo sát thực tế để lên kế hoạch tu bổ Bến Nghiêng theo nghị quyết về tôn tạo di tích quốc gia trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2027. (Vnexpress.net 22/6, Lê Tân)

Liên đoàn Lao động Hải Phòng: Tập trung phát triển đoàn viên trong 6 tháng cuối năm

Sáng 22/6, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tổ chức hội nghị Ban Thường vụ lần thứ 30 nhiệm kỳ 2018-2023.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Hải Phòng thông qua dự thảo báo cáo hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; kết quả hoạt động Tháng Công nhân và kết quả chỉ đạo Đại hội công đoàn các cấp…

6 tháng cuối năm, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: tổ chức thành công Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở và Đại hội XV Công đoàn thành phố, nhiệm kỳ 2023-2028; tổng kết, trao giải Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật công nhân lao động lần thứ ba, năm 2022-2023; tổ chức Liên hoan văn nghệ chào mừng thành công Đại hội XV Công đoàn thành phố, tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.

Các đại biểu thảo luận, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp về một số chỉ tiêu tỉ lệ còn thấp trong 6 tháng đầu năm như chỉ tiêu về thương lượng thoả ước lao động tập thể, thu tài chính công đoàn, chỉ tiêu phát triển đoàn viên thực tăng… Cùng với đó, chỉ ra khó khăn trong việc thu 2% kinh phí công đoàn qua tài khoản trung gian; khó khăn trong phát triển đoàn viên vì nhiều doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, thậm chí phải cắt giảm lao động (6 tháng đầu năm 2023, phát triển mới 15.350 đoàn viên, đoàn viên thực tăng bị giảm 6.390 đoàn viên so với 12.2022)...

Tính đến ngày 20/6, 14/32 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ thành phố tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023-2028 đạt tỉ lệ 43,75% và 2.699/2.699 công đoàn cơ sở tổ chức đại hội, hội nghị đạt 100%. Trong Tháng Công nhân 2023, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn với tổng số tiền gần 4,6 tỉ đồng. Các cấp công đoàn tổ chức hơn 150 cuộc tuyên truyền, tập huấn về các chế độ, chính sách pháp luật lao động cho hơn 20.000 người; hỗ trợ 40 công nhân lao động xây mới và sửa chữa nhà mái ấm công đoàn với số tiền gần 1,9 tỉ đồng… (Laodong.vn 22/6, Mai Dung)

Lao động ngành giày da ở Hải Phòng được chăm lo trong mùa nắng nóng

Trong những tháng hè nắng nóng cao điểm, nhiều doanh nghiệp khối giày da trên địa bàn Hải Phòng triển khai các giải pháp chăm lo sức khoẻ cho người lao động, tạo môi trường làm việc thoáng mát, thuận tiện cho sản xuất.

Theo thống kê của Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng, lao động khối da giày thuộc ngành Công Thương là khoảng 28.000 người.

Do đặc thù sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp da giày đều không lắp đặt điều hoà tại xưởng sản xuất. Tuy vậy, nhiều đơn vị vẫn cố gắng bảo đảm tốt nhất điều kiện làm việc cho người lao động trong những tháng nắng nóng cao điểm.

Điển hình như tại Công ty TNHH công nghiệp giày Aurora Việt Nam, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, người lao động làm việc trong môi trường nắng nóng rất vất vả, doanh nghiệp đã triển khai kịp thời giải pháp chăm lo cho người lao động, như: tăng cường hệ thống quạt mát, quạt thông gió, cung cấp nước nhân trần giải nhiệt hàng ngày cho công nhân tại các nhà xưởng.

Ngoài ra, với mong muốn chăm lo, quan tâm thiết thực hơn nữa đối với đoàn viên, người lao động, Ban chấp hành công đoàn công ty triển khai tặng sữa đậu nành cho người lao động. Theo đó, vào mỗi ngày 15 của các tháng 6, 7, 8 – ngày nhận lương hàng tháng của công nhân, công đoàn sẽ phát sữa đậu nành cho 6.200 công nhân lao động.

“Hoạt động này sẽ duy trì trong 3 tháng cao điểm của mùa hè là 6, 7, 8, toàn bộ kinh phí trích từ nguồn kinh phí công đoàn cơ sở. Món quà tuy nhỏ nhưng người lao động đón nhận nhiệt tình, phấn khởi. Thông qua đó, công đoàn mong muốn động viên người lao động vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành tốt công việc” – Chủ tịch Công đoàn công ty Đồng Thị Phượng cho biết.

Ngoài các đơn vị thuộc Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng, tại huyện Vĩnh Bảo, nhiều doanh nghiệp khối giày da cũng triển khai nhiều giải pháp chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong những tháng nắng nóng.

Trong đó, một số đơn vị đầu tư, bổ sung hệ thống quạt thông gió, quạt công nghiệp tại nhà xưởng. Đồng thời, lắp đặt cây nước lạnh tại các khu vực có đông lao động làm việc như Công ty TNHH Easily, Công ty Kỳ Khởi, Xưởng da giày Tân Phong, Giày da AS, Giày da Duyên Lụa, Trường Lan…

Ngoài ra, Công ty TNHH Hoàng Dũng (chuyên sản xuất mũi giày tại huyện Vĩnh Bảo) triển khai biện pháp bơm nước mát lên mái nhà xưởng để giảm nhiệt độ trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Bảo - cho biết, người lao động ngành da giày không được làm việc ở nhà xưởng có điều hoà do đặc thù công việc. Tuy vậy, các doanh nghiệp rất nỗ lực trong cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, hạn chế tác động của thời tiết ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.

Tới đây, Liên đoàn Lao động huyện tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống đoàn viên, công nhân lao động, nhất là trong những tháng nắng, nóng cao điểm của mùa hè. Trong đó, ngoài cải thiện môi trường làm việc, các đơn vị chú trọng bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, bổ sung nước, vitamin cho người lao động… (Laodong.vn 23/6, Mai Dung)

Thủ đoạn lừa đảo nhận bưu phẩm hộ người thân

Mới đây, ông Nguyễn Thế Điệp ở phường Bắc Sơn, quận Kiến An (Hải Phòng) đang ngồi trong nhà thì một người phụ nữ mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang kín mặt bước vào tự xưng là nhân viên giao hàng đến gửi bưu phẩm cho con gái ông. Khi ông Điệp nói con gái vắng nhà thì người phụ nữ lấy ra một gói nhỏ được bọc kín, đề nghị ông Điệp nhận giúp con gái và thanh toán 137.000 đồng.

Ông Điệp bất ngờ vì thường ngày nếu con gái mua hàng qua mạng sẽ luôn chủ động tự thanh toán nên bảo “nhân viên giao hàng” đợi để ông gọi điện hỏi con gái. Thấy vậy, “nhân viên giao hàng” ngăn lại và nói số tiền không đáng bao nhiêu, sau đó liên tục thúc giục ông Điệp thanh toán tiền vì đang vội phải đi giao hàng chỗ khác. Thái độ của người này càng khiến ông Điệp nghi ngờ nên yêu cầu cô con dâu gọi điện hỏi thì được biết con gái ông không đặt mua hàng qua mạng. Lúc này, người phụ nữ lạ mặt vội vàng rời đi, lộ rõ thủ đoạn lừa đảo...

Đề nghị người dân, nhất là người già cần hết sức cảnh giác, xác minh kỹ thông tin mua hàng trước khi thanh toán tiền để nhận bưu phẩm hộ người thân. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.(Qdnd.vn 23/6; Quân đội nhân dân 23/6, tr6)

Trao tặng bộ sách "Ký ức chiến tranh"

Sáng 22/6, tại Hải Phòng, Ban liên lạc Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội trao bộ sách "Ký ức chiến tranh" tặng Quân chủng Hải quân.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân dự và chủ trì buổi trao tặng.

Từ năm 1967 đến 1974 có tổng cộng 42 tiểu đoàn Quân tăng cường lấy phiên hiệu đơn vị theo số chẵn từ Tiểu đoàn 2 đến Tiểu đoàn 84 được huấn luyện bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Các chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu ở nhiều chiến trường ác liệt như: Đường 9-Nam Lào, Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ… và lập những chiến công vang dội. Đã có 14 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.781 dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới và hơn 14.500 huân, huy chương các loại... Năm 2010, Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội cho phép thành lập.

Tại buổi lễ, Ban liên lạc Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội trao tặng 300 cuốn sách trong bộ sách "Ký ức chiến tranh" đến cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân. Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Vũ Đình Quý, Phó trưởng ban thường trực Hội cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, Ban liên lạc Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã động viên cán bộ, hội viên viết lại những kỷ niệm chiến trường của bản thân và đồng đội. Hàng trăm tác giả là những cựu chiến binh Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc của mình với lối viết chân thực, giản dị nhưng sinh động, cuốn hút bởi những chi tiết chân thực trong các trận chiến đấu. Đến nay, Hội đã cho ra đời 6 tập sách "Ký ức chiến tranh".

Bộ sách "Ký ức chiến tranh" là những câu chuyện, kỷ niệm được viết ra từ chính những "nhân chứng sống". Hầu hết các tác giả không phải là người viết chuyên nghiệp, song bộ sách đã truyền tải tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ Hà Nội trên khắp các chiến trường.

Đây là lần thứ ba Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô trao tặng sách đến cán bộ, chiến sĩ Hải quân với mong muốn giáo dục truyền thống, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện cảm ơn Ban liên lạc Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ quân chủng bộ sách "Ký ức chiến tranh". Đồng chí đánh giá cao những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội trong các cuộc kháng chiến giữ nước và bảo vệ Tổ quốc. Thông tin về tình hình biển đảo cũng như công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Hải quân, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Luyện cho biết, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bộ sách sẽ được Quân chủng Hải quân tuyên truyền, lan tỏa đến cán bộ, chiến sĩ trong quân chủng cũng như các chiến sĩ ở các điểm đảo xa xôi, nhân lên lòng yêu nước, sự tự hào, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mà các thế hệ đi trước đã trao truyền cho hôm nay. (Qdnd.vn 22/6, Khánh An)

Chuyện nhặt ở Bạch Long Vĩ

Cùng với Bộ đội biên phòng, ngư dân, cán bộ, viên chức... thì Liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) Bạch Long Vĩ (thuộc Tổng đội TNXP TP. Hải Phòng) là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng huyện đảo. Hơn 30 năm qua, hàng ngàn lượt đội viên TNXP đã vượt mọi khó khăn, cống hiến những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân để biến Bạch Long Vĩ từ một hòn đảo chỉ có xương rồng trở thành hòn đảo trù phú như hôm nay...

Chúng tôi đến Bạch Long Vĩ vào một ngày cuối tháng 5/2023. Là đảo tiền tiêu xa bờ nhất của Việt Nam trên vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140 km nhưng trên đường từ âu tàu về trụ sở của Liên đội TNXP, tôi có cảm giác như được về một miền quê nào đó.

Những con đường uốn lượn dưới những hàng cây rợp mát. "Đặc sản" của Bạch Long Vĩ là những hàng trúc đào đương vụ nở hoa, khiến cả góc đường rực lên một vẻ đẹp yêu kiều. Thử làm một "tour" quanh đảo khách tham quan có lẽ đều ít nhiều cảm thấy thích thú bởi vẻ xanh mát của các loại cây hoa, bãi cỏ... Nép dưới bóng cây là những công trình kiên cố, bề thế như trụ sở UBND, Công an huyện, trường mầm non, các công trình quốc phòng, dân sinh... Đã từng có dịp đến nhiều huyện đảo, xã đảo tiền tiêu như Cô Tô, Quan Lạn, Vĩnh Thực (Quảng Ninh) cho đến Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... tôi có thể ít nhiều hiểu được những khó khăn, gian khổ để có thể mang được từng viên gạch, từng bao xi măng để xây dựng đảo.

Anh Trần Văn Hiên - Liên đội trưởng Liên đội TNXP huyện đảo Bạch Long Vĩ là người có thâm niên lâu nhất, với hơn 30 năm ở đảo, vì thế nhiều người gọi vui anh là "già làng" của đảo.

Năm 1992, khi mới ngoài 20 tuổi, chàng trai Trần Văn Hiên  rời quê Thái Bình nhập ngũ rồi ra làm nhiệm vụ ở Bạch Long Vĩ; cứ nghĩ hết nghĩa vụ quân sự sẽ về quê, nhưng rồi duyên nợ đã níu anh ở lại luôn từ đó đến nay. Tháng 3/1993, sau khi huyện đảo được chính thức thành lập, Trần Văn Hiên được chuyển sang Liên đội TNXP (gồm 60 anh chị em).

Nhắc lại chuyện xưa, anh Hiên kể ngày đầu tiên đội viên TNXP xách ba lô bước chân lên con tàu chợ, ai nấy đều phải bịt mũi bởi mùi dầu mỡ, mùi gà lợn, mắm muối dưa cà. Lênh đênh trên biển mười mấy tiếng đồng hồ mới cập bờ.

Lên đảo anh chị em được dẫn đến ngôi nhà mà thoạt nhìn đã thấy ngao ngán. Mấy chục con người phải ở chen chúc trong căn nhà tạm gồm có hai phòng, mỗi phòng có diện tích chừng vài chục mét vuông. Điện không, nước ngọt cũng không. Bữa cơm thường là gạo hẩm ăn với cá hộp, thịt hộp. Rau xanh hầu như không có, hoặc thuộc loại đã hết hạn sử dụng.

Cứ khoảng ba tháng một mới có tàu của đơn vị bộ đội từ đất liền ra đảo, tiếp tế lương thực thực phẩm. Khi ấy Liên đội TNXP cũng thường được gửi ké một ít đồ ăn, hoặc cái chăn tấm chiếu, cây đèn pin, chiếc radio... Nhiệm vụ của các đội viên khi đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trụ sở hành chính, công viên, đài liệt sĩ...

Công trình đầu tiên mà TNXP tham gia xây dựng chính là trường mẫu giáo. Thời điểm ấy, nhà nước có chính sách đưa ngư dân ra đảo, cộng với trong số anh chị em TNXP cũng có con nhỏ, nên cần phải có nơi trông giữ trẻ. Tất cả nguyên vật liệu như gạch, cát, đá, xi măng, sắt thép... đều được chở từ đất liền ra, rồi anh em TNXP tăng bo đến các địa điểm tập kết. Về kỹ thuật thì cũng không phải là quá khó, song ngay đến việc tìm đâu ra nước để trộn vữa là điều không hề đơn giản.

Bạch Long Vĩ từng có tên là đảo "Vô Thủy” bởi trên đảo hoàn toàn không có nước ngọt. Ngoài việc trông chờ nước ngọt được chở từ đất liền ra, thì anh chị em TNXP phải chắt chiu từng giọt nước mưa để có thể sinh hoạt nấu nướng. Thiếu nước, cánh đàn ông con trai ai cũng cạo trọc đầu, để khỏi phải gội. Còn tắm rửa thì phải dùng nước biển, rồi tráng qua một tí nước ngọt. Mà cũng phải hạn chế, vài tuần mới được tắm một lần.

"Chúng tôi đã phải mò tìm những vũng, đầm rất xa trung tâm đảo để tìm nước, cố gắng gạn lấy từng chút từng chút một để mang về trộn vữa xây nhà. Cũng vì thế mà mỗi công trình (dù chỉ là căn nhà cấp 4) cũng phải mất hàng năm trời mới hoàn thành", anh Hiên chia sẻ.

Định cư trên đảo được ít lâu thì Hiên lập gia đình. Cũng rất tình cờ đôi trẻ gặp nhau trong một lần chị Vũ Thị Hải Yến (quê Kiến Thuỵ, Hải Phòng - kém anh 5 tuổi) cùng người thân ra thăm đảo. Rồi năm sau chị Yến cũng trở thành nữ TNXP, cùng làm việc với người yêu.

Sau khi lấy vợ, rồi có con, cuộc sống của anh Hiên và gia đình cũng dần dà bớt nhọc nhằn hơn. Trên đảo đã có máy phát điện chạy bằng dầu, mỗi ngày được một vài giờ có điện. Rồi sau đó cũng đào được giếng khoan lấy nước. Cho đến khoảng năm 2021 thì vấn đề điện, nước được giải quyết hoàn toàn trên đảo.

Đời sống vật chất dần được nâng lên, song đời sống tinh thần cũng là điều anh Hiên vô cùng trăn trở. "Các đội viên TNXP đều phải chịu nhiều thiệt thòi trong tình cảm gia đình. Xa cách bởi địa lý, một năm chỉ có vài lần có tàu to ra đảo nên mỗi lần về quê là phải tính toán sao cho hợp lý. Còn những lần đột xuất thì phải ngồi tàu cá, đi mất cả ngày trời mới về đến cảng. Mà nếu gặp sóng to gió lớn thì có thể sẽ cập cảng tận Quảng Ninh, hoặc dạt về Nam Định, Thanh Hóa”...

Bản thân anh Hiên cũng nhiều lần phải nuốt nước mắt vào trong, bởi ba anh trai, một chị gái qua đời mà anh đều không kịp về thắp hương. Khi bố đẻ mất đúng vào dịp Hiên đang trong đợt nghỉ phép, song cũng chỉ một mình anh có mặt, vợ và các con không về được. Mới đây, mẹ anh ốm, muốn về gặp cụ lần cuối, anh Hiên phải thuê riêng một chiếc tàu để chạy về bờ, tốn vài chục triệu đồng song cũng phải cắn răng chịu.

"Là con thứ tám trong gia đình có 9 anh chị em, mỗi lần về thăm nhà, các chị gái tôi đều phàn nàn rằng nhà mình đâu có nỗi khó khăn, đến nỗi cậu phải ở rịt cái xứ xa tít mù khơi - đi lại khó khăn, giáo dục y tế cũng chả có gì. Các chị đều giục mau làm đơn xin về đất liền, có gì anh chị chung tay vào giúp đỡ. Song có lẽ ở mãi thành quen nên tôi vẫn quyết tâm bám trụ. Cũng may mắn tôi có sự giúp đỡ của ông bà hai bên nội ngoại. Hai bé gái sau khi học hết bậc tiểu học thì được gửi về Thái Bình và Hải Phòng để tiếp tục học lên bậc Trung học, rồi thi vào đại học. Bay giờ cô con gái lớn của anh đã lập gia đình riêng, còn cô thứ hai đang đi học. Dù chịu nhiều thiệt thòi song tôi luôn động viên vợ con vượt khó khăn”, anh Hiên tâm sự.

Nếu như Liên đội trưởng Trần Văn Hiên có thời gian cống hiến lâu nhất tại đảo, thì cựu Bí thư Chi đoàn Thanh niên xung phong Phạm Thị Trang cũng có tới gần 20 năm cống hiến sức trẻ nơi đây.

Năm 2006, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đoàn và Thành đoàn Hải Phòng, Trang xung phong ra đảo làm việc. Đặt chân lên đảo, Trang ít nhiều cảm thấy hoang mang bởi nơi đây quá xa, quá hoang sơ so với tưởng tượng của chị. Xung quanh đảo khi ấy gần như chỉ toàn xương rồng và cát trắng.

Những ngày đầu ở đảo, Trang cùng các đội viên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc tàu chở từ đất liền mang ra. Đất bị nhiễm mặn, chủ yếu cát trắng nên rau xanh trồng nhưng không phát triển được. Thế mà cho đến bây giờ, xung quanh trụ sở Liên đội, rồi ở các đơn vị bộ đội, nhà dân... đều có những vườn rau xanh mát. Những giàn mướp, bầu bí lúc lỉu... Thế mới biết có sức người, sỏi đá cũng thành cơm. Giống như anh Hiên, công việc của chị Trang và các đội viên TNXP là trực tiếp tham gia thực hiện các dự án, chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, nước sinh hoạt cho cán bộ, nhân dân trên đảo. Xây dựng các cụm dịch vụ nuôi trồng và đánh bắt hải sản, các khu neo đậu tàu thuyền tránh bão, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch trên đảo. Tổ chức các hoạt động kết nối an sinh xã hội. Ngoài ra còn triển khai Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” cho cán bộ, đoàn viên thanh niên.

Hơn 10 năm gắn bó nơi đảo tiền tiêu, được sống, làm việc với những người dân hồn hậu, chất phác, chị Trang thấy mình thực sự gắn bó, yêu quý mảnh đất này, bởi chính ở nơi đây, chị gặp được một nửa của đời mình. “Năm 2008, khi tham gia sinh hoạt đoàn, tôi quen và lập gia đình với chồng là cán bộ Ban quản lý Cảng nên hai vợ chồng quyết định sinh con và dựng nhà gắn bó lâu dài ở đảo”.

Nhờ sự chung tay đóng góp sức trẻ của cán bộ, Liên đội TNXP, lực lượng Biên phòng và nhân dân... huyện đảo Bạch Long Vỹ giờ đây thực sự đã trở thành đảo xanh. Hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống sản xuất cung cấp điện, nước ngọt, bệnh viện, trường học, cảng và khu neo đậu tàu, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà dân và các công trình văn hóa được xây dựng mới, cải tạo khang trang. Giữa biển khơi quanh năm nắng gió, ngày ngày vẫn đang có những con người lặng lẽ làm nên sức sống mới cho hòn đảo nơi tiền tiêu này. (Cand.com.vn 23/6, Yên Chi)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Huyện Tiên Lãng: Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với Nhân dân

Chiều 22/6, tại Trung tâm Chính trị huyện, Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với Nhân dân. Các đồng chí: Nguyễn Thị Mai Phương - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện; Bùi Thành Cương - Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, 5 đại biểu nhân dân nêu 11 ý kiến, kiến nghị về việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án, nhất là công trình nông thôn mới kiểu mẫu, việc sử dụng nước sạch nông thôn; kiến nghị thu hồi đất nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nằm giữa địa phận xã Quyết Tiến và Khởi Nghĩa.

Hướng dẫn thủ tục thuê đất đối với hợp tác xã, thủ tục nhận hỗ trợ đối với các sản phẩm được chứng nhận OCOP; đề nghị làm cống qua đường để dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Các ý kiến nêu trên được trực tiếp Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cùng  các phòng: Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các xã Quyết Tiến, Quang Phục trực tiếp giải đáp các ý kiến đại biểu nêu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương - Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Đồng chí Bí thư Huyện uỷ cũng đề nghị cấp uỷ chính quyền từ huyện tới cơ sở tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị, vấn đề nổi cộm mà Nhân dân quan tâm…

Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng đã báo cáo trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được tổng hợp phục vụ hội nghị đối thoại với các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp; tài chính - kế hoạch, đầu tư xây dựng; hạ tầng, giao thông, thị trường; đất đai, tài nguyên và môi trường; giải phóng mặt bằng, thủy lợi; an ninh trật tự, an toàn giao thông; quân sự và lĩnh vực thi hành án dân sự. (Anhp.vn 22/6)

Tạo điều kiện đầu tư, phát huy tiềm năng điện gió trên địa bàn

Sáng 22/6, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra hiệu quả hoạt động của dự án điện gió cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Qua kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ban Kinh doanh bán điện Bạch Long Vĩ trong việc vận hành an toàn và có hiệu quả hệ thống điện trên đảo Bạch Long Vĩ, đặc biệt là hệ thống điện gió.

Chủ tịch UBND nhấn mạnh, với vị trí địa lý thuận lợi, có bờ biển dài trên 125 km, mặt biển trải rộng cùng sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông và cảng biển, Hải Phòng được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi. Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều bày tỏ mong muốn khảo sát, đầu tư phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ.

Với tốc độ gió trung bình khoảng 7,1 m/s ở độ cao 12 m so với mặt đất, đây là điều kiện lý tưởng để các tua bin điện gió hoạt động. Việc xây dựng các nhà máy điện gió ngoài khơi ở đảo Bạch Long Vĩ được các chuyên gia hàng đầu về điện gió trên thế giới đánh giá là hoàn toàn khả thi. Hiện, thành phố rất quan tâm để phát triển điện gió ngoài khơi, đề xuất Chính phủ cho phép đấu thầu để các nhà đầu tư có thể thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Bạch Long Vĩ. Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư phát triển điện gió tại Bạch Long Vĩ, góp phần phát huy tiềm năng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi của thành phố.

Dự án điện gió cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ được nghiệm thu đóng điện và bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021, chủ đầu tư là Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Ban Quản lý Dự án Phát triển Điện lực là đơn vị quản lý thực hiện dự án. Dự án gồm các hạng mục: Xây mới 1 tua - bin gió với công suất 1 MW; xây dựng mới trang trại điện mặt trời với công suất lắp đặt 504 kWp; lắp đặt mới 2 máy phát điện 1.000 kVA; lắp đặt mới hệ thống ắc quy lưu trữ 630 kVA/2.000 kVAh; lắp đặt mới hệ thống tủ phân phối 0,4 kV, hệ thống hòa đồng bộ máy phát, hệ thống microgrid. Dự án đi vào hoạt động ổn định trong gần 2 năm qua, cung cấp điện liên tục và không hạn chế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ sản xuất, du lịch của các hộ dân, doanh nghiệp cùng các đơn vị khác trên đảo; tạo động lực cho việc phát triển các ngành nghề kinh tế huyện đảo… (Baohaiphong.com.vn 22/6, Ngọc Sơn)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng tiếp xã giao Đoàn nghị sỹ Nghị viện Châu Âu

Sáng 21/6, đồng chí Phạm Văn Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì tiếp xã giao Đoàn nghị sỹ Nghị viện Châu Âu phụ trách mối quan hệ với các nước Đông Nam Á do ông Daniel Caspary, Trưởng Đoàn nghị sỹ phụ trách quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu. Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố, Sở Ngoại vụ. (Thuonghieucongluan.com.vn 22/6)

Hải Phòng: Phạt 2 người đăng tin sai sự thật về vụ cưỡng chế thu hồi đất

Ngày 21/6, Công an H.Thủy Nguyên (Công an TP. Hải Phòng) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp Đ.T.H và L.V.N trú tại xã Minh Tân và An Lư (cùng H.Thủy Nguyên) về hành vi "cung cấp, chia sẻ, thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức", liên quan đến các vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, buộc khắc phục hậu quả tại xã An Lư và xã Quảng Thanh. (Thanhnien.vn 22/6, Giang Linh)./.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn