Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 29/12/2015)
Sáng 28-12, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (khóa 13) tổ chức kỳ họp thứ 5 tổng kết công tác Mặt trận năm 2015 và triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2016. Đồng chí Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì kỳ họp. Đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố tới dự, thông báo tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố năm 2015; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Năm 2015, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt quy chế phối hợp với chính quyền cùng cấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên được tăng cường. Vai trò của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được coi trọng và phát huy. MTTQ và các tổ chức thành viên đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các phong trào, cuộc vận động.
Tại kỳ họp, đại diện một số tổ chức thành viên Mặt trận phân tích, làm rõ hơn kết quả công tác Mặt trận 2015 và đóng góp ý kiến vào nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2016. Hội nghị đã biểu quyết thông qua chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2016 gồm 6 nội dung trọng tâm. Trọng tâm là MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục đa dạng các hình thức tập hợp, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố; tích cực tham gia chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.
Hội nghị hiệp thương bổ sung, thay thế 2 uỷ viên Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa 13.(Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Sáng 28- 12, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố tiếp và làm việc với ông Thore Vestby, Phó chủ tịch tổ chức các thị trưởng vì hòa bình đang có chuyến công tác tại thành phố Hải Phòng. Cùng dự có lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Văn phòng UBND thành phố.
Ông Thore Vestby cho biết: Tổ chức các thị trưởng vì hòa bình được thành lập tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1982. Hiện nay, tổ chức có 7000 thành viên là các tỉnh, thành phố thuộc 161 quốc gia tham gia với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vào năm 2020. Tại Việt nam, 4 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế đang là thành viên của tổ chức này. Ông Thore Vestby đề nghị thành phố Hải Phòng nghiên cứu và sớm tham gia tổ chức các thị trưởng vì hòa bình và cho biết sẽ tích cực giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung , thành phố Hải Phòng nói riêng trong thời gian tới.
Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Khắc Nam chào mừng ông Thore Vestby tới thăm Hải Phòng, đồng thời giới thiệu một số nét chính về tình hình KTXH của thành phố. Đồng chí khẳng định: lãnh đạo UBND thành phố giao cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất việc tham gia tổ chức các thị trưởng vì hòa bình. Đồng chí Phó chủ tịch đề nghị ông Thore Vestby tiếp tục giúp đỡ Hải Phòng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chính quyền thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi cùng nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Hải Phòng.(Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Sáng 28-12, TAND thành phố và Công an thành phố tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp liên ngành trong công tác trích xuất, cách ly, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng, công tác bảo vệ phiên tòa và xử lý vi phạm an ninh trật tự tại trụ sở tòa án.
Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND TP; thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Ủy viên BTV Thành ủy, Giám đốc CATP; Nguyễn Thị Mai, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP.
Theo đó, 19 Điều trong quy chế phối hợp giữa CATP và TAND hai cấp TP Hải Phòng quy định nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng gây mất ANTT tại phiên tòa, trụ sở tòa án liên quan đến công tác giải quyết, xét xử các loại án như: phối hợp trong việc trích xuất bị cáo, những người tham gia tố tụng khác đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù; phối hợp trong việc áp giải bị cáo tại ngoại, dẫn giải người làm chứng, cách ly bị cáo và những người tham gia tố tụng, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa; phối hợp bảo vệ phiên tòa xét xử các loại án, các phiên tòa lưu động và xử lý vi phạm ANTT tại trụ sở tòa án…
Trong đó, lực lượng công an đóng vai trò quan trọng trong việc tuần tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực xung quanh phòng xử án, khu vực cách ly và địa điểm tập kết xe; giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng; bảo đảm an toàn cho những người tiến hành tố tụng và công tác áp giải… Ngay sau lễ ký quy chế phối hợp, các đơn vị tòa án hai cấp và các phòng nghiệp vụ CATP, công an quận, huyện sẽ sớm tiến hành triển khai các kế hoạch cụ thể nhằm đưa quy chế đi vào thực tiễn công tác. (Thu Ninh - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
4. 70 năm quốc hội Việt Nam: Đoàn ĐBQH thành phố chú trọng công tác giám sát chuyên đề
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và các vị đại biểu Quốc hội thành phố luôn xác định công tác giám sát là một trong những nội dung hết sức quan trọng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Đoàn ĐBQH Hải Phòng đã tiến hành giám sát nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri thành phố. Qua các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH thành phố không chỉ đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp với Quốc hội cho những vấn đề chung mà còn góp phần cùng chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc xây dựng chương trình giám sát luôn bám sát nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội và tình hình thực tế của thành phố, tập trung vào những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội và những vấn đề cử tri quan tâm. Đoàn đã tổ chức 102 cuộc giám sát chuyên đề tại 102 cơ quan, đơn vị, sở ngành, doanh nghiệp có liên quan đến 44 nhóm nội dung giám sát, qua đó có gần 2.000 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương về các nội dung liên quan đến vấn đề giám sát.
Trong đó điển hình là các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giai đoạn 2008-2011; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người có công; giám sát về thực hiện mục tiêu chương trình nông thôn mới, về bảo vệ môi trường, về bảo hiểm y tế; về việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự…
Nhìn chung, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và các vị đại biểu Quốc hội thành phố thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm. Nội dung giám sát không dàn trải mà tập trung vào những vấn đề cử tri và nhân dân thành phố quan tâm. Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố ngày càng có ý nghĩa thiết thực, vừa chỉ ra cho các cấp chính quyền kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình hoạt động, vừa góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công dân tham gia tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Do có sự đầu tư nghiêm túc, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật hiện hành nên chất lượng các kiến nghị của Đoàn ĐBQH thành phố ngày càng được nâng cao, nhiều nội dung kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.(Thế Khoa - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Đồng chí Nguyễn Hải Bình - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hồng Bàng vừa có buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung kiến nghị với Quận ủy hàng loạt vấn đề liên quan đến: công tác đền bù GPMB các dự án trọng điểm trên địa bàn quận, nhất là dự án KĐT Xi măng; công tác đảm bảo an sinh xã hội, VSMT, nếp sống văn minh đô thị; tình trạng xuống cấp của một số tuyến đường, khu nhà; phòng chống tham nhũng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; khó khăn công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; thực trạng các công-tơ điện lắp đặt trên cao gây khó khăn cho việc kiểm soát số điện hàng tháng của người dân...
Tất cả các ý kiến góp ý, kiến nghị của người dân đều được đồng chí Bí thư Quận ủy giải đáp thấu đáo theo thẩm quyền. Qua đó, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước và quy định của địa phương để nhân dân hiểu, đồng cảm, chia sẻ, sát cánh cùng chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, AN-QP địa phương. Vai trò dân chủ của người dân được phát huy cao độ, mối đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân trên địa bàn quận được tăng cường...(KC - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Sở Tư pháp vừa tổ chức hội nghị tập huấn Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành tới hơn 500 đại biểu là lãnh đạo phụ trách và cán bộ trực tiếp làm công tác hộ tịch tại UBND quận, huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Trần Thị Lệ Hoa, Phó trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực giới thiệu với hội nghị những điểm mới của Luật Hộ tịch và văn bản hướng dẫn thi hành; những quy định mang tính đột phá trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư, là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính. Đồng chí Nhâm Ngọc Hiển - Báo cáo viên pháp luật của Bộ Tư pháp tập huấn chuyên đề về trình tự, thủ tục đăng ký việc hộ tịch tại ƯBND cấp xã.
Các đại biểu dự tập huấn trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác hộ tịch thực tế tại cợ sở, văn bản hướng dẫn triển khai luật; tình hình lưu trữ sổ hộ tịch; triển khai phần mềm chung đăng ký hộ tịch; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và tập huấn triển khai các nội dung mới của Luật Hộ tịch, sổ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài..( Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Sáng 28-12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công kiểm tra tiến độ thực hiện và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Cùng đi có Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn, đại diện các ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan.
Đến nay, công tác xây dựng đường cất hạ cánh (dự án khu bay) cơ bản hoàn thành, dự kiến trong quý 1-2016 sẽ lắp đặt các thiết bị bay, hiệu chuẩn , nghiệm thu, cấp phép khai thác. Dự án nhà ga hành khách cơ bản hoàn thành phần thô, đang tập trung hoàn thiện, dự kiến đưa vào khai thác dịp 13-5-2016; riêng đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành.
Trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ghi nhận nỗ lực cao của các chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình xây dựng cải tạo, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Đồng thời đề nghị, Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng phối hợp chặt chẽ UBND quận Hải An nêu cao quyết tâm hoàn thành GPMB phần còn lại tại điểm quay 25 để hoàn thành xây dựng đường băng và dải bảo hiểm, có như vậy mới bảo đảm kế hoạch đưa vào bay thử nghiệm kỹ thuật, phục vụ bay thương mại đồng bộ với việc khai thác nhà ga hành khách và đài kiểm soát không lưu.
Hiện, trên mặt bằng dự án Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi còn một số hộ dân chưa di chuyển tài sản, chưa tháo dỡ công trình kiến trúc khiến công tác thi công cọc cát khó khăn. Bên cạnh đó, công trình kiến trúc của Trung tâm 47 HQ chưa di chuyển và tháo dỡ công trình, nên không thể thi công dải bảo hiểm bên sườn đường băng và không có mặt bằng thi công điểm quay 25. Đây là những vướng mắc cần được UBND thành phố, quận Hải An, các đơn vị liên quan giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật để di chuyển tài sản, tháo dỡ công trình kiến trúc, bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công dự án theo kế hoạch.(Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Sáng 28- 12, Cơ quan CSĐT Công an quận Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết, vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 đối tượng trong băng nhóm chuyên đột nhập trộm cắp tài sản và băng nhóm chuyên cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp.
Căn cứ nội dung trình báo của các hộ gia đình bị hại trong các vụ trộm cắp và dấu vết thu thập được tại hiện trường, lực lượng điều tra đã tổng hợp thông tin, xác định các vụ án đều do một nhóm tội phạm gây ra.
Qua điều tra, sàng lọc, Đội CSĐT tội phạm về TTXH đã xác định 3 nghi can gồm: Hoàng Văn Tùng (đối tượng có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích), 22 tuổi, HKTT tại khu Hạ Đoạn 3, phường Đông Hải 1, quận Hải An, thuê trọ tại tổ 13, cụm 4, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền; Nguyễn Duy Khánh, kẻ được giới giang hồ mệnh danh “tay lái đô thành”, từng tham gia rất nhiều vụ cướp giật tài sản và đã phải thi hành án 7 năm tù giam, 30 tuổi, trú tại 139 Chùa Vẽ, phường Đông Hải 1, quận Hải An; Bàn Thị Như, nữ quái vùng sơn cước xuống, 21 tuổi, HKTT thôn Minh An, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, hiện thuê trọ tại tổ 13 với Hoàng Văn Tùng.
Tại cơ quan điều tra, cả 3 đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ “đột vòm” trộm cắp tài sản táo bạo. Điển hình ngày 10-12-2015, chúng đã đột nhập vào Công ty Cổ phần Thương mại Quảng Khanh, địa chỉ phường Máy Chai, quận Ngô Quyền lấy cắp 5 bộ máy vi tính trị giá 24 triệu đồng. Đồng thời phá khoá két sắt, rút ruột 230 triệu VNĐ và 4.900 USD. Cơ quan điều tra đã thu hồi nhiều tài sản giá trị, trả lại cho người bị hại.
Cùng thời điểm, mũi trinh sát và điều tra viên đấu tranh với băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cũng đã làm rõ thủ đoạn hoạt động và hành vi đe doạ các doanh nghiệp, ép nộp tiền. Đồng thời bắt gọn 3 đối tượng gồm: Nguyễn Chí Hiếu, 35 tuổi, trú tại 203 Chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An; Nguyễn Danh Chung, 30 tuổi, trú tại 39/152 Lê Lai và Lê Đình Thi, 26 tuổi, trú tại 210/1/92 Lê Thánh Tông, cùng phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Tại cơ quan điều tra, Hiếu, Chung và Thi khai nhận đã liên tiếp gây ra 5 vụ cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp trên địa bàn quận Ngô Quyền.
Công an quận Ngô Quyền đang tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án. (Quốc Phòng - Văn Thịnh - Sống Mới 29/12/2015)
Tối 27-12, khi đi dạo trên đường Lạch Tray đoạn gần SVĐ Lạch Tray, ông Lã Quang Tiến, sinh năm 1957, ở số nhà 19 đường Lạch Tray, phát hiện một túi nilon màu đen trên vỉa hè. Khi mở ra, ông Tiến thấy bên trong chứa toàn đạn súng.
Ngay lập tức ông Tiến mang toàn bộ túi nilon nhặt được mang đến trình báo và giao nộp tại Công an phường Lạch Tray.
Qua kiểm tra, Công an phường phát hiện trong túi nilon do ông Tiến giao nộp có 64 viên đạn loại dành cho súng quân dụng đã cũ. CAP Lạch Tray đã lập biên bản, tiếp nhận số đạn súng quân dụng trên để báo cáo Công an quận Ngô Quyền xử lý theo quy định của pháp luật.(Phan Tuấn - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Không nghề nghiệp, mờ mắt vì những khoản tiền công hậu hĩnh do vận chuyển thuê ma túy từ Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Minh, sinh 1994, ở 55/117 phố Cấm, Gia Viên, Ngô Quyền, đã phải trả giá...
Theo cáo trạng, vào 21h16 ngày 16-8-2014, cơ quan cảnh sát điều tra CATP Hải Phòng nhận được tin báo về việc: Cảng hàng không Cát Bi - Hải Phòng trong khi làm thủ tục kiểm tra an ninh cho các hành khách của chuyến bay BL517 từ Hải Phòng đi TP Hô Chí Minh của hãng Jetstar đã phát hiện hành khách có tên Nguyễn Ngọc Minh, ở số ghế 03F, mang theo va ly kéo màu đen, nghi bên trong có chứa ma túy. Cơ quan CSĐT đã lập biên bản vụ việc, kiểm tra chiếc va ly trên, thu giữ nhiều túi nilon chứa tổng số 3.531,89g ma túy ở thể rắn, tương đương 1.433,26378g ma túy ở thể răn tinh chất và 21,08g lá, hoa cây cần sa. Khi được thông báo kiểm tra va ly, Nguyễn Ngọc Minh đã bỏ trốn.
Đến 8h ngày 17-8-2014, Đỗ Quang Trung, sinh 1986, ở 15/56 đường Lạch Tray, Hàng Kênh, Lê Chân (có 3 tiền án, tiền sự: tháng 6-2003 bị TAND TP phạt 36 tháng tù về tội cướp tài sản; tháng 8-2010, bị TAND huyện Thủy Nguyên phạt 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản; tháng 9-2011, bị TAND huyện Nông Cống, Thanh Hóa phạt 15 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”), đến cảng hàng không Cát Bi hỏi nhân viên cảng hàng không về chiếc va ly của Minh. Cơ quan điều tra đã yêu cầu Trung giải trình về việc liên quan đến đối tượng Minh và chiếc va ly chứa ma túy trên. Căn cứ vào lời khai của Trung và những tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT đã bắt khẩn cấp Minh và Trung.
Tại cơ quan điều tra, Minh khai do chưa có việc làm nên nhờ bạn bè, người quen tìm giúp, trong đó có Trung và người tên Nguyễn Quang Sơn, sinh 1993, ở 9/47 Nguyễn Hữu Tuệ, Gia Viên, Ngô Quyền. Sơn đồng ý sẽ giới thiệu cho người anh tên Hoàng, để khi người này có việc sẽ liên lạc với Minh. Đến đầu tháng 6-2014, Hoàng gọi điện cho Minh bảo mang 1 chiếc va ly vào TP Hồ Chí Minh. Sau đó, có một thanh niên hẹn gặp và giao cho Minh 1 va ly trên đường Tô Hiệu, phường Hồ Nam, Lê Chân. Minh đã vận chuyển va ly đó vào TP Hồ Chí Minh, giao cho một nam thanh niên không quen biết tại bãi đỗ xe trong sân bay Tân Sơn Nhất và nhận tiền công 11 triệu đồng. Vé máy bay đã được Hoàng đặt trước, Minh chỉ phải trả tiền taxi đi lại.
Sau chuyến làm ăn đầu tiên với tiền công hậu hĩnh, Minh biết công việc Hoàng giao mình làm là vận chuyển ma túy từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn thực hiện. Ngày 15-8-2014, Minh đang ở TP Hồ Chí Minh thì Hoàng điện bảo mang tiếp 1 va ly vào TP Hồ Chí Minh. Sáng 16-8-2014, Minh tự bỏ tiền mua vé về Hải Phòng để nhận va ly có chứa ma túy. Tuy nhiên, “đi đêm lắm có ngày gặp… hạn”, khi Minh làm thủ tục lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh thì bị lực lượng an ninh sân bay phát hiện. Thấy vậy, Minh điện thông báo và được Hoàng cho số điện thoại của Trung để Trung giúp lấy hàng ra.
Trung khai nhận được Hoàng, Minh cho biết việc Minh vận chuyển ma túy vào TP Hồ Chí Minh, bị nhân viên cảng hàng không sân bay phát hiện nên bỏ lại va ly ở sân bay. Trước đó, Trung đã 2 lần vận chuyển ma túy từ Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cho Hoàng. Do đó, có đủ căn cứ kết luận Đỗ Quang Trung biết Minh vận chuyển trái phép chất ma túy bị phát hiện nhưng vẫn liên hệ để tìm cách lấy lại, vì vậy Trung đồng phạm với Minh về vai trò giúp sức trong việc vận chuyển trái phép toàn bộ số ma túy trên.
Ngày 23-12, TAND TP đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo Nguyễn Ngọc Minh và Đỗ Quang Trung về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo khoản 4 điều 194 BLHS. Sau khi xem xét tài liệu điều tra và kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt: bị cáo Minh tù chung thân, phạt bổ sung 30 triệu đồng; bị cáo Trung 20 năm tù do đồng phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo khoản 4 điều 194 BLHS. Những đối tượng có liên quan trong vụ án đang được cơ quan điều tra làm rõ…
Ham hố những đồng tiền bất chính, Minh và Trung đã phải trả giá đắt. Vụ án trên cũng là bài học cảnh tỉnh cho những thanh niên lựa chọn việc làm trong xã hội hiện đại.(Hồng Hải - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Trong năm 2015, hơn 330 đối tượng truy nã (ĐTTN) đã bị các lực lượng thuộc Công an thành phố bắt, vận động, đầu thú, trong đó có hơn 130 đối tượng thuộc diện nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Truy bắt đến cùng
Những năm gần đây, mặc dù số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm nhưng diễn biến vẫn phức tạp. Theo thượng tá Nguyễn Hồng Nam - Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), các đối tượng sau khi gây án thường nhanh chóng bỏ trốn. Như những con thú cùng đường, nhiều đối tượng sẵn sàng chống trả lại lực lượng công an khi bị vây bắt. Bởi vậy, mặt trận bắt truy nã vẫn luôn gian nan và nóng bỏng đối với người đi "săn nã".
Đơn cử như chuyên án truy xét, bắt ĐTTN đặc biệt nguy hiểm Chung “ôn” (tức Trần Văn Chung, sinh năm 1972, ở tập thể Cảng, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền). Sau khi dùng hung khí đâm thiếu tá Bùi Tiến Tường, Phó trưởng Công an phường Hùng Vương (quận Hồng Bàng) khi đang làm nhiệm vụ hồi năm 2005, Chung "ôn" nhanh chóng bỏ trốn sang Trung Quốc. Sau đó ẩn náu tại đặc khu hành chính Hồng Kông ẩn náu. Tại đây, hắn đi làm thuê và vẫn liên lạc về với gia đình, đồng bọn. Hơn 8 năm lẩn trốn ở nước ngoài, đến đầu năm 2014, Chung về Việt Nam nhưng không ở Hải Phòng mà tá túc tại nhà đàn anh ở khu vực gần cầu Bình, huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Chung thậm chí còn được đàn anh trang bị súng để chuyên đi đòi nợ thuê. Trong suốt 8 năm đối tượng bỏ trốn, CBCS Phòng PC52 không ngừng theo riết, triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản về đối tượng, vận động quần chúng nhân dân cung cấp thông tin, phối hợp áp dụng các biện pháp trinh sát, thu thập thông tin qua cơ sở, kiên trì nghiên cứu, tích lũy thông tin. Tới đầu tháng 5-2015, nhận được thông tin Chung vào Đắk Lắk, Ban chuyên án cử tổ công tác đón lõng bắt giữ Chung.
Trong năm 2015, Phòng PC52 xác lập và phá 14 chuyên án, bắt an toàn 14 ĐTTN đặc biệt nguy hiểm, trốn nã nhiều năm như đối tượng Nguyễn Ngọc Lý, sinh năm 1966, ở xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Bảo) kẻ đâm chết anh Vũ Văn Hùng, sinh năm 1962, ở khu tập thể Thái Phiên (quận Ngô Quyền). Sau 18 năm bỏ trốn bị sa lưới ở Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).
Không có lối thoát cho kẻ phạm tội
Theo số lượng thống kê, số ĐTTN bị bắt, vận động đầu thú năm 2015 tăng1% so với năm 2014. Để đạt được kết quả đó, việc nâng cao khả năng chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng đồng đều về chất lượng luôn được các đơn vị trực thuộc Công an thành phố đẩy mạnh. Theo Phó trưởng phòng PC52 Nguyễn Hồng Nam, ngoài những bài giảng nghiệp vụ, phương pháp hữu hiệu được thực hiện ở các đơn vị chính là "người cũ kèm người mới". Thực tế, không ít đối tượng nhiều lần vào tù ra tội, tự tạo cho bản thân và đồng bọn những cách thức ẩn náu tinh vi. Nhiều trường hợp sách vở không thể phân định rạch ròi. Do đó với kinh nghiệm dày dạn chính những người lãnh đạo đơn vị, những người đi trước phải là người tiên phong đi đầu trong công tác đấu tranh với ĐTTN. Đây cũng là phương pháp giúp xây dựng đội ngũ làm công tác điều tra, truy bắt ĐTTN đồng đều về chất lượng.
Ngoài ra, theo Phó trưởng phòng PC52 Nguyễn Hồng Nam, quá trình đào tẩu, các đối tượng thường tìm mọi cách hợp lý hóa nhân thân, lai lịch để trốn kỹ, trốn sâu, trốn xa với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Trong khi đó, mỗi tổ đánh án thường chỉ có vài người. Bởi vậy việc làm tốt công tác nắm tình hình, xây dựng mạng lưới cơ sở cung cấp thông tin cũng được đẩy mạnh thực hiện. Tiêu biểu nhất chính là trường hợp đối tượng Nguyễn Dương Thọ trong chuyên án 515G, kẻ thủ ác giết người, cướp tài sản tại xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ). Tổ công tác đi qua 6 tỉnh, thành từ Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đến Đồng Tháp truy bắt đối tượng. Sau nhiều ngày đêm mắc võng nằm rừng mật phục, bắt được tên Thọ ở Đắk-Lắk.
Tính riêng năm 2015, tập thể CBCS Phòng PC52 đã truy bắt gần 60 trong số 330 ĐTTN do các lực lượng Công an thành phố bắt. Các anh tâm niệm, khi nào còn tội phạm trốn nã, khi đó cuộc sống nhân dân chưa yên, bởi vậy phải không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, nghiệp vụ để đưa tất cả ĐTTN ra ánh sáng pháp luật trừng trị.(Phương An - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tuyển sinh cho các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), bên cạnh sự cố gắng của các trường, rất cần sự chung tay, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Đào tạo theo địa chỉ, gắn với nhu cầu xã hội
Đối với Trường TCCN (phố Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền), việc mở các lớp đào tạo về ngành Sư phạm mầm non và Sư phạm chuyên biệt là kết quả của quá trình tìm hiểu, nghiên cứu khá kỹ nhu cầu của thành phố về nhân lực 2 ngành này. Theo báo cáo của Sở Giáo dục-đào tạo, hiện thành phố còn thiếu hàng nghìn giáo viên mầm non, đồng thời, chưa có giáo viên chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Kết quả khảo sát tại một số trường mầm non tại thành phố cho thấy, 27,7% số trẻ có nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ; 41,2% số trẻ chậm phát triển và 3,4% số trẻ thuộc nhóm nghi ngờ có hội chứng tăng động giảm chú ý. Đáng tiếc là, đến nay thành phố chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo giáo viên cho lĩnh vực này.
Là đơn vị hoạt động có hiệu quả trong số các trường TCCN tại thành phố hiện nay, Trường trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Hải Phòng (phường Đồng Hòa, quận Kiến An), thực hiện tốt việc đào tạo gắn với nhu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bởi vậy, năm học này, nhà trường tiếp tục duy trì 9 ngành, nghề tuyển sinh. Trong đó, 2 ngành Điện và Chế biến thực phẩm tuyển sinh thuận lợi hơn do cơ hội có việc làm sau khi ra trường cao hơn. Theo Hiệu trưởng Lã Đình Kế, những năm gần đây, nhà trường chủ động liên kết với các đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng, một số công ty đóng tàu tại Hải Phòng, các đơn vị thi công xây lắp điện, kỹ thuật xây dựng, cấp thoát nước, xác định nhu cầu nguồn nhân lực của các đơn vị để xây dựng kế hoạch đào tạo đúng địa chỉ. Nhờ đó, công tác tuyển sinh của trường luôn có “của ăn, của để”. Hiện nhà trường “nợ” các doanh nghiệp khoảng 500 chỉ tiêu đào tạo.
Qua tìm hiểu nhu cầu công chức của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong thành phố, lãnh đạo Trường trung cấp Nghiệp vụ và Công nghệ nhận thấy, nhiều địa phương có nhu cầu về nhân viên công tác xã hội. Bởi vậy, nhà trường mạnh dạn mở mã ngành đào tạo đại học Công tác xã hội, hệ vừa học vừa làm. Đến nay, trường đào tạo 2 khóa. Trong đó, một khóa với 60 sinh viên đã ra trường, hầu hết có việc làm. Thực tế cho thấy, đào tạo theo địa chỉ, gắn với nhu cầu xã hội là giải pháp hữu hiệu nhất giúp các trường TCCN thoát khỏi tình trạng èo uột trong tuyển sinh như những năm vừa qua.
Cần “bà đỡ” cho các trường TCCN
Trao đổi về giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các trường TCCN, theo Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Thanh Hà, trước hết, Bộ GD-ĐT và thành phố cần rà soát, đánh giá, sắp xếp lại mạng lưới trường đại học, cao đẳng, TCCN trong cả nước và tại Hải Phòng. Trên cơ sở đó, nhà nước siết chặt quy mô đào tạo, tuyển sinh, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt, gây lãng phí cho xã hội. Bên cạnh đó, các trường TCCN cần năng động hơn, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nhu cầu nguồn nhân lực xã hội đang thiếu, đang cần, để đào tạo đúng địa chỉ, gắn với nhu cầu của xã hội.
Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế, kỹ thuật và công nghệ Bùi Trần Việt cho rằng, nhà nước nên có quy định khung về bằng cấp, nghề nào, vị trí công việc nào thì bằng cấp đó. Nếu quy định được việc này, tình trạng “sính” bằng cấp trong xã hội sẽ giảm. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động, cần chủ động đặt hàng các cơ sở đào tạo, tránh tình trạng bắc nước chờ gạo” như hiện nay. Nói về giải pháp đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, Hiệu trưởng Trường TCCN Hải Phòng Trịnh Ngọc Toàn phân tích thêm, các trường TCCN cần gắn giáo dục với lao động, sản xuất và đơn vị sử dụng lao động. Không chỉ vậy, nhà trường cần thành lập một số đơn vị trực thuộc hoạt động các dịch vụ liên quan đến ngành, nghề đào tạo để học viên có nơi thực hành. Trong bối cảnh nhà nước và các cơ quan chức năng chưa rà soát, đánh giá được mạng lưới đào tạo và nhu cầu nguồn nhân lực các ngành, nghề trong xã hội, các trường TCCN cần tự vận động, tỉnh táo trong xây dựng kế hoạch, quy mô đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Bên cạnh những giải pháp này, các trường cần có chính sách hỗ trợ học viên trong quá trình học, như tặng học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ học viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp...
Hải Phòng là thành phố công nghiệp, dịch vụ, có hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; đồng thời, nhiều dự án, khu công nghiệp đang triển khai. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là các lĩnh vực của các ngành cơ khí, đóng tàu, kinh tế biển, du lịch, dịch vụ... rất lớn. Trong đó, nhu cầu về đội ngũ những người thợ lành nghề, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, thời nào cũng cần, cũng thiếu. Đã đến lúc, mọi người và toàn xã hội thay đổi nhận thức về bằng cấp. Việc lựa chọn ngành, nghề phải phù hợp với sở thích, năng lực của mỗi người mới phát huy khả năng đóng góp, cống hiến cho xã hội. Sự thay đổi từ mỗi người và toàn xã hội về vấn đề bằng cấp sẽ góp phần làm cân đối tỷ lệ “thầy, thợ” trong xã hội hiện nay, tránh cho các trường TCCN hoạt động èo uột.(Bích Hạnh - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Dòng họ Ngô Đăng định cư tại làng Đồng Cống, nay là xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) đến nay 18 đời. Trải qua nhiều thế kỷ, dòng họ Ngô Đăng hiện có 240 hộ, với trên 1250 nhân khẩu. Ngoài ra, còn 2 nhánh thuộc dòng họ Ngô Đăng phát triển và sinh cơ, lập nghiệp tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) và huyện Kinh Môn (Hải Dương). Theo Hội Khuyến học thành phố và địa phương, đây là dòng họ giàu truyền thống hiếu học, hầu như đời nào dòng họ này cũng có người học hành đỗ đạt, tham gia các công việc giúp dân, giúp nước.
Bác Ngô Đăng Hải, Phó chủ tịch hội đồng gia tộc Ngô Đăng Hải Phòng tự hào cho rằng, đời nào cũng vậy, đất nước muốn có người hiền tài, dòng họ muốn có người học giỏi, đỗ cao, gia đình muốn có con ngoan, trò giỏi, phải biết tôn vinh và phát huy truyền thống của dân tộc, của dòng họ và mỗi gia đình. Từ năm 1991, Hội đồng gia tộc họ Ngô Đăng phát động phong trào khuyến học, khuyến tài, vận động mọi người, mọi nhà xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Ban đầu, mỗi người chỉ góp 3 - 5 ngàn đồng. Sau này, số tiền góp quỹ tăng dần lên 10 nghìn đồng/năm. Đến nay, sau 25 năm, quỹ khuyến học của dòng họ có gần 40 triệu đồng, trong đó có nhiều người ủng hộ quỹ từ 500 nghìn đến 5 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, dòng họ động viên kịp thời các cháu học giỏi, đỗ đạt cao, các cháu học sinh giỏi vượt khó, những cháu gia đình gặp khó khăn. Ngày 26-7 vừa qua, Hội đồng gia tộc họ Ngô Đăng họp bàn, thống nhất từ năm 2016 trở đi, con trai và con dâu dòng họ góp quỹ 50 nghìn đồng/ người/năm. Tiếp đó, ngày 30-8, tại lễ tổng kết 25 năm khuyến học, khuyến tài của dòng họ, mọi người đồng tình thông qua mục tiêu giai đoạn 2015-2020, quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ đạt từ 70-100 triệu đồng trở lên. Theo truyền thống dòng họ, mỗi năm, ngày chạp tổ 21 tháng chạp, Hội đồng gia tộc lại tổ chức trao thưởng các cháu học sinh giỏi, học sinh đỗ điểm cao vào các trường cao đẳng, đại học. Những gia đình có từ 2 con trở lên tốt nghiệp đại học, các cháu học giỏi đỗ cao, thành đạt cũng được dòng họ biểu dương, khen thưởng. 25 năm qua, dòng họ khen thưởng 681 học sinh giỏi. Trong đó, từ năm 2000-2015, dòng họ khen thưởng 488 lượt học sinh giỏi.
Năm 2013, dòng họ Ngô Đăng vận động các thành viên dòng họ chung tay xây dựng công trình nhà thờ họ với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng.(Minh Khuê - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Lên kế hoạch chi tiêu cho bản thân, tiết kiệm chi phí, có mục tiêu rõ ràng trong sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, dành dụm hỗ trợ bạn bè, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Đó là những kỹ năng mà học sinh một số trường THPT trên địa bàn thành phố được trau dồi khi tham gia dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh THPT” tại Hải Phòng.
Chi tiêu thông minh
Em Phạm Thu Huyền chuẩn bị kết thúc học kỳ 1 lớp 10 tại Trường THPT Ngô Quyền. Năm học này với Huyền khác hẳn những năm học trước bởi em được tham gia một số lớp học trong dự án “Giáo dục tài chính cho học sinh THPT” tại trường mình. Các tiết học giáo dục tài chính luôn là khoảng thời gian yêu thích của Huyền và bạn bè. Tự mình trải nghiệm, tự mình rút ra những bài học thiết thực về tiền và giá trị sống, cách sử dụng đồng tiền thông minh sau khi có thêm kỹ năng được truyền đạt từ lớp học giúp những bạn đồng trang lứa với Huyền và bản thân em thấy việc chi tiêu ý nghĩa hơn. Mặt khác, em còn biết trân trọng hơn những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình.
Tham gia các tiết học giáo dục tài chính tại trường, chúng em được các chuyên gia cung cấp những kiến thức mới về cách sử dụng đồng tiền một cách thông minh nhất. Chúng em được hướng dẫn cách thiết lập ngân sách cá nhân, theo dõi ngân sách cá nhân trong ít nhất 3 tháng. Mỗi tháng, chúng em dành 5% số tiền tiêu vặt được cho. Từ số tiền ấy, chúng em có kế hoạch sử dụng cho việc hỗ trợ bạn bè, người khó khăn hoặc thực hiện mục tiêu của mình. Đó thực sự là những kiến thức bổ ích, kỹ năng cần thiết với những học sinh đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời như chúng em”. Những chia sẻ của Huyền cũng là cảm nhận chung của những học sinh được hưởng lợi từ dự án giáo dục tài chính do Sở Giáo dục- Đào tạo Hải Phòng và Tổ chức cứu trợ trẻ em thực hiện.
Tác động tích cực
Chị Nguyễn Thị Khôi có con trai đang học tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Sau khi con tham gia các tiết học giáo dục tài chính tại nhà trường, việc chi tiêu cá nhân của con có sự chuyển biến rõ rệt. Trước đây, bố mẹ cho tiền tiêu vặt chưa bao giờ con từ chối. Thậm chí còn hỏi xin thêm. Nhưng mới đây khi thấy con bớt hỏi xin, tôi biết con tôi đang tham gia dự án. Để ý theo dõi, tôi thấy việc chi tiêu của con thông minh hơn, hợp lý và tiết kiệm. Cháu còn tự dành dụm mua được những vật dụng phục vụ việc học tập bản thân. Đây chính là những kiến thức bổ ích mà cháu học được từ những giờ học giáo dục tài chính ngoài giờ lên lớp” – chị Khôi chia sẻ. Đó cũng thực sự là tác động tích cực của dự án đối với những học sinh, phụ huynh tham gia hoạt động này.
Những hiệu quả tích cực của dự án sau 2 giai đoạn triển khai tại Hải Phòng thời gian qua, tiếp tục được nhân rộng với việc triển khai giai đoạn 3 tại thành phố Cảng. Giai đoạn này bắt đầu với việc đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo Hải Phòng tiếp nhận dự án từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế sáng 14-12 tại Trường THPT Thái Phiên. Trong thời gian từ nay đến hết tháng 6-2016, 20 trường THPT trên địa bàn sẽ tham gia với hàng nghìn học sinh và phụ huynh được hưởng lợi. Cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều “tay hòm chìa khóa” chi tiêu thông minh trong học sinh THPT trên địa bàn Hải Phòng.
Mặc dù các tiết học giáo dục tài chính được đưa vào chính khóa, học sinh tham gia học tập được truyền đạt kỹ năng ngoài giờ lên lớp và các hoạt động ngoại khóa, song tác động tích cực của nội dung giảng dạy này khẳng định tính thiết thực của dự án với học sinh THPT trên địa bàn Hải Phòng. Như chia sẻ của Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường, đây là một trong những nội dung chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố. Trong giai đoạn mới, sẽ có thêm nhiều học sinh được giáo dục tài chính để rèn kỹ năng và rút ra nhiều bài học thiết thực trong cách quản lý và sử dụng đồng tiền một cách thông minh và hiệu quả.( Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Điểm sáng trong xây dựng NTM ở Hải Phòng là Đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2013, thành phố phê duyệt Đề án hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng giai đoạn 2013-2020 với tổng kinh phí trên 1.400 tỷ đồng, mục tiêu hỗ trợ các xã bê tông hóa trên 2.000km đường giao thông nội đồng. Trong hai năm 2013-2014, thành phố hỗ trợ các xã trên 85 tỷ đồng bê tông hóa 268km. Đến năm 2015, hỗ trợ toàn bộ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng và giao thông liên thôn, xóm với tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã hỗ trợ 12 tỷ đồng cho các quận, huyện xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế, trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở. Gần 100 tỷ đồng đã dành cho các xã miền núi, vùng khó khăn, hải đảo đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa...(Báo Công lý 29/12/2015)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của TCTD được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9-12-2015
Theo đó, từ 10-12-2015, lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 5%/năm. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,5%/năm.(Báo Hải Phòng 29/12/2015)
“Đến hẹn lại lên”, cuối năm là thời điểm những công việc theo thời vụ phát triển mạnh nhất trong năm. Thời gian linh động, công việc đa dạng… là cơ hội để người lao động, nhất là lao động phổ thông và học sinh, sinh viên kiếm thêm thu nhập…
Tăng nhu cầu tuyển dụng
Sau mấy ngày tìm kiếm thông tin, Hoàng Trang, sinh viên năm thứ 4 - Đại học Hải Phòng mới tìm cho mình một công việc phù hợp. Với ưu thế về chiều cao, ngoại hình nên cô xin vào làm tại một công ty chuyên về tổ chức sự kiện. “Kiếm việc làm thêm trong những dịp cuối năm, lý do chủ yếu của nhiều sinh viên là mong muốn tăng thêm thu nhập, lại có điều kiện được học hỏi thêm kinh nghiệm trong thực tế…”, Trang chia sẻ. Cô cũng cho biết, công việc dù khá vất vả và bận rộn nhưng với những kiến thức chuyên ngành được học ở nhà trường thì đây là cơ hội để thử sức.
Tương tự, đã có kinh nghiệm do từng đi làm thêm nên bạn Nguyễn Quyết, sinh viên ngành kỹ thuật của một trường cao đẳng nghề, không mấy khó khăn khi kiếm cho mình công việc làm partime (bán thời gian) cho một siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố. Với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản thưởng nếu vượt doanh số bán hàng, Quyết dành dụm để chi phí học tập, mua sắm đồ dùng cá nhân. Cũng theo Quyết, ngoài ra siêu thị cũng tuyển khá nhiều lao động trẻ, cả những người đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành kỹ thuật nhưng chưa tìm được công việc ổn định. Nếu là người mới vào làm, siêu thị sẽ dành 1-2 buổi để tập huấn các kỹ năng cho thành thục.
Dịp cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, vì vậy việc làm thơi vụ cũng trở nên sôi động với hàng loạt hoạt động tuyển dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Song song với nguồn cung lao động, thời điểm này nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ, cửa hàng nhỏ lẻ cũng bắt đầu “nóng” lên. Ghi nhận của phóng viên, tại một số trung tâm giới thiệu việc làm và các trang mạng có khá nhiều thông tin tuyển dụng việc làm thời vụ, nhất là dịp tết Dương lịch và Nguyên đán. Riêng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Phòng, kết quả phiên giao dịch việc làm (ngày 20-11) gần đây cho thấy, có gần 30 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, nhu cầu tuyển dụng trên 6.000 lao động, tập trung là lao động phổ thông.
Các vị trí tuyển dụng tập trung nhiều vào một số ngành nghề như: kinh doanh - bán hàng; sản xuất - chế biến, tiếp thị, giúp việc, xây dựng… Trong nhóm các ngành hàng tuyển lao động thời vụ, ngành bán lẻ tuyển số lượng tương đối cao, từ một vài người đến vài chục người. Điển hình như Công ty TNHH Samsung Bio Pharm (ở phường Đằng Lâm, Hải An) đang thiếu nhân viên kinh doanh, khai thác thị trường, nhu cầu tuyển dụng gần 20 lao động.
Đại diện công ty chia sẻ: “Vào những dịp cuối năm, công ty không có nhu cầu tuyển thêm lao động cơ hữu mà tập trung tuyển lao động thời vụ do tính chất đặc thù công việc khá vất vả. Chính vì vậy công ty trả lương khá hấp dẫn để người lao động có động lực, làm việc hết mình trong mấy tháng giáp Tết”.
Không dễ lựa chọn
Theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Phòng, so với cùng kỳ năm 2014 và quý III/2015, nhu cầu việc làm thời vụ có xu hướng tăng. Theo đó, từ nay đến hết tháng 1-2016, ước tính các doanh nghiệp cần khoảng 1.000 lao động thời vụ, tập trung vào mảng công việc tổ chức sự kiện, phục vụ, dịch vụ, tư vấn bán hàng, bán hàng...
Mặc dù có khá nhiều công việc làm thêm cho sinh viên, người lao động tự do lựa chọn nhưng để tìm được một công việc phù hợp với mức thu nhập tương đối cũng không phải là dễ dàng bởi khác với nhiều năm trước, nhà tuyển dụng yêu cầu cao hơn về trình độ ứng viên, vì doanh nghiệp cần người có trình độ am hiểu về sản phẩm để tư vấn, thuyết phục khách mua hàng nhằm gia tăng doanh số dịp cuối năm.
Chưa kể trên thực tế, dù là công việc thời vụ nhưng hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị đều muốn tuyển người lao động “thạo việc”, đã có kỹ năng, chưa kể nhiều công việc còn đòi hỏi phải thi tuyển thì mới được nhận vào làm chính thức.
Cũng theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Phòng, không chỉ ở khu vực nội thành, một số doanh nghiệp tại các địa bàn như: Đình Vũ, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương… hiện đang tuyển dụng lao động có tính thời vụ với số lượng lớn. Tuy nhiên, số lượng lao động được tuyển dụng còn quá ít so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Nguyên nhân do một phần trình độ, tay nghề ứng viên không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, người lao động khi tham gia vào thị trường lao động còn ít quan tâm tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động để tìm cho mình một công việc phù hợp mà còn nặng tư tưởng tìm việc theo sở thích. “Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho các sinh viên thể hiện bản lĩnh và từng bước hoàn thiện mình hơn…”, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Hải Phòng nhìn nhận.
Một lưu ý là, việc nhiều lao động phổ thông và học sinh, sinh viên không tìm hiểu kỹ thông tin việc làm và công ty tuyển dụng đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, “cò mồi”, cơ sở giới thiệu việc làm “chui” lợi dụng lừa đảo, trục lợi. Nắm bắt nhu cầu việc làm cuối năm, một số trung tâm môi giới việc làm đẩy mạnh “chiêu” cạnh tranh với mục đích chính là “hút” người tìm việc đến với trung tâm. Những “chiêu” được các trung tâm này sử dụng phổ biến là phát tờ rơi ở các điểm công cộng, dán thông báo trên cột điện, bờ tường, trạm đón xe buýt, đăng thông tin rao tuyển trên các trang web về việc làm, rao vặt… với những lời lẽ quảng cáo như làm việc bán thời gian, mức lương hấp dẫn, được hỗ trợ bữa trưa, xăng xe...
Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm việc và có sự thỏa thuận rõ ràng với người tuyển dụng tránh tình trạng “bỏ của chạy lấy người”, vừa tốn thời gian và công sức. Ngoài ra, để tránh bị mắc chiêu trò lừa đảo khi xin việc làm thời vụ mùa tết, sinh viên, người lao động nên đến các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín hoặc có thể trực tiếp đi xin tại những nơi cần nhân lực có thông báo tuyển dụng mà không qua trung gian môi giới.(Đỗ Hiếu - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Hoạt động tín dụng tháng cuối năm trên địa bàn thành phố đang trên đà tăng tốc với quyết tâm về đích vượt kế hoạch đề ra của hệ thống ngân hàng.
Dư nợ tăng theo tuần
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hải Phòng, tính đến 18-12, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 70.100 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cuối năm 2014. Trước đó, đến giữa tháng 11, dư nợ toàn ngành đạt 69.500 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2014. Như vậy, trong vòng 2 tuần, dự nợ toàn ngành tăng hơn 1%. Theo dự báo của NHNN chi nhánh Hải Phòng, với tốc độ này, đến hết năm 2015, dư nợ toàn ngành về đích ở điểm cao nhất, vượt xa kế hoạch tăng 15% đề ra từ đầu năm.
Theo phản ánh của các ngân hàng, dư nợ tăng mạnh những tháng cuối năm là điều có thể thấy trước. Bởi, cuối năm, nhu cầu vay vốn để nhập hàng phục vụ thị trường Tết của doanh nghiệp tăng. Song song với đó, nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm (xây, sửa, mua nhà; ô tô…) cũng tăng cao. Giám đốc NHNN chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường cho biết, qua theo dõi hoạt động của chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn, sự tăng trưởng này tập trung vào các chương trình đầu tư tín dụng ưu tiên như: cho vay nông nghiệp, nông thôn (tăng 19,2% so với cùng kỳ 2014); cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 15,6% so với cùng kỳ 2014)... Một số chương trình khác như cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ cũng được các chi nhánh ngân hàng tích cực triển khai và bước đầu có kết quả. Cùng với sự tăng trưởng tích cực về quy mô đầu tư, chất lượng tín dụng cũng đồng thời đạt những kết quả vững chắc. Bởi, ngay từ khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, NHNN khuyến cáo các ngân hàng phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng rất ý thức về mặt kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nợ xấu đang theo xu hướng giảm dần. Đến nay, nợ xấu của ngành ngân hàng Hải Phòng cơ bản về dưới 3% theo đúng yêu cầu của NHNN.
Tiếp tục bung vốn
Tuy tín dụng toàn ngành tăng trưởng mạnh, song các chi nhánh ngân hàng không vì thế “lơ là” đầu tư vốn. Hiện, các chi nhánh ngân hàng triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, đẩy mạnh cho vay để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm và tạo đà cho năm 2016. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ưu đãi cho vay mua nhà, ô tô với lãi suất ngắn hạn 7,3-7,5%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có gói 500 tỷ đồng cho vay bình ổn sản xuất, kinh doanh hàng Tết 2016 đến hết tháng 3-2016 với lãi suất 6.99%/năm, đặc biệt còn nâng mức tối đa cho vay lên 90% nhu cầu vốn. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra chương trình ưu đãi vay sản xuất kinh doanh, lãi suất từ 6.5%/năm, hướng đến cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh dịp Tết với quy mô gói tín dụng lên đến 12,000 tỷ đồng, kéo dài đến hết tháng 4-2016. Các chi nhánh ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) trên địa bàn thành phố cũng rầm rộ với nhiều chương trình khuyến mãi. Hai trong số các chương trình cho vay khách hàng cá nhân lớn nhất trong năm 2015 của VietinBank là “10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi vay” và “Gắn kết lâu - Ưu đãi lớn” đến hết giữa tháng 1-2016. Chương trình dành cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu vi mô vay vốn tiêu dùng và sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 6,5%/năm hoặc từ 7,5%/năm. Hay như ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tung ra hàng loạt các chương trình ưu đãi cho vay. Quy mô lớn nhất có thể kể đến là gói hạn mức cho vay sản xuất kinh doanh 10.000 tỷ đồng với lãi suất 7,49%/năm cho cá nhân/tiểu thương/hộ kinh doanh cá thể.Trong mảng bất động sản, Sacombank tung gói hạn mức 9.000 tỷ đồng cho cá nhân với lãi suất những tháng đầu 7,2%/năm hoặc 7,99%/năm. Ngoài ra, Sacombank còn tung gói 900 tỷ đồng cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất từ 6,99%/năm, gói 1.700 tỷ đồng cho vay mua ô tô với lãi suất từ 6,5%/năm. Sacombank còn có chương trình đến cuối năm 2015 dành cho các khách hàng mới hoặc đã tất toán khoản vay trước năm 2015 được hưởng lãi suất cho vay từ 6,5%/năm. Đối với các khách hàng tham gia bình ổn thị trường có cơ hội vay với lãi suất từ 5%/năm. Mức vay tối đa đối với hầu hết chương trình này là 100% nhu cầu vốn. Đó là chưa kể đến các chương trình ưu đãi khi mở thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ.(Minh Châm - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Chi cục Thuế quận Hồng Bàng vừa được bầu chọn là 1 trong 2 đơn vị lá cờ đầu ngành Thuế năm 2015. Như vậy, 2 năm liên tục, Chi cục Thuế quận này đạt danh hiệu vinh dự. Đây cũng là phần thưởng, là sự ghi nhận xứng đáng đối với tập thể CBCCVC sau một năm nỗ lực thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hồng Bàng Đào Đình Cường cho biết, trong bối cảnh kinh tế chung của toàn quận chưa có nhiều đột biến, số doanh nghiệp gặp khó khăn còn nhiều, phát huy thành tích đơn vị lá cờ đầu, toàn thể CBCCVC chi cục quyết tâm cao, cùng bàn bạc, thống nhất nhiều biện pháp, cách làm hoàn thành vượt mức dự toán được giao. Cụ thể, chi cục chủ động tham mưu với Cục Thuế, Quận ủy, UBND quận về triển khai các biện pháp thu và tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo, giúp đỡ về mọi mặt. Đồng thời, tổ chức giao chỉ tiêu sớm cho các đơn vị, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, rà soát nguồn thu, tăng thu ngân sách. Chi cục tích cực cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế; thường xuyên lắng nghe và phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, đơn vị, các phường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu hiệu quả và lâu dài. Nhờ vậy, chi cục huy động được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có số nộp ngân sách cao về thuế GTGT như Công ty CP quản lý và đầu tư tài sản Á Châu nộp 46,4 tỷ đồng; Công ty XNK Hải Nam nộp 26,2 tỷ đồng; Công ty XNK Minh Hải nộp 3,2 tỷ đồng; Công ty XNK Việt Phát nộp 2,5 tỷ đồng… Đáng chú ý là thuế TNDN là khoản thu có tỷ lệ tăng cao so với dự toán khi đạt hơn 60 tỷ đồng, vượt dự toán 21% và tăng 55% so với năm 2014. Bên cạnh đó, chi cục tăng cường khai thác nguồn thu ở tất cả lĩnh vực như xây dựng cơ bản tư nhân, các khoản phát sinh trên địa bàn và tăng thu từ kiểm tra quyết toán thuế với số thu đạt hơn 10 tỷ đồng. Số thu lệ phí trước bạ cũng tăng cao, gấp hơn 2 lần dự toán với số thu hơn 150 tỷ đồng. Thuế TNCN; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền thuê đất đều đạt và vượt kế hoạch…
Theo ông Đào Đình Cường, đây là năm đầu Chi cục Thuế quận có số thu vượt qua ngưỡng 500 tỷ đồng, đạt 530 tỷ đồng, vượt 9% dự toán phấn đấu và tăng 32,5% so với năm 2014. Không những thế, chi cục là một trong những đơn vị đi đầu, hoàn thành sớm kế hoạch năm của Cục Thuế, đến ngày 15- 10 đã hoàn thành dự toán pháp lệnh; ngày 5- 11 hoàn thành dự toán phấn đấu và ngày 23- 11 hoàn thành vượt mức dự toán thu thuế NQD, một khoản thu mà các địa phương đều phải rất chú trọng mới hoàn thành.
Phát huy thành tích đạt được, Chi cục Thuế quận Hồng Bàng đang bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch thu thuế năm 2016 với mục tiêu giành thắng lợi ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao, hưởng ứng chủ đề hành động năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, thiết thực góp phần vào sự phát triển của quận Hồng Bàng và thành phố.(Thanh Hiệp - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Trong 5 năm qua(2011-2015), huyện Tiên Lãng quy hoạch triển khai thành công 8 vùng sản xuất tập trung, đạt 100% kế hoạch thành phố giao; duy trì 27 cánh đồng 100 triệu/ha, phát triển được thành 5 cánh đồng 500 triệu/ha. Tiêu biểu như vùng trồng lúa đặc sản nếp cái hoa vàng của xã Đại Thắng; vùng sản xuất hành tỏi ở xã Vinh Quang, Đông Hưng,
Hùng Thắng; vùng trồng dưa hấu ở xã Tiên Cường, Tự Cường; vùng trồng dưa chuột ở xã cấp Tiến, Tiên Thanh, Khởi Nghĩa, Quyết Tiến; vùng trồng khoai tây ở xã Tiên Cường, Tự Cường, Kiến Thiết, Tiên Thanh, Cấp Tiến, Toàn Thắng, Tiên Minh...; vùng chăn nuôi tập trung ở xã Khởi Nghĩa, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Tiên Thanh, Tiên Thắng; vùng NTTS ở các xã phía Nam của huyện.
Việc quy hoạch, triển khai thành công những vùng sản xuất tập trung trên mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện chương trình cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chứcc, cá nhân, doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản, góp phần giải phóng sức lao đông, tăng thu nhâp trên diện tích canh tác, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. (An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
“Về đích” trước hơn một tháng, tăng trưởng hơn 21% so với dự toán phấn đấu và gần 36% so với năm 2014, năm 2015 là một năm thắng lợi trong công tác thu ngân sách nội địa của thành phố Hải Phòng khi lần đầu vượt ngưỡng 10.000 tỉ đồng.
Năm 2015, tổng thu ngân sách Hải Phòng đạt 17.238 tỉ đồng, tăng 43,5% so với dự toán Trung ương giao và tăng 18% so với dự toán HĐND Thành phố đề ra, tăng trưởng 22,4%. Trong đó, số thu nội địa đạt 13.000 tỉ đồng, vượt mức dự toán 21% và tăng trưởng 35,7%.
Theo Báo Hải Phòng, trong tổng số thu nội địa, số thu từ khu vực doanh nghiệp ( bao gồm DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN trung ương, DN địa phương) đạt 4.725 tỉ đồng; DN ngoài quốc doanh đạt 2.252 tỉ đồng; thu tiền sử dụng đất đạt 2.000 tỉ đồng (gấp 4 lần dự toán); thuế bảo vệ môi trường đạt 830 tỉ đồng (tăng 3 lần); lệ phí trước bạ đạt 640 tỉ đồng (tăng 39%); phí sử dụng lề đường, bến bãi đối với hàng tạm nhập tái xuất đạt 500 tỉ đồng (tăng 22% so với dự toán và tăng 33% so với năm 2014)…
Sang năm 2016, Hải Phòng tiếp tục coi thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với những mục tiêu cao hơn.
Theo đó, Thành phố đề ra mục tiêu tổng thu ngân sách địa phương năm 2016 là 19.575 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa phấn đấu đạt 15.600 tỉ đồng, bao gồm thu nội địa tính cân đối là 14.850 tỉ đồng và thu phí hàng tạm nhập tái xuất là 750 tỉ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Hải Phòng yêu cầu các địa phương, đơn vị ngay từ đầu năm phải rà soát lại các nguồn thu còn bỏ sót hoặc chưa phù hợp để điều chỉnh kịp thời, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, nợ đọng thuế, đồng thời tăng cường tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, tập trung phát triển DN nhằm tạo nguồn thu vững chắc và lâu dài. Trên cơ sở dự toán được giao, các đơn vị trực thu và các quận, huyện tự xây dựng kế hoạch, tổ chức các biện pháp thực hiện và xây dựng mục tiêu phấn đấu cao hơn ở mức dự toán được giao, góp phần tích cực vào số thu chung của toàn Thành phố…(PV - Báo điện tử Chính phủ 29/12/2015)
Theo báo cáo Market Pulse của Nielsen, mức tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng tăng trưởng trở lại trong quý III vừa qua với mức tăng 4,5% (so với 0,9% của quý trước).
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định.
Khi chia nhỏ ngành hàng tiêu dùng nhanh thành 7 ngành hàng lớn là: thức uống (bao gồm cả bia), thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé, thì chỉ có mỗi ngành hàng đồ uống cho thấy được sự tăng trưởng ổn định trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trong quý III này, ngành hàng đồ uống vẫn đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của toàn ngành (38%) và đạt mức tăng trưởng 9.9%, chủ yếu nhờ tăng sản lượng (+7.3%). Trong khi đó, tất cả các ngành hàng khác đều thể hiện sự tăng trưởng chậm chạp.
Cũng theo báo cáo này của Nielsen, sức khỏe là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt.
Điều đó được thể hiện rõ ràng khi 51% người Việt ưu tiên sử dụng các sản phẩm bổ sung dưỡng chất, 39% người Việt cho biết họ yêu thích các sản phẩm chưa các thành phần tự nhiên và 32% người Việt quan tâm đến các sản phẩm giảm béo/không đường/ít năng lượng.
Khi đề cập đến vấn đề tiện lợi, xu hướng về kích thước sản phẩm từng ngành hàng cho thấy rõ quan niệm về sự tiện lợi. Đối với các ngành hàng như thực phẩm và đồ uống, tiện lợi có mặt ở khắp mọi nơi dưới dạng bao bì/đóng gói nhỏ gọn, dành cho 1 người dùng.
Ngược lại, đối với các ngành hàng như chăm sóc nhà cửa và chăm sóc cá nhân, tiện lợi có nghĩa là các sản phẩm luôn có sẵn ở nhà dưới dạng bao bì/đóng gói phù hợp với nhu cầu.
Các sản phẩm trong ngành hàng này đang có xu hướng tăng trưởng tốt hơn nhờ các bao bì có kích thước lớn. Bởi lẽ, khi sử dụng bao bì lớn, người tiêu dùng không cần phải đến cửa tiệm thường xuyên để mua sản phẩm và cũng không lo lắng về việc “khi cần thì hết”. Tuy nhiên, chính điều này lại đang khiến các ngành hàng này tăng trưởng chậm lại.
Xu hướng cuối cùng là sự sáng tạo/đổi mới, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng yếu tố này đòi hỏi nhà sản xuất phải nỗ lực rất nhiều để đầu tư, nghiên cứu xem cách nào để mở rộng ngành hàng đang có thay vì chỉ cung cấp các yếu tố mới cho sản phẩm sẵn có. Đây chính là yếu tố chính yếu để tạo ra sự sáng tạo đột phá nhằm mang lại một sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.(Bảo Ngọc - BizLIVE 29/12/2015)
Nhân dịp năm mới, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Hải Phòng triển khai chương trình khuyến mại “Mùa kiều hối Agribank 2016, nhận tiền nhanh–nhiều quà tặng”.
Theo đó, từ 4-1-2016 đến 29-2-2016, khách hàng giao dịch kiều hối qua Western Union được tham gia chương trình quay số trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng 800 triệu đồng. Cụ thể gồm: 6 giải nhất, mỗi giải 1 sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng trị giá 5 triệu đồng; 20 giải nhì mỗi giải 1 sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng trị giá 3 triệu đồng; 40 giải ba, mỗi giải 1 sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng trị giá 2 triệu đồng và 630 giải khuyến khích 1 sổ tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng trị giá 1 triệu đồng. Agribank tổ chức 2 đợt quay thưởng để xác định khách hàng trúng thưởng, mỗi đợt quay xác định 3 giải nhất, 10 giải nhì, 20 giải ba và 315 giải khuyến khích. Mỗi mã chuyển tiền của dịch vụ là một mã dự thưởng để tham gia chương trình.
Đối với khách hàng tham gia dịch vụ chi trả kiều hối qua hệ thống ngân hàng (các dịch vụ chi trả kiều hối theo thỏa thuận với ngân hàng Maybank, BNY, CTBC Bank, Kookminbank và chi trả kiều hối qua SWIFT thông thường) được tặng 1 phần quà hoặc tiền mặt có giá trị 50.000 đồng cho mỗi giao dịch. (Báo Hải Phòng 28/12/2015)
Từ thực tiễn hoạt động của các chi bộ cho thấy, chi bộ mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào năng lực, phẩm chất đạo đức của người bí thư. Nhiều tổ chức đảng cơ sở khu vực nông thôn có nhiều biện pháp xây dựng đội ngũ bí thư chi bộ có năng lực, trình độ.
Quyết định thành công từ cơ sở
Đồng chí Nhữ Sơn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) cho biết: “Xã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa trong 6 tháng. Kết quả này có sự góp sức không nhỏ của các đồng chí bí thư chi bộ khi biết kết nối, phát huy trí tuệ của cán bộ, nhân dân trong các thôn để xây dựng phương án thực hiện hoàn thiện nhất. Trong đó, thôn Thanh Trì hoàn tất việc dồn đổi ruộng đất sau 15 ngày”.
Việc dồn đổi ruộng đất ở thôn Thanh Trì có sự phối hợp nhịp nhàng giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn trong lãnh đạo, chỉ đạo. Kinh nghiệm đầu tiên phải kể đến là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ở Thanh Trì, ban chi ủy bàn bạc, thống nhất dựa vào hội viên người cao tuổi, bởi phần đông hội viên là chủ ruộng thực sự cách đây hơn 20 năm. Họ là lớp người đầu tiên được nhận ruộng theo Luật Đất đai năm 1993, cũng là những người hiểu rõ thuận lợi, khó khăn khi canh tác ruộng ở ô thửa lớn và ô thửa nhỏ. Để thuyết phục nhân dân, Bí thư chi bộ và Ban Phát triển nông thôn của thôn thống nhất trước khi họp dân, cần xây dựng phương án, sơ đồ cụ thể về đường đi, máng tưới, máng tiêu nước, công khai mức đóng góp, mức hỗ trợ của cấp trên, cách thức tổ chức thực hiện...Qua đó, giúp người dân biết trước diện tích mình bốc phiếu có thuận lợi về đường đi, hệ thống tưới tiêu hay không và những lợi ích của việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Vì thế, việc làm của thôn được nhân dân đồng lòng ủng hộ.
Về vai trò của các bí thư chi bộ, đồng chí Đỗ Xuân Trịnh, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Kiến Thụy cho rằng: “Tùy theo đặc điểm tình hình của mỗi địa phương, mỗi bí thư chi bộ thôn, khu dân cư có một cách làm riêng để lãnh đạo chi bộ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Bí thư chi bộ giỏi chính là người vận dụng phù hợp các nguyên tắc, quy định, cũng như chỉ thị, nghị quyết của cấp trên vào điều kiện thực tế của chi bộ mình”.
Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo
“Đảng viên già, bí thư chi bộ già” là thực tế diễn ra phổ biến ở nhiều chi bộ nông thôn hiện nay. Đa số bí thư chi bộ nông nghiệp đều ở độ tuổi ngoài 60, nhiều người có thâm niên làm bí thư chi bộ tới 25 năm, thậm chí hơn 30 năm. Đồng chí Đỗ Xuân Khoải, Bí thư chi bộ thôn Tranh Dưới, xã Tam Đa (huyện Vĩnh Bảo) chia sẻ: “Do tuổi cao, sức khỏe ngày một giảm sút, tôi không có điều kiện cập nhật nhanh tình hình thời sự, chủ trương, nghị quyết của cấp trên nên việc triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ cũng có phần bị ảnh hưởng. Do vậy, tại đại hội chi bộ tôi xin được thôi chức bí thư nhưng do không tìm được cán bộ thay thế nên Đảng ủy vận động tôi tiếp tục vào danh sách bầu cấp ủy, tôi được đại hội chi bộ tín nhiệm bầu tiếp tục làm bí thư”.
Theo đồng chí Phạm Văn Thơm, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy), sở dĩ các địa phương đều gặp khó khăn trong tìm nguồn bí thư chi bộ là do công việc chi bộ nông thôn nhiều, quản lý địa bàn rộng trong khi mức phụ cấp cao nhất đối với bí thư chi bộ là hơn 1 triệu đồng/tháng, cũng mới áp dụng gần đây. Vì thế, nhiều bí thư chi bộ gắn bó với công việc chủ yếu vì tinh thần trách nhiệm. Đảng bộ xã Minh Tân khắc phục khó khăn trong tạo nguồn bí thư chi bộ bằng cách triển khai một số giải pháp thu hút đảng viên trẻ, cán bộ trẻ, tạo nguồn cho cấp ủy cơ sở. Đảng ủy công khai quy hoạch cán bộ, hướng phát triển đối với cán bộ trẻ. Chẳng hạn, Đảng ủy xã bố trí một số đảng viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học vào chức danh trưởng thôn, phó thôn, tạo điều kiện để họ vào cấp ủy chi bộ, là bí thư chi bộ đồng thời là nguồn cán bộ cơ sở trẻ tuổi và chất lượng cao của xã, tạo nguồn kế cận từ cấp thôn. Nhiều trưởng thôn, bí thư chi bộ cấp thôn ở Minh Tân được luân chuyển làm cán bộ cấp xã và họ khẳng định hiệu quả công việc. Đơn cử như trường hợp anh Vũ Văn Chương, hơn 30 tuổi, từ vị trí bí thư chi bộ thôn Thọ Linh được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã; anh Nguyễn Văn Phú, sinh năm 1984, là bí thư chi bộ thôn Thấp Linh, sau khi được xã cử đi học đại học, năm 2014, được bầu là Bí thư Đoàn thanh niên xã.
Tại Đảng bộ xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) bí quyết để có nguồn bí thư chi bộ trẻ là xây dựng quy hoạch mở, công khai, tin tưởng giao trọng trách, nhiệm vụ cho cán bộ trẻ, tạo môi trường cho họ rèn luyện, trưởng thành. Đội ngũ cán bộ trẻ ở Kiến Thiết hiện nay đều trưởng thành từ cấp cơ sở.
Nhiều Đảng bộ cấp xã khác trên địa bàn thành phố bố trí cán bộ cấp xã kiêm nhiệm chức danh bí thư chi bộ thôn, khu dân cư, tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm tương xứng với công việc. Cách làm này có nhiều thuận lợi bởi đội ngũ cán bộ đương chức của xã đều trong độ tuổi công tác, có điều kiện về sức khỏe, lại trực tiếp nắm bắt nghị quyết của cấp trên nên việc điều hành các cuộc họp, triển khai thực hiện nghị quyết ở chi bộ cũng sẽ nhanh hơn, chính xác hơn. Cùng với đó, các địa phương thường xuyên tổ chức giao lưu, thi bí thư chi bộ giỏi; đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho bí thư chi bộ ở các trung tâm bồi dưỡng chính trị, qua đó góp phần nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ bí thư chi bộ khu vực nông thôn.(Hoàng Yên - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Sáng 28-12, đại tá Nguyễn Văn Coỏng - Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT-CATP đến CAQ Ngô Quyền động viên và khen thưởng lực lượng công an quận thời gian qua liên tiếp lập nhiều thành tích trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, các lực lượng CAQ Ngô Quyền đã đồng loạt ra quân triển khai theo kế hoạch của Giám đốc CATP. Do chủ động nắm chắc tình hình và làm tốt các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, lực lượng CSĐT hình sự phối hợp với công an các phường trên địa bàn đã phát hiện và tiến hành xóa, phá nhiều ổ nhóm cướp, cưỡng đoạt và trộm cắp tài sản. Cụ thể:
Ngày 18-12, Đội CSĐT hình sự phá chuyên án 125.T đấu tranh với loại tội phạm chuyên đòi nợ thuê, bắt 3 đối tượng, làm rõ 5 vụ cưỡng đoạt; ngày 19-12, phá chuyên án mang bí số 215.T, đấu tranh với ổ nhóm trộm đêm, bắt 3 đối tượng, làm rõ 4 vụ trộm, thu giữ 5 màn hình vi tính và 5 cục CPU, 1 két sắt bị phá, 2.000 USD, 10 triệu đồng, 2 xe máy nhãn hiệu Exciter và Nouvo, cùng nhiều công cụ dùng để phá khóa của nhóm đạo chích…(NP - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Sáng 27-12, Đoàn phường Minh Khai, quận Hồng Bàng tổ chức đám cưới theo mô hình cưới văn minh trong đoàn viên thanh niên cho đôi bạn trẻ Đại Phong và Hoàng Yến.
Tại lễ thành hôn, lãnh đạo UBND phường Minh Khai trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho đôi bạn trẻ trước sự chứng kiến của hai bên gia đình. Chú rể Nguyễn Đại Phong hiện đang công tác tại Đoàn phường Minh Khai.
Lễ thành hôn của Đại Phong và Hoàng Yến là một trong những mô hình tiêu biểu của quận Hồng Bàng thực hiện cuộc vận động “Cưới văn minh trong đoàn viên thanh niên” do Ban Thường vụ Thành đoàn chỉ đạo; Chỉ thị số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng “về việc thực hiện nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan”, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới tại thành phố Hải Phòng.(Trung Kiên - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Theo đó, từ ngày 01/3/2016 sẽ ngừng phủ sóng một số kênh truyền hình tương tự mặt đất tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Cụ thể, tại thành phố Hà Nội có các kênh VTV6, H2, VTC9; tại thành phố Hồ Chí Minh là các kênh VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 và tại thành phố Cần Thơ là các kênh VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9.
Sau đó 03 tháng, từ ngày 01/6/2016 sẽ ngừng phủ sóng toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất còn lại tại 4 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ. Tất cả các máy phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đặt tại tỉnh Bình Dương (trừ các máy phát của Đài PTTH Bình Dương) sẽ ngừng hoạt động theo kế hoạch ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sự điều chỉnh này nhằm đảm bảo cho người dân tại các địa phương tắt sóng có điều kiện xem đầy đủ chương trình truyền hình trong dịp Tết Bính Thân và Đại hội Đảng toàn quốc, đồng thời đảm bảo cho việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn có thêm thời gian để triển khai.
Trước đó, ngày 20/11/2015, Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án Số hoá truyền hình Việt Nam - Cục Tần số Vô tuyến điện đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành hướng dẫn các đơn vị này xác định địa bàn của tỉnh, thành bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ đầu thu truyền hình số khi ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Cần Thơ.(Hồng Hạnh - Báo điện tử Chính phủ 29/12/2015)
Tại hội thảo “Biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, giải pháp giảm nhẹ và thích ứng” vừa được tổ chức ở Hải Phòng, việc huy động cộng đồng tham gia là một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, công tác truyền thông BĐKH còn hạn chế, nhận thức của người dân về BĐKH thiếu đầy đủ. Để khắc phục tình trạng này, việc sử dụng kinh nghiệm, tri thức dân gian bản địa về thời tiết, nhằm đối phó trước những BĐKH là rất cần thiết.
Coi trọng kinh nghiệm truyền thống
Quỹ môi trường toàn cầu vừa thực hiện thí điểm dự án “Khai thác và sử dụng tri thức truyền thống của cộng đồng vạn chài nhằm thích ứng với BĐKH” tại phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Kết quả khảo sát, điều tra của nhóm thực hiện dự án cho thấy ngư dân Đồ Sơn đúc rút các kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn đi biển khá hiệu quả. Bà con xem thời tiết dựa vào các hiện tượng tự nhiên, thông qua việc nhận biết hình ảnh mặt trời, sao, con nước, bọt sóng đoán biết các cơn giông, bão. Đặc biệt, qua quan sát hiện tượng thiên nhiên vào lúc rạng đông của Tết Đoan Ngọ, người Đồ Sơn có thể đoán được số cơn bão trong năm nhiều hay ít để chuẩn bị kế hoạch đi biển hợp lý.
Giữa biển khơi bao la, người dân biết cách nhìn sóng để định hướng bờ, đoán định thủy triều lên, xuống. Đến nay, trong bối cảnh BĐKH, quy luật thời tiết, phương tiện khai thác khác xưa, song những kiến thức bản địa vẫn luôn là người bạn đồng hành với các ngư dân, nhất là kinh nghiệm chống chọi thiên tai khi gặp bão biển được ngư dân Vạn Hương áp dụng hiệu quả. Trước đây, ngư dân thường sử dụng thuyền buồm, khi gặp bão, họ buộc kẹp ngang buồm vào trước mũi thuyền để chắn sóng, đồng thời cho thuyền chạy ngược và thả neo rê, nếu biển sâu 100 sải thì thả neo gần 50 sải, buộc thêm hòn đá rỏi (nặng khoảng 10 kg) dưới neo từ 5-7 m để thuyền giảm độ trôi và gìm cho mũi thuyền luôn thẳng sóng thì sẽ không bị đắm. Ngày nay, ngư dân sử thuyền máy đánh cá, song kinh nghiêm thả neo rê cùng neo đá rỏi và tắt máy vẫn được áp dụng hiệu quả. Ngoài ra, để chống sóng phủ lên tàu, ngư dân còn buộc nhiều phao và vật nổi cho vào dây neo cách tàu từ 10-15m; dùng bạt phủ kín các khoang tàu; rồi nổ máy cầm chừng tránh đứt dây neo.
Có 83,3% số người được phỏng vấn khi tham gia dự án “Khai thác và sử dụng tri thức truyền thống của cộng đồng vạn chài nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu” cho biết, nghề khai thác, đánh cá phần lớn do cha ông truyền lại. Những kiến thức, kinh nghiệm từ các thế hệ trước truyền lại khá phong phú như: cách thiết kế lưới cụ, cách tổ chức khai thác, tìm ngư trường và kinh nghiêm đánh bắt theo mùa, kinh nghiệm dự báo bão, gió.... PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo thành viên dự án chia sẻ: Các tri thức bản địa ra đời từ hoạt động sản xuất của người dân, được các ngư dân đúc rút kinh nghiệm, phục vụ trở lại cho hoạt động khai thác của chính bà con. Các tri thức bản địa của cộng đồng tồn tại, bám rễ và trở thành nét văn hóa đặc trưng trong đời sống thường nhật của người dân. Cùng với những tiến bộ khoa học, các tri thức dân gian này giúp ngư dân chủ động trong phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính mạng và tài sản của cộng đồng. Với kho tàng dân gian quý báu này, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng cần khuyến khích ngư dân khai thác, sử dụng những kiến thức bản địa hợp lý nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH.
Địa phương hóa thông tin về BĐKH
Tại hội thảo về kế hoạch ứng phó với BĐKH của Hải Phòng giai đoạn 2015-2020, do Sở Nông nghiệp-PTNT tổ chức, các ngành đề xuất 12 dự án trọng điểm để ứng phó BĐKH giai đoạn 2016-2020, giải pháp nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó BĐKH cho cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, thời gian tới các vấn đề ứng phó BĐKH cần lồng ghép vào các chương trình giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, các đơn vị doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa tuyên truyền về BĐKH, tăng cường nghiên cứu áp dụng các kiến thức bản địa vào phòng tránh thiên tai ứng phó BĐKH. Đồng thời, có sự đầu tư, đổi mới về truyền thông ứng phó trước BĐKH.
Theo PGS, TS Huỳnh Thị Lan Hương, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH cho biết: quần chúng là lực lượng đông đảo, có khả năng huy động nhanh chóng để ứng phó với những trường hợp cấp bách. Các cộng đồng có sự am hiểu rõ về khu vực, có khả năng đánh giá tác động tại chỗ của BĐKH thông qua quan sát hằng ngày và tự tìm biện pháp đối phó. Tuy nhiên, những thông tin BĐKH đến với người dân cần địa phương hóa, gắn với thông tin bản địa để người dân dễ tiếp cận; các thông điệp về tác động của BĐKH cũng phải giản dị hơn, gần gũi với người dân thông qua những căn cứ, con số thuyết phục. Ví dụ, nhiệt độ tăng lên 1 độ C thì cây gì, con gì ở vùng nào đó sẽ bị ảnh hưởng; cá ở vùng biển đó sẽ thay đổi như thế nào; loài nào sẽ xuất hiện mới, loài nào không thích nghi sẽ mất đi; ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt thế nào. Tương tự, các loài ngao, tôm sú, tôm hùm, vẹm xanh có thích nghi với nhiệt độ trái đất tăng lên hay không? Những thông điệp gần gũi như vậy sẽ giúp bà con nông dân, ngư dân nhận thấy câu chuyện BĐKH thực sự sát thực với cuộc sống, qua đó khuyến khích người dân chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó, thích nghi BĐKH một cách hiệu quả.(Nguyên Mai - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
UBND huyện Tiên Lãng vừa tổ chức khởi công xây dựng lò đốt rác thải rắn tại thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết.
Theo thiết kế, lò đốt rác thải rắn có công suất 500kg rác do Cty CP du lịch và dịch vụ Hải Kim Long triển khai lắp đặt. Ngoài hệ thống lò đốt rác thải, dự án còn xây dựng một số hạng mục như: nhà xưởng, nhà chúa rác, điện nước, đường giao thông.
Tổng kinh phí toàn dự án là 8 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ 3,8 tỷ đồng, số còn lại do ngân sách của huyện và doanh nghiệp. Theo dự kiến, nhà thầu về phấn đấu đưa lò đốt rác thải rắn vào hoạt động trước Tết âm lịch, Việc đưa lò đốt rác thải rắn vào hoạt động giúp xử lý triệt để rác nhà thải rắn tại xã Kiến Thiết, đảm một bảo môi trương sống nơi đây. (PV - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, toàn thành phố được giao 2.800 chỉ tiêu, tăng so với mọi năm. Với sự nỗ lực của Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố, đến thời điểm này, công tác gọi công dân khám tuyển quân sự năm 2016 hoàn thành, đạt kết quả tốt.
Khám tuyển bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ
Ngày thứ 2 đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2016, không khí khám tuyển tại trụ sở Ban Chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng sôi nổi, khẩn trương. Có mặt tại phòng khám thị lực, Vũ Hồng Phong, một trong 55 thanh niên xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng tham gia khám tuyển phấn khởi với kết quả thị lực 10/10. Phong cho biết: “Em mong đạt sức khỏe loại 1, đủ điều kiện nhập ngũ vào đầu năm 2016 tới. Đây không chỉ là nguyện vọng của bản thân em mà còn là niềm mong mỏi của gia đình, bạn bè”.
Ngồi ở hành lang chờ kết luận khám tuyển, thanh niên Phạm Văn Tự, đội 9 Phác Xuyên, xã Bạch Đằng không giấu vẻ háo hức. Mặc dù chưa đủ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng mấy ngày trước, Tự viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tự chia sẻ: “Phát huy truyền thống quê hương, gia đình, em rất mong đủ điều kiện sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự, lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bản thân em cũng như gia đình, người thân đều tin tưởng môi trường quân ngũ giúp em trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn”.
Đến 11 giờ ngày 1-12, ngày đầu khám tuyển nghĩa vụ quân sự huyện An Dương, 100% số thanh niên có lệnh điều khám ở 3 xã Hồng Thái, Đặng Cương, Quốc Tuấn tề tựu tại Trạm Y tế xã Hồng Thái tham gia khám tuyển. Được địa phương, gia đình thông báo lịch khám tuyển nghĩa vụ quân sự, Phạm Văn Toàn, thanh niên xã Quốc Tuấn sắp xếp công việc để về địa phương tham gia khám tuyển. “Tốt nghiệp THPT, em xin làm phụ xây công trình ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên. Mặc dù công việc cuối năm nhiều nhưng em vẫn sắp xếp xin nghỉ việc để về quê tham gia khám tuyển theo đúng quy định với mong muốn đủ điều kiện nhập ngũ. Em hy vọng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có thể tiếp tục theo học ngành nghề cơ khí để tìm việc làm ổn định hơn” – Toàn chia sẻ. Toàn là một trong gần 700 thanh niên huyện An Dương được điều khám tuyển đợt này. Theo Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện An Dương, đây là những thanh niên qua vòng khám sơ tuyển, có độ tuổi từ 18-25, phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng. Để công tác khám tuyển bảo đảm dân chủ, công khai, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đến khám tuyển, huyện An Dương thành lập 6 điểm khám tại Trạm Y tế xã Hồng Thái, An Đồng, Lê Thiện, Hồng Phong, Nam Sơn và Bệnh viện đa khoa huyện An Dương. Đến ngày 6-12, toàn huyện hoàn thành công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2016.
Nâng cao chất lượng tân binh
Theo Trung tá Đoàn Hồng Trường, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện An Dương, đợt tuyển quân này, huyện An Dương được giao chỉ tiêu tuyển chọn gần 300 tân binh lên đường nhập ngũ. Kết thúc đợt khám, 420 thanh niên đủ điều kiện sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự. Trong đó, 58 thanh niên đạt sức khỏe loại 1, 284 thanh niên đạt sức khỏe loại 2 và 78 thanh niên có sức khỏe loại 3.
Đánh giá về tình hình khám tuyển nghĩa vụ quân sự trên địa bàn huyện, Trung tá Hoàng Kim Hùng, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng cho biết : “Năm 2016, huyện được giao chỉ tiêu tuyển chọn gần 300 thanh niên lên đường nhập ngũ, phát lệnh gọi 835 thanh niên tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau ngày khám tuyển, nhìn chung, số thanh niên đạt sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự đạt tỷ lệ cao, trình độ học vấn năm nay cao hơn năm trước. Nhiều trường hợp làm ăn xa kịp thời có mặt tại địa phương tiến hành khám tuyển”.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Toàn thành phố thực hiện giao quân đồng loạt 1 đợt vào ngày 23-2-2016 với chỉ tiêu giao quân 2.800 thanh niên. Theo Thượng tá Ngô Hải Bằng, Trưởng Ban Quân lực, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, mặc dù 6 địa phương thực hiện giao quân đợt 2-2015 (quận Hải An, Dương Kinh, huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Cát Hải, Thủy Nguyên) gặp khó khăn về chỉ tiêu tuyển quân. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng nỗ lực triển khai, đến ngày 20-12, các địa phương trên địa bàn thành phố hoàn thành công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Để nâng cao chất lượng công tác tuyển quân nói chung, chất lượng tân binh giao về các đơn vị nói riêng, các địa phương tập trung làm tốt khâu khám tuyển, trong đó quan tâm tuyên truyền, giáo dục đội ngũ y bác sĩ tham gia khám tuyển nâng cao trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ; bố trí địa điểm khám tuyển phù hợp, bổ sung các y cụ cần thiết phục vụ hoạt động khám tuyển.Với phương châm “tuyển người nào, chắc người đó”, bảo đảm chất lượng tân binh giao về các đơn vị, các địa phương làm tốt công tác nắm nguồn, xét duyệt chính trị, đạo đức và quản lý tốt số công dân đủ điều kiện nhập ngũ. Cùng với đó, tập trung làm chặt chẽ khâu khám tuyển, nâng cao chất lượng tân binh, hạn chế trường hợp bù, đổi, trả lại sau giao quân..(Nhật Huy - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Ngày 27-12, tại Trung tâm triển lãm thành phố, Câu lạc bộ tình nguyện hiến máu Hoa Phượng phối hợp với Trung tâm huyết học truyền máu - Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp tổ chức chương trình hiến máu “Giọt máu sẻ chia – Xuân 2016”. Chương trình thu về con số ấn tượng với 1.270 đơn vị máu, cung cấp nguồn máu dồi dào sẵn sàng phục vụ cứu chữa người bệnh trong dịp Tết 2016.
Với thông điệp “Sẻ giọt máu hồng – Trao niềm hy vọng”, ngày hội nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi tầng lớp người dân tham gia hiến máu cứu người và truyền máu an toàn. Đây là chương trình hiến máu thứ 5 trong năm 2015 do Câu lạc bộ tình nguyện hiến máu Hoa Phượng phối hợp với các đơn vị tổ chức. So với những đợt trước, chương trình lần này trở thành đợt quyên góp máu lớn nhất trong năm khi mở rộng đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện ngoài học sinh, sinh viên.(Thanh Hà - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Chiều 25/12, tại TP Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận và đầu tư hệ thống lưới điện cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ tiếp nhận hệ thống điện huyện đảo Bạch Long Vĩ được bàn giao từ UBND TP Hải Phòng.
Trước đó, EVN giao cho Tổng Cty Điện lực miền Bắc lập phương án đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, quy mô gồm: Đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp để cấp điện cho đảo (nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng). Cụ thể, lắp đặt 4 turbine điện gió, công suất mỗi turbine 250kVA; lắp đặt các tấm pin mặt trời, tổng công suất 500kWp; lắp đặt 2 máy phát diesel, tổng công suất 2MVA; lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng điện năng sử dụng ắc quy kết hợp bộ Inverter nối lưới, tổng dung lượng năng lượng điện năng lưu trữ 7,48MWh; lắp đặt hệ thống điều khiển, giám sát. Tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, dự kiến thời gian thực hiện trong năm 2016-2017. Cty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng được EVN, Tổng Cty Điện lực miền Bắc giao trực tiếp triển khai công tác tiếp nhận, đầu tư hệ thống lưới điện cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ dưới sự chứng kiến, theo dõi, kiểm kê của các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Bạch Long Vĩ (theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công thương). Giá trị giao nhận tài sản là hơn 10,601 tỷ đồng
Giám đốc Cty Điện lực Hải Phòng Vũ Đức Hoan cho biết, sau khi tiếp nhận xong toàn bộ hệ thống lưới điện, Cty thành lập đơn vị quản lý lưới điện với đội ngũ công nhân có trình độ, sức khỏe và chuyên môn cao để quản lý hệ thống điện lâu dài. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cty đã khảo sát và lập phương án đầu tư nâng cấp lưới điện hiện trạng theo phương án thiết kế gồm: Tăng cường 1 máy phát điện 630kVA; cải tạo trạm điện Diesel, đường dây trung áp; thay hệ thống đo đếm điện năng, với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành nhấn mạnh: Với vai trò đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân, trong thời gian qua, EVN luôn xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đưa điện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Lễ ký Biên bản bàn giao để EVN quản lý vận hành lưới điện tại huyện đảo Bạch Long Vĩ khẳng định nỗ lực và là một dấu mốc quan trọng đối với Tập đoàn cũng như TP Hải Phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Chính phủ.
Trong thời gian tới, Tổng Cty Điện lực miền Bắc tập trung chỉ đạo Cty Điện lực Hải Phòng khẩn trương hoàn thành công tác giao nhận theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Công thương; chuẩn bị tốt các phương án cấp điện, đảm bảo dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ giai đoạn 2015 - 2020 hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. EVN sẽ đảm bảo nhu cầu năng lượng 24/24 giờ cho các hoạt động trên đảo.(Khánh Linh - Báo Thanh tra 29/12/2015)
Ban Chỉ huy quân sự huyện An Dương vừa tổ chức chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đợt này, Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức trao quyết định và chi trả trợ cấp 148 1 trường hợp là người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định 62 trên địa bàn huyện.
Từ năm 2012 đến nay, Ban Chỉ huy quân sự huyện An Dương chỉ đạo xét duyệt, tổng hợp báo cáo thành phố gần 2.200 hồ sơ theo Quyết định 62. Đến nay, huyện tổ chức trao quyết định và chi trả trợ cấp gần 1.900 trường hợp với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Nhân dịp này, Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức chi trả trợ cấp 6 trường hợp theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. (Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Trong năm 2015, UBND quận Dương Kinh cấp giấy xác nhận cam kết, đề án bảo vệ môi trường đối với 10 dự án, đơn vị sản xuất kinh doanh.
Trong năm, UBND quận chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường cũng như giải quyết kiến nghị về ô nhiễm môi trường do một số đơn vị sản xuất kinh doanh gây ra. Cụ thể, kiểm tra việc bảo vệ môi trường, xả nước thải vào hệ thống thủy lợi đối với 10 doanh nghiệp; quan trắc, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại 3 doanh nghiệp; giải quyết 23 đơn thư, kiến nghị liên quan đến ô nhiễm mồi trường...Qua kiểm tra phát hiện, xử phạt 16 đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, thu nộp ngân sách 36 triệu đồng.
Nãm 2016, quận Dương Kinh ưu tiên lựa chọn, thu hút đầu tư đối với những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cơ khí sửa chữa, đồ dân dụng, chế biến thực phẩm tại diện tích nằm trong khu vực được quy hoạch.(Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Hết năm 2015, toàn thành phố có 1.086 tổ, đội tuần tra an ninh tại tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn có hội viên cựu chiến binh (CCB) tham gia làm nòng cốt. Đội ngũ cán bộ, hội viên CCB chủ động cùng các ban, ngành thực hiện hoà giải mâu thuẫn trong nhân dân, bảo vệ trật tự trị an.
Điển hình như: Hội Cựu chiến binh xã Kiến Thiết, Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) thành lập Câu lạc bộ an ninh tự quản. Câu lạc bộ an ninh CCB huyện Kiến Thuỵ, Tổ cựu quân nhân xung kích quận Lê Chân luôn hoạt động có nền nếp và hiệu quả. Các tổ, đội qua tuần tra an ninh, phát hiện 153 đối tượng phạm pháp; cảm hoá 63 đối tượng; phối hợp với cơ quan chức năng đưa đi cai nghiện 21 đối tượng; cung cấp 467 tài liệu liên quan đến an ninh trật tự; 123 tin liên quan đến hoạt động tôn giáo; vận động thu nộp 17 kg thuốc pháo, tham gia bắt 36 vụ trộm cắp trên địa bàn. (Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Trong khi chợ phiên truyền thống ở nhiều vùng quê đang dần mai một bởi sự ra đời của các siêu thị hiện đại, trung tâm thương mại sầm uất thì cách trung tâm Hải Phòng không xa, vẫn còn có phiên chợ Hàng quê kiểng như vốn có từ hàng trăm năm trước đều đặn họp vào sáng chủ nhật hàng tuần. Đây là chợ phiên truyền thống duy nhất còn lại của thành phố Hoa Phượng Đỏ...
“Đặc sản” của thành phố Cảng
Từ khoảng 3h sáng sớm chủ nhật hàng tuần, các chủ hàng từ Hải Phòng và vùng lân cận đã chở hàng hóa đến tập kết và bày bán ở khu vực đường Nguyễn Văn Linh, đường Dư Hàng, đường Hoàng Minh Thảo...
Giữa lòng một thành phố công nghiệp hiện đại, phiên chợ là cả một thế giới đồng quê, dân dã. Chẳng phải tìm kiếm đâu xa, người Hải Phòng sinh sống ở nội thành cứ đến chợ Hàng là có thể mua được đàn gà con, cây rau giống, cây cảnh, đặc biệt là các món đồ thân thuộc ở làng quê như điếu cày, rổ rá đan bằng tre, chõng tre, quả bồ kết, lá hương nhu…
Phiên chợ có đủ thứ để hấp dẫn mọi người với vô vàn sở thích và… túi tiền khác nhau. Hàng hóa có giá chỉ từ vài nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng. Cũng có những cây cảnh quý, dáng đẹp có giá đến hàng chục triệu đồng.
Giáp tết, chợ bày bán bạt ngàn đào, quất, mai, hải đường, lộc vừng và cả những cây sung sai trĩu quả.
Không những vậy, chợ còn bày bán những thứ mà tìm “đỏ mắt” ở ngoài cũng không thấy, từ bộ sưu tập bật lửa, đồng hồ cũ đến cả bát điếu, máy đánh chữ, nhạc cụ cổ… Tất cả đều là hàng “độc”.
Anh Nguyễn Thiện, một doanh nhân có sở thích sưu tầm hàng “độc” chia sẻ: “Chủ nhật tuần nào tôi cũng đến chợ để “săn tìm” những món đồ càng dị càng lạ càng tốt. Có lần tôi “bắt” được mấy chiếc bình cổ chạm khắc vô cùng tinh xảo, chỉ có từ thời vua chúa xưa.
Nhưng có khi đi mấy phiên tôi cũng không kiếm được món nào ưng ý. Đổi lại, tôi được gặp gỡ những người có cùng sở thích, trao đổi kinh nghiệm mua hàng “độc”, hàng cổ”.
Cái hay của phiên chợ là không quá quan trọng việc mua bán. Người đến chợ nhiều khi chỉ để ngắm nghía, chiêm ngưỡng và thư giãn trong dịp cuối tuần, thế nhưng lúc nào chợ cũng đông đúc, tấp nập. Dạo một vòng quanh chợ, ta có thể bắt gặp nhiều khách hàng từ Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh...
Không chỉ được hàng vạn người địa phương yêu mến, chợ Hàng còn hấp dẫn cả với khách du lịch nước ngoài.
Kể về “cái duyên” gắn bó cùng chợ Hàng trên 40 năm, ông Phan Thanh Ngọc, thợ rèn bán hàng gần cổng chợ cho biết: “Đã mấy chục năm nay, tôi thuê một cái kho nhỏ gần chợ để chứa đồ. Chủ nhật hàng tuần, tôi chạy xe từ quê Bát Trang, huyện An Lão ra chợ Hàng để bày bán đồ rèn.
May mắn là gian hàng nhỏ của tôi lúc nào cũng đông khách quen. Đồ rèn gia truyền của dòng họ tôi trông rất giản dị nhưng sắc nét”.
Nuối tiếc “thuở vàng son”
Theo Tiến sỹ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, chợ Hàng gắn liền với sự ra đời và phát triển của làng xã Hàng Kênh xưa. Trong lịch sử, đây là một làng giàu có nổi tiếng của Hải Phòng, quan hệ mua bán rộng rãi với thương nhân ở nhiều địa phương khác.
Chợ Hàng xưa nằm giữa sông Lạch Tray và nhánh sông nhỏ chảy từ sông Cấm đến ngã ba An Đà (nay là hồ An Biên), một nhánh chảy theo mương An Kim Hải ra khu vực Máy Chai, một nhánh chảy qua phố Đồng Quốc Bình ra cầu Rào.
Khi đó, chợ được đặt ở vị trí là cận sông để tiện lợi cho việc giao thương chủ yếu bằng tàu thuyền. Vì thế mà xưa kia, chợ Hàng là phiên chợ đông nhất, nhiều mặt hàng nhất, không gian rộng rãi nhất TP Cảng.
Các bậc cao niên sinh sống ở khu vực chợ Hàng xưa kể lại, đây là chợ phiên truyền thống đã tồn tại 50-60 năm. Thời xưa, chợ chỉ họp vào các ngày 5, 10, 15 âm lịch hàng tháng, nhưng hiện nay sáng chủ nhật nào chợ cũng họp.
Trải qua nhiều năm tháng, do không đáp ứng được nhu cầu mở rộng của chợ, chợ Hàng cũ được chuyển về vị trí mới thuộc phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân.
Sử sách ghi chép lại, chợ Hàng mang yếu tố tín ngưỡng – tâm linh quan trọng với người dân Hải Phòng xưa. Trước tết Nguyên đán, người dân Hải Phòng “chơi chợ” để mua sắm đồ thờ, hoa, cây cảnh… về trang trí. Sau tết, mọi người “chơi chợ” để mua cây giống, con giống về nuôi trồng với mong muốn một năm làm ăn phát đạt, thịnh vượng.
Không chỉ mang yếu tố tín ngưỡng - tâm linh, chợ Hàng còn mang đậm nét văn hóa của cộng đồng làng xã. Trong đó, cư dân Hàng Kênh xưa chủ yếu từ vùng Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương đến định cư, tạo lập cuộc sống từ thế kỷ 10 với cư dân ven biển.
Tiến sỹ Đoàn Trường Sơn nuối tiếc: “Giá mà Hải Phòng coi trọng việc lưu giữ, mở mang chợ Hàng xưa thì chắc chắn phiên chợ sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo chẳng kém gì chợ Viềng (Nam Định). Xét về quy mô, mức độ giao thương, lượng hàng hóa, chợ Hàng xưa “chiếm lĩnh” vị trí đầu bảng so với các chợ phiên khác ở miền Bắc”.
Thay lời kết
Tới chợ Hàng, người ta như “lạc” vào thế giới đồng quê thực sự gần gũi, mộc mạc, dân dã với những trải nghiệm thú vị. Không gian phiên chợ chẳng khác nào không gian của một ngày hội. Hầu như chẳng có ai đi chợ Hàng lại về tay không, dù cho người đó chỉ định tới chợ để chơi, để ngắm. Tháng Chạp đã tới.
Đâu đó, nhiều người than thở không khí tết chưa nhộn nhịp, cuộc sống hiện đại khiến nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị lãng quên. Vậy tại sao không tới chợ Hàng để tìm lại chút hương vị tết xưa, khi chỉ còn vài phiên nữa là xuân sang?.(Văn Khúc - Báo Pháp luật Việt Nam 29/12/2015)
Tua du lịch du khảo đồng quê kết hợp tham quan di tích, làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng…trở thành sản phẩm hấp dẫn với du khách mỗi khi đến với thành phố Cảng.
Những trải nghiệm ấn tượng
Những ngày cuối năm, có dịp theo đoàn khách du lịch châu Âu trải nghiệm tua du khảo đồng quê, mới thấy hết tiềm năng, đa dạng của du lịch thành phố. Hải Phòng không chỉ hấp dẫn du khách bởi bãi biển Đồ Sơn hay đảo Cát Bà, nơi đây còn làm say lòng du khách bởi hành trình khám phá mang tên: Du khảo đồng quê.
Khởi hành từ trung tâm thành phố, chưa đến 30 phút di chuyển bằng ô tô, du khách đến với quận Kiến An. Kiến An hấp dẫn du khách không chỉ bởi nhịp sống nhộn nhịp nơi đô hội hay ký ức về tỉnh lỵ Kiến An nay chỉ còn trong ký ức. Trải nghiệm Kiến An, du khách chiêm ngưỡng những dãy núi Phù Liễn, Cựu Viên, núi Vọ, núi Đấu nhấp nhô giữa miền đồng bằng. Và cảm giác thích thú khi đứng trên đỉnh núi Phù Liễn xanh rợp rừng cây; thăm đài Thiên văn hơn trăm năm tuổi, có tầm quan sát trong vòng bán kính khoảng 500km. Cảnh sắc càng nên thơ hơn khi chiều về, hoàng hôn trải dài trên dòng Lạch Tray, những đàn cò rủ nhau kéo về núi Đấu trú ngụ, đậu trắng ngọn cây mang đến cho du khách cảm giác bình yên, thú vị.
Rời Kiến An, về huyện An Lão, từ xa, du khách không tin vào mắt mình khi thấy con voi khổng lồ sừng sững trước mắt. Núi Voi không chỉ hấp dẫn du khách từ cái nhìn đầu tiên và mê hoặc lòng người bởi nơi đây có nhiều hang động kỳ ảo như hang:cá Trắm, cá Chép, hang Dơi, hang Chiêng, hang Trống, có động Họng Voi, động Nam Tào, cung Bắc Đẩu... Địa danh này còn gắn liền với nhiều huyền thoại về vương triều Mạc, về Phạm Bá Vành, về đội du kích núi Voi nổi tiếng cũng như nhiều đền chùa, miếu nổi tiếng linh thiêng
Sự đặc sắc của không gian văn hóa làng quê, đa dạng và đậm đà bản sắc Việt đó là điều mà du khách chỉ có thể cảm nhận đầy đủ khi về huyện Vĩnh Bảo – đây cũng là điểm đến thu hút được nhiều du khách tham quan nhất trong tua du khảo đồng quê. Với vẻ đẹp của làng quê thuần nông, cùng những sinh hoạt, nét văn hóa mang đậm chất làng quê Bắc Bộ, đặc biệt với những làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian như múa rối nước, rối cạn, pháo đất, và hệ thống đình, chùa mang nhiều giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa lịch sử, càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của mảnh đất này. Sẽ là thiếu sót nếu về Vĩnh Bảo mà không đến với đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm –khu di tích quốc gia đặc biệt. Đến nơi đây du khách không chỉ tìm được hiểu về thân thế, sự nghiệp của danh nhân tiêu biểu trong lịch sử phong kiến Việt Nam thế kỷ 16. Đến với nơi đây mỗi người còn mang trong mình ước nguyện cầu mong học hành thành đạt, giáo dục con em mình về truyền thống hiếu học, rèn luyện đạo đức nhân cách theo tấm gương cụ Trạng.
Hành trình tua du khảo đồng quê tiếp tục khi du khách qua cầu phao Hàn đến với huyện Tiên Lãng với tiếng nước chảy róc rách và cảm giác sảng khoái khi ngâm mình dưới làn nước khoáng nóng. Cảm giác mệt mỏi sau chuyến hành trình sẽ tan biến, kí ức đẹp về tua du khảo đồng quê sẽ còn mãi và lưu luyến qua những món ẩm thực đặc sắc.
Cần đổi mới hơn nữa
Thuận lợi của tua du khảo đồng quê là sự đa dạng điểm đến, dọc tuyến có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp và ít trùng lặp. Mỗi điểm đến có sức hấp dẫn riêng để các đơn vị lữ hành khai thác. Không những vậy, đây cũng là tua du lịch có sức hấp dẫn du khách nước ngoài, nhất là khách tàu biển, khi họ thích khung cảnh hoang sơ, môi trường trong sạch và không gian đậm chất văn hóa. Tuy vậy, để trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo được sự lôi cuốn và hoạt động hiệu quả lâu dài tua du lịch này còn không ít việc phải làm.
Trừ hoạt động trải nghiệm tham quan tại huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng thu hút được đông đảo khách du lịch. Thực tế, những điểm đến khác vẫn chưa có khách thường xuyên. Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình (Hòa Bình Travel) cho rằng: tua du khảo đồng quê muốn hấp dẫn du khách còn nhiều chuyện phải quan tâm như hạ tầng giao thông, cách tổ chức điểm đến tham quan, sự phối hợp giữa đơn vị du lịch, chính quyền địa phương và người dân cần được quan tâm hơn; việc quảng bá giới thiệu điểm đến cần được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn. Ngoài ra, để tua du khảo đồng quê giữ được “hương đồng, gió nội” cần bảo đảm các tiêu chí về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa làng quê, bảo vệ cảnh quan môi trường, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng cùng được hưởng lợi từ du lịch.
Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Hải Phòng Bùi Quốc Việt chia sẻ, vấn đề hướng dẫn viên du lịch và quà tặng lưu niệm tại các điểm du lịch cần được quan tâm. Các di tích như núi Voi, miếu Bảo Hà, đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cần được bố trí thuyết minh điểm để giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của điểm đến. Tại các làng nghề, người dân nên chuẩn bị các sản phẩm quà lưu niệm bán cho du khách góp phần tăng thu nhập mà du khách có những món quà tặng người thân, bạn bè.
Không phủ nhận sự hấp dẫn, song còn đó nhiều việc phải làm để tua du khảo đồng quê trở thành sản phẩm du lịch thực sự đắt khách. Để trở thành sản phẩm du lịch thú vị mà du khách muốn trải nghiệm, tua du khảo đồng quê cần có sự hỗ trợ của ngành du lịch, chính quyền các địa phương để xây dựng điểm đến hoàn chỉnh. Cùng với đó là sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp du lịch với người dân để cùng làm du lịch, thiết kế tua tuyến, giới thiệu quảng bá đến du khách góp phần làm phong phú loại hình du lịch thành phố Cảng.(Văn Cường - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Quầy bán trầu cau của bà Đào Thị Nhát, 78 tuổi, ở chợ Vạn Mỹ (phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền) dường như lặng lẽ hơn những gian hàng khác. Những lá trầu già xanh xì và những lá non xanh mơn mởn được bà tỉ mỉ xếp ngay ngắn. Bà cho biết, mình gắn bó với nghề bán trầu cau từ thời con gái tới tận bây giờ. Bà nhớ lại: “Ngày tôi còn trẻ, có rất nhiều người biết ăn trầu nhưng bây giờ thì càng ngày càng ít. Người ăn trầu thường có làn môi đỏ do cau và vôi hòa quyện lại, răng thì đen lay láy như hạt na. Có người nghiện ăn trầu đến lúc chết, có người ăn một vài buổi đã bỏ cuộc vì sợ say. Tôi tập ăn từ 15 tuổi, mẹ tôi dạy cách ăn và cách têm trầu. Ăn trầu rất khó. Lần đầu nhai trầu, tôi có cảm giác nóng rát môi và lưỡi. Tôi cũng bị say nhiều lần, cảm giác rất giống say rượu…”.
Nói về những người mua trầu bây giờ, bà Nhát chia sẻ: “Ngày trước, nhiều người mua trầu cau để ăn, bây giờ người ta mua thắp hương vào tuần rằm là chủ yếu”. Theo bà Nhát, ngày thường bà chỉ bán chừng 5 đến 7 cơi trầu còn ngày rằm, bán được hơn chục cơi. Giá của mỗi cơi “khá mềm”, có cơi 2.000 đồng, có cơi 3.000 đồng. Bà cũng như những người bán lẻ trầu cau khác, bán cả hoa và vàng tiền để khách dễ mua vào những ngày rằm, mồng một.
Những ai mua trầu cau ở chợ Đông Hải (phường Đằng Hải, quận Hải An) đều biết đến bà Lê Thị Khoản (81 tuổi), người gắn bó với nghề bán trầu cau hơn 60 năm. Bà Khoản chia sẻ: “Đất Hà Lũng nhà tôi có nghề trồng hoa nên hồi còn trẻ, tôi bán hoa, rồi kèm thêm trầu cau, vàng hương. Trước kia có rất nhiều người sống bằng nghề bán trầu cau. Bây giờ, ít người ăn trầu nên cả ngày chỉ bán được khoảng dăm sáu chục quả. Con gái tôi không theo nghề này, một phần vì thu nhập thấp. Song tôi vẫn tiếp tục bán trầu cau khi còn sức dù lời lãi chẳng bao nhiêu…”. Bà dừng lại những lời chia sẻ để bán cau cho khách, rồi tiếp tục: “Người ta mua đông khi đi lễ, trong đám cưới, hay vào ngày rằm hoặc trong các lễ cúng, còn ngày thường thì ít lắm”. Nói xong, bà chép miệng thở dài…
Có nhiều cụ cả đời gắn bó với nghề bán trầu cau và tiếp tục mong muốn truyền nghề cho con cháu. Ngày thường, các gian hàng bán lẻ của các cụ rất trầm lắng mà chỉ đến mùa cưới hay ngày rằm mới nhộn nhịp. Anh Bùi Hoàng Lân, 50 tuổi, ở phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) tiếp tục gắn bó với nghề bán trầu cau của mẹ. Để tăng thu nhập, “bám nghề” lâu dài, ngoài bán lẻ trầu cau, anh Lân còn têm trầu và xây mâm trầu vào dịp cưới hỏi cho nhiều đám ở trong và ngoài thành phố. “Khách thường đặt lễ trước. Có khách yêu cầu xây mâm trầu 100 quả hoặc hơn trăm quả.
Anh Lân hào hứng hơn hẳn khi giới thiệu về cách têm trầu: “Những nơi khác tôi không biết nhưng ở Hải Phòng, người ta chỉ có một kiểu têm duy nhất là têm trầu cánh phượng. Muốn têm được kiểu này, trầu phải chọn lá nhỏ, gầy lá; vỏ chay, cau thì lấy cau Cao Nhân (Thủy Nguyên). Một đĩa trầu thường có tổng lẻ; tùy theo khách đặt nhiều, đặt ít. Đặt ít thì 5,7,9 miếng còn đặt nhiều thì 15,19,21 miếng”.
Tuy bây giờ, không còn nhiều người ăn trầu nhưng nó vẫn là vật phẩm không thể thiếu trong những ngày lễ, ngày giỗ và ma chay, hiếu hỉ. Dù cuộc sống có đổi thay thế nào thì lá trầu quả cau vẫn mãi tượng trưng cho nét văn hóa đặc sắc của người Việt.(Vân Anh - Báo Hải Phòng cuối tuần 29/12/2015)
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, một số trẻ thỏa sức xây dựng thế giới ảo của riêng mình trong đó đề cao sự phá cách, cá tính mà ít quan tâm tới những chuẩn mực, lễ nghi trong đời sống nói chung, giao tiếp nói riêng. Đó là một trong những nguyên nhân hình thành nên thứ ngôn ngữ và phong cách giao tiếp mới, dần lấn sân sang cả đời sống thực, gây nên những lo lắng về tình trạng lệch chuẩn trong văn hóa giao tiếp, phát ngôn của giới trẻ.
Loạn tiếng lóng
Chỉ cần vào một vài diễn đàn dành cho giới trẻ, không khó để bắt gặp những từ ngữ “lạ hoắc lạ hơ” như “wen” (quen), “bít” (biết); “iu” (yêu), “roài” (rồi); “bùn” (buồn), “hem” (không), “bít” (biết). Hay những câu nói lạ tai kiểu như “Phim này hay vãi mày ạ” (phim này hay lắm mày ạ); “Chuẩn cơm mẹ nấu” (đúng, chuẩn), “hoành tá tràng” (hoành tráng)… Theo Phạm Văn T., học sinh lớp 9 trường THCS Lê Lợi (quận Hải An), những ngôn ngữ đó giờ trở nên quá quen thuộc với giới trẻ một phần vì tâm lý muốn rút gọn tối đa ngôn ngữ khi giao tiếp, nói chuyện qua mạng, nhắn tin điện thoại; một phần vì xu hướng muốn “lạ hóa” những câu nói của mình để tạo ấn tượng với người nghe.
Với sự sáng tạo “vô biên”, giới trẻ cũng tạo ra những cách nói “không giống ai” có thể khiến cho các bậc phụ huynh không thể hiểu nổi tư duy lô – gíc trong những câu nói đó. Tiêu biểu có thể kể: thay vì nói “mày dốt lắm”, các bạn trẻ sẽ nói “mày thật cà-rốt”; thay vì nói “cùng chia để trả tiền”, giới trẻ sẽ nói “campuchia nhé”; hay “đi đâu mà đầu lâu thế” thay cho “đi đâu mà lâu thế”… Theo bác Ngô Văn Túy, tổ 10 Hạ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An, những câu nói theo phong cách ngôn ngữ thời @ đó chỉ có thể chấp nhận được trong một số hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ quá lạm dụng, sử dụng thường xuyên khi giao tiếp với cả người lớn tuổi hoặc trong những khung cảnh nghiêm túc thì thật khó chấp nhận.
Nói tục chửi bậy thành quen
Hiện nay, trên mạng xã hội, nơi giới trẻ vẫn “sinh hoạt” hằng ngày, những lời lẽ tục tĩu, bậy bạ xuất hiện với tần suất chóng mặt. Điều đáng nói, giới trẻ nói tục, chửi thề chỉ để… cho vui miệng rồi trở thành thói quen lúc nào không biết. Nhiều học sinh, sinh viên sẵn sàng văng “Mẹ kiếp”, “Chó”, “Đ.M.” ngay cả ở trường học và những nơi công cộng. Hiện tượng đó không chỉ làm xấu đi hình ảnh về giới trẻ thành phố, gây phản cảm với người nghe mà còn là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ xô xát không đáng có.
Cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT 25-10 (huyện Thủy Nguyên) cho rằng: “Việc nói tục, chửi thề làm cho kỹ năng giao tiếp của học sinh trở nên yếu kém vì những phát ngôn lệch chuẩn. Nghiêm trọng hơn đã có nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng xảy ra cũng chỉ vì một lời nói tục. Nếu không ngăn chặn thói xấu này, dần dần sẽ tạo nên một hệ lụy khôn lường. Một người nói tục, cả lớp nói tục, cả tập thể nói tục…lan ra cả ngoài xã hội. Khi đó, xã hội văn minh sẽ biến mất và thay vào đó là một xã hội thiếu văn hóa trầm trọng.
Học ăn, học nói
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch chuẩn trong ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ trong đó không thể không nhắc đến vai trò của gia đình. Nhiều bạn trẻ có bố mẹ, anh chị làm nghề tự do nên khó tránh được việc mang những lời nói tục tĩu về nhà, ảnh hưởng không nhỏ đến ngôn ngữ của giới trẻ. Một nguyên nhân nữa là do các bạn trẻ tiếp xúc nhiều với phần tử xấu, cá biệt. Không ít bạn trẻ lại quan niệm dùng tiếng lóng, nói tục, chửi thề là cách để gây ấn tượng, tạo phong cách riêng cho bản thân.
“Để hạn chế tình trạng lệch chuẩn trong giao tiếp của giới trẻ không dễ vì ngay các nhà trường cũng chưa có tác động tích cực đến việc giáo dục học sinh”- cô giáo Đỗ Thị Thu Hà thừa nhận. Còn theo Tiến sĩ Đinh Thị Tỵ, nguyên Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường đại học Hải Phòng): “Để rèn lời ăn, tiếng nói cho giới trẻ, trước hết các bậc cha mẹ cần làm gương trong từng câu nói, cách giao tiếp. Đồng thời quan tâm, phối hợp với nhà trường uốn nắn cách nói năng của các em. Trong trường, lớp, phải tổ chức thêm nhiều hoạt động Đoàn, Hội lành mạnh để các em vui chơi, giao lưu học hỏi những điều tốt đẹp. Về phía các bạn trẻ cần nhận thức được vẻ đẹp của Tiếng Việt và trách nhiệm học tập, gìn giữ và phát huy tinh hoa của tiếng mẹ đẻ. “Nói tục, chửi thề là một thói xấu đáng chê trách, phê phán. Hãy luôn nhớ lời khuyên của ông cha: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Để có thể nói đúng, nói hay, chúng ta cần phải có ý chí và nghị lực rèn luyện trong quá trình lâu dài thì mới đạt kết quả tốt”, Tiến sĩ Đinh Thị Tỵ nhấn mạnh.(Việt Hoàng - Báo Hải Phòng 29/12/2015)
Lạng Côn là một làng thuần nông thuộc xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Làng có 2 thôn là Lạng Côn Hải và Lạng Côn Hà. Làm bánh đa là nghề phụ nhưng theo thời gian, nay đã trở thành một nghề truyền thống của làng, làm nên nét văn hóa, thương hiệu rất riêng ở Lạng Côn.
Một làng nghề truyền thống
Theo các cụ già kể lại, người Lạng Côn đã biết làm bánh đa từ mấy trăm năm nay. Tương truyền ở thế kỷ 13 có 1 vị quan thời Trần tên là Trần Hữu Thi đã về đất Lạng Côn để lập ấp. Thương dân, ông mở lớp dạy học cho trẻ con và tạo ra nghề phụ, giúp dân làng có thêm kế sinh nhai. Ông lấy lúa gạo được sinh ra từ đất làm nguyên liệu và mặt trời là hình mẫu và bánh đa ra đời từ đó.
Bánh đa Lạng Côn có cả bánh đa nhúng thưởng thức cùng với các món canh và bánh đa khô để nướng, nhưng chủ yếu ở làng này người ta làm bánh đa nướng. Bánh đa nướng có nhiều loại: bánh đa mặn, bánh đa ngọt và bánh đa gấc. Bánh đa mặn được làm bằng gạo, muối và vừng rang. Còn bánh đa ngọt và bánh đa gấc có vị ngọt của đường, cái ấm nồng của chút quế hay gừng và có màu đỏ của đường trưng hoặc màu gấc chín.
Ngày xưa, bánh đa ở Lạng Côn được làm theo phương pháp thủ công, dùng cối xay tay và tráng bánh cũng bằng tay. Bắt nhịp với những nhu cầu của cuộc sống ngày càng phát triển, người Lạng Côn chịu khó lặn lội vào miền Trung, rồi Đà Nẵng để học hỏi, sáng tạo mô hình sản xuất bằng máy công nghiệp cho phù hợp với công việc. Dù làm bằng tay hay bằng máy, người Lạng Côn vẫn có những bí quyết riêng để làm ra những tấm bánh đa thơm ngon có tiếng. Những hạt gạo dẻo thơm, trong trắng lớn lên trên cánh đồng Lạng Côn được tuyển lựa kỹ càng, cho vào ngâm từ đêm hôm trước.
Từ tờ mờ sáng, cả làng đã náo nức bởi tiếng máy xay, cối xay, tiếng người nói cười, bước chân người qua lại. Ai có dịp đến Lạng Côn lúc này mới cảm nhận hết được nét đẹp thuần khiết toát lên từ nhịp sống lao động nơi thôn quê. Trong khoảng khắc bảng lảng của trời đất ấy, trong ánh lửa bập bùng từ các lò bánh và cái huyền ảo của khói bếp quyện hòa trong sương sớm, người Lạng Côn như những nghệ sĩ đang biểu diễn rất hăng say với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt tráng, gạt bánh,..
Những chiếc bánh được tráng không quá dầy, cũng chẳng quá mỏng, sao cho đủ độ phồng để bánh nở giòn khi nướng. Chỉ cần khi ông mặt trời le lói chút nắng đầu tiên là hàng loạt phên bánh được bầy ra phơi khắp làng. Những chiếc bánh đa Lạng Côn trở nên thơm tho hơn khi được trải mình qua nắng sớm đầu hôm. Phơi chỉ đủ độ nắng trong khoảng 2 giờ rồi thu các phên bánh chồng lên nhau, không phơi kiệt, cũng không cất bánh đi ngay để tránh giòn gẫy, khó bảo quản trong quá trình vận chuyển mà vẫn giữ được bánh không ẩm mốc, ấy là cái khéo của người Lạng Côn.
Hướng đi của làng nghề
Khi những làng nghề truyền thống ở một số địa phương khác đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là đang mai một dần thì ở Lạng Côn nghề làm bánh đa ngày càng được quan tâm và phát triển hơn. Trước là bởi sự sáng tạo, yêu nghề của người thợ làm bánh nên mô hình làng nghề càng được chuyên nghiệp, mở rộng, năng suất lao động tăng cao rõ rệt.
Anh Hoàng Văn Mạch - Phó chủ tịch Hội CCB Lạng Côn và cũng là người được sinh trong gia đình có truyền thống 4 thế hệ làm bánh đa ở làng cho biết: “Trước kia khi làm thủ công thì người Lạng Côn chỉ làm được khoảng 20kg gạo/ngày, cho ra thành phẩm gần 250 chiếc bánh đa. Nay với sự hỗ trợ của máy móc thì nhà nào làm ít nhất cũng đạt 130kg gạo và làm nhiều thì lên tới 200kg gạo với số lượng trung bình 4.500 chiếc bánh/ngày. Hiện ở Lạng Côn có khoảng 44 hộ/650 hộ làm bánh đa. Hộ sản xuất quy mô nhỏ cũng có từ 4-5 lao động, quy mô lớn thì lên đến hơn chục người làm. Bình quân thu nhập là gần 5 triệu đồng/ngày cho mỗi hộ gia đình làm bánh”.
Được biết chính quyền địa phương nơi đây cũng có những chính sách quan tâm nhất định đối với hướng duy trì, phát triển của làng nghề. Trao đổi với phóng viên, ông Tô Văn Cương - Chủ tịch xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, cho biết: “Làm bánh đa là một nghề truyền thống của người Lạng Côn. Địa phương rất quan tâm đến làng nghề vì nhờ có làm bánh đa nên đã giải quyết được vấn đề lao động dư thừa, giúp người dân kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Xã đã có chính sách giúp người làm nghề được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách. Hiện nay có trên 20 hộ dân đã được vay vốn với số tiền là 20 triệu đồng/hộ”.(Xuân Hạ - An ninh Hải Phòng 29/12/2015)
Chiều 28-12, giải vô địch đấu kiếm trẻ toàn quốc năm 2015 diễn ra những trận chung kết cuối cùng của các nội dung đồng đội và tiến hành bế mạc. Với 3 huy chương vàng , 4 huy chương bạc, 14 huy chương đồng, đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng xuất sắc vượt qua chỉ tiêu đề ra, đứng vị trí thứ 2 toàn đoàn.
Đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng tham gia giải với 24 vận động viên, thi đấu tại 6 nội dung. Đưa ra chỉ tiêu giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng nhưng tại giải đấu năm nay, đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng đã xuất sắc vượt xa chỉ tiêu đề ra. Tại giải, các vận động viên đấu kiếm Hải Phòng đã thể hiện được sức mạnh ở nội dung sở trường kiếm chém của mình. Cả 3 huy chương vàng Hải Phòng giành được đều thuộc nội dung kiếm chém. Phạm Quanh Khanh giành huy chương vàng kiếm chém ở lứa tuổi dưới 17. Ở lứa tuổi dưới 20, Vũ Văn Hùng và Bùi Thị Thu Hà mỗi người giành về 1 tấm huy chương vàng kiếm chém. 4 huy chương bạc của đấu kiếm Hải Phòng thuộc về nội dung kiếm chém và kiếm liễu nam lứa tuổi dưới 17, kiếm liễu nam và kiếm liễu nữ lứa tuổi dưới 20.
Tại giải đấu, Hà Nội vẫn khẳng định sự vượt trội của mình khi bỏ xa các đơn vị còn lại, đứng đầu toàn đoàn với 8 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 5 huy chương đồng, Ở vị trí thứ 3, Hải Dương giành được 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 5 huy chương đồng.(Báo Hải Phòng 29/12/2015)