Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/9/2012)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/9/2012)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ 4

Ngày 26 – 27/9, tại Bắc Ninh đã diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ lần thứ 4 với sự tham gia của Thường trực HĐND 11 tỉnh, TP: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình và Quảng Ninh.

Chủ đề của hội nghị lần thứ 4 là: Quy trình, giải pháp nâng cao chất lượng các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là nhiệm vụ quan trọng được pháp luật quy định nhằm khẳng định quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương. Tại hội nghị, các ý kiến của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề; trách nhiệm của HĐND, Thường trực, các ban, các đại biểu HĐND tỉnh, thành phố trong việc giám sát tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết chuyên đề; trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố đối với việc tổ chức triển khai nghị quyết chuyên đề của HĐND...

Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả ban hành và thực hiện các nghị quyết chuyên đề như: Thường trực HĐND phải có quan điểm điều hành tập trung, thống nhất cao, phối hợp chặt chẽ với UBND, UBMTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng văn bản; việc lựa chọn nội dung chuyên đề đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm của HĐND phải xuất phát từ yêu cầu thực tế ở địa phương, giám sát thường xuyên, chặt chẽ việc tổ chức triển khai nghị quyết...

Các đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành luật về hoạt động giám sát của HĐND. (Mạnh Dũng, Đại Biểu Nhân Dân 28/9, tr1; Báo Hải Phòng 28/9, tr2)

2.     Nhân sự mới

Sáng 27/9, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì hội nghị công bố kiện toàn chức danh Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố. Cùng dự có Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam và đại diện các ban Thành ủy, Đảng ủy khối các cơ quan thành phố và một số ngành, đơn vị liên quan.

Tại hội nghị, đại diện Ban Tổ chức Thành ủy công bố quyết định của Thành ủy điều động đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy giữ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy chỉ định đồng chí Đỗ Mạnh Hiến giữ chức vụ Bí thư Đảng đoàn cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố. Quyết định có hiệu lực thi hành từ tháng 9/2012. (Báo Hải Phòng 28/9, tr1; Lưu Hà, thp.org.vn 27/9)

3.     Tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa thành phố Hải Phòng với các địa phương Bắc Lào

Tối 27/9, tại Nhà khách thành phố, Thường trực Thành ủy tổ chức tiếp thân mật và chiêu đãi Đoàn cán bộ cấp cao 7 tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, gồm: U-đôm-xay, Xay-a-bu-ri, Hủa-phăn, Bo-keo, Phông-xa-lì, Luông-nậm-tha, Luông-phra-băng.

Dự buổi tiếp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Đình Then, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố và đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Cùng dự buổi tiếp còn có Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, Phó tư lệnh Quân khu 2.

Trong không khí thắm tình hữu nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành bày tỏ vui mừng được đón những người đồng chí anh em nước bạn Lào thân thiết. Khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, Hải Phòng làm hết sức mình để giữ gìn và phát huy giá trị to lớn mối quan hệ truyền thống đặc biệt Việt-Lào, đồng thời mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của Lào nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của mỗi bên. Nhân dịp này, đồng chí thông tin đến Đoàn cán bộ cấp cao 7 tỉnh Bắc Lào những thành tựu kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng đạt được trong 8 tháng qua và một số định hướng phát triển trong tương lai.

Thay mặt các thành viên trong đoàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy U-đôm-xay cảm ơn sự đón tiếp thắm tình đồng chí của lãnh đạo thành phố Hải Phòng dành cho Đoàn, bày tỏ khâm phục thành phố Hải Phòng anh hùng trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới và những thành tựu thành phố đạt được, nhất là trong hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Chuyến thăm lần này góp phần tăng cường, mở rộng hợp tác giữa Hải Phòng với các tỉnh phía Bắc của nước bạn Lào. (Báo Hải Phòng Online 28/9)

4.     Đảng ủy cơ quan Thành đoàn: Quán triệt Nghị quyết Trung ương 5

Đảng ủy cơ quan Thành đoàn vừa tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện các kết luận, nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quy định số 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ.

Việc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 sẽ tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ cơ quan; đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện lệch lạc trong nhận thức… (An Ninh Hải Phòng 28/9, tr2)

5.     Phòng PC45 – Công an TP: Tổ chức Hội thao điều lệnh công an nhân dân

Phòng PC45 – Công an thành phố vừa tổ chức hội thao Điều lệnh Công an nhân dân năm 2012 nhằm đánh giá kết quả, chất lượng công tác huấn luyện và tập huấn điều lệnh công an nhân dân, qua đó nâng cao một bước sức chiến đấu, xây dựng đơn vị ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

6 đội tuyển là các đơn vị trực thuộc đã cùng nhau tranh tài ở cả phần thi lý thuyết và thực hành với các nội dung chính: Khẩu hiệu điều lệnh, vị trí chỉ huy, động tác đi đều… (An Ninh Hải Phòng 28/9, tr3) ./.

AN NINH – PHÁP LUẬT

6.     Đề nghị truy tố 2 cổ động viên Hải Phòng hành hung trọng tài

Ngày 26/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã kết luận điều tra vụ án "Gây rối trật tự công cộng" xảy ra tại đường cao tốc Trung Lương, thuộc xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang), chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố hai bị can Trần Bá Hoà, 58 tuổi, trú tại phường Trần Nguyên Hãn và Trần Tiến Dũng, 38 tuổi, trú tại phường Nghĩa Xá, cùng quận Lê Chân, TP Hải Phòng về tội danh trên.

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, ngày 10/5/2012, xe ôtô BKS 16L-2154, chở 15 cổ động viên Hải Phòng từ sân vận động Lạch Tray (TP Hải Phòng) vào sân vận động Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp để cổ vũ cho đội bóng đá Vicem Hải Phòng thi đấu với đội bóng đá Cao su Đồng Tháp.

Chiều 13/5, các cổ động viên Hải Phòng vào sân vận động Cao Lãnh để xem và cổ động cho đội Vicem Hải Phòng. Tại đây, họ đã gặp và sáp nhập với 18 cổ động viên của Hải Phòng đang sống trong TP Hồ Chí Minh. Sang đến hiệp thứ hai của trận đấu, Ban huấn luyện, cầu thủ và các cổ động viên Hải Phòng đã cay cú và có lời nói, hành động thiếu văn hoá, phi thể thao đối với trọng tài Võ Minh Trí và các trọng tài khác…

Trước những hành động quá khích của các cổ động viên Hải Phòng trên khán đài nên khi kết thúc trận đấu, Ban tổ chức đã phân công xe ôtô chở lực lượng Cảnh sát cơ động của Công an tỉnh Đồng Tháp hộ tống bảo vệ xe ôtô 16 chỗ ngồi, BKS 53M-9441 do anh Nguyễn Hữu Dũng điều khiển chở các ông Trần Duy Ly - Trưởng ban tổ chức giải bóng đá vô địch Quốc gia; 4 trọng tài là các ông Võ Minh Trí, Hoàng Phạm Công Khanh, Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Phong Vũ; 2 giám sát là các ông Đặng Quang Dương, Nguyễn Văn Mùi.

Đến trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa đường cao tốc Trung Lương, thuộc địa phận ấp 1, xã Tam Hiệp (Châu Thành, Tiền Giang) thì một số cổ động viên Hải Phòng ngồi phía trước đầu xe ôtô, trong đó có Dũng phát hiện ra xe ôtô chở các trọng tài. Đi qua trạm thu phí khoảng 50m, xe ôtô chở trọng tài dừng lại để mọi người đi vệ sinh. Một số cổ động viên quá khích đã chạy về phía trọng tài có ông Võ Minh Trí đang đứng. Ông Trí liền vào trong xe và ngồi nép xuống hàng ghế thứ tư. Các ông Ly, Dương, Vũ, Khanh đứng chặn ở cửa xe ôtô giải thích, khuyên can và giữ cửa không cho các cổ động viên vào xe ôtô tấn công trọng tài Võ Minh Trí.

Khoảng 30 cổ động viên Hải Phòng vây quanh xe ôtô, vỗ tay vào cửa kính xe chửi, hò hét, ném đất đá, vỏ quả dừa vào người trọng tài Võ Minh Trí. Trong quá trình xô xát, Trần Tiến Dũng đã dùng dép đập vào trán ông Vũ… Lái xe ôtô cho các trọng tài là anh Nguyễn Hữu Dũng đã mở cửa lái xuống, chạy đến trạm thu phí gọi lực lượng ứng cứu. Phát hiện lái xe đi xuống, cổ động viên Trần Bá Hoà đã mở cửa lái xe, đến đấm vào đầu và người ông Trí. Sau khi xuống xe, Trần Bá Hoà còn có những lời nói xúc phạm đến ông Trí.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định trưng cầu giám định thương tật đối với ông Võ Minh Trí. Kết quả, ông Võ Minh Trí bị thương tật tỷ lệ 2%. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án và ngày 19/6, khởi tố bị can Trần Bá Hoà, Trần Tiến Dũng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Còn một số cổ động viên quá khích khác đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định xử phạt hành chính. (Thu Hoà - Hiền Thanh, Công An Nhân Dân 28/9, tr5)

7.     Nữ sinh Hải Phòng lột áo, đánh bạn dã man

Mới đây, đoạn clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh đánh nhau dã man của một nhóm nữ sinh ở Hải Phòng đã khiến nhiều người không khỏi sốc. Điều đáng nói, các học sinh khác khi chứng kiến sự việc đều thờ ơ, và tỏ ra khá vui vẻ với hành động hung hãn của các cô gái đánh bạn. Thậm chí, họ còn reo hò, cổ vũ cho sự việc này.

Trong đoạn clip khá mờ, nhòe ghi lại cảnh nhóm nữ sinh đánh một học sinh khác. Họ liên tục túm tóc, lên gối, đấm đá và xé toạc áo của nạn nhân. Mặc những lời can ngăn yếu ớt từ phía đám đông là "thôi đừng xé áo, khổ thân nó", nhóm nữ sinh này vẫn không dừng tay.

Theo nhiều nguồn tin cho biết, nạn nhân mặc áo trắng mang phù hiệu của trường THPT Thụy Hương và nhóm nữ sinh đánh người có một số học sinh học tại trường THPT Kiến Thụy. Có lẽ, do những mâu thuẫn từ trước đó, một số nữ sinh trường THPT Kiến Thụy đã nhờ một số đàn chị của mình “xử” cô bạn trên. Nhưng điều đáng nói là khi sự việc này diễn ra, không một ai trong đám đông đứng lên bảo vệ, can ngăn bạn mình. Tất cả đều thờ ơ, và khá hứng thú với màn đánh đấm trên, mặc cho nạn nhân đau đớn, kêu cứu.

Theo thông tin trên báo Giaoduc.net.vn cho hay, Công an huyện Kiến Thụy đã vào cuộc điều tra làm rõ nhóm nữ sinh đánh bạn và nguyên nhân vụ việc để có biện pháp xử lý. Theo đại diện lãnh đạo trường THPT Kiến Thụy thì vụ việc được xác định xảy ra vào khoảng 16h đến 17h chiều tại thị trấn Núi Đối, gần trường THPT Kiến Thụy. Nhà trường đã biết vụ việc này cách đây hai ngày và đang phối hợp với công an để điều tra xác minh xem có học sinh nào của trường tham gia đánh bạn trong clip hay không. Nếu có, nhà trường sẽ có biện pháp xử lý theo quy định của Bộ giáo dục và nội quy của trường.

“Nhà trường cũng đã triệu tập một số giáo viên chủ nhiệm để nhận diện học sinh của mình và các giáo viên đều khẳng định là chưa thấy có học sinh của mình bị ghi hình trong clip”, đại diện lãnh đạo trường THPT Kiến Thụy khẳng định.

Bên phía lãnh đạo trường THPT Thụy Hương cho biết, nữ sinh bị đánh trong clip chính là học sinh của nhà trường. Hiện tại trường cũng đang phối hợp với công an để điều tra, nếu có kết luận nhà trường sẽ phối hợp với trường THPT Kiến Thụy để xử lý theo quy định. (Tiin.vn 27/9; Thùy Dương, Giaoduc.net.vn 27/9)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

8.     Gần 60 cán bộ sở, ngành được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đối ngoại

Sáng 27/9, Sở Ngoại vụ phối hợp với Vụ Thông tin báo chí-Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức lớp bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về công tác đối ngoại.

Gần 60 cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố được các giảng viên, chuyên gia của Vụ Thông tin báo chí, Viện nghiên cứu chiến lược- Học viện Ngoại giao giới thiệu một số nội dung chủ yếu: Kỹ năng đàm phán và thuyết trình hiệu quả; nghiệp vụ về thông tin báo chí, công tác thông tin đối ngoại; kỹ năng cơ bản trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin, thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí, nhất là những nội dung phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tình hình an ninh chính trị, xã hội; cách thức và quy trình tổ chức họp báo; triển khai các văn bản Nhà nước về quản lý thông tin đối ngoại... Lớp  học này góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành trong công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế. (Báo Hải Phòng 28/9, tr1)

KINH TẾ

9.     Chứng khoán Dầu khí được đóng cửa chi nhánh

Ngày 26/9, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định 765 chấp thuận cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí đóng cửa Chi nhánh Hải phòng tại địa điểm tầng 2, Số 5 Hồ Xuân Hương, quận Hồng Bàng.

Chi nhánh Hải phòng phải chấm dứt các hoạt động (theo sự phân cấp, ủy quyền của Chứng khoán Dầu khí) quy định tại Quyết định số 41/2011 của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp. (Tiểu Yến, NDHMoney.vn 28/9)

10.            Dịch vụ hậu cần nghề cá của Hải Phòng: Thiếu và yếu

Bộ NN&PTNT đang đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng Hải Phòng trở thành 1 trong 5 trung tâm hậu cần nghề cá cấp vùng của cả nước. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này còn nhiều việc phải làm, bởi trên thực tế dịch vụ hậu cần nghề cá của Hải Phòng còn những bất cập. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác và chế biến thủy sản của địa phương.

Anh Nguyễn Văn Triệu, ngư dân tập đoàn đánh cá xã Đại Hợp (Kiến Thụy) cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều tàu vươn khơi phải bán sản phẩm ngay tại ngư trường, chủ yếu là cho các tàu thu mua của miền Trung và cả tàu thu mua của thương nhân Trung Quốc. Bởi, đưa tàu về bến các cơ sở thu mua không có điều kiện bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm dễ hỏng. Bao nhiêu công mình giữ được cá tươi, về đến bến cơ sở thu mua ít, lại không có kho bảo quản ngay nên sản phẩm lại càng mau hỏng, rồi họ vin vào đó, ép giá. Vậy nên bán ngay tại ngư trường, đỡ phải lo bảo quản, chẳng phải chịu cảnh tàu ra khơi phải chở theo nước đá, lúc về bờ có cá, tàu lại càng nặng hơn. Như vậy vừa tiêu tốn nhiên liệu, khiến chi phí đi biển tăng, hiệu quả chẳng còn bao nhiêu”.

Thực tế tại nhiều bến cá ở Hải Phòng, cơ sở thu mua và dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) thiếu và yếu. Thành phố hiện có 6 cảng cá là Cát Bà, Trân Châu huyện Cát Hải), Ngọc Hải (Đồ Sơn), Bạch Long Vỹ, Tây Bạch Long Vỹ và cảng cá Hạ Long (quận Ngô Quyền). Ngoài ra có 8 bến cá DVHCNC. Trong đó, chỉ có cảng cá Cát Bà là cảng cá loại 1. Các cảng cá, bến DVHC khác mới phục vụ được một số khâu như  cung cấp ngư, lưới cụ, xăng dầu, nước đá, Nhưng, khâu ngư dân cần nhất là bảo quản sau đánh bắt và thu lại gần như  bỏ ngỏ. Chính vì thiếu dịch vụ liên hoàn nên ngư dân không đưa sản phẩm về bờ, mà bán ngay ngoài ngư trường, một số cảng, bến cá giảm sức hút đối với các tàu thuyền đánh cá trong khu vực.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ, năm 2011, có khoảng 8000 lượt tàu đánh cá vào âu cảng Bạch Long Vỹ neo đậu, giảm 14 nghìn lượt chiếc so với năm 2006. Trong khi đó, số tàu cá hoạt động ở vịnh Bắc bộ là 44 nghìn tàu. Tàu vào âu cảng ít đi, nên các khâu HCDVNC giảm mạnh. Từ chỗ có 7 cơ sở  sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản, hệ thống cung ứng nước ngọt, nhiên liệu, cơ sở sản xuất bột cá, sửa chữa tàu, cung ứng vật tư ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm và Công ty thương mại xuất khẩu Hải Phòng (đầu tư hơn 50 tỷ đồng), đến nay, chỉ còn một số tư nhân dịch vụ dầu, nước ngọt và nước đá. Cơ sở hạ tầng khu DVHCNC tại Bạch long Vĩ xuống cấp, thiếu điện, nước, thông tin liên lạc kém, không có dịch vụ ngân hàng.

Cùng cảnh này là các bến DVHCNC như Mắt Rồng (Thủy Nguyên), Ngọc Hải (Đồ Sơn), Quan Chánh (Đại Hợp)…Nhiều bến cá nhỏ quy mô địa phương hiện sa bồi, cơ sở hạ tầng xuống cấp không thể sử dụng được. Do đó, số cảng cá, bến cá có thể neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão của Hải Phòng giảm từ 27 xuống còn 14 khu vực, mục tiêu 20 km bờ biển, hải đảo có một điểm DVHCNC của thành phố khó thực hiện.

Theo Sở NN&PTNT, tiến độ xây dựng 6 dự án xây dựng khu neo đậu, DVHCNC lớn của thành phố chậm và đầu tư kéo dài. 4 dự án cơ bản hoàn thành là khu neo đậu tàu thuyền Bạch Long Vĩ, Ngọc Hải (Đồ Sơn), cảng cá Cát Bà, bến cá Mắt Rồng (Thủy Nguyên) hiện còn những hạng mục dở dang. Ví dụ: dự án khu neo đậu tàu thuyền và DVHCNC Ngọc Hải từ năm 2000 đến nay, qua 3 lần điều chỉnh, bổ sung có 18/20 hạng mục hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn 2 hạng mục phao tiêu biển báo dẫn đường; đê tiêu năng, kè đá chống sa bồi chưa được thực hiện.

Việc chậm thi công và đầu tư kéo dài khiến dự án chưa phát huy hết tác dụng, hiện khu vực phía nam cảng bị sa bồi, khó khăn cho tàu ra, vào bến. Dự án bến cá Mắt Rồng cũng qua 3-4 lần điều chỉnh, nay mới hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 dự án mới hoàn thành 70% khối lượng công việc. Dự án cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền Bạch Long Vĩ sau khi được bổ sung thêm dự án thành phần, gia cố cảng và khu neo đậu theo nguồn vốn chương trình Biển Đông- hải đảo năm 2007, hiện thi công mới đạt 55% kế hoạch. Hai khu neo đậu tránh trú bão Trân Châu- Cát Bà (huyện Cát Hải) và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Quan Chánh, xã Đại Hợp (Kiến Thuỵ) đều thi công từ năm 2005, đến nay chưa hoàn thành.

Có thể thấy, các dự án khu neo đậu tàu thuyền, DVHCNC trên địa bàn thành phố đều chậm, thi công dở dang và kéo dài. Nhiều dự án triển khai từ năm 2000 đến nay vẫn chưa hoàn thành, do vốn đầu tư nhỏ giọt, dàn trải qua nhiều năm, nhiều dự án phải điều chỉnh hạng mục, mất thời gian. Chính vì vậy, tàu khai thác thuỷ sản sử dụng bến neo đậu, DVHCNC trong tình trạng dở dang, chắp vá, thiếu an toàn, đặc biệt vào mùa mưa bão.

Để các dự án DVHCNC phát huy hiệu quả, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục dự án, ưu tiên đầu tư đồng bộ dứt điểm đối với các dự án đã cơ bản hoàn thành, để sớm khai thác hiệu quả. Hướng tới mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc, thành phố cần quy hoạch, xây dựng cảng DVHCNC hiện đại, đáp ứng dịch vụ cấp vùng. Tránh đầu tư xây nhiều cảng, nhưng dàn trải như hiện nay. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 28/9, tr3)

11.            Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng và đấu giá đất

Quận Dương Kinh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu trung tâm hành chính quận, trụ sở Quận ủy – UBND quận và các tổ chức đoàn thể.

Đồng thời triển khai đưa vào sử dụng quy hoạch không gian đô thị quận tỷ lệ 1/2000 trong thời gian sớm nhất, tập trung thực hiện dự án khu tái định cư tập trung tại phường Anh Dũng và các dự án đấu giá đất trên địa bàn. (Báo Hải Phòng 28/9, tr4)

12.            Tiên Lãng: Hỗ trợ nông dân 50% giá giống rơm, nấm mỡ

Để khuyến khích người dân các địa phương mở rộng diện tích, quy mô sản xuất các loại nấm, huyện Tiên Lãng trích ngân sách hỗ trợ 50% giá giống nấm rơm, nấm mỡ cho các hộ.

Niên vụ nấm 2012-2013, bà con tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của huyện và sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật. (Báo Hải Phòng 28/9, tr3)

13.            Chế biến thủy sản xuất khẩu: Sử dụng 70 nghìn tấn nguyên liệu/năm

Theo Sở NN&PTNT, mỗi năm, sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản của Hải Phòng đạt khoảng 70 nghìn tấn. Trong đó có khoảng 17.500-18.000 tấn có chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao.

Nguyên liệu chế biến chủ yếu từ ba nguồn chính khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản của vùng và từ các địa phương khác đến. (Báo Hải Phòng 28/9, tr3)

14.            Huyện Kiến Thụy: Thiếu khu vực neo đậu, khó phát triển khai thác thủy sản

Có vị trí gần biển, tiện sông, nhiều năm qua, khai thác thuỷ sản trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả của huyện Kiến Thụy. Hiện nay, huyện có một số tập đoàn đánh cá lớn là Đông Tác, Quần Mục (Đại Hợp), Nam Hải (Đoàn Xá) và một số đội tàu đánh bắt ven bờ của Tân Trào, Ngũ Đoan...Nhưng các tập đoàn đánh cá này đều gặp khó khăn về khu vực bến neo đậu tàu thuyền.

Huyện Kiến Thụy hiện có 434 phương tiện khai thác thuỷ sản với công suất hơn 11 nghìn CV. Trước đây, các phương tiện khai thác của các tập đoàn đánh cá lớn này đều có bến neo đậu ngay tại địa phương nhưng nay, những khu neo đậu này phần lớn đều xuống cấp, nông đầy, khiến tàu thuyền khó neo đậu. Ví dụ trước đây xã Đại Hợp có hai khu vực bến neo đậu là bến Quần Mục và bến cá Đông Tác, nhưng nay bến cá Quần Mục bị cạn do phù sa bồi lấn, nên hơn 60 phương tiện đánh bắt vươn khơi không còn chỗ neo đậu, phải neo đậu nhờ bến cá Ngọc Hải và Đông Tác. Năm 2003, xã đầu tư kinh phí để nâng cấp bến cá Đông Tác nhưng thực tế bến cá này chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân, vì còn thiếu nhiều thiết bị dịch vụ hầu cần nghề cá. Dự án nâng cấp bến cá Quan Chánh thuộc xã Đại Hợp được đưa vào danh sách đầu tư của thành phố từ năm 2005, với kinh phí tương đối lớn, nhưng đến nay vẫn đang thi công, chưa đưa vào sử dụng. Huyện Kiến Thụy cũng đề nghị thành phố hỗ trợ xây dựng một bến dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô cấp huyện tại thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá, nhưng nhiều năm trôi qua, chưa thấy dự án có tín hiệu gì.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân trong huyện thì tình trạng các bến neo đậu tàu thuyền liên tục bị nông đầy, thu hẹp, không sử dụng được đang khiến công việc khai thác thuỷ sản gặp nhiều khó khăn. Ngư dân phải mất nhiều thời gian, công sức hơn khi phải cho tầu neo đậu nhờ các bến khác, hay bị tư thương ép giá khi bán sản phẩm đánh bắt ngay tại các ngư trường hoặc chợ thuỷ sản thuộc địa phương khác. Không ít ngư dân muốn đầu tư đóng mới tàu đánh cá với công suất lớn, nhưng cứ nghĩ đến việc phải neo đậu tàu nhờ các bến khác họ lại chần chừ. Mỗi khi có bão gió việc tìm khu neo đậu tàu thuyền an toàn cũng không dễ dàng. Một số tập đoàn đánh cá đã tính đến việc đầu tư kinh phí cho việc nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền của địa phương nhưng dự tính mức kinh phí quá, quá sức của địa phương, nên một là đầu tư nâng cấp nhỏ lẻ từng phần hoặc đành thôi. (Vân Khánh, Báo Hải Phòng Online 28/9)

XÃ HỘI

15.            Cứu sống 2 người trong vụ chìm thuyền

Tàu BN 1089 đã va chạm với 2 chiếc thuyền của anh Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Toàn khiến 2 thuyền này chìm tại chỗ. Sau gần 1 giờ, tổ công tác đã cứu thành công 2 anh Thắng và Toàn.

1h ngày 25/9, tàu BN 1089 do anh Nguyễn Văn Xoay làm thuyền trưởng hành trình từ Quảng Ninh về Phà Rừng, khi tới khu vực Mốc Xanh - sông Chanh đã va chạm với 2 chiếc thuyền của anh Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Toàn, cùng trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh khiến 2 thuyền này chìm tại chỗ.

Nhận được tin báo, Trạm kiểm tra, giám sát sông, vịnh (Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng) đã nhanh chóng cử lực lượng cứu hộ, tìm kiếm 2 nạn nhân trên thuyền. Sau gần 1 giờ, tổ công tác đã cứu thành công 2 anh Thắng và Toàn. (B.Diệp, Công An Nhân Dân 28/9, tr8)

16.            Phường Hoàng Văn Thụ khánh thành nhà tình nghĩa tặng thương binh

Sáng 27/9, Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khu vực Miền Bắc phối hợp với UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng tổ chức khánh thành nhà tình nghĩa tặng gia đình thương binh Đinh Hữu Nghiệp tại số nhà 20/32 phố Trần Quang Khải.

Ông Đinh Hữu Nghiệp là thương binh hạng 4/4, gia đình thuộc diện khó khăn, không có khả năng xây dựng nhà. Với tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tập thể cán bộ nhân viên Vietnam Airlines khu vực phía Bắc và Văn phòng đại diện Hải Phòng quyên góp 80 triệu đồng, cùng với quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của phường, một số cơ quan, doanh nghiệp, tổ dân phố giúp đỡ gia đình ông Nghiệp xây dựng căn nhà mới với diện tích khoảng 40 m2, tổng giá trị xây dựng 110 triệu đồng. (Báo Hải Phòng Online 27/9)

17.            Phố Cầu Đất tắc đường vì khách hàng mua bánh Trung thu

Những ngày này, tại khu vực đường Cầu Đất, một số cửa hiệu bán bánh Trung thu truyền thống luôn tấp nập khách tới mua hàng. Nhiều thời điểm trong ngày như gần trưa hoặc chiều tối xảy ra cảnh ùn tắc cục bộ, người mua hàng chen chúc trong các hiệu bánh để mua hàng.

Đông khách nhất là các cửa hiệu bánh Đông Phương, Thanh Lịch, Như Ý… Trước cửa hiệu bánh Đông Phương, xe máy xếp mấy hàng trên vỉa hè và cả dưới lòng đường, lực lượng công an, bảo vệ rất vất vả để giữ trật tự và điều tiết giao thông. Do lượng khách khá đông nên cửa hàng này nhiều khi không có đủ hàng để bán, càng gây ra cảnh chen lấn để mua  được hàng.

Đây là một hiện tượng hiếm thấy trong những năm gần đây ở Hải Phòng vì nguồn cung bánh Trung thu ngày càng nhiều. Trong đó có nhiều tên tuổi của doanh nghệp lớn, sản lượng nhiều như Kinh Đô, Bibica… Tuy nhiên, năm nay, thị hiếu của người dân Hải Phòng lại quay trở về ưa chuộng loại bánh Trung thu truyền thống nên các cửa hàng trên mới đông khách. Thậm chí, ngay cả một số chủ hiệu cũng không lường trước được tình hình nhu cầu tăng trong những ngày giáp Tết Trung thu nên chưa chuẩn bị  kịp, dẫn tới tình trạng thiếu nhỡ bánh cục bộ trong ngày.

Trong khi các cửa hàng bán bánh Trung thu truyền thống đông khách thì nhiều cửa hàng khác vẫn vắng teo. Điều đó cho thấy nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng dần hướng tới những sản phẩm gia truyền, có giá trị, có ý nghĩa và có mức giá vừa phải với điều kiện kinh tế hiện nay. Đây cũng chính là yếu tố để bánh Trung thu truyền thống tìm lại được chỗ đứng trên thị trường. (Báo Hải Phòng Online 27/9)

18.            Thu hơn 2 tỷ đồng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc

Từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội quận Dương Kinh thu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bắt buộc với giá trị hơn 2 tỷ đồng tại 155 đơn vị với 5.900 lao động.

Đồng thời, đơn vị thu 5,1 triệu đồng bảo hiểm y tế tự nguyện đối với 9 trường hợp, cấp 22 thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và chi trả thường xuyên 1.896 đối tượng với số tiền 4.578 triệu đồng. (Báo Hải Phòng 28/9, tr4)

19.            Trung tâm dạy nghề Vĩnh Bảo: Đào tạo nghề 1.357 lượt lao động nông thôn

9 tháng năm 2012, Trung tâm dạy nghề huyện Vĩnh Bảo thu hút 1.357 lượt người đến học, tăng 150% so với cùng kỳ, trong đó có 15 lớp học nghề cho 515 lao động nông thôn theo Đề án 1956; 5 lớp tin học văn phòng…

Trung tâm còn phối hợp với Phòng nội vụ bồi dưỡng kiến thức soạn thảo văn bản cho 100 học viên là cán bộ các xã, thị trấn và các trường học trên địa bàn huyện. (Báo Hải Phòng 28/9, tr3)

20.            Tập  huấn kiến thức pháp luật về khai thác thủy sản cho hơn 100 ngư dân

Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng vừa triển khai chương trình hỗ trợ kiến thức, phỏ biến pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phối hợp thông tin liên lạc trên biển và phổ biến tình hình an ninh biển đảo, một số cơ chế chính sách của Nhà nước vè phát triển kinh tế thủy sản cho hơn 100 ngư dân tại quần đảo Cát Bà.

Chương trình có sự phối hợp giữa Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với Đài thông tin Duyên hải khu vực Hải Phòng. (Báo Hải Phòng 28/9, tr3)

VĂN HOÁ

21.            Rộn ràng đêm hội “Vầng trăng yêu thương”

Trong không khí tưng bừng chào đón Tết Trung thu năm 2012, tối 27-9 (tức 12 tháng 8 âm lịch), tại Nhà hát thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phối hợp tổ chức đêm hội “Vầng trăng yêu thương”.

Các đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; Phạm Tiến Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố, cùng hàng nghìn trẻ em thành phố tới dự đêm hội.

Sau màn múa lân, múa trống khai hội, các vị đại biểu cùng đông đảo thiếu nhi nghe đọc thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thiếu nhi cả nước nhân dịp Tết Trung thu năm 2012; tìm hiểu sự tích chú Cuội- chị Hằng qua màn múa rối sinh động và thưởng thức chương trình ca -múa -nhạc đặc sắc do các đội văn nghệ Cung văn hóa thiếu nhi thành phố biểu diễn. Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, mang lại sự hào hứng, thích thú cho người xem, nhất là thiếu nhi, như “Tiếng trống đêm trăng”, “Trống cơm”, “Chú Cuội chơi trăng”, “Về miền cổ tích”…

75 em đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn thành phố nhận quà và học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em và Đoàn Thanh niên thành phố, mỗi suất trị giá 700 nghìn đồng…140 em có hoàn cảnh khó khăn tại 3 quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và trẻ em ở các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố như: Nhà tình thương Niệm Nghĩa, Trường Giáo dục lao động Thanh Xuân, Làng trẻ SOS, Làng Nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thính, khiếm thị, được nhận quà của thành phố.

Phát biểu tại đêm hội “Vầng trăng yêu thương”, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam dặn dò thiếu nhi thành phố Cảng phấn đấu học tập, rèn luyện, trau dồi đạo đức, trở thành công dân tốt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được vui chơi, học tập và có cuộc sống ngày càng tốt hơn, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho trẻ em, ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố, góp phần cùng thành phố chăm lo, giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

Nhân dịp này, 106 đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố gần 956 triệu đồng, góp phần thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố. (Báo Hải Phòng 28/9, tr2)

22.            Phát động cuộc thi “Biển, đảo Tổ quốc em”

Tại Trường tiểu học Vạn Sơn (quận Đồ Sơn), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung tâm đào tạo và truyền thông biển, hải đảo Báo Thiếu niên Tiền Phong vừa phát động cuộc thi “Biển, đảo Tổ quốc em”.

Trong thời gian từ nay tới 30/11, Ban tổ chức nhận bài tham dự cuộc thi của học sinh các cấp trên toàn quốc. (Báo Hải Phòng 28/9, tr2)./.

 

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố