Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 30/6/2014)
Mới đây, tôi có dịp được tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho chức sắc, chức việc các tôn giáo, do Hội đồng giáo dục QP-AN quận Lê Chân (TP Hải Phòng) tổ chức. Điều ấn tượng đối với tôi tại lớp học này đó là, trong suốt thời gian diễn ra khóa học, lớp không chỉ luôn đông đủ học viên, mà sức "nóng" của bài giảng còn hiện hữu trong từng buổi học.
Gần một tuần tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN do Hội đồng giáo dục QP-AN quận Lê Chân tổ chức, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Thượng tọa Thích Tục Bách, Trụ trì chùa Bẻn, kiêm Phó Trưởng ban đại diện Phật giáo quận Lê Chân được mọi người biết đến là một học viên ngày nào cũng đến lớp sớm nhất. Hằng ngày, mọi người thấy ông đều đặn đến lớp bằng chiếc xe đạp điện đã cũ. Có lẽ, vì nhớ nhất vị sư già này qua những lần sớm trưa mở cổng đón học viên mà người bảo vệ trung tâm đã hỏi vui: "Nhà chùa lo tắc đường hay sao mà đến đây sớm vậy?". Thượng tọa Thích Tục Bách cười hiền: "Thận trọng khi tham gia giao thông vẫn luôn mang lại điều tốt lành. Với tôi, quan trọng nhất là mình còn mê việc học lắm. Tham gia lớp học này, giới tu hành chúng tôi được trang bị đầy đủ kiến thức về QP-AN, có hiểu biết thì mới làm theo đúng đường lối của Đảng ta, góp sức cầu nguyện cho "quốc thái, dân an".
Khác với Thượng tọa Thích Tục Bách, tại khóa học này, ông Vũ Văn Chín, Thư ký Hội thánh Tin lành quận Lê Chân, lại nổi bật là một học viên hăng hái tham gia phát biểu thảo luận nhiều nhất trong mỗi giờ học. Bày tỏ sự cảm nhận của mình khi được tham gia khóa học, ông Chín thẳng thắn nêu ý kiến: "Giới chức sắc, chức việc các tôn giáo chúng tôi đánh giá rất cao việc Hội đồng giáo dục QP-AN quận tổ chức lớp học trong thời gian này là rất phù hợp". Theo lý giải của ông Chín, vì thời điểm này, giới chức sắc, chức việc ở các cơ sở tôn giáo đang rất nóng lòng muốn được hiểu biết rõ ràng về tình hình phức tạp trên Biển Đông hiện nay. Và quả thực, nguyện vọng ấy của các ông đã được Ban tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN quận đáp ứng. Bài giảng nào cũng có sự lồng ghép giữa lý luận với thực tiễn, nhất là được định hướng rõ ràng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong xử lý và giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. "Tôi cho rằng, đây chính là phương pháp bồi dưỡng kiến thức QPAN hiệu quả cho các đối tượng khác nhau, vì nó không khô khan, mà dễ hiểu, dễ nhớ, giới tu hành càng dễ làm theo", ông Chín nhận định. Vị chức việc Hội thánh Tin lành quận Lê Chân còn chia sẻ thêm suy nghĩ của mình, ông và nhiều học viên khác trong lớp cũng sẽ đề xuất Ban tổ chức lớp học, đó là 100% số học viên được cấp phát tài liệu sau khi khóa học kết thúc, để các vị có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, tiếp tục là những tuyên truyền viên chính tại các cơ sở tôn giáo, giúp bà con giáo dân và các tăng ni, phật tử hiểu và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; biết thể hiện lòng yêu nước như thế nào cho đúng cách, đúng lời răn dạy của các bậc tiên linh, không mắc mưu kẻ xấu, lợi dụng việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Là thành viên của Ban tổ chức lớp học, Thượng tá Trần Văn Cảnh, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự quận Lê Chân cho biết, thời gian diễn ra khóa học tuy không dài, song lớp được tập trung đi sâu nghiên cứu tổng số mười chuyên đề, gồm bảy chuyên đề chính và ba chuyên đề bổ trợ. Cùng với trang bị kiến thức QP-AN cho các đối tượng theo đúng chương trình quy định, tại lớp học, Hội đồng giáo dục QP-AN quận còn quyết định đưa thêm một chuyên đề bổ trợ "Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và biên giới quốc gia trong thời kỳ mới". Đồng thời, giao nhiệm vụ cho giáo viên đảm nhiệm từng chuyên đề đi sâu phân tích, làm rõ những đối sách cơ bản của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Đông hiện nay. Đây là điểm mới, vừa thể hiện rõ tính chủ động, nhạy bén của Hội đồng giáo dục QP - AN quận trước những vấn đề chính trị -xã hội đang rất "nóng", vừa đáp ứng được sự quan tâm sâu sắc, chia sẻ tinh thần cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của đội ngũ chức sắc, chức việc đang công tác tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn.
Và trên thực tế, trong suốt thời gian diễn ra khóa học, lớp bồi dưỡng kiến thức QP - AN không chỉ luôn đông đủ học viên tham gia, mà sức "nóng" của bài giảng còn hiện hữu trong từng buổi học. "Giờ giải lao, rất nhiều học viên còn tranh thủ trao đổi, thậm chí đưa ra những câu hỏi "ngược" cho giáo viên, để mong nhận được sự giải thích cặn kẽ hơn, rõ hơn vấn đề mình quan tâm. Các học viên cho rằng, đây cũng là những nội dung kiến thức quan trọng, sinh động, giúp mỗi người sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, trên cương vị là tuyên truyền viên chính ở các cơ sở tôn giáo". (Nguyễn Mạnh Dũng, Nhân Dân Online 30/6)
Ngày 28-6, Thành ủy Hải Phòng cho biết Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Huyện ủy Tiên Lãng đã có quyết định kỷ luật đối với tập thể, cá nhân các cán bộ sai phạm trong việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cây vụ đông mà báo Tuổi Trẻ đã đăng.
Tháng 10-2013, UBND TP Hải Phòng có quyết định về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông. Theo điều tra của Tuổi Trẻ, tại huyện Tiên Lãng có nhiều xã làm giả hồ sơ, quyết toán khống số tiền được hỗ trợ và không chi trả cho người dân.
Sau 2 tháng kiểm tra, thanh tra quy trình sử dụng kinh phí hỗ trợ cây vụ đông 2013, Ban Thường vụ Thành ủy có quyết định kỷ luật với hình thức cách chức các chức vụ trong Đảng, đề nghị cách chức về chính quyền đối với ông Nguyễn Quốc Hiểu, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Ủy viên UBND, bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng.
Ông Bùi Đặng Nga, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Tiên Lãng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo về mặt Đàng và đề nghị cảnh cáo về mặt chính quyền.
Các ông Nguyễn Văn Thấm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo; ông Mai Văn Lượng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT và ông Phạm Văn Giang, Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện cùng bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Huyện ủy Tiên Lãng cũng có quyết định kỷ luật với hình thức cách chức vụ trong Đảng và đề nghị cách chức các chức vụ về mặt chính quyền đối với các ông Ngô Ngọc Thuân, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Thắng và ông Phạm Văn Với, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Tiên Thắng.
Về trách nhiệm tập thể, Đảng bộ khối chính quyền huyện Tiên Lãng thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với chi bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; khiển trách đối với chi bộ Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện. (Thân Hoàng, Tuổi trẻ Online 29/6; TTXVN 28/6; An ninh Hải Phòng Online 30/6; Công an nhân dân 29/6 Tr2)
Ngày 26 và 27-6 tại Đồ Sơn, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (Học viện Ngoại giao) phối hợp với Sở Ngoại vụ Hải Phòng tổ chức lớp cập nhật kiến thức và bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho 200 học viên là cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại của 10 tỉnh, thành phố phía Bắc, gồm: Hải Phòng, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh và Thái Bình.Các học viên được nghe và cập nhật thông tin cần thiết trong nghiệp vụ đối ngoại với 3 chuyên đề chính, gồm: cập nhật tình hình thời sự quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với các đối tác nước ngoài; công tác đối ngoại Đảng trong tình hình mới với nội dung, phương pháp và kỹ thuật tham mưu công tác đối ngoại Đảng cho các cấp ủy địa phương; cập nhật kỹ năng lễ tân ngoại vụ phục vụ các sự kiện quốc tế và đón tiếp các đoàn khách nước ngoài tại địa phương. Trong quá trình học tập, các học viên trao đổi trực tiếp với giảng viên về một số vấn đề đối ngoại cụ thể tại địa phương mình và trao đổi những vấn đề đặt ra đối với sự hội nhập và phát triển bền vững của nước ta trong tình hình mới. Qua đó, mỗi học viên là cán bộ, công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương được cập nhật những kiến thức, nội dung mới, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố) thành lập ngày 1-7-1954. Đảm nhận nhiều nhiệm vụ theo từng giai đoạn, nhưng trong điều kiện và hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trung đoàn tập trung làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng cơ động phòng, chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn, và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác, xứng đáng là lá chắn thép bảo vệ khu vực phòng thủ thành phố Cảng.
Trung đoàn của những chiến công
Là đơn vị chủ lực của Khu Tả Ngạn và sau này là Quân khu Ba, từ khi ra đời, Trung đoàn 50 luôn thực hiện phương châm vừa xây dựng, vừa tác chiến, lấy tác chiến để thúc đẩy phát triển. Trải qua nhiều giai đoạn, đảm nhận nhiều nhiệm vụ phức tạp, với tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, gắng sức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lập nhiều chiến công vang dội. Thời điểm mới ra đời, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp về cơ bản kết thúc thắng lợi, chưa đầy 1 tháng kể từ ngày thành lập, trung đoàn vừa củng cố xây dựng lực lượng, vừa trực tiếp chiến đấu 25 trận, trong đó nhiều trận đánh tiêu biểu như Cầu Ngàng, Bô Thời, Đỗ Xá (Hưng Yên), tiêu diệt và bắt sống hơn 3.000 tên địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trung đoàn huấn luyện và chi viện gần 12.000 cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam, đồng thời trực tiếp tham gia nhiều trận, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ. Tháng 8 -1966, không quân địch tăng cường đánh phá Hải Phòng, trong đó tập trung vào khu vực Đồ Sơn. Đại đội 21 cao xạ của trung đoàn dù mới được thành lập tổ chức nhiều trận đánh trả máy bay địch. Với súng cao xạ 40 ly gắn trên tàu hải quân, đại đội hạ thành công một chiếc máy bay A4D. Tháng 4-1967, Mỹ leo thang, đánh phá ác liệt miền Bắc. Thực hiện quan điểm chiến tranh nhân dân, vận dụng thích hợp các loại vũ khí hiện có để đánh địch, cán bộ, chiến sĩ đại đội 53, 16 và Tiểu đoàn 8 chỉ với pháo 85 ly, súng 12,7 ly bắn cháy một chiếc máy bay AD6, bắn cháy một máy bay lên thẳng. Việc sử dụng pháo 85 ly mặt đất bắn cháy của địch là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử quân đội ta. Với thành tích này, Trung đoàn được Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ghi nhận là “mở ra cách đánh mới cho pháo binh Việt Nam”
Không chỉ trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 50 còn lập nhiều chiến công xuất sắc trong: rèn luyện thể dục -thể thao, văn hóa- văn nghệ, lao động, tăng gia sản xuất, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn… Tiêu biểu như trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng trong hai năm 1958, 1959, toàn trung đoàn đào được gần 18 triệu m3 đất đá; đổ hơn 2,1 triệu m3 bê tông, sản xuất gần 6 triệu m3 đá; hay chiến công của Đại đội 6 trong phong trào thể dục thể thao năm 1961 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận và tặng danh hiệu “Đại đội gió”…
Xứng danh đơn vị anh hùng
Bước vào giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn luôn nêu cao truyền thống anh hùng cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn, cán bộ, chiến sĩ chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng cơ động phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng và nhiều nhiệm vụ đột xuất khác. Hằng năm, trung đoàn thực hiện tốt các cuộc diễn tập chỉ huy – cơ quan, diễn tập tổng hợp có thực binh, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng cơ động, trình độ sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phúc tra, nắm nguồn, huấn luyện quân dự bị, là lực lượng chủ lực trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ. Qua các lần kiểm tra, phúc tra, Bộ Quốc phòng, Quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đều đánh giá đơn vị đạt loại giỏi.
13 năm liền (từ năm 2001 đến nay), trung đoàn được Bộ Quốc phòng phong tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”; Đảng bộ Trung đoàn liên tục được công nhận trong sạch vững mạnh, Trung đoàn vững mạnh toàn diện trong suốt 15 năm, từ năm 1999 đến nay. Đặc biệt, trong năm 2001 và năm 2010, Trung đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới.
60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn không ngừng phấn đấu bồi đắp thêm truyền thống anh hùng. Với thành tích hai lần được phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Trung đoàn 50 xứng đáng là lá chắn thép bảo vệ khu vực phòng thủ thành phố, góp phần tô thắm truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng” của thành phố Cảng anh hùng. (Bùi Ngọc Minh, Báo Hải Phòng Online 29/6)
Đó là mục tiêu của thành phố Hải Phòng được TS. Nguyễn Văn Thành, Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh tại Hội thảo “Hải Phòng hướng tới nền kinh tế xanh” do UBND thành phố phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức sáng 27- 6.
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đan Đức Hiệp; các nhà khoa học đang nghiên cứu, giảng dạy tại một số trường đại học trong nước; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thành nêu quan điểm để Hải Phòng hướng tới nền kinh tế xanh là phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Tăng trưởng xanh phải do con nguời, vì con người, tăng cường đầu tư, bảo tồn, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. 3 mục tiêu chính để phát triển mô hình tăng trưởng xanh là xã hội ít cácbon; giảm khí các bon, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, các nguồn năng lượng tái tạo; giảm sử dụng nguyên liệu tái chế hợp lý, đa dạng sinh học, động vật và thực vật tạo khoảng xanh. Để hướng tới thành phố xanh, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn thành phố xanh trên cơ sở cân bằng giữa môi trường và kinh tế xã hội; bảo vệ môi trường là nền tảng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; thỏa mãn cộng đồng; hài hòa các lợi ích quốc gia và khu vực.
Các đại biểu đại diện cho các nhà khoa học; sở, ngành thành phố đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại hội thảo giúp Hải Phòng hướng tới nền kinh tế xanh trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển giao thông xanh, sản xuất, kinh doanh tiêu dùng xanh; quản lý các khu, cụm công nghiệp thực hiện chính sách xanh; xây dựng mô hình Cảng xanh…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của Phát triển kinh tế xanh hiện là xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Đối với Hải Phòng, tại Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2012 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05-8-2003 của Bộ Chính trị khoá 9 "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", Bộ Chính trị đã chỉ đạo Hải Phòng phát triển theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước... Ý kiến đóng góp thiết thực của các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp có ý nghĩa, vài trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, người dân thành phố quyết tâm thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng: “Chuyển hướng trong chính sách thu hút, quản lý đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh”.
Từ nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh, Hải Phòng có chuyển hướng cơ bản trong thu hút, quản lý đầu tư thể hiện từ công tác quy hoạch xây dựng đã quan tâm dành tỷ lệ đất cho các mảng xanh, mặt nước, giao thông tĩnh, quy hoạch các khu công nghiệp tập trung bảo đảm xử lý ô nhiễm môi trường.
Trong quản lý đầu tư, thành phố có chính sách thu hút đầu tư, công bố danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và không chấp thuận đầu tư đến năm 2020, kiên quyết không thu hút đầu tư với các dự án có công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều năng lượng nhưng hiệu quả đầu tư thấp, khuyến khích những dự án sản xuất vật liệu mới, tái tạo thân thiện môi trừng.
Thành phố xây dựng danh mục các dự án, đề án ưu tiên bố trí kinh phí, nâng cao năng lực phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, trong đó tập trung cho các dự án quản lý và xử lý chất thải rắn, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị và nông thôn.
Ông Phạm Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng: “Khuyến khích phát triển công nghiệp và tiêu dùng xanh”
Để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao cần xây dựng những công cụ mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện có, giải quyết hiệu quả các vấn đề tồn tại, biến thách thức thành cơ hội phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Trong sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, Hải Phòng phấn đấu tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện môi trường đạt 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 95% khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 50% doanh nghiệp áp dụng công nghiệp sản xuất sạc hơn; phát triển dịch vụ công nghiệp xanh...
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố cần đẩy mạnh khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ít ảnh hưởng đến tính bền vững của khí quyển, nước, đất đai bao gồm cả kiểm soát khí thải, xử lý nước thải công nghiệp, thay thế các cơ sở sản xuất tiêu tốn năng lượng, phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường bằng các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ sạch, tiêu tốn ít tài nguyên, năng lượng. Phát triển các dịch vụ giúp xây dựng và phát triển công nghiệp xanh thông qua áp dụng sản phẩm, công nghệ xanh. Khuyến khích tiêu dùng xanh trong các lĩnh vực nhằm giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào.
Ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng Giám đốc Công ty Nhựa thiếu niên tiền phong:
Với công nghệ sản xuất sạch, mức độ tự động hóa cao, công ty giảm thiểu tác nhân gây ô nhiễm môi trường về khói, bụi, nhiệt độ...Trong đầu tư thiết bị, công ty chú trọng sử dụng tiết kiệm năng lượng. Hiện, các công đoạn sản xuất của công ty tiết kiệm 36% năng lượng so với sử dụng thiết bị có cùng năng lực sản xuất trước đây.Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa Việt Nam đóng trên địa bàn Hải Phòng, doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển cũng như dề ra các bước cụ thể cho kế hoạch đầu tư với mục tiêu đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường, tích cực xây dựng thành phố Cảng xanh.
Từ khi quy hoạch mặt bằng và triển khai xây dựng dự án, công ty đã chuẩn bị đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, dành diện tích trồng cây anh, hệ thống giao thông thống thoáng, hệ thống nhà xưởng có thông gió, lấy ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng./.
Ông Nông Quốc Tuấn, Chánh Văn phòng HĐND thành phố: “5 mô hình phát triển giao thông xanh tiện ích, thân thiện môi trường”
Với thực tế phát triển giao thông Hải Phòng, việc ứng dụng lý thuyết khoảng cách tối ưu trong quản lý, phát triển giao thông xanh là cơ hội để cải thiện hạ tầng giao thông thành phố đạt mức tiên tiến của đất nước. Yếu tố quan tâm khi nghiên cứu, áp dụng khoảng cách tối ưu đó là sự phân vùng, quãng đường, loại hình và phương tiện giao thông thích hợp, an toàn.
5 mô hình phát triển giao thông xanh tại Hải Phòng cần dựa trên nguyên tắc phân vùng, áp dụng lý luận khoảng cách tối ưu, đáp ứng các tiêu chí giao thông xanh, thân thiện môi trường, bảo đảm an toàn, nâng cao tính kết nối với mạng lưới giao thông khác. Mô hình phát triển giao thông xanh cho giao thông nội đô Hải Phòng về hạ tầng phải bảo đảm đồng bộ các hệ thống như cấp, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, điện lực, thông tin liên lạc, cấp năng lượng, bảo đảm có các làn đường, tuyến đường dành cho xe buýt, ô tô điện, xe đạp, ga tàu hỏa, taxi, người đi bộ. Mô hình phát triển giao thông xanh cho giao thông nông thôn cần liên hoàn, kết nối với các tuyến giao thông khác, phát triển xe buýt, vận tải hành khách, dịch vụ xe đưa đón học sinh theo tuyến. Mô hình phát triển giao thông xanh cho giao thông tại các khu du lịch hướng tới sử dụng ô tô điện, xe buýt, xe đạp, hệ thống cáp treo trong các khu du lịch. Giao thông xanh cho cảng biển, khu công nghiệp cần đầu tư bến cảng, hệ thống an toàn hàng hải, logistic, công nghệ xếp dỡ, quản lý cảng hiện đại... Mô hình phát triển giao thông xanh liên tỉnh hình thành các tuyến xe buýt liên tỉnh, mở rộng các tuyến bay nội địa, quốc tế phát triển vận tải thủy nội địa, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường sắt... (Báo Hải Phòng Online 27/6; An ninh Hải Phòng Online 30/6; Bản tin thời sự tối 27/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng; haiphong.gov.vn 30/6; Đầu tư 30/6 Tr2)
Chiều 27-6, tại Sở Thông tin và Truyền thông, đồng chí Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, Đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri nơi công tác.
Đại biểu HĐND thành phố thông báo tới cử tri các nội dung chính của kỳ họp, dự thảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 6 tháng đầu năm, bổ khuyết nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.
Cử tri là cán bộ, chuyên viên, nhân viên Sở Thông tin và truyền thông bày tỏ sự phấn khởi về kết quả thành phố đạt được thời gian qua, đồng tình với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng cuối năm trong dự thảo báo cáo tại kỳ họp. Cử tri cũng kiến nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương sớm triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về nhiệm vụ, giải pháp phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố đến năm 2020; chú trọng nâng cao tỷ lệ số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính… (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Đây là đề nghị của Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại với đại diện tập đoàn Kubota Nhật Bản tại cuộc làm việc với ngài Yuichi Ken Kitao - Tổng giám đốc tập đoàn máy nông nghiệp Kubota toàn cầu (Nhật Bản) và Tổng giám đốc Công ty TNHH Kubota Việt Nam vào chiều 27-6. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại giới thiệu với lãnh đạo Kubota về tình hình phát triển kinh tế -xã hội thành phố thời gian qua, cũng như kết quả thu hút đầu tư vào Hải Phòng. Đến nay có 29 quốc gia tham gia đầu tư tại Hải Phòng, trong đó có 111 dự án FDI Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 3,52 tỷ đô -la. Ngoài phát triển công nghiệp, dịch vụ, thành phố chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, để nâng cao giá trị sản xuất và hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thành phố khuyến khích mô hình tích tụ ruộng đất, chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng sản xuất tập trung và ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, năm 2013 - 2014, thành phố đã có cơ chế hỗ trợ 50% giá trị máy nông nghiệp của hãng Kubota cho nông dân. Theo đó, đã có khoảng 250 thiết bị được nông dân các địa phương trang bị phục vụ sản xuất. Để thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, nông dân Hải Phòng cần có khoảng 5.000 thiết bị cơ giới. Do đó, thành phố mong tập đoàn Kubota xem xét thành lập tổng đại lý kinh doanh khu vực phía Bắc và trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa máy Kubota tại Hải Phòng.
Ngài Yuichi Ken Kitao giới thiệu khái quát về tập đoàn Kubota Nhật Bản và công ty TNHH Kubota Việt Nam. Được thành lập cách đây 120 năm, hiện tập đoàn Kubota Nhật Bản có 52 chi nhánh trên thế giới, doanh thu trung bình mỗi năm đạt 10 tỷ đô-la. Công ty TNHH Kubota Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Thời gian tới, tập đoàn Kubota sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Hải Phòng. Vì vậy, tập đoàn mong muốn thành phố sẽ tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của tập đoàn. (Báo Hải Phòng Online 28/6; Bản tin thời sự tối 27/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng; An ninh Hải Phòng 30/6 Tr1+4)
8. Kinh tế Hải Phòng 6 tháng: Dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ nét
Liên tiếp với những tin vui trước những công trình mới được xây dựng, các công trình, dự án lớn sắp hoàn thành, các lĩnh vực kinh tế đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận là những biểu hiện rõ nhất về sự phục hồi kinh tế của Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm 2014.
So với yêu cầu đề ra, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm còn khá nặng nề, nhưng kết quả này là sự khích lệ, động viên lớn, là cơ sở để thành phố tiếp tục có những bứt phá, có những giải pháp quyết liệt hơn, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2014.
Tốc độ tăng trưởng cao
Rõ nhất là tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2014 đạt 7,52%, cao nhất so với 3 năm trở lại đây (năm 2012 đạt 5,7%, năm 2013 đạt 6,81%). Nhưng phấn khởi hơn khi năm 2012, 2013, công nghiệp của thành phố có sự chững lại thì nay đã bật dậy với tiềm năng lớn.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp không những tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 mà còn tăng cao so với mức kế hoạch năm và so với bình quân chung cả nước, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Văn Thành, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tháng 6 tăng 8,33% so với tháng 5, tăng 12,34% so với tháng 6 năm 2013, cộng dồn 6 tháng năm 2014 tăng 11,81% so cùng kỳ năm trước là những dấu hiệu rất rõ về sự phục hồi của sản xuất công nghiệp. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự phục hồi của cả nền kinh tế.
Cùng với đó, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng tiếp tục tăng nhanh, 6 tháng đã đạt gần 30 triệu tấn, tăng trưởng gần 15%. Với tốc độ này, theo Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Văn Thành, hoàn toàn có thể nghĩ tới con số 60 triệu tấn sản lượng hàng hóa thông qua Cảng biển khu vực Hải Phòng trong năm 2014.
Ý kiến của Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Phương cũng nêu lên một số chuyển biến ấn tượng trong sản xuất điện, đóng tàu, xi măng, may mặc...
Cùng với đó, một số nhà máy công nghiệp lớn chính thức đi vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm như LGE, Xơ sợi Đình Vũ, VICO và một số nhà máy hoạt động ổn định hơn, tăng thêm công suất như Bridgestone, Fuji Xerox, Kyocera... sẽ có sự đóng góp đáng kể cho sản xuất công nghiệp của Hải Phòng.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thanh Bình, kinh tế phục hồi thể hiện rõ nét trong công tác thu ngân sách. 6 tháng, số thu nội địa đã đạt hơn 50% mức kế hoạch năm là tín hiệu đáng mừng bởi những năm trước, kết quả thu những tháng đầu năm rất thấp. Không những thế, số thu ngân sách tháng 6 tốt hơn tháng 5, nhiều quận, huyện đạt hơn 50% mức kế hoạch, giảm bớt một phần sự căng thẳng trong chi ngân sách.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền, những kết quả đạt được của thành phố phải đặt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những thách thức mới nảy sinh, khó lường như diễn biến phức tạp tại biển Đông.
Đáng mừng là trong khó khăn, thành phố vẫn bình tĩnh vượt qua, xử lý tốt các vấn đề phát sinh, giữ ổn định sản xuất kinh doanh và bảo đảm an ninh trật tự. Nhờ vậy, tất cả doanh nghiệp của Hải Phòng, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn.
Hải Phòng vẫn là địa chỉ đầu tư đáng tin cậy, hấp dẫn và thu hút nguồn vốn FDI 6 tháng đầu năm vẫn cao, đạt hơn 637 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp những tác động của tình hình biển Đông.
Nhiều công trình lớn trên địa bàn thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được thi công khẩn trương, gấp rút hơn để có thể về trước thời gian khoảng 6 tháng.
Dự án mở rộng khu bay Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đang chạy đua với thời gian. Khó khăn nhất là nguồn vốn cho dự án đã được thành phố xử lý, thu xếp, quyết tâm hoàn thành trong năm 2015.
Dự án cầu vượt biển dài nhất Việt Nam cũng được khởi công trong năm nay cho thấy tiềm năng rất lớn của Hải Phòng. Tất cả nhằm tạo nên cơ sở hạ tầng hiện đại và vượt trội của Hải Phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và là nền tảng cho sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế rõ nét trong những năm tiếp theo.
Khắc phục hạn chế, vững bước tiến lên
Về tổng thể, kinh tế thành phố đã có chuyển biến, tăng tốc nhưng đối với một số lĩnh vực cụ thể vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là thu nhập của phần đông người lao động trong các doanh nghiệp còn thấp và chưa ổn định, dẫn tới sức mua thấp, tác động một phần tới tổng cầu của nền kinh tế.
Hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp còn nhiều, dịch vụ tăng chậm. Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chậm lại, sản xuất nông nghiệp giảm so với cùng kỳ. Nổi lên vẫn là khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, dư nợ tín dụng tăng không đáng kể.
Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm, số thu từ đấu giá đất xen kẹt, đấu giá đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có nhà ở do tự chuyển đổi phù hợp với quy hoạch trên địa bàn các quận, huyện còn rất thấp.
Trong 5 tháng, thu từ đấu giá đất xen kẹt, đấu giá đất theo kế hoạch, cấp GCNQSDĐ có nhà ở trên đất là 57,86 tỷ đồng, chỉ đạt 11,57% kế hoạch năm. Có 6 quận, huyện là Hải An, Đồ Sơn, Lê Chân, Ngô Quyền, An Dương, Cát Hải chưa có nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở...
Chính vì vậy, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm khá nặng nề, đòi hỏi sự quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành, cụ thể là bám sát thực tiễn, nắm bắt biến động của tình hình, chú trọng phân tích, đánh giá tác động của các chính sách, kịp thời đề xuất các giải pháp chỉ đạo linh hoạt để vừa tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng thành phố cảng xanh.
Ngoài việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đối thoại và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, khai thác các nguồn thu trên địa bàn; tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn.
Đặc biệt là chủ động nắm tình hình, dự báo chính xác những khả năng ảnh hưởng do diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông để có biện pháp ứng phó kịp thời, giữ ổn định sản xuất kinh doanh và bảo đảm an ninh trật tự trong mọi tình huống, giữ vững niềm tin đối với các nhà đầu tư, quyết tâm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 và thực hiện có hiệu quả cao chủ đề năm Phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. (Hồng Thanh, Báo Hải Phòng Online 29/6; ndh.vn 29/6)
Với thủ đoạn dụ dỗ sang Trung Quốc (TQ) lao động với mức lương cao, chỉ riêng anh em Tuấn, Vũ đã lừa 10 thanh niên sang TQ. Những người này khi sang đến nơi bị cho vào các công xưởng lao động khổ sai, không được trả lương, bị dọa chặt chân nếu bỏ trốn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng vừa tổng kết chuyên án 514T đấu tranh với đối tượng tổ chức người khác trốn ra nước ngoài ở địa bàn Đồn Biên phòng Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.
Từ đơn tố giác của các gia đình ở các xã Tiên Hưng, Quang Phục - huyện Tiên Lãng có con em bị lừa đưa sang Trung Quốc lao động, và qua công tác trinh sát nắm tình hình cho thấy, từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Tiên Lãng xuất hiện các đường dây tổ chức, dẫn dắt người khác trốn ra nước ngoài, đã có 191 người nghi xuất cảnh trái phép trong thời gian qua.
Bộ đội biên phòng Hải Phòng nhận được đơn của đại diện 5 gia đình tố giác 2 anh em ruột Đoàn Văn Tuấn, SN 1993 và Đoàn Văn Vũ – SN 1996 cùng ở xã Tiên Hưng, Tiên Lãng. Các đơn tố giác này khẳng định Tuấn và Vũ lợi dụng mối quan hệ bạn bè, đã trực tiếp lôi kéo nạn nhân sang Trung Quốc và hứa hẹn mức lương hậu hĩnh khi đi lao động bên xứ người từ 7-8 triệu đồng/tháng. Tuấn và Vũ yêu cầu mỗi người phải đóng 4 triệu đồng lệ phí, trước mắt nộp 1-2 triệu đồng/người, số còn lại sẽ trừ vào tiền lương.
Ngày 11.2.2014, Tuấn đưa 5 nạn nhân đi đường bộ qua khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, rồi tìm đường trốn sang Trung Quốc để lao động. Tuy nhiên, những người sang Trung Quốc đều điện thoại về gia đình báo tin từ tháng 2 đến cuối tháng 5.2014, đã được vào lao động tại các cơ sở sản suất giày da, mì tôm ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nhưng không được trả lương và liên tục chuyển các địa điểm làm việc khác nhau. Khi các nạn nhân đòi về thì bị yêu cầu gia đình phải nộp tiếp tiền lệ phí, còn dọa sẽ chặt chân nếu bỏ trốn…
Bộ đội biên phòng Hải Phòng quyết định lập chuyên án mang bí số 514T nhằm tập trung đấu tranh làm rõ hoạt động của đường dây tổ chức người khác trốn ra nước ngoài do 2 đối tượng Đoàn Văn Tuấn và Đoàn Văn Vũ cầm đầu. Qua rà soát 191 người nghi xuất cảnh trái phép tại xã Vinh Quang, đã xác định được 10 người mà anh em Tuấn và Vũ đã đưa sang Trung Quốc. Trong đó có 5 gia đình biết được thủ đoạn của anh em Tuấn, đã tự liên hệ đưa 5 người nhà từ Trung Quốc về an toàn.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 29.5, Ban chuyên án đã tóm gọn đối tượng Tuấn, khi hắn từ Trung Quốc mò về quê. Tại cơ quan điều tra, Tuấn đã khai nhận do biết tiếng Trung nên từ ngày 11.2 đến ngày 10.3, đã 2 lần tổ chức đưa 10 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Khi đưa người sang Trung Quốc, Tuấn cùng một số đối tượng đứng ra hợp đồng với các chủ doanh nghiệp, mọi chế độ chúng thanh toán trực tiếp với chủ doanh nghiệp, rồi đút túi chia nhau ăn tiêu. Ban chuyên án đã xác định được nhóm đối tượng có liên quan đến hoạt động buôn người ở các địa bàn và tiếp tục mở rộng điều tra. (Việt Hòa, Lao động Online 29/6; Thanh niên Online 29/6; Nhân dân Online 29/6; An ninh Hải Phòng Online 30/6; Bản tin thời sự tối 28/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTPMT) - CATP Hải Phòng phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP.Hải Phòng kiểm tra một số container tại cảng. Trong đó, theo tài liệu xác minh ban đầu, các container số GATU8037770; GVCU5055019 và GVCU5216279 thuộc vận đơn:
OSUHKG1396402, được tàu PESCO VOYAGER vận chuyển trên chuyến 329S cập cảng Nam Hải (Hải Phòng), do hãng tàu ZIM làm đại lý vận tải. Các container số BMOU4693543 và CAIU8616817 thuộc vận đơn: NSSLHGHPC1400990, được tàu PEGASUS TERA vận chuyển trên chuyến 1406S, cập cảng Greenport (Hải Phòng), do hãng tàu Nam Sung làm đại lý vận tải.
Người được thông báo nhận hàng trên vận đơn là Công ty cổ phần đầu tư Sông Lô (địa chỉ số 3/38/58/6 Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội). Trên vận đơn ghi rõ tên hàng là thiết bị điện đã qua sử dụng, được vận chuyển từ Hồng Kông về Hải Phòng. Tuy nhiên qua kiểm tra, số hàng trên lại là 120 tấn hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó, khoảng 50 tấn bản vi mạch linh kiện điện tử, là chất thải nguy hại, vi phạm Công ước BASEL, dấu hiệu của hành vi đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự. Còn lại là khoảng 70 tấn gồm máy tính xách tay, CPU, màn hình vi tính, máy server các loại đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định.
Quá trình kiểm tra, các trinh sát còn phát hiện 988 chai rượu vang được cất giấu trong các container, dấu hiệu của hành vi gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. (Sơn Hải, Công an TP Hồ Chí Minh Online 29/6)
Theo thông tin từ Vùng Cảnh sát biển 1 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), lúc 16 giờ ngày 27-6, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện, bắt giữ tàu mang số hiệu NB 2907 chở hơn 700 tấn than cám không rõ nguồn gốc.
Tàu có công suất 250 CV, trọng tải 790 tấn, thuộc Công ty TNHH An Phúc, địa chỉ tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình). Trên tàu có 5 thuyền viên, do Vũ Văn Hiệp, sinh năm 1973 trú tại thị trấn Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình làm thuyền trưởng. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được các loại giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số than trên, không có giấy chứng minh an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, không có giấy phép ra vào cảng.
Lực lượng chức năng Vùng Cảnh sát biển 1 lập biên bản, ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm. (Báo Hải Phòng Online 29/6)
Đang thi hành án tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), Lê Hoàng Minh, sinh 1984, quê ở xã Nhị Hà, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, vẫn cùng đồng bọn phạm tội…
Theo cáo trạng, Lê Hoàng Minh đang thi hành án số 19/THA của TAND tỉnh Ninh Thuận xử phạt 10 năm tù ở Trại giam Xuân Nguyên. Đến 9h ngày 7-9-2013, Minh cùng các phạm nhân: Huỳnh Tấn Huy, sinh 1986, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; Trần Hoàng Sơn, sinh 1971, ở P.4, Q.10, TP Hồ Chí Minh; Vũ Ngọc Sáng, sinh 1982, ở huyện Mỹ Hảo, tỉnh Hưng Yên; Lê Hân Vi, sinh 1980, ở thôn Trường Xanh, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; Nguyễn Chánh Tín, sinh 1985, ở Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Văn Khánh, sinh 1987, ở Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân, Hải Phòng, ngồi chơi ở khu vực hành lang tầng 2, trước cửa buồng giam I.3, I.4 Phân trại số 3. Minh nói với cả bọn: “Ở đây xa nhà, chẳng ai thăm nuôi, động viên…”.
Sau đó, Minh đề xuất với cả bọn một kế hoạch “táo tợn” là bắt giữ cán bộ Trại giam làm con tin, gây áp lực đòi gặp lãnh đạo Tổng cục 8 Bộ Công an, xin chuyển trại về gần quê. Sau đó, chúng tỏa về buồng giam chuẩn bị hung khí gồm dao, dùi tự tạo và dao lam cất giấu vào trong người, chờ tới khi cán bộ trại đến điểm danh sẽ thực hiện kế hoạch.
Đến 10h45 cùng ngày, khi có tiếng kẻng điểm danh thì Minh, Sơn, Vi, Sáng, Huy, Tín, Khánh chờ cho các phạm nhân khác xuống trước, rồi cố ý đi sát nhau để xuống sau. Khi quản giáo Phạm Quốc Việt là cán bộ Phân trại số 3 đứng gần đó để yêu cầu các phạm nhân xuống điểm danh thì Lê Hoàng Minh bất ngờ xông vào kẹp cổ, dí dao vào cổ quản giáo Việt. Cùng lúc đó, Sơn, Vi cũng dùng dao tự tạo xông tới dí vào cổ quản giáo; còn Huy, Tín, Khánh áp sát giữ tay, dùng dao khống chế đưa quản giáo lên cầu thang. Sau đó Sáng và Sơn mở cửa để đưa quản giáo vào buồng giam I.4.
Như đã tính toán từ trước, Sáng, Sơn, Vi nhanh chóng dùng dao tự tạo cắt dây thép mắc màn và dây vải trong buồng giam buộc chặt cửa ra vào. Còn Tín, Huy thì dùng dây trói hai tay quản giáo Việt về phía sau và trói hai chân lại để ngồi dưới sàn.
Lúc này trong phòng có phạm nhân Vàng A Vạng vừa đi từ nhà vệ sinh ra, chưa hiểu sự tình thì Minh đã hô “trói Vạng lại” rồi Khánh dùng dây vải trói chân, tay, buộc chặt người Vạng vào cột bê tông trong buồng giam. Xong xuôi, cả bọn ngồi lì canh giữ và khống chế, không cho ai ra vào. Khi Ban giám thị Trại giam Xuân Nguyên có mặt thì tất cả yêu cầu được gặp lãnh đạo Tổng cục 8 Bộ Công an để đòi được chuyển trại. Đến 23h cùng ngày, lãnh đạo Tổng cục 8 về vận động, thuyết phục thì các phạm nhân mới chịu thả quản giáo Việt và phạm nhân Vàng A Vạng.
Sáng 26-6, TAND TP Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ án trên. Trước vành móng ngựa, các bị cáo đều cúi đầu nhận tội và xin hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra và kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX tuyên bố các bị cáo Minh, Huy, Sơn, Sáng, Vy, Tín, Khánh đồng phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, áp dụng khoản 2 Điều 123 BLHS, xử phạt: Lê Hoàng Minh 4 năm tù, tổng hợp hình phạt của bản án cũ buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung 9 năm 8 tháng 8 ngày; các bị cáo Huy, Sơn, Sáng, Vy, Tín, Khánh cùng mức án 3 năm tù, tổng hợp hình phạt của bản án cũ, buộc Huỳnh Tấn Huy chấp hành hình phạt chung là tù chung thân; Trần Hoàng Sơn chấp hành hình phạt chung 12 năm 6 tháng 19 ngày; Vũ Ngọc Sáng chấp hành hình phạt chung 10 năm 9 tháng 10 ngày; Lê Hân Vy chấp hành hình phạt chung 7 năm 1 tháng 27 ngày; Nguyễn Chánh Tín chấp hành hình phạt chung 4 năm 5 tháng 25 ngày; Nguyễn Văn Khánh chấp hành hình phạt chung 7 năm 5 tháng 3 ngày. (TN, An ninh Hải Phòng Online 30/6)
Với nước da trắng mịn, khuôn mặt khả ái, vóc dáng thon gọn, Phạm Thị Hằng, sinh 1994, quê ở Yên Khánh Thượng, Văn Bàn, Lào Cai, đúng là một “bông hoa rừng”. Còn trẻ nhưng do hoàn cảnh gia đình nên Hằng sớm phải rời Lào Cai xuống Hà Nội kiếm sống. Văn hóa thấp, nghề nghiệp không có, cô phải “đầu quân” làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng. Với vẻ đẹp mang nét hoang dã của một cô gái miền sơn cước nên Hằng khiến cho Đặng Văn Thắng, sinh 1990, ở Liên Khê, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, si mê trong một lần lên Hà Nội chơi tình cờ gặp cô…
Mèo mả gặp gà đồng
Sau một thời gian đi lại “cưa cẩm”, tán tỉnh, Thắng cũng chiếm được cảm tình của người đẹp. Gần đây, Hằng chuyển vào làm nhân viên trong nhà nghỉ của bà chủ Lê Thị Minh Đức, sinh 1983, ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội nên Thắng cũng thường xuyên tìm đến đây với người tình. Qua lại nhiều nên Thắng quá quen thuộc với chủ nhà nghỉ. Anh ta được Đức coi như “đàn em”, đôi lúc cũng sai bảo việc này, việc khác.
Nhà nghỉ của Đức nằm cạnh đường 72 (khu vực giáp ranh giữa Từ Liêm và Hà Đông) nên từ lâu đã “nổi tiếng” là phố “đèn đỏ”. Mở dịch vụ nhà nghỉ chỉ là tấm bình phong, còn thực chất Đức đứng ra tổ chức hoạt động mua, bán dâm. Không dại gì nuôi gái mại dâm trong nhà mà mỗi lần khách có nhu cầu “vui vẻ” tìm đến, Đức “hợp đồng” với các “Tú bà” điều gái đến phục vụ. Kinh doanh trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với dân giang hồ nên Đức khá dữ dằn, liều lĩnh. Ngay cái vẻ bề ngoài của Đức cũng toát lên điều đó.
Mấy năm trước, vợ chồng Đức có trục trặc nên họ đã chia tay nhau. Cách đây khoảng 4 năm, Đức thu nhận Trần Ngọc Tuấn, sinh 1981, ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, vào làm nhân viên bảo vệ. Hơn Đức 2 tuổi, Tuấn cũng từng có một đời vợ nhưng đã ly hôn. Anh ta vốn là một kẻ giang hồ “máu lạnh” nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà chủ. Có Tuấn bên cạnh, Đức khá yên tâm bởi với dáng vẻ bặm trợn, hung tợn, không chỉ có khách mà dân giang hồ quanh khu vực cũng phải cạch mặt Tuấn. Từ chỗ chỉ là nhân viên, Tuấn được bà chủ “nâng cấp” trở thành nhân tình và hai người chung sống với nhau như vợ chồng. Cặp “mèo mả, gà đồng” này dựa vào nhau mà kiếm sống và trở nên có tiếng ở khu vực Dương Nội.
Sát hại khách vì cho rằng bị “dìm hàng”
Tối 9-4-2012, sau một bữa nhậu, anh Chu Thế Bộ, quê ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, cùng em trai là Chu Thế Môn và một vài người bạn khác ra đường Hàm Nghi, TT Cầu Diễn, hát karaoke. Rượu say, mấy anh em thi nhau gào hát cho giã rượu. Đến 0h30 ngày 10-4-2012 thì cuộc vui cũng đến lúc tàn. Thay vì về nhà đi ngủ nhưng anh Bộ lại phởn chí rủ em trai và anh Lê Tuấn Anh, ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, đi “tăng hai” tìm gái mại dâm giải… rượu. Ba người đi trên 2 chiếc xe máy phóng xuống khu vực đường 72 thuộc Dương Nội, Hà Đông gần đó.
Thấy nhà nghỉ của Đức vẫn còn sáng ánh đèn, 3 người đi vào. Trong nhà nghỉ lúc này có Đức và Hằng vẫn còn ngồi trong phòng khách. Anh Bộ đi vào hỏi Đức: “Có gái không chị?”. Sau cái gật đầu, Đức lấy điện thoại di động điện cho Nguyễn Thị Thịnh, sinh 1977, chủ quán cà phê ở gần đó, yêu cầu “điều” cho 3 nhân viên sang phục vụ khách.
Theo “hợp đồng”, chỉ ít phút sau 3 cô gái bán dâm là Bạch Thị Yến, Hà Thị Mai, quê ở Hòa Bình; Nguyễn Thị Phiên, quê ở Phú Thọ, được Thịnh “điều” sang nhà nghỉ. Thấy có “hàng”, anh Tuấn Anh mới hỏi chủ nhà nghỉ về giá cả. Đức ra giá đi “tàu nhanh” với 3 cô giá 600 ngàn đồng. Kiểm trong ví của 3 người chỉ còn vỏn vẹn 200 ngàn đồng nên anh Bộ đứng ra mặc cả với Đức bằng đúng số tiền mà họ có trong tay.
Không ngờ, Đức nghĩ nhóm thanh niên này đùa cợt, “dìm hàng” nên nổi máu côn đồ, xông tới vừa tát vào mặt anh Bộ vừa vung ra những câu chửi tục tĩu. Không dừng lại đấy, Đức cúi xuống rút ngay chiếc dép đang đi ném vào mặt anh Bộ. Bất ngờ bị người đàn bà hung hãn tấn công, 3 người vội co giò bỏ chạy ra phía ngoài cửa hòng thoát thân. Khi anh Bộ chạy ra đến gần cửa thì Hằng lao tới túm lấy áo anh kéo lại. Anh Bộ quơ tay lại túm được tóc Hằng. Hai bên giằng co nhau quyết liệt ngay trước cửa nhà nghỉ. Sức vóc của Hằng không thể so được với sức của anh Bộ nên cô ta bị anh đẩy ngã. Nhìn thấy Hằng ngã, Đức hét to: “Thằng kia đánh cái Hằng nhà mình”.
Nghe tiếng Đức kêu, Tuấn cùng với Thắng đang nằm ngủ trong phòng, mắt nhắm mắt mở vùng ngay dậy. Tuấn cầm con dao dài khoảng 40cm, còn Thắng vơ chiếc tuýt sắt lao ra. Nghe tiếng Đức hô: “Đánh chết nó đi”. Không cần biết nép tẻ thế nào, máu sĩ nổi lên, Thắng xông tới vung chiếc tuýt sắt vụt liên tiếp vào người anh Bộ khiến anh ngã khụy gần cửa nhà nghỉ. Chạy ra sau, Tuấn cũng xông tới vung dao đâm một nhát vào lưng anh Bộ khi anh đang ở tư thế ngã ngồi. Cú đâm khá hiểm từ sau lưng khiến anh Bộ gục ngay.
Anh Môn bàng hoàng khi thấy anh trai bị đâm gục xuống, quay lại cứu thì bị Tuấn cầm dao đâm, rất may anh tránh kịp. Thấy Tuấn đằng đằng sát khí, anh Tuấn Anh không dám nhảy vào cứu, vội bỏ xe máy, chạy lấy người. Bị thương đến nước ấy mà anh Bộ còn bị Hằng vơ chiếc chổi xông ra vụt tới tấp vào người. Chỉ khi thấy nạn nhân không còn chống cự, Tuấn cùng với Thắng và Hằng mới dừng tay chạy vào nhà. Anh Môn cùng anh Tuấn Anh vội dùng xe máy đưa anh Bộ vào ngay Viện quân y 103 cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên đến 8h cùng ngày, anh đã tử vong do mất máu cấp.
Lưới trời lồng lộng
Vụ án xảy ra trong đêm nhưng do có nhiều nhân chứng có mặt tại hiện trường nên nhanh chóng được cơ quan điều tra CAQ Hà Đông làm rõ. Tuy nhiên sau khi gây án, cặp Tuấn - Đức cùng Thắng - Hằng vội vàng bỏ chạy lên Xuân Phương, cùng trong huyện Từ Liêm, lẩn trốn trong một nhà nghỉ. Tuấn giấu con dao hung khí của vụ án trong cửa thông gió của nhà nghỉ này.
Khoảng 10h cùng ngày, Đức quay trở về Dương Nội thì hay tin nạn nhân đã tử vong trong bệnh viện nên gọi điện báo cho chồng “hờ” và cặp tình nhân Thắng - Hằng biết. Sợ hãi, Tuấn chạy vạy vay được một người bạn ở Xuân Phương 4 triệu đồng, kéo Thắng và Hằng cùng bắt xe khách bỏ trốn vào miền Nam. Trên đường đi, Tuấn điện trước rồi được một người bạn ở Thanh Hóa mang ra cho vay thêm 7 triệu đồng nữa.
Không may, xe chạy đến TP Đà Nẵng thì bị hỏng hóc. Kiểm lại trong túi chỉ có hơn chục triệu đồng, không đủ cho cả 3 người nên Thắng đi đến quyết định không đi vào miền Nam nữa mà dắt người tình quay về quê ở Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, lẩn trốn. Còn một mình, Tuấn cũng không đi tiếp mà từ TP Đà Nẵng bắt xe khách quay trở ra Hà Nội. Hai ngày sau, biết không thể trốn tránh được tội lỗi, cả 3 đối tượng này tìm đến cơ quan công an xin đầu thú. Đức trước đó đã bị cơ quan công an bắt giữ.
Sau một thời giam tạm giữ, cơ quan điều tra CATP Hà Nội chỉ ra lệnh bắt giam đối với Tuấn và Thắng. Còn vợ “hờ” của Tuấn do đang mang cái thai của anh ta nên được tại ngoại. Sau khi hoàn tất kết luận điều tra, Hằng cũng được tại ngoại nhưng lợi dụng điều này, cô ta bỏ trốn. Trước cơ quan điều tra, lúc đầu Đức một mực nhận trách nhiệm về mình là người trực tiếp gây ra cái chết cho anh Bộ. Tuy nhiên, lời khai ấy của chị ta chỉ thể hiện “tình nghĩa” trong mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” giữa hai người.
Còn qua lời khai nhân chứng cùng với lời thú nhận của chính Tuấn, cơ quan điều tra xác định, chính chồng “hờ” của Đức mới là người trực tiếp gây nên cái chết của anh Bộ. Ngày 13-12-2012, cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Phạm Thị Hằng về hành vi “giết người”. Sau gần một năm vụ án xảy ra, ngày 27-3-2013, cặp vợ chồng “hờ” Trần Ngọc Tuấn - Lê Thị Minh Đức cùng Đặng Văn Thắng phải dắt nhau ra hầu tòa. Với tội “giết người”, TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt Trần Ngọc Tuấn, tù chung thân; Lê Thị Minh Đức, 20 năm tù và Đặng Văn Thắng, 13 năm tù giam.
Còn với Hằng, sau gần một năm lẩn trốn, đến 25-8-2013, cô ta sa lưới pháp luật. Đến ngày 16-6 vừa qua, Hằng đã bị TAND thành phố Hà Nội đưa ra xét xử. Cùng với tội danh “giết người” nhưng khi phạm tội, Hằng chưa đủ 18 tuổi nên cô ta chỉ bị tuyên phạt 9 năm tù giam. (Thục Quyên, An ninh Hải Phòng Online 29/6)
Nạn nhân nằm chết ngay trước cửa nhà với những thương tích trên thi thể vô cùng thương tâm, toàn bộ nữ trang trên người không còn. Dư luận cho rằng đây là vụ án mạng, thủ phạm đã giết chết nạn nhân để bịt đầu mối sau khi cướp tài sản...
Cái chết thương tâm đầy bí ẩn
Suốt cả ngày 5-6, rất nhiều lần điện thoại liên tục ở quê về nhà cho con gái nhưng không thấy nghe máy, bà Đào Thị Sự, sinh 1954, ở thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, rất sốt ruột. Cuối cùng bà đành gọi điện nhờ em gái mình ở gần đó chạy sang nhà kiểm tra nhà cửa xem có vấn đề.
Nghe chị gọi điện về, em gái bà Sự cũng sốt ruột tất tả chạy sang, thấy trong nhà cửa vẫn mở, đèn bật sáng, nhưng gọi cổng đến khản cổ vẫn không thấy người ra mở. Đến khi nhìn qua khe cổng, em gái bà Sự mới hoảng hồn khi thấy cô cháu gái mình đang nằm bất động trước cửa nhà... Sau khi hô hoán hàng xóm sang mở được cổng, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra, chị Đặng Thị Xuân Hương, sinh 1984, mặc chiếc quần soóc và chiếc áo phông nằm chết cứng từ bao giờ, trên người mang nhiều thương tích. Đáng chú ý, toàn bộ nữ trang đắt tiền trên người nạn nhân hàng ngày vẫn đeo không còn.
Theo người nhà nạn nhân kể lại, ngày 4-6, chị Hương có chở bà Sự về quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, viếng đám ma một người thân trong họ. Cho đến chiều, chị Hương một mình về Hải Phòng để trông nhà, bà Sự ở lại quê giúp đỡ gia đình nhà đám lo toan công việc.
Cũng theo người trong nhà kể lại, mẹ con bà Sự từ lâu sống trong cảnh mẹ góa con côi. Cách đây hơn 1 năm, mẹ con bà Sự bán ngôi nhà trong phố, chuyển ra ngoài ven đô ở cho rộng rãi hơn. Bản thân chị Hương là người khá xinh xắn, mặc dù chưa lập gia đình nhưng các mối quan hệ đều rất lành mạnh. Hàng ngày đi làm về, chị Hương quanh quẩn ở nhà sinh hoạt cùng mẹ, ít giao lưu, quan hệ xã hội.
Dư luận ban đầu cho rằng đây không phải là một vụ trả thù do mâu thuẫn cá nhân. Có thể do biết mẹ con bà Sự bán nhà từ nội thành ra ngoài ven đô ở có để lại một chút vốn liếng, khi phát hiện thấy trong nhà chỉ có một mình chị Hương, thủ phạm đã đột nhập, thủ phạm đã cố tình giết chết nạn nhân để bịt đầu mối sau khi cướp tài sản(?).
Giải mã “vụ án” hy hữu
Trước nghi vấn tạo nên sự hoang mang cho gia đình nạn nhân và dư luận, ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện An Dương cùng với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hải Phòng đã nhanh chóng có mặt, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực hiện trường, quyết tâm làm rõ nguyên nhân vụ việc để ổn định tình hình địa phương.
Nhận định đây là vụ án nghiêm trọng, giết người dã man, lực lượng CSĐT kết hợp cùng Tổ công tác của Phòng Kỹ thuật hình sự gồm các bác sỹ pháp y và các giám định viên đã cẩn trọng thu thập mọi thông tin, dấu vết phát hiện trên thi thể nạn nhân cũng như khu vực xung quanh. Tại hiện trường, toàn bộ từ cổng đến các cửa ra vào không có bất cứ dấu hiệu cậy phá. Đáng chú ý, một số nữ trang trên người nạn nhân vẫn đeo, lúc đầu được cho là... biến mất thì qua rà soát lại đã được gia đình cùng cơ quan điều tra tìm thấy trong ngăn kéo tủ. Tài sản trong nhà cũng không hề bị xáo trộn, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Đến khi nghi vấn về một vụ án giết người cướp tài sản được loại trừ, lực lượng điều tra đặt tình huống có thể nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ việc trả thù do mâu thuẫn cá nhân. Nhưng gia đình khẳng định, nạn nhân là người có mối quan hệ lành mạnh, chưa từng thù tức hay mâu thuẫn với bất kỳ ai. Trong khi đó, lực lượng khám nghiệm phát hiện trong nhà nạn nhân còn có một bát mì tôm đang ăn dở và một vỏ chai bia. Tất cả phát hiện, những dấu vết dù nhỏ nhất để lại đều được xem xét, kiểm tra hết sức kỹ càng, tỷ mỉ.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành lấy mẫu thức ăn kiểm tra không phát hiện thấy gì bất thường, lực lượng điều tra một lần nữa loại trừ khả năng hung thủ đã ra tay đầu độc nạn nhân, sau đó tạo chứng cứ, hiện trường giả hòng đánh lạc hướng...
Vậy nguyên nhân vụ việc là gì nếu không phải là vụ giết người cướp tài sản hay trả thù cá nhân(?). Trung tá Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Pháp y (Phòng Kỹ thuật Hình sự) cho biết, trong quá trình khám nghiệm tử thi đã phát hiện những dấu vết cực kỳ quan trọng. Các tổn thương trên cơ thể nạn nhân được xác định không phải do vật tày, nhọn nào tác động vào mà là bị dập nát do bị rơi từ trên cao xuống. Chị Đặng Thị Xuân Hương cũng được xác định chết không lâu sau khi ăn của bữa tối hôm trước. Cho đến lúc được phát hiện, chị Hương đã chết được hơn 10 tiếng đồng hồ, vào khoảng nửa đêm hôm trước.
Cũng theo trung tá Nguyễn Văn Thắng, một chi tiết cực kỳ quan trọng nữa là vị trí nạn nhân nằm chết dưới sân trực diện với cửa sổ tầng 2 của ngôi nhà. Khi phát hiện chị Hương tử vong thì toàn bộ 2 cánh cửa sổ đều mở toang. Đáng chú ý, cửa sổ này được thiết kế khá rộng, vừa đủ cơ thể người lớn chui lọt. Trong khi đó cánh cửa bằng nhôm kính mở ra ngoài nhưng không có chấn song, lại nằm sát với mặt sàn của tầng 2 và bên ngoài không có ban công.
Vụ việc đã dần hé mở những bí ẩn đằng sau cái chết bất thường của chị Đặng Thị Xuân Hương. Đối chiếu cửa sổ và vị trí chị Hương nằm chết phù hợp với khả năng nhận định nạn nhân bị do rơi từ trên xuống cũng như thương tích để lại trên cơ thể dẫn đến cái chết của nạn nhân. Tiến hành kiểm tra cánh cửa sổ, lực lượng chức năng phát hiện các bản lề đều đã bị kẹt cứng. Để mở được cánh cửa ra, phải bằng sức của một người lớn đẩy với một lực rất mạnh. Từ đó cơ quan công an xác định, chị Hương chết do tai nạn rủi ro. Trong quá trình mở cửa sổ, do phải dùng lực đẩy quá mạnh, khi cánh cửa mở ra, chị Hương theo đà lao ra ngoài và rơi xuống sân dẫn đến tử vong.
Với tinh thần tích cực, khẩn trương, từ những dấu vết thu thập tại hiện trường, trên thi thể nạn nhân, lực lượng Kỹ thuật hình sự đã phân tích một cách chính xác, khoa học và đi đến kết luận nguyên nhân cái chết bất thường đầy bí ẩn của chị Đặng Thị Xuân Hương. Qua đó đã nhanh chóng giải tỏa tâm lý hoài nghi của gia đình và dư luận, đồng thời góp phần khẳng định trình độ nghiệp vụ của lực lượng Công an Hải Phòng trong việc đảm bảo an ninh trật tự thành phố... (Trần Văn, An ninh Hải Phòng Online 28/6)
Hơn một năm qua, mỗi ngày, tuyến đường Ngô Gia Tự và một phần tuyến đường 353 (Hải Phòng) phải oằn mình chống chọi hàng trăm lượt xe trọng tải lớn rầm rập chở vật liệu xây dựng qua lại từ sáng đến tối.
Bà Trần Thị Tảo, ở 60 Ngô Gia Tự cho biết: Hàng ngày các chuyến xe nườm nượp chở cát, đá gắn tên Công ty TNHH Xây dựng và vận tải Hoàng Trường (Công ty Hoàng Trường) qua lại tuyến đường này. Xe chở đầy ăm ắp nhưng chỉ được đậy bạt theo kiểu chống đối nên vật liệu rơi vãi đầy đường.
Đoàn xe tải trên là xe của Công ty Hoàng Trường, Doanh nghiệp thương binh Trường Sơn cùng nhiều DN vận tải khác… Đây là đoàn xe chở cát, đá phục vụ việc thi công tuyến đường 5B (Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Theo quan sát của PV Báo Giao thông, đoàn xe của Công ty Hoàng Trường là dòng xe Dongfeng, Trung Quốc tải trọng trên 20 tấn. Tuy nhiên, phần lớn số xe này đã được cơi nới thêm thùng bệ chở vật liệu phục vụ thi công đường 5B. Mặc dù đoàn xe chạy rầm rập suốt nhiều ngày qua nhưng không thấy bất cứ lực lượng chức năng nào kiểm tra, kiểm soát trên tuyến đường này.
Hành trình của đoàn xe “siêu trọng” này chưa đầy 10km nhưng đi qua địa bàn hai quận Dương Kinh và Hải An. Dọc tuyến 353 là đoạn đường thuộc quyền kiểm soát của Đội CSGT số 2. Thậm chí, đoạn từ ngã tư Lê Hồng Phong đi Tràng Cát đã có biển cấm xe tải dưới 3,5 tấn nhưng đoàn xe này vẫn vô tư chạy mà không có bất kỳ phản ứng nào từ phía cơ quan chức năng. Tải trọng mỗi xe gấp cả chục lần biển báo hạn chế tải trọng. Khi được hỏi việc các xe trên có được phép chạy vào đường cấm, một cán bộ Đội CSGT số 2 khẳng định ngay, các đơn vị vận tải này không có giấy phép đi vào đường cấm. Tuy nhiên, vị này lại cho biết việc xử lý “không thuộc thẩm quyền” của Đội này mà là địa bàn quận Hải An phụ trách(?). Chưa bàn đến việc ai mới chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý trên tuyến đường, nhưng dù lực lượng nào đi nữa, câu hỏi đặt ra là vì sao hàng năm trời đoàn xe này vẫn vô tư hoạt động mà không hề có sự xử lý nào của cơ quan chức năng?! Xin dành câu hỏi này cho chính quyền và các cơ quan chức năng TP Hải Phòng nói chung và hai quận Dương Kinh và Hải An nói riêng. (Trung Thành, Giao thông vận tải Online 30/6)
Những ngày qua, nhiều người dân trong nội thành bày tỏ băn khoăn bởi có thời điểm thành phố ngập trong những mảng khói trắng bảng lảng như sương mù. Đó không phải là một khung cảnh lãng mạn mà điều khiến nhiều người lo là khói độc được xả ra từ một nhà máy nào đó…
Chân run run giữa đồng lúa khói…
Một người bạn gọi điện cho tôi với giọng đầy tâm trạng: “Nhà báo ơi, khói ở đâu ra mà nhiều thế…”. Tôi cũng đang lăn tăn và chợt nghĩ đến hoàn cảnh tương tự của Hà Nội, đã được báo chí đề cập đến, nên mạnh dạn trả lời: “Là khói rơm từ ngoại thành bay vào, chứ nhà máy nào mà lắm khói thế”. Quả thật, dù trời vẫn nắng oi ả nhưng không có cảnh cao xanh trong vời vợi, thay vào đó là màn khói trắng đục phủ kín cả thành phố. Trên mạng xã hội mọi người nhao nhao bình luận, có người ví Hải Phòng như là xứ sương mù Anh quốc.
Một người hàng xóm cao tuổi ngước mắt nhìn mấy ngọn cây, rồi lập luận rằng: “Thời tiết thay đổi, hầu như không có gió đông, nội thành nằm ở giáp biển thì đúng là khói ở ngoại thành hướng tây và tây nam tràn vào rồi…”. Thấy có lý, tôi lấy xe phóng về hướng Tây, qua huyện An Dương, thử tìm một cảm giác mới lạ khi rời chốn đô thị phồn hoa, ngâm nga lời hát “Em đi giữa biển vàng, nghe mênh mang trên đồng lúa hát…”. Nhưng cố mãi chẳng có cảm xúc, bởi mới đi vài cây số đã thấy khói bốc lên nghi ngút khắp các cánh đồng. Cũng may, hướng tôi đi đều qua các xã trồng màu, diện tích cấy lúa nhỏ nên những đụn khói cũng nhỏ, xem ra bằng chứng chưa đủ sức thuyết phục.
Chỉ đến khi vượt qua cầu Trạm Bạc, sang địa phận An Lão, vấn đề mới có vẻ rõ nét, lúc này nếu hát được có lẽ phải biến tấu là “chân run run giữa đồng lúa khói…”. Từ các đường giao thông liên thôn đến nội đồng, từ bờ thửa đến mép ruộng, từng đống rơm lổm nhổm đang âm ỉ tuôn khói. Cả vùng nông thôn ngun ngún, nhìn như cảnh quay của một bộ phim chiến tranh đang được dàn dựng. Đi từ núi Voi, qua đường 10 cũ rẽ vào huyện lộ 304 (một trong những đường xuống cấp nhất của thành phố), suốt chặng gần 30 cây số, không khu vực nào không có vùng rơm bị đốt. Khi được hỏi, một nông dân ở xã Thái Sơn trả lời có vẻ lảng tránh: “Máy tuốt họ phun ra, rơm chất đống nên bọn trẻ trâu nó nghịch đấy mà…”. Nhưng một người khác nói không e dè: “Đốt cho nó gọn chứ giờ rơm có dùng làm gì nữa đâu?”.
Vòng sang huyện Kiến Thụy, tôi đi tắt con đường từ xã Thuận Thiên, qua Du Lễ về xã Kiến Quốc. Theo quan sát, khu nào đường nhỏ máy tuốt lúa khó vào thì số rơm cũng nhỏ, nhưng chỗ đường lớn bãi rộng, rơm tích lại có đống cao như núi. Con đường liên xã trải nhựa đủ đề hai ô tô nhỏ tránh nhau, nhưng có lúc tôi phải xuống xe dắt lượn sát bờ ruộng để tránh những đống lửa đang nhả khói giữa đường. Ở đây, tôi gặp một bác chạy máy tuốt lúa, đang loay hoay bốc rơm tươi phủ vào đống rơm đang cháy để lấy chỗ kéo chiếc máy tuốt chạy qua.
Thấy vậy, tôi nhảy xuống trợ giúp, nghe bác cằn nhằn: “Dân mình bừa bãi, mang tiếng đường rộng mà chẳng có chỗ mà đi…”. Vừa kéo xe bác vừa nói tiếp: “Năm ngoái con gái tôi đi làm về vượt qua đúng chỗ này, mất phương hướng lao xuống ruộng đấy!”. Tôi hỏi: “Thế sao lúc tuốt lúa cho bà con, bác không bảo họ cho gọn vào một chỗ?”. Bác ậm ừ: “Thì cũng bảo nhiều nhưng đa số họ tiện đâu làm đấy thì biết làm sao được…”.
Tưởng là cũ, hóa ra là… văn hóa mới
Ngày trước, rơm được coi là một thứ của cải không thể bỏ phí của nhà nông. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, vào vụ mùa thì hôm nào cũng phải dậy rất sớm, vác quang gánh ra sân kho HTX nhận phần rơm được chia của gia đình mình. Rơm loại đẹp để bện chổi, loại vừa vừa làm thức ăn cho trâu, loại xấu băm trộn thành chế phẩm phân hữu cơ, trát vách nhà và đun bếp, chưa kể mùa đông còn được vò lại làm đệm giường để ngủ… Còn bây giờ, chẳng ai làm những việc ấy nữa, rơm đã chấm dứt vai trò “lịch sử” và trở thành vô dụng, nên mấy năm nay nó bị đốt bỏ. Nghĩa là “văn hóa” đốt rơm mới chỉ xuất hiện và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Cứ mỗi mùa gặt có việc về nông thôn lại lo ngay ngáy, vì đi bất cứ đường nào cũng bắt gặp bà con tuốt lúa. Có nhà chở lúa về làng thì cũng chỉ được đến ngõ, và cứ thế thản nhiên bắc máy cho lúa vào “xay”, phun rơm vượt qua đường, bất biết những người khác đi lại thế nào. Số khác tuốt lúa ngay ngoài đồng, chỗ nào tiện là tuốt, tuốt xong là đốt rơm. Tôi đi từ xã Kiến Quốc về thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy), đoạn đường mới được đưa vào sử dụng trên tuyến nâng cấp thành tỉnh lộ 362, dài chừng 2km mà có tới gần chục điểm bà con tuốt lúa, đường rộng mà có chỗ không có lối cho xe qua.
Gặp một cán bộ huyện ở thị trấn Núi Đối, anh than thở: “Nghe kêu nhiều lắm rồi, trước vụ mùa năm nào cũng nhắc địa phương nhưng chẳng có kết quả gì, ai cũng chỉ biết được việc mình…”. Theo anh cán bộ này, rơm chất đống chỉ hơi khô toan hoái, đốt không cháy hẳn mà ngún nên mới nhiều khói, có đống lớn cháy cả tuần không hết. Ảnh hưởng do cản trở giao thông trực tiếp đã rõ, ô nhiễm môi trường cũng đã rõ, mà ngay những con đường có khi vừa mới hoàn thành đã bị nhiệt độ của những đống rơm làm biến dạng, thêm vài trận mưa là biến thành ổ trâu, ổ voi. Hóa ra chất lượng đường không hẳn chỉ do thi công ẩu, mà lỗi một phần do chính những người nông dân đang hủy hoại.
Trên đường về, đã sát đến nội thành vẫn thấy vài nông dân bình thản châm lửa “thui” rơm, nhớ lời anh cán bộ huyện, tôi dừng lại hỏi một bác ở trên đoạn kênh Hòa Bình (Kiến Thụy): “Bác đốt thế này xã không cấm à?”. Bác cười tươi: “Chả thấy ai cấm, mà chẳng nhẽ không đốt thì cứ đánh đống để đấy à?”. Nhìn ra khoảng cách đồng rộng ngút hết tầm mắt, cơ man không biết bao nhiêu “ngọn núi lửa” vẫn tiếp tục nhả khói, mới thấy, nếu đúng khung cảnh “sương mờ” của nội thành mấy ngày qua là do khói lúa tạo nên thì xem ra thế vẫn còn may. Bởi cả mùa thu hoạch lúa kéo dài hàng tháng, riêng vụ chiêm xuân theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích cấy đã là 54.436,8ha, nếu không nhờ gió Đông lùa từ biển vào thì có lẽ nội thành không còn nơi trú ẩn
Nhưng buồn hơn, nếu tình hình này không được cải thiện, thì chả nhẽ bà con đem nét văn hóa này để chọi lại với nỗ lực phấn đấu xây dựng thành phố xanh, du lịch xanh, nông thôn mới hay sao. Dường như những mục tiêu kia vẫn vời vợi giống như khói lúa mịt mù, khi mà chúng ta chưa “xanh hóa” được cộng đồng. (Gia Lê, An ninh Hải Phòng Online 28/6)
6 tháng đầu năm 2014, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, số người chết do TNGT giảm được 7,69%. Tuy nhiên, tình hình TTATGT trên thực tế mới chỉ kiểm soát được ở khu vực nội thành. Ngược lại, địa bàn ngoại thành, TNGT có chiều hướng gia tăng nhanh, chiếm tới 69%...
Theo Báo cáo của Ban ATGT thành phố, 6 tháng đầu năm 2014 (từ 16/12/2013 – 15/6/2014), trên địa bàn thành phố xảy ra 58 vụ TNGT, làm chết 48 người, bị thương 45 người. So với cùng kỳ năm 2013, các chỉ số về số đầu vụ và số người chết do TNGT trong 6 tháng đầu năm 2014 đều giảm (giảm 1 vụ). Tuy nhiên, số người bị thương lại tăng 12 người.
Vấn đề “nóng” nhất hiện nay là việc giải quyết tình trạng xâm hại hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và việc xử lý các “điểm đen” hay khắc phục sự cố về giao thông trên các tuyến đường giao thông ở khu vực ngoại thành. Chỉ tính riêng trên tuyến QL10, đã có 54 điểm vi phạm hành lang ATGT đã nhiều năm với những lỗi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng (chủ yếu là doanh nghiệp mở đường đấu nối trực tiếp với quốc lộ làm tăng thêm những điểm xung đột giao thông; xây nhà xưởng, trụ sở điều hành trong chỉ giới hành lang đường bộ làm che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông) nhưng không được giải quết dứt điểm. Từ năm 2010 đến nay, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an thành phố đề xuất giải quyết 32 vị trí được gọi là “điểm đen” TNGT do có những bất cập nhất định về hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân gián tiếp gây ra TNGT. Trong đó phần lớn các vị trí này nằm trên các tuyến đường ngoại thành. Tuy nhiên, đến nay mới có 15 vị trí được quan tâm khắc phục; số quá nửa còn lại vẫn chưa có động thái xử lý. (Đoàn Lanh, An ninh Hải Phòng 30/6)
18. Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cát Bi - Mô phỏng cặp sừng trâu
UBND thành phố Hải Phòng và chủ đầu tư TCty Hàng không Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo các bộ, ngành Trung ương phê duyệt để tiến hành triển khai xây dựng về thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi - Mô phỏng cặp sừng trâu.
Nhà ga hành khách tại Cảng HKQT Cát Bi được xây dựng trên cơ sở dự án tổng thể nâng cấp Cảng HKQT Cát Bi. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà ga hành khách - Cảng HKQT Cát Bi có diện tích 15.630m2, quy mô 2 tầng với các khu vực dịch vụ hoàn hảo, khu vực bãi đỗ xe rộng rãi, các khu vực dừng xe trên đường dẫn đều có mái che, hệ thống kiểm soát an toàn, ninh hiện đại có thể đáp ứng 4 triệu khách/năm.
Khu vực đưa đón khách gồm ga nội an địa và ga hành khách quốc tế. Theo đó, ga hành khách nội địa có 4 cửa và ga quốc tế có 2 cửa, khi chưa sử dụng khai thác khách quốc tế, sẽ chuyển đổi công năng nhằm khai thác hiệu quả tối đa công trình.
UBND thành phố cơ bản đồng tình, nhất chí cao về phương án, mô hình kiến trúc, nhà ga do cơ quan tư vấn Singapore (đơn vị có uy tín đã trong xây dựng cảng hàng không, công trình sân bay tại Việt Nam và quốc tế) đưa ra dựa theo truyền thống và sự phát triển của thành phố Hải Phòng.
Cụ thể: Thiết kế nhà ga lấy cảm hứng từ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với đôi sừng trâu đan xen vào nhau để mô phỏng mô hình nhà ga, từ khu vực làm thủ tục đến nhà chờ ra máy bay.
Lý do chọn mô phỏng nhà ga theo hình cặp sừng trâu bởi cặp sừng trâu có dáng khỏe khoắn, năng động, phù hợp với một thành phố Cảng, thành phố công nghiệp hiện đại, tạo nét khác biệt rất ấn tượng với các nhà ga hiện hữu trong nước và quốc tế nhưng vẫn mang ý nghĩa đặc trưng riêng của thành phố Hải Phòng.
Theo cơ quan tư vấn thiết kế của Singapore (do chủ đầu tư TCty Hàng không Việt Nam thuê thiết kế), phương án kiến trúc Nhà ga hành khách - Cảng HKQT Cát Bi được mô phỏng hình cách điệu qua 2 tòa nhà, quy mô 2 tầng, đỉnh cao nhất lên tới 13m.
Trong đó mô hình nhà ga phía bên ngoài với mái thấp hơn và cong đều, tầng 2 thiết kế mở, kiểu nhà mái kín, ôm trùm đường dẫn trên cao đưa khách lên tầng 2. Khu nhà chờ máy bay có mái cong theo kiểu cặp sừng trâu (nhìn từ trên cao xuống). Phía sau phòng chờ được thiết kế vách kính, hành khách ngồi trong phòng chờ có thể nhìn ra khu bay, ngắm được toàn cảnh sân bay…
Nhìn ở các góc độ khác nhau, kiến trúc của nhà ga có những hình dáng khác nhau và đều có chung một ý nghĩa là phản ánh những nét đặc trưng rất riêng về thành phố Hải Phòng và đẹp về mỹ thuật.
Quan điểm của chủ đầu tư TCty Cảng hàng không Việt Nam là xây dựng nhà ga hành khách phù hợp với cảnh quan của thành phố, phù hợp với định hướng phát triển đô thị và quy hoạch giao thông của thành phố đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Dự án đã được Bộ GTVT phê chuẩn phân kỳ làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1, xây dựng hoàn thành nhà ga hành khách nói trên với 6 cửa (ga nội địa 4 cửa, ga quốc tế 2 cửa) công suất 4 triệu khách/năm, xây dựng sân đỗ xe mới sức chứa 150 xe con phục vụ khách VIP, cơ quan nhà nước; xây dựng hoàn thành đường giao thông nội bộ với khu vực tiền sảnh cửa vào đường dẫn 2 tầng có mái che hiện đại.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.200 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (đến năm 2025), nhà ga có quy mô 8 cửa, công suất đạt 6,5 triệu hành khách/năm.
Theo kế hoạch đã được phê chuẩn, đến tháng 10/2014, TCty Hàng không Việt Nam sẽ phải khởi công xây dựng nhà ga hành khách, đảm bảo đến cuối năm 2015 hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nội thất của công trình dự kiến bảo đảm các yếu tố: sống động, nhẹ, chắc chắn, đáp ứng đặc trưng lĩnh vực vận tải hàng không nói chung và đặc thù của Hải Phòng nói riêng. Đến nay, việc thiết kế đã đạt trên 60% khối lượng công việc và được Bộ trưởng Bộ GTVT tải ủng hộ cao. (Mỹ Hạnh, Xây Dựng Online 29/6)
Vừa qua, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Tiệp, UBND quận Ngô Quyền, Hải Phòng phối hợp với Cty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong tổ chức lễ công bố đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế đô thị khu tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp tại số 2 An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền.
Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế đô thị khu tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp do Cty CP nhựa Thiếu Niên Tiền Phong làm chủ đầu tư tại số 2 An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1018/QĐ-UBND ngày 22-5-2014.
Theo đó, tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp có quy mô diện tích quy hoạch 93.147m2, phía Bắc giáp với Cung văn hóa thiếu nhi thành phố và một phần hồ An Biên; phía Nam giáp đường An Đà; phía Đông giáp khu dân cư và phía Tây giáp đường Lạch Tray.
Tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan dự án theo 2 trục Bắc Nam và Đông Tây và phân chia chức năng thành 4 khu vực chính gồm: Khu văn phòng cao 18 đến 20 tầng; khu trung tâm thương mại cao 7 tầng; khu nhà ở cao 25 tầng và khu cây xanh. Thiết kế đô thị theo 7 vùng cảnh quan: vùng cảnh quan đô thị; vùng quảng trường cộng đồng; vùng thương mại; vùng mặt nước thân thiện môi trường… Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án thiết kế đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của đô thị loại 1, văn minh, hiện đại và kết nối đồng bộ với các khu chức năng lân cận của dự án.
Thời gian đầu tư xây dựng trong 15 năm, xây dựng hoàn chỉnh và khai thác từng khu chức năng theo 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 đến năm 2020, xây dựng khu chung cư và khu dịch vụ thương mại. Giai đoạn 2 từ năm 2020 xây dựng khu khách sạn, khu văn phòng và các hạng mục còn lại.
Được biết, đây là một trong những dự án phát triển đô thị trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng; là khu vực trung tâm gắn với quy hoạch nút giao thông Quán Mau. (Mỹ Hạnh, Xây dựng Online 29/6; cafeland.vn 29/6)
Lợi dụng Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã có nhiều sai phạm trong việc triển khai công trình, trong đó kênh nội đồng và bãi rác là hai công trình do UBND xã làm chủ đầu tư.
Hai công trình này đã bị người dân tố vì gian lận tiền cũng như quyết toán khống khối lượng nhằm trục lợi bất chính. Trong đơn gửi tới Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Vui - Trưởng thôn 9, xã Việt Tiến - cho biết, UBND xã là đơn vị đứng ra xây dựng bãi rác thôn 7 và công trình nạo vét kênh mương bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Thay bằng việc phải công khai hồ sơ thiết kế khi tiến hành nạo vét kênh mương thì UBND xã đã giấu nhẹm để thông đồng với nhà thầu, nhằm quyết toán khống khối lượng nạo vét, trục lợi bất chính tiền của nhà nước. Tuyến kênh mương dài 3.200 m, đào đắp quyết toán hơn 18.000 m3, UBND xã đã lập quyết toán khống chi 2,3 tỷ đồng, trong khi UBND huyện thẩm định phát hiện nhiều khoản bị trùng lắp nên chỉ chấp nhận quyết toán gần 1,5 tỷ đồng.
Văn bản số 33, ngày 14/1/2014 của UBND huyện Vĩnh Bảo gửi ông Vui chỉ rõ: Chủ đầu tư là UBND xã Việt Tiến, nhà thầu là Công ty CP xây dựng & thương mại Tiến Phát, trong quá trình thực hiện thi công, cả hai đơn vị đã để xảy ra một số vị trí không bảo đảm mặt bằng theo thiết kế được duyệt; thi công không đúng thiết kế, kích thước đắp bờ không đúng với bản vẽ hoàn công; nghiệm thu sai quy định, khối lượng nghiệm thu không đúng thực tế đã thi công, khối lượng đất đào đắp trong hồ sơ hoàn công và biên bản nghiệm thu không đúng thực tế đã thi công; tự ý điều chỉnh bổ sung khối lượng công việc ngoài dự toán thiết kế, làm ngoài dự toán là 282 m3. Ngoài ra, UBND xã đã đề nghị đơn vị thi công làm thêm 1.490 m3 không có hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền và không thực hiện đúng các trình tự, thủ tục xây dựng cơ bản theo quy định.
Về bãi rác, theo hồ sơ thiết kế, được xây dựng trên nền diện tích khoảng 1.000 m2 tại cánh đồng thôn 7 từ năm 2012. Nhưng trên thực tế, bãi rác chỉ được xây dựng 300 m2, tường bao cao 1,2m, một hố gas rộng 5 m3, đường đi rải xỉ lò. Trong khi theo đúng thiết kế thì đường đi được trải bê tông, cổng có cánh để bảo vệ bãi rác, ven hai bên đường được trồng cây xanh… Có quá nhiều sai phạm từ phía chủ đầu tư cũng như nhà thầu trong triển khai thi công các hạng mục công trình của bãi rác. Theo tính toán, việc thi công bãi rác chỉ hết khoảng 200 triệu đồng nhưng UBND xã đã làm khống chứng từ và đưa vào quyết toán số tiền lên tới 500 triệu đồng.
UBND huyện Vĩnh Bảo đã giao cho Phòng Nông nghiệp và các phòng, ban liên quan có trách nhiệm kiểm tra, có hướng đề xuất UBND huyện xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, nhiều lần phóng viên đến gặp trực tiếp ông Nguyễn Văn Đàn- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện để hẹn làm việc nhưng đều bị ông này từ chối và đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới(?!). Còn ông Lê Minh Châu - Chủ tịch UBND xã - biện bạch, do chưa nắm được nội dung nên chưa thể trả lời báo chí. Và, việc này phải hỏi cấp dưới đã…(?!) Còn ông Nguyễn Văn Vui khẳng định: Bản thân ông Châu, trong quá trình thực hiện chính sách xây dựng nông thôn mới, đã vi phạm quy chế dân chủ, không công khai hồ sơ thiết kế nạo vét kênh mương. (Sông Thu, Công thương Online 27/6)
Ngày 27/06/2014, Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực”.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các doanh nghiệp và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Hải Phòng cùng trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng thực tập và việc làm của sinh viên tại các doanh nghiệp.
Tham dự hội thảo có đại diện của hơn 60 doanh nghiệp là hội viên của Hội doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp khác và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Một trong những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải là thiếu đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Vai trò của các đơn vị đào tạo trong việc cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp là điều rất cần thiết và cấp bách. Do đó sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là cần thiết bởi vì sự tồn tại và phát triển bền vững đem lại lợi ích chung cho cả hai bên.
Việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và trường Cao đẳng Vitettronics được nhìn nhận là lợi ích cho cả hai phía. Lợi ích của doanh nghiệp là yên tâm rằng luôn có một đội ngũ nhân lực vững chắc hỗ trợ khi mình có nhu cầu. Đồng thời doanh nghiệp ít tốn chi phí tuyển dụng, chi phí thử việc vì qua thời gian thực tập chính là thời gian sinh viên thể hiện năng lực.
Các tham luận và nhiều ý kiến đóng góp của tại Hội thảo đã tập trung vào vấn đề “Làm thế nào để nâng cao chất lượng thực tập và làm việc của sinh viên tại các doanh nghiệp?”.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Lễ Ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics với 4 bên gồm: Viễn thông Hải Phòng, Công ty Cổ phần Lilama - 692, Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội, Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng đã diễn ra ngay sau đó. Với thỏa thuận hợp tác này, trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics và các đối tác sẽ cùng đa dạng hóa cả về danh mục, nội dung, hình thức và tăng cường hoạt động xúc tiến hợp tác trong việc tạo điều kiện để sinh viên được thực tập và tuyển dụng những vị trí phù hợp, gắn với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
TS. Phạm Văn Hồng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics cho biết: “Hội thảo thể hiện rõ sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đúng như mô hình đào tạo 2 +1 mà Viettronics đang nỗ lực triển khai. Từ những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp thực tế phải đối mặt, hiểu được các doanh nghiệp cần gì, từ đó nhà trường sẽ điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực mà doanh nghiệp cần. Đây là hoạt động nằm trong chủ trương mà nhà trường luôn hướng tới: mọi sinh viên ra trường đều có việc làm tốt và vững vàng với công việc của mình”.
Sự hợp tác giữa các đơn vị đào tạo, đặc biệt là Viettronics và doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại lợi ích hấp dẫn và đầy tiềm năng cho tất cả các bên. Về phía doanh nghiệp, việc tham gia vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư phát triển, sẽ khiến doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” – lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh của mình với xã hội. Về phía nhà trường, sự hợp tác sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên có đầu ra vững chắc. (Minh Huệ, Diễn đàn doanh nghiệp Online 29/6)
Đọc kỹ đề bài, nắm chắc văn bản, xác định rõ dàn ý - đó là những kinh nghiệm làm bài thi môn Ngữ văn của thí sinh Hoàng Thị Thùy Trinh, học sinh lớp 12A12, Trường THPT Trần Nguyên Hãn - thí sinh đạt điểm cao nhất thành phố môn Ngữ văn (9,5 điểm) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Phải rất khó khăn chúng tôi mới tìm được nhà của Thùy Trinh sau khi biết tin em đạt điểm cao nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp. Đó là ngôi nhà nhỏ dưới chân cầu thang dãy nhà tập thể, nằm sâu trong ngõ nhỏ của đường Trần Nguyên Hãn. Trong căn phòng chừng 20m2 - nơi sinh hoạt của cả 4 người trong gia đình em, những vật dụng sinh hoạt được xếp lại gọn ghẽ, nhường chỗ cho 2 bàn học, giá sách, tủ sách… Dường như điều đó cũng đủ nói lên ước mong của bố mẹ Thùy Trinh - những người dân lao động thuần phác - dành cho 2 cô con gái của mình. Trò chuyện với chúng tôi, mẹ của Trinh không giấu nổi niềm tự hào: “Tổng điểm thi tốt nghiệp của Trinh là 36,5 điểm (Văn 9,5; Hóa 8,5; Toán 9; Anh 9,5). Kết quả này làm tôi phấn khởi lắm, phản ánh sự phấn đấu của cháu trong suốt 12 năm học. Giờ chỉ mong cháu ôn tập tốt để đỗ đại học!”.
Bố Thùy Trinh thì cho biết: “12 năm con đi học là bấy nhiêu thời gian bố mẹ đưa đón. Mặc dù gia đình rất khó khăn nhưng mọi công sức, tiền bạc… đều dành hết cho các cháu ăn học. Cháu học giỏi, gia đình tôi rất mừng!”. Còn Thùy Trinh - tác giả của bài thi Ngữ văn đạt điểm cao nhất thành phố chỉ khiêm tốn cho rằng: “Em đã làm bài khá tốt nhưng không nghĩ mình lại được điểm cao như vậy!”.
Trao đổi về kinh nghiệm học và làm tốt bài thi môn Ngữ văn, Thùy Trinh cho biết ngay từ khi vào học THPT em đã có thiên hướng về các môn xã hội. Riêng môn Ngữ văn, ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, Trinh dành nhiều thời gian để đọc các loại sách tham khảo, hoàn thiện các dạng đề học sinh giỏi, đề thi đại học…
Thêm vào đó, xác định trong các đề thi tốt nghiệp và thi đại học những năm gần đây luôn có các dạng câu hỏi mở về những vấn đề thời sự, xã hội nổi bật nên Trinh cũng thường xuyên đọc báo, xem ti vi để cập nhật tin tức. Chính vì vậy, điểm tổng kết môn Ngữ văn của Trinh bao giờ cũng nằm trong top những học sinh cao nhất của lớp. Riêng năm học lớp 12, điểm tổng kết môn Văn của em là 8,9, đồng thời, em đoạt giải ba môn Văn trong kì thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Quá trình học thì như vậy, khi làm bài thi môn Văn, bao giờ Thùy Trinh cũng có thói quen đọc kỹ đề bài, vạch ra các ý chính và triển khai theo dàn ý đó, không viết tràn lan, không lệ thuộc vào những bài văn mẫu… “Em luôn đọc kĩ, thậm chí là nhớ từng đoạn văn bản để nếu cần thiết thì trích dẫn luôn trong bài làm của mình. Em nghĩ cách làm như vậy sẽ khiến bài viết sinh động, sâu sắc hơn rất nhiều” - Trinh cho biết thêm như vậy. Với bài thi môn Văn đạt 9,5 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp, Trinh đã viết hết 10 trang giấy trong thời gian 120 phút.
Đặc biệt là câu 1 (Đọc hiểu) dẫn một đoạn bài báo về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại biển Đông, dù chỉ chiếm số ít điểm nhưng em đã thể hiện hết cảm xúc và sự hiểu biết của mình về một vấn đề lớn của đất nước.
Ước mơ của Thùy Trinh là trong tương lai sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn. Chính vì vậy em đã chọn thi ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thùy Trinh chia sẻ với chúng tôi rằng: “Với em, điểm 9,5 môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua như một món quà, một sự khích lệ, một kỉ niệm đẹp của thời học sinh. Phía trước còn một kỳ thi quan trọng không kém là kỳ thi đại học và em đang nỗ lực hết mình để bổ sung thêm kiến thức, gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi này!”. Xin chúc ước mơ của em sẽ thành hiện thực! (Vân Anh, An ninh Hải Phòng Online 30/6)
Sáng 27/6, Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ hải Phòng tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực”. Tới dự hội thảo có địa diện lãnh đạo hơn 60 doanh nghiệp và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận của đại diện các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tập trung thảo luận, trao đổi các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng thực tập và việc làm của sinh viên tại các doanh nghiệp, đồng thời nêu rõ một số khó khăn mà nhiều doanh nghệp gặp phải là thiếu đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế. (VA, An ninh Hải Phòng 30/6 Tr5)
CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong vừa được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thiết kế khu Tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp tại số 2 An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Dự án có quy mô diện tích quy hoạch là 93.147m2; diện tích dự án là 54.243 m2. Thời gian đầu tư xây dựng 15 năm. Giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ xây các khu chung cư và khu dịch vụ thương mại; sau 2020 (giai đoạn ổn định): xây dựng khu khách sạn, khu văn phòng và các hạng mục còn lại. Được biết, vị trí xây dựng dự án này chính là địa chỉ Nhà máy Nhựa Tiền Phong cũ, nay đã được di dời sang quận mới Dương Kinh, TP. Hải Phòng. (P. Lan, Đầu tư Online 30/6)
Theo số liệu của Cục Thống kê TP Hải Phòng, trong sáu tháng năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Hải Phòng đạt 7,52%, cao nhất trong ba năm trở lại đây (năm 2012 đạt 5,7%, năm 2013 đạt 6,81%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của TP Hải Phòng từ đầu năm đến nay đạt hơn 537 triệu USD, tăng hơn 30% so cùng kỳ.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của TP Hải Phòng tháng 6 tăng 8,33% so với tháng 5 và tăng 12,34% so với tháng 6-2013, trong sáu tháng năm nay tăng 11,81% so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng cũng tăng mạnh, sáu tháng đạt gần 30 triệu tấn (tăng trưởng gần 15%). Đây là những dấu hiệu thể hiện rõ sự phục hồi sản xuất công nghiệp của thành phố Cảng. (Nhân dân Online 29/6; chinhphu.vn 29/6)
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ phải sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó sẽ chính thức sử dụng trên toàn quốc từ 1/12/2015.
Xăng sinh học E5 là gì, dùng nó đắt hay rẻ? Ảnh hưởng thế nào tới động cơ? Việc mua, bán, kinh doanh xăng sinh học E5 trên thị trường thế nào? Vì sao Chính phủ quyết định người dân dùng xăng sinh học thay thế xăng truyền thống? Điều đó có tác động gì đến tình hình kinh tế xã hội?...
Những câu hỏi như trên và sẽ còn rất nhiều câu hỏi thiết thực, thú vị liên quan đến câu chuyện dùng xăng sinh học sẽ được các vị Lãnh đạo của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giải đáp, trao đổi, đề xuất trong cuộc Tọa đàm trực tuyến diễn ra ngày 2/7 trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Một cuộc Tọa đàm trực tuyến như vậy sẽ giúp người dân, các nhà doanh nghiệp thẳng thắn nêu lên những mối quan tâm của mình trước một quyết sách lớn của Chính phủ là việc dùng xăng sinh học thay thế xăng truyền thống.
Đồng thời cũng là dịp Chính phủ lắng nghe tiếng nói phản hồi từ thực tiễn, qua đó tiếp thu những phản ánh đúng đắn, có trách nhiệm của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp, giúp Chính phủ tiếp thu, nghiên cứu, điều chỉnh, ban hành cơ chế chính sách phù hợp với đời sống. (chinhphu.vn 29/6)
Ngay sau khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phản ánh thông tin về hành vi tiêu cực ở Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan Hải Phòng) trong bản tin thời sự 19 giờ ngày 28-6-2014, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xác minh và xử lí nghiêm nếu có hành vi vi phạm như thông tin được VTV đề cập.
Ngay trong sáng nay 29-6, Tổng cục Hải quan đã có công văn nêu rõ Tổng cục Hải quan ghi nhận thông tin mà VTV phản ánh trong bản tin thời sự 19 giờ ngày 28-6.
Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan Hải Phòng xác minh, báo cáo và Tổng cục Hải quan sẽ làm rõ vụ việc.
Tổng cục Hải quan bày tỏ quan điểm thẳng thắn, nếu như công chức hải quan có hành vi vi phạm như thông tin trong phóng sự của VTV, Tổng cục Hải quan sẽ xử lí nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan trân trọng cảm ơn sự quan tâm của VTV và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp của đơn vị trong việc tuyên truyền các chương trình hoạt động lớn của ngành Hải quan.
Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong việc chấn chỉnh kỉ cương, kỉ luật đối với cán bộ, công chức và lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã kiên quyết xử lí nghiêm minh những trường hợp sai phạm. (T.Bình, Hải quan Online 29/6)
Tamada Việt Nam vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất bồn kim loại tại KTamada Việt Nam vừa tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất bồn kim loại tại KCN Đình Vũ (DVIZ), Hải Phòng.
Dự án được xây dựng trên khu đất 23.226m2 với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Sau khi khởi công xây dựng, dự kiến nhà máy Tamada Việt Nam sẽ hoàn thành và vận hành chính thức từ tháng 9/2015.
Ngay khi vận hành, công suất nhà máy sẽ đạt 5.800 tấn sản phẩm mỗi năm, bao gồm bồn, bể, ống dẫn, xi lô, các phụ liệu kèm theo và cả các sản phẩm nhựa tổng hợp theo khuôn. Dự kiến, dự án của công ty sẽ tạo 80 cơ hội việc làm.
Được biết, dự án này của Tamada là dự án đầu tư thứ 11 của Nhật Bản tại KCN Đình Vũ. Hiện tại, KCN Đình Vũ đã thu hút trên 50 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và nhiều ngành công nghiệp, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 3 tỷ USD.
Với các công trình xây dựng đường Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu vượt biển, đường cao tốc mới Hà Nội Hải Phòng và sân bay quốc tế Cát Bi, DVIZ tự tin với triển vọng phát triển của khu công nghiệp là trung tâm sản xuất và phục vụ hậu cần ngành cảng tại Miền Bắc Việt Nam. (Tầm Thư, Đầu tư Online 29/6; Diễn đàn doanh nghiệp Online 29/6; Báo Hải Phòng Online 28/6)
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và UBND TP Hải Phòng vừa ký hợp đồng vay vốn 500 tỷ đồng cho dự án “Đầu tư xây dựng, mở rộng Khu Bay, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi”.
Dự án “Đầu tư xây dựng, mở rộng Khu Bay, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi” được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP Hải Phòng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư.
Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt với hạng mục chính: Xây mới đường cất hạ cánh có chiều dài 3.050m, rộng 45m với tổng diện tích sử dụng đất là 162,36ha và hệ thống dải hãm phanh, dải bảo hiểm bảo đảm cho các loại máy bay Boeing B777, B747, B767, A321 và tương đương cất hạ cánh an toàn; cải tạo một phần đường cất hạ cánh hiện có thành đường lăn song song dài 457m;... Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2015 theo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E, là sân bay dự bị đầy đủ cho Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, sẽ tạo sức hấp dẫn đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vào TP Hải Phòng và các địa phương khác trong vùng kinh tế duyên hải phía bắc.
Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi được xác định là một cảng hàng không quốc tế quan trọng trong hệ thống cảng hàng không quốc tế của Việt Nam. Với chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ và TP Hải Phòng, và phục vụ các mục đích quốc phòng. Nhiệm vụ chính của Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi là vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế, nội địa, ngoài ra có nhiệm vụ dự bị cho Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và thực hiện các nhiệm vụ quân sự. (V.Phong, Nhân dân Online 28/6; Đầu tư Online 27/6)
Trong khuôn khổ đợt kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh có đông người, mới đây, Phòng Cảnh sát PCCC số1- Sở cảnh sát PCCC Hải Phòng đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh đối với Cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet số 444 Chợ Hàng, thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân.
Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, cửa hàng net có diện tích mặt bằng trên 200 m2, bố trí khoảng 90 bộ máy vi tính và nhiều thiết bị điện, vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao. Tại thời điểm kiểm tra trong phòng đang có gần 100 người khách đang truy cập Internet cùng các nhân viên phục vụ. Cửa hàng nguyên là một phần nhà xưởng sản xuất da giày đã lâu không sử dụng, được một cá nhân có tên Vũ Thị Lý thuê lại để mở điểm kinh doanh dịch vụ Internet công cộng. Tuy nhiên, chủ cửa hàng đã không thực hiện lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, không lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng sự cố trên lối cầu thang thoát nạn; không mở thêm lối thoát hiểm để phòng ngừa cháy nổ. Đây là hành vi vi phạm Nghị định số 35/2003/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP của Chính phủ về công tác PCCC.
Căn cứ vào quy định hiện hành, ngày 26/6/2014 Phòng Cảnh sát PCCC số 1 đã ra Quyết định tạm đình chỉ hoạt động Cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet số 444 Chợ Hàng trong thời hạn 30 ngày. Sau thời hạn tạm đình chỉ, nếu chủ cơ sở không thực hiện các quy định về an toàn PCCC, cơ quan chức năng sẽ ra Quyết định đình chỉ hoạt động. (L.M.T, Công an nhân dân Online 29/6)
Như tin PLVN đã đưa, hôm nay (27/6), tại TP Cảng Hải Phòng, đã diễn ra Hội thảo “Hải Phòng hướng tới nền kinh tế xanh” do UBND TP.Hải Phòng phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự quan tâmcủa nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Trong những năm qua, Hải Phòng luôn là một trung tâm kinh tế lớn của đất nước, với GDP hàng năm liên tục tăng nhanh, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại và hoàn chỉnh. Tuy nhiên Lịch sử trong phát triển kinh tế trong gần 30 năm đổi mới của cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đã cho thấy các mục tiêu kinh tế và xã hội không những rất tương thích với nhau mà còn có tính bổ trợ cho nhau rất cao.
Nguy cơ của triển vọng tăng trưởng
Nhưng tăng trưởng hầu như luôn luôn đi kèm với sự tổn thất của môi trường. Và những tổn thất về môi trường đã lên đến mức bắt đầu đe dọa đến triển vọng tăng trưởng và tiến bộ đạt được ở các chỉ số xã hội. Điều này đòi hỏi Hải Phòng phải từng bước chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, cũng như đảm bảo cân đối giữa các ưu tiên về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Hội thảo “Hải Phòng hướng tới nền kinh tế xanh” đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hải Phòng. 8 báo cáo tham luận và các ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã nêu bật được tầm quan trọng, tính cấp bách của nền kinh tế xanh và đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững.
Báo cáo tham luận có nhiều thông tin bổ ích, ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là tham luận đề dẫn khoa học có tính định hướng của đồng chí Bí thư thành ủy và tham luận của đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT)
Trong bài tham luận của mình, TS Nguyễn Văn Thành –Ủy viên T.W Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã nói về một số vấn đề của câu chuyện phát triển bền vững. Theo TS Nguyễn Văn Thành, một nền kinh tế phát triển bền vững phải là nền kinh tế xanh. Vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng khẳng định mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành Tp Cảng xanh không chỉ nhằm phát huy tối đa nguồn lực của Tp, Tp Cảng xanh còn đem lại lợi ích cho người dân, là cơ sở sinh kế quan trọng hiện đang được khai thác thiếu bền vững...
Khẳng định ý nghĩa của nền kinh tế xanh, TS Trần Hồng Hà (Thứ trưởng Bộ TN&MT) nhận định: “Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Kinh doanh xanh không chỉ nhằm mục đích sinh lời mà còn sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát thải và góp phần giảm nghèo”.
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ xanh
Các ý kiến trong Hội thảo cũng cho thấy để phát triển kinh tế bền vững, nền kinh tế xanh cần có các phương thức tiếp cận mới mang tính tổng thể, đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, cần thay đổi cách làm để thúc đẩy phát triển và giảm nghèo; xây dựng các giải pháp hiệu quả và mạnh mẽ trong cơ sở hạ tầng, thể chế và thông tin để thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu. Hội thảo cũng đưa ra yêu cầu đẩy mạnh sử dụng công nghệ xanh cho quản lý và sử dụng nước, tăng cường hợp tác công - tư, với mục tiêu cân bằng các lợi ích khác nhau trong phát triển…
Đến dự và phát biểu trong buổi hội thảo, ông Đinh Trung Tụng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp nói: “Tôi rất vui mừng được biết, một số doanh nghiệp tại Hải Phòng đã bắt đầu xúc tiến các khoản đầu tư cho tăng trưởng xanh. Việc các ngành công nghiệp thép, xi măng và du lịch đang nỗ lực xây dựng các mô hình kinh doanh xanh và đưa ra các thiết bị tiết kiệm năng lượng là những ví dụ tuyệt vời cho thấy vai trò chủ động, tích cực của khu vực tư nhân trong các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc nuôi dưỡng và nhân rộng những sáng kiến đó. Tôi hy vọng tại hội thảo ngày hôm nay, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và và chính quyền thành phố sẽ có một cuộc trao đổi ý kiến bổ ích, lý thú và cuộc trao đổi này sẽ tiếp tục được tăng cường trong tương lai.”
Được biết, trong thời gian qua, Hải Phòng đã đưa ra kế hoạch hành động vì TP Cảng xanh, như mô hình phát triển Hải Phòng nhằm thực hiện ba mục tiêu cơ bản của nền kinh tế xanh là xã hội giảm khí thải cacbon; giảm sử dụng nguyên liệu không tái tạo; đa dạng sinh học.
Hải Phòng cũng đã phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế thực hiện nhiều công trình về môi trường, phát triển kinh tế xanh như: Nhiên cứu, lập quy hoạch không gian biển (MSP), quy hoạch tổng hợp vùng bờ biển (ICOM); Xây dựng đề án nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của các ngành kinh tế xanh; Công bố danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và các dự án không khuyến khích đầu tư; Xây dựng quần đảo Cát Bà thành phòng thí nghiệm cho sự phát triển bền vững… Mục tiêu của Hải Phòng sẽ trở thành TP Cảng xanh, văn minh, hiện đại trước năm 2020.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng - nói: “Cuộc hội thảo này chúng ta đã khẳng định rằng, trong khi tăng trưởng xanh là mô hình phát triển mới không những nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống nhân dân, mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vậy xanh hóa nền kinh tế không làm trở ngại tới tăng trưởng, trái lại đó là động lực tăng trưởng mới, tạo thêm việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Chính vì vậy, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là trọng tâm trong chiến lược mà thành phố Hải Phòng và các doanh nghiệp cần hướng tới. Điều này không chỉ giúp thành phố các doanh nghiệp vạch ra được lộ trình phát triển rõ ràng cụ thể, qua đó còn đề ra các chủ trương, chính sách hoạt động phù hợp trong từng giai đoạn, tạo nền tảng giúp các doanh nghiệp có được sự phát triển vững chắc trong dài hạn.”. (Nhật Thanh, Pháp luật Việt Nam Online 28/6)
Tính đến thời điểm hiện tại, KCN Đình Vũ thu hút được 53 dự án với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, trong đó 6 tháng đầu năm 2014 thu hút được 125 triệu USD.
Lĩnh vực hoạt động đầu tư chủ yếu của các nhà đầu tư vào KCN Đình Vũ gồm: Công nghiệp nhẹ, nặng và hóa chất như sản xuất gang, thép, dầu nhờn, nam châm đất hiếm, lốp xe, bồn chứa, chân vịt tàu, thạch cao, thức ăn gia súc, bao bì nhựa… với các thương hiệu nổi tiếng như: Tamada, Bridgestone, Proconco, Chevron, Nakashima, Shin-Etsu…
Sau khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hơn 4.500 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.
Dự kiến trong quý I/2015, KCN Đình Vũ sẽ triển khai dự án “nhà xưởng xây sẵn” với quy mô 6ha, đồng thời nâng công suất nhà máy xử lý nước thải từ 2.700m3 lên 6.000m3/ngày để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Được biết, KCN Đình Vũ là một KCN đồng bộ được thiết kế để cung cấp một cơ sở lý tưởng và vững chắc cho các nhà đầu tư quốc tế để tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lao động có tay nghề cao và tiềm năng thị trường to lớn của cả nước cũng như các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia. (Đại Vũ, Xây dựng Online 28/6)
Ông Đặng Hữu Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng
- UBND thành phố vừa có Quyết định số 1270/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giá bán nước sạch của Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng (giai đoạn 2014-2017), theo đó, từ 1-7-2014, giá nước sạch được điều chỉnh tăng, ông cho biết cơ sở của việc điều chỉnh giá bán nước sạch lần này ?
-Trước hết, theo Nghị định 67 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, giá nước thô tăng 20%, cụ thể từ 750 đồng/m3 lên 900 đồng/m3. Điện cho sản xuất nước tăng trung bình 10%/năm ( do vùng phục vụ mở rộng cùng với việc nâng áp lực nước cuối nguồn từ 13m cột nước lên 15m để nâng chất lượng phục vụ nên tiêu tốn điện năng hơn). Chi phí nguyên vật liệu cho sản xuất cũng tăng cao do chất lượng nước thô ngày càng giảm sút.
Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa, tạo nguồn vốn đối ứng cho các dự án phát triển cấp nước cùng với việc trả nợ các dự án (1A, 2A) và một số dự án vay ngân hàng thương mại để phát triển cấp nước là cơ sở cho việc điều chỉnh giá nước lần này.
- Ông cho biết điểm mới của việc điều chỉnh lần này là gì cụ thể ra sao?
- Có 6 mức giá bán nước sạch thay cho 4 mức giá trước đây, trong đó có thêm mức giá bán buôn nước sinh hoạt và giá bán buôn nước sản xuất là điểm mới của điều chỉnh lần này.
Giá nước điều chỉnh tăng bình quân 28% và có 6 mức giá. Giá bán nước sạch sinh hoạt là 8.500 đồng/m3. Giá bán buôn nước sinh hoạt là 7.300 đồng/m3, áp dụng cho các doanh nghiệp cấp nước có hệ thống cấp nước đồng bộ, hoàn chỉnh bán lẻ cho người sử dụng vào mục đích sinh hoạt (ví dụ : Công ty CP xây dựng cấp thoát nước BLB tại An Thọ-An Lão; Công ty CP xây dựng và phát triển đầu tư Hải Phòng... mua buôn nước sạch để bán lẻ cho người sử dụng vào mục đích sinh hoạt). Giá nước bán cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh viện trường học là 12.000 đồng/m3. Giá nước bán buôn cho các khu, cụm công nghiệp tập trung và có mạng lưới cấp nước là 13.500 đồng/m3. Giá nước bán cho các cơ sở sản xuất vật chất, văn phòng đại diện là 15.000 đồng/m3 và giá nước bán cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ là 18.000 đồng/m3. Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí thoát nước và phí bảo vệ môi trường.
Đáng chú ý, các mức giá nước không tính giá bậc thang. Đặc biệt, đối với người lao động, sinh viên thuê nhà được hưởng giá nước sinh hoạt. Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, nhà tình thương, viện dưỡng lão, trại thương binh cũng được áp dụng giá nước sinh hoạt (trước đây áp dụng giá nước như cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp).
-Xin cảm ơn ông ! (Quốc Khánh, Báo Hải Phòng Online 29/6; ndh.vn 29/6; An ninh Hải Phòng Online 30/6)
UBND thành phố vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương liên quan về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn tình phố.
Theo đó, dịch bệnh ở tôm nuôi xảy ra ở một số phường, xã thuộc các quận: Đồ Sơn, Dương Kinh, các huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo với tổng diện tích bị bệnh hơn 40ha. Trước tình hình trên, UBND thành phố yêu cầu các địa phương có dịch và chưa có dịch, các sở, ngành, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch bệnh trên tôm, khẩn trương khống chế dịch bệnh ở tôm, giảm nguy cơ dịch lây lan, phát sinh ra diện rộng, hạn chế ô nhiễm môi trường và thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Cụ thể, đối với địa phương có dịch cần tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, cơ sở ương nuôi tôm giống trong vùng dịch, vùng nguy cơ nhằm phát hiện sớm các trường hợp tôm nhiễm bệnh; tiến hành các biện pháp xử lý, cách ly, khử trùng, tiêu độc và khoanh vùng bị nhiễm bệnh theo quy định; tổ chức giám sát dịch đến từng cơ sở nuôi, hướng dẫn hộ nuôi thu gom, xử lý tôm bệnh, tuyệt đối không xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý tôm chết bằng vôi bột theo quy định… Đối với địa phương chưa có dịch, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đến tận cơ sở nuôi, hướng dẫn chủ cơ sở các biện pháp theo dõi, chăm sóc tôm, phát hiện và báo cáo dịch bệnh kịp thời; tăng cường vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, cách ly, chăm sóc tôm, kiểm tra chất lượng thức ăn, nước; sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong danh mục được phép; hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các quy trình, kỹ thuật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản… Các sở, ngành chức năng đôn đốc công tác phòng chống dịch; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển tôm giống vào thành phố, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Kiến Thụy xây dựng được 29 vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô trung bình từ 5 – 30ha/vùng trở lên (theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn). Trên các vùng sản xuất tập trung, hầu hết các địa phương đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như: VT404, Thái xuyên 111, T10, Bắc thơm số 7, Nam ưu 209, BC15, RVT, HYT100… Qua các vụ sản xuất, năng suất lúa đạt từ 62 đến 72 tạ/ha, cao hơn diện tích sản xuất lúa trà từ 5 đến 9 tạ/ha/vụ. Hiện huyện Kiến Thụy đang tập trung chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa chiêm xuân còn lại để kịp thời gian sản xuất vụ mùa năm 2014. (PĐT, An ninh Hải Phòng 30/6 Tr5)
36. Các con hãy an tâm bảo vệ Tổ quốc
Ông Khổng Hữu Thơm và bà Đào Thị Liên Tới ở xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có ba con trai là kiểm ngư đều đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa. Đó là anh Khổng Minh Quyết (sinh năm 1975), Khổng Hữu Chiến (sinh năm 1977) và Khổng Hữu Công (1982).
Ráng chiều đã ngả, ông bà vẫn ở ngoài vườn cuốc nốt những luống cuối cùng của ruộng thuốc lào. Ngơi tay cuốc, ông bà mời chúng tôi vào ngôi nhà đơn sơ nằm ở cuối làng.
Chuyện gia đình ông Thơm bà Liên có ba con làm kiểm ngư đang làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa cả xã đều biết. Nhưng ít người biết để nuôi dạy cả ba con thành người, hai ông bà đã phải tần tảo sớm khuya từ mảnh ruộng để chắt bóp cho con ăn học bằng người.
Các anh đều theo nghiệp kiểm ngư, rồi lập gia đình xa nhà, nên quanh đi quẩn lại chỉ có hai ông bà với nhau.
“Đẻ con ra ai cũng muốn con được an nhàn, gần cha gần mẹ. Nhưng con tôi đi làm nhiệm vụ vì Tổ quốc, vì việc nghĩa nên tôi chẳng có gì phàn nàn. Bây giờ sinh con ra chỉ sợ nhất là ra ngoài làm những điều bất nghĩa, trở thành nghịch tặc”, vừa nhả khói thuốc lào, ông Thơm vừa chậm rãi trò chuyện với khách.
Ông Thơm đặt tên con là Quyết, Chiến, Công để mong các con trưởng thành, cố gắng cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc. Thế nên Huân chương chiến sĩ vẻ vang của anh Khổng Minh Quyết - con trai cả - được ông bà treo ở vị trí trang trọng nhất nhà.
Không giấu nổi xúc động khi kể về ba con trai, bà Liên cho biết gia đình thuần nông nên không có điều kiện cho con học đại học, vì vậy các anh đều học hết THPT rồi đi bộ đội và sau này tham gia lực lượng kiểm ngư. “Gửi gắm con vào lực lượng kiểm ngư để rèn luyện nên người, tôi cũng chẳng phải lo lắng gì”, bà Liên tâm sự.
Công việc nông nghiệp vất vả khiến hai ông bà đều mang trong mình nhiều bệnh như như thoái hóa, loãng xương, gan yếu. Với bà Liên, cứ khi trái gió trở trời bà lại đau nhức, vì vậy hằng ngày phải lên bệnh xã tiêm thuốc.
Nhưng những khi con dâu có việc bà lại sẵn sàng sang nhà tương trợ, còn ông lại ở nhà một mình trông nhà. “Chồng chúng nó cứ đi biền biệt, nên chúng tôi thương con dâu với mấy đứa cháu quá. Nhà nông nên cũng chỉ có ba cái hột gạo để làm quà cho con. Thi thoảng gặt xong lại mang gạo mới gửi cho con cho cháu, chứ đâu có gì nhiều”, ông Thơm nói.
Từ lúc cả ba con ra Hoàng Sa tới nay ông bà chưa bỏ sót một bản tin thời sự nào. “Bố mẹ nào cũng lo cho con, nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trên hết. Vì vậy chúng tôi chúc cho các con và đồng nghiệp mạnh khỏe, công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ. Còn ở nhà khó khăn bao nhiêu, chúng tôi cũng vượt qua được”, ông Thơm và bà Liên chia sẻ. (Công Khanh, Tiền Phong Online 29/6)
37. "Cứu" bào ngư ở Bạch Long Vĩ
Bào ngư Bạch Long Vĩ nổi tiếng từ lâu và được coi là sản vật đặc trưng của huyện đảo. Trước nguy cơ cạn kiệt, Bạch Long Vĩ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lai tạo, phát triển, bảo tồn giống bào ngư, phục vụ phát triển sản xuất. Nhiệm vụ này được giao cho Tổng đội TNXP.
Ở vùng biển Hải Phòng, nhất là ven đảo Bạch Long Vĩ có loài bào ngư chín lỗ còn gọi là cửu khổng, là đặc sản có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm bổ dưỡng và là vị thuốc quý. Qua nhiều năm khai thác, nguồn lợi bào ngư chín lỗ ven đảo Bạch Long Vĩ giảm sút nhanh.
Huyện đảo đã triển khai một số công việc bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, trong đó có bào ngư. Tuy nhiên, kết quả khảo sát giai đoạn 2006 - 2010 cho thấy, tốc độ bào ngư tự phục hồi không đáng kể, do đó rất cần được bổ sung con giống từ sinh sản nhân tạo cung cấp cho các cơ sở nuôi. “Về cơ bản, nuôi bào ngư có nhiều cơ hội thành công”, anh Nguyễn Công Diễn, Tổng đội trưởng TNXP Hải Phòng cho biết.
Năm 2008, đảo Bạch Long Vĩ đã thí điểm mô hình khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bào ngư cho hai hộ dân trên đảo, kết quả thu hoạch rất khả quan. Tuy nhiên, khi mở rộng mô hình, các hộ nuôi bào ngư và Liên đội TNXP trên đảo vẫn phải nhập con giống từ trại giống ở Cát Bà rất tốn kém về thời gian và chi phí.
Từ những thực tế đó dự án “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ và sản xuất cung cấp giống bào ngư chín lỗ tại Bạch Long Vĩ” được hình thành và giao cho Liên đội TNXP trên đảo triển khai.
Dự án được Tổng cục thủy sản, Bộ NN&PTNT phê duyệt với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng thực hiện trong 3 năm. Tổng đội TNXP Hải Phòng được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng hệ thống bể nuôi bào ngư và các hạng mục công trình khác nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo bào ngư, hướng tới việc hằng năm sản xuất và cung cấp bào ngư giống cho mục tiêu nuôi trồng, sản xuất, duy trì ổn định hệ sinh thái Bạch Long Vĩ.
Nỗ lực của 40 hộ và Liên đội TNXP đảo Bạch Long Vĩ được giao khoanh nuôi bào ngư quanh đảo Bạch Long Vĩ đã đem lại thu nhập bước đầu khoảng 35 triệu đồng/hộ trong năm 2012. Tới tháng 6/2013, cơ sở vật chất, bể nuôi của Trại sản xuất giống bào ngư tại Bạch Long Vĩ triển khai mô hình trình diễn đã được đưa vào sử dụng và thu được những hiệu quả đầu tiên.
Nhân rộng mô hình
Anh Nguyễn Công Diễn, Tổng đội trưởng TNXP thành phố Hải Phòng cho biết vùng mặt nước biển Bạch Long Vĩ là một trong rất ít nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng để nuôi bào ngư.
Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ và sản xuất cung cấp giống bào ngư chín lỗ tại Bạch Long Vĩ” hướng đến mục tiêu xây dựng được mô hình trình diễn và hoàn thiện được quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo bào ngư chín lỗ, thực hiện chuyển nuôi con giống phát triển thành bào ngư thương phẩm bố mẹ.
“Tổng đội TNXP Hải Phòng xác định, những năm tới, nghề nuôi bào ngư là hướng đột phá trong phát triển kinh tế của Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ và bà con nơi đây”, anh Diễn nói.
Thực hiện dự án này Tổng đội TNXP đã huy động mọi nguồn lực, đào tạo kỹ thuật cho các đội viên dần làm quen với phương pháp, công nghệ nuôi bào ngư giống với sự hướng dẫn tỷ mỷ, nhiệt tình của kỹ sư nuôi trồng thủy sản.
Tháng 6/2013, Trại sản xuất giống bào ngư tiến hành thả nuôi hơn 20 kg bào ngư bố, mẹ đầu tiên. Bước đầu, trại sản xuất giống bào ngư tại Bạch Long Vĩ hoạt động không những cung cấp nguồn giống tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ, tái tạo và phát triển bào ngư, giải quyết việc làm cho cư dân, Liên đội TNXP huyện đảo mà còn tạo nguồn giống bào ngư cung cấp cho các địa phương khác và phục vụ xuất khẩu.
Dự án cũng định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới nhằm xây dựng mô hình trình diễn và hoàn thiện được quy trình công nghệ nuôi vỗ tạo đàn bào ngư bố mẹ thuần chủng, tạo tiền đề cho nuôi thâm canh bào ngư công nghiệp với 2 loại hình là nuôi bào ngư sinh thái, quảng canh tại bãi triều và nuôi bào ngư thâm canh bằng lồng ở bể xi măng.
“Bạch Long Vĩ đang hướng tới mục tiêu hàng năm sản xuất và cung cấp hơn 100.000 con giống bào ngư chín lỗ cho cư dân địa phương nuôi thương phẩm hay thả nuôi tái tạo nguồn lợi tại đảo Bạch Long Vĩ”, anh Diễn nói. (Phùng Ngọc Tú, Tiền Phong Online 29/6)
Ngày 26-6, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Đề án Đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020. Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với 5 đảo là đảo Trần (huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh), đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), đảo Thổ Chu (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị). Như vậy, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng đảo Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ, sẽ tiếp tục xây dựng thêm 3 đảo Thanh niên nữa là đảo Trần, Hòn Chuối, Thổ Chu.
Để hình thành 5 đảo Thanh niên, Đề án nêu rõ: tới năm 2020 sẽ tiếp nhận khoảng 590 hộ dân cư và gia đình thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp ổn định lâu dài; giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động thường xuyên và gần 4.000 lao động thời vụ; xây dựng hạ tầng cơ sở xã hội thiết yếu giúp cư dân ổn định cuộc sống, ngư dân bám biển, tạo việc làm và thu nhập cho các lao động trên đảo; trồng mới và bảo vệ gần 1.500 ha rừng phòng hộ trên đảo để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học biển; củng cố, thành lập các Tổng đội Thanh niên xung phong làm nòng cốt tham gia phát triển kinh tế, xây dựng và ổn định tại các khu dân cư, góp phần bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.
Ngoại trừ Cồn Cỏ và Bạch Long Vỹ, 3 xã đảo Thổ Chu, Hòn Chuối và đảo Trần, việc đưa thanh niên ra đảo sẽ bắt đầu từ năm sau.
Bạch Long Vỹ thuộc TP Hải Phòng. Đây là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa vịnh, cách Hòn Dáu (Hải Phòng) 110 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 km. Đảo nằm trong 1 trong 8 ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ cũng như trong phân định vịnh Bắc Bộ. Đảo dài 3 km, rộng 1,5 km. Cho đến tận đầu thế kỉ 20 thì vẫn chưa có dân cư sống trên đảo mà chỉ có ngư dân ghé vào trú bão. Ngày 16-1-1957, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp thu đảo từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cuối năm 1965, máy bay Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc Việt Nam khiến toàn bộ dân cư của đảo phải sơ tán về đất liền. Suốt từ đó đến tận năm 1992, Bạch Long Vỹ không có dân thường sinh sống. Ngày 26-2-1993, Hải Phòng tổ chức đưa 62 thanh niên xung phong và một số hộ ngư dân đầu tiên ra đảo. Ngày 27-7-1994, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 379/TTg phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật tổng thể xây dựng huyện đảo Bạch Long Vĩ thành một đơn vị hành chính cấp huyện phát triển kinh tế - quốc phòng - xã hội toàn diện, một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường vịnh Bắc Bộ. (Hà Trọng Nghĩa, Đại đoàn kết Online 29/6)
Khuất nẻo dưới chân cầu Bính (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), ít ai biết có một xóm quy tụ những gia đình kiểm ngư. Nơi đó những người chồng đi biển bằn bặt còn ở nhà những người phụ nữ vừa đóng vai vợ, vai chồng, vừa làm bổn phận của mẹ, của cha để những người đàn ông yên tâm và vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió.
Hậu phương vững chãi
Đã hẹn từ trước, tôi được chị Hoàng Thị Hiền vợ của Kiểm ngư viên Trần Minh Tuấn đón ở chân cầu Bính (Hải Phòng) đưa vào xóm Kiểm ngư. Trước lúc đón tôi, chị Hiền còn tranh thủ lấy ít bánh để chiều đưa hàng. Vì thế đi đằng sau người phụ nữ đó tôi chỉ nhìn thấy thấp thoáng những hộp bánh khổng lồ di chuyển, cùng tiếng xích xe máy lọc xọc do lâu ngày không được tra dầu, căng xích.
Vòng vèo qua mấy ngã rẽ, tôi cũng đến được xóm nhỏ với vài ba dãy nhà tập thể cấp bốn được xây dựng từ những năm 90 thế kỷ trước. Hỏi ra mới biết đây vốn là trạm xá cũ của một đơn vị bộ đội, nay là nơi trú ngụ của các gia đình kiểm ngư, phần lớn trong số họ vẫn chỉ thuê chứ ít ai đủ tiền mua được. Ấn tượng ban đầu ở đây là một màu xanh ngăn ngắt của vườn rau, của cỏ, và cả màu xanh lá mạ của tường các căn nhà cấp bốn chỉ vỏn vẹn chừng 20 mét vuông.
Quả thật, nếu không được dẫn đường, khó có thể hình dung ngay dưới chân cây cầu dây văng đẹp nhất thành phố Cảng lại có một xóm nhỏ ven bờ đê với những gia đình kiểm ngư đang quấn túm bên nhau, cùng nhau vượt qua những cơn sóng ngầm của đời thường, để làm hậu phương vững chãi cho ba người đàn ông ngoài nơi sóng cả.
Đó là gia đình của kiểm ngư Trần Tuấn Minh (Tàu 634) và chị Hoàng Thị Hiền, gia đình kiểm ngư Khổng Minh Quyết (Tàu 786) và chị Ngô Thị Bích, gia đình kiểm ngư Chu Ngọc Linh (tàu 786) và chị Nguyễn Thị Thủy.
Biết trước sự có mặt của tôi nên cả xóm đã quây quần bên chén trà và rồi chị Thủy đùa “Anh xem, đàn ông đi biển ráo cả, nên xóm này rặt những phụ nữ và trẻ em. Mấy chị em tôi cứ gọi đùa là xóm đàn bà”.
Khi được hỏi về những khó khăn khi chồng vắng nhà lâu ngày, các chị bảo “kể cũng chẳng hết được, vì đã lấy chồng kiểm ngư thì phải xác định mình sẽ phải thay chồng gánh vác nhiều việc”, chị Bích nói.
Khi mình ốm đau, khi con bệnh, hay điện chập, nước rò... chỉ mong có ông đàn ông bên cạnh. Nhưng chúng tôi đã xác định rồi nên động viên, bảo ban nhau, tập làm việc của đàn ông như thay bóng đèn hỏng, vặn ốc vít… dần cũng quen, cũng thạo.
Những vất vả thường nhật cũng qua, nhưng các chị bảo rằng khó khăn nhất chính là lúc sinh nở, ao ước có chồng ở bên để vừa chia sẻ nỗi cực nhọc khi mang nặng đẻ đau, cũng vừa chia niềm vui khi được làm mẹ làm cha. Các cụ nói đúng thật “Đàn ông đi bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình” vận đúng vào thân phận của mấy chị em ở đây.
Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường THPT Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết cả hai lần sinh nở, anh Chu Ngọc Linh đều ở ngoài khơi. Khi vợ có bầu anh chỉ ở nhà với vợ một tuần rồi lại đi ngay.
Có khi vợ chồng chỉ gặp nhau được 30 phút rồi anh lại vội vã lên đường ra phía biển. Đến khi con lớn, bố về, con lạ hơi, lạ tiếng… khi con quen bố thì bố lại lên đường đi công tác. Vì thế hai cháu Chu Nguyễn Hà Phương (6 tuổi), Chu Nguyễn Phương Thảo (3 tuổi) đứa nào cũng mong ngóng cha về, thi thoảng lại buột miệng hỏi “Mẹ ơi, bố đâu rồi?”.
Hay năm 2011, khi chị Ngô Thị Bích vợ kiểm ngư Khổng Minh Quyết trở dạ, chồng ở ngoài khơi xa, bố mẹ đều ở quê. Thế là các chị em người gọi taxi, người góp áo quần, tiền bạc rồi đưa ra bệnh viện. Đến khi ông bà nội, bà ngoại đến thì bé đã chào đời. Lấy nhau được 5 năm, hai anh chị có hai mặt con là Khổng Nhật Minh (4 tuổi) và Khổng Minh Ngọc (2 tuổi).
Đồng lương của nhân viên phòng bảo quản, bảo tàng Hải Phòng cùng với lương kiểm ngư cũng phải chắt bóp lắm mới đủ chi trả tiền thuê nhà, chi tiêu và học cho các cháu.
“Năm 2001, anh Tuấn Minh vừa cập bờ vào bốt điện thoại gọi về nhà thì vợ đã sinh con. Biết có con trai đầu lòng, anh vui quá miệng vừa cười, lững thững đi ra biển như mộng du quên cả trả tiền điện thoại, khiến người ta phải gọi giật lại…”, chị Hoàng Thị Hiền nhớ lại lần sinh nở đầu tiên của mình.
Chị Hiền cho biết Tuấn Minh đặt tên con là Hải Đăng để mong con như ngọn đèn biển soi đường cho bố ra khơi, cũng như là ngọn đèn biển dẫn lối để những người con đất liền về nhà. Còn đứa thứ hai anh chị đặt là Hoàng Long. Vì bố xa nhà liên tục, Hoàng Long đi nhà trẻ lúc hơn một tuổi, còn Hải Đăng trở thành người lớn lúc nào không hay. Mới có lớp tám nhưng Hải Đăng đã thoăn thoắt việc nhà, khi thì nấu cơm, rửa bát, trông em thay mẹ, khi thì thay bóng điện hỏng, cầu chì cháy thay bố.
Một người bốn vai
Xóm Kiểm ngư gần bờ đê ấy sợ nhất là mưa bão, nước dâng, gió giật khiến mấy căn nhà cấp bốn cứ chao bên này, nghiêng bên kia, khiến cho sức chịu đựng của mấy người phụ nữ nơi đây tưởng như có thể đến ngưỡng chịu đựng bất cứ lúc nào. Đôi lúc cả ba người phụ nữ ngồi lại với nhau lại lạc quan tếu rằng “chồng mình đi chống bão nơi đâu, chứ bão ở nhà thì chẳng ai đỡ”.
Có lần giông to quá, mấy mái bếp bị giật bay mất hở ra khoảng trời trống hoác. Sau lần đó các chị đều thống nhất phương án “vườn không, nhà trống” - khi bão đến bồng con tới nhà nào kiên cố trong làng, trong xóm để xin trú nhờ.
Khi giông gió đi qua, các chị lại bắt tay vào cải tạo mảnh vườn hoang trước dãy tập thể vốn xưa là vườn thuốc của trạm xá. Người cuốc người xới để trồng rau, trồng bí, trồng đậu, thả gà… Chẳng mấy chốc khu vườn hoang xưa, nay có bàn tay của mấy người phụ nữ lại hồi sinh theo mô hình tự cung tự cấp. Khách đến, khỏi cần ra chợ các chị cũng có rau ngon, gà vườn thiết đãi.
Hỏi ra mới biết, những phụ nữ nơi đây cất công chăm nom vườn rau xanh tốt để dành chờ các đức lang quân, vốn đi biển lâu ngày thèm rau xanh và các món tươi. Thế nên, ba phụ nữ nơi xóm nhỏ ấy, chị nào cũng thủ cho mình một món tủ để chào đón những chàng thủy thủ suốt nơi đầu “bất thùng chi thình” trở về. Chị Hiền có món rau sống, thịt ba chỉ luộc và canh cá chua. Chị Thủy có món gỏi cá chấm tương bần Hưng Yên. Còn chị Bích đặc trị món nộm gà xé phay.
“Có lần sau mấy tháng liền lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ, về tới nhà anh nhà tôi ăn hết cả rổ rau với cả cân thịt ba chỉ luộc, ấy vậy mà vẫn thòm thèm”. Chị Hiền kể về “chiến tích” của chồng mình trong tiếng cười vang của cả xóm.
Đến khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, cả ba ông chồng đều ra khơi làm nhiệm vụ. Không thể liên lạc qua điện thoại nên ba gia đình đều quấn túm bên nhau mỗi khi có bản tin thời sự về Hoàng Sa.
Khi đó những người vợ căng mắt, căng tai để xem để nghe những tin tức về chồng, xem con tàu nào bị đâm, bị húc, xem có ai bị thương. Bỗng Chu Phương Thảo, 3 tuổi con gái út của kiểm ngư viên Chu Ngọc Linh hỏi lớn “Mẹ ơi, sao tàu Trung Quốc ác thế? Liệu bố có bị làm sao không?”. Những câu hỏi của đứa trẻ ba tuổi khiến các bà mẹ giật mình sửng sốt. Rồi các chị lại trấn an các con “Bố của các con sẽ không sao, bố sẽ bình yên trở về”.
“Có khi xem tivi thấy tàu chồng mình ngồi lái bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, đâm va khiến tay chân bủn rủn. Nhưng định thần một lúc, tôi nghĩ giờ có lo cũng chẳng thể giải quyết được gì, không thể liên lạc được. Vì thế chúng tôi tự động viên nhau, mình không được ốm, không được suy sụp để còn coi sóc con, chăm lo cho gia đình. Để chồng yên tâm làm nhiệm vụ phục vụ Tổ quốc”, chị Hoàng Thị Hiền nói. (Công Khanh, Tiền Phong Online 29/6)
Lần hồi lật lại những làn âm thanh cũ, chợt bâng khuâng khó tả về một bài ca đã chiếm lĩnh tâm hồn cả một thế hệ thời đánh giặc, vừa sâu lắng thiết tha, vừa dạt dào hùng tráng. Ấy là Bạch Long Vĩ đảo quê hương.
Hồi đánh Mỹ, khi Tổng thống L.Johnson bí nước bèn liều mạng cho đám giặc trời bay ra ném bom miền Bắc thì có lẽ chính ông ta cũng không ngờ đã biến miền Bắc từ hậu phương trở thành tiền tuyến, sát cánh với miền Nam, cả nước cùng đánh giặc. Và những hòn đảo lâu nay vốn yên bình như nét duyên thầm điểm xuyết nhan sắc biển Đông như Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Ngư, Bạch Long Vĩ… bỗng dưng vào vị trí tiền tiêu, tiền đồn của đất nước.
Thời ấy, có những lúc chả khác bây giờ, cả nước hướng về biển đảo, lo lắng ngại ngần cho Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ từng ngày từng giờ bị tơi tả trong bom đạn giặc, và mừng vui khi đảo vẫn trụ vững giữa biển khơi với dáng bất khuất hiên ngang. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã vượt sóng dữ lẫn bom đạn quân thù để đến với đảo xa và quân dân trên đảo.
Tôi chẳng hề nói quá, chả mấy ai những thập niên 1960 - 1970 lại không thuộc ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương, chí ít cũng dăm câu mở đầu. Nhà báo Xuân Ba có kể cho tôi nghe lần gặp nhạc sĩ Huy Du, tò mò hỏi ông rằng đứa con tinh thần khiến say đắm lòng người ấy ra đời như thế nào. Vị đại tá nghệ sĩ cười hiền và hé chút ít, đó là một buổi trưa trong chuyến thực tế sáng tác tại Bạch Long Vĩ năm 1966. Mặc âm thanh xé tai của lũ F-105E thần sấm xoẹt qua đảo để mò vào đánh bom đất liền Hải Phòng, Quảng Ninh, ông liều chả muốn xuống hầm nữa... Dường như có gì đó khiến ông cứ day dứt lấn bấn từ lúc đặt chân lên cầu tàu, người chỉ huy đảo thân thiết nắm lấy tay vị nhạc sĩ tài hoa mà rằng “chiến sĩ chúng tôi nghe danh anh, hát bài hát của anh đã lâu. Lần này ra với chúng tôi, anh làm một bài hát về đảo Bạch Long Vĩ này đi”. Lời mời gọi đề nghị tha thiết quá, ông không nghỉ trưa nữa, ngồi bệt xuống gốc đa ở sân doanh trại hải quân và những giai điệu, ca từ của Bạch Long Vĩ đảo quê hương đã hình thành...
Những ai chưa một lần đến Bạch Long Vĩ vẫn có thể hình dung cái thế đất “đuôi rồng trắng” thân thương qua những lời ca rất đỗi ân tình: “Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Em đứng trên biển Đông, thôn xanh Phù Thủy Châu, mênh mông sóng bạc đầu, gió rì rào năm tháng. Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Sóng vỗ bao tình thương, gió mang đi ngàn phương, quê hương đuôi rồng trắng, quê hương của hải bào. Tiếng hát em vang trời cao”. Giai điệu dìu dặt, nhẹ nhàng như lời người con gái nơi đảo xa gửi về lòng trai ở đất liền, thật trong sáng, hiền dịu mà chan chứa tự hào. Biển đảo Tổ quốc thật đẹp, nên thơ, nhưng cũng thật chắc khỏe, hùng tráng. Lời ca sau phút ân tình đã cất lên dồn dập, nhanh như nhịp hối hả của đoàn quân ra trận, của những con tàu phăng phăng rẽ sóng, của nòng súng quân dân trên đảo hiên ngang hướng thẳng vào mặt kẻ thù: “Từ ngày bộ đội ta lướt sóng về đây, tay nắm chặt tay quê ấm đường vui, áo lá rợp thôn sẵn sàng chiến đấu. Cát nóng mưa gào, bão táp không sờn, quyết chung một lòng giữ đảo quê hương, thiết tha tình thương. Chúng ta vùng lên chiến thắng giặc Mỹ, dâng cao ngọn cờ Tổ quốc đang mong chờ”.
Cứ thế lời ca điệu nhạc của Bạch Long Vĩ đảo quê hương thấm đậm tâm hồn con người đang dấn thân vào chiến trận gian lao, giục giã thanh niên ra đảo xa, đi chiến trường như giữa ngày hội lớn. Cùng với Cồn Cỏ hiên ngang nơi đầu sóng, Bạch Long Vĩ qua bài hát của nhạc sĩ Huy Du đã trở nên hết sức gần gũi trong tình quân dân gắn bó, mặn mà. Nghe bài hát của nhạc sĩ Huy Du, tôi lại thầm nhớ những kỷ niệm về hòn đảo quê hương. Đận những năm 1967 - 1968 máy bay Mỹ đánh đảo ác liệt lắm, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm dạo đó công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng viết một bài thơ khá xúc động về cô giáo Tô Cẩm Tú người Hoa tình nguyện ra đảo và anh dũng hy sinh trên đảo trong trận chiến với máy bay thù. Nhớ mãi những câu thơ: “Cổng trường Kiều Trung/Nhìn Tú dần xa bến Hải Phòng...”, “Như chiếc én đưa thoi, Tú lao mình trong lửa/Truyền tin, tải đạn, cứu thương/Cô gái năm xưa e lệ giữa sân trường/Nay bỗng hóa phượng hoàng vỗ cánh”. Sau này tôi cứ băn khoăn sao TP.Hải Phòng lại không có con đường mang tên Tô Cẩm Tú nhỉ. Những năm 1978 - 1979, Trung Quốc trở mặt, đưa người sang len lỏi khắp nơi xúi giục người Hoa về cố quốc nhằm gây khó dễ cho VN. Người Hoa ở phố Trung Quốc nội thành bỏ đi gần hết. Riêng đảo Bạch Long Vĩ thì sạch trơn, nghe nói suốt mấy năm không có dân, chỉ còn mấy anh bộ đội. Mãi sau này Thành đoàn Hải Phòng tổ chức các đội TNXP và vận động được một số cặp thanh niên ra, từ đó đảo mới dần có tiếng trẻ bi bô. Hơn chục năm sau, theo đề nghị của T.Ư Đoàn, Bạch Long Vĩ được mang tên đảo Thanh niên. Cuộc sống hồi sinh từng ngày nơi huyện đảo nhưng chả biết mộ cô giáo Tô Cẩm Tú có còn? (Nguyễn Thông, Thanh niên Online 29/6)
BS. Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết, sau 2 ngày được mổ cấp cứu vì bị viêm ruột thừa cấp ngay tại BV huyện Bạch Long Vĩ, sức khỏe bệnh nhân Lý Thị Lại, 19 tuổi đã dần hồi phục. Được biết, trước đó, ngày 26/6, chị Lại, tạm trú ở Khu II - huyện đảo Bạch Long Vĩ, nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng quanh rốn và hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, kèm theo mạch nhanh 100 lần/phút, sốt 38,5oC. Được chẩn đoán theo dõi viêm ruột thừa cấp chưa loại trừ viêm ứ mủ vòi trứng (P). Các bác sĩ Bệnh viện huyện đảo đã hội chẩn cùng bác sĩ quân y Trung đoàn 952 chẩn đoán xác định là viêm ruột thừa cấp, cần xử trí mổ cấp cứu ngay tại Bệnh viện huyện đảo. Ca mổ ruột thừa kết thúc thành công sau 1 giờ đồng hồ. BVĐK huyện Bạch Long Vĩ là bệnh viện tuyến đảo xa, nằm độc lập giữa ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ và là cơ sở y tế dân sự duy nhất trên huyện đảo (vừa là tuyến đầu vừa là tuyến cuối trong công tác khám chữa bệnh và cấp cứu bệnh nhân). Tuy còn nhiều khó khăn, song BVĐK huyện Bạch Long Vĩ cũng đã xử lý thành công nhiều ca bệnh nặng và khó như thai ngoài tử cung vỡ, ngộ độc bạch tuộc đốm xanh, cấp cứu thành công ngư dân bị đứt lìa bàn chân do tai nạn trên biển... (H.Thanh, Sức khỏe & Đời sống Online 29/6; Nhân dân Online 28/6; TTXVN 28/6; Báo Hải Phòng Online 27/6)
Sáng 28-6, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức bàn giao kỹ thuật phẫu thuật tim mở giải đoạn 1 cho Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Phẫu thuật tim mở là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi nhiều kỹ thuật chuyên sâu kèm theo như tuần hoàn ngoài cơ thể, hồi sức tim, gây mê, phẫu thuật tim. Mỗi ca mổ tim mở cần có 5 kíp bác sĩ hoạt động: chẩn đoán sàng lọc trước mổ, phẫu thuật, gây mê hồi tỉnh, cháy máy tim phổi, chăm sóc tích cực sau phẫu thuật. Với sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển giao kỹ thuật. Trong 18 tháng chuyển giao kỹ thuật, đã có 62 bệnh nhi được phẫu thuật tim mở thành công tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, trong đó các bác sĩ tại Hải Phòng tự chủ hoàn toàn 12 ca. Các bệnh nhi chủ yếu mắc một số bệnh lý: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch. Sức khỏe các bệnh nhi sau mổ cơ bản ổn định, chỉ xuất hiện biến chứng viêm phổi nhẹ ở 3 trường hợp.
Việc các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tự chủ hoàn toàn kỹ thuật phẫu thuật tim mở sẽ giúp gia đình các bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh có cơ hội được phẫu thuật tại Hải Phòng với chi phí thấp hơn, qua đó, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Với nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống, khắc phục các sự cố hoá chất độc hại, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa 38, Bộ Tham mưu Quân khu3 đã tích cực luyện rèn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “phòng chống tốt - chiến đấu giỏi” của binh chủng hóa học anh hùng.
Đến thăm Tiểu đoàn 38 giữa những ngày nắng như đổ lửa, vậy mà những chiến sĩ phòng hóa vẫn hóa thân trong trang phục khí tài phòng da L1, trông như “người voi” quần thảo trong chảo lửa. Thấy vẻ ái ngại của chúng tôi, Thượng úy Lê Hồng Biên, Đại đội trưởng thực hành trinh sát phát hiện chất độc, phân bua: “Nhiệm vụ của “lính” phòng hóa chúng tôi không có lịch cụ thể trước. Nó diễn ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu, không kể đêm ngày, nắng nóng hay mưa bão, nên việc luyện tập không thể tách khỏi môi trường ấy. Lúc huấn luyện cực khổ bao nhiêu, thì lúc thực hiện nhiệm vụ “gặt” được hiệu quả bấy nhiêu. Nếu gặp phải nhiệm vụ dập lửa thì nắng nóng như thế này có thấm tháp vào đâu”... Nói như Chính trị viên phó, Thượng úy Hoàng Văn Sáng thì những hoạt động này đã trở lên quen thuộc như thức ăn, nước uống hằng ngày đối với cán bộ, chiến sĩ. Cuộc chiến thầm lặng của các anh chính là đối mặt với các loại hóa chất gây nên những “cái chết không tì vết”, hay những căn bệnh quái dị cho con người. Để chiến thắng kẻ thù giấu mặt ấy, các anh đã không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Đại úy Lê Thanh Lâm, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 38, cho biết: Đơn vị có nhiệm vụ rất đặc thù, nếu không xây dựng tốt bản lĩnh, đúng tác phong, huấn luyện sát thực tế thì không thể thực hiện được nhiệm vụ. Ngay cả đối với chiến sĩ mới về đơn vị, những giờ học đầu đã là sự va chạm lý thuyết về các loại hóa chất chết người. Rồi chập chững từ lý thuyết đến thực hành, họ phải phơi mình dưới nắng, mưa để học cách xử lý. Với phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, lấy thực hành làm then chốt, huấn luyện theo hình thức học mới, ôn cũ, học đến đâu chắc đến đó, huấn luyện từ đơn giản đến phức tạp, gắn huấn luyện chuyên môn với rèn luyện thể lực; tổ chức cho bộ đội hành quân đường dài 12 - 15km mang vác nặng và rèn luyện mặc khí tài đi bộ 3 ki lô mét đều đặn hằng tuần để nâng cao sức bền, sự dẻo dai và khả năng chịu đựng tạo nền tảng cho thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong kí ức của Trung tá Trần Đình San, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 38 vẫn còn in đậm hình ảnh về vụ xử lý hóa chất ở nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng: “Vào tháng 9 năm 2010, tại nhà máy nhiệt điện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) xảy ra 2 vụ nổ hoá chất làm thiệt mạng 2 công nhân Trung Quốc và 2 công nhân Việt Nam, làm sập toàn bộ kho hoá chất. Sau khi nhận được nhiệm vụ, cơ quan Chủ nhiệm Hoá học đã chỉ đạo Tiểu đoàn phối kết hợp với Viện Hoá học của Binh chủng Hoá học, đến hiện trường nghiên cứu, đánh giá tình hình, xây dựng phương án xử lý kho hoá chất còn lại và khắc phục sự cố hoá chất đã xảy ra. Trong 2 ngày, bằng những kiến thức đã được huấn luyện và ý chí, ý thức trách nhiệm cao của cán bộ, chiến sĩ, đơn vị đã phối kết hợp với Binh chủng Hoá học đã xử lý thành công kho hoá chất còn lại. Đồng thời khoanh vùng khu nhiễm, tiêu tẩy khắc khục vụ nổ hoá chất trả lại môi trường trong sạch cho nhà máy tiếp tục thi công. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đơn vị đã được UBND thành phố Hải Phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng Bằng khen".
Cũng nhờ huấn luyện tốt những năm qua, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn còn tham gia xử lý các sự cố thành công như: Dập tắt cháy ở Kho K131 (Thủy Nguyên, Hải Phòng); xử lý khắc phục lựu đạn hóa học CS ở Hà Nam; xử lý hóa chất tại sân bay Cát Bi và cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng); xử lý vụ rò rỉ thuốc trừ sâu tại Hưng Yên...
Ghi nhận thành tích ấy, tiểu đoàn nhiều năm liền đã được cấp trên công nhận là đơn vị huấn luyện giỏi và 15 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Năm 2012, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Chia sẻ về thành tích ấy, Hạ sĩ Trần Tuấn Anh, Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 1, hồ hởi: “Chúng em rất tự hào vì mỗi việc làm của mình đều mang nhiều ý nghĩa. Khi nhìn những nạn nhân chất độc da cam càng thôi thúc chúng em rèn luyện để góp phần công sức nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ môi trường, bảo vệ cuộc sống bình dị của người dân. Vất vả đấy, nhưng vẫn phải rèn, vì nếu không rèn thì chính bản thân bị phơi nhiễm. Mình còn không bảo vệ được mình thì nói chi bảo vệ người khác. Đó là điều mà chúng em luôn tâm niệm để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao”.
Mỗi câu nói, mỗi việc làm của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đều thể hiện tinh thần và quyết tâm thi đua mà chính họ đã xác định. Phong trào thi đua “1 phút cũng học, 1 giây cũng rèn” từ lâu đã trở thành ý thức tự giác, từ những việc nhỏ như nội vụ vệ sinh, đến học tập, huấn luyện, tăng gia lao động sản xuất.... tất cả đã trở thành nề nếp, thành nguyên tắc sống rèn luyện, học tập, công tác của người chiến sĩ phòng hóa nơi đây. (Tuấn Đạt, Quân đội nhân dân Online 29/6)
44. Cựu sinh viên 8 lần tiếp sức mùa thi
Vũ Linh (27 tuổi, quê Hải Phòng), cựu sinh viên của Trường cao đẳng Công nghệ - kỹ thuật TP.HCM. Mặc dù đã ra trường và đi làm nhưng Vũ Linh vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện. Đây là năm thứ 8, Vũ Linh khoác trên mình màu áo xanh.
Chúng tôi đến Ga Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 6. Đến đây, chúng tôi bắt gặp những thanh niên khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện. Trong số đó, dễ dàng nhận thấy Vũ Linh, một chàng trai đã "chai mặt" với công tác tình nguyện trong mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng.
Được biết, mỗi đêm Vũ Linh cùng các bạn dành từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ để tham gia tiếp sức mùa thi tại Ga Sài Gòn với nhiệm vụ chính là hỗ trợ thí sinh dự thi.
Vũ Linh và các bạn thường đến Ga Sài Gòn từ lúc 23 giờ, đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau thì bắt đầu công việc tình nguyện của mình.
Khi mỗi chuyến tàu đến sân ga, Vũ Linh và các bạn nhanh chóng triển khai, sắp xếp đội hình hỗ trợ các thí sinh đến vùng thi và tìm phòng trọ.
"Giúp đỡ được một thí sinh là niềm vui trong Linh tăng lên gấp bội, mọi mệt mỏi dường như tan biến" Vũ Linh chia sẻ.
Đối với Vũ Linh công việc tình nguyện thì chẳng cần tính thời gian, công sức; và nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh. "Mình yêu công việc này, năm nay là năm thứ 8 mình tham gia và hình như mình đã nghiện nó rồi”, Vũ Linh tâm sự.
Được biết, Vũ Linh bắt đầu tham gia chương trình tiếp sức mùa thi từ năm 2007, đã từng nhận được nhiều bằng khen cao quý như: Bằng khen của Trung ương Hội sinh viên, bằng khen của UBND TP.HCM… Hiện anh làm việc tại Trường cao đẳng Công nghệ - kỹ thuật TP.HCM. (Minh Thư, Thanh niên Online 29/6)
Gần 10 năm nay, ông Trần Văn Khương - 54 tuổi, ở thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đã bỏ cả nhà, cả việc để làm một việc “điên rồ” là lái đò không công chở những học sinh, người dân trong cái thôn vốn là “ốc đảo” giữa mênh mông nước.
Bỏ nhà ra bến, lái đò không công
Không lãng mạn, chẳng có tiếng gọi “đò ơi” như trong một bài hát nào đó về ông lái đò, con đò chúng tôi đi chẳng có gì đặc biệt, tiếng máy nổ bình bịch, khói đen ngòm. Trên đò ngoài ông Khương lái đò dáng người mảnh khảnh, đen nhẻm và tôi là mấy cô cậu học sinh vừa từ trường về nhà, mấy bà hàng xén lỉnh kỉnh quang gánh và dăm ba bác nông dân chân vẫn nguyên bùn đất. Khác với nhiều lái đò tôi đã gặp, ông Khương chẳng chút vồn vã khi đón khách, trái lại gương mặt và nụ cười còn thể hiện sự bình thản như thể chuyện tôi bước lên đò và ông đưa qua sông là chuyện đương nhiên, có gì đâu mà lạ.
Thôn Lô Đông có hơn 130 hộ gia đình với 450 nhân khẩu chia làm 5 xóm. Vì điều kiện tự nhiên mà xóm 5 (còn gọi là xóm Trượng) bị chia cắt bởi dòng sông Hoá trở thành một “ốc đảo” giữa mênh mông nước. Từ lâu học sinh, người dân trong xóm muốn đến trường, đến trung tâm xã thì phải qua được khúc sông mùa nào nước cũng cuồn cuộn chảy. Ông Đoàn Văn Liệu - Chủ tịch xã Vĩnh Long kể: “Hơn 10 năm trước, chính quyền địa phương đã dành kinh phí mua sắm phương tiện và cắt cử người làm nhiệm vụ chở đò từ xóm Trượng vào trung tâm xã.
Nhưng chỉ được một thời gian, lần lượt những chủ đò đều xin nghỉ vì công việc phải thức khuya dậy sớm, mưa nắng mệt nhọc mà công cán thì chẳng đủ mưu sinh. Thêm nữa, từ ngày Nhà nước quy định những người chở đò phải có chứng chỉ hành nghề khiến cho việc “tuyển” người chèo đò của xã Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn. Kiếm tìm mãi vẫn không có “ứng viên” kế nhiệm nào hội đủ điều kiện. Giữa lúc đó, ông Trần Văn Khương đứng ra nhận lái đò và gần 10 năm qua ông Khương lái đò rất an toàn...”.
Ông Khương vốn học nghề thuỷ thủ, từng theo các chuyến tàu xuôi ngược khắp các vùng biển từ Bắc vào Nam nhưng vì sức khoẻ yếu ông đành về quê. Ngày đầu tiếp xúc, ông đã tuyên bố với xã một câu “điên rồ” là sẽ nhận việc lái đò với điều kiện là... không thu phí của người đi đò. “Tất nhiên là xã đồng ý ngay vì lái đò không lấy tiền thì ông Khương chịu thiệt chứ xã đâu có mất gì?” – Chủ tịch xã Vĩnh Long nhớ lại.
Ý tưởng này ban đầu bị những người trong thôn, ngoài xã nghi ngờ: Chở đò miễn phí thì tiền đâu mua dầu, tiền đâu bảo dưỡng đò? Mặc kệ dư luận, ông Khương chỉ cười, không đáp trả và lặng lẽ làm việc của mình. Không chỉ có vậy, đầu năm 2006, dù kinh tế gia đình thuộc diện trung bình khá trong xã, có nhà cửa khang trang nhưng ông Khương gần như “bỏ nhà” ra bến sông dựng một túp lều rồi sống luôn ở đó để tiện việc đưa đò.
Túp lều mà nhiều người gọi vui “lều ông Khương” ấy lỉnh kỉnh nào phao cứu hộ, áo cứu hộ do đoàn thanh niên tặng, 2 chiếc giường đã ọp ẹp và vài bộ quần áo đơn sơ. Do không có khoản thu nhập nào, ông Khương bàn tính với vợ mua thêm ít đồ tạp hoá để “kinh doanh” lấy lãi. Do vậy, cô con dâu duy nhất của ông được cắt cử trông coi hàng tạp hoá và phục vụ cơm nước cho bố.
Ngần ấy năm ông Khương làm nghề lái đò là ngần ấy năm một tay vợ ông, bà Trần Thị Lý thay ông “gánh vác” gia đình. Làm cái nghề tưởng chừng đơn giản này không được phép nghỉ ngơi bất cứ ngày nào, kể cả ngày cô bác, anh em ruột thịt qua đời hay cháu chắt dựng vợ gả chồng. “Vào ngày giỗ bố và ngày làm đám tang cho anh trai ruột, ông ấy cũng chỉ có mặt vào phút chót vì không thể để đò không người lái. Vừa chèo đò, ông ấy vừa đau đáu nghĩ xem gia đình lo liệu công việc đến đâu. Thế là tôi phải đi nhờ vả mấy người hàng xóm ra thay ca để ông ấy chạy về thắp cho bố, cho anh nén nhang. Nghĩ lại thấy tủi” - vợ ông Khương tâm sự.
Còn sức tôi còn lái…
Đều đặn hằng ngày ông Khương dậy từ lúc 4 giờ sáng để chở chuyến đò đầu tiên, chuyến muộn nhất nhiều khi đến 21 giờ tối là lúc các học sinh đi học thêm về. Đã gần 10 năm nay, ông Khương trở thành “người bạn” lớn của những cô cậu học trò. Chúng thi nhau kể cho ông nghe về những bài học trên lớp với những niềm vui, nỗi buồn tuổi mới lớn. Trên một chuyến đò muộn, mấy cô cậu học trò vừa đi học thêm buổi tối về, xuống đò đã nhao nhao trêu chọc nhau, bá cổ ông Khương tâm sự. Chúng tíu tít khoe “hôm nay cháu được điểm 8, lâu lắm rồi mới có điểm cao”. Đứa khác chen vào “chẳng biết có nhìn bài ai không?” rồi cười vang. Những lúc như vậy ông Khương chỉ ôn tồn: Các cháu cố gắng học, đừng để xóm mình mang tiếng là học kém.
“Vì sao ông không thu tiền khi đưa đò?” – tôi hỏi lúc ngồi trên đò ông qua sông. Lúc đầu ông chỉ cười, sau tôi hỏi tới, ông mới nhíu mày: “Nói có thể chú không tin, nhưng tôi lái đò không công đơn giản vì lũ trẻ trong thôn. Tôi không muốn nhìn đám trẻ chỉ vì cách trở sông nước, vì không có tiền đi đò mà đường học hành bị lỡ dở”. Ông bảo “những bà hàng xén, mấy bác nông dân mỗi ngày qua đò vài lần rồi những người khách tới xóm Trượng chơi thỉnh thoảng dúi vào tay tôi vài chục, nói là “để ông đổ dầu cho đò chạy” thì tui lấy, nhưng học trò thì nhất quyết không”.
Bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Lô Đông, có mặt trên chuyến đò hôm đó với tôi tiếp lời: “Những gia đình có con học cấp III nhiều lần đến gặp và muốn bồi dưỡng cho ông chút đỉnh để đổ xăng dầu. Ấy vậy nhưng ông gạt phắt đi và bảo: Chỉ cần chúng nó học giỏi và đỗ đại học là được rồi. Tôi không có gì vui bằng”.
Nghe vậy ông Khương cười chúm chím: “Lần đầu tiên có mấy cô cậu sinh viên về thăm nhà gọi đò qua sông, tôi vui đến rơi nước mắt. Hơn 10 năm trước cả xóm Trượng không có sinh viên nhưng nay con số sinh viên là người trong xóm đã là hơn 10 người, ai cũng từng ngồi trên con đò này để đến trường từ nhỏ...”.
Một niềm vui khác của ông Khương là gần 10 năm ông ra bến sông lái đò, xóm Trượng không còn người chết trên sông. Trước đây đoạn sông chảy qua xóm Trượng là khúc sông tử thần. Đã từng có nhiều cái chết do đắm đò, lật thuyền hay người dân bơi qua sông. Ấy vậy mà gần 10 năm qua, từ khi ông Khương lái đò, không hề xảy ra một va chạm nào. Người dân xóm Trượng mỗi khi đi ra khỏi “ốc đảo” của mình đều lên đò ông Khương và đều đi đến nơi về đến chốn. Với ông Khương, chèo đò cũng là một đam mê và nghệ thuật.
Ông cho biết: “Chỉ có khúc sông ngắn chưa đầy 1 cây số nhưng cần phải tỉnh táo, bình tĩnh mọi lúc. Con sông Hoá này rất nhiều tàu chở hàng, tàu cát chạy qua, mình chở đò phải biết phân biệt âm thanh, quan sát những con tàu sắp chạy qua để biết tốc độ của chúng ra sao, tạo sóng thế nào để lái đò tránh. Đặc biệt là mùa nước lớn tháng 6, tháng 7 khi đó nước cuồn cuộn chảy tạo ra nhiều vũng xoáy chết người, lái đò qua đó phải biết lựa, biết vòng tránh để đảm bảo an toàn.
Ông Khương “thờ ơ” với tiền, nhưng lại rất quý và nâng niu, gìn giữ cẩn thận các bằng khen mà ông có được trong 10 năm qua. Bằng đầu tiên là do Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tặng vào năm 2012 và kèm theo phần thưởng khích lệ 1 triệu đồng. Cuối năm 2013, ông Khương vinh dự là một trong năm tấm gương lao động xuất sắc trên cả nước được nhận giải thưởng KOVA với một bằng khen và một phần thưởng 15 triệu đồng do Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trao tặng.
Ông Đoàn Văn Liệu - Chủ tịch xã Vĩnh Long tự hào: “Xã chúng tôi rất may mắn khi có một người lái đò tận tâm như ông Khương. Vừa qua, UBND xã Vĩnh Long cũng đã trích kinh phí cải tiến phần đáy chiếc đò từ thân gỗ thành sắt để nó thêm vững chắc hơn...”.
“Bao giờ thì ông thôi chèo đò không công ở bến sông này? – tôi hỏi khi đò cập bến. Ông cười lặng lẽ: “Đến khi nào không còn sức khoẻ để chèo đò nữa, tôi sẽ nghỉ”. (Việt Hòa, Lao động Online 27/6)
Cộng đồng mạng liên tục chia sẻ những ca khúc do Trần Tú Anh (nickname Tú Shitt) - cô sinh viên Trường đại học Hàng Hải tự sáng tác và thể hiện.
Tú Anh sinh năm 1995, hiện là sinh viên năm 2 ngành Kinh tế học, Viện đào tạo quốc tế, Trường đại học Hàng Hải. Xinh đẹp, thông minh, có khả năng sáng tác và chơi nhạc cực ấn tượng, cái tên Tú Anh đang dần trở nên quen thuộc với giới trẻ thành phố Cảng…
Gây sốt bằng cây đàn guitar
Ngay từ nhỏ, Tú Anh đã thể hiện niềm đam mê của mình đối với âm nhạc. Cô thường tập hát một mình ở nhà, nhưng vì nhút nhát nên Tú Anh vẫn chưa có cơ hội được thể hiện giọng ca của mình trước đám đông. Chỉ đến khi bước chân vào giảng đường Đại học, tình cờ trong một cuộc thi đơn ca do nhà trường tổ chức, Tú Anh đánh “liều” đi thi. Mặc dù không đạt giải cao nhưng cô nhanh chóng để lại ấn tượng với bạn bè bằng giọng hát trong veo, truyền cảm của mình. Cô gái trẻ tâm sự: “Lần đầu tiên đứng trên sân khấu, em thấy rất run và hồi hộp. Nhờ có bạn bè cổ vũ nhiệt tình, em mới có tự tin để thể hiện tốt phần thi của mình”.
Kể từ đó, được bạn bè khích lệ, Tú Anh thường xuyên thể hiện các ca khúc cover (hát lại một ca khúc nổi tiếng - PV), hay tự sáng tác và hát rồi quay clip chia sẻ trên trang cá nhân. Những ca khúc nhẹ nhàng, trong sáng của cô nhận được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Chia sẻ về cảm hứng sáng tác, cô gái 19 tuổi hào hứng: “Em lấy cảm hứng từ những câu chuyện xung quanh cuộc sống hằng ngày. Mỗi bài hát đều là một góc nhìn riêng em muốn chia sẻ cùng mọi người. Thậm chí, chỉ những cuộc nói chuyện vu vơ với bạn bè cũng có thể trở thành đề tài cho ca khúc mới của em”. Bắt đầu viết nhạc từ năm lớp 9, Tú Anh không rõ mình đã sáng tác được tổng cộng bao nhiêu bài hát nhưng trong số đó có hơn 10 ca khúc tâm đắc được nhiều bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt. Sở hữu hàng chục nghìn lượt xem cho mỗi ca khúc đăng tải trên mạng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng trẻ 9x này.
Khi bước vào năm thứ nhất, Tú Anh nhanh chóng tham gia vào Câu lạc bộ Just Guitar Member của trường. Cô còn chia sẻ thêm: Con gái học guitar gặp nhiều khó khăn, nhất là tay yếu nên khó ấn hợp âm, nhưng lại có khả năng cảm âm tốt. Với năng khiếu âm nhạc, chỉ sau 8 ngày, cô đã sáng tác được một bài hát hoàn chỉnh. Bởi vậy, dù học guitar chỉ trong một tháng nhưng Tú Anh đã có thể chơi đàn Guitar giỏi và thành thục. Đa số Tú Anh đều thể hiện các ca khúc mình viết với Guitar. Vừa qua, cô cùng bạn tham gia chương trình thi Guitar online và đã đoạt giải ấn tượng. Phần hát đệm của Tú Anh nhận được sự yêu thích và quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng.
Cô chủ nhỏ đa tài
Hiện tại Tú Anh đang tham gia cùng nhóm nhạc gồm 6 thành viên chung niềm đam mê âm nhạc. Cô nhớ lại trong một lần đang hát cùng bạn bè ở quán café, anh chủ quán rất ấn tượng và đề nghị nhóm tới biểu diễn tại quán. “Tiếng lành đồn xa”, dần dần Tú Anh cùng ban nhạc được biết đến rộng rãi hơn. Nhóm thường hay đi diễn tại các phòng trà, quán bar trên địa bàn thành phố vào tối cuối tuần.
Đặc biệt, với vai trò giọng ca chính, Tú Anh luôn gây ấn tượng với người nghe về một cô nàng xinh xắn có giọng hát ngọt ngào. “Thường mỗi tuần chúng em đi hát 3 buổi, có những đợt cao điểm thì 4, 5 buổi/tuần. Cát sê hát ở phòng trà tuy không cao nhưng bọn em đều vui vì được thỏa mãn đam mê của mình”. Nhờ những buổi tối đi hát mà nhiều người biết những ca khúc tự sáng tác độc đáo của Tú Anh.
Tuy đã quen với việc đi hát nhưng thời gian đầu, Tú Anh không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Vì bố mẹ lo con gái “ôm” quá nhiều việc thì khó tập trung học hành và làm tốt từng việc được. Nhưng chỉ đến khi bố mẹ Tú Anh trực tiếp đến nghe con gái hát tại phòng trà mới bắt đầu đồng ý cho con theo đuổi đam mê.
Ngoài ca hát, Tú Anh còn được biết đến với vai trò cô chủ một shop thời trang nam ở Hải Phòng và là người mẫu cho nhiều shop thời trang, chụp ảnh cho một nhãn hàng có tiếng. Tuy công việc kinh doanh bận rộn nhưng cứ có thời gian, cô bạn 9x đều không bỏ lỡ để sáng tác những ca khúc mới. Đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc, Tú Anh luôn thu xếp thời gian một cách hợp lí, không để ảnh hưởng đến việc học. Theo đuổi đam mê nhưng chính đam mê đã đem lại cho cô một khoản thu nhập kha khá, không còn phụ thuộc vào gia đình như các bạn cùng trang lứa. Hiện Tú Anh đã có thể tự chủ về tài chính và được bố mẹ tin tưởng.
Yêu thích công việc kinh doanh và ca hát, Tú Anh luôn ấp ủ nhiều dự định cho riêng mình, đặc biệt là ước mơ mở một quán café nhạc jazz tại Hải Phòng. Có thể tự chủ về tài chính, Tú Anh luôn tự hào với con đường mình đã chọn. Cô chia sẻ thẳng thắn; “Mỗi người có một cách theo đuổi ước mơ khác nhau. Nhưng hãy luôn tự tin, lạc quan và đừng từ bỏ ước mơ”. Tuy hiện tại mới chỉ hát và sáng tác bằng đam mê, nhưng trong thời gian tới, nếu có cơ hội, Tú Anh muốn được thử sức trong những cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp hơn như chương trình The Voice - Giọng hát Việt. “Đó sẽ còn là một con đường dài phía trước vì em muốn có thời gian trau dồi kĩ năng thanh nhạc và sáng tác chuyên nghiệp. Phải có một nền tảng vững chắc mới có thể chạm được đến ước mơ”. (Thu Ninh, Minh Hương, An ninh Hải Phòng Online 30/6; tamguong.vn 30/6; zing.vn 30/6)
Ngày 25-6, tại TP. Hải Phòng, có 6 cháu nhỏ phải nhập viện sau khi tiêm vắc xin mũi 5 trong 1 Quinvaxem.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết hôm qua (26-6), Phó giám đốc sở Y tế Hải Phòng Trịnh Thị Lý cho biết, đây là hiện tượng phản ứng nhẹ, không đáng lo ngại và nằm trong tỷ lệ cho phép (10/7-8 nghìn cháu được tiêm đợt này). Về tổng thể các trẻ đã hoàn toàn ổn định, một số đã ra viện. (Minh Ngọc, Đại đoàn kết Online 27/6)
CMC Telecom chi nhánh Hải Phòng vừa tổ chức chương trình “Ngày hội việc làm cùng CMC Telecom” tại Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics và ĐH Hải Phòng, khởi động cho chuỗi Ngày hội việc làm của công ty tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Bình Dương.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa CMC Telecom và Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics, ĐH Hải Phòng, CMC Telecom sẽ tiếp nhận những sinh viên năm cuối đang học tập tại khoa/ngành đang đào tạo tại 2 trường phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Hơn 20 sinh viên của hai trường đã được tiếp nhận thông báo trúng tuyển trực tiếp và được tham gia thực tập tại CMC Telecom.
Tham gia chương trình, sinh viên Trường Cao đẳng Viettronics và ĐH Hải Phòng còn được cung cấp đơn xin việc tại chỗ, tham gia phỏng vấn trực tiếp với đại diện tuyển dụng của CMC Telecom.
Bạn Đỗ Thị Xuân – Sinh viên lớp 2KT10A1 cho biết: “Em mới kết thúc năm học thứ hai tại trường. Đây cũng là giai đoạn em muốn tích lũy các kinh nghiệm liên quan đến việc làm như: Viết CV, trả lời phỏng vấn, kỹ năng làm việc… Đến sự kiện Ngày hội việc làm với CMC Telecom vừa để rèn luyện bản lĩnh, xem khả năng của mình đến đâu, biết mình cần trang bị thêm những gì nhằm chuẩn bị tốt cho tương lai”.
Với nhiều sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm cuối, “Ngày hội việc làm cùng CMC Telecom” là một cơ hội để thể hiện khả năng, phát hiện và hoàn thiện những kĩ năng mình còn yếu khi đi phỏng vấn xin việc cũng như trong quá trình làm việc.
Nguyễn Hoàng Anh - sinh viên lớp 2QT9A chia sẻ: “Là sinh viên vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, em thật sự rất muốn trau dồi kiến thức và thử sức mình thông qua thực tế như thế này. Em mong sẽ có nhiều chương trình như thế này thu hút được nhiều nhà tuyển dụng đến hơn nữa, để tăng cường thông tin cũng như cơ hội cho sinh viên chúng em”.
CMC Telecom hiện đang là một trong những nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông hàng đầu tại Việt Nam. Với sự phát triển của doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm nhân sự có đào tạo, CMC Telecom đã và đang là điểm khởi đầu lý tưởng của nhiều sinh viên trên cả nước không chỉ để rèn luyện kỹ năng của bản thân mà còn tạo ra nhiều hơn cơ hội việc làm cho sinh viên trên cả nước.
Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án Employment Branding (EB) 2014 với mục đích tiếp cận cũng như phát triển nhu cầu rèn luyện kỹ năng của sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm. (Thúy Ngà, vietnamnet.vn 27/6)
Hè về, chơi diều sáo là một trong những thú chơi lãng mạn, mang âm hưởng đồng quê. Thế nhưng gần đây, thú chơi này đang là mối đe dọa hệ thống truyền tải điện năng tại Hải Phòng do sự bất cẩn, thiếu trách nhiệm của người chơi diều.
Hồi 19 giờ 35 phút ngày 19-4, đường dây 110 KV Đồng Hòa - Long Bối tại vị trí cột số 39 lộ 177 E2 thuộc địa bàn xã Quốc Tuấn (An Dương) đã xảy ra sự cố do diều vướng vào đường dây điện. Hậu quả là hàng loạt các trạm 110KV Tràng Duệ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo mất điện và việc cung cấp điện tới hàng vạn hộ dân và các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống; nhất là hoạt động của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Tràng Duệ bị ngưng trệ, gây thiệt hại không nhỏ. Nhiều trang trại nuôi gia cầm, nuôi tôm công nghiệp của nông dân trên địa bàn cũng lao đao do không có điện chạy hệ thống thông gió, đèn sưởi hoặc sục khí, nguy cơ gây thiệt hại lớn nếu việc xử lý sự cố lưới điện không nhanh để cấp điện trở lại kịp thời...
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng Vũ Đức Hoan, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra hàng chục sự cố gây mất điện mà nguyên nhân được xác định là do diều vướng vào đường dây truyền tải điện. Chỉ tính riêng ở huyện Thủy Nguyên, đã có tới 12 lần sự cố mất điện trong năm 2013, mà nguyên nhân chính do diều vướng vào đường dây điện. Tại huyện Tiên Lãng cũng đã hai lần xảy ra sự cố mất điện do diều vướng vào đường dây 931 trung gian ba xã đường 10 (Tiên Cường, Tự Cường và Đại Thắng) và đường dây 372, khiến 30 nghìn khách hàng trong khu vực bị mất điện hơn 10 giờ liền. Tại Vĩnh Bảo, diều cũng gây sự cố đường dây 971 trung gian Tam Cường làm hơn 11 nghìn khách hàng trên địa bàn nhiều xã mất điện suốt 17 giờ... Trên địa bàn các huyện An Dương, An Lão, Kiến Thụy... cũng hay xảy ra các sự cố mất điện do diều vướng vào đường dây...
Ở Hải Phòng, thú chơi diều có từ lâu đời, thường được tổ chức trong các hội làng. Tại đây còn có làng Đại Trà (xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy) có nghề truyền thống làm diều. Phần lớn người chơi diều thường thả diều bầu, đeo được sáo. Mỗi con diều có kích thước thường từ 2,5 m đến 8 m, thậm chí tới 10 m, gắn sáo đến năm tầng và có giá hàng chục triệu đồng. Trong điều kiện thời tiết tốt, người ta thả diều liên tục nhiều ngày đêm. Trong đó, nhiều loại dây diều lõi bằng kim loại, khi vướng vào đường điện gây chập, nổ rất nguy hiểm. Thêm nữa, ban đêm diều gây tiếng ồn lớn, khiến nhiều người dân bức xúc...
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã tích cực phối hợp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân không thả diều gần lưới điện. Đồng thời, xử phạt hành chính người thả diều gây ra sự cố ảnh hưởng an toàn lưới điện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với sự cố điện do diều gây ra... Tuy nhiên, tình trạng thả diều gần lưới điện vẫn tái diễn, sự cố điện do diều vẫn xảy ra, nhất là các loại diều lớn bay từ địa phương này sang địa phương khác rất khó xác định người vi phạm để xử lý.
Để thả diều thật sự là thú chơi tao nhã, lành mạnh và không ảnh hưởng đến an toàn lưới điện, cũng chính là không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn, những người chơi diều cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tự giác thực hiện và tuyên truyền trong gia đình, người thân không thả diều gần công trình lưới điện hoặc khu vực dễ gây ảnh hưởng tới an toàn lưới điện... Chính quyền các địa phương, đoàn thể và cộng đồng làng quê, nhất là những nơi có người hay chơi diều cần chung tay vào cuộc trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn lưới điện; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm an toàn hệ thống lưới điện. (Ngô Quang Dũng, Nhân dân Online 27/6)
Mùa hè, trên thị trường có nhiều loại quạt không cánh, quạt đá, quạt hơi nước với giá khá rẻ và được nhiều người bán hàng quảng cáo hết lời về tính năng, công dụng.Thế nhưng thực tế không đúng như vậy.
Không như quảng cáo
Anh Trần Văn Quân, ở phường Thành Tô (quận Hải An) nghe bạn bè tư vấn về loại quạt không cánh tiện dụng, an toàn, hình dáng lạ, anh Quân cất công tìm hiểu. Sau lời quảng cáo của người bán hàng, rằng quạt “không có cánh”, tuyệt đối an toàn nên anh Quân quyết định chi hơn 2 triệu đồng sắm 1 chiếc về nhà. Sau hơn 1 tháng sử dụng, hiệu quả thì chẳng thấy đâu mà bực mình thì nhiều. “Loại quạt này bộc lộ quá nhiều khuyết điểm. Động cơ hoạt động kém, ồn. Chạy một thời gian cứ “lịm dần”. Hơn nữa, chân máy không được vững, hay bị ngả nghiêng, dễ đổ vỡ và nói chung nhanh hỏng”- anh Quân cho biết.
Anh Trần Văn Bách, nhân viên Công ty TNHH Việt Hưng, phường Đa Phúc (quận Dương Kinh) than thở: Hồi đầu hè vừa rồi, nghe người bán hàng quảng cáo là quạt hơi nước có thể làm mát trong không gian rộng 20m2, tôi hí hửng bỏ tiền triệu khiêng về dùng. Ai ngờ, đổ nước vào chờ hàng tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy mát. Bực nhất là loại quạt dùng được một thời gian thì xuống cấp nhanh chóng, phát ra tiếng kêu như máy nổ khiến cho cả nhà mất ngủ. Hơn nữa, loại quạt này tỏa ra nhiều hơi ẩm, các thiết bị điện trong nhà cũng bị ảnh hưởng dẫn đến hỏng hóc.
Dạo một vòng qua các siêu thị, cửa hàng điện máy, bên cạnh các loại quạt điện thông thường còn có nhiều loại quạt không cánh, quạt đá, quạt hơi nước với nhiều mẫu mã, thương hiệu khác nhau. Theo quan sát tại các điểm bán hàng, không ít người tiêu dùng mua những loại quạt không cánh, quạt hơi nước, quạt đá. Phần vì tò mò với những tính năng mới, phần vì xuôi tai trước những lời quảng cáo của người bán hàng về công dụng và tính năng của các sản phẩm này.
Hiệu quả thấp, dễ mắc bệnh
Theo kỹ sư Dương Đức Khải, giảng viên khoa Điện, Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hải Phòng cho biết: Hiệu suất sử dụng của hầu hết các loại quạt không cánh, quạt đá, quạt hơi nước giá rẻ trên thị trường hiện nay thường khác xa với những lời quảng cáo. Về nguyên lý, quạt không cánh sử dụng mô-tơ điện một chiều 40W đặt bên trong thân quạt, khi hoạt động mô-tơ hút không khí từ bên ngoài vào qua những lỗ nhỏ li ti ở phần đế quạt, sau đó đẩy luồng khí lên khung lõm hình tròn được ép chặt bên trên. Khung lõm này có khe hở 1,3 mm nên không khí bị ép đi xuyên qua sẽ tạo thành luồng khí thổi về phía trước gấp 15 lần so với ban đầu. Đây chỉ là chiếc quạt có cánh hút không khí được giấu bên trong và áp dụng nguyên lý khí động học để tạo nên luồng gió thổi ra. Trên thị trường hiện có khá nhiều loại quạt không cánh có kích thước nhỏ gọn, thuận tiện, hợp thời trang, hình thức khá bắt mắt với nhiều màu sắc và kích thước khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả làm mát của các loại quạt này không cao, lại rất khó vệ sinh. Các loại quạt không cánh chính hãng có giá không dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, một số loại quạt không cánh trên thị trường hiện nay có giá chưa bằng 1/3 quạt chính hãng, do đó không được trang bị mô-tơ loại cao cấp với vòng quay lớn, thường phải thay thế bằng loại mô-tơ điện một chiều sử dụng trong các loại quạt sạc, công suất thấp, đồng thời khe hở trên khung lõm hình tròn, chất lượng không đồng đều nên sức gió thổi ra kém xa những loại quạt bàn thông thường và thường phát ra tiếng ồn sau 1 thời gian sử dụng.
Còn đối với loại quạt thổi đá, hơi nước hoạt động theo nguyên lý dùng một quạt máy thổi qua một màng mỏng được tẩm ướt bằng nước hoặc đá lạnh. Hơi nước lạnh sinh ra thu nhiệt tạo cảm giác mát. Những loại quạt thổi đá, hơi nước giá rẻ, để giảm giá thành sản phẩm, nhà sản xuất cắt bớt một số bộ phận đắt tiền như IC cảm biến kiểm soát độ ẩm, màng lọc khử khuẩn… Do đó, nếu thường xuyên sử dụng trong phòng kín, độ ẩm không khí tăng cao, sau một thời gian, quạt gây hư hại các thiết bị điện tử trong nhà. Bên cạnh đó, hơi nước cũng khiến các vòng bi của quạt bị nhiễm ẩm, bẩn ẩm, phát ra tiếng ồn lớn và nhanh hỏng. Với khí hậu miền Bắc có độ ẩm cao, nếu sử dụng các loại quạt này thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, nhất là với trẻ nhỏ...
Được biết, vừa qua chính công ty phát minh ra quạt không cánh đã phải thu hồi hàng triệu sản phẩm trên thế giới vì nguy cơ gây cháy, nổ. Do đó, để bảo đảm an toàn cho gia đình, người tiêu dùng cần thận trọng khi chọn mua và sử dụng quạt không cánh, quạt đá, quạt hơi nước giá rẻ, không nên tin vào những lời quảng cáo của người bán hàng. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, kiểm định chất lượng những loại sản phẩm này, để người dùng yên tâm hơn. (Nguyễn Dương, Báo Hải Phòng Online 29/6)
Chiều 27-6, Ban Văn hóa – xã hội HĐND thành phố làm việc với Sở LĐ-TB&XH về kết quả thực hiện chính sách pháp luật, chức năng quản lý nhà nước về an sinh xã hội và giảm nghèo trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm2014.
Thực hiện kế hoạch chi tiêu giảm nghèo năm 2014 thành phố giao là 2,33%, 6 tháng đầu năm 2014, Sở hỗ trợ 3.443 hộ nghèo vay vốn tín dụng với số tiền 66,22 tỉ đồng; hỗ trợ 316 HS-SV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng; cấp thẻ BHYT miễn phí cho 100% số người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 100% hộ nghèo theo đúng mức quy định là 30.000 đồng/hộ/tháng; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp xây mới 11 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 341 triệu đồng…
Về công tác người có công, Sở tiếp nhận, thẩm định 2.228 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày hưởng trợ cấp hàng tháng, 19 người hưởng trợ cấp phục dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 2.691 hồ sơ tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 35.500 lượt người có công…
Tại buổi làm việc, đại diện Sở LĐ-TB&XH nêu khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm như: tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, chưa có chính sách hỗ trợ hộ nghèo mới thoát nghèo; chưa có chính sách hỗ trợ người nghèo khu vực thành thị; tiến độ giám định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất hóa học chậm (hiện còn 2.461 hồ sơ chưa được giám định)… Ban Văn hóa – xã hội HĐND thành phố ghi nhận kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo của Sở LĐ-TB&XH. Đồng thời, đề nghị Sở tiếp tục triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm: hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2014-2015; tập trung giải quyết xác nhận người có công với cách mạng; tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn thành phố; tuyên truyền pháp luật lao động cho doanh nghiệp và người lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn. (Báo Hải Phòng Online 27/6)
Sáng 26-6, tại trụ sở Công an thành phố, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam tổ chức trao tặng cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông bộ- sắt (Công an thành phố) 30 chiếc xe máy Yamaha Sirius FI; 50 mũ bảo hiểm xe gắn máy nhãn hiệu Yamaha. Những chiếc xe này được hãng Yamaha thiết kế đặc biệt có tem, huy hiệu ngành công an để phục vụ lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, tuyên truyền về giao thông.
Phát biểu tại lễ trao tặng, đại diện Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam bày tỏ mong muốn những chiếc xe này trở thành công cụ phục vụ hữu hiệu nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông bộ-sắt trong công việc hằng ngày. Lãnh đạo Công an thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông bộ- sắt cảm ơn sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ phương tiện làm việc cho lực lượng Cảnh sát giao, có ý nghĩa động viên cán bộ, chiến sĩ của đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; đồng thời mong muốn công ty tiếp tục có những hoạt động cộng đồng mang tính thiết thực trong thời gian tới. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Sáng 27-6, Sở Y tế tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung Thông tư 07 của Bộ Y tế về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế cho gần 100 học viên là lãnh đạo các bệnh viện, trưởng, phó các khoa, phòng của các cơ sở điều trị công lập trên địa bàn thành phố.
Tham gia buổi tập huấn, luật sư Đoàn Hữu Đủ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) trao đổi với các học viên về nội hàm khái niệm y đức, sự cần thiết của việc ban hành và triển khai thực hiện Thông tư 07 trong giai đoạn cả ngành y tế đang phấn đấu đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh khi sử dụng các dịch vụ y tế. Các học viên cũng được tìm hiểu một số nội dung chính của Thông tư 07 như phạm vi áp dụng thông tư; quy tắc ứng xử giữa cấp trên – cấp dưới; quy tắc ứng xử trong trao đổi chuyên môn; những quy tắc cán bộ y tế phải làm khi tiếp xúc, khám, điều trị bệnh và sau khi kết thúc quá trình điều trị như niềm nở đón tiếp, tận tình hướng dẫn các thủ tục cần thiết; khám bệnh theo thứ tự và đối tượng ưu tiên theo quy định; giải thích rõ tình trạng bệnh cho người bệnh và gia đình; khám bệnh, chỉ định xét nghiệm, kê đơn phù hợp với tình trạng bệnh và khả năng chi trả của người bệnh; giải thích lý do chuyển viện; công khai chi tiết các khoản chi phí điều trị trong phiếu thanh toán. (Báo Hải Phòng Online 27/6)
Sáng 27-6, Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực”. Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo hơn 60 doanh nghiệp và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, các ý kiến tham luận của đại diện các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú ý giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng thực tập và việc làm của sinh viên tại các doanh nghiệp. Đồng thời nêu rõ một số khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay như thiếu đội ngũ lao động có trình độ, có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế; vai trò của các đơn vị đào tạo trong việc cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp… Qua đó, nhà trường nắm bắt kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp để cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp ít tốn chi phí tuyển dụng, chi phí thử việc.
Nhân dịp này, Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics ký kết hợp đồng hợp tác trong việc tạo điều kiện sinh viên thực tập và tuyển dụng giữa nhà trường với các doanh nghiệp, gồm: VNPT, Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng, Lilama - 692, MB Bank. (Báo Hải Phòng Online 27/6)
Chiều 27-6, phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) tổ chức xuống nước tàu cá hơn 400 CV tại Xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền ở phường Ngọc Hải.
Tàu cá mang biển kiểm soát HP- 90569 TS của chủ tàu Lưu Đình Dũng (phường Ngọc Hải) và là tàu cá lớn nhất được đóng mới trên địa bàn quận Đồ Sơn từ trước đến nay. Đặc biệt, con tàu được hoàn thành trên cơ sở vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 14 của HĐND thành phố.
Chủ tịch UBND phường Ngọc Hải Hoàng Đình Triều cho biết, từ đầu năm đến nay, phường hoàn thiện các thủ tục đóng mới, cải hoán 18 tàu cá của ngư dân được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 14 của HĐND thành phố về hỗ trợ phát triển khai thác thủy sản. Trong đó có 5 phương tiện đóng mới, 13 phương tiện cải hoán và hiện có 9 văn bản chấp thuận cho ngư dân đóng mới 3 phương tiện, cải hoán 6 phương tiện. Ngư dân đầu tư sắm mới ngư lưới cụ, đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu thuyền bảo đảm phục vụ khai thác xa bờ với tổng mức đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng. Những hoạt động trên thiết thực nâng cao năng lực khai thác của đội tàu đánh bắt xa bờ, động viên ngư dân bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Chương trình giao lưu “Nhà báo trẻ với biển Đông” do Câu lạc bộ “Những người làm báo trẻ” của Đài PT-TH Hải Phòng tổ chức sáng 28-6 là một trong những hoạt động của đội ngũ những người làm báo trẻ thành phố hướng đến biển Đông trong những ngày này. Khách mời của chương trình giao lưu là các nhà báo có thời gian tác nghiệp trực tiếp tại vùng biển tiền tiêu của cả nước là Trường Sa và Hoàng Sa. Trong đó có nhà báo Mạnh Cường, Đình Hải của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và nhà báo Minh Hảo, Hữu Nghị của Đài PT-TH Hải Phòng.
Các nhà báo chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp thực tế nơi đầu sóng ngọn gió ở vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc. Nhà báo Nguyễn Đình Hải - Phóng viên Phòng Kinh tế, Ban Thời sự VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp tác nghiệp tại đảo Lý Sơn từ ngày 7-5 đến 14-5-2014 bộc bạch nhiều chi tiết về hơn một tuần gắn bó với người dân Lý Sơn. Cảm nhận tình yêu đất nước và quyết tâm vươn khơi, bám biển của ngư dân để bảo vệ vùng lãnh thổ của Tổ quốc.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Cường - phóng viên Phòng Văn hóa, Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa từ ngày 20-5 đến 13-6-2014 trò chuyện về những cam go, khó khăn của phóng viên hiện trường trong thu thập tài liệu, ghi hình, biên tập, xử lý hình ảnh để chuyển tin nóng về sớm nhất. Trong thâm niên 12 năm làm báo, chuyến đi này để lại nhiều kỷ niệm với anh. Tại cuộc giao lưu, nhà báo Mạnh Cường chia sẻ kỷ vật đặc biệt anh có được từ chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa. Đó là lá cờ Tổ quốc có chữ ký của các chiến sĩ cảnh sát biển trên 2 con tàu mà anh có mặt và những đồng nghiệp báo chí sát cánh cùng anh trong những ngày này.
Nhà báo Hà Thị Minh Hảo - phóng viên Ban Biên tập Chuyên đề Văn hóa - Xã hội, Đài PT-TH Hải Phòng tâm sự về 3 lần trực tiếp công tác tại quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK1. Cùng với chị có nhà báo Nguyễn Hữu Nghị - hóng viên Phòng Phóng viên Quay phim, Đài PT-TH Hải Phòng. Cả hai cùng có những kỷ niệm đáng nhớ với các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, cùng gói bánh chưng bằng lá bàng vuông vào dịp cuối năm. Nhà báo Minh Hảo cho biết, nếu có cơ hội, chị sẽ tiếp tục đến Trường Sa và Hoàng Sa. Bởi ra đến đó, càng cảm nhận rõ hơn tình yêu thiêng liêng với chủ quyền của dân tộc. (Báo Hải Phòng Online 28/6; Bản tin thời sự tối 28/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 27-6, tại Nhà hát thành phố, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Hải Phòng tổ chức hội nghị tuyên dương 215 gia đình văn hóa tiêu biểu cấp thành phố năm 2013. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” thành phố dự tuyên dương.
Trong số 503.742 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa trong năm 2013 có 444.223 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 88%). Trong đó có 215 gia đình được bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa cấp thành phố được biểu dương, khen thưởng vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay. Đây là minh chứng rõ nét trong thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên toàn thành phố. Đồng thời nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay, phát huy mỗi tế bào văn hóa từ các gia đình để hợp thành một xã hội văn hóa trong thời kỳ mới.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” thành phố, phong trào xây dựng gia đình văn hóa năm vừa qua phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Số các gia đình đăng ký xây dựng và số gia đình đạt các tiêu chí gia đình văn hóa ở các địa bàn tăng cao. Trong đó, huyện Tiên Lãng có 34.800 gia đình văn hóa trong tổng số 40.030 hộ đăng ký; quận Hồng Bàng có 22.952 gia đình văn hóa trong 24.383 hộ đăng ký; quận Đồ Sơn có 11.030 gia đình văn hóa trong 12.535 hộ đăng ký; quận ngô Quyền có 37.761 gia đình văn hóa trong 41.910 hộ đăng ký… Số hộ đăng ký càng cao thì số các gia đình đạt đủ tiêu chí gia đình văn hóa càng cao.
215 gia đình được bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa cấp thành phố được biểu dương, khen thưởng vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay là sự động viên kịp thời nhằm tiếp tục nhân rộng phong trào gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa trong mỗi tế bào gia đình của xã hội. Như tinh thần của chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm nay được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch lựa chọn là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. (Báo Hải Phòng Online 28/6; An ninh Hải Phòng 30/6 Tr1+ 2; Bản tin thời sự tối 27/6 , Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 29/6, Hội LHPN quận Hồng Bàng phối hợp với Phòng Y tế quận Lê Chân và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức chương trình ngày hội sáng tạo với chủ đề “Chắp cánh ước mơ cho em” cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (OVC) đến từ 6 phường của quận Lê Chân và 9 phường của quận Hồng Bàng.
Trong ngày hội, 4 đội tuyển đến từ 2 CLB của quận Lê chân và Hồng Bàng tham dự các phần thi: chào hỏi, hiểu biết và sáng tạo với 4 chủ đề: Biển đảo yêu thương, Môi trường xanh, Tệ nạn học đường và Ước mơ tuổi xanh.
Kết quả chung cuộc, giải Nhất thuộc về đội Ước mơ tuổi thần tiên, giải Nhì là đội Sức sống mới. (MH, An ninh Hải Phòng 30/6 Tr2)
Với ngoại hình và phong cách âm nhạc khác biệt, Hoàng Anh – cậu bé 11 tuổi đến từ Hải Phòng với biệt danh "Doraemon tóc xù" đã trở thành tâm điểm trong tập hai vòng Giấu mặt The Voice Kids được phát sóng vào tối qua, 28.6.
Hoàng Anh tạo thiện cảm trong mắt khán giả bởi hình ảnh mũm mĩm, tròn tròn với 2 má phúng phính, đôi mắt đậm chất Hàn Quốc rất đáng yêu. Bên cạnh đó, mái tóc xoăn ngộ nghĩnh được tạo kiểu công phu cũng khiến bé trở nên ấn tượng hơn trong mắt mọi người.
Với chất giọng cao, khỏe và làm chủ được cao độ rất tốt. Hoàng Anh đã làm “dậy sóng” cả trường quay khi thể hiện máu lửa và cuồng nhiệt ca khúc mang đậm phong cách Tây Nguyên của nhạc sĩ Nguyễn Cường Hơ ren lên rẫy.
Không chỉ hát hay, cậu bé 11 tuổi này còn khiến các huấn luyện viên ngạc nhiên bởi năng khiếu nhảy dancesport của mình trên sân khấu Giọng hát Việt nhí. Những động tác nhảy của em rất khéo léo không khác gì những vũ công nhí chuyên nghiệp.
Màn trình diễn của Hoàng Anh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cả 4 vị huấn luyện viên. “Doraemon tóc xù” còn khiến huấn luyện viên Lưu Hương Giang tưởng nhầm em là người Hàn Quốc và thể hiện một câu tiếng Hàn để giao lưu với em ngay trên màn ảnh nhỏ.
Sau màn khẩu chiến ác liệt giữa 4 vị HLV, cuối cùng, "Doraemon tóc xù" chọn về với đội Hồ Hoài Anh, Lưu Hương Giang.
Trong tập hai, ngoài tiết mục của Hoàng Anh, một số phần thi khác cũng chiếm được cảm tình của khán giả như: cậu bé hát dân ca Minh Tài đến từ Tiền Giang; giọng hát cao vút và khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn của Hồ Võ Thanh Thảo với ca khúc I will always love you; giọng ca ngọt ngào và cảm xúc của Võ Yến Nhi với ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến Chị tôi; nhẹ nhàng, sâu lắng qua giọng hát như lời thủ thỉ tâm tình của cô bé Khánh Huyền trong ca khúc Ở trọ; phong cách trình diễn tự tin với những bước nhảy điêu luyện của Trương Thị Thanh Thảo khi thể hiện Đừng mãi ngồi đây…
Sau tập hai, cả Lam Trường và đội của cặp đôi Hồ Hoài Anh - Lưu Hương Giang đều có thêm 4 thí sinh về với đội của minh, trong khi đó, Cẩm Ly chỉ thuyết phục được 2 thí sinh. (Vân Nga, Nông thôn ngày nay Online 29/6; vnmedia.vn 29/6; depplus.vn 29/6; soha.vn 29/6; Thanh niên Online 29/6; Phụ nữ Online 29/6; vietnamnet.vn 29/6; zing.vn 29/6)
Vào trung tuần tháng 6, một điều đáng mừng với thơ ca Việt Nam là ba tập thơ song ngữ của nhà thơ đất cảng Hải Phòng Mai Văn Phấn đều lọt vào top 10 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên mạng Amazon. Thể thao & Văn hoá đã trò chuyện với tác giả về sự kiện này và nỗ lực “xuất khẩu” thơ của anh.
Đó là 2 tập thơ song ngữ Việt – Anh: Ra vườn chùa xem cắt cỏ (Grass Cutting in a Temple Garden), Những hạt giống của đêm và ngày (Seeds of Night and Day) và tập thơ song ngữ Việt – Pháp: Bầu trời không mái che (A Ciel Ouvert)
- Chào nhà thơ Mai Văn Phấn! Trước hết xin chúc mừng vì 3 tập thơ của anh vừa lọt vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất của Amazon. Anh có thể nói rõ hơn về sự trùng hợp này không?
- Cảm ơn chị đã quan tâm! Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên dựa trên doanh số bán hàng của Amazon, được cập nhật hàng giờ. Chị biết đấy, hệ thống phát hành sách của Amazon được kinh doanh rất chuyên nghiệp và cập nhật tự động.
- Vậy anh đã gửi dịch, xuất bản, gửi bán trên mạng Amazon như thế nào? Từ khi nào? Hiện anh có mấy tập thơ được bán trên Amazon?
-Tôi không trực tiếp gửi sách cho Amazon mà thông qua Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh Quốc. Đầu năm 2010, tôi được gặp dịch giả - nhà thơ Trần Nghi Hoàng, người đã nhiều năm sống ở Hoa Kỳ. Dịch giả Trần Nghi Hoàng đã dịch tập thơ Bầu trời không mái che của tôi sang Anh ngữ, sau đó ông chuyển cho người bạn thân của ông là nhà thơ - giáo sư Frederick Turner biên tập. Tập thơ song ngữ Việt-Anh đầu tiên Bầu trời không mái che (Firmament without roof cover) của tôi được Nxb Hội Nhà văn VN tái bản 7/2012 (bản Việt ngữ đầu tiên in năm 2010). Sau khi tập thơ được phát hành, tôi có nhận được email của nhà thơ Susan Blanshard - người đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh quốc mời ký hợp đồng xuất bản. Theo hợp đồng, tập thơ được xuất bản ở 2 dạng, bản in giấy và bản điện tử (e-book và Epub).
Sau khi ký hợp đồng tôi mới biết sách của mình được bán trên Amazon. Sau 3 tháng từ khi tập thơ được phát hành, đến 12/2012, Firmament without roof cover đã lọt vào top “100 cuốn sách” bán chạy nhất trên Amazon. Kết quả này đã thôi thúc Nxb Page Addie Press tổ chức tiếp những cuốn sách sau này của tôi.
Hiện tôi có 4 tập Anh ngữ và 1 tập Pháp ngữ (Firmament Without Roof Cover, Seeds of Night and Day, Out Of The Dark, Grass Cutting in a Temple Garden, A Ciel Ouvert) do Nxb. Page Addie Press độc quyền phát hành. Bản in giấy phát hành tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh quốc và một số nước châu Âu. Bản điện tử trên Amazon như chị đã biết.
- Từ khoảng những năm 1990, anh sáng tác rất khỏe. Anh có thể chia sẻ về nghiệp thơ, giai đoạn sung sức nhất của anh? Hiện tác phẩm của anh được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng?
- Văn học chúng ta đầu những năm 90 của thế k ỷ 20 đã thực sự đứng trong mắt bão thời cuộc. Nếu trong những năm chiến tranh, văn học luôn song hành với vận mệnh dân tộc, thì đến giai đoạn này, tác phẩm của các nhà văn mở đầu thời kỳ đổi mới đã dâng những đợt thủy triều mới, ùa vào từng cánh đồng đang khô hạn.
Mỗi con người bước vào thời kỳ đổi mới lúc ấy đều muốn bày tỏ khát vọng được sống trong công bằng, dân chủ, văn minh hơn. Tôi đã khởi sự một giai đoạn đổi mới, nhằm cách tân thơ Việt trong bối cảnh như vậy. Tôi là nhà thơ ra đi từ văn hóa truyền thống, coi thơ ca truyền thống là điểm tựa để xuất phát. Rồi tôi tìm đến những nền thơ lớn của nhân loại và những trào lưu, khuynh hướng thơ ca cận đại và hiện đại của thế giới. Những nền thơ, trào lưu khuynh hướng ấy giống như dòng sông chảy miết, để lại phù sa cho bờ bãi, những cánh đồng bên sông. Và, bằng tâm thức và cảm xúc Việt, tôi đã gieo cấy, thu hoạch mùa màng của mình trên đất đai ấy; với cao vọng làm giàu có thêm giá trị truyền thống thơ Việt đương đại mà mình đang được thừa hưởng.
Thơ tôi đã được dịch sang 7 ngôn ngữ, gồm Anh, Pháp, Anbani, Indonesia, Hàn Quốc, Thụy Điển, và Thái Lan.
- Tác phẩm đầu tiên của anh được dịch sang ngôn ngữ khác từ khi nào? Được "xuất khẩu" trong hoàn cảnh nào?
-Khoảng hơn 10 năm trước, tôi được cố nhạc sỹ Xuân Oanh (4/1/1923-27/3/2010), với bút danh dịch giả Anh Thư dịch khoảng 50 bài thơ của tôi sang Anh ngữ. Vào đầu năm 2004, tôi có gửi một chùm thơ của tôi cho nhà thơ Katia Kapovich (quốc tịch Hoa Kỳ gốc Nga). K. Kapovich cùng Ban Biên tập tạp chí Fulcrum chọn 6 bài thơ (Biến tấu con quạ, Những ý nghĩ không sắp đặt, Sen, Im trôi, Không quán tính, Dấu vết) của tôi đăng trong số 3 năm 2004. Đây là tạp chí thơ và nghệ thuật, mỗi năm ra 1 số, dành cho sinh viên tại trường Đại học Ottawa (Hoa Kỳ).
Sau khi chùm thơ của tôi được công bố trên tạp chí Fulcrum 3 và cả trên website của tạp chí, tôi có thêm nhiều bạn thơ mới, đồng thời nhận được một số lời mời gửi bài của một số báo và tạp chí các nước…
- Từ đó, anh có nhận được phản hồi của độc giả quốc tế không? Anh ấn tượng với những phản hồi nào nhất?
- Tôi nhận được nhiều email từ bạn bè quốc tế. Một số tiểu luận, ý kiến nhận xét của họ đã đăng cùng các tập thơ của tôi trên Amazon, tiêu biểu như Raymond P. Keen (Hoa Kỳ), Katy Miller (Anh quốc), Amanda Evans (AI-len), Rob Mars (cộng hòa Czech)… Trong số những ý kiến đó, tôi ấn tượng với 2 tiểu luận, của Nhà thơ - Nhà tâm lý học Raymond P. Keen (Hoa Kỳ) và của Nhà thơ-Tiến sỹ triết học Gjekë Marinaj (quốc tịch Hoa Kỳ gốc Albania).
- Hội Nhà Văn VN vừa cho ra mắt Trung tâm Dịch Thuật Văn Học mà anh là một trong số những nhà thơ đã tự "vận động” để xuất khẩu thơ. Anh nghĩ thế nào về động thái này của Hội Nhà Văn VN và về khả năng văn học VN (trong đó có thơ) được đón nhận trên thế giới?
- Chúng ta đang đứng bên rìa dòng chảy văn học thế giới, bởi nhiều tác phẩm văn học đương đại có giá trị của VN chưa được dịch. Nhưng các nhà thơ thường sáng tạo trong lặng lẽ mà ít chú ý đến sự quảng bá tác phẩm mình ra bên ngoài.
Thơ đương đại chúng ta đã có tiếng nói riêng mang đậm bản sắc Việt, không lẫn với bất kỳ quốc gia nào. Chắc chắn Hội Nhà văn VN sẽ sớm xúc tiến quy hoạch công việc dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới một cách khoa học và chuyên nghiệp. Ngày 26/5, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt Trung tâm dịch văn học với mục tiêu đưa vẻ đẹp văn học Việt ra thế giới và tuyển dịch những tinh hoa văn chương từ các nước về Việt Nam. Hoạt động này của Hội Nhà văn VN sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nhà văn trong lộ trình hội nhập thế giới, đồng thời kích hoạt quá trình sáng tạo của mỗi nhà văn, trong đó có cá nhân tôi.
- Cảm ơn anh! (Lê Hương, Thể thao & Văn hóa Online 29/6)
Ngày 27-6 (1-6 âm lịch) Ban tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn tiến hành lễ dâng hương và thượng cờ vòng loại lễ hội theo nghi thức truyền thống tại đền Nghè và đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Dấu.
Đây là hoạt động được ban tổ chức, các phường, chủ trâu và đông đảo nhân dân tham gia với ước vọng về một lễ hội an toàn, thành công, góp phần duy trì, phát triển giá trị truyền thống lễ hội tốt đẹp của người dân Đồ Sơn nói riêng, người dân miền biển nói chung. Qua đó, gìn giữ, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Đặc biệt, lễ hội năm 2014 đánh dấu 25 năm khôi phục và phát triển lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với nhiều hoạt động kỷ niệm, tôn vinh các nghệ nhân, những người có công lao, đóng góp phát triển lễ hội; các hoạt động giao lưu giữa các phường trong việc tái hiện nghi lễ truyền thống chọi trâu…
Vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2014 diễn ra vào sáng 4-7 (8-6 âm lịch) tại sân vận động trung tâm quận gồm 16 trận đấu của 32 trâu đến từ 7 phường trên địa bàn Đồ Sơn. Các trâu được chủ trâu chăm sóc, huấn luyện bài bản, tâm huyết nhằm đem lại cho người xem những trận đấu hấp dẫn, kịch tính. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
Tối 28-6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật cuối tuần tại Nhà Kèn vườn hoa Nguyễn Du.
10 tiết mục hát, tấu nhạc cải lương do các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hải Phòng dàn dựng, biểu diễn, có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa. Hàng trăm người dân đến thưởng thức chương trình nghệ thuật.
Buổi biểu diễn góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân thành phố. (Báo Hải Phòng Online 29/6)
Tại Nhà hát lớn TP Hà Nội, Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Bộ Công an vừa tổ chức lễ trao giải "Cuộc thi viết kịch bản sân khấu về đề tài phòng chống ma túy năm 2014".
Cuộc thi thu hút 160 tác giả trong cả nước tham gia với 178 tác phẩm, đề cập đến tệ nạn ma túy và công tác phòng chống ma túy ở nhiều góc độ. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng của các đơn vị sân khấu để dàn dựng thành các vở diễn góp phần cảnh báo tác hại, nguy cơ tiềm ẩn từ ma túy, tuyên truyền, đấu tranh với tệ nạn xã hội này.
Ban giám khảo đã chọn 17 tác phẩm trong số 178 tác trao giải thưởng. Riêng Hải Phòng có 2 tác giả ở Hội Sân khấu thành phố tham dự và có tác phẩm đoạt giải: Tác giả Trần Tuấn Tiến với 3 kịch bản đoạt giải C và giải khuyến khích gồm "Con đường chết", "Hoa đào biên giới", "Khu rừng ma"; tác giả Đào Quang Ngọc với kịch bản " Đừng là phía sau gương mặt người" giải khuyến khích. (Báo Hải Phòng Online 28/6)
64. Mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi…
Khi tôi viết bài này, mùa hè đã ngớt “tiếng ve sôi”, những con đường Hải Phòng cũng không còn khung cảnh rực màu hoa phượng đỏ. Nhưng những chùm phượng tênh tang sót lại vẫn như thổi bùng lên “lửa cháy khát khao…”. Từng cánh hoa vỡ ra, tả tơi giữa nắng gió nghiệt ngã vùng cửa biển. Có lẽ thời điểm này mới đúng là tâm trạng của Thanh Tùng khi xuất thần sáng tác bài thơ Thời Hoa Đỏ đó chăng?
Anh mải mê về một màu mây xa…
Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Thanh Tùng là năm 1990, tại một buổi sinh hoạt của CLB thơ Cung VHLĐ hữu nghị Việt Tiệp. Lúc ấy tôi là công nhân, ông vốn cũng xuất thân làm công nhân, nên hai thế hệ tìm được ở nhau một niềm đồng cảm. Ngoài chuyện thơ, thi thoảng lại thăm hỏi vài câu nghề nghiệp, Thanh Tùng ít nói, nhưng đã nói là “chém gió” với chất giọng sang sảng, cũng giống như những lúc ông đọc thơ trên diễn đàn. Năm 1995, khi tròn 60 tuổi, Thanh Tùng chuyển vào miền Nam, nhưng mấy chục năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt có tướng khí khái của ông, trán hói sâu tận gáy, phần tóc còn lại hơi dài, luôn được dành để vắt từ mái này sang mái kia, che đi nơi tóc rụng.
Thanh Tùng có nhiều tác phẩm hay, ngoài Thời Hoa Đo,ã ông đã xuất bản các tập “Con sông chảy từ lòng phố”, “Cửa sóng”, “Trường ca Phương Nam”, “Gió và chân trời”, “Khúc hát quê xa”… Thơ Thanh Tùng phóng khoáng, không quá lệ thuộc vào vần điệu hay tứ nhịp, như thể cứ trào dâng là tuôn tuôn, nhưng sâu lắng chứ không phải kiểu thơ lâng lâng bay bổng. Điều bạn đọc thấy rất rõ trong Thời Hoa Đỏ: “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao, Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng, Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh, chẳng cho lòng ta yên…”. Dẫu thế, chỉ cần một Thời Hoa Đỏ đã đủ để Thanh Tùng trở thành nhà thơ, cũng như chỉ cần một Thời Hoa Đỏ đã khiến Nguyễn Đình Bảng trở thành nhạc sỹ.
Nhà báo Lê Huyền, một người Hải Phòng lập nghiệp ở Bắc Giang, khi về thăm quê đã có lời bình khá hay về Thời Hoa Đỏ: “Nếu vẽ lại bằng tranh, ta thấy hiện lên toàn là gam màu lửa, với cảm giác nóng bỏng, nhức nhối. Hai người đi bên nhau, tiếng ve sôi và màu hoa lửa như có sức mạnh thôi miên kéo họ về với quá khứ… Hẳn quá khứ ấy thật sâu sắc và đẹp đẽ…”.
Quả vậy, dù có lúc ngọt ngào “Anh mải mê về một màu mây xa, Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ…”, nhưng rồi khắc nghiệt đến nỗi “Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ, Như vết xước của trái tim…”, Thanh Tùng trải đều tâm tư ra trong từng chữ, từng câu, chuyện của ông mà ai đọc cũng cảm thấy có mình trong đó. Thời Hoa Đỏ lắng đọng là vậy, đau đáu một miền yêu thương, chiu chắt nỗi niềm không chỉ riêng ông, mà như “cái vẻ thần kỳ của ngày xưa”, rưng rức chảy suốt lòng nhân thế.
Như tháng ngày xưa ta dại khờ…
Cũng là nỗi đau, cũng là hoài niệm về tình duyên tan vỡ nhưng Thanh Tùng đem vào Thời Hoa Đỏ một nỗi buồn chát mặn, khát lắm mà không thể uống gì, đau lắm mà chẳng muốn vết thương vơi. “Mỗi mùa hoa đỏ về, Hoa như mưa rơi rơi, Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi, Như máu ứa một thời trai trẻ…”. Sự tan vỡ tàn nhẫn quá nên khi được phổ nhạc, hình tượng cánh hoa mỏng manh “tan tác” phải chuyển thành “xao xác”, rồi “máu ứa” được thay bằng “nuối tiếc”? Giai điệu của Nguyễn Đình Bảng quá hay, như những cơn nắng hè làm màu phượng thêm chói bỏng, nhưng giả như ông cứ để nguyên tâm trạng ấy của Thanh Tùng thì có lẽ những giọt đau sẽ nặng và quặn thắt hơn chăng?
Đau đấy, nhưng là sự đớn đau ai cũng muốn nâng niu, ôm ấp những kỷ niệm đẹp, mà rơm rớm trong lòng người ta. Thời Hoa Đỏ ứa máu của Thanh Tùng là được tạo bởi vết cắt cả hai bậc tình “yêu” và “duyên” nên trong bài thơ nỗi đau được láy thành điệp khúc. Nếu như chỉ là “hoa như mưa rơi” có lẽ chẳng nói được nhiều, nhưng đây lại là “Hoa như mưa rơi rơi…”, lại thêm một lần “Hoa như mưa rơi rơi…”, đau đến thảng thốt, day dứt không biết đến bao giờ. Thơ Thanh Tùng chân thực đã đành, mà tính cách ngoài đời của ông cũng thế, bài thơ này ông viết tặng người vợ cũ, mà ông thừa nhận “Đến với nhau bắt đầu vì thơ, mà kết thúc cũng vì thơ”. Thanh Tùng cũng thừa nhận luôn là “Bà ấy bỏ tôi đi yêu người khác…”, nhưng tình yêu của ông đã vượt qua nỗi hận, đeo đẳng mãi cùng ông, dẫu đó là “vết xước của trái tim”.
Nhân vật chính trong bài thơ có tên là Thanh Nhàn, quê ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), sau những kỷ niệm đẹp đẽ “…mải mê về một màu mây xa, về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ… mỗi mùa hoa đỏ về…”, hai người chia tay nhau. Bà Thanh Nhàn bỏ ra Quảng Ninh, đem tình yêu trao cho người khác. Vậy mà năm 1973, nghĩa là sau 10 năm chia tay, Thanh Tùng nghe tin vợ cũ qua đời vì bệnh tim, ông tức tốc ra ngay vùng Mỏ. Thời Hoa Đỏ ra đời sau dịp thai nghén đơn phương ấy. Mới thấy trong cái duyên lỡ, sức sống tình yêu của ông mãnh liệt đến nhường nào. Khi Thanh Tùng thốt lên “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc, Em không đi hết những ngày đắm say…”, có người bảo rằng, sau sự kiện này, tác giả mới bỏ tên đệm khai sinh là “Doãn” để thay vào chữ “Thanh”, thành bút danh Thanh Tùng từ ấy.
Dù không chỉ riêng Thời Hoa Đỏ được phổ nhạc mà nhiều thi phẩm khác của Thanh Tùng đã được chuyển thành lời ca, như nhạc sỹ Phú Quang đã rất thành công cùng những nhạc phẩm từ thơ của Thanh Tùng “Người về”, “Hà Nội ngày trở về”, “Mùa thu giấu em”… Nhưng chỉ có Thời Hoa Đỏ mới thực sự đem đến cho người đọc, người nghe một cảm giác trào dâng, đằm thắm mà mênh mang, như chính nhạc sỹ Phú Quang đã thốt lên: “Thanh Tùng có những câu thơ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi...”.
Mới hay, hoa phượng không riêng của Hải Phòng, nhưng chỉ đến khi “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” của Hải Như - Lương Vĩnh, sánh duyên cùng “Thời Hoa Đỏ” của Thanh Tùng - Nguyễn Đình Bảng, hình tượng Hải Phòng mới được tôn lên chói đỏ. Sẽ rất khiên cưỡng khi so sánh cặp đôi này, bởi một thì trầm sâu lắng đọng, một thì hào khí ngút ngàn. Nhưng nếu như chỉ thiếu đi một người trong hai tác giả, thiếu đi một bài trong hai tác phẩm thì hoa phượng Hải Phòng đâu thể còn bất hủ. (Lê Minh Thắng, An ninh Hải Phòng Online 29/6)
Chiều 27-6, Giải bóng đá Thanh niên Hải Phòng lần thứ nhất – 2014 khép lại sau hơn một tháng thi đấu với 55 trận đấu diễn ra sôi nổi, kịch tính, nhiều cảm xúc bất ngờ và niềm vui của 29 đội bóng với 409 VĐV đến từ các quận, huyện, cơ sở Đoàn trực thuộc cùng các cổ động viên.
Giải chia làm 8 bảng, đá vòng tròn theo luật đá 7 người, chọn ra các đội nhất, nhì mỗi bảng vào vòng sau. Giải diễn ra từ ngày 17/5 đến 27/6.
Với tinh thần thi đấu nhiệt huyết, cao thượng, trung thực và đoàn kết, 29 đội bóng đã cống hiến cho khán giả 55 trận đấu kịch tính, bất ngờ với hơn 230 bàn thắng đẹp mắt. Dành thắng lợi trong trận chung kết với tỷ số 3:1 trước đội bóng quận Đồ Sơn, đội bóng quận Hải An bước lên ngôi vô địch ở mùa giải đầu tiên với lối đá hiệu quả, đẹp mắt.
Giải là dịp giúp đoàn viên thanh niên nâng cao tinh thần thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, tạo ra sân chơi lành mạnh bổ ích; góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần tuổi trẻ. Đồng thời, giải là cầu nối, tạo lập mối quan hệ, tăng cường tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình cảm, giao lưu giữa các cơ sở Đoàn trên địa bàn thành phố.
Tại lễ bế mạc, BTC trao cúp và cờ cho đội bóng quận Hải An; đội quận Đồ Sơn giành giải nhì; giải ba thuộc về đội Đoàn Khối Doanh nghiệp thành phố. Ngoài ra, BTC trao giải vua phá lưới, thủ môn xuất sắc nhất, đội bóng có cổ động viên nhiệt tình nhất. (Báo Hải Phòng Online 27/6)
Giải bóng đá Hoa Phượng – Cúp Báo Hải Phòng lần thứ 5 năm 2014 (lứa tuổi thiếu niên – nhi đồng) là giải đấu truyền thống của thể thao đất Cảng. Giải do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Báo Hải Phòng – Sở Giáo dục và Đào tạo – Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, chính thức khai mạc tại sân vận động Cảng từ 20-7.
Giải bóng đá Hoa Phượng dành cho các em thiếu niên, nhi đồng là sân chơi lành mạnh, giúp các em có kỳ nghỉ hè bổ ích. Giải không chỉ tạo không khí đua tranh, có tác dụng giáo dục về tính trung thực, cao thượng, ý thức kỷ luật, tinh thần thể thao đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, mà còn là cơ hội đẩy mạnh phong trào bóng đá học đường, tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn phát hiện, tuyển chọn các em có năng khiếu bóng đá. Tham dự giải gồm các VĐV thiếu niên (sinh ngày 1-1-2001 trở lại đây), các VĐV nhi đồng (sinh ngày 1-1-2003 trở lại đây), đang học tại các trường THCS, tiểu học các quận, huyện của thành phố Hải Phòng.
Năm nay, giải bước sang mùa giải thứ 5; qua 4 mùa giải đều đạt hiệu quả tích cực và có dấu ấn lớn đối với các em học sinh. Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Phạm Văn Hùng, năm nay, Sở yêu cầu tất cả các đơn vị thể thao quận, huyện được hưởng kinh phí đào tạo các lớp nghiệp dư năng khiếu bóng đá thiếu niên, nhi đồng từ ngân sách thành phố tham dự giải. Địa phương nào không tham dự sẽ bị cắt kinh phí đào tạo năng khiếu nghiệp dư bóng đá năm tiếp theo. Các nhà chuyên môn của Sở sẽ kiểm tra thực tế các đơn vị quận. Vì vậy, Ban tổ chức Giải bóng đá Hoa Phượng kỳ vọng mùa giải năm nay sẽ có đông đảo đội tuyển học sinh THCS và tiểu học tham dự, với chất lượng cao.
Tất cả đội tham dự Giải bóng đá Hoa Phượng được Báo Hải Phòng cấp tặng quần áo thi đấu đạt tiêu chuẩn. Báo Hải Phòng cùng các cơ quan phối hợp tổ chức, nhà tài trợ sẽ trao cúp cho đội vô địch thiếu niên, đội vô địch nhi đồng và giải thưởng cho các đội đoạt giải ở hai lứa tuổi. Giải bóng đá Hoa Phượng cúp Báo Hải Phòng lần thứ 5 năm 2014 sẽ kết thúc trước thời điểm các em học sinh bước vào năm học mới 2014-2015. (Báo Hải Phòng Online 29/6)