Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 30/03/2017)
Chiều 29.3, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT). Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Bùi Thanh Tùng chủ trì cuộc giám sát, cùng tham gia đoàn giám sát có Phó Chủ tịch HĐND TP Dương Ngọc Tuấn.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở GD - ĐT Nguyễn Xuân Trường cho biết, Sở GD - ĐT đã giảm một phòng chuyên môn và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục chuyên nghiệp cho Sở LĐ, TB - XH. Sở đã ban hành chức năng nhiệm vụ và dự thảo Đề án vị trí việc làm phù hợp với điều kiện làm việc của Sở và theo đúng chỉ đạo của UBND TP, đúng quy định pháp luật. Đến hết ngày 31.3.2017, Sở có 63 biên chế hành chính; tổng số người làm việc được giao theo định mức năm học 2015 - 2016 là 2.748 người (quyết định UBND TP giao 2.756 người, giảm 8 biên chế ghi nhận); tổng số viên chức giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý trong khối THPT tính đến hết 31.1.2017 là 2.771 người, biên chế dôi dư là 23 người.
Sở đã làm tốt công tác CCTTHC, công khai quy trình, đơn giản về thủ tục hồ sơ, tập trung đầu mối xử lý nhanh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, thúc đẩy tiến trình CCHC, giảm hiện tượng tiêu cực sách nhiễu; Sở cũng đã niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, chất lượng tiếp nhận giải quyết TTHC được nâng lên, bước đầu đã tạo sự hài lòng cho tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các chính sách, văn bản pháp luật của T.Ư còn chưa đồng bộ như Nghị định số 55/2011/NĐ - CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của bộ máy pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được thành lập Phòng pháp chế; các đơn vị không thành lập phòng thì bố trí công chức chuyên trách theo đặc thù riêng của từng địa phương và ở các cơ quan chuyên môn. Quy định của Nghị định như vậy, nhưng trong Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng nhiệm vụ của Sở GD - ĐT thì không có quy định về Phòng Pháp chế, do vậy gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai.
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Bùi Thanh Tùng ghi nhận Sở GD - ĐT đã nỗ lực thực hiện công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt được nhiều kết quả tốt; công tác tham mưu ban hành văn bản QPPL được thực hiện có nền nếp, đúng quy định. Việc ứng dụng CNTT vào công tác CCHC, quản lý giáo dục, dạy - học, kiểm tra, đánh giá và kết nối trường học đã đạt được một số kết quả, tạo tiền đề cho việc triển khai Chính phủ điện tử theo Kế hoạch 4546/KH - UBND của UBND. Tại cuộc giám sát này, những kiến nghị đối với lĩnh vực của ngành sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, T.Ư, tuy nhiên, để cụ thể hóa những kiến nghị này đề nghị Sở GD - ĐT cần bổ sung kiến nghị rõ ràng, tránh đề xuất chung chung, Sở cần chủ động tham mưu đề xuất đến UBND TP những nội dung được TP phân cấp cụ thể. (Đại biểu nhân dân 30/3/2017)
Ngày 29.3, Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 tại quận Lê Chân. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Bùi Thanh Tùng chủ trì cuộc giám sát.
Báo cáo với Đoàn giám sát, ông Phạm Tiến Du, Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết, về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, từ tháng 7.2016, sau khi thiết lập lại HĐND, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định 08/2016/NĐ - CP, UBND quận Lê Chân có 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 14 uỷ viên UBND. Theo đó số lượng Uỷ viên UBND quận tăng lên 9 thành viên, giảm 1 Phó Chủ tịch. Ở cấp phường, chỉ có 4 phường loại 1 được giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch UBND; 11 phường còn lại chỉ có 1 Phó Chủ tịch và 2 uỷ viên. Số lượng Phó Chủ tịch của 11/15 phường bị giảm 1 người so với trước.
Đối với đơn vị sự nghiệp, năm 2011 quận có tổng số 47 đơn vị sự nghiệp, đến hết tháng 12.2016, số lượng đơn vị sự nghiệp vẫn giữ nguyên, cơ bản ổn định. Đối với đội ngũ cán bộ công chức hành chính khối UBND quận, tính đến tháng 12.2016, có 104/113 định biên. Số người hoạt động không chuyên trách năm 2016 là 1.487 người; trong đó, cán bộ, công chức phường kiêm nhiệm là 63 người; chức danh tổ dân phố kiêm nhiệm là 396 người. Như vậy, thực hiện Nghị quyết 25/2014 của HĐND TP, số lượng người không chuyên trách của quận giảm 396 người.
Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du chia sẻ, quận đã xây dựng kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế, tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng đề án tinh giản biên chế, theo đó, lộ trình từ năm 2015 - 2021, tinh giảm được tối thiểu 10% biên chế hiện có, theo đó, UBND quận đã tinh giản 17 trường hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Bùi Thanh Tùng ghi nhận UBND quận Lê Chân đã triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính khá hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Chính phủ, Thành uỷ, HĐND TP, quận đã sớm ban hành quy chế làm việc, phân công, phân nhiệm rõ ràng, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ trong chỉ đạo, điều hành đồng thời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức bảo đảm đúng người, đúng việc phù hợp với vị trí việc làm; triển khai, thực hiện có hiệu quả việc phân cấp quản lý. Công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” cũng được UBND quận quan tâm thực hiện hiệu quả… Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP ghi nhận và chia sẻ những kiến nghị của quận Lê Chân đối với Trung ương và UBND TP; sau cuộc giám sát này Đoàn sẽ tập hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm xem xét và có biện pháp khắc phục, tháo gỡ. (Đại biểu nhân dân 30/3/2017; Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Chiều 29-3, tại Trung tâm hội nghị thành phố, đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP tiếp đoàn lãnh đạo tập đoàn LG Display (Hàn Quốc) do ông Lee Bang Soo - Phó Chủ tịch tập đoàn dẫn đầu. Cùng dự có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng và đại diện lãnh đạo một số ban ngành thành phố (ảnh).
Đồng chí Lê Văn Thành đánh giá cao vai trò của LG nói chung và LG Dispay nói riêng, trong việc chọn Hải Phòng là điểm đến đầu tư. Đồng chí khẳng định LG Display đã góp phần quan trọng vào mục tiêu thu hút công nghệ cao, phát triển bền vững của thành phố. Đồng chí mong rằng, tập đoàn LG Display tiếp tục mở rộng đầu tư tại Hải Phòng. Thành phố sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các dự án của tập đoàn triển khai thành công.
Thay mặt tập đoàn LG Display, ông Lee Bang Soo cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố đối với tập đoàn thời gian qua. Ông cam kết sẽ tiếp tục cùng lãnh đạo tập đoàn nghiên cứu hợp tác, mở rộng đầu tư vào Hải Phòng trên cơ sở hai bên cùng có lợi, hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững. (An ninh Hải Phòng 30/03/2017)
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và hướng dẫn của Cục V28 - Bộ Công an, CATP Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ (16-6-1967 * 16-6-2017).
Theo kế hoạch đề ra, Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng XDPT Toàn dân BVANTQ do Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc CATP làm Trưởng ban, đồng chí Phó trưởng phòng phụ trách phòng PV28 - CATP làm Phó trưởng ban thường trực sẽ trực tiếp giúp Giám đốc CATP tổ chức các hoạt động kỷ niệm mang ý nghĩa thiết thực nhằm hướng tới mục tiêu trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục cho CBCS về ý nghĩa, niềm tự hào và truyền thống vẻ vang của lực lượng XDPT toàn dân BVANTQ.
Từ tháng 3-2017 đến tháng 6-2017, CATP sẽ tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với chủ đề “Phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng XDPT Toàn dân BVANTQ”, trong đó tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động mít tinh kỉ niệm, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; mở chuyên mục tuyên truyền trên báo An ninh Hải Phòng…
Đáng chú ý, việc tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình phong trào Toàn dân BVANTQ trên địa bàn thành phố Hải Phòng” thể hiện quyết tâm rất lớn của CATP trong việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân BVANTQ cũng như nâng cao trình độ cho những người làm công tác phong trào.
Bên cạnh đó, để động viên, khích lệ CBCS thể hiện sự sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật, ra sức phấn đấu lập công chào mừng lễ kỉ niệm lớn, CATP sẽ phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống với chủ đề “Phát huy truyền thống vẻ vang, CBCS lực lượng XDPT Toàn dân BVANTQ tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, ra sức lập công, vì an ninh Tổ quốc” trong toàn lực lượng Công an Hải Phòng. (An ninh Hải Phòng 30/03/2017)
Kỷ niệm 70 năm thành lập Chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện Cát Hải, 40 năm hợp nhất huyện, 58 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải, Cát Bà, ngày truyền thống ngành Thuỷ sản Việt Nam và khai mạc Du lịch Cát Bà hè 2017 là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải thêm tự hào về truyền thống lịch sử 70 năm, anh dũng, kiên cường và kính dâng lên Người thành tựu vẻ vang. Đồng thời cũng là dịp biểu dương sức mạnh của truyền thống, đoàn kết, trí tuệ và năng động của Cát Hải trên con đường phấn đấu xây dựng địa phương trở thành trung tâm "Du lịch – Dịch vụ cảng biển” hiện đại, văn minh góp phần tạo động lực cho Hải Phòng phát triển.
Chặng đường lịch sử vẻ vang
Năm 1946, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, mở đầu cuộc tái xâm lược miền Bắc Việt Nam. Đầu năm 1947, quân Pháp tiến hành các cuộc tiến công ra vùng nông thôn, chiếm Cát Hải, Cát Bà. Tháng 3-1947, với 3 đảng viên, đồng chí Lê Viên, Vũ Viết Hưng, Phạm Hồng Cẩm chi bộ Đảng tổng Đôn Lương được thành lập. Đây là chi bộ tiền thân của Đảng bộ huyện Cát Hải ngày nay. Cuối tháng 11-1947, Đảng bộ huyện được thành lập, đồng chí Vũ Chính được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Đảng bộ Huyện ra đời là bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của huyện đảo. Từ đây, phong trào kháng chiến được sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, lịch sử của Đảng bộ gắn liền với sự nghiệp cách mạng đầy vinh quang của huyện đảo.
Chặng đường lịch sử vẻ vang 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo anh hùng đáng trân trọng và tự hào. Ngày 31-3-1959, trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế- xã hội sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân 2 huyện Cát Hải và Cát Bà. Tại cuộc gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân ở Bến Gót và cảng cá Cát Bà, Bác căn dặn: “…Rừng vàng, biển bạc của ta, do Nhân dân ta làm chủ…”. Sự quan tâm sâu sắc của Bác là phần thưởng vô giá đối với Đảng bộ, chính quyền, đồng bào, chiến sĩ nơi đảo xa, là động lực lớn để Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân huyện đảo viết tiếp những trang sử hào hùng.
Trong những năm kháng chiến gian khổ chống Pháp và chống Mỹ, bằng truyền thống của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, các lực lượng vũ trang và nhân dân huyện đảo tổ chức chiến đấu hơn 600 trận lớn nhỏ. Nhiều chiến công đi vào lịch sử như trận Đá Phèng, Đồng Tép, Khoăn Cao... Những tấm gương về lòng yêu nước, với khí phách oanh liệt và tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường đi vào lịch sử dân tộc như các Anh hùng LLVT Nhân dân Đoàn Đức Thái, Hoàng Thanh Loan; liệt sĩ Phạm Xuân Ba, Đoàn Hải Sầm... tô đậm thêm truyền thống “Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường”.
Xây dựng huyện đảo phát triển đột phá, bền vững
Năm 2016, kinh tế-xã hội của huyện có những bước phát triển mới. 100% chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với năm 2015, trong đó có 5/6 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất ước cả năm đạt 5.186 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nhóm ngành, du lịch – dịch vụ chiếm 71,7% tổng giá trị sản xuất. Thu cân đối ngân sách đạt 110.268 triệu đồng, bằng 145% so với cùng kỳ. Cả 6/6 xã khu Hà Sen trước đây được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới…
Năm 2017, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Cát Hải đón nhận nhiều thuận lợi và cơ hội mới. Cầu Đình Vũ – Cát Hải được hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được đẩy nhanh tiến độ, các dự án lớn của Công ty cổ phần tập đoàn Mặt trời, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ triển khai trên địa bàn huyện… Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị bước phát triển đột phá, bền vững của huyện trong những năm tiếp theo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu. Đó là, khai thác tối đa công năng và lợi thế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện khi đưa vào sử dụng. Phấn đấu xây dựng đảo Cát Hải trở thành đảo thông minh, là trung tâm dịch vụ cảng biển của thành phố và các tỉnh phía Bắc, khu đô thị cảng xanh, văn minh, hiện đại. Cùng với đó, huy động tối đa các nguồn lực và lợi thế so sánh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho nhà đầu tư chiến lược Sun Group cùng các nhà đầu tư khác để phát triển du lịch Cát Bà phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Đồng thời, quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm thế trận quốc phòng - an ninh; duy trì thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển và hải đảo của Tổ quốc và giữ vững môi trường an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển huyện đảo trong thời kỳ mới.
Từ một huyện đảo xa đất liền, nghèo nàn, lạc hậu, nhiều khó khăn chồng chất sau những năm tháng chiến tranh cùng những biến động lịch sử; được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và thành phố Hải Phòng, bằng trí tuệ và sự năng động, với tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo, các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân Cát Hải đang xây dựng huyện đảo phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ Cảng biển theo hướng bền vững. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Sáng 29- 3, tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc diễn ra lễ trao tượng trưng 5000 tấn gạo là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tới nhân dân Cu- ba. Tới dự và chứng kiến có các đồng chí: Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố; Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước; lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc… Về phía nước bạn Cu- ba có ông Herminio Lopez Diaz, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cu- ba tại Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, thực hiện kết quả chuyến thăm chính thức Cu- ba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 15 đến ngày 17- 11- 2016, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xuất 5000 tấn gạo với danh nghĩa quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tới nhân dân Cu- ba. Đây là món quà tặng ý nghĩa với mong muốn chia sẻ, góp phần khắc phục một phần khó khăn về lương thực của Cu- ba, qua đó khẳng định, củng cố quan hệ hữu nghị, tăng cường xây dựng khối đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết, thực hiện quyết định của Bộ Tài chính về việc xuất 5000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia tặng nhân dân Cu- ba, Tổng cục giao Cục dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan mở kho dự trữ, thực hiện các thủ tục liên quan, bốc xếp gạo vào công- ten- nơ vận chuyển tới cảng Hải Phòng từ ngày 18- 3- 2017 và hoàn tất vào ngày 29- 3- 2017, đồng thời hoàn thành các thủ tục kiểm hóa, thông quan. Ngày 30- 3- 2017, chuyến hàng đầu tiên rời cảng Hải Phòng vận chuyển tới cảng San- tia- go ( Cu- ba). Dự kiến, tới ngày 12- 6- 2017, toàn bộ 4 chuyến tàu chở 5000 tấn gạo sẽ tới Cu- ba.
Đại sứ Herminio Lopez Diaz bày tỏ niềm xúc động trước tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam với nhân dân Cu- ba. Ông cho biết, đây là lần thứ ba ông được đại diện cho Cu- ba tiếp nhận món quà lớn từ nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh, món quà có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần giúp nhân dân Cu- ba khắc phục khó khăn mà còn củng cố và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước, thể hiện tình cảm thắm thiết chân thành, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau của nhân dân hai nước trong nhiều năm qua. Đại sứ trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Bộ Tài chính, Tổng cục dự trữ Nhà nước, Cục dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc và khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để góp phần phát triển mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới.
Trước sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí; Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Thanh Sơn, Đại sứ Herminio Lopez Diaz trân trọng nhận tượng trưng 5000 tấn gạo từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Chiều 29-3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình nghe báo cáo về tình hình triển khai Dự án Công viên cây xanh giai đoạn 2 và tiến độ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U19 Lam Sơn; U1, U2, U3 Lê Lợi và khu chung cư Đồng Quốc Bình.
Sau khi nghe báo cáo của BQL dự án, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Bình khẳng định quyết tâm của thành phố thực hiện Dự án Công viên cây xanh giai đoạn 2 đúng mục đích, đúng yêu cầu và theo đúng tiến độ đã đề ra nhằm sớm đưa vào khai thác phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch yêu cầu UBND các quận Hồng Bàng và Lê Chân cần phối hợp nhịp nhàng, bảo đảm thực hiện đúng theo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Văn phòng UBND TP đôn đốc, nắm bắt tình hình để báo cáo lãnh đạo thành phố theo chế độ tuần.
Về tiến độ triển khai việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ U19 Lam Sơn; U1, U2, U3 Lê Lợi, Sở Xây dựng đã báo cáo kết quả giải quyết tồn tại và công tác chuẩn bị theo chỉ đạo từ kỳ họp trước. Dự kiến đến ngày 10-4 sẽ chọn được nhà đầu tư trình thành phố phê chuẩn và dự kiến khởi công vào tuần cuối tháng 4-2017.
Còn Dự án xây dựng chung cư Đồng Quốc Bình, Sở Xây dựng và UBND quận Ngô Quyền đang triển khai các bước kiểm kê, di dân và bảo đảm tiến độ, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 5-2017.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình chỉ đạo, đối với khu U19 Lam Sơn phải tổ chức thi công liên tục ngay trong đầu tháng 4-2017 và bảo đảm tiến độ toàn bộ công trình không thay đổi so với trước đây, chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn. Các khu U1, U2, U3 Lê Lợi phải được khởi công trong tháng 4-2017. Với khu nhà Đồng Quốc Bình cũng thực hiện tương tự và phải khởi công trong tháng 5-2017. Văn phòng UBND TP phối hợp Sở Xây dựng bám sát tiến độ để đôn đốc và báo cáo Thường trực UBND TP theo chế độ tuần. (Đoàn Lanh – An ninh HP 30/3/2017)
Qua đường dây nóng, sáng 27-3, Báo Hải Phòng nhận được kiến nghị của một số hộ dân tổ dân phố 5/1 và 5/3 Quán Toan, phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) về việc UBND phường Quán Toan cưỡng chế tháo dỡ các công trình nằm trong phần đất lưu không 2m sát vỉa hè là không phù hợp, gây phản ứng trong dư luận.
Chiều 27-3, phóng viên có mặt tại đường Quán Toan, đoạn thuộc tổ dân phố 5/1 phường Quán Toan. Vào lúc này, đoàn công tác gồm lãnh đạo UBND phường Quán Toan, đại diện Thanh tra đô thị quận, tổ quản lý đô thị và Công an phường cũng đang giám sát một số hộ dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng đua ra vỉa hè. Ông Nguyễn Văn Hạnh, số nhà 174 đường 5/1 Quán Toan cho biết, công trình mái tôn mà gia đình ông xây dựng nằm trong phạm vi 2m hành lang lưu không, sát với diện tích đất của gia đình. Ngoài công trình mái tôn này, phía trước còn có 3m vỉa hè dành cho người đi bộ. Theo ông Hạnh, công trình mái tôn của gia đình không ảnh hưởng đến vỉa hè, không gây cản trở người đi bộ, việc UBND phường yêu cầu tháo dỡ công trình mái tôn này khiến gia đình tốn kém khoản kinh phí không nhỏ, ảnh hưởng tới việc buôn bán kinh doanh. Theo anh Lê Văn Minh, trú tại số 607 đường 5/3 Quán Toan, người dân đã nhận được thông báo của UBND phường về việc tháo dỡ công trình trên vỉa hè. Tuy nhiên, thông báo này không nói rõ phạm vi các công trình phải tháo dỡ, cách thức tháo dỡ như thế nào. Nay, nhiều gia đình bị cưỡng chế tháo dỡ mái che, mái vẩy nằm trong phần đất 2m lưu không sát vỉa hè. Nếu đối chiếu với thực tế của gia đình anh thì phần đất này là đất của gia đình sử dụng ổn định, lâu dài từ trước đến nay, khi chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chừa lại một phần đất làm hành lang giao thông chưa được nhà nước đền bù. Nay UBND phường cưỡng chế công trình xây dựng trên diện tích 2m lưu không là xâm phạm tới tài sản hợp pháp của người dân. Gia đình anh cùng nhiều hộ dân khác cho rằng việc làm này của UBND phường Quán Toan là không đúng.
Trao đổi về việc trên, Chủ tịch UBND phường Quán Toan Mai Văn Tuyên cho biết, thực hiện kế hoạch “Triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hồng Bàng năm 2017”, ngày 20-3, UBND phường có văn bản thông báo tới các hộ dân trên địa bàn về việc triển khai tháo dỡ các công trình vi phạm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đồng thời, UBND phường thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Từ ngày 24-3, lực lượng quản lý đô thị phường triển khai tháo dỡ các công trình trên vỉa hè dọc hai tuyến đường trung tâm gồm đường Quán Toan và đường Hải Triều. Theo thống kê, có khoảng 400 hộ phải tháo dỡ. Về cơ bản, các hộ đồng tình, ủng hộ, hơn 300 hộ đã chủ động tháo dỡ. Khoảng 100 hộ còn lại cũng tự tháo dỡ khi đoàn công tác của UBND phường đến vận động. Đến chiều 27-3, UBND phường hoàn thành khoảng 95% lượng công việc.
Liên quan tới kiến nghị của người dân, phần công trình tháo dỡ nằm trong diện tích đất người dân chưa được đền bù, Chủ tịch UBND phường Quán Toan Mai Văn Tuyên nhấn mạnh, UBND phường đang tiến hành chỉnh trang đô thị chứ không “lấy đất” của dân. Vì vậy, kể cả công trình nằm trên diện tích đất của dân nhưng gây mất mỹ quan đô thị thì UBND phường vẫn yêu cầu các hộ dân phải tháo dỡ. Nếu các công trình đã nằm ở vị trí hợp lý, không cản trở giao thông, không gây mất mỹ quan đô thị thì UBND phường chấp nhận cho tồn tại. Ông Tuyên cũng khẳng định, sau đợt chỉnh trang, làm sạch đẹp vỉa hè này, UBND phường sẽ có kế hoạch xây dựng phương án và báo cáo, xin ý kiến của UBND quận Hồng Bàng cho phép các hộ dân thuê lại một phần vỉa hè phục vụ việc kinh doanh để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống, kế sinh nhai của người dân. Nếu người dân cho rằng có diện tích đất chưa được đền bù, thì cần cung cấp các tài liệu chứng minh và kiến nghị tới UBND phường theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, việc triển khai tháo dỡ các công trình trên vỉa hè của UBND phường Quán Toan là hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương của thành phố và UBND quận Hồng Bàng trong việc lập lại trật tự đường hè, xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp. Đây là chủ trương đúng đắn, cần nhận được sự ủng hộ của tất cả các hộ dân trên địa bàn. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Hãng hàng không Jetstar Pacific vừa mở thêm đường bay mới giữa Hải Phòng và Đồng Hới (Quảng Bình) vào ngày 30/3, cung cấp dịch vụ hàng không giá rẻ để phục vụ nhu cầu đi lại giữa khu vực miền Trung và vùng duyên hải Bắc Bộ của Việt Nam, góp phần kích thích tăng trưởng du lịch của các địa phương.
Hiện vé đã được Jetstar Pacific mở bán để đáp ứng nhu cầu mua vé sớm của hành khách. Các chuyến bay bắt đầu khởi hành từ 29/4, tần suất 3 chuyến mỗi tuần vào thứ Ba, Năm và thứ Bảy bằng máy bay Airbus A320-180 ghế đồng hạng phổ thông.
Chuyến bay từ Hải Phòng đi Đồng Hới số hiệu BL381, cất cánh lúc 17 giờ 35 phút. Chiều từ Đồng Hới đi Hải Phòng có số hiệu BL380, cất cánh lúc 19 giờ 10 phút. Tổng thời gian bay giữa Hải Phòng và Đồng Hới là 1 giờ.
Thông tin Jetstar Pacific cho biết, mức giá rẻ mỗi ngày giữa Hải Phòng-Đồng Hới được mở bán từ 450.000 đồng/chặng, chưa bao gồm các loại vé siêu rẻ khuyến mại.
Nhân dịp khai trương đường bay mới, Jetstar Pacific thực hiện đợt bán vé rẻ đặc biệt giữa Hải Phòng-Đồng Hới chỉ 40.000 đồng/chặng, vé được mở bắt đầu từ 11 giờ đến hết ngày 30/3.
Vé do hệ thống máy tính tự động phân phối tại trang www.jetstar.com trên các chuyến bay khởi hành giai đoạn từ 11/9-29/10/2017. Cùng trong chương trình này, hành khách sẽ có cơ hội mua vé nhiều đường bay nội địa và quốc tế giá từ 88.000-348.000 đồng/chặng tùy theo từng đường bay.
Việc mở đường bay Hải Phòng-Đồng Hới nằm trong chương trình hợp tác quảng bá, phát triển du lịch giữa Jetstar Pacific và các tỉnh Quảng Bình, thành phố Hải Phòng đồng thời kết hợp thương hiệu kép với Vietnam Airlines để mở rộng mạng bay, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và góp phần kích thích tăng trưởng du lịch.
Được biết, đây là đường bay thứ 40 trong mạng bay nội địa và quốc tế của Jetstar Pacific, kết nối cùng mạng bay giá rẻ của Jetstar Group đến 80 đểm đến 17 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Jetstar Pacific có 2 cổ đông chính là Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Qantas Airways) của Australia. (Vietnamplus 30/3/2017)
Quý I/2017 vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn TP. Hải Phòng ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 21,33% so cùng kỳ, với các dự án được tiếp tục triển khai như: Xây dựng các nút giao thông, các tuyến đường, nâng cấp đường dân sinh.
Tổng vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 2.321,9 tỷ đồng, tăng 17,56% so cùng kỳ, trong đó vốn trung ương quản lý là 1.529 tỷ đồng, tăng 18.88% so cùng kỳ; vốn địa phương quản lý là 792,9 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ, vốn ngoài nhà nước thực hiện là 3.009,5 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là 2.748,7 tỷ đồng, tăng 15,98% so cùng kỳ.
Vốn đầu tư từ ngân sách trên địa bàn Hải Phòng có mức tăng trưởng cao bởi sự đóng góp của một số khu vực, khu vực nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý quý I/2017 tăng khoảng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó: Tăng mạnh nhất là nguồn ngân sách thành phố, tăng 16,7% so với cùng kỳ từ việc đầu tư vào một số dự án quan trọng và cấp thiết, điển hình là dự án Nút giao thông ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ - Chùa Vẽ (thuộc dự án đường 356 đoạn 2A từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ) với tổng mức đầu tư hơn 320 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các dự án chuyển tiếp như: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm; Dự án phát triển giao thông đô thị; Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng giai đoạn I...
Vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tại Hải Phòng tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng trong quý I/2017, tăng 30% so với cùng kỳ. Các dự án với quy mô lớn của các tập đoàn trong nước đang được tích cực triển khai thực hiện như: Tập đoàn Vingroup với dự án khu đô thị phức hợp Vinhomes Riverside Hải Phòng, bệnh viện quốc tế Vinmec Hải Phòng, khu vui chơi giải trí nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên; Dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu của tập đoàn Him Lam; Dự án của tập đoàn Sun Group tại đảo Cát Bà; Dự án của tập đoàn FLC;…
Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Hải Phòng trong quý I/2017 cũng tăng 15,98% so với cùng kỳ, tính từ đầu năm đến nay đã có 10 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng vốn là 178 triệu USD, trong đó điển hình là dự án của công ty Toyota Nankai Haiphong West với tổng mức đầu tư là 17 triệu USD, tiếp đó là dự án điều chỉnh tăng 135,5 triệu USD của công ty TNHH Vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam. Ngoài ra một số các dự án lớn như LG Display, LGE, dự án công ty Regina Miracle International Việt Nam, dự án Nhà máy sản xuất lốp xe ô tô Bridgetstone Corporation đang được tiếp tục thực hiện. (Công thương 30/3/2017)
* Sáng 29-3, CAH Vĩnh Bảo tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Quyn, Bí thư huyện ủy; Đại tá Vũ Thanh Chương, Phó Giám đốc CATP.
Triển khai thực hiện Cuộc vận động lớn, CAH Vĩnh Bảo đã phát động sâu rộng trong toàn đơn vị với khẩu hiệu hành động “Đơn vị kỷ cương, lãnh đạo chỉ huy gương mẫu, cán bộ chiến sỹ vừa hồng vừa chuyên” và đề ra 7 nội dung công tác trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú ý đến tuyên truyền giáo dục bản lĩnh chính trị, rèn luyện tác phong, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỷ luật kỷ cương trong công tác, chiến đấu và tiếp xúc với nhân dân; nâng cao năng lực trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Tại buổi lễ, công an các đơn vị nghiệp vụ, trạm, thị trấn đã ký giao ước thi đua quyết tâm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động.
* Chiều 29-3, Phòng PV28 - CATP tổ chức lễ phát động thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” (CVĐ). Đến dự có lãnh đạo các phòng PX15, PX13 - CATP.
Thực hiện kế hoạch số 71/KH-CAHP-PX15, công văn số 108/CAHP-PX15 của Giám đốc CATP, Phòng PV28 đã xây dựng kế hoạch thực hiện CVĐ, phân công rõ trách nhiệm đến từng đội công tác. Tại hội nghị, sau khi triển khai kế hoạch chung của toàn đơn vị, đại diện các đội đã cùng nhau ký giao ước thi đua, phấn đấu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, sáng tạo 7 nội dung triển khai CVĐ sao cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ công tác của từng đội. (An ninh Hải Phòng 30/3/2017)
Năm 1946, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Hải Phòng, mở đầu cho một cuộc tái xâm lược trên miền Bắc Việt Nam. Đầu năm 1947, chúng tiến hành các cuộc tiến công ra vùng nông thôn, chiếm Cát Hải, Cát Bà và lập đồn binh, nhà đoan cùng bộ máy chính quyền tay sai, bắt các xã phải lập tề.
Đứng trước yêu cầu của công tác xây dựng chính quyền và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, ngay từ giữa năm 1946, Tỉnh ủy Quảng Yên đã điều đồng chí Vũ Viết Hưng (Vũ Thủy) về trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến ở Cát Hải. Sau một thời gian phát triển đảng viên, khi đã đủ điều kiện, tháng 3-1947, các đồng chí: Lê Viên, Vũ Viết Hưng, Phạm Hồng Cẩm đã thành lập được chi bộ Đảng trên địa bàn tổng Đôn Lương. Cuối tháng 11-1947, Đảng bộ huyện được thành lập, đồng chí Vũ Chính được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy. Đảng bộ huyện ra đời là bước ngoặt lịch sử. Từ đây, phong trào kháng chiến được sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.
Chặng đường lịch sử vẻ vang 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo anh hùng thật đáng trân trọng và tự hào. Ngày 31-3-1959, trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân hai huyện đảo Cát Hải và Cát Bà. Sự quan tâm sâu sắc của Bác là phần thưởng vô giá, là động lực lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo viết tiếp những trang sử hào hùng.
Trong những năm kháng chiến gian khổ chống Pháp, đã có những chiến công đi vào lịch sử như trận Đá Phèng, Đồng Tép, Khoăn Cao... Trong kháng chiến chống Mỹ, với truyền thống của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, quân dân trên đảo đã tổ chức đánh gần 600 trận lớn nhỏ, tô đậm thêm truyền thống “Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường”. Với những chiến công ấy, Đảng và Nhà nước đã tặng nhân dân huyện đảo 1.929 huân, huy chương các loại, 25 bà mẹ đã vinh dự được tôn vinh danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1.023 gia đình được Chính phủ tặng “Bảng vàng danh dự” và “Bảng gia đình vẻ vang”...
Huyện Cát Hải ngày nay là một đơn vị hành chính được thành lập sớm nhất của thành phố Hải Phòng. Năm 1945, huyện gồm hai tổng Hà Sen và Đôn Lương thuộc tỉnh Quảng Yên cũ, còn thị xã Cát Bà lại thuộc thành phố Hải Phòng quản lý. Năm 1956, huyện Cát Hải được chuyển về trực thuộc thành phố Hải Phòng. Ngày 22-7-1957, thành phố thành lập huyện Cát Bà, gồm thị xã Cát Bà cũ và 5 xã khu Hà Sen; huyện Cát Hải gồm thị trấn Cát Hải, xã Phù Long và các xã khu Đôn Lương. Trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 11-3-1977, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định sáp nhập hai huyện Cát Hải, Cát Bà thành huyện Cát Hải thuộc thành phố Hải Phòng.
Với những thành tựu đã đạt được qua nhiều thập kỷ chiến đấu bảo vệ và xây dựng huyện đảo, năm 1998, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cát Hải vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và năm 2009 được nhận Huân chương độc lập hạng Ba. Quần đảo Cát Bà vinh dự được đón nhận các danh hiệu: Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Danh lam thắng cảnh đặc biệt cấp Quốc gia.
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, kinh tế - xã hội của huyện có những bước phát triển mới. 6/6 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với năm 2015, trong đó có 5/6 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch của huyện đề ra. Giá trị sản xuất ước cả năm đạt 5.186 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nhóm ngành, du lịch - dịch vụ chiếm 71,7% tổng giá trị sản xuất. Thu ngân sách đạt 110.268 triệu đồng, bằng 145% so với cùng kỳ. Khách du lịch đạt trên 1,7 triệu lượt. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư; công tác an sinh xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả.
Năm 2017 là năm có nhiều thuận lợi và cơ hội mới như: cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (nối liền Đình Vũ - Cát Hải) được hoàn thành và đưa vào sử dụng; dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ; các dự án lớn của Công ty cổ phần tập đoàn Mặt trời được khởi công với tổng số vốn đầu tư 3 tỉ đô la, dự án của Công ty cổ phần khu công nghiệp Đình Vũ với số vốn đầu tư gần 5.500 tỉ đồng sẽ là động lực quan trọng giúp cho Cát Hải tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. (An ninh Hải Phòng 30/3/2017)
Tính đến thời điểm này, quận Lê Chân đã kiểm kê được 223/239 hộ liên quan đến Dự án công viên cây xanh Tam Bạc, lập phương án bồi thường, di chuyển. Nhiều hộ dân tự nguyện nhận tiền, di dời bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, vẫn còn 10 hộ mặt đường và 6 hộ trong ngõ đền Tam Kỳ chưa chịu kiểm kê do còn nhiều băn khoăn về mức giá đền bù và địa điểm tái định cư.
Quận Lê Chân đã yêu cầu tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương phường Cát Dài nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện bàn giao mặt bằng đúng thời gian, kế hoạch thành phố đề ra. (An ninh Hải Phòng 30/3/2017; Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Hiện đã xác định được vị trí tàu Hải Thành 26 BLC bị đắm và tiếp tục tìm kiếm 9 nạn nhân mất tích. Thuyền trưởng Nguyễn Viết Thắng cùng đội thợ lặn tham gia tìm kiếm nạn nhân.
Sáng 30/3, theo thông tin từ Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tàu Hải Thành 26 cùng 9 thuyền viên mất tích, hiện tại thời tiết trên vùng biển Vũng Tàu khá tốt, thuận lợi cho công tác tìm kiếm và cứu nạn.
Hiện thuyền trưởng Nguyễn Viết Thắng (47 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, người may mắn sống sót cùng thuyền viên Hoàng Tiến Khôi được đưa vào bờ tối 28/3) đã tình nguyện trở lại hiện trường, nơi tàu Hải Thành 26 bị chìm vừa xác định được vị trí. Anh Thắng là thuyền trưởng tàu Hải Thành 26 nên sẽ thông thạo kết cấu bên trong con tàu, thuận lợi cho công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích có khả năng đang mắc kẹt bên trong.
Ông Nguyễn Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, qua rà quét, tàu HQ888 đã phát hiện vị trí xác tàu Hải Thành 26 BLC ở vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 40 hải lý.
Tàu 888 Trần Đại Nghĩa của Quân chủng Hải quân với thiết bị hiện đại, sử dụng máy quét tia laser, ngay sau khi tới hiện trường thiết bị máy quét đã tìm thấy tàu Hải Thành 26 – BLC bị chìm tại vị trí cách nơi xảy ra tai nạn gần 2 hải lý, độ sâu 28 mét.
10h sáng nay, tàu của đơn vị trục vớt Visan (thành phố Vũng Tàu) sẽ đưa đội thợ lặn ra hiện trường để thực hiện công tác lặn dò tìm các nạn nhân còn kẹt trong tàu.
Trước đó tàu Hải Thành 26-BLC có 11 thuyền viên, tàu trọng tải 3.074 tấn, chở hàng từ Hải Phòng đi Cần Thơ. Vào khoảng 23h55 phút ngày 27/3, tàu Hải Thành 26 va chạm với 1 tàu khác và bị chìm ở vùng biển Vũng Tàu.
Ngay sau khi nhận được tin báo, các tàu tìm kiếm cứu nạn đã có mặt tìm kiếm các nạn nhân. Thuyền trưởng Nguyễn Việt Thắng và thuyền viên Hoàng Tiến Khôi được cứu sống. Hiện 9 thuyền viên trên tàu Hải Thành 26 vẫn đang mất tích. (Công lý 30/03/2017; Doanh nghiệp VN 30/3/2017; Tiền Phong 30/3/2017; Bizlive 30/3/2017; Lao động 30/3/2017; Pháp luật TPHCM 30/3/2017; Lao động 30/3/2017; Tiền Phong 30/03/2017; An ninh Hải Phòng 30/3/2017; Vietnamnet 30/03/2017)
Bác sĩ viện Việt Tiệp (Hải Phòng) đã chạy đua cùng thời gian để giành sự sống từ tay tử thần cho nam thanh niên bị đâm gần đứt buồng tim.
Nam thanh niên bị đâm gần đứt buồng tim là anh Nguyễn Văn Minh (26 tuổi, trú tại thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng). Khoảng 23h ngày 27/3, anh được đưa đến bệnh viện trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Anh Minh bị đâm từ cổ xuống vùng ngực trái với vết thương hở, dài khoảng 10 cm khiến một xương sườn bị đứt lìa, gần đứt rời một phần thùy phổi và tiểu nhĩ trái (buồng tâm nhĩ của tim). Bệnh nhân rơi vào trạng thái lơ mơ, thở ngáp, mất máu quá nhiều, đồng tử giãn.
Nhận định tình trạng của bệnh nhân quá nguy kịch, bác sĩ Nguyễn Thế May, Phó khoa Phẫu thuật lồng ngực -Tim mạch, Bệnh viện Việt Tiệp, Hải Phòng) cùng 9 cộng sự đã bỏ qua các thủ tục nhập viện, tiến hành ca mổ cấp cứu tối khẩn cấp nhằm giành lại sự sống mong manh từ tay tử thần.
Bác sĩ May cũng chia sẻ: “Khi mổ ra, tim bệnh nhân đã có dấu hiệu đập rất chậm và ngừng đập, đồng tử giãn tối đa. Các đồng nghiệp thậm chí đã nhận định, chúng tôi đang mổ xác chết và lo sợ, cho dù giữ được tính mạng của bệnh nhân thì cũng chỉ là sống thực vật. Nhưng tôi nghĩ, bệnh nhân còn trẻ, sức sống mãnh liệt nên động viên ekip cùng mình nỗ lực hết sức.”
Sau 2 giờ phẫu thuật, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo sau khi thuốc gây mê hết tác dụng. Hiện bệnh nhân tri giác tốt, đã có nói chuyện được với bác sỹ và người nhà. (Báo điện tử Kiến thức 30/03/2017; Người đưa tin 30/03/2017; Infonet 30/03/2017; Tạp chí Khám phá 30/03/2017; Pháp luật Plus 30/3/2017; Pháp luật TP HCM 30/3/2017; Zing 30/3/2017)
Không khí sản xuất ở làng bánh đa Kinh Giao (xã Tân Tiến, huyện An Dương) những tháng đầu năm 2017 khẩn trương và hối hả. Sau khi được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, hiệu quả sản xuất của làng nghề được nâng cao rõ rệt.
Làng nghề bánh đa Kinh Giao là một, trong hai làng nghề của huyện An Dương được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu làng nghề vào tháng 6-2016. Hiện làng nghề có gần 40 cơ sở với 93 hộ tham gia sản xuất. Ngay từ những tháng đầu năm, không khí sản xuất tại làng nghề đã tất bật. Trên những ngả đường vào làng, khu đất trống...rợp một màu trắng, màu nâu của những phên bánh đa được phơi đón nắng. Trong các cơ sở sản xuất, tiếng máy hấp, máy nghiền gạo chạy ro ro, người lao động làm việc không ngơi tay. Anh Trịnh Văn Rực, hộ sản xuất tại làng nghề cho biết, phục vụ thị trường dịp Tết và lễ hội đầu xuân, cơ sở sản xuất bánh đa của gia đình anh làm không kịp hàng giao cho khách. Trong năm, cơ sở của anh chỉ sản xuất khoảng 4-5 tạ bánh/ngày, dịp này tăng lên 6-7 tạ/ngày.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến Nguyễn Văn Hinh, trước đây, hoạt động sản xuất của làng nghề khó khăn. Tuy nhiên, từ tháng 6-2016, sau khi được cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu làng nghề, được kiểm định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm bánh đa của làng nghề được nâng cao uy tín trên thị trường, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài thành phố đặt mua. Với thị trường đầu ra rộng rãi, các hộ sản xuất trong làng nghề tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm sản xuất ra ngày nào tiêu thụ hết ngày đó. Được bảo hộ nhãn hiệu, bình quân lượng sản phẩm của cả làng nghề tăng thêm 15-20 tạ/ngày so với thời điểm chưa được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Đời sống các hộ dân làng nghề được cải thiện rõ rệt, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương với ngày công lao động từ 200- 300 nghìn đồng/ngày.
Để phát triển thương hiệu bánh đa Kinh Giao, nâng cao hiệu quả sản xuất của làng nghề, còn nhiều vướng mắc cần được các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm tháo gỡ, hỗ trợ. Hiện, phần lớn các cơ sở trong làng nghề đều thiếu vốn đầu tư máy móc, chủ yếu duy trì sản xuất bán thủ công. Theo anh Trịnh Văn Rực, với nhu cầu thị trường hiện nay, mỗi cơ sở cần hỗ trợ vay vốn từ 400- 500 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đủ số lượng sản phẩm. Ngoài ra, thiếu diện tích phơi dẫn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo kinh nghiệm của người dân làng nghề, bánh đa được sấy khô bằng lò lửa không đều và thơm ngon như bánh đa phơi nắng.
Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Tân Tiến cho biết, trong thời gian tới, để phát triển nghề sản xuất bánh đa, HTX tiếp tục tham gia tập hợp các hộ trong làng nghề, lên kế hoạch sản xuất, định hướng các cơ sở bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nước thải, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Đồng thời, phát huy vài trò cầu nối, tăng cường các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra bao tiêu sản phẩm ngay tại chỗ cho người dân. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Sau hơn 7 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) thuộc Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố giúp nhiều đơn vị thành viên có thêm nguồn lực phát triển sản xuất. Tuy nhiên, số vốn 5 tỷ đồng của Quỹ hiện nay được đánh giá là quá thấp, chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu vay vốn của các HTX.
Góp phần giúp các HTX mở rộng sản xuất
Theo Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố, hiện 95% trong tổng số 380 HTX thành viên có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất. Đặc biệt, sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, cơn “khát” vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, nguyên liệu, thuê mặt bằng, … cải tiến hoạt động sản xuất đối với các HTX càng mạnh mẽ hơn. Trong điều kiện đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giúp nhiều đơn vị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Điển hình là HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) với sản phẩm cây trồng chính là khoai tây và dưa gang, trong đó, giống khoai tây phải nhập từ nước ngoài. Để nhập giống khoai tây, phía đối tác yêu cầu HTX phải chuyển tiền thanh toán trước, trong khi HTX vừa chuyển đổi xong, nguồn vốn góp từ các thành viên hạn hẹp, HTX lại không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng thương mại. Giám đốc HTX Phan Văn Tụ cho biết, số vốn vay 150 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX kịp thời giúp HTX, nhập giống khoai về trồng kịp thời vụ với diện tích khoai tây vụ đông năm 2016 tăng 2ha so với năm 2015, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Hơn nữa, hạn chế việc HTX phải đi vay nặng lãi.
Với HTX dịch vụ điện năng Dũng Tiến (huyện Vĩnh Bảo), nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giúp đơn vị có thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo lưới điện. Theo Giám đốc Vũ Văn Quý, năm 2008, HTX tiếp nhận bàn giao lưới điện từ HTX nông nghiệp. Hệ thống lưới điện này được đầu tư từ năm 1971, đường dây xuống cấp, trạm biến áp công nghệ lạc hậu… tỷ lệ hao tổn điện năng lớn, không bảo đảm an toàn. Trước tình hình đó, năm 2010, HTX lên kế hoạch cải tạo lại hệ thống lưới điện như: nâng công suất 2 trạm biến áp, thay thế đường dây, xây dựng mới và thay thế các cột điện xuống cấp, vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 5 tỷ đồng. Số tiền 300 triệu đồng vay từ Quỹ tuy không lớn nhưng thủ tục gọn nhẹ, cũng góp phần giảm bớt khó khăn trong việc huy động nguồn vốn của HTX. Sau khi nâng cấp, cải tạo, chất lượng phục vụ điện được nâng lên, số khách hàng sử dụng dịch vụ điện của HTX tăng lên gần 1000 khách hàng.
Tăng cường nguồn vốn hoạt động
Hiện nay số lượng HTX trên địa bàn thành phố lớn, hầu hết đều khó khăn về vốn. Trong khi đó, tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ quá nhỏ, lượng vốn huy động tăng chậm do chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách với hơn 2,6 tỷ đồng khi thành lập, tăng lên 5 tỷ đồng năm 2017. Số vốn này chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của các HTX, nên chưa tạo được động lực giúp các đơn vị chuyển mình, có bước đột phá trong hoạt động.
Bên cạnh đó, để vay vốn từ Quỹ, các HTX phải có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, có tính khả thi cao. Song, phần lớn HTX đều yếu về điều kiện này. Mức vốn cho vay thấp, quy định tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư dự án và một khách hàng chỉ được vay tối đa không quá 15% so với tổng nguồn vốn hoạt động của Quỹ. Chưa kể, mức lãi suất cho vay có ưu đãi nhưng theo nhiều HTX, nhất là các HTX nông nghiệp, mức lãi suất 7,9%/năm vẫn cao. Theo Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Cấp Tiến Phan Văn Tụ, Quỹ nên hạ mức lãi suất cho vay xuống mức bằng Ngân hàng Chính sách xã hội để các HTX có điều kiện hoạt động tốt hơn, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Phó chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố Nguyễn Hữu Đạo thẳng thắn nhìn nhận, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hỗ trợ tối đa cho các HTX có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, số lượt HTX, lượng vốn được vay khá khiêm tốn. Bình quân, mỗi năm có 10- 12 lượt HTX được vay vốn. Do vậy, để nâng cao hoạt động của Quỹ, Liên minh HTX và doanh nghiệp thành phố đề nghị Liên minh HTX Việt Nam và thành phố quan tâm, bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ từ nguồn ngân sách. Ngoài ra, Liên minh cũng xác định, ngoài vốn từ nguồn ngân sách, theo điều lệ hoạt động của Quỹ, sẽ tăng cường huy động nguồn vốn góp từ các doanh nghiệp, HTX. Trong đó, sẽ xem xét có cơ chế đặc thù về mức lãi suất tiền gửi nhằm thu hút các thành viên tham gia, tăng nguồn vốn hoạt động của Quỹ, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, chủ động hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX trong hoàn thiện hồ sơ vay vốn.(Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Đến các vịnh Cát Bà (huyện Cát Hải) những ngày cuối xuân, du khách không chỉ được thưởng thức những món hải sản đậm chất thành phố Cảng mà còn được đắm chìm trong phong cảnh tuyệt đẹp, môi trường sạch sẽ của vùng vịnh được xếp hạng đẹp nhất cả nước.
Tham quan các vịnh Cát Bà đầu tháng 3-2017, nhiều khách du lịch nhận xét môi trường vịnh được cải thiện hơn xưa, hầu như không còn rác thải trôi nổi trên mặt nước. Du học sinh Việt Nam ở Ô-xtrây-li-a Nguyễn Văn Tùng cho biết: đến thăm Cát Bà lần thứ 2, tôi vẫn rất thích thú. So với lần đầu tới đây khoảng 5 năm trước, tôi khá hài lòng với cảnh quan và môi trường ở đảo. Tôi không chỉ được ngắm những cảnh đẹp ở đảo Nam Cát, bãi Hoàng Tử… mà còn được ngắm nhìn mặt biển xanh biếc. Cảm giác vừa ngắm phong cảnh của đảo, vừa chạm tay vào dòng nước trong xanh thật thú vị. Trên vịnh có nhiều biển báo nghiêm cấm du khách và người dân xả rác, biển báo tuyên truyền bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khi tham quan, du khách dễ dàng bắt gặp các tàu đưa nhân viên đi vớt rác và thu gom rác. Từ lúc đặt chân lên tàu đi ra các vịnh, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy không có nhiều rác ở đảo trong khi đây là một điểm du lịch nổi tiếng thu hút rất nhiều khách thăm quan trong và ngoài nước.
Đổi thay trên bề mặt vịnh có thể dễ dàng thấy được, nhưng để đánh giá chất lượng nước dưới lòng vịnh đòi hỏi nhiều điều kiện khác nhau. Điều này xuất phát từ thực tế phát triển nghề nuôi lồng bè trên vịnh những năm qua. Với 447 bè nuôi dàn trải trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, đặc biệt là vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ, tạo ra lượng lớn chất thải trực tiếp xuống lòng vịnh, gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Theo đánh giá của Ban quản lý (BQL) vịnh Cát Bà, việc nuôi cá gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nguồn thức ăn theo hướng “lấy cá nuôi cá”. Các chủ bè khai thác hoặc mua cá nhỏ về xay, thả xuống các lồng nuôi cho cá ăn; phần thức ăn thừa sẽ lắng đọng, tích tụ gây ô nhiễm đáy biển. Hơn nữa, mật độ nuôi hải sản cao, chất thải sinh hoạt không được xử lý, xả trực tiếp xuống vịnh cũng làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước.
Theo Giám đốc BQL các vịnh Cát Bà Nguyễn Công Hòa, BQL luôn ưu tiên vấn đề môi trường vịnh lên hàng đầu. Môi trường tác động đến cảnh quan ảnh hưởng đến du lịch trên vịnh. BQL thành lập đội công tác vệ sinh môi trường chuyên thu gom rác trên các tàu du lịch, các hộ nuôi lồng bè và vớt rác trôi nổi trên vịnh. Với 13 thành viên chia làm 3 tổ ở các khu vực Cát Bà, Bến Bèo và Lan Hạ, đội vệ sinh môi trường hoạt động từ 8 – 9 giờ mỗi ngày, thu gom gần 10 m3 rác thải. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và khách du lịch cũng được nâng lên đáng kể, nhất là kể từ khi quần đảo Cát Bà được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều bạn trẻ đến từ mọi miền Tổ quốc tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường vịnh thông qua các “chiến dịch” như: gom rác cho biển cả, làm sạch biển… Do đó, những năm gần đây cảnh quan môi trường trên vịnh được cải thiện rõ rệt. Với chất thải chìm, BQL di chuyển các hộ nuôi thủy sản ở vùng ô nhiễm ra vùng không ô nhiễm; tìm giải pháp cho người dân bảo đảm nuôi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường; quy hoạch lại các lồng, bè và tàu du lịch...
Để thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường các vịnh Cát Bà, UBND thành phố và huyện Cát Hải đang tích cực triển khai phương án di dời các hộ nuôi cá lồng bè trên vịnh đến vị trí thích hợp trên quan điểm bảo vệ môi trường vịnh phục vụ du lịch xanh và bảo đảm an sinh xã hội cho các hộ sinh sống trên vịnh. Một trong các giải pháp là xây dựng mô hình mẫu nhà bè nuôi trồng thủy sản tại vịnh làm cơ sở thống nhất thiết kế xây dựng chung cho các bè nuôi nhằm xây dựng khu nuôi trồng hải sản thành điểm đến thăm quan du lịch. Giải pháp khác là, quản lý chặt chẽ nguồn cát sử dụng vào việc nuôi nhuyễn thể và cát đã qua sử dụng; nghiêm cấm các hành vi hút, đổ cát, bùn đất xuống các vịnh làm các bãi nuôi nhuyễn thể nhân tạo; triển khai tốt việc xã hội hóa vệ sinh môi trường trên vịnh. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Sáng 29-3, Ban chỉ huy quận sự quận Hồng Bàng phối hợp UBND phường Quán Toan khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình ông Lê Tài Đạt (thương binh hạng 4/4) thuộc tổ dân phố Do Nha, phường Quán Toan (Hồng Bàng).
Tích cực hưởng ứng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", thời gian qua, lực lượng vũ trang quận Hồng Bàng có nhiều việc làm thiết thực, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đồng đội giúp 3 quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; phụng dưỡng 2 mẹ Việt Nam anh hùng,…Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27-2-1947- 27-7-2017), Ban Chỉ huy quân sự quận ủng hộ 70 triệu đồng hỗ trợ gia đình thương binh Lê Tài Đạt xây mới nhà ở; Ông Lê Tài Đạt từng chiến đấu tại chiến trường B và biên giới phía bắc; thuộc diện gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn. Ngôi nhà có tổng diện tích xây dựng hơn 100 m2, được xây dựng kiên cố; dự kiến ngôi nhà hoàn thành trước ngày 27-7-2017. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Cát Bà đang ngày càng khẳng định là điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND thành phố là cơ sở định hướng phát triển, đổi mới quản lý và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của du lịch Cát Bà theo hướng du lịch xanh, phát triển bền vững.
Giá trị sinh thái, cảnh quan đặc sắc
Quần đảo Cát Bà Với có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, độc đáo với 388 hòn đảo lớn nhỏ, được xem như là kiệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho du lịch Hải Phòng. Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004, được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Cát Bà nổi tiếng và được nhiều du khách biết đến bởi đặc trưng du lịch sinh thái rừng và biển, trong đó nổi bật là rừng nguyên sinh, hệ thống hang động, núi đá vôi và nhiều bãi tắm đẹp cùng các rạn san hô... Hệ thống sinh học đa dạng trên đảo Cát Bà với hơn 3.800 loài động thực vật, mang lại những giá trị độc đáo đối với phát triển du lịch sinh thái tại đây. Đặc biệt, Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu trên thế giới, duy nhất chỉ còn ở Cát Bà với gần 70 cá thể và được xếp vào loài cần được bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, nền văn hóa nông nghiệp mang đậm chất văn hóa làng xã của vùng Duyên hải Bắc bộ cũng là một điểm nhấn không thể thiếu của du lịch Cát Bà. Tài nguyên du lịch nhân văn được hình thành trên những giá trị văn hóa của làng nghề sản xuất nông nghiệp truyền thống như nghề làm muối, đánh cá, nuôi trồng thủy sản, làm nước mắm…
Du lịch huyện đảo phát triển tích cực với việc khai thác và bảo tồn giá trị thiên nhiên vô giá của quần đảo Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới, di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt và của Vườn quốc gia Cát Bà. Cát Bà đã và đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch đến Cát Bà ngày càng tăng, nhất là khách quốc tế.
Phát triển du lịch Cát Bà theo hướng bền vững
Cùng với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước giúp hoạt động du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn thì du lịch Cát Bà tạo cho mình sắc thái và sức hút riêng, là ngành kinh tế chủ đạo, trọng tâm của huyện Cát Hải. Phát triển thương hiệu du lịch “Đảo ngọc thuần khiết với thiên nhiên hoang sơ, nơi hội tụ những giá trị toàn cầu về sinh thái - cảnh quan; là “cửa đến” của không gian Di sản thiên nhiên thế giới vùng Duyên hải Đông bắc Việt Nam” với 13 địa bàn chính trong 4 không gian phân vùng du lịch chức năng: Trung tâm Vườn Quốc gia; khu vực Trạm Giỏ Cùng; rừng ngập mặn Phù Long; khu bảo tồn biển; vịnh Lan Hạ bao gồm cụm đảo Long Châu; trục không gian xuyên đảo; thị trấn Cát Bà - Khu đô thị Cái Giá; Việt Hải; Phù Long; Gia Luận… Trong đó, 5 không gian trọng điểm: Thị trấn Cát Bà - Khu đô thị Cái Giá, trung tâm
Tháng 12-2014, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển du lịch quần đảo Cát Bà theo hướng bền vững, hướng du lịch “xanh”. Đây là định hướng quan trọng cho phát triển du lịch Cát Bà trở thành điểm đến du lịch biển đảo xanh hấp dẫn và có sức cạnh tranh hàng đầu ở Việt Nam và khu vực. Quy hoạch đã đề cập tới ý tưởng “phát triển Cát Bà trở thành đảo “Ngọc bích” nơi du khách sẽ có những trải nghiệm tốt nhất về giá trị sinh thái, cảnh quan toàn cầu; nơi nỗ lực bảo tồn sẽ được hỗ trợ bởi những công nghệ “xanh” hiện đại và những hoạt động dựa trên nguyên tắc của du lịch bền vững mà nòng cốt là du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng”.
Định hướng phát triển du lịch Cát Bà xanh là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào công tác phát triển kết hợp với bảo tồn những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của quần đảo Cát Bà. Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, ban tặng, cùng với việc quản lý tốt việc niêm yết và bán theo giá niêm yết, kịp thời hỗ trợ kiến nghị chính đáng của khách du lịch qua số điện thoại đường dây nóng, xử lý nghiêm các đối tượng “cò mồi, chèo kéo”, bảo đảm các điều kiện phục vụ nhu cầu của du khách bước đầu có hiệu quả quá trình xây dựng thương hiệu Cát Bà xanh”. Không xa nữa, khi đường ô-tô Tân Vũ-Cát Hải đi hoạt động trong tháng 5-2017 mở ra cơ hội lớn để thu hút khách du lịch đến với Cát Bà. Chỉ tiêu đón và phục vụ 2 triệu lượt khách du lịch đến Cát Bà năm 2017, trong đó có 450 nghìn lượt khách quốc tế, chắc chắn sẽ đạt kế hoạch đề ra. Xây dựng thương hiệu “Cát Bà xanh”, chính là sự phát triển bền vững lâu dài mà huyện Cát Hải ưu tiên quan tâm, đầu tư, xây dựng để Cát Bà thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện của du khách. (Báo Hải Phòng 30/3/2017; An Ninh Hải Phòng 30/3/2017)
Để phát triển du lịch, TP Hải Phòng tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các hội nghị, hội thảo, hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước và một số quốc gia có tiềm năng trên thế giới. Thành phố áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hải Phòng là nơi có nhiều lợi thế về du lịch như có khu du lịch Đồ Sơn, Hòn Dấu, đảo ngọc Cát Bà, cùng nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Đền Nghè, sông Bạch Đằng lịch sử, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến tàu Không số K15 - điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Những điểm đến này được Hải Phòng liên kết với các hãng, công ty lữ hành, các địa phương như Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình… hình thành các tua du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Ba tháng đầu năm, TP Hải Phòng đón 1,32 triệu lượt khách du lịch, tăng 6,17% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế là 163 nghìn lượt.
* Năm 2016, tỉnh Bình Thuận tiếp tục được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 tại 10 xã và 21 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Tỉnh đã hỗ trợ 24 nghìn giống cây điều ghép cao sản cho 138 hộ nghèo, cận nghèo; 116 con bò giống sinh sản; 486 con dê giống; hỗ trợ các mô hình chăn nuôi… với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã bàn giao đưa vào sử dụng 20 công trình gồm đường giao thông, cầu, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, công trình thủy lợi... Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 135 được các cấp, các ngành trong tỉnh chú trọng chỉ đạo, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chương trình.
Việc tổ chức thực hiện Chương trình 135 đã giúp đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở nâng cao trình độ quản lý nhà nước về các mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu tình hình và nhiệm vụ. Việc tổ chức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số được chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, bản được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3% đến 4%/năm. Hơn 90% số xã có trạm y tế xây dựng kiên cố; 95% số phòng học vùng dân tộc được kiên cố hóa. Tất cả các xã có đường nhựa đến trung tâm xã. (Nhân dân 30/3/2017)
Chiều 28-3, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam chủ trì họp nghe báo cáo tổ chức Lễ hội ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam 2017 tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.
Lễ hội do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì phối hợp UBND TP Hải Phòng và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức. Theo báo cáo của Hội Nông dân thành phố, cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Theo kịch bản chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị, buổi lễ sẽ diễn ra từ 7h30 sáng 31-3.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam nhấn mạnh, lễ hội có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm bám biển khai thác hải sản cho ngư dân, đồng thời động viên bà con nêu cao tinh thần đoàn kết cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công tác tổ chức cần bảo đảm vui tươi, lành mạnh và tuyệt đối an toàn cho các đoàn đại biểu và nhân dân, du khách đến dự hội tại Cát Bà trong dịp này. (An ninh Hải Phòng 30/3/2017)
Bên cạnh những hoạt động kỷ niệm ý nghĩa, Lễ hội truyền thống huyện Cát Hải năm 2017 khôi phục và làm mới sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của người dân miền biển và mở thêm những hoạt động văn hóa, nghệ thuật mới mẻ, góp phần, tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, con người huyện đảo.
Nhiều hoạt động mới mẻ
Hoạt động nghệ thuật đáng chờ đợi nhất tại Lễ hội truyền thống huyện Cát Hải năm nay là việc lần đầu tổ chức lễ hội đường phố Cát Bà trên một số tuyến phố chính của thị trấn Cát Bà vào đêm 30-3 với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn đến từ các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, cùng hơn 400 diễn viên của huyện đảo. Lễ hội đường phố Cát Bà cống hiến cho người dân huyện đảo và khách du lịch đến với Cát Bà một “bữa tiệc” nghệ thuật với những màn hát, múa, nhảy, biểu diễn xiếc, ảo thuật, hòa tấu nhạc cụ… được thể hiện nhuần nhuyễn, giàu cảm xúc trong những bộ trang phục truyền thống đặc trưng của nhiều quốc gia và dân tộc. Đây thực sự là sự kiện tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản Việt Nam và bạn bè quốc tế; tạo không khí náo nhiệt, tươi vui, thắm tình hữu nghị, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các vùng, miền...
So với những năm trước, Hội trại huyện Cát Hải năm 2017 cũng được xây dựng mới hoàn toàn với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân các xã, thị trấn, doanh nghiệp và đơn vị kết nghĩa với huyện. Năm nay, các nội dung hoạt động bên trong trại, đốt lửa trại được giao cho các đơn vị tự chủ động xây dựng chương trình, gắn với trại là một số gian triển lãm hàng hóa đặc trưng của mỗi đơn vị. Đặc biệt, các gian hàng triển lãm chỉ để người dân và du khách tham quan, tìm hiểu về sản vật và thành tựu nổi bật của các địa phương trên địa bàn huyện. Nếu khách có nhu cầu mua sẽ được giới thiệu đến
Hội thi “Tự hào truyền thống quê hương” do Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện chủ trì với sự tham gia của các đội đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hội thi được tổ chức vòng sơ khảo vào ngày 21-3 và 22-3 tại 2 khu vực đảo Cát Hải và đảo Cát Bà, chung khảo vào đêm 29-3 tại sân khấu trung tâm huyện với nhiều hình thức đa dạng. Hình thức thi viết về truyền thống quê hương được rút gọn và có câu hỏi đề nghị người dân huyện đảo hiến kế xây dựng quê hương giàu đẹp. Mỗi đội tuyển chủ động sân khấu hóa các bài thi bằng tiểu phẩm, ca múa nhạc ca ngợi truyền thống quê hương, về văn hóa, lịch sử, các giá trị về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, phát triển du lịch, kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị…
Khôi phục và đổi mới lễ hội truyền thống
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật mới, các hoạt động văn hóa, xã hội truyền thống cũng được làm mới để tạo sức lan tỏa với người dân và du khách. Sau một vài năm gián đoạn, năm nay, lễ cầu ngư truyền thống của huyện Cát Hải được khôi phục với lòng thành kính của ngư dân miền biển. Đây là hoạt động tín ngưỡng quan trọng của người dân nơi đảo xa với các nghi thức truyền từ đời này sang đời khác, mang tính tâm linh, cầu cho mọi điều may mắn, một năm mưa thuận gió hòa, ngư dân khỏe mạnh, không có dịch bệnh, gặp nhiều may mắn trong những chuyến ra khơi, tôm cá bội thu. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức như cúng cáo yết tại các đình, đền ở thị trấn Cát Hải, xã Hiền Hào và đền Áng Ván, đền Tùng Dinh và lễ rước nước từ biển vào đền Tùng Dinh.
Ngoài những ý nghĩa tốt đẹp về mặt nhân văn cũng như vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân, lễ cầu ngư cũng cho thấy ý nghĩa lớn về mặt bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường cũng như chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, tiếp nối ngay sau lễ cầu ngư là lễ hội ra khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND thành phố tổ chức. Trong dịp này, gần 1 nghìn ngư dân đến từ nhiều địa phương tham gia. Hàng vạn giống cá các loại sẽ được thả vùng xuống biển Cát Bà. Đây là hoạt động với ý nghĩa góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt.
Theo bà Hoàng Hồng Luân, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải, với tiêu chí tổ chức những hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội công phu, hoành tráng nhưng phải bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách, lễ hội truyền thống huyện Cát Hải năm 2017 có nhiều sự đổi mới, tạo sự phong phú và thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách đến với đảo ngọc Cát Bà. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm nay, UBND huyện gửi thông báo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, địa phương phối hợp nhịp nhàng để các sự kiện, hoạt động diễn ra trôi chảy, hạn chế đến mức thấp nhất sự cố có thể xảy ra. Trong đó công tác bảo đảm an toàn và an ninh trật tự phải được đặt lên hàng đầu. Với việc đa dạng hóa các hình thức thể hiện, hội thi tạo sự hứng khởi trong các đội và thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách thập phương về với Cát Bà trong ngày hội lớn 2017. (Báo Hải Phòng 30/3/2017)
Ngày 1-3-2017, CATP đã có quyết định 31/QĐ-CAHP (ĐTN) thành lập Đội tuyển thanh niên CATP Hải Phòng tham gia Hội thi bắn súng, võ thuật thanh niên CAND năm 2017. Đội tuyển tham dự các nội dung thi: võ thuật CAND gồm bài võ 44 động tác và các nội dung đối luyện, môn Taekwondo, Karatedo và bắn súng...
Sáng 29-3, Đại tá Nguyễn Văn Sóng, Phó Giám đốc CATP đến kiểm tra công tác chỉ đạo, huấn luyện của đội tuyển bắn súng, võ thuật CATP chuẩn bị tham dự Hội thi bắn súng, võ thuật thanh niên CAND năm 2017. Tại buổi kiểm tra, ban chỉ đạo đội tuyển đã báo cáo tình hình luyện tập, cung cấp trang thiết bị, công tác chuẩn bị thi đấu và đề xuất những giải pháp hỗ trợ để các VĐV tập trung luyện tập.
Đại tá Nguyễn Văn Sóng biểu dương nỗ lực của các HLV, VĐV đã khắc phục khó khăn tổ chức tập luyện. Đồng chí yêu cầu ban chỉ đạo đội tuyển kiểm tra toàn diện và đề xuất để hỗ trợ kịp thời về trang bị, chế độ thi đấu, giúp các VĐV, HLV yên tâm luyện tập, quyết giành thành tích cao tại hội thi.
Đội tuyển CATP Hải Phòng tham dự hội thi trong hai ngày 4 và 5-4 tại Hà Nội với 65 thành viên, trong đó có 47 VĐV. (An ninh Hải Phòng 30/3/2017)
Sáng 29-3, tại sân cỏ nhân tạo Cung văn hóa thiếu nhi Hải Phòng diễn ra trận chung kết và lễ bế mạc Giải bóng đá mini lần thứ 5, năm 2017. Tới dự và trao giải có Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố.
Sau 15 ngày thi đấu sôi nổi, hào hứng giữa 19 đội bóng, hai ứng viên xuất sắc nhất là đội bóng Phòng Cảnh sát PCCC số 5 và Phòng Cảnh sát PCCC số 9 giành quyền vào chung kết để phân định ngôi vô địch. Dưới sự cổ vũ nhiệt tình của các CĐV, đội bóng Phòng Cảnh sát PCCC số 5 đã xuất sắc vượt qua đối thủ với tỷ số 3-1.
Kết quả chung cuộc, đội bóng Phòng Cảnh sát PCCC số 5 đoạt chức vô địch, Phòng Cảnh sát PCCC số 9 nhận giải Nhì và Phòng Cảnh sát PCCC số 4 nhận giải Ba. Ngoài ra, BTC cũng trao các giải cá nhân như: cầu thủ ghi nhiều bàn thắng, thủ môn xuất sắc, cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Đây là giải đấu thường niên do Cảnh sát PCCC thành phố tổ chức, tạo nên sân chơi vui khỏe cho CBCS, đồng thời cổ vũ phong trào rèn luyện TDTT, nâng cao sức khỏe. (An ninh Hải Phòng 30/3/2017)