Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 26/6/2023)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Hải Phòng: Đi từng nhà để giúp dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Thời gian gần đây, chính quyền phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ lực lượng công an phường triển khai đề án 06, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án là kích hoạt và ứng dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2, với giá trị tương đương thẻ Căn cước công dân gắn chíp và các giấy tờ cá nhân khác (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Bảo hiểm y tế,...) sau khi đã được tích hợp thông tin vào tài khoản.

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin cư trú và kiến nghị, phản ánh về tình hình an ninh trật tự, tố giác, tin báo về tội phạm,..

Nhận thức được tầm quan trọng của Đề án 06, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian vừa qua, UBND phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã mở đợt cao điểm tập trung triển khai công tác hướng dẫn người dân đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên địa bàn.

Lãnh đạo phường đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc hỗ trợ công an phường. Để tạo điều kiện cho người dân, cán bộ phường cùng lực lượng công an tranh thủ giờ nghỉ, buổi tối đến các điểm dân cư, đến từng hộ dân để hướng dẫn, trực tiếp thao tác kích hoạt tài khoản cho công dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Hiểu, Chủ tịch UBND phường Máy Tơ cho biết, tính đến ngày 23/6, phường Máy Tơ đã hoàn thành trên 70% tỷ lệ người dân tham gia đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. "Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tranh thủ cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để hỗ trợ người dân trên địa bàn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giúp nhân dân thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch với các cơ quan, đơn vị, góp phần vào sự thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia"- ông Phạm Ngọc Hiếu chia sẻ. (Danviet.vn 23/6)

QUẢN LÝ

Báo động tử vong do đuối nước tại các điểm tắm tự phát ở Hải Phòng

Ngày 23/6, lãnh đạo UBND xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) xác nhận thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một thiếu niên 15 tuổi tử vong do đuối nước khi tắm tại một điểm tắm tự phát.

Cụ thể, theo ông Đồng Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, khoảng 19h ngày 22/6, chính quyền địa phương nhận được tin báo cháu Đ.V.T. (sinh năm 2008, trú tại thôn 9 xã Tú Sơn) bị đuối nước ở khu vực Cống Mới thuộc công trình đường bộ ven biển đang thi công.

Ngay sau đó, chính quyền địa phương phối hợp triển khai công tác tìm kiếm, đến đêm 22/6, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể cháu bé gần khu vực gặp nạn.

Đáng nói là, những vụ việc thương tâm tương tự đã xảy ra không ít lần trên địa bàn TP. Hải Phòng, đực biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như mùa hè năm nay.

Chỉ tính riêng trong 2 tháng 5,6 vừa qua, TP. Hải Phòng đã ghi nhận gần chục vụ việc tử vong do đuối nước tại các điểm tắm tự phát. Đáng chú ý là trong tháng 5, chỉ trong một ngày (ngày 20/5) đã xảy ra 2 vụ tử vong do đuối nước.

Vụ thứ nhất xảy ra trên sông Đa Độ (đoạn qua huyện An Lão, TP. Hải Phòng), nạn nhân là cháu T.P.N (14 tuổi, trú tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão) tử vong.

Cùng ngày 20/5, anh V.V.Q (20 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, làm công nhân ở Hải Phòng) ra khu vực sông Giá (đoạn qua thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) để tắm và đuối nước, tử vong.

Gần đây, vào đầu tháng 6, trên địa bàn huyện An Dương (TP. Hải Phòng) cũng xảy ra liên tiếp 2 vụ đuối nước, khiến cháu H.N.M.Đ (SN 2011, trú tại xã Đặng Cương, huyện An Dương) và một nạn nhân khác ở xã An Hòa (cùng huyện An Dương) tử vong.

Trên đây mới chỉ là những vụ việc đã được báo chí phản ánh, rất có thể còn nhiều vụ việc tương tự khác chưa được thống kê, thông tin.

Được biết, là TP ven biển với gần chục cửa sông lớn ra biển và hơn 125km bờ biển, TP. Hải Phòng có mật độ sông ngòi dày đặc thuộc diện lớn nhất miền Bắc.

Vì thế tại địa phương đã hình thành nhiều điểm tắm tự phát, người dân bơi lội theo xu hướng cộng đồng mà không được quản lý chặt chẽ, không có lực lượng cứu nạn, cứu hộ thường, ứng trực.

Chính quyền TP. Hải Phòng đã đưa ra nhiều cảnh báo, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân về nguy cơ đuối nước.

Lực lượng Công an TP. Hải Phòng cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tổ chức các lớp tập bơi, hướng dẫn kỹ năng chống đuối nước đồng thời hỗ trợ các vật dụng như phao, áo phao… cho nhân dân trên địa bàn.

Một số địa phương như UBND huyện Thủy Nguyên đã đề xuất cấm hoạt động tắm, bơi tại một số điểm tự phát. Tuy nhiên tình trạng hoạt động của các điểm tắm tự phát không có dấu hiệu giảm, thậm chí tăng cao trong mùa hè nóng nực năm nay.

Thiết nghĩ, chính quyền TP. Hải Phòng cần có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn để hạn chế hoạt động của các điểm bơi tự phát, phòng ngừa các vụ việc đuối nước thương tâm xảy ra, khi mùa nắng nóng vẫn còn tiếp diễn. (Cand.com.vn 23/6)

KINH TẾ

Hải Phòng tạo điều kiện cho đầu tư phát triển điện gió tại đảo Bạch Long Vĩ

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố đang tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư phát triển điện gió tại Bạch Long Vĩ, góp phần phát huy tiềm năng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi của thành phố.

Trong chuyến công tác tại huyện Bạch Long Vĩ, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiểm tra hiệu quả hoạt động của Dự án điện gió cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Dự án điện gió cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ được nghiệm thu đóng điện và bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc; Ban Quản lý Dự án Phát triển Điện lực là đơn vị quản lý thực hiện dự án.

Dự án gồm các hạng mục: xây mới 1 tua bin gió với công suất 1 MW, xây dựng mới trang trại điện mặt trời với công suất lắp đặt 504 kWp, lắp đặt mới 2 máy phát điện 1.000 kVA, lắp đặt mới hệ thống ắc quy lưu trữ 630 kVA/2000 kVAh, lắp đặt mới hệ thống tủ phân phối 0,4 kV, hệ thống hòa đồng bộ máy phát, hệ thống microgrid.

Dự án đã cung cấp điện ổn định liên tục và không hạn chế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, dịch vụ sản xuất, du lịch của các hộ dân, doanh nghiệp cùng các đơn vị khác trên đảo; tạo động lực cho việc phát triển các ngành nghề công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển kinh tế biển, hoạt động du lịch biển. Đồng thời, dự án đảm bảo việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu tác động môi trường từ hoạt động cung cấp điện.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ban Kinh doanh bán điện Bạch Long Vĩ trong việc vận hành an toàn và có hiệu quả hệ thống điện gió, điện mặt trời và máy phát cũng như cấp điện ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân huyện đảo, nhất là trong bối cảnh tình trạng thiếu điện đang xảy ra tại miền Bắc trong những ngày nắng nóng cao điểm.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, với vị trí địa lý thuận lợi, có bờ biển dài trên 125 km, mặt biển trải rộng cùng sự phát triển đồng bộ của hạ tầng giao thông và cảng biển, Hải Phòng được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi.

Nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều mong muốn khảo sát đầu tư phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi ở khu vực đảo Bạch Long Vĩ. Việc xây dựng các nhà máy điện gió ngoài khơi ở đảo cũng được các chuyên gia hàng đầu về điện gió trên thế giới đánh giá là hoàn toàn khả thi. Thành phố cũng đang tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư phát triển điện gió tại Bạch Long Vĩ, góp phần phát huy tiềm năng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi của thành phố. (Laodong.vn 23/6, Băng Tâm)

PVOIL Hải Phòng - Hướng tới dẫn đầu trong kinh doanh nhiên liệu

Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí PVOIL Hải Phòng, một trong những đơn vị kinh doanh các sản phẩm xăng dầu, đã xây dựng được vị thế mạnh và đạt được những thành tựu đáng kể tại địa bàn TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương trong suốt 12 năm hoạt động.

Đặc biệt, trước sự phát triển nhanh chóng của các cảng biển và hệ thống giao thông đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, PVOIL Hải Phòng đã nhạy bén nắm bắt cơ hội và xây dựng mạng lưới đa dạng các cửa hàng bán lẻ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Với hệ thống khách hàng đại lý, tổng đại lý, thương nhân nhượng quyền, thương nhân phân phối, khách hàng công nghiệp và hơn 30 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP. Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Hà Giang, PVOIL Hải Phòng đã khẳng định vị trí vững chắc trong thị trường kinh doanh xăng dầu. Dù phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, công ty đã thành công trong việc giành được thị phần đáng kể.

Trong tháng 05/2023, PVOIL Hải Phòng đã đạt tổng doanh thu lên hơn 400 tỷ đồng và tính lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 05/2023, doanh thu đạt hơn 1.800 tỷ đồng, đạt 61% so với kế hoạch năm. Đây là kết quả đáng khích lệ, trong đó doanh thu từ kinh doanh xăng dầu chiếm phần lớn. Ngoài ra, công ty cũng đã ghi nhận mức lợi nhuận gộp ổn định và tỷ lệ lợi nhuận trước thuế đạt 76% so với kế hoạch năm.

PVOIL Hải Phòng không chỉ tập trung vào việc kinh doanh hiệu quả mà còn chú trọng đầu tư và mua sắm để nâng cao cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ cho khách hàng. Đặc biệt, trong tháng 05/2023, công ty đã triển khai Dự án xây dựng Nhà văn phòng tại Cửa hàng Xăng dầu Cầu Tre, một bước đi quan trọng khẳng định cam kết của PVOIL Hải Phòng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động kinh doanh.

Dựa trên thành công đã đạt được, PVOIL Hải Phòng đã đề ra kế hoạch hoạt động cho giai đoạn tiếp theo. Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm việc đẩy mạnh phát triển hệ thống bán cho đại lý trực tiếp và khách hàng công nghiệp, tập trung vào việc tăng thị phần tại khu vực đã được giao. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống cửa hàng xăng dầu trực thuộc.

Để đạt được những mục tiêu này, PVOIL Hải Phòng sẽ tận dụng lợi thế của mình trong việc tăng sản lượng bán hàng thông qua kênh bán lẻ và khách hàng công nghiệp. Cùng với đó, công ty sẽ tăng cường chỉ đạo và quản lý từ Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, tập trung vào việc phát triển thị trường tại Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh lân cận.

Với những nỗ lực và cam kết không ngừng, PVOIL Hải Phòng đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong ngành nhiên liệu tại khu vực. Công ty sẽ tiếp tục cung cấp nguồn nhiên liệu đáng tin cậy và chất lượng cho đại lý và các đơn vị tiêu thụ, đồng thời đảm bảo lợi ích cũng như sự hài lòng của khách hàng. (Kinhtedothi.vn 23/6, Đức Toàn)

Hải Phòng: Đưa “thuốc lào Tây” về trồng trên quê lúa

Những cây cigar to lớn đang sinh trưởng và phát triển tốt trên quê lúa Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng hứa hẹn thỏa ước mơ bao đời “điếu thuốc lào bằng sào lúa tốt”.

Khu nhà xưởng rộng chừng 2.000 m2 nằm lọt thỏm giữa khoảnh ruộng hơn 1,4 ha trồng cây cigar trên cánh đồng Đường Vẹt, xã Việt Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Trong xưởng sực nức mùi thơm đặc trưng của lá cigar trong thời kỳ phơi khô và ủ để lên men. Chủ của cơ ngơi đồ sộ ấy là ông Đặng Văn Dũng, vị tướng công an nghỉ hưu.

Trò chuyện với PV Người đưa tin, ông Dũng kể lại: “Từ tấm bé, ngoài giờ lên lớp, tôi cùng chúng bạn phụ giúp gia đình trồng, chăm sóc, hái, thái và phơi thuốc lào. Công việc vất vả, người dân quê tôi thường động viên nhau, rằng sẽ có ngày thuốc lào có giá. Khi “điếu thuốc lào bằng sào lúa tốt”, ai cũng có được cuộc sống ấm no, sung túc”.

Suốt thuở niên thiếu đến khi trưởng thành, ông Dũng luôn đau đáu tìm “lời giải” cho ước mơ của người dân quê hương. Nhất là quãng thời gian hơn 20 năm học đại học và công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba, quê hương của cây cigar. Khi ấy, những lúc rảnh rỗi ông thường cùng bạn bè đến các vùng nông thôn của Cuba, trong đó có 2 vùng trồng loại cigar ngon nhất thế giới là San Luis và San Juan Y Martinez.

Thấy cảnh người nông dân Cuba trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cigar, trong đầu ông Dũng lại hiện lên hình ảnh ông, bà, bố, mẹ, hàng xóm láng giềng… trồng, chăm sóc, thu hoạch cây thuốc lào. Nhiều đêm ngủ không ngon giấc với câu hỏi: Điều kiện khí hậu nước bạn tương tự, hiệu quả kinh tế của cây cigar cao gấp nhiều lần cây thuốc lào, liệu có thể đưa giống cigar về quê hương trồng để cuộc sống mọi người bớt khó khăn, vất vả, thỏa ước mơ “điếu thuốc lào bằng sào lúa tốt”.

Sau khi nảy ra ý tưởng đưa cây cigar về trồng tại quê hương Vĩnh Bảo, ông Dũng chú tâm tìm hiểu cách người nông dân Cuba trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cigar. Khi nghỉ chế độ năm 2018, ông Dũng quyết định về quê hương lập dự án, thuê đất trồng cigar.

Nhận được hạt giống cigar người bạn từ Cuba chuyển về, đầu năm 2019, sau khi làm việc và nhận được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, ông Dũng cùng các cộng sự triển khai dự án trồng thử nghiệm cây cigar tại cánh đồng Đường Vẹt. Vụ đầu, ông cho trồng trên diện tích khoảng 0,2 ha. Sau đó tăng dần, đến vụ cigar năm 2023 này, diện tích mở rộng lên khoảng 1,4 ha.

Về quê hương Vĩnh Bảo, cây cigar được người dân địa phương gọi vui “thuốc lào Tây”. Bởi, ngoài hình dáng to lớn, cây cigar không có nhiều khác biệt so với cây thuốc lào. Cây cigar cũng tương tự cây thuốc lào cả về thời vụ gieo trồng lẫn thu hoạch.

Tuy nhiên, trồng cigar không dùng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, chỉ bón phân vi sinh để giữ hương vị. Thu hoạch cigar cũng không đồng loạt như thuốc lào, mà thu hoạch dần từ lá gốc trở lên lá ngọn. Quá trình này kéo dài gần 2 tháng, mỗi cây cho thu chừng 15-20 lá. Phần lá to nhất dùng để cuốn bao ngoài điếu cigar. Nếu lá chẳng may bị thủng chỉ chừng ngón tay thôi, sẽ phải loại bỏ. Vì thế, trong quá trình chăm sóc, thu hoạch và ủ, phải hết sức cẩn thận, nâng niu từng chiếc lá.

Khác với thuốc lào, “thuốc lào Tây” đòi hỏi sự kỳ công. Từ quá trình gieo hạt đến khi ra thành phẩm là điếu thuốc cigar, phải trải qua hơn 100 công đoạn. Trong đó quan trọng nhất là quá trình ủ lá cho lên men, kéo dài ít nhất 4 năm trở lên. Những loại cigar đặc biệt có giá cả chục triệu đồng/điếu, thời gian ủ lá lên tới 15-20 năm. Nguyên liệu và quá trình ủ lá đóng vai trò quyết định cho mùi vị đặc trưng của cigar, như hương của hoa, gỗ, cây cỏ, mật ong, kem…

Ông Dũng tâm sự: “Trong khi chờ mẻ lá cigar ủ từ giữa năm 2019 ra lò, vài lần tôi cuốn cigar mời bạn bè đến thử. Những điếu cigar cuốn bằng loại lá được trồng, ủ tại quê hương Vĩnh Bảo cháy đều, tàn trắng, có hương vị cỏ cây pha lẫn kem, mật ong, được mọi người đánh giá rất triển vọng.

Nếu mẻ lá cigar đầu tiên và các mẻ tiếp theo “qua ải” đến được các nhà máy cuốn cigar của Vinataba, Công ty Thuốc lá Bình Dương hay phục vụ xuất khẩu, tôi tiếp tục mở rộng sản xuất. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trồng và ủ lá cigar cho người dân Vĩnh Bảo quê tôi”.

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho biết: “Thời gian qua, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho ông Đặng Văn Dũng triển khai dự án trồng thử nghiệm cây cigar tại cánh đồng Đường Vẹt ở xã Việt Tiến. Nếu dự án thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng sản xuất tạo vùng chuyên canh cây cigar thay thế cây thuốc lào giúp ngày càng nhiều nông dân Vĩnh Bảo thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương”. (Nguoiduatin.vn 25/6, Thái Phan)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Bắt quả tang đối tượng tàng trữ ma tuý ở đảo tiền tiêu Hải Phòng

Ngày 23/6, Công an TP. Hải Phòng cho biết, Công an huyện Bạch Long Vĩ vừa bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hồi 23h ngày 20/6, tại khu dân cư số 2, huyện Bạch Long Vĩ, tổ công tác của Công an huyện Bạch Long Vĩ phối hợp với Phòng Phòng chống tội phạm ma tuý - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ đã phát hiện, bắt quả tang Vũ Văn Tuân (sinh năm 1982, đăng ký hộ khẩu thường trú An Lư, Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng, tạm trú tại khu dân cư số 2, huyện Bạch Long Vĩ) có hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Trong thùng hàng của Vũ Văn Tuân đang vận chuyển, công an phát hiện có 6 túi nilon kích thước 3x5cm chứa khoảng 22 gam chất bột màu trắng nghi là heroin và 2 túi nilon, kích thước 3x5cm chứa khoảng 10 gam tinh thể màu trắng nghi là ma tuý đá. Tổ công tác đã lập biên bản niêm phong số tang vật trên.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Vũ Văn Tuân, phát hiện 20 ống nhựa kích thước khoảng 0,7x2cm chứa tinh thể màu trắng nghi là ma tuý đá.

Đấu tranh bước đầu, Vũ Văn Tuân khai nhận, số ma tuý trên là của Tuân, do Tuân đi mua về để sử dụng.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ và mở rộng vụ án. (Laodong.vn 23/6, Hoàng Khôi)

Công an TP. Hải Phòng tìm bị hại Trần Ngọc Lan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng thông báo tìm bị hại Trần Ngọc Lan, địa chỉ tại 141 Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng. Đây là bị hại trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang được phục hồi điều tra liên quan đến đối tượng Trần Thị Kim Minh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng đang phục hồi điều tra vụ án hình sự: Trần Thị Kim Minh, SN 1950, nơi thường trú trước khi bỏ trốn ở địa chỉ: số 22 cầu thang 2, khu 5 tầng, Hồ Nam, Lê Chân, Hải Phòng can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ năm 1995 đến 30/4/1999 trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Để phục vụ điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hải Phòng thông báo tìm bị hại của vụ án nói trên có thông tin như sau: Trần Ngọc Lan, địa chỉ: 141 Cát Dài, Lê Chân, Hải Phòng.

Đề nghị bị hại Trần Ngọc Lan có tên nêu trên hoặc cá nhận, tổ chức, đơn vị nào biết thông tin của bị hại trên, đề nghị liên hệ ngay với Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng (Đội 6 – Phòng PC02) địa chỉ: số 04 Lê Đại Hành, Hồng Bàng, Hải Phòng, Điều tra viên: Vũ Hữu Hiệu, SĐT: 0983840113) để làm việc. (Cand.com.vn 23/6, T.Minh)

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo du lịch

Sau quãng thời gian dài ngưng trệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động đã khởi sắc trở lại với các trung tâm du lịch biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhưng bên cạnh những kết quả tích cực, du lịch ở hai địa phương này cũng đang bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực, trong đó có những hành vi mang dấu hiệu lừa đảo khiến không ít du khách sập bẫy.

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phạm Trung Anh (SN 1993, trú tại thôn 5 An Bồ, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) để điều tra về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong hoạt động du lịch.

Trước đó, Công an huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận tố giác của chị T.N.A (trú tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Theo nội dung tố giác, ngày 12/6 chị N.A đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tìm đặt phòng nghỉ trong nhóm "Review Cô Tô tất tần tận" để đến du lịch huyện đảo Cô Tô. Sau đó chị N.A nhận được điện thoại của một người đàn ông, hứa hẹn sẽ cung cấp phòng nghỉ khách sạn và vé tàu đi huyện Cô Tô.

Chị N.A tin tưởng đặt thuê 6 phòng nghỉ và 11 vé tàu khứ hồi đi Cô Tô, đồng thời chuyển khoản 3 lần với tổng số tiền hơn 8,6 triệu đồng đến số tài khoản do người đàn ông này cung cấp, mở tại Ngân hàng Công thương Việt Nam. Tuy nhiên khi nhận được tiền, người đàn ông nêu trên không thực hiện thỏa thuận và chặn mọi liên lạc với chị N.A. Tiếp nhận tố giác, Công an huyện Cô Tô nhanh chóng điều tra truy xét, làm rõ đối tượng Phạm Trung Anh là người thực hiện hành vi trên.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Trung Anh khai do không có việc làm, cần tiền để tiêu xài nên đã nảy sinh ý định truy cập các trang, nhóm du lịch trên mạng xã hội Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có có nhu cầu sử dụng dịch vụ du lịch. Ngoài ra, Phạm Trung Anh còn khai nhận, trong khoảng 1 năm qua, đối tượng đã sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo như: "Tường Ánh", "Bống Bống",  "Phạm Quyết", "Trần Quang Anh"… với thủ đoạn nêu trên đã thực hiện lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của nhiều bị hại. Hiện vụ việc đang được Cơ quan Công an tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý.

Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, với lợi thế sở hữu hàng chục tụ điểm du lịch nổi tiếng, nhất là những địa danh thu hút du lịch biển như Hạ Long, Cô Tô, Vân Đồn… mùa du lịch năm nay tỉnh Quảng Ninh đón rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan. Về cơ bản, Quảng Ninh đã nỗ lực rất lớn để kích cầu du lịch, với kỳ vọng đưa ngành kinh tế thế mạnh này trở lại thời hoàng kim sau quãng dài lao đao vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện tượng một số đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi lừa đảo du khách, đang làm ảnh hưởng đến du lịch Quảng Ninh.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 5 vừa qua, Sở Du lịch Quảng Ninh đã phát đi cảnh báo về hiện tượng một số cá nhân, đơn vị sử dụng hình ảnh không có thật về khách sạn có tên Fantasy Ha Long Bay, được xây dựng trong núi đá giữa vịnh Hạ Long để chào bán tour, combo du lịch Hạ Long. Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định, đây là một hành vi có dấu hiệu lừa đảo, gây hoang mang cho người dân và du khách. Đồng thời nêu rõ vịnh Hạ Long không tồn tại khách sạn nêu trên, khuyến cáo người dân không chia sẻ thông tin sai lệch trên, cẩn trọng để tránh bị lừa đảo.

 

Trong khi đó, UBND TP Hạ Long cũng đã ban hành văn bản, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh vào cuộc xử lý các đối tượng có hành vi sử dụng không gian mạng nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là du khách tới Hạ Long. Văn bản nêu rõ, trong thời gian vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tình trạng các nhóm, fanpage giả mạo thông tin của công ty lữ hành, đại lý bán vé, tour du lịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân và du khách khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch tại Hạ Long, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của du lịch Hạ Long nói riêng, du lịch Quảng Ninh nói chung.

Còn tại TP. Hải Phòng, hoạt động dịch vụ du lịch ở Hải Phòng cũng phát sinh những vụ việc liên quan đến hoạt động du lịch. Cụ thể cơ quan chức năng Hải Phòng đang điều tra, làm rõ dấu hiệu lừa đảo đối với Uông Thị Tr. (SN 1990, Giám đốc Công ty Minh Trang, có trụ sở tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng).

Theo tố cáo của ông Hoàng Ng. T. (ở phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã đặt mua 29 vé bay cho đoàn khách của mình (combo vé bay, khách sạn) với tổng số tiền hơn 92 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền tạm ứng thanh toán, ông T. tự liên hệ kiểm tra lại thông tin các dịch vụ mà Tr. cung cấp mới phát hiện dấu hiệu lừa đảo. Từ thông tin tố giác của các khách hàng, cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đã xác định Uông Thị Tr. đã thực hiện hành vi lừa đảo với nhiều người khác bằng chiêu trò bán voucher vé bay khứ hồi giá rẻ, không giới hạn hãng bay hoặc tour du lịch gồm vé máy bay, khách sạn nghỉ dưỡng trong và ngoài nước với giá ưu đã… số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng đã vào cuộc xác minh, quyết định xử phạt Công ty CP Du lịch quốc tế Anpha (số 11 Minh Khai, quận Hồng Bàng), liên quan đến vụ việc một nhóm du khách sử dụng dịch vụ của Công ty này bị chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) bắt giữ và trục xuất về nước.

Từ những vụ việc nêu trên, các cơ quan chức năng của Hải Phòng cũng như Quảng Ninh cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các giải pháp làm trong sạch môi trường du lịch, để du lịch biển tại 2 địa phương này thực sự trở thành mũi nhọn phát triển như kỳ vọng, góp phần cùng tăng trưởng của du lịch cả nước. (Cand.com.vn 26/6, V.Huy; Công an nhân dân 26/6, tr5)

VĂN HÓA – XÃ HỘI

Ban chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” kiểm tra tại TP. Hải Phòng

Thực hiện Kế hoạch số 13/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày 23-6, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn đã kiểm tra kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại TP. Hải Phòng.

Sau quá trình tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TP. Hải Phòng báo cáo kết quả thực hiện Phong trào trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, TP. Hải Phòng đã nỗ lực cải cách, sáng tạo với nhiều cách làm đột phá để phát triển và đạt được những kết quả ấn tượng. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, kết cấu hạ tầng tiếp tục có những đột phá. Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, 100% số xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 7/7 huyện trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Hải Phòng là địa phương đi đầu trong cả nước về chế độ chính sách cho người có công với cách mạng. Cùng với chính sách an sinh xã hội, các hoạt động văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao phục vụ đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân được thành phố quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt. Nhiều hoạt động văn hoá lớn toàn quốc được tổ chức tại Hải Phòng đã tạo nền tảng cho xây dựng và phát triển văn hoá của địa phương.

Theo ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng, Ban chỉ đạo các cấp đã bám sát và cụ thể hóa kế hoạch của Ban chỉ đạo thành phố trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 để tổ chức thực hiện và cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở luôn xác định và coi việc thực hiện nội dung Phong trào là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đưa vào trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Qua nắm tình hình, Trung tướng Trịnh Văn Quyết đánh giá: Việc triển khai thực hiện các tiêu chí về xây dựng các danh hiệu đạt chuẩn văn hóa đã có những chuyển biến mạnh mẽ đi vào chiều sâu và nâng cao về chất lượng. Tỷ lệ các danh hiệu văn hóa mỗi năm đều tăng. Ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành ngày càng được nâng cao trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú, dần tạo ra những chuyển biến về tiến độ phát triển, nhất là ở khu vực nông thôn và hải đảo, qua đó đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai tổ chức thực hiện Phong trào của TP. Hải Phòng còn một số hạn chế, như: Công tác chỉ đạo đôi lúc còn dàn trải, phương thức triển khai phân tán, có nhiều mô hình, phong trào hiệu quả chưa cao. Các thiết chế văn hoá đặc biệt là các thiết chế văn hóa cơ sở còn thiếu về trang thiết bị hoạt động. Hệ thống nhà văn hóa hoạt động chưa phát huy hết hiệu quả. Công tác xã hội hóa mới ở bước đầu, kết quả chưa được như mong muốn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức triển khai thực hiện Phong trào trong thời gian tới, Trung tướng Trịnh Văn Quyết đề nghị Ban chỉ đạo Phong trào TP. Hải Phòng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” những tháng cuối năm 2023, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. (Qdnd.vn 23/6, Đức Nam)

Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng trao quyết định chuyển giao 4 công đoàn cơ sở

Sáng 23/6, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tổ chức hội nghị chuyển giao công đoàn cơ sở năm 2023.

Cụ thể, Liên đoàn Lao động thành phố trao quyết định chuyển giao Công đoàn Công ty Hoá chất SOFT thuộc Liên đoàn Lao động quận Ngô Quyền về trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng; Công đoàn Trường Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng thuộc Công đoàn Viên chức thành phố, Công đoàn Trường trung cấp Xây dựng Hải Phòng thuộc Công đoàn ngành Xây dựng về trực thuộc Công đoàn ngành Công thương Hải Phòng.

Ngoài ra, Công đoàn Trường trung cấp nông nghiệp Thuỷ sản Hải Phòng thuộc Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng về trực thuộc Công đoàn Viên chức thành phố.

Tại hội nghị, đại diện công đoàn cơ sở được chuyển giao mong muốn thời gian tới, Liên đoàn Lao động thành phố và các công đoàn cấp trên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn để công đoàn cơ sở làm tốt hơn công tác chăm lo đoàn viên, người lao động cũng như đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVCLĐ, đóng góp vào thành tích chung của cơ quan, đơn vị cũng như tổ chức Công đoàn. (Laodong.vn 23/6, Mai Dung)

Doanh nghiệp Hải Phòng biểu dương 40 gia đình công nhân lao động tiêu biểu

Sáng 25/6, Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp Giày Aurora Việt Nam (huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) tổ chức chương trình biểu dương gia đình công nhân lao động tiêu biểu, con công nhân lao động đạt thành tích cao trong học tập.

Nhân kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Công đoàn Công ty TNHH Công nghiệp Giày Aurora Việt Nam biểu dương 40 gia đình công nhân tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 6.000 gia đình công nhân lao động đang làm việc tại nhà máy.

Cũng nhân dịp này, Công đoàn công ty biểu dương, khen thưởng gần 1.800 cháu là con công nhân đạt thành tích cao trong học tập năm học 2022-2023, trong đó, 39 cháu đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố, 19 cháu đạt giải học sinh giỏi cấp huyện. Công ty, công đoàn cũng dành 66 suất quà tặng con cán bộ, công nhân viên bị khuyết tật bẩm sinh.

Bà Đồng Thị Phượng - Chủ tịch Công đoàn công ty - cho hay, hoạt động biểu dương hôm nay khẳng định tình cảm, sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp tới người lao động. Qua đó, khích lệ người lao động hăng say lao động sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi... (Laodong.vn 25/6, Mai Dung)

Dấu ấn nổi bật về đề án sân khấu truyền hình ở Hải Phòng

Ngày 25/6, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Sân khấu truyền hình 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đây là năm thứ 4 liên tiếp thực hiện Đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng, các chương trình vở diễn tiếp tục được nâng cao chất lượng, ngày càng đến gần hơn với công chúng.

Bà Trần Thị Hoàng Mai – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 6 chương trình, vở diễn thuộc 5 loại hình nghệ thuật (cải lương, kịch nói, ca múa nhạc, chèo và múa rối) được tổ chức biểu diễn và truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Hải Phòng và phát sóng trên các kênh, nền tảng số khác.

Các chương trình, vở diễn được dàn dựng công phu về cảnh trí, đạo cụ, trang phục, hòa âm phối khí, âm thanh ánh sáng cùng với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Trung ương và địa phương.

6 chương trình vở diễn đa dạng đề tài, như Hội vật cầu, Nguồn sáng trong đời, Thanh âm thành phố cảng, Dòng sông ân nghĩa, Dế mèn phưu lưu ký, Romeo và Juliet.

Theo bà Mai, ngoài phát sóng vào mỗi thứ 7 hàng tháng, các tác phẩm sân khấu còn được phát lại trên các kênh sóng truyền hình (THP, THP+), phát thanh và trên nhiều nền tảng mạng xã hội số khác.

56 buổi lưu diễn được tổ chức thực hiện phục vụ nhân dân. Việc tổ chức biểu diễn miễn phí phục vụ nhân dân tại Nhà hát thành phố vào tối chủ nhật sau chương trình công diễn truyền hình trực tiếp tạo được dấu ấn sâu sắc, trở thành điểm hẹn văn hóa với du khách và người dân. Đặc biệt, với những vở diễn về đất và người Hải Phòng, như Hội vật cầu, Dòng sông ân nghĩa, Thanh âm thành phố cảng.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cũng cho biết, đổi mới chương trình sân khấu truyền hình là yêu cầu thường xuyên qua từng vở diễn. Dự kiến, 6 tháng cuối năm, Sở tiếp tục đầu tư thực hiện 6 chương trình, vở diễn sân khấu truyền hình trên cơ sở lựa chọn hài hòa các chủ đề và thể loại.

Sở cũng đề nghị, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện, mời các nghệ sĩ, ê-kíp sáng tạo từ Trung ương. Đồng thời, các đoàn nghệ thuật tăng cường lưu diễn về ngoại thành, hải đảo… để mọi người dân đều có cơ hội thưởng thức các vở diễn, nghệ thuật.

Tại hội nghị, ông Trần Trung Hiếu - Trưởng đoàn Kịch nói Hải Phòng cho biết Đề án sân khấu truyền hình đã lan tỏa sâu rộng tới công chúng thành phố và cả nước. Đề án đã quy tụ được các nghệ sĩ, đạo diễn tên tuổi của các đoàn nghệ thuật Trung ương.

Trong tháng 6, Đoàn Kịch nói đã xây dựng thành công vở kịch Romeo và Juliet, một vở kịch kinh điển của nhà văn William Shakespeare, do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn đã được đông đảo khán giả đón nhận và ca ngợi.

Còn NSND Tự Long - Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết đề án sân khấu này không chỉ là kênh sân khấu lan tỏa mà còn là kênh học đường, mọi người có thể tìm hiểu lịch sử Hải Phòng, con người Hải Phòng.

Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định đề án là điểm sáng của hoạt động sân khấu cả nước. Các chương trình, vở diễn đã được dàn dựng công phu. Đề án, còn là cơ hội để giới văn nghệ sĩ, diễn viên thỏa sức sáng tác, biểu diễn, nâng cao trình độ, sức sáng tạo nghệ thuật.

Với tinh thần đó, các đoàn nghệ thuật đang tích cực mời các ê-kíp sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm cách dàn dựng, diễn xuất mới ngày càng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. (Tienphong.vn 25/6, Nguyễn Hoàn; Quân đội nhân dân 26/6, tr8)

Hải Phòng triển khai Kế hoạch Sáng đèn Nhà hát Thành phố

Chiều 24/6, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã tổ chức triển khai kế hoạch “Sáng đèn Nhà hát thành phố”.

Nhà hát TP. Hải Phòng - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, với vai trò là nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội; là “Điểm hẹn văn hoá, du lịch” đáp ứng đời sống văn hoá tinh thần, nhu cầu giải trí của nhân dân.  Nhà hát Thành phố bao gồm hệ thống những giá trị lịch sử, kiến trúc, sự kiện văn hoá nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu, đang được chính quyền, nhân dân Thành phố phát huy tối đa các giá trị và công năng vốn có trong việc tạo không gian sáng tạo, trình diễn, sinh hoạt, hưởng thụ các giá trị văn hóa; trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa tới cộng đồng.

Phát biểu tại cuộc triển khai, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết: “Với tư cách là một thành tố quan trọng của văn hóa, mỗi hoạt động văn hoá, biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Thành phố cũng chính là một bước phát triển của văn hoá dân tộc. Đây là minh chứng cho kết quả sáng tạo, việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đô thị, phát huy nguồn tri thức, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và Thành phố, xem đó là tài sản văn hóa và là hệ sinh thái văn hóa bền vững của Thành phố và đất nước”.

Để làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình trong việc phát huy vai trò của không gian văn hoá, di tích kiến trúc nghệ thuật, tạo không gian lưu giữ, phát triển và lan toả những giá trị văn hoá, lịch sử; kết nối dòng chảy liên tục trong hành trình sáng tạo văn hoá từ quá khứ đến hiện tại và tương lai; mang lại những giá trị kinh tế bằng những ý tưởng, tác phẩm nghệ thuật có giá trị, ý nghĩa thiết thực.

Khẳng định văn hoá nghệ thuật là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển của con người Việt Nam. Sở Văn hoá và Thể thao mở rộng quy mô “Sáng đèn Nhà hát thành phố” trên cơ sở tạo cơ chế khai thác Nhà hát thành phố không chỉ là địa điểm thăm quan du lịch mà còn là nơi duy trì định kỳ, là điểm hẹn quen thuộc của khán giả và du khách đến thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

“Bên cạnh đó, các chương trình, vở diễn còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo điều kiện để công chúng và du khách tiếp xúc, hưởng thụ nhiều hơn nữa các loại hình nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu hàn lâm, kinh điển, truyền thống, hiện đại đặc sắc, độc đáo. Thúc đẩy hơn nữa việc phát huy tài năng, đổi mới sáng tạo, hình thành nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Khơi dậy truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử; khẳng định vị thế, tiềm năng của Thành phố trong xu thế hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế”, bà Mai nhấn mạnh.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu chia sẻ: “Kế hoạch Sáng đèn Nhà hát Thành phố là chủ trương vô cùng thiết thực. Cùng với sự phát triển chung của thành phố về mọi mặt, thời gian qua văn hóa Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm để phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế để văn hóa thực sự là nền tảng, là mục tiêu và là động lực của  sự phát triển. Đặc biệt, sân khấu Hải Phòng đã được đáng giá là điểm sáng củả cả nước từ phía lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, giới chuyên môn các Tỉnh, Thành phố bạn”.

Theo kế hoạch, tại Nhà hát TP. Hải Phòng, vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần từ 01/7/2023 – 24/12/2023 sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và của Việt Nam thuộc nhiều loại hình nghệ thuật do các đơn vị nghệ thuật của thành phố, các Nhà hát Trung ương và Tỉnh, Thành phố bạn, các Công ty tổ chức sự kiện trong và ngoài Thành phố thực hiện với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành, đơn vị của Thành phố.

Cụ thể, Nhà hát Thành phố sẽ sáng đèn bằng 2 đêm mở màn (ngày 1 và 2/7) với vở diễn kinh điển Romeo và Juliet. Cùng thời gian này tại Nhà hát Tháng Tám cũng có 2 chương trình biểu diễn. Đó là, chương trình “Ai rồi cũng sẽ khác” của Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ và Truyền thông Sóng By Night vào tối 1/7 và chương trình Đời Cười của Nhà hát Tuổi trẻ” vào tối 2/7.

Với chuỗi các chương trình vở diễn đặc sắc được diễn ra các tối Thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần Nhà hát TP. Hải Phòng sẽ trở thành điểm hẹn văn hóa độc đáo và ấn tượng đối với nhân dân và du khách, một minh chứng cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nói riêng và đời sống tinh thần nói chung của nhân dân Thành phố. (Baodautu.vn 24/6, Thanh Sơn; Nhandan.vn 24/6; Truyền hình nhân dân – Thời sự ngày 26/6)

Hải Phòng: Thiếu niên 15 tuổi tử vong do đuối nước

Tối 22/6, trên địa huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 1 thiếu niên tử vong.

Khoảng 19 giờ ngày 22/6, UBND xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) nhận được tin báo về trường hợp em Đ.V.T. (SN 2008, trú tại thôn 9, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) bị đuối nước ở khu vực Cống Mới thuộc công trình đường bộ ven biển đang thi công.

Sau đó, các cơ quan chức năng phối hợp triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đến đêm 22/6, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy thi thể em Đ.V.T. gần khu vực gặp nạn.

Được biết, chiều 22/6, em Đ.V.T. cùng các bạn đi đá bóng sau đó ra khu vực Cống Mới chơi. Cũng theo chính quyền địa phương, khu vực này chưa từng xảy ra trường hợp đuối nước. Sau khi tìm thấy thi thể em T., chính quyền địa phương đã bàn giao cho gia đình để lo hậu sự. (Vov.vn 23/6, Huyền Chi; Laodong.vn 23/6)

Cháy xưởng phế liệu ở ngoại thành Hải Phòng

Chiều 25/6, Công an TP. Hải Phòng thông tin về vụ cháy tại nhà xưởng ở thôn Tiên Nông, xã Đại Bản, huyện An Dương.

Hồi 9h59' ngày 25.6, Trung tâm 114 - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP. Hải Phòng nhận tin báo cháy tại nhà xưởng số 34 thôn Tiên Nông, xã Đại Bản, huyện An Dương.

Ngay sau đó, Trung tâm đã chỉ đạo Đội Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực xuất 4 xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sĩ đến triển khai đội hình chữa cháy.

Hiện trường cháy trong nhà xưởng chứa phế liệu 120 m2 chủ yếu là giấy. Đến 10h25' cùng ngày, lực lượng công an đã khống chế được đám cháy, không thiệt hại về người. Cơ quan chức năng đang thống kê thiệt hại về tài sản.

Hiện trường vụ cháy bàn giao cho Công huyện An Dương tiếp tục điều tra làm rõ. (Laodong.vn 25/6, Băng Tâm)

Hải Phòng: Làng dệt chiếu cói đứng trước nguy cơ thất truyền

Do thiếu vùng nguyên liệu tại chỗ, làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương ở huyện Tiên Lãng đứng trước nguy cơ thất truyền khi hộ làm nghề cuối cùng đã treo go dệt.

Chia sẻ với phóng viên Người Đưa Tin về nghề dệt chiếu cói, bà Phạm Thị Nghìn, ở thôn Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng ngậm ngùi: “Tôi học dệt chiếu cói từ năm 24 tuổi khi về Lật Dương làm dâu. Công việc dệt chiếu đem lại thu nhập khá giúp vợ chồng tôi nuôi các con khôn lớn.

Trước đây chăm chỉ, mỗi ngày vợ chồng tôi dệt được 3-4 lá chiếu, kiếm được 300-400 nghìn đồng. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thu nhập từ nghề sút giảm do giá cói tăng cao, mỗi lá chiếu chỉ đem lại số tiền công 30-35 nghìn đồng. Vì thế, từ cuối năm 2022, tôi cùng chồng tháo chiếc go dệt chiếu gắn bó gần 50 năm cất kỹ mong có ngày thu nhập từ dệt chiếu tăng lên, con cháu sẽ tiếp tục theo nghề truyền thống”.

Ông Phạm Văn Liên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chiếu cói Lật Dương, cho biết, nghề dệt chiếu cói Lật Dương có từ hơn 300 năm trước, được TP. Hải Phòng công nhận làng nghề truyền thống năm 2007. Giai đoạn nhộn nhịp nhất của làng nghề khoảng từ năm 1980 đến năm 2005. Khi ấy, cả làng có hơn 450 go dệt với khoảng 90% số hộ trong làng làm nghề (hơn 300 hộ).

Từ năm 2007, khi cụm công nghiệp Tiên Lãng được thành lập, lớp thanh niên ở Lật Dương bỏ go dệt chiếu để đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp. Thêm con rươi ngày càng có giá, những vùng trồng cói ở huyện nhà và huyện Vĩnh Bảo lân cận bị phá bỏ để làm đầm rươi. Người làm nghề dệt chiếu phải sang tỉnh Thái Bình, thậm chí đến cả tỉnh Thanh Hóa để thu mua cói.

Do vận chuyển từ xa về đẩy giá cói lên cao trong khi giá bán chiếu dù có tăng nhưng không tương xứng, thu nhập từ nghề dệt chiếu giảm xuống chỉ còn bằng một nửa, thậm chí bằng 1/5 so với trước. Mỗi thợ dệt chiếu lành nghề làm việc cật lực từ 5 giờ sáng đến tối chưa kiếm được nổi 100 nghìn đồng/ngày. Vì thế, người người, nhà nhà lần lượt “treo go”, chỉ còn vợ chồng bà Nghìn còn “sống chết” với nghề dệt chiếu truyền thống.

Cuối năm 2022, vợ chồng bà Nghìn tháo go cất đi, cả thôn Lật Dương không còn hộ nào dệt chiếu. Để mưu sinh, nhiều hộ chuyển sang mua buôn chiếu từ tỉnh Thái Bình rồi đưa đi khắp hang cùng ngõ hẻm bán lẻ. Tiếng rao “Ai chiếu cói Lật Dương” quen thuộc với người dân Hải Phòng giờ chỉ còn trong ký ức.

Để cứu làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương, chính quyền địa phương, nhất là HTX Chiếu cói Lật Dương xoay xở “trăm phương nghìn kế”. Theo lời ông Phạm Văn Liên - Giám đốc HTX Chiếu cói Lật Dương, hàng năm, UBND xã Quang Phục, HTX Chiếu cói Lật Dương phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Tiên Lãng, Liên minh HTX và Doanh nghiệp Hải Phòng mở các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề dệt chiếu, trung bình mỗi lớp có 30-35 học viên theo học. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, không còn học viên nào đăng ký theo học.

Để tăng năng suất, hiệu quả lao động giúp cải thiện thu nhập cho thợ dệt chiếu, hơn 10 năm trước, HTX Chiếu cói Lật Dương đề xuất và được TP. Hải Phòng hỗ trợ 50% số tiền 115 triệu đồng mua máy dệt chiếu cói. Thế nhưng, do giá nguyên liệu đầu vào cao, chiếu cói Lật Dương không cạnh tranh được với chiếu cói Thái Bình, Thanh Hóa, nên chỉ hoạt động được hơn 2 năm, máy dệt chiếu nằm “đắp chiếu” đến nay.

Ông Phạm Văn Liên cho rằng, để làng nghề dệt chiếu cói truyền thống Lật Dương khỏi thất truyền, quan trọng nhất phải xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành đầu vào, qua đó nâng cao thu nhập cho thợ dệt chiếu. “Năm 1999, tôi được mời cùng đoàn công tác của huyện Tiên Lãng xuống vùng Cống Rộc, ở xã Vinh Quang cùng huyện để khảo sát xây dựng vùng trồng cói cung cấp nguyên liệu cho làng nghề Lật Dương. Tuy nhiên, sau chuyến đi đó, mọi chuyện rơi vào quên lãng cho đến nay”, ông Liên buồn rầu.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Quang Phục, cho biết, song song xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ, để bảo tồn và phát triển làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương, chính quyền TP. Hải Phòng và huyện Tiên Lãng cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hơn nữa giúp các hộ trở lại làm nghề. Tiếp đó, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của làng nghề, tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời, xem xét xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối các làng nghề, trong đó có làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương, xây dựng sản phẩm chiếu cói Lật Dương thành mặt hàng quà lưu niệm… (Nguoiduatin.vn 25/6, Tân Thắng)

Gần gũi, cởi mở, thân tình

Ra đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng) công tác, được trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo tiền tiêu, điều chúng tôi ấn tượng chính là sự gần gũi, cởi mở, thân tình giữa cán bộ với chiến sĩ và giữa các chiến sĩ với nhau.

Ở họ gần như không có khoảng cách mà luôn gần gũi chia sẻ, hiểu và tin yêu nhau. Cán bộ thực sự là những người anh, người chị của chiến sĩ, hướng dẫn chỉ bảo từ những việc nhỏ trong huấn luyện và sinh hoạt hằng ngày.

Thiếu tá Phạm Văn Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Bộ CHQS TP. Hải Phòng) cho biết: "Để thật sự hiểu, gần gũi, sẻ chia những khó khăn, vất vả, động viên tinh thần cho chiến sĩ, đơn vị giao nhiệm vụ, phân công cụ thể cho cán bộ, chỉ huy Tiểu đoàn và “Tổ tư vấn tâm lý quân nhân” ở cấp tiểu đoàn, đại đội, kết hợp với gia đình, bạn bè, đồng hương của chiến sĩ ở ngay trong đơn vị theo dõi, động viên để cùng tháo gỡ vướng mắc; linh hoạt giải quyết kịp thời vấn đề tư tưởng nảy sinh".

Để giúp bộ đội yên tâm, gắn bó xây dựng đơn vị, luôn coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, thường xuyên tổ chức các hoạt động như diễn đàn thanh niên, sinh nhật đồng đội, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao với đơn vị kết nghĩa, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và nhân dân trên đảo.

Chia sẻ về những biện pháp trong giải quyết tình hình tư tưởng của đơn vị, Đại úy Bùi Quang Đông, Chính trị viên phó Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ cho biết thêm, đặc thù ở đảo, đóng quân xa đất liền, điều kiện cơ sở vật chất, nơi ăn, ở còn nhiều thiếu thốn. Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ gia đình có việc riêng như bố mẹ, con ốm hoặc vợ sinh không thể về được do phương tiện ra vào đất liền cũng hạn chế, thậm chí vào mùa biển động, thời tiết khắc nghiệt, gió cấp 5 trở lên là tàu, thuyền phải tạm dừng hoạt động. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã linh hoạt trong nắm, quản lý và giải quyết tốt tình hình tư tưởng. Khi có điều kiện thuận lợi, đơn vị báo cáo cấp trên để giải quyết cho quân nhân nghỉ phép về thăm gia đình, qua đó giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, xây dựng đơn vị.

Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Quý, nhân viên Đại đội bảo quản, Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ trải lòng: “Nhiều đồng chí gia đình có việc riêng, không thể về được nhưng chúng tôi được chỉ huy đơn vị, đồng chí, đồng đội rất quan tâm, coi nhau như anh em trong nhà để sẻ chia niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cùng nhau quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền biển, đảo”.

Nhờ có chủ trương, biện pháp linh hoạt trong công tác nắm, quản lý và giải quyết tốt tình hình tư tưởng nên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ luôn yên tâm công tác, xác định tốt nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Qdnd.vn 26/6, Nguyễn Thanh)

Thấy lân tinh phát sáng ven biển, ven sông ở Hải Phòng, thì ra là mùa sản vật cực ngon đã tới

Theo các kết quả nghiên cứu, nguồn lợi thủy sản ở vùng ven biển, ven sông Hải Phòng, ngoài những đặc điểm chung của nguồn lợi vịnh Bắc Bộ, còn có những đặc trưng vượt trội nhờ tính đa dạng sinh học cao từ sự ưu đãi của thiên nhiên.

Giai thoại "dở khóc dở cười" về làng văn hóa có tên là làng Nghiện ở TP. Hải Phòng

Điều quan trọng nhất, chính yếu tố địa hải chất riêng đó đã tạo cho Hải Phòng một vùng nước lợ, với nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, mà tôm rảo có thể coi là một loài tiêu biểu.

Những người làm nghề sông nước nói rằng: “Tôm rảo chỉ quái dị sau loài rươi ở vùng nước lợ”, có lẽ đúng thế. Nhưng nhìn bề ngoài, giống tôm này có vẻ dễ ưa hơn rươi rất nhiều, với thân hình mềm óng, khi được đưa lên cạn luôn cong cớn bật tưng tưng.

Hơn nữa, dù có vụ thu hoạch đại trà, tôm rảo cũng khác rươi ở chỗ có thể xuất hiện quanh năm, dễ chế biến và quan trọng nhất là ai cũng thưởng thức được. Có chăng sự quái dị của loại đặc sản này là do quá trình sinh trưởng của nó.

Ngày trước, cái thời gia vị hiếm hoi, tôm rảo chỉ phổ biến là món rang trần với muối, ấy vậy mà ăn với cơm gạo mới cũng đã ngọt lừ khoé miệng.

Bây giờ ngoài rang muối, tôm rảo được làm nhiều món hơn. Dễ nhất là tôm rảo từng lạng xóc với nửa chén bia rồi hấp lá gừng, ăn nóng đến đâu làm liền đến đó, anh em chiến hữu hợp gu có thêm vài ly rượu, có khi mỗi thực khách cũng la đà xơi đến nửa cân tôm.

Cầu kỳ một chút thì đổ dầu lưng chảo, bếp đun vừa lửa sôi già, tôm rảo ném vào nổi phồng như bánh rán, cắn ngập răng rộm lưỡi. Cũng là chiên rán nhưng có người còn cầu kỳ mua bột gia vị, tẩm hết phần thân trên để thừa một cọng đuôi, món tôm rán tẩm bột bày ra đĩa mới nhìn đã nhấp nháy con mắt.

Thế nên tôm rảo được các nhà hàng đặc biệt trưng dụng để câu khách sành ăn, và cũng khá phổ biến trong thực đơn tiệc tùng ngày nay.

Nhưng dân sành điệu lãng tử lại thích ăn tôm rảo theo lối “phàm tục”, tức là để sống nguyên con, vắt vào vài giọt chanh, nguấy thêm chút “mù tạt” và nước xì dầu, rau ráu ăn như ăn gỏi, người nào “máu” ăn sống nhưng còn giữ gìn vệ sinh thì nhúng qua nồi lẩu.

Một món nữa mà người ở phố ít khi được thưởng thức, đó là món nộm tôm rảo “tằm”, đây là loại tôm rảo mới bắt đầu vào tuổi cập kê, được mổ một đường dọc sống lưng, chần qua nước sôi, gia giảm gồm hoa hoặc thân chuối hột thái mỏng, rau kinh giới, lá tía tô, mùi tàu… lại thêm lạc rang giã vỡ trộn đều, nước dùng chua cay ngọt đủ tầm tưới lên… ăn vào thật đã đời.

Tả qua ngỡ như tôm rảo chỉ dành phần cho người lớn, nhưng các bà mẹ nuôi con nhỏ chảnh ăn, mua tôm rảo về bóc nõn, cắt từng khoanh nửa đốt ngón tay, gia chút mắm nguyên chất để ngấm, dầu ăn chưng nhuyễn với cà chua, đổ tôm vào sốt, khi bắc ra thả vào vài đọn lá hành. Món tôm sốt nước vừa đậm vừa sánh, rưới đều với cơm, trẻ nhỏ chảnh đến mấy cũng khó mà từ chối.

Theo các nhà chuyên môn thì tôm rảo chứa hàm lượng đạm cao bậc nhất trong các loài thuỷ sản, ăn một bữa tôm rảo đã miệng thì cái bụng ưng ức khó tiêu thấy rõ, đêm nằm trằn trọc mất ngủ, triệu chứng ấy các nhà “thuỷ sản học” dân dã gọi là thừa chất.

Như đã nói ở trên, tôm rảo xuất hiện quanh năm, nhưng thực chất chúng cũng có vụ đại trà, mà chỉ vụ ấy, dịp ấy chúng mới hội tụ đầy đủ những đặc tính quái dị nhất. Giống như đa số các loài thủy sinh nước lợ, tôm rảo trưởng thành trong môi trường lợ nhưng lại sinh sản ngoài vùng nặng mặn.

 

Bắt đầu lập đông, khi các con lũ đầu nguồn cùng dòng nước ngọt đậm đỏ phù sa vơi đi, nước mặn xâm thực nhiều hơn là chính mùa sinh sản của tôm rảo. Lúc này, các vùng mặt nước được chủ thầu gạn cạn, đánh bắt hết những kẻ thù “không bơi nước chung” của tôm rảo như cá quả, cá tráp, cá bống…

Để đến triều dâng, vào những đêm trăng sáng, trứng tôm rảo kết vào những đám bọt bồng bềnh trôi trên mặt nước theo thủy triều chảy vào các cửa sông, ánh sáng phát ra lấp lánh như lân tinh, trôi tuột vào các cống được tháo vào đồng. Người làm nghề “bọt nước” lâu năm dùng kinh nghiệm nhìn thuỷ triều đoán được con nước nào nhiều trứng để điều hoà dòng chảy đón trứng tôm.

Cửa cống cũng chỉ mở hé mấy cánh “phai” phía trên, vừa hớt được phần trứng nổi, vừa tránh nước chảy mạnh làm vỡ dập đàn trứng, lại có thể kéo dài thời gian đổ nước đầy đồng để lấy được nhiều trứng tôm hơn.

Bị cầm trong đồng rồi, trứng tôm rảo bám vào các búi rễ lúa rễ cói rồi nở, chẳng mấy độ đã to dần, mình hơi sạm đen rồi bắt đầu cứng vỏ, người ta gọi là rảo tằm. Cứ mỗi tuần trăng, rảo tằm lột xác một lần, lột xác xong là lớn nhanh như thổi, chừng ba tuần trăng tôm rảo bắt đầu vùi mình vào trong bùn, chỉ thò hai chiếc râu rất dài ngo ngoe bám trên nước.

Các chủ đầm bảo rằng, râu tôm rảo dài đến đâu thì nó vùi sâu đến đấy, nên có khi những hôm đầm cạn nước, tôm rảo dầm mình trong hàng chục phân đất sống được vài ngày. Điều lạ là thời kỳ này dường như tôm rảo chẳng ăn uống gì nhưng lại chính là lúc nó tích luỹ năng lượng sinh trưởng, cứ thế lớn phình trong lòng đất cho đến khi đủ độ vẫy vùng. Nên theo tên tục của địa phương, ngoại gọi là tôm rảo, chúng còn được gọi là tôm đất vì thế.

Qua mùa đông, vào tuần trăng đầu tiên của năm âm lịch mới, tôm rảo đẫy mình vùng ra khỏi tổ, chĩa cặp râu dài ấn tượng lao vù vù trên mặt nước như tên lửa, tìm đường thoát ra sông. Ngày trước theo cách truyền thống, khi nước chảy nhẹ các chủ đầm dùng đăng tre chặn các dòng lạch, để hở một chỗ rồi cắm xuống một chiếc “đó”, tôm men theo mép đăng rồi chui tọt vào hom “đó”.

Những hôm đứng nước, người ta treo đèn trong đó “gọi” tôm vào, giống rảo cực kỳ thích ánh đèn, nên chẳng cần nước chảy mà cũng rủ nhau chui đầy rọ. Mấy năm gần đây, vì tận thu nên người ta áp dụng thêm nhiều phương pháp bắt tôm, phổ biến nhất là loại “lờ bát quái”.

Ở những đầm chuyên nghề, thông thường vào mùa lượng tôm tiêu thụ đã được các thương lái đặt mua. Mỗi chu kỳ chính vụ của tôm rảo chừng khoảng 5 đến sáu tháng, rộ vụ là tháng hai, tháng ba âm lịch. Nhưng như đã nói, tôm rảo có quanh năm, dù sản lượng không nhiều nhưng cũng đem lại nguồn thu không nhỏ cho các chủ đầm, loại tôm trái vụ này dân trong nghề gọi là tôm “chân”.

Trên thị trường hiện có nhiều giống tôm thẻ có hình dáng bên ngoài như tôm rảo, nhưng kích thước to hơn, thân mềm hơn, chóng chết và dễ đổi màu, nhưng vẫn không ít người nhầm lẫn.

Cũng họ tôm nhưng rảo đặc biệt không ăn tạp, người ta chỉ biết loại tôm này ăn thức ăn phù du nên chưa thể nuôi tự chủ. Đã có người dày công thử ươm tôm tằm tự nhiên nhiên trong đồng cầm, cho ăn cám và các thức ăn thông thường khác kỳ vọng tăng sản nhưng đều không thành công.

Chính vì vậy nguồn tôm rảo hiện nay bán trên thị trường vẫn là khai thác tự nhiên, điều đặc biệt là chưa thấy ai nhìn thấy tôm rảo mang trứng trên mình bao giờ, nên chúng xứng tên quái sản là thế. (Danviet.vn 24/6)

GIÁO DỤC

Qua phúc khảo bài thi vào 10, Hải Phòng có 58 bài thi thay đổi điểm

Chiều 23/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã công bố kết quả phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục đào tạo tại địa chỉ: http://diemthivao10.haiphong.edu.vn/.

Trước đó, từ ngày 21-23/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phúc khảo bài thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024.

Trong lần phúc khảo này, có 1.058 bài thi đăng ký phúc khảo, trong đó môn Toán có 403 bài, Ngữ văn 325, Ngoại ngữ đại trà 168 bài, tiếng Anh điều kiện 58 bài, tiếng Anh chuyên 29 bài, Toán chuyên 15 bài…

Theo kết quả công bố, có 58 bài thi thay đổi điểm, trong đó có 28 bài lên điểm (chiếm tỷ lệ 2,6%), 30 bài xuống điểm (chiếm tỷ lệ 2,8%).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, từ 8 giờ ngày 24/6 đến 15 giờ ngày 26/6, các thí sinh đăng ký dự thi Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú sẽ thay đổi thứ tự nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển. (Giaoduc.net.vn 24/6, Lã Tiến)

Hải Phòng bổ sung quy chế chuyển trường với học sinh THPT

Học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, sau khi hoàn thành chương trình, được lên lớp thì được chuyển trường.

Theo đó, Sở GD&ĐT Hải Phòng ban hành Văn bản số 1616 về việc bổ sung quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh cấp THPT học chương trình GDPT2018 từ năm học 2022-2023 trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Cụ thể, học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, sau khi hoàn thành chương trình, được lên lớp thì được chuyển trường. Trường hợp lớp học trước đó không trùng môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập tại trường chuyển đến, học sinh cần chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp. Học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn và được nhà trường tiếp nhận chấp thuận phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó (có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ) để đủ năng lực học môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học tiếp theo.

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các hiệu trưởng xem xét, quyết định tiếp nhận học sinh chuyển đến có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường. Nhà trường cần có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới để học sinh có đủ năng lực học môn học mới ở lớp học tiếp theo. Việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn giữa trường chuyển đi và trường chuyển đến.

Các trường THPT (bao gồm các trường công lập và tư thục) thực hiện báo cáo bằng văn bản và gửi về Sở GD&ĐT số lượng học sinh chuyển đi, chuyển đến theo năm học; số lượng học sinh chuyển đến và học sinh tại nhà trường có chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, giải pháp hỗ trợ đã thực hiện đối với học sinh (báo cáo trước ngày 30/9 của năm học). (Giaoducthoidai.vn 24/6, Nguyễn Dịu)

THỂ THAO

Hải Phòng lỡ cơ hội vào top 4

Bắt đầu vòng đấu với hai điểm kém Hà Tĩnh, thầy trò huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm đầy hy vọng cải thiện vị trí. Họ chỉ cần đánh bại Đà Nẵng đang khủng hoảng, trong bối cảnh Hà Tĩnh nhiều khả năng thua CAHN trong trận đấu cùng giờ. Tuy nhiên, chỉ một trong hai điều kiện đó xảy ra. Hà Tĩnh thua CAHN 2-4, kết thúc vòng đấu với 17 điểm, còn Hải Phòng vẫn đứng sau với 16 điểm vì chỉ hòa Đà Nẵng 0-0.

Đây là trận thứ sáu liên tiếp Hải Phòng không thua. Qua 12 vòng, họ chỉ thất bại trước Hà Tĩnh và Hà Nội. Tuy nhiên, đội bóng đất cảng hòa tới bảy trận và là một trong bốn đội hòa nhiều nhất, cùng với Nam Định, HAGL và Đà Nẵng.

Màn trình diễn trên sân Lạch Tray đánh dấu những bước khởi sắc trong lối chơi của Đà Nẵng. Đây là trận thứ hai liên tiếp đội bóng sông Hàn thi đấu dưới sự chỉ đạo của HLV Phạm Minh Đức sau khi sa thải Phan Thanh Hùng. Vòng trước, họ hòa Bình Dương 1-1.

Ngay phút thứ 3, Đà Nẵng đã có cơ hội ngon ăn khi Lucao do Break lừa qua thủ môn Đình Triệu nhưng pha dứt điểm về phía khung thành trống bị Đặng Văn Tới cản trước vạch vôi. Hải Phòng lập tức đáp trả với pha lên bóng tốc độ ở cánh trái. Từ đường căng ngang của Tuấn Anh, Yurri Mamute làm tường, đặt Joseph Mpande vào vị trí thuận lợi. Nhưng cú sút cận thành của tiền đạo Uganda chạm vào thủ thành Văn Biểu rồi ra ngoài.

Sau những phút đầu ăn miếng trả miếng, thế trận bắt đầu nghiêng về Đà Nẵng khi đội khách tận dụng tốt hơn khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương. Lucao thử tài Đình Triệu với cú sút chéo góc từ ngoài vòng cấm. Đình Duy cũng gây bất ngờ khi sút căng từ khoảng cách 30 m. Dù phải mất tới hai nhịp, Đình Triệu vẫn làm chủ tình hình. Trong pha phạt góc sau đó, Lucao đưa bóng vào lưới đội chủ nhà nhưng bị thổi phạt.

Đầu hiệp hai, Đà Nẵng có cơ hội bằng vàng để mở tỷ số. Sai lầm của hàng thủ chủ nhà tạo điều kiện để Phan Văn Long sút chéo góc, buộc Đình Triệu đổ người cản phá. Lucao lao vào đá bồi, nhưng tiền đạo Brazil một lần nữa vô duyên khi cú sút của anh lại bị Phạm Trung Hiếu cản phá trước trước vạch vôi.

Hai đội đều có cơ hội trong những phút còn lại nhưng không bên nào ghi được bàn. Các CĐV tại Lạch Tray tiếc nuối khi pha căng ngang của Minh Dĩ bị Mauricio Pinto can thiệp, khiến bóng không thể đến vị trí của Mamute. Cuối hiệp hai, Đình Duy đối mặt Đình Triệu sau pha đập nhả hay với Anh Tuấn nhưng sút vọt xà. (Vnexpress.net 24/6, Vĩnh san)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Quận ủy Ngô Quyền: Phấn đấu hoàn thành 16/16 chỉ tiêu đại hội Đảng bộ quận lần thứ 23

Chiều 22/6, Quận ủy Ngô Quyền sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện nghị quyết đại hội 13 của Đảng; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội lần thứ 23 của Đảng bộ quận. Đồng chí Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy dự.

Báo cáo của Quận ủy Ngô Quyền nêu rõ, đến hết năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ quận, có 4/16 chỉ tiêu vượt tiến độ; 9/16 chỉ tiêu bám sát nghị quyết; 3/16 tiếp tục phấn đấu.

Đạt được kết quả đó là nhờ Quận ủy triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 9 giải pháp chủ yếu, đạt được những kết quả rõ nét trên các lĩnh vực. Kinh tế quận dần phục hồi và có bước phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: tỷ trọng thương mại, dịch vụ đạt 81%, công nghiệp, xây dựng đạt 19%.  Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư nâng cấp, chỉnh trang; hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Chính trị - Hành chính quận. Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung cao, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án lớn. Các lĩnh vực văn hóa xã hội; QPAN đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác thu ngân sách và xây dựng Đảng. Nhờ vậy, số thu ngân sách năm 2022 đạt 1.738 tỷ đồng, gần đạt chỉ tiêu đại hội đề ra cho tới năm 2025 là 1.955 tỷ đồng. Các mặt công tác xây dựng Đảng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao, với sự đổi mới rõ rệt, phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Đảng. Các đồng chí Thường trực Quận ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy viên Quận ủy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Tại hội nghị, Quận ủy Ngô Quyền cũng thẳng thắn nhìn nhận 7 hạn chế trong  lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội và một số chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội; làm rõ 6 nguyên nhân của những hạn chế; rút ra 5 bài học kinh nghiệm…

Từ đó, Quận ủy Ngô Quyền xác định  quyết tâm hoàn thành 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 23 Đảng bộ quận đã đề ra. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu hoàn thành vượt mức 3 chỉ tiêu: tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; kết nạp đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo các chỉ tiêu chưa bảo đảm tiến độ trong nửa đầu nhiệm kỳ như thu thuế ngoài quốc doanh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn; vốn đầu tư toàn xã hội; có trên 5.200 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Đồng thời đề ra 9 giải pháp trọng tâm để thực hiện.

Đồng chí Đào Khánh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy ghi nhận và đánh giá rất cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn và đạt nhiều kết quả nổi bật của Quận ủy Ngô Quyền trong nửa nhiệm kỳ qua. Đặc biệt là sự quyết tâm, khát vọng phát triển, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, áp dụng sáng tạo vào thực tế của quận, nỗ lực phấn đấu giữ vững thương hiệu quận trung tâm thành phố. Đồng chí Đào Khánh Hà tin tưởng, với đà phát triển đó, quận Ngô Quyền hoàn toàn có khả năng hoàn thành toàn diện, vượt mức 16/16 chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo đồng chí Đào Khánh Hà, Quận ủy Ngô Quyền cần tiếp tục phát huy tốt hơn thế mạnh, nhìn thẳng vào hạn chế yếu kém và có biện pháp khắc phục. Ngoài 9 giải pháp trọng tâm đã được bàn bạc kỹ tại hội nghị, cần chú trọng rà soát bổ sung các quy chế quy định phù hợp; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ để tạo sự đồng thuận cao nhất, phát huy tốt nhất năng lực sở trường cũng như khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên. Trong đó, cần lưu ý làm tốt công tác chính trị tư tưởng; tập trung củng cố đội ngũ cán bộ, có sự kế thừa và chuẩn bị tốt cán bộ cho nhiệm kỳ sau, chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Về phát triển KT-XH, đồng chí Đào Khánh Hà yêu cầu quận Ngô Quyền tập trung cao cho công tác thu ngân sách; có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm trễ, kéo dài; thu hồi các khu đất, dự án kém hiệu quả; tập trung phát triển nhanh doanh nghiệp; chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng trọng tâm là thương mại dịch vụ… Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự; chăm lo đời sống nhân dân; bảo đảm ASXH… (Anhp.vn 24/6, Hồng Thanh)

Chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch: Cần thêm phương tiện, thiết bị chuyên sâu

Thời điểm này, nông dân đang thu hoạch rộ lúa xuân và rau màu vụ xuân hè. Phần lớn bà con có nhu cầu bảo quản, chế biến nông sản, nhưng thực tế thiếu phương tiện, thiết bị chuyên sâu nên công việc khá vất vả, đồng thời khó bảo đảm chất lượng nông sản như mong muốn.

Sản xuất với quy mô lớn, song nhiều hộ tích tụ ruộng đất, thu gom ruộng bỏ hoang để trồng lúa thấp thỏm lo lắng chọn thời điểm thu hoạch và vận chuyển lúa đến bán cho thương lái hoặc doanh nghiệp thuận lợi nhất. Nguyên nhân vì phần lớn nông dân không có phương tiện, thiết bị sấy thóc hay kho chứa để có thể lưu giữ sản phẩm trong lúc chờ bán. Ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, gia đình tích tụ được 10 ha ruộng, mỗi vụ thu hoạch 60- 70 tấn thóc. Số lượng thóc thu hoạch khá lớn, nếu gặp mưa bão sẽ rất khó khăn, vất vả vì phải đem sản phẩm đi sấy nhờ máy sấy của doanh nghiệp. Dịch vụ này không nhiều, các hộ thường phải chờ đến lượt. Có lúc do chờ đợi lâu quá, thóc bị nảy mầm, không đáp ứng yêu cầu thu mua của doanh nghiệp và thương lái.

Không phải thu hoạch rộ như lúa, người trồng rau màu có thể thu hoạch sản phẩm rải rác nhưng cũng thiếu máy móc và phương tiện bảo quản, chế biến nên khó đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp hoặc các cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn. Bà Nguyễn Thị Hòa ở vùng trồng rau xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên) phản ánh, bà thường bán lẻ rau màu tại địa phương, mà không bán được cho các cửa hàng nông sản an toàn hay siêu thị vì trong gia đình không có điều kiện chế biến và thiết bị bảo quản, lưu giữ sản phẩm sau thu hoạch.

Theo tổng hợp của Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện khâu chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm, đầu tư. Nguyên nhân do thói quen sản xuất của không ít nông dân còn trông chờ vào thời tiết. Một số hộ ý thức được tầm quan trọng của việc chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm sau thu hoạch, muốn đầu tư phương tiện, thiết bị nhưng hạn chế về kinh phí. Theo phản ánh, nông dân không có điều kiện đầu tư máy sấy thóc có giá hàng tỷ đồng. Số Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp được các cơ quan chức năng tranh thủ nguồn vốn để hỗ trợ máy sấy thóc hay kho lạnh, tủ bảo ôn... chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có doanh nghiệp, HTX muốn đầu tư nhà bảo quản, sơ chế và chế biến sản phẩm sau thu hoạch nhưng gặp vướng về thủ tục. Như HTX Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) dự kiến chuyển kho lạnh bảo quản nông sản ra vị trí mới nhưng chưa có quỹ đất. HTX Chăn nuôi Thái Sơn (huyện Kiến Thụy) muốn xây nhà chế biến sản phẩm sau thu hoạch, nhưng không được chính quyền cho phép xây công trình trên đất nông nghiệp.

Theo Trưởng Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Bùi Cảnh Đức, nâng cao năng lực bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là giải pháp quan trọng để nông sản Hải Phòng có thể sản xuất theo hướng hàng hóa và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để đầu tư cho khâu này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Với tiềm lực của doanh nghiệp, có thể đầu tư các máy móc, thiết bị phục vụ chế biến và bảo quản.

 

Đồng thời, có cơ chế khuyến khích hình thành các nhà máy chế biến ở địa phương. Thực tế, thời gian qua, ở Hải Phòng có những doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, máy sấy nông sản, các loại máy chế biến nông sản để mở rộng sản xuất. Đơn cử với huyện Vĩnh Bảo, nông dân các xã tham gia sản xuất rau đậu tương liên kết Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê đều được doanh nghiệp hỗ trợ đem thiết bị đến từng vùng sản xuất để chế biến rau đậu tương ngay tại ruộng.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX có nhu cầu đầu tư kho lạnh, phương tiện, thiết bị chế biến nông sản, thực phẩm. Có thể linh động sử dụng quỹ đất công ích của các địa phương, cho phép doanh nghiệp thuê đầu tư xây dựng kho lạnh, nhà sơ chế nông sản, thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX các thủ tục để đầu tư nhanh gọn, thuận tiện...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam cho rằng, cùng với đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ chế biến và bảo quản nông sản, nông dân cần nắm được quy trình, kiến thức, công nghệ sử dụng các trang thiết bị này để phát huy hiệu quả, tác dụng cao nhất. Các cơ quan chức năng thường xuyên mở lớp tập huấn kiến thức hoặc hội thảo, hội nghị về vấn đề này có sự tham gia của nông dân và các doanh nghiệp, HTX.

Cùng với đó, thành phố có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Đồng thời, khuyến khích nông dân liên kết thành tổ, nhóm sản xuất để có thể mua, sử dụng chung trang thiết bị phục vụ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. (Baohaiphong.com.vn 23/6, Hương An)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ kích hoạt định danh điện tử

Chiều 23/6, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 chủ trì Hội nghị trực tuyến với các quận/huyện, xã/phường/thị trấn nghe báo cáo tiến độ triển khai, thực hiện nhiệm vụ kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn TP. Hải Phòng. (Congly.vn 24/6, Vũ Ba; Thuonghieucongluan.com.vn 24/6)

Hải Phòng: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng kiểm tra năng lực vận hành tàu chữa cháy, cứu nạn 200 tỷ đồng

Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kiểm tra năng lực vận hành, khả năng sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy. (Doanhnghiephoinhap.vn 24/6)

Hải Phòng: Hai thanh niên bị phạt 15 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật về cưỡng chế đất đai

Công an huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) vừa tiến hành lập biên bản, ra Quyết định xử phạt đối với Đàm Trì H. (sinh năm 1993, trú tại xã Minh Tân, TP. Hải Phòng) và Lương Văn N. (sinh năm 1989,trú tại xã An Lư, cùng huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) về hành vi "cung cấp, chia sẻ, thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức". (Congthuong.vn 23/6)

Hải Phòng: Sự cảnh giác của người đàn ông chặn đứng âm mưu lừa đảo của kẻ giả danh shipper

Ngày 25/6, Công an TP. Hải Phòng đưa ra cảnh báo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo nhận bưu phẩm hộ người thân. Công an TP. Hải Phòng đề nghị người dân, nhất là người già cần hết sức cảnh giác, xác minh kỹ thông tin mua hàng trước khi thanh toán tiền để nhận bưu phẩm hộ người thân. Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 25/6)./.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn