Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 29/3/2013)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 29/3/2013)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát tại UBND quận Ngô Quyền

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã làm việc với UBND quận Ngô Quyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn quận.

Về cơ bản, nội dung sách giáo khoa bảo đảm được tính khoa học, chính xác, cập nhật, phù hợp với trình độ chuyên môn của giáo viên được đào tạo chính quy; đã bám sát mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình môn học.

Tuy nhiên, Chương trình học còn quá tải ở các cấp; một số môn học yêu cầu còn cao; nhiều kiến thức trong sách giáo khoa còn trừu tượng, chưa chuẩn xác, chưa thống nhất gây khó khăn cho giáo viên và học sinh; sách giáo khoa và trang thiết bị phục vụ đổi mới phát hành chậm, không kịp tiến độ…

UBND quận kiến nghị các ngành chức năng cần tập trung đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa bảo đảm tính khoa học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục theo hướng tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ những người làm giáo dục.

Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã khảo sát trực tiếp tại trường Phổ thông cơ sở Chu Văn An, ghi nhận và tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của UBND quận, của trường kiến nghị Quốc hội và các cơ quan địa phương xem xét. (Nguyễn Hiền Nhân, Đại Biểu Nhân Dân 29/3, tr3)

2.     Đảng bộ Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được nâng cấp Đảng bộ cấp trên cơ sở

Đảng bộ Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc vừa tổng kết công tác Đảng năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013 và nhận Quyết định nâng cấp Đảng bộ Tổng Công ty là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy lên Đảng bộ cấp trên cơ sở. Ông Lê Vũ Thành - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đến dự và trao quyết định.

Năm 2012, Đảng bộ Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành toàn diện kế hoạch về sản xuất – kinh doanh và Dự án nạo vét luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng cũng như vận hành, quản lý tốt hệ thống báo hiệu hàng hải, giúp tàu biển lớn ra vào cảng biển Hải Phòng an toàn.

Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được đẩy mạnh ở các lĩnh vực, phát huy tốt vai trò của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng, góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, đạt các tiêu chí về tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Năm 2013, Đảng bộ Tổng công ty tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, nạo vét luồng đợt 2, đầu tư nghiên cứu hệ thống báo hiệu hàng hải, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp vận tải biển.

Theo Quyết định số 859/2012 của Thành ủy, Đảng bộ Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy được nâng cấp lên Đảng bộ cấp trên cơ sở gồm 22 tổ chức, cơ sở Đảng với 501 đảng viên. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ Tổng Công ty gồm 19 người, nhiệm kỳ 2010- 2015. Ông Lưu Văn Quảng - Tổng Giám đốc được chỉ định là Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc nhiệm kỳ 2010- 2015. (Báo Hải Phòng 29/3, tr1)

3.     Nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, đào tạo đúng, trúng, gắn với thực tiễn

Tiếp tục Chương trình khảo sát chuẩn bị ban hành Nghị quyết của Thành ủy về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, sáng 28/3, ông Nguyễn Văn Thành - ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố làm việc với lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics.

Cùng làm việc có ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch thành phố và ông Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng nhà trường, trường hiện có 105 cán bộ, giảng viên cơ hữu, đào tạo 7 chuyên ngành, với gần 3000 sinh viên đang theo học. Sau 10 năm đi vào hoạt động, nhà trường đào tạo 13000 sinh viên.

Với mô hình đào tạo theo định hướng thực hành và nghiên cứu ứng dụng, nên trong 3 năm học tập, 2 năm đầu, sinh viên học tập tại trường, năm cuối nhà trường liên hệ với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên được làm quen với công việc thực tiễn, trước khi quay lại trường thi tốt nghiệp. Sau 3 năm học tập, sinh viên được đào tạo 4 kỹ năng chuyên sâu gồm: Chuyên ngành đào tạo, công nghệ thông tin, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Hiện nhà trường thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Một số kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn và chuyển giao cho doanh nghiệp…

Đánh giá về những thành tựu nhà trường đạt được trong 10 năm xây dựng và phát triển, Bí thư Thành ủy ghi nhận: Nhà trường đã xác định, lựa chọn ngành nghề đào tạo gắn với tiến trình CNH-HĐH (kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện tử-truyền thông, công nghệ thông tin…); đào tạo từng bước bám sát nhu cầu thực tế, đào tạo theo địa chỉ; sản phẩm nghiên cứu mang tính thực tiễn được doanh nghiệp đặt hàng. Trường cũng chủ động mở rộng hợp tác đào tạo với một số nước như Mỹ, Xin-ga-po… Đội ngũ giảng viên được nâng lên cả về chất và lượng. Công tác đào tạo gắn với thực tiễn, kết hợp lý thuyết và thực hành; rèn luyện cho sinh viên tư duy hệ thống và phương pháp làm việc khoa học; tư duy thích ứng và trình độ ngoại ngữ. Đồng chí ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của nhà trường làm cơ sở để Thành ủy xem xét ban hành Nghị quyết về KHCN.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, đồng thời đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo nhà trường căn cứ định hướng phát triển thành phố xây dựng chiến lược phát triển và xác định những ngành nghề đào tạo phù hợp, bám sát thực tiễn.

Để công tác đào tạo bám sát nhu cầu thị trường hơn nữa, nhà trường xem xét thành lập bộ phận nghiên cứu và nắm bắt nhu cầu thị trường, đào tạo đúng, trúng. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cần được quan tâm, nhất là nâng cao chất lượng chính trị tư tưởng, chuyên môn, ngoại ngữ để nghiên cứu và tiếp cận những hướng nghiên cứu mới của thế giới. Trong xu thế hội nhập Quốc tế, nhà trường cần chủ động hơn trong việc liên kết đào tạo, mời Giáo sư của các trường Đại học danh tiếng trao đổi, giảng dạy cho sinh viên nhà trường… (Báo Hải Phòng 29/3, tr1+2; VA, An Ninh Hải Phòng 29/3, tr1+3; Bản tin thời sự tối 28/3, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

4.     Chuẩn bị kỹ lưỡng để lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2013 ấn tượng, khác biệt

Chiều 28/3, Chủ tịch thành phố, Trưởng ban Tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 Dương Anh Điền chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ công tác chuẩn bị Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013.

Các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Đan Đức Hiệp, Đỗ Trung Thoại, Lê Văn Thành, Lê Khắc Nam; lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL); lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan dự.

Công ty Cổ phần Hàm Nghi là đơn vị thực hiện Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc trình bày demo (bản thử nghiệm, chưa chính thức) phần nhạc, âm thanh, lời bình của kịch bản lễ lễ khai mạc và Chương trình nghệ thuật, với mục tiêu giới thiệu những nét đặc sắc của văn minh sông Hồng, về nét đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh du lịch của các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Các ý kiến tham gia góp ý đánh giá, phần âm nhạc và lời bình bám sát khung kịch bản, có bố cục gọn gàng, đưa bài hát đặc trưng vùng miền của các tỉnh, thành trong khu vực. Lời bình chặt chẽ, quảng bá được tiềm năng thế mạnh của từng địa phương và du lịch khu vực. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị, tác giả kịch bản và ê kíp thực hiện Chương trình điều chỉnh một số nội dung từ lời bình, chọn ca sĩ thể hiện các ca khúc, đến điều chỉnh hình ảnh gắn với bài hát, với lời bình; cách chọn chất liệu âm nhạc phù hợp đặc trưng từng địa phương và văn minh sông Hồng…

Về lễ hội đường phố (carnaval), một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy mô, rút ngắn chương trình và chọn thời điểm thích hợp để phù hợp tổng thể chương trình lễ khai mạc, bảo đảm công tác chuẩn bị, thuận tiện bố trí phương án bảo đảm an ninh, an toàn giao thông.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền khẳng định: Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2013 là Chương trình mang tầm cỡ, quy mô cấp Quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến thành công của Năm Du lịch Quốc gia 2013. Lễ khai mạc phải thể hiện được tính chủ đạo của Năm Du lịch, đồng thời phải tạo những nét mới, đặc sắc khác hẳn các lễ khai mạc trước.

Ông hoan nghênh êkip thực hiện Chương trình dày công nghiên cứu, chuẩn bị kịch bản lễ khai mạc. Phần demo âm nhạc, lời bình nêu bật văn minh sông Hồng, bám sát kịch bản lễ khai mạc được phê duyệt. Đồng thời đề nghị ê-kíp thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa phần demo âm nhạc, lời bình dựa trên các ý kiến đóng góp trong cuộc họp này. Trong đó, chú ý lựa chọn âm nhạc cho phù hợp với từng khu vực, địa phương và mang đậm chất du lịch. Kết cấu âm nhạc cần có sự thay đổi nhịp điệu, có cao trào, để tạo sự đa dạng, phong phú.

Trong lễ khai mạc, khi chuyển sang phần giới thiệu về Hải Phòng phải bảo đảm có cao trào, tạo sự khác biệt, ấn tượng riêng của một thành phố hiện đại, năng động. Biểu diễn bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” cần có dàn đồng ca, hợp ca để tạo âm hưởng cao trào.

Mặt khác, xây dựng Chương trình carnaval bảo đảm sôi động, thời lượng phù hợp, thể hiện nét riêng của Hải Phòng. Carnaval có thể ghép cùng Chương trình lễ khai mạc tạo hiệu ứng, góp phần thành công cho lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2013. (Báo Hải Phòng 29/3, tr1+2; TP, An Ninh Hải Phòng 29/3, tr1+4; Bản tin thời sự tối 28/3, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

AN NINH – PHÁP LUẬT

5.     Vợ chồng trùm ma túy đội lốt doanh nhân

Ngõ 45 phố Lê Lợi, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng có chừng 20 hộ gia đình công nhân lao động sinh sống. Trong đó, ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng Nguyễn Hồng Mạnh và Đặng Thị Thu Sâm khá khang trang, nép phía trong cùng một ngách của ngõ. Nhiều người dân sống tại đây cho biết, vợ chồng Mạnh - Sâm rất ít giao thiệp với hàng xóm, đi vắng cả ngày, mỗi khi về đến nhà cả hai lại khóa cửa. Được biết, vợ chồng Mạnh có 2 con. Con trai lớn đang học tại một trường Cao đẳng tại Hải Phòng, còn con gái thứ hai đang học cấp 3.

Thông tin duy nhất mà mọi người biết về công việc của vợ chồng Mạnh là buôn bán quần áo. Hàng ngày, khoảng 9 – 10 giờ, vợ chồng này mới thức dậy ra khỏi nhà, lúc thì đi bằng xe máy, lúc lại có xe ôtô đến đón. Điểm đến thường xuyên của 2 vợ chồng là một quán cà phê nằm trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng.

Theo tài liệu trinh sát, năm 1989, khi mới 19 tuổi, Mạnh đã rút súng bắn vào đối thủ trong một lần “giải quyết” mâu thuẫn tại khu vực cảng Hải Phòng. Sau khi mãn hạn tù, đối tượng tiếp tục tham gia vào đường dây của trùm Lương Thị Oanh (đường Lê Lai, quận Ngô Quyền) vận chuyển cái chết trắng và đã bị Công an thành phố triệt phá vào cuối năm 2000. Oanh và Đồng Mạnh Vân (47 tuổi, quê Lai Châu) đều bị kết án tử hình. Riêng Mạnh bị TAND thành phố xử phạt 3 năm tù.

Sau khi ra tù, Mạnh chuyển nhà từ phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng về ngõ 45 Lê Lợi, quận Ngô Quyền và nối lại liên lạc với các “chiến hữu” chuyên mua bán trái phép chất ma túy tại nhiều địa phương trong cả nước và rủ vợ cùng tham gia. Vợ chồng Mạnh thường lấy heroin từ các tỉnh vùng Tây Bắc rồi chuyển qua biên giới Trung Quốc đổi lấy ma túy tổng hợp như: Thuốc lắc, ketamine… đưa về Hải Phòng cung cấp cho các “đại lý” hoặc bán trực tiếp cho con nghiện. Mạnh tận dụng ngôi nhà kín đáo và kiên cố của mình làm nơi giao dịch.

Sau một thời gian dài theo dõi, bám sát mọi di biến động, lực lượng phòng chống ma túy Công an thành phố đã bất ngờ ập vào sào huyệt này trong khi vợ chồng Mạnh và một số đối tượng đang “phê” thuốc.

Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ 4.996 viên thuốc “lắc” loại mới; 201,03 gam ma túy “đá” cùng nhiều heroin, cần sa, thuốc phiện và tang vật khác. Trước những chứng cứ, tài liệu của cơ quan điều tra, vợ chồng Mạnh - Sâm đã phải cúi đầu nhận tội. Vụ án đang được điều tra, mở rộng. (Đăng Hùng, Công An Nhân Dân 28/3, tr8)

6.     Sơ kết đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý vũ khí – vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ: Thu hồi 68 khẩu súng, 467 kg thuốc nổ, 1.700 viên đạn và hơn 1 tấn pháo

Sáng 28/3, Đại tá Nguyễn Trọng Phượng – Phó Giám đốc Công an thành phố chủ trì Hội nghị sơ kết đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, quản lý vũ khí – vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Kết quả: Thực hiện đợt cao điểm nói trên, Công an thành phố phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các đơn vị Công an địa phương tăng cường tuần tra, xử lý 44.311 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu phạt 17,5 tỷ đồng; thu hồi 68 khẩu súng, 467 kg thuốc nổ, 1.700 viên đạn và hơn 1 tấn pháo nổ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tá Phượng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định về trật tự an toàn giao thông, về quản lý và sử dụng vũ khí – vật liệu nổ  - công cụ hỗ trợ; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (PTH, An Ninh Hải Phòng 29/3, tr1+3)

GIAO THÔNG

7.     Ai tiếp tay để “hung thần” đất Cảng lộng hành?

Người dân thành phố luôn lo sợ khi hàng ngày phải đối mặt với các hung thần container trên đường phố. Chiều 14/3, phóng viên VTCNews bám theo 2 chiếc xe rơ-moóc, trên xe chở những khối gỗ “khủng”, chạy từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Nguyễn Văn Linh, sau đó rẽ ra Quốc lộ 5. Tuyến đường có ít nhất 4 Tổ Cảnh sát giao thông nhưng hai chiếc xe này vẫn “đi tự nhiên” mà không gặp bất cứ hiệu lệnh kiểm tra xử lý nào.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn lượt xe container hàng ngày đang chở hàng quá khổ, quá tải, đi sai làn đường, vượt quá tốc độ, giành đường.

 Theo ghi nhận của phóng viên, vào giờ tan tầm buổi chiều, cảnh hỗn loạn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Văn Linh làm cho người tham gia giao thông phải rùng mình. Mặc dù tuyến đường này đã được kẻ vạch phân làn, song các phương tiện tham gia giao thông, nhất là xe container mạnh ai nấy chạy, giành đường, phóng nhanh, vượt ẩu, nhấn còi inh ỏi diễn ra một cách phổ biến. Người đi xe máy chỉ cần không chú ý một chút là dễ xảy ra tai nạn giao thông như chơi bởi đường dành cho xe máy, xe thô sơ cũng bị các phương tiện khác “lấy thịt đè người”.

Một người dân nhà gần cầu vượt khu giảng đường trường Đại học Dân lập Hải Phòng cho biết, bất đắc dĩ lắm mới đi xe xuống đường, còn không thì đi bộ trên vỉa hè cho lành. "Từ lâu, tình trạng xe khách, xe container giành đường, phóng nhanh, vượt ẩu xảy ra như cơm bữa. Mặc dù có phân làn dành cho người đi xe đạp, xe máy song các loại xe tải cỡ lớn khác vẫn cứ lấn đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông", người này than thở.

Theo chị T - kế toán của một cơ quan, hàng ngày phải đi làm qua tuyến đường này nên rất hãi hùng khi nghe thấy tiếng còi ỉnh ỏi, tiếng tăng ga của các loại xe tải giành đường. “Mỗi lần đi làm về thấy toát mồ hôi vì những “hung thần”, chị tâm sự. Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao các cơ quan chức năng của thành phố lại không có những biện pháp để xử lý dứt điểm cũng như ngăn chặn tình trạng trên khi mà bằng trực quan, ai cũng có thể thấy rõ hiểm họa. Vậy nên, những “hung thần đất Cảng” cứ ngày ngày “tuyên chiến” như chốn không người, đang từng giờ tàn phá đường sá và là nỗi kinh hoàng của người dân khi tham gia giao thông.

 Theo thống kê của Thanh tra Sở GTVT, hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 7.000 xe đầu kéo container vận chuyển hàng hóa (đứng thứ 2 cả nước, sau TPHCM). Năm 2012, Thanh tra Sở đã lập biên bản xử phạt gần 3.000 phương tiện chở quá trọng tải. Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ so với thực tế vi phạm. (Minh Khang, VTCNews 28/3)

8.     Công trình dang dở

Dự án nút giao thông ngã sáu Máy Tơ (quận Ngô Quyền) đã được phê duyệt và công bố từ năm 2005, khởi động thực hiện từ năm 2006. Thế nhưng đến nay, đã hơn 7 năm trôi qua, Dự án vẫn dở dang, đường giao thông gập ghềnh, ách tắc và ngập nước, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực và các phương tiện giao thông qua lại.

 Được biết, Dự án này và công trình nhà ở chung cư cao tầng tái định cư, công trình dịch vụ đa năng khu đô thị mới ngã năm – sân bay Cát Bi tại phường Máy Tơ và phường Lạc Viên (quận Ngô Quyền) đã được UBND thành phố giao cho Công ty Thương mại đầu tư phát triển đô thị triển khai thực hiện theo Quyết định số 1682/2006. Dự án nút giao thông này là công trình lớn, điểm nhấn quan trọng nối liền khu đô thị trung tâm thành phố với khu đô thị mới ngã năm – sân bay Cát Bi. Chung quanh nút giao thông được bố trí xây dựng các khu tái định cư tại chỗ, các trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng, siêu thị, mở rộng các tuyến giao thông dẫn vào nút, hoàn chỉnh các công trình phụ trợ… Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ Dự án là gần 130 nghìn m2. Dự án này nhiều năm liền được đưa vào mục “công trình trọng điểm” của thành phố.

Vậy nhưng, hết thời hạn (năm 2010), công trình vẫn dở dang. Hàng chục hộ dân ở mặt đường Lê Lợi, Đà Nẵng, Lê Kai vẫn chưa được giải tỏa để phục vụ thi công. Mặt đường vòng xuyến lòi lõm và có độ cao không đồng đều, nhiều đoạn khá dốc, khiến các phương tiện qua lại khó khăn và hàng hoạt vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ở đây.

Còn với những đoạn giải tỏa rồi như phía đường Lê Lợi thì lại không được thi công, vì thế đường rộng hóa hẹp bởi nút thắt cổ chai. Tại khu vực này, một phần  ba mặt đường gồ ghề toàn phế liệu và có độ dốc cao, các phương tiện giao thông không thể lưu thông… Người dân băn khoăn, không biết ai sẽ chịu trách nhiệm về việc chậm trễ này và phải mất bao lâu nữa, công trình mới được thi công xong? (Quang Minh, Nhân Dân 29/3, tr5)

9.     Các tỉnh đua nhau xin xây… trạm cân!

Để ngăn chặn tình trạng “phá hoại” hệ thống giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang lên kế hoạch triển khai hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe đường bộ (trạm cân) tại hai tỉnh phía Bắc. Theo đó, Quốc lộ 5 (Quốc lộ 5, đi qua địa bàn Hải Phòng) sẽ là một trong hai địa điểm được chọn làm thí điểm.

Ngoài các trạm cân cố định, Đề án thể hiện cũng sẽ xây dựng 76 bộ cân lưu động, thành lập các trạm cân lưu động tại các vị trí ở các tuyến đường có lưu lượng xe tải lớn, khu vực chưa có trạm cân cố định. Trước đó, theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lên Bộ GTVT, từ nay đến năm 2030 sẽ tiến hành xây dựng 45 trạm cân với tổng mức đầu tư dự kiến 6.300 tỷ đồng.

Để có tiền thực hiện Đề án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang nhìn vào túi tiền từ Quỹ bảo trì đường bộ. “Ủng hộ” đề xuất chi hàng nghìn tỷ xây trạm cân của Tổng cục, các Sở GTVT miền Bắc nhanh chóng có những báo cáo “hợp xướng” lên Bộ GTVT về thực trạng các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng do tình trạng xe quá tải hoạt động, đồng thời kiến nghị những giải pháp cụ thể.

Riêng tại Hải Phòng, với đặc thù có tới 9 bến cảng container và 35 doanh nghiệp khai thác cảng biển, so với các tỉnh miền Bắc, số phương tiện lưu thông trên đường quốc lộ được xếp đầu bảng. Ngoài việc đưa ra số liệu thống kê về việc có quá nhiều phương tiện trọng tải lớn, trong văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT thậm chí còn cho in ảnh các phương tiện quá tải tung hoành trên đường, kèm theo đó là đề xuất “bố trí trạm kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 5”.

Cùng chung quyết tâm như Hải Phòng, các địa phương khác như Lạng Sơn, Hải Dương, Vĩnh Phúc… cũng đồng loạt đề nghị Bộ GTVT “lắp dựng các trạm kiểm soát tải trọng xe” trên các tuyến đường, cầu. Trong khi đó, với Dự án quy mô này, dư luận và các chuyên gia cũng tỏ ý băn khoăn về tính khả thi đối với quá trình thực hiện. Liên hệ Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Lê Đình Thọ, ông cho hay, “cái này hỏi anh Cường”. Tuy nhiên, điện thoại của ông Nguyễn Xuân Cường - Phó tổng cục trưởng luôn đổ chuông nhưng không có người bắt máy. (Việt Hưng, Pháp Luật Việt Nam 29/3, tr11)

10.            Thiết lập 9 phao tiêu báo hiệu hàng hải trên luồng Cái Tráp

Sau khi Cục Đường thủy nội địa bàn giao quản lý kênh đào Cái Tráp (huyện Cát Hải) sang Cục Hàng hải Việt Nam, hiện tại, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải đã thiết lập 9 phao tiêu báo hiệu hàng hải trên luồng, bao gồm: Phao KT1 đến KT8 và KT10, nhằm bảo đảm việc hướng dẫn và an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến. (Bạn Đường 28/3, tr2; Báo Hải Phòng 29/3, tr4)

11.            Dự kiến thay thế 7 cụm đèn tín hiệu giao thông nội thành

Nhằm đảm bảo tốt hơn việc điều phối giao thông trong khu vực nội thành năm 2013, Sở GTVT đề nghị Ban An toàn giao thông thành phố cho thay thế dần 7 cụm đèn sợi đốt đã xuống cấp bằng hệ thống đèn LED từ nguồn vốn an toàn giao thông năm 2013.

Cụ thể, sẽ thay thế đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông Lạch Tray – Nguyễn Bính; Quán Mau – Mê Linh - Nguyễn Đức Cảnh. Mê Linh – Hai Bà Trưng, Nguyễn Đức Cảnh – Trần Nguyên Hãn, Lê Thánh Tông – Lê Lai, nháy vàng nút giao thông ngã ba Văn Cao – Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Báo Hải Phòng 29/3, tr4)

12.            Xây dựng ý thức văn hóa giao thông: Bắt đầu từ những cổng trường

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 31 người. Những vụ TNGT đau lòng này phần lớn đều do ý thức của người tham gia giao thông như: sử dụng rượu bia khi lái xe, lấn làn đường, phóng nhanh vượt ẩu… Nói cách khác, ý thức tham gia giao thông, văn hóa giao thông của nhiều người còn quá kém mà hậu quả chính họ phải gánh chịu. Và để xây dựng văn hóa giao thông, hãy bắt đầu từ những cổng trường!

Phạm vi hẹp, tác động lớn

Tại cuộc thi “Chúng em với an toàn giao thông” được tổ chức tại trường THCS Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên), Giám đốc Dự án tăng cường ATGT trên các tuyến quốc lộ phía Bắc Việt Nam chia sẻ, sở dĩ, Dự án chọn các trường học là địa chỉ để tuyên truyền ATGT là có 2 tác động: Thứ nhất, trực tiếp tuyên truyền ngay cho học sinh hiểu được các vấn đề về ATGT; thứ 2, khi về nhà, các em cũng sẽ là hạt nhân tuyên truyền cho gia đình, người thân và bạn bè. Vì vậy, tuy là phạm vi hẹp, nhưng tác động lại lớn.  Để thực thi tuyên truyền mang tính chất sâu rộng, 50 trường học trên địa bàn thành phố được lựa chọn, bao gồm: 13 trường THPT và nghề, 37 trường THCS. Các trường học này được trang bị các thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền ATGT cũng như được đào tạo, tập huấn giáo viên trở thành tuyên truyền viên giao thông.

Cũng theo Giám đốc Dự án tăng cường ATGT trên các tuyến Quốc lộ phía Bắc Việt Nam, do ý thức tham gia giao thông của phần lớn người dân còn chưa cao, văn hóa giao thông lại không được chú ý nên dẫn đến những vụ TNGT đau lòng. Trong số này, có rất nhiều vụ TNGT có thể kiểm soát được nếu như người dân có hiểu biết về ATGT cũng như thể hiện văn hóa giao thông khi điều khiển phương tiện.

Anh Dương Anh Tuấn - điều phối viên Dự án, thuộc Ban ATGT thành phố cho biết, để xây dựng được văn hoá cho người tham gia giao thông thì phải có quá trình, có thời gian để tạo hành vi, thói quen và ý thức”. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của Dự án, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu khi liên tục triển khai các chương trình tuyên truyền tại  các trường THCS, THPT, Đại học và cao đẳng ven Quốc lộ 5, Quốc lộ 10. Cách thức tuyên truyền cũng được đổi mới.

“Chúng tôi tổ chức triển lãm ảnh ATGT và cảnh báo tai nạn kết hợp với tuyên truyền miệng, phát tờ gấp cho các học sinh, sinh viên và giảng viên”, anh Tuấn chia sẻ. Từ những hình ảnh thương tâm về hậu  quả TNGT cùng những thông điệp tuyên truyền cảnh báo, nhiều học sinh, sinh viên đã xin thêm tài liệu để cho gia đình tham khảo. Chính các em lại trở thành tuyên truyền viên trong gia đình mình.

Mặt khác, hầu hết các trường học đều ở những khu vực đông dân cư hoặc ở mặt đường, nên việc tuyên truyền có nhiều thuận lợi, tác động đến cả khu vực và gây chú ý cho người đi đường. Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền là chưa đủ mà phải cần có sự tham gia của các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát trật tự ATGT thì mới có hiệu quả.

Xử lý nghiêm trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm

Một thực tế khá nhức nhối hiện nay trên các tuyến đường trong khu vực nội thành là tình trạng học sinh, sinh viên vượt đèn đỏ, đèo 3 trên xe đạp điện, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khá nhiều. Điều này cho thấy ý thức tham gia giao thông của một bộ phận học sinh, sinh viên yếu kém, trong khi các cơ quan chức năng chưa thực hiện triệt để việc xử lý vi phạm ở đối tượng này.

Thời gian qua, lực lượng CSGT đã ra quân nhiều đợt xử lý tình trạng học sinh đi xe đạp điện vượt đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm, song vẫn không xuể vì hầu hết học sinh, sinh viên đi xe đạp điện đều không đội mũ bảo hiểm. Nhiều nữ học sinh khi bị giữ xe cho rằng, thấy nhiều bạn không đội mũ thì cũng không đội mũ theo, mặc dù biết không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện là phạm luật.

Tại các cuộc họp về ATGT, đại diện nhiều Sở, ngành cũng lên án gay gắt việc học sinh đi xe đạp điện vượt đèn đỏ và không đội mũ bảo hiểm, đồng thời cho rằng, các nhà trường phải có trách nhiệm đối với học sinh của mình khi tham gia giao thông.

Theo anh Tuấn, việc xử lý học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường chỉ giải quyết được phần ngọn và tiền nộp phạt đều là của cha mẹ học sinh. Anh đề xuất phương án: Nếu học sinh đi xe đạp điện bị lực lượng CSGT xử phạt, không cần thiết phải nộp phạt bằng tiền, chỉ cần học sinh đó viết kiểm điểm, có xác nhận của giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu trường (đóng dấu) là trả xe. Tuy nhiên, trường nào có nhiều học sinh vi phạm về trật tự ATGT sẽ bị phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị ngành Giáo dục thành phố không xét thi đua của năm học. Có như vậy mới thực hiện được hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền trật tự ATGT tại các trường học, khi mà cả học sinh, sinh viên và giáo viên cùng tham gia.

Theo phòng CSGT bộ - sắt (Công an thành phố), lực lượng CSGT và Công an các địa phương sẽ tiếp tục xử lý tình trạng học sinh đi xe đạp điện vi phạm các quy định về trật tự ATGT. Đây là một trong những mục tiêu nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, góp phần giảm thiểu TNGT trên các tuyến đường trong thành phố. (Báo Hải Phòng 29/3, tr4)

13.            Sôi nổi ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”

Sáng 28/3, tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố, Thành Đoàn Hải Phòng phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”, hưởng ứng đợt “Tuyên truyền về cách nhận biết mũ bảo hiểm đạt chuẩn của pháp luật, cách sử dụng mũ bảo hiểm khi an toàn giao thông”.

Với gần 2.000 đoàn viên, thanh niên, người dân tham gia, ngày hội diễn ra nhiều hoạt động như: đổi 300 mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy định của pháp luật; tuyên truyền cách sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng như các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm; tham gia trò chơi tìm hiểu Luật An toàn giao thông; thăm, hỗ trợ tặng quà cho 5 nạn nhân bị tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt - Tiệp, mỗi suất 1 triệu đồng; hỗ trợ quỹ hoạt động cho các mô hình thanh niên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông tại các quận, huyện Đoàn, trị giá 1 triệu đồng/mô hình.

Đây là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. (Báo Hải Phòng Online 28/3; MP, An Ninh Hải Phòng 29/3, tr3; Bản tin thời sự tối 28/3, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

14.            Giao thông ra đảo Cát Bà: Thuận tiện, rút ngắn thời gian

Những khó khăn trong việc tổ chức giao thông ra đảo Cát Bà đang dần được khắc phục bằng những công trình, Dự án cụ thể, thiết thực, đem lại thuận lợi căn bản phục vụ đi lại của người dân và đặc biệt, rút ngắn thời gian, khoảng cách du khách đến với Cát Bà. Tuy nhiên, những cảnh báo quá tải giao thông trong dịp lễ hội và mùa du lịch hè vẫn là đòi hỏi, yêu cầu tăng cường quản lý của cơ quan chức năng và trách nhiệm cao hơn của các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, kinh doanh dịch vụ vận tải ra đảo.

Thông thoáng đường thủy, bộ

Tuyến đường 356 đoạn qua Đình Vũ đi phà sang Cát Hải được hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong Năm Du lịch quốc gia 2013 chính là kết quả của nỗ lực cải thiện giao thông ra đảo Cát Bà bằng đường bộ. Hai làn đường thoáng, rộng, hiện đại đem lại cảm giác an toàn, thoải mái cho người dân và du khách. Hướng duy nhất của đường bộ thông qua tuyến đường xuyên đảo Đình Vũ - Cát Hải - Cát Bà. Đó cũng là một trong 3 cách đi Cát Bà cùng với tuyến tàu cao tốc; tuyến liên vận ô-tô, tàu thuỷ. Tuyến đường bộ này cũng được cải thiện chất lượng nhờ hai tuyến phà được nâng công suất và rút ngắn thời gian chạy phà. Trong đó, tuyến Đình Vũ - Ninh Tiếp còn 30 phút và tuyến Bến Gót - Cái Viềng còn 15 phút.

Với tuyến tàu cao tốc từ Bến Bính chạy thẳng đi Cát Bà, hiện hãng tàu cao tốc Hoàng Yến và tàu cao tốc của Công ty Cổ phần du lịch đảo Cát Bà cùng khai thác với 4-5 chuyến/ngày xuất phát từ bến Bính, giá vé 130 nghìn đồng. Tuyến này có ưu thế là thời gian chạy tàu chỉ khoảng 45-50 phút/chuyến. Nhưng đây là tuyến có giá vé cao nhất, trong khi những ngày sóng, gió bị hạn chế khả năng chạy tàu và khiến người đi tàu dễ bị say sóng.

Tuyến liên vận ô tô- tàu cao tốc với sự khai thác của hai hãng là Công ty TNHH Vận tải Du lịch Cát Bà và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hải Phòng, giá vé từ 80-100 nghìn đồng/người. Trong đó, tuyến của Công ty Vận tải du lịch Cát Bà có xe ô tô đón khách từ Bến Bính ra Đình Vũ có tàu cao tốc đưa khách sang Cái Viềng. Còn tuyến của Công ty Đầu tư phát triển chạy tàu từ Bến Bính đưa khách đến bến Cái Viềng. Từ đây, hai hãng đều có ô tô đưa khách về Cát Bà. Tuyến này có ưu điểm là tránh sóng, du khách được dịp ngắm cảnh đẹp núi rừng Cát Bà khi đi ô tô qua đường xuyên đảo, đường qua Vườn Quốc gia Cát Bà. Mỗi tuyến có từ 4-5 chuyến/ngày chạy từ bến Bính đi Cát Bà và ngược lại.

Đường từ Quảng Ninh sang Cát Bà qua phà Tuần Châu- Gia Luận cũng là lựa chọn hợp lý cho khách. Sang Cát Bà, du khách có thể chọn đi xe buýt từ Cái Viềng và Gia Luận đến Cát Bà với giá 15 nghìn đồng toàn tuyến. Công ty TNHH Quốc Hưng đầu tư sửa chữa, nâng cấp 6 xe buýt phục vụ người dân và du khách.

Tránh quá tải, bảo đảm an toàn

Chủ tịch huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết: Nhằm cải thiện chất lượng đường giao thông ra đảo, thành phố và huyện triển khai nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhiều đoạn thuộc tuyến đường xuyên đảo. Đoạn đường Áng Sỏi- Khe Sâu được mở rộng, đưa vào hoạt động đem lại thuận tiện cho du khách đến Cát Bà. Một dự án mở rộng, nâng cấp đoạn đường từ ngã 3 Hiền Hào về Áng Sỏi chuẩn bị được triển khai.

Vấn đề nhiều người quan tâm là đường nội thành ra Đình Vũ thuận tiện hơn năm trước nhiều do đoạn đường đôi giáp biển hoàn thành và đưa vào khai thác. Du khách không còn bị cảm giác “nhào lộn” khó chịu khi ngồi xe vì ổ voi, ổ gà. Tuy nhiên, tuyến đường này thường quá nhiều xe công-ten-nơ tham gia, nên tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai nạn, ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Với các tuyến tàu cao tốc, theo Giám đốc Công ty TNHH vận tải du lịch Cát Bà Nguyễn Văn Tiết, du khách có nhiều sự lựa chọn nên các hãng vận tải tàu cao tốc đều có hướng đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Riêng hãng vận tải du lịch Cát Bà, ngoài đầu tư hệ thống tàu cao tốc hiện đại, mua mới hai xe ô tô 45 chỗ ngồi thì việc chú trọng đổi mới cung cách phục vụ, bảo đảm các giải pháp an toàn được đưa lên hàng đầu.

Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ cuối tuần, đặc biệt trong dịp lễ hội Cát Bà, cảnh tượng chen lấn xuống tàu, chở quá tải của một số hãng vẫn xảy ra. Việc du khách lên tàu không có ghế ngồi, không mặc áo phao, đứng ngổn ngang trên boong là chuyện không hiếm gặp. Do vậy, cứ vào trước mỗi dịp lễ hội hoặc mùa cao điểm du lịch, các đoàn liên ngành, cơ quan chức năng lại tiến hành kiểm tra, nhắc nhở và nghiêm khắc xử lý các hãng tàu vi phạm các quy định về vận tải thủy.

Vận tải khách du lịch có những đặc thù riêng, nhưng việc bảo đảm an toàn tuyện đối cho du khách là yêu cầu tối thiểu. Cao hơn, đó chính là cung cách phục vụ, thái độ lịch sự, ân cần, chu đáo của nhân viên phục vụ khách lên, xuống tàu. Mặt khác, nhân viên cần được trang bị ngoại ngữ để hướng dẫn khách du lịch nước ngoài, giúp họ lên xuống tàu thuận tiện, có ấn tượng, thiện cảm để mở đầu một chuyến du lịch, khám phá quần đảo Cát Bà thuận lợi, thú vị nhất. (Phạm Lượng, Báo Hải Phòng 29/3, tr7)

15.            Bán hàng lấn chiếm hành lang giao thông đường 365

Trong ngày, Phòng Cảnh sát giao thông xử lý 429 trường hợp, thu phạt 232 triệu đồng.

Hành lang đường 355, đoạn gần ngã ba Đa Phúc, quận Dương Kinh bị một số người lấn chiếm để căng ô, bán hàng, không bảo đảm an toàn giao thông. (Báo Hải Phòng 29/3, tr7)

KINH TẾ

16.            LG sẽ đầu tư Dự án 300 triệu USD tại Hải Phòng

Theo VnEconomy: Tập đoàn LG Electronics của Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư một Dự án điện tử, điện máy với số vốn lên tới 300 triệu USD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ. Kế hoạch này vừa được các lãnh đạo LG Electronics thông báo tại Hàn Quốc. Theo đó, Dự án này sẽ được triển khai với diện tích nhà xưởng lên tới 40 ha trên tổng diện tích đất 50 ha.

Trong một báo cáo mới đây, UBND thành phố Hải Phòng cũng cho biết sẽ “đẩy nhanh kế hoạch cấp phép cho Dự án của LG vào Khu công nghiệp Tràng Duệ”. Liên tục trong một năm qua, các lãnh đạo Hải Phòng và LG Electronics đã gặp nhau nhiều lần để thảo luận về các điều kiện của Dự án. Hải Phòng cũng đã báo cáo Chính phủ về Dự án này và Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo về Dự án qua Công văn số 9089/2012 của Văn phòng Chính phủ.

Mới đây nhất, Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền cũng đã báo cáo về “một Dự án quan trọng quy mô lớn” sắp được cấp phép. Cho dù khi trao đổi với báo giới sau đó, ông Điền không công bố chi tiết về Dự án mà ông đề cập, song những diễn biến gần đây khiến nhiều người liên tưởng tới Dự án của LG Electronics Trong năm 2012, một thông tin đáng chú ý được công bố là việc Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) - chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ đã đạt thỏa thuận ký hợp đồng cho LG thuê đất.

Cụ thể, KBC sẽ cho LG thuê 50 ha đất tại Khu công nghiệp Tràng Duệ  và thương vụ này có thể được hiện thực hóa vào năm 2013. Vì KBC đang được niêm yết, một số Công ty chứng khoán thậm chí đã đưa thông tin này vào các báo cáo phân tích, với giả định rằng giá thuê đất được áp dụng ở mức 55 USD/m2 như đang công bố, giá trị cho thuê có thể đạt 27,5 triệu USD. Khu công nghiệp Tràng Duệ có tổng diện tích 600ha, được xây dựng theo mô hình quần thể kiến trúc hiện đại gồm khu công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và dịch vụ với tổng diện tích 600 ha, tổng vốn đầu tư 78 triệu USD.

Trong bài phỏng vấn trên báo Đầu Tư, Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền cho hay,  hiện tại, có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Hải Phòng, trong đó Nhật Bản dẫn đầu về số Dự án và số vốn đầu tư, Hàn Quốc đứng thứ ba về số Dự án và đứng thứ hai về vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư thực hiện năm 2012 đạt 273,23 triệu USD, tăng 72% so với năm trước đó. Kết quả vốn đầu tư thực hiện năm 2012 tăng cao do nhiều Dự án có vốn đầu tư lớn (đặc biệt là các Dự án của nhà đầu tư Nhật Bản) được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào thời gian cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Đánh giá khái quát nhất, hầu hết các chủ đầu tư đều đã tích cực triển khai đầu tư, xây dựng công trình, lắp đặt máy móc, thiết bị, tuyển dụng, vận hành theo đúng tiến độ cam kết, ông Điền nói. Cũng theo Chủ tịch thành phố, năm nay, Hải Phòng vẫn tiếp tục xác định vốn FDI là một kênh quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực kinh tế FDI sẽ vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.

Năm 2013, kế hoạch thu hút FDI của Hải Phòng là 1,3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 310 triệu USD; các chỉ tiêu khác về doanh thu, số lao động, nộp ngân sách đều đặt kế hoạch tăng so với năm 2012. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, thành phố chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thông qua việc công bố công khai quy hoạch không gian, quy hoạch ngành đến các nhà đầu tư; công khai, minh bạch hóa, cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính trong cấp phép và quản lý Dự án ở mức tối đa; thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án; tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, như hạ tầng cảng, hệ thống giao thông, sân bay, bệnh viện, trường học, khách sạn, khu vui chơi đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tăng tính tiện ích cho nhà đầu tư trong triển khai dự án cũng như quá trình làm việc, sinh sống tại địa phương.

Thành phố đang tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, các cơ quan nghiên cứu của Nhật Bản để lập phương án thành lập các phân khu công nghiệp chuyên sâu trong một số Khu công nghiệp đang hoạt động thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để đón các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Hải Phòng cũng xây dựng những chính sách phát triển nhân lực, đào tạo dạy nghề phù hợp, đặc biệt chú trọng lao động tay nghề cao, có trình độ ngoại ngữ cơ bản; tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý hoạt động của các Dự án FDI sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, tiến độ xây dựng, thực hiện Dự án, công tác bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi tiêu cực, như chuyển giá, gian lận thương mại…, Chủ tịch thành phố khẳng định về những biện pháp nhằm đẩy mạnh thu hút FDI trên địa bàn trong năm 2013 – một năm được đánh giá còn nhiều khó khăn của nền kinh tế. (News.zing.vn 28/3; VnEconomy.vn 28/3; Đầu Tư Online 28/3)

17.            MBKE khởi động lại hoạt động đào tạo chứng khoán miễn phí

Cùng với tín hiệu khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) đã khởi động lại chuỗi hoạt động "Đào tạo kiến thức đầu tư chứng khoán". Chuỗi đạo tạo này bao gồm cả Chương trình cơ bản và nâng cao và hoàn toàn miễn phí cho tất cả những ai quan tâm trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên toàn quốc.

Tham gia vào Chương trình, nhà đầu tư sẽ được trang bị kiến thức bài bản, có định hướng và có sự chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn phục hồi của thị trường để có quyết định đầu tư đúng đắn, đem lại hiệu quả cao.

Chương trình sẽ bắt đầu tại Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng. Tại Hải Phòng, Chương trình sẽ diễn ra làm 2 đợt tại Chi nhánh MBKE Hải Phòng (phòng 302, Tòa nhà DG, số 15 Trần Phú, quận Ngô Quyền). Đợt 1 từ ngày 27-29/3 với nội dung chính là phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật cơ bản và kỹ thuật giao dịch cơ bản. Đợt 2 diễn ra từ 28-29/5, nội dung là phân tích kỹ thuật nâng cao và kỹ thuật giao dịch nâng cao. (PV, Đầu Tư Chứng Khoán Online 28/3; VnEconomy.vn 28/3)

18.            Thấy gì từ xuất, nhập khẩu theo tỉnh, thành phố?

Trong các tỉnh, thành phố trên cả nước, có 43 địa phương nhập khẩu với kim ngạch trên 10 triệu USD, trong đó có 15 địa phương đạt từ 100 triệu USD trở lên, lớn nhất là TPHCM (4.021 triệu), tiếp theo là Hà Nội (3.386 triệu), Bắc Ninh (3.060) và tiếp theo là các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai. Hải Phòng cũng nằm trong số này với 452 triệu USD.

Đây là những địa phương có nhu cầu nhập khẩu lớn để sản xuất hàng xuất khẩu hoặc là những nơi có các đơn vị đầu mối nhập khẩu, những trung tâm tiêu thụ lớn của cả nước…

Việc phân tích xuất, nhập khẩu hàng hóa theo tỉnh, thành phố của Tổng cục Hải quan có ý nghĩa để đánh giá những nỗ lực của các địa phương vào kết quả xuất nhập khẩu chung của cả nước.

Mặc dù việc đánh giá này còn phải chú ý đến việc phân bổ các doanh nghiệp xuất khẩu đầu mối: “Đầu là các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp ở địa phương này, nhưng “đuôi” là những doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp nằm ở nhiều địa phương khác, nhưng các thông tin trên cũng giúp cho nhận diện tương đối nỗ lực của các địa phương… (Dương Ngọc, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 29/3, tr4)

19.            Triển khai kích cầu du lịch đường hàng không

Theo ông Trần Thế Dũng - Phó trưởng nhóm khuyến mại kích cầu nội địa phía Nam: Vietnam Airlines (VNA) sẽ triển khai Chương trình kích cầu nội địa từ 1/4-31/12 (trừ các giai đoạn cao điểm 30/4 và 2/9). Trước mắt, VNA sẽ áp dụng giá kích cầu giảm giá vé từ 38 - 52%, tùy tuyến bay và hạng vé, trên các đường bay TPHCM đi Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang và Phú Quốc.

Các đơn vị đăng ký đặt chỗ theo quý, đặt cọc trước ngày khởi hành 14 ngày, báo tên, xuất vé 5 ngày trước ngày khởi hành. Khuyến mại này áp dụng cho khách quốc tịch Việt Nam đi theo đoàn. Trước mắt, VNA triển khai Chương trình kích cầu năm 2013 đến 8 đơn vị lữ hành dựa trên kết quả bán năm 2012.

"Như vậy, các đơn vị lữ hành tại TPHCM sẽ bắt đầu bán tour kích cầu bằng đường hàng không vào trung tuần tháng tư với mức giá giảm trọn gói từ 35 đến 42%", ông Dũng nói. (Xuân Cường, Tin Tức 29/3, tr10)

20.            Huyện Bạch Long Vỹ: Sản xuất 100.000-500.000 bào ngư giống/năm

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu, lợi ích kinh tế và môi trường của địa phương, Tổng đội TNXP trên đảo đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ và sản xuất cung cấp giống bào ngư chin lỗ tại Bạch Long Vỹ”. Đây là Dự án hướng đến mô hình trình diễn và hoàn thiện quy trình công nghệ sinh sản nhân tạo bào ngư chin lỗ đạt tỷ lệ sống trên %%, chiều dài vỏ đạt 4cm.

Theo đó, mỗi năm sẽ sản xuất được từ 100.000 con giống trở lên. Tuuy nhiên, sau một năm thủ nghiệm với 100.000 con giống thì tỷ lệ sống đạt hơn 30%, chiều dài vỏ hơn 5cm. (Nam Tùng Sơn, Nông Thôn Ngày Nay 29/3, tr12)

21.            Quận Dương Kinh: Trồng hơn 4ha ớt xuất khẩu

Vụ Xuân năm nay, quận Dương Kinh phối hợp với Trung tâm Giống và Phát triển nông – lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng đưa nhiều diện tích đất nông nghiệp tại phường Hòa Nghĩa vào trồng ớt xuất khẩu. Đây là vụ đầu tiên nông dân địa phương tham gia Chương trình sản xuất ớt hàng hóa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều, ruộng đất manh mún, khó khăn trong việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhưng phường Hòa Nghĩa vẫn vận động nông dân của 2 Hợp tác xã nông nghiệp đưa cây ớt vào trồng trên diện tích 4ha. Ớt được trồng từ đầu tháng 1, đến nay hầu hết các diện tích đã cho hoa. Trung tâm Phát triển nông – lâm nghiệp công nghệ cao với tư cách là đơn vị bao tiêu sản phẩm đang tăng cường hướng dẫn kĩ thuật cho nông dân tập trung chăm sóc cho cây thu hoạch quả vào cuối tháng 4. (Báo Hải Phòng 29/3, tr3)

22.            Vụ tàu Green Viship bị “xẻ thịt” chui: Phá tan tàu, bất chấp lệnh cấm

Sau khi báo chí phản ánh tàu Green Viship được chủ tàu xin neo đậu tại Cảng vụ Hải Phòng rồi lén lút “xẻ thịt”, các cơ quan chức năng Hải Phòng lập tức vào cuộc, yêu cầu chủ tàu dừng ngay phá dỡ. Tuy vậy, con tàu Green Viship tới nay đã bị phá dỡ tan tành, bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng thành phố.

Ngày 21/1 báo Lao Động đăng bài Thủ đoạn mới: “Xin neo tàu để sửa rồi... xẻ thịt”, phản ánh việc chủ tàu – Công ty Cổ phần thương mại Đại Huy  xin phép Cảng vụ Hải Phòng cho tàu Green Viship neo đậu tại vùng nước của Công ty Cổ phần bến bãi Hải Phòng để sửa chữa... nhưng lại phá dỡ bán sắt vụn. Vụ việc được UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng như Sở TN&MT, Công an thành phố điều tra, làm rõ. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Môi trường, Sở TN&MT liên tiếp lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ tàu dừng ngay hoạt động phá dỡ, giữ nguyên hiện trạng con tàu để tìm hướng xử lý.  

Vụ việc tàu Green Viship bị phá “chui” giống như hơn 100 con tàu thuộc các doanh nghiệp Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài hiện đang nằm vạ vật ở các vùng biển trong, ngoài nước.  Việc phá dỡ những con tàu trong nước vi phạm vào Luật Bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 1/7/2006), trong đó quy định “Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ”. Từ thực tế này, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị bộ này kiến nghị với Thủ tướng cho phép tàu biển nước ngoài thuộc sở hữu của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước được phá dỡ tại Việt Nam.

Trở lại với vụ việc tàu Green Viship, trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm hướng giải quyết cho các con tàu được  chờ... phá thì con tàu này đã bị phá dỡ hoàn toàn. Ngày 28/3, phóng viên có mặt tại nơi con tàu này neo đậu, chứng kiến cảnh con tàu hơn 6.000 tấn này hoàn toàn... bốc hơi. Chủ tàu Green Viship nói: “Đành phải làm liều”. Một con tàu bị ngang nhiên phá dỡ tan tành, bất chấp các văn bản yêu cầu cấm phá dỡ của Sở TN&MT.

Trong suốt quá trình phản ánh về vụ việc tàu Green Viship bị phá “chui”, phóng viên Lao Động đã nhiều lần liên hệ làm việc với ông Phạm Quốc Ka – Phó Giám đốc Sở TN&MT nhưng ông Ka đều từ chối cung cấp thông tin.

Trước đó, ngày 23/1, khi tàu Green Viship mới bị phá một phần, trao đổi với Lao Động, ông Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch thành phố khẳng định: UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị là Sở TN&MT, Công an thành phố giám sát, kiểm tra và xử lý vụ việc. Trong trường hợp các đơn vị này thiếu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, thành phố sẽ xem xét xử lý các đơn vị này. Tới nay, con tàu Green Viship đã hoàn toàn bị “xẻ thịt”, UBND thành phố sẽ xử lý các đơn vị chuyên môn dưới quyền như thế nào? (Nguyễn Trung Hiếu, Lao Động 29/3, tr7)

XÃ HỘI

23.            Xã hội hóa công tác cai nghiện ma túy bằng Methadone

Năm 2008, Hải Phòng được Chính phủ chọn làm thí điểm điều trị thay thế bằng Methadone cho bệnh nhân nghiện các dạng chất ma tuý. Bước đầu, triển khai Dự án ở 3 quận, huyện: Lê Chân, Thủy Nguyên và Ngô Quyền. Từ những kết quả bước đầu đạt được, năm 2011, Hải Phòng đã nhân rộng ra 7 cơ sở điều trị, nâng tổng số lên 10 cơ sở điều trị Methadone. Nguồn kinh phí để các cơ sở này hoạt động, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức nước ngoài.

Qua 4 năm triển khai tại cơ sở, Dự án đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế, xã hội. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, để nhiều người nghiện được điều trị, vào tháng 6/2011, thành phố đã mạnh dạn thí điểm mô hình xã hội hóa cai nghiện ma túy bằng Methadone, tại phường Lãm Hà, quận Kiến An. Mô hình này do Sở LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý. Tham gia điều trị tại các cơ sở này, mỗi bệnh nhân chỉ đóng góp 8.000 đồng/ngày.

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tính đến hết năm 2012, Hải Phòng có 2.860 bệnh nhân được điều trị Methadone, trong đó, có 2.722 trường hợp duy trì liều điều trị. Tổng số bệnh nhân nhiễm HIV trước khi điều trị là 577 người, trong đó, có 409 người đang điều trị ARV. Qua đánh giá cho thấy, không có bệnh nhân nhiễm HIV mới sau khi được điều trị Methadone; không để xảy ra trường hợp bệnh nhân sử dụng quá liều, ngộ độc khi dùng Methadone. Tỷ lệ người sử dụng Methanone thay thế chất ma túy có việc làm chiếm 67% số người tham gia.

Trong đó, huyện An Lão là một trong những địa phương duy trì điều trị Methadone hiệu quả nhất. Toàn huyện hiện có 237 bệnh nhân đang duy trì điều trị. Trước đo, không ít bệnh nhân suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng chỉ qua 6 tháng dùng Methadone, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, đồng thời giúp cải thiện được cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và tìm được việc làm có ích cho gia đình. Nhiều bệnh nhân cho biết, sau khi điều trị Methadone, họ không còn nhu cầu sử dụng hê-rô-in nữa.

Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng, qua theo dõi bệnh nhân điều trị bằng Methadone, có 90% bệnh nhân không còn sử dụng, tiêm chích ma tuý. Điều này đã thể hiện hiệu quả rõ rệt, làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS do dùng chung bơm kim tiêm.

Về mặt xã hội, điều trị Methadone đã góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và kết quả đạt được, Chương trình xã hội hóa điều trị Methadone còn bộc lộ một số hạn chế và bất cập. Nguồn thuốc do các tổ chức tài trợ hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, bởi trên địa bàn Hải Phòng vẫn còn hàng nghìn người nghiện ma tuý chưa được điều trị bằng Methadone. Cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ công tác điều trị chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, trong khi đó, nhu cầu người bệnh uống Methadone ngày một tăng. Để Dự án điều trị Methadone mở rộng ra các vùng nông thôn, góp phần giảm tình trạng mua bán trái phép chất ma tuý, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội. (Viết Lam, Bienphong.com.vn 28/3)

24.            Phát động phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Tối 26/3, tại Cung Văn hóa Lao động Việt - Tiệp, Sở Công Thương tổ chức lễ phát động phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố.

Tham dự lễ phát động có gần 1000 doanh nghiệp, sở ngành, các tổ dân phố và nhiều hộ gia đình tiêu biểu đi đầu trong việc áp dụng sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương và ngành chế tạo sản xuất ra thiết bị tiết kiệm năng lượng thông báo tới các đại biểu thông điệp của Bộ Công Thương, Công ty Điện lực: Tiết kiệm điện để không bị thiếu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý như: Dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời; đèn compact; mở cửa sổ nhà, cơ quan, khách sạn, nhà hàng để lấy ánh sáng; dùng điều hòa trong phòng với diện tích 12m2, lắp đặt loại 9000PTU và đặt nhiệt độ dùng ban ngày từ 25 độ C trở lên và ban đêm để từ 27-28 độ C (cài đặt nhiệt độ điều hòa tăng 1 độ C thì sẽ tiết kiệm được 3% điện năng)…

Theo lãnh đạo thành phố, hưởng ứng phong trào này, ngay từ bây giờ, các cấp, các ngành, các đơn vị cùng toàn thể nhân dân sẽ chung tay quyết tâm hành động thiết thực, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần tích cực xây dựng thành phố Hải Phòng phát triển bền vững. (Hà Thúy, Tài Nguyên & Môi Trường 29/3, tr2; Lê Hiệp, Baodulich.net.vn 27/3; Lê Xuyến, Công Thương 29/3, tr12; LMT, An Ninh Hải Phòng 29/3, tr2)

25.            Cần những giải pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước sông Hồng

Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, nước chảy về sông Hồng, đột ngột chuyển mầu lạ và có mùi hôi tanh; ven sông, các bãi cát bị nhuốm váng vàng. Theo nhiều người dân sống ven hai bên bờ sông, đây là hiện tượng lạ chưa từng có, xảy ra trên sông Hồng từ trước tới nay. Câu hỏi “Nguyên nhân nào khiến sông Hồng ô nhiễm?” vẫn đang bỏ ngỏ và vấn đề cần có những giải pháp để bảo vệ nguồn nước Sông Hồng đang đặt cấp bách.

Không chỉ ở thượng nguồn, tại khu vực hạ lưu, nước sông cũng đang bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị lớn ở miền Bắc (Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình...) đổ ra nhưng chưa được xử lý.

Ngoài ra ở lưu vực sông Hồng có khoảng 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông, do vậy để bảo đảm sản xuất hàng năm đã phải sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu các loại. Vấn đề sử dụng bừa bãi quá tải không hợp lý về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường nước. Ai cũng biết, sông Hồng là dòng “sông mẹ” của miền Bắc, mỗi năm mang đến cho vùng đồng bằng Bắc bộ trung bình khoảng 100 triệu tấn phù sa và trên 83,5 tỷ m³ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho hàng chục triệu dân.

Phải nói rằng, con sông này có vai trò hết sức to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ nói chung, nhất là tài nguyên nước. Vậy nhưng, hiện nay, sông Hồng đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường, bởi phải hứng chịu nước thải trực tiếp từ các nhà máy, khu dân cư ở đầu nguồn (phía bên kia biên giới) và nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt của các tỉnh, thành phố đổ ra nơi sông Hồng chảy qua. Trong đó, vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới vẫn là nguy cơ cao nhất.

 Trước tình hình đó, đòi hỏi cần phải có những giải pháp để ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ môi trường sông. Để làm được điều đó, trước hết, các cơ quan chức năng cần phải có sự điều tra, đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm và phân loại hiện trạng các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm môi trường trên thượng nguồn cũng như dưới lưu vực; trên cơ sở đó, xây dựng Chương trình hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về vấn đề bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên nước của sông Hồng.

Mặt khác, về phía các tỉnh thành nơi có sông Hồng chảy qua cũng cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra sông Hồng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất đang hoạt động trên lưu vực sông Hồng, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. (Khánh Linh, Tài Nguyên & Môi Trường 29/3, tr6)

26.            Quân chủng Hải quân, Quân khu 2 Tổ chức Đại hội đại biểu Công đoàn

Ngày 28/3, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức Đại hội đại biểu Công đoàn lần thứ 7. Dự và chỉ đạo đại hội ông Đặng Ngọc Tùng - ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân.

Báo cáo chính trị tại Đại hội chỉ rõ: 5 năm qua, phong trào công nhân viên chức và hoạt động Công đoàn của Quân chủng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đội ngũ công nhân viên chức, lao động quốc phòng có sự phát triển về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng hoạt động được nâng lên; luôn giữ vững và phát huy bản chất của giai cấp công nhân, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, thực sự là chỗ dựa vững chắc của người chỉ huy, tổ ấm của người lao động...

Phát biểu tại Đại hội, ông Tùng nhấn mạnh: Các tổ chức Công đoàn trong Quân chủng phải chủ động đi sâu nghiên cứu, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và những đòi hỏi bức xúc của công đoàn cơ sở, tập hợp trí tuệ của công nhân, viên chức, lao động quốc phòng tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật và các chế độ chính sách, thực sự chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức lao động quốc phòng, đồng thời chú trọng tạo điều kiện và tổ chức cho họ phát huy tốt nhất quyền dân chủ của mình trong lao động, sản xuất kinh doanh.

Cũng trong sáng 28/3, Quân khu 2 tổ chức Đại hội Công đoàn lần thứ 5, nhiệm kỳ 2013-2018. Dự Đại hội có 156 Công đoàn viên tiêu biểu đại diện cho hơn 1.500 Công đoàn viên các cơ quan, đơn vị. 5 năm qua, các tổ chức Công đoàn trong toàn Quân khu đã có 112 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị, làm lợi cho ngân sách quốc phòng hơn 300 triệu đồng; xây dựng 8 nhà “Mái ấm Công đoàn” tặng các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; kết quả phân tích chất lượng tổ chức, đoàn viên Công đoàn hằng năm có 62,4% Công đoàn cơ sở đạt vững mạnh xuất sắc, 81% đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. (Trịnh Văn Dũng – Xuân Phú, Quân Đội Nhân Dân Online 28/3; Báo Hải Phòng 29/3, tr2; Bản tin thời sự tối 28/3, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

27.            Đùa với thần chết!

Một người đàn ông được cho là say rượu đã trèo lên Trạm biến áp 35kV khiến người dân thót tim. Vụ việc xảy ra vào chiều 28/3, tại thôn Cầu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão trước sự chứng kiến của hàng trăm người.

Tên của người dám “đùa với thần chết” là Đào Việt Thức (cũng là dân địa phương). Nguyên do ban đầu, theo người dân, là do Thức đã quá chén. Điều kỳ lạ là dù vắt vẻo trên Trạm biến áp nhưng Thức vẫn không bị điện giật. (Bùi Đức Hậu, Tiền Phong Online 28/3)

28.            Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở Hải Phòng: Vượt chỉ tiêu cả số lượng và chất lượng

Thực hiện Chương trình “Phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp Công đoàn thành phố đặt mục tiêu: Giai đoạn 2008 – 2013 thành lập mới 400 Công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực ngoài Nhà nước, kết nạp 40.000 đoàn viên, giữa nhiệm kỳ, chỉ tiêu này được LĐLĐ thành phố điều chỉnh lên 60.000 đoàn viên.

Đến tháng 3/2013, số lượng đoàn viên Công đoàn được kết nạp trên toàn thành phố đã lên tới 74.921 người, đạt 125% chỉ tiêu được điều chỉnh. Số CĐCS khu vực ngoài nhà nước mới thành lập là 402, đạt 100,5% kế hoạch.

Nhất quán trong chỉ đạo và thực hiện

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Huệ, những con số trên là kết quả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán và kiên trì triển khai đồng loạt các biện pháp của các cấp công đoàn thành phố nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được giao. Ngay sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai Chương trình phát triển 1,5 triệu đoàn viên và giao chỉ tiêu cho Hải Phòng trong thực hiện Chương trình, LĐLĐ thành phố xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong nhiệm kỳ 2008 – 2013. Không chỉ xây dựng Nghị quyết và các Chương trình hành động cụ thể, LĐLĐ thành phố còn thành lập Ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đồng thời tuyên truyền, triển khai tới các cấp công đoàn về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình.

LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành thành lập Ban vận động, tiến hành khảo sát nắm tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn và doanh nghiệp theo ngành nghề thuộc Sở chủ quản để xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS của ngành, đơn vị mình. LĐLĐ thành phố tăng cường phối hợp với các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty Trung ương, chỉ đạo các CĐCS trực thuộc triển khai hiệu quả các hoạt động,, quan tâm tới công tác tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên.

Cùng với đó, các cấp Công đoàn lồng ghép Chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS với việc thực hiện Nghị quyết 28 của Thành ủy về xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, HTX, trường học ngoài công lập. Tổ chức công đoàn giữ vai trò nòng cốt trong vận động, thành lập CĐCS, tạo cơ sở phát triển tổ chức cơ sở Đảng theo tinh thần Nghị quyết.

Chính từ biện pháp, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán như vậy, các cấp Công đoàn thành phố nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của hoạt động Công đoàn.

Bằng những hoạt động thiết thực, các CĐCS trở thành cầu nối quan trọng góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp Trong ảnh: Đối thoại giữa lãnh đạo Công ty TNHH may Thiên Nam và người lao động do Công đoàn tổ chức

Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động

Không chỉ quan tâm, làm tốt nhiệm vụ tăng cường phát triển số lượng đoàn viên và tổ chức CĐCS, các cấp Công đoàn thành phố còn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn nhất là các CĐCS. Đây cũng là việc làm quan trọng nhằm duy trì bền vững kết quả xây dựng, phát triển tổ chức CĐCS và đoàn viên.

Trong 5 năm (2008 – 2013), các cấp Công đoàn thành phố kiện toàn 215 tổ Công đoàn; sáp nhập 24 CĐCS; giải thể 223 CĐCS; chuyển giao 7 CĐCS về Công đoàn ngành Trung ương; chuyển giao 22 CĐCS giữa các công đoàn cấp trên cơ sở, đồng thời bổ sung 525 lượt Ban chấp hành công đoàn các cấp khi có sự biến động cán bộ do thay đổi vị trí, địa điểm làm việc hoặc CĐCS hoạt động gặp khó khăn… Qua đó, hoạt động của các CĐCS được bảo đảm ổn định, thực sự hiệu quả, thiết thực với người lao động.

Các tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở cũng tập trung hướng dẫn Ban chấp hành CĐCS xây dựng Chương trình hoạt động, triển khai thực hiện các quy chế phối hợp hoạt động với chuyên môn đồng cấp, các hoạt động tài chính công đoàn, kỹ năng tham gia xây dựng thỏa ước lao động tập thể, ký hợp đồng lao động, thực hiện đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, quy định về trang bị bảo hộ lao động…

Các cấp Công đoàn đã tổ chức hơn 760 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng trăm lượt cán bộ Công đoàn, trong đó có nhiều lớp tập huấn theo từng chuyên đề chuyên sâu cho cán bộ mới tham gia Ban chấp hành công đoàn lần đầu. LĐLĐ thành phố phối hợp với trường Đại học Công đoàn Việt Nam mở lớp Đại học ngành Quản trị kinh doanh và Công đoàn cho 43 cán bộ Công đoàn; bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ Công đoàn cho 60 cán bộ; cử 5 cán bộ đi học Đại học, 9 người học Thạc sĩ; 27 người học Trung cấp chính trị và 22 học cao cấp chính trị… Từ đó, chất lượng hoạt động của các tổ chức CĐCS từng bước được nâng lên.

Theo Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ thành phố Hoàng Đình Long, hằng năm, LĐLĐ thành phố đều tiến hành chấm điểm, phân loại các CĐCS với kết quả: 42% - 46% số CĐCS đạt vững mạnh xuất sắc; 34% - 38% số CĐCS đạt vững mạnh; 13% - 15% số CĐCS đạt loại khá. Trong đó, tỷ lệ CĐCS đạt kết quả vững mạnh xuất sắc tăng từ 42,59% năm 2008 lên 46,79% năm 2012.          

Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đỗ Mạnh Hiến, thời gian tới, do tác động của khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động. Tuy nhiên, mỗi năm, thành phố vẫn tăng hơn 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút khá lớn lực lượng lao động.

LĐLĐ thành phố đặt mục tiêu nhiệm kỳ 2013 – 2018 phát triển ít nhất 70.000 đoàn viên, thành lập mới 400 CĐCS ngoài nhà nước. Trước mắt, năm 2013, các cấp công đoàn thành phố phấn đấu thành lập 80 CĐCS, kết nạp 14.000 đoàn viên. Cùng với đó, các cấp Công đoàn tập trung hướng dẫn các tổ chức CĐCS xây dựng nội dung hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng loại hình doanh nghiệp, thu hút công nhân, lao động đồng thời đẩy mạnh công tác thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, tạo nguồn tài chính bảo đảm hoạt động của các CĐCS. (Thành Lê, Báo Hải Phòng 29/3, tr7)

29.            Học sinh Hải Phòng tham gia cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ lần thứ 6

Chiều 28/3, tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Hồng Bàng), Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho 100 giáo viên dạy môn mỹ thuật của các trường tiểu học trên địa bàn thành phố về hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” lần thứ 6 do Bộ GD&ĐT và Công ty Honda Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đây là hoạt động nhằm khuyến khích sự sáng tạo, khơi dậy ước mơ và sự tự tin của trẻ em, qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức của người lớn và xã hội về các vấn đề của cuộc sống. Cuộc thi còn mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, thông qua các hoạt động từ thiện bên lề cuộc thi.

Với chủ đề “Ý tưởng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”, cuộc thi có 3 vòng. Trong đó, vòng 1 có tên gọi “Hình thành và thể hiện ý tưởng bằng tranh vẽ”; vòng 2 chuyển ý tưởng từ tranh vẽ thành mô hình; vòng 3 (vòng chung kết) các học sinh thuyết trình ý tưởng cùng mô hình trước Ban Giám khảo. Nhằm tạo công bằng cho cuộc thi, Ban Giám khảo đánh giá ý tưởng của hai nhóm lứa tuổi các lớp 1, lớp 2, lớp 3 và nhóm lứa tuổi các lớp 4, lớp 5 độc lập. Học sinh có thể tham gia với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm (tối đa 3 người). Mỗi học sinh hoặc nhóm có thể gửi tối đa 5 ý tưởng dự thi. Ban tổ chức nhận tranh dự thi từ ngày 4/3-31/5.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, cứ mỗi bức tranh hợp lệ, Công ty Honda sẽ trích 10 nghìn đồng để giúp đỡ học sinh nghèo và các trường Tiểu học khó khăn trong cả nước. Năm 2012, từ Chương trình này, Công ty trao 1680 suất học bổng trị giá hàng tỷ đồng tặng học sinh nghèo vượt khó 168 trường Tiểu học trong cả nước và xây dựng 8 thư viện tặng các trường học vùng sâu, vùng xa. (Báo Hải Phòng Online 28/3)

30.            Đảng bộ Công ty Điện lực Hải Phòng tổ chức hoạt động hướng về cội nguồn

Đảng bộ Công ty Điện lực Hải Phòng vừa tổ chức Đoàn cán bộ, đảng viên xuất sắc đi tham quan, học tập, hướng về cội nguồn.

Đoàn đến tham quan di tích Pác Bó ở Cao Bằng – địa điểm gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc, lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Kim Đồng, tham quan An toàn khu Trung ương tại Thái Nguyên… (Báo Hải Phòng 29/3, tr2)

31.            Sở Y tế: Tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm

Sở Y tế vừa tổ chức tập huấn cong tác phòng, chống dịch bệnh đến gần 100 cán bộ, viên chức các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố.

Tại buổi tập huấn, lãnh đạo các đơn vị được hướng dẫn về việc giám sát phòng và chống một số dịch bệnh nguy hiểm và đang có nguy cơ bùng phát như AH1N1, bệnh tay – chân – miệng, bệnh sởi, bệnh não mô cầu, trong đó đáng chú ý là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng do chủng mới của virus corona. (Báo Hải Phòng 29/3, tr2)

32.            Nâng cấp chợ thực phẩm Lifsap: Người dân và địa phương cùng hưởng lợi

Trong 5 năm (2010- 2015), ngoài việc hỗ trợ xây dựng tại Hải Phòng 4 vùng chăn nuôi ưu tiên với 800 hộ được thực hành chăn nuôi an toàn VietGap, dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi (Lifsap) còn đầu tư cải tạo, nâng cấp 40 chợ thực phẩm tươi sống bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, tạo chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm sạch. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 5 chợ thực phẩm tươi sống được nâng cấp, đưa vào sử dụng. Bước đầu, các chợ này giúp người dân và các địa phương được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn canh cánh nỗi lo làm sao duy trì được hoạt động tại các chợ sau khi nâng cấp.

Tăng hiệu quả kinh doanh

Khu bán thực phẩm tươi sống tại chợ Đôi (thị trấn Tiên Lãng) được dự án Lifsap cải tạo theo một mẫu chuẩn. Khu quầy bán thịt, bề mặt nền được ốp lát sạch sẽ, bên dưới mặt quầy có tủ đựng. Chợ có hệ thống chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước hợp vệ sinh. Ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, Dự án Lifsap còn tổ chức các Chương trình tập huấn, hướng dẫn cho Ban quản lý chợ và tiểu thương cách vận hành, bảo quản tài sản và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Nguyễn Thị Nhớ - người bán thịt lợn ở đây cho biết: “Trước đây, khi chưa nâng cấp chợ thực phẩm tươi sống, chúng tôi bày hàng trên bàn gỗ, sử dụng lâu ngày sạp bị xuống cấp, xập xệ, đến mùa mưa nền quầy nhớp nháp vì bẩn. Khi chưa được đầu tư nâng cấp, mỗi ngày chúng tôi phải đi mua nước sạch từ nhà dân xách vào chợ, rồi phải mang nước thải ra ngoài đổ. Giờ vòi nước sạch được gắn ngay cạnh quầy bán thịt, hệ thống thoát nước thải ngay dưới sàn. Từ quầy bán thịt đến lối đi được ốp đá, lát gạch khang trang, sạch đẹp, rất thuận tiện cho tiểu thương làm vệ sinh trước và sau khi bán hàng. Chúng tôi bán hàng chạy hơn vì người mua an tâm về chất lượng”.

Cũng trong khu vực bán thịt tại chợ Nãi Sơn, xã Tú Sơn (Kiến Thụy), 20 quầy hàng thực phẩm tươi sống khá nhộn nhịp với cảnh sơ chế các loại thịt để bỏ mối cho khách. Chị Nguyễn Thị Nạp – một hộ kinh doanh phấn khởi: “Việc buôn bán của tiểu thương giờ tiện nghi nhiều hơn trước, hiệu quả kinh doanh tăng. Chúng tôi rất vui khi dự án Lifsap đầu tư cho toàn bộ quầy bán thực phẩm tươi sống. Hiện, 20 quầy tại chợ đều có hộ kinh doanh nhận quầy và đưa vào sử dụng”.

“Cú hích” để các xã mở rộng quy mô chợ

Theo ông Bùi Văn Tẹo - Trưởng Ban quản lý chợ Nãi Sơn, xã Tú Sơn (Kiến Thụy) chưa được Dự án Lifsap đầu tư, chợ xây dựng từ lâu, các quầy bán thực phẩm tươi sống xuống cấp và không bảo đảm vệ sinh. Chợ trước đây tạm bợ, nền đất, không có tường bao. Khi dự án Lifsap đầu tư nâng cấp chợ, tiểu thương rất ủng hộ. Ban quản lý chợ vận động tiểu thương đóng góp thêm hơn 160 triệu đồng để xây dựng cả khu vực bán rau, bán cá, xây dựng cổng chợ, tường bao, lợp mái toàn bộ chợ”.

Cùng quan điểm trên, ông Lương Ngọc Lập - Chủ tịch xã Bạch Đằng (Tiên Lãng) khẳng định, tiểu thương kinh doanh thuận lợi hơn nhiều sau khi được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Trước đây chợ Bạch Đằng nền đất, không mái che, không tường bao, các hộ kinh doanh bán hàng ở dọc đường phía ngoài do nền chợ trũng, thấp, ngập nước. Khi dự án Lifsap đầu tư xây dựng mới khu chợ thực phẩm 16 gian, có mái che, nền được nâng cao lát đá, khu vệ sinh, nhà bảo vệ thì UBND xã mạnh dạn huy động xã hội hóa để nâng cấp chợ với quy mô lớn hơn, dự định chợ sẽ có thêm các khu bán cá, bán hàng khô, bán rau có mái che, quầy hàng…không để chợ tạm như trước đây.

Qua quan sát của phóng viên, tại 5 chợ mà Dự án Lifsap đầu tư nâng cấp, sau khi khu quầy thực phẩm được xây dựng, các chợ đều thực hiện xã hội hóa, vận động hộ kinh doanh góp sức xây dựng, mở rộng quy mô chợ.

Vất vả duy trì

Ông Phạm Văn Suốt - Chủ tịch xã Quang Phục (Tiên Lãng) cho rằng: “Dự án đầu tư xây dựng tại chợ Quang Phục 14 quầy thực phẩm tươi sống, giúp hộ kinh doanh được hưởng lợi, địa phương có cú hích để xã hội hóa xây dựng chợ. Tuy nhiên, khó khăn nhất của chúng tôi hiện nay là việc duy trì hoạt động chợ thực phẩm và ổn định vận hành chợ theo quy trình Lifsap. Hiện nhiều hộ kinh doanh dù đã nhận quầy nhưng không vào kinh doanh tại khu tập trung mới được xây dựng. Trước họ lấy lý do là phía sau mái tôn ngắn, gió thốc vào quầy hàng nên không vào, hiện chính quyền địa phương đã cho bịt tôn kín phía sau nhưng họ vẫn không chịu vào chợ. Hộ nọ nhìn hộ kia, rủ nhau bày hàng ra phía ngoài mặt chợ để tiện cho người mua”.

Còn theo ông Lương Ngọc Lập - Chủ tịch xã Bạch Đằng (Tiên Lãng), hiện tại, chợ mới có 3 hộ vào kinh doanh tại khu thực phẩm tập trung được dự án đầu tư, nhiều hộ vẫn bày bán lẻ ngay tại cửa nhà, không chịu vào chợ. Với tâm lý người tiêu dùng nông thôn tiện đâu mua đấy thì những hộ bán lẻ như họ lại bán hàng chạy hơn là hộ kinh doanh trong chợ, khiến giữa các hộ có sự so sánh. Địa phương không có cách nào xử lý, vì chưa có quy định, chế tài, chỉ tuyên truyền vận động. Tình trạng này kéo dài, việc duy trì khu chợ thực phẩm sẽ khó khăn.

“Tại các chợ đã gắn “mác” Lifsap, tiểu thương đều phải làm cam kết trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhưng ý thức của nhiều tiểu thương và người dân đối với mô hình chợ kiểu mới này chưa cao nên việc thuyết phục hộ kinh doanh cam kết giết mổ, kinh doanh sản phẩm thịt an toàn vệ sinh thực phẩm đúng tiêu chuẩn dự án khá vất vả”,  ông Phạm Văn Huân - Trưởng Ban quản lý chợ Đôi (thị trấn Tiên Lãng) nhận xét. Thêm nữa, nhiều hộ kinh doanh lo vào chợ, phải đóng đủ loại phí nhưng lại không có người vào mua...

Theo Ban quản lý Dự án Lifsap, trên địa bàn thành phố hiện có 5 chợ thực phẩm tươi sống được nâng cấp và đưa vào sử dụng gồm chợ Đôi (thị trấn Tiên Lãng), chợ Bạch Đằng, Quang Phục (Tiên Lãng), chợ Vĩnh An (Vĩnh Bảo), chợ Nãi Sơn, xã Tú Sơn (Kiến Thụy). Trong năm 2013, Dự án tiếp tục đầu tư nâng cấp 21 chợ thực phẩm. Trong đó, có 8 chợ đã được Ban quản lý Dự án Trung ương phê duyệt thiết kế và chấp nhận đầu tư. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 29/3, tr1+3)

33.            Huyện Thủy Nguyên: Đào tạo nghề cho 6.000 lượt người

Đây là một trong những mục tiêu huyện Thủy Nguyên đặt ra trong công tác đào tạo nghề năm 2013. Cùng với đó, huyện phấn đấu giải quyết việc làm cho 11 nghìn lao động trên địa bàn.

Được biết, năm tước, huyện giải quyết việc làm cho 11 nghìn lao động, đạt 100% kế hoạch; đào tạo nghề cho 6.200 người, đạt 103,3% kế hoạch đề ra. (Báo Hải Phòng 29/3, tr3)

34.            Khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 3.000 bệnh nhân chất độc da cam/đioxin

Sáng 27/3, Công ty Đông Nam dược Nguyễn Thiệu (tỉnh Thái Bình) phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Hải Phòng.

Được biết, từ năm 2007 đến nay, Công ty Nam Thiệu đã khám, điều trị miễn phí cho hàng chục ngàn lượt nạn nhân ở Thái Bình, Hải Dương.

Tại buổi khai mạc, Nguyễn Thiệu phối hợp với công ty TNHH Nha khoa Hưng Long (quận Dương Kinh) tổ chức tặng quà, thuốc miễn phí cho 30 nạn nhân Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Hải Phòng. (KC, An Ninh Hải Phòng 29/3, tr2)

35.            Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Hải Phòng: Nối đất liền với hải đảo

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Hải Phòng vừa tổ chức chuyến trợ giúp pháp lý lưu động tới xã Phù Long, huyện Cát Hải. Do được chuẩn bị chu đáo và tuyên truyền tốt nên buổi trợ giúp pháp lý lưu động đã thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân địa phương.

Theo bà Đào Thị Mai – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hải Phòng, chuyến trợ giúp pháp lý lưu động là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đây là một hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Ông Nguyễn Cảnh Thu – Quyền trưởng Phòng Trợ giúp tư pháp Cát Hải cho rằng, cái được mà việc trợ giúp pháp lý lưu động mang lại là đã tuyên truyền, phổ biến được pháp luật tới người dân, giúp dân hiểu; những kiến nghị, khiếu nại của người dân được giải đáp kịp thời, giảm việc khiếu kiện vượt cấp kéo dài, góp phần bảo đảm an ninh chính trị tại địa phương… (Mộng Long, Pháp Luật Việt Nam 28/3, tr5)

36.            Cô giáo Mầm non mất việc vì sinh con gái thứ 3

Gần 2 năm nay, chị Trần Thị Hương (SN 1971, trú thị trấn Trường Sơn, An Lão) - nguyên giáo viên trường Mầm non Trường Sơn cầm trên tay lá đơn kêu cứu, gõ cửa khắp các Ban ngành, các cấp để tìm lại quyền lợi chính đáng là được hành nghề “gõ đầu trẻ” nhưng vô vọng. Văn bản chỉ đạo giải quyết chồng chất nhưng phía Ban Giám hiệu nhà trường vẫn im lặng một cách khó hiểu.

Theo trình bày và xác minh của phóng viên, chị Hương đã tốt nghiệp trường Trung học sư phạm Mẫu giáo Hải Phòng năm 1991 - 1992. Từ khi tốt nghiệp đến nay, đã 20 năm chị Hương công tác trong ngành giáo dục, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2003 - 2004 và năm 2007, tốt nghiệp lớp cử nhân trường đại học Sư phạm Hà Nội, loại hình đào tạo từ xa tại Hải Phòng.

Mọi chuyện bi hài ập đến với cô giáo Hương khi chị mang thai lần thứ 3. “Thực ra, gia đình bên chồng tôi có nhiều anh em trai, chồng tôi không phải con trưởng nên không có chuyện áp lực sinh con từ phía nhà chồng. Khi con gái đầu lòng được hơn 10 tuổi tôi mới sinh được cháu gái thứ hai, cả hai lần đều phải mổ cấp cứu nên chồng tôi rất hiểu và thông cảm. Suốt 10 năm trời nỗ lực để sinh cháu thứ 2, tôi đã phải nạo hút nhiều lần vì thai toàn bị chết lưu. Vợ chồng tôi cũng dự định sẽ không sinh thêm để nuôi dạy các cháu cho tốt. Mang thai lần thứ 3 là do vợ chồng tôi vỡ kế hoạch" và không bỏ được vì do chị nạo hút nhiều nên dạ con đã rất mỏng, nếu làm thủ thuật lần ấy sẽ nguy hiểm đến tính mạng, chị cho hay.

Chị cũng đã viết bản kiểm điểm nhận lỗi trước toàn trường. Sau đó, nhà trường đã có quyết định xử lý kỷ luật chị ngay khi con mới được hơn 4 tháng tuổi. Vì sinh con thứ ba nên chị Hương bị hiệu trưởng Nguyễn Thị Thiếp xử lý chuyển công tác từ giáo viên đứng lớp xuống làm lao công phục vụ và hưởng lương 1,5 triệu đồng từ tháng 11/2011 đến nay, không có khoản thu nhập nào khác, cắt hết chế độ ngày Lễ, Tết. Chị Hương “cắn răng” nhận nhiệm vụ mới và chấp hành mọi công việc theo sự phân công của nhà trường, với hy vọng thời gian 2 năm xử lý vi phạm nhanh chóng qua đi và chị sẽ được phục hồi việc đứng lớp. Thế nhưng, gần 2 năm trôi qua, không có dấu hiệu vụ việc của chị được giải quyết thỏa đáng, chị Hương buộc lòng phải làm đơn kêu cứu đến các cấp, các Ban ngành, bởi đồng lương ít ỏi không đủ để chị lo cho 3 con ăn học.

Ứng phó với những đơn thư của chị Hương, Hiệu trưởng Thiếp tổ chức họp Hội đồng giáo viên và đồng ý cho chị Hương ký hợp đồng lao động nhưng vẫn với chức danh nhân viên phục vụ và chỉ hưởng chế độc trợ cấp của thành phố mà không có chế độ nào khác, không được đứng lớp như trước kia nữa.

Bất bình với bản hợp đồng này, chị Hương không ký và từ ngày 3/9/2012, chị bị “cấm cửa” khi đến trường học với lý do rất “thuyết phục” rằng không ký hợp đồng thì không thuộc quản lý của nhà trường. Đã 6 tháng nay, chị Hương mất việc làm nhưng lại không thuộc diện bị nhận quyết định thôi việc và cũng không thể đi làm, không có một đồng tiền chế độ nào. Do chị Hương có đơn kêu cứu, đơn kiến nghị “rải” khắp các Ban ngành, các cấp trong thành phố, thậm chí là gửi Bộ GD&ĐT nên “cơn mưa” công văn, giấy tờ hướng dẫn, trả lời đơn thư của công dân cũng vì thế mà dội lại tới tấp. Một số nơi như thanh tra của Bộ GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục, Liên đoàn Lao động Hải Phòng…đã không ít lần có hướng dẫn, trả lời rằng “Nội dung đơn kêu cứu không thuộc thẩm quyền giải quyết…” nhưng chị Hương vẫn kêu cứu trong vô vọng.

May mắn cho chị, những lá đơn của chị đã đến được đúng cơ quan có thẩm quyền là UBND huyện An Lão và UBND thành phố, Sở GD&ĐT. Trong số văn bản, giấy tờ chỉ đạo giải quyết vấn đề liên quan đến cô giáo Hương, Sở GD&ĐT từng kết luận: “Xét cả về tình, về lý, việc Hiệu trưởng trường Mầm non chưa chấp nhận ký hợp đồng lao động với cô Hương với chức danh chuyên môn giáo viên là không thỏa đáng. Vì vậy, Hiệu trưởng sớm xem xét lại và ký hợp đồng lao động với cô giáo Hương, chức danh giáo viên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động”. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề hoàn toàn nằm trên đống văn bản giấy tờ đặt trên bàn làm việc. Thực tế, đến thời điểm bài báo lên trang, chị Hương vẫn chưa biết sự nghiệp cả một đời chị theo đuổi, phấn đấu sẽ ra sao, chị bị buộc thôi việc hay nghỉ việc tạm thời, hoặc một lý giải hợp lý nào khác.

Làm việc với phóng viên, Hiệu trưởng trường Mầm non Trường Sơn khẳng định: Trong việc đưa ra hình thức xử lý đối với việc sinh con thứ ba của cô giáo Hương, bà Đặng Thị Minh - trưởng Phòng GD&ĐT đã trực tiếp tham vấn cho nhà trường, chuyển cô Hương từ giáo viên đứng lớp xuống làm nhân viên phục vụ. Bà Thiếp nói thêm, việc bố trí này là hợp lý, bởi bà căn cứ vào Nghị quyết số 47 của Bộ Chính trị.

Lý giải việc, tại sao đã có sự chỉ đạo, giải quyết của các cấp, của ngành trong việc ký lại hợp đồng lao động với chức danh chuyên môn là giáo viên cho bà Hương nhưng phía nhà trường vẫn kiên quyết “không nghe”, bà Thiếp cho biết: “Hiện nay số giáo viên trên số trẻ đã đủ, chúng tôi không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên nên không thể ký hợp đồng với cô Hương…”. Ngoài lý do này, theo bà Thiếp, tập thể giáo viên cũng không đồng ý ký lại hợp đồng làm giáo viên đối với bà Hương. (Thùy Linh, News.zing.vn 29/3; Infonet.vn 29/3)

VĂN HÓA

37.            Đình Phần - Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Ngày 31/3, cán bộ, nhân dân xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo long trọng tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần - công trình văn hoá tâm linh gần 200 năm tuổi gắn liền với quá trình hình thành phát triển của địa phương với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đây là vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương trong dịp đầu Xuân Quý Tỵ 2013.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần, công trình nghệ thuật độc đáo có niên đại gần 200 năm được khởi dựng vào thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 26 (năm 1873) và được trùng tu vào năm 1926. Đình Phần thờ vị Khổng Hoàng Đại Vương, một công thần triều Lý (1010-1225), người có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước. Ông tên thật là Khổng Quan, người làng Cổ Am, vị quan thanh liêm, có tài trù tính nhiều việc có lợi cho dân, nhất là trong lĩnh vực nông điền. Ông là người nhân đức, khi dân làng gặp nạn đói, ông mang tài sản tư gia để cứu giúp dân lành; đồng thời, có công khai thông, trị thuỷ quanh vùng sông Hoá, đưa nước tuới tiêu cho mùa màng được màu mỡ, tốt tươi. Biết ơn ông, nhân dân xã Cổ Am lập đền thờ và tôn là Thành hoàng làng Phần.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần toạ lạc trên thế đất cao rộng hơn 1.000 m2 ở thôn Thuận Hoà, với thế đất đắc địa “Minh đường, hậu chẩm”, tụ thuỷ, tụ phúc của vùng. Ấn tượng nhất ở công trình đình Phần là sự liên kết giữa các toà được sắp xếp liên hoàn theo kiểu “trung thiềm điệp ốc” tạo cho đình quy mô bề thế, không gian liên hoàn thoáng đãng.

Điều đặc biệt ở Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần, phía trước toà tiền bái dựng một lầu có kiến trúc kiểu phương đình bằng chất liệu vữa vôi xây gạch chỉ, mái chồng diêm: 2 tầng 8 mái, phía trên có các đầu đao cong trang trí hình chim phượng hướng lên nền trời. Ở phần cao nhất và trung tâm của lầu là hình mặt trời, hào quang lan toả. Cổng đình được bố trí lối đăng đối, phần chồng diêm có đắp phù điêu nổi hình một lư hương và hai bầu rượu hai bên bằng chất liệu gốm sứ men nan luôn sáng lấp lánh. Trung tâm cửa vào gian tiền bái có bức đại tự chữ Hán gắn gốm màu lam: “Vạn cổ thiên khí tượng” (tức là khí tốt trời ban từ ngàn xưa”; toà tiền bái có kiểu tường hồi bít đốc lợp ngói, gồm hai toà nhà liên tiếp mỗi toà 5 gian với 22 hàng chân cột. Đây là nơi thực hiện các nghi lễ tế trong ngày đại lễ của làng. Tiếp đến là hậu cung gồm 3 gian được thiết kết với kiến trúc độc đáo đặt tượng Khổng Hoàng Đại Vương.

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn kế thừa những giá trị kiến trúc cổ truyền thống vùng Bắc Bộ, pha trộn nhiều nét kiến trúc Trung và Nam bộ thể hiện qua bố cục “trùng thiềm điệp ốc” với toà ngang, dãy dọc liên hoàn. Phần con sơn đỡ mái, sử dụng gốm men lam được gắn kết với các loại vật liệu chính là hệ thống gỗ lim kiểu chồng rường giá chiêng con bẩy. Các nghệ nhân dân gian tinh tế sử dụng vôi với mật ong và bột giấy để tạo nên loại vật liệu gắn kết các mảnh gốm men lam, trang trí câu đối, đại tự, phù điêu.

So với những di tích khác trong vùng, hiện Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần lưu giữ được nguyên vẹn một số kiến trúc nguyên bản thời khởi dựng như hai toà tiền bái, đại bái, hậu cung, tả vu, hữu vu, cùng một số di vật cổ thời Nguyễn như tượng, 5 bộ sắc phong, chấp khích bằng đồng, cờ tướng, long ngai, tượng, khám thờ, nhang án, lư hương, kiệu bát công…

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Phần là một trong số ít những ngôi đình ở đồng bằng Bắc Bộ còn nguyên vẹn kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật trang trí được bảo lưu trong một làng xã văn hiến thuần nông được nhân dân địa phương giữ gìn tôn tạo. Việc nhà nước cấp bằng công nhận đình Phần là Di tích lịch sử cấp quốc gia là sự kiện lớn đối với nhân dân địa phương. Chính quyền, nhân dân xã Cổ Am quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống và lưu giữ cho các đời sau.

Theo sử sách, đình Phần còn có tên gọi là Chính Phần. Nguyên trước kia, đình nằm trên đất thôn Chính Phần, khi thôn Chính Phần tách thành thôn Phần và thôn Hà thì thôn Phần thờ vị Khổng Hoàng Đại Vương và gọi tên là đình Phần. Từ đó đến nay, tên gọi đình Phần vẫn là tên chính thức được nhân dân gọi và được chính quyền sử dụng trong các giấy tờ hành chính. Trước đây, lễ hội đình Phần mở từ ngày 10 đến 16 tháng 2 âm lịch. Dân gian gọi là ngày hội vào đám với nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ như hát cô đầu, đi cầu treo, bắt vịt, chơi cờ người…thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự. (Tiến Đạt, Báo Hải Phòng Online 29/3)

THỂ THAO

38.            Xuất phát lại

Chỉ qua 2 vòng đấu khởi động, V-League chứng kiến hàng loạt sự cố khi các đại gia bất ngờ "ngã ngựa" hoặc bị "chết máy" ngay sau vạch xuất phát và đang phải tìm mọi cách để khởi động lại trong bối cảnh cuộc đua sắp bước vào giai đoạn tăng tốc ở lượt đi... V-League mới chỉ trải qua 2 vòng đấu mang tính khởi động, nhưng dư âm các đội bóng để lại sau màn ra mắt lại rất khác nhau khi các “đại gia” được nhận diện là “ứng cử viên” vô địch liên tục ngã ngựa và chôn chân ở đáy bảng.

Gây thất vọng nhất chính vẫn là cựu vô địch B.Bình Dương và SHB Đà Nẵng. Trong khi K.Kiên Giang, Xi măng Vicem Hải Phòng (V.HP) và cả Đồng Tâm Long An cũng có màn ra mắt nhạt nhòa khi chưa tìm được chiến thắng. Mặc dù phía trước cuộc đua vẫn còn dài nhưng sự thất thường vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với các đội bóng đang chôn chân ở vạch xuất phát.

Cuối tuần này. V-League sẽ bước vào chặng đua kéo dài 9 vòng đấu còn lại của lượt đi. Đây chính là cơ hội để những đội bóng đang sa lầy ở tốp cuối khởi động lại. Quãng thời gian nghỉ gần nửa tháng và vòng đấu khởi động ở vòng 1/8 Cúp quốc gia là đủ để các đội có những điều chỉnh cần thiết. Tuy chưa đến mức bị "thủng đáy" nhưng cả hai đội bóng đang mắc kẹt ở cuối bảng là V.HP và B.Bình Dương đều muốn tận dụng quãng thời gian V-League tạm dừng để lấy lại thăng bằng sau sự khỏi đầu không suôn sẻ.

Với V.HP, tuy vẫn còn 1 trận chưa đấu với Xi măng Xuân Thành Sài Gòn nhưng nhiệm vụ của thầy trò Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cũng không dễ dàng khi tiếp tục chôn chân ở vạch xuất phát. Việc phải di chuyển vào tận Tam Kỳ thi đấu ở vòng 1/8 Cúp quốc gia rồi quay trở về Lạch Tray tiếp đón K.Kiên Giang sẽ tạo thêm bất lợi, buộc ông Tuấn phải tính toán thật kỹ để đồn sức cho trận “chung kết ngược” của lượt đi, bởi đây chính là cơ hội để cả hai đội bóng đang dính chùm ở tốp cuối thoát hiểm. V-League mới xuất phát được 2 vòng đấu và trật tự trên bảng xếp hạng cũng chỉ mang tính tạm thời trong bối cảnh nhiều đội bóng chưa thực sự bắt nhịp được với cuộc chơi. Trước mắt sẽ là chặng đua quyết định ở lượt đi với 9 vòng đấu và đây chính là thời điểm thực hiện những màn bứt phá để tạo ra sự khác biệt.. (Đan Phượng, Thethaovietnam.vn 28/3)

39.            Đại hội TDTT quận Ngô Quyền lần thứ 7 năm 2013: Giải bóng đá cúp 27-3 mở màn các giải đấu Đại hội

Giải bóng đá cúp 27-3,  - giải đấu truyền thống của thể thao quận Ngô Quyền được khai mạc tại sân Máy Tơ vào đúng Ngày Thể thao Việt Nam 27/3. Đây là giải đấu đầu tiên trong các giải đấu trong khuôn khổ các môn thi đấu của Đại hội TDTT quận Ngô Quyền lần thứ 7 năm 2013.

Là mảnh đất của bóng đá và các môn thể thao hiện đại của Hải Phòng, nhưng trước sự khó khăn về kinh tế, nhiều CLB bóng đá tại quận Ngô Quyền đã không thể tham dự giải. Các năm trước, cúp truyền thống 27-3 của quận Ngô Quyền có gần 20 CLB tham dự, nhưng giải năm nay chỉ còn 7 CLB tham dự gồm các CLB Minh Vũ, Trang Thành FC, Thành Long, Đằng Giang, Đường Thuyết, Máy tính Tín Khang và TNG.

Qua giải đấu này, các cầu thủ xuất sắc sẽ được chọn vào đội tuyển bóng đá Ngô Quyền tham dự giải bóng đá Đại hội TDTT thành phố lần thứ 7.

Trong ngày khai mạc giải, đương kim vô địch Thành Long thua đội TNG 0-1. (Báo Hải Phòng 29/3, tr8)./.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố