Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/4/2016)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/4/2016)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1. Ban bầu cử đại biểu Quốc hội số 1: 100% các xã, phường, thị trấn trực thuộc hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri

Chiều 27-4, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội số 1, thành phố Hải Phòng, họp giao ban đánh giá công tác triển khai công tác bầu cử tại các địa phương và kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công của các thành viên.

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội số 1 gồm các quận, huyện: Hồng Bàng, Lê Chân, Cát Hải, Thủy Nguyên và Bạch Long Vỹ; trong đó, quận Hồng Bàng là cơ quan thường trực. Ban bầu cử số 1 được bầu 3 đại biểu Quốc hội với 5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Đến ngày 12-4, 100% các xã, phường, thị trấn thuộc Ban bầu cử đại biểu Quốc hội số 1 hoàn thành niêm yết danh sách cử tri với tổng số cử tri hơn 511.400 người. Bên cạnh đó, các tổ bầu cử chủ động chuẩn bị các cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt cho cuộc bầu cử. Các quận, huyện thành lập các tổ công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội, nắm chắc diễn biến tình hình về an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, trang trí khánh tiết ngày bầu cử được thực hiện đồng bộ, rộng khắp với nhiều hình thức, phát hành tờ rơi, tuyền truyền loa truyền thanh, xây dựng cụm thông tin cổ động tổng hợp,...Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến công tác bầu cử và ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa 14 được chú trọng. Đến thời điểm này, quận Hồng Bàng đơn vị thường trực chưa nhận được đơn thư, khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14. (Thu Thủy - Báo Hải Phòng 28/04/2016)

2. Thông qua kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố

Chiều 27/4, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban chỉ đạo Thành ủy về bầu cử, Chủ tịch UBBC thành phố chủ trì cuộc họp của Ủy ban bầu cử thành phố thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác vận động bầu cử của ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch và thành viên Ủy ban bầu cử thành phố.

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Mợi, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố báo cáo dự kiến kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021. Theo quy định tại điều 64, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thời gian tổ chức các hoạt động vận động bầu cử bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (từ ngày 27/4) đến trước 7 giờ ngày 21/5/2016.

Trên cơ sở tình hình địa phương, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố xây dựng kế hoạch dự kiến tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV từ 6/5 đến 18/5. Chiều 29/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ mời ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV dự Hội nghị hướng dẫn, thống nhất thời gian, chương trình tiếp xúc cử tri. Theo kế hoạch, mỗi quận, huyện thuộc đơn vị bầu cử, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ tiếp xúc cử tri vận động bầu cử 1 cuộc; riêng huyện Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo mỗi huyện 2 cuộc.

Như vậy, số cuộc tiếp xúc cử tri đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 1 (Hồng Bàng, Lê Chân, Thủy Nguyên, Cát Hải, Bạch Long Vĩ) và đơn vị bầu cử số 3 (gồm Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến An, Đồ Sơn) là 6 cuộc; tại đơn vị bầu cử số 2 (gồm Ngô Quyền, Hải An, Dương Kinh, Kiến Thụy, An Dương) là 5 cuộc. Lịch tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Quốc hội của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch riêng.

Thời gian tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ thống nhất với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện ban hành kế hoạch cụ thể. Mỗi ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp xúc cử tri mỗi quận, huyện thuộc đơn vị bầu cử 1 cuộc. Việc tổ chức vận động bầu cử bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng, trên nguyên tắc không cùng lúc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên 2 cấp đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố hoặc đại biểu HĐND thành phố và đại biểu HĐND cấp huyện trên cùng một địa bàn. Dự kiến số lượng cử tri tại các cuộc tiếp xúc vận động bầu cử từ 120 đến 500 người.

Hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Đào Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban bầu cử thành phố trình bày dự kiến kế hoạch tổ chức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố. Theo đó, người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố đều có thể trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, thời gian từ sau khi Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị triển khai vận động bầu cử đến khi kết thúc thời gian vận động bầu cử theo luật định (trước 7 giờ ngày 21/5).

Tại hội nghị, các đồng chí thành viên Ủy ban bầu cử nhất trí cao với kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 và kế hoạch tổ chức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố.

Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với UBND thành phố khẩn trương lên kế hoạch cụ thể hơn để tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm đúng Luật, công bằng, dân chủ; Ủy ban MTTQ các cấp cần có ngay kế hoạch tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đối với ứng cử viên đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2016-2021 và sớm có văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện. Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2010-2015, quý I/2016 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2015-2020 để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 sử dụng trong các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; UBND thành phố ban hành ngay kế hoạch tổ chức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố để các ứng cử viên và đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện. (Báo Hải Phòng 28/04/2016 28/04/2016)

3. Hải Phòng chính thức thành lập Sở Du lịch

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 666/ QĐ –UBND ngày 26 -4 -2016 quyết định về việc thành lập Sở Du lịch thành phố Hải Phòng.

Theo quyết định này, Sở Du lịch thành phố Hải Phòng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hải Phòng; tham mưu, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực du lịch trong phạm vi quản lý của Sở; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND thành phố; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về cơ cấu tổ chức, Sở có Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc, tổng số biên chế không quá 30 người; trụ sở đặt tại số 72 phố Trần Phú, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 26 -4 -2016. (Báo Hải Phòng 28/04/2016)

4. Đoàn cán bộ thành phố thăm và làm việc tại tỉnh Kagawa (Nhật Bản)

Đoàn cán bộ thành phố  do đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Kagawa (Nhật Bản).

Tại Kagawa, Đoàn làm việc với ngài Keizo Hamada - Thống đốc tỉnh, ngài Osamu Tujimura – Chủ tịch Hội đồng tỉnh và gặp gỡ Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt thuộc Hội đồng tỉnh Kagawa.

Trong các cuộc làm việc, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn giới thiệu tới lãnh đạo tỉnh Kagawa những thành tựu nổi bật của thành phố trong phát triển kinh tế- xã hội năm qua, các công trình quan trọng đã và đang chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng giúp thành phố  hoàn thiện về hạ tầng, tạo đà phát triển như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sân bay Cát Bi... Phó chủ tịch đề nghị phía bạn quan tâm và vận động các đối tác liên quan ở Nhật Bản cùng phía Việt Nam nghiên cứu mở đường bay trực tiếp từ Nhật Bản đến sân bay Cát Bi.

Lãnh đạo tỉnh Kagawa bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của thành phố Hải Phòng; nhấn mạnh ấn tượng tốt đẹp về thành phố khi tham dự Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 4 và kỷ niệm 60 năm giải phóng Hải Phòng (năm 2015); bày tỏ coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa Hải Phòng và Kagawa.

Hai bên đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai địa phương kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác. Tỉnh Kagawa giúp thành phố đào tạo cán bộ về hành chính công, y tế dự phòng. Hiện, tỉnh hỗ trợ thành phố Hải Phòng triển khai dự án do Hội đồng các chính quyền địa phương về quan hệ quốc tế của Nhật Bản (CLAIR) tài trợ. Lãnh đạo hai địa phương cũng chia sẻ những điểm tương đồng về con người, tự nhiên, văn hóa giữa Kagawa và Hải Phòng. Hai bên tin tưởng rằng với nỗ lực chung của cả hai phía, những điểm tương đồng đó làm nền tảng thúc đẩy hợp tác hiệu quả vì lợi ích của nhân dân Hải Phòng và Kagawa.

Tại Kagawa, đoàn cũng tham dự một số hoạt động của Lễ hội Setouchi Triennale 2016. Đây là lễ hội lớn của tỉnh, được tổ chức định kỳ 3 năm/ lần, cho thấy tỉnh Kagawa khai thác tốt vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với giới thiệu văn hóa truyền thống, cùng phát triển các ý tưởng hiện đại trong tổ chức lễ hội. Phương thức tổ chức lễ hội qua đó hỗ trợ thúc đẩy du lịch ở Kagawa cũng là một kinh nghiệm để thành phố Hải Phòng có thể tham khảo. (Báo Hải Phòng 28/04/2016)

5.Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm: Hải Phòng phát hiện gần 2.400 cơ sở vi phạm VSATTP

Sáng 27-4, đã diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc với Chính phủ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hải Phòng, tham dự có đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Bình - Phó chủ tịch UBND thành phố cùng các sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 6.557 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 21 tỷ đồng. Trong đó, số vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm “bẩn” là trên 1.200 vụ. Riêng quý I/2016, cả nước đã phát hiện, xử lý 4.076 vụ vi phạm. Nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến lạm dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, chế biến, bảo quản thực phẩm chưa được xử lý triệt để. Còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật vi phạm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất và bảo quản, sơ - chế biến... Một số địa phương chưa quan tâm quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm.

Tại Hải Phòng, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đã được những kết quả nhất định. Tuy nhiên tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong năm 2015, các đoàn thanh tra kiểm tra của BCĐ liên ngành ATPP thành phố đã tiến hành kiểm tra trên 11 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, phát hiện gần 2.400 cơ sở vi phạm.

Toàn thành phố có 6 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 581 người mắc, đặc biệt nghiêm trọng là vụ ngộ độc xảy ra tại Công ty Regina Mirade (thuộc Khu công nghiệp Vsip, huyện Thủy Nguyên) ngày 28-12-2015 khiến 435 người đi cấp cứu. Trong quý I/2016, phát hiện 50 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm, 25 cơ sở có bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh suất ăn sẵn không đạt yêu cầu trong các đợt kiểm tra ATTP.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công. Vì vậy, việc mất an toàn thực phẩm xảy ra tại xã, huyện, tỉnh, thành phố nào thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh, thành phố đó phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là lãnh đạo các ngành liên quan".

Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải đảm nhiệm chức danh Trưởng ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tại địa phương; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc kiểm tra, phát hiện, thông tin kịp thời với cơ quan chức năng để chống lại vấn nạn sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Thủ tướng gợi ý việc xã hội hóa nguồn kinh phí quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời đồng ý để lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính cho các địa phương phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm. Yêu cầu các lực lượng chức năng: Quản lý thị trường, hải quan, công an phải vào cuộc cương quyết, điều tra, xử lý các vi phạm ở mức cao nhất để mang lại niềm tin cho nhân dân. (An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

 AN NINH - PHÁP LUẬT

6. 2 tiền án vẫn tái phạm

Đã ở cái tuổi ngoài lục tuần nhưng Nguyễn Quang Thịnh, sinh 1952, ở Trần Bình Trọng, Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền, vẫn chìm đắm trong bóng “ma”. Cùng chỉ vì nghiện, Thịnh đã khiến gia đình tan nát, vợ chồng phải ly tán. Còn bản thân gã, hiện phải thuê nhà để có chốn nương thân.

Những ngày sống tụ vạ, Thịnh đã ghi vào lý lịch của mình 2 tiền án cùng về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đó là vào năm 2003, bị TAND quận Lê Chân xử phạt 54 tháng tù; năm 2009, Thịnh tái phạm và tiếp tục phải ra đứng trước vành móng ngựa của TAND huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh, lĩnh 5 “cuốn lịch”. Mãn hạn tù về địa phương, Thịnh chẳng rũ bỏ được ma túy mà ngày càng nghiện nặng.

Tối 29-3-2016, Thịnh mò ra khu vực đường tàu quận Lê Chân mua 2 triệu đồng ma túy “đá” và heroin của người không quen biết về sử dụng. Mua được hàng, Thịnh cất vào trong người, rồi phóng xe máy sang Kiến An thăm người bạn thân. Đến 21h40 cùng ngày, khi Thịnh đi đến đường Trần Tất Văn, thuộc phường Tràng Minh, thì bị tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về ma túy CAQ Kiến An phối hợp với CAP Tràng Minh bắt giữ; tang vật thu giữ gồm: 1 gói tinh thể màu trắng, có trọng lượng 4,81g, qua giám định là methamphetamine; 1 gói chất bột màu trắng, trọng lượng 1,65g, qua giám định là heroin, số tiền 13.190.000 đồng; 8 tờ giấy bạc, 1 điện thoại Iphone 5s, 1 xe máy.

Hiện CAQ Kiến An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Quang Thịnh về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo điều 194 BLHS, để tiếp tục điều tra làm rõ. (Thành Đồng - An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

7. Cãi nhau với vợ, "xử" anh em đồng hao bằng 12 nhát dao

TAND TP.Hải Phòng vừa tuyên phạt Trần Văn Kháng (SN 1979, trú tại thôn 8, xã Thuỷ Triều, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) mức án tù chung thân về tội Giết người.

Theo cáo trạng, khoảng 22h30 ngày 28.12.2015, Trần Văn Kháng bực tức với vợ là Trần Thị Phượng vì đã cho hai con nhỏ đi chơi về khuya. Khi chị Phượng vừa từ nhà chị gái về đến nhà, Kháng đã tát nhiều cái vào mặt vợ. Bị chồng đánh, chị Phượng gọi điện cho chị gái là Trần Thị Tiến để kể tội chồng mình. Cho rằng em rể đối xử với em gái mình không tốt, chị Tiến đã đi sang nhà em gái rồi to tiếng với Kháng. Thấy vậy, Kháng đuổi chị Tiến ra khỏi nhà và đóng cửa lại. Thấy chị gái lớn tiếng mắng chửi chồng mình, sợ có xô xát xảy ra, chị Phượng đã điện thoại cho anh rể đến để đưa chị gái về.

Một lúc sau, anh Đỗ Văn Khuyến (SN 1975, cùng xã Thủy Triều) là chồng chị Tiến đến gọi chị Tiến về, đồng thời khuyên can Kháng mở cửa cho chị Phượng vào trong nhà. Do thấy Kháng không chịu mở cửa, chị Phượng đã bực tức lấy nửa viên gạch chỉ ở gần đó ném vào cửa nhà mình. Kháng ở trong nhà tưởng anh Khuyến ném gạch gây sự nên đã vào bếp lấy 1 con dao nhọn mở cửa đi ra. Thấy anh Khuyến đang đứng ở bậc thềm lên xuống trước cửa nhà mình, Kháng dùng dao dâm liên tiếp hai nhát vào vùng bụng và ngực của anh Khuyến. Anh Khuyến bỏ chạy nhưng Kháng không dừng ở đó mà đuổi theo đâm nhiều nhát vào lưng anh Khuyến khiến anh tử vong. Sau khi đâm 12 nhát dao vào người anh Khuyến, Kháng mang dao đi rửa rồi cất ở đầu giường ngủ của vợ chồng mình.

HĐXX đã tuyên phạt Trần Văn Kháng tù chung thân về tội Giết người theo quy định. Về bồi thường dân sự bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 117.500.000 đồng tiền mai táng phí và bồi thường tổn thất tinh thần, tiền cấp dưỡng nuôi bố mẹ bị hại và tiền cấp dưỡng nuôi 2 con bị hại đến năm 18 tuổi. (Việt Chinh - Báo Lao động 28/04/2016)

8. Dắt vợ vào tù

Kẻ có “tình” với vợ đến vậy là Phạm Văn Mạnh, sinh 1982, ở thôn Đông, xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên. Mạnh từng bị xử phạt 8 năm tù giam về tội “Cướp tài sản” nhưng Vũ Thị Hồng, sinh 1986, ở thôn Xuân Áng, thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, đã bỏ qua quá khứ đen đúa của Mạnh mà chấp nhận lấy anh ta làm chồng. Lấy phải một anh chồng vô tích sự, Hồng còn phải “đèo bòng” thêm cái tội nợ khi phải chung sống với kẻ nghiện ma túy như Mạnh. Để rồi, cuộc đời Hồng cứ thế trượt sâu vào tội lỗi theo cơn nghiện của chồng…

Do không có tiền chi tiêu chích choác, Mạnh đã bàn và thống nhất với Hồng đi mua ma túy về để Mạnh sử dụng, đồng thời bán lại cho các đối tượng nghiện để kiếm lời. Theo thỏa thuận, cả hai cùng sang khu vực đường tàu nội thành Hải Phòng cất hđng. Mạnh là người trực tiếp mua và bán ma túy cho các đối tượng nghiện, còn Hồng đưa tiền cho Mạnh mua ma túy. Sau khi bán hết hđng Mạnh lại đưa tiền cho Hồng quản lý, tính toán tiếp tục quay vòng mua “hàng” và chi tiêu sinh hoạt cho hai người.

Sáng 1-10-2015, Mạnh và Hồng cùng bắt xe buýt sang khu vực đường tàu nội thành. Sau khi đưa cho Mạnh 200 nghìn đồng để đi mua ma túy, Hồng đứng đợi ở ngoài. Vào trong, Mạnh mua của một người không quen biết 4 gói ma túy với giá 200 nghìn đồng, cất giấu ma túy trong người rồi ra cùng Hồng bắt xe buýt về lại huyện Thủy Nguyên. Khoảng 9h cùng ngày, Mạnh nhận được điện thoại của P.Q.T., sinh 1970, ở xã Phục Lễ, gọi đến hỏi mua ma túy. T. là bạn hàng quen, đã từng nhiều lần mua ma túy của Mạnh.

Do vậy, khi nhận được điện thoại, Mạnh đồng ý bán cho T. 2 gói ma túy với giá 200 nghìn đồng và hẹn đến ngôi nhà hoang thuộc thôn 14 xã Ngũ Lão để giao dịch mua bán. Sau đó, Mạnh và Hồng đến điểm hẹn thì gặp T. và bạn của T. đang đứng đợi. Tại đây, Mạnh đưa 2 gói ma túy và nhận của T. 200 nghìn đồng đưa cho Hồng cất giữ. Việc trao đổi mua bán vừa xong thì tổ công tác của Đội CSĐT tội phạm về ma túy CAH Thủy Nguyên kết hợp với Công an Trạm CSND Bến Rừng và CAX Ngũ Lão phát hiện bắt quả tang; thu trong người T. 2 gói ma túy (nặng 0,01 gam), 1 ĐTDĐ; thu trong người Mạnh 2 gói ma túy (nặng 0,12 gam), 1 ĐTDĐ; thu trên người Hồng 1 ví da có 200 nghìn đồng. Số ma túy thu trong vụ án đều có thành phần heroin, hàm lượng là 83,2%.

Áp dụng điểm b khoản 2 điều 194-BLHS, ngày 25-3 vừa qua, TAND huyện Thủy Nguyên đưa vụ án ra xét xử đã tuyên phạt Phạm Văn Mạnh 9 năm tù giam, Vũ Thị Hồng 7 năm 6 tháng tù giam cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. (Xuân Ngọc - An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

GIAO THÔNG

9.Nút giao thông khác mức Lê Hồng Phong- Nguyễn Bỉnh Khiêm: Dự kiến khởi công vào dịp kỷ niệm 61 năm giải phóng Hải Phòng

Chiều 27-4, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc họp với các cơ quan của thành phố về xác định hướng tuyến nút giao khác mức giữa tuyến đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cùng làm việc có các đồng chí: Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch phụ trách HĐND thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố.

Tại cuộc họp, Sở Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn giám sát báo cáo về việc xây dựng nút giao thông khác mức tại ngã tư Lê Hồng Phong- Nguyễn Bỉnh Khiêm là xây dựng cầu vượt. Hướng tuyến được đề xuất là xây cầu vượt trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt qua đường Lê Hồng Phong với kiến trúc cầu vòm, kết cấu dầm thép, có dây treo theo mái vòm sắt cong, bảo đảm xe trọng tải lớn lưu thông, vừa bảo đảm vững chắc công trình, vừa tạo cảnh quan đẹp với ý tưởng như cổng chào từ phía Cảng hàng không quốc tế Cát Bi vào trung tâm thành phố. Nút giao thông này được thành phố và các bộ, ngành trung ương đặc biệt quan tâm xây dựng không chỉ nhằm từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông mà còn hạn chế tình trạng mất ATGT khu vực ngã tư này.

Tại hội nghị, đại diện các ngành nhất trí hướng tuyến cầu vượt theo hướng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vượt qua đường Lê Hồng Phong. Đồng thời thống nhất phương án xây dựng cầu dầm thép, bảo đảm vững chắc, vừa thi công nhanh.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc xây dựng cầu vượt tại nút giao thông trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm thiểu ùn tắc, kiềm chế tai nạn giao thông, vì vậy, thành phố quyết tâm xây dựng công trình vì sự phát triển thành phố trong hiện tại và tương lai. Hơn nữa, khi Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đi vào hoạt động, lượng phương tiện qua nút giao này sẽ rất lớn, xây dựng cầu vượt  tại đây là cần thiết. Đồng chí nhất trí hướng tuyến xây dựng cầu vượt theo trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm qua ngã tư Lê Hồng Phong-Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài chức năng bảo đảm giao thông, cầu vượt còn là điểm nhấn kiến trúc đô thị Hải Phòng. Đồng chí giao Sở GTVT chủ trì cùng  cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai dự án này vào đúng dịp kỷ niệm 61 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và yêu cầu thời gian thi công  dưới 12 tháng. (Báo Hải Phòng 28/04/2016)

10.Sớm có Quy định tốc độ tàu biển trong luồng Hải Phòng

Một nghịch lý đang tồn tại khá lâu tại cảng biển Hải Phòng là tàu neo đậu tại các cảng biển lại nơm nớp lo sợ khi có tàu khác đi qua với tốc độ cao gây sóng lớn. Sóng từ sông vỗ thẳng vào mạn tàu đang neo đậu, bốc xếp hàng hóa, làm tàu tròng trành, mất chính xác trong lúc cẩu hàng, dẫn đến nguy hiểm cho người đỡ hoặc cẩu, thậm chí gây nguy hiểm cho cả tàu. Quy định tốc độ tàu đi trong luồng chậm hơn sẽ là giải pháp tối ưu để bảo đảm an toàn cho tàu đến cảng.

Lo ngại  trước các phương tiện thủy chạy tốc độ cao gây ảnh hưởng sản xuất và mất an toàn cho phương tiện là cảm nhận chung của nhiều chủ tàu, làm hàng tại khu vực sông Cấm, từ đoạn Bạch Đằng đến Vật Cách. Tàu chạy với vận tốc trên 10 hải lý/giờ, tạo sóng lớn vào bờ, khiến tàu nghiêng ngả, gây nguy hiểm, nhất là các tàu đang xếp dỡ hàng hóa. Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng Trương Văn Thái chia sẻ, khi tàu cao tốc chạy qua khu vực cảng Chùa Vẽ làm các tàu neo đậu làm hàng ảnh hưởng, nhất là quá trình cẩu hàng, xếp hàng, thiếu chính xác. Đối với những tàu nhỏ đang cẩu hàng ở cảng, sóng lớn đập vào khiến tàu lắc liên hồi, phải mất khá lâu mặt sông mới yên trở lại. Điều đáng nói là từ đoạn luồng Vật Cách đến Bạch Đằng, cầu cảng san sát, khi tàu cao tốc chạy qua với tốc độ cao, tạo sóng vỗ vào cảng liên tiếp. Thực tế này khiến không chỉ các DN cảng, mà ngay cả lực lượng Cảnh sát giao thông thủy cũng bức xúc do nguy cơ  mất an toàn cho các phương tiện ngang sông và xà lan neo đậu để cẩu hàng bị sóng đánh chìm ngay tại cảng Nhiều lần  cơ quan chức năng thành phố họp, phản ánh gay gắt về tình trạng tàu chạy tốc độ cao trong luồng, nhưng vẫn không thuyên giảm vì thiếu chế tài xử lý.

Theo Ban ATGT thành phố, dọc tuyến đường thủy Bến Bính- Cát Bà có  nhiều cảng, việc tàu cao tốc chạy nhanh vừa nguy hiểm đối với các phương tiện lưu thông, vừa ảnh hưởng quá trình xếp dỡ. Mùa du lịch biển Hải Phòng 2016 đã bắt đầu, tuyến đường thủy lại nhộn nhịp, nếu không quy định tốc độ trên luồng, sẽ ảnh hưởng lớn đến lưu thông trong luồng cũng như với các phương tiện vận tải. Do đó, quy định tốc độ trên luồng và vận động các doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng tàu cao tốc là cần thiết.

Được biết, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng vừa có thông báo gửi các thuyền trưởng, chủ tàu, đại lý về tốc độ trong kênh Hà Nam giới hạn 10 hải lý/giờ. Đồng thời nghiêm cấm các phương tiện vượt nhau trong kênh. Đây là việc làm nhằm bảo đảm an toàn các phương tiện. Nhưng như vậy là chưa đủ,  lãnh đạo các cảng biển còn mong muốn quy định tốc độ trong đoạn luồng Bạch Đằng và Vật Cách cụ thể hơn để không bị ảnh hưởng trước sóng do tàu cao tốc gây ra. Đặc thù của luồng Hải Phòng đan xen giữa đường thủy nội địa và luồng hàng hải, nhưng ranh giới để phân chia 2 luồng hầu như không có. Vì vậy, các phương tiện hoạt động cũng đan xen giữa các luồng. Nếu không quy định tốc độ chạy tàu sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên luồng, phương tiện neo đậu và tàu thuyền hoạt động ngang sông.

Trên luồng Hải Phòng có đa dạng phương tiện lưu thông, trong đó chủ yếu là tàu hàng và tàu chở khách. Riêng tàu chở khách hiện đang có ưu thế về tốc độ do chủ yếu là tàu cao tốc. Không như những luồng tàu khác như Lạch Huyện, Bạch Đằng, đối với luồng sông Cấm, việc chạy với tốc độ cao không khác gì tạo sóng phá hạ tầng, vì vậy, cần hạn chế tàu chạy tốc độ cao, sớm quy định cụ thể về tốc độ và kiểm soát tốc độ thông qua hệ thống VTS…Khi cần, sẽ có cảnh báo, nhắc nhở, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng xử lý tàu vi phạm. Bên cạnh đó, cần yêu cầu các chủ tàu phải lắp “hộp đen” để kiểm soát tuyến đi cũng như tốc độ chạy tàu,có như vậy mới  bảo đảm an toàn phương tiện xếp dỡ hàng hóa ở các cảng ven sông Cấm, cũng như các phương tiện nhỏ lưu thông trên luồng . (Đức Phong - Báo Hải Phòng 28/04/2016)

11.Nghiên cứu đường sắt Hải Phòng - Lào Cai với Trung Quốc

Bộ GTVT đang nghiên cứu dự án đường sắt xuyên Á từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Trước đó, TQ đã đánh tiếng muốn tài trợ dự án này.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường sắt quan trọng để kết nối với đường sắt Trung Quốc, từ đó kết nối với đường sắt các nước châu Á, châu Âu khác.

Dự án được phía Trung Quốc rất coi trọng vì tuyến đường nằm trong tuyến đường sắt xuyên Á cũng như trong phát triển theo chiến lược “hai hành lang, một vành đai kinh tế”.

Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế và thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, dự án không chỉ có ý nghĩa chiến lược, mang tính quốc tế mà còn là sự hợp tác hai bên cùng có lợi, mang lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Được biết, dự án sẽ nhằm nghiên cứu xây dựng khổ đường tiêu chuẩn 1.435 mm.

Đây thực chất là dự án đã được phía Trung Quốc đề xuất từ năm 2015. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình xác nhận thông tin Trung Quốc muốn tài trợ dự án nghiên cứu khả thi đường sắt cao tốc Lào Cai-Hà Nội.

Ông Lê Hải Bình cho biết, việc tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại cũng như kết nối giao thông là những nội dung hợp tác hết sức quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về tính cần thiết của dự án cũng như những lợi ích dự án này mang lại.

"Chúng ta đã có tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai trên bộ rồi và chúng ta vẫn chưa khai thác hết công suất của tuyến đường. Nếu tiếp tục xây dựng đường sắt tốc độ cao thì sẽ rất lãng phí trong thời điểm này", TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Chỉ lợi cho Trung Quốc

Không chỉ muốn đầu tư làm đường sắt tại Việt Nam, Trung Quốc còn đẩy mạnh làm đường sắt ở nhiều nước. Các chuyên gia cũng nói thẳng, dự án thực tế rất quan trọng và sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho Trung Quốc chứ không phải Lào hay Việt Nam.

Từ nhiều năm trước, nước này cũng đề xuất tài trợ miễn phí để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 417 km trị giá 7 tỷ USD, nối Thủ đô Viêng Chăn với thành phố Côn Minh (Trung Quốc). 

Dự án dự kiến sẽ được khởi công trong năm 2015 với 70% nguồn vốn được TQ hỗ trợ.

Tuy nhiên, con bài "đường sắt" của Trung Quốc đã được các chuyên gia chỉ ra khá rõ ràng.

TS Lê Kim Sa - Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, dự án này nằm trong cả chuỗi chiến lược rất rõ ràng của TQ nhằm đạt được 3 mục đích lớn: Xuất khẩu vốn; xuất khẩu công nghệ và xuất khẩu con người. 

Ông Sa nói thẳng, việc đổ 7 tỷ USD xây dựng tuyến đường sắt cao tốc cho Lào, là mục tiêu nằm trong khuôn khổ chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của TQ. Trong đó, TQ coi Lào như một bước chủ chốt trong việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng.

Kế hoạch này sẽ xây dựng các tuyến đường sắt xuyên suốt nối liền Trung Á cũng như Đông Nam Á. Các tuyến đường sắt xuyên Đông Nam Á sẽ bắt đầu từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), với hơn 150 cây cầu, 76 đường hầm và 31 nhà ga đến Vientiane (Lào). Từ đó, tuyến này sẽ nối với Thái Lan bằng những chuyến tàu cuối cùng đi đến Singapore.

Xét về mặt chính trị, phải khẳng định dự án này cực kỳ hiệu quả đối với TQ ngay cả khi đặt giả định hiệu quả kinh tế của dự án không cao nó vẫn mang ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn trong chiến lược phát triển của TQ.

Về nguyên tắc đã vay vốn ODA là phải sử dụng công nghệ của TQ. Thực tế, cả về khả năng tài chính, nguồn nhân lực cao lẫn trình độ công nghệ, kỹ thuật chắc chắn Lào không có khả năng tham gia. Chỉ một người duy nhất thực hiện được chính là TQ. 

Ngoài ra, thông qua dự án Trung Quốc cũng thực hiện được bài toán xuất khẩu vốn. Ở đây là TQ đang giúp Lào có vốn nhưng thực chất lại đang giúp chính đồng tiền TQ tự sinh lợi.

Thứ hai, về công nghệ. Công nghệ của TQ có thể chưa phát triển đạt tới mức đứng đầu thế giới nhưng họ vẫn đang được đánh giá cao về mặt tiêu chuẩn, chất lượng. Khi đạt tới một trình độ nhất định, Bắc Kinh sẽ muốn đưa công nghệ vươn ra quốc tế.

Thứ ba, về lao động. Dự án chính là công cụ để Trung Quốc giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động dư thừa trong nước.

Quan trọng hơn, những tuyến đường sắt của Bắc Kinh còn được coi là "giấy thông hành" để có những tác động nhất định tới kinh tế nước ngoài. Những tuyến đường sắt này vừa giải quyết nhu cầu trước mắt, vừa là phương tiện để chiếm lĩnh thị trường các nước phát triển sau này. (An An - Báo Đất Việt 28/04/2016)

DU LỊCH

12. Chơi lễ ở Đồ Sơn, Cát Bà: Du khách yên tâm không chặt chém

Trong mùa du lịch 2016, du khách khi đến Đồ Sơn, Cát Bà (Hải Phòng) sẽ được cung cấp số điện thoại nóng để phản ánh các hiện tượng tiêu cực với cơ quan chức năng.

Tại Đồ Sơn, du khách có thể góp ý, phản ánh với Chủ tịch UBND quận qua số 0912.160.621; số Phó chủ tịch UBND quận là 0913.050.257; số Trưởng công an quận là 0913.243.636 và số Đội trưởng đội quản lý thị trường quận 0904.243.636.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Chủ tịch UBND Q. Đồ Sơn cho biết, những số điện thoại nóng này sẽ được công bố ở tất cả các nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, UBND Q.Đồ Sơn năm nay sẽ cấm bán hàng, dừng đỗ xe trên vỉa hè và lòng đường, cấm dựng ô dù, bán hàng dưới bãi biển.

Mùa du lịch Đồ Sơn năm nay bắt đầu bằng Hội chợ thương mại du lịch Q.Đồ Sơn 2016, khai mạc tối 26.4 với 120 gian hàng giới thiệu dịch vụ du lịch, sản vật Đồ Sơn. Chiều 30.4, sẽ diễn ra hội đua thuyền rồng trên biển, các ngày 2-3.5 sẽ có giải bóng chuyền nữ bãi biển của 2 đội Hải Phòng và các đội Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng...

Tại đảo Cát Bà (H.Cát Hải, TP.Hải Phòng), du khách có thể gọi cho Đội kểm tra liên ngành về trật tự đô thị theo số 0989.141.739; Đội kiểm tra liên ngành về văn hóa, du lịch theo số 0983.565.670 để phản ánh các hiện tượng tiêu cực, chặt chém trong cung cấp dịch vụ.

Theo ông Vũ Tiến Lập, Trưởng phòng VH-TT-DL H.Cát Hải, du khách cũng có thể truy cập vào website http://dulichcatba.com.vn, tại đây có đủ mọi thông tin, hướng dẫn khi đến Cát Bà. UBND H.Cát Hải cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, khách sạn, nhà hàng không được bắt chẹt hay gây phiền phức cho du khách, nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Địa phương này cũng công bố 10 nhà hàng, điểm dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đây là những nỗ lực đặc biệt của TP.Hải Phòng để thu hút khách du lịch tới 2 địa chỉ nổi tiếng nhất trên địa bàn. Mỗi năm, Hải Phòng đón khoảng 5 triệu du khách đến Cát Bà, Đồ Sơn, tuy nhiên con số này hầu như không tăng trưởng trong 5 năm qua.

Để du lịch Hải Phòng bứt phá, nhiều ý kiến cho rằng TP này cần nâng cao chất lượng dịch vụ, chặn đứng nạn chặt chém và nâng cấp các cơ sở lưu trú. Thống kê cho thấy, tại khu du lịch Đồ Sơn có 135 cơ sở lưu trú với 3.474 phòng nghỉ, nhưng chỉ có 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao.

Cát Bà là nơi đón nhiều du khách nước ngoài nhưng cũng chưa có khách sạn 5 sao nào. Theo Sở VH-TT-DL Hải Phòng, cơ quan này đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú trên địa bàn niêm yết giá cố định trong mùa du lịch và không được tăng đột ngột, đồng thời tổ chức các đội kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm. (Lê Tân - Báo Thanh niên 28/04/2016)

KINH TẾ

13.Hải Phòng: Các quận huyện đề xuất thu hồi nhiều dự án nợ tiền sử dụng đất

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hải Phòng sẽ có 116 doanh nghiệp có thể sẽ bị thành phố này thu hồi dự án. Trong đó, khoảng 30% số doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất với số lượng lớn, kéo dài. Đề xuất này được các quận, huyện đưa ra sau khi kiểm tra, rà soát thực tế.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, năm 2008, Chính đã phủ ban hành Nghị quyết 33/2008-NQ/CP cho phép chủ đầu tư được nợ tiền sử dụng đất trong 18 tháng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách này kéo dài thời gian nộp tiền sử dụng đất.

Qua khảo sát, các quận huyện của Thành phố Hải Phòng có chung nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất. Song phổ biến là do các doanh nghiệp chây ỳ, không chịu nộp tiền sử dụng đất. Tình trạng này thường thấy ở những dự án xây dựng nhà ở, thậm chí chủ đầu tư bàn giao nhà nhưng vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất….

Có thể kể đến những dự án chậm nộp tiền sử dụng đất kéo dài như Dự án khu nhà ở Đầm Trung, phường Đằng Giang (Ngô Quyền) do Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long làm chủ đầu tư; dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà nghỉ bán theo cơ chế kinh doanh tại phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) của Công ty Cổ phần xây dựng số 5 - Inaconex; dự án phát triển khu nhà ở phường vạn Mỹ (Ngô Quyền) của HTX Xí nghiệp sản xuất giấy Đức Dương; hay dự án PG Rồng Biển của Công ty Cổ phần PG Rồng Biển… Số tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp còn nợ rất lớn, trong đó, có doanh nghiệp số nợ lên tới trên 30 tỷ đồng.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng cho rằng, chính sách hiện hành quy định về quản lý, ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư trong việc chấp hành nộp tiền sử dụng đất chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp vẫn được cấp phép xây dựng dù còn nợ tiền sử dụng đất. Đáng nói, việc doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy.

Riêng đối với các dự án phát triển nhà ở, việc doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất đồng nghĩa với chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; đương nhiên những người mua nhà tại các dự án này không thể có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi, theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... Song thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chuyển nhượng mua bán nhà đất cho người dân.

Giải quyết tình trạng này, thời gian qua, Hải Phòng đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Giải pháp ưu tiên hàng đầu được Hải Phòng xác định là sẽ rà soát phân tích nợ của từng dự án, từng doanh nghiệp để có biện pháp thu phù hợp; có thể xem xét hình thức gia hạn, phân kỳ nộp theo từng quý để các chủ đầu tư dễ dàng nắm bắt, chủ động sắp xếp nguồn tiền nộp, tạo cơ hội doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình… cũng như thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp cố tình chậm nộp tiền sử dụng đất, Hải Phòng cũng quyết tâm “mạnh tay” với những trường hợp nợ đọng tiền sử dụng đất kéo dài, năm 2016, chính quyền các quận, huyện của TP Hải Phòng sẽ kiên quyết thu hồi đất của các dự án này.

Trong đó, quận Ngô Quyền kiến nghị thành phố thu hồi đất của 18 doanh nghiệp; quận Đồ Sơn đề nghị thu hồi đất của 2 doanh nghiệp; quận Kiến An đề xuất thu hồi đất đang giao cho 7 doanh nghiệp và huyện Thủy Nguyên đề xuất thu hồi 11 dự án của 11 doanh nghiệp đang triển khai tại địa bàn. (PV - Báo Xây dựng 28/04/2016)

14.Điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung: Phân tán… vì thiếu thiết bị

Sau hơn nửa năm triển khai kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu, nhiều DN vẫn “kêu” vướng mắc.

Theo thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng, từ khi thực hiện thí điểm điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung (cuối năm 2015), đến nay, thời gian xử lý yêu cầu của DN về kiểm dịch thực vật trung bình khoảng 9 giờ (kể từ khi lấy mẫu), giảm 1 giờ so với trước đây; thời gian kiểm dịch thú y cũng rút ngắn chỉ còn khoảng 1 ngày, giảm được 1 ngày so với trước, trường hợp kiểm tra cảm quan (không lấy mẫu xét nghiệm) thời gian trả kết quả trong ngày.

Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy việc đăng ký chủ yếu thực hiện tại 2 đơn vị có đặt trụ sở và trang thiết bị làm việc tại Hải Phòng từ lâu là Cơ quan Thú y vùng II và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I. Số tờ khai đăng ký tại 2 đơn vị này chiếm đến 99,7% tổng số tờ khai đăng ký kiểm tra chuyên ngành đăng ký tại Hải Phòng.

Trong khi đó, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia vẫn chủ yếu thực hiện tiếp nhận đăng ký, kiểm tra chất lượng tại Hà Nội nên số lượng đăng ký còn rất ít. Lý giải điều này, Hải quan Hải Phòng cho rằng vấn đề chủ yếu là 2 đơn vị chưa có địa điểm thực hiện việc kiểm tra mẫu tại điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung. Do vậy thời gian trả kết quả vẫn kéo dài, chưa thu hút được DN đến làm thủ tục đăng ký.

Chi phí cao

Theo đại diện một đơn vị chuyên làm trong lĩnh vực dịch vụ Logistics, mặc dù điểm cộng của địa điểm kiểm tra chuyên ngành có khá nhiều như: bớt công sức chạy đi chạy lại nhiều nơi mà có thể lấy mẫu kiểm tra ngay cho DN; giúp DN có nhiều lựa chọn đơn vị kiểm định chất lượng hàng hóa, tuy nhiên, vẫn còn đó những điểm trừ, mà điểm trừ đáng lưu ý nhất là chi phí kiểm tra chuyên ngành khá cao. “Ví dụ, trong trường hợp kiểm tra chất lượng tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, thời gian cũng mất 2-3 ngày mà chi phí lên tới 2,2 triệu đồng/mẫu. Với thời gian tương đương, song nếu tiến hành kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, DN chỉ phải bỏ ra khoảng 1-1,1 triệu đồng/mẫu. Hiện nay, DN làm ăn đều tính toán kỹ lưỡng. Mức chênh lên tới 1 triệu đồng/mẫu như trên khiến DN ngại ngần nên dù có tiện lợi vì được lấy mẫu ngay, DN cũng không mặn mà” – vị đại diện này khẳng định.

Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các đơn vị liên quan nói chung và hoạt động của một số đơn vị như Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nói riêng vẫn chưa thực sự quy củ, nhuần nhuyễn. Có trường hợp, DN đăng ký kiểm tra chất lượng tại Viện nhưng giấy tờ, hóa đơn hoàn thiện còn chậm trễ.

Kiến nghị từ thực tế

Để địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung phát huy hiệu quả, phía hải quan kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng trụ sở kiểm tra chuyên ngành đáp ứng nhu cầu khối lượng kiểm tra của DN. Các cơ quan kinh doanh cảng hỗ trợ, bố trí mặt bằng làm việc, vị trí thuận tiện cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoạt động, giao dịch của DN XNK.

Trước mắt, các bộ cần có được danh mục hàng hóa XNK cần kiểm tra tại cửa khẩu, phải kiểm tra trước khi thông quan và những mặt hàng được kiểm tra sau khi thông quan theo hướng áp dụng quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho những mặt hàng có mức độ rủi ro thấp. (Minh Nguyên - Báo Diễn đàn doanh nghiệp 28/04/2016)

XÃ HỘI

15.  Vì sao doanh nghiệp phải vượt cấp lên tận… Thủ tướng?

Cho rằng phía hải quan giam giữ lô hàng ô tô mới theo diện tạm nhập tái xuất kho rõ lý do, ba doanh nghiệp (DN) tại Hải Phòng và Hải Dương phải gửi đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo đơn cầu cứu, 3 doanh nghiệp gồm Cty CP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Cty TNHH Trường Giang Móng Cái và Cty CP xuất nhập khẩu Đức Thịnh đang kinh doanh ôtô mới theo phương thức tạm nhập tái xuất. Tháng 5/2013, các doanh nghiệp đột xuất nhận được thông báo của Tổng cục Hải quan – Cục điều tra chống buôn lậu, tạm dừng tạm nhập tái xuất những lô hàng ôtô trên lãnh thổ Việt Nam, để phục vụ công tác điều tra một vụ án khác có liên quan.

Đơn cử, DN Đức Thịnh bị mắc kẹt với 7 chiếc ôtô mới 100% không tái xuất được: Audi Q7, xe Toyota Prado, Toyota Coster, Toyota Land Cruiser. Trong lúc Cty đang làm thủ tục tái xuất thì nhận được thông báo kiểm tra giám định lô xe của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

Trong thời gian hoạt động, ba DN này đã mở tờ khai tạm nhập lô xe ôtô tại Chi cục Hải quan Hải Phòng, qua kiểm định hàng hóa là hàng ôtô mới được phép thông quan và đã đưa hàng hóa ra cửa khẩu để tái xuất cho đối tác nước ngoài thì bỗng nhận được thông báo tạm thời ngừng tái xuất.

Các DN cũng cho biết, từ tháng 5/2013 đến nay rất nhiều lần đã có đơn thư gửi Tổng cục Hải quan Việt Nam – Cục điều tra chống buôn lậu về những lô hàng không được tái xuất. Nhưng đến nay, việc tạm dừng thông quan trên kéo dài đã gần 3 năm, không có lý do cụ thể nào gửi đến các DN, ngoài thông báo lô hàng có liên quan đến một vụ án. Theo các DN này, Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an (Viện Khoa học kỹ thuật hình sự) có làm việc về những lô hàng bị tạm giữ và đã tiến hành kiểm tra trực tiếp lô xe ôtô về năm sản xuất, tình trạng xe, tất cả kết luận đây là lô xe là hoàn toàn mới, đủ điều kiện thông quan. Theo quy định tại Thông tư 05 ngày 18/2/2013 của Bộ Công Thương, mặt hàng ô tô mới 100% nguyên chiếc không thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất và cũng không thuộc Danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan.

Những lô hàng bị tạm giữ trên hiện đang được để tại kho tang vật, Cục hải quan Hải Phòng. Theo đơn cầu cứu của các DN: “Ngoài việc 3 Cty chúng tôi bị đối tác nước ngoài phạt về thời gian giao chậm hàng. Ba Cty chúng tôi đang phải đứng trên bờ vực phá sản với khoản nợ tín dụng hàng tỷ đồng, tiền kho lưu thuê bãi phát sinh hàng tháng”. Chính vì vậy, các DN này bày tỏ mong muốn được tháo gỡ vướng mắc kể trên, để được tái xuất hàng hóa cho đối tác nước ngoài.

DĐDN đã làm việc với Cục Hải quan Hải Phòng và được cho biết đang tiến hành điều tra và sẽ có kết luận sớm. (Tâm Huệ - Báo Diễn đàn doanh nghiệp 28/04/2016)

16. Kịp thời chữa cháy 2 xe ô tô đầu kéo container huyện Thủy Nguyên

23h10’ ngày 25-4, Trung tâm Chỉ huy chữa cháy thành phố (Cảnh sát PCCC thành phố) nhận được tin báo về việc xảy ra vụ cháy 2 xe ô tô đầu kéo container đang đỗ tại Cửa hàng xăng dầu Đông Sơn, thôn 3, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên.

Ngay lập tức, Phòng Cảnh sát PCCC số 6 và số 2 đã điều động 5 xe chữa cháy, xe chỉ huy cùng 50 cán bộ, chiến sỹ và các phương tiện khí tài nhanh chóng đến hiện trường. 23h18’, khi lực lượng có mặt, ngọn lửa đang bùng phát tại 2 đầu xe BKS: 15C-08768 và xe BKS: 15C-10076. Lửa tại cabin 2 xe đang có nguy cơ cháy lan xuống phần xe rơ-moóc. Lúc này cả 2 xe lại đang đỗ quay đầu vào phía trong, tại sân phía trong của Cửa hàng xăng dầu Đông Sơn. Lực lượng chữa cháy cơ sở đang dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ, cố gắng khống chế đám cháy nhưng không thành công.

Nhận định nếu để đám cháy bùng phát xuống phần xe rơ-moóc thì có nguy cơ trực tiếp đe dọa đến bể chứa xăng dầu của Cửa hàng xăng dầu Đông Sơn, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố khẩn trương lên phương án, triển khai đội hình dật tắt lửa tại 2 cabin, phun nước làm mát xe và khu vực xung quanh, phá cửa xe tìm người bị nạn, đồng thời phun nước làm mát bình chứa dầu của ô tô, dùng chăn ướt phủ kín toàn bộ bồn chứa xăng dầu và phun nước làm mát khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, CAH Thủy Nguyên, Phòng Cảnh sát giao thông - CATP và lực lượng dân phòng địa phương đã tích cực hỗ trợ lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố tổ chức chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự tại hiện trường và trật tự an toàn giao thông.

Đến 0h35’ ngày 26-4, sau hơn 15’, lực lượng chuyên nghiệp đã khống chế được đám cháy và sau hơn một tiếng đồng hồ thì dập tắt hoàn toàn, không để cháy lan xuống 2 bình chứa nguyên liệu dầu của 2 xe đầu kéo và 2 xe rơ-moóc, bảo vệ an toàn khu vực bể chứa xăng dầu và toàn bộ cửa hàng xăng dầu Đông Sơn. Vụ cháy đã làm 2 cabin của 2 xe đầu kéo bị hư hỏng hoàn toàn, không có thiệt hại về người.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy. (MP - An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

17.  Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm: Siết chặt quản lý nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật

Sáng 27-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Tại điểm cầu Hải Phòng, các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố dự hội nghị.

Báo cáo tóm tắt về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: mặc dù có nhiều nỗ lực song tình hình ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Từ tình hình thực tế, các bộ, cơ quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể.

Về tình hình ATTP ở Hải Phòng, từ nay đến cuối năm, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; tập trung nguồn lực quản lý kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; phát triển mạnh các vùng rau an toàn; tập huấn, cập nhật kiến thức, phổ biến các quy định bảo đảm ATTP tới người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm an toàn…

Tại hội nghị, góp ý vào dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm ATTP nói riêng, công tác bảo đảm ATTP nói chung, nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đề xuất nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, các đại biểu đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP; phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP theo đúng quy định từ Điều 61 đến Điều 65 Luật An toàn thực phẩm và quy định của Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm được giao.

Thủ tướng nhấn mạnh: năm 2016 cần tập trung thực hiện và tạo chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm. Cùng với đó, Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm ATTP trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Bộ Công Thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc. Các địa phương đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn giúp người dân nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm không an toàn, đồng thời phát huy năng lực các trung tâm đo kiểm trên địa bàn; tạo điều kiện thúc đẩy hệ thống phân phối thực phẩm sạch phát triển.

Đối với kiến nghị của các địa phương về kinh phí phục vụ công tác ATTP, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ưu tiên kinh phí cho công tác này; bên cạnh đó, 100% tiền phạt vi phạm quy định Luật An toàn thực phẩm để lại cho địa phương phục vụ công tác lấy mẫu trong thanh tra, kiểm tra, truyền thông, xử lý, tiêu hủy tang vật vi phạm, bồi dưỡng lực lượng chức năng thực thi công tác bảo đảm ATTP. (Báo Hải Phòng 28/04/2016)

18. Quản lý trật tự xây dựng đô thị: Đừng để "đầu voi đuôi chuột"

Trước diễn biến phức tạp của tình hình xây dựng trên địa bàn thành phố, đầu tháng 7-2015, UBND TP đã có công văn chỉ đạo yêu cầu ngành chuyên môn là Sở Xây dựng và các địa phương vào cuộc tăng cường quản lý trong lĩnh vực này. Sau một thời gian kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các vi phạm, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp đã tạo chuyển biến bước đầu, không ít chủ công trình đã hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật, các địa phương cũng không thể làm ngơ trước những sai phạm tại địa phương mình.

Theo thống kê, năm 2015, số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phát sinh la 4.661 công trình. Trong đó, số công trình có giấy phép xây dựng là 3.363 tăng 10% so với năm 2014; số công trình vi phạm trật tự xây dựng gồm sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp là 524 công trình, không có GPXD là 857 trường hợp và  xây dựng trên đất không được phép xây dựng là 67 công trình. Về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, cụ thể đã ban hành quyết định đình chỉ thi công đối với 991 vụ, trong đó Thanh tra Sở Xây dựng xử lý trực tiếp 73 vụ; phối hợp hoặc đôn đốc địa phương 918 vụ; cưỡng chế phá dỡ 24 vụ. Như vậy, so với năm 2014, số vụ đình chỉ thi công tăng 49%, cưỡng chế tháo dỡ giảm 8,5%. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã được hướng dẫn làm thủ tục cấp mới hoặc điều chỉnh bổ sung 124 giấy phép xây dựng.

Về xử phạt hành chính, ngành và các địa phương đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền là 7.980 triệu đồng, so với năm 2014 tăng 34%. Trong đó, Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt số tiền là 1.949 triệu đồng, đã thu nộp vào Kho bạc nhà nước 1.589 triệu đồng, tăng 47%. Tại các quận, huyện xử phạt 6.031 triệu đồng, đã nộp vào Kho bạc nhà nước 3.798 triệu đồng, tăng 29%.

Từ những con số trên có thể thấy, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố năm 2015 có những chuyển biến tích cực. Việc rà soát các công trình xây dựng phát sinh trên địa bàn đã được các Đội Thanh tra xây dựng phối hợp với các địa phương rất sát sao mà con số 4.661 công trình là một minh chứng. Tiếp đến, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính các công trình xây dựng cũng tăng tới 34% so với năm 2014 với gần 8 tỷ đồng cũng được xem là con số kỷ lục trong nhiều năm qua. Rõ ràng, nếu không hạn chế những “thỏa thuận ngầm” giữa chủ công trình với cán bộ thực thi công vụ thì không thể có những quyết định xử phạt không nể vị và thu nộp ngân sách số tiền cao như vậy. Cá biệt như quận Hải An, trước đây chỉ có xử phạt về đổ vôi vữa, gạch thầu không đúng nơi quy định thì năm qua là một địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trực tiếp kiểm tra tại địa phương trên tuyến đường vàng, nóng là Lê Hồng Phong, cán bộ Đội Thanh tra ở đây cho biết: Đối với công trình đang trong quá trình xử lý vi phạm, tránh để tình trạng chủ công trình đưa cơ quan chức năng vào “sự đã rồi”, trực tiếp lãnh đạo đội thay nhau “gác” tại công trình khiến chủ nhà phải nản, dừng thi công và chấp hành quyết định xử phạt.

Chưa hết, con số về số công trình có giấy phép xây dựng và số giấy phép xây dựng được cấp mới, điều chỉnh bổ sung đều tăng đã phản ánh tâm lý “phạt cho tồn tại” đã dần được khắc phục. Không ít chủ công trình xây dựng là các tổ chức, doanh nghiệp như Nhà hàng vườn 66, Cty TNHH Nam Sơn Hà, Cty giày Aurora... chủ quan khi tiến hành mở rộng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, xây nhà để xe nhưng đều không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đoàn kiểm tra vào cuộc, chỉ rõ sai phạm, xử phạt nghiêm với mức cao nhất đối với hành vi sai phạm thì các tổ chức, doanh nghiệp cũng phải tâm phục, khẩu phục, dừng thi công và hoàn tất thủ tục làm giấy phép xây dựng theo quy định. Ở đây, điều quan trọng hơn cả là làm thay đổi nhận thức của tổ chức, doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực xây dựng "cứ nộp phạt là xong".

Hay như đối với các cấp chính quyền địa phương cũng không thể lơ là với những vụ việc sai phạm trên địa bàn mình quản lý. Qua kiểm tra, trước tình trạng nhiều công trình xây dựng không phép xảy ra mà chưa được xử lý, lãnh đạo phường Lãm Hà, quận Kiến An, đã buộc phải khẩn trương tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra, yêu cầu các chủ công trình vi phạm chấp hành việc nộp phạt, đồng thời kiến nghị quận có giải pháp cấp phép xây dựng có thời hạn, khống chế về quy mô, số tầng cho những hộ dân xây dựng trong vùng quy hoạch.

Được biết, Thanh tra Xây dựng cũng đang tiếp tục hoàn thiện quy trình kiểm tra trật tự xây dựng, phối hợp chặt chẽ với địa phương kiểm tra các công trình xây dựng nhằm sớm phát hiện - xử lý - ngăn chặn kịp thời các vi phạm từ giai đoạn làm móng - chồng mộc - hoàn thiện, từ đó giảm thiểu công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng trên địa bàn. Ngành cũng phấn đấu, trong năm 2016 này, phát hiện, xử lý vi phạm đạt hơn 95% tổng số công trình vi phạm, năm 2015 con số này là 85%; áp dụng các biện pháp buộc chủ đầu tư khắc phục hậu quả  đối với hành vi vi phạm như ngừng thi công, tự tháo dỡ, cấp giấy phép xây dựng bổ sung… Tuy nhiên, hiện đã bước vào mùa xây dựng, song công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố có dấu hiệu chững lại. Quý I/2016, toàn thành phố mới chỉ phát hiện, xử lý 158 trường hợp vi phạm. Mong rằng, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố không rơi vào tình trạng đầu voi, đuôi chuột. (Kim Oanh - An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

19. Kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2016): Đập tan tổ chức phản động ở thành phố Cảng

Giữa thập kỷ 60 của thế kỷ 20, với tinh thần cảnh giác và nghiệp vụ sắc bén lực lượng an ninh thành phố Hải Phòng đã giành thắng lợi trong cuộc chiến không tiếng súng, đánh bại âm mưu thâm độc của tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Giữa thập kỷ 60 của thế kỷ 20, thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, Mỹ mở cuộc chiến tranh leo thang khốc liệt ra miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Bên cạnh đó là các hoạt động tình báo, xâm nhập sâu vào các mục tiêu quân sự, kinh tế của ta ở Hải Phòng, đặc biệt là thu thập tài liệu về công tác chi viện tiền phương. Song với tinh thần cảnh giác và nghiệp vụ sắc bén lực lượng an ninh thành phố Cảng đã giành thắng lợi trong cuộc chiến không tiếng súng, đánh bại âm mưu thâm độc của cơ quan tình báo nước ngoài.

Thực hiện Chỉ thị 125 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc về “Tăng cường giữ gìn an ninh miền Bắc, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu hoạt động của bọn gián điệp và phản cách mạng khác trong tình hình chiến tranh phá hoại...”, Sở Công an Hải Phòng đã triển khai một thế trận an ninh toàn diện tới các cơ quan, xí nghiệp, khu dân cư.

Mỗi người dân là một mắt lưới phản gián, được trang bị những tình huống đối phó bài bản, chu đáo. Hệ quả của thế trận an ninh, đã bịt mắt nhiều nhóm tình báo Mỹ khi chúng tung nhân viên đi khắp Hải Phòng để tìm nơi xuất phát của những con tàu “Không số” chi viện cho chiến trường.

Một buổi chiều tháng 2 năm 1968, trong khi lực lượng Công an đang truy tìm một đầu mối gián điệp hoạt động tại cảng Hải Phòng thì nhân viên trong tổ công tác của Hải quan cửa khẩu phát hiện một thuỷ thủ nước ngoài, tên hộ chiếu Lam Ping Nam, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Thông tin lập tức được báo qua đường dây nóng về C1 Sở Công an Hải Phòng.

Ông Doãn Duyên - nguyên Giám đốc đại lý tàu biển Hải Phòng, lúc đó là trinh sát phản gián thuộc Đội PKD3 Sở Công an kể: Khi kiểm tra tư trang Lam Ping Nam, các ông phát hiện bao thuốc lá 555 của thuỷ thủ này có một điếu giả, bên trong giấu một cuộn vi phim.

Lực lượng nghiệp vụ có sự trợ giúp của Phòng chống đặc vụ thuộc K48 Bộ Công an đã khẩn trương phân tích, dựng nội dung tài liệu. Kết quả ta nắm được toàn bộ bản chỉ thị tóm tắt của trung tâm tình báo nước ngoài chuyển vào, giao nhiệm vụ cho một đối tượng họ Âu ở phố Nguyễn Đức Cảnh. Bản chỉ thị yêu cầu thu thập toàn bộ danh sách tàu biển cập cảng Hải Phòng, ngày, giờ, chở chủng loại hàng gì đến, số lượng bao nhiêu...

Qua rà soát địa bàn, lực lượng Công an nhanh chóng xác định, tên họ Âu chính là Âu Trạch Niên, một nhân viên ghi nhận của xí nghiệp Cảng Hải Phòng. Tên này bị cơ quan tình báo nước ngoài móc nối, y còn lôi kéo cả con gái là Âu Cần Tiên và vợ là Âu Nguyệt Mi cùng hoạt động. Trước bằng chứng cụ thể, cơ quan an ninh Hải Phòng có thể bắt giữ ngay Lam Ping Nam, Âu Trạch Niên và đồng bọn.

Nhưng theo chỉ đạo của đồng chí Trần Đông - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, lúc đó đồng chí Trần Đông là Giám đốc Sở Công an Hải Phòng đề xuất, chưa thực hiện lệnh bắt, mà “tương kế, tựu kế”, sử dụng ngay điệp viên của địch phục vụ cho công tác tình báo của ta. Ý kiến được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn phê duyệt và chỉ đạo.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan An ninh đã chủ động thu thập toàn bộ thông tin đến, điều chỉnh tài liệu báo cáo ra nước ngoài theo chiều có lợi cho công tác an ninh của ta và đảm bảo yêu cầu giữ bí mật tình hình vận chuyển hàng hoá ra tiền tuyến. Thế là toàn bộ tài liệu con thoi của tình báo nước ngoài thường xuyên bị cơ quan an ninh Việt Nam làm chủ, sử dụng như một vũ khí vô hình, rất lợi hại mà chúng không hề biết.

Sau khi bí mật khai thác và điều khiển thông tin tình báo của địch, ngày 9-5-1972, Công an Hải Phòng đã triển khai kế hoạch phá án. Lực lượng an ninh bất ngờ bắt giữ Âu Trạch Niên với đầy đủ chứng cứ về tội làm gián điệp, chống Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Âu Trạch Niên cùng đồng bọn bị TAND thành phố Hải Phòng xét xử công khai. Chiến công của lực lượng an ninh Hải Phòng đã góp phần bảo toàn bí mật về tình hình vận chuyển hàng hoá, vũ khí, quân lương qua Hải Phòng, chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi. (Quốc Phòng - Văn Vượng - Báo điện tử Công an nhân dân 28/04/2016)

20. Lễ hội Hoa Phượng Đỏ sẽ khai hè Hải Phòng

Từ ngày 6 - 8/5, thành phố Hải Phòng sẽ tổ chức lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2016 và đón nhận Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nữ tướng Lê Chân, Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát thành phố. Đây là dịp để Hải Phòng quảng bá hình ảnh về thành phố năng động, phát triển, giàu bản sắc đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình, tiềm năng du lịch của Hải Phòng rất phong phú, độc đáo. Lễ hội Nữ tướng Lê Chân được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và Nhà hát thành phố được đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chỉ là 2 trong số rất nhiều sản phẩm du lịch nổi bật của Hải Phòng. Cùng với những sản phẩm du lịch đã tạo nên dấu ấn riêng, trong thời gian tới, thành phố Cảng tiếp tục khởi công thêm những dự án du lịch mới hấp dẫn, phục vụ du khách trong nước, quốc tế với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải và khởi công dự án Khu du lịch, vui chơi giải trí cao cấp của Tập đoàn Him Lam trong tháng 5 này.

Ngoài lợi thế về tiềm năng du lịch, giao thông đến với Hải Phòng cũng rất thuận lợi. Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã rút ngắn thời gian lưu chuyển giữa hai thành phố này chỉ còn khoảng 1 giờ đồng hồ. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi chính thức đi vào khai thác giữa tháng 5; ngoài mở thêm các đường bay thẳng trong nước, sẽ có nhiều chuyến bay thẳng từ các nước, vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) về Hải Phòng. Cùng với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho giao thông, giao thương giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành phố khác và các nước trên thế giới. Hải Phòng cũng đang là địa điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, làm việc, sinh sống tại đây. Chính vì thế, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2016 sẽ có chủ đề “Hải Phòng - Nối vòng tay bè bạn”.

Ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, cho biết: “Đây là năm thứ 5 Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ. Mục tiêu chính của lễ hội là quảng bá, giới thiệu thành tựu kinh tế, xã hội của Hải Phòng đến với bạn bè trong và ngoài nước, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có du lịch”.

Điểm nhấn của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2016 chính là các màn nghệ thuật đặc sắc, cộng với âm thanh, ánh sáng, hình ảnh tái hiện những giá trị du lịch, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Hải Phòng. Phần lễ gồm: Khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2016 và đón nhận Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nữ tướng Lê Chân và Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà hát thành phố. Phần hội gồm chương trình diễu hành Carnaval có sự kết nối, hòa nhập của các tỉnh, thành phố của nước ngoài và các tỉnh, thành phố trong nước thông qua các mô hình. Ngoài các mô hình của thành phố Hải Phòng như hình tượng Nữ tướng Lê Chân, hình tượng Đức vương Ngô Quyền, hình tượng Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ảnh Bác Hồ, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Khu kinh tế Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện… còn có sự tham gia của 4 đoàn nghệ thuật quốc tế gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và các đoàn nghệ thuật, các tỉnh, thành phố đang hoặc sắp có đường bay tới Hải Phòng và có quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch với Hải Phòng.

Bên cạnh lễ hội chính, khoảng 70 sự kiện khác diễn ra bên lề Lễ hội, trong đó có một số hoạt động tiêu biểu, đặc sắc như: Thả chim Hòa Bình, trưng bày Hoa Lan (các loại Hoa Lan của Hải Phòng, các hội Hoa Lan trong nước, quốc tế), trình diễn âm nhạc đường phố, giải golf hữu nghị Hải Phòng 2016. (Minh Thu - Báo Tin tức 28/04/2016)

21. Hải Phòng bàn phương án đảm bảo an toàn cho Lễ hội Hoa phượng đỏ

Hội nghị triển khai công tác đảm bảo ANTT, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và các điều kiện phục vụ Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2016 vừa diễn ra chiều 26/4. Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam chủ trì hội nghị.

Theo đó, Công an thành phố Hải Phòng xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ các chuỗi sự kiện Lễ hội bảo đảm tuyệt đối an toàn, chống ùn tắc giao thông cục bộ tại dải trung tâm và các tuyến đường chính. Bộ chỉ huy quân sự thành phố sẽ hiệp đồng các đơn vị tổ chức bắn 120 giàn pháo hoa phía sau Nhà hát thành phố.

Lực lượng Phòng cháy chữa cháy triển khai tổng kiểm tra các đơn vị tập trung đông người, các nhà hàng, khách sạn và có kế hoạch chi tiết tại trung tâm thành phố, cụ thể sẽ bố trí tại khu vực trung tâm thành phố 4 xe, CBCS thường trực 100% quân số khi diễn ra sự kiện; phối hợp cùng đơn vị tổ chức và các cấp chính quyền cơ sở làm tốt công tác PCCC.

Ngành y tế triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm trong những ngày diễn ra lễ hội. Tổ kiểm tra thường xuyên đi kiểm tra ATVSTP trước, trong và sau chế biến tại các nhà hàng, khách sạn trong thời điểm này. Ngành xây dựng phối hợp tổng vệ sinh các gốc cây cột điện, xóa quảng cáo rao vặt… ra quân từ ngày 4/5; xóa sổ cây gạo gai mục, trồng mới 15 ngàn cây hoa, đặt 110 chậu hoa tại các trục đường chính, các tuyến giao thông vào thành phố, bố trí 60 nhà vệ sinh lưu động phục vụ nhân dân và du khách tại dải trung tâm thành phố; bảo đảm dải trung tâm và các tuyến đường chính xanh, sạch, đẹp…

Các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn cũng triển khai công tác tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng lễ hội. Đêm hội “Hải Phòng - Nối vòng tay bè bạn” dự kiến có 3.500 khách mời. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng và Công ty Hàm Nghi - đơn vị tổ chức - đang tích cực hoàn tất công tác lắp đặt khán đài, các xe mô hình phục vụ diễu hành và công tác hậu cần chương trình biểu diễn…

Tính đến thời điểm này, thông tin từ Sở Tài chính Hải Phòng cho biết, thành phố đã tổ chức 3 cuộc tiếp xúc, vận động các tập đoàn, doanh nghiệp tài trợ lễ hội. Tại cuộc tiếp xúc 29 doanh nghiệp, đã có 4 doanh nghiệp công bố mức đăng ký tài trợ là 700 triệu đồng. Sau cuộc tiếp xúc, vận động, 6 tập đoàn, doanh nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn thành phố cũng công bố đăng ký tài trợ 5,5 tỷ đồng. Sáng 26/4, Ngân hàng Techcombank cũng công bố đăng ký tài trợ 20 tỷ đồng… Như vậy tổng số tiền đăng ký tài trợ đến thời điểm này đã lên tới hơn 26 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Khắc Nam ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị, địa phương, đồng thời yêu cầu CATP, BCH quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác đảm bảo ANTT, nhanh chóng có báo cáo chi tiết phương án bảo vệ ANTT, bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện của lễ hội.

Các ngành xây dựng, PCCC, giao thông phải thẩm định, thường xuyên kiểm tra công tác lắp đặt khán đài, các sân khấu tổ chức sự kiện bên lề, phòng cháy trong khu vực khi bắn pháo hoa.

Ngành y tế tăng cường công tác kiểm tra VSATTP. Chiều 4/5, các địa phương, nhất là 2 quận Hồng Bàng, Lê Chân tiến hành tổng vệ sinh đường phố, cấm bán hàng rong gây mất vệ sinh, nguy cơ mất an toàn cháy nổ, VSATTP, chống đuối nước. Hệ thống điện chiếu sáng, đèn nghệ thuật nhanh chóng được duy tu, kiểm tra trước sự kiện. (PV - Báo Xây dựng 28/04/2016)

22.Công ty Điện lực Hải Phòng: Không cắt điện trong 3 tháng hè

Sáng 27-4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn điện phục vụ các dịp lễ lớn và lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2016 và công tác cấp điện mùa hè tại công ty Điện lực Hải Phòng.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Hải Phòng, ngay từ đầu năm, công ty chỉ đạo các điện lực trực thuộc thực hiện công tác như: chỉnh trang đô thị lưới điện trung hạ áp trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm tra đường dây và trạm biến áp; nâng công suất và hoán đổi 26 máy biến áp phân phối, xây mới 19 trạm biến áp chống quá tải và giảm bán kính cấp điện. Để tăng cường sự ổn định lưới điện, nâng cao chất lượng điện áp, công ty cải tạo lưới điện 10kv lên 35kv tại huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Để phục vụ các sự kiện, ngày lễ lớn trong tháng 5 và phục vụ kỳ thi tốt nghiệp quốc gia, bảo đảm đời sống dân sinh trong mùa hè, công ty không thực hiện cắt điện trong các tháng 5,6,7; xây dựng phương án cấp điện ưu tiên phục vụ lễ kỷ niệm ngày Giải phóng miền nam 30-4, Quốc tế lao động 1-5 và Lễ kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Hải Phòng (13-5), Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2016 (6-5), ngày diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (22-5). Duy Lân - Báo Hải Phòng 28/04/2016)

23. Thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Sáng 26-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch 497/KH-UBND ngày 12-4-2016 của UBND thành phố thực hiện Năm cao điểm vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố, tuyên truyền hướng dẫn và tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Theo đó, Sở NN&PTNT có nhiệm vụ chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Hội Nông dân thành phố trong giám sát thực thi phát luật về vật tư nông nghiệp và chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối. Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 45 và 51 của Bộ NN&PTNT, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Quyết định số 2481-2015 của UBND thành phố. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cấp huyện, xã; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát chất lượng sản phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông lâm thủy sản, muối, chợ đầu mối và tàu cá, cảng cá; thu hồi, tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng, nhập lậu, không có trong danh mục; phát hiện, triệt phá các cơ sở lưu thông buôn bán salbutamol và Vàng ô cho chăn nuối, kháng sinh cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật giả, phân bón giả, ngoài danh mục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật. Đặc biệt, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ và chưa đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Triển khai mở rộng chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố, phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn gắn với giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn tại nơi bày bán…

Tại hội nghị, đại diện cơ sở chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc tại các quận, huyện thực hiện ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm. (Thanh hà - Báo Hải Phòng 28/04/2016)

24. Hải Phòng sẽ tháo dỡ nhà U19 Lam Sơn vào dịp giữa tháng 5

Sáng 27/4, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng nghe báo cáo tình hình triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng lại chung cư U19 Lam Sơn, quận Lê Chân. Lãnh đạo TP giao Sở Xây dựng khẩn trương chuẩn bị các điều kiện báo cáo UBND thành phố để phá dỡ nhà U19 vào dịp trung tuần tháng 5.

Hiện tại U19 Lam Sơn có 39/43 hộ nhận tiền, di chuyển đến nơi tạm cư khu chung cư Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), còn 4 hộ thì chưa nhận tiền và kiến nghị hỗ trợ phần diện tích cơi nới. Quận Lê Chân cam kết đến cuối tuần này sẽ hoàn thành việc vận động các hộ còn lại nhận tiền, bàn giao nhà.

Trước đó, ngày 26/4, UBND quận Lê Chân tiến hành bàn giao cơ bản nhà U19 cho Sở Xây dựng hải Phòng, Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà để tiến hành phá dỡ, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư. Sau khi tiếp nhận, chiều 27/4/2016, Cty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng đã bắt tay ngay vào phá dỡ để có thể khởi công xây dựng lại nhà chung cư này theo đúng chỉ đạo của thành phố.

Đối với thủ tục đầu tư nhà U19, hiện Sở Xây dựng Hải Phòng, TCty Xây dựng Bạch Đằng và sở, ngành, đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm quy định pháp luật, đồng thời khởi công dự án trong thời gian nhanh nhất.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam nêu rõ: Chủ trương cải tạo xây dựng các khu chung cư cũ thể hiện rõ tính nhân văn trong điều kiện thành phố đang đầu tư cho nhiều công trình, dự án lớn. Đến nay, công việc đang được các sở, ngành và chính quyền địa phương gấp rút thực hiện. Chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động để các hộ dân hiểu được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án đối với cuộc sống của người dân. Phó Chủ tịch thành phố lưu ý, việc đền bù, hỗ trợ phải bảo đảm quy định chung của thành phố. Quận Lê Chân cần kiểm kê đưa 1 hộ liên quan đến đường vào dự án để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Sở Tài chính xem xét, cân đối mức hỗ trợ phần diện tích cơi nới của các hộ cho phù hợp. Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, đáp ứng quy định của pháp luật. (PV - Báo Xây dựng 28/04/2016)

25. Nhộp nhịp mùa cá mòi về

Mỗi khi xuân sắp qua, hè chớm về, nhiều ngư dân sẵn sàng thuyền, lưới để đón cá mòi đàn đàn, lũ lũ từ biển kéo về qua các cửa sông để ngược lên thượng nguồn thực hiện thiên chức thiêng liêng duy trì nòi giống. Ngoài vị thơm ngon, béo ngậy, vào mùa, những món ăn chế biến từ cá mòi còn thêm vị bùi bùi do con nào con nấy lặc lè bụng trứng…

Từ khi mới hơn 10 tuổi, chị Cường, ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) đã theo bố mẹ xuống thuyền đánh bắt tôm, cá ở vùng cửa sông Văn Úc. Gần 40 năm trôi qua, chị thay bố mẹ gắn bó với nghề chài lưới. Chị Cường cho biết, mỗi năm có 2 vụ cá mòi. Vào tháng 8 và tháng 9 âm lịch, cá mòi về ít và không ngon bằng vụ ra Tết (từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 âm lịch). Do mắt cá mòi rất tinh, nên phải sắm lưới riêng gồm 3 lớp với sợi lưới mảnh, thân lưới rộng chừng 8-10 mét, chiều dài ngót nghét 200 mét. Giá mỗi cheo lưới (cả nổi lẫn chìm) trên dưới 4 triệu đồng. Mỗi thuyền đánh bắt cá mòi cần sắm 4-5 cheo lưới, nếu giữ gìn, có thể sử dụng khoảng 4 tháng.

Trước kia, cá mòi là món ăn dân dã nên giá rất rẻ. Nay, dù được nâng lên hàng đặc sản, so với những loài thủy sản khác, cá mòi… vẫn rẻ. Có những thời điểm, giá bán tại bến chỉ 7.000- 8.000 đồng/kg. Còn cao chưa tới 30.000 đồng/kg. Thời giá hiện tại, thương lái thu mua 12.000 đồng/kg, còn chọn riêng những con to, cũng chỉ 15.000 đồng/kg. Tại các chợ, cá mòi được bán với giá 30.000- 40.000 đồng/kg, con nào con nấy tươi rói. Vào mùa, với 4-5 cheo lưới liên tục thả, kéo, nếu may mắn, mỗi thuyền (thường gồm 2 người, 1 phụ trách chèo, lái, 1 có nhiệm vụ thả- thu lưới và gỡ cá) có thể đánh bắt được được 50- 70 kg đến cả tạ/ngày.

Theo những ngư dân có kinh nghiệm, dù ngon nhưng giá rẻ bởi cá mòi kén người ăn và cầu kỳ trong cách chế biến. Nhiều người không thích cá mòi bởi chúng rất nhiều xương dăm. Chế biến các món ăn từ cá mòi, yêu cầu phải xử lý được số xương này. Đơn giản nhất, thái sấn ngang mình làm gỏi, khi ăn phải nhai thật kỹ. Ngoài ra, rán giòn cũng giúp thực khách khỏi lo những chiếc xương nhỏ chằng chịt trong thịt cá. Tuy nhiên, ngon nhất phải kể đến món cá mòi kho nhừ xương đã thành đặc sản của huyện Kiến Thụy. Để có được nồi cá kho ngon, phải ninh chừng 8-10 tiếng. Còn phơi khô sẽ xảy ra hiện tượng, càng phơi, càng ướt do lớp mỡ từ trong thấm ra ngoài khiến thịt cá có vị đắng. Tốt nhất làm sạch, cắt đầu bỏ bụng, tách đôi, ướp muối phơi qua 1 nắng rồi gói trong giấy bảo quản trong ngăn đá.

Với những chiếc thuyền loại nhỏ, nếu chăm chỉ và may mắn, có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày khi vào vụ cá mòi. (Thái Phan - Báo Hải Phòng 28/04/2016)

 VĂN HÓA

26. Hải Phòng: Liên hoan Diễn xướng dân gian Chèo sân đình khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng 2016

Từ ngày 7 đến 9/5/2016, tại Hải Phòng sẽ diễn ra hoạt động Liên hoan Diễn xướng dân gian Chèo sân đình khu vực Đồng bằng sông Hồng mở rộng 2016.

Theo đó, chương trình sẽ khai diễn tại Đình Hàng Kênh (Nhân Thọ Đình) đường Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, sau đó tiếp diễn ở Từ Lương Xâm, phường Nam Hải, quận Hải An và Đình Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Liên hoan lần này có sự góp mặt đông đủ của các đơn vị nghệ thuật không chuyên, câu lạc bộ Chèo và cở sở đào tạo nghệ thuật: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Thực hiện theo Quyết định số 872/QĐ-BVHTTDL ngày 14/03/2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Văn hoá cơ sở là đơn vị chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Thành phố Hải Phòng cùng các địa phương, các đơn vị liên quan hiệp đồng tổ chức.

Được biết, Chèo sân đình là loại hình nghệ thuật chèo cổ của những phường chèo xưa, thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Sân khấu thường là một chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Chèo diễn theo lối ước lệ, cảnh trí chỉ được thể hiện theo ngôn ngữ, động tác cách điệu của diễn viên, đạo cụ của người diễn hay là chiếc quạt.

Liên hoan Diễn xướng dân gian Chèo sân đình năm nay là hoạt động đặc biệt trong chuỗi các sự kiện chào mừng các ngày Lễ lớn trong tháng 5 năm 2016, kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2016.

Bên cạnh Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, Hải Phòng còn các sự kiện tiêu biểu thu hút du khách quan tâm như: Hội chợ Du lịch thương mại Đồ Sơn 2016 bắt đầu từ 26/4 đến 3/5/2016 tại Công viên Đầm Vuông, quận Đồ Sơn. Giải Đua thuyền rồng trên biển lúc 14h00’ ngày 30/4/2016, địa điểm Khu I Đồ Sơn. Trong khoảng 17h00’ các ngày 4,5,7/5/2016 tại Hồ Tam Bạc, Đoàn nghệ thuật Múa Rối sẽ biểu diễn chương trình Múa Rối nước. Ngoài ra, các chương trình biểu diễn âm nhạc, chèo, kịch nói, nghệ thuật quần chúng, chương trình ca - múa - nhạc, trưng bày sách, báo, triển lãm diều - sáo sẽ diễn ra những ngày đầu tháng 5 tại thành phố. Hơn nữa, năm nay Giải Golf Hữu nghị Hải Phòng 2016 sẽ tổ chức vào ngày 14/5/2016, tại sân Golf  Đồ Sơn.

Đặc biệt, lúc 20h00’ ngày 6/5/2016 tại Quảng trường Nhà hát thành phố sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật Đêm hội “Hải Phòng - Nối vòng tay bè bạn” khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2016 và đón nhận Quyết định công nhận Di sản phi vật thể quốc gia - Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. Đêm hội sẽ có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật và đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Trước đó, ngày 21/4/2016 Hải Phòng đã xúc tiến nối lại, mở các đường bay mới đến Cảng Hàng không Cát Bi, nhằm tạo thuận lợi và thu hút khách du lịch thăm thành phố trong thời gian tới. (Ba Vũ - Báo Công lý 28/04/2016)

27. Hội thi CLB xây dựng gia đình hạnh phúc thành phố năm 2016

Vượt qua 13 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố, CLB Gia đình hạnh phúc quận Ngô Quyền đoạt giải xuất sắc với 3 phần thi theo thể lệ của ban tổ chức gồm chào hỏi, tiểu phẩm và thi kiến thức.

Hội thi do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp với UBND quận Lê Chân tổ chức diễn ra sáng 27-4 tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Lê Chân (số 10, Hồ Sen). Đây là một trong những hoạt động thường niên hướng tới kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và chào mừng các ngày lễ lớn tháng 4, 5 của thành phố Cảng

14 CLB gia đình hạnh phúc đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đem tới hội thi những phần thi năng khiếu đa dạng loại hình thể hiện với những tiểu phẩm kịch, biểu diễn chèo, ca nhạc... Đặc biệt, nhiều tiết mục có sự tham gia biểu diễn của một gia đình tạo những dấu ấn đặc sắc của hội thi này.

Theo Phó giám đốc Sở VHTTDL Bùi Hoàng Việt, hội thi là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác gia đình trên địa bàn thành phố năm 20146. Hội thi không chỉ nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Mà đây còn là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm công tác gia đình của các địa phương về nội dung này.

Kết thúc hội thi, giải xuất sắc thuộc về CLB gia đình hạnh phúc quận Ngô Quyền. Đội thi của quận Lê Chân và huyện Thủy Nguyên đoạt giải nhất. 5 giải nhì được trao cho các đội của quận Hải An, Đồ Sơn và huyện Vĩnh Bảo, Cát Hải, Kiến Thụy. Các đội quận Dương Kinh, Kiến An, Hồng Bàng và huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng đoạt giải Ba hội thi. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 3 giải chuyên đề tặng thí sinh nhỏ tuổi nhất xuất sắc nhất của đội Kiến An. Giải Sáng tạo thuộc về đội Cát Hải. Và giải giọng chèo xuất sắc dành cho đội Vĩnh Bảo. (Thùy Linh - Báo Hải Phòng 28/04/2016)

28.Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2016: Tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế

Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ 5 - Hải Phòng 2016 đang đến rất gần. Những người con đất Cảng đang từng ngày náo nức chuẩn bị, đón chờ những chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, giàu ý nghĩa trong đêm hội tôn vinh về con người và mảnh đất nơi đây. Và điều đặc biệt hơn ở mùa lễ hội năm nay là còn có rất nhiều bạn bè quốc tế xa xôi cũng đang gấp rút chuẩn bị cho những tiết mục tham gia biểu diễn trong lễ hội, sẽ tạo nên những dấu ấn mới đẹp đẽ của Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2016.

Những người bạn quốc tế

Được biết để đạt được chủ đề Lễ hội năm nay là “Hải Phòng - Nối vòng tay bè bạn”, bên cạnh những địa phương vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương có kết nối về địa danh hàng không với Hải Phòng, thành phố chúng ta còn mời những người bạn quốc tế đến từ 5 nước có mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Hải Phòng. Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Hải Phòng cho biết: Tính đến ngày 26-4, đã có 4 đoàn chính quyền, 3 đoàn nghệ thuật và 2 đoàn sinh viên dự kiến sẽ đến Hải Phòng với tổng số hàng trăm người tham dự trong những ngày lễ hội năm nay.

Trong đó có 2 đoàn thành phố của Nhật Bản, đó là đoàn thành phố Kitakyushu có khoảng 10 người tham dự, do ông Yukio Nishida - Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác Kitakyushu làm trưởng đoàn và đoàn thành phố Kagawa với 3 người tham dự, do ông Yuji Kuda - Ủy viên Hội đồng chính phủ Kagawa làm trưởng đoàn. Đoàn tỉnh Viêng Chăn - Lào với 3 người tham dự, do ông Sing Khăm Không Sạ Vặn - Phó bí thư tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn làm trưởng đoàn. Đoàn của Đại sứ quán Vương quốc Bỉ có 5 người tham dự, do ông Jehanne Roccas - Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam làm trưởng đoàn.

Bên cạnh đó còn có sự tham dự của 80 sinh viên Lào và Thái Lan tại Hải Phòng và gần 50 ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn của đoàn nghệ thuật Qian Yanfu, Vân Nam, Trung Quốc; đoàn nghệ thuật Hàn Quốc và Vương quốc Bỉ. Theo dự kiến, các đoàn khách quốc tế trên sẽ đến với Hải Phòng từ ngày 5 đến 8-5.

Cầu nối giao lưu văn hóa

Các đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ mang đến lễ hội những chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tính biểu trưng của quê hương đất nước. Trong đêm chính hội ngày 6-5, đoàn nghệ thuật Qian Yanfu - Vân Nam, Trung Quốc, với sự tham dự của 21 diễn viên múa chuyên nghiệp của thành phố sẽ giới thiệu với người dân Hải Phòng và du khách về điệu múa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của quê hương. Đó là điệu múa dân tộc Thái Hoa Eo mang tên “Tình bồ cây giống”. Điệu múa này thể hiện hình ảnh của những thiếu nữ Thái xinh đẹp đi chợ hoa, trên đường được chứng kiến một câu chuyện tình đẹp của đôi trai gái và tất cả đều hướng đến một tình yêu tốt đẹp.

Trong điệu múa, các diễn viên múa với bộ trang phục dân tộc màu sắc tươi tắn, thể hiện nét mặt vui vẻ, những động tác có khi dịu dàng, lãng mạn, có khi lại nhẹ nhàng nhưng không kém phần sống động. Điệu múa được đánh giá là vừa mang tính nghệ thuật cao, lại vừa mang tính giải trí. Ngoài ra, đoàn nghệ thuật Qian Yanfu còn mang tới 3 tiết mục hát và 4 điệu múa khác nữa của quê hương mình.

Đoàn nghệ thuật Bỉ với 17 nghệ sĩ múa của nhóm múa Dân gian và Lịch sử “The Owls” cũng hứa hẹn sẽ mang đến lễ hội tiết mục hát múa sống động, giàu ý nghĩa. Những diễn viên múa với những bộ trang phục lịch sử từ thế kỷ XV - XVIII sẽ kể lại câu chuyện về cuộc sống của những người dân Bỉ dưới thời thuộc địa của Tây Ban Nha vào 500 năm trước…

Theo kế hoạch dự kiến, các đoàn khách quốc tế ngoài những hoạt động tham dự trong đêm chính hội còn có những hoạt động giao lưu khác tại Hải Phòng. Được biết chiều 6-5, đoàn chính quyền thành phố Kitakyushu - Nhật Bản sẽ đi thăm Nhà máy nước An Dương và danh thắng Cát Bà vào ngày 7-5. Đoàn chính quyền của tỉnh Viêng Chăn - Lào cũng sẽ thăm một số doanh nghiệp và thắng cảnh của thành phố trong những ngày đến với Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm nay…

Những hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật của bạn bè quốc tế trong Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm nay là một điểm mới, để lễ hội ngày càng hấp dẫn hơn với nhân dân và du khách, tạo sự đột phá, lan tỏa đến nhiều vùng miền trên khắp đất nước và thế giới. Đây thực sự là một cầu nối giao lưu văn hóa, là cơ hội để tăng cường mối hiểu biết, quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa Hải Phòng với các địa phương, cơ quan, tổ chức của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời đây cũng là cơ hội giới thiệu, quảng bá về con người và mảnh đất Hải Phòng, về tiềm năng, cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, thương mại… giữa Hải Phòng với bạn bè quốc tế.

Bà Nguyễn Thanh Phương - Trưởng phòng Lễ tân Báo chí - Sở Ngoại vụ Hải Phòng cho biết: Ngoài những đoàn khách quốc tế trên, trong những ngày tới đây dự kiến sẽ có thêm nhiều người bạn nước ngoài đến lễ hội và thành phố. Những đoàn khách quốc tế đến với Hải Phòng đều có mối quan hệ kết nghĩa, hợp tác kinh tế với thành phố. Họ đã từng đến với Hải Phòng từ những sự kiện khác trước đó như Năm du lịch quốc gia đồng bằng Sông Hồng 2013.

Khi được mời đến với Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ 5 - Hải Phòng 2016, những người bạn quốc tế rất vui mừng, họ mong chờ sẽ sớm được đến với thành phố và mong muốn từ sự giao lưu văn hóa này sẽ là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ hợp tác 2 bên trên mọi phương diện kinh tế, chính trị…”. (Xuân Hạ - An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

29. Điểm nhấn Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng lần 5 năm 2016: Đón nhận Di sản VH phi vật thể quốc gia-Lễ hội nữ tướng Lê Chân

Chỉ còn vài ngày nữa, người dân thành phố Cảng lại được hòa mình vào không khí rộn ràng, vui tươi của Lễ hội Hoa Phượng đỏ - lễ hội đã trở thành thương hiệu của thành phố. Mùa lễ hội năm nay, bên cạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, kinh tế sôi động và phong phú, lễ hội còn diễn ra sự kiện đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Nữ tướng Lê Chân.

Ông Phạm Tiến Du - Chủ tịch UBND quận Lê Chân không giấu nổi niềm tự hào, phấn chấn khi cho biết: Lễ hội Nữ tướng Lê Chân sau 5 năm tổ chức thành công trên địa bàn quận, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 10-3-2016. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng của đất và người Lê Chân, mà giờ đây đã trở thành niềm tự hào chung và làm nên bản sắc văn hóa của thành phố Cảng.

Từ rất lâu, người dân Lê Chân đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội để tưởng nhớ cũng như bày tỏ lòng ngưỡng vọng và biết ơn đối với vị tướng tài ba đã cùng Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lược của quân Đông Hán, thế kỷ I. Bà là người còn có công khai hoang, lập nên trang ấp đầu tiên của vùng đất này, gọi là Trang An Biên, khởi thủy có tên nôm là làng Vẻn, có nghĩa là vùng đất ven sông, nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay. Khi thành phố Hải Phòng ngày càng phát triển và được mở rộng, làng Vẻn xưa kia được mang tên quận Lê Chân.

Bà Vũ Thị Việt Hà - Trưởng phòng Phòng Văn hóa quận Lê Chân cho biết: Theo “Hải Phòng An Biên thần tích bi” còn được lưu giữ tại Đền Nghè, nữ tướng Lê Chân nguyên quán ở xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay là xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà sinh vào khởi đầu công nguyên, trong một gia đình có truyền thống dạy học và làm thuốc. Cha mẹ của bà là ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu thường xuyên làm việc tu nhân tích đức. Bà lớn lên thông minh, tài sắc vẹn toàn. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Hán đô hộ, Thái thú Tô Định thi hành chính sách bạo ngược khiến người dân phải sống trong cảnh lầm than. Viên Thái thú nghe tiếng bà, muốn cưỡng ép lấy làm vợ, nhưng đã bị bà từ chối.

Vì thế, Tô Định oán giận đã sát hại cha bà. Ôm mối thù cha, tìm phương rửa hận, bà thề không đội trời chung với Tô Định. Sau khi đi thị sát, bà phát hiện ở vùng ven biển có nhiều sông rạch, tạo thành các đường thủy nối liền, bèn trở về quê cùng người thân đến khai khẩn vùng đất mới, lập nên một làng ven sông, gọi là làng Vẻn. Nhớ quê nhà, bà lấy tên gốc để đặt tên cho vùng đất mới - trang An Biên và mở chợ ở ven sông để tiện việc mua bán. Tại đây, bà thu nạp những người cùng hoàn cảnh cũng như tích cực chiêu mộ binh sĩ, chờ đợi thời cơ để trả thù nước, rửa hận nhà.

Lúc ấy, ở đạo Sơn Tây có 2 chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị đang phát hịch kêu gọi tướng sỹ khắp nơi khởi nghĩa giết giặc Tô Định. Được tin, Lê Chân lập tức lựa chọn hơn 100 binh sĩ thân tín, kéo về Sơn Tây. Trưng Trắc thấy diện mạo khác thường, có ý chí nên đã rất ưng ý và phong cho bà là Thánh Chân công chúa, đem quân cùng Trưng Nhị tiến đánh Tô Định. Tô Định thua to, trốn về Bắc quốc, nước Nam bình định. Thánh Chân công chúa thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về trang An Biên dựng đồn binh, đề phòng giặc Bắc quay trở lại xâm lược. Khi trở về làng, bà đã dựng đồn, tăng cường chiêu mộ binh sĩ, xuất tiền tài chẩn cấp cho dân. Người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, yên bình và đội ơn bà.

Sau thất bại ở Giao Chỉ, Tô Định về nước, dâng biểu tâu vua Hán và Mã Viện xin lệnh cùng các tướng quân khác quay lại đánh Giao Chỉ. Nhận được lệnh của Trưng Vương, Thánh Chân công chúa lập tức về kinh, dốc sức giúp Trưng Vương đánh giặc. Khi Mã Viện đem đại quân tiến vào nước ta theo đường biển, Lê Chân đã tổ chức phòng ngự ngăn quân Mã Viện từ địa đầu biên giới Đông Bắc, giao chiến 3 trận rồi mới rút về căn cứ Lãng Bạc. Truyền thuyết kể rằng, sau nhiều lần giao chiến, quân Hán thua to. Quân giặc biết vua và tướng ta cùng nhiều quân sĩ đều là nữ, lập tức sử dụng hạ nhục kế, khiến vua tôi bị thất trận.

Cuộc khởi nghĩa tan rã, sau khi Hai Bà Trưng trầm mình xuống sông, tướng Lê Chân về vùng núi Lạt Sơn (nay  thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam) xây dựng căn cứ kháng chiến. Tại đây, bà cùng các tướng sĩ quyết chiến với quân thù. Song do lực lượng quá chênh lệch, căn cứ lại mới hình thành, đội quân của Thánh Chân công chúa thất trận. Nữ tướng gieo mình xuống Giát Dâu tuẫn tiết. Lúc này, ở trang An Biên, người và vật đều không yên. Sách sử ghi lại rằng, vào một đêm, người dân trang An Biên được bà báo mộng và khi thấy có phiến đá từ từ trôi vào bờ sông làng Vẻn, người dân ở đây rước về, lập đền thờ phụng.

Nằm trong hệ thống các di tích thờ nữ tướng của Hai Bà Trưng, Thánh Chân công chúa là một nữ tướng được nhân dân nhiều vùng thờ phụng. Tại Hải Phòng, bà được nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng, Thánh Mẫu và lập đền, đình, miếu mạo... thờ phụng. Đặc biệt tại quận Lê Chân ngày nay, nơi Nữ tướng lập nên trang ấp đầu tiên, có nhiều di tích liên quan mật thiết với nhau, nhất là trong việc tổ chức lễ hội, tế lễ, rước sách, thờ cúng... Hàng năm, vào ngày sinh của bà (mùng 8-2 âm lịch), người dân làng An Biên xưa tổ chức lễ hội để tưởng nhớ.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội được chuẩn bị ngay từ những ngày cuối năm với một tâm thức rất thành kính. Người dân trong làng tập trung tại những di tích nơi thờ Thánh Chân công chúa như: đình An Biên, đền Nghè (An Biên cổ miếu) để dọn dẹp, bao sái thần tượng, bài vị cũng như đồ thờ tự... Khi lễ hội được mở ra, từ đền Nghè, người dân sẽ rước tượng, bài vị, long đình, bát biểu, và các nghi trượng khác về đình An Biên để tổ chức lễ hội.

Ông Phạm Tiến Du cho biết: Bắt đầu từ năm 2011, quận Lê Chân tổ chức Lễ hội Nữ tướng Lê Chân trên quy mô địa bàn. Toàn thể cán bộ và nhân dân 15 phường trong quận tham gia lễ hội với tinh thần phấn chấn, đầy tự hào và trách nhiệm. Giờ đây, sau 5 năm tổ chức lễ hội thành công, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân đã trở thành một hoạt động văn hóa truyền thống, văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân quận Lê Chân nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Lễ hội có ý nghĩa sâu sắc trên cả phương diện văn hóa, lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ, những phong tục tập quán, quy ước trong lễ hội được quy định nghiêm ngặt.

Theo đánh giá của các nhà văn hóa và lịch sử đã tham gia lễ hội hàng năm thì đây là một lễ hội có quy mô và sức lan tỏa lớn ở thành phố Hải Phòng. Nó được thể hiện rõ trong những nghi thức, nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với những câu chuyện về Thánh Mẫu. “Điều làm cho người dân hết sức phấn khởi là hoạt động rước của 15 phường, các bản đình, bản đền đều tham gia. Đồ tế thì do nhân dân chăm lo, thành kính. Nhiều nhà hảo tâm nhiệt tình ủng hộ cho lễ hội... khiến thành công của lễ hội qua các năm được nhân lên” - ông Du chia sẻ như vậy.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng lần thứ 5 đã dần hoàn tất. Theo kế hoạch đã được duyệt, lễ hội được khai mạc vào 20h ngày 6-5, sẽ được mở màn bằng việc thành phố tổ chức đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Nữ tướng Lê Chân. (Thạch Thảo - An ninh Hải Phòng 28/04/2016)

 THỂ THAO

30. 3… 7… 21

Hải Phòng đang dẫn đầu V-League với bảy trận thắng. Nhìn vào thang điểm 3 (điểm) x 7 (trận) = 21, nhiều người ví von câu 3… 7… 21 để nói đến sự chông chênh của một đội bóng mà mùa trước đủ điểm rồi thì chựng lại chứ không chịu phất cờ.

Khi nói về thành tích của đội Hải Phòng, chúng tôi hỏi “xoáy” ông Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng thì ông chia sẻ về những khó khăn của đội nhưng thành công hiện tại là nhờ tính kỷ luật luôn được siết chặt. Ông còn kể chuyện trị sao và kỷ luật tuyển thủ Đinh Tiến Thành khi “phá cách” sau thời gian lên đội tuyển như thế nào. Ông Hùng chia sẻ: “Em Thành còn rất trẻ, phải giáo dục em ấy. Ở đội tôi có thể không có ngôi sao chứ không chấp nhận những cầu thủ cao ngạo làm ảnh hưởng đến tập thể”.

Ông Hùng cũng khẳng định việc không thích can thiệp vào công việc của HLV trưởng đồng thời rất ghét chuyện lãnh đạo xuống sân chỉ đạo chuyên môn vì như thế là thiếu tôn trọng HLV, tôn trọng khán giả… Ông cũng khẳng định Hải Phòng mùa này không phải bung nhiều tiền như những mùa trước nhưng biết cách quản lý, có trách nhiệm thực sự với đội và nhất là với cầu thủ thì mọi chuyện sẽ hiệu quả.

Cũng từ đó ông Hùng khẳng định cờ đến tay thì phất chứ không theo “công thức” 3… 7… 21. (Tấn Phước - Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh 28/04/2016)

31.Đâu là sự khác biệt giúp Hải Phòng độc tôn trên đỉnh V-League?

Ba tân binh nội đã ghi gần 40 % số bàn thắng, đưa Hải Phòng lên đỉnh V-League. Chính họ là sự khác biệt đã giúp đoàn quân của huấn luyện viên Trương Việt Hoàng thăng hoa.

Nguyễn Đình Bảo, Lê Xuân Hùng, Lê Văn Sáu, Đặng Văn Lâm, Keven Nguyễn, Lê Văn Thắng... Bạn biết được bao nhiêu người trong số những cái tên ấy? Ngoại trừ Vua phá lưới nội V-League 2015 Văn Thắng, tất cả đều là những gã vô danh. Nhưng chính những gã vô danh ấy đang mang tới sự khác biệt cho Hải Phòng, giúp họ cải thiện đáng kể các thống kê và chinh phục V-League.

Văn Thắng, Xuân Hùng, Đình Bảo là chủ nhân của 7/16 bàn của Hải Phòng từ đầu mùa. Sự xuất sắc của họ giúp Hải Phòng cải thiện đáng kể tỷ lệ bàn thắng của nội binh. Mùa trước, các nội binh của Hải Phòng chỉ góp công trong 33 % số bàn thắng. Đấy là lý do khiến bộ đôi Fagan - Stevens dù ghi tới 18 bàn vẫn không thể giúp Hải Phòng lọt vào tốp 5.

Mùa này, mọi thứ đã khác. Với 50 % số bàn thắng được ghi bởi các nội binh, Hải Phòng vừa chinh phục kỷ lục bảy trận thắng liên tiếp và sẽ còn giữ ngôi đầu bảng nhiều vòng nữa. Đặc biệt, 7/8 bàn của nội binh Hải Phòng đến từ các tân binh. Thống kê ấy cho thấy khả năng mua sắm và năng lực sử dụng cầu thủ cực tốt từ Trương Việt Hoàng.

Phong độ cao của các nội binh cũng giúp Hải Phòng cải thiện hàng loạt thống kê khác.

Mùa trước, đội bóng đất cảng cũng khởi đầu rất tốt với 5 vòng bất bại đầu tiên (4 trận thắng). Sang mùa này, họ cải thiện thành tích với 7 trận thắng liên tiếp.

Mùa trước, hàng thủ Hải Phòng vững chắc nhất V-League nhưng vẫn để lọt lưới hơn 1 bàn/trận. Mùa này, họ mới để thủng lưới 0,4 bàn/trận.

Hàng công của Hải Phòng cũng tiến bộ trông thấy. Với 2,3 bàn/trận, Hải Phòng hiện là hàng công mạnh nhất V-League, tiến bộ gần gấp đôi so với con số 1,2 bàn/trận ở mùa bóng trước.

Sau trận thua Hải Phòng, huấn luyện viên Phan Thanh Hùng của Than Quảng Ninh từng cho rằng ngoại binh là nguyên nhân quan trọng nhất trong thành công của Hải Phòng. Nhưng với những thống kê ở trên, ông Hùng có lẽ sẽ phải nghĩ lại. (Minh Chiến - Vietnamplus.vn 28/04/2016)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố