Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 31/5/2012)
Hôm qua 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 2 dự thảo Luật Quảng cáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng:
Việc xây dựng và ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính là hết sức cần thiết. Song, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần thể hiện và tách bạch rõ hơn giữa xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính được các đại biểu tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước là 2 tỷ đồng. Tương tự như mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính được chỉnh lý trình Quốc hội tại kỳ họp này và tại Điểm b, Khoản 15, Điều 24 chỉ quy định xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước với mức tối đa là 500 triệu đồng, là chưa hợp lý so với mức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tài nguyên khác. Vì nước là loại tài nguyên đặc biệt quan trọng, tôi đề nghị mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực tài nguyên nước là 2 tỷ đồng.
Tại Khoản 4, Điều 46 dự thảo luật liệt kê cụ thể các chức danh không có thẩm quyền xử phạt của Tổng cục trưởng, Cục trưởng, đây là các chức danh đang được quy định trong Nghị định số 07 ngày 9-2-2012 của Chính phủ quy định về giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành. Vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc vì việc liệt kê các chức danh gắn với các cơ quan như Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Trồng trọt và một số chức danh khác thì khi Chính phủ nâng lên thành Tổng cục trưởng, luật phải sửa.
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực tại Điều 24, tôi đề nghị chỉ phân tối đa 5 mức phạt là phù hợp. Về thẩm quyền xử phạt, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm cho Chủ tịch UBND cấp xã có thêm thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng như buộc tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép để phù hợp với một số quy định hiện hành tại Khoản 1 Điều 39. (Báo Hải Phòng 31/5; Nông thôn ngày nay 31/5)
Ngày 29- 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về Luật Giám định tư pháp và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng:
Không nên quy định cụ thể, liệt kê nhấn mạnh nội dung trọng tâm của một số văn bản pháp luật.
Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật quy định tại Điều 10 dự thảo luật, theo tôi mọi văn bản pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ban hành yêu cầu phổ biến, giáo dục văn bản pháp luật tới các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi văn bản pháp luật điều chỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan là cần thiết và quan trọng như nhau, chỉ khác nhau là có văn bản pháp luật là trọng tâm của lĩnh vực đối tượng này mà không phải là trọng tâm của lĩnh vực của đối tượng kia. Vì vậy, đề nghị dự án luật không nên quy định cụ thể liệt kê nhấn mạnh nội dung trọng tâm của một số văn bản pháp luật. Như vậy sẽ tạo nên sự khác biệt về sự quan trọng và cần thiết của các văn bản pháp luật đã ban hành và mất đi sự bình đẳng giữa các văn bản pháp luật khi quy định là nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về đối tượng đặc thù cần được ưu tiên trong phổ biến giáo dục pháp luật quy định ở Chương 2 của dự án luật. Đối tượng đặc thù được quy định trong dự án luật là những người có ít khả năng điều kiện thực tế để tiếp cận với các văn bản pháp luật, nhưng lại sống, làm việc, hoạt động trong điều kiện môi trường khó khăn và dễ vi phạm pháp luật, nhất là đối với những đối tượng đã vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật cần được giáo dục, hướng dẫn nhằm giúp đỡ họ nâng cao kiến thức và ý nghĩa chấp hành pháp luật để họ trở thành những công dân tốt hơn, đó là tính nhân văn của xã hội ta. Vì vậy, việc quy định đối tượng đặc thù cần được ưu tiên trong phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc.
Tôi đồng tình cao với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vào nhóm đối tượng đặc thù cần ưu tiên phổ biến, giáo dục pháp luật. Bởi đây là đối tượng có trình độ, hiểu biết cao, hoạt động trong điều kiện môi trường thường xuyên có cơ hội tiếp cận với các văn bản pháp luật. Việc nắm, hiểu các quy định của pháp luật và thực thi pháp luật là trách nhiệm và nghĩa vụ bắt buộc đối với họ trong việc thực hiện nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định, nhất là những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc hằng ngày của họ. (Báo Hải Phòng 30/5; An ninh Hải Phòng 31/5)
Sáng 30-5, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục làm việc, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 13-4-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa 10 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì hội nghị.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, ý kiến thảo luận của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và đại biểu, đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 27, kinh tế biển thành phố có những chuyển biến tích cực.
Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các địa phương ven biển về vai trò quan trọng của kinh tế biển với phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói riêng và cả nước nói chung được nâng lên rõ rệt. Thành phố xác định rõ, xây dựng quy hoạch, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế biển; tạo cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; đào tạo nhân lực kinh tế biển. Hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông khu vực cảng được quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển thêm cảng chuyên dùng phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển. Nuôi trồng thuỷ sản phát triển khá mạnh mẽ, với nhiều loại hình nuôi đạt hiệu quả cao, bước đầu chủ động trong việc tổ chức sản xuất, giữ vững và nâng dần nhịp độ phát triển; diện tích nuôi được mở rộng. Việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. An toàn, an ninh trên biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Đó là do việc tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết còn chậm; công tác lập, phê duyệt các quy hoạch có liên quan đến phát triển kinh tế biển nhìn chung chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển; tiến độ triển khai các dự án lớn, tạo động lực phát triển kinh tế biển chậm; số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ về cảng biển ít, hạn chế về kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh; giá, phí các loại dịch vụ còn cao so với các cảng biển khác làm hạn chế tính cạnh tranh; việc phát huy tiềm năng lợi thế phát triển các khu công nghiệp ven biển và đóng tàu khó khăn; kinh tế thủy sản thiếu bền vững; tài nguyên biển đang có nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm môi trường; chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ chưa đồng đều. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do khủng hoảng kinh tế, cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ…
Để khai thác các tiềm năng, lợi thế từ biển, nâng tỷ trọng GDP kinh tế biển đóng góp vào GDP chung của thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là các địa phương ven biển tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và lợi thế kinh tế biển; thường xuyên sơ kết, tổng kết, bổ khuyết nhiệm vụ, giải pháp kịp thời. Cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các khu kinh tế, các dải ven biển, không gian biển; tranh thủ huy động các nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế biển; tăng cường quản lý nhà nước về biển đảo, đồng thời tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp kinh tế biển theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu KHCN, bảo vệ môi trường biển; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế nhằm khai thác lợi thế từ biển. Trong quá trình phát triển kinh tế biển cần thường xuyên tuần tra, bảo đảm an ninh trên biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí ban hành kết luận về nội dung này.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2009 - 2011 của thành phố là 94.249 tỷ đồng, trong đó riêng hai năm 2009-2010, đầu tư cho lĩnh vực thủy sản là 784 tỷ đồng, lĩnh vực vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc là 12.658,8 tỷ đồng, lĩnh vực khách sạn, nhà hàng là 551,1 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011-2015: Phấn đấu đưa tỷ trọng GDP của Hải Phòng trong GDP của cả nước đạt mức 5,1-5,2%, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13-13,5%/năm. (Báo Hải Phòng 31/5; An ninh Hải Phòng 31/5; Truyền hình Hải Phòng 31/5)
Ngày 30-5, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị tập huấn về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại thành phố Hải Phòng.
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo, người phát ngôn các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị trên địa bàn dự.
Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng và Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Lê Văn Nghiêm cung cấp kiến thức, thông tin về các quy chế: phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; phỏng vấn trên báo chí; xác định nguồn tin trên báo chí; cải chính trên báo chí. Các đại biểu được giới thiệu, hướng dẫn kỹ năng cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn báo chí; chuẩn bị và tổ chức họp báo, viết thông cáo báo chí phục vụ thông tin đối nội và đối ngoại… Nội dung tập huấn cũng đề cập đến mối quan hệ, liên hệ giữa người phát ngôn với báo chí và công chúng; hướng dẫn công tác thông tin đối ngoại ở địa phương như quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, các nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Tại hội nghị, bên cạnh việc các giảng viên cung cấp thực tế và một số bài học kinh nghiệm trong xử lý thông tin và phát ngôn với báo chí, nhiều ý kiến thực tiễn từ cơ sở trong quá trình thông tin, phát ngôn, xử lý thông tin được trao đổi, làm rõ.
Hội nghị thiết thực bổ ích đối với lãnh đạo, người phát ngôn và cơ quan quản lý thông tin truyền thông của các địa phương, sở, ngành, nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động báo chí ở địa phương, góp phần hữu ích trong quảng bá, phát triển kinh tế xã hội thành phố và các địa phương, nâng cao đời sống của người dân. (Báo Hải Phòng 31/5)
Đánh giá được đưa ra sau đợt khảo sát của dự án nâng cao nhận thức người tiêu dùng về rau an toàn và rau hữu cơ do Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) thực hiện. Nhiều ý kiến trao đổi chung quanh kết quả khảo sát và thực tế cung và cầu RAT tại Hải Phòng được đưa ra trong Hội thảo “Nhận thức người tiêu dùng về rau an toàn và rau hữu cơ” sáng 30-5 tại Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, do Hội đo lường và bảo vệ người tiêu dùng Hải Phòng tổ chức.
Bà Lê Thị Minh Hà, cán bộ dự án cho biết, có đến 90% người tiêu dùng (NTD) biết rằng sử dụng rau an toàn (RAT) tốt cho sức khỏe. Nhưng cũng có tới 90% NTD không thể phân biệt được RAT và rau thông thường bằng mắt thường. Chỉ có khoảng 14% NTD được hỏi cho biết đã mua, sử dụng và biết nơi để mua RAT.
Trong 6 tỉnh, thành phố được khảo sát đợt này, NTD tại Hải Phòng và Vĩnh Phúc phân biệt RAT với rau thông thường tốt hơn những địa phương còn lại trong đó có Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang. Tuy vậy, chi phí NTD bỏ ra cho RAT của Hải Phòng lại thấp nhất trong số 6 địa phương khảo sát. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tại Hải Phòng có chưa đến 10% NTD tin vào các loại chứng nhận RAT. Phần lớn NTD vẫn tỏ ra hoang mang không biết tin tưởng vào loại chứng nhận nào.
Theo ông Đoàn Hữu Thanh – Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ (Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng), tổng diện tích trồng rau của thành phố là hơn 1200 ha. Trong đó có 766 ha rau chuyên canh. Chỉ có hơn 120 ha RAT. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất RAT còn chưa dáp ứng yêu cầu. địa chỉ cung cấp RAT vẫn còn ít so với nhu cầu. NTD còn chưa tin tưởng vào chất lượng RAT bán tại hệ thống các cửa hàng phân phối nên nhiều cửa hàng khó duy trì hoạt động. (Báo Hải Phòng 31/5)
Sáng 30-5, Công ty TNHH MTV ximăng Vicem Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí :Nguyễn Hữu Doãn, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban tuyên giáo; Lê Văn Chung, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên TCT công nghiệp Xi măng Việt Nam và hơn 100 đại biểu đại diện cho gần 1.300 cán bộ công nhân công ty.
55 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng bộ và đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty xi măng Hải Phòng luôn phát huy truyền thống “Đoàn kết, kiên cường, sáng tạo”, phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong mỗi giai đoạn của đất nước. Công ty là đơn vị đầu tiên trong Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam hoàn thành tốt quá trình chuyển đổi sản xuất, xây dựng thành công Nhà máy xi măng Hải Phòng mới tại Tràng Kênh, Minh Đức (Thuỷ Nguyên), công suất 1,4 triệu tấn/năm, công nghệ tiên tiến. Tiếp tục thực hiện tốt lời dạy của Người, trong dịp kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy, cùng với triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết TƯ 4 “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ công ty tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ và công nhân viên toàn công ty, với những mục tiêu, chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó, phát huy lợi thế thương hiệu để chiếm giữ thị phần cốt lõi; đầu tư cải tạo, nâng công suất của nhà máy lên gấp đôi công suất hiện nay; chủ động nguồn nguyên liệu; không ngừng cải tiến hệ thống thiết bị hiện có để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường; đa dạng hóa sản phẩm…
Nhân dịp này, Công ty xi măng Hải Phòng khen thưởng 5 tập thể và 8 cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Báo Hải Phòng 31/5)
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế thiếu nhi, chiều 30-5, Thành Đoàn, Hội đồng Đội thành phố tổ chức thăm và tặng quà trẻ em bị bệnh nặng đang được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện An Dương.
Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, đại diện đoàn đến thăm trao 7 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tặng các em nhỏ bị bệnh nặng như suy tủy, bạch cầu cấp M2, viêm màng não mủ, u nang ống mật chủ, viêm phúc mạc ruột thừa cấp…đang được chăm sóc tại Khoa Tim mạch và Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện. Các thành viên trong đoàn ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, động viên các em chóng bình phục để trở về học tập, sinh hoạt cùng các bạn.
Thăm 4 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện An Dương là Ngô Anh Dũng và Hà Vũ Dũng ở thôn Cách Thượng (xã Nam Sơn) bị bệnh ung thư mắt và gan, Trần Thị Hải Yến và Phạm Thị Diệu Anh, học sinh Trường tiểu học Đại Bản 1 (xã Đại Bản), gia đình thuộc diện hộ nghèo, đại diện đoàn đến thăm bày tỏ sự cảm thông đối với hoàn cảnh của các em, chúc các em mau khỏe, vượt khó, tiếp tục là con ngoan, trò giỏi. (Báo Hải Phòng 31/5)
Sáng 30/5, Công an thành phố phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Công an đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu về Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành cho CBCS công an các đơn vị, địa phương và lực lượng công an xã… (PTH, An ninh Hải Phòng 31/5)
Sáng 27/5, tại khu vực đê sông thuộc thôn Duyên Hải, xã Tiên Hưng, Hội CTĐ huyện Tiên Lãng phối hợp với UBND xã Tiên Hưng tổ chức diễn tập PC-LB, TKCN năm 2012… (An ninh Hải Phòng 31/5)
Khoảng 8 giờ 30 ngày 30-5, nhận được tin báo của nhân dân, Phòng Pháp chế-điều tra, xử lý vi phạm PCCC (Sở cảnh sát PCCC thành phố) Công an phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) và các Công ty: Vietga, Fga phối hợp phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1984, trú tại số nhà 11, ngõ 53, đường Đồng Thiện, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) có hành vi sang chiết ga trái phép.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu tại chỗ 681 bình ga du lịch và 3 bình ga loại 12kg.
Cùng lúc, lực lượng chức năng phát hiện Đỗ Văn Truyền (sinh năm 1984, là em vợ Dũng, trú tại nhà số 17, ngõ 53, đường Đồng Thiện, phường Vĩnh Niệm) cũng có hành vi sang, chiết ga trái phép, thu tại nhà Truyền 1 bộ dụng cụ sang chiết ga, 6 bình ga loại 12kg và 1400 bình ga du lịch, trong đó có hàng trăm bình ga đã sang chiết xong, chờ đem đi tiêu thụ.
Bước đầu, Nguyễn Văn Dũng khai nhận, từ quê ở xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cùng vợ con ra Hải Phòng thuê nhà số 11, ngõ 53, Đồng Thiện, Vĩnh Niệm, quận Lê Chân để sinh sống và hành nghề sang chiết ga trái phép từ tháng 1 năm 2010. Dũng mua các bình ga lớn (loại 12kg) đem về cho vào dụng cụ sang chiết ga trái phép ra bình ga du lịch, trung bình mỗi bình ga lớn sang được 70 bình ga du lịch, đem bán “cất” được 6000 đồng/bình. Qúa trình “làm ăn” thấy có lãi lớn, Dũng kéo thêm em vợ là Đỗ Văn Truyền, ở cùng quê Hà Nam, ra thuê nhà số 17, ngõ 53, Đồng Thiện để cùng “hành nghề”. Được một thời gian, Truyền gọi em ruột là Đỗ Văn Tuấn, sinh 1995, ra giúp Truyền thao tác nạp ga trái phép vào bình ga du lịch bán kiếm lời. Số vỏ bình ga du lịch, Dũng mua được của các đối tượng bán chè chai lông vịt, đem về tái nạp ga.
Theo Thượng tá Lê Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Pháp chế-điều tra, xử lý vi phạm về PCCC cho biết, các đối tượng Dũng, Truyền, Tuấn đã dùng bình ga du lịch (sử dụng một lần) để nạp ga nhiều lần, khiến cho vỏ bình bị han gỉ, mỏng đi, không bảo đảm an toàn, gây nguy cơ cháy nổ cao. Dũng, Truyền, Tuấn còn sử dụng các gian nhà bếp, nhà vệ sinh để chiết nạp ga trái phép ngay trong khu dân cư và chỉ cách xưởng cơ khí ở gần đó hơn 10m là cực kỳ nguy hiểm về cháy, nổ.
Chiều cùng ngày, tại cửa hàng ga Huy Hòa số 27 đường Lý Hồng Nhật (phường Cát Bi, quận Hải An) cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang nhân viên cửa hàng đang sang chiết ga trái phép hơn 400 bình ga du lịch.
Hiện, Sở Cảnh sát PCCC thành phố đang hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý nghiêm các vụ sang chiết ga trái phép nêu trên. (Báo Hải Phòng 31/5; Tiền Phong 31/5; Pháp luật Việt Nam 31/5; Công an nhân dân 31/5; Dân trí 31/5; Gia đình & Xã hội 31/5; Tuổi trẻ 31/5; Người lao động 31/5; Lao động 31/5; vtc.vn 31/5; vov.vn 31/5; VietnamNet.vn 31/5; Thời báo Kinh doanh 31/5)
Nhưng HĐXX nhận định, Dũng có tham gia giới thiệu để bán dự án kho bãi container của Cty TNHH V.K Hải Phòng; ngày 17-4-2009, BIDV Hải Phòng tổ chức họp bàn chuyển nhượng dự án, Dũng cũng tham dự.
Như PL&XH đã thông tin, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2 của TAND TP Hà Nội, cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV, Đoàn Tiến Dũng vẫn quả quyết, món tiền "kếch sù" mà ông Hoàng Văn Khánh, Tổng Giám đốc Cty TNHH V.K Hải Phòng đưa là "quà cảm ơn", tiền môi giới mà bị cáo được hưởng khi giới thiệu ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dầu khí ANPHA Hải Phòng mua lại dự án kho bãi container của Cty TNHH V.K Hải Phòng. Bị cáo nói, có phê vào công văn chỉ đạo BIDV Hải Phòng giải ngân cho Cty TNHH V.K Hải Phòng và Dũng cho rằng, mình sai vì "giải quyết đơn thư vượt cấp". Luật sư bào chữa cho Dũng khẳng định, Dũng không có thẩm quyền can thiệp đến BIDV Hải Phòng thì làm sao có thể gây ảnh hưởng. Thực tế, chưa có Cty nào trả giá cho dự án kho bãi container cao hơn ông Loan. Vì thế, không thể khẳng định, Dũng o ép ông Khánh phải nhượng dự án này cho Cty CP Dầu khí ANPHA. Vậy, có hay không việc gây khó dễ để yêu cầu ông Khánh "lót tay" 5 tỉ đồng? Các luật sư khẳng định, chỉ dựa vào lời ông Khánh thì chưa đủ căn cứ. Bào chữa cho Bình, luật sư phân tích, Bình chỉ làm theo chỉ đạo của Dũng, nhận hộ tiền. Vì ông Khánh và Dũng có mối quan hệ chú cháu nên Bình không mảy may nghĩ tới khoản tiền nhận hộ là tiền "đi đêm". Thế nên, Bình không hề che giấu và nhờ cấp dưới nhận giúp tiền ông Khánh chuyển. Ở phi vụ này, Bình không được hưởng lợi.
Nhưng HĐXX nhận định, Dũng có tham gia giới thiệu để bán dự án kho bãi container của Cty TNHH V.K Hải Phòng; ngày 17-4-2009, BIDV Hải Phòng tổ chức họp bàn chuyển nhượng dự án, Dũng cũng tham dự. Dù ông Khánh đưa Dũng 5 tỷ đồng mà không bị ép buộc thì cựu Phó Tổng giám đốc BIDV vẫn phải chịu trách nhiệm. Tòa phân tích, nếu có bị o ép thì bị cáo đã bị xét xử về hành vi cưỡng đoạt tài sản; chứ không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi. Bình đã tích cực giúp sức cho Dũng nên không thoát tội.
TAND TP Hà Nội ngày 29-5-2012 đã tuyên phạt Đoàn Tiến Dũng 15 năm tù (VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 15 đến 16 năm tù) vì cho rằng, bị cáo đã khắc phục hậu quả lại bệnh tật; Trần Thị Thanh Bình 6 năm tù (VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án 13-14 năm tù) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283 BLHS)".
Đáng lưu ý, 4 tỷ đồng Dũng "trục lợi" và CQĐT đã trả lại cho ông Khánh, tòa yêu cầu sung công quỹ Nhà nước. (Hoa Đỗ, Pháp luật & Xã hội 31/5; Tuổi trẻ thủ đô 31/5)
Hiện trên địa bàn Hải Phòng có hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của thành phố và trung ương. Những dự án này được hoàn thành và đưa vào khai thác không chỉ làm thay đổi bộ mặt đô thị mà còn tạo đà đưa Hải Phòng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhất là kinh tế biển.
Công trình giao thông trọng điểm có tác động lớn nhất về phát triển kinh tế-xã hội tại thành phố đang được dồn sức thực hiện là cải tạo nâng cấp đường 356 Đình Vũ đoạn 2A. Không chỉ đơn thuần là tuyến đường nối khu vực dân cư mà tuyến đường này mở ra khả năng kết nối các cảng biển trong khu vực với cảng biển tại Đình Vũ- nơi có hệ thống cảng nước sâu và đang trong quá trình trở thành khu vực cảng biển hiện đại của cả nước. Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đường thủy, đường bộ (Sở GTVT) Nguyễn Đức Thọ cho biết, theo tính toán ban đầu, công trình thi công đường 356 Đình Vũ sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Sở dĩ thời gian kéo dài cho công trình này lên đến hơn 2 năm là được dự báo khó khăn về GPMB, tuyến đường đạt tiêu chuẩn cao, thời gian thi công lâu. Tuy nhiên, vướng mắc của dự án được tháo gỡ nhanh chóng nhờ sự chỉ đạo, quyết liệt của thành phố và tham gia tích cực của các cơ quan và địa phương liên quan. Vì vậy, chủ đầu tư cam kết sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 2-9-2012, vượt trước 15 tháng so với yêu cầu.
Cầu Bính - cây cầu huyết mạch bắc qua sông Cấm, nối tuyến giao thông từ nội thành đi huyện Thủy Nguyên xảy ra sự cố đâm va bị hư hỏng nặng vào đêm 17-7-2010 đang được thi công phần dầm thép tại Nhật Bản. Dự án sửa chữa cầu do khó khăn về vốn, được Chính phủ cho phép sử dụng vốn ODA. Ngay sau khi thống nhất với JICA (tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản)- phía cho vay vốn, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng báo cáo đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục để phấn đấu hoàn thành việc sửa chữa cầu vào cuối năm 2012, sớm hơn 5 tháng so với tiến độ của Hiệp định vay vốn. Hiện nay, dự án bắt đầu khởi động tại Nhật Bản và ngày 2-7-2012 sẽ tập trung lực lượng sửa chữa lớn tại cầu. Trong thời gian này, ngành GTVT Hải Phòng lên kế hoạch điều tiết giao thông thủy dưới chân cầu và điều động thêm phà cho tuyến phà Bính (vẫn đang hoạt động phục vụ nhân dân).
Một dự án quan trọng thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân là dự án cải tạo cầu đường sắt Tam Bạc và thi công cầu đường bộ, tách riêng đường sắt với đường bộ để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Theo BQL dự án đường sắt khu vực 2 (Cục Đường sắt Việt Nam), dự án này là 1 trong 5 dự án trọng điểm của quốc gia được xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ, vì vậy chủ đầu tư và nhà thầu đang tập trung thi công phấn đấu hoàn thành trước quý 2- 2013. Ngoài ra, một số dự án bảo đảm ATGT trên địa bàn thành phố cũng đang được triển khai đồng bộ, hướng tới thực hiện tốt chủ đề “Năm đô thị và an toàn giao thông 2012” như: dự án bảo đảm ATGT trên tuyến quốc lộ (QL) 5, lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông, mở thêm các tuyến xe buýt, cải tạo 7 tuyến đường nội thành… (Báo Hải Phòng 31/5)
Trên quốc lộ 5, 5 xe khách loại 45 chỗ ngồi nối đuôi chạy với tốc độ rùa bò. Dẫn đầu là xe 30N-1128. Có lúc xe này dừng hẳn để bắt khách, xe đằng sau phải dừng, không xe nào dám vượt… Đây là cảnh tượng đã được PV VTV ghi lại từ thực tế "cạnh tranh" kiểu xã hội đen đang diễn ra ở quốc lộ 5.
Trong thời gian từ cuối năm 2011 đến nay, nhiều hành khách đi tuyến Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại đã phản ánh tình trạng xe ô tô vận tải hành khách cạnh tranh theo kiểu xã hội đen. Ngày 4/4/2012, Văn phòng chính phủ đã có văn bản tuyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi UBND 4 tỉnh thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương yêu cầu phải có biện pháp xử lý, lập lại trật tự an toàn giao thông trên QL5, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của hành khách. Tuy nhiên tình tạng này vẫn chưa được chấm dứt.
17 giờ ngày 27/5, trên quốc lộ 5 đoạn từ Quán Toan - Hải Phòng hướng về Hà Nội, một đoàn xe gồm 5 xe khách loại 45 chỗ ngồi nối đuôi nhau chạy với tốc độ rùa bò. Tuy nhiên các xe dều chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội và xuất phát khỏi bến Tam Bạc cách nhau 15 phút. Dẫn đầu là chiếc xe mang biển số 30N-1128. Có lúc chiếc xe này dừng hẳn để bắt khách, cả 5 xe đằng sau cũng phải dừng, không một xe nào dám vượt.
Không chỉ trên đường, mà ngay khi xuất bến, chiếc xe này đã ngang nhiên đỗ hàng chục phút ngay cổng ra vào bến Tam Bạc để bắt khách. Những người dân cho biết, đó là việc thường xuyên xảy ra.
Theo phản ánh của nhiều lái, phụ xe, các xe đó là của một số công ty vừa mới được cấp phép tham gia tuyến vận tải này. Đã có nhiều vụ các lái xe phản ánh đến cơ quan chức năng hoặc vô tình vượt qua các xe đó đã bị những người lạ mặt dọa đánh hoặc cố tình gây sự theo kiểu xã hội đen. Cả đoàn xe vẫn nối đuôi nhau về đến tận cửa ngõ Thủ đô.
Chỉ đến khi chốt cảnh sát giao thông đội 5 thành phố Hà Nội ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì các xe khác mới vượt qua được. Xe 30N-1128 đã phải tạm dừng hoạt động do lái xe bị cảnh sát giao thông Hải Dương lập biên bản quá 14 ngày chưa đến xử lý.
Việc cho nhiều hãng cạnh tranh là cần thiết, nhưng với kiểu cạnh tranh như xe khách ở đường 5, hành khách là đối tượng phải chịu hậu quả, vì giờ chạy phải kéo dài thêm 30 đến 50 phút trên đường. Đó là chưa kể đến sự mất an toàn luôn rình rập do các lái xe luôn trong tình trạng bị ức chế.
Đã đến lúc cơ quan chức năng nên rà soát, tạm dừng cấp phép các công ty khai thác chở khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng trên quốc lộ 5. Kiên quyết xử lý những lái phụ xe vi phạm luật giao thông và đạo đức người lái xe. (Hoàng Lương, vtv.vn 31/5)
Đến hết tháng 4, quận Hồng Bàng xét cấp 119 giấy phép xây dựng nhà ở; kiểm tra, xử phạt hành chính 9 trường hợp xây dựng nhà không có giấy phép, thu nộp ngân sách 110 triệu đồng; tháo dỡ 3 công trình lấn chiếm đất công xây dựng trái phép… (Báo Hải Phòng 31/5)
Tình trạng vi phạm xây dựng nhà chưa có giấy phép xây dựng tại bãi sông đê hữu Lạch Tray được UBND quận Kiến An xử lý triệt để… Đội thanh tra xây dựng quận phối hợp với UBND các phường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn. Đội kiểm tra 109 trường hợp xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 220 triệu đồng… (Báo Hải Phòng 31/5)
Chiều 30-5, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố làm việc với Trường Giáo dục Lao động Thanh Xuân Hải Phòng về tình hình hoạt động thời gian qua.
Hiện, trường đang quản lý 59 học viên và chăm sóc 21 trẻ nhiễm HIV, trong đó 90% học viên nghiện ma túy, 80% học viên bị nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trường gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc học viên và trẻ mồ côi nhiễm HIV do thiếu biên chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, chật chội, kinh phí chữa bệnh, dạy nghề, trang trải sinh hoạt hàng ngày của học viên và trẻ nhiễm HIV thấp…
Trên cơ sở kiểm tra thực tế và nghe báo cáo hoạt động của trường, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội Hoàng Duy Đỉnh chia sẻ những khó khăn của trường và đề nghị: nhà trường tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giáo dục học viên; liên kết với cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên và học viên. Từ nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ, trường tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, sôi nổi cho học viên và trẻ mồ côi nhiễm HIV, đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại nhà trường. Các ngành Tài Chính, Giáo dục-Đào tạo, Lao động Thương binh Xã hội tham mưu với UBND thành phố thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên; hỗ trợ y tế, giáo dục, dạy nghề giúp nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. (Báo Hải Phòng 31/5)
Hưởng ứng tháng Hành động vì trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Huyện ủy, UBND huyện An Lão tổ chức thăm và tặng quà các cháu thiếu nhi 19 trường mầm non trên địa bàn và Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng. Mỗi trường được tặng một suất quà trị giá 800 nghìn đồng. Toàn bộ nguồn kinh phí lấy từ quỹ Bảo vệ và chăm sóc trẻ em của huyện.
Những năm gần đây, giáo dục mầm non huyện An Lão có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất các trường đều được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của cô trò các nhà trường. Năm học 2011-2012, các nhà trường khắc phục khó khăn, không ngừng nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Nhân dịp này, các trường tổ chức nhiều hoạt động liên hoan văn nghệ đặc sắc, vui Tết thiếu nhi 1-6, làm lễ ra trường cho các cháu lớp 5 tuổi. Đồng thời phát động các cấp ngành, toàn dân trong huyện xây dựng quỹ Bảo trợ trẻ em góp phần thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc và giáo dục trẻ em. (Báo Hải Phòng 31/5)
Chương trình xây dựng nông thôn mới đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng tích cực triển khai. Cùng tham gia vào tiến trình đó có sự chung tay, góp sức tích cực của các doanh nghiệp, HTX thành viên Liên minh HTX thành phố... Đến nay có 109 HTX là thành viên Liên minh HTX thành phố tham gia vào hầu hết các lĩnh vực phục vụ đời sống xã hội, cộng đồng ở khu vực nông thôn như: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tín dụng… (Tiến Đạt, Thời báo kinh doanh 31/5)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hải Phòng tháng 5 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,7% so với tháng 12- 2011, tăng 8,96% so với cùng tháng năm trước. Bình quân 5 tháng qua, CPI tăng 13,93% so với bình quân 5 tháng năm ngoái.
CPI trong tháng tăng nhẹ, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 20-4. Tháng 5 có 8 nhóm hàng hóa tăng nhưng mức tăng không đáng kể, trong đó có 6 nhóm tăng dưới 1%. Nhiều nhóm hàng hóa giảm giá.
Trong nhóm giảm giá, giá gạo tiếp tục giảm góp phần làm chỉ số nhóm lương thực giảm 0,98% so với tháng trước. Giá thịt lợn giảm mạnh do người tiêu dùng lo ngại tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn; giá rau xanh giảm do thời tiết thuận lợi, một số loại rau vào chính vụ, nguồn cung dồi dào.
Trong nhóm các mặt hàng tăng giá, bơ, sữa tăng giá từ 0,5-3%. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng do ảnh hưởng của giá dịch vụ tăng cao. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,91% so với tháng trước, trong đó tăng khá mạnh ở mặt hàng máy điều hoà, tủ lạnh... Nhóm giao thông tăng 1,39% so tháng trước. Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng cao nhất với mức tăng 3,83% so với tháng trước.
Giá vàng giảm mạnh khiến chỉ số giá vàng tháng này giảm 1,29% so với tháng trước. Tỷ giá USD/VNĐ không biến động. (Báo Hải Phòng 31/5)
Trong tháng 5, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 8,8%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 21,1% so với cùng kỳ, hoạt động thương mại nội địa có nhiều chuyển biến tích cực… đã đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của ngành công thương.
Sở Công thương Hải Phòng cho biết: Cùng với những dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, ngành công thương Hải Phòng tháng 5/2012 đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, hoạt động của các DN trên địa bàn tương đối ổn định, kéo theo sản xuất công nghiệp của tỉnh được duy trì ở mức khá.
Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 5/2012 tăng 8,8% so với cùng kỳ tương ứng với 7.792 tỷ đồng trị giá. Tính chung cả 5 tháng đầu năm, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 4,2% so với cùng kỳ và đạt 34.644 tỷ đồng, trong đó có một số ngành có chỉ số phát triển khá cao như: sản xuất phân bón, hóa chất + 55,3%; ngành đóng mới và sửa chữa tàu + 58%; sản xuất bia + 20,6%, sản xuất và phân phối điện + 17,4%...
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu mới chính là điểm nhấn quan trọng của ngành công thương Hải Phòng tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố tháng 5/2012 đạt 207,2 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Tính chung cả 5 tháng, Hải Phòng đã xuất khẩu 961,8 triệu USD trị giá hàng hóa, tăng 16,7% so với cùng kỳ, bao gồm các mặt hàng chủ yếu như: hàng thủy sản 19,3 triệu USD, hàng nông sản 2,9 triệu USD, thực phẩm chế biến 4,1 triệu USD, sản phẩm plastic 50,9 triệu USD, hàng dệt may 69,2 triệu USD, giày dép 242,9 triệu USD…
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại nội địa của Hải Phòng những tháng đầu năm cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 20.813,8 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ. Trong đó, khối kinh tế nhà nước đạt 1.219,8 tỷ đồng, tăng 15,5%; kinh tế ngoài quốc doanh đạt 18.203,8 tỷ đồng, tăng 24,2% và khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.390,2 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành công thương phát triển Sở Công thương thành phố cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như: chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công quốc gia đợt 1 và đề nghị Sở Tài chính phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2012; cung cấp thông tin và vận động các DN trên địa bàn thành phố tham gia một số hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ giao dịch hàng xuất khẩu Chiết Giang tại Hà Nội, hội thảo thị trường Nhật Bản - cơ hội cho các DN Việt Nam; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho các DN trên địa bàn thành phố…
Theo nhận định của ông Phạm Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương thành phố, mặc dù những tháng đầu năm ngành công thương Hải Phòng gặp nhiều khó khăn do tác động chung của nền kinh tế nhưng với sự nỗ lực của các DN, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn kịp thời của các cơ quan chức năng ngành công thương Hải Phòng đã thu được những thành quả đáng khích lệ.
Ông Phương cũng cho biết, nhằm duy trì được sự ổn định này, sang tháng 6/2012 Sở Công thương thành phố sẽ tập trung triển khai một số công tác trọng tâm như: tiếp tục bám sát tình hình hoạt động của các DN sản xuất và kinh doanh, các dự án đầu tư nhất là các dự án thuộc ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực… trên địa bàn thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN góp phần tạo đà tăng trưởng cho năm 2012; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch cung ứng điện; tổ chức thẩm định năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ cho DN trên địa bàn thành phố theo ủy quyền của Bộ Công Thương; tiếp tục cập nhật thông tin về thị trường châu Á, châu Phi nhằm cung cấp thông tin cho các DN; tổ chức tiếp xúc với chủ đầu tư các dự án công nghiệp đang gặp khó khăn để tháo gỡ khó khăn cho DN; chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp xây dựng các đề án khuyến công địa phương đợt 2/2012; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2012… (Việt Nga, Kinh tế Việt Nam 31/5)
Đây là kết quả các cấp Hội Nông dân Hải Phòng đạt được trong huy động các nguồn vốn để tín chấp cho hội viên, nông dân vay phát triển kinh tế.
Hiện, Hội huy động vốn từ 3 nguồn cơ bản: dự án quốc gia hỗ trợ việc làm; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố… (Báo Hải Phòng 31/5)
Ngày 2/12/2011, UBNd Tp. Hải Phòng có trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án cho Dự án nạo vét Cảng Lạch Huyện”. Phương án 1 đổ bùn trong khu vực sau đê chắn sóng của 2 bến khởi động tại khu vực Nam Cát Hải. Phương án 2 đổ bùn tại KCN Nam Đình Vũ… Tuy nhiên, ngày 3/4/2012, Bộ GTVT lại có Văn bản hỏa tốc số 2272 gửi UBND Tp. Hải Phòng yêu cầu: “Về địa điểm đổ bùn nạo vét có thêm phương án đổ thải ra biển Cát Bà và để Bộ TN&MT có đủ điều kiện thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường”… ngày 15/5/2012, Cục HHVN đã có công văn coi đây là phương án ưu tiên số 1. Cục HHVN cho rằng: Cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16 km (phía nam Cát Bà) luồng đường thông thoáng, chỉ phải chi phí cho nạo hút bùn với số tiền 6.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, con số 6.000 tỷ đồng mà JICA và Cục HHVN đưa ra đã bị nhiều chuyên gia xây dựng phản ứng… Ngày 29/5, trao đổi với TBKTVN, một chuyên gia ngành Hàng hải đã mạnh dạn đề xuất thêm phương án khác. Đó là có thể hút, xả, đẩy cao áp trực tiếp lên đảo Vũ Yên (huyện Thủy Nguyên)… Đối với đề xuất đổ bùn vào khu du lịch biển Cát Bà, chuyên gia này phản đối kịch liệt. Bởi,…, việc làm này là nguy cơ tiềm ẩn phá hoại hàng ngàn ha rừng nằm trong khu dự trữ sinh quyển và hàng trăm loài thực vật trong sách đỏ… (Đinh Tịnh - Trần Kỳ, Thời báo kinh tế Việt Nam 31/5)
Liên tục từ tháng 4 đến nay, tôm nuôi chết hàng loạt ở các vùng nuôi thuộc quận Dương Kinh, Đồ Sơn; ngao và tu hài chết ở Cát Bà, Cát Hải đang khiến nhiều hộ nuôi thủy sản nước lợ lao đao. Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, một trong những nguyên nhân khiến tôm, tu hài, ngao chết hàng loạt là do giống kém chết lượng. Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Tân Thành (quận Dương Kinh) cho biết: “Tại khu vực nuôi thủy sản nước lợ ở Tân Thành hiện có hơn chục đại lý kinh doanh giống tôm sú, tôm he chân trắng. Các đại lý chủ yếu lấy giống tôm về từ các tỉnh Nghệ An, Huế và Đà nẵng. Năm nay, ngay từ đầu vụ, người dân phát hiện có lô giống lấy từ miền Trung ra kém chất lượng.” Có thời điểm, một đại lý kinh doanh giống tôm he chân trắng ở địa phương sau khi phát hiện con giống nhập từ miền Trung về có dấu hiệu nhiễm bệnh đã trả lại toàn bộ lượng giống cho nhà sản xuất. Nhưng sau đó, doanh nghiệp tiếp tục nhập con giống cũng từ miền Trung về cung cấp cho một số hộ nuôi công nghiệp tại địa phương. Chỉ sau 2 tuần thả con giống, tại nhiều đầm nuôi xuất hiện dịch bệnh mới trên tôm là bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô. Hiện, dịch bệnh này tiếp tục lây lan nhanh sang nhiều hộ nuôi và các vùng nuôi dọc đường Phạm Văn Đồng. Theo nhiều hộ dân nuôi tôm ở khu vực ven đê biển 1 (quận Dương Kinh và Đồ Sơn) cho biết: phần lớn họ chỉ phân biệt chất lượng tôm giống bằng mắt thường, thấy tôm vẫn bơi khỏe mạnh, bình thường là mua, chứ không mấy khi hỏi đến giấy chứng nhận kiểm dịch nguồn gốc chất lượng. Trước đây, tại khu vực này có trại sản xuất giống tôm sú và cua biển của Xí nghiệp nuôi trồng thủy sản Kiến Thụy và Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn sẵn sàng cung ứng con giống sản xuất ngay tại địa phương cho người dân, nhưng 7-8 năm nay ngừng sản xuất.
Hiện nay, tại nhiều nơi ở vùng biển Cát Bà có khoảng 60% số hộ nuôi tu hài bị mất trắng vì tu hài chết do dịch bệnh. Trong số 230 bè nuôi tu hài trên vịnh Lan Hạ, có 70% số bè người dân bỏ không, vì không còn vốn để tiếp tục sản xuất. Chị Nguyễn Thị Dẻng, không giấu nổi xót xa: “Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, chúng tôi bị thiệt hại mất trắng vốn vì tu hài cứ thả đến khi được khoảng 2 đốt ngón tay thì bị chết hàng loạt. Chúng tôi nghĩ một phần là do nguồn giống không bảo đảm chất lượng. Thông thường, khi chúng tôi bán sản phẩm cho các tàu thu mua của Trung Quốc thì được các chủ tàu này bán giống tu hài ... ngay tại tàu. Bất đồng ngôn ngữ nên ai cũng ngại hỏi về nguồn gốc giống hay giấy tờ kiểm định con giống. Nếu không mua giống nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc thì thực tế, chúng tôi cũng chẳng biết mua giống ở đâu vì các trại sản xuất của địa phương gần như không sản xuất”.
Trong khi người nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn đang mong con giống chất lượng như “nắng hạn chờ mưa” thì khung cảnh sản xuất của các cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ trên địa bàn thành phố hết sức ảm đạm. Tại cơ sở sản xuất giống tôm sú và cua biển thuộc Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) Đồ Sơn hiện nay có hàng nghìn m2 nhà xưởng, bể nuôi bị bỏ không, công trình xuống cấp. Nước trong bể ương giống lên váng. Tôm không có, nhưng bọ gậy rất nhiều. Nhìn khung cảnh này, ít ai biết rằng, trại giống này được đầu tư xây dựng từ 10 năm trước với công nghệ, thiết bị hiện đại nhất thành phố lúc bấy giờ. Tiếc rằng, hoạt động sản xuất giống tôm ở đây chỉ được duy trì trong 3 năm đầu. Tương tự như vậy, tại trại giống Cái Bèo (Trung tâm giống thủy sản Hải Phòng) hệ thống bể sản xuất, nhà xưởng đều sập sệ, xuống cấp. Trong thời gian chờ đợi đầu tư nâng cấp, cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng giống tu hài, hàu nhưng số lượng “khiêm tốn”. Trước đây, tại các vùng nuôi thủy sản nước mặn, lợ, thành phố đều xây dựng các trại giống do Nhà nước quản lý. Nhưng đến nay, tất cả các điểm sản xuất này đều không duy trì hoạt động. Ông Hoàng Đình Mỹ, Phó giám đốc Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn cho biết: “Cùng với việc chi phí sản xuất tăng do thời tiết đầu vụ của miền Bắc lạnh hơn nhiều so với miền Trung và miền Nam thì con giống được sản xuất tại miền Bắc có giá thành cao gấp 2 đến 2,5 lần, do các cơ sở ngoài này chưa tiếp cận được công nghệ hiện đại. Một cá thể giống bố mẹ nếu sản xuất tại miền Bắc chỉ sinh sản được 3 lứa. Nhưng tại miền Trung, con giống bố mẹ có thể đẻ từ 5 đến 7 lứa. Do đó, các cơ sở sản xuất giống ngại đầu tư sản xuất mà chủ yếu chuyển sang làm dịch vụ giống, nhập giống từ các tỉnh ngoài”.
Với thực trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng con giống thủy sản như hiện nay, e rằng càng đầu tư nuôi quy mô lớn, các hộ dân tại vùng nuôi thủy sản nước lợ, mặn sẽ càng chịu thiệt hại lớn. Điều này rất cần được thành phố quan tâm đầu tư, quy hoạch sản xuất giống thủy sản cho phù hợp, bảo đảm nguồn giống chất lượng phục vụ nhu cầu các vùng nuôi. (Báo Hải Phòng 31/5)
Đặc điểm của công tác THADS luôn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Như việc xác minh điều kiện THA của người phải THA không thể thiếu thủ tục đại diện chính quyền địa phương (thường là cán bộ tư pháp), công an xã (phường) và tổ trưởng nhân dân cùng đi. Nếu thiếu 1 trong 3 chữ ký này thì biên bản xác minh coi như không có giá trị pháp lý. Việc tưởng như đơn giản, nhưng lại không đơn giản khi có một trong các thành phần ngại va chạm, né tránh do có quan hệ dòng tộc hay cả nể. Với những vụ việc phức tạp cần phải cưỡng chế như bàn giao nhà, đất, khấu trừ tài khoản... nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng (ngân hàng) không ủng hộ, phối hợp chặt chẽ thì một mình cơ quan THA không thể làm. Dẫn chứng về việc thiếu sự phối hợp, ông Đinh Đức Quang cho biết, Thủy Nguyên từng xảy ra vụ án chi cục đang thi hành, dù thông báo vụ việc tới chính quyền địa phương đề nghị phối hợp thực hiện nhưng chính quyền địa phương lại tổ chức họp để phản đối quyết định của tòa án. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây khó khăn cho công tác THA. Đến khi giải thích được, tòa án có văn bản trả lời, CHV chi cục mời cán bộ địa phương dự họp chuẩn bị thi hành vụ việc thì ai cũng lấy lý do bận công tác, họp hành... không tham gia.
Để việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương với cơ quan THA chặt chẽ, đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát đối với công tác THA. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan, chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan THA trong việc xác minh điều kiện THA, vận động, thuyết phục người phải THA là hội viên đoàn thể mình, công dân địa phương tự nguyện THA. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan THA trong trường hợp cưỡng chế THA, nhận tài sản, tiền, tài liệu giải quyết theo quy định của bản án, tạo điều kiện cho CHV thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện, giải quyết án tồn đọng kéo dài. Đối với trường hợp đương sự có đơn khiếu nại đến TAND tối cao, VKSND tối cao đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong trường hợp cấp trên chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự, đề nghị Tòa, Viện và các cơ quan trung ương thông báo kịp thời cho các cơ quan THA đang thụ lý vụ việc biết để thực hiện, tránh khiếu nại kéo dài. Đồng thời, những trường hợp cơ quan THA có văn bản đề nghị xem xét lại bản án cũng cần được trả lời sớm.
Hải Phòng là một trong số những địa phương của cả nước có lượng án tồn đọng lớn, án chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao (chiếm 61% số việc). Trong 6 tháng qua, , số việc giải quyết và số tiền thu đều giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 5% về số việc, 27% về số tiền). Ngoài ảnh hưởng điều kiện khách quan như quý 1 vào đúng thời điểm Tết nguyên đán (trước và sau Tết 1 tháng, công tác THA hầu như không giải quyết được), số vụ việc phức tạp tăng, công việc quá tải... thẳng thắn nhìn nhận, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Cục, Chi cục THA còn hạn chế. Một số chi cục trưởng chưa quyết liệt trong chỉ đạo THA, chưa đổi mới quản lý, điều hành tương xứng với vị thế của cơ quan. Lề lối làm việc chưa được cải tiến theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, mặc dù bộ máy tổ chức đã được kiện toàn. Một số CHV trách nhiệm chưa cao, thiếu nhiệt tình, chưa mạnh dạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Số CHV mới bổ nhiệm trẻ tuổi, nhiệt tình trong công việc nhưng lại không nhiều kinh nghiệm, do đó khó vận động, thuyết phục đương sự. Nghề THA rủi ro cao, nhiều khó khăn, phức tạp, trách nhiệm cá nhân lớn nên một số công chức chưa yên tâm, tận tụy, tâm huyết với công việc.
Để giải quyết lượng án tồn đọng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, Cục THADS chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ. Theo Cục trưởng Phạm Ngọc Nghinh, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện nghiêm túc việc rà soát, phân loại án chính xác ở từng chi cục. Từng cán bộ, CHV tập trung, quyết tâm giải quyết dứt điểm các việc có điều kiện thi hành, xử lý theo quy định đối với những việc chưa có điều kiện thi hành, ra các quyết định hoãn, tạm đình chỉ, trả lại đơn kịp thời, chính xác. Các chi cục tổ chức rà soát đầy đủ, chính xác các việc không thể thi hành được theo hướng dẫn của Tổng cục THADS, báo cáo Tổng cục đề nghị Quốc hội miễn THA. Cục chỉ đạo quyết liệt việc cải tiến quy trình làm việc, từng chi cục phải có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể và có biện pháp đẩy nhanh thực hiện các việc có điều kiện thi hành. Đồng thời, mỗi cán bộ, CHV nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. (Phương Nam,Báo Hải Phòng 31/5)
Những cơn mưa lớn diễn ra ngày 23 và 25-5 vừa qua báo hiệu một mùa mưa bão diễn biến khó lường, đây được coi là phép thử đối với hệ thống thoát nước đô thị Hải Phòng. Nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả tiêu thoát nước đô thị trong mùa mưa năm nay bước đầu được khẳng định.
Cơn mưa diễn ra từ 17 giờ đến 19 giờ 15 phút ngày 23-5 tại Hải Phòng với lượng mưa đo được tại Phù Liễn gần 150mm/giờ, lại trùng vào thời điểm triều cường, khiến cho nhiều tuyến đường nội thành xảy ra ngập lụt. 5 điểm “nóng” của thành phố tái diễn ngập như: phường Đồng Quốc Bình; ngã ba Bốt Tròn; đường Trần Nguyên Hãn (đoạn từ ngã tư An Dương đến đường tàu hỏa và đoạn từ cây xăng Trần Nguyên Hãn đến trước số nhà 33); đường Đình Đông; khu vực đường 5 cũ đoạn Quán Toan (đoạn Lâm sản và đoạn từ số nhà 809 đến 873)… có chiều ngập 20-50cm (tính từ tim đường ra 2 bên) đo tại thời điểm 18 giờ, trong đó sâu nhất là điểm Bốt Tròn.
Ngoài ra một số điểm ngập cục bộ như: đường Lê Lợi (đoạn từ Thành Đội-Chu Văn An và từ đầu phố Phó Đức Chính đến Ngã sáu Máy Tơ); đường Cầu Đất (đoạn từ số nhà 134 đến ngã ba Trần Nhật Duật; đường Lương Khánh Thiện (đoạn từ ngã tư Cầu Đất đến trước nhà số 115 và đoạn từ Trần Bình Trọng-Ngã sáu); đường An Đà (từ số 40-100); dốc chân cầu Rào; khu Lâm Tường-Tô Hiệu; đường Trần Hưng Đạo ( trước Công ty Điện lực); đường Minh Khai (đoạn ngã tư Điện Biên Phủ-Minh Khai đến ngã tư Minh Khai-Hồ Xuân Hương) và rải rác một số tuyến đường khác với chiều sâu ngập nước 20-50cm.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, đồng thời là cơn mưa lớn trong thời gian ngắn (2 giờ). Đáng chú ý, mưa vào thời điểm triều cường (mức nước 3,8m lúc 18 giờ) gây bất lợi cho việc tiêu thoát nước mưa. Với lượng mưa này, những năm trước, tất cả tuyến phố nội thành đều ngập sâu trong nước 40-60cm với thời gian nước rút kéo dài 8-10 giờ, riêng các điểm nóng như đường Nguyễn Bình, đường 5 cũ thời gian ngập có thể kéo dài 1-2 ngày. Nhưng trong trận mưa vừa qua, tại 5 điểm nóng trên, thời gian ngập chỉ còn chưa đầy 3 - đến 4,5 giờ; các điểm ngập cục bộ thời gian ngập còn từ 2 giờ đến gần 4 giờ. Có thể thấy rõ, tình trạng ngập lụt giảm thiểu cả về chiều sâu ngập nước và thời gian ngập lụt. Ngay sau khi cơn mưa kết thúc khoảng 1-2 giờ, khá nhiều hộ dân mặt đường Nguyễn Bình tỏ ra vui mừng vì nước thoát trên đường khá nhanh, không xảy ra tình trạng nước ngoài đường tràn vào nhà, phải tát nước từ trong nhà ra như những năm trước.
Đây là những giải pháp được Công ty Thoát nước ưu tiên triển khai ngay từ mùa khô đến trước mùa mưa năm nay nhằm cải thiện tình hình tiêu thoát nước mưa. Ngoài ra, công ty còn tiến hành nạo vét bùn 3 tuyến cống D1000 trên đường Đồng Quốc Bình; cải tạo mở rộng miệng thu nước và lắp van 1 chiều cho khu vực Đồng Quốc Bình tại đường Văn Cao và Lạch Tray. Việc hoàn thành 10 điểm ưu tiên trên góp phần quan trọng trong giảm thiểu ngập lụt cho các điểm nóng của thành phố như Bốt Tròn, Trần Nguyên Hãn, Đồng Tâm, Đồng Quốc Bình. Cũng theo lãnh đạo Công ty Thoát nước, tại quận Ngô Quyền và Lê Chân với sự hỗ trợ của 2 trạm bơm Máy Đèn,Vĩnh Niệm và hệ thống hồ điều hòa An Biên, Phương Lưu, Tiên Nga, Hồ Sen, Lâm Tường, Dư Hàng, việc tiêu thoát nước hiệu quả hơn khu vực quận Hồng Bàng, Hải An chưa có trạm bơm nước và hồ điều hòa cũng ít hơn. Đặc biệt đối với khu vực phường Đồng Quốc Bình, với cốt san nền thấp, nếu được triển khai dự án nâng cốt đường đã được thành phố phê duyệt, việc ngập lụt tại đây sẽ cơ bản được giải quyết trong mùa mưa bão và kèm theo triều cường. (Thủy An, Báo Hải Phòng 31/5)
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam”. (Báo Hải Phòng 31/5)
Từ cuối năm 2011, mô hình khu phố không rác đầu tiên xuất hiện tại phường Đằng Hải và phường Đằng Lâm (quận Hải An).Ở những khu phố này, không có rác ven đường, ý thức người dân giữ gìn vệ sinh môi trường mới đáng được biểu dương.
Phó chủ tịch UBND quận Hải An Nguyễn Công Hân cho biết, quận Hải An quyết định xây dựng thí điểm 2 khu phố không rác, tập trung làm tốt, đi vào chiều sâu, lấy đó làm cơ sở để nhân rộng ra toàn quận.
Bắt tay vào thực hiện, quận chọn tổ dân phố số 13 thuộc lô 9 và lô 9 mở rộng (phường Đằng Hải) và cụm dân cư số 1 tổ dân phố Thư Trung 2 (phường Đằng Lâm) xây dựng khu phố không rác. Theo ông Hân, sở dĩ quận chọn 2 khu phố này vì đã có quy hoạch, có vỉa hè và đây cũng là khu dân cư có dân trí cao. Bước đầu, phòng Quản lý đô thị quận cùng UBND phường tổ chức ký cam kết với người dân trong 2 khu phố thực hiện bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ, có ý thức giữ gìn vệ sinh trong toàn khu vực; không thả súc vật nuôi ra đường, không dán quảng cáo rao vặt trên tường, gốc cây, cột điện. Việc đặt các điểm thu gom rác phù hợp với điều kiện sinh hoạt và tập kết vật liệu xây dựng đúng nơi quy định, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Đối với những hộ không có điều kiện đổ rác đúng giờ, có thùng rác phụ để chứa. Vì vậy, cả khu phố không xuất hiện túi rác dọc đường, tình trạng ô nhiễm do rác thải tồn tại nhiều năm qua cũng chấm dứt.
Đến nay, ở 2 khu phố này, tiêu chí “sạch từ nhà ra ngõ- từ ngõ ra đường” đã hoàn thành. Nét nổi bật là cổng, cửa các gia đình đều sạch sẽ, hằng tuần vào thứ bảy, các hộ dân đều tham gia dọn dẹp cùng Xí nghiệp môi trường đô thị quận.
Xây dựng khu phố không rác còn là xây dựng ý thức người dân, tham gia cùng bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trong việc xây dựng khu phố không rác, ý thức người dân đóng vai trò quyết định và được cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đây là tiêu chí thi đua của các phường. Các phường tổ chức tốt việc điều hành, quản lý khu phố không rác trên cơ sở vận động người dân giám sát lẫn nhau, nhắc nhở những trường hợp không thực hiện đúng quy định, góp sức cùng địa phương thực hiện các tiêu chí về văn minh đô thị.
Tổ dân phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân chấp hành tốt nội quy, quy chế của khu phố, lồng ghép các tiêu chí giữ gìn vệ sinh đường phố, khu phố vào tiêu chí xây dựng khu phố văn hóa. Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố vừa chỉ đạo thực hiện, vừa là tuyên truyền viên. Các đoàn thể trong phường phối hợp phòng Quản lý đô thị thực hiện đồng bộ, xác định đây là công việc phải được thường xuyên thực hiện.
Tổ dân phố số 1 khu Thư Trung 2 Đằng Lâm với 127 hộ dân và tổ dân phố số 13, lô 9 phường Đằng Hải với 188 hộ dân trở thành điểm sáng về giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự và ATGT. Từ thành công này, quận Hải An tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn quận. Đây là mô hình cần được nhân rộng ra toàn thành phố trong quá trình thực hiện chủ đề Năm Đô thị và an toàn giao thông 2012. (Quỳnh Chi, Báo Hải Phòng 31/5)
Với 227 vụ tai nạn lao động làm 30 người chết và 44 người bị thương nặng, Hải Phòng là một trong 10 địa phương trong cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) chết người trong năm 2011. Điều đáng nói, các vụ TNLĐ xảy ra không chỉ do chủ doanh nghiệp thiếu quan tâm bảo đảm an toàn mà cũng có nguyên nhân từ chính người lao động thờ ơ với tính mạng của mình. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải xây dựng văn hóa an toàn trong hoạt động lao động, sản xuất.
Huyện Thủy Nguyên hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động thu hút hàng chục nghìn lao động. Trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng dẫn đến chết người. Tình trạng không bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), ô nhiễm môi trường khá phổ biến, nhất là ở khu vực khai thác, chế biến đá vôi và khu vực làng nghề. Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Nguyễn Thị Lương, nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp chưa xây dựng văn hóa an toàn trong lao động, cả chủ doanh nghiệp và người lao động chưa có ý thức phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, vi phạm tiêu chuẩn, quy định an toàn trong lao động.
Theo ghi nhận từ Liên đoàn Lao động thành phố, những tháng đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ TNLĐ nghiêm trọng gây thiệt hại về người. Đặc biệt nghiêm trọng là hai vụ tai nạn liên tiếp tại mỏ đá Trại Sơn, thôn Pháp Cổ, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên làm 9 người chết, 4 người bị thương; vụ TNLĐ tại công ty Xi-măng Chinfon làm 1 người chết.
Trong báo cáo đánh giá dự án “Nâng cao năng lực cán bộ công đoàn cơ sở và công nhân về lĩnh vực giám sát ATVSLĐ tại Hải Phòng”, số vụ TNLĐ xảy ra do không có biện pháp an toàn chiếm tỷ lệ hơn 80%. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp có Ban bảo hộ lao động với 1-4 cán bộ chuyên trách, người lao động khi tuyển dụng đều được phổ biến nội quy an toàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc và thực hiện quy trình sản xuất an toàn không được duy trì thường xuyên, chưa đi vào nền nếp. Chủ doanh nghiệp không quan tâm trong khi người lao động coi nhẹ vấn đề này vi phạm các quy định về an toàn lao động.
Theo định nghĩa của tổ chức Lao động thế giới (ILO), văn hóa an toàn trong lao động gồm 3 yếu tố: hệ thống pháp luật hoàn chỉnh của Nhà nước; việc doanh nghiệp chấp hành pháp luật, tạo điều kiện thực thi quy trình an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ và bệnh nghề nghiệp và sự tự giác, nêu cao ý thức tự bảo vệ mình của người lao động. Hiện, hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực này tương đối đầy đủ. Như vậy, để xây dựng văn hóa an toàn cần bắt đầu từ việc nâng cao ý thức, dẫn đến hình thành thói quen an toàn trong lao động.
Theo Chủ tịch Công đoàn Trần Kim Hòa, trong các doanh nghiệp ngành Xây dựng, TNLĐ thường xảy ra với những người lao động thời vụ, xuất thân từ nông nghiệp; các công việc đơn giản tại khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tổ chức công đoàn triển khai nhiều biện pháp: giáo dục ý thức người lao động tuân thủ nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp; triển khai hệ thống biển báo tạm thời về ATVSLĐ, lập hồ sơ theo dõi ATVSLĐ, PCCN, hướng dẫn đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở người lao động thực hiện quy trình kỹ thuật bảo đảm an toàn… Tại Công ty TNHH Doosan Vina Hải Phòng, việc xây dựng tập quán ATVSLĐ ở mỗi thành viên được đặc biệt quan tâm, do đó nhiều năm liền, công ty không xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng, số vụ TNLĐ nhẹ giảm từ 22 vụ (năm 2008) xuống còn 1 vụ (năm 2011).
Tại hội thảo về thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa phòng ngừa TNLĐ vừa được tổ chức mới đây, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Nông Kim Nguyệt cho rằng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCC lần thứ 14 năm 2012 với chủ đề “Xây dựng văn hóa phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động” đã thể hiện bước tiến mới trong nhận thức về phòng chống TNLĐ, PCCN, bệnh nghề nghiệp, đề cao tính tích cực, chủ động, tính tự giác của mỗi cá nhân, mỗi chủ thể trong phòng ngừa, hạn chế các nguy cơ mất an toàn. Mong rằng từ nhận thức ấy, việc xây dựng, duy trì nếp văn hóa an toàn trong lao động sẽ lan tỏa tới từng doanh nghiệp, đơn vị để Hải Phòng sớm ra khỏi tốp 10 tỉnh, thành phố báo động đỏ về mất an toàn trong lao động. (Thành Lê, Báo Hải Phòng 31/5)
Cách đây 50 năm khi tôi còn là học trò trường Huyện Tiên Lãng, anh Kim Toàn đã là phóng viên tờ tin Kiến An (cơ quan của Ðảng bộ tỉnh Kiến An- sau sáp nhập với Hải Phòng). Trong cao trào thi đua “sóng Duyên Hải, gió Ðại Phong, cờ Ba Nhất, tiếng trống Bắc Lý” ngày ấy, hợp tác xã quê tôi được chọn làm điểm Hội thao kỹ thuật, cải tiến nông cụ sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Anh Kim Toàn về dự và viết ghi nhanh, kèm ảnh trong bài “Ngọc Ðộng vui hội gặt mùa”. Khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc, cùng với các anh: Huỳnh Ngọc Lý, Phan Sinh, Phan Hưng, Phạm Ðình Ða, Mạnh Tường, Ngọc Nghiêm, Phạm Mạch (tức Phạm Viết Tân), Văn Hênh… Kim Toàn xếp trong tốp phóng viên xông xáo của báo Hải Phòng hàng ngày thuở ấy.
Sau khi giặc Mỹ đem máy bay và tàu chiến ra đánh phá miền Bắc, tôi thấy vắng tên anh Kim Toàn trên báo Hải Phòng. Trong một cuộc gặp gỡ cộng tác viên của Báo Hải Phòng vào cuối năm 1968, tổ chức ở Tòa soạn (Số 2 phố Ðà Nẵng) tôi mới biết anh Kim Toàn đã rời báo, đi chiến trường B. Anh Huỳnh Ngọc Lý bảo tôi: “Vào chiến trường, Kim Toàn viết khỏe lắm. Khi có bài gửi ra miền Bắc, Báo Trung ương đăng rồi báo Hải Phòng cũng đăng lại. Người của Báo Hải Phòng đi mà. Có bài là quý lắm”.
Ngày nhà báo Thép Mới- phó Tổng biên tập báo Nhân Dân- còn sống, tôi được nghe ông kể nhiều chuyện lý thú khi ông rời miền Bắc, vào chiến trường, làm Tổng biên tập Báo Giải phóng. Nhớ về một thời gian khổ và ác liệt ở báo Giải phóng, ông hết lời khen ngợi tính nhanh nhẹn, xông xáo, chân thành của các nhà báo từ miền Bắc chi viện cho miền Nam như: Thái Duy, Kim Toàn, Vũ Tuất Việt. Ông bảo: Vào báo Giải phóng, Kim Toàn nó lấy bút danh là Cao Kim. Người gầy nhưng xông xáo, viết được, chụp ảnh được. Cậu ta có giọng hát rất được. Rỗi rãi là múa, hát cùng văn công giải phóng. Ði chiến dịch hay học ca vọng cổ cùng các cô giao liên và còn dạy các cô hát chèo và hát quan họ. Tay bòng, tay máy, tay súng, Cao Kim hết xuống mặt trận Tây Ninh lại sang ven sông Vàm Cỏ Ðông viết về bộ đội và du kích trên vành đai đánh Mỹ, diệt ngụy, diệt ác, phá kìm. Gian khổ nhất là đợt công tác dài ngày tôi điều Cao Kim xuống thường trú ở Ðặc khu Sài Gòn – Gia Ðịnh, chuẩn bị vào nội đô trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Nó đã gầy, sốt rét liên miên nên lại càng gầy. Trước khi đi chiến dịch, tôi dặn cậu ta: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Không nhất thiết phải vào nội đô quá sâu”. Nó vâng vâng, dạ dạ rồi cả ba đợt tiến công Mậu Thân, cứ vào, ra nội đô Sài Gòn – Gia Ðịnh chứ không chịu ở ngoài. Cuối tháng 2 Mậu Thân, giặc vây ráp, khủng bố liên miên. Cao Kim xuống đơn vị Vũ trang T4 (Mặt trận Sài Gòn – Gia Ðịnh – Chợ Lớn). Cuối tháng 3-1968, Báo Giải phóng nhận được giấy báo tử của Ban quân y phân khu 3, đề ngày 10-3-1968 báo rằng: nhà báo Cao Kim, phóng viên báo Giải phóng đã hy sinh ở trạm xã phân khu 3 ngày 8-3-1968, an táng tại Ấp Nhất, xã Long Ðịnh, huyện Cần Ðước. Giấy báo tử kèm theo cả giấy sinh hoạt Ðảng của Cao Kim do chi bộ Báo Giải phóng giới thiệu đảng viên Cao Kim với cấp ủy Mặt trận T4. Cả tòa soạn đã làm lễ truy điệu Cao Kim trong nỗi tiếc thương người đồng chí, đồng nghiệp thân thiết.
Ba tháng sau, cả Tòa soạn ngỡ ngàng khi thấy Cao Kim xuất hiện tại căn cứ của Báo ở rừng Tây Ninh. Vai đeo bòng tư trang, vai khoác súng AK và máy ảnh, người gầy đét, xanh xao. Thì ra trong trận chống càn ở Bình Chánh, An Lạc, Tân Trụ, Cao Kim nộp giấy sinh hoạt Ðảng cho Hai Ca – chỉ huy đơn vị vũ trang T4. Cao Kim đi cùng tổ du kích, bơi qua sình lầy, vượt khỏi vòng vây địch ở An Lạc và bị thương nhưng thoát chết. Hai Ca bị thương và đưa về bệnh xá phân khu 3 rồi hy sinh. Trong túi ngực của Hai Ca có giấy sinh hoạt Ðảng của Cao Kim nên bệnh xá coi đó là Cao Kim nên báo cáo Ban quân y phân khu viết giấy báo tử về Báo Giải phóng.
Kể đến đây, nhà báo Thép Mới mỉm cười: “Chiến tranh là thế đó”. Có người đặc biệt xông xáo, không sợ hiểm nguy, hòa bình không bao giờ vỗ ngực kể về bản thân mình. Trái lại, có kẻ chuyên nghiệp xu nịnh, cơ hội, bè phái, nhút nhát, không bước ra khỏi căn cứ nhưng hòa bình thì nói khoác như thần, coi mình như chứng nhân lịch sử, chỗ nào cũng có mặt. Ở báo Giải phóng có những nhà báo đáng quý như Thái Duy, Cao Kim, Vũ Tuất Việt nhưng ngược lại, cũng có cá thể nhà báo như dạng tôi vừa nói. Họ không có lòng tự trọng nên cứ ngộ nhận lịch sử nhẹ như lông hồng.
Sau khi từ chiến trường B trở về cơ quan cũ, Kim Toàn lại liên tục phấn đấu “nâng cấp” sức khỏe, hoàn chỉnh chương trình học tập văn hóa, nghiệp vụ và chính trị, làm Phó trưởng phòng và Trưởng phòng biên tập rồi được bổ nhiệm làm phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập báo Hải Phòng. Khi anh làm Tổng biên tập báo Hải Phòng là thời kỳ đất nước chuyển động mạnh trên đường đổi mới theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ VI. Anh cùng Ban biên tập vừa chú ý nâng cao chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo vừa từng bước hoàn chỉnh cơ sở vật chất của Tòa soạn.
Với phẩm chất, năng lực và nhiệt huyết báo chí của bản thân, Kim Toàn được bầu làm Thành ủy viên hai khóa liên tục, làm Bí thư Ðảng Ðoàn – Chủ tịch Hội nhà báo Hải Phòng, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa V, khóa VI, khóa VII, ủy viên Thường vụ HNBVN khóa VI. Anh chăm lo cho lớp đàn em kế cận để tờ báo bao giờ cũng dồi dào nguồn cán bộ lãnh đạo. Các nhà báo: Nguyễn Quân, Trịnh Lệnh, Kim Cúc, Trọng Nghĩa từ phóng viên tòa soạn, lần lượt được bổ nhiệm làm phó Tổng biên tập báo. Khi anh nghỉ hưu, phó TBT Nguyễn Quân được bổ nhiệm làm Tổng biên tập. Trước đó, phó tổng biên tập Trịnh Lệnh được thành ủy điều động sang làm Giám đốc Ðài PTTH Hải Phòng và kế vị anh làm Chủ tịch HNB Hải Phòng. Nguyễn Quân nghỉ hưu, Trọng Nghĩa lên làm Tổng biên tập Báo và chủ tịch HNB thành phố.
Tuy nhiên, tầm nhìn và cách sắp xếp của người đứng đầu tờ báo và Ban biên tập còn phải có sự nỗ lực cá nhân của từng thành viên trong đội ngũ kế cận thì mới thành sự kế tục xứng đáng sau này.
Khi nhắc đến anh Kim Toàn tôi không thể quên một thành viên Ban lãnh đạo HNBVN luôn ghi ấn tượng trong các hoạt động của Hội. Các bác nhà báo hưu trí thường nói: “Cao Kim nó sống có tâm, có tình. Từ ngày nó làm Tổng biên tập và Chủ tịch Hội, các ngày lễ, Tết, Tòa soạn và Hội không quên một ai”.
Về hưu gần mười năm, ngòi bút Kim Toàn vẫn xuất hiện trên báo chí với các bài viết đầy ắp kỷ niệm về đồng chí, đồng nghiệp, Tổ quốc và nhân dân suốt một đời làm báo sôi nổi. (Khánh Toàn, Nhà báo & Công luận 31/5)
Người dân sẽ được cảnh báo hiện tượng sét đánh trước 30 phút để chủ động về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
6 công nhân ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thiệt mạng khi sét đánh làm nổ mìn; 15 con trâu của người dân huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bị sét đánh chết; sét đánh gây cháy rừng ở Đà Nẵng... Hàng loạt tai nạn liên quan đến sét khiến người dân hoang mang. Tuy nhiên, trong thời gian tới, người dân sẽ được cảnh báo hiện tượng sét đánh trước 30 phút để chủ động về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.
Lý giải về vụ sét đánh gây nổ mìn làm 6 người chết tại Hải Phòng, theo TS Nguyễn Xuân Anh, Phó viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nguyên nhân là do sét đánh xuống khu vực mỏ đá, dòng điện có thể lan truyền vào trong đất, thâm nhập vào dây kim loại và kích nổ mìn.
Còn vụ sét đánh chết 15 con trâu ở Huế, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, khi sét đánh xuống, trâu hay động vật nói chung “dễ bị chết hơn là con người". Nguyên nhân là do điện thế bước. Khi người hay động vật tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm, sét đánh xuống đất, dòng điện lan truyền trên mặt đất sẽ có dòng chạy vào cơ thể. Khoảng cách các chân của trâu xa hơn người, trong khi bước chân càng xa thì điện thế bước càng mạnh, và càng dễ gây tử vong. Chính vì vậy, một trong các phương pháp giảm thiểu nguy hiểm khi sét đánh là chụm chân vào nhau để tránh điện thế bước.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Việt Nam thuộc một trong ba khu vực tập trung giông sét của thế giới do là nước nhiệt đới, nóng và ẩm, có nhiều dạng địa hình thuận lợi cho hoạt động giông sét. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lần sét đánh xuống đất. Hoạt động giông sét ở Việt Nam thường thay đổi bất thường và khó dự đoán.
Hải Phòng và Thừa Thiên - Huế, nơi vừa xảy ra các vụ sét đánh dẫn đến chết người và trâu – là hai khu vực có mật độ giông sét cao ở Việt Nam. Hải Phòng có mật độ sét đánh khoảng 8 cú/km2/năm, còn Thừa Thiên Huế khoảng 11 cú/km2/năm.
Viện Vật lý Địa cầu đang thử nghiệm hệ thống cảnh báo sét sớm thông qua còi cảnh báo, điện thoại di động. Theo đó người dân sẽ được cảnh báo hiện tượng sét đánh trước 30 phút để chủ động về nhà hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. (Thư Lê, Khampha.vn 31/5)
Đến nay, Công ty CP Công nghệ Toàn Thắng đầu tư xây dựng 13 trạm cấp nước tập trung tại một số xã huyện Vĩnh Bảo, cung ứng nước hợp vệ sinh tới hơn 4.000 hộ dân. Nước cung ứng đến các hộ gia đình được kịp thời, đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn kiểm định của Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng… (Báo Hải Phòng 31/5)
Vườn quốc gia Cát Bà phối hợp với trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an thành phố vừa tổ chức khóa huấn luyện nghiệp vụ quân sự, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm của vườn… (Báo Hải Phòng 31/5)
Trong tháng 4/2012, huyện Thủy Nguyên kiểm tra công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp tại xã Mỹ Đồng, Thiên Hương, Quảng Thanh; phát hiện, xử lý 2 vụ vi phạm hành lang lưới điện tại xã Mỹ Đồng… (Báo Hải Phòng 31/5)
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố vừa trao 20 chiếc xe đạp cho học sinh mồ côi, vượt khó học giỏi của 2 quận Ngô Quyền và Dương Kinh. Đây là món quà thiết thực của Công ty Nhựa Thiếu niên tiền phong giúp học sinh nghèo có phương tiện đến trường, động viên các em tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt khó, vươn lên trong học tập… (Báo Hải Phòng 31/5)
Thực hiện Điện lệnh số 299/BCA của Bộ Công an và Kế hạch số 474/KH-CATP về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, công an các đơn vị, địa phương đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Kết quả, từ ngày 23 đến 29/5, đã phá 1 chuyên án; điều tra làm rõ 7 vụ phạm pháp hình sự… Đồng thời các đơn vị đã bắt 19 đối tượng truy nã;… (An ninh Hải Phòng 31/5)
Thời gian qua, một số tờ báo đưa tin loài hoa Ưu Đàm Bà La thường 3000 năm mới xuất hiện một lần đã nở tại ngôi chùa Tràng Kênh, Hải Phòng. Thực hư chuyện này thế nào?
Theo truyền thuyết, “Ưu Đàm Bà La hoa” là loài hoa chỉ có trên... tiên giới. Tên của loài hoa này theo nghĩa Hán Việt nghĩa là Hương thơm đoá quỳnh, đây cũng là tên một loài hoa cực kỳ hiếm gặp, 3.000 năm mới nở một lần theo truyền thuyết của Phật giáo. Loài hoa mang tên Ưu Đàm Bà La đã được phát hiện tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thông tin hoa Ưu Đàm Bà La xuất hiện tại Hải Phòng khiến nhiều người bán tín bán nghi bởi nó gắn liền với những câu chuyện liên quan đến tâm linh. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, chúng tôi đã nhận được nhiều hồi âm phủ nhận có loài hoa như vậy.
Minh chứng cụ thể nhất được anh Ha Minh Đức đưa ra chính là chùm ảnh "loài hoa" này do anh chụp lại. Anh Ha Minh Đức cho biết, thực ra những "bông hoa" mà người dân cho rằng là hoa Ưu Đàm Bà La thực chất chỉ là trứng của một loài côn trùng thuộc nhóm Green lacewing. Chúng thường đẻ trên các bề mặt cứng, khô ráo và trứng có hình dạng giống như 1 cái cây nhỏ. Khi ấu trùng chui ra khỏi trứng, vỏ để lại nhìn rất giống 1 bông hoa đã nở.
Anh Ha Minh Đức cho biết, theo thông tin anh tìm hiểu được thì đây là loài côn trùng thuộc nhóm Green lacewing. Chùm ảnh do anh chụp và cung cấp là 1 loài tương tự như "hoa 3000 năm mới xuất hiện". Anh cũng cho biết thêm, việc cung cấp ảnh này nhằm chứng minh câu chuyện "hoa 3000 năm" rất có thể là chuyện hoang đường và người dân không nên vội tin, dễ dẫn đến mù quáng tôn thờ những chuyện không tưởng. (Cao Mạnh Tuấn, Thể thao & Văn hóa 31/5)
Hội LHPN huyện An Dương vừa tổ chức lễ khánh thành nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình bà Vũ Thị Khanh, thôn Ngọ Dương 1, xã An Hòa, huyện An Dương… (VD, An ninh Hải Phòng 31/5)
Chiều 24/5, Viễn thông Hải Phòng tổ chức Đại hội CNVC năm 2012. Tới dự có các ông: Tô Mạnh Cường – PGĐ Tập đoàn Việt Nam;… Năm 2011, VNPT Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 3 trong tổng số 63 tỉnh/thành phố; năng suât lao động bình quân đầu người đạt khoảng 1.05 tỷ đồng/người/năm… Từ đó đời sống của người lao động được bảo đảm qua việc thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng… (TC, An ninh Hải Phòng 31/5)
Ngày 25/5, Ban Công tác nữ CATP phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Cát Hải tổ chức lễ khánh thành nhà “Mái ấm tình thương” cho chị Nguyễn Thị Duyên, sinh 1969, ở thôn Giữa, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải – bị dị tật bẩm sinh, đi lại khó khăn, không có việc làm ổn định… (MP, An ninh Hải Phòng 31/5)
Ngay trong trận mưa lớn lúc chiều tối 23/5, nhóm PV báo An ninh Hải Phòng có mặt trên đường Nguyễn Bình, phường Đổng Quốc Bình. Khu vực này vốn là “rốn nước” của thành phố… Nhưng khác với trước đây, toàn tuyến đường Nguyễn Bình chỉ có 2 điểm ngập lụt nằm ở 2 đầu giáp với điểm nối với đường Văn Cao và đường Lạch Tray… Ban giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng cho biết:… đầu năm 2011, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty quyết định tập trung triển khai các biện pháp kỹ thuật,… Theo đó, đã thau rửa 3 tuyến cống trục chính đường kính ống 1m, dài 1.200m,…; cải tạo loạt hệ thống ga thu nước hàm ếch với tổng số 465 chiếc nằm trên trục chính Nguyễn Bình và các ngõ xương cá đấu nối với Nguyễn Bình… (Đoàn Lanh, An ninh Hải Phòng 31/5)
Đoàn công tác Hội LHPN thành phố tham gia cùng đoàn công tác TW Hội LHPN Việt Nam là đoàn thứ 10 ra thăm đảo Trường Sa trong năm 2012. Sau 10 ngày đến với Trường Sa, đoàn công tác đã trở về đất liền, về với nhịp sống thường ngày nhưng những kỷ niệm của chuyến đi vẫn còn dâng trào. Bà Đỗ Thanh Lê, Chủ tịch Hội LHPN thành phố chia sẻ: “Lần đầu tiên ra đảo, thật khó nói hết cảm xúc khi nhìn thấy cờ tổ quốc tung bay trong gió, dưới ánh nắng chan hòa của biển, giữa sóng gió trùng khơi… Cũng như bao đoàn công tác khác ra thăm Trường Sa, đoàn công tác của Hội LHPN thành phố đến với Trường Sa bằng một tình cảm vô bờ bến, những câu chuyện buồn, vui, những lời động viên ân cần đã tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sỹ đang bảo vệ biển đảo quê hương… Trước biển đảo mênh mông, giữa nắng, gió, sóng biển ngút ngàn không có chân trời, giữa những người lính đảo kiên trung sạm mùi muối mặn ngày đêm gìn giữ biển đảo quê hương đã tạo nên một dấu ấn, một cảm xúc khó có thể diễn tả hết thành lời của những người trở về từ nơi sóng gió trùng khơi ấy… (Vũ Duyên, Đoàn Lanh, An ninh Hải Phòng 31/5)
Tôi và nhà thơ Nguyễn Hồng Văn, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng biết nhau từ lâu, nhưng ít khi gặp. Lần này, tôi đến thăm ông đúng vào dịp kỉ niệm sinh nhật Bác Hồ. Ông tiếp tôi tại căn nhà mới ở Cụm 3, Thư Trung 2, phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng.
Mặc dù đã ở tuổi 76 nhưng ông Văn vẫn đi lại nhanh nhẹn, nói nhiều và cười cũng nhiều. Sau vài câu hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia cảnh, công việc, tôi gợi ý ông cho biết về cái nghiệp thơ của ông. Hiểu ý tôi, ông bảo, đời ông trải qua nhiều nghề lắm, thợ may, làm truyền hình, bộ đội, vận tải biển… nghề nào ông cũng say mê, làm tốt, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình. Nhưng ấp ủ từ lâu và yêu thích hơn cả là làm thơ. Ngay từ ngày đang công tác ở ngành Vận tải biển ông đã làm thơ. Đặc biệt ông thích thơ dành cho thiếu nhi từ hồi còn đi học. Tâm sự những suy nghĩ của mình về thơ, ông Văn nói rằng xưa nay có ai làm giàu được từ văn chương, thơ ca? Người đời đã nói "Cơm áo không đùa với khách thơ" là vậy. Xưa in được tập thơ đã khó, bây giờ ở đâu cũng thấy người làm thơ. Ông chính thức làm thơ chuyên nghiệp từ năm 1975. Qua 37 năm dốc tâm sức, vượt bao thăng trầm, gia tài của ông bây giờ đã có 14 tập thơ, với số lượng xuất bản gần sáu vạn bản, trong đó có tám tập dành cho thiếu nhi. Điều ông ấp ủ từ lâu là làm thơ để làm từ thiện. Ông giải thích: ông chọn những bài thơ hay, liên kết với nhà xuất bản, không nhận tiền nhuận bút. Ông lấy tiền bán thơ làm từ thiện. Đối tượng làm từ thiện trước hết là các em thiếu nhi. Bởi vì, ngày nay tạo dựng nguồn quỹ vì sự học tập của con trẻ đang theo xu hướng xã hội hóa. Do vậy, phải biến suy nghĩ, hành động của mình gắn liền với cộng đồng, tạo thành nhịp cầu nối từ những vần thơ đến với các em. Nghĩ vậy, ông mạnh dạn liên kết với Hội Khuyến học TP Hải Phòng phát hành tập thơ "100 câu đố bằng thơ" cho mẫu giáo và thiếu niên nhi đồng (2002). Số tiền 30 triệu đồng thu được từ bán sách tuy chưa nhiều, nhưng là niềm vui lớn với ông trong sự nghiệp thơ ca rất có ý nghĩa, mở đầu thực hiện ý tưởng hằng ấp ủ là làm thơ để làm từ thiện. Nhận ra cách làm của mình bước đầu có hiệu quả, ông Văn tiếp tục hành trình trên con đường thơ ca dành cho thiếu nhi theo hướng đã định.
Năm 2009, tập thơ "Hỏi nắng, hỏi mưa" dành cho trẻ mẫu giáo, nhi đồng, thiếu nhi của ông được Ban Tuyên giáo Thành ủy và BCH Hội đồng Đội TP Hải Phòng ủng hộ. Tập thơ gồm 27 bài thơ do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản đúng vào dịp TP Hải Phòng khởi động quỹ "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hải Phòng" từ nhiều nguồn trên địa bàn TP. Ông Văn quyết định tặng tập thơ này cho Đội Thiếu niên TP Hải Phòng phát hành gây quỹ "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hải Phòng" giúp đỡ các đội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Tập thơ được xác định là điểm nhấn của cuộc vận động gây quỹ được các cấp của Thành Đoàn, Thành Đội, trường học đồng tình ủng hộ và thực sự vào cuộc. Trước tinh thần gây quỹ sôi động, ông Văn miệt mài ngày đêm, đóng góp sức mình, mong sao tập thơ được phát hành rộng rãi, gây được nhiều quỹ. Thật không ngờ, chỉ trong hai tuần, tập thơ đã phát hành 15.000 cuốn tới hơn 400 trường học, thu được 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được trao cho quỹ "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hải Phòng." Khoảng 200 em học sinh nghèo đã được nhận tiền từ quỹ này.
Phải nói rằng tập thơ "Hỏi nắng, hỏi mưa" của ông Văn đã khai thác được tâm lí, tính cách, tình cảm, khát vọng của trẻ thơ về thiên nhiên trong đời sống xung quanh. Cái khéo của nhà thơ là đã tự trẻ hóa tâm hồn mình để đưa vào thơ. Do vậy, không riêng gì các em nhỏ yêu tập thơ này mà người lớn đọc cũng cảm thấy mình trẻ lại và yêu trẻ hơn. Đó cũng còn là nguồn cảm xúc, là động lực để ông vui khỏe, viết tiếp những tập thơ mới cho thiếu nhi và mọi lứa tuổi…
Ông Văn tặng tôi tập thơ "Nắng tuổi tình chiều" gồm 45 bài thơ vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành đầu năm nay. Các bài thơ đều là những lời tâm sự qua trải nghiệm ngọt bùi và muối mặn gừng cay của một người ở tuổi "về chiều" được chắt lọc, bình dị, trong sáng.
Khi ra về, ông Văn tiễn chân tôi tới quá ngõ phố. Ông cho biết đang tiến hành một kế hoạch nữa cho quỹ "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hải Phòng". Nhưng để làm được việc này tốt hơn, ông đang cần sự ủng hộ từ nhiều phía, nhất là đối với TP Hải Phòng. Tôi mừng và chúc ông tiếp tục vui, khỏe với tâm hồn thơ trẻ mãi không già, làm việc hết lòng vì ước mơ con trẻ. (Sĩ Thoại, Người cao tuổi 31/5)
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng lần thứ nhất sắp diễn ra. Trong những ngày này, không khí trên địa bàn thành phố đã chộn rộn trong sự hồi hộp và cả thấp thỏm mong chờ của không ít người về một lễ hội ấn tượng, độc đáo, thể hiện được bản sắc văn hóa thành phố với loài hoa đã trở thành tên gọi thân thương… Bà Lê Thị Thoa – Giám đốc Trung tâm văn hóa – thông tin quận Hồng Bàng: “Lễ hội nên gắn với tôn vinh các anh hùng liệt sỹ…”… Bởi lễ hội sẽ mang ý nghĩa hơn, đúng vào đầu mùa du lịch biển, tôn vinh ngày thành phố được giải phóng… (Thu Hồng – Hải Hậu, An ninh Hải Phòng 31/5)