Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 5/3/2014)
Chiều 3-3 tại trụ sở Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP tiếp đoàn công tác của tập đoàn Fujita (Nhật Bản) do ông Hiromitsu Sugawara - Giám đốc tập đoàn dẫn đầu, nhân dịp đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Hải Phòng. Cùng dự buổi tiếp có đồng chí Lê Văn Thành - Phó chủ tịch UBND TP và đại diện lãnh đạo một số ban ngành thành phố.
Tại buổi tiếp, đồng chí Nguyễn Văn Thành đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua. Trong đó nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng của Hải Phòng, tạo động lực mới để thành phố phát triển nhanh, bền vững. Tiêu biểu là nâng cao năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng đang hoạt động đạt 55,5 triệu tấn năm 2013, nhiều công trình trọng điểm đang được xây dựng như Cảng cửa ngõ quốc tế, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện…
Đồng chí Nguyễn Văn Thành khẳng định, Hải Phòng luôn tạo điều kiện cao nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đồng thời chúc ông Hiromitsu Sugawara và tập đoàn Fujita đạt được những kết quả tích cực trong chuyến khảo sát lần này. Đồng chí cũng yêu cầu lãnh đạo các ngành, rà soát lại các lĩnh vực đầu tư công nghiệp, dịch vụ liên quan, trên cơ sở luật pháp và thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ, giới thiệu đầy đủ cả cơ hội lẫn thách thức, để tạo điều kiện cho đoàn nghiên cứu, quyết định các nội dung đầu tư…
Ông Hiromitsu Sugawara cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo thành phố và cho biết, tập đoàn Fujita được thành lập từ năm 1910, hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, bảo trì các khu đô thị, phát triển công nghệ môi trường, cung cấp các giải pháp hiệu quả sử dụng đất và nhiều lĩnh vực khác. Ông Hiromitsu Sugawara bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế của Hải Phòng, và hy vọng trong chuyến đi này, với kinh nghiệm hơn 100 năm, Fujita sẽ tìm kiếm được những lĩnh vực phù hợp, để được góp sức đầu tư xây dựng phát triển thành phố, trên cơ sở hợp tác đôi bên đều có lợi… (LMT, An ninh Hải Phòng Online 5/3; Đầu tư 5/3 Tr2)
Chiều 4-3, đoàn công tác thành phố do đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới Thành ủy dẫn đầu có buổi làm việc với Viện Tài nguyên và Môi trường biển, khảo sát chuẩn bị tổng kết 30 năm đổi mới. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Đình Bích - Phó chủ tịch HĐND TP; Đỗ Trung Thoại - Phó chủ tịch UBND TP; Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy…
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo viện và trao đổi của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Thành đánh giá cao những thành tựu của viện trong 30 năm đổi mới. Nổi bật trong 10 năm trở lại đây, đã chủ trì thực hiện 168 đề tài khoa học trong nước và 38 đề tài hợp tác quốc tế, đóng góp quan trọng trong phát triển hệ thống cảng biển như nghiên cứu sa bồi, giải pháp chống xói lở bờ biển; xây dựng cơ sở khoa học cho hệ thống 15 khu bảo tồn trong phạm vi cả nước; lưu giữ hơn 30 nghìn tiêu bản mẫu vật tĩnh về sinh vật biển…
Đồng chí Nguyễn Văn Thành ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, từ thực tiễn hoạt động nghiên cứu đã phân tích rõ hơn về tình trạng tài nguyên môi trường biển của thành phố và cả nước. Đồng chí cho rằng, kết quả nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển liên quan trực tiếp đến đời sống thiết thực của nhân dân, nhất là đối với Hải Phòng. Vì vậy viện cần tiếp tục rà soát, thảo luận toàn diện các vấn đề liên quan, đặc biệt là thực trạng quản lý hoạt động quản lý vùng bờ, vùng nước, phát triển cảng biển, quy hoạch quản lý đất bãi bồi ven biển, không gian biển, vấn đề sa bồi và xói lở cũng như diễn biến môi trường biển…
Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, cân đối hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo tồn và sinh kế của cộng đồng, kiên quyết loại bỏ những hạn chế, tìm ra động lực phát triển mới.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành khẳng định: Việt Nam là quốc gia về biển, trong đó Hải Phòng có vị trí chiến lược, nhưng khả năng làm chủ về biển còn hạn chế… Chính vì vậy, quá trình tổng kết của viện sẽ là những ý kiến quý báu, làm cơ sở giúp Thành ủy có những giải pháp cụ thể, đồng thời tham mưu đề xuất với trung ương hoạch định chiến lược, quy hoạch và khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Đồng chí yêu cầu các ban ngành thành phố, tham mưu về đổi mới cơ chế quản lý, khuyến khích tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia nghiên cứu những lĩnh vực riêng của Hải Phòng, không chỉ đóng góp với trung ương mà còn rất thiết thực với Hải Phòng…
Đồng chí cũng đề nghị lãnh đạo viện tiếp tục bám sát quan điểm của Đảng về khoa học công nghệ, tập trung xây dựng đội ngũ nhà khoa học chất lượng, lấy kết quả nghiên cứu làm then chốt, xác định tính tổng hợp của toàn ngành, hướng mạnh về tư duy nhận thức, gắn kết với thực tiễn cơ sở xã hội, phục vụ hiệu quả phát triển bền vững kinh tế biển. (LMT, An ninh Hải Phòng Online 5/3; Báo Hải Phòng 5/3 tr1+2; Bản tin thời sự tối Truyền hình Hải Phòng 4/3)
3. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố: Chú trọng huấn luyện diễn tập khu vực phòng thủ và phòng, chống khủng bố
Sáng 4-3, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức ra quân huấn luyện năm 2014 và phát động đợt thi đua cao điểm với chủ đề “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên – Tiến lên giành ba nhất, chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Cát Bi, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5- 2014)
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tiếp tục huấn luyện khối cơ quan Bộ Chỉ huy, Trung đoàn Dự bị động viên 836, Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 34, 10 đơn vị tự vệ và các đơn vị trực thuộc theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Đơn vị coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, thực tế chiến đấu và có cường độ cao, lấy thực hành làm chính, phấn đấu đạt 100% cán bộ được huấn luyện theo phân cấp, trong đó 90% số cán bộ tiểu đoàn và tương đương, 70% số cán bộ đại đội, trung đội đạt kết quả huấn luyện khá, giỏi… (Báo Hải Phòng Online 5/3)
Sáng 4/3, quận Hồng Bàng tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2013, phát động phong trào thi đua năm 2014. Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Hữu Doãn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy... Năm 2014, quận tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: tập trung khắc phục khó khăn, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh gắn với quản lý đất đai, đô thị, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, giữ vững AN-QP, TTATXH địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr2; An ninh Hải Phòng 5/3 Tr2)
Các đối tượng môi giới và mua khẩu súng ngắn của Trung úy CSGT bị chém trọng thương, cướp xe AirBlade, đã bị bắt khẩn cấp.
Như Báo Đời sống và Pháp luật đưa tin, khoảng 5h50' ngày 24/2, một số người thấy tiếng động lớn ở đoạn giữa ngõ 193 đường Hồ Sen, quận Lê Chân, Hải Phòng. Tiếp đó là tiếng xe máy rồ ga phóng đi và tiếng kêu ú ớ của một người đàn ông.
Nạn nhân là Trung úy Vũ Thế Thắng (30 tuổi, đội 1 phòng cảnh sát giao thông Hải Phòng), hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Qua điều tra truy bắt, các đối tượng trên gồm Vũ Thanh Sơn tức Sơn “Liên Xô” (SN 1963, đường Tô Hiệu, phường Hồ Nam, quận Lê Chân); Nguyễn Văn Xuân (SN 1988, thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng); Lê Minh Chung (SN 1978, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và một số đối tượng liên quan vụ án đã bị bắt gọn về hành vi chém Trung úy Vũ Thế Thắng cướp xe máy và một số tài sản trong đó có một khẩu súng được cơ quan cấp phát.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, thông qua sự môi giới của một lái xe taxi, đã bán khẩu súng mà cơ quan cấp cho Trung úy Thắng cho một người không rõ danh tính ở huyện An Lão (Hải Phòng). Các trinh sát vào cuộc điều tra những lái xe taxi như lời khai của đối tượng.
Ngày 03/03, Ban chuyên án đã xác định đối tượng môi giới mua bán khẩu súng ngắn của Trung úy Vũ Thế Thắng là Trịnh Văn Phong (SN 1977, trú tại số 26 Đinh Nhu, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Hải Phòng), làm nghề lái xe taxi cho hãng Hoa Phượng.
Tại cơ quan điều tra, Phong khai nhận: Hồi 14h30’ ngày 24/2, khi đang lái xe gần khu chung cư PG (xã An Đồng, huyện An Dương), gặp Chung và Vũ Thanh Sơn vẫy gạ bán súng. Trịnh Văn Phong liền gọi điện cho bạn cùng quê là Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1970, xã Quang Trung, huyện An Lão) đồng thời chở Sơn và Chung đi gặp Nghiêm thực hiện việc mua bán súng. Tại khu nhà trọ ở thị trấn Duồn (huyện An Lão), hai tên Sơn và Chung đã bán khẩu súng nói trên với giá 5 triệu đồng.
Trong vụ này, lái xe Trịnh Văn Phong chỉ được Sơn và Chung chi tiền cước xe taxi. Ngay tối 3/3, Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Nghiêm, kịp thời thu giữ khẩu súng ngắn là tang vật nhóm cướp chiếm đoạt của nạn nhân. Tại nhà trọ ở thị trấn Duồn (Hải Phòng), nơi tên Nghiêm tạm trú, lực lượng công an còn phát hiện, tạm giữ 4 đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy, cùng 5 chiếc xe máy nghi vấn, nhiều hung khí và tang vật khác để phục vụ công tác điều tra mở rộng án
Hiện Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ vụ việc. (Tuấn Kiệt, Đời sống & Pháp luật Online 5/3; An ninh thủ đô Online 5/3; vietnamnet.vn 5/3; VnExpress 5/3; VTCNews 5/3; Tiền Phong Online 5/3; Pháp luật & Xã hội Online 5/3; Pháp luật Việt Nam Online 5/3; Công an nhân dân Online 5/3; haiphong.gov.vn 5/3; An ninh Hải Phòng 5/3 Tr1+6; Gia đình & Xã hội Online 5/3; zing.vn 5/3; Người lao động Online 5/3; petrotimes.vn 5/3; Xây dựng Online 5/3; TTXVN Online 5/3; songmoi.vn 5/3; Thanh niên Online 5/3; Sohanews 5/3; Tuổi trẻ Online 5/3; Nông thôn ngày nay Online 5/3; zing.vn 5/3; Lao động Online 5/3; An ninh thủ đô Online 5/3)
Mang theo hơn 3gam ma túy đá trong người và đang bị truy nã, đối tượng Phạm Thế Linh (trú tại Hải Phòng) đòi hối lộ tổ công tác Y5/141 hơn 100 triệu đồng hòng thoát thân.
Khoảng 21h ngày 26/2, tổ công tác Y5/141 do Thượng úy Nguyễn Đăng Tiến làm tổ trưởng, tiến hành kiểm tra hành chính xe taxi hãng Sơn Tây, biển kiểm soát 29A – 277.14 tại khu vực bùng binh ngã tư Cầu Giấy - Láng (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Tổ công tác phát hiện, trong người nam thanh niên ngồi trong xe có hơn 3gam ma túy đá đựng trong túi nilon.
Khai thác ban đầu, đối tượng nhiều lần quanh co về tên tuổi của mình và nguồn gốc số ma túy. Thậm chí, y còn gợi ý sẽ hối lộ tổ công tác hơn 100 triệu đồng nhằm được bỏ qua hành vi phạm pháp.
Đương nhiên với tinh thần đấu tranh tội phạm đến cùng, các chiến sĩ tổ công tác Y5/141 nghiêm khắc nhắc nhở đối tượng về hành vi trên và tiến hành bàn giao người và tang vật về công an phường Quan Hoa để làm rõ.
Lúc này, bộ mặt thật của y mới lộ nguyên hình. Kẻ mang trong người hơn 3gam ma túy đá tên thật là Phạm Thế Linh (sinh năm 1993 – hộ khẩu thường trú tại Vĩnh An – Vĩnh Bảo – Hải Phòng). Linh đang bị cơ quan chức năng truy nã toàn quốc về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Khi bị tổ công tác Y5/141 tạm giữ, biết rằng mình sẽ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật nên Linh đã làm mọi cách để thoát thân. Nhưng y không biết rằng, với các chiến sĩ 141 Hà Nội đang ngày đêm tấn công tội phạm, dù cái giá y đưa ra là bao nhiêu cũng không thể thoát. Và lại một lần nữa, người dân Thủ đô thêm tin tưởng vào lực lượng được mệnh danh là “Quả đấm thép” của Công an Hà Nội. (nguoiduatin.vn 5/3; thethaovietnam.vn 5/3)
Đối tượng vừa bị lực lượng đặc nhiệm bắt giữ chuyên cung cấp ma túy cho các “con nghiện” ở cảng Hải Phòng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương – Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam vừa cho biết, Đội đặc nhiệm số 2 – Cụm đặc nhiệm, phòng chống tội phạm ma túy số 1 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Công an quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng vừa phá thành công chuyên án mang bí số 801-M-M, bắt quả tang đối tượng Hà Thị Hồng (SN 1973, đăng ký HKTT tại phố Lê Lợi, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) về hành vi buôn bán trái phép ma túy.
Trước đó, vào đầu năm 2014, trinh sát Đội đặc nhiệm số 2 phát hiện Hà Thị Hồng liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy tại khu vực Cảng Hải Phòng. “Khách” mua hàng của “nữ quái” này chủ yếu là các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn. Sau nhiều ngày bí mật theo dõi, ngày 3-3, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt quả tang Hà Thị Hồng đang có hành vi buôn bán trái phép ma túy tại phố Tôn Đức Thắng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng. Quá trình khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng làm nhiệm vụ đã thu giữ thêm một lượng lớn heroin, ma túy tổng hợp và ma túy đá cùng nhiều tang vật khác.
Hiện đối tượng và tang vật đã được bàn giao cho Cơ quan CSĐT - Công an quận Hồng Bàng để tiếp tục điều tra, lập hồ sơ xử lý. (Bá Chiêm, An ninh thủ đô Online 5/3)
Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT-CAH Thủy Nguyên: 17h ngày 8-11-2013, Vũ Đức Tưởng, sinh 1957, ở thôn 9, xã Minh Tân, đi bộ sang khu Đá Bạc, xã Gia Minh để tìm nhà bà Nguyễn Thị Giang có chồng tên là Hán liên hệ việc đánh dầu đồ gỗ thuê. Tưởng trước kia là thợ mộc nên võ vẽ biết nghề này. Tưởng có 3 con (2 gái, 1 trai) đều trưởng thành, lập gia đình nhưng vợ Tưởng đã mất cách đây khoảng 20 năm. Khi các con đã có gia đình ở riêng, ông ta vẫn thui thủi một mình dưới mái nhà cấp 4 ở thôn quê. Sức khỏe ngày một sút kém, Tưởng bỏ nghề thợ mộc, chuyển sang đi đánh véc-ni thuê.
Khi Tưởng đến thôn 2 xã Gia Minh thì gặp cháu Đ.T.T, sinh ngày 14-1-2009, đang đi bộ một mình nên nhờ cháu dẫn đường đến nhà ông bà Giang Hán. Song đến nơi, gia chủ không có nhà nên Tưởng cùng cháu bé quay về. Lúc này trời đã sẩm tối, lại thấy T. chỉ có một mình nên Tưởng nảy ý đồ đen tối, đưa cháu về nhà mình để giao cấu. Vậy là ông ta đưa cháu T. theo đường liên xã Gia Minh - Minh Tân. Về đến nơi, Tưởng đưa cháu T. vào nhà ngang, bảo lên giường rồi ra khóa cổng, đóng cửa, tắt điện. Sau đó Tưởng trút quần áo, mặc mỗi quần đùi rồi bảo cháu T. bỏ quần trong, nằm xuống và làm trò dâm ô thì bất ngờ mẹ cháu và một số quần chúng đi tìm đã phát hiện, trình báo cơ quan công an.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 12-11-2013, Cơ quan CSĐT-CAH Thủy Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Vũ Đức Tưởng về tội “Dâm ô với trẻ em” (theo điều 116-BLHS). Quá trình điều tra, Tưởng đã khai nhận mục đích đưa cháu T về nhà mình là để quan hệ tình dục với cháu nhưng chưa kịp thực hiện thì đã bị phát hiện. Nếu ngày hôm đó, mọi sự không được phát hiện kịp thời thì hắn đã hãm hại cháu bé.
Xét thấy hành vi của Vũ Đức Tưởng có dấu hiệu của tội “Hiếp dâm trẻ em” (theo điều 112-BLHS) nên ngày 17-1-2014, Cơ quan CSĐT-CAH Thủy Nguyên đã họp bàn với Cơ quan CSĐT, VKSND, TAND thành phố và huyện Thủy Nguyên, thống nhất thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, thay đổi quyết định khởi tố bị can vụ án trên. Theo đó, ngày 21-1, Cơ quan CSĐT-CAH Thủy Nguyên đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Đức Tưởng về tội “Hiếp dâm trẻ em” (theo điều 112-BLHS) và đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn, đồng thời chuyển hồ sơ vụ án trên cho Cơ quan CSĐT-CATP điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Việc thay đổi tội danh đối với hành vi bệnh hoạn của Vũ Đức Tưởng là có căn cứ và cần thiết để xử lý nghiêm đối tượng, đồng thời cũng là để răn đe giáo dục và phòng ngừa chung, góp phần bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe các bé gái còn đang ở tuổi chưa thành niên. (NP, An ninh Hải Phòng Online 5/3)
… T.T.N.A (SN1999), quê ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. A. là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn, xinh xắn… Chiều mùng 2/3/2014, lợi dụng lúc cả nhà ngủ trưa, A. đã sắp xếp quần áo và lẻn ra ngoài. A. lại đến nhà bạn trai… Ngày mùng 3/3, sau khi tìm hiểu thông tin, vợ chồng anh T. được biết: A. đã cùng với C., và hai cô bé nữa là T.T.K.H và T.T.O (cùng sinh năm 2000, cùng địa chỉ với A - PV) đi móng cái Quảng Ninh… Cả ba gia đình nhà O., A., H. đều rất lo lắng cho con em mình… (Đ.T, Đời sống & Pháp luật 5/3 Tr14, 15)
10. Hải Phòng: Giám đốc Điện lực quận Lê Chân gây TNGT làm chết người
Vụ va chạm giao thông giữa hai xe ô tô và mô tô trên tuyến đường 353 (quận Dương Kinh) đã làm 2 cán bộ quận tử vong. Người điều khiển phương tiện gây tai nạn là giám đốc công ty điện lực quận Lê Chân.
Hồi 13h30' ngày 4/3/2014, tại tuyến đường 353 thuộc Tổ 2, phường Hải Thành, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, trong lúc điều khiển xe ô tô BKS 51A - 3020 chạy từ hướng Tân Thành lên thành phố để đi làm, lái xe Đinh Văn Bút (sinh năm 1955, đăng ký nhân khẩu thường trú tại số 59 Vạn Ngọc, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) là Giám đốc Công ty điện lực quận Lê Chân, Hải Phòng đã đâm vào xe mô tô BKS 16M9-3709 đi cùng chiều do Trịnh Văn Lành, sinh năm 1984 (xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng) điều khiển phía sau chở Nguyễn Đức Toàn, sinh năm 1959 ( xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) làm hai người bị văng khỏi xe và Nguyễn Đức Toàn tử vong tại chỗ).
Cả hai anh Toàn và Lành hiện đang là cán bộ của Đội Quản lý thị trường của quận Dương Kinh. Vào thời điểm xảy ra vụ TNGT, hai anh đang trên đường đến cơ quan. Ngay sau khi xảy ra, người dân quanh khu vực đã đưa Trịnh Văn Lành đi cấp cứu tại BV Việt Tiệp. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày (4/3), anh Lành đã tử vong.
Sau khi xảy ra TNGT, Đinh Văn Bút đã đến cơ quan Công an quận Dương Kinh đầu thú. Theo đó, công an quận Dương Kinh đã tạm giữ hình sự đối với Đinh Văn Bút.
Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ chức năng phối hợp với Công an quận Dương Kinh khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. (M.Lý, Gia đình & Xã hội Online 5/3; VnExpress 5/3; Nông thôn ngày nay Online 5/3; Người lao động Online 5/3; Lao động Online 5/3XZone 5/3; An ninh thủ đô Online 5/3; VTCNews 5/3; Phụ nữ Online 5/3; tamnhin.net 5/3)
Chiều 4-3, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới phường Sở Dầu và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình xây dựng 2 bên các tuyến đường: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Điện Biên Phủ, Cầu Đất. Cùng dự có đồng chí Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố.
Dự án khu đô thị mới phường Sở Dầu được UBND thành phố phê duyệt tháng 9-2006, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của quận Hồng Bàng cũng như khu vực phía Tây thành phố. Mặc dù dự án thu hút được một số nhà đầu tư thứ phát song việc triển khai vẫn chậm, hệ thống hạ tầng chưa được xây dựng kết nối đồng bộ. Tháng 10-2012, UBND thành phố yêu cầu rà soát, điều chỉnh quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ dự án. Sau khi nghe báo cáo về nội dung điều chỉnh quy hoạch cùng các kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch Dương Anh Điền ghi nhận Viện Quy hoạch, Sở Xây dựng cùng các ngành, địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị đồ án công phu, ý tưởng tốt, góp phần tạo cho khu đô thị mới Sở Dầu, quận Hồng Bàng có vị thế, quy hoạch theo hướng lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, phát huy được ưu thế của sông Rế. Quy hoạch có sự kết nối với huyện Thủy Nguyên- trung tâm hành chính-chính trị của thành phố trong tương lai. UBND thành phố cơ bản chấp thuận đồ án điều chỉnh quy hoạch này, giao quận Hồng Bàng làm chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu quận rà soát các công trình trên địa bàn như cầu vượt đường sắt và một số công trình khác, cần thiết có thể thu hồi một số dự án, chú ý khai thác cảnh quan thiên nhiên, bố trí bãi đỗ xe cùng các công trình vui chơi giải trí để phục vụ người dân.
Đối với Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc công trình xây dựng 2 bên các tuyến đường trên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng liên quan đến không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị 2 bên các tuyến đường, góp phần quản lý kiến trúc công trình xây dựng. Việc xây dựng quy chế có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện dải trung tâm hoàn thành cải tạo chỉnh trang, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, di sản kiến trúc đô thị của khu vực này.
Chủ tịch Dương Anh Điền nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, thành phố cần có những đường phố có tầm cỡ quốc tế, gắn với lịch sử. UBND thành phố cơ bản thống nhất với nội dung quy chế, tuy nhiên đối với các công trình cải tạo, chỉnh trang, chỉ được sửa chữa trên cơ sở giữ nguyên trạng, các công trình xây mới, lên tầng phải đợi quy hoạch hai bên đường dải trung tâm thành phố. (Báo Hải Phòng Online 5/3)
12. Xây dựng Trung tâm hành chính quận Dương Kinh: Khó khăn về nguồn vốn
Đúng dịp kỷ niệm 3 năm thành lập (25-11-2010), quận Dương Kinh khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính quận. Tiếp đó, đến 4-2011, quận triển khai dự án xây dựng trụ sở Quận ủy – UBND và các đoàn thể quận. Đây là 2 dự án làm cơ sở quan trọng để triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính quận quy mô lớn theo đúng quy hoạch được thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, cả 2 dự án mới xong phần cơ sở hạ tầng và một số công trình trụ sở. Việc triển khai dự án chậm khiến quận gặp khó khăn trong hoạt động vì vẫn phải chịu cảnh đi thuê trụ sở làm việc.
Tiến độ rùa
Dự án xây dựng Trung tâm hành chính quận Dương Kinh tại phường Anh Dũng được khởi công giai đoạn 1 từ ngày 25-11- 2010, trên diện tích 146.300 m2, tổng trị giá 133 tỷ đồng. Công trình bao gồm hệ thống đường giao thông với 6 tuyến đường trục chính có mặt cắt ngang từ 15 đến 37 m, hệ thống điện chiếu sáng, khuôn viên sân vườn, bãi đỗ xe diện tích hơn 3100m2. Giai đoạn 2 của dự án chính là dự án xây dựng trụ sở Quận ủy – UBND và các đoàn thể quận trên diện tích hơn 65 nghìn ha, gồm khối trụ sở liên cơ quan quận ủy, UBND quận, hội trường đa năng, trụ sở các tổ chức xã hội, các cơ quan nội chính, kinh tế, tài chính…Các trụ sở làm việc trong khu hành chính quận sẽ có các phòng làm việc và phòng chức năng theo tiêu chuẩn, cầu thang bộ, cầu thang máy cùng các công trình phụ trợ; được bố trí hợp lý, tận dụng ánh sáng, gió trời, thân thiện với môi trường, thực sự tiện ích cho cán bộ, nhân viên làm việc.
Để dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính quận được thực hiện đúng tiến độ, quận chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND phường Anh Dũng triển khai công tác giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, tính toán đền bù, hỗ trợ người dân thực sự dân chủ, đúng quy định. Trong quá trình thực hiện dự án, quận tạo điều kiện cho các đơn vị thi công đẩy nhanh tốc độ công trình. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên các dự án này không đạt tiến độ. Đến nay, quận mới cơ bản hoàn thành dự án về cơ sở hạ tầng và đang tập trung triển khai xây dựng hội trường UBND quận và 2 dãy nhà 6 tầng, đạt khoảng hơn 30% dự án xây dựng trụ sở Quận ủy- UBND và trụ sở các đoàn thể. Trong khi đó, kế hoạch dự kiến hoàn thành cả hai dự án là vào dịp cuối năm 2012. Với tiến độ này, đến năm 2015, toàn bộ dự án xây dựng Trung tâm hành chính quận Dương Kinh cũng chưa thể hoàn thành.
Khó khăn về vốn
Theo ông Bùi Trọng Toàn, Phó chủ tịch UBND quận Dương Kinh, sau hơn 3 năm triển khai, tổng số nguồn vốn được phân bổ cho cả 2 dự án đến thời điểm này mới được 13 tỷ đồng trong khi khối lượng công việc đã thực hiện của cả 2 dự án là hơn 100 tỷ đồng. Từ cuối năm 2011, thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, vốn dành cho xây dựng cơ bản của quận bị thiếu hụt, nhất là vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm thành phố giao quận làm chủ đầu tư, chủ yếu từ ngân sách thành phố. Các doanh nghiệp trúng thầu dù ứng vốn để thi công nhưng cũng không đáp ứng nổi bởi lượng tiền quá nhiều so với năng lực của nhà thầu. Để khắc phục khó khăn này, quận mấy lần có kế hoạch đấu giá đất để có nguồn vốn hỗ trợ công trình xây dựng cơ bản nhưng chưa thực hiện được vì vướng cơ chế và thị trường bất động sản đóng băng.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu với UBND thành phố kiến nghị với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho ứng trước nguồn vốn ngân sách Trung ương 2 năm 2014-2015 cho dự án. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp dự án vào danh mục các dự án ưu tiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ứng trước vốn ngân sách Trung ương để thực hiện. Tại Công văn số 6680 ngày 10- 9 - 2013, UBND thành phố đã đồng ý cho dự án được ứng trước 5 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2013 cho dự án và yêu cầu UBND quận Dương Kinh phân kỳ, lựa chọn hạng mục đầu tư để có thể khai thác từng phần của dự án đưa vào sử dụng. Ngày 4-11-2013, UBND thành phố đã có quyết định số 2160 về việc phân bổ nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2013, trong đó dự án trên đã được thành phố bố trí 5 tỷ đồng. Cùng với đó, quận đang chủ động rà soát lại, xác định cụ thể tính cấp bách của từng dự án, dự án nào triển khai trước, dự án nào tiếp tục chờ vốn triển khai sau. Quận kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao nhất, chú trọng huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp tự nguyện ứng vốn để triển khai dự án. Một giải pháp khác được quận triển khai là đẩy nhanh các dự án đấu giá đất, để bổ sung vào nguồn vốn đối ứng, giúp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hiện nay, số tiền thuê trụ sở làm việc của quận hằng năm vào khoảng gần 1 tỷ đồng. Trong hơn 5 năm qua, số tiền thuê trụ sở làm việc của quận có thể xây dựng được một công trình phúc lợi. Trước thực tế này, cán bộ và nhân dân quận Dương Kinh mong muốn thành phố, ngành chức năng quan tâm, sớm có giải pháp hiệu quả giúp quận thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn quận, đáp ứng nguyện vọng của địa phương. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 5/3 Tr4)
Theo thống kê của huyện Vĩnh Bảo, hiện trên địa bàn huyện có 12 công trình đang thi công được thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 35 tỷ đồng. Các công trình chủ yếu gồm xây dựng trụ sở làm việc của phòng, ban, xã Tam Cường, Vĩnh Tiến; nhà lớp học đa chức năng của một số trường THCS, mầm non… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr4)
Đó là một trong số những kiến nghị được nêu trong báo cáo kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2013; nhiệm vụ và những giải pháp thực hiện các tiêu chí năm 2014” gửi Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện tiên Lãng của UBND xã Kiến Thiết…. Đối với các dự án xây dựng cơ bản, không đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, phức tạp như: đường nội đồng, cầu cống, kiên cố hóa kênh mương…, kiến nghị không phải thuê tư vấn, thiết kế để đảm bảo tiến độ và kinh phí của dự án… (PV, An ninh Hải Phòng 5/3 Tr4)
Phó chủ tịch UBND xã Đặng Cương Trương Văn Thiết cho biết: Tính đến đầu năm 2014, xã Đặng Cương đã thực hiện được 15/19 tiêu chí trong bộ tiêu chi về xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ về đích. Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về: đường giao thông, thủy lợi và đặc biệt là têu chí về môi trường do triển khai không đồng bộ… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr4)
Trước những yêu cầu đặt ra cho công tác GD – ĐT trong thời kỳ hội nhập, Trường tiểu học chu Văn An (quận Ngô Quyền) không ngừng nỗ lực xây dựng mô hình trường học tiên tiến, hiện đại. Để từ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường ngày càng được khẳng định… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr10)
Sáng 4/3/2014, RK Engineering (Công ty TNHH cơ khí RK - Nhật Bản) đã tổ chức lễ khai trương nhà máy thứ hai tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng.
Giai đoạn hai của RK tiếp nối thành công của giai đoạn một đã bắt đầu vận hành từ năm 2012. Nhà máy cơ khí RK ứng dụng công nghệ mới. Công ty cơ khí RK tự hào nhà máy mới được trang bị lò xử lý nhiệt hiện đại nhất nhì cả nước, máy dập với công suất 300 tấn và máy miết vành. Nhà máy thứ hai được xây dựng hoàn thiện theo đúng tiến độ đề ra.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Kobayashi Taro, đại diện cho tập đoàn RK Synergy group khẳng định: “Việc khánh thành nhà máy thứ hai với khả năng gia công xử lý nhiệt, sản xuất chế tạo lò công nghiệp, chỏm úp và các kết cấu cơ khí….thì Công ty TNHH cơ khí RK là cơ sở lớn nhất của tập đoàn và cũng là doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam đầu tiên được chứng nhận là nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn ASME, qui cách công nghiệp Hoa Kỳ”.
Công ty TNHH cơ khí RK, công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, đã tổ chức Lễ khánh thành nhà máy thứ nhất(ngày 27/3/ 2012) sau 9 tháng xây dựng và nhận giấy phép đầu tư.
Nhà máy chuyên sản xuất cơ khí, thùng bồn chịu áp lực, chỏm úp, lò công nghiệp, chất chịu nhiệt và trang thiết bị nung đốt tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Theo dự kiến, Nhà máy đạt công suất 300 - 480 tấn sản phẩm/năm, phục vụ ngành hóa chất hóa dầu, chế biến lương thực thực phẩm, y tế v.v.
Sản phẩm của nhà máy sẽ chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước châu Á. Nhà máy đã được đưa vào vận hành theo đúng kế hoạch ban đầu đề ra. Nhà máy sẽ tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở giai đoạn đầu và 100 lao động khi nhà máy hoạt động hết công suất.
Nhà máy cơ khí RK do Công ty Nippon Kyohan đầu tư. Công ty Nippon Kyohan lựa chọn Khu công nghiệp Đình Vũ vì lợi thế vị trí chiến lược, cảng nằm ngay trong khu công nghiệp, tiện ích sẵn có và ưu đãi thuế tốt nhất áp dụng cho khu kinh tế. Tổng vốn đầu tư của dự án đạt 14 triệu USD theo đúng cam kết khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Công suất của nhà máy thứ hai là 65 tấn sản phẩm/tháng, nâng tổng công suất của dự án là 100 tấn sản phẩm/tháng.
“Chúng tôi rất tự hào chào đón hàng chục nhà đầu tư Nhật Bản đến KCN Đình Vũ trong những năm gần đây. Khu công nghiệp đã trở thành ngôi nhà thứ hai của cộng đồng người Nhật mà RK là một trong những thành viên đầu tiên”, ông Frank Wouters, Tổng Giám đốc công ty cổ phần KCN Đình Vũ phát biểu tại lễ khánh thành.
Theo đó, để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nữa trong tương lai và đảm bảo môi trường kinh doanh cho các khách hàng hiện tại, Khu công nghiệp Đình Vũ đang nỗ lực củng cố hệ thống phân phối tiện ích trong khu công nghiệp, đang hoàn thiện hệ thống phân phối điện ngầm để cung cấp điện ổn định hơn tới các khách hàng cũng như kế hoạch mở rộng hệ thống xử lý nước thải và cung cấp nước.
KCN Đình Vũ hiện có trên 50 nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và ngành công nghiệp, với tổng vốn đầu tư là 2,2 tỷ USD tính đến cuối năm 2013. (Thanh Tân – Thu Lê, Đầu tư Online 5/3; Báo Hải Phòng 5/3 tr1; Bản tin thời sự tối Truyền hình Hải Phòng 4/3; An ninh Hải Phòng 5/3 Tr1+2)
18. Hải Phòng: Ngăn chặn nạn khai thác đá trái phép, bài toán còn nan giải
Hàng trăm người dân các làng nghề khai thác đá ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng hiện không có việc làm, nảy sinh hoạt động khai thác đá trái phép (khai thác “thổ phỉ”). Kéo theo đó là sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ và tai nạn lao động để lại hậu quả nghiêm trọng.
Trước chế tài xử lý những hành vi khai thác đá chưa đủ mạnh để răn đe, nên đối tượng luôn thường trực, đâu có đá là tổ chức đào trộm. Khai thác “thổ phỉ” thật lắm chiêu, khi bị bắt giữ, chủ phương tiện thường nêu lý do là họ chỉ đi làm thuê, không biết máng khai thác có được cấp phép hay không. Mặt khác, các phương tiện khai thác như máy xúc, máy khoan, máy hơi…, trong đó có cả xe vận chuyển vật liệu nổ, hầu hết là tài sản đã thế chấp ngân hàng, có lập biên bản rồi lại phải trả ngay cho chủ sở hữu. Một thủ đoạn khác của đối tượng là tổ chức khai thác thật sâu trong khu núi, để lực lượng chức năng khó phát hiện. Mặt khác, chúng cho người cảnh giới từ trung tâm huyện đến tận máng. Mặc dù vậy, mỗi năm lực lượng Công an phát hiện và xử lý tới trên 50 vụ.
Khai thác “thổ phỉ” là hành vi ngang nhiên chiếm đoạt tài nguyên khoáng sản. Còn doanh nghiệp thì bỏ rơi trách nhiệm hoàn nguyên mỏ, không bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý, tạo cơ hội máng “thổ phỉ” vào hôi phần “âm”, tức khoét xuống lòng đất (Luật khoáng sản không quy định đây là khai thác “tận thu”). Hậu quả vừa ô nhiễm môi trường, vừa thất thoát tài nguyên. Hiện nhiều chủ mỏ còn lách luật để trốn thuế. Thí dụ, mỏ xin khai thác 5 đến 10 năm, nhưng không có cơ quan nào tính toán trữ lượng để quy ra mức thuế cũng như thời gian đủ để khai thác, trong khi đó Cục Thuế chỉ thu theo từng năm. Lợi dụng đó, chủ mỏ bằng mọi cách huy động toàn lực khai thác chỉ 2 đến 3 năm là hết. Như vậy đương nhiên họ trốn được khoản thuế những năm sau đó và Nhà nước thiệt hại thấy rõ. Nguy hiểm hơn, khai thác với cường độ như trên, lượng thuốc nổ mà Sở Công thương cấp phép mua sử dụng trong 2 đến 3 năm không thể đủ, buộc họ phải mua thuốc nổ trôi nổi. Cá biệt có đơn vị khai thác còn bán thuốc nổ được phép mua (do Bộ Quốc phòng sản xuất, có tem mác), lấy giá cao và thế vào đó là mua thuốc nổ tự chế giá rẻ. Từ đó lại sản sinh ra lực lượng sản xuất trái phép thuốc nổ...
Trước tình trạng trên, cuối năm 2013, Huyện ủy Thủy Nguyên đã ra Nghị quyết số 20 về tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, các cấp chính quyền cần quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp có ý nghĩa “gốc” như công ăn việc làm cho người dân, nghiên cứu đề xuất Chính phủ về cơ chế quản lý cũng như việc cấp giấy phép khai thác cho phù hợp. (Q.Phòng, Văn Thịnh, Công an nhân dân Online 5/3)
Từ đầu năm tới nay, Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng thu hút được 136 triệu USD vốn FDI đầu tư, cao hơn 16 triệu USD so với cả năm 2013. Như vậy, tổng số vốn đầu tư FDI vào VSHIP Hải Phòng đến nay đạt hơn 1 tỷ USD, trong đó cao nhất là năm 2012 đạt 426 triệu USD… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr1)
Theo kế hoạch, Hải Phòng có 20 doanh nghiệp và 3 bộ phận doanh nghiệp và 3 bộ phận doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011 – 2015. Trong đó, cổ phần hóa 16 doanh nghiệp và 3 bộ phận doanh nghiệp; giải thể, phá sản 2 doanh nghiệp; bàn giao về Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và thực hiện thoái vốn 2 doanh nghiệp…
Theo kế hoạch của thành phố, năm 2013 và quý 1 năm 2014 thực hiện CPH doanh nghiệp và giải thể, phá sản 2 doanh nghiệp. Nhưng đến nay, 7 doanh nghiệp mới đang thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, việc CPH các bộ phận thuộc công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng tiến độ chậm do có nhiều khó khăn vướng mắc… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr3)
Công ty TNHH Vico đang tập trung phát triển ở cả 3 lĩnh vực hoạt động bao gồm: thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu và gia công cho các tập đoàn lớn của nước ngoài. Hiện các lĩnh vực đều được phát huy tốt, góp phần gia tăng doanh thu và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo đó, công ty tiếp tục nghiên cứu và đưa ra nhiều chủng loại sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa, sản phẩm có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr3)
Năm 2014, quận Hồng Bàng được giao quản lý thu tiền thuế đất đối với 286 đơn vị, trong đó có 96 doanh nghiệp nợ 28,5 tỷ đồng tiền thuế đất, đáng chú ý có tới 55 doanh nghiệp nợ 21,5 tỷ đồng thuế đất thuộc diện khó thu… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr3)
UBND thành phố vừa có văn bản đồng ý đề nghị của UBND huyện vĩnh Bảo và Ban quản lý Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN Hải Phòng về việc thu hồi đất triển khai khu B Dự án CCN Tân Liên (giai đoạn 2). Chi phí thực hiện đền bù, GPMB lấy từ các khoản thu của giai đoạn 1 và do doanh nghiệp ứng trước. Công tác đền bù, GPMB lấy từ khoản thu của giai đoạn 1 và do doanh nghiệp ứng trước. Công tác đền bù, GPMB phải hoàn thành trước ngày 39/6/2014… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr5)
Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 690,51 triệu USD.
Đó là thông tin từ Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tháng 2/2014.
Hải Phòng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 195,85 triệu USD, chiếm 12,7%. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 147,95 triệu USD. (NP, Diễn đàn doanh nghiệp Online 5/3)
Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 2/2014 cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2014 có 3 dự án lớn được phép.
Cụ thể: Dự án Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics điều chỉnh tăng vốn đầu tư 210 triệu USD. Đây là dự án do Nhật Bản đầu tư ở Bình Dương với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các loại linh kiện cho máy bán dẫn.
Dự án Công ty TNHH Vsip Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư 122,303 triệu USD. Đây là dự án do Singapore đầu tư với mục tiêu cung cấp dịch vụ quản lý khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ tại Hải Phòng. (NP, Diễn đàn doanh nghiệp Online 5/3)
Hội Từ Thiện Thật, chân dài 16 tuổi Huyền Thanh cùng các em học sinh đã thu góp được 500 kg để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Hải Phòng.
Hội Từ Thiện Thật do MC Thành Trung làm chủ tịch hội đã có mặt tại thành phố cảng Hải Phòng để thực hiện chương trình quyên góp gạo để giúp đỡ những người khó khăn. Chương trình có sự tham gia của thầy cô và học sinh trường PTTH Trần Phú. Ngoài ra, chuyến từ thiện còn có sự góp mặt của Mai Giang quán quân nexttop model, ông trùm chân dài 9x Kenbi Khánh Phạm, chân dài 16 tuổi Huyền Thanh. Họ cũng là những đại sứ của chương trình này tại Hải Phòng.
Đây là lần đầu tiên Hội Từ Thiện Thật có mặt tại Hải Phòng nhưng đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ tất cả mọi người. Trong chuyến đi lần này Từ Thiện Thật cùng các em học sinh và đại sứ đã thu góp được 500kg gạo. Tất cả đã được chuyển vào kho gạo của Từ Thiện Thật tại Hải Phòng, để hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. (zing.vn 5/3)
Nhưng giờ đây khi họ đã về bên nhau, cùng vun đắp cho tổ ấm bé nhỏ của mình và tham gia tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS thì một niềm hạnh phúc khôn tả đã đến...
Những lần đầu tham gia hoạt động truyền thông tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hải Phòng, khi đứng trước đám đông, phần nào chị Đoàn Thị Khuyên còn thiếu tự tin, rụt rè. Có những lúc đứng trước mọi người, kể về cuộc đời mình, chị chỉ biết khóc. Nhưng với sự động viên khích lệ của ban lãnh đạo Trung tâm và sự đồng cảm của những người khi được chị chia sẻ, đặc biệt là sự động viên của những người cùng cảnh ngộ trong CLB Hoa Hải Đường (Hải Phòng), chị đã tự tin hơn và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, trong công việc mình đang và sẽ làm.
Chị bắt đầu sắm vai trong các tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, hòa mình cùng những điệu múa mềm mại nhưng mạnh mẽ, dứt khoát thể hiện nghị lực vươn lên trong cuộc sống của người nhiễm “H”. Chị được mời đi tuyên truyền về HIV/AIDS trên 40 tỉnh, thành trong nước và được tham dự một số hội nghị châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Hải Phòng, chị Khuyên tham gia hoạt động tuyên truyền cho nam giới tại các khu vui chơi giải trí, các học viên tại các trung tâm cai nghiện; học sinh, sinh viên các trường ĐH, THPT, THCS; tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc cho chính những người nhiễm HIV còn đang e ngại, thiếu tự tin, không dám công khai tình trạng nhiễm bệnh của mình.
Năm 2008, một bước ngoặt mới trong cuộc đời của chị, khi trở thành cán bộ của một tổ chức phi chính phủ quốc tế (cơ quan Hợp tác phát triển Italia - Cesvi). Ở đó, chị đã được học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia quản lý Dự án tăng cường liên kết và hỗ trợ các hoạt động chăm sóc tại nhà và các dịch vụ điều trị HIV dành cho người có “H” và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV tại huyện Kiến Thụy và quận Dương Kinh, TP Hải Phòng do Tổ chức Pact/USAID Hòa Kỳ tài trợ.
Quá trình làm việc tại Dự án Cesvi, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị cùng 10 anh chị em có chung mục tiêu hoạt động đã quyết định thành lập nhóm tự lực mang tên Nhóm sống tích cực Hải Phòng, do chị làm trưởng nhóm. Năm 2010, nhóm đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng khảo sát và lựa chọn là nhóm triển khai dự án: “Hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ. Bên cạnh đó, chị còn làm cộng tác viên cho Dự án SmartWork (HIV tại nơi làm việc), tổ chức các hoạt động truyền thông tại các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhóm còn kết hợp với Tòa Giám mục Hải Phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS BV trẻ em Hải Phòng, BV Việt Tiệp, Hội Từ thiện, Hội LHPN TP Hải Phòng làm công tác bác ái, tuyên truyền hỗ trợ người nhiễm và trẻ sống chung với HIV tại Hải Phòng. Năm 2010, nhóm được Tổ chức Chemonics Việt Nam lựa chọn mô hình sinh kế “Nuôi gà theo quy trình sinh học” do nhóm tự quản.
Từ đó, hoạt động không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, từ 10 thành viên ban đầu đến nay Nhóm sống tích cực đã có hơn 100 thành viên tham gia. Chị không ngừng vận động gây quỹ sinh kế cho nhóm. Đến nay nhóm đã gây quỹ với số vốn trên 100 triệu đồng, hỗ trợ được 35 thành viên. Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi, nhóm đang tiếp tục mở rộng mô hình như cơ sở may mặc, buôn bán nhỏ... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng thành viên. “Trong thời gian tới Nhóm sống tích cực sẽ không ngừng vận động gây quỹ để tăng số vốn quay vòng giúp cho nhiều thành viên hơn - đó là chiến lược lâu dài của Nhóm sống tích cực. Chúng tôi sẽ phấn đấu không ngừng để Nhóm tự lực trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống HIV/AIDS”, chị Khuyên phấn khởi chia sẻ.
Về phần anh Hải, chồng chị, là một nhân viên hỗ trợ tuân thủ điều trị của Phòng khám ngoại trú BV Việt Tiệp. Với công việc này, anh đã giúp bệnh nhân có “H” hiểu được lợi ích của việc tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) để kéo dài cuộc sống. Ngoài ra, anh còn là một tư vấn viên của Phòng tư vấn miễn phí do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tại BV Việt Tiệp.
Tại đây, anh đã gặp nhiều người có nguy cơ cao, người nhiễm HIV, người thân của người nhiễm. Họ đang rất lo lắng cho sức khỏe của mình, anh đã giúp họ có thêm kiến thức, biết cách tự chăm sóc bản thân và tự tin hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, tại khoa Lây nhiễm có rất nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có những phạm nhân đang thụ án nhiễm HIV, do bệnh trầm trọng đã được chuyển đến khoa này để điều trị.
Ngoài ra, anh còn tham gia vào các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, các trung tâm cai nghiện và các trường học; tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc cho những người cùng cảnh ngộ tại cộng đồng. Công việc có ý nghĩa đã tiếp thêm cho anh sức mạnh để sống có ích hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Những thành quả mà anh chị đã đạt được trong suốt gần 10 năm qua làm cho nhiều người cảm phục. Đặc biệt, nhận thấy sự nỗ lực vươn lên, tình yêu thương, đùm bọc, chở che nhau để cùng sống có ích, năm 2011, bố mẹ anh Hải đã dành tặng cho gia đình của anh chị một món quà thật ý nghĩa, đó chính là căn nhà 2 tầng 180m2 khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, giá trị trên 4 tỷ đồng. Đó là món quà mà anh chị xứng đáng được nhận, nó không chỉ là món quà vật chất mà còn là sức mạnh tinh thần vô cùng lớn lao.
Để từ đây, mỗi ngày mới đến, anh Hải lại chăm chỉ với công việc, còn chị sau một thời gian chăm nuôi cháu bé, chị dự định sẽ tiếp tục công việc đầy ý nghĩa cho cộng đồng xã hội trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
Chúng tôi cầu chúc cho anh chị và các cháu luôn mạnh khỏe, để sống và làm nhiều việc có ích hơn nữa cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, để rồi: “Ngày mai trời lại sáng”!
Tháng 1-2013, kết thúc thực hiện Dự án Cesvi tại Việt Nam, cũng là lúc chị Khuyên mang trong mình một sinh linh bé nhỏ – kết quả tình yêu của anh chị Khuyên – Hải sau 3 năm nên duyên chồng vợ. Và đầu tháng 5-2013, bé trai này đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui, chúc phúc của gia đình và bè bạn với cái tên mang nhiều ý nghĩa: Đỗ Phúc Hưng. Chị Khuyên cho biết, như một phép màu, sau một tháng đưa bé đi xét nghiệm đã cho kết quả ban đầu cháu âm tính với HIV. “Lúc đó, vợ chồng tôi không thể tin nổi và vô cùng hạnh phúc” – chị Khuyên chia sẻ. (Lê Hoàng, Việt Hải, Pháp luật & Xã hội Online 5/3)
Cứ vào chủ nhật hàng tuần, 30 thành viên trong nhóm lại rong ruổi khắp ngõ ngách, vùng quê của thành phố để thu lượm ve chai về bán lấy tiền nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Gửi con nhỏ, làm từ thiện
Nhóm ve chai rất đa dạng về lứa tuổi, già có, trung tuổi có, trẻ cũng có. Bạn Lê Thị Hảo, sinh 1998, là một trong số thành viên nhỏ tuổi nhất hiện nay. Mặc dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng nhận thấy còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn gia đình mình, Hảo đã xin gia nhập vào nhóm ve chai với mong muốn đóng góp sức lực để mang niềm vui đến với người nghèo. Gia đình Hảo rất ủng hộ việc làm của em và tạo điều kiện cho em thời gian ngày chủ nhật hàng tuần tham gia vào hoạt động của nhóm. Hảo chia sẻ: Việc đi thu lượm ve chai không hề nhàn, tuy nhiên, khi nghĩ tới những người bệnh, người nghèo khổ nở nụ cười, sống có ích hơn khi đón nhận tình cảm và những món quà do thành viên của nhóm mang đến, ai nấy cũng như được tiếp thêm sức lực để hoạt động.
Anh Hoàng Chiến Phong, 43 tuổi, là một trong những thành viên gắn bó với “Nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng” được hai năm và rất tích cực tham gia hoạt động của nhóm. Bản thân anh Phong là công nhân làm ca, lại có con nhỏ chưa đầy 1 tuổi, gia đình neo người, tuy nhiên, cứ chủ nhật hàng tuần anh lại cùng các thành viên thu xếp công việc gia đình để đến với nhóm. Có những ngày chủ nhật vợ anh không được nghỉ việc, anh gửi con nhỏ để đi thu lượm ve chai. Hoàn thành công việc sớm thì anh về với con sớm. Thành viên của nhóm, ai cũng rất thân thiện, nhẹ nhàng, làm việc tích cực, có tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt họ rất tự giác.
Giúp đỡ những người khó khăn
Chúng tôi có mặt tại điểm tập kết ve chai trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng. Những chiếc xe máy, xe đạp nườm nượp tỏa đi khắp nơi để rồi sau đó họ quay về với những chiếc bao tải đầy ắp những chiếc lon bia, giấy vụn, quần áo... Thành viên hoạt động đến khi nào hoàn tất công việc mới nghỉ. Thông thường đến khoảng 11h 30 hoặc 12h là xong việc. Chủ nhật tuần nào cũng vậy. Cứ thu xếp xong công việc, anh Huy và một vài thành viên mua gạo, mắm, dầu ăn..., đại diện nhóm đến thăm bệnh nhân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện trợ giúp của nhóm.
Anh Huy cho biết: “Phục vụ trong yêu thương” chính là khẩu hiệu của “Nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng”. Mục tiêu của nhóm là góp phần nhỏ bé, chung tay cùng với cộng đồng giúp đỡ xoa dịu những nỗi đau thể xác và tinh thần cho những người bệnh và người nghèo khó. Thực tế cho thấy, cuộc sống còn rất nhiều người nghèo khổ, bệnh tật cần tới sự giúp đỡ của cộng đồng, nhưng để giúp đỡ được họ phải có kinh phí. Xuất phát từ điều đó, Nhóm ve chai nhân ái ra đời trong những năm 2003-2004 - giai đoạn HIV bùng phát cao ở Hải Phòng. Nhiều người không may bị mắc căn bệnh thế kỷ HIV phải sống trong cảnh cô đơn, thiếu thốn và sự kỳ thị của nhiều người. Chia sẻ với những nạn nhân không may mắn của đại dịch HIV, nhóm đã giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống.
Điển hình có thể kể tới trường hợp của chị Đ.T.K, ở quận Kiến An, Hải Phòng. Chị là một người phụ nữ chăm chỉ làm ăn, yêu chồng, thương con nhưng không may lây HIV từ chồng, cay đắng hơn cả là con chị cũng dương tính với HIV. Ngay sau khi chồng mất, chị và con bị gia đình chồng bỏ rơi đuổi ra khỏi nhà vì kỳ thị. Đang trong tâm trạng hết sức buồn nản thì chị được sự tiếp cận, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của nhóm, giúp chị thoát khỏi sự mặc cảm để tiếp tục sống có ích, có ý nghĩa. Hiện, chị K đã vượt lên chính mình, mở tiệm may, tạo công ăn việc làm cho khoảng chục lao động địa phương.
Ngoài giúp đỡ những người không may nhiễm phải căn bệnh HIV, hiện nhóm mở rộng đối tượng tới những người mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Bà Phạm Thị Hát, 64 tuổi, hiện trú tại số nhà 82, ngõ 161 Phương Lưu, phường Đông Hải, quận Hải An, có con trai duy nhất nhưng bị nghiện. Bình thường, anh này vốn là lao động chính trong gia đình, nuôi mẹ ốm đau. Nay con trai mất, bà Hát không biết nương tựa vào đâu. Qua cộng đồng, Nhóm ve chai biết tới hoàn cảnh và đã trợ cấp thường xuyên cho bà gạo cùng những đồ dùng thiết yếu. Bà Hát chia sẻ, bà rất cảm kích tấm lòng nhân ái của nhóm đã quan tâm, giúp đỡ.
Nhóm ve chai nhân ái Hải Phòng được thành lập ngày 10-1-2006, với sự tham gia thường xuyên của trên 30 thành viên. Có những lúc cao điểm lên tới 40-50 thành viên. Nhóm thu hút được sự quan tâm, giúp sức của nhiều sinh viên sống và học tập trên địa bàn Hải Phòng. Sau 8 năm hoạt động, ngoài sự đóng góp của các nhà hảo tâm, nhóm thu được khoảng 1,6 tỷ đồng từ việc bán ve chai. Đây là số vốn để nhóm có quỹ hoạt động từ thiện thường xuyên. (An ninh Hải Phòng Online 3/3; Nhân đạo và đời sống 5/3 tr12)
Hưởng ứng Tháng Thanh niên 2014 và Năm Thanh niên tình nguyện, đoàn thanh niên các quận, huyện Hồng Bàng, Ngô Quyền, An Dương và Công an TP vừa tổ chức ra quân với nhiều hoạt động thiết thực.
Với chủ đề “Tuổi trẻ quận Hồng Bàng xung kích tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị”,trong tháng 3 này, tuổi trẻ quận phấn đấu 100% cơ sở đoàn tổ chức ít nhất 1 hoạt đồng chào mừng Tháng Thanh niên 2014. Trong đó, các hoạt động tập trung vào xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; nâng cao chất lượng các cơ sở Đoàn và tăng tỉ lệ thu hút tập hợp thanh niên.
Tại lễ khởi động, Đoàn thanh niên quận trao kinh phí xây mới 2 “Nhà tình nghĩa” tặng 1 gia đình chính sách và 1 gia đình thuộc diện hộ nghèo thuộc phường Thượng Lý và Trại Chuối, với trị giá 40 triệu đồng/nhà
Sau lễ khởi động, hơn 400 đoàn viên thanh niên chia làm nhiều nhóm tham gia diễu hành tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện văn hóa giao thông, văn minh đô thị; ra quân thu gom rác tái chế, phat tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn phân loại rác thải nguồn tại các tổ dân phố thuộc 5 phường trung tâm, dọn dẹp vệ sinh dải vườn hoa Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Du.
Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Bảo vừa tổ chức khởi động tháng Thanh niên năm 2014. Trong Tháng Thanh niên 2014, tuổi trẻ huyện Vĩnh Bảo xác định nhiệm vụ trọng tâm: tập trung tuyên truyền và thực hiện hiệu quả chương trình “Tuổi trẻ Hải Phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”; tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện…
Sau lễ ra quân, Đoàn thanh niên huyện tổ chức chùm các hoạt động gồm: thi đấu bóng đá các cụm, khối thi đua, ra quân hướng dẫn ATGT tại các điểm giao cắt với Quốc lộ 10 và xóa biển quảng cáo rao vặt trái phép.
Hưởng ứng Tháng Thanh niên 2014, quận đoàn Ngô Quyền tổ chức các hoạt động hướng đến xây dựng văn minh đô thị như: xóa quảng cáo, rao vặt trái phép tại một số truyến đường, ngõ phố trên địa bàn quận; dọn vệ sinh tại các khu nhà tập thể phường Cầu Tre; tuyên truyền tắt máy chờ tàu; chốt điểm an toàn tại các ngã tư Trại lính, ngã tư Quán Hoa, tuyến đường Cầu Đất,…
Với chùm hoạt động hưởng ứng Ngày Thanh niên tình nguyện, Ban Thường vụ Đoàn quận mong muốn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đông đảo ĐVTN và nhân dân, từ đó xây dựng phong cách sống văn minh đô thị.
Tuổi trẻ huyện An Dương ra quân hưởng ứng Tháng Thanh niên 2014 với các hoạt động như ra quân xóa quảng cáo rao vặt tại thị trấn An Dương. Đoàn tới thăm, tặng quà theo đề án 500 đối với gia đình bác Nguyễn Văn Huy (thôn Cống Mỹ, xã Nam Sơn) và Đoàn Phú Lữu (thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái), mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng gồm con giống vật nuôi và kinh phí thức ăn chăn nuôi, giúp đỡ 2 gia đình khắc phục khó khăn trước mắt.
Đoàn thanh niên Công an thành phố hưởng ứng Tháng Thanh niên 2014 gắn với ngày tình nguyện hồng. Tại buổi lễ có hơn 300 đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo và thu được 244 đơn vị máu. Thực hiện Đề án Đoàn thanh niên đảm nhận giúp đỡ 500 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo dịp này đòan thanh niên Công an thành phố trao 20 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 1 nhà Nhân ái trên địa bàn huyện An Lão. (Báo Hải Phòng Online 4/3)
Huyện Vĩnh Bảo vừa tổ chức lễ ra quân huấn luyện; phát động phong trào thi đua “Quyết thắng năm 2014” và đợt cao điểm “Tiếp bước chiến sỹ Điện Biên tiến lên giành 3 nhất”.
Quán triệt và thực hiện mệnh lệnh cấp trên, năm 2014 lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Bảo tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với tình huống, đối tượng, chức năng nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng đơn vị; khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị; tập trung huấn luyện cơ bản để đạt trình độ thuần thục, vững chắc, làm cơ sở vận đụng trong hoạt động tác chiến tại địa phương; lấy huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, nâng cao chất lương tổng hợp, trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của LLVT trên địa bàn, làm cơ sở nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của LLVT huyện góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua huấn luyện với chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngay sau lễ ra quân, LLVT huyện phát động phong trào thi đua “ Quyết thắng năm 2014 ” và đợt cao điểm “Tiếp bước chiên sỹ Điện Biên tiến lên giành 3 nhất”. Các đơn vị tổ chức ký kết giao ước thi đua phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện và công tác quốc phòng địa phương năm 2014. (Báo Hải Phòng Online 5/3)
Chiều 4/3, Hội từ thiện thành phố tổ chức tọa đàm, giao lưu với chủ đề: “Trái tim nhân ái”, nhân kỷ niệm 104 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 và 1974 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng…
Buổi tọa đàm xoay quanh 2 nội dung chính: công tác xã hội hóa bảo đảm an sinh xã hội của thành phố và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đại diện các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động từ thiện… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr2)
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, huyện Cát Hải triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Đến nay, tất cả các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm. Những địa phương có chợ lớn, trung tâm như thị trấn Cát Hải, Cát Bà; các xã là điểm nút giao thông giữa huyện đảo và đất liền như xã Gia Luận, Nghĩa Lộ, Phù Long tập trung kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng như đội Quản lý thị trường, Trạm Thú y, Công an, Biên phòng tổ chức kiểm tra VSATTP , kiểm tra dịch tại các khu chợ, hàng quán bán gia cầm và đặt các chốt kiểm dịch tại các đầu bến phà Gia Luận, Ninh Tiếp.
UBND huyện chỉ đạo các địa phương, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ về sự nguy hại của bệnh cúm gia cầm, thường xuyên thông tin kịp thời tình hình dịch trên cả nước đến các thôn, xóm và người chăn nuôi. Huyện kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm ở cơ sở, tổ chức lực lượng thường trực, bố trí nhân lực, vật tư, kinh phí ứng phó khi có dịch; triển khai công tác giám sát, phòng ngừa cúm gia cầm. Đặc biệt, huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm; quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các chủng vi rút gia cầm và có biện pháp xử lý kịp thời. (Báo Hải Phòng 5/3 Tr7)
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm huyện An Dương chi biết, đến thời điểm này đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt. Toàn huyện có gần 500.000 con gia cầm các loại, trong đó tập trung ở các xã Hồng Phong, An Hòa, Lê Lợi, Lê Thiện, Đại Bản…
Ông Nguyễn Thành Trung, Trạm phó Trạm thú y huyện An Dương cho biết, những ngày này toàn bộ cán bộ, nhân viên của đơn vị tăng cường cơ sở, hướng dẫn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cho đàn gia cầm tại các hộ nuôi… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr7)
Bình thường, chợ trứng ở xã Bắc Hưng Yên (Tiên Lãng) luôn tấp nập vì đây là chợ đầu mối của thành phố. Người buôn trứng từ chợ đầu mối về bán lẻ tạ các chợ khác thường có mặt tầm 5 – 6 giờ sáng. Đến khoản 7 giờ, chợ đã vãn người. Tuy nhiên, vào thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, từ sáng sớm, chợ đã thưa thớt người. Đến 9 giờ sáng, các hàng bán trứng trong chợ vẫn ăm ắp sản phẩm… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr7)
35. Phòng chống dịch cúm gia cầm: Kiểm soát chặt nguồn gia cầm ra vào thành phố
Từ 22h hôm trước đến 2h sáng hôm sau là thời điểm các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và nguồn thực phẩm ra vào thành phố nhiều nhất. Đây cũng là khoảng thời gian mà một số chủ hàng thường lợi dụng để tránh công tác kiểm tra, phòng chống dịch của các lực lượng chức năng. Nắm bắt được quy luật đó, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các cửa ngõ giao thông, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, qua đó phổ biến công tác phòng chống dịch cho các lái xe, chủ hàng...
Tăng cường kiểm soát ban đêm
Theo lịch của đoàn liên ngành thành phố, chúng tôi có mặt tại khu vực ngã tư Quán Toan (quận Hồng Bàng) để cùng đi tuần tra với đoàn. Mới 22h đêm nhưng các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã tấp nập ra vào thành phố. Sau khi phổ biến nhiệm vụ công tác, đoàn liên ngành gồm Phòng Cảnh sát môi trường (CATP), Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục Thú y đã cử các trinh sát đi tuần tra, kiểm soát dọc các tuyến đường quốc lộ ra vào thành phố. Khoảng 30 phút sau, một mũi trinh sát báo về, xe tải BKS 16N-4040 chở gà đang lưu thông theo hướng Hải Dương - Hải Phòng, đề nghị đoàn liên ngành đón lõng tại chân cầu vượt Quán Toan để dừng xe, kiểm tra.
Qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở 500 con gà màu thả đồi. Lái xe kiêm chủ hàng là Nguyễn Hoàng Thủy, sinh 1985, ở xã Minh Tân huyện Thủy Nguyên tuy đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ và giấy kiểm dịch nhưng khi qua trạm kiểm dịch động vật đã trốn phúc kiểm, vì vậy đoàn liên ngành chức năng đã tuyên truyền công tác phòng chống dịch cho chủ hàng và tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng để xe tiếp tục được lưu thông.
Theo ông Bùi Văn Luyện, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y, các xe chở gia súc, gia cầm khi ra vào các tỉnh, thành phố ngoài việc phải có đầy đủ giấy tờ, thủ tục liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, kiểm dịch động vật còn phải thực hiện nghiêm chỉnh công tác phúc kiểm khi đi qua các trạm kiểm dịch để khai báo nguồn gốc và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng theo quy định. Tuy nhiên, một số chủ hàng trốn phúc kiểm bằng cách vận chuyển gia súc, gia cầm vào ban đêm hoặc chạy xe với tốc độ cao khi qua trạm kiểm dịch. Chính điều này gây ra nhiều khó khăn đối với công tác phòng chống dịch, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi dịch cúm A/H5N1 và H7N9 đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao.
Cũng tại thời điểm kiểm tra, các phương tiện chuyên chở gia súc, gia cầm đều thực hiện nghiêm các quy định về vận chuyển gia súc, gia cầm, đoàn liên ngành chức năng tuyên truyền để các chủ hàng và chủ phương tiện hiểu được các biện pháp phòng chống dịch và tự nguyện thực hiện. Chủ hàng Phạm Thị Hà, sinh 1972, ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, qua công tác tuyên truyền của đoàn liên ngành chức năng thành phố Hải Phòng, chị đã hiểu được lợi ích của công tác phòng chống dịch đối với chính bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời sẽ tuyên truyền đến các chủ hàng khác để cùng thực hiện, đảm bảo cung cấp lượng thực phẩm “sạch” đến người tiêu dùng.
Xử lý nghiêm với các vi phạm
Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát về ban đêm, đoàn liên ngành chức năng cũng tăng tần xuất kiểm tra 24/24h đối với các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch. Theo trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, Phó đội trưởng đội 6, Phòng PC49-CATP, ngoài công tác tuyên truyền phòng chống dịch, đoàn liên ngành chức năng sẽ tăng cường xử lý đối với các chủ hàng vi phạm, đồng thời kiên quyết tiêu hủy đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch.
Để làm được điều đó, đoàn liên ngành thực hiện các biện pháp như kiểm tra khâu lưu thông đối với các phương tiện chuyên chở sản phẩm gia súc, gia cầm; tiến hành chốt điểm tại các tuyến đường huyết mạch…
Cũng theo trung tá Nguyễn Ngọc Ánh, thời gian qua, Phòng PC49-CATP đã phối hợp cùng Chi cục QLTT, Chi cục Thú y bắt và tiêu hủy gần 4.000 con gia cầm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch.
Điển hình là ngày 26-2, tại địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão, đoàn liên ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra xe máy BKS 28L1-0283 do Nguyễn Văn Biên, sinh 1971, ở xã Tân Thành, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình điều khiển và xe máy BKS 34N1-1701 do Lê Lương Hạnh, ở xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương điều khiển, qua đó tiêu hủy gần 2.000 con gà giống không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch.
Ngày 27-2, đoàn liên ngành chức năng tiến hành kiểm tra xe máy BKS 15-899P1 do Nguyễn Quang Đức, sinh 1989, ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương điều khiển chở 1.000 con chim cút khoảng 20 ngày tuổi, không có giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ khác liên quan, đoàn liên ngành đã xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Để công tác phòng chống dịch được thực hiện triệt để, các đơn vị chức năng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, phòng chống dịch, thu hút đông đảo nhân dân tham gia và thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị địa phương tăng cường phối hợp và chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh, báo cáo để xử lý kịp thời đối với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. (TD, An ninh Hải Phòng Online 5/3)
Để chủ động ngăn ngừa vi rút cúm A/H5N1, A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trên diện rộng xâm nhập gây bệnh cho đàn gia cầm… Chủ tịch UBND thành phố vừa có chỉ thị số 04 về việc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố… (PV, An ninh Hải Phòng 5/3 Tr2)
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam và công ty Audi vừa triển khai chương trình hỗ trợ người nghèo và người tàn tật trên địa bàn huyện Cát Hải. Theo đó, công ty Audi trạo 125 triệu đồng hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, người nghèo xã Hiền Hào… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr3)
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Nghị quyết HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp thu gom xử lý chất thải rắn ở nông thôn, đến nay trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có 30/37 xã, thị trấn ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường, thu gom rác thải và vận chuyển đến nơi xử lý, góp phần xây dựng môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr4)
Bà Nguyễn Thị Hiền, 56 tuổi, Trưởng ban công tác Hội Cựu TNXP Hải Phòng là tấm gương điển hình giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Hơn 5 năm tham gia lực lượng TNXP (1987 - 1983) tại tỉnh Quảng Ninh, bà Hiền được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc. Trở về địa phương, bà Hiền tham gia công tác tại Hội Nông dân quận Hải An. Trong quá trình công tác, bà không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, trực tiếp quan tâm chăm lo tới từng Hội Nông dân phường, tổ dân phố trên địa bàn quận… (Báo Hải Phòng 5/3 Tr4)
Sau hơn 9 năm kể từ khi có Thông báo thu hồi đất của UBND thành phố để triển khai Dự án Nhà máy sản xuất dày xuất khẩu của Cty CP Hoa Thành, với sự nỗ lực cố gắng của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các đoàn thể và nhận thức của hộ dân có đất trong dự án, đến nay, dự án hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp tiến hành thi công dự án. Khi dự án hoàn thành góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho các xã khu vực AL10, huyện Tiên Lãng… (Trung Kiên, An ninh Hải Phòng 5/3 Tr1+5)
Sáng 3/3, học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú có buổi sinh hoạt ngoại khóa sôi động và ý nghĩa – chương trình Chào tuần mới. Với chủ đề “Thanh niên và lập nghiệp”… Hơn 500kg gạo do các em học sinh ủng hộ đã được chuyển đến các gia đình ngay sau chương trình… (HT, An ninh Hải Phòng 5/3 Tr2)
Chiều 26/2, tại Đồn biên phòng Vinh Quang, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức kỷ niệm 25 năm “Ngày biên phòng toàn dân” (3/3/1989 * 3/3/2014)… Chiều 27/2, Đồn Biên phòng Đồ Sơn tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Ngày Biên phòng toàn dân và 55 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr3)
Trong thời gian qua, thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, TTATXH dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, CAH Thủy Nguyên đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, đồng thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, lực lượng, chính quyền các xã, thị trấn phối hợp với CAH làm tốt công tác bảo đảm ANTT ngay tại cơ sở… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr3)
Được thành lập từ năm 1993 trên cơ sở nông trường quốc doanh Vinh Quang, xã Tiên Hưng là một trong bốn xã biên phòng của huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Với diện tích tự nhiên 1.105ha và lợi thế chiều dài bờ biển 2,2km, xã đã nỗ lực để không chỉ giữ vững an ninh biên giới biển mà còn có nhiều sáng tạo trong phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Tiên Hưng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới, quy hoạch 110ha vùng sản xuất lúa tập trung, 122ha vùng nuôi trồng thủy sản… đắp nền các tuyến đường ra đồng, nạo vét các tuyến mương cấp 2 phục vụ sản xuất theo quy hoạch. Năm 2013, xã hoàn thành 5 tiêu chí gồm: bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, y tế, cơ cấu lao động, nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành lên 10/19 tiêu chí. Đây cũng là năm xã giành được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Điều này được thể hiện rõ qua mức thu nhập bình quân 25,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5%...
Mặc dù nằm cách xa trung tâm huyện, nhưng văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo của Tiên Hưng luôn là điểm sáng của huyện Tiên Lãng. Hiện, tổng số học sinh ở các cấp học trên địa bàn là hơn 640 em, trong đó có 52 học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp, với 1 giải quốc gia, 9 giải thành phố, 42 giải huyện. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước cải thiện, hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi.
Khu vực biên giới biển của huyện Tiên Lãng có 4 xã biên phòng, gồm Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng với diện tích 10,25km2 mặt nước, 21km bờ biển, 2 cửa sông đổ ra biển. Nằm trong khu vực biên giới biển của huyện, những năm qua, thực hiện các nội dung ngày biên phòng toàn dân, Đảng ủy, UBND xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong thực hiện quy định Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Nghị định 161 về Quy chế khu vực biên giới biển… Xã chỉ đạo các thôn, ban ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động kết nghĩa, ký kết phối hợp với Đồn biên phòng Vinh Quang xây dựng 4 mô hình khu dân cư an toàn lành mạnh, 17 mô hình xóm tự quản về công tác an ninh trật tự, mô hình cụm đầm an toàn… Trạm y tế xã phối hợp với Đồn biên phòng tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, các hoạt động phối hợp tổ chức như ngày vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết, mái ấm biên cương đạt nhiều kết quả thiết thực, xây dựng 3 ngôi nhà đại đoàn kết cho các hộ chính sách, hộ nghèo tại địa phương. Vào dịp lễ tết, ngày Biên phòng 3/3, xã Tiên Hưng tổ chức thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng… qua đó, tạo sự phối hợp đồng chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với lực lượng biên phòng, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng vững chắc, thống nhất nhận thức từ cấp ủy đảng, chính quyền đến toàn thể nhân dân về thực hiện ngày biên phòng toàn dân bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, xây dựng hiệu quả phong trào quần chúng tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh khu vực biên giới biển vững chắc. (Văn Hải, Đại biểu nhân dân Online 3/3)
7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại điểm cao 86, trong khu vực huấn luyện của Trung đoàn 50 (Bộ CHQS TP Hải Phòng). Trời mưa, gió mạnh từ biển thổi vào, nhưng dưới sự chỉ huy của Thượng úy Lê Văn Quân, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, cán bộ, chiến sĩ vẫn say sưa luyện tập khoa mục đại đội bộ binh tiến công. Thời tiết khắc nghiệt, cường độ huấn luyện cao, nhưng khẩu lệnh chỉ huy của đại đội trưởng vẫn dõng dạc; những tiếng hô xung phong vang khắp điểm cao; bước chân chiến sĩ thoăn thoắt băng qua chiến hào, vượt dốc đứng tiến lên đánh chiếm mục tiêu giả định. Thượng úy Lê Văn Quân cho biết: Đợt luyện tập vừa rồi, cán bộ, chiến sĩ đáp ứng tốt yêu cầu của khoa mục huấn luyện đặt ra; kết hợp chặt chẽ giữa chiến thuật với kỹ thuật; bộ đội được đưa vào các tình huống, địa hình phức tạp, sát thực tế chiến đấu. Đó cũng là một trong những nội dung cam kết của chúng tôi trong thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Tại khu vực cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 giải lao, các phương tiện, trang bị phục vụ công tác cổ động thao trường, sinh hoạt văn hóa trong giờ nghỉ được chuẩn bị chu đáo. Tranh thủ giờ nghỉ, Trung úy Lê Văn Tân, Bí thư chi bộ, Chính trị viên Đại đội 2 cùng các chiến sĩ ôn lại truyền thống của đơn vị thông qua hình thức hỏi-đáp. Trung úy Lê Văn Tân nêu câu hỏi:
- Các đồng chí có biết nguồn gốc ra đời tên gọi “Đại đội gió” của đơn vị ta?
Binh nhất Đinh Chính Đua (Tiểu đội 2, Trung đội 1) xung phong trả lời một cách tự hào: “Qua học tập, tìm hiểu lịch sử của đơn vị, tôi được biết, năm 1961, Trung đoàn 50 tổ chức diễn tập thực binh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm và kiểm tra đơn vị diễn tập. Thực hành tình huống diễn tập, Đại đội 2 được lệnh cơ động đến vị trí mới để phản công quân địch. Nhận lệnh, đại đội đã cơ động rất nhanh, bảo đảm bí mật, dùng hỏa lực tiêu diệt tất cả các mục tiêu giả định. Kết thúc diễn tập, Đại tướng khen ngợi: “Các đồng chí Đại đội 2 cơ động nhanh như gió”. Kể từ đó, danh hiệu “Đại đội gió” ra đời.
Thấy chúng tôi tâm đắc về hình thức ôn lại lịch sử, truyền thống ngay trên bãi tập, Trung úy Lê Văn Tân cho biết:
- Đây là một trong những giải pháp của đơn vị nhằm thực hiện tốt CVĐ “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tôi nghĩ, phải thường xuyên “hâm nóng” lịch sử truyền thống thông qua nhiều hình thức, phương pháp đa dạng. Khi mỗi người hiểu cặn kẽ lịch sử và những giá trị truyền thống sẽ là động lực tinh thần để họ phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Trung úy Lê Văn Tân, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ hiểu về lịch sử truyền thống thì chưa đủ, mà cần phải tạo ra môi trường, điều kiện, thậm chí là cả những khó khăn, thử thách để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, cống hiến. Chúng tôi đang triển khai thực hiện CVĐ theo hướng như vậy. Đây là thời cơ, điều kiện thuận lợi để đơn vị phát huy truyền thống Đại đội gió, tô thắm truyền thống của Trung đoàn 2 lần Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau khi Trung đoàn 50 phát động, triển khai thực hiện CVĐ, 100% cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đã đăng ký thực hiện CVĐ với những nội dung cụ thể, gắn với thực hiện mục tiêu “5 nhất: Nhanh nhất, nghiêm nhất, giỏi nhất, tốt nhất, đẹp nhất. Đại đội 2 là lực lượng thường trực của Trung đoàn và Bộ CHQS thành phố trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cháy rừng. Đơn vị đã lựa chọn nội dung trọng tâm trong thực hiện CVĐ là bảo đảm cơ động lực lượng, phương tiện, xử lý tình huống nhanh, hiệu quả nhất. Đại đội đã xây dựng kế hoạch huấn luyện, rèn luyện thể lực cụ thể. Những chiến sĩ còn hạn chế về thể lực, kỹ chiến thuật được huấn luyện bổ sung ngoài giờ, chạy vũ trang, tăng cường hoạt động thể thao, rèn luyện thể lực; hằng tuần, đơn vị tổ chức hành quân rèn luyện đường dài, mang vác nặng. Binh nhất Đinh Chính Đua tâm sự: Nhiều buổi hành quân rèn luyện đường dài mang vác nặng, chân phồng, vai bỏng rát, nhưng anh em vẫn động viên nhau hoàn thành chặng đường hành quân, bảo đảm thời gian.
Chúng tôi đem chuyện về thực hiện CĐV ở Đại đội 2 trao đổi với Trung tá Hoàng Đức Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 50. Anh Hậu cho biết:
- Cách làm của Đại đội 2 cũng chính là chủ trương, yêu cầu của Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn khi triển khai thực hiện CVĐ. Để CVĐ không rơi vào hình thức, chạy theo phong trào, chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, từng cá nhân đăng ký thực hiện, với những việc làm, tiêu chí cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ, chức trách mỗi người.
- Phát động, đăng ký thực hiện mới chỉ là hình thức, làm thế nào để CVĐ thực sự mang lại hiệu quả? Tôi hỏi anh Hậu.
- Kết quả thực hiện CVĐ là tiêu chí đánh giá kết quả thi đua của tập thể, cá nhân, là tiêu chí phân tích, bình xét, đánh giá, phân loại đảng viên, tổ chức Đảng - đồng chí Chính ủy cho biết. Chế độ sinh hoạt định kỳ của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cũng là một hình thức để giám sát thực hiện. Các tập thể, cá nhân có thành tích sẽ được biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Việc triển khai thực hiện CVĐ ở Trung đoàn 50 bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực và cho thấy, để CVĐ không mang tính hình thức, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy mỗi cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn cách làm phù hợp, tăng cường kiểm tra giám sát, để CVĐ thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng, có sức sống lâu bền, hiệu quả. (Nguyên Thắng, Quân đội nhân dân Online 4/3)
Điểm nhấn lễ hội là đêm: “Cát Bà trong màu sắc hoa phượng đỏ” diễn ra vào ngày 10/5 với nhiều hoạt động phong phú.
Với chủ đề “Cát Bà trong màu sắc hoa phượng đỏ”, lễ hội hoa phượng đỏ lần thứ III-2014 và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt – danh lam thắng cảnh Cát Bà sẽ được tổ chức từ ngày 9-11/5/2014 tại thành phố Hải Phòng.
Đặc biệt, điểm nhấn lễ hội lần này là đêm: “Cát Bà trong màu sắc hoa phượng đỏ” diễn ra vào ngày 10/5/2014 với rất nhiều hoạt động phong phú.
Cũng nhân dịp này, thành phố Hải Phòng sẽ tổ chức một số hoạt động bên lề để vận động tuyên truyền đề cử UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới trong năm 2014.
Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, với chủ đề Văn minh sông Hồng, đã diễn ra thành công tốt đẹp. Trong năm qua, Du lịch Hải Phòng đón và phục vụ hơn 5 triệu lượt khách, tăng 11,2 % so cùng kỳ 2012. (Trần Trung, VOV Online 5/3)
UBMQTQ quận Đồ Sơn, Hải Phòng đã và đang triển khai kế hoạch vận động kinh phí xây dựng, tôn tạo đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương thuộc khu di tích Quốc gia đảo Hòn Dấu.
Đây là chương trình vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương phát tâm công đức đóng góp kinh phí để tiếp tục xây dựng, tôn tạo hoàn thiện khu di tích.
Trước đó, thể theo nguyện vọng của nhân dân, UBND quận Đồ Sơn trình UBND TP. Hải Phòng, Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch và đã được phê duyệt dự án tôn tạo đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương với tổng mức đầu tư là 78,018 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 13 tỷ đồng, kinh phí xã hội hoá 65,018 tỷ đồng. Sau một gần 1 năm thi công, đến nay việc xây dựng đã hoàn thành phần kè biển mở rộng khuôn viên và ngôi đền chính thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương trị giá 20 tỷ đồng để kịp thời phục vụ nhân dân tổ chức Lễ hội đầu năm 2014, diễn ra từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 10/02 âm lịch.
Tương truyền, Đức Nam Hải Đại Thần Vương là danh tướng tuấn kiệt, dưới chướng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong trận thuỷ chiến chống quân Nguyên - Mông trên Bạch Đằng Giang lịch sử, Nam Hải Đại Thần Vương đã hy sinh và hiển linh tại đảo Hòn Dấu - Đồ Sơn. Cũng từ đó, anh linh của Ngài đã phù hộ độ trì cho ngư dân khắp vùng Duyên hải Bắc bộ. Người xưa, mỗi lần đi biển qua đều hạ buồm vào đảo thắp hương cầu khấn.Vào thời Hậu Lê, nhà Vua ngự giá kinh lý qua vùng non nước Đồ Sơn, thấy cảnh đẹp kỳ vĩ, liền nghỉ lại trên đảo Hòn Dấu. Đêm tĩnh lặng, mờ sương, nhà vua thấy Lão Ông quắc thước, râu tóc bạc phơ vờn trên sóng biển, báo mộng và linh ứng có cá to quẫy lên thuyền. Nhà vua thấy mộng điềm lành linh ứng, bèn phong tước hiệu, trao quyền được cai quản ngư phủ khắp vùng Duyên hải và truyền chỉ cho nhân dân địa phương dựng đền để phụng thờ Ngài. Từ đó đến nay, các thế hệ người dân Đồ Sơn và khách thập phương đã hương khói phụng thờ, tôn tạo đền thờ của Ngài ngày càng uy linh, tuấn liệt.
Theo lời kể của các bậc cao niên, từ khi xây đền thờ thần, cá heo kéo đến hàng đàn tung tăng bơi lội quanh đảo. Cứ mỗi lần cá heo nối đuôi nhau bơi từ ngoài khơi vào gần bờ là trời yên biển lặng. Nhưng khi thấy cá heo bơi từ bờ ra khơi xa, vừa bơi vừa nhảy vút lên khỏi mặt biển là sắp có biển động. Từ đó, cứ thấy cá heo bơi vào bờ, là ngư dân Đồ Sơn yên tâm ra khơi, lần nào về cũng tôm cá đầy khoang. Cho rằng thần đảo hiển linh qua đàn cá heo để giúp đỡ, bảo vệ mọi người, nên vào dịp lễ hội đầu năm, ngư dân Đồ Sơn đến đền thờ làm lễ xin thần phù hộ thì đều được thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền.
Là phúc thần bảo vệ ngư dân nhưng thần đảo cũng sẵn sàng trừng trị những người bất kính. Người dân Đồ Sơn đến nay vẫn còn kể cho nhau nghe một câu chuyện rùng mình: Thời Pháp thuộc, có một người đàn ông ở phường Ngọc Hải đi lính cho Pháp, ra đảo Dấu canh gác. Người này cả gan lấy lưỡi lê ở đầu súng chọc vào tượng Nam Hải Đại Thần Vương. Sau đó về nhà, thấy trên người nổi lên những cục u, mổ ra toàn giun sán, rồi chết. Người nhà đếm ông ta chọc vào bức tượng bao nhiêu chỗ, thì trên người có bấy nhiêu cục u.
Với các bậc quân vương, thần đã 3 lần thần hiển linh khiến các bậc quân bái phục và kinh ngạc. Lần đó, có một vị vua đời nhà Lý đi tuần thú bằng đường biển. Khi thuyền rồng qua khu vực đảo Dấu, thấy phong cảnh đẹp, lại lắm tôm cá, ngài bèn lệnh cho dừng thuyền, lên đảo buông cần câu cá. Lưỡi câu của nhà vua không cong có ngạnh như lưỡi câu thường, mà là lưỡi thẳng không ngạnh giống như lưỡi câu của ông Lã Vọng xưa kia. Vì vua chỉ định câu chơi chứ không bắt cá. Sau khi cắm mồi, nhà vua thả lưỡi câu xuống nước. Lạ kỳ, cá nhiều nhưng chẳng con nào ăn mồi. Lúc lâu, nhà vua thấy có một con cá rất lớn cứ nổi lên rồi lặn xuống chung quanh. Bực mình vì con cá quẩn quanh mồi trêu chọc, nhà vua liền khấn, nếu thần đảo có linh thiêng, cho câu được con cá này, ta sẽ tạ ơn. Dứt lời, không hiểu bằng cách nào mà lưỡi câu thẳng lại mắc được vào miệng con cá. Tùy tùng giúp nhà vua kéo con cá nặng hơn 10kg lên bờ.
Lần thứ hai, vào thời hậu Lê, có vị vua đi kinh lý ở Đồ Sơn, đậu thuyền nghỉ đêm cạnh đảo Dấu. Nằm chiêm bao, nhà vua thấy một ông già tóc bạc phơ đến ra mắt và xưng là thần đảo. Tỉnh dậy, vua phán, nếu thực sự là thần linh thì hãy hiển linh cho ta xem. Vua vừa dứt lời, một con cá to nhảy lên thuyền rồng. Thấy linh nghiệm, nhà vua phong cho ngài là "Lão Đảo Đại Thần Vương". Lần sau cùng ngài hiển linh trước một vị quân vương, đó là trong một dịp kinh lý ra Bắc, qua khu vực Đồ Sơn, thuyền rồng của vua Tự Đức gặp sóng to, gió lớn. Nghe các quan lại địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của ngôi đền trên đảo Dấu, vua liền lên đền khấn vái. Thật lạ kỳ, sau khi nhà vua khấn xong, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, gió yên biển lặng. Vua Tự Đức liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.
Hàng năm, vào dịp lễ hội, cứ vào khoảng 23 giờ đêm, khi buổi tế lễ chuẩn bị bắt đầu là sóng biển quanh đảo Dấu lại cồn lên dữ dội. Người dân nơi đây lý giải, đó là khi thần hiển linh, chứng kiến lòng thành của con người. (Hùng Minh, Công lý 5/3 Tr10)
48. Huyện Cát Hải tổ chức nhiều hoạt động văn hóa- nghệ thuật tại lễ hội truyền thống năm 2014
Sáng 4-3, huyện Cát Hải tổ chức hội nghị báo cáo tình hình KTXH năm 2013, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động lễ hội kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá (31-3-1959), ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam và khai mạc Du lịch Cát Bà năm 2014. Tại hội nghị, đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chủ khách sạn, nhà hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn đến dự và ủng hộ hơn 1 tỷ đồng phục vụ công tác tổ chức các hoạt động của lễ hội và quảng bá du lịch Cát Bà. Đại diện Viettel giới thiệu chương trình SMS welcome, tin nhắn cung cấp thông tin du lịch Cát Bà (soạn CATBA gửi 6000).
Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết: huyện tập trung tổ chức tốt các hoạt động lễ hội truyền thống Cát Hải năm 2014 diễn ra từ 15 đến 31-3-2014. Trong đó, mở đầu chuỗi các hoạt động là hội nghị tổng kết cuộc thi báo chí “Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013” và hội diễn văn nghệ quần chúng khu Hà Sen ngày 15-3. Hoạt động trọng tâm của lễ hội là lễ kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá (31-3-1959 - 31-3-2014)- ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1-4-1959 – 1-4-2014) - khai mạc du lịch Cát Bà năm 2014 diễn ra vào tối 30-3 và giải đua thuyền rồng tranh Cúp Báo Hải Phòng lần thứ 20 các tỉnh, thành phố ven biển Đồng bằng sông Hồng vào chiều 30-3. Một số hoạt động nổi bật khác trong khuôn khổ lễ hội như: tổ chức “Ngày toàn dân chung tay vì huyện đảo Cát Hải xanh - sạch - đẹp”; hội chợ triển lãm du lịch - thủy sản Cát Bà 2014”; giải bóng đá thanh niên, học sinh THPT huyện Cát Hải 2014; giải bóng chuyền mở rộng huyện Cát Hải 2014; giải đua thuyền rồng nữ huyện Cát Hải; giải đua thuyền kayak của du khách quốc tế; hội trại thanh niên… (Báo Hải Phòng Online 4/3)
Ngày 1/3, UBND xã Nam Sơn, huyện An Dương và Ban quản lý di tích lịch sử đình Vật Cách Hạ tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp thành phố và khai mạc lễ hội Xuân 2014.
Đình Vật Cách Hạ (thường gọi là đình Cách Hạ) thuộc thôn Cách Hạ, xã Nam Sơn, huyện An Dương là kiến trúc văn hóa tâm linh tín ngưỡng cổ truyền của dân làng Cách Hạ... (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr10)
Sáng 4/3, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịc tổ chức lễ khai giảng lớp lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ du lịch cho thuyết minh viên năm 2014… Tham gia lớp học có 61 học viên là thuyết minh viên các điểm du lịch trên địa bàn thành phố… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr11)
Mặc dù chưa hết lượt đi V.League 2014 nhưng Hải Phòng đã bổ sung lực lượng để chuẩn bị cho các trận đấu lượt về. Trung vệ Nguyễn Anh Tuấn là cái tên đầu tiên và đây là sự bổ sung khá hợp lý bởi vị trí này của đội bóng đất Cảng còn khá mỏng… (An ninh Hải Phòng 5/3 Tr11)