Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 25/7/2013)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 25/7/2013)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Lần đầu chất vấn bằng video ở Hải Phòng

Đây là hình thức chất vấn khá mới lần đầu tiên được áp dụng để truy trách nhiệm đối với lãnh đạo các ngành tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XIV ngày 24/7.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐND, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, 8 video được trình chiếu tại kỳ họp để chất vấn 7 lãnh đạo các Sở, ngành là tổng hợp những vấn đề nổi cộm của thành phố.

Theo đó, từ những bức xúc của cử tri, HĐND thành phố đi thực tế, thực hiện các video clip để chuyển đến các đại biểu những câu chuyện, hình ảnh cụ thể, sống động nhất. Vì thế tại phiên chất vấn, các câu hỏi chất vấn được đặt ra một cách thẳng thắn, cụ thể ngay trong các video clip nên lãnh đạo các Sở, ngành không còn trả lời theo kiểu “sẽ kiểm tra, rà soát lại” mà nhận trách nhiệm và hứa xử lý sớm nhất.

Cụ thể, tại phiên chất vấn ông Bùi Quang Sản - Giám đốc Sở TN&MT, một video clip về thực trạng khai thác đá mất an toàn tại huyện Thủy Nguyên được trình chiếu. Câu hỏi chất vấn cũng được đặt ra trong video: “Đến bao giờ tiếng mìn nổ phá đá phá vỡ sự thanh bình của làng quê mới ngừng và không còn xảy ra những tai nạn thương tâm?”.

Sau khi xem clip, ông Sản thừa nhận, những thước phim vừa được trình chiếu là hình ảnh tiêu biểu cho sự không tuân thủ quá trình khai thác đá. Ông cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do việc cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác đá tràn lan.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, sẽ đưa tám video clip được trình chiếu tại phiên chất vấn lên trang web của HĐND để người dân tiện theo dõi quá trình xử lý của các Ban ngành. Khi nào các sai phạm được xử lý đúng như lời hứa của lãnh đạo các ngành thì mới rút những video này xuống.

Trao đổi bên lề kỳ họp HĐND về việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Hải Phòng kiểm điểm vì buông lỏng quản lý tệ nạn mại dâm, ông Dương Anh Điền - Chủ tịch thành phố cho biết, chưa nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ và trong thời gian qua đã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tệ nạn mại dâm tại quận Đồ Sơn.

Ông Điền nói: “Không thể để tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn công khai như báo chí nêu trong thời gian qua. Bây giờ nhà báo ra thực tế sẽ thấy khác, công tác quản lý chặt chẽ hơn. Trong quá trình tăng cường kiểm tra thành phố sẽ quy trách nhiệm và xử lý kiểm điểm lãnh đạo, cán bộ chính quyền buông lỏng”. (News.zing.vn 24/7)

2.     Xem xét kỷ luật Giám đốc Trung tâm giám định pháp y

Ngày 24/7, ngày họp thứ 3, kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa XIV, ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị xem xét hình thức kỷ luật Giám đốc Trung tâm giám định pháp y thành phố.

Tại kỳ họp, ông Vũ Văn Kiền - Trưởng ban pháp chế HĐND chất vấn ông Phan Trọng Khánh – Giám đốc Sở Y tế xung quan lĩnh vực Giám định pháp y, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế trên địa bàn, chất lượng khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế.

Theo ông Kiền, thời gian qua, Trung tâm giám định pháp y thành phố để ra quá nhiều sai sót trong việc ra các kết luận giám định pháp y trong một số vụ án hình sự. Theo thống kê sơ bộ, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y đã ra 5 kết luận giám định pháp y không đúng với tình trạng, tỷ lệ thương tật của đối tượng được giám định, có những trường hợp Giám đốc trung tâm giám định pháp y kết luận đối tượng bị hại trong một vụ án hình sự bị tổn thất tới hơn 51% sức khỏe.

Từ các kết luận giám định pháp y này, cơ quan bảo vệ pháp luật đã tuyên những bản án hết sức nghiêm khắc đối với các bị cáo – là học sinh phổ thông trong một vụ án cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, sau khi có kết luận bị giảm tới 51% sức khỏe, bị hại vẫn có đủ sức khỏe theo học một trường quân sự.

Ông Thành nhấn mạnh, đây là y đức, đạo đức của người giám định viện, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y. Những kết quả giám định này khiến cho các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể mắc sai lầm trong khi giải quyết vụ án, dẫn đến oan sai, hàm oan cho người có liên quan, ông Thành đề nghị xem xét hình thức kỷ luật đối với Giám đốc Trung tâm thành phố, xem xét trách nhiệm liên quan của ông Khánh.

Trong phiên chất vấn, ông Thành “truy vấn” ông Đỗ Trọng Đạt – Giám đốc Sở Xây dựng để xảy ra tình trạng ngập lụt trên địa bàn mỗi khi có mưa lũ. Đặc biệt, ông Đạt để xẩy ra 12 trường hợp, các doanh nghiệp xây dựng không đúng quy hoạch tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp.

Mặc dù bị đích dạnh chủ tọa phiên họp “truy” nhưng ông Đạt không trả lời được vấn đề do Chủ tịch HĐND thành phố đưa ra, ông Đạt cho rằng, việc xây dựng không đúng quy hoạch tại Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp đã xảy ra từ nhiều năm nay, trách nhiệm chủ yếu thuộc về ông Trịnh Phúc Tuệ - Giám đốc Cung Văn hóa và lãnh đạo quận Ngô Quyền, lãnh đạo Sở Xây dựng.

Không đồng tình với cách trả lời né tránh trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu ông Đạt phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân Giám đốc Sở Xây dựng, lãnh đạo thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo quận Ngô Quyền và Giám đốc Cung Văn hóa Việt Tiệp.

Tại kỳ họp, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT trình bày các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 13 sản xuất thép – một ngành từng là mũi nhọn kinh tế của Hải Phòng trước khi lâm vào khủng hoảng.

Ông Bùi Trọng Tuấn – Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận thực trạng khó quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân. (Bùi Khánh – Linh Nhâm, Pháp Luật Việt Nam Online 24/7; ; Việt Cường, Báo Hải Phòng 25/7, tr1+2; ĐH, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr1+2; Bản tin thời sự tối 24/7, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

3.     Hải Phòng hỗ trợ đào tạo sinh viên tỉnh Uđômxay (Lào)

Sáng 24/7, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch thành phố tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ tỉnh Uđômxay (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) do ông Ô Vặt Chăn Tha Vông - Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao dẫn đầu, triển khai Bản ghi nhớ giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Uđômxay, giai đoạn 2012-2150 về lĩnh vực đào tạo.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Lê Khắc Nam chào mừng Đoàn đến thăm và làm việc tại Hải Phòng, đồng thời trao đổi cụ thể những vấn đề liên quan đến việc triển khai Bản ghi nhớ giữa Hải Phòng và tỉnh Uđômxay trong lĩnh vực đào tạo.

Theo Bản ghi nhớ, Hải Phòng hỗ trợ đào tạo 5 sinh viên của tỉnh U đôm xay các chuyên ngành luật, y khoa, vật lý, hóa học… đạt trình độ Đại học và sau Đại học. Dự kiến, cuối tháng 8, 5 sinh viên sẽ học tiếng Việt tại trường Đại học Hải Phòng, trước khi chuyển tiếp sang đào tạo các ngành, nghề phù hợp tại một số trường Đại học trên địa bàn thành phố.

Về đề nghị Hải Phòng hỗ trợ đào tạo thêm 5 trường hợp không nằm trong Bản ghi nhớ giữa hai tỉnh, thành phố, ông Lê Khắc Nam cho hay, sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố và sớm có văn bản trả lời. (Báo Hải Phòng 25/7, tr1; HT, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr1+3; Bản tin thời sự tối 24/7, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

NĂM DU LỊCH QUỐC GIA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG – HẢI PHÒNG 2013

4.     654.000 lượt khách đến với Cát Bà

Đến hết tháng 6, Cát Bà thu hút 654.000 lượt khách, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế và 503.100 lượt khách nội địa.

UBND huyện tích cực tuyên truyền, quảng bá du lịch, tăng cường kiểm tra về thủ tục pháp lý và công tác bảo đảm an toàn cứu hộ, cứu nạn tại 12 bãi tắm và các phương tiện thủy hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch; niêm yết công khai giá dịch vụ và sản phẩm du lịch, qua đó xây dựng hình ảnh du lịch Cát Bà an toàn, thân thiện. (P.V, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr4)

ĐÔ THỊ

5.     Cải tạo hệ thống thoát nước kênh An Kim Hải: Dậm chân tại chỗ vì chưa có mặt bằng

Hiện, việc triển khai cải tạo kênh An Kim Hải thuộc gói thầu A2 (Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn) trên địa bàn quận Ngô Quyền và Hải An vẫn gặp khó khăn về mặt bằng. Theo kế hoạch, nhà thầu phải thi công tuyến cống thoát nước thải  số 2, số 3 và kênh An Kim Hải, cũng như tuyến cống hộp Phương Lưu cuối năm 2012, nhưng đến nay, các hạng mục này gần như “giậm chân tại chỗ”.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Ban quản lý Dự án cải thiện vệ sinh môi trường Hải Phòng cho biết, công trình cải tạo kênh An Kim Hải (gói thầu A2 của Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn) bắt đầu từ chân cầu vượt Lạch Tray đến cống Nam Đông. Trên địa bàn quận Ngô Quyền liên quan đến 3 phường Lạch Tray, Đồng Quốc Bình và Đằng Giang. Tại phường Đồng Quốc Bình có 95 trong số 98 hộ liên quan đồng ý kiểm kê; phường Lạch Tray có 16/63 hộ đã kiểm kê; phường có số hộ liên quan nhiều nhất là Đằng Giang với 329 hộ nhưng chưa kiểm kê được hộ nào.

Còn tại quận Hải An, các phường Đằng Hải, Đằng Lâm, Đông Hải 2 và Nam Hải nằm trong khu vực thực hiện Dự án nhưng do chồng lấn với một số Dự án như Dự án khu đô thị mới Ngã Năm-Cát Bi và Đại lộ 13-5 (đường có mặt cắt 100m)… nên đến nay cũng chưa có mặt bằng.

Việc chồng lấn các Dự án cũng diễn ra trên địa bàn quận Ngô Quyền. Ông Đoàn Khánh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Ngô Quyền cho hay, một trong những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng kênh An Kim Hải là việc xác định nguồn gốc đất đai, chủ yếu là chỉ giới hành lang mương, thời gian sử dụng đất của các hộ. Tại các phường Lạch Tray và Đằng Giang, người dân kiến nghị được sử dụng phần đất dự trữ tại bờ Bắc kênh An Kim Hải, diện tích hơn 16.000m2 để làm nhà ở cùng một số kiến nghị khác.

Về kiến nghị được sử dụng phần đất dự trữ trong quy hoạch, tại các cuộc đối thoại với các hộ dân, Ban quản lý Dự án cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và UBND quận Ngô Quyền trả lời: Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 1448) được Thủ tướng phê duyệt, xác định đường Nguyễn Bỉnh Khiêm có lộ giới 54 m.

Hiện nay, tuyến đường này có mặt cắt 34m. Như vậy, diện tích đất trống dự trữ tại bờ Bắc Kênh An Kim Hải được xác định để trồng cây xanh tạo cảnh quan cho Dự án và định hướng về lâu dài phục vụ mở rộng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm theo quy hoạch đã được duyệt. Vì vậy, kiến nghị của các hộ dân không phù hợp quy hoạch chung của thành phố.

Liên quan đến việc xác định chỉ giới hành lang mương An Kim Hải và hành lang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phục vụ công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất để thực hiện Dự án cải tạo mương, trên cơ sở họp các ngành, đơn vị liên quan (Sở NN&PTNT, Sở GTVT, Sở TN&MT, UBND các quận Ngô Quyền, Hải An, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi An Hải)… trong Công văn ngày 2/7 gửi UBND thành phố, Sở Xây dựng nêu rõ: Các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, cung cấp cho UBND quận Ngô Quyền hồ sơ liên quan đến tuyến kênh An Kim Hải thuộc quản lý của các đơn vị từ năm 1973 đến nay. Trường hợp không có hồ sơ nào khác để xác định tuyến kênh An Kim Hải trong những năm 1992 đến nay, đề nghị UBND thành phố cho phép sử dụng bản đồ hiện trạng tuyến kênh trong quy hoạch chi tiết kênh An Kim Hải đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2037/2001 để xác định tim tuyến mương  (năm 1992) làm cơ sở xác định chỉ giới hành lang bảo vệ mương theo Thông báo của Sở Thủy lợi năm 1992, phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng.

Công trình cải tạo kênh An Kim Hải thuộc dự án trọng điểm của thành phố, nhằm cải thiện tình trạng thoát nước, tạo cảnh quan môi trường đô thị, cải thiện điều kiện sống của nhân dân và có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của thành phố. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng cần được tập trung hơn nữa để nhà thầu sớm có mặt bằng thi công, bảo đảm tiến độ cũng như yêu cầu của Dự án đề ra. (Khánh Minh, Báo Hải Phòng 25/7, tr4)

6.     Gắn biển số nhà trong các khu đô thị mới: Đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố

Việc gắn biển số nhà trên địa bàn thành phố thực hiện theo Quyết định 1125/1999 của UBND thành phố cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, cùng với tốc độ đô thị hóa hiện nay, gắn biển số nhà tại các đô thị mới, biển ngõ, ngách tại hầu hết các quận, huyện vẫn rất chậm, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt của người dân.

Nhu cầu lớn 

Theo Quyết định 1125/1999 của UBND thành phố, toàn bộ chi phí cho việc mua biển và gắn biển các hộ dân đóng góp, trong đó đợt đầu tiên thực hiện theo phương thức ngân sách tạm ứng tiền để sản xuất biển số nhà tại Công ty Cổ phần Sắt tráng men-nhôm Hải Phòng, sau khi lắp xong UBND các quận thu tiền của các hộ dân hoàn trả lại ngân sách. Thời gian sau, trên cơ sở đơn giá được duyệt, các phường, quận thu tiền trực tiếp của các hộ dân để đặt sản xuất và tổ chức gắn biển mà không ứng từ ngân sách như đợt đầu. Hàng năm, một số số nhà mới phát sinh vẫn được bổ sung, nhưng, tại các khu đô thị mới, nhu cầu gắn biển số nhà vẫn rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Hoạt (ở khu dân cư Kiều Sơn, phường Đằng Lâm, quận Hải An) cho biết, gia đình ông ở đây hơn 6-7 năm nay, nhà cũng có biển số nhà nhưng để chỉ đường cho người thân, bạn bè đến nhà đều phải gắn với một vị trí hoặc một đặc điểm nào đó dễ nhận biết. Chẳng hạn, để chỉ đến nhà mình, trước hết ông phải chỉ cho mọi người đến đường 193 Văn Cao, rồi đến quả núi giả, rồi rẽ phải, rẽ trái… hoặc khu Dự án Kiều Sơn/đường 193 để phân biệt với khu dân cư Kiều Sơn (cũ) gần chùa Kiều Sơn.

Ông Hoạt phàn nàn, biển số trước nhà này chỉ phản ánh số lô, thửa đất chẳng hạn nhà 28 A, 28B, 28C... trong đó A, B, C mới là vị trí nhà, còn số 28 chỉ chung cho cả lô đất. Mặc dù khu đô thị mới nằm trên đường Văn Cao này hình thành khoảng 15 năm nay.

Đây cũng là tình trạng chung cho các đô thị mới trên địa bàn thành phố hiện nay. Tại đây, các số nhà đều gắn với số thửa, số lô đất mà chưa có tên đường, phố. Cũng từ đây phát sinh rắc rối, khó khăn trong sinh hoạt của người dân, chẳng hạn khi gửi thư, cấp cứu, thậm chí hỏa hoạn... khó khăn trong việc gắn biển số nhà tại các đô thị mới còn xuất phát từ việc không có tên đường phố, HĐND hằng năm chỉ thông qua được vài chục tên đường phố, chưa đáp ứng yêu cầu của thành phố đang có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Theo thống kê của ngành Xây dựng, đến nay, thành phố gắn khoảng 100.000 biển số nhà, nhưng còn khoảng 20.000 số nhà cần gắn biển. Trong đó, nhu cầu lớn nhất là quận Ngô Quyền 7.000 biển số; Dương Kinh 2.000 biển số; Kiến An, Lê Chân, mỗi quận khoảng 1.500 biển số; Hồng Bàng, Hải An mỗi quận khoảng 1.000 biển số; còn lại là các thị trấn.

Biển ngõ, ngách cần được quan tâm

Đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện nay, Sở Xây dựng có Đề án về việc thu lệ phí cấp biển số nhà trên địa bàn thành phố Hải Phòng và được cơ quan chức năng thẩm định để trình tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 14. Theo Dự thảo Nghị quyết của UBND thành phố, đối tượng nộp lệ phí là chủ sở hữu nhà hoặc người đại diện chủ sở hữu, trường hợp không xác định được chủ sở hữu thì người đang sử dụng có trách nhiệm nộp lệ phí. UBND quận, huyện là cơ quan thu lệ phí; mức thu lệ phí cấp mới biển số nhà là 30.000 đồng/biển và 20.000 đồng/biển đối với biển cấp lại. Nguồn kinh phí trên phải nộp ngân sách 70%, để lại 30% để trang trải chi phí cấp giấy chứng nhận số nhà.

Khó khăn nhất hiện nay là biển ngõ, do nguồn kinh phí dành cho gắn biển ngõ từ ngân sách nhà nước. Ngoài quận Ngô Quyền hoàn thành gắn biển ngõ toàn quận, các quận, huyện còn lại chỉ mới có một số phường có biển ngõ. Theo đại diện Phòng quản lý đô thị quận Hồng Bàng, toàn quận có 5 phường hoàn thành gắn biển ngõ, hiện vẫn còn hơn 400 biển ngõ của các phường còn lại chưa có kinh phí. Các quận khác cũng trong tình trạng trên. Chính vì vậy, tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thành phố, cử tri đều nêu ý kiến về việc nhiều ngõ, ngách không có biển số gây khó khăn và bất tiện khi người dân giao dịch.

Có thể nói, việc gắn biển số nhà, biển ngõ rất cần thiết đối với đời sống đô thị. Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, có thể thực hiện xã hội hóa để gắn biển số nhà đồng bộ với gắn biển ngõ. (Quốc Minh, Báo Hải Phòng 25/7, tr4)

7.     Nhân dân phản ánh

Một số hộ dân sinh sống tại khu vực ngã 3 đường Hùng Duệ Vương - Vạn Kiếp, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng cho biết:

Tại số báo trước, chuyên mục Nhân dân phản ánh báo An Ninh Hải Phòng đăng, về việc trước cổng phụ của Nhà máy đóng tàu Sông Cấm, đường Hùng Duệ Vương (đối diện ngõ 213 đến số nhà 219 Hùng Duệ Vương) có một khối lượng lớn rác thải xây dựng được đổ trên vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Đến nay, toàn bộ số rác thải xây dựng đó đã được nhân dân sử dụng vào việc san lấp mặt bằng để làm ngõ, làm nhà, trả lại môi trường sạch, đẹp cho khu vực. (An Ninh Hải Phòng 25/7, tr4)

8.     Giải quyết úng lụt sau mưa tại quận Kiến An: “Tắc” do thiếu kinh phí đầu tư!

Cứ sau mỗi trận mưa lớn, trên địa bàn quận Kiến An lại có hàng chục điểm bị ngập lụt kéo dài. Nhiều khu dân cư có địa hình thấp biến thành… “rốn” chứa nước, ứ đọng lưu cữu 5-8 giờ liền, thậm chí kéo dài 1-2 ngày. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trên địa bàn đã cũ nát, xuống cấp.

Ông Đặng Lương - Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Kiến An cho biết: Các khu vực trung tâm hành chính quận, khu vực phường Nam Sơn và khu vực dân cư bên phải tuyến đường Trường Chinh (các phường Quán Trữ, Lãm Hà), dọc tuyến đường Trần Tất Văn, Phan Đăng Lưu, ngã ba Cống Đôi thường bị ngập lụt nặng nề. Nguyên nhân là do ở đây hoặc chưa xây dựng đường ống thoát nước hoặc đường ống đã quá cũ nát, xuống cấp. Đặc biệt, khu vực chân đồi nước mưa trút từ trên xuống, chảy vào khu dân cư gây ngập lụt nghiêm trọng.

Hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Kiến An bao gồm: 17.429m cống hộp; gần 44.500m cống tròn có đường kính từ 30-150cm; 1.511 ga thu nước mặt đường, 6 hồ điều hòa và 9 cống ngăn triều. Tuy nhiên, 95-98% hạng mục hạ tầng kỹ thuật nêu trên đều có tuổi thọ  từ 10 năm trở lên và đã cũ nát, lạc hậu, xuống cấp, không đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước khi cần thiết. Hơn nữa, hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Kiến An thường manh mún, thiếu đồng bộ và tồn tại nhiều điểm thi công dở dang kéo dài, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ví dụ, tại khu vực trụ sở UBND quận bị úng lụt nghiêm trọng là do đường ống thoát nước đường kính 1,5m bên phải tuyến đường Phan Đăng Lưu (tính từ ngã 5 Kiến An, chân cầu Kiến An) thi công từ năm 2000 đến nay chưa xong. Việc này xuất phát từ khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi thực hiện nâng cấp, mở rộng đường, gần 20 hộ dân chưa di chuyển vật kiến trúc nên vẫn chưa hoàn chỉnh xây dựng đường xá, vỉa hè, đường ống thoát nước ngầm.

Hoặc ở khu vực phường Nam Sơn được coi là trọng điểm về ngập lụt sau mưa là do địa bàn nằm sát chân 2 quả đồi Thiên Văn và Cột Cờ. Nước mưa từ trên cao trút xuống, hệ thống thoát nước trong các khu dân cư thì nhỏ hẹp, xuống cấp, không đáp ứng tiêu thoát làm nước dâng lên cao, ngập đường tràn vào nhà dân.

Trong khi đó, tình trạng xâm hại hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Kiến An rất nghiêm trọng và phức tạp. Ví dụ, đoạn mương hở dẫn dài 100m từ đường Hoàng Quốc Việt ra cống ngăn triều Bắc Sơn trước đây rộng 5-6m đã bị lấn chiếm, thu hẹp chỉ còn 1m.

Trở lại vấn đề quản lý, duy tu hệ thống thoát nước tại quận Kiến An, bà Phạm Thị Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công trình công cộng - xây dựng Hải Phòng cho biết: Công tác giải quyết ngập úng sau mưa ở quận Kiến An gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn vốn đầu tư nên “biết” cũng đành chịu. Ví dụ, việc giải phóng mặt bằng, mở nút thắt cổ chai trên đường Phan Đăng Lưu nói trên. Đến nay, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội đã kiên trì thuyết phục vận động, bà con đã chấp thuận việc dỡ bỏ công trình giao đất để thi công nốt các hạng mục còn lại nhưng lại “tắc” về kinh phí đền bù.

Hoặc như mong muốn được bàn giao và đầu tư nạo vét bùn lầy ô nhiễm trên tuyến mương dài gần 5km từ Lệ Tảo (phường Nam Sơn) đi qua Đẩu Vũ, Đẩu Phương (phường Văn Đẩu) sang Đồng Tải (phường Phù Liễn) cũng rất khó khăn. Nghĩa là đến nay, quận Kiến An đang rất loay hoay, chưa giải quyết được tình trạng ngập úng kéo dài, nhất là khi có mưa to. (Đoàn Lanh, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr1+5)

AN NINH – PHÁP LUẬT

9.     Làm giả tài liệu

Ngày 24/7, Công an thành phố bắt 3 đối tượng phạm tội làm giả giấy tờ, thu 1 máy tính, 1 con dấu và 18 chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả cùng nhiều tài liệu liên quan. (Nhân Dân 25/7, tr8)

10.            Giả mua hàng để cướp

Qua công tác nắm tình hình, trinh sát Đội 9, Phòng PC45 – Công an thành phố phát hiện: Trong khoảng 1 tháng qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ trộm cắp tài sản trong các siêu thị, shop hàng hiệu, cửa hàng bán quần áo. Khi bị phát hiện, đối tượng dùng hung khí đe dọa, tấn công chủ hàng để tẩu thoát.

Điển hình, chiều 12/7, cửa hàng bán quần áo số 175 Nguyễn Đức Cảnh của bà Trần Thị Hương (SN 1951) xuất hiện 3 đối tượng đi trên 1 chiếc xe máy vào chọn các loại quần, áo, giầy, thắt lưng, mũ và kính rồi cho vào một chiếc túi. Sau đó, một trong ba đối tượng trên lén xách chiếc túi ra ngoài giấu vào cốp xe máy thì bị chị Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1988) - nhân viên cửa hàng phát hiện ngăn lại.

Ngay lúc đó, đối tượng này lấy từ trong cốp xe 1 con dao nhọn đưa cho đồng bọn dọa chém khiến chị Loan hoảng sợ lùi lại kêu cướp và cả nhóm lên xe bỏ chạy. Theo lời khai của bà Hương, số tài sản bị cướp gồm 3 quần bò, 3 đôi giày, 3 chiếc thắt lưng, 2 mũ lưỡi chai, 1 kính mắt, 4 áo phông đều thuộc loại hàng hiệu nổi tiếng của nước ngoài, tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng

Trước tình hình trên, Phòng PC45 đã tập trung chỉ đạo lực lượng trinh sát đi sâu rà soát, thấy nổi lên nhóm 3 đối tượng gồm: Nguyễn Mai Phong (tức Phong “cụt”, SN 1965, ở phường Hàng Kênh); Nguyễn Đồng Thịnh (tức Thịnh “Chích”, SN 1983, trú phường Hồ Nam) và Trần Duy Phương (SN 1954, ở phường Đông Hải, cùng quận Lê Chân).

Cả ba đối tượng trên đều thuộc diện “bất hảo” và nghiện ma túy. Phong là đối tượng có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích, có vợ đã ly hôn, vợ và con Phong đang sinh sống ở nước ngoài. Thịnh tuổi đời trẻ hơn nhưng cũng từng có 1 tiền án về tội hủy hoại tài sản và thường bỏ nhà đi lang thang. Mới đây, Thịnh bị Công an quận Lê Chân khởi tố về tội cố ý gây thương tích và cấm đi khỏi nơi cư trú. Trần Duy Phương là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, từng bị địa phương đưa vào cơ sở giáo dục, có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích.

Theo tài liệu trinh sát thu thập được, nhóm đối tượng trên thường tụ tập tại nhà tên Phong để sử dụng ma túy và bàn kế hoạch thực hiện các hành vi phạm tội. Chiều tối 19/7, sau thời gian kiên trì theo sát mọi di biến động của các đối tượng, tổ công tác của Đội 9, Phòng PC45 phối hợp với Công an phường Hàng Kênh bất ngờ kiểm tra hành chính nhà Phong, bắt quả tang Phong cùng Thịnh và Phương đang sử dụng ma túy trên gác xép.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Phong, Công an thu được số tang vật tài sản của các vụ cướp, trộm cắp gồm 2 đôi giày da (1 đôi hiệu Versace), 1 dây thắt lưng da, 2 mũ lưỡi trai, 1 quần bò nam, 1 áo thun nam dài tay cùng hiệu Dolce & Babbana có tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng; số phương tiện, hung khí gây án gồm: 1 chiếc xe máy nhãn hiệu Yamaha Max, BKS: 16L8-6619, 1 kiếm, 2 dao nhọn, 1 dao gấp và 2 búa.

Qua đấu tranh, các đối tượng trên khai nhận đã bàn nhau đi đến các cửa hàng bán quần áo đắt tiền, giả là khách mua hàng rồi thực hiện hành vi trộm cắp. Nếu bị phát hiện sẽ dùng vũ khí khống chế để cướp luôn số hàng tẩu thoát.

Ngày 12/7, các đối tượng đèo nhau lang thang trong thành phố tìm cơ hội gây án. Khi vào cửa hàng số 175 Nguyễn Đức Cảnh của bà Hương, nhóm này chọn số tài sản trên cho vào túi, sau đó phân công Thịnh đem ra ngoài thì bị chị Loan phát hiện, Thịnh lấy con dao trong cốp xe đưa cho tên Phong đe dọa rồi cùng tẩu thoát. (KĐ, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr7)

11.            Trị nhóm cướp đường

Ngày 4/7, TAND huyện Thủy Nguyên đưa ổ nhóm cướp giật tài sản trên địa bàn trong thời gian gần đây ra xét xử, gồm Lưu Văn Quyền (SN 1981); Nguyễn Văn Sáng (SN 1991) và Phạm Văn Trường (SN 1994, ở cùng xã Hòa Bình).

Cáo trạng của VKSND huyện Thủy Nguyên cho thấy: Quyền là cậu họ của Trường và cả hai đều nghiện ma túy nặng. Do không có tiền ăn tiêu, biết Trường có xe máy nên Quyền nảy sinh ý định rủ Trường đi cướp giật tài sản.

Trưa 5/3, Quyền hẹn Trường ra gốc cây bồ đề của xóm. Khi Trường đi xe máy đến, Quyền rủ cháu dùng xe máy đi lượn trên đường xem ai có dây chuyền vàng, khuyên tai, điện thoại di động, túi xách thì cướp giật, bán lấy tiền ăn tiêu. Trường đồng ý và chở Quyền ngồi sau, đi từ xã Hòa Bình ra Quốc lộ 10 cũ, xuống khu vực xã Phả Lễ, rồi quay lại ngã ba xã Ngũ Lão, rẽ vào xã Phục Lễ.

Khi đi qua cầu Phục Lễ khoảng 20 m, cả hai dừng xe vào quán nước của chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1967, ở xã Phục Lễ) ngồi uống nước. Trong lúc uống nước, Quyền phát hiện chị Thủy đeo 1 sợi dây chuyền vàng liền hất hàm, nháy mắt ra hiệu cho Trường. Trường hiểu ý đứng dậy, đi ra quay đầu xe về hướng xã Phục Lễ và nổ máy chờ sẵn. Quyền trả tiền nước rồi đi ra đường quan sát, thấy vắng người bèn quay lại vờ hỏi mua 1 bao thuốc lá Thăng Long và đưa tiền cho chị Thủy.

Lợi dụng lúc chị xoay lưng lại cất tiền, bất ngờ Quyền nhào tới giật phắt sợi dây chuyền trên cổ chị rồi nhảy lên xe máy Trường chờ sẵn bỏ chạy. Hai đối tượng chạy đến khu vực chợ Tổng, xã Lưu Kiếm, Trường đứng ngoài chờ để Quyền mang sợi dây chuyền vừa cướp giật được vào cửa hàng kinh doanh vàng bạc của ông Nguyễn Viết Ngọt (SN 1966) nhờ hàn lại móc khóa. Ông Ngọt bảo khó hàn thì Quyền gạ bán sợi dây chuyền được 3,6 triệu đồng. Quyền chia cho Trường 1,3 triệu đồng, số còn lại Quyền giữ lấy.

Sau khi bị cướp, chị Thủy nhặt lại được mặt đá sợi dây chuyền và làm đơn trình báo cơ quan Công an. Từ đặc điểm của chiếc xe máy trên, qua rà soát, cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Thủy Nguyên xác định được hai đối tượng gây ra vụ cướp giật trên thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Quyền và Trường, thu giữ chiếc xe máy là phương tiện gây án và 1 sợi dây chuyền vàng tây 2 chỉ do ông Ngọt giao nộp. Tại cơ quan điều tra, Quyền và Trường khai nhận hành vi phạm tội nêu trên. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Thủy Nguyên kết luận trị giá chiếc dây chuyền của chị Thủy là 6,6 triệu đồng.

Cũng từ đặc điểm của chiếc xe Gravita BKS: 16N2-2408 màu xanh mà Quyền làm phương tiện đi cướp, cơ quan điều tra “đấu” tiếp, buộc tên Trường khai nhận, hắn chính là một trong hai đối tượng gây ra vụ cướp ví tiền của chị Lê Thị Thúy tại quán hoa xã Tân Dương ngày 14/2. Đối tượng còn lại ngồi sau xe máy Trường điều khiển là Nguyễn Văn Sáng, sinh 1991, ở thôn 1, xã Hòa Bình. Vào 11h hôm đó, Trường lấy xe máy của gia đình đi chơi thì gặp Sáng.

Sáng rủ Trường đi cướp giật tài sản của người đi đường để bán lấy tiền ăn tiêu. Trường đồng ý và điều khiển xe máy chở Sáng ngồi sau đi ra Tỉnh lộ 359 theo hướng từ xã Thủy Đường về xã Tân Dương. Đến khu vực xã Thủy Sơn, Trường phát hiện bên cạnh quán cà phê DIVA 888, chị Thúy đang bán hoa, để ví tiền trên mặt ghế. Trường nói với Sáng quay lại vào quán giả vờ mua hoa rồi giật ví.

Thống nhất xong, Trường quay xe lại dừng trước quán khoảng 3m, Sáng vào hỏi mua 1 bông hoa hồng và đưa cho chị Thúy 20.000 đồng, bảo bó hoa lại. Nhân lúc chị Thúy để ví tiền xuống mặt ghế đi bó hoa, Sáng giật chiếc ví rồi chạy ra xe máy của Trường chờ sẵn bỏ chạy về khu vực thôn 4, xã Thủy Sơn. Trên đường đi, Sáng kiểm tra ví thấy có 2,1 triệu đồng. Sáng đưa cho Trường 1,7 triệu đồng, còn lại giữ để ăn tiêu và vứt chiếc ví vào bụi chuối ven đường. Ngày 8/3, Sáng đã được gia đình đưa đến cơ quan Công an đầu thú và khai nhận như trên.

Phạm Văn Trường hai lần phạm tội, phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần; bị cáo Lưu Văn Quyền có 1 tiền án 4 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích chưa được xóa án tích, nay phạm tội mới là tái phạm. Từ những đánh giá trên, tòa tuyên phạt: Phạm Văn Trường và Lưu Văn Quyền mỗi bị cáo 30 tháng tù giam, Nguyễn Văn Sáng 18 tháng tù giam cùng về tội “Cướp giật tài sản”. (Xuân Ngọc, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr6)

12.            Gây án mạng vì hòn non bộ

Chiều tối 17/7, qua thu thập các nguồn tin, xác minh truy tìm tung tích đối tượng, tại địa bàn tỉnh Hưng Yên, trinh sát Đội 4, Phòng PC45 – Công an thành phố bắt giữ Quách Văn Thắng (SN 1981, ở xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng) theo Quyết định truy nã số 45/2012 của Phòng PC45 – Công an thành phố về hành vi giết người.

Theo tài liệu trong hồ sơ vụ án, nạn nhân bị Thắng sát hại là anh Nguyễn Văn Nam (SN 1980, ở xã Trường Thành, huyện An Lão). Nguyên nhân khiến Thắng gây án chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ xảy ra vào ngày 9/5/2012, khi anh Nam đến nhà Thắng chơi.

Tại đây, trong quá trình tham quan nhà, anh Nam có lên tiếng mượn hòn non bộ để đem về trang trí tại nhà mình thì Thắng không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn. Lời qua tiếng lại, hai bên bỗng chốc xảy ra xô xát. Anh Nam bị Thắng dùng dao nhọn đâm trọng thương và sau đó tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Tại cơ quan Công an, Thắng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên. (KĐ, An Ninh Hải Phòng Online 25/7)

13.            Điều chúng không ngờ

Đang là công nhân Công ty TNHH ống thép 190, việc làm tử tế nhưng Phạm Ngọc Long (SN 1975, ở phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng) bỗng trở thành cướp chỉ vì kết bạn với kẻ xấu.

Chiều 1/12/2012, trên đường đến Công ty làm việc thì Long gặp bạn là Nguyễn Đình Thành (SN 1974, ở cùng phường Hùng Vương) đang đi bộ gọi lại. Thành hỏi Long vay tiền, Long không có và chiều Công ty mới phát lương. Thành và Long đành hẹn nhau buổi tối sẽ gặp lại tại quán nước gần Công ty.

Đến tối cùng ngày, Long tan ca làm việc đi đến chỗ hẹn gặp Thành và Lại Minh Châu (SN 1985, ở phường Hùng Vương). Long nói cho Thành biết hôm nay công nhân trong Công ty được lĩnh lương rồi kéo nhau ra cách quán nước khoảng 10m bàn nhau chặn đầu xe của công nhân đi làm về để trấn cướp.

Vừa bàn xong thì ngay lúc đó, anh Nguyễn Văn Điềm (SN 1983, ở xã Tân Tiến, huyện An Dương) đi xe máy từ trong Công ty ra ngoài đường và theo hướng Hải Phòng-Hà Nội để về nhà. Long chỉ cho Thành biết anh Điềm là công nhân của Công ty. Thành đeo khẩu trang và bảo Châu chở mình bằng xe máy đuổi theo. Lúc này, Long cũng lên xe máy đuổi theo đồng bọn và bảo: “Thằng này nó hiền lắm, anh nhớ nhẹ tay thôi”.

Nghe Long nói vậy, Châu hiểu ngay việc Thành bảo Châu chở đi đuổi theo anh Điềm là để chiếm đoạt tài sản nên kéo ga điều khiển xe chạy với tốc độ cao để đuổi kịp “con mồi”. Riêng Long, sợ bị anh Điềm nhận ra nên tránh mặt đi xe về quán nước gần nghĩa trang Quỳnh Cư ngồi đợi.

Đến cầu vượt Lương Quán thuộc xã Nam Sơn, huyện An Dương, Châu điều khiển xe ép đầu xe anh Điềm dừng lại. Thành xuống xe rút trong người ra 1 con dao, không nói không rằng đâm luôn anh Điềm 1 nhát vào cánh tay rồi ra lệnh đưa tiền. Biết gặp cướp nhưng anh Điềm kiên quyết không đưa tiền. Thành liền dí dao vào gáy ép anh Điềm đi vào gầm cầu vượt Lương Quán. Tại đây, Thành dùng tay móc ví trong túi quần phía sau của anh Điềm lấy 3,5 triệu đồng rồi trả lại ví cho nạn nhân. Tiếp đó, Thành đe dọa bắt anh Điềm đưa điện thoại di động. Vì lo sợ cho tính mạng, anh Điềm buộc phải lấy chiếc điện thoại di động Nokia trong túi quần đưa cho tên cướp.

Sau khi lấy được tài sản, Thành chạy ra chỗ Châu đang nổ xe máy đứng chờ, ngồi lên phía sau hối thúc: “Xong rồi, chạy đi thôi”. Châu điều khiển xe chạy theo lối đường vòng cầu vượt Lương Quán đi ra quốc lộ 5 cũ, lên khu vực Quán Toan, quận Hồng Bàng, mua ma túy của một nam giới với số tiền 200.000 đồng, rồi đi về khu vực nghĩa trang Quỳnh Cư gặp Long và cùng nhau sử dụng ma túy. Thành thông báo mọi việc êm xuôi, nạn nhân không phát hiện ra điều gì bất thường, rồi chia cho Châu và Long mỗi tên 900.000 đồng, số tiền còn lại và chiếc điện thoại di động chiếm đoạt được của anh Điềm, hắn giữ lấy sử dụng.

Thế nhưng, điều bọn cướp không ngờ đến là quá trình bị Thành, Châu chiếm đoạt tài sản, anh Điềm đã nhận ra tên điều khiển xe máy ép đầu xe của anh là Châu, bạn Long - người cùng làm công ty với anh. Bởi mới hôm trước, Châu còn đứng nói chuyện với Long tại sân Công ty ống thép 190. Vì vậy, khi đến Công an huyện An Dương trình báo và giao nộp 1 áo khoác màu đen, 1 áo bảo hộ màu xám đều bị rách ở cánh tay do nhát dao của Thành, anh Điềm đã nói rõ điểm nghi vấn của mình về bọn cướp. Qua điều tra xác minh, ngày 19/12/2012, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở để thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Long. Biết đã lộ mặt, ngay sau đó, Châu đến Công an An Dương đầu thú.

Long đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho anh Điềm 5 triệu đồng. Long và Châu đều có thái độ khai báo thành khẩn. Tuy được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ, song hành vi dùng phương tiện và hung khí nguy hiểm ép, uy hiếp và đâm nạn nhân để chiếm đoạt tài sản, nên cần xử phạt các bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc mới có tác dụng giáo dục răn đe và phòng ngừa chung.

Vì những lẽ trên, vừa qua khi đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện An Dương đã tuyên phạt: Long 8 năm tù, Châu 7 năm 6 tháng tù cùng về tội “Cướp tài sản”. Đối với Thành, sau khi gây án bỏ trốn, ngày 26/1, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã… (NP, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr7)

14.            Cục Thi hành án dân sự thành phố: Thi hành hơn 4.500 việc, thu 211 tỷ đồng

Cục Thi hành án dân sự thành phố vừa tổ chức kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống của ngành và sơ kết 9 tháng thực hiện nhiệm vụ năm 2013.

Tính từ 1/10/2012-30/6/2013, Cục Thi hành án dân sự đã thụ lý 14.866 việc với tổng số tiền phải thu gần 1.170 tỷ đồng. Toàn Cục thi hành xong 4.257 việc, thu 211 tỷ đồng. Cục và các Chi cục ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 2 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp sau khi ra quyết định cưỡng chế, đương sự tự nguyện thi hành. (Báo Hải Phòng 25/7, tr2)

GIAO THÔNG

15.            Hàng loạt giải pháp mạnh hạ nhiệt tai nạn giao thông

Quyết liệt từ chủ trương đến giải pháp triển khai, nhiều tỉnh thành và bộ, ngành trên cả nước đang đồng loạt vào cao điểm xử lý các điểm nóng gây tai nạn giao thông. Nằm trong Chương trình kiểm tra thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, ngày 23-24/7, Đoàn liên ngành của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh và cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm tại Hải Dương và Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, đoàn đã kiểm tra cửa hàng tại 65 Lạch Tray (quận Ngô Quyền) và cửa hàng Phúc Hương số 69 Trần Tất Văn (quận Kiến An). Tại đây, đã phát hiện nhiều mũ kém chất lượng, mũ bảo hiểm giả, nhiều loại mũ không dán tem hợp quy hợp chuẩn, hoặc dán tem không do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cung cấp.

Theo ông Đặng Văn Chung - Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tới đây, các Nghị định xử phạt sẽ được sửa đổi theo hướng tăng nặng mức phạt lỗi chở quá tải, tước giấy phép lái xe của người lái đến 24 tháng để tạo sức răn đe.

Ông Chung cũng thông tin, tháng 8 tới, Tổng cục Đường bộ sẽ đưa vào hoạt động thêm 10 trạm cân lưu động trên toàn quốc. (D. Lợi - K.Hà - V.Thành - T.Mạnh, Giao Thông 25/7, tr7)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

16.            Olympic hóa học Quốc tế năm 2013: Việt Nam có 1 vàng, 3 bạc          

Bộ GD&ĐT vừa cho biết, bốn học sinh Việt Nam tham dự Olympic hóa học Quốc tế năm 2013 tại Liên bang Nga đều giành Huy chương, trong đó em Phan Quang Dũng (trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) đoạt Huy chương Vàng.

Các em Lê Đức Việt Trường (trường THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng), Hồ Quang Khải và Nguyễn Quốc Anh (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) đoạt Huy chương Bạc. (Duy Tuấn, Công An TPHCM Online 24/7; Thu Trang, Tin Tức 25/7, tr6; An Ninh Thủ Đô 25/7, tr3; Y.Anh, Người Lao Động 25/7, tr2: Trung Anh, Kinh Tế & Đô Thị 25/7, tr2; Thành Tâm, Hà Nội Mới 25/7, tr7; Nguyên Minh, Quân Đội Nhân Dân 25/7, tr4; Tuấn Minh, Công An Nhân Dân 25/7, tr1; Thiên An, Nông Thôn Ngày Nay, 25/7, tr2; Tuệ Nguyễn, Thanh Niên 25/7, tr8; Báo Hải Phòng 25/7, tr2; TTX, An Ninh Hải Phòng 25/7,  tr1+5)

17.            Trường THPT Chuyên Trần Phú tuyển sinh bổ sung vào lớp 10

Ngày 24/7, trường THPT Chuyên Trần Phú quyết định tuyển sinh bổ sung vào các lớp 10 năm học 2013-2014.

Theo đó, điểm chuẩn vào các lớp chuyên và dự bị chuyên điều chỉnh như sau: Lớp chuyên Toán 7,3 điểm; lớp chuyên Tin 6,8 điểm; lớp chuyên Vật lý 7,0 điểm; lớp chuyên Hóa học 6,6 điểm; lớp chuyên Sinh 7,55 điểm; lớp chuyên Văn 7,45 điểm; lớp chuyên Anh 7,55 điểm; lóp chuyên tiếng Nga 6,15 điểm; lớp chuyên tiếng Pháp 6,75 điểm; lóp chuyên tiếng Trung 7,0 điểm; lớp tự nhiên 7,13 điểm và lớp xã hội 7,5 điểm.

Thời gian đăng ký xét tuyển bổ sung từ ngày 24/7 đến 16 giờ ngày 26/7. Ngày 27/7, nhà trường công bố danh sách học sinh trúng tuyển và 28/7, học sinh đến trường nhập học. (Báo Hải Phòng 25/7, tr2)

18.            Luôn là người đứng thứ nhất

Chiều tối 23/7, một người bạn gọi điện cho Nguyễn Trần Thành Danh - học sinh lớp 12 chuyên Tin, trường THPT Chuyên Trần Phú thông báo: “Bạn đỗ thủ khoa Đại học Ngoại thương rồi, biết chưa?”.

Ngỡ ngàng không tin đó là sự thật do nhà em không nối mạng Internet, Danh nhờ người thân vào mạng Internet để kiểm tra. Kết quả đúng như người bạn thông báo. Em đạt 29,5 điểm. Trong đó, môn Hóa được 10 điểm, môn Toán và Vật lý mỗi môn được 9,75 điểm. Em và cả gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Ông Nguyễn Quốc Toàn - bố của Danh vui mừng gọi điện chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên nội ngoại. Ai cũng hân hoan, vui mừng khi Danh đỗ thủ khoa một trong những trường đại học danh giá nhất Việt Nam với kết quả xuất sắc gần tuyệt đối.

Sáng 24/7, phóng viên tới cổng trường THPT Chuyên Trần Phú. Vừa nhắc đến tên của Danh, mấy bác bảo vệ của trường ai cũng biết em. Một bác bảo vệ giải thích: “Học trò giỏi như thế, ai mà chả biết”.

Mấy phụ huynh đến làm thủ tục cho con chuẩn bị vào lớp 10 cũng truyền tai nhau việc Danh đỗ thủ khoa trường Đại học Ngoại thương. Khi Danh xuất hiện trong phòng giáo viên, các cán bộ, giáo viên, nhân viên đều dành cho em những lời chúc tốt đẹp nhất. Một số học sinh các lớp đang học thêm trong trường, nghe tin vui của em, cũng muốn đến xem mặt “người hùng” của trường. Thầy chủ nhiệm Nguyễn Thế Hùng vui mừng cho biết, việc Danh đỗ thủ khoa không có gì bất ngờ vì em là người luôn có thành tích học tập  rất xuất sắc.

Trò chuyện với Danh, điều đầu tiên mà phóng viên cảm nhận về em là sự tự tin và bản lĩnh vững vàng. Em cho biết, em học khá nhàn do học đến đâu chắc đến đó, không để hổng kiến thức. Ngoài giờ học trên lớp, khi học ở nhà, em sắp xếp thời gian học hợp lý, cứ học 1,5 giờ lại nghỉ giải lao rồi mới học tiếp. Theo em, “bí quyết” để học giỏi chính là tự học. Bên cạnh đó, học với bạn bè và học theo nhóm cũng rất hiệu quả. Ngoài ra, học sinh phải có bản lĩnh để tránh sa đà vào những “cám dỗ” như trò chơi điện tử, mạng Internet...Nếu như hầu hết các bạn cùng lớp chuyên Tin đều dùng điện thoại di động và có máy vi tính nối mạng Internet ở nhà thì Danh không nằm trong số này. Không chỉ chú tâm học tập, khi có thời gian, em lại thể hiện tình yêu với một số môn thể thao như bóng bàn, đá bóng và bơi lội.

Ba năm học lớp chuyên Tin, Danh luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Năm học lớp 12, điểm tổng kết môn Toán của em đạt 9,7; môn Vật lý 9,4; môn Hóa học 9,3, xếp thứ nhất lớp. Trước kỳ thi Đại học vừa qua, em tham gia thi thử 3 lần thì 2 lần đỗ thủ khoa, 1 lần đứng thứ ba.

Nói về dự định trong tương lai, Danh cho biết em muốn trở thành một nhà kinh tế giỏi. Sau khi nhập trường Đại học, em sẽ dành thời gian học tốt tiếng Anh và tìm cơ hội để đi du học nước ngoài. (Báo Hải Phòng Online 24/7)

KINH TẾ

19.            7 tháng, CPI tăng 6,81%

Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2013.

Theo đó, CPI tháng 7 tăng 0,27% so với tháng 6 và tăng 7,29% so với tháng 7/2012. Tính chung 7 tháng đầu năm 2013, CPI tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nhóm dịch vụ y tế tăng cao nhất (82,99%); dịch vụ giáo dục tăng 17,06%; thực phẩm tăng 1,82%... và chỉ có 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là lương thực (giảm, 3,72%) và bưu chính viễn thông (giảm 0,43%).

So với tháng trước, CPI tháng 7 của một số tỉnh, thành như Hà Nội tăng 0,22%; TPHCM tăng 0,17%; Hải Phòng tăng 0,23%... Chỉ số giá tháng 7 của nhóm giao thông tăng 1,34%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,29%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,26%; thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,09%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%. (H.Q, Giao Thông 25/7, tr4)

20.            Ngân sách địa phương: “Khỏe” nhờ ông lớn

Một số tỉnh thành cho hay thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm đạt được kết quả khả quan nhờ “màn trình diễn” tốt của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Tại Hải Phòng, dự toán thu nội địa năm 2013 Chính phủ giao cho thành phố là 9.372 tỷ đồng, tăng 31,1% so thực hiện năm 2012. Kết quả thực hiện thu 6 tháng 4.118,2 tỷ đồng, đạt 43,9% dự toán, tăng 25% so cùng kỳ.

Cục thuế Hải Phòng cho hay, một trong những nguyên nhân khiến mức thu đạt khá so với dự toán và tăng trưởng cao so cùng kỳ do một số đơn vị thực hiện tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, kinh doanh có hiệu quả, số nộp tăng.

Các trường hợp điển hình được liệt kê là Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong nộp tăng 45,1 tỷ đồng, Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm tăng 10,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO 57,3 tỷ đồng do chuyển nhượng bất động sản; Công ty TNHH Một thành viên DAP Vinachem nộp 36,8 tỷ đồng do hết thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (giảm 50%); Trung tâm thông tin di động khu vực V tăng 76,6 tỷ đồng do thay đổi cơ chế chia cước; Công ty Cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí nộp 15,6 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng do bán hàng tồn kho.

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương thu được 392 tỷ đồng, đạt 47,8% dự toán, bằng 131,3% so cùng kỳ do Công ty TNHH thuốc lá nộp tăng 32,2 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ thuốc lá tăng, Công ty Cổ phần bia Hà Nội - Hải Phòng nộp tăng 8,2 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng 6,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thu đạt 831,4 tỷ đồng, đạt 44,5% dự toán, bằng 125,7% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng thu chủ yếu là do một số doanh nghiệp đã hết thời hạn ưu đãi về thuế nên số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp tăng tới 36,4%, như trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt của Chi nhánh công ty TNHH LG Electronics Việt Nam nộp tăng 14,7 tỷ đồng. (Anh Minh, VnEconomy.vn 24/7)

21.            Một số doanh nghiệp phôi thép phải ngừng hoạt động

Theo TTXVN: Chiều 24/7, trong buổi trả lời chất vấn của HĐND thành phố, ông Dương Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, hiện toàn thành phố có 13 doanh nghiệp sản xuất thép. Tuy nhiên, trong 2 tháng vừa qua, một số doanh nghiệp cán thép, sản xuất thép tiếp tục phải tạm ngừng một số ngày sản xuất nhằm đẩy mạnh tiêu thụ số thép tồn kho, thậm chí phải giảm giá bán để tiêu thụ.

Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép đã phải ngừng hoạt động. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, lượng thép tồn kho của Hải Phòng là 62.000 tấn, nợ bảo hiểm xã hội là 21 tỷ đồng, nợ ngân hàng 3.400 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 2.000 tỷ đồng, nợ thuế 54,7 tỷ đồng.

Sản xuất thép ở Hải Phòng từng là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 20% về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của thành phố. Hải Phòng cũng là một trong những địa phương sản xuất thép lớn của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất thép gần như không có lãi và đã có 8 doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Phân tích nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng, về khách quan, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm, thị trường bất động sản chưa được cải thiện. Trong khi đó, doanh nghiệp thép phải chi phí vốn quá cao, giá các vật tư, nhiên liệu đầu vào tăng, giá than, giá xăng, giá điện đều tăng vài chục phần trăm.

Từ đầu năm 2011, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép tăng từ 20-30%. Mặc dù giá phôi thép không giảm nhưng các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để bán hàng, giảm lượng tồn kho. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh gay gắt giữa thép trong nước và thép nhập khẩu, nhất là thép giá rẻ, nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nguyên nhân sâu xa là quy hoạch ngành thép còn nhiều yếu kém, tập trung chủ yếu quy hoạch sản xuất thép xây dựng mà không có các mặt hàng chiến lược khác. Đa số các công ty trong nước đầu tư công nghệ sản xuất thép lạc hậu, tốn nhiên liệu nên giá thành sản phẩm không mang tính cạnh tranh.

Việc thu hút đầu tư không mang tính chọn lọc, chú trọng đầu tư theo chiều rộng hơn chiều sâu, chạy theo cái lợi trước mắt, không quyết liệt ngăn chặn các dự án yếu kém về năng lực tài chính và đầu tư công nghệ lạc hậu.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Dương Anh Điền - Chủ tịch thành phố cho biết, thành phố chỉ đạo các ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất thép nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung.

Trong tháng 5, Hải Phòng xem xét Đề án tái cấu trúc của Công ty Thép Việt Nhật, cùng ngồi lại với các "chủ nợ" như ngân hàng, điện có kế hoạch khoanh nợ, giãn hoãn nợ cho Công ty này.

Theo ông Tuấn, để các Công ty thép vượt qua khó khăn, không có cơ quan Nhà nước nào có thể giúp đỡ được doanh nghiệp nếu các doanh nghiệp không tự cứu mình bằng các giải pháp như đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, cân bằng đầu tư, tăng cường liên kết với nhau, thay thế các công nghệ lạc hậu bằng cách tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi hướng đầu tư bền vững.

Các doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh năng suất, tiết giảm chi phí sản xuất; tăng cường nắm bắt thông tin, theo dõi sát thị trường trong nước và thế giới, dự báo, phân tích kịp thời để sản xuất, kinh doanh, phân loại đối tượng khách hàng để sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp.

Về phía các cơ quan Nhà nước, ngoài triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn do Chính phủ chỉ đạo, UBND thành phố cũng thực hiện một số giải pháp chủ yếu để giúp ngành thép như kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các Dự án không đủ điều kiện triển khai, tăng cường quản lý quy hoạch ngành thép, không để tình trạng đầu tư ngoài quy hoạch.

Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp ngành thép cần rà soát, đánh giá để dự báo chính xác về nhu cầu thép để các doanh nghiệp tiết giảm sản xuất, tránh dư thừa hàng tồn kho; nghiên cứu, đề xuất việc tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được, hạ thuế đối với mặt hàng chưa sản xuất; rà soát, tham mưu việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu, giảm nhập thép kém chất lượng trong nước đã sản xuất được.

Còn trên VnExpress.net, ông Lại Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt Úc cho hay, hiện có khoảng 7 nhà máy thép đóng cửa, khiến 2.000 công nhân mất việc làm.

Tại buổi tọa đàm về ngành thép và xi măng tổ chức ngày 24/7, một lần nữa những khó khăn, thách thức với hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường bất động sản đóng băng được lãnh đạo hiệp hội và doanh nghiệp nêu lên.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng, công suất tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước đang dư thừa, các doanh nghiệp phải tìm hướng xuất khẩu mỗi năm từ 9 đến 10 triệu tấn. Chi phí đầu vào của ngành cũng ở mức cao khi nhiên liệu và năng lượng đang chiếm 45-50% giá thành, trong khi các nước trong khu vực chỉ tầm 30-35%. Song doanh nghiệp xi măng cũng không thể nâng giá bán, dẫn đến nhiều đơn vị thua lỗ. Chung hoàn cảnh với ngành xi măng, nhiều doanh nghiệp thép hiện nay cũng không có lãi do chi phí gia tăng.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép chia sẻ, vốn cho ngành thép chủ yếu là vốn vay, trong khi lãi suất tại Việt Nam ở mức cao so với khu vực khiến giá thành tăng lên, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hậu quả là thời gian qua có nhiều nhà máy thép phải ngừng sản xuất, hàng nghìn công nhân mất việc làm.

Ông Trung cho hay, Hải Phòng hiện có 4 doanh nghiệp luyện thép công suất một triệu tấn phải đóng cửa, 3 doanh nghiệp cán thép công suất 60 nghìn tấn dừng hoạt động, dẫn tới 2.000 lao động đã bị mất việc làm.

Ông bộc bạch: "Trên đường phố Hải Phòng ngày càng xuất hiện nhiều công nhân mặc đồng phục của Công ty thép đi làm xe ôm, bán rau ngoài chợ để duy trì cuộc sống gia đình". Tổng Công ty Thép (VnSteel) - ông lớn trong ngành cũng phải ngậm ngùi khi nhận định đây là giai đoạn khó khăn nhất.

Trong buổi tổng kết tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Lê Phú Hưng cho biết hiện có 7 Công ty con và 5 Công ty liên kết của VnSteel bị lỗ, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ 6 tháng đầu năm không đạt 50% kế hoạch, tồn kho các sản phẩm thép lên tới hơn 190.000 tấn.

Với những khó khăn chồng chất như trên, lãnh đạo VnSteel cho rằng nếu tăng giá điện cho sản xuất thép sẽ tạo ra thách thức lớn. Đại diện của Thép Việt Úc cũng chất vấn liệu đây có phải thời điểm hợp lý để tăng giá điện với ngành thép và xi măng hay không, bởi Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ thị trường phát triển mà việc làm này lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Trung nói: "Mục tiêu của ngành điện khi tăng giá là tạo nguồn thu để tái đầu tư và tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ngành điện có tự hỏi rằng để đạt mục tiêu đó thì các ngành khác sẽ phải hy sinh như thế nào và nền kinh tế sẽ phải trả giá ra sao".

Đại diện Hiệp hội Thép và Xi măng cũng "không tán thành" việc tăng giá điện vào lúc này. "Nếu tăng giá điện sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào của thép và xi măng trong khi đầu ra lại không tăng, thậm chí còn giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế", ông Nghi nói.

Ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho hay, việc tăng giá điện sẽ không thể tránh khỏi bởi giá điện tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn giá thị trường, khiến cho ngành điện bị lỗ, khó kêu gọi đầu tư nhưng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thép và xi măng, ông Chuyện cho rằng sẽ cần những đánh giá hợp lý, phù hợp khi nếu áp giá điện cho ngành thép và xi măng cao hơn 2-16% so với ngành khác.

Ông Trung cũng khuyến nghị, ngành điện cần tính toán lộ trình để tăng giá và cần tăng ở mức doanh nghiệp "chịu được". Đừng tạo thêm yếu tố khiến doanh nghiệp khó khăn hơn, phải ngừng sản xuất.

Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới, trong đó xác định giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn các ngành khác 2-16%, với lý do đây là hai lĩnh vực tiêu hao năng lượng điện nhiều và công nghệ lạc hậu.

Song, theo ông Nghi, đánh giá không công bằng và thiếu thuyết phục. Ông cho hay, chỉ có sản xuất phôi thép tiêu thụ nhiều điện năng nhất với khoảng 450-500 kwh mỗi tấn sản phẩm, chiếm từ 5-5,5% giá thành. Còn những ngành như cán thép, sản xuất ống thép, tôn nguội, cán mạ chỉ tiêu hao khoảng 100-120 Kwh.

Ông khẳng định "Tiêu thụ điện của ngành thép Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực vì nhiều sản phẩm vẫn xuất khẩu được sang các nước khác. Chính doanh nghiệp cũng nhận thấy không thay đổi công nghệ thì sẽ bị đào thải". (Huyền Thư, VnExpress.net 25/7; Vân Hằng, An Ninh Thủ Đô 25/7, tr4; Ph.Nhung, Người Lao Động 25/7, tr12; Minh Thu, TTXVN 24/7; Vietnamplus.vn 24/7; Tin Tức 25/7, tr4; Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới 25/7, tr3+24/6)

22.            Thu 2,7 tỷ đồng nợ thuế từ tài khoản ngân hàng

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, từ đầu năm đến giữa tháng 7, đơn vị ban hành 184 quyết định cưỡng chế trích nộp tiền gửi ở tài khoản ngân hàng (của doanh nghiệp nợ thuế), đã thu được tổng số tiền 2,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Hải quan Hải Phòng còn nhiều khoản nợ thuế khó thu đòi do doanh nghiệp giải thể và bỏ trốn, mất tích; hoặc nợ thuế của đối tượng đang bị điều tra, khởi tố. Đến thời điểm 30/6, số nợ thuế tại đơn vị giảm đáng kể so với thời điểm cuối tháng 5 ở loại hình chuyên thu và tạm thu.

Trong đó, nợ chuyên thu giảm 101 tỷ đồng tương đương mức giảm 2% so với cuối tháng 5, nợ tạm thu giảm 5.904 tỷ đồng, tương đương mức giảm 50%. (T.B, Báo Hải Quan Online 24/7)

23.            Đề xuất cho INDEVCO nhập khẩu lốp ô tô, cao su tồn tại cảng

Để xử lý lượng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng tồn đọng tại các cảng, cửa khẩu, Bộ Tài chính đã có Công văn đề xuất Thủ tướng cho phép Công ty Cổ phần Kính nổi Chu Lai - INDEVCO thực hiện nhập khẩu mặt hàng này.

Được biết, tại công văn 679/2013 Thủ tướng cho phép Công ty Kính nổi Chu Lai - INDEVCO thực hiện thí điểm nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng để sản xuất nhiên liệu phục vụ sản xuất kính xây dựng từ năm 2013 đến hết năm 2015, mỗi năm Công ty này được nhập khẩu với số lượng tối đa là 160 nghìn tấn.

Hiện, Công ty đang có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này để làm nhiên liệu sản xuất kính. Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến hết ngày 13/6, tại cảng Hải Phòng còn tồn 6.666 container hàng hóa các loại, trong đó có số lượng lớn hàng hóa thể hiện trên chứng từ vận tải là cao su, lốp ô tô đã qua sử dụng, nhựa phế liệu… Số hàng hóa này đã quá thời hạn nhưng doanh nghiệp chưa làm thủ tục khai báo hải quan nên chưa xác định được hàng hóa thực tế kinh doanh theo loại hình nào. Việc xử lý hàng hóa này gặp nhiều khó khăn.

Từ những phân tích này, Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép INDEVCO thỏa thuận với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng chưa làm thủ tục khai báo hải quan hiện đang còn tồn đọng tại cảng Hải Phòng hoặc đã tạm nhập nhưng chưa tái xuất thay thế cho hàng hóa phải nhập khẩu từ nước ngoài sẽ có nhiều lợi ích.

Bộ Tài chính cho rằng, việc cho phép này sẽ tạo điều kiện cho Công ty được nhập khẩu hàng hóa theo đúng văn bản cho phép của Thủ tướng, góp phần xử lý lượng hàng hóa tạm nhập, tái xuất đang tồn đọng tại các cảng, cửa khẩu. Hơn thế nữa, việc này còn giải quyết được khó khăn trong việc xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng Hải Phòng, do nhiều lô hàng có giá trị thấp, phí lưu kho bãi, lưu container lớn, các doanh nghiệp đứng tên nhận hàng đã từ bỏ hàng hóa, việc khám xét, tạm giữ hàng hóa vi phạm gặp khó khăn do chi phí quá cao, nguồn nhân lực khám xét có hạn.

Tuy nhiên, việc cho phép này thuộc thầm quyền của Thủ tướng. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng cho phép INDEVCO thỏa thuận với các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng nhập khẩu mặt hàng lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng chưa làm thủ tục khai báo hải quan hiện đang còn tồn đọng tại cảng Hải Phòng hoặc đã tạm nhập nhưng chưa tái xuất hết để mua lại thay thế cho hàng hóa phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, giao Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục Hải quan đối với việc nhập khẩu mặt hàng nêu trên và có biện pháp quản lý, theo dõi việc nhập khẩu hàng hóa của INDEVCO đảm bảo thực hiện đúng nội dung Thủ tướng cho phép tại công văn 679. (Hải Nam, Báo Hải Quan Online 24/7)

24.            Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2: Hòa đồng bộ lần đầu tổ máy số 3 và số 4 vào cuối năm 2013

Theo Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, thi công trên công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 2 đang bám sát và thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đề ra.

Từ tháng 3, nhà thầu đã tăng cường nhân lực, đẩy mạnh thi công, hoàn thành phần lớn công việc xây dựng. Về lắp đặt thiết bị, tại tổ máy số 3 đã hoàn thành lắp đặt lò hơi và thiết bị phụ, nén nước lò hơi; rửa a xít lò hơi và đốt lò lần đầu để thông thổi; hoàn thành lắp đặt tua bin và thiết bị phụ. Công tác lắp đặt thiết bị điện khu vực lò hơi, tua bin, khu vực thải sỉ; lọc bụi đã hoàn thành; khu vực nhiên liệu, tuần hoàn; lắp đặt thiết bị C & I đạt khoảng 95%.

Tổ máy số 4 hoàn thành lắp đặt lò hơi, nén nước lò hơi. Việc lắp đặt hệ thống thải tro sỉ đạt 60%; lắp đặt tua bin đạt 50%; lắp đặt hệ thống nước ngưng, nước cấp đạt 80%; lắp đặt bơm tuần hoàn 75%. Công tác lắp đặt thiết bị điện khu vực lò hơi đạt 85%; khu vực tua bin đạt 45%; lắp đặt thiết bị C & I đạt 20%.

Đến nay đã giải ngân cho nhà thầu hơn 200 tỷ đồng. Công ty phấn đấu hòa đồng bộ lần đầu cả 2 tổ máy vào cuối năm 2013. (Báo Hải Phòng 25/7, tr1)

25.            Thu hút 311 triệu USD và 2.134,8 tỷ đồng vào các Khu công nghiệp

Đến cuối tháng 7, các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thu hút 311,3 triệu USD vốn FDI và 2.134,8 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Riêng trong tháng 7, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 Dự án FDI với số vốn đăng ký 102,2 triệu USD và 1 Dự án trong nước với số vốn 62,1 tỷ đồng.

Các Dự án FDI chủ yếu đầu tư vào các Khu công nghiệp Đình Vũ và VSIP Hải Phòng. Một số dự án mới là Công ty TNHH Yusen Hải Phòng thực hiện Dự án đầu tư Khu nhà xưởng và kho bãi Yusen Đình Vũ, vốn đầu tư 21,1 triệu USD; Công ty TNHH IML Technology Việt Nam đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất bao bì nhựa, vốn đăng ký đầu tư 11 triệu USD, Công ty TNHH Knauf Việt Nam thực hiện Dự án đầu tư “Nhà máy sản xuất thạch cao tấm Knauf Đình Vũ”. Dự án có tổng số vốn đầu tư tương đương 30 triệu EURO… (Báo Hải Phòng 25/7, tr1)

26.            Huyện Kiến Thụy: Đẩy nhanh tiến độ thi công các Dự án trọng điểm dở dang

Từ đầu năm đến nay, huyện Kiến Thụy tiếp tục triển khai thi công hơn 10 công trình, hạng mục công trình. Trong đó có các Dự án trọng điểm như khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Quan Chánh, Dự án đường 403 giai đoạn I, III; triển khai khởi công gói thầu số 10 nâng cấp mặt đê tả Văn Úc…

Năm nay, Kiến Thụy tập trung đẩy nhanh tiến độ các Dự án trọng điểm thi công dở dang, giảm các Dự án xây dựng mới với mục tiêu thực hiện Dự án nào dứt điểm Dự án đó. Huyện tăng cường công tác quản lý trong đầu tư, xây dựng, nhất là xây dựng nhà ở trên địa bàn thị trấn, thị tứ.

Đặc biệt, huyện tập trung thực hiện các nội dung trong quy hoạch thị trấn Núi Đôi, tăng cường nghiên cứu, chỉnh trang các khu dân cư theo quy hoạch nông thôn mới. (Báo Hải Phòng 25/7, tr4)

27.            Huyện Vĩnh Bảo: Hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 công trình

3 năm qua (2011-2013), huyện Vĩnh Bảo tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản, bảo đảm trình tự, thủ tục, chống thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng các Dự án trên địa bàn.

Theo thống kê, toàn huyện có 62 hạng mục công trình thi công, trong đó có 60 công trình chuyển tiếp và 2 công trình xây mới. Đến nay, huyện hoàn thành 13 công trình, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. (Báo Hải Phòng 25/7, tr4)

28.            Thêm 4 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép, gia hạn khai thác khoáng sản

Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT hoàn tất thủ tục, trình UBND thành phố phê duyệt, cấp 2 giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản tại 2 khu vực, gia hạn 2 giấy phép khai thác khoáng sản.

Sở TN&MT phối hợp với các ngành chức năng rà soát, chấn chỉnh hoạt động quản lý, kahi thác khoáng sản trên địa bàn. Sở ban hành 1 thông báo thăm dò, nâng cấp trữ lượng khoáng sản trong diện tích khu vực được cấp giấy phép khai thác, hướng dẫn 15 tổ chức có đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện trình tự thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản. (Báo Hải Phòng 25/7, tr4)

XÃ HỘI

29.            Lực lượng vũ trang thành phố tổ chức nhiều hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công

Kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 24/7, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố thăm, tặng quà động viên  gia đình cán bộ, chiến sĩ có thân nhân là liệt sĩ hi sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Đó là gia đình Thiếu tá Mai Văn Tú - trợ lý tham mưu Ban Chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng; Thượng úy Nguyễn Văn Hiện - nhân viên chính trị Ban Chỉ huy quân sự huyện An Lão và Thiếu tá Nguyễn Như Cường - Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 50.

Đoàn cũng tới thăm, động viên gia đình liệt sĩ – Thượng úy Nguyễn Tự Phong - nhân viên quân khí trường Quân sự Hải Phòng, hi sinh khi đang làm nhiệm vụ. Cùng với sự động viên về mặt tinh thần, Đoàn tặng mỗi gia đình một suất quà trị giá 1 triệu đồng.

Ban Quân y - Bộ Chỉ huy quân sự thành phố phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng vừa tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 40 đối tượng chính sách và tặng 10 suất quà (500.000 đồng/suất) cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã Tiên Thắng.

Cũng trong dịp này, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố vận động và ủng hộ gần 260 triệu đồng cho quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; khởi công xây mới 4 nhà tình nghĩa với tổng trị giá 240 triệu đồng, sửa chữa 5 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách; dành gần 100 triệu đồng tôn tạo 6 nghĩa trang liệt sĩ; tặng 73 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Lực lượng vũ trang thành phố dành gần 100 triệu đồng hỗ trợ các cựu chiến binh nghèo phát triển kinh tế gia đình…

Đây là những hoạt động thiết thực của lực lượng vũ trang thành phố thể hiện sự tri ân với những người có công với cách mạng, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và làm tốt chính sách hậu phương quân đội. (Báo Hải Phòng Online 24/7)

30.            Ủy ban Đoàn kết công giáo thành phố: Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và hoạt động bác ái, từ thiện

Sáng 23/7. Ủy ban Đoàn kết công giáo thành phố đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Từ nay đến cuối năm, Ủy ban Đoàn kết công giáo thành phố tiếp tục tuyên truyền trong các xứ họ giáo về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nướ, thực hiện tốt công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vận động bà con giáo dân thực hiện Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ đồng bào”… (Báo Hải Phòng 25/7, tr2)

31.            Lấy ý kiến đóng góp Hội thảo lấy ý kiến lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ tham gia đóng góp bản thảo cuốn lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1930-2010

Sau hơn 1 năm sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, tổ chức lấy ý kiến đóng góp, tiếp thu chỉnh sửa và thông qua Ban chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy, đến nay, bản thảo lần 1 cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện An Lão đã hoàn thành.

Tại Hội thảo, các đại biểu góp ý trực tiếp vào bản thảo, bổ sung những nội dung thiết thực hơn, điều chỉnh, sửa dổi những nội dung chưa chính xác, lược bỏ những nội dung không cần thiết… (Báo Hải Phòng 25/7, tr2)

32.            Xã Thuận Thiên, Kiến Thụy: Có 2 Nhà máy nước, dân vẫn thiếu nước sinh hoạt

Xã Thuận Thiên, Kiến Thụy có 2 Nhà máy cấp nước mini nhưng hiện người dân luôn sống trong cảnh thiếu nước. Mùa Hè nắng nóng, nhiều hộ phải đi mua nước sạch về dùng với giá cao.

Nhà máy bơm 24 giờ…, dân vẫn thiếu nước

Thực tế, xã Thuận Thiên có 2 Nhà máy nước mini và cả hệ thống đường ống nước của Nhà máy nước Cầu Nguyệt (thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng) đi qua mà dân thường xuyên thiếu nước.

Theo anh Nguyễn Đức Kiên – người dân ở khu tái định cư Xuân Úc 2, ngay cả khu tái định cư cho Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nằm trên địa bàn xã, người dân cũng khốn khổ vì không có nước sạch.

“Dành đất cho Dự án, chúng tôi chuyển ra khu tái định cư từ năm 2010. 3 năm qua, người dân ở đây phải sử dụng bể nước mưa, vì đường ống Nhà máy nước mini chưa đấu nối đến khu vực này. Tại hai thôn Xuân Úc và Úc Giản vướng chân núi nên người dân không khoan được giếng khoan để dùng. Khi nắng nóng, khô hạn kéo dài, chúng tôi phải mua nước về dùng”, anh Kiên than thở.

Thực tế, Nhà máy nước Xuân Úc quá nhỏ, các công trình bể chứa, bể hút nước đều xuống cấp nghiêm trọng, máy bơm và đường ống nhỏ, han gỉ, nứt vỡ, đường điện chắp vá…

Lúng túng khắc phục

Theo ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch xã Thauanj Thiên, Nhà máy nước  Hòa Liễu trên đại bàn xã xây dựng từ năm 2007 chỉ cung cấp nước cho thôn Hòa Liễu, còn Nhà máy nước Xuân Úc tuy công suất nhỏ nhưng phải cung cấp nước cho 2 thôn là Xuân Úc và Úc Giản với hơn 800 hộ dân.

Trước việc dân thiếu nước sinh hoạt, UBND xã đã đề nghị Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho nâng công suất 2 Nhà máy nhưng Trung tâm chưa có ý kiến trả lời.

Cùng với đó, xã đề nghị Nhà máy nước Cầu Nguyệt cung cấp nước cho các hộ dân gần sát hệ thống đường ống nước của Nhà máy chạy qua địa bàn xã… Tuy nhiên, tới nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 25/7, tr4)

THỂ THAO

33.            Những thống kê buồn cho Xi măng Vicem Hải Phòng

Thất bại 3-4 trên sân nhà trước Đồng Tâm Long An vừa qua đã kéo dài chuỗi trận không biết đến chiến thắng của Xi măng Vicem Hải Phòng ở mùa giải năm nay lên con số 7 kể từ vòng 10, trong đó chỉ có 2 trận hòa và 5 trận thua.

Nhìn lại lịch sử kể từ khi bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Hải Phòng cũng đã từng không ít lần trải qua những chuỗi trận tồi tệ như thế này. Ở mùa giải 2001-2002, Công an Hải Phòng có khởi đầu tồi tệ khi không thắng nổi một trận nào trong 7 vòng đấu đầu tiên. Đội bóng đất Cảng khi đó đã hòa 3 trận và để thua tới 4 trận. Mãi đến vòng 8 V-League 2001-2002, tức là vòng đấu áp chót của lượt đi (khi đó V-League mới chỉ có 10 đội tham dự), Công an Hải Phòng mới tìm kiếm được chiến thắng đầu tiên trên sân nhà với tỷ số 2-0 trước Cảng Sài Gòn.

Kết thúc mùa giải chuyên nghiệp năm đó, Công an Hải Phòng đứng đội sổ trên bảng xếp hạng và phải xuống chơi ở giải hạng Nhất mùa sau.

4 năm sau, bóng đá Hải Phòng lại rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau chiến thắng 3-1 trước Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất ở vòng đấu thứ 17, Hải Phòng xuống dốc không phanh và trải qua 8 trận cuối cùng của mùa giải không biết đến chiến thắng, trong đó có 4 trận hòa và 4 trận thua.

Hệ quả là đội bóng đất Cảng kết thúc mùa giải ở vị trí áp chót trên bảng xếp hạng và phải tham dự trận đấu play-off với đội xếp thứ 3 ở giải hạng Nhất 2006. Để rồi sau thất bại 3-4 trước Huda Huế ở những loạt đá penalty, lần thứ 2 trong lịch sử, bóng đá Hải Phòng phải ngậm ngùi chia tay sân chơi hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Cách đây 2 mùa giải, Vicem Hải Phòng cũng đã có 7 trận đấu liên tiếp chỉ biết đến hòa và thua. Sau chiến thắng 2-0 trước Sài Gòn ở vòng 7 của V-League 2011, phải đến vòng 15, Vicem Hải Phòng mới lại tìm được chiến thắng với tỷ số 2-0 trước Khacoto Khánh Hoà. Đây cũng là mùa giải duy nhất mà bóng đá đất Cảng có chuỗi trận bết bát mà không phải xuống hạng khi V-League hạ màn (xếp thứ 12/14 chung cuộc).

Còn ở mùa giải gần đây nhất, bóng đá đất Cảng thậm chí còn “sở hữu” tới 2 chuỗi trận tồi tệ.

Đầu tiên là từ vòng 7 đến vòng 14 với 8 trận đấu liên tiếp chỉ biết đến hòa 2 trận và thua 6 trận. Phải đến vòng 15, thầy trò Huấn luyện viên Lê Thụy Hải khi đó mới được hưởng niềm vui chiến thắng sau khi đánh bại Hoàng Anh Gia Lai với tỷ số 2-0.

Thế nhưng, ngay sau chiến thắng đó, đội bóng đất Cảng lại tiếp tục chìm vào trong một cuộc khủng hoảng khác, kéo dài từ vòng 16 đến vòng 22. Trong 7 trận đấu này, Vicem Hải Phòng chỉ hòa duy nhất 1 trận, còn lại là 6 trận thua. Với 2 chuỗi trận tồi tệ gần như liên tiếp đó, không có gì là ngạc nhiên khi kết thúc V-League 2012, Vicem Hải Phòng đứng đội sổ trên bảng xếp hạng và lần thứ 3 trong lịch sử phải xuống hạng. (Hương Thùy, Thể Thao & Văn Hóa Online 24/7)

34.            Vị trí thủ môn tại V. XM Hải Phòng: "Gác đền" hay "phá đền"?

Thủ môn là điểm yếu của hàng phòng ngự đội bóng đất Cảng từ khi Danh Hoàng Tuấn chấn thương nghỉ hết mùa. Việc được ví như “người gác đền” đã nói lên tầm quan trọng của vị trí thủ môn trong hệ thống phòng ngự. Thế nhưng ở trận thua tan nát trước Đồng Tâm Long An trên sân nhà, Ngọc Tân chơi như thể “người phá đền” với những sai lầm ngớ ngẩn khiến các cổ động viên Hải Phòng không ngần ngại chỉ trích thủ môn này chơi “như bán độ”…

Đó tuy chỉ là sự bức xúc từ các cổ động viên nhưng khán giả Hải Phòng cũng có lý do bởi một thủ môn đã từng ăn cơm tuyển, lăn lộn qua nhiều đội bóng, được đánh giá có chuyên môn tốt lại mắc nhiều sai lầm đến thế. Phút 12, pha ói bóng của Ngọc Tân dâng cơ hội cho đối phương nhưng rất may Minh Châu đã có mặt giải nguy. Chỉ hơn 10 phút sau, Ngọc Tân chọn giải pháp đốn ngã Việt Thắng để chịu phạt 11m chứ không săn bóng trong tình thế mà tiền đạo đối phương bất lợi hơn nếu tranh chấp tay đôi.

Đến phút 43, Ngọc Tân lại có pha đẩy bóng vào chân đối phương và tranh chấp hời hợt khiến V.XM Hải Phòng thủng lưới. Trong hiệp 2, Ngọc Tân tiếp tục để Việt Thắng, Tấn Tài  lốp bóng qua đầu. Ở bàn thua thứ 3, có thể khẳng định sự tinh quái của Việt Thắng nhưng nếu Ngọc Tân quyết liệt hơn thì khó có cơ hội để Thắng “bế” ghi bàn. Còn ở bàn thua thứ 4 thì không thể bào chữa sai lầm của Ngọc Tân khi có 3 hậu vệ kèm 2 tiền đạo đối phương sát vòng 16m 50 nhưng Ngọc Tân vẫn lao lên để tạo khoảng trống cho Tấn Tài lốp bóng qua đầu, ấn định chiến thắng 4-3 cho Đồng Tâm Long An.

Xuân Việt là thủ môn hay mắc sai lầm vì bị cho là tâm lý thi đấu kém nên phải nhường chỗ cho Ngọc Tân. Tuy nhiên, những sai lầm liên tiếp của Ngọc Tân trong trận đấu với Đồng Tâm Long An khiến khán giả Hải Phòng đặt dấu hỏi lớn về chuyện “sai lầm hay sai đường” của thủ môn này. Chỉ mắc vài sai lầm chưa nghiêm trọng như Ngọc Tân nhưng Xuân Việt đã lên thẳng ghế dự bị. Chính vì vậy, sau trận thua Đồng Tâm Long An, Đậu Ngọc Tân bị “đóng hộp” cũng không hề là chuyện lạ.

Cơ hội để tân thủ môn Thanh Thắng của V.XM Hải Phòng ra mắt đã đến cũng như có thể khẳng định vị trí “người gác đền” của đội bóng đất Cảng từ khi Danh Hoàng Tuấn chấn thương là yếu tố cơ bản dẫn đến tình trạng “công làm, thủ phá” hiện nay.

Mọi sai lầm đều đã xảy ra, vấn đề là Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn sẽ xử lý như thế nào? Hợp đồng sắp hết, tương lai bất định nhưng cách thủ môn Ngọc Tân thể hiện như một thông điệp muốn rời Lạch Tray. (Phan Anh, An Ninh Hải Phòng Online 25/7)

35.            Hội thi điều lệnh, võ thuật Công an nhân dân khối Cảnh sát nhân dân: Phòng PC67 đoạt giải Nhất

Sáng 24/7, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành phố đã diễn ra Hội thi điều lệnh, võ thuật Công an nhân dân lần thứ VI năm 2013 - Khối Cảnh sát nhân dân Công an thành phố. Đến dự có lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Công an thành phố.

Hội thi điều lệnh, võ thuật Công an nhân dân lần thứ VI năm 2013 - Khối Cảnh sát nhân dân do Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt đăng cai tổ chức. 100% đơn vị (14 phòng) trực thuộc khối Cảnh sát nhân dân đã thành lập 12 đội tuyển và 1 đội tuyển liên quân giữa Phòng PC52 và Phòng PC54 tham gia.

Nội dung hội thi gồm: Duyệt đội ngũ, bốc thăm trả lời lý thuyết, nghi lễ điều lệnh Công an nhân dân, thi đội ngũ từng người tay không và thi võ thuật. Ban giám khảo sẽ chấm điểm cá nhân chỉ huy và cán bộ chiến sĩ trong hàng.

Kết quả, về chỉ huy cá nhân, giải Nhất: Thượng tá Trần Quốc Biên - Phó phòng PC65 (42,5 điểm), giải Nhì: Trung tá Nguyễn Xuân Hải - Phó phòng PC67 (41,7 điểm) và đồng giải Ba: Thượng tá Nguyễn Quang Hải - Phó phòng PC81 (39,7 điểm) và Trung tá Bùi Trung Thành - Phó phòng PC45 (38,7 điểm). Về tập thể, giải Nhất là Phòng PC67 (120,5 điểm); giải Nhì: Phòng PC65 (120,2 điểm) và đồng giải Ba: Phòng PC81 (113,2 điểm) và Phòng PC81B (111,3 điểm).

Các đội Phòng PC67, Phòng PC65 và Phòng PC81 sẽ đại diện cho khối Cảnh sát nhân dân tiếp tục dự thi vòng chung kết toàn Công an thành phố dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 8/8. (Đoàn Lanh, An Ninh Hải Phòng 25/7, tr3)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố