Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 26/6/2015)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 26/6/2015)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.                 Người chuyển giới tiếp tục sống “ngoài vùng phủ sóng”

"Quy định về chuyển đổi giới tính trong dự luật không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà còn là một điều khó và mới"- đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói như vậy khi góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chiều 25/6.

ĐB Trần Ngọc Vinh bày tỏ: Khi nghiên cứu tôi thấy quy định trong dự thảo không thống nhất với nhau, một mặt nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác… "Về nguyên tắc nếu nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không cho phép thay đổi hộ tịch, quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó quy định như vậy là thừa và không khả thi" - ĐB Vinh khẳng định.

ĐB Trần Ngọc Vinh có những phân tích kỹ xung quanh vấn đề chuyển giới. Ảnh: L.K

Từ phân tích trên, ĐB Vinh đặt ra một số vấn đề với Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Thứ nhất nếu không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì ta có vi phạm luật không? Thứ hai, trong thực tiễn xã hội hiện nay đã có nhiều người chuyển đổi giới tính, nếu nhà nước không thừa nhận họ tức là họ phải tiếp tục sống “ngoài vùng phủ sóng” về pháp luật. Vậy họ sẽ tham gia, hoà nhập xã hội như thế nào, các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động đến họ hay không? Thứ ba, việc thực thi pháp luật về tố tụng hình sự đối với những người chuyển đổi giới tính sẽ được giải thích như thế nào, như về vấn đề tạm giam tạm giữ, thi hành án phạt tù? Thứ tư là tác động đối với kinh tế xã hội, sức khoẻ, nòi giống và đạo đức truyền thống văn hoá như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển đổi giới tính?

Cùng quan điểm với ĐB Vinh, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cũng nhìn nhận việc chuyển đổi giới tính là vấn đề nhạy cảm, bởi thừa nhận hay không thừa nhận không chỉ liên quan đến vấn đề nhân thân mà còn nhiều vấn đề khác nhau như chăm sóc dịch vụ y tế, hôn nhân đồng giới. "Đã không thừa nhận thì nên quy định chặt chẽ trong luật" - ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là hai vấn đề khác nhau, nhưng quy định trong dự thảo luật lại chưa có sự phân biệt. Trong thực tế có nhiều trường hợp bị bệnh, bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, sau đó họ phải nhờ sự can thiệp của y học. Bên cạnh đó có trường hợp bình thường nhưng muốn chuyển đổi giới tính. Vì vậy nên tách làm 2 điều luật là xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. (Lương Kết - Báo Nông thôn ngày nay 26/06)

2.                 Góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội 15 đảng bộ thành phố: Đánh giá sâu hơn phần hạn chế, khuyết điểm

Chúng tôi cơ bản nhất trí với phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố. Tuy nhiên, về phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân nên bổ sung thêm một số mặt yếu cần khắc phục. Thành phố chưa tập trung cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Một số cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng về thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; công tác luân chuyển cán bộ còn hạn chế, có biểu hiện tiêu cực, chạy chức chạy quyền. Lĩnh vực y tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn nhiều hạn chế như yếu về chuyên môn, xuống cấp về y đức. Vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong tham gia xây dựng Đảng, thực hiện chính sách pháp luật ở thành phố chưa được phát huy cao.

Về nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ tới, chúng tôi nhất trí với 8 định hướng lớn và 8 nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo, trong đó đưa nhiệm vụ xây dựng Đảng lên số 1, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, nên cân nhắc cách diễn đạt nói về công tác cán bộ (mục 1, phần 2 các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu ở cuối trang 30): “Thực hiện đồng bộ và nâng cao hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 02 của Thành ủy. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, có khát vọng, luôn nung nấu các suy nghĩ, kế hoạch đưa thành phố đi lên; có khả năng đưa ra các phân tích sắc sảo phát hiện các cơ hội phát triển thành phố khi còn manh nha; có năng lực tổ chức thực hiện các công việc một cách xuất sắc để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, liên tục tạo ra nhiều đột phá, luôn sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố...”. Cách diễn đạt này mang tính văn học-nghệ thuật, chưa thực sự phù hợp với nghị quyết của Đảng, đồng thời đặt ra yêu cầu quá cao đối với đội ngũ cán bộ các cấp.

Đồng thời, đề nghị xem xét lại nhiệm vụ, giải pháp thứ 2, đoạn viết về “đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội, nhất là cảng biển, cảng hàng không quốc tế, đường giao thông ven biển và hạ tầng trung tâm hành chính, chính trị đô thị mới Bắc sông Cấm”...Theo chúng tôi, nên thay từ “vượt trội” bằng từ “hiện đại” vì trên thực tế các công trình này đang trong quá trình thi công, còn lâu mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhất là trung tâm hành chính, chính trị mới Bắc sông Cấm. (Hồ Luyện - Báo Hải Phòng 26/06)

3.                 Ngày làm việc thứ 29, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 Thông qua 4 dự án luật và nghị quyết về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành

Ngày 25- 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Với đa số đại biểu (ĐB) tán thành, 4 dự án luật được Quốc hội thông qua gồm:  Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), quy định về chuyển giới như dự thảo là không thống nhất, vừa không công nhận lại vừa công nhận. ĐB cho rằng: về nguyên tắc, nếu Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cho phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề gồm: dưới góc độ quyền con người, nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính có vi phạm không? Thực tiễn xã hội tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu Nhà nước không thừa nhận họ, tức là họ tiếp tục phải sống ngoài ”vùng phủ sóng” về pháp luật. Vậy, họ sẽ tham gia và hòa nhập vào các các hoạt động xã hội như thế nào, các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động tới họ không? Việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người chuyển giới tính sẽ giải quyết như thế nào? Tác động đối với kinh tế - xã hội, sức khỏe, nòi giống và đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc như thế nào, nếu công nhận cho phép chuyển giới ?

Về  quyền đặt tên, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, việc đặt tên còn phải bảo đảm bản sắc văn hóa dân tộc: “Thực tiễn xây dựng pháp luật cho thấy, tất cả văn bản hiện nay đều nhất quán quan điểm ngôn ngữ văn bản phải là tiếng Việt, dễ hiểu. Nhìn ra thế giới,  mỗi dân tộc đều có tiếng nói, chữ viết riêng của mình và họ đều ra sức bảo vệ, phát triển ngôn ngữ của mình, vậy tại sao lại tự “hòa tan”, “lai căng” để đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ?.

Đáng chú ý, về vấn đề quyền thừa kế, ĐB Khúc Thị Duyền cho rằng, cần xem xét con rể, con dâu cũng được hưởng quyền thừa kế, vì hiện nay với quy mô gia đình ít con, con rể, con dâu cũng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ vợ-  chồng như con trai, con dâu. Thậm chí ở nhiều gia đình, họ còn chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ nhiều hơn con đẻ. ĐB Nguyễn Thanh Hòa (Bắc Ninh) đồng tình với ý kiến này khi cho rằng, nhiều con dâu cả đời chăm lo bố mẹ chồng nhưng toàn bộ tài sản, bất động sản lại đứng tên con trai và họ không được hưởng quyền thừa kế là bất công.

Hôm nay, Quốc hội họp phiên  bế mạc. (Báo Hải Phòng 26/06; An ninh Hải Phòng 26/06)

4.                 UBND thành phố họp phiên thường kỳ tháng 6: Đổi mới chỉ đạo điều hành, giảm thủ tục, phối hợp chặt chẽ thực hiện nhiệm vụ

Đồng chí Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo như vậy tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 6 của UBND thành phố chiều 25- 6. Cùng dự có Ủy viên Thường trực HĐND thành phố; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương…

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: 6 tháng qua, thành phố làm được nhiều việc, kết quả khá nổi bật và rõ nét. Sự đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành được thể hiện rõ, tăng cường trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường phân cấp, giảm họp; điều hành tập trung vào những việc lớn, trọng tâm, trọng điểm… Do đó, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu nổi trội như GDP tăng trưởng gấp hơn 1,5 lần bình quân chung cả nước, cao nhất trong nhiều năm gần đây, cao hơn nhiều tỉnh, thành phố lớn; IIP cũng tăng ở mức cao; sản lượng hàng qua cảng khá ấn tượng; thu hút vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài đạt khá, đặc biệt là thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào Hải Phòng như Vingroup, Nguyễn Kim, Him Lam, Techcombank; thu ngân sách mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng thu 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014; các dự án, công trình, trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của thành phố tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện; các chỉ tiêu khác bám sát kế hoạch, nhiều lĩnh vực thực hiện vượt mức và có xu hướng tiếp tục ổn định, tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm…

Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ sự chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện công việc còn quá nhiều thủ tục, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa nhịp nhàng; nhiều dự án, công trình quy mô vừa và nhỏ có vướng mắc. Cùng với đó, công tác thu ngân sách chưa đạt như kỳ vọng, còn thất thu, thất thoát, chưa khai thác hết nguồn thu. Tình hình vi phạm trật tự xây dựng có chiều hướng gia tăng; tiến độ xây dựng nông thôn mới quá chậm…

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, trong 6 tháng cuối năm, các cấp ngành, địa phương, đơn vị  tập trung cao vào việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm của thành phố, cụ thể là dự án của Vingroup, Him Lam, Nguyễn Kim, Techcombank…; ưu tiên giải phóng mặt bằng và tập trung nguồn lực cho các dự án quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, quốc lộ 10, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, đường Worl Bank… Chủ tịch đặc biệt lưu ý tiến độ xây dựng nông thôn mới và yêu cầu các huyện  chủ động thực hiện, giao ban hằng tuần, kịp thời phản ánh các vướng mắc để tháo gỡ, quyết tâm hoàn thành kế hoạch tiến độ. Cùng với đó, tập trung cao thu ngân sách, phấn đấu tăng thu 2000 tỷ đồng trong năm 2015; quan tâm vấn đề an sinh xã hội, trước mắt thực hiện tốt các chính sách với người có công trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh -liệt sĩ 27- 7…

Tại phiên họp, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo thành phố, các ngành, địa phương tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng triển khai xây dựng nông thôn mới chậm so với kế hoạch; đề nghị thành phố bổ sung danh mục một số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015; đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, sớm có biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đang có chiều hướng gia tăng, tập trung cho công tác phòng, chống cháy nổ, phòng, chống dịch bệnh... (Báo Hải Phòng 26/06; An ninh Hải Phòng 26/06)

5.                 Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ 25, nhiệm kỳ 2015 – 2020 - Tạo đột phá phát triển bằng đào tạo nhân tài và xây dựng huyện chuẩn nông thôn mới

Sáng 25-6, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ 25, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây là Đảng bộ được Thành ủy Hải Phòng chọn chỉ đạo tổ chức đại hội điểm khối huyện. Đến dự và trực tiếp chỉ đạo đại hội có các đồng chí: Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Văn Thành, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố. Cùng dự đại hội có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo các địa phương kết nghĩa với huyện Vĩnh Bảo tại 2 tỉnh Hải Dương, Thái Bình cùng 235 đại biểu đại diện của hơn 8.700 đảng viên thuộc 88 chi, đảng bộ trên địa bàn huyện.

Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ 25 có chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Đồng chí Nguyễn Văn Quyn, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo trình bày Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ khóa 24 trình đại hội, nêu bật những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015.

5 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo nỗ lực khắc phục khó khăn, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung trí tuệ, lãnh đạo địa phương hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu KT-XH. Cụ thể, giá trị sản xuất bình quân tăng 11,9%, thu nhập đạt 30 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt hơn 7.700 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Xác định địa phương là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của thành phố, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa hằng năm dẫn đầu toàn thành phố với  bình quân đạt 12,6 tấn/ha; xây dựng thành công 156 vùng sản xuất tập trung, 7 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 210 ha. Đến năm 2015, toàn huyện đạt bình quân 13 tiêu chí nông thôn mới, trong đó xã Nhân Hòa về đích. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm; 95% số hộ dân được dùng nước sạch, hợp vệ sinh; giải quyết việc làm mới cho hơn 1,5 vạn lao động; tỷ lệ học sinh giỏi và tốt nghiệp dẫn đầu khối huyện và là điểm sáng trong công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi địa bàn thành phố. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe được quan tâm, đời sống từng bước được cải thiện, niềm tin của nhân dân được củng cố.

Công tác xây dựng Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao và thiết thực. Đảng bộ huyện quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 khoá 11 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ và tổ chức Đảng đối với hệ thống chính trị; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được xây dựng vững mạnh; các hoạt động giám sát, phản biện xã hội tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất mục tiêu phát triển huyện đến năm 2020 là đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống  nhân dân. Tăng cường, củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh; nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của toàn đảng bộ và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị; phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên tinh thần đoàn kết, tập trung, dân chủ, kỷ cương và công khai, đại hội bầu 41 đồng chí vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa 25, nhiệm kỳ 2015- 2020, bảo đảm đúng định hướng. Chiều cùng ngày, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo khóa 25 họp phiên thứ nhất, bầu 11 đồng chí vào Ban Thường vụ Huyện ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Quyn, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo khóa 24 được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo khóa 25, nhiệm kỳ 2015- 2020.

Hôm nay ngày 26-6, Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo tiếp tục tiến hành các nội dung theo chương trình. (Báo Hải Phòng 26/06; An ninh Hải Phòng 26/06)

6.                 Nhân sự mới

Thường trực Thành ủy vừa triệu tập hội nghị, công bố các Quyết định của Ban thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ lãnh đạo Ban dân vận Thành ủy. Đồng chí Dương Anh Điền - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP chủ trì hội nghị. Cùng  dự  có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy: Nguyễn Đình Then - Trưởng ban dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP; Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng ban tuyên giáo; Cao Xuân Liên - Trưởng ban tổ chức.

Theo đó, tại Quyết định số 1847-QĐ/TU ngày 18-6-2015 của Ban thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Đình Then - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP, thôi giữ chức Trưởng ban dân vận Thành ủy. Tại Quyết định số 1848-QĐ/TU ngày 18-6-2015 của Ban thường vụ Thành ủy, đồng chí Bùi Đức Quang - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, được điều động về công tác tại Ban dân vận Thành ủy, bổ nhiệm giữ chức vụ quyền Trưởng ban ban dân vận Thành ủy.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Anh Điền đánh giá cao những đóng góp của đồng chí Nguyễn Đình Then, đã hoàn thành xuất sắc mọi cương vị công tác, đặc biệt đối với công tác dân vận thời gian qua. Chúc mừng đồng chí Bùi Đức Quang trên cương vị mới, Bí thư Thành ủy Dương Anh Điền cho rằng, trong bối cảnh thành phố đang nỗ lực thực hiện Kết luận 72 của Bộ Chính trị, bên cạnh những thuận lợi, công tác dân vận cũng gặp không ít khó khăn. Nhiệm vụ thời gian tới đặt ra là hết sức nặng nề, vì vậy đồng chí Bùi Đức Quang cần tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết cùng tập thể Ban dân vận Thành ủy, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, kế thừa và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dân vận của Đảng.

Tại quận Dương Kinh, đồng chí Dương Anh Điền - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, chủ trì hội nghị công bố Quyết định của Ban thường vụ Thành ủy về việc chuẩn y chức vụ Bí thư Quận ủy Dương Kinh. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên thường vụ Thành ủy: Lê Vũ Thành - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng ban tuyên giáo; Cao Xuân Liên - Trưởng ban tổ chức.

Theo Quyết định số 1855-QĐ/TU ngày 23-6-2015 của Ban thường vụ Thành ủy, đồng chí Bùi quang Hải - Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Dương Kinh, được chuẩn y giữ chức Bí thư Quận ủy Dương Kinh nhiệm kỳ 2010-2015.

Chúc mừng đồng chí Bùi Quang Hải, Bí thư Thành ủy Dương Anh Điền nhấn mạnh, đây là vinh dự, trách nhiệm, thể hiện niềm tin của lãnh đạo và nhân dân thành phố, khẳng định những nỗ lực của đồng chí Bùi Quang Hải qua suốt quá trình công tác với nhiều cương vị khác nhau.

Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu đồng chí Bùi Quang Hải tiếp tục phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm, nắm chắc các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu phát triển của thành phố, các nghị quyết, chỉ thị và nguyên tắc của Đảng, cùng Đảng bộ - chính quyền và nhân dân quận Dương Kinh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng… Trong đó, trước mắt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. (LMT - An ninh Hải Phòng 26/06; Báo Hải Phòng 26/06)

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XV ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

7.                 Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ 25, nhiệm kỳ 2015-2020

Sáng 25-6, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ 25 (nhiệm kỳ 2015-2020). Đây là Đảng bộ được Thành ủy Hải Phòng chọn chỉ đạo tổ chức đại hội điểm khối huyện để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

Dự và chỉ đạo đại hội có các đồng chí: Dương Anh Điền - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Văn Thành - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đại diện Ban tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.

Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo đoàn kết, tập trung trí tuệ, lãnh đạo toàn huyện hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, thể hiện ở các lĩnh vực như: Giá trị sản xuất bình quân 5 năm tăng 11,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt hơn 7.700 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Cụm công nghiệp Tân Liên giai đoạn 1 được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất. Lĩnh vực nông nghiệp, năng suất lúa hàng năm dẫn đầu toàn thành phố, bình quân đạt 12,6 tấn/ha, xây dựng thành công 156 vùng sản xuất tập trung, 7 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 210ha; triển khai hiệu quả mô hình cơ giới hoá đồng bộ tại 2 xã Nhân Hòa, Cộng Hiền và các vùng rau an toàn tại xã Trấn Dương và Hùng Tiến, góp phần đưa hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2015, toàn huyện đạt bình quân 13 tiêu chí, xã Nhân Hòa về đích chương trình nông thôn mới. Phấn đấu trong năm 2015 huyện có thêm 6 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.

Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy và tổ chức Đảng đối với hệ thống chính trị; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng không ngừng nâng cao; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được xây dựng vững mạnh…

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Dương Anh Điền - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Bảo đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời yêu cầu Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế của địa phương cùng những vận hội mới để tập trung bàn các giải pháp, bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, với truyền thống hiếu học từ xa xưa, huyện Vĩnh Bảo cần đặc biệt quan tâm tới việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài của địa phương đóng góp cho thành phố và đất nước.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ là cơ sở thuận lợi nhưng thực hiện tốt nghị quyết đề ra và đưa nghị quyết vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đòi hỏi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ cần phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực cao hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020; chú trọng công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy; làm tôt công tác cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy. (Trung Kiên - An ninh Hải Phòng 26/06)

8.                 Quận Kiến An: Đổi thay từ những công trình

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, với mục tiêu xây dựng quận trở thành đô thị văn minh, hiện đại, Đảng bộ quận Kiến An tập trung lãnh đạo, chủ đạo thực hiện nhiệm vụ đầu tư, cải thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nhiều công trình hoàn thành trong giai đoạn 2010-2015 và những công trình trọng điểm đang triển khai không chỉ tạo bộ mặt mới cho đô thị Kiến An mà còn tác động tích cực đến đời sống, dân sinh.

Những công trình làm thay đổi cuộc sống

Con đường dẫn vào liên tổ dân phố (TDP) Đồng Tử 3, Đồng Tử 4, Đồng Tử 5, phường Phù Liễn (Kiến An) bây giờ khang trang và sạch đẹp. Trước đây, con đường này nhỏ hẹp, ngày nắng thì bụi, khi mưa lại lầy lội. Để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, Đảng ủy, chính quyền và đoàn thể phường vận động người dân đóng góp kinh phí, công sức để mở rộng, làm mới lại con đường. Chị Nguyễn Thị Minh, TDP Đồng Tử 4 chia sẻ: người dân chúng tôi rất vui khi đường được xây mới, không chỉ giúp việc đi lại thuận lợi mà còn tạo đà phát triển kinh tế. Không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy, các nhà mặt đường thoáng mát, sạch sẽ, nhiều hộ dân trước không có việc gì làm nay mở quán kinh doanh dịch vụ, ăn uống,  nhờ đó cuộc sống ổn định hơn.

Trong 5 năm 2010-2015, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thành không chỉ tạo một bộ mặt mới cho đô thị quận Kiến An mà còn tác động tích cực đến đời sống, dân sinh… Đường Trường Chinh là tuyến đường trục chính của quận Kiến An, vốn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT do hạ tầng kỹ thuật xuống cấp. Mặt đường lồi lõm, nhiều vết rạn, đọng nước kéo dài khi trời mưa. Vạch phân làn đường mờ, gờ giảm tốc mất tác dụng, một số biển báo giao thông bị cây xanh ven đường che khuất. Trên tuyến đường này có đủ loại hình phương tiện từ xe ngựa, xe thồ đến xe tải trọng lớn hoạt động, tình trạng ùn tắc diễn ra liên tục.  Tháng 8-2014, vỉa hè tuyến đường Trường Chinh được cải tạo, nâng cấp lát gạch bloc. Toàn bộ cây gạo gai tán rộng được chặt bỏ hoặc tỉa cành tạo thông thoáng, mở rộng tầm quan sát cho người tham gia giao thông. Nằm trong hợp phần các công trình thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị, mặt đường Trường Chinh tiếp tục được nâng cấp, trải thảm áp-phan tạo đồng bộ hạ tầng giao thông, thuận tiện cho người dân, giảm thiểu các vụ va quệt, tai nạn giao thông... Rồi dự án công trình quán hoa ngã 5 với kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng; hệ thống thoát nước và lát vỉa hè đường Trần Thành Ngọ; hơn 1000 m2 vườn hoa, cây xanh tại các phường... tạo diện mạo đô thị tươi mới, người dân thêm phấn khởi.

Thay đổi diện mạo

5 năm qua (2010-2015), có thể xem là giai đoạn quận Kiến An dồn sức cho nhiều công trình trọng điểm; nhằm giải quyết những bài toán dân sinh lâu nay từ vấn đề giao thông, công trình công cộng, công trình xã hội.

Chủ tịch UBND quận Kiến An Trần Văn Quý cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Kiến An lần thứ 4, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xây dựng quận Kiến An có kinh tế, văn hóa-xã hội phát triển, quốc phòng-an ninh vững mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; xây dựng quận Kiến An trở thành đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố và vùng duyên hải Bắc bộ”. Với định hướng huy động mọi nguồn lực xây dựng quận thành đô thị văn minh, hiện đại, quận Kiến An có giải pháp thực thi hiệu quả cao. Các nguồn vốn đầu tư của quận được phân bổ theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Quận ưu tiên nguồn thu ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản. Trong 5 năm qua, chi đầu tư xây dựng cơ bản của các phường tăng bình quân 17%/năm (kế hoạch đại hội đề ra từ 10-12%/năm). Bên cạnh đó, nhờ sự kết hợp khéo léo trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và việc công khai tài chính trong quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng, Đảng ủy nhiều phường, nhiều chi bộ TDP lãnh đạo, tổ chức huy động sự đóng góp của người dân đạt kết quả cao để cải tạo chỉnh trang đô thị. Trong các năm 2010-2015, toàn quận thi công hàng chục công trình giao thông với tổng chiều dài hàng nghìn m, tổng giá trị xây lắp hàng trăm tỷ đồng. Đáng kể như đường Hoàng Công Khanh; nâng cấp mặt ngõ và đường thoát nước ngõ số 8 phố Trần Nhân Tông, đường Trương Công Định, đường vào Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận và đường Chiêu Chinh,....

Ngoài các công trình do các phường vận động xây dựng, một số công trình lớn trên địa bàn cũng được thành phố quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thông suốt, phố phường khang trang, sạch đẹp. Như các dự án mở rộng nút giao thông Quán Trữ, đường 109, đường Cột Còi, đường cứu nạn, cứu hộ phường Bắc Sơn, hệ thống điện chiếu sáng đường Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn,... Quận Kiến An phối hợp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án phát triển giao thông đô thị như cầu Niệm 1, cầu Niệm 2, cầu Đồng Khê, đường nối quốc lộ 5 và 10; nghiên cứu lập quy hoạch dự án đô thị ven các tuyến đường giao thông mới; kết hợp chỉnh trang đô thị cũ gắn với bảo tồn các công trình văn hóa, quốc phòng - an ninh, xây dựng đô thị Kiến An theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại.

Bí thư chi bộ TDP Gò Công 4, phường Phù Liễn, ông Phạm Trung Tặng tâm huyết: Trong 5 năm qua, đời sống kinh tế-xã hội của người dân trên địa bàn quận Kiến An có bước chuyển biến khá, đặc biệt về bộ mặt đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhờ sự chung tay, góp sức của cả Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Chặng đường đi tới của Đảng bộ và nhân dân quận Kiến An tuy còn nhiều khó khăn nhưng cũng mở ra nhiều thời cơ và vận hội mới. Tin tưởng với truyền thống lịch sử và văn hoá, với những tiềm năng và lợi thế của mình, Kiến An tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. (Nguyên Mai - Báo Hải Phòng 26/06)

AN NINH – PHÁP LUẬT

9.                 Bắt nữ quái tàng trữ súng ngắn, buôn ma túy liên tỉnh

Sáng 25-6, Đại tá Mai Chiến Thắng, Phó Trưởng Công an TP Vinh (Nghệ An), cho biết đã phá thành công chuyên án 615 TL, triệt phá đường dây ma túy từ Hải Phòng, Hà Nội về TP Vinh và TP Hà Tĩnh.

Sau hai tháng xác lập chuyên án, theo dõi, tối 24-6, Cơ quan Công an TP Vinh thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Phạm Thị Tuấn Anh (36 tuổi) tự Mai “con”, trú tại xóm 19, xã Nghi Phú, TP Vinh về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.

Khi thấy công an, Mai “con” vội vàng ôm gói ma túy lao chạy ra cửa sau để vứt xuống cống nhằm phi tang. Tuy nhiên, các chiến sĩ cảnh sát kịp thời khống chế, bắt giữ Mai.

Khám xét nơi ở của Mai “con”, công an thu giữ năm gói ma túy đá (trọng lượng 300 gam) 1.000 viên thuốc lắc (ma túy tổng hợp), 80 gam ketamin, một khẩu súng ngắn hiệu RG 88 cùng 5 viên đạn, 5 điện thoại di động và 350 triệu đồng.

Bước đầu, Mai khai nhận thời gian qua đã móc nối với các đối tượng ở TP Hải Phòng, Hà Nội để thiết lập đường dây đưa ma túy vào Nghệ An, Hà Tĩnh tiêu thụ.

Bản thân Mai đã có tới 3 tiền án về các tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hiện Cơ quan Công an TP Vinh đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng mở rộng điều tra chuyên án, truy bắt các đối tượng liên quan. (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh 26/06)

10.            Kẻ buôn người dưới lốt cô gái trẻ ngây thơ

Sáng 24-6, tại xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, TAND thành phố Hải Phòng xét xử lưu động Nguyễn Thị Minh Phượng, sinh 1995, ở xóm Đầm, xã Trung Hà, Thủy Nguyên, về tội “Mua bán người” (theo Điều 119, khoản 2 BLHS).

Theo cáo trạng, qua Lê Thị Nhường, Nguyễn Thị Minh Phượng quen biết Lê Thị Trinh (em gái Nhường). Đầu tháng 4-2014, Trinh gọi điện thoại cho Phượng từ Trung Quốc nhắn tìm người đưa sang Trung Quốc bán làm gái mại dâm. Thực hiện kế hoạch, 7h ngày 27-4-2014, Phượng đi xe taxi đến nhà cháu Bùi Thị A., sinh 1998, ở xã Hòa Bình, Thủy Nguyên, đón đi đến ngã 3 xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, cùng ăn sáng. Trước khi đi, Phượng vờ rủ A. sang nội thành dự sinh nhật. Tuy nhiên sau khi ăn sáng xong, Phượng đón xe khách cùng A. đi ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Thấy vậy, A. hỏi đi đâu thì được Phượng trả lời “đi cùng chị có việc”.

Trên đường đi, Phượng gọi điện thoại liên hệ với Lê Thị Trinh và được hướng dẫn đến bến xe Móng Cái, Quảng Ninh thì sẽ có người đón. Quả nhiên khi Phượng và cháu A. tới Móng Cái liền được một người đàn ông đi xe máy đến đón chở ra bến đò, sau đó một phụ nữ đưa qua sông Ka Long. Sang Trung Quốc, Phượng và A. tiếp tục được 2 người đàn ông đi xe ô tô đón, trên đường đi, Trinh gọi điện thoại bảo Phượng đổi xe. Viện cớ phải đi 2 xe khác nhau “không thì bị Công an Trung Quốc bắt”, Phượng lên một chiếc xe ô tô khác rồi quay về Việt Nam. Trên đường về, Trinh gọi điện thoại bảo tiền để dưới ghế xe ô tô, Phượng tìm thấy 1 tập tiền NDT, sau đó mang về Móng Cái đổi được 21.000.000 VNĐ. Về phần cháu A., tiếp tục được 2 người đàn ông đưa sâu vào nội địa Trung Quốc gặp Trinh. Tại đây, Trinh bảo với A.: “Cái Phượng bị Công an bắt rồi, em phải ở đây làm vài tháng cho chị mới có tiền về, nếu không chị bán sang sới khác”.

Tiếp đó, trưa 28-4-2014, Phượng về đến nhà ở xóm Đầm, xã Trung Hà. Thấy con gái mất tích, gia đình cháu A. và bạn là Vũ Thị Yến tá hỏa tìm gặp và yêu cầu Phượng đưa cháu A. về Việt Nam. Không còn cách nào khác, Phượng bèn gọi điện thoại cho Trinh bảo đưa A. về. Đến 16h30 cùng ngày, Phượng cùng một số người trong gia đình cháu A. đón xe khách ra Móng Cái, Quảng Ninh và đến 7h ngày 29-4 đón được A. đưa về nhà. Ngay sau khi nhận đơn tố cáo của nạn nhân, cơ quan CSĐT - CATP Hải Phòng đã vào cuộc điều tra, xác minh. Biết không thể thoát tội nên đến ngày 23-7, Nguyễn Thị Minh Phượng ra đầu thú.

Phiên tòa lưu động thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham dự. Đứng trước vành móng ngựa với khuôn mặt xinh xắn, Phượng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Bố mẹ đều làm nông nghiệp và là con út trong gia đình có 4 chị em, Phượng sớm bỏ học và từng lấy chồng là người Hàn Quốc nhưng đã bỏ nhau. Thích công việc nhàn hạ lại rủng rỉnh có tiền ăn tiêu, khi nghe Trinh bảo tìm người đưa sang Trung Quốc làm gái bán dâm, Phượng nảy ra kế hoạch lừa đảo các nạn nhân.

Thủ đoạn của Phượng là lừa gạt những cô gái trẻ cả tin và dụ dỗ giới thiệu công việc “bưng bê nhà hàng” bên Trung Quốc, mức lương cao từ 20-30 triệu đồng/tháng. Ngoài nạn nhân là cháu Bùi Thị A, Nguyễn Thị Minh Phượng còn khai nhận, trước đó vào ngày 14-4-2014, thị đã đưa cháu Lê Thị A., sinh 1998, ở thôn 7, xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, sang Trung Quốc bán cho Lê Thị Trinh được 20.800.000 đồng (hiện cháu A và đối tượng Trinh không có mặt tại địa phương nên Cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra, xử lý). Số tiền có được từ việc bán cháu Bùi Thị A., Phượng đã sử dụng vào việc mua sắm điện thoại, xe đạp điện và tiêu xài cá nhân.

Sau khi xem xét, HĐXX vụ án tuyên phạt Nguyễn Thị Minh Phượng 7 năm 6 tháng tù giam. Đối với Lê Thị Trinh, hiện vắng mặt tại địa phương, Cơ quan CSĐT - CATP đã ra quyết định truy nã. (Đỗ Hiếu - An ninh Hải Phòng 26/06)

11.            Nhiều “xăm trổ” tới bệnh viện tìm “đại gia đất Cảng” bị tạt axit

Bị hai đối tượng lạ mặt tạt axit khi đang ngồi trên chiếc xe Lexus cùng với người tình, ông Trịnh Xuân Thanh (40 tuổi, ngụ tại Q. Lê Chân, TP. Hải Phòng) ngay lập tức được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia Hà Nội điều trị trong tình trạng nguy kịch.

Dư luận có nhiều thông tin trái chiều về nguyên nhân xảy ra sự việc trên. Có thông tin cho rằng ông Thanh và người tình bị đánh ghen nhưng bên cạnh đó cũng có người nói ông Thanh bị đối thủ hãm hại bởi người đàn ông này nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải, có cuộc sống xã hội và đời tư rất phức tạp.

Nhiều xăm trổ tới viện tìm

Chiều ngày 24/6, ông Thanh vẫn đang nằm tại tầng 6, Viện bỏng quốc gia Hà Nội với nhiều vết bỏng khiến da bóc tróc khắp cơ thể. Bên cạnh ông Thanh lúc nào cũng có một người phụ nữ và vài ba người đàn ông ngồi bên cạnh trò chuyện, chăm sóc. Khi biết có PV muốn tìm hiểu sự việc, những người này tỏ ý không vừa lòng, từ chối cung cấp thông tin với lời lẽ căng thẳng. 

Theo một người nhà của bệnh nhân nằm cùng phòng điều trị với ông Thanh cho biết: “Từ lúc ông Thanh nhập phòng điều trị, có rất nhiều đàn ông vẻ mặt dữ tợn, xăm trổ đầy mình đến thăm nom, chăm sóc. Ngoài ra, trong số những người đến còn có một người phụ nữ chừng 40 tuổi, được cho là vợ của ông Thanh vì họ nói chuyện tình cảm. Hiện tôi thấy sức khỏe của ông ấy vẫn còn rất yếu, vừa nói vừa thở hắt ra. Mọi sinh hoạt của ông Thanh trong viện đều cần phải nhờ đến sự trợ giúp của một người phụ nữ”.

Trước đó vào khoảng 15h30 ngày 21/6, ông Thanh cùng một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Bích Phượng (42 tuổi, ngụ tại đường Tô Hiệu, TP. Hải Phòng) ngồi trên chiếc xe ô tô Lexus thì có hai người (một nam, một nữ) bịt mặt, đi xe máy tới gõ cửa. Khi ông Thanh vừa hạ cửa kính xe xuống thì nam thanh niên trên xe máy liền hắt ca axít đậm đặc vào thẳng vùng mặt khiến nạn nhân bị phỏng nặng, bà Phượng ngồi cạnh đó cũng bị axít văng vào người gây bỏng. Bất ngờ trước sự việc xảy ra, ông Thanh và bà Phượng chỉ biết kêu gào rồi chạy vào nhà một người dân gần đó lấy nước vã lên người. Còn đôi nam nữ sau khi gây án đã nhanh chóng phóng xe bỏ chạy trước sự sững sờ của nhiều người dân có mặt trên phố.

“Rửa mặt xong, ông Thanh cởi bỏ hết quần áo bị axít làm mủn, rách tả tơi xuống nền đất nhà tôi. Nước axít do rũ quần áo bắn cả vào người tôi và con gái bỏng rát. May mà ít nên không bị bỏng nặng. Thấy ông Thanh không còn quần áo, mọi người hô hào về nhà tìm chăn mỏng để quấn cho ông ấy rồi đưa vào viện. Còn bà Phượng bị cháy cả vùng vai, tay, rách cả quần áo nên chạy về nhà thay quần áo, gọi điện thoại cho người thân đến giúp” - bà Trần Thị Hương (65 tuổi) người chứng kiến sự việc kể lại.

Trao đổi với PV, các bác sĩ ở Viện bỏng quốc gia Hà Nội cho biết, ông Thanh nhập viện với tình trạng thương tổn 40% diện tích cơ thể, còn bà Phượng bị 15% diện tích cơ thể. “Những ngày ông Thanh nằm điều trị tại bệnh viện, có một người phụ nữ túc trực 24/24h, thi thoảng lại có nhiều người đàn ông khác đến thăm nom. Tuy nhiên, họ rất kín tiếng, ngăn cản bất kỳ ai muốn tới gần tìm hiểu thông tin. Chúng tôi cũng chỉ làm tròn nghĩa vụ khám bệnh cho bệnh nhân mà không muốn tìm hiểu đến đời tư của họ. Mặc dù vậy, trong biểu hiện của người phụ nữ với ông Thanh thì họ khá thân mật, như vợ chồng vậy”, một bác sĩ nói.

Cách nơi ông Thanh nằm điều trị mấy phòng bệnh cũng là nơi bà Phượng đang được các bác sĩ chăm sóc. Tuy nhiên, bà Phượng cũng từ chối cung cấp mọi thông tin liên quan đến vụ việc. Được biết, giữa bà Phượng và ông Thanh có mối quan hệ khá phức tạp. Theo tìm hiểu của PV, bà Phượng và vợ ông Thanh trước đây từng là bạn thân của nhau. Thời trai trẻ, ông Thanh có tình cảm đặc biệt với bà Phượng nhưng không rõ lý do vì sao lại chia tay. Rồi ông Thanh quyết định lấy bạn của bà Phượng và sinh 2 người con.

Mặc dù vậy, cách đây khoảng 10 năm, vợ chồng ông Thanh xảy ra mâu thuẫn nên hai người sống ly thân nhau. Từ đó ông Thanh mua một căn nhà ở đường Tô Hiệu, TP. Hải Phòng rồi để bà Phượng dọn về sống. Thi thoảng ông Thanh về sống tại căn nhà này với bà Phượng như vợ chồng. “Thấy ông Thanh thường xuyên đến đây ở dài ngày, hai người lại có biểu hiện gần thân mật nên người dân trong khu vực cứ nghĩ họ là vợ chồng của nhau. Cho đến khi sự việc xảy ra thì mọi người mới vỡ lẽ họ chỉ là nhân tình. Thật không thể tin được, họ tình cảm lắm, đi ngoài đường tay trong tay chứ không lén lút như trốn vợ, trốn chồng để ngoại tình”, bà Nguyễn Thị Lan (43 tuổi, người dân sống cạnh nhà bà Phượng) cho biết.

Bí ẩn nguyên nhân vụ việc

Sau khi ông Thanh và người tình bị tạt axít, nhiều người cho rằng đây có thể là một vụ đánh ghen trả thù đã được tính toán kỹ từ trước. Nhưng giả thiết này có nhiều điểm mâu thuẫn bởi theo thông tin mà chúng tôi có được, vợ con ông Thanh không có biểu hiện ghen tuông hay bất mãn gì trong một thời gian dài.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương (31 tuổi, cháu ruột bà Phượng) bật mí: “Cô tôi rất bất ngờ khi bị người ta hãm hại. Bởi cô Phượng sống với chú Thanh rất hạnh phúc, hơn chục năm qua tôi không thấy cô chú cãi vã nhau hay phải buồn phiền về chuyện tình cảm. Đặc biệt, cô Phượng có mối quan hệ rất tốt với người vợ đầu của chú Thanh. Người vợ cũ của chú Thanh còn hay sang nhà cô Phượng chơi vì họ từng là bạn bè thân của nhau”. Chính vì thế, khả năng ông Thanh và người tình bị đánh ghen khó có thể xảy ra.

Một giả thiết khác được đặt ra là ông Thanh bị đối thủ “dằn mặt” vì chuyện làm ăn trong xã hội. Bởi theo lãnh đạo Công an Q. Lê Chân, TP. Hải Phòng, ông Thanh là một đại gia trong ngành kinh doanh vận tải. Không những thế, ông Thanh và người tình còn hùn vốn kinh doanh cầm đồ, cho vay nợ lãi, cửa hàng bán quần áo trên địa bàn. Chính vì thế, nạn nhân có mối quan hệ xã hội phức tạp khi giao du với nhiều thành phần. “Bản thân ông Thanh cũng đã từng có 2 tiền án. Không loại trừ khả năng người đàn ông này bị tạt axít vì liên quan tới chuyện làm ăn, tiền bạc”, Đại tá Phạm Duy Diên, người phát ngôn của Công an Hải Phòng, nhận định.

Đồng thời, ông Diên cũng cho biết, hiện sức khỏe của hai nạn nhân Trịnh Xuân Thanh và Nguyễn Thị Bích Phượng còn yếu nên chưa thể lấy lời khai. Một nhân chứng sống gần hiện trường cho biết, trước khi vụ việc xảy ra đã nhìn thấy nam thanh niên lạ mặt đi vào trong ngõ nhà bà Phượng để dò xét tình hình khoảng 15 phút rồi bước ra. Hung thủ cũng là người hiểu rõ giờ giấc sinh hoạt của nạn nhân mới có thể gây án chính xác đến như thế. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng Hải Phòng tích cực điều tra làm rõ. (Giang Chinh - Báo điện tử Một thế giới 26/06)

12.            Sự thật chuyện tình đại gia Hải Phòng bị tạt axit

Người nhà ông Thanh khẳng định không có chuyện đại gia này ly hôn vợ. Mặc dù vậy, chuyện ông Thanh qua lại với bà Phượng như vợ chồng là sự thật.

"Tình tay ba" nhưng không ly thân                               

Liên quan đến thông tin phía gia đình bà Nguyễn Thị Bích Phượng (42 tuổi, ngụ tại đường Tô Hiệu, TP. Hải Phòng) nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh (40 tuổi) hạnh phúc bên người tình. Chiều ngày 25/6, người nhà của ông Thanh đã liên hệ với báo Đất Việt khẳng định những lời người nhà bà Phượng nói là hoàn toàn sai sự thật.

Bà Trịnh Thị Hải (57 tuổi, ngụ tại 230 Vạn Kiếp, TP. Hải Phòng) - chị gái ông Thanh khẳng định: "Thông tin em trai tôi bỏ vợ là hoàn toàn sai sự thật. Việc em Nhung - vợ Thanh và bà Phượng là bạn thân cũng hoàn toàn không đúng".

Theo lời bà Hải, trước đây Phượng đã có gia đình sống ở gần nhà Thanh. Mối quan hệ hàng xóm khiến bà Nhung không mảy may nghi ngờ. "Nhiều lần Phượng sang nhà em trai tôi chơi, em Nhung cũng vui vẻ đón tiếp như một người hàng xóm thân tình mà không nghĩ rằng có một ngày bị người phụ nữ ấy cướp mất chồng" - bà Hải nói.

Bà Phượng cùng ông Thanh cùng chung vốn mở tiệm cầm đồ trên địa bàn. Mối quan hệ của họ vì thế mà càng trở lên thân thiết.

Chuyện ông Thanh có quan hệ bất chính với người hàng xóm tên Phượng được nhiều người bàn tán. Nhưng phía gia đình nhà ông Thanh không tin là sự thật. Cho đến một ngày 5 năm về trước, sự việc vỡ lở mọi người mới hết lời khuyên nhủ nhưng người đàn ông này không thay đổi quyết định của mình.

Bà Hải nói: "Em Nhung biết chồng có người phụ nữ bên ngoài nó rất buồn, nhưng biết tính thằng Thanh rất nóng nên chỉ ngọt nhẹ khuyên bảo. Khi Thanh không nghe, Nhung đành nuốt nước mắt vào trong chịu cảnh chồng có nhân tình bên ngoài mà không nói một lời.

Mỗi khi Thanh về nhà, Nhung tỏ ra vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Vì thế, mà mối quan hệ vợ chồng của em trai tôi mới được giữ vững cho đến ngày hôm nay chứ không phải ly thân như một số cơ quan báo chí đăng tải".

Chăm chồng, chăm cả tình địch

Về vụ việc ông Thanh đang ngồi cùng người tình trên xe Lexus ở đường Tô Hiệu, TP. Hải Phòng thì có hai người (một nam, một nữ) tạt axit, chị Nguyễn Thị Mỹ Hương (31 tuổi, cháu ruột bà Phượng) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi bị người ta hãm hại. Bởi cô Phượng sống với chú Thanh rất hạnh phúc, hơn chục năm qua tôi không thấy cô chú cãi vã nhau hay phải buồn phiền về chuyện tình cảm.

Đặc biệt, cô Phượng có mối quan hệ rất tốt với người vợ đầu của chú Thanh. Người vợ cũ của chú Thanh còn hay sang nhà cô Phượng chơi vì họ từng là bạn bè thân của nhau”.

Tuy nhiên, bà Hải phủ nhận điều này. Theo bà Hải, sau khi phát hiện chồng có quan hệ ngoài luồng với người hàng xóm, bà Nhung cũng không tỏ ra thân thiện với Phượng.

"Không có chuyện Nhung thường xuyên đến nhà bà Thanh chơi sau khi biết chồng ngoại tình với người phụ nữ này như đứa cháu bà Phượng nói" - bà Hải khẳng định.

Nói về nguyên nhân ông Thanh bị tạt axit vào chiều ngày 21/6, bà Hải cho biết: "Thanh vốn có quan hệ phức tạp ngoài xã hội nên có thể là do việc tranh chấp, ghen ghét mà dẫn tới trả thù chứ không thể do đánh ghen".

Theo tìm hiểu của PV, trong suốt những ngày ông Thanh nằm điệu trị tại Viện Bỏng Quốc gia với vết thương 40% diện tích cơ thể chỉ có mình bà Nhung ở lại chăm sóc chồng 24/24h. Điều khiến mọi người bất ngờ khi bà Nhung không chỉ chăm sóc chồng mà còn chăm sóc cả tình địch nằm cách đó mấy phòng bên.

"Chứng kiến cảnh đó nhiều người cũng không khỏi bất ngờ mà buông ra câu hỏi vợ ông Thanh: "Chị còn chăm sóc bà ấy làm gì?". Nhưng chỉ ấy chỉ ngậm ngùi đáp lại rằng: "Tôi không nghĩ chị ấy là người tình của chồng mình mà chỉ nghĩ đó là người ngồi cùng trên xe của chồng. Họ tạt axit và chồng tôi, chị ấy bị vạ lây nên tôi phải có nghĩa vụ chăm sóc cho đến khi chị khỏi bệnh. Chuyện gia đình để đến khi ra viện rồi giải quyết sau" - một bác sĩ tại Viện Bỏng Quốc gia kể. (Giang Sơn - Báo Đất Việt 26/06)

GIAO THÔNG

13.            Xử nghiêm tài xế xe khách buông vô lăng để xỏ tất, đi giày

Trưa 25/6, trao đổi với PV Dân trí, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho biết sẽ chỉ đạo xử lý tài xế xe khách buông vô lăng lúc lái xe, sau khi nhận báo cáo chính thức từ công ty Hoàng Long.

Liên quan đến tình sự việc trên, phía công ty Hoàng Long đã gửi email báo cáo phản hồi và xin ý kiến chỉ đạo từ ông Khuất Việt Hùng.

Theo nội dung email, vào ngày 16/6/2015, đơn vị đã phát hiện sự việc tài xế vừa lái xe vừa xỏ giày qua hệ thống giám sát camera trực tuyến hành trình kiểm soát nội bộ của công ty. Cụ thể, tài xế không mặc đồng phục và làm việc cá nhân, bỏ tay ra khỏi vô lăng.

Đến ngày 18/6, công ty đã ra quyết định đình chỉ nội bộ 15 ngày đối với lái xe và yêu cầu trình diện công ty để làm việc vào ngày 21/6. Tuy nhiên, lái xe lúc này đang ở Vũng Tàu nên đã xin phép về công ty làm việc vào ngày 25 hoặc 26/6. Việc này đã được công ty đồng ý.

Tuy nhiên, sự việc đã diến biến theo chiều hướng khác khi một hành khách tung video ghi lại hình ảnh trên lên mạng xã hội. 

Phía công ty Hoàng Long xác nhận, clip tung trên mạng là xe Hoàng Long BKS 15B-01453 chạy chuyến Hải Phòng - Vũng Tàu. Vi phạm lỗi bỏ vô lăng tại địa điểm cách bến xe Vũng Tàu 17km. Qua kiểm tra định vị GPS vào thời điểm này, xe không vi phạm lỗi tốc độ.

Ngày 18/6, sau khi ký quyết định đình chỉ, công ty đã thông báo thông tin đình chỉ trên mạng quản lý nội bộ toàn công ty. “Quan điểm của công ty Hoàng Long là không bao giờ bao che cho nhân viên hành động sai trái, Hoàng Long sẵn sàng xin lỗi khách”, nội dung email nêu rõ.

Bên cạnh đó, phía công ty Hoàng Long đang có dự tính trao thưởng cho hành khách đã quay được video clip nói trên; xin lỗi hành khách công khai trên facebook và website của công ty.

Trước đó, ngày 23/6, một video clip đã được đăng tải trên mạng otofun.net ghi lại hình ảnh tài xế xe khách vô tư buông vô lăng để xỏ tất, đi giày trong khi chiếc xe khách đang lao vun vút trên đường.

Sau đó clip này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội facebook. Nhiều người thót tim khi chứng kiến cảnh tượng quá nguy hiểm và bức xúc trước thái độ, hành vi xem thường tính mạng hành khách của anh tài xế.

Về chuyên môn, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý vận tải  (Sở GTVT TPHCM) cho rằng, tài xế đang lưu thông trên đường nên lỗi vi phạm buông vô lăng như trong clip phải do cảnh sát giao thông xử phạt theo Luật Giao thông đường bộ.

Còn hiện tại, theo ông Đức vẫn chưa thấy đơn vị quản lý nhà nước về giao thông vận tải có quy định chế tài xử phạt tài xế trong trường hợp như thế này. Nhưng Sở GTVT địa phương vẫn can thiệp trong vấn đề xử lý tài xế của doanh nghiệp.

Theo ông Đức, Sở GTVT địa phương (nơi doanh nghiệp trú đóng) phải nhận được báo cáo xử lý vụ việc từ doanh nghiệp vận tải. Nếu thấy chưa phù hợp hoặc chưa đủ sức răn đe, Sở GTVT có thể yêu cầu doanh nghiệp vận tải xử lý tương xứng với hành vi và mức độ nguy hiểm của hành vi. Theo đó, doanh nghiệp vận tải có thể đình chỉ lái xe trong thời hạn cụ thể, cho đi học lại luật và bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp.

Còn nếu xử lý mạnh tay hơn, nghĩa là cắt hợp đồng lái xe thì theo ông Đức là cần xem xét lại. Ông Đức cho rằng: “Việc này tùy thuộc vào hợp đồng lao động của người tài xế với doanh nghiệp chứ không thể tùy tiện. Bởi không thể lấy lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ để làm căn cứ cắt hợp đồng lao động giữa chừng, như thế là vi phạm Luật Lao động. Hơn nữa, trong từng trường hợp cụ thể, phía doanh nghiệp vận tải phải xem xét thái độ, nhận thức của tài xế về lỗi của mình để có hướng xử lý phù hợp”. (An ninh Hải Phòng 26/06; Dân trí 26/06; Báo Lao động 26/06)

ĐÔ THỊ

14.            Tăng cường quản lý đất bãi bồi ven sông tại An Lão: Rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm

Hiện, trên địa bàn huyện An Lão có nhiều diện tích đất bãi bồi ven sông được các xã, thị trấn cho cá nhân thuê để sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hầu hết các diện tích đất được thuê đều sử dụng trái mục đích hoặc chưa đúng mục đích, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn.

Hàng trăm trường hợp sử dụng đất thuê trái mục đích

Ngày 6-9-2013, UBND xã Quang Trung (huyện An Lão) ký hợp đồng cho thuê khu đất tại bãi Khuỷnh, thôn Câu Đông với ông Phạm Văn Hồng (diện tích 16.672 m2) và ông Phạm Văn Tuấn (diện tích 16.280 m2), sử dụng vào mục đích trồng cây hằng năm. Loại đất là đất bãi bồi ven sông Văn Úc do UBND xã quản lý, thời hạn cho thuê đất là 5 năm. Trong hợp đồng nêu rõ, khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất là trồng cây hằng năm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi và các hộ sản xuất chung quanh.

Tuy nhiên, tại khu đất bãi Khuỷnh mà ông Hồng, ông Tuấn được xã Quang Trung cho thuê, hiện có Công ty TNHH xây dựng và vận tải Hoàng Trường do ông Phạm Văn Hồng làm giám đốc và Công ty Cổ phần thương mại Thanh Bình đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại đây, 2 công ty này tự ý san lấp mặt bằng làm nơi tập kết cát, vật liệu xây dựng, đóng cọc bê tông, xây cầu cảng lấn ra dòng chảy sông Văn Úc. Việc này vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão. Theo lãnh đạo Hạt quản lý đê điều An Lão – Kiến An, tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão của 2 công ty Hoàng Trường và Thanh Bình kéo dài, chưa có biện pháp xử lý triệt để. Nhiều lần Hạt quản lý đê điều An Lão – Kiến An lập biên bản vi phạm, gửi các ngành chức năng và huyện An Lão đã có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị các bên tháo dỡ vi phạm, hoàn trả mặt bằng nguyên hiện trạng.

Chủ tịch UBND xã Quang Trung Đỗ Văn Chuyên cho biết, hầu hết những trường hợp thuê đất bãi bồi ven sông do địa phương quản lý đều sử dụng trái mục đích. Nguyên nhân do lịch sử để lại, lãnh đạo các nhiệm kỳ trước ký hợp đồng với cá nhân, đơn vị, sau đó bên thuê tự ý xây dựng các công trình vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão.

Hai trường hợp trên nằm trong số hàng trăm trường hợp ở xã Quang Trung và các xã, thị trấn của huyện An Lão có đất bãi bồi ven sông, khi được chính quyền địa phương cho thuê đất đã sử dụng đất trái mục đích. Theo UBND huyện An Lão, những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng triển khai, tình trạng vi phạm sử dụng đất ở một số xã, thị trấn như: Tân Viên, Quốc Tuấn, Mỹ Đức, Chiến Thắng, thị trấn Trường Sơn…ngày càng gia tăng. Nhiều cá nhân, đơn vị vì lợi nhuận sẵn sàng sử dụng đất thuê trông cây hằng năm, cây lâu năm để sử dụng làm bãi khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, cung cấp cát và nguyên liệu thi công đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Hệ lụy do buông lỏng quản lý

Tình trạng này dấy lên hồi chuông báo động đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện An Lão. Các vi phạm kéo dài nhiều năm, chính quyền địa phương chỉ xử phạt hành chính mà chưa có biện pháp xử lý dứt điểm những vi phạm về sử dụng đất, Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão. Đến khi Nhà nước thu hồi diện tích đất bãi bồi ven sông phục vụ các dự án lớn, địa phương lại loay hoay trong việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Đơn cử, ngày 21-10-2013, UBND thành phố có Thông báo 347 về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Xưởng đóng mới và sửa chữa tàu thủy, do Công ty TNHH Hải Hào làm chủ đầu tư, tại xã Quang Trung (An Lão). Diện tích đất thu hồi hơn 39.420 m2, tại khu vực bãi Khuỷnh nơi có phần lớn diện tích đất của ông Phạm Văn Tuấn, Phạm Văn Hồng đang sử dụng theo hợp đồng đã ký với UBND xã Quang Trung. Đến nay đã gần 2 năm, từ khi có thông báo thu hồi đất của thành phố, các ngành chức năng huyện An Lão vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư.

Theo lãnh đạo huyện An Lão, thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài là do địa phương chưa thanh lý hợp đồng đã ký trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do các bên chưa thống nhất được giá bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó chủ yếu liên quan đến diện tích đất của ông Phạm Văn Tuấn và Phạm Văn Hồng. Việc chậm giải phóng mặt bằng kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương.

Do đó, để tránh những hệ lụy tương tự, huyện An Lão nên rà soát lại những diện tích đất bãi bồi ven sông, có biện pháp siết chặt quản lý, tránh tình trạng buông lỏng như hiện nay. Đồng thời, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm những trường hợp sử dụng đất trái mục đích, vi phạm luật pháp, trên cơ sở tính toán phương án hợp lý bảo đảm quyền lợi hợp pháp, thỏa đáng cho các bên khi Nhà nước thu hồi đất. (Báo Hải Phòng 26/06)

15.            Cải tạo hệ thống cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng: Tăng cường giám sát để bảo đảm quy chuẩn

Công trình cải tạo nâng cấp hè đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ ngã ba Sở Dầu đến ngã tư Đền Liệt sĩ quận Hồng Bàng), thuộc phường Sở Dầu, trong đó có hạng mục cải tạo cây xanh với số cây chặt hạ, trồng thay thế không nhiều. Nhận thức được vai trò của cây xanh trong đời sống người dân đô thị, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đang tập trung triển khai khá nghiêm túc, bảo đảm công trình đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng.

Công trình cải tạo nâng cấp hè đường Tôn Đức Thắng do phường Sở Dầu là chủ đầu tư, chiều dài 1.378m (hè hai bên đoạn đường này), tổng mức đầu tư 4,4 tỷ đồng. Cùng với cải tạo hè, toàn bộ cây gạo gai, cây sâu mục nguy hiểm, với 42 cây sẽ chặt hạ và trồng bổ sung bằng 55 cây phượng vĩ. Công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, quỹ bảo trì đường bộ và xã hội hóa. Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, UBND phường Sở Dầu tổ chức lấy ý kiến nhân dân khu vực triển khai dự án, được người dân đồng tình ủng hộ.

Ông Phạm Văn Bính, tổ trưởng Tổ dân phố 5.3 cho biết, việc cải tạo hè đường Tôn Đức Thắng, trong đó có cải tạo cây xanh đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân, vì đây là một cửa ô của thành phố, cải tạo hè cùng với thoát nước, cây xanh làm cho tuyến đường này trở nên đồng bộ. Tuy vậy, cùng với chặt hạ các cây gạo gai, đề nghị sắp xếp lại các cây do dân tự trồng; bố trí đơn vị có kinh nghiệm trồng để bảo đảm tất cả các cây sống khỏe, hình dáng đẹp. Ông Mại Công Tạc, tổ trưởng tổ dân phố An Trực có ý kiến, trước khi trồng, các hố trồng được xây dựng đồng bộ, đúng quy cách thiết kế, đơn vị thực hiện cần phối hợp với tổ dân phố để quản lý, giám sát. Ông Đặng Quang Ngự, tổ trưởng tổ sân phố An Lạc 2 nêu, các cây sẽ chặt hạ có hệ thống đường dây thông tin bám chằng chịt, dưới gốc cây có nhiều công trình ngầm. Vì vậy, việc chặt hạ cần bảo đảm an toàn cho hệ thống dây thông tin, cũng như các hộ dân sinh sống chung quanh.

Theo ông Vũ Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND phường, địa phương tổ chức họp với các hộ mặt đường có công trình đi qua. Trong số các cây gạo gai sẽ chặt hạ, có một số cây gần đường tàu, ảnh hưởng đến tầm nhìn, không bảo đảm an toàn giao thông. Riêng với các cây trồng tự phát, quá trình cải tạo sẽ được dịch chuyển sát bó vỉa để bảo đảm sự đồng bộ cho cả tuyến đường. Việc chặt hạ cây gạo gai diễn ra trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9-2015.

Thực hiện việc cấp phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, Sở Xây dựng chủ trì cùng UBND phường Sở Dầu, Công ty TNHH MTV Công viên, cây xanh tiến hành kiểm tra hiện trường và hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ cấp phép. Cây gạo gai cũng là loại cây độc hại, không phù hợp trồng trong đô thị nên đang được loại bỏ. Sau khi chặt hạ 42 cây gạo gai, sẽ trồng thay thế bằng 55 cây phượng vĩ có chiều cao 3,5m, đường kính 8cm (đây là loại cây đang được thành phố chỉ đạo khuyến khích trồng bổ sung hàng năm vào hệ thống cây xanh đường phố).

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thực tế thời gian qua, việc chặt hạ, thay thế cây xanh với số lượng lớn thường thực hiện vào cuối mùa nắng nóng, ngay trước mùa mưa bão hoặc vào mùa đông (trừ trường hợp khẩn cấp, thiên tai, cây bị chết hoặc gãy đổ). Việc chặt hạ các cây gạo gai trên tuyến đường Tôn Đức Thắng vào giữa mùa nắng nóng này phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân liên quan. Ngoài ra, vì số lượng cây chặt hạ lớn, nhiều cây kích thước to, cao và nằm cùng một tuyến đường, nên Sở Xây dựng họp với các đơn vị chức năng, địa phương  thông tin rộng rãi đến người dân một cách minh bạch để đạt hiệu quả cao trong công tác phối hợp. Mặt khác, sau khi cấp phép chặt hạ cây, Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với UBND quận Hồng Bàng kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định. (Thủy An - Báo Hải Phòng 26/06)

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

16.            Thực hiện đề án hỗ trợ xi-măng xây dựng đường giao thông nông thôn mới: Bảo đảm cung ứng đủ xi-măng theo yêu cầu tiến độ

(Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng Mai Hồng Hải trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng)

- Là đơn vị cung ứng toàn bộ xi măng theo đề án hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nội đồng và giao thông thôn xóm cho các xã xây dựng nông thôn mới (NTM), Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng triển khai công tác này như thế nào ?

- Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng luôn xác định việc xây dựng NTM vừa là vinh dự, cũng là trách nhiệm với địa phương. Với lịch sử và truyền thống hơn 115 năm xây dựng, phát triển và đồng hành với thành phố, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng luôn là một trong những đơn vị đi đầu chung tay với thành phố trong các hoạt động an sinh xã hội. Chương trình cung ứng xi măng xây dựng NTM là một hoạt động như vậy.

Ngay sau khi có chủ trương của UBND thành phố về việc hỗ trợ xi măng các xã NTM xây dựng đường giao thông nội đồng và giao thông thôn xóm,  Công ty xi măng Vicem Hải Phòng chủ động làm việc với các sở, ban, ngành của thành phố để thông qua Đề án “Cung ứng xi măng xây dựng NTM tại thành phố Hải Phòng”. Cùng với đó, công ty thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác triển khai chương trình cung ứng xi măng xây dựng NTM. Đồng thời, thống nhất với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan về phương thức ký hợp đồng cung ứng xi măng, quy trình giao, nhận hàng, quy trình nghiệm thu, xác nhận công nợ và thanh quyết toán.

Công ty làm việc với ngân hàng để chuẩn bị nguồn vốn, xây dựng kế hoạch sản xuất, thiết kế và sản xuất vỏ bao riêng, trên vỏ bao có dòng chữ “Chung tay xây dựng nông thôn mới” cung cấp cho chương trình xây dựng NTM của thành phố. Việc in vỏ bao riêng sử dụng cho chương trình này không chỉ là một hoạt động tuyên truyền mà còn giúp kiểm soát, đưa xi măng đến đúng địa chỉ. Sau khi UBND thành phố ban hành quy định hỗ trợ xi măng chậm trả làm đường giao thông nội đồng và thôn, xóm cho các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2015, từ ngày 23-4 đến ngày 21-5, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng phối hợp với UBND 7 huyện tổ chức các hội nghị phổ biến, hướng dẫn các quy trình đăng ký kế hoạch lấy xi măng, thủ tục giao nhận, đối chiếu…và triển khai ký hợp đồng cung ứng xi măng với tất cả 135 xã thuộc chương trình xây dựng NTM đã được thành phố phê duyệt. Trong đó, Thủy Nguyên có số xã nhiều nhất (32 xã), ít nhất là Cát Hải (6 xã). Huyện Vĩnh Bảo nhận lượng xi măng cung ứng lớn nhất với hơn 84 nghìn tấn cho 28 xã.

Nhằm bảo đảm khả năng cung ứng kịp thời, công ty lập phương án vận tải thủy, bộ, cùng với các đơn vị vận tải khảo sát mở thêm các bến thủy tại một số vị trí trọng điểm, thuận tiện trên các địa bàn để điều tiết, phân phối nhanh chóng tới công trình của các xã. Phân chia địa bàn, sản lượng cho từng đơn vị vận chuyển. Để thực hiện tốt nhất công tác điều hành việc cấp xi măng cho giao thông nông thôn, công ty thành lập Tổ thường trực để phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương trong việc lập kế hoạch và giải quyết các vấn đề vướng mắc trong việc cung ứng xi măng.

- Ông cho biết kết quả bước đầu trong việc cung ứng xi- măng cho chương trình NTM ?

- Qua hơn 1 tháng triển khai cung cấp xi măng cho các xã, tuy có khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành và các huyện, xã, sự ủng hộ cao của nhân dân trong việc huy động nhân lực, vật lực tham gia chương trình xây dựng NTM, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng dần hoàn thiện kế hoạch, điều phối vận tải khoa học và hợp lý, nên cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu. Đặc biệt, chương trình nhận được sự đồng thuận cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng NTM. Đến ngày 15-6, có 81/135 xã triển khai lấy xi-măng, với tổng số xi- măng tiếp nhận 28.860 tấn, đạt 13% kế hoạch. Khối lượng vận chuyển bình quân 650 tấn/ngày, đặc biệt những ngày tuần đầu tháng 5 vừa qua, khối lượng cấp đạt bình quân hơn 1.000 tấn/ngày. Xi măng về được đông đảo người dân chào đón, không khí nhiều thôn, xã như ngày hội.

-Khối lượng công việc trong thời gian tới còn khá nặng, công ty có biện pháp gì để hoàn thành kế hoạch đề ra ?

-Thực tế thực hiện thời gian qua cho thấy, có thời điểm, việc cung ứng xi măng đến các xã bị chậm so với yêu cầu. Có nhiều nguyên nhân như: việc triển khai các thủ tục chậm hơn kế hoạch của các xã, tính chất mùa vụ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương đòi hỏi cần triển khai sớm trong khi các thủ tục xét duyệt chưa xong, nên đôi khi xảy ra quá tải cục bộ giữa việc đăng ký và khả năng đáp ứng. Việc cung ứng xi măng thực hiện từ ngày 24-4, nhưng đến ngày 3-6 mới có văn bản phê duyệt giá cước vận chuyển nên công ty thiếu căn cứ để thương thảo, ký hợp đồng với đơn vị vận tải. Vì vậy, các đơn vị vận tải chưa dám đầu tư và huy động tối đa phương tiện khi có yêu cầu. Việc triển khai thi công tại các xã trong một số thời điểm diễn ra cùng lúc (do yêu cầu chào mừng sự kiện, làm điểm…) đòi hỏi số lượng lớn, tiến độ gấp nên khả năng cung ứng có lúc không đáp ứng kịp.

Để khắc phục, hiện công ty chú trọng lập kế hoạch sát với thực tế bằng việc phối hợp chặt chẽ với các huyện, xã, xây dựng kế hoạch chi tiết theo tuần, tháng làm căn cứ để điều tiết phương tiện vận tải. Công ty lập 2 đường dây nóng với các xã, huyện, có đầu mối trực tiếp liên hệ với cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận xi măng của từng xã. Bộ phận thường trực này điều phối xi măng như một “tổng đài taxi”… Sau khi kết thúc mùa vụ, việc thi công sẽ đồng loạt được triển khai trở lại, nhu cầu cấp xi măng rất lớn. Do vậy, để đáp ứng kịp thời, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng sẽ lựa chọn và bổ sung những đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia vận chuyển. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với các sở, ban, ngành, địa phương để phối hợp trong công tác chỉ đạo thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm theo đúng mục đích và đối tượng sử dụng (sử dụng vỏ bao riêng, in mã code sản phẩm, quy trình kiểm soát cuối nguồn….) và tổ chức công tác hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trong việc bảo quản, sử dụng sản phẩm để bảo đảm chất lượng công trình.

- Trân trọng cảm ơn ông! (Quốc Khánh - Báo Hải Phòng 26/06)

17.            Xã Cấp Tiến (Tiên Lãng) với nguồn xi-măng hỗ trợ: Hoàn thành xây dựng 34 tuyến đường

Bằng tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM),  đến nay xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) hoàn thành 14 tiêu chí NTM. Để hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2015, địa phương đang khẩn trương xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó có hệ thống đường bê tông thôn, xóm, đường bê tông nội đồng.

Giữa tháng 6, trời nóng như đổ lửa, nhưng người dân các thôn của xã Cấp Tiến vẫn tích cực tham gia làm đường bê tông theo chương trình hỗ trợ xi măng của thành phố. Ông Nguyễn Văn Đức, ở thôn Phương Lai, cho biết người dân rất phấn khởi trước nguồn xi măng hỗ trợ của thành phố. Sau khi tiếp nhận nguồn xi măng hỗ trợ theo phân bổ của xã, thôn Phương Lai tổ chức họp bàn thấu đáo trong nhân dân về mức đóng góp kinh phí mua cát, đá, thuê nhân công thi công tuyến đường trong thôn để sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ bà con địa phương. Cùng với thôn Phương Lai, các thôn khác trong xã Cấp Tiến cũng đang tích cực làm đường bê tông nội đồng, bê tông thôn, xóm theo chương trình hỗ trợ xi măng của thành phố.

Theo Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến Nguyễn Văn Chương, xã đặt quyết tâm hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2015. Mục tiêu này đặt ra cho địa phương nhiều việc cần tập trung giải quyết, trong đó phải hoàn tất các tiêu chí còn lại, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tiến độ thi công đường bê tông nội đồng, đường thôn xóm. Theo kế hoạch được duyệt đợt 1 năm 2015, xã Cấp Tiến được phân bổ lượng xi măng để bê tông hóa 30 tuyến giao thông thôn, xóm  dài gần 3,7 km và 4 tuyến đường nội đồng dài gần 1,2 km. Đến nay, với sự đồng thuận cao, đóng góp tích cực từ nhân dân cùng với việc tiếp nhận 446 tấn xi măng, xã hoàn thành xây dựng cả 34 tuyến đường, kịp thời đưa vào khai thác sử dụng trước sự phấn khởi của nhân dân trong xã.

Trước kết quả tích cực đạt được trong đợt 1, thể theo nguyện vọng, đề nghị của các thôn, trong đợt 2 xã Cấp Tiến trình UBND huyện Tiên Lãng và thành phố xin hỗ trợ xây dựng, bê tông hóa thêm 3 km đường nội đồng, 3 km đường thôn xóm để hoàn tất các tuyến đường cần làm theo mục tiêu đề ra.

Cấp Tiến là xã thuần nông có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 743 ha, trong đó đất canh tác 452 ha, gần 2000 hộ dân với 7.320 nhân khẩu phân bổ ở 10 khu dân cư. Địa phương quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với việc đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí giao thông theo chương trình xây dựng NTM, theo ông Chương, không phải xã “chạy theo” thành tích mà quan trọng hơn cả là kịp thời phục vụ sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân, là tiền đề quan trọng giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, tăng hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. (Tiến Đạt - Báo Hải Phòng 26/06)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

18.            Tập huấn triển khai Chương trình " Tiếp sức mùa thi" 2015

Ban Thư ký Hội Sinh viên thành phố vừa tổ chức tập huấn cho các tình nguyện viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2015.

Hơn 100 bạn sinh viên tình nguyện thuộc đội hình cấp thành phố, những đội trưởng, đội phó của các đội tình nguyện cấp trường, quận, huyện, Đội thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo an toàn giao thông cấp thành phố tham gia buổi tập huấn.

Tại buổi tập huấn, các tình nguyện viên được Thường trực Hội Sinh viên thành phố giới thiệu tổng quan về chương trình tiếp sức mùa thi năm 2015; kỹ năng tư vấn cho thí sinh và người nhà thí sinh tại bến xe và các địa điểm thi; hướng dẫn các kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại khu vực đặt bàn tình nguyện, địa điểm thi. (Long Giang - Báo Hải Phòng 26/06)

KINH TẾ

19.            Khai thác tiềm năng đất bồi ven sông, ven biển Kiến Thụy: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp

Đất bãi bồi ven sông, ven biển hiện đang mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho người dân huyện Kiến Thụy. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy tốt tiềm năng, hiệu quả của diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển đem lại, huyện Kiến Thụy triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) với 3,2 km chiều dài bãi bồi ven sông . Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình mạnh dạn đấu thầu đất bãi, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, xen canh trồng chuối, bí đỏ, rau màu cho hiệu quả tương đối cao. Do nông nghiệp ngành nghề chính của địa phương, chính quyền xã có nhiều biện pháp khuyến khích người dân chuyển đổi vùng sản xuất, trọng tâm là khai thác triệt để diện tích đất bãi bồi ngoài đê chuyển từ cấy lúa năng suất thấp sang đào ao, đầm nuôi thả thủy sản. Ông Vũ Đình Đam, Phó chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan cho biết, từ năm 2011, xã đưa 18/50 ha đất bãi ngoài đê vào quy hoạch vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Đến nay, có 39,5 ha được người dân chuyển đổi, vừa nuôi thủy sản, vừa xen canh trồng các loại cây như thanh long, ổi, chuối..., cho giá trị kinh tế gấp 2 - 2,5 lần so với trồng lúa. Hiện nay có 26 hộ gia đình tham gia đấu thầu diện tích đất bãi trong thời gian 20 năm để phát triển kinh tế kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt.

Với bờ biển dài 5 km, cùng 2 hệ thống sông Đa Độ, Văn Úc và một số kênh, mương khác, sở hữu gần 1000 ha đất mặt nước, hàng trăm ha đất bãi bồi ven sông phù sa màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây trồng, phát triển nuôi trồng thủy sản, không chỉ xã Ngũ Đoan mà nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kiến Thụy cũng phát huy lợi thế vùng đất bãi bồi, giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng đất bãi, hình thành những khu vực chuyên canh. Hiện nay, diện tích đất nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện là 588,4 ha, ngoài ra còn 400ha vùng kín gió có thể đặt các lồng nuôi nhuyễn thể, cá cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, huyện Kiến Thụy có 632,2 ha rừng phòng hộ ven biển, nhiều diện tích đất bãi bồi ngập nước ven biển chưa qua sử dụng, thích hợp trồng các loại cây bần, sú, vẹt, đước… có thể khai thác các tour du lịch sinh thái, kết hợp tham qua các điểm di tích văn hóa, lịch sử vùng ven biển của địa phương. Lợi thế về diện tích bãi bồi, sông ngòi, cửa biển còn thuận tiện phát triển giao thông đường thủy, xây dựng khu hậu cần nghề cá và neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền…

Có thể thấy, trên vùng đất bồi ven sông, ven biển của huyện Kiến Thụy ngày càng phát triển đa dạng ngành nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức sản xuất, khai thác tiềm năng vùng đất bãi trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu, đặc biệt hệ thống thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ. Nhiều địa phương tập trung trồng rau màu là chính, chưa phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, diện tích đất bãi bồi ven sông thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt, chỉ tập trung sản xuất được từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau, khó bố trí cơ cấu giống cây trồng.

Để khai thác tiềm năng vùng đất bãi ven sông đạt hiệu quả cao hơn, các cấp, ngành và địa phương tập trung cơ cấu lại các loại giống cây trồng phù hợp, phát triển các trang trại, gia trại tổng hợp, xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn. Các địa phương cũng chú trọng hướng dẫn các tập thể, cá nhân được giao đất chuyển sang sử dụng đất theo hình thức thuê đất có thời hạn, khuyến khích linh hoạt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, tạo điều kiện để các hộ dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. (Vân Nga - Báo Hải Phòng 26/06)

20.            Gần 4.400 container hàng hóa còn tồn đọng ở cảng Hải Phòng

4.389 container là số hàng hóa còn tồn đọng ở cảng Hải Phòng, theo thông tin cập nhật của Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến thời điểm đầu tháng 6-2015.

Trong 4 chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III có số lượng tồn nhiều nhất với 2.043 container. Kế đến là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ 994 container;  Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực II 925 container; Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I 427 container.

Được biết, liên quan đến xử lý hàng tồn đọng ở cảng Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Công ty TNHH một thành viên Duyên Hải (quân khu 3) và Công ty CP kính nổi Chu Lai- INDEVCO (Quảng Nam) được thu mua mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng.

Mới đây, Công ty CP Việt Xuân Mới (Hà Nội)- DN trực thuộc Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đề nghị cơ quan chức năng cho phép mua toàn bộ số container tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng. (T.Bình - Báo Hải quan 26/06)

XÃ HỘI

21.            Dũng cảm hi sinh chống buôn lậu trên biển

Khoảng 15 giờ, ngày 20/6/2015, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nhận được tin báo xuất hiện tàu có nghi vấn mua bán, vận chuyển trái phép dầu diesel từ khu vực đảo Hòn Dấu về Hải Phòng, dự kiến đêm ngày 20 rạng ngày 21/6 sẽ đi qua khu vực biển Hoàng Châu - Cát Hải.

Khoảng 23 giờ 45 phút ngày 20/6/2015, xuất hiện tàu nghi vấn vận chuyển dầu diesel đang chạy về phía Hoàng Châu - Cát Hải - Hải Phòng, tàu của Tổ công tác đã tiếp cận tàu nghi vấn để tiến hành kiểm tra.

Tàu nghi vấn là phương tiện chở dầu, vỏ sắt không rõ số hiệu, trên tàu có 2 người. Sau khi tàu của Tổ công tác áp sát tàu chở dầu, đồng chí Nguyễn Văn Sơn và đồng chí Phạm Văn Huy là cán bộ của tổ trinh sát sang tàu nghi vấn, yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Do trời nổi giông, gió lớn, tàu vi phạm lại chở nặng tải đang chìm nên 2 đồng chí báo cáo nhanh với lãnh đạo xin được nhảy ra khỏi tàu chở dầu. Lúc đó, đồng chí Sơn và 2 thuyền viên nhảy ra khỏi tàu chở dầu, đồng chí Huy nhảy sau cùng vì còn phải đôn đốc, kiểm tra 2 thuyền viên rời tàu. Khi vừa rời khỏi tàu thì đồng chí Huy và tàu chở dầu đã bị những cơn sóng lớn nhấn chìm xuống biển.

Tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã tìm kiếm và vớt được đồng chí Sơn.

Nhận được tin báo, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng Hải Phòng và các phương tiện đang hoạt động xung quanh khu vực đề nghị phối hợp để tìm kiếm đồng chí Huy và hai nghi phạm chở dầu.

Đến 6 giờ 00 phút ngày 22/6, nhân dân đã phát hiện và vớt được thi thể đồng chí Phạm Văn Huy tại khu vực đầm nhà Mạc thuộc xã Liên Vị - Thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Hai nghi phạm trên tàu chở dầu đã bơi được vào bờ.

Vào 21 giờ 30 phút ngày 22/6, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã thuê phương tiện trục vớt lai dắt tàu chở dầu về cảng Hải đội 101 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 để điều tra xử lý.

Hai đối tượng vi phạm gồm: Nguyễn Tài Tân, sinh năm 1969; Đào Ngọc Tùng, sinh năm 1983, cả hai đều đăng ký thường trú tại Tân Phong, Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Đối tượng khai nhận chở 13.000 lít dầu FO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm theo quy định, điều khiển phương tiện không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhận được tin đồng chí Phạm Văn Huy đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ chống buôn lậu trên biển, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Ủy viên Trung ương Đảng - Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã gửi vòng hoa viếng và chia buồn cùng gia đình đồng chí Phạm Văn Huy. Đồng thời Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã đề nghị Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tăng 1 bậc lương và phiên quân hàm Đại úy cho đồng chí Phạm Văn Huy.

Gương anh dũng hi sinh của đồng chí Phạm Văn Huy đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước nói chung. Sự hi sinh của đồng chí đã góp phần làm tỏa sáng hình ảnh cao đẹp về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người Chiến sĩ Cảnh sát biển trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm, vi phạm trên biển, vì sự bình yên của đất nước. (Hồng Quân - Báo Tin tức 26/06)

22.            Báo Hải Phòng và Bưu điện thành phố: Phối hợp phát hành báo Hải Phòng nhanh, nhiều và chất lượng

Chiều 25-6, Báo Hải Phòng, Bưu điện thành phố phối hợp tổ chức hội nghị phát hành Báo Hải Phòng với chủ đề “Nhanh, nhiều và chất lượng”.

Hai bên đánh giá công tác phối hợp phát hành Báo Hải Phòng trong những năm qua luôn bảo đảm yêu cầu duy trì tốt lượng phát hành, đến với bạn đọc nội thành, ngoại thành và hải đảo kịp thời nhất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền các mặt đời sống chính trị, KTXH thành phố và cả nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố. Tại hội nghị, ý kiến của các đại biểu tập trung phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong công tác phát hành hiện nay; cập nhật thông tin phản ánh từ bạn đọc đối với công tác phát hành Báo Hải Phòng. Các cán bộ, bưu tá thuộc hệ thống Bưu điện thành phố đề nghị thành phố, Báo Hải Phòng có cơ chế, giải pháp nâng mức hoa hồng phát hành để khuyến khích và nâng cao  chất lượng phát hành Báo Hải Phòng. Một số ý kiến cho rằng, Báo Hải Phòng đến với bạn đọc, nhất là khu vực ngoại thành và hải đảo quá muộn, có nơi cuối giờ chiều Báo mới đến tay bạn đọc. Mặt khác, một số bạn đọc phản ánh một số ngày liên tiếp, thậm chí cả tuần không nhận được Báo Hải Phòng. Việc một số chi bộ được cấp kinh phí đặt Báo Hải Phòng nhưng sử dụng vào việc khác cũng cần có giải pháp khắc phục.

Hai bên thống nhất đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát hành trong thời gian tới, trong đó cùng phối hợp làm việc với các ngành chức năng đề nghị thành phố hỗ trợ tăng tỷ lệ hoa hồng phát hành báo Đảng từ nguồn ngân sách phát hành báo Đảng. Báo Hải Phòng sẵn sàng chia sẻ, có cơ chế cùng Bưu điện thành phố tiếp tục nâng cao, bảo đảm chất lượng phát hành. Một số huyện có lượng phát hành báo Hải Phòng lớn cần hình thành đại lý bán lẻ và phát hành báo Hải Phòng trên địa bàn. Hai bên phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc về công tác phát hành từ cơ sở. Hai bên thống nhất đề nghị các quận, huyện hỗ trợ rà soát về tình hình phát hành báo ở các xã, trong đó khẩn trương khắc phục tình trạng sử dụng không đúng mục đích về kinh phí được cấp đặt báo Đảng. Báo Hải Phòng tiếp tục đổi mới, cải tiến chất lượng nội dung, hình thức để thu hút bạn đọc, nâng cao lượng phát hành. Hai bên phối hợp triển khai phiếu thăm dò ý kiến bạn đọc để kịp thời đổi mới nội dung, hình thức Báo Hải Phòng đáp ứng yêu cầu của người xem. (Văn Lượng - Báo Hải Phòng 26/06)

5 năm, tiền thuê đất tăng 10 lần

Cụ thể theo số liệu được bà Lê Thanh Hải (Viện phát triển doanh nghiệp VCCI) thông tin tại Hội thảo về quyền sở hữu tài sản và sự phát triển của doanh nghiệp ngày 25/6, trước 2011, tiền thuê đất của các doanh nghiệp tương đối ổn định và được xác định theo thời hạn là 5 năm.

Nhưng từ 2011 đến 2014, giá thuê đất đã liên tục tăng ít nhất 2 lần so với năm trước dù đã có chính sách miễn giảm. Sang năm 2015, các giải pháp tháo gỡ vấn đề tiền thuê đất tăng cao đã hết hiệu lực, tiền thuê đất sẽ tiếp tục tăng cao ít nhất 2 lần, thậm chí 6-7 lần so với tiền thuê đất phải nộp của năm 2014 của doanh nghiệp.

Trong hai tháng 5 và 6/2015, các doanh nghiệp tại Hải Phòng đã liên tục gửi kiến nghị lên VCCI khi cho rằng tiền thuê đất 2015 đã tăng từ 2 đến 4,5 lần so với 2014 và tăng 10 lần so với 2010. Một số doanh nghiệp tại Hà Nội cũng cho biết giá thuê đất tăng từ 5,16 lần lên tối đa 24,78 lần.

Riêng các doanh nghiệp trong ngành du lịch cho biết, họ rất thiệt thòi khi ngành du lịch khách sạn có diện tích thuê đất lớn nhưng diện tích dành cho công viên và cây xanh chiếm tỷ lệ cao còn phần xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Nên nếu quy định tính toàn bộ khuôn viên các dự án sẽ khiến chi phí thuê đất cao, làm giảm tính cạnh tranh của ngành so với các nước trong khu vực.

Do dó, VCCI kiến nghị, việc tăng giá thuê đất cần có lộ trình cụ thể và có mức trần không vượt quá 2 lần so với mức giá năm 2010 như tinh thần của nghị quyết 02/2013/NQQ ngày 07/01/2013 của Chính phủ. (C.Sơn - Báo Giao thông 26/06)

23.            Không đủ lượng nước chữa cháy tại chỗ ban đầu ở các chợ

Đây là thông tin được lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố đưa ra tại hội thảo “Xây dựng mô hình chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy” diễn ra trong sáng 25-6.
Trên địa bàn thành phố hiện có 154 chợ lớn nhỏ, trong đó có 6 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2, 122 chợ hạng 3 và 12 chợ tạm. Do lịch sử để lại, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ, nhất là một số chợ lớn ở khu vực nội thành, xuống cấp nghiêm trọng và không còn phù hợp với tình hình, đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội và tiêu chuẩn PCCC hiện hành. Những khó khăn về cơ sở vật chất và con người như giao thông, hệ thống điện, việc bố trí và sắp xếp các gian hàng, lực lượng và phương tiện báo cháy, chữa cháy… làm tăng nguy cơ gây thiệt hại lớn về người, hàng hóa nếu xảy ra cháy. Trong khi đó, nguồn nước phục vụ chữa cháy tại các chợ hiện đa số không đạt yêu cầu. Chợ Sắt có 3 trụ nước chữa cháy đều nằm cách chợ 150-200 mét, chợ An Dương chỉ có bể nước 4 m3 và không có trụ nước chữa cháy, chợ Quán Toan có bể nước 20 m3, chợ Tam Bạc có bể nước 45 m3… đều nằm trong chợ, khi có cháy xảy ra thì xe chữa cháy không tiếp cận được trong khi yêu cầu phải có hàng trăm m3 nước mỗi chợ.

Trước thực trạng này, ngày 15-10-2014, UBND thành phố ban hành tiêu chí chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC. Tiếp đó, ngày 8-11-2014, đại diện lãnh đạo 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố cùng ký vào “Bản cam kết xây dựng mô hình chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC”. Theo đó, phấn đấu đến tháng 6-2015, trên địa bàn mỗi quận huyện có tối thiểu 1 chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC. Tuy nhiên, đến nay chưa chợ nào trên địa bàn thành phố đạt đầy đủ 20 tiêu chí, chủ yếu hoàn thành 15-18 tiêu chí.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phốd, chính quyền các quận, huyện, xã, phường, ban quản lý chợ, một số sở, ban ngành liên quan… nêu rõ, nguyên nhân chủ yếu việc không hoàn thành kế hoạch đề ra xuất phát từ khó khăn về kinh phí, do lịch sử để lại... Để các chợ kiểu mẫu đạt đủ 20 tiêu chí thành phố đưa ra, rất cần sự hỗ trợ về kinh phí, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chung tay cùng đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý và khai thác chợ. (Hà Vân - Báo Hải Phòng 26/06)

24.            Hội phụ nữ CATP: Tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn

Chiều 24-6, nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Hội phụ nữ CATP tổ chức thăm, tặng quà các hội viên Nguyễn Thị Nhàn (Bệnh viện CATP);  Phạm Thị Din (Phòng PC65); Lê Thị Tâm (Trại tạm giam CATP).

Đây là các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó chị Tâm có chồng đang công tác tại đảo xa, chị Phạm Thị Din bị tai nạn đang điều trị tại bệnh viện... Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng các chị vẫn tích cực tham gia công tác hội và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Hội phụ nữ CATP, trung tá Nguyễn Thị Kim Huệ đã tặng quà và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, đồng thời động viên chị em giữ sức khỏe tốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. (TN - An ninh Hải Phòng 26/06)

25.            Nhân ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6): Tích cực đẩy lùi tệ nạn buôn bán, sử dụng "hàng trắng"

Hải Phòng là địa bàn trọng điểm mà tội phạm ma túy thường xuyên hoạt động “hai chiều”. Hêrôin được chuyển từ biên giới về Hải Phòng, sau đó tiếp tục được các đối tượng vận chuyển buôn bán đi các tỉnh, thành phố khác.

Diễn biến phức tạp tội phạm ma túy

Hiện, trên địa bàn thành phố có hơn 7000 người nghiện ma túy, trong đó huyện Thủy Nguyên có tỷ lệ người nghiện cao nhất thành phố. Do lợi nhuận cao nên nhiều người tranh thủ, lợi dụng hoặc thực tế bị “mua chuộc” tham gia vào các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy. Đặc biệt, đối tượng mua bán ma túy nhỏ, lẻ tại các địa phương hiện nay phần lớn là thanh niên, thiếu niên. Các đối tượng này chia nhỏ “hàng trắng”, khôn khéo vận chuyển từ nơi mua bán, cất giấu kỹ để bán hàng cho các con nghiện.

Đại tá Phạm Văn Điềm, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (PC 47) cho biết: “Tháng 6 hằng năm là Tháng hành động phòng chống ma túy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống ma túy. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp về việc người nghiện ma túy gia tăng ở một số địa phương, tình hình buôn bán ma túy diễn biến phức tạp không chỉ ở nội thành mà các vùng ven đô, ngoại thành gây dư luận bức xúc trong nhân dân cần kiên quyết đấu tranh, triệt phá quyết liệt hơn”.

Liên tục tấn công, trấn áp tội phạm

Trước diễn biến phức tạp về tội phạm ma túy, gần đây, liên tục các ổ nhóm buôn bán ma túy lớn, các tụ điểm buôn bán ma túy nhỏ, lẻ lần lượt được lực lượng chức năng triệt phá. Trong những ngày đầu tháng 6, Công an huyện Thủy Nguyên phát hiện và bắt giữ 9 đối tượng buôn bán, tàng trữ ma túy. Ngày 16 - 6 - 2015, Công an huyện Tiên Lãng bắt quả tang đối tượng Trần Đức Hiếu (sinh năm 1994) ở thị trấn Tiên Lãng đang buôn bán trái phép ma túy cho Đoàn Quang Thoại (sinh năm 1998) ở xã Khởi Nghĩa, tang vật thu giữ là 2 gói Methanphetamine hàm lượng trung bình 73%. Cán bộ, chiến sĩ PC47 phá thành công ổ nhóm mua bán ma túy và có hành vi lừa đảo do Nguyễn Quốc Việt (sinh năm 1993), chỗ ở tại 16/43/30 đường Trần Nguyên Hãn, phường Cát Dài (quận Lê Chân) và Lương Đình Hiệp (sinh năm 1993), chỗ ở tại 41/116 đường Lạch Tray, phường Đông Hải (quận Lê Chân)

Mới đây, trong 2 chuyên án 555X và 615H được PC 47 xác lập và triệt phá thành công là những đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy số lượng lớn từ các tỉnh biên giới Tây Bắc, bắc miền Trung về thành phố, sau đó chuyển tiếp đi tiêu thụ tại các tỉnh khác. Tang vật thu giữ gồm 4 bánh hêrô in, 11 gam ma túy đá, điện thoại, tiền mặt...

Tăng cường sự phối hợp

Đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó giám đốc Công an Hải Phòng khẳng định, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy là quá trình vất vả từ khâu xác lập chuyên án, điều tra, theo dõi, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ đối tượng... Có những vụ, đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Một cán bộ điều tra phòng PC47 cho biết, khi bóc gỡ những đường dây ma túy lớn vào đầu tháng 6, các đối tượng buôn bán ma túy sử dụng các thiết bị công nghệ cao, phân chia rõ vai trò của từng lớp đối tượng trong đường dây, thậm chí dùng vũ khí nóng, thả chó dữ tấn công lực lượng chức năng làm nhiệm vụ...

Theo đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó giám đốc Công an thành phố, trong Tháng hành động phòng chống ma túy, công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao hơn khi có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị các địa phương, sự hợp tác, cung cấp thông tin phòng, chống tội phạm của quần chúng nhân dân. Với những khó khăn, phức tạp trong việc đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, cần có sự chung tay phối hợp của các ngành chức năng, địa phương... Thực tế, trong các chuyên án bóc gỡ những đường dây vận chuyển, buôn bán chất ma túy lớn, Công an Hải Phòng phối hợp chặt chẽ của các đơn vị như Ban Phòng chống ma túy Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan thành phố Hải Phòng ... Nắm chắc tình hình này, thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra, trấn áp tội phạm ma túy Công an thành phố và các quận, huyện xác định làm tốt công tác nghiệp vụ điều tra cơ bản, linh hoạt trong từng chuyên án bóc gỡ các đường dây buôn bán ma túy lớn hoặc xóa, phá các tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy nhỏ, lẻ... Cán bộ, chiến sĩ PC47 tập trung lực lượng, kiên quyết đấu tranh, xóa, phá các dường dây buôn bán ma túy “quá cảnh” vào thành phố, sau đó chuyển đi các tỉnh biên giới phía Bắc “đổi nhập” ma túy tổng hợp về thành phố tiêu thụ... (Ngọc Quỳnh - Báo Hải Phòng 26/06)

26.            Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy

Sau 4 năm thực hiện Dự án “Cải thiện chính sách và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy tại Hải Phòng” với nhiều hoạt động thiết thực mang lại những kết quả tích cực trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy điều trị cai nghiện, hòa nhập với cộng đồng.

Kết nối các dịch vụ tới người nghiện ma túy

Cách đây 4 năm, chị Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ lao động – thương binh và xã hội phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân còn “bỡ ngỡ” với cụm từ “quản lý trường hợp”. Sau khi tham gia dự án, được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao về quản lý trường hợp, kỹ năng tiếp cận người nghiện ma túy tại cộng đồng, đến nay, chị Nguyệt tiếp nhận 65 người nghiện ma túy trên địa bàn và hiện đang quản lý 33 trường hợp. Trong đó, chị giới thiệu và chuyển gửi thành công 16 khách hàng, kết nối các dịch vụ tại cộng đồng như y tế, việc làm, pháp lý, giới thiệu phòng chống HIV; kết nối thành công 2 trường hợp phức tạp (khách hàng thường xuyên không ở nhà, mặc cảm, khó tiếp cận và thái độ thiếu hợp tác).

Một trong các trường hợp thành công của chị Nguyệt khi tham gia dự án là trường hợp Nguyễn Đức Huy (Tổ dân phố 12, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân). Gia đình Huy có 3 anh em trai, trong đó, 2/3 người nghiện ma túy. Năm 2008, anh trai Huy chết vì căn bệnh HIV/AIDS. Khi ấy, Huy suy sụp tinh thần và ngày càng sa vào con đường lỗi lầm. “Tháng 3-2011, tôi được giới thiệu đi xét nghiệm HIV nhưng rất may là kết quả âm tính. Không chỉ đưa tôi đến cơ sở điều trị methadone, các cán bộ của dự án kết nối các ban ngành, đoàn thể phường giúp đỡ gia đình tôi với số tiền 5 triệu đồng để tự mở cửa hàng kinh doanh. Từ đó, cuộc sống của tôi ổn định hơn, sức khỏe ngày càng cải thiện, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng” – Huy chia sẻ.

Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao năng lực và kiến thức cho các cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc cấp xã, phường được đào tạo để trở thành tư vấn viên hỗ trợ người nghiện. Khoảng 1.500 người nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy được tư vấn tái hòa nhập cộng đồng thông qua việc kết nối các dịch vụ có sẵn.

Từ tháng 4-2011 đến tháng 4-2015, dự án thiết lập và duy trì mạng lưới cán bộ quản lý trường hợp gồm 50 người và 4 giám sát viên quận, huyện. Qua tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận, hỗ trợ người sử dụng ma túy tại cộng đồng, tính đến nay, cán bộ quản lý trường hợp trên địa bàn thành phố tiếp cận, thu hút hơn 3.300 khách hàng tham gia (hiện đang quản lý 1.554 trường hợp). Đội ngũ cán bộ giới thiệu dịch vụ cho gần 5.800 lượt khách hàng, phát hơn 4.500 tài liệu truyền thông và gần 13.000 bơm kim tiêm, bao cao su...

Duy trì, nhân rộng hiệu quả dự án

Anh Đào Xuân Hùng, thành viên Ban quản lý dự án cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp một số khó khăn, thách thức như cán bộ quản lý trường hợp đều là cán bộ kiêm nhiệm nên hạn chế về mặt thời gian trong việc tìm kiếm, tiếp cận và hỗ trợ người nghiện ma túy, chưa kể việc luân chuyển cán bộ tạo bất lợi cho việc tiếp cận đối tượng. Phần lớn người nghiện ma túy có tâm lý mặc cảm, thiếu sự hợp tác do sợ ảnh hưởng đến cuộc sống nên cán bộ quản lý khó tiếp cận, trợ giúp... Vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho khách hàng còn nhiều khó khăn do nhu cầu của khách hàng, vay vốn, kết nối doanh nghiệp...

Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hải Phòng Nguyễn Đức Phan cho biết, dự án “Cải thiện chính sách và nâng cao chất lượng dịch vụ tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy tại Hải Phòng” do Tổ chức FHI 360 (Family Health International 360) tài trợ góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý trường hợp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, qua các hoạt động của dự án, người nghiện ma túy có được thông tin cần thiết để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tự nguyện và hiệu quả tại cộng đồng cũng như thực hiện các dịch vụ dự phòng HIV. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn nâng cao kỹ năng, chuyên môn về tiếp cận, tư vấn cho cán bộ quản lý trường hợp xã, phường, thị trấn để duy trì và nâng cao hiệu quả dự án. Chúng tôi mong rằng, Tổ chức FHI 360 cũng như các tổ chức quốc tế khác tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố về kỹ thuật và nguồn lực để có thể triển khai các dự án tương tự, nhằm hỗ trợ công tác cai nghiện, nâng cao hiệu quả điều trị cho người sử dụng ma túy. (Mai Dung - Báo Hải Phòng 26/06)

27.            Thành đoàn Hải Phòng với chiến dịch “Nói không với ma túy”

Chiều 25/6, tại Trung tâm Giáo dục-Lao động và Xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên), Thành đoàn Hải Phòng phối hợp với cơ quan chức năng và các đơn vị đoàn cơ sở tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy 6 tháng cuối năm 2015.

Theo báo cáo của Thành đoàn Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2015, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy tại Hải Phòng diễn biến phức tạp. Không chỉ hoạt động mua bán gia tăng về số vụ, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, các tụ điểm phức tạp về ma túy cứ triệt phá chỗ này lại phình ra chỗ khác, số người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng, các chất ma túy tổng hợp cũng ngày càng xuất hiện nhiều…

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ 173 vụ với 357 đối tượng với số lượng lớn về ma túy, gồm cả ma túy đá, thuốc lắc và cần sa.

Trước tình trạng này, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng tổ chức hội nghị nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng chống ma túy, góp phần giảm tỉ lệ tội phạm, giảm số người nghiện trong thanh thiếu niên.

Cụ thể, Thành đoàn Hải Phòng sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về phòng chống ma túy, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt văn nghệ, sử dụng mạng xã hội như facebook xây dựng chuyên trang Thanh thiếu niên nói không với ma túy, Thắp sáng niềm tin để hỗ trợ cho thanh thiếu niên sau cai hòa nhập cộng đồng. 

Thành đoàn sẽ tiếp tục củng cố và nhân rộng các mô hình can thiệp tại cộng đồng như các câu lạc bộ Bạn giúp bạn, Đồng đẳng, thí điểm xây dựng mô hình Góc thân thiện tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cùng các nhà máy với các nội dung tuyên truyền về tác hại của ma túy, HIV cũng như cách phòng chống.

Cùng với đó, Thành đoàn Hải Phòng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng như: phối hợp với Công an TP về phối hợp hành động phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên giai đoạn 2010-2015; chỉ đạo phát động phong trào thi đua xây dựng trường học không ma túy; thực hiện chương trình Đoàn thanh niên giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến trên địa bàn TP giai đoạn 2013-2017.

Ngoài ra, Thành đoàn Hải Phòng sẽ thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phòng chống ma túy, tổ chức các lớp hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên sau cai tái hòa nhập cộng đồng. (Đỗ Hoàng - Báo Tiền Phong 26/06)

28.            600 học viên tham gia giao lưu, trao đổi về chữ "Hiếu"

Hưởng ứng ngày toàn dân phòng, chống ma túy, tối 25 -6, tại Đội 4, Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng, Hội LHTN Việt Nam thành phố phối hợp tổ chức chương trình giao lưu và trao đổi về tinh thần chữ “Hiếu” trong truyền thống của dân tộc đến 600 học viên đang lao động và chữa bệnh tại Trung tâm.

Tại chương trình Đại đức Thích Bản Hoan trao đổi về tinh thần chữ “Hiếu” trong truyền thống của dân tộc nhằm khơi dậy nhận thức của mỗi học viên về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha, mẹ từ đó thúc đẩy tính hướng thiện của mỗi người, góp phần vào việc giáo dục nhân cách tốt, tạo động lực vượt qua cám dỗ để sớm trở về với gia đình, cộng đồng trong mỗi học viên. (Kiều Chinh - Báo Hải Phòng 26/06)

29.            Tuổi trẻ thành phố tập trung tuyên truyền, nhân rộng mô hình sau cai thành công

Chiều 25 – 6, tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên), Thành Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền, phòng chống ma túy 6 tháng cuối năm 2015.

Dự hội nghị có: lãnh đạo Công an thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và đông đảo đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố tham gia.

6 tháng đầu năm 2015, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp. Không chỉ tăng về số vụ, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, một số tụ điểm phức tạp về ma túy chưa được xử lý dứt điểm, số người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng và có xu hướng trẻ hóa…Trong 6 tháng đầu năm 2015, Công an thành phố đã bắt giữ 173 vụ với 357 đối tượng, thu giữ số lượng lớn về ma túy, gồm cả ma túy đá, thuốc lắc và cần sa.

Nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, góp phần từng bước giảm tỷ lệ tội phạm trong thanh, thiếu niên, giảm số người nghiện ma túy mới tại cộng đồng. Tại hội nghị các ý kiến tập trung kiến nghị vấn đề: cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chức năng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, phòng chống ma túy, HIV/ AIDS và các tệ nạn xã hội; tập trung xây dựng và phát triển các mô hình can thiệp tại cộng đồng về tuyên truyền phòng chống ma túy; nhân rộng các mô hình sau cai, giúp đỡ người mắc nghiện tái hòa nhập cộng đồng… (Văn Cường - Báo Hải Phòng 26/06)

30.            Nơi tình yêu dành cho… thú cưng

Khép mình khiêm tốn trong khu đô thị Ngã 5 - sân bay Cát Bi, quán café Hachiko luôn được nhiều bạn trẻ ưa thích vì nơi đây giống như“thiên đường” dành cho thú cưng. Đến Hachiko, ngoài việc thưởng thức những món đồ uống sáng tạo và vui đùa với những chú cún, chú mèo dễ thương, bạn còn được học hỏi về cách chăm sóc hay sắm sửa những vật dụng đáng yêu cho thú cưng như quần áo, thức ăn, phụ kiện làm đẹp, đồ chơi, thậm chí là cả dịch vụ spa, cắt tỉa lông…

Thưởng thức cafe… ngắm thú cưng

Hachiko được biết đến bởi phong cách kinh doanh khá mới lạ: phục vụ đồ uống kèm dịch vụ dành cho thú cưng. Cách kinh doanh này đã thu hút nhiều người, nhất là giới trẻ yêu chó, mèo. Họ đến quán bởi vừa được thư thái, thưởng thức café cùng bạn bè, vừa có không gian ngắm nhìn thú cưng của mình chạy nhảy, đùa nghịch đồ chơi. Khá là thú vị khi bạn có thể thỏa thích vui đùa với những chú cún, chú mèo xinh xắn, nghịch ngợm mà hiếm quán café nào ở Hải Phòng có. Chủ quán Hachiko là chàng trai trẻ Nguyễn Tùng Sơn, sinh năm 1987 nhưng đã có kha khá kinh nghiệm kinh doanh và đặc biệt là tình yêu vô tận dành cho những chú cún. Tuy mở quán chưa lâu nhưng ý tưởng kinh doanh của Sơn đã được nhiều bạn trẻ ủng hộ khi quán café của anh lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Đông khách vậy nhưng mục đích chủ yếu của anh chàng này không chỉ là lợi nhuận mà Sơn luôn mong muốn tạo một địa chỉ thân quen để những bạn trẻ yêu chó - mèo có thể trò chuyện, chia sẻ về thú cưng của mình.

Sơn chia sẻ: “Hachiko được đặt theo tên một chú chó trung thành nhất thế giới. Câu chuyện về chú chó Hachiko ở Nhật Bản hàng ngày đợi người chủ đã chết tại sân ga trong 9 năm cho tới khi chết được nghe từ nhỏ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mình. Hiện giờ mình đang nuôi một chú chó tên Tutu dòng labrado rất thông minh, nó theo mình từ khi khởi nghiệp cho tới nay. Tutu rất biết lấy lòng khách và hòa đồng với những chú chó, chú mèo khách hàng mang tới quán”.

Không gian bên trong quán mang đậm dấu ấn của những chú thú cưng từ vật dụng trang trí như tranh, ảnh đến ly tách với hình dáng ngộ nghĩnh. Sơn cho biết: nhắc tới Hachiko, những người nuôi chó - mèo đều biết đến với chuỗi dịch vụ cho thú nuôi: bán phụ kiện, spa, cắt tỉa lông và nay là café. Quán được thiết kế chia thành từng khu vực: “nhà” mèo với đồ chơi xinh xắn, “nhà” chó - nơi khách có thể uống café và chơi đùa với chú cún của mình. Riêng tầng 1 có sân cỏ ngoài trời dành riêng cho những chú chó trưởng thành, thích vận động. Những đồ trang trí trong quán đều thiết kế đặc biệt dành riêng cho các con vật: tranh ảnh, gối ôm hình mèo, các loại đồ chơi cho chó mèo, nhà bóng, nhà cát... Kì công hơn, có những món đồ Sơn phải đặt mua từ nước ngoài mang về.

Mỗi không gian ở Hachiko đều mang lại những cảm nhận khác nhau: “nhà” chó luôn ồn ào, sôi động với tiếng cười đùa thích thú của em nhỏ, “nhà mèo” tuy đông khách nhưng luôn yên tĩnh, ấm cúng với hình ảnh những chú mèo lười nhác trong lòng chủ nhân. Dù khác nhau nhưng tình yêu thương động vật chính là sợi dây kết nối tất cả, tạo cho Hachiko cảm giác đây chính là “thiên đường” dành cho thú cưng.

Và chàng trai mạo hiểm theo đuổi đam mê

Tuy được nhiều người yêu thích nhưng công việc của Sơn chưa bao giờ nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, người thân bởi “họ không tin vào công việc mình đang làm, cho rằng đó là ý tưởng viển vông. Bố mình đã từng hỏi “Làm cái này người ta gọi là Sơn “chó” thì sao?”, Sơn buồn bã chia sẻ. Từng là du học sinh 4 năm, lại có công việc ổn định thì quyết định bỏ việc kinh doanh của Sơn bị coi là xốc nổi, viển vông cũng là điều dễ hiểu. Nhưng người khác càng ngăn cản thì Sơn càng “lao vào”, chấp nhận mạo hiểm để chứng minh cho mọi người thấy con đường mình đã chọn là hoàn toàn đúng đắn.

“Thay đổi hay là chết” đó là tên cuốn sách mình tâm đắc nhất, cũng là kim chỉ nam cho bản thân. Khi còn đi học, mình luôn trăn trở đâu mới là đam mê thực sự và giờ đây được sống đúng với đam mê là điều hạnh phúc nhất. Dù có đôi chút khó khăn nhưng mình luôn tin: đi là sẽ tới” - Sơn khẳng định. Và cho tới hôm nay, chưa có ai gọi Sơn là Sơn “chó” như bố anh cảnh báo. Họ biết đến Sơn “Hachiko” với những dịch vụ chăm sóc chó - mèo chuyên nghiệp, nhiệt tình, tận tâm.

Có không ít khách hàng ngạc nhiên khi thấy Sơn đi xe ô tô đến tận cổng đưa đón thú cưng của họ đi spa, tắm rửa, tỉa lông… luôn đúng giờ dù thời tiết có “đỏng đảnh” thế nào. Họ tin tưởng vào Sơn, đúng hơn là tin tưởng tình yêu anh dành cho những chú chó, chú mèo. Đằng sau sự tận tụy ấy đôi khi phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt.

Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu khởi nghiệp, Sơn không tin rằng mình có thể tiến xa như bây giờ. Với số vốn ít ỏi trong tay, vợ chồng Sơn khá vất vả kinh doanh, có thời gian, vợ anh bụng bầu vượt mặt mà vẫn cùng chồng đi phát từng tờ quảng cáo. Ngày khai trương, bố mẹ không hề xuất hiện chúc mừng con. Có những tháng ế ẩm, không bán được hàng, Sơn và vợ vẫn cố gắng duy trì vì anh biết “nếu quay lại sẽ không có lần thứ 2”. Trong hành trình đó, luôn có vợ con là chỗ dựa vững chắc nhất, giúp anh cân bằng được cuộc sống. Sơn tâm niệm “hãy yêu một cô nàng yêu động vật, bởi đó mới là cô gái có tâm hồn thánh thiện và trong sáng nhất” và Sơn đã tìm được một cô gái như vậy, cùng chung niềm yêu thích với anh, động viên anh biến đam mê thành thành công của ngày hôm nay. (Minh Hương - An ninh Hải Phòng 26/06)

31.            Tặng cơm trưa miễn phí cho thí sinh thi tại ĐH Hàng Hải

Trong các ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2015 tới đây, sẽ có 1.500 suất cơm và nước uống miễn phí phát tặng người nhà và thí sinh dự thi tại Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam. Hội sinh viên Viện đào tạo Quốc tế của trường đã lên ý tưởng và gấp rút vận động tài trợ trong 3 tuần vừa qua để thực hiện chương trình tặng cơm miễn phí mang tên gọi “Cơm quà tặng 2015”.

Theo đó, trong các buổi trưa 1-7 và 2-7, thí sinh dự thi tại trường ĐH Hàng Hải khi xuất trình thẻ dự thi sẽ được hướng dẫn đến nhận suất ăn trưa miễn phí (20.000đ/suất) tại nhà ăn của trường. Mỗi thí sinh được nhận tối đa 2 suất ăn.

Tiếp nối thành công của chương trình “Cơm quà tặng 2014”, thực hiện chương trình lần này, Hội sinh viên Viện đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam mong muốn tiếp tục được đồng hành, động viên, tiếp sức cho các sĩ tử hoàn thành tốt kỳ thi quan trọng. Chương trình nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân tham gia ủng hộ trong những ngày vừa qua với tổng số kinh phí hơn 40 triệu đồng.

Đặc biệt, tối 29-6, tại ký túc xá Quán Nam của Trường ĐH Hàng Hải, BTC “Cơm quà tặng 2015” còn tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ động viên tinh thần các thí sinh trước khi bước vào kỳ thi. (HT - An ninh Hải Phòng 26/06;  Báo Hải Phòng 26/06)

32.            Liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi

Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT – BTP –BCA – BYT ngày 15/5/2015, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Công an thành phố và Bảo hiểm xã hội thành phố cũng như UBND các quận, huyện, phường, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về nội dung cũng như lộ trình thực hiện liên Thông tư, các thủ tục hành chính theo quy định. Trong tháng 7, các đơn vị tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức liên quan trên địa bàn quận, huyện, phường, xã về thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…để triển khai Thông tư trên địa bàn toàn thành phố. (Văn Cường - Báo Hải Phòng 26/06)

33.            Tập huấn công tác Dân số - KHHGĐ cho cán bộ công đoàn

Chiều 25-6, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tập huấn một số nội dung cơ bản và nhiệm vụ của các cấp công đoàn về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản trong công nhân, viên chức, lao động.

Tại buổi tập huấn, Giám đốc Trung tâm Dân số - Sức khỏe sinh sản (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Huỳnh Hải Vân giới thiệu những vấn đề trọng tâm của công tác dân số hiện nay như: mất cân bằng giới tính khi sinh, duy trì mức sinh hợp lý, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…

Các cán bộ công đoàn cơ sở dựa vào nội dung buổi tập huấn xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11-7) với chủ đề “Tăng cường dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho người dân dễ tổn thương trong thiên tai” và chiến dịch truyền thông về tỷ lệ giới tính khi sinh “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”. Đồng thời, các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chính sách Dân số - KHHGĐ, phát hiện trường hợp lao động sinh con thứ 3 trở lên cũng như tạo điều kiện cho người lao động nữ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. (Thanh Hà - Báo Hải Phòng 26/06)

VĂN HÓA

34.            Đọc tiểu thuyết "Hai ngày và mãi mãi" của nhà văn Cao Năm

Trong đời mỗi người hay lịch sử một thành phố, một quốc gia có những ngày không thể nào quên vì nó trở thành dấu ấn lịch sử thiêng liêng với niềm tự hào lớn lao mỗi khi nhớ về những ngày đó.

Hải Phòng chúng ta đã có hai ngày lịch sử là niềm vinh dự, tự hào của quân dân thành phố được đón Hồ Chủ tịch, khi người dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô từ Pháp trở về tổ quốc trên chiến hạm Đuya-mông Đuyếc-vin cập Bến Ngự Hải Phòng vào ngày 20-6-1946. Đó là sự kiện lịch sử thiêng liêng cách đây đã 69 năm mà chúng ta chỉ biết qua báo chí, hồi ức trên sách báo, còn giới trẻ thì gần như chỉ biết đó là một sự kiện lịch sử xa xưa một cách chung chung, đại khái.

Thật may cho chúng ta, cho lớp trẻ hôm nay khi nhà văn Cao Năm đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết dài 236 trang, tái hiện lại 2 ngày lịch sử: quân dân Hải Phòng được đón Hồ Chủ tịch từ Pháp trở về tổ quốc… Bác đã ở Hải Phòng 2 ngày gặp gỡ, thăm hỏi, đáp lại tình cảm của người dân Hải Phòng. Nhiều sự kiện, câu chuyện thật xúc động đã được nhà văn Cao Năm tái hiện chân thực, sống động, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bằng giọng văn mộc mạc, giản dị, xúc động của mình.

Nhà văn Cao Năm đã sáng tạo các nhân vật điển hình, tiêu biểu, chân thực, thể hiện tình cảm của người Hải Phòng với Bác, đó là Thanh, cán bộ tiểu thương trong Ban quản lý chợ Sắt đã cùng các bà, các chị ở chợ  trong 1 ngày đêm may hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng để đón Bác; là vợ chồng Muôn - Lếnh, những người lao động sống chết vì thành phố làm hàng nghìn cán cờ, biểu ngữ, vận động các đoàn thể, các ngành, các giới chuẩn bị đón Bác. Mọi người tìm gặp nhau, nghe những câu chuyện  cảm động về Bác qua lời kể của ông Mai - người bạn thuỷ thủ cùng làm việc với Bác ở trên tàu khi Bác ngày đầu ra đi cứu nước. Ông Mai đã giữ gìn chiếc áo mà Bác khi là anh Văn Ba thủy thủ cho ông đến tận giờ.

Rồi chuyện anh Luân gặp Bác ở Pa-ri, những ngày Bác hoạt động làm báo "Người cùng khổ", được Bác giác ngộ trở về nước hoạt động trưởng thành cùng cách mạng… Cả chuyện được gặp Bác của Phó chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng Vũ Quốc Uy đã thể hiện tình cảm kính yêu của người dân thành phố đối với Bác sâu sắc biết nhường nào. Ngoài ra, Cao Năm cũng đã thành công khi xây dựng 2 nhân vật cán bộ cách mạng thành phố: đó là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Vũ Quốc Uy và Cảnh sát trưởng thành phố Trần Thành Ngọ.

Cao Năm đặc biệt thành công khi tái hiện lại hình ảnh của Bác trong 2 ngày từ khi chiến hạm Đuy-Mông Duyếc-Vin đưa bác cập cảng Bến Ngự Hải Phòng vào 4 giờ chiều ngày 20-10-1946. Đây là những trang thật khó, vì chỉ dựa vào tư liệu, trần thuật của báo chí, lời kể lại của một vài nhân chứng mà Cao Năm đã dựng lại trong 40 trang sách đầy xúc động về hành động, tâm tư tình cảm của Bác đối với Hải Phòng: từ cuộc đón tiếp Bác trên chiến hạm đến những buổi giao lưu, gặp gỡ các đoàn đại biểu ở các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng gặp Bác, việc gặp lại bạn cũ như ông Mai, anh Luân, ông Thi Sơn cho đến việc động viên những người lao động như chị Vân nhà bếp, những chiến sĩ bảo vệ, những nhân viên phục vụ của ủy ban… Cao Năm đã làm sáng lên nhân cách vĩ đại, phẩm chất cao quý vì dân của Bác.

Đặc biệt là cách cư xử, phát ngôn của Bác trong cuộc đón tiếp của đô đốc Đác-giăng-li-ơ tại cảng Cam Ranh. Hắn muốn uy hiếp tinh thần Bác nhưng chỉ bằng câu nói giản dị, thẳng thắn thể hiện quan điểm, Bác đã làm hắn phải khâm phục: "Nếu đô đốc Đác-giăng-li-ơ nghĩ rằng có thể đưa tàu chiến đại bác để gây ấn tượng với tôi thì ông đã lầm to. Những tàu chiến của ông ấy không thể đi ngược dòng sông của chúng tôi được đâu".

Tình cảm, suy nghĩ của Bác khi chiến hạm Pháp đi vào cảng Hải Phòng qua Bến Ngự thật đặc biệt. Sau 4 tháng 20 ngày xa tổ quốc được về với dân, đất nước, Bác vô cùng xúc động. Khi Bác mời hạm trưởng Ô-nây và trung tá Tuy-Tan, phái viên của chính phủ Pháp uống cà phê tạm biệt trong phòng trên chiến hạm, Bác đã đứng bật dậy đi ra cửa sổ bảo Tuy-Tan: "Đây là sông Cấm", làm phái viên Tuy-Tan xúc động kể lại những kỉ niệm ở Hải Phòng với tâm trạng bâng khuâng khó tả. Bác đứng lại bên cửa sổ ngắm nhìn dòng sông Cấm và bến cảng Sáu Kho...

Hai ngày Bác ở Hải Phòng có nhiều sự kiện ấn tượng: Ngoài chuyện gặp gỡ các đoàn đại biểu, đồng bào các tỉnh, bạn bè, Bác còn dự tiệc chào mừng của Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng, có Chỉ huy trưởng quân đội Pháp Đép-bơ, Hạm trưởng chiến hạm Ô-nây và các sĩ quan Pháp tham dự. Đến 9 giờ tối sang thắp hương ở đền Nghè, Bác dặn mọi người: "Hải Phòng có thành hoàng làng ngay giữa thành phố thế này là quý lắm, các chú phải làm cho mọi người, nhất là các cháu thanh thiếu niên hiểu rõ lịch sử quê hương, đất nước, làm sao để "dân tộc ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" các chú nhé.

Buổi sáng, mới 5 giờ Bác đã dậy nói với Vũ Quốc Uy bố trí để Bác đi thăm thành phố. Khi trở về Bác còn tiếp các đoàn đại biểu, các nhà báo, rồi sang ngay cuộc mít tinh của nhân dân thành phố chào mừng Bác tại vườn hoa sông Lấp vào lúc 10 giờ ngày 21-10. Những lời nói của Bác với quân dân Hải Phòng sẽ còn sống, vang vọng mãi trong lịch sử của thành phố.

"Lúc tôi ra đi, tất cả đồng bào đều áy náy, không biết tôi đi công việc và sức khoẻ của tôi ra sao? Trong bốn tháng hai mươi ngày đồng bào nhớ tôi, và cũng trong bốn tháng 20 ngày tôi nhớ đồng bào. Bây giờ tôi đã về đây, tôi rất sung sướng được thấy tổ quốc thân yêu, thấy đồng bào yêu quý, tôi hết sức vui lòng".

Từ chỗ mít tinh, Bác đi thẳng ra ga Hải Phòng để về Hà Nội. Bác còn dừng lại trước nhà ga, ở cửa toa tàu vẫy tay hồi lâu đáp lại thịnh tình của đồng bào thành phố Cảng ra tiễn bác... Đó thực là những trang rất hay, xúc động của tiểu thuyết "2 ngày và mãi mãi" của Cao Năm đã được anh hoàn thành với bút pháp giản dị, đầy sáng tạo. Tiểu thuyết xứng đáng được giải nhì của cuộc thi Ban tuyên giáo và Hội nhà văn tổ chức viết về đề tài học tập và làm theo lời Bác.

Cao Năm là một nhà văn, nhà báo lâu năm (là hội viên Hội nhà văn từ năm 1999), làm việc bền bỉ, sáng tạo không mệt mỏi. Ông đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết "Bão đồng" của ông thực sự ấn tượng. Ông là người sống chân thành với bạn bè, bạn viết. Có lẽ ông là người viết nhiều nhất về các tác phẩm mà bạn bè tặng ông, ông cũng là tác giả Hải Phòng được đăng nhiều trên các báo trung ương và địa phương. Sức viết của ông làm nhiều người khâm phục…

Hy vọng với sức mạnh nội lực mạnh mẽ ấy, ông sẽ vượt qua những trở lực bệnh tật đang thử thách ông. Chúc ông khoẻ, lạc quan, sáng tác đều để có nhiều tác phẩm hay hơn nữa tặng cho đời… (Nguyễn Long Khánh - An ninh Hải Phòng 26/06)

35.            19 tiết mục dự thi hội diễn công an khối quận

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Công an nhân dân Việt Nam và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, sáng 26-6, công an quận Ngô Quyền đăng cai tổ chức “Hội diễn nghệ thuật quần chúng khối toàn thành phố”.

Tham dự hội diễn lần này có 19 tiết mục đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hòa tấu kèn Acmonica và tiểu phẩm các lãnh đạo, chiến sỹ công an 7 quận trên địa bàn thành phố dàn dựng và biểu diễn (Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn). Kết quả, 3 tiết mục: Hợp ca nam, nữ “Tổ quốc trong tim”, tiểu phẩm “Giai điệu tự hào” (Công an quận Ngô Quyền) và tiểu phẩm “Tình huống bất ngờ” (Công an quận Hồng Bàng) đoạt giải nhất hội diễn. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải nhì, 3 giải 3 và 10 giải khuyến khích cho các đội tham dự hội diễn.

5 tiết mục, gồm: 3 tiết mục đoạt giải nhất và 2 tiết mục tổ khúc “Giữ trọn lời thề” (Công an quận Lê Chân); tốp ca nam, nữ “Vinh quang Công an nhân dân Việt Nam” (Công an quận Đồ Sơn) được chọn tham dự chung kết Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công an thành phố 2015. (Hà Vân - Báo Hải Phòng 26/06)

THỂ THAO

36.            Hải Phòng vào bán kết Cúp quốc gia 2015

4 trận đấu của vòng tứ kết Cúp quốc gia 2015 kết thúc và có đội chủ nhà bị loại bởi thua ngày trên sân nhà.

SHB Đà Nẵng là đội bóng đề ra mục tiêu với Cúp quốc gia năm nay nhưng ngay trên sân nhà Chi Lăng, dẫu ghi bàn trước, nhưng chủ nhà Đà Nẵng đã bị đương kim vô địch hải Phòng quật đổ bửi 2 bàn thắng của Stevens. Thắng Đà Nẵng 2-1, Hải Phòng giành vé vào bán kết. Trong khi đó, đội bóng khác của bầu Hiển là Hà Nội T&T đã vượt qua Hoàng Anh Gia Lai 2-0 để giành vé vào bán kết.

Cũng thất bại trên sân nhà là Song Lam Nghệ An. Trên sân Vinh, Bình Dương chủ động lối đá chắc chắn để kìm hãm sức trẻ của Sông Lam Nghệ An. Và tương tự như Hải Phòng, á quân Cúp Quốc gia Bình Dương cugnx thắng chủ nhà Nghệ An 2-1 để giành vé vào bán kết. Trận tứ kết còn lại giữa Đồng Tâm Long – Đồng Nai với phần thắng 4-2 về Long An nhờ sự tỏa sáng với cú hattrick của Tài Em.

Hai cặp đấu của vòng bán kết diễn ra ngày 5-8: Đồng Tâm Long An - Bình Dương (sân Long An), Hà Nội T&T - Hải Phòng (sân Hàng Đẫy). (Đỗ Hân - Báo Hải Phòng 26/06)

 

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố