Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 30/5/2013)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 30/5/2013)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài

Lộ trình giảm thuế suất của của doanh nghiệp và việc khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại là một trong những nội dung quan trọng được các Đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường ngày 29/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo các đại biểu, đây sẽ là điều kiện để giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đóng góp ý kiến: Trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, doanh nghiệp phải đầu tư cho quảng cáo, khuyến mại để xây dựng thương hiệu cho mình, thu hút người mua hàng. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp chỉ có thể chi ở mức hợp lý để đảm bảo có tích lũy, mở rộng sản xuất và có lãi.

Đại biểu Bình nói: “Nếu đẩy chi phí này lên cao gây lỗ thì doanh nghiệp cũng không có lối thoát. Chúng ta có thể sử dụng các biện pháp chống chuyển giá để ngăn chặn trình trạng lợi dụng việc không hạn chế mức chi phí quảng cáo, khuyến mại nhằm chuộc lợi cho doanh nghiệp”.

Ông Bình dẫn chứng việc giảm thuế phổ thông từ 28% xuống 25% trước đây không những không làm giảm nguồn thu mà ngân sách Nhà nước thậm chí còn tăng liên tục từ 2009. Ông phát biểu: “doanh nghiệp cần sự trợ giúp manh tính khẩn cấp và nên giảm ngay xuống 20%. Đây chính là đột phá để tháo gỡ khó khăn”.

Đồng thời, ông yêu cầu Chính phủ có thêm một số chính sách như khoanh, dãn nợ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông đè nghị Chính phủ phải có các biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển giá, ẩn lậu thuế; khai thác nguồn thu thuế từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang nộp thuế suất thấp theo giấy phép đầu tư trước đây. (Đỗ Thảo Nguyên, Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 30/5, tr1+2; Thế Dũng, Người Lao Động 30/5, tr3; Anh Đào, Lao Động 30/5, tr1+2; Bình Minh, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 30/5, tr3; Phương Hà, Nông Thôn Ngày Nay 30/5, tr3; Lê Châu, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 30/5, tr5)

2.     Về già nhận lương hưu, oán Bảo hiểm xã hội

Khi đang công tác, quen với mức lương thực lĩnh ngất ngưởng, nhiều người khi về hưu đã bị sốc khi nhận đồng lương hưu ít ỏi. Đây không phải lỗi của người lao động mà sự không hợp lý của chính sách. Câu chuyện này không chỉ “nóng” trong dư luận mà còn “nóng” cả ở diễn đàn của Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Trong buổi thảo luận tại tổ ngày 23/5, đại biểu Trần Ngọc Vinh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng bày tỏ ý kiến: “Phải sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội vì hiện nay phổ biến tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ đóng trên mức lương cơ bản chứ không phải trên lương thực tế nên người lao động chỉ được hưởng mức lương hưu thấp, hoặc doanh nghiệp không đóng Bảo hiểm xã hội khiến nhiều người lao động không nhận được lương hưu”. (Pháp Luật Việt Nam 30/5, tr9)

3.     Triển khai hợp phần A – Dự án Cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện

Phó Chủ tịch thành phố Lê Văn Thành vừa có buổi làm việc với Cục Hàng hải Việt Nam và các nhà thầu chuẩn bị thi công gói thầu số 6 thuộc hợp phần A Dự án Đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Cùng dự có Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật - đại diện các nhà thầu, tư vấn giám sát và các cơ quan liên quan của thành phố.

Dự án xây dựng cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện do Cục Hàng hải Việt Nam – chủ đầu tư, có mức đầu tư 18.627 tỉ đồng, sẽ được triển khai hợp phần A trong tháng 6 với 2 gói thầu số 1 và số 6.

Ngày 1/6: Gói thầu số 1- gói thầu tư vấn giám sát sẽ được thực hiện. Ngày 21/6: Gói thầu số 6 - gói thầu thi công đê chắn sóng đoạn A, kè bảo vệ, tường chắn đất, tôn tạo xử lý nền, bến công vụ, đường sau cảng, hạ tầng điện nước... sẽ được thực hiện.

Trong thời điểm cao nhất, sẽ có khoảng 70 chuyên gia Nhật Bản và khoảng 1.000 công nhân làm việc tại công trường. (N.Đức, Diễn Đàn Doanh Nghiệp 29/5, tr7; T.B, Giao Thông Vận Tải 29/5, tr6)

4.     Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương khảo sát trong Đảng tại Hải Phòng: Còn thiếu các quy định về xử lý vi phạm đảng viên

Sáng 29/5, Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Vụ trưởng Vụ nghiên cứu Cao Văn Thống dẫn đầu làm việc tại Hải Phòng khảo sát việc thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Đoàn khảo sát ghi nhận, sau khi các văn bản hướng dẫn của Trung ương được ban hành, Thành ủy và các cấp ủy ở Hải Phòng quán triệt sâu rộng, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định và hướng dẫn của Trung ương, góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra tại Đảng bộ thành phố. Công tác kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, giảm số đơn thư khiếu nại. Việc thi hành kỷ luật Đảng cơ bản đúng phương hướng, nguyên tắc, thủ tục, mang tính giáo dục cao. Các cấp ủy chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, nhất là những vấn đề, nội dung trọng tâm, trọng điểm.

Trong quá trình thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng bộc lộ nhiều vướng mắc, như: chưa có quy định và chế tài xử lý đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống, hủ hóa; xử lý về mặt chính quyền đối với đảng viên sinh con thứ 3 trở lên; vấn đề đình chỉ sinh hoạt đảng với những trường hợp đảng viên vi phạm bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam; vấn đề thẩm quyền của chi bộ báo cáo, đề nghị cấp trên xử lý kỷ luật đảng viên là cán bộ cấp ủy cơ sở; tiếp nhận đơn khiếu nại đông người; xử lý đảng viên tham gia đánh bạc; tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ kiểm tra…

Đoàn khảo sát tiếp thu những ý kiến kiến nghị từ thực tiễn của Hải Phòng. (Báo Hải Phòng 30/5, tr2)

5.     5 tháng đầu năm, tại Hải Phòng xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông

Sáng 29/5, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 2 năm 2013, các giải pháp quý 3.

Tham dự tại đầu cầu Hải Phòng có lãnh đạo các, Sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố.     

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Đàm Xuân Lũy cho biết, 5 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông, làm chết 46 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tăng 3 vụ (52/49 vụ), số người chết giảm 5 người, số người bị thương tăng 19 người. 5 tháng đầu năm, Hải Phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông; lắp đặt các cụm đèn tín hiệu, biển chỉ dẫn giao thông, phân làn, cải tạo các nút giao mất an toàn về giao thông; kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng tranh giành khách giữa các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Hải Phòng...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, thời gian tới các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động tại Nghị quyết số 30 của Chính phủ, nhanh chóng rà soát, khắc phục triệt để các điểm đen gây tai nạn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông; triển khai và thực hiện nghiêm việc không uống rượu, bia vào buổi trưa đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an có hành vi tiêu cực, tham những trong xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đến đảng viên, cán bộ, nhân dân; triển khai mạnh mẽ phong trào đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn...

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 12.052 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.163 người, bị thương 12.171 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn giảm hơn 2.000 vụ, số người bị thương giảm hơn 20%, số người chết tăng 0,68%. 29 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông giảm; 29 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2012, kiểm tra phát hiện 1.676 cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, tịch thu 53.836 mũ bảo hiểm kém chất lượng, xử phạt 813 triệu đồng. (Báo Hải Phòng 30/5, tr1+7; Đoàn Lanh, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr1+5; Bản tin thời sự tối 29/5, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

6.     Tổng điều tra cơ sở kinh tế thành phố năm 2012: 106.483 cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp

Sáng 29/5, Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế thành phố tổ chức tổng kết Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2012. Ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế thành phố chủ trì Hội nghị, ghi nhận và biểu dương những cố gắng của Ban chỉ đạo Tổng điều tra, sự phối hợp của các cấp chính quyền, các tập thể, cá nhân trong công tác tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tổ chức triển khai Chương trình đúng kế hoạch, huy động được lực lượng lớn tham gia tổng điều tra.

Kết quả tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp lần này có ý nghĩa quan trọng để đánh giá đúng thực lực kinh tế thành phố, cơ sở dữ liệu để các cơ quan quản lý hoạch định các chính sách phát triển. Trên cơ sở kết quả này, các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền phân tích, đánh giá phát huy những mặt mạnh, khắc phục những điểm yếu của kinh tế địa phương. Số liệu thống kê cần được các cấp, ngành sử dụng thống nhất, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thành phố đang tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra, tại thời điểm 1/4/2012 (kết thúc điều tra cơ sở kinh tế) và thời điểm 1/7/2012 (kết thúc điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp), trên địa bàn thành phố có 106.483 cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; tăng 16.446 cơ sở, tương đương mức tăng 18,26% so với kết quả Tổng điều tra năm 2007. Tổng số lao động là 542.463 người, tăng 97.634 người, mức tăng 21,94%. Trong đó, khu vực sản xuất, kinh doanh có 102.744 cơ sở, tăng 16.484 cơ sở, tương đương 19,1%; khu vực hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể có 2.611 cơ sở. (Báo Hải Phòng 30/5, tr1)

7.     Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics kỷ niệm 10 năm ngày thành lập

Sáng 29/5, trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (29/5/2003- 29/5/2013). Chung vui cùng thầy trò nhà trường có các ông Nguyễn Đình Bích - Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch thành phố cùng nhiều đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị.

Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics được Bộ GD&ĐT ký quyết định thành lập ngày 29/5/2003 với sự đầu tư của Tổng Công ty điện tử và tin học Việt Nam. Những ngày đầu thành lập, trường gặp không ít khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên và công tác đào tạo, tuyển sinh chưa đi vào nền nếp... Với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, giảng viên, sinh viên, nhà trường đã từng bước vươn lên, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hiện đại. Với 7 ngành đào tạo gồm 14 chuyên ngành cụ thể, trường có thế mạnh trong lĩnh vực điện- điện tử và công nghệ thông tin.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam biểu dương những thành tích mà nhà trường đạt được trong 10 năm qua; đồng chí cũng đề nghị thời gian tới đây, nhà trường cần phát huy thế mạnh, thành tích, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá, huy động sức lực, tâm lực để đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội tiến tới xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại.

Nhân dịp này, Bộ Công Thương tặng Bằng khen cho trường và 2 tập thể có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành công thương Việt Nam; UBND thành phố tặng Bằng khen và bức trướng mang dòng chữ “Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics - 10 năm xây dựng và trưởng thành có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo”. (Báo Hải Phòng 30/5, tr2)

8.     Lãnh đạo thành phố thăm, tặng quà nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6

Sáng 29/5, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), các lãnh đạo thành phố đến thăm, tặng quà một số tập thể, cá nhân tiêu biểu tại huyện Cát Hải và huyện Kiến Thụy.

Ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thăm, tặng quà trường mầm non và trẻ em có hoàn cành đặc biệt khó khăn ở huyện Cát Hải. Cùng đi có ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch thành phố cùng cùng các Sở, Ban ngành liên quan.

Thăm, tặng quà trường mầm non Sao Mai ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành ghi nhận thành tích của nhà trường trong công tác chăm lo, giáo dục học sinh, đồng thời bày tỏ mong muốn trong năm học tới, nhà trường tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong dạy và học; các cháu chăm ngoan, mạnh khỏe, học giỏi. Các cô giáo tiếp tục có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chăm lo, giáo dục thế hệ mầm non tương lai của thành phố. Dù ở huyện đảo có nhiều khó khăn, tập thể giáo viên trường mầm non Sao Mai cố gắng khắc phục sự thiếu thốn về trang thiết bị, duy trì dạy và chăm sóc 105 học sinh học trong 2 lớp nhà trẻ và 4 lớp mẫu giáo. Những năm qua, chất lượng chăm sóc học sinh độ tuổi mầm non được nâng cao, các lĩnh vực đào tạo đều đạt từ khá trở lên. Về chăm sóc sức khỏe, trường có 96% số cháu đạt kênh A. Trường đã đạt chuẩn giai đoạn 1 và đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2. Nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc.

Thăm và tặng quà em Tô Thị Hồng Quỳnh (ở thị trấn Cát Hải) - học sinh lớp 9A, trường THCS thị trấn Cát Hải, Bí thư Thành ủy bày tỏ vui mừng khi biết dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng trong suốt 9 năm học, cháu Quỳnh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm học vừa qua, cháu Quỳnh đoạt giải Ba môn sinh cấp thành phố. Bí thư Thành ủy đề nghị gia đình và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để cháu tiếp tục phát huy thành tích, phấn đấu trong học tập…

Ông Dương Anh Điền - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố đi thăm và tặng quà các cháu thiếu nhi; học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn tại xã Kiến Quốc (huyện Kiến Thụy).

Đến thăm và tặng quà các cháu học sinh trường Mầm non xã Kiến Quốc, Chủ tịch Dương Anh Điền biểu dương tập thể nhà trường khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, nuôi các cháu khỏe, dạy các cháu ngoan; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục; Đồng chí chúc các cháu vui khoẻ và có một kỳ nghỉ hè thú vị, bổ ích, luôn xứng đáng là con ngoan, là niềm tự hào của ông bà, cha mẹ.

Nhân dịp này, Chủ tịch Dương Anh Điền đến thăm và tặng quà cháu Nguyễn Thị Ngọc Lan hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, là học sinh giỏi lớp 5A1, trường Tiểu học Kiến Quốc. Chủ tịch thành phố biểu dương thành tích học tập, động viên cháu Lan phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục giành thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới. (Báo Hải Phòng 30/5, tr1+2; Bản tin thời sự tối 29/5, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; Nhóm P.V, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr2)

9.     Huyện An Lão, gần 40.000 m2 đất để hoang, sử dụng sai mục đích: Nguồn thu ngân sách chưa cần !?

“Tấc đất, tấc vàng”, vậy mà nhiều năm trở lại đây, gần 40.000 m2 đất của huyện An Lão bị thu hồi giao cho các đơn vị, doanh nghiệp đang để cỏ mọc, hoặc sử dụng sai mục đích.

Dự án nhà ở thành bãi cỏ dại (!)

Năm 2006, UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi 20.000 m2 đất tại khu Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn (An Lão) giao Công ty TNHH thương mại Minh Việt thuê để xây dựng khu dịch vụ nhà ở cho công nhân. Công trình này hoàn thành sẽ giúp chính quyền địa phương giải bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp, bởi tại thời điểm đó, nhiều DN trên địa bàn thị trấn Trường Sơn phát triển, thu hút hàng nghìn lao động, thiếu nhà ở trầm trọng. Tháng 1/2007, Sở TN&MT bàn giao đất ngoài thực địa, ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 19.663 m2. Dự án triển khai, chính quyền địa phương và người dân có đất bị thu hồi tạo mọi điều kiện bàn giao mặt bằng sớm cho Công ty Minh Việt. Tuy nhiên, gần 2 năm sau khi được cấp đất, Dự án vẫn “đắp chiếu”.

Bà Bùi Thị Mây - Trưởng Phòng TN&MT An Lão cho biết, ngày 18/11/2008, UBND huyện tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của Công ty Minh Việt. Tại thời điểm đó, công ty chậm triển khai dự án, chưa san lấp mặt bằng để xây dựng công trình theo cam kết. Từ đó đến nay, dự án “bất động”. Khu đất này nằm trên trục đường chính nối thị trấn Trường Sơn với thị trấn An Lão, được người dân ví như “đất vàng” của địa phương, nay gần 2ha cỏ dại mọc um tùm, trông thật xót xa.

Tranh thủ lấn chiếm, xây dựng trái phép

Bên cạnh những khu đất để cỏ mọc, trên địa bàn huyện còn nhiều diện tích đất do các đơn vị quản lý không được sử dụng đúng mục đích, gây khó khăn cho việc quản lý của chính quyền địa phương.

Cụ thể, tại xã Mỹ Đức, trường Cao đẳng Cộng đồng cơ sở 2 được UBND thành phố giao đất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc dạy và học. Tuy nhiên, diện tích đất được giao lớn, đơn vị không sử dụng hết, nên để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất xây dựng nhà ở, các công trình phụ trợ và trồng cây, hoa màu. Theo thống kê của UBND xã Mỹ Đức, có 5.800 m2 đất do Trường cao đẳng Cộng đồng cơ sở 2 quản lý, nhưng chưa triển khai theo kế hoạch về nhu cầu sử dụng. Trên khu đất này, có 3 hộ dân lấn chiếm xây dựng nhà ở trước năm 2000, với tổng diện tích 697,5 m2; 14 hộ lấn hơn 1.000 m2 đất xây dựng tường bao, nhà lán. Diện tích còn lại các hộ trồng cây ăn quả, trồng rau từ năm 1991 đến nay.

Ông Đỗ Văn Đạt - Chủ tịch xã Mỹ Đức cho hay, diện tích 5.800 m2 đất tại cơ sở 2 của Trường cao đẳng cộng đồng bỏ không khoảng 15 năm nay. Địa phương có nắm được việc các hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép nhưng khó “can thiệp”. Sau khi phát hiện vi phạm, xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản các hộ dân sử dụng đất lấn chiếm của Trường, đồng thời báo cáo lên huyện xin chỉ đạo để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Sử dụng sai mục đích

Ngày 26/7/2006, Công ty Cổ phần Thành Tô được UBND thành phố giao đất tại xã Quốc Tuấn (An Lão) sử dụng vào mục đích sản xuất giống lúa và dự phòng thiên tai với tổng diện tích gần 7ha. Ngày 13/6/2012, Tổ công tác của huyện An Lão tiến hành kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại Công ty.

Qua kiểm tra trên diện tích đất được giao, Công ty đã xây dựng một số công trình gồm: 1 trụ sở làm việc 3 tầng, cổng, đường, sân nội bộ; 1 dãy nhà ở do công nhân của công ty tự ý xây dựng trước năm 2005 rộng khoảng 2.000 m2; một nhà xưởng sản xuất gạch, bãi tập kết vật liệu xây dựng với diện tích hơn 12.000 m2. Điều đáng nói là, trên diện tích hơn 12.000 m2 này, Công ty Cổ phần Thành Tô tự ý san lấp, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất cho Công ty TNHH Tiến Đại sử dụng làm bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng và sản xuất gạch bê tông.

Được biết, trong quyết định giao đất của UBND thành phố nêu rõ, mục đích sử dụng của khu đất tại xã Quốc Tuấn là sản xuất cây giống, không phải sử dụng để sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Như vậy, việc chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất của Công ty Cổ phần Thành Tô cho Công ty Tiến Đại khi chưa được phép của các cấp có thẩm quyền là không đúng thẩm quyền, vi phạm pháp luật đất đai và Luật Xây dựng.

Hơn nữa, Công ty tự ý đổ đất cát, san lấp mặt bằng để làm đường trong hành lang quốc lộ 10 với diện tích 900 m2 khi chưa được cho phép là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai năm 2003. (Lã Tiến, Báo Hải Phòng 30/5, tr30

10.            Chuẩn bị Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện: Thành phố Hải Phòng tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư

Sáng 29/5, ông Lê Văn Thành - Phó Chủ tịch thành phố và ông Trương Tấn Viên - Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì cuộc họp về đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện. Cùng dự có đại diện các ngành, đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án 2 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), công tác giải phóng mặt bằng tuyến chính qua địa phận 2 quận Hải An và huyện Cát Hải cơ bản hoàn thành, còn vướng mắc đất ở do chưa bố trí tái định cư cho khoảng 112 hộ dân. Ban quản lý Dự án 2 kiến nghị thành phố xem xét bố trí nguồn vốn và chủ động khởi công xây dựng khu tái định cư, chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở huyện Cát Hải, tháo gỡ trong việc chuẩn bị mặt bằng cho các công trình tạm, phụ trợ.

Phó Chủ tịch Lê Văn Thành cho biết, Hải Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án, thực tế thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án này. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, thành phố kiến nghị Bộ GTVT cho ứng vốn trước để triển khai xây dựng khu tái định cư.

Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên đánh giá cao sự phối hợp của thành phố Hải Phòng tích cực, chủ động chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Thứ trưởng đề nghị thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ để cùng chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện bảo đảm Dự án triển khai đúng tiến độ. (Báo Hải Phòng 30/5, tr1)

11.            Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành kiểm tra công tác tu bổ đê điều, phòng chống lụt bão năm 2013 tại huyện Cát Hải

Sáng 29/5, ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố kiểm tra công tác tu bổ đê điều, phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 tại huyện Cát Hải. Cùng tham gia Đoàn công tác có Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại – Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành chức năng và địa phương liên quan.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết: Đảo Cát Hải được bao bọc bởi một hệ thống đê, kè bảo vệ có tổng chiều dài toàn tuyến 18.936m và có 10 cống dưới đê. Qua điều tra đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay trên địa bàn huyện chủ yếu là hệ thống đê, kè, cống xung yếu và kém ổn định, chỉ có 6.030m đê, kè ổn định, còn lại 8.111m đê kè kém ổn định và 4.794m đê, kè xung yếu; 8 cống kém an toàn, 2 cống xung yếu là cống Gia Lộc II và cống Cái Cụ… do vậy nếu có bão gió cấp 10 kết hợp với triều cường sẽ bị tràn và gây nguy hiểm cho đê, kè và an sinh xã hội.

Huyện Cát Hải kiến nghị, trong mùa mưa bão 2013, trên địa bàn huyện còn rất nhiều đoạn đê, kè xung yếu như: tuyến đê, kè Gia Lộc – Văn Chấn bị hư hỏng nặng; tuyến đê, kè Văn Chấn – Hoàng Châu bị sập sụt một số đoạn kè và các tấm bê tông bị hư hỏng do bão của năm 2011-2012 gây ra. Vì vậy đề nghị Trung ương và thành phố cần sớm có kế hoạch phê duyệt dự án tu bổ, nâng cấp đê, kè Cát Hải, đặc biệt là tuyến đê, kè từ K3+094 đến K5+576. Đồng thời, thành phố quan tâm bố trí kinh phí nâng cấp đường công vụ hộ đê phòng chống lụt bão từ K5+070 đến K5+550 tại cống Cầu Cao hiện nay đã bị xuống cấp ảnh hưởng đến việc cứu hộ đê và vận chuyển vật tư phòng chống bão của địa phương…

Qua đi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của lãnh đạo địa phương và các ban, ngành liên quan về tình hình thực tế, khả năng chống chọi của hệ thống đê điều, các phương án sẵn sàng đối phó phòng, chống lụt bão, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành yêu cầu huyện Cát Hải và các đơn vị liên quan rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng cán bộ, tránh tình trạng đùn đẩy khi có sự cố xảy ra.

Bí thư lưu ý, khi có lụt bão đổ bộ, hai đảo Cát Bà và Cát Hải sẽ gần như bị cô lập do vậy nên bất di bất dịch, phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, huyện cần lập các phương án hộ đê bảo vệ các điểm xung yếu phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng kế hoạch sơ tán dân; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các phương tiện phục vụ phòng chống lụt bão; tổ chức huấn luyện diễn tập ứng cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn trọng điểm…

Theo báo cáo của ngành chức năng thành phố tại buổi làm việc, đến nay các quận, huyện trên địa bàn đã xây dựng 13 phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, phòng, chống lụt bão cấp huyện, trong đó có 6 trọng điểm chống bão, 5 trọng điểm chống lũ và 2 trọng điểm tìm kiếm cứu nạn. 12 quận, huyện đã tổ chức tổng kết năm 2012 và diễn tập phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn 2013; huyện Cát Hải hiện đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các ngành triển khai phương án diễn tập quy mô lớn.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị thuộc Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cũng đã điều động 50 lượt cán bộ chiến sỹ, 14 lượt phương tiện phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Các cấp, ngành, địa phương và lực lượng vũ trang đã lên kế hoạch, phương án huy động lực lượng vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống lụt bão: lực lượng xung kích hộ đê gần 7000 người; lực lượng do Ban chỉ huyy Quân sự thành phố đảm nhiệm hiệp đồng là 7335 người, 328 xe ô tô các loại, 107 tàu và xuồng cao tốc, 4 xe thiết giáp; lực lượng do bộ đội biên phòng đảm nhiệm và hiệp đồng là 225 người, 14 tàu, 41 xuồng và 19 xe ô tô các loại… (Báo Hải Phòng 30/5, tr1; PĐT, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr1+5)

12.            Quận ủy Hồng Bàng: Tọa đàm nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ

Sáng 29/5, Quận ủy Hồng Bàng tổ chức Hội nghị tọa đàm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khối cơ quan hành chính.

Đây là Hội nghị tọa đàm điểm của quận để rút kinh nghiệm cho Hội nghị tọa đàm các khối khác. Qua đó, Quận ủy có chỉ đạo cụ thể và đề xuất với cấp trên giải pháp trong nâng cao chất lượng sinh hoạt của các Chi bộ. (KC, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr2)

NĂM DU LỊCH QUỐC GIA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG – HẢI PHÒNG 2013

13.            Đến Hải Phòng xem múa rối

Xác định được thế mạnh của múa rối trong quảng bá du lịch, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng thủy đình trên hồ Tam Bạc ở trung tâm thành phố, nhằm giới thiệu đến khách du lịch những vở diễn, tích trò đặc sắc của múa rối Hải Phòng trong Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013.

Trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đồng bằng sông Hồng, sự kiện thuộc Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng đã có những buổi biểu diễn đầu tiên tại thủy đình mới trên hồ Tam Bạc, thuộc trung tâm thành phố.

Theo Trưởng đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng Nghệ sĩ ưu tú Ngô Kim Loan, sau khi kết thúc Tuần văn hóa, Đoàn tiếp tục biểu diễn vào tối thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần cho đến hết Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.

Nghệ sĩ Loan chia sẻ, đối tượng phục vụ chính của múa rối là thiếu niên, nhi đồng cho nên phải nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của các em, từ đó xây dựng kịch bản phù hợp, như từ những truyện cổ tích nổi tiếng hay những câu chuyện trong chương trình giảng dạy ở nhà trường.

Không chỉ chú trọng chuyên môn, lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ kế cận. Nghệ sĩ Loan cho hay: “Hiện tại các nghệ sỹ trẻ đã diễn được cả hai loại hình rối nước và rối cạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư và tạo điều kiện cho các nghệ sỹ trẻ theo học các lớp chuyên môn, nghiệp vụ như: đạo diễn, biên đạo múa... nhằm trẻ hóa đội ngũ, cán bộ, diễn viên, gìn giữ, phát huy nét đặc sắc của múa rối Hải Phòng”. (Đức Nguyên, Hà Nội Mới 30/5, tr4)

ĐÔ THỊ

14.            Nước rút nhanh trên nhiều tuyến đường

Do ảnh hưởng của thời tiết, cơn mưa cường độ lớn vào sáng 29/5 khiến nhiều tuyến đường đô thị bị ngập lụt, trong đó có nhiều điểm ngập sâu.

Đường Lê Lợi, đoạn gần UBND phường Gia Viên, nước ngập hơn 20cm; đường Đình Đông ngập 20-30 cm trên một đoạn dài hơn 200m; trước cửa UBND phường Đồng Quốc Bình nước ngập khoảng 20 cm; đường Tô Hiệu đoạn trước Nhà thờ Tin Lành và đường An Đà đoạn trước ngõ 28 nước cũng ngập sâu.

Do chủ động phương án chống ngập, ngay khi cơn mưa xảy ra, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước có mặt tại các điểm thường xảy ra ngập, mở nắp ga, vớt rác trước ga khơi thông dòng chảy; lãnh đạo công ty tiến hành kiểm tra các điểm ngập lụt nặng, chỉ đạo giải quyết kịp thời tình huống xảy ra. Trước cửa trụ sở phường Đồng Quốc Bình- điểm được cho là trũng nhất ở nội thành những năm trước, nhưng do được tôn cao nền đường và vỉa hè năm vừa qua, nên ngập giảm rõ, chỉ sau gần 1 giờ nước tại đây rút hết. Các điểm còn lại nước rút sau 1-2 giờ, chậm nhất là khu vực đường An Đà, đến đầu giờ chiều nước mới rút hết.

Trước mùa mưa bão năm nay, công ty triển khai chiến dịch nạo vét ga thu hàm ếch, phá dỡ vật cản trước miệng ga thu; kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống các cánh phai, van lật; vớt rau, bèo, vật cản, bảo đảm việc tiêu thoát nước tại các mương, hồ điều hoà; vớt rác tại các hầm bơm, tránh tình trạng gây tắc cũng như cản trở việc vận hành các trạm bơm. (Báo Hải Phòng 30/5, tr7)

AN NINH – PHÁP LUẬT

15.            Kỷ luật bằng cách điều chuyển ngang cấp

Ông Đinh Viết Hùng - Chánh thanh tra Sở GTVT thành phố vừa ký quyết định điều động 2 cán bộ vừa bị kỷ luật do vi phạm trong công tác là ông Bùi Mạnh Tuấn - Đội trưởng, ông Phạm Hồng Khang - Đội phó Đội thanh tra giao thông số 5, sang giữ chức vụ Đội trưởng và Đội phó Đội xử lý, tổng hợp, văn phòng thuộc thanh tra giao thông Sở này từ ngày 28/5.

Trước đó ông Vũ Hoàng Tùng - Đội phó Đội thanh tra giao thông số 5 nhận 4 triệu đồng tiền phạt của người vi phạm nhưng không viết biên lai. Ngoài ra, hàng loạt biên bản vi phạm do Đội 5 lập có dấu hiệu bị tẩy xóa, sửa chữa… Ngày 15/5, Thanh tra Sở GTVT ra quyết định cách chức Đội phó Đội 5 đối với ông Tùng, đồng thời ra quyết định hạ bậc lương đối với ông Tuấn và ông Khang.

Theo một cán bộ thanh tra của Sở GTVT, liên quan đến sai phạm trên, cơ quan Công an đã có giấy mời ông Tùng và ông Lưu Trung Kiên - thanh tra viên Đội 5 thanh tra giao thông để phục vụ công tác điều tra. Cũng theo cán bộ này, ngày 20/5, thanh tra giao thông đã bàn giao 72 quyển biên bản xử phạt cho cơ quan Công an. Trong đó có khoảng hơn 1.000 biên bản thanh tra viên đã xử lý có vấn đề mà cơ quan Công an sẽ xem xét. (P.H.S, Thanh Niên Online 30/5; Trọng Phú, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh 30/5, tr5)

16.            Kẻ cướp từ nay sẽ phải dè chừng…    

Có một tổ xe ôm ngoài việc kiếm sống nuôi gia đình đã có những đóng góp đáng kể cho công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Đó là tổ xe ôm gồm 6 người ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Trong 2 năm (2011-2012) tổ xe ôm đã phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an tham gia bắt giữ 5 đối tượng hình sự nguy hiểm. Tổ xe ôm hình thành từ những người làm nghề chở khách tại khu vực ngã ba Quý Cao (nơi tiếp giáp với Hải Phòng).

Lần đầu tiên tham gia bắt cướp đó, các “chiến sĩ” xe ôm đã hỗ trợ lực lượng công an bắt giữ Lê Văn Khang (SN 1990, trú tại xã Liêm An, huyện Vĩnh Bảo) khi đối tượng đang điều khiển xe máy - tang vật của vụ cướp. Hai đối tượng nguy hiểm điển hình khác bị tổ xe ôm bắt gồm Lã Văn Cảnh (SN 1991) và Lê Mạnh Hùng (SN 1993), cùng trú tại xã Liêm An, huyện Vĩnh Bảo. Các đối tượng bị bắt giữ sau khi cướp giật một máy tính xách tay.

Các đối tượng Trần Trung Toàn (SN 1987, trú xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng), Trần Văn Phú (SN 1990, Hà Tĩnh) bị tổ xe ôm bắt giữ sau khi trộm xe máy. (Nguyễn Khuê, Pháp Luật & Xã Hội Online 29/5)

17.            Bố đánh gãy chân con trai 2 tuổi

Công an huyện An Dương đã khởi tố vụ án và thực hiện lệnh tạm giam đối với Phạm Văn Hưng (32 tuổi, trú xã Đại Bản, huyện An Dương) về tội cố ý gây thương tích.

Theo điều tra ban đầu, trưa 22/5, Hưng cùng hai con ruột là Phạm Thị Mai Lan (5 tuổi) và Phạm Trung Hiếu (2 tuổi) ăn cơm. Trong bữa ăn, cháu Hiếu quấy khóc không chịu ăn. Hưng dỗ dành nhưng cháu Hiếu vẫn quấy khóc, Hưng liền dùng một thanh tre vụt vào hông và chân tay cháu. Hậu quả, cháu Hiếu bị gãy xương chân trái, phải nhập viện cấp cứu và điều trị nhiều ngày.

Kết quả giám định ban đầu, cháu Hiếu bị giảm 21% sức khỏe. Tại cơ quan Công an, Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo một số người dân sinh sống gần khu vực nhà Hưng, Hưng là người có thói vũ phu, thường xuyên đánh đập vợ con. (P.H.S, Thanh Niên Online 30/5)

18.            Phát huy hiệu quả Cụm an ninh liên kết

Đồn Biên phòng Đồ Sơn đứng chân trên địa bàn trung tâm du lịch của Hải Phòng, quản lý 22,5km đường biên giới trên biển. Trước thực trạng một số đối tượng thường lợi dụng hoạt động du lịch để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chỉ huy đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND quận triển khai xây dựng mô hình Cụm an ninh liên kết, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Thiếu tá Nguyễn Quang Hoán - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đồ Sơn cho biết: Cụm an ninh liên kết do đơn vị chủ trì, với sự tham gia của 21 cơ quan, đơn vị nằm trên địa bàn hai phường Ngọc Hải và Vạn Hương. Lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trong Cụm an ninh liên kết thống nhất đề ra quy chế hoạt động, trọng tâm là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh thắng lợi trước âm mưu thủ đoạn "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là bà con làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản trên biển thực hiện tốt Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 161 về Quy chế khu vực biên giới biển, Chỉ thị 406 và Quyết định 95 về cấm sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ, đèn trời...

Trong 3 năm (2009-2012), Đồn biên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, đấu tranh thành công 40 vụ án về ma túy, 4 vụ tàng trữ, vận chuyển pháo nổ và 1 vụ vận chuyển hàng trái phép qua biên giới. Mới đây,tối 25/2 Đồn biên phòng bắt quả tang 4 đối tượng vận chuyển 7 khẩu súng hơi và 4 hộp đạn chì, tại bến Nghiêng, khu 2, phường Vạn Sơn. Ngoài ra, các đơn vị trong Cụm an ninh liên kết còn tích cực phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, chống khủng bố, gây rối trên địa bàn...

Đến nay, mô hình Cụm an ninh liên kết do Đồn Biên phòng Đồ Sơn khởi xướng thường xuyên hoạt động có nề nếp, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. (Nguyễn Vinh, Bienphong.com.vn 29/5)

19.            Chiến sĩ mới trong ngày tuyên thệ

Sáng 29/5, Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng) tổ chức Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 1 năm 2013.

Sau 3 tháng huấn luyện, rèn luyện, các chiến sĩ đã được trang bị các kiến thức cơ bản về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật. Kết thúc huấn luyện, qua kiểm tra ném lực đạn, sử dụng thuốc nổ đơn vị đạt giỏi; bắn súng AK-bài 1 đạt đơn vị khá. (Duy Hồng, Quân Đội Nhân Dân Online 29/5; Phunutoday.vn 29/5; Báo Hải Phòng Online 29/5)

20.            Giám sát và có chế tài đủ mạnh xử lý vi phạm ở nơi cấm hút thuốc

Sau 2 năm triển khai, Dự án “Xây dựng thành phố Hải Phòng không khói thuốc lá” nhận được sự ủng hộ, vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến và cam kết thực hiện không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị, tạo sự chuyển biến trong nhận thức  về tác hại của thuốc lá trong cán bộ, người dân, học sinh; làm thay đổi hành vi của một số cán bộ, viên chức lao động; hiện tượng hút thuốc tại nơi làm việc, trong nhà có giảm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hầu hết người dân chưa nhận thức hết sự nguy hại to lớn về sức khoẻ, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây ra. Thói quen hút thuốc của người dân và hành vi hút thuốc vẫn được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng, trong khi các biện pháp xử lý chưa đủ mạnh, mức độ ủng hộ và tuân thủ của cộng đồng với chính sách còn chưa cao, nên tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn giảm chưa như mong muốn.

Ban chỉ đạo Dự án “Xây dựng thành phố Hải Phòng không khói thuốc lá” được thành lập, tiến hành tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện các mục tiêu dự án đề ra. Ban Chỉ đạo dự án khảo sát thực trạng hút thuốc lá, nhận thức, hành vi của người dân, khách du lịch đối với việc hút thuốc; tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về việc xây dựng thành phố không khói thuốc. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tập huấn, tuyên truyền tới các chi hội, khu dân cư, tổ dân phố để từng người dân hiểu và tự nguyện thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thành viên Ban Chỉ đạo dự án lắp đặt 3 tấm pano lớn tuyên truyền về dự án tại cầu vượt Lạch Tray, hồ Tam Bạc, bãi biễn Đồ Sơn; lắp đặt 170 pano và 1500 biển nhỏ cấm hút thuốc với nội dung tuyên truyền cán bộ và khách không hút thuốc nơi làm việc và các bệnh viện, trường học ở 7 quận, các Sở, Ban, ngành thành phố, 20 biển khu vực cấm hút thuốc tại khách sạn. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo dự án phát 1000 áp phích “Xây dựng thành phố Hải Phòng không khói thuốc lá” cấp cho 7 quận, cung cấp 500 cuốn cẩm nang xây dựng môi trường không khói thuốc, 5000 tờ gấp tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động; cung cấp 400 đĩa tuyên truyền cho đài phát thanh quận, phường; tổ chức cam kết thực hiện và triển khai việc cấm hút thuốc tại những nơi quy định…

Để siết chặt việc quản lý hút thuốc lá tại các quận nội thành, Ban Chỉ đạo dự án thành lập Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tác hại thuốc lá thành phố và đội kiểm tra của 7 quận; tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành và xử lý vi phạm tại các đơn vị, như: Bệnh viện đa khoa quận Ngô Quyền, Bệnh viện đa khoa quận Lê Chân, một số UBND phường, khách sạn, nhà hàng…

Thiết lập cơ chế theo dõi và giám sát

Mặc dù Ban Chỉ đạo Dự án đẩy mạnh tuyên truyền các quy định cấm và thực thi các biện pháp hạn chế tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng song kết quả đạt được chưa như mong đợi. Thực tế đó đòi hỏi cần có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh như xử phạt hành chính, đưa vào tiêu chí bình bầu thi đua, khen thưởng cá nhân, tập thể tại các địa phương, đơn vị.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Chính – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe thành phố, trung tâm đang tích cực tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5 và hướng dẫn các bước xây dựng đơn vị không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị. Trong đó tập trung vào một số nội dung: biện pháp giảm cầu, tăng cường nhận thức của người dân, hạn chế tác hại của khói thuốc lá với người không hút thuốc và hạn chế nguồn cung. Với chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá 2013 là “Cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá” sẽ giúp giảm số lượng những người bắt đầu hút và số lượng người sử dụng thuốc lá và là một trong những biện pháp để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá hiệu quả nhất, mức chi phí thấp.

Ban Chỉ đạo Dự án “Xây dựng thành phố Hải Phòng không khói thuốc lá” thời gian tới sẽ thiết lập cơ chế theo dõi và giám sát việc thực hiện quy định không hút thuốc, đề ra và áp dụng các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm ở những nơi có quy định cấm hút thuốc, thành lập Đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành và xử lý vi phạm ở khu vực có biển cấm, tại bệnh viện, nơi công cộng.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Dự án lắp đặt thêm pano và biển cấm hút thuốc; ký cam kết thực hiện tại một số đơn vị điểm; duy trì tuyên truyền; tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm với sự tham gia của đại diện các quận, huyện, Sở, ngành; làm phim phóng sự về Hải Phòng xây dựng thành phố không khói thuốc lá để phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam… (Đông Hải, Báo Hải Phòng 30/5, tr5)

21.            Xã An Thắng dẫn đầu thành phố về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Những năm qua, xã An Thắng thực hiện tốt phong trào Toàn dân vảo vệ an ninh Tổ quốc và duy trì cụm liên kết giữa các xã với đơn vị đóng quân trên địa bàn, duy trì các mô hình an ninh hoạt động có hiệu quả; củng cố hoạt động tổ an ninh cơ sở…

Năm 2012, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, dũng cảm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm. Xã được Bộ Công an tặng Bằng khen, Chủ tịch thành phố tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn dầu toàn thành phố trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. (Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

22.            Quận Hồng Bàng: Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh

Ngày 28/5, UBND quận Hồng Bàng mở lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho đối tượng 3, năm 2013.

Tham gia lớp học có 110 học viên là Trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường THCS trên địa bàn. Trong thời gian 2 ngày, các học viên được nghiên cứu, học tập những nội dung về kiến thức quốc phòng, bảo vệ an ninh Tổ quốc… (An Ninh Hải Phòng 30/5, tr3+5)

GIAO THÔNG

23.            Tập kết vật liệu xây dựng ở đường Hùng Vương

Trong ngày, Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt, Công an thành phố xử lý 392 trường hợp vi phạm, thu phạt 321 triệu đồng.

Một số hộ tập kết vật liệu xây dựng ở đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, gây cản trở giao thông. (Báo Hải Phòng 30/5, tr7)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

24.            Quyền đổi cụm thi: Tốt nhưng… rối!

Mới đây, Bộ GD&ĐT ra thông báo khẩn cho phép thí sinh được thay đổi cụm thi trong kỳ thi đại học, cao đẳng gần kề. Với quy định trước đây, nếu không thuộc diện thí sinh tự do thì thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố được chỉ định dự thi tại cụm thi Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn, Cần Thơ.

Với quy định mới, thí sinh được quyền điều chỉnh từ cụm thi chỉ định về dự thi trực tiếp tại trường tổ chức thi nếu có nguyện vọng. Đây là sự thay đổi thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được dự thi theo nguyện vọng.

Tuy nhiên, với các trường tổ chức thi, động thái mở rộng quyền lợi cho thí sinh vào thời điểm này đang khiến các trường lo “sốt vó”. (Gia Tuệ, PhunuOnline.com.vn 30/5; T.Tuyến, Sài Gòn Tiếp Thị 30/5, tr2)   

25.            Cấm thu tiền học sinh hỗ trợ các Hội đồng coi thi

Sở GD&ĐT vừa tổ chức tập huấn, quán triệt lần thứ hai Quy chế thi tốt nghiệp và các Văn bản của Bộ GD&ĐT chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT.

Trong số các Văn bản của Bộ GD&ĐT, vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của toàn ngành và dư luận và Văn bản cấm thu tiền của học sinh để hỗ trợ các Hội đồng coi thi. Sở cũng phổ biến về mức hỗ trợ đối với các cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, bảo vệ, công tác y tế. (Báo Hải Phòng 30/5, tr7)

KINH TẾ

26.            Đề xuất gây “sốc” cho doanh nghiệp

Mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Phòng vừa có một đề nghị gây “sốc” với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đề xuất này, các doanh nghiệp có sản lượng điện tiêu thụ lớn, từ 100.000 kWh/tháng cần phải thực hiện việc đặt cọc hoặc được các tổ chức tín dụng cung cấp thư bảo lãnh nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán tiền điện.

Đề xuất của Công ty Điện lực Hải Phòng dựa trên cơ sở, thời gian qua, có một số doanh nghiệp đang nợ Công ty số tiền điện đã sử dụng hơn 23 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn nợ Công ty hơn 37 tỷ đồng tiền xây dựng các công trình điện, chưa kể hàng trăm tỷ đồng đầu tư hệ thống đường điện, trạm biến áp 110kV. Hiện nay, một số doanh nghiệp không tiêu thụ điện năng theo cam kết khiến các công trình đầu tư lưới điện của Công ty Điện lực Hải Phòng bỏ hoang. Trước thực trạng hàng trăm tỷ đồng đầu tư chưa hiệu quả, doanh nghiệp nợ cả tiền xây dựng hạ tầng, tiền sử dụng điện, Công ty Điện lực Hải Phòng nêu lên đề xuất trên.

Theo lập luận của Công ty, đây là giải pháp nhằm tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư khi khách hàng bị phá sản, không còn sử dụng điện. Ông Trần Đại Nghĩa – Giám đốc Công ty cổ phần Đông A (trụ sở tại quận Hồng Bàng), một khách hàng của Công ty Điện lực Hải Phòng bức xúc, trong khi các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới, khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước, Công ty Điện lực Hải Phòng - một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích đã không cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, lại dựng thêm một barie cho doanh nghiệp, có nghĩa doanh nghiệp phải tìm kiếm thêm một nguồn tài chính mới nhằm đảm bảo cho việc mua điện từ Công ty Điện lực Hải Phòng. Chưa hết, Công ty Điện lực Hải Phòng tiếp tục đưa thêm “sáng kiến”, cho phép ngành điện được cắt điện của khách hàng sau 5 ngày, kể từ lần thông báo đầu tiên thay cho việc phải 15 ngày sau lần phát gửi thông báo lần thứ 3 như quy định của Luật Điện lực.

Công ty Điện lực Hải Phòng cho rằng, làm như vậy là chặt chẽ vì nếu để tới sau 15 ngày của lần thông báo thứ 3 đồng nghĩa khách hàng sẽ được kéo dài thời gian sử dụng điện, trong trường hợp khách hàng không có khả năng thanh toán, Nhà nước sẽ mất thêm tiền điện. Theo Công ty  Điện lực Hải Phòng, việc rút ngắn thời gian doanh nghiệp cung cấp điện có quyền đơn phương cắt điện đối với khách hàng còn có tác dụng giảm số tiền nợ phát sinh, giảm nợ cho khách hàng sử dụng điện.

Theo báo cáo của Công ty, thực hiện chủ trương đặt cọc hoặc có chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong việc thanh toán tiền điện, đến nay đã có 87 doanh nghiệp chấp thuận phương án bảo lãnh thanh toán tiền điện của tổ chức tín dụng với số tiền được bảo lãnh lên đến gần 17,5 tỷ đồng. Trên thực tế, từ tháng 10/2011, Công ty Điện lực Hải Phòng đã ngừng cung cấp điện cho Công ty cổ phần thép Vạn Lợi – doanh nghiệp có số tiền điện nợ nhiều nhất (hơn 15,3 tỷ đồng). Tương tự, các doanh nghiệp như Công ty cổ phần thép Cửu Long, Công ty cổ phần thép Đình Vũ cũng bị ngừng cung cấp điện từ tháng 7/2012 và tháng 4/2013.

Lãnh đạo Sở Công Thương đặt vấn đề, việc để nợ đọng tiền điện còn là trách nhiệm của Công ty Điện lực Hải Phòng, không thể vì một vài doanh nghiệp nợ tiền điện, việc đầu tư trong giai đoạn phát triển kinh tế nóng, chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư, Công ty đã đề ra phương pháp làm khó cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. (Nam Khánh, Pháp Luật & Xã Hội Online 29/5)

27.            Băn khoăn vì thiếu kinh phí đầu tư và tiêu thụ sản phẩm

Vụ lúa Xuân năm nay, Kiến Thụy có diện tích 1500 ha lúa được quy hoạch thành 29 vùng sản xuất tập trung. Đây cũng là vụ huyện tạo dựng được mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, vùng sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao nhiều nhất từ trước đến nay. Các vùng sản xuất tập trung này đều cho năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, nhiều địa phương trên địa bàn huyện băn khoăn về tiêu thụ nông sản và nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng đồng ruộng cho các vùng sản xuất tập trung này.

Vui trên cánh đồng tập trung

Tại cánh đồng mẫu lớn xã Kiến Quốc những ngày này, bà con đang tích cực thu hoạch lúa. Đông đảo nông dân có mặt từ sớm, tranh thủ kiểm tra đồng lúa trước thời điểm thu hoạch. Anh Nguyễn Bá Dương - nông dân thôn 4 xã Kiến Quốc vui vẻ: “Tại mô hình cánh đồng mẫu lớn rộng 35ha của xã, tôi có 1 mẫu ruộng. Qua gặt thống kê năng suất lúa, ruộng nhà tôi đạt hơn 70 tạ/ha, tăng hơn vụ xuân năm trước 2 tạ/ ha. Chi phí sản xuất giảm nhờ không phải mất thời gian gieo mạ, nhổ mạ cấy mà được tổ dịch vụ của Hợp tác xã hỗ trợ sản xuất mạ khay trên giá thể và hỗ trợ cấy bằng máy toàn bộ diện tích”.

Ông Đào Văn Lập - Chủ tịch xã Kiến Quốc phấn khởi: “Đây là năm đầu Kiến Quốc triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Vừa làm chúng tôi vừa lo nhưng khi nhìn thấy ruộng đồng chia ô bàn cờ, thẳng cánh cò bay, không còn những bờ chia nhỏ ruộng, 430 hộ dân đồng sức, đồng lòng cùng tổ dịch vụ của Hợp tác xã nông nghiệp thì chúng tôi thực sự yên tâm. Để triển khai mô hình này, Đảng ủy xã ra Nghị quyết chuyên để về xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, UBND thành lập Ban chỉ đạo và tổ dịch vụ các khâu riêng tại mô hình. Chúng tôi phải họp toàn dân của thôn 4 và thôn 7 gần chục buổi, rồi cán bộ xã, các đoàn thể vào vận động để nông dân cùng đồng thuận. Thêm sự giúp sức của doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và cán bộ kỹ thuật của huyện, chỉ trong 2 tuần, chúng tôi gieo được 7000 khay mạ trên giá thể theo công nghệ Nhật Bản. Vui nhất là việc thực hiện cấy bằng máy 100% diện tích tại mô hình cánh đồng mẫu lớn. Khoảng đầu tháng 6, chúng tôi dự định đưa máy công suất lớn vào thu hoạch đồng bộ. Điều được nhất ở cánh đồng mẫu lớn ở Kiến Quốc là chúng tôi chỉ đạo gieo cấy đồng bộ toàn bộ vùng, gieo cấy cùng một giống lúa, trà lúa, tăng cơ giới hoá, quy trình sản xuất đồng loạt nghiêm ngặt, nên giảm chi phí nhân công, giảm số lần phun thuốc, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm giá thành. Chúng tôi thiết kế lại đồng ruộng thành 12 ô, tại các ô cải tạo hệ thống thủy lợi, xây dựng ống bi để rác trên đồng ruộng”.

Theo ông Phạm Văn Thép - Trưởng Phòng NN&PTNT Kiến Thụy, ngoài mô hình cánh đồng mẫu lớn được thành phố hỗ trợ ở Kiến Quốc, vụ Xuân năm nay, huyện có 29 vùng quy vùng sản xuất tập trung với diện tích 1500 ha, tăng 25 vùng so với vụ mùa 2012. Tất cả các xã trong huyện đều quy vùng sản xuất lúa tập trung quy mô 5 ha trở lên/ vùng. Có một số vùng quy mô lớn hơn 30 ha/vùng ở Đoàn Xá, Ngũ Phúc, Ngũ Đoan, Kiến Quốc, Tân Trào. So với những vụ trước, vụ này huyện có số lượng vùng sản xuất tập trung lớn nhất. Trong 2 năm (2011- 2012), thực hiện Nghị quyết 14 của HĐND thành phố, huyện xây dựng 7 vùng sản xuất tập trung, với diện tích 152 ha. Vụ mùa tới, các xã trên địa bàn huyện đều mở rộng xây dựng các vùng sản xuất tập trung và phát động phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường ra đồng, sẵn sàng diện tích đất theo mốc giới quy hoạch để huy động nguồn lực để cải tạo đồng ruộng.

Băn khoăn huy động nguồn lực, tiêu thụ sản phẩm

Ông Đoàn Đắc Huy - Phó Chủ tịch xã Tân Trào cho biết: “Đến nay, dù đang thực hiện phong trào vận động người dân hiến đất mở rộng đường ra đồng và quy hoạch, tạo vùng sản xuất tập trung nhưng xã rất khó khăn trong việc xã hội hóa nguồn vốn để bê tông hóa hệ thống đường ra đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi, cải tạo đồng ruộng trên cơ sở dồn điền đổi thửa… Thực tế, trong quá trình thực hiện, xã cũng chú ý khai thác nguồn kinh phí hỗ trợ chuyển vùng từ Nghị quyết 14 của HĐND nhưng thủ tục để nhận nguồn hỗ trợ này khó khăn và nguồn vốn đầu tư cũng hạn chế. Cũng do lúng túng về nguồn vốn nên xã mới chỉ chọn một vùng để triển khai là khu sản xuất lúa nếp ở làng Kỳ Sơn”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy Đoàn Văn Lập cho biết: “Dù đã xác định được bước đi đột phá cho xây dựng nông thôn mới là từ sản xuất, quy vùng sản xuất nông sản hàng hóa, nhưng huyện luôn lo việc huy động nguồn lực để cải tạo cơ sở hạ tầng cho sản xuất. Sức dân có hạn, bà con chỉ có thể hiến đất để mở rộng đường ra đồng đúng tiêu chuẩn nông thôn mới, lấy đâu kinh phí để bê tông hóa, nâng cấp hệ thống kênh mương? Nếu huy động nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng đồng ruộng không làm khéo, vận dụng không đúng cơ chế sẽ gia tăng nợ xây dựng cơ bản...”

Ngoài khó khăn về nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho vùng sản xuất, nhiều xã còn lo vấn đề đầu ra cho vùng sản xuất tập trung. Ông Nguyễn Hồng Cương - Chủ tịch xã Đoàn Xá cho biết: “Hiện xã quy hoạch 3 vùng trồng màu rộng 7-10 ha/vùng. Ngoài ra, xã còn quy hoạch mỗi thôn một vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô 20 ha/vùng; 3 vùng tập trung nuôi trồng thủy sản và một vùng quy hoạch chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP…Tuy nhiên, hiện không ít người dân địa phương đang băn khoăn không tiêu thụ được sản phẩm nếu quy vùng sản xuất lớn”. Tại các vùng sản xuất lúa quy mô lớn ở Tân Trào, Ngũ Phúc, Kiến Quốc hiện chưa có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua thóc cho bà con. Các địa phương này băn khoăn sẽ xảy ra tình trạng tồn đọng thóc khi để người dân tự tìm đường tiêu thụ. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

28.            Huyện Thủy Nguyên: Triển khai 8 Dự án, Chương trình đầu tư xây dựng

Giai đoạn 2011-2020, huyện Thủy Nguyên được thành phố phê duyệt 8 Chương trình, Dự án theo Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng và phát triển huyện Thủy Nguyên đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”.

Các Dự án gồm: Khu đô thị Tân Quang Minh, khu du lịch sinh thái đảo Vũ Yên, hoàn thiện khu đô thị Bắc Sông Cấm, xây dựng Nhà máy chế biến tại xã Lập Lễ, Phả Lễ, cải tạo mở rộng Khu công nghiệp An Sơn – Lại Xuân, xây dựng khu xử lý chất thải; phát triển viễn thông, internet tại thị trấn Núi Đèo, khu đa năng thanh niên… (Báo Hải Phòng 30/5, tr3)

29.            Huyện Tiên Lãng: Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa

Vụ Xuân năm 2013, toàn huyện Tiên Lãng gieo cấy 6.840 ha lúa, huyện đưa vào khảo nghiệm sản xuất nhiều giống lúa mới như GL159, Hương Biển 3.

Triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ Đông năm 2013, huyện chỉ đạo các Phòng, Ban, các xã, thị trấn tập trung khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín, đẩy nhanh tiến độ làm đất đảm bảo thời vụ lúa mùa. (Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

30.            Thu nhập từ cây thuốc lào ước đạt 50 tỷ đồng

Chủ tịch xã Kiến Thiết (Tiên Lãng) Nhữ Sơn Hải cho biết, vụ thuốc lào năm nay, nhiều bà con trong xã trúng lớn, có gia đình thu nhập tuwtf cây thuốc lào đạt 500 triệu đồng.

Kiến Thiết là địa phương có lợi thế trồng cây thuốc lào, diện tích gieo trồng liên tục mở rộng (hiện tại là 300/600 ha dất canh tác). Đây là loài cây  trồng cho năng suất, thu nhập cao. (Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

31.            Huyện Vĩnh Bảo: Trồng 1.200 ha cây rau màu vụ Hè, Hè Thu

Huyện Vĩnh Bảo vừa triển khai kế hoạch Thu chiêm, làm mùa năm 2013 tới các Ban, ngành của địa phương trong huyện.

Theo đó, các xã, thị trấn tập trung làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, chuẩn bị tốt các điều kiện thu hoạch lúa vụ Xuân, nhất là những diện tích trà lúa Xuân sớm; tổ chức tốt kế hoạch sản xuất cây vụ Hè, Hè Thu, phấn đấu trồng 1.200 ha cây rau màu các loại… (Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

32.            VCCI Hải Phòng: Tọa đàm với doanh nghiệp

Chiều 22/5, Chi nhánh Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Hải Phòng phối hợp cùng Văn phòng UBND thành phố tổ chức tọa đàm các Hiệp hội, tổ chức ngành nghề và một số doanh nghiệp Hải Phòng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Tại Tọa đàm, đại diện các Hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp nêu những khó khăn của doanh nghiệp, chỉ ra những bất cập làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp về chính sách tiền tệ, thủ tục vay vốn ngân hàng, giải quyết nợ xấu, thuế đất, cấp sổ đỏ, thủ tục hành chính… (VTT, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr5)

XÃ HỘI

33.            Tăng tỷ lệ người có HIV tham gia Bảo hiểm y tế: Không dễ thực hiện

Mặc dù quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế về khám chữa bệnh HIV/AIDS đã được quy định, nhưng đến nay mới chỉ có 15% bệnh nhân HIV có thẻ Bảo hiểm y tế. Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV sử dụng bảo hiểm y tế là mục tiêu của Bộ Y tế, song điều này không dễ thực hiện.

Theo ông Chu Quốc Ân - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay tỷ lệ người có HIV tham gia Bảo hiểm y tế chỉ chiếm 15% tổng số người mắc căn bệnh này. Do đó, mục tiêu của đề án "Thực hiện bảo hiểm y tế đối với dịch vụ điều trị HIV/AIDS giai đoạn 2012-2020" sẽ có trên 80% người bệnh HIV có Bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, thời gian tới sẽ không còn các nguồn tài trợ Quốc tế hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS. Do vậy, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ thông qua hệ thống Bảo hiểm y tế ở các cơ sở điều trị Bảo hiểm y tế  tại Hải Phòng và Thái Bình. Mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn quốc. (Đoàn Hải, Kinh Tế & Đô Thị 29/5, tr9)

34.            Đồng bằng sông Hồng: Phấn đấu 100% tỉnh, thành trực thuộc Trung ương có đủ các thiết chế văn hóa

Thủ tướng vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020. Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. Đây là vùng có dân cư đông đúc và là trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước.

Về văn hóa - xã hội, dân số của vùng đến năm 2020 khoảng hơn 21,7 triệu người. Giải quyết việc làm hằng năm cho 300-350 nghìn lao động. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm khoảng 2% và nâng mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 3,5 lần.

Bên cạnh đó, xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu quy mô tầm quốc gia tại Hà Nội và một số thành phố lớn của vùng như Hải Phòng. Phấn đến năm 2020 có 95-100% số quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa và thư viện, 70% số làng có nhà văn hóa.. (Ngọc Huyền, Văn Hóa 29/5, tr3)

35.            Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã xử phạt vi phạm hành chính 660 vụ (phạt tiền 656 vụ với số tiền 1.312.200.000 đồng, phạt cảnh cáo 2 vụ, tạm đình chỉ 2 cơ sở). Tuy nhiên, trên thực tế, các vi phạm vẫn còn diễn ra rất phức tạp.

Theo đó, các lỗi vi phạm về phòng cháy chữa cháy rất đa dạng, chủ yếu trong các lĩnh vực: Thiết kế, thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; lắp đặt, sử dụng thiết bị điện; sử dụng lửa, thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt trái quy định; không thiết lập hồ sơ quản lý phòng cháy chữa cháy của cơ sở; không có nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy nơi sản xuất; không xây dựng, thực tập phương án chữa cháy tại chỗ. (Lệ Trang, Công An Nhân Dân Online 29/5)

36.            Xử lý nước ao tù, giảm ô nhiễm bằng công nghệ sinh học

Vừa qua, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa KH&CN phối hợp với Sàn Giao dịch Công nghệ và Thiết bị Hải Phòng tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ Quạt sinh học xử lý nước ao tù.

Theo đó, hệ thống quạt sinh học xử lý nước ao tù (quạt BIOFAN) sử dụng năng lượng gió và ánh sáng mặt trời để cải thiện nồng độ ôxy và độ pH trong nước, qua đó góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hỗ trợ ngành nuôi trồng thuỷ sản sạch của địa phương theo hướng bền vững. (Radiovietnam.vn 29/5)

37.            Quận Ngô Quyền: Gian nan giải phóng mặt bằng

Ngô Quyền là địa bàn có quá trình đô thị hóa nhanh, với nhiều dự án lớn như dự án khu đô thị mới Ngã Năm-Sân bay Cát Bi,  tuyến đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông, nút Ngã Sáu-Máy Tơ… góp phần thay đổi bộ mặt đô thị quận và thành phố nói chung. Trong quá trình triển khai các dự án, công tác giải phóng mặt bằng là khâu đầu tiên và phức tạp nhất không chỉ liên quan đến quyền lợi, đời sống kinh tế gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tình cảm, tâm linh của cộng đồng dân cư với các mối quan hệ về làng xã, dòng tộc, trong khi cơ chế, chính sách lại chưa đáp ứng thực tế đặt ra.

Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị

Chỉ  tính trong 5 năm gần đây, trên địa bàn quận Ngô Quyền triển khai 41 dự án, diện tích thu hồi hơn 66,4ha liên quan gần 4.000 hộ dân và 33 tổ chức. Xác định tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng, từ năm 2008, Ban Thường vụ Quận ủy Ngô Quyền ban hành Nghị quyết số 33 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải phóng mặt bằng. Qua đó, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường, các cấp, các ngành, đoàn thể quần chúng và đông đảo nhân dân ủng hộ Dự án.

Trong đó, UBND quận đề xuất với UBND thành phố xem xét các hỗ trợ phù hợp với thực tế nhưng chưa có quy định cụ thể, như hỗ trợ lợi ích kinh doanh đối với các hộ mặt đường có điều kiện kinh doanh thuận lợi thuộc dự án : nút giao thông Quán Mau, Ngã Sáu-Máy Tơ; hỗ trợ chênh lệch giá đất giữa các vị trí giao tái định cư cho các hộ mặt đường Lạch Tray tại 39 Cát Cụt và Đằng Lâm 2 do quỹ đất tái định cư tại 39 Cát Cụt không đủ bố trí cho các hộ mặt đường; đề nghị để các hộ có đất thu hồi tại mặt đường Đà Nẵng, Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi được bố trí tái định cư vào các vị trí mặt đường có mặt cắt rộng 30m tại lô 26, 27 Dự án Ngã Năm-Sân bay Cát Bi.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác vận động nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, coi đây là công việc có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Quận tăng cường đối thoại để trả lời, giải quyết kịp thời những vướng mắc, hạn chế khiếu kiện phức tạp. Nhiều trường hợp có quyết định cưỡng chế nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nên trước thời điểm cưỡng chế người dân đã tự giác bàn giao mặt bằng như dự án: xây dựng khu tái định cư cánh đồng Cái Hòm, khu tập thể 4 tầng Cảng 2 (phường Máy Tơ); 4 hộ mặt đường Lê Lai, Đà Nẵng thuộc phường Lạc Viên.

Do vậy, trong số 41 Dự án, phương án triển khai từ năm 2008 đến nay có 765 hộ và 25 tổ chức bàn giao mặt bằng với tổng diện tích gần 19,1ha, trong đó có 15 dự án, phương án hoàn thành giải phóng mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư với diện tích gần 12 ha và 446, 25 tổ chức di chuyển.

Giải phóng mặt bằng là khâu khó

Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng có những chuyển biến, tuy nhiên hầu hết các dự án đều thực hiện chậm, không bảo đảm tiến độ, thời gian kéo dài, khối lượng công việc chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là những dự án, phương án. Một trong nhiều nguyên nhân khiến các dự án thực hiện chậm đó là cơ chế chính sách.

Ông Vũ Duy Độ - Chủ tịch phường Đông Khê - một trong những phường triển khai nhiều Dự án nhất của quận cho biết, một số cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp, đồng bộ với thực tiễn.

Riêng về giá bồi thường, giá bồi thường nhiều khu vực không đủ trả cho giá tái định cư, chẳng hạn giá bồi thường đối với lô 26 Đông Khê khoảng 3,3 triệu đồng/m2, nhưng giá tái định cư hơn 8 triệu đồng/m2 tại lô 7C, cánh đồng Cái Hòm (thuộc phường) và  khu Sao Sáng (quận Hải An). Quỹ đất tái định cư chậm, chưa tương xứng với vị trí thu hồi đất. Tương tự như vậy, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận cho biết đền bù tại lô 3 dự án Ngã Năm-Sân bay Cát Bi trong năm nay là 3,4 triệu đồng/m3, nhưng giá đất tái định cư tại chỗ là 8,5 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, đường Lê Hồng Phong đã đưa vào sử dụng hơn 5 năm nay, nhưng việc đền bù, hỗ trợ vẫn tính theo giá các tuyến đường cũ, giá thấp khiến nhiều hộ dân thắc mắc.

Trên thực tế, có khá nhiều diện tích đã giải phóng mặt bằng nhưng 7-8 năm qua, chủ đầu tư chưa triển khai dự án, đất để hoang. Một số tổ chức thực hiện nghiêm việc di dời, phải tạm lánh, nhưng xây xong trụ sở chưa được giải quyết tiền tạm lánh là những vấn đề đang tồn tại tại các dự án đang triển khai.

Khung chính sách theo quy định của Chính phủ và thành phố còn những bất cập. Đối với đất nông nghiệp, Chính phủ quy định hỗ trợ từ 20% đến 50% giá đất ở trung bình trong khu vực, nhưng thành phố chỉ áp dụng mức tối thiểu là 20% giá đất ở trung bình. Chính phủ và thành phố chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức triển khai nhiệm vụ bảo vệ kiểm kê đối với những hộ không chấp hành và việc cưỡng chế thu hồi đất. Đối với dự án Ngã Năm-Sân bay Cát Bi thực hiện trong nhiều năm, nhưng chính sách về giao tái định cư vẫn theo Quyết định 2640, có những quy định bất cập so với các quyết định mới tại Quyết định số 130 và 1263 của UBND thành phố dẫn đến những khiếu nại, thắc mắc của nhiều hộ dân…làm cho công tác giải phóng mặt bằng còn lắm gian nan. (Thủy An, Báo Hải Phòng 30/5, tr3)

38.            Quận Ngô Quyền: Rà soát công tác giải phóng mặt bằng các Dự án

Trong tháng 5, quận Ngô Quyền tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các Dự án trên địa bàn quận như Dự án Lô 20+21 Dự án khu đô thị mới ngã Năm – Sân bay Cát Bi, khu vực T40 Cầu Tre, đường 100m Lạch Tray – Hồ Đông, khu tái định cư đường Đông Khê 2… Đồng thời, triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. (Báo Hải Phòng 30/5, tr3)

39.            Huyện An Dương: Hoàn thành tu sửa, nâng cấp, xây mới nhiều tuyến đê, kè, cống

Đến nay, huyện An Dương có nhiều tuyến đê, kè, cống được tu sửa, nâng cấp, xây mới, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiên tai.

Trong đó, xây mới cống Văn Xá 2 (xã Quốc Tuấn), sửa chữa cống Tiên Sa 2 (xã Hồng Thái), xây dựng kè hộ đê tả sông Lạch Tray (xã Đồng Thái), cứng hóa mặt đê tả Lạch Tray… và hoàn thành sửa chữa, nâng cấp một số cống nước. (Báo Hải Phòng 30/5, tr3)

40.            Huyện An Lão: Cấp gần 100 giấy phép xây dựng nhà dân dụng và nhà xưởng

Trong tháng 5, huyện An Lão tiến hành kiểm tra, rà soát các nhà xưởng, nhà dân dụng đủ điều kiện để cấp phép xe trên địa bàn.

Qua đó, cấp 2 giấy phép xây dựng nhà dân dụng tại thị trấn Trường Sơn, cấp 1 giấy phép xây dựng khu nhà xưởng tại thị trấn An Lão. 5 tháng đầu năm, cấp gần 100 giấy phép xây dựng nhà xưởng và nhà dân dụng. (Báo Hải Phòng 30/5, tr3)

41.            Huyện An Lão: Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Hè cho 5.500 trẻ em

Năm học 2012-2013, huyện An Lão có 170 lớp Mẫu giáo và 26 nhóm trẻ với 5.500 trẻ đến lớp.

Để phòng, chống dịch bệnh mùa Hè, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường Mầm non trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho trẻ. Ngoài việc giao ban hàng tuần, hàng tháng, huyện theo dõi, kiểm tra đột xuất các trường về công tác này; các ngành chức năng của huyện cũng sẽ kiểm tra bếp ăn bán trú tại 19 trường Mầm non, 3 trường Tiểu học. Qua kiểm tra, 100% bếp ăn đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. (Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

42.            Ban Tuyên giáo Thành ủy: Tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế

Sáng 29/5, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức Hội nghị báo cáo viên thường kỳ tháng 5.

Nội dung chủ yếu của Hội nghị là tuyên truyền đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội. Hội nghị cũng triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong tháng 6. (LMT, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr2)

43.            Hội Chữ thập đỏ quận Hồng Bàng: Chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh luôn được các cấp hội Chữ thập đỏ quận Hồng Bàng đặc biệt quan tâm thông qua các hoạt động cứu trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng.

Hưởng ứng chủ đề hoạt động “Hè vui khỏe, rèn chăm – cùng trẩy hội sông Hồng” năm 2013, Hội Chữ thập đỏ quận Hồng Bàng xây dựng chỉ tiêu phấn đấu: 100% tổ chức Hội khối phường và 50% khối trường học, mỗi nơi trợ giúp ít nhất một địa chỉ nhân đạo; trao tặng ít nhất 2 suất quà hoặc học bổng, trị giá tối thiểu 200 nghìn đồng/suất cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Minh Ngọc, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr3)

44.            Thành lập cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy

Sáng 28/5, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 4 – Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức ra mắt Cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn về phòng cháy chữa cháy khu vực Quán Trữ - Lãm Hà – Đồng Hoa (Kiến An).

Nhân dịp này, 17 cơ quan, doanh nghiệp trong Cụm ký giao ước thi đua thực hiện tốt 8 công tác trọng tâm trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy. (MP, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr3)

45.            Hội Phụ nữ Công an thành phố: Tham gia xây dựng “Nhà mái ấm tình thương”

Chiều 29/5, Hội Phụ nữ Công an thành phố kết hợp với Hội Phụ nữ Đồ Sơn khánh thành nhà mái ấm tình thương tặng chị Phạm Thị Bướm (SN 1960, ở phường Hợp Đức). Được biết, chị Bướm là cựu thanh niên xung phong, hiện sống một mình trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp trầm trọng. (Thái Bình, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr3)

46.            Trung tâm văn hóa - ẩm thực sau nhà triển lãm: Cần lấy ý kiến nhân dân

Dải trung tâm thành phố đang hiện diện với hình ảnh mới và sức hấp dẫn là trục không gian có ý nghĩa của thành phố. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cải tạo hồ Tam Bạc, đường hè và các vườn hoa để tạo sự đồng bộ, Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị chuyên ngành lập quy hoạch chi tiết toàn bộ khu vực dải trung tâm, trong đó có Trung tâm văn hóa - ẩm thực phía sau Nhà triển lãm thành phố đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và người dân Hải Phòng.

Là công trình dang đón nhận sự quan tâm không chỉ của giới chuyên môn mà còn cả của người dân, Ban quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị, Sở Xây dựng đã và đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với quy hoạch chi tiết dải trung tâm nói chung và Trung tâm văn hóa - ẩm thực nói riêng để tiếp tục hoàn thiện Đồ án. Đây là việc làm cần thiết giúp mỗi người dân đất Cảng có dịp bày tỏ, đóng góp trách nhiệm, trí tuệ với công trình mang ý nghĩa lịch sử của thành phố. (Kim Oanh, An Ninh Hải Phòng 30/5, tr5)

VĂN HÓA

47.            Ban quản lý di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc: Khai giảng lớp thư pháp và Hán Nôm học miễn phí

Tại Văn Miếu Xuân La, Ban quản lý di tích khu tưởng niệm vua nhà Mạc vừa phối hợp với Trung tâm câu đối và Hán Nôm học thành phố khai giảng lớp thư pháp và Hán Nôm học khóa 4.

Hơn 20 học viên sẽ tham gia lớp thư pháp và Hán Nôm học trong 8 tháng, do nhà thư pháp Lê Thiên Lý – Chủ tịch Câu lạc bộ thư pháp Hải Phòng trực tiếp giảng dạy miễn phí. (Báo Hải Phòng 30/5, tr4)

THỂ THAO

48.            Quận Kiến An: Bế mạc giải Bóng đá phong trào khối hành chính sự nghiệp mở rộng

Tại Trung tâm văn hóa thể thao Cựu Viên, phường Bắc Sơn, UBND quận Kiến An vừa tổ chức bế mạc giải Bóng đá phong trào khối hành chính sự nghiệp của quận mở rộng lần thứ nhất.

Tham dự giải đấu có 19 đội bóng đến từ các phường, cơ quan hành chính trên địa bàn quận và thành phố. Sau 15 ngày thi đấu, đội tuyển phường Quán Trữ đoạt giải Nhất, Công ty TNHH Một thành viên Cấp nước Hải Phòng giải Nhì, đội tuyển Nhà đất Gia Minh và Công ty Du lịch Gia Minh đồng giải Ba. (Báo Hải Phòng 30/5, tr5)./.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố