Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 7/12/2012)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 7/12/2012)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Kỳ họp HĐND thành phố tiếp tục phiên chất vấn

Sáng 7/12, trong ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Văn Thành.

Nợ tiền sử dụng đất, thuê đất vẫn ở mức cao

Là người đăng đàn đầu tiên trong sáng 7/12, trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc bao nhiêu dự án còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tổng số tiền còn nợ là bao nhiêu, Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Vũ Công Nhĩ cho biết: Đến hết tháng 11, trên địa bàn thành phố còn 25 dự án nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền 516 tỷ 673 triệu đồng (trong đó có 4 dự án năm 2012 được giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất theo Quy định của Bộ Tài chính là 282,1 tỷ đồng).

Số nợ cao một phần do tỷ lệ nợ thuế qua các năm lớn. Đơn cử như năm 2003 có 10 dự án nợ 86,5 tỷ đồng; năm 2004, 5 dự án nợ 47,2 tỷ đồng; năm 2011, 2 dự án nợ 29,1 tỷ đồng; năm 2012, 4 dự án được giãn nộp thuế sang năm 2013 là 282,1 tỷ đồng. Số nợ tiền thuê đất đến tháng 11 là 191,4 tỷ đồng.

Theo Cục trưởng Cục Thuế, nguyên nhân tình trạng nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là do: Một số chủ dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, không có nguồn tài chính để nộp tiền sử dụng đất; quá trình triển khai các dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch bấp cập; trình tự, thủ tục cho thuê đất, k‎y hợp đồng thuê đất còn phức tạp, kéo dài.

Bức xúc vấn đề y đức

Vấn đề được nhiều đại biểu HĐND quan tâm chất vấn là thái độ, y đức của đội ngũ nhân viên tại một số một số bệnh viện công còn kém, gây phiền hà cho người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Y tế Phan Trọng Khánh cho biết: Ngành Y tế có nhiều nỗ lực tăng cường nâng cao y đức, ứng xử và tinh thần phục vụ cho cán bộ, viên chức y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thái độ ứng xử và tinh thần phục vụ cho người bệnh của một số nhân viên y tế chưa tốt, gây phiền hà cho người bệnh, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân về chất lượng khám chữa bệnh.

Theo ông Khánh, nguyên nhân một phần do công tác giáo dục tư tưởng, y đức, sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định chưa được quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, còn do áp lực, cường độ làm việc căng thẳng.

Giám đốc Sở dẫn chứng, có bác sĩ mỗi ngày khám chữa bệnh từ 50-100 người bệnh, điều trị cho 20 bệnh nhân nội trú. Bên cạnh đó,  việc viện phí chậm được điều chỉnh, nhiều đơn vị thu không đủ chi, một số đơn vị không đủ kinh phí trả lương cho người lao động. Một số người bệnh và người nhà bệnh nhân có hành vi ứng xử tiêu cực cũng dẫn tới tình trạng trên. Ông Khánh cho biết Sở Y tế đưa ra 10 giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thành Lê (Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố) về việc có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện công có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt nhưng khi làm tại phòng khám tư, bệnh viện tư nhân thì rất niềm nở, nhiệt tình, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận, có tình trạng này. Để khắc phục, ngành Y tế cam kết thời gian tới sẽ tăng cường, siết chặt hơn quy tắc ứng xử của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.

Đại biểu Đoàn Văn Chương - Ủy viên Thường trực HĐND chất vấn: Chất lượng, dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Cát Bà chưa đáp ứng yêu cầu nhân dân. Ông Khánh giải trình, Bệnh viện đa khoa Cát Bà hiện là bệnh viện hạng 3, có 50 giường bệnh, có 10 bác sĩ và nhiều thiết bị đạt chuẩn, chất lượng thiết bị và tỷ lệ bác sĩ trên đầu dân trội hơn các bệnh viện cùng hạng trong đất liền. Vì thế không có chuyện chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Cát Bà không đáp ứng yêu cầu của nhân dân, ông khẳng định.

Phương hướng phát triển bóng đá thành phố: Không rõ ràng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Duy Đỉnh - Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND thành phố về việc có hay không việc chuyện Hải Phòng chuyển nhượng suất tham gia giải bóng đá V-League từ Câu lạc bộ Khatoco Khánh Hòa, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đoàn Duy Linh vòng sang vấn đề quan tâm đào tạo cầu thủ trẻ, đầu tư sân bãi… khiến nhiều đại biểu cảm thấy không rõ ràng. (Văn Cường, Báo Hải Phòng Online 07/12; K.Linh, Pháp Luật TPHCM 07/12, tr4; T.Hoàng, Tuổi Trẻ 07/12, tr8; P.H.S, Thanh Niên 07/12, trB; ĐH, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+5)

2.     Lãnh đạo Công an thành phố làm việc với Đoàn Đại sứ quán Đan Mạch

Chiều 6/12, Đại tá Nguyễn Văn Coỏng- Phó Giám đốc Công an thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam do ông Jeppe Solmer – Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam làm Trưởng Đoàn.

Tại buổi làm việc, hai bên đã bàn bạc và thống nhất nội dung phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các doanh nghiệp của Đan Mạch tại Hải Phòng. (KĐ, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+10)

AN NINH – PHÁP LUẬT

3.     Tạm giam Thượng tá Công an giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn

Sáng 6/12, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Thượng tá Vũ Tiến Sơn – nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45), Công an Hải Phòng, về hành vi tổ chức cho tội phạm trốn ra nước ngoài.

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Thượng tá Sơn liên quan đến việc Dương Chí Dũng - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải bỏ trốn.

Trước đó, Công an thành phố cũng đã tạm giam Vũ Văn Sáu - Trưởng Công an xã An Thọ (huyện An Lão) do liên quan đến việc Dũng bỏ trốn.

Theo nhận xét của một số cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố, Thượng tá Sơn từng được đánh giá cao về năng lực phá các chuyên án lớn. (K.Nga, Người Lao Động 07/12, tr5; P.H.S, Thanh Niên 07/12, tr1+2; Hưng Hải, VnEpress.net 06/12; VTCNews 06/12; Quốc Đô, Dantri.com.vn 06/12; Đoàn Minh Huệ, Vietnamplus.vn 06/12; Minh Thùy, VietQ.vn 06/12; Trung Minh, VnMedia.vn 06/12; Đoàn Minh Huệ, Tin Tức 07/12, tr5; Nhân Dân 07/12, tr8; Nam Khánh, Pháp Luật & Xã Hội 07/12, tr1+4; Sài Gòn Giải Phóng  07/12, tr7; K.Linh, Pháp Luật TPHCM 07/12, tr2; Mạnh Thắng, Nông Thôn Ngày Nay 07/12, tr2; Việt Hòa, Lao Động 07/12, tr1; T.Hoàng, Tuổi Trẻ 07/12, tr2; Lam Khê, Tiền Phong 07/12, tr11; Báo Hải Phòng 07/12, tr8)

4.     Hầu tòa vì để can phạm trốn khỏi nhà tạm giam

VKSND tối cao vừa ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra các cá nhân có liên quan của Đội Cảnh sát bảo vệ hỗ trợ Tư pháp, Công an huyện Vĩnh Bảo khi để Nguyễn Văn Khương (SN 1978, trú tại xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng) – đối tượng bị tạm giam tại nhà giam Công an Vĩnh Bảo trốn thoát.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Khương cùng 2 đối tượng khác là Bùi Văn Mười (tức Phước, SN 1992, trú xã Tự Cường, Tiên Lãng) và Vũ Viết Hợp (SN 1992, trú xã Dũng Tiến, Vĩnh Bảo) liên tiếp gây ra các vụ cướp tài sản của lái xe taxi trên địa bàn Hải Phòng.

Ngày 27/3, Công an thành phố bắt được 3 đối tượng trên và bàn giao cho Công an huyện Vĩnh Bảo khởi tố, điều tra theo thẩm quyền, tạm giam tại nhà giam của Công an huyện.

Ngày 6/4, lợi dụng sơ hở của Đội trưởng Đội Cảnh sát bảo vệ hỗ trợ tư pháp trong ca trực, Khương trốn thoát. Sau khi trốn khỏi nơi tạm giam, Khương gây ra một vụ cướp của giết người ở Quảng Ninh. Nạn nhân là cụ Hoàng Thị Hấn.

Sau đó, Khương lại trốn vè Hải Phòng. Ngày 10/5, khi Công an thành phố vây bắt đối tượng này tại một nhà trọ trên địa bàn phường Niệm Nghĩa (quận Lê Chân), Khương dọa dùng dao lam tự tử. (Nam Khánh, Pháp Luật & Xã Hội 07/12, tr10)

5.     Hàng chục cổ động viên chém nhau loạn xạ

Công an thành phố vừa tịch thu gần 20 dao, kiếm, đồng thời tiến hành điều tra về vụ ẩu đả tại sân vận động Cảng.

Trước đó, chiều 5/12, khi trận Tứ kết 4 giữa hai đội Tú Sơn và Đức Hùng trong khuôn khổ Giải Bóng đá tranh Cúp báo An Ninh Hải Phòng diễn ra ở phút 56 thì trọng tài chính đành phải cho dừng trận đấu vì hàng chục cổ động viên của 2 đội lao vào nhau ẩu đả bằng dao, kiếm, gạch…

Hậu quả, anh Bùi Đình Hoàng (ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy) bị chém nhiều nhát, phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân vụ việc là do cổ động viên của đội Tú Sơn vác trống vào sát cầu môn của đội Đức Hùng gõ. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi hàng chục cổ động viên của 2 đội lao vào nhau, dùng dao, kiếm, giáo, mác chuẩn bị sẵn để “giải quyết mâu thuẫn”. Báo An Ninh Hải Phòng thông tin thêm: Trước sự việc này, Ban tổ chức đã loại 2 đội Tú Sơn và Đức Hùng ra khỏi Giải. (Việt Hòa, Lao Động 07/12, tr7; Tr.Đức, Người Lao Động 07/12, tr5; Hoàng Long, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr11)

6.     Truy bắt nhóm cướp giật nổ súng khi bị truy đuổi

Công an thành phố đang ráo riết truy bắt nhóm gây ra vụ cướp giật, dùng súng bắn người khi bị truy đuổi trên đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân.

Trước đó, chiều 5/12, anh Phạm Sơn Tùng (SN 1986, trú phố Tôn Đản, quận Lê Chân) đang điều khiển xe máy trên đường Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng thì bị 2 đối tượng đi trên xe Exiter màu xanh áp sát. Người ngồi sau đã bất ngờ giật điện thoại Iphone trên tay anh Tùng.

Chạy đến trước cửa số nhà 15, đường Nguyễn Đức Cảnh, đối tượng ngồi sau liền rút súng bắn thẳng vào người anh Tùng khiến anh bị thương. Ngay sau đó, nạn nhân được 2 cán bộ Công an đưa đi cấp cứu. (D.Hải, Công An Nhân Dân 07/12, tr8)

7.     Vụ án một Thượng sĩ Công an xâm hại trẻ em tại thành phố Hải Phòng: Đã đưa bị can đi giám định tâm thần

Công an thành phố vừa có văn bản thông báo cho luật sư Ngô Văn Thắng – Văn phòng luật sư Đức Thuận, Đoàn luật sư Hải Phòng là người bảo vệ quyền lợi cho nguyên Thượng sĩ Vũ Văn Quỳnh (người bị buộc tội “Dâm ô với trẻ em), cho biết, Quỳnh đã từ chối nhờ luật sư bào chữa, bị can này sẽ tự thực hiện quyền bào chữa cho mình.

Tuy nhiên, gia đình bị can vẫn nghi ngại quyết định của Quỳnh bởi cho rằng, đối tượng có biểu hiện tâm sinh lý không bình thường... Ông Vũ Văn Q - cha Quỳnh cho hay, từ nhỏ Quỳnh đã có những biểu hiện khác lạ về tâm sinh lý. Thời kỳ học cấp 2, Quỳnh đã liên tiếp có hành vi trộm đồ lót của phụ nữ hàng xóm đem về gói vào giấy báo, để giấy dưới gầm giường, đút trong túi quần.

Mặc dù cả luật sư và ông Q đều cho rằng bị can có biểu hiện tâm sinh lý không bình thường nhưng trong các văn bản, kiến nghị gửi tới Công an Hải Phòng, cả luật sư và ông Q đều không đề nghị cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định tư pháp cho kẻ cuồng dâm.

Để đảm bảo xem xét vụ án một cách khách quan, sau khi thông báo cho gia đình bị can và luật sư về việc Quỳnh tự thực hiện quyền bào chữa, Công an thành phố đã đưa Quỳnh tới cơ sở Y tế, thực hiện giám định tư pháp.

Một điều tra viên tham gia điều tra vụ án cho biết, việc xác định Quỳnh có biểu hiện tâm sinh lý bình thường hay không phụ thuộc vào kết quả giám định tư pháp. Tuy nhiên, trước khi gây án, qua nhiều khâu kiểm tra, trong đó có kiểm tra về sức khỏe, tâm sinh lý, Quỳnh có một thể trạng tốt mới được tuyển dụng vào lực lượng Cảnh sát. (Nam Khánh, Pháp Luật & Xã Hội 06/12, tr6; Lao Động Online 07/12; Mạnh Thắng, Nông Thôn Ngày Nay 07/12, tr7)

8.     Phá thành công nhiều vụ trọng án

Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố đồng loạt ra quân, triển khai nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn. Sau 9 tháng vận động, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã thu hồi được 116 khẩu súng các loại; 8 quả bom mìn; 44 quả lựu đạn; gần 3.500 viên đạn, hơn 862 kg thuốc nổ …. và gần 1.700 vũ khí thô sơ là dao, giáo, mác, kiếm.

Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng đã mở 2 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; phối hợp, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân tích cực đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người.

Đến  nay, đơn vị đã tiếp nhận trên 1.625 tin báo về an ninh trật tự, giúp cơ quan Công an điều tra làm rõ 131 vụ án hình sự, bắt 196 đối tượng phạm pháp, phát hiện truy bắt 52 đối tượng trốn các loại, vận động thuyết phục 13 đối tượng ra đầu thú. Ngoài ra, Công an Hải Phòng đã phát hiện, điều tra 42 vụ việc liên quan đến 45 tổ chức, cá nhân có vi phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Thu giữ hàng hóa, tang vật trị giá gần 5 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của UBND thành phố, sau các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm cơ bản đã được kiềm chế; tỷ lệ điều tra khám phá thành công đối với các vụ  trọng án trên địa bàn đạt 100%; tội phạm cướp tài sản giảm 47%.

Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch thành phố khẳng định, việc lực lượng Công an thành phố giữ gìn tốt, đảm bảo an ninh trật tự là điều kiện tiên quyết để Hải Phòng ổn định phát triển kinh tế. (Linh Nhâm, Pháp Luật Việt Nam 06/12, tr8+9)

9.     Vừa “gặp tiên” xong thì bị tóm

TAND huyện Thủy Nguyên vừa tuyên phạt Dương Văn Thao (SN 1985) 48 tháng tù và Vũ Văn Bốn (SN 1989, cùng trú tại Quảng Ninh) 42 tháng tù cùng về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, phạt tiền mỗi bị cáo 3 triệu đồng, sung quỹ Nhà nước.

Theo tài liệu điều tra, do nghiện ma túy nên sáng 20/6, Thao rủ Bốn sang Hải Phòng mua ma túy về cùng sử dụng. Đến khu vực ngã ba xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Thao mua 3 gói ma túy; sau đó, vào khu vực đường liên thôn xã Hòa Bình để sử dụng. Khi ra về, đến khu vực xã Lưu Kiếm, 2 đối tượng bị Công an đề nghị dừng xe kiểm tra, bắt giữ. (NP, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr7)

10.             Dùng “quái chiêu” lừa thủy thủ nước ngoài

Ngày 28/11, Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Phòng nhận được tin báo của thuyền viên Bao Hai Tun (Trung Quốc) đang neo đậu tại cảng Thượng Lý (quận Hồng Bàng) về việc: Một số thuyền viên làm việc trên tàu bị nhóm đối tượng cướp đoạt tài sản.

Ngay sau đó, đơn vị cử tổ công tác triển khai, đón lõng và bắt quả tang Phạm Tuấn Mạnh (SN 1965, trú đường vòng Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền).

Theo các thuyền viên tàu Bao Hai Tun , trước đó, họ được nhóm của Mạnh rủ đi mua sắm và đi chơi rồi lừa cưỡng đoạt tiền, tổng số là 7.400 NDT (tương đương với 24,4 triệu đồng). Hiện, Ban Chỉ huy Biên phòng của khẩu cảng Hải Phòng đã bàn giao vụ án cho Công an thành phố điều tra, xử lý. (Hồng Hải, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr7)

11.            Chưa kịp giao “hàng”

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Lê Chân phát hiện, tại quán nước chè của Nguyễn Thị Tâm (SN 1961, trú 19/22/2 Chợ Hàng) có dấu hiệu mua bán trái phép chất ma túy.

Đi sâu điều tra, trinh sát phát hiện Tâm nghiện ma túy. Vào các buổi chiều hàng ngày, đối tượng này thường đạp xe vào khu đường tàu Cầu Quay cất “hàng” về sử dụng và chia nhỏ bán kiếm lời ngay tại quán nước của mình.

Ngày 17/7, khi đang bán ma túy cho “khách”, Tâm bị bắt quả tang, thu 8 gói nhỏ ma túy và 270.000 đồng.

Vừa qua, VKSND quận Lê Chân đã truy tố Tâm về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. (TB, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr7)

AN TOÀN GIAO THÔNG

12.            Tăng cường quản lý trong hoạt động vận tải khách du lịch

Sáng 5/12, Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GTVT tổ chức Hội nghị triển khai thông tư liên tịch số 22/2012 của Bộ VH-TT&DL, Bộ GTVT quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa.

Hơn 40 doanh nghiệp có phương tiện thủy du lịch được cung cấp thông tin, văn bản chi tiết của thông tư, trực tiếp nêu những vướng mắc, kiến nghị trong quá trình hoạt động đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Thông tư 22 quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với cảng, bến thủy nội địa kinh doanh vận tải khách du lịch và khu vực phương tiện neo đậu; với phương tiện lưu trú du lịch; tiêu chuẩn và trách nhiệm của thuyền viên, người lái phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Trong đó, đối với phương tiện lưu trú du lịch kèm theo các yêu cầu về tiêu chuẩn buồng ngủ, bảng chỉ dẫn về sử dụng thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; sử dụng áo phao cứu sinh, búa phá cửa thoát hiẻm; thiết bị theo dõi thời tiết, thông tin liên lạc; biểu đồ tuyến hành trình du lịch, cảng, bến đón trả khách và điểm neo đậu... (Báo Hải Phòng Online 06/12; TP, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr2)

13.            Quận Đồ Sơn: Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân

Quận Đồ Sơn vừa tổng kết nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2012. Trong năm, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, song quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang phấn đấu hoàn thành cơ bản, toàn diện nhiệm vụ quốc phòng địa phương.

Công tác sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang luôn được duy trì, đồng thời tích cực tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy rừng; huấn luyện cũng như tham gia các hội thi, hội thao; tổ chức tốt công tác tuyển quân, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao; chú trọng công tác giáo dục an ninh – quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang… (PĐT, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr3)

14.            Các dự án xây dựng nhà ở thương mại: Tiến thoái lưỡng nan!

Ông Nguyễn Quốc Cường – Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, thuộc Sở Xây dựng thẳng thắn: Tuy là bộ phận quản lý chuyên môn, song trên thực tế, cơ quan này lại luôn “bị động” mỗi khi nhắc hay báo cáo về các dự án phát triển nhà.

Nói vậy là bởi lâu nay, sau các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, thẩm định dự án thì dường như chủ đầu tư “không có khái niệm” về báo cáo định kỳ tiến độ thực hiện với cơ quan quản lý. Chính vì vây, để có được những con số thống kê về gần 200 dự án phát triển nhà kể trên, cán bộ phụ trách buộc phải thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và chủ yếu là… trên giấy! Do vậy, có những biến động từ giai đoạn có chủ trương đầu tư dự án, quá trình triển khai, hiện tại đã hoàn thành hay chưa không được cập nhật thường xuyên, kịp thời.

Được biết, hàng năm, Sở TN&MT và các quận, huyện có tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra đối với các dự án phát triển nhà, song cũng chỉ dừng ở mức khiêm tốn và thường là với các dự án đã có quyết định giao đất.

Với quy trình đầu ra – đầu vào như vậy, rõ rang, vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn khá lỏng lẻo. Chưa kể đến quá trình hình thành, triển khai các dự án phát triển nhà thường kéo dài nhiều năm, không được theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời chấn chỉnh sẽ tạo nên những lỗ hổng, thậm chí đưa cơ quan quản lý vào tình thế… sự đã rồi.

Được biết, tại cuộc giám sát của HĐND thành phố về các dự án phát triển nhà chậm tiến độ, dở dang, nợ ngân sách Nhà nước vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã yêu cầu có biện pháp xử lý, thu hồi đối với một số dự án chậm tiến độ, gây bức xúc trong dư luận nhân dân… (Kim Oanh – Ngọc Hà, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+4)

15.            100% tàu khách được kiểm tra khi xuất bến

Thực hiện nhiệm vụ của Ban An toàn giao thông thành phố và Sở GTVT, Cảng vụ đường thủy nội địa Hải Phòng triển khai công tác kiểm soát phương tiện thủy tại khu vực bến Bính đi tuyến nội thành Cát Hải – Cát Bà. Theo đó, 100% phương tiện đều được kiểm tra, kiểm soát số lượng hành khách khi xuất bến.

Hiện, Cảng vụ đường thủy đang chuẩn bị thành lập Trạm kiểm soát tại đảo Cát Bà để kiểm tra, bảo đảm an toàn cho các phương tiện chở khách tuyến Cát Bà – Cát Hải – nội thành Hải Phòng. (Báo Hải Phòng 07/12, tr4)

16.            Xử lý xe quá tải tại Tỉnh lộ 360

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các công  trình hạ tầng giao thông đường bộ và góp phần bảo đảm an toàn giao thông dịp cuối năm, sáng 5/12, Thanh tra Sở GTVT cùng Công an huyện An Lão tiến hành đợt cân xe, xử lý xe vượt tải trọng tại tỉnh lộ 360 trên địa bàn huyện An Lão.

Theo Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 Vũ Ngọc Văn, tại đợt cân xe này, phương tiện nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. (Báo Hải Phòng 07/12, tr4)

17.            Số vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa giảm hơn 85%

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố, từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông đường thủy nội địa tại Hải Phòng giảm tới 85,71%, giảm 100% số người chết so với năm 2011.

Từ khi Hải Phòng thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, lực lượng Cảnh sát đường thủy và đội Thanh tra giao thông số 2 tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vụ vi phạm, nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông được bảo đảm. (Báo Hải Phòng 07/12, tr4)

18.            Cầu vượt Lạch Tray tiếp tục xuống cấp

Trong ngày, Phòng Cảnh sát giao thông xử lsy 425 trường hợp vi phạm, thu phạt gần 179 triệu đồng.

Cầu vượt Lạch Tray, quận Ngô Quyền tiếp tục xuống cấp, xuất hiện các ổ gà, không bảo đảm an toàn giao thông. (Báo Hải Phòng 07/12, tr7)

KINH TẾ

19.            Tổng Công ty Bạch Đằng: Đầu tư 150 tỷ đồng cho các dự án phát triển nhà

Tổng Công ty Bạch Đằng cho biết, trong quý IV này sẽ đầu tư khoảng 150 tỷ đồng cho các dự án phát triển nhà.

Với nhiều năm liền là doanh nghiệp hàng đầu của Hải Phòng về lĩnh vực xây dựng, đến nay, Tổng Công ty đã có nhiều công trình đi vào khai thác như: Hoàn thành hạ tầng kỹ thuật dự án Khu dân cư Gò Gai (huyện Thủy Nguyên); hoàn tất công tác chuyển giao đất có hạ tầng cho chủ đầu tư cấp 2 đối với dự án Khu nhà ở thương mại tại số 266 Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân); hoàn thành phần khung cứng Khu chung cư và công trình dịch vụ 97 Bạch Đằng…

11 tháng qua, giá trị thực hiện đầu tư của toàn Tổng Công ty đạt 100 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư cho các dự án kinh doanh phát triển nhà và đô thị. (Đà Giang, Báo Xây Dựng 07/12, tr2)

20.            Hỗ trợ doanh nghiệp để bình ổn giá

UBND thành phố vừa phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 25 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay không tính lãi để khai thác nguồn hàng, dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ chương trình bình ổn giá dịp Tết Quý Tỵ 2013, với các mặt hàng: Gạo tẻ, thịt lợn, gia cầm, trứng, thuốc chữa bệnh… (Bùi Hương, Nông Thôn Ngày Nay 06/12, tr2)

21.            Toàn thành phố trồng được 8.500 ha cây vụ Đông sau bão

Đến nay, nông dân ngoại thành trồng được khoảng 8.500 ha cây vụ Đông. Hiện đã có nhiều diện tích cây ưa ấm cho thu hoạch. Diện tích này chủ yếu do nông dân khôi phục lại và trồng mới sau bãi số 8.

Vụ đông năm nay, Phòng NN&PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất 12.500 ha cây rau màu. Để đảm bảo kế hoạch được giao trong điều kiện hàng nghìn ha rau mùa bị thiệt hại trong bão số 8, một số loại cây trồng đã hết lịch thời vụ…ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương hỗ trợ nông dân hạt giống, rau ngắn ngày ưa lạnh, vật tư chậm trả, chỉ đạo nông dân ứng phó linh hoạt, cố gắng ổn định diện tích sản xuất. (Báo Hải Phòng 7/12, tr2)

22.            Mô hình trình diễn nuôi cua đồng trong ruộng lúa thu lãi 27 triệu đồng

Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Hải Phòng vừa tổng kết mô hình trình diễn nuôi cua đồng trong ruộng lúa ở xã Đoàn Lập (Tiên Lãng). Mô hình được xây dựng trên diện tích 2.000 m2 tại thôn Nhân Vực (xã Đoàn Lập) với sự hỗ trợ 100% về kĩ thuật, 80% tiền con giống và 30% tiền thức ăn thủy sản của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng.

Mô hình được triển khai từ tháng 5/2012 với hơn 30.000 con giống. Đến nay, sau hơn 6 tháng nuôi thả cho thấy tỉ lệ cua sống đạt hơn 80%, sản lượng sự kiến đạt 530 kg, năng suất ước đạt 2,6 tấn/ha.Trừ chi phí về con giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất và công lao động, hộ nôi thu lãi gần 27 triệu đồng.  (Báo Hải Phòng 7/12, tr2)

VĂN HÓA

 

23.            Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng năm 2012

Chiều 6/12, Triển lãm Mỹ thuật Hải Phòng năm 2012 khai mạc tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố.

Triễn lãm do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng phối hợp với Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức.

Triển lãm trưng bày 72 tác phẩm của 49 tác giả. Bên cạnh các họa sĩ đàn anh, các họa sĩ trẻ tham gia nhiều tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc, hứa hẹn sự phát triển của mỹ thuật thành phố trong những năm tới. (Báo Hải Phòng 07/12, tr2)

DU LỊCH

24.            Hải Phòng tiếp nhận có luân lưu tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2013

Theo Sở VH-TT&DL, lễ bàn giao cờ luân lưu tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2013 cho thành phố Hải Phòng được tổ chức vào ngày 15/12, đồng thời bế mạc Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 với chủ đề “Du lịch di sản”.

 

Dự kiến, Lễ bế mạc bàn giao cờ luân lưu sẽ thu hút hàng nghìn khách mời và người dân tham gia thưởng thức chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc mang đậm dấu ấn các tỉnh Bắc Trung Bộ. (Báo Hải Phòng 7/12, tr5)

25.            Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc đón hơn 22 nghìn khách đến dâng hương

Từ đầu năm đến nay, khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (Kiến Thụy) đón tiếp 600 đoàn với hơn 22.000 lượt khách đến tham quan và dâng hương tưởng niệm .

Ban quản lý di tích phối hợp với một số ban ngành, địa phương trong huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tập trung tạo điểm nhấn là 2 lễ hội lớn là lễ hội khai bút đầu xuân, lễ hội tiến vua. (Báo Hải Phòng 7/12, tr5)

26.            Nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng xúc tiến du lịch

Tổng cục Du lịch vừa tổ chức khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng xúc tiến du lịch cho cán bộ công tác trong ngành du lịch tại khách sạn công đoàn Đồ Sơn.

Trong 6 ngày tập huấn, các giảng viên có kinh nghiệm của ngành Du lịch Việt Nam truyền đạt đến học viên các chuyên đề như tổng quan du lịch Việt Nam, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. (Báo Hải Phòng 7/12, tr5)

27.            Huyện Cát Hải: Xây dựng các đội xe ôm du lịch chuyên nghiệp

Chủ tịch huyện Cát Hải – Bùi Trung Nghĩa cho biết, huyện chỉ đạo thị trấn Cát Bà xây dựng một số đội xe ôm du lịch hoạt động trong khu du lịch gồm: Khu cảng du lịch trung tâm, khu chợ Cát Bà và Khu Bến Cát..

Các đội xe ôm được trang bị đồng phục, có nội quy hoạt động thống nhất giá cả cả dịch vụ và hạn chế tình trạng chèo kéo, tranh khách. (Phương Duy, Báo Hải Phòng 7/12)

ĐÔ THỊ

28.            Chiếu sáng tại 5 vườn hoa, quán hoa: Cần làm nổi bật điểm nhấn kiến trúc

Chiều 6/12, Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền chủ trì cuộc họp thông qua phương án thiết kế chiếu sáng 5 vườn hoa, quán hoa và thiết kế chiếu sáng trang trí Cầu Rào 2.

Phương án thiết kế chiếu sáng 5 vườn hoa, quán hoa và cầu Rào 2 do Công ty TNHH Một thành viên Điện chiếu sáng Hải Phòng thực hiện.

Chủ tịch thành phố chỉ rõ: Chiếu sáng 5 vườn hoa, quán hoa và chiếu sáng trang trí cầu Rào 2 có ý nghĩa quan trọng với cảnh quan đô thị tại các khu vực sinh hoạt công cộng thành phố. Chủ tịch đồng ý với phương án thiết kế và lưu ý một số vấn đề trong công tác này: Cần làm nổi bật điểm nhấn kiến trúc, hệ thống cây xanh, tạo ấn tượng đẹp hơn cho người dân đi dạo ở vườn hoa vào các buổi tối; các thiết bị chiếu sáng cần đảm bảo chất lượng... (Báo Hải Phòng 07/12, tr1+2)

XÃ HỘI

29.            Còn nhiều dự án bỏ hoang trên cung đường Lê Hồng Phong

Đường Lê Hồng Phong (nối từ ngã năm đến sân Bay Cát Bi) là tuyến đường đẹp và hiện đại thuộc loại bậc nhất thành phố Hải Phòng. Mặc dù được đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhưng đến nay dọc hai bên tuyến đường còn nhiều khu đất rộng hàng chục nghìn mét vuông được “xí phần” nhưng bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lợi phát triển kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan của thành phố.

Dự án đầu tư phát triển Khu đô thị mới Ngã Năm - Sân bay Cát Bi là dự án lớn đầu tiên được thực hiện góp phần phát triển thành phố Hải Phòng tương xứng với vị thế đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương theo quy hoạch tổng thể xây dựng đô thị Hải Phòng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, tuyến đường Lê Hồng Phong là tuyến đường xương sống của khu đô thị. Tuyến đường có mặt cắt rộng 64m, dài 5,29 km. Để sớm có tiền đề phát triển khu đô thị, chỉ trong bốn năm (từ năm 2001-2004) nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng hoàn thành con đường. Theo đó, tại 259 thửa đất hai bên tuyến đường sẽ được xây dựng chủ yếu các dự án lớn như trung tâm thương mại, tài chính, khách sạn, biệt thự cao cấp…Trong đó, có 42 thửa đất có diện tích mặt bằng từ 360 m2 đất đến hàng chục nghìn mét vuông.

Vị trí đắc địa là vậy, song đến nay, nhiều dự án lớn trên tuyến đường vẫn chưa triển khai xây dựng. Một trong những dự án gây nhiều bức xúc trong dư luận là dự án khu Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp Duy Hưng. Năm 2004, dự án được giao đất và được chấp thuận đầu tư từ năm 2006. Do dự án triển khai quá chậm, đầu năm 2011, thành phố Hải Phòng đã thông báo kết luận của UBND thành phố về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi dự án. Sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh công năng và quy mô vốn đầu tư dự án tăng từ 250 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng và cam kết sẽ tiến hành xây dựng. Tuy nhiên đến nay, dự án chưa tiến triển hơn.

Ngoài các dự án trên, một loạt các dự án ở vị trí đẹp khác trên tuyến đường cũng chưa được triển khai hoặc mới triển khai được một phần. Cụ thể như dự án của Công ty CP Thương mại Hải Phòng Plaza (diện tích 12.868 m2), dự án của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Duy Hưng (diện tích 9.165 m2), dự án Trung tâm thương mại 21 tầng của Công ty TNHH Thương mại, du lịch EIE (tổng diện tích 30.130 m2)... Cùng với đó là trăm thửa đất khác có diện tích nhỏ hơn của doanh nghiệp và người dân chưa triển khai xây dựng.

Ông Ngô Văn Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại đầu tư phát triển đô thị Hải Phòng , Phó Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết: Tiến độ triển khai dự án tại các lô đất dọc hai bên tuyến đường Lê Hồng Phong hiện rất chậm. Đặc biệt trong hai năm gần đây, các chủ đầu tư lấy lý do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, gặp khó khăn do lãi suất ngân hàng tăng cao, tình trạng thị trường bất động sản kém sôi động...Bên cạnh đó một số dự án phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần, một số dự án của các doanh nghiệp Trung ương lấy lý do chờ nguồn vốn. Những dự án không có lý do để biện minh thì cố tình thi công kiểu đối phó…

Hiện nay, các dự án chậm tiến độ rất khó thu hồi. Mặc dù thành phố cùng các Sở, ban, ngành tổ chức nhiều cuộc họp, ra nhiều thông báo song không giải quyết được triệt để. Các ngành chức năng cũng không nhất quán trong giải quyết sự việc... (Hoàng Ngọc, TTXVN 06/12)

30.            Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2013

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê lao động.

Mức lương tối thiểu sẽ được chia theo 4 vùng: Vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV và được áp dụng từ ngày 1/1/2013. Cụ thể, cao nhất là vùng I: 2.350.000 đồng/tháng; vùng II:2.100.000 đồng/tháng; vùng III: 1.800.000 đồng/tháng và vùng IV: 1.600.000 đồng/tháng.

Trong đó, vùng I gồm các quận, một số thị xã của Hà Nội, các quận và một số huyện của Hải Phòng, TPHCM… Vùng II gồm các huyện còn lại của Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hải Dương, thành phố Hưng Yên… Vùng III gồm các thành phố trực thuộc tỉnh còn lại và một số thị xã, huyện thuộc Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Lào Cai… Cuối cùng, vùng IV gồm các địa bàn  còn lại. (Thành Nam, An Ninh Thủ Đô 07/12, tr3; CP, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+5)

31.            Điều chỉnh lịch xả nước đổ ải

Ông Đặng Duy Hiển – Phó vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng sông Hồng, giai đoạn 2010-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Phạm vi quy hoạch áp dụng cho 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên khoảng 2,1 triệu ha. Theo quyết định này, quy hoạch sẽ được hiện qua 3 giai đoạn: Thực hiện nạo vét các trục kênh tưới, tiêu chính đảm bảo yêu cầu tưới tiêu; nâng cấp tuyến đê biển Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, các tuyến đê sông Hồng; sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ…

Giai đoạn từ 2016-2020, tiếp tục nâng cấp các tuyến  đê biển thuộc Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình, các tuyến đê sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Thái Bình; tiếp tục thực hiện dự án củng cố đê, cải tạo sông Đáy, xây dựng các tuyến thoát lũ…. Sau năm 2020, sẽ triển khai các công trình còn lại của quy hoạch trên cơ sở điều chỉnh bổ sung nhiệm vụ, mục tiêu, quy mô công trình cho phù hợp tình hình kinh tế - xã hội mỗi địa phương. (Lê Bền, Nông Nghiệp Việt Nam 07/12, tr18)

32.            Ô nhiễm môi trường từ phương tiện cơ giới đường bộ: Hiện trạng và giải pháp

Tốc độ phát triển nhanh về số lượng các phương tiện giao thông cơ giới, nhất là ô tô, xe máy tại khu vực đô thị đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí đô thị và có tác động rõ rệt đến sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia, nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… trung bình một ngày ở các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3-5 lần và nồng độ khí CO và NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt mức tiêu chuẩn cho phép từ 1,2-1,5 lần.

Do vậy, bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ môi trường, công tác tổ chức, thực hiện cũng cần được làm một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương, của chủ phương tiện, người lái xe và đặc biệt là của cả cộng đồng, nhằm giảm thiểu tối đa nguồn ô nhiễm do phương tiện giao thông cơ giới gây ra. (Chu Mạnh Hùng – Vũ Hải Lưu, Giao Thông Vận Tải 07/12, tr9)

33.            Đời thợ lặn nghiệp dư

Ngày ngày, những người theo nghề lặn biển ở vùng quê An Thọ (huyện An Lão) lại vác bộ đồ lặn ra khu vực cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) từ tờ mờ sáng.

Công việc của người lặn biển ở đây đủ loại, như lặn mò tìm phế liệu, trục vớt tàu xuồng đắm, xây dựng công trình ngầm, khai thác hải sản... Ai có tiền thuê là những người làm nghề lặn biển làm ngay, bất kể công việc đó nặng nhọc hay nguy hiểm.

Thợ lặn nghiệp dư rất khổ cực, công việc khá bấp bênh. "Có hôm lặn xuống nước sâu vài chục mét, khi lên bờ thấy đau ê ẩm ở các bắp thịt, khớp xương, có khi chóng mặt, mắt hoa", anh Hải - một thợ lặn kể.

Dụng cụ hỗ trợ cho thợ lặn nghiệp dư khi làm việc chỉ là chiếc máy nén khí cùng với sợi dây truyền khí được người lặn ngậm vào miệng. Có khi máy nén khí được tận dụng, "cải tiến" từ các máy nén khí của xe ô-tô Zil-130. Sử dụng các máy nén khí không bảo đảm tiêu chuẩn dễ gây tai nạn cho người lặn vì không ai xác định và kiểm soát được lượng khí của các máy "tự tạo" này để cung cấp cho người lặn lao động ở độ sâu cần thiết.

Tuy nhiên, vì kế sinh nhai, lượng người đi làm nghề lặn khai thác hải sản ngày càng nhiều hơn. Dọc bãi biển Vân Đồn, dễ thấy những người lặn biển, làm nghề mò tôm, cá. Ở các khu công nghiệp, công trình xây dựng ven biển và trên biển, để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp đã thuê mướn lao động mùa vụ vào làm công việc lặn, xây dựng công trình dưới nước.

"Thời điểm cuối năm, vào đợt công trình về nhiều, các dự án đang lúc "nước rút", thu nhập mỗi tháng cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng. Nhưng làm tháng này thì tháng sau phải nghỉ dưỡng vì tính chất công việc quá độc hại...", anh Hải cho hay.

Do thuê lao động mùa vụ nên nhiều doanh nghiệp đã "quên" làm hợp đồng lao động và mua bảo hiểm tai nạn rủi ro. Nhiều doanh nghiệp tắc trách, chưa quan tâm chú ý đến trang thiết bị bảo hộ, dụng cụ lao động bảo đảm tiêu chuẩn, nhất là các thiết bị phục vụ hoạt động dưới nước.

Công tác huấn luyện cho người lao động sử dụng thiết bị an toàn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về lặn trong các doanh nghiệp, cơ quan chức năng còn hạn chế, dẫn đến đơn giản hóa, coi nhẹ việc mua sắm, bổ sung trang bị bảo hộ lao động. Hiểu biết về nghề lặn biển trong nhân dân, nhất là những người làm nghề lặn biển còn rất bất cập nên đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

Điển hình như, anh Nguyễn Trọng Khải (32 tuổi, quê ở xã An Thọ, huyện An Lão). Vào nghề lặn năm 1991, anh bị mắc bệnh sau khi lặn ở độ sâu 30 m, tình trạng bệnh rất nguy kịch: Vận động khó khăn, không đứng được, không có cảm giác đau từ rốn trở xuống, đại tiểu tiện không tự chủ, đau đầu…

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp, khi bị tai nạn không được chuyển đến cơ sở y tế chuyên khoa kịp thời nên đành chịu bị tàn phế. (Hoài Nguyên, Tài Nguyên & Môi Trường 06/12, tr6)

34.            Mùa xuân không nở hoa đào

Đó là  Tết năm Nhâm Thìn vừa qua, khi gia đình ông Đào Văn Hạnh (ở phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo) đau đớn mất đi 2 người thân vì tai nạn giao thông.

Ông kể: Chiều mùng 1 Tết Nhâm Thìn, chị Lương Thị Mai Thanh (37 tuổi, con dâu ông) điều khiển xe mô tô chở con trai là bé Đào Minh Trung (5 tuổi) đến nhà người thân chúc Tết. Chị vừa đi khỏi nhà được một lúc thì gia đình ông Hạnh nhận được hung tin: Mẹ con chị Thanh bị xe taxi đâm, tử vong ngay trên đoạn đường cách nhà không xa.

Ông Hạnh cho biết, theo  lời của nhiều người dân kể lại, người điều khiển chiếc xe taxi gây tai nạn có vẻ say rượu, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng một đoạn đường khá dài trước khi đâm vào chị Thanh và bé Trung. Trong tích tắc, niềm vui đón Xuân của gia đình ông tan biến, thay vào đó là nỗi đau vô hạn.

Cú sốc quá lớn khiến anh Đào Trọng Hiếu – chồng chị Thanh trở nên ít nói, sống khép mình hơn. Mấy tháng đầu, anh không ăn, không ngủ được, hàng đêm lại khóc thương nhớ vợ con. Không còn đủ sức để tiếp tục công việc, anh chuyển sang sống cùng bố mẹ.

“Trước đây tôi khỏe lắm nhưng từ ngày xảy ra cơ sự này, tôi cứ ốm liên miên vì suy nghĩ nhiều”. “Nhìn con trai ra ngẩn vào ngơ, suốt ngày đi câu cá giết thời gian, tôi cũng xót ruột. Đau lắm chú à nhưng biết làm sao được, tất cả phải làm lại từ đầu thôi”, bà Lưu – mẹ anh Hiếu nói. (Ngọc Khánh, Giao Thông Vận Tải  06/12, tr16)

35.            Giao ban báo chí tháng 11

Sáng 30/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 11.

Trong tháng 11, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc định hướng và thông tin kịp thời các hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội của thành phố. Việc tiếp tục kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 13 và các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại kỳ họp; mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được báo chí quan tâm thông tin về những băn khoăn, khúc mắc của địa phương và nhân dân khi thực hiện các tiêu chí; thông tin sâu đậm, khách quan về những kết quả khi thành phố thực hiện chủ đề “Đô thị và an toàn giao thông” năm 2012.

Tháng 12, các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 14; kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2012… (TC, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr10)

36.            Giá đất năm 2013 có gì mới?

Theo tờ trình của UBND thành phố cho thấy, mức giá đất trên địa bàn thành phố năm 2013 cơ bản được giữ nguyên như bảng giá đất năm 2012.

Theo đó, chỉ điều chỉnh tăng tại những địa điểm có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư nâng cấp công trình kết cấu hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công, điều chỉnh giảm do một số điểm đấu giá sử dụng đất không thành…

Theo đánh giá, bảng giá đất năm 2013 cơ bản phù hợp với tình hình thành phố, góp phần kích cầu thị trường bất động sản; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, đồng thời giữ mức hợp lý để cạnh tranh trong thu hút đầu tư phát triển. (ĐH, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+2)

37.            Tỷ lệ nhiễm khuẩn trong đồ ăn, thức uống vẫn cao

Đó là 50% mẫu thịt lợn quay; 22,5% mẫu kem, nước đá; 8,33% mẫu nước uống đóng chai nhiễm Coliform. 15% mẫu thịt lợn quay; 5% chả thịt lợn xay; 4,17% mẫu giò nạc nhiễm E.Coli. 41,66% mẫu dầu đang rán có độ ôi khét 2+; 33,33% mẫu là 1+ và 16,66% mẫu là 3+.

Đây là kết quả được tập hợp qua đợt giám sát mối nguy, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm của chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, thực hiện từ tháng 7-10 tại các  chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, các chỉ tiêu vi sinh khác (hàn the, Foocmol, phẩm màu…) gần như không phát hiện thấy trong các mẫu bún, thực phẩm chế biến và nước đóng chai. (TG, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+2)

38.            Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp: Phẫu thuật nội soi tuyến giáp không để lại sẹo

Năm 2010, Bệnh viện Việt – Tiệp thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp”. Theo chủ nhiệm đề tài, bác sĩ Nguyễn  Đức Thành – Trưởng khoa Ngoại 11, đến nay, Bệnh viện đã thực hiện phẫu thuật tuyến giáp bằng phương pháp nội soi thành công cho 350 bệnh nhân.

Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng về thẩm mỹ của bệnh nhân và có thể áp dụng cho nhiều loại bệnh lý tuyến giáp khác nhau. Được biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp là bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố đầu tiên của miền Bắc ứng dụng kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp. (Hồng Ngọc, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr2)

39.            Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động – Công an thành phố: Liên tục lập công

Sáng 6/12, Đại tá Nguyễn Trọng Phượng – Phó Giám đốc Công an thành phố đến động viên và trao thưởng 3 kíp tuần tra của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Phòng PC45, Công an thành phố vừa lập thành tích xuất sắc.

Nhân dịp này, Đại tá Phượng đã trao giấy khen của Giám đốc Công an thành phố cho 6 đồng chí có thành tích xuất sắc. (Thế Khoa, An Ninh Hải Phòng 07/12, tr1+7)

40.            Dự án nâng cấp đê biển Bạch Đằng: Bê tông mặt đê đạt 85% khối lượng công việc

Đến nay, dự án nâng cấp đê biển Bạch Đằng giai đoạn 1 (huyện Thủy Nguyên) đã hoàn thành công trình cống Mỹ Sơn và nâng cấp 3,1 km mặt đê, đạt hơn 85% khối lượng công việc.

Dự án này được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư 332,890 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thi công cống Mỹ Sơn và nâng cấp đê đoạn từ Km2+900 đến Km 8+750. (Báo Hải Phòng 07/12, tr1)

41.            Bồi dưỡng chức danh Trưởng Công an phường toàn quốc tại Đồ Sơn

Sáng 5/12, trường Bồi dưỡng nghiệp vụ Bộ Công an tổ chức lớp bồi dưỡng chức danh Trưởng công an phường, thị trấn thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế tại Công an phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn.

Thượng tá Hà Việt Hùng - Trưởng Công an phường Vạn Sơn báo cáo kinh nghiệm thực tế về công tác lãnh đạo, chỉ huy công an phường trên một số lĩnh vực như: bố trí lực lượng, bảo đảm yêu cầu công tác công an phường; kinh nghiệm trong công tác phòng chống tội phạm về trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phường; kinh nghiệm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, trong những năm qua, Công an phường Vạn Sơn làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng công an phường vững mạnh, được Bộ Công an tặng Bằng khen, Giám đốc Công an thành phố tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng.

Đại diện Công an phường ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Lào Cai trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác chỉ huy, chỉ đạo với nhiều cách làm hay, giúp Trưởng công an phường các địa phương tích lũy kinh nghiệm, áp dụng thực tế giúp hoạt động lực lượng công an cấp cơ sở hiệu quả hơn. (Báo Hải Phòng 07/12, tr2)

42.            Đoàn Thanh niên khối các cơ quan thành phố: Trao 30 suất quà tặng trẻ em bị bệnh nặng

Chiều 6/12, Đoàn Thanh niên khối các cơ quan thành phố đến thăm và tặng quà trẻ em bị bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn đang được điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Đoàn đã trao 30 suất quà (mỗi suất 300.000 đồng) tặng các em. Toàn bộ số tiền do đoàn viên, thanh niên các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối đóng góp. (Báo Hải Phòng 07/12, tr2)

43.            Hộp thư trợ giúp pháp lý miễn phí báo Hải Phòng

Báo Hải Phòng phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân có đề nghị tại Toàn soạn vào sáng thứ 5 của tuần thứ 2 và thứ 4 hàng tháng. Lần trợ giúp pháp lý tới sẽ thực hiện vào sáng thứ 5, ngày 13/12. (Báo Hải Phòng 07/12, tr2)

44.            Rác lưu cữu cạnh trường Mầm non Sao Mai, gây ô nhiễm môi trường

Qua đường dây nóng báo Hải Phòng, một số cah mẹ có con theo học trường Mầm non Sao Mai (thị trấn An Dương, huyện An Dương) phản ánh: Gần một tuần nay, rác ở đầu đường An Dương 1, cạnh nhà trường không được chuyển đến nơi quy định, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của các cháu. (Báo Hải Phòng 07/12, tr7)

45.            Mở 140 lớp đào tạo nghề cho hơn 4.700 lao động nông thôn

Từ đầu năm, Sở NN&PTNT  phối hợp với Sở LĐ-TB&XH mở 140 lớp đào tạo nghề cho hơn 4.700 lao động nông thôn tham dự.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2011, hai đơn vị là Sở NN&PTNT và Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức 127 lớp dạy nghề cho nhiều lao động nông nghiệp ở các địa phương. Trong đó có 44 lớp dạy nghề nông nghiệp, 8 lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, 73 lớp đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ và 2 lớp đào tạo thuyền viên tàu cá cho nông dân, ngư dân.  (Báo Hải Phòng 7/12, tr2)

THỂ THAO

46.            Khai mạc Vòng Chung kết giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2012

Vòng Chung kết giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2012 chính thức khai mạc sáng 6/12 tại Khánh hòa với sự tham dự của 15 đội bóng nam và 13 đội bóng nữ.

Những đôi được đánh giá cao là: Trương Thị Yến/Nguyễn Thị Mai (Hải Phòng), Cẩm Hồng/Hồng Loan (Tanimex) ở bản nữ và Thành Vinh/Trọng Quốc (Khánh Hòa), Kim Trọng/Hải Đăng (Tanimex) ở bảng nam. (Đ.T, Người Lao Động 07/12, tr14)./.


QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố