Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 28/11/2016)
Sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Hải An, thành phố Hải Phòng để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV và giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của cử tri.
Trước khi lắng nghe các cử tri phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị và mong muốn cử tri trao đổi thẳng thắn mọi vấn đề quan tâm liên quan đến công tác điều hành kinh tế-xã hội của đất nước để Thủ tướng, Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo thành phố Hải Phòng trực tiếp trao đổi, giải đáp.
Các nội dung đặt ra tại buổi tiếp xúc xoay quanh những vấn đề quan tâm của cử tri về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý, điều hành kinh tế-xã hội; bảo vệ môi trường, tương lai việc gia nhập Hiệp định TPP của Việt Nam và công tác xử lý cán bộ.
Phấn khởi, tin tưởng vào sự điều hành của Chính phủ
Cử tri Hoàng Hải Bằng bày tỏ ấn tượng trước kết quả điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với một quyết tâm cháy bỏng xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Cử tri cho rằng quyết tâm này không chỉ là lời hứa mà đã được thể hiện rõ nét trong công tác quản lý, điều hành của Thủ tướng và Chính phủ thời gian qua. Điển hình như việc lập lại trật tự, kỷ, cương của nền công vụ; xử lý ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung; siết chặt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thúc đẩy chương trình quốc gia khởi nghiệp...
Cho rằng trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, thành tựu kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời trong những quyết sách của Chính phủ, cử tri Hoàng Hải Bằng kiến nghị Chính phủ và thành phố cần tiếp tục có những biện pháp linh hoạt, kịp thời điều hành ổn định tỷ giá USD đang có xu hướng tăng trở lại và duy trì ổn định giá đầu vào các mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất như xăng, điện để tránh gia tăng lạm phát dịp cuối năm.
Cử tri quận Hải An cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường ô tô cao tốc ven biển Hải Phòng-Thanh Hóa mở ra một cơ hội mới cho kinh tế Hải Phòng bứt phá, đi lên.
Cử tri Lê Văn Tiến lo lắng trước tình trạng lách luật trong vận chuyển quá tải vẫn xảy ra thường xuyên dưới nhiều hình thức như đường thủy, đường sông, xe tải đi đường nhỏ, vòng, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, gây nhiễu loạn giá cước vận chuyển, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải làm ăn uy tín, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Lo lắng trước tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động xả thải của nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ-Vinachem, cử tri Ngô Văn Nhân đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và thành phố có biện pháp xử lý dứt điểm, không để gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân.
Cử tri Trần Thanh Thảo nêu băn khoăn về các vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ thời gian gần đây, nhất là qua sự việc Ban Bí thư Trung ương Đảng phải ra quyết định cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Phải phấn đấu vươn lên vì đất nước vì dân tộc
Lắng nghe ý kiến của của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cần gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tiếp xúc, báo cáo cử tri. Người lãnh đạo phải sát với thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân; không được chủ quan, tự mãn, xa dân, phải lắng nghe ý kiến của người dân để xây dựng chính sách thì chính sách đó mới có thể thành công, Thủ tướng nói.
Vui mừng trước thành tựu kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng, quận Hải An thời gian qua với hàng loạt các công trình quan trọng về cơ sở hạ tầng được xây mới, mở rộng, Thủ tướng biểu dương và cảm ơn cử tri và bà con nhân dân thành phố đã di chuyển đến nơi ở mới, dành mặt bằng cho các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Thông tin về việc thực thi trách nhiệm của cơ quan hành pháp thời gian qua, Thủ tướng cho biết tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua, gần như tất cả các kiến nghị của Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến chi tiêu, phân bổ ngân sách, những chủ trương lớn của nền kinh tế đều được Quốc hội thảo luận, thông qua với số phiếu tuyệt đối. Thành công của Kỳ họp thứ 2 khẳng định sự đồng thuận, tin tưởng, kỳ vọng của đại biểu Quốc hội và cử tri đối với công tác điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của Chính phủ.
Phải đưa xây dựng những chỉ tiêu cao hơn, tốt hơn, dù có khó khăn nhiều hơn; phải xác định tư duy dám nghĩ, dám làm trong phát triển, phải phấn đấu vươn lên vì đất nước vì dân tộc, Thủ tướng nói.
Trao đổi với cử tri trước ý kiến cho rằng nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng thấp ở mức 6% để an toàn, Thủ tướng nêu rõ trong bối cảnh nợ công cao sát trần bằng 65% GDP như hiện nay thì buộc phải đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cao để tránh tình trạng sát trần nợ công. Bên cạnh đó, GDP càng cao thì càng giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và đảm bảo một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn về nợ công, nợ xấu; hạ tầng, khoa học công nghệ còn hạn chế. Tinh thần này phải được quán triệt trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nỗ lực đưa đất nước tiến lên, chứ không phải “biết bàn, bí bỏ.” Vì vậy, lãnh đạo càng cao thì trách nhiệm càng lớn trước nhân dân; Việt Nam phải vươn lên thành quốc gia thuộc nhóm đầu ASEAN cả về thu nhập, môi trường đầu tư, Thủ tướng nêu rõ.
Giải đáp các kiến nghị của cử tri đối với lĩnh vực điều hành tỷ giá, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đủ nguồn cung để ổn định thị trường trong mọi trường hợp, kể cả về ngoại tệ. Tất nhiên, điều hành kinh tế vĩ mô từ trung ương xuống địa phương không phải là chuyện dễ dàng và không thể chủ quan, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho rằng cần tổ chức một hệ thống vận tải quy mô ở Hải Phòng bởi đây là trung tâm vận tải lớn của cả nước, Thủ tướng đề nghị thành phố xây dựng hệ thống này theo hướng lành mạnh, minh bạch, an toàn, tránh trường hợp phí chồng phí ảnh hưởng đến chi phí vận tải.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng xử lý và công bố công khai những tồn tại liên quan đến Bến xe Thượng Lý. Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo an toàn, trật tự vận tải hàng hải theo hướng hội nhập quốc tế và hiện đại.
Nhận xét quy hoạch 2 triệu khách như hiện nay là chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của thành phố, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu mở rộng khả năng đáp ứng của Sân bay Cát Bi lên mức 5-6 triệu khách, đi cùng với mở rộng các dịch vụ liên quan.
Cũng liên quan đến nhu cầu phát triển của năm 2017, Thủ tướng đề nghị thành phố thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính tại Cảng Hải Phòng; phải phấn đấu trở thành tấm gương trong quản lý xuất nhập khẩu, giảm thiểu thủ tục thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với kiến nghị của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường của Nhà máy phân bón DAP Đình Vũ, Thủ tướng giao Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiến hành kiểm tra trực tiếp, lắng nghe ý kiến của nhân dân để có phương án khắc phục phù hợp.
Liên quan đến lo ngại của cử tri về tương lai của Hiệp định TPP, Thủ tướng giải đáp trừ Hoa Kỳ, tổng GDP của các nước đang đàm phán còn lại rất lớn, lên đến gần 20.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngoài TPP, Việt Nam còn tham gia 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều thị trường lớn.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam vẫn là quốc gia hội nhập sâu rộng, chủ động vào kinh tế thế giới và vẫn tiếp tục thỏa thuận với các quốc gia còn lại để ký kết TPP.
Trao đổi với thắc mắc của cử tri về vấn đề kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ phải thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, song song với đó là phải áp dụng pháp luật hiện hành về vấn đề này. Thủ tướng tin tưởng trong thời gian sắp tới sẽ làm rõ hơn cơ chế phù hợp để áp dụng và thực thi vấn đề khen thưởng, kỷ luật chặt chẽ, đúng mức đảm bảo giải quyết nghiêm túc, kiên quyết, có lý có tình đối với các trường hợp vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức.
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng giải quyết một số kiến nghị của cử tri liên quan đến một số vấn đề về ô nhiễm môi trường và việc triển khai một số công trình, dự án trên địa bàn. (Thanh tra 28/11/2016; Tiền Phong 28/11/2016; An ninh Hải Phòng 26/11/2016; CafeF 26/11/2016; vov.vn 26/11/2016; Thanh niên 26/11/2016; Báo Hải Phòng 26/11/2016; Giáo dục Việt Nam 26/11/2016; Báo Hải Phòng 26/11/2016; Zing.vn 26/11/2016; Pháp luật Plus 26/11/2016; Nhân dân 26/11/2016; Tuổi trẻ 26/11/2016; Quân đội nhân dân 26/11/2016)
Sau 3 năm triển khai, dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dân cư” sử dụng tín dụng ưu đãi của chính phủ Hungary tại thành phố Hải Phòng đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, được coi là tiền đề vững chắc để tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong cả nước…
Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực CT-KT-VH-XH, đặt ra cho công tác quản lý dân cư phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm theo kịp với sự phát triển chung. Do đó, việc xây dựng một hệ thống quản lý dân cư hiện đại với mục đích kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư để dùng chung là một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Ngày 20-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Căn cước công dân(CCCD), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016. Trong đó quy định: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được nhà nước bảo vệ theo quy định pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; là cơ sở dữ liệu dùng chung và là một trong các cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Do đó, việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ tạo chuyển biến căn bản về tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư; nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước và giao dịch dân sự.
Được sự giúp đỡ của Chính phủ Hungary với khoản vốn vay có điều kiện, Bộ Công an đã lựa chọn thành phố Hải Phòng là địa phương triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quản lý dân cư” và giao Tổng cục Cảnh sát là chủ đầu tư. Theo đó, dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ triển khai thí điểm việc thu thập thông tin dân cư tại xã Tân Tiến, huyện An Dương và phường Đa Phúc, quận Dương Kinh; giai đoạn 2 tổ chức triển khai mở rộng dự án trên toàn bộ thành phố Hải Phòng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Bộ Công an, UBND thành phố Hải Phòng, sau hơn 3 năm tổ chức thực hiện, tính từ ngày 30-12-2013, đến nay dự án đã hoàn thành, đạt kết quả cao về chất lượng, hiệu quả đầu tư và bảo đảm tiến độ đề ra. Tổng cục Cảnh sát, Công an thành phố Hải Phòng và liên minh nhà thầu HIPT đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, tổ chức xây dựng, lắp đặt thành công hệ thống quản lý dân cư tại Hải Phòng; xây dựng Trung tâm dữ liệu dân cư tại Bộ Công an, Công an thành phố Hải Phòng; trang bị đồng bộ thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, thiết bị mạng, đường truyền thông nhất từ Bộ Công an đến công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hải Phòng; hoàn thành việc thu thập, nhập dữ liệu và tổ chức cấp số định danh cá nhân cho gần 2 triệu công dân của thành phố Hải Phòng; xây dựng các quy trình nghiệp vụ, triển khai các phần mềm ứng dụng nhằm thông qua công tác đăng ký, quản lý cư trú, cấp và quản lý CCCD, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh để thu thập, cập nhật thông tin vào hệ thống…
Bên cạnh đó, thông tin dân cư trong hệ thống được tổ chức khai thác hiệu quả, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạch định chính sách phát triển KT-XH và cải cách thủ tục hành chính; tạo lập một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn thành phố để dùng chung cho các cơ quan, đơn vị, nhằm cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin dân cư. Điển hình là hệ thống đã cung cấp thông tin dân cư hỗ trợ việc lập danh sách cử tri, phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021; thống kê báo cáo độ tuổi trẻ em, cung cấp tình hình biến động dân cư theo địa bàn…
Việc thông tin của công dân được quản lý tập trung bằng chìa khóa là số định danh cá nhân sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong các giao dịch hành chính và đi lại cá nhân. Cụ thể, khi giải quyết các thủ tục hành chính, thay vì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cho cơ quan quản lý, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân để cơ quan quản lý tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu và thực hiện các giao dịch bình thường, như vậy rút ngắn thời gian giải quyết, giảm chi phí và thời gian đi lại, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Tính đến nay, thông qua hệ thống quản lý dân cư, Công an thành phố Hải Phòng đã tiến hành giải quyết đăng ký thường trú cho hơn 70.000 trường hợp; đăng ký tạm trú cho gần 10.000 trường hợp; cấp thẻ CCCD cho gần 90.000 trường hợp; tiếp nhận thông báo lưu trú và làm thủ tục khai báo tạm vắng cho hàng nghìn trường hợp khác.
Có thể thấy, việc xây dựng thành công hệ thống quản lý dân cư tại thành phố Hải Phòng là căn cứ pháp lý quan trọng để các ngành, lĩnh vực của thành phố nghiên cứu, đề xuất, lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều loại giấy tờ cá nhân, rất phiền hà nhưng lại không hiệu quả khi giao dịch hành chính hiện nay. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành công hệ thống quản lý dân cư sẽ bảo đảm việc quản lý chắc biến động dân cư, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân; quản lý chặt chẽ các đối tượng, phục vụ đắc lực công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Thành công của dự án “Xây dựng hệ thống dữ liệu dân cư” là nền tảng vững chắc để triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử Việt Nam trong tương lai. (An ninh Hải Phòng 28/11/2016)
Sáng 25-11, UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo với chủ đề “một số giải pháp xây dựng Hải Phòng thành thành phố thông minh” năm 2016. Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam tới dự.
Hội thảo được nghe các chuyên gia, diễn giả chia sẻ việc triển khai các giải pháp về phát triển thành phố thông minh, tập trung vào: các giải pháp xây dựng hạ tầng, ứng dụng, chính sách, nhân lực cho mục tiêu xây dựng thành phố Hải Phòng thông minh; nâng cao hiệu quả quản lý giao thông, quy hoạch đô thị, sử dụng năng lượng, nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ tài nguyên môi trường, tối ưu hóa chi phí cho quản lý khai thác cảng biển, sân bay; giải pháp kỹ thuật xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của thành phố…
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch Lê Khắc Nam nhấn mạnh: Để kịp thời bắt nhịp cùng quá trình toàn cầu hóa, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nguồn đầu tư lớn trên thế giới, Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển viễn thông và CNTT thành phố, UBND TP đã phê duyệt đề án Chính quyền điện tử, trong đó hướng tới thành phố thông minh là nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, ứng dụng và phát triển CNTT nhằm nâng cao năng lực điều hành của hệ thống chính trị thành phố, thúc đẩy CCHC, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư… (An ninh Hải Phòng 28/11/2016)
Sáng 26-11, Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị đợt 2 năm 2016 cho 122 đảng viên mới và lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng cho 108 quần chúng ưu tú.
Tại lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho lớp bồi dưỡng kết nạp đảng, các học viên nghiên cứu 5 chuyên đề về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên CNXH; nội dung cơ bản của Điều lệ Đảng CSVN và phương hướng phấn đấu để trở thành đảng viên Đảng CSVN.
Lớp bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới là 10 chuyên đề, đó là những kiến thức cơ bản, cốt lõi về Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ của người đảng viên…. Ngoài các kiến thức đã có trong giáo trình, giảng viên truyền tải tới học viên nhiều vấn đề mới của tổ chức đảng và đảng viên tại doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Phương pháp giảng dạy đổi mới, phát huy vai trò chủ động, tích cực xây dựng bài của học viên. Các tiết học đều được ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu minh họa cho bài giảng, góp phần hiệu quả, chất lượng của khóa học. (Báo Hải Phòng 28/11/2016)
Sáng 24-11, đại tá Nguyễn Văn Sóng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc CATP chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến nhân dân xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng. Cùng dự có Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần Đình Vịnh.
Tại hội nghị, đại diện cấp ủy, chính quyên và nhân dân xã Toàn Thắng đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của lực lượng Công an huyện Tiên Lãng và Công an xã Toàn Thắng trong công tác bảo đảm, giữ gìn ANTT trên địa bàn xã. Đa số ý kiến đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, bám sát địa bàn, kịp thời giải quyết ban đầu nhiều vụ việc liên quan đến ANTT của lực lượng công an huyện phụ trách xã và công an xã. Nhờ vậy, trong thời gian qua, tình hình ANTT trên địa bàn xã ổn định, không xảy ra trọng án, khiếu kiện vượt cấp, góp phần thiết thực vào thành tích đưa xã Toàn Thắng trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, người dân cũng kiến nghị về một số tình hình phức tạp về ANTT đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: tình trạng cờ bạc nông thôn, nhất là vào dịp hiếu hỷ; tuyến đường 212 liên xã mật độ giao thông đông, nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng gây nguy cơ cao về mất an toàn giao thông... Người dân xã Toàn Thắng kiến nghị Công an thành phố, Công an huyện Tiên Lãng bố trí thêm lực lượng để đảm đương nhiệm vụ, tăng cương thêm về cơ sở vật chất phục vụ nhân dân đến làm thẻ căn cước công dân…
Đại tá Nguyễn Văn Sóng thay mặt lãnh đạo CATP cảm ơn những ý kiến, kiến nghị tâm huyết và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Toàn Thắng đối với lực lượng CATP nói chung, Công an xã nói riêng; đồng thời chỉ đạo Công an huyện Tiên Lãng và các đơn vị nghiệp vụ CATP tiếp thu, triển khai các biện pháp công tác bảo đảm ANTT, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.(An ninh Hải Phòng 27/11/2016; An ninh Hải Phòng 27/11/2016)
Tổng công ty Thăng Long – CTCP vừa hoàn thành thi công đốt hợp long cầu Tiên Cựu, một trong 2 cây cầu lớn, quan trọng cuối cùng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, TP. Hải Phòng theo hình thức hợp đồng BOT.
Công trình có chiều dài 514.586m, rộng 12m, với nhịp 3 dầm chính bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, 9 nhịp cầu dẫn dầm I đúc sẵn dài 35m. Kết cấu phần dưới mố trụ đặt trên móng cọc khoan nhồi, chiều dài từ 60m đến 84m.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ Quán Toan (An Dương) đến cầu Nghìn (Vĩnh Bảo) được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định phê duyệt và chỉ định Công ty TNHH MTV TASCO Hải Phòng đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 2.851 tỷ đồng. Dự án đã được động thổ khởi công vào ngày 10/5/2015, với thời gian xây dựng là 28 tháng (quý II/2015 đến quý IV/2017). (Đấu thầu 28/11/2016)
Năm 2016, trên địa bàn thành phố phát sinh mới một số điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT (theo tiêu chí được quy định tại Thông tư số 26 của Bộ Giao thông vận tải quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác).
Đáng chú ý là khu vực Km16+800 (gần ngã tư Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên) trong năm 2016 đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết, 2 người bị thương. Nguyên nhân chính là do khu vực này nằm ngoài khu vực đông dân cư (tốc độ cho phép của phương tiện lên đến 80km/h), chưa có đèn chiếu sáng ban đêm và gờ giảm tốc, biển báo nguy hiểm...
Theo đó, ngày 18-11, CATP đã ra công văn số 1661/CAHP-PC67 tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời giải quyết triệt để những bất cập, tồn tại đang là nguyên nhân làm gia tăng điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn thành phố.
Trong tuần, các lực lượng chức năng CATP tập trung lực lượng, phương tiện bảo đảm an ninh trật tự cho Diễn đàn Cảnh sát giao thông ASEAN lần thứ nhất tại Việt Nam và Lễ cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT năm 2016 tổ chức tại trụ sở Thành hội Phật giáo Hải Phòng; đã kiểm tra, xử lý 2.272 trường hợp vi phạm Luật giao thông; tạm giữ để xử lý 16 ôtô, 49 môtô, 2 bằng thuyền trưởng; tước 154 giấy phép lái xe; đăng ký mới 284 ôtô, 1.473 môtô, 159 xe máy điện. (An ninh Hải Phòng 28/11/2016)
Hải Phòng hiện có 54 trung tâm ngoại ngữ, tin học được cấp phép hoạt động, trong đó 15 trung tâm có giáo viên nước ngoài giảng dạy. Thực tế số lượng các trung tâm ngoại ngữ đang hoạt động nhiều hơn con số này. Đó là những trung tâm hoạt động “chui”, không đạt chuẩn chất lượng.
Nhiều trung tâm ngoại ngữ “chui”
Chị Nguyễn Thu Hiền, ở số 23/44 phố Lê Lai, phường Lạc Viên (quận Ngô Quyền) chia sẻ: Mới đây chị cho thuê nhà. Người thuê nhà mở Trung tâm tiếng Anh Kiwi, có giáo viên người nước ngoài. Vì muốn cho con học tiếng Anh do người nước ngoài giảng dạy nên chị đăng ký. Chị Nguyễn Lan Anh (người thuê nhà) cho biết chị mở lớp dạy để đỡ tiền thuê nhà cho các bạn người nước ngoài. Tuy nhiên, các lớp học tiếng Anh ở đây thất thường. Ban đầu giáo viên là người quốc tịch Ôxtrây-lia, sau khoảng 2 tháng dừng dạy. Theo chị Nguyễn Lan Anh, người này phá hợp đồng để dạy ở trung tâm khác, trả tiền công cao hơn. Tiếp đó, người quốc tịch Anh thay thế, nhưng cũng chỉ dạy được 1 tháng lại nghỉ và trung tâm tiếp tục nhờ người khác dạy… Được khoảng 3 tháng, trung tâm này dừng hoạt động.
Tìm hiểu, phóng viên được biết, Trung tâm Kiwi không được Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cấp phép hoạt động. Trung tâm này do một số sinh viên Trường đại học Dân lập Hải Phòng thuê nhà và tự mở lớp tiếng Anh, đồng thời mời giáo viên người nước ngoài dạy. Họ tự đứng ra tổ chức lớp học, thu tiền và trả tiền công các tiết dạy cho người nước ngoài theo thỏa thuận. Tương tự, Trung tâm Anh ngữ quốc tế Columbus English Academy (quận Ngô Quyền) cũng do một số sinh viên Hà Nội thành lập tại Hải Phòng. Trung tâm có khoảng 4 - 5 người nước ngoài giảng dạy. Tuy nhiên, trung tâm này cũng không được Sở GD-ĐT cấp phép...
Hiện, trên địa bàn thành phố có không ít lớp học tiếng Anh do người nước ngoài giảng dạy không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, không có sự kiểm định về chất lượng.
Cần quản lý chặt chẽ
Thực tế, bên cạnh những trung tâm có uy tín, có đội ngũ giáo viên người nước ngoài chuyên nghiệp, được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, có kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy..., còn không ít trung tâm ngoại ngữ hoạt động “chui”, vi phạm trong việc đăng ký số lượng giáo viên nước ngoài với cơ quan quản lý hoặc hết hạn đăng ký hoạt động. Theo Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT) - đơn vị trực tiếp quản lý về chuyên môn đối với các trung tâm ngoại ngữ, trong số 54 trung tâm ngoại ngữ - tin học trên địa bàn thành phố đăng ký hoạt động; chỉ có 15 trung tâm có giáo viên nước ngoài với 59 giáo viên nước ngoài đủ điều kiện giảng dạy. Trong đó, trung tâm: Apollo (13 giáo viên nước ngoài); Trung tâm ngoại ngữ - tin học Đặng Tuấn (8 giáo viên); ILA (6 giáo viên).
Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên Hoàng Quốc Khánh cho biết: Đợt kiểm tra gần đây nhất của Sở GD-ĐT tại 64 trung tâm ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống, bao gồm 54 trung tâm được cấp phép hoạt động và 10 trung tâm không phép cho thấy nhiều sai phạm. Có 25 trung tâm có giấy phép hoạt động đủ tiêu chuẩn, 13 trung tâm đăng ký nhưng không còn hoạt động đào tạo hoặc không còn ở địa chỉ đăng ký; 26 trung tâm hoạt động nhiều năm nhưng chỉ có giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch - Đầu tư mà chưa được cấp phép hoạt động…
Để giải quyết triệt để những trung tâm ngoại ngữ “chui”, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan có thẩm quyền từ việc cấp phép tới việc quản lý chuyên môn của giáo viên nước ngoài trong các trung tâm ngoại ngữ. Sở GD-ĐT cần công bố công khai danh sách, số lượng giáo viên nước ngoài đăng ký giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố để người học có thể theo dõi và kịp thời thông tin tới sở nếu phát hiện vi phạm. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng phối hợp, tổ chức kiểm tra thường xuyên và kiên quyết đình chỉ, rút giấy phép hoạt động nếu phát hiện những trường hợp vi phạm. (Báo Hải Phòng 28/11/2016)
"Lúc tôi xin chuyển trường, bạn bè, người thân bao nhiêu người cản, nhưng tôi không chút đắn đo, do dự. Có lẽ, tình yêu trẻ, biển đảo trong tôi quá lớn".
Gieo con chữ nơi đảo xa
Đảo Bạch Long Vĩ còn được biết đến với tên gọi đảo Vô Thủy (không có nước), cái tên gọi đó đủ nói lên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của hòn đảo này.
Chị Vũ Thị Hà sinh ra và lớn lên ở hòn đảo Cát Bà, Hải Phòng.Thiên nhiên khắc nghiệt là thế, nhưng cô giáo Vũ Thị Hà đã tự nguyện dạy học tại Trường Tiểu học Mẫu giáo Bạch Long Vĩ 20 năm.
Sống trên đảo từ bé, chị Hà đã quen với sóng gió, yêu biển, yêu những con người gắn bó với biển.
Chị hiểu thấu những vất vả của những người thôn chài sống trên các hòn đảo nhỏ giữa mênh mông biển cả và hiểu hết những thiệt thòi của trẻ em sống trên các đảo xa.
Từ tình yêu trẻ, yêu biển vô bờ, chị Hà đã chọn cho mình một lối đi riêng với bạn bè cùng trang lứa, đó là học ngành sư phạm.
Chị Hà khát khao sau này sẽ làm cô giáo, đưa chữ, kiến thức đến với những đứa trẻ trên các hòn đảo xa xôi của Tổ quốc.
Năm 1986, chị Hà thi đậu vào Trường Sư phạm Kiến An, Hải Phòng.
Với nhiều bạn bè cùng trang lứa của chị ở đảo Cát Bà, việc chị Hà thi đậu trường sư phạm đó là một kỳ tích.
Không ngừng học tập phấn đấu, năm 1989 chị ra trường, được bố trí dạy học ở Trường Tiểu học Lê Chân, phường An Dương, thành phố Hải Phòng.
Với một cô giáo duyên dáng như chị Hà, chị có đủ cơ hội để lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ.
Nhưng có lẽ, ước mơ cuộc đời truyền chữ cho trẻ em vùng đảo đã không cho chị đứng yên nhìn những đứa trẻ trên đảo phải mù chữ, thiếu kiến thức.
Cơ hội để chị Hà biến ước mơ của mình thành hiện thực khi chị may mắn gặp được bác Chủ tịch huyện Bạch Long Vĩ thời đó.
Chị Hà chia sẻ rằng:
"Năm 1996, nghỉ hè, tôi về Cát Bà thăm gia đình. Một hôm, có bác Chủ tịch Huyện Bạch Long Vĩ vào gia đình chơi, thăm sức khỏe bố tôi.
Bác ấy trò chuyện chia sẻ về trẻ em trên đảo Bạch Long Vĩ, về khát vọng của những đứa trẻ cần được học tập và đặt vấn đề mời tôi ra đảo”.
Lần gặp gỡ đó đã thay đổi cuộc đời của cô giáo Vũ Thị Hà.
Sự ngỏ ý của bác Chủ tịch Huyện Bạch Long Vĩ đã chạm vào ước mơ bấy lâu của chị.
Không một chút do dự, tháng 9 năm đó chị Hà đã quyết định tạm biệt Hải Phòng để đến với đảo Bạch Long Vĩ.
“Lúc tôi xin chuyển trường, bạn bè, người thân bao nhiêu người cản, nhưng tôi không chút đắn đo, do dự. Có lẽ, tình yêu trẻ, biển đảo trong tôi quá lớn” – chị Hà chia sẻ.
Ước mơ và thực hiện ước mơ luôn khó khăn cho bất cứ ai trong cuộc đời, với chị Hà cũng không ngoại lệ.
Đơn giản chỉ là hành trình ra tới đảo Bạch Long Vĩ thôi đó cũng là một thử thách chông gai.
Đến giờ, cô giáo Hà vẫn nhớ mãi hành trình lần đầu chị đến với hòn đảo xa bờ nhất nằm trong biển Vịnh Bắc Bộ
“Hôm đó sóng rất to, con thuyền thì bé tí như thuyền đánh cá.
Từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ, do sóng lớn quá nên đoàn quyết định ghé vào đảo Cát Bà để tạm trú.
Mãi hai ngày sau, khi sóng bắt đầu nhẹ đi cuộc hành trình ra đảo mới tiếp tục.
Sóng mạnh khiến tôi say sóng nằm bẹp dí trên thuyền. Khi đến đảo Bạch Long Vĩ, tôi không còn sức lực để bước nữa.
Mọi người phải dìu tôi lên đảo và gần một tuần sau tôi mới hồi tỉnh.
Đến trường nhận lớp, nhìn các em tôi thấy chúng thiệt thòi và thiếu thốn quá.
Tự dưng tôi thấy mình phải có bổn phận là người mẹ hiền thứ hai của các em và từ đó đến nay tôi đã gắn bó với ngôi trường dạy học này" – cô giáo Hà kể.
Những hy sinh thầm lặng
Tình yêu trẻ, yêu biển đảo đã là động lực giúp chị vượt qua khó khăn để dạy tốt, nhưng cũng khó tránh khỏi những lúc chị cảm thấy tủi thân.
Chị Hà kể rằng:Khó khăn lớn nhất đối với chị Hà không phải là điều kiện khắc nghiệt trên đảo mà chính là khoảng cách xa vời của đảo với đất mẹ quê hương.
“Khi bố mẹ tuổi già, mình là con gái nếu được sống gần thì đỡ đần được nhiều việc.
Những lúc bố mẹ lâm chung nếu có mình thì bố mẹ cũng bớt đi sự cô đơn”.
Nhưng đã chọn cái nghề “lái đò” trên đảo Bạch Long Vĩ như chị Hà, ước mơ tưởng chừng bình thường đó đã trở nên xa vời.
“Năm 2002, tôi nhận được tin bố ốm nặng, bà con trên đảo, bạn bè đồng nghiệp tạo điều kiện hết mức để tôi được về gặp ông.
Nhưng không ngờ, khi về tới nơi thì tang lễ đã được tiến hành, tôi không thể gặp mặt ông lần cuối.
Mười năm sau, năm 2012, khi nhận tin mẹ mất, nhưng tuần đó bão tố nên không thể về được. Chỉ biết, nằm trên đảo khóc thương mẹ nơi quê nhà”.
Để sống và gắn bó với đảo 20 năm trời với cô giáo Vũ Thị Hà là một sự vượt khó vươn lên.
Nhưng chị Hà tâm sự với phóng viên rằng:
“Tuy khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ tôi ân hận về quyết định của mình. Đảo Bạch Long Vĩ giờ đây trở thành quê hương thứ hai của tôi” . (Giáo dục Việt Nam 28/11/2016)
Những năm gần đây, số trẻ em rối loạn về vấn đề phát triển có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, công tác phát hiện, can thiệp, giáo dục trẻ em này gặp không ít khó khăn.
Vất vả vì con
Chị Nguyễn Thị H ở phường Dư Hàng (quận Lê Chân) có con trai hiện gần 5 tuổi. Cách đây 2 năm, gia đình chị phát hiện cháu bị rối loạn phổ tự kỷ điển hình với các hành vi ăn vạ, vỗ tay liên tục. Gia đình chị đưa con đến một số cơ sở tại Hải Phòng chạy chữa, can thiệp. Sau 1 thời gian không thấy chuyển biến, gia đình chị lặn lội đưa con đến các cơ sở can thiệp có uy tín tại Hà Nội để điều trị. Tháng 5-2016 đến nay, sau khi Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hải Phòng thành lập, chị H gửi con đến đây để thực hiện dịch vụ can thiệp tích cực, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 giờ. Đến nay cháu nhận biết tốt, nói được những câu đơn giản.
Hiện, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hải Phòng có hàng chục trẻ em độ tuổi mầm non, tiểu học được gia đình đưa đến thực hiện các dịch vụ can thiệp và hoạt động trị liệu hằng ngày. Tại phòng can thiệp nhóm dành cho trẻ em độ tuổi tiểu học, bé trai khoảng 7 tuổi chạy ra ôm chầm lấy chúng tôi. Cháu hít hà mùi áo, mùi tóc của khách như quen biết từ lâu. Giáo viên phụ trách phòng can thiệp cho biết, cháu bé bị rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển về ngôn ngữ, chỉ giao tiếp như trẻ lên 2 tuổi. Đã thế, cháu còn mắc chứng tự xâm hại mình, nếu giáo viên và cha mẹ không để ý, cháu tự làm cho mình đau như đâm đầu vào tường...
Báo động trẻ em mắc rối loạn về các vấn đề phát triển
Ông Trịnh Ngọc Toàn, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hải Phòng cho biết, việc trẻ em bị các rối loạn về vấn đề phát triển như rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, tăng động giảm chú ý… khiến nhiều gia đình hoang mang, lo lắng. Đến nay, chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng trẻ bị các rối loạn về phát triển tại Hải Phòng. Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá sàng lọc của nhóm nghiên cứu Trường Trung cấp chuyên nghiệp Hải Phòng và cộng sự đối với 8 trường mầm non trên địa bàn thành phố vào năm 2015, kết quả cho thấy, 2,87% số trẻ mầm non có nguy cơ rối loạn về phát triển.
Được biết, Hải Phòng là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập Trung tâm Hỗ trợ, can thiệp, giáo dục hòa nhập đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trong đó có trẻ em mắc các rối loạn về phát triển. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), trung tâm tổ chức các dịch vụ chẩn đoán, đánh giá, sàng lọc, can thiệp sớm và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt. Công cụ sử dụng để đánh giá, sàng lọc trẻ em là thang đánh giá phát triển dành cho trẻ sơ sinh đến tuổi trưởng thành Kyoto scale (Nhật Bản). Thang đánh giá này tập trung vào các lĩnh vực: tư thế, vận động, nhận thức, thích ứng, ngôn ngữ, xã hội của trẻ. Sau đánh giá, mỗi trẻ sẽ có kế hoạch giáo dục, can thiệp, hồ sơ theo dõi riêng. Sau 1 thời gian can thiệp, trung tâm đánh giá lại sự tiến bộ của trẻ. Qua đó, lên kế hoạch giáo dục tiếp theo hoặc điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp khả năng của từng trẻ.
Khó khăn từ gia đình và xã hội
Bà Hoàng Thị Liên, Viện trưởng Viện Giáo dục Việt Nam cho biết, khó khăn lớn nhất của công tác giáo dục hòa nhập là nhận thức của gia đình và cộng đồng về vấn đề này còn hạn chế. Hầu hết gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực này, cho nên các trường hợp trẻ em bị rối loạn về phát triển đều phát hiện muộn, dẫn đến việc can thiệp không kịp thời. Ngay tại các trường mầm non, các giáo viên cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng phát hiện trẻ mắc các rối loạn về phát triển. Đã thế, chi phí đánh giá, can thiệp đối với trẻ em bị rối loạn phát triển khá cao, nên những gia đình khó khăn rất khó tiếp cận các dịch vụ này. Trong khi đó, giai đoạn “vàng” để can thiệp và áp dụng các phương pháp trị liệu tốt nhất là trẻ từ 18 tháng đến dưới 6 tuổi, giai đoạn não bộ của trẻ có khả năng tiếp thu tốt nhất. Nếu không can thiệp, tác động giai đoạn này, trẻ sẽ mất đi cơ hội tiếp thu và phát triển. Thực tế, không ít gia đình do không có kinh phí đành chấp nhận để con cái bị khuyết tật cả đời.
Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Vũ Thị Phương Vinh, tin vui cho các gia đình có trẻ em bị khuyết tật, tàn tật thành phố, Sở GD-ĐT vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giáo dục hòa nhập dành cho trẻ em tàn tật, khuyết tật trên địa bàn thành phố. Hy vọng thời gian tới, với sự vào cuộc tích cực của Ban chỉ đạo, trẻ em khuyết tật, tàn tật sẽ được khám, sàng lọc, đánh giá để áp dụng các biện pháp can thiệp tích cực, kịp thời, đem lại niềm vui cho các gia đình có trẻ em không may mắn. (Báo Hải Phòng 28/11/2016)
Thành lập năm 1962, Trường THPT Lê Hồng Phong tự hào là một ngôi trường có bề dày thành tích trong giảng dạy và học tập trong hệ thống các trường THPT tại thành phố Cảng. Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng, cùng với sự phát triển đi lên của thành phố và ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), Trường cấp 3 Phổ thông Công nghiệp năm xưa, Trường THPT Lê Hồng Phong ngày nay có những bước chuyển mình mạnh mẽ, là niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh.
Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng vui mừng cho biết, những năm gần đây, nhà trường có bước phát triển vượt bậc từ quy mô học sinh, cơ sở vật chất đến chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục toàn diện. Các giáo viên của trường luôn tâm huyết, ham học hỏi, nhiệt tình trong giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Năm học qua, 10/10 giáo viên của trường dự thi và được xếp loại giỏi tại Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp THPT. 4 giáo viên giành 4 giải tại Cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” cấp thành phố và cấp quốc gia. Trường là đơn vị dẫn đầu thành phố về số lượng các đề tài dự thi và đạt giải cấp quốc gia. Hiện trường có 75 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, 100% số cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn về trình độ với 1 tiến sĩ, 19 thạc sĩ. Quy mô đào tạo của trường ổn định với 24 lớp với 1 nghìn học sinh.
Để có bước chuyển mình về mọi mặt, nhà trường thực hiện một số giải pháp quyết liệt, trong đó, giải pháp trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, hình thức dạy học nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Thực hiện đa dạng hóa môi trường học tập của học sinh, nhà trường thành lập, xây dựng phòng sinh hoạt các CLB tự nhiên, xã hội, góc ngoại ngữ, phòng thí nghiệm. Bên cạnh hình thức dạy học truyền thống, nhà trường tích cực tổ chức các hình thức dạy học khác như dạy học trải nghiệm, dạy học ở thực địa nhằm phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của học sinh. Các chuyến tham quan, khảo sát, về nguồn với các “địa chỉ đỏ” như đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bảo tàng Quân đội, bảo tàng Hải Quân, Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng, khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, đền Tràng Kênh, Văn miếu Quốc Tử Giám, hải đăng Hòn Dáu... đã đem lại cho thầy, trò nhà trường những những cảm xúc, trải nghiệm bổ ích, có giá trị thực tiễn. Các hoạt động này góp phần giáo dục toàn diện, bồi đắp tâm hồn, lý tưởng sống cho học sinh.
Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhà trường có nhiều đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá học sinh; tổ chức, thu hút học sinh tham gia một số hoạt động tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về phương pháp học tập tích cực; tổ chức học nghề, giáo dục hướng nghiệp và tư vấn tuyển sinh chu đáo cho học sinh khối 12 trước kỳ thi THPT quốc gia với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các trường đại học uy tín ở Thủ đô Hà Nội và thành phố. Nhờ đó, chất lượng giáo dục toàn diện của trường tăng vững chắc qua từng năm.
Chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh
Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, nhà trường tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và lý tưởng cách mạng cho học sinh, thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động tuyên dương, khen thưởng học sinh. Là lực lượng nòng cốt trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường tổ chức thành công nhiều chuyên đề cấp thành phố được Thành Đoàn Hải Phòng đánh giá cao. Trong đó có các chuyên đề “ Kết nạp đoàn viên – Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lý Tự Trọng” “ Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng – Xung kích xây dựng 6 nét văn hóa học sinh Lê Hồng Phong”, “Khi tôi 18 – Hội thi lý tưởng tuổi 18”, phát động tết trồng cây và ký giao ước đảm nhận công trình thanh niên” tại Đền liệt sĩ quận Hồng Bàng... Các chuyến tham quan, khảo sát, về nguồn với các “địa chỉ đỏ” như Khu di tích đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Hải Quân, khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, đền Tràng Kênh, Văn miếu Quốc Tử Giám, hải đăng Hòn Dáu... đem lại cho thầy, trò nhà trường những những cảm xúc, trải nghiệm bổ ích, có giá trị thực tiễn. Các hoạt động này góp phần giáo dục toàn diện, bồi đắp tâm hồn, lý tưởng sống cho học sinh.
Mới đây nhất, ngày 10-10, Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” được tổ chức công phu, ý nghĩa, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong học sinh, được Sở GD-ĐT, quận Hồng Bàng ghi nhận, đánh giá cao. Tổ chức thành công, thu hút sự tham gia của toàn thể học sinh vào những hoạt động thiết thực trên, năm học 2014-2015 và 2015-2016, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường là đơn vị dẫn đầu công tác Đoàn và phong trào thanh niên khối trường học quận Hồng Bàng, được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Đến giờ, niềm vui trên gương mặt cô giáo Nguyễn Thị Minh Thủy (Trường THPT Lê Quý Đôn) vẫn vẹn nguyên khi nhắc đến cô học trò Vũ Bảo Ly với giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Cô Thủy vinh dự được UBND thành phố tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo thành phố năm 2016.
Bảy năm công tác dưới “mái nhà” THPT Lê Quý Đôn, lần đầu dẫn dắt đội tuyển học sinh giỏi tranh tài cuộc thi học sinh giỏi môn sử cấp thành phố, rồi quốc gia với cô vừa là niềm tự hào vừa là áp lực lớn. Cô mang suy nghĩ này chia sẻ với cô giáo từng dạy sử tại Trường THPT Tiên Lãng, người có công chắp cánh tình yêu sử cho cô và nhận được nhiều lời chỉ bảo ân tình và bổ ích. Thêm vững tin, cô bắt tay vào “ươm mầm hạt giống”. Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Thủy bật mí, trước hết phải chọn những em có đam mê với sử, yêu sử và suy nghĩ có phần “già” hơn so với các bạn cùng trang lứa. “Học sử dễ mà khó, đòi hỏi người học vận dụng kiến thức liên môn với tư duy logic của toán, khả năng lập luận của triết cùng phân tích, tổng hợp của văn. Nhiều em không thích sử, sợ sử cũng vì lẽ đó”, cô lý giải.
Sát cánh cùng các trò suốt quá trình ôn luyện, cô nhớ lại quãng thời gian nỗ lực vượt khó của cả cô và trò. Năm học vừa kết thúc, 6 cô trò miệt mài đèn sách cho kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Cô vừa truyền thụ kiến thức, kỹ năng, vừa khơi dậy tinh thần tự học, sáng tạo của trò, đồng thời chia sẻ nhiều vấn đề cuộc sống. Cô cũng không tạo áp lực cho học sinh mà chỉ động viên các em hãy vượt qua chính mình, gắng sức bằng tất cả kiến thức và khả năng. Vì thế mà mỗi buổi ôn luôn vui vẻ, thoải mái. Kết quả 4 giải nhì, 1 giải khuyến khích là phần thưởng xứng đáng dành cho công sức của cô và trò.
Từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sử, hơn ai hết, cô Thủy hiểu tâm lý tự ti của học sinh khi so tài cùng học sinh chuyên sử. Vậy là, nhiều buổi ôn tại Trường THPT chuyên Trần Phú, cô đều cố gắng có mặt để giúp học sinh thêm tự tin, hứng khởi. Chỗ nào chưa hiểu cô cùng các em tiếp tục làm rõ. “Tôi hướng dẫn các em lập sơ đồ tư duy hệ thống cho từng chương học, giúp các em hiểu sâu, nhớ lâu, tránh “học vẹt”. Đồng thời, hướng dẫn các em làm quen với các dạng đề thi thông qua từ khóa, cách lập dàn ý, cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý, cách trình bày, chữ viết để làm bài thi tốt nhất”, cô nói.
Bên cạnh đó, cô cũng không quên nhắc học trò thường xuyên cập nhật tình hình thời sự trong nước và quốc tế, vai trò của Việt Nam đối với các vấn đề khu vực và thế giới, nội dung quan trọng trong các đề thi học sinh giỏi Quốc gia. “Học sử không có nghĩa chỉ nhớ những sự kiện xảy ra trong quá khứ mà phải coi trọng những diễn biến hằng ngày, hằng giờ, bởi đó cũng là một phần của lịch sử”, cô Thủy nhấn mạnh.
Giờ đây, khi trở thành sinh viên Trường đại học Luật Hà Nội với điểm số 26,5 khối C, Vũ Bảo Ly luôn dành lời yêu thương về cô giáo cũ: “Đối với em, cô Thủy là “người mẹ” thứ 2, không chỉ khơi dậy tình yêu sử mà còn dạy dỗ chúng em điều hay lẽ phải trong cuộc sống”, Ly nói.
Khi nói về thành tích này, cô giáo Minh Thủy cho biết, cô luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp. Thành tích của học trò chính là niềm vui, cổ vũ tinh thần để cô và các đồng nghiệp tiếp tục phấn đấu, đào tạo nhiều nhân tài cho thành phố và đất nước. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Thành phố Cảng có ngôi trường vinh dự mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đó là Trường THPT chuyên Trần Phú. 30 năm dựng xây, phát triển, đi lên cùng thành phố và đất nước, thầy và trò nhà trường giành những thành tích rất đáng tự hào. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hải Phòng trò chuyện với tiến sĩ Đỗ Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú về hành trình đã qua và những mục tiêu thời gian tới.
- Những ngày này, đối với đồng chí nói riêng, với cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường nói chung có ý nghĩa như thế nào?
- Chúng tôi kỷ niệm 30 năm thành lập tại ngôi trường mới khang trang, hiện đại, do thành phố vừa đầu tư xây dựng đúng dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày toàn xã hội tôn vinh những người làm nghề dạy học. Vì vậy, niềm vui của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường dường như được nhân đôi. Bên cạnh niềm vui, còn có lòng biết ơn của thầy, trò nhà trường trước sự quan tâm, chăm lo chu đáo của thành phố và các cấp, ngành dành cho nhà trường. Chúng tôi xác định, đây là dịp để chúng tôi nhìn lại mình, đánh giá, tổng kết thành tích thầy, trò nhà trường đạt được trong chặng đường 30 năm qua; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm, phấn đấu giành được những mục tiêu cao hơn trong chặng hành trình tiếp theo.
- Từ những viên gạch xây nền móng, nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ học trò tài năng cho thành phố và đất nước như thế nào?
- Cách đây 30 năm, nhằm xây dựng một “địa chỉ đỏ” chuyên đào tạo học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, góp phần đào tạo nhân tài cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, ngày 21-5-1986, UBND thành phố quyết định thành lập Trường THPT năng khiếu Trần Phú trên cơ sở Trường cấp 3 Đoàn Kết. Tháng 8-2007, trường được đổi tên thành Trường THPT chuyên Trần Phú cho đến nay.
Có thể chia hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của nhà trường thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1986-1996 xây dựng nền móng vững chắc; giai đoạn 1996- 2006 tiếp nối những thành tích vẻ vang; giai đoạn 2006-2016 vững bước đi lên. Ở giai đoạn đầu, nhà trường đào tạo hơn 3 nghìn học sinh thuộc 8 môn chuyên. Học sinh của trường giành nhiều kết quả xuất sắc qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế với 217 giải quốc gia, 8 huy chương khu vực và quốc tế. Trong đó, em Ngô Đức Duy giành huy chương Vàng Ô-lym-pic Toán học quốc tế tại Ấn Độ năm 1996; em Phạm Ngọc Long giành huy chương Vàng Ô-lym-pic quốc tế tiếng Nga tại Liên bang Nga.
Tiếp nối chặng đường đầu tốt đẹp, giai đoạn 1996-2006, thầy và trò nhà trường thi đua "Dạy tốt - Học tốt", xây dựng trường thành đơn vị vững mạnh, toàn diện, có chất lượng giáo dục dẫn đầu toàn thành phố. Giai đoạn này, thành tích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực được nâng lên với 581 giải quốc gia, 13 giải quốc tế, 11 giải khu vực. Trong đó, 3 học sinh Nguyễn Hải Bình, Cao Thị Phương Anh và Nguyễn Minh Trường giành huy chương Vàng quốc tế các môn Hóa học, và Toán học vào các năm 2000, 2003 và 2004.
10 năm trở lại đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nhà trường với nhiều đổi mới mạnh mẽ từ cơ sở vật chất đến quy mô đào tạo, chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục toàn diện. Trong 10 năm, trường luôn ở vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia khu vực Duyên hải Bắc bộ. Giai đoạn này, số giải Ô-lym-pic quốc tế và khu vực tăng lên thành 28 giải. Trong đó, các học sinh gồm Phạm Đức Hùng, Phạm Đăng Huy và Nguyễn Công Thành giành huy chương Vàng các môn Toán học, Hóa học và Vật lý quốc tế vào các năm 2009, 2012 và 2015. Đến năm học 2015-2016, trường duy trì thành tích 22 năm liền có học sinh đoạt giải khu vực và quốc tế.
30 năm qua, thành tích học tập rạng rỡ của học sinh gắn liền với tên tuổi các giáo viên giỏi, nổi tiếng của nhà trường như các thầy, cô giáo: Lê Tự Cường, Vũ Trường Sơn, Trần Thọ Quyết, Nguyễn Ngọc Thiết, Nguyễn Đình Thúy, Khúc Giang Sơn, Vũ Anh Tuấn, Lê Đức Thịnh, Nguyễn Thế Hùng, Đoàn Thái Sơn, Lê Bích Ngọc, Vũ Kim Ngân, Trần Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Tô Vân Thúy, Đoàn Thị Thu Huyền...Giây phút học trò bước lên bục vinh quang cùng Quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng tung bay, nhiều giáo viên rơi nước mắt vì hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc vô biên mà người thầy nào cũng mong một lần chạm tới.
- Thời gian tới, nhà trường tập trung thực hiện những mục tiêu nào?
- Tin vui lớn đối với thầy và trò nhà trường, thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án xây dựng trường nhằm hoàn thiện các hạng mục còn lại. Như vậy, cơ sở vật chất của trường sẽ sớm được hoàn thiện theo hướng đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận quốc tế. Sau khi hoàn thành dự án, cơ sở vật chất của trường hoàn chỉnh, quy mô đào tạo của trường sẽ tăng lên thành 2 nghìn học sinh và hơn 200 giáo viên. Nhà trường không chỉ là nơi học tập, phát triển năng khiếu cho học sinh khu vực nội thành, mà còn mở ra cơ hội học tập cho những học sinh giỏi, xuất sắc ở ngoại thành, hải đảo và các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Bắc bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để thầy, trò nhà trường phát huy truyền thống “Dạy tốt-Học tốt”, viết thêm những trang sử vàng, góp phần làm rạng danh truyền thống hiếu học của thành phố Cảng.
- Cảm ơn đồng chí! (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Ngành Nông nghiệp –PTNT Hải Phòng vừa tổ chức hội thảo bàn về việc xây dựng các sản phẩm thủy sản chủ lực nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tự nhiên, tạo điều kiện để phát triển bền vững, lâu dài. Đây cũng là mong mỏi của các địa phương và bà con ngư dân trực tiếp sản xuất thủy sản.
Nhiều lợi thế phát triển ngành thủy sản
Là thành phố biển nằm ở phía Đông vùng duyên hải Bắc Bộ với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, Hải Phòng có nhiều lợi thế phát triển ngành thủy sản nhờ nguồn lợi thủy sản khá phong phú. Theo số liệu điều tra mới đây của các ngành chức năng, trữ lượng hải sản ở vùng biển Hải Phòng hiện có khoảng 157.500 tấn, chiếm 20% ngư trường vịnh Bắc Bộ với 135 loài thực vật nổi, 138 loại rong, 23 cây nước mặn, 500 loài động vật đáy vùng triều, 160 loài sản hô, 189 loài cá biển, một số hải sản quý hiếm như tu bài, bào ngư, ngọc trai ở các vùng biển Cát Bà, Bạch Long Vỹ...
Phó trưởng Phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp -PTNT) Đỗ Đức Thịnh cho biết: Hải Phòng thực tế có nhiều thuận lợi phát triển thủy sản bởi đây là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, nằm trong vùng đánh cá chung theo Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam – Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, nghề cá Hải Phòng có truyền thống từ lâu đời, ngư trường hội tụ nhiều chủ tàu cá từ các tỉnh bạn đến khai thác. Một số địa phương chuyên nghề khai thác hải sản với đội tàu lớn mạnh về số lượng, chất lượng như Lập Lễ (Thủy Nguyên), Ngọc Hải (Đồ Sơn), Vinh Quang (Tiên Lãng), Đoàn Xá, Đại Hợp (Kiến Thụy)...
Về nuôi trồng thủy sản (NTTS) Hải Phòng cũng có tiềm năng, lợi thế phát triển với tổng diện tích nuôi trồng đến thời điểm này là 45000 ha, trong đó nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 13000 ha, chiếm 30%; nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn tổng diện tích đạt 32.000 ha, chiếm 70%. NTTS từng bước phát triển, đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2016, sản lượng thủy sản (bao gồm NTTS và khai thác thủy sản cả năm ước đạt 129.211 tấn, đạt 104 % mức kế hoạch năm, tăng 11% so với năm 2015. Tổng giá trị ngành thủy sản toàn thành phố ước thực hiện 1972 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2015.
Sản phẩm chủ lực cần đặc trưng, có thế mạnh
Theo đánh giá của Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT Hải Phòng Nguyễn Tự Trọng, với nhiều tiềm năng, lợi thế của ngành thủy sản Hải Phòng, cần thiết xây dựng các sản phẩm chủ lực làm cơ sở phát triển ngành thủy sản giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030, tạo động lực để ngành thủy sản phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển xứng tầm quy mô trung tâm nghề cá lớn cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Việc xây dựng định hướng sản phẩm chủ lực của ngành trong những năm tới, tập trung chủ yếu cho khai thác và nuôi trồng thủy sản, hải sản phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, đối với khai thác thủy sản từ nay đến năm 2020, chú trọng cơ cấu lại sản phẩm khai thác từ biển, tập trung vào các loài cá đáy và nguyễn thể. Nuôi trồng thủy sản nước mặn hướng tới các đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao như cá sống, hồng mỹ, giờ, hàu, vẹm xanh, tu hài, ngáo. Sản phẩm thủy sản nước lợ phát triển hợp lý cơ cấu nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản phẩm chủ lực hướng tới các đối tượng nuôi đặc sản, cho giá trị kinh tế cao như cá trắm đen, rô phi, lươn, ếch, cà rá, ba ba...Nhóm sản phẩm xuất khẩu hướng đến các thủy sản đông lạnh, thủy sản khô và đặc sản nước mắm.
Trên cơ sở định hướng sản phẩm chủ lực ngành thủy sản, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản Nguyễn Viết Nghĩa cho rằng, sản phẩm chủ lực ngành thủy sản của Hải Phòng không nên dàn trải, ồ ạt, mà phải xác định rõ tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển bền vững. Trong đó, nhóm hải sản khai thác tập trung cao cho đối tượng cá mực. Thực tế, đội ngũ ngư dân xã Lập Lễ phát triển nghề chụp mực mạnh nhất miền Bắc, thị trường tiêu thụ khá rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu, du lịch...
Theo Phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ Đỗ Gia Khánh, sản phẩm thủ sản chủ lực cần có tính đặc trưng phục vụ xuất khẩu, để từ đó thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung, mới phát triển bền vững trên thị trường. Phó trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Thủy Nguyên Phạm Văn Hậu nhấn mạnh, Hải Phòng có các địa phương có thế mạnh về đặc sản vùng miền. Trong đó, huyện Thủy Nguyên được ưu đãi về nguồn nước, người dân có kỹ thuật nuôi, riêng vùng nuôi cá vược chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, sản phẩm chủ lực ngành thủy sản Hải Phòng nên hướng tới mỗi địa phương có đặc sản như cá vược Thủy Nguyên bào ngư Bạch Long Vỹ, vẹm xanh, cá mực Cát Bà... (Báo Hải Phòng 27/11/2016)
Chiều 25-11, UBND TP Hải Phòng phối hợp với Cty TNHH Chuo Việt Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ cao cấp tại khu đô thị ven sông Lạch Tray, thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Công sứ, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP và nguyên lãnh đạo thành phố các thời kỳ.
Trên diện tích hơn 10.000m2, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng 2 tòa tháp 22 tầng với tổng giá trị đầu tư là 60 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2019. Sau khi hoàn thiện, dự án cung cấp 269 phòng khách sạn và 192 căn hộ dịch vụ với tổ hợp khép kín các tiện ích như nhà hàng, bể bơi, phòng tập theo tiêu chuẩn và chất lượng Nhật Bản. Dự kiến, tổ hợp khách sạn sẽ mang thương hiệu Nikko Hotel và tập đoàn bất động sản hàng đầu của Nhật là Daiwa House Group sẽ quản lý, vận hành.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cam kết thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai, xây dựng dự án và đề nghị chủ đầu tư huy động tối đa nhân lực, vật lực để thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình. (An ninh Hải Phòng 28/11/2016)
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính chung 11 tháng năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm chỉ bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân tăng đến 8,3% so với cùng kỳ 2015...
Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015 và các dự án FDI ước tính đã giải ngân được 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015 (tính đến ngày 20/11/2016).
Trong 11 tháng năm 2016, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) (kể cả dầu thô) đạt 114,076 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 111,979 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 70,2% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 92,831 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 59,2% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 11 tháng năm 2016, khu vực ĐTNN xuất siêu 21,245 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 19,148 tỷ USD không kể dầu thô.
Tính đến ngày 20/11/2016, cả nước có 2.240 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,028 tỷ USD, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2015 và có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo lĩnh vực đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,41 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 684,84 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.
Theo đối tác đầu tư, có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,29 tỷ USD, chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Xinh-ga-po đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,05 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh TP, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 45 dự án cấp mới và 35 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,93 tỷ USD, chiếm 10,7%. Tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội và TP HCM với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,87 tỷ USD, 1,84 tỷ USD và 1,32 tỷ USD. (Pháp luật Việt Nam 28/11/2016)
Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 11 tháng năm 2016, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 11 tháng, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,41 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.Có 2.240 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 684,84 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.
Có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,29 tỷ USD, chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,05 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,95 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh thành phố, trong đó Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 45 dự án cấp mới và 35 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư.
Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,93 tỷ USD, chiếm 10,7%. Tiếp theo là Đồng Nai, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,87 tỷ USD, 1,84 tỷ USD và 1,32 tỷ USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng đầu năm 2016 như: Dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng....
Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng.
Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH tập đoàn quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 315,46 triệu USD.
Dự án Thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai. (Infonet 28/11/2016; Người tiêu dùng 27/11/2016; vov.vn 27/11/2016)
Được thiên nhiên ưu đãi 125 km bờ biển, trong đó lớn nhất là khu vực cảng biển trải dài từ Vật Cách tới Đình Vũ và tới đây là tận Lạch Huyện với nhiều cảng lớn, cùng với đó là sự sôi động của các dịch vụ cảng biển với hàng trăm doanh nghiệp tham gia, Hải Phòng được coi là có tiềm năng lớn trong thu ngân sách. Tuy nhiên, số thu những năm qua và ngay cả hiện tại cũng chưa tương xứng với tiềm năng.
Số thu chưa nhiều
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế Hải Phòng, năm 2015, tổng số thuế, phí, lệ phí thu được từ dịch vụ cảng và kinh doanh bến bãi hơn 640 tỷ đồng. Trong đó, thu phí hàng tạm nhập tái xuất lớn nhất đạt 502 tỷ đồng, còn lại là phí hoa tiêu dẫn đường trong lĩnh vực đường biển hơn 94 tỷ đồng; phí sử dụng vị trí neo đậu ngoài phạm vi cảng gần 5 tỷ đồng; phí trọng tải tàu thuyền hơn 38 tỷ đồng; lệ phí ra vào cảng biển hơn 6 tỷ đồng và phí sử dụng cầu, bến phao, neo thuộc cảng bến thủy nội địa 134 triệu đồng; phí sử dụng cảng cá 87 triệu đồng. 9 tháng năm 2016, tổng số thu đạt 645 tỷ đồng với các số thu tương ứng là 496 tỷ đồng; 113 tỷ đồng; 3,4 tỷ đồng; 29,9 tỷ đồng; 4 tỷ đồng; 93 triệu đồng và 68 triệu đồng.
Theo số liệu của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, nguồn thu lớn còn có phí bảo đảm hàng hải. Năm 2015 số thu này là 222 tỷ đồng; 9 tháng năm 2016 đạt 187 tỷ đồng. Ngoài ra, còn ó thể thu một số loại phí khác như phí kiểm dịch y tế khoảng 16- 17 tỷ đồng/ năm; phí kiểm dịch thực vật 20- 25 tỷ đồng; phí kiểm dịch động vật 29- 35 tỷ đồng. Trong đó, riêng phí bảo đảm hàng hải được thực hiện theo quy định tại điều 5 Thông tư 119 ngày 10- 8- 2010 của Bộ Tài chính thì phí bảo đảm hàng hải thuộc nguồn thu của ngân sách Nhà nước được Nhà nước ủy quyền cho Cảng vụ hàng hải thực hiện thu và chuyển cho 2 công ty bảo đảm hàng hải để các công ty thực hiện nhiệm vụ công ích được giao. Do đó, nguồn thu này không nằm trong số thu chung của thành phố. Trong số các loại phí, lệ phí thu từ hoạt động ra vào cảng biển chỉ có phí hoa tiêu là phí tính trong cân đối, còn lại là phí không cân đối. Do đó, nếu trừ đi các loại phí, lệ phí không nằm trong cân đối của ngân sách thành phố thì số tiền thu được hằng năm chỉ khoảng 500 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn vẫn là phí hàng tạm nhập tái xuất.
Số thu từ hoạt động dịch vụ cảng biển, bến bãi, thuê mặt đất mặt nước còn được thể hiện qua số tiền thuê đất hằng năm. Hiện nay, mới quản lý thu thuế được 20 doanh nghiệp sử dụng đất vào hoạt động Cảng và kinh doanh bến bãi dịch vụ cảng, với số thu khoảng 47- 49 tỷ đồng/ năm; 40 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi với số tiền thuế hằng năm khoảng 31- 35 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn thu thuế GTGT, Thuế TNDN, TNCN của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng với số tiền hàng năm hàng trăm tỷ đồng.
Như vậy, nếu tổng hợp tất cả khoản thu từ thuế, phí và lệ phí từ các hoạt động cảng biển, số thu chỉ khoảng hơn 1000 tỷ đồng/ năm. Số thu này rõ ràng là chưa tương xứng với hoạt động cảng biển khá sôi động, tấp nập và nhất là hệ thống bến cảng, kho bãi trải dài, rộng khắp của Hải Phòng.
Còn nhiều dư địa để tăng số thu
Theo Cục Thuế, trong số 20 doanh nghiệp đang sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ cảng, kho bãi, số tiền thuê đất còn nợ ngân sách là hơn 22 tỷ đồng. Với các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, còn 16 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Đây là việc cần sớm quan tâm để huy động đầy đủ vào ngân sách.
Tuy nhiên, ngay trong số các doanh nghiệp được Cục Thuế quản lý thu tiền thuê đất, vẫn có nhiều doanh nghiệp hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất nhưng chưa lập hồ sơ, thủ tục để điều chỉnh lại đơn giá thuê đất chu kỳ ổn định tiếp theo và ký hợp đồng thuê đất; một số chưa có hồ sơ thuê đất và các trường hợp này đều đang phải tạm tính tiền thuê đất hằng năm. Do đó, Cục Thuế đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường sớm rà soát, hoàn thiện việc lập hồ sơ địa chính đối với toàn bộ doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cảng và bến bãi, dịch vụ cảng nói riêng để bảo đảm thu đúng, thu đủ nghĩa vụ nộp ngân sách từ đất đai. Đồng thời, xác định và chuyển thông tin địa chính để Cục Thuế kịp thời xác định lại đơn giá thuê đất đối với các hợp đồng hết thời gian ổn định đơn giá mà cơ quan thuế đang phải tạm tính tiền thuê đất hằng năm.
Cũng theo Cục Thuế, theo Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1- 1- 2017, phí hoa tiêu sẽ chuyển sang thu theo giá dịch vụ. Vì thế, theo ước tính, năm 2017, khoản thu này của thành phố chỉ thu được khoảng 10 tỷ đồng, hụt khoảng 130 tỷ đồng ( năm 2016 thu đạt khoảng 140 tỷ đồng). Vì thế, cần nhanh chóng quyết định và ban hành phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển nhằm khai thác thêm các nguồn thu, bù đắp các khoản thu bị thiếu hụt. Quan trọng hơn là cần có các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn, phân tích và đánh giá chính xác các nguồn thu từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng, kinh doanh kho bãi, thuê mặt đất mặt nước để huy động vào ngân sách, đặc biệt là các khoản thu thuế TNDN, thuế TNCN, không để thất thu, thất thoát. (Báo Hải Phòng 27/11/2016)
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn dài 30,5km theo hình thức hợp đồng BOT, do Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng đầu tư hiện bước vào giai đoạn thi công nước rút. Với mục tiêu hoàn thành đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-2017), nhà đầu tư và các nhà thầu đều “bung” hết lực trên công trường. Nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án đang có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Động đâu cũng vướng
Theo chủ đầu tư dự án Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn đi qua thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, với tổng mức đầu tư dự án gần 3.000 tỷ đồng. Dự kiến dự án hoàn thành vào 31-12-2017, song chủ đầu tư cam kết, nếu thuận lợi trong công tác GPMB, thời gian thi công sẽ rút ngắn 6 tháng và hoàn thành vào dịp 62 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong khi một số đoạn tuyến đang thi công băng băng về đích, hàng loạt cây cầu được cải tạo, tại một số địa phương như: An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, nhiều diện tích đất dù không lớn chưa thể GPMB, bàn giao nhà thầu. Theo báo cáo của chủ đầu tư, công tác GPMB của toàn dự án đạt đến hơn 80%, chỉ còn khoảng 20% diện tích, nhưng suốt từ tháng 8-2016 đến nay chưa có chuyển biến nhiều về GPMB.
Nhiều công trình ngầm, nổi thuộc các tổ chức dọc theo tuyến đường phải di chuyển hiện chưa hoàn thành, nhất là các công trình về điện, như đường điện cáp ngầm 35KV thuộc huyện An Dương, 2 công trình lưới điện ở huyện An Lão, công trình điện xã Vĩnh An, Hưng Nhân, Vinh Quang thuộc huyện Vĩnh Bảo. Đối với đất hành lang liền kề với đất ở, cho dù UBND thành phố cho ý kiến về hỗ trợ tài sản trên đất công với mức 10-30% tùy thời điểm, nhưng rất nhiều hộ dân kiến nghị phải đền bù 100%, không chấp nhận phương án hỗ trợ. Hiện còn hàng trăm hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng. Trong số này, huyện Vĩnh Bảo có tới hơn 200 hộ dân. Ngoài ra, còn khoảng 150 hộ dân thuộc các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo kiến nghị về nguồn gốc đất và đề nghị phải được đền bù, hỗ trợ về đất.
Về đất ở, thành phố đã phê duyệt toàn bộ mức giá đất cụ thể đối với các thửa đất trên toàn bộ dự án (11 xã), nhưng rất nhiều hộ dân trong diện GPMB không đồng ý với lý do mức đền bù thấp và thắc mắc cách đền bù hỗ trợ tài sản trên đất. Cụ thể, huyện An Dương, Tiên Lãng tuy đã công khai phương án, nhưng chỉ 10% số hộ dân thuộc diện GPMB dự án ở huyện An Dương nhận tiền đền bù, còn huyện Tiên Lãng chưa có hộ nào. Một số hộ dân có công trình trong diện phải GPMB còn yêu cầu đền bù cả 100% giá trị công trình, chứ không theo tỷ lệ thu hồi.
Phối hợp vận động với xử lý các trường hợp chây ỳ
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn được Bộ Giao thông-Vận tải xác định có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KTXH thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và các tỉnh duyên hải Bắc bộ. Tuyến đường không chỉ kết nối hàng loạt tuyến tỉnh lộ, còn giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông trên toàn tuyến. Đặc biệt, hai cây cầu trọng điểm trên tuyến là cầu Tiên Cựu và cầu Quý Cao xây dựng thêm đơn nguyên, mở rộng gấp đôi so với hiện tại, sẽ chấm dứt cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu như hiện nay. Vừa qua, cầu Trạm Bạc được Bộ GTVT đồng ý cho triển khai xây dựng thêm 1 đơn nguyên nữa với tổng trị giá 266 tỷ đồng, nâng số cầu cải tạo toàn tuyến thành 7 cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tasco, cho đến nay, phần đường đắp cát K95 đạt 85% khối lượng, cát K98 đạt 66,5%, bê tông nhựa chặt đạt 44%, bê tông nhựa polyme 12,5 đạt khoảng 30%. Trên toàn tuyến có 6 cây cầu được cải tạo lại, trong đó các cầu nhỏ như: cầu Vàng, cầu An Ninh, cầu Bản và cầu Rế đang chuẩn bị về đích, riêng cầu Tiên Cựu và cầu Quý Cao đang thi công dầm cầu, lao lắp dầm… Tuy nhiên, những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng là nguyên nhân khiến dự án có thể chậm tiến độ so với dự kiến.
Được biết, hiện các địa phương rất nỗ lực thực hiện công tác GPMB như tổ chức tiếp xúc, tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ chế độ, chính sách; lập tổ công tác giải thích cho nhân dân, xử lý dứt điểm kiến nghị về cơ chế chính sách. Tất cả cơ chế, chính sách đền bù đã được công khai rất rõ ràng. Điều cần thiết hiện nay là các địa phương phối hợp với cơ quan, ban, ngành thành phố giải quyết kiến nghị của người dân, song cũng cần kiên quyết trước tình trạng cố tình vi phạm, đặc biệt phải xử lý nghiêm tình trạng tạo lập tài sản trái phép trên đất công. Theo chủ đầu tư, trong tháng 12-2016, nếu không giải quyết dứt điểm về mặt bằng, dự án có nguy cơ chậm kế hoạch tiến độ. Vì vậy, ngoài nỗ lực của nhà thầu, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, bảo đảm thi công thuận lợi. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Ngày 21-11, Tập đoàn Vingroup công bố quyết định nâng cấp thẻ khách hàng thân thiết Vingroup Card thành Chương trình khách hàng thân thiết của Tập đoàn Vingroup - VinID. Với tên gọi mới VinID, Vingroup nhấn mạnh khẳng định cam kết đồng hành, gắn bó và tri ân lâu dài dành cho khách hàng thân thiết của Tập đoàn.
VinID là chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết của Tập đoàn Vingroup, áp dụng cho các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thuộc hệ sinh thái đa dạng của Tập đoàn như mua sắm, tiêu dùng, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục, ẩm thực, vui chơi giải trí…
Theo đó, khách hàng mua sắm bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào trong hệ thống đều được tích điểm với tỉ lệ 1 điểm tương đương 1.000VND. Sau 24 giờ hoàn tất giao dịch, khách hàng có thể sử dụng ngay số điểm tích lũy trong thẻ VinID được kích hoạt để thanh toán trực tiếp tại tất cả các điểm kinh doanh của Vingroup cho các lần mua sắm tiếp theo.
Với hai loại thẻ VIP và thẻ thông thường - VinID kế thừa đầy đủ các “siêu quyền năng” của thẻ Vingroup Card cũ như tích và tiêu điểm thuận tiện; ưu tiên phục vụ với thẻ VIP VinID … Thẻ VinID cũng giữ nguyên tỷ lệ tích lũy 25% tại hệ thống Vinpearl, 20% tại hệ thống Almaz, 15% tại hệ thống Vinmec, 10% tại hệ thống VinPro, 5% tại hệ thống VinDS, VinMart, Vinschool và 2% tại Adayroi.com.
Nhân ra mắt tên mới, VinID sẽ cập nhật thêm quyền lợi mới dành cho khách hàng được tích điểm tại 2 thương hiệu thời trang được ưa chuộng FCUK và BCBG với tỷ lệ 2%, được áp dụng đồng thời với các chương trình khuyến mại khác nếu có. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup cũng sẽ sớm ra mắt chương trình Ngày hội thành viên VinID khi mua sắm, tiêu dùng tại các thương hiệu bán lẻ; giúp khách hàng tối đa hóa lợi ích.
Tập đoàn Vinngroup cũng cam kết VinID sẽ là chương trình mũi nhọn được tập trung phát triển trong năm 2017, với nhiều quyền lợi ưu đãi, chương trình khuyến mại, bốc thăm trúng thưởng đặc quyền dành riêng cho chủ sở hữu thẻ. Tổng đài Chăm sóc Khách hàng 19006959 sẽ hoạt động từ 8 giờ – 22 giờ hàng ngày (tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ) để tư vấn, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của khách hàng. Khách hàng còn có cơ hội tiếp cận với những thông tin mới nhất về sản phẩm, dịch vụ và ưu đãi khi đăng kí thành viên, thông qua các bản tin hàng tháng từ Tập đoàn Vingroup.
Thẻ Vingroup Card (cũ) và thẻ VinID (mới) sẽ được sử dụng song song với các quyền lợi tương đương. Với khách hàng có nhu cầu đổi thẻ, Vingroup sẽ hỗ trợ hủy thẻ cũ và làm thẻ VinID mới thay thế. Mỗi khách hàng chỉ được sở hữu 1 thẻ Vingroup Card hoặc VinID dựa trên 1 số CMT đã đăng ký.
Bên cạnh tính năng “tích càng nhiều, tiêu càng thích”, từ nay đến hết 14-1- 2017, chủ thẻ VinID và Vingroup Card sẽ có cơ hội trúng thưởng với tổng giá trị kỷ lục lên tới gần 100 tỷ trong chương trình “Đại hỷ Xuân 2017!”. Chương trình với hơn 21 ngàn cơ hội trúng ngay một trong các giải: 50 xe ô tô Camry, 1000 iPhone 7 và 20.000 phần quà trị giá 1 triệu đồng tích lũy trong thẻ.
Với việc chuyển đổi từ tấm thẻ Vingroup Card sang chương trình tri ân khách hàng thân thiết VinID, Tập đoàn Vingroup tiếp tục thể hiện cam kết về chất lượng, tầm nhìn vượt trội cũng như nỗ lực đem đến cho người tiêu dùng một phong cách mua sắm hiện đại, thông minh và tiện lợi./.
Chi tiết về việc đăng ký mở thẻ, điều kiện nâng hạng, tỷ lệ tích điểm, thông tin về các sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình, vui lòng xem tại: www.vingroupcard.net hay gọi điện tới Tổng đài: 19006959. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Sáng 25-11, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh Đông Hải Phòng ký kết phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ với Hội Nông dân Hải Phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng. Đến dự có đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố.
Theo chương trình phối hợp, các đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách tín dụng đến hội viên Hội Phụ nữ, Hội Nông dân; tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiện toàn các tổ vay vốn do các hội quản lý; kiểm tra, giám sát tổ chức hội cơ sở thực thực hiện các công đoạn ngân hàng ủy nhiệm. Các tổ chức hội phối hợp với Agribank chi nhánh Đông Hải Phòng và các chi nhánh trực thuộc nơi vay vốn khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch đề nghị ngân hàng cân đối cho vay phù hợp với nhu cầu các địa phương. Agribank Đông Hải Phòng cam kết cung ứng đủ nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân, phụ nữ trên địa bàn thành phố…
Việc triển khai ký kết phối hợp thực hiện Nghị định 55 giữa các đơn vị nhằm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hộ là hội viên nông dân, phụ nữ được vay vốn và sử dụng các dịch vụ tại ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng củng cố các tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời, giúp ngân hàng tăng lượng khách hàng, mở rộng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và quảng bá thương hiệu.
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn đề nghị ngân hàng, các tổ chức hội tập trung đẩy mạnh truyên truyền các chủ trương, chính sách về tín dụng cho nông nghiệp nông thôn đến sâu rộng các cán bộ, hội viên, nông dân; tạo sự kết dính chặt chẽ trong mối quan hệ phối hợp cho vay giữa ngân hàng và các tổ chức hội; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp; bảo đảm chuyển tải nguồn vốn đến các hộ dân nhanh, đúng đối tượng, mục đích; tăng cường việc tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp người vay vốn phát huy hiệu quả nguồn vốn. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Sáng 25-11, tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Công ty TNHH Aichi Tokei Denki Việt Nam tổ chức khánh thành nhà máy gia công lắp ráp linh kiện bán thành phẩm của đồng hồ đo gas, đồng hồ đo nước điện tử và đo nước cơ học. Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố dự.
Khởi công từ tháng 6 năm 2015 trên diện tích 25 ha tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, dự án chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2016 với tổng vốn đầu tư 26 triệu đô la Mỹ, sử dụng 300 lao động. Dự kiến, công suất nhà máy đạt xấp xỉ 4 triệu bộ sản phẩm /năm, doanh thu 45 triệu đô la Mỹ. Là một trong những nhà đầu tư thứ cấp tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, việc khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Aichi Tokei Denki Việt Nam góp phần thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Hiện Khu công nghiệp Tràng Duệ thu hút hơn 40 nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với số vốn đăng ký hơn 4,5 tỷ đô la Mỹ, hiệu suất đầu tư trung bình trên 20 triệu đô la Mỹ/ha, đạt chỉ số vào hàng cao nhất trong số các khu công nghiệp của cả nước. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Chiều 25-11, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự lễ khởi công Dự án tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ cao cấp Chuo tại Khu đô thị ven sông Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân. Các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Xuân Thành, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố, lãnh đạo các ngành, địa phương đến dự. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; lãnh đạo Tập đoàn Daiwa House, Công ty TNHH Chuo Việt Nam- chủ đầu tư dự án.
Phát biểu tại lễ khởi công, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng và đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, dự án khởi công là minh chứng khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như giữa thành phố Hải Phòng với các địa phương, tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản. Dự án khi hoàn thành góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, du lịch của Hải Phòng. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đề nghị Công ty TNHH Chuo Việt Nam tập trung cao nhân lực và vật lực cùng các nhà thầu thi công công trình bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, tuyệt đối an toàn và đúng kế hoạch tiến độ. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành chức năng của thành phố và quận Lê Chân chủ động phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, giải quyết nhanh các thủ tục và những phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Thành phố cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với cải cách hành chính; quyết liệt chỉ đạo và điều hành để dự án hoàn thành đúng tiến độ như kế hoạch đề ra; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hỗ trợ tối đa chủ đầu tư trong quá trình thi công.
Công ty Fujita Corporation, Tập đoàn Daiwa House làm chủ đầu tư khu đô thị Water Font City (phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) có tổng diện tích đất 5ha, chia làm 3 dự án thành phần với tổng giá trị đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu USD, gồm: tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ cao cấp; trung tâm thương mại, khu căn hộ và căn hộ cao cấp dự kiến khởi công năm 2017; khu căn hộ và căn hộ cao cấp dự kiến khởi công quý 1 - 2018. Trong đó, tổ hợp khách sạn 5 sao và dịch vụ căn hộ cao cấp do Công ty TNHH Chuo Việt Nam làm chủ đầu tư có diện tích mặt bằng 10.304m2; tổng giá trị đầu tư 60 triệu USD, với 2 toà tháp 22 tầng, 269 phòng khách sạn; 192 phòng căn hộ dịch vụ. Với tổ hợp khép kín các tiện ích nhà hàng, bể bơi, phòng tập theo tiêu chuẩn và chất lượng Nhật Bản, dự án khi hoàn thành là điểm đến mới của du khách, chuyên gia trong và ngoài nước sống và làm việc tại Hải Phòng. Dự án dự kiến hoàn thành đầu năm 2019 và do thương hiệu khách sạn Nikko hotel và Tập đoàn bất động sản hàng đầu của Nhật Bản là Daiwa House quản lý vận hành. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Sáng 25-11, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố kiểm tra tiến độ một số công trình trọng điểm và rà soát những khu vực hạ tầng giao thông xuống cấp được thành phố chỉ đạo hoàn thành trong tháng 11-2016.
Tại công trường xây dựng nút giao thông khác mức (cầu vượt) giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi nghe Ban quản lý dự án và nhà thầu báo cáo dự kiến hợp long cầu vượt vào ngày 28-11, đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình thi công, bảo đảm đúng kế hoạch tiến độ. Đối với một số vị trí mất an toàn giao thông mà thành phố chỉ đạo hoàn thành trong tháng 11 như: ngã ba Chùa Vẽ-Đình Vũ, ngã ba đường vòng Vạn Mỹ-Đà Nẵng, đầu đường Thiên Lôi và các điểm giao cắt với đường sắt, Sở Giao thông- Vận tải báo cáo hiện hoàn thành thi công nâng cấp hầu hết khu vực, còn điểm ngã tư Lê Lai-Lê Thánh Tông, chuẩn bị thi công trong vài ngày tới. Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT khẩn trương khắc phục điểm còn lại, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn.
Tại khu vực xây dựng chung cư U19 Lam Sơn, nhà thầu báo cáo UBND thành phố về khó khăn trong quá trình xây dựng. Hiện có 1 ngôi nhà cần GPMB mới có thể đưa được thiết bị vào thi công. Sở Xây dựng và nhà thầu đề nghị UBND thành phố chỉ đạo quận Lê Chân GPMB ngôi nhà nêu trên để phục vụ thi công công trình. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh: chủ trương xây dựng lại những ngôi nhà cũ được thành phố đặc biệt quan tâm, lô nhà U19 là công trình đầu được xây dựng, vì vậy, cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật-chất lượng-tiến độ để tạo lòng tin với người dân. Đồng chí yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hoàn tất các điều k iện phục vụ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Đến nay, quận Hồng Bàng hoàn thành 12/12 chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Đáng chú ý, thu ngân sách của quận đạt 1300 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch 55%, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2015; tổng mức đầu tư các dự án, hạng mục công trình xây dựng cơ bản đạt hơn 123 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ; 100% số hộ dân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở đủ điều kiện được xét cấp giấy phép xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm của thành phố và của quận được tập trung quyết liệt, đạt kết quả cao như GPMB phục vụ Dự án Khu đô thị Vinhomes Riva City, dự án Công viên cây xanh bến xe Tam Bạc; Quận được thành phố xếp hạng đứng thứ nhất chỉ số cải cách hành chính khối quận, huyện.
Năm 2017, quận Hồng Bàng tiếp tục thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính quận theo Quy hoạch chi tiết quận Hồng Bàng và phần mở rộng xã Nam Sơn và một phần xã An Đồng (huyện An Dương). Quận tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tổ chức SXKD, đổi mới mô hình, phương pháp quản lý các chợ trên địa bàn, tăng các khoản thu về đất, chú trọng kiểm tra việc tuân thủ quy định bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất dịch vụ trên địa bàn; xây mới một số trường học, đáp ứng yêu cầu học tập đào tạo của địa phương. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Ngày 29-11-2006, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định về việc thành lập Cục Cảnh sát môi trường, đánh dấu sự ra đời của một binh chủng mới trong lực lượng CAND, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự môi trường. Và ngày 29-11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát môi trường.
Trong suốt 10 năm không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, CBCS Phòng Cảnh sát môi trường - CATP đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách của một đơn vị mới được thành lập, từng bước đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và hiệu quả công tác, đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố.
Chủ động với nhiệm vụ được giao, lực lượng Cảnh sát môi trường đã tham mưu cho Giám đốc Công an thành phố xây dựng và triển khai quy chế phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương của thành phố, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Đơn vị cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường.
Phát huy vai trò nòng cốt, chủ công, Phòng Cảnh sát môi trường đã phối hợp chặt chẽ cùng công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình theo lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, chủ động báo cáo, đề xuất các phương án giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm về môi trường và xử lý các hành vi vi phạm, tội phạm về môi trường.
Các điểm nóng về môi trường, gây bức xúc trong dư luận, đã được đơn vị xây dựng thành 6 chuyên đề, thường xuyên chú trọng trong công tác phát hiện đấu tranh: Xử lý hàng hóa tồn tại Cảng Hải Phòng; Tăng cường chống tội phạm môi trường trong thời kỳ hội nhập; Phòng chống ô nhiễm các dòng sông, đảm bảo nước sạch cho thành phố; Đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; Đấu tranh với hành vi khai thác khoáng sản trái phép; Phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sản xuất công nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm môi trường dòng sông, khu vực ven biển…
10 năm qua, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện đấu tranh, xử lý 3.179 vụ việc vi phạm pháp luật môi trường, kết thúc 2.033 vụ, đề xuất xử phạt gần 12 tỷ đồng, phạt cảnh cáo 2 vụ, đề nghị tịch thu sung quỹ nhà nước trên 5 tỷ đồng, đề nghị khởi tố 14 vụ án… đảm bảo đúng quy trình công tác và quy định của pháp luật góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.
Điển hình: phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã trái phép, thu 2,4 tấn ngà voi được các đối tượng cất giấu trong các bao vỏ sò; phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép gần 5 tấn tê tê, là động vật hoang dã quý hiếm, được vận chuyển qua Cảng Hải Phòng... Và nhiều vụ việc khác đã được đơn vị khám phá có tiếng vang trên địa bàn toàn quốc; góp phần không để xảy ra các vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm hoặc bùng phát dịch bệnh...
Trong 10 năm qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã được Đảng, nhà nước, Chính phủ và các cấp ngành ghi nhận và đánh giá cao. Hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng, với những danh hiệu cao quý: Huân chương chiến công hạng 3; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3 và các bằng khen, danh hiệu... đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường; Đảng bộ đơn vị liên tục đạt danh hiệu "Cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh".
Đơn vị nhiều năm liên tục đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng"… Những phần thưởng cao quý đó là nguồn động lực, cổ vũ lớn lao đối với CBCS lực lượng Cảnh sát môi trường quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã được Đảng, nhà nước và ngành tin tưởng giao phó. (An ninh Hải Phòng 28/11/2016)
Sáng 26-11, Đoàn Thanh niên-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Ngô Quyền tổ chức ra quân Chương trình “Tình nguyện mùa đông năm 2016” và “Xuân tình nguyện năm 2017”.
Với chủ đề “ Tôi yêu Tổ quốc tôi”, Chương trình “Tình nguyện mùa đông năm 2016” và “Xuân tình nguyện năm 2017” được tổ chức thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể : “Đông ấm cho em”, “ Đồng hành với nông dân”, “Vì sức khỏe cộng đồng”, hỗ trợ, chăm lo cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo nhân dịp Tết Đinh Dậu và xây dựng văn minh đô thị... phát huy tinh thần tương thân tương ái của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên chung sức giúp đỡ thanh thiếu nhi và người nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, tăng cường công tác tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn-Hội vững mạnh. Chương trình tổ chức từ nay đến hết tháng 2-2017. Đoàn Thanh niên-Hội Liên hiệp Thanh niên quận tổ chức đi thăm và tặng quà tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn.
Nhân dịp này, Quận Đoàn-Hội Thanh niên quận trao kinh phí ủng hộ đồng bào miền Trung cho Ủy ban MTTQ quận; tiếp nhận ủng hộ của các đơn vị và trao 20 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ quận Ngô Quyền” trị giá 500.000 đồng/suất. (Báo Hải Phòng 28/11/2016)
Nằm độc lập giữa ngoài khơi vịnh Bắc bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện đi lại không dễ dàng nhưng ở đó vẫn có những con người ngày đêm lặng thầm dõi theo, ân cần chăm sóc sức khỏe cho từng người dân huyện đảo và cho tất cả ngư dân khi hoạn nạn, khó khăn. Họ là những "người lính" áo trắng thuộc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng.
Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ được thành lập theo Quyết định số 1456/ QĐ-UBND do Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng ký ngày 25/7/2016, trên cơ sở kết hợp toàn diện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế giữa Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ và Bệnh xá quân dân y thuộc Tiểu đoàn phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ-Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng.
Trung tâm thuộc Sở Y tế Hải Phòng, sự phối hợp quản lý, chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng về đảm bảo công tác quân y và quản lý nhà nước theo địa bàn của UBND huyện Bạch Long Vĩ. Ngày 25/10 vừa qua, Sở Y tế Hải Phòng chính thức công bố Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về việc thành lập Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ và Quyết định bổ nhiệm các chức danh của Trung tâm. Trung tâm vừa đảm bảo công tác y tế dự phòng, vừa đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị; vừa có quy mô tổ chức hoạt động thời bình, vừa có dự phòng thời chiến (tác chiến phòng thủ đảo khi có chiến tranh xảy ra). Đây cũng là cơ hội để y tế huyện đảo phát triển trở thành Trung tâm y tế cho toàn Vịnh Bắc bộ, đảm bảo y tế chiến lược tầm quốc gia, phù hợp với mô hình y tế biển đảo của cả nước.
Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ chia sẻ: Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng và khó là những điều mà Trung tâm luôn trăn trở, mong muốn... Nhiều ca bệnh nặng vỡ ruột thừa, chửa ngoài tử cung, tai nạn lao động trên biển... đã được các bác sĩ Trung tâm cấp cứu thành công.
Đặc biệt, mới đây (ngày 20/9), Trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đức Hải, 34 tuổi, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đang đánh cá tại ngư trường Vịnh Bắc bộ bị đau bụng cấp xin vào huyện đảo cấp cứu. Trung tâm đã hội chẩn và chẩn đoán: Bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa nghi do vỡ ruột thừa, bệnh nhân có tiền sử bị hở van động mạch chủ, huyết áp cao. Ca bệnh được đánh giá là phức tạp, nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao do bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của viêm ruột thừa cấp, có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc rõ, kèm nguy cơ của bệnh tim mạch mạn tính. Trung tâm đã báo cáo Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, lãnh đạo UBND huyện Bạch Long Vĩ và xin hỗ trợ y tế từ xa của Hội đồng chuyên môn Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp. Đề nghị được chấp thuận, Trung tâm tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ngay tại đảo... Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Đức Hải sau mổ diễn biến xấu.
Ngay sau khi tiếp nhận báo cáo của Trung tâm về tình trạng nguy kịch của bệnh nhân Nguyễn Đức Hải, ngày 21/9, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Đỗ Đức Hòa đã gửi Công văn "về việc hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân nặng từ đảo Bạch Long Vĩ về đất liền bằng máy bay trực thăng" đến Bộ Y tế.
Được sự đồng ý của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, máy bay trực thăng chở bệnh nhân Nguyễn Đức Hải từ Bạch Long Vĩ đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, thành phố Hà Nội sau hơn 1 giờ bay. Xe cấp cứu cùng kíp cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận, làm thủ tục nhập viện, điều trị cho bệnh nhân...
Việc quyết định cấp cứu, phẫu thuật ngay tại đảo cho bệnh nhân hay sơ cứu kịp thời những ca bệnh nặng khẳng định trình độ chuyên môn cấp cứu và điều trị chuẩn xác của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì chức năng sống trong thời gian dài chuyển bệnh nhân từ đảo vào đất liền. Điều này không phải Bệnh viện hoặc Trung tâm y tế tuyến cơ sở nào cũng thực hiện được.
Một tin vui đến với Trung tâm, ngày 20/11 vừa qua, hệ thống hỗ trợ y học từ xa-Telemedicine kết nối đảo Bạch Long Vĩ với 2 cơ sở y tế trong đất liền là Viện Y học biển Việt Nam và Bệnh viện hữu nghị Việt -Tiệp chính thức được triển khai.
Theo PGS.TS Trần Thị Quỳnh Chi, Viện trưởng Viện Y học biển Việt Nam, dự án "Xây dựng hệ thống Telemedicine kết nối Viện Y học biển Việt Nam, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ và Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp" được triển khai từ tháng 1/2015 theo Quyết định số 334/QĐ-BYT ngày 30/1/2015 của Bộ Y tế.
Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập hệ thống Telemedicine chất lượng cao để hỗ trợ y tế từ xa giúp nhân dân và ngư dân trực tiếp nhận được sự chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh từ đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện tuyến cao hơn. Với 3 tần số HF 72150, 83250, 93450 và tổng đài 19009020, các tàu cá và các đảo có thể nhận sự hỗ trợ, tư vấn trực tiếp về sức khỏe.
Tại buổi thăm và làm việc với Viện Y học biển Việt Nam chiều 25/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến đặc thù điều kiện tự nhiên của đất nước với bờ biển dài, tiềm năng phát triển kinh tế biển. Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Viện Y học biển Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu chuyên sâu y học biển có tầm cỡ khu vực, đến công tác chăm sóc sức khỏe của người dân ven biển là nhu cầu cần thiết hiện nay.
Sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng là động lực cho ngành Y tế vươn cao, và cho những "người lĩnh" áo trắng Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ tiếp tục thắp sáng y đức, luôn là điểm tựa về sức khỏe của quân và dân nơi đầu sóng. (Thông tấn xã Việt Nam 28/11/2016)
Hải Phòng là một trong bốn thành phố được Bộ Tư pháp chọn làm thí điểm ứng dụng phần mềm hộ tịch điện tử trong đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân từ tháng 1/2016.
Sau gần một năm thực hiện việc đăng ký số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tạo thuận lợi cho nhân dân khi thực hiện thủ tục cũng như cho các đơn vị chức năng trong quản lý.
Số định danh cá nhân (còn gọi là mã số công dân) là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra cho đến khi mất. Dãy số này dùng để xác định dữ liệu về căn cước công dân, cùng những dữ liệu khác về công dân, sử dụng trong các giấy tờ giao dịch, đi lại... Trong 12 số này, 3 số đầu là mã tỉnh nơi công dân sinh ra, số thứ 4 là giới tính (nam hoặc nữ), 2 số tiếp theo là năm sinh, 6 số còn lại là thứ tự hồ sơ cấp.
Thực hiện Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục cảnh sát đã phối hợp với Liên danh nhà thầu hoàn thành việc xây dựng Trung tâm cấp số định danh cá nhân phục vụ việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ sơ sinh từ ngày 1/1/2016. Phối hợp cùng Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, Cục Công nghệ thông tin) xây dựng phương án trao đổi dữ liệu chạy thử nghiệm trên hệ thống và đã cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại năm địa phương (gồm thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) từ ngày 4/1/2016.
Tại Hải Phòng, trẻ em đầu tiên được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân là bé gái Lưu Nguyễn Hồng Ngọc, con anh Lưu Đình Đạt, chị Nguyễn Huyền Nhung, ở tổ dân phố Cận Sơn 1, phường Văn Đẩu (quận Kiến An). Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Văn Đẩu cho biết, việc đăng ký khai sinh cùng với cấp số định danh cho trẻ khá thuận lợi. Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo quy định, chị cập nhật vào phần mềm đăng ký khai sinh trực tuyến của Bộ Tư pháp thực hiện các bước đăng ký khai sinh; kiểm tra chính xác các thông tin, chuyển dữ liệu đến Bộ Tư pháp. Thông tin được chuyển sang Bộ Công an để cấp mã số định danh cá nhân. Khoảng 2 phút sau việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cho trẻ hoàn thành.
Không chỉ thuận tiện cho người dân thực hiện đăng ký thủ tục khai sinh cho con cái, việc thí điểm thành công đăng ký khai sinh qua phần mềm hộ tịch điện tử còn tạo điều kiện cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tiếp cận với công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch, giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc theo dõi, quản lý nghiệp vụ đăng ký khai sinh nhanh chóng, khoa học và kịp thời phát hiện sai sót để điều chỉnh. Ông Phùng Văn Vĩnh, Trưởng Phòng Hộ tịch - Quốc tịch (Sở Tư pháp Hải Phòng) cho biết: Ngay từ cuối năm 2015, Sở Tư pháp mời chuyên viên của Bộ Tư pháp trực tiếp tập huấn Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành và ứng dụng phần mềm hộ tịch điện tử trong việc đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho hơn 500 cán bộ phụ trách và trực tiếp làm công tác hộ tịch tại UBND quận, huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Nhiều huyện đã bố trí trang bị máy tính riêng chuyên thực hiện việc đăng ký hộ tịch đến các xã, thị trấn.
Qua gần một năm triển khai, thành phố Hải Phòng đã cấp số định danh cá nhân và đăng ký khai sinh cho hơn 22.000 trẻ em. Được biết, việc cấp số định danh cá nhân còn được phát huy hiệu quả hơn khi tới đây hoàn thành “Cơ sở dữ liệu khu dân cư” với gần 2 triệu công dân trên địa bàn, Hải Phòng sẽ cùng Bộ Công an cấp số định danh cho toàn bộ số công dân này. Hiện các đơn vị chức năng đã cấp số định danh tạm thời cho gần 2 triệu công dân để quản lý trên hệ thống. (Thông tấn xã Việt Nam 27/11/2016)
Trong không khí se lạnh của Hà Nội những ngày trở rét, bên trong ngôi nhà hai tầng, trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9, phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) - “ngôi nhà chung” của các nhà văn, nhà thơ cả nước rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của những “người cùng nhà” tại hội nghị gặp mặt cộng tác viên (CTV) tiêu biểu khu vực Hà Nội năm 2016 của Báo Hải Phòng.
“Tôi mắc nợ với Báo Hải Phòng”
Đó là tâm sự của nhà thơ, nhà báo Vi Thùy Linh, người có nhiều tác phẩm ký, bút ký hấp dẫn, sinh động được bạn đọc mến mộ tại buổi gặp mặt. Tự nhận trong huyết quản của mình có một phần Hải Phòng bởi “mẹ tôi cũng là người Hải Phòng”, với Vi Thùy Linh, đến với Báo Hải Phòng như “về nhà” và lúc nào cũng canh cánh mắc nợ tờ báo. Nhà thơ, nhà báo tếu táo ví Tổng biên tập Báo Hải Phòng Lê Trọng Nghĩa như “chủ nợ”, nhưng là chủ nợ phong lưu. Mặc dù không bao giờ bị “siết nợ”, nhưng vì tình nghĩa của cơ quan Báo, “con nợ” như chị cứ phấp phỏng, lo nghĩ về bài vở. Vi Thùy Linh cho biết, từ thời sinh viên, chị đã cộng tác với Báo Hải Phòng, nhưng ngày càng cảm nhận được sự “chiêu hiền, đãi sĩ” của lãnh đạo tờ báo và thấy đây là một tờ báo hiện đại, có tầm nên “cuộc tình” của chị với tờ báo ngày càng tăng lên, sâu đậm hơn.
Không dí dỏm như Vi Thùy Linh, nhà báo Chu Thu Hằng lại bày tỏ sự yêu mến tờ báo khi khẳng định có lẽ mình là một trong những CTV kỳ cựu nhất của tờ báo với 26 năm gắn bó. Cơ duyên để “dụ dỗ” nhà báo khá nổi tiếng này cộng tác với Báo Hải Phòng chính là từ thời chị học Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng khóa với Nguyễn Kim Sơn, nay là Giám đốc Trường đại học Quốc gia Hà Nội- con trai nhà báo Kim Toàn, nguyên Tổng biên tập Báo Hải Phòng. 26 năm qua, bạn đọc yêu mến tờ báo thành phố thường thấy tên Chu Thu Hằng gắn liền những tác phẩm viết về đời sống văn hóa- nghệ thuật với cách nhìn nhận, đánh giá tổng quan, sâu sắc. 5 năm trở lại đây, do làm công tác quản lý tại báo Văn hóa nên chị khá bận, sự xuất hiện của Chu Thu Hằng trên Báo Hải Phòng có ít đi. Nữ nhà báo khẳng định, chị đến với Báo Hải Phòng không phải vì nhuận bút mà vì tình nghĩa, thấy được sự trân trọng của những người làm báo thành phố Cảng dành cho mình. Điều đó được thể hiện bằng những buổi họp CTV cuối năm tại Hà Nội mà không phải tờ báo nào cũng duy trì được. Có lẽ vì vậy, Báo Hải Phòng cũng là tờ báo địa phương duy nhất Chu Thu Hằng còn cộng tác viết bài.
Trong không khí giao lưu thân mật, nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu, một CTV “ruột” của Báo Hải Phòng dành cho lãnh đạo báo lời khen tặng “chịu chơi” và khá “khôn ngoan” khi có trong tay những CTV tên tuổi và biết chắt lọc những “tinh hoa” của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng để nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho tờ báo Đảng địa phương. Tiêu biểu như các nhà báo, phóng viên gồm: Nguyễn Ngọc Báu, Nguyễn Hiếu Thảo, Đỗ Hồng Hạnh, Bùi Thanh Loan, Hoa Quỳnh…
Xây dựng tờ báo đậm “chất” Hải Phòng
Như phát biểu của nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Tổng biên tập Báo Hải Phòng tại cuộc gặp mặt, cuộc gặp mặt không chỉ để nói lời cảm ơn mà còn kêu gọi các CTV hợp lực cùng toà soạn hoàn thành xuất sắc số báo Tết Đinh Dậu 2017 và ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngày Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu (21-3-1957 - 21-3-2017). Đồng thời, có những chia sẻ, góp ý để tờ báo ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhân xét, qua theo dõi báo xuân hằng năm của Báo Hải Phòng, ông thấy tờ báo ngày càng nhiều bài hay, phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống và được trình bày đẹp, ấn tượng, mở rộng biên độ ảnh hưởng, vị thế, uy tín của Báo Hải Phòng trong phạm vi khu vực miền Bắc và cả nước. Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng số báo xuân cần có những bài viết về các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế. Bên cạnh những bài phản ánh về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, cần cấu tạo lại, dành nhiều “đất” hơn cho những bài văn hóa- văn nghệ; làm thế nào để xây dựng tờ báo đậm “chất” Hải Phòng, rõ nét về mảnh đất, con người Hải Phòng.
Góp ý để tờ báo Đảng địa phương ngày càng hoàn thiện hơn, theo nhà thơ, nhà báo Vi Thùy Linh, song song với nâng cao chất lượng tin, bài, cần mở rộng phạm vi phát hành của tờ báo thông qua Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, huy động “chất xám” của các CTV ở nước ngoài thông qua việc mời họ cộng tác viết bài, xây dựng chuyên mục “Người Hải Phòng xa quê” và phát hành báo, để họ được thấy mình trong những bài viết đó. NSNA Vũ Huyến, “người bạn” thân thiết với Báo Hải Phòng cho biết, ông mừng vì tờ báo có những cải tiến đáng kể về nội dung cũng như trình bày, nhưng không vì thế mà tự thỏa mãn, tự hài lòng. Theo ông, suy nghĩ, trăn trở về tương lai của tờ báo không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo, Ban biên tập mà của tập thể những người làm báo Báo Hải Phòng. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ phóng viên đa năng, vừa viết tin, bài, vừa có thể chụp ảnh, quay phim, sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại để truyền thông tin về tòa soạn một cách nhanh nhất. Vì vậy, kỷ niệm 60 năm ngày Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu không chỉ là dịp để gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm mà còn là dịp để những thế hệ người làm báo thành phố Cảng cùng ngồi lại, bàn thảo về tương lai tờ báo và đưa ra các giải pháp xây dựng tờ báo phát triển lớn mạnh. Bên cạnh đó, để có sự chuyển biến về “chất”, cần có cơ chế, chính sách để phát huy trí tuệ, ngọn lửa nhiệt thành của các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ cả nước. Điều đó phụ thuộc vào nghệ thuật và “chiến thuật” của lãnh đạo, Ban biên tập Báo Hải Phòng trong thời gian tới. (Báo Hải Phòng 27/11/2016)
Báo Hải Phòng nhận được đơn thư của ông Bùi Văn Đức, ở số 297 phố Đồng Hòa, phường Đồng Hòa (quận Kiến An) kiến nghị việc UBND phường chậm trễ tháo dỡ bức tường xây dựng trái phép dọc ngõ 297, phố Đồng Hòa.
Phóng viên Báo Hải Phòng làm việc với lãnh đạo UBND phường Đồng Hòa, các bên liên quan, được biết:
Ông Bùi Văn Đức và vợ là bà Lê Thị Nga hiện ở lô đất số 297 phố Đồng Hòa có diện tích 100,35m2 thuộc thửa đất số 556-1 tờ bản đồ số 13 được UBND quận Kiến An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 6-9-2013. Năm 2005, ông Đức xây nhà trên một nửa phần đất, mở cửa đi ra phố Đồng Hòa, phần còn lại ông dựng lán để làm mộc, mở cửa đi ra ngõ 297. Quá trình làm nghề mộc, ông Đức có mâu thuẫn với một số người dân trong ngõ 297. Năm 2013, mâu thuẫn đỉnh điểm, ông Bùi Đức Bủn và một số người dân tự ý xây dựng bức tường bao cao 80cm dài gần 100m dọc ngõ 297, áp sát nhà ông Đức, bít lối vào cửa lán làm mộc. Thời điểm đó, UBND phường tổ chức hòa giải nhiều lần giữa các bên. Ông Đức tự tháo dỡ một phần bức tường, đoạn chắn lối ra vào lán. Phần còn lại của bức tường vẫn giữ nguyên hiện trạng. Đầu năm 2016, các bên tiếp tục phát sinh mâu thuẫn. Ông Đức có đơn gửi UBND phường, UBND quận Kiến An kiến nghị tháo dỡ bức tường xây dựng trái phép dọc ngõ 297, giải quyết dứt điểm sự việc. Ngày 5-7-2016, UBND quận Kiến An có công văn trả lời với nội dung: giao UBND phường Đồng Hòa kiểm tra, xử lý việc xây dựng theo đơn kiến nghị của người dân. Phòng Quản lý đô thị quận hướng dẫn, đôn đốc phường thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết về UBND quận trước ngày 20-7-2016. Song đến nay, bức tường vẫn chưa được tháo dỡ.
Trao đổi về vụ việc, Phó chủ tịch UBND phường Đồng Hòa Trần Thị Hương thừa nhận: việc người dân tự ý xây dựng tường bao dọc nhà ông Đức trên diện tích đất công của ngõ 297 năm 2013 là không đúng quy định của pháp luật. Bản chất sự việc chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa các bên, phường tiến hành hòa giải nhiều lần từ năm 2013 đến nay. Xét thấy, hộ ông Đức, ông Bủn và 16 hộ dân sống trong ngõ 297 đa phần là người trong cùng dòng họ, UBND phường chủ trương giải quyết sự việc theo hướng hòa giải nhằm giữ gìn tình cảm mọi người trong dòng họ, tình làng nghĩa xóm nên chưa ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu các bên không nhất trí hòa giải, UBND phường sẽ tiến hành giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, kiến nghị của ông Bùi Văn Đức về việc UBND phường chậm trễ giải quyết việc tháo dỡ bức tường xây dựng trái phép dọc ngõ đi chung 297 phố Đồng Hòa, phường Đồng Hòa là có cơ sở. Mặc dù công trình vi phạm nhỏ, gia đình ông Đức tháo gỡ một phần bức tường để bảo đảm việc đi lại, song do công trình vi phạm tồn tại, nên mỗi khi phát sinh mâu thuẫn, các bên lại có kiến nghị, khiến vụ việc kéo dài nhiều năm. UBND phường Đồng Hòa bên cạnh việc hòa giải mâu thuẫn giữa các bên, cần kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm, đúng chỉ đạo của UBND quận Kiến An, giải quyết dứt điểm vụ việc. Các bên liên quan nên cầu thị, giữ gìn tình cảm trong dòng họ, đoàn kết trong khu dân cư, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Hộ ông Đức trong quá trình kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện phù hợp về môi trường, tiếng ồn, không để ảnh hưởng cuộc sống của người dân ngõ 297. (Báo Hải Phòng 27/11/2016)
Những năm gần đây, tội phạm môi trường xuất hiện ngày càng nhiều và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là việc “đầu độc” cộng đồng bằng thực phẩm bẩn và làm ô nhiễm môi trường sống. Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) - Công an thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý với loại tội phạm này vẫn gặp không ít khó khăn…
Những vi phạm nghiêm trọng
Cơ sở sản xuất của Công ty TNHH sản xuất và đầu tư thương mại Tùng Phát, ở thôn Khúc Giản, xã An Tiến, huyện An Lão, lâu nay đã trở nên nổi tiếng với các sản phẩm dấm ăn, tương bần và muối I-ốt… Người tiêu dùng vẫn tin lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của công ty luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng. Tuy nhiên với các trinh sát Đội 6, Phòng PC49 thì chủ cơ sở Lê Văn Quyết, sinh 1981, đã không thể che đậy được những việc làm gây tổn hại đến sức khỏe cộng đồng…
Sáng 11-5, lực lượng chức năng đã bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang công nhân của Công ty Tùng Phát đang có hành vi dùng nước lã pha với axit axetic để làm dấm ăn. Tại hiện trường, hàng chục lít dấm thành phẩm đã được đóng chai dán nhãn hiệu Quê Hương chuẩn bị bán ra thị trường và trên 1.000 lít dấm đã được pha chế sẵn trong téc inox, đang chuẩn bị đưa ra đóng chai. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ 2 can nhựa loại 20 lít chứa axit axetic cùng nhiều chai lọ, nhãn mác dấm ăn hiệu Quê Hương.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, dấm ăn thường được làm từ nguyên liệu chính là rượu gạo hay rượu nếp ủ lên men và thành phần chính tạo thành là axit axetic và nước. Trong đó, axit acetic này (tự nhiên) được khoa học chứng minh là rất tốt, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Còn nếu là axit axetic được sản xuất công nghiệp thì không được sử dụng trong thực phẩm, bởi nó gây hại cho sức khỏe con người, thậm chí có thể tử vong nếu dùng nhiều.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của người tiêu dùng đã trở thành nỗi lo thường trực do có những diễn biến phức tạp, khó lường. Các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng với những thủ đoạn biến tướng tinh vi là nỗi ám ảnh của nhân dân, là “ung nhọt” gây hại cho xã hội. Trung tá Đặng Thế Dũng, Trưởng phòng PC49 cho biết, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, được che giấu dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, khi bị phát hiện chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Mới đây nhất, lực lượng Cảnh sát môi trường Hải Phòng phát hiện một ô tô chở hàng tấn ngao, sò không rõ nguồn gốc từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc vào nội địa tiêu thụ. Tuy nhiên khi bị lực lượng công an dừng xe, các đối tượng vận chuyển đã chống đối, lái xe bỏ chạy gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và người tham gia giao thông. Đến khi bị bắt giữ, các đối tượng này lại giở thủ đoạn “hợp lý” hóa nguồn gốc sản phẩm bằng các giấy tờ quay vòng để đối phó…
Không chỉ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, do là thành phố lớn, lại là đầu mối giao thông về đường bộ và đường biển, có thể trung chuyển đi đến nhiều tỉnh, thành và cả quốc tế nên trên địa bàn thành phố Hải Phòng tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Và thực tế cho thấy đã hiển hiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã cố tình không chấp hành quy định của pháp luật, trực tiếp xả thải bức hại môi trường. Điển hình là Công ty TNHH sản xuất Hưng Thịnh đã xả thẳng nước thải và khí bụi ra môi trường, làm ô nhiễm nghiêm trọng khu vực kênh Bắc Nam Hùng (xã Nam Sơn, huyện An Dương), hay bãi chất thải Gyps của Cty DAP Đình Vũ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Mạnh tay với tội phạm môi trường
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát Môi trường, trong năm 2016, những vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn thành phố đáng báo động nhất là sản xuất, vận chuyển trái phép hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục để chế biến thực phẩm; buôn bán các loại hàng hóa đã quá hạn sử dụng, không duy trì các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất xảy ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, nạn khai thác khoáng sản, xả thải của cơ sở sản xuất công nghiệp và hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật quý hiếm ngày càng gia tăng…
Vì lợi nhuận, một số doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua các phương án bảo vệ môi trường, dùng mọi thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Đặng Thế Dũng khẳng định, đứng trước những khó khăn, thách thức đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị luôn thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí, tinh thần trách nhiệm của mình, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngỡ rằng cảnh sát môi trường sẽ không phải đối mặt với những hiểm nguy luôn rình rập như lính hình sự, ma túy, thế nhưng khi tiếp xúc với các anh, được nghe kể về những lần đi phá án, đặc biệt là những vụ liên quan đến nạn khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép mới thấy hết những vất vả, nguy hiểm họ đã và đang vượt qua để mang lại môi trường sống trong lành hơn cho nhân dân. Mặc dù bị lực lượng chức năng truy quét gắt gao nhưng tình trạng khai thác cát trái phép cũng chỉ giảm theo “thời vụ” chứ chưa triệt để.
Các đối tượng hút trộm cát chủ yếu lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa các quận, huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Dương, hay giữa Hải Phòng với các tỉnh lân cận Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh. Ngày 22-10 vừa qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện và bắt giữ tàu cát TB - 0006 trọng tải 180 tấn, do Đào Văn Mạnh, 45 tuổi, ở Hợp Tiến, Đông Hưng, Thái Bình, điều khiển và tàu BG - 0180 có trọng tải 280 tấn, do Chu Văn Thắng, 46 tuổi, ở Xuân Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh, điều khiển, đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Cấm (thuộc địa phận xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên).
Trung tá Nguyễn Tiến, Đội trưởng Đội 5 chia sẻ, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoài việc mỗi chiến sĩ phải nhanh nhạy, mưu trí còn phải biết dựa vào nhân dân, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình để phá án. Mới đây, vụ việc Công ty TNHH Sao Đỏ đã để xưởng cải màu Minh Hải xả thẳng mỗi ngày hàng chục m3 nước thải có lẫn hóa chất phát sinh trong quá trình nhuộm da giày ra sông Văn Úc (thuộc địa phận xã Quang Trung, huyện An Lão) làm cho lực lượng phòng, chống tội phạm về môi trường mất ăn mất ngủ, hao tâm tổn trí.
Đây là vụ việc nghiêm trọng bởi tính chất, mức độ nguy hại của nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước mặt phục sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Để phát hiện được vụ việc, thu thập được toàn bộ những chứng cứ sai phạm của Công ty cơ sở Minh Hải, ròng rã nhiều tháng trời, hàng chục trinh sát thay phiên nhau dầm mình nơi bờ sông, bãi sú thu thập tài liệu chứng cứ.
Cuộc chiến phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không chỉ dừng ở hành vi khai thác khoáng sản trái phép mà ngay cả trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ. Phòng PC49 đã phối hợp với công an địa phương phát hiện tại cơ sở chế biến chả cá do Đinh Viết Tuấn, sinh 1977, ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, hơn 3 tạ cá là nguyên liệu đã bốc mùi hôi thối. Nếu không bị cơ quan chức năng phát hiện, số thực phẩm bẩn này sẽ được chuyển về bán tại các chợ, hàng quán trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng…
Có thể nói, ô nhiễm môi trường cùng tội phạm môi trường trở thành vấn đề "nóng". Hậu quả, tác hại của nó gây bức xúc, nhức nhối toàn xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trưởng phòng PC49 Đặng Thế Dũng khẳng định, với trọng trách công việc gắn liền với chất lượng sống của người dân, những thành tích đã đạt được là niềm tin, động lực tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sỹ đơn vị nỗ lực triệt phá, chặn đứng, góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề ô nhiễm, hủy hoại môi trường… (An ninh Hải Phòng 27/11/2016)
Sáng 27-11, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng Tư vấn đặc xá họp xét duyệt danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá, tha tù trước thời hạn cho phạm nhân đủ điều kiện đặc xá năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá chủ trì cuộc họp.
Sau cuộc họp này, Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân được đặc xá năm 2016 để xem xét quyết định. Dự kiến, đợt đặc xá này sẽ có trên 4.000 phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá, tha tù trước thời hạn.
Để việc xét duyệt danh sách bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng, nhà nước, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn phải được tiến hành công khai, minh bạch, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.
Phó thủ tướng nhấn mạnh các cấp các ngành cần đặc biệt quan tâm đến công tác hậu đặc xá, trong đó chú ý đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân, xóa bỏ mặc cảm, kỳ thị đối với người được đặc xá. Đồng thời, các đơn vị chức năng, địa phương cần làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm.
Từ năm 2009 đến nay, thực hiện Luật Đặc xá, Nhà nước ta đã thực hiện 6 đợt đặc xá, tha tù trước thời hạn cho 81.795 phạm nhân và 919 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Do có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ các bộ, ban, ngành và sự chuẩn bị chu đáo, chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp nên đại đa số người được đặc xá trở về không tái phạm. (An ninh Hải Phòng 27/11/2016)
Là Phó đội trưởng Đội Tổng hợp - CAH Thủy Nguyên, đại úy Nguyễn Thành Đoàn tích cực tham mưu Đảng ủy lãnh đạo đơn vị xây dựng các phương án, kế hoạch thực hiện nhiều chuyên đề công tác như: đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, công tác quản lý nhà nước về ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ...
Bằng kinh nghiệm thực tiễn công tác, đồng chí đã nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo CAH xây dựng triển khai mô hình “Chuẩn hoá các nội dung trong công tác quản lý, theo dõi, đánh giá kết quả công tác chuyên môn của CBCS của toàn đơn vị”. Qua triển khai, mô hình vừa kịp thời nắm bắt được thực tế chất lượng CBCS để kịp thời chấn chỉnh, vừa phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc, bảo đảm phát huy cao nhất hiệu quả chất lượng cán bộ hiện có, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện thiếu biên chế hiện nay.
Đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn thanh niên, đại úy Nguyễn Thành Đoàn chủ động xây dựng chương trình kế hoạch; tham mưu với lãnh đạo đơn vị tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì ANTQ” gắn với hoạt động văn nghệ, thể thao, các hoạt động xung kích, các công trình phần việc thanh niên đảm nhận..., tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ đoàn viên thanh niên, góp phần hoàn thành tốt kế hoạch công tác đoàn, phong trào thanh niên của Huyện đoàn Thuỷ Nguyên, Đoàn thanh niên CATP. Trong đó phải kể đến 3 công trình: Thanh niên CAH Thuỷ Nguyên tham gia tuyên truyền phổ biến pháp luật, cấp phát căn cước công dân tại cơ sở, chung tay xây dựng nông thôn mới, được Thành đoàn công nhận là công trình cấp thành phố và công trình cấp huyện.
Qua hơn 3 năm thực hiện, Đoàn thanh niên CAH Thủy Nguyên phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức 32 buổi truyền thông tại các xã, đơn vị trên địa bàn huyện với hơn 31 nghìn lượt người nghe; triển khai thực hiện 10 buổi cấp căn cước công dân lưu động cho trên 900 trường hợp là đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh đến tuổi cấp căn cước công dân, việc làm trên được cán bộ và nhân dân trên địa bàn hết sức ngợi khen...
Với sự năng nổ của người Bí thư Đoàn, Đoàn thanh niên CAH nhiều năm liền luôn là đơn vị xuất sắc tiêu biểu, dẫn đầu khối công nhân viên chức - lực lượng vũ trang huyện Thủy Nguyên, dẫn đầu Đoàn thanh niên khối Công an huyện; là cơ sở Đoàn xuất sắc tiêu biểu, được TW Đoàn tặng Bằng khen...
Năm 2013, đại úy Nguyễn Thành Đoàn được Giám đốc CATP trao tặng giải thưởng gương mặt trẻ CAHP xuất sắc tiêu biểu. Năm 2015, đồng chí là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu CATP. Năm 2016, đồng chí là 1 trong 10 cán bộ đoàn, đoàn viên xuất sắc tiêu biểu toàn quốc được TW Đoàn trao tặng “Giải thưởng Lý Tự Trọng” và là đại biểu thanh niên tiên tiến toàn quốc làm theo lời Bác lần thứ IV năm 2016. (An ninh Hải Phòng 26/11/2016)
Thời gian gần đây, có khá nhiều vụ bạo lực, bạo hành trẻ em xảy ra ngay trong gia đình của trẻ. Đáng chú ý, người gây bạo lực, bạo hành trẻ chính là người thân của trẻ.
Lạm dụng quyền dạy con
Cộng đồng mạng xã hội tháng trước được phen “dậy sóng” trước việc ông bố ở thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đánh con trai mình 13 tuổi khiến cháu bé phải nhập viện điều trị. Hình ảnh mông bầm dập, tím ngắt của cậu bé khiến bao người xót xa, phẫn nộ. Tại Hải Phòng, mới đây người cha vì bực mình với đứa con đang học cấp 3 nhưng "ham chơi, lười học" đã bắt phạt con bằng cách chui vào chuồng chó, rồi chụp ảnh đăng facebook. Dù những bức ảnh đó được gỡ xuống ngay, nhưng cũng đủ phát tán thông tin. Một số bạn bè của cậu bé khi xem mạng xã hội nhận ra khiến cậu bị bạn chê cười. Xấu hổ khiến em nghỉ học 1 ngày, rất may chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Trong cả 2 vụ việc trên, việc bạo hành trẻ đều được gắn dưới mác “dạy con” của các ông bố.
Theo Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vũ Thị Kim Liên, cách hành xử của các bậc cha mẹ như trên là "không thể chấp nhận được" dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào. Là cha, mẹ, ai cũng yêu thương con, song việc dạy dỗ phải khoa học. Khi con phạm sai lầm, cha mẹ cần chỉ rõ để con khắc phục chứ không phải nóng nảy quá mức như trường hợp thứ nhất hay “trừng phạt” con như trường hợp thứ hai. Đáng buồn, phần lớn vụ bạo lực, bạo hành con trẻ theo điều tra, nghiên cứu lại do chính những người thân yêu của trẻ gây ra, càng dễ làm tổn thương trẻ hơn. Điều này là sự lạm dụng quyền của cha mẹ trong dạy dỗ, chăm sóc con, kể cả những cách dạy dỗ “không giống ai” như dùng bạo lực, nhục mạ trẻ cả về thể chất và tinh thần.
Cần tiếng nói, trách nhiệm của cộng đồng
Thực tế có nhiều vụ bạo lực, bạo hành với trẻ em do cha mẹ gây ra song chưa được can thiệp, xử lý kịp thời. Suy nghĩ dạy con là "việc riêng" của mỗi gia đình nên nhiều người dù biết, thậm chí là chứng kiến việc cha mẹ dùng bạo lực với con nhưng không lên tiếng can thiệp. Điều này rất nguy hiểm bởi người bố, người mẹ khi không được ngăn chặn, xử lý, rất có thể sẽ lặp lại bạo lực ở những lần sau, coi đó là việc bình thường. Một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực đối với trẻ em một phần do những khó khăn trong đời sống kinh tế, bất hòa trong gia đình song còn có nguyên nhân do cha mẹ thiếu hụt các kiến thức về sự phát triển thể chất, tâm, sinh lý lứa tuổi của trẻ, không dung hòa được với con dẫn đến hành động bột phát, thiếu kiềm chế.
Để ngăn chặn việc cha mẹ lạm dụng quyền dạy con bằng bạo lực, nhà trường, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh cần bám sát tình hình, hoàn cảnh của mỗi gia đình kịp thời. Thậm chí với những hành vi quá đáng, người chứng kiến có thể báo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để có cách xử lý. Các địa phương, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm, củng cố hệ thống cán bộ, dịch vụ chăm sóc trẻ em. Thường xuyên quan tâm, bám sát trẻ có nguy cơ cao, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt dễ bị lạo lực, bạo hành. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Theo thống kê của Phòng Kinh tế quận Dương Kinh, trên địa bàn phường Hòa Nghĩa có gần 600ha là đất nông nghiệp. Trước đây, toàn bộ diện tích đất này được người dân khai thác, trồng cấy với 2 vụ lúa/năm, cho năng suất đạt khoảng 50 tạ/ha, góp phần ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng từ năm 2008, việc triển khai thi công dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với sự lưu thông thường xuyên của các xe tải cỡ lớn chở nguyên vật liệu khiến cho hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư và phục vụ sản xuất nông nghiệp bị ách tắc, phá vỡ, các tuyến đường nội đồng hư hỏng nặng.
Đất ruộng thành đất hoang
“Lỗi” từ đường cao tốc đã làm cho gần 40ha đất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân, trong đó có khoảng 18ha ruộng của 78 hộ dân ở khu vực Toàn Thắng, Đại Thắng - phường Hòa Nghĩa bị ảnh hưởng trực tiếp, phải bỏ trắng từ đó đến giờ. Những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay trước kia giờ đã trở thành những bãi đất hoang bạt ngàn lau sậy, cỏ dại cao quá đầu người. Ông Vũ Văn Thành - Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) số 2, cho biết: “8 năm nay, hệ thống tưới tiêu, thoát nước tại TDP số 2 không còn, mùa mưa thì ngập trắng, mùa hạn thì khô cằn, nứt nẻ, cỏ dại mọc tràn lan, chuột sinh sản phát triển nhiều nên chúng tôi không trồng cấy được bất cứ loại hoa màu nào, đành bỏ hoang".
Anh Phạm Văn Tuấn, ở TDP số 1, phường Hòa Nghĩa, cho biết thêm: Tình trạng đất ruộng bỏ hoang kéo dài ở đây trong suốt nhiều năm qua, ngoài ảnh hưởng của việc thi công dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì còn có nguyên nhân khác. Đó là vì thời gian gần đây, việc trồng cấy lúa, hoa màu của bà con đã không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của anh, trừ các khoản chi phí thì mỗi tháng, người dân chỉ kiếm được khoảng 400 nghìn đồng/sào lúa. Vì tiếc công sức bỏ ra không đem lại lợi nhuận nên nhiều người dân đã bỏ ruộng để đi làm tại các công ty, nhà máy. Bên cạnh đó, một số thửa ruộng đã được bán cho người dân ở địa phương khác nhưng không theo mục đích trồng cấy. Vì vậy tình trạng đất ruộng hoang hóa ở địa phương khó có thể khắc phục được.
Ruộng đồng thì bỏ hoang, cuộc sống sinh hoạt của người dân còn thêm khó do tình trạng ngập úng kéo dài chỉ sau một cơn mưa to. Đặc biệt, khu vực “xóm Đảo”, phía bên kia đường cao tốc - nơi có 40 hộ dân thuộc TDP số 4, thường xuyên sống trong tình trạng bị nước bao vây, cô lập. Lại thêm một số hầm chui do thấp hơn mặt đường gom dân sinh và không có đường thoát nước, trở thành “ao” mỗi khi mưa lớn, gây khó khăn, nguy hiểm cho người dân khi đi lại, nhất là các cháu học sinh.
Ông Ngô Văn Nghi - TDP 13, phường Hòa Nghĩa, chia sẻ: Người dân nơi đây đã sống trong cảnh úng lụt 8 năm nay. Có những trận mưa lớn làm nước ngập cao khoảng 30-50cm, phải mất 3 đến 15 ngày nước mới tiêu thoát được. Trong những ngày đó, rác rưởi ở khắp nơi trôi nổi vào khu dân cư, gây mất vệ sinh, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Thêm vào đó, nước ngập úng lâu ngày cũng làm cho việc chăn nuôi gia súc không thực hiện được, các cây trồng trong vườn nhà, kể cả những cây lâu năm như na, mít, nhãn… cũng bị úng lụt, chết dần.
Đã có phương án
Từ những năm 2011-2014, quận Dương Kinh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư các dự án, xưởng sản xuất trên địa bàn quận nhưng đều không khả thi. Trong khi đó việc đầu tư, cải tạo lại toàn bộ hệ thống thủy lợi thoát nước khu dân cư, tưới tiêu cho toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng bởi thi công đường cao tốc thì vượt khả năng của quận.
Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quận Dương Kinh rà soát lại thực tế một lần nữa, đánh giá toàn diện ảnh hưởng của dự án đối với sản xuất, an sinh xã hội của địa phương để đề ra phương án giải quyết phù hợp. Thành phố cũng giao cho các sở, ban, ngành phối hợp với quận tập trung khẩn trương khắc phục khó khăn, giúp bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo đó, quận Dương Kinh sẽ tiến hành nạo vét, khơi thông đoạn mương dài 1,8km nối từ sông He đến kênh Đức Phong 1, đấu nối các cửa cống qua đường cao tốc với nhau để bảo đảm tưới tiêu cho khu vực; khơi thông dòng chảy 6 tuyến kênh dài 2km qua đường cao tốc đến kênh Đức Phong 1, khôi phục 2km kênh nội bộ bị nông đầy và một số cống trên kênh bị hư hỏng; tăng cường công tác quản lý các công trình thủy lợi, ngăn chặn việc đổ rác thải, chất thải, lấn chiếm lòng kênh.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND quận Dương Kinh Lê Lương cho biết: Liên quan đến công tác khắc phục tình trạng đất ruộng bỏ hoang và ngập úng trên địa bàn phường Hòa Nghĩa, thành phố đã có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và quyết định cấp nguồn kinh phí 4,5 tỷ đồng để thực thi, triển khai giải pháp theo kế hoạch.
Đến nay đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Công Vinh (Trần Thành Ngọ, Kiến An), đã tập trung lực lượng thi công ngay từ những ngày đầu tháng 11, hoàn thành được 40% khối lượng công việc với gần 1km mương, 6 cống được nạo vét… Dự kiến hơn 1 tháng nữa công trình sẽ hoàn thành, giúp bà con nhân dân địa phương phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. (An ninh Hải Phòng 26/11/2016)
Cầm trên tay quyết định trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3 cháu nội mất mẹ là Cao Đức Huy, Cao Thị Ngọc Quỳnh, Cao Đức Trọng, bà Đỗ Thị Mây, bà nội các cháu ở thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) rưng rưng cảm động. Từ tháng 11-2016 này, 3 cháu nhỏ có nguồn nuôi dưỡng hằng tháng từ tiền trợ cấp xã hội, mỗi cháu từ 450 nghìn đồng đến 675 nghìn đồng/tháng. Đây là sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực giúp gia đình vượt qua khó khăn. Bà Đỗ Thị Mây cho biết, vụ tai nạn giao thông hồi giữa tháng 5 vừa qua khiến con dâu bà là Đồng Thị Cúc qua đời, con trai bị chấn thương sọ não, hiện thần kinh không ổn định. Anh Cao Đức Dương cũng vừa có quyết định hưởng bảo trợ xã hội diện khuyết tật đặc biệt nặng, mức 360 nghìn đồng/tháng.
Ngay sau khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện, Quỹ Bảo trợ chăm sóc trẻ em thành phố quyên góp, hỗ trợ tiền, vật phẩm giúp các cháu. Tuy nhiên, cuộc sống của các cháu đến lúc trưởng thành còn rất nhiều khó khăn do anh Dương, chị Cúc hầu như không có tài sản gì giá trị, ông bà nội nguồn thu nhập chính cũng chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình, nhất là tạo điều kiện để gia đình chăm nuôi các cháu, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy tham mưu, đề xuất UBND huyện có sự quan tâm thỏa đáng như hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời hướng dẫn UBND xã Đại Hà, gia đình anh Cao Đức Dương làm hồ sơ, thủ tục để các cháu được hưởng quyền lợi. Sau thời gian tích cực phối hợp, xem xét thẩm định hồ sơ, căn cứ các quy định pháp luật, 3 cháu con anh Dương được hưởng chính sách trợ giúp xã hội hằng tháng đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng. Đây chỉ là trường hợp cụ thể trong số nhiều trường hợp trẻ em được quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ trên địa bàn huyện Kiến Thụy năm 2016.
Toàn huyện Kiến Thụy hiện có 6.218 người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng chính sách trợ giúp xã hội hằng tháng, với tổng số tiền chi trả hơn 1,5 tỷ đồng/tháng. Người hưởng chế độ bảo trợ xã hội đa dạng, từ người cao tuổi, người già cô đơn, người khuyết tật, đến trẻ mồ côi, ... Việc tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ mới, điều chỉnh mức hưởng, dừng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng là việc làm thường xuyên của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kiến Thụy. Riêng với trẻ em, Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội các xã, thị trấn, các cấp, ngành của huyện đều dành sự quan tâm đặc biệt.
Vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, rằm Trung thu..., Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND huyện, phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố cùng nhà hảo tâm thông qua xã hội hóa vận động kinh phí tổ chức thăm, tặng quà nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; thăm, động viên các cơ sở nuôi dạy, chăm sóc trẻ, các câu lạc bộ trẻ khuyết tật trên địa bàn. 100% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm hỗ trợ động viên tinh thần cũng như vật chất giúp các em vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập cộng đồng. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của huyện được tặng quà trị giá 70 triệu đồng trong chương trình "Nắng ấm mùa xuân"; 30 trẻ em thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tặng học bổng trị giá 15 triệu đồng; 20 trẻ em được Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tặng quà trị giá 20 triệu đồng. Tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2016, 14 trẻ em được nhận học bổng của Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố. Hằng năm, Quỹ bảo trợ trẻ em của huyện, các xã và thị trấn vận động kinh phí đạt trên 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ sự quan tâm của cơ sở các xã, thị trấn, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm giúp đỡ hiệu quả. Như việc rà soát 12 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh đưa đi khám sàng lọc tại Bệnh viện trẻ em; đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố hỗ trợ khám và phẫu thuật 2 trẻ em bị hở vòm họng, 6 trẻ bị dị tật ở mắt. Với những gia đình khó khăn đặc biệt cũng được phòng đề xuất hỗ trợ đột xuất. Ngoài ra, một số địa phương cũng được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ lắp đặt thiết bị vui chơi trong sân chơi phục vụ trẻ em như tại thôn Xuân Đông, xã Ngũ Phúc trị giá gần 100 triệu đồng. Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội, nhất là đòi hỏi người làm công tác lao động-xã hội có tâm, có tinh thần trách nhiệm cao. Giúp đỡ trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống để các em tự tin, hướng đến tương lai tốt đẹp cũng là hạn. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Chiều 25-11, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (gọi tắt là Đề án 258). Dự tại điểm cầu Hải Phòng có đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, cùng lãnh đạo các ngành, cơ quan liên quan.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, nhiều nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 258 được triển khai đồng bộ từ trung ương đến các ngành, địa phương, tạo sự phát triển có tính bước ngoặt về tổ chức, hoạt động và quản lý hoạt động giám định tư pháp. Cả nước hiện có hơn 6.100 giám định viên tư pháp ở các lĩnh vực, đều đạt trình độ đại học trở lên. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm các tổ chức giám định trên toàn quốc thực hiện giám định hơn 150 nghìn vụ việc, phục vụ đắc lực, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử... Thành phố Hải Phòng hiện có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập, 86 giám định viên tư pháp và đội ngũ giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực chuyên môn. Năm 2016, Phòng Kỹ thuật hình sự thực hiện khám nghiệm 146 hiện trường, giám định 2.473 trưng cầu; Trung tâm pháp y Hải Phòng giám định 793 vụ, việc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đề án với những giải pháp cụ thể, sát thực tình hình; tăng cường tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp, nâng cao trách nhiệm cá nhân và đơn vị đối với hoạt động này. Các bộ, ngành liên quan chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc về giám định trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, cũng như những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó thủ tướng giao Bộ Tư pháp căn cứ kết quả hội nghị, xây dựng báo cáo trình Thủ tướng xem xét, thực hiện Đề án đến năm 2020 gắn với cải cách tư pháp và thực hiện Luật Giám định tư pháp nhằm tiếp tục phát huy, bảo đảm các biện pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tại hội nghị, Bộ Tư pháp trao bằng khen tặng 38 tập thể, 36 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện đề án; trong đó có Phó giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng Ngô Minh Tuấn. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Sáng 25-11, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu), Ban biên tập Báo Hải Phòng gặp mặt các cộng tác viên thân thiết khu vực Hà Nội. Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ thường xuyên cộng tác với Báo Hải Phòng dự họp mặt.
Năm 2016, Báo Hải Phòng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức các ấn phẩm
Tại cuộc họp mặt, nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng thông tin về sự đổi mới của các ấn phẩm Báo Hải Phòng thời gian qua. Theo đó, nhấn mạnh năm 2016, Báo Hải Phòng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức các ấn phẩm. Quý 4 năm nay, ấn phẩm Hải Phòng cuối tuần bộ mới ra mắt bạn đọc với diện mạo mới, cách trình bày hiện đại, tăng dung lượng thông tin về lĩnh vực văn hóa – văn nghệ và thông tin giải trí theo nhu cầu của bạn đọc. Các ấn phẩm khác đổi mới cách trình bày, nội dung các bài viết tiếp tục nâng cao chất lượng. Sự đổi mới ấy có một phần đóng góp tích cực và hiệu quả của đội ngũ cộng tác viên, trong đó có những cộng tác viên thân thiết ởHà Nội đang.
Nhà báo Trọng Nghĩa cho biết, năm 2017, Báo Hải Phòng kỷ niệm 60 năm Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu vào ngày 21-3. Trong suốt chặng đường 60 năm qua, Báo Hải Phòng luôn nhận được tình cảm và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ, cộng tác của các cộng tác viên thân thiết, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Báo Hải Phòng hội tụ được đông đảo cộng tác viên trong và ngoài thành phố
Tại cuộc họp mặt, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh và nhà báo Hồ Quang Lợi chung vui, tự hào với tập thể những người làm Báo Hải Phòng chăng chặng đường lịch sử phát triển 60 năm qua. Các đồng chí đánh giá cao vị thế của Báo Hải Phòng trong làng báo chí cả nước nói chung và báo chí địa phương nói riêng, có nhiều đổi mới, cải tiến cả về nội dung và hình thức thể hiện. Hướng phát triển truyền thông đa phương tiện của Báo Hải Phòng là phù hợp với xu thế thời đại trong lộ trình hội nhập quốc tế báo chí .
PGS-TS Hồng Vinh nhấn mạnh, Báo Hải Phòng là cơ quan báo địa phương có truyền thống hội tụ được đông đảo các nhân sĩ, tri thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ không chỉ thành phố và còn trên địa bàn cả nước. Đây là Truyền thống này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Mặt khác, PGS-TS cũng góp ý, Báo Hải Phòng cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa cách thể hiện, tiếp tục nâng cao chất lượng bài viết, tăng các bài viết có sức chiến đấu
Tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức thể hiện
Trong không khí ấm áp, gần gũi và cởi mở, các nhà báo, nhà quản lý, văn nghệ sĩ cùng trò chuyện, trao đổi về những kỷ niệm cộng tác với Báo Hải Phòng. Đồng thời ý kiến mong đóng góp Báo Hải Phòng tiếp tục đổi mới, đến với nhiều hơn bạn đọc trong và ngoài thành phố. Nhà báo Chu Thu Hằng, Phó tổng biên tập Báo Văn hóa có 26 năm cộng tác với Báo Hải Phòng tham gia nhiều ý kiến để tiếp tục cải tiến về hình thức trình bày các ấn phẩm và cách thể hiện nội dung hướng đến nhu cầu của bạn đọc. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến trao đổi những kinh nghiệm về ảnh báo chí trên các ấn phẩm của Báo Hải Phòng. Nhà văn, nhà báo Võ Hồng Thu góp ý về các chuyên trang, chuyên mục trên ấn phẩm Hải Phòng cuối tuần. Nhà thơ Vi Thùy Linh chia sẻ mối quan hệ gắn bó, cộng tác lâu năm với tờ báo của thành phố Cảng và gợi ý về các chuyên mục gắn kết người Hải Phòng bốn phương.
Duy trì mối quan hệ bền vững với nhiều cộng tác viên trong cả nước
Nhiều năm nay, cuộc gặp mặt cộng tác viên thân thiết khu vực Hà Nội thường xuyên được Báo Hải Phòng tổ chức vào dịp cuối năm. Với những người làm Báo Hải Phòng, mỗi cộng tác viên thân thiết cũng chính là những thành viên trong ngôi nhà chung Báo Hải Phòng. Dù có lúc không tổ chức gặp mặt thường xuyên, song Báo Hải Phòng vẫn giữ mối liên hệ với các cộng tác viên thân thiết, đồng thời mở rộng nhiều cộng tác viên tích cực, đóng góp vào sự phát triển của Báo Hải Phòng. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)
Tọa lạc bên dòng sông Giá thơ mộng và hiền hòa, đền Chợ Giá (Huệ Ðức trinh linh từ), nằm trong quần thể cụm di tích đền Chợ Giá và đền Mỹ Giang, thuộc xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), đã được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp thành phố. Trải qua bao năm tháng phong sương, đến nay sau lần trùng tu lần thứ ba, ngôi đền được khánh thành quy mô, tương xứng với những giá trị tâm linh và giá trị lịch sử- văn hóa quý giá...
|
Buổi chiều cuối thu, chúng tôi có dịp thăm viếng đền Chợ Giá, nơi thờ bà Phổ Thị Huyền, người có công âm phù giúp vua Lý đánh giặc. Theo thần tích làng Mỹ Giang, bà đã nhiều lần hiển linh giúp dân cứu nước, diệt tai trừ họa. Thần phả nơi đây còn ghi vào đời vua Lý Nhân Tông có giặc phương bắc từ biển phạm vào bờ cõi nước ta, chúng đóng quân ở bên Bạch Ðằng giang và An Lâm Thị. Nhà vua đã thân chinh cầm quân đánh giặc, đại quân đóng ở Mỹ Cụ trang. Khi nhà vua đến trang Mỹ Giang, thuộc huyện Thủy Ðường (tức làng Mỹ Giang, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên ngày nay) thì tạm nghỉ ở chùa cạnh chợ Giang Tân (tức chợ Giá ngày nay). Nửa đêm, vua nằm mơ thấy một người con gái trẻ kiều diễm xin được theo quân "âm phù trợ lực" và giới thiệu hai người em trai văn võ toàn tài giúp vua đánh giặc. Tỉnh dậy, nhà vua liền sai triệu tập các bô lão và dân chúng quanh vùng An Lâm Thị hỏi về gia đình họ Phổ và tìm gặp anh em sinh đôi nhà này là Phổ Hóa, Phổ Hộ, có một chị gái là Phổ Thị Huyền đã mất từ năm 16 tuổi. Hỏi về kế sách đánh giặc, cả hai trả lời rất lưu loát và nguyện xin được tòng quân giúp nước. Nhà vua vui mừng giao cho hai ông cầm quân bộ tả hữu tiên phong cùng cánh quân thủy của tướng Ðoàn Thượng tiến quân đánh giặc và giành đại thắng. Trong bữa tiệc khao quân, nhà vua đã ngẫu hứng làm thơ: "Nhất triều tụ hội hoán tinh thần/ Trẫm thị Nương quân ngộ nghĩa thần/ Trinh nữ nhất tiêu hồn mộng báo/ Mỹ Giang hương hỏa ức niên xuân". Ðây cũng là bài thơ đã được tạc vào bia đá, để ở đền thờ Phổ Gia tại đầu chợ Giá. Thắng xong giặc dữ, nhà vua ban thưởng dân làng ba trăm quan tiền để xây đền thờ bà Phổ Thị Huyền và truyền cho người dân trong vùng đời đời hương hỏa. Sau đó, hai ông Phổ Hóa và Phổ Hộ được phong là Hộ Công Vi Tả Bật Nguyên soái và Hữu Bật Nguyên soái Ðại tướng quân và được xây đền thờ (nay là đền Mỹ Giang, xã Kênh Giang). Theo ngọc phả, đền được xây dựng ngay trên ngôi đất có thế "chân long", nơi hai đức Phổ Hóa và Phổ Hộ quy tiên. Ðến thời triều Nguyễn, bà Phổ Thị Huyền được truy phong là Bản Cảnh Thành Hoàng- Huệ Ðức Trinh Linh, Phổ Thị Huyền Càn Quý Lương Phạm Ðình Quân Công chúa.
Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Quảng, Trưởng làng văn hóa Mỹ Giang và ông Ðồng Xuân Quý, Trưởng Ban quản lý di tích đền Chợ Giá, chúng tôi mới thấy hết giá trị lịch sử- văn hóa quý giá của cụm di tích. Ðền Mỹ Giang chạy dài, nằm tựa lưng vào núi, "long phục, hổ chầu", chứa nhiều yếu tố tâm linh. Gian chính của đền thờ hai ông Phổ Hộ và Phổ Hóa. Còn đền Chợ Giá, quanh năm rợp bóng mát dưới tán lá của năm cây cổ thụ, được Hội Bảo vệ môi trường Hải Phòng công nhận là "cây di sản" bao gồm: một cây đa 330 tuổi, ba cây bồ đề cùng hơn 300 tuổi, một cây thị hơn 200 tuổi. Năm cây cổ thụ, tán lá xum xuê quây quần che chở xóm làng như linh khí đất trời tụ lại, càng tạo thêm vẻ linh thiêng. Nhẹ lật từng trang sử liệu, hai ông Quảng và Quý không giấu được tự hào khi ngôi đền vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử vô giá, trong đó đặc biệt phải kể đến bảy sắc phong của triều Nguyễn. Tương truyền không chỉ là nơi tôn thờ đức thánh nữ một lòng "âm phù yêu nước", đền Chợ Giá còn là nơi "đất lành chim đậu". Ðó là hai câu đối khắc ghi ngay cổng vào: "Tiêu thánh khuông phù dân sở tại/ Nữ thần tế độ khách vãng lai". Hàm ý, làng Mỹ Giang là đất lành của cả người dân bản địa và những người ở nơi xa đến đây sinh sống, làm ăn. Từ đó đến nay, ngoài việc bảo tồn tín ngưỡng tâm linh của dân làng, đền Chợ Giá cùng đền Mỹ Giang không chỉ thờ vị thành hoàng là nhân thần mà còn là nơi ghi nhớ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn", đạo lý của dân tộc Việt.
Lại nói về vùng đất Kênh Giang là một trong 37 xã và thị trấn của huyện Thủy Nguyên. Người xưa khi chọn thế đất "sinh cơ lập nghiệp" thường coi trọng: "nhất cận thị, nhị cận giang". Ngay từ buổi sơ khai, các trang Mỹ Giang, Trại Kênh và Trà Sơn đã có vị thế "sơn thủy sùng diện", núi không cao mà có phù sa đắp lại và sông Giá (một nhánh của dòng sông Bạch Ðằng oai hùng lịch sử) vốn mang vẻ đẹp "tiện nghi tương thắng, cảnh vật phong quang". Ðiều đặc biệt là vị trí đền Chợ Giá lại sát cạnh chợ Giá, hội tụ đủ bốn yếu tố linh thiêng: "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ, tứ cận sơn" (gần chợ đông, sông rộng, đường lớn, núi cao) và đã được sách Ðại Nam nhất thống chí nhắc đến, trong khi dân gian cũng lưu truyền câu ca dao: "Nhất cao là núi U Bò/ Nhất đông chợ Giá, nhất to sông Rừng". Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, xưa kia nơi đây luôn nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, ngày nay, tuy chợ không đông như trước, nhưng nếp xưa vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, trân trọng.
Trải qua hơn 900 năm với bao thời gian mưa nắng xói mòn, chiến tranh giặc giã đã làm cho ngôi đền chỉ còn phế tích. Từ năm 2001, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kênh Giang cùng tín khách thập phương đã tổ chức tôn tạo, xây dựng lại quy mô tương xứng với giá trị tâm linh, giá trị lịch sử- văn hóa quý giá. Ðặc biệt, lần trùng tu thứ ba, từ năm 2015 đến nay, những nét kiến trúc cũ được phục dựng, những công trình mới xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên phong thủy hữu tình. Và ngôi đền linh thiêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân. (Nhân dân 28/11/2016)
|
Giới hoạt động sân khấu thành phố cho rằng, trong 10 năm trở lại đây, sân khấu không chuyên Hải Phòng khá nhộn nhịp. Điều này được khẳng định ở vị thế xếp hạng trong các cuộc thi tài không những ở thành phố, mà còn ở các hội thi, hội diễn khu vực hay toàn quốc. Các hội thi, hội diễn của ngành, địa phương cũng thu hút nhiều đơn vị tham gia.
Lựa chọn loại hình phù hợp
Theo nghệ sĩ Viết Liên, người dành nhiều thời gian cho sân khấu không chuyên thành phố: thời gian gần đây, quy chế các hội thi, hội diễn sân khấu, loại hình được lựa chọn biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương hay kịch nói tùy theo điều kiện và khả năng đơn vị. Riêng cải lương và tuồng rất hiếm đơn vị xây dựng để tham gia trong các kỳ hội thi, hội diễn bởi nó đòi hỏi diễn viên phải có giọng ca. Nhưng vì là diễn viên không chuyên nên không có điều kiện luyện tập hát đúng làn điệu lại kèm theo vũ đạo. Vì vậy, không có đơn vị nào dùng loại hình tuồng hoặc cải lương để tự mình làm khó mình trong việc xây dựng các tiết mục sân khấu tham gia hội thi.
Trong số các loại hình nghệ thuật truyền thống, chèo được chú ý hơn cả bởi nó hội tụ nhiều điều kiện “trong tầm tay” của các đơn vị. Diễn viên không chuyên của vùng ngoại thành như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương, An Lão quen với các lễ hội giao lưu quanh thôn, xóm bằng các làn điệu họ thường được nghe từ nhỏ, được hát hoặc diễn tấu tại nơi mình sinh sống và làm việc. Ca dao, dân ca, hát ru, hát chèo thấm đẫm tâm hồn họ. Hơn nữa, một đòi hỏi không thể thiếu đối với các đơn vị tham gia tiết mục ca cảnh là dàn nhạc. Ở các xã, thị trấn, thậm chí ở các thôn thường có dàn nhạc công “cây nhà lá vườn” dễ dàng tập trung để tạo nên một đội nhạc như đội nhạc của gia đình ông Nguyễn Tiến Xuân, xã Quang Trung (huyện An Lão). Về thang điểm, đơn vị tham gia được cộng thêm điểm nếu dựng hoạt cảnh chèo. Đây cũng là lý do các đơn vị ngoại thành lựa chọn loại hình này.
Bên cạnh đó, kịch nói cũng được phần đông đơn vị quan tâm bởi loại hình này phản ánh thực tế vấn đề đời sống mà đơn vị muốn nêu ra trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tại liên hoan các CLB sân khấu Hải Phòng năm 2016, trong tổng số 7 tiết mục tham gia có tới 5 vở kịch nói, phần lớn được đánh giá khá cao ở các yếu tố: kịch bản hay, đạo diễn có nghề và diễn xuất ổn, sinh động, gần gũi. Ông Bùi Trọng Ước, tác giả sân khấu có “duyên” với kịch nói nhận xét: “Việc xây dựng kịch mục không khó, diễn viên đọc kịch bản là có thể diễn ngay vì ngôn ngữ kịch gần gũi với cách nói chuyện hằng ngày. Nội dung kịch nói truyền tải được nhiều vấn đề đang diễn ra ở nông thôn như xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa...nên sự nhập tâm của các diễn viên không chuyên khá tốt”.
Nuôi dưỡng đam mê
Anh Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ văn hóa xã Chiến Thắng (huyện An Lão) cho rằng, nói đến nghệ thuật sân khấu truyền thống không chuyên là nói đến sự bền bỉ, âm thầm. Những người làm sân khấu không chuyên không sống vì tuồng, vì chèo mà họ chơi những môn nghệ thuật ấy. Đây cũng là một lợi thế khác biệt và hơn hẳn các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Không bị sức ép bởi “cơm áo gạo tiền”, họ diễn tuồng, diễn chèo là để gìn giữ một loại hình sân khấu đặc biệt của cha ông, để thỏa mãn thú chơi văn nghệ của bản thân và để phục vụ cộng đồng, những người rất gần gũi họ trong đời thường. Vì vậy, mỗi dịp tổ chức hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng xuân, người dân trong xã nườm nượp đến tham dự, cổ vũ. Không khí này khác hẳn việc đi xem các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố về biểu diễn.
Nếu thế mạnh của các tiết mục ca múa hiện đại là sôi động, trẻ trung, hoành tráng thì tiết mục chèo, kịch nói lại thầm lặng. Nhưng sự thầm lặng của những tiết mục ấy lại tiềm ẩn sức công phá về nhận thức, suy nghĩ của người nghe, người xem khi khép màn. “Với sân khấu không chuyên, để có được những hiệu quả về nhận thức của người xem là sự cố gắng hết mình của tác giả, đạo diễn và tập thể diễn viên. Thực tế, qua các kỳ hội diễn của thành phố hay khu vực hoặc toàn quốc, kịch bản của các tác giả, đạo diễn như Trần Tuấn Tiến, Đinh Hải Trường, Bùi Trọng Ước…đều đạt giải”- Nghệ sĩ Viết Liên nhận xét.
Không chỉ những nghệ sĩ tâm huyết, bản thân nghệ thuật sân khấu không chuyên cũng có nhiều tác động đến nghệ thuật chuyên nghiệp. Như ý kiến của Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Nguyễn Sỹ Vịnh: “Chính bản thân nghệ thuật không chuyên tạo ra cho nghệ thuật chuyên nghiệp một đội ngũ người quan tâm, theo dõi lớn”. Mặt khác, trên thực tế, những cuộc giao lưu, hội diễn do những người nông dân diễn cho những người nông dân xem thì tạo cho những người xem và đặc biệt là thanh niên một tình cảm đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống. Những nghệ sĩ không chuyên ấy góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa cha ông một cách tự nhiên nhất. Tuy nhiên, điều những nghệ sĩ này cần chính là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương. “Không thể tồn tại tình trạng cán bộ có trình độ yếu kém, làm văn hóa cơ sở nhưng không hiểu biết nhiều về nghệ thuật truyền thống của quê hương mình”. Vì thế, nâng cao chất lượng và trình độ của cán bộ văn hóa xã, phường là điều cần thiết để hoạt động quản lý tại địa phương có hiệu quả hơn. Từ đó, có những đề xuất cụ thể, tạo điều kiện để các tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu không chuyên nuôi dưỡng đam mê, góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật. (Báo Hải Phòng 27/11/2016)
Trong thư phúc đáp của UNESCO gửi GS Trần Văn Nhung, tổ chức này thừa nhận giá trị “Làm giàu lý luận giáo dục thế giới” của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những triết lý giáo dục của Bác mang tính tiên phong đổi mới càng thể hiện rõ hơn tấm lòng của Bác với sự nghiệp “Trăm năm trồng người”.
Làm giàu lý luận giáo dục thế giới
Theo PGS-TS Đặng Quốc Bảo, nguyên giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, giáo dục hình thành và song hành cùng với thế giới loài người. Với sứ mệnh quan trọng như vậy, nên từ xưa các nhà nước và nhân dân tự xây dựng những mục tiêu, được coi như những “trụ cột” để xây dựng “ngôi nhà giáo dục”. Năm 551 (TCN), Khổng Tử đề xuất mô hình học, nhưng bị các thể chế chính trị lợi dụng và bóp méo quan điểm học của Khổng Tử để phục vụ mưu đồ tranh bá. Mô hình ấy là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Ở Việt Nam, cha ông ta qua con đường dân gian đúc rút những kết luận về mô hình học đáng trân trọng. Theo đó, bốn trụ cột ấy là: “Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở”. Theo phân tích của PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Học ăn: biết cách thu nhận những thông tin; Học nói: biết cách đưa thông tin; Học gói: biết lựa chọn thông tin. Học mở: biết cách triển khai vấn đề, biết chia sẻ.
“Bốn trụ cột của việc học” hiện tại, được coi như chuẩn mực toàn cầu là “bốn trụ cột” được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc, (UNESCO) khuyến cáo vào năm 1996. Theo đó, bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới trong thế kỷ 21 là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Vào tháng 7-2014, GS Trần Văn Nhung (Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước) gửi thư cho bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, cung cấp tư liệu về triết lý giáo dục của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thông tin cho biết, từ tháng 9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Trong chuyến thăm đó, trên trang đầu của cuốn sổ vàng Lãnh tụ viết: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Trong thư phúc đáp từ ông Qian Tang, Trợ lý về giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá: “Quả thực, cách thức nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO... Chúng tôi cám ơn các ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Triết lý “Học đi đôi với hành” luôn tươi mới
Lãnh tụ Hồ Chí Minh không chỉ có tầm nhìn giáo dục nhân văn, mà Người còn quan tâm sâu sắc tới giáo dục. Trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Người thường xuyên chăm lo xây dựng nền giáo dục của nước nhà. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 17, thành lập Nha Bình dân học vụ, đặt ra một chương trình bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam. Người là vị “Tổng tư lệnh” vĩ đại trong cuộc chiến chống “giặc dốt”, đưa một dân tộc 95% dân số mù chữ thành biết chữ trong một thời gian ngắn và đạt được nhiều thành tựu quốc tế như ngày nay. Sinh thời, Bác quan tâm với tất cả ngành học và đội ngũ nhà giáo, nhân viên, học sinh. Bác yêu cầu các cấp chính quyền tạo điều kiện để giáo dục phát triển… Tính từ năm 1945, đến khi Người đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin. Người để lại 24 bức thư dành tình cảm thể hiện tâm huyết và trí tuệ cho giáo dục. Như vậy, mỗi năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người viết 1 bức thư gửi ngành giáo dục. Đây là việc làm hiếm có ở các lãnh tụ.
Về vai trò nền tảng và sứ mệnh trọng đại của giáo dục, Bác khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Về mục tiêu của nền giáo dục dân chủ, phát huy tính cá thể của con người bao năm không được chú ý, thực tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ năm 1945: “Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Về phương châm, phương pháp dạy và học, với tinh thần đổi mới, Người cũng từng hướng dẫn: “Trong trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực… phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về giảng dạy, tránh lối dạy nhồi sọ”. Ngay cả giải pháp tự học sáng tạo của học sinh đang được triển khai hiện nay cũng từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn từ thời kháng chiến: “Các cháu không nên học gạo, không nên học vẹt… Học phải suy nghĩ, phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành.”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại hội nghị tổng kết cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013 của Sở GD-ĐT Hải Phòng lưu ý: “Khi ta học tập tư tưởng của Bác không phải là đem tất cả cái hay cái đẹp của Người ra để học. Hãy chọn điều phù hợp với mình mà học tập, có thể là những điều rất nhỏ”. Từ gợi ý này, những người làm giáo dục thành phố càng cần soi mình để tự hào về lãnh tụ và để nhìn nhận ra con đường, cách làm giáo dục hôm nay. (Báo Hải Phòng 26/11/2016)