Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 30/10/2012)
TTXVN đưa tin: Theo báo cáo lúc 17 giờ ngày 29/10 của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng, sau ba ngày di chuyển qua thành phố (từ ngày 27-29/10), cơn bão số 8 đã làm một người chết, một nguời mất tích, chín người bị thương và tổng thiệt hại ước tính khoảng 400 tỷ đồng.
Ngay sau khi bão tan, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp khẩn và tổ chức các đoàn chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tổ chức tìm kiếm người và phương tiện bị trôi dạt, mất tích, huy động các nguồn lực xử lý, khôi phục các công trình bị hư hại và khôi phục sản xuất.
Trên báo An Ninh Thủ Đô cho biết thêm: Theo nhận định của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố Hải Phòng, đây là cơn bão gây thiệt hại nặng nề nhất về tài sản tại Hải Phòng trong 10 năm qua. Số người bị chết và mất tích chủ yếu là ngư dân nuôi trồng thủy sản và thủy thủ đang làm việc và neo đậu tàu thuyền tại huyện Cát Hải. Diện tích lúa bị ngập lụt tại các huyện: Tiên Lãng (1.200ha), Vĩnh Bảo (3.000ha). Có khoảng gần 1.000 nhà dân bị tốc mái; hệ thống các trang trại chăn nuôi khu vực ngoại thành thiệt hại nặng nề; hệ thống điện trên địa bàn thành phố bị mất trên diện rộng. Có 400 - 500 cột điện khu vực ngoại thành bị đổ gẫy. Bão số 8 cũng đã gây ra mất điện và mất nước toàn thành phố.
Giàn khoan GSF KEY HAWAI của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hải Phòng cũng bị trôi, làm mắc kẹt 39 người. Trên Tiền Phong cho biết thêm, tối 29/10, điện và nước ở nội thành Hải Phòng bước đầu được khắc phục trở lại. Ngoài ra, chiều 29/10, một số trang báo khác cũng đưa thông tin về những thiệt hại ban đầu của thành phố sau cơn bão số 8. (PV, TTXVN/Vietnamplus.vn 30/10; VOVNews 30/10; Hạ Quỳnh, An Ninh Thủ Đô 30/10, tr6; Tiền Phong 30/10, tr6; Quân Đội Nhân Dân Online 29/10; Sức Khỏe & Đời Sống Online 29/10; Lao Động 29/10; Tiền Phong 29/10; Báo Công Thương Điện Tử 29/10; Chí Kiên – Tuấn Lương, Hà Nội Mới 30/10, tr7; V.N, Báo VOV 30/10, tr4; Pháp Luật Việt Nam 30/10, tr5+6; Hoàng Hoan, Lao Động 30/10, tr1+6; Người Cao Tuổi 30/10, tr5; Công An Nhân Dân 30/10, tr4; Đại Đoàn Kết 30/10, tr2; Tin Tức 30/10, tr5; Nông Thôn Ngày Nay 30/10, tr4; Tuổi Trẻ Thủ Đô 29/10, tr2; Quân Đội Nhân Dân 30/10, tr3; Thanh Hòa, Công An TPHCM 30/10, tr8; Pháp Luật TP.HCM 30/10, tr6; Thanh Niên 30/10, trA; Nhân Dân 30/10, tr5; Tuổi Trẻ 30/10, tr4; Sài Gòn Giải Phóng 30/10, tr1+7; Chu Khôi, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 30/10, tr12; Báo Hải Phòng 29/10; Anh Đức, Bạn Đường 30/10, tr2; An Ninh Hải Phòng 30/10; thp.org.vn 30/10)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay, Tập đoàn đã khôi phục cấp điện cho toàn bộ tỉnh Thanh Hóa, các tỉnh Nam Định trên 30%, Thái Bình 50%, Ninh Bình và Hải Phòng 85% và Quảng Ninh trên 90%.
EVN, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các Công ty Điện lực tỉnh, nơi chịu ảnh hưởng của bão đang tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị, khắc phục khó khăn xử lý sự cố và đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên và nhân dân, đảm bảo khôi phục cung cấp điện trong thời gian sớm nhất.
Tính đến cuối giờ chiều ngày 29/10, ngành điện đã khắc phục xong sự cố các đường dây 220kV, 25/29 đường dây 110kV, 3/7 trạm biến áp 110kV, 205/355 đường dây trung thế, từng bước cung cấp điện trở lại cho khách hàng, đặc biệt là những vị trí quan trọng như các cơ quan chính quyền, các bệnh viện, đài phát thanh truyền hình, các nhà máy cung cấp nước sạch, các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập ở các khu vực bị ảnh hưởng của bão.
Tại Thanh Hóa, Ban Quản lý dự án Nhiệt điện 2 (thuộc EVN) là đơn vị quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đã phối hợp với tỉnh Thanh Hóa sử dụng cảng biển của Nhiệt điện Nghi Sơn làm nơi tránh trú bão an toàn cho gần 100 tầu đánh bắt cá trên biển của ngư dân.
Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền hướng dẫn nhân dân chằng néo phương tiện và đảm bảo an ninh khu vực cảng biển.
Bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương Bắc Trung Bộ, ven biển Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ khiến hệ thống điện miền Bắc xảy ra sự cố trên hai đường dây 220kV, 29 đường dây 110kV, 7 trạm biến áp 110kV, 355 đường dây trung thế và hàng nghìn cột điện hạ thế bị gãy đổ, gây ảnh hưởng lớn đến khách hàng sử dụng điện. (Mai Phương, TTXVN/Vietnamplus.vn 30/10)
Trực ban Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chiều nay cho biết, hai máy bay trực thăng do Tổng công ty Bay Việt Nam điều động xuống Hải Phòng đã thực hiện bay cứu hộ cứu nạn thành công và đưa toàn bộ 35 người trên giàn khoan GSF KEY HAWAII vào đất liền an toàn.
Trước đó, lúc 17 giờ 35 phút chiều 28/10, trên vùng biển cách bắc Bạch Long Vĩ 14 hải lý, giàn khoan GSF KEY HAWAI bị đứt dây kéo với tàu lai, do sóng to tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan. Đại diện giàn khoan đề nghị sử dụng trực thăng cứu nạn. Lúc 4 giờ 30 sáng nay, giàn khoan GSF KEY HAWAI đang trôi nổi trên vùng biển cách Đảo Hạ Mai 4 hải lý. Do sóng to tàu lai không thể tiếp cận được với giàn khoan. (Quang Duẩn, Thanh Niên Online 29/10; VOVNews 29/10)
Theo thông tin từ FPT Telecom, do mưa bão nên cây cối, cột điện bị đổ gãy ảnh hưởng đến nhiều thuê bao của FPT Telecom tại Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng... Các chi nhánh đang tiến hành ra soát, khắc phục sự cố để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất.
Chi nhánh FPT Telecom tại Hải Phòng cũng bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão Sơn Tinh. Cụ thể, đêm ngày 28/10, do mưa to, gió lớn nên cây cối, cột điện đổ gãy khiến rất nhiều nhà trạm của FPT Telecom bị mất điện, nhiều tuyến cáp ngoại vi bị ảnh hưởng, số lượng cáp thuê bao bị đứt tương đối lớn. Chi nhánh Hải Phòng đang chỉ đạo toàn bộ nhân lực để đối phó và ứng cứu các đài, trạm và tuyến cáp quan trọng để kịp thời đảm bảo dịch vụ cho khách hàng ngay sau khi có điện trở lại. (TP, ICTNews 29/10)
Hiện lực lượng vũ trang toàn thành phố đang dốc sức cùng các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả của bão số 8.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Huy – Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, với cơn bão có diễn biến phức tạp như vừa rồi thì thiệt hại nặng là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nhờ chủ động đối phó, lực lượng vũ trang thành phố cùng các lực lượng chức năng và nhân dân đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 8 gây ra.
Hậu quả mà cơn bão số 8 gây ra với Hải Phòng mặc dù đã được lực lượng vũ trang thành phố chủ động khắc phục, hạn chế được đáng kể thiệt hại, nhưng đáng tiếc là vẫn để một người chết, mà theo Thượng tá Huy, là do nhân dân thì chủ quan, còn lực lượng chức năng lại thiếu cương quyết trong vận động, cưỡng chế họ về nơi tránh bão. (Duy Thành – Phú Sơn, Quân Đội Nhân Dân 30/10, tr3)
Sáng 29/10, đoàn công tác của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ra kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả nghiêm trọng do cơn bão số 8 gây ra tại huyện đảo Cát Hải.
Theo đánh giá, thiệt hại về tài sản trên địa bàn huyện rất lớn. Bí thư Thành ủy và đoàn công tác thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra các khu vực bị thiệt hại nặng như Bến Bèo, Cảng Cá, Cát Cò 3, vịnh Đồng Hồ, vịnh Cát Bà…; thăm viếng, động viên và hỗ trợ ban đầu gia đình nạn nhân bị tử vong do bão.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương tập trung mọi nguồn lực, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ và đề xuất thành phố hỗ trợ người bị nạn, giúp nhân dân sớm khắc phục các thiệt hại sau bão. (Bình Quân, Văn Lượng, Báo Hải Phòng 30/10)
Báo số 8 với hướng di chuyển phức tạp và bất ngờ ngay khi đổ bộ vào Hải Phòng đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của các phương tiện tàu thuyền trên vùng nước cảng biển Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng.
Theo tổng hợp của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, sau cơn bão số 8, trong vùng nước cảng biển Hải Phòng không có thiệt hại về người, tuy nhiên, bão đã gây một số thiệt hại về phương tiện, trang thiết bị của ngành hàng hải. Vào tối 28.10, sức gió giật lớn đã làm cho tàu VSICO PIONEER đang neo tránh bão ở phía Nam đảo Hòn Dáu bị rơi 06 container xuống biển, trong đó có 5 container rỗng và 1 container có hàng; tàu SINA BINTAN đang neo tránh bão phía đông nam đảo Hòn Dáu bị rơi 10container xuống biển;tàu Đông Mai rơi 01 phao bè và 9 container bị bẹp. Hiện nay, do 16 container rơi từ các tàu nói trên đã trôi và chìm nên chưa xác định được chính xác vị trí chướng ngại ngâm trên các tuyến luồng hàng hải ra vào khu vực cảng biển Hải Phòng. Do vậy, các đơn vị chức năng đang khẩn trương tiến hành việc thăm dò trục vớt, tránh gây tình trạng ách tắc tuyến luồng Hải Phòng. Cũng trong tối qua, bão số 8 đã làm trôi neo hàng chục tàu tại các khu vực phao 15A/15B luồng Lạch Huyện, cảng Đình Vũ, khu vực luồng Bạch Đằng 9, khu vực Bến Lâm, thượng lưu cảng Vật Cách và gây sự cố đâm va như sà lan BG 0073 do sự cố máy đã va vào mạn tàu Biển Đông Star đang neo buộc tại cầu cảng Đình Vũ; tàu NAVAKUN bị trôi neo va vào mũi tàu Phương Nam Star đang neo tại khu vực Bạch Đằng; tàu Phương Nam Star đang neo tại khu neo Bạch Đằng bị tàu VT Apfan1 điều động đâm vào mạn phải tàu. Đặc biệt, bão số 8 cũng đã làm đắm 2 sà lan trên luồng sông Cấm. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng, do kịp thời triển khai các phương án chống bão nên không có thiệt hại lớn về người và tài sản, chỉ có một vài sự cố liên quan đến việc rơi các container rỗng tại bãi.
Ngay sau bão tan, các cơ quan quản lý hàng hải và các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng đã khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại, đặc biệt nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xử lý các sự cố đảm bảo thông suốt tuyến luồng Hải Phòng và duy trì trở lại nhịp độ sản xuất. (Lưu Hà, thp.org.vn 30/10)
Theo Công ty Điện lực Hải Phòng, bão số 8 với cường độ mạnh, diễn biến khó lường đã làm ảnh hưởng nhiều tới hệ thống lưới điện của thành phố. Mặc dù công ty đã triển khai các phương án phòng, chống và khắc phục ngay hậu quả sau bão nên hạn chế được một phần thiệt hại, nhưng đường dây, máy biến áp bị sự cố vẫn khá lớn. Cụ thể, có 83 đường dây cao thế bị sự cố; 13 máy biến áp 110 KV và 2500 MBA phân phối ngừng cấp điện. Ước tính số thiệt hại lên tới khoảng 10 tỷ đồng. Không có thiệt hại về người và không xảy ra tai nạn.
Trong ngày 29/10, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công Ty Điện lực Miền Bắc đã xuống kiểm tra trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 8 tại Công ty Điện lực Hải Phòng. Các phụ tải quan trọng cấp điện cho an ninh quốc phòng và các trạm bơm tiêu úng, công ty đã khẩn trương khôi phục đóng điện trở lại trong ngày 29- 10. Khu vực nội thành cơ bản được cấp điện trở lại ngay trong ngày 29- 10. Công ty tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực kiểm tra, khắc phục, quyết tâm khôi phục lại xong toàn bộ lưới điện do Điện lực Hải Phòng quản lý trong ngày 30- 10. (Báo Hải Phòng Online 29/10)
Từ tối ngày 28/10 đến rạng sáng ngày 29/10, cơn bão số 8 với cường độ mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hải Phòng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, thiệt hại đối với kinh tế thành phố. Ngay sau khi bão tan, các địa phương, đơn vị sát cánh cùng nhân dân, đồng sức, đồng lòng khắc phục khó khăn.
Người dân bất ngờ với siêu bão
Sáng sớm ngày 29/10, tại khu du lịch Đồ Sơn nhiều tuyến đường bị cô lập vì ngập lụt và cây gãy đổ. Nhiều nhà hàng, khách sạn tại khu 2 Đồ Sơn ngổn ngang gạch đá, cửa kính vỡ, tôn bay. Ông Hoàng Tố Như, chủ cửa hàng Hải Âu ở khu 2 Đồ Sơn cho biết: “Khoảng 8 giờ tối 28-10 gió rất mạnh, kèm theo đó là sóng cao 2m đánh tràn vào phía bên trong nhà hàng. Gió bão và sóng to đã làm nhiều cửa hàng ở khu vực này bị vỡ kính, tốc mái. Cửa hàng của gia đình tôi bị thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. So với những đợt bão trước đây thì thiệt hại lớn hơn một phần do bão cấp độ lớn, một phần do chúng tôi nghe thông tin là bão không vào Hải Phòng mà vào khu vực Ninh Bình- Thanh Hóa nên dù địa phương có đề nghị triển khai chống bão nhưng người dân chưa chú ý thực hiện”.
Anh Nguyễn Thế Nghi, chủ xưởng gỗ của Công ty cổ phần xây dựng Trung Nguyên ở xã An Tiến (An Lão) chỉ toàn bộ 3000 m2 mái tôn khu vực nhà xưởng bị gió bão cuốn đi xa đến vài mét, cho biết: “ Dự báo bão không sát thực tế đã khiến nhiều người dân cho rằng bão không vào Hải Phòng nên không có ý thức chằng buộc nhà xưởng. Đến khi thấy gió to, tôi cùng nhiều công nhân trong xưởng mới tìm cách chằng buộc thì không kịp”. Anh Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ khẳng định: “Nhiều năm rồi tôi mới thấy có cơn bão lớn như cơn bão số 8. Cũng vì thấy dự báo bão không vào khu vực Hải Phòng mà chỉ bị ảnh hưởng nên chúng tôi chưa chú ý phòng, chống. Ai dè siêu bão vào làm 2 trại chăn nuôi gà quy mô 36 nghìn con tại khu tập trung 7 ha và 3 trại gà giống ở xã Chiến Thắng (An Lão) của công ty bị tốc mái hoàn toàn, ảnh hưởng đến chất lượng gà giống. Kho chứa thức ăn chăn nuôi cho 47 trang trại chăn nuôi của công ty cũng bị hỏng mái, nước làm ẩm toàn bộ nguyên liệu. Mất điện do bão trong khoảng thời gian dài khiến 100 quả trứng đang ấp nở thành gà giống bị hỏng…Thiệt hại của doanh nghiệp rất lớn”.
Theo Ban chỉ huy PCLB- TKCN thành phố, chính việc dự báo đường đi và cường độ của bão chưa sát với diễn biến bão trong một số bản tin dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão khó khăn; đặc biệt là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh. Trong khi UBND thành phố, Ban Chỉ huy PCLB- TKCN thành phố chỉ đạo rất quyết liệt việc sơ tán dân vùng xung yếu, ngư dân trên tàu thuyền, lồng bè, thì các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Kiến Thụy còn có tư tưởng chủ quan chưa thực sự quyết liệt, đã xảy ra sự cố đáng tiếc, trong bão vẫn còn người dân ở lại âu Cảng, trên bè nuôi thủy sản và tại chòi canh đầm nuôi ngao.
Sẻ chia trách nhiệm
Về xã An Hòa (An Dương) thời điểm ngay sau khi bão tan, chúng tôi chứng kiến tinh thần tương trợ lẫn nhau, dồn sức khắc phục hậu quả thiên tai của người dân nơi đây. Người thiệt hại ít giúp sức những gia đình thiệt hại nhiều với tinh thần nhường cơm sẻ áo. Trên những cánh đồng lúa chín vàng ngập đổ trong nước, người dân tranh thủ thu hoạch lúa. Nhà nào thu hoạch xong thì giúp nhà ít lao động hơn. Anh Lưu Xuân Lước, phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp An Hòa cho biết: “Ngoài hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, toàn bộ 250 ha vùng chuyên trồng rau màu của xã đã bị gió bão phá hỏng hoàn toàn, không thể phục hồi. Chính quyền địa phương chủ động cấp hạt giống rau ngắn ngày để người dân gieo trồng bổ sung, khắc phục thiệt hại. HTX vận động người dân giúp nhau thu hoạch sớm những diện tích rau màu bị thiệt hại ít”.
Anh Nguyễn Tiến Nghị, trưởng thôn Xuân Sơn 2, xã An Thắng (An Lão) cho biết, thôn có 24 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 5 hộ không còn nhà ở; 30% diện tích lúa bị ngập đổ. Thiệt hại không nhỏ nhưng người dân chủ động giúp nhau thu hoạch lúa, sửa lại nhà cửa, giúp hộ không còn nhà ở có nơi ở tạm thời. Đến cuối giờ chiều ngày 29-10, các hộ dân cơ bản sửa chữa lại mái nhà bị tốc, huy động lực lượng học sinh, sinh viên hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa, dọn dẹp cây đổ, khơi thông những khu vực ngập úng.
Tại khu dân cư Thủy Giang, phường Hải Thành (quận Dương Kinh), không quản ngại đêm tối, trong thời điểm bão đang đổ bộ trực tiếp vẫn có hàng trăm cán bộ chiến sĩ, cán bộ địa phương kiên trì vận động người dân, đưa người già, trẻ nhỏ di dời đến khu vực an toàn. Trong đêm 28-10, không quản gió lớn, sóng to, các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Cát Bà kiên trì, dũng cảm cứu 6 người dân bị trôi dạt trên bè nuôi trồng thủy sản. Trong gió bão, tàu Sar 273 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn thành phố nỗ lực tìm kiếm các thủy thủ trên giàn khoan KEY HAWAI và nhiều tàu chở hàng khác đang vật lộn với sóng to trên vùng biển Hải Phòng. Ngay sau khi bão tan, từ rất sớm, các công nhân Công ty công viên cây xanh, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị đã mải miết dọn sạch những cây gãy đổ, rác tồn đọng ngổn ngang trên đường phố. Từ khu trung tâm thành phố đến các vùng ngoại thành, thấp thoáng bóng những người thợ áo vàng của Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng, tranh thủ từng giờ sửa đường dây, dựng lại cột điện, kịp thời mang ánh sáng điện về cho thành phố trong thời gian sớm nhất… (Kim Oanh, Báo Hải Phòng 30/10, tr2)
Cơn bão số 8 vào bờ biển miền Bắc đã gây thiệt hại nặng nề; hàng ngàn ngôi nhà dân bị tốc mái chỉ trong một đêm; hơn 5.500 cột điện đổ rạp; lúa, hoa màu nát bét khắp nơi. Ít nhất đã có 42 người chết, bị thương và mất tích.
Sau bão đi qua, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cho rằng, đây là cơn bão kỳ dị cả về đường đi lẫn cường độ bão nên không thể dự đoán trước được. Nhưng những người dân ở vùng tâm bão Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh... thì chỉ biết “oán ông trời” vì cho rằng họ đã bị động và thiếu thông tin về vị trí bão đổ bộ, nhiều nơi ngay cả người dân cũng như chính quyền địa phương trở tay không kịp, không ít nơi còn chủ quan.
Báo An Ninh Thủ Đô đã dẫn lời ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: “Tôi nghĩ, khi đã có những thiệt hại lớn về người và của thì không ai dám nói là mình đã hoàn thành tốt. Chúng tôi chỉ có thể nói là đã cố gắng hết sức mình trong công tác dự báo cơn bão này để làm công tác “đầu vào” cho cả hệ thống chỉ đạo công tác phòng tránh thiên tai”. (Nhóm PV, Sài Gòn Giải Phóng 30/10, tr7; Ngân Tuyền, An Ninh Thủ Đô 30/10)
Hậu quả nặng nề của cơn bão số 8, đặc biệt là tại Hải Phòng và Nam Định phải kể đến nguyên nhân do việc dự báo đường đi và cường độ của bão chưa sát với diễn biến bão. Hải Phòng ngày 29/10 không còn phải đón những đợt mưa xối xả, những trận cuồng phong, nhưng thành phố lại đang oằn mình chống chọi với những tàn dư sau bão.
Đó là hàng nghìn cây xanh bị gió "hạ gục," giao thông bị ngưng trệ, điện mất, nước ngập trên diện rộng. Chưa kể hàng trăm bè nuôi trồng hải sản, trại chăn nuôi gia súc gia cầm vỡ hỏng, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu đổ nát, và hàng chục tàu bè bị sóng bão nhấn chìm. Đâu đó, những người dân đang chờ ngóng tin người thân mất tích... Bão số 8 liên tục đổi hướng vào đất liền khiến cho người dân thành phố Hải Phòng không kịp trở tay. Đây được coi là trận bão lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhất ở Hải Phòng trong 10 năm trở lại đây.
Các tuyến đường huyết mạch trong nội đô như Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Lợi, Lạch Tray, hàng trăm cây xanh bật gốc nằm ngang đường và bên lề đường, "nghiến" đứt tất cả hệ thống dây điện chiếu sáng, dây điện các loại của ngành viễn thông bắc qua đó. Nhiều panô quảng cáo lớn, biển báo hiệu giao thông trên tuyến đường Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng... rách nát, cong vênh, nằm chỏng chơ trên giải phân cách. Lụt lội cục bộ chưa từng có xảy ra ở một số khu dân cư khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, ngưng trệ; hàng trăm xe máy bị chết máy giữa đường, nhất là những loại xe ga.
Anh Nguyễn Văn Chuyên, ở phố Cấm, quận Ngô Quyền cho biết cảnh ngập lụt ở khu vực này mỗi mùa mưa bão là bình thường, nhưng nước ngập vào nhà chừng 20cm là điều chưa từng xảy ra. Đến 14 giờ, nước vẫn ngập trong nhà gần 10cm. Khu du lịch Hòn Dáu-Đồ Sơn lúc 16 giờ vẫn còn ngổn ngang cây xanh bị gãy đổ, công trình đang thi công, khu nhà tạm cũng bị gió đánh bay mất mái. Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu Hoàng Văn Thiềng cho hay dự báo đường di chuyển của bão số 8 chưa sát đã dẫn đến việc huy động nhân lực, vật lực chống bão của Công ty không được kịp thời.
Thiệt hại nặng nề nhất là khoảng 500m cơ (phần đệm chân đê) và 200m đê đang kè dở phía ngoài biển, hàng trăm cây xanh, hàng chục bức tượng điêu khắc bằng đá bị sóng và gió phá hỏng; một tàu cao tốc hiện đại sức chứa hơn 200 người (chuyên phục vụ tuyến Đồ Sơn-Cát Bà) đang đậu trong vụng bất ngờ đứt dây neo trôi dạt về phía huyện Tiên Lãng. Ước tính thiệt hại về tài sản của Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu không dưới 20 tỷ đồng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Quốc, trụ sở trên đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng cũng thiệt hại đáng kể.
Theo ông Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công ty, kho chứa sản phẩm bị gió hất tung phần mái khiến nước và bụi bẩn tràn vào làm hỏng toàn bộ nguyên vật liệu, chất phụ gia, sản phẩm đã thành phẩm, thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến công trình, hệ thống bến bãi ngoài cảng của Công ty. Hai huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Hải cũng như các huyện trên địa bàn cũng phải căng mình chống bão...
Theo thống kê ban đầu, tổng giá trị thiệt hại về tài sản toàn thành phố do bão số 8 gây nên ước tính 400 tỷ đồng. Trong đó, nhà bị tốc mái là 3.599; trang trại bị sập, tốc mái là 503; 47 tàu thuyền, phương tiện bị chìm; 83 đường dây điện bị sự cố, 849 cột điện bị gãy đổ; công trình đê điều bị sạt lở, hư hại nhiều nhất là ở trên các tuyến đê biển Cát Hải, đê Hữu Thái Bình, đê Tả Thái Bình, đê Tả Văn Úc, đê Hữu sông Luộc. Hải Phòng hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão số 8 gây ra phải kể đến nguyên nhân của việc dự báo đường đi và cường độ của bão chưa sát với diễn biến bão, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão còn khó khăn, đặc biệt là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh.
UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt việc sơ tán dân vùng xung yếu, ngư dân trên tàu thuyền, lồng bè. Tuy nhiên, các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Kiến Thụy chưa thực hiện quyết liệt nên đã xảy ra hậu quả đáng tiếc. Vẫn còn có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ của một vài cơ quan, đơn vị và người dân, chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão. Ngoài ra tại khu vực đảo Cát Hải có một tàu chở quặng trọng tải 2.000 tấn với năm người bị chìm, mất liên lạc. (Thanh Tuấn-Minh Huệ, TTXVN/Vietnamplus.vn 29/10)
Sáng 30/10, đồng chí Dương Anh Điền Phó bí thư TU, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tiếp Đại sứ Israel tại Việt Nam - bà Meirav Eilon Shahar đến chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm vụ mới tại Việt Nam và trao đổi kế hoạch phát triển mối quan hệ, hợp tác giữa Israel với thành phố Hải Phòng
Tại buổi tiếp, đồng chí Dương Anh Điền - chủ tịch UBND TP Hải Phòng chúc mừng bà Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar nhân dịp bà nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Trao đổi về mối quan hệ hợp tác đã xây dựng giữa Israel với Hải Phòng, cũng như hướng phát triển trong tương lai, Chủ tịch UBND TP nêu những lĩnh vực mà Hải Phòng quan tâm và bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác với Israel trên nhiều lĩnh vực ở tầm cao hơn, nhất là các lĩnh vực mà Israel có thế mạnh và Hải Phòng quan tâm như: sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quản lý và sử dụng tài nguyên nước, công tác đào tạo nguồn nhân lực. Chủ tịch UBND TP mong muốn trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ Meirav Eilon Shahar sẽ không ngừng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Israel và TP Hải Phòng.
Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Israel trong thời gian qua; vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước nói chung và với TP Hải Phòng nói riêng phá triển tốt đẹp. Đồng tình với quan điểm của thành phố Hải Phòng, bà Đại sứ nhấn mạnh: Israel luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp với Hải Phòng. Ngoài việc gửi thực tập sinh của Hải Phòng tại Israel, Israel sẽ xúc tiến tổ chức các cuộc hội thảo với các chủ đề về nông nghiệp, bảo vệ môi trường, hoặc triển khai các hình thức đào tạo nguồn cán bộ quản lý, công nghệ và các lĩnh vực khác tại Hải Phòng. Đại sứ tin tưởng và khẳng định sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Israel nói chung, với TP Hải Phòng nói riêng, hướng tới kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoạigiao giữa 2 nước vào năm 2013. (Mai Lan, thp.org.vn 30/10)
Sáng 30/10, đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TƯ Đảng-Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP làm việc với lãnh đạo huyện An Dương, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị số 15 của Ban thường vụ Thành ủy khóa 11 "Về thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan"; Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị khóa 8 " Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội". Cùng dự làm việc có đồng chí Nguyễn Đình Bích- Phó chủ tịch HĐND TP, đồng chí Lê Vũ Thành - Ủy viên BTV Thành ủy-Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy.
Qua 15 năm triển khai các chỉ thị của TƯ và Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan tại huyện An Dương đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đơn vị cùng nhân dân địa phương. Đa số đám cưới được tổ chức văn minh, tiết kiệm, giảm thủ tục, lễ nghi rườm rà, lãng phí. Đã xuất hiện nhiều nét đẹp trong việc cưới như đặt hoa tưởng niệm tại nghĩa trang liệt sỹ, lễ báo hỷ, tiệc trà. Đối với việc tang đã hạn chế được tiêu cực, hủ tục. Hoạt động lễ hội được tổ chức lành mạnh, có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, từng bước phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện An Dương báo cáo về những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chỉ thị của TƯ và Thành ủy, đồng thời kiến nghị thành phố cần có quy định cụ thể trong xử lý vi phạm; Thường xuyên hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; Quan tâm hơn đến các hoạt động thuộc phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" .
Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TƯ Đảng - Bí thư Thành ủy- Chủ tịch HĐND TP lưu ý: Trong thời điểm hiện nay, thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tránh xa hoa lãng phí là rất cần thiết; Yêu cầu đội ngũ cán bộ đảng viên huyện An Dương cần làm gương trong triển khai thực hiện các chỉ thị; Từ thực tế địa phương cần xây dựng các mô hình phù hợp, hiệu quả; Tiếp tục tập trung thực hiện các nội dung trong chỉ thị số 15 của Ban thường vụ Thành ủy khóa 11. (Hoàng Tùng, thp.org.vn 30/10)
Trong 2 ngày 29 và 30/10 , tập thể Ban Thường vụ các Quận ủy Lê Chân, Kiến An, tập thể lãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và tập thể ban lãnh đạo Sở Tài chính tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Quán triệt phương châm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, dân chủ, tập thể ban lãnh đạo sở Tài chính nêu cao trách nhiệm trong việc tham gia vào dự thảo báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể ban lãnh đạo sở theo 3 nội dung của Nghị quyết trung ương 4 và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu; làm rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới.
Tới dự và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Dương Anh Điền - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBNDTP đề nghị trong quá trình kiểm điểm, tập thể Ban lãnh đạo Sở Tài chính cần chú trọng giải trình các vấn đề nêu trong dự thảo báo cáo kiểm điểm, nêu cao trách nhiệm trong việc tham gia ý kiến phát biểu cụ thể vào 3 nội dung của nghị quyết TW4, tập trung làm rõ những khuyết điểm và chỉ ra những biện pháp khắc phục, những vấn đề chưa rõ cần xác minh làm rõ và sớm có kết luận, phấn đấu sau hội nghị kiểm điểm thắt chặt hơn nữa sự đoàn kết thống nhất và có chuyển biến mới trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. (Lưu Hà, thp.org.vn 30/10)
Ngày 29/10, Quốc hội nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); các dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Hòa giải cơ sở, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Theo Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Ủy ban đề nghị tổ chức lấy ý kiến về toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 2-1-2013 và kết thúc vào ngày 31-3-2013.
Căn cứ vào Cương lĩnh, các văn kiện khác của Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết của Quốc hội, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi gồm 9 nội dung. Đó là tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tiếp tục phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trong quan hệ quốc tế; tạo cơ sở hiến định để Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thực hiện quyền, nghĩa vụ quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới; sửa đổi kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Mở rộng diện đối tượng thuê đất
Thẩm tra về Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành quy định thu hẹp diện đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất và mở rộng diện đối tượng thuê đất. Trước mắt có thể xem xét miễn tiền thuê đất đối với một số đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa. Song Luật cần quy định cụ thể định mức sử dụng đất để giới hạn diện tích mà mỗi đơn vị sự nghiệp được miễn tiền thuê đất, trường hợp vượt hạn mức phải trả tiền thuê đất.
Đối với việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, chủ yếu cần thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đa số đại biểu đều bày tỏ sự ủng hộ, bởi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm góp phần tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm để Quốc hội, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người được lấy phiếu.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị quy định rõ trường hợp nào thì lấy phiếu tín nhiệm và trong nội dung phiếu chỉ nên ghi tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, không nên ghi tín nhiệm trung bình hoặc không có ý kiến. Các đại biểu lập luận, là người đại diện cho nhân dân, đại biểu cần bày tỏ rõ quan điểm, chính kiến của mình.
Hôm nay 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng): Chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ
Tôi cho rằng, tờ trình quy định “Lấy phiếu tín nhiệm”, với 3 bước là lấy phiếu, bỏ phiếu và bãi miễn sẽ gây lãng phí thời gian. Do đó, chỉ nên rút gọn là “Tăng cường trách nhiệm của Quốc hội bằng việc bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm” là đủ. Có thể tiến hành vào kỳ họp đầu năm, từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ trở đi. Nguyên nhân là do đối tượng lấy phiếu tín nhiệm sẽ không gồm các chức danh trong Quốc hội mà dành cho đối tượng Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới bỏ phiếu bất tín nhiệm với các chức danh của Quốc hội mà chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm với Chính phủ, các thành viên Chính phủ, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng): Không lấy phiếu tín nhiệm các chức danh HĐND
Tôi đề nghị xem xét lại quy định lấy phiếu tín nhiệm các đại biểu Quốc hội và các thành viên Ủy ban được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, bởi trên thực tế, nếu cung cấp thông tin không đầy đủ, sẽ có trường hợp đại biểu làm việc rất tốt, nhưng phiếu tín nhiệm lại không cao hoặc ngược lại. Do đó, chỉ lấy phiếu tín nhiệm khi thật cần thiết. Đối với các chức danh thuộc Ủy ban Quốc hội và HĐND, không nên lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng): Không được tín nhiệm nên từ chức
Từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, Quốc hội tổ chức lấy phiếu thăm dò hằng năm. Những trường hợp được thăm dò có số phiếu tín nhiệm đạt dưới 50% số đại biểu không tín nhiệm thì yêu cầu từ chức. Tuy nhiên cần ghi rõ, 50% số đại biểu có mặt không tín nhiệm. Nếu người được yêu cầu không từ chức, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong phiếu chỉ nên ghi “còn tín nhiệm” và “không còn tín nhiệm”. (Báo Hải Phòng Online 30/10)
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố vừa làm việc với Cục Thuế thành phố để thẩm tra Đề án về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu; số phí thu được chưa tương xứng với lượng tài nguyên đang được khai thác ngày càng lớn, vì vậy việc xây dựng Đề án về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Đề án, đồng ý cho áp dụng mức tối đa theo Nghị định số 74/2011 của Chính phủ, xem xét thành lập Quỹ bảo vệ môi trường; các ngành cần thống nhất danh mục các loại khoáng sản và mức thu phù hợp, có biện pháp thu đúng, thu đủ phí bảo vệ môi trường theo thực tế lượng khoáng sản khai thác, chống thất thu, thất thoát, không quy định tận thu khoáng sản; khẩn trương hoàn chỉnh Đề án để sớm trình duyệt theo quy định. (Thanh Lâm, Đại Biểu Nhân Dân 30/10, tr3)
Từ ngày 26 đến 29/10, Đảng ủy Bộ đội biên phòng (BĐBP) thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình và Công ty TNHH một thành viên Sơn Hải BĐBP tổ chức Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI).
Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, nể nang thực sự nhìn nhận những mặt ưu, khuyết điểm còn tồn tại. Trên cơ sở đó, đề ra các chủ trương, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tại hội nghị tập thể Đảng ủy các đơn vị tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đảm bảo trung thực, có tính xây dựng và tiếp thu cả 3 nội dung mà Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) đề ra.
Quá trình tổ chức kiểm điểm, Đảng ủy các đơn vị đã tiếp thu đầy đủ và giải trình các ý kiến đóng góp của tập thể, cá nhân liên quan với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, trung thực, không giấu diếm khuyết điểm đã tạo được sự đồng tình cao đối với cấp ủy, các đoàn thể, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, từng đồng chí Ủy viên Thường vụ Đảng ủy thẳng thắn, với tinh thần tự giác đánh giá những ưu, khuyết điểm, mặt hạn chế, tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, chấp hành nghiêm những điều đảng viên không được làm, thật sự là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ noi theo.
Từ những kết quả của công tác kiểm điểm, phê bình, tự phê bình Đảng ủy các đơn vị đã đưa ra những giải pháp và đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa những mặt còn thiếu sót, tồn tại. Đồng thời xác định một số nội dung cơ bản, cấp bách cần rút kinh nghiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới như: Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng trước những vấn đề nhạy cảm, bức xúc. Chỉ đạo các đơn vị nêu cao tinh thần học tập, rèn luyện nâng cao nghiệp vụ; nắm bắt, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, đấu tranh phòng chống “Diễn biến hòa bình”; các dấu hiệu làm suy thoái về tư tưởng, phẩm chất đạo đức trong cán bộ đảng viên. Từ đó, xây dựng lực lượng BĐBP phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, xây dựng vùng biên giới hòa bình, vững mạnh, phát triển. (Viết Hà, Báo Biên Phòng Online 30/10)
Ngày 29/10, Ban Thường vụ Quận ủy Lê Chân tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQ Trung ương 4 ( khóa 11) đối với tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Tổ trưởng tổ công tác của Thành ủy dự và chỉ đạo hội nghị.
Thực hiện NQ Trung ương 4, Ban Thường vụ Quận ủy Lê Chân lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc triển khai, thực hiện trong toàn Đảng bộ. Công tác kiểm điểm tự phê bình tập thế và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ được tiến hành theo đúng các bước quy định, với sự chủ động, tinh thần nghiêm túc và tranh thủ sự hướng dẫn của tổ công tác Thành ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Vinh đánh giá cao kết quả thực hiện bước 1, NQ Trung ương 4 của quận Lê Chân và công tác chuẩn bị thực hiện bước 2 về kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Quận ủy Lê Chân tập trung kiểm điểm với tinh thần trách nhiệm cao; nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh, theo phương châm phòng ngừa, ngăn chặn, giúp nhau cùng tiến bộ; không lợi dụng kiểm điểm làm ảnh hưởng tới uy tín của tập thể và cá nhân. Đồng chí lưu ý cần đặc biệt quan tâm 12 biểu hiện chủ yếu của việc kiểm điểm không đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Chính trị trong kiểm điểm và gợi ý của Ban Thường vụ Thành ủy. Tất cả các đồng chí trong Ban Thường vụ cần phát huy dân chủ, có ý kiến phát biểu thể hiện quan điểm khách quan, cầu thị, chỉ rõ hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, làm rõ nguyên nhân chủ quan, nhận rõ trách nhiệm và có giải pháp khắc phục, chỉ rõ những việc cần khắc phục ngay sau khi kiểm điểm. (Báo Hải Phòng Online 29/10)
Thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố vừa kiểm tra kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới tại huyện Kiến Thụy.
Kiến Thụy là huyện có tiến độ triển khai chương trình nông thôn mới nhanh nhất trên địa bàn thành phố. Hiện 100% xã ở địa phương đã công bố quy hoạch và đang triển khai làm đề án nông thôn mới. (Báo Hải Phòng 30/10, tr2)
Từ đầu năm đến nay, huyện An Dương triển khai thực hiện nghiêm pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đợt cao điểm thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ từ 15/3 – 15/9.
Trong đó, các ngành, địa phương, đoàn thể trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hơn 25 nghìn gia đình ký cam kết không tàng trữ, sử dụng, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. (Báo Hải Phòng 30/10, tr4)
Huyện Tiên Lãng vừa tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ năm 2012. Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam tới dự.
Cuộc diễn tập được tiến hành với nhiều nội dung quan trọng như tổ chức hội nghị Ban thường vụ Huyện ủy ra nghị quyết lãnh đạo chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn; thực hành huy động nhân lực, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo... (An Ninh Hải Phòng 30/10, tr3)
Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng vừa tổ chức ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) lần thứ 5 về ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành, giảng dạy và học tập tại các cơ quan đơn vị, trường học thuộc quận Ngô Quyền. Qua đó, phát động và khuyến khích phong trào học tập, ứng dụng CNTT trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của quận về việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giảng dạy và học tập.
Từ năm 2008, quận đã tổ chức ngày hội CNTT với chủ đề “CNTT với cải cách hành chính” và trở thành hoạt động thường niên với sự đổi mới liên tục về hình thức và nội dung tổ chức. Quận được Trung ương và TP đánh giá là điểm sáng về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.
Ngày hội CNTT lần thứ 5 được tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với chủ đề “CNTT với an toàn giao thông (ATGT)”. Trong đó có 3 nội dung chính: CNTT, ATGT và hội chợ là điểm nhấn xuyên suốt quá trình thực hiện công tác ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính tại quận.
Ngày hội năm nay cũng gắn với việc hưởng ứng Năm “Đô thị và ATGT 2012” của TP, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức của người dân đối với vấn đề ATGT, xây dựng và hình thành văn hóa giao thông, giữ gìn trật tự vỉa hè, bảo vệ môi trường góp phần xây dựng TP Hải Phòng xanh, sạch, đẹp. (Kim Thành, Thanh Tra 30/10, tr10)
Chưa năm nào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) lại kéo dài tới hơn 3 tháng như năm nay. Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, đặc biệt là khối ngoài công lập khắc khoải chờ thí sinh khi mà ngay chính trường công lập cũng đang phải tuyển sinh đợt 3, đợt 4.
Vẫn còn hàng nghìn chỉ tiêu công lập
Mọi năm, đến đầu tháng 10, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ đã dần đến hồi kết. Năm nay, sắp bước vào tháng 11, thí sinh vẫn có thể ung dung lựa chọn với hàng nghìn chỉ tiêu mới được bổ sung của các trường công lập. Mới đây nhất, ngày 27/10, trường ĐH Tiền Giang vừa công bố xét tuyển 1.553 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung các ngành ĐH và CĐ năm 2012. Điểm xét tuyển của nhà trường đã cộng điểm ưu tiên có thể dưới điểm sàn ĐH, CĐ không quá 1 điểm (theo quy định mới).
Cuối tháng 10/2012, ĐH Huế cũng công bố tới 741 chỉ tiêu bổ sung nhưng số hồ sơ nhận được đến thời điểm này vẫn tính ở hàng chục. Theo đó, nhiều khả năng trường này sẽ phải tạm ngưng đào tạo nhiều ngành như: Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Địa lý tự nhiên do rất ít thí sinh theo học. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng thông báo xét tuyển chỉ tiêu bổ sung với con số lên đến hàng nghìn. Theo đó, có tới 20 ngành gồm cả những ngành “hot” như: kế toán tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế... cả bậc ĐH lẫn CĐ sẽ dành 1.450 chỉ tiêu cho thí sinh đạt điểm sàn trở lên.
Trường ngoài công lập khắc khoải mong thí sinh
Trong lúc các trường công lập vẫn đang tuyển sinh thì việc các trường ngoài công lập phải bỏ trống nhiều chỉ tiêu là lẽ tất nhiên. Hiệu trưởng trường ĐH Yersin Đà Lạt, Phạm Bá Dong cho biết, đến thời điểm này, trường vẫn còn 700 chỉ tiêu, trong đó các ngành Tin học, Ngoại ngữ, Môi trường, Sinh học gần như không tuyển sinh được. ĐH Dân lập Phương Đông với 2.400 chỉ tiêu được giao năm nay nhưng mới chỉ đạt 50%. ĐH Quốc tế Bắc Hà còn 500 chỉ tiêu chờ thí sinh. ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Phan Chu Trinh, ĐH Võ Trường Toản... đều trong tình trạng nằm chờ cho đến hết thời hạn tuyển sinh vào cuối tháng 11 tới với rất ít hy vọng có thêm được thí sinh nhập học.
“Đến thời điểm này vẫn chưa biết thế nào về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Đây là bức tranh tuyển sinh chung của nhiều trường ngoài công lập chứ không riêng gì trường mình. Hiện các ngành kế toán, tài chính, ngân hàng còn tuyển được tương đối nhưng khó khăn rơi vào các ngành kỹ thuật. Trường vẫn đang trông chờ đến hết 30/11”, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết.
Trước những cải tiến của kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường ngoài công lập đang tỏ ra thất vọng. “Việc kéo dài thời hạn tuyển sinh khiến sinh viên trúng tuyển vẫn cứ ngập ngừng vào rồi lại xin rút hồ sơ vì trông đợi vào những ngành nghề hấp dẫn hơn của trường khác. Điều này gây tỷ lệ hồ sơ ảo lớn và sự bất ổn định cho các trường” - ông Nghị khẳng định. Cũng theo các chuyên gia tuyển sinh, việc không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn nguyện vọng trước khiến các trường công lập “hớt” hết thí sinh của các trường ngoài công lập vốn trông chờ vào phân khúc thí sinh có điểm trúng tuyển thấp hơn so với điểm trúng tuyển tuyển nguyện vọng 1 các trường công lập.
Đóng cửa ngành hết “hot”
Trước tình trạng “ế ẩm” của nhiều trường ĐH, CĐ trong mùa tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một phần nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn nên thí sinh và gia đình không muốn vào học những ngành mà sau này cảm thấy khó tìm được việc. Theo phân tích của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đa số các trường hợp không tuyển được đều rơi vào ngành kinh tế quản lý: “Với ngay cả trường đào tạo về kinh tế quản lý được coi là đầu đàn của cả nước là ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng, hàng năm chỉ gọi NV1 là dư ngay lập tức, nhưng năm nay chỉ đạt được 75 - 85%. Chứng tỏ khối kinh tế quản lý hiện nay không còn sức hút mạnh nữa”. Khó khăn tuyển sinh nằm ở cả những trường công lập có uy tín thì những trường mới thành lập hoặc các trường ngoài công lập với xu hướng đào tạo chính là các ngành thuộc khối kinh tế rõ ràng còn khó khăn hơn.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Nghị cho rằng, điều chỉnh mở ngành với định hướng nguồn nhân lực là ở tầm vĩ mô và thuộc trách nhiệm của Bộ chứ các trường không thể tự điều chỉnh. Cũng chính vì thiếu định hướng nên hiện nhiều trường rơi vào tình trạng một số ngành chỉ tuyển được 10 - 15 sinh viên nhưng vẫn phải duy trì đào tạo, dẫn đến khó khăn lớn cho các trường ngoài công lập. “Nếu đóng cửa ngành học thì phải hủy hợp đồng với những giảng viên ngành này. Tuy nhiên nếu mấy năm nữa lại tiếp tục tuyển sinh ngành này thì việc mở lại sẽ rất khó khăn, tốn kém....”, ông Trần Hữu Nghị phân tích. Sự sắp xếp lại các ngành nghề, cơ sở đào tạo đại học là cần thiết, tuy nhiên làm sao để hạn chế thấp nhất phí tổn của xã hội cũng là vấn đề Bộ GD-ĐT cần đặt ra với vai trò quản lý của mình khi mùa tuyển sinh năm nay được đánh giá là một bước lùi với nhiều trường ĐH, CĐ. (Duy Anh, Tin Tức 30/10, tr7)
Theo Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đỗ Văn Lợi, cơn bão số 8 đổ vào Hải Phòng đên 28, rạng ngày 29-10 gây thiệt hại cho khá nhiều trường học. Phổ biến nhất là các phòng học bị tốc mái chống nóng, bay mái nhà để xe và đổ cây xanh trong khuôn viên trường học.
Báo cáo nhanh của các Phòng GD-ĐT cho thấy, huyện An Lão có 36/55 trường học trên địa bàn bị thiệt hại; huyện Vĩnh Bảo, hầu hết các trường học bị bay toàn bộ mái tôn chống nóng, mái nhà để xe, đổ toàn bộ cây xanh và nước mưa làm ướt các lớp học; huyện Thủy Nguyên có 35 phòng học bị tốc mái chống nóng; huyện Cát Hải có 2 trường mầm non Phù Long và thị trấn bị tốc mái. Tại hầu hết các địa phương, nhiều trường học bị gãy, đổ các bảng tin, biển tên trường...
Tại các trường THPT và khối trực thuộc,Trường THPT nội trú Đồ Sơn bị nước tràn vào sân, ngập sâu 80cm; Trường THPT Thụy Hương bị đổ 100m tường bao phía trước và tốc mái nhà công vụ vừa khánh thành cách đây 2 tháng; TTGDTX huyện An Dương tốc mái chống nóng nhà 2 tầng, bị vỡ một số cửa kính lớp học. Các trường THPT Cộng Hiền, Tô Hiệu và Trần Hưng Đạo bị đổ toàn bộ cây xanh, nhất là những cây xanh cổ thụ.
Sở GD-ĐT kịp thời chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, trường THPT, TTGDTX và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 8 gây ra, huy động giáo viên, nhân viên, học sinh dọn dẹp, làm vệ sinh khuôn viên nhà trường, lớp học; tập trung sửa chữa những công trình bị hư hỏng, dột nát, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh.
Trước tình hình thiệt hại do bão số 8 gây ra, toàn bộ học sinh hơn 700 trường học tại thành phố nghỉ học buổi sáng 29-10; buổi chiều, một số trường có học sinh đi học trở lại. Ngày 30-10, hoạt động dạy và học trở lại bình thường. Riêng huyện Vĩnh Bảo, học sinh nghỉ hoàn toàn trong ngày 29-10; ngày 30-10, những trường đã khắc phục xong hậu quả cơn bão thông báo để học sinh đi học trở lại. (Báo Hải Phòng Online 29/10)
6 năm qua, quận Hồng Bàng triển khai nhiều hoạt động huy động 27 tỷ đồng xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, thể thao.
Trong đó, xây dựng thêm bảy trường mầm non tư thục, cảo tạo cơ sở vật chất nhiều trường, lớp khang trang; cải tạo nâng cấp nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và thành phố trên địa bàn.
Đối với các khoản thu đầu năm học, quận có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách làm, không có sai phạm lớn… (Báo Hải Phòng 29/10, tr2)
Tối 25/10, trường Đại học Hàng hải tổ chức lễ tuyên dương 200 sinh viên tiêu biểu năm học 2011-2012.
Tại buổi lễ, 200 sinh viên tiêu biểu tại đạt các thành tích xuất sắc trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học đạt giải cấp bộ và trường, thi Olympic quốc gia và cấp trường, đỗ thủ khoa đầu vào khóa 53… (An Ninh Hải Phòng 30/10, tr2)
Trong quý 4 năm 2012, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng phấn đấu đạt 1.335 tỷ đồng giá trị sản xuất kinh doanh. Trong đó, công ty mẹ đạt 480 tỷ đồng; các công ty con 472 tỷ đồng; các công ty liên kết và doanh nghiệp khác 383 tỷ đồng. Dự kiến tổng công ty doanh thu 942 tỷ đồng và nộp ngân sách 45 tỷ đồng
Để hoàn thành mục tiêu trên, tổng công ty và các đơn vị thành viên rà soát lại kế hoạch tiếp thị đấu thầu các dự án mới; rà soát tiến độ thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư đối với các dự án đang triển khai thi công. Tập trung nhân lực, vật tư, nguồn vốn để thi công bảo đảm tiến độ cam kết với chủ đầu tư. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm do Tổng công ty ký hợp đồng như: các dự án thoát nước tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang; đường Lạch Tray - Hồ Đông; dự án xây lắp 3 dãy nhà 5 tầng của nhiệt điện Quảng Ninh; khu nhà ở tập sinh viên tập trung tại Hải Phòng và Hải Dương … (Báo Hải Phòng 30/10, tr1)
10 tháng năm 2012, các doanh nghiệp đóng tàu trên địa bàn Hải Phòng tiếp tục khó khăn, chỉ số phát triển sản xuất tăng 10,8% so cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10 ước tăng 11,8% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đóng tầu tiếp tục hoàn thiện các hợp đồng đóng mới và sửa chữa đã ký hợp đồng từ trước, chưa có thêm những hợp đồng đóng mới, vì vậy tốc độ tăng không cao.
Các doanh nghiệp đóng tàu nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán nợ cũ , thiếu vốn, thiếu vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, chỉ trả lương cho công nhân ở mức lương tối thiểu và còn nợ nhiều tháng trước chưa chi trả công nhân. Riêng Tổng công ty Công nghiệp tầu thuỷ Nam Triệu do không có hợp đồng đóng tàu mới, số lượng lao động tiếp tục giảm. (Báo Hải Phòng 30/10, tr1)
Theo Cục Thống kê Hải Phòng, chỉ số phát triển sản xuất (PTSX) công nghiệp tháng 10 tăng 5,67% so với tháng trước, tính chung 10 tháng năm 2012 tăng 4% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số PTSX công nghiệp tiếp tục giảm, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, đối với các doanh nghiệp có thể duy trì được sản xuất lại gặp khó khăn do thiếu vốn. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như ngành sản xuất xi măng, chỉ số PTSX công nghiệp dự kiến tháng 10 tăng 4,2% so với tháng trước, chỉ tăng 2,7% so với tháng cùng kỳ, 10 tháng năm 2012 giảm 6,5% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất thép, chỉ số PTSX công nghiệp dự kiến tháng 10 tăng 14% so với tháng trước và giảm 1,1% so với tháng cùng kỳ. Chỉ số cộng dồn 10 tháng năm 2012 giảm 18,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp sản xuất thép tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thị trường xây dựng. Một số doanh nghiệp đã và đang phải tạm ngừng sản xuất để tiêu thụ lượng thép tồn kho. Tình hình sản xuất ngành giầy dép giảm mạnh so với cùng kỳ do không có đơn hàng mới. (Báo Hải Phòng 29/10, tr1)
Qua kiểm tra tiến độ thực hiện dự án KCN Tràng Duệ mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền nhấn mạnh, KCN đang đứng trước cơ hội thu hút đầu tư rất lớn, không được bỏ lỡ. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho sự phát triển KCN Tràng Duệ, huyện An Dương và thành phố. Huyện An Dương và lãnh đạo các ngành liên quan cần quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện tốt các công việc để giải phóng mặt bằng kịp tiến độ yêu cầu của nhà đầu tư.
So với các KCN Đình Vũ và VSIP Hải Phòng, tiến độ thu hút đầu tư vào KCN Tràng Duệ từ đầu năm đến đến nay không sôi động bằng. Song, hiện KCN Tràng Duệ đang đứng trước cơ hội lớn. Tổng giám đốc Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng (SHP), chủ đầu tư KCN cho biết, công ty đang xúc tiến đàm phán với một nhà đầu tư lớn thuê 42 ha đất, giai đoạn 1 để thực hiện dự án công nghệ cao, sản xuất sản phẩm tiêu thụ nội địa có thể đem lại nguồn thu ngân sách lớn. Nhà đầu tư yêu cầu bàn giao mặt bằng trước Tết Nguyên đán 2013. Khó khăn nhất trong lô đất chuẩn bị bàn giao cho nhà đầu tư là khu nghĩa trang nhân dân xã Lê Lợi và một khu mộ tổ của dòng họ Nguyễn Khoa. Ngoài dự án lớn trên, một nhà đầu tư khác cũng đang đàm phán thuê lô đất liền kề.
Theo lãnh đạo xã Lê Lợi, huyện An Dương, trong quy hoạch của xã đã có khu nghĩa trang với quy mô 3 ha, tuy nhiên chưa triển khai dự án. Hiện tại, xã cũng không còn diện tích nào khác để xây dựng nghĩa trang vì ngoài dự án KCN Tràng Duệ, dự án phát triển giao thông đô thị thành phố cũng đi qua địa bàn xã chiếm một diện tích khá lớn. Như vậy, để di dời nghĩa trang nhân dân và khu mộ tổ cần rất khẩn trương xây dựng nghĩa trang mới. Ngoài ra, vấn đề khó khăn nhất là vận động, thuyết phục những người dân có mộ trong nghĩa trang di chuyển trước Tết Nguyên đán để kịp bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Ngoài khó khăn trên, KCN còn 20 ha đất khác còn vướng mắc về thủ tục, bồi hoàn cho các nhà đầu tư được thành phố cấp đất trước khi bàn giao KCN Tràng Duệ cho SHP. Việc xây dựng tuyến đường gom vào KCN chưa có định hướng rõ. SHP cũng đề nghị thành phố giao 42,6 ha đất đối diện KCN để xây dựng khu nhà ở và dịch vụ cho người lao động phục vụ dự án của nhà đầu tư lớn nói trên và các doanh nghiệp trong KCN.
Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền chỉ đạo các ngành, huyện An Dương và SHP cần quyết tâm cao, tập trung chỉ đạo, vận động, tuyên truyền nhân dân giải phóng mặt bằng, không để lỡ cơ hội thu hút đầu tư. Dự án đang được đàm phán vào KCN Tràng Duệ là dự án lớn, có khả năng đem lại nguồn thu ngân sách lớn, cơ hội việc làm cho nhiều người dân địa phương; cơ hội cho sự phát triển địa phương, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch giao huyện An Dương làm chủ đầu tư dự án nghĩa trang mới, các ngành và SHP cùng hỗ trợ. Các ngành và huyện An Dương áp dụng quy trình làm việc linh hoạt, bảo đảm bàn giao mặt bằng kịp tiến độ cho nhà đầu tư. Cụ thể, hoàn thành quy hoạch chứng chỉ, bản đồ địa chính khu nghĩa trang mới trước ngày 30-10, huyện tiến hành kiểm kê ngay và thông báo cho người dân có mộ về việc di dời. Các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi trước trong công tác GPMB. Huyện thuê cơ quan tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, phấn đấu khởi công nghĩa trang mới trong tháng 11, sang tháng 12 di chuyển mộ và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước Tết Nguyên đán. Nghĩa trang mới phải xây dựng đẹp và trang trọng. Chủ tịch giao Sở Tài nguyên- Môi trường hoàn thiện các thủ tục giao 20 ha đất còn vướng mắc cho KCN. Đối với khu nhà ở và dịch vụ, huyện và SHP chủ động quy hoạch. Khu dịch vụ ưu tiên dành đất cho người dân có đất bị thu hồi kinh doanh. Tuyến đường gom giao SHP lập dự án thi công…
Tính đến nay, SHP đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng hạ tầng KCN Tràng Duệ. Diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 143 ha, diện tích san lấp 100 ha. Các hạng mục điện, nước cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong KCN. Công ty đầu tư xây dựng 15 nhà xưởng cho thuê với diện tích 80.000 m2. Toàn KCN thu hút 17 nhà đầu tư, trong đó, SHP thu hút 12 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 880 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn là Aichi Tokei Denki sản xuất đồng hồ nước, vốn đầu tư 210 tỷ đồng, đến từ Nhật Bản; Bucheon Industry, sản xuất dây cáp với số vốn đầu tư 97,5 tỷ đồng và Dongjin Techwin, sản xuất linh kiện máy giặt, vốn đầu tư 94,5 tỷ đồng, đều đến từ Hàn Quốc. (Mai Hương, Báo Hải Phòng 29/10, tr3)
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố vẫn đạt kết quả khả quan. Theo Cục Thống kê thành phố, 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 1.263 triệu USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 62% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố. Trong đó, các doanh nghiệp FDI trong các KCN đạt hiệu quả rất cao: doanh thu 9 tháng tăng trưởng 39,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 57,6%.
Các doanh nghiệp FDI sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao không chỉ do công tác quản trị kinh doanh tốt còn một yếu tố rất quan trọng là chi phí tài chính giảm. Trong lúc các doanh nghiệp trong nước “è cổ” chịu lãi suất vay vốn ngân hàng cao; công tác quản trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp FDI dựa vào sự bảo lãnh của công ty mẹ, uy tín thương hiệu, vay được vốn của các ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp hơn nhiều so với vay vốn của các ngân hàng trong nước và không ngừng nâng cao năng lực quản trị. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI giảm đến mức thấp nhất lượng vốn vay ngân hàng để giảm trả lãi mà tăng cường thu nợ đọng, quay vòng vốn nhanh, giảm hàng tồn kho. Đơn cử, Công ty thép VSC-POSCO chi phí tài chính giảm hàng chục tỷ đồng. Công ty LS Vina Cable & System giảm chi phí tài chính hàng trăm tỷ đồng, mức chi phí tài chính 9 tháng năm nay chỉ bằng 24% mức chi phí tài chính năm 2011. Nhờ vậy, công ty kinh doanh hiệu quả, dự kiến mức nộp ngân sách thành phố cả năm nay khoảng 90 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong các KCN Nomura-Hải Phòng như Toyoda Gosei, Toyoda Boshoku, Pioneer, GE, Yazaki…hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm chủ yếu xuất sang công ty mẹ và thị trường ổn định. Riêng dự án của tập đoàn GE vừa tăng vốn thêm 43 triệu USD trong năm nay để mở rộng sản xuất. Các công ty phát triển hạ tầng KCN cũng phát triển mạnh mẽ như Công ty TNHH VSIP Hải Phòng vừa xây dựng hạ tầng, vừa thu hút đầu tư đạt khoảng 500 triệu USD trong năm nay. Công ty CP KCN Đình Vũ có mức lợi nhuận tăng trưởng cao, thu hút nhà đầu tư Bridgestone với mức vốn 575 triệu USD lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực công nghiệp vào thành phố… Mới đây, Công ty CP KCN Đình Vũ còn đề nghị được mở rộng thêm 500 ha đất nhằm phối hợp với các nhà đầu tư Nam Phi và Ấn Độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm và nhà máy công nghệ cao xử lý rác thải từ hoạt động cảng và các KCN; xây dựng trường đào tạo nghề...
Hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp FDI thành phố góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư. Đến giữa tháng 10, thành phố thu hút gần 1,2 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI.
Các doanh nghiệp FDI của Hải Phòng còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Nếu như các dự án của VSIP đang được triển khai tại 3 tỉnh, thành phố trong cả nước mà trong đó dự án lớn nhất tại Hải Phòng trở thành biểu tượng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Xin-ga-po thì dự án KCN Đình Vũ trở thành biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam- Bỉ và các dự án Nhật Bản vào Hải Phòng trở thành biểu tượng của quan hệ Việt Nam- Nhật Bản. (Minh Châu, Báo Hải Phòng 29/10, tr3)
Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Lãng vừa phát triển mới ba đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Thiện, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Thuận và Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất gạch Toàn Thắng.
Theo đó, 177 lao động của ba doanh nghiệp này được đóng bảo hiểm xã hội. (Báo Hải Phòng 29/10, tr3)
Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Thủy Nguyên cho biết, năm 2012, huyện thực hiện Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường các giải pháp lãnh đạo công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn nên nguồn thu tiền thuê đất của huyện ước cả năm vượt kế hoạch được giao.
9 tháng, huyện thu tiền thuê đất đạt 6.319 triệu đồng, ước thực hiện đến hết năm là 15 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 29/10, tr3)
Gần 10 tháng qua, điện năng tiêu thụ trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo đạt hơn 62,53 triệu kwh, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2011.
Nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhanh là do trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay có thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân Liên và các cơ sở sản xuất tại địa phương đi vào hoạt động, sản lượng điện tiêu dùng trong nhân dân ngày càng tăng cao. (Báo Hải Phòng 29/10, tr3)
Chiều 29/10, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, tháng 12 tới, việc sửa chữa cầu Bính sẽ hoàn thành sau khoảng tám tháng thi công.
Ðây là nỗ lực rất lớn của các bên liên quan, trong đó có sự thu xếp vốn ODA bổ sung khoảng 500 triệu yên của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA một cách kịp thời. Ðến nay, dự án đã hoàn thành sớm hơn dự kiến ban đầu (đạt 69,3% khối lượng so với kế hoạch là 64,7%). Nhà thầu đang tiến hành các công tác hoàn thiện để có thể nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng .
Việc sửa chữa cầu Bính đòi hỏi kỹ thuật cao vì việc thay thế dầm cầu chính và cáp treo được tiến hành khi lực kéo của cầu vẫn được duy trì. Ðây là thách thức lớn đối với nhà thầu IHI và đơn vị tư vấn Chodai (Nhật Bản). Do tính chất cấp bách phải sửa chữa cầu Bính, đơn vị tư vấn đã tính toán, thiết kế sửa chữa dầm chính và thay cáp bảo đảm trong thời gian ngắn nhất. (PV, Nhân Dân 30/10, tr2; Phong Cầm, Tiền Phong 30/10, tr5; Mạnh Hưng, Quân Đội Nhân Dân 30/10, tr4)
Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng (mã HPP) vừa thông báo kế hoạch tạm ứng cổ tức đợt 1/2012.
Cụ thể, 21/11 là thời hạn đăng ký cuối cùng và đến ngày 25/12, HPP sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2012 bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu, tương đương với mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông được nhận 1.000 đồng. (Đức Quỳnh, NDHMoney.vn 29/10)
Ngày 25/10 vừa qua, dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại sau hơn 2 tháng thành phố công bố hết dịch cúm gia cầm. Ổ dịch vừa xuất hiện ở phường Văn Đẩu (quận Kiến An) bước đầu đã được khoanh vùng và kiểm soát dịch, không cho lây lan trên diện rộng. Đáng quan tâm hơn là người dân còn tư tưởng chủ quan, trong khi cúm gia cầm bùng phát đúng thời điểm giao mùa, trong bối cảnh xuất hiện vi rút cúm gia cầm biến chủng nguy hiểm.
Chủ động khoanh vùng dịch
Sáng 27-10, chúng tôi đến khu nuôi thả vịt của hộ ông Phạm Tiến Sáu, ở khu dân cư Đẩu Sơn 5, phường Văn Đẩu. Con đường dẫn vào khu nuôi thả vịt của 5 hộ dân liền kề rắc vôi bột trắng xóa, cán bộ thú y đang phun thuốc khử trùng tiêu độc. Ông Phạm Tiến Sáu cho biết, “gia đình ông nuôi đàn vịt 2300 con, vừa nhập nuôi được khoảng 3 tuần thì xuất hiện tình trạng vịt bị ốm, nghẹo đầu, chết hàng loạt. Liên tục các ngày 22, 23-10, vịt chết với số lượng lớn, tới 500 đến 1000 con. Hoảng quá, gia đình phải báo cho cán bộ thú y tiêu hủy. Trong thời điểm đó, một số hộ chăn nuôi khác gần đó cũng có tình trạng vịt chết rải rác. Sau khi có kết quả của Cơ quan Thú y vùng 2 trả lời 3 mẫu bệnh phẩm đều dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1, toàn bộ số vịt bị chết được gia đình tiến hành chôn hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Ngoài hóa chất do trạm thú y cấp, gia đình ông mua thêm hóa chất, vội bột để tăng cường công tác phun khử trùng tiêu độc.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng ban thú y phường Văn Đẩu cho biết, ngay trong chiều 25-10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm quận Kiến An quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn vịt của 5 hộ thuộc khu dân cư Đẩu Sơn 5 (chung quanh ổ dịch của ông Phạm Tiến Sáu), gồm đàn vịt 1.700 con của hộ ông Đỗ Đức Thuyên; đàn vịt 600 con của hộ ông Vũ Đức Minh; đàn vịt 2000 con của hộ ông Phạm Tiến Mạnh; đàn vịt 600 con của hộ ông Vũ Đức Ngoan; đàn vịt 1.300 con của hộ ông Đoàn Văn Tưởng. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 8.500 con. Đến nay, tại phường Văn Đẩu không phát sinh gia cầm ốm chết nghi cúm gia cầm mới. Địa phương đã thành lập 3 chốt kiểm dịch trên đường ra vào khu dân cư Đẩu Sơn 5 và các khu vực giáp ranh. Các hộ có gia cầm phải tiêu huỷ cùng cán bộ thú y tiến hành phun hoá chất khử trùng toàn bộ khu vực nuôi thả, đốt phân và chất thải chăn nuôi của gia cầm; đồng thời phun hoá chất khử trùng tại khu chăn nuôi và các hộ hàng xóm chung quanh 1 lần /ngày. Phường sẽ duy trì phun hóa chất khử trùng tiêu độc khu vực ổ dịch trong 7 ngày. Sau đó, 1 tuần sẽ phun nhắc lại 1 lần. Các ổ dịch được khoanh vùng và áp dụng các biện pháp xử lý dịch. Phường Văn Đẩu phấn đấu đến ngày 31-10 sẽ hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng, chống cúm bao vây vùng ổ dịch cho toàn bộ số gia cầm còn lại trên địa bàn.
Người dân chưa chấp hành nghiêm quy định
Bên cạnh nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch của lực lượng thú y và chính quyền địa phương, tại vùng dịch ở phường Văn Đẩu, chúng tôi thấy người dân vẫn khá chủ quan trong công tác này. Theo anh Nguyễn Trọng Thưởng, Trưởng trạm thú y Kiến An, toàn bộ 8500 con vịt phải tiêu hủy của 5 hộ dân tại khu Đẩu Sơn đều do người dân mua từ các hộ bán rong, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có một số đàn sau khi đưa về nuôi được 1 tuần thì có biểu hiện của bệnh cúm gia cầm trong khi cán bộ thú y chưa kịp triển khai tiêm vắc- xin phòng dịch cúm. Trong số 6 hộ dân nuôi vịt quy mô lớn (mỗi hộ 2000- 3000 nghìn con) ở khu vực Đẩu Sơn 5, mới có 4 đàn đang triển khai tiêm vắc- xin cúm gia cầm, chưa đủ thời gian miễn dịch, 2 đàn vịt khác chưa tiêm phòng vắc-xin phòng dịch cúm.
Ngay tại ổ dịch của nhà ông Sáu, do khó khăn về địa điểm nên hố chôn huỷ vịt mắc bệnh do nằm ngay sát mương chính của khu dân cư. Tuyến mương này cũng là kênh thủy lợi chính chạy qua các khu vực ổ dịch cúm gia cầm cũ xảy ra trong tháng 7- 2012 của các phường Đa Phúc (quận Dương Kinh), Tràng Minh (Kiến An), xã Hữu Bằng (Kiến Thụy). Ngay tại ổ dịch ở nhà ông Sáu, vẫn có nhóm em nhỏ vô tư chạy chơi ngay sát hố chôn hủy gia cầm mắc bệnh. Cách đó không xa, người dân vẫn nuôi nhốt vịt trong chuồng, dù chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ phải tiêu hủy hết đàn vịt trong vùng sát ổ dịch.
Theo ông Trần Huy Toản, trưởng phòng dịch tễ, Chi cục thú y Hải Phòng, có 3 nguyên nhân khiến dịch bùng phát tại phường Văn Đẩu. Thứ nhất là do các hộ mua giống vịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc về nuôi. Thứ 2, các đàn vịt bị nhiễm bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc- xin phòng cúm gia cầm. Ba là do khu chăn nuôi vịt của các hộ dân ở Đẩu Sơn 5 bị bao vây 3 mặt là 3 vùng ổ dịch cũ xảy ra vào tháng 7- 2012, khu vực mương chung mà các hộ nuôi thả cũng là mương mà hộ chăn nuôi phát dịch ở các phường Đa Phúc (quận Dương Kinh), Tràng Minh (Kiến An), xã Hữu Bằng (Kiến Thụy) nuôi thả và có hộ đã vứt xác gia cầm bệnh ra khu vực mương này. Nguồn vi rút cúm gia cầm vẫn trong môi trường nước. Đây cũng là lo ngại của nhiều địa phương khác khi mà vẫn có nhiều hộ dân mua gia cầm giống nhập lậu từ Trung Quốc mang theo mầm vi rút biến chủng về chăn nuôi. Thêm vào đó, hiện trên địa bàn thành phố đang có khá nhiều đàn vịt thả đồng mới phát sinh, vào thời điểm thu hoạch lúa mùa, được thả rông nên khó kiểm soát. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 29/10, tr7)
Quý 1 năm nay, trong điều kiện khó khăn về sản xuất kinh doanh, nhưng với nhiều giải pháp tích cực, Chi cục Thuế Ngô Quyền thu 128 tỷ đồng tiền thuế, bằng 21% dự toán năm. Đáng chú ý, thuế ngoài quốc doanh thu đạt 80 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ.
Chi cục thuế quận triển khai nhiều giải pháp, rà soát các nguồn thu, cân đối phù hợp từng địa bàn, đổi mới công tác quản lý các đối tượng nộp thuế. Đồng thời phối hợp với UBND các phường, các phòng, ban, quán triệt và phấn đấu tăng thu vượt 7-8% so với dự toán giao, tăng cường công tác kiểm tra, chống thất thu thuế, tập trung xử lý các khoản thu nợ đọng. (Báo Hải Phòng 30/10, tr6)
Đó là chủ đề hội thảo do Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (Sở KH&CN) vừa tổ chức thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia.
Các đại biểu dự hội thảo được giới thiệu về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trong đó công nghệ tự động đóng vai trò to lớn trong việc phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. (Báo Hải Phòng 30/10, tr2)
Đây là hai nhiệm vụ trọng tâm được Quận ủy Hồng Bàng chỉ đạo địa phương thực hiện trong ba tháng cuối năm nay.
Theo đó, toàn quận phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó, tổ chức tốt hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể thao, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tội phạm. (Báo Hải Phòng 30/10, tr2)
Tổng thu ngân sách của huyện An Dương trong 10 tháng đạt 349 tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán năm thành phố giao, tăng 28,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu trên địa bàn 78,9 tỷ đồng, đạt 31,15% dự toán, bằng 82,4% so với cùng kỳ năm 2011. (Báo Hải Phòng 30/10, tr2)
Đảm nhiệm việc trung chuyển hải sản từ các ngư trường đánh bắt về đầu mối bán lẻ, những người làm nghề thu mua hải sản giữ vị trí quan trọng trong chuỗi tiêu thụ “quà tặng” từ biển. Cũng chính những người này làm nhiệm vụ gắn kết những con người sống nơi biển, đảo xa xôi.
Cứ hết mùa Nam, trên con tàu thu mua hải sản công suất 160 mã lực, lớn vào bậc nhất tại ngư trường Long Châu, vợ chồng anh Đỗ Văn Hánh, quê ở xã Liên Hà, huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) lại bước vào một vụ mùa mới. Thông thường, một tháng gia đình anh đi thu mua 10 chuyến, mỗi chuyến từ 2-4 ngày. Anh Đỗ Văn Hánh cho biết: "Thời gian mỗi chuyến đi phụ thuộc vào lượng hàng thu mua. Chuyến nào đi đúng con nước, bà con ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản thì về sớm, không thì phải đợi, thu gom lấy vài tạ hải sản các loại mới được về". Trong những ngày yên gió, biển lặng sóng, tàu chỉ mất chừng 1 giờ 20 phút để hành trình từ Cát Bà ra Long Châu hoặc ngược lại. Việc thu mua hải sản ở khu vực đảo Long Châu rộ từ tháng 8 âm lịch, thời gian bắt đầu xuất hiện những cơn gió mùa. Anh Hánh kể: "Nhiều hôm gió to, công suất tàu có hạn nên phải "vật lộn" 2-3 giờ mới ra được tới nơi. Không chỉ vậy, gió to còn át cả tiếng người. Nhiều khi 2 vợ chồng trên tàu, người đằng trước, kẻ đằng sau, gọi nhau mãi không được thành ra bực tức, cãi nhau".
Ngư trường Long Châu nằm cách vịnh Cát Bà độ 9 hải lý. Mỗi chuyến thu mua, thương lái phải bỏ ra tối thiểu 2 triệu đồng chi phí các khoản như dầu máy, đá ướp hải sản, nước sạch. Ngoài ra, người thu mua phải chuẩn bị sẵn các loại rau xanh, gạo, thực phẩm khô phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Cũng thu mua hải sản có thâm niên gần 15 năm, anh Trần Đình Thực, quê Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Chuyến nào may mắn thì được hơn 1 tấn, còn không, dù có cố chờ vài ngày cũng chỉ được chừng 2-3 tạ hải sản. Nếu chuyến nào bán được 3 triệu đồng, trừ chi phí và tiền công, coi như hòa".
Không tính đến việc máy móc bị hỏng phải sửa chữa, thay thế, anh Đỗ Văn Hánh cho biết: "Khấu hao thiết bị rất lớn. Đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua một con tàu, sau 5 năm sử dụng, giá bán không còn một nửa". Ngoài ra, do đi biển dài ngày nên vỏ tàu thường bị nước muối bào mòn, lại thêm những con hà biển thường xuyên "sống nhờ" trên lớp vỏ gỗ của tàu, nên mỗi năm hai lần, chủ tàu thu mua hải sản phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê người cạo hà và sơn lại vỏ tàu.
Bên cạnh những đầu tư ban đầu về phương tiện vận chuyển, người làm nghề thu mua hải sản còn phải bỏ một khoản đáng kể để xây dựng mạng lưới cung ứng sản phẩm cho riêng mình. Anh Hà Văn Huấn, quê huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: "Những người cam kết chỉ bán hải sản cho gia đình tôi sẽ được đầu tư tiền mua sắm lưới, công cụ đánh bắt hải sản. Tùy vào loại hải sản đánh bắt, trung bình mỗi ngư dân được đầu tư 3-5 triệu đồng. Sau đó, để ngư dân yên tâm khai thác hải sản, trong mỗi chuyến thu mua hải sản, chủ tàu phải chuẩn bị sẵn một lượng lớn các đồ phục vụ cuộc sống như bàn chải đánh răng, khăn mặt, gia vị, bình gas... để bán cho ngư dân". Được biết, ở ngư trường này có hơn 10 hộ làm nghề thu mua hải sản, hộ nào cũng đều áp dụng cách này để xây dựng mạng lưới đánh bắt hải sản. Anh Huấn tâm sự: “Có làm thế, tình cảm giữa những người sống nhờ vào biển mới khăng khít, bền chặt. Nhiều khi tính bỏ nghề vì cực nhọc quá nhưng nhớ cái "tình của biển" nên cả gia đình lại tiếp tục dấn thân bám biển kiếm sống. Mặt khác, đây cũng là cách để chúng tôi trực tiếp tham gia, góp một phần sức lực vào công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước”.
Những người làm nghề thu mua hải sản ở ngư trường Long Châu chẳng bao giờ sợ đói vì tôm, cá lúc nào cũng đầy đủ, nhưng anh Trần Đình Thực cho biết: "Gần 15 năm làm nghề thu mua, chuẩn bị lương thực kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi trở thành thói quen nhưng nhiều lần vẫn "không lại với trời". Gặp bão, gió mùa, không thể quay về vịnh Cát Bà, trên tàu không còn rau xanh, nước ngọt, những lúc khó khăn đó, chính những người lính biên phòng, công nhân trạm hải đăng làm nhiệm vụ trên đảo đèn Long Châu cứu sống chúng tôi”. Trong lúc biển cả nổi giận đó, những người làm nghề thu mua hải sản cũng không ngần ngại sát cánh cùng với cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn những ngư dân gặp nạn. Trung úy Nguyễn Văn Phong, Đài trưởng đài quan sát Long Châu cho biết: “Chỉ tính riêng trong năm 2012, chủ các tàu thu mua hải sản ở vịnh Long Châu tham gia gần 10 vụ cứu hộ, tìm kiếm người mất tích trên biển. Thật đúng là càng ở nơi biển đảo xa xôi, con người ta càng phải nương tựa vào nhau để sống và phát triển”. (Như An, Báo Hải Phòng 30/10, tr5)
Tin ba xã nằm liền kề nhau là Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) mỗi xã có 5 người trúng giải đặc biệt Xổ số kiến thiết Miền Bắc, mỗi giải trị giá 200 triệu đồng mở thưởng ngày 25/10/2012 không chỉ làm “nóng” lên không khí tại ba xã này mà còn tạo nên “diễn đàn” xôn xao trong cả huyện.
Nhằm huy động quỹ nhàn rỗi trong nhân dân để tu bổ, xây dựng tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại trung tâm huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thủy Nguyên đã phát động phong trào mua xổ số ủng hộ gây quỹ tại 37 cơ sở phụ nữ là các xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi cơ sở ủng hộ 2.500 vé.
Tại văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lập Lễ, cô giáo Lê Thị Thức (Hiệu trưởng trường Tiểu học Lập Lễ) cũng vừa mang tấm vé xổ số trúng giải đặc biệt tới gửi lại Hội để… chờ ngày rinh “lộc” về nhà.
Cầm tấm vé có kết quả trùng với kết quả quay thưởng trên tay nhưng cô Thức vẫn chưa tin vào vận may đã mỉm cười với mình. “Cứ phải chờ tới ngày được tận tay cầm số tiền thưởng thì lúc ấy tôi mới tin” – cô Thức dí dỏm.
Năm nào khi có đợt mua xổ số ủng hộ các chương trình từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được phát động về trường, cô Thức cũng tham gia nhiệt tình chỉ với ý nghĩ “Lá lành đùm lá rách”. Năm học 2012 - 2013, khi 200 vé được đưa về trường, cô nghĩ: “Giáo viên của trường, hầu hết kinh tế đều khó khăn, mà tiền bỏ ra mua tổng số xổ số này cũng không phải con số quá lớn” nên cô đã giữ lại rồi vận động người thân trong gia đình mua ủng hộ phong trào thay vì vận động các giáo viên trong trường. Mua xong bỏ đó vì từ trước tới nay, cô chưa bao giờ trúng dù là giải khuyến khích.
Chia sẻ về những dự định nếu “tin kia là sự thật”, cô Thức cho biết, trước tiên cô sẽ dùng số tiền đó đóng góp cho quỹ của Hội phụ nữ xã, ủng hộ quỹ học sinh nghèo vượt khó… và cho con đi du học tại Úc trong thời gian tới.
Cũng là một trong những người may mắn lần này, chị Nguyễn Thị Tâm, giáo viên trường Mầm non Phục Lễ lại rất bình thản khi đón nhận tin này từ đồng nghiệp vì từ trước tới nay số tiền gia đình chị đóng góp cho phong trào địa phương để xây dựng đền, chùa; ủng hộ người nghèo, người neo đơn… cũng lên tới con số hàng trăm triệu đồng.
“Coi như lộc trời cho ấy mà vì tôi tham gia chương trình này cũng chỉ với phong trào nên ngay từ đầu đã xác định, được thì là may mắn mà không được cũng không sao. Nhưng được mọi người chúc mừng, tôi thấy rất vui. Tôi cũng sẽ tiếp tục trích số tiền này để ủng hộ vào các hoạt động xã hội của địa phương” – chị Tâm cười.
Bình thản đón nhận điều may mắn tới với mình nhưng chị Nguyễn Thị Tâm, giáo viên trường Mầm non Phục Lễ, xã Phục Lễ thấy hạnh phúc khi được mọi người chúc mừng.
Chị Tâm chỉ mua một vé duy nhất và may mắn đã mỉm cười, còn chồng và con chị, người 5 vé, người gần 20 vé nhưng họ đành ngậm ngùi… chúc mừng người phụ nữ của gia đình.
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, chị Chu Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phục Lễ cho biết: 2.500 vé xổ số đã được đưa về 6 thôn, 3 trường học, 4 đoàn thể và trạm y tế xã, được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Xã Phục Lễ là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện hoàn thành công tác vận động ủng hộ chương trình chỉ sau khoảng 20 ngày phát động phong trào.
Chị Liên cũng đã mất ngủ cả đêm sau khi nghe thông báo cả xã mình có 5 người trúng giải độc đắc, điều mà trước nay chưa từng xảy ra trên địa bàn xã.
Điều thú vị là chiếc vé được giải đặc biệt lại mang con số theo quan niệm nhiều người là không may mắn. Vì vậy, cuộc phiêu lưu của chiếc vé này cũng rất gian nan mới tới được tay những người chỉ mua để ủng hộ chương trình. Nhưng chính những điều họ không bao giờ nghĩ tới lại mỉm cười để họ có cơ hội tiếp tục đồng hành cùng công tác làm việc thiện.
Giờ đi tới đâu trên địa bàn 3 xã nói riêng và huyện Thủy Nguyên nói chung cũng đều xôn xao tin kỷ lục này. (Huệ Nguyễn, giaoduc.net.vn 30/10)
Phát huy kết quả và bài học kinh nghiệm từ các kỳ huấn luyện chiến sĩ mới trước đây, các đơn vị thuộc Trung đoàn 50 tiếp tục áp dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc huấn luyện từ đơn giản tới phức tạp, lấy thực hành là chính. Nhờ đó chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới của Trung đoàn được nâng lên rõ rệt qua từng đợt, từng tháng huấn luyện.
Đợt 2-2012, Trung đoàn 50 tiếp nhận 505 chiến sĩ mới đến từ nhiều miền quê như Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình… Trung tá Hoàng Đức Hậu, Chủ nhiệm chính trị của Trung đoàn cho biết, khi mới về đơn vị, anh em còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với thời tiết vùng biển và nền nếp sinh hoạt, học tập, rèn luyện trong quân đội. Từng xảy ra trường hợp chiến sĩ bị ngất xỉu khi thực hành động tác điều lệnh đứng nghiêm 30 phút ngoài trời. Bên cạnh việc tổ chức đón tiếp chiến sĩ chu đáo, thân tình, toàn Trung đoàn chú trọng việc rèn luyện thể lực và tác phong sinh hoạt nền nếp, quy củ cho anh em.
Thăm Trung đoàn 50 vào thời điểm công tác huấn luyện chiến sĩ mới đã bước sang những ngày đầu của tháng thứ 2, chúng tôi cảm nhận rõ rệt không khí luyện tập hăng say của anh em chiến sĩ trên thao trường. Dù đã gần 11 giờ trưa, trời nắng gắt nhưng các chiến sĩ Trung đội 6, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 vẫn say sưa luyện tập bắn súng AK tư thế nằm. Ngoài một nhóm chiến sĩ đang luyện tập bắn súng còn có một nhóm chiến sĩ đang thực hành kỹ thuật tháo lắp kíp mìn. Chiến sĩ Lê Xuân Trường cho biết, tham gia chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị thường xuyên chia nhỏ đội hình, mỗi nhóm tập một nội dung sau đó đổi cho nhau. Bộ phận này luyện tập bắn súng thì bộ phận khác sẽ luyện tập chạy tốc độ tại chỗ hay tập nâng bao cát, nâng gạch. Đổi lại, khi bộ phận này đang huấn luyện kỹ thuật ném lựu đạn thì sẽ có một nhóm chiến sĩ được luyện tập kéo dây co, chống đẩy, nâng tạ…
Thượng tá Bùi Ngọc Minh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 cho biết, phương pháp huấn luyện này giúp từng bước nâng cao thể lực cho chiến sĩ nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác huấn luyện. Việc chia nhỏ nhóm, xoay vòng đổi tập trong huấn luyện cũng tạo điều kiện cho bộ đội được ôn luyện các động tác nhiều hơn. Trong quá trình huấn luyện, chiến sĩ được cán bộ huấn luyện, chỉ bảo từng động tác, làm mẫu để rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, chiến sĩ mới tiếp thu kiến thức rất nhanh. Kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới tháng thứ nhất, cả 9 nội dung học tập, huấn luyện của các đơn vị thuộc Trung đoàn 50 đều đạt yêu cầu trong đó nhiều nội dung đạt kết quả cao như kỹ thuật bắn súng, kỹ thuật thuốc nổ …
Cũng theo Thượng tá Bùi Ngọc Minh, thời gian tới, Trung đoàn tiếp tục áp dụng nhuần nhuyễn phương châm lấy thực hành là chính, kết hợp huấn luyện cơ bản với rèn luyện bổ trợ thường xuyên trong huấn luyện chiến sĩ mới. Trong những tháng còn lại, các đơn vị tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát huấn luyện, kiên trì uốn nắn, hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể cho chiến sĩ mới. Với những chiến sĩ đạt kết quả huấn luyện thấp, đơn vị phân công cán bộ bồi dưỡng, kèm cặp để chất lượng huấn luyện đồng đều. Trung đoàn 50 phấn đấu 100% số nội dung huấn luyện đạt khá – giỏi, đơn vị đạt giỏi, an toàn. (Thành Lê, Báo Hải Phòng Online 30/10)
Qua một số thủ tục và mấy lần hẹn, phóng viên Báo Hải Phòng có mặt tại Trại tạm giam Công an thành phố. Bước qua cánh cổng sắt nặng trịch bị bao quanh bởi bốn bức tường xám xịt cao ngất, chúng tôi kiểm nghiệm sự tưởng tượng của người đời về “thế giới” của những tội phạm đã hoặc chưa thành án.
Vừa quản, vừa dỗ
Uống nhanh chén nước với các cán bộ quản giáo, chúng tôi theo Đại tá Phạm Ngọc Tươi, Giám thị Trại tạm giam Công an thành phố, vào khu vực giam giữ can phạm. Đại tá Tươi giới thiệu, Trại tạm giam Công an thành phố quản lý gần 1000 can phạm, trong đó có đến 80% chưa thành án nên công việc của các quản giáo ở đây luôn bề bộn. Trong trại tạm giam này có đủ thành phần, từ trộm cắp, cướp của, buôn bán ma túy, buôn bán người, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, tới giết người. Thậm chí, có người phải vào tù nhiều lần. Ở những trại cải tạo, vì đã biết mức án của mình, đa số phạm nhân yên tâm cải tạo nên việc quản lý, giáo dục phạm nhân không phức tạp như ở các trại tạm giam. Trong thời gian bị giam giữ, đa số can phạm đều sống trong tâm trạng thấp thỏm, không yên bởi bên cạnh sự nôn nóng là tâm lý che giấu, lấp liếm tội trạng của mình. Chính vì vậy, họ sống không thật, tìm đủ mánh khóe, thủ đoạn để “bắt sóng” những kẻ cùng vụ việc, tìm cách thông cung, bày cách, bảo ban nhau khi khai báo…
Được hỏi về nạn "đầu gấu, đại bàng" trong trại tạm giam, anh Tươi cười lớn bảo, có thể ở đâu đó có tình trạng này, nhưng riêng tại Trại tạm giam Công an thành phố những năm gần đây không xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra chuyện đó. Thấy tôi tỏ vẻ nghi ngại, Đại tá Tươi phân tích: Nhiệm vụ của các quản giáo là làm sao không để xảy ra sai sót nhằm phục vụ yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù. Muốn vậy, chúng tôi đã phân loại kỹ hồ sơ từng đối tượng để bố trí phòng giam cho hợp lý nhằm tránh hiện tượng thông cung giữa các đối tượng. Sau nữa là phân loại phòng giam theo hành vi phạm tội, "thành tích" bất hảo, mức độ hung hãn... Cùng với công tác quản lý chặt chẽ của đội ngũ quản giáo, đủ để không xuất hiện tình trạng "đầu gấu" trong các phòng giam.
Giám thị Tươi kể, trong trại tạm giam có nhiều quy định buộc phạm nhân phải chấp hành. Nhưng đôi khi chúng tôi cũng phải cân nhắc giữa lý và tình, thậm chí là “phá rào” một số quy định trong chừng mực cho phép. Có lần, một can phạm tên Quang bị nhiễm HIV/AIDS, trong lúc chán nản, bất cần đã trèo lên cây bàng dọa nhảy xuống đất tự tử. Sau hơn 1 giờ trò chuyện, cán bộ quản giáo thuyết phục đối tượng từ bỏ ý định đó. Theo nội quy của trại, can phạm đó phải bị kỷ luật, nhưng cán bộ quản giáo chỉ nhắc nhở đánh vào lòng "tự trọng", “sao cậu lại làm trò trẻ con vậy, nhảy xuống thì có gì vẻ vang”. Những câu nói đó đã khiến Quang hiểu ra, dần thay tâm đổi tính. "Đừng nghĩ can phạm là người bỏ đi. Họ có tội và phải chịu trách nhiệm với chính mình. Nhưng, để họ cảm nhận được tình cảm của mình, họ sẽ thay tâm đổi tính”- anh Tươi nhấn mạnh.
Chúng tôi đến gặp Trung tá Nguyễn Trọng Bích, Bệnh xá trưởng của trại giam) để tìm hiểu về công tác chăm sóc sức khỏe phạm nhân. Anh Bích cho biết, số phạm nhân nghiện ma túy đang bị tạm giam, tạm giữ trong trại chiếm gần 50% tổng số phạm nhân. Trong đó, có tới quá nửa đã nhiễm HIV/AIDS, kéo theo những khó khăn nhất định trong công tác khám, chữa bệnh và quản lý, giáo dục. Nhiều can phạm vào trại mang theo nhiều căn bệnh hiểm nghèo và bệnh xã hội, như: lao phổi, viêm gan, giang mai, nhiễm HIV/AIDS... Chuyện phạm nhân nhiễm các căn bệnh xã hội viện cớ ốm đau, dọa nạt cán bộ, cắt ven lấy máu để tạo áp lực… là chuyện anh Bích và đồng nghiệp phải đối mặt thường xuyên. Ai dám chắc điều gì xảy ra khi phạm nhân mắc "Ết" cố tình vung tay khi đang tiêm dở. Dẫu vậy, các cán bộ quản giáo không phân biệt, đối xử, thường xuyên tiếp xúc, gần gũi can phạm.
Anh Bích chia sẻ, những can phạm kia dẫu có là kẻ sát nhân máu lạnh, dẫu có là trùm ma túy hay những kẻ lọc lừa, gian xảo, thì họ vẫn là những người bệnh đang cần được chăm sóc sức khoẻ. Tình thương yêu của cán bộ quản giáo là điểm tựa để họ đứng dậy. Đặc biệt, với những phạm nhân bị các bệnh xã hội giai đoạn cuối, có nguy cơ lây nhiễm cao bị gia đình hắt hủi, không thăm nuôi, lại càng cần phải gần gũi, động viên, giúp họ không bi quan.
Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng các anh đã không nề hà, trực tiếp pha sữa, bón từng thìa cháo, động viên người nghiện cố gắng ăn hết khẩu phần. Qua câu chuyện với một phạm nhân Đỗ Văn Tiến (sinh năm 1981, trú tại đường Tôn Đức Thắng, quận Lê Chân), nghiện ma túy đã lâu và nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc sức khỏe tại bệnh xá, chúng tôi càng hiểu hơn tấm lòng và trách nhiệm của các anh. Tiến cho biết: Một lần đi cướp giật, Tiến bị những người đuổi bắt đánh, thể lực suy kiệt nghiêm trọng. Vào trại, nhờ được các bác sĩ tận tình cứu chữa, phạm nhân Tiến đã dần hồi phục sức khỏe. Phạm nhân Tiến rưng rưng: “Các thầy đã sinh ra tôi một lần nữa”. Tình người, sự quan tâm, chăm sóc tận tâm của các cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an thành phố đã giúp phạm nhân hồi phục sức khỏe, yên tâm cải tạo, hướng tới ngày trở về hoà nhập với cộng đồng. (Thảo Nguyên, Báo Hải Phòng 30/10, tr4)
Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân khu 3 (31/10/1945 -31/10/2012), chiều 30/10 Đ/c Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TƯ Đảng Bí thư thành ủy chủ tịch HĐND TP tới thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sỹ LLVT Quân khu 3. Cùng đi có Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các ban ngành TP. Trung tướng Phạm Quang Hợi tư lệnh quân khu 3 cùng các đ/c trong Đảng ủy Bộ tư lệnh quân khu tiếp đoàn.
Trong không khí thân mật, đ/c Bí thư Thành ủy Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Thành khẳng định: Những thành tựu về KT-XH, quốc phòng -an ninh mà thành phố Hải Phòng đạt được trong thời gian qua luôn có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của LLVT Quân khu 3, nhất là trong nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị cùng công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn. Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân khu 3, thay mặt Thành ủy - HĐND - UBND -UBMTTQ TP, đ/c Bí thư Thành ủy Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Thành trân trọng cảm ơn và chúc mừng cán bộ chiến sỹ quân khu 3
Trung tướng Phạm Quang Hợi - Tư lệnh Quân khu 3 thay mặt Đảng ủy BTL Quân khu cảm ơn sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân thành phố Hải Phòng dành cho LLVT quân khu trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Đồng chí tư lệnh chúc Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân thành phố Cảng tiếp tục giành nhiều thành tựu mới trong sự nghiệp CNH HĐH. (Hoàng Tùng, thp.org.vn 30/10)
Sáng 30/10, Cụm thi đua số 4 gồm 8 tỉnh, thành Hội CCB khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức gặp mặt, giao lưu lãnh đạo các tỉnh, thành hội. Tới dự có Trung tướng Trần Hanh-Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam.
Những năm qua, Hội CCB các tỉnh, thành phố trong Cụm thi đua số 4 quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong các cấp hội và hội viên, đặc biệt là hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội CCB các cấp tiến tới Đại hội CCB toàn quốc lần thứ 5 nhiệm kỳ 2012-2017. Hoạt động của Hội CCB cụm thi đua số 4 đi vào nền nếp, chất lượng góp phần phát triển kinh tế-xã hội, Quốc phòng-an ninh tại các địa phương. Kịp thời phản ánh kết quả hoạt động, xây dựng công tác Hội CCB các tỉnh, thành phố và phong trào thi đua "CCB gương mẫu".
Thông qua hoạt động của Cụm thi đua số 4 đã giúp cho Hội CCB các tỉnh, thành phố nghiên cứu những cách làm hay, sáng tạo của các tỉnh bạn để vận dụng cho đơn vị mình, khắc phục những tồn tại để xây dựng Hội CCB các tỉnh, thành phố vững mạnh. Trong nhiệm kỳ tới, Cụm thi đua số 4 Hội CCN Việt Nam cần phát huy những mặt làm được, đồng thời rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế để thúc đẩy xây dựng hoạt động và phong trào thi đua của toàn Hội CCB. (Kim Dung, thp.org.vn 30/10)
Nhiệm kỳ 2008 – 2012, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thủy Nguyên dành hàng trăm triệu đồng hỗ trợ người lao động xây, sửa nhà; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho hàng vạn lượt người lao động; tổ chức hàng trăm liên hoan, hội diễn, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút hàng nghìn lượt người lao động tham gia… Sự quan tâm, động viên khích lệ của các cấp công đoàn tạo động lực để người lao động thêm hăng say làm việc, cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thành phố.
Từ hỗ trợ xây nhà mái ấm…
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương công tác tại Trạm y tế xã Hoàng Động 12 năm nay. Do hoàn cảnh khó khăn, lương thấp gia đình chị phải thuê nhà ở. Bản thân mắc bệnh nan y, phải điều trị thuốc men tốn kém. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị, đầu năm 2011, LĐLĐ huyện Thủy Nguyên tạo điều kiện cho chị Hương được nhận hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ Mái ấm công đoàn của LĐLĐ thành phố. Cộng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chị xây được căn nhà mới diện tích gần 30m2 với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng. Chị Hương tâm sự: “Nếu không có sự quan tâm, động viên của LĐLĐ huyện và quỹ Mái ấm công đoàn, chắc chẳng bao giờ, tôi có được căn nhà khang trang, ấm cúng thế này”.
Cũng như chị Hương, chị Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ, đoàn viên công đoàn cơ quan xã Thủy Đường được LĐLĐ huyện tạo điều kiện nhận nguồn hỗ trợ 15 triệu đồng từ quỹ Mái ấm công đoàn của LĐLĐ thành phố để sửa nhà. Nhờ đó, căn nhà cấp 4 xập xệ của anh chị được sửa chữa, mở rộng thêm một gian, tạo không gian rộng rãi, thoáng đãng.
Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Thủy Nguyên Nguyễn Văn Quang, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn huyện chủ động khảo sát, tìm hiểu các trường hợp người lao động khó khăn, kịp thời trợ cấp, giúp đỡ. Trong 5 năm (2008 – 2012), LĐLĐ huyện đề nghị và được Quỹ Mái ấm công đoàn hỗ trợ người lao động 375 triệu đồng xây, sửa nhà; dành 60 triệu đồng trợ cấp đột xuất 125 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho 60 lượt người lao động vay vốn phát triển kinh tế từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. LĐLĐ huyện chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 14.000 lượt người lao động; dành hơn 900 triệu đồng trợ cấp khó khăn, thăm các đối tượng chính sách trên địa bàn vào các dịp lễ, tết…
Không chỉ kịp thời quan tâm, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, LĐLĐ huyện Thủy Nguyên và các công đoàn cơ sở cũng làm tốt công tác động viên, khuyến khích CNVCLĐ hăng hái thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp công đoàn tích cực phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật với người lao động. Các cấp công đoàn phát động nhiều phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Thi đua thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động được các cấp công đoàn trên địa bàn huyện quan tâm, tổ chức 165 buổi liên hoan, hội diễn, giao lưu văn nghệ; 88 cuộc thi đấu, giao hữu thể thao thu hút hàng nghìn lượt CNVCLĐ tham gia. Tiêu biểu là hội thi “Người đẹp công đoàn” năm 2011 nhằm tôn vinh nữ CNVCLĐ; hội thi văn nghệ chào mừng Đại hội Công đoàn huyện lần thứ 9 nhiệm kỳ 2012 – 2017 với sự tham gia của các đơn vị thuộc 9 cụm thi đua...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Quang, nhiệm kỳ 2012 – 2017, LĐLĐ huyện xác định do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn gây tác động tiêu cực tới tình hình việc làm và đời sống người lao động. LĐLĐ huyện và các tổ chức công đoàn cơ sở tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, phấn đấu 80% trở lên số công nhân lao động được tham gia BHXH, BHYT; 90% trở lên số công nhân lao động được huấn luyện an toàn lao động nơi làm việc; 100% người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn được giao kết hợp đồng lao động; 80% số doanh nghiệp ký, bổ sung thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động. (Thành Lê, Báo Hải Phòng 29/10, tr5)
Sở NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị đánh giá mô hình xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nông thôn.
Đến nay, hầu hết các huyện trên địa bàn thành phố đều xây dựng các tổ đội thu gom và các điểm xử lý rác thải nông thôn. Trong đó, một số mô hình điển hình như huyện An Lão, mô hình thu gom xử lý rác thải nông thôn được giao Hội phụ nữ triển khai… (Báo Hải Phòng 30/10, tr6)
Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) vừa phối hợp với Sở KH-CN tổ chức tập huấn, trợ giúp kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nông thôn tại bảy huyện Tiên Lãng, Cát Hải, An Dương, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Kiến Thụy và An Lão.
Tại các lớp tập huấn, cán bộ kỹ thuật giới thiệu những kiến thức cơ bản về kỹ thuật, công nghệ đang áp dụng trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; giới thiệu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và một số mô hình tiên tiến trong và ngoài nước. (Báo Hải Phòng 30/10, tr6)
Trong 10 năm thực hiện Nghị định 161/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển, gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng Cát Bà, Cát Hải tham gia tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, tiến hành đăng ký kiểm chứng 64.786 lượt tàu, thuyền với hơn 1 triệu thuyền viên ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển, các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương cắm 13 biển báo nơi neo đậu tàu thuyền, đồng thời vận động nhân dân mua mới 4.558 áo phao. (Báo Hải Phòng 30/10, tr4)
Thực hiện đề án “Đoàn thanh niên đảm nhận giúp đỡ 500 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo giai đoạn 2012-2016” của Ban thường vụ Thành đoàn, vừa qua, Đoàn Thanh niên công an thành phố đã trao tặng 5 triệu đồng hỗ trợ mua con giống cho gia đình chị Hoàng Thị Giang ở xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng. (An Ninh Hải Phòng 30/10, tr3)
Từ đầu năm đến nay, huyện Vĩnh Bảo đã chi hơn 400 triệu đồng để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 102 người có công với cách mạng gặp khó khăn.
Ngoài ra, huyện cũng phát 32.076 thẻ Bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng. (An Ninh Hải Phòng 30/10, tr2)
Đoàn Thanh niên cụm 2 (Khối công nhân viên chức thành phố) vừa tổ chức giải bóng đá giao hữu năm 2012 tại sân vận động Trường đại học Hàng hải. Có 6 đội tham dự giải. (Báo Hải Phòng 30/10, tr5)
Huyện Thủy Nguyên vừa tổ chức giải quần vợt mở rộng lần thứ tư tại Trung tâm văn hóa thể thao huyện.
Tham dự giải có 64 vận động viên đến từ 6 Câu lạc bộ, thi đấu ở các nội dung hệ nâng cao A, hệ nâng cao B, hệ phong trào. Kết quả, Hệ A: Nguyễn Đức Cường – Lê Trung Kiên của Câu lạc bộ xăng dầu khu vực 3 đoạt giải nhất; Hệ B: Đỗ Văn Duy – Đinh Văn Đức của Câu lạc bộ Trung tâm huyện Thủy Nguyên đoạt giải nhất; Hệ phong trào: Trung Nguyên và Văn Kiên của Câu lạc bộ Trung tâm huyện Thủy Nguyên đoạt giải nhất. (Báo Hải Phòng 30/10, tr5)./.