Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 6/11/2012)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 6/11/2012)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     “Cần làm rõ chất lượng nhập cư gắn liền với hạn chế số lượng”

Bên lề kỳ họp Quốc hội, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề xung quanh dự án Luật Thủ đô.

Theo ông những vấn đề nào cần tiếp tục làm rõ trong dự án Luật Thủ đô?

Việc có Luật Thủ đô là rất cần thiết để khẳng định tính pháp lý riêng cho Hà Nội. Việc thảo luận ở tổ dự thảo luật đã chỉ ra những hạn chế như kỹ thuật lập pháp chưa đạt, một số nội dung còn chung chung, chưa rõ ràng. Sau thảo luận ở các tổ vừa rồi, tôi có xem lại tiếp thu của Chính phủ và thấy dự án Luật Thủ đô đã có những khắc phục dựa trên tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Một số chính sách đặc thù cho thủ đô đã được làm rõ hơn.

Tuy nhiên có 3 vấn đề mà dự thảo Luật Thủ đô cần tiếp tục làm rõ. Một là chất lượng nhập cư gắn liền với hạn chế số lượng. Chúng ta hạn chế số lượng nhập cư mà không có quy định nào về chất lượng dân cư Hà Nội thì trong tương lai không xa, việc xây dựng nền văn hóa, sự kế thừa tinh hoa của thủ đô sẽ mai một.

Vấn đề thứ 2 đó là cơ chế tài chính đặc thù cho thủ đô Hà Nội phải bảo đảm 2 mặt: Một mặt đó là nguồn tài chính thu hút về cho thủ đô Hà Nội để có nguồn lực xây dựng, bồi đắp cho những công trình kiến trúc văn hóa; thiết chế tương ứng. Nhưng mặt khác có những đòi hỏi riêng với thủ đô như nhiều ý kiến đại biểu nêu, đó là công dân thủ đô cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm hơn công dân địa phương khác. Công dân thủ đô được hưởng những ưu đãi hơn thì cũng nên có nghĩa vụ tài chính tương ứng.

Vấn đề thứ 3 là sự quản lý khác biệt về dân cư tại địa bàn thủ đô. Trong dự thảo lần này chưa đề cập. Tôi đề nghị nên tiếp thu ý kiến định dạng được tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền ở Thủ đô khác với chính quyền ở thành phố khác.

Có ý kiến cho rằng, dự án Luật Thủ đô mới chỉ quan tâm tới nội thành, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Trong dự thảo luật khoanh vùng đô thị lõi gồm 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng vì có bề dày lịch sử, có kiến trúc ổn định và thiết chế khác được xác lập trong nhiều năm. Nhưng tôi cho rằng vấn đề đó cũng chỉ tương đối nếu so bề dày phát triển của 4 quận này với cả chiều dài văn hiến của thủ đô. Ý tưởng của các nhà làm luật trong dự thảo này là thủ đô có các tầng, vành đai, có trung tâm lõi và vùng xung quanh. Ý tưởng này hướng tâm rất tốt; có thể liên quan đến vấn đề quy hoạch không gian Hà Nội. Như vậy, theo dự án Luật Thủ đô này có nhiều tầng kiến trúc. Bên trong của đô thị là vùng lõi, tầng bao xung quanh và tầng ngoài vệ tinh. Đó là tổ chức không gian đô thị hợp lý, phù hợp với quy mô đô thị thủ đô của chúng ta hiện nay.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng thủ đô vừa bảo đảm tính lịch sử, có chiều dày văn hóa, nhưng kết hợp cả phát triển không gian hiện đại, sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là làm sao giữ cho thủ đô có giá trị tinh hoa nhưng cũng xây dựng thủ đô có tầm vóc tương xứng với đô thị khác trong khu vực Đông Nam Á và ngang tầm thế giới. Đó không chỉ là hiện đại về kiến trúc mà còn có nét văn hóa truyền thống, hình thành nhân cách của con người thủ đô.

Có nhiều ý kiến xung quanh việc chọn Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô, ý kiến của ông ra sao về lựa chọn này?

Tôi đồng tình chọn Khuê Văn Các là biểu tượng thủ đô vì Khuê Văn Các là biểu tượng cho nền học vấn vì là tác phẩm kiến trúc trong quần thể Văn Miếu Quốc Tử Giám. Khuê Văn Các có nghĩa là “đài vẻ đẹp của sao khuê” tượng trưng cho tinh hoa, tinh tú trên bầu trời đất Việt. Biểu tượng đó lại nằm trong quần thể của trường đại học đầu tiên của đất nước thể hiện minh triết của người Việt. (Xuân Cường, Tin Tức 6/11,  tr3; An Ninh Thủ Đô 6/11, tr3; Pháp Luật TP.HCM 6/11, tr3; Sài Gòn Giải Phóng 6/11, tr2; Báo VOV 6/11, tr2; Pháp Luật TP.HCM 6/11, tr3; Sức Khỏe & Đời Sống 6/11, tr3; Quân Đội Nhân Dân 6/11, tr4; Tiền Phong 6/11, tr3; Nhân Dân 6/11, tr3; Tuổi Trẻ 6/11, tr3; Báo Hải Phòng 6/11; An Ninh Hải Phòng 6/11, tr3; Công An Nhân Dân 6/11, tr1+4; Pháp Luật & Xã Hội 6/11, tr3; Lao Động Xã Hội 6/11, tr3; Tuổi Trẻ Thủ Đô 6/11, tr3; Đại Đoàn Kết 6/11, tr10; Tố Như, Nông Nghiệp Việt Nam 6/11, tr3; Kim Ngân – Ngọc Anh, Công An TPHCM 6/11, tr3; Thanh Lê, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 6/11, tr5)

2.     Cấp ủy Đảng vào cuộc, đảng viên làm gương: Đến những đám cưới, đám tang phô trương, lãng phí (tiếp theo)

Tất cả các địa phương đều nhận định, thời gian gần đây, đã có những biến tướng trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội, hiện tượng mê tín dị đoan có xu hướng quay trở lại với nhiều hình thức tinh vi và phức tạp hơn. Theo Quận ủy Lê Chân, chiều hướng đáng lo ngại trong việc cưới là sự phô trương khi tổ chức ăn hỏi với 9- 11 xe ô tô con, cá biệt có đám ăn hỏi có số xe bằng số tuổi của cô dâu. Hình thức báo hỷ chưa được phổ biến rộng rãi. Nhiều tiệc cưới tổ chức với quy mô lớn, khách mời quá rộng, tiệc làm hoành tráng, xa xỉ, nơi tổ chức đắt tiền… Trong khi đó, số lượng đám cưới theo mô hình văn minh chưa nhiều. Vai trò của Đoàn Thanh niên bị lu mờ.

Về việc tang, một bộ phận người dân lại bắt đầu chạy theo hủ tục cũ, rườm rà, lãng phí, phô trương như thuê hàng chục chiếc xe đen, đoàn thổi kèn trống đi thành hàng dài. Bí thư Đảng ủy phường Trại Cau Bùi Văn Rự phản ánh, có đám tang kéo dài tới hơn 300 m, làm tắc nghẽn cả đường phố. Ở nhiều đám tang, số lượng vòng hoa phúng viếng quá nhiều, có đám lên tới vài trăm vòng hoa, rất lãng phí trong khi hình thức sử dụng vòng hoa luân phiên chưa được phổ biến. Các đám cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày và giỗ đầu được tổ chức rất rùm beng, mời nhiều khách. Nhiều gia đình lập đàn thờ cúng trong nhiều ngày với chi phí tốn kém lên tới vài chục triệu đồng, có đám lên tới hàng trăm triệu đồng. Gần đây, xuất hiện dịch vụ cho thuê dàn kèn đồng, đoàn xe tang đen có bông sen vàng trên nóc kéo thành hàng dài trong lễ tang. Còn có hiện tượng một số nhà sư  tổ chức làm dịch vụ các đám tang cho các gia đình có điều kiện về kinh tế với mức chi phí lớn… Việc cúng bái ngày mùng một, ngày rằm, đặc biệt là rằm tháng giêng, rằm tháng 7 đang có xu hướng rầm rộ, tốn kém trở lại; đốt quá nhiều vàng mã, tổ chức lập đàn gọi rí, bói toán diễn ra ở nhiều nơi…

Điều đáng nói, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hàng Kênh ( quận Lê Chân) Lương Văn Thường, hầu hết đám cưới xa hoa, lãng phí, những đám tang cầu kỳ, tốn kém… thuộc về những gia đình cán bộ có chức, có quyền, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, thích làm thế nào thì làm mà ít quan tâm tới cuộc vận động tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, lành mạnh, tiết kiệm ở các địa phương. Còn theo Quận ủy Lê Chân , vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo ở các cấp, các ngành chưa thực sự được đề cao. Bởi thế mới có chuyện đám cưới là của “ cha mẹ”, khách mời có khi lên tới 1000- 1500 người. Còn đám tang to hay bé cũng là do quan hệ làm ăn, do chức vị của người trong gia đình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó nổi bật là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, do đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao nên “ sinh lễ nghĩa”, do cả sự tiếp thu thiếu chọn lọc, thiếu định hướng của một bộ phận dân cư nên làm nảy sinh những tập tục và tiêu cực mới. Bên cạnh đó là một số hủ tục lạc hậu ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sinh hoạt, gắn với phong tục, tập quán truyền thống và tâm lý của người dân địa phương… Nguyên nhân quan trọng hơn cả đã được các Quận ủy, Huyện ủy thống nhất nhận định là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận, huyện tới cơ sở có nhiều thời điểm chưa sâu sát, thường xuyên, liên tục, có biểu hiện buông lỏng, thiếu kiên quyết, thống nhất. Vì thế mới có hiện tượng lúc đầu triển khai tích cực, sau đó mờ nhạt dần. Hơn nữa, chế tài xử phạt  chưa có, hầu hết mới chỉ là vận động nên không có cơ sở xử phạt cán bộ, đảng viên vi phạm, cũng như chưa có ai bị xử lý kỷ luật vì tổ chức đám cưới, đám tang xa hoa, phô trương, lãng phí… Một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ, chưa xác định được trọng tâm, tính phức tạp và lâu dài của nhiệm vụ, có biểu hiện giao khoán cho ngành văn hóa thông tin hoặc Ủy ban MTTQ và các đoàn thể khác, còn có tình trạng lúng túng trong hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện…

Tiếp tục thực hiện với hình thức phù hợp

“Hâm nóng” việc thực hiện Chỉ thị 27, Chỉ thị 15, Chủ tịch Hội CCB quận Lê Chân Nguyễn Trung Hậu nhấn mạnh khi cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 27, Chỉ thị 15 có một thời gian dài bị buông lỏng. Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế thị trường tác động khá rõ nét tới đời sống kinh tế-  xã hội, tới từng gia đình, việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 27 là cần thiết và cấp bách, để việc cưới, việc tang được thực hiện theo đúng nghi lễ, tập tục truyền thống, hạn chế tới mức thấp nhất sự xa hoa, lãng phí. Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Lê Chân cũng cho rằng, 2 Chỉ thị vẫn mang tính thời sự, rất cần được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể… tiếp tục thực hiện với những hình thức mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo Bí thư Quận ủy Lê Chân Phạm Từ Thứ, cần tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo ở cấp quận và phường, tiếp tục xây dựng mô hình điểm, nhân ra diện rộng để tạo phong trào. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy Đảng, công tác quản lý của chính quyền, công tác vận động của các đoàn thể quần chúng trên 5 nội dung của chỉ thị, đánh giá khen, chê kịp thời, coi đây là một nội dung trong công tác thi đua xét duyệt các danh hiệu hằng năm của các đơn vị và cá nhân. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hàng Kênh Lương Văn Thường đề nghị: cán bộ cấp trên phải làm gương cho cán bộ cấp dưới; đảng viên phải làm gương cho quần chúng thì Chỉ thị 27, Chỉ thị 15 mới đi vào cuộc sống.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 27, Chỉ thị 15 là quan trọng và cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần bổ sung những quy định rõ ràng để việc thực hiện được thuận lợi, đạt hiệu quả. Theo kiến nghị của Quận ủy Lê Chân, thành phố có những quy định cụ thể để xử lý các vi phạm trong việc cưới, việc tang, lễ hội đối với tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên; ban hành quy định về quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng thành tiêu chí, tiêu chuẩn chung để cơ sở thực hiện; chỉ đạo thực hiện các mô hình nếp sống văn minh trong việc  cưới, việc tang và lễ hội để từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố, đồng thời kiên quyết bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán… (Hồng Thanh, Báo Hải Phòng 6/11, tr4)

3.     Phối hợp giải quyết vụ án hình sự: Kết quả bước đầu và một số vấn đề cần khắc phục

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố và các cơ quan tiến hành tố tụng Hải Phòng, Đoàn Luật sư vừa tổ chức hội nghị đánh giá công tác phối hợp trong hoạt động tố tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp năm 2012, làm rõ kết quả đạt được và các vướng mắc trong giải quyết các vụ án hình sự cần khắc phục.

Kết quả bước đầu

Theo đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an thành phố): 3 năm qua (2009-2012), Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) và Viện KSND phối hợp chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và trong suốt quá trình điều tra vụ án. Cơ quan CSĐT thường xuyên trao đổi thống nhất với Viện KSND cùng cấp trong việc ra lệnh bắt các trường hợp phạm tội, nhất là lệnh bắt khẩn cấp và các quyết định tố tụng khác như khởi tố, bắt tạm giam bị can… Do vậy, hạn chế đến mức thấp nhất việc Viện KSND ra quyết định từ chối hoặc hủy bỏ các quyết định của Cơ quan CSĐT. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có những tình tiết phức tạp, Cơ quan CSĐT và Viện KSND phối hợp chặt chẽ ngay từ khi thu thập chứng cứ, khởi tố vụ án hình sự. Trước khi kết thúc điều tra, hai cơ quan đánh giá toàn diện kết quả điều tra vụ án, giải quyết triệt để những vấn đề còn mâu thuẫn, chưa thống nhất và quyết định hướng xử lý vụ án theo pháp luật. Do đó, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả lại hồ sơ các vụ án để điều tra bổ sung.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Theo đánh giá của Phó viện trưởng Viện KSND thành phố Bùi Đăng Dung thì sự phối hợp giữa Cơ quan CSĐT và Viện KSND còn một số vướng mắc. Đó là quá trình phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có nơi, có lúc chưa thường xuyên, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo còn chưa kịp thời, chưa đúng tiến độ. 3 năm qua, ngành KSND ban hành 126 bản kiến nghị, 112 yêu cầu khởi tố án hình sự đều được Cơ quan CSĐT chấp nhận. Các kiến nghị của Viện KSND thành phố đều được Cơ quan CSĐT rút kinh nghiệm chung. Tuy nhiên đến nay chưa có văn bản nào quy định rõ thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm và thời hạn giải quyết đối với những vụ việc phức tạp không quá 2 tháng là chưa phù hợp với thực tế. Vì nhiều vụ việc phải xác minh ở nước ngoài, chờ kết quả giám định thời gian kéo dài… Một số trường hợp khác khi trưng cầu giám định pháp y lần đầu thì tỷ lệ % thương tích đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó trưng cầu giám định lại thì tỷ lệ thương tích lại không đủ điều kiện xử lý về hình sự hoặc kết quả giám định pháp y lại thì tỷ lệ % thương tích lại đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự. Từ đó, phát sinh khiếu nại phức tạp của các bên, sự hoài nghi nhất định về sự công tâm trong giải quyết các vụ án hình sự. Về vấn đề này, theo hướng dẫn của Phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự (Viện KSND thành phố) khi đánh giá mức độ thương tích mà tội phạm gây ra cho nạn nhân căn cứ vào kết quả giám định của tổ chức giám định pháp y trong thời gian sớm nhất kể từ khi nạn nhân bị hành vi trái pháp luật xâm hại đến tính mạng, sức khỏe… Như vụ án xảy ra tại Xí nghiệp giống thủy sản (huyện An Lão), chị Vũ Thị Hồng Điệp, bị bảo vệ xí nghiệp gây thương tích giảm 13% sức lao động, nhưng do có sai sót về thủ tục hành chính và tính pháp lý khi tiến hành khám chuyên khoa, nên phải giám định lại, khiến 3 lần hoãn phiên tòa. Một số trường hợp đơn tố giác hành vi vay mượn tiền hoặc cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay tiền tại ngân hàng sau đó người vay không trả nợ, bỏ trốn khỏi địa phương. Do chưa đồng nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, còn vướng mắc xử lý vụ việc về hình sự hay hướng dẫn đương sự khởi kiện theo tố tụng dân sự.

Trước thực tế đó, để giải quyết các vụ án hình sự được thống nhất, đúng pháp luật và đúng thời hạn, đáp ứng các yêu cầu cải cách tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương sớm có văn bản chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh. Các điều tra viên, kiểm sát viên cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm việc điều tra, xử lý các vụ án hình sự khách quan, đúng người, đúng tội, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. (Báo Hải Phòng 6/11, tr4)

4.     Huyện ủy Kiến Thụy: Kiểm điểm tự phê bình và phê bình với tinh thần xây dựng

Sáng 5/11, Huyện ủy Kiến Thụy tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể Ban thường vụ Huyện ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11).

Dự và chỉ đạo hội nghị đồng chí Nguyễn Hữu Doãn, Ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu tập thể huyện ủy Kiến Thụy tiến hành kiểm điểm phải thực sự khách quan, dân chủ, tập trung phân tích làm rõ hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân căn bản và trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Qua kiểm điểm phải kết luận được những vấn đề tập trung chỉ đạo giải quyết ngay. Đồng chí bày tỏ tin tưởng với truyền thống của huyện, Ban thường vụ Huyện ủy Kiến Thụy nêu cao trách nhiệm trước Đảng trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình, sau kiểm điểm phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Để bảo đảm sự nghiêm túc và hiệu quả của việc kiểm điểm tập thể theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, tập thể Ban thường vụ huyện ủy Kiến Thụy thống nhất trên cơ sở bám sát 3 nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 tiến hành kiểm điểm với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, đoàn kết, thẳng thắn và trung thực, nêu cao trách nhiệm trong việc chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và đề xuất những giải pháp khắc phục có hiệu quả. Trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 và chuẩn bị các hồ sơ phục vụ kiểm điểm theo đúng quy định. (Báo Hải Phòng 6/11, tr1)

5.     Nhân sự mới

Chiều 5/11, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về việc điều động, bổ nhiệm Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo đó, đồng chí Ninh Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/11/2012. (Báo Hải Phòng Online 6/11; An Ninh Hải Phòng 6/11, tr2)

6.     Để hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hải Phòng trong năm 2013: Cần cách làm linh hoạt hơn

UBND thành phố vừa làm việc với Đoàn công tác Bộ Tài nguyên- Môi trường về công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ); xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xử lý vi phạm pháp luật về đất đai và các nội dung khác. Một yêu cầu quan trọng được Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đề cập là thành phố cần phải quyết tâm và có cách làm linh hoạt để cơ bản hoàn thành cấp GCNQSDĐ trong năm 2013.

Tồn tại phần việc khó khăn nhất

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Bùi Quang Sản, kết quả cấp GCNQSDĐ chưa đạt yêu cầu, kế hoạch như Nghị quyết Quốc hội đề ra. Đối với khu vực nông thôn, các địa phương có tỷ lệ cấp GCNQSDĐ đạt thấp là huyện Vĩnh Bảo, An Dương, Kiến Thụy; riêng huyện Cát Hải chưa triển khai. Đối với đất ở đô thị, quận có tỷ lệ cấp GCNQSDĐ thấp nhất là quận Kiến An…Như vậy, toàn thành phố sẽ còn hơn một trăm nghìn GCNQSDĐ các khu vực cần phải cấp trong năm 2013 để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đây là nhiệm vụ không dễ dàng, bởi lẽ, các trường hợp đầy đủ điều kiện, giấy tờ hợp lệ dể được cấp GCNQSDĐ thì cơ bản đã hoàn thành. Các trường hợp còn lại chủ yếu do có vướng mắc. Theo Phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền Trần Hữu Xuân, quận còn khoảng 12.000 thửa đất cần cấp GCNQSDĐ, trong đó  gần 10.000 thửa là đất do các cơ quan, đơn vị cấp cho CBCNV của đơn vị, giấy tờ, hồ sơ có nhiều vướng mắc. Hiện còn có sự sai lệch lớn giữa các số liệu trên sổ sách và thực tế.  Đối với huyện Thủy Nguyên, khó khăn lại ở chỗ, việc xác định nguồn gốc đất chỉ căn cứ vào sổ mục kê của các xã từ năm 1973, thậm chí không có dấu, cơ sở pháp lý không rõ. Toàn huyện chỉ có 2 xã có bản đồ địa chính. Phó chủ tịch huyện Kiến Thụy nêu vướng mắc, trước đây việc giao đất khá lỏng lẻo, ngay HTX cũng cấp đất, người dân ở hàng chục năm nay nhưng trên sổ sách của xã vẫn thể hiện là đất nông nghiệp. Ngoài ra, sau khi đê cũ bị vỡ, đê mới được xây dựng sâu trong làng. Người dân đang ở đất thổ cư cũ trở thành vi phạm hành lang đê điều nên không cấp được GCNQSDĐ.

Hầu hất các lô đất và căn hộ tại Khu nhà ở thuộc Dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Đỏ quận Dương Kinh đã được giấy chứng nhận QSDĐ.

Trước những khó khăn, vướng mắc của các địa phương Hải Phòng, các thành viên trong đoàn công tác Bộ Tài nguyên- Môi trường có nhiều ý kiến tháo gỡ. Cụ thể, nếu địa phương nào đã có bản đồ địa chính thì căn cứ vào bản đồ địa chính để cấp GCNQSDĐ cho dân, tổ chức, không cần thiết phải đo, vẽ lại hoặc ký giáp ranh vì thủ tục cấp GCNQSDĐ không quy định. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đã có GCNQSDĐ cũng không phải đo vẽ lại hoặc lại ký giáp ranh, mất thêm thời gian và phiền hà cho người dân. Tháo gỡ khó khăn về việc người dân không có tiền thực hiện các nghĩa vụ tài chính để cấp GCNQSDĐ, có thể ghi nợ vào GCNQSDĐ. Các loại giấy tờ yêu cầu người dân cũng cần xem lại, có nơi yêu cầu khá nhiều loại giấy tờ không đúng thủ tục.         Việc cấp GCNQSDĐ không chỉ là quyền lợi về phía người dân mà cũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, thành phố cần bám sát chủ trương để thực hiện quyết liệt hơn việc cấp GCNQSDĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các văn bản, thủ tục, nếu không còn phù hợp thì đề xuất bãi bỏ, thay thế; tập hợp các vướng mắc của địa phương, có hướng dẫn chung để thực hiện, nếu chưa rõ, tham khảo các địa phương khác hoặc báo cáo Bộ Tài nguyên- Môi trường. (Mai Hương, Báo Hải Phòng 6/11, tr4)

7.     Đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn: Từng bước nâng cao số lượng và chất lượng

Chiều 5/11, tại trường Chính trị Tô Hiệu, Ban Chỉ đạo Đề án tạo nguồn cán bộ xã, phường, thị trấn tổ chức Lễ khai giảng lớp đào tạo nguồn cán bộ các chức danh cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn khóa 2 (2012-2014). Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án tới dự và chỉ đạo buổi lễ. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, cùng lãnh đạo đại diện các Sở, ban, ngành, đơn vị chức năng.

Đề án tạo nguồn cán bộ xã, phường, thị trấn hướng tới mục tiêu đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở ngay từ khi người được đào tạo chưa là lãnh đạo, thậm chí chưa tham gia công tác có tính chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có trình độ lãnh đạo, quản lý, có kỹ năng tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, nhân dân giao phó. Từ đó, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn có chất lượng cao, công tâm, thạo việc, đồng thời từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, tạo nguồn cán bộ kế cận có chất lượng cao cho cấp quận, huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và chuẩn bị một bước để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt theo hướng luân chuyển trong phạm vi rộng trên địa bàn thành phố.

Từ thành công  khóa đào tạo đầu tiên, trong khóa 2 (2012-2014) Ban Chỉ đạo lựa chọn được 84 học viên xuất sắc, đáp ứng đầy đủ các điều kiện và tiêu chuẩn. Trong 15 tháng (từ tháng 11/2012 đến 02/2014) tham gia lớp học, các học viên được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị và khoa học hành chính; kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nghiệp vụ về công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể. Qua đó, góp phần nâng cao niềm tin vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án, qua đó yêu cầu mỗi học viên tham gia khóa học cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, xác định đúng đắn mục đích, động cơ, có tinh thần chủ động, tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện. Đề nghị mỗi học viên phải tự giác xác định cho mình một phương pháp học tập khoa học, chủ động, tích cực nghiên cứu lý luận qua các bài giảng và thực tiễn tại cơ sở, để hoàn thành tốt chương trình của lớp học, sớm tiếp cận công việc, vững vàng thực hiện nhiệm vụ khi được phân công công tác tại địa phương. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ đạo các công việc cụ thể và yêu cầu sự phối kết hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện Đề án đối với các cấp, sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan. (T.T, haiphong.gov.vn 6/11; Báo Hải Phòng 6/11, tr1)

8.     Đề nghị UNESCO công nhận Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới

Nhận lời mời của đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, chiều 5-11, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bà Katherine Muller cùng Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet đến thăm và làm việc tại Cát Bà về một số nội dung liên quan đến việc đề nghị công nhân Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Cùng dự cuộc làm việc có Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Phạm Sanh Châu, giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà Rick Passaro và đại diện các cơ quan liên quan của thành phố và huyện Cát Hải.

Tại cuộc làm việc đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành khẳng định, việc xây dựng Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới có tác động đến đời sống của người dân, song sự phát triển hài hòa cuộc sống gắn với bảo tồn thiên nhiên dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cấp, ngành sẽ mang lại thuận lợi lớn. Ví dụ người dân không tác động đến thiên nhiên mà đồng hành phát triển như: nuôi ong lấy mật, phát triển nông nghiệp sinh thái, trồng cây thuốc… Đồng chí khẳng định, thành phố Hải Phòng đã làm hết sức mình đối với việc đề nghị công nhận Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới, nhấn mạnh đến trách nhiệm của thành phố và cộng đồng dân cư khi Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nhất  là trong phát triển bền vững.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của UNESCO Việt Nam, các vị đại sứ, Dự án bảo tồn voọc Cát Bà và các ngành liên quan. Đồng chí mong muốn nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa trong sự phát triển của Cát Bà nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bà Katherine Muller nhấn mạnh, hồ sơ đề nghị Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới cũng là cơ sở, đóng góp thêm biện pháp để Hải Phòng thực hiện nhiều chương trình phát triển và duy trì các hoạt động tại Cát Bà  như: công viên địa chất thế giới geopark, khu dự trữ sinh quyển. Hồ sơ tầm quốc gia được phê duyệt và hiện đã gửi đến Pa-ri để ban thư ký UNESCO đang xem xét. Cũng theo bà Katherine, điểm cốt lõi trong hồ sơ phải chứng minh điểm nổi bật của Cát Bà trên toàn thế giới, so sánh với những khu vực khác để tìm điểm khác biệt. Cần kiểm tra nghiêm ngặt kế hoạch quản lý sau này và đưa ra yếu tố khi được công nhận thì duy trì ra sao để hướng đến tương lai và kiểm soát vi phạm giữa con người với thiên nhiên. Bà Katherine cũng đánh giá rất cao hồ sơ với sự chuẩn bị nghiêm túc và có thuận lợi từ dự án bảo tồn vọoc Cát Bà.

Theo giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Đoàn Duy Linh, hồ sơ đề nghị công nhận Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới bao gồm 388 hòn đảo đá vôi bao gồm từ Cát Bà đến Long Châu. Việc đề xuất dựa trên 2 tiêu chí 9 và 10 của UNESCO. Trong đó các tiêu chí điển hình cho hệ sinh thái, rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, san hô… đều hội tụ ở Cát Bà và có giá trị bảo tồn ngoại hạng toàn cầu. Một thế mạnh nữa tại Cát Bà là dự án bảo tồn voọc Cát Bà đang hoạt động rất hiệu quả. Giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà Rick Passaro cho biết, khu vực có voọc được bảo tồn nghiêm ngặt, bảo đảm cho sự phát triển và sinh trưởng. Hiện dự án đang tiến hành di rời cá thể voọc cái để bảo đảm khả năng sinh sản, giúp tăng nguồn gen tại khu vực di rời đến khu vực khác và công tác này có sự trợ giúp của 2 bác sĩ thú y đến từ Ô-xtrây-li-a. (Báo Hải Phòng 6/11, tr1+2)

AN NINH – PHÁP LUẬT

9.     Hải Phòng kiềm chế gia tăng tội phạm về ma túy

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy tại Hải Phòng giai đoạn 2012-2015.

Theo đó, Chương trình tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ngành, các tầng lớp nhân dân về tác hại và hậu quả của tệ nạn ma túy, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức và gia đình trong việc tham gia phòng, chống ma túy. (Thiên Bình, Pháp Luật Việt Nam 6/11, tr16)

10.            Hải Phòng: Không có cơ sở bồi thường đất đầm cho ông Hồng

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành kết luận thanh tra về khiếu nại (KN) của ông Nguyễn Mạnh Hồng, trú tại tổ 2, phường Bắc Sơn, quận Kiến An, TP Hải Phòng liên quan đến việc đòi bồi thường về đất tại đầm Tương Tư.

Ông Hồng, bà Thuận đòi lại đầm Tương Tư; yêu cầu được đền bù diện tích 120m2 đất đầm bị lấy để thi công dự án cấp đất cho các hộ dân, thi công đường và mương thoát nước khu tập thể (KTT) Vườn Chay; yêu cầu chính quyền làm giấy tờ hợp thức quyền sử dụng đất (QSDĐ) còn lại cho gia đình ông bà quản lý và sử dụng.

Theo xác minh, khu đầm Tương Tư là đầm phục vụ tiêu thoát nước cho cả khu vực và do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc Sơn quản lý, sử dụng. Năm 1975, Nhà nước đã trưng dụng hơn 1.000m2 để xây dựng KTT Vườn Chay. Năm 1984, được sự cho phép của UBND huyện Kiến An, HTX Nông nghiệp Ngọc Sơn đã giao cho HTX Thủy tinh Nam Hải 1.480m2 đầm nằm cạnh đường vào KTT Vườn Chay, phía sau Xí nghiệp Vôi Kiến An để sử dụng tiêu thoát nước thải.

Từ năm 1985 - 1986 trở đi, diện tích đầm còn lại bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm. Trong thời gian này, vợ chồng ông Hồng, bà Thuận đang ở nhờ nhà bố mẹ tại 4K3 KTT Vườn Chay, thị trấn Kiến An đã có đơn xin đất làm nhà ngày 26/5/1985. Căn cứ vào đơn xin đất làm nhà ở, UBND huyện Kiến An đã cấp Giấy phép SDĐ tạm thời số 117/QĐ-XDCB ngày 19/12/1985 để xây dựng nhà ở cấp cho bà Thuận 90m2 đất ven đường 10 cạnh cống thủy tinh Nam Hải. Phòng Xây dựng huyện cũng đã thu lệ phí 60 đồng.

Vì lô đất cấp cho bà lại nằm trên mặt bằng của Xí nghiệp Vôi Kiến An đang sử dụng nên đã xảy ra tranh chấp. Trong khi chưa giải quyết dứt điểm việc tranh chấp trên thì UBND huyện Kiến An có Quyết định 134 ngày 28/5/1986 cấp cho ông Trần Văn Ruyện 70m2 liền kề lô đất cấp cho bà Vũ Thị Thuận mà trên đó có gian nhà 10m2 của mẹ bà Thuận đã xây dựng trái phép trên đất chiếm dụng.

Khi có sự chỉ đạo của UBND huyện Kiến An và sự thỏa thuận của Xí nghiệp Vôi Kiến An, ông Hồng, bà Thuận đã nộp tiền bồi thường hoa màu, tài sản cho xí nghiệp Vôi Kiến An là 300 ngàn/517 ngàn theo dự đoán, đồng thời tiến hành xây dựng, hoàn thiện 2 gian nhà trên diện tích 90m2 được cấp.

Đến năm 1989, gia đình bà Thuận đã bán hết cho ông Cảnh và ông Trường (có xác nhận của chính quyền phường) và về sống tại ngôi nhà bố mẹ bà Thuận xây dựng trên diện tích đất đã chiếm dụng mà UBND huyện đã có quyết định cấp cho ông Ruyện. Gia đình bà Thuận tiếp tục xây dựng quán hàng nước giáp đường 10 và kè đá phía mương thoát nước. Phòng Xây dựng thị xã Kiến An đã có biên bản kết luận các quán bán hàng của một số gia đình, trong đó có gia đình bà Thuận xây dựng là trái phép, vi phạm hành lang đường 10 và đường vào KTT Vườn Chay, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ.

Năm 2003, UBND quận Kiến An ra Quyết định số 816 giải quyết đơn KN của ông Hồng và bà Thuận nêu rõ: Ông Hồng KN về quyền được sử dụng đầm Tương Tư cũng như các yêu cầu về đền bù khi quận thi công công trình cống, mương thoát nước và đường vào khu dân cư Vườn Chay là không có cơ sở. Không đồng ý với quyết định đó, ông Hồng đã có đơn KN.

Ngày 21/11/2003, UBND TP Hải Phòng ban hành Quyết định 3071 bác nội dung đơn KN của ông Hồng, bà Thuận. Kiểm tra hiện trạng, theo Báo cáo của Sở Địa chính, đến ngày 28/7/1998, gia đình Bà Thuận lấn chiếm sử dụng diện tích 337,8m2.

TTCP kết luận, cho đến nay, ông Hồng không có tài liệu nào chứng minh việc mua đầm Tương Tư ngoài Giấy phép SDĐ tạm thời 117; diện tích bán cho ông Cảnh, ông Trường vượt quá diện tích được cấp. Sau khi bị TAND các cấp xét xử về hành vi lấn chiếm đất đai, ông Hồng, bà Thuận còn cố tình vi phạm pháp luật về SDĐ. Quyết định 3071 đã bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, có lý có tình.

TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản trả lời chấm dứt việc xem xét những nội dung KN của ông Hồng và bà Thuận; chỉ đạo cơ quan chức năng các cấp tổ chức thực hiện đầy đủ quy trình để thu hồi diện tích mà ông bà đã chiếm dụng trái phép của Nhà nước giao chính quyền địa phương quản lý; truy thu số tiền thuế nhà đất mà gia đình ông, bà đã không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Văn Phòng Chính Phủ vừa có Văn bản 6785 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giải quyết KN, tố cáo của ông Nguyễn Mạnh Hồng, đồng ý với kiến nghị của TTCP, giao Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chỉ đạo thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. (Thái Hải, Thanh Tra 6/11, tr4)

11.            132 tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai

Theo UBND thành phố, thực hiện Chỉ thị 134/2010 của Thủ tướng, đến nay, thành phố kiểm tra 212 tổ chức sử dụng đất, phát hiện 132 tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai.

Cụ thể, có 96 tổ chức kinh tế, 24 tổ chức sự nghiệp công, 7 cơ quan nhà nước, 5 tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp… vi phạm. (Báo Hải Phòng 6/11, tr4)

12.            750 điện thoại lậu vào Việt Nam bằng đường biển

Liên quan đến vụ nhập lậu 750 điện thoại di động đời mới vừa bị bắt giữ, ngày 5/11 nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết, lô hàng lậu này đã được các đối tượng nhập từ Trung Quốc, đi theo đường biển vào Hải Phòng.

Sau đó, các đối tượng buôn lậu tổ chức vận chuyển bằng đường bay quốc nội từ Hải Phòng vào TP.HCM tiêu thụ. Tổng trị giá lô hàng lậu hơn 3 tỉ đồng. (V.H.Q., Tuổi Trẻ 6/11, tr5)

13.            Truy nã “ông trùm “bắt tay“ nữ quái“ đầu độc dân chơi đất Cảng

Công an Hải Phòng mới bắt đối tượng buôn ma túy Nguyễn Thị Lan (SN 1965, quê thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy; HKTT tiểu khu 5, Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), thu giữ 10 bánh heroin, 873 viên hồng phiến, gần 8 ngàn USD và nhiều tang vật khác. Cảnh sát cũng kịp nhận diện đối tượng đồng phạm Sồng A Khai, hồ sơ gây án cùng những thủ đoạn phạm tội tinh vi của chúng.

Từ tháng 8/2012, Công an huyện An Dương phát hiện một số đối tượng trên địa bàn có dấu hiệu mua bán ma tuý. Sau một thời gian liên tục theo dõi, cảnh sát phát hiện có một đường dây ma tuý lớn đang hoạt động với đầu mối từ Sơn La “đổ hàng” về Hải Phòng, trong đó nhân vật nữ “nổi cộm” là Lan.

Năm 1985 Lan lên tỉnh Hoà Bình làm ăn, sinh sống, tham gia vào đường dây mua bán ma tuý do Sồng A Khai (tức Của, SN 1968, ngụ bản San Cài, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) điều hành. Lan có 7 năm liên tục cung cấp “hàng trắng” cho nhiều bãi khai thác vàng “thổ phỉ” ở các tỉnh vùng cao phía Bắc.

Trong đường dây ma tuý, hầu hết các đối tượng hoạt động mua bán đều giấu mặt, giấu tên; việc giao nhận hàng thường được tổ chức tại một điểm riêng biệt, không theo qui luật thời gian…

Ngày 12/10, phát hiện Lan chuẩn bị cho chuyến vận chuyển hàng từ Sơn La về Hải Phòng, cảnh sát lên kế hoạch phá án. Đúng 21h cùng ngày, tại cổng bến xe khách Lạc Long, khi “bà trùm” từ xe khách xuống xe, chưa kịp di chuyển tiếp, bất ngờ bị cảnh sát bao vây, bị bắt gọn cùng toàn bộ số lượng ma túy lớn chưa kịp tiêu thụ.

Trên đường bị dẫn giải, “bà trùm” đã tìm mọi cách cầu cứu lực lượng công an xin được tha tội. Từ việc kể lể gia cảnh nẫu ruột đến việc ngỏ ý “hối lộ”: “Em có 150 triệu xin biếu các anh, mong các anh tha cho em” nhưng không thành. Biết không thể trốn thoát, Lan đã có ý định cắn lưỡi tự tử nhưng đã được các chiến sỹ công an động viên thành khẩn khai báo sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Thượng uý Nguyễn Huy Hiếu, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Công an huyện An Dương) cho biết sau khi bắt Lan, cảnh sát xác định Lan nằm trong đường dây ma tuý lớn do Khai cầm đầu nên đã tổ chức truy bắt Khai, tuy nhiên trùm ma túy đất Sơn La đã bỏ trốn.

Trong đường dây ma tuý này, các thành viên hoạt động hầu như giấu mặt giấu tên. Khi bị bắt, “bà trùm” khai không hề biết tên tuổi quê quán của đối tượng tiêu thụ ma túy ở Hải Phòng. Lan từng lấy chồng là người cùng quê, có một con trai nhưng sau đó đã bỏ chồng lên Mộc Châu sinh sống từ năm 1985, lấy người chồng hiện tại và có thêm một đứa con.

Chính các con của Lan từng bị “cái chết trắng” cướp đi. Con thứ hai còn nhỏ, con trai cả của Lan nghiện ma túy lâu năm, bị kết án 17 năm tù về tội mua bán ma túy, con dâu chịu án 15 năm cùng đợt với chồng. Hiện “cậu cả” này được tại ngoại vì nhiễm HIV giai đoạn cuối. Người chồng hiện tại cũng từng là "con nghiện", trước đây Lan đã phải cai nghiện cho chồng.

Nghe tin vợ bị bắt, ông này tỏ vẻ ngạc nhiên không hề biết công việc “kinh doanh” của vợ, lý do là Lan ở Mộc Châu mải mê "đánh hàng" ngược xuôi, còn ông chồng sau khi cai nghiện thành công lại thường xuyên ở Hà Nội, hai vợ chồng chẳng mấy khi gần nhau, cũng không còn mặn mà gì.

Lan đã khóc lóc thảm thiết khi phải tra tay vào còng. Lan sống chết xin được tha mạng vì: “Nếu em ngồi tù thì ai nuôi con em?. Một đứa còn nhỏ, một đứa SIDA!” Lan kể lể một tay chị ta phải lo toan gia đình từ việc lớn đến việc nhỏ, chồng thì bỏ đi, đến con dâu cũng ngồi tù. Ở thị trấn Hát Lót, Lan là bà chủ của một nhà nghỉ bốn tầng nguy nga nhưng không mấy khách dám nghỉ sau khi hay tin “cậu cả” dính ma túy và HIV.

Về “đối tác” của Lan, tàng thư lý lịch của Khai cho thấy Khai từng có tiền án năm 2004 về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy. Khai có 5 anh chị em, cả 3 anh em trai đều có tên tuổi trong "giới buôn hàng trắng", anh và em trai Khai đang thụ án cùng về tội danh tàng trữ chất ma túy. Riêng Khai, khi ra tù tiếp tục ẩn náu tại nhà và lại ngấm ngầm phục dựng công việc làm ăn cũ, xây dựng sào huyệt, mua sắm vũ khí, bành trướng đường dây “mafia” với những thủ đoạn tinh vi hơn trước.

Đối tượng này có đến 4 bà vợ, hiện mới chỉ xác định rõ danh tính của người vợ cả và người vợ thứ tư cũng là người dân tộc (SN 1984) tên là Lá đang sống cùng. Khai có 3 đứa con, đứa lớn 16 tuổi, đứa nhỏ nhất mới sinh được vài tháng. Khi lực lượng chức năng ập vào khám xét, cô vợ thứ tư còn đang địu con đứng trước nhà, chỉ nói tiếng dân tộc, trả lời mọi câu hỏi đều nói “Chi pâu” (nghĩa là: “Không biết”). Mặc dù vóc dáng nhỏ bé, người gầy, chỉ cao 1m58, nhưng Khai nổi tiếng lạnh lùng và dữ dằn, rất kiệm lời, khó tiếp xúc. Sào huyệt của hắn tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, tất cả liên lạc đều qua điện thoại.

Đối tượng này được đánh giá là “có đầu óc chiến lược” trong việc chọn địa hình để xây dựng sào huyệt. Đó là một khu nhà ngang hoàn toàn bằng gỗ nằm lọt trong một thung lũng. Ngôi nhà dựa lưng vào vách núi, bao quanh là rừng rú thâm u, muốn vào nhà chỉ có một lối đi duy nhất được trải bê tông cách quốc lộ 6 khoảng vài trăm mét. Đoạn đường đi vào bị gấp khúc, phải xuống dốc rồi lên dốc, nhà Khai ở vị trí đặc biệt dễ quan sát, có thể phát hiện ngay khi một người mới ló đầu lên đỉnh dốc. Ngôi nhà được lắp trang thiết bị hiện đại, có khóa từ, camera ba phía với độ quan sát rất xa.

Thiết kế ngôi nhà có những ngăn gỗ được ngụy trang giống như vách tường bình thường, thực chất là các kho đặt vũ khí, thiết bị camera, và rất nhiều băng dính đen được dùng vào việc quấn bánh heroin. Có cả một “kho” dao quắm, súng đạn đủ cho một “đoàn quân” trong nhà nhưng thường chỉ thấy vợ chồng Khai và đứa con nhỏ xuất hiện, không một ai biết mặt "đàn em" và tay chân thân tín của “ông trùm”.

Khai không bao giờ trao đổi ma túy tại nhà, tất cả các thương vụ mua bán lớn nhỏ với các đối tác đều phải tuân theo “luật” bảo mật mà Khai đề ra. Y chỉ nhận tiền tại nhà, sau đó sẽ điều người đưa hàng đến một nơi khác không thông báo trước, địa điểm giao hàng có thể thay đổi ngay trong chớp mắt và biến hóa khôn lường. Tiền một nơi, hàng một nơi, ngay chính người mua, mặc dù đã chồng một đống tiền cũng không hề biết sẽ phải đi đâu để nhận hàng.

Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lan, ra lệnh truy nã Khai và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. (Linh Nhâm – Phạm Tuyết, Pháp Luật Việt Nam Điện Tử 6/11)

14.            Trộm cắp hàng hóa trên đường vận chuyển: Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Theo nhận định từ Đội 2 (Đội án tuyến) thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45- Công an thành phố), thời gian gần đây tội phạm trộm cắp tài sản trong công-ten-nơ rộ lên và có chiều hướng gia tăng. Nạn trộm cắp này không chỉ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Thêm thủ đoạn mới

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng mất an toàn về hàng hóa trên đường vận chuyển bằng ô tô. Nguyên nhân xuất phát từ một bộ phận lái xe, phụ xe có các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: trộm cắp hàng hóa trên đường vận chuyển, nhất là các loại hàng hóa đóng trong công-ten-nơ để xuất, nhập khẩu. Thực trạng này đang trở thành nỗi nhức nhối của nhiều doanh nghiệp vận tải.

Anh Vũ Văn Nguyên, cán bộ điều vận xe của Công ty TNHH dịch vụ vận tải Minh Vũ (trụ sở tại số 9/70/124, đường Máy Chai, quận Ngô Quyền) chua chát kể, cuối tháng 9-2012, anh nhận được cuộc điện thoại của một thanh niên tự xưng là Thành xin vào làm lái xe công-ten-nơ tại doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra hồ sơ, sát hạch tay nghề, nhận thấy lái xe có năng lực, công ty ký hợp đồng lao động với thời hạn một năm. Điều không ngờ xảy ra, ngày 23-9-2012, Thành được lệnh điều khiển xe công-ten-nơ BKS 15C - 02252 chở nhôm thỏi, từ cảng Green Port (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) về tổng kho 3 Lạc Viên (số 3 phố Lê Lai, phường Lạc Viên cùng quận). Tổng giá trị hàng hóa là 82.000 USD, tương đương 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì chở hàng đến nơi cần đến, Thành “ẵm” trọn cả xe và tài sản rồi bỏ trốn. Qua xác minh, công an phát hiện lái xe dùng tên giả, giấy tờ giả xin vào làm việc tại công ty.

Trường hợp khác, ngày 24-8-2012, Đội 2 (Phòng PC 45) kết hợp với Công an xã Bắc Sơn (huyện An Dương), bắt quả tang tại Công ty Phước Hồng (trụ sở tại xã Bắc Sơn) một nhóm 16 đối tượng đang trộm cắp tài sản vận chuyển trong công-ten-nơ. Lái xe Nguyễn Văn Đông (sinh năm 1983, trú tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) khai nhận, sau khi được giao điều khiển xe ô tô BKS: 15C-02198 chở 2 công-ten-nơ từ cảng Hải Phòng đến Thái Bình, Đông gọi điện báo cho đồng bọn đến địa điểm trên cùng tổ chức phá công-ten-nơ để trộm cắp. Các đối tượng khai nhận, từ ngày 19-8 đến ngày bị bắt giữ, với thủ đoạn trên, cả nhóm gây ra 6 vụ trộm cắp hàng hoá vận chuyển trong công-ten-nơ.

Cần sự chủ động của doanh nghiệp

Theo đánh giá của Đội 2 (Phòng PC 45), do có ý đồ từ trước nên các đối tượng này thường làm giấy tờ giả, bằng lái xe giả, sau đó đến xin làm lái xe tại các công ty vận tải. Bằng cách tạo lòng tin ở thời gian đầu để được giao vận chuyển các mặt hàng giá trị lớn, sau đó cấu kết với các nhóm trộm bên ngoài thực hiện trót lọt vài vụ trộm rồi xin nghỉ việc. Ngay cả trường hợp các công ty vận tải có gắn thiết bị hộp đen định vị để ghi nhận lộ trình, thời gian, vận tốc các xe đầu kéo công-ten-nơ, nhưng các đối tượng sử dụng thủ đoạn dừng xe lại, sau đó tách xe đầu kéo khỏi thùng công-ten-nơ và dùng xe đầu kéo khác kéo thùng công-ten-nơ trên đến nơi vắng rút ruột rồi chở công-ten-nơ trên về gắn như cũ, nên khó xác định vị trí trộm và tìm nhân chứng. Qua đây có thể thấy, mức độ trộm cắp hàng hóa trong công-ten-nơ ngày càng tinh vi.

Vậy làm thế nào để bảo đảm an toàn hàng hóa và phương tiện trong quá trình vận chuyển trước những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận lái xe, phụ xe hiện nay? Theo kiến nghị của cơ quan công an, để đối phó với nạn trộm cắp hàng công-ten-nơ cần sự chủ động từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên tự hàn bản lề thùng công-ten-nơ và đánh dấu ký hiệu riêng để có thể phát hiện khi mất hàng kịp thời báo cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lưu ý việc thuê doanh nghiệp vận tải không tự trang bị xe đầu kéo cũng tạo điều kiện cho lái xe, phụ xe dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp; nên sử dụng hệ thống sổ sách rõ ràng, cụ thể ngày giờ giao, nhận xe, giao nhận hàng hóa, để khi xảy ra vụ án cơ quan công an nhanh chóng xác minh thủ phạm kiểm tra, xác minh các hồ sơ xin việc của giới lái xe, phụ xe...Bên cạnh đó, các cảng cũng cần bổ sung các dịch vụ cân trọng lượng công-ten-nơ khi thông quan để theo dõi và đề phòng mất cắp.

Một vấn đề nữa không kém phần nhức nhối hiện nay là hiện tượng hàng quán mọc lên như nấm dọc các tuyến đường vận tải quan trọng như: đường 356, Quốc lộ 5, Quốc lộ 10..., trong đó có không ít hàng quán mua bán hàng gian, tiêu thụ hàng do phạm tội mà có, mua bán không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật…Vì vậy, chính quyền cơ sở các cấp phải cương quyết kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để dẹp bỏ môi trường tiêu thụ hàng gian cho loại tội phạm trộm cắp hàng hóa, xăng dầu trên đường vận chuyển. (Hải Nguyễn, Báo Hải Phòng 6/11, tr3)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

15.            Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về Xã hội hóa giáo dục - đào tạo: Mục tiêu quá cao, khó hoàn thành (Tiếp theo)

Phó giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Vũ Văn Trà cho rằng, xã hội hóa là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước nhằm tăng nguồn lực để có điều kiện cơ cấu lại việc chi ngân sách cho giáo dục. Đó là giảm chi các trường học ở khu vực kinh tế phát triển và tăng chi cho các trường học ở vùng khó khăn. Để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa GD-ĐT, giai đoạn 2013-2016, định hướng đến năm 2020, thành phố xây dựng dự thảo  Đề án, lấy ý kiến của các cấp, ngành, trường học vào giải pháp về cơ chế, chính sách xã hội hóa GD-ĐT.

Điều chỉnh mục tiêu xây dựng trường chất lượng cao

Theo đề án, một số mục tiêu đã được điều chỉnh so với mục tiêu Nghị quyết 14 HĐND thành phố đề ra. Trong đó, thành phố tiếp tục phát triển các trường học ngoài công lập, đồng thời, chuyển một phần các trường học công lập thành trường công lập tự chủ về tài chính, cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Về tỷ lệ học sinh ngoài công lập, bậc mầm non phấn đấu đạt 30% vào năm 2016 và 50% vào năm 2020; bậc tiểu học và THCS, phấn đấu đạt 6% vào năm 2016 và 12% vào năm 2020; bậc THPT phấn đấu đạt 30% vào năm 2016 và 40% vào năm 2020.

Việc chuyển đổi một số trường công lập thành trường công lập tự chủ về tài chính, Phó giám đốc Vũ Văn Trà khẳng định, đây là mô hình trường học chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu một bộ phận người dân khu vực nội thành, nội thị và những nơi kinh tế phát triển. Lộ trình thí điểm chuyển đổi bắt đầu từ năm học 2014-2015, đối với các bậc học mầm non, tiểu học và THCS, mỗi địa phương chọn một trường làm thí điểm. Bậc học mầm non triển khai thí điểm tại Trường Mầm non 1-6 và các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền; bậc tiểu học và THCS, ngoài 3 quận trên có thêm huyện Thủy Nguyên; đối với bậc THPT, chọn Trường THPT Ngô Quyền làm thí điểm. Việc xây dựng trường chất lượng cao sẽ thực hiện ở từng khối lớp, tránh tình trạng “xôi đỗ”, cùng một khối lớp mà có hai chế độ thu học phí.

Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí chưa đồng tình với chủ trương xã hội hóa này. Hiệu trưởng các trường THPT Ngô Quyền, Thái Phiên, hai trường THPT trọng điểm, tốp đầu thành phố được Sở GD-ĐT nhắm xây dựng mô hình trường chất lượng cao từ năm 2014 đều chưa hoàn toàn đồng thuận. Lãnh đạo Trường THPT Ngô Quyền e ngại gặp khó khăn trong tuyển sinh khi áp dụng mức thu học phí cao gấp hơn 10 lần so với hiện nay. Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên chưa yên tâm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nếu thực hiện mô hình trường chất lượng cao.

Cân nhắc, tính toán kỹ

Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Hoàng Duy Đỉnh cho rằng, xã hội hóa phải bảo đảm ba nguyên tắc: hợp pháp, hợp lý và hợp lòng dân. Đối với lĩnh vực GD-ĐT, cấp học càng thấp thì càng phải hạn chế huy động đóng góp của xã hội. Bởi các bậc học mầm non, tiểu học và THCS là loại hình trường gắn liền với địa bàn phường, thị trấn, nếu thực hiện việc chuyển đổi thành trường chất lượng cao sẽ làm nảy sinh tình trạng một bộ phận học sinh không đủ điều kiện (hoặc không có nhu cầu) học trường chất lượng cao phải chuyển đến học tại địa bàn khác. Từ chỗ là học sinh đúng tuyến, các em trở thành học sinh trái tuyến, phải đi học xa nơi cư trú, trái với quy định của Điều lệ trường học.

Theo Trưởng Ban Hoàng Duy Đỉnh, trước khi xây dựng mô hình trường chất lượng cao, thành phố cần có chính sách rõ ràng về đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cơ chế tuyển sinh, cơ chế thu, chi tài chính. Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền đề nghị thành phố tiếp tục đầu tư ngân sách cho trường, giúp trường từng bước tự chủ về tài chính. Còn Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên Phạm Thị Thu Hà đề nghị thành phố giao quyền tự chủ cho nhà trường về đội ngũ giáo viên và tự quyết định việc tuyển sinh. Có như vậy, các trường mới yên tâm trên bước đường chuyển đổi mô hình hoạt động.

Về chỉ tiêu tỷ lệ học sinh ngoài công lập, trong đó, bậc THPT đạt 30% vào năm 2016 và 40% vào năm 2020, nhiều nhà quản lý và giáo viên cho rằng, mục tiêu quá cao, khó thực hiện. Hiện thành phố có 16 trường THPT ngoài công lập nhưng số trường bảo đảm các điều kiện dạy và học rất ít. Hầu hết các trường có quy mô nhỏ, thiếu các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sân chơi, bãi tập cho hoạt động thể chất và hoạt động ngoài giờ lên lớp... Trong khi đó, các trường THPT công lập có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên. Nếu mạnh dạn giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ngoài công lập, thành phố hoàn thành chỉ tiêu xã hội hóa giáo dục nhưng các trường THPT công lập lại thừa phòng học, thừa giáo viên, gây lãng phí về vật chất và đội ngũ nhân lực. Bởi vậy, các ngành chức năng, trong đó có ngành GD-ĐT, cần làm tốt công tác tham mưu với thành phố trong quá trình xây dựng, hoàn chỉnh đề án xã hội hóa giáo dục những năm tiếp theo, tránh tình trạng hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều cao, không hoàn thành như giai đoạn vừa qua. (Báo Hải Phòng 6/11, tr7)

KINH TẾ

16.            Tăng gia sản xuất tại Ban Chỉ huy quân sự huyện An Lão: Cải thiện đời sống bộ đội, nâng cao chất lượng huấn luyện

Khu đất khoảng 300m2 trên địa bàn xã Quang Trung do UBND huyện An Lão giao cho lực lượng vũ trang quản lý, khai thác và sử dụng được Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện đầu tư xây dựng trại nuôi gà công nghiệp lấy thịt với quy mô khoảng 2.000 con một lứa. Thiếu tá Phạm Tuyên, Chủ nhiệm Hậu cần, Ban CHQS huyện An Lão  cho biết, mỗi năm, trại nuôi 4-6 lứa gà cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng tiền lãi/tháng. Tính đến hết tháng 9-2012, mô hình tăng gia của Ban CHQS huyện cho thu hoạch gần 2.000kg rau xanh, hơn 400kg gia cầm, gần 200kg cá; hơn 300kg thịt lợn với tổng thu nhập gần 73 triệu đồng. Ngoài ra, Ban CHQS huyện còn kết hợp đào ao thả cá, nuôi lợn và trồng rau xanh lấy sản phẩm phục vụ nhu cầu cải thiện bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Ngoài mô hình tăng gia sản xuất tập trung tại xã Quang Trung, Ban CHQS huyện còn thực hiện liên kết với Công ty TNHH Phúc Hà cung ứng dịch vụ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước tinh khiết đóng chai nhãn hiệu Vimass Núi Voi. Trung tá Nguyễn Văn Thiện, trợ lý Ban Tham mưu – Hậu cần, người đề xuất xây dựng mô hình dịch vụ được giao phụ trách nhà máy sản xuất nước tinh khiết Vimass Núi Voi chia sẻ, tháng 6-2008, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Lượng sản phẩm bán ra tăng từ 3.000 bình/tháng (năm 2008) lên 7.000 – 8.000 bình/tháng. Theo anh Nguyễn Văn Đức, quản lý nhà máy nước, 6 tháng một lần, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cử cán bộ xuống kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm nước đóng chai của nhà máy.

Năm 2009, hoạt động sản xuất nước tinh khiết đóng chai mang lại lợi nhuận 30 triệu đồng nộp về Ban CHQS huyện phục vụ chi nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ. Qua các năm 2010, 2011, lợi nhuận từ hoạt động của nhà máy nước liên tục tăng từ 40 triệu lên 60 triệu đồng. Nhà máy cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng trong đó có 1 cựu chiến binh và một người thân của cán bộ Ban CHQS huyện.

Theo Trung tá Trần Văn Toản, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện An Lão, các khoản thu từ các mô hình tăng gia sản xuất tập trung và nhà máy sản xuất nước đóng chai Vimass Núi Voi được sử dụng chi cho các hoạt động tu sửa, cải tạo cảnh quan doanh trại và cải thiện, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. 9 tháng năm 2012, Ban CHQS huyện đầu tư gần 100 triệu đồng cải tạo doanh trại, sửa sang phòng làm việc, phòng giao ban trong đơn vị, mua sắm thêm tivi, điều hòa. Ngoài ra, đơn vị đưa vào bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ mức 1.000 đồng – 1.500 đồng/người/bữa. Dịp tháng 5 vừa qua, Ban CHQS huyện tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đi tham quan 2 đợt. Cùng với đó, mỗi kỳ huấn luyện của lực lượng dân quân các địa phương, Ban CHQS huyện hỗ trợ, bồi dưỡng thêm cho anh em, góp phần nâng cao chất lượng công tác huấn luyện. (Báo Hải Phòng 6/11, tr3)

ĐÔ THỊ

17.            Công ty Điện chiếu sáng: Cơ bản bảo đảm chiếu sáng trên các tuyến đường đô thị

Đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên điện chiếu sáng Hải Phòng cơ bản khắc phục sự cố đứt dây, bảo đảm chiếu sáng trên các tuyến đường đô thị.

Hiện tại, đơn vị đang tiến hành sửa chữa đèn chiếu sáng, cần đèn, nhất là đèn tín hiệu giao thông bị hỏng do bão. (Báo Hải Phòng 6/11, tr2)

18.            Công ty Công viên cây xanh: Trồng lại hơn 1.300 cây đổ do bão

Đến ngày 5/11, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh cơ bản hoàn thành trồng lại số cây đổ do bão số 8 gây ra.

Trong số gần 1500 cây đổ do bão, Công ty trồng lại 1.324 cây, gần 100 cây sâu mục không thể khắc phục phải chặt bỏ. (Báo Hải Phòng 6/11, tr2)

DU LỊCH

19.            Hơn 60 sự kiện trong Năm du lịch quốc gia 2013

Nhiều chương trình không liên quan đến ngành du lịch như tuần lễ phim, giải bóng chuyền, vô địch quyền anh, trại sáng tác nhiếp ảnh... cũng được đưa vào sự kiện của Năm du lịch quốc gia 2013.

Tổ chức tại các tỉnh thành đồng bằng và tâm điểm là thành phố Hải Phòng, năm Du lịch quốc gia 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng” bao gồm trên 60 chương trình, trong đó có 23 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, 12 sự kiện do Hải Phòng đăng cai. Ngoài ra, hơn 30 sự kiện khác do các tỉnh thành trong khu vực tổ chức đều là các lễ hội thường xuyên diễn ra trong năm.

Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, Ban tổ chức Năm du lịch đã đưa ra hàng loạt sự kiện trong năm du lịch quốc gia song không gắn với du lịch, trùng lặp với các chương trình khác như giải thể thao Judo, giải bóng chuyền bãi biển, vô địch quyền anh, bóng đá U21 báo Thanh Niên, vô địch quốc gia cử tạ, thể dục thể hình, tuần lễ phim, liên hoan tiếng hát truyền hình, trại sáng tác nhiếp ảnh...

Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đặc trưng và có tính liên kết trong vùng để thu hút khách du lịch chưa được giới thiệu, quảng bá.

Theo một số đại diện hãng lữ hành, chương trình năm du lịch quốc gia 2013 giống sự kiện các địa phương tổ chức hàng năm, không có điểm mới mang tính đột phá. "Một số nước nhiều năm mới tổ chức sự kiện du lịch tầm cỡ quốc gia. Khi đó, họ dồn mọi tiềm lực vào tổ chức cho sự kiện này để tạo tiếng vang trên thế giới, thu hút lượng khách đến gấp 2 lần", một lãnh đạo lữ hành cho biết.

Trả lời về việc tổ chức các sự kiện dàn trải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng Đoàn Duy Linh cho biết, do các sự kiện tổ chức ở nhiều địa phương và kéo dài cả năm nên số lượng tương đối lớn. Ngoài ra, mỗi tiết mục tổ chức ở mỗi một địa phương sẽ có điểm khác biệt nên không trùng lặp. (Đoàn Loan, Vnexpress 5/11)

XÃ HỘI

20.            Tập huấn khai báo, điều tra, thống kê tai nạn lao động

Liên đoàn Lao động thành phố vừa tổ chức tập huấn khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động và phòng cháy chữa cháy cho đại diện các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở.

Tại buổi tập huấn, chuyên viên của Liên đoàn Lao động thành phố, cán bộ Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã thông tin đến đại diện các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở tình hình tai nạn lao động; đồng thời hướng dẫn các điểm mới, quy trình, việc thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động khi thực hiện và triển khai Thông tư số 12/2012. (An Ninh Hải Phòng 6/11, tr2)

21.            Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở tổ dân phố Tôn Thất Thuyết 1

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hồng Bàng chỉ đạo làm điểm ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở tổ dân phố Tôn Thất Thuyết 1, phường Phan Bội Châu.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở tổ dân phố”, nhân dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã có nhiều phần thưởng khen tặng cán bộ và nhân dân tổ dân phố. (An Ninh Hải Phòng 6/11, tr2)

22.            Thu hồi 63.430,5m2 quỹ đất ở từ các dự án phát triển nhà

Thực hiện Nghị quyết 47/2003 của HĐND thành phố về thu hồi 10% diện tích xây dựng của các dự án phát triển nhà để làm quỹ đất ở của thành phố, đến nay, có 10/39 dự án bàn giao về Trung tâm phát triển quỹ đất Sở TN&MT với diện tích 63,430,5m2.

Trong đó, 4.656m2 đất giao Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý; 6.414m2 đất để xây dựng chung cư dành cho người thu nhập thấp… (Báo Hải Phòng 6/11, tr4)

23.            Người “giữ nhịp” phát triển ở Việt Hải

Nhận nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ xã Việt Hải (huyện đảo Cát Hải), thiếu tá biên phòng Nguyễn Hữu Tình không phụ lòng tin của cấp trên và lãnh đạo địa phương, không ngừng phấn đấu, nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước giúp người dân xã đảo phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Việt Hải là một xã nghèo, thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện đảo Cát Hải, giao thông cách trở, từ vịnh Bến Bèo phải chạy tàu hơn 1 giờ mới tới nơi. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào cây lúa, diện tích trồng cây hoa màu ít, chỉ đủ tự cung tự cấp, không có nghề phụ đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Một số người phải sống dựa vào thiên nhiên bằng cách săn bắt thú, nuôi ong lấy mật. Cả xã chỉ hơn 200 nhân khẩu nhưng có tới hơn 10 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo.

Có thời kỳ, tổ chức Đảng, chính quyền ở Việt Hải xảy ra mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng nhiều đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trước tình hình đó, lãnh đạo Đồn biên phòng Cát Bà (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố) tham mưu UBND huyện Cát Hải tăng cường thiếu tá Nguyễn Hữu Tình, cán bộ Đội vận động quần chúng về làm Bí thư chi bộ Đảng xã Việt Hải, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Nhận nhiệm vụ mới, Bí thư chi bộ Nguyễn Hữu Tình không khỏi lo lắng. Anh tâm sự: “Kinh nghiệm lãnh đạo của bản thân còn hạn chế, người dân lại chưa hiểu mình. Nội bộ chi bộ có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Những ngày đầu đối với tôi thật khó khăn, mọi ý tưởng phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân địa phương tôi đưa ra đều bị đa số đảng viên không tán thành”.

Thế nhưng với bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, thiếu tá Nguyễn Hữu Tình quyết không đầu hàng khó khăn. Là một người làm công tác vận động quần chúng, anh hiểu rằng không thể yêu cầu người dân nơi đây thay đổi ngay nhận thức được. Tự nhủ bản thân phải kiên trì, vừa cứng rắng vừa mềm mỏng, anh tạo dựng mối quan hệ với từng đảng viên trong chi bộ, phân tích để họ thấy được lợi ích chung của nhân dân. Rồi mọi người cũng hiểu và tích cực hợp tác. Sau khi được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐND xã Việt Hải, thiếu tá Nguyễn Hữu Tình cùng tập thể cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thống nhất kiện toàn lại bộ máy, bầu chức danh Phó chủ tịch xã, Trưởng công an xã…

Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “Đồng chí Nguyễn Hữu Tình phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong công việc, cùng tập thể cấp ủy, chi bộ tăng cường sự lãnh đạo, đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chi bộ xã Việt Hải trước đây chỉ có 20 đảng viên, đến nay đã kết nạp thêm 2 đảng viên mới, chuyển Đảng chính thức cho 1 đảng viên dự bị, giới thiệu 6 đoàn viên ưu tú đi học lớp cảm tình Đảng, tạo nguồn cán bộ kế cận”.

Nhận xét về thiếu tá Nguyễn Hữu Tình, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “Sau hơn một năm được tăng cường về cơ sở, thiếu tá Nguyễn Hữu Tình cùng chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện thành công chương trình xóa đói giảm nghèo. Đồng chí mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế như kêu gọi thu hút đầu tư các khu nghỉ dưỡng sinh thái nhằm tăng nguồn thu ngân sách địa phương, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ phụ trợ phục vụ khách du lịch. Đến nay, đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Xã Việt Hải hiện không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn 3 hộ”.

 Vừa qua, UBND huyện Cát Hải đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm 7 km đường liên xã, trong đó địa phương vận động nhân dân tự nguyện hiến gần 200 m2 đất để mở rộng đường. Thiếu tá Nguyễn Hữu Tình cũng tham mưu với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố và Đồn biên phòng Cát Bà xây dựng 7 ngôi nhà Đại đoàn kết giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vừa để ở vừa để làm du lịch cộng đồng. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài đến xã ngày một tăng. Người dân có việc làm ổn định, không còn người lên rừng săn bắt thú, chặt phá cây rừng,môi trường sinh thái đang được chính nhân dân giữ gìn, bảo vệ để phát triển du lịch một cách bền vững. Không chỉ lo cái ăn, chỗ ở tươm tất cho dân, anh còn chủ động tìm đầu ra cho các mặt hàng truyền thống của địa phương như khoai sọ, gà đồi, lợn thả tự nhiên, đồng thời khuyến khích người dân trồng màu, cây xạ đen và nhiều loại thuốc quý để tăng thu nhập. (Minh Tuấn, Báo Hải Phòng 6/11, tr3)

24.            Bộ Chỉ huy quân sự thành phố: Trao nhà tình nghĩa tặng 2 gia đình chính sách

Bộ Chỉ huy quân sự thành phố vừa tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh Nguyễn Văn Miêng ở huyện Thủy Nguyên và mẹ liệt sĩ Vũ Thị Thình ở huyện Vĩnh Bảo.

Đây là hoạt động thiết thực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố nhằm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tri ân các gia đình có công với cách mạng. (Báo Hải Phòng 6/11, tr3)

25.            - Quân chủng Hải quân: Huấn luyện chiến sĩ mới đợt 2/2012 đạt hiệu quả cao

Sau gần 2 tháng huấn luyện, các chiến sĩ mới đợt 2/2012 ở các đơn vị thuộc Quân chủng hải quân nắm bắt được các nội dung về 8 thế đứng, 16 động tác võ, động tác chào, đi đều, đứng lại, đổi chân trong khi đi.

Về nội dung kỹ thuật, chiến sĩ mới được huấn luyện bắn súng tiểu lên AK, đánh thuốc nổ, ném lựu đạn và các tư thế vận động trên chiến trường… (Báo Hải Phòng 6/11, tr3)

26.            PetroVietnam hỗ trợ nhân dân các tỉnh bị thiệt hại do bão

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, đã trích 1,5 tỷ đồng từ số tiền đóng góp của cán bộ, công nhân viên để hỗ trợ nhân dân sáu tỉnh, thành phố phía bắc bị thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra.

Theo đó, ủng hộ ba tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình mỗi địa phương 300 triệu đồng; các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Ðịnh mỗi tỉnh 200 triệu đồng. (Nhân Dân 6/11, tr5)

27.            Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp do hai cơn bão số 7, số 8

Để kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 7, số 8 tại các tỉnh tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng), các Công ty Bảo hiểm (Bảo Việt, Bảo Minh) đã hoàn tất hồ sơ bồi thường cho người nông dân.

Đối với cơn bão số 8 mới đây, được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua đã khiến một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề, các công ty bảo hiểm cũng đã chuẩn bị hoàn tất mọi thủ tục để sớm giải quyết đền bù thiệt hại cho bà con nông dân. (L.T., Công An Nhân Dân 6/11, tr1; Nông Thôn Ngày Nay 6/11, tr10)

28.            Vụ cháy tàu Hải Phòng-09: Nhiều khả năng do hở ống dẫn dầu

Chiều 5/11, thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) cho biết: Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra tìm hiểu nguyên nhân xảy ra vụ cháy tàu Hải Phòng - 09. Ban đầu cơ quan chức năng nhận định, vụ cháy khởi nguồn từ buồng máy của tàu và nguyên nhân xảy ra cháy nhiều khả năng do hở đường ống dẫn dầu.

Như tin đã đưa, vào sáng 3/11, tàu vận tải Hải Phòng - 09 (trên tàu có 12 thuyền viên thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại, Vận tải Hải Phòng) khi đang chở xi măng hành trình từ Hải Phòng đi Kỳ Hà (Quảng Nam) tại khu vực cách Đông Bắc Đà Nẵng khoảng 22 hải lý thì trên tàu lửa phát ra dữ dội từ buồng máy, không khống chế được. Thuyền trưởng tàu Hải Phòng – 09 đã phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp.

Nhận được tin báo, Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã chỉ đạo Trung tâm Phối hợp Hàng hải Việt Nam đã điều tàu SAR 274 của Trung tâm TKCN khu vực 2 xuất phát đi cứu nạn. Lúc 11 giờ 10 phút tàu SAR 274 đã tiếp cận tàu Hải Phòng - 09, cứu được 12 thuyền viên và hỗ trợ dập lửa. Đến 12 giờ cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Sau khi tổ chức cứu nạn thành công, đêm 3/11, tàu SAR 274 đã lai dắt tàu Hải Phòng – 09 vào vịnh Đà Nẵng và làm các thủ tục để vào cảng.

Chiều tối 4/11, tàu Hải Phòng - 09 đã được kéo vào cảng của Công ty TNHH MTV đóng và sửa chữa tàu Hải Sơn (Nhà máy X50, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng) để tiến hành sửa chữa. (Tuấn Linh, Quân Đội Nhân Dân 6/11, tr8)

29.            Lãnh đạo công an thành phố kiểm tra công tác năm 2012 của công an các địa phương

Chiều 1/11, đại tá Nguyễn Trọng Phượng – Phó Giám đốc Công an thành phố dẫn đầu đoàn công tác Công an thành phố kiểm tra công tác năm tại Công an quận Đồ Sơn.

Trong năm 2012, Công an quận Đồ Sơn đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. (An Ninh Hải Phòng 6/11, tr3)

30.            Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xổ số và đầu tư tài chính Hải Phòng: Trao giải đặc biệt xổ số kiến thiết miền Bắc trị giá 2,8 tỷ đồng

Sáng 2/11, tại phòng tài chính huyện Thủy Nguyên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xổ số và đầu tư tài chính Hải Phòng, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức trao giải đặc biệt đợt phát hành xổ số cho 14 hội viên phụ nữ huyện Thủy Nguyên.

Tổng giá trị bộ giải thưởng là 2,8 tỷ đồng. Tới dự lễ có Phó Chủ tịch huyện Thủy Nguyên Phạm Văn Thao. (TC, An Ninh Hải Phòng 6/11, tr2)

31.            Khối thi đua lực lượng vũ trang 9 tỉnh, thành phố Quân khu Ba: Nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến, nâng cao chất lượng phong trào thi đua

Sáng 5/11, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trung tướng Phạm Quang Hợi, Tư lệnh Quân khu Ba dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết phong trào Thi đua quyết thắng của khối do Bộ Tư lệnh Quân khu Ba tổ chức.

Đại tá Nguyễn Quang Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Khối trưởng Khối thi đua lực lượng vũ trang (LLVT) 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu Ba chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Qua hội nghị tổng kết phong trào thi đua quyết thắng LLVT khối 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu Ba năm 2012, LLVT thành phố Hải Phòng nhận thức rõ hơn những kết quả đạt được, những mặt hạn chế, đồng thời học tập những mô hình, cách làm hay của LLVT các tỉnh bạn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổ chức triển khai các phong trào thi đua một cách hiệu quả.

Trung tướng Phạm Quang Hợi biểu dương kết quả LLVT 9 tỉnh, thành phố đạt được trong năm 2012. Đó là, phong trào Thi đua quyết thắng của LLVT 9 tỉnh, thành phố tương đối đồng đều; nhiều địa phương có sự bứt phá, vươn lên. Khối thi đua giữ vững nền nếp, chế độ hoạt động, có nhiều mô hình thi đua, cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương; nhiều nội dung, chỉ tiêu thi đua hoàn thành tốt, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT các địa phương. Đồng chí yêu cầu: Trong thời gian tới, các đơn vị cần quan tâm, thực hiện tốt các phong trào thi đua bảo đảm có nét mới, tính sáng tạo. Đơn vị khối trưởng cần tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng cách làm hay, các điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào thi đua.

Tại hội nghị, các đơn vị bầu chọn LLVT các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình và Quảng Ninh là 3 đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua quyết thắng 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu Ba năm 2012. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định là đơn vị khối trưởng Khối thi đua LLVT 9 tỉnh, thành phố năm 2013. (Báo Hải Phòng Online 6/11)

VĂN HOÁ

32.            Giữ gìn và phát triển văn hóa dân gian: Ngân nga mãi làn điệu giao duyên hát Đúm

Hát Đúm vốn là một loại hình sinh hoạt văn nghệ khá đặc trưng của người dân Thủy Nguyên vào dịp Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên, những năm gần đây, thể loại văn nghệ dân gian này dần bị mai một. Vì vậy, trong cuộc làm việc với Huyện ủy Thủy Nguyên mới đây về tình hình thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa 10) về “Thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín, dị đoan”, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành chỉ đạo huyện Thủy Nguyên phải gìn giữ, phát triển thể loại văn nghệ dân gian đặc trưng này.

Miền đất Thủy Nguyên - ngoài Ca trù đã được khôi phục và đang từng bước phát triển trở lại - còn có hát Đúm. Hát Đúm không chỉ là “đặc sản” của các xã Phục Lễ, Phả Lễ… mà còn là niềm tự hào của người dân Thủy Nguyên nói riêng và của thành phố Hải Phòng, như Bắc Ninh có hát Quan họ, Nghệ An có hát Dặm và Phú Thọ có hát Xoan...

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hát Đúm có từ lâu đời. Sau khi thu hoạch lúa, vào những đêm trăng thanh gió mát, trai, gái rủ nhau đi hát Đúm. Con gái làng làm lụng vất vả quanh năm, để bảo vệ sắc đẹp, họ phải bịt khăn, nên ngày thường trai, gái gặp nhau khó nhận ra nhau, chỉ có ngày đi hát người con gái mới mở khăn để bạn hát nhìn thấy dung nhan. Thế nên, hát Đúm cũng là tục lệ bỏ khăn che mặt của các cô gái. Sau này, trai làng đi làm ăn xa, đến Tết mới trở về nên hát Đúm chỉ tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán.

Hát Đúm diễn ra vào những ngày Xuân, từ mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng âm lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Ngày bắt đầu của hội hát Đúm còn gọi là Hội mở mặt, bởi đó là ngày những cô gái bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm để lộ khuôn mặt trắng ngần, ăn diện xúng xính. Trong ngày hội, trai – gái gặp nhau, say sưa hát đối đáp những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa. Lời hát phần nhiều là những câu hát ví von. Các chàng trai nếu muốn lọt mắt xanh các cô gái thì phải học cách hát, phải hát giỏi, đối đáp tốt thì mới được các cô gái để ý. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã phải lòng nhau để đến cuối năm nên duyên vợ chồng.

Hát Đúm không có nhiều giai điệu, nó đều đều, ngân nga, ê a, nhiều lúc trầm bổng như hát ru. Giai điệu đều đều, có người hát giọng mũi nghe ngàn ngạt nhưng khi hiểu thì thấy rất hay. Lời bài hát phong phú, đối nhau, thường theo thể thơ lục bát và song thất lục bát. Vì thế, đòi hỏi người hát phải giỏi ứng khẩu, tùy hứng, thông minh, nhanh trí về đối đáp.

Vui nhất trong hát Đúm là hát giã đám. Hát giã đám có những bài rất hay như: “Dùng dằng giã bạn... ngẩn ngơ/ Để chiều ướt tím con đò sông quê/ Nghiêng nghiêng vành nón trăng thề/ Giếng làng em múc chiều về nắng buông”, hay “Vọng nghe giọng hát yêu thương/ Nao nao sóng nước vương vương nỗi niềm/ Theo câu hát đúm nên duyên/ Mà tình neo mãi vào miền sông trăng”. Ca từ đẹp, đậm chất thơ, giai điệu không phức tạp, người hát không phải cao giọng, dễ nhớ, dễ hát.

Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Trần Lanh cho biết: “Qua năm tháng, hát Đúm vẫn lưu truyền qua các thế hệ, nhưng hiện nay, trước sự thay đổi của đời sống âm nhạc, hát Đúm không còn chỗ đứng trong giới trẻ. Họ thích nhạc mạnh, nhạc trẻ hơn”.

 Hơn 10 năm trước, tôi vẫn về đình Phục Lễ nghe hát Đúm. Những làn điệu say sưa, đằm thắm ngày ấy giờ không còn hiện hữu. Đã đến lúc các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, các nhà quản lý… cần vào cuộc để giữ lại những làn điệu dân gian vô giá này. Mong rằng, một ngày không xa, hát Đúm trong Ngày hội mở mặt sẽ sống lại, để thế hệ trẻ có cơ hội tiếp nhận, gìn giữ, đắm chìm trong những làn điệu ấy bên cạnh sự đắm chìm trong âm nhạc đương đại của thời đại họ đang sống. (Báo Hải Phòng 6/11, tr5)

33.            Trịnh Nam Sơn về Việt Nam làm liveshow

Ca sĩ hải ngoại Trịnh Nam Sơn sẽ có liveshow đầu tiên của mình tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11 này tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, liveshow tại Hải Phòng sẽ diễn ra vào ngày 23/11, tại Cung Văn hóa Việt – Tiệp. (K.A, Lao Động Điện Tử 5/11; Thụy Du, Hà Nội Mới 6/11, tr5; Dạ Ly, Thanh Niên 6/11, tr14; Thiên Ngân, Đại Đoàn Kết 6/11, tr8)

THỂ THAO

34.            Vicem Hải Phòng chuẩn bị mùa giải mới: Mời Huấn luyện viên Mai Đức Chung và đá hạng Nhất

“V.HP cam kết tiếp tục làm bóng đá và sẽ phát triển một cách bền vững trên cơ sở cải thiện điều kiện cơ bản để hoàn thành mục tiêu trở lại V-League”, chủ tịch CLB V.HP Trần Duy Sơn phát biểu như vậy bên lề Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013.

Về quyết định không tiếp quản các đội bóng muốn nhượng lại suất V-League, chủ tịch Trần Duy Sơn khẳng định: “Thời gian qua, rất nhiều thông tin cho rằng các CLB muốn chuyển giao đội bóng và suất V-League cho Hải Phòng, nhưng CLB Hà Nội và N.SG chẳng có ai liên lạc với lãnh đạo V.HP. Thế nên, việc của chúng tôi vẫn là đăng ký và chuẩn bị tốt nhất cho giải hạng Nhất”.

Theo một nguồn tin thân cận, V.HP đã liên hệ và xúc tiến hợp đồng với HLV Mai Đức Chung. Đôi bên đã nhất trí sơ bộ về các điều khoản trong hợp đồng và công tác chuẩn bị nhân sự. Theo đó, ông Chung sẽ lên toàn bộ danh sách BHL và chốt lại những cầu thủ cần thiết cho mục tiêu thăng hạng. Ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc gia với đội U19 Việt Nam đang thi đấu VCK U19 châu Á tại UAE, HLV Mai Đức Chung và phía V.HP sẽ ngồi lại trước khi ký hợp đồng.

Tới nay, V.HP cũng đã làm việc với các cầu thủ. Theo đó, tất cả những người còn hợp đồng sẽ tiếp tục cống hiến cho CLB. Mặt khác, những công thần và cầu thủ địa phương cũng được mời ở lại, trong đó có những cái tên như Minh Châu, Trọng Nghĩa, Văn Đông, Tuấn Tiến, Bảo Long… Đội bóng đất Cảng cũng đang tận dụng các nguồn để chuẩn bị thử nghiệm một vài ngoại binh nhằm sẵn sàng tăng tốc trong quá trình chuẩn bị cho mùa bóng mới.

Tân GĐĐH Cao Trường Giang cho biết: “V.HP luôn mong các cầu thủ gốc Hải Phòng ở lại với đội bóng quê hương và nếu đôi bên cùng có tâm nguyện ấy, chúng tôi sẽ là đồng đội của nhau. Bằng những nỗ lực và trong điều kiện của mình, lãnh đạo V.HP sẽ làm tất cả để đưa đội bóng thăng hạng”.

Dự Hội thảo chuẩn bị mùa giải 2013 mới đây, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Đan Đức Hiệp cam kết rằng lãnh đạo và nhân dân thành phố Hoa phượng đỏ sẽ ủng hộ hết mình để đội bóng thi đấu thành công và trở lại V-League. Tất nhiên, ngoài sự ủng hộ nhiệt tình của NHM đất Cảng, V.HP cũng mong muốn sự hỗ trợ thiết thực bằng những gói tài trợ bởi CLB đang gặp khó khăn về tài chính. (Minh Hải, Báo Bóng Đá Online 6/11)./.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố