Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 8/6/2017)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 8/6/2017)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1. Chuẩn bị kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố khóa 15: Quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công

Đó là một trong những nội dung được trao đổi tại cuộc kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ trình kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa 15 tại Sở Nội vụ của Thường trực HĐND thành phố, sáng 7-6. Đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các Ban HĐND thành phố, các sở, ngành liên quan.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND ngày 20-7-2012 của HĐND thành phố từ năm 2012 đến nay và thực trạng công tác cải cách hành chính của thành phố. Theo đó, một số mục tiêu hoàn thành như cắt giảm 30% các khoản chi phí, thời gian mà tổ chức, doanh nghiệp và công dân phải bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính; đến năm 2013, bảo đảm thực hiện thực chất mô hình cơ chế “một cửa” ở 100% số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; đến năm 2015, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án có vốn đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn nhiều mục tiêu chưa hoàn thành trong đó chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố năm 2016 mới xếp vị trí 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xếp vị trí 6/12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và xếp vị trí thấp nhất 5/5 trong nhóm 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố lưu ý mục tiêu quan trọng của Đề án cải cách hành chính giai đoạn tới cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công. Trên cơ sở khắc phục những, hạn chế của giai đoạn trước, gắn kết cải cách hành chính giữa các sở, ngành thành phố với các địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ giai đoạn tới cần bám sát 6 nhiệm vụ trong đó quan tâm hoàn thiện thể chế quản lý cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, bộ máy hành chính, nâng cao năng lực, trách nhiệm của công chức. Đồng thời thực hiện tinh giảm biên chế, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm. Song song kiểm soát chặt chẽ mức chi thường xuyên, tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ tài chính với các cơ quan Nhà nước.

Các nội dung của cuộc làm việc được Sở Nội vụ tiếp thu, hoàn thiện văn bản, hồ sơ trình kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa 15. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

2.  Kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hải Phòng: Sẽ quyết nghị 18 nhóm vấn đề phát triển KT - XH

Thường trực HĐND TP Hải Phòng vừa thông qua kế hoạch kỳ họp thứ 5, HĐND TP nhiệm kỳ 2016 - 2021 để đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bổ khuyết nhiệm vụ, biện pháp 6 tháng cuối năm.

Thường trực HĐND TP đã thông báo các nội dung chính của kỳ họp tới các đại biểu HĐND, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện để chuẩn bị cho 18 nhóm vấn đề chính như xem xét việc thực hiện Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 6 tháng đầu năm; quyết định bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2017; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020)...

Ngoài ra, HĐND TP cũng xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND thành phố, TAND, VKSND, Cục Thi hành án dân sự.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, Kỳ họp thứ 5, HĐND TP sẽ thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn, báo cáo giải trình của những lĩnh vực, ngành được cử tri và đại biểu HĐND TP quan tâm  như việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề về lập lại trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và nếp sống văn minh đô thị, chương trình nước sạch nông thôn, xây dựng chung cư cũ, thu hồi những dự án, quy hoạch “treo” không đưa đất vào sử dụng.

Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hải Phòng Khóa XV dự kiến họp trong 4 ngày (từ 11 đến 14.7). (Đại biểu nhân dân 08/06/2017)

3. Hải Phòng phấn đấu đạt tiêu chí đô thị đặc biệt năm 2025

Sáng 7-6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng chủ trì họp Hội đồng thẩm định đánh giá Dự án “Rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hội nghị đã công bố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Dự án “Rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” gồm 28 thành viên, do Chủ tịch UBNDTP làm Chủ tịch Hội đồng.

Đây là đề án được điều chỉnh, bổ sung dựa trên việc nhận diện những chỉ tiêu đạt và chưa đạt của quy hoạch cũ hơn 10 năm qua. Một số điểm điều chỉnh, bổ sung như: xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế mạnh, nơi đột phá của Bắc Bộ, thực hiện vai trò đầu tàu của vùng.

Hải Phòng sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH dựa trên thể chế hiện đại và khoa học công nghệ, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Hải Phòng phấn đấu xây dựng trở thành thành phố thông minh đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2020, đạt các tiêu chí chủ yếu của đô thị đặc biệt vào năm 2025.

Sau khi nghe 2 ý kiến phản biện, 5 ý kiến đánh giá góp ý đối với dự án quy hoạch, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Văn Tùng đánh giá cao bản đề án quy hoạch, đồng thời yêu cầu cập nhật thêm một số nội dung.

Đề án quy hoạch cũng cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm của lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu Hải Phòng phát triển kế thừa kết quả hiện tại để có bước phát triển bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt lưu tâm vấn đề môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đặt phát triển ngành dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là phát triển logistic.

Chủ tịch giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án, lấy ý kiến nhân dân để Thường vụ Thành ủy thông qua, trình tại kỳ họp sắp tới của HĐND TP. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

4. Đảng ủy khối doanh nghiệp thành phố bồi dưỡng kiến thức cho đảng viên mới

Đảng ủy khối doanh nghiệp thành phố vừa tổ chức bế giảng các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới và bồi dưỡng kết nạp Đảng đợt 1 năm 2017.

Do tính chất đặc thù của các đơn vị trong Đảng bộ khối, ban tổ chức các lớp học đã đổi mới, linh hoạt vận dụng phương pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới có 117 học viên, lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng có 151 học viên. Các đảng viên mới được truyền đạt nội dung 10 chuyên đề gồm những kiến thức cốt lõi về chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt  Nam  và nhiệm vụ của người đảng viên…

Các đối tượng kết nạp Đảng được học tập, nghiên cứu 5 chuyên đề về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Điều lệ Đảng CSVN và phương hướng phấn đấu để trở thành đảng viên. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

5. Chuẩn bị kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố khóa 15: Kiểm tra công tác chuẩn bị nội dung hồ sơ cải cách hành chính

Sáng 7-6, đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố chủ trì hội nghị kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ trình kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa 15 tại Sở Nội vụ. Cùng làm việc có đồng chí Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố và đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành liên quan.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2021. Đề án nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 06 của HĐND thành phố về đẩy mạnh CCHC nhà nước thành phố giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020, rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn để xác định đúng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá trong bối cảnh mới. Đến thời điểm này, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan đang thực hiện các quy trình cần thiết, đề nghị HĐND thành phố xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề để làm cơ sở định hướng, triển khai thực hiện hiệu quả công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thành công chính quyền điện tử thành phố.

Sau khi nghe Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan báo cáo nội dung và quy trình xây dựng đề án; các ý kiến góp ý vào nội dung dự thảo đề án, đồng chí Nguyễn Đình Bích đề nghị đơn vị soạn thảo đề án tiếp tục hoàn thiện nội dung và thực hiện các quy trình cần thiết trước khi trình HĐND thành phố. Trong đó, lưu ý chỉnh sửa tên gọi đề án theo chương trình kỳ họp; trình bày đề án theo hướng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, xác định rõ nhiệm vụ  trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, dịch vụ công; khắc phục những hạn chế của giai đoạn 2012-2016. Gắn kết CCHC giữa sở, ngành và các địa phương để nâng cao hiệu quả và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

GIAO THÔNG

6. Quy định mức phí sử dụng cầu phao Đăng

UBND TP vừa ban hành Quyết định 1298/2007/QĐ-UBND ngày 29-5-2017, quy định về giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng cầu phao Đăng (nối giữa hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo), do Công ty cổ phần xây dựng giao thông Phú Cường quản lý.

Theo quy định này, mức phí (đơn vị tính: đồng/lượt) đối với người đi bộ là 3.000 đồng; đi bộ có quang gánh hoặc xe đạp 4.000 đồng; người điều khiển xe máy, xích lô, xe đạp thồ có hàng 6.000 đồng; xe ô tô chở người dưới 10 chỗ 30.000 đồng; xe ô tô khách từ 10 đến dưới 24 chỗ 35.000 đồng, từ 24 đến dưới 32 chỗ 42.000 đồng, 32 chỗ trở lên 70.000 đồng; xe tải dưới 1 tấn có hàng 40.000 đồng, không hàng 27.000 đồng; xe tải 1 tấn đến dưới 3 tấn có hàng 75.000 đồng, không hàng 37.000 đồng/lượt; xe tải từ 3 tấn đến dưới 5 tấn có hàng 90.000 đồng, không hàng 50.000 đồng; xe tải từ 5 tấn đến dưới 10 tấn có hàng 130.000 đồng, không hàng 60.000 đồng.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 7-6-2017. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

7. Đường cất hạ cánh sân bay Cát Bi xuống cấp nghiêm trọng

Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận tình trạng hư hỏng, xuống cấp đường lăn N tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn hoạt động bay.

Theo tin tức báo VOV đăng tải, Cục hàng không Việt Nam cho biết, đường lăn N (đường cất hạ cánh cũ) Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) được sửa chữa nâng cấp phủ thêm lớp bê tông nhựa dày 25,7 cm lên trên lớp bê tông xi măng dày 28 cm từ năm 1996. Qua hơn 20 năm khai thác, đường lăn N đã quá tuổi thọ theo tiêu chuẩn, hiện tại đường lăn N đang trong tình trạng hư hỏng.

Từ tháng 6/2016 đến nay, Cảng hàng không Cát Bi đã tiến hành 7 lần sữa chữa, trám vá các vệt lún và điều chỉnh phương án lăn của tàu bay để tránh các vị trí lún trên đường lăn N. Tuy nhiên, đường lăn này vẫn hư hỏng nặng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hoạt động bay tại Cảng hàng không Cát Bi.

Báo Thanh Niên đưa tin, để khắc phục tình trạng trên, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức làm việc với TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan, thống nhất đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn 2 của dự án xây dựng mở rộng khu bay Cảng hàng không Cát Bi, sớm hoàn thành đưa vào khai thác đường lăn N3 trong tháng 7/2017. Cục Hàng không VN cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho Tổng công ty cảng hàng không VN triển khai dự án cải tạo đường lăn song song N ngay trong năm 2017. (Đời sống và Pháp luật 08/06/2017)

8. Cảnh báo rủi ro từ đò ngang

Mỗi ngày, dọc tuyến sông Hồng có hàng trăm lượt đò ngang đưa khách qua sông. Điều đáng nói, cả khách đi đò và chủ đò đều khá chủ quan khi tham gia giao thông đường thủy. Cùng với đó là lỗ hổng quản lý phương tiện thủy của địa phương nên tiểm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy (PC68 - Công an TP Hà Nội), trên địa bàn thành phố có 29 bến đò qua sông. Trong đó, có 28 bến đò ngang và 1 bến đò dọc (hiện tại đã ngừng hoạt động). Tại các bến đò, nhiều năm nay chưa xảy ra tai nạn, sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, việc thiếu chấp hành các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách đường thủy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý 1.279 trường hợp vi phạm, phạt hơn 200 triệu đồng. Các lỗi phổ biến là: người đi đò không mặc áo phao, đò không được trang bị dụng cụ cứu sinh, neo đậu sai quy định, chở quá tải, không có sổ danh bạ thuyền viên, không kẻ số đăng ký phương tiện...

Tuy nhiên, có một thực trạng là, chính quyền các địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng. Sau khi các phương tiện bị lực lượng chức năng xử phạt, tạm giữ, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động và giao lại cho chính quyền địa phương thì chỉ trong thời gian ngắn, những chiếc đò, phà không đủ điều kiện hoạt động lại lưu hành bình thường.

Tình trạng thiếu áo phao, thiếu phương tiện cứu sinh cũng không lạ ở nhiều bến đò ngang. Tại bến đò Thúy Lĩnh, phường Bạch Đằng, quận Hoàng Mai, chuyến phà cũ kỹ ì ạch chở người và hàng hóa sang sông. Dù khách đi phà khá nhiều nhưng dường như không ai ý thức được quy định phải mặc áo phao. Không ít hành khách đi phà, đò vẫn ngồi vắt vẻo trên xe máy. Đặc biệt, không chỉ khách không muốn mặc mà chủ phương tiện cũng không nhắc nhở khách mặc áo phao theo quy định.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy cho biết: sự vào cuộc của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thật sự quyết tâm. Thế nên, nếu chỉ riêng có lực lượng chức năng vào cuộc thì không thể làm được gì. Chúng tôi tham mưu với thành phố, nếu xảy ra vụ việc, phương tiện cũng như bến ở địa phương nào sai phạm, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Được biết, những năm qua, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với chính quyền các địa phương nơi có bến đò tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông và phát tặng áo phao cho các chủ đò. Việc này chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Sau đó, mọi việc đâu lại vào đó bởi sự thiếu ý thức của lái đò, chủ đò, sự chủ quan của hành khách cộng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Đại diện PC68 cũng thừa nhận, lực lượng của phòng mỏng nên không thể kiểm soát hết các bến đò trên tuyến đường sông dài khoảng 100 km. Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa sâu sát trong quản lý, dẫn tới những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Các phương tiện của PC68 phải hoạt động liên tục để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm nên lâu ngày cũng hư hỏng.

Đối với các tuyến đường thủy nội địa, PC68 điều tra cơ bản, tập trung vào khu vực thường xuyên bị sạt lở, khu vực có dân cư sinh sống ngoài đê... PC 68 cũng phối hợp với công an địa phương xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế; phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra, lên danh sách phương tiện thủy thường xuyên hoạt động trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống. Qua đó, phân loại chất lượng phương tiện, yêu cầu trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, đồng thời có biện pháp quản lý, phòng ngừa tai nạn hoặc huy động khi có tình huống xảy ra.

Mùa mưa bão năm 2017 tới, tại các bến đò ngang PC68 sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như bến đò không phép, phương tiện không có chứng nhận, đăng ký, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chở quá số người quy định, hành khách không mặc áo phao... Tuy nhiên, để việc tuân thủ quy định đi vào nền nếp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương để những chuyến đò ngang không còn là mối lo. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

GIÁO DUC - ĐÀO TẠO

9. Nộp hồ sơ thi vào lớp 10 THPT công lập: “Nóng” ở các trường tốp đầu

Tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, tính đến 17h ngày 7-6, số lượng đăng ký dự thi vào 37 trường THPT công lập trên địa bàn thành phố nguyện vọng (NV) 1 là 4.264, NV2 là 3.493, trong đó đăng ký vào chuyên là 600.

Một số trường có số lượng đăng ký NV1 cao, như: Trường THPT Ngô Quyền với 252 thí sinh, Trường THPT Thái Phiên với 242 thí sinh, Trường THPT Hùng Thắng (Tiên Lãng) 360 thí sinh, Trường THPT Nguyễn Trãi (An Dương) với 263 thí sinh, Trường THPT Toàn Thắng (Tiên Lãng) với 282 thí sinh…

“Nóng” nhất là Trường THPT chuyên Trần Phú, với tổng số chỉ tiêu được giao là 540, đã có số lượng đăng ký dự thi lên đến 925 thí sinh, trong đó đăng ký NV1 là 600, NV2 là 587, NV3 là 462, NV4 là 388, NV5 là 210 thí sinh. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

10. Tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ

Ngày 6-6, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Hội nghị tập huấn tuyển sinh hệ chính quy năm 2017 đã diễn ra (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là đơn vị đăng cai tổ chức). Hội nghị tập huấn năm nay triệu tập 352 cán bộ đến từ 164 đại học, học viện và 19 trường cao đẳng sư phạm khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở vào).

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm mới, trong đó có việc không giới hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đối với thí sinh. Do vậy, khả năng số lượng thí sinh “ảo” sẽ rất cao. Ngay khi có phương án tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng phần mềm xét tuyển “lọc ảo” dựa trên nền tảng là quy chế tuyển sinh mà Bộ đã công bố.

Tại đợt tập huấn này, các trường trực tiếp chạy thử nghiệm phần mềm dựa trên những số liệu được cung cấp sẵn, trên cơ sở đó cùng nhau thảo luận, đóng góp để hoàn thiện phần mềm sử dụng chung phục vụ cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 sắp tới.

Việc sử dụng phần mềm tuyển sinh “lọc ảo” sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có điểm số cao trúng tuyển đúng ngành mình mong muốn, tránh những trường hợp điểm cao nhưng lại vào ngành có đầu vào thấp. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

11. Những lưu ý khi đăng ký dự thi vào lớp 10

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ diễn ra. Thời điểm này, phụ huynh và học sinh đang nộp hồ sơ và khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết cho kỳ thi quan trọng này. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Văn Lợi về một số lưu ý khi làm hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập.

Phóng viên: Năm nay, thí sinh dự tuyển vào các trường THPT công lập và Trường THPT chuyên Trần Phú sẽ phải nộp hồ sơ như thế nào và tại đâu, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Lợi: Hồ sơ dự tuyển gồm: Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018 (theo mẫu). Đối với người dự tuyển đã tốt nghiệp THCS trước năm 2017 (gọi là thí sinh tự do), phải được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận không trong thời gian thi hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc không vi phạm pháp luật. Bản sao giấy khai sinh hợp lệ (có chứng thực). Bằng tốt nghiệp THCS (đối với học sinh tốt nghiệp trước năm 2017) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời (đối với học sinh tốt nghiệp năm 2017). Học bạ hoặc kế hoạch giáo dục cá nhân (đối với học sinh khuyết tật) cấp THCS (bản chính). Giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Thí sinh đăng ký tham dự xét tuyển vào trường nào thì nộp hồ sơ tại trường đó (tại Hải Phòng có 2 trường xét tuyển là THPT Cát Hải và THPT Cát Bà). Riêng thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên thì nộp hồ sơ tại Trường THPT chuyên Trần Phú. Thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng vào trường THPT công lập nộp và nhận hồ sơ tại trường THPT nơi thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng nguyện vọng 1.

Phóng viên: Xin ông lưu ý một số mốc thời gian quan trọng trong quá trình nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm học 2017-2018 tại Hải Phòng?

Ông Đỗ Văn Lợi: Từ ngày 5-6 đến ngày 9-6, Trường THPT chuyên Trần Phú tiếp nhận đơn, nhập dữ liệu thí sinh, sơ tuyển thí sinh dự thi chuyên. Ngày 10-6, Trường THPT chuyên Trần Phú báo cáo kết quả sơ tuyển thí sinh đăng ký dự thi trường chuyên về sở.

Từ ngày 6-6 đến ngày 10-6, các trường THPT công lập tiếp nhận đơn, nhập dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi. Ngày 12-6, hạn cuối cùng các trường THPT nộp về sở danh sách thí sinh đăng ký dự thi. Ngày 15-6, các trường nhận danh sách phòng thi tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Ngày 25-6, các trường niêm yết danh sách thí sinh tại trường và địa điểm thi. Thí sinh xem danh sách, kiểm tra thông tin, phát hiện sai sót báo cáo lại hội đồng tuyển sinh trường THPT để kịp thời bổ sung, sửa chữa...

Phóng viên: Được biết, các thí sinh năm nay tiếp tục được đăng ký nhiều nguyện vọng. Vậy, sở đã có phương án gì để tránh tình trạng “thí sinh ảo” và giúp thí sinh có thể chọn trường phù hợp với nguyện vọng và năng lực của mình?

Ông Đỗ Văn Lợi: Năm nay, sở tiếp tục yêu cầu các trường THPT niêm yết công khai địa chỉ website của ngành để thí sinh tham khảo về số lượng phiếu đăng ký dự thi. Đồng thời, sở cũng yêu cầu các trường tạo điều kiện để thí sinh có thể rút hồ sơ, bổ sung, thay đổi nguyện vọng (nếu có nhu cầu) cho đến hết ngày 9-6.

Sở sẽ cập nhật liên tục thông tin 60p/ lần vào giờ hành chính trên website của ngành tại địa chỉ haiphong.edu.vn để thí sinh và phụ huynh theo dõi.

Điều khác biệt là năm nay ở Trường THPT chuyên Trần Phú, thí sinh được đăng ký tới 5 nguyện vọng, nhưng nếu đã đỗ ở nguyện vọng trên thì sẽ không xét các nguyện vọng tiếp theo. Do vậy, thí sinh dù thi đỗ vào nhiều lớp của Trường THPT chuyên Trần Phú thì cũng chỉ có tên ở một lớp mà thôi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã giúp các thí sinh thực hiện chính xác và rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự tuyển! (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

DU LỊCH

12. Khu du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng: Chưa có nổi một khách sạn 5 sao xứng tầm

Do đặc thù của du lịch Đồ Sơn, Hải Phòng là mang tính thời vụ, hơn nữa du khách đến Đồ Sơn ở lại qua đêm không nhiều cũng bởi Đồ Sơn thiếu khu vui chơi dành cho du khách. Kết hợp nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên sau nhiều năm du lịch Đồ Sơn không có nổi một khách sạn hạng sang (5 sao).

Ông Đỗ Văn Viết – Trưởng phòng Văn hóa & Du lịch Đồ Sơn cho biết: Mặc dù thời tiết vừa qua vô cùng nắng nóng, thế nhưng lượng du khách đến Đồ Sơn so với năm ngoái giảm đi rất nhiều. Phải thừa nhận rằng du khách đến Đồ Sơn thiếu điểm vui chơi giải trí, ngoài du lịch tâm linh chỉ nở rộ dịp Tết còn lại ở Đồ Sơn không có các dịch vụ đi kèm. Chưa kể đến hệ thống nhà hàng khách sạn tại đây đa phần được xây dựng từ thập niên trước như: khách sạn Hải Âu, Công Đoàn, Hải Yến, Lâm Nghiệp, Hoa Phượng, Vạn Thông...

Ở Đồ Sơn chỉ có khái niệm nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn là các cơ sở lưu trú (dưới 1 sao), còn dịch vụ phòng phải gọi là “phòng ở tập thể” mới đúng. Cũng bởi vậy chẳng có ông lớn nào “ngó” đến Đồ Sơn. Một số dự án vẫn dang dở hoặc bỏ hoang. Cách đây một năm, Công ty Him Lam về khởi công hoành tráng với dự án biến đảo Hòn Dáu thành nơi du lịch xứng tầm. Ấy vậy từ ngày đó họ cũng “im hơi lặng tiếng” mà chưa biết lí do vì sao cho đến tận hôm nay. Ngoài ra còn một dự án do Công ty CP Du lịch Quốc tế Hòn Dáu đầu tư, tuy đã nhiều năm nhưng xem ra còn chưa bài bản và thiếu một sân chơi chuyên nghiệp.

Đi thực tế tại một số nhà nghỉ, khách sạn ở Đồ Sơn, dễ dàng nhận ra cách làm du lịch nơi đây thật manh mún. Với một loạt hệ thống phòng nghỉ quá cũ, tuy hàng năm các đơn vị này có nâng cấp nhưng chưa thực sự ấn tượng. Một vị Giám đốc chia sẻ: Khách sạn của chúng tôi do không phát huy được vai trò nên đã chuyển đổi sang một ngành nghề đào tạo khác. Rõ ràng đang là mùa du lịch nhưng các phòng ốc vắng hoe, thế nên nếu có đầu tư thì chỉ có lỗ, rất khó cho đơn vị. Không chỉ riêng đơn vị tôi đâu mà đa phần ở đây các nhà nghỉ, khách sạn đều có chung tư tưởng như vậy.

Như vậy đã rõ vì sao sau nhiều năm ở Đồ Sơn không thu hút được khách du lịch và không tự làm mới mình như bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa hay ở ngay Cát Bà, Hạ Long. Thậm chí, khi cầu Tân Vũ Lạch Huyện xây xong chắc chẳng còn ai nhớ đến Đồ Sơn nữa. Còn nhớ một đồng nghiệp đã nói với tôi cách đây ít bữa khi anh theo đoàn xuống Đồ Sơn để nghỉ dưỡng vài ngày. Anh tâm sự rằng ở Đồ Sơn không có bất cứ dịch vụ nào đi kèm để phục vụ du khách, tối đến chỉ biết ra ngắm biển chứ chẳng còn trò gì. Đến mấy địa điểm như Biệt thự Bảo Đại tưởng hoành tráng lắm nhưng tuyệt nhiên không có gì ngoài mấy căn phòng bố trí khá bừa bãi, lộn xộn, cô hướng dẫn viên chẳng có chiêu trò gì để giới thiệu cho du khách, ông bảo vệ ngủ gà ngủ gật...Nếu làm du lịch kiểu này không mấy chốc chẳng còn khách nào muốn đến tham quan.

Bên cạnh đó chưa kể tuyến đường từ cầu Rào 1,2 đi xuống Đồ Sơn năm nay đem lại nhiều bất lợi cho người dân khi muốn đi tắm biển. Bởi chiều đi và chiều về dày đặc xe container chạy theo cung đường đi lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi Đĩnh Vũ. Từ 16h đến 21h thì người dân nếu đi trên tuyến này sẽ vô cùng nguy hiểm và tính mạng luôn bị đe dọa. Được biết đây là chủ trương của thành phố Hải Phòng để xây cầu vượt tại ngã 3 Đình Vũ nên xe container buộc phải đi vào tuyến đường này. Chỉ khi nào cầu xây xong thì mới hết xe container chạy qua đây. Một trong những bất cập khiến cho lượng khách giảm hẳn so với hè năm 2016.

Vì vậy khu du lịch Đồ Sơn đã khó nay càng khó hơn bởi nhiều yếu tố đem lại, nếu không có cách làm mới chắc chắn Đồ Sơn sẽ rất khó khăn trong việc làm du lịch. Rất cần một cú hích cho du lịch Đồ Sơn đổi mới. (Kinh tế & Đô thị 08/06/2017)

13. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên du lịch theo hướng bền vững

Đó là ý kiến của đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố tại cuộc làm việc với Sở Du lịch về công tác chuẩn bị hồ sơ trình kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa 15, chiều 7-6. Cùng dự có lãnh đạo các  Ban HĐND thành phố, sở, ngành liên quan.

Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích ghi nhận nỗ lực của Sở Du lịch trong xây dựng dự thảo đề án “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030”. Đồng chí đề nghị Sở tiếp tục hoàn thiện đề án, tính toán các nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu về phát triển du lịch; bám sát nghị quyết của Thành ủy, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên du lịch theo hướng bền vững; bổ sung mục tiêu của đề án, phấn đấu đưa Hải Phòng trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch bằng đường hàng không, đường biển. Đồng thời, ngành tiếp tục tham mưu cho thành phố về phương án bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, thân thiện với môi trường; hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về du lịch ở thành phố và các địa bàn trọng điểm du lịch…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Du lịch Hải Phòng xây dựng dự thảo đề án “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2030”, với các nhóm chính sách: Nâng cao nhận thức phát triển du lịch; hoạch định chiến lược quy hoạch và quản lý sau quy hoạch; thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ và sản phẩm du lịch tại các vùng xa thành phố; hỗ trợ phát triển thị trường và đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và liên kết phát triển du lịch.

Đến thời điểm này, UBND thành phố đã phê duyệt đề cương đề án. Sở Du lịch tổ chức xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Đã có 37 ý kiến tham gia, trong đó 14/37 ý kiến nhất trí, 23/ 37 ý kiến tham gia bổ sung, sửa đổi. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

KINH TẾ

14. Hải Phòng và cơ hội vươn ra biển lớn: Kỳ 2 - Đột phá phát triển dịch vụ từ biển

Như đã nói ở kỳ trước, những năm qua Hải Phòng đã khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển mới, cũng như đúc rút kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trong quá khứ, thành phố đang thể hiện quyết tâm cho mục tiêu bền vững hơn.

Kết luận 72 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Hải Phòng cần phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước…”.

Trong đó mục tiêu đầu tư dịch vụ được ưu tiên, thay thế cho một giai đoạn chọn hướng phát triển công nghiệp dàn trải, giá trị gia tăng thấp và gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu này cũng được cụ thể hóa trong Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, mà hai năm 2016 và 2017 khởi đầu thực hiện, thành phố đã có nhiều đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và phát triển du lịch.

Về dịch vụ cảng, mặc dù thành phố đang có gần 40 doanh nghiệp cảng, năng lực xếp dỡ đạt 80 triệu tấn/năm. Với việc dịch chuyển dần hệ thống cảng ra phía biển, khai thác hiệu quả về độ sâu, đầu tư tập trung với trang thiết bị hiện đại, vận hành theo mô hình logistics, Hải Phòng sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện được khai thác. Lúc đó những tàu có tải trọng lớn sẽ cập cảng Hải Phòng, tạo thêm nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp khi hạn chế phải trung chuyển hàng hóa sang các nước trong khu vực.

Một mũi nhọn đột phá khác được thành phố khai thông rõ nét kể từ khi thực hiện Nghị quyết đại hội 15, đó là phát triển hạ tầng du lịch biển. Với việc xác định rõ tính cơ yếu hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thay cho việc tận dụng khai thác, Hải Phòng đã làm mới mình bằng việc bổ sung làm giàu nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình.

Trước hết nói về Cát Bà, tiếp theo sự kiện khánh thành giai đoạn 1 khu vui chơi - nghỉ dưỡng đảo Vũ Yên của tập đoàn VinGroup, trong dịp kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Hải Phòng vừa qua, tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí Cát Bà, được coi là dự án lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam. 

Tương tự, Đồ Sơn trở thành mũi nhọn của ngành “công nghiệp không khói” Hải Phòng, nhiều dự án lớn được đầu tư nhằm đánh thức tiềm năng trù phú của miền đất này. Tới đây dự án khổng lồ với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng của tập đoàn Him Lam sẽ biến đảo Dấu trở thành viên ngọc thực sự. Chưa hết, được biết tập đoàn FLC cũng đang khởi động cho ý tưởng đầu tư một trung tâm nghỉ dưỡng trên đảo nhân tạo ở Đồ Sơn trong tương lai không xa.

Cũng liên quan đến phát triển dịch vụ biển, Hải Phòng tự hào là địa phương có huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật biển phong phú. Thời gian qua, thành phố đã tập trung đầu tư khá lớn cho huyện đảo nhằm cụ thể hóa mục tiêu để Bạch Long Vỹ trở thành một tụ điểm du lịch, đồng thời là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của vịnh Bắc Bộ.

Có thể nói, với những nỗ lực kể trên, Hải Phòng đang trở mình mạnh mẽ với mục tiêu vươn ra biển lớn bằng đột phá chiến lược, sống với biển và làm giàu từ biển. Khẳng định hướng đi đúng đắn là củng cố, phát triển kinh tế để làm nền tảng cho ổn định quốc phòng an ninh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

15. Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng: Đang dần hình thành

Từ vùng biển hoang sơ, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đang dần hình thành, vươn ra biển lớn. Được khởi công xây dựng từ tháng 7-2013, đến nay nhà thầu thi công xong mặt bến và đóng gần 50% số cọc bê tông 2 bến cầu tàu. Quy mô của dự án là xây dựng 2 bến cảng container với tổng chiều dài 750m và các hạng mục công trình đường bãi, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị đồng bộ để tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp có trọng tải đến 50.000 DWT đủ tải và tàu 100.000 DWT giảm tải. Báo Hải Phòng giới thiệu một số hình ảnh về Dự án đang được thực hiện tại Cát Hải. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

16. Bộ Tài chính trả lời kiến nghị cử tri về miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp

Cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét có chính sách miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các đơn hàng cơ khí xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học và công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng cơ khí chế tạo.

Tại Công văn số 768/BTC-CST ngày 18/01/2017, Bộ Tài chính đã giải đáp vấn đề nêu trên của cử tri TP. Hải Phòng, cụ thể:

Pháp luật thuế TNDN quy định ưu đãi đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ cao ở mức cao nhất trong khung ưu đãi của pháp luật thuế (thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN).

Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam được miễn thuế TNDN.

Trước ngày 01/01/2015, pháp luật thuế TNDN không có chính sách ưu đãi riêng đối với công nghiệp hỗ trợ. Từ ngày 01/01/2015, theo Luật số 71/2014/QH13 thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo nếu đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Luật.

(Các tiêu chí quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 như sau:

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;

- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.

Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của Chính phủ.).

Đối với dự án đầu tư mở rộng nếu đáp ứng một trong ba tiêu chí về đầu tư mở rộng quy định tại Luật số 32/2013/QH13 thì được lựa chọn ưu đãi theo dự án ban đầu cho thời gian còn lại (nếu có) hoặc được hưởng ưu đãi theo đầu tư mở rộng.

Trường hợp các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng mà không đáp ứng điều kiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nêu trên nhưng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư thì được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực, địa bàn tương ứng.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 406/TTr-CP ngày 14/10/2016 trình Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có giải pháp giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Tạp chí Tài chính 08/06/2017)

17. Himalaya Spa khai trương tại Hải Phòng

Ngày 3/6/2017 vừa qua, Himalaya Spa cơ sở Hải Phòng đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động. Đây là trung tâm làm đẹp thứ 7 trong chuỗi Himalaya Spa uy tín, hiện đại và đẳng cấp nhất hiện nay của nữ hoàng khả ái Vũ Kim Anh.

Himalaya Spa là thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp có gần 16 năm hình thành và phát triển. Đây là mô hình làm đẹp tiên phong trong việc kết hợp giữa y học cổ truyền và công nghệ cao để rồi cho ra mắt những dịch vụ chăm sóc sắc đẹp uy tín được khách hàng đánh giá cao bởi hiệu quả và an toàn như: Chải thông khí huyết, xông hơi đá thạch anh kết hợp ion âm trị liệu đau mỏi vai gáy, tay chân tê bì, thoát vị đĩa đệm, đau đầu, mất ngủ, giúp đào thải độc tố, giảm đau nhức xương khớp, làm ấm buồng trứng, tử cung, giảm nguy cơ ung thư ngực…

Đặc biệt chị Vũ Kim Anh – Chủ tịch sáng lập và Điều hành Himalaya Spa được biết đến là chuyên gia thải độc – giảm béo hàng đầu của Việt Nam. Trong nhiều năm qua chị đã giúp cho hàng nghìn khách hàng lấy lại được vóc dáng thon gọn, tuổi thanh xuân của mình.

Năm 2017 Himalaya Spa khai trương liên tiếp nhiều cơ sở trên toàn quốc đánh dấu bước phát triển vượt bậc của thương hiệu này. Đặc biệt tháng 6/2017 Himalaya Spa Hải Phòng cũng chính thức được khai trương và đi vào hoạt động. Tọa lạc tại số 2/247A Đồng Tâm, Lạch Tray, Ngô Quyền, Tp Hải Phòng, Himalaya Spa có tổng diện tích hơn 300m vuông. Trung tâm mới có thiết kế sang trọng, đẳng cấp cùng trang thiết bị và công nghệ máy móc hiện đại bậc nhất tại Hải Phòng. (Dân trí 08/06/2017)

18. Giảm 1/3 giá, Bạch Đằng - HJC trúng gói thầu hơn 68 tỷ đồng

Liên danh Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư - Xây dựng HJC vừa trúng Gói thầu 13A - Xây lắp XL2 (phần nút giao dưới cầu) thuộc Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ.

Theo Ban Quản lý dự án giao thông đường thủy, đường bộ Hải Phòng, liên danh nêu trên có giá trúng thầu là 68,429 tỷ đồng, giảm 34,974 tỷ đồng so với giá gói thầu. Đây là mức giảm khá lớn, lên tới 33,8% so với giá gói thầu.

Hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh trong vòng 180 ngày. Nhà thầu sẽ xây dựng nút giao gồm 2 nhánh đường Lê Thánh Tông - đường tỉnh 356 và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giao thông tại nút giao được tổ chức dạng đảo xuyến có bán kính R=25m, tổ chức 4 làn xe trong xuyến. Tổng chiều dài toàn tuyến là 584,43m. Kết cấu mặt đường chính cấp cao A1, kết cấu tầng mặt bằng bê tông rải nhựa nóng. Các hạng mục còn lại như sơn kẻ đường, biển báo hiệu; xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng; trồng cây xanh.

Theo Quyết định số 157/QĐ-UBND ngày 20/1/2015 của UBND TP. Hải Phòng, Dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 1.311 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP có địa chỉ tại số 268 Trần Nguyên Hãn, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, với vốn điều lệ 217,359 tỷ đồng. Nhà thầu này tiền thân là Công ty Xây dựng số 16 trực thuộc Bộ Xây dựng. Theo báo cáo tài chính năm 2016, Tổng công ty có tổng tài sản hơn 1.710 tỷ đồng. Tổng nợ là 1.455 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.325 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng là 1.274 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1.374 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 16,661 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP đã trúng nhiều gói thầu quy mô lớn với tổng giá trị trúng thầu lên tới trên 1.552 tỷ đồng (bao gồm tư cách độc lập và liên danh).

Điển hình như Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị hạng mục: Nhà hiệu bộ, sân vận động, sân tennis, sân bóng ném, hạ tầng kỹ thuật (Dự án Đầu tư xây dựng mới Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM tại khu dân cư Nhơn Đức, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM), giá trúng thầu là 288,59 tỷ đồng, giảm 522,604 triệu đồng so với giá gói thầu (tương đương tỷ lệ 0,18%).

Gói thầu Xây dựng các tuyến đường Thanh Niên và đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ, TP. Đông Hà (Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Quảng Trị), giá trúng thầu là 220,445 tỷ đồng, giảm 60,942 triệu đồng so với giá gói thầu (tương đương tỷ lệ 0,02%)...

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư - Xây dựng HJC có địa chỉ tại BT 67D3, đường Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội; với vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư - Xây dựng HJC đã trúng thầu với tổng giá trị hợp đồng lên tới gần 1.200 tỷ đồng. (Đấu thầu 08/06/2017)

19. Cẩn trọng quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao

Sáng 6-6, Thường trực HĐND TP đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị hồ sơ trình kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa XV tại Sở NN&PTNT. Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Nguyễn Đình Bích chủ trì buổi làm việc.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa XV sẽ thông qua tờ trình về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Để chuẩn bị hồ sơ trình kỳ họp, Sở NN&PTNT đã dự thảo báo cáo đề xuất cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, thủy sản giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TP (từ ngày 5-5 đến 5-6-2017); gửi xin ý kiến các sở, ban, ngành, địa phương liên quan; tiếp thu, hoàn thành dự thảo đề án “Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”, tờ trình của UBND TP và Nghị quyết của HĐND TP...

Kết luận tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Nguyễn Đình Bích đề nghị: Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát các thủ tục, đối với văn bản đã có ý kiến của Thường vụ nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP. Đối với các cơ chế, chính sách, giao cho Sở Tài chính, Sở KH&ĐT phối hợp với Sở NN&PTNT sớm hoàn tất.

Về nội dung, cần làm rõ căn cứ khả thi, căn cứ pháp luật cho từng chính sách; cân đối lại chi phí 1 năm cho từng chính sách. Về quy hoạch, phải cân nhắc kỹ Hải Phòng có những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nào, sản phẩm chủ lực từng vùng, chú ý xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

20. Dự án rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Hải Phòng đến năm 2025, định hướng tới năm 2030: Các ngành, địa phương tích cực đóng góp hoàn thiện sớm nhất

Sáng 7-6, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì phiên họp của hội đồng thẩm định đánh giá dự án rà soát, điều chỉnh và bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội (KTXH) thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố cùng họp.

Dự thảo dự án do Trung tâm tư vấn phát triển và đào tạo (Viện Chiến lược phát triển) và Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp thực hiện với sự tham gia đóng góp ý kiến của các ngành, địa phương. Ngày 21- 4, UBND thành phố quyết định thành lập hội đồng thẩm định dự án do đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố là Chủ tịch hội đồng.

Sau khi nghe tóm tắt dự án và ý kiến của các ủy viên phản biện, các thành viên hội đồng thẩm định tham gia góp ý, tập trung vào các vấn đề như thời kỳ quy hoạch (định hướng tới năm 2030) cần phải xem xét để thống nhất với Luật Quy hoạch sắp được Quốc hội thông qua; làm rõ căn cứ và nguồn lực thực hiện các nội dung phát triển (nguồn lực đề ra quá lớn trong khi nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp); phân tích rõ hơn về các kịch bản tăng trưởng; bổ sung các xu hướng mới trong nước và quốc tế; bảo đảm yêu cầu của nền kinh tế kết nối, chia sẻ; dành sự quan tâm nhiều hơn tới dịch vụ logistics, du lịch; chú trọng hơn nữa mảng xã hội…

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng ghi nhận, đánh giá cao cơ quan tư vấn, thực hiện xây dựng quy hoạch nghiêm túc, công phu, cơ bản bám sát các yêu cầu của thành phố. Đồng chí Chủ tịch yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến đóng góp, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung dự án, lưu ý thống nhất thời gian nghiên cứu quy hoạch tới năm 2025, định hướng tới năm 2030; cập nhật các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của thành phố Hải Phòng trong thời gian gần nhất; cập nhật các yếu tố tác động tới phát triển KTXH của thành phố thời gian qua; hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị; bổ sung về phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, về dân số, đặc biệt là phát triển dân số cơ học; định hướng phát triển KHCN, CNTT; cơ chế tài chính ngân sách đặc thù dành cho Hải Phòng; cập nhật những diễn biến mới của thế giới và khu vực Biển Đông có tác động tới phát triển KTXH… Quy hoạch cần thể hiện được mục tiêu, quan điểm của thành phố Hải Phòng về sự phát triển đột phá với mức tăng trưởng cao, ưu tiên phát triển dịch vụ  gắn với  các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành, các địa phương coi xây dựng quy hoạch là một vấn đề lớn, cốt lõi đối với sự phát triển, cần nghiên cứu kỹ và có ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện dự án để trình Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND thành phố trong thời gian sớm nhất. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

XÃ HỘI

21. Sức mạnh của sự tử tế

Việc chị Đỗ Thị Xuyến mang thịt lợn nhà ra chợ Lương Văn Can bán, rồi bị 2 người phụ nữ đổ chất bẩn lên chỗ thịt của chị vì sợ chị phá giá chợ làm dậy sóng cộng đồng mạng và giới báo chí. Người ta bênh vực chị Xuyến và phẫn nộ trước hành động phi đạo đức của 2 người phụ nữ nọ.

Xem những hình ảnh chị Xuyến ngồi im chịu trận, có người mang cái khôn ngoan phổ biến ngày nay ra than thở rằng: Khi cái triết lý sát phạt” một mất, một còn” thắng thế, hiền lành sẽ bị thua thiệt! “Hiền lành” theo cách nhìn nhận của họ được hiểu là người nhu nhược, thụ động. Trong khi thực chất không phải như vậy. Hiền lành không có nghĩa là cứ ngồi đấy cười ngớ ngẩn trong khi người ta đạp lên đầu mình. Hiền lành là một biểu hiện của sự tử tế!

Hai người phụ nữ nọ chưa hiểu  trong chuyện kinh doanh hợp tác nhiều khi tốt hơn cạnh tranh. Cổ nhân đã nói:” Buôn có bạn, bán có phường”. Không ai một mình có thể ăn hết cả cái bánh to, cố ăn sẽ bị bội thực. The Kaplan Thaler Group là một trong những tập đoàn quảng cáo phát triển nhanh nhất nước Mỹ với hơn 1 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Thành công của nó được chính CEO tập đoàn này thừa nhận: “Giúp đỡ đối thủ của mình là một trong những điều quan trọng nhất tập đoàn làm cho chính mình, bởi vì đối thủ ngày nay sẽ là đồng minh ngày mai”. Trong đạo Mẫu của người Việt có một triết lý rất hay: Không thể có thêm nếu không cho đi những gì ta có!

Tử tế có sức mạnh đáng ngạc nhiên. Nó có khả năng cứu cả cuộc đời và sự nghiệp của chúng ta. Không chỉ trong mối quan hệ xã hội, kinh doanh cũng cần đến sự tử tế. Muốn  thành  trung tâm du lịch dịch vụ, người Hải Phòng phải biết kinh doanh bằng cả nụ cười. Hãy cười với khách ngay cả khi họ chỉ xem mà … không mua hàng! Xưa nay chợ búa từng bị mang tiếng: “Chửi như hát hay!”. Dù rằng bây giờ khá hơn nhiều. Dẫu sao, cử chỉ, lời nói thô thiển vẫn phải  tránh xa như tránh bệnh dịch. Đừng “chặt chém” khách để họ sợ hãi bỏ chạy.  Không cân gian, không đếm thiếu. Chẳng phải vô cớ người xưa đã dạy: “Làm đầy tậu ruộng, làm vơi ăn quà”. Không phân biệt khách giàu nghèo. Đừng quên câu châm ngôn này: “Khách nhớ nhà hàng!”.

Trong kho “Cổ học tinh hoa” có chuyện “Hồ tinh lại sợ hồ tinh” bởi vì “ Người buôn cùng chỗ tranh nhau mối lời”. Thứ triết lý đó xúi chúng ta chống lại nhau, coi những người cùng theo đuổi thứ giống nhau như là đối thủ. Kẻ bình thường sẽ tìm cách hạ đối thủ. Người khôn ngoan thì kết bạn,  trước khi họ có điều kiện trở thành kẻ thù! Một lần sang Anh  nhập học theo chương trình học bổng Rhodes tại đại học Oxford, Bill Clinton đi bắt tay từng người trên tàu. Có người hỏi ông tại sao? Bill đáp: “Tôi muốn trở thành tổng thống, nên ngay từ giờ tôi cần có nhiều bạn bè!”. Sự tử tế sẽ rải nhiều cơ hội lót đường cho ta.

Dĩ nhiên, để thành công chỉ tử tế vẫn chưa đủ. Chăm chỉ, thông minh cũng rất quan trọng. Dẫu sao, sự tử tế làm cho ta thấy đời mình hạnh phúc hơn. Và đó chính là sức mạnh đích thực của nó. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

22. Hải Phòng tạm ngừng cấp phép khai thác nước ngầm

UBND thành phố Hải Phòng vừa quyết định hạn chế cấp phép thăm dò khai thác nước ngầm; đồng thời dừng việc cấp phép khai thác nước dưới đất cho các công trình đầu tư mới để giảm thiểu nhiễm mặn các tầng đất ngầm chứa nước và bảo vệ dự trữ nguồn nước.

Quyết định này nhằm bảo vệ, khai thác phù hợp nguồn nước ngầm, đặc biệt trong điều kiện nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố có dấu hiệu ô nhiễm, suy giảm chất lượng.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hải Phòng, hiện nay, chất lượng nước ngầm tại một số vị trí có dấu hiệu ô nhiễm về vi sinh với nồng độ coliform, ecoli vượt ngưỡng cho phép.

Nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện Tiên Lãng có mức độ ô nhiễm nhiều nhất, với nồng độ chất hữu cơ, kim loại khá cao.

Tại huyện Cát Hải, nước có dấu hiệu ô nhiễm về vật lý; nước ngầm tại quận Đồ Sơn có dấu hiệu ô nhiễm về dinh dưỡng. Tại quận Kiến An, quan trắc 2 vị trí nước ngầm, có một vị trí có nồng độ coliform vượt quy chuẩn cho phép.

Để bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước ngầm khu vực ven biển Hải Phòng, nhiều nhà nghiên cứu kiến nghị thành phố Hải Phòng hạn chế sử dụng các công trình khai thác nước đơn lẻ, ưu tiên khai thác nước tập trung.

Theo đại diện Sở TN&MT thành phố, để giảm thiểu nhiễm mặn nước ngầm, thành phố có quyết định dừng việc cấp phép khai thác nước dưới đất cho các công trình đầu tư mới. Đối với những khu dân cư có hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, hộ gia đình không được cấp phép khai thác nước ngầm.

Sở TN&MT cũng khuyến cáo cần áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cả trong khâu khai thác và kiểm soát nước dưới đất. Đối với các tầng chứa nước có triển vọng, nên ưu tiên khai thác quy mô tập trung bằng các giếng khoan công nghiệp.

Khu vực dọc cửa sông, ven biển, phần diện tích của các tầng chứa nước bị nhiễm mặn hoặc tầng chứa nước mỏng không có khả năng cấp nước, không nên bố trí các công trình khai thác nước tại đây nhằm bảo vệ các tầng chứa nước lân cận và ngăn mặn.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tiếp tục điều tra nguồn nước ngầm và thành lập bản đồ địa chất, thủy văn (tỷ lệ 1:50.000 -1:10.000), trên cơ sở đó hoạch định kế hoạch khai thác nước hợp lý. (Tuổi trẻ 08/06/2017)

23. Phường Tân Thành, quận Dương Kinh: Hơn 600 thửa đất giao trái thẩm quyền

Sáng 6-6, tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận Dương Kinh và quận Ngô Quyền làm việc với UBND phường Tân Thành (quận Dương Kinh) về công tác quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.

Phường Tân Thành có hơn 600 thửa đất giao trái thẩm quyền, các thủ tục hồ sơ giao đất bị thất lạc, hồ sơ không đầy đủ, ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), không làm được thủ tục cấp phép xây dựng. Trên địa bàn phường có một số dự án để hoang hóa nhiều năm như khu nhà ở Vạn Xuân với diện tích 42 ha, khu nhà ở Dầu khí (150 ha), Công ty Thương mại, dịch vụ Tân Tiến (2ha) gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, khó khăn trong quản lý quy hoạch. Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, phường tiếp nhận, hoàn thiện 157 hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ cho nhân dân, trong đó cấp mới 17 hồ sơ, báo cáo quận 119 hồ sơ. Trên địa bàn phường có 64 trường hợp xây dựng, trong đó có 53 công trình xây dựng có phép, còn lại là các công trình xây dựng không phép, trái phép và sai phép.

Địa phương kiến nghị với tổ đại biểu HĐND thành phố một số vấn đề như cấp đổi lại giấy CNQSDĐ cho các hộ dân, quy định cụ thể diện tích chòi canh được phép xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản, tiếp tục triển khai mô hình tổ quản lý đô thị cấp phường cùng một số nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

24. Không mua - chơi cổ vật bằng… tai

Những năm gần đây, người chơi cổ vật ở Hải Phòng ngày một nhiều, lối chơi cũng đa dạng, tùy “gu” và kiến thức mà sưu tầm, lưu giữ. Người mới chơi thường mua đồ sứ cuối triều Thanh (Trung Hoa) ít tiền và không cầu kì kén lựa món đồ kỹ thuật hay lành “tít”. Người trong nghề ví chúng như “giấy thông hành vào đời hoặc biên lai học phí” cho bất cứ ai khi bước vào lãnh địa kì thú này.

Có điều, không phải cứ chơi lâu là giỏi, lượng đồ nhiều thành vua đồ cổ, thành đại gia hay nhà sưu tập lớn hoặc cái này không ai có mà giá trị. Chỉ người trong cuộc, giỏi nghề theo đúng nghĩa mới hiểu thấu căn cơ, cốt lõi của giới sưu tầm, mua bán cổ vật trong bối cảnh ồn ã của sân chơi cổ vật ngày nay.

Sự lầm tưởng - do suy nghĩ đơn giản chưa thấu đáo, chưa nhận thức rõ về đồ cổ, đồ cũ dẫn tới việc lầm lẫn ở cả hai phía: người mua và người bán. Có người biết tôi cũng là dân chơi cổ vật, gặp và than phiền: “Mình mua một chiếc nậm vẽ rồng, đáy có chữ Thọ lam, tưởng nậm cổ ai dè vài người tới xem nói nậm mới nên rất buồn. Buồn không phải tiếc tiền mà vì mới chơi đã bị “bịp”.

Rõ là, người mới chơi mua món đồ làm theo lối cổ cho rằng mình mua được đồ quý giá hời. Người bán đâu cần nghĩ “thượng đế” biết đồ hay không nên bán vô tư giá nào của nấy không dẫn giải. Lại có người tuổi đã cao, chơi đồ cũng có thâm niên nhưng không biết học đâu kiến thức mà phân biệt định đời theo lối: Đồ sứ vẽ chàm là Khang Hy, vẽ màu là Càn Long còn đã men mờ da rạn hẳn là đời Minh, quý lắm.

Anh Trung, một tài danh  trong làng cây cảnh nghệ thuật của thành phố gần đây cũng mon men bước vào sân chơi này bộc bạch: “Con là lính mới không hiểu đồ lắm muốn mua đôi lọ hỏi xuất xứ, niên đại thì chủ nhân không đáp, rồi bằng cử chỉ thân tình, vỗ vai -  Đồ này chú em chơi rất hợp, anh bảo đảm với em là đúng đồ. Con chưa hiểu và đem điều phân vân này tới hỏi chủ một cửa hàng bán đồ cổ thì được nghe - Có nói chú cũng không hiểu, cứ chơi dăm ba năm sau sẽ rõ. Chả lẽ chơi đồ cổ khó thế sao?”.

Mới hay, khi chưa biết, cần hướng dẫn thì lời chỉ bảo lại như đưa ta dấn sâu thêm trong mông lung khó hiểu. Tác giả bài viết cũng từng có lần hỏi một người buôn bán đồ cổ thuộc loại “xông pha” đây đó (xin được giấu tên): “Ông không biết đồ mà vẫn đi mua đi bán được là làm sao?”. Ông nhìn tôi, cười thản nhiên đáp: “Anh nói đúng, tôi là người không biết đồ, tôi mua để bán cho những người không biết đồ, vẫn trôi vẫn lãi”. Thế đấy, quá chí lý.

Kiểu mập mờ gian lận quả đã khiến chơi đồ cổ là một trong nhiều lạc thú của con người. Đã bao đời và ở mọi quốc gia đồ cổ đều có đồ giả, đồ thật. Mà nếu không có đồ giả đồ thật thì theo tôi đâu còn thú vị. Vui, buồn, say mê, cay cú, trình độ cao thấp, hơn kém cũng từ vấn đề thật, giả này.

Đồ giả hay được các “quái nhân” lựa mua, đặt làm theo đúng mẫu đồ cũ từ kiểu dáng, kích thước, họa tiết, minh văn…, sau đó làm bớt độ bóng của men, mới của cốt, thậm chí còn tạo xước, tạo vỡ, bôi bẩn. Đó là “chiêu” thức thường thấy. Kẻ lịch sự thì đem cài cắm ở nơi nào đó mà nơi ấy là “tổ con chuồn chuồn” rất phù hợp với bối cảnh bán đồ này. Tiếp đến là “chiêu” đi giới thiệu, nhỏ to với ai đấy có nhu cầu thích chơi, đóng vai người tư vấn, góp ý cho “khách quan”.

Có trường hợp cả nhóm người tung, kẻ hứng tán thưởng làm người mua đinh ninh đồ thật, giá hời. Một kiểu khác nữa là tạo dựng lai lịch cho món đồ đó, nào trước kia của gia đình giàu có, tư sản, ông to bà lớn nay phải bán đi bởi trăm ngàn lý do mà người nào có duyên mới mua được.

Để thật hơn kiểu “nói có sách, mách có chứng”, họ còn có cả giấy viết, ảnh chụp kèm theo. Tội cho khổ chủ nào nếu sưu tầm, mua đồ chỉ nghe bằng tai mà bỏ qua khâu kiểm chứng. Nên biết rằng  chính hiện vật mới minh chứng cho giá trị thật về kinh tế, niên đại chứ không phải chủ sở hữu là ai, được mua ở đâu qua các mĩ từ tán tụng.

Có cầu ắt có cung, đồ cổ cũng không là ngoại lệ. Phải có trao đổi, mua bán, song cái đáng nói là những người bỏ tiền thật để mua về đồ giả. Người mới chơi thường hoang mang bởi các chiêu trò trong “mê hồn trận” của cả người có nghề lẫn kẻ a dua đục nước béo cò. Dân gian có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Cái công phu của ai đó mới chơi khác với người có bề dày trải nghiệm. Người mới chơi thường bị thuyết phục, “gục đổ” trước giảo ngôn của người bán thổi hồn cho hiện vật, bị quyến rũ bởi điển hay tích đẹp vẽ trên món đồ nên phần lớn đồ mua là đồ mới, được làm ở trình độ kỹ thuật cao, đồ phỏng cổ, chung chiêng bởi nhầm tưởng đồ quý, giá hời.

Ông Đ., người giỏi làm kinh tế, khôn khéo trong quan hệ ứng xử, lọc lõi chốn thương trường cũng là người sưu tập chơi cổ vật có hạng chia sẻ chút trải nghiệm: “Chơi đồ cổ phải tự mình mua món đồ mình thích, đắt rẻ không quan trọng bằng chân, giả, tốt, xấu bởi việc mua đồ cổ thì giá hôm nay mua là đắt, hợp giá. Ở ngày mai và tương lai sẽ là rẻ. Còn nếu mua phải đồ “rởm” thì như bị tâm bệnh làm ta bứt rứt, khó chịu suốt cuộc chơi. Có những mâu thuẫn mà ta rất khó lý giải. Ấy là người chơi, nhất là mới chơi thường cho mình lắm tiền, sành điệu, có văn hóa.

Giới chuyên môn lại hợm hĩnh có kiến thức uyên thâm kim cổ. Người đời nhìn nhận ai đó chơi đồ cổ là dư tiền, lập dị. Xã hội lại xếp người chơi, buôn bán cổ vật là loại sắc sảo, mưu chước hơn đời. Điều cơ bản ở đây là cần nhận thức rõ việc quan hệ, chơi với ai, học hỏi ai để bớt phải trả giá, lãng phí thời gian. Chơi, mua đồ bằng các lời phỉnh nịnh, thông tin mạng thì thật thảm hại và tối kị chơi cổ vật bằng tai”.

Nói vậy chứ trường hợp người mua nhầm hay bị “bịp” chỉ là số ít. Người mua đồ rất cẩn thận xem kĩ trước khi mua. Đồ giả cổ cho dù ảo thuật gia siêu đến đâu cũng khó lừa được người có nghề. Ví như đồ sứ hoa lam cổ màu chàm trong và sâu, cốt không mịn nhưng trông đanh, cứng. Cách chế tác theo lối thủ công lại được nung bằng lò đốt củi nên đồ có nước men bóng, lung linh, bắt mắt.

Trong nghề chơi thử hỏi có ai chưa từng bị “dính”? “Dính” mà vẫn vui vẻ cho qua bởi lẽ thường: Học chữ, học nghề, học chơi đều phải đóng học phí. Cái chính là biết cầu thị không bảo thủ. Điều thuận lợi cho những người chơi đồ cổ hiện nay là xã hội có một thị trường mở. Luật Di sản văn hóa công nhận quyền sở hữu cá nhân đối với cổ vật không thuộc Nhà nước quản lý. Cho phép được chuyển nhượng, trao đổi nên kẻ mua, người bán không phải kín đáo, giấu diếm như trước kia. Có thông tin trên mạng, sách báo, tạp chí, có hội sưu tầm cổ vật..., các yếu tố này hỗ trợ, bổ sung kiến thức rất nhiều cho người chơi để khi họ mua luôn là “nhà thông thái”. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

25. An toàn vệ sinh thực phẩm: Đến hẹn... lại lo

Vụ việc hàng chục nhân viên Công ty CP Anova Feed thuộc cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) đi du lịch Cát Bà, nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, đầu óc choáng váng, lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về vấn đề VSATTP tại các nhà hàng, khách sạn, nhất là ở các địa phương thu hút nhiều khách du lịch.

Ngộ độc thực phẩm vẫn rình rập

Theo bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cát Bà, trong ngày 13- 5, bệnh viện tiếp nhận 12 trường hợp nhập viện cấp cứu. Sau đó 1 ngày, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tiếp nhận 26 người bệnh cấp cứu nghi do ngộ độc thức ăn. Theo những người bệnh đang điều trị tại 2 bệnh viện này, công ty tổ chức cho hơn 100 nhân viên đi du lịch Cát Bà. Tối 12-5, sau khi tham gia tiệc buffer tại bãi tắm Cát Cò 1, nhiều người có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài, đầu óc choáng váng, được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cát Bà và Việt Tiệp. Cán bộ Chi cục VSAT thực phẩm thành phố ra Cát Bà xác minh, kết luận nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do các công nhân ăn hải sản không bảo đảm an toàn vệ sinh.

Đây là vụ ngộ độc thực phẩm đầu tiên trong mùa du lịch năm nay tại thành phố, nhưng là lời cảnh báo đối với công tác bảo đảm VSATTP tại các khu du lịch của thành phố. Bởi lẽ, vào những ngày cao điểm, các khu du lịch biển của Hải Phòng là Đồ Sơn và Cát Bà có rất đông du khách trong và ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng và thưởng thức các món ăn tươi ngon, từ các loại thực phẩm mang đậm hương vị biển. Một trong những món ăn được nhiều du khách ưa thích là các loại hải sản tươi kết hợp với mù tạt mà không biết đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ngộ độc cao. Lượng khách đông là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn vì lợi nhuận mà sử dụng nguồn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, một trong những lo ngại của nhiều hãng lữ hành khi đưa khách tham quan hiện nay là thức ăn, hải sản hè phố được bày bán ngay tại bờ biển, hay các cửa hàng, chợ hải sản tại khu du lịch. Một bộ phận du khách ưa thích khám phá, thưởng thức mua sắm ẩm thực đường phố, vỉa hè trong khi nguồn gốc thực phẩm của các loại thức ăn này không được kiểm soát, người chế biến thiếu kiến thức an toàn thực phẩm. Trong khi đó, phần lớn mặt hàng hải sản bày bán tràn lan tại khu du lịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo người dân địa phương, một số loại hải sản như cá khô, mực khô hoặc cá biển…ướp đạm, chất bảo quản, thuốc chống nấm mốc, ruồi nhặng dễ gây nguy hại tới sức khỏe người sử dụng.

Tăng cường công tác quản lý nguồn gốc thực phẩm

Theo Chánh Thanh tra Sở Du lịch thành phố Phạm Văn Luân, từ đầu mùa du lịch, ngành phối hợp các cơ quan chức năng thành lập các đoàn liên ngành, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn ở Cát Bà, Đồ Sơn. Qua kiểm tra, đoàn lập biên bản xử lý, nhắc nhở các nhà hàng, khách sạn thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về VSATTP, quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm, thực hiện lưu mẫu thức ăn, nguồn gốc thực phẩm, sử dụng phụ gia trong chế biến. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cấp biển hiệu 15 nhà hàng, 3 cơ sở mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn. Một trong những yêu cầu được quan tâm nhất khi cấp phép là cơ sở đó phải có giấy chứng nhận bảo đảm VSATTP.

Tuy nhiên, tại huyện Cát Hải cũng như nhiều địa phương khác khi kiểm tra phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở các nhà hàng, khách sạn quan tâm hơn đối với công tác bảo đảm VSATTP. Bởi thực tế cho thấy, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về vấn đề này đều kiêm nhiệm, khó đáp ứng yêu cầu công việc; phương tiện phục vụ giám định mẫu thiếu thốn; kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế.. Đặc biệt ở tuyến xã, đội ngũ cán bộ có chuyên môn, kinh phí, phương tiện... về công tác này còn yếu và thiếu.

Những ngày cao điểm như dịp 30- 4, 1-5, khu du lịch Cát Bà đón, phục vụ ăn nghỉ gần vạn du khách/ngày. Theo ước tính, nguồn hải sản tôm, cua, cá, mực của địa phương chỉ đáp ứng 20-25% lượng thực phẩm phục vụ du khách, còn lại phải nhập từ địa phương khác. Do đó, công tác quản lý VSATTP càng phải được siết chặt, nhất là kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, nếu không nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Một chủ nhà hàng ở khu du lịch Cát Bà cho biết, phần lớn nguồn thực phẩm mua tại chợ truyền thống do giá rẻ hơn so với mua tại các siêu thị hoặc các doanh nghiệp phân phối sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, việc xác định nguồn gốc thực phẩm an toàn hay không rất khó khăn nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.

Thiết nghĩ, bảo đảm VSATTP là vấn đề quan trọng, góp phần thu hút khách du lịch đến thành phố. Vì vậy, ngành du lịch phối hợp các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, quản lý những “điểm nóng” về VSATTP; chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy, hải sản cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn tại khu du lịch. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của Hiệp hội Du lịch, ngành Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT kết nối tạo thành chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất tới bàn ăn an toàn; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công bố, đăng ký chất lượng sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền. Ngành du lịch công bố các điểm bán hải sản an toàn cho du khách. Yếu tố không thể thiếu là mỗi du khách hãy là người nội trợ thông thái, hạn chế sử dụng các món ăn tươi, sống từ hải sản; không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

26. Đồng loạt nâng công suất chống quá tải điện

Nhằm đáp ứng nhu cầu dùng điện tăng cao trong đợt nắng nóng và mùa hè 2017, Công ty Điện lực Hải Phòng đã đồng loạt thi công nhiều giải  pháp kỹ thuật để tránh quá tải cục bộ gây mất điện.

Điển hình: Điện lực Kiến An nâng công suất MBA trạm Cầu Niệm 2 từ 500kVA lên 630 kVA, Đồng Hòa 7 từ 400 kVA lên 560 kVA. Điện lực Thủy Nguyên nâng công suất trạm Núi Đèo 3 từ 560 kVA lên 630 kVA, TĐC Tân Dương 2 từ 400 kVA lên 560 kVA, trạm Minh Đức 3 từ 400kVA lên 560 kVA, nâng công suất MBA TG Thủy Nguyên từ 4000 kVA lên 6300 kVA.

Một số Điện lực đã xây dựng mới TBA chống quá tải cục bộ cho những khu phụ tải tập trung cao như Điện lực Lê Chân đã xây dựng mới 17 TBA; Điện lực Ngô Quyền đã xây dựng mới 41 TBA; Điện lực Hải An xây dựng mới 17 TBA… Trong những ngày qua, lãnh đạo, công đoàn công ty Điện lực Hải Phòng đã xuống trực tiếp công trường để động viên tinh thần công nhân tại hiện trường. (An ninh Hải Phòng 08/06/2017)

27. Tiếp nhận, trả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công: Lợi cả đôi đường

Với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các cơ quan nhà nước, xử lý giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, thuận tiện nhất và góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, trong quá trình cải cách hành chính, thành phố sớm chỉ đạo sở, ngành, địa phương phối hợp Bưu điện Hải Phòng thực hiện tiếp nhận, trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công. Nhờ đó, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định (QĐ) 45 về lĩnh vực này, Hải Phòng chủ động thực hiện và bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, về lâu dài, để triển khai  QĐ 45 đạt hiệu quả cao, còn nhiều việc cần làm.

 Kỳ 1: Góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính

Theo  kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam tại hội nghị triển khai QĐ 45 diễn ra trong tháng 5-2017, việc thực hiện QĐ này mang lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực. Nhất là giúp người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian; giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực canh tranh của thành phố.

Hiệu quả thiết thực

Năm 2016, trong quá trình làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước công dân, anh Nguyễn Văn Đăng (thôn Phi Liệt, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) được giới thiệu dịch vụ trả thẻ về nhà qua dịch vụ bưu điện. Anh Đăng đăng ký sử dụng ngay bởi khoảng cách từ nhà anh đến trụ sở Công an huyện khá xa (gần 20km). Cũng nhờ dịch vụ trả thẻ căn cước công dân qua bưu điện, không chỉ anh Đăng, nhiều người dân khác tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại để nhận thẻ. Thông tin từ Công an thành phố Hải Phòng, từ năm 2015, đơn vị phối hợp với Bưu điện Hải Phòng thực hiện dịch vụ trả thẻ căn cước công dân qua bưu điện. Theo đó, dịch vụ này được triển khai tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng. Qua thời gian triển khai, dịch vụ này phát huy hiệu quả, giúp công dân không phải đi từ xã lên huyện hay từ huyện lên thành phố để lấy thẻ căn cước mới. Nhất là các xã xa trung tâm huyện, thành phố như Gia Đức, Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên); Vinh Quang (huyện Tiên Lãng); Đại Bản (huyện An Dương)…

Theo Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp thành phố Lã Thanh Tân, QĐ 45 là quyết định quan trọng tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và ngay cả cơ quan nhà nước. Từ năm 2015, Sở Tư pháp phối hợp Bưu điện Hải Phòng chuyển phát kết quả giải quyết hồ sơ lý lịch tư pháp và các giấy tờ có liên quan từ Sở đến công dân, cơ quan nhà nước, tổ chức và tiếp nhận hồ sơ lý lịch tư pháp tại các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã;  khai dịch vụ tích hợp đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Với cách làm này, giúp công dân ở các huyện có thể thực hiện thủ tục lý lịch tư pháp tại các điểm bưu điện xã không cần đến Sở Tư pháp; nhất là khi triển khai tích hợp cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, công dân chỉ cần thao tác đăng ký thông tin, scan các giấy tờ cần thiết trên website của Bộ Tư pháp, Bưu điện tổ chức tiếp nhận, phân loại hồ sơ chuyển về Sở, sau đó chuyển kết quả cấp phiếu về tận địa chỉ cho người dân.

Còn tại Sở Giao thông-Vận tải, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện cũng giúp Sở tránh được tình trạng quá tải khi công dân đến nhận kết quả, nhất là trong việc chuyển trả giấy phép lái xe. Thay vì công dân di chuyển quãng đường dài từ các huyện đến bộ phận “một cửa” của Sở ít nhất 2 lần (làm thủ tục đổi và nhận), nay công dân chỉ cần đến làm thủ tục cấp  đổi ngay tại bưu điện trung tâm huyện…

Phát triển dịch vụ bưu chính công

Theo báo cáo của Bưu điện Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về thực hiện các dịch vụ hành chính công; chủ trương chung của thành phố về tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết TTHC, tiết kiệm chi phí cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, từ năm 2015, Bưu điện Hải Phòng chủ động triển khai cung cấp dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn. Các dịch vụ chính được triển khai thời gian này là chuyển phát căn cước công dân; hộ chiếu; hồ sơ lý lịch; hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng. Nhờ đó, khi QĐ 45 được ban hành, thành phố Hải Phòng sớm chủ động triển khai (dù chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể) và đạt kết quả. Sản lượng hồ sơ, TTHC được chuyển phát qua bưu điện tăng dần theo thời gian. Cụ thể, năm 2015, đơn vị tiếp nhận và trả kết quả hơn 40.000 hồ sơ, gồm chuyển phát nhanh căn cước công dân, hồ sơ lý lịch tư pháp, bảo hiểm xã hội, hồ sơ xét tuyển đại học, cao đẳng và trả kết quả hồ sơ tại UBND các cấp. Năm 2016, con số này là hơn 95.000 hồ sơ, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015. Đến hết quý 1-2017, bưu điện chuyển phát nhanh hơn 23.300 hồ sơ các loại, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, một số dịch vụ tăng cao như chuyển phát căn cước công dân tăng 261%; chuyển phát hộ chiếu tăng 202%; chuyển phát hồ sơ lý lịch tư pháp tăng 888% so với cùng kỳ năm 2016.

 Hiện nay, Bưu điện Hải Phòng ký kết phối hợp với 8 đơn vị sở, ngành thành phố  để thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trên 8 lĩnh vực gồm: chuyển phát căn cước công dân, hộ chiếu, hồ sơ lý lịch tư pháp, hồ sơ bảo hiểm xã hội, trả kết quả tại UBND, hồ sơ xét tuyển đại học cao đẳng, giấy phép lái xe, thu tiền xử phạt vi phạm và chuyển trả giấy tờ tạm giữ. 8 đơn vị, sở ngành tham gia ký kết gồm Công an Hải Phòng, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Giao thông Vận tải thành phố, Sở Ngoại vụ, UBND quận Hồng Bàng, Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc. Trong đó, từ khi QĐ 45 có hiệu lực, Bưu điện Hải Phòng tiếp tục ký kết thỏa thuận với Sở Giao thông -Vận tải, Thanh tra Sở Giao thông -Vận tải triển khai 2 dịch vụ mới là chuyển phát giấy phép lái xe và thu nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu. Cùng với, đó, đơn vị ký kết với Chi cục Đường thủy nội địa cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công.

Tại hội nghị triển khai QĐ 45, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam đánh giá, sản lượng hồ sơ, thủ tục hành chính được chuyển phát qua bưu điện tăng dần theo thời gian cho thấy dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngày càng được người dân, tổ chức, doanh nghiệp tin tượng và lựa chọn sử dụng. Việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết THTC qua dịch vụ bưu chính công góp phần giảm tải bộ phận “một cửa” của các cơ quan; tiết kiệm thời gian của người dân, doanh nghiệp; giảm thiểu rủi ro trong quá trình tham gia giao thông; tiết kiệm chi phí, nhân lực. Qua đó, góp phần quan trọng hỗ trợ thành phố xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử, thành phố thông minh và nhất là giúp thành phố liên tục giữ vững vị trí thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính trong toàn quốc.

Theo QĐ 45, từ ngày 16-12-2016, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng các dịch vụ bưu điện để gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam hoặc tại địa chỉ mà tổ chức, cá nhân yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền phải bố trí người tiếp nhận hồ sơ và tiền phí, lệ phí (nếu có) do Bưu điện chuyển đến. Sau khi tiếp nhận hồ sơ được chuyển đến, việc giải quyết TTHC được thực hiện theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn do pháp luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền công khai kết quả giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo đến nhân viên bưu chính và tổ chức, cá nhân khi hoàn thành việc giải quyết TTHC. Nhân viên bưu chính sẽ chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC tới tận địa chỉ yêu cầu cho tổ chức, cá nhân. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

28. Thanh tra việc sử dụng vốn ngân sách, vốn vay của Hải Phòng

Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức công bố quyết định thanh tra việc quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay của UBND TP. Hải Phòng.

Theo quyết định số 1266/QĐ-TTCP, ngày 25/05/2017 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của UBND TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay (giai đoạn 2010-2017).

Thời kỳ thanh tra từ năm 2010 đến năm 2017; thời hạn thanh tra là 70 ngày (không tính ngày lễ, ngày nghỉ). Đoàn thanh tra có 8 thành viên do ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Cục trưởng Cục 1- Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh yêu cầu đoàn thanh tra giữ đúng nguyên tắc, đúng luật trong quá trình thanh tra, đảm bảo thanh tra đúng thời hạn và đạt hiệu quả cao.  (BizLIVE 08/06/2017)

VĂN HÓA

29.  Nghe nhạc sống ở Hải Phòng

Trên địa bàn Hải Phòng hiện có nhiều những quán nhạc dân dã, gần gũi, phù hợp từng lứa tuổi và “gu” âm nhạc của du khách.

Nếu muốn nghe dòng nhạc Flamengo, La- tinh, du khách có thể đến Hải Phòng Club trên phố Trần Quang Khải, vào tối thứ 3,5, chủ nhật. Đây là nơi gặp gỡ thường xuyên của các nghệ sĩ, ca sĩ đang sinh hoạt trong các đoàn nghệ thuật, những người làm công tác giảng dạy âm nhạc. Các ngày còn lại, câu lạc bộ sẽ có những dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình của những nhạc sĩ tên tuổi như: Phú Quang, Nguyễn Ánh Chín, Ngô Thụy Miên… với nhiều giọng ca, tiêu biểu như: Dương Liễu, Ngọc Lan, Quốc Khánh, Đức Hoài. Người nghe cũng vô cùng thích thú khi được thưởng thức tiếng kèn của nhạc sĩ Thế Vinh, guitar bass của Nguyễn Sơn, violon của Hà Dũng hay tiếng trống của Ngọc Thủy…

Để nghe những bản nhạc xưa, trữ tình, giai điệu mượt mà, trầm lắng của tiếng kèn saxophone, với những tình khúc của những nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phú Quang, du khách có thể đến với phòng trà City bar trên phố Hoàng Văn Thụ. Không gian phòng trà không lớn, nhưng với phong cách miền Nam, nếu như du khách có giọng hát có thể đăng ký tham gia hát giao lưu cùng mọi người trong quán.

Biểu diễn “nhạc sống” tại City bar.

Hải Phòng cũng có nhiều quán nhạc sinh viên, phù hợp các bạn trẻ đam mê âm nhạc. Đó là các quán Rainbow cafe (đường Ngô Gia Tự), Café Muối (phố Hoàng Văn Thụ), Ngày Về (phố Văn Cao)… Khách hàng cũng như ca sĩ biểu diễn ở đây hầu hết là sinh viên hoặc những người mới đi làm. Không đặt nặng tính chuyên nghiệp của nghệ thuật, những quán cafe này thiên về sự giao lưu giữa các giọng hát trẻ. Bởi vậy mà nhạc cụ ở đây cũng rất đơn giản. Thông thường chỉ có chiếc đàn guitar đệm hát hoặc nhạc cụ do người chơi tự mang đến như sáo trúc, flute, hay kèn saxophone… Có quán hát hoàn toàn bằng nhạc beat. Điểm nổi bật ở những quán nhạc này là không khí thân thiện và gần gũi. Khách thường đi theo nhóm và cùng nhau hát.

Trong số các quán dành cho giới trẻ trên, Rainbow cafe là một trong những quán khởi đầu, đưa phong trào cafe ca nhạc sinh viên về với Hải Phòng từ năm 2010. Chủ quán, anh Hoàng Huy Tâm còn rất trẻ, từng rong ruổi với cây đàn guitar biểu diễn tại những chương trình giao lưu khi là sinh viên ở Hà Nội. Đến khi mở quán Rainbow, tâm nguyện duy nhất là tạo ra không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui vẻ cho giới trẻ, nhất là sinh viên. Quán tổ chức các chuyên đề âm nhạc với show ghita dành cho các bạn yêu và đam mê thể loại nhạc gần gũi với lứa tuổi sinh viên với sự tham dự của các CLB guitar Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Hải Phòng…   

Đến với Hải Phòng trong một tối mùa hè, nếu những quán cafe đơn thuần khiến bạn nhàm chán, quán bar lại quá ồn ào, các quán cafe nhạc sống chính là gợi ý để du khách khám phá Hải Phòng khi lên đèn. (Báo Hải Phòng 08/06/2017)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố