Điểm tin hằng ngày về Hải Phòng (ngày 09/12/2021)

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Ngày 8/12 ghi nhận 14.599 ca mắc, 230 bệnh nhân COVID-19 tử vong

Ngày 8/12, Bộ Y tế cho biết trong ngày ghi nhận 14.599 ca nhiễm mới với 4 ca nhập cảnh và 14.595 trường hợp trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành, có 8.322 ca trong cộng đồng.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (1.475), Tây Ninh (874), Sóc Trăng (781), Bình Phước (747), Bến Tre (740), Đồng Tháp (725), Cần Thơ (676), Bà Rịa - Vũng Tàu (539), Vĩnh Long (525), Cà Mau (511), Khánh Hòa (489), Đồng Nai (461), Bình Dương (455), Trà Vinh (443), Bạc Liêu (438), Kiên Giang (422), Hà Nội (396), Tiền Giang (307), An Giang (279), Hải Phòng (265), Bình Thuận (262), Hậu Giang (248), Bình Định (234), Thanh Hóa (219), Nghệ An (197), Lâm Đồng (181), Bắc Ninh (173), Đà Nẵng (169), Thừa Thiên Huế (163), Gia Lai (135), Hà Giang (109), Đắk Nông (100), Ninh Thuận (87), Long An (77), Hưng Yên (72), Phú Yên (67), Quảng Nam (66), Nam Định (60), Quảng Ninh (56), Quảng Ngãi (44), Thái Nguyên (44), Hải Dương (44), Vĩnh Phúc (37), Phú Thọ (34), Thái Bình (33), Quảng Bình (29), Bắc Giang (25), Yên Bái (16), Quảng Trị (14), Tuyên Quang (14), Hòa Bình (10), Sơn La (9), Lào Cai (7), Hà Nam (5), Cao Bằng (3), Điện Biên (2), Lai Châu (1), Bắc Kạn (1).

Trong ngày có thêm 24.737 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.036.393 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.506 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.346 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.194 ca; Thở máy không xâm lấn: 172 ca; Thở máy xâm lấn: 778 ca; ECMO: 16 ca.

Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 07/12 đến 17h30 ngày 08/12 ghi nhận 230 ca tử vong tại: Tại TP. Hồ Chí Minh (75) trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (1), An Giang (1), Tiền Giang (1), Đồng Nai (2), Long An (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1), Đắc Lắk (1); tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (24), Đồng Nai (18), Bình Dương (16), Tiền Giang (14), Long An (13), Vĩnh Long (12 tử vong trong 02 ngày 07-08/12), Kiên Giang (12), Tây Ninh (11), Cần Thơ (10), Sóc Trăng (4), Lâm Đồng (3), Cà Mau (3), Trà Vinh (2), Khánh Hòa (2), Bình Phước (2), Bình Thuận (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (1), Hải Phòng (1), Hòa Bình (1), Nghệ An (1), Bến Tre (1). (Tienphong.vn 08/12, Hà Minh; Baophapluat.vn 08/12; Dangcongsan.vn 08/12; Vtc.vn 08/12; Suckhoedoisong.vn 08/12)

157 ca dương tính mới, Hải Phòng phát hiện nhiều F0 trong khu công nghiệp

Ngành Y tế TP. Hải Phòng vừa thông tin, ngày 08/12/2021, địa phương ghi nhận thêm 157 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố là 1697 ca.

Cụ thể, huyện Thủy Nguyên ghi nhận 45 ca dương tính, trong đó 37 ca là các trường hợp sàng lọc tại công ty Regina khu công nghiệp VSIP, các trường hợp còn lại là các trường hợp F1.

Huyện Tiên Lãng ghi nhận 30 ca, chủ yếu là các trường hợp F1, các trường hợp lấy mẫu sàng lọc tại cộng đồng tại các xã của huyện.

Tại quận Hồng Bàng có 17 ca, trong đó 2 ca là trường hợp được sàng lọc tại công ty Regina KCN VSIP Thủy Nguyên. Các trường hợp còn lại là các trường hợp sàng lọc tại cộng đồng, bệnh viện và trường hợp F1 của các F0 trước đó.

Quận Ngô Quyền ghi nhận 17 ca, trong đó 1 trường hợp có triệu chứng ho sốt, làm test nhanh dương tính, 10 ca là công nhân của ECOBA làm việc tại công trường Hoàng Huy tại Hồng Bàng, các trường hợp còn lại sàng lọc tại cộng đồng và trường hợp F1 của các F0 trước đó.

Quận Lê Chân có 16 ca, trong đó 1 trường hợp làm xét nghiệm sàng lọc tại công ty Regina của KCN VSIP, 2 trường hợp có liên quan tới chợ Sắt, các trường hợp còn lại là các trường hợp sàng lọc tại cộng đồng và các trường hợp F1.

Quận Hải An tiếp tục ghi nhận số ca dương tính tăng, trong đó 2 trường hợp sàng lọc cộng đồng, các trường hợp còn lại là trường hợp F1 của các F0 trước đó.

Ngoài ra có 5 ca tại Kiến An, 5 ca huyện Kiến Thụy, 4 ca quận Đồ Sơn, 2 ca huyện An Dương, An Lão 1 ca, 2 ca huyện Vĩnh Bảo (trong đó 1 trường hợp là học sinh tại trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm), còn lại chủ yếu là F1. (Suckhoedoisong.vn 08/12, Minh Lý; Baoquocte.vn 09/12; Daidoanket.vn 08/12; Laodong.vn 08/12)

Hải Phòng ghi nhận ca bệnh đầu tiên tử vong do COVID-19

Ngày 7/12/2021, bệnh nhân nhập viện vào khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 với chẩn đoán ban đầu suy hô hấp, viêm phổi nặng do COVID-19.

Theo Sở Y tế Hải Phòng, ngày 8/12, Hải Phòng ghi nhận ca đầu tiên tử vong do COVID-19. Bệnh nhân là nam, 77 tuổi, trú tại phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 do chống chỉ định.

Ngày 7/12/2021, bệnh nhân nhập viện vào khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 với chẩn đoán ban đầu suy hô hấp, viêm phổi nặng do COVID-19.

Dù đã được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đáp ứng kém, khó thở tăng dần. Đến 4h ngày 8/12, bệnh nhân lơ mơ, suy hô hấp mức độ nặng nên đã được đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, bù dịch điện giải, thăng bằng kiềm toan, lọc máu, dùng kháng sinh phối hợp, tuy nhiên bệnh cảnh vẫn diễn biến nặng. Đến trưa cùng ngày, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, được cấp cứu nhưng đã tử vong hồi 12h45 phút cùng ngày.

Theo báo cáo mới nhất của ngành y tế Hải Phòng, tổng số trường hợp ghi nhận mắc COVID-19 tại Hải Phòng là 1.540 ca. Trong giai đoạn dịch từ ngày 27/4/2021 đến nay có 1.534 ca, trong đó 48 nhập cảnh. Có 221 ca đã được điều trị và xuất viện, hiện các cơ sở y tế của Hải Phòng đang điều trị cho 1.272 ca.

Đã có 14/15 quận, huyện trên địa bàn có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (nơi chưa có trường hợp dương tính là huyện đảo Bạch Long Vỹ). Dịch đã xâm nhập nhanh chóng, sâu rộng vào nhà máy, trường học, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, đặt thành phố trước nguy cơ, sự đe dọa bùng phát dịch trên diện rộng, nhất là khi nhiều tổ chức, cá nhân còn rất chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Các hoạt động có tập trung đông người vẫn được tổ chức thường xuyên ở nhiều nơi. TP. Hải Phòng đang tập trung cao phòng, chống dịch COVID-19. (TTXVN/VietnamPlus.vn/Baotintuc.vn/Bnews.vn 08/12, Minh Thu; Baogiaothong.vn 08/12; Vietnamnet.vn 08/12; Tienphong.vn 08/12; Kinhtedothi.vn 08/12; Baophapluat.vn 08/12; Kinhtenongthon.vn 08/12; Danviet.vn 08/12; Nhandan.vn 08/12; Plo.vn 08/12; Daidoanket.vn 08/12; Giaoducthoidai.vn 08/12; Laodong.vn 08/12; Thanhnien.vn 08/12; Dantri.com.vn 08/12; Congluan.vn 08/12; Thoidai.com.vn 08/12; Thuonghieucongluan.com.vn  08/12; Baotainguyenmoitruong.vn 08/12)

Hải Phòng ghi nhận 8 thiếu nữ tại khu du lịch Đồ Sơn dương tính COVID-19

Kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR của Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng tối 8-12 xác định có 8 thiếu nữ cùng lưu trú tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn dương tính COVID-19.

Tối 8/12, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng cho biết trong số các mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 do Trung tâm Y tế Đồ Sơn lấy mẫu, được bệnh viện thực hiện bằng phương pháp PCR xác định có 8 thiếu nữ đến từ nhiều địa phương khác nhau nhưng đang cùng lưu trú tại khu Trung Nghĩa 2, phường Hợp Đức dương tính với COVID-19.

Sau khi xác định các trường hợp trên dương tính, ngành y tế đang tập trung khoanh vùng, truy vết những người tiếp xúc gần. Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng là một trong số các cơ sở được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hải Phòng, tính đến 18h ngày 8/12, địa phương tiếp tục ghi nhận thêm 157 ca dương tính SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc toàn thành phố là 1.697 ca.

Đáng nói, số ca mắc có xu hướng xuất hiện tại nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Lần đầu tiên, địa phương này đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân 77 tuổi ở quận Ngô Quyền chết do mắc COVID-19. (Tuoitre.vn 08/12, Tiến Thắng; Doisongvietnam.vn 08/12)

Hải Phòng tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 8/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chỉ thị nêu rõ, hiện nay dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trong cộng đồng. Chỉ từ ngày 23/11/2021 đến nay, TP. Hải Phòng đã ghi nhận 1.334 ca F0 trong cộng đồng, trong đó có các ổ dịch lớn tại quận Hồng Bàng, huyện Tiên Lãng và nhiều điểm có dịch ở các quận, huyện. Dịch bệnh đã xâm nhập sâu rộng vào nhà máy, trường học, các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, đặt thành phố trước nguy cơ, sự đe dọa bùng phát dịch trên diện rộng, đặc biệt khi nhiều tổ chức, cá nhân còn rất chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; các hoạt động có tập trung đông người vẫn được tổ chức thường xuyên ở nhiều nơi.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, các cấp ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung cao hơn, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các địa phương, đơn vị, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được; tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố, hướng dẫn của ngành Y tế và các ngành chức năng; phát huy tính chủ động, linh hoạt, đề ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Mô hình “Trạm y tế lưu động” triển khai tại tất cả xã, phường, thị trấn; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, thực hiện cách ly y tế, quản lý, theo dõi, khám và điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn của Trung ương và chỉ đạo của thành phố.

Các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine. Mỗi người dân phải ý thức được rằng sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng là trên hết; khi có yếu tố dịch tễ, triệu chứng, biểu hiện của bệnh cần chủ động liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, khám, cách ly, điều trị kịp thời t.

Các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch nhất là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú, dịch vụ, thương mại, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người.

Các cơ quan, địa phương, đơn vị trong toàn thành phố tuyên truyền, quán triệt, vận động, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức, gương mẫu đi đầu nêu gương trong phòng, chống dịch; hạn chế tối đa việc tổ chức, tham gia các hoạt động có tập trung đông người, nhất là việc hiếu, việc hỷ, tiệc liên hoan, hoạt động tín ngưỡng; tích cực vận động người thân và nhân dân cùng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị; chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, đơn vị.

Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Thành ủy Hải Phòng tăng cường chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch ở địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy.

Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời tích cực hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế. (TTXVN/Baotintuc.vn 08/12, Đoàn Minh Huệ; Tienphong.vn 08/12; Laodong.vn 08/12)

Hải Phòng: Thêm 17 trạm y tế vào vận hành, Trung tâm y tế huyện Tiên Lãng mở rộng khu điều trị F0

Kể từ khi có ca bệnh phát sinh, đến nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Tiên Lãng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, số F1 chuyển thành F0 vẫn tăng dẫn đến hệ thống giường bệnh điều trị F0 quá tải.

Chiều ngày 8/12/2021, tại Trung tâm y tế huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, công tác thiết lập mở rộng khu điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19 và cách ly F0 được cấp tập triển khai.

Nhân lực y tế các khoa phòng được huy động điều chuyển giường bệnh, lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ công tác chữa trị. Khu vực sân Trung tâm y tế (TTYT) huyện được trưng dụng để dựng thêm nhà bạt, kê giường phục vụ cách ly F1 và các ca test nhanh dương tính chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Trước đó, ngày 7/12/2021, 10 trạm y tế lưu động tại 4 xã vùng đỏ Tiên Minh, Tiên Thắng, Toàn Thắng, Vinh Quang đã được UBND huyện Tiên Lãng đưa vào vận hành và tiếp nhận, điều trị những F0 đầu tiên.

Mỗi trạm y tế lưu động có 5 người, gồm: 1 bác sĩ, từ 1-2 điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện, từ 1-2 nhân viên Trạm y tế xã và cán bộ dân số, đội ngũ y tế cơ sở. Riêng 2 xã Tiên minh và Vinh Quang mỗi xã bố trí 3 trạm ; 2 xã Tiên Thắng và Toàn thắng mỗi trạm bố trí 2 trạm, đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các trạm đến nay bảo đảm đủ điều kiện vận hành.

Theo BSCK2 Trần Thị Thúy, quyền giám đốc TTYT huyện Tiên Lãng, việc đưa Trạm y tế lưu động vào thời điểm này giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Theo chức năng nhiệm vụ, Trạm có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, điều trị, quản lý người nhiễm COVID-19 tại thôn, khu dân cư của xã theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; phối hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. Trung tâm y tế huyện quản lý, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Trạm Y tế lưu động; điều động, bố trí nhân lực, cung cấp trang thiết bị và các điều kiện khám chữa bệnh tại tram y tế bảo đảm theo quy định.

Trạm y tế lưu động tiếp nhận thông F0 đủ điều kiện để điều trị tại nhà, nếu F0 có triệu chứng, Trạm sẽ báo cáo lên TTYT huyện để xử tri kịp thời. (Suckhoedoisong.vn 08/12, Minh Lý)

HẢI QUAN

Chuẩn bị khởi công bến 3 và bến 4 cảng Lạch Huyện

Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho hay, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (thành viên của VIMC) đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để trong tháng 12 hoặc chậm nhất tháng 1/2022 sẽ khởi công bến cảng số 3 và bến cảng số 4 của cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cảng số 3, số 4 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 và giao Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 6.946 tỷ đồng.

Dự án sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 TEUs), chiều dài 750 m, rộng 50 m; bến sà lan, dịch vụ cho tàu có sức chở đến 160 TEUs (3.000 DWT), dài 250 m, rộng 15 m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47 ha. Các thiết bị chính phục vụ khai thác là 6 cần trục STS trên bến chính; 24 cần trục RTG; 2 xe nâng RSD; 1 xe nâng vỏ container; 50 đầu kéo + rơ-moóc; 1 cầu trục xưởng sửa chữa; 8 cân xe tại cổng cảng và phần mềm quản lý vận hành cảng TOS.

Hiện chủ đầu tư là Công ty cổ phần cảng Hải Phòng đang tiến hành lựa chọn nhà thầu gói thầu EC (thiết kế + thi công) và sẽ hoàn thành bước lựa chọn nhà thầu trong thời gian tới. Nếu công trình khởi công trong tháng 12 này hoặc đầu tháng 1/2022, chủ đầu tư sẽ đưa vào khai thác bến số 3 trong tháng 12/2023, hoàn thành bến số 4 vào tháng 6/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện bến cảng số 1, số 2 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện đã được Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đầu tư với các thiết bị bốc dỡ thuộc loại hiện đại, tiên tiến trên thế giới, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2018 với công suất thiết kế khoảng 1,1 triệu TEU/năm. Lượng hàng hóa thông qua 2 bến cảng năm 2019, 2020 đạt lần lượt 353.632 TEUs; 659.684 TEUs.

Trong một diễn biến liên quan, dự án đầu tư các bến số 5, số 6 của Cảng Lạch Huyện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco, với tổng vốn đầu tư 6.425 tỷ đồng, diện tích dự kiến gần 60 ha.

Hai bến container có tổng chiều dài 750 m (mỗi bến dài 375 m), tiếp nhận cỡ tàu đến 100.000 DWT (8.000 TEUs); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 TEUs; các công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.

Các thông số trên dựa trên Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014.

Tuy nhiên, theo quy hoạch tổng thể hệ thống phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, cỡ tàu container tại Khu bến cảng Lạch Huyện có sức chở từ 6.000 TEUs đến 18.000 TEUs. Do đó, cuối tháng 7/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh cỡ tàu tiếp nhận tại bến cảng này từ 12.000 TEUs lên 18.000 TEUs; chiều dài bến từ bến số 5 về phía hạ lưu là 450 m/bến; bến sà lan tiếp nhận sà lan sức chở 160 TEUs.

Nhà đầu tư bến cảng số 5 và bến cảng số 6 là Hateco cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hải Phòng cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết các bến cảng số 5, số 6 theo quy hoạch chung vừa được phê duyệt. Cụ thể, tăng chiều dài tuyến bến từ 375 m/bến lên 450 m/bến và nâng cỡ tàu khai thác lên 6.000 - 18.000 TEUs.

Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco, hiện đơn vị này cũng đang chuẩn bị các thủ tục cuối cùng để đầu năm 2022 có thể khởi công xây dựng bến số 5 và bến số 6.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, với vai trò là đầu mối giao thông đường biển phía Bắc, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, việc đầu tư xây dựng các bến số 3, bến số 4 và bến số 5 và số 6 cùng với các bến số 1, số 2 đã đưa vào khai thác từ năm 2018 sẽ giúp nối dài khu bến cảng Lạch Huyện, phục vụ trực tiếp cho Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tại Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

Đồng thời, việc sớm đưa các bến cảng vào vận hành khai thác sẽ góp phần hoàn thiện mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng cảng hàng hóa hiện đại đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc trực tiếp đến thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, thúc đẩy kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung phát triển... (TTXVN/Baotintuc.vn/Bnews.vn 08/12, Quang Toàn)

Hải quan Hải Phòng đóng góp 60% số thu ngân sách của thành phố

Kết quả thu ngân sách của Hải quan Hải Phòng tăng khá, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của TP. Hải Phòng.

Theo báo cáo của UBND TP. Hải Phòng tại Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026), ngày 8/12/2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND thành phố giao.

Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu do Hải quan Hải Phòng thực hiện (tính trên địa bàn Hải Phòng, chưa tính các địa bàn do Cục Hải quan Hải Phòng quản lý là Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình) ước đạt 54.000 tỷ đồng, bằng 109,1% dự toán Trung ương giao và 101,9% dự toán HĐND thành phố giao.

Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác của Hải Phòng trong năm 2021 như tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP ước tăng 12,38% so với năm 2020; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%...

Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP 13% trở lên so với năm 2021. Về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 105.645,46 tỷ đồng, trong đó thu do Hải quan Hải Phòng thực hiện là 60.000 tỷ đồng.

Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 168 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD; thu hút từ 2,5 đến 3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). (Haiquanonline.com.vn 08/12, Thái Bình)

KINH TẾ   

Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng 13%

Tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng khóa XVI ngày 8/12, TP. Hải Phòng phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 13% trở lên so với năm 2021; trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản tăng 1,16%; nhóm công nghiệp, xây dựng tăng 19,25%; nhóm dịch vụ tăng 5,15%; thuế và trợ cấp sản phẩm tăng 9,0%.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho hay, chủ đề năm 2022 của thành phố là "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số".

Theo đó, thành phố thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu (công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại).

Hải Phòng cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số...

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đánh giá, năm 2021, kinh tế TP. Hải Phòng tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao so với các địa phương khác. Kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sát thực tiễn của Trung ương; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hải Phòng GRDP ước tăng 12,5%, là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 90.421 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán Hội đồng nhân thành phố giao.

Theo đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán Trung ương giao và 101,9% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, tăng 23,19%; sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,35%; tổng vốn đầu tư phát triển 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.

Trong năm 2021, TP. Hải Phòng tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nhấn, thành phố đã khởi công 10/31 dự án, công trình, khánh thành 11/23 dự án, công trình theo danh mục các dự án, công trình dự kiến khởi công, khánh thành năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố. Hoàn thành, trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng.

Hải Phòng cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác một số công trình: trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2 đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Văn Linh đến đường Tô Hiệu; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải (Cái Viềng - Mốc Trắng); cải tạo, nâng cấp đường 356 (đoạn từ ngã ba Hiền Hào đến ngã ba Áng Sỏi, huyện Cát Hải)...

Đồng thời, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị hoàn thành một số công trình: đường Đông Khê 2; cầu Rào 1; nút giao khác mức tại Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5.

Thành phố cũng đã khởi công các dự án: Trung tâm Hành chính - Chính trị quận Ngô Quyền; xây dựng 3 tòa nhà hỗn hợp Hoang Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua Khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn... (TTXVN/Baotintuc.vn 08/12, Đoàn Minh Huệ; Diendandoanhnghiep.vn 09/12; Kinhtedothi.vn 08/12; Nhandan.vn 08/12; Vov.vn 08/12; Vneconomy.vn 08/12; Tuoitre.vn 08/12; Thanhtra.com.vn 08/12)

Kinh tế nhiều địa phương bật tăng trong năm 2021

Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều địa phương trong cả nước vẫn có mức tăng trưởng kinh tế dương, đã chuyển trạng thái thích ứng hiệu quả khi vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, Hải Phòng tăng trưởng GPDP đạt 12,38% trong năm 2021 dẫn đầu cả nước mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. TP. Hải Phòng đã hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ số kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021.

Tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hải Phòng (GRDP) ước tăng 12,38%, đứng đầu cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421 tỷ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. (Vov.vn 09/12)

Hải Phòng: Xử phạt 25 triệu đồng với chủ công trình ở phường Hạ Lý xây dựng không phép

UBND quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng đối với ông Nguyễn Văn Thanh, địa chỉ tại số 46N7 khu 97 Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, về hành vi tổ chức cải tạo, sửa chữa công trình không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền.

Sau bài phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về việc “Công trình 6 tầng không phép, sai quy hoạch vẫn được xây dựng và hoàn thiện”, UBND quận Hồng Bàng, Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố đã vào cuộc yêu cầu xử lý những sai phạm.

Cụ thể, Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư công trình tại dự án Khu nhà ở 97 Bạch Đằng dừng thi công xây dựng (công trình cải tạo sửa chữa 3 tầng lên thành 5 tầng + 1 tầng tum). Điều đáng nói, trước đó UBND phường Hạ Lý đã giải quyết chậm trễ, không thiết lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Hiện tại công trình vi phạm đang hoàn thiện với quy mô 5 tầng + 1 tầng tum, vi phạm xây dựng cải tạo không có giấy phép xây dựng.

Do đó, Sở Xây dựng TP đề nghị UBND quận Hồng Bàng tổ chức thiết lập hồ sơ, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình và khắc phục hậu quả theo quy định.

Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch UBND phường, cá nhân phụ trách do đã phát hiện, yêu cầu dừng thi công nhưng không tổ chức giám sát, để công trình vi phạm tiếp tục thi công mà không xử lý hoặc đề xuất xử lý theo quy định.

Làm việc với phóng viên vào chiều 7/12/2021, ông Dương Đức Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết, ngay sau khi báo có bài phản ánh những vi phạm về xây dựng công trình nhà 5 tầng 1 tum của hộ ông Nguyễn Văn Thanh, quận đã yêu cầu phường báo cáo vụ việc nêu trên.

Đến ngày 29/11, UBND phường Hạ Lý có văn bản báo cáo số 03/ĐX-XPVPHC đề xuất xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với mức phạt là 25 triệu đồng. Do vượt quá thẩm quyền nên phường đề xuất quận xử phạt theo quy định.

Với hành vi trên ông Nguyễn Văn Thanh đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 15 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017. UBND quận Hồng Bàng đã ra quyết định xử phạt số 1950/QĐ-XPVPHC và yêu cầu hộ ông Thanh phải nộp tiền phạt là 25 triệu đồng tại kho bạc nhà nước quận Hồng Bàng.

Ngoài việc xử phạt hành chính, UBND quận Hồng Bàng yêu cầu ông Thanh dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản hành chính, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Hết thời hạn quy định trên cá nhân vi phạm không xuất trình giấy phép xây dựng với người có thẩm quyền xử phạt thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Đồng thời, ông Thanh phải nghiêm chỉnh chấp hành xử phạt, nếu quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết thêm, hiện quận cũng đang chờ hồ sơ kiểm điểm của Chủ tịch UBND phường Hạ Lý về sự việc. (Kinhtedothi.vn 08/12, Vĩnh Quân – Hải Yến)

Hải Phòng điều chỉnh tăng giá nhiều loại đất từ 1-1,2 lần

Theo quyết định của UBND TP. Hải Phòng, từ ngày 10/12/2021, hệ số điều chỉnh giá đất của nhiều loại đất sẽ tăng từ 1 đến 1,2 lần so với giá đất cũ...

Cụ thể, hệ số điều chỉnh bằng 1,1 đối với những trường hợp được nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá đất; nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức; được nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Đối với những trường hợp dùng để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện thuê đất theo hình thức trả tiền hàng năm hoặc một lần; xác định số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định tại Nghị định 91/2019 của Chính phủ thì hệ số điều chỉnh giá đất tăng 1,2 lần so với bảng giá đất cũ.

Đối với những tổ chức được nhà nước cho thuê đất, khi xác định đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm cho chu kỳ ổn định tiếp theo (không phải chu kỳ ổn định đơn giá đầu tiên); đang sử dụng đất vào mục đích thuộc đối tượng thuê đất được quy định tại điểm B, khoản 2, điều 18 Thông tư 77/2014 của Bộ Tài chính nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị của tổ chức, đơn vị theo quy định tại điều 101 Nghị định 151/2015 của Chính phủ thì điều chỉnh hệ số giá đất bằng 1,0 giá đất hiện hành.

Các trường hợp thuê đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được quy định tại khoản 1, điều 10 Luật Đất đai 2013; các công ty lâm nghiệp trong trong trường hợp trả tiền thuê đất một lần thì hệ số điều chỉnh giá đất bằng 1,2 loại đất phù hợp với mục đích sử dụng đất. Các trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, hệ số điều chỉnh bằng 1,0 loại đất của bảng giá đất hiện hành.

Ngoài ra, UBND TP. Hải Phòng cũng quy định đối với những trường hợp không thuộc đối tượng trên, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan xác định hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể để trình UBND TP. Hải Phòng quyết định.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hải Phòng cũng yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, UBND các quận, huyện thường xuyên điều tra, tổng hợp, phân tích, cập nhật thông tin về thửa đất, giá đất thị trường để trình UBND TP. Hải Phòng điều chỉnh hệ số giá đất cho phù hợp thực tế. (Vneconomy.vn 08/12, Thanh Xuân; Kinhtemoitruong.vn 08/12)

Chuẩn bị nghiệm thu đóng điện dự án cấp điện đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng

Chiều 7/12, EVNNPC tổ chức rà soát tiến độ, công tác chuẩn bị nghiệm thu đóng điện dự án cấp điện cho đảo Bạch Long Vỹ - TP. Hải Phòng giai đoạn 2015 – 2020 dưới sự chủ trì của ông Lê Quang Thái – Phó tổng Giám đốc EVNNPC.

Đại diện Ban Quản lý Dự Án Phát triển Điện Lực báo cáo tình hình thực hiện dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ, TP. Hải Phòng giai đoạn 2015-2020.

Theo báo cáo ngày 18/11/2020, Ban QLDA phát triển điện lực đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để triển khai các bước chuẩn bị thi công công trình. Ban QLDA đã ký hợp đồng số 53/HĐCBSX-BDAĐL-KHVT ngày 19/3/2021 về việc thực hiện chuẩn bị sản xuất với PC Hải Phòng.

Theo yêu cầu của EVNNPC tại văn bản số 1124/EVNNPC–KH: Ban BA2 và Công ty PC Hải Phòng phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị sản xuất của dự án, đặc biệt là công tác đào tạo vận hành, chuyển giao công nghệ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị điện gió, điện mặt trời, điện diesel.

Ngày 19/7, Ban BA2 đã có quyết định gửi PC Hải Phòng phê duyệt bổ sung chi phí chuẩn bị sản xuất cho dự án. Ngày 2/12, Ban BA2 đã có công văn gửi PC Hải Phòng về việc chứng kiến chạy thử tuabin gió, hướng dẫn vận hành và chuyển giao công nghệ dự án.

Ban BA2 đã họp với PC Hải Phòng, nhà thầu xây lắp, đơn vị thí nghiệm và đơn vị tư vấn giám sát ngày 8/12 để rà soát chuẩn bị cho công tác nghiệm thu đóng điện dự án. Ban quản lý đầu tư đcó tờ trình 2114/ĐT ngày 1/12 về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp tổng công ty để nghiệm thu dự án, đã được lãnh đạo tổng công ty phê duyệt. Ban tổ chức nhân sự đang làm quyết định phê duyệt thành lập Hội đồng nghiệm thu theo quy định.

Đại diện PC Hải Phòng đề xuất cung cấp bổ sung thêm hồ sơ của tubin gió và cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn vận hành tất cả các thiết bị mới được trang bị thuộc dự án để phục vụ công tác chuyển giao công nghệ tiếp nhận quản lý vận hành dự án.

PC Hải Phòng phối hợp với BA2 đưa tín hiệu hệ thống SCARDA của  dự án vào trung trung tâm điều khiển xa từ xa. Đối với công tác kiểm định các thiết bị phòng cháy chữa cháy thuộc dự án, PC Hải Phòng đề xuất và có văn bản tham vấn của Công an TP. Hải Phòng về hệ thống chữa cháy cho khu vực điện mặt trời.

PC Hải Phòng đã bổ sung thiết kế và thi công lắp đặt hệ thống đo đếm điện năng cho từng loại nguồn như pin, năng lượng gió, máy phát trước khi đưa vào hệ thống. Về khánh tiết lễ khánh thành, PC Hải Phòng phối hợp với Ban Truyền thông và huyện đảo chịu trách nhiệm thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị BA2, PC Hải Phòng, Công ty TNHH MTV thí nghiệm điện miền Bắc, trao đổi và thảo luận của đại diện các ban chuyên môn của tổng công ty, ông Lê Quang Thái đã có ý kiến đanh giá và chỉ đạo cụ thể đối với từng công việc.

Từ ngày 12/12/2021, Hội đồng nghiệm thu của Tổng công ty sẽ nghiệm thu tại hiện trường, ông Lê Quang Thái đề nghị các ban chuyên môn của Ttng công ty và các đơn vị có tên trong thành phần nghiệm thu bố trí thực hiện.

Ông Lê Quang Thái đề nghị PC Hải Phòng bố trí phương tiện giúp đoàn công tác ra đảo và quay về trong quá trình nghiệm thu. Bên cạnh đó, PC Hải Phòng rà soát, nghiệm thu chi tiết cụ thể và phát hiện ra những khiếm khuyết, tồn tại để đưa ra phương án giải quyết xử lý ngay, cố gắng xong trước ngày 17/12. Về nghiệm thu, ông Lê Quang Thái giao cho ban đầu tư chủ trì trực tiếp điều hành công tác nghiệm thu trên đảo từ ngày 12/12 đến ngày 17/12. (Vtc.vn 08/12, Thu Hương)

Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) tạm ngừng sản xuất do thiếu quặng

Chiều 8/12, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP Vinachem Hải Phòng Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, dây chuyền sản xuất phân bón DAP của công ty tại Đình Vũ (Hải Phòng) đã phải ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu là quặng apatit.

Tình trạng thiếu nhỡ nguyên liệu xảy ra từ cuối tháng 9/2021 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Khi đó, nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn và được đưa từ Lào Cai về Hải Phòng nhỏ giọt, đã khiến công ty phải tiết giảm công suất và rút ngắn chu kỳ vận hành sản xuất.

Thời điểm đó, công ty đã cố gắng phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam trong việc huy động tối đa nguồn quặng còn lưu trữ tại các kho đưa về sản xuất. Tuy nhiên, lượng quặng đưa về chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sản xuất của đơn vị...

Do thiếu nguồn nguyên liệu chủ yếu là quặng apatit, cùng với việc tăng giá tới gần 3 lần so với giai đoạn đầu năm của 2 nguyên liệu quan trọng khác trong sản xuất phân bón là lưu huỳnh và amoniac đã khiến sản xuất của công ty gặp khó khăn. Vì vậy, trong quý IV/2021 này, công ty chỉ đặt chỉ tiêu phấn đấu không bị thua lỗ.

"Trong 11 tháng của năm 2021 vừa qua, Công ty cổ phần DAP Vinachem Hải Phòng thực hiện đạt sản lượng hơn 239 nghìn tấn phân bón DAP, tuy chỉ bằng 94% so kế hoạch được giao cả năm 2021, nhưng cũng đã vượt tới 31% so thực hiện cùng kỳ năm 2020. Hết quý III, đơn vị cũng đã thực hiện đạt 158 tỷ đồng lợi nhuận, bằng 232% so kế hoạch được giao cả năm 2021. Nếu được cung cấp đủ quặng apatit thì kết quả thực hiện sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn", Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP Vinachem Hải Phòng Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm. (Nhandan.vn 08/12, Ngô Quang Dũng)

Trồng thứ cây trổ hoa vàng rực cả cánh đồng, nông dân Hải Phòng trẩy hội hái thu tiền rủng rỉnh

Trên cánh đồng 20 ha trồng hoa cúc dược liệu (thuộc xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) đang được trải thảm màu vàng rực rỡ. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân trong xã bước vào mùa thu hoạch.

Cúc dược liệu người dân địa phương còn gọi là cúc chi hay kim cúc. Chúng khác hẳn với các loại hoa cúc khác bởi bông hoa chỉ to bằng cái cúc áo, màu vàng tươi, mùi thơm dịu nhẹ.

Hoa cúc dược liệu được dùng nhiều vào việc chế biến thuốc nam, thuốc bắc, chữa được nhiều chứng bệnh như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, đinh độc mụn nhọt, sưng đau.

Tuy nhiên, gần đây cúc này còn được dùng trực tiếp uống như một loại trà quý, giúp thanh nhiệt, giải độc, tán phong… thậm chí còn đem sắc ngâm rượu uống chữa bệnh. Cây hoa cúc dược liệu đang là thứ cây trồng cho thu nhập ổn định của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Đang nhanh tay thu lượm những bông cúc nhỏ nhắn vừa đủ độ chín trên tay ông Trần Xuân Am, thôn Lôi Đông, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) chia sẻ, năm nào nhà ông cũng hơn trồng 3 sào cây hoa cúc dược liệu.

Năm nay, thời tiết bất thường, mưa nhiều nên cúc không được năng suất cao như những năm trước. Tuy nhiên, trung bình mỗi sào cũng đạt 3 tạ -3,5 tạ hoa cúc dược liệu tươi, nhà ông bán tươi tại ruộng với giá 28 – 30 000 đồng/ kg. Trừ mọi chi phí đầu tư, mỗi sào gia đình ông cũng thu về được 10 – 15 triệu đồng.

"Cúc dược liệu được trồng vào tháng trung tuần của tháng 8 dương lịch hàng năm và thu hoạch vào đầu tháng 12. Thời gian thu hoạch kéo dài từ 1 -1,5 tháng, hết lượt hoa này sang lượt hoa khác, mỗi lượt chỉ cách nhau từ 3- 5 ngày.

Trồng cúc dược liệu chủ yếu tốn công chăm sóc và thu hoạch, còn đầu tư giống vốn và phân bón không tốn kém. Đặc biệt hoa cúc chi ở đây được bà con trồng hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật" – Ông Am nói.

Vào vụ thu hoạch, hoa cúc nở rất nhanh, chỉ khoảng 3 – 5 ngày một lượt. Để sản phảm đạt chất lượng cao người trồng cúc dược liệu phải chủ động trong việc bố trí nhân công lao động để thu hoạch hoa tươi. Đặc biệt, khi thấy hoa nở được khoảng 80% là phải khẩn trương thu hoạch hết trong vòng 2-3 ngày nếu không hoa sẽ tàn và mất đi tính dược liệu vốn có.

Thu hái hoa cúc là công việc rất nhẹ nhàng, ai cũng có thể làm được. Từ những người đã hết tuổi lao động đến các cháu thiếu niên đều có thể tham gia thu hoạch. Vào vụ thu hoạch nhà nào nhà nấy đều hối hả ra đồng hái hoa, trên cánh đồng lúc nào cũng vui như ngày hội

Ông Hoàng Đức Tuấn, thôn Lôi Đông, xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) cũng chia sẻ, gia đình ông đang trồng 4 sào cây cúc dược liệu, đến kỳ hoa nở rộ, hai vợ chồng không hái kịp gia đinhg cũng phải thuê, mượn thêm người hái hoặc đổi ngày công lao động cho gia đình người khác.

" Nhà nào không có người thu hái phải trả ngày công từ 200.000 - 300.000 đồng/người, tùy theo năng suất lao động"- Ông Tuấn cho biết thêm.

Trao đổi với Dân Việt chị Cao Thị Hằng, Giám đốc HTX Thắng Thủy cho biết, cây cúc dược liệu trước được một người dân đem từ nơi khác về trồng thử rồi nhân rộng sang một vài nhà. Thấy chúng dễ trồng lại đem lại hiệu quả hơn trồng rau, cấy lúa nên nhiều gia đình đã chuyển sang trồng hoa cúc dược liệu, diện tích trồng cúc dược liệu trong xã cứ tăng dần theo thời gian.

Năm 2019, HTX Thắng Thủy đã đứng ra quy vùng sản xuất, hướng dẫn cách chăm sóc hoa cho người dân trồng hoa có hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Từ 12 ha diện tích ban đầu HTX Thắng Thủy quy vùng sản xuất đến nay diện tích trồng hoa cúc thảo dược đã được tăng lên trên 20 héc ta với hàng trăm hộ dân tham gia trồng thứ cây quý này.

Theo chị Hằng, cây hoa cúc dược liệu rất phù hợp với đồng đất bãi bồi ở đây. "Cúc dược liệu dễ trồng như cây khoai lang, cứ đặt là lên bời bời. Nếu năm nào không bị mưa úng thì nông dân không phải lo lắng nhiều…", chị Hằng chia sẻ thêm. (Danviet.vn 08/12, Thu Thủy)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG     

Thi hành án Dân sự TP. Hải Phòng: Hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu được giao

Năm 2021, các cơ quan Thi hành án dân sự TP. Hải Phòng đã phát huy tinh thần chủ động với nhiều giải pháp sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm.

Vượt cả về việc và tiền Năm 2021, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế TP tiếp tục đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước. Mặc dù vậy, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hải Phòng vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của năm do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá chung, năm 2021, hoạt động THADS đạt được những kết quả tích cực: bộ máy tổ chức được quan tâm, củng cố và kiện toàn, nhất là đối với các đơn vị có lượng án lớn. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn. Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm tăng cường, bước đầu phát huy hiệu quả; ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật làm việc có nhiều tiến bộ. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan, các trại giam, trại tạm giam được đẩy mạnh.

Theo thống kê, năm 2021, ngành THADS TP. Hải Phòng đã hoàn thành và vượt 2/2 chỉ tiêu chính do Tổng cục giao: về việc đạt 83,69%, vượt chỉ tiêu 1,19%; về tiền đạt 45,16%, vượt chỉ tiêu 5,06%. Về thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, số việc phải thi hành là 10.344 việc, tương ứng với số tiền gần 485 tỷ đồng (chiếm 74,32% về việc và 4,45% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành). Trong số việc loại này, đã thi hành được 6.344 việc thu được số tiền khoảng 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 88,59% về việc và 23,04% về tiền. Một nhiệm vụ quan trọng khác là thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Ngành THADS đã thi hành xong 84 việc, với số tiền trên 47 tỷ đồng. Số chưa có điều kiện thi hành 75 việc, với số tiền 70 tỷ đồng… Gặp “khó” ở án tín dụng, ngân hàng Năm nay, số việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng là 894 việc, tương ứng với số tiền là 7.959 tỷ đồng. Trong số việc loại này, ngành THADS đã thi hành được 113 việc thu được số tiền là 810 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19,19% về việc và 21,19% về tiền. Lãnh đạo Cục THADS TP. Hải Phòng cho biết, so với cùng kỳ năm 2020, số việc phải thi hành tăng 86 việc, tăng 1.639 tỷ đồng về tiền. Số thi hành xong tăng 28 việc, giảm 29 tỷ về tiền. Như vậy, kết quả xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng chưa cao, một số vụ việc có giá trị thi hành lớn nhưng chưa tổ chức thi hành được dứt điểm.

Nguyên nhân được xác định xuất phát từ một số vụ việc ngân hàng không thực hiện đúng quy trình, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản. Một số do người có tài sản thế chấp bảo lãnh không phối hợp, có trường hợp chống đối quyết liệt, cản trở việc thi hành án do cơ quan Tòa án chưa triệu tập, thông báo, làm rõ và giải thích các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của họ…

Ngoài án tín dụng, ngân hàng, việc tổ chức cưỡng chế thi hành án cũng gặp một số khó khăn nhất định. Một số vụ việc có tài sản bảo đảm là xe ô tô đầu kéo, tuy nhiên tài sản đã bị tẩu tán từ trước khi xét xử, dẫn đến khi chấp hành viên tiến hành cưỡng chế kê biên không tìm thấy tài sản. Nhiều vụ việc trước khi tổ chức cưỡng chế, đương sự tự nguyện thi hành án, tuy nhiên vào thời điểm cưỡng chế, người phải thi hành án trốn tránh hoặc vắng mặt; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thái độ chống đối quyết liệt. Đặc biệt, tại một số thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc huy động lực lượng để tổ chức công tác cưỡng chế không thể thực hiện được do phải đảm bảo công tác phòng chống dịch…

Chia sẻ về “bí quyết” để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Cục trưởng Cục THADS TP Trần Hồng Quang nhận định, ngay từ đầu năm, các đơn vị rà soát, bổ sung danh sách các vụ việc có giá trị thi hành lớn quyết định đến chỉ tiêu nhiệm vụ. Đều đặn hàng tuần, Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Cục để kịp thời chỉ đạo, đưa giải pháp tháo gỡ khó khăn. Do đó, hầu hết các đơn vị giảm thiểu được sai sót, vi phạm về nghiệp vụ khi tổ chức thi hành án.

Thời gian tới, Cục THADS TP. Hải Phòng tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành từ Cục cho đến các Chi cục, trong đó nêu cao trách nhiệm gương mẫu đi đầu của người đứng đầu đơn vị; gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị với việc phân công rõ người, rõ trách nhiệm. Ngoài đẩy mạnh công tác nghiệp vụ THADS, nâng cao trách nhiệm đội ngũ chấp hành viên, đơn vị cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian thi hành án theo yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của TP Cảng. (Pháp Luật Việt Nam 08/12, tr6, Phương Thanh)

XÃ HỘI      

Cát Bà không được khát nước

Nằm cách Hải Phòng 30 km, Cát Bà (300 km2) là đảo lớn nhất Việt Nam. Nhưng... Dù không thích phải nhai đi nhai lại như miếng kẹo cao su cụm từ này, vì các nhà báo đã sử dụng rất nhiều lần, tôi vẫn phải nói: “Đấy là một nàng công chúa đang ngủ trong rừng”.

Hôm ấy, một ngày mùa đông xám xịt, tôi đặt chân lên bãi biển Cát Cò bị bỏ hoang cho cô đơn. Thị trấn nhỏ như một ngôi làng chài, sặc mùi cá khô, nước thải. Những ngôi nhà cũ gập mình thấp xuống mặt đất dưới sức nặng của bầu trời. Người đàn bà đảo đầu tiên tôi gặp  có mái tóc đã ngả sang màu nước rửa bát, tay khẳng khiu như chân cò. Tài sản không có gì ngoài cái tên của mình. Bà nói:” Nếu tôi có một chiếc thuyền thì tôi đã chèo nó đi khỏi hòn đảo này lâu rồi!”.

Con đường ven đảo, từ phà Got đến thị trấn Cát Bà, mới, đẹp và tốt đến nỗi tôi có cảm giác như ô tô nhả ra nó từ dưới bánh xe của mình. Ông Bùi tuấn Mạnh, chủ tịch huyện  nói: Đảo đang trồng hơn 2 tỷ đồng hoa ven đường, để biến nó thành con đường hoa giấy đẹp nhất Việt Nam.

Cát Bà ngày nay không phải làng chài ngày xưa. Bà lão thuở ấy mơ có cái thuyền để rời hòn đảo, thì bây giờ người tứ xứ tìm ra đảo để kiếm tiền! Chỉ tiếc một thời, Hải Phòng ăn mất hạt giống thương hiệu mà nó đã được thừa hưởng, thủ tục hành chính nhiêu khê, khiến cho các nhà đầu tư dúm lại như những con nai trước ánh đèn pha ô tô. Họ đành nằm im  chờ đợi

Thế rồi xuất hiện một lớp mới nhà lãnh đạo Hải Phòng có tầm nhìn xa và sự quyết liệt. Du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế. Các dự án cũ lại được lôi ra phủi bụi. Tuy nhiên, Hải Phòng hy vọng Sun Group  mới là chàng “hoàng tử” đánh thức “công chúa” Cát Bà khi khởi đầu một quần thể du lịch đúng “mốt” nhưng không chạy theo thời thượng, sang trọng mà không xa xỉ, độc đáo song không quá trớn và quan trọng nhất là thân thiện với môi trường.

Tiếc mỗi điều là người đảo còn chưa biết làm du lịch. Một nền du lịch bền vững là phải đậm chất văn hóa. Hy vọng rằng chuyện dưới đây chỉ là hiện tượng cá biệt.

Trên mọi con phố đối mặt với biển là các nhà hàng quảng cáo sặc sỡ. Chúng tôi được một bà chủ đon đả mời chào, song không dấu được nụ cười miễn cưỡng chính hiệu vì thực khách gọi đồ ăn đạm bạc. Chỉ khi chúng tôi gọi nhiều đồ uống, bà ta đột nhiên phấn khích trở lại như vừa mới được thay pin. Vị đại gia đi cùng tôi vốn tiêu tiền nhẹ như cái chớp mắt, nhưng khi cầm bản thanh toán thì thấy ruột mình đứt ra từng khúc. Anh không tiếc của, nhưng không muốn bị bóc lột!

Chúng tôi ra biển khi bình minh còn xanh mờ. Người lái thuyền mặt đỏ như món cá ngừ nướng, nói rằng: "Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đấy là “Tây” nó bảo thế” -  "Tây” ở đây là Hiệp hội các vịnh biển đẹp nhất thế giời.

Chỉ một lát sau, mặt trời đã như chiếc đĩa phẳng lớn treo thấp và đẹp lộng lẫy trên vịnh  Lan Hạ. Dưới nắng mặt trời, biển như tấm thảm lấp lánh ánh bạc. Thuyền chạy lướt qua hàng chục hòn đảo đá đứng trầm ngâm, tựa  nhà hiền triết. Không gian yên lặng chỉ có tiếng còi tàu đi ngược chiều lướt thướt bay qua. Cô bạn đồng hành của tôi, tóc đen hơn cả màn đêm, ngắm những cánh buồm dật dờ đang bò chầm chậm về phía biển khơi xa thẳm. Cô cười trong niềm hạnh phúc ngất ngây để lộ hàm răng trắng muốt như sóng biển trước mũi tàu.

Buổi trưa, chúng tôi đổ bộ lên một đảo hoang mà khi thủy triều rút xuống để lộ ra một bãi cát trắng phau rộng chừng 30 m2. Trong lúc chờ cơm, chúng tôi nằm dưới bóng mát của những tảng đá nhìn các con sóng trông như tấm khăn bông trắng viền quanh bờ đảo.

Ông lái thuyền kê bàn ăn, trải khăn trắng. Thực đơn là các con cá mắc lưới lấp lánh, trông như những mảnh gương vỡ và mớ ghẹ tươi từ bè nuôi trồng thủy sản của các ngư dân trên vịnh. Chúng tôi - một đám Robinson trên  đảo hoang- nhưng lại được uống vang trắng trong những chiếc ly pha lê chuyên dụng như của nhà hàng 5 sao mà ông chủ thuyền, vô cùng bất ngờ, mang theo!

Cô bạn tôi muốn chèo thuyền Kayak. Cô dỗ ngọt tôi: "Biển phẳng như sa mạc xanh thế này, chẳng cần phải chèo, hai đứa cứ ngồi lên thuyền rồi để mặc gió thổi trôi đi đâu thì đi!”. Song tôi thì muốn buổi chiều vào Vườn quốc gia Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Con đường xuyên đảo, có từ thời ông nguyên bí thư thành ủy Đoàn Duy Thành, chạy thẳng vào vườn. Mùa này lá rơi rụng đầy trên đường. Có gì sướng bằng đạp chân lên lá vàng khô và nghe tiếng gió ẩm ướt thổi lao xao qua tấm thảm xanh của rừng già, vừa hoang dã vừa thơ mộng. Không khí nhuộm nắng tím hồng, thơm tho dịu dàng,. Sườn núi hắt ánh mặt trời  khiến cho hoàng hôn có màu đỏ lựng mãi không chịu nhạt. Tôi đi tìm cây kim giao, nghe nói ngày xưa để làm đũa cho vua ăn, song chỉ thấy trên thung lũng những đám mây lớn trắng như vườn táo nở hoa.

Một vẻ tĩnh lặng run rẩy thấm vào mọi ngóc ngách của rừng già, ngoài tiếng hót của một chú chim hông uyển chuyển, chân linh hoạt như đang nhảy flamenco. Còn các con vọoc đầu vàng nổi tiếng của Cát Bà, mày ở đâu? Người dân địa phương nói rằng nếu chèo thuyền lượn quanh đảo sẽ gặp chúng đu theo những cành cây mọc trên vách đá. Ngày xưa ông “chúa đảo” nói với tôi chỉ đại thượng khách của ông mới được dùng mật ong rừng  Cát Bà, vì nó cực quý!

Cát Bà  có 272 cơ sở lưu trú du lịch với 4569 phòng khách, 60 du thuyền. Tất cả đang bị héo hon vì “con COVID”. Đêm nay chỉ có mấy ông vừa ta vừa tây  ngồi trên “Pháo đài thần công” ngắm vầng trăng đang nhô cao, tròn đầy, rải một lớp sáng bạc xuống mặt biển.

Bình thường chẳng mấy người nghĩ đến nước. Bởi họ luôn nghĩ nước ngọt  là thứ hiển nhiên phải có. Chỉ khi vòi tắm hay bồn vệ sinh đột nhiên mất nước, người ta mới tá hỏa lên. Chuyện đó đã xảy ra ở Cát Bả mùa hè năm 2018.

Năm đó, mùa mưa đến muộn. Các hồ chứa nước Trân Châu, Xuân Đám… cạn kiệt. Nhà máy nước ngọt Cái Giá ( vốn trước đó của huyện đảo) không đủ nước để cung cấp cho 16.000 cư dân và du khách Cát Bà. Trên mạng xã hội có người chửi bậy: "“Ba sao” đ. gì mà thiếu cả nước!”. Công ty cấp nước Hải Phòng hàng ngày phải thuê tàu biển chở 1.000m3 nước ngọt ra đảo. Họ biết rằng nước đối với du lịch như máu đối với con người.

Trên đảo Cát Bà dòng chảy của du khách sẽ phụ thuộc vào dòng chảy của nước. Đặc biệt với sự xuất hiện ngày càng đông của tầng lớp du khách trung lưu (Dự báo của Sun Group mỗi năm sẽ có 10 triệu lượt khách của họ đến với Cát Bà!). Cốt lõi của ngành du lịch chính là lối sống bao gồm giải trí, chơi golf, bể bơi, những bãi cỏ xanh. Tất cả đều cần nhiều nước. Cảnh thiếu hụt nước là điều không thể nhân nhượng với các du khách.

Những nhà lãnh đạo Công ty cấp nước Hải Phòng có trực giác và hiểu biết hiếm có để thấy: Cát Bà không thể miễn dịch trước cuộc khủng hoảng toàn cầu về nước.

Sau sự cố năm 2018, Công ty Cấp nước Hải Phòng đã mua một cụm xử lý nước biển Cát Bà thành nước ngọt của Israel, công suất 1.500m3/ngày. Đây là giải pháp tình thế vì nước này ngon, nhưng… đắt tiền!

Sẽ khôn ngoan hơn nếu Cát Bà lên kế hoạch đối phó tình trạng thiếu nước. Bắt đầu bây giờ thì sẽ không phải là muộn. Phương án đưa nước ngọt từ đất liền ra đảo bằng đường ống ngầm dưới  biển là không khả thi. Thực ra Cát Bà không phải hòn đảo khô cạn. Có rất nhiều tầng nước ngầm chất lượng cao nằm trong Vườn quốc gia Cát Bà. Cái thiếu nhất của đảo này chính là không có một hồ chứa nước đủ lớn để “đựng” được lượng nước mưa trung bình hàng năm - 1,8m, để chảy phí hoài ra biển!

Rất ít chính quyền địa phương  hứng thú với những dự án nước mới, vì thiếu tiền hoặc bởi một lý do tế nhị. Lợi ích của  hồ nước mới chỉ có thể cảm nhận  trong tương lai. Biết đâu khi đó nhà lãnh đạo đã về hưu hoặc không còn ngồi ghế cũ. Công lao sẽ được ghi nhận cho người kế nhiệm. Trong khi xây một cây cầu, làm một vườn hoa, họ sẽ lập tức được dân tung hô. Thế nhưng đầu tư hôm nay để cho tương lai mai sau, đấy mới là nhà chính trị vì dân ở tầng cao hơn!

Tuy nhiên, một nguồn cung nước dồi dào đến đâu cũng có thể  là ảo tưởng nếu không có cảnh báo về mức độ suy kiệt của nó. Một hồ nước không thể cạn khô trong 1,2 năm, nhưng ô nhiễm, khai thác quá mức hay biến đổi khí hậu có thể báo hiệu một cái chết không thể đảo ngược của nguồn nước trong một thế hệ.

Người Israel đã chấp nhận sự đánh đổi. Họ  bỏ sở hữu tư nhân và những lợi ích của nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nước, để đổi lấy một hệ thống cho người dân quyền tiếp cận với nguồn nước chất lượng cao. Họ trao  cho chính phủ quyền quản lý, điều tiết, định giá và phân bổ nước với niềm tin rằng người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Việt Nam cũng phải đi con đường đó! (Diendandoanhnghiep.vn 09/12, Hà Linh Quân)

GIÁO DỤC

Các trường ở Hải Phòng gấp rút kiểm tra học kỳ ‘chạy dịch’, học sinh có áp lực?

Một số phụ huynh tại Hải Phòng cho rằng, khi ôn tập và kiểm tra sớm 4 tuần thì học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và có áp lực rất lớn.

Theo khung chương trình năm học 2021-2022 sẽ có 35 tuần thực học trong đó có 18 tuần ở kỳ I và 17 tuần ở kỳ II. Lịch kiểm tra học kỳ I sẽ rơi vào tuần 17, giới hạn kiến thức bài kiểm tra trong tuần 16 còn học kỳ II sẽ kiểm tra vào tuần 35. Tuy nhiên, gần đây Hải Phòng liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 cộng đồng, trong đó có hàng trăm học sinh là F0 cùng hàng nghìn F1, F2.

Để thích ứng với dịch bệnh, nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố lựa chọn triển khai kiểm tra học kỳ I sớm trong tuần 14. Việc ôn tập và kiểm tra của các trường trên cũng được rút ngắn trong vòng 3 – 4 ngày, giới hạn kiến thức kiểm tra trong tuần 13 và nội dung đề có phần ‘dễ thở hơn’ đối với học sinh.

Chia sẻ quan điểm về việc tổ chức kiểm tra học kỳ sớm, một số phụ huynh cho rằng hoàn thành chương trình sớm và chuyển sang học trực tuyến sẽ đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Chị Vũ Hoàng Anh có con học tại một trường thuộc quận Lê Chân, Hải Phòng chia sẻ: “Con được thi sớm, hoàn thành chương trình rồi học trực tuyến khiến tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Mặc dù có áp lực vì thời gian ôn tập ngắn nhưng các thầy cô cũng cố gắng tạo điều kiện hết sức như đề cương đúng trọng tâm, đề kiểm tra nhẹ nhàng nên các con vẫn có thể làm bài tốt”.

Cũng có ý kiến trái ngược, chị Mai Hương – phụ huynh trường trung học cơ sở thuộc quận Ngô Quyền cho biết: “Nên để dịch được kiểm soát, học sinh đến trường rồi mới kiểm tra sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị cho cả cô và trò.

Thấy con vừa ôn tập rồi kiểm tra trong vòng mấy ngày ngắn ngủi tôi thấy hiệu quả không cao. Đối với học sinh có học lực tốt thì còn đỡ chứ học kém thì sao làm bài kiểm tra được!”. Lãnh đạo 1 trường Trung học cơ sở tại quận Hồng Bàng cho rằng, kiểm tra học kỳ I vào thời điểm tuần 13, 14 là quá vội và gây áp lực cho học sinh.

“Học sinh vừa kiểm tra giữa học kỳ vào tuần 9 xong giờ tuần 14 đã kiểm tra học kỳ rồi thì việc dạy và học sẽ như thế nào? Nếu dạy tăng cường thì chắc chắn kiến thức sẽ quá tải. Quan điểm của tôi là từ nay đến tuần 20 thì đi học lúc nào kiểm tra lúc đó.

Trường hợp kết thúc chương trình học kỳ I vào tuần học 18 mà học sinh chưa đến trường thì sang tuần 19 sẽ dạy chương trình của học kỳ II bình thường và kiểm tra sau. Thậm chí vào tuần học 24, 25 mình quay lại kiểm tra học kỳ I cũng được. Như vậy, học sinh sẽ ổn định hơn và không phải học chạy chương trình.

Ngoài ra, đối với học sinh lớp 6, 7, 8 còn có thể kiểm tra lúc nào cũng được nhưng lớp 9 sau này còn tham gia thi vào lớp 10. Lớp 9 và lớp 12 hướng tới sau này sẽ được cho đi học trực tiếp còn lớp 6, 7, 8 học online nhiều bởi vì dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Hiện nay, hầu hết các trường đã kiểm tra học kỳ và chuyển sang học trực tuyến. Thời điểm kiểm tra rơi vào tuần 13 và kiến thức rơi vào tuần 12. Về mặt nguyên tắc, học sinh chưa có đầy đủ kiến thức, kiểm tra sẽ vừa vội, vừa áp lực cho các em vậy tại sao không chọn phương án kiểm tra sau tuần 18”, vị hiệu trưởng này nói.

Còn theo thầy Phan Trần Đỗ - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Ngọc (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, phương án kiểm tra sớm dù còn một số khó khăn cần khắc phục nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Hải Phòng: “Hiện nhà trường có 1 học sinh là F0 cùng với 68 giáo viên, học sinh F1 nên toàn trường chuyển sang học trực tuyến.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhà trường phải tiến hành nhanh để học sinh hoàn thành bài kiểm tra còn kiến thức còn lại trong quá trình từ giờ đến hết học kỳ sẽ củng cố, bổ sung sau.

Phương án kiểm tra học kỳ I trước hết là phải an toàn, đảm bảo khung chương trình, kiến thức cơ bản. Nhà trường phải làm công tác tư tưởng đối với giáo viên và học sinh, trong tình hình diễn biến phức tạp như thế này, để đảm bảo kế hoạch kiểm tra. Điểm đánh giá trên tinh thần học sinh học đến đâu, kiểm tra đến đấy”.

Về phương án chờ học sinh đến trường rồi mới kiểm tra, thầy Phan Trần Đỗ cho rằng mỗi trường sẽ có cách tổ chức riêng: “Thực tế, không ai xác định được đến bao giờ học sinh mới đến trường để tổ chức kiểm tra.

Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn nào về kiểm tra trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay thành phố. Bên cạnh đó, trong đổi mới kiểm tra đánh giá, theo tinh thần chỉ đạo, việc đánh giá không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra mà còn quá trình học tập của học sinh.

Đây là căn cứ để các nhà trường chủ động hơn trong việc kiểm tra đánh giá. Điểm học kỳ chỉ là một phần trong kết quả đánh giá vì cả quá trình dạy và học các thầy, cô giáo đã nắm được học sinh học như thế nào.

Lo nhất là học sinh lớp 9 và lớp 6. Lớp 6 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để có hiệu quả đúng với tinh thần đổi mới là rất khó. Thi vào lớp 10 thì như thế nào, áp lực số lượng tuyển sinh giới hạn.

Trường dự kiến cho nghỉ từ 1 – 2 tuần học trực tuyến, khi các ca F1 có kết quả âm tính với Covid-19 sẽ ưu tiên chuyển dần lớp 9 rồi lớp 6 về học trực tiếp. Quan điểm là chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng nhưng vẫn linh hoạt diễn biến đến đâu xử lý đến đấy”. (Giaoduc.net.vn 09/12, Lã Tiến – Phạm Linh)

Nữ sinh Hàng hải và ước mơ du học thạc sĩ

“Tài năng, cầu tiến và luôn nỗ lực không ngừng”, là những gì mà mọi người xung quanh nhận xét về Nguyễn Thị Thùy Giang (năm thứ hai, lớp Quản lý Hàng hải K61, trường ĐH Hàng hải Việt Nam).

Xuất phát điểm là một học sinh giỏi và đoàn viên ưu tú, ngay khi bước chân vào giảng đường đại học, Giang đã phát huy tinh thần hăng say với học tập. Cô hiện đang theo học ngành Quản lý Hàng hải, trường ĐH Hàng hải Việt Nam, Bí thư Chi đoàn chuyên ngành Quản lý Hàng hải - QHH02.

Nói về việc học tập, Thùy Giang gây ấn tượng mạnh với mọi người về thành tích nổi bật. Cô là một trong 101 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên tiêu biểu năm học 2020 - 2021 của trường, với điểm trung bình cộng tích lũy - GPA đạt 3.91/4.0; một trong sáu sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc khoa Hàng hải năm học 2020 - 2021.

Với những thành tích đó, Giang vinh dự nhận được Học bổng của SHP - Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hải Phòng - Sài Gòn, hai lần giành Học bổng Khuyến khích học tập, trường ĐH Hàng hải Việt Nam, năm học 2020 - 2021.

Không dừng lại ở đó, Thùy Giang còn xuất sắc ghi tên mình vào Top 11 Olympic Toán Giải tích trường ĐH Hàng hải Việt Nam, năm học 2020 - 2021. Giang cũng được trao Giấy chứng nhận của Hội Sinh viên TP. Hải Phòng nhờ hoàn thành tốt thử thách tuần ba giải chạy trực tuyến “Commit To Say Fit”, năm học 2020 - 2021.

Chia sẻ về động lực, Thùy Giang tâm sự: “Mình mong muốn sau này có thể giúp đỡ được bố mẹ nên luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức. Ngay sau khi vào học kỳ đầu tiên, mình đã dành ba tháng để hoàn thành một cách nhanh nhất những môn cơ sở, sau đó tập trung vào các môn chuyên ngành, cùng với việc tham gia hoạt động các câu lạc bộ, các buổi hội thảo để trau dồi thêm kỹ năng cũng như kiến thức về hàng hải”.

Không chỉ hết mình trong học tập, Giang còn tích cực tham gia các phong trào tình nguyện do Đoàn Thanh niên trường ĐH Hàng hải Việt Nam phát động. Giang hiện đang là tình nguyện viên tích cực CLB “Hiến máu nhân đạo trường ĐH Hàng hải Việt Nam” và còn tham gia một số hoạt động từ thiện tại địa phương.

Mang trong mình sức trẻ của tuổi 19 đầy nhiệt huyết, Thùy Giang quan niệm: “Ngay từ đầu mình đã xác định “khổ một chút cũng không sao”, phải luôn nỗ lực không ngừng, tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới và không được bỏ dở giữa chừng”.

Giang chia sẻ: “Mình và các cộng sự đang ấp ủ một dự án khoa học và đang trong quá trình thực hiện. Đề tài mang tên “Đề xuất kế hoạch sẵn sàng ứng phó sự cố chất nguy hiểm và độc hại tại cảng thuỷ nội địa”. Dự án nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm soát rủi ro, ứng phó với sự cố môi trường trong cảng thủy nội địa, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững các hoạt động khai thác vận tải đường thủy nội địa”.

Thùy Giang cho biết, cô đang nỗ lực phấn đấu để nhận được học bổng toàn phần dành cho chương trình du học thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Hàng hải. (Svvn.tienphong.vn 08/12, Ngọc Tân)

GIAO THÔNG

Thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi cao tốc: Còn nhiều băn khoăn

Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là tuyến đầu tiên được chọn là nơi thí điểm chỉ thu phí tự động không dừng, không thu phí thủ công. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về chủ trương này.

Trên các tuyến cao tốc hiện nay, làn thu phí không dừng (ETC) khá vắng vẻ, trong khi đó những làn còn lại hầu như trong tình trạng kẹt cứng. Đơn cử như tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, sau hơn 1 năm triển khai, tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ ETC mới chỉ chiếm khoảng 40% lưu lượng phương tiện qua trạm. Đặc biệt, các trạm thu phí đều có làn hỗn hợp, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.

Thống kê từ đầu năm đến nay, lưu lượng xe sử dụng làn thu phí không dừng (ETC) tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ chiếm khoảng 30% tổng lưu lượng, nhiều xe có dán thẻ nhưng khi sử dụng lại hết tiền, thẻ bị hỏng, lỗi, dán sai vị trí không đọc được thẻ, xe không dán thẻ đi nhầm làn...

Đại diện Công ty TNHH thu thu phí tự động (VETC) cho biết, điều này là do các làn thu phí đã vận hành hiện vẫn chưa phải là thuần ETC. Nhiều phương tiện chưa dán thẻ, thấy làn vắng xe nên đi vào khiến cho các xe đã dán thẻ nhưng không lưu thông được.

Để giảm thiểu tình trạng này và thúc đẩy lượng người dùng, từ 1/4/2022, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được chọn triển khai thí điểm thu phí tự động không dừng, không có thu phí thủ công. Chỉ có phương tiện dán thẻ và nạp tiền sử dụng dịch vụ mới được lưu thông trên tuyến đường này.

Theo đại diện VETC, nếu thực hiện được thu phí không dừng toàn tuyến sẽ giúp doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí, giảm tình trạng ùn tắc tại các trạm và cũng là biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 rất hữu ích.

Đặc biệt, trong trường hợp khả thi hơn, cách làm này sẽ được nhân rộng ra các tuyến cao tốc trên cả nước, nhất là đối với tuyến cao tốc Bắc - Nam. Đây sẽ là bước đột phá trong chiến lược triển khai thu phí không dừng toàn tuyến trên các cao tốc thời gian tới.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn khá nhiều DN vận tải và chủ phương tiện tỏ ra băn khoăn trước việc thí điểm xe dán thẻ thu phí mới được đi vào cao tốc. Phần đông ý kiến cho rằng, thực hiện chủ trương không cho xe chưa dán thẻ thu phí ETC đi vào cao tốc thời điểm này là chưa phù hợp.

Anh Phạm Mạnh (SN 1995, quê Thái Bình) cho hay, thu phí tự động là cần thiết, thu được nhiều lợi ích nhưng bản thân ít khi ra khỏi tỉnh nên không muốn dán thẻ thu phí tự động. Bởi vậy, anh Mạnh cho rằng phải cần có làn dành riêng cho xe trả tiền mặt.

Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, tại các trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có nhiều chủ phương tiện cả năm mới đi một lần và không biết nạp tiền, dán thẻ ở đâu. Còn tình trạng xe không đủ tiền trong tài khoản vẫn lưu thông qua trạm và nhiều xe đã dán thẻ nhưng hệ thống không đọc được và barie không mở.

Lãnh đạo VIDIFI cũng cho rằng, khi giải quyết được bài toán tổng thể về các vướng mắc hiện nay, nâng tỷ lệ người dùng lên thì việc cao tốc có 100% thu phí không dừng mới khả thi.

Trong khí đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, thu phí không dừng giúp lưu thông nhanh hơn và giảm chi phí vận tải. Tuy nhiên ông Quyền cho rằng, thu phí không dừng hiện chỉ cho phép hình thức trả trước, chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông của nhà cung cấp dịch vụ và lưu thông qua trạm.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do dịch bệnh nên không có điều kiện ứng tiền để trả trước. Vì vậy, cần có thêm hình thức trả sau để cho người dân và doanh nghiệp lựa chọn.

Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị cần có giải pháp kết nối giữa tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng, khi xe qua trạm sẽ trả tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng mà không cần tài khoản giao thông, giải quyết được thắc mắc về lãi suất.

"Đây là biện pháp hành chính để thúc đẩy tỷ lệ người dùng dịch vụ nhưng cần nghiên cứu tác động mặt trái của việc thí điểm", ông Quyền nói và cho rằng nếu chỉ cho phép phương tiện dán thẻ đi vào cao tốc, nhiều phương tiện khác dồn sang các tuyến đường khác sẽ gây nên tình trạng quá tải, ùn tắc.

Ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), đơn vị đầu tư dự án thu phí không dừng cho rằng, để thu phí tự động không dừng thực sự phát huy hiệu quả, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường giám sát, xử phạt đối với các chủ phương tiện không đủ điều kiện, không dán thẻ lưu thông qua các làn thu phí không dừng.

Ngoài ra, Bộ GTVT cần sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn về vận hành, khai thác để đảm bảo sự hoạt động ổn định, đồng bộ từ trạm lên Trung tâm tính cước còn các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải tuân thủ các quy trình vận hành, theo dõi thường xuyên hệ thống và duy trì vận hành ổn định...

Trước những băn khoăn về việc thí điểm chỉ cho xe dán thẻ ETC đi vào cao tốc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, Tổng cục sẽ chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ ETC tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân dán thẻ và sử dụng thu phí không dừng. Trong đó, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về xử phạt xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Vũ Ngọc Oánh hiến kế để tăng lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng trong thời gian tới. Theo đó, ngoài giải pháp tuyên truyền, ông Oánh cho biết Nhà nước có thể dùng "đòn bẩy" là chính sách hỗ trợ giá để khuyến khích người dùng. Chính phủ hỗ trợ chủ phương tiện dùng ETC bằng 2 - 3% giá vé trong một thời gian nhất định.

Nguồn hỗ trợ này được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cùng với đó phải tăng cường việc xử phạt đối với chủ phương tiện không đủ điều kiện thu phí không dừng và đi sai làn. (Kinhtedothi.vn 08/12, Quý Nguyễn)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thăm, tặng quà hội viên, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Lê Chân và quận Ngô Quyền

Hưởng ứng chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", chiều ngày 8/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức các đoàn công tác đi thăm tặng quà hội viên, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quận Lê Chân và quận Ngô Quyền.

Tại đây, các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã trao tặng 200 thùng mì tôm, 20 thùng nước, 150 bộ quần áo bảo hộ với tổng trị giá 35 triệu đồng.

Thay mặt Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các đồng chí lãnh đạo Hội đã ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các cấp Hội Phụ nữ 2 quận trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và san sẻ yêu thương với phụ nữ, nhân dân trên địa bàn.

Các đồng chí cũng gửi lời động viên, thăm hỏi tình hình sức khỏe và đời sống của hội viên, phụ nữ, nhân dân, đồng thời chúc các các hộ dân luôn vững tin để chiến thắng dịch bệnh, ổn định cuộc sống. (Anhp.vn 08/12, Vũ Duyên)

Công an phường Thượng Lý tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong thời gian qua, đặc biệt trong 2 tuần dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, quán triệt chỉ đạo của Ban lãnh đạo Công an quận Hồng Bàng, Đảng ủy, UBND phường Thượng Lý, Công an phường Thượng Lý chủ động phối hợp với Trạm Y tế phường Thượng Lý và các đơn vị liên quan triển khai một loạt các biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tế để làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Ban chỉ huy Công an phường phân công các đồng chí Cảnh sát khu vực làm lực lượng chủ công bám sát địa bàn, phối hợp với cán bộ Tổ dân phố trực chốt tại các điểm phong tỏa, phối hợp rà soát, quản lý các trường hợp F0, F1, F2; giám sát các đối tượng thuộc diện phải theo dõi y tế…

Cảnh sát khu vực Công an phường Thượng Lý cũng tích cực phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự tại các điểm tiêm vắc xin trên địa bàn phường; hướng dẫn nhân dân về thủ tục, bảo đảm duy trì khoảng cách an toàn, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh trật tự, góp phần nâng cao ý thức người dân tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh. (Anhp.vn 08/12, Thế Khoa)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng khai mạc Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI

Sáng 8/12/2021, tại Trung tâm Hội nghị TP. Hải Phòng, Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 - 2026). (TTXVN/Vnanet.vn 08/12, An Đăng; Baophapluat.vn 08/12; Baoxaydung.com.vn 08/12; Daibieunhandan.vn 08/12; Đại biểu nhân dân 09/12, tr1+7; Pháp Luật Việt Nam 09/12, tr6; Thanhtra.com.vn 08/12)

Hải Phòng: Thực hiện điều trị F0 tại nhà theo mô hình hoạt động của Trạm y tế lưu động

Chủ tịch TP. Hải Phòng vừa yêu cầu UBND quận Hồng Bàng và UBND huyện Tiên Lãng thực hiện điều trị F0 mắc Covid-19 tại nhà theo mô hình hoạt động của Trạm y tế lưu động với sự hướng dẫn của Sở Y tế. (Tiền phong 09/12, tr15; Dantri.com.vn 08/12; Kênh VTV1 - Chương trình Thời sự 8h+9h ngày 08/12; Truyền hình Nhân dân – Chương trình Thời sự 11h30 ngày 08/12)

Hải Phòng: Sắp có khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện

Dự án khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện, TP. Hải Phòng có tổng vốn 11.100 tỷ đồng dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng cho khách hàng bắt đầu từ tháng 1/2023. (Diendandoanhnghiep.vn 08/12, Hải Ngân; Vneconomy.vn 08/12; Vnexpress.net 08/12; Moitruongvadothi.vn 08/12; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng ngày 09/12)

Hải Phòng: Xây dựng khu tái định cư tại khu đất 9,2 ha phường Thành Tô

Quận Hải An vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng khu tái định cư tại khu đất 9,2 ha phường Thành Tô, quận Hải An, TP. Hải Phòng để đáp ứng nhu cầu giao đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố. (Baotainguyenmoitruong.vn 08/12, Phạm Duy)

Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ giải tỏa bãi gyps Đình Vũ

Ban Quản lý Khu Kinh Hải Phòng tế sẽ trực tiếp vào cuộc, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý giải tỏa bãi gyps Đình Vũ. Đó là khẳng định của ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty CP DAP-Vinachem và Công ty CP thạch cao Đình Vũ về bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải tỏa bãi gyps Đình Vũ. (Diendandoanhnghiep.vn 09/12, Minh Huệ - Lê Linh

Khôi phục tuyến vận tải hành khách từ Hải Phòng đến Đà Nẵng và ngược lại

Từ ngày 8/12, Sở Giao thông Vận tải TP. Hải Phòng thông báo chính thức khôi phục hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định từ Hải Phòng đến thành phố Đà Nẵng và ngược lại. (TTXVN/Baotintuc.vn 08/12, Đoàn Minh Huệ; Vov.vn 08/12)

Lập 2 đoàn kiểm tra lắp camera trên xe kinh doanh vận tải

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập 2 đoàn kiểm tra công tác lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trong cả nước. Thời gian bắt đầu kiểm tra từ ngày 13/12/2021. Tromg đó. đoàn kiểm tra phía Bắc, do bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn, sẽ kiểm tra việc lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải tại Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ và Yên Bái. (Tienphong.vn 08/12, Ngọc Mai)

Liên tiếp phát hiện các vụ thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường cuối năm

Ngày 3/12, Đội QLTT số 8, Cục QLTT TP. Hải Phòng phối hợp cùng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Hải Phòng kiểm tra cơ sở sản xuất chế biến do ông Phạm Năng Út làm chủ hộ kinh doanh. Thời điểm kiểm tra, cơ sở của ông Út đang chứa 7,5 tấn lòng già heo trị giá khoảng 50 triệu đồng. (Anninhthudo.vn 09/12, Mai Hà; Taichinhdoanhnghiep.net.vn 08/12)

Bắt đối tượng trộm cắp tài sản

Công an huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng đã khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Dương Văn Thắng, trú tại thôn Quyết Tiến 1, xã An Thắng, An Lão, Hải Phòng. Đây là đối tượng gây ra 2 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn. (Antv.gov.vn 08/12)./.

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố