Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 29/12/2016)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 29/12/2016)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Biển Đông – Hải đảo Hải Phòng

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Quyết định số 3067 kiện toàn Ban Chỉ đạo Biển Đông – Hải đảo thành phố.

Ban có trách nhiệm tham mưu xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh trên biển, vùng ven biển và hải đảo thuộc địa bàn thành phố phù hợp với đường lối, chính sách phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước. Đồng thời tham mưu về chủ trương, chiến lược bảo vệ biển, đảo; nắm chắc diễn biến, nhận định đánh giá tình hình mọi mặt trên vùng biển và các hải đảo.

Ban có trách nhiệm kịp thời chỉ đạo xử lý các vụ việc xâm phạm các vùng biển, hải đảo, đề xuất các hình thức, biện pháp đấu tranh và xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến quốc phòng – an ninh trên biển thuộc địa bàn thành phố.

Ban chỉ đạo sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát và bảo vệ vùng biển, đảm bảo sự hiện diện toàn diện của Việt Nam trên vùng biển và hải đảo trong phạm vi TP Hải Phòng. (vov.vn 29/12/2016)

2. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố: Hướng mạnh về cơ sở, tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội

Sáng 28-12, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, đánh giá tình hình thực hiện công tác năm 2016, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng dự.

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng giao ban Khối mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố.

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố xây dựng chương trình hoạt động bám sát chủ đề năm của thành phố “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách- cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động và hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, đẩy mạnh giám sát thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chuẩn bị đón Xuân Đinh Dậu 2017, MTTQ và các đoàn thể cần quan tâm, chăm lo đoàn viên, hội viên nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Năm 2016, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hướng mạnh về cở sở, tăng cường tổ chức nhiều hoạt động cụ thể với nhiều cách làm sáng tạo, tích cực triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, trọng điểm. Nổi bật, hoạt động vận động đoàn viên, hội viên tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021), góp phần vào thành công cuộc bầu cử tại thành phố. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, nhiều cách làm hay, mô hình tốt. Công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh.

Năm 2017, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền về thành tựu phát triển của thành phố gắn với thực hiện chủ đề năm 2017. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục hướng trọng tâm công tác về cơ sở, tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần hội viên có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo các gia đình chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội thành phố… (Báo Hải Phòng 29/12/2016; An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

3. Đoàn công tác của Ban nội chính Trung ương làm việc với Ban Nội chính Thành ủy Xử lý dứt điểm những biểu hiện tiêu cực ở lĩnh vực thuế, hải quan, các dự án đầu tư công

Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm trưởng đoàn vừa có cuộc làm việc với Ban Nội chính Thành ủy về kết quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của thành phố trong năm 2016. Cùng làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các ngành trong khối nội chính thành phố.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Đặng Bá Cường, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố và lãnh đạo các ngành nội chính thành phố báo cáo với Đoàn công tác về tình hình, kết quả thực hiện công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của thành phố trong năm 2016. Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng của thành phố chuyển biến tiến bộ, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm để phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm một số vụ việc, vụ án tham nhũng. Ban Nội chính Thành ủy làm tốt công tác tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc về an ninh nông thôn; phát hiện 1 vụ trốn thuế chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố; theo dõi đôn đốc, phối hợp các cơ quan tư pháp và cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, góp phần ổn định tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng  báo cáo với Đoàn công tác những thành tích trong phát triển KT-XH thành phố, khẳng định kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các cơ quan trong khối nội chính thành phố, trong đó ghi nhận vai trò là trung tâm phối hợp, hiệp đồng của Ban Nội chính Thành ủy với các cơ quan trong khối nội chính. Hằng tuần, Ban Nội chính Thành ủy đều có báo cáo về những vụ việc, những vấn nổi cộm về nội chính và tham nhũng để Thường trực Thành ủy nắm bắt và chỉ đạo kịp thời. Năm 2017, thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2016 “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách nhà nước, Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Trong đó, tập trung xây dựng các khu chung cư xuống cấp, giải quyết tốt các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án để thu hút đầu tư, chấn chỉnh công tác thu thuế. Ban Nội chính Thành ủy và các ngành trong khối nội chính cần tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng kết hợp giữa phòng và chống; công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Thành ủy với các ngành nội chính thành phố thực hiện tốtl; nhất trí đưa ra khỏi diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi 5 vụ việc, vụ án tham nhũng vì xử lý nghiêm người vi phạm, hậu quả được khắc phục. Về nhiệm vụ năm 2017, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương yêu cầu Ban Nội chính Thành ủy chủ động nắm tình hình, giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; an ninh biển đảo, an ninh thông tin, an ninh nông thôn; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, không để kẻ xấu kích động, gây rối; xử lý nghiêm các vụ việc trốn thuế, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng; kiểm soát khắc phục nhập khẩu rác thải công nghiệp, thiết bị lạc hậu; xử lý kịp thời các vụ việc báo chí nêu về tham nhũng, tiêu cực; chú ý giải quyết tồn đọng về đất đai theo nguyên tắc có lợi cho dân và không để dân thiệt nhằm đạt mục tiêu cao nhất là phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Về công tác phòng, chống tham nhũng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; công khai minh bạch trong hoạt động kiểm soát tài sản thu nhập; tập trung lãnh đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; xử lý dứt điểm những vướng mắc, biểu hiện tiêu cực ở lĩnh vực thuế, hải quan và các dự án đầu tư công; tiếp tục quán triệt Nghị quyết Trung ương 3 (khóa 10) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

4. Giao chỉ tiêu cụ thể cho các Đảng bộ về thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể theo Nghị quyết 28 Ban Thường vụ Thành ủy

Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Nghị quyết (NQ) 28 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2017. Các thành viên BCĐ cùng dự.

Đồng chí Phó bí thư Thành ủy nhấn mạnh, năm 2016, việc thực hiện nghị quyết đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Số tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên được thành lập vượt mức kế hoạch đề ra. Số tổ chức Đảng tuy chưa hoàn thành chỉ tiêu nhưng vẫn tăng 2 tổ chức so với năm 2015 và so với các tỉnh, thành phố bạn, Hải Phòng vẫn là địa phương thành lập được nhiều cơ sở Đảng. Công tác tuyên truyền tiếp tục được tăng cường với nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả cao... Tuy nhiên, kết quả đạt chưa đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết; còn một số Đảng bộ quận, huyện “ trắng” vì không thành lập được tổ chức nào; công tác củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở Đảng, đoàn thể sau thành lập còn ít được quan tâm; còn tình trạng hình thức, chưa đi vào những nội dung thiết thực; công tác kiểm tra giám sát chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động của cơ quan thường trực chưa thật sâu sát...

Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy- cơ quan thường trực BCĐ phối hợp Văn phòng Thành ủy sớm báo cáo Thường trực Thành ủy kiện toàn BCĐ, bổ sung thành viên và phân công trách nhiệm cụ thể, phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm thành viên BCĐ và tổ giúp việc. Chỉ tiêu năm 2017 giao các Đảng bộ thật cụ thể, rõ trách nhiệm với tinh thần phấn đấu cao. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện NQ 28; đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức lãnh đạo, bảo đảm phù hợp từng loại hình; đa dạng hóa công tác tuyên truyền; gắn thành lập, phát triển mới với củng cố nâng cao chất lượng các tổ chức đã thành lập. Đồng chí yêu cầu năm 2017 cần xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra giám sát tại cơ sở của BCĐ thực hiện NQ 28 của Thành ủy đồng thời Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có chương trình kiểm tra giám sát riêng, quyết tâm đạt kết quả cao hơn trong năm 2017.

Năm 2016, toàn thành phố thành lập được 26 tổ chức Đảng, đạt 65% kế hoạch năm; 170 tổ chức Công đoàn, đạt 220% kế hoạch; 33 tổ chức Đoàn, hội thanh niên, vượt 32%. Năm 2017, Thành ủy giao chỉ tiêu cho các đơn vị thành lập 38 tổ chức Đảng; 62 tổ chức Công đoàn; 20 tổ chức Đoàn, Hội thanh niên... (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

5. Hải Phòng: Thanh tra trách nhiệm thủ trưởng tại Hồng Bàng

Sáng ngày 28/12, ông Vũ Minh Tuân, Phó Chánh Thanh tra TP Hải Phòng công bố quyết định thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại quận Hồng Bàng và các đơn vị trực thuộc quận.

Đoàn do ông Lê Minh Trí, Trưởng phòng Nghiệp vụ 4 làm Trưởng đoàn.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc tại quận, đoàn có nhiệm vụ, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Chủ tịch quận và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc quận trong 2 năm 2015 - 2016. Qua đó, đề xuất các biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các sai phạm phát hiện qua thanh tra nếu có. (Thanh tra 29/12/2016)

6. Kỳ họp thứ 3 HĐND quận Lê Chân khóa 18: Quyết định 6 giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2017

Ngày 28 và 29-12, HĐND quận Lê Chân khóa 18 họp kỳ thứ 3 đánh giá, thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và thống nhất các giải pháp năm 2017. Tới dự có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng...

Đánh giá thực hiện nhiệm vụ năm 2016, HĐND quận nhận định: trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng quận cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt công tác thu ngân sách đạt kết quả cao. Các nhiệm vụ lớn của năm đều hoàn thành và có tiếng vang. Công tác quản lý đô thị, bảo đảm trật tự đường hè, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, giải phóng mặt bằng, an toàn giao thông... đều có nét mới trong chỉ đạo điều hành và có chuyển biến tích cực, đạt kết quả bước đầu... ASXH tiếp tục được bảo đảm. Nhiều kiến nghị của cử tri được quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Năm 2017, HĐND quận Lê Chân xác định tiếp tục huy động, phát huy tối đa các nguồn lực, xây dựng quận có bước phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục thực hiện chủ đề năm Kỷ cương công vụ- Văn minh đô thị. 6 giải pháp chủ yếu được thống nhất cao tập trung thực hiện là phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tăng nguồn chi đầu tư phát triển và chi ASXH... (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

7.  Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách bền vững

Trong 2 ngày 28 và 29- 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  chủ trì phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai  Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2017. Dự tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo HĐND và các Ban HĐND thành phố; các ngành thành phố…

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo họp trực tuyến Chính phủ đầu cầu phía Hải Phòng.

10 kết quả nổi bật

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hội nghị  có ý nghĩa quan trọng. Chính phủ và các địa phương cùng thảo luận, phân tích, làm rõ để thống nhất nhận định, đánh giá tình hình năm 2016, những kết quả đạt được, những mặt, hạn chế, yếu kém và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2017; thảo luận, cho ý kiến về  chủ đề của năm 2017, trong đó có việc tăng cường kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Nhìn lại năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 10 kết quả nổi bật và 9 hạn chế, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm hành động, khắc phục khó khăn, yếu kém để đột phá  mạnh mẽ thời gian tới.

10 kết quả nổi bật gồm: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế khá (CPI tăng 4,74%; GDP tăng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á 5,5%, khu vực Đông Nam Á 4,5%) trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn (mất 1% GDP do thiệt hại nông nghiệp, riêng vụ hải sản chết ở miền Trung làm thiệt hại 0,3% GDP, sản lượng dầu thô giảm 1 triệu tấn). Tín dụng tăng khoảng 17%; dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD. Cùng với đó là một loạt kết quả đáng ghi nhận khác như  kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc (lần đầu có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn); thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay; khu vực dịch vụ, du lịch khởi sắc; môi trường kinh doanh được cải thiện; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng pháp luật được chú trọng; có sự tập trung cao phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí…

9 hạn chế được Thủ tướng chỉ ra là ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh; thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng;  sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; còn nhiều  dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn; có một số ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao; còn để xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng;  nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra; có các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh;  xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm…

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương tiếp tục thảo luận, phân tích kỹ và đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong năm 2017.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu trước hết là phải phấn đấu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu 3 chỉ tiêu quan trọng nhất của năm 2017 là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và bảo đảm cân đối ngân sách cả Trung ương và địa phương.

Dự thảo nghị quyết nêu các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, bảo đảm cân đối; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;  đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ …

 Đối với tái cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng, dự thảo nghị quyết cho biết các đề án liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới DNNN, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn xử lý nợ xấu…,  Chính phủ chỉ đạo trong quý 1- 2017 đều phải được trình các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế; đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tăng cường bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ NN và PTNT, Bộ Xây dựng, Khoa học công nghệ, Tài nguyên Môi trường… chủ động triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó lũ lụt. Trong thực hiện nhóm giải pháp cải cách hành chính, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng… Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia,  thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông ở cả  3 tiêu chí, thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm.

Chính phủ yêu cầu, trong tháng 1-2017, các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể; thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày dự thảo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017, định hướng đến năm 2020; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với 7 nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành, cơ quan, địa phương, kết quả kiểm tra của Tổ công tác; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

3 kiến nghị của Hải Phòng với Chính phủ

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu bật những kết quả thành phố đạt được trong năm 2016 với nhiều điểm sáng như tăng trưởng GRDP; thu ngân sách; thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn FDI; phát triển sản xuất công nghiệp; sản lượng hàng qua Cảng; bảo đảm ASXH; giữ vững QPAN... Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thành lập Phòng giám sát, kiểm tra, thi đua khen thưởng... Theo Chủ tịch UBND thành phố, năm 2017, Hải Phòng phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu KTXH ở mức cao, quyết tâm tạo ra đột phá lớn với mức tăng trưởng GRDP là 12,5- 13%; thu ngân sách nội địa tăng 4500 tỷ đồng so với số thực hiện năm 2016; triển khai nhanh các dự án đầu tư đã ký kết...

Hải Phòng kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tiếp các bến cảng số 3, số 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ngay trong năm 2017; cho phép đầu tư xây dựng nhà ga số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi bằng nguồn vốn xã hội hóa; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao...

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của Hải Phòng trên các lĩnh vực, đặc biệt là thu hút vốn FDI đứng đầu cả nước; hoan nghênh việc thành lập phòng giám sát, kiểm tra và thi đua khen thưởng và yêu cầu các địa phương học tập Hải Phòng. Về các kiến nghị của thành phố, Thủ tướng cơ bản nhất trí, giao Bộ GTVT nghiên cứu về tuyến đường sắt và chỉ đạo thành phố huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các bến cảng và nhà ga số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương  thảo luận các vấn đề liên quan tới tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016, những khó khăn, bất cập trong chỉ đạo điều hành và đề xuất nhiều biện pháp, giải pháp xử lý, đồng thời thể hiện quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2017 đạt kết quả cao nhất. Lãnh đạo các Bộ, ngành cũng trực tiếp giải thích và trả lời nhiều kiến nghị, đề nghị của các địa phương.

Hôm nay 29- 12, hội nghị tiếp tục làm việc. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

KINH TẾ

8.  3 địa phương xin cơ chế xây một loạt dự án hạ tầng giao thông

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, Đồng Nai và TP. Hải Phòng đã có kiến nghị với Chính phủ về các cơ chế xây dựng một loạt dự án hạ tầng giao thông tại địa phương mình.

Tại hội nghị trực tuyến về triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 ngày 28/12, lãnh đạo nhiều địa phương đã có kiến nghị với Chính phủ về các cơ chế xây dựng một loạt dự án hạ tầng giao thông.

Ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết mới nhận được văn bản của Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh cùng các bộ ngành có liên quan tập trung làm báo cáo trình Chính phủ và Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng trong dự án sân bay Long Thành.

Trong khoản đầu tư 5.000 tỷ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trong năm 2017, Chủ tịch Đồng Nai kiến nghị Chính phủ bố trí trước 1.000 tỷ để tỉnh có ngân sách bố trí cho việc di dân tái định cư.

Cũng liên quan đến lĩnh vực hạ tầng, ông Đinh Quốc Thái đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận về việc kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên. Theo đó tỉnh này cho rằng việc kéo dài tuyến đường sắt này sẽ phát huy hiệu quả cao đồng thời giảm tải cho Xa lộ Hà Nội.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã đưa ra kiến nghị liên quan đến sân bay Cam Ranh thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Ông Vinh cho biết do nhu cầu cấp bách, Trung ương, Chính phủ đã đồng ý giao cho tỉnh Khánh Hòa đầu tư xây dựng đường cất – hạ cánh số 2. Sân bay Cam Ranh có công suất 1,5 triệu lượt khách vào năm 2015, tuy nhiên thực tế năm 2015 lượng khách đến sân bay đã đạt đến con số 2,3 lượt khách. Đến năm 2016 lượng khách đã tăng lên tới 4,1 triệu khách.

“Trước tình hình lượng khách tăng cao hơn 80% so với năm 2015 vì vậy việc đầu tư đường băng số 2 vừa đầu tư nhà ga là rất cần thiết”, ông Vinh nói.

Theo lãnh đạo Khánh Hoà, dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 1.936 tỷ đồng thuộc dự án nguồn chi Trung ương nhưng tỉnh Khánh Hòa cũng đã có nhiều cố gắng đáp ứng được 50% còn thiếu 50% số vốn nên đã đề nghị Chính phủ quan tâm giúp đỡ.

“Tuy nhiên đến nay chưa được xem xét khiến dự án chậm tiến độ 3 tháng do không có vốn triển khai. Do vậy tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ ban ngành quan tâm để Khánh Hòa thực hiện dự án”, Chủ tịch Khánh Hoà nói.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã kiến nghị việc xây dựng cảng quốc tế cửa ngõ Hải Phòng.

Ông Tùng cho biết, hiện tại Chính phủ đã cho phép Hải Phòng xây dựng 2 cầu cảng tuy nhiên do áp lực tăng trưởng hàng hóa nên thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng ngay cầu cảng số 3, số 4 và các cầu cảng tiếp theo ngay trong năm 2017.

Ngoài ra, lãnh đạo Hải Phòng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng thêm nhà ga số 2 tại sân bay Cát Bi.

Theo lý giải của lãnh đạo địa phương này, đầu năm 2016, Hải Phòng đã khánh thành đường bay nhà ga số 1 tuy nhiên do mức tăng trưởng vận tải hàng không rất tốt, dự báo sẽ quá tải tại nhà ga số 1 vào năm tới.

Bên cạnh đó, Chủ tịch TP. Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Quảng Ninh để giảm thiểu áp lực vận tải bằng đường bộ qua Hải Phòng và một số tỉnh thành khác.

Việc đề xuất xây dựng cầu cảng, nhà ga số 2 sân bay Cát Bi, Thủ tướng cho rằng các dự án này đều phải tuân thủ theo hình thức xã hội hóa. Để tư nhân họ làm nếu họ muốn làm thì phân chia, không phải hạn hẹp gì đây mình cứ nói là ngân sách không có mà cứ giành lấy để làm là không nên. (CafeF 29/12/2016; Thời báo kinh tế Sài Gòn 29/12/2016; vfpress.vn 29/12/2016)

9. Thị trường băng đĩa nhạc, phim cuối năm: Giá rẻ vẫn ế

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm là lại thêm một mùa sôi động của thị trường băng đĩa nhạc, phim. Sự khác biệt của năm nay là mặc dù các phim hài, album ca nhạc mới liên tục được cho ra đời nhằm phục vụ nhu cầu giải trí dịp Tết, song các cửa hàng băng đĩa vẫn đìu hiu...

Đĩa lậu tung hoành

Phó chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Trần Kim Chung cho biết, đa phần băng đĩa bán ra trên thị trường hiện nay là băng đĩa in sao giá rẻ. Chỉ số ít người chơi mua đĩa giá cao đến cả triệu đồng, còn lại chỉ mua đĩa giá vài chục đến vài trăm ngàn. Câu chuyện in sao băng đĩa lậu chưa bao giờ hết “nóng” khi mà giá một chiếc đĩa DVD, VCD lậu khoảng 20.000 đồng, có nơi đĩa rẻ chỉ từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/chiếc, chỉ bằng 1/5, thậm chí có khi chỉ bằng 1/10 so với một đĩa có bản quyền. Chưa nói đến chuyện một đĩa có bản quyền được mua về, sau đó “nhân bản” và cho ra đời vô số các đĩa đời “F2”, “F3” thì một trong những “nguồn” mới chính là từ mạng internet. Rất nhiều đĩa phim, đĩa nhạc giá rẻ trên thị trường hiện nay đều có nguồn gốc từ trên mạng, được tải về rồi in sao ra bán cho người tiêu dùng.

Các loại đĩa được in sao từ nhiều nguồn kể trên có chất lượng hình ảnh, âm thanh kém hẳn so với đĩa gốc. Khách mua về xem chỉ được vài lần là xước, hỏng, kẹt, phải vứt bỏ, chưa kể những chiếc dù chưa xem để lâu cũng tự hỏng. Tuy nhiên, đôi khi người dân chỉ mua băng đĩa để thưởng thức khi nó còn đang “nóng sốt” chứ ít người mua có nhu cầu để lưu giữ lâu dài nên họ thường không quan tâm tới chất lượng...

Tự “lụi tàn”

Thời kỳ hoàng kim của các cửa hàng băng đĩa mới chỉ cách đây vài năm. Khi đó, các cửa hàng lớn trên các phố trung tâm có thể nói là quanh năm nhộn nhịp. Những người bán hàng rong thì phải đến 1/3 là đội ngũ bán băng đĩa rong tung hoành, nhất là dịp Tết. Mỗi năm 2 đợt cao điểm, lực lượng thanh tra văn hóa tiến hành thanh tra, xử phạt và tịch thu băng đĩa lậu của các cơ sở vi phạm. Có năm, lượng băng đĩa bị tiêu hủy vô cùng lớn. Những năm gần đây, các cửa hàng băng đĩa bắt đầu “lụi tàn”.

Theo con số của thanh tra sở, năm 2016, toàn thành phố chỉ còn 24 cơ sở kinh doanh băng, đĩa. Ngoài ra, người bán băng đĩa rong cũng thưa thớt hơn hẳn mấy năm trước. Một trong những nguyên nhân làm thị trường băng đĩa đìu hiu phải kể đến việc ngày nay, người xem có thể thưởng thức phim, nhạc, các sản phẩm văn hóa khác qua mạng internet, bằng smart-phone, hoặc xem truyền hình, ít ai còn mua đầu DVD về xem băng đĩa. Cho đến thời điểm này, hầu hết cơ sở kinh doanh băng, đĩa đóng cửa nghỉ kinh doanh, số còn lại hoạt động cầm chừng.

Mặc dù hoạt động của các cửa hàng băng, đĩa nhạc, phim không còn rầm rộ nhưng không vì thế mà buông lỏng quản lý. Thời gian qua, lực lượng thanh tra vẫn kiểm soát gắt gao, kiên quyết đấu tranh với tình trạng băng đĩa lậu. Năm 2016, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Phòng PA83 Công an thành phố và đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các quận, huyện tổ chức 7 lượt kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh băng, đĩa và 17 trường hợp bán đĩa rong. Kết quả, đoàn kiểm tra xử lý 23 trường hợp, tịch thu và tiêu hủy 3.085 băng, đĩa, chưa được cấp giấy phép, đĩa không có tem nhãn, nội dung khiêu dâm đồi trụy... (An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

10. Ngân hàng TMCP Bảo Việt Khai trương Phòng giao dịch Văn Cao

Sáng 28-2, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) khai trương Phòng giao dịch (PGD) Văn Cao tại số 252-254 Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền. Đây là điểm giao dịch thứ ba của BaoViet Bank tại thành phố Hải Phòng và là điểm giao dịch thứ 40 của BaoViet Bank trong toàn quốc.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng, đại diện BaoViet Bank, BaoViet Bank chi nhánh Hải Phòng cắt băng khai trương PGD Văn Cao.

PGD Văn Cao thuộc BaoViet Bank chi nhánh Hải Phòng, được xây dựng theo mô hình đa năng, hiện đại với nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính chất lượng như: dịch vụ tiền gửi, tín dụng, dịch vụ ngân hàng điện tử…góp phần đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng và mở rộng thương hiệu BaoViet Bank trên địa bàn Hải Phòng. Với mong muốn mang đến các giải pháp tài chính phục vụ tốt cộng đồng doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân, vào đầu năm 2017, BaoViet Bank tiếp tục khai trương thêm 1 PGD mới trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động của BaoViet Bank chi nhánh Hải Phòng đạt 720 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 700 tỷ đồng, trong đó gần dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp đạt gần 600 tỷ đồng.

Trong ngày khai trương, nhiều khách hàng  đến giao dịch và sử dụng sản phẩm dịch vụ của BAOVIET Bank. Nhân dịp này, ngân hàng dành tặng nhiều phần quà hấp dẫn có giá trị cho khách hàng đến giao dịch tại PGD. Trong đó, có chương trình khuyến mại “Maga Sale Xuân gắng kết -Tết tri ân 2017”. Từ  nay đến hết 28-2-2017, khách hàng gửi tiết kiệm 50 triệu đồng trở lên được nhận mã số may mắn tham dự chương trình quay số trúng thưởng với nhiều giải thưởng hấp dẫn. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

11. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước tại Hải Phòng

Từ hàng trăm Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến nay Hải Phòng chỉ còn 7 doanh nghiệp thuộc diện phải sắp xếp và chuyển đổi mô hình hoạt động. Thế nhưng, tiến độ thực hiện đối với 7 doanh nghiệp này lại rất chậm do có những đặc thù riêng cần sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Đề nghị gia hạn thời gian

Thực hiện phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011- 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, số lượng DNNN hoàn tất thủ tục cổ phần hóa (CPH) của Hải Phòng là 12/16. 12 DN này đăng lý thành lập công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hoạt động sản xuất-kinh doanh ổn định sau chuyển đổi.

Công ty Thương mại, Đầu tư và Phát triển đô thị chưa hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp do đang thực hiện nhiều dự án của thành phố, trong đó có Khu đô thị mới Ngã Năm - sân bay Cát Bi. Ảnh: Duy Lân

4 doanh nghiệp (DN) còn lại chưa hoàn thành CPH là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị; thoát nước; Quản lý và kinh doanh nhà; Thương mại, Đầu tư và Phát triển đô thị. Các doanh nghiệp này đều có những đặc thù riêng như quản lý nhiều tài sản Nhà nước, hệ thống thoát nước đô thị, đang thực hiện dự án lớn về phát triển đô thị từ hàng chục năm nay… Vì thế, tháng 8-2016, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh và gia hạn thời gian thực hiện CPH đối với 4 DN này, trong đó đề nghị giữ nguyên mô hình Công ty TNHH MTV quản lý và kinh doanh nhà; cổ phần hóa 3 DN còn lại trong giai đoạn 2016-2020. Cuối tháng 8-2016, Văn phòng Chính phủ có ý kiến đề nghị Bộ KHĐT rà soát, bổ sung 4 DN của Hải Phòng vào dự thảo quyết định thay thế quyết định 37 về tiêu chí, danh mục phân loại, sắp xếp DNNN giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Hiện cả 4 DN đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3 DN còn lại thuộc diện giải thể, phá sản là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao; Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng; Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng… Đây đều là những DN đưa vào sắp xếp từ nhiều năm nay nhưng vướng mắc khá nhiều, khó giải quyết nên các ngành và DN đều đang rất lúng túng.

Giải thể, phá sản đều khó

Thành phố, các ngành có rất nhiều cuộc họp bàn và tháo gỡ vướng mắc đối với 3 DN nằm trong diện phá sản, giải thể nêu trên nhưng chưa thể dứt điểm.

Trong đó, theo phương án giải thể do Công ty Quý Cao xây dựng, công ty cần phải có 11 tỷ đồng để cân đối tài chính, thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mới đủ điều kiện giải thể. Cụ thể, chi công tác giải thể (lương, BHXH, BHYT, chi hành chính…) khoảng 2,6 tỷ đồng; trả các khoản nợ có bảo đảm 4,56 tỷ đồng; chi trả chế độ cho người lao động 4 tỷ đồng. Trong khi đó thu từ giải thể chỉ vỏn vẹn 36 triệu đồng. Như vậy, công ty không đủ điều kiện giải thể do không bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Ngân sách thành phố không có nguồn cấp thực hiện giải thể nên UBND thành phố kiến nghị Trung ương cấp số kinh phí nêu trên, nếu không được cấp kinh phí thì đề nghị cho thực hiện phá sản. Tuy nhiên, phía công ty Quý Cao cho rằng, nếu thực hiện phá sản nảy sinh những bất cập, phức tạp khác, gây bất ổn cho địa phương  vì phần lớn diện tích đất của công ty được giao khoán, các hộ nhận đất giao khoán sinh sống ổn định và xây dựng nhà kiên cố…

Trường hợp Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng cũng nan giải không kém. Công ty được thành lập năm 2005 trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập 8 DN thuộc ngành thủy sản, nhưng kinh doanh liên tục thua lỗ, tình hình tài chính và đất đai đều có nhiều vướng mắc, khó khăn. Hiện vốn chủ sở hữu của công ty âm 58 tỷ đồng. Công ty không có Chủ tịch HĐQT, quyền Tổng giám đốc công ty đến tuổi nghỉ hưu từ tháng 10- 2015 nhưng vẫn chưa được nghỉ. Đối chiếu với những quy định hiện hành về sắp xếp DNNN, trường hợp Công ty chế biến thủy sản xuất khẩu thuộc diện phá sản. UBND thành phố chỉ đạo thực hiện theo hướng này để giải quyết dứt điểm.

Đối với Công ty XNK Hải Phòng, từ tháng 12-2011, TAND thành phố Hải Phòng có thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở phá sản đối với công ty theo đơn đề nghị phá sản của chủ nợ là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, Tòa án chưa đủ điều kiện mở thủ tục phá sản do nguyên Giám đốc công ty không bàn giao hồ sơ, tài liệu; cũng không hợp tác với các ngành chức năng; bộ máy công ty không còn nên rất khó thực hiện các thủ tục.

Như vậy, chỉ còn một số ít DN nhưng  Hải Phòng lại tốn nhiều thời gian để giải quyết, nhất là đối với các DN thuộc diện giải thể, phá sản. Sự buông lỏng quản lý về cán bộ, đất đai, về tài chính từ nhiều năm trước đang để lại những hệ lụy khó lường. Thành phố đang tích cực tự tháo gỡ, tuy nhiên nếu không có sự hỗ trợ, tháo gỡ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là về cơ chế, chính sách thì khó vẫn hoàn khó. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

XÃ HỘI

12.  Diễn tập phương án chữa cháy tại Trường đại học Y - Dược Hải Phòng

Chiều 28-12, UBND Thành phố - Cảnh sát PCCC Hải Phòng phối hợp với Trường đại học Y-Dược Hải Phòng tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khu giảng đường chính của trường tại địa chỉ số 72A đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền).•          

Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố dự buổi diễn tập.

Trong tình huống giả định, tại phòng thí nghiệm của khu giảng đường Trường đại học Y-Dược xảy ra cháy, nổ do hóa chất. Đám cháy từ phát sinh từ tầng 4 của tòa nhà 7 tầng. Lực lượng chữa cháy cơ sở nhanh chóng sử dụng các bình chữa cháy xách tay dập lửa, nhưng do gặp hóa chất, ngọn lửa lan nhanh, không thể kiểm soát. 

Nhận được tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC lập tức điều động 6 xe chữa cháy chuyên dụng, 3 xe thang cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy.

Lực lượng chữa cháy chia thành 6 mũi nhanh chóng triển khai mũi lăng vòi vừa phun nước làm mát mặt ngoài tòa nhà, vừa tổ chức cứu nạn, đưa nạn nhân từ tầng 4 xuống trại cấp cứu dã chiến. Sau 20 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Đồng chí Lê Khắc Nam khẳng định, là cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, tập thể cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường đại học Y-Dược Hải Phòng cần tập trung xây dựng, củng cố lực lượng PCCC tại chỗ.

Ngoài giờ học tập, mỗi giảng viên, sinh viên cần phải chủ động bổ sung kiến thức PCCC để ngăn ngừa hiệu quả các nguy cơ cháy nổ, hạn chế thiệt hại trong trường hợp xảy ra cháy. Cảnh sát PCCC phải duy trì lực lượng, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCCC cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. (Công an nhân dân 29/12/2016)

13.  Hồ nước xanh được mệnh danh 'Tuyệt Tình Cốc' ở Hải Phòng hút hồn dân phượt

 Hồ nước màu xanh độc đáo tọa lạc ở thôn Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đang là điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều phượt thủ.

Xuất phát từ một vài hình ảnh được chia sẻ trên một nhóm phượt uy tín, hồ nước màu xanh ở thôn Trại Sơn, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng bỗng dưng trở nên nổi tiếng và được rất nhiều người mê xê dịch tìm đến để “sống ảo”.

Hồ nước này được gọi là hồ Cổ Yếm, rộng khoảng 20ha, có màu xanh ngăn ngắt được bao bọc bởi dãy núi đá vôi Trại Sơn. Về nguyên nhân khiến hồ có màu xanh độc đáo là bởi trước đây khu vực này khai thác đá làm xi măng và vật liệu xây dựng. Sau đó một số doanh nghiệp dùng thuốc nổ, máy móc để khai thác đá âm khiến chân núi đá bị đào sâu xuống 30-40m. Các hồ nước này theo thời gian chứa nước mưa và ảnh hưởng của núi đá vôi lẫn hóa chất có trong thuốc nổ nên chuyển màu xanh đẹp mắt. Theo người dân địa phương, màu xanh của hồ nước còn thay đổi theo màu mây trời.

Từ khi được biết đến, hồ nước xanh trở thành địa điểm ai ai cũng muốn ghé qua để chứng thực và check-in. Ban đầu, nhiều người không tin tưởng và cho rằng màu xanh lung linh kia chỉ có trong photoshop. Tuy nhiên khi đã tận mắt chứng kiến, hồ nước xanh khiến mọi người ngỡ ngàng vì sự “vi diệu” có 1-0-2.

Gần đây, nơi này thu hút đông đảo dân phượt tới khám phá, không chỉ người dân địa phương mà còn cả những người ở xa tới, không chỉ tấp nập vào ngày cuối tuần mà còn cả những ngày trong tuần. Theo chia sẻ của Facebooker Vô Diện: "Mặc dù hồ có tên gọi là Cổ Yếm nhưng nhiều người hay gọi vui nơi này là “Tuyệt Tình Cốc” của Hải Phòng".

Con đường dẫn vào hồ nước xanh này khá bụi nhưng vẫn không ngăn được bước chân của những người yêu cái đẹp và mê xê dịch. Có người còn chọn nơi đây là địa điểm cắm trại cùng bạn bè kết hợp với chụp lại những bức ảnh đẹp lung linh. Nơi đây cũng là địa điểm cho ra đời những bức ảnh “sống ảo" cực chất của nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, Facebooker Vô Diện cũng cho biết hồ nước khá sâu nên du khách khi đến đây cần chú ý an toàn, tự bảo vệ mình và không đi ra quá xa hồ nước chụp ảnh để tránh những tai nạn không đáng có. (Pháp luật Plus 29/12/2016; Báo Hải Phòng 29/12/2016)

14. Thí điểm nhắn tin thông báo, đôn đốc thu nợ bảo hiểm: Kết quả khích lệ

Nhằm kịp thời cung cấp thông tin về tình hình nợ đọng, thu, nộp Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm tự nguyện (BHTN) và hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động khai thác các nội dung tuyên tuyên truyền, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, BHXH thành phố phối hợp VNPT Hải Phòng triển khai gửi tin nhắn định kỳ tới các đơn vị sử dụng lao động.

Bắt đầu từ tháng 11-2016, Phòng thu (BHXH thành phố), BHXH quận Hồng Bàng và BHXH quận Kiến An thực hiện thí điểm nhắn tin thông báo số nợ BHXH, BHYT tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Thông tin về số tiền nợ được BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện chuyển cho VNPT Hải Phòng để nhắn trực tiếp vào số điện thoại di động của giám đốc, kế toán trưởng và nhân viên phụ trách BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó, giúp các đơn vị, doanh nghiệp nắm được số nợ và có trách nhiệm chỉ đạo bộ phận chức năng thực hiện trích đóng theo đúng quy định pháp luật. Để nhận được các tin nhắn thông báo, các đơn vị sử dụng lao động cung cấp cho cơ quan BHXH 3 số điện thoại di động (thuộc các mạng: Vinaphone, Mobifone hoặc Viettel) của người đứng đầu đơn vị, kế toán trưởng và cán bộ trực tiếp phụ trách công tác BHXH.

Theo đó, việc nhắn tin được thực hiện theo chu kỳ mỗi tháng 3 lần và cố định ngày nhắn. Ngày mồng 5 hằng tháng nhắn thông báo nợ tháng trước; ngày 20 hằng tháng nhắn thông báo lại nợ tháng trước (nếu còn nợ) và số phát sinh trong tháng; ngày 25 nhắc lại thông báo của ngày 20.

Tháng đầu thực hiện thí điểm, Phòng thu (BHXH thành phố) chuyển cho VNPT Hải Phòng danh sách 288 đơn vị nợ BHXH, BHYT; BHXH quận Hồng Bàng và quận Kiến An gửi danh sách khoảng 885 đơn vị nợ. Tuy nhiên, bước đầu VNPT Hải Phòng mới thực hiện nhắn tin nội mạng tới 9 đơn vị do Phòng Thu quản lý, 18 đơn vị do BHXH quận Kiến An quản lý và 106 đơn vị do BHXH quận Hồng Bàng quản lý. VNPT Hải Phòng cũng đang làm việc với các doanh nghiệp viễn thông khác để trong tháng 12-2016 thực hiện nhắn tin cho những số điện thoại ngoại mạng.

Việc nhắn tin mang lại kết quả đáng khích lệ, trong tháng đầu có 3 đơn vị do Phòng Thu quản lý chuyển nộp 200 triệu đồng; 3 đơn vị ở quận Kiến An chuyển nộp 226 triệu đồng và 32 doanh nghiệp ở Hồng Bàng nộp hơn 2 tỷ đồng. Phó giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Lộc khẳng định: Việc gửi tin nhắn thông báo về tình hình thu nộp BHXH, BHYT, BHTN tới các đơn vị sử dụng lao động thể hiện sự nỗ lực của ngành BHXH nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đồng hành và hỗ trợ các đơn vị trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Từ đó giúp các đơn vị sử dụng lao động biết được tình hình tham gia BHXH, BHYT, BHTN và có trách nhiệm chỉ đạo bộ phận có liên quan thực hiện trích đóng theo đúng quy định của pháp luật. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

15. Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã: Chủ động phối hợp giữa các tuyến

Nhân sự vừa thiếu vừa yếu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nghèo nàn, danh mục thuốc quá “khiêm tốn” khiến các trạm y tế (TYT) tuyến xã dường như không có người bệnh đến khám, nhất là từ khi thực hiện quy định thông tuyến KCB BHYT.

Người có thẻ BHYT chưa tin tưởng

Trạm y tế xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) là nơi có số thẻ đăng ký KCB BHYT ban đầu cao nhất trong các trạm y tế xã trên địa bàn thành phố, với hơn 2.000 đầu thẻ. Tuy nhiên, số người có thẻ BHYT đến khám bệnh chưa đạt 30%. Chị Nguyễn Thị Hằng, xóm 2, xã Kiến Thiết cho biết: “Tôi làm công nhân, giờ giấc đi làm rất nghiêm ngặt, mặc dù có thẻ BHYT nhưng tôi thường đến các phòng khám tư vì máy móc, thiết bị hiện đại, khám vừa nhanh lại thuận tiện hơn. Trạm y tế xã thực sự chưa đáp ứng nhu cầu của người dân”. Theo các y, bác sĩ tại trạm thì trạm chủ yếu phục vụ các đợt tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Nếu có người đến khám cũng chỉ là các bệnh thông thường, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người bệnh là chính.

Bác sĩ Nguyễn Đình Cương, Trưởng Trạm y tế xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) cho biết, nhiều người nhà ở gần trạm nhưng hằng tháng vẫn đến Bệnh viện Kiến An hoặc Bệnh viện đa khoa huyện Kiến Thụy để khám bệnh, nhất là trường hợp phụ nữ mang thai, do tâm lý nhiều người e ngại, thiếu tin tưởng vào nhân viên tại trạm. Một số trạm y tế xã Quốc Tuấn, An Thái (huyện An Lão); trạm y tế xã Thủy Triều, Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) được đầu tư sửa chữa, nâng cấp khang trang, đội ngũ y, bác sĩ tay nghề cao nhưng vẫn không “hút” được người bệnh. Bởi tâm lý chung của người bệnh thích lên tuyến trên để hưởng chất lượng dịch vụ KCB tốt hơn, kể cả mất thêm tiền.

Thực tế cho thấy, việc KCB tại TYT xã được quỹ BHYT thanh toán 100% (không cùng chi trả) nhưng phần lớn người có thẻ BHYT chưa “mặn mà” với việc KCB tại tuyến cơ sở. Hiện, xảy ra tình trạng đăng ký KCB BHYT ban đầu không đồng đều, nơi luôn trong tình trạng quá tải, nơi heo hút, vắng vẻ. Người dân còn thiếu tin tưởng đội ngũ bác sĩ tại TYT xã, nhân lực thiếu, yếu, không ổn định; thuốc tại các TYT xã ít, sơ sài, thiếu máy móc, trang thiết bị. Các TYT xã có đông người dân đến khám chủ yếu thuộc các huyện vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo không có phòng khám đa khoa khu vực, giao thông không thuận tiện như: Cát Hải, Vĩnh Bảo…

Hiện, trên địa bàn thành phố có 151 TYT xã, 70 TYT phường, 10 TYT thị trấn. Năm 2015, Sở Y tế Hải Phòng công nhận 121 TYT xã, thị trấn thuộc 8 huyện đủ điều kiện đăng ký KCB BHYT ban đầu năm 2016. Trong đó, có 57 TYT xã thực hiện ký hợp đồng KCB BHYT với bệnh viện đa khoa huyện và được giao quỹ KCB.

Tích cực phối hợp

Phó giám đốc BHXH thành phố Đào Xuân Hải cho biết: Hằng năm, BHXH thành phố phối hợp Sở Y tế thành phố rà soát số bàn khám, nhân lực, quy mô, trang thiết bị, cơ cấu thẻ BHYT của các địa phương. Từ đó, tính số lượng thẻ phù hợp từng cơ sở. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2016 triển khai thông tuyến KCB BHYT, việc tính toán, phân bổ đầu thẻ BHYT từng địa phương không phát huy tác dụng, vẫn xảy ra tình trạng tuyến trên quá tải, tuyến dưới “vắng vẻ”. Vì vậy, BHXH thành phố chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh của xã, phường, hướng dẫn mọi người đăng ký KCB ban đầu về TYT xã.

Thời gian tới, nhằm bảo đảm quyền lợi người có thẻ BHYT tại tuyến cơ sở, BHXH thành phố và Sở Y tế thành phố tăng cường công tác phối hợp. Theo đó, Sở Y tế thành phố chỉ đạo các bệnh viện huyện, trung tâm y tế thực hiện việc ký hợp đồng  KCB  BHYT năm 2017 với các trạm y tế xã đủ điều kiện đăng ký KCB ban đầu; tăng cường đầu tư trang thiết bị, con người cho TYT xã; đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, đồng thời, thực hiện luân chuyển cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Trạm y tế xã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. BHXH thành phố chỉ đạo BHXH huyện rà soát, bám sát tình hình phát triển người tham gia BHYT tại các địa phương, xây dựng, đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT phù hợp trường hợp hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát huy vai trò của đại lý thu BHYT, trạm trưởng trạm y tế xã vận động, nêu cao nhận thức người dân trong trường hợp bệnh có thể chữa được tại TYT hạn chế lên tuyến trên, tiết kiệm thời gian, tiền bạc… (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

16. Hải Phòng có 2 đại biểu trong BCH Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga lần thứ 5 nhiệm kỳ 2016-2021

Tham dự Đại hội đại biểu lần thứ 5 Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga nhiệm kỳ 2016-2021 vừa diễn ra tại Hà Nội, Hải Phòng có 4 đại biểu. Trong đó, 2 đại biểu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga lần thứ 5 nhiệm kỳ 2016-2021. Đó là đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch và đồng chí Phí Văn Lực, Phó chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt –Nga thành phố Hải Phòng. Đại hội bầu ông Trần Bình Minh làm Chủ tịch Hội.

Các đại biểu của Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố cùng các đại biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ 5 Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga nhiệm kỳ 2016-2021.

Năm 2016, Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố Hải Phòng có nhiều hoạt động kiện toàn công tác tổ chức hội. Trong đó có việc tiến hành hoàn thiện các chi hội thành viên tại Chi hội Trường THPT chuyên Trần Phú, Trường đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Hải Phòng, Công an thành phố, Viện Kỹ thuật Hải quân và Chi hội hữu nghị Việt – Nga quận Kiến An. Cùng thời gian này, Hội tổ chức một số hoạt động giao lưu, giao ban trong hệ thống hội từ Trung ương đến các địa phương. Trong đó có hoạt động giao lưu với Hội những người Việt Nam sống và làm việc tại Nga và Liên Xô trước đây của thành phố. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

17. Thêm 3.595 lao động tham gia bảo hiểm

Triển khai Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND thành phố về việc kiểm tra, rà soát, phát triển đối tượng tại các đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tính đến ngày 15-12, Đoàn kiểm tra của BHXH thành phố đã thực hiện rà soát được 8.701 đơn vị, doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 84,48% so với tổng số đơn vị.

Sau khi rà soát đã phát triển được 3.595 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại 541 đơn vị, doanh nghiệp. Còn lại 5.892 đơn vị không tìm thấy địa chỉ (không có trụ sở hoạt động), dừng hoạt động...; 105 đơn vị không nhận phiếu khảo sát, không phối hợp với đoàn khảo sát để thực hiện; 1.940 đơn vị chưa làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (những đơn vị này chủ yếu là những đơn vị nhỏ, sử dụng dưới 10 lao động).

Ngoài ra, BHXH thành phố phối hợp với với tổ chức Công đoàn các cấp hoàn thiện các thủ tục về hồ sơ để tiến hành khởi kiện 30 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ra tòa; phối hợp với Thanh tra thành phố triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại 71 đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về Lao động, BHXH, BHYT, sau khi công bố Quyết định thanh tra, tính đến ngày 15-12, đã có 49/71 đơn vị nộp với số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN là trên 24 tỷ đồng... (An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

18. Ứng dụng công nghệ điện mặt trời nối lưới tại Hải Phòng

Sở KH&CN Hải Phòng, Hội đồng KH&CN cấp thành phố vừa tổ chức tư vấn, đánh giá, nghiệm thu dự án ứng dụng "Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ điện mặt trời nối lưới (SIPV) tại thành phố Hải Phòng". Dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng thực hiện.

Dự án được triển khai trên cơ sở tiếp nhận 2 quy trình công nghệ (quy trình tính toán thiết kế kỹ thuật mô hình trạm điện mặt trời nối lưới và quy trình lắp đặt, vận hành, bảo trì hệ thống mô hình trạm điện mặt trời nối lưới) được chuyển giao từ Viện Khoa học Năng lượng (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Dự án đã tiến hành lắp đặt và thử nghiệm 2 mô hình điện mặt trời nối lưới với công suất 5 kWp/mô hình (gồm 20 tấm pin mặt trời, công suất 250 Wp/tấm).

Mô hình 1 được triển khai tại Vườn ươm thực nghiệm công nghệ sinh học (số 1 xóm Trung, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) – đây là cơ sở sản xuất nhỏ, có mái dốc (mái tôn, ngói), diện tích lắp đặt pin mặt trời là 38 m2. Mô hình 2 thực hiện tại trụ sở làm việc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng (số 276B nhà A10 Đồng Tâm, Lạch Tray, Hải Phòng) – đại diện cho trụ sở nhà hành chính có mái là sàn bê tông trên tầng cao, diện tích lắp đặt pin mặt trời là 32 m2.

Kết quả thực nghiệm cho thấy, 2 mô hình hoạt động và phát điện ổn định.

Trong thời gian 9 tháng, từ tháng 2-10/2016, trạm điện mặt trời đặt tại trụ sở làm việc của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hải Phòng đã phát lên điện lưới 2673,9 kWh, trung bình phát 10 kWh/ngày. Trạm điện mặt trời tại Vườn ươm thực nghiệm công nghệ sinh học phát lên điện lưới 2416,7 kWh, trung bình phát 9 kWh/ngày.

Tính toán hiệu quả kinh tế, 2 mô hình giúp tiết kiệm 13,61 triệu đồng tiền điện/năm (giá 1.800 đ/kWh).

Theo các chuyên gia, nếu được tính toán triển khai nhân rộng, dự án sẽ góp phần tạo diện mạo văn minh, hiện đại cho Thành phố trong tương lai. (vfpress.vn 29/12/2016)

19. Tuổi trẻ Hải Phòng tham gia "Tình nguyện mùa đông" tại 3 tỉnh miền Trung

Từ 25 đến 27-12, Thành đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức chương trình “Tình nguyện mùa đông” năm 2016 tại 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị. Chương trình thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên các quận, huyện đoàn, các trường đại học, cao đẳng và THPT trên địa bàn thành phố tham gia.

Vượt chặng đường dài gần 700km, đoàn công tác đến thăm và trao thầy trò Trường tiểu học Quảng Thủy, Trường THCS Quảng Văn, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) hơn 2.000 cuốn vở, 3 chiếc máy in, 10 bộ máy vi tính mới và nhiều vật phẩm khác với tổng giá trị 137 triệu đồng. Đến thăm xã Quảng Văn (Quảng Bình), đoàn công tác trao 20 suất quà trị giá 20 triệu đồng tặng người dân khó khăn tại đây, trao 1 nhà Khăn quàng đỏ trị giá 30 triệu đồng tặng đội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Các đoàn viên, thanh niên thành phố Cảng nghe giới thiệu về những chiến công vẻ vang, hào hùng của quân dân miền Trung trong hai cuộc chiến tranh.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, đoàn đến thăm, đặt vòng hoa viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, di tích Ngã 3 Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị. Chương trình tình nguyện mùa đông 2016 là hoạt động về nguồn thường niên đầy ý nghĩa, nhằm giáo dục thế hệ trẻ Hải Phòng tiếp bước truyền thống các thế hệ cha anh đi trước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, nghĩa tình của những người đang sống đối với người đã khuất. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

20. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67

Thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, đến nay, thành phố Hải Phòng đã phê duyệt 44 tàu được đóng mới cho ngư dân, gồm 36 tàu khai thác và 8 tàu dịch vụ hậu cần thuỷ sản.

Các tàu cá đều được trang bị hiện đại, công suất máy chính trên 800 CV, đáp ứng yêu cầu đánh bắt khai thác xa bờ. Trong thời gian tới, chính quyền các địa phương tại Hải Phòng tiếp tục tổ chức gặp gỡ ngư dân, cơ sở đóng tàu và ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện để các tàu còn lại sớm hoàn thiện, đi vào hoạt động. (Thông tấn xã Việt Nam 29/12/2016)

21. Điều chỉnh Khu nhà ở Đồng Quốc Bình: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

Sáng 28-12, Viện Quy hoạch phối hợp với UBND phường Đồng Quốc Bình tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về điều chỉnh cục bộ khu nhà ở Đồng Quốc Bình trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Ngô Quyền đến năm 2025.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã được nghe giới thiệu nội dung Đồ án quy hoạch và tham gia vào phiếu lấy ý kiến cộng đồng. Trên cơ sở hệ thống văn bản, số liệu thống kê tại các địa phương, Đoàn Thanh tra sẽ kiểm tra thực địa, phát hiện những vướng mắc, tồn tại của cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư tham gia đóng góp ý kiến vào Đồ án quy hoạch theo quy định của pháp luật. Thông qua ý kiến của cộng đồng dân cư, chủ đầu tư và đơn vị nghiên cứu sẽ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện đồ án.

Trước đó, Viện Quy hoạch đã bố trí bản vẽ trưng bày và nội dung giới thiệu đồ án để cộng đồng dân cư tìm hiểu kỹ trước khi tham gia đóng góp ý kiến. (An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

22.  Thanh tra việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở

Thực hiện Quyết định số 2127 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tại 7 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Trên cơ sở hệ thống văn bản, số liệu thống kê tại các địa phương, Đoàn Thanh tra sẽ kiểm tra thực địa, phát hiện những vướng mắc, tồn tại của cơ chế, chính sách trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoặc kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm, nhất là việc sử dụng gói hỗ trợ vốn vay phát triển nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng.

Tại Hải Phòng, Đoàn Thanh tra cho biết sẽ tập trung vào các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở cho sinh viên và người có công. (An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

23. Quận đoàn Hồng Bàng tổng kết công tác Đoàn năm 2017

Chiều 27-12, Quận Đoàn Hồng Bàng tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2016, triển khai nhiệm vụ, ký giao ước thi đua năm 2017.

Năm 2017, Quận Đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi; bồi dưỡng chăm lo cho các thế hệ đoàn viên thanh niên, thiếu nhi phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017; thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố lần thứ 13, nhiệm kỳ 2017-2022. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi bằng nhiều hoạt động đa dạng, sáng tạo, phù hợp với từng nhóm đối tượng…

Đại diện 5 khối: Hành chính sự nghiệp - Trường học - Phường - Doanh nghiệp - Lực lượng vũ trang trên địa bàn quận Hồng Bàng ký giao ước thi đua năm 2017.

Cũng tại hội nghị, đại diện 5 khối: Hành chính sự nghiệp - Trường học - Phường - Doanh nghiệp - Lực lượng vũ trang trên địa bàn quận Hồng Bàng ký giao ước thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra trong năm 2017.

Nhân dịp này, 4 tập thể, 5 cá nhân được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 2 tập thể, 2 cá nhân được nhận bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; Thành đoàn khen thưởng 10 tập thể, 10 cá nhân; Hội LHTN Việt Nam thành phố khen thưởng 4 tập thể, 4 cá nhân. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

24. Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố sẽ diễn ra giữa năm 2017

Đây là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017 sẽ được Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố xác định trong cuộc họp tổng kết hoạt động hội năm 2016 và thống nhất phương hướng, hoạt động năm 2017. Cuộc họp vừa diễn ra tại văn phòng Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Hải Phòng (số 15 phố Trần Hưng Đạo).

Năm 2016, Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố tiếp tục duy trì các hoạt động góp phẩn thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân. Theo đó, mối quan hệ với Trung ương Hội Nga – Việt được duy trì nhằm từng bước thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Moskva. Đồng thời khôi phục lại quan hệ kết nghĩa giữa Hải Phòng và thành phố Vladivostok có từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với thành phố Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga).

Đoàn của Hội hữu nghị Nga – Việt thăm Hải Phòng nhân tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi trong cuộc thi vẽ quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Em vẽ về nước Nga, em vẽ về Việt Nam”.

Với các hoạt động giao lưu hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật văn hóa thể thao, du lịch, Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố tích cực góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Nga thông qua việc tiếp tục hỗ trợ phát triển mối quan hệ hợp tác, giao lưu thường niên giữa Trường THPT chuyên Trần Phú và Trường PTTH 863 Moskva. Bên cạnh đó, Hội phát huy vai trò tích cực trong các hoạt động lễ tân, đối ngoại, đón các đoàn công tác từ nước Nga tới thăm Hải Phòng. Trong đó có đoàn của Hội hữu nghị Nga – Việt thăm Việt Nam nhân tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi trong cuộc thi vẽ quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Em vẽ về nước Nga, em vẽ về Việt Nam”; đoàn công tác của Chủ tịch Hội hữu nghị với Việt Nam khu Primore (Liên bang Nga)…

Năm 2017, Hội hữu nghị Việt – Nga thành phố tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc tổ chức đại hội Hội hữu nghị Việt – Nga nhiệm kỳ 2017-2022. Tổng thư ký Hội Nguyễn Đức Hoạt cho biết, mục tiêu của đại hội để ra là, trong nhiệm kỳ tới, Hội tiếp tục củng cố kiện toàn Ban chấp hành theo hướng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Hội, kiện toàn hoạt động của Hội để kịp thời đáp ứng với yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.

Đặc biệt, trong năm 2017, Hội chủ trì và tham gia nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga và 45 năm thành lập Hội hữu nghị với Việt Nam khu Primore trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, các hoạt động thường xuyên trong công tác duy trì mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển sẽ được được song song thực hiện. Như tiếp tục phát triển một số chi hội và hội viên ở các cơ sở, duy trì trao đổi phái đoàn giáo viên và học sinh giữa Trường THPT chuyên Trần Phú và Trường PTTH 863 Moskva. Đồng thời, Hội phối hợp với thành phố thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Moskva, thành phố Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga). (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

25.  Hội thảo xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản

Chiều 27-12, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp Sở Tư pháp thành phố tổ chức hội thảo khoa học “Xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản (BĐGTS) trên địa bàn thành phố Hải Phòng”. Tiến sĩ Võ Đình Toàn, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và đồng chí Trần Quang Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có cán bộ Viện Khoa học pháp lý, đại biểu Sở Tư pháp Hà Nội, Hải Dương, lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố và đại diện các doanh nghiệp BĐGTS tại Hải Phòng.

Thực hiện xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, thành phố có 8 tổ chức BĐGTS với 16 đấu giá viên. Sự ra đời của các doanh nghiệp BĐGTS từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực dịch vụ BĐGTS, hướng tới chuyên nghiệp hóa, phục vụ đắc lực cho nhu cầu BĐGTS nhà nước, tài sản của các tổ chức, cá nhân. Các tham luận tại hội thảo đánh giá nhu cầu xã hội hóa hoạt động BĐGTS cũng như công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Luật Bán đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017 là cơ sở để các tổ chức BĐGTS hoạt động. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

VĂN HÓA

26. Sông Tam Bạc khi Đông về...

Đông về, ngắm sông Tam Bạc (một nhánh của sông Lạch Tray đổ vào sông Cấm) và những nhịp thở thường ngày của người dân đất Cảng quanh con sông thơ mộng để thấy yêu hơn đất và người Hải Phòng mộc mạc, chân thành nhưng cũng thật lãng mạn.

Hình thành vào năm 1886, sông đào Tam Bạc khi ấy là tuyến giao thông thủy quan trọng của cửa ngõ Hải Phòng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đây cũng là điểm giao thương đường sông nổi tiếng của Hải Phòng và các địa phương lân cận giai đoạn đó. Sông Tam Bạc là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài thành phố. Con sông này được cải tạo mỗi ngày càng sạch đẹp, tạo không gian thoáng đãng khu vực cửa ngõ thành phố. Chỉ tiếc vẫn chưa được khai thác hiệu quả trong hành trình gìn giữ và phát huy nét đẹp của con sông xưa trong các tour, tuyến du lịch nội thành. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

27. Thiếu vắng chương trình nghệ thuật nước ngoài

Sự thành công của mỗi buổi biểu diễn nghệ thuật nước ngoài để lại ấn tượng cho khán giả thành phố Hải Phòng không chỉ ở phong cách, chất lượng biểu diễn nghệ thuật mà còn ở sự chuyên nghiệp, chu đáo của ban tổ chức. Tuy nhiên, dường như số lượng những chương trình đặc sắc như vậy còn ít so với nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Ở Hải Phòng, những chương trình nghệ thuật nước ngoài diễn ra chủ yếu tại Nhà hát thành phố. Trong vài năm trở lại đây, khán giả Hải Phòng đã từng được tìm hiểu nhiều nét văn hóa độc đáo của các nước trên thế giới qua chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật nước ngoài tại đây như: đoàn nghệ thuật múa dân gian Asayel - Palestine, đoàn nghệ thuật múa ba lê Rakatan - Cuba, đoàn nghệ thuật Bollywood - Ấn Độ, đoàn nghệ thuật Venezuela, đoàn nghệ thuật dân gian Nuba Drums - Ai Cập, đoàn múa Sugenami - Nhật Bản, chương trình biểu diễn của ban nhạc Rock Gable - Pháp, ban nhạc Fotos và Aufbau West - Đức, ban nhạc “Jari và Taika” - Phần Lan…

Phải khẳng định, đây đều là những chương trình nghệ thuật chất lượng, tăng cường sự hiểu biết và giao lưu văn hóa giữa Hải Phòng và các tỉnh, thành phố, các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trung bình một năm cũng chỉ diễn ra từ 3-4 chương trình như vậy.

Trong năm 2016, tại Nhà hát thành phố chỉ diễn ra 2 chương trình của đoàn nghệ thuật nước ngoài là: chương trình biểu diễn múa rối của đoàn nghệ thuật Nhật Bản và đoàn hợp xướng thiếu nhi Hàn Quốc. Liên tục trong các năm trước, vào dịp giáng sinh, Viện Goethe cũng tổ chức chương trình Hòa nhạc mừng đón mùa lễ và năm mới nhưng vừa qua, khán giả Hải Phòng đã không có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật hàn lâm như vậy.

Tại Hải Phòng, Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật phối hợp với Cục nghệ thuật biểu diễn, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa - Thể thao và các đơn vị khác mời đón các đoàn nghệ thuật nước ngoài về biểu diễn. Mỗi chương trình đều để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Không chỉ đến để xem, để nghe mà khán giả còn hòa mình, tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ. Có những chương trình, cả khán phòng đều đứng dậy vỗ tay và cùng lắc lư, uyển chuyển theo những vũ điệu trên sân khấu.

Từng được đến Nhà hát thành phố để xem chương trình biểu diễn của đoàn nghệ thuật dân gian của nước Panama, bạn Nguyễn Thu Hiền, sinh viên Trường đại học Hải Phòng cho biết: “Được phát vé mời đi xem, mình rất thích thú với chương trình. Mình rất muốn có nhiều dịp được xem nghệ thuật nước ngoài như thế này hơn nữa”. Đúng là như vậy, các chương trình nghệ thuật nước ngoài tại Hải Phòng hầu như đều được phát vé mời đến các cơ quan, trường học, tổ chức hội hoặc khán giả liên hệ với ban tổ chức để nhận vé mời. Bởi vậy, rất cần sự tăng cường quảng bá trước khi mỗi chương trình diễn ra.

Được biết, để tổ chức một chương trình nghệ thuật nước ngoài phải mất nhiều thời gian và thủ tục hơn so với một chương trình nghệ thuật trong nước, chưa kể đến là yếu tố kinh phí.

Các chương trình được thực hiện bằng ngân sách và chỉ phát vé mời, miễn phí. Như vậy, chuyện vắng bóng những chương trình nghệ thuật nước ngoài cũng là điều dễ hiểu và khán giả chờ mong các cơ quan chức năng sẽ khắc phục, đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, để công chúng Hải Phòng đến gần hơn với nghệ thuật của thế giới. (An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

THỂ THAO

28.  Bầu chọn VĐV tiêu biểu Hải Phòng: Sự áp đảo của lực lượng trẻ

VĐV được coi là “già nhất” trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu Hải Phòng năm 2016 là cô gái vàng của TDDC Phan Thị Hà Thanh mới ở tuổi 25. Trong khi đó, VĐV trẻ nhất trong danh sách đề cử là Nguyễn Tùng Dương của môn nhảy cầu mới 16 tuổi. Trong số 18 VĐV được đề cử, phần lớn đều đã là kiện tướng cấp quốc gia và sở hữu những thành tích ở giải vô địch quốc gia, quốc tế cũng như mới chạm ngưỡng ở tuổi 20. Sự áp đảo của các VĐV trẻ trong cuộc bầu chọn chính là tín hiệu đáng mừng cho thể thao thành tích cao Hải Phòng...

Phan Thị Hà Thanh là cái tên khó có thể vượt qua trong cuộc bầu chọn bởi cô gái vàng của thể thao Hải Phòng đã tiếp cận trình độ thế giới khi có mặt trong thành phần đội tuyển TDDC Việt Nam dự Olympic cùng những thành tích quốc tế ấn tượng. Hà Thanh là cái tên quen thuộc dẫn đầu trong những cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc và Hải Phòng trong những năm gần đây.

Và sự có mặt của số đông các VĐV trẻ trong danh sách đề cử năm 2016 là một tín hiệu vui cho thể thao thành tích cao Hải Phòng. Trong số 18 VĐV được đề cử tại cuộc bình chọn, có tới 11 VĐV từ 20 tuổi trở xuống có thành tích xuất sắc ở các môn: bơi, điền kinh, nhảy cầu, pencak silat, bắn súng...

Đây là những nhân tố mới của thể thao Hải Phòng với thành tích xuất sắc trong năm 2016. VĐV trẻ nhất mới 16 tuổi như Nguyễn Tùng Dương sinh năm 2000 nhưng đã sở hữu bộ sưu tập huy chương rất ấn tượng: 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ cá nhân và 1 HCV đồng đội giải Vô địch quốc gia. Hoặc VĐV Pencak Silat Phạm Thị Tươi giành được những thành tích đáng nể cả đấu trường trong nước và quốc tế: 1 HCV giải Vô địch thế giới, 1 HCV giải Vô địch châu Á, 1 HCV giải Vô địch Đông Nam Á và 1 HCV Vô địch quốc gia. Ngoài ra, có rất nhiều VĐV tiềm năng như Vũ Đức Anh môn nhảy cao, Nguyễn Ngọc Triển môn bơi, Thanh Thùy môn boxing, Phạm Quang Huy môn bắn súng, Ngô Thị Quyên môn cử tạ...

Không thua kém các đàn em, những VĐV kỳ cựu của thể thao Hải Phòng như Thanh Thảo môn đua thuyền, Văn Hùng môn đấu kiếm, Hoàng Thị Loan môn pencak silat, Phạm Hồng Thủy môn cử tạ hay Hoàng Văn Nam môn vật, Việt Anh môn Sport Aerobic... đều giành những thành tích thuyết phục trong năm 2016. Tuy được đánh giá là những VĐV kỳ cựu nhưng tuổi đời của họ còn khá trẻ và đều dưới 25 tuổi. Họ chính là người dẫn đường tốt nhất cho thế hệ VĐV trẻ Hải Phòng nâng cao thành tích, khẳng định thương hiệu của thể thao Hải Phòng ở đấu trường trong nước và quốc tế.

Số lượng VĐV trẻ áp đảo trong danh sách đề cử VĐV tiêu biểu của thể thao Hải Phòng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi đây là nền tảng cho thể thao thành tích cao thành phố, nhất là trong giai đoạn nước rút chuẩn bị cho Sea Games 2017 cũng như Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018. (An ninh Hải Phòng 29/12/2016)

29.  10 vận động viên tiêu biểu Hải Phòng năm 2016: Nguyễn Thị Tươi là số 1

Cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu Hải Phòng năm 2016 do Sở Văn hóa và Thể Thao – Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức nhằm tôn vinh các VĐV thể thao đỉnh cao đất Cảng. Ở cuộc bầu chọn năm thứ 13 này đã mang đến kết quả bất ngờ khi ngôi vị số 1 thuộc về VĐV của môn thể thao ngoài Olympic.

Năm 2016 đánh dấu bước thụt lùi của thể thao đỉnh cao Hải Phòng khi 24 môn thể thao chỉ mang về 17 HCV tại các giải vô địch quốc gia, trong khi chỉ tiêu phấn đấu là 18 HCV. Đây là số lượng HCV thấp chưa từng thấy và thể thao Hải Phòng không còn là trung tâm mạnh của thể thao thành tích cao Việt Nam. Chính vì thế lá phiếu bình chọn của các phóng viên đã mang đến kết quả ngôi số 1 thuộc về môn nằm ngoài Olympic là Pencak Silat (môn võ thuật của Indonesia). Không chỉ có vậy, Pencak Silat còn góp 2 VĐV trong số 10 VĐV tiêu biểu nhất.

Kết quả bình chọn này hoàn toàn không bất ngờ khi các môn thể thao Olympic của Hải Phòng có bước thụt lùi đến lo ngại. Ngay ngôi sao thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh nhiều năm ở vị trí số 1 đã bị rơi xuống vị trí thứ hai. Tuy nhiên, trong cái xuống chung đó đã nổi lên nhảy cầu (môn cơ bản Olympic) khi đội tuyển nhảy cầu Hải Phòng giành 2 HCV (vượt chỉ tiêu 1 HCV) và lần đầu tiên có VĐV góp mặt trong tốp 10 VĐV xuất sắc nhất.

Bên cạnh nhiều môn thể thao Olympic không có VĐV lọt tốp 10 thì bóng đá Hải Phòng một năm rất thành công với ngôi á quân V-League 2016, có 3 cầu thủ được đề cử nhưng không cầu thủ nào lọt danh sách 10 VĐV tiêu biểu Hải Phòng 2016.

Kết quả cụ thể

1-Nguyễn Thị Tươi (Pencak Silat) 125 điểm

2-Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ) 90 điểm

3-Đỗ Thị Thanh Thảo (Canoeing) 86 điểm

4-Hoàng Văn Nam (vật) 84 điểm

5-Hoàng Thị Loan (Pencak Silat) 75 điểm

6-Lâm Thị Bích (cử tạ) 66 điểm

7-Nguyễn Tùng Dương (nhảy cầu) 46 điểm

8-Ngô Thị Quyên (cử tạ) 32 điểm

9-Vũ Đức Anh (điền kinh) 32 điểm

10-Vũ Văn Hùng (đấu kiếm) 29 điểm. (Báo Hải Phòng 29/12/2016)

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố