Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/9/2015)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/9/2015)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.                 Họp báo về Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hải Phòng lần thứ 8: Tuyên truyền, nhân rộng các điển hình phong trào thi đua yêu nước

Chiều 25-9, UBND thành phố tổ chức họp báo thông tin về Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hải Phòng lần thứ 8, giai đoạn 2015-2020. Các đồng chí Nguyễn Hữu Doãn, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ; Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố đồng chủ trì họp báo.

Đại hội thi đua yêu nước thành phố lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào ngày 30-9 tại Trung tâm Hội nghị thành phố, với sự tham dự của gần 500 đại biểu, trong đó có 314 gương mặt tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố giai đoạn 2010-2015. Đại hội đánh giá kết quả phong trào thi đua yêu nước 5 năm giai đoạn 2010-2015, đề ra phương hướng đẩy mạnh phong trào; tổ chức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020; biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đạt thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh thông qua cơ cấu, số lượng đoàn đại biểu thành phố tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9. 

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đặt một số câu hỏi liên quan tới công tác tổ chức, cơ cấu đại biểu tham dự đại hội, danh sách đại biểu thành phố dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, đồng thời đề nghị ban tổ chức cung cấp danh sách các điển hình tiên tiến của thành phố trong các lĩnh vực như phát triển công nghiệp, nông nghiệp nông thôn, nghiên cứu khoa học...

Các đồng chí chủ trì họp báo giải đáp những ý kiến của đại diện các cơ quan báo chí, đồng thời nhấn mạnh: đây là sự kiện chính trị quan trọng của thành phố hướng tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, đề nghị các cơ quan báo chí địa phương, báo chí thường trú trên địa bàn tập trung tuyên truyền về phong trào thi đua yêu nước của thành phố trước, trong và sau đại hội. Nội dung tuyên truyền hướng vào kết quả phong trào thi đua yêu nước thành phố đạt được cũng như những gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay của Hải Phòng, góp phần vào thành công của đại hội.  (Báo Hải Phòng 26/09)

2.                 Hướng tới đại hội thi đua yêu nước lần thứ 8, giai đoạn 2015 - 2020: Phong trào thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy sự phát triển Hải Phòng

Những ngày này, toàn thành phố náo nức với nhiều hoạt động chào đón Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 8 với mục tiêu trang trọng, ý nghĩa, ngắn gọn nhưng sinh động, sâu sắc, thiết thực và hiệu quả. Các phong trào thi đua được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo nhiều hiệu quả to lớn hơn khi gắn với Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 và Đại hội lần thứ 12 của Đảng. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố dành cho phóng viên Báo Hải Phòng cuộc phỏng vấn về những nét mới, thành tích nổi trội của phong trào thi đua yêu nước của Hải Phòng trong 5 năm qua và định hướng thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố dành cho phóng viên Báo Hải Phòng cuộc phỏng vấn về những nét mới, thành tích nổi trội của phong trào thi đua yêu nước của Hải Phòng trong 5 năm qua và định hướng thời gian tới.
- Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả phong trào thi đua yêu nước của Hải Phòng 5 năm qua?

- Trước hết, có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua chính là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng. Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng và mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng, huy động mọi nguồn lực và sức sáng tạo vì sự phát triển của thành phố, góp phần đưa Hải Phòng vượt qua những khó khăn gay gắt của thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, có sự phát triển nhanh, mạnh và rất ấn tượng. Điều đó được thể hiện khi 5 năm qua, trong bối cảnh khó khăn nhiều nhưng Hải Phòng tiếp tục khẳng định vị thế thành phố Cảng biển lớn nhất phía Bắc, một trung tâm, một đầu tàu kinh tế, giáo dục, y tế của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, một pháo đài vững chắc, bất khả xâm phạm về QPAN... Mỗi người dân Hải Phòng đều tự hào vì mỗi năm thành phố lại có nhiều đổi khác, phát triển nhanh hơn, bề thế, hiện đại hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. GDP của Hải Phòng luôn tăng trưởng ở mức gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. Công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ đều phát triển đứng trong top đầu cả nước. Cả thành phố hiện như một đại công trường với hàng trăm dự án lớn, nhỏ và khi hoàn thành sẽ tạo nên một cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị đồng bộ, hiện đại và vượt trội. Để từ đó thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước và thế giới với những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế Hải Phòng. Kinh tế phát triển, Hải Phòng càng có điều kiện giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo chu đáo các gia đình chính sách; giữ vững QPAN...

- Sự đổi mới trong phát động và tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước ở Hải Phòng 5 năm qua được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí Phó chủ tịch?

- Đó chính là chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua. Chính phong trào thi đua đã khơi gợi sự năng động, sức sáng tạo, ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi tập thể, cá nhân, để từ đó cộng hưởng lại tạo nên những kết quả tuyệt vời. Đáng chú ý là phong trào thi đua của Hải Phòng rất đa dạng, phong phú với những nét khác biệt, riêng có, mang đậm bản sắc thành phố Cảng. Điển hình là  phong trào thi đua thực hiện chủ đề năm, từ “ Bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội”; “ Đô thị và an sinh xã hội”; “ Đô thị và an toàn giao thông”; “ Du lịch và đô thị” tới “ Phục hồi kinh tế- đổi mới mô hình tăng trưởng”. Trong mỗi lĩnh vực lại có những phong trào thi đua rất sôi nổi, trọng tâm như  “Quản lý giỏi, lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”,  Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp”, "Xây dựng nông thôn mới", “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, "Phong trào vượt khó vươn lên", "Lao động sáng tạo, năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn",  "Xây dựng tuyến đường tự quản", "Tuyến đường kiểu mẫu", "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị", "Góp đất làm đường", thi đua  "Dạy tốt, học tốt", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", " Thầy thuốc như mẹ hiền", “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Vì an ninh Tổ quốc", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Thi đua quyết thắng”... Đáng chú ý là các phong trào thi đua gắn với thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược của Hải Phòng như phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính; gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; "Dân vận khéo", “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”... càng tạo nên kết quả toàn diện hơn.

Từ các phong trào thi đua, thành phố phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương và nhân rộng nhiều điển hình tiên tiến. Hằng năm có khoảng 6,5 vạn công nhân, lao động, viên chức thành phố thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”; có nhiều tập thể điển hình tiên tiến đóng góp lớn cho sự phát triển của thành phố như: Công ty TNHH Cảng Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Phòng, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Hải Phòng, Công ty Giày Aurora, Công ty Cổ phần thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Vico, Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Úc... Công nhân, viên chức, người lao động thành phố phát huy 13.380 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài khoa học, làm lợi trên 366,8 tỷ đồng. Có 419.003 hộ đạt danh hiệu gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. 21 năm liền Hải Phòng có học sinh đoạt giải quốc tế và rất nhiều giải thưởng quốc gia, giáo dục-đào tạo đứng trong top đầu cả nước, có nhiều vận động viên tiêu biểu đạt thành tích cao trong nhiều năm. Khối lực lượng vũ trang xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến. Từ năm 2010 đến nay, thành phố đã xét chọn 15 doanh nghiệp tiêu biểu, 15 Giám đốc doanh nghiệp tiêu biểu; 47 gương mặt tiêu biểu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; 41 nữ cán bộ, công chức, viên chức được tặng Giải thưởng Lê Chân. Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng với những danh hiệu cao quý...

Có thể nói, Hải Phòng thực hiện tốt chủ đề hành động do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015" , phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng tâm, hợp lực của toàn thành phố, phát huy truyền thống của thành phố Cảng "Trung dũng-  Quyết thắng", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển KTXH, giữ vững QPAN…

- Đại hội thi đua yêu nước thành phố Hải Phòng lần thứ 8 được tổ chức với mục tiêu đổi mới, chất lượng, hiệu quả. Nét mới trong tổ chức đại hội lần này là gì, thưa đồng chí Phó chủ tịch?

-  Sự đổi mới trong phát động và thực hiện các phong trào thi đua tạo nên sự đổi mới trong tổ chức đại hội thi đua các cấp từ cơ sở tới thành phố. Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt; nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua thời gian qua của các cấp, các ngành, địa phương sẽ được lựa chọn, giới thiệu, biểu dương, khen thưởng tại đại hội. Nhưng cách giới thiệu, biểu dương cũng sẽ được đổi mới, không phải là những báo cáo dài dòng mà thay vào đó là những hình ảnh, những cuộc trao đổi, đối thoại, những bài phỏng vấn ngắn… Đáng chú ý là từ các đại hội thi đua yêu nước lại dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp tại tất cả địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, trong các tầng lớp nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2015 và 5 năm 2010- 2015. Các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố rất tích cực vào cuộc, tạo thành làn sóng thi đua mạnh mẽ, để mỗi người dân tự nhận thấy trách nhiệm của mình, tự phấn đấu, tự làm những việc tốt, góp sức mình xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Một đổi mới nữa là công tác khen thưởng nhằm bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời trên cơ sở coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng; chú trọng khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân ở cơ sở, là nông dân, công nhân, học sinh, người lao động trực tiếp sản xuất, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn hay những tập thể, cá nhân có tinh thần sáng tạo, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời chú trọng khen thưởng trong lĩnh vực  đối ngoại.

- Trong 5 năm tới, phong trào thi đua yêu nước của Hải Phòng sẽ hướng trọng tâm vào những nội dung gì để đáp ứng yêu cầu phát triển đột phá thành phố, thưa đồng chí? 

- Trong 5 năm tới (2015-2020), Hải Phòng đặt ra yêu cầu phát triển nhanh và đột phá, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ thành phố và Nghị quyết 12 của Đảng. Vì vậy, toàn thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước gắn với biểu dương, khen thưởng kịp thời, quan tâm bồi dưỡng, phát hiện, động viên các điển hình nhân tố mới; tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác thi đua khen thưởng; thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", càng khó khăn thì càng phải thi đua mạnh mẽ, lấy cái tốt át cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Theo đó, thành phố sẽ phát động sâu rộng hơn nữa các phong trào thi đua  trên tất cả các lĩnh vực và trong các tầng lớp nhân dân gắn với thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng hình ảnh thành phố Hải Phòng năng động, mến khách, có môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách, là thành phố  “đáng sống” để mọi người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn, để Hải Phòng ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là một trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển; trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ...

-  Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố ! (Hồng Thanh - Báo Hải Phòng 28/09)

3.                 Thi đua thực hiện cải cách hành chính các cấp, ngành: Tạo đà thành phố phát triển bứt phá

5 năm qua, cải cách hành chính (CCHC) thực sự trở thành điểm đột phá giúp thành phố cải thiện môi trường thu hút đầu tư, góp phần tích cực tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

CCHC đạt kết quả rõ nét trên mọi tiêu chí

Theo kết quả Bộ Nội vụ công bố chỉ số CCHC các địa phương trong năm 2014, Hải Phòng tiếp tục có 6/8 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2013 và đứng trong nhóm 2 địa phương dẫn đầu cả nước, gồm: công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện cơ chế một cửa. Ngoài ra, điểm điều tra xã hội học về khảo sát công tác CCHC của tổ chức, doanh nghiệp, công dân và đại biểu HĐND trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước. Với tổng số điểm chỉ số CCHC đạt 91,81%, cao hơn năm 2013 là 4,88%, Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng.

 Có được kết quả này là nhờ công tác CCHC được thực hiện khá toàn diện, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là sự sâu sát trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thành phố. Ngay sau khi Nghị quyết số 30C về chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ ban hành, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 01 về đẩy mạnh CCHC nhà nước thành phố giai đoạn 2011 - 2015. Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về CCHC. Tiếp đó, HĐND, UBND thành phố cũng ban hành nhiều nghị quyết, quyết định nhằm đánh giá chính xác thực trạng nền hành chính công thành phố cũng như cụ thể hoá tất cả chỉ tiêu, cách thức thực hiện, phương tiện giám sát thực hiện những nội dung được Nghị quyết 01 đề ra.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đào Sơn cho rằng, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố tạo động lực để phong trào thi đua thực hiện CCHC diễn ra khắp các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố. Cũng từ đó, nhiều ý tưởng, mô hình CCHC được các địa phương, đơn vị cụ thể hoá và áp dụng vào thực tiễn. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30C, thành phố là đơn vị đầu tiên cả nước chủ động xây dựng và ban hành đề án sắp xếp Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề tại 13 quận, huyện trên địa bàn. Việc sắp xếp kiện toàn góp phần tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục thường xuyên và dạy nghề tại địa phương. Từ năm 2011, Hải Phòng thực hiện thí điểm thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp trên cơ sở thống nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tại các quận, huyện và đến năm 2014 hoàn thành ở toàn bộ các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ở cấp quận, huyện, quận Ngô Quyền dẫn đầu toàn thành phố trong việc hiện đại hoá nền hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.

 Mặt khác, thành phố thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức như tuyển dụng công chức theo vị trí chức danh, bảo đảm thi tuyển cạnh tranh, nâng cao chất lượng thí sinh dự tuyển. Trường THPT Trần Nguyên Hãn và Trường đại học Hải Phòng là hai đơn vị đầu tiên cả nước tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng theo hình thức này. Ngoài ra, Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên cả nước tổ chức thi tuyển công chức, viên chức trực tuyến trên máy tính các môn ngoại ngữ, tin học, trắc nghiệm chuyên ngành.

Nâng tầm phong trào thi đua

Để đẩy mạnh phong trào thi đua trong thực hiện CCHC, từ năm 2014, thành phố quyết định thực hiện quy trình đánh giá, công bố chỉ tiêu CCHC đối với khối các sở, ngành và khối UBND các quận, huyện. Thành phố tiến hành đánh giá xếp hạng chỉ số CCHC năm 2013 đối với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện theo thang điểm 100 dựa vào 8 nhóm lĩnh vực theo quy định của Bộ Nội vụ, trong đó có 38 điểm đánh giá qua việc điều tra xã hội học.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đào Sơn cho rằng, đây là bước tiến dài trong tạo động lực cho các phong trào thi đua thực hiện CCHC. Thay vì những hoạt động điểm, mô hình điểm tại một số sở, ngành, UBND quận, phong trào thi đua thực hiện CCHC được lan toả sang tất cả 19 sở, ban, ngành và UBND 14 quận, huyện. Ví dụ như ở khối UBND quận, huyện, sau khi để UBND quận Ngô Quyền bỏ xa trong hiện đại hoá nền hành chính công, UBND quận Hồng Bàng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, làm bước đệm vững chắc cho xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay, một chính quyền điện tử hoàn chỉnh đang hình thành tại quận Hồng Bàng, qua đó, giúp UBND quận Hồng Bàng vượt qua Ngô Quyền, trở thành địa phương dẫn đầu về thực hiện CCHC năm 2014. Còn ở khối các sở, ban, ngành, Sở Nội vụ vẫn đứng đầu bảng trong thực hiện CCHC. Trong nhóm những đơn vị xếp loại tốt, có nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố như Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30C, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành khẳng định, việc cải cách hành chính góp phần quan trọng trong sự thành công của hoạt động quản lý tại các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố, sự điều hành, hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông suốt, hiệu quả, tạo sự công khai, minh bạch. Công tác cải cách hành chính góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ vậy mà trong 5 năm qua, Hải Phòng luôn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước, với tổng số vốn ước đạt hơn 6 tỷ đô-la, bằng hơn 50% tổng số vốn thu hút được từ trước đến nay. Qua đó, nâng tổng vốn đầu tư toàn xã hội thành phố lên gần 208 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án xây dựng cơ bản được triển khai làm tiền đề cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tiếp theo. (Như An - Báo Hải Phòng 26/09)

4.                 Quận ủy Hồng Bàng: Đổi mới phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên

Những năm qua, Quận ủy Hồng Bàng có nhiều giải pháp đổi mới từ nội dung đến phương pháp tuyên truyền, đạt hiệu quả cao về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Hướng về cơ sở

Định hướng công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Quận ủy Hồng Bàng là hướng về cơ sở. Do vậy, Quận ủy mở rộng đối tượng tham dự hội nghị báo cáo viên hàng tháng, đến 216 bí thư chi bộ các tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội 11 phường và các tổ chức xã hội quận. Quận huy động hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở cùng tham gia công tác tuyên giáo, gắn liền với công tác dư luận xã hội. Hằng tháng, Quận ủy có định hướng nghiên cứu, nắm bắt tình hình dư luận đến cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị trong quận. Mỗi quý, Quận ủy chỉ đạo một số phường, đơn vị điều tra, nghiên cứu dư luận về các nhiệm vụ trọng tâm. Những cuộc điều tra, nắm bắt dư luận xã hội làm cơ sở giúp Quận ủy, UBND quận giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng phát sinh; đồng thời có sự chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Quận ủy đổi mới phương pháp giáo dục, học tập chính trị, trong đó đưa nội dung giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử địa phương lồng ghép với chương trình giảng dạy lịch sử trong các trường phổ thông trên địa bàn. Việc đổi mới học tập và quán triệt Nghị quyết được các cấp quan tâm và chỉ đạo sâu sát, truyền đạt đến đảng viên một cách nhanh và hiệu quả nhất, chất lượng học tập được nâng lên. Việc giáo dục chính trị tư tưởng của quận luôn gắn liền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quận ủy triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị bằng nhiều hình thức sáng tạo, chú trọng việc phát hiện tấm gương người tốt việc tốt, qua đó bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Tăng cường đối thoại, trao đổi

Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 22 nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp, Đảng bộ quận xác định nhiệm vụ trọng tâm là đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận nhanh chóng đi vào cuộc sống. Do đó, công tác xây dựng Đảng nói chung và giáo dục chính trị tư tưởng cần thiết thực và hiệu quả hơn. Quận ủy tích cực thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng. Theo Bí thư Quận ủy Hồng Bàng Nguyễn Hải Bình, thời gian tới, Quận ủy tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nắm, đánh giá và giải quyết tình hình tư tưởng cán bộ,  đảng viên và người dân, nhất là các vấn đề mới, bức xúc nảy sinh và có tính chất phức tạp, nhạy cảm. Trên cơ sở đó, Quận ủy đề ra những nội dung, phương pháp, hình thức tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra. Trong đó, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là công tác tuyên truyền miệng theo hướng chủ động định hướng công tác thông tin, tuyên truyền; thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân; tạo điều kiện để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân làm tốt chức năng tư vấn, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Quận ủy xây dựng trang thông tin điện tử với các chuyên mục hỏi - đáp để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được trao đổi, nhận thông tin từ đảng, chính quyền đối với các vấn đề người dân quan tâm; đổi mới nội dung, phương pháp học tập lý luận chính trị, quán triệt các nghị quyết của Đảng nhằm đạt kết quả có chiều sâu hơn. Theo đó, Quận ủy  tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. (Nguyên Mai - Báo Hải Phòng 28/09)

5.                 Số biên chế được giao còn thấp so với yêu cầu

Sáng 24-9, Ban Pháp chế HĐND thành phố giám sát tại UBND huyện Kiến Thụy về việc thực hiện các Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về tổng biên chế công chức hành chính, tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp nhà nước năm 2015 và số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố. Ông Lê Quang Thoan, Phó trưởng ban chủ trì; cùng dự có đại diện một số sở, ngành liên quan (ảnh).

Theo báo cáo, năm 2015 UBND huyện Kiến Thụy được thành phố giao 92 biên chế hành chính và 73 biên chế sự nghiệp nhà nước. Số biên chế hành chính hiện có là 79 người và 67 người thuộc biên chế sự nghiệp. Tổng số cán bộ, công chức xã, thị trấn được giao là 412 người. Theo đánh giá, công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đào tạo cán bộ, công chức nhà nước và đơn vị sự nghiệp được huyện thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật, không vượt quá biên chế thành phố giao.

Tuy nhiên số biên chế được giao hiện nay còn thấp so với yêu cầu thực tế của huyện. Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 25/2014/NQ-HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các chức danh hoạt động không chuyên trách, xác định số lượng người cần thiết; qua đó đã bố trí 1.139 cán bộ hoạt động không chuyên trách (trong đó ở cấp xã là 320 người, ở thôn và tổ dân phố là hơn 800 người).

Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị huyện bám sát các hướng dẫn của thành phố và các ngành chức năng, nghiên cứu để có phương án tối ưu trong việc sử dụng số biên chế được giao, đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất, tránh nơi thừa nơi thiếu; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, bố trí cán bộ hợp lý; làm tốt công tác tuyển dụng, khắc phục tình trạng còn chỉ tiêu biên chế nhưng không tuyển đủ cán bộ, ưu tiên tuyển dụng những cán bộ đã làm hợp đồng lâu năm; rà soát, tính toán, bố trí cán bộ không chuyên trách ở địa phương hợp lý theo hướng tăng cường kiêm nhiệm, giảm số lượng cán bộ nhưng vẫn phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động. (ĐH - An ninh Hải Phòng 25/09)

6.                 Tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010-2015

Sáng 25-9, Ban thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm tra giám sát và kỷ luật trong Đảng nhiệm kỳ 2010-2015. Đồng chí Dương Anh Điền - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Lê Văn Thành - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Nghĩa - Phó bí thư thường trực Thành ủy.

Nhiệm kỳ 2010-2015, công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy, tổ chức Đảng của thành phố thực hiện nghiêm túc, cơ bản đạt yêu cầu kế hoạch đặt ra. Trong đó, các cấp ủy tiến hành kiểm tra gần 7.500 lượt tổ chức Đảng và hơn 28.300 đảng viên, giám sát gần 1.700 tổ chức Đảng đối với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, các dự án công trình trọng điểm, các lĩnh vực nhạy cảm khác.

Kết quả đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, phát hiện sai phạm của các tổ chức cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên, đồng thời giúp cấp ủy kịp thời điều chỉnh, bổ khuyết trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Các cấp ủy và UBKT các cấp thi hành kỷ luật đối với 1.251 đảng viên và 18 tổ chức cơ sở Đảng…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Anh Điền chỉ ra những hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác kiểm tra, giám sát như: Kết quả kiểm tra đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đạt thấp; một số cấp ủy chưa quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần của NQTW4; việc phối hợp giữa UBKT các cấp với văn phòng cấp ủy, các ngành về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, việc kiểm tra, xử lý một số vụ việc sai phạm kéo dài, thiếu quyết liệt...

Đồng chí yêu cầu trong nhiệm kỳ tới, các cấp ủy, UBKT các cấp cần bám sát các nội dung định hướng phát triển của thành phố, đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tìm hướng phát triển đột phá, để tập trung xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát thiết thực, hiệu quả.

Đồng chí Dương Anh Điền nhấn mạnh: Cần tiếp tục coi trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện NQTW4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát theo hướng bài bản, quyết liệt, khoa học, hiện đại; thường xuyên quan tâm công tác tập huấn, nâng cao trình độ, bản lĩnh, dũng khí của cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là những cán bộ kiểm tra khóa mới sau đại hội Đang các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy tặng Bằng khen 7 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2010-2015. UBKT Trung ương tặng kỷ niệm chương "Vì sư nghiệp kiểm tra của Đảng" cho 70 cán bộ, công chức của Đảng bộ thành phố. (LMT - An ninh Hải Phòng 28/09; Báo Hải Phòng 26/09)

7.                 Hải Phòng: Tinh giản biên chế tối thiểu 10 % đến năm 2021

Theo ông Lê Văn Thành, chủ tịch UBND TP Hải Phòng, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Để triển khai nội dung này, Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 3942/KH-UBND TP ngày 22/9/2015 với nội dung tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP. Hải Phòng giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đó, Hải Phòng sẽ bố trí công chức, viên chức đúng người, đúng việc phù hợp với vị trí việc làm. Phấn đấu đến hết năm 2021, tỉ lệ tinh giản biên chế tối thiểu 10% biên chế của TP được Bộ Nội vụ giao năm 2015. (Sĩ Nghiêm - Báo Pháp luật Việt Nam 26/09)

8.                 Huyện ủy An Lão: Phát triển thêm 4 tổ chức cơ sở đảng

Nhiệm kỳ 2010-2015, Huyện ủy An Lão quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết 28 của Ban Thường vụ Thành ủy. Qua 5 năm, Huyện ủy An Lão phát triển thêm 4 tổ chức cơ sở đảng, nâng tổng số 63 chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy (gồm 26 Đảng bộ và 37 chi bộ) với hơn 6.000 đảng viên. Chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được nâng lên. Hằng năm có hơn 85% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh.

Để nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, thời gian tới, Huyện ủy An Lão tiếp tục tăng cường đổi mới việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Thành ủy; quan tâm chăm lo xây dựng cơ sở đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. (Báo Hải Phòng 28/09)

9.                 Đảng bộ huyện An Dương chú trọng công tác phát triển Đảng viên

9 tháng qua, Đảng bộ huyện An Dương kết nạp 156 quần chúng ưu tú vào Đảng, đạt gần 95% kế hoạch năm. Đây là địa phương có số lượng đảng viên được kết nạp khá cao của thành phố.

Đồng chí Đinh Văn Quyền, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy An Dương cho biết: Để công tác phát triển đảng viên đạt kết quả, ngay từ đầu năm, Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai kế hoạch phát triển đảng viên năm 2015 tới các địa phương gắn với giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể cho các đơn vị nhằm chủ động nguồn phát triển đảng viên. Trên cơ sở đó, các cấp ủy cơ sở chủ động rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên cho đơn vị mình.

Trong tạo nguồn, các cầp ủy coi trọng chất lượng, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, số lượng, đặc biệt là tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống và năng lực công tác. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn huyện phát động nhiều phong trào thi đua, qua đó phát hiện những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến giới thiệu với tổ chức đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.

Để chủ động giúp các tổ chức cơ sở đảng làm tốt công tác phát triển đảng viên, hằng năm, Huyện ủy An Dương phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng cho nhiều quân chúng ưu tú do các tổ chức cơ sở đảng giới thiệu. Đồng chí Trần Văn Huyền, Giám đốc Trung tâm Bối dưỡng chính trị huyện An Dương cho biết: 5 năm qua, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan mở 10 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng cho 2.308 quần chúng ưu tú; 10 lớp bồi dưỡng đảng viên mới cho 1.716 đảng viên dự bị. Trong 9 tháng năm 2015, Trung tâm phối hợp mở 2 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng cho hơn 300 quần chúng ưu tú. Trong số đó có 156 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, đạt gần 95% kế hoạch năm 2015. Số quần chúng ưu tú còn lại tiếp tục được chi bộ, cấp ủy cơ sở xem xét kết nạp đảng trong thời gian tới và các năm sau. Điểm nổi bật là trong số đảng viên mới kết nạp 9 tháng qua có tuổi đời khá trẻ và có trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ khá cao so với những năm trước. Trong đó, trình độ đại học 108 người; cao đẳng 15 người; thạc sĩ 4 người; trung học chuyên nghiệp 17 người; đảng viên là đoàn viên thanh niên 99 người, cán bộ công chức nhà nước và viên chức hoạt động sự nghiệp 73 người; sĩ quan, chiến sĩ quân đội, công an, sinh viên, học sinh 12 người; tuổi đời 18-40 có 152 người. Toàn huyện có hơn 50 số tổ chức cơ sở đảng có đảng viên được kết nạp. Ở những đơn vị gặp khó khăn trong phát triển đảng viên mới, Ban Tổ chức Huyện ủy An Dương cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo đơn vị có sự quan tâm hơn trong việc giúp cơ sở tìm biện pháp khắc phục.

Đồng chí Nguyễn Văn Hoàn, Bí thư Huyện ủy An Dựơng cho biết: phát huy kết quả đạt được trong công tác phát triển đảng viên, thời gian tới Đảng bộ huyện An Dương tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về công tác xây dựng Đảng. Trọng tâm là nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; quan tâm, tạo nguồn phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, khu vực đồng bào công giáo, phát triển đảng viên mới ở tuổi trẻ, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên, công nhân, lao động trong các thành phần kinh tế, nữ ở các doanh nghiệp ngoài công lập theo tinh thần Nghị quyết 28 của Thành uỷ... (Tiến Đạt - Báo Hải Phòng 28/09)

10.            Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến 5 năm

Sáng 25-9 tại Nhà hát thành phố, Thành Đoàn tổ chức diễn ra Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến 5 năm (giai đoạn 2010-2015) và các mô hình hoạt động Đoàn, sản phẩm sáng tạo; cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi; gướng cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ tiêu biểu (giai đoạn 2012- 2015)

 Tham dự chương trình là sự có mặt của các đồng chí:  Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Nguyễn Thị Nghĩa- Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Lê Khắc Nam- Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa có phát biểu ghi nhận những đóng góp và thành tựu đạt được trong thời gian qua, chỉ rõ và yêu cầu Thành Đoàn có biện pháp khắc phục những mặt còn tồn tại và hạn chế trong công tác triển khai các hoạt động. Tại hội nghị biểu dương, UBND thành phố khen thưởng 16 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015 (tặng cờ 1 tập thể, tặng bằng khen 5 tập thể và 10 cá nhân). Ban Thường vụ Thành đoàn biểu dương, khen thưởng 54 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XII, giai đoạn 2012 – 2015 (tặng bằng khen 4 sản phẩm sáng tạo, 15 mô hình hoạt động Đoàn, 17 gương cán bộ Đoàn, 9cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi,9 đảng viên trẻ tiêu biểu).5 năm qua cuộc vận động phong trào thi đua yêu nước, Đoàn Thanh niên thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động thi đua được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Với những kết quả đã đạt được, Đoàn Thanh niên thành phố vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố ghi nhận, biểu dương và khen thưởng: Được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2011, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen trong phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015”, UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2014; hằng năm, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Cờ đơn vị xuất sắc toàn diện trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cùng nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý khác. (Thùy Dương - Báo Hải Phòng 25/09; Công an nhân dân 26/09)

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XV ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

11.            "Làm thế nào để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh văn minh, hiện đại?": Đón cơ hội phát triển bằng đột phá hiện đại hóa thể chế, nền kinh tế và nguồn nhân lực

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội 15 Đảng bộ thành phố khẳng định chủ đề Đại hội: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự phát triển đột phá; sớm xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh văn minh, hiện đại”đã phác họa hướng phát triển tương lai của thành phố; đồng thời khẳng định những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ thành phố Hải Phòng phải phấn đấu lãnh đạo thực hiện thành công trong nhiệm kỳ 2015- 2020.

Phương hướng trong 5 năm tới, Hải Phòng xác định sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo sự phát triển đột phá; sớm xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh văn minh, hiện đại. Muốn thực hiện được mục tiêu này, Hải Phòng cần phân tích rõ bối cảnh trong nước, quốc tế và của địa phương để có bước đi phù hợp.

Theo nhận định của trung ương, 5 năm tới, tình hình trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn vì những vấn đề trì trệ mới phát ra ở bề nổi, ngắn hạn, sẽ tiếp tục xuất lộ ở chiều sâu. Kinh tế thế giới bấp bênh, tài chính tiền tệ xáo động, phức tạp; sự tranh hùng giữa các nước lớn ngày càng rõ nét, trong khi các nền kinh tế mới nổi đang chìm dần. Tình hình tranh chấp biển đảo diễn biến phức tạp...Tất cả những bối cảnh này sẽ tác động không nhỏ đến Hải Phòng. Nếu nhận định, dự báo tình hình không sát sẽ đưa ra những mục tiêu phát triển không phù hợp, xa vời, khó đạt kết quả trong nhiệm kỳ 2015- 2020. Mọi bước đi đều phải có sự bình tĩnh, thận trọng, chủ động.

 

Kết quả 5 năm qua thể hiện rõ khí thế của Đảng bộ, quân và dân thành phố. Hải Phòng đang đứng trước nhiều cơ hội để bứt phá. Hàng loạt các dự án hạ tầng chiến lược như: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng Lạch Huyện; đường cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (dài 16 km - dài nhất Đông Nam Á); nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... được khởi công xây dựng, sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Hình ảnh và vị thế của thành phố trong và ngoài nước đã được thay đổi theo hướng tích cực... Tuy nhiên, do bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, nguồn lực để hoàn thành các công trình hạ tầng chiến lược này sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa là trong nửa đầu nhiệm kỳ tới, các dự án hạ tầng chiến lược chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng như mong muốn. Hải Phòng cần xác định rõ việc đó để có những giải pháp phù hợp, có bước đi bình tĩnh. Trong khi chờ các dự án này hoàn thành, đón trước cơ hội mới để bứt phá, Hải Phòng cần tranh thủ thời gian, tích cực chủ động chuẩn bị sẵn hành trang xây dựng bộ máy, cơ chế quản lý hiệu quả để các cơ sở hạ tầng chiến lược này phát huy tác dụng ngay sau khi hoàn thành.

Hải Phòng đang phấn đấu đạt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH- HĐH) trước năm 2020. Như vậy, thành phố cần đột phá bằng HĐH theo nghĩa rộng, CNH là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc quan trọng nhất là HĐH thể chế. Cải cách thể chế, đưa công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, công khai minh bạch để biến thành phố thành điểm đến phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển, làm du lịch... chứ không chỉ là nơi để các doanh nghiệp, du khách đi qua.

Cùng với HĐH thể chế, Hải Phòng cần quan tâm HĐH nền kinh tế. Hiện công nghiệp Hải Phòng có hàng loạt doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, gang thép với công nghệ lạc hậu, kinh doanh sa sút...Thành phố cần cải tạo, đổi mới như thế nào cho hiện đại. Phải xác định rõ ngành công nghiệp chủ đạo nào để tập trung hiện đại hóa, góp phần xây dựng nền công nghiệp xanh. Trong phát triển doanh nghiệp, cần song hành phát triển DN tư nhân của Hải Phòng, doanh nghiệp FDI và thu hút đầu tư từ các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong nước. Trong đó, có cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân của Hải Phòng, không nên chỉ trông chờ vào doanh nghiệp FDI. Hải Phòng là địa phương duy nhất của miền Bắc có cảng biển dịch vụ mang tầm quốc tế nên lĩnh vực chủ chốt, đột phá của Hải Phòng phải là dịch vụ cảng biển. Do vậy, thành phố cần tính toán tập trung hiện đại dịch vụ cảng biển như thế nào cho phù hợp. Kết nối dịch vụ cảng biển hiện có với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và dự án đường sắt nối Côn Minh (Vân Nam,Trung Quốc) với Hải Phòng trong tương lai...

Vấn đề thứ 3 trong HĐH Hải Phòng cần quan tâm là HĐH nguồn nhân lực. Thực tế là nhiều nhân tài đang rời thành phố. Vậy Hải Phòng cần có cơ chế thu hút, giữ người tài ở lại như thế nào? Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cần HĐH. Trong quá trình phát triển, muốn xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, phải có nền kinh tế xanh, nguồn nhân lực xanh. Thành phố cần chú ý đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường lao động theo ngành nghề và địa phương; bảo đảm tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực với diện đại trà, đồng thời đặc biệt chú ý tới mũi nhọn - có chính sách phát hiện bồi dưỡng và sử dụng người tài, mau chóng tăng cường đội ngũ nhân lực có trình độ và năng lực cao ở các ngành nghề...

Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết dành riêng cho Hải Phòng,  thành phố cần bám sát nội dung nghị quyết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, Ban, ngành Trung ương, phát huy nội lực, huy động ngoại lực để thực hiện hiệu quả các nghị quyết, cụ thể mới nhất là Kết luận 72 của Bộ Chính trị để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước... Theo tôi, do 5 năm tới, bối cảnh kinh tế, tình hình trong nước, thế giới còn khó khăn, Hải Phòng cần xác định tập trung HĐH thể chế, nền kinh tế và nguồn nhân lực. HĐH thành công 3 lĩnh vực này sẽ là cơ sở để hoàn thành CNH, sớm đạt mục tiêu xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tạo ra sức mạnh, tiềm lực kinh tế đưa Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị thế của Hải Phòng đối với miền Bắc và cả nước.  (Kim Oanh - Báo Hải Phòng 26/09)

AN NINH – PHÁP LUẬT

12.            Công an huyện An Dương: Bắt gọn đối tượng chuyên trộm cắp đồ thờ

Chiều 27-9, tại trụ sở Công an xã An Hòa, huyện An Dương, Đồn Công an Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ tổ chức bàn giao một số tài sản của nhà thờ họ Phạm thôn Ngọ Dương, xã An Hòa bị kẻ gian lấy cắp, trị giá hơn 14 triệu đồng.

Theo kết quả điều tra của Công an huyện An Dương, đêm ngày 11, rạng ngày 12-8- 2015, Nguyễn Văn Mạnh (xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo) đột nhập và nhà thờ họ Phạm ở thôn Ngọ Dương phá khóa cửa, trộm một bộ đồ thờ gồm 1 lư hương và 2 cây đèn thờ bằng đồng. Trước đó, trên địa bàn xã An Hòa và các xã lân cận xảy ra một số vụ trộm cắp đồ thờ ở các nhà thờ họ, đình, đền, miếu, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Trước tình hình trên, Công an huyện An Dương lập chuyên án 915T truy tìm đối tương trộm cắp tài sản tại các đình chùa, nhà thờ. Ngày 14- 9, Đồn Công an KCN Tràng Duệ kết hợp với Công an xã An Hòa triệu tập Nguyễn Văn Mạnh lên làm việc. Sau 3 ngày kiên trì đấu tranh, Nguyễn Văn Mạnh khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp tài sản tại nhà thờ họ Phạm ở thôn Ngọ Dương. Sau hơn một tháng kiên trì, quyết tâm phá án, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chuyên án phá án thành công một số vụ trộm cắp đồ thờ trên địa bàn huyện An Dương và thị xã Quảng Yên đều do đối tượng Mạnh chủ mưu.

Công an huyện An Dương khởi tố vụ án, tạm giam Mạnh và tiếp tục mở rộng điều tra. Việc tìm ra thủ phạm các vụ trộm cắp ở các nhà thờ họ, đình, chùa góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn huyện An Dương và tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân. (Báo Hải Phòng 28/09)

13.            Thông tin thêm về vụ cố ý gây thương tích tại xã Đại Hợp, Kiến Thụy

Như ANHP đã đưa: Ngày 7-8, tại bãi bồi ven biển nuôi ngao xã Đại Hợp, ông Vũ Duy Kha, sinh 1963, ở thôn Đông Tác, xã Đại Hợp, Kiến Thụy bị một số đối tượng dùng hung khí đâm trọng thương, giảm 50% sức khỏe…

Ngay sau khi nhận được tin báo, với tinh thần quyết tâm tấn công tội phạm, đảm bảo giữ gìn ANTT trên địa bàn, Công an huyện Kiến Thụy đã quyết định xác lập chuyên án mang bí số 515G tiến hành điều tra, bắt giữ đối tượng trực tiếp gây thương tích cho ông Kha là Phạm Duy Anh, sinh 1992, ở thôn Quần Mục, cùng xã Đại Hợp.

Mặc dù vụ án xảy ra lúc trời tối, nạn nhân bị thương nặng, không cung cấp được đặc điểm đối tượng nhưng qua lời khai của một số nhân chứng, lực lượng công an huyện nắm được diễn biến sự việc như sau: Vào 22h cùng ngày 7-8, anh Phạm Quang Tín (chú ruột của Phạm Duy Anh), sinh 1976, ở cung thôn Quần Mục, Đại Hợp, là người trông coi bãi ngao của gia đình có phát hiện một thuyền xốp gắn máy chở một số đối tượng đi vào bãi ngao nên ra chặn hỏi thì nhóm người kia đe dọa, đuổi đánh. Anh Tín bỏ chạy rồi gọi điện cho về nhà nhờ người đến cứu trợ.

Nhận được tin điện của anh Tín, một số người trong gia đình tổ chức đi thuyền máy ra bãi ngao, gồm: Phạm Duy Anh; ông Nguyễn Thế Hiển (anh rể của Tín), sinh 1966; Nguyễn Thế Huy (con trai ông Hiển), sinh 1988; Phạm Quang Tập (em trai anh Tín), sinh 1980; Nguyễn Thế Tùng (là người họ hàng với Tín), sinh 1986; Mai Văn Việt (là người đầu tư vốn nuôi ngao chung với gia đình anh Tín), sinh 1986, đều ở thôn Quần Mục, Đại Hợp.

Khi đến bãi ngao, Phạm Duy Anh chạy vào chòi nuôi ngao trước để tìm Tín, còn lại số người kia đi sau và phát hiện ông Kha với nhiều vết thương đẫm máu trên mặt và bụng. Đáng chú ý, ngay sau đó, Duy Anh bỏ đi đâu không rõ. Nghiên cứu lời khai của các nhân chứng, Công an huyện xác định hung thủ gây án là Phạm Duy Anh nên vừa tổ chức truy bắt vừa kết hợp với gia đình vận động kêu gọi y ra đầu thú. 

Tại cơ quan điều tra, Phạm Duy Anh khai nhận: Sau khi nhận tin báo của chú ruột là anh Tín về việc anh bị một số đối tượng đánh bắt trộm ngao đuổi đánh, Duy Anh cùng một số những người trong gia đình đi thuyền máy ra cứu trợ. Khi đến nơi, Duy Anh xuống thuyền để vào chòi tìm anh Tín. Trên đường đi, Anh nhổ một cọc tre đầu vót nhọn cắm làm rào quây ngao để làm phương tiện chống trả nhóm người đã đuổi đánh anh Tín.

Đến gần vùng vây nuôi ngao của gia đình, Duy Anh phát hiện một người xách túi ngao đứng trên bãi cát. Nghĩ đây là kẻ trong nhóm đã hành hung chú ruột mình, trong đêm tối, không kịp tìm hiểu đầu đuôi sự việc, Duy Anh tung cây gậy vụt lên đầu người đàn ông rồi đâm một nhát chí mạng vào bụng khiến ông gục xuống. Khi biết mình đã đánh nhầm ông Kha, Duy Anh sợ hãi bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó được vận động ra đầu thú.

Vừa qua, Công an huyện Kiến Thụy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Phạm Duy Anh về tội cố ý gây thương tích. (KĐ - An ninh Hải Phòng 28/09)

14.            Thầy giáo hóa điên “ám sát” cô giáo trên đường tới trường

Sau một thời gian dạy học, anh Nguyễn Văn Doanh (SN 1974, ngụ thôn Linh Đông 1, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) bất ngờ hóa điên. Sáng 1/9, một cô giáo đang đi ngang qua nhà bất chợt bị Doanh lao ra đâm chết.

“Ám sát” người đi đường

Khoảng 7h sáng 1/9, cô giáo Bùi Thị Thêm (SN 1970, ngụ thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh) cùng một đồng nghiệp đi tới trường THCS Tiền Phong. Đường tới trường phải đi qua thôn Linh Đông 1, xã Tiền Phong, khi ngang qua nhà Doanh thì bất ngờ bị đối tượng lao ra chặn đường. Chưa kịp hiểu chuyện gì, cô Thêm đã bị Doanh đâm một nhát trúng ngực. 

Một nhân chứng nhớ lại, đã biết tiếng đối tượng tâm thần, nhiều lần lao ra đường sờ soạn phụ nữ, nên cô Thêm đã cẩn thận “nhìn trước ngó sau” khi qua khu vực nhà Doanh, ai ngờ vẫn bị tấn công. 

Sau khi bị đâm, xe nạn nhân còn chạy một đoạn khoảng 15m nữa, cô giáo mới quỵ xuống bên đường. “Tôi chạy đến thì cô ấy nói “em chết mất”. Bàn tay cô ấy bỏ ra khỏi vết thương, máu chảy rất nhiều”, nhân chứng kể lại. 

Sự việc xảy ra rất nhanh, không ai kịp ứng phó. Đồng nghiệp nạn nhân đi cùng luống cuống sợ hãi đến mức không bấm được số điện thoại gọi người thân. Người dân xung quanh nghe tiếng hô hoán liền chạy đến đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhưng cô giáo này đã tử vong trước khi đến bệnh viện.

Về phần hung thủ, gây án xong liền chạy vào gian phòng cố thủ, trong phòng còn có thêm người anh trai cũng bị tâm thần. Công an huyện Vĩnh Bảo kết hợp với công an xã Tiền Phong thuyết phục đầu thú nhưng Doanh không chịu hợp tác.

“Lúc mọi người đến đông, Doanh khóa chặt cửa, một tay cầm con dao gây án, một tay kia cầm con dao bầu hò hét. Một người thân phải thuyết phục người anh trai đi ra ngoài để công an dễ dàng tiếp cận Doanh. Sau đó một công an bất thần dùng thanh inox đập vào tay Doanh khiến con dao rơi xuống, ập vào khống chế.Khi công an dẫn đi, Doanh vẫn cười khành khạch”, một người nhớ lại. 

Theo tìm hiểu, thủ phạm và cô Thêm từ trước không hề có mâu thuẫn.  

Ông Nguyễn Văn Vinh (74 tuổi, bố Doanh) cho biết: “Sinh được bốn đứa con, cho ăn học đàng hoàng mong sau này làm nơi nương tựa. Không ngờ hai đứa bị tâm thần, giờ Doanh lại gây tội tày đình”.  

Lỡ dở công danh

Ông Vinh tóc đã bạc trắng, gương mặt khắc khổ, nhắc đến cậu con trai thứ ba là người vừa gây ra vụ án mạng với vẻ phiền muộn. Doanh trước đây học khá trong làng. Năm 1993, khi học xong cấp ba, anh này đi bộ đội biên phòng ở Cát Bà. 

Hết thời gian nghĩa vụ, Doanh theo cậu vào huyện Hòn Đất (Kiên Giang) lập nghiệp. Quyết tâm theo đường khoa cử, Doanh thi vào trường sư phạm. Ra trường, chàng trai trở thành giáo viên tiểu học. 

"Gõ đầu trẻ" được hơn năm, Doanh đột ngột bỏ về nhà không lý do. Ông Vinh thuyết phục hồi lâu con mới miễn cưỡng trở lại trường, rồi tiếp tục bỏ việc về nhà hai lần nữa. 

Không thấy con thay đổi, ông Vinh chấp nhận cho Doanh về quê sống, chỉ quanh quẩn ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng. Vài năm sau đó Doanh nói lảm nhảm nhiều hơn, tính tình thay đổi hẳn. 

Ông Vinh đưa con đến nhiều nơi chữa trị nhưng bệnh không thuyên giảm. “Đã hai lần gia đình đưa Doanh đến bệnh viện tâm thần Đông Khê điều trị nhưng không có kết quả, rồi đưa về nhà tự điều trị, hàng tháng bệnh viện cấp thuốc”, ông bố kể.

Trả lời câu hỏi vì sao chính quyền địa phương không có biện pháp gì để ngăn chặn những hành vi càn quấy của người tâm thần, ông Ngô Văn Sơn, trưởng thôn Linh Đông 1 cũng thở dài: “Chúng tôi cũng đâu có thẩm quyền gì để xử lý người điên, ngoài động viên gia đình quản lý chặt chẽ người thân bị tâm thần”. (Ngọc Lan - Báo Pháp luật Việt Nam 28/09)

15.            Ngủ nhờ rồi trộm tiền của mẹ bạn

1h ngày 16-3-2015, Hoàng Xuân Tùng, sinh 1992, ở 14/42/96 chợ Hàng, phường Đông Hải, quận Lê Chân, cùng bạn là Tuấn Anh (chưa rõ địa chỉ) đi chơi điện tử về muộn nên không dám về nhà. Tùng liền rủ Tuấn Anh về nhà bạn là Hoàng Xuân Tú, sinh 1992, ở 2/42 Lê Lợi, Máy Tơ, Ngô Quyền để ngủ nhờ. Đến 2h cùng ngày, sợ gia đình lo lắng, Tuấn Anh ra về, còn Tùng nằm trên gác xép nhà Tú ngủ.

Khi tỉnh dậy, Tùng đi xuống tầng 1 thì phát hiện 1 chùm chìa khóa để trên tủ, cạnh tivi. Vốn có tính tắt mắt, thấy trong nhà không có người, Tùng liền dùng chùm chìa khóa mở tủ, lục lọi đồ đạc thì phát hiện chiếc túi xách màu vàng của chị Hoàng Thị Thanh Dung, sinh 1970, là mẹ của Tú, bên trong có 1.900.000 đồng. Tùng khoắng sạch tiền, sau đó trả chìa khóa về đúng vị trí cũ và đi bộ ra ngã 3 Phạm Minh Đức - Lê Lợi thuê xe ôm đến khu vực ngã tư Phúc Tăng, phường Vĩnh Niệm, Lê Chân trả nợ cho bạn gái tên Trang (chưa rõ lai lịch) 1.500.000 đồng vay trước đó, số còn lại Tùng nướng hết vào game. Đến gần trưa, chị Dung về nhà thì phát hiện mất số tiền trên liền đến cơ quan công an trình báo.

Ngày 20-3-2015, Công an quận Ngô Quyền đã triệu tập Hoàng Xuân Tùng lên làm việc. Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Mặc dù tuổi đời còn ít nhưng Tùng đã có 2 tiền án, tiền sự về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và “công nhiên, chiếm đoạt tài sản”, sau khi ra tù hắn không lấy đó là bài học cho bản thân, tiếp tục sa đà tội lỗi.

Căn cứ vào các tài liệu trong vụ án, mới đây TAND quận Ngô Quyền mở phiên tòa xét xử Hoàng Xuân Tùng và tuyên phạt 12 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản” (theo khoản 1 điều 138 BLHS). (Bảo Nguyên - An ninh Hải Phòng 28/09)

16.            Xét xử vụ trọng án ở khu vực hồ ông Báo, quận Lê Chân

Ngày 25-9, TAND TP Hải Phòng đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo: Trần Xuân Hùng, sinh 1960, ở số 40/103 Hai Bà Trưng, An Biên, Lê Chân (đã có 4 tiền án, tiền sự về các tội “Trộm cắp tài sản”, “Cướp giật”, “Đánh bạc” và cai nghiện bắt buộc), về các tội “Giết người”, “Hủy hoại tài sản” (quy định tại khoản 2 Điều 93 và khoản 1 Điều 143 BLHS); Nguyễn Quốc Huy, sinh 1971, ở ngõ 116 Chùa Hàng, Hồ Nam, Lê Chân, về tội “Che giấu tội phạm”  (quy định tại khoản 1 Điều 313 BLHS).

Do mâu thuẫn trong việc nợ tiền giữa Trần Xuân Hùng với anh Nguyễn Quang Đông, sinh 1977, ở số 28/103 Hai Bà Trưng, An Biên, Lê Chân nên 12h ngày 12-2-2015, Hùng phóng xe máy đi tìm anh Đông. Khi đến quán nước của chị Lâm A Chắn (tức Loan) ở tổ 23, phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân, Hùng gặp anh Đông. Nhìn thấy Hùng, anh Đông ra chặn xe lại và anh Đông cãi nhau với Hùng. Anh Đông lấy thanh kiếm cất gần đó đuổi theo Hùng. Thấy anh Đông cầm kiếm, Hùng bỏ chạy vào nhà chị Vũ Thị Lan (tức Thanh), ở khu vực hồ ông Báo, ở phường Dư Hàng Kênh, đóng cửa lại. 15 phút sau, Hùng đi bộ ra tìm gặp anh Đông để nói chuyện.

Lúc này, anh Đông đang ngồi ở quán nước của chị Chắn. Nhìn thấy Hùng, anh Đông cầm kiếm đuổi theo. Hùng bỏ chạy vào khu vực nghĩa địa, lấy con dao nhọn đã giấu ở đó từ trước rồi quay lại chỗ anh Đông. Thấy Hùng, anh Đông giơ kiếm lên chém thủng mũ bảo hiểm của Hùng đang đội trên đầu. Anh Đông giơ kiếm định chém tiếp thì bị Hùng cầm dao đâm một nhát chí mạng vào ngực, ngã gục xuống đường. Mặc dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng anh Đông đã tử vong vào 12h10 cùng ngày. Trung tâm giám định pháp y thành phố kết luận nạn nhân Đông bị chết vì suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp không phục hồi do vết thương thấu phổi gây mất máu cấp.

Sau khi gây án, Hùng cầm dao đi bộ đến khu vực đầu ngõ 116 Chùa Hàng, phường Hồ Nam, Lê Chân, thì gặp Nguyễn Quốc Huy (bạn của Hùng) đang làm xe ôm tại đó. Huy đã chở Hùng về nhà anh ta, sau đó Hùng bỏ trốn. Chiều cùng ngày, Huy ra đầu ngõ 166 Chùa Hàng làm xe ôm thì nghe mọi người kể chuyện Hùng đã đâm chết anh Đông. Trưa 1-3-2015, Hùng quay lại nhà Huy xin ở nhờ và được đồng ý. Đến ngày 3-3-2015, Hùng bị công an bắt tại nhà Huy theo quyết định truy nã. Ngày 4-3, Huy bị bắt theo lệnh bắt khẩn cấp.

Tại cơ quan điều tra, Hùng và Huy khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hùng còn khai nhận: Vào 11h30 ngày 22-1-2014, tại quán nước của chị Nguyễn Thị Hòa, ở số 33/103 Hai Bà Trưng, An Biên, Lê Chân, Hùng dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào cằm và bàn tay phải chị Đỗ Thị Duyên, sinh 1963 (là vợ Hùng, đã ly hôn), gây thương tích làm giảm 8% sức khỏe.

Ngoài ra, do có chuyện đố kỵ với chị Nguyễn Thị Hiền, sinh 1963, ở số 27/103 Hai Bà Trưng, An Biên nên Hùng lấy 1 can nhựa đựng 3 lít xăng, 1 bình gas mini có gắn đèn khò, đi sang nhà chị Hiền, hất xăng vào nhà rồi châm lửa đốt. Tuy nhiên mọi người phát hiện kịp thời dập lửa nên không gây thiệt hại về người, chỉ làm hư hỏng một số đồ dùng, tổng trị giá 3.177.000 đồng. Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Mẫu vật chất lỏng đựng trong can nhựa thu giữ tại cửa nhà chị Hiền và chất lỏng đựng trong can nhựa thu tại nhà Hùng đều tìm thấy thành phần xăng.

Về dân sự, chị Nguyễn Thị Hiền không yêu cầu Hùng phải bồi thường thiệt hại. Ngày 23-4-2015, chị Duyên có đơn xin rút yêu cầu khởi tố đối với Hùng về tội “Cố ý gây thương tích” nên ngày 22-6-2015, cơ quan điều tra CATP đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với Hùng về tội này.

Trước vành móng ngựa, các bị cáo Hùng và Huy đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Căn cứ vào tài liệu điều tra, kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt Trần Xuân Hùng 11 năm tù về tội “Giết người”, 1 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”, tổng hợp hình phạt là 12 năm tù; Nguyễn Quốc Huy lĩnh 18 tháng tù về tội “Che giấu tội phạm”. (Hồng Hải - An ninh Hải Phòng 28/09)

17.            Thảm họa ma túy đá

Hàng loạt vụ án giết người man rợ gần đây do những con nghiện ngáo đá gây ra đã cho thấy tác hại khủng khiếp của loại ma túy này. Hậu quả của ma túy đá đang lan rộng ra ngoài xã hội và có nguy cơ thành thảm họa.

Những thảm án đau lòng

Dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng người dân sống ở phố Nguyễn Bính, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của ông Đỗ Đức Thắng, sinh 1944 và vợ là bà Nguyễn Thị Đỏ, sinh 1953. Đau đớn hơn khi kẻ thủ ác lại chính là con trai của nạn nhân.

Những người hàng xóm của nạn nhân kể lại rằng, lúc xảy ra sự việc vào khoảng 23h, hầu hết các gia đình đều đã đi ngủ thì nghe bên nhà ông Thắng có tiếng kêu cứu. Khi mọi người chạy đến thì thấy con trai của ông Thắng là Đỗ Đức Mạnh Hùng, sinh 1989, trên tay lăm lăm 2 con dao với vẻ mặt ngây dại. Bên cạnh là thi thể ông Thắng và bà Đỏ với hàng chục vết chém. Ngay trong đêm xảy ra án mạng, cơ quan công an đã tạm giữ Hùng trong tình trạng “ngáo đá”. Vụ án khiến người dân địa phương hết sức bàng hoàng, bởi bình thường Hùng rất hiền lành.

Thảm án đau lòng ở Nam Định vẫn còn đang xôn xao dư luận thì tại Hải Phòng, vào sáng 15-9, người dân sống ở khu tập thể 5 tầng phường An Dương, quận Lê Chân, bị một phen hoảng loạn khi thấy một nam thanh niên luôn miệng la hét, trên người không mảnh vải che thân cầm dao đuổi theo người dân dọa chém.

Sau khi làm náo loạn dân cư ở khu tập thể 5 tầng, đường Tôn Đức Thắng, đối tượng chạy lên tầng 5, đập vỡ một ô cửa bằng bê tông và leo lên tầng thượng, đánh đu trên các lan can, đường ống nước của khu nhà. Sau một hồi leo trèo, “người nhện” đã tự ngã xuống tấm bạt căng sẵn và được lực lượng chức năng cùng nhân dân địa phương đưa đi cấp cứu. Đối tượng được xác định là Phạm Văn Hải, sinh 1988, ở Niệm Nghĩa, Lê Chân. Được biết Hải nghiện ma túy, bản thân đã có tiền án, tiền sự về tội ma túy và nhiều khả năng bị “ngáo đá”.

Bình thường ngoan hiền nhưng phút chốc bỗng thành kẻ sát nhân điên loạn, đó không chỉ là trường hợp ngáo đá cá biệt nào. Đã có rất nhiều vụ án mạng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ ma túy đá. Nhắc lại cái chết của ông Nguyễn Văn Long, sinh 1966, người dân phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, vẫn chưa hết kinh hoàng. Ông Long bị hàng xóm là Trần Thế Dương, sinh 1979, vô cớ vác dao sang đâm chết khi đang nằm xem tivi trong nhà. Nguyên nhân chỉ đơn giản là do Dương “ngáo đá” nên... nổi hứng thích chém giết.

Cũng là nạn nhân của đối tượng sử dụng ma túy đá, ông Phạm Đề Kháng, ở đường Thiên Lôi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, bị người hàng xóm là Nguyễn Tiến Công, tức Công “giáp”, sinh 1979, dùng súng tự chế bắn chết khi đang ở tầng 2 nhà mình. Lý do của hành vi này hết đơn giản là… phê ma túy đá, bị ảo giác, Công “giáp” lên mái nhà để thỏa chí leo trèo. Thấy một con mèo, tên này miên man đuổi bắt, trèo vào tầng 2 nhà nạn nhân và gây án.

Trùm ma túy Phạm Văn Tự, sinh 1976, phường Thành Tô, quận Hải An, cũng nghiện đá nặng. Khi công an vây bắt, Tự tháo chạy lên tầng 2 nhà mình. Trong cơn “ngáo đá”, đối tượng tử thủ đến cùng, buộc công an phải dùng lựu đạn cay ném vào. Sau khi bị bắt, Tự cũng tử vong do suy kiệt vì sử dụng ma túy đá.

Sống trong… sợ hãi

Đó là tình cảnh của rất nhiều gia đình có người thân “dính” phải ma túy đá. Lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, không biết tính mạng của bản thân và những người trong gia đình có được an toàn hay không. Đến bây giờ bà Nguyễn Thị D. vẫn không thể tin nổi cái chết lại đến quá nhanh với chồng mình như thế. Vũ Quang Duy, sinh 1984, con riêng của chồng bà là ông Vũ Quang Yên, sinh 1954, ở phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, trong trạng thái phê ma túy đã quay về nhà bất ngờ dùng dao sát hại dã man bố đẻ mình.

Còn với chị Hoàng Thị Ng., ở phường Lãm Hà, quận Kiến An, mấy năm nay chưa lúc nào thoát khỏi sự lo sợ. Mỗi khi chồng mình và nhóm bạn quần tụ, mẹ con chị lại đau đầu vì những tiếng hú, hét bất kể ngày đêm. Có lần chồng chị Ng., đi chơi về thấy vợ ra mở cửa liền cho xe máy lao thẳng vào người rồi quát sao lại đưa người lạ vào nhà để hãm hại mọi người.

Độ “ngáo” của chồng Ng. người dân xung quanh ai cũng biết. Sau vụ để vợ… đưa người lạ vào nhà, chồng Ng. thỉnh thoảng đi đến nửa đêm về bế theo đứa con nhỏ bỏ chạy ra ngoài đường kêu cứu như có người đang đuổi đánh mình. Chưa hết, có lần chị đi làm về nhà thấy chồng mình cùng đám bạn đứng túm tụm trên đầu giường, miệng hét lên cẩn thận có… yêu quái. Một lần khác đem cơm lên phòng cho chồng, Ng. lại thấy nhóm bạn của chồng cùng búng người lên như tôm. Trong khi đó, anh chồng mình chỉ tay lần lượt vào từng người la hét “cháy kìa, cháy kìa”.

Tuy nhiên, tiết mục kinh dị nhất của dân “đập đá” là… “xả đá” bằng việc quan hệ tình dục theo kiểu tập thể. Còn nhớ trong khi bắt giữ nữ quái chuyên cung cấp ma túy đá Hoàng Thị Thu Hường (tức Hương, sinh 1980, ở tổ Đẩu Phượng 4, phường Văn Đẩu, quận Kiến An), khi ập vào khám xét nhà đối tượng, công an còn phát hiện trong nhà có 5 nam, nữ thanh niên thác loạn trong tình trạng đang “phê” ma túy. Hường khai nhận, sau mỗi lần “đập đá” là ham muốn tình dục ghê gớm… Để phục vụ đám thanh niên đam mê chơi “hàng lạnh” này, khách nào mua ma túy “đá” của Hường sẽ được khuyến mại thuốc kích dục. Sau đó Hường cũng sẽ đứng ra tổ chức và trực tiếp tham gia vào tất cả những cuộc thác loạn, quan hệ tình dục tập thể.

Tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng, Trưởng khoa Điều trị ma túy, tiến sỹ Phạm Văn Mạnh cho biết, các bác sỹ ở đây ngán ngẩm nhất là bệnh nhân tâm thần do sử dụng ma tuý, đặc biệt là loại ma tuý “đá”. Vì ảo giác kéo dài có thể dẫn tới chứng hoang tưởng hệt như người bị tâm thần phân liệt. Đây cũng chính là căn nguyên dẫn đến tự sát hoặc "đồ sát" người khác... Số lượng bệnh nhân đến điều trị di chứng, rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy ngày càng tăng. Vì vậy tại khoa luôn có ít nhất từ 4 đến 5 bệnh nhân, có thời điểm còn nhiêu hơn. Nhiều trường hợp trước khi đưa đến bệnh viện, người nhà cho biết họ có những hành động hết sức kỳ quặc.

Để đẩy lùi tệ nạn ma túy, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy đá, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay, vào cuộc của cộng đồng. Trong đó, vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội là hết sức quan trọng. Việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giới trẻ hiểu rõ tác hại do ma túy gây ra là điều tiên quyết, góp phần ngăn chặn để ma túy không thành thảm họa. (Trần Văn - An ninh Hải Phòng 27/09)

18.            12 năm tù cho kẻ giết người khi đang trốn nã

Trong thời gian trốn truy nã về tội Hủy hoại tài sản, Trần Xuân Hùng (tức Hùng “dơi”, SN 1960, HKTT tại nhà số 40/103 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) lại tiếp tục gây ra vụ giết người. Hùng đã phải trả giá bằng bản án 12 năm tù.

Theo Cáo trạng của VKSND TP Hải Phòng, Trần Xuân Hùng nghi ngờ vợ là chị Đỗ Thị Duyên (SN 1963, hiện đã ly hôn) không chung thủy nên khoảng 11 giờ 30 ngày 22/1/2014, Hùng cầm dao đâm nhiều nhát vào bàn tay phải chị Duyên. Sau đó, Hùng xách can xăng ba lít cùng chiếc bình ga gắn đèn khò sang nhà chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1963, HKTT tại số 27/103 Hai Bà Trưng), hàng xóm của vợ chồng Hùng để châm lửa, đốt nhà chị Hiền vì Hùng cho rằng chị Hiền là người đã nhiều lần rủ rê vợ Hùng đi chơi. Căn nhà chị Hiền thoát vụ hỏa hoạn khi được người dân dập lửa kịp thời.

Gây ra hàng loạt các hành vi phạm tội, Hùng bỏ trốn và bị Cơ quan CSĐT CA quận Lê Chân (TP Hải Phòng) ra quyết định truy nã về các tội Cố ý gây thương tích và Hủy hoại tài sản.

Trong thời gian lẩn trốn, Hùng lại nợ tiền đánh đề với Nguyễn Quang Đông (SN 1977, hàng xóm của gia đình Hùng). Khoảng 12 giờ ngày 12/2/2015, Hùng đến nhà chị Vũ Thị Lan ở khu vực hồ ông Báo (phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) chơi thì bị anh Đông phát hiện, đòi tiền. Anh Đông lấy thanh kiếm đuổi đánh khiến Hùng phải chạy vào nhà chị Lan “lánh nạn”.

Trốn trong nhà chị Lan được ít phút, Hùng ra khu vực quán nước trước cửa nhà chị Lan tìm anh Đông để “nói chuyện”. Lần nữa, Hùng lại bị anh Đông dùng kiếm đuổi đánh. Hùng lấy con dao “nghênh chiến” lại. Anh Đông dùng kiếm nhằm thẳng đầu Hùng để chém nhưng Hùng thoát khỏi cú chém bởi đầu đội mũ bảo hiểm. Hùng cầm dao áp sát, đâm thấu phổi anh Đông khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi gây án, Hùng tìm đến nhà Nguyễn Quốc Huy (SN 1971, ở ngõ 116 Chùa Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân), là bạn khi cả hai có thời gian phải đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm GD-LĐ-XH TP Hải Phòng để lẩn trốn.

Ngày 3/3, Hùng bị CA TP Hải Phòng bắt giữ khi đang lẩn trốn trong nhà Huy. Ngày 4/3, Huy cũng bị CA TP Hải Phòng bắt giữ về tội Che giấu tội phạm.

HĐXX xác định, trong vụ án gây ra cái chết cho anh Đông, anh Đông cũng có lỗi khi đã dùng kiếm tấn công Hùng. Căn cứ vào những tình tiết này, HĐXX TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt Hùng 11 năm tù về tội Giết người, 1 năm tù về tội Hủy hoại tài sản. Nguyễn Quốc Huy bị tuyên phạt 18 tháng tù về tội Che giấu tội phạm.

Tại tòa, chị Nguyễn Thị Hiền cho rằng, khi Hùng dùng xăng phóng hoả đốt nhà chị, trong nhà chị có tới 9 người. Do vậy, chị Hiền đã kiến nghị và được HĐXX chấp thuận tiếp tục chuyển hành vi đốt nhà phóng hỏa của Hùng sang Cơ quan CSĐT làm rõ có hay không hành vi cấu thành tội Giết người của Hùng. (Quỳnh Hoa - Báo Pháp luật & Xã hội 26/09)

19.            Phát hiện thi thể một thủy thủ trôi sông

Sáng ngày 26/9, người dân sinh sống ở khu vực gần nhà kho KCF, đoạn nhà máy Con Cò (khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng) phát hiện xác một nam thanh niên trôi dạt vào bờ.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, người dân đã nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng. Căn cứ vào thông tin một thủy thủ bị mất tích trước đó hai ngày, người dân nghi xác nam thanh niên này chính là thủy thủ bị mất tích. Qua xác minh, danh tính nạn nhân được làm rõ là anh T.V.Q, sinh năm 1994, quê ở Ninh Bình là thủy thủ tàu Ninh Giang 2172.

Trước đó, vào khoảng 17h ngày 24/9, thủy thủ T.V.Q có mặt trên một xà lan chở hàng từ Ninh Bình đi Hải Phòng. Khi xà lan neo đậu tại khu vực sông cảng đoạn đường 5 cũ (thuộc xã Hoàng Động, đối diện cảng Vật Cách) thì thủy thủ T.V.Q sơ ý để rơi chiếc dép xuống sông nên đã nhảy xuống sông để vớt.

Thủy thủ này bị nước cuốn trôi dẫn đến mất tích. Hai ngày sau, thi thể của thủy thủ này mới được phát hiện khi dạt vào bờ gần nhà máy Con Cò.

Hiện, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. (Duy Hưng - Báo Công lý 26/09)

20.            Sa lưới trước ngày lên xe hoa

Cách đây khoảng 12-13 năm, ở khu vực chân cầu Niệm, quận Lê Chân nổi lên một băng nhóm tội phạm hàng chục tên do Lê Văn Tuấn, sinh 1984, ở Quán Trữ, quận Kiến An gây ra một số trọng án như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản… Trong băng nhóm này có Nguyễn Mạnh Hùng (tức Hùng “lớ”), sinh 1986, ở tổ 99 phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân.

Vết hằn tội lỗi

Khi Hùng mới hơn 1 tuổi, bố mẹ Hùng chia tay nhau. Bố Hùng cứ thế bỏ mẹ con Hùng mà đi. Cho đến giờ, khi người bố đã khuất núi Hùng vẫn chưa biết mặt cha. Tuổi thơ chịu nhiều thiệt thòi, khi mới lớn chập chững vào đời thiếu sự dạy bảo của người cha, Hùng đã a dua theo chúng bạn xấu, gia nhập băng nhóm tội phạm của Lê Văn Tuấn. Băng nhóm này sau đó đã bị lực lượng công an triệt xóa, nhưng Hùng cũng đã kịp ghi tên mình vào một vụ cướp tài sản.

Tối 10-1-2003, Hùng đi chơi cùng một số tên trong băng nhóm của mình gồm Trần Trung Đức, sinh 1984, Hoàng Anh Tuấn, sinh 1982, đều ở phố Trần Nguyên Hãn; Nguyễn Hoàng Long, sinh 1987 và Nguyễn Thế Tùng, sinh 1983, đều ở phường Niệm Nghĩa và Nguyễn Đức Mạnh, sinh 1982, ở xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải. Sau khi đi chơi đêm về đến ngã 3 Đôn Niệm, Mạnh gọi cả bọn lại nói: “Bọn mình xuống chân cầu Niệm để cướp tiền của bọn nghiện đi”. Cả bọn đồng ý và chuẩn bị hung khí. Do gần nhà, Hùng chạy về lấy 1 con dao bầu (loại dao chọc tiết lợn) đến đưa cho Tùng cầm. Đức lấy 1 dao (loại dao thái phở) đưa cho Long cầm.

Chuẩn bị xong, khoảng 0h30 ngày 11-1-2003, cả bọn đi đến chân cầu Niệm. Lúc này có ba thanh niên Hà Nội gồm các anh Bùi Đức Thắng ở phố Hàng Bài, Nguyễn Mạnh Tuấn và Hoàng Văn Tiến, đều ở phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy xuống Hải Phòng chơi đang đứng chờ xe để về Hà Nội. Phát hiện ra những “con mồi” trên, Mạnh hô: “Anh em xuống trấn tiền của bọn kia đi”. Cả bọn Hùng nhảy xuống chân cầu Niệm tiếp cận ba anh. Tùng rút dao ra chặn họ, còn Mạnh hô: “Đứng lại”. Bọn Hùng vây quanh và bắt ba anh đi vào 1 gian nhà hoang cạnh đó. Thấy ở đó có ánh đèn sáng, Tuấn hô: “Ở đó sáng quá, đưa vào gầm cầu”.

Bọn Hùng khống chế đưa Thắng, Tuấn và Tiến vào gầm cầu để hành sự cho kín đáo. Long và Tùng cầm dao khống chế, bắt ba anh này cởi bỏ hết quần áo để lấy tài sản. Tùng lấy 1 đôi giày của anh Thắng trị giá 400 nghìn đồng. Long cướp 1 tờ tiền 1 nghìn uôn Hàn Quốc của anh Tuấn. Hùng lấy 1 áo sơ-mi của anh Tuấn trị giá 65 nghìn đồng. Mạnh lấy 1 áo bò của anh Tiến trị giá 160 nghìn đồng. Đức lấy 1 áo bò và 1 áo sơ-mi của anh Tuấn trị giá 65 nghìn đồng. Tuấn lấy 1 quần dài trị giá 105 nghìn đồng và 1 nghìn đồng của anh Tiến.

Ngoài ra, các bị hại còn cho biết: Anh Thắng bị cướp 120 nghìn đồng và 1 thắt lưng trị giá 100 nghìn đồng. Anh Tiến bị cướp 180 nghìn đồng. Anh Tuấn bị cướp 238 nghìn đồng và 1 lọ keo xịt tóc trị giá 40 nghìn đồng. Sau khi cướp xong, bọn Hùng bắt ba anh đi về hướng cầu An Dương II, còn chúng kéo về đến ngã ba Đôn thì giải tán.

Vụ án được phát hiện, một số tên bị bắt và sau đó cùng cả băng nhóm ra tòa lĩnh án, còn một số tên bỏ trốn trong đó có Nguyễn Mạnh Hùng biệt tích hơn chục năm qua.

Chạy trời không khỏi nắng!

Dù trong nhiều năm qua, Phòng CSĐT hình sự, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CATP (PC52) và CAQ Lê Chân đã tổ chức truy bắt Nguyễn Mạnh Hùng nhưng đều không có kết quả. Cách đây hơn 1 năm, trinh sát Đội 2 Phòng PC52 nhận được nguồn tin quan trọng: thỉnh thoảng thấy Hùng xuất hiện ở Hải Phòng. Trinh sát bám theo nguồn tin và khẳng định Hùng có về lại quê nhà song thoắt ẩn thoắt hiện rồi biến mất. Sau nhiều ngày lần theo từng manh mối, trên cơ sở thu thập tài liệu đánh giá, phân tích hành tung bí ẩn của Hùng, mấu chốt nhất là các mối quan hệ của Hùng, trinh sát dựng lên hành trình bỏ trốn của hắn.

Sau khi băng ổ nhóm của Hùng bị triệt phá, Hùng đào thoát vào miền Nam nương nhờ một người họ hàng trong đó. Từ đây, qua các mối quan hệ quen biết, Hùng ra Bắc nhưng không về nhà mà ngược lên Bắc Ninh nương náu ở đó một thời gian. Khi đã ổn định được nơi ẩn trốn, Hùng xin vào làm công nhân của một công ty sản xuất mì ăn liền. Do làm ăn chăm chỉ và có uy tín nên Hùng được tin tưởng giao cho đưa hàng đi các tỉnh phía Nam. Và, Hùng di chuyển liên tục giữa Bắc Ninh và TP.Hồ Chí Minh do tính chất công việc, cũng do Hùng không thích ở cố định một nơi nhằm tránh sự truy bắt của lực lượng công an.

Ở giữa hai đầu Nam-Bắc, thi thoảng rỗi rãi Hùng tạt về Hải Phòng thăm mẹ và họ hàng. Do gia đình Hùng đã chuyển nhà đi nơi khác, nên về Hải Phòng, Hùng chả bao giờ đến chỗ ở ngày xưa của hắn. Tuy nhiên, giữa dòng đời hỗn độn, con người có là “cái kim” thì sự dịch chuyển của nó đến đâu cũng để lại dấu vết. Và, dù có khôn ngoan xảo quyệt đến mấy, Hùng cũng đã để lòi “đuôi cáo” của mình trong quá trình lẩn trốn.

Tiến hành sử dụng các biện pháp nghiệp vụ có chiều sâu, trinh sát còn nắm được chuyện yêu đương của Hùng. Thông qua mạng xã hội, Hùng lên Internet và bắt quen được với một cô gái người Tây Ninh. Được cái Hùng có cái mã ngoài khá bảnh, tán gái cũng không đến nỗi nào. Sau khi “ăn chuyện, ngâm thơ” một thời gian, hai người gặp nhau, thấy hợp nên mối quan hệ ngày càng siết chặt. Và, tính đến tháng 9-2015, người yêu của Hùng đã có bầu được 4 tháng.

Trước “quả bom nổ chậm” đã hẹn giờ, Hùng cuống quýt tít mù giục gia đình làm đám cưới. Lúc đầu, Hùng tính chuyện cưới xin ở Hải Phòng, nhưng e tổ chức rình rang ầm ĩ chỉ tổ “lạy ông con ở bụi này” mời công an đến bắt nên di dời vào Tây Ninh. Và Hùng cùng hai bên gia đình đã ước hẹn đúng ngày 20-9-2015 sẽ tiến hành lễ vu quy.

Trên cơ sở những nguồn thông tin tài liệu trinh sát đã thu thập được, đại tá Đào Đình Hưng-trưởng phòng PC52 CATP đã quyết định xác lập chuyên án mang bí số 915.C giao cho thượng tá Nguyễn Khắc Tố-Phó trưởng phòng trực tiếp chỉ đạo đội 2 để truy bắt Nguyễn Mạnh Hùng. Kế hoạch bắt Hùng đã mang lại cho Ban chuyên án nhiều suy tư: Bắt Hùng tại đám cưới là trúng nhất gọn nhất, đảm bảo an toàn mọi nhẽ song thiếu tính nhân văn, lại gây sốc không chỉ cho Hùng mà cho cả gia đình nhà gái.

Bắt Hùng trước ngày cưới là hợp lẽ hơn, thôi đành lòng để ngày vui của Hùng lùi lại khi anh ta trả án xong. Sau khi tính toán phương án bắt Hùng, Ban chuyên án đã liên hệ với An ninh sân bay hai cảng hàng không Cát Bi và Tân Sơn Nhất để tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ.

Ngày 18-9-2015, một tổ công tác do thiếu tá Nguyễn Xuân Dũng-Đội trưởng đội 2 Phòng PC52 CATP đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất phối hợp cùng các trinh sát Cục C52B-Bộ Công an đón lõng đoàn của gia đình Hùng vào Tây Ninh tổ chức đám cưới. Khoảng gần 18 giờ cùng ngày, chuyến bay từ Hải Phòng vào TP.Hồ Chí Minh hạ cánh. Sau khi An ninhh sân bay Tân Sơn Nhất xác định mẹ và hai bác Hùng đã qua cửa soát vé, trinh sát bám chặt và nhìn thấy từ xa cánh tay Hùng đang vẫy. Hai bên nhận được tín hiệu của nhau thì Hùng lủi nhanh ra nơi đậu taxi như đã hẹn trước với người nhà. Việc của trinh sát lúc này là bám theo người nhà Hùng và đến điểm hẹn… đọc lệnh bắt Hùng.

Đúng ngày 18-9-2003, Cơ quan điều tra ra Lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Mạnh Hùng thì đúng ngày 18-9-2015, tính ra 12 năm hắn đã sa lưới, đúng là chạy trời không khỏi nắng! Không ngờ bị sa lưới trước ngày cưới, lúc đầu Hùng choáng nhưng sau đó được các trinh sát động viên tư tưởng, Hùng nghe ra và tại cơ quan công an đã tỏ thái độ ăn năn thành khẩn khi khai báo, chấp hành tốt những mệnh lệnh của tổ công tác.

Chiều 20-9-2015, chuyến bay đưa Hùng và tổ công tác đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Cát Bi… (Xuân Ngọc - An ninh Hải Phòng 26/09)

21.            Mang tiền giả từ Hà Nội xuống Hải Phòng tiêu thụ

Khoảng 18h ngày 26-8-2015, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, CAH Kiến Thụy đã bắt quả tang Nguyễn Đình Thực, sinh 1993, ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, đang thực hiện hành vi tiêu thụ tiền giả.

Tại cơ quan điều tra, Thực khai nhận: Trước đó, hắn được một người quen cho một số tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng. Khoảng giữa tháng 7-2015, Thực đã xuống Hải Phòng tiêu thụ được 6 tờ tiền giả và nhận lại được khoảng 800 nghìn đồng tiền thật. Quen mui, sáng 25-8, Thực đi xe xuống Hải Phòng cầm theo số tiền giả nói trên. Đến 17h ngày 26-8, Thực đi xe máy đến khu vực huyện Kiến Thụy để thực hiện việc tiêu thụ tiền giả.

Lần đầu, Thực dùng 1 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng để mua xổ số, lô-tô tại quán xổ số ven đường khu vực Núi Đối và được trả lại 160 nghìn đồng. Tiếp đó, Thực đi xe đến quán hoa quả và sử dụng 1 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng mua 30 nghìn đồng hoa quả và được trả lại 170 nghìn đồng. Thực lại đi đến quán khác dùng 1 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng mua 50 nghìn đồng hoa quả và nhận lại 150 nghìn đồng.

Thực bị bắt quả tang khi tiêu thụ tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng thứ tư. Khi đó, Thực đi đến điểm bán xổ số gần cây xăng thuộc thôn Đức Phong, xã Đại Đồng để mua vé lô-tô. Khi Thực đưa tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng để trả tiền mua vé số thì bị lực lượng công an bắt quả tang, thu tang vật với 7 tờ tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng cùng 3 tờ tiền giả Thực đã lưu hành. Theo kết luận của Phòng KTHS-CATP, 10 tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng thu trong vụ án đều la tiền giả.

CAH Kiến Thụy đã bàn giao hồ sơ vụ việc và đối tượng cho Cơ quan ANĐT-CATP để thụ lý điều tra theo thẩm quyền. (Infonet 27/09; Báo Đời sống và Pháp luật 28/09)

GIAO THÔNG

22.            Xóa điểm đen, Hải Phòng “hạ nhiệt” TNGT

Từ đầu năm đến nay, ba điểm đen mới được xóa ở Hải Phòng chưa xảy ra vụ TNGT chết người nào. Hải Phòng đang tiếp tục nỗ lực xóa các điểm đen còn lại để kéo giảm TNGT trên địa bàn.

Không điểm đen, không TNGT

Ngày 21/9, có mặt tại ngã tư Hải Đoàn 38 (phường Đông Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng), PV Báo Giao thông nhận thấy cán bộ, chiến sỹ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hải Phòng đang “căng mình” TTKS, điều tiết xe container chở hàng qua lại.

“Năm 2014, ngã tư Hải Đoàn 38 xảy ra hai vụ TNGT làm chết hai người, nguyên nhân chính là do lỗi của người điều khiển phương tiện đi vào ngã tư với tốc độ cao, không quan sát và chuyển hướng không có tín hiệu báo trước. Trước thực trạng đó, Đội CSGT số 1 đã tăng cường TTKS, hướng dẫn, điều tiết giao thông, kiên quyết xử lý vi phạm nên từ đầu năm đến nay, ngã tư này chưa xảy ra vụ TNGT chết người nào”, Trung tá Cao Xuân Cương, Đội trưởng Đội CSGT số 1 nói.

Theo thống kê của Ban ATGT TP Hải Phòng, năm 2014, Hải Phòng có năm điểm đen TNGT. Đó là 100 m đường từ Km 82+500 - Km 82+600 trên QL5 (thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương), nơi đã xảy ra hai vụ TNGT làm hai người chết và hai người bị thương; Hai là khu vực cầu Kiền (xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên) cũng đã xảy ra hai vụ TNGT làm ba người chết; Ba là ngã tư Km93 trên QL5 (điểm giao QL5 với đường Tôn Đức Thắng) đã xảy ra hai vụ TNGT làm hai người chết; Bốn là ngã tư Cơ điện (điểm giao đường Máng Nước với đường Nguyễn Văn Linh) đã có hai vụ TNGT làm hai người chết và một người bị thương; Năm là ngã tư Hải Đoàn 38.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Ban ATGT thành phố tham mưu, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành TP Hải Phòng vào cuộc, đã xóa được ba điểm đen TNGT. Cụ thể, 100 m đường từ Km 82+500 - Km 82+600 trên QL5, sau khi xác định nguyên nhân TNGT là do lỗi của người điều khiển phương tiện chờ lâu. Khi tới lượt, muốn vượt qua trạm thu phí nhanh, nên người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, phóng nhanh vượt ẩu gây TNGT. Nhờ lực lượng CSGT vào cuộc, TTKS, xử lý quyết liệt, thường xuyên nên 8 tháng qua, vị trí này đã không xảy ra vụ TNGT nào. Với điểm đen khu vực cầu Kiền, Sở GTVT tiến hành sửa chữa mặt đường, kẻ vẽ vạch sơn, biển báo, nhờ đó điểm đen này đã không xảy ra TNGT từ đầu năm đến nay.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trật tự ATGT, tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay, Hải Phòng đã và đang cố gắng xóa hết các điểm đen TNGT còn lại để kéo giảm TNGT”, ông Nguyễn Văn Luyến, Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hải Phòng cho biết.

Giảm 5-10% các chỉ tiêu TNGT

Với hai điểm đen còn lại là ngã tư Km93 trên QL5 và ngã tư Cơ Điện, hiện lãnh đạo Phòng CSGT Hải Phòng đã đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục. Tại ngã tư Km93 trên QL5 cần bổ sung đèn cảnh báo, biển cảnh báo “Khu vực thường xảy ra TNGT”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT cho nhân dân sinh sống trên địa bàn; CSGT TTKS, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm. Tại điểm đen ngã tư Cơ Điện, cần bổ sung đèn cảnh báo, biển cảnh báo “Khu vực thường xảy ra TNGT” tại bốn đầu ngã tư để người điều khiển phương tiện chú ý...

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó trưởng Ban ATGT, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, năm nay địa phương phấn đấu giảm từ 5-10% các chỉ tiêu về số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT so với năm 2014. Để đạt được mục tiêu này, Ban ATGT TP Hải Phòng đã đưa ra năm điểm cần nghiêm túc thực hiện. Trong đó, các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện; Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Cấp bằng, chứng chỉ cho các thuyền viên; Đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông... (Lam Khê - Báo Giao thông 28/09)

23.            Ngăn ngừa tai nạn giao thông đường sắt

Tối ngày 18-9, tại địa bàn xã Lê Thiện (huyện An Dương) xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc khi hai người đi xe máy cố tình vượt qua đường sắt, bị tàu hỏa đâm chết tại chỗ. Một lần nữa, đây là hồi chuông cảnh tỉnh với những người không tuân thủ pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, cũng là bài học cho các địa phương có đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt không có rào chắn.

Từ lâu nay, đường ngang dân sinh không hợp pháp là điều nhức nhối đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn thành phố. Chỉ khoảng 25km đường sắt qua thành phố, nhưng số đường ngang dân sinh lên đến hàng trăm, trong đó phần lớn là đường ngang dân sinh không hợp pháp.  Theo thống kê, cung đường sắt từ ga Dụ Nghĩa đến ga Vật Cách dài gần 7 km hiện có trên 50 đường ngang dân sinh cắt qua; cung đường từ ga Vật Cách đến ga Thượng Lý dài 3,5 km có gần 50 đường ngang dân sinh; cung đường sắt từ ga Thượng Lý đến ga Hải Phòng dài 4km có tới gần 70 đường ngang dân sinh trái phép. Đoạn đường sắt nguy hiểm nhất hiện nay là đoạn từ km 82+900 đến km 90+500 (xã Lê Thiện đến xã Tân Tiến, huyện An Dương) vì đường cong cua nguy hiểm, nhiều đường ngang và thường xảy ra TNGT. Đây cũng là cung đường xảy ra vụ TNGT thảm khốc tối 18-9 vừa qua.

Vụ tai nạn này cho thấy công tác tuyên truyền, vận động về bảo đảm ATGT đường sắt ở một số địa phương chưa tốt, nhất là việc rèn luyện kỹ năng đi xe, tính chủ quan của người điều khiển phương tiện. Nhưng trước hết, do còn để phát sinh những đường ngang dân sinh không hợp pháp. Nếu không hạn chế được điều này, TNGT sẽ tiếp tục xảy ra. Đã đến lúc tất cả các ngành, địa phương phải chung tay vào cuộc, khẩn trương  sửa chữa, cải tạo các vị trí đường ngang, bổ sung hệ thống cảnh báo và người gác chắn tàu. Về lâu dài, cần xây dựng các đường gom, tiến tới xóa bỏ đường ngang và chấm dứt tình trạngvi phạm hành lang ATGT đường sắt. (Đức Phong - Báo Hải Phòng 25/09)

24.            Học sinh, sinh viên hào hứng thi tìm hiểu Luật giao thông

Ngày 27/9, tại trường ĐH Hải Phòng, Bộ GD&ĐT phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và thi lái xe mô tô an toàn” cho HS, SV các trường ĐH, CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp thuộc các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ. 

Cuộc thi thu hút được hàng trăm HS, SV tham gia, tìm hiểu các phần thi như: Lý thuyết; Thực hành lái xe an toàn; Kiểm tra xe, tư thế lái xe, giữ khoảng cách với phía trước, chuyển hướng an toàn tại giao lộ, tìm hiểu về Luật đường bộ và các tiểu phẩm về tham gia giao thông an toàn... đem đến nhiều kiến thức cho HSSV về biển báo, các quy định cấm khi tham gia giao thông, cũng như những kỹ năng về lái xe sao cho an toàn nhất khi tham gia giao thông.

Tại cuộc thi, các hướng dẫn viên lái xe an toàn của Công ty Honda Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tập thể bổ ích, sôi nổi với mục tiêu cung cấp và truyền tải các kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn cho các HSSV như: các thói quen xấu khi tham gia giao thông, đặc biệt là của giới trẻ khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, lái xe sau khi uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách trên đường... cùng với hậu quả là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. 

Ngoài ra, các HSSV tham gia cuộc thi đã cùng tham gia phần thi tiểu phẩm kịch về an toàn giao thông, kiểm tra các kiến thức về luật giao thông thông đường bộ qua các câu hỏi về hệ thống biển báo, báo hiệu, tín hiệu điều khiển giao thông, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông và đưa ra các biện pháp phòng tránh qua các tình huống giao thông động… 

Phát biểu tại Hội thi, ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) - nhấn mạnh: “Qua cuộc thi bồi dưỡng kiến thức về giáo dục an toàn giao thông và “Tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và thi lái xe mô tô an toàn” không chỉ đem lại cho HSSV những kiến thức tham gia giao thông an toàn mà còn giúp các em HS, SV các trường được tập huấn và thực hành trên xe mô tô thật. 

Đây là một hoạt động ngoại khoá rất ý nghĩa và bổ ích, tác động sâu rộng đến ý thức tham gia giao thông của mỗi HS, SV khi tham gia giao thông. Đặc biệt, các em HS, SV sau khi được tham gia Hội thi trở về sẽ là người truyền đạt tốt nhất những kiến thức cơ bản Luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe mô tô sao cho an toàn nhất với các bạn trong và ngoài nhà trường...”

Kết thúc cuộc thi “Tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và thi lái xe mô tô an toàn”, Bộ GD&ĐT, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã tặng giấy chứng nhận và phần thưởng có giá trị cho các HS, SV tham gia đạt kết quả cao tại cuộc thi. 

Ngoài ra, Công ty Honda Việt Nam cũng trao thêm những phần thưởng có giá trị khác cho các cá nhân, tập thể đã thể hiện tốt trong phần thi tiểu phẩm giao thông, cũng như kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông... (Trung Toàn - Báo Giáo dục & Thời đại 28/09; Báo Hải Phòng 26/09)

25.            Thông xe thêm đoạn tuyến cao tốc từ nút giao QL39 Tỉnh Hưng Yên đến nút giao QL10 TP. Hải Phòng

Sáng ngày 26/9, tại Hưng Yên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), và Chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã tổ chức thông xe 52,5km đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đoạn từ nút giao Quốc lộ 39 (Hưng Yên) đến nút giao Quốc lộ 10 (Hải Phòng) thuộc Dự án đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và phát lệnh thông xe.

Trước đó, đoạn tuyến dài 22,7 km qua thành phố Hải Phòng (từ nút giao Quốc lộ 10 đến nút giao đường 353) đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được thông xe vào ngày 27/5/2015 nâng tổng số đoạn tuyến được thông là 75,2km. Với tiến độ ấy chỉ trong một thời gian ngắn nữa toàn bộ tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục và đưa toàn bộ tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào vận hành, tiết kiệm tối đa nhiên liệu, thời gian đi lại thông thoáng, lái xe an toàn… Hơn nữa khi tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các đối tượng tham gia giao thông còn được hỗ trợ tốt nhất khi có sự cố bởi công tác quản lý vận hành đường cao tốc được Tổng Công ty VIDIFI tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, với lực lượng nhân viên vận hành, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế trực 24/24h, tiếp nhận giải quyết mọi tình huống khi có sự cố, được Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông kiểm soát theo chức năng, nhiệm vụ.

Để đảm bảo thuận lợi và trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc; ngay từ bây giờ, Ban quản lý khai thác tuyến đường này đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó đặt ra các định chế dành cho các đối tượng không được phép tham gia giao thông trên đường cao tốc như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn tốc độ tối thiểu quy định của đường cao tốc; Máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự… ngoài ra tuyệt đối không được tự ý dừng xe trên làn dừng xe khẩn cấp để làm các việc riêng, nghỉ ngơi, ngắm cảnh (trừ trường hợp xe gặp sự cố). Không đón, trả khách trên đường cao tốc. Không rải vàng mã trên đường cao tốc. Không để đất đá, xả rác, chất phế thải rơi vãi trên đường. Cuối cùng là các phương tiện cần tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn và các quy định về kiểm soát tốc độ và kiểm tra tải trọng xe bằng trạm cân được bố trí trên đường cao tốc.

Khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa là 120km/h và tốc độ tối thiểu là 60km/h. Tốc độ lưu thông tại các đường nhánh ra, vào đường cao tốc từ 40-50km/h. Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện tối thiểu là: 90m tương ứng với tốc độ từ 100km/h – 120km/h; 70m tương ứng với tốc độ từ 80km/h – 100km/h; 50m tương ứng với tốc độ từ 60km/h – 80km/h. Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường có thể trơn trượt, người lái xe tham gia giao thông phải điều chỉnh tốc độ và khoảng cách an toàn thích hợp so với khoảng cách an toàn quy định. Các xe tải nặng, xe chở các vật liệu có tính chất nguy hiểm, dễ cháy nổ bắt buộc phải đi vào làn cạnh làn dừng khẩn cấp. Trên tuyến bố trí các điểm quay đầu phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ, điều tiết giao thông

Như vậy, đến thời điểm này, đường Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã đưa vào kbai thác 75/105km với quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 120km/h. Ngay sau khi đưa vào khai thác đoạn tuyến này sẽ áp dụng mức thu phí tiêu chuẩn là 1.500 đồng/km/xe. Mức phí thấp nhất để lưu thông trên đoạn tuyến này là 110.000 đồng/xe (loại dưới 12 chỗ ngồi); cao nhất là 600 đồng/xe (xe tải 18 tấn trở lên, xe công-ten-nơ 40 phit). Trên tuyếnm VIDIFI sẽ phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ công an) và các đơn vụ kuên quan kiểm soát giao thông trên đường cao tốc, kiểm tra tải trọng 100% số xe tải trước khi vào đường cao tốc bằng các trạm cân được bố trí tại tất cả các lối vào, kiểm soát ngăn chặn các phương tiện chạy quá tốc độ bằng các thiết bị tự động.

Phát biểu ý kiến tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, địa phương, chủ đầu tư cũng như các nhà thầu đã nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ dự án. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, tuyến giao thông đường bộ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, đạt tiêu chuẩn cao tốc loại A. Để dự án khai thác hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công an và UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với chủ đầu tư kiểm soát chặt chẽ xe quá tải, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường. (Phước Hải - Báo Nhà báo và Công luận 27/09; Công an nhân dân 25/09; Báo Pháp luật Việt Nam 28/09; Báo An ninh thủ đô 26/09; Thông tấn xã Việt Nam 26/09; Báo Xây dựng 26/09; Báo Tin tức 26/09; Báo Đại biểu nhân dân 26/09; Báo Gia đình & Xã hội 26/09; Báo Hải Phòng 27/09)

26.            Huyện Thủy Nguyên: Ùn tắc giao thông vì múa lân

Theo phản ánh, trong các tối ngày 25, 26-9, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đã xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông ở một số tuyến đường chính do hoạt động múa lân. Nhiều đội múa lân với áo quần đủ màu, trống chiêng ầm ĩ, kéo theo xích lô, xe đẩy, thậm chí cả ô tô xe tải làm huyên náo, thậm chí gây mất trật tự các tuyến đường.

Ghi nhận của phóng viên, tối 26-9, không ít đoạn đường ở một số xã, thị trấn đã xảy ra ùn tắc cục bộ như: tuyến đường Bạch Đằng (thị trấn Núi Đèo), tuyến 359C đoạn qua khu vực các xã An Lư, Thủy Đường, Thủy Sơn, Tân Dương…

Được biết trước đó, lực lượng CSGT- TT Công an huyện đã xây dựng kế hoạch, huy động 100% quân số đảm bảo TTATGT trong những ngày dịp Trung thu, song do hoạt động múa lân và lượng người cùng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Điều đáng nói, không ít người tham gia giao thông, chủ yếu là thanh thiếu niên vẫn thiếu ý thức, vi phạm các quy định ATGT như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng… khiến công tác đảm bảo TTATGT rất khó khăn. (ĐH - An ninh Hải Phòng 27/09)

27.            Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến

Sáng 26-9, các đồng chí: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra tình hình triển khai dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến.

Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư, gồm 8 gói thầu xây lắp chính, tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài 5,41km, rộng 25m, diện tích đất sử dụng 41,9ha, được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h. Điểm đầu dự án cầu kết nối với điểm cuối dự án đường nối thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) với cầu Bạch Đằng; điểm cuối kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Xác định đây là công trình quốc gia đặc biệt quan trọng, từ khi khởi công (ngày 25-1-2015), thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh khẩn trương giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch bàn giao cho đơn vị thi công. Phía các nhà thầu, thực hiện khối lượng công việc khá lớn, gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đến thời điểm này, thành phố Hải Phòng bàn giao 8,17 ha, hiện còn vướng mắc đối với 1,54 ha gồm đất của Công ty 189 và chưa di dời được đường dây điện 220 kV, 110 kV. Thành phố cam kết đến ngày 10-10-2015 bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công và di chuyển đường điện đúng kế hoạch tiến độ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cảm ơn sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của thành phố Hải Phòng trong công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến. Đồng chí yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan; nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch. (Báo Hải Phòng 27/09)

ĐÔ THỊ

28.            Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch 1/2000 quận Lê Chân - Hải Phòng

UBND quận Lê Chân vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 quận Lê Chân đến năm 2025 để xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế, trường học liên cấp, trường đại học và các công trình phát triển đô thị tại phường Vĩnh Niệm.

Theo Quyết định, tổng diện tích điều chỉnh quy hoạch là 119,54ha, tại phường Vĩnh Niệm. Phạm vi ranh giới: phía Bắc giáp đường WorldBank và khu cây xanh CX8 (nghĩa trang Gốc Găng), phía Tây giáp đường Hồ Sen- Cầu Rào 2, phía Nam giáp đường sông Lạch Tray, phíaTây giáp ô đất cây xanh CX9.

Nội dung điều chỉnh không gian, kiến trúc, cảnh quan: tạo dựng một khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ, hài hòa với cảnh quan ven sông, với hướng không gian xanh mặt nước mở dần về phía sông Lạch Tray. Xây dựng công trình bệnh viện đa khoa quốc tế , trường liên cấp từ mầm non đến trung học phổ thông với quy mô đào tạo từ 5 nghìn đến 7 nghìn học sinh; trường đại học đa ngành với quy mô đào tạo từ 4 nghìn đến 5 nghìn sinh viên. Hình thành khu cây xanh, thể dục thể thao phía Tây Bắc khu vực quy hoạch; các công trình dịch vụ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. (Đại Vũ - Báo Xây dựng 26/09)

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

29.            Huy động vốn đối ứng từ đấu giá đất xây dựng công trình hạ tầng nông thôn mới: Nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ

Năm 2015, thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương cần huy động nguồn vốn hơn 382 tỷ đồng đối ứng cho các công trình, chủ yếu trông chờ từ nguồn thu  đấu giá đất. Nhưng hiện nay, phần lớn các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở.

Khó hoàn thành kế hoạch

Nhiều công trình xây dựng cơ bản ở các địa phương trong giai đoạn thi công gấp rút để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2015, nhưng thực tế tiến độ thực hiện khá chậm do thiếu vốn. Đến đầu tháng 9-2015, một số huyện mới đấu giá đất được 20 - 30% mức kế hoạch thành phố giao và địa phương dự kiến thu. Tại huyện Tiên Lãng, đến đầu tháng 9 - 2015 mới đấu giá đất được 3 tỷ đồng, trong tổng kế hoạch thu 20 tỷ đồng cả năm. Huyện Thủy Nguyên dự kiến thu từ đấu giá sử dụng đất khá cao (107 tỷ đồng trong năm 2015), tuy nhiên, đến ngày 19-9  mới thu được 32 tỷ đồng, đạt 28,9% kế hoạch. Đến nay, huyện An Lão đấu giá đất 2 đợt, thu 12 tỷ đồng (dự kiến thu 30 tỷ đồng năm 2015).

 Theo báo cáo của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, kết quả xây dựng các công trình hạ tầng NTM hiện đạt thấp. Đến đầu tháng 9 - 2015, toàn thành phố còn 274 công trình, chiếm 68% đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục hồ sơ, 21 xã chưa triển khai thực hiện các công trình NTM. Về xây dựng đường giao thông NTM, đến ngày 22-9- 2015, các địa phương mới thực hiện 548 km, đạt  41% mức kế hoạch cả năm. Lãnh đạo các địa phương và các ngành chức năng đều lo ngại, từ nay đến cuối năm, nếu không đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, huy động được nguồn vốn đối ứng cho các công trình, kế hoạch xây dựng  NTM năm 2015 khó hoàn thành.

Thủ tục chưa thuận tiện

Theo phản ánh của lãnh đạo một số địa phương, việc đấu giá đất  chậm tiến độ bị một số thủ tục chưa thuận lợi cho các địa phương trong việc xác định giá khởi điểm. Phó chủ tịch UBND huyện An Lão Trần Văn Tuấn cho biết, để xác định giá khởi điểm đấu giá đất ở các xã, thực hiện trình tự quy trình thủ tục từ các ngành chức năng cho đến khi thành phố có quyết định giá khởi điểm phải mất vài tháng, khó khăn cho các địa phương trong triển khai đấu giá đất. Như việc xác định đấu giá đất khởi điểm tại 4 xã Quốc Tuấn, An Thọ, An Thắng, Chiến Thắng đến nay đã 2,5 tháng, huyện vẫn đang chờ quyết định của thành phố. Việc ứng vốn, từ quỹ phát triển đất để phục vụ giải phóng mặt bằng theo từng quý phù hợp với thực tế, nhưng hiện nay việc yêu cầu tổng giá trị mỗi đợt ứng vốn phải đạt 5 tỷ đồng cũng gây khó khăn cho một số địa phương, làm chậm tiến độ đấu giá đất...

Ở một số địa phương thuần nông, việc đấu giá đất càng khó khăn, bởi thị trường bất động sản hiện trầm lắng, nhưng giá khởi điểm theo quy định của thành phố ngang hoặc cao hơn thị trường. Bên cạnh đó, một số địa phương vướng quy hoạch “treo” hoặc chậm triển khai. Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần  Đình Vịnh cho biết, từ đầu năm đến nay, đấu giá đất trên địa bàn thực hiện chậm do một số xã ven biển trong quy hoạch sân bay quốc tế; thị trấn Tiên Lãng và 3 xã đường 10 gồm Tiên Cường, Tự Cường, Đại Thắng vướng quy hoạch một số cụm công nghiệp...

Tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc nguồn vốn đối ứng

Những năm qua, huy động vốn từ nguồn đấu giá đất đem lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương xây dựng NTM. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, nếu tiến độ đấu giá đất vẫn chậm chạp như hiện nay sẽ khó tiếp tục triển khai các công trình hạ tầng NTM, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch năm 2015.

Lãnh đạo các địa phương đề xuất thành phố  rút ngắn thời gian, trình tự thủ tục trong đấu giá đất; xác định giá đất cụ thể sát với thị trường; ủy quyền cho các huyện quyết định đầu tư và làm chủ đầu tư một số công trình hạ tầng đối với các khu đất xen kẹt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu giá đất. Lãnh đạo huyện Thủy Nguyên đề nghị UBND thành phố quy định việc ứng vốn từ quỹ phát triển đất trên cơ sở dự toán được duyệt theo từng quý, đơn giản hơn nữa các thủ tục, hồ sơ ứng vốn vì thời gian thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng với từng khu đất mất nhiều thời gian. Việc ứng vốn với các thủ tục được áp dụng như hiện nay khó đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất tại các địa phương.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến về xây dựng NTM năm 2015, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành giao UBND huyện tổ chức xác định giá đất cụ thể để phục vụ đấu giá với các khu đất do cấp huyện thực hiện đấu giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo thẩm quyền, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, Hội đồng thẩm định giá đất thẩm định, trình UBND thanh phố xem xét phê duyệt. Sở Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn các huyện thực hiện trình tự thủ tục xác định giá đất theo quy định. (Hải An - Báo Hải Phòng 25/09)

30.            Chung tay xây dựng quê hương

Năm 2015, xã Nam Sơn được chọn là 1 trong 5 xã về đích nông thôn mới. Hiện xã hoàn thành 16 tiêu chí, còn lại 3 tiêu chí: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa cần hoàn thành trong năm 2015. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài hỗ trợ của thành phố, huyện An Dương, xã Nam Sơn tập trung huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới.

 Đi trên con đường bê tông phẳng mịn ở thôn Quỳnh Hoàng vừa hoàn thành đưa vào sử dụng người dân địa phương hết sức vui mừng. Bà Nguyễn Thị Thuật năm nay gần 80 tuổi, đi lại gặp nhiều khó khăn, song ngày khánh thành tuyến đường bà cũng cố gắng có mặt, đi đi lại lại mãi trên tuyến đường mới. Bà phần khởi cho biết, trước đây tuyến đường lầy lội chật hẹp, nay được các cấp quan tâm đầu tư khang trang đẹp thôn, xóm giúp người dân địa phương đi lại thuận tiện.

Theo lãnh đạo xã Nam Sơn, đây là một trong những tuyến đường bê tông thôn, xóm triển khai đầu tư trong năm 2015 có sự chung tay góp sức tích cực của nhân dân địa phương và một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Xã vận động doanh nghiệp chủ động ứng vật tư, tiền thi công tuyến đường, triển khai xây dựng sớm và hỗ trợ một phần kinh phí, bê tông tươi. Nhờ vậy, hơn 444 m đường bê tông trị giá hơn 355 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 100% xi măng trị giá 121 triệu đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp và doanh nghiệp hỗ trợ được hoàn thành nhanh chóng, đưa vào sử dụng. Tiếp nối công trình trên, trên địa bàn xã Nam Sơn triển khai xây dựng nhiều tuyến bê tông thôn, xóm với sự hỗ trợ tích cực từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất- kinh doanh trên địa bàn. Tiêu biểu trong số đó là Công ty TNHH Tân Thuận Phong, Công ty TNHH bê tông Phúc Tiến. Với trách nhiệm công đồng xã hội của mình, trong thời gian qua, các DN tích cực tham gia ủng hộ các chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương với số tiền hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết: năm 2015 xã quyết tâm phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí còn lại: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học. Đến thời điểm này, địa phương cơ bản hoàn thành dãy nhà 3 tầng gồm 15 phòng học của trường tiểu học Nam Sơn bằng nguồn vốn công trợ của nhà nước với tổng dự toán 13,2 tỷ đồng; xây dựng bổ sung 6 phòng học cho trường mầm non trị giá hơn 9,6 tỷ đồng. Xã phấn đấu hoàn thành xây dựng gần 5,2 km đường giao thông ngõ, xóm phục vụ nhân dân địa phương. Đến nay, các thôn tổ chức thi công xây dựng 7 tuyến đường bê tông tại các thôn Quỳnh Hoàng, Cống Mỹ, Mỹ Tranh dài hơn 1,5 km trị giá hơn 1,5 tỷ đồng; triển khai xây dựng đường trục thôn Cống Mỹ dài 470 m trị giá 3,2 tỷ đồng và tuyến đường Lương Quáng-Mỹ Tranh dài 671 m trị giá 4,8 tỷ đồng; sửa chữa một số hạng mục như sân trường, nhà để xe, nhà vệ sinh trường THCS Nam Sơn trị giá 2,1 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu về đích chương trình xây dựng NTM trong năm 2015, xã Nam Sơn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chương trình xây dựng NTM để nhân dân địa phương hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình, từ đó vận động người dân chủ động tham gia tổ chức thực hiện; tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. (Tiến Đạt - Báo Hải Phòng 25/09)

31.            Bảo đảm quyền lợi người dân khi thực hiện dồn điền đổi thửa: Cần công khai, dân chủ, tạo sự đồng thuận

Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là chủ trương lớn của Chính phủ, được xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Tuy nhiên, một số địa phương triển khai thực hiện chưa thực sự chặt chẽ, phát sinh khiếu kiện.

Nóng vội... hỏng việc

Vừa qua, Báo Hải Phòng nhận được đơn kiến nghị của gia đình anh Đào Quang Nguyễn, ở thôn Đông Xuyên Nội, xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) phản ánh việc gia đình mất một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong quá trình thực hiện DĐĐT. Theo ông Đào Văn Thái, Trưởng thôn Đông Xuyên Nội, triển khai thực hiện chủ trương DĐĐT, thôn tổ chức họp toàn thể người dân. Tại cuộc họp, căn cứ quy hoạch của thôn và ý kiến phát biểu của người dân, lãnh đạo thôn tiến hành phân chia ruộng, thỏa thuận miệng với các hộ dân về việc hiến đất xây dựng các công trình NTM, như đường giao thông, mương thoát nước… Trong đó, gia đình anh Nguyễn có thỏa thuận miệng với thôn về việc hiến một phần đất ruộng để xây dựng các công trình của thôn. Tuy nhiên, phía gia đình anh Nguyễn lại cho rằng không được dự họp, chưa có sự thống nhất việc hiến đất với thôn. Sau khi có đơn kiến nghị của gia đình anh Nguyễn, UBND xã Đoàn Lập tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ. Do giữa thôn và gia đình anh Nguyễn không có văn bản thống nhất việc hiến đất nên UBND xã yêu cầu thôn hoàn trả đủ diện tích cho hộ gia đình anh Nguyễn.

 Tình trạng thôn không lập văn bản thống nhất với các hộ dân trong quá trình triển khai DĐĐT xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến khiếu kiện phức tạp. Ví dụ như ở thôn 12, xã Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng), lãnh đạo thôn chưa có văn bản thống nhất với các hộ dân nhưng đã triển khai DĐĐT. Sau đó, một số hộ dân có ý kiến chưa đồng tình với chủ trương DĐĐT của thôn và có đơn kiến nghị gửi lên các cấp chính quyền, khiến việc DĐĐT phải tạm dừng. Theo Chủ tịch UBND xã Hùng Thắng Nguyễn Văn Cừ, đến nay, xã có 12/16 thôn thực hiện DĐĐT và đều tiến hành theo cách thức như thôn 12. Tức là, tuyên truyền, vận động người dân DĐĐT, hiến đất, tiến hành sản xuất trước, sau đó, xã và thôn kiểm tra, rà soát lại mới hoàn thiện các văn bản, thủ tục. Người dân ở các thôn khác đồng thuận cao nên việc DĐĐT thuận lợi. Riêng thôn 12, khi đang triển khai thì người dân có kiến nghị nên UBND xã tạm dừng việc DĐĐT, tổ chức thêm nhiều cuộc họp để giải quyết.

Cần thực hiện công khai, chặt chẽ

Việc triển khai chủ trương DĐĐT ở các địa phương trên địa bàn thành phố đều có các quy trình, thủ tục, song lãnh đạo một số thôn có phần nôn nóng, vội vàng thực hiện, thiếu chặt chẽ khi thiết lập các văn bản cần thiết. Công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa tạo được sự đồng thuận, thông suốt chủ trương DĐĐT. Chính quyền xã chưa kiểm tra kịp thời, sâu sát. Do đó, trong quá trình thực hiện dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Có trường hợp người dân trước đó tự nguyện hiến đất, nhưng sau lại không đồng tình, đòi lại phần đất đã hiến khiến UBND xã lúng túng khó xử lý vì công trình công cộng đã làm, đất vẫn phải trả đủ diện tích cho người dân do chính quyền không có văn bản, chứng cứ xác nhận việc hiến đất.

Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, trong đó việc DĐĐT có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập, đời sống của người dân. Qua đó, thể hiện vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM. Thời gian qua, phần lớn người dân ở các địa phương hiểu rõ lợi ích của việc DĐĐT, tích cực tham gia hiến đất phục vụ xây dựng NTM. Đến nay, sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, người dân thành phố hiến hơn 2 triệu m2 đất, góp 397 nghìn ngày công, 62 tỷ đồng… để xây dựng các công trình NTM. Kinh nghiệm thực hiện thành công chủ trương DĐĐT ở các địa phương cho thấy, nơi nào các cấp chính quyền xã, thôn kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân hiểu rõ lợi ích, nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, tự nguyện tham gia thì việc DĐĐT diễn ra suôn sẻ. Do đó, để thực hiện thành công DĐĐT phục vụ xây dựng NTM, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền hướng dẫn, kiểm tra quá trình DĐĐT tại các thôn, xóm, bảo đảm dân chủ, công bằng, chặt chẽ. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện DĐĐT, các cấp hội, ban ngành, đoàn thể tham gia giám sát chính quyền địa phương, không để xảy ra việc áp đặt hoặc làm vội, làm tắt, chạy theo thành tích, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và gây mất đoàn kết trong thôn, xóm. (Nguyễn Cường - Báo Hải Phòng 26/09)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

32.            Tăng cường dạy và học tiếng Nhật trong giai đoạn 2015 – 2020 để đáp ứng yêu cầu hợp tác với Nhật Bản

Hải Phòng hiện có 111 dự án đầu tư của Nhật Bản đang hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ USD. Theo dự báo của ngành Công thương, trong giai đoạn tới các doanh nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại các KCN, cụm công nghiệp có nhu cầu tuyển rất nhiều lao động vào làm việc, song nhìn chung hiện nay thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu về tiếng Nhật trong các doanh nghiệp Nhật Bản. Hầu hết mọi công việc ngoại giao, giao tiếp cũng như hệ thống văn bản, giấy tờ giao dịch giữa Việt Nam và Nhật Bản đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính, điều này không những gây ảnh hưởng chung đến tiến độ công việc mà còn tạo ấn tượng chưa tốt đối với đối tác.

Theo báo cáo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn thành phố có 80 trung tâm dạy ngoại ngữ, trong đó có 5 trung tâm tổ chức một số lớp học tiếng Nhật nhưng số lượng học viên các lớp này rất ít và không duy trì được lâu; hiện Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đang dạy tiếng Nhật là ngoại ngữ 2 cho 145 sinh viên; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng đang dạy tiếng Nhật cho 110 sinh viên với thời lượng 350 tiết và có 02 giáo viên người Nhật tham gia giảng dạy, ngoài ra có 3 lớp tiếng Nhật ngoài giờ cho cán bộ, giáo viên và sinh viên có nhu cầu. Tại Trường THCS Tô Hiệu, tiếng Nhật được thí điểm dạy từ năm học 2012 – 2013, đến nay có 200 học sinh ở các khối 6,7,8 theo học và Trường THPT An Hải có 245 học sinh theo học. Tuy nhiên, chương trình giảng dạy tiếng Nhật tại các trường trên mới chỉ triển khai dưới hình thức học tự nguyện ngoài giờ, số lượng còn hạn chế và chưa được coi là môn học chính thức, do đó học sinh chưa thực sự yên tâm học tập và chưa có động cơ học tập cao. Đặc biệt, Hải Phòng còn thiếu nhiều giáo viên dạy tiếng Nhật đạt chuẩn về trình độ đào tạo, thiếu trang thiết bị, tài liệu tham khảo phục vụ cho việc giảng dạy và học tiếng Nhật nên ảnh hưởng lớn đến việc rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, việc tổ chức các hoạt động tích cực…

Phấn đấu để Hải Phòng trở thành một trung tâm lớn mạnh về tiếng Nhật

Trong những năm gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được xác định là đối tác chiến lược, trong đó thành phố Hải Phòng được Chính phủ chỉ đạo là một trong những địa phương tập trung thu hút đầu tư của Nhật Bản để phát triển ngành công nghiệp. Chính vì vậy, phát triển việc dạy và học tiếng Nhật trong hệ thống các trường phổ thông, trường đại học, trường cao đẳng, các trung tâm cơ sở ngoại ngữ, trong cán bộ công chức, người lao động… trên địa bàn thành phố là việc rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Theo kế hoạch dạy và học tiếng Nhật trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015 – 2020 do UBND thành phố vừa phê duyệt, thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch dạy và học tiếng Nhật gồm đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan như: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Ngoại vụ, Công Thương… do lãnh đạo UBND thành phố làm Trưởng ban. Đồng thời, tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Nhật hiện có, nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách tuyển dụng thu hút giáo viên dạy tiếng Nhật có chất lượng và kinh nghiệm trong nước cũng như ngoài nước tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Tổ chức giảng dạy tiếng Nhật cho học sinh ở một số trường THPT, THCS và Tiểu học trên địa bàn thành phố dưới hình thức tự nguyện ngoài giờ, là môn ngoại ngữ 2 và tiến đến là môn ngoại ngữ 1. Tăng cường giảng dạy tiếng Nhật cho cán bộ, công chức và người lao động để họ có thể sử dụng tiếng Nhật khi làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản.

UBND thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến hết giai đoạn 2015 – 2020, tiếng Nhật trở thành công cụ giao tiếp chủ yếu trong sản xuất kinh doanh, du lịch, giao lưu văn hóa với Nhật Bản, và trong vòng 10 năm tới thành phố Hải Phòng có thể trở thành một trung tâm mạnh về tiếng Nhật. (Trâm Bầu - Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng 28/09)

33.            Mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày: Các trường ở nội thành khó thực hiện

Năm học 2015-2016, sở GD-ĐT đề ra mục tiêu 85% số trường tiếu học tổ chức dạy học 2 huồi/ngày với tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 80% trở lên. Tuy nhiên, thực hiện nhiệm vụ này tại một số trường không dễ, nhất là những trường ở nội thành.

Trường trọng điểm khó nhiều hơn

Nói về tầm quan trọng của việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Thị Phương Vinh cho rằng, đây là phương pháp học tập tích cực nhằm mục tiêu giáo dục toàn diện. Theo đó, 1 buổi học sinh học chương trình chính khóa; buổi còn lại để bổ sung chương trình, ôn luyện kiến thức đã học, học các môn tự chọn như ngoại ngữ, tin học, tham gia các hoạt động tập thể và rèn kỹ năng sống. Dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên gần gũi, gắn bó với học sinh hơn, giúp học sinh bổ sung những kiến thức cơ bản cần thiét; đồng thời, phát hiện năng khiếu, phát huy phẩm chất, năng lực ở mỗi học sinh. Việc này còn giảm áp lực học tập cho học sinh, các em có thể hoàn thành bài tập ngay tại lớp, buổi tối không phải học bài. Một số trường có điều kiện, học sinh không phải mang cặp sách về nhà. Tuy nhiên, để thực hiện theo mục tiêu này, các trường tiểu học ở nội thành, nhất là những trường trọng điểm gặp nhiều khó khăn.

Năm học này, Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân) có 51 lớp với hơn 2300 học sinh. Tuy nhiên, hiện trường chỉ có 29 phòng học, nên mới có 7 lớp được học 2 buổi/ngày. Theo Hiệu trưởng Phạm Thị Minh Châu, không chỉ thiếu phòng học, nhà trường còn thiếu giáo viên phục vụ dạy học 2 buổi/ngày. Hiện tại, trường thiếu 7 giáo viên. Nếu thực hiện dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh, số giáo viên thiếu sẽ nhiều hơn.

Cùng là trường tiểu học trọng điểm của quận Lê Chân, Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai có 8/49 lớp được học 2 buổi ngày, tỷ lệ nhỉnh hơn một chút so với Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố. Hiện nhà trường không còn diện tích để xây dựng hoặc cơi nới nên không thể có thêm số phòng học để bố trí học 2 buổi/ngàỵ.

Thời điểm hiện tại, Trường tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) có 20 phòng học, dành cho 18 lớp học 2 buổi/ngày. Để có phòng học 1 buổi/ngày cho số lớp còn lại, nhà trường mượn Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố và Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu 17 phòng học.

Theo Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Hồng Bàng Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong số 9 trường tiểu học của quận, chỉ có 3 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, số còn lại tỷ lệ không đồng đều. Đáng nói là, năm học 2015- 2016, số học sinh vào lớp 1 của quận Hồng Bàng tăng 6 lớp, trong khi đó, số phòng học vẫn như năm học trước.. Bà Ngọc phân tích, hiện thành phố bố trí 1,45 giáo viên/lớp đối với việc dạy 2 buổi/ngày, thấp hơn 0,5 giáo viên/lớp so với quy định. Tuy nhiên, ngay cả khi bố trí 1,45 giáo viên/lớp, các trường tiểu học tại quận Hồng Bàng đều thiếu mỗi trường từ 1 đến 2 giáo viên.

Tương tự như quận Hồng Bàng, quận Lê Chân mới có 3/12 trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày cho toàn bộ số học sinh. Đến nay, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày của địa phương này mới đạt 50%.

Tìm giải pháp phù hợp

Theo Trưởng Phòng GD- ĐT quận Lê Chân Nguyễn Thị Lệ Thủy, việc tăng tỷ lệ lớp học và số học sinh được học 2 buổi/ngày tập trung tại các trường tiểu học còn điều kiện cải tạo, cơi nới về diện tích. Đối với Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, Phòng GD-ĐT đồng ý với đề xuất của nhà trường nâng thêm 1 tầng khu nhà B để có thêm 5 phòng học. Một số trường không còn điều kiện để mở rộng điện tích, quận sẽ áp dụng phương án điều chỉnh địa bàn tuyển sinh trong năm học tới nhằm giảm số học sinh, qua đó, tăng số lớp được học 2 buổi/ngày. Riêng Trường tiểu học Chu Văn An, lộ trình đạt mục tiêu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày sẽ hoàn thành vào năm 2020. Hiệu trường Lê Thị Thủy cho biết, nhà trường đang tiến hành xây dựng theo quy hoạch, dữ kiến trong 5 năm tới đủ 45 phòng học để toàn bộ học sinh được học 2 buổi/ngày.

Phó giám đốc Vũ Thị Phương Vinh cho rằng, trong năm học này, sở GD- ĐT chỉ đạo các trường tiểu học có điều kiện về cơ sở vật chất nâng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày để bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Cùng với việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, các trường học tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian tới, sở GD-ĐT cùng các địa phương tìm giải pháp phù hợp trong công tác tuyển sinh, giảm tuyển sinh trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp ở một số trường học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với vấn đề thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT phối hợp với các quận, huyện, rà soát số lượng đội ngũ giáo viên, đề xuất với thành phố giao định biên giáo viên trước khi năm học mới bắt đầu. Đồng thời, giao đủ định mức theo quy định của Thông tư số 35 liên Bộ GD- ĐT, Tài chính, Nội vụ. Như vậy, các trường học, quận, huyện không phải bố trí kinh phí hợp đồng giáo viên, các giáo viên cũng yên tâm công tác, dạy học. (Bích Hạnh - Báo Hải Phòng 28/09)

34.            Trung tâm Anh ngữ quốc tế Columbus tham gia đào tạo tại Hải Phòng

Trung tâm Anh ngữ quốc tế Columbus vừa tổ chức khai trương tại Hải Phòng.

Trung tâm Anh ngữ quốc tế Columbus là đơn vị tư vấn, đào tạo tiếng Anh thông qua các khoá học dành cho nhiều lứa tuổi tại Hải Phòng. Với mô hình giảng dạy 50% tiết học có giáo viên nước ngoài, 50% tiết học giáo viên Việt Nam, trung tâm xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, nâng cao khả năng tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ. Mục tiêu của chương trình hoạt động là “lấy người học làm trung tâm”, phát triển toàn diện 4 kỹ năng “nghe- nói- đọc- viết”. (Báo Hải Phòng 28/09)

35.            Phát huy truyền thống hiếu học

Năm đầu tổ chức lễ biểu dương học sinh, sinh viên tiêu biểu toàn huyện, các cấp chính quyền và người dân huyện An Lão kỳ vọng 39 gương mặt ưu tú tiếp tục đạt nhiều thành tích cao hơn trên con đường học tập, lập thân lập nghiệp, làm tiền đề để lớp đàn em sau này phát huy tinh thần hiếu học, làm rạng danh quê hương Trạng nguyên Trần Tất Văn.

Khuôn viên đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn tối 19-9 náo nhiệt hơn ngày thường. Người dân khắp làng trên xóm dưới nô nức như đi trẩy hộỉ. Ai cũng mong được ngắm nhìn những người con ưu tú của quê hương sẽ được biểu dương. Bác Nguyễn Thị Ngoan (thôn Nguyệt Áng, xã Thái Sơn) đi cùng con gái, phấn khởi cho biết: “Thật tự hào khi chứng kiến các cháu trưởng thành như ngày hôm nay. Tôi mong sao các cháu cố gắng phấn đấu rèn luyện, học tập tốt để sau này về xây dựng quê hương. Tôi cũng mong cháu nhà tôi noi gương các anh chị học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội".

Không khí lễ biểu dương thêm phần trang nghiêm khi 39 học sinh, sinh viên tiêu biểu trong trang phục áo cử nhân thành kính dâng hương tại đền thờ cụ Trạng. Trước anh linh Trạng nguyên Trần Tất Văn, em Phạm Thị Duyên (thôn Trung Thanh Lang, xã An Thái) đoạt giải ba quốc gia môn Sinh học cho biết: “Trạng nguyên Trần Tất Văn sinh ra tại mảnh đất An Lão. Con trai ông là Trần Tảo, cùng đỗ quan Nghè. Gia đình cụ Trạng nguyên luôn là tấm gương sáng cho chúng em về truyền thống hiếu học, giữ gìn và phát huy nếp nhà không chỉ làm rạng danh quê hương Núi Voi mà còn là gia đình tiêu biểu của đất nước Việt Nam”.

Trong làn khói hương nghi ngút, khóe mắt nhiều ông bố bà mẹ nhòe đi với niềm vui khôn xiết chứng kiến các con “vinh quy bái Tổ”. Đứng từ xa dõi theo con đang tiến vào làm lễ, bác Nguyễn Văn Tiến, phụ huynh em Nguyễn Thị Phương Thúy, tân thủ khoa Học viện Quản lý giáo dục xúc động: “Cả cuộc đời vất vả, tôi chỉ mong các cháu phấn đấu, để cuộc sống sau này bớt khổ. Khi biết tin cháu đỗ thủ khoa lại được tham dự lễ biểu dương, bậc làm cha mẹ chúng tôi không còn điều gì hạnh phúc hơn”.

Trong 39 học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, có 11 em đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thành phố, 28 học sinh đạt điểm khá, giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 và là thủ khoa, á khoa các trường đại học. Nổi bật trong số đó là tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Đỗ Thành Đức đến từ thôn An Luận, xã An Tiến. Dáng người cao, mảnh khảnh, nụ cười tươi, Thành Đức dễ gây thiện cảm với mọi người. Đức đạt số điểm 27,75 tại kỳ thi vừa qua. Không những vậy, em luôn là học sinh xuất sắc suốt 12 năm học và đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi các cấp. Tại lễ biểu dương, Thành Đức bày tỏ lòng biết ơn công sinh thành của cha mẹ, dạy dỗ của thầy, cô giáo dưới mái trường THPT An Lão và sự quan tâm của các cấp chính quyền. Đức cho biết: “Chúng em luôn khắc ghi công lao thế hệ đi trước làm rạng danh quê hương An Lão anh hùng. Đây sẽ là động lực để chúng em trau dồi tri thức, chinh phục những đỉnh cao mới, góp sức phụng sự quê hương”.

Tại lễ biểu dương, Trường THPT An Lão dẫn đầu khi có 22 học sinh được vinh danh. Trong đó có em Lê Thành Trung (xã Quang Hưng) đạt 25,5 điểm, đỗ Khoa Tự động hóa, Trường ĐH Bách khoa. Trung đề ra mục tiêu: “Đỗ đại học chỉ là thành công bước đầu, em sẽ không ngủ quên trên chiến thắng, bởi còn nhiều bạn giỏi hơn em. Nếu mình dừng lại có nghĩa là thất bại. Em sẽ cố gắng thi đỗ vào lớp chất lượng cao của trường, xa hơn nữa trở thành kỹ sư tự động hóa giỏi”.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND huyện An Lão nhấn mạnh, lễ biểu dương thể hiện sự quan tâm của huyện đối với công tác giáo dục, đào tạo nhân tài, khuyến khích các em thi đua học tập, rèn luyện. Dù huyện nhà còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng luôn đặt sự nghiệp giáo dục, đào tạo lên hàng đầu. Năm học tới, bên cạnh những mục tiêu chung của thành phố, ngành giáo dục huyện An Lão tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học. (Thanh Thanh - Báo Hải Phòng cuối tuần 25/09)

36.            Huyện Tiên Lãng: Gần 290 suất quà, học bổng được trao học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

UBND huyện Tiên Lãng vừa phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình "Trung thu yêu thương" cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với trẻ em trên địa bàn huyện Tiên Lãng nhân dịp tết trung thu năm nay ở một huyện nằm xa trung tâm thành phố, thu nhập của người dân còn thấp và nhiều đối tượng hưởng chế độ chính sách.

Với mong muốn đem đến cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc các gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em gia đình người có công đón một Tết Trung thu ấm áp và hạnh phúc, gần 290 suất quà, học bổng trị giá gần 110 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí thành phố, huyện Tiên Lãng và các nhà tài trợ đã được trao tận tay đến các em. Những món quà với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần động viên, khuyến khích các em phấn đấu vươn lên trong học tập. (Báo Hải Phòng 28/09)

37.            Sinh viên ngành đào tạo Công nghệ Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa dễ kiếm việc

Nguyễn Văn Học, cựu sinh viên lớp 3TĐ10A, Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần tự động hóa Wintech. Ít ai biết rằng anh là tác giả tham gia thiết kế, lắp đặt hệ thống chân đế di chuyển cẩu đế tại các cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Tiên Sa (Đà Nẵng), Tân Cảng 128 - Hải Phòng… Chính quyết định chọn ngành Tự động hóa giúp anh Học thỏa mãn đam mê của mình. Ngay khi còn là sinh viên, anh Học rất hứng thú với việc học tập, nghiên cứu công nghệ kỹ thuật. Hầu như không bỏ sót bất cứ hoạt động nghiên cứu khoa học hay các hội thảo, chương trình liên quan đến khoa học công nghệ do trường tổ chức. Đam mê tự động hóa, sau khi tốt nghiệp, anh Học quyết tâm mở công ty riêng chuyên về lĩnh vực tự động hóa.

Theo thạc sĩ Trần Quốc Cường, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics, trong khi rất nhiều ngành nghề sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm, ngành tự động hóa luôn có doanh nghiệp “đặt hàng” và hầu như năm nào cũng trong tình trạng “cầu” không đủ “cung”. Năm học 2014-2015, toàn trường có 100 sinh viên tốt nghiệp ngành học này, khi ra trường đều tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Khoa Điện - Điện tử (đào tạo ngành Tự động hóa) là một trong những khoa công nghệ luôn đi đầu trong các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của trường: tham gia cuộc thi chế tạo Robocon quốc gia, tham gia triển lãm mô hình dạy học thành phố, triển lãm sản phẩm công nghệ thông tin và tự động hoá thành phố. Đặc biệt, các giảng viên và sinh viên của khoa tích cực thiết kế, chế tạo nhiều sản phẩm công nghệ và mô hình vật lý phục vụ hiệu quả công tác học tập và nghiên cứu khoa học như: robot chơi đàn, xe ôtô tiết kiệm nhiên liệu, mô hình biến tần - động cơ, mô hình PLC - động cơ, mô hình vi điều khiển - động cơ, mô hình điều khiển điện - khí nén, mô hình điều khiển thang máy, tủ phân phối điện ba pha, mô hình thiết bị sấy, mô hình băng chuyền - tay máy công nghiệp… Đó chính là nền tảng giúp sinh viên tiếp cận và thích ứng ngay với công việc sau khi tốt nghiệp.

Nhận định về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa, thạc sĩ Trần Quốc Cường cho rằng, hệ thống tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Bởi vậy, cơ hội nghề nghiệp của người làm việc trong ngành này rất lớn. Sinh viên được đào tạo về lĩnh vực tự động hóa, có thể chọn việc làm phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền sản xuất xi măng, dây chuyền sản xuất giấy, dệt, các dây chuyền xử lý nước thải… hoặc có thể vận hành, thiết kế hệ thống tự động hóa đèn giao thông thành phố, hệ thống điều khiển và tín hiệu giao thông… Trong nông nghiệp, có thể thiết kế hệ thống tự động hóa trong trồng rau sạch… Làm việc trong ngành Tự động hóa, sinh viên có điều kiện tiếp xúc máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại với trình độ cơ khí bậc cao, có điều kiện nghiên cứu các kỹ thuật điều khiển tiên tiến, sử dụng, vận hành hệ thống máy tính công nghiệp hiện đại. Đối với sinh viên muốn tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, có thể tiếp tục học đại học, nghiên cứu sau đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện, điều khiển tự động; cơ điện tử; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong các lĩnh vực điện, tự động hóa và các lĩnh vực liên quan. (Thanh Thảo - Báo Hải Phòng 28/09)

38.            Thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ

Thành phố vừa tổ chức thành công cuộc thi vô địch tiếng Anh năm 2015. Chủ nhân ngôi vô địch là Dương Hoàng Long, cán bộ sở Kế hoạch và Đầu tư được nhận giải thưởng chuyến đi Anh trị giá 50 triệu đồng. Các em đạt điểm cao trong các vòng thi và lọt vào tốp 20 được nhận những phần thưởng xứng đáng.

Đây là lần thứ 2, Hải Phòng tổ chức cuộc thi vô địch tiếng Anh, sau thành công của cuộc thi năm 2014. Cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, tạo nên phong trào học và rèn luyện tiếng Anh sôi nỗi, rộng khắp. Nội dung, chủ đề của cuộc thi thiết thực, gắn với mục tiêu định hướng lớn mà thành phố đang quyết tâm thực hiện, và mỗi người Hải Phòng đều mong muốn được góp sức. Sự phối hợp của Liên hiệp các tố chức hữu nghị thành phố và Thành Đoàn Hải Phòng, Sở Ngoại vụ giúp cuộc thi đến được với nhiều công dân Hải Phòng, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên.

Ngay sau đó, thành phố tiếp tục tổ chức cuộc thi hùng biện diễn thuyết tiếng Nhật lần thứ 3 và đang thu nhận sự tham gia của nhiều thí sinh thuộc các lứa tuổi. Cuộc thi này cũng hứa hẹn sinh động và hấp dẫn, bởi tiếng Nhật đang là ngoại ngữ được nhiều người quan tâm. Gần đây, phong trào học tiếng Nhật rộ lên ở nhiều nơi. Từ Ban quản lý Khu Kinh tế tới Cục Thuế Hải Phòng, sở Thông tin-truyền thông, các trường học, các trung tâm ngoại ngữ... Do đó, mở cuộc thi diễn thuyết với các chủ đề khác nhau, hướng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam, Hải Phòng và Nhật Bản, góp phần thúc đẩy phong trào học tiếng Nhật mạnh mẽ hơn nữa trên địa bàn thành phố.

Cũng dễ hiểu vì sao thành phố khuyến khích và tạo nhiều sân chơi để thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ. Thế giới phẳng cùng quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng khiến ngoại ngữ trở thành chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa ra thế giới. Đồng chí Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định, Hải Phòng đang hướng tới mô hình thành phố quốc tế, đô thị thông minh... Yếu tố quốc tế hiện hữu rất rõ nét ở Hải Phòng, từ cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế tới hàng trăm dự án FDI đang thực hiện, hàng nghìn người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập tại Hải Phòng và người Hải Phòng tỏa tơi muôn nơi để học tập và làm việc. Do đó, các cuộc thi, sân chơi ngoại ngữ rất bổ ích và cần thiết, khuyến khích, động viên, quan trọng hơn là thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức và học sinh, sinh viên, để có thể hội nhập thuận lơi, làm chủ khoa học công nghệ, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại và gìn giữ bản sắc văn hóa của Hải Phòng, từ đó xây dựng Hải Phòng ngày càng giàu đẹp, văn minh.(Trọng Nhân - Báo Hải Phòng cuối tuần 25-9)

39.            Báo Đầu tư trao 50 suất học bổng Swing for the Kids tại Hải Phòng

Tối 24/9, trong chương trình Trung thu do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức tại huyện Tiên Lãng, Báo Đầu tư đã trao tặng 50 suất học bổng, trị giá 25 triệu đồng cho các em học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có thành tích học tập tốt của huyện Tiên Lãng.

Chương trình trao học bổng cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi tại huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng nằm trong khuôn khổ chương trình trao học bổng Giải Golf “Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids” năm 2015.

Đây là hoạt động nhằm động viên tinh thần, chia sẽ khó khăn với các em học sinh ở các cấp học. Đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của Báo Đầu tư nói riêng và các nhà tài trợ của Giải Golf “Swing for the Kids” nói chung trong việc đầu tư cho nguồn lực con người của đất nước.

Mới đây, nhân dịp Khai giảng năm học mới, ngày 05/9, Báo Đầu tư đã trao các suất học bổng Giải Golf “Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids” cho các em học sinh tại nhiều địa phương. Cụ thể tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Báo Đầu tư cùng các nhà tài trợ đã trao tặng 40 suất học bổng với trị giá 20 triệu đồng cho các em học sinh tại Trường THCS Xuân Cẩm.

Tại tỉnh Thái Bình, Báo Đầu tư đã trao 50 suất học bổng, trị giá 25 triệu đồng từ Giải golf Vì trẻ em Việt Nam cho 50 em học sinh của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trần Thái Tông, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà; và 50 suất với giá trị tương đương cho 50 em học của Trường tiểu học Vũ Vinh, huyện Vũ Thư.

Còn tại Trường Tiểu học Thương Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, Văn phòng Đại diện Báo Đầu tư tại miền Trung đã phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cũng tổ chức trao 50 suất học bổng, trị giá 25 triệu đồng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tốt trên địa bàn huyện Thuận Nam.

Ra đời năm 2007, sau 9 năm tổ chức, Quỹ học bổng Swing for the Kids đã quyên góp hơn 09 tỷ đồng để trao tặng gần 12.000 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập tại hơn 40 tỉnh thành trên cả nước và tặng cặp phao cứu sinh cho hàng trăm học sinh tại vùng lũ, hỗ trợ xây, sửa các cơ sở học tập tại một số tỉnh. (Thu Lê - Báo Đầu tư 26/09)

KINH TẾ

40.            Thu chi ngân sách các quận, huyện đạt kết quả cao

Liên tục trong những ngày qua, đồng chí Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố làm việc với các quận, huyện về tình hình phát triển KTXH 9 tháng năm 2015, trong đó tập trung vào công tác thu, chi ngân sách. Điều đáng mừng là hầu hết địa phương đều đạt kết quả về thu ngân sách khá cao so với dự toán, nhờ vậy, chi ngân sách hết căng thẳng, tạo điều kiện hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch cả năm 2015 và xây dưng dự toán phù hợp cho năm 2016.

Nhiều chỉ tiêu tăng cao

Trong số các địa phương, quận Hải An đạt kết quả nổi trội trong thu ngân sách năm 2015. Đến hết tháng 9, quận thu 358,4 tỷ đồng( chưa kể phí hàng tạm nhập, tái xuất), vượt 17% so với dự toán năm. Ước cả năm 2015, quận thu 421,2 tỷ đồng, vượt 37% so với dự toán, tăng 34% so với năm 2014.

Tại huyện Thủy Nguyên, số thu ngân sách cũng phản ánh khá rõ nét tình hình phát triển kinh tế của địa phương. Tổng thu cân đối ngân sách 9 tháng đạt 252 tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán cả năm. Với đà này, huyện Thủy Nguyên sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm khoảng 22,4%, trong đó, đáng chú ý là thuế ngoài quốc doanh đạt 133,5 tỷ đồng, vượt dự toán.

Quận Lê Chân có số thu ngân sách 9 tháng đạt 538,5 tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán cả năm và ước cả năm sẽ thu vượt 17,4%, gần gấp đôi so với năm 2014.

Theo ông Nguyễn Huy Nhặn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Thuế, 9 tháng, toàn thành phố thu 8350 tỷ đồng, bằng 81% dự toán pháp lệnh. Trong đó, các quận, huyện thu đạt 2600 tỷ đồng, đạt khoảng 94% dự toán pháp lệnh, số thu này đóng góp quan trọng vào số thu chung của toàn thành phố, đồng thờỉ khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, vượt qua giai đoan ì ạch về số thu của 1- 2 năm trước đây.

Số thu tăng cao nên chi ngân sách của nhiều địa phương được bảo đảm. Trong đó, quận Lê Chân đạt khoảng gần 294 tỷ đồng trong 9 tháng, cả năm chi 386,8 tỷ đồng, vượt 6% so với dự toán. Huyện Thủy Nguyên chi ngân sách huyện, xã 9 tháng 672 tỷ đồng, bằng gần 80% dự toán, ước cả năm chi 1031 tỷ đồng, vượt dự toán 6,2%.

Quận Hải An 9 tháng chi đạt 205,4 tỷ đồng, cả năm chi khoảng 253 tỷ đồng, vượt dự toán 1296... Theo lãnh đạo UBND quận Hải An, 9 tháng qua, do nguồn thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, việc chi ngân sách quận bảo đảm, nhất là đáp ứng nguồn chi lương và chi hoạt động thường xuyên. UBND quận thực hiện thanh toán tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số 2,34 trở xuống theo Nghị định 17 với tổng số tiền 761,7 triệu đồng, đồng thời điều hành chi ngân sách cơ bản theo đúng định mức, chế độ quy định, bảo đảm nhiệm vụ an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh. Như vậy, so với việc nợ lương, nợ BHXH một vài năm trước của một số quận, huyện, số thu ngân sách hoàn thảnh giải quyết đáng kể các vấn đề chi ngân sách, nhất là vấn đề lương và BHXH, tạo đà hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2015.

Nỗ lực cho năm 2016

Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2015, thể hiện bằng những con số cụ thể và thuyết phục. Có được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của UBND thành phố, giao ban tiến độ thu tới từng tuần, yêu cầu tất cả đơn vị, địa phương phải rà soát và không để sót, lọt nguồn thu. Đặc biệt là hoạt động của BCĐ chống thất thu ngân sách từ thành phố xuống các địa phương phát huy vai trò, góp phần quan trọng nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, các cơ quan trực thu và nhất là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, từ đó tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên theo Phó chủ tịch UBND thành phố, số thu ngân sách của các địa phương tuy đạt cao so với dự toán nhưng vẫn dưới mức tiềm năng và đặc biệt là so với yêu cầu của thành phố còn khoảng cách khá xa. Do vậy, quý 4 là giai đoạn chạy nước rút, các địa phương cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để phấn đấu đạt số thu cao hơn so với dự kiến, tăng trưởng cao so với dự toán được giao và so với năm 2014. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng dự toán thu năm 2016 sát hợp và có tính khả thi hơn. Hiện các địa phương mới dự kiến xây dựng dự toán thu năm 2016 ở mức “ khiêm tốn". Như quận Hải An dự kiến thu thường xuyên 243,4 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; huyện Thủy Nguyên dự kiến tăng thu khoảng 14,4%; quận Lê Chân dự kiến thu cân đối ngân sách khoảng 530 tỷ đồng, tăng 15%...

Rõ ràng, thu ngân sách của các quận, huyện tuy có nhiều tích Cực, nhưng vẫn cần có sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung hơn để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế quay trở lại phục vụ sự nghiệp phát triển KTXH của địa phương. (Hồng Thanh - Báo Hải Phòng 28/09)

41.            Vinalines giảm mạnh vốn tại Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chấp thuận cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được thoái vốn tại các doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng đồng ý trước mắt thoái vốn của Vinalines tại Công ty cổ phần Cảng Hảỉ Phòng và Công ty cổ phần cảng Sài Gòn xuống còn 20% vốn điều lệ của các công ty này. Trường hợp các cảng thực hiện chuyển đổi công năng, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan. Đối với các cảng biển trực thuộc Vinalines đã cổ phần hóa, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại, tiếp tục đề xuất phương án thoái vốn phù hợp. (Báo Hải Phòng 28/09; Tạp chí điện tử Nhịp sống số 28/09; Thời báo Kinh tế Việt Nam 28/09)

42.            VietinBank Ngô Quyền hợp tác toàn diện với VLC

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Ngô Quyền và Công ty CP Tập đoàn VLC (VLC) vừa ký thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực cung cấp và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng. Ngoài ra VietinBank Ngô Quyền còn cung cấp cho VLC nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, thanh toán, tài trợ thương mại, mua bán ngoại tệ... nhằm đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên mở ra các cơ hội, khai thác tốt nhất tiềm năng hiện có của mỗi bên, mang lại lợi ích chung cho cả 2 bên.

VLC được thành lập trên cơ sở 8 doanh nghiệp thành viên (7 doanh nghiệp cổ phần và 1 công ty TNHH). Hiện VLC đang hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: sản xuất sơn các loại; sản xuất hàng tiêu dùng như bột giặt, hỏa mỹ phẩm; sản xuất bao bì và sản phẩm sơn nhiệt dẻo phản quang phục vụ các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và dân dụng; kinh doanh bất động sản. Được biết, đến thời điểm hiện tại, 5/8 đơn vị thành viên của VLC được VietinBank Ngô Quyền cấp tổng hạn mức tín dụng trên 360 tỷ đồng và dư nợ bình quân đạt trên 250 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 28/09)

43.            Thu phí hàng tạm nhập tái xuất đạt 306 tỷ đồng

9 tháng, Số thu phí hàng tạm nhập tái xuất đạt 306 tỷ đồng, bằng 74,696 dự toán năm. Ước cả năm 2015, số thu này đạt 410 tỷ đồng, bằng 10096 dự toán, tăng 4696 so với năm 2014.

Kết quả này là do thành phố điều chỉnh tăng mức thu phí lề đường, bến bãi, mặt nước hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, UBND quận Hải An phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan và các đơn vị liên quan thực hiện thu phí đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nộp phí. Như vậy, năm 2015, số thu từ nguồn này tăng hơn so với năm 2014, góp phần để thành phố tăng chi đầu tư vào một số công trình, dự án cấp bách. (Báo Hải Phòng 28/09)

44.            14650 ha lúa mùa được phun trừ sâu đục thân hai chấm lứa 5

Trong những ngày qua, các địa phương tích cực phun trừ sâu đục thân hai chấm lứa 5. Hiện nay, toàn thành phố phun trừ 14650 ha diện tích, đạt 69% tổng diện tích lúa vụ mùa năm 2015.

Do thời tiết có mưa thất thường ảnh hưởng tiến độ và hiệu quả phun trừ sâu đục thân hai chấm, hiện trên đồng rộng, trưởng thành sâu đục thân hai chấm vẫn tiếp tục đẻ trứng, mật độ cao hơn tuần trước, phổ biến 0,3 - 0,4 ổ/m2, cao 4-5 ổ/m2, cá biệt 8-10 ổ/m2 tại xã Tiên Thắng (Tiên Lãng); sâu non tiếp tục gây bông bạc cho trà lúa trỗ từ nay đến cuối tháng 9 - 2015. Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường cán bộ kỹ thuật, trực tiếp hướng dẫn nông dân phun trừ sâu đúng cách; khuyến cáo nông dân ngắt ổ trứng trước khi phun thuốc và sử dụng đúng thuốc đặc hiệu; trường hợp phun thuốc gặp mưa sau 4-5 giờ phải phun lại. Những nơi có mật độ ổ trứng cao từ 0,5 ổ/m2 trở lên bắt buộc phải phun kép 2 lần. (Báo Hải Phòng 28/09)

45.            Số nợ xây dựng cơ bản của các địa phương còn cao

Mặc dù thành phố có nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý, giải quyết, giảm thiểu nhưng số nợ xây dựng cơ bản (XDCB) của các địa phương vẫn cao.

Cụ thể, quận Hải An còn nợ hơn 52 tỷ đồng; quận Lê Chân tuy giảm 16,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014 nhưng còn nợ 15,6 tỷ đồng; huyện Thủy Nguyên đã giảm được 43,3 tỷ đồng so với cuối năm 2014 nhưng số nợ vẫn lên tới 344,8 tỷ đồng; huyện Vĩnh Bảo tổng công nợ xây dựng theo giá trị thực hiện là 73 tỷ đồng...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới số nợ đọng nêu trên nhưng chủ yếu là do tồn tại từ các năm trước; việc xây dựng thêm nhiều công trình phục vụ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng góp phần phát sinh nợ đọng. Theo UBND quận Lê Chân, số nợ XDCB phát sinh thêm chủ yếu do một số công trình trường học và đường ngõ mới đầu tư.

Vì vậy, các địa phương đang nỗ lực tăng thu ngân sách, nhất là tăng thu tiền SDĐ để có nguồn bố trí trả nợ XDCB, đồng thời ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB trong dự toán ngân sách hàng năm, phấn đấu giảm 30% số nợ so với cùng kỳ... (Báo Hải Phòng 28/09)

46.            Thu tiền sử dụng đất cơ bản hoàn thành kế hoạch

Theo Cục Thuế, 8 tháng, số thu tiền sử dụng đất (SDĐ) trên địa bàn thành phố đạt 445,4 tỷ đồng, bằng 89% dự toán pháp lệnh. 9 tháng, cơ bản hoàn thành dự toán pháp lệnh được giao. Trong quý 4, các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu tiền SDĐ để đạt mực tiêu phấn đấu đề ra, góp phần tăng thu ngân sách.

Đóng góp vào số thu chung đó, mỗi quận, huyện đều có cách làm riêng nhằm thúc đẩy quá trình thu và tăng số thu. Quận Hải An chỉ đạo kiểm tra, rà soát, thống kê đất nông nghiệp, đất xen kẹt phù hợp quy hoạch thực hiện đấu giá. Trong đó, thống kê được 40 điểm với diện tích 29.638 m2, tập trung tại các phường Đằng Lâm, Đằng Hải, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Tràng Cát... 9 tháng, quận hoàn thành đấu giá 1 dự án đất xen kẹt, thu 10,3 tỷ đồng; thực hiện 2 dự án đấu giá đất theo kế hoạch, đã hoàn thành 1 dự án, thu 39,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, 9 tháng, quận thu tiền SDĐ đạt 169,5 tỷ đồng, bằng 169,5% dự toán thành phố giao, ước cả năm 2015, quận Hải An thu 190 tỷ đồng tiền SDĐ, vượt dự toán 90%...

Tại huyện Thủy Nguyên, số thu tiền SDĐ đạt khá với tổng số thu 9 tháng là 90 tỷ đồng, bằng 150% dự toán nhờ tăng cường quản lý, sử dụng đất dai, cấp 1035 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lần đầu, chuyển nhượng quyền SDĐ cho 1738 trường hợp; cấp đổi 694 GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Huyện Vĩnh Bảo có số thu tiền SDĐ 9 tháng 11,6 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, bằng 65,4% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng huyện phấn đấu cả năm thu đạt 34 tỷ đồng, vượt dự toán 70% và tăng 12,5% so với năm 2014. Tại quận Lê Chân, thu tiền SDĐ 9 tháng đạt 43,2 tỷ đồng, băng 173% dự toán năm, cả năm sẽ thu khoảng 50 tỷ đồng, gấp 2 lần so với dự toán được giao...

Như vậy, các quận, huyện đang có tốc độ thu tiền SDĐ cao hơn so với các năm trước. Trong đó chủ yếu là thực hiện các dự án đấu giá đất, hợp thức hóa đất xen kẹt phù hợp quy hoạch, cấp đổi GCNQSDĐ...

Tuy nhiên, qua phản ánh của các quận, huyện, ngoài sự nỗ lực của địa phương, cần có sự hỗ trợ của thành phố. Theo UBND huyện Thủy Nguyên, để số thu tiền SDĐ cao hơn, thành phố cần sớm phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện đấu giá đất khu dịch vụ, văn phòng trong Trung tâm thương mại Thủy Nguyên tại thị trấn Núi Đèo. Việc xác định giá đất cụ thể để đậu giá đất cần nhanh hơn, nên phê duyệt trong vòng 20 ngày kể từ ngày Sở Tài nguyên-Môi trường nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Việc xây dựng bổ sung hạ tầng tại các khu đấu giá đất xen kẹt nên ủy quyền cho địa phương thực hiện . . UBND quận Lê Chân cho rằng, một số dự án trên địa bàn chưa quy định cụ thể giá đất nên cũng ảnh hưởng tới chỉ tiêu thu tiền SDĐ, tiền thuê đất trong năm 2015, cần sớm được khắc phục. . (Thanh Hiệp - Báo Hải Phòng 28/09)

XÃ HỘI

47.            Viện KSND thành phố: Thi kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử

Ngày 25-9, Viện KSND thành phố tổ chức cuộc thi kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của kiểm sát viên ngành Kiểm sát năm 2015. Tới dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Tham gia cuộc thi có 50 kiểm sát viên sơ cấp, kiểm tra viên tại các phòng chuyên môn Viện KSND thành phố và Viện KSND các quận, huyện. Các thí sinh tham gia cuộc thi thể hiện các kỹ năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự thông qua một phiên tòa dân sự giả định, giải quyết tranh chấp chia di sản thừa kế. Kết quả cuộc thi là cơ sở, điều kiện để xét tham gia kỳ thi bổ nhiệm kiểm sát viên và chuyển từ kiểm sát viên sơ cấp lên kiểm sát viên trung cấp. Đây cũng một trong những hình thức tự đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên. Đồng thời, cuộc thi là giải pháp quan trọng để ngành Kiểm sát thành phố thực hiện nâng cao chất lượng đội ngữ kiểm sát viên, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. (Báo Hải Phòng 26/09)

48.            Cảng Hải Phòng có 2 Phó Tổng Giám đốc mới

HĐQT CTCP cảng Hải Phòng vừa quyết định bổ nhiệm ông Phan Tuấn Linh và ông Phạm Hồng Minh vào vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty.

Theo đó, ông Phan Tuấn Linh, kỹ sư máy tầu thủy, Trưởng phòng phòng Kỹ thuật Công Nghệ, được bổ nhiệm có thời hạn 5 năm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty từ ngày 23/9/2015. Ông Linh được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ tương ứng theo quy định của công ty.

Cùng ngày, HĐQT CTCP Cảng Hải Phòng cũng ra quyết định bổ nhiệm có thời hạn 5 năm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc công ty đối với ông Phạm Hồng Minh. Ông Minh được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của công ty. Quyết định có hiệu lực từ 23/9/2015.

Ông Phạm Hồng Minh là thạc sỹ Kỹ thuật, Kỹ sư công trình thủy và là Trưởng phòng – Phòng Kỹ thuật công trình của công ty.

Toàn bộ 326,86 triệu cổ phiếu của Cảng Hải Phòng vừa được chấp thuận và chính thức niêm yết trên HNX từ ngày 12/8/2015.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, Cảng Hải Phòng đạt mức lợi nhuận 317 tỷ đồng, hoàn thành 84% chir tiêu đặt ra cho cả năm. (Thanh Mai Infonet 28/09;CafeF 28/09; Tạp chí Nhịp cầu đầu tư 28/09)

49.            Thiếu nhi cả nước vui đón Tết Trung thu

* Tối 24-9, tại huyện Tiên Lãng, UBND huyện phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình "Trung thu yêu thương" cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn. Đến dự và chung vui với các em có các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư thường trực Thành ủy; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Nguyễn Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy, Trần Đình Vịnh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng.

Với mong muốn đem đến cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, cận nghèo đón một Tết Trung thu ấm áp, 290 suất quà, học bổng trị giá gần 160 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí thành phố, huyện Tiên Lãng và các nhà tài trợ đã được trao cho các em.

* Tối 24-9, Hội Từ thiện thành phố phối hợp với Quận đoàn Ngô Quyền và các nhà hảo tâm tổ chức “Vui Tết Trung thu - Đêm thị vàng” cho 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến từ 18 đơn vị trên địa bàn thành phố gồm: trẻ em mồ côi, khuyết tật, HIV, lớp học tình thương, trẻ em đường phố, làng chài… Mỗi em đến dự được tặng một phần quà trị giá 500 nghìn đồng (tổng số tiền trên 150 triệu đồng).

Đây là lần thứ 6 Hội từ thiện tổ chức Đêm thị vàng. Được tổ chức lần đầu vào năm 2010 với 150 em nhỏ được tặng quà; đến nay trung bình mỗi năm, hội kêu gọi các nhà tài trợ trao tặng 400 - 500 em với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

* Tối 25-9, Công đoàn cơ quan Văn phòng UBND tổ chức Đêm hội trăng rằm cho gần 200 thiếu nhi là con em cán bộ công chức, viên chức cơ quan Văn phòng. Tới dự và chung vui với các em có đồng chí Nguyễn Xuân Bình - Phó chủ tịch UBND thành phố.

Đêm hội trăng rằm đã để lại ấn tượng sâu sắc, giúp các em thiếu nhi hiểu thêm ý nghĩa lịch sử về một đêm hội truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần cổ vũ, khích lệ các em say mê, phấn đấu học tập trong năm học mới.

* Tối 25-9, Thành đoàn Hải Phòng - Hội đồng đội thành phố phối hợp với Cung văn hóa thiếu nhi tổ chức chương trình "Trung thu cho em" năm 2015. Đồng chí Trần Quang Tường -  Bí thư Thành đoàn tới chung vui với các em.

Hàng trăm em nhỏ đến từ các CLB của Cung văn hóa thiếu nhi đã tham gia cùng những tiết mục hát múa đặc sắc: Câu chuyện đêm rằm, Chiếc đèn ông sao, thỏ ngọc và thiếu nhi, Đêm trung thu… Tại đây, Thành đoàn và các nhà tài trợ trao 30 suất quà tặng các em học sinh nghèo vượt khó.

* Tối 26-9, chùa Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức “Đêm hội trăng rằm năm 2015” với sự tham gia của hàng nghìn trẻ em và các bậc phụ huynh.

 Nhân dịp này, Đại đức Thích Bản Hoan (trụ trì chùa) thừa ủy quyền của Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội phật giáo Hải Phòng đã trao học bổng và phần thưởng cho các em học sinh đỗ đại học của làng năm nay với tổng số tiền là 20 triệu đồng. Đây là năm thứ 5 chùa Đồng Dụ tổ chức đêm hội trung thu cho trẻ em địa phương.

* Phòng PC45 CATP tổ chức chương trình “Vui hội trăng rằm” cho 120 cháu con CBCS trong đơn vị. Với sự xuất hiện của các nhân vật cổ tích là Chị Hằng Nga, Chú Cuội, Thằng Bờm…, chương trình đã khiến các bé vô cùng thích thú, đan xen vào đó là các trò chơi vui nhộn, những màn múa lân, những món đồ chơi nhiều màu sắc… Đặc biệt trong đêm hội còn có sự tham gia thi biểu diễn văn nghệ của các cô chú là CBCS trong đơn vị cùng với các con đã tạo cho không khí đêm hội càng thêm sinh động, hấp dẫn.

Chương trình là hoạt động tinh thần ý nghĩa tạo sự gắn kết, gần gũi giữa các gia đình, đồng nghiệp từ đó có điều kiện hiểu thêm về đặc thù công việc của những người lính hình sự, góp phần giúp CBCS hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Tối 25-9, quận Lê Chân tổ chức chương trình Vui tết trung thu 2015 với chủ đề “Đồng hành và sẻ chia”.Đến chung vui cùng các em có các đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Phó bí thư thường trực Quận ủy, Phạm Tiến Du - Chủ tịch UBND quận; các đồng chí Phó chủ tịch UBND quận và đại diện các đoàn thể, tổ chức xã hội quận Lê Chân.

Nhân dịp này, quận Lê Chân đã trao 10 chiếc xe đạp và hàng chục phần quà ý nghĩa tặng các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn quận. (Báo Nhân dân 28/09, Nhóm PV - An ninh Hải Phòng 28/09; Báo Nhân dân 28/09; Cổng TTĐT thành phố Hải Phòng 26/09)

50.            Huyện An Dương: Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực đón Tết Trung thu

Nhân dịp Tết Trung thu năm 2015, huyện An Dương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thiết thực, bổ ích, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em vui chơi, Tại các trường mần non và nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, đêm hội trăng rằm thu hút đông đảo thiếu nhi, các bậc phụ huynh học sinh tham dự.

Nhân dịp này, Huyện ủy, UBND huyện An Dương tổ chức 4 đoàn cán bộ tới thăm, tặng quà, động viên tập thể các cô trò thuộc các Trường mẫm non Đông Thái; An Đồng 2; Hồng Thái; Đặng Cương. Lãnh đạo Huyện ủy, UBND chung vui, trao quà tặng các cô và trò. Đồng thời chúc các cháu thiếu nhi đón Tết Trung thu vui tươi, bổ ích; mong các cháu luôn xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. (Báo Hải Phòng 28/09)

51.            Trung thu yêu thương

Tối 24-9, tại Trung tâm Văn hóa- Thông tin huyện Tiên Lãng, Sở Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với UBND huyện Tiên Lãng tổ chức Chương trình vui Tết Trung Thu cho trẻ em với chủ đề “Trung thu yêu thương”.

Tham dự chương trình là các đồng chí: Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố, các nhà tài trợ và sự góp mặt của 400 em nhỏ trên địa bàn toàn huyện.

Trong không khí tưng bừng ngày hội, đồng chí Vũ Đức Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện ủy Tiên Lãng đọc thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng. Thông qua chương trình,các nhà tài trợ, Quý khuyến học trao 240 suất quà tặng các trẻ em khó khăn trên địa bàn huyện Tiên Lãng. (Báo Hải Phòng 25/9)

52.            Tạo điều kiện cho trẻ em có quyền vui chơi giải trí

Nhiều năm nay, sân chơi cho trẻ em vẫn là bài toán khó. Không kể sự quá tải ở những điểm vui chơi giải trí công cộng, việc bố trí sân chơi phù hợp cho trẻ ở nhiều khu dân cư cũng rất khó thực hiện.

Thiếu điểm vui chơi cho trẻ em

Nhiều năm nay, trẻ em ở khu Phương Lưu 2, phương Đông Hải 1, (quận Hải An) luôn mơ có sân chơi nho nhỏ. Ước mơ này chưa thành hiện thực bởi đường đi còn bị lấn chiếm để mở hàng quán kinh doanh. Điều đáng suy nghĩ, không chỉ ở khu Phương Lưu, mà đây là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Theo Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Tuấn Anh, sân chơi không chỉ là điểm vui chơi để trẻ em chạy nhảy, chơi trò chơi, rèn luyện thể chất mà còn bao gồm nhiều yếu tố nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, rèn luyện nhân cách của trẻ. Đó là sân chơi ngoài trời, sân chơi trong nhà, thư viện, câu lạc bộ sở thích, rạp chiếu phim dành cho trẻ em...Tuy nhiên, sân chơi cho trẻ em nói chung theo nghĩa rộng và điểm vui chơi, khuôn viên vui chơi cụ thể đều thiếu trầm trọng. Việc thiếu điểm vui chơi xảy ra cả ở thành thị và nông thôn. Nếu như thành phố thiếu điểm vui chơi do không gian chật chội, “tấc đất tấc vàng” thì ở nông thôn, trẻ em cũng thiếu sân chơi, nhất là sân chơi an toàn. Ở nhiều tổ dân phố, khu tập thể, làng, xã do thiếu sân chơi, trẻ phải chơi dưới lòng đường, gần sông ngòi, mương máng dễ xảy ra tai nạn giao thông, đuối nước, súc vật cắn, điện giật…Thiếu điểm vui chơi giải trí an toàn, trẻ cũng dễ sa đà vào việc chơi game, in-tơ-net, trò chơi bạo lực, dẫn đến gia tăng tội phạm trẻ em...

Nguyên nhân của tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em là do cấp lãnh đạo chính quyền địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật chưa ghi cụ thể chế tài thực hiện quyền vui chơi của trẻ em, quyền vui chơi, giải trí của trẻ em được thể hiện như thế nào, nhất là đối với trẻ em nghèo nên việc thực thi chưa đến nơi đến chốn.

Dành quỹ đất cho hoạt động vui chơi của trẻ em

Mới đây, thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tổ chức EFA (Nhật Bản) trao tặng trẻ em 2 thôn Tê Chử và Hoàng Mai, xã Đồng Thái (huyện An Dương) thiết bị đồ chơi ngoài trời gồm2 thăng bằng dao động, 2 bập bênh thuyền, 2 thang leo 4 phía và 2 thang tập tay với tổng kinh phí 40 triệu đồng. Đây là hoạt động hỗ trợ phi dự án của Nhật Bản nhằm giúp trẻ em ở vùng nông thôn trong đó có trẻ em khuyết tật của xã Đồng Thái (huyện An Dương) có thêm điểm vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn. Phó phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Dương Nguyễn Thị Chung cho biết, trẻ nông thôn thiếu điểm vui chơi an toàn dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông, đuối nước…Vì vậy, việc tạo sân chơi với thiết bị đồ chơi phù hợp là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện quyền vui chơi của trẻ em, đồng thời giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có 2 thôn trên địa bàn thành phố được hỗ trợ thiết bị đồ chơi. Nhiều xã, phường, thị trấn, khu dân cư ở Hải Phòng vẫn “trắng” điểm vui chơi dành cho trẻ em.

Để giải quyết tình trạng này, bà Nguyễn Thị Tuấn Anh cho rằng: Khi thông qua Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vào cuối năm 2015 cần quy định rõ hơn nội dung về quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em. Theo đó, khi xây dựng các khu dân cư, nhà nhiều tầng, khu đô thị, nên dành đất xây dựng khu vui chơi, các câu lạc bộ, thư viện cho trẻ em. Các điểm vui chơi, giải trí này gắn với đơn vị quản lý để có trách nhiệm giữ gìn tài sản chung, đồng thời bố trí người giám sát, hướng dẫn, bảo đảm cho các em vui chơi an toàn.

Các văn bản của Nhà nước quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cấp kinh phí xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em cũng như trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với hoạt động vui chơi, giải trí của trẻ em, nhất là trẻ em nghèo. Đồng thời, bảo đảm sự nghiêm minh trong việc thực thi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, giám sát việc thực hiện, không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình và xã hội về quyền vui chơi của trẻ em. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của hoạt động vui chơi, giải trí và dành sự đầu tư thỏa đáng xây dựng các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, vì sự phát triển toàn diện về trí tuệ, tinh thần, thể chất của thế hệ tương lai. (Bạch Dương - Báo Hải Phòng 26/09)

53.            Tết Trung thu năm 2015: Mang niềm vui tới trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

Không khí đón Tết Trung thu rạo rực trên mọi nẻo đường, góc phố và trong lòng mỗi người. Xen trong gió thu se se lạnh mỗi sớm là hương cốm ngọt ngào, mùi thơm nức của bánh nướng, bánh dẻo. Sắc màu rực rỡ của những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân, đèn ông sao và những câu chuyện cổ tích về chị Hằng, chú Cuội lại sáng như trăng rằm trong giấc mơ trẻ thơ…

Trăng sáng muôn nơi

Năm nay, Trung thu dường như đến sớm hơn với thiếu nhi, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn bởi các em được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Sáng chủ nhật, ngày 20-9, trụ sở Quỹ bảo trợ trẻ em thành phố rộn rã tiếng cười, tiếng nói trong veo của các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. Niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt, ánh mắt trẻ thơ. Các em xúng xính trong những bộ quần áo mới, trên tay là đèn lồng, đèn ông sao lung linh. Những em có mặt ở đây đều mang nỗi niềm riêng, có em mồ côi, có em mang trong mình căn bệnh thế kỷ, có em bị khuyết tật… Nhưng dường như hôm nay, những éo le, bất hạnh hay sự đau đớn không còn hiện hữu, nhường chỗ cho niềm vui, hạnh phúc đón ngày hội trung thu đến sớm.

Em Nguyễn Thị Mai Hoa, 12 tuổi, ở phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân) xúc động tâm sự: “Cháu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với ông bà ngoại. Mặc dù không may mắn như bao bạn nhỏ khác nhưng cháu luôn cảm thấy ấm áp bởi sự yêu thương, chia sẻ của các cô, các bác hàng xóm, các thầy, cô giáo và toàn xã hội. Cháu sẽ cố gắng vượt khó, học thật tốt để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ông, bà ngoại và các bạn nhỏ nghèo”.

Ở những cơ sở bảo trợ xã hội như Trường giáo dục Lao động Thanh Xuân, Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, Làng trẻ SOS, Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị, Trường nuôi dạy trẻ khiếm thính và trẻ em ở các địa phương trên địa bàn thành phố cũng đang chào đón Tết Trung thu trong không khí náo nức, hân hoan, phấn khởi.

Trung thu yêu thương

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đỗ Văn Bình cho biết, khác với những năm trước, năm nay lễ hội trung thu của thành phố không tổ chức ở Nhà hát thành phố. Sở LĐ-TB và XH, UBND huyện Tiên Lãng phối hợp tổ chức chương trình vui Tết Trung thu năm 2015 với chủ đề “Trung thu yêu thương” nhằm mang không khí ấm áp, yêu thương tới thiếu nhi ở những địa bàn khó khăn. Tại đêm hội lớn này, không chỉ được nhận quà, thiếu nhi còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt với nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn như nhảy dance sport, múa rối “Chú Cuội, chị Hằng”, múa lân-sư-rồng, phá cỗ trông trăng…

Không chỉ có các lễ hội chính do thành phố và một số ngành liên quan tổ chức, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp cũng tổ chức đêm hội trăng rằm mang Tết đến với mọi trẻ em. Những ngày này, ở các thôn xóm, tổ dân phố đang rộn ràng lên kế hoạch tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi. Các hoạt động trong dịp này rất phong phú, thiết thực như văn nghệ, thi cắm trại, thi làm mâm cỗ trung thu, thi nấu ăn, thi làm đèn lồng, đèn ông sao, đồ chơi dân gian, tổ chức giải thể thao trẻ em (bóng đá thiếu niên, nhi đồng, cầu lông, đá cầu…). Những hoạt động này khuyến khích sự sáng tạo của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, nguyện vọng của mình với gia đình, thầy, cô giáo, anh, chị tổng phụ trách và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể xã hội tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tại cộng đồng nhằm thu hút trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh. Đồng thời định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi truyền thống, sáng tạo, tự tạo đồ chơi, sử dụng đồ chơi sản xuất trong nước, không mua đồ chơi nhập khẩu kém chất lượng, có tính kích động, bạo lực.

Không khí Trung thu, sắc màu Trung thu tô điểm cho thành phố lung linh, rực rỡ hơn với cờ hoa, đèn lồng, đèn ông sao, đèn cá chép và náo nức hơn trong tiếng trống hội tùng dinh trên khắp mọi nẻo đường, ngõ xóm. Không khí ấm áp, vui tươi, hạnh phúc của Tết Trung thu còn lan tỏa tới những vùng sâu vùng xa trên địa bàn thành phố với những cuộc thi đầu lân-sư tử đẹp, đốt đuốc, rước đèn ông sao, đèn lồng trên đường làng, sân đình, sân chùa, nhà văn hóa thôn, xã mang lại cho thiếu nhi Tết Trung thu vui tươi, ấm áp, chan chứa tình yêu thương. (Thanh Giang - Báo Hải Phòng 26/09)

54.            Huyện Tiên Lãng: Đối thoại với nhân dân 2 xã Quang Phục, Toàn Thắng

UBND huyện Tiên Lãng vừa phối hợp ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân cụm 2 xã Quang Phục và Toàn Thắng.

Tại hội nghị đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam huyện báo cáo tổng hợp, giải trình các ý kiến, kiến nghị của nhân dân của 2 xã. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực đời sống xã hội như: nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tài nguyên môi trường, thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, điện sinh hoạt, quản lý thị trường.

Trên tinh thần thẳng thắng, dân chủ, nhiều cử tri kiến nghị với các cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng và thành phố quan tâm hơn nữa tới chế độ cho các chức danh bán chuyên trách tại xã; sớm tu sửa hệ thống máng cứng sau trạm bơm tại thôn Nêu xã Quang Phục, xem lại quy trình xử lý chất thải rắn ở nông thôn của Công ty Kim Hải Long; bổ trí kinh phí xây dựng hệ thống nước thải tại các khu dân cư, hệ thống đường chống lụt bão tại tuyến đường 212 từ thôn Nêu xuống sông Văn Úc, hỗ trợ kinh phí di chuyển công tơ điện và sửa chữa đường dây điện, hỗ trợ xây sửa nhà ở cho gia đình chính sách, nâng cấp, sửa chữa cầu từ đường 212 vào thôn Lật Dương...

Thay mặt lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, đồng chí Trần Đình Vịnh, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp trà lời một số câu hỏi của nhân dân, đồng thờỉ chỉ đạo các phòng, ban, ngành, các địa phương sớm xử lý, giải quyết các vấn đề cử tri đã nêu trong hội nghị và có báo cáo bằng văn bản gửi về UBND huyện. (Báo Hải Phòng 28/09)

55.            Khảo sát đưa điện ra đảo Bạch Long Vỹ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Hải Phòng, Sở Công thương, Công ty SolarBK và một số đơn vị liên quan vừa có cuộc khảo sát thực địa và làm việc với UBND huyện đảo Bạch Long Vỹ để tiến hành đưa điện ra đảo.

Đoàn xác định vị trí, lựa chọn các phương án cấp điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời là phù hợp, đảm bảo kinh tế, môi trường và cấp thiết cho việc đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện đảo.

Hiện nay, người dân đảo Bạch Long Vĩ sử dụng điện được cung cấp từ 3 tổ máy phát điện chạy luân phiên với công suất khoảng 1.000kVA. Phụ tải trên đảo thường xuyên bị cắt điện luân phiên theo từng khu vực. Máy phát cũng chỉ duy trì vận hành ở mức từ 75 đến 90% định mức do môi trường khắc nghiệt, độ tin cậy cấp điện thấp. Do đảo cách đất liền hơn 140km, không thể kéo được điện lưới nên phương án cấp điện cho đảo Bạch Long Vỹ là sử dụng nguồn năng lượng tái tạo điện gió kết hợp với diezel.

Về lâu dài, ngành điện sẽ nghiên cứu phương án cấp điện bằng năng lượng mặt trời. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc chuyển giao hệ thống điện do UBND huyện đang quản lý, vận hành về  EVN. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thành thủ tục để bàn giao trong năm 2015, tiếp đó sẽ triển khai đầu tư dự án lưới điện trên đảo. Đến nay huyện đao Bạch Long Vĩ đã sẵn sàng bàn giao hệ thống điện để EVN sớm tiếp nhận, đầu tư tổ hợp điện gió, điện mặt trời, góp phần giúp quân và dân trên đảo được sử dụng điện theo nhu cầu. (HT - An ninh Hải Phòng 28/09; Báo Hải Phòng 28/09)

56.            Đại hội Hội Doanh nghiệp- Doanh nhân huyện Cát Hải nhiệm kỳ 2015-2020

Hội Doanh nghiệp- Doanh nhân huyện Cát Hải vừa tổ chức đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015- 2020. Lãnh đạo sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch; Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng; huyện Cát Hải đến dự.

Đại hội thông qua điều lệ tổ chức và hoạt động của hội, trong đó xác định mục đích hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các hội viên trong phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đơn vị hội viên. Đại hội bầu Ban chấp hành hội nhiệm kỳ 2015-2020 với 21 thành viên. Ông Phạm Trường được bầu làm Chủ tịch hội. Tại đại hội, UBND huyện Cát Hải và Hội Doanh nghiệp - Doanh nhân ký cam kết thực hiện Chỉ thị 14/CP, ngày 12-7-2015 của Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. (Báo Hải Phòng 28/09)

57.            Bí ẩn nguyên nhân nhà dân tự cháy ở Hải Phòng

Hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc ngôi nhà dân tự cháy ở Hải Phòng đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Hơn 1 tháng kể từ ngày sự việc ngôi nhà dân tự cháy ở An Lão Hải Phòng xảy ra đến này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Trước đó ngày 16/8, nhà bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi) và anh Bùi Đình Lâm (45 tuổi, con rể bà Thanh) (thôn Câu Thượng, xã Quang Hưng, huyện An Lão, Tp Hải Phòng) bỗng nhiên bốc cháy tại một số điểm không rõ nguyên nhân.

Sau đó tại gia đình liên tục có những đốm lửa bất ngờ xuất hiện rải rác tại một số điểm như: đống rơm góc vườn, chòi cá góc ao, đống củi gốc vải, cháy áo, đế và chân tủ lạnh, chuồng lợn, cửa nhà vệ sinh.... Việc đồ đạc và các điểm bỗng dưng phát cháy tại nhà bà Thanh kéo dài đến ngày 4/9/2015 sau đó chấm dứt và chuyển hướng sang nhà bà Hoàng Thị Liễu, sát cạnh nhà bà Thanh.

Tưởng việc bỗng nhiên phát cháy tại gia đình đã chấm dứt, tuy nhiên 5 ngày sau (9/9) nhà bà Thanh lại tiếp tục phát cháy trở lại và kéo dài đến tận hôm nay vẫn chưa chấm dứt.

Qua quan sát thực tế tại hiện trường tất cả các hiện tượng cháy trên đều chưa rõ nguyên nhân. Cho đến thời điểm hiện tại, các lần cháy đều không ảnh hưởng lớn về tài sản cũng như an toàn tính mạng của người dân. Các gia đình vẫn ăn, ở sinh hoạt bình thường tại gia đình và không sử dụng bếp ga để đun nấu.

Ngày 26/8/2015, đoàn cán bộ PCCC thành phố Hải Phòng đã về tại hiện trường lấy mẫu cháy. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức giải thích nguyên nhân hiện tượng nhà tự cháy .

Để tránh việc tò mò, hiếu kì của người dân kéo đến xem ảnh hưởng đến an ninh chính trị địa phương, chính quyền xã Quang Hưng đã phân công, cắt cử cán bộ xã đến theo dõi hiện trường cháy 24/24h, chuyển các phương tiện chữa cháy về tại gia đình để xử lý kịp thời các tình huống khi có cháy xảy ra. Đồng thời hỗ trợ các cháu sách vở, quần áo để các cháu an tâm học tập khi năm học mới bắt đầu.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho biết: “Ngày 24/9/2015, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã về lấy mẫu nước, đất, khí, vật phẩm cháy để phân tích và tìm ra nguyên nhân nhà dân tự cháy ở An Lão”.

Đến nay 41 ngày đã trôi qua, hiện tượng cháy chưa rõ nguyên nhân trên vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng. Sự việc kéo dài đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho gia đình bà Thanh và một số hộ dân sống xung quanh khu vực. (Báo điện tử Kiến thức 28/09)

58.            Nơi vun đắp hạ tầng CNTT, hướng tới mô hình chính quyền điện tử

Vào tháng 3-2015, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị tổng kết giao ước thi đua năm 2014 cụm 5 thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị 5 thành phố trực thuộc trung ương cần chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử.

Từng bước hiện đại hóa

Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam (MIC2) do Ngân hàng Thế giới (WorldBank) tài trợ nhằm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), Hải Phòng được trang bị 7 máy chủ và giao cho Sở Thông tin và Truyền thông quản lý. Hệ thống này được vận hành 24/24 giờ (kể cả trong tình huống mất điện chung) bởi đội ngũ quản trị viên chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng được cơ bản các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, lưu trữ, bảo mật giữ liệu trong các cơ quan nhà nước thành phố. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động đầu tư hạ tầng riêng, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT nội bộ, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử.

Còn tại Văn phòng UBND thành phố đã triển khai phần mềm văn phòng điện tử, trong đó có phần nhắc việc hàng ngày trên máy tính công tác của lãnh đạo, chuyên viên văn phòng và thống kê danh mục các văn bản chưa xử lý để theo dõi, giải quyết, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần xử lý nhanh công việc, giảm các văn bản chậm, tồn đọng.

Hệ thống dữ liệu theo dõi đã được kết nối đến toàn bộ máy tính làm việc tại Văn phòng UBND thành phố, bảo đảm hoạt động thông suốt phục vụ công tác. Trung tâm Thông tin - Tin học nắm chắc kỹ thuật, giúp việc cho lãnh đạo văn phòng cập nhật văn bản của thành phố báo cáo Chính phủ trên hệ thống để theo dõi, quản lý. Sở Thông tin - Truyền thông đang trình Cơ yếu Chính phủ cấp USD token để xử lý tình trạng phải làm việc thủ công (Trung tâm Thông tin - Tin học in ra bản giấy, các chuyên viên tự rà soát trên giấy và gửi lại trung tâm để cập nhật). Hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố bao gồm 1 cổng chính, 33 cổng thành phần và hơn 60 cổng cấp xã, phường, thị trấn và các đơn vị hành chính sự nghiệp đang hoạt động tốt, được xếp top 10 toàn quốc.

Cổng thông tin điện tử Hải Phòng là cổng thông tin điện tử đầu tiên của cả nước có 4 chuyên trang tiếng nước ngoài (Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc). Trên hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố có tích hợp trang đối thoại trực tiếp phục vụ cho việc trao đổi, giao lưu giữa người dân, doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố. 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử thành phố, trong đó có 1.448/1.561 dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 2, 74 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 39 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 90% đơn vị đã triển khai giải pháp phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội bộ, phần mềm văn phòng điện tử với tổng số 8 đơn vị cung cấp, trong đó có 2 phần mềm quản lý văn bản và điều hành do Trung tâm Thông tin truyền thông thuộc Sở Thông tin - Truyền thông và Trung tâm Thông tin - điện tử thuộc Văn phòng UBND thành phố xây dựng. Để chủ động thực hiện việc kết nối giữa các phần mềm đang vận hành trên địa bàn thành phố, Sở Thông tin - Truyền thông đã kiểm tra, đánh giá tính năng và chuẩn kỹ thuật của các phần mềm theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời chủ động nghiên cứu xây dựng thành công phần mềm kết nối liên thông, phần mềm một cửa liên thông áp dụng tại sở và sẽ đề nghị với thành phố cho triển khai ứng dụng dùng chung.

Thành phố đã cấp trên 7.000 hộp thư điện tử cho các cơ quan, đoàn thể, cá nhân. Theo đó, gần 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ @haiphong.gov.vn. Tỷ lệ cán bộ công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử đạt 75%. Hiện có trên 75% văn bản của cơ quan nhà nước thành phố được ký số và gửi/nhận qua hệ thống thư điện tử. 100% sở, ngành, quận, huyện ứng dụng công nghệ chữ ký số và khoảng 80% văn bản được số hóa, lưu chuyển trên môi trường mạng (qua hộp thư công vụ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm văn phòng điện tử). Hải Phòng đã triển khai việc kết nối và đưa vào vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng - TSLCD tại 100% sở, ngành, quận, huyện.

Văn phòng Thành ủy đã kết nối và chỉ đạo điều hành qua hệ thống mạng TSLCD đến các ban của Thành ủy, 14/15 quận, huyện ủy và 274 xã, phường, thị trấn. Thành phố đã xây dựng quy chế quản lý khai thác và vận hành hệ thống mạng TSLCD. Trung tâm Thông tin truyền thông thuộc Sở Thông tin - Truyền thông thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc vận hành hệ thống TSLCD, áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Sở Thông tin - Truyền thông đã tham mưu cho thành phố từng bước mở rộng quy mô mạng TSLCD đến xã, phường, thị trấn. Trước mắt, triển khai ở quận Ngô Quyền và quận Hồng Bàng là 2 địa phương được giao xây dựng mô hình chính quyền điện tử cấp quận, huyện.

Về khả năng mở rộng mạng TSLCD, Viễn thông Hải Phòng là đơn vị cấp dịch vụ đã hội đủ điều kiện về đường truyền và sẵn sàng kết nối với tất cả các địa phương, đơn vị trên địa bàn Hải Phòng.

Như vậy, mô hình chính quyền điện tử sẽ dần hình thành trong thực tế cuộc sống. (Trần Phương - An ninh Hải Phòng 28/09)

59.            9 trường hợp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm

Trong tháng 9 - 2015, Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Phòng tổ chức 2 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về buôn bán thuốc BVTV đối với 45 điểm kinh doanh tại các quận huyện. Kết quả, phát hiện 9 trường hợp (chiếm 20% số điểm thanh, kiểm tra) vi phạm các điều kiện kinh doanh như không có biển hiệu, không có bảng niêm yết giá các loại thuốc, không có dụng cụ phòng chống cháy nổ, bảo quản thuốc không bảo đảm quy định....

Qua kiểm tra, ngành chức năng đình chỉ 3 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV không có trình độ chuyên môn; đồng thời yêu cầu chủ cửa hàng phải khắc phục. Chi cục BVTV Hải Phòng yêu cầu các chủ cửa hàng cung ứng thuốc bảo đảm chất lượng, đồng thời tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng loại thuốc, phun trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 5 đúng nguyên tắc, hiệu quả, không để ô nhiễm môi trường... (Báo Hải Phòng 28/09)

60.            Chẩn đoán, sàng lọc trước sinh: Cần "đi" trước "đón" đầu

Sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện sớm những bất thường của thai nhi để có thể can thiệp y tế kịp thời là nhu cầu ngày càng cao của các bà mẹ. Đây cũng là 1 trong 2 nội dung của đê án "Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh” đang triển khai tại Hải Phòng và 31 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hành trình nhọc nhằn

Chị Nguyễn Thị Hường, ở Quán Nam (quận Lê Chân), chia sẻ: “Tôi có thai bé thứ 2 ở tuổi 36. Khi đi khám thai tuần thứ 12, qua siêu âm, bác sĩ cho biết đo độ mờ da gáy của thai nhi cao và khuyên tôi đi làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Tôi lên Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng làm xét nghiệm Double test. Kết quả cho thấy thai nhi có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể. Bác sĩ khuyên nên làm tiếp xét nghiệm Triple test (xét nghiệm bộ ba) để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai nhi nhưng phải lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương làm vì tại Hải Phòng chưa có đơn vị nào thực hiện được. Kết quả xét nghiệm này vẫn cho kết quả giống xét nghiệm trước. Lòng tôi như lửa đốt. Các bác sĩ đề nghị tôi thực hiện thủ thuật chọc dò màng ối, sinh thiết gai nhau để có kết quả chắc chắn thai nhi có bị dị tật hay không. Nhưng vì ở Hải Phòng chưa thể thực hiện các thủ thuật này nên gia đình lại đưa tôi đi Hà Nội. Rất may, sau khi làm thủ thuật chọc dò màng ối cho kết quả con tôi bình thường. Tâm lý được giải tỏa nhưng nghĩ lại chặng đường đã qua, tôi vẫn thấy sợ toát mồ hôi”.

Cùng chia sẻ về hành trình vất vả này, chị Nguyễn Thị Ngọc ở đường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) không giấu nổi băn khoăn: “Khi mang thai được 3 tuần, tôi có bị cúm nên lo sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Bác sĩ khuyên tôi làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh. Nhưng quá trình sàng lọc phải qua nhiều xét nghiệm, mỗi công đoạn lại mất rất nhiều thời gian đi lại giữa Hải Phòng và Hà Nội. Cũng bởi phải lên tuyến trung ương nên chi phí cho mỗi xét nghiệm khá lớn. Chẳng hạn giá làm xét nghiệm Double test, Triple test dao động 500-800 nghìn đồng, chi phí chọc dò màng ối khoảng 3-5 triệu đồng tùy theo yêu cầu lấy kết quả nhanh hay chậm. Đó là chưa kể chi phí đi lại. Mức kinh phí ấy quá sức nhiều gia đình. Giá như ở Hải Phòng chủ động làm được các xét nghiệm này thì các bà mẹ sẽ bớt sự vất vả và mức chi phí hợp lý hơn rất nhiều”.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, hiện nay, nhu cầu sàng lọc trước sinh ở các bà mẹ mang thai là rất lớn. Có 70% phụ nữ đến phòng khám tư có yêu cầu được sàng lọc trước sinh, cao hơn gấp nhiều lần cách đây 5 năm. Tuy nhiên, do kết quả đo độ mờ da gáy qua siêu âm chỉ chẩn đoán đúng trước sinh 50 - 70% nguy cơ, mà cần có thêm các xét nghiệm bổ trợ khác nên các bác sĩ đều phải hướng dẫn các thai phụ làm thêm xét nghiệm Double test và Triple test.

Do các xét nghiệm phức tạp này đòi hỏi phải có phần mềm đặc biệt mới có thể phân tích được nên không phải bệnh viện tỉnh, thành phố nào cũng làm được, bắt buộc phải lên tuyến trung ương.

Nâng cao năng lực chuyên môn

Đón trước nhu cầu này, ngành y tế Hải Phòng đã chủ động thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh” từ năm 2007. Đến nay, việc sàng lọc trước sinh được duy trì tại 14 quận, huyện; 223 xã, phường, thị trấn. Hầu hết các cơ sở y tế đều được trang bị máy siêu âm, những cơ sở có chuyên khoa sản được trang bị máy siêu âm màu để phục vụ việc chẩn đoán trước sinh tốt hơn. Toàn thành phố có 26 bác sĩ tham gia đào tạo về siêu âm cơ bản và nâng cao tại Bệnh viện Phụ sản trung ương.

Tuy nhiên, chương trình sàng lọc trước sinh hiện đang gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên cho biết, bệnh viện được trang bị máy siêu âm chẩn đoán thai nhi nhưng chưa phải loại hiện đại nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám, siêu âm của phụ nữ mang thai. Bác sĩ bệnh viện cũng mới dừng lại ở mức độ siêu âm để biết được tuổi thai, nước ối, thai có an toàn không mà chưa thể chẩn đoán được các bất thường của thai. Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện An Dương, lãnh đạo bệnh viện cũng thừa nhận hiệu quả của việc thực hiện đề án tại bệnh viện đến nay chưa cao.

Lý do cơ bản: toàn bệnh viện chỉ có 1 máy siêu âm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh; cán bộ siêu âm chưa được tập huấn kiến thức sâu về lĩnh vực sàng lọc trước sinh… Đó cũng là thực trạng chung của công tác siêu âm sàng lọc trước sinh tại các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện.

 Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hải Phòng thẳng thắn cho biết, việc chẩn đoán trước sinh của bệnh viện cũng dừng ở cấp độ “biết”, mà chưa can thiệp sâu vào thai nhi ở mức độ cao hơn liên quan đến hệ thần kinh, não bộ... mà chủ yếu can thiệp đối với những thai có bất thường về hình thái, dị tật nặng nề. Việc chẩn đoán, sàng lọc trước sinh cũng không chỉ phụ thuộc vào siêu âm mà còn có thể phải làm nhiều xét nghiệm khác để cho kết quả chính xác về bệnh lý của thai nhi, trong khi đó có những xét nghiệm phức tạp thì tuyến y tế thành phố chưa làm được.

Hiện nay quy trình sàng lọc trước sinh chưa đặt ra yêu cầu bắt buộc trong hệ thống y tế nên thành phố chưa thành lập hội đồng chuyên môn hỗ trợ các trường hợp nghi ngờ tật, dị tật bẩm sinh do cơ sở chuyển tuyến, các xét nghiệm chưa đưa vào xét nghiệm thường quy nên các cơ sở khám, chữa bệnh chưa quan tâm thực hiện.

Việc cần sớm thực hiện là đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại bao gồm máy siêu âm và những phương tiện thực hiện các xét nghiệm. Song quan trọng nhất là đào tạo đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giỏi chuyên môn có thể phát hiện chính xác các bất thường của thai nhi và kịp thời can thiệp một cách tốt nhất. (Thạch Thảo - An ninh Hải Phòng 25/09)

61.            Trường đại học Dân lập Hải Phòng: Tăng cường kết nối doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ

Trường đại học Dân lập Hải Phòng tổ chức khai giảng năm họp 2015-2016 và kỷ niệm 18 năm ngày thành lập trường (24-9 -1997- 24-9-2015).

Trong không khí vui tươi, phấn khởi các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng ôn lại quá trình hình thành và phát triển nhà trường trong 18 năm qua.

Năm học 2015-2016, Trường đại học Dân lập Hải Phòng xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; thay đổi cách thức tổ chức quản lý, xác định được chiến lược trong những chặng đường tiếp theo, với mục tiêu “chất lượng đào tạo là sự sống còn của nhà trường”; tăng cường kết nối doanh nghiệp và ứng dựng công nghệ trong dạy và học; hợp tác với các tập đoàn quốc tế. (Báo Hải Phòng 28/09)

62.            Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” 4-10

Hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC" - 4-10, nhằm khích lệ phong trào toàn dân tham gia PCCC, các đơn vị trong lực lượng cảnh sát PCCC thành phố đang có nhiều hoạt động thiết thực như; Tổ chức hội thao, mít tinh, treo pano, băng giôn, khẩu hiệu; tổ chức học tập, thi tìm hiểu về kiến thức, kỹ năng PCCC thông thường, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng PCCC, mở đợt cao điểm tuyên truyền về công tác PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tại chỗ ở mỗi CQDN, khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Các đơn vị cũng phát động phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC, triển khai các biện pháp quyết liệt đấu tranh ngăn chặn cháy lớn, mở đợt tổng kiểm tra toàn diện về công tác PCCC đối với các sở, ban, ngành, các CQDN, khu dân cư, nhất là ở những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao nhằm phát hiện và khắc phục các vi phạm, tồn tại, thiếu sót về PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về PCCC. Điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra. (Báo Hải Phòng 28/09)

63.            Quận Lê Chân: Duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động tổ quản lý đô thị phường

Quận Lê Chân vừa tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động của tổ quản lý đô thị (QLĐT) theo Đề án 4709 ngày 15-8-2011 của UBND thành phố về thí điểm mô hình Tổ quản lý đô thị phường trên địa bàn quận.

Trên địa bàn quận Lê Chân hiện có 10 phường thực hiện mô hình tổ QLĐT phường theo Đề án 4709 gồm: An Biên, Cát Dài, Hồ Nam, Trại Cau, Trần Nguyên Hãn, Niệm Nghĩa, Kênh Dương, Dư Hàng Kênh, Vĩnh Niệm và Nghĩa Xá. Tổ QLĐT phường tích cực vào cuộc xử lý các điểm vi phạm trật tự đường hè tồn tại nhiều năm như: ngã 3 Công Đoàn, chợ rau đêm chân cầu An Dương, giải tỏa chợ cóc Đồng Bún, đường Hai Bà Trưng... Đồng thời phối hợp tốt với lực lượng chức năng giải tỏa ùn tắc giao thông tại nhiều điểm “nóng” trên địa bàn quận, góp phần bảo đậm trật tự an toàn giao thông.

Các ý kiến của lãnh đạo phường đều nhất trí duy trì mô hình tổ QLĐT phường theo Đề án 4709 và đề nghị thành phố công nhận chính thức mô hình này. Đồng thời đề nghị bổ sung kinh phí để các tổ duy trì hoạt động hiệu quả; xem xét đóng bảo hiểm cho lực lượng tham gia tổ QLĐT phường; tăng cường tổ QLĐT phường, lực lượng trật tự viên cho các phường có địa bàn phức tạp. (Báo Hải Phòng 28/09)

64.            Thị trường đồ chơi Trung thu: Hàng nội khó níu chân khách hàng nhí

Những ngày này, bên cạnh mặt hàng bánh trung thu truyền thống, thị trường đồ chơi trung thu dành cho trẻ em cũng rất nhộn nhịp. Các sản phẩm năm nay đa dạng về kiểu dáng, phong phú về mẫu mã. Tuy nhiên, đồ chơi xuất xứ Trung Quốc vẫn áp đảo sản phẩm trong nước.

Đồ chơi Việt “yếu thế”

Tại các cửa hàng đồ chơi trên phố Quang Trung, Lạch Tray, Phan Bội Châu... và khu vực chợ Đổ, chợ Cát Bỉ, lượng khách ra vào tấp nập. Chị Nguyễn Thị Châu, tiểu thương chợ Đổ cho biết: “Từ cách đây nửa tháng, trung bình mỗi ngày, lượng khách gấp 2-3 lần so với ngày thường”. Theo chị Châu, năm nay, mặt hàng đèn lồng Việt Nam có sự đổi mới về mẫu mã, sẩn phẩm. Thay vì đèn lồng bằng giấy thường như mọi năm, năm nay nâng cấp lên giấy nhựa in hình nhân vật hoạt hình trẻ em yêu thích như Minions, Baymax, thủy thủ Mặt trăng, Doraernon với giá 15.000-40.000 đồng/ chiếc. Bên cạnh đó, đồ chơi truyền thống khác như đèn ông sao giá 4.000-10.000 đồng/chiếc; đầu kỳ lân có giá 100.000-500.000 đồng; mặt nạ 10.000-20.000 đồng/chiếc; trống múa lân nhiều kích cờ từ 30.000- 120.000 đồng/chiếc...

Theo chị Ngọc, tiểu thương chợ Cát Bi, khách hàng hỏi mua đèn lồng giấy nhựa khá nhiều do màu sắc bắt mắt, bền và an toàn hơn đèn lồng giấy thường, trong khi các loại đồ chơi truyền thống khác khá đìu hiu dù giá cả phải chăng. Chị Ngọc cho rằng, đèn ông sao, đầu kỳ lân, trống “made in Việt Nam" “không chịu” cải tiến mẫu mã nên khó đáp ứng nhu cầu thích cái mới của trẻ.

Trong khi đó, đồ chơi Trung Quốc đáp ứng nhu cầu này nên bày bán tràn lan từ vỉa hè đến cửa hàng, siêu thị đồ chơi. Thậm chi, chúng được trưng bày tại vị trí bắt mắt và chiếm diện tích lớn tại các cửa hàng. Đèn lồng có giá 50.000-150.000 đồng/chiếc, với nhiều hình dáng con thú, nhân vật siêu nhân, hoạt hình biết đánh đàn, đánh trống, biết nói, thổi bong bóng, lại có thể phát sáng nên dễ "lấy lòng" khách hàng nhí. Hay như trống múa lân, trong khi trống nội “trung thành" với loại trống gỗ, sơn màu đỏ quanh thân trông đơn giản, trống Trung Quốc làm từ nhựa, in hình thù ngộ nghĩnh lại phát nhạc dễ khiến trẻ “mủi lòng” hơn. Các loạỉ mặt nạ in hình nhân vật Tôn Ngô Không, siêu nhân, người nhộn, gấu Pooh, mèo Kitty... gắn đèn phát sáng, phát nhạc “made in Chi na"     giá 20.000 50.000 đồng/chiếc dường như áp đảo hẳn loại mặt nạ giấy bồi truyền thống vẽ hình ông đỉa, chú tễu, thỏ ngọc, khỉ, trâu, lợn.

Thực tế đáng buồn, một số đồ chơi trung thu truyền thống của người Việt như đèn kéo quân, tiến sĩ giấy, tò he... hầu như vắng bóng trên thị trường đồ chơi trung thu nhiều năm nay, nếu có cũng chỉ xuất hiện lác đác và khó níu chân khách hàng nhỏ tuổi.

Giữ gìn trung thu truyền thống cho trẻ em

Cầm chiếc đèn lồng hình cầu đan từ giấy nhựa đủ sắc màu, chị Trần Thị Thúy (nhà ở đường Ngô Gia Tự, quận Hải An) băn khoăn hỏi người bán hàng; “Hàng Trung Quốc hay Việt Nam thế chị?". Khi chủ hàng chỉ cho xem tem sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, chí Thúy thở phào nhẹ nhõm. Chị cho biết: “Năm trước, tôi mua cho con trai chiếc đèn lồng Trung Quốc, vừa bật công tắc thì bóng đèn bên trong phát nổ, may không làm cháu bị thương nhưng cả nhà khiếp vía". Vì thế, dù cậu con trai có "vòi" thế nào, chị cùng nhất quyết mua hàng Việt Nam, vừa an toàn mà giá cả phải chăng.

Cũng chung quan điểm như chị Thúy, chị Nguyễn Thị Thu Nga (phố Hoàng Quý, quận Lê Chân) khá cân nhắc khi lựa chọn đồ chơi cho con. Chị cho biết, đồ chơi Trung Quốc tuy đa dạng nhưng chất lượng kém, không bền vì chạy bằng pin, dễ hỏng. Thậm chí, các loại mặt nạ có thể gây nguy hại cho trẻ vì nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Do đó, chị Nga quyết định mua đèn lồng Việt vì vừa bền, đẹp lại yên tâm hơn về độ an toàn. Cũng theo chị Nguyễn Thị Châu, khách hàng thường xuyên hỏi về xuất xứ sản phẩm, khá nhiều người tứ chối thẳng thừng khi biết hàng Trung Quốc mà chỉ chọn mua đồ chơi trong nước do lo ngại về chất lượng, độ an toàn.

Sự xuất hiện tràn lan, ồ ạt của đồ chơi Trung Quốc đang khiến cho Tết Trung thu của trẻ em Việt Nam ít nhiều mất đi nét đẹp truyền thống. Đâu rồi hình ảnh đảm trẻ con xếp hàng rồng rắn rước đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân đi khắp xóm và hát vang các ca khúc đêm trăng rằm. Đâu rồi nét mặt háo hức khi chứng kiến những con tò he lần lượt thành hình qua bàn tay khéo léo của ông thợ già. Hay những đêm ngồi quây quần bên nhau phá cỗ trông trăng cùng chị Hằng, chú Cuội. Có chăng là hình ảnh xa xưa hay xuất hiện ở những vùng quê nghèo. Vì thế, để trung thu thực sự là ngày Tết bổ ích, ý nghĩa của trẻ em Việt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các bậc cha mẹ nên lựa chọn loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, an toàn với trẻ. Hay như chị Thu Nga, chị cho con tham gia buổi ngoại khóa làm đồ chơi trung thu truyền thống do trung tâm ngoại ngữ tổ chức để con hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa từng loại đồ chơi, từ đó biết nâng niu, gìn giữ chúng. (Khánh Hà - Báo Hải Phòng cuối tuần 25/09)

65.            Bảo hiểm xã hội thành phố: Khảo sát, lập danh sách hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế

Tính đến tháng 9 năm 2015, số người tham gia BHYT tự nguyện (BHYT theo hộ gia đình) trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt 73%, còn 27% dân số, tương đương với khoảng 700.000 người chưa tham -gia BHYT, chưa được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Thực hiện Công văn số 5510/BYT-BH ngày 3-8-2015 của Bộ Y tế và Công văn số 3170/BHXH-BT ngày 24-8- 2015 của BHXH Việt Nam về việc lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT, từ ngày 21-9-2015, cơ quan BHXH phối hợp với UBND xã, phường và trưởng các thôn, xóm sẽ đến từng hộ gia đình để gửi phiếu khảo sát, lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT. Khi nhận được mẫu phiếu khảo sát, các hộ gia đình kê khai đầy đủ, chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Mẫu DK01 (Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT).

Từ năm 2016 trở đi, hằng tháng nếu có biến động tăng, giảm thành viên trong hộ gia đình thì chủ hộ kịp thời lập mẫu DK01 - Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT hoặc nếu có thay đổi, cải chính về nhân thân...thì lập mẫu TK01-TS - Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin tham gia BHXH, BHYT gửi trưởng thôn hoặc UBND xã, phường. (Báo Hải Phòng 28/09)

66.            Huyện đảo Bạch Long Vĩ sẽ được cấp điện ổn định từ đầu năm 2016

Huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) - đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ sẽ được cấp điện ổn định, liên tục và thỏa mãn nhu cầu sử dụng của quân, dân và ngư dân trên đảo từ 1-1-2016.

Đó là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tấn Lộc trong chuyến khảo sát thực địa tại huyện đảo Bạch Long Vĩ vừa qua.

Theo đó, từ 1-1-2016, EVN sẽ tiếp nhận, quản lý lưới điện và cung cấp điện năng cho toàn bộ khách hàng trên đảo Bạch Long Vĩ từ sự quản lý, điều hành của chính quyền huyện hiện nay. Sau khi nhận bàn giao, EVN chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, mà trực tiếp là Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng quản lý, điều hành lưới điện hiện tại và triển khai dự án điện gió kết hợp năng lượng mặt trời tại huyện đảo xa đất liền - nơi không thể kéo điện lưới quốc gia tới được này.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Vũ Đức Hoan cho hay, trong thời gian triển khai dự án điện gió, Điện lực Hải Phòng sẽ đầu tư bổ sung ngay thêm một máy phát điện cỡ lớn để có thể cung cấp điện ổn định, liên tục, với chất lượng ổn định và đáp ứng thỏa mãn nhu cầu sử dụng của tất cả các khách hàng trên đảo hiện nay ngay từ 1-1-2015 tới.

Hiện, điện trên đảo đang được cung cấp bởi hai máy phát điện diezel có công suất 414 kVA và một máy công suất 560 kVA. Với công suất như vậy, điện sử dụng trên huyện đảo thường không ổn định, các phụ tải phải cắt luân phiên và bị hạn chế theo định mức các cơ quan, đơn vị được sử dụng không quá 5kW/công-tơ, các khách hàng khác được sử dụng không quá 2kW/công-tơ… (Ngô Quang Dũng - Báo Nhân dân 28/09)

67.            Huyện Cát Hải: Đại hội Hội Doanh nghiệp- Doanh nhân nhiệm kỳ 2015- 2020

Chiều 25-9, Hội Doanh nghiệp- Doanh nhân huyện Cát Hải tổ chức đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015- 2020. Lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch; Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng; huyện Cát Hải dự.

Đại hội thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động của hội, trong đó xác định mục đích hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các hội viên trong phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hội nhập kinh tế, bảo vệ quyển và lợi ích hợp pháp của hội viên; nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đơn vị hội viên. Đại hội bầu Ban chấp hành hội nhiệm kỳ 2015-2020 với 21 thành viên. Ông Phạm Trường được bầu làm Chủ tịch hội. Tại đại hội, UBND huyện Cát Hải và Hội Doanh nghiệp Doanh nhân ký cam kết thực hiện Chỉ thị 14/CP, ngày 12-7-2015 của Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.

Thời gian qua, Hội Doanh nghiệp- Doanh nhân huyện Cát Hải hoạt động tích cực nhằm tập hợp hội viên, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường du lịch Cát Bà chuyên nghiệp, văn minh, phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách. Hội cũng vận động hội viên đóng góp hơn 100 triệu đồng hỗ trợ nhân dân xã Viêt Hải bị thiệt hại do bão lụt. (Văn Lượng - Báo Hải Phòng 28/09)

68.            Bí ẩn nguyên nhân nhà dân tự cháy ở Hải Phòng

Hơn 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc ngôi nhà dân tự cháy ở Hải Phòng đến nay người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Hơn 1 tháng kể từ ngày sự việc ngôi nhà dân tự cháy ở An Lão Hải Phòng xảy ra đến này vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.

Trước đó ngày 16/8, nhà bà Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi) và anh Bùi Đình Lâm (45 tuổi, con rể bà Thanh) (thôn Câu Thượng, xã Quang Hưng, huyện An Lão, Tp Hải Phòng) bỗng nhiên bốc cháy tại một số điểm không rõ nguyên nhân.

Sau đó tại gia đình liên tục có những đốm lửa bất ngờ xuất hiện rải rác tại một số điểm như: đống rơm góc vườn, chòi cá góc ao, đống củi gốc vải, cháy áo, đế và chân tủ lạnh, chuồng lợn, cửa nhà vệ sinh.... Việc đồ đạc và các điểm bỗng dưng phát cháy tại nhà bà Thanh kéo dài đến ngày 4/9/2015 sau đó chấm dứt và chuyển hướng sang nhà bà Hoàng Thị Liễu, sát cạnh nhà bà Thanh.

Tưởng việc bỗng nhiên phát cháy tại gia đình đã chấm dứt, tuy nhiên 5 ngày sau (9/9) nhà bà Thanh lại tiếp tục phát cháy trở lại và kéo dài đến tận hôm nay vẫn chưa chấm dứt.

Qua quan sát thực tế tại hiện trường tất cả các hiện tượng cháy trên đều chưa rõ nguyên nhân. Cho đến thời điểm hiện tại, các lần cháy đều không ảnh hưởng lớn về tài sản cũng như an toàn tính mạng của người dân. Các gia đình vẫn ăn, ở sinh hoạt bình thường tại gia đình và không sử dụng bếp ga để đun nấu.

Ngày 26/8/2015, đoàn cán bộ PCCC thành phố Hải Phòng đã về tại hiện trường lấy mẫu cháy. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức giải thích nguyên nhân hiện tượng nhà tự cháy .

Để tránh việc tò mò, hiếu kì của người dân kéo đến xem ảnh hưởng đến an ninh chính trị địa phương, chính quyền xã Quang Hưng đã phân công, cắt cử cán bộ xã đến theo dõi hiện trường cháy 24/24h, chuyển các phương tiện chữa cháy về tại gia đình để xử lý kịp thời các tình huống khi có cháy xảy ra. Đồng thời hỗ trợ các cháu sách vở, quần áo để các cháu an tâm học tập khi năm học mới bắt đầu.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho biết: “Ngày 24/9/2015, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã về lấy mẫu nước, đất, khí, vật phẩm cháy để phân tích và tìm ra nguyên nhân nhà dân tự cháy ở An Lão”.

Đến nay 41 ngày đã trôi qua, hiện tượng cháy chưa rõ nguyên nhân trên vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng. Sự việc kéo dài đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho gia đình bà Thanh và một số hộ dân sống xung quanh khu vực.  (Nguyễn Huyền - Báo Công lý 27/09)

69.            Hội Từ thiện thành phố kỷ niệm 25 năm ngày thành lập

Sáng 26-9, Hội Từ thiện thành phố tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập (27-9-1990-27-9-2015) và tri ân các tập thể, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Các đồng chí: Nguyễn Đình Then, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố đến dự.

25 năm qua, Hội Từ thiện là lực lượng nòng cốt tại thành phố trong phong trào thi đua “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện”. Từ năm 1991, Hội triển khai các chương trình trợ dưỡng thường xuyên người già cô đơn và trẻ em mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa tại cộng đồng; phát động phong trào xây dựng “quỹ khuyến học” giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó học giỏi; chương trình tặng học bổng, xe đạp giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, học giỏi; xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ người bệnh nghèo... Đến nay, Hội vận động, quyên góp quỹ từ thiện được gần 54 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam mong Hội tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực tranh thủ sự ủng hộ của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, củng cố, xây dựng Hội ngày một lớn mạnh, phát triển, là cầu nối giữa các nhà tài trợ, nhà hảo tâm với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Nhân dịp này, UBND thành phố tặng Hội Từ thiện thành phố bức trướng với dòng chữ “Phát huy truyền thống nhân ái, đẩy mạnh phong trào toàn dân làm việc thiện”. (Báo Hải Phòng 27/09)

70.            Nguồn nhân lực sau khi xuất khẩu lao động: Chưa được sử dụng hiệu quả

Sau khi xuất khẩu lao động về nước, phần lớn người lao động có tay nghề vững và được rèn luyện tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, không ít người gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm bởi chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm này chưa được quan tâm đúng mức…

Có tay nghề vẫn khó tìm việc làm

Trở về nước 5 năm nay, song anh Trần Đức Hiệp, đường 5/11, phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) vẫn chưa tìm được việc làm. Anh Hiệp cho biết, trước đây anh từng làm nghề sơn tàu điện tại Nhật Bản với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Năm 2010, hết thời hạn hợp đồng, anh Hiệp trở về nước. Mang hồ sơ đi xin việc ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp với hy vọng mình có tay nghề chắc sẽ dễ tìm việc làm, nhưng đi đến đâu anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, hoặc được chấp nhận nhưng mức lương quá thấp dành cho lao động phổ thông từ 2-3 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.

Kể về quá trình 5 năm làm việc ở Nhật Bản, anh Hiệp cho biết: “Phía doanh nghiệp Nhật Bản trả lương cao, nhưng đòi hỏi người lao động có tay nghề tốt, thái độ làm việc nghiêm túc và ý thức kỷ luật cao. Do đó, khi về nước, tôi rất tự tin với những kinh nghiệm tích lũy được và nghĩ có thể xin được việc làm ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, nhưng sau 3 năm nỗ lực tìm kiếm việc làm, tôi đành buông xuôi, đành mưu sinh bằng nghề bán hàng quà sáng.

Cũng như anh Hiệp, chị Hoàng Thị Thu, xóm Phố, xã Quảng Thanh (huyện Thủy Nguyên) cũng có hoàn cảnh tương tự. Chị Thu tâm sự: “Tôi có 7 năm kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc ở lĩnh vực dệt may, với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Sau khi về nước, mấy năm đi xin việc không được, có chút vốn tích lũy được sau mấy năm xuất khẩu lao động, tôi mở cửa hàng kinh doanh quần áo ở thị trấn Núi Đèo, nhưng thu nhập bấp bênh vì khó cạnh tranh với những nhà may thời trang ở thị trấn”.

Kết nối với doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2009 đến nay, thành phố có khoảng 8000 người xuất khẩu lao động, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình và xã hội. Mặc dù có tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động tốt, song, khi về nước, nhiều lao động không tìm được việc làm phù hợp.

Nguyên nhân của thực trạng lao động xuất khẩu trở về nước có tay nghề, song không tìm được việc làm là do chính sách giải quyết “hậu xuất khẩu lao động” chưa được quan tâm đúng mức, trong khi thành phố đang thiếu đội ngũ công nhân lành nghề ở nhiều lĩnh vực. Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, khoảng 20-30% số người xuất khẩu lao động sau khi hết hạn hợp đồng, trở về nước không tìm được việc làm thì tái hợp đồng, tiếp tục ra nước ngoài làm việc hoặc chuyển sang làm nghề tự do, lao động phổ thông.

Trưởng Phòng Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hữu Cường cho biết: “Sở chưa có con số thống kê chính xác về số lao động sau khi hồi hương, cũng như việc họ có tìm được việc làm phù hợp như từng làm khi ở nước ngoài hay không. Nhưng có thể khẳng định, lực lượng lao động sau khi trở về nước đúng thời hạn hợp đồng có tay nghề cao, cũng như trình độ ngoại ngữ được nâng lên rõ rệt”. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, theo kiến nghị của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, Cục quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động xuất khẩu để các địa phương cùng quản lý, khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Cũng vì chưa có con số thống kê chính xác nên cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa có chính sách cụ thể đối với nguồn lao động này. Trước mắt, người lao động sau khi hồi hương có nhu cầu tìm kiếm việc làm có thể đăng ký tại Sàn giao dịch việc làm thành phố. Hiện, có khoảng gần 600 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 5-6 nghìn lao động qua mỗi phiên giao dịch tại Sàn giao dịch việc làm, trong đó, nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.

Với những lao động có nhu cầu tái xuất khẩu lao động, được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố, mức tối đa là 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. (Thanh Giang - Báo Hải Phòng 26/09)

71.             Bánh trung thu Đông Phương Hải Phòng: Chữ tâm làm nên thương hiệu

Với phương châm chữ “tâm làm nên thương hiệu” sản phẩm của Cty TNHH bánh mứt Đông Phương (172 Cầu Đất – Hải Phòng) càng ngày càng trở thành một thương hiệu thân thuộc với người tiêu dùng của người dân TP cảng mỗi mùa Trung thu tới.

Người Việt Nam nói chung và người Hải Phòng nói riêng vốn rất “khó tính” trong việc lựa chọn bánh Trung thu, dù là loại bánh của hãng nào đi nữa thì yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn thực phẩm. Rất nhiều trường hợp người tiêu dùng sử dụng phải các loại bánh là hàng nhái, hàng kém chất lượng dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra. Vì vậy, trong những năm gần đây, hầu hết các hãng bánh đều tập trung đẩy mạnh sản xuất nhằm mang tới người tiêu dùng những sản phẩm bánh có chất lượng cao nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhất.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Theo bà Đặng Thanh Hương – GĐ Cty TNHH bánh mứt Đông Phương: Cty đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng về nguồn nguyên liệu, xây dựng nhà máy, đầu tư công nghệ máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Dây chuyền sản xuất bánh theo phương thức cổ truyền dân tộc, trong môi trường khép kín hoàn toàn cùng công nghệ hiện đại với máy trộn nhân, máy xào nhân, máy đóng gói bánh, bao bánh và lò nướng quay bánh đều được tự động, khu sản xuất được công ty lát và ốp gạch men trắng tạo một môi trường sản xuất sạch sẽ, gọn gàng, công nhân tham gia sản xuất được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, khu sản xuất được bố trí riêng biệt, các vật dụng như: khay, chậu, bàn chế biến hoàn toàn được thay bằng inox. Các công đoạn sản xuất đều tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế ban hành, các sản phẩm bánh trung thu Đông Phương khi sản xuất ra đều có mùi vị thơm ngon, chất lượng cao, đảm bảo VSATTP, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Đặc biệt, bánh trung thu Đông Phương không sử dụng chất bảo quản, đường hoá học, không chất tạo màu nhân tạo. Chính vì vậy, các sản phẩm có hạn sử dụng rất ngắn : bánh nướng hạn sử dụng 20 ngày kể từ ngày sản xuất, bánh dẻo hạn sử dụng 10 ngày kể từ ngày sản xuất.

Cũng theo bà Hương: “Do nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khoẻ cộng đồng, lãnh đạo Cty rất quan tâm tới nguồn nguyên liệu sản xuất bánh. Ngay trước vụ trung thu Cty đã kí kết với các đơn vị cung cấp nguyên liệu và có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, hợp đồng, hoá đơn chứng từ kèm theo. Sản phẩm bánh của công ty đã được kiểm nghiệm và công bố chất lượng tại Sở Y tế Hải Phòng”.

Lan tỏa giá trị truyền thống

Cơ sở bánh Đông Phương được sáng lập từ năm 1950, ngày đầu mới chỉ là làm ăn manh mún, nhỏ lẻ nhưng đến nay thương hiệu bánh mứt Đông Phương gia truyền đã lan đi các tỉnh xa gần và được nhiều người biết đến. Người Hải Phòng mỗi khi nhắc đến bánh trung thu Đông Phương là nói đến mùi bánh thơm riêng đặc trưng mà không phải cơ sở bánh nào cũng có được. Bánh trung thu Đông Phương có đặc điểm là vỏ mỏng, giòn tan, thơm mùi lá chanh, nhân có lạp xưởng béo ngậy và thơm phức. Nguyên liệu làm bánh nướng nhất thiết phải có mỡ phần, mỡ gáy, mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, vừng trắng, lạc rang, lòng đỏ trứng gà để phết lên bề mặt bánh nướng trước khi cho vào lò tạo ra màu vàng rộm. Đặc biệt không thể thiếu lá chanh thái chỉ, rất mỏng mảnh, dậy mùi. Còn bánh dẻo, phải là gạo nếp rang, xay, nhào bằng nước cốt hoa bưởi, nhân cũng giống nhân bánh nướng nhưng không có mỡ, lá chanh, hoặc nhân chay là đỗ xanh xay nhuyễn. Nhân bánh dẻo đặc biệt cũng phải ướp nước cốt hoa bưởi như vỏ bánh.

Bên cạnh việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm, Cty Đông Phương còn không ngừng cải tiến về mẫu mã bao bì để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Mẫu mã bên ngoài sản phẩm bánh trung thu Đông Phương với nét truyền thống vô cùng giản dị không hoa mỹ phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Có thể nói, mỗi chiếc bánh trung thu Đông Phương khi được làm ra, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu sản xuất đều được người thợ làm bánh gửi trọn cả tấm lòng mình vào đó.

Hiện nay, trong khi nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu tăng giá thành sản phẩm của mình lên với lí do giá nguyên liệu tăng thì ở Cty Đông Phương, giá thành các hộp bánh vẫn đảm bảo ở mức phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Giá bán chênh lệch từ 140.000 – 800.000 đồng/hộp tùy loại và kích cỡ bánh, hộp bánh đơn giản kiểu truyền thống gồm 2, 4, 6 chiếc.

Giá thành phải chăng, chất lượng đảm bảo nên hàng năm cứ mỗi mùa trung thu đến, hiệu bánh Đông Phương lại nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, cá nhân mua làm quà biếu và tặng người thân không chỉ trong mà còn ngoài thành phố. Điều này đã khẳng định vị thế của Cty Đông Phương trên thị trường bánh trung thu và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. (Phạm Ngân - Báo Diễn đàn doanh nghiệp 26/09)

72.            Phóng viên báo chí đi thực tế huyện đảo Bạch Long Vỹ

Trong 2 ngày 23 và 24 – 9, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Bạch Long Vỹ và Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc tổ chức đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí đi thực tế tại huyện đảo Bạch Long Vỹ.

Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, phóng viên các cơ quan báo chí được lãnh đạo huyện cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; tiềm năng, lợi thế của huyện trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Theo đó, hiện đảo được quan tâm, đầu tư nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh như: dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt; dự án xây nhà đa năng kết hợp làm nơi tránh trú bão cho ngư dân; dự án cung cấp, lắp đặt máy phát điện mới…Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện mong muốn các cơ quan báo chí thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về sự phát triển đời sống, kinh tế - xã hội của huyện đảo.

Trong khuôn khổ chuyến thực tế, phóng viên các cơ quan báo chí thăm, làm việc với Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc bộ tại trạm đèn biển Bạch Long Vỹ./. (Báo Hải Phòng 25-9)

73.            Phường Hạ Lý (Hồng Bàng): Bình yên cửa ngõ phía Tây thành phố

Từ vùng đất trũng khi xưa, cùng với thời gian được con người khai phá xây dựng, Hạ Lý đã dần trở thành một khu đô thị nhộn nhịp, sầm uất và phát triển. Các chỉ tiêu pháp lệnh như thu ngân sách, tuyển quân, văn hóa, y tế, xã hội… hàng năm đều đạt và vượt mức kế hoạch được giao. Có thể nói công tác ANTT chính là nền tảng vững chắc góp phần đưa phường Hạ Lý đạt những thành tựu KT-VH-XH...

Bằng chất giọng trầm khàn đặc trưng miền biển, trung tá Phạm Khắc Chung - Trưởng CAP Hạ Lý mô tả cho chúng tôi những nét nổi bật về vị trí địa lý khu vực: Phường Hạ Lý cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn một cây số về phía tây. Như một hòn đảo, Hạ Lý ngăn cách các phường, xã bạn bởi ba con sông: sông Cấm, sông Tam Bạc và sông đào Hạ Lý. Với diện tích 108km2 cùng  3.024 hộ dân, 13.247 nhân khẩu, Hạ Lý có trục đường giao thông Hải Phòng - Hà Nội, có vị trí giao thông thuỷ, bộ quan trọng góp phần tạo nên ưu thế lớn về kinh tế cảng - công nghiệp của thành phố Hải Phòng.

Nơi đây không chỉ tập trung các trường học, đơn vị quân đội, mà còn có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp lớn nhỏ với các kho tàng bến bãi đóng trên địa bàn. Người dân địa phương ngày càng tự hào bởi Hạ Lý đang từng bước trở thành đô thị có tốc độ phát triển nhanh của thành phố. Tuy nhiên cũng chính vì là địa bàn phát triển về KT-VH-XH, cuộc sống người dân khấm khá hơn những nơi khác mà dần dần Hạ Lý xuất hiện các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp qua từng năm…

Trước thực tế ấy, ý thức, tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ CAND đã thôi thúc mỗi CBCS Công an phường quyết tâm, bất chấp hiểm nguy, tấn công truy quét các loại tội phạm đến cùng, góp phần làm trong sạch địa bàn, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân, tạo đà phát triển KT-XH.

Hàng năm, CAP đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương các giải pháp đảm bảo ANTT. Hàng loạt các đề xuất, sáng kiến, nhiều mô hình hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” phù hợp, sát với thực tiễn trong từng thời điểm của từng tổ dân phố đã được CAP xây dựng, triển khai mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu có mô hình “Lô nhà, dãy phố tự quản, an toàn về ANTT”, “khu dân cư, tổ dân phố “5 không”, “xây dựng phường không có tội phạm về ma túy”, “quản lý, cảm hóa, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư và phòng chống trẻ em vi phạm pháp luật và xâm hại trẻ em”…

Trong số đó, đồng chí Trưởng CAP Hạ Lý tỏ ra tâm đắc với mô hình “Lô nhà, dãy phố tự quản, an toàn về ANTT”. Tuy là mô hình mới được triển khai nhưng những hiệu quả thiết thực đem lại đã góp phần không nhỏ trong công cuộc trấn áp tội phạm, tạo dựng niềm tin đối với nhân dân. Đồng chí Phạm Khắc Chung chia sẻ: “Với đặc điểm địa bàn phường là cửa ngõ phía Tây của thành phố, mới hình thành 2 khu chung cư, tập trung nhiều phương tiện, tài sản có giá trị nên dễ bị các loại đối tượng lợi dụng để rình sơ hở sẽ trộm cắp, lừa đảo và cướp giật. Tháng 6-2013, phường đã tổ chức phát động mô hình “Lô nhà dãy phố tự quản, an toàn về ANTT”, lấy khu chung cư 97 Bạch Đằng và chung cư 80 Hạ Lý để xây dựng thí điểm”.

Từ khi mô hình “Lô nhà, dãy phố tự quản an toàn về ANTT” chính thức đi vào hoạt động đến nay, tình hình ANTT của 2 khu chung cư đã có chuyển biến tích cực. Hiện 100% đầu các ngõ, ngách của 2 khu chung cư đều có chốt của bảo vệ dân phố (BVDP) làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT kết hợp với giữ gìn vệ sinh môi trường. BVDP luôn thông tin cho CAP về những vấn đề ANTT phát sinh để kịp thời phòng ngừa, xử lý ngay tại cơ sở. Sau hơn 2 năm hoạt động, các lô nhà, dãy phố tự quản đã cung cấp cho CAP 31 nguồn tin phục vụ yêu cầu đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, trong đó có 17 nguồn tin có giá trị giúp CAP điều tra làm rõ 4 vụ trộm cắp tài sản, 1 vụ trộm cắp xe máy, một vụ tàng trữ trái phép chất ma tuý, 2 vụ cố ý gây thương tích.

 Điển hình như vụ trộm cắp tài sản xảy ra tại gia đình anh Trần Trung Kiên, sinh 1971, ở số 151-BT05 khu chung cư 97 Bạch Đằng vào 21h10 ngày 20-9-2014. Kẻ gian đột nhập vào nhà trộm cắp nhiều tài sản giá trị như đồng hồ Rolex, nhẫn kim cương, các loại trang sức, điện thoại di động… với tổng trị giá tài sản ước tính khoảng một tỷ đồng. Nhờ nguồn tin của quần chúng nhân dân, CAP Hạ Lý đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phối hợp với CAQ tóm gọn đối tượng Trần Mạnh Tuấn, sinh 1987, ở 91 Chương Dương, Hạ Lý, thu lại toàn bộ tài sản của gia đình anh Kiên bị mất.

Phường cũng liên tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy. Những người nghiện ma túy đều được CAP phối hợp với tổ dân phố lập hồ sơ quản lý, đưa đi trung tâm cai nghiện hoặc cai nghiện tại nhà, qua đó số người nghiện ma túy hàng năm đều giảm, không phát sinh người nghiện mới. Đến nay trên toàn phường chỉ còn 48 người nghiện. Phong trào phòng, chống ma túy, TNXH của phường càng phát triển sâu rộng, các điểm, các đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội ma túy đều được phát hiện kịp thời, đấu tranh quyết liệt đảm bảo giữ vững danh hiệu “phường không có tội phạm về ma túy”.

Bên cạnh công tác đảm bảo ANTT địa phương, CAP phối hợp với MTTQ phường làm tốt công tác cảm hóa giáo dục đối tượng lầm lỗi, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình tạo điều kiện cho số người có quá khứ sai phạm có việc làm và thu nhập ổn định. Thông qua mô hình này, 10 năm qua, đã tổ chức quản lý, giáo dục tiến bộ cho 230 người không tái phạm. Trung tá Bùi Văn Trướng - CSKV khu Bạch Đằng 7, 9 chia sẻ, công tác đảm bảo ANTT tuy vất vả, khó khăn nhưng được sự thuận lòng giúp đỡ của quần chúng nhân dân, sự nhiệt tình trách nhiệm của anh em Ban BVDP và sự đoàn kết một lòng của các ban ngành, đoàn thể nên tình hình ANTT tại địa phương thời gian qua không ngừng được cải thiện.

Nhiều năm qua, trên địa bàn phường không xảy ra các vụ trọng án, phức tạp, đột xuất bất ngờ, không có các băng ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen. TTATXH chuyển biến tiến bộ rõ rệt, các vụ phạm pháp hình sự hàng năm đều giảm từ 12 đến 15%. Nhờ những thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc mà thời gian qua, lực lượng CAP cũng như các tập thể, cá nhân luôn được các cấp biểu dương, khen thưởng… (Thu Ninh, Khánh Chi - An ninh Hải Phòng 26/09)

74.            Kết thúc lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh khóa 45 năm 2015

Ngày 25-9, Hội đồng giáo dục quốc phòng- an ninh thành phố tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh đối tượng 3, khóa 45 năm 2015.

Từ ngày 14-9 đến 25-9, 86 học viên hoàn thành học tập tất cả các  chuyên đề theo yêu cầu. Kết quả, 100% số học viên hoàn thành tốt khóa học, trong đó, 60 đồng chí đạt loại giỏi, chiếm tỷ lệ 69,76%; 26 đồng chí đạt loại khá, chiếm 30,24%. Kết quả bắn súng ngắn, 100% đạt yêu cầu và khá, giỏi. Lớp học thực hiện nghiêm túc các nội dung, chương trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người. Có 12 đồng chí được biểu dương về những thành tích trong học tập và công tác lớp học.

Kết quả học tập lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh là cơ sở để các học viên vận dụng, tham mưu với lãnh đạo đơn vị triển khai các nhiệm vụ quốc phòng- an ninh tại địa phương, đơn vị, xử lý tốt các tình huống đặt ra. (Báo Hải Phòng 26/09)

75.            Tuyên truyền phòng, chống ma túy, tội phạm trong công nhân lao động: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường không có ma túy

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy giai đoạn 2012-2015, các cấp công đoàn thành phố đa dạng hóa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, biện pháp tới đoàn viên, công nhân lao động. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trước hiểm họa ma túy, HIV/AIDS.

Nâng cao nhận thức, tránh xa ma túy

Gần 3 giờ chiều ngày 12-9, từng tốp công nhân Công ty TNHH Công nghiệp giày Aurora Việt Nam tập trung tại khu vực nhà ăn công ty, tham gia buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy, tội phạm do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức. Khác với những buổi tuyên truyền khô khan, nhiều lý thuyết, buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy, tội phạm thu hút công nhân lao động ngay từ những phút đầu bằng tiết mục văn nghệ sôi động. Anh Phạm Văn Tuấn (xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên) công nhân vận chuyển phom cho biết: Tham gia buổi tuyên truyền này, tôi mong muốn nâng cao nhận thức về việc phòng tránh ma túy, HIV, hiểu hơn về tác hại của ma túy để không bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Hơn nữa, tôi có thể tuyên truyền cho người thân về cách nhận biết và phòng, chống ma túy.

Đây là một trong 5 hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy, tội phạm trong công nhân lao động được Liên đoàn Lao động thành phố triển khai từ đầu năm 2015 đến nay. Để những thông tin về phòng, chống ma túy, tội phạm đến gần hơn với người lao động, những buổi tuyên truyền đều được sân khấu hóa thông qua tiểu phẩm hài, tiết mục văn nghệ, trò chơi trúng thưởng tạo không khí vui tươi, hấp dẫn, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia.Chị Hà Thị Thảo, công nhân xưởng may số 8 chia sẻ: “Thời gian trước, khu vực nhà trọ tôi đang ở có một số đối tượng tụ tập đánh bài, hút thuốc, gây rối trật tự, trộm cắp vặt. Sau khi nghe Thượng tá Nguyễn Mạnh Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy-Công an thành phố giới thiệu về biểu hiện người nghiện ma túy và dấu hiệu nhận biết tội phạm ma túy, chúng tôi nêu cao cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy tại khu nhà trọ. Đây là hoạt động gần gũi, thiết thực với công nhân lao động, nhất là lao động xa nhà như tôi. Ngoài ra, buổi tuyên truyền với hình thức sân khấu hóa mang lại không khí sôi nổi, giúp chúng tôi có giây phút thư giãn, vui vẻ sau giờ làm việc”.

Tiếp tục đổi mới  hình thức tuyên truyền

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015, hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức hơn 750 buổi tuyên truyền đến gần 100 nghìn lượt CNVCLĐ, học sinh, sinh viên và người dân tham gia. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như tổ chức hội nghị cán bộ công đoàn, tuyên truyền viên quán triệt về công tác phòng, chống ma túy, tuyên truyền hệ thống thông tin đại chúng, loa phát thanh tại cơ sở; tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, băng giôn, khẩu hiệu, văn nghệ, tiểu phẩm về phòng chống ma túy, HIV/AIDS… ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Ngoài ra, các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tạo sân chơi lành mạnh giúp CNVCLĐ tránh xa tệ nạn xã hội…

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Ngọc Trữ cho biết, Liên đoàn Lao động thành phố xác định công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong CNVCLĐ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên hằng năm. Từ nay đến hết năm 2015, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức CNVCLĐ về công tác phòng, chống ma túy. Cụ thể, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp Công đoàn ngành Công Thương Hải Phòng và Liên đoàn Lao động huyện Thủy Nguyên tổ chức 2 buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy tới hơn 1.000 công nhân lao động tại khu công nghiệp; tuyên truyền phòng, chống tội phạm đến hơn 500 lao động Công ty TNHH Phúc Thuận (huyện Tiên Lãng). Cùng với đó, phối hợp Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), Trung tâm Giáo dục Truyền thông sức khỏe và công an địa phương triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS trên địa bàn thành phố bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp đặc điểm từng doanh nghiệp, địa phương… (Nhật Nam - Báo Hải Phòng 26/09)

76.            Hải Phòng: Đất các hộ đều nằm ngoài mốc giới vành đai an toàn Kho K29

Báo PLVN vừa nhận được Công văn số 2638/BCH-TTr của Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) TP. Hải Phòng trả lời đơn của các ông, bà Đặng Văn Hải, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Hóa,... (trú tại Khu dân cư đường 10, thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão, T Hải Phòng) do Báo PLVN chuyển đến.

Công văn cho biết, ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại của các hộ dân, BCHQS TP. Hải Phòng đã thành lập đoàn công tác cùng BCHQS huyện An Lão phối hợp với Công an xã Trường Thành, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn Phương Chử Đông gặp gỡ các hộ dân để nắm tình hình, ghi nhận ý kiến của các hộ dân. 

Theo phản ánh của các hộ dân, tỏng khoảng thời gian từ ngày 10 - 16.6/2015 có đối tượng tên Sơn ở thôn Tiên Hội, xã An tiến, huyện An Lão đến vận động các hộ dân ở khu dân cư đường 10, thôn Phương Chử Đông ký vào đơn để được chuyển nhượng đất nông nghiệp tại khu vực giáp ranh Kho K29 với giá 120 triệu đống/sào Bắc Bộ, còn nếu không ký thì chỉ mua với giá thấp hơn. Do thiếu hiểu biết  nên các hộ dân đã ký vào đơn, còn thực tế các hộ dân trên không có đề nghị liên quan đến địa điểm khu vực Kho K29. 

BCHQS TP Hải Phòng cho biết, khoảng các thực tế từng hộ dân đến tường bao Kho K29 cụ thể như sau: Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh: 1.200m; hộ gia đình ông Đặng Văn Hài: 1.100m, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hóa 1.000m, hộ gia đình ông Bùi Văn Dong 850m, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh 650m, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa 500m. Như vậy, vị trí các hộ gia đình đều nằm ngoài mốc giới vành đai an toàn kho K29. (Báo Pháp luật Việt Nam 26/09)

VĂN HÓA

77.            Đình Phần: Độc đáo kiến trúc cung đình Huế trên đất Cảng

Đình Phần ở thôn Thuận Hòa (xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo) là ngôi đình cổ, chứa đựng nhiều gỉá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật, tiêu biểu cho thiết chế làng xã của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một trong số ít ngôi đình của miền Bắc được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ở hạng mục kiến trúc nghệ thuật.

Những nét riêng có

Trong hệ thống kiến trúc các đình làng ở Hải Phòng, theo các nhà nghiên cứu lịch sử, đình Phần là công trình có kiến trúc tiêu biểu và đặc sắc nhất. Nó vừa mang dáng dấp của đình Bắc Bộ, vừa pha trộn nét kiến trúc Trung, Nam Bộ và rõ nét nhát là mô phỏng kiến trúc của cung đình Huế.

Đình được khởi dựng vào năm Tự Đức thứ 26 (1873) và trùng tu vào năm 1926 trên thế đất "Minh đường, hậu chẩm" - tụ thủy, tụ phúc của cả vùng. Đình thờ vị Khổng Hoàng Đại Vương công thần triều Lý (1010-1225), có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quổc, xây dựng quê hương, ổng tên thật là Khổng Quan, người làng Cổ Am, vị quan thanh liêm, giúp dân, giúp nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, sử sách và truyền ngôn còn lưu, Khổng Quan là người nhân đức. Khi dân làng gặp nạn đói, ông mang tài sản tư gia cứu giúp dân lành, đồng thời có công khai thông, trị thuỷ quanh vùng sông Hoá, đưa nước tưới tiêu làm cho múa màng màu mỡ, tốt tươi. Biết ơn ông, nhân dân xã Cổ Am lập đền thờ và tôn là Thành hoàng làng Phần.

Đình Phần được xây dựng theo kiểu nhà kép gọi là 'Trùng thiềm điệp ốc" hay "trùng thiềm trùng lương” (mái chồng lên nhau, nhà nối uốn nhau). Diện tích mặt bằng hơn 1000 m2. Đình có 2 tòa chính, môi tòa 5 gian với 22 hàng cột ( nhà phía trước gọi là tiền bái, phía sau gọi là đại bái). Đình được kết nối với nhau bởi hệ thống vì kèo, hệ thống cột đều có kích thước lớn hơn so với kiểu kiến trúc đình làng đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, mang dáng dấp của các cung điện trong hoàng thành các vua Triều Nguyễn. Dãy nhà tiền bái và đại bái được nối với nhau bằng một mái thừa. Phía trước tòa nhà là lầu trang trí khá tinh xảo, lạ mắt. Các nghệ nhân dân gian tinh tế sử dụng vôi với mật ong và bột giấy để tạo nên loại vật liệu gấn kết các mảnh gốm men lam, trang trí câu đối, đại tự, phù điêu. Đình có hai tòa tỏa vu, và hữu vu, lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như; tượng, sắc phong, long ngai, khám thờ, nhang án, kiệu bát cổng, lư hương...

Mái đình lợp ngói mũi hài cổ được chia làm hai tầng chồng mi lên nhau gọi là mái chồng diêm hoặc trùng thiềm. Giữa hai tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt tòa nhà, được chia ra từng ô, hộc trang trí hình vẽ và thơ văn trên những miếng gốm tráng men nhiều màu sắc. Trên nóc đình, bờ mái đều chắp hình rồng theo kiểu lưỡng long triều nguyệt và hồi long. Phía trước là khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng, nơi tổ chức hoạt động tế lễ, trò chơi mỗi dịp lễ hội.

Những yếu tố kiến trúc riêng có kể trên tạo cho đinh Phần những đường nét kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc đình Bắc Bộ kết hợp với kiến trúc cung đình ở những thập niên đầu thế kỷ 20. Và, có lẽ nhờ sự khác biệt về yếu tố kiến trúc đặc sắc mà đình Phần là một trong số ít ngôi đình của miền Bắc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2013.

Phát huy truyền thông quê hương

Nhưng, các bậc cao niên trong làng phỏng đoán, để xây dựng ngôi đình lớn mang dáng dấp cung điện như vậy đòi hỏi nguồn tài lực không hề nhỏ và nhất là sự cho phép của quan lại địa phương. Vì thời kỳ khởi dựng đình, triều đình từng quy định giới hạn quy mô xây dựng các công trình thờ tự. Nếu không có những vị quan lớn trong triều, uy của vùng đất, khó có thể xây dựng ngôi đình có quy mô kiến thức bề thế như vậy.

Từ khi được khởi đựng, không chỉ là nơi bàn luận, trao đổi công việc liên quan đến làng, xã, nơi thờ cúng Thành hoàng làng, thần linh; nơi tổ chức lễ hội hằng năm vào trung tuần tháng 2 âm lịch, đình Phần còn là nơi nuôi giấu cán bộ, dệt hàng triệu mét vải gửi ra tiền tuyến phục vụ bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thời Pháp thuộc, Cổ Am là vùng nằm trong tầm kiểm soát của địch. Tuy nhiên, nơi đây ra đời chi bộ Đảng từ khá sớm của huyện Vĩnh Bảo. Chính vì thế, địch luôn tìm cách truy lùng, bắt bớ những người tham gia hoạt động cách mạng, ông Hoàng Đình Hợi Trưởng ban Mặt trận thôn Thuận Hòa, nguyên Phó chủ tịch xã Cổ Am nhớ lại, phát hiện Việt Minh nằm vùng, địch truy lùng hết sức gắt gao. Tránh bị đích bắt, nhiều cán bộ Việt Minh leo lên mái đình Phần trú ẩn. Ban ngay địch kiểm soát, nhưng tối cán bộ tìm cách len lỏi vào trong dân để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, ủng hộ chính quyền cách mạng. Hòng dập tắt phong trào cách mạng địa phương, không ít lần trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vã đế quốc Mỹ, đình Phần và xã Cổ Am bị máy bay địch ném bom. Năm 1930, thực dân Pháp huy động 5 máy bay ném bơn 50 quả bom nhằm hủy diệt Cổ Am. Bằng chứng vẽ tội ác của địch còn lưu giữ với cột đình Phần bị bom phạt qua.

Trải qua thời gian, đình Phần được nhân dân thôn Thuận Hòa, xã Cổ Am gìn giữ hương khói và tổ chức tế lễ, là nơi giáo dục con cháu, gắn kết tình cảm làng xóm.Đặc biệt, nhân dân thôn Thuận Hòa phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, xây dựng quê bương ngày càng giàu mạnh, đồng thời gìn giữ bảo lưu các nét văn hóa truyền thống vốn có của làng ngày càng đẹp hơn, trở thành tài sản văn hóa quan trọng của cha ông truyền lại cho các thế hệ sau trên mảnh đất địa linh nhân kiệt của xứ Đông này. (Long Giang - Báo Hải Phòng cuối tuần 25/09)

78.            Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên

Tối 25-9, tại Hải Phòng, Tổng cục Chính trị đã tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ VIII-Khu vực III.

Đến dự có Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo các hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí Quân đội, Trưởng ban chỉ đạo liên hoan. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ VIII-Khu vực III là hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật trong quân đội giai đoạn 2010-2015 và là một trong những hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân kỷ niệm những ngày lễ lớn trong hai năm (2014, 2015).

Phát biểu khai mạc liên hoan, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo liên hoan khẳng định: Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ VIII - Khu vực III với chủ đề “70 năm dưới cờ Tổ quốc” là hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tiến tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Liên hoan góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần lực lượng vũ trang và nhân dân; tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa bộ đội, công an với nhân dân, đặc biệt là thanh niên và sinh viên.

Nội dung các tiết mục tham gia liên hoan tập trung ca ngợi truyền thống đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của toàn dân, toàn quân; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm quân dân; phản ánh hình tượng người chiến sĩ hôm nay...

Liên hoan thu hút sự tham gia của 28 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, một số đơn vị công an, trường đại học và tổ chức đoàn trong khu vực với hơn 1.000 cán bộ, hạt nhân văn nghệ, diễn viên không chuyên thuộc các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội, lực lượng dân quân tự vệ, công an, học sinh, sinh viên, thanh niên tham gia… 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, sinh viên lần thứ VIII-Khu vực III sẽ diễn ra từ ngày 25-9 đến ngày 2-10. (Hồng Thúy - Báo Quân đội nhân dân 26/09; An ninh Hải Phòng 26/09)

DU LỊCH

79.            Tăng cường liên kết, phát triển du lịch Cát Bà xanh

Ngày 27/9, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức hội thảo xúc tiến liên kết, phát triển du lịch Cát Bà xanh.

Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu các sản phẩm du lịch nổi bật của địa điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Hải Phòng, tạo ra sự liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tận dụng các lợi thế sẵn có để xây dựng và phát triển tiềm năng du lịch Cát Bà.

Quần đảo Cát Bà của Hải Phòng đã được thành phố quy hoạch dựa trên những yếu tố của phát triển bền vững với tính chất là bảo tồn và tôn tạo các giá trị tài nguyên, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh về nguồn lực du lịch; tạo ra được sự khác biệt về sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh của du lịch quần đảo Cát Bà trong mối quan hệ gắn kết phát triển du lịch với Đồ Sơn và Hạ Long, Vân Đồn và các trung tâm du lịch khác ở vùng Đồng bằng Bắc bộ và cả nước, khu vực và quốc tế, hướng tới xây dựng hình ảnh Cát Bà xanh dựa trên 4 yếu tố: Sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh, cộng đồng xanh, khách sạn xanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm khác liên quan đến việc phát triển du lịch Cát Bà như: làm thế nào để mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược; vai trò của truyền thông trong quảng bá hình ảnh Cát Bà; những giải pháp khắc phục tồn tại trong phát triển du lịch Cát Bà. (K.H - Công an nhân dân 28/09; Báo Tiền Phong 28/09;  Báo Hải Phòng 27/09)

80.            Nhân lực quản lý khách sạn ở Hải Phòng: Chưa đáp ứng yêu cầu

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2020, Hải Phòng định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực trong các ngành kinh tế biển. Để đạt mục tiêu này, nâng cao chất lượng nguồn nhân lục phục vụ phát triển du lịch là yếu tố cốt lõi.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Trên địa bàn Hải Phòng hiện có hơn 100 khách sạn được xếp hạng sao, trong đó khoảng 30% là khách sạn 3, 4 sao và 1 khách sạn 5 sao. Phần lớn các khách sạn này đều trong tình trạng thiếu người quản lý, điều hành có trình độ, kinh nghiệm. Nhiều khách sạn như Pearl River (đường Phạm Văn Đồng), AVANI Hải Phòng Harbour View (đường Trần Phú) phải thuê quản lý người nước ngoài hoặc thuê giám đốc điều hành từ các tỉnh phía Nam.

Nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hải Phòng cho rằng: số lao động của ngành du lịch trong những năm qua tăng nhanh, nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Cán bộ quản trị kinh doanh du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu. Đội ngũ nhân viên hành nghề du lịch thiếu chuyên nghiệp, kỹ năng chưa thuần thục. Số người có khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học phục vụ công việc không nhiều. Phần lớn nguồn nhân lực du lịch làm việc trong các khách sạn lớn chỉ qua các khóa học “cấp tốc” ngắn hạn. Số lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số lao động qua đào tạo, ít người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch, chủ yếu là từ các ngành khác như ngoại ngữ, khoa học xã hội và tự nhiên. Đội ngũ nhân viên các nhà hàng, khách sạn tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hải Phòng như Đồ Sơn, Cát Bà thiếu tự tin. Khi làm việc, họ không biết mình làm như thế đã chuẩn chưa, khách hàng có hài lòng không? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn nhân viên chưa được đào tạo bài bản, khách sạn chưa xây dựng chương trình khung của một dịch vụ tốt.

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ông Christian Bernkopf, Tổng giám đốc khách sạn Avani Hai Phong Habourview cho biết: Nhân viên tại khách sạn được đào tạo theo chương trình chuẩn như nhân viên của các khách sạn cùng thuộc tập đoàn Minor - tập đoàn quản lý khách sạn Avani Hai Phong Habourview. Có 3 loại hình đào tạo phù hợp từng nhóm, gồm: nhân viên mới vào, nhân viên đang làm việc và nhân viên tiềm năng có khả năng chịu trách nhiệm lớn hơn. Ngoài đào tạo, các nhóm làm việc đều biết kế hoạch làm việc của nhau, tạo sự thông suốt giữa các nhóm để giúp công việc vận hành hiệu quả cao hơn”. Cùng với chương trình khung chuẩn... động lực và kỹ năng làm việc là yếu tố không thể thiếu đối với lao động bất kỳ ngành nào.

Liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp

Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm (nhiều năm tham gia Hội đồng khoa học Trường cao đẳng nghề Du lịch - Dịch vụ và có nhiều đề tài nghiên cứu về ngành du lịch thành phố), có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu nguồn nhân lực trong ngành này như: tỷ lệ lao động đào tạo chuyên ngành du lịch còn thấp; doanh nghiệp chưa xây dựng đội ngũ giám đốc nhân sự có tính chuyên nghiệp cao, chưa xây dựng tiêu chuẩn công việc; việc đào tạo nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ chưa được chú ý... Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trong các trường đào tạo trong nước hiện không đáp ứng nhu cầu các khách sạn 5 sao, khu resort đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, các trường không có khoa đào tạo nhân lực quản lý để giữ các vị trí cao cấp như giám đốc điều hành, trưởng bộ phận, mà chủ yếu đào tạo nghiệp vụ nghề du lịch như quản trị lữ hành, nhà hàng, hướng dẫn du lịch. Sinh viên tốt nghiệp ra trường hầu hết đều thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, tiếng Anh kém... Rất ít sinh viên được thực tập tại các khách sạn lớn, có tiêu chuẩn chất lượng cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường được nhận vào làm ở các khách sạn lớn chỉ 5-10%.

Để khắc phục tình trạng trên, theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế, rèn luyện kỹ năng “mềm”, từ đó tích lũy kinh nghiệm có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Bên cạnh đó, sinh viên cần có thời gian thực tập dài hơn. Cách đào tạo của một số nước như Thụy Sỹ, Xingapo, Pháp... ưu tiên thời gian cho sinh viên đi thực tập và tiếp cận thực tế nhiều hơn thời gian học lý thuyết. Đây chính là cơ hội để người học tích lũy kinh nghiệm, cũng như khả năng giao tiếp.

Một trong những trở ngại khác đối với công tác nhân sự ngành du lịch khách sạn hiện nay là do nhiều lao động trẻ không đam mê nghề nghiệp, không coi trọng nghề du lịch khách sạn vì áp lực, đặc thù nghề nghiệp và tâm lý cho rằng đây là nghề “phục vụ người khác”. Ngành du lịch khách sạn đòi hỏi nhân lực có tính kiên nhẫn, khả năng chịu đựng cao và thích ứng môi trường, không yêu nghề thì khó trụ lại được với nghề.

Hải Phòng đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn với nhiều dự án du lịch dịch vụ của các tập đoàn lớn như Khu vui chơi giải trí Vũ Yên của Tập đoàn Vingroup, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn Mường Thanh tại khu du lịch Đồ Sơn. Các địa danh Cát Bà, Đồ Sơn sẻ trở thành những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước ...Để đáp ứng cho các khu du lịch này hoạt động hiệu quả cao, việc xây dựng đội ngũ nhân sự quản lý ngành du lịch có chất lượng cao là một trong những việc cần làm ngay để du lịch Hải Phòng “cất cánh”. (Duy Lân - Báo Hải Phòng cuối tuần 25/09)

81.            Đội thị trấn Cát Bà và Công ty TNHH Quang Anh đoạt giải nhất hội thi thuyết minh viên du lịch Cát Bà

Tối 26- 9, huyện Cát Hải tổ chức hội thi thuyết minh viên du lịch Cát Bà lần thứ nhất.  Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội thảo xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Cát Bà xanh, hưởng ứng ngày du lịch thế giới (27- 9). Tới dự hội thi có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch.

Trải qua vòng sơ khảo, hội thi chọn 10 thí sinh xuất sắc đến từ 10 đơn vị tham dự vòng chung kết. Tại hội thi, các thí sinh lần lượt trải qua 3 phần thi: chào hỏi, thuyết minh và tìm hiểu kiến thức. Hội thi thu hút đông đảo nhân dân, du khách cổ vũ. 

Thông qua hội thi, BTC mong muốn đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của các thuyết minh viên trên địa bàn huyện,  đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thuyết minh viên có dịp trao đổi, trau dồi nghiệp vụ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nhằm bổ sung thêm kiến thức, hiểu biết và kỹ năng nghiệp vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch đến tham quan, du lịch tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện. Hội thi cũng là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Cát Bà. 

Kết thúc hội thi, BTC trao giải nhất tặng 2 tập thể là đội thị trấn Cát Bà và công ty TNHH Quang Anh và 3 thuyết minh viên hay nhất của các đơn vị thị trấn Cát Bà, CLB tình nguyện hướng dẫn du lịch Đoàn thanh niên huyện Cát Hải và xã Xuân Đám  và nhiều giải thưởng phụ khác.  (Duy Lân - Báo Hải Phòng 27/09)

THỂ THAO

82.            Tổng kết V-League 2015: Chủ tịch CLB Hải Phòng kích bom nổ

Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng đã gây sóng tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2015 với những phát biểu thẳng thắn chỉ trích trực tiếp Công ty VPF và BTC giải, cá nhân Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc.

Trong phần thảo luận tại Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp 2015, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng lên tiếng: "Tôi nhận được dự thảo báo cáo tổng kết mùa giải 2015 nhưng về nguyên tắc phải thông qua, có ý kiến phản biện của dư luận và truyền thông để có tổng kết chi tiết. Tôi thấy dự thảo này gần như là hệ thống quy trình cách làm, toàn phong chức tước chứ không phải đánh giá. Chúng ta nên nói thực tế những gì làm được, chưa làm được. Cái chưa làm được phải bắt đầu từ CLB. Tất cả những vấn đề này không được tổng kết và đưa vào báo cáo.

Hiện nay dư luận xã hội đưa tin nhiều về việc V-League 2015 giai đoạn 2 có một số trận đấu bị nghi vấn, kể cả trận Hải Phòng – Cần Thơ. Vấn đề bạo lực sân cỏ, quan điểm của BTC giải ra sao, toàn bị né tránh, chúng ta phải làm như thế nào cho đúng. BTC giải phải xem lại trách nhiệm của mình trong việc điều hành giải đấu và phải đánh giá lại. 

Các anh phải trả lại trong sạch cho các CLB chứ không thể nói chung chung, không sát thực, không ai nhận trách nhiệm. Các CLB đóng góp rất lớn cho BTC nhưng không được chia sẻ, từ việc mặc áo nhà tài trợ, vị trí bảng quảng cáo. Tới đây Đại hội thường niên VPF và VFF tôi sẽ phát biểu công khai chứ không lấp liếm gì cả.

Cần nghiên cứu mô hình, địa bàn thực hiện trong việc cấp phép cho các CLB theo tiêu chuẩn AFC. Sân bãi của nhà nước chứ không phải CLB, nếu cứ lôi tiêu chuẩn AFC ra áp dụng thì sẽ rất khó cho các CLB. Sân Lạch Tray được xây từ lâu, bây giờ yêu cầu cấp phép mặt sân thì có thể cải tạo được nhưng các phòng ban, các kết cấu của công trình không thể dễ dàng thay đổi. 

Nếu cứ vận dụng theo luật mà không điều chỉnh theo thực tế, xây dựng lộ trình cấp phép cho CLB chuyên nghiệp là rất khó. Tôi cho rằng đây là bệnh quan liêu, không phải cứ ngồi một chỗ, trích dẫn các điều khoản để kỷ luật là không hợp lý.

Tôi đề nghị Hội đồng quản trị Công ty VPF phải thể hiện vai trò của BTC giải và cả Trưởng BTC giải, không thể chỉ nói tốt. Tôi yêu cầu Trưởng BTC giải trích dẫn thông báo nào khẳng định lãnh đạo CLB phát ngôn, cung cấp thông tin không đúng sự thật cho báo chí. Tôi trả lời báo chí công khai, không phải vì mục đích giảm uy tín BTC.

CLB Hải Phòng chưa nộp lệ phí giải vì chúng tôi có lý do. Hở ra là các anh phạt, các anh chậm chuyển tiền thưởng cho chúng tôi, có ai phạt không. Năm ngoái 1 tỷ đồng tiền thưởng sau Cup quốc gia chúng tôi nhận bảng danh vị nhưng 3 tháng sau mới nhận được tiền thưởng. Tôi phát biểu mang tính xây dựng. Tôi không làm bóng đá thì làm công nhân cũng có quyền phản biện. 

Khi CLB Đồng Nai xuống hạng, đã có ai trong VPF xuống tìm hiểu, động viên để họ tiếp tục làm bóng đá, dù chỉ là hạng nhất hay không. Một vấn đề nhỏ nhưng day dứt tôi 4 năm này là Hội đồng quản trị phong Phó TGĐ phụ trách tài trợ  truyền thông nhưng theo tìm hiểu của tôi chưa đưa được đồng tài trợ nào đây dù chỉ là 5 xu nhưng 1 năm chế độ cho ông ấy 600-700 triệu đồng. Tôi đề nghị Hội đồng quản trị VPF phải trả lời trước Đại hội Thường niên".

Trước những ý kiến chỉ trích từ đại diện CLB Hải Phòng, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VPF, chia sẻ: "Những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy của VPF tôi xin khất sẽ trả lời ở Đại hội cổ đông. Đối với báo cáo tổng kết đây chỉ là dự thảo và còn những vấn đề còn sai sót mọi người còn có thể góp ý kiến. 

Giải đấu này là của các đội bóng, chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với CLB Đồng Nai và dự kiến sau Đại hội cổ đông sẽ trao đổi về định hướng cho đội bóng"

Trong khi đó, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn lý giải: "Việc chuyển tiền thưởng cho Hải Phòng trong 1 tháng chúng tôi chuyển tiền, đề nghị anh Hùng xem lại. CLB Hải Phòng có một số khoản nghĩa vụ với Công ty chưa hoàn thành nên chuyển tiền thưởng chậm, anh Hùng thông cảm. Anh Ngọc Trưởng BTC giải còn trẻ nhưng đã có cố gắng còn những gì chưa làm được chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi".

Trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc lên  tiếng: "Đây chỉ là dự thảo báo cáo tổng kết. Cá nhân tôi được ủy quyền trình bày báo cáo tổng kết, mục đích lớn nhất của chúng tôi là mong các CLB đưa ra giải pháp cho đúng thực tế.

Những ý kiến anh Hùng góp ý tôi xin phép kiểm tra lại bộ phận soạn thảo văn bản để có câu trả lời chính thức với CLB Hải Phòng và cá nhân anh Hùng". (Thành Đạt - Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam 28/09; Báo Thanh niên 28/09; Báo Lao động 28/09)

83.            Giao lưu bóng đá CLB sỹ quan hưu trí CATP Hà Nội và Hải Phòng

Trận đấu giao hữu diễn ra trong không khí đầm ấm, thắm tình đoàn kết. Các cầu thủ đã thi đấu hết mình, cống hiến nhiều pha bóng đẹp, nhiều bàn thắng được ghi.

Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2015), chiều 26-9, nhận lời mời của Ban chủ nhiện CLB sỹ quan hưu trí CATP Hà Nội và Hội cựu cầu thủ bóng đá Công an Hà Nội, đội bóng của CLB sỹ quan hưu trí CATP Hải Phòng do Đại tá Hoàng Xuân Lâm, nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng, chủ nhiệm CLB sỹ quan hưu trí CATP Hải Phòng, làm trưởng đoàn, đã giao lưu, thi đấu với các cầu thủ đội bóng CLB sỹ quan hưu trí CATP Hà Nội trên sân vận động Hàng Đẫy.

Đến động viên và dự khán trận đấu có Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Đào Trọng Sỹ - nguyên Phó Giám đốc CATP Hà Nội, cùng các cựu danh thủ, cổ động viên của 2 đội bóng.

Đây là trận giao lưu bóng đá truyền thống giữa cựu cẩu thủ bóng đá công an hai thành phố được tổ chức hàng năm tại Hà Nội vào dịp giải phóng Thủ đô và tổ chức tại Hải Phòng vào dịp giải phóng Hải Phòng (13-5).

Phát biểu khai mạc trận đấu, Đại tá Vũ Đình Hoành - nguyên Phó Giám đốc CATP Hà Nội, Chủ nhiệm CLB Sỹ quan hưu trí CATP Hà Nội, nhấn mạnh: "Từ nhiều năm qua, CATP Hà Nội nói chung và CLB Sỹ quan hưu trí CATP nói riêng thường xuyên có các hoạt động giao lưu thể dục thể thao với các đơn vị bạn, trong đó có CATP Hải Phòng. Với tinh thần truyền thống của lực lượng CAND, tôi tin tưởng các cầu thủ sẽ thi đấu hết mình, cống hiến cho người xem và góp phần tô thắm thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa 2 đơn vị".

Trong không khí thắm tình đoàn kết, chia sẻ, các cầu thủ đã ra sân thi đấu đầy nhiệt huyết, hết mình với nhiều pha bóng đẹp mắt.

Cũng trong dịp này, CLB sỹ quan hưu trí CATP Hải Phòng đã đến dâng hương đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và tham quan Bảo tàng CATP Hà Nội tại 67 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Chu Hương - Báo An ninh thủ đô 28/09)

84.            Nâng bước chân cầu thủ trẻ

Trung tâm Bóng đá Hải Phòng có bước đột phá lớn khi đưa sân cỏ tự nhiên tại sân Cảng vào sử dụng từ đầu tháng 9 này, thỏa nỗi mong ước bao lâu nay của các HLV đào tạo trẻ và các cầu thủ năng khiếu Hải Phòng. Được tập luyện trên sân cỏ tự nhiên, các cầu thủ trẻ đất Cảng thực sự được nâng bước chân để tiến đến bến bờ khát vọng.

Đầu tháng 9 này, sân cỏ tự nhiên trên sân Cảng đón các cầu thủ trẻ vào tập luyện thử nghiệm. Thầy và trò rất phấn khởi. Kết thúc những buổi tập thử nghiệm sân, nhiều em vẫn háo hức. Bởi được tập trên sân cỏ tiêu chuẩn, có thể rèn kỹ thuật, giảm thiểu chấn thương không đáng có và nâng cao chất lượng đào tạo. Hôm nay sân Cảng với một màu xanh tự nhiên bắt mắt thay thế sân cũ cát bụi.

Với sự đầu tư cùng sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, sân Cảng được làm mới hoàn toàn với giống cỏ nhập ngoại vào mùa hè năm nay. Với khoảng 300 triệu đồng cùng sự lao động, chăm sóc cỏ của toàn trung tâm, sau gần 3 tháng, sản Cảng cát bụi biến thành sân cỏ tự nhiên đạt tiêu chuẩn không kém bất cứ sân nào phục vụ đào tạo cầu thủ trẻ. Lãnh đạo trung tâm cho biết: “Chúng tôi tiếp tục làm cho sân đẹp hơn nữa, chất lượng cao hơn, hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian này, Trung tâm tiếp tục nâng cao mặt sân, chăm sóc cỏ và áp dụng công nghệ diệt giun, dế mèn để bảo vệ cỏ”.

Những ngày tháng 9 này hai đội U 17 và U15 ở tập trung tại Khu Liên hợp thể thao thành phố lên xe ô tô về tập luyện trên sân cỏ tự nhiên của sân Cảng. Các em được tập luyện theo đúng giáo trình huấn luyện, HLV cũng không phải cản nhắc, đắn đo có nên cắt bớt giáo án vì sợ cầu thủ trẻ chấn thương?! Mặt cỏ tự nhiên là sân khấu chính của bóng đá, sự đầu tư và bàn tay lao động của đội ngũ cán bộ, HLV nơi đây chắc chắn chất lượng đào tạo bóng đá trẻ Hải Phòng được nâng lên. Bàn tay của những người thầy vất vả trong lao động, góp phần làm nên sân cỏ tự nhiên sẽ nâng bước các cầu thủ năng khiếu Hải Phòng tiến về phía trước.

Sân Cảng cát bụi biến thành sân cỏ tự nhiên phục vụ đào tạo cầu thủ trẻ là tin vui đáng mừng với người hâm mộ môn thể thao này. Bầu không khi bóng đá ở chốn sân 4 mặt tiền sôi động hơn khi các lớp U về tập luyện, mãi xứng đáng là mảnh đất màu mỡ để đào tạo những ngôi sao bóng đá tương lai. (Đỗ Hân - Báo Hải Phòng cuối tuần 25/09)

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố