Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 27/03/2017)
Sáng 21-3, tại Nhà hát thành phố, Báo Hải Phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu (21-3-1957 – 21-3-2017).
Đến dự và chung vui với các thế hệ làm báo Báo Hải Phòng, trong không khí vui tươi, tưng bừng của buổi lễ, đồng chí Lê Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu nhấn mạnh: Trong thời đại công nghệ thông tin, tâm trạng xã hội bị tác động nhiều bởi các luồng thông tin đa dạng, vai trò của các cơ quan ngôn luận chính thống như Báo Hải Phòng trong định hướng dư luận là vô cùng quan trọng. Trong xã hội hiện nay, việc phản ánh trên báo những mặt tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp, những cố gắng khởi nghiệp, những con người nhiệt huyết đổi mới, hăng say lao động, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, cho cộng đồng cần được tăng nhiều thời lượng thể hiện trên mặt báo. Là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, Báo Hải Phòng cần bắt nhịp tình hình phát triển kinh tế- xã hội rất sôi động của thành phố trong thời gian tới, nhất là chú trọng việc định hướng, giải thích để nhân dân thấu hiểu các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của Thành ủy và chính quyền thành phố về quá trình xây dựng, phát triển mạnh mẽ thành phố. Đồng chí Bí thư Thành uỷ mong muốn Báo Hải Phòng thể hiện tinh thần đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, đồng thời có thái độ phê phán với các hành vi gây rối, chống đối các chủ trương xây dựng, phát triển thành phố.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 21-3-1957, Báo Hải Phòng Kiến Thiết (tiền thân của Báo Hải Phòng) chính thức ra mắt bạn đọc, đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố sau khi hòa bình lập lại. 60 năm qua, các thế hệ làm báo Báo Hải Phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng tờ báo là ngọn cờ chính trị, tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân thành phố, đóng góp vào sự phát triển đi lên không ngừng của thành phố và đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, với 3 ấn phẩm chính gồm: báo Hải Phòng hằng ngày, Hải Phòng cuối tuần và Hải Phòng điện tử, Báo Hải Phòng phấn đấu hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ chính: tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, mở rộng các hoạt động xã hội và thực hiện hiệu quả kinh tế báo chí, đưa Báo Hải Phòng phát triển mạnh mẽ với đội ngũ cán bộ, phóng viên “có tâm, có tầm, có tài”, xây dựng tờ báo ngày càng sinh động, thiết thực “đúng, trúng, hay”.
Trong lộ trình xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cạnh tranh cao, thành phố thông minh, đi đầu trong hội nhập và có môi trường sống tốt, yên bình, an toàn, Báo Hải Phòng góp phần định hướng dư luận, truyền thông theo tiêu chí "lấy đẹp, dẹp xấu", nỗ lực đồng hành với thành phố trong các chặng đường hội nhập, khẳng định vị thế của đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia.
Nhân dịp này, Thành ủy tặng Báo Hải Phòng bức trướng mang dòng chữ: “Bản lĩnh - chuyên nghiệp - đổi mới - phát triển”; UBND thành phố tặng bằng khen 3 tập thể, 12 cá nhân; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen Báo Hải Phòng có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương trong 60 năm xây dựng và phát triển; Hội Nhà báo Hải Phòng tặng giấy khen 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hội. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Không chỉ chuyển tải thông tin tới bạn đọc, báo chí nói chung và hệ thống báo Đảng nói riêng còn nhiệm vụ quan trọng trong định hướng dư luận xã hội. Đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại tọa đàm “Phát huy vai trò báo Đảng trong định hướng dư luận xã hội” do Báo Hải Phòng tổ chức tại Trung tâm hội nghị thành phố sáng 18-3 vừa qua. Theo đó, đồng chí Bí thư Thành ủy đánh giá cao vai trò của báo chí, nhất là hệ thống báo Đảng địa phương, trong đó có Báo Hải Phòng trong định hướng dư luận và góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Và khẳng định, đây chính là yếu tố quan trọng tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hình thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của thành phố.
Cân nhắc kỹ, tránh tác động tiêu cực tới xã hội
Là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện thiết thực kỷ niệm 60 năm ngày báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu (21-3-1957 – 21-3-2017), tọa đàm “Phát huy vai trò báo Đảng trong định hướng dư luận xã hội”, thu hút sự tham gia của đông đủ nhà báo, nhà quản lý báo chí đến từ các cơ quan quản lý báo chí trung ương và địa phương, các cơ quan báo trung ương và hơn 20 cơ quan báo Đảng các tỉnh, thành phố trong cả nước và trên địa bàn thành phố Cảng. Bám sát chủ đề của tọa đàm, các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo ở trung ương và địa phương tham luận, trao đổi ý kiến gắn với thực tế hoạt động thông tin truyền thông thời gian qua.
Nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Hải Phòng chia sẻ, với sự tác động, mặt trái của cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình báo chí…, bên cạnh những mặt tích cực trong hoạt động báo chí, vẫn có những thông tin không chính xác, cản trở, ảnh hưởng đến sự phát triển thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị và đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, báo chí nói chung, hệ thống báo Đảng nói riêng cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ định hướng thông tin. Báo Hải Phòng đang cùng các cơ quan báo chí địa phương, trung ương trên địa bàn thành phố nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, phóng viên, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật. Đồng thời phát huy hiệu quả cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, tạo sự thống nhất cao trong thông tin, để thông tin bảo đảm mục tiêu đúng – trúng -hay được bạn đọc và người dân tin tưởng. Báo Đảng cần đi đầu trong việc thông tin chính xác, định hướng thông tin.
Cùng quan điểm trên, nhà báo Lê Quốc Khánh, Phó tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng, trước những thông tin “nóng” phức tạp, các cơ quan báo chí cần tỉnh táo, xác định nguồn gốc, kiểm chứng chuẩn xác thông tin trước khi đưa nội dung tới bạn đọc. Đặc biệt, trước vấn đề “nóng”, cần cân nhắc kỹ trước khi đưa lên mặt báo, tránh những tác động tiêu cực tới xã hội. Vì vậy, đội ngũ những người làm báo Đảng cần bản lĩnh chính trị, vững về chuyên môn, nghiệp vụ. Như ý kiến của nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, báo Đảng địa phương không chỉ là phương tiện tuyên truyền, mà phải như “vũ khí phản ứng nhanh” của Đảng bộ địa phương. Đặc biệt, khi xảy ra những sự cố thông tin, hệ thống báo Đảng cần tích cực, sử dụng các phương tiện truyền thông với mục đích lành mạnh hóa vấn đề để giải quyết sự việc.
Tạo sự đồng thuận, hình thành sức mạnh tổng hợp
Ở góc độ cơ quan quản lý báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, bày tỏ quan điểm, để báo Đảng địa phương làm tốt nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội, cần duy trì các mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Những mối quan hệ này là yếu tố làm nên thành công trong truyền thông. Để thống nhất và định hướng dư luận thông tin giữa các cơ quan báo chí, các cơ quan ban, ngành thành phố cần chủ động hơn nữa trong mối quan hệ với các bộ, ban, ngành trung ương. Nếu tất cả cơ quan báo chí thông tin đều bảo đảm tính khách quan, các nội dung tuyên truyền đạt được tác động tích cực.
Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông, báo Đảng địa phương có thể là cầu nối giữa thành phố với các cơ quan báo chí, đồng thời có cơ chế phối hợp để thông tin kịp thời tới các cơ quan báo chí khác. Càng phối hợp hiệu quả cao, vai trò định hướng dư luận xã hội của báo Đảng địa phương càng rõ nét. Bởi như khẳng định của nhà báo Nguyễn Kim Trung, Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, mỗi tờ báo Đảng địa phương thể hiện sức sống của địa phương đó. Và Báo Hải Phòng chính là bộ mặt thể hiện sức sống của thành phố Cảng trong kết nối với các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương bạn cũng như tới bạn đọc trong và ngoài thành phố trong hành trình 60 năm đồng hành với sự phát triển của thành phố và đất nước.
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng thành phố trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố, đất nước. Đồng hành sự phát triển của thành phố, đất nước, báo chí Hải Phòng trong đó có Báo Hải Phòng, cũng có sự phát triển, đổi mới mạnh mẽ với đầy đủ các loại hình, từ báo in đến báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội. Các cơ quan báo chí bám sát thực tế cuộc sống, phản ánh kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Như khẳng định của đồng chí Lê Văn Thành tại tọa đàm này, các cơ quan báo chí phát huy vai trò tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng. Những thông tin trên các loại hình báo chí, trong đó có hệ thống báo Đảng, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, hình thành sức mạnh đổi mới thành phố trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, đồng chí Bí thư cũng nhấn mạnh, sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của Báo Hải Phòng, tờ báo của Đảng bộ thành phố nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung. Đó cũng là cách để cơ quan báo chí trung ương và địa phương, trong đó có hệ thống báo Đảng, tham gia định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hình thành sức mạnh tổng để phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác của thành phố.
Báo Hải Phòng hiện là 1 trong hơn 800 cơ quan báo chí trong cả nước. Từ chỗ chỉ có 1 ấn phẩm báo in hằng ngày, hiện Báo Hải Phòng xuất bản đều kỳ 3 ấn phẩm: Hải Phòng hằng ngày, Hải Phòng cuối tuần, Hải Phòng điện tử, ngày càng đổi mới và nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, thông tin đa dạng, nhiều chiều mọi mặt đời sống xã hội, sự phát triển kinh tế, hấp dẫn bạn đọc, phấn đấu xây dựng trở thành tổ hợp báo chí hiện đại với nhiều loại hình hoạt động hiệu quả, có mối quan hệ tương tác, khẳng định vị thế trong hệ thống báo Đảng cả nước.
Nhà báo Vũ Long, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng: Báo Hải Phòng đủ sức, đủ tài để phát triển mạnh mẽ
Tôi có 27 năm gắn bó với nghiệp cầm bút. Kể từ năm 1955, tôi làm biên tập tờ Tin Hải Phòng. Khi báo Hải Phòng kiến thiết ra đời, tôi là một trong những phóng viên có mặt đầu tiên của tòa soạn. Đó là những năm 1957 đến 1962, tờ báo mới gia nhập đội ngũ báo chí của Đảng, chúng tôi còn non trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, chập chững tự làm, tự học hỏi, hành trang đơn sơ, bộ máy gọn nhẹ…Tôi tự hào là phóng viên duy nhất còn lại của tờ Hải Phòng kiến thiết, tiền thân của Báo Hải Phòng, từ ngày ấy đến hôm nay.
Tôi hãnh diện vì Hải Phòng luôn có phong trào thi đua lao động, sản xuất sôi nổi, từ đó xuất hiện các điển hình tiên tiến. Trong nghề làm báo, nhà báo nắm bắt những nhân tố, điển hình tiên tiến là có thể thỏa sức sáng tạo tác phẩm để động viên, cổ vũ phong trào. Tôi cũng tự hào bởi sự đồng hành ở những thời khắc khó quên của tờ báo, nhất là những điểm nhấn sôi động, tinh thần làm việc sôi nổi, những dịp tờ báo bán “đắt như tôm tươi”.
Trải qua 60 năm, Báo Hải Phòng luôn ngời sáng, liên tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài. Các thế hệ người làm báo thấu hiểu nghĩa vụ của người cầm bút là bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố; thông tin khách quan, chân thực, thiết thực tới bạn đọc. Các thế hệ những người làm báo Báo Hải Phòng luôn biết ơn sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo thành phố, nhất là đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị; nhiều kiến nghị của Báo được lãnh đạo thành phố giải quyết nhanh chóng. Bên cạnh đó, Báo Hải Phòng cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, bạn đọc. Vì thế, Báo Hải Phòng đủ bản lĩnh, đủ sức, đủ tài để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến: Người làm báo phải giữ được “ngọn lửa” yêu nghề
Tôi có hơn 30 năm cộng tác với Báo Hải Phòng với tình cảm sâu đậm. Những thành công đầu tiên của tôi hay sau này đều ít nhiều gắn bó với Hải Phòng. Đến nay, tôi mừng vì tờ báo có những cải tiến đáng kể về nội dung cũng như trình bày. Tôi cảm động trước tình cảm chân thành mà các thế hệ lãnh đạo, phóng viên Báo Hải Phòng dành cho cá nhân tôi nói riêng và nhiều cộng tác viên của tờ báo nói chung. Trong cuộc gặp mặt cộng tác viên mới đây nhất tại Hà Nội, đồng chí Tổng Biên tập Lê Trọng Nghĩa đưa tôi tờ báo Hải Phòng cuối tuần bộ mới, không phải anh khoe về tờ báo mà mong muốn nhận được sự góp ý của tôi và các cộng tác viên. Tôi nghĩ, điều đó thể hiện sự cầu thị và trân trọng “bộ phận ngoài tòa soạn” rất khôn ngoan của người đứng đầu tờ báo.
Tuy nhiên, suy nghĩ, trăn trở về tương lai của tờ báo không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo, Ban Biên tập mà của cả tập thể những người làm báo Báo Hải Phòng. Tôi có đôi điều nhắn nhủ thế hệ phóng viên trẻ Báo Hải Phòng, đó là rèn luyện để trở thành phóng viên đa năng, vừa viết tin, bài, vừa có thể chụp ảnh, quay phim, sử dụng thành thạo các phương tiện hiện đại để truyền thông tin về tòa soạn một cách nhanh nhất. Với các tác phẩm ảnh báo chí, các bạn thể hiện sâu sắc tình yêu với Hải Phòng, cũng là cách cho bạn đọc thấy được sự “thay da đổi thịt” của thành phố. Bên cạnh sự quan tâm, động viên của thành phố, sự tạo điều kiện của lãnh đạo tờ báo, người làm báo phải giữ được “ngọn lửa” yêu nghề. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Chiều 23-3, Đoàn công tác liên ngành Ban tuyên giáo Trung ương do đồng chí Bùi Thế Đức - Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn, làm việc với lãnh đạo thành phố về tình hình thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 về phát triển khoa học và công nghệ.
Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hữu Doãn - Ủy viên thường vụ Thành ủy, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành liên quan của thành phố.
Ngay sau khi Nghị quyết 20 được ban hành, Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương… quán triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới. Thành phố đã phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; phê duyệt 6 chương trình nghiên cứu trên các lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nông-lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, quản lý và phát triển đô thị; phê duyệt 5 chương trình khoa học công nghệ về đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Trên cơ sở trao đổi và phân tích của đại biểu dự buổi làm việc, các đồng chí Bùi Thế Đức và Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao kết quả Hải Phòng đạt được trong thực hiện Nghị quyết 20 của Trung ương thời gian qua. Đặc biệt đã thực hiện 190 nhóm đề tài, đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có tính đột phá trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế, bài học kinh nghiệm và yêu cầu thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tập trung mạnh mẽ hơn việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, như tinh thần Kết luận 72-KL/TW của Bộ chính trị. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Chiều 23-3, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Sơn tiếp đoàn đại sứ vương quốc Hà Lan do bà Pauline Eizenma - Phó Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam dẫn đầu. Cùng dự có đại diện các sở, ngành và đại diện lãnh đạo các công ty Hà Lan tại Hải Phòng, đoàn doanh nghiệp hàng hải Hà Lan.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Sơn giới thiệu đôi nét về tình hình KT-XH của Hải Phòng; thông tin về cơ hội đầu tư; các thủ tục hành chính và một số vấn đề liên quan đến sản xuất - kinh doanh tại Hải Phòng.
Phó đại sứ Pauline Eizenma nhấn mạnh: Hải Phòng là thành phố năng động, các đoàn nghiệp Hà Lan mong muốn tìm cơ hội đầu tư tại đây. Đặc biệt, Hà Lan cũng tự hào có kinh nghiệm đóng mới và sửa chữa tàu biển. Tại Hải Phòng, Tập đoàn Damen Sông Cấm liên doanh, hợp tác chặt chẽ với Hà Lan. Đây cũng là minh chứng cho sự hợp tác giữa thành phố Hải Phòng với Hà Lan.
Trước đó, đoàn đã thăm và làm việc tại một số công ty đóng tàu lớn tại Hải Phòng. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017; Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Sáng 24-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ thăm và làm việc tại thành phố Hải Phòng. Tiếp đón đoàn có Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cùng các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH thành phố và các cơ quan liên quan.
Trong chuyến đi, đoàn công tác đã đến mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng cầu đường Tân Vũ-Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ và nghe báo cáo về một số dự án trọng điểm của thành phố đã và đang triển khai.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP khẳng định với sự giúp đỡ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hải Phòng được bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện nhiều công trình lớn, không chỉ phục vụ thành phố Hải Phòng mà còn thúc đẩy phát triển cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, nguồn vốn dành cho thành phố Hải Phòng còn thấp, chỉ đạt 27,5%, một số dự án phải kéo dài do thiếu vốn. Thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hỗ trợ Hải Phòng phát triển KT-XH, triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm của cả miền Bắc như: nâng cấp cảng hàng không, cải tạo nâng cấp các tuyến đường ra biển, xây dựng đường sắt cao tốc, mở rộng các khu CN thu hút đầu tư…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ sẽ ủng hộ và song hành cùng với thành phố phát triển trên cơ sở hỗ trợ kịp thời, giải quyết ngay những vướng mắc trong quá trình đầu tư phát triển, nhất là đối với các dự án về giao thông, cảng biển, đầu tư nước ngoài…
Bởi vậy, thành phố cần phải quy hoạch phát triển một cách dài hơi, có tầm nhìn xa, tính toán sát với thực tiễn, các công trình xây dựng hạ tầng phải chú ý sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, cân đối giữa khả năng của thành phố và vốn bổ sung từ trung ương, xây dựng Cát Hải trở thành trọng điểm du lịch thân thiện với môi trường. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017; Đại biểu nhân dân 27/03/2017)
Sáng 23-3, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Sơn tiếp Đoàn công tác của thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) do bà Chen Ying, Ủy viên BTV thành ủy, Phó Thị trưởng thành phố Nam Ninh thăm và làm việc tại Hải Phòng. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan (ảnh).
Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Sơn đã giới thiệu tổng quan về tình hình phát triển kinh tế, đô thị, xã hội thành phố trong những năm gần đây và năm 2017. Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh thành phố Nam Ninh và thành phố Hải Phòng cùng nằm trong hệ thống “Hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc”.
Năm 2016, hai địa phương thiết lập quan hệ hợp tác và đã có nhiều hoạt động thương mại, du lịch, trao đổi, giao lưu giữa các ngành các đơn vị tăng thêm hiểu biết giữa hai thành phố.
Bà Chen Ying cũng chia sẻ việc thăm thành phố lần này nhằm giới thiệu sâu hơn về triển lãm vườn quốc tế Trung Quốc lần thứ 12 tại thành phố Nam Ninh sẽ diễn ra trong năm 2018 mà thành phố Hải Phòng đã đăng ký tham gia.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Lê Thanh Sơn chuyển thư phúc đáp của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng tới ông Zhou Hong Bo - Thị trưởng thành phố Nam Ninh. Theo đó, Chủ tịch cảm ơn lời mời tham dự triển lãm, cho biết thành phố đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, hoàn thiện bản thiết kế ý tưởng để tham gia vào sự kiện này. Đồng thời tin tưởng đây sẽ là cơ hội quý báu để quảng bá kiến trúc vườn cũng như hình ảnh của thành phố Hải Phòng với Trung Quốc, các nước trong khu vực và bạn bè quốc tế. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017; Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nội dung trọng tâm thực hiện chủ đề năm 2017 của huyện Tiên Lãng. Để thực hiện hiệu quả cao nội dung này nhằm thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Tiên Lãng chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể ở từng lĩnh vực, khâu công việc.
Hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
Đầu năm 2017, bà Dương Thị Mỳ ở thị trấn Tiên Lãng đến bộ phận “một cửa” của UBND huyện Tiên Lãng nộp hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho anh Nguyễn Văn Định. Tại đây, bà Mỳ được hướng dẫn chu đáo, kịp thời các trình tự thủ tục. Theo quy định, với hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, phải sau 22 ngày thẩm định được cấp giấy chứng nhận QSDĐ mới. Tuy nhiên, bộ phận “một cửa” hướng dẫn bà Mỳ hoàn tất các thủ tục và được cấp sổ đỏ sớm hơn 5 ngày. Bà Mỳ cho biết, các chuyên viên bộ phận “một cửa” UBND huyện Tiên Lãng hướng dẫn rất cụ thể, tận tình, chu đáo.
Ở từng lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của huyện, có văn bản niêm yết công khai, rõ ràng, cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân tỉ mỉ từng nội dung.
3 tháng đầu năm 2017, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tiên Lãng tiếp nhận, giải quyết hơn 1.000 hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm của công dân ở 23 xã, thị trấn trong huyện và được giải quyết ngay trong ngày. Theo Phó chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Tiên Lãng Trần Thành Tú: từ đầu năm đến nay, bộ phận “một cửa” Văn phòng UBND huyện tiếp nhận, giải quyết 3.152 hồ sơ ở các lĩnh vực. Phần lớn hồ sơ được giải quyết đúng và trước thời hạn quy định, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Trần Đình Vịnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả cao công tác CCHC trên địa bàn, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN), năm 2017, UBND huyện Tiên Lãng xây dựng, triển khai Kế hoạch CCHC nhà nước với các nội dung cụ thể tới các ngành, cơ quan, đơn vị, phân công rõ người, rõ việc. Trên cơ sở đó, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị được nêu cao, thể hiện rõ vai trò quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ và thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cán bộ, công chức, viên chức. Huyện tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị, thực hiện tinh giản biên chế gắn với Đề án vị trí việc làm, đổi mới công tác đánh giá, thi tuyển công chức, viên chức, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Các cơ quan, đơn vị bảo đảm 3 giảm gồm: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí ở tất cả lĩnh vực quản lý nhà nước.
Coi trọng thái độ trong tiếp dân
Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tiên Lãng Vũ Văn Sân cho biết: Năm 2017, huyện phấn đấu duy trì tốp đầu khối huyện về chỉ số CCHC. Để thực hiện thành công CCHC năm 2017, huyện Tiên Lãng tập trung rà soát, xây dựng, ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt chủ trương, quy định của Trung ương, thành phố về CCHC tới các cấp, ngành, đơn vị, địa phương; coi trọng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, DN, đồng thời chủ động cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân; tăng cường nắm bắt, tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, DN qua mạng xã hội. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý thái độ, hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong thi hành công vụ, giải quyết TTHC của cán bộ, công chức, viên chức.
Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, thẩm định, ban hành đúng tiến độ thời gian, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đồng thời xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc, giải quyết TTHC...bảo đảm văn bản ban hành có tính khả thi, hiệu quả cao. UBND huyện Tiên Lãng thường xuyên kiểm tra, tự kiểm tra theo thẩm quyền, bảo đảm 100% số văn bản QPPL được ban hành đúng căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, công khai trên Cổng thông tin điện tử của huyện, bảo đảm người dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thuận tiện các văn bản QPPL. Phấn đấu 100% số TTHC được cập nhật, công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử huyện; 50% số bộ phận “một cửa” của huyện và UBND các xã, thị trấn được trang bị đủ và ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin phù hợp để tiếp nhận, theo dõi quá trình xử lý, tra cứu, thống kê tổng hợp, trả kết quả hồ sơ cho người dân và DN; thực hiện công khai việc xin lỗi trong giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện, các xã, thị trấn.
Năm 2017, huyện Tiên Lãng phấn đấu hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện mô hình dịch vụ thông minh trong giáo dục, y tế KHCN, phát triển hệ thống quản lý điện tử bệnh viện, trường học nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC; phấn đấu: 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị hành chính được thực hiện trên môi trường mạng điện tử; 100% số xã, thị trấn sử dụng cổng thông tin điện tử; 50% số dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001: 2008 trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Với mục tiêu trả lại đường thông, hè thoáng, dành lối cho người đi bộ, tạo cảnh quan quận sáng - xanh - sạch - đẹp, ngày 21-3, UBND quận Ngô Quyền đã thành lập đoàn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT - TTĐH - VSMTĐT trên các tuyến đường chính thuộc địa bàn quận.
Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền, Trưởng đoàn kiểm tra, xử lý của quận cho biết: Mục đích chính của đợt ra quân cao điểm này tạo sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân trong vấn đề chỉnh trang đô thị. Dựa trên tinh thần tự giác của các hộ dân, chúng tôi xác lập phương án rất cụ thể mà nhiệm vụ chính là phải tuyên truyền sâu rộng, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, bảo đảm trật tự ATGT-TTĐH-VSMTĐT.
Theo thống kê của phòng Quản lý đô thị quận, quận Ngô Quyền hiện có trên 600 bậc tam cấp, bậc dắt xe vi phạm, gần 200 biển quảng cáo treo trái quy định, hơn 200 loại ô, dù, bạt, mái che, mái vẩy… để trái phép. Trên cơ sở đó, gần 1 tuần qua, UBND 13 phường đã đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nhắc nhở, thông báo đến từng hộ dân bằng nhiều hình thức như phát băng đĩa, văn bản, loa phường… để người dân tự giác tháo dỡ.
Đến ngày cao điểm ra quân 21-3, đoàn kiểm tra, xử lý của quận chỉ tiến hành hỗ trợ người dân trên các tuyến phố chính như Trần Phú, Cầu Đất, Lạch Tray, Lê Lợi, Điện Biên Phủ, nút giao thông - Ngã 6 mới, Đà Nẵng, Lê Lai… tháo dỡ các tài sản lắp đặt trái quy định với phương châm làm đến đâu sạch, gọn đến đấy.
Lực lượng công an, tổ quản lý đô thị các phường cũng tham gia hướng dẫn người dân sắp xếp xe đạp, xe máy đúng nơi quy định, xử lý nghiêm trường hợp đậu, đỗ phương tiện sai quy định. Riêng đối với các hộ bày bán, kinh doanh trên vỉa hè, lấn chiếm lòng đường, quận Ngô Quyền đã quyết liệt xử lý triệt để từ các đợt cao điểm trước đó nên tình trạng trên cơ bản được giải quyết.
Ông Trần Hữu Xuân cho biết thêm: nhiều tuyến đường có vỉa hè rất hẹp, ví dụ như các tuyến Lạch Tray, Cầu Đất, Đà Nẵng… Cũng vì vậy, việc các hộ sử dụng vỉa hè để kinh doanh, lấn chiếm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mĩ quan đô thị cũng như khiến người đi bộ không có lối đi. Trong những năm qua, quận Ngô Quyền vẫn luôn quan tâm đến việc ổn định an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân yên tâm buôn bán.
Tuy nhiên, việc sắp xếp bảo đảm đời sống cho những người kinh doanh trên vỉa hè vẫn là vấn đề khó khăn đối với chính quyền địa phương, nhất là ở các tuyến đường chính. Mặc dù vậy, với những tuyến đường nhánh hoặc ngõ nhỏ thì quận vẫn sẽ xem xét để sắp xếp cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể kinh doanh, buôn bán ở đó. Việc sắp xếp phải bảo đảm trật tự khu vực cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường. Sau đợt ra quân này, quận Ngô Quyền sẽ bàn giao mặt bằng cho UBND các phường quản lý, đưa việc giữ gìn TTATGT-TTĐH-VSMTĐT vào nề nếp, yêu cầu các phường cam kết không để phát sinh vi phạm, tái lấn chiếm. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Trước sự quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ của các cấp, ngành đa số người dân Hải Phòng đã hào hứng, ủng hộ với kỳ vọng bộ mặt đô thị thành phố sẽ đổi khác. Tuy nhiên, sau gần 1 tháng ra quân, tình trạng tái chiếm vỉa hè kinh doanh đã manh nha trở lại khiến “cuộc chiến” này càng trở nên gian nan.
Quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ
Trở lại một số tuyến phố: Tô Hiệu, Trần Nguyên Hãn, Mê Linh (quận Lê Chân), Quang Trung, Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng), Cầu Đất, Lê Lợi (quận Ngô Quyền)… sau hơn một tháng ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, không gian đô thị như thoáng đãng hơn. Tình trạng hàng quán bày bán kín hết lối đi trên các vỉa hè gần như không còn. Các phố chính nơi từng nhộn nhịp buôn bán như: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Tô Hiệu… đã thực sự quang đãng, xe máy được xếp ngay ngắn sát vào cửa nhà dân để dành vỉa hè cho người đi bộ.
Cụ thể, tại phố Quang Trung có mật độ buôn bán sầm uất nhất nhì TP Cảng, các cửa hàng gần như không còn để hàng hóa ngoài vỉa hè như trước. Tuy nhiên, đoạn bờ hồ Tam Bạc vẫn lác đác còn gánh hàng rong, xe đẩy đặt trên vỉa hè bán hoa quả, rau củ, xôi chè…
Tương tự, tại tuyến phố Cầu Đất (quận Lê Chân) - trục đường chính nối 3 quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng vẫn còn tồn tại cảnh bán hàng tranh thủ. Gần chục xe đẩy bánh rán vẫn ngang nhiên bán hàng bất chấp lời hô hào, vận động và cả mệnh lệnh của chính quyền sở tại. Cùng với đó, hàng loạt xe máy của các cửa hàng cũng dựng chắn hết lối đi khiến nhiều khách du lịch muốn qua phải lựa, lách.
Vòng sang phố Lê Lợi, quang cảnh vỉa hè thoáng đãng khác hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, không ai ngờ rằng, phần vỉa hè đang trở thành đường giao thông mới cho các phương tiện như xe máy, đạp điện chiếm dụng lưu thông.
Bà Trần Thị Thìn (66 tuổi, kinh doanh quần áo tại số 106 Quang Trung, phường Phan Bội Châu, Hồng Bàng) cho biết: “Cách đây hơn một tháng, chính quyền địa phương có thông báo yêu cầu các hội kinh doanh không để hàng hóa, xe cộ lấn chiếm vỉa hè. Tôi đã lùi hàng hóa vào sâu bên trong gần 1m để xe cho khách và giúp vỉa hè thông thoáng hơn. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, cần có sự công bằng cho tất cả mọi người, không nên để cho một số tác nhân gây ảnh hưởng”.
Bà Thìn đề nghị cơ quan chức năng đã vận động người dân trả lại vỉa hè phải có trách nhiệm giám sát, xử phạt người vi phạm, giữ cho vỉa hè được đúng chức năng.
Cuộc chiến không đơn giản
Là một trong những quận ra quân đầu tiên và được đánh giá là làm tốt nhất công tác lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hải Phòng, quận Hồng Bàng sau gần 2 tháng triển khai đã thực hiện giải tỏa được 250 hộ bán hàng rau, củ quả dưới lòng đường, trên hè khu vực Tam Bạc; tháo dỡ toàn bộ bậc lên xuống từ lòng đường lên vỉa hè và từ vỉa hè vào nhà dân. Xử lý 156 trường hợp bán hàng rong chiếm lòng đường, tháo dỡ 71 biển quảng cáo, tháo dỡ mái che, ô dù, bạt của 190 hộ… trả lại đường thông hè thoáng cho người đi bộ. Theo đó, quận Hồng Bàng đã xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 50.000.000 đồng.
Chị Đào Thị Mơ (xã Tân Hưng, huyện Thủy Nguyên) thường bán hàng rong khu vực Tam Bạc cho biết: “Tôi bám trụ tại khu vực này để bán hàng cũng ngót nghét 10 năm và thuê nhà trong hẻm sinh sống. Hàng ngày, tôi ra chợ đầu mối mua hoa quả về dầm rồi hàng ngày đem ra bán cho khách vãng lai. Mấy hôm nay lực lượng chức năng quận Hồng Bàng đi dọn dẹp lòng lề đường dữ quá, những người bán hàng rong như tôi gần như thất nghiệp. Biết rằng bán hàng rong trên vỉa hè là vi phạm, là bị phạt nhưng không còn cách nào khác vì cuộc sống mưu sinh. Giờ tôi chỉ mong chính quyền tạo một khu vực cho những người bán hàng rong tập trung và đóng thuế thì chúng tôi đỡ khổ và thành phố cũng đỡ lem nhem hơn”.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội dọc các tuyến đường trên địa bàn TP Hải Phòng, dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra xử phạt nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn còn. Trên các tuyến đường như: Tô Hiệu, Trần Hưng Đạo, bờ hồ Tam Bạc, lực lượng liên ngành đã ra quân xử phạt người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi đậu xe, hàng quán, hàng rong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tái phạm, sau khi lực lượng chức năng rút đi thì hàng quán lại mọc lên vỉa hè.
Chia sẻ về quá trình ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ trên địa bàn quận Hồng Bàng, ông Dương Đình Ổn, Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết: “Tính đến ngày 21/UBND quận đã thực hiện xong các tiêu chí theo Quyết định 319/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND thành phố về việc “Quyết định ban hành tiêu chí tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn TP Hải Phòng” trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Quang Trung, Tam Bạc. Trước khi triển khai công tác này, quận Hồng Bàng đã ban hành bản cam kết với các hộ dân trên toàn quận về việc chấp hành quy định về trật tự xây dựng, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường… Đồng thời tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh nội dung Nghị định 155/NĐ-CP năm 2016 về việc “Quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”; phát hành tờ gấp về nội dung Nghị định 155/NĐ-CP năm 2016 về việc “Quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh Kế hoạch 47/KH-UBND của UBND quận Hồng Bàng ngày 06/3/2017 về việc triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường nếp trên địa bàn quận Hồng Bàng năm 2017”.
Cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ, tạo không gian mới, bộ mặt mới cho thành phố là việc làm cấp bách và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần hài hòa vì quyền lợi của người dân. Trước tiên mỗi cán bộ công chức phải làm gương, nói không với hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ tạo sự lan tỏa, tác động lớn. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới người dân, để mọi người tự giác chấp hành.
Cũng theo ông Dương Đình Ổn, cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ là cuộc chiến không hề đơn giản. Để duy trì và làm tốt công tác này, quận cũng đã có kiến nghị với thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị quán triệt cán bộ công chức không đậu đỗ xe ôtô sai quy định. Điều chỉnh tiêu chí tuyến đường kiểu mẫu tại Quyết định 319/QĐ-UBND ngày 12/3/2012 của UBND thành phố về việc “Quyết định ban hành tiêu chí tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng”. Từ quy định “đậu đỗ xe đạp xe máy đầu quay vào trong, đuôi xe quay ra ngoài, bám sát bó vỉa hè” thành “đầu xe để sát nhà dân đuôi xe quay ra ngoài” nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và đường thông hè thoáng. Thậm chí, cho phép UBND phường trong quá trình kiểm tra đường hè khi phát hiện thấy xe ô tô đậu đỗ sai quy định được phép khóa bánh và liên hệ với cơ quan chức năng xử lý. (Gia đình & Xã hội 27/03/2017)
UBND TP. Hải Phòng vừa phê duyệt chủ trương giao cho Tập đoàn Vingroup cải tạo, chỉnh trang lại cầu Thượng Lý (phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng). Toàn bộ kinh phí trùng tu, cải tạo do Tập đoàn Vingroup tài trợ, dưới sự hướng dẫn thực hiện của Sở Giao thông Vận tải thành phố.
Việc nâng cấp, sửa chữa cầu Thượng Lý được Tập đoàn Vingroup tài trợ toàn phần bằng nguồn vốn của doanh nghiệp
Cầu Thượng Lý bắc qua sông đào Thượng Lý, được xây dựng lần đầu năm 1934. Sau nhiều lần xây lại, cầu đã xuống cấp, ảnh hưởng đến giao thông và cảnh quan chung của thành phố.
Với mong muốn đóng góp vào công tác trùng tu, cải tạo nâng cấp và phát triển các công trình công cộng phục vụ xã hội, Tập đoàn Vingroup đã xin ý kiến UBND và được đồng ý cho thực hiện dự án cải tạo cầu Thượng Lý. Chủ trương trên cũng phù hợp với kế hoạch “Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ TP. Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” theo Dự thảo báo cáo tóm tắt của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa 14.
Theo đó, công trình được Vingroup tài trợ toàn phần bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc nâng cấp, sửa chữa bao gồm: sơn lại thành cầu; thay mới lan can; thay thế và bổ sung mới hệ thống đèn chiếu sáng, đèn hắt; sơn lại vạch phân làn giao thông trên mặt cầu.
Sau khi được phê duyệt phương án trùng tu, tôn tạo, Tập đoàn Vingroup đã lên kế hoạch và sẽ tiến hành thi công vào tháng 7/2017, dự kiến hoàn thành vào khoảng đầu tháng 9/2017.
Hải Phòng là một trong những địa bàn đầu tư trọng điểm của Tập đoàn Vingroup với nhiều dự án đã và đang triển khai như: TTTM Vincom Plaza Lê Thánh Tông; Vinpearl Golf Hải Phòng (giai đoạn 1 của dự án Vũ Yên); Bệnh viện Vinmec Hải Phòng và mới nhất là khu phức hợp 5 sao Vinhomes Imperia. Đây là khu đô thị phức hợp sang trọng và đẳng cấp đầu tiên tại Hải Phòng do Tập đoàn Vingroup đầu tư hứa hẹn trở thành điểm nhấn về kiến trúc và cảnh quan của thành phố. Dự án sẽ bắt đầu bàn giao vào cuối năm 2017.
Có thể thấy, thông qua việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa cầu Thượng Lý nói riêng, và các dự án bất động sản nói chung Vingroup tiếp tục thể hiện mong muốn được góp phần tích cực vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, và khẳng định quyết tâm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của thành phố. (Công Thương 27/03/2017; VnExpress 27/03/2017 )
Ngày 25.3, tại Hải Dương, chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng (VCCI Hải Phòng) phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương, tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2017. Tới dự hội nghị có ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch hội đồng kinh doanh tư vấn kinh doanh APEC; đại diện đại sứ quán các nước: Cộng hòa Ba Lan, Indonesia; Malaysia; CHDCND Lào; đại diện lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và gần 700 DN khu vực duyên hải phía Bắc.
Cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Phí Văn Dực - Giám đốc VCCI Hải Phòng- năm 2016, mặc dù kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, khu vực Duyên hải phía Bắc vẫn có 6.659 DN thành lập mới với số vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng DN và 46% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Đây là con số kỷ lục về số DN được thành lập mới từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong năm 2016, vẫn còn 4.610 DN tạm ngừng hoạt động và giải thể, con số này đã giảm đáng kể so với năm 2015 (5.363 DN), nhưng vẫn còn ở mức khá cao.
Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thành phố (PCI) năm 2016 cũng ghi nhận, khu vực Duyên hải phía Bắc tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc về môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều địa phương nằm trong nhóm điều hành khá, đặc biệt tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 trong bảng xếp hạng, đây cũng là thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI. Còn Hải Phòng, lần đầu tiên PCI đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, vươn lên vị trí thứ 21 trên bảng xếp hạng.
Tuy vậy, ông Dực cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập, cản trở sự phát triển của DN như: tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan, bộ máy quản lý Nhà nước; các DN vừa và nhỏ lép vế trong “sân chơi” với các tổng Cty, tập đoàn lớn và DN FDI; khả năng tiếp cận vốn vay của DN còn hạn chế…
Trong bối cảnh đó, VCCI Hải Phòng luôn nỗ lực, sát cánh, là đại diện cho cộng đồng DN, xúc tiến thúc đẩy sự phát triển của DN. Điển hình là việc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh, tổ chức Hội nghị DN khu vực duyên hải phía Bắc năm 2016 với sự tham gia của gần 1000 đại biểu; tổ chức chương trình Cafe doanh nhân hàng tuần, tạo điều kiện cho các DN được gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành địa phương; phối hợp với Đại sứ Cộng hòa Séc, Nam Phi, Iran và Belarus tại Việt Nam, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Hải Phòng, Cục xúc tiến thương mại Hồng Kông... trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên và tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Trợ giúp tháo gỡ khó khăn
Về những khó khăn, bất cập DN gặp phải trong hoạt động SXKD, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Lê Văn Tiến cho biết: Những năm qua, các DN vận tải đã được VCCI Việt Nam, lãnh đạo các địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí đồng hành kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư vào cuộc tháo gỡ. Tuy nhiên, ngành vận tải đường bộ vẫn đang phải đối mặt với nhiều phức tạp do sự đầu tư phương tiện thiếu định hướng, các mặt hàng tạm nhập tái xuất giảm mạnh dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chậm hơn so với sự phát triển phương tiện dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN.
Còn Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Đoa thì cho rằng, lãnh đạo các tỉnh, TP đã có nhiều đổi mới và cởi mở hơn trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại với DN. Tuy nhiên, nhìn tổng quát, các cuộc tiếp xúc vẫn còn mang tính hình thức, nhiều kiến nghị của DN không được xử lý kịp thời hoặc chỉ nằm trên giấy và rơi vào lãng quên.
Chia sẻ về bước đột phá trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Quảng Ninh năm vừa qua, ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh - cho biết: Đó là nhờ có sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng DN. Trong đó phải kể đến việc đổi mới nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chính quyền thân thiện, kiến tạo, phục vụ tốt cho người dân và DN.
Tại hội nghị, ông Vương Đức Sáng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương - chia sẻ những khó khăn với các DN và mong muốn các DN sẽ tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại Hải Dương. Nhấn mạnh về công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ông Sáng cam kết, Hải Dương sẽ tăng cường cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đầu tư.
Ông Hoàng Văn Phòng - PCT VCCI Việt Nam- hoan nghênh nỗ lực vượt khó của các DN, thể hiện qua hiệu quả hoạt động SXKD trong năm qua và mong muốn các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để DN tiếp cận, xúc tiến đầu tư. VCCI sẽ đồng hành, sát cánh cùng DN vì sự phát triển ổn định, bền vững.
Tại hội nghị, 4 hiệp hội và 93 DN được Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam tặng bằng khen.
VCCI Hải Phòng cũng kết nạp 61 hội viên mới nâng tổng số hội viên do chi nhánh phụ trách lên 2000 hội viên”. (Lao động 27/03/2017)
Chiều 22-3, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc khảo sát, kiểm tra hiện trường tại cầu phao Đăng và cầu phao Hàn để chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng 2 cầu vĩnh cửu. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; Nguyễn Hữu Doãn, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng đại diện các cơ quan liên quan.
Tháng 11-2016, thành phố giao Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) và Ban Quản lý các dự án cầu Hải Phòng nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng cầu vĩnh cửu tại vị trí cầu phao Đăng và cầu phao Hàn. Theo chỉ đạo của thành phố, BQL các dự án cầu Hải Phòng nghiên cứu bước đầu, đề xuất chủ trương đầu tư. Theo đó, cầu Hàn và cầu Đăng có thiết kế giống nhau, dài 375m, rộng 12m, với mức kinh phí xây dựng như nhau. Ngoài ra, nâng cấp đường 2 đầu cầu. Dự kiến, sau khi hoàn thiện các thủ tục, tháng 12-2017 khởi công xây dựng cầu Hàn, thời gian thi công 12,5 tháng. Cầu Đăng sẽ xây dựng sau.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành ghi nhận các cơ quan nghiêm túc trong công tác chuẩn bị chủ trương xây dựng 2 cây cầu theo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Đồng thời, yêu cầu đổi mới công tác chỉ đạo điều hành dự án. Theo đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố căn cứ nguồn vốn để quyết định đầu tư; đơn vị tư vấn dựa vào các điều kiện kỹ thuật tính toán tiến độ. Đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo: việc thực hiện xây dựng cầu vĩnh cửu đối với cầu Hàn và cầu Đăng cần được tiến hành ngay, tạo thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại, góp phần phát triển KTXH của huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo; góp phần giảm tải QL10 và bảo đảm kết nối liên vùng Hải Phòng-Thái Bình. Thành phố đồng ý chủ trương xây dựng cầu Hàn tại vị trí cầu phao hiện tại, phần cầu tiến hành làm trước, phần đường làm sau. Yêu cầu các cơ quan liên quan và BQL các dự án cầu Hải Phòng thực hiện đúng, đủ trình tự pháp luật để cuối tháng 6, chậm nhất đầu tháng 7-2017 khởi công xây dựng cầu Hàn, thời gian thi công cầu từ 6 đến 7 tháng; cầu Đăng triển khai xây dựng sau, nhưng đến tháng 5-2018 phải hoàn thành, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Chủ trương của thành phố về xây dựng 2 cây cầu là tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, thực hiện dứt điểm, tuyệt đối không để kéo dài. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Để khắc phục thiệt hại tại các dự án thua lỗ do Bộ Công Thương quản lý, Bộ này cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đang quản lý những dự án tồn đọng tổ chức kiểm tra đánh giá toàn bộ dự án về giá trị tài sản, tính khả thi, hiệu quả của dự án… để tìm ra giải pháp thu hồi lại tài sản Nhà nước. Nếu dự án còn khả thi, có cơ hội hồi phục và phát triển, sẽ có các giải pháp để thực hiện. Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đơn vị có liên quan đến các dự án để có biện pháp xử lý phù hợp trong thời gian sớm…
Mặc dù đến nay, Bộ Công Thương chưa công bố chính thức về phương án xử lý 12 dự án kém hiệu quả của bộ, nhưng có thể thấy, Bộ cùng các doanh nghiệp đang rất nỗ lực xử lý các dự án này.
Các dự án, nhà máy nghìn tỷ thua lỗ thuộc ngành công thương bao gồm Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy đạm Hà Bắc; Nhà máy đạm DAP 1 Lào Cai; Nhà máy Đạm DAP 2 Hải Phòng; Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy Ethanol Phú Thọ; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án Liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy gang thép Lào Cai.
Theo báo cáo từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với 5 dự án của tập đoàn, nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ vẫn đang dừng hoạt động, mặc dù tập đoàn đã có nhiều giải pháp tháo gỡ và báo cáo các phương án đối với Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi Đình Vũ (PVTex). Còn các dự án nhiên liệu sinh học tiếp tục gặp khó khăn, Tập đoàn, Bộ Công Thương có báo cáo và đề xuất phương án xử lý với từng dự án trình Chính phủ xem xét. Chính phủ đang xem xét, quyết định. Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi tiếp tục dừng hoạt động và chưa xác định thời gian vận hành trở lại. Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ Chính phủ đang xem xét, quyết định; trong đó, phương án phá sản là rất cao. Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước do nhà đầu tư nước ngoài Toyo Thái Lan có quyền chi phối quyết định và hiện nhà máy vẫn dừng hoạt động.
Tập đoàn Dầu khí cho biết, tập đoàn sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc và có các giải pháp rõ ràng về 5 dự án yếu kém của tập đoàn.
Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu PVN tích cực xử lý các tồn đọng, yếu kém này và một số dự án đang tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ để bảo đảm ổn định và phát triển.
Về phía các dự án thua lỗ của ngành hóa chất, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho biết, trong thời gian qua, tập đoàn có 4 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Các đơn vị này đều sản xuất phân bón, được đầu tư bài bản với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng hiệu quả kinh tế lại không đạt như kỳ vọng, liên tục thua lỗ sau khi đi vào hoạt động thương mại.
Nguyên nhân do giá bán phân bón giảm mạnh trong thời gian qua, đặc biệt phân ure và DAP, do ảnh hưởng từ giá dầu giảm. Bên cạnh đó, sản xuất phân đạm từ than gặp bất lợi so với sản xuất phân đạm từ khí do giá khí liên tục giảm theo giá dầu, còn giá than không được giảm.
Tập đoàn Hóa chất đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Chính phủ xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình vào giai đoạn sau từ năm 2016 - 2020 khi những khó khăn của công ty được tháo gỡ và hoạt động sản xuất-kinh doanh của công ty có lãi, bảo đảm cổ phần hóa hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, tập đoàn tiếp tục thực hiện phương án giám sát tài chính đặc biệt đối với Công ty Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP số 2 – Vinachem. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị này xây dựng phương án tái cơ cấu lại tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính làm cơ sở để triển khai thực hiện…
Đối với Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, đơn vị tập trung xử lý, dồn mọi nguồn lực khắc phục khó khăn cho dự án này. Tuy nhiên, đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương tạo điều kiện giúp đỡ để dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 sớm triển khai, tái khởi động trở lại…
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu cần thì phải cắt bỏ các dự án, dừng rót thêm vốn, cho dù số tiền đầu tư đã giải ngân thời gian qua cho các dự án là rất lớn. Còn dự án nào có được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thì cổ phần hóa để họ đầu tư tiếp là một phương án tốt. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát ngay một cách nghiêm túc và khách quan tất cả dự án này. Xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm do đâu và đánh giá tác động của dự án để có phương án giải quyết cho phù hợp. Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và đổi mới cơ chế quản lý nhằm siết chặt kỷ cương và nâng cao chất lượng quản lý đầu tư công, ngăn chặn ngay từ đầu, không cho phép lặp lại và có thêm những dự án thua lỗ nghìn tỷ. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Ngày 24/3/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội nghị doanh nghiệp khu vực duyên hải phía Bắc. Tại Hội nghị này, VCCI đã khen thưởng 93 doanh nghiệp hội viên đã có thành tích tốt trong hoạt động kinh doanh.
Khu vực duyên hải phía Bắc có các địa phương đóng vai trò quan trọng trong tam giác kinh tế khu vực phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng; là khu vực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư năng động của cả nước. Theo VCCI Chi nhánh Hải Phòng, năm 2016 khu vực duyên hải phía Bắc có 6.659 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 49.714 tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và 46% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Về thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, các địa phương khu vực duyên hải phía Bắc cũng giữ những vị trí quan trọng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo kết quả điều tra PCI 2016, môi trường kinh doanh tại khu vực Duyên hải phía Bắc tiếp tục khởi sắc; nhiều địa phương trong khu vực nằm trong nhóm điều hành “khá”.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng PCI. Thành phố Hải Phòng lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, đứng ở vị trí 21 trên bảng xếp hạng PCI 2016.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nói trên, VCCI Chi nhánh Hải Phòng đánh giá môi trường kinh doanh của doanh nghiệp khu vực duyên hải phía Bắc vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn, cản trở sự phát triển như: kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước chưa nghiêm, chậm được khắc phục; tệ quan liêu, tham những, lãng phí chưa được đẩy lùi, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước; vẫn còn tồn tại một “sân chơi” chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp dân doanh nhỏ và vừa với các tổng công ty, tập đoàn và doanh nghiệp FDI; khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh, khó duy trì hoạt động, nhất là khi nền kinh tế gặp khó khăn; một số doanh nghiệp tạm ngừng để chờ thời cơ hoặc để sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp.
Về công tác năm 2017, VCCI Chi nhánh Hải Phòng đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có trình độ và năng lực vững vàng để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thực hiện mục tiêu này, VCCI cần tiếp tục tập hợp và đề xuất với các cơ quan chức năng những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về kiến tạo môi trường chính sách thuận lợi; tham vấn, hỗ trợ cho các hoạt động của các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải phía Bắc việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Trong Hội nghị doanh nghiệp khu vực duyên hải phía Bắc, VCCI đã tặng bằng khen cho 93 doanh nghiệp thành viên của VCCI vì đã có những nỗ lực, cố gắng và thành tích tốt trong sản xuất kinh doanh; tổ chức lễ kết nạp 60 thành viên mới để tiếp tục phát triển, mở rộng cộng đồng doanh nghiệp thành viên của VCCI. (Pháp luật Việt Nam 27/03/2017)
Chiều 23-3, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tiếp và làm việc với ông Iwamura Yasutsugu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch; các ngành, địa phương liên quan.
Ông Iwamura Yasutsugu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết, công ty đầu tư thành công dự án trung tâm mua sắm Aeon tại Long Biên (Hà Nội) và đang xúc tiến thực hiện dự án tại Hà Đông. Tiếp theo đó, trong chiến lược phát triển và mở rộng, Aeon chọn thành phố Hải Phòng bởi đây là thành phố phát triển năng động nhất của cả vùng, có nhiều tiềm năng rộng mở. Tuy nhiên, để xây dựng trung tâm mua sắm tầm cỡ khu vực, Aeon cần diện tích đất lớn khoảng 9,5 ha và yêu cầu tính kết nối giao thông cao. Do đó, Aeon mong muốn thành phố Hải Phòng tạo điều kiện, giới thiệu địa điểm phù hợp và cùng hợp tác chặt chẽ để sớm triển khai thực hiện dự án.
Đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chào mừng lãnh đạo Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam tới Hải Phòng, hoan nghênh ý tưởng đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm tại thành phố. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây cũng là mong muốn của thành phố Hải Phòng và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về địa điểm, về các thủ tục liên quan cho dự án. Đồng chí đề nghị phía Aeon xúc tiến nhanh các công việc liên quan để dự án được khởi công và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, Hải Phòng đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, có tính kết nối cao với tất cả các loại hình giao thông; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã về Hải Phòng đầu tư các khu đô thị hiện đại, khu du lịch, khu vui chơi giải trí cao cấp, khách sạn 5 sao…
Trong tương lai, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ Cảng sẽ là thế mạnh của Hải Phòng. Vì vậy, Aeon đầu tư tại Hải Phòng chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Aeon cần chú ý tới sự phát triển sau này của Hải Phòng để bảo đảm quy mô lớn, xứng tầm trung tâm mua sắm của cả khu vực. Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị, ngành, địa phương của Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với phía Aeon để dự án nhanh chóng triển khai. (Báo Hải Phòng 27/03/2017; An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu vừa tổ chức bàn giao tàu Trường Minh Fortune, trọng tải 56.200 tấn cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Đông Bắc.
Tàu Trường Minh Fortune là tàu chở hàng rời, có chiều dài 190 mét, rộng 32,26 mét, chiều cao mạn 18,1 mét, chiều cao mớn nước 12,7 mét. Tàu được thiết kế bởi IHI-Marine United INC (Nhật Bản), được phân cấp, giám sát bởi tổ chức Đăng kiểm NK (Nhật Bản) và tổ chức Đăng kiểm VR (Việt Nam).
Theo ông Nguyễn Văn Hoài, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu cho biết: “Đây là tàu có trọng tải lớn nhất được đóng mới tại Việt Nam, với thời gian thi công nhanh nhất, khẳng định niềm tin với chủ hàng”. Dự kiến cuối năm nay, công ty xuống nước tàu 56.200 tấn tiếp theo cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Đông Bắc. Đây là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi, phát triển ngành đóng tàu trong thời gian tới. Từ đó, khẳng định vị thế của ngành đóng tàu Hải Phòng. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề không chỉ giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương mà sản phẩm của làng nghề còn mang tính đặc trưng, thương hiệu của từng vùng, miền, khu vực. Tuy vậy, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố hiện nay, nhất là làng nghề cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến nông - lâm - thủy sản, vật liệu xây dựng… đã có dấu hiệu ô nhiễm hoặc tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 39 làng nghề, trong đó có 18 làng nghề được công nhận và 21 làng nghề chưa được công nhận, hoạt động trên các lĩnh vực cây giống - sinh vật cảnh, mây - tre - gỗ, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, dịch vụ vận tải, chế biến vật liệu xây dựng…
Không ít các sản phẩm làng nghề đã được xem là thương hiệu của Hải Phòng như đúc Mỹ Đồng - Thủy Nguyên, điêu khắc gỗ Đồng Minh - Vĩnh Bảo, nội thất Kha Lâm - Kiến An, bánh đa Tân Tiến, hoa hải đường Đặng Cương - An Dương, mắm Cát Hải, chiếu cói Quang Phục - Tiên Lãng…
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, công tác quản lý nhà nước của các địa phương đối với các làng nghề chưa thường xuyên, nhiều tồn tại, bất cập, do vậy việc kiểm tra, xử lý, giảm ô nhiễm tại một số làng nghề còn rất hạn chế. Qua báo cáo ban đầu của các địa phương mà chủ yếu là các huyện thì phần lớn cơ sở sản xuất tại làng nghề chưa có hồ sơ về môi trường, cụ thể là đề án, cam kết hoặc kế hoạch, biện pháp bảo vệ môi trường. Hiện tại, các địa phương cùng làng nghề chỉ mới dừng ở việc phối hợp thu gom rác thải sinh hoạt, chất thải rắn và khơi thông cống rãnh thoát nước.
Bởi vậy, lo ngại hơn cả là đối với một số làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao như đúc, cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến thủy sản cũng chưa thực hiện việc quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, việc xả nước thải, khí thải không qua xử lý, chưa quan trắc môi trường định kỳ là khá phổ biến.
Trong khi đó, hầu hết làng nghề đều nằm đan xen trong khu dân cư, do vậy, từ tiếng ồn, khói bụi, mùi, nước thải ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân. Ngay chính người trong cuộc là các cơ sở sản xuất sản phẩm đúc của làng nghề Mỹ Đồng cũng thừa nhận: Nếu phần lớn hộ đốt lò, sản xuất vào những ngày trời nồm, gió quẩn thì không khí ngột ngạt là điều khó tránh.
Bởi vậy, việc di dời các cơ sở sản xuất vào một nơi tập trung có xử lý về môi trường và xa khu dân cư đông đúc là rất cần thiết, đúng đắn. Hay nước rỉ từ các đống sắt, nhựa phế thải, thiết bị điện tử… nằm phơi nắng, phơi mưa tại làng nghề tái chế phế liệu Tràng Minh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cũng là điều dễ hiểu.
Trên thực tế, hàng năm các địa phương có tiến hành kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường của làng nghề trên địa bàn, song chưa thường xuyên, ở phạm vi hẹp và ít hiệu quả. Tiếp đến, việc kiểm tra khắc phục, giám sát khắc phục vi phạm cũng còn nhiều thiếu sót và mang tính hình thức. Đặc biệt, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường chưa nghiêm nên các cơ sở sản xuất còn xem nhẹ việc buộc phải đầu tư, thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường của cơ sở mình.
Ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố cho biết: Trước thực trạng bất cập trong quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề, ngành vừa hoàn tất văn bản báo cáo, kiến nghị với thành phố giải pháp đối với lĩnh vực trên. Cụ thể, các ngành, địa phương cùng phối hợp để thống kê, rà soát lại, lập danh mục làng nghề bảo đảm theo tiêu chí quy định.
Trên cơ sở đó, phân loại những làng nghề cần khuyến khích phát triển và xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề không khuyến khích phát triển, gây ô nhiễm môi trường hoặc không bảo đảm về khoảng cách với khu dân cư. Sau khi tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tới chủ cơ sở trong làng nghề thì việc chấp hành phải được các xã, phường đưa vào hương ước, quy ước. Ngành và các quận, huyện cũng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật đối với chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Sáng 23-3, tại Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, số 10 đường Phạm Văn Đồng diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ sản phẩm hàng Thái Lan tại Hải Phòng. Phó đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam - bà Wanthanee Viputwongsakul, Phó giám đốc Sở Công thương Hải Phòng Lê Minh Sơn cùng dự.
Hội chợ diễn ra từ ngày 23 đến 26-3 với sự góp mặt của trên 50 công ty trong nước - những nhà nhập khẩu chính thức sản phẩm Thái Lan vào Việt Nam.
Trong đó có hơn 70 gian hàng bày bán sản phẩm thực phẩm, đồ uống, quả tươi, đồ gia dụng, dệt may, trang sức, đồ điện tử, sản phẩm sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, đồ trang trí, lưu niệm cùng những sản phẩm khác được nhập khẩu từ Thái Lan với chất lượng tốt và giá phải chăng. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Chiều 22-3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình nghe báo cáo tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố.
Đến nay, UBND quận Lê Chân đã tiến hành các thủ tục cần thiết phục vụ việc GPMB đối với 2 hộ thuộc đường vào thi công khu chung cư U19 Lam Sơn và cam kết hoàn thành vào ngày 30-3. Nhà thầu thi công (Tổng Cty Xây dựng Bạch Đằng) đã chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực và 3.360m cọc bê-tông ly tâm đường kính D400 để được triển khai từ 1-4-2017 và bảo đảm hoàn thành sau 12 tháng.
Dự án U1, U2,U3 Lê Lợi, Sở Xây dựng đã tổ chức đóng, mở thầu; dự kiến hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư vào cuối tháng 3 để có thể tổ chức khởi công vào đầu tháng 4-2017. Công việc chuẩn bị đầu tư đối với các khu chung cư Đổng Quốc Bình; Khu 47 Lê Lai; 311 Đà Nẵng; chung cư An Dương; Vạn Mỹ; A48, A49 Lán Bè; Kiến An; Đồng Tâm cũng đang được triển khai với tiến độ tốt. Theo dự kiến, các dự án có thể thực hiện khởi công vào quý 4-2017 theo đúng chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND UBND TP.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình ghi nhận những chuyển biến ban đầu trong công tác này. Khối lượng công việc theo kế hoạch là rất lớn nên không cho phép chậm trễ. Do đó, Sở Xây dựng (đơn vị chủ trì), các sở, ngành địa phương liên quan phải vào việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa. Trách nhiệm này thể hiện trong việc triển khai dự án; ngay từ khâu di dân, tạm lánh và tuyên truyền, giải thích, công khai minh bạch về các cơ chế, chính sách giúp người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Trong một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam nêu ý kiến về việc tại một số địa phương người dân đang có xu hướng di chuyển phần mộ người chết lên đồi. Thực trạng này không những làm ảnh hưởng đến quy hoạch, làm tổn hại đến cảnh quan môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự.
Theo phong tục từ xưa để lại, ai cũng muốn dành những tình cảm đặc biệt cho người đã khuất. Việc di chuyển những ngôi mộ lên trên đồi cao, có vị trí đẹp, hưởng thụ không gian thoáng đạt của trời đất là để “mồ yên mả đẹp”. Ở một số trường hợp, việc tự phát chọn đất trên đồi cũng giải quyết được bài toán về kinh tế, khi không phải trả khoản tiền mua phần mộ tại các nghĩa trang tập trung.
Tuy nhiên, hệ lụy của phong trào tự phát nêu trên không hề nhỏ. Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam nêu ví dụ, rừng đồi ở Đồ Sơn là một phần không thể tách rời khỏi cảnh quan du lịch. Nhưng hiện tượng xuất hiện những nhà mồ được xây dựng tràn lan ngoài quy hoạch, mỗi người một ý, mỗi nơi một vẻ đã tạo thành tiền lệ xấu.
Hơn thế, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố xảy ra không ít vụ cháy rừng, trong đó một trong những nguyên nhân được xác định là người dân đi tảo mộ, đốt vàng mã và cành lá khô. Hậu quả thật khôn lường, nói như Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam “Đối với Đồ Sơn, không còn những đồi thông thì cũng đồng nghĩa mất du lịch”. Mặt khác, kinh nghiệm cho thấy, khi thành phố cần triển khai một dự án phát triển kinh tế - xã hội, “mồ mả” là một vấn đề rất nhạy cảm trong giải phóng mặt bằng.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn, việc người dân tự phát làm những việc theo ý thích của mình nêu trên đã bộc lộ một lỗ hổng về công tác quản lý. Để di chuyển, xây dựng một ngôi mộ, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực đã được chuẩn hóa thành pháp luật, như đất đai, môi trường, xây dựng, quy hoạch… Nên những hành vi tương tự rõ ràng là hiện tượng vi phạm cần phải được ngăn chặn và khắc phục, góp phần tạo ra sự bình đẳng trong xã hội.
Vẫn biết đụng chạm vào “mồ mả” sẽ gặp phải những phản ứng tiêu cực của một bộ phận người dân, nhưng làm tốt công tác quản lý mới là mục tiêu phát triển chung của cả cộng đồng. Điều này đang cần trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo các địa phương liên quan, cũng như trách nhiệm của chính những người đang sống. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; xây dựng văn hoá giao thông, đặc biệt là trong thanh, thiếu niên, qua đó góp phần kiềm chế và làm giảm TNGT, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố; Giám đốc CATP Hải Phòng đã chủ động triển khai kế hoạch chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT trên địa bàn thành phố.
Công tác tuyên truyền phải được đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, đa dạng về hình thức tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, từng đối tượng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn…; phải bảo đảm đúng định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về bảo đảm TTATGT, quy chế phát ngôn của Bộ Công an, Cục CSGT và CATP.
Đồng thời, nâng cao vai trò của lực lượng CSGT trong công tác bảo đảm TTATGT, xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Nội dung tập trung tuyên truyền về Chỉ thị 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; vị trí, vai trò, gương người tốt việc tốt của lực lượng CSGT; bám sát chủ đề năm ATGT 2017 do Uỷ ban ATGT quốc gia phát động “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”…
Tuần qua, các lực lượng chức năng CATP đã kiểm tra, xử lý 1.874 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, đường sắt và thuỷ nội địa; tạm giữ để xử lý 9 ôtô, 67 môtô, 10 xe thô sơ; tước 64 giấy phép lái xe…, tổ chức đăng ký mới 211 ôtô, 1.370 môtô, 161 xe máy điện. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Từ cuối năm 2016 đến nay, dư luận xôn xao khi rộ lên thông tin tìm thấy ngôi mộ cổ được cho là có liên quan đến danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại khu vực vườn nhà gia đình một người dân ở xã Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo). Chung quanh ngôi mộ, một số tổ chức, cá nhân về tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí tổ chức hội thảo tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân này chủ yếu dựa vào yếu tố tâm linh, tuy nhiên lại được phát tán rộng rãi nhờ một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội, gây “nhiễu”dư luận, ảnh hưởng không tốt đến trật tự an ninh của địa phương.
Kỳ 1: Rộ tin đồn về ngôi mộ cổ
Ngôi mộ cổ được tìm thấy trong gia đình một hộ dân ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền (huyện Vĩnh Bảo) từ năm 2014. Nhưng đến cuối năm 2016, sự việc mới gây xôn xao dư luận cả nước khi một số người thông tin trên các báo mạng, mạng xã hội cho rằng ngôi mộ có liên quan đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ly kỳ việc khai quật ngôi mộ
Tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Cộng Hiền, ông Phạm Đình Lời, Bí thư Chi bộ thôn Hạ Đồng cho biết: “Ngày 8-3 âm lịch năm Giáp Ngọ 2014, gia đình tôi tổ chức cưới cho con trai tôi, nghe tin gia đình cô Bùi Thị Hiền tìm thấy ngôi mộ trong có chiếc quách nhiều chữ nho, tôi sang tận nơi xem. Tôi nhìn thấy trong đó có bộ xương cốt còn nguyên. Tuy nhiên, khi đưa quách lên, xương cốt tan ra. Gia đình cô Hiền chuyển sang tiểu sành, mang đi mai táng. Trên chiếc quách, tôi thấy có rất nhiều chữ nho, nên đoán đó là ngôi mộ cổ”. Còn ông Nguyễn Duy Thịnh, Bí thư Chi bộ thôn 5 cùng xã khẳng định là người chứng kiến việc khai quật chiếc quách: “Quách đẹp lắm, các phần xương lấp lánh nhưng khi đưa lên đều tan vụn. Đến 5 giờ chiều, những người trực tiếp đào mộ cho xương vào tiểu, thờ một đêm rồi đem đi mai táng. Còn chiếc quách, chúng tôi đem xuống ao rửa, ngửi gỗ có mùi thơm. Hai đầu quách có những chữ nho nhỏ li ti xếp thành hình ông cụ đội mũ cánh chuồn”.
Trong báo cáo quá trình tìm ra ngôi mộ cổ gửi UBND xã Cộng Hiền chị Bùi Thị Hiền (ở thôn Hạ Đồng) cho biết: “Trong thời gian giúp bà con tìm mộ, tôi được “Cụ Đồ” hiển linh nhiều lần, bảo sẽ hướng dẫn tìm mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nếu tôi tìm được nhiều liệt sĩ...”. Theo lời kể của chị này, vào một ngày tháng 4-2014 (tức tháng 3 âm lịch), trời mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm, “vong cụ Thầy Nho” nhập vào chị Hiền đập tay xuống sân và nói: “Đưa ta lên”. Chị Hiền cho một số người đào trong khu vườn nhà mình và tìm thấy một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ (hoặc “pho tượng”- theo chị Hiền gọi) ở độ sâu 2m. Tuy nhiên, khi di chuyển bộ hài cốt sang chiếc tiểu sành mới, nhiều xương tự vụn ra, còn lại một đoạn xương đầu và đùi. Sau khi thắp hương trông coi một đêm, người dân địa phương an táng bộ hài cốt tại nghĩa trang của xã, nhưng kèm 8 ngôi mộ nhỏ để đánh dấu. Riêng chiếc quách gỗ được mang ra sông cọ rửa. Về chữ nho trên quách, có người nói nhìn thấy, có người lại bảo không, hư hư thực thực.
Sau khi biết có thông tin chị Hiền tìm được mộ cổ trong vườn nhà, một số người như ông Lê Trung Kiên, Ngô Văn Hiển, Nguyễn Kim Bảng… về xem xét, dùng điện thoại chụp ảnh. Có thông tin trong dư luận cho rằng, một số người được cho là biết chữ nho được mời về đọc chữ trên tấm quách, nhưng khi đọc đến chữ “Nguyễn Bình…” liền “như bị ma đuổi, vội vã ra về, giữ thế nào cũng không được”. Rồi chuyện chị Hiền tung tin: “Mấy ngày sau cụ mới cho biết cụ là cụ Bình, tức Nguyễn Bỉnh Khiêm và bảo thằng K. (nhà văn quê Vĩnh Bảo) cho vào bao tải, chở lên Hà Nội…”. Những thông tin này nhanh chóng được lan rộng, nhất là những câu thơ lục bát từ chị Hiền mà ra: “Đố ai đếm được vì sao/Đố ai biết được bờ ao cụ nằm/Cụ lên là để đánh Tàu/Cụ lên là để làm giàu cho dân”.
Từ tìm hiểu đến nghiên cứu đều “chui”
Theo Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin (VHTT) huyện Vĩnh Bảo Phạm Ngọc Điệp, không chỉ tự ý khai quật ngôi mộ cổ, quá trình từ tìm hiểu đến nghiên cứu về tấm quách của một số tổ chức, cá nhân đều thực hiện “chui”. Cụ thể, ngày 7-5-2014, một người tự xưng là con cháu đời thứ 17 của Trạng Trình từ Hà Nội về nhà chị Bùi Thị Hiền chuyển quách lên 59 Tràng Thi (Hà Nội). Ngày 15-5-2014, đoàn của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) về nhà chị Hiền khảo sát, tìm hiểu thông tin nhưng không trình báo chính quyền địa phương. Việc rất nhiều ô tô, trong đó phần nhiều đeo biển ở tỉnh, thành phố khác, lũ lượt kéo về khiến người dân thôn Hạ Đồng “mắt tròn, mắt dẹt”.
Trước tình hình trên, UBND xã Cộng Hiền báo cáo UBND huyện. Chiều ngày 16-5-2014, UBND huyện cùng các cơ quan chức năng của huyện về làm việc với UBND xã. Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khơi chỉ đạo: Việc địa phương chưa kịp thời nắm tình hình, để gia đình chị Hiền tự ý khai quật mồ mả mà không báo cáo chính quyền và chuyển hiện vật (chiếc quách) lên Hà Nội là vi phạm khoản 3, Điều 37, khoản 4 Điều 14 của Luật Di sản văn hóa. UBND huyện yêu cầu UBND xã Cộng Hiền tiếp tục thu thập thông tin, xác định rõ thời gian, diễn biến sự việc; có biện pháp bảo vệ hiện trường, bảo đảm công tác an ninh trật tự tại địa phương; khi sự việc có diễn biến mới, thông tin mới phải kịp thời báo cáo UBND huyện. Đồng thời, chỉ đạo Phòng VHTT huyện báo cáo sự việc với Sở Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng.
Ngày 28-5-2014, Bảo tàng Hải Phòng cùng Phòng VHTT huyện, UBND xã Cộng Hiền làm việc trực tiếp với chị Hiền và nghiên cứu thực địa, tuy nhiên, hiện trường không còn hiện vật nên không có căn cứ để kết luận vấn đề gì. Kể từ đó, UBND huyện, Phòng VHTT huyện không nhận được thêm thông tin gì.
Kỳ 2: Chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận về nguồn gốc, chủ nhân…hiện vật
Về việc nghiên cứu ngôi mộ cổ tìm thấy tại huyện Vĩnh Bảo, mới đây, ngày 27-2-2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 704 gửi UBND thành phố. Theo nội dung công văn, những thông tin có được cho thấy, quá trình phát hiện cũng như việc tổ chức bảo vệ, nghiên cứu hiện vật sau khi được phát hiện chưa đủ cơ sở khoa học để đưa ra kết luận về nguồn gốc, chủ nhân…của hiện vật.
Kết quả xác định C-14 chỉ cho biết tuổi của vật liệu gỗ
Lại nói về quá trình “lưu lạc” của chiếc quách cổ, trong thời gian để tại Hà Nội, người nhận bảo quản tấm quách gỗ mời Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người đến nghiên cứu. Đồng thời, mời PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đến “xem một hiện vật khảo cổ thú vị lắm”. Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, khi được hỏi có nhìn thấy gì trên ván quách không, ông mang kính lúp ra soi, căng mắt ra nhưng không nhìn thấy chữ gì. “Tôi bàn, muốn biết quách gỗ này là cổ hay không thì chỉ có làm xác định niên đại bằng phương pháp C14 (xác định tuổi mẫu vật bằng đồng vị phóng xạ các-bon). Tôi tách thành của quách ra một đoạn khoảng 300 gam và đưa vào túi nilon gửi cho bạn tôi, kỹ sư Nguyễn Kiên Chinh công tác tại Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh. Một tháng sau, anh Chinh gửi ra cho tôi kết quả mẫu gỗ có niên đại là 1700BP+- 75, tức là khoảng 1700 năm trước. Lẽ dĩ nhiên, gỗ này có niên đại rất sớm và không đồng nhất với thời đại sống của người được mai táng”. Một số nhà khảo cổ học khác cho rằng gỗ làm tấm quách là gỗ Ngọc Am, rất quý. Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi (Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng), việc xác định niên đại cũng chất liệu gỗ không phải bằng chứng khoa học khẳng định về nguồn gốc, chủ nhân của chiếc quách gỗ.
Sự việc chiếc quách gỗ lắng xuống hơn 2 năm. Đến tháng 10-2016, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người có văn bản gửi Chủ tịch UBND thành phố và huyện Vĩnh Bảo với nội dung đề nghị nghiên cứu và giữ gìn các ngôi mộ cổ mới phát lộ. UBND thành phố ra văn bản giao Sở Khoa học -Công nghệ phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, UBND huyện Vĩnh Bảo xem xét, đề xuất, báo cáo. Sau khi tổ chức khảo sát thực địa tại gia đình chị Bùi Thị Hiền, Sở Khoa học - Công nghệ và các ngành, địa phương, đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố và thống nhất đề nghị giao Sở Văn hóa - Thể thao thu hồi các hiện vật khai quật về Bảo tàng Hải Phòng và đề xuất các bước tiếp theo trên cơ sở quy định của pháp luật. Ngày 7-12-2016, hiện vật được chuyển từ Hà Nội về bàn giao Bảo tàng Hải Phòng. Tại biên bản bàn giao hiện vật ghi rõ: lòng dài 84cm, rộng 15,5cm. Quan sát trực quan, lãnh đạo Bảo tàng Hải Phòng đánh giá với diện tích lòng hẹp và ngắn như vậy, nhiều khả năng đây chỉ là chiếc hộp gỗ, không phải quách cổ.
Tấm thẻ tre- “quân bài chốt” thiếu căn cứ
Tiếp đó, ngày 7-1-2017, Bảo tàng Hải Phòng tổ chức xem xét, nghiên cứu hiện vật chiếc quách gỗ. Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tham gia khảo sát tấm ván địa, tìm thấy một chiếc thẻ tre ngà cài sâu vào tấm ván. Theo nhận định của một số người có mặt ngày hôm đó, chiếc thẻ tre không có chữ khắc. Tấm thẻ tre sau đó được chuyển lên Hà Nội để nghiên cứu. Sau đó, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học về ngôi mộ mới phát tích tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng), mời UBND thành phố, UBND huyện tham dự. Được biết, UBND thành phố giao Sở VHTT tham dự. Sở cử Phó giám đốc Lại Đình Ngọc và Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Văn Phương tham dự. Tuy nhiên, sau khi nghe tuyên bố lý do tổ chức hội thảo là về việc tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, 2 ông không tham dự.
Ngày 15-2, tại Bảo tàng Hải Phòng, Hội Khảo cổ học cùng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người tổ chức khảo sát và lắp lại tấm quách cổ. Sau gần 2 giờ khảo sát kỹ lưỡng, PGS.TS Nguyễn Lân Cường và họa sĩ Đào Ngọc Hân không phát hiện gì thêm, nên ghép lại tấm quách cổ trước khi bàn giao Bảo tàng Hải Phòng. Cùng lúc này, tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược nhìn vào hình ảnh chiếc thẻ tre trên màn hình máy tính do PGS.TS Nguyễn Lân Cường cung cấp và đọc, viết các chữ nho thông qua sự hướng dẫn của “cụ Trạng” “nhập” vào chị Hiền (nói qua điện thoại)…(?!) Tiến sĩ Hán Nôm Cung Khắc Lược cho biết tìm thấy các chữ: Đạt, Mạc triều Trạng nguyên mộ tại ao dương. Về việc này, ngay khi lập biên bản khảo sát và lắp lại tấm quách cổ, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Văn Phương không ký xác nhận. Ông cho rằng, việc tiến sĩ Cung Khắc Lược không đọc trực tiếp trên thẻ tre mà đọc trên ảnh màn hình máy tính do PGS.TS Nguyễn Lân Cường cung cấp là không có căn cứ khoa học để khẳng định thông tin.
Trong khi chưa đủ cơ sở khoa học để kết luận về nguồn gốc, chủ nhân của hiện vật được phát hiện tại vườn nhà gia đình chị Bùi Thị Hiền, những thông tin đưa ra chỉ là giả thuyết dựa trên ngoại cảm, tâm linh và suy luận của một số người tiếp tục được phát tán sai nguyên tắc, gây dư luận hoài nghi ảnh hướng xấu đến tình hình địa phương. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Tháng Thanh niên năm 2017 triển khai từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 các cấp bộ Đoàn toàn thành phố đăng ký thực hiện 16 công trình thanh niên cấp thành phố; hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; ra quân giữ gìn trật tự văn minh đô thị tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố...
Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, khó khăn
Trong ngày khởi công nhà nhân ái, ông Trần Xuân Thu, 65 tuổi, ở phường Thành Tô (quận Hải An) xúc động cho biết: "Tôi rất vui được các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ xây dựng ngôi nhà mới để gia đình sớm ổn định cuộc sống". Gia đình ông Trần Xuân Thu có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân ông bệnh tật, đau yếu thường xuyên không có khả năng lao động. Hiện ông đang ở căn nhà tình nghĩa có diện tích gần 19 m2, xây dựng cách đây 20 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Sau khi khảo sát mặt bằng, thống nhất phương án xây dựng, hoàn thiện các hồ sơ, vận động các nguồn kinh phí, Quận đoàn Hải An thống nhất hỗ trợ gia đình ông Thu 50 triệu đồng. Đây là số tiền do thanh thiếu nhi quận quyên góp ủng hộ. Bà Trần Thị Tích, hộ nghèo ở phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng) cũng được cơ sở đoàn địa phương phối hợp với Chi đoàn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Hải Phòng hỗ trợ 50 triệu đồng khởi công xây dựng ngôi nhà mới....
Các cơ sở Đoàn thành phố cũng phối hợp với Đoàn thanh niên Trường đại học Y Dược Hải Phòng, Bệnh viện Công an thành phố tổ chức khám bệnh, phát thuốc và tặng quà 340 gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các quận huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Hải An, với tổng số tiền trị giá gần 70 triệu đồng. 200 học sinh Trường tiểu học và THCS Thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải được Đoàn Thanh niên thành phố phối hợp với các cơ sở y tế khám răng và tặng quà, với tổng số tiền trị giá 30 triệu đồng. Đoàn viên thanh niên thành phố ra quân giữ gìn trật tự văn minh đô thị, bảo vệ môi trường và gắn biển ngõ phố văn minh, tiêu biểu như các quận: Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền. Đồng thời hơn 300 đoàn viên thanh niên và bộ đội biên phòng huyện Cát Hải ra quân "Hãy làm sạch biển" tại bãi biển khu Hà Sen, thị trấn Cát Hải...
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo
Theo Phó bí thư Thành Đoàn Đào Phú Dương, các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2017 hướng tới giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tạo phong trào thi đua sôi nổi của tuổi trẻ chào mừng đại hội Đoàn các cấp; phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo của thanh niên trong tuyên truyền và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và xây dựng văn minh đô thị tại cơ sở. Chú trọng triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, thanh thiếu nhi và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường....
Bên cạnh 14 hoạt động cấp thành phố do Thành Đoàn chỉ đạo như: đăng cai tổ chức "Lễ khởi động các hoạt động của đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Năm an toàn giao thông năm 2017"; khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí; chương trình "Ngày hội tháng 3" khối THPT; "Ngày hội thiếu nhi khỏe tiến bước lên Đoàn; chương trình Thanh niên Hải Phòng khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020... các cấp bộ Đoàn thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: diễn đàn "Đảng với thanh niên - Thanh niên với Đảng", cuộc thi tuyên truyền ca khúc cách mạng, quê hương, đất nước và thành phố, triển khai chương trình "Ánh điện nghĩa tình" sửa chữa, nâng cấp điện hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền hưởng ứng giờ trái đất 2017; tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; ngày đoàn viên. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Hiện nay do kiến thức về phòng, chống bệnh lao của một số người dân hạn chế, nhiều người bệnh đến cơ sở y tế điều trị muộn, kéo dài thời gian, chạy chữa, tăng nguy cơ lây sang người khác và khả năng kháng thuốc cao hơn. Do vậy, việc phòng, chống lao cần sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Nguy cơ nhiễm bệnh lao còn lớn
Hải Phòng là một trong những địa phương có nguy cơ nhiễm bệnh lao lớn, do thành phố có mật độ dân số cao, dân nhập cư đông, số người tiêm chích ma túy cao, đồng thời dịch HIV/AIDS phát triển làm gia tăng các bệnh cơ hội, trong đó có bệnh lao. Hiện, mạng lưới chống lao phủ khắp các phường, xã, nhưng nhiều người bệnh mắc lao do mặc cảm tâm lý nên không đi điều trị đúng chuyên khoa, hoặc bỏ điều trị, tạo nguy cơ lây nhiễm lớn cho cộng đồng.
Do vậy, dù trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các tổ chức chính trị xã hội, Chương trình phòng, chống lao thành phố Hải Phòng đạt được một số thành quả đáng khích lệ, nhưng tình hình bệnh lao ở Hải Phòng còn diễn biến phức tạp. Hơn 20% số người bệnh lao trong cộng đồng khó được phát hiện. Việc chẩn đoán và quản lý điều trị lao đồng nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn. Hải Phòng có tỷ lệ lao kháng đa thuốc cao hơn so với trung bình cả nước (ước tính 5% trong tổng số người bệnh lao thu nhận). Người bệnh lao, lao/HIV, lao kháng thuốc trong các khu vực khép kín (trại giam, trung tâm giáo dục lao động xã hội) khi mãn hạn ra ngoài cộng đồng không được tiếp nhận và quản lý.
Tại kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định của Chính phủ về "Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030", thành phố Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ người mắc lao trong cộng đồng xuống 80 người bệnh/100.000 dân. Để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn.
Trong khi đó, hiện chương trình phòng, chống lao trên địa bàn thành phố gặp những khó khăn và thách thức như: Thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao, do nguy cơ lây nhiễm cao và thu nhập thấp; nhiều cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện chưa được đào tạo; một số người dân vẫn có thói quen tự chữa bệnh, không cần thầy thuốc tư vấn. Kinh phí công tác phòng, chống lao hiện nay chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Quan trọng hơn, cộng đồng vẫn xem công tác phòng, chống lao là chuyện riêng của ngành Y tế, của cán bộ làm công tác phòng, chống lao. Việc phát hiện người bị bệnh lao trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu bằng hình thức thụ động, do tuyến xã gửi người bệnh nghi lao lên Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm, phát hiện, vì không có kinh phí khám, điều tra, phát hiện bệnh lao trực tiếp tại cộng đồng. Tỷ lệ người có triệu chứng nghi lao, đến cơ sở y tế rất ít; phần lớn, người bệnh được phát hiện ở giai đoạn nặng, hoặc phát hiện tình cờ qua các bệnh lý nội khoa khác.
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2017 với chủ đề: "Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh lao”, UBND thành phố đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống lao giai đoạn 2016 – 2020 bằng việc yêu cầu các các sở, ban, ngành và các quận, huyện cùng “vào cuộc” với ngành Y tế triển khai đồng bộ công tác phòng, chống lao. Thực tế, công việc đấu tranh phòng, chống bệnh lao không của riêng ai, một cơ quan tổ chức nào, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, vì “giúp một người chữa khỏi bệnh lao, là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình”; phát hiện được một người mắc lao là cứu sống 1 người và phòng cho 10 người”.
Năm 2017, công tác phòng, chống lao sẽ được quy thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực và kinh phí tại các địa phương. Các ban, ngành, tổ chức xã hội sẽ đưa công tác phòng, chống lao trở thành nội dung sinh hoạt thường xuyên, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp. Chương trình phòng, chống lao quốc gia sẽ tăng cường lồng ghép với chương trình phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng phối hợp giữa các cơ sở y tế công và tư trong hoạt động phòng, chống lao...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới Mỗi năm, có khoảng 16.000 người chết vì bệnh lao. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp.
Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng đang chủ động khắc phục khó khăn để công tác phòng, chống bệnh lao đạt hiệu quả cao hơn. Bệnh viện tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới, mang tính chất chuyên khoa sâu như: nội soi màng phổi ống cứng, sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi; phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương chẩn đoán lao kháng thuốc và một số kỹ thuật chuyên khoa; cải tiến chất lượng bệnh viện theo các tiêu chí của Bộ Y tế; chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, tiếp nhận kỹ thuật do các bệnh viện trung ương chuyển giao, chỉ đạo và hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật. Vấn đề lao đồng nhiễm HIV và lao kháng thuốc cũng tiếp tục được quan tâm và xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp. Ngoài ra, công tác phòng, chống bệnh lao cũng được kết hợp chặt chẽ với các chương trình y tế khác như phòng, chống hút thuốc lá, HIV/AIDS, cải thiện môi trường sống. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Chiều 22-3, tại hội trường Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Bắc Hải Phòng, Quận Đoàn Hồng Bàng tổ chức hội thi “Thủ lĩnh tuổi 18” kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hội thi “Thủ lĩnh tuổi 18” có sự tham gia của 5 thí sinh là bí thư chi đoàn đến từ các trường THPT: Hồng Bàng, Lê Hồng Phong và Lương Thế Vinh. Các thí sinh trải qua 4 phần thi: Thủ lĩnh thông thái, Thủ lĩnh bản lĩnh, Thủ lĩnh tài năng và Thủ lĩnh hiến kế. Kết quả, thí sinh Trần Thị Bích Hà (Đoàn Trường THPT Hồng Bàng) giành giải nhất, ban tổ chức cũng trao 2 giải nhì và 2 giải ba.
Cũng tại chương trình, các đoàn viên, thanh niên quận Hồng Bàng cùng ôn lại truyền thống 86 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khẳng định và nhấn mạnh những thành tích xuất sắc, tiêu biểu mà Đoàn thanh niên quận đạt được trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi giai đoạn vừa qua. Nhân dịp này, Đoàn thanh niên quận Hồng Bàng nhận Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2016 của UBND thành phố. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Sáng 24-3, tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện đảo Bạch Long Vỹ, Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp UBND thành phố tổ chức khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Dự triển lãm có đồng chí: Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông; đại diện lãnh đạo các ban, ngành trung ương và thành phố, cùng đông đảo quân và dân huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Thông- Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa tại huyện đảo Bạch Long Vỹ là hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thông qua các tư liệu lịch sử được công bố.
Với nhiều tư liệu, ấn phẩm và gần 100 bản đồ, triển lãm tập trung vào 10 nội dung, gồm: phiên bản các văn bản Hán- Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam và chính quyền Pháp ở Đông Dương ban hành từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20; phiên bản các văn bản hành chính của chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành trong thời kỳ 1954 -1975; phiên bản của các văn bản hành chính của nước CHXHCN Việt Nam đến nay. Đây là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Các tư liệu cho thấy nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ XHCN ngày nay, khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển, đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đó là quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam, nhất là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Hải Phòng là một trong 28 tỉnh, thành phố của cả nước có biển, vị thế đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, có 2 huyện đảo giữ vị trí phòng thủ ven biển là Cát Hải và Bạch Long Vỹ. Đây là lần thứ 6 triển lãm được tổ chức tại Hải Phòng và lần đầu được tổ chức tại huyện đảo Bạch Long Vỹ - một trong 8 ngư trường lớn, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng-an ninh biển của nước ta ở vịnh Bắc bộ. Triển lãm góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, nhân dân về các bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Thông qua triển lãm và các hoạt động hướng về biển đảo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã hội về vị trí, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tổ chức, quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển một cách hiệu quả cao, bền vững.
Triển lãm diễn ra đến ngày 28-3-2017. Sau triển lãm, toàn bộ tư liệu, ấn phẩm được trao tặng quân và dân huyện đảo Bạch Long Vỹ nhằm góp sức cùng cả nước thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển biển, đảo và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ Thông tin- Truyền thông trao 3 bộ máy vi tính và quà, với tổng trị giá 30 triệu đồng tặng quân và dân huyện đảo Bạch Long Vỹ. (Báo Hải Phòng 27/03/2017; Đầu tư 27/03/2017; Nhân dân 27/03/2017; Công lý 27/03/2017; Thông tấn xã Việt Nam 27/03/2017)
Trải qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường đại học Y Dược Hải Phòng, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cũng như đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng biển đảo theo chiến lược phát triển biển đảo của Đảng và Nhà nước.
Hiện, quy mô đào tạo của trường khoảng 6000 sinh viên, vùng tuyển sinh mở rộng ra toàn quốc. Trường liên tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo thực hành nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế các tỉnh, thành phố ven biển, đảo trong cả nước cũng như sĩ quan boong và thuyền trưởng tàu cá của các công ty Vận tải biển và các doanh nghiệp thủy hải sản, chủ tàu cá... Cán bộ y tế do trường đào tạo, bồi dưỡng đang là nòng cốt của hệ thống y tế của các tỉnh thành ven biển, hải đảo, vùng Duyên hải Bắc Bộ, các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng dân tộc ít người Tày, Sán Dìu. Đến nay, nhà trường đào tạo được hơn 9000 cán bộ y tế, thực hiện tốt mục tiêu 100% trạm y tế xã phường có bác sĩ cho các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh... Từ năm 2010, nhà trường bắt đầu đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Y học biển, Dược sĩ lâm sàng. Đây là những chuyên ngành mới hiện nước ta đang rất thiếu và là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành Y học biển.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, với gần 2000 đề tài khoa học các cấp chuyên sâu về y tế biển đảo, nhà trường nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ y tế, giải quyết hiệu quả các vấn đề y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ đồng thời cung cấp cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách phát triển hệ thống y tế biển đảo như: phát triển hệ thống y tế biển đảo về nguồn nhân lực, trang thiết bị phù hợp với mô hình bệnh tật khu vực biển đảo; khai thác các nguồn dược liệu biển ứng dụng vào trong y học hiện đang còn rất hạn chế tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế, làm giàu từ biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Thực hiện phương châm “Đi tắt đón đầu”, trường tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh đồng thời nâng cao uy tín của ngành Y tế Việt Nam với thế giới, tiêu biểu như Hội nghị Dược lâm sàng Châu Á lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam do nhà trường tổ chức năm 2014; hội nghị Hô hấp và Phẫu thuật lồng ngực Pháp - Việt; hội nghị Hiệu trưởng các Trường đại học Dược Châu Á Thái Bình Dương tháng 6-2016; hội nghị Năng lực sức khỏe Châu Á tháng 10-2016; hội nghị quốc tế về Răng - Hàm - Mặt tháng 11-2016... Hiện trường có mối quan hệ hợp tác với 61 Viện - Trường và tổ chức quốc tế, là thành viên uy tín và đối tác tin cậy của các tổ chức quốc tế lớn. Tất cả các chuyên ngành đào tạo của trường đều tạo dựng được các mối quan hệ quốc tế.
Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường luôn được quan tâm phát triển về số lượng và chất lượng, trong đó có 7 giáo sư; 43 phó giáo sư; 102 tiến sĩ; 257 thạc sĩ; 60 BSCK 2; 39 BSCK1. Hơn 90 cán bộ, giảng viên đang được đào tạo sau đại học trong nước và 8 giảng viên đang đào tạo tại nước ngoài, trong đó có sự đóng góp rất lớn của những giảng viên kiêm chức là giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các khoa, tại các bệnh viện thực hành của nhà trường trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Đây là lực lượng cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao cùng với kinh nghiệm nhiều năm đào tạo trình độ sau đại học, có kinh nghiệm trong quản lý và giảng dạy các môn học chung, môn cơ sở, môn học chuyên sâu. Đặc biệt năm 2016, NGND-GS-TS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng nhà trường vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Y học quốc gia Pháp phong tặng danh hiệu Viện sĩ. Cùng với đó, 21 giảng viên cơ hữu và kiêm chức của trường được phong tặng học hàm phó giáo sư năm 2016; 3 cán bộ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, như: PGS-TS Phạm Văn Duyệt, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hải Phòng; PGS-TS Phạm Văn Nhiên, Phụ trách Bộ môn Nội; PGS-TS Nguyễn Ngọc Sáng, Trưởng Bộ môn Nhi và 8 cán bộ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Sáng 26-3, tại quảng trường Nhà hát thành phố diễn ra lễ khai mạc Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân thành phố Hải Phòng. Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố dự.
Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân là hoạt động thể thao lớn kỷ niệm 71 năm truyền thống ngành TDTT (27-3-1946 – 27-3-2017) và kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3). Hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luyện tập TDTT trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, vận động nhân dân tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Ngày chạy Olympic thành phố năm nay thu hút gần 3000 người đến từ 86 khối tham gia với ý nghĩa là sự kiện chào mừng 86 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ngoài đoàn viên thanh niên đến từ các quận, huyện Đoàn, đoàn trực thuộc Thành Đoàn, Ngày chạy Olympic năm nay còn có sự tham gia của Đoàn Thanh niên Quân khu Ba, Đoàn Thanh niên Quân chủng Hải quân, các hội viên Câu lạc bộ Trung dũng- Quyết thắng, Câu lạc bộ dưỡng sinh Kinh Lạc.
Sau chương trình Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân diễn ra Giải việt dã truyền thống cúp Hoa Phượng Đỏ năm 2017. Giải năm nay thu hút sự tham gia tranh tài của gần 123 vận động viên đến từ 5 quận, huyện và 13 câu lạc bộ trên địa bàn thành phố. Các vận động viên thi đấu ở 2 nội dung gồm: giải phong trào (chạy cự ly 3000 m dành cho nữ và 4500 m dành cho nam) và giải nâng cao (chạy cự ly 4500 m cho nữ và 6000 m dành cho nam. Kết quả, ở nội dung phong trào, Trung tâm VHTT huyện Thủy Nguyên nhất toàn đoàn; vị trí thứ 2 là Trung tâm TDTT huyện Vĩnh Bảo; Trung tâm TDTT huyện Thủy Nguyên thứ 3. Ở nội dung nâng cao, huyện Thủy Nguyên tiếp tục thể hiện thế mạnh của mình khi nhất toàn đoàn, xuất sắc giành cúp Hoa Phượng Đỏ. Ở vị trí thứ 2, 3 lần lượt là huyện Vĩnh Bảo và Kiến Thụy. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Tiếp nối những kết quả từ năm 2011-2016, năm 2017, Tháng Thanh niên triển khai với chủ đề "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị", các cấp bộ Đoàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.
Góp sức để làng quê đổi mới
Từ năm 2011 đến năm 2016, hàng chục tuyến đường điện, đường bê tông nội đồng, hàng trăm nhà Nhân ái, nhà Khăn quàng đỏ… ở các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố được các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội thành phố hỗ trợ. Tiêu biểu như Đợt cao điểm “Tuổi trẻ Hải Phòng cùng hành động chung tay xây dựng nông thôn mới” năm 2016, Huyện đoàn Vĩnh Bảo phối hợp với Đoàn Thanh niên Công ty THHH MTV Điện lực Hải Phòng lắp đặt tuyến đường điện chiếu sáng nông thôn dài 2 km; sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện gia dụng cho 36 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn xã Tân Liên, với tổng kinh phí trị giá 270 triệu đồng. Hai đơn vị phối hợp, hỗ trợ kinh phí xây mới 1 nhà Khăn quàng đỏ tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Vĩnh An, trị giá hơn 30 triệu đồng... Đoàn thanh niên huyện Vĩnh Bảo chủ động vận động kinh phí, huy động ngày công thanh niên cùng nhân dân các địa phương làm 2 tuyến đường bê tông trục chính nội đồng, dài 600 m tại xã Trung Lập, Dũng Tiến; 2 tuyến đường nội đồng dài 500m tại xã Tân Hưng; san lấp mặt bằng 3 sân vận động thôn với diện tích gần 10.000 m2 tại xã Vinh Quang; tham gia xây mới 1 nhà văn hoá thôn tại xã Cao Minh,… Thực hiện chương trình “Tuổi trẻ Hải Phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”, tại xã Đặng Cương (huyện An Dương), 10 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của xã được đoàn viên, thanh niên Công ty THHH MTV Điện lực Hải Phòng hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện gia dụng với tổng kinh phí 20 triệu đồng….
Theo Bí thư Thành Đoàn Trần Quang Tường, nhằm góp phần đẩy mạnh chương trình “Tuổi trẻ Hải Phòng chung tay xây dựng nông thôn mới”, Ban Chỉ đạo chương trình phân công tất cả cơ sở Đoàn toàn thành phố chung tay, góp sức tham gia với các huyện Đoàn xây dựng nông thôn mới, phù hợp điều kiện, nguồn lực từng đơn vị. Trong đó, các đơn vị khối công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ lắp đặt các tuyến đường điện; sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện gia dụng cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Các đơn vị thuộc khối trường đại học, cao đẳng toàn thành phố tích cực tham gia hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tại các huyện, như: giúp đỡ nhân dân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, thu gom xử lý rác thải, tham gia ngày công giúp địa phương tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn, đường nội đồng…
Giúp phố, phường thêm sạch, đẹp, an toàn
Bí thư Thành Đoàn Trần Quang Tường cho biết: Tiếp nối những thành công trong chung sức xây dựng nông thôn mới, Tháng Thanh niên năm nay được triển khai với chủ đề rộng hơn "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị" nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ từ nông thôn đến thành thị. Trong đó, các cấp bộ Đoàn thành phố quyết tâm hoàn thành 6 nhóm chỉ tiêu cơ bản và tập trung triển khai 6 nội dung hoạt động trọng tâm. Đó là, tiếp tục chú trọng triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, thanh thiếu nhi và an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.... Nhằm xây dựng văn minh đô thị, các cơ sở đoàn đồng loạt ra quân giữ gìn trật tự văn minh đô thị tại tất cả các phường trên địa bàn quận, huyện, đồng thời tổ chức “Ngày thứ bẩy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”. Tiêu biểu như: Đoàn Thanh niên quận Hải An, Ngô Quyền, Lê Chân ra quân quét dọn các tuyến phố, xóa quảng cáo bẩn, gắn biển ngõ phố văn minh… Góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Song song đó, nội dung xây dựng nông thôn mới vẫn được đẩy mạnh Đoàn Thanh niên thành phố đặc biệt quan tâm giúp đỡ những thanh niên có chí hướng làm giàu trên quê hương. Nhất là hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; kết nối nguồn lực, phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn; khai thác các nguồn vốn vay, hỗ trợ thanh niên nông thôn vay vốn phát triển kinh tế … Thời gian qua, hàng chục dự án phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn được tổ chức Đoàn hướng dẫn, giúp đỡ lập hồ sơ vay vốn, có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định. Tiêu biểu là dự án “Mở rộng quy mô tư vấn thiết kế và kinh doanh thiết bị vật tư điện nước” tại xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, do anh Trần Văn Chất làm chủ vay 190 triệu đồng; nhóm các hộ gia đình thanh niên triển khai các mô hình về thu mua gỗ, sản xuất đồ mộc tại xã Đồng Thái, huyện An Dương do anh Đỗ Thanh Tú làm tổ trưởng vay 200 triệu đồng; nhóm các hộ gia đình thanh niên triển khai các mô hình khai thác thủy sản tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy do chị Nguyễn Thị Mây làm tổ trưởng vay 305 triệu đồng. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Ngày 25-3, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng phối hợp với hãng Olympus (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Điều trị sỏi ống mật chủ bằng phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP)”. Hơn 50 chuyên gia y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Ninh, Lai Châu tham dự hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, ThS.BS Kiều Văn Tuấn, Phó trưởng Khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) giới thiệu phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP), phương pháp hiện đại nhất trong lĩnh vực nội soi tiêu hoá. Trong đó là việc đưa catheter vào ống mật chính - kỹ thuật quan trọng nhất trong ERCP bằng dây dẫn hoặc đặt stent, kỹ thuật pre-cut, kỹ thuật cắt vách, kỹ thuật rendezvuos. Cùng với đó là những biến chứng thường gặp và giải pháp giảm biến chứng của ERCP đối với từng nhóm người bệnh.
Cũng tại hội thảo, ThS.BS Kiều Văn Tuấn và BSCK1 Nguyễn Đăng Tuấn (Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng) trình diễn thị phạm đặt stent lấy sỏi ống mật chính qua ERCP cho 2 ca sỏi dạng khó. Đại diện hãng Olympus giới thiệu dụng cụ can thiệp mật tuỵ ngược dòng được sử dụng tại nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc…
Theo các chuyên gia, ERCP là lựa chọn hàng đầu cho bệnh lý sỏi đường mật với tỷ lệ điều trị thành công khoảng 90% số ca. Với 10% số ca sỏi dạng khó, cần áp dụng thêm các biện pháp điều trị như tán sỏi cơ học, tán thuỷ lực, tán laser (đối với sỏi nhỏ) và tán sỏi ngoài cơ thể, đặt stent (đối với sỏi lớn). Từ tháng 4-2016, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng triển khai kỹ thuật ERCP và đến nay, bệnh viện phối hợp với các chuyên gia hàng đầu cả nước thực hiện thành công 20 ca với nhiều hạng mục kỹ thuật. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Chiều 24-3, tại Hải Phòng, Sở Du lịch Hải Phòng và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hải Phòng – Quảng Bình, giới thiệu đường bay Đồng Hới – Cát Bi. Cùng dự có đại diện Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành của các tỉnh, thành Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Ninh, Thái Bình…
Các đại biểu nghe giới thiệu tổng quan du lịch 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Bình về tiềm năng, thế mạnh du lịch, văn hóa, vị trí địa lý, địa hình, sinh thái, các di sản thiên nhiên nổi tiếng như: Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) động Sơn Đoòng, động Phong Nha, hang Én (Quảng Bình)… Trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch, nhiều đại biểu tham gia ý kiến về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các sản phẩm liên kết về du lịch; xây dựng các tour liên kết các sản phẩm du lịch khác biệt giữa các địa phương, tạo sự hấp dẫn cho du khách; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các địa phương với những quy định cụ thể; chính sách hỗ trợ của hãng hàng không Jestar Pacific Airlines đối với các doanh nghiệp lữ hành để thu hút khách du lịch đường hàng không…
Tại hội nghị diễn ra lễ ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội du lịch Quảng Bình và các hiệp hội du lịch: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và ký kết một số hợp đồng dịch vụ giữa các doanh nghiệp du lịch Hải Phòng và Quảng Bình. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Ngày 25-3, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng phối hợp với hãng Olympus (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Điều trị sỏi ống mật chủ bằng phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP)”. Hơn 50 chuyên gia y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Ninh, Lai Châu tham dự hội thảo.
Tại hội thảo, ThS.BS Kiều Văn Tuấn, Phó trưởng Khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) giới thiệu phương pháp nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP), phương pháp hiện đại nhất trong lĩnh vực nội soi tiêu hoá. Trong đó là việc đưa catheter vào ống mật chính - kỹ thuật quan trọng nhất trong ERCP bằng dây dẫn hoặc đặt stent, kỹ thuật pre-cut, kỹ thuật cắt vách, kỹ thuật rendezvuos. Cùng với đó là những biến chứng thường gặp và giải pháp giảm biến chứng của ERCP đối với từng nhóm người bệnh.
Cũng tại hội thảo, ThS.BS Kiều Văn Tuấn và BSCK1 Nguyễn Đăng Tuấn (Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng) trình diễn thị phạm đặt stent lấy sỏi ống mật chính qua ERCP cho 2 ca sỏi dạng khó. Đại diện hãng Olympus giới thiệu dụng cụ can thiệp mật tuỵ ngược dòng được sử dụng tại nhiều quốc gia có nền y học tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc…
Theo các chuyên gia, ERCP là lựa chọn hàng đầu cho bệnh lý sỏi đường mật với tỷ lệ điều trị thành công khoảng 90% số ca. Với 10% số ca sỏi dạng khó, cần áp dụng thêm các biện pháp điều trị như tán sỏi cơ học, tán thuỷ lực, tán laser (đối với sỏi nhỏ) và tán sỏi ngoài cơ thể, đặt stent (đối với sỏi lớn). Từ tháng 4-2016, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng triển khai kỹ thuật ERCP và đến nay, bệnh viện phối hợp với các chuyên gia hàng đầu cả nước thực hiện thành công 20 ca với nhiều hạng mục kỹ thuật. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Sau gần 2 năm thi công, đến nay tháp ra đa thời tiết Phù Liễn thuộc Dự án “Tăng cường năng lực, đối phó với biến đổi khí hậu” xây dựng trên núi Thiên Văn (Kiến An) thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc cơ bản hoàn thành. Dự kiến tháng 7 năm nay, tháp ra đa thời tiết chính thức đưa vào sử dụng, cùng với các công trình khác đã và đang được đầu tư, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm đối phó hiệu quả cao hơn trước biến đổi khí hậu, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KTXH các địa phương vùng Đông Bắc của Tổ quốc.
Từng bước hiện đại hóa cơ sở dự báo
Dữ liệu quan trắc ra đa thời tiết là yếu tố vô cùng quan trọng hỗ trợ các dự báo viên trong công tác dự báo cảnh báo thời tiết cực ngắn và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, tố, lốc, mưa đá, áp thấp nhiệt đới và bão. Đặc biệt, những năm gần đây, khu vực Đông Bắc, trong đó có thành phố Hải Phòng, được xác định là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Nhiều năm trước đây, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc được lắp đặt ra đa MRL-5 của Nga, ra đa của Pháp TRS2730 có tầm quét ảnh lên đến 384km và được số hóa hoàn toàn. Các loại ra đa này hỗ trợ tích cực dự báo viên trong công tác cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, được Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia đánh giá rất cao. Tuy nhiên, các ra đa đó chỉ cung cấp ảnh độc lập mà chưa có sự tích hợp hệ thống các trạm ra đa khác.
Dự án “Xây dựng tháp Ra đa thời tiết Phù Liễn” do chính phủ Nhật Bản tài trợ khắc phục được hạn chế của các ra đa trước đây. Cụ thể, ra đa thời tiết mới là hệ thống băng sóng S mạch rắn, hệ thống xử lý hiển thị dữ liệu, hệ thống thông tin quan trắc. Bên cạnh đó có các trạm quan trắc khí tượng tự động (quan trắc: hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất mưa và giờ nắng) và hệ thống thu nhận thông tin qua GSM/GPRS; các trạm đo mưa và hệ thống thu nhận thông tin qua GSM/GPRS được xây dựng... Hệ thống ra đa này cho phép phát hiện sự di chuyển của gió và các cấu phần của nó trong các hiện tượng thời tiết cực đoan như xoáy lốc nhiệt đới, bão và tố trong bán kính 200km; phát hiện lượng mưa 1mm/h trong bán kính hơn 450km. Công trình cao 7 tầng, từ thiết kế đến thi công, đầu tư thiết bị, lắp đặt, đều do chuyên gia Nhật Bản trực tiếp giám sát, thi công theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Cùng với đầu tư về thiết bị, nhiều cán bộ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo tại Nhật Bản và trong nước để làm chủ thiết bị kỹ thuật. Đáng chú ý, Dự án tháp ra đa do Nhật Bản tài trợ lắp đặt tại Phù Liễn được triển khai song song với ra đa lắp đặt tại thành phố Vinh (Nghệ An) sẽ được tích hợp số liệu ảnh giữa hai ra đa khi khai thác sử dụng. Đây hiện là hệ thống ra đa thời tiết hiện đại nhất tại Việt Nam.
Trang bị đồng bộ hệ thống dự báo
Cùng với tháp ra đa thời tiết Phù Liễn do Nhật Bản tài trợ, thời gian qua, Đài Khí tượng thủy văn Đông Bắc được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư dự án “Hiện đại hóa hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai” bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư hơn 96 tỷ đồng hoàn thành trong năm 2016. Theo đó, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) với 25 trạm khí tượng tự động, 25 trạm đo mực nước tự động và 1 hệ thống thu thập thông tin hoàn chỉnh được đầu tư đồng bộ. Cùng với đó, công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Đài về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và xây dựng, quản lý mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn tự động được thực hiện gấp rút. Từ đó, thiết lập mạng lưới trạm KTTV khu vực Đông Bắc, hệ thống đo đạc này cung cấp nguồn số liệu phục vụ công tác dự báo KTTV cho Đài KTTV khu vực Đông Bắc và Trung tâm dự báo KTTV quốc gia. Qua đó, nâng cao năng lực quan trắc và dự báo KTTV của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia nói chung và Đài KTTV khu vực Đông Bắc nói riêng, nhằm hướng tới mục tiêu hiện đại hóa ngành KTTV theo chiến lược Chính phủ phê duyệt.
Trong bối cảnh thiên tai, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Số liệu của hệ thống ra đa Nhật lắp đặt tại Phù Liễn và số liệu của 50 Trạm Khí tượng thủy văn tự động phục vụ đắc lực các dự báo viên của Trung tâm KTTV quốc gia nói chung và Đài KTTV khu vực Đông Bắc nói riêng trong công tác cảnh báo, dự báo các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm xảy ra tại khu vực Đông Bắc, góp phần phòng, chống thiên tai, nghiên cứu khoa học và bảo đảm quốc phòng- an ninh cho Hải Phòng và các địa phương khu vực Đông Bắc.(Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Sau gần 2 năm hoàn thành và đi vào hoạt động, bến xe khách Thượng Lý do Công ty CP đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng đầu tư xây dựng mới vẫn khá vắng vẻ. Theo đơn vị thì lý do chính dẫn đến tình trạng vắng vẻ này là rất ít doanh nghiệp vận tải vào hoạt động.
Bến xe (BX) Thượng Lý được xây dựng với mục đích thay thế BX Tam Bạc. Tuy nhiên, sau khi giải tỏa BX Tam Bạc, đã có 14 doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách tuyến cố định hoạt động từ BX Tam Bạc ngừng hoạt động. Số còn lại về BX Niệm Nghĩa, Cầu Rào. Cho dù thành phố, Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) vận động tuyên truyền, tạo điều kiện kết nối giữa các bến, nhưng các DN vận tải vẫn nhất quyết nói không với BX Thượng Lý, lấy lý do chưa có quy hoạch tuyến và theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp vận tải không sai khi không chịu về BX khách Thượng Lý. Trước sự vận động của Sở GTVT, một vài doanh nghiệp bắt đầu tìm đến BX khách Thượng Lý và thương hiệu xe khách Hải Âu với tuyến Cầu Rào-Thượng Lý-Gia Lâm mở đầu cho khai thác chuyến tại đây… Là BX hiện đại nhất nhì trên địa bàn thành phố, thế nhưng sau 2 năm, hiện BX khách Thượng Lý mới đạt 77 chuyến/ngày.
Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng Long Vũ Đức Hoàng nhận xét, việc bến xe khách Thượng Lý đìu hiu như ngày hôm nay, DN không nên đổ tại cơ chế mà hãy xem lại chính bản thân mình. Lặng lẽ làm, không có sự kết nối với các DN vận tải, không mời các DN vận tải tham gia cổ phần…tức là DN vận tải không có lợi ích ở đó. Còn giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải nhấn mạnh, xe khách Anh Huy-Đất Cảng xuất bến từ BX Lạc Long đã “khó sống”, nếu chuyển lên BX Thượng Lý sẽ lỗ rất nặng, ai sẽ là người chịu khoản lỗ này cho DN?
Phó giám đốc Sở GTVT Phạm Văn Huy cho biết, để tạo điều kiện giúp đỡ BX khách Thượng Lý, trong thời gian qua, Sở GTVT điều chuyển một số chuyến, tuyến về BX Thượng Lý. Hiện nay, Sở GTVT đang trình Bộ GTVT về quy hoạch tuyến xe khách cố định, có qua BX khách Thượng Lý. Nếu được chấp thuận, đó sẽ là cơ sở để BX đẹp và hiện đại nhất thành phố phát huy tác dụng.
Kết nối hợp tác trên cơ sở hài hòa lợi ích
Theo Công ty CP đầu tư phát triển Kim khí Hải Phòng, để đầu tư xây dựng đuợc BX khách Thượng Lý, cùng với nguồn vốn vay, các cổ đông trong công ty đã đóng góp với số tiền lên đến gần 50 tỷ đồng. Với việc BX “đìu hiu” chỉ lác đác có vài DN vận tải hoạt động, số phận BX như “mành chỉ treo chuông”. Trong thời gian qua, công ty cũng tổ chức tiếp thị, giới thiệu, có cơ chế hỗ trợ, giảm chi phí cho các DN vận tải, nhưng ít vẫn hoàn ít. Lãnh đạo công ty cho rằng, việc điều chuyển vài chuyến riêng lẻ như Sở GTVT làm vừa rồi, sẽ không hiệu quả. Điều cần thiết là chuyên tuyến thì mới ổn định.
Tuy nhiên, theo một số DN vận tải, làm gì cũng phải có lộ trình và theo quy hoạch, không thể tự ý “bẻ” quy hoạch tuyến của Bộ GTVT. Với một bến xe sau 2 năm đi vào hoạt động đã có 77 chuyến liên tỉnh/ngày thực tế có phải là ít? Ông Lại Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bến xe Hải Phòng cho biết, công ty đầu tư xây dựng BX khách Vĩnh Bảo hơn 10 năm nay và hiện chỉ có chưa đến 20 chuyến liên tỉnh/ngày, còn lại lác đác vài chuyến trong thành phố. Sau 10 năm đi vào hoạt động, công suất của BX khách Vĩnh Bảo chỉ đạt 19%. Còn đại diện BX phía Bắc (huyện Thủy Nguyên) cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2012, đến nay công suất của BX chỉ đạt khoảng 15%...Ông Khúc Hữu Thanh Hải thừa nhận, thời điểm này chuyển ra BX Thượng Lý mới chỉ vì trách nhiệm, chứ chưa thấy lợi ích. Để có thể điều chuyển dần xe về Thượng Lý, việc đầu tiên phải có quy hoạch tuyến.
Để giúp đỡ BX, Sở GTVT đã triển khai xây dựng tuyến liên tỉnh trình Bộ GTVT phê duyệt. Khi được Bộ chấp thuận, Sở sẽ căn cứ vào quy hoạch xây dựng các tuyến, chuyến cho phù hợp. Tuy nhiên, các DN vận tải nên ủng hộ BX Thượng Lý trên cơ sở kết nối hợp lý. Về phía BX, cần tiếp tục phối hợp các DN vận tải, có những cơ chế hợp lý để hợp tác, cùng nhau duy trì hoạt động ổn định và phát triển. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc tháng 9-2016 tại thành phố Cần Thơ, sản phẩm “Mô hình hệ thống cẩu điện tàu thủy” của Trường cao đẳng Bách Nghệ được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn và trao giải nhất.
Mô hình “Hệ thống cẩu điện tàu thủy” do nhóm tác giả gồm các kỹ sư: Nghiêm Hữu Khoa, Phạm Minh Cường, Vũ Đức Hòa, Mai Ngọc Phong, khoa Điện-Điện tử, Trường cao đẳng Bách nghệ thiết kế và chế tạo. Mô hình làm trên cơ sở cần cẩu thực tế của nhà trường, kích thước thu nhỏ 1/3, dễ dàng vận chuyển phục vụ công tác giảng dạy. Mô hình có tính trực quan cao, giúp người học được quan sát thực tế, tìm hiểu và thực hành. Cấu tạo của mô hình chia làm các khối cơ bản gồm: khối ca bin, tủ điện điều khiển, truyền động quay cẩu, khối cần cẩu. Việc chia khối trên mô hình giúp người học dễ tìm hiểu, quan sát. Giáo viên trình bày cấu tạo từng khối của mô hình, ứng dụng vào thực tiễn. Tùy từng bộ phận, hệ thống được thiết kế bằng vật liệu dễ quan sát như nhựa, kính, mê ca… giúp người học dễ nhìn.
Theo nhóm tác giả, mô hình hệ thống cẩu điện tàu thủy áp dụng phương pháp điều chỉnh tốc độ động cơ bằng biến tần, cải thiện được các yêu cầu cơ bản của hệ thống như: lực nâng, gia tốc bảo đảm hàng hóa không bị giật, văng gây nguy hiểm, mất an toàn. Với thời gian tăng tốc, giảm tốc hợp lý, tạo hệ truyền động êm và dễ dàng thay đổi tốc độ động cơ đáp ứng đa dạng điều khiển Có thể sử dụng tủ điều khiển cho hệ thống có yêu cầu tốc độ khác, tiết kiệm điện năng. Biến tần còn có thể bảo vệ quá tải, bảo vệ mất pha cho động cơ. Các bộ truyền động trên cẩu thực tế lắp đặt bằng bạc, nhưng mô hình chuyển đổi thành các vòng bi để giảm ma sát cản. Đây chính là tính khoa học, sáng tạo của sản phẩm.
Mô hình có tính ứng dụng cao, sử dụng cho nhiều chuyên ngành, nhiều bài giảng trong dạy nghề của nhà trường như chuyên ngành Điều khiển tàu biển với ứng dụng trong vận hành, khai thác hệ thố#ng cẩu điện tàu thủy (mô đun thiết bị trên boong); chuyên ngành Máy khai thác ứng dụng trong bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị cần cẩu (bài 2 – mô đun 38: Sửa chữa thiết bị trên boong). Với chuyên ngành Điện, thiết bị ứng dụng giảng dạy mô đun truyền động điện tàu thủy; Mô đun 26 – truyền động điện (Điện công nghiệp). Mặc dù, nhiều tác dụng và sử dụng hiệu quả trong ứng dụng các bài giảng nhưng giá thành sản phẩm không cao (chỉ 42 triệu đồng, bằng một phần rất nhỏ so với việc mua cần cẩu thực tế) do tận dụng được nhiều nguyên vật liệu. Với mô hình này, không chỉ giáo viên giảng dạy mà cả sinh viên học nghề đều có thể sáng tạo, dạy theo trực quan, học theo thực tế, nâng cao hiệu quả công tác dạy và học nghề. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp cho biết, vừa cứu sống trường hợp người bệnh bị đĩa cắt kim loại của máy cưa văng vào mặt, tại vị trí xương gò má, dưới sát hốc mắt trái.
Trước đó, sáng 22-3, trong lúc đang ngồi nói chuyện với bạn bè trước cửa nhà, anh Đặng Anh Quang (sinh năm 1974, trú tại số 37 đường Tràng Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) bị đĩa cắt kim loại máy cưa do một người thợ xưởng sửa chữa ôtô làm việc cách đó 5m văng vào mặt, tại vị trí xương gò má, ngay dưới hốc mắt trái. Anh Quang được đưa đến cấp cứu tại Khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp lúc 11 giờ cùng ngày.
BSCK1 Đinh Khắc Châu (Khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) cho biết, do lực văng của đĩa cắt kim loại lớn khiến xương gò má của người bệnh vỡ thành nhiều mảnh rời, đứt bó mạch thần kinh dưới mắt, xẻ mi dưới võng mạc. Vết cắt dài 5cm, sâu 9-10cm, thông qua xoang hàm, xoang sàng và xoang bướm. Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ đến từ các khoa: Thần kinh, Mắt… của bệnh viện, kíp mổ do BS Đinh Khắc Châu làm trưởng kíp nhanh chóng tiến hành mổ cấp cứu. Sau 2 giờ, các bác sĩ lấy ra dị vật là đĩa cắt kim loại kích thước 2x4cm nằm sâu trong hốc mắt trái 10cm, gắp bỏ nhiều mảnh vụn dị vật, rồi tiến hành nẹp vít xương gò má giữ cho nhãn cầu mắt trái không bị thoát vị.
Đến ngày 25-3, tình hình sức khỏe anh Quang có dấu hiệu phục hồi tốt, tỉnh táo, mắt trái có thể mở và nhìn bình thường, vết khâu khô và không chảy nước. BS Châu cho biết, người bệnh có thể xuất viện sau 7-10 ngày tới.
Lãnh đạo Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp cho biết, đây là lần đầu Khoa Răng-Hàm-Mặt tiếp nhận trường hợp tai nạn hy hữu và đã tiến hành phẫu thuật, điều trị thành công, không để lại di chứng cho người bệnh. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hải Phòng nhận định: hoạt động phê bình VHNT thành phố chưa đáp ứng yêu cầu vì thiếu các cây bút lý luận phê bình. Trong khi một số cây bút lão thành có dấu hiệu giảm sức nghĩ, sức làm do tuổi tác, cần thiết quan tâm phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ có trình độ đáp ứng thời kỳ mới.
Vắng hoạt động phê bình, thiếu cây bút lý luận
Hội Liên hiệp VHNT thành phố hiện có hơn 600 văn nghệ sĩ, sinh hoạt tại 9 hội chuyên ngành, trong đó có một số đơn vị hoạt động tương đối tích cực như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh và Truyền hình...Trong 3 năm trở lại đây, các hội chuyên ngành tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm, giới thiệu tác phẩm mới, nhưng thiếu hoạt động phê bình, đánh giá tác phẩm. Ở lĩnh vực nhiếp ảnh, Hải Phòng có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tên tuổi, trưởng thành từ trải nghiệm thực tế như NSNA Vũ Dũng, Vương Khánh Hồng…nhưng thiếu những người được đào tạo bài bản về phê bình nhiếp ảnh mang tính lý luận. Ở các loại hình khác như điện ảnh truyền hình hay sân khấu, chỉ có một số bài phê bình của nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh; nhà văn, nhà biên kịch Đình Kính hay NSƯT Ngọc Hiền nhưng không nhiều.
Công tác lý luận phê bình được đánh giá là rất quan trọng đối với việc phát triển nền VHNT, đồng thời cầu nối, rút ngắn khoảng cách giữa tác giả, tác phẩm và bạn đọc, nhưng xưa nay vẫn được xem là lĩnh vực khó. Chính đặc trưng này đòi hỏi người làm công tác lý luận phê bình phải có kiến thức lý luận chuyên sâu, có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú, có khả năng tổng hợp, so sánh, phân tích, đánh giá… Trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa, nhà phê bình còn cần thông thạo ngoại ngữ để có thể nắm bắt được các khuynh hướng, trào lưu sáng tác mới trên thế giới. Trong khi các cây bút lão thành ít cập nhật được khuynh hướng sáng tác mới, hiện trên địa bàn thành phố xuất hiện một số cây bút phê bình văn học trẻ nhưng hoạt động chưa nổi trội. Thí dụ như Lương Kim Phương vừa viết thơ, viết văn, viết lý luận phê bình. Hay tiến sĩ Bùi Hải Yến, giảng viên Trường đại học Hải Phòng, có viết lý luận phê bình văn học nhưng số lượng còn ít, chưa tạo được dấu ấn. Lý giải nguyên nhân này, các các cây bút phê bình trẻ cho rằng họ chưa có nhiều “sân chơi” để thể hiện khả năng của mình. Hiện nay, phê bình trên báo chí đang lấn át phê bình mang tính hàn lâm nên nặng về cảm tính thiếu tính khách quan. Nhiều bài viết phê bình do bạn bè lăng xê nhau, nên khen là chính. Ngoài ra, việc in sách tràn lan, chất lượng kém; tình trạng “đạo” thơ, “mượn” ý tưởng, “mượn” câu thơ nhưng không chú thích khiến người viết phê bình “nản”...
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhận xét, đội ngũ trẻ viết lý luận, phê bình VHNT hiện nay có nhiều ưu điểm như trình độ, lòng yêu nghề…Tuy nhiên một số cây bút trẻ sớm bộc lộ những hạn chế như tự mãn, sính ngoại hoặc tự ti, mặc cảm và chưa hết lòng với lĩnh vực này.
Khơi dậy nhiệt huyết của những người làm nghề
Trên thực tế, tình trạng đội ngũ lý luận phê bình VHNT thiếu về số lượng và yếu về chất lượng là tình trạng chung của cả nước. Với Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, bên cạnh việc thiếu về kinh phí để nâng nhuận bút các bài viết lý luận phê bình, Hội cũng chưa có người làm chuyên trách công việc này. Hiện, duy nhất có Hội Nhà văn thành lập Ban Lý luận phê bình văn học với nhà văn Lưu Văn Khuê làm trưởng ban, nhưng hoạt động chưa mạnh. Ở các chuyên ngành khác, đều không tìm được “nhạc trưởng”. Lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng cho rằng, thời gian tới, trên cơ sở xem xét các yếu tố cần và đủ, cũng như xây dựng được cơ chế, chính sách, tìm ra các “nhạc trưởng” uy tín ở mỗi lĩnh vực, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng sẽ thành lập Hội đồng lý luận phê bình VHNT cấp thành phố, tách ra khỏi hội sáng tác. Những người có khả năng làm lý luận phê bình nên tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực này. “Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng khuyến khích các hội chuyên ngành giới thiệu, kết nạp hội viên mới ưu tiên những người viết lý luận phê bình”, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng “vắng bóng” các cây bút lý luận phê bình VHNT thành phố, thiết nghĩ, thời gian tới, Hội Liên hiệp VHNT thành phố nên mời các nhà lý luận phê bình tên tuổi ở trung ương trực tiếp giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ viết chuyên nghiệp về lĩnh vực này. Cùng với đó, tổ chức nhiều hơn các cuộc hội thảo, tọa đàm theo chuyên đề hoặc phối hợp các hội chuyên ngành trung ương về các vấn đề “nóng” , khuynh hướng mới trong lý luận sân khấu, mỹ thuật, điện ảnh truyền hình, kiến trúc, âm nhạc...Qua đó, giúp các cây bút trẻ cọ xát, học hỏi cách viết, cách tổng hợp, phân tích, đánh giá tác phẩm, góp phần đẩy mạnh công tác lý luận phê bình. Đồng thời, Hội kiến nghị với thành phố đầu tư kinh phí xuất bản các công trình nghiên cứu ở trường đại học; quan tâm hơn đến các cây bút lý luận, phê bình bằng cách tăng chế độ đãi ngộ, nhuận bút cho các bài viết và công trình lý luận, phê bình chất lượng tốt...
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, bản thân đội ngũ trẻ viết lý luận, phê bình VHNT cần phải đề cao tinh thần tự học hỏi, nghiên cứu. Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ viết lý luận, phê bình, nhất là lực lượng viết là những giáo viên trong các trường học. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Sáng 25-3, Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Chương trình Hành động vì môi trường bền vững, ra quân dọn rác, làm sạch môi trường bến cá Ngọc Hải và bến Xăm, quận Đồ Sơn.
Trong ngày ra quân, gần 40 đoàn viên Sở Nông nghiệp và PTNT vớt rác dưới luồng bến, dọn rác trên bến, làm sạch môi trường, thu gom hơn 10m3 rác thải tại bến cá Ngọc Hải và bến Xăm. Đây là hai bến cá có lượng tàu thuyền ra vào bến khá đông, nhất là dịp biển động như hiện nay có hàng trăm tàu, thuyền cập bến, hàng tấn thủy sản được đưa lên bến kèm theo lượng rác thải, chất thải khá lớn. Trong quá trình vệ sinh môi trường, các đoàn viên xuống các tàu, thuyền tuyên truyền, vận động ngư dân ý thức hơn trong thu gom, để rác đúng nơi quy định. Sau đợt ra quân, Đoàn thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chiến dịch vệ sinh môi trường ở các địa bàn khác, trong đó có trồng cây, thu gom rác thải bảo vệ thực vật, trang bị thùng rác cho người dân nông thôn ở một số huyện ngoại thành như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, góp phần thiết thực chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Trường cao đẳng Du lịch Hải Phòng (xã Nam Sơn, An Dương) vừa tổ chức khai mạc chương trình “Dạ hội HTC” năm 2017, với sự tham gia của gần 500 cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.
Tại lễ khai mạc, đại diện Đoàn thanh niên 6 đơn vị trực thuộc Đoàn khối Các cơ quan thành phố và các nhà hảo tâm trao học bổng trị giá 15 triệu đồng và 3 bộ máy vi tính gây Quỹ khuyến học Đoàn thanh niên trường, nhằm động viên, khuyến khích sinh viên nhà trường phấn đấu thi đua, rèn luyện.
Chương trình “Dạ hội HTC” diễn ra trong hai ngày 23 và 24-3 với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, thu hút đông đảo sinh viên nhà trường như: trồng cây xanh; thi kéo co, nhảy bao bố; giao lưu văn nghệ; thi cắm trại với chủ đề “Sinh viên HTC với biển đảo quê hương”; đốt lửa trại với chủ đề “Ánh lửa tình bạn”; chạy Olympic. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Hơn cả những sáng kiến, đó còn là sự nhiệt thành, giàu lòng nhân ái của những gương mặt cán bộ, đoàn viên cơ sở năng nổ ở Hải Phòng. Họ đang góp phần làm cho hoạt động tại cơ sở đi vào thực chất, và làm lan tỏa tinh thần cống hiến của tuổi trẻ.
Lòng tốt đem trao
Em Nguyễn Thị Binh, là người khuyết tật, học trồng nấm tại Trại Nấm Thiện Giao (Đồ Sơn) nghẹn ngào khi bất ngờ nhận phần quà mà Nguyễn Thị Kim Đoan - Bí thư Đoàn phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng) trao tặng. Binh tấm tắc: “Chị ấy vừa đẹp, lại rất thương người”. Lời khen mộc mạc ấy, khiến cô gái trẻ năng nổ cảm động lắm. Thực ra Đoan cũng có xuất phát điểm không thuận lợi như nhiều người khác, dù sinh ra trong gia đình nghèo, nhưng cô gái mộc mạc ấy luôn ước mơ được làm công tác xã hội. Đoan đã chọn thi vào chuyên ngành Công tác xã hội - Khoa Tâm lý - Giáo dục học (Trường ĐH Hải Phòng) với mong muốn giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh. Ý nguyện được thỏa, cô xắn tay tham gia năng nổ hoạt động đoàn của trường và địa phương. Hơn thế còn được bầu làm Bí thư chi đoàn tổ dân phố nơi cô sinh sống. Tháng 8-2014, Đoan được bầu làm Bí thư Đoàn phường Thượng Lý.
Hoạt động đoàn cơ sở, công việc luôn khiến Đoan phải hy sinh ít nhiều cuộc sống riêng để tập trung cho những hoạt động và sáng tạo vì cộng đồng. Việc đầu tiên cô làm là cố gắng quy tụ các bạn thanh niên trong phường, cùng Ban chấp hành Đoàn phường lập kế hoạch phối hợp với Công an phường Thượng Lý, trực chốt tại khu vực cầu Tam Bạc, tuyên truyền an ninh trật tự, bảo vệ nền nếp văn hóa khu phố bằng sinh hoạt chi đoàn. Cô còn đứng lên thành lập CLB “Tuổi hoa”, CLB “Thắp sáng ước mơ cho em” giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, giúp các em bổ sung kiến thức, kỹ năng sống, vận động trẻ em bỏ học trở lại trường... và chung tay với nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Nhờ những nỗ lực bền bỉ ấy, Đoan vinh dự trở thành một trong 20 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2016, và được T.Ư Đoàn tặng thưởng vào ngày 19-3 vừa qua. Nhưng nói về mình cô gái ấy vẫn bộc bạch, em hoạt động đoàn, không phải để lấy thành tích, mà chỉ mong sao những sáng kiến của em có thể giúp ích cho xã hội, cho những mái ấm.
Cũng cùng chung tâm nguyện lan tỏa việc tử tế đến cộng đồng, có thể kể đến sáng kiến Chương trình “Hũ gạo tình thương” do Thành đoàn Hải Phòng phát động, đã tạo được sự lan tỏa lớn với cộng đồng. Có tiếp xúc với các em học sinh Trường PTTH Thái Phiên (quận Ngô Quyền) mới thấy hết nhiệt huyết của các em học sinh và cách mà cán bộ đoàn khơi dậy về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Anh Đoàn Hồng Tuấn, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Từ mỗi chi đoàn các lớp, chúng tôi kết nối đến toàn trường bằng những sinh hoạt vì cộng đồng. Qua đó cũng kịp thời khen ngợi những nhân tố tiêu biểu. Nếu trong giai đoạn học phổ thông, có được ý thức hoạt động đoàn tốt, chủ động thì sau này dù học đại học, cao đẳng hay đi làm, các em cũng có vốn liếng để hoạt động vì cộng đồng”.
Phát huy tinh thần xung kích
Hải Phòng có nhiều “hạt mầm” đầy tâm huyết trong hoạt động đoàn, như Trần Trung Kỳ, Bí thư Đoàn xã Bạch Đằng (huyện Tiên Lãng); Nguyễn Vương Long, Bí thư Đoàn trường Chính trị Tô Hiệu; Trần Xuân Thường, Bí thư Đoàn Trường cao đẳng Công nghệ Viettronics; Vũ Thế Thảo, Bí thư Đoàn Viện Nghiên cứu Hải sản... Họ, có chung nhiều điểm là còn rất trẻ, và luôn khao khát phát huy tinh thần xung kích của thanh niên. Từ cấp cơ sở, luôn tạo dựng khí thế thi đua, sáng tạo những mô hình, cách làm hay, thiết thực. Qua tâm sự với cộng đồng dân cư ở nhiều phường, nhiều người chung tâm sự: “Nhìn các cháu làm việc tận tâm, quan tâm đến người khác, chúng tôi cũng mong muốn vận động con cái tham gia công tác đoàn và hoạt động từ thiện”.
Nhưng hoạt động đoàn ở Hải Phòng không chỉ có những thuận lợi, cũng như nhiều địa phương khác, công tác đoàn còn phải đối diện nhiều khó khăn trong tập hợp đoàn viên bởi đa phần lực lượng thanh niên đi học tập, làm ăn phân tán, các tổ dân phố, khu dân cư lại chia nhỏ... Hay như khó khăn về nguồn kinh phí cho hoạt động đoàn cơ sở còn thiếu thốn. Đó là chưa kể đến các tệ nạn xã hội, các thói hư tật xấu lan truyền, ảnh hưởng đến sinh hoạt đoàn ngay từ cấp tổ dân phố, phường, xã... trên địa bàn thành phố.
Vậy điều gì đã giúp hoạt động đoàn Hải Phòng được đánh giá cao, “hút” được nhiều thanh niên, đoàn viên tham gia? Anh Đào Phú Dương - Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, chia sẻ: Để quy tụ được đoàn viên thì từ cấp cơ sở, những thủ lĩnh đoàn phải sáng tạo. Trước hết là nghĩ ra các hoạt động, qua đó để các đoàn viên tham gia và được trải nghiệm. Chúng tôi cho rằng, đoàn viên thanh niên có ba nhu cầu: học tập, việc làm, vui chơi giải trí. Khi các hoạt động hướng được vào ba nhu cầu đó thì mới bảo đảm sự thành công.
Mầu áo xanh tượng trưng cho tuổi trẻ và vẻ đẹp của sự cống hiến. Thật xúc động khi nhiều đoàn viên các phường, xã hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đã gương mẫu trích tiền ăn sáng ủng hộ người khác. Càng xúc động hơn khi thấy họ căng ra cùng lực lượng chức năng chỉnh trang đô thị, tuyên truyền bảo vệ môi trường, nhễ nhại đẩy xe giúp bác lao công hay xây dựng những con đường thanh niên cho người dân đi lại thuận tiện. Với những gì các bạn trẻ Hải Phòng đã và đang làm, phải khẳng định họ đang thiết thực góp công sức, trí tuệ vào việc phát triển nguồn nhân lực, sáng tạo, lan tỏa hoạt động thiện nguyện, xây dựng cuộc sống no ấm. (Nhân dân 27/03/2017)
Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2017, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 25-3- 2017, nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng thực hiện tắt đèn tự nguyện hưởng ứng chương trình.
Trước đó, Công ty Điện lực Hải Phòng tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung của chương trình tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ nhân dân sử dụng điện. Nội dung chủ yếu là đề nghị tiết giảm tối đa việc sử dụng ánh sáng và các thiết bị điện trong gia đình; hạn chế tối đa sử dụng đèn điện cho chiếu sáng, bảo vệ và trang trí quảng cáo; bố trí sắp xếp hợp lý để tham gia tự nguyện tắt đèn và các thiết bị sử dụng điện không cần thiết đồng loạt vào lúc 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 25- 3- 2017.
Công ty Điện lực đặt in và cấp phát tới các Điện lực tờ gấp poste, banner, phướn quảng bá chương trình Giờ Trái đất năm 2017; niêm yết tại các điểm giao dịch khách hàng, trụ sở làm việc các đơn vị, các địa điểm công cộng chính trong thành phố; làm việc với Công ty Điện chiếu sáng, hạt quản lý đường bộ đề nghị tắt bớt đèn chiếu sáng trên các tuyến đường trong khung giờ trên. Đoàn thanh niên công ty phối hợp cùng Phòng Kinh doanh điện năng triển khai công tác quảng bá tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2017 trên các tuyến phố chính của thành phố
Chương trình Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên nhằm ủng hộ những nỗ lực chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. Năm nay là năm thứ 9, Hải Phòng cùng cả nước tích cực tham gia và hưởng ứng sự kiện này. (Báo Hải Phòng 27/03/2017; Công Thương 27/03/2017)
Nhiều năm qua, khu Từ đường dòng họ Lê Quang, ở xóm Miếu, thôn Minh Tân, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, đã được người dân đảo Cát Hải tôn vinh, bảo tồn với những di sản văn hóa có giá trị như đình, chùa Nghĩa Lộ và miếu Tổ Sơn…
Ngôi Từ đường linh ứng
Từ đường dòng họ Lê Quang được xây dựng cách đây hàng trăm năm, trên đất ngành trưởng. Thuở ban đầu, toàn bộ khu Từ đường chỉ là nhà thờ 5 gian bằng gỗ ván bưng, mái lợp tranh để thờ cúng tổ tiên, do gia đình Trưởng họ là cụ Khóa Giảng (làm nghề bốc thuốc, mất năm 1944) có vợ là cụ Phạm Thị Trạc, trông coi.
Theo bản Phú úy họ Lê soạn lại năm 1991 và người trong họ thì dòng họ Lê Quang vốn có nguồn gốc Thanh Hóa, Nghệ An, di cư ra Thủy Triều (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sinh cơ lập nghiệp, tính đến nay đã hơn 16 đời.
Tiền thân dòng họ Lê đến xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, bắt đầu từ cụ Lê Quang Kính. Cụ sinh hạ được 3 người con trai và phát triển thành 3 ngành mới. Ngành trưởng ở lại xã Nghĩa Lộ. 2 ngành thứ, một định cư ở An Khoái (nay là Đôn Lương, thị trấn Cát Hải), còn một thì ở Xuân Áng (nay là xã Xuân Đám, thị trấn Cát Bà). Cũng theo Phú úy dòng họ Lê Quang thì tính từ đời thứ nhất cụ Lê Quang Kính ở Nghĩa Lộ, tương đương với đời thứ 9 dòng họ Lê ở Thủy Triều, Thủy Nguyên, đến nay dòng họ Lê Quang ở Nghĩa Lộ đã phát triển được 10 đời.
Về Nghĩa Lộ, chúng tôi còn được nghe người dân truyền tụng nhau những câu chuyện linh ứng xung quanh ngôi Từ đường này, như một người đàn ông bị báo oán do trót lấy trộm 1 cây cảnh trong khuôn viên, chuyện một người mắc chứng bệnh ù tai sau khi cưỡi giỡn trên lưng “ông Ngựa” đá... Hoặc chuyện một quan Tây sai quân lấy 1 cây thiên tuế ở Từ đường, bị ốm liệt giường. Vợ tên quan này là người Việt, nghe một ông thầy nổi tiếng phán: “Có lấy của ai cái gì thì mang trả lại cho người ta” mới tá hỏa về bắt chồng trả lại cây thiên tuế. Cũng từ đây, Từ đường dòng họ Lê Quang luôn được con cháu trong dòng họ thờ phụng, tạo nguồn cổ vũ động viên các thế hệ không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, thành đạt trong cuộc sống.
“Địa chỉ đỏ” của hai thời kỳ oanh liệt
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là từ năm 1947 đến năm 1950, Từ đường dòng họ Lê Quang và gia đình cụ Trạc đã trở thành cơ sở đặc biệt của cách mạng. Ở phía Đông nền từ đường, gia đình cụ Trạc đã đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, đồng thời gia đình cũng trực tiếp làm liên lạc để chắp mối với các cơ sở cách mạng trong vùng. Ngày 28-2-1947, thực dân Pháp mở trận càn lớn lên huyện Cát Hải và thị xã Cát Bà, tàn sát rất nhiều người, đốt phá nhà dân các làng thuộc xã Nghĩa Lộ.
Năm 1948, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Yên, huyện Cát Hải cử cán bộ về bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở kháng chiến. Từ đường gia đình cụ Trạc lại tiếp đón, nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện. Khi cơ sở bị lộ, địch đã bắt đồng chí Khúc Kim Luân, cán bộ Huyện ủy, đang ẩn dưới hầm. Chúng bắt luôn ba người con trai của cụ Trạc đem ra tra tấn nhưng vẫn không moi được tin tức gì (sau này, ba người con trai của cụ Trạc đã vượt tù ra vùng tự do, vào bộ đội tham gia kháng chiến). Cùng với ý chí kiên cường, gan dạ của ba người con trai, người con dâu của cụ Trạc là bà Phạm Thị Điển đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong vùng địch, được Nhà nước tặng “Huy chương kháng chiến hạng Nhì”.
Tiếp đến, người cháu gái cụ Trạc là bà Phạm Thị Thưng, cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, không may sa vào tay địch, vẫn một lòng trung thành với cách mạng, không khuất phục trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù và đã anh dũng hy sinh.
Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, bị kẻ thù đàn áp, gia đình cụ Trạc cũng như những người dân Nghĩa Lộ luôn một dạ, một lòng nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, sẵn sàng hy sinh đấu tranh chống địch bắt lính, nộp thuế; phối hợp cùng lực lượng du kích tiêu diệt bốt địch tại đình Nghĩa Lộ, góp phần cùng quân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, huyện Cát Hải đã chủ động sơ tán các cơ quan của Đảng và Nhà nước về xã Nghĩa Lộ. Một lần nữa (từ tháng 8-1965 đến tháng 3-1973), Từ đường dòng họ Lê Quang lại mở rộng cửa đón các đồng chí cán bộ lãnh đạo của huyện. Họ tộc bàn bạc thống nhất dành toàn bộ ngôi Từ đường 5 gian để các cơ quan của Huyện ủy sử dụng. Vườn tược cũng được giao lại để đào giao thông hào, xây dựng hầm bê-tông cốt sắt làm việc khi có chiến sự.
Từ đường dòng họ Lê Quang, Nghĩa Lộ không chỉ là nơi tôn thờ ông tổ một dòng họ và các thế hệ tiếp nối của dòng họ này. Với những công lao trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây thực sự là “địa chỉ đỏ” của dân tộc, mãi được lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Cát Hải ghi nhận, xứng đáng được tôn vinh bằng di tích lịch sử cấp thành phố.(An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Sáng 19-3, tại Trường THPT Phạm Ngũ Lão, Huyện Đoàn Thủy Nguyên tổ chức chung kết cuộc thi Nữ sinh tài năng, thanh lịch khối THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Thuỷ Nguyên năm học 2016-2017.
Khởi động từ ngày 22-2, cuộc thi thu hút gần 100 thí sinh đến từ 9 Trường THPT và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên toàn huyện tham gia. Ban tổ chức lựa chọn 9 thí sinh xuất sắc bước vào vòng chung kết. Tại đây, các thí sinh trải qua 3 phần thi: trình diễn áo dài, thi tài năng và ứng xử.
Với câu trả thông minh, đầy tự tin về chiếc áo dài cách tân, em Đồng Thị Ngân đến từ Trường THPT Quang Trung xuất sắc trở thành hoa khôi cuộc thi. 2 giải á khôi thuộc về thí sinh Nguyễn Trà My (Trường THPT Lý Thường Kiệt) và thí sinh Nguyễn Lan Anh (Trường THPT Lê Ích Mộc). Ban tổ chức cũng trao các giải phụ: “Thí sinh mặc áo dài đẹp nhất” thuộc về em Lý Nha Trang (Trường THPT Thủy Sơn) và “Thí sinh tài năng triển vọng” cho em Đỗ Lan Anh (Trường THPT Phạm Ngũ Lão).
Cuộc thi “Nữ sinh tài năng, thanh lịch” huyện Thuỷ Nguyên tạo sân chơi bổ ích, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, trí tuệ, tài năng của các nữ sinh, tạo điều kiện cho các em có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời tăng cường mối quan hệ, đoàn kết giữa các đoàn viên, học sinh khối trường học trong toàn huyện. (Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Từ ngày 18 đến 19-3, tại nhà thi đấu Trường đại học Dân lập Hải Phòng diễn ra giải bóng bàn các CLB Hải Phòng - Cúp PCCC năm 2017. Đây là giải đấu do Liên đoàn bóng bàn thành phố cùng Cảnh sát PCCC thành phố phối hợp tổ chức.
150 VĐV đến từ 24 CLB cùng nhau tranh tài ở 7 nội dung thi đấu gồm: đồng đội hỗn hợp (phân 2 hạng gồm A-B, C-D theo điểm tích lũy của mỗi vận động viên thi đấu qua các giải), đôi nam hỗn hợp (phân 2 hạng A-B, C-D), đôi nam nữ hỗn hợp, đôi nữ, đôi lãnh đạo.
Không có bất ngờ sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, hấp dẫn, 3 CLB được đánh giá cao nhất giải là PCCC, Thái Lâm, Hỏa Châu tiếp tục thể hiện được sức mạnh và truyền thống của mình khi lần lượt xếp ở các vị trí dẫn đầu toàn đoàn.
Với sức mạnh vượt trội, CLB Phòng cháy chữa cháy giành 5 HCV, 1 HCB, giành vị trí nhất toàn đoàn và đoạt cúp vô địch. Xếp ở vị trí thứ 2 toàn đoàn là CLB Thái Lâm với 3 HCB, 3 HCĐ. Vị trí thứ 3 toàn đoàn thuộc về CLB Hỏa Châu với 1 HCB, 2 HCĐ. Ngoài ra, BTC còn trao huy chương cho các nội dung đồng đội nam các hạng đấu, đôi nam các hạng, đôi nữ, đôi nam nữ và đôi lãnh đạo. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)
Giải vô địch Taekwondo Đông Nam Á 2017 đang diễn ra tại Malaysia với sự tham gia của hơn 300 VĐV của 7 nước trong khu vực là: Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và chủ nhà Malaysia.
Các vận động viên thi đấu ở 3 lứa tuổi: Cadet (12-14 tuổi), Junior (15-17 tuổi) và vô địch (từ 18 tuổi trở lên). Ở những ngày thi đấu đầu tiên, đội tuyển Taekwondo Việt Nam đang tỏ ra lấn lướt khi giành tới 12 HCV trong tổng số 13 nội dung quyền được trao, 7 HCV trong tổng số 12 nội dung đối kháng.
VĐV Nguyễn Sĩ Phương của đội tuyển Taekwondo Hải Phòng đã xuất sắc giành HCV ở lứa tuổi trẻ ở nội dung đối kháng hạng trên 78 kg khi vượt qua VĐV nước chủ nhà với tỷ số 8-3. Tấm HCV của Sĩ Phương mang ý nghĩa đột phá với taekwondo Hải Phòng bởi đây là tấm HCV đối kháng quốc tế đầu tiên mà Taekwondo Hải Phòng giành được sau HCV quyền của Vũ Thành Dương ở Sea Games 29.
Theo đánh giá của HLV Phạm Hồng Lam, Sĩ Phương là VĐV rất triển vọng của Taekwondo Hải Phòng. Sĩ Phương sinh năm 2000, sở hữu chiều cao 1m94, thể lực tốt và ý chí luyện tập, thi đấu rất cao. Sĩ Phương tập phong trào và mới chính thức được tuyển vào môn Taekwondo năm 2016 nhưng đã giành được 1 HCV tại Hội khỏe phù đổng toàn quốc năm 2016, giành HCĐ tại giải trẻ toàn quốc 2016 và HCĐ tại giải Cúp các CLB mạnh toàn quốc tại Tây Ninh.
Tấm HCV tại giải Taekwondo Vô địch Đông Nam Á của Sĩ Phương là động lực để Taekwondo Hải Phòng tiếp tục đầu tư vào những VĐV trẻ. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017; Báo Hải Phòng 27/03/2017)
Chiến thắng trong trận đấu ngẹt thở với chủ nhà TP. HCM, Hải Phòng đã giành vị trí thứ 3 trên BXH. Đó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng trước kỳ nghỉ tập trung đội tuyển…
Chơi trên sân khách, hàng thủ lại thiếu vắng trung vệ Văn Phú trong khi Văn Thắng ngồi dự bị nên HLV Trương Việt Hoàng chủ động để CLB Hải Phòng chơi thấp, quyết liệt nhằm hạn chế sức ép của đối phương. Lối chơi này đã phát huy tác dụng bởi đội bóng đất Cảng luôn có đủ người để phòng ngự.
Trên hàng công, chỉ Stevens chơi cắm còn tiền đạo Fagan cũng tích cực lui về trong những tình huống cố định. Bộ đôi trung vệ Văn Lợi và Hoài Xuân của Hải Phòng tuy chưa có sự ăn ý cần thiết nhưng nhận được sự hỗ trợ kịp thời của tiền vệ Quốc Trung, Khánh Lâm cùng sự xuất sắc của TM Văn Lâm nên vẫn đứng vững trước sức tấn công của TP. HCM.
Kiên trì với lối chơi phòng ngự, phản công sở trường, Hải Phòng đã có chiến thắng đến từ Stevens. Ru ngủ hàng phòng ngự TP HCM từ đầu trận đấu nhưng phút 77, Stevens chọn đúng vị trí để đánh đầu nguy hiểm. Mặc dù TM Xuân Việt kịp phản xạ hất bóng ra nhưng không thể cản phá cú dứt điểm thứ hai từ tiền đạo người Jamaica.
Đánh giá về trận đấu, HLV Trương Việt Hoàng cho rằng: Chúng tôi chuẩn bị và nghiên cứu khá kỹ về đối thủ nên không để cho các chân sút của họ tạo sức ép. Bên cạnh đó, thủ môn Văn Lâm đã chơi rất tốt, cứu thua nhiều tình huống nguy hiểm.
Giành chiến thắng 1- 0 trên sân Thống Nhất, Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 3 trên BXH với 17 điểm, qua đó ghi tên mình vào cuộc đua đến ngôi vô địch. Kết thúc vòng 10, V. League 2017 tạm nghỉ để ĐTQG tập trung và sẽ trở lại vào ngày 1-4 với những trận đấu ở vòng 11. (An ninh Hải Phòng 27/03/2017)