Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 24/11/2014)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 24/11/2014)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.                 Sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa BĐBP và Quân khu 3

Ngày 21-11, tại Hải Phòng,  Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh (BTL) BĐBP, Bộ Tham mưu BTL Quân khu 3 tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp, hiệp đồng giữa BTL BĐBP với BTL Quân khu 3. Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 3; Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh, Tham  mưu trưởng BĐBP chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP 5 tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu 3: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Tư lệnh Quân khu 3, hai bên đã phối hợp thông báo, trao đổi tình hình và xử lý các tình huống xảy ra trên địa bàn quản lý; phối hợp thực hiện nhiệm vụ biên phòng và tác chiến phòng thủ; công tác huấn luyện, diễn tập và phòng chống thiên tai…

Thời gian qua, công tác phối hợp chỉ huy, chỉ đạo của hai đơn vị đã đi vào nề nếp, tương đối toàn diện trên tất cả các mặt công tác, trong đó, một số mặt đạt kết quả tốt. Mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị hai bên có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục những chồng chéo, sơ hở và ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Công tác phối hợp thể hiện tinh thần trách nhiệm chung trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tác chiến, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng và an ninh nhân dân; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội từ biên giới đến nội địa.

Các đơn vị đã phối hợp với địa phương diễn tập cứu hộ, cứu nạn tàu cá, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão. Lực lượng BĐBP và Quân sự đã phối hợp phát đi 52 công điện chỉ đạo, 156 bản tin thông báo bão, kêu gọi 16.624 lượt phương tiện, lồng bè, chòi nuôi trồng thủy sản về nơi neo đậu an toàn…

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị của hai bên đã có những ý kiến đóng góp về công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát, quản lý; chia sẻ những vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ biên phòng và phòng thủ tác chiến.

Kết luận Hội nghị, Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 3; Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Phó Tư lệnh, Tham  mưu trưởng BĐBP đã thống nhất, thời gian tới, hai bên tiếp tục chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp của hai Bộ Tư lệnh; hiệp đồng chặt chẽ, tăng cường nắm chắc tình hình địa bàn trên khu vực biên giới biển, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các hoạt động gây rối, phá hoại của các thế lực thù địch, sẵn sàng phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Phối hợp tổ chức trong huấn luyện, tập huấn và tham gia các cuộc diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn Quân khu trong quy hoạch xây dựng các công trình kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng trên địa bàn biên giới, biển đảo. (Hà Phương, Biên phòng Online 21/11)

2.                 Cử tri phường Đằng Giang kiến nghị về hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường

Tối 21-11, tại trụ sở UBND phường Đằng Giang, các đại biểu HĐND thành phố : Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an thành phố; Trần Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Hải Phòng, Vũ Duy Tùng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tiếp xúc cử tri nơi cư trú.

Cử tri phường Đằng Giang đồng tình với những đánh giá trong Dự thảo báo cáo của UBND thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2014; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015; đồng thời bày tỏ sự phấn khởi trước những chuyển biển tích cực của thành phố.

Cử tri phường tiếp tục kiến nghị việc tuyến đường nối đường Lạch Tray đến Đài liệt sĩ thành phố, đến hồ An Biên trật tự đường hè lộn xộn, hàng quán bán hàng từ chiều tối lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Một số dự án chậm triển khai trên địa bàn phường ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường  như tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2014; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015: Khu vực ngõ 241 Lạch Tray, liên quan đến dự án của Công ty Cửu Long; mương An Kim Hải; lô 20, 21 dự án khu đô thị mới Ngã Năm-sân bay Cát Bi; ngõ 37 An Đà, lát lại vỉa hè đường Văn Cao; dự án Đầm Trung nhiều năm người dân chưa được làm “sổ đỏ”...

Đại biểu HĐND trực tiếp giải trình một số vấn đề, đồng thời ghi nhận ý kiến cử tri để chuyển đến HĐND, các ngành chức năng xem xét giải quyết. (Báo Hải Phòng Online 23/11; Bản tin thời sự tối 22/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

3.                 81 học viên tốt nghiệp lớp tạo nguồn cán bộ xã, phường, thị trấn (khóa 2)

Sáng 21-11, tại Trường Chính trị Tô Hiệu Hải Phòng, diễn ra Lễ bế giảng lớp tạo nguồn cán bộ các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn khóa 2. Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Trưởng Ban chỉ đạo đề án tạo nguồn cán bộ các chức danh chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn tới dự, ghi nhân, biểu dương những thành tích học viên đạt được trong thời gian qua. Qua đó, bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ có kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý cho cấp ủy, chính quyền cơ sở. Đồng chí mong muốn các học viên tiếp tục tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, công tâm thạo việc, tận tụy với dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo lớp học, chính quyền các địa phương tạo điều kiện, bố trí công việc phù hợp, giúp học viên phát huy sức trẻ, năng lực sáng tạo, khả năng tư duy. Trên cơ sở đó, trưởng thành hơn trong công tác, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng, phát triển địa phương.

Sau 2 năm, 81 học viên hoàn thành chương trình đào tạo được công nhận tốt nghiệp. Trong thời gian học, 40 học viên được kết nạp Đảng. Với nội dung chương trình đào tạo được điều chỉnh, bổ sung phù hợp, tăng thời gian thực hành, nghiên cứu ở cơ sở, học viên vừa được cung cấp kiến thức cơ bản, vừa được bổ sung kiến thức mới, trau dồi kỹ năng lãnh đạo, xử lý thực tiễn, quản lý điều hành ở địa phương, cơ sở. Qua kỳ thi tuyển công chức cấp xã được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế, 74 học viên đủ điều kiện trúng tuyển được Ban chỉ đạo lớp học và địa phương thống nhất phân công công tác ở các xã, phường, thị trấn. (Báo Hải Phòng Online 22/11; ; Bản tin thời sự tối 21/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

4.                 Phường Cát Dài, quận Lê Chân: Đối thoại với các hộ kinh doanh tại khu vực Bệnh viện Việt Tiệp

Ngày 14-11, UBND phường Cát Dài tổ chức đối thoại với các hộ dân kinh doanh tại khu vực tường bao giáp Bệnh viện Việt Tiệp để giải đáp các kiến nghị của người dân xung quanh việc giải tỏa khu vực này phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị.

Từ nhiều năm nay, khu vực giáp tường bao Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp trên tuyến đường Hai Bà Trưng có nhiều hộ kinh doanh quần áo, hàng ăn uống thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến TTATGT và cản trở đến việc khám chữa bệnh của nhân dân. Để góp phần chỉnh trang đô thị thành phố, ngày 24-4-2014 UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt quy hoạch số 834, trong đó có hạng mục triển khai thi công cải tạo hệ thống tường bao khu vực Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND quận Lê Chân, ngày 29-10-2014, UBND phường Cát Dài đã ban hành thông báo số 18 về việc giải tỏa vị trí kinh doanh khu vực tường bao Bệnh viện Việt Tiệp trên đường Hai Bà Trưng đoạn từ ngã 3 đường Nhà Thương đến ngã ba đường Trần Nguyên Hãn thông báo đến các hộ kinh doanh xác định thời gian di dời đến hết ngày 30-11-2014.

Tuy nhiên xung quanh vấn đề này, các hộ kinh doanh đề nghị chính quyền địa phương, Bệnh viện Việt Tiệp lùi lại thời gian giải phóng mặt bằng, bố trí chỗ kinh doanh tạm cho các hộ trong thời gian tìm địa điểm mới…

Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ dự án, tại buổi đối thoại, chính quyền địa phương đề nghị các hộ kinh doanh tự giác tháo dỡ, di dời, nếu không chấp hành sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. (Thái Bình, An ninh Hải Phòng Online 23/11)

5.                 CATP triển khai quyết định bổ nhiệm lại và bổ nhiệm điều động cán bộ

Ngày 21-11, Công an thành phố đã tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, bổ nhiệm lại chức vụ Phó giám đốc CATP Hải Phòng đối với đồng chí đại tá Nguyễn Trọng Phượng và điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó cục trưởng cục Chính sách - Bộ Công an đối với đồng chí đại tá Phạm Hữu Thao - Trưởng CAQ Dương Kinh.

Đến dự có các đồng chí: Trung tướng Lê Văn Đệ - Phó tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - Bộ Công an; thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP và các đồng chí Phó giám đốc CATP.

Phát biểu tại buổi lễ, trung tướng Lê Văn Đệ đánh giá cao những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trọng Phượng và đồng chí Phạm Hữu Thao trong công tác xây dựng lực lượng CATP, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANCT-TTATXH, đồng thời mong các đồng chí tiếp tục rèn luyện, phấn đấu; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao phó. (PV, An ninh Hải Phòng Online 24/11)

AN NINH – PHÁP LUẬT

6.                 Bắt hai "siêu xe" bốc hàng từ cảng

21h đêm qua 21/11, tại km 9 Quốc lộ 5 cũ, Q.Hồng Bàng, Tp. Hải Phòng, Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) phát hiện xe tải BKS 50LD-02611 và xe tải BKS 98C-01855 có hành vi chở quá tải trọng cho phép.

Lực lượng TTGT ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra giấy tờ và yêu cầu lái xe về khu vực cân để kiểm tra tải trọng. Kết quả, xe tải BKS 50LD-02611 có tải trọng toàn bộ cho phép tham gia giao thông là 29 tấn, tuy nhiên trọng lượng kiểm tra toàn bộ là 55,6 tấn, quá tải trên 190%; xe tải BKS 98C-01855 đi từ cảng Tiến Mạnh ra cổng có tải trọng toàn bộ cho phép là 30,9 tấn nhưng xe đã chở đến 76,7 tấn, quá tải 230%.

Thanh tra giao thông Hải Phòng đã lập biên bản xử lý 2 “siêu xe” này. Đồng thời, yêu cầu 2 xe này phải hạ tải theo đúng trọng tải thiết kế cho phép tham gia giao thông mới cho phép lưu thông.

Ông Nguyễn Đức Chi, Phó Chánh thanh tra, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, các lái xe không thừa nhận việc xếp hàng từ cảng mà chỉ vào cảng gửi xe để đi ăn cơm tối. Đối với 2 trường hợp này, mức xử phạt các lỗi liên quan khoảng 18 triệu đồng/xe.

Bên cạnh đó, TTGT Hải Phòng sẽ xác minh làm rõ cảng nào xếp hàng cho 2 xe này. Nếu cảng nào vi phạm các quy định của pháp luật và vi phạm cam kết với Bộ GTVT, thì sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử phạt cảng đó (mức phạt khoảng vài chục triệu), hoặc sẽ đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng tùy theo mức độ vi phạm.

Đây là buổi kiểm tra đầu tiên của Thanh tra giao thông Hải Phòng trong tháng cao điểm ra quân xử lý đối với các phương tiện vận tải chở hàng quá khổ, quá tải và các cảng, bến cấp phát hàng hóa, do Bộ GTVT chỉ đạo từ ngày 20/11-20/12/2014. (Trung Thành, Giao thông vận tải Online 23/11)

7.                 Xét xử vi phạm về đất đai tại Hải Phòng: Chấp nhận phần lớn nội dung kháng cáo

Giảm án và thay đổi hình thức chịu án cho các bị cáo; xem xét trách nhiệm với đối tượng liên quan khác trong vụ vi phạm các quy định về sử dụng đất đai tại Đồng Hòa, Kiến An, TP. Hải Phòng, là những nội dung kháng cáo được Tòa phúc thẩm chấp thuận.

Sáng ngày 21/11/2014 TAND TP.Hải Phòng đã mở phiên phúc thẩm vụ án vi phạm các quy định về sử dụng đất đai tại phường Đồng Hòa, quận Kiến An, TP.  Hải Phòng.

Theo Bản án sơ thẩm ngày 26/6/2014 của TAND quận Kiến An đã kết tội và tuyên phạt Bùi Đức Hùng (50 tuổi, ở tổ Tân Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An, Hải Phòng) 24 tháng tù; Đào Vĩnh Chính (44 tuổi, ở tổ Tân Khê, phường Đồng Hòa) 9 tháng tù về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”; Vũ Văn Nguyên - nguyên Phó chủ tịch UBND phường Đồng Hòa 12 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau đó, cho rằng bản án sơ thẩm trên là không thỏa đáng, các bị cáo đều có đơn kháng cáo gửi lên TAND TP. Hải phòng.

Theo đó, bị cáo Bùi Đức Hùng, Đoàn Vĩnh Chính cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử ở mức hình phạt 24 và 9 tháng tù giam là quá nặng, xin Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Vũ Văn Nguyên, kháng cáo với 2 nội dung: Thứ nhất, bị cáo cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm của một Phó chủ tịch phường trong vụ án này, vì vậy không thể kết tội bị cáo là “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên vô tội cho bị cáo; thứ 2, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hành vi của các đối tượng có liên quan như Đội Thanh tra xây dựng độc lập quận Kiến An, Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Kiến An, hai cán bộ địa chính phường Đồng Hòa và ông Trần Văn Quý – Chủ tịch UBND quận Kiến An trong việc để xảy ra tình trạng các đối tượng Hùng và Chính biến gần 4.000 m2 đất nông nghiệp, thành đất đô thị như cáo trạng truy tố. Từ những lập luận này bị cáo Nguyên cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Tại phiên phúc thẩm ngày 21/11, TAND TP. Hải Phòng sau nhiều lần triệu tập những người có nghĩa vụ liên quan theo kháng cáo của bị cáo Vũ Văn Nguyên nhưng rất nhiều đối tượng được triệu tập vắng mặt (người có đơn xin xử vắng mặt, người vắng mặt không lý do), trong đó, có ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND quận Kiến An vì lý do “đi công tác nước ngoài”, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Thiệm vẫn tiến hành cho xét xử theo đúng trình tự của pháp luật.

Trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, bị cáo Vũ Văn Nguyên một mực kêu oan so với bản án sơ thẩm đã tuyên trước đó về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Nguyên cho rằng, khi phát hiện ra sự việc vào tháng 7/2011, với vai trò là Phó chủ tịch, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, bị cáo đã báo cáo sự việc với ông Chu Đức Khói là Chủ tịch UBND phường Đồng Hòa và mời ông Hùng, Chính lên lập biên bản xử lý sau khi hai cán bộ địa chính của phường là Tân và Mạnh báo cáo. Bản thân bị cáo Nguyên cũng không được phép trực tiếp ký các văn bản, bị cáo chỉ có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch mà thôi.

Mặt khác, việc các đối tượng Hùng và Chính phun cát, san nền phân lô để bán diễn ra trong một thời gian dài mà chính quyền không biết, là do lỗi của hai cán bộ địa chính phường là người có trách nhiệm trực tiếp quản lý đất đai tại địa phương và phải báo cáo lên lãnh đạo, nhưng hai cán bộ này không báo cáo, trong các cuộc họp giao ban hằng tuần, hằng tháng, nhân dân và Đảng viên trong phường cũng không phát hiện ra. Một phần bởi khu đất này nằm cách UBND phường gần 4km, lại khá biệt lập, một mặt giáp sông, một mặt nằm trong khuôn viên Công ty Khánh Hùng có tường bao khép kín, nên rất khó phát hiện.

Từ tháng 6/2010 đến tháng 3/2011, Đội Thanh tra xây dựng độc lập quận Kiến An đã xuống kiểm tra, lập biên bản dừng thi công đối với hai hộ dân vi phạm, nhưng đến tháng 07/2011 đội này mới báo cáo lên quận. Chủ tịch UBND quận Kiến An ông Trần Văn Quý đã ký hai biên bản xử phạt đối với hai công trình xây dựng trái phép, nhưng phường không nhận được và cũng không nhận được sự chỉ đạo tháo dỡ, cưỡng chế. Văn bản ký xong thì buông xuôi, không xử lý nên các hộ gia đình vẫn tiếp tục xây dựng, mà không có giấy phép. Hai cán bộ địa chính phường sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND quận, thì không báo cáo ngay để có phương án cưỡng chế, giải phóng mặt bằng. Đội Thanh tra xây dựng đô thị độc lập, phòng Tài nguyên Môi trường, phòng Quản lý đô thị quận Kiến An không thực hiện triệt để trách nhiệm của mình.

Tại phiên phúc thẩm, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyên cũng cho rằng, bị cáo Nguyên đã hoàn thành trách nhiệm của mình, nên không thể truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Qua quá trình thẩm vấn công khai cũng như tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX xét thấy, đủ căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Bùi Đức Hùng, xin được hưởng án treo của Đào Vĩnh Chính và không có căn cứ để xem xét tuyên vô tội cho bị cáo Vũ Văn Nguyên. Chấp nhận một phần kháng cáo của Vũ Văn Nguyên về việc xem xét trách nhiệm của hai cán bộ địa chính phường Đồng Hòa, chuyển hồ sơ yêu cầu cơ quan CSĐT Công an quận Kiến An điều tra về hành vi của hai cán bộ này.

HĐXX đã quyết định bản án mới so với án sơ thẩm đã tuyên, theo đó, bị cáo Bùi Đức Hùng được giảm hình phạt từ 24 tháng tù giam xuống còn 12 tháng. Bị cáo Đào Vĩnh Chính từ 09 tháng tù giam được tuyên 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng. Bị cáo Vũ Văn Nguyên từ 12 tháng tù giam giảm xuống còn 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng theo các tội danh mà bản án sơ thẩm đã tuyên. (Vân Lam, Công lý Online 22/11; Pháp luật & Xã hội Online 21/11; Báo Hải Phòng Online 22/11; An ninh Hải Phòng Online 24/11)

8.                 Phòng, chống tội phạm công nghệ cao: Nâng cao tính chủ động phòng ngừa

Tội phạm lợi dụng công nghệ cao để phạm tội đang diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần sớm có giải pháp hữu hiệu để phòng, chống.

Diễn biến phức tạp

Đầu tháng 11 vừa qua, Công an thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an phát hiện và bắt giữ 44 đối tượng mang quốc tịch Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan thực hiện hành vi gọi điện thoại quốc tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Trung Quốc, thu nhiều tang vật liên quan đến hành vi phạm tội.

Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Các thủ đoạn phạm tội thường được thực hiện bằng cách phát tán vi-rút, mã độc, phần mềm gián điệp… đến các máy tính của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân để phá hoại hoặc ăn cắp dữ liệu. Bên cạnh đó, tội phạm công nghệ cao còn sử dụng công nghệ để lừa đảo qua mạng thông qua các giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, thị trường chứng khoán, hải quan, thuế; chuyển cuộc gọi trái phép qua môi trường internet, trộm cắp, gian lận cước viễn thông…, thậm chí xâm phạm quốc phòng, an ninh, xâm nhập vào "kho tiền”, “kho dữ liệu" của cá nhân, tổ chức để chiếm đoạt … gây phức tạp tình hình an ninh trật tự và để lại nhiều hậu quả xấu.

Đáng chú ý, ban đầu đối tượng phạm tội chỉ là người nước ngoài hoặc Việt kiều, nhưng thời gian gần đây, số tội phạm là công dân Việt Nam tăng nhanh, phần lớn là người trẻ, có hiểu biết sâu về công nghệ thông tin. Điển hình như vụ Vũ Ngọc Hà, nguyên sinh viên Trường đại học Hàng hải Việt Nam chiếm đoạt 31 nghìn USD từ thẻ tín dụng của nhiều người nước ngoài rồi đặt mua máy tính xách tay, điện thoại từ các công ty bán hàng qua mạng chuyển về Việt Nam. Hay vụ Trần Văn Nhiệm, Giám đốc Công ty đào tạo mua bán trực tuyến có địa chỉ website MB24vn. haiphong lôi kéo hàng nghìn người mua bán các gian hàng ảo trên mạng internet, lừa đảo chiếm 4,3 tỷ đồng… bị Công an thành phố phát hiện và xử lý

Bổ sung, hoàn thiện chế tài xử lý

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an thành phố cho biết: trước tình hình tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng phức tạp, Công an thành phố thành lập Đội cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ. Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ đấu tranh và xử lý nghiêm nhiều hành vi phạm tội sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là hệ thống văn bản pháp luật phòng ngừa, đấu tranh xử lý loại tội phạm này còn chưa hoàn thiện, thiếu chế tài xử lý cụ thể đối với các hành vi phạm tội. Thực tế, các quy định pháp luật hiện hành đang làm khó cơ quan điều tra chức năng trong việc điều tra. Ví như trong một vụ án lừa đảo bằng công nghệ cao, có hàng trăm người bị hại ở nhiều nơi trên thế giới nhưng luật quy định cơ quan điều tra phải xác minh, ghi lời khai của tất cả số nạn nhân trên thì rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân về công tác bảo mật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chưa cao. Phương tiện kỹ thuật, nhân lực của các cơ quan quản lý nhà nước chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong việc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.

Để phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, cơ quan chức năng cần bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Các ngành thông tin, công thương, tài chính, ngân hàng, hàng không… cần có các quy chế phối hợp cơ quan chức năng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng đến các cơ quan doanh nghiệp, người dân thủ đoạn, cách thức phạm tội. Đồng thời, mỗi người dân, doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tố cáo tội phạm với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc tăng cường đào tạo, thu hút được nhiều chuyên gia giỏi, cán bộ kỹ thuật có năng lực, kiến thức chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật là rất cần thiết để công tác đấu tranh với loại hình tội phạm nguy hiểm này đạt hiệu quả hơn.  

Trong 10 năm qua, Công an thành phố khởi tố, bắt giam 4 đối tượng lợi dụng mạng Internet, mạng viễn thông để tiến hành các hoạt động vi phạm an ninh quốc gia; bắt 5 vụ trộm cắp cước viễn thông quốc tế, 5 vụ lừa đảo trong thương mại điện tử; khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đồi tượng mang quốc tịch nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để chiếm đoạt gần 4 tỷ đồng của ngân hàng; phát hiện và xử lý 1 công ty làm mắt xích trong tổ chức kinh doanh rửa tiền ở nước ngoài. (Nguyễn Dương, Báo Hải Phòng Online 22/11)

9.                 Một nam thanh niên nhảy cầu Khuể tự tử

Công an huyện Tiên Lãng cho biết: vào hồi 18 giờ 45 phút ngày 20-11, tại cầu Khuể (phía huyện Tiên Lãng) xảy ra vụ nhảy cầu tự tử. Nạn nhân là Phạm Văn Long, sinh năm 1994 (là con út trong gia đình có 3 chị, em) ở thôn Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng.

Được biết, vào thời điểm trên anh Long cùng 2 người bạn là Nguyễn Văn Sứ (sinh năm 1996) và Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1994) cùng ở xã Quang Phục đi xe máy từ đường 212 tới khu vực cầu Khuể, thị trấn Tiên Lãng. Khi đến giữa cầu Khuể, Long bất ngờ nhảy xuống xe, chạy về phía lan can cầu và nhảy xuống sông. Ngay sau đó, Sứ và Tuấn hô hoán mọi người ứng cứu, đồng thời báo cho gia đình Long biết.

Hiện tại, cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân đang tích cực tìm kiếm thi thể Long. Công an huyện Tiên Lãng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc. (Báo Hải Phòng Online 22/11)

10.            Buôn ma túy và tàng trữ súng, lĩnh 9 năm tù

Sáng 20-11, tại Nhà văn hóa thôn Tân Cả, xã Quảng Thanh, TAND huyện Thủy Nguyên xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Văn Phương, sinh năm 1988, trú tại thôn Giếng, xã Quảng Thanh về tội mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tham dự phiên tòa có đông đảo người dân  xã Quảng Thanh và các vùng lân cận.

Tại phiên tòa, Phương khai nghiện ma túy từ tháng 3-2014 nên  thường đến khu vực đường tàu nội thành Hải Phòng mua ma túy về chia thành nhiều túi nhỏ bán kiếm lời và sử dụng cho bản thân. Phương bán ma túy cho nhiều đối tượng nghiện nhưng không biết rõ tên tuổi, địa chỉ. Trong đó có một người tên Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1988, trú tại xã Kỳ Sơn. Chiều ngày 2-7-2014, Phương bán cho Hiệp một gói ma túy đá với giá 300 nghìn đồng tại nơi ở của Phương. Khoảng 9 giờ sáng ngày 4-7-2014, Hiệp lại gọi điện cho Phương hỏi mua 300 nghìn đồng ma túy đá. Sau đó, Nguyễn Văn Hiệp đi cùng với Trần Văn Hiệp (sinh năm 1987, trú tại xã Lại Xuân) đến nhà Phương. Khi hai bên vừa trao đổi ma túy xong thì bị bắt. Cơ quan điều tra thu 300 nghìn đồng, 2 điện thoại di động và một túi nylon có tinh thể màu trắng. Khám nhà Phương, công an huyện Thủy Nguyên thu giữ các đồ vật gồm: 1 cân điện, 1 camera, 1 khẩu súng tự chế không có số hiệu, 3 viên đạn và một số dụng cụ dùng để đóng gói ma túy.

Hội đồng xét xử  tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Phương 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ vũ khí trái phép quân dụng, phạt tiền 5 triệu đồng. (Báo Hải Phòng Online 21/11)

11.            Bi kịch của kẻ ngông cuồng

Sáng 20-11-2014, tại Nhà văn hóa thôn Tân Cảng, xã Quảng Thanh, TAND huyện Thủy Nguyên đưa xét xử lưu động vụ án Đinh Văn Phương (tức Lỉnh), sinh 1988, ở thôn Giếng, xã Quảng Thanh, về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Là đối tượng nghiện nên để có thuốc hằng ngày sử dụng, Phương chuyển sang buôn bán ma túy, chuyên ngạch về “hàng đá”. Biết việc làm của mình là phạm pháp, Phương đã xây dựng căn nhà của mình thành một boong-ke mà theo hắn là “bất khả xâm phạm”. Cổng nhà Phương đặt camera theo dõi mọi di biến động xung quanh, quan sát người đến giao dịch mua bán ma túy với hắn, nếu là khách hàng quen hắn mới tiếp. Phương còn giăng điện vào hàng rào B40 xung quanh tường bao, chỉ cần có động, hắn sẵn sàng cắm điện.

Phương không chỉ rào chắn boong-ke ma túy của mình để đối phó với mọi sự xâm nhập mà hắn còn thửa hẳn 2 khẩu súng, 1 bắn điện, 1 súng tự chế bắn đạn hoa cải sẵn sàng chống trả lực lượng công an nếu bị phát hiện vây bắt. Đây là đối tượng có hành vi hoạt động tội phạm khá liều lĩnh, thách thức dư luận và các cơ quan chức năng. Hắn đúng là kẻ ngông cuồng, “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”! Trước sự việc trên, Trạm CSND Quảng Thanh đã báo cáo lãnh đạo CAH Thủy Nguyên xác lập chuyên án, cử trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy cùng tham gia hỗ trợ các biện pháp đấu tranh triệt xóa tụ điểm ma túy nhức nhối này.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Thủy Nguyên: Vào 9h30 ngày 4-7-2014, tại nơi ở của Phương, Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAH Thủy Nguyên đã bắt quả tang Phương đang bán ma túy cho N.V.H, sinh 1988, ở xã Kỳ Sơn và T.V.H, sinh 1987, ở xã Lại Xuân. Công an thu giữ vật chứng gồm 300 nghìn đồng do Phương vừa bán ma túy mà có và 1 ĐTDĐ, thu giữ trên tay N.V.H 1 túi nilon chứa ma túy đá. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và khu vực có liên quan của Phương, cơ quan điều tra còn phát hiện, thu giữ tại bàn uống nước trong nhà 4 túi nilon chứa ma túy đá, 1 cân điện tử, 10 túi nilon kích thước 2x2 cm để gói ma túy; tại kệ tivi 1 khẩu súng tự chế, 1 khẩu bắn điện, 5 viên đạn các loại; tại mái nhà 1 camera...

Phòng KTHS-CATP qua giám định 1 gói ma túy thu của đối tượng nghiện nặng 0,1653 gam, 4 túi nilon chứa ma túy đá thu tại nhà Phương nặng 7,4316 gam, đều có thành phần methamphetamine. Viện KHHS - Tổng cục phòng chống tội phạm Bộ Công an kết luận: Số ma túy thu trong vụ án có hàm lượng methamphetamine là 72,6%; khẩu súng tự chế bắn đạn ghém cỡ 32 thuộc loại “có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”; khẩu súng ngắn bằng nhựa màu đen là súng bắn quả đạn lửa, loại súng này không có trong quy định của văn bản pháp luật hiện hành; 5 viên đạn, trong đó có 3 viên dùng bắn cho các loại súng K43, K50 và K54, 2 viên đạn còn lại là đạn ghém tự tạo.

Tại cơ quan điều tra, Phương khai nhận: Do nghiện ma túy nên từ khoảng tháng 3-2014, Phương thường sang khu vực đường tàu nội thành Hải Phòng mua ma túy về bán kiếm lời và sử dụng cho bản thân. Phương đã bán ma túy cho nhiều đối tượng nghiện nhưng không biết tên, tuổi, địa chỉ, trong đó có N.V.H.

Chiều 2-7, Phương đã bán cho H. 1 gói ma túy đá với giá 300 nghìn đồng. Khoảng 9h ngày 4-7, H. gọi điện hỏi mua 1 gói ma túy với giá 300 nghìn đồng, sau đó đi với T.V.H đến nhà Phương. Khi hai bên đang trao đổi mua bán ma túy thì bị công an bắt. Khẩu súng tự chế Phương mua ở đường tàu để phòng thân, còn súng bắn điện hắn xin của một đối tượng ngoài Quảng Ninh.

Tại phiên tòa, Phương khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu và bày tỏ thái độ ăn năn hối cải, không còn vẻ ngông nghênh như khi còn ở ngoài đời vẫy vùng. Phương đã khóc xin lỗi người thân, xin lỗi nhân dân vì những việc làm xấu xa của mình. Những giọt nước mắt của kẻ ngông cuồng thể hiện sự ân hận đã từng vò xé tâm can hắn trong những tháng ngày qua.

Xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: bố mẹ mất sớm, bản thân trình độ văn hóa thấp, không có việc làm ổn định, phạm tội lần đầu; tại phiên tòa những người thân và bạn bè đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, áp dụng điểm b, khoản 2 điều 194-BLHS và khoản 1 điều 230-BLHS, tòa đã tuyên phạt Đinh Văn Phương 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và 12 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”; buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 9 năm tù.

Phiên tòa lưu động đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân địa phương tham dự, có tiếng vang lớn và có tác dụng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tác hại của ma túy nói riêng, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung. (Phúc Hiếu, An ninh Hải Phòng Online 24/11)

12.            Giới trẻ và nỗi đau không ảo từ internet

Xã hội phát triển cùng với sự bùng nổ không ngừng của thời đại công nghệ thông tin những năm gần đây đã khiến đời sống dân sinh có những thay đổi rõ rệt. Một mặt, công nghệ thông tin phát triển với sự xuất hiện dày đặc của các trang mạng xã hội khiến cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, giới trẻ có một “vùng trời” riêng để giải trí, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Song mặt trái của mạng xã hội, internet không hề đơn giản như ta nghĩ. Chỉ bằng một nickname ảo, một tấm hình đại diện không có thực, giới trẻ dễ dàng khoác lớp “vỏ bọc” để trở thành một người hoàn toàn khác trên internet. Những trò lừa đảo ngoạn mục qua internet cũng xuất phát từ đây, thậm chí còn gây ra những vụ án động trời khó có thể lường trước.

Nhóm cướp teen lừa đảo bạn “chat”

Có rất nhiều vụ án đau lòng về những thanh thiếu niên nghiện game, kết bạn với những đối tượng xấu qua mạng, kết bè cánh để ăn chơi thác loạn và cướp bóc, thậm chí giết người, để phải chịu những bản án cay đắng giữa tuổi thanh xuân.

Nhắc lại vụ án “giết người, cướp tài sản” xảy ra cách đây không lâu, ai ai cũng bàng hoàng bởi “nhóm hung thủ” có tuổi đời còn rất trẻ: kẻ lớn nhất mới 25, kẻ nhỏ nhất mới… 13 tuổi. Nguyên nhân cũng xuất phát từ những trận đánh điện tử thâu đêm suốt sáng, những lần “chat” thâu đêm trên mạng xã hội Facebook.

Theo tài liệu tố tụng có trong hồ sơ vụ án, Nguyễn Hữu Đại, sinh 1994, ở 1/23/304 Chợ Hàng, Lê Chân, khi ấy không nghề ngỗng, lông bông mải chơi nên thường ngày đêm mài đũng quần ở quán điện tử, lang thang trên internet. Những lúc rảnh rỗi, Đại “mò” lên facebook, lấy nickname “Linh Nhi”, đóng giả làm thiếu nữ xinh xắn để trò chuyện với các chàng trai, trong đó có anh Nguyễn Việt Phong. 

Đôi lần trò chuyện, phát hiện anh Phong có chiếc xe máy Sirius BKS: 15B1-302.12, máu tham nổi lên, muốn chiếm đoạt chiếc xe nên Đại nhanh chóng tụ tập đám chiến hữu gồm K., sinh 2000; Trần Quang Hải, sinh 1989, ở phường Văn Đẩu, quận Kiến An; Nguyễn Mạnh Tiến, sinh 1990, ở 5/15/45 Đông Trà, Lê Chân và Nguyễn Hà Phương, sinh 1988, ở 14/29 Ngô Gia Tự, Đằng Lâm, Hải An.

Quả thực “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, ngay lập tức đám thanh niên choai choai đều thống nhất sẽ dàn cảnh để bẫy anh Phong. Chúng phân cho K. đóng vai “Linh Nhi”, lợi dụng tình cảm trên mạng để mời mọc anh Phong vào nhà trọ tâm sự. Còn lại tên Hải đi mua liền 10 viên thuốc ngủ về tán nhỏ thành bột, cho vào chai Sting vàng lắc đều, dặn K. khi nào anh Phong đến thì mời anh uống.

Riêng anh Phong những tưởng cô gái Linh Nhi dễ mến mình hay trò chuyện qua mạng là K. nên nhiệt tình tới phòng trọ tâm sự. Anh nào hay biết mình trở thành “mồi ngon” của đám thanh niên choai choai. Tuy nhiên, may mắn thay, uống chai nước ngọt có thuốc ngủ nhưng không bị lịm đi mà vẫn đủ tỉnh táo để đi xe về nhà nên kế hoạch ban đầu của toán cướp nhanh chóng thất bại.

Cay cú, đến chiều 21-6-2013, cả bọn Tiến, Hải, Đại, Phương và K., thêm cả Bùi Văn Dương, sinh 1992, ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên; lại bàn nhau lần nữa cho K. dụ anh Phong vào nhà trọ để cướp xe. Nghe cuộc nói chuyện đậm chất “giang hồ” của toán cướp, chẳng ai nghĩ tuổi đời chúng còn quá trẻ…

Tên Đại khởi xướng, bảo K.: “Rủ nó vào nhà trọ đánh, rồi lấy xe”. K. - khi ấy mới chỉ là cô bé 13 tuổi nhưng tỏ ra xông xáo: “Nó nghi lần trước bị uống thuốc ngủ, không vào đâu”. Nghe vậy, Hải hung hăng: “Lừa nó ra chỗ vắng phang chết mẹ nó đi”. Tiến thêm vào: “Nếu nó không chết thì sao, nó chết anh em mình đi tù mấy chục năm thì không đáng”. Phương nói: “Đừng đánh chết nó, để nó sống, anh em mình trốn xa thôi”. Cuối cùng chúng quyết định để K. dụ anh Phong ra bãi đất trống ở khu tái định cư tổ 15, phường Kênh Dương, Lê Chân. Tại đây có Tiến và Hải cầm dao phục sẵn.

Khi anh Phong chở K. tới nơi, Tiến xông tới bịt mồm anh, còn Hải đứng từ phía sau dùng dao bầu đâm liên tục vào lưng rồi đẩy anh Phong ngã xuống rãnh nước bên đường. May mắn thay, anh Phong đã được quần chúng đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng, thương tích làm anh bị giảm 13% sức khỏe. Còn Tiến và Hải, sau khi phạm tội, chúng đã mang chiếc xe ra Cẩm Phả, Quảng Ninh, bán được 4,3 triệu đồng. Số tiền trên, “toán cướp” rủ nhau ăn tiêu, chơi bời và lại nướng vào những trận đánh điện tử…

Tình ảo và những nỗi đau có thật

Ngày nay, chuyện yêu đương, hẹn hò qua mạng trở nên rất đỗi bình thường. Dù không thiếu những tình yêu nảy nở, đơm hoa nhờ sự kết nối không giới hạn của internet, song cũng không hiếm những bạn trẻ bị lừa tình, lừa tiền cay đắng; không hiếm những bậc cha mẹ phải buồn đau sau hệ lụy “tình online” của con mình.

Nhiều cô bé ham chơi, chỉ thiếu một vài chục nghìn đồng tiền nét, vì cần một bạn trai xa lạ đến “cứu nét” (trả tiền hộ) mà rồi “hạ cánh” xuống nhà nghỉ, trượt dài vào cuộc sống lầm lỗi. Nhiều bạn trẻ khác lại đánh mất tương lai vì ham mê game, mê hẹn hò, chát sex qua mạng, suy giảm cả sức khỏe, đạo đức, tự đánh mất cơ hội học tập, lập nghiệp của mình…

Trường hợp của M. (sinh 2004) khiến các bậc phụ huynh phải sửng sốt giật mình khi những hệ lụy của tình ảo đã đến mức báo động. Sau khi làm “chuyện người lớn” với 2 thanh niên quen biết qua mạng, đến khi 2 thanh niên công an bị bắt, M. lên mạng xã hội khoe ảnh chụp với hai người cùng những lời lẽ khiến nhiều người phải giật mình tự hỏi đây có phải là học sinh… lớp 5? Dưới sức ép và sự bủa vây của dư luận, M. đã phải “đóng cửa” trang facebook, nhưng liệu với nhận thức còn non nớt của mình, em có hiểu được hành vi của mình đã gây ra những hậu quả tai hại cho chính bản thân đến mức nào.

Còn nhóm hung thủ của vụ án “Giết người, cướp tài sản” vừa qua đã bị TAND TP tuyên phạt bản án dài đằng đẵng trong tù: Hải và Tiến ngồi tù 22 năm, các bị cáo Đại, Dương, Phương từ 4 đến 9 năm tù về tội Cướp tài sản… Cũng chỉ vì lang thang trên mạng, kết bè kết phái rồi rủ nhau đi cướp xe mà giờ đây chúng đã đánh mất cơ hội lập nghiệp, trưởng thành của mình…

Thế giới ảo mà mạng internet tạo ra thực chất không phải là xấu, đó là sự phát triển tất yếu của xã hội. Việc học hỏi, trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân trước những tác động xấu của internet, tránh lệ thuộc, sa đà vào thế giới internet là điều cần thiết hơn hết. (Thu Ninh, An ninh Hải Phòng Online 23/11)

13.            Mô hình "chốt bảo vệ ANTT" ở huyện Kiến Thụy: Góp công giữ vững ANTT vùng giáp ranh

Sau 5 năm triển khai, mô hình “chốt bảo vệ ANTT” trên địa bàn huyện Kiến Thụy đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với tình hình ANTT các khu vực giáp ranh, hẻo lánh. Hoạt động của các chốt góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an; đồng thời tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đội nghiệp vụ của Công an huyện với công an các xã…

Đóng chốt tại những nơi hẻo lánh

Kiến Thụy là huyện ven đô phía Đông Nam của thành phố với 17 xã và 1 thị trấn, phía Bắc và phía Đông tiếp giáp với quận Dương Kinh, phía Tây tiếp giáp quận Kiến An và huyện An Lão, phía Nam giáp biển Đông, sông Văn Úc và quận Đồ Sơn. Tuy diện tích của huyện không lớn nhưng hệ thống sông ngòi và đường giao thông rất phức tạp, với tổng chiều dài 495km. Sau khi xây dựng phà Dương Áo và đặc biệt là cầu Khuể đi vào hoạt động, lưu lượng người qua lại huyện Kiến Thụy tăng cao. Đối tượng phạm tội lưu động có những thời điểm hoạt động hết sức phức tạp. Tại các khu vực giáp ranh còn xảy ra nhiều vụ mâu thuẫn giữa thanh niên các xã của huyện Kiến Thụy và các quận, huyện lân cận, gây bức xúc trong nhân dân.

Cũng vào thời điểm cuối năm 2007, đầu 2008, sau khi thành lập Công an quận Dương Kinh, lực lượng CAH Kiến Thụy thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, hiện tượng các đối tượng chặn đường xin tiền công nhân trong các doanh nghiệp đi làm về muộn, người dân đi chợ sớm liên tục xảy ra. Một số đối tượng còn kéo đến những nơi hẻo lánh để tụ tập đánh bạc, mua bán, sử dụng ma túy.

Việc triển khai kế hoạch của Giám đốc CATP về công tác tuần tra, chốt điểm, mật phục của lực lượng CAH gặp nhiều khó khăn. Cùng với khó khăn về quân số thì địa bàn giáp ranh thường xa, hẻo lánh, thưa vắng dân sinh sống nên khi tuần tra chốt điểm, đặc biệt vào những đêm đông giá rét, mưa gió bão bùng thì công việc của các anh lại càng thêm phần khó khăn, vất vả.

Xuất phát từ những đặc điểm trên, Đảng ủy, chỉ huy CAH đã lên kế hoạch triển khai các chốt điểm tại các địa bàn giáp ranh, hẻo lánh, các tuyến đường giao thông phức tạp, nhằm chặn đứng tình hình tội phạm hoạt động tại các khu vực này, giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất. Tháng 2-2009, CAH được Giám đốc CATP và Huyện ủy, UBND huyện phê duyệt triển khai 8 chốt trên địa bàn toàn huyện gồm: Cống Hương (thuộc xã Đông Phương, ráp phường Hưng Đạo, Dương Kinh), Thuận Thiên (giáp xã An Thái, Mỹ Đức, huyện An Lão), chùa Mục Đồng (thuộc xã Du Lễ giáp xã An Thái, huyện An Lão), Đồng Để (thuộc xã Ngũ Phúc, giáp xã An Thọ, huyện An Lão), cầu Ông Tiến (thuộc xã Minh Tân, giáp phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh), ngã tư Hồi Xuân (thuộc xã Tú Sơn, giáp phường Bàng La, Đồ Sơn), chốt Lão Phú (thuộc xã Tân Phong, giáp phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh và phường Hợp Đức, Đồ Sơn), ngã tư Nhân Trai đảm bảo ANTT trên tuyến đường 403 và khu vực giáp ranh 3 xã Tân Trào, Đại Hà, Ngũ Đoan.

Các địa phương đã dành 1.158m2 để xây dựng 8 chốt với tổng diện tích sử dụng là 338m2, nhà cấp 4 mái bằng, tổng kinh phí do huyện xây dựng là 1,132 tỷ đồng. CATP còn trang cấp cho các chốt một số công cụ hỗ trợ trị giá hàng trăm triệu đồng.

Thượng tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng CAH Kiến Thụy, cho biết: “Để các chốt đi vào hoạt động có hiệu quả, CAH đã xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các đội nghiệp vụ phối hợp công an xã khảo sát địa bàn, xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, lực lượng và đội hình tuần tra, vũ khí trang bị, công cụ cần thiết phục vụ tuần tra chốt điểm. CAH huyện đã bố trí lực lượng trực tại chốt từ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau; đồng thời phối hợp giữa công tác tuần tra vây ráp của lực lượng cơ động CAH với lực lượng thường trực tại các chốt, đảm bảo các chốt đủ sức hoạt động, trấn áp tội phạm khi có tình huống, đồng thời tránh để các chốt rơi vào thế thụ động, bị cô lập.

Hàng ngày, đội tổng hợp CAH thông qua liên lạc điện thoại bàn để kiểm tra việc thường trực tại các chốt. Trong những đợt tập trung bảo vệ các ngày lễ lớn, những sự kiện chính trị quan trọng, chỉ huy CAH tổ chức kiểm tra trực tiếp, để động viên CBCS làm nhiệm vụ, vừa kịp thời chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác thường trực SSCĐ…”.

Những chốt điểm ấm lòng dân

Chúng tôi có mặt tại chốt cầu Ông Tiến, trên tuyến đường 362, thuộc địa bàn xã Minh Tân vào lúc 21h đêm. Lực lượng tuần tra chốt đã có mặt đông đủ để thực hiện đợt cao điểm của CAH, nhằm vây ráp tội phạm tại khu vực giáp ranh. Anh Trịnh Bảo Phúc, Phó trưởng CAX Minh Tân cho biết: “Tuyến đường 362 qua thôn Thấp Linh, xã Minh Tân, giáp ranh phường Hòa Nghĩa, Dương Kinh là một vùng hẻo lánh, không có dân cư sinh sống. Khu vực này rất vắng vẻ. Các đối tượng tội phạm hoạt động ban đêm, ẩn nấp trong nghĩa địa, sử dụng hung khí để cướp tài sản, xin tiền công nhân đi làm về muộn hay người dân đi chợ đêm. Từ năm 2010 đến nay, chốt cầu Ông Tiến được xây dựng và đi vào hoạt động, CAX Minh Tân đã duy trì quân số 13 đồng chí tham gia trực và tuần tra tại chốt. Mỗi ca trực, CAX cắt cử 5 đồng chí, tổ chức tuần tra đêm. Nhờ duy trì tốt hoạt động tại chốt nên đã ngăn chặn kịp thời các vụ việc về ANTT xảy ra tại khu vực giáp ranh…”.

Sau khi 8 chốt bảo vệ ANTT đi vào hoạt động, Đảng ủy, BCH Công an huyện đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ và công an các xã duy trì tốt công tác tuần tra, chốt điểm bảo vệ ANTT trên địa bàn. CAH đã tổ chức hàng nghìn buổi tuần tra, thu hút trên 5.000 lượt CBCS tham gia. Thông qua tuần tra vũ trang, phục kích tại các chốt điểm, lực lượng CAH và CAX đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc phức tạp như: cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, các nhóm thanh niên côn đồ tụ tập chuẩn bị đánh nhau, các hành vi vi phạm trật ATGT, các tụ điểm cờ bạc, thu hồi nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Do đó, trong thời gian qua, tình hình ANTT trên địa bàn huyện luôn được giữ vững...

Nhiều vụ việc hình sự đã được phát hiện, ngăn chặn ngay tại các chốt điểm. Điển hình, ngày 4-1-2014, Võ Bá Tám, sinh 1986, ở Bát Trang, An Lão cùng Bùi Văn Dũng, sinh 1987, ở Du Lễ, Kiến Thụy, đến nhà Nguyễn Đình Kiệm, sinh 1983, ở Du Lễ hỏi mua pháo và đặt cọc 5 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Kiệm cho gạch và rơm vào thùng cát tông, giả làm pháo. Đến 19h ngày 5-1-2014, tại nghĩa trang Du Lễ, Kiệm giao thùng cát tông trên cho Tám và Dũng, nhận tiếp 7 triệu đồng còn lại. Khi Tám điều khiển xe máy BKS: 18H5-4113 chở Dũng đến khu vực thôn 5, Du Lễ, đã bị lực lượng CAH và CAX Du Lễ kiểm tra, thu giữ.

Vào 2h10 ngày 28-2-2014, tại thôn Văn Hóa, Hữu Bằng, CAH kết hợp CAX tổ chức tuần tra chốt điểm, đã bắt quả tang Đỗ Danh Phi, sinh 1989, ở Cẩm Hoàn, Thanh Sơn, đột nhập vào đình Văn Hòa, Hữu Bằng, trộm cắp trên 2,5 triệu đồng tiền đặt trên các ban thờ và hòm công đức, 2 bộ âm ly, 1 đầu thu phát sóng.

Qua đấu tranh, đối tượng Phi khai nhận đã cùng đồng bọn thực hiện 31 vụ trộm cắp tài sản tại các đình, chùa, miếu trên địa bàn huyện Kiến Thụy. Cũng nhờ đẩy mạnh hoạt động tuần tra tại các chốt, vào 23h30 ngày 26-4-2014, CAH đã phối hợp CAX Du Lễ phát hiện 4 đối tượng đi trên 2 xe máy không đội mũ bảo hiểm, có biểu hiện nghi vấn. Khi tổ công tác ra tín hiệu dừng xe, 4 đối tượng bỏ chạy, để lại khẩu súng hơi tự chế…

Nói về hiệu quả các chốt đảm bảo ANTT, thượng tá Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Các chốt đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả thực sự, góp phần tích cực, thiết thực vào công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện, làm cho các đối tượng tội phạm hình sự không có điều kiện, cơ hội để hoạt động. Người dân đi chợ đêm, buôn bán sớm, công nhân đi làm về muộn luôn yên tâm vì có lực lượng chốt điểm tại các khu vực hẻo lánh.

Các chốt điểm đã góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tại khu vực giáp ranh, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác đảm bảo ANTT. Trong đó, các xã: Đông Phương, Tân Phong bước đầu đã huy động được cán bộ, hội viên các ban, ngành, đoàn thể tham gia chốt trong những dịp tăng cường bảo vệ các sự kiện lớn của đất nước…”. (Hồng Hải, An ninh Hải Phòng Online 21/11)

GIAO THÔNG

14.            Những con tàu thích làm mồi “hà bá”: “Trảm” bằng cách nào?

Đầu tháng 11/2014, báo điện tử VTC News đã có bài phản ánh về tình trạng các phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến sống trên địa bàn TP Hải Phòng chở hàng quá tải trọng cho phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT), vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa.

Mặc dù, UBND TP Hải Phòng đã có công văn chỉ đạo Công an TP Hải Phòng chủ trì phối hợp với các ban ngành chức năng của Thành phố xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng phương tiện thủy chờ hàng quá tải hoạt động trên các tuyến sông Hải Phòng, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Vì sao khó xử lý?

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát đường thủy Hải Phòng, hiện Hải Phòng có 26 tuyến đường thủy nội địa, với tổng chiều dài 506,38km, có hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa đa dạng gồm hơn 50 cảng biển và 230 cảng bến thủy nội địa.

Hầu hết các cảng, bến thủy nội địa đều có quy mô nhỏ, thủy diện hẹp lại nằm trên các tuyến sông có đông lưu lượng phương tiện hoạt động nên ảnh hưởng ít nhiều đến việc đi lại an toàn của phương tiện; nhiều cảng, bến thủy nội địa hoạt động chưa được quản lý, không có giấy phép gây phức tạp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và quản lý Nhà nước.

Nhiều phương tiện đã chấp hành tốt pháp luật về đảm bảo giao thông đường thủy nội địa nhưng bên cạnh đó còn nhiều phương tiện vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa, trong đó vi phạm về chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện như báo chí phản ánh.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy Hải Phòng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa 1.890 trường hợp, với số tiền trên 4 tỷ đồng, trong đó riêng xử lý vi phạm về chở hàng quá vách dấu mớn nước an toàn 418 lỗi, với số tiền trên 1 tỷ đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng có thời hạn gần 60 trường hợp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng liên quan của Hải Phòng, thực tế việc xử lý phương tiện thủy chở hàng quá tải có nhiều khó khăn, vướng mắc như không có cơ sở pháp lý để thực hiện hạ tải, không có hướng dẫn thực hiện việc hạ tải, bến bãi, kho tàng, vị trí tập kết hạ tải, phương tiện hạ tải, việc tạm giữ phương tiện quá tải...

Đối với hành vi chở hàng quá tải hiện nay vẫn dừng ở việc xử phạt vi phạm hành chính rồi tiếp tục cho lưu thông mà không thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hạ tải đến vạch dấu mớn nước an toàn.

Trong nhiều trường hợp phương tiện chở hàng quá tải đó trong một chuyến hành trình đã bị các lực lượng chức năng xử lý trước đó, tiếp tục chở quá tải và hành trình về nơi dỡ, trả hàng.

Nhiều cảng, bến, nhất là bến bãi tự phát bốc xếp vật liệu xây dựng, cát, đá tại sông Phi Liệt, sông Lạch Tray, các khu vực khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông... không có giấy phép mở bến, chưa có hoặc cố ý trốn tránh các hoạt động quản lý của lực lượng cảng vụ đường thủy; chủ phương tiện, thuyền trưởng tùy tiện bố xếp, vận chuyển hàng quá tải.

Các lực lượng, ban, ngành chưa làm hết trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ được phân công, cán bộ làm việc chưa mẫn cán, xử lý chưa nghiêm khắc; công tác tuần tra kiểm soát giao thông có nơi còn buông lỏng, chưa khép kín, chưa hiệu quả.

Ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, coi trọng lợi nhuận mà không chú ý đến đảm bảo trật tự ATGT cho mình và cộng đồng...

“Trảm” bằng cách nào?

Từ thực trạng trên, các ngành chức năng TP Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn liên ngành, phối hợp ra quân kiểm tra, xử lý việc chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, từ ngày 24-28/11/2014.

Theo đó, Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra các bến thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy nội địa nằm trên luồng hàng hải, trong đó sẽ kiểm tra hồ sơ thủ tục đăng ký mở bến, các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường theo quy định;

Kiểm tra tình trạng đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bằng cấp thuyền viên người lái phương tiện; kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

Xử lý nghiêm các trường hợp chở quá tải, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện chở bùn đất tham gia duy tu bảo dưỡng luồng lạch;

Kiểm tra điều kiện an toàn luồng tuyến đường thủy nội địa gồm dọc tuyến sông Cấm, khu vực cửa Nam Triệu, Bến Gót, dọc tuyến sông Đá Bạch, sông Lạch Tray.

Kết quả sau đợt tổng kiểm tra liên ngành của các lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng và tình trạng “những con tàu thích làm mồi cho hà bá” có được ngăn chặn và giảm thiểu hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc. (Minh Khang, vtc.vn 24/11)

15.            Phân luồng giao thông trên quốc lộ 10 trong 40 ngày

Ngày 21-11, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam cho biết, để phục vụ sửa chữa cầu Kiền (TP Hải Phòng), trong 40 ngày (từ ngày 25-11 đến 4-1-2015), Tổng cục sẽ phân luồng giao thông trên quốc lộ 10 trong khoảng thời gian từ 20 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, cấm toàn bộ ô-tô có tải trọng hơn 3,5 tấn lưu thông trên quốc lộ 10 qua cầu Kiền. Ðể tránh ùn tắc, Tổng cục khuyến cáo các chủ phương tiện tham gia giao thông từ Hà Nội đi Quảng Ninh nên đi quốc lộ 1 đến nút giao Ðại Phúc (TP Bắc Ninh), rẽ phải theo quốc lộ 18. (PV, Nhân dân Online 22/11; vov.vn 21/11; Báo Hải Phòng Online 22/11)

16.            Thanh tra giao thông “bắt nóng” 2 xe có trọng tải “khủng”

Lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) Hải Phòng trên đường tuần tra ‘bắt nóng’ 2 xe tải chở hàng 'khủng', vượt tải trọng từ 190-230%.

Khoảng gần 21h tối qua (21/11), tại km 9 (đường 5 cũ, Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng), lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) trên đường tuần tra, phát hiện xe tải BKS 50LD-02611 của Công ty TNHH Manuchar (Địa chỉ: 157 Nguyễn Tất Thành, phường 18, Q4, TP.HCM) có hành vi chở quá tải trọng cho phép.

Lực lượng TTGT ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra giấy tờ và yêu cầu lái xe về điểm cân để kiểm tra tải trọng. Kết quả, chiếc xe này có tổng trọng tải được phép tham gia giao thông là trên 29 tấn, tuy nhiên, trọng lượng kiểm tra toàn bộ là 55,6 tấn (trên 190%).

Cũng tại thời điểm trên, 1 tổ công tác khác phát hiện xe tải BKS 98C-01855, do lái xe Nguyễn Văn Tài, SN 1984, thuộc Công ty TNHH Doanh Chính (Bắc Giang), chở hàng có dấu hiệu quá tải trọng cho phép. (Xe xuất phát từ cảng Tiến Mạnh (P. Quán Toan, Q. Hồng Bàng, Hải Phòng).

Lực lượng TTGT ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra giấy tờ và yêu cầu lái xe về điểm cân để kiểm tra tải trọng. Kết quả, chiếc xe này có tổng trọng tải được phép tham gia giao thông là trên 30,9 tấn, tuy nhiên, trọng lượng kiểm tra toàn bộ là 67,7 tấn (trên 200%).

Lực lượng TTGT Hải Phòng đã lập biên bản, hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý đối với 2 phương tiện này. Đồng thời, yêu cầu 2 xe này phải hạ tải theo đúng trọng tải thiết kế cho phép tham gia giao thông.

Theo một cán bộ TTGT cho biết, đối với 2 trường hợp này, mức xử phạt các lỗi liên quan là gần 20 triệu đồng/xe. 

Bên cạnh đó, TTGT Hải Phòng sẽ xác minh làm rõ nơi cấp hàng cho 2 xe này. Nếu cảng nào vi phạm các quy định của pháp luật và vi phạm cam kết trước đó thì sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử phạt cảng đó (mức phạt khoảng vài chục triệu), hoặc sẽ đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng tùy theo mức độ vi phạm.

Đây là buổi kiểm tra đầu tiên của Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) trong tháng cao điểm ra quân xử lý đối với các phương tiện vận tải chở hàng quá khổ, quá tải và các cảng, bến cấp phát hàng hóa, do Bộ GTVT chỉ đạo từ ngày 20/11-20/12/2014. (Minh Khang, vtc.vn 22/11)

17.            Nhiều cảng "cóc" cố tình xếp hàng vượt tải trọng cho phép lên xe ô tô: Hàng trăm xe quá tải sẽ đi theo hướng nào ?

Sau thời gian ngắn chấp hành nghiêm quy định về xếp hàng đúng tải trọng lên xe ô tô; hiện nay, tại một số cảng nhỏ (còn gọi là cảng cóc) xuất hiện trở lại tình trạng xếp hàng quá tải lên xe ô tô theo yêu cầu của chủ xe, lái xe. Lúc đầu thì lén lút, sau dần công khai.

Nén bạc đâm toạc… cam kết

Ngay từ giữa tháng 9-2014, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) và Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến các cảng biển và tổ chức ký cam kết với các cảng không xếp hàng quá tải lên xe theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT. Sau 10 ngày, 34/34 cảng dân sự đều ký cam kết không xếp hàng quá tải lên xe ô tô với bất cứ lý do gì.

Thế nhưng, khi bản cam kết chưa kịp ráo mực, một số cảng nhỏ đã bỏ qua tất cả những gì cam kết, liên tục vi phạm về xếp hàng lên xe vượt quá tải trọng cho phép. Trước sự “hoành hành” ngang nhiên của các cảng cóc, bến thủy nội địa, thời gian gần đây, thanh tra Bộ GTVT, Cảng vụ… đã kiểm tra thực tế tại nhiều đơn vị khai thác cảng. Qua kiểm tra, một số doanh nghiệp bị bắt quả tang và phạt hành chính. Thậm chí cảng to cũng bị phạt, có cảng bị phạt đến 2 lần…

Khi bị kiểm tra, các chủ xe, lái xe xuất trình giấy chứng nhận kiểm định về kỹ thuật và bảo vệ môi trường giả; hoặc cho rằng bốc xếp hàng ban đêm, nhân viên kiểm soát mệt mỏi, hoa mắt nên đọc nhầm số… Nói về điều này, ông Hoàng Tiến Nam, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT khẳng định, đó chỉ là ngụy biện cho việc làm sai trái. Thế nhưng, cái khó trong việc kiểm soát hiện nay là một số cảng cố tình không điền tên doanh nghiệp vào phiếu hàng đã xếp lên xe mà chỉ ghi duy nhất chữ “Hải Phòng”. Sự tù mù này thực chất để “phủi tay” trách nhiệm nếu cơ quan chức năng phát hiện xe chở quá tải. Và đó cũng sẽ là bằng chứng để chứng minh các cảng cố tình xếp hàng vượt tải trọng không liên quan.

Tình trạng xếp hàng quá tải chủ yếu diễn ra ở một số cảng thuộc khu vực Vật Cách (quận Hồng Bàng), nơi có khoảng 10 cảng (hoặc bến thủy nội địa) đang hoạt động dọc theo sông Cấm và nguy hiểm hơn, một số bến thủy nội địa còn đưa cả tàu lớn (bắt buộc phải vào cảng) vào bến để bốc xếp hàng hóa. Vì phải làm lén lút và nhanh, dễ dàng dẫn đến tình trạng xếp hàng quá tải lên xe ô tô, thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và trốn thuế. Hậu quả của việc làm này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cảng và bến thủy. Tiền tăng thêm, lợi nhuận nhiều, nên cảng lại ham hơn và những gì đã cam kết với các cơ quan chức năng cũng tan biến.

Giám đốc Công ty CP cảng Vật Cách Trần Duy Phúc cho biết, lượng hàng của công ty giảm rất nhiều từ việc cạnh tranh không lành mạnh, chỉ riêng hàng đóng bao giảm khoảng 20%. Nhiều tàu hàng khi nghe tin cảng Vật Cách không xếp hàng quá tải đã chuyển đi các bến khác.

“Cháy nhà” mới lòi ra mặt… cảng

Theo chỉ đạo của Bộ, Sở GTVT thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm soát tải trọng xe từ các cảng (hoặc bến thủy nội địa). Đêm 21-11 vừa qua, tổ công tác cùng đại diện một số cơ quan báo chí “xuất quân” kiểm tra dọc tuyến quốc lộ 5 (cũ) đến khu vực Vật Cách. Ngay trong giờ đầu tiên, tổ công tác phát hiện một chiếc xe tải BKS 98C-018.55 chở lặc lè rời khỏi cảng Tiến Mạnh. Sau khi quay phim, chụp ảnh đầy đủ, tổ công tác mới tiến hành kiểm tra. Trên giấy chứng nhận kiểm định, chiếc xe này được phép tham gia giao thông (gồm cả xe và hàng) là 31 tấn, nhưng khi lực lượng Thanh tra giao thông đưa xe này đi cân, tổng trọng tải được xác định là 67,7 tấn, trừ trọng lượng thân xe, chiếc xe này chở vượt tải trọng cho phép lên đến 230%.

Biết là “động”, hàng loạt cảng cóc đang sáng đèn bỗng tắt phụt, coi như không còn hoạt động, song trên thực tế, hoạt động xếp dỡ vẫn diễn ra, vừa làm, vừa nghe ngóng. Khi tổ công tác phát hiện chiếc xe BKS 50LD-026.11 đang oằn mình đi trên đường, lái xe lùi phương tiện vào cổng cảng Vật Cách để trốn, nhưng bảo vệ cảng nhất định không mở cổng. Tổ công tác kiểm tra tại chỗ chiếc xe này và đưa đi cân, xác định lượng hàng chở vượt tải lên đến 193%. Lái xe khai nhận xe chở quá tải là do sang tải ở cảng “cóc”… Trả lời báo chí về việc vì sao bảo vệ không mở cổng cho chiếc xe này vào cảng, cho dù công ty (chủ xe) có thuê kho trong cảng Vật Cách, ông Trần Duy Phúc, Giám đốc Công ty CP cảng Vật Cách cho biết, quan điểm của cảng Vật Cách là không chấp nhận xe chở quá tải và công ty đã quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên. Việc bảo vệ không mở cổng cho xe quá tải vào là hành động đáng biểu dương vì đã thực hiện đúng với cam kết.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong chiều 22-11, một số cảng “cóc” vẫn nhộn nhịp bốc xếp hàng lên xe ô tô với các loại hàng gồm: sắt thép, gạo, hàng bao…

Được biết, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ tổ chức kiểm soát xếp dỡ hàng tại các cảng liên tục trong 1 tháng, nhằm lập lại trật tự trong xếp dỡ hàng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các cảng, bến thủy. Tuy nhiên, hiện dư luận đang đặt ra câu hỏi, những chiếc xe chở hàng “khủng” vượt tải trọng như thế này xuất phát từ Hải Phòng sẽ đi qua đâu? Quốc lộ 5 hay quốc lộ 10(?!). (Đức Phong, Báo Hải Phòng Online 24/11)

18.            Xe công-ten-nơ cũ nát lưu thông: Thảm họa trên những cung đường

Không chỉ ở Hải Phòng mà trong cả nước, tình trạng xe công-ten-nơ gây tai nạn diễn ra liên tục, mà nguyên nhân xuất phát từ tình trạng kỹ thuật yếu kém của xe chiếm tỷ lệ lớn. Xe nổ lốp, mất lái, mất phanh… đang gây thảm họa trên những cung đường. Vì sao những chiếc xe chất lượng quá kém được gọi là xe “nát” cứ tồn tại một cách “đàng hoàng” mà không có biện pháp nào ngăn chặn.

Kỳ 1: Xe đang lưu hành bất ngờ mất lái ?

Sở dĩ chúng được gọi là xe cũ nát không phải vì quá thời hạn sử dụng mà vì bản thân chiếc xe vốn chở hàng nặng liên tục xuống cấp nhanh hơn là xe chở nhẹ. Thế nhưng những chiếc xe này vẫn rầm rập chạy trên đường phố Hải Phòng và cả nước. Hậu quả, thảm cảnh tai nạn giao thông (TNGT) luôn rình rập người đi đường.

Thảm cảnh kinh hoàng vì xe… mất lái

Phó giám đốc Sở GTVT Mai Xuân Phương cho biết, nếu chỉ tính riêng thiệt hại với hệ thống cầu đường Hải Phòng do các phương tiện giao thông đâm va, gây hư hỏng lên đến hàng trăm điểm. Nhiều nhất là trên trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm- Nguyễn Văn Linh- Tôn Đức Thắng. Trong đó, cầu vượt Lạch Tray “hứng” nhiều vụ xe công-ten-nơ đâm va nhiều nhất. Cây cầu vốn đẹp là vậy, nhưng hướng tuyến Hà Nội- Hải Phòng liên tục bị xe đâm vào, gẫy nát dải phân cách cứng phía đầu cầu.Trên tuyến Nguyễn Văn Linh (chủ yếu ở khu vực Quán Nam), ngành GTVT Hải Phòng cũng phải liên tục sửa chữa rào chắn do xe công ten nơ đâm đổ.

Trên tuyến QL5 đoạn qua Hải Phòng, hết cầu vượt Đông Hải rồi lại đến cầu vượt Lương Quán, xe công-ten-nơ chở hàng quá khổ đâm vào đã thành… hệ thống. Cầu bị hư hỏng nặng, ngành GTVT buộc phải cấm cầu để bảo đảm an toàn cho người dân, thế nhưng lại gây ách tắc, khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Đâm đổ, gây hư hỏng hệ thống đường bộ, xe công- ten-nơ được coi là “hung thần đường phố” khi gây ra những vụ TNGT đau lòng. Theo Ban ATGT thành phố, có tới 50-60% số vụ TNGT liên quan đến ô tô là do xe công- ten- nơ gây ra. Phần lớn trong số ấy liên quan đến từ: xe mất lái.

Vừa qua, tại Nghệ An, một vụ TNGT đau lòng xảy ra liên quan đến xe công- ten- nơ. Xe đang chạy bỗng rời bánh đâm thẳng vào người đi đường khiến 2 người chết tại chỗ. Đánh giá về vụ việc này, giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hải Phòng Đào Trọng Hà cho biết, theo quy định, giữa 2 chu kỳ đăng kiểm, chủ xe phải có trách nhiệm bảo quản phương tiện. Vụ TNGT hy hữu xảy ra tại Nghệ An đã cho thấy trách nhiệm của chủ phương tiện quá kém. Sự việc này cũng cảnh báo cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe công-ten-nơ tại Hải Phòng: nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến thảm họa khôn lường.

Vì sao xe dễ mất lái ?

Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Hải Phòng Nguyễn Văn Hùng lý giải: nguyên nhân dẫn đến xe mất lái thường xảy ra ở 3 trường hợp. Một là trình độ lái xe kém, điều kiện kỹ thuật của xe kém và hạ tầng giao thông kém. Tuy nhiên, ở góc độ hiện nay, việc xe mất lái liên quan đến hạ tầng giao thông hầu như bị triệt tiêu vì chất lượng đường bây giờ tốt hơn rất nhiều. Chỉ còn 2 nguyên nhân chính là do lái xe và tình trạng kỹ thuật của xe.

Theo Phòng CSGT đường bộ- đường sắt (Công an thành phố), qua các đợt kiểm tra theo kế hoạch, trong số hàng trăm xe công- ten- nơ bị lập biên bản vi phạm trật tự ATGT, có tới 50% liên quan đến lỗi kỹ thuật của xe. Khi kiểm tra, lực lượng CSGT không dám tin vào mắt khi nhìn thấy có những chiếc xe lắp lốp bị mài gần hết ta-lông vẫn chạy bình thường. Điều này chứng tỏ các chủ xe thiếu ý thức trong việc chăm sóc phương tiện, đặc biệt là lốp xe.

Một lái xe có 14 năm kinh nghiệm cho biết, việc xe công- ten- nơ lắp lốp mòn vẹt không phải chuyện hiếm, bởi giá trị một chiếc lốp rất lớn (từ 6-9 triệu đồng/chiếc). Chủ xe lắp lốp mòn vào xe đỡ được tiền, nhưng lại gây khó khăn trong quá trình điều khiển xe. Vì vậy, xe công-ten-nơ mất lái chủ yếu xuất phát từ lốp không đủ tiêu chuẩn sử dụng. Nhiều lái xe khi lái cũng phải liên tục cầu khấn để mong đừng xảy ra tai nạn, vì những chiếc xe nát từ lốp, nhưng lại chở nặng (chưa nói đến quá tải) rất nguy hiểm đối với người đi đường. Chỉ cần lạc vô lăng là có thể gây nên thảm kịch. Càng nguy hiểm hơn khi điều khiển những chiếc xe loại này, nếu người lái thiếu kinh nghiệm hoặc buồn ngủ. Đó là lý do vì sao tuyến QL5 qua nội thành Hải Phòng liên tục bị xe công – ten- nơ đâm gây hư hỏng vào khoảng thời gian từ 1-5 giờ sáng.

Thực tế là những chiếc xe công- ten- nơ “nát” vẫn lưu thông hàng ngày trên những trục đường và người dân thành phố luôn nơm nớp lo sợ khi đi trên những trục đường có xe công- ten- nơ hoạt động. Vì sao những chiếc xe này vẫn ngang nhiên hoạt động và kèm theo đó là được cấp tem kiểm định và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và môi trường? Một sự thật phũ phàng được hé lộ dưới đây không chỉ gây “đau đầu” đối với cơ quan quản lý mà còn là mối nguy hiểm rình rập trên đường. (Mai Lâm, Báo Hải Phòng Online 224/11)

19.            Tai nạn giao thông tại khu vực Ngã Sáu-Máy Tơ

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 22-11, tại khu vực Ngã Sáu-Máy Tơ, phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) xảy ra vụ tai nạn giao thông. Khi đó một người đàn ông đi mô-tô qua đường ray tàu hỏa, phía đường Lương Khánh Thiện thì bị ngã.

Vừa lúc đó, ô-tô con biển kiểm soát 15A-05880 phía sau đi tới cuốn người đàn ông vào gầm xe, làm người này bị thương nặng. Một số người cùng nhau nhấc phần đầu ô-tô mới đưa được nạn nhân ra  khỏi gầm ô tô đưa đi cấp cứu. (Báo Hải Phòng Online 23/11)

ĐÔ THỊ

20.            Giải phóng mặt bằng xong trước 31-12-2014

Chiều 21-11, đồng chí Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì họp kiểm tra công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thực hiện Dự án nút giao thông Quán Mau và Dự án khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen - Cầu Rào 2.

Theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư và xây lắp thương mại ICC, Dự án khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen- Cầu Rào 2 hiện còn 2/21 hộ thuộc ngõ 55 Đình Đông chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB. Việc bàn giao đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại nút giao thông Quán Mau cũng còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, trên địa bàn quận Lê Chân, tại khu đất CH1 còn 5 hộ chưa GPMB, trong đó 3 hộ được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, nhưng chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng; 1 hộ kiểm kê nhưng chưa phê duyệt phương án và 1 hộ chưa chấp hành việc kiểm kê. Khu đất CH2 còn 1 hộ chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Khu vực CC5, CC6 còn 11 hộ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ GPMB. Tại khu vực CC4 thuộc địa bàn quận Ngô Quyền còn 17 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Sau khi nghe các đơn vị, địa phương liên quan báo cáo về công tác GPMB phục vụ 2 dự án trên, đồng chí Đan Đức Hiệp, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tập trung cao độ, phấn đấu đến hết tháng 12-2014 phải hoàn thành GPMB. Rà soát tính toán lại các phương án đền bù, hỗ trợ đối với những hộ đang kiểm kê tài sản; sớm hoàn thành việc cấp sổ đỏ đối với những hộ đủ điều kiện. Đối với những hộ cố tình không chấp hành quy định, không chịu bàn giao mặt bằng nằm trong phạm vi dự án, thì rà soát cụ thể, nếu đủ điều kiện, xin ý kiến thành phố chỉ đạo tổ chức cưỡng chế, bảo vệ nhà thầu vào thi công. (Lã Tiến, Báo Hải Phòng Online 21/11; ; Bản tin thời sự tối 21/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

21.            Tự học và trở thành chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft

Cô Nguyễn Thị Đại, giáo viên môn Vật lý, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hải Phòng vừa được Microsoft công nhận là một trong 10 chuyên gia giáo dục sáng tạo của Việt Nam. Danh sách này được Microsoft công bố ngày 20/11/2014. Cô đạt thành tích này chủ yếu là nhờ vào tự học.

Cô Đại cho biết, là giáo viên nên luôn mong muốn tìm phương pháp truyền đạt kiến thức sinh động, dễ tiếp thu nhất tới học sinh. Bên cạnh việc sử dụng phương pháp giảng dạy bộ môn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy rất quan trọng. Hơn 10 năm trước, cô Đại đã mày mò sử dụng tin học ứng dụng vào bài giảng như sử dụng slide, dùng các hình ảnh minh họa, hướng dẫn học sinh làm các thí nghiệm bằng phần mềm. Những năm gần đây, năm nào cô Đại cũng viết đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng. Đó là đề tài "Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy Vật lý" và đề tài của cô trong 5 năm liên tiếp đều được Sở GD&ĐT Hải Phòng xếp loại A.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc đổi mới phương pháp giảng dạy và dạy học theo chủ đề tích hợp, cô Nguyễn Thị Đại đã xây dựng các chủ đề, các dự án dạy học. Cô chia mỗi lớp thành 3-4 nhóm và hướng dẫn các em xây dựng ý tưởng, sản phẩm riêng cho từng nhóm. Mục đích của mỗi dự án không chỉ giúp các em hiểu bài học mà còn biết ứng dụng những kiến thức liên môn để làm ra những sản phẩm có khả năng ứng dụng và đưa ra những thông điệp cụ thể hữu ích cho cuộc sống. Khi tham gia các dự án, ngoài lĩnh hội kiến thức sinh động hơn, các em học sinh sẽ rèn được kỹ năng hợp tác, truyền thông, tạo khả năng làm việc nhóm, khơi dậy khả năng sáng tạo và chia sẻ kiến thức học tập.

Tham dự cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD&ĐT phối hợp với Microsoft tổ chức, bài dự thi của cô Đại đã vượt qua 600 bài thi sơ khảo của các thí toàn quốc, là một trong 44 bài dự thi xuất sắc nhất và tham gia vòng thi chung khảo tại Thái Nguyên. Đề tài giúp cô giành giải nhì đó là "Ưng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn Vật lý lớp 8" với dự án minh họa là “Áp suất trong đời sống và kỹ thuật. Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước tránh ô nhiễm”. Với dự án này, cô Đại chia lớp học thành 3 nhóm, mỗi nhóm xây dựng một sản phẩm khác nhau. Nhóm 1 thiết kế ngôi nhà không nước thải, sau đó đưa ra thông điệp về bảo vệ nguồn nước. Nhóm 2 xây dựng mô hình máy ép chất lỏng từ vật liệu tái chế với thông điệp thu gom phân loại và tái chế rác thải để bảo vệ môi trường. Nhóm 3 xây dựng mô hình hệ thống lọc và chưng cất nước biển bằng hiệu ứng nhà kính để cấp nước ngọt cho Nhà dàn DK. Qua đó các em đưa được thông điệp "Hướng tới Trường Sa thân yêu!".

Riêng sản phẩm của nhóm 3 các em đã viết bài tham dự cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn do Bộ GD&ĐT phát động và đã giành giải khuyến khích cấp quốc gia.

Sau khi được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo, cô Nguyễn Thị Đại đã tham gia phiên tập huấn trực tuyến đầu tiên của Microsoft cho hơn 800 giáo viên trên toàn cầu. Cô chia sẻ “Tối 20/11 vừa qua tôi tham dự buổi đầu tiên. Cảm xúc rất hào hứng và như được bước vào một thế giới mới, đầy kinh nghiệm, sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục”. Cơ hội mở ra cho tôi là được tiếp cận với việc sử dụng phần mềm hữu ích của Microsoft cho giáo dục, kết hợp giữa việc sử dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học hiện đại nhằm đạt hiệu quả cao trong giảng dạy. Tiếp cận với mô hình trường học sáng tạo của Microsoft và giao lưu học hỏi kinh nghiệm từ các nhà giáo dục đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới".

Thầy Vũ Nguyên Nhung, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, nhà trường luôn khuyến khích cô Nguyễn Thị Đại tìm ra những cách tiếp cận mới trong giảng dạy và sẽ hướng tới triển khai cách học này ở nhiều bộ môn trong nhà trường. Em Đỗ Ngọc Ly, học sinh lớp 9D3 cho hay: "Giờ học của cô Đại luôn sinh động, thú vị và hấp dẫn. Kiến thức cô dạy không chỉ bó hẹp trong sách giáo khoa mà còn có nhiều kiến thức thực tế, đồng thời hướng dẫn chúng em làm ra các sản phẩm cụ thể, tạo sự hứng thú trong học tập".

Cô Nguyễn Thị Đại sinh năm 1975. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng, cô về giảng dạy tại huyện Thủy Nguyên, sau đó chuyển công tác về Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi trường này không nằm trong tốp đầu của quận Ngô Quyền, Hải Phòng về ứng dụng công nghệ thông tin, song với sự nỗ lực, tâm huyết với nghề, cô Đại đã khơi dậy khả năng hứng thú học tập, đam mê khoa học cho học sinh từ những dự án của mình. Đáng quý hơn cả là những gì cô Đại đạt được phần lớn là nhờ nỗ lực tự học tập. Là phụ nữ, cô vẫn hoàn thành công việc của người vợ, người mẹ. Sau khi con học bài xong, đi ngủ, cô dành thời gian đó cho mình để tự học, tự nghiên cứu, bản thân luôn cập nhật những kiến thức mới để ứng dụng trong giảng dạy và cuộc sống. (Minh Thu, Tin tức Online 22/11)

22.            Thị trấn Cát Bà biểu dương phong trào khuyến học

UBND thị trấn Cát Bà vừa tổ chức hội nghị biểu dương khen thưởng 17 hộ gia đình và 7 giáo viên tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài năm 2014 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Năm học 2013 - 2014, thị trấn Cát Bà có 25 học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, khu vực và thành phố; 25 giáo viên có học sinh đạt giải các kỳ thi cấp thành phố; 12 giáo viên đạt giải các kỳ thi giáo viên giỏi  thành phố. Thị trấn có 35 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có 24 em đỗ đại học; 40 em là con em hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên học khá, giỏi… Hội Khuyến học huyện biểu dương khen thưởng, thầy giáo, cô giáo, các em học sinh có thành tích cao. Chi hội tổ dân phố tặng thưởng 328 học sinh giỏi và các em thi đỗ vào các trường đại học. Năm 2014, thị trấn Cát Bà có 2 em thi đỗ đại học nhưng vẫn xung phong đi nghĩa vụ quân sự. (Văn Lượng, Báo Hải Phòng Online 22/11)

KINH TẾ

23.            Ngân hàng Kiên Long: Hỗ trợ tài chính khách hàng huyện An Lão

Vừa qua, tại hội trường Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện An Lão, được sự cho phép của UBND huyện An Lão ngân hàng Kiên Long chi nhánh Hải Phòng tổ chức sự kiện "kienlongbank hỗ trợ tài chính khách hàng huyện An Lão".

Tham dự sự kiện có sự tham gia của ông Nguyễn Đức Chung- Phó chánh văn phòng UBND huyện An Lão, ông Đinh Quang Đệ- GĐ Kienlongbank Hải Phòng, cùng 300 DN, hộ kinh doanh cá thể…

Kienlong Bank được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/1995 tại Kiên Giang và hoạt động gần 8 năm tại Hải Phòng. Từ một ngân hàng hoạt động tín dụng tại các vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long với số vốn điều lệ ban đầu 1,2 tỷ đồng, đến nay vốn điều lệ của Ngân hàng đã lên trên 580 tỷ đồng. Với 96 điểm giao dịch Kienlong Bank đang ngày càng phát triển.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đinh Quang Đệ cho biết: "Đối tượng ưu tiên cho vay của Kienlongbank Hải Phòng là Hiệp hội Đúc đồng Mỹ Đồng, các DN tại Hải Phòng, các DN nhỏ và siêu nhỏ tại huyện An Lão. Thủ tục cho vay nhanh chóng, không rờm rà. Với phương châm Kienlongbank sẵn sàng chia sẻ chúng tôi tin tưởng sẽ được sự ủng hộ nhiệt tình của quý khách hàng tại Hải Phòng". Đồng thời, ông Đệ cũng chia sẻ một cách thẳng thắn với khách hàng: "Muốn tiết kiệm thời gian quý khách hãy giao dịch trực tiếp với Giám Đốc. Khi đó Giám Đốc sẽ điều cán bộ mỗi người một việc như thế sẽ rất nhanh".

Các dịch vụ được Kienlongbank chú trọng là dịch vụ khách hàng cá nhân: Huy động vốn cho các lĩnh vực: kinh tế gia đình, bất động sản, tiêu dùng, dịch vụ tài khoản, chuyển tiền… Dịch vụ khách hàng DN: Bảo lãnh thị trường nội địa và quốc tế, tài trợ thương mại, tài trợ dự án, đồng tài trợ. (Lan Hà, Diễn đàn doanh nghiệp Online 23/11)

24.            Cảng Hải Phòng: Đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh

Qua 140 năm hình thành, phát triển, cảng Hải Phòng luôn khẳng định bản lĩnh tiên phong của một DN đi đầu về hoạt động khai thác cảng biển trong khu vực. 

Cửa ngõ của sự đổi mới

Cảng Hải Phòng được hình thành từ năm 1874. Trải qua cuộc hành trình qua ba thế kỷ, cảng đã trở thành một biểu trưng của thành phố. 

Vào thời điểm kinh tế trong nước bước sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cảng Hải Phòng là một trong những đơn vị đầu tiên đón “luồng gió mới” ấy. Tháng 7/1996, cảng đã thực hiện dự án cải tạo nâng cấp giai đoạn 1 bằng vốn ODA Nhật Bản để cải tạo và xây dựng bến container Chùa Vẽ với cầu tàu và hệ thống xếp dỡ theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Năm 2002, dự án cải tạo giai đoạn 1 hoàn thành, cảng bắt tay triển khai ngay giai đoạn 2 với mức đầu tư 126 triệu USD tập trung cải tạo luồng tàu có độ sâu tới -7,2m, hoàn thiện năm bến container đưa khu vực cảng Chùa Vẽ thành bến xếp dỡ container lớn và hiện đại nhất khu vực phía Bắc với công suất 500 nghìn TEU/năm. 

Đón vận hội mới, năm 2003, cảng Hải Phòng đã mạnh dạn triển khai Dự án Tân cảng Hải Phòng tại Đình Vũ bao gồm 7 cầu tàu với chiều dài hơn 1,4 km, công suất trên 1 triệu TEU/năm chủ yếu bằng nguồn tự có. Đây là cảng biển đầu tiên tại Hải Phòng có đủ điều kiện kỹ thuật cho tàu 2 vạn tấn đầy tải vào xếp dỡ hàng.

Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, cảng Hải Phòng đã có những bước tiến cả về quy mô sản xuất, trình độ khoa học - công nghệ và mô hình tổ chức. Từ năm 2000 - 2003, cảng đã cổ phần hóa bốn đơn vị thành viên và thành lập một công ty cổ phần. Đồng thời, mô hình tổ chức của cảng cũng được sắp xếp lại.

Ngày 12/10/2007, Bộ GTVT quyết định chuyển cảng Hải Phòng từ DNNN thành Công ty TNHH một thành viên. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động tạo cho Cảng nhiều cơ hội hơn để phát triển nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho tập thể lãnh đạo và CBCNV. 

Năm 2008, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng đạt 14 triệu tấn. Kết quả ấy là minh chứng cụ thể cho tính hiệu quả trong việc đổi mới cơ chế chính sách, phát huy tính tự chủ của doanh nghiệp. 

Giữ thương hiệu trên mô hình mới

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải VN giai đoạn 2012 - 2015, cảng Hải Phòng đã triển khai cổ phần hóa. Ngày 1/7/2014, cảng chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Hiện tại, cảng Hải Phòng đang trực tiếp khai thác, quản lý 21 cầu tầu có tổng chiều dài trên 3,5 km. Với trên 300 phương tiện, thiết bị xếp dỡ hiện đại như: Cần cẩu nổi, cần trục giàn QC, cần cẩu giàn RTG,…. Mặc dù kinh tế thế giới suy thoái kéo dài, ngành vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn song tập thể CBCNV cảng Hải Phòng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2014. Dự kiến, lượng hàng hóa thông qua cảng cả năm đạt 19,5 triệu tấn. Năm 2015, cảng Hải Phòng phấn đấu đạt sản lượng 20,5 triệu tấn, trong đó hàng container đạt trên 1 triệu TEU.

Tạo thuận lợi cho khách hàng, cảng Hải Phòng đã triển khai mô hình Trung tâm điều hành sản xuất. Mọi yêu cầu về thông tin và dịch vụ của khách hàng sẽ được tiếp nhận và xử lý ngay tại Trung tâm theo mô hình một cửa. Đường dây nóng sẽ tiếp nhận phản ánh của khách hàng, đảm bảo yêu cầu của khách hàng được giải quyết nhanh nhất. 

Cùng đó, cảng cũng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại Chi nhánh cảng Tân Vũ; đầu tư 24 cần cẩu giàn RTG gắn định vụ DGPS khu vực bãi tiền phương cảng Tân Vũ; hợp tác đầu tư hai cầu cảng dài 400 m tại khu vực Đình Vũ. Cảng Hải Phòng đã được Bộ GTVT chấp thuận về chủ trương và đang tiến hành các thủ tục xin cấp đất đầu tư 6 cầu tàu dài 2.250 m cho các tàu hàng rời có trọng tải đến 100 nghìn DWT và tàu container đến 8 nghìn TEU. 

Hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, cảng Hải Phòng sẽ xây dựng cảng Tân Vũ không chỉ là cảng container tiêu chuẩn quốc tế mà còn hướng đến mục tiêu “Cảng biển xanh”.

Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, CBCNV cảng Hải Phòng phấn đấu tiếp tục giữ vững thương hiệu là cảng chủ lực của miền Bắc, tạo sự ổn định và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo. (Nguyễn Hùng Việt, Giao thông vận tải Online 21/11)

25.            Triển khai cơ chế "một cửa" quốc gia tại cảng Hải Phòng: Bước khởi đầu hiệu quả

Từ ngày 11- 11- 2014, cùng với khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu, khu vực cảng biển Hải Phòng chính thức triển khai cơ chế “một cửa” quốc gia. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính được BCĐ quốc gia về Cơ chế “một cửa” ASEAN và Cơ chế “một cửa” quốc gia đặc biệt quan tâm. Qua những ngày đầu triển khai, sự tiện lợi và hiệu quả đã rõ, nhưng cũng còn một số vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết.

Giảm thủ tục, rút ngắn thời gian

Theo ông Trần Quốc Chính, Trưởng Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin, tổ trưởng tổ triển khai cơ chế “một cửa” quốc gia (Cục Hải quan Hải Phòng), tham gia cơ chế một cửa quốc gia (NSW), doanh nghiệp hưởng lợi rất nhiều, nhưng lớn nhất vẫn là giảm thời gian, giảm thủ tục và giảm chi phí. Như vậy, 3 yêu cầu cốt lõi của cải cách thủ tục hành chính đều đáp ứng.

Cụ thể, việc thực hiện chính thức NSW là bước tiến quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, đầu tư, du lịch, đồng thời hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến lên top đầu ở khu vực về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa XNK, phương tiện XNC, quá cảnh.

Hiện nay, thủ tục đối với hàng hóa XNK; phương tiện, hành khách XNC, quá cảnh tại các cửa khẩu liên quan đến 8 bộ, ngành khác nhau. Có nghĩa là doanh nghiệp phải làm nhiều bộ hồ sơ giấy và chạy tới tất cả các bộ, ngành liên quan. Nay, với NSW, doanh nghiệp chỉ phải khai báo và nhận kết quả ở một cửa điện tử. Từ đầu mối tiếp nhận này sẽ chuyển thủ tục đến các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, khi Cổng thông tin điện tử NSW đi vào hoạt động, việc nộp hồ sơ và nhận kết quả của DN sẽ được thực hiện bằng phương thức điện tử. Điều này giúp DN tiết kiệm nhân lực trong việc chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động XNK do không phải mang hồ sơ đến nộp cho từng cơ quan quản lý như trước đây. Từ đó, cũng rút ngắn thời gian làm thủ tục tại các cảng biển, giải phóng hàng, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, tăng hiệu quả kinh doanh…

Ông Trần Quốc Chính cho biết, bước đầu, tại Hải Phòng, có 3 DN tham gia NSW bao gồm: Công ty TNHH SITC Việt Nam; Chi nhánh Công ty cổ phần vận tải và thuê tàu tại Hải Phòng ( Vietfracht); Công ty TNHH dịch vụ hàng hải Nhật Thăng… Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn tới từng DN về công tác triển khai, về nghiệp vụ cũng như sử dụng hệ thống. Tổ NSW của Cục Hải quan Hải Phòng cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các DN tại trụ sở cũng như qua điện thoại; bảo đảm cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đường truyền thông suốt và luôn sẵn sàng trong quá trình triển khai; phối hợp chặt chẽ với cán bộ, công chức hải quan và các cơ quan quản lý cảng biển để xử lý hồ sơ khai báo của DN. Nhìn chung, các bộ hồ sơ tiếp nhận qua những ngày đầu đều được xử lý tốt.

Cần triển khai đồng bộ

Theo kế hoạch, thời gian đầu,  có 3 thủ tục đầu tiên được thực hiện thông qua NSW là đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh. 3 thủ tục này liên quan tới 5 Bộ gồm: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế; Bộ Quốc phòng… Tuy nhiên, vấn đề mà doanh nghiệp lo lắng chính là khả năng giải quyết, xử lý hồ sơ trong nội bộ các ngành liên quan. Bởi lẽ, ngoài Tổng cục Hải quan đã thực hiện hiện đại hóa từ nhiều năm nay, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt và đồng bộ, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử và VNACC/VSIS trong thời gian qua đã quen thuộc với DN, còn lại, một số bộ, ngành chưa có được sự đồng bộ cần thiết trong xử lý hồ sơ. Đây là vấn đề cần có thêm thời gian để các bộ, ngành liên quan đầu tư công nghệ và đào tạo. Về lâu dài, NSW còn phải mở rộng tới nhiều Bộ, ngành khác như Bộ Công Thương, Tài nguyên Môi trường… và diện DN thực hiện cũng rộng khắp hơn mới đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, qua những ngày đầu triển khai cũng nổi lên một số vấn đề như sự lo lắng, e ngại của DN về sự chưa đồng bộ của các ngành liên quan nên sẽ phát sinh thêm công việc (do phải khai tới hệ thống mới trong khi vẫn thực hiện trên hệ thống cũ). Hoặc về thủ tục,  hiện tại, để khai báo đầy đủ 1  bộ hồ sơ, DN cũng phải mất nhiều thời gian do ban đầu mới chỉ có các thông tin chung về tàu (thông báo tàu đến, bản khai an ninh…), những thông tin khác về kiểm dịch (y tế, động vật, thực vật) phải tới sát thời điểm tàu nhập cảnh mới có. Hay đối với thủ tục hải quan, sau khi hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu khai báo, các đại lý giao nhận sẽ khai báo vận đơn gom hàng. Thông thường, để khai báo đầy đủ những thông tin này phải mất 2- 3 ngày. Vì vậy, tổ NSW của Cục Hải quan Hải Phòng đang đề xuất, trong giai đoạn đầu triển khai, cần có giải pháp đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích các hãng tàu tham gia. Cụ thể, hải quan có thể thông quan cho hàng hóa và phương tiện căn cứ trên bản lược khai hàng hóa thay vì phải có đầy đủ thông tin vận đơn… Ngoài ra, theo ông Trần Quốc Chính, cũng cần có cơ chế để thúc đẩy sự tham gia của các DN và các bộ, ngành đối với NSW, tạo quyết tâm cao đạt mục tiêu rút ngắn thời gian thông quan ngang mức trung bình của các quốc gia thuộc ASEAN 6.

Ngày 31-8-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 48/2011/QĐ-TTg thí điểm thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW). Các đơn vị thí điểm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan Nhà nước ở địa phương có chức năng, nhiệm vụ cấp phép hoặc giải quyết liên quan đến việc thông quan hàng hóa, phương tiện XNK. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ Quốc phòng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện thí điểm NSW.

Ngày 29-11-2011, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2120/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và NSW. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh được giao nhiệm vụ Trưởng Ban chỉ đạo; Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo đặt tại Tổng cục Hải quan.

Ngày 26-2-2014, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh- Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia và lãnh đạo các bộ, ngành đã bấm nút kết nối kĩ thuật NSW giữa 3 bộ: Tài chính; Công Thương; Giao thông vận tải.

Ngày 12-11-2014, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, sẽ diễn ra Lễ khai trương chính thức NSW. (Hồng Thanh, Báo Hải Phòng Online 24/11)

26.            Phối hợp giám sát thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp

Sáng 21-11, tại hội trường Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) thành phố Hải Phòng diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân, Uỷ ban MTTQVN, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương thành phố về giám sát thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020. Dự và chứng kiến lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Đình Then, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN thành phố; đại diện Ban  Dân chủ - pháp luật, Phong trào Ủy ban Trung ương MTTQVN; Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chương trình phối hợp nhằm cụ thể hóa thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị (ngày 12-12-2013) về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị -xã hội. Theo đó, 4 cơ quan, đơn vị nêu trên phối hợp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở  SXKD và người dân trong thực hiện các quy định của pháp luật về SXKD, sử dụng vật tư nông nghiệp; Theo dõi việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước về quản lý SXKD, sử dụng vật tư nông nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân nhận biết và sử dụng những sản phẩm vật tư nông nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng; biểu dương những tập thể, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý, SXKD, sử dụng vật tư nông nghiệp. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về SXKD, sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, nâng cao năng lực giám sát của cán bộ, hội viên, nông dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. (Minh Châm, Báo Hải Phòng Online 21/11; ; Bản tin thời sự tối 21/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

27.            Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản

Sáng 21-11, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tiến độ và tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Dự án Nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm Shin- Etsu (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2 (quận Hải An). Cùng dự có đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Công ty hóa chất Shin-Etsu được thành lập vào năm 1926 tại Nhật Bản, sản xuất các sản phẩm như: Nhựa PVC, silicon và các sản phẩm đất hiếm. Hiện tại, Tập đoàn Shin-Etsu là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản và xếp thứ 9 trên toàn cầu trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng năm 2013, Tập đoàn Shin-Etsu đạt doanh thu 11 tỷ đô-la và lãi suất là 1,1 tỷ đô-la với tổng số lao động là 17.700 người.

Từ cuối năm 2010, sau khi Chính phủ hai nước Việt Nam- Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác thiện chí về khai thác và tinh luyện đất hiếm, Tập đoàn Shin-Etsu tiến hành khảo sát và quyết định đầu tư vào thành phố Hải Phòng. Đến tháng 9-2011, Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam được thành lập và trong năm 2013 tiến hành xây dựng, hoàn thành, bắt đầu sản xuất các sản phẩm đất hiếm từ hợp kim đất hiếm, hay còn gọi là bột nam châm đất hiếm. Tổng số vốn đầu tư là 31,5 triệu đô-la, vốn điều lệ là 15,5 triệu đô-la với tổng số cán bộ, nhân viên là 96 người.

Do nhu cầu ngày càng cao nên lãnh đạo Tập đoàn quyết định xây dựng Nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm thứ hai trên diện tích hơn 49.000m2 với tổng vốn đầu tư là 100 triệu đô-la, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 10-2014, đến tháng 9-2015 hoàn thành. Sau khi lắp đặt máy móc, thiết bị thì đến tháng 10-2015 sẽ bắt đầu chạy thử với các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11-2015, vẫn chưa khởi công dự án giai đoạn 2. Theo lãnh đạo công ty, việc chậm khởi công so với dự kiến xuất phát từ những khó khăn về bảo đảm nguồn cung điện ổn định, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thẩm định về phòng cháy chữa cháy...

Sau khi phía lãnh đạo công ty trình bày những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan có mặt tại buổi gặp gỡ giải đáp trực tiếp và đưa ra hướng giải quyết.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, cần lưu ý đến vấn đề, yêu cầu tiêu chuẩn nguồn cung điện phía Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản cao hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Về nguồn cung điện, hiện Trạm điện 220KV  Đình Vũ mới lắp đặt 1 máy với công suất 63MVA, trong khi đó, tổng công suất đăng ký của các khách hàng trong khu công nghiệp hiện lên tới 110MVA. Do vậy, khó đáp ứng nhu cầu về nguồn điện năng ổn định với công suất 29MVA của phía Công ty Shin-Etsu. Do đó nên xây dựng một trạm điện và lắp đặt đường dây riêng cho Công ty Shin-Etsu. Về giấy phép xây dựng cho dự án giai đoạn 2, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khẳng định, sẽ sớm cấp nếu có đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường cam kết, trong tuần tới, phía Sở sẽ hoàn thành đánh giá tác động môi trường.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND, đề nghị Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng... xem xét sớm cấp các loại giấy phép giúp triển khai và đẩy nhanh tiến độ của dự án. Đối với những khó khăn về nguồn cung cấp điện, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận, đồng chí Dương Anh Điền hoan nghênh thiện chí, quyết tâm và sự nghiêm túc từ phía Công ty Shin-Etsu trong triển khai dự án đưa công nghệ cao đến thành phố Hải Phòng. Theo đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, những “trục trặc” trong việc khiển khai giai đoạn 2 chủ yếu do thủ tục. Các sở, ban, ngành cần ngồi lại để rút kinh nghiệm và bàn thảo cùng nhau tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng chí Dương Anh Điền chỉ đạo, trước 30-12-2014 hoàn thành giấy phép phòng cháy, chữa cháy để đến trước 15-1-2015 cấp giấy phép xây dựng cho dự án.

Về việc bảo đảm cung cấp điện năng cho công ty, đồng chí Dương Anh Điền chỉ đạo, cần căn cứ vào Luật Điện lực làm cơ sở để giải quyết. Từ nay đến cuối tháng 11-2014, lãnh đạo UBND thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan sẽ họp với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương... xem xét, tháo gỡ khó khăn, giải quyết vấn đề một cách căn bản. (Thái Phan, Báo Hải Phòng Online 21/11; An ninh Hải Phòng Online 24/11; Bản tin thời sự tối 21/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

28.            Cảng Hải Phòng không ngừng vươn lên, phát triển toàn diện

Ngày 9-11-1970, được sự đồng ý của Thành ủy Hải Phòng, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Cảng Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 24 NQ/ĐU, xác định: “Hàng năm sẽ lấy ngày 24-11 là Ngày hội truyền thống đấu tranh cách mạng của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức Cảng Hải Phòng nhằm ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân Cảng Hải Phòng qua các thời kỳ cách mạng, giữ vững và phát huy mãi mãi truyền thống đấu tranh cách mạng “Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo” của giai cấp công nhân Cảng”. Từ đó, truyền thống "Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo" đã trở thành sức mạnh truyền thống giúp Cảng Hải Phòng vượt mọi khó khăn, phấn đấu vươn lên trong sản xuất - kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Vào những năm đầu thập niên 90 (thế kỷ 20), Liên Xô và khối các nước XHCN Đông Âu tan rã, Cảng Hải Phòng mất đi thị trường truyền thống, lượng tàu hàng của Liên Xô chiếm 64% (năm 1989) giảm xuống còn 10,3% (năm 1993). Quán triệt Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 6/5/1993 của Bộ Chính trị và Quyết định 608/TTg của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng, phát triển Cảng Hải Phòng thành cảng hiện đại, là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và cả nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước mà trực tiếp là các tỉnh miền Bắc và thành phố Hải Phòng, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa bàn trọng yếu” đã thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của Cảng Hải Phòng.

Cán bộ công nhân cảng đã chung sức đồng lòng vượt qua từng giai đoạn khó khăn, đưa sản xuất ổn định và tăng trưởng. Năm 1994, Cảng Hải Phòng được Đảng, nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 1998 được tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Từ năm 1997 đến nay, được nhà nước quan tâm đầu tư, bằng vốn tự có và sự tài trợ quốc tế, Cảng Hải Phòng liên tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá hầu hết cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phương tiện làm hàng. Cùng với việc xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật các cầu cảng, bến bãi, đưa tuyến luồng mới Lạch Huyện - kênh Hà Nam vào khai thác, Cảng Hải Phòng tăng tốc phát triển, mở rộng quy mô. Cảng container Chùa Vẽ và các khu cảng trên sông Cấm đã được xây dựng, cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 DWT giảm tải; 7 bến Tân Cảng Đình Vũ có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 DWT (đủ tải) và tàu 40.000 DWT giảm tải.

Tổng mức đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hải Phòng bằng nguồn vốn tự có giai đoạn 2005-2010 đạt 1.005,6 tỷ đồng, tăng 2 lần so với giai đoạn 2000-2004. Đặc biệt, từ khi chuyển thành công ty TNHH MTV đã tạo tạo điều kiện cho Cảng Hải Phòng chủ động trong công tác đầu tư và sản xuất kinh doanh, vươn rộng ra các lĩnh vực kinh doanh khác như: vận tải đường biển, logicstic, khai thác cảng ICD...

Thực hiện Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng đã hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp. Ngày 27-6-2014, Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp.

Từ ngày 1-7-2014, Cảng Hải Phòng chính thức hoạt động với tên gọi mới là Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng trên cơ sở chuyển nguyên trạng mô hình sản xuất và lực lượng lao động sang phương thức quản lý mới, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động. Tháng 10-2014 vừa qua, cảng tiếp nhận 12 cần trục giàn RTG với tổng trị giá trên 340 tỷ đồng phục vụ nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa của Cảng Tân Vũ.

Trong tương lai gần, Cảng Hải Phòng sẽ tiếp tục đầu tư để đưa Cảng Tân Vũ trở thành cảng container hiện đại nhất miền Bắc và miền Trung; hoàn chỉnh phương án đầu tư xây dựng các bến tiếp theo 2 bến khởi động tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện).

Năm 2014, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng phấn đấu đạt sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 19,5 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2013 và đạt 100,4% kế hoạch đề ra; doanh thu ước thực hiện 1.475 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch; lợi nhuận ước thực hiện trên 220 tỷ đồng, bằng 102,6% kế hoạch năm theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt; đời sống cán bộ công nhân lao động ổn định, đảm bảo trả cổ tức cho cổ đông theo Nghị quyết của Đại Hội đồng cổ đông đề ra, bảo toàn phát triển vốn; hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước.

Truyền thống của Cảng Hải Phòng là kết tinh của cả một quá trình đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường, lao động sáng tạo sẽ tiếp tục được thế hệ trẻ  kế thừa và phát huy. (Trần Phương, An ninh Hải Phòng Online 24/11)       

XÃ HỘI

29.            Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc: Tăng cường hợp tác nghề cá trên cơ sở tôn trọng chủ quyền tại vịnh Bắc Bộ

Trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nhau trong vịnh Bắc Bộ, bình đẳng cùng có lợi; căn cứ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quy định liên quan trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, cũng như Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng hiệp thương hữu nghị, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá trên vịnh Bắc Bộ. Hiệp định này nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước; bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên sinh vật biển, tăng cường hợp tác nghề cá giữa 2 nước trong Vùng nước Hiệp định ở vịnh Bắc Bộ.

Nội dung Hiệp định hợp tác nghề cá gồm 22 điều. Theo Hiệp định, vùng đánh cá chung (ĐCC) nằm ở phía nam vĩ tuyến 200, có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện tích 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện tích vịnh. Mỗi bên thực hiện chế độ cấp phép đánh bắt với tàu bên mình được phép đánh bắt trong vùng ĐCC. Tàu được cấp phép phải được đánh dấu theo quy định của Ủy ban liên hợp (UBLH) nghề cá Việt -Trung (dấu hiệu nhận biết của tàu cá Trung Quốc được ký hiệu bằng chữ C trước 4 chữ số đăng ký, dấu hiệu nhận biết của tàu cá Việt Nam được ký hiệu bằng chữ V trước 4 chữ số đăng ký):

Khi đánh bắt trong vùng ĐCC, tàu cá mỗi bên phải tuân thủ quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản của UBLH nghề cá vịnh Bắc Bộ, phải viết chính xác nhật ký đánh bắt. Hằng năm, UBLH nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc khảo sát nguồn lợi hải sản để làm căn cứ cấp phép đánh bắt cho tầu, thuyền mỗi bên. Việt Nam và Trung Quốc có thể áp dụng bất kỳ một phương thức hợp tác hoặc liên doanh quốc tế nào trong khuôn khổ quy mô đánh bắt của bên mình trong vùng ĐCC, theo đó tàu phải treo quốc kỳ của bên cấp phép và treo biển nhận biết theo dấu hiệu quy định như nêu trên.

Tại khu vực cửa sông Bắc Luân, để tránh xảy ra tranh chấp do việc tàu cá nhỏ của hai bên đi nhầm vào lãnh hải của bên kia, Hiệp định quy định  vùng đệm cho tàu cá nhỏ. Phạm vi tính từ điểm đầu tiên của đường phân định kéo dài về phía Nam theo đường phân định 10 hải lý, chiều rộng lùi về mỗi phía 3 hải lý tính từ đường phân định (7 điểm từ điểm 1 đến điểm 7). Theo quy định của UBLH nghề cá: tàu cá nhỏ là những tàu không lắp máy hoặc lắp máy có chiều dài toàn bộ không vượt quá 15m và có công suất máy tàu không quá 60 CV.

Quy định tránh nạn khẩn cấp: các tàu cá của ta và Trung Quốc trong quá trình khai thác hải sản, gặp sóng gió to, bão, áp thấp nhiệt đới hoặc gặp thiên tai, tai nạn, được phép vào nơi tránh nạn khẩn cấp thông qua việc xin phép UBLH nghề cá. Vị trí tránh nạn khẩn cấp tại Hải Phòng là vịnh Trân Châu-Cát Bà.

Hiệu lực của Hiệp định là 12 năm và mặc nhiên gia hạn 3 năm, bắt đầu từ ngày 30-6-2004. Hằng năm, hai bên thống nhất cho phép mỗi bên có số lượng tàu cá được cấp phép vào vùng ĐCC khai thác. Số lượng tàu cá của mỗi bên phụ thuộc vào nguồn lợi hải sản UBLH nghề cá vịnh Bắc Bộ khảo sát. Thời gian cấp Giấy phép mới vào đầu tháng 9 hàng năm. Năm 2014, số lượng tàu cá của Hải Phòng được cấp phép đánh bắt trong vùng ĐCC là 73 tàu (chủ yếu là tàu cá của các huyện Kiến Thụy và Thuỷ Nguyên). (Trung tá Nguyễn Văn Trường, Phòng Tham mưu-Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Báo Hải Phòng Online 23/11)

30.            Giải quyết vướng mắc trong giám định y khoa đối với người bị nhiễm dioxin ở TP Hải Phòng

Ngày 22-9-2014, Báo Nhân Dân có công văn số 1941 - CV/ND gửi đồng chí Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) TP Hải Phòng phản ánh thông tin của bạn đọc về tình trạng chậm thực hiện giám định y khoa (GÐYK) đối với các trường hợp nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, ảnh hưởng đến việc được hưởng các chế độ đối với những người thuộc diện chính sách này.

Về vấn đề này, Báo Nhân Dân vừa nhận được Công văn số 1736/SLÐTBXH của Sở LÐ-TB và XH TP Hải Phòng, nội dung chính như sau: Việc dừng GÐYK đối với người bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian qua là do nhiều hồ sơ chưa hoàn thiện, thiếu các chứng từ, tài liệu chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của Bộ LÐ-TB và XH và Bộ Y tế, chưa đủ điều kiện để gửi đi giám định, phải trả lại bổ sung, hoàn thiện.

Các văn bản pháp luật hướng dẫn của Bộ LÐ-TB và XH, Bộ Y tế về danh mục bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hóa học còn bất cập, chưa sát với thực tế. Một số hồ sơ đủ điều kiện giám định đã gửi sang Hội đồng GÐYK thành phố song công tác khám giám định còn chậm, chưa đạt được tiến độ yêu cầu do số nhân lực tại Trung tâm GÐYK thành phố, được bố trí ít...

Ðể khắc phục tình trạng này, Sở LÐ-TB và XH, Sở Y tế và UBND các quận, huyện tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả giải quyết công tác khám giám định nhiễm chất độc hóa học, đề ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục khẩn trương kiểm tra, rà soát, hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ còn tồn đọng; xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan việc GÐYK đối với người bị nhiễm chất độc hóa học. (Nhân dân Online 24/11)

31.            Đến với những bác sỹ chữa tâm thần

Nghề thầy thuốc là nghề mà nhiều người mơ ước. Nhưng các bác sỹ chữa cho các bệnh nhân tâm thần thì dường như vẫn bị nhìn nhận bằng ánh mắt… ái ngại. Nguy hiểm từ bệnh nhân luôn rình rập, xảy ra bất thình lình, ấy thế nên các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần không chỉ đơn thuần chữa bệnh mà nhiều lúc còn phải khéo léo, mềm mỏng như những chuyên gia tâm lý. Và hơn tất cả là cái Tâm, sự đồng cảm, sẻ chia với những con người bất hạnh nhất ấy.

Xót xa thân phận người bệnh

“V. à, bố mẹ yêu thương, lo lắng cho ăn học, sao lại chửi mắng thế? Cháu thấy như vậy có được không? V. đã uống thuốc chưa? Đêm qua có ngủ được không? Lát chuẩn bị quần áo rồi bác tắm cho?”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa bán cấp nam - Phục hồi chức năng, Bệnh viện tâm thần Hải Phòng nói như phân trần với phóng viên: “Xót xa lắm em ạ, nuôi con gần 30 năm, to cao, đẹp trai, đang học liên thông lên đại học, bỗng khùng khùng chửi cha, chửi mẹ. Thấy con mình chả giống ai và cũng không chịu nổi nữa, gia đình đã phải nhờ đến công an phường ra tay mới đưa được con tới bệnh viện. Bây giờ ngoài uống thuốc, tiêm thì đến tắm rửa, ăn uống đều do các bác, các cô điều dưỡng, hộ lý giúp. Mẹ nhìn con mà bất lực vì không thể lại gần”.

Học chuyên sâu về tâm thần, sau khi ra trường là về bệnh viện nhận công tác, đến nay là hơn 23 năm gắn bó với nghề đã khiến cho vị bác sỹ nữ ấy vẻ vững chãi, dày dạn kinh nghiệm. Khoa của chị luôn có trên dưới 30 bệnh nhân nam, nhiều bệnh nhân to, khỏe, những ngày đầu vào viện, bệnh nặng nên vô cùng hung tợn.

Điển hình như bệnh nhân Trần Văn T, ở Dương Quan, Thủy Nguyên. T cao 1m85, nặng gần 90kg. T đuổi người thân ra ngoài và chỉ trong vài ngày đã đập phá tan hoang ngôi nhà mấy tầng. Cực chẳng đã, gia đình phải nhờ cả công an xã và bảo vệ chuyên nghiệp mới trói chân, tay đưa T đến bệnh viện. Sau một thời gian điều trị, T trở về đúng với con người thật của mình, hiền lành, chất phác và không khỏi tiếc nuối ngôi nhà đã bị chính mình phá bỏ.

Chị Vân bộc bạch: “Đa phần khi được người nhà cưỡng ép đưa tới bệnh viện thì mức độ bệnh cũng đã chuyển sang thể nặng. Đối với những bệnh nhân bị hoang tưởng, ảo giác, trong đầu luôn nghĩ có người tấn công mình thì họ còn thủ dao, kéo trong người, chờ cơ hội là ra tay. Trong tình huống này, khi tới bệnh viện là các bác sỹ phải miệng nói tay làm, khéo léo cố định bệnh nhân rồi khẩn trương tiếp cận kiểm tra khắp người. Tại phòng của bệnh nhân dạng này, các y bác sỹ cũng không để bất cứ vật gì sắc nhọn hay đồ sành sứ, tránh việc bệnh nhân gây hại cho bản thân mình và mọi người xung quanh”.

Thường thì sau vài ngày được điều trị thuốc an thần, bình thần, bệnh nhân sẽ dịu lại các cơn loạn thần, nhưng cũng có bệnh nhân diễn biến bất thường. Đơn cử như Lê Văn C, ở Quán Toan, Hồng Bàng, vào viện đã gần một tháng nhưng vẫn bất thần rượt đuổi đánh mọi người khiến các nhân viên y tế ở Khoa cấp tính nam bị một phen chạy náo loạn. Đi thăm khám cùng với bác sỹ Trưởng khoa Trần Văn Lập, khi được hỏi vì sao đuổi đánh mọi người? Có biết đã đánh cô điều dưỡng nào tím tay không? C cười rồi lắc đầu trả lời: “Cháu không biết”.

Tủi cho mình!

Bác sỹ Phan Thị Yến - Trưởng khoa cấp tính nữ bùi ngùi: “Phần nhiều bệnh nhân nam thì còn có vợ con thường xuyên tới thăm nom, chứ bệnh nhân nữ rất hay bị… bỏ rơi. Có bệnh nhân những ngày đầu người thân còn qua lại, sau thì vài tháng cũng không có ai đến hỏi han. Nếu có đến cũng chỉ để đóng tiền ăn, tiền thuốc rồi quấy quả ra về. Thậm chí có trường hợp bác sỹ khuyên nên để bệnh nhân ở lại điều trị theo đúng phác đồ, song người nhà bệnh nhân lại có những lời lẽ không đúng mực. Những lúc như vậy, chúng tôi thấy buồn, nản lắm!”.

Gắn bó với bệnh viện gần 30 năm, bác sỹ Ngô Thị Thu Hà - Phó giám đốc bệnh viện tâm thần Hải Phòng chia sẻ: Do chưa hiểu đúng về các dạng bệnh tâm thần nên khi mới phát bệnh, nhiều gia đình lại cho rằng bị ma hành nên đi cúng bái. Đến giai đoạn bệnh nặng, người trong nhà không thể chịu nổi nữa mới đưa đến bệnh viện. Có người mẹ vừa khóc, vừa van xin bác sỹ đừng đánh và cho con uống thuốc lú, thuốc ngố kẻo cháu hỏng người. Những lúc như vậy, thay vì giải thích, phân trần, các bác sỹ tạo điều kiện để người nhà cùng tham gia với nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân để họ hiểu về phác đồ điều trị, thuốc uống, thuốc tiêm hàng ngày, từ đó yên tâm hơn.

Cũng theo các bác sỹ Bệnh viện tâm thần Hải Phòng thì do áp lực của công việc, môi trường…, số bệnh nhân mắc các loại bệnh tâm thần ngày càng gia tăng. Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu về bệnh nên có cách ứng xử, giao tiếp thiếu tôn trọng. Các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý trong nghề không buồn vì ngày ngày phải tiếp xúc với các bệnh nhân ngây ngây, ngô ngô hay khùng khùng, điên điên mà chạnh lòng, buồn hơn vì những ánh mắt ái ngại, thậm chí là những câu nói vô tâm như “chắc không đi đâu được mới phải vào đây”, “ở với người điên nhiều thì trước sau cũng giống thế”, “làm ở bệnh viện tâm thần nên cũng ngơ ngơ nhỉ?”...

Vĩ thanh

Những ngày vừa qua, cả Bệnh viện tâm thần vẫn chưa ngớt câu chuyện mà tưởng chừng như chỉ có trong “Điều ước thứ 7” vì bệnh nhân Trần Bắc Mùi, sinh năm 1978, đã được trở về đoàn tụ với gia đình. Không biết bằng cách nào mà bệnh nhân Mùi đã phiêu bạt từ Đồng Nai ra tận Hải Phòng và lang thang nhiều ngày ở khu vực đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền.

Anh Mùi được cơ quan chức năng thu gom, đưa về bệnh viện. Sau hơn một tháng điều trị, chăm sóc, dần dần Mùi nhớ ra được tên, năm sinh rồi quê quán, tên bố mẹ, số điện thoại. Ngay sau đó các bác sỹ đã liên hệ, xác minh và bố đẻ của Mùi đã ra Bắc để đưa con trở về với gia đình sau nhiều ngày bặt vô âm tín. 

Thế mới biết, dù có một trái tim khỏe mạnh nhưng cái đầu lại không tỉnh táo thì cũng trở nên vô nghĩa! (Kim Oanh, An ninh Hải Phòng Online 24/11)

32.            Bất ngờ tập kích sân bay Cát Bi

Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) là cầu hàng không quan trọng của Pháp cho chiến trường Điện Biên Phủ, thường xuyên có khoảng 200 máy bay các loại, được canh phòng rất cẩn mật. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Khu ủy Liên khu III hạ quyết tâm sử dụng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ điểm huyệt, đánh tê liệt “cái dạ dày”, kiên quyết ngăn chặn không cho địch tiếp vận bằng đường hàng không lên Điện Biên Phủ.

Theo kế hoạch, đội quân báo-trinh sát của Tỉnh đội Kiến An tổ chức điều nghiên nắm chắc các mục tiêu, quy luật hoạt động trong sân bay làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tác chiến.

Qua thời gian kiên trì điều tra, trinh sát, ta phát hiện: Ngoài lực lượng bảo vệ đông đảo, địch bố trí các mục tiêu bảo vệ cẩn mật, kiên cố, dày đặc; tuần tra cảnh giới chặt chẽ, có sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật và chó nghiệp vụ. Tuy nhiên, địch dùng công nhân người Việt lao động trong sân bay và tuần tra theo quy luật cố định “cứ 15 phút, địch tuần tra bằng cơ giới một lần”, đây là những điểm yếu mà ta có thể khai thác… Trên cơ sở đó, ta xây dựng phương án, đắp sa bàn và tổ chức huấn luyện thành thạo các phương án chiến đấu.

Đêm 6-3-1954, bộ đội ta tổ chức hai mũi, tổng số 32 người, bí mật tiềm nhập tập trung đánh thẳng vào khu máy bay. Khoảng 0 giờ 45 phút ngày 7-3-1954, cả hai mũi triển khai xuất phát tiến công. Trong thời gian ngắn, ta phá hủy 59 máy bay, nhiều kho bom và các mục tiêu, sân bay phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài, tạo điều kiện để bộ đội ta chuẩn bị tiến công tiêu diệt Điện Biên Phủ. Ta tổ chức trận đánh với lực lượng nhỏ, được chuẩn bị chu đáo, cách đánh mưu trí, sáng tạo đã tạo được hiệu suất chiến đấu cao. Đây là trận đánh tiêu biểu, phát triển rất độc đáo trong chiến thuật của Bộ đội Đặc công quân đội ta. (Trần Văn Toản, Quân đội nhân dân Online 23/11)

33.            Cơ bản khắc phục sự cố vỡ đường ống hóa chất ở Hải Phòng

Ngày 21/11, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ về sự cố vỡ đường ống vận chuyển hóa chất của Công ty Hóa chất Soft- SCC (địa chỉ 110 đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng).

Trước đó, vào khoảng 21 giờ 30, ngày 19/11 đến 03h58 ngày 20/11, Công ty Hóa chất Soft – SCC thực hiện quy trình nhận nguyên liệu Linear Ankyl Benzen (LAB) từ sà lan bơm theo đường ống được lắp đặt sẵn về bồn chứa nguyên liệu của Công ty đã xảy ra sự cố làm thất thoát khoảng 300 tấn LAB ra môi trường.

Linear Ankyl Benzen nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng để lâu với nồng độ lớn sẽ gây bỏng nhẹ phần da và mắt...

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Thanh Sơn đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc.

Đến 15h30, ngày 20/11, việc khắc phục sự cố cơ bản hoàn thành.

UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp tục vớt, thu gom hết toàn bộ lượng hóa chất còn tồn đọng, kể cả phần đất, cát đã bị nhiễm hóa chất và bàn giao cho đơn vị có chức năng xử lý. Cùng với đó tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống ống dẫn hóa chất của Công ty để xác định vị trí vỡ và tổ chức thi công đường ống mới thay thế đoạn đường ống đã bị vỡ.

Thành phố Hải Phòng cũng đã chỉ đạo Trung tâm quan trắc môi trường tiến hành lấy mẫu nước kênh Đông Bắc- đoạn có đường ống dẫn hóa chất chạy qua- để phân tích, kết luận rõ về mức độ ô nhiễm môi trường để có biện pháp khắc phục.

Công an thành phố Hải Phòng chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, xác định tổ chức cá nhân có hành vi lợi dụng sự cố trên đất để thu gom, mua bán kiếm lợi bất chính, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2014.

Thành phố cũng đã yêu cầu Công ty Hóa chất Soft – SCC phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong suốt quá trình khắc phục sự cố, chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí liên quan đến hoạt động thu gom, xử lý, làm sạch môi trường tại khu vực xảy ra sự cố trên, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện.

Chiều 21/11, đại diện Công ty Hóa chất Soft- SCC ông Đỗ Hồng Sơn, Quản lý sản xuất cho biết, Công ty được thành lập từ năm 1995, trong đó 80% sản phẩm của công ty bán ở thị trường trong nước, còn lại là xuất khẩu.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty đã báo cáo với các đơn vị chức năng và thuê 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV 128 Hải quân và Công ty CP Hòa Anh thu gom xử lý hóa chất tràn ra môi trường theo quy định. Dự kiến trong vòng 15 ngày, sự cố này sẽ được khắc phục hoàn toàn. Sự cố này gây thiệt hại cho công ty khoảng 10 tỷ đồng.

Đại diện Công ty Soft- SCC cũng khẳng định, nguyên liệu Linear Ankyl Benzen nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc lâu với nồng độ lớn sẽ gây bỏng nhẹ phần da và mắt.

Về việc xử lý những người dân tham gia vớt nguyên liệu, ông Đỗ Hồng Sơn cho biết thêm, đây là việc của các cơ quan chức năng, hiện Soft- SCC chỉ tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác khắc phục sự cố trên.(Q.Minh, vietnamnet.vn 23/11; Đời sống & Pháp luật Online 23/11; Nhân dân Online 23/11; Sài Gòn giải phóng Online 23/11; vnexpress.net 23/11; vtv.vn 22/11; Tin tức Online 22/11; Diễn đàn doanh nghiệp Online 21/11; Công thương Online 21/11; An ninh Hải Phòng Online 24/11)

34.            Việc đốt rác thải tùy tiện trên địa bàn huyện An Dương chưa được ngăn chặn triệt để

Qua đường dây nóng, Báo Hải Phòng nhận được ý kiến của người dân ở thôn Lương Quy, xã Lê Lợi (huyện An Dương) phản ánh về tình trạng đốt rác thải công nghiệp, sinh hoạt gần điểm tập kết, trung chuyển rác của huyện An Dương. Phóng viên Báo Hải Phòng tìm hiểu thực tế, làm việc với chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND thị trấn An Dương, ông Đỗ Văn Mai cho biết, tình trạng đốt rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn có xảy ra. Gần đây nhất, vào đêm 11-10-2014, nhận được tin báo từ người dân, tổ công tác của UBND thị trấn An Dương đến kiểm tra, lập biên bản việc đốt rác thải công nghiệp tại bãi tập kết, trung chuyển rác của huyện, đối diện với Công ty TNHH chăn ga gối đệm ELAN. Tổ công tác thu tại hiện trường 1 bao tải to đựng mảnh bông công nghiệp và 1 bao chứa các mảnh vải vụn. Theo ý kiến của người dân và bảo vệ tại ga rác xác nhận, trước đó họ đã thấy bảo vệ của công ty mang rác ra lối đi xuống cánh đồng, đối diện với trụ sở, nhưng không rõ ai đốt.

Tại biên bản làm việc ngày 15-10-2014 giữa lãnh đạo UBND thị trấn với các ban, ngành liên quan, đại diện Công ty ELAN khẳng định doanh nghiệp có ký hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt với Hạt quản lý đường bộ huyện An Dương. Do đó, hằng ngày công ty đều cử người chuyển rác sinh hoạt sang ga rác của huyện, doanh nghiệp không đốt rác. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Hạt quản lý đường bộ huyện An Dương, đơn vị được giao thu gom rác trên địa bàn thị trấn An Dương, xác nhận có ký hợp đồng thu gom rác với Công ty ELAN, nhưng chỉ là rác thải sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thị trấn An Dương, cuối buổi làm việc, đại diện Công ty ELAN xác nhận 2 bao rác công nghiệp mà chính quyền địa phương thu đêm 11-10 là của công ty, nhưng không xác định người nào đã chuyển và đốt. Đồng thời, công ty cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc việc vận chuyển, xử lý đối với rác thải công nghiệp.

Như vậy, ý kiến phản ánh của người dân ở thị trấn An Dương, cũng như xã Lê Lợi về việc đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Trên địa bàn thị trấn An Dương, tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp và đốt rác tại một số khu đất trống, xa dân cư vẫn diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân. Song, các đối tượng thường đổ, đốt rác vào đêm, gây khó cho chính quyền địa phương trong việc phát hiện, xử lý. Sát cạnh điểm tập kết, trung chuyển rác của huyện An Dương, đối diện với Công ty TNHH chăn ga gối đệm Elan, giáp xã Lê Lợi nhiều lần tái diễn tình trạng đổ trộm rác thải và đốt. Nhiều khi lượng rác đốt nhiều, tràn cả xuống ruộng lúa của người dân, gây ô nhiễm môi trường. Vào ngày 5-11, ngay cạnh ga rác này còn lượng lớn tro rác thải được đốt từ nhiều ngày trước. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan nên tăng cường hơn nữa công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. (Ngọc Minh, Báo Hải Phòng Online 23/11)

35.            Nỗi lo từ thức ăn đường phố

Càng gần đến dịp tết Nguyên Đán, trong không khí bận rộn, nhiều người thường tranh thủ mua thức ăn chế biến sẵn từ các quán ăn đường phố. Song vấn đề vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố không có gì bảo đảm.

Tình trạng mất vệ sinh chung

Chỉ cần đi quanh các đường phố chính, hay một số cổng trường học, khu chợ trên địa bàn thành phố vào tất cả các thời điểm trong ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp các quán ăn đường phố: cơm bình dân, bún phở, xe lưu động bán thức ăn được chế biến sẵn… Hầu hết đều không có gì che đậy, bụi đường, khói xe thỏa sức bám vào thức ăn. Tại quán cháo quẩy bên đường Hai Bà Trưng, mỗi khi khách ghé vào quán, chị chủ quán lau vội tay vào quần, đon đả mời chào. Trên mặt bàn, đĩa quẩy, rau sống không được che đậy. Miệng nói, tay múc cháo, cắt quẩy, bốc thêm chút rau thơm đã được thái sẵn cho vào bát cháo với bàn tay trần. Vừa nói chuyện với khách, chủ quán vừa lấy chiếc khăn mặt lau tay, tiện tay chị “quệt” luôn mặt bàn. Khách ăn xong, chủ quán mang bát để vào xô, đợi khi nào gần hết bát hoặc lúc nào vãn khách, tranh thủ “quệt” qua xà phòng rồi tráng lại bát trong một xô nước. Dưới chân bàn ghế, giấy ăn, rác bừa bãi…Tại chân gầm cầu Tam Bạc, cửa hàng bán đậu phụ rán sẵn, kèm ngô luộc. Đậu bày bán trên mặt bàn, không che đậy. Gần trưa hàng bán gần hết, khách cũng vắng. Chủ quán mang chảo rán đậu ra cọ rửa. Thấy khách dừng lại mua hàng, tay dính đầy xà phòng và nhọ nồi, chủ quán nhúng tay vào chậu, rồi đứng dậy cầm thanh đậu và bắp ngô luộc bóc vỏ đưa cho khách. Khách đi, chủ quán tiếp tục rửa chảo. Nước bẩn đổ ngay tại chỗ bán hàng. Còn ở đường Chùa Hàng, chủ quán đem thịt ra nướng ngay trên lề đường. Chiếc găng tay đen sì, chủ quán vừa nướng thịt, vừa bốc than cho vào bếp, chiếc quạt điện dùng để quạt cũng đen như hòn than. Nướng xong, chủ quán cho thịt vào thau, lỡ tay làm rơi miếng thịt xuống đất chủ quán nhặt lên rồi tỉnh bơ bỏ vào thau. Những mẩu thịt bị cháy khét được chủ quán dùng chiếc khăn cũ rích, đen sì lau chùi rồi cũng bỏ vào thau thịt để bán.

Nhanh và tiện là lợi thế của thức ăn đường phố, cũng chính lợi thế này mà thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Hiện nay, các ngành chức năng chưa kiểm định được chất lượng nguyên liệu của thức ăn đường phố. Bởi vậy, nếu người bán chạy theo lợi nhuận, thiếu lương tâm thì những vi khuẩn nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng như liên cầu khuẩn, vi rút gây tiêu chảy… sẽ có trong thức ăn đường phố. Đó là chưa kể, bản thân những người bán hàng có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, viêm gan B…Người mua hàng có thể bị lây nhiễm. Hầu như năm nào vào dịp Tết Nguyên Đán các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều gia tăng, phải cấp cứu trong các cơ sở y tế.

Nâng cao ý thức của người dân

Theo quy định của Bộ Y tế về quản lý thức ăn đường phố: “Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm và có giấy xác nhận, phải được khám sức khỏe, người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm, nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…”. Tuy nhiên, nếu theo đúng như quy định của Bộ Y tế thì tất cả các cửa hàng bán thức ăn đường phố bán trên địa bàn đều không đảm bảo vệ sinh.

Khi được hỏi về các quy định này, cô Trần Thị Dung - chủ một hàng bún, phở trên đường Hai Bà Trưng (quận Lê Chân) cho biết: “Tôi không biết về quy định này, mà nếu có biết thì những quy định đó chỉ giành cho các nhà hàng, quán ăn lớn thực hiện, chứ ngồi trên vỉa hè bán bánh đa như tôi thì cần gì phải giấy chứng nhận này, chứng nhận nọ, còn sức khỏe thì 6 tháng tôi tự đi kiểm tra một lần”. Cô Hằng – bán cơm hộp ở chân cầu Niệm cho biết: “Tôi bán cơm vào buổi trưa, khách hàng chủ yếu là những xe ôm, người đi làm về muộn… Nấu nướng theo thói quen và hiểu biết thôi, chứ tôi chưa được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm bao giờ”.

Trong khi kiến thức về vệ sinh thực phẩm của người bán hàng hè phố còn hạn chế thì rất nhiều thực khách dễ dãi trong việc ăn uống. Anh Nguyễn Văn Tấn ở xã An Đồng (An Dương) cho biết: Nhìn thấy quán ăn nào mình thích thì vào chứ ít khi quan tâm đến nguồn gốc hay vấn đề vệ sinh thực phẩm, ăn cho qua ngày. Chị Trần Thị Vinh ở phường Lạch Tray chia sẻ: Buổi chiều, thỉnh thoảng mẹ con đi ăn ở vỉa hè. Cháu thích ăn xôi với xúc xích, còn tôi ăn bánh đa. Ăn hàng vỉa hè vừa nhanh, vừa rẻ. Khi hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chị tặc lưỡi “khuất mắt trông coi”.

Hiện nay, các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tục, nhưng dường như cả người bán và người mua vẫn nhắm mắt làm ngơ. Nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm đường phố cũng là những việc nhỏ, lẻ, người dân tự điều trị nên dư luận xã hội chưa quan tâm nhiều. Vì đời sống, nên việc sử dụng thức ăn đường phố vẫn phổ biến, dẫn đến nhiều hàng quán, thức ăn vỉa hè mất vệ sinh cứ đua nhau mọc lên. Để khắc phục tình trạng trên, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hiểu biết của người dân. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm. Người dân cũng cần tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, không mua, ăn thức ăn đường phố, nhất là các địa chỉ không tin cậy và mất an toàn vệ sinh thực phẩm. (Lê Hoa, Báo Hải Phòng Online 23/11)

36.            Tiếp nhận 300 triệu đồng phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo

Sáng 21-11, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố phối hợp Bệnh viện Trẻ em thành phố tổ chức lễ tiếp nhận tài trợ kinh phí phẫu thuật can thiệp tim mạch từ Quỹ “Vì một trái tim khỏe” của Bệnh viện Nhi Trung ương cho trẻ em nghèo trên địa bàn thành phố.

Đại diện Quỹ “Vì một trái tim khỏe”-Bệnh viện Tim Hà Nội trao 300 triệu đồng hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn thành phố. Sau lễ tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trực tiếp khám sang lọc, tư vấn bệnh tim bẩm sinh cho gần 100 trẻ em.

Để mang lại cuộc sống, sức khỏe cho hơn 200 trẻ em nghèo bị bệnh tim Hải Phòng, hơn 10 năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố phối hợp Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện chương trình khám, phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm 2014 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố hỗ trợ phẫu thuật 22 ca phẫu thuật tim, trong đó 6 ca phẫu thuật tại Hàn Quốc, 100% trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh được khám sàng lọc, hỗ trợ phẫu thuật khi có chỉ định chuyên khoa. (Mai Dung, Báo Hải Phòng Online 22/11)

37.            Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố: Nhân rộng các mô hình hiệu quả, đa dạng hoạt động tuyên truyền

Sáng 21-11, tại Nhà hát thành phố, Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thành phố tổ chức Đại hội lần thứ 4 nhiệm kỳ 2014-2019. Các đồng chí Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố dự đại hội.

Phát biểu tại đại hội, các đồng chí Nguyễn Bá Thủy và Lê Khắc Nam ghi nhận kết quả, nỗ lực các cấp Hội đạt được. Trong nhiệm kỳ tới, Hội cần triển khai đầy đủ 7 nhiệm vụ ưu tiên của kế hoạch chiến lược Hội KHHGĐ Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020; làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hiệu quả; tổ chức các hoạt động toàn diện, đa dạng hơn, ưu tiên nhóm đối tượng là phụ nữ, thanh niên, vị thành niên, phát huy vai trò nòng cốt đội tuyên truyền lưu động.

5 năm qua, Hội KHHGĐ thành phố luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng tổ chức Hội. Hội có mạng lưới tuyên truyền viên rộng khắp với hơn 5.000 hội viên, tổ chức tuyên truyền, tư vấn gần 26.000 người, tư vấn hơn 8.000 lượt thanh niên, vị thành niên… Phát huy kết quả đạt được, nhiệm kỳ tới, Hội KHHGĐ thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức Hội cả về tổ chức và nguồn lực; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc SSKS/KHHGĐ, phòng, chống HIV/AIDS; chú trọng các đối tượng vùng sâu vùng xa, hải đảo, công nhân lao động, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đều được quan tâm và hưởng các dịch vụ; thường xuyên đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ tuyên truyền viên. (Báo Hải Phòng Online 22/11; ; Bản tin thời sự tối 21/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

38.            Phòng, chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em: Nhân rộng mô hình, cách làm hiệu quả

Do đời sống khó khăn, một số phụ nữ, trẻ em mong muốn kiếm việc làm, góp thêm thu nhập cho gia đình. Đây là thời cơ mà những đối tượng xấu thường lợi dụng, lôi kéo, lừa bán chị em ra nước ngoài hoặc vào các tụ điểm mại dâm.

Chỗ dựa tin cậy của chị em

Trong một lần ra khơi gặp bão, chiếc tàu đánh cá, phương tiện kiếm sống duy nhất của cả gia đình chị Vũ Thị H. ở thôn Đường Dưỡng, xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) bị đắm, dẫn đến vỡ nợ. Trong lúc gia đình túng quẫn, vì muốn giúp đỡ bố mẹ, chị đã trốn nhà, theo lời rủ rê của một người hàng xóm “đi làm ăn xa”. Chị bị lừa bán sang kia biên giới, làm vợ trong một gia đình nông thôn nghèo, làm lụng cực nhọc, vất vả. Sau một thời gian chung sống với chồng, chị sinh được một trai, một gái. Kể từ khi sinh được con trai, gia đình nhà chồng cách li, không cho cạnh mẹ. Ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt bất đồng, cộng với nỗi nhớ quê hương, chị cùng con gái trốn về nước. Khi trở về, được sự vận động của cán bộ Hội Phụ nữ xã Lập Lễ, chị H. tham gia câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”, được hỗ trợ dạy nghề may, một bàn cắt và năm triệu đồng mua máy khâu. Bằng nhiều nguồn khác, chị H. vay được khoảng 12 triệu đồng, cùng bố mẹ, mua vịt, cá giống phát triển trang trại, ổn định cuộc sống, có tiền mua thuốc chữa bệnh và nuôi con gái ăn học.

Không chỉ riêng chị H, các chị Nguyễn Thị T ở xã Phả Lễ, chị Phạm Thị L ở xã Tam Hưng  (Thủy Nguyên) hay chị Phạm Thị T ở xã Đại Hợp, chị Nguyễn Thị X ở xã Tân Phong (huyện Kiến Thụy)...cũng là những phụ nữ bị lừa bán sang nước ngoài. Sau khi trốn về nước, các chị được các cấp Hội Phụ nữ giúp đỡ về thủ tục pháp lý, nghề nghiệp, việc làm và vận động tham gia câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”. Chị Phạm Thị T, xã Đại Hợp cho biết: “Năm 2006, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố thành lập mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” tại xã, tôi là người đầu tiên đăng ký tham gia. Trong những buổi sinh hoạt, tôi mạnh dạn chia sẻ những kinh nghiệm, hiểu biết của mình giúp chị em có thêm kiến thức biết cách tự phòng, chống để mình không bị kẻ xấu dụ dỗ, trở thành nạn nhân của bọn buôn bán người. Chính nhờ được tham gia sinh hoạt với những người cùng cảnh ngộ trong “ngôi nhà chung” này, chúng tôi thêm gần gũi và có điều kiện giúp đỡ nhau nhiều hơn”.

Nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời

Thời gian qua, Hội LHPN Hải Phòng xây dựng chương trình hoạt động phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ có nguy cơ cao. Trong đó, tập trung xây dựng 40 mô hình câu lạc bộ phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tại ba huyện ngoại thành là Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên. Họ là những người mẹ có con đi lấy chồng nước ngoài, phụ nữ là nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người và những phụ nữ di cư không an toàn quay trở lại Việt Nam. Một trong những hoạt động trọng tâm của câu lạc bộ là tư vấn sâu cho gia đình có con em chuẩn bị đi lấy chồng nước ngoài về các nguy cơ có thể xảy ra. Đây cũng là một điều kiện để một cô dâu chuẩn bị lấy chồng nước ngoài được cấp giấy chứng nhận của Hội Phụ nữ, trước khi được tư pháp cấp giấy đăng ký kết hôn.

Theo chị Phạm Thị Thúy Hải, Trưởng Ban Chính sách luật pháp Hội LHPN thành phố, để hạn chế và phòng, chống tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, biện pháp hiệu quả nhất chính là thay đổi nhận thức của chị em, thông qua những hoạt động tư vấn, tuyên truyền, giáo dục luật pháp, chính sách liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Hội LHPN thành phố còn phát động cuộc thi “Viết chuyện và sáng tác lời mới cho các làn điệu dân ca theo chủ đề phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” và cuộc thi “Sáng kiến mô hình và viết tiểu phẩm phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em” thu hút hơn 4.000 bài dự thi...

Để giúp đỡ chị em ổn định cuộc sống, nguồn vốn Quỹ phụ nữ phát triển từ 2006-2013 giải ngân số vốn quay vòng 1,4 tỷ đồng giúp 350 lượt phụ nữ di cư không an toàn trở về, phụ nữ có nguy cơ cao, phụ nữ bị bạo lực gia đình thuộc 4 huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo và An Lão. Được sự hỗ trợ của tổ chức Actionail Việt Nam, Hội LHPN thành phố hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ học nghề và đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho 10 phụ nữ bị buôn bán trở về phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng. (Đông Hải, Báo Hải Phòng Online 22/11)

39.            Hải Triều – người cầm bút tiên phong

Nhà báo, nhà lý luận, phê bình Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn (1908-1954), sinh ở làng An Cựu, ngoại thành Huế. Quê gốc của ông ở làng Trạm Bạc, xã Lê Lợi, huyện An Dương,  là dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Con trai của ông là nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Khoa Điềm.

Hải Triều mất sớm ở tuổi 46 nhưng những đóng góp của ông đối với báo chí và lĩnh vực lý luận, phê bình văn học là một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ. Là người sống trách nhiệm và hoài bão, trước khi qua đời, ông viết: “Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng”. Điều đó thể hiện rất cụ thể bằng những điều ông đã làm trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi.

Hải Triều khởi đầu sự nghiệp viết từ những bài báo khi ông còn rất trẻ với bút danh “Nam Xích Tử” (chàng trai Nam đỏ). Nhiều tác phẩm của ông về vấn đề chính trị, xã hội, dân sinh, triết học cho thấy ông là người có học vấn sâu sắc, tư duy lý luận và lô gic. Đây chính là tiền đề để ông tiến tới sự nghiệp lý luận, phê bình sau này. Những bài ký của ông như “Muốn thì được- cuộc cách mạng Ái Nhĩ Lan lược sử”, “Cuộc chiến tranh thế giới sau này” hay “Vấn đề dân sinh”, “Hội nghị Kinh tế thế giới”, “Sự tiến hóa của văn học”, “Duy vật hay là duy tâm”… đều thể hiện trình độ am hiểu về kinh tế, chính trị, lịch sử, triết học một cách chuyên sâu của Hải Triều. Khả năng lý luận của ông thuyết phục đến nỗi đối phương khi thua lý cũng phải thừa nhận. Trong mỗi vấn đề Hải Triều đề cập dưới ngòi bút của mình, ông đều có sự lập luận, phân tích cặn kẽ, chí lý.

Không chỉ có ngòi bút sắc bén, ông còn là một nhà báo xông xáo. Trong quá trình hoạt động báo chí, ông bị bắt – được thả nhiều lần. Năm 1930, khi ra Hà Tĩnh họp hội nghị toàn quốc Đông Dương cộng sản liên đoàn, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt, được tha. Năm 1931, tại Sài Gòn, khi viết bài cho báo “Cờ đỏ”, ông bị bắt, sau đó năm 1932, ông được trả tự do. Dưới bút danh Hải Triều, ông gây tiếng vang với các bài bày tỏ lập trường của mình qua các bài viết trên các báo Đông Phương, Phụ nữ tân tiến. Năm 1940, ông tiếp tục bị chính quyền Pháp bắt giam, đến năm 1945 mới được trả tự do.

Hải Triều tham gia viết cho nhiều báo và có lúc đứng ra làm chủ bút tờ Nhành Lúa, xuất bản tờ báo tiến bộ Kinh tế tân văn. Hoạt động báo chí của ông được đánh giá là sôi động, dũng cảm và có hiệu quả cao đối với đời sống chính trị xã hội lúc bấy giờ. Cũng thông qua những tháng năm làm báo mà Hải Triều đã để lại những dấu ấn sâu đậm về một con người kiên định, giàu trí tuệ, ngùn ngụt tính chiến đấu, tính nhân văn trên lập trường, tư duy mác xít.

Khi đi sâu vào lĩnh vực lý luận, phê bình, Hải Triều lại là người mở đầu cho phương pháp lý luận và phê bình duy vật. Tên tuổi của ông thực sự nổi bật trên văn đàn lúc đó cũng qua cuộc tranh luận được đánh giá là dài nhất, lớn nhất trong lịch sử văn chương nước nhà những năm 30 của thế kỷ 20. Ông cùng nhà phê bình Hoài Thanh, Thiếu Sơn và nhà thơ Lưu Trọng Lư tranh luận vấn đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, do chính Hải Triều “châm ngòi”. Cuộc bút chiến này bắt đầu khi ông phản bác ý kiến của Thiếu Sơn trong bài “Hai cái quan niệm về văn học” và ý kiến của Hoài Thanh, Thiếu Sơn về truyện “Kép Tư Bền” của Nguyễn Công Hoan. Hải Triều là người cổ vũ cho phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” và kịch liệt phê phán quan niệm “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Ông cho rằng, nghệ thuật là vì nhân sinh bởi nếu đặt nghệ thuật ra ngoài nhân sinh là “ngụy biện, phi lý và gian trá”. Ông không ủng hộ những sáng tác mang tính lãng mạn, xa rời thực tế. Chính vì có quan điểm này nên các bài viết của ông thường được trình bày đơn giản, dễ hiểu, không cầu kì, hoa mỹ và đôi khi hài hước, châm biếm.

Không chỉ là một nhà báo có hoạt động sôi nổi, nhà lý luận phê bình văn học mác xít uyên bác, Hải Triều còn được biết đến là một nhà lý luận chính trị tiên phong. Ông có công lớn trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác đến với nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam, định hướng và thôi thúc họ đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến để xây dựng một chế độ xã hội không còn khổ cực, bần cùng. Tác phẩm tiêu biểu của ông là “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam”. Trong tác phẩm đó, Hải Triều đã có những lập luận chứng tỏ chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật.

Nhìn nhận một cách khách quan, những quan điểm của Hải Triều có phần bị giới hạn và ảnh hưởng bởi thời cuộc xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tên tuổi và những đóng góp của ông trong sự nghiệp báo chí, lý luận phê bình văn học vẫn luôn có một giá trị đặc biệt, được ghi nhận và bảo vệ.

Ngày nay, để tưởng nhớ đến ông, tại Hải Phòng có con đường mang tên Hải Triều (quận Hồng Bàng) và dòng họ Nguyễn Khoa còn có một nhà thờ đặt tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. (Hải Lưu, Báo Hải Phòng Online 23/11) 

40.            "Hành trình đổi đời" của chị Nhấm

Chị Ngô Thị Nhấm (hay còn gọi là Thúy), sinh năm 1975, ở thôn Đắc Lộc 2, xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy). Năm 1999, dại dột nghe theo lời một người họ hàng đi làm ăn xa, chị Nhấm bị lừa bán sang tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), bị ép làm dâu xứ người. Hơn 10 năm sau cuộc “chạy trốn” khỏi “nhà chồng”, trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, chị vẫn giữ nguyên cảm giác hạnh phúc tột cùng.

Bị lừa bán vì nhẹ dạ, cả tin

Người ta nói con gái tuổi Mão xinh đẹp và có số nhàn hạ, ấy vậy mà đối với chị Ngô Thị Nhấm chỉ đúng một vế đầu. Gặp chị bây giờ, khi đã ở tuổi 40, chân lấm tay bùn suốt ngày, trông chị vẫn thấy rõ một thời xuân sắc. Nhưng cái đẹp thường đi cùng cái long đong. Hơn 20 năm trước, cô thôn nữ Ngô Thị Nhấm sớm kết hôn với người chồng ở xã bên. Nhưng lấy nhau chẳng được bao lâu thì đôi vợ chồng trẻ phát sinh mâu thuẫn. Những trận cãi vã, “cơm không lành, canh không ngọt” diễn ra thường xuyên. Hai đứa trẻ, một đứa lên bốn, một đứa lên hai, chứng kiến cảnh bố mẹ như vậy đâm ra sợ sệt, nhút nhát.

Năm 1999, đang lúc chán cảnh nhà, chị Nhấm được một người họ hàng bên ngoại rủ đi Cát Bà (huyện Cát Hải) làm ăn, độ vài tháng kiếm ít vốn rồi về. Vì nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết, chị Nhấm mang con đến gửi chị gái nuôi hộ rồi khăn gói đi theo. Nhớ lại cái ngày lần đầu biết mình bị lừa bán, ánh mắt chị Nhấm đầy uất giận: “Khoảng được 2 ngày kể từ hôm đi, khi tôi tỉnh dậy thì đã thấy mình bị lừa. Cảm giác ban đầu vô cùng hoang mang, sợ hãi. Tôi đã cầu xin những người ở đó thả tôi về Việt Nam, nhưng họ bảo mất tiền mua tôi. Tôi hỏi giá bao nhiêu để bố mẹ tôi đến chuộc. Một người trong số họ nói tiếng Việt, bảo tôi hãy chấp nhận đi vì sẽ không bao giờ có đường trở về nữa. Sau này, tôi được biết, họ mua tôi với giá 9 nghìn tệ”.

Sau hai tháng bị nhốt trong căn nhà chật hẹp và nhiều lần bị dẫn ra để khách xem mặt, chị Nhấm được gả bán cho một người đàn ông nông dân hơn chị 2 tuổi, ở tỉnh Quảng Đông. Chị Nhấm kể, lúc mới lấy về, sự khác biệt về văn hóa dân tộc, phong tục tập quán và trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ khiến chị không thể hòa đồng với gia đình “nhà chồng”. Cả ngày chị lầm lì ở trong nhà, không nói chuyện với ai. Đến vụ mùa, chị cũng ra ngoài đồng cày cấy. Mặc dù làm nông nghiệp, nhưng cuộc sống gia đình “nhà chồng” chị Nhấm thuộc loại khá giả. Gần 1 năm sau ngày về “nhà chồng”, chị Nhấm sinh hạ cho gia đình họ một cháu trai kháu khỉnh. Vì nhà vốn toàn cháu gái nên con chị Nhấm ra đời được cả nhà cưng chiều. Hơn nữa, biết chị bị lừa bán nên họ cũng không gằn hắt chị. Tuy nhiên, nỗi nhớ quê hương, nhớ bố mẹ và hai con ở Việt Nam cứ thôi thúc và chị nung nấu ý định tìm mọi cách trở về Việt Nam.

“Tự giải cứu” để trở về sum họp

Sau 3 năm bị ép làm dâu xứ người, chị đi chợ và nhận những bông hoa nhựa về bày cắm rồi giao lại cho chủ hàng. Từ chỗ theo sát chị mỗi lúc ra khỏi nhà, “nhà chồng” bắt đầu tin tưởng và để chị tự đi. Thế rồi sau nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, chị kết thân với một phụ nữ Việt cũng bị lừa bán sang Trung Quốc, đồng thời tích lũy số tiền ít ỏi để chuẩn bị cho cuộc “trở về”. Mờ sáng hôm ấy, vẫn như mọi khi, chị đi nhận hàng. Khi cách nhà chừng vài km, chị được người quen của người phụ nữ kia dẫn đường. Họ đi bộ suốt 3 ngày 2 đêm thì về đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Từ đấy, chị bắt xe khách đi thẳng về nhà. Nhớ lại những ngày mới về lại quê hương bản quán, chị Nhấm tưởng như mình được sinh ra lần thứ hai. Chị ôm chầm lấy bố mẹ, anh chị em và khóc rưng rức.

Chị trở về nhà, 2 bố mẹ đều đã già yếu, chồng mất vì bị bệnh tật, 2 con còn nhỏ, trong tay không một đồng vốn, không công việc, không chỗ ở. May mắn thay, chị Nhấm được sự động viên giúp đỡ của Hội LHPN xã Đoàn Xá. “Các chị động viên tôi tham gia sinh hoạt hội, lúc đầu tôi mặc cảm tự ti lắm, xong thấy mọi người không xa lánh mà còn rất quan tâm, dần dần tôi cũng thấy vững tin hơn. Khi chưa có vốn làm ăn, Hội Phụ nữ xã cho tôi vay 3 triệu đồng làm vốn và hướng dẫn tôi quy trình chăn nuôi gà thịt. Sau 6 tháng, lứa gà đầu xuất chuồng khiến tôi mừng rơi nước mắt. Đó là thành quả lao động bằng mồ hôi, sự cần cù và cả sự nỗ lực vượt khó của bản thân tôi và sự giúp đỡ tận tâm của các chị em trong xã- chị Nhấm kể lại. Ngoài sự giúp đỡ trên, chị Nhấm còn được Hội Phụ nữ xã cho vay 8 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi và giới thiệu, tìm việc làm bán xăng tại một cửa hàng trên địa bàn xã; được Hội LHPN thành phố tặng 1 chiếc xe đạp trị giá 4,6 triệu đồng làm phương tiện giúp chị đi lại đỡ vất vả hơn.

Hơn 10 năm kể từ khi rời khỏi xứ người, đến nay cuộc sống 3 mẹ con chị Nhấm cũng vơi bớt khó khăn. Đứa con lớn đi làm giúp thêm thu nhập cho mẹ, đứa nhỏ đi học. Chị Nhấm bảo chị cảm thấy rất hài lòng với những gì mình đang có. (Việt Hoàng, Báo Hải Phòng Online 22/11)

41.            Những phận đời không còn mong manh

Một chiều mùa đông, trời se lạnh, tôi có mặt tại xưởng may của nhóm Tự lực Sống tích cực, ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh. Trong tiếng lào xào của những chiếc máy khâu, tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng cảm xúc khó tả khi nghe chuyện về những phận đời đã từng phải sống lay lắt, tủi khổ vì HIV. Nhưng giờ đây, vượt lên tất cả sự nghiệt ngã của cuộc đời, họ đã đứng lên bằng sức mạnh của ý chí và sự khát khao…

Sự nghiệt ngã…

Nhìn vóc dáng khỏe khoắn, xinh đẹp và rất trẻ trung, tôi không nghĩ chị Đoàn Thị Khuyên năm nay đã ngoài ba mươi và có hơn 10 năm chung sống với vi rút HIV. Ngay cả bản thân Khuyên cũng thừa nhận rằng mình lúc nào cũng tràn trề sức sống và gần như chẳng biết ốm đau là gì. Cuộc sống sung túc bên hai đứa con ngoan và người chồng giỏi giang, rất mực yêu thương vợ con, đối với chị như một giấc mơ có thật. Tuy nhiên để được như hôm nay, Khuyên đã phải trải qua một quãng đời khổ đau, bất hạnh. Kể về thuở hàn vi, đôi mắt chị Khuyên rơm rớm…

Là con thứ 5 trong một gia đình nghèo ở xã Bắc Hưng (Tiên Lãng), từ nhỏ Khuyên đã phải chân lấm tay bùn theo bố mẹ, anh chị ra đồng làm lụng kiếm miếng ăn. Khi mà những thành quả lao động của cả nhà khá hơn một chút thì một tai họa ập đến. Đó là năm Khuyên mới học lớp 3, một tai nạn khủng khiếp đã cướp đi một bên chân của bố. Kinh tế gia đình khánh kiệt, cùng với việc mất đi một lao động trụ cột khiến gia đình Khuyên càng thêm khốn đốn.

Người mẹ khắc khổ chỉ biết gạt nước mắt động viên các con phải thật mạnh mẽ, cố gắng vượt qua cơn bĩ cực. Và thực tế, các thành viên trong gia đình đã không ngại khó, ngại khổ, làm việc nhiều hơn để mong thoát khỏi cảnh nghèo. Thế nhưng, thêm một lần nữa, gia đình Khuyên lại chịu một sự mất mát lớn, đứa em gái út của Khuyên trong một lần đi bắt cáy đã bị đuối nước và mãi không trở về. Sự ra đi đột ngột đó khiến bố mẹ Khuyên suy sụp hẳn…

Thương bố mẹ và đứa em vắn số, nhưng là phận nữ nhi, Khuyên chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chăm lo đồng áng và quyết học thật giỏi để thi đỗ đại học. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp làm thí sinh mà giảng đường đại học đối với Khuyên vẫn chỉ là giấc mơ. Thôi thì “học tài thi phận”, Khuyên đành gác lại chuyện thi cử để đi làm công nhân, giải quyết nhu cầu cuộc sống. Vốn xinh đẹp, ngoan hiền nên khi đi làm cho Cty TNHH Sao Vàng (ở An Tràng, An Lão), Khuyên được nhiều chàng trai theo đuổi, trong đó có anh M., nhà ở đường Tô Hiệu, quận Lê Chân. Dù M. không đẹp trai lắm, lại khá “chảnh” những chẳng hiểu sao trái tim của Khuyên đã giành trọn cho M. chỉ sau một thời gian ngắn quen biết…

Do bố của M. bị ung thư giai đoạn cuối nên mới yêu nhau được mấy tháng, gia đình M. giục cưới. Ở vào hoàn cảnh đó, Khuyên không còn cách nào khác đành phải gật đầu. Một đám cưới gọn nhẹ diễn ra, Khuyên rạng rỡ trong chiếc váy cưới cùng chồng nhận những lời chúc phúc của bạn bè, người thân, mà không ngờ rằng giây phút thiêng liêng này là khởi đầu cho chuỗi ngày bất hạnh đang đón đợi chị…

Sự thực chồng của Khuyên là người đã làm bạn với ma túy nhiều năm trước đó nhưng lại cố tình giấu chị. Gia đình mong sau khi lấy vợ, M. sẽ cai được nghiện và quá khứ hư hỏng của con trai họ sẽ là bí mật mãi mãi. Mặc dù vậy, đang lúc mà Khuyên vẫn tin tưởng chồng mình là một chàng trai ngoan thì một sự thật phũ phàng xảy đến. Đó là khi đứa con trai đầu lòng của Khuyên mới hơn 1 tuổi thì sức khỏe của M. ngày càng sa sút, thân thể gầy rộc. Đưa chồng đi khám, Khuyên choáng váng khi biết M. bị nhiễm HIV, và cô thực sự đau đớn đến ngã quỵ khi biết mình và đứa con trai cũng bị dương tính với con virut chết người đó…

Cố nén niềm đau vào trong, Khuyên tỏ ra là một phụ nữ cứng cỏi, là người vợ, người mẹ đảm đang, lo lắng thuốc thang cho chồng. Chị và gia đình chồng còn thu xếp xây được một ngôi nhà nho nhỏ ở phường Phù Liễn, Kiến An. Ấy vậy, anh M. chưa kịp cùng vợ con dọn về nhà mới đã vội lìa bỏ cuộc đời. Ngày đưa tang chồng, Khuyên như một cái xác không hồn, chị hết nước mắt để khóc, lầm lũi lê từng bước chân đưa chồng ra nghĩa địa. Khuyên cũng hiểu rằng, trước mắt chị là những ngày tháng đen tối của cuộc đời…

Chiến thắng số phận

Sau ngày chồng mất, chị Khuyên cùng đứa con nhỏ sống rất chật vật. Không những vậy Khuyên còn chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của mọi người khi chị công khai tình trạng nhiễm HIV của mình. Con đau ốm liên miên nên hầu như chị phải thường trực ở bệnh viện, thời gian còn lại Khuyên đi bán vé số để kiếm tiền nuôi con. Thấu hiểu hoàn cảnh và ý chí muốn vượt lên bệnh tật của mẹ con chị, dần dà nhiều người tốt bụng tìm đến giúp đỡ hai mẹ con ổn định cuộc sống.

Biết trên địa bàn phường Phù Liễn có CLB Hoa Hải Đường (một CLB của những người có H) nên chị Khuyên đã xin gia nhập và trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở địa phương. Tham gia CLB cũng khiến cho Khuyên không còn thấy mặc cảm, tự ti nữa, chị hiểu ra rằng tương lai của mẹ còn chị và những người cùng cảnh ngộ không phải hoàn toàn màu đen, nếu có nghị lực thì những khó khăn, bệnh tật sẽ lùi xa. Cũng chính vì sự nhiệt tình và bản lĩnh đó, chị đã được cử làm Chủ nhiệm CLB Hoa Hải Đường, kể từ đây cuộc đời của mẹ con Khuyên bước sang một trang mới.

Nhờ sự năng động của mình, năm 2008, Khuyên được lựa chọn làm cán bộ của Cơ quan Hợp tác phát triển Italia (Cesvi) tại Việt Nam. Trong quá trình làm việc tại Dự án phòng chống HIV của Cesvi, Khuyên cùng 10 người khác đã thành lập nhóm tự lực mang tên “Nhóm sống tích cực Hải Phòng”. Và 2 năm sau, nhóm được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng khảo sát và lựa chọn triển khai dự án “Chăm sóc, tư vấn và phòng chống HIV/AIDS” tại Hải Phòng do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ. Dưới sự điều hành của trưởng nhóm Đoàn Thị Khuyên, từ 10 thành viên ban đầu, đến nay "Nhóm sống tích cực Hải Phòng" có hơn 128 thành viên.

Bên cạnh việc tư vấn cách sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV, các thành viên thường xuyên đi cơ sở để phát bao cao su, tiếp xúc, tư vấn cho những người có nguy cơ nhiễm HIV như gái mại dâm, đồng tính nam, lái xe đường dài, nam công nhân xa nhà... Ngoài ra, nhóm gây quỹ với số vốn hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ 35 thành viên phát triển kinh tế thông qua mô hình chăn nuôi, mở xưởng may, buôn bán nhỏ... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng thành viên.

Cũng chính việc tham gia các hoạt động xã hội về phòng chống HIV, Khuyên đã quen và yêu anh Đỗ Văn Hải (sinh 1980), ở phường Anh Dũng, quận Dương. Hai người đến với nhau bởi sự đồng cảm cảnh ngộ của nhau. Giống như Khuyên, Hải cũng đang mang trong mình vi rút HIV, vợ Hải cũng đã qua đời khá lâu. Gặp Hải, trong Khuyên lại bừng lên khát vọng hạnh phúc với người đàn ông từng một thời lạc lối. Thế rồi, chuyện tình cảm đó cũng được cụ thể hóa bằng một đám cưới đơn giản nhưng ấm nồng hạnh phúc. Và một phép màu xảy ra, nhờ sự can thiệp của y tế, năm 2013, một cậu con trai kháu khỉnh ra đời mà không bị lây nhiễm HIV từ bố mẹ. Điều này càng khiến vợ chồng Khuyên thêm nghị lực và nguyện sẽ cống hiến hết mình cho công tác truyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.

Để tạo sinh kế cho những người có H, anh chị đã mở một xưởng may gần nhà, tạo công ăn việc làm cho khá nhiều thành viên khó khăn. Cũng từ xưởng may nhân ái này, những người nhiễm HIV đã dần quên đi mặc cảm, tự tin hơn trong cuộc sống, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Với thu nhập bình quân của mỗi công nhân trong xưởng của chị từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng, dù không cao song ai nấy đều cảm thấy vững tâm và tin tưởng vào tương lai phía trước, vì dù gì họ đã tự kiếm sống, không còn là gánh nặng cho gia đình. Hiện nhóm Sống tích cực đã thành lập Hợp tác xã STC do Khuyên làm giám đốc. HTX triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như may mặc, chăn nuôi, sửa chữa xe máy và buôn bán nhỏ…, tạo việc làm cho các thành viên.

Tại xưởng may của HTX, tôi còn nghe được một câu chuyện cảm động về hai chị em mồ côi đang được chị Khuyên và mọi người cưu mang. Đó là bé Nga 17 tuổi và cô em Quỳnh (tên đã được thay đổi) ít hơn 2 tuổi ở Tân Trào, Kiến Thụy. Theo chị Khuyên, hoàn cảnh gia đình cô bé này rất đặc biệt, bố mất sớm, mẹ thì không nghề nghiệp nhưng lại có tính mải chơi đến nỗi không còn tấc đất cắm dùi, thế là dắt hai đứa con gái đi lang bạt khắp nơi.

Tội nghiệp hai đứa nhỏ, cách đây 2 năm, chị Khuyên bàn với các thành viên trong nhóm đưa Nga và Quỳnh về nuôi dưỡng, dạy cho các em nghề may. Từ chỗ gầy gò, ốm yếu, nay Quỳnh và Nga thành những thiếu nữ xinh đẹp và mỗi em kiếm được khoảng 2 triệu đồng/tháng từ nghề may. Giao phó hai con lại cho chị Khuyên, mẹ của Nga và Quỳnh gần như mất tích, nghe đâu đi bán hàng nước mãi trên Hà Nội. Ở cái tuổi “nhạy cảm” của Quỳnh và Nga, chị Khuyên phải sát sao lắm để hướng các em tới cuộc sống lành mạnh, không bị lôi kéo bởi những cám dỗ ngoài xã hội. (Quảng Bình, An ninh Hải Phòng Online 22/11)

VĂN HÓA

42.            Liên hoan ảnh các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hải Phòng lần thứ 3

Chiều 22 - 11, tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng khai mạc liên hoan ảnh các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hải Phòng lần thứ 3, năm 2014 với giải thưởng “Việt 4 mùa”. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng (1964 - 2014) và Đại hội lần thứ 8 Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng.

Sau gần 2 tháng phát động, Ban tổ chức liên hoan tiếp nhận 276 bức ảnh của 48 tác giả, đến từ 7 câu lạc bộ và một số người yêu thích nhiếp ảnh tham gia. Chủ đề của liên hoan ảnh năm nay khá đa dạng, từ phản ánh đời sống, kinh tế - xã hội đến những nét đẹp văn hóa, đất và người Việt Nam, du lịch Hải Phòng...  Đây là sân chơi để những người yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp. Đồng thời là cơ hội để tìm ra những tác giả có trình độ nghề nghiệp, bổ sung lực lượng kế tục cho Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng.

Tại buổi khai mạc, Ban tổ chức lựa chọn 78 bức ảnh tham gia triển lãm; trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích tặng các tác giả đoạt giải. Trong đó, bức ảnh “Ngã Năm lên đèn” của tác giả Lê Tuấn Việt giành giải nhất.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30-11, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng thành phố. (Báo Hải Phòng Online 22/11; Bản tin thời sự tối 23/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

43.            Góp sức trẻ giữ gìn vốn quý văn hóa dân tộc

Không ồn ào và phát triển rầm rộ như những loại hình nghệ thuật mới, song một số loại hình nghệ thuật dân gian vẫn có đời sống riêng. Tại Hải Phòng, những sân chơi dành cho người yêu thích văn nghệ dân gian thu hút nhiều người trẻ tuổi tham gia.

Những sân chơi bổ ích

Chiếu Xẩm Hải Phòng là một trong những sân chơi tiêu biểu trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn nghệ dân gian của lớp trẻ Hải Phòng. Chủ chiếu xẩm là anh Đào Bạch Linh (tức Linh Xẩm), chuyên viên Sở Nội vụ thành phố. Năm 2011, anh Linh khởi xướng thành lập chiếu xẩm dành cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật này. Đến nay, chiếu xẩm Hải Phòng thu hút khá nhiều người quan tâm, trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Không chỉ tạo ra một sân chơi cho những người yêu thích hát xẩm, chiếu Xẩm Hải Phòng còn tổ chức truyền dạy hát xẩm, nhất là xẩm cổ. Từ năm 2013, anh Linh mở lớp dạy hát xẩm cho 7 học sinh Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng. Nhiều em sau một thời gian học đã có thể hát và tự đàn thành thạo nhiều bài xẩm mới.

Nhóm đàn tranh Cung Thương cũng là một sân chơi khá đặc biệt. Nhóm được thành lập năm 2011 do chị Trịnh Thanh Hồng, giáo viên dạy đàn tranh làm chủ nhiệm. Hiện nhóm có khoảng 20 thành viên, trong đó 12 thành viên có khả năng biểu diễn. Do đặc thù của bộ môn đàn tranh nên phần lớn thành viên của nhóm đều là nữ giới. Với sự ra đời của nhóm đàn tranh Cung Thương, những người yêu thích loại nhạc cụ này có một sân chơi để chia sẻ đam mê và sinh hoạt định kỳ vào các ngày thứ 5 hằng tuần. Không chỉ thế, thông qua các hoạt động đa dạng của nhóm như: biểu diễn, giao lưu văn nghệ, nhiều người biết đến đàn tranh và có nhu cầu học và theo đuổi sự nghiệp âm nhạc dân tộc. “Từ chỗ đi đến tận từng trường học để tuyển sinh nhưng không có kết quả, bây giờ, nhiều học viên tự tìm đến với chúng tôi để học chơi đàn. Các thành viên tham gia cảm thấy thích thú và luôn tự nhắc nhau sinh hoạt đầy đủ.” – chị Trịnh Thanh Hồng vui vẻ cho biết.

Ngoài sân chơi cho hát xẩm, đàn tranh, ở Hải Phòng còn có các sân chơi dành cho những người yêu thích ca trù, hòa nhạc dân tộc hay câu lạc bộ dành cho những người yêu thích môn sáo trúc. Đặc biệt, thời gian gần đây, ở Hải Phòng còn xuất hiện một sân chơi mới tại cà phê Mạc trên phố Lê Đại Hành (quận Hồng Bàng) cũng thu hút sự chú ý của những người yêu thích nghệ thuật dân gian. Tại không gian này, hằng tuần vào tối thứ 3 và tối thứ 7 đều có các buổi biểu diễn ca trù và hát văn phục vụ khách hàng. Đây là một sân chơi “mở” mà nhờ đó, ca trù và hát văn được tương tác với công chúng một cách gần gũi và nhanh nhất.

Lấy sức trẻ giữ lửa nghề

Những thành viên của chiếu Xẩm Hải Phòng, nhóm đàn tranh Cung Thương hay chủ quán cà phê Mạc đều là những người rất trẻ. Việc thành lập và duy trì các sân chơi này đều xuất phát từ lòng đam mê, yêu thích, mong muốn giữ gìn những vốn quý văn hóa dân tộc. Hơn nữa, thông qua các nhóm văn nghệ như vậy sẽ góp phần thu hút sự chú ý, sự quan tâm của các bạn trẻ.

Lê Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An), thành viên nhóm đàn tranh Cung Thương cho biết: “Khi em tham gia sinh hoạt ở nhóm đàn tranh, nhiều bạn bè của em mới biết đến loại nhạc cụ này và cũng tỏ ra yêu thích”. Tuy nhiên, vì chỉ là những sân chơi tự phát nên việc duy trì hoạt động đều xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích của chính những thành viên các nhóm. Thậm chí, có nhóm mà người khởi xướng phải tự bỏ tiền, công sức, tâm huyết để cố gắng giữ nếp sinh hoạt đều đặn.

Để có được hoạt động thường xuyên cũng như tạo dựng thêm lực lượng cho hát xẩm, anh Đào Bạch Linh phải dày công vất vả. Chiếu xẩm không có sự bảo trợ, không có sự hỗ trợ tài chính nhưng anh Linh vẫn tự đi tìm bằng được những người từng có chút “vốn liếng” về hát xẩm ở khắp nơi để học, sau đó về truyền dạy cho những người có nhu cầu học. Nhờ vậy mà hiện nay, chiếu Xẩm Hải Phòng không những không bị mai một mà còn tiếng vang nhất định. Tháng 8 vừa qua, thành viên của chiếu xẩm là Nguyễn Văn Điều (23 tuổi), học viên trường khiếm thị đã đoạt giải vàng tại Hội diễn nghệ thuật nghị lực và tình thương lần thứ 2 do Hội người khuyết tật Việt Nam tổ chức.

Các sân chơi văn nghệ dân gian ở Hải Phòng tuy có những hoạt động tích cực góp phần giữ gìn, bảo tồn vốn quý văn hóa dân tộc, song, theo anh Đào Bạch Linh, sự quan tâm của các cơ quan chức năng chưa thỏa đáng. “Đơn cử như trường hợp của chiếu xẩm Hải Phòng, khi muốn biểu diễn miễn phí phục vụ công chúng tại một số địa chỉ văn hóa của thành phố, các đơn vị quản lý chưa tạo điều kiện – anh Linh cho biết. (Đông Nhân, Báo Hải Phòng Online 23/11)

44.            Sôi động đêm hội của MobiFone tri ân khách hàng Hải Phòng

Tối 21-11, tại Cung văn hóa thể thao thanh niên, Trung tâm Thông tin di động khu vự 5, Công ty Thông tin di động MobiFone tổ chức chương trình nghệ thuật cảm ơn khách hàng Hải Phòng với chủ đề “Kết nối tương lai”.

Hàng nghìn người xem là khách hàng, chủ thuê bao di động gắn bó với mạng di động MobiFone nhiều năm qua trên địa bàn Hải Phòng đến thưởng thức đêm nhạc nghệ thuật sôi động, đầy sắc màu. Với sự góp mặt của giọng ca hàng đầu Việt Nam như: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lưu Hương Giang, Trúc Nhân, Giang Hồng Ngọc nhóm BeeT, Hoàng Anh Kid…, chương trình “Kết nối tương lai” gửi lời tri ân của MobiFone tới hàng chục triệu khách hàng thân thiết ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Cần Thơ… 

Sau 21 năm xây dựng và phát triển, MobiFone được người tiêu dùng bình chọn là mạng điện thoại được ưa chuộng nhất trong 5 năm liên tiếp. Là mạng thông tin di dộng đi đầu trong công tác chăm sóc khách hàng, MobiFone luôn coi trọng tri ân khách hàng thân thiết thông qua các chương trình “Kết nối dài lâu”, tặng quà nhân ngày sinh nhật, các sự kiện văn hóa nghệ thuật. (Báo Hải Phòng Online 22/11)

45.            Khai mạc trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề "Lê Chân 2014"

Sáng 21-11, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng khai mạc trại sáng tác VHNT với chủ đề “Lê Chân 2014”. Trại sáng tác do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng và UBND quận Lê Chân phối hợp tổ chức.

Trại sáng tác VHNT “Lê Chân 2014” là trại sáng tác thứ 6 trong năm của giới văn nghệ sĩ Hải Phòng. Tham dự trại sáng tác có 26 văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành. Giới nghệ sĩ tham dự trại sáng tác này phần lớn đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quận Lê Chân sẽ thể hiện tình cảm nơi mình đang sống, công tác qua những chuyến đi thực tế do quận Lê Chân giúp đỡ, tạo điều kiện. Quận Lê Chân với những đền Nghè, đình Kênh, chùa Hàng…, những lễ hội, những trường đại hoc, cao đẳng, bệnh viện, những con đường mới mở, sự phát triển kinh tế - xã hội và con người của quận Lê Chân sẽ là đề tài cho các văn nghệ sĩ đất Cảng tìm hiểu và sáng tạo ra những tác phẩm về vùng đất này.

Trại sáng tác Lê Chân 2014 sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 12. Hy vọng với tinh thần trách nhiệm công dân người nghệ sĩ, qua trại sáng tác sẽ có những tác phẩm đi vào cuộc sống. (Đỗ Hân, Báo Hải Phòng Online 21/11)

46.            Thầy trò kịch nói Hải Phòng: Rưng rưng ngày gặp lại

Nghẹn ngào đôi lời phát biểu, rưng rưng từng ánh nhìn. Cô thầy cùng các trò bồi hồi trong từng cái ôm siết chặt, nồng ấm tình yêu thương. Họ - những con người đang cháy đỏ một tình yêu với sân khấu kịch nói, đã có cơ duyên gặp nhau tại mái trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng từ hơn 20 năm trước. Và nay, thêm một lần nữa, những ngọn lửa lại được nhen nhóm lên trong buổi hội ngộ đầy xúc động giữa các thế hệ giáo viên và học sinh lớp kịch nói, trưởng thành từ mái trường thân thương.

Buổi gặp mặt các thế hệ học sinh Kịch nói từ khóa 1 đến khóa 18 Trường trung học VHNT Hải Phòng là lời tri ân sâu sắc dành tặng thầy cô giáo cũ, “những người tự đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian”, như lời một cựu học sinh đã phát biểu. Và những ký ức tốt đẹp của các học sinh đã từng theo học lớp kịch nói Hải Phòng gần ba thập kỷ qua cứ thế ùa về trong tâm tưởng. Những câu chuyện đời, chuyện nghề xúc động được kể cho nhau nghe.

            “Ta gặp trong nhau, ngày xưa ấy

            Lòng bỗng mênh mông bát ngát tình

            Tóc bạc thầy cô, xanh trở lại

            Trò như, bẽn lẽn tuổi hoa niên…”

Dòng thơ xúc cảm mà nghệ sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo, nguyên hiệu trưởng nhà trường chia sẻ trong buổi gặp mặt. Người thầy với mái tóc đã bạc trắng, đôi chân tuổi già đã run run mà từng lời nói, từng câu chuyện vẫn hằn lên bao nỗi niềm trân quý những tháng ngày gắn bó với các thế hệ học sinh. Cái tình ấy, ông kết tinh trong 8 chữ: xúc động, yêu thương, nghĩa tình, tự hào. “Xúc động vì được gặp lại các cựu học sinh sau bao ngày xa cách, nhớ nhung. Ngày nay có em thành danh trên con đường nghệ thuật, có em có chỗ đứng trên con đường quan chức, em thành đạt trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thị trường năng động và cũng đầy chông gai, nhưng cũng có em vẫn phải vật lộn trong cuộc sống mưu sinh. Nhưng dù thành đạt hay lận đận thì trong lòng của các thầy cô, các em vẫn là những học trò đầy yêu thương thuở chập chững đến với mái trường VHNT. Chúng ta có những ngày học tập, khó khăn nhưng ấm áp tình người, tình thầy trò như một đại gia đình chỉ có lời nói nói yêu thương…” - ông nói.

Hải Phòng những ngày tháng 11 như đong đầy cảm xúc. Đường phố như rộn ràng hơn theo những vòng bánh xe quay tụ về đây từ khắp nơi… Những câu chuyện ngày ấy, thầy trò học sinh lớp kịch nói kể cho nhau nghe rồi vỡ òa cảm xúc của tuổi trẻ. Những người thầy: Trần Ngọc Thảo, Nguyên Hải, Lã Quý Lâm, Lê Như Hải…; những người cô: Ngọc Hiền, Thúy Trinh, Tú Lan… gắn bó trong từng tiết dạy. Là bài học về biểu diễn, đài từ… quyện với từng lời nhắn nhủ yêu thương, truyền cho học trò thứ tình yêu bền bỉ với ánh đèn sân khấu mà họ mang trong mình bấy lâu.

Gần ba mươi năm…, dẫu cho thời gian ấy là dài hay ngắn với mỗi cá nhân thì nó cũng đã kịp biến một học sinh ngây ngô, non nớt về nghề thành những người trưởng thành cả trong cuộc sống và công việc. Hội ngộ hôm nay có những người NSƯT đang cháy hết mình cho nghệ thuật, có những gương mặt đã rất đỗi thân quen với khán giả qua từng vai diễn kịch nói và điện ảnh, truyền hình… và cả những gương mặt thành công ở cương vị quản lý, góp sức mình trong lĩnh vực VHNT.

Một NSƯT Quang Thắng thân thuộc với khán giả cả nước. Một Minh Nguyệt - cô Biển trong phim “Sóng ở đáy sông”… NSƯT Lệ Thu, Hương Hạnh cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn kịch nói Hải Phòng: Lê Dũng, Quang Như, Thanh Nhàn, Đại Nghĩa, Thu Hương… - tất cả vẫn đỏ cháy một tình yêu dành cho sân khấu kịch nói.

Trong số ấy, có cả những người con đã đi xa quê hương để lập nghiệp như anh Vũ Anh Tuấn, học sinh khóa 5, hiện đang là diễn viên của Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương. Ngày trở về trong anh đong đầy cảm xúc và kỷ niệm với bạn bè cùng thầy cô giáo, xen lẫn là chút tiếc nuối khi không được sống trọn vẹn với nghề: “Tôi hay nhiều bạn đồng môn khác khi phải rẽ ngang con đường nghệ thuật đều rất buồn nhưng có dịp được diễn dù chỉ là vai nhỏ cho đỡ nhớ nghề thì không khi nào bỏ qua…”. Hoặc như Cảnh Trà, học sinh khóa 12, hiện vẫn luôn đầy ắp tình yêu với nghệ thuật biểu diễn trong công việc hiện tại ở Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng và nghề MC “tay ngang”. Họ, bằng cách này hay cách khác, chuyên nghiệp hay không chuyên, vẫn đang góp công làm phong phú hơn các hoạt động VHNT của địa phương.

Trong số ấy, có cả những người con đã đi xa quê hương để lập nghiệp như anh Vũ Anh Tuấn, học sinh khóa 5, hiện đang là diễn viên của Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương. Ngày trở về trong anh đong đầy cảm xúc và kỷ niệm với bạn bè cùng thầy cô giáo, xen lẫn là chút tiếc nuối khi không được sống trọn vẹn với nghề: “Tôi hay nhiều bạn đồng môn khác khi phải rẽ ngang con đường nghệ thuật đều rất buồn nhưng có dịp được diễn dù chỉ là vai nhỏ cho đỡ nhớ nghề thì không khi nào bỏ qua…”. Hoặc như Cảnh Trà, học sinh khóa 12, hiện vẫn luôn đầy ắp tình yêu với nghệ thuật biểu diễn trong công việc hiện tại ở Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật Hải Phòng và nghề MC “tay ngang”. Họ, bằng cách này hay cách khác, chuyên nghiệp hay không chuyên, vẫn đang góp công làm phong phú hơn các hoạt động VHNT của địa phương.

Trong cuộc hội ngộ ấm tình này, người ta thấy đâu đó một anh chàng thì thầm với bạn rằng lời căn dặn của thầy cô ngày chia tay hai mươi năm trước đã ứng nghiệm: “Cuộc đời là một lần đi tìm để được gặp, và trên hành trình tìm gặp đó, hãy biết nắm lấy cái cơ duyên để làm bệ đỡ, đường băng cất cánh cho mai sau. Có đam mê, có tình yêu là đã thấy thành công với nghề, thành công từ trong tâm”.

Cũng ở đâu đó, giọt nước mắt nóng hổi của một diễn viên đã rơi khi gặp lại thầy cô, bè bạn. Ở đâu đó, mấy người bạn ôm chặt lấy thầy cô không nói nên lời. Người nhận ra bạn mình vì mừng mà chẳng kịp nói. Người thì chỉ nhớ tên vai diễn để đời mà quên mất tên thật của bạn. Sau mấy tiếng ơ ơ, người còn chưa kịp nhớ ra ông già đứng trước mặt đã từng dạy mình môn gì thì lại cứ im lặng để tận hưởng cảm giác ấm áp của vòng tay thầy trò. Để rồi khi nhận ra, họ cất tiếng cười vang về những tháng ngày tươi đẹp trong nhau. (Huyền Trâm, An ninh Hải Phòng Online 21/11)

DU LỊCH

47.            Tuần Văn hóa – Du lịch biển đảo Việt Nam 2014: Hải Phòng tham gia ấn tượng

Tối 21-11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam(số 2 Hoa Lư, Hà Nội), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch biển đảo Việt Nam 2014.

Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí:  Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức; Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; lãnh đạo các bộ, ngành cùng các địa phương. Về phía thành phố Hải Phòng có đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố.

Tuần Văn hóa – Du lịch biển đảo Việt Nam – Hà Nội 2014 có sự tham gia của 13 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang. Trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa – Du lịch biển đảo Việt Nam – Hà Nội 2014 (từ ngày 21 đến 24-11), các địa phương giới thiệu nét đẹp văn hóa, di tích, lễ hội, danh lam thắng cảnh, sinh hoạt đời sống dân cư; quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch bền vững… trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống, đặc trưng của cư dân vùng biển, đảo; không gian ẩm thực đặc trưng của địa phương với nhiều món ăn đặc trưng miền biển …

Hải Phòng tham gia với nhiều gian hàng ấn tượng giới thiệu tiềm năng, hình ảnh đặc trưng về du lịch biển đảo với những địa danh, sản phẩm du lịch hấp dẫn tại Cát Bà, Đồ Sơn, Long Châu. Cùng với đó, giới thiệu đến công chúng các sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như: nước mắm Cát Hải, cá thu một nắng, chả mực, bánh đa cua…

Sự kiện là hoạt động góp phần đẩy mạnh tình đoàn kết, giao lưu văn hóa, du lịch ven biển, hải đảo; giáo dục thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về những di sản văn hóa biển đảo Việt Nam, từ đó nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Việt Nam, ý thức trách nhiệm giữa các địa phương trong việc bảo vệ, giữ gìn biển, đảo quê hương. (Văn Cường, Báo Hải Phòng Online 21/11; Kinh tế & Đô thị Online 22/11; Bản tin thời sự tối 22/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

48.            Tàu L'Austral đưa 215 du khách cập cảng Hải Phòng

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại Hải Phong (HP Tour) cho biết: sáng 23 -11, đơn vị này cùng với Công ty TNHH Tân Hồng (TP Hồ Chí Minh) tổ chức đón tàu du lịch biển 5 sao L'Austral  (quốc tịch Pháp) đưa 215 khách chủ yếu quốc tịch Pháp và các nước châu Âu…Sau khi cập bến, đoàn khách tàu L'Austral tham gia các chương trình tham quan một số thắng cảnh của thành phố và tham gia tour du khảo đồng quê, cũng như tham quan tại Thủ đô Hà Nội trong ngày. Đây là lần thứ 3 trong tháng 11, tàu L'Austral đến Hải Phòng.

Để tăng sức hấp dẫn đối với những chuyến tàu du lịch biển đến Hải Phòng, thời gian tới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch, tổ chức các đoàn khảo sát thị trường, sản phẩm du lịch mới của thành phố; đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các địa phương trong khu vực để thu hút khách, nhất là khách quốc tế. (Văn Cường, Báo Hải Phòng Online 23/11)

49.            Du lịch xanh-đi tìm lời giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển

Đa dạng sinh học là nguồn tài sản quan trọng bậc nhất, góp phần giúp du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chiến lược của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mạnh mẽ từ các hoạt động khai thác, du lịch đã tác động ngược trở lại, làm tổn hại nặng nề đến đa dạng sinh học, tạo ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển...

Kỳ 1- Tài nguyên trời phú

Giống như đa số các nước có du lịch phát triển trên thế giới, Việt Nam thu hút sự quan tâm của du khách cũng cơ bản là cảnh quan thiên nhiên, mà Hải Phòng là một điển hình. Dù chưa thoát khỏi ảnh hưởng của tình trạng kinh tế suy thoái toàn cầu nhưng lượng khách du lịch đến Hải Phòng vẫn tăng đều hàng năm, riêng năm 2014 ước có 5,28 triệu lượt khách, điểm đến chủ yếu vẫn là hai trung tâm thiên nhiên Cát Bà và Đồ Sơn.

Phải nói Cát Bà sẽ không thể nổi tiếng nếu không sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, nổi bật nhất là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận từ tháng 12-2004. Cát Bà có nhiều loài động thực vật mang tầm giá trị toàn cầu, cụ thể là với 3.860 loài trên cạn và dưới nước, có tới 130 loài được đưa vào “sách đỏ”.

Đặc biệt voọc đầu trắng là loài đặc hữu hiện nay, trên thế giới chỉ còn phân bố duy nhất ở Cát Bà, ước định có 63 cá thể. Ngoài giá trị về các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình, Cát Bà còn nổi trội là hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trải qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính tự nhiên nguyên thủy, tạo cho hòn đảo này một sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. 

Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy, sự hấp dẫn của Đồ Sơn mang sắc thái đặc trưng thuần túy của du lịch biển, với mọi sự thưởng ngoạn đều gắn với biển.

Riêng bãi biển Đồ Sơn với những dải cát mịn, bằng phẳng, mà diện tích có thể khai thác làm bãi tắm đã tới gần 5km, là một trong những bãi tắm tiềm năng được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Cách đây vài chục năm, khả năng khai thác đã tương đối triệt để khi Đồ Sơn được chia làm 3 khu 1, 2 và 3, nhưng hiện nay do gặp vấn đề về môi trường nước nên nguồn vốn tự nhiên này của Đồ Sơn bị bỏ phí phần lớn.

Nằm lẻ loi giữa vịnh Bắc Bộ, cách đất liền trên 110km, Bạch Long Vỹ chỉ có diện tích tự nhiên 2,33km2, nhưng hòn đảo độc địa này lại đại diện tiêu biểu cho hệ sinh thái biển của Hải Phòng. Ngoài hai kiểu hệ sinh thái đa dạng vùng triều và dưới triều thì khu hệ sinh vật biển của đảo đặc biệt phong phú. Trong đó hệ thực vật có 274 loài, hệ động vật có 738 loài, được xếp hạng là một trong 8 ngư trường lớn nhất của vịnh Bắc Bộ.

Giá trị của Bạch Long Vỹ được khẳng định khi ngày 31-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2630/QĐ-TTg về thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ. Theo đó, xác định đây là khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh với đối tượng bảo tồn gồm hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rong - cỏ biển, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực, tổng diện tích khu bảo tồn là 27.008,93ha.

Nhắc đến nguồn tài nguyên đa dạng sinh học, tuy chưa trở thành trung tâm du lịch nhưng cũng được liệt vào danh sách chiến lược trên bản đồ du lịch Hải Phòng, còn phải kể đến núi Voi - di tích đã được công nhận “danh thắng lịch sử” cấp quốc gia từ năm 1961. Nằm cạnh quốc lộ 10 thuộc địa bàn huyện An Lão, quần thể núi Voi cách trung tâm thành phố khoảng 20km về phía Tây Nam.

Điểm độc đáo là núi Voi nổi lên giữa vùng đồng bằng với nhiều hang động kỳ thú, thảm thực vật đa dạng rộng hơn 300ha. Nếu nhìn tổng thể, cảnh quan núi Voi có thế mạnh về tham quan, nghỉ dưỡng mang tính chất lục địa, đáp ứng suốt năm chứ không chỉ lệ thuộc vào thời tiết từng mùa. Bên cạnh đó, núi Voi cũng được hỗ trợ bởi những công trình văn hóa mang tính truyền thống cổ với những minh chứng vật thể và kết quả khảo cổ đã khẳng định.

Nhìn tổng thể, Hải Phòng có khoảng 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, nơi có 7 con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với các khu rừng ngập mặn. Quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn ha, bao gồm các vùng đất ngập triều cao với hơn 12,4 nghìn hec-ta, đất ngập triều trung là gần 6 nghìn hec-ta và đất ngập triều thấp là gần 6,2 nghìn hec-ta. Chưa kể tới 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo, mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành.

Điều quan trọng nữa là, yếu tố địa hải chất này đã tạo cho Hải Phòng một vùng sinh sản, bãi ương nuôi tự nhiên các loài hải sản, có giá trị thiết thực đối với dịch vụ du lịch biển. (LMT, An ninh Hải Phòng Online 24/11)

THỂ THAO

50.            Khai mạc hội khỏe Phù Đổng TP Hải Phòng lần thứ 15

Ngày 23/11, tại Hải Phòng đã diễn ra lễ khai mạc Hội khoẻ Phù Đổng thành phố Hải Phòng lần thứ 15. Dự buổi lễ có đại diện Bộ GD&ĐT, HĐND, UBND và các Sở, ngành của thành phố Hải Phòng...

Tham gia lễ khai mạc có trên 2.000 học sinh của các đoàn thuộc 15 phòng GD của các huyện, thị xã, thành phố tham gia diễu hành thể hiện những khát khao trong học tập, rèn luyện thể chất và niềm tự hào của tuổi trẻ học đường Hải Phòng.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất trong trường học, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh.

Ngành GD&ĐT, các cơ sở GD, trường học, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để học sinh tham gia các hoạt động TDTT, vừa rèn luyện sức khoẻ để học tập tốt, vừa tham gia các đội tuyển thi đấu tại các giải từ cơ sở đến thành phố và quốc gia.

Sau lễ khai mạc Hội khoẻ, các cơ sở GD, trường học tổ chức thành lập đội tuyển, bồi dưỡng, huấn luyện VĐV để tham gia thi đấu giải quận, huyện tổ chức trong tháng 11 và tháng 12/2014, tiến tới tham gia thi đấu cấp thành phố, tổ chức trong tháng 2 và tháng 3/2015.

Tiếp đó, thành phố Hải Phòng thành lập đội tuyển, chuẩn bị lực lượng tham gia Hội khoẻ toàn quốc lần thứ 9 - tổ chức vào năm 2016 tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá. 

Theo dự kiến, đoàn VĐV của Hải Phòng sẽ tham gia thi đấu 14/15 môn trong chương trình Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc. (T. Toàn, Giáo dục & Thời đại Online 24/22; Báo Hải Phòng Online 24/11; Bản tin thời sự tối 23/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

51.            Khai mạc Giải bóng đá Kiến trúc sư trẻ Hải Phòng năm 2014

Đây là năm thứ 5, Giải bóng đá Kiến trúc sư trẻ Hải Phòng được tổ chức do hãng sơn Mykolor tài trợ và trở thành giải thường niên của các kiến trúc sư trẻ, các tư vấn thiết kế đang công tác tại Hải Phòng.

Dự giải bóng đá năm nay có 7 đội đến từ : Công ty CP tư vấn xây dựng Sơn Hà, Công ty CP tư vấn xây dựng Vũ Gia, Công ty CP công trình nhà Việt, Công ty xây dựng Kim Minh, Sở Xây dựng, Công ty CP tư vấn thiết kế công trình xây dựng Hải Phòng (HCDC). Các đội chia làm hai bảng thi đấu, chọn đội nhất nhì vào vòng chung kết.

Với mục tiêu giao lưu, rèn luyện sức khỏe, giáo dục thể chất, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, giải bóng đá Kiến trúc sư trẻ tạo sân chơi bổ ích cho các kiến trúc sư, tư vấn, các cán bộ công chức trong ngành Xây dựng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. (Báo Hải Phòng Online 22/11)

52.            150 cần thủ cả nước đua tài câu cá

Tham gia giải câu cá Hồng Bàng (Hải Phòng) lần thứ nhất có 150 cần thủ của 22 Câu lạc bộ câu cá đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 3 giờ, cần thủ câu được nhiều nhất trên 5 kg cá.

Ngày 23-11, tại hồ Tam Bạc (dải trung tâm thành phố Hải Phòng) đã diễn ra Giải câu cá Hồng Bàng lần thứ nhất - năm 2014.

Tham gia cuộc thi có 150 cần thủ của 22 Câu lạc bộ câu cá đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Giải câu cá gồm 2 nội dung thi: câu máy (180 phút) và câu tay (150 phút).

Ông Trần Quang Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, Trưởng Ban tổ chức giải - cho biết  trước khi giải diễn ra, UBND quận Hồng Bàng đã kết hợp với Công ty cổ phần dịch vụ Minh Châu nghiên cứu Đề án cân bằng nước làm sạch môi trường tại hồ Tam Bạc bằng phương pháp sinh học. Quận đã cho thả trên 10 tấn cá để cân bằng, chống ô nhiễm nguồn nước, các loại cá được thả vào trong hồ là cá trắm đen, cá trôi, cá chép, cá rô phi... Sau khi các cần thủ câu được cá thì sẽ thả lại cá xuống hồ.

Theo ông Tuấn, giải câu cá là một nét mới trong đời sống tinh thần của người dân Hải Phòng, đây cũng là hoạt động để tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường, hướng đến một thành phố xanh, sạch, tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, du lịch của TP Hải Phòng.

Kết thúc ngày thi đấu, ban tổ chức đã trao 2 giải nhất cá nhân (trong đó cần thủ ở nội dung câu máy câu được nhiều nhất với tổng trọng lượng cá hơn 5 kg), mỗi giải là 1 chiếc xe máy trị giá 50 triệu đồng cho  cần thủ Đào Hữu Việt (CLB Hải Dương) và Nguyễn Văn Lực (CLB Thành Nam). Giải nhất đồng đội trị giá 3 triệu đồng thuộc về CLB Tràng An và CLB Tường Phát. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao những giải phụ cho các cần thủ câu được cá to nhất ở cả hai bộ môn câu máy và câu tay. (Người lao động Online 24/11; Thanh niên Online 23/11; Báo Hải Phòng Online 24/11; An ninh Hải Phòng Online 24/11; Bản tin thời sự tối 23/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố