Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 30/10/2013)
Ngày 29/10, Thành ủy tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về Tăng cường công tác quản lý hoạt động y tế trên địa bàn; quản lý và đánh giá chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ ngành y tế của thành phố, cho cán bộ y tế.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, trên cơ sở của Chỉ thị, Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo ngành y tế xây dựng các bộ tiêu chuẩn xây dựng bệnh viện, các tiêu chí cụ thể về y đức. Cần có cơ chế thu hút nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, y đức tốt. Từng bước tiến tới thi tuyển cán bộ trong ngành y tế để thu hút nhân tài trong và ngoài thành phố.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam nhấn mạnh, từ nay đến hết 20/11, ngành y tế và các ngành liên quan phải tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế có yếu tố đầu tư nước ngoài về các nội dung: cơ sở hoạt động qúa phạm vi cho phép, cơ sở vi phạm các điều kiện, quy trình chuyên môn của Bộ Y tế như: Cho thuê, mượn bằng và giấy phép hành nghề, không có giấy phép hành nghề, chủ cơ sở không có mặt tại cơ sở hành nghề…
Sau khi kiểm tra sẽ công khai các cơ sở được cấp phép và vi phạm chuyên môn, các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng... Thủ trưởng đơn vị y tế công lập phải có trách nhiệm quản lý hoạt động ngoài giờ của nhân viên y tế đơn vị mình.
Để thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác quản lý, hoạt động y tế trên địa bàn; quản lý và đánh giá chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ ngành y tế, thành phố Hải Phòng đưa ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện như: Quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy; củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế; tăng cường quản lý giá, chất lượng, đấu thầu, cung ứng, cấp phát thuốc, vật tư y tế. (Minh Thu, TTXVN 29/10; Kim Vân, Đại Đoàn Kết 30/10, tr14; Đăng Hùng, Công An Nhân Dân 30/10, tr7; Báo Hải Phòng Online 29/10; Bản tin thời sự tối 29/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; TG, An Ninh Hải Phòng 30/10, tr1+2)
Chiều 29/10, Thường trực HĐND thành phố kiểm tra tại Sở Xây dựng về việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết Chương trình phát triển nhà ở xã hội năm 2013-2015, định hướng đến năm 2025 trình kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố (khóa 14). Ông Nguyễn Đình Bích - Phó Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc làm việc.
Đề án Chương trình phát triển nhà ở xã hội năm 2013-2015, định hướng đến năm 2025 xây dựng trên cơ sở rà soát lại Đề án “Xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công vụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2015” đã được UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, cập nhật, bổ sung về hiện trạng, chính sách mới, lấy ý kiến tham gia của các ngành, địa phương vào đề án gửi Sở Tư pháp thẩm định và báo cáo UBND thành phố.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích nêu rõ, Đề án chưa sát thực tiễn về nhu cầu nhà ở xã hội, nguồn vốn, các giải pháp chưa đồng bộ. Ông yêu cầu, Sở Xây dựng tiếp tục hoàn thiện Đề án và chỉ nên tập trung vào nhà ở xã hội để thực hiện an sinh xã hội; làm rõ mục tiêu đến năm 2015, 2020, 2025; làm rõ giải pháp về quy hoạch nhà ở xã hội, bám sát điều chỉnh chung quy hoạch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. (Báo Hải Phòng Online 30/10; Bản tin thời sự tối 29/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 29/10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Công ty Xuất nhập khẩu vật tư tàu thủy về tình hình quản lý, hoạt động của cụm công nghiệp An Hồng (xã An Hồng, huyện An Dương).
Qua khảo sát thực tế, Ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị Công ty tích cực phối hợp với các Sở, ngành thành phố tháo gỡ khó khăn, tìm đối tác mới, đảm bảo hoạt động cụm công nghiệp theo chủ trương tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin.
Đối với một số kiến nghị liên quan đến chuẩn bị hồ sơ, vốn để xây dựng cầu tàu, bến bãi phục vụ phá dỡ tàu cũ, duy tu, sửa chữa tuyến đường giao thông, đường ống cấp nước sạch vào khu công nghiệp, Công ty cần chủ động đề xuất các Sở, ngành thành phố giải quyết. (Đ.H, An Ninh Hải Phòng 30/10, tr2)
Sáng 29/10, tại huyện An Dương, UBND thành phố tổ chức Hội nghị công bố các quyết định của Chủ tịch thành phố về việc tiếp nhận, bổ nhiệm các Phó Chủ tịch huyện An Dương.
Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các Sở, ngành liên quan.
Theo đó, ông Nguyễn Trường Sơn - Huyện ủy viên, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Bản và ông Hoài Viết Thảo - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy An Dương được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch huyện An Dương. Thời hạn bổ nhiệm theo quy định hiện hành. (Báo Hải Phòng Online 29/10; Bản tin thời sự tối 29/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; An Ninh Hải Phòng 30/10, tr1+4)
Chiều 29/10, ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch thành phố chủ trì làm việc với UBND huyện Thủy Nguyên về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và dự toán thu, chi ngân sách 9 tháng, cả năm 2013; phương hướng, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2014.
9 tháng qua, huyện Thủy Nguyên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trọng tâm là thu ngân sách, nhiều chỉ tiêu thu ngân sách đạt, vượt dự toán, kế hoạch thành phố giao.
Trong đó, tổng thu ngân sách 9 tháng đạt hơn 162 tỷ đồng, đạt 65,6% dự toán; ước thực hiện cả năm đạt hơn 252 tỷ đồng, bằng 101,9% dự toán (riêng thu thường xuyên 9 tháng đạt 79,2% dự toán; ước thực hiện cả năm 2013 đạt 182,8 tỷ đồng, bằng 102,6% dự toán. Thu ngoài quốc doanh 9 tháng đạt 71,2 tỷ đồng, bằng 77,5 dự toán; thu tiền thuê đất đạt 8 tỷ đồng, thu tiền cấp quyền sử đụng đất đạt 21,7 tỷ đồng, thu lệ phí trước bạ đạt 40,5 tỷ đồng…Chi ngân sách bám sát chỉ đạo của thành phố, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội
Phó Chủ tịch Đan Đức Hiệp ghi nhận, đánh giá cao kết quả huyện Thủy Nguyên đạt được 9 tháng qua. Ông lưu ý, 3 tháng cuối năm, huyện Thủy Nguyên tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu ở mức cao nhất; tập trung xây dựng nông thôn mới, tiếp tục tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn; quan tâm xử lý rác thải, giải phóng mặt bằng.
Về chi ngân sách, huyện Thủy Nguyên cần bảo đảm tiết kiệm, ưu tiên chi lương, an sinh xã hội, trả nợ xây dựng cơ bản. Huyện cần bám sát hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương, chính phủ, thành phố, xây dựng các chỉ tiêu năm 2014 có mức tăng trưởng cao hơn năm 2013. (Báo Hải Phòng Online 30/10; Bản tin thời sự tối 29/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 29/10, tại trụ sở tiếp công dân thành phố, Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Cùng dự có đại diện các ngành, địa phương liên quan.
Vụ việc thứ nhất, Chủ tịch thành phố tiếp bà Nguyễn Thị Kim Dung (hiện tạm trú ở phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền). Trước đây, bà Dung gửi tiền tại Ngân hàng Cổ phần Hải Phòng và sau đó có nhu cầu rút tiền để mua nhà.
Tại thời điểm đó, ngân hàng đã giới thiệu cho bà Dung mua căn nhà số 7 ngõ 120 Lê Lợi, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền. Căn nhà này đã được thế chấp tại Ngân hàng cổ phần Hải Phòng, song lại là nhà thuộc sở hữu nhà nước. Do vậy, Công ty kinh doanh nhà đã giao UBND phường Gia Viên niêm phong, thu giữ. Bà Dung khiếu nại về quyền sử dụng căn nhà nói trên từ năm 1992 đến nay chưa được giải quyết.
Sau khi nghe ý kiến các ngành, địa phương, Chủ tịch thành phố yêu cầu Công ty kinh doanh nhà rà soát lại quỹ nhà mà Công ty đang quản lý, tìm một căn hộ cho bà Dung thuê ở rồi báo cáo việc thực hiện về UBND thành phố trong tháng tới.
Vụ việc thứ hai, Chủ tịch tiếp bà Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Thủy và 3 hộ dân đại diện cho 18 hộ dân xã An Hưng, huyện An Dương, khiếu nại về việc năm 1995, nhà nước thu hồi đất của các hộ dân để mở rộng Quốc lộ 5, đến nay chưa được cấp tái định cư.
Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch thành phố đồng ý việc giải quyết nguyện vọng được cấp đất tái định cư của các hộ dân. Song để đảm bảo đúng đối tượng và quy định pháp luật, Sở GTVT chỉ đạo Ban quản lý Dự án các công trình giao thông vận tải bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan cho UBND huyện An Dương.
Thời gian tới, huyện An Dương sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan như Sở TN&MT, Tài chính, Cục thuế… rà soát từng trường hợp, đề xuất cơ chế tài chính theo hướng có lợi cho các hộ dân. Mặt khác, các hộ dân cũng cần cung cấp các loại giấy tờ liên quan cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để vụ việc được giải quyết cơ bản trong tháng 12 tới. (MP, An Ninh Hải Phòng 30/10, tr1+5)
7. Ngày hội Di sản văn hóa Hải Phòng năm 2013 sẽ tổ chức vào 23/11
UBND thành phố đã có Công văn gửi các Sở, Ban, ngành, quận huyện về việc tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Hải Phòng năm 2013 tại chùa Thắng Phúc (xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng) vào tối 23/11.
Ngày hội là một trong những hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013. Thông qua những giá trị văn hóa để quảng bá hình ảnh về thành phố Hải Phòng. Đây cũng là dịp để ngành văn hóa biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Ngày hội sẽ diễn ra với các nội dung: Tuyên dương các tập thể, cá nhân; công bố đón nhận Danh hiệu nghệ sĩ dân gian và đón nhận Danh hiệu Cây đa di sản Việt Nam – cây gạo chùa Thắng Phúc; trình diễn các di sản văn hóa tiêu biểu của thành phố thông qua các trò chơi, Lễ hội…
Toàn bộ kinh phí tổ chức Ngày hội Di sản huy động từ nguồn xã hội hóa. (Trung Kiên, An Ninh Hải Phòng 30/10, tr10)
UBND quận Lê Chân vừa cùng với Sở Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch (điều chỉnh) chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Lê Chân đến năm 2025.
Theo đó, quy mô diện tích quận là 1.270ha, quy mô dân số đến năm 2025 là 223.000 người. Tổ chức không gian toàn quận được chia thành các khu chức năng: Khu đô thị cũ nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Văn Linh, khu đô thị mới nằm phía Nam đường Nguyễn Văn Linh và phần lớn diện tích trong phạm vi khu đô thị mới Hồ Sen-cầu Rào 2 và khu dân cư Quán Nam.
Khu trung tâm hành chính-chính trị, văn hóa được bố trí tại nút giao giữa đường Nguyễn Văn Linh và đường Hồ Sen-cầu Rào 2. Khu trung tâm thương mại-dịch vụ nằm dọc theo trục đường Hồ Sen-cầu Rào 2.
Quy hoạch bổ sung hệ thống giao thông trục chính theo hướng Bắc Nam và Đông Tây để tăng cường mạng lưới giao thông. Cải tạo, nâng cấp các tuyến xe buýt và quy hoạch 2 tuyến đường sắt đô thị để tăng cường giao thông công cộng. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật được kết nối đồng bộ và bảo đảm tiêu chuẩn đô thị loại I - Trung tâm cấp quốc gia. (Nguyễn Duy, Báo Xây Dựng 29/10, tr6)
9. Súng phó Công an xã cướp cò, một phụ nữ trọng thương
Công an huyện An Lão đang lấy lời khai ông Bùi Xuân Hải (Phó trưởng Công an xã An Tiến) để điều tra làm rõ việc khẩu súng của ông Hải bị cướp cò làm trọng thương một phụ nữ.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 20 giờ tối 28/10 khi ông Hải sang nhà chị P.T.N. ở xã Quốc Tuấn. Theo thông tin ban đầu, ông Hải đến rủ chị N. đi ăn ốc, khi chị N. vào mặc áo khoác quay ra thì bất ngờ khẩu súng của ông Hải bị cướp cò, đạn đi bay thẳng vào mặt chị N.
Ông Lương Xuân Thưởng - Trưởng Công an xã An Tiến cho biết, lực lượng Công an xã được trang bị hai khẩu súng bắn đạn cao su để phục vụ công việc, trong đó ông Hải giữ một khẩu. Trong thời gian xảy ra sự cố ông Hải không được giao nhiệm vụ gì. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện An Lão đã thu giữ khẩu súng, đưa ông Hải về cơ quan Công an lấy lời khai làm rõ nguyên nhân. (Thân Hoàng, Tuổi Trẻ Online 29/10; Nhi Quyên, Soha.vn 29/10; Mạnh Thắng, Danviet.vn 29/10; Minh Lý, Giadinhnet.vn 29/10; Mạnh Thắng, Nông Thôn Ngày Nay 30/10, tr7; Báo Hải Phòng Online 30/10)
Ngày 29/10, Công an thành phố khen thưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) và Công an huyện An Lão vì có thành tích xuất sắc trong việc phá chuyên án 103 T trộm cắp 90 cây vàng tại thị trấn An Lão.
Thượng tá Lê Minh Thắng - Phó phòng PC45, Công an thành phố cho biết: Khoảng 5 giờ sáng ngày 5/10, cửa hàng vàng bạc Dũng Hà (nhà số 40 Trần Tất Văn, thị trấn An Lão) bị mất trộm 892 chỉ vàng, trị giá 3 tỷ đồng.
Tại hiện trường, lực lượng điều tra nhận thấy cửa cuốn ra vào tầng 1 không bị cậy phá, xe máy và các vật dụng còn nguyên vẹn, không bị xô lệch. Tầng 2 là nơi nghỉ của gia đình không có bất cứ xáo trộn nào. Tại tầng 3 bỏ trống, cửa sổ hướng ra ban công bị bẻ gẫy 1 thanh sắt, 1 thanh sắt khác bị bẻ cong, cửa gỗ ngoài bị cậy tung. Xác định sơ bộ ban đầu hướng vào nhà là cửa sổ tầng 3, lực lượng điều tra không thu được dấu vân tay, camera cũng bị đối tượng che.
Do vậy, khả năng phải có một đối tượng xâm nhập, ngoài ra còn có đồng phạm canh chừng, hỗ trợ. Lực lượng điều tra tiến hành điều tra, xác minh thông tin và rà soát trên 100 đối tượng nhưng vẫn không tìm ra manh mối. Vụ án đang đi vào ngõ cụt, vì vậy Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo PC45 thành lập chuyên án 103 T.
Lực lượng Ban chuyên án họp bàn từng tình tiết, hiện trường, tài liệu thu thập để tiếp tục thực hiện kế hoạch. Ngoài ra, PC45 liên hệ với Công an các tỉnh, thành phố và các quận, huyện bạn để truy tìm tang vật, thông báo phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng, tìm hiểu các vụ án tương tự trong thời gian qua, lục tìm các tài liệu lưu trữ, nắm bắt thông tin từ các trinh sát dày dạn…
Qua tài liệu lưu trữ và thông tin từ mạng lưới bí mật, Ban chuyên án phát hiện đối tượng tên Thiêm (ở Hòa Bình) được mệnh danh là “bàn tay vàng” có liên quan đến vụ trộm cắp vàng ở Quảng Ninh và cử 1 tổ chuyên án về xã Dũng Phong, Cao Phong, Hòa Bình. Qua đó, xác định, có đối tượng Bùi Văn Thiêm (SN 1977) có 2 tiền án trộm cắp. Ngày 5/10, Thiêm về Cao Phong trả nợ cho chủ cầm đồ nhưng sau đó đi đâu không rõ.
Xác định tiếp, tổ chuyên án biết thêm thời gian qua Thiêm hay liên hệ và đi cùng Bùi Văn Ngân (SN 1982, ở Hòa Bình). Ngân chưa có tiền án, tiền sự. Kiên trì đấu tranh, Ngân khai nhận đi cùng Thiêm xuống An Lão có việc. Từ ngày 3/10-5/10, 2 đối tượng về Cao Phong nhưng Ngân không biết Thiêm gặp ai, làm gì.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 16/10, Thiêm bị bắt giữ. Tại Cơ quan Điều tra, Thiêm khai nhận: Sau 5 ngày theo dõi cửa hàng vàng Dũng Hà, y cùng Ngân mua dụng cụ phá cửa từ cửa hàng bán sắt vụn. Đêm 4/10, Thiêm trèo lên ban công tầng 3 cậy cửa gỗ, bẻ thanh sắt cửa sổ chui vào trong nhà, dùng áo của chủ nhà che camera, đeo găng tay và tiến hành lấy trộm vàng, tẩu thoát ra ngoài theo đường vào. (Minh Thu, Tin Tức Online 29/10; TTXVN 29/10; Q.Minh, Vietnamnet 30/10; Quốc Biên, Vnexpress.net 30/10; Nhân Dân 30/10, tr8; An Chi, Quân Đội Nhân Dân 30/10, tr8; Quốc Phòng – Văn Thịnh, Công An Nhân Dân 30/10, tr8; Minh Khang, VTCNews 30/10; Báo Hải Phòng Online 30/10)
Công ty Cổ phần Thủy sản Anh Minh vừa khiếu nại cơ quan Hải quan về trị giá tính thuế mặt hàng cá nục và cá cam, xuất xứ Nhật Bản nhập khẩu theo tờ khai 11111/NKD và 11112/NKD ngày 3/7 tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công – Cục Hải quan thành phố.
Tổng cục Hải quan yêu cầu, để việc giải quyết khiếu nại được chính xác, khách quan, Công ty Anh Minh cần bổ sung hồ sơ khiếu nại và các tài liệu chứng từ liên quan đến vụ việc khiếu nại. (Chí Tín, Báo Đầu Tư 30/10, tr2)
Vũ Thị Quyên (SN 1989, quê Hải Dương) đến Hải Phòng xin vào làm việc tại Công ty Sumida thuộc khu công nghiệp Nomura (nằm trên địa bàn huyện An Dương). Chung cảnh xa quê và cùng làm với Quyên có chị Nguyễn Thị Hà (SN 1990, cùng ở Hải Dương).
Trong quá trình làm việc cùng nhau, Quyên phát hiện chị Hà thường để chìa khóa xe máy trên bàn làm việc nên nảy sinh ý định trộm cắp chiếc xe máy Honda Lead của chị này.
Một buổi trưa, lợi dụng lúc chị Hà không để ý, Quyên đã lấy trộm chìa khóa xe máy cất vào tủ cá nhân, chờ cơ hội ra tay. Đến ngày 13/6, Quyên đến Công ty xin nghỉ làm với lý do “con ốm” rồi ra nhà để xe của Công ty mở cốp xe của chị Hà lấy vé đưa cho bảo vệ, sau đó điềm nhiên đi ra.
Phóng xe về thôn Phương Tân, xã Kim Khê, huyện Kim Thành, Quyên nhờ người tìm chỗ bán xe. Anh Trần Văn Quý (SN 1973) đã giới thiệu cho anh Chử Văn Sỹ (SN 1973, ở Kim Thành, Hải Dương) đến mua xe. Khi anh Sỹ đến, Quyên tự giới thiệu tên mình là “Nguyễn Thị Hà” để khớp với tên trong đăng ký xe máy để khách không nghi ngờ, sẽ bán xe được giá. Anh Sỹ xem giấy tờ xe và đồng ý mua với giá 20 triệu đồng, trả trước 19 triệu đồng và yêu cầu khi nào Quyên mang CMND và xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú đến, hoàn tất thủ tục mua bán xe thì sẽ trả nốt 1 triệu đồng.
Sau khi giao xe và đăng ký cho anh Sỹ, Quyên lấy tài sản trong cốp xe của chị Hà gồm 1 ví da bên trong có CMND, Giấy phép lái xe, 3 thẻ ATM… rồi đi xe taxi về Công ty. Đến 17 giờ 30 cùng ngày, Quyên về đến Công ty để lấy xe máy của mình về nhà. Lúc này, chị Hà đang trình báo với bảo vệ về việc không tìm thấy xe máy của mình đâu thì vừa vặn lúc Quyên lững thững đi bộ vào, trên tay cầm mũ bảo hiểm của chị Hà.
Chị Hà đã yêu cầu Tổ bảo vệ giữ Quyên lại để làm rõ. Ngay lập tức, lực lượng Công an xã Tân Tiến có mặt, đưa Quyên và tang vật Quyên lấy trong cốp xe chị Hà cùng hơn 20 triệu đồng thu giữ trong người Quyên về trụ sở giải quyết. Tại đây, Quyên đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Khi biết chiếc xe là tang vật vụ án, anh Sỹ đã đem đến giao nộp cho cơ quan Công an.
Do bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng đã ly hôn, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phạm tội lần đầu nên vừa qua, TAND huyện An Dương đưa vụ án ra xét xử và chỉ tuyên phạt Quyên 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản”. (An Ninh Hải Phòng Online 30/10)
Theo thống kê, khoảng 80% lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng được giải phóng và tập kết bằng đường bộ, trong đó phần lớn được vận chuyển bằng xe công-ten-nơ. Vì vậy, quản lý chặt chẽ phương tiện, người lái xe công-ten-nơ không chỉ góp phần bảo đảm an toàn giao thông mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải và lưu thông hàng hóa nói chung.
Doanh nghiệp buông lỏng quản lý
Ngày 25/10, Đoàn công tác liên ngành của Sở GTVT kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Duy Phong (số 69/81 phố Nguyễn Trãi) phát hiện những bất cập của doanh nghiệp khi điều hành loại phương tiện này. Doanh nghiệp thành lập bộ phận theo dõi an toàn giao thông nhưng thực chất chỉ trên giấy, người điều hành bộ phận này không chứng minh được những điều kiện cần thiết để được ngồi vào đúng vị trí.
Kiểm tra qua hệ thống theo dõi giám sát hành trình của 22 xe công-ten-nơ trong 20 ngày cho thấy, một số xe vi phạm tốc độ đến 24 lần, tốc độ lớn nhất 86km/giờ. Ngoài ra, công ty còn để một số lái xe vi phạm về thời gian làm việc trong ngày (quá 10 giờ/ngày) 3 lần. Công ty này chưa tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, chưa lập sổ khám sức khỏe định kỳ và cũng chưa có xét nghiệm chất gây nghiện đối với lái xe.
Theo Sở GTVT, đây là một trong số 8 doanh nghiệp được chọn kiểm tra; những doanh nghiệp bị kiểm tra đợt này đều có hiện tượng buông lỏng quản lý, vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải. Sở GTVT sẽ kiểm tra tiếp các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe công-ten-nơ, nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho mỗi chuyến xe.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp lớn, đã được cấp phép và cấp phù hiệu cho xe là những doanh nghiệp có uy tín, có biện pháp quản lý phương tiện và lái xe tốt nên ít xảy ra tai nạn giao thông do loại phương tiện này. Đa số xe công-ten-nơ gây tai nạn (hoặc bị tai nạn) thuộc sở hữu của những doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp buông lỏng quản lý, khoán trắng cho lái xe. Vì cuộc sống, nhiều lái xe công-ten-nơ buộc phải chạy xe quá giờ hoặc để “gỡ gạc” dầu trong mỗi chuyến đi.
Siết chặt hoạt động xe công-ten-nơ
Theo Sở GTVT, đến thời điểm này, toàn thành phố có gần 3.000 xe công-ten-nơ được cấp phù hiệu (chiếm gần 50% tổng số lượng xe đang hoạt động). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, với những nỗ lực cao, ngành GTVT Hải Phòng dần đưa hoạt động xe công-ten-nơ vào quy củ. Để có được kết quả này, Sở GTVT từng 4 lần gửi thông báo tới các doanh nghiệp và tổ chức các đoàn kiểm tra đến từng doanh nghiệp vận động, hướng dẫn thực hiện các quy định trong kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vì đây là loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện. Động thái này của Sở GTVT cho thấy sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý vận tải.
Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Đức Thọ cho biết, với số lượng xe đã được cấp phù hiệu và hiện còn nhiều doanh nghiệp khác đang đăng ký, Sở GTVT tiến hành thẩm định để cấp giấy phép, cấp phù hiệu thể hiện sự chuyển biến của doanh nghiệp, chủ xe công-ten-nơ trong việc chấp hành quy định về vận tải hàng hóa. Đồng thời, Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm tích cực tuyên truyền, thanh tra, xử lý doanh nghiệp, phương tiện cố tình không chấp hành các quy đinh về điều kiện kinh doanh vận tải được pháp luật quy định.
Mặc dù doanh nghiệp được cấp giấy đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe công-ten-nơ và số xe được cấp phù hiệu tăng đột biến trong thời gian qua, nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp cố tình không hợp tác với các cơ quan chức năng, có doanh nghiệp chủ yếu nghe ngóng, có doanh nghiệp không đủ điều kiện để được cấp phép. Để giải quyết vướng mắc này, một mặt Sở GTVT cùng Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng xúc tiến thành lập Hợp tác xã vận tải thu hút các doanh nghiệp không đủ điều kiện. Mặt khác, hướng dẫn một số doanh nghiệp nhỏ liên kết nhau lại thành doanh nghiệp lớn, có đủ phương tiện, bộ phận quản lý, bộ phận theo dõi an toàn giao thông… để được cấp phép.
Sở GTVT đã nỗ lực đưa hoạt động của xe công-ten-nơ vào quy củ. Hiện nay các cơ quan chức năng đang quyết liệt xử lý vi phạm đối với xe công-ten-nơ và doanh nghiệp, nhất là hành vi thiếu giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu.
Theo Thông tư 18/2013, từ ngày 1/10, xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải được gắn phù hiệu theo quy định. Nghị định 71 của Chính phủ cũng quy định: nếu xe hoạt động mà không có phù hiệu, người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, đồng thời áp dụng mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 60 ngày. (Mai Lâm, Báo Hải Phòng Online 30/10)
Thực hiện Chương trình tổ chức Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013 và Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2013, thành phố tổ chức “Hội chợ Triển lãm Công nghiệp – Thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013”.
Hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu thành tựu phát triển ngành Công thương, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp nông thôn của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – thương mại các tỉnh, thành phố có dịp giao thương, học tập trao đổi kinh nghiệm; mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế, liên kết sản xuất kinh doanh phát triển bền vững, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh; giúp các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nhất là các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí… tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hội chợ được tổ chức từ ngày 6- 11/12 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc tế Hải Phòng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND thành phố. (Trung Thành, Báo Công Thương 28/10, tr2)
Trong các ngày từ 15 -18/10, tại Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc) đã diễn ra Hội đàm lần thứ 7 giữa Hải quan các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Hải Phòng (Việt Nam) với Hải quan Côn Minh (Trung Quốc).
Tại Hội đàm, hai bên đã tiến hành đánh giá kết quả hợp tác đã đạt được kể từ sau Hội đàm lần 6 được tổ chức tại Sapa, Lào Cai (Việt Nam) đến nay. Các nội dung trao đổi số liệu giữa hai bên đã được duy trì và không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng, hỗ trợ tích cực trong công tác chống buôn lậu và quản lí Hải quan của mỗi bên theo đúng cam kết đã thỏa thuận.
Ngoài ra, hai bên cũng đã phối hợp tốt trong việc trao đổi thông tin về tình hình chống buôn lậu của mỗi bên, các đơn vị hải quan tại các cặp cửa khẩu tương ứng giữa hai nước cũng đã thường xuyên giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau để phục vụ tốt hơn trong công tác quản lí hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh.
Hải quan tại các cặp cửa khẩu tương ứng của hai bên cũng đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, người và phương tiện xuất nhập cảnh tại cửa khẩu biên giới của mỗi bên. Kết thúc buổi Hội đàm, hai bên đã ký kết Biên bản Hội đàm lần thứ 7. Trong đó thống nhất một số công việc cần triển khai trong thời gian tới như: Hợp tác trao đổi số liệu thống kê về hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2013 qua các cặp cửa khẩu tương ứng giữa hai bên vào trước ngày 31/5/2014… (Thịnh Hưng, Báo Hải Quan Online 30/10)
Từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài những tác động tích cực của kinh tế là sự năng động trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị, theo lãnh đạo Cảng Hải Phòng, quá trình sản xuất, kinh doanh luôn được đơn vị đẩy mạnh từ phong trào tiết kiệm và nâng cao chất lượng xếp dỡ.
Chống lãng phí để tăng giá trị sản xuất
Năm 2012, Cảng Hải Phòng tiết kiệm chi phí sản xuất 7,105 tỷ đồng và con số này sẽ tăng lên khi kết thúc sản xuất, kinh doanh năm 2013. Đó là thành công từ phong trào thi đua của Cảng Hải Phòng được lãnh đạo đơn vị xác nhận.
Theo lãnh đạo Cảng Hải Phòng, tiết kiệm chi phí sản xuất của đơn vị được thực hiện ở các khâu. Trong điều hành sản xuất, Cảng áp dụng nhiều biện pháp để tăng năng suất, giảm tỷ lệ đảo chuyền hàng hóa, khắc phục khó khăn như chiến dịch tiếp nhận hơn 100 công-ten-nơ lạnh sử dụng điện lưới thay vì máy phát, tăng doanh thu cho đơn vị 180 tỷ đồng. Thông qua quá trình khai thác, Cảng nắm chắc thông tin về tàu, hàng hóa, từ đó lập kế hoạch tiếp thị và thị trường, thực hiện các biện pháp giảm thiểu tỷ lệ hao hụt hàng rời. Đồng thời ban hành và áp dụng định mức nhiên liệu đảo chuyền công-ten-nơ.
Chi phí nhiên liệu trong năm 2012 của Cảng Hải Phòng là 71 tỷ đồng, giảm hơn 2 tỷ đồng so với năm 2011 (73,3 tỷ đồng) và năm 2013 dự kiến sẽ giảm so với năm 2012. Trong khi giá nhiên liệu tăng 14%, đơn vị vẫn thực hiện giảm chi phí nhiên liệu, tăng sản lượng xếp dỡ, cho thấy sự tính toán định mức chính xác của đơn vị và cách đấu thầu nhiên liệu, dầu mỡ bôi trơn. Toàn công ty tiết kiệm 1,114 tỷ đồng thông qua đấu thầu nhiên liệu và 2,542 tỷ đồng tiết kiệm do thực hiện định mức mới.
Một trong những chủ trương của Cảng Hải Phòng trong tiết kiệm chi phí là tự sửa chữa và sử dụng vật tư tái chế. Phong trào này được lãnh đạo đơn vị và công đoàn công ty cùng phát động đi vào thực hiện trong nhiều năm qua. Năm 2012, toàn công ty tự sửa chữa gần 80 công trình với tổng giá trị 2,4 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 800 triệu đồng. Trong đó có công trình sửa chữa 2 phễu rót hàng rời của Xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu; công trình sửa chữa xe Huyndai tại Xí nghiệp xếp dỡ Chùa Vẽ. Là doanh nghiệp sử dụng điện nhiều, với mức tăng từ 50%/năm trở lên, việc tiết kiệm điện cũng mang lại hiệu quả đáng kể cho Cảng Hải Phòng và hơn nữa, còn tiết kiệm số lượng lớn về nhiên liệu…
Cải tiến kỹ thuật
Thành công của Cảng Hải Phòng thời gian qua trong thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh một phần xuất phát từ những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Hội đồng khoa học của Cảng đã chấp thuận và đưa vào sử dụng 154 sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của Cảng Hải Phòng. Số tiền tiết kiệm giảm chi phí đầu tư từ những sáng kiến này lên tới hơn 1 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng Nguyễn Hùng Việt cho biết, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công nhân Cảng từng bước làm chủ, triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển và hiện đại hóa Cảng.
Trong quá trình sản xuất của Cảng Hải Phòng, công nhân lao động đóng vai trò quyết định. Suốt 15 năm qua, Cảng Hải Phòng kiên trì tổ chức hội thi, hội thao nâng cao chất lượng xếp dỡ và đây là phong trào đặc trưng của công nhân lao động Cảng Hải Phòng. Tại các đơn vị thành viên của Cảng thường xuyên tổ chức hội thi, hội thao xếp dỡ và quản lý gìn giữ phương tiện. Năm qua, Xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu tổ chức 4 đợt hội thao nâng cao chất lượng xếp dỡ tới 100% tổ sản xuất trực tiếp, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm, tác phong công nghiệp trong lao động. Nhờ đó, hàng hóa cho xếp dỡ các tàu cập cảng đều vượt tiến độ, nhiều phương tiện được sửa chữa, khai thác có hiệu quả.
Tại Xí nghiệp xếp dỡ Chùa Vẽ, trong 4 đợt hội thao với 33 ngày là đợt tuyên truyền sâu rộng và nâng cao tay nghề cho toàn thể đội ngũ công nhân lao động. Kết quả là với 53 lượt tàu được giải phóng hàng hóa, năng suất xếp dỡ vượt 3 công-ten-nơ/giờ, đưa tổng năng suất xếp dỡ trong 1 giờ đạt 40 công-ten- nơ. Thời gian bình quân xếp dỡ 1 tàu chỉ còn 17,6 giờ, giảm 3,6 giờ so với trước. Năng suất lao động bình quân đạt 6.700 tấn thông qua/người/năm. Còn tại Xí nghiệp xếp dỡ Tân Cảng, hội thi, hội thao góp phần đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn lao động, nâng cao uy tín của đơn vị…
Công tác xét duyệt đề tài, sáng kiến được đơn vị đổi mới theo hướng ngày càng sát thực tiễn sản xuất, bảo vệ môi trường. Một số sáng kiến đang được áp dụng thành công như: sáng kiến nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng các biện pháp tiết kiệm và giảm chi phí sản xuất, sáng kiến về phân cấp quản lý mua sắm vật tư; sáng kiến gộp nhiều máy chủ vật lý vào 1 máy chủ ảo nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư; sáng kiến cải tiến bộ càng hình trụ hạ tôn cuộn xe nâng hàng 10 tấn; sáng kiến chế tạo bộ cẩu công-ten-nơ mở nóc trọng tải 20 tấn dùng cho nâng hàng Reachstacker… (Đức Phong, Báo Hải Phòng Online 30/10)
9 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản của quận Đồ Sơn đạt 7.576 tấn, bằng 81,5% kế hoạch; tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả này mang lại niềm vui cho ngư dân Đồ Sơn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngư trường thu hẹp, giảm nhiều chính sách ưu đãi. Vượt qua những thách thức, ngư dân Đồ Sơn kiên cường bám biển, ổn định sản xuất, duy trì nghề khai thác thủy sản truyền thống.
Thêm tàu, tăng sản lượng
Trưởng Phòng Kinh tế Đồ Sơn Hoàng Đình Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, mặc dù chính sách ưu đãi giảm so với những năm trước, nguồn vốn khó khăn, nhưng xuất phát từ yêu cầu mở rộng ngư trường, phát triển sản xuất, ngư dân Đồ Sơn tiếp tục đóng mới 3 tàu công suất 130CV - 450CV. Năm 2003 toàn quận có 430 phương tiện đánh cá, chỉ có 21 tàu lắp máy 90CV– 105 CV, đến nay có 38 chiếc lắp máy từ 90 CV đến 450 CV.
Quận tìm cách giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn đóng mới, sửa chữa phương tiện và ngư, lưới cụ để yên tâm ra khơi; mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề khai thác thủy sản cho 200 ngư dân. Do vậy, hoạt động sản xuất trên ngư trường tương đối ổn định, năng suất tăng.
Theo ngư dân Ngọc Hải, nhiều chủ tàu bán sản phẩm cho các tàu thu mua ngay trên biển, đây là yếu tố thuận lợi để bà con tiếp tục ra khơi thay vì phải trở về đất liền, vừa tốn nhiên liệu, vừa tốn thời gian trong khi mùa đánh bắt và ngư trường lại không đợi họ.
Là địa phương có tàu khai thác thủy sản chiếm 2/3 tổng phương tiện khai thác thủy sản của quận Đồ Sơn với 164 phương tiện, trong đó có 20 tàu đánh bắt xa bờ, phường Ngọc Hải luôn có cách làm chủ động giúp ngư dân phát triển sản xuất. Chủ tịch UBND phường Ngọc Hải Hoàng Đình Triều cho rằng, một trong những yếu tố để ngư dân yên tâm bám biển là hình thành mô hình liên kết bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Phường Ngọc Hải có 15 Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, với 52 tàu, 437 lao động. Các Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển không chỉ tích cực hỗ trợ nhau trong sản xuất, mà còn cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị về an ninh biên giới biển. Địa phương xây dựng phương án thông tin liên lạc giữa đất liền với khối tàu hoạt động trên biển, bảo đảm liên lạc thông suốt phục vụ tốt việc nắm tình hình sản xuất cũng như an ninh trên biển để chỉ đạo điều hành, xử lý kịp thời.
9 tháng năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản của phường Ngọc Hải đạt 4.304 tấn, bằng 86% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tháo gỡ khó khăn
Để phát triển ngành thủy sản hiệu quả, quận Đồ Sơn, thành phố quan tâm triển khai thí điểm dự án trang bị máy thông tin cho tàu cá; hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển nghề cá xa bờ. Đặc biệt, thành phố đang triển khai các dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường Ngọc Hải. Đây là những bước cụ thể hóa triển khai Nghị quyết số 14/2010 của HĐND thành phố khóa 13 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011- 2015.
Tuy nhiên, trong điều kiện suy thoái kinh tế với những khó khăn nhất định về ngư trường hiện nay, ngư dân Đồ Sơn mong muốn nhận được sự hỗ trợ thiết thực mang tính chiến lược để bám biển, mở rộng ngư trường sản xuất. Theo Trưởng Phòng Kinh tế Đồ Sơn Hoàng Đình Dũng, Nhà nước cần có chính sách mạnh, khả thi như trang bị hoặc hỗ trợ cao nhất cho ngư dân đóng mới phương tiện, đặc biệt là phương tiện có công suất máy, trọng tải lớn, kết cấu vững chắc để bám biển dài ngày; xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá quy mô vừa và lớn, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Đồng thời tiếp tục có chế độ đãi ngộ ngư dân về xăng dầu, vay vốn mua ngư, lưới cụ, bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề, trang thiết bị thông tin liên lạc, phổ biến kiến thức quốc phòng… Không nên coi ngư dân sản xuất trên biển là lao động thuần túy, hãy xác định họ như các chiến sĩ bảo vệ nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Các cấp, ngành tiếp tục quan tâm khơi thông cửa luồng vào cảng Ngọc Hải, tạo thuận lợi cho tàu, thuyền ra vào, nhất là mùa mưa bão và phục vụ thời vụ khai thác đưa sản phẩm vào bến kịp thời. Quan tâm phát triển khai thác thủy sản ở Đồ Sơn nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 01/2009 của HĐND thành phố khóa 13 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. (Phạm Lượng, Báo Hải Phòng Online 30/10)
Hiện nay, xe đạp điện là phương tiện phổ biến, đặc biệt là với học sinh, sinh viên. Nhiều đại lý cho biết, phần lớn xe đạp điện nhập khẩu vào Việt Nam được dán nhãn các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Đài Loan như: Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant... Trong đó, có sản phẩm do các nhà máy của Yamaha, Honda đặt tại Trung Quốc sản xuất và có sản phẩm do những cơ sở khác làm giả, làm nhái.
Xe đạp điện thật, giả lẫn lộn được bày bán nhan nhản trên thị trường
Một chủ cửa hàng xe đạp điện trên đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền - nơi tập trung nhiều cửa hàng bán xe đạp điện trên địa bàn thành phố cho biết, trên thực tế, đa số chiếc xe đạp điện trên thị trường có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện, doanh nghiệp nhập khẩu xe đạp điện giả chia làm 2 loại: làm giả kiểu dáng, nhãn hiệu của xe thật và làm giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự “chế”.
Được biết, Công ty Honda Sundiro đặt tại Thượng Hải, Trung Quốc, chỉ sản xuất 3 mẫu xe đạp điện và Yamaha Motor Trung Quốc sản xuất 13 mẫu. Nhưng trên thị trường Việt Nam lại xuất hiện khoảng 13 mẫu xe Honda và 30 mẫu xe Yamaha.
Xe đạp điện giả có chất lượng kém ở 3 bộ phận quan trọng gồm: bình ắc quy (hoặc là pin), động cơ và bộ điều khiển. Ắc quy hay pin chất lượng kém sẽ nhanh bị sụt điện nên quãng đường đi ngắn hơn, xe không đạt công suất mong muốn. Động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu, hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to, đường ngập sâu. Bộ điều khiển sử dụng các thiết bị điện tử thiếu chính xác, chất lượng kém là nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của xe dù người sử dụng thường xuyên bảo hành, thay thế các linh kiện.
Trong khi xe đạp điện chính hãng có thể sử dụng tốt trong 3 năm thì xe giả chỉ sử dụng được từ 1-1,5 năm. Một vấn đề đáng quan tâm là giá nhập khẩu xe đạp điện giả chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện chính hãng. Tuy nhiên khi nhập về Việt Nam, xe đạp điện giả có giá bán ra tương đương với xe chính hãng. Để định giá sản phẩm giả, các chủ cửa hàng xe đạp điện tham khảo giá bán xe đạp điện chính hãng cùng thương hiệu. Đây là thủ thuật tạo ra mặt bằng giá chung giữa các sản phẩm, đồng thời đánh lừa được người tiêu dùng để trục lợi.
Mua phải xe đạp điện giả, người tiêu dùng vẫn phải chi tiền mua bằng xe thật mà tuổi thọ lại kém hơn, hay gặp trục trặc trong vận hành, thường xuyên phải thay đồ, độ tin cậy thấp. Chị Thương (ở Lê Chân) than phiền: “Hè năm ngoái mình mua cho cậu con trai vào cấp 3 chiếc xe đạp điện hiệu YAMAHA. Nhưng mới chỉ được hơn 1 năm chiếc xe đã sinh bệnh. Sử dụng xe một thời gian thì xảy ra hiện tượng pin báo đầy giả khiến con mình nhiều phen phải dắt bộ từ trường về nhà”.
Sau khi đầu tư hơn 1 triệu thay pin mới thì đến lượt dây ga, dây phanh gặp trục trặc, không ít lần 2 mẹ con chị đang đi giữa đường thì bỗng nhiên xe dừng lại… Trên thực tế, nhiều người cho rằng cứ mua xe có địa chỉ, người bán rõ ràng, có bảo hành bảo dưỡng đầy đủ sẽ yên tâm và coi đó là cơ sở để khẳng định hàng thật. Nắm được tâm lý khách hàng, các chủ hiệu vẫn có chế độ bảo hành bảo dưỡng xe giả như xe thật. Bởi vì mua giá thấp, bán giá cao nên các cửa hàng bán xe đạp điện giả sẵn sàng bảo hành cho người tiêu dùng.
Chung cảnh ngộ với chị Thương, anh Văn Nam (55 tuổi) cho biết: Đầu năm 2012, anh mua một chiếc xe đạp điện loại Giant gần chục triệu đồng, đến nay đã 2 lần phải thay dây phanh nhưng chất lượng không khá hơn là mấy”. Qua tìm hiểu được biết, đa số các cửa hàng nhập linh kiện, phụ tùng chất lượng kém về để thay thế trong thời gian bảo hành nên nhiều xe có khi phải thay tới vài lần và khi hết thời gian bảo hành khoảng 1 năm thì lúc đó người tiêu dùng phải tự bỏ tiền ra để thay. Khi đó nhiều cửa hàng sẵn sàng thẳng tay "chém" khách bằng việc nâng giá phụ tùng để bù vào những lần thay trước đó.
Dạo qua thị trường thành phố những ngày này, có thể thấy xe đạp điện có rất nhiều mẫu mã, phong phú, đa dạng và cửa hàng nào cũng khẳng định xe mình bán là hàng thật, trong khi các nhà sản xuất nước ngoài chẳng hề có khuyến cáo nào cho người tiêu dùng nên hầu hết người tiêu dùng khi được hỏi đều không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Xe đạp điện là một trong những mặt hàng thuộc diện quản lý, kinh doanh có điều kiện, quản lý chặt chẽ loại hàng hóa này sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất trong nước, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách, bảo vệ người tiêu dùng. Thiết nghĩ, trước tình hình này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra, mạnh tay xử lý nghiêm các cửa hàng kinh doanh hàng giả, hàng nhái. (Thái Bình, An Ninh Hải Phòng Online 30/10)
Gần đây, trên thị trường Hải Phòng xuất hiện rượu vodka Nakhodka đựng trong bình nhựa 2 lít. Trên tem nhãn loại rượu này không thể hiện đầy đủ những thông tin về sản phẩm, in sai nhãn mác về đăng ký chất lượng sản phẩm.
Trên nhãn mác sản phẩm ghi: Công ty cổ phần sản xuất & Thương mại Tùng Minh (địa chỉ 1168 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải An), hàm lượng Etanol = 30% vol. Bình nhựa loại 2 lít có kiểu dáng giống với loại rượu vodka Hà Nội, không có số điện thoại liên lạc, tem chống hàng giả không đúng với mẫu của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, không thể hiện ngày tháng sản xuất và thời hạn sử dụng.
Đáng chú ý, mã số mã vạch của rượu vodka Nakhodka trùng với mã số mã vạch in trên các vỏ bao thuốc lá của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tùng Minh xác nhận: Rượu vodka Nakhodka là sản phẩm của Công ty mới đưa ra thị trường khoảng 3 tháng.
Sản phẩm này đang được thử nghiệm nên Công ty chưa tìm hiểu hết các quy định của pháp luật. Đặc biệt, mã vạch được in trên tem nhãn sản phẩm được ông Hùng cho biết là do người thiết kế in vào cho đẹp. Để chứng minh cho sản phẩm đã được cấp phép, ông Hùng đưa ra “Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy” của Sở Y tế.
Tuy nhiên, trong văn bản này, Sở Y tế chỉ rõ: “Bản thông báo này chỉ ghi nhận sự cam kết của doanh nghiệp, không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính phù hợp của sản phẩm đã công bố”. (Đ.H, Công An Nhân Dân 30/10, tr4)
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điện Cơ Hải Phòng (HNX: DHP) vừa thống nhất phương án điều chỉnh giảm đồng bộ 10% chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lãi năm 2013 so với kế hoạch đã đề ra ban đầu. (Vietstock.vn 30/10)
Hàng chục hecta diện tích củ đậu mặc dù đã quá kỳ thu hoạch nhưng bà con nông dân cũng không mặn mà dỡ bán bởi giá quá rẻ. Đó là thực trạng đang diễn ra phổ biến tại xã An Hòa, huyện An Dương - địa phương vốn nổi tiếng với sản phẩm nông sản đặc trưng này. (Radiovietnam.vn 30/10)
Khoảng 1 giờ ngày 29/10, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà hàng Dê Hè Phố (số 278, đường Trần Nguyên Hãn). 7 nhân viên may mắn được cứu thoát.
Vụ cháy làm hàng chục hộ dân tại khu tập thể liền kề phải di tản khỏi nhà giữa đêm khuya. Nhân viên nhà hàng cho biết, khi mọi người đang ngủ thì thấy ngạt thở và sau đó xuất hiện một tiếng nổ lớn. Nhân viên liền chạy xuống thì đã thấy khu tầng một (khu bếp) lửa bốc lên rất mạnh kèm theo nhiều tiếng nổ. Nhân viên nhà hàng vội chạy lên tầng trên. Trong đó, 3 nhân viên đập được cửa kính thoát sang ban công hàng xóm. Bốn nhân viên còn lại do lửa quá mạnh nên chạy lên tầng 4.
Do nhà hàng nằm sát khu tập thể nên khi xảy ra cháy hàng chục hộ dân trong khu tập thể đã phải di tản vì sợ đám cháy lan rộng. Nhận được tin báo, hơn 30 phút sau lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy huy động nhiều phương tiện và nhân lực cứu hỏa có mặt tại hiện trường.
Đến 3 giờ cùng ngày, vụ hỏa hoạn được dập tắt hoàn toàn. 4 nhân viên trên tầng 4 của nhà hàng được cứu kịp thời. Vụ cháy đã làm toàn bộ tầng một của nhà hàng bị thiêu rụi, một xe máy bị nổ và làm biến dạng tất cả khu chế biến, biển bảng của nhà hàng này.
Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn. (Hoàng Ngọc, Tin Tức Online 29/10; Lao Động Điện Tử 29/10; Giang Chinh, An Ninh Thủ Đô 30/10, tr2; Linh Linh, Thanh Niên Online 29/10; Minh Lý, Giadinhnet.vn 29/10; N.Hải, Giao Thông 30/10, tr13; Nhóm PV, Đời Sống & Pháp Luật 30/10, tr14; Mộng Long, Pháp Luật Việt Nam 30/10, tr15; TTXVN 29/10; Báo Hải Phòng Online 29/10)
Được mệnh danh là “hung thần biển cả”, cá mập gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho những người đi biển. Ít người biết, vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) có nghề săn cá mập.
Hàng ngàn, hàng vạn “hung thần biển cả” được những ngư dân ở đây “trục vớt” lên bờ từ biển khơi… Theo lời kể của ông Vũ Văn Cự -Trưởng Liên tập đoàn nghề cá Nam Triệu, từ những năm 1980, ngư dân Lập Lễ bắt đầu đóng những tàu, thuyền lớn vươn ra đánh bắt hải sản ở ngư trường xa. Đó cũng là thời gian nghề săn “hung thần biển cả” hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Trong ký ức của nhiều ngư dân cao tuổi ở xã Lập Lễ, những cái tên như Đinh Ngọc Bút, Nguyễn Đức Tần, Đinh Chí Nghỉ, Đinh Như Tiện, Nguyễn Đức Lời… cùng với nghề săn cá mập đã đi vào huyền thoại. Bắt đầu từ năm 1987, một số ngư dân ở xã Lập Lễ đóng tàu máy to, đan lưới bắt cá mập. Số lượng cá bắt được nhiều hơn, vây cá mập xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.
Nghề săn cá mập cũng như đời sống của những người thợ săn “hung thần biển cả” dần lên ngôi. Nếu như đi câu thường chỉ bắt được những con cá mập nhỏ nặng vài chục cân, thì đánh lưới bắt được nhiều con trên dưới 1 tạ. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi chuyến ra khơi, 1 tàu có thể đánh bắt được vài tấn cá mập. Nhưng đến giai đoạn 1992-1993, tàu nhiều nhất cũng chỉ bắt được 5-6 tạ/chuyến.
Từ năm 1994 trở đi, nhiều chuyến về không, nghề săn cá mập dần biến mất. Những ngư dân làm nghề săn cá mập hoặc lên bờ đắp đầm nuôi tôm, cua, cá, tu hài…, hoặc chuyển sang đánh bắt cá sủ vàng. Đến cuối những năm 1990, cá sủ vàng theo chân cá mập dần biến mất. Nghề săn bắt cá mập và cá sủ vàng chỉ còn trong những câu chuyện kể. (Lao Động Điện Tử 30/10; Tuổi Trẻ Online 30/10; Dantri.com.vn 30/10)
“Khối lượng công việc của đơn vị nhiều, cộng với đặc điểm thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dã ngoại, nếu cán bộ không sâu sát, thiếu gương mẫu và không có tình yêu thương chiến sĩ thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
Ở Lữ đoàn 219, điều này là điểm mạnh, là chìa khóa mở ra thành công trong điều kiện thi công với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn”, Trung tá Nguyễn Hoàng Tú - Chính ủy Lữ đoàn 219 (Quân đoàn 2) khẳng định như vậy. Tại khu Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, công việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 219 đang diễn ra khẩn trương, nhằm hoàn tất những mét đất cuối cùng bảo đảm thời gian theo quy định.
Thiếu tá Bùi Văn Đạo - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 đã gần 4 tháng ròng bám công trườngchia sẻ: “Bao lo toan của chúng tôi từ lúc được chỉ huy lữ đoàn giao nhiệm vụ giờ đã thay thế bằng niềm vui. Chúng tôi đã hoàn thành việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ trên diện tích 143ha, vượt tiến độ thời gian gần 2 tháng; thu hồi, hủy nổ an toàn 2 quả bom 350 bảng Anh và hơn 300 đầu đạn nổ, lựu đạn, bom bi… Hiện, khối lượng công việc còn lại của đơn vị không đáng kể”.
Là người trong cuộc nên Thiếu tá Nguyễn Xuân Chức, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 219 hiểu được niềm vui của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 trong việc hoàn thành Dự án này. Bởi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 bắt tay vào công việc với ngổn ngang nỗi lo. Khu vực của Dự án vốn là địa bàn đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ trong chiến tranh, hơn nữa, 75% quân số tham gia thực hiện dự án đều là chiến sĩ lần đầu làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ.
Anh Chức nói: “Mặc dù trước khi bước vào tổ chức thực hiện nhiệm vụ, 100% cán bộ, chiến sĩ đều được huấn luyện và kiểm tra chất lượng. Thế nhưng, do anh em lần đầu tham gia đến công việc có tính chất nguy hiểm nên nhiều đồng chí còn có biểu hiện tâm lý”.
“Nắm chắc đặc điểm trên, nên ở bất cứ công đoạn nào, đội ngũ cán bộ các cấp cũng đều trực tiếp tham gia. Cứ ở đâu máy rò bom, mìn phát hiện ra tín hiệu là lập tức đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm có mặt trực tiếp hướng dẫn anh em tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm đúng quy tắc an toàn”, Thiếu tá Chức chia sẻ. (Đức Dục, Quân Đội Nhân Dân 30/10, tr2)
Chiều 29/10, Báo Hải Phòng tổ chức cuộc thi ứng dụng tư duy hệ thống phục vụ phát triển bền vững với sự tham gia của 6 đội thi đến từ các phòng, ban chuyên môn của cơ quan báo Đảng.
Các đội thi tham gia 2 phần thi lý thuyết và thực hành trò chơi phát triển bền vững Ecopolicy trên máy tính, với các nội dung gắn ứng dụng tư duy khoa học hệ thống trong thực tiễn công việc của tòa soạn. Từ nhận thức và tìm hiểu về khoa học hệ thống và trò chơi phát triển bền vững, các đội thi liên hệ với nhiệm vụ đặc thù của bộ phận mình đang công tác, để từ đó tìm ra những lỗi hệ thống, xác định giải pháp khắc phục ứng dụng khoa học hệ thống để hướng đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của Báo Hải Phòng. Các đội thi đều đặt ra những mục tiêu phát triển bền vững của bộ phận chuyên môn gắn với sự phát triển của cơ quan báo Đảng trong lộ trình hình thành tòa soạn đa phương tiện, hiện đại.
Theo nhà báo Trọng Nghĩa - Tổng Biên tập Báo Hải Phòng, việc tham gia cuộc thi này sẽ giúp cho các phòng, ban chuyên môn của Báo Hải Phòng hiểu hơn về ứng dụng thực tiễn của khoa học hệ thống vào giải quyết công việc hằng ngày. Cuộc thi góp phần tạo không khí nghiên cứu, học tập một cách hiệu quả giữa các cá nhân và tập thể trong từng khâu trong quy trình xuất bản báo, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng các ấn phẩm Báo Hải Phòng trong hành trình phát triển bền vững.
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức trao giải Nhất cho đội thi Phòng Biên tập Kinh tế. Phòng Bạn đọc – Tư liệu giành giải Nhì. 2 giải Ba được trao cho các đội thi phòng Hành chính – Trị sự và Chính trị-Văn hóa-Xã hội. Giải Khuyến khích cuộc thi được giành cho 2 phòng Báo Điện tử và Thư ký. (Báo Hải Phòng Online 29/10)
Thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Hội Sinh viên thành phố khóa 4 (nhiệm kỳ 2013 – 2018) và chào mừng năm học mới 2013 – 2014, sáng 30/10, tại trường Đại học Y Hải Phòng, Hội Sinh viên thành phố tổ chức Ngày hội “Sinh viên hiến máu tình nguyện năm 2013”.
Tại Ngày hội, Phó Bí thư Thành Đoàn Bùi Thị Ngọc cho biết, phong trào hiến máu tình nguyện tại Hải Phòng trong những năm qua thu hút được đông đảo lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia, góp phần quan trọng vào việc cứu sống và điều trị cho nhiều người bệnh kém may mắn đang cần máu. Tuy nhiên, lượng máu thu được mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, vì thế vẫn rất cần sự sẻ chia của cộng đồng, trong đó có lực lượng thanh niên, sinh viên.
Sau lễ phát động, có 1.200 sinh viên đến từ 8 trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố tham gia hiến máu tình nguyện và thu được gần 1000 đơn vị máu. (Báo Hải Phòng Online 30/10)
Từ đầu năm đến nay, quận Đồ Sơn chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu, phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn đề nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Theo đó, các ngành chức năng quận phối hợp với Mặt trận Tổ quốc quận giải quyết 4 đơn đề nghị của công dân; tổ chức 7 cuộc đối thoại trả lời ý kiến kiến nghị của nhân dân về lĩnh vực giải quyết quyền lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết những tồn tại sau thanh tra... Qua đối thoại, giải đáp tại chỗ những bức xúc, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, giải tỏa những khúc mắc giữa chính quyền với nhân dân.
Từ nay đến cuối năm, quận Đồ Sơn tiếp tục chú trọng công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, bảo đảm quốc phòng an ninh; phân công lãnh đạo UBND quận giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài; thường xuyên tiếp dân theo qui định... (Báo Hải Phòng Online 29/10)
Sự sâu lắng, truyền cảm trong 11 bài dự thi ở cuộc thi hùng biện bằng tiếng Nhật lần thứ nhất tại Hải Phòng 2013 do UBND thành phố, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và Hiệp hội thương gia Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức vẫn đủ sức lan tỏa tới người nghe…
Sau khi cuộc thi được phát động (tháng 8), Ban tổ chức nhận được 71 bài viết dự thi của các cá nhân thuộc các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học trên địa bàn thành phố.
Qua vòng Sơ khảo, phỏng vấn, Ban tổ chức chọn 12 thí sinh tham gia vòng Chung kết. Trong phần thi này, các thí sinh có 5 phút trình bày bài thuyết trình bằng tiếng Nhật và trả lời 2 câu hỏi của ban giám khảo. 11 bài thuyết trình tham dự cuộc thi với nhiều chủ đề khác nhau, liên quan đến phong tục văn hóa của Việt Nam, Nhật Bản, những kỷ niệm gắn với đất nước, con người Nhật Bản. Những quan điểm cá nhân về hạnh phúc, công việc, sự tác động của tiếng Nhật đối với cuộc sống của bản thân…cũng được các thí sinh chia sẻ qua bài hùng biện của mình.
“Ở Hội An có một cây cầu mang tên Lai Viễn Kiều, hay còn được gọi là chùa Cầu, được những thế hệ người Nhật đầu tiên đến Việt Nam từ 400 năm trước xây dựng. Có thể nói, đây là bằng chứng sớm nhất cho mối quan hệ bang giao Việt Nam và Nhật Bản. Ở 2 phía bên chùa Cầu, một bên sông là phố Nhật Bản, bên kia sông là phố Việt Nam, 2 nước tưởng chừng như cách xa nhau mà trở nên gần gũi, thân thiết hơn bao giờ hết”. Đây là đoạn văn được trích trong bài hùng biện của thí sinh Nguyễn Đức Việt, công tác tại Văn phòng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Hải Phòng.
Trong bài thi hùng biện của mình, Việt cung cấp những thông tin khá thú vị về lịch sử chùa Cầu liên quan đến lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản. Qua đó khẳng định: “Cây cầu hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đã và đang được nhân dân hai nước vun đắp và ngày càng vững chắc, đưa hai dân tộc xích lại gần nhau hơn”.
Mặc dù chỉ đoạt giải Ba song cách thuyết trình tự tin, khả năng nói tiếng Nhật lưu loát, bài hùng biện của thí sinh Đoàn Kim Duyên - Công ty TNHH sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam gây ấn tượng mạnh đối với người nghe khi chị chia sẻ những cảm nhận chân thành của mình về hạnh phúc: “Bây giờ, hạnh phúc đối với tôi là được thấy nụ cười của các con, là được nghe những lời nói ngây thơ của chúng và được ôm chúng vào lòng. Hạnh phúc là khi nhìn các con nô đùa trên bãi cát và biết rằng, chúng rất yên tâm khi có cha mẹ dõi theo. Hạnh phúc là khi tôi có thể mang lại cuộc sống tươi đẹp cho các con bằng sự cố gắng của mình và thấy chúng khỏe mạnh, lớn khôn hằng ngày”.
Một trong những đề tài được nhiều bài hùng biện đề cập là nền văn hóa lâu đời, tác phong làm việc say mê, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao cũng như tính cách thâm trầm, kín đáo và ngăn nắp của người Nhật Bản.
Thí sinh Nguyễn Thị Trang - Công ty TNHH Medikit Việt Nam tâm sự: “Từ khi làm việc tại Công ty Nhật Bản, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tinh thần tuân thủ pháp luật của họ. Các doanh nghiệp Nhật Bản luôn tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật lao động và những quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện lao động. Vì vậy, khi làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động luôn yên tâm về quyền lợi của mình”.
Chị Trang cho biết thêm: “Người Nhật không phân biệt vị trí công việc, luôn nghĩ đến lập trường, suy nghĩ của đối phương để cư xử. Nói như vậy là vì, khi chưa có dịp tiếp xúc với người Nhật và chỉ mới học tiếng Nhật, nhưng qua ngữ pháp, qua kính ngữ, khiêm nhường ngữ trong tiếng Nhật… tôi và nhiều người khác có thể dễ dàng cảm nhận được điều đó”.
Thí sinh La Quang Tiến - sinh viên trường Đại học Dân lập Hải Phòng – người giành giải Nhất cuộc thi hùng biện với bài hùng biện giàu cảm xúc chia sẻ những cảm nhận cá nhân khi được đến thăm Nhật Bản, sau thảm họa động đất, sóng thần xảy ra tại “đất nước mặt trời mọc”. Ý chí cũng như sức sống mạnh mẽ của người dân Nhật Bản là một trong những động lực chính để Tiến tham gia cuộc thi, với mong muốn chia sẻ những suy nghĩ, góc nhìn của mình về đất nước và con người Nhật Bản. Kết thúc bài hùng biện, Tiến viết: “Tôi nghĩ rằng, dù con người có phải chịu những thảm họa khủng khiếp đến đâu chăng nữa, sự sống sẽ vẫn sinh sôi và phát triển… Tôi tin rằng, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, thì ngày mai mặt trời sẽ vẫn mọc”.
Cuộc thi hùng biện bằng tiếng Nhật lần thứ nhất tại Hải Phòng 2013 là hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm Việt Nam- Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để những người yêu thích tiếng Nhật có cơ hội gặp gỡ, giao lưu đồng thời khuyến khích phong trào học tiếng Nhật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. (Thanh Giang, Báo Hải Phòng Online 30/10)
Chiều 28/10, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường Đại học Hải Phòng tổ chức tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên, sinh viên năm học 2012 – 2013; chiến dịch sinh viên tình nguyện Hè 2013 và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 – 2014.
Năm học 2013-2014 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10; diễn ra Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam thành phố lần thứ 6, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 9; kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường. Thiết thực lập thành tích chào mừng các sự kiện trên, Ban chấp hành Đoàn trường xây dựng kế hoạch công tác Đoàn và phong trào thanh niên với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục và chất lượng sinh hoạt chi đoàn”.
Trong đó, công tác Đoàn-Hội tập trung vào việc thực Nghị quyết Đại hội Đoàn các cấp; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường giáo dục, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên giai đoạn 2013-2017 trong đoàn viên, sinh viên nhà trường. Cụ thể hóa các phong trào thi đua, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Tuổi trẻ Hải Phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”, Đề án 500 của Ban Thường vụ Thành Đoàn. Đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, khuyến khích học tập, nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cương - Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng, trong năm học này, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các đoàn viên, thanh niên của trường tham gia công tác Đoàn-Hội.
Trong năm học vừa qua, công tác Đoàn-Hội và phong trào thanh niên, sinh viên Trường đại học Hải Phòng đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong giáo dục tư tưởng, thực hiện các phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, công tác xây dựng tổ chức Đoàn, tham gia xây dựng Đảng…, thu hút 100% số đoàn viên thanh niên tham gia nhiệt tình.
Trong gần 1 tháng triển khai (từ 25-6 đến 25-7-2013), chiến dịch Sinh viên tình nguyện hè năm 2013 và thực hiện kế hoạch “Công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2012-2013” của Đoàn trường Đại học Hải Phòng thu được nhiều kết quả quan trọng. 100% số đoàn viên sinh viên tham gia sinh hoạt hè tại các xã Tiên Cường, Vinh Quang (huyện Tiên Lãng), Cao Minh, Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo); 200 tinh nguyện viên tham gia tiếp sức mùa thi; 30 tình nguyện viên tham gia đội hình Văn nghệ xung kích tại các xã Tiên Cường, Cao Minh.
Là đơn vị trường duy nhất tham gia Dự án “Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, 50 sinh viên tình nguyện của Đoàn Trường tham gia tìm hiểu và hỗ trợ dự án tại 4 khu vực chợ thực phẩm thuộc huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và Kiến Thụy. (Báo Hải Phòng Online 29/10)
Là thành phố cảng công nghiệp, Hải Phòng có lượng lao động ngoại tỉnh nhập cư khá đông. Theo thống kê của Liên đoàn lao động thành phố, số lượng lao động nhập cư vào thành phố ước tính khoảng trên 10 ngàn người, trong đó một số ngành như da giày, may mặc… thu hút một lượng lớn lao động là nữ giới từ các tỉnh lân cận. Yêu cầu nâng cao đời sống, cải thiện chỗ ở cho lao nhập cư, nhất là lao động động nữ là hết sức cần thiết, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội thành phố… Kỳ 1: “Nghèo” đời sống tinh thần
Ít tiếp cận thông tin, dịch vụ
Những nữ công nhân nhập cư làm việc tại thành phố gần thì ở các tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Nam Định…, xa hơn nữa ở Thanh Hóa, Nghệ An hay thậm chí ở các tỉnh miền núi như Bắc Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn. Số lao động nữ này đều từ 18-25 tuổi, đa phần rất hạn chế về hiểu biết pháp luật, chế độ chính sách, kinh nghiệm sống. Mức thu nhập thấp bình quân 2,5-3,4 triệu đồng/người/tháng, lại xa nhà nên cuộc sống của họ khá chật vật, chưa kể các điều kiện sống thiếu thốn, không tivi, không sách báo, không có nhiều thời gian để giao lưu, tiếp cận các thông tin, dịch vụ tối thiểu.
Theo thống kê của Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, thành phố có hơn 200 doanh nghiệp, Dự án đang hoạt động với khoảng 60 nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%. Do không có thời gian, thu nhập thấp, áp lực công việc khiến nhiều chị em không quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của chính bản thân. Với họ, việc chơi thể thao, xem ti vi, sách báo hay tham gia vào các hoạt động văn nghệ xã hội… sau giờ làm việc như một điều xa xỉ. Do đó tình trạng nữ công nhân kết hôn muộn, thậm chí “quá lứa lỡ thì”, đành “ở vậy” một mình có xu hướng gia tăng.
Khó về chỗ ở
Khảo sát gần đây của Liên đoàn Lao động thành phố cho thấy, nhu cầu về nhà ở, trọ của công nhân là rất lớn. Chỉ riêng hai ngành dệt may và da giày Hải Phòng hiện tạo ra khoảng hơn 60.000 chỗ làm việc, đại bộ phận là nữ. Có khoảng 30% số lao động đến từ ngoại tỉnh và các vùng lân cận có nhu cầu thuê nhà. Thế nhưng, hầu hết lao động vẫn phải sống ở những dãy nhà trọ tạm bợ, không gian chật hẹp, ẩm thấp, điện nước thiếu. Cụ thể, số công nhân không có nhà ở, phải đi thuê trọ chiếm hơn 16,38%; số ở nhà tạm, nhà dột nát chiếm khoảng 2,14%.
Còn theo tính toán của ngành Xây dựng thành phố, với 9 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thì tổng số công nhân có nhu cầu thuê nhà dự kiến đến năm 2015 khoảng 39.000 người. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho một số ít lao động. Ví dụ như tại Công ty giày Đỉnh Vàng (quận Dương Kinh) đã xây dựng khu ký túc xá với sức chứa khoảng 1.200 công nhân. Còn lại một số doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ công nhân nhập cư mỗi tháng từ 50-100 nghìn đồng… “tiền thuê nhà trọ”.
Được biết, Chính phủ có quyết định ban hành cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân thuê, có hiệu lực từ tháng 6/2009. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân thuê được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Mặc dù một số doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng nhà giá thấp nhưng đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chủ trương, tình hình vẫn chưa được cải thiện là mấy. Chẳng hạn tại khu công nghiệp Nomura, nhiều năm qua dành đất xây dựng nhà ở cho công nhân và kêu gọi đầu tư nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư.
Theo lãnh đạo Công ty Quản lý và kinh doanh nhà, đơn vị chủ lực thực hiện các Dự án phát triển nhà cho công nhân và người thu nhập thấp cho biết, nhiều Dự án gặp khó khăn trong việc huy động về vốn, giải phóng mặt bằng. Điển hình như các Dự án nhà ở cho công nhân Công ty đang triển khai trên địa bàn các phường Hải Thành, Tân Thành (Dương Kinh); phường Thành Tô (Hải An)… (An Ninh Hải Phòng 30/10, tr1+4)
Sáng 29/10, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Sở Ngoại vụ tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu là cán bộ công chức các quận, huyện, Sở, Ban, ngành làm công tác liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua buổi tập huấn, các cán bộ, công chức, viên chức các quận, huyện, Sở, Ban, ngành làm công tác liên qua đến người Việt Nam ở nước ngoài được trang bị thêm kiến thức để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này tại cơ sở, góp phần đưa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố ngày càng phát triển. (TC, An Ninh Hải Phòng 30/10, tr2)
Trong hầu hết các báo cáo về vấn đề ô nhiễm môi trường của Sở TN&MT tỉnh Thái Bình thì khu công nghiệp Cầu Nghìn luôn đứng đầu danh sách gây ô nhiễm môi trường.
Góp phần không nhỏ vào việc ô nhiễm này là khói, bụi, tiếng ồn từ Nhà máy cán thép của Công ty TNHH thép đặc biệt Shengli Việt Nam. Sự ô nhiễm từ Nhà máy này đã ảnh hưởng trực tiếp tới gần 1.500 hộ dân thuộc 2 xã Hưng Nhân, Đồng Minh thuộc huyện Vĩnh Bảo.
Công ty Shengli Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Trung Quốc do Công ty Tập đoàn đầu tư phát triển Shengli Phúc Kiến cùng hợp tác với Tập đoàn Ngũ kim khoáng sản tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) sáng lập. Ngày 16/01/2008, Công ty Shengli được UBND tỉnh Thái Bình cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho phép xây dựng Nhà máy luyện và cán thép tại khu công nghiệp Cầu Nghìn bên bờ sông Hóa, đối diện bên này bờ sông là khu dân cư thuộc địa phận huyện Vĩnh.
Nằm giữa vùng đất giáp ranh giữa Hải Phòng và Thái Bình nên mọi hoạt động của Công ty này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân 3 xã tại huyện Vĩnh Bảo.
Ông Đoàn Văn Quốc (ở Hùng Chiến, xã Đồng Minh) cho biết: “ Công ty cán thép này đặt trên đất Quỳnh Phụ (Thái Bình), nhưng toàn bộ ô nhiễm của Công ty lại ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân phân bố dọc trên địa bàn bờ sông Hóa thuộc huyện Vĩnh Bảo. Đối với khói, bụi từ Công ty thải ra thì cứ gió Tây bấc thổi thì khói bụi sẽ ảnh hưởng tới thôn Hùng Chiến. Gió Đông Nam thổi thì ảnh hưởng trực tiếp tới thôn Kênh Trạch, xã Hưng Nhân. Gió chính Tây thổi thì lại ảnh hưởng tới thôn An Biên, thôn Kê Sơn thuộc xã Hưng Nhân...".
Năm nào, tại các kỳ họp HĐND, cử tri huyện Vĩnh Bảo cũng kiến nghị vấn đề ô nhiễm môi trường. Trả lời về ý kiến nghị của cử tri về việc ô nhiễm môi trường do Nhà máy cán thép gây ra cho nhân dân xung quanh, trong báo cáo của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 14 trả lời việc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri tại kỳ họp thứ 5 trả lời vấn đề trên như sau: UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TN&MT làm việc với Sở TN&MT tỉnh Thái Bình về kiểm tra bảo vệ môi trường Công ty Shengli, kết quả xử lý cụ thể như sau: Ngày 31/5/2012 Sở TN&MT tỉnh Thái Bình tổ chức Đoàn kiểm tra giám sát, cho thấy Công ty Shengli Việt Nam có vi phạm các quy định về công tác bảo vệ môi trường.
Ngày 4/6/2012, Thanh tra Sở TN&MT Thái Bình đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty: Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền với mức phạt 55.000.000 đồng; phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1147/2011 do Sở TN&MT tỉnh Thái Bình cấp. Ngày 28/2 Sở TN&MT tiếp tục có Công văn số 322, đề nghị Sở TN&MT Thái Bình kiểm tra chặt chẽ và thông báo kết quả xử lý mới nhất về Sở TNMT để thông tin cụ thể đến cử tri. Ngày 27/3, Sở TN&MT Thái Bình có Công văn trả lời số 241, trong đó khẳng định Công ty Shengli đã thực hiện việc lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc tự động khí thải.
Các kết quả quan trắc môi trường khí thải tại Nhà máy do Sở TN&MT và Công ty tự quan trắc năm 2012, quý 1 năm 2013 đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Nhâm - Chủ tịch xã Đồng Minh cho biết: “So với năm ngoái thì tiếng ồn có giảm so với trước nhưng bằng mắt thường thì chúng tôi nhận thấy rõ là ô nhiễm. Tiếng ồn từ nhà máy vọng xa, nhiều hôm ngồi ở UBND xã mà tôi cũng nghe thấy (UBND xã cách nhà máy khoảng 3km). Và chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi khét, nhất là về mùa này hanh khô, bụi càng nhiều, cộng với việc gió Tây Bắc thổi thì ảnh hưởng rất nhiều tới nhân dân xã tôi. Và dọc tuyến sông Hóa nơi Nhà máy đóng thì cá hay chết. Nhiều hôm chỉ sau một đêm, sáng hôm sau cá chết hàng loạt dọc hai bên bờ sông mà không rõ nguyên nhân”.
Ngày 28/5 và 1/6, Sở TN&MT cùng UBND huyện Vĩnh Bảo, UBND xã Đồng Minh đã làm việc với Sở TN&MT Thái Bình và Công ty Shengli, yêu cầu Công ty chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Vận hành liên tục các công trình xử lý khí, nước thải; xây dựng hệ thống cây xanh ngăn bụi và tiếng ồn thường xuyên báo cáo, trao đổi thông tin về kết quả quan trắc môi trường với UBND huyện Vĩnh Bảo, UBND xã Đồng Minh để kiểm tra, giám sát. Tiến hành quan trắc thường xuyên, mời các hộ dân tham quan và giám sát hoạt động của Công ty.
Công ty Shengli Việt Nam cam kết vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường; có những biện pháp hữu hiệu giảm thiểu xả khí thải, bụi và giảm tiếng ồn bằng cách bố trí thời gian sản xuất thích hợp; sẽ tiếp tục trao đổi thông tin về kết quả quan trắc môi trường với UBND xã Đồng Minh để giám sát và trả lời kiến nghị của người dân. (Thanh Vân, Diễn Đàn Doanh Nghiệp 30/10, tr14)
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và nhiều khu đô thị xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo điện tử sử dụng đèn led hoặc nê-on đủ kích cỡ, hình dạng với mầu sắc rất bắt mắt. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu thế cho quảng cáo, những tấm biển rực rỡ này lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ.
Theo những hộ kinh doanh, loại hình quảng cáo này tuy chi phí lắp đặt cao hơn loại thông thường, nhưng có ưu thế là tạo sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý do có khả năng phát sáng và có thể thay đổi được nội dung. Chưa kể, mầu sắc loại biển quảng cáo này rất đa dạng theo nhu cầu sử dụng.
Đáng nói, phần lớn các biển quảng cáo điện tử này đều được đặt ở ngoài trời dễ xảy ra nguy cơ bị nước mưa, bụi lọt vào, gây cháy, nổ các linh kiện điện tử. Nhiều chủ cửa hàng đều giao toàn bộ việc thiết kế, mua bán thiết bị sản xuất biển quảng cáo cho thợ. Ðể giảm chi phí, không ít thợ lắp đặt thường mua loại dây nối chế tạo biển không đạt chất lượng, có độ bền thấp, xuất xứ từ Trung Quốc. Chính vì thế, khi gặp nhiệt phát ra từ chiếc đèn nê-on, chất liệu nhựa kia không chịu được, cho nên phát cháy. Thực tế đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra trong thời gian gần đây có nguyên nhân do chập, cháy điện từ các biển quảng cáo. (Trần Minh, Nhân Dân 30/10, tr4)
Ngày 29/10, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo tham vấn báo cáo kết quả khảo sát nhu cầu vay vốn, tìm việc làm đối với 4 nhóm người dễ bị tổn thương.
Khảo sát được thực hiện tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Điện Biên, Nghệ An, Cần Thơ, Lâm Đồng, với các nhóm đối tượng: Người nghiện ma túy sau cai, người mại dâm, người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV (bố/mẹ, vợ/chồng, con của người nhiễm HIV) và người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone.
Nhóm nghiên cứu, khảo sát kiến nghị các Bộ, ngành liên quan cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề cho vay vốn, tạo việc làm với các nhóm đối tượng trên; đẩy mạnh tuyên truyền giảm kỳ thị, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. (Hồ Hương, Nông Thôn Ngày Nay 30/10, tr4)
Qua quá nửa “chặng đường chèo” tại Hải Phòng, không khí Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 “cho phép” người ta mừng khi người nghệ sĩ chèo hôm nay bấp chấp khó khăn của thực tế, vẫn… còn nguyên tình chèo.
Không thu hút được khán giả sở tại đến xem chật rạp như sự kiện sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, nhưng bù lại, dù Ban tổ chức có nhấn mạnh đây là một cuộc thi tài, thì tại thành phố Cảng, các nghệ sỹ của làng chèo vẫn dẹp qua một bên tâm lý ganh đua, gặp nhau là tay bắt mặt mừng như tình cảm của những người thân tụ họp về vào ngày gia đình có việc.
Diễn viên Thanh Bình – Đoàn chèo Hải Phòng tâm sự: “Được xem, được nghe các bạn nghề biểu diễn, mình như cùng hòa vào với họ trên sân khấu. Là người trong nghề thật, nhưng những câu hát khéo, những mảnh trò hay làm cho mình chìm vào đam mê. Rồi bạn bè còn góp ý, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau một cách chân thành. Bốn năm trời mới có dịp gặp nhau, thực sự là ngày hội của người nghệ sĩ…”.
Tham dự cuộc thi, Đoàn nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang mạnh dạn lựa chọn đề tài hiện đại – tác phẩm “Nắng quái chiều hôm” – kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, chuyển thể chèo: Bùi Đức Hạnh, đạo diễn: Hà Quốc Minh. Đưa đề tài hiện đại vào chèo là điều lâu nay làng chèo trăn trở, có thành công và cũng nhiều thất bại. “Nắng quái chiều hôm” đã tạo được hiệu ứng cảm xúc của khán giả với khá đông người dân Hải Phòng đi xem vở diễn. Đây là dấu hiệu đáng mừng và đáng ghi nhận của tác phẩm vì xưa nay làm chèo hiện đại đã khó, gây được xúc động bằng chèo hiện đại thì cũng chưa bao giờ dễ.
Nghệ thuật chèo chính là nơi để những cảm xúc, những tình cảm đẹp đẽ thăng hoa thành câu hát, điệu múa. Sự cao cả của hai người đàn bà, sự tốt đẹp của hai tấm lòng nhân hậu gạt bỏ thói tầm thường để đến với nhau chính là thành công lớn của vở diễn, bởi nó đạt tới hiệu ứng “tẩy rửa” – giá trị cao nhất của một tác phẩm sân khấu theo lời ông tổ sân khấu cổ Đại Hy lạp Arixtot. Nhưng nếu như màn diễn xúc động này khá đạt về mặt nghệ thuật biểu diễn, thì vở chèo có nhiều phần thật đáng tiếc. Bên cạnh những điểm chưa được về mặt nghệ thuật và sự khai thác nội dung kịch bản chưa biểu đạt được hết giá trị, nhưng vở diễn đã mở ra một hướng sáng tạo nghệ thuật chèo đề tài hiện đại mà người làm nghề rất đáng quan tâm.
Những điều tốt đẹp, sự cao cả của chủ nghĩa nhân văn và tinh thần nhân đạo, những bài học, sự khắc phục và trả giá cho sai lầm… chính là nền tảng để nghệ thuật chèo tái hiện những đề tài, những vấn đề xã hội của ngày hôm nay. (Hoàng Thi, Nhân Dân Điện Tử 29/10)
Nhiều Triển lãm mỹ thuật lớn, những trại sáng tác được mở và cả triển lãm ngoài trời lần đầu được tổ chức…, hoạt động mỹ thuật của đất Cảng sôi động trở lại sau thời gian dài chìm lắng. Thế nhưng khát vọng lớn của giới họa sĩ đất Cảng có một gallery để trưng bày, để quảng bá tác phẩm đến nay mới thành hiện thực.
Hải Phòng Art gallery đặt tại trụ sở Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố (19 Trần Hưng Đạo) chính thức ra mắt vào ngày 25/10. Dẫu mặt tiền không gây ấn tượng và không một dòng quảng cáo, nhưng Hải Phòng Art gallery lại ấm cúng trong ngôi nhà Pháp cổ.
Đây là gallery đầu tiên tại Hải Phòng, hoạt động mang tính chuyên nghiệp thỏa mãn mong ước lâu nay của giới mỹ thuật. Hải Phòng Art gallery cũng là nơi để người yêu mỹ thuật, nhà sưu tập có thể gặp gỡ, giao lưu với các họa sĩ, hoặc chiêm ngưỡng, tìm được những tác phẩm mà mình yêu thích. Còn các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan tìm được những tác phẩm phù hợp để trang trí nội thất, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đơn vị. Tại đây, không chỉ trưng bày các tác phẩm chọn lọc của các họa sĩ, các nhà điêu khắc thành phố, mà Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật sẽ thường xuyên tổ chức các Triển lãm cá nhân, Triển lãm nhóm, triển lãm chuyên đề.
Họa sĩ Đặng Tiến cho biết: Với phương châm phục vụ vì sự phát triển của mỹ thuật Hải Phòng, gallery sẽ cố gắng giới thiệu ngày càng rộng rãi các tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc công bố, giới thiệu tác phẩm của mình”.
Ngày ra mắt Hải Phòng gallery cũng là ngày khai mạc Triển lãm chuyên đề Tranh tĩnh vật, với 37 bức tranh của các họa sĩ Hải Phòng. Triễn lãm được phát động trong thời gian ngắn, nhưng Ban tổ chức nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các họa sĩ với lượng tranh lớn. Nhưng không gian gallery quá nhỏ nên dù cố gắng cũng chỉ trưng bày được 37 bức.
Đã lâu mới có một phòng tranh lạ và đẹp như thế. Và cũng rất mừng cho mỹ thuật thành phố có gallery của chính mình để rồi thời gian tới, sẽ có phong trào làm gallery, giúp giới mỹ thuật được làm nghề và đam mê với nghề. Cửa đã mở cho mỹ thuật, mong nó đừng khép hờ. (Đỗ Ngọc, Báo Hải Phòng Online 30/10)
Chiều 29/10, trên sân vận động Cảng, loạt trận thứ 2 tại bảng A đã diễn ra đầy kịch tính. Một cơn mưa bàn thắng đã đến ở cặp đấu thứ nhất giữa Ngô Quyền và An Lão nhưng đến phút cuối, Ngô Quyền vẫn là đội giành thắng lợi. Chỉ sau đó ít phút, đương kim vô địch Hồng Bàng cũng giành trọn 3 điểm khi ghi bàn chớp nhoáng ngay đầu trận…
Giành chiến thắng là có vé vào Bán kết nên Ngô Quyền ào lên tấn công dồn ép An Lão ngay sau tiếng còi khai cuộc. Với đội hình đồng đều, chơi máu lửa hơn, Ngô Quyền nhanh chóng có 2 bàn thắng do công của Hoàng Anh (số 11) ghi ở phút 9 và thứ 10. Tuy nhiên, việc ghi bàn sớm khiến các cầu thủ Ngô Quyền chơi chậm lại và mất cảnh giá. Rất nhanh, An Lão vùng lên với pha đá phạt tuyệt đẹp của Tùng Dương (số 7) ở phút 23 và chỉ 4 phút sau, trong một pha cản phá thiếu ăn ý, hậu vệ Văn Cộng đánh đầu phản lưới nhà giúp An Lão san bằng cách biệt 2-2.
Bị san bằng tỷ số, Ngô Quyền xốc lại đội hình tiếp tục ào lên tấn công và họ nhanh chóng ghi được 3 bàn thắng do công của Minh Hào, Mai Ngọc Quang và Văn Quân. Bị dẫn bàn nhưng các cầu thủ An Lão không rối loạn, bình tĩnh tổ chức tấn công và liên tiếp ghi bàn thắng rút ngắn khoảng cách khiến đối thủ phải nể phục. Tuy nhiên, 2 bàn thắng của Mạnh Tuấn và Xuân Trường không giúp An Lão giành được điểm số và chấp nhận rời giải sớm sau hai trận thua liên tiếp. Giành hai chiến thắng với 6 điểm có được, Ngô Quyền giành tấm vé đầu tiên vào Bán kết.
Ở trận đấu thứ hai tại bảng A, đương kim vô địch Hồng Bàng cũng giành vé vào Bán kết khi vượt qua Kiến An với tỷ số 1-0 bằng bàn thắng của Quang Huy ngay phút thứ 2 của trận đấu.
Chiều 30/10, hai đội bóng An Dương và Thủy Nguyên sẽ có trận thi đấu đầu tiên tại giải. Ở bảng B, Thủy Nguyên sẽ đối đầu với Kiến Thụy và ở bảng C là An Dương gặp Hải An. Hai cặp đấu này sẽ quyết định cuộc đua giành vé vào bán kết ở bảng B và C. Nếu họ cùng giành chiến thắng thì vé bán kết sẽ được quyết định ở lượt đấu cuối và nếu thua thì cơ hội sẽ được chia đều cho cả ba.
Chính vì vậy, hai trận đấu chiều nay sẽ quyết định cục diện ở bảng B và C cũng như hứa hẹn cống hiến cho khán giả những pha bóng hay, quyết liệt bởi cả 4 đội bóng đều khát khao giành chiến thắng để giành lợi thế trong cuộc đua vào bán kết. (Phan Anh, An Ninh Hải Phòng 30/10, tr11)./.