Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 24/10/2013)
Kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã trao đổi với phóng viên Tin Tức về vấn đề này.
Đại biểu Vinh nhận xét: “Qua giám sát ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước cho thấy nợ ngân hàng nhiều. Bên cạnh đó, giám sát thực thi án dân sự có thực trạng là tòa tuyên nhưng không xử được và tồn đọng lớn. Chủ yếu là tình trạng vay tiền chiếm dụng vốn Nhà nước, thế chấp bằng đất, nâng cao giá trị thực sự của tài sản để vay tiền ngân hàng. Điều này dẫn đến nợ xấu và không thể đòi được. Còn doanh nghiệp nhà nước, một số đơn vị làm ăn kém hiệu quả như Vinashin, Vinalines…
Tình trạng này trước tiên do đầu tư ngoài ngành nhiều nên gây thất thoát vốn Nhà nước. Tuy chỉ là số ít nhưng gây hậu quả không nhỏ. Hiện Chính phủ đã có giải pháp tăng cường quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các Tập đoàn, Tổng Công ty. Khi thực hiện cổ phần hóa phải chọn người đứng đầu có năng lực và quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị này, ông nói. (Xuân Minh, Tin Tức 24/10, tr3; Báo Hải Phòng 24/10, tr1+2; An Ninh Hải Phòng 24/10, tr1+2)
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đã giám sát kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm và việc thực hiện một số quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại Phòng khám bệnh đa khoa số 73 Điện Biên Phủ.
Kết quả giám sát cho thấy, 9 tháng đầu năm, phòng khám đã khám cho gần 6.000 lượt bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế, chiếm 11% tổng số bệnh nhân. Đây là cơ sở y tế duy nhất hiện nay trong thành phố áp dụng Bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2008; giá dịch vụ y tế luôn ổn định qua nhiều năm nên số lượng bệnh nhân đến với phòng khám ngày càng tăng, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Ban đánh giá cao những kết quả đã đạt được của phòng khám, đồng thời đề nghị Phòng khám quan tâm đến việc đào tạo, phát triển hơn nữa trình độ đội ngũ y, bác sĩ; từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, phối hợp với các ngành liên quan để sớm được cấp đất xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế... (Thanh Lâm, Đại Biểu Nhân Dân 24/10, tr3)
Ngày 23/10, tại trụ sở Thành ủy, ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, bàn các nội dung: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển nhân lực chất lượng cao; thông qua Đề án công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Dành hơn 15 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển nhân lực
Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND thành phố do Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp trình bày khẳng định: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18, Hải Phòng trở thành một trong những trung tâm đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho vùng Duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Nhân lực chất lượng cao của thành phố có sự phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước tiếp cận trình độ khu vực, Quốc tế và được trẻ hóa.
Đến nay, thành phố dành hơn 15 nghìn tỷ đồng đầu tư đào tạo phát triển nhân lực. Công tác phát triển giáo dục từ bậc học Mầm non đến THPT, làm nền tảng đào tạo nhân lực cho thành phố được quan tâm. Hệ thống các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học được đầu tư nâng cấp; các loại hình, cấp độ đào tạo phát triển mạnh.
Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng trường Đại học Hàng hải Việt Nam trở thành trường Đại học trọng điểm Quốc gia phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước; phát triển trường Đại học Hải Phòng thành trường Đại học chất lượng cao, đa ngành, lĩnh vực…
Cùng với việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, Hải Phòng cũng đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên trong các cơ sở giáo dục - đào tạo cả về số lượng và chất lượng; đổi mới, hoàn thiện Chương trình, giáo trình giảng dạy, đào tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, gắn lý thuyết với thực nghiệm, gắn nhà trường với nghiên cứu, ứng dụng.
Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên các nguồn lực để phát triển các ngành đào tạo ở tất cả các bậc học, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành: Phục vụ du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, hàng hải, vận tải, kho bãi dịch vụ cảng biển, công nghiệp tàu thủy, cơ khí chính xác, điện - điện tử. Các ngành công nghệ cao như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học tự động hóa, vật liệu mới...
Phát triển nhân lực gắn với yêu cầu xã hội
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Đề án công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của Thành ủy xác định: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng làm việc, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và nguồn cán bộ chất lượng cao có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực; có số lượng dồi dào, cơ cấu hợp lý, có trình độ, ngành, lĩnh vực được đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chức năng nhiệm vụ, ví trí.
Lĩnh vực công tác được giao; đủ năng lực đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng, Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.
Đề án xây dựng chỉ tiêu cụ thể theo phân kỳ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đối với cán bộ diện Thành ủy quản lý; cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và cán bộ các chức danh chủ chốt xã, phường, thị trấn và nêu rõ 5 nhóm giải pháp thực hiện, như đổi mới công tác quản lý nhà nước; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực, chính sách đãi ngộ; các giải pháp huy động nguồn lực; thị trường lao động; mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế…
Thiếu đội ngũ cán bộ quản trị, thực thi ở tầm chiến lược
Các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích những nguyên nhân và các biện pháp khắc phục hạn chế của nguồn nhân lực hiện nay. Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền thẳng thắn cho rằng, trở ngại và thách thức lớn nhất của thành phố hiện nay vẫn là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Hiện chúng ta thiếu đội ngũ cán bộ tham mưu hoạch định chính sách, năng lực quản trị, thực thi ở tầm chiến lược.
Ông Phạm Thuyên - Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho rằng, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao; kỹ năng nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của lao động của thành phố hiện còn thiếu và yếu, thể hiện ở chỗ, hầu như lao động kỹ thuật sau khi ra trường chỉ nắm kiến thức cơ bản, thiếu kỹ năng làm việc giỏi, thành thạo…, là hạn chế lớn và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người lao động khó có thể tham gia thị trường lao động.
Ông nêu dẫn chứng, nhu cầu tuyển dụng chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề trong các lĩnh vực, ngành nghề ở khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố khá lớn. Tuy nhiên, các đơn vị tuyển dụng kho khăn khi tuyển được chuyên gia, thợ lành nghề đáp ứng yêu cầu. Nhiều khi chọn 50 người mới được 1 chuyên gia; chọn 60 người mới được 1 công nhân lành nghề.
Các ông Lê Vũ Thành, Lê Thanh Sơn, Đỗ Hữu Ca… cho rằng, mặc dù chúng ta tiếp cận về vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao từ khá sớm, nhưng cách thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc đào tạo hiện chưa đúng địa chỉ. Không chỉ có đào tạo, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm cả 3 khâu: đào tạo, sử dụng và đãi ngộ. Nhấn mạnh đến nguồn nhân lực là lãnh đạo, quản lý, các đại biểu cho rằng, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển nguồn cán bộ chất lượng cao của thành phố nên phân kỳ, có lộ trình thực hiện, trong đó ưu tiên cho công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ tới, nhằm khắc phục tình trạng hẫng hụt, đặc biệt chú trọng việc quy hoạch, đào tạo các lãnh đạo chủ chốt thành phố thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, trình độ, văn hóa.
Không chỉ quan tâm nâng cao hiệu quả các cơ sở đào tạo, các hình thức đào tạo trong và ngoài nước, thành phố nên chú trọng ngay từ khâu tuyển dụng, có chính sách khuyến khích thu hút nhân tài mang tính đặc thù riêng của Hải Phòng; huy động các nguồn lực của toàn xã hội, nhất là vai trò tham gia tích cực của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo…
Bảo đảm nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Hải Phòng xác định phát triển nhân lực cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để hoàn thành cơ bản sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá, quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội hài hòa và bền vững của thành phố.
Nêu rõ những hạn chế trong công tác phát triển nhân lực chất lượng cao của thành phố qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 18, chỉ ra một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt; kiến thức và kỹ năng quản lý, điều hành của đội ngũ quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ đầu ngành ở nhiều lĩnh vực khoa học, nhất là cán bộ trẻ trình độ cao…, Bí thư Thành ủy yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhận thức rõ: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là công tác chuẩn bị con người- yếu tố quan trọng nhất. Đây là khâu đột phá, then chốt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố và đất nước.
Do đó, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội 14 Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng, từ đó cụ thể hóa sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và nhà trường.
Bí thư yêu cầu: Các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần bảo đảm tính khoa học, khả thi, có lộ trình, cách làm phù hợp; gắn quy hoạch chung với quy hoạch cụ thể của từng ngành, từng đơn vị; có dự báo chiến lược, đón trước sự phát triển, chủ động chuẩn bị cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khắc phục tình trạng hẫng hụt nguồn kế cận, mất cân đối ngành, chuyên ngành. Cần xem xét cơ chế tuyển dụng linh hoạt để có nguồn nhân lực chất lượng thực sự, thu hút được nhân tài phục vụ cho sự phát triển của thành phố. (Báo Hải Phòng 24/10, tr1+2; Bản tin thời sự tối 23/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; An Ninh Hải Phòng 24/10, tr1+5)
Tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận Lê Chân do ông Phạm Từ Thứ - Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND thành phố làm Trưởng Đoàn vừa làm việc tại quận Lê Chân về thực hiện chủ đề Năm Du lịch và Đô thị.
Với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, quận Lê Chân đạt kết quả khá toàn diện trong thực hiện chủ đề năm. Quận chú trọng nâng cao nhận thức, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm làm nổi bật nội dung và yêu cầu, nhiệm vụ của 2 chủ đề; huy động nhiều nguồn lực tổ chức nhiều sự kiện lớn, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 như Lễ hội Đền Nghè, Lễ hội danh tướng Phạm Tử Nghi, tái hiện một góc chợ quê trong lòng thành phố tại chợ Hàng, giao lưu nghệ thuật trong nước và nước ngoài…
Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, quản lý Nhà nước về du lịch được quan tâm hơn. Quận Lê Chân có nhiều chuyển biến cả về quy hoạch cũng như chỉnh trang, phát triển và quản lý đô thị, giữ gìn an toàn giao thông, trật tự đường hè…
Quận cũng phản ánh một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể đối với thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung, kế hoạch của chủ đề năm.
Tổ đại biểu HĐND thành phố ghi nhận kết quả thực hiện chủ đề năm của quận Lê Chân, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của quận, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân và huy động nhiều nguồn lực từ xã hội hóa, bổ sung cho nguồn vốn ngân sách vốn ít ỏi.
Tuy nhiên, quận Lê Chân cần lưu ý hơn nữa trong việc tạo điểm nhấn, nét mới, khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, tập trung vào du lịch văn hóa tâm linh, Lễ hội, khôi phục lại các loại hình nghệ thuật truyền thống; giữ nét quê của chợ Hàng…, đồng thời phối hợp tốt với các ngành thành phố để quản lý đô thị, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị… (Báo Hải Phòng 24/10, tr1)
Sáng 23/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Cục Hải quan thành phố ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ công tác nghiệp vụ, bảo đảm an ninh khu vực cửa khẩu cảng thời gian tới. Ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch thành phố tới dự.
Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại và Cục trưởng Cục Cửa khẩu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng - Thiếu tướng Lê Thanh Tùng đề nghị hai đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Cục Hải quan thành phố cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế phối hợp hoạt động giữa Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Đồng thời, cụ thể hóa kế hoạch phối hợp, hỗ trợ công tác nghiệp vụ, bám sát tình hình thực tế địa phương, tuân thủ Luật Hải quan, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng; tập trung phối hợp trong công tác chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn, xây dựng quy trình nghiệp vụ; tăng cường trao đổi thông tin, tài liệu, tình hình khu vực cảng biển; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, hải cảng. (Sơn Hà, Báo Hải Phòng 24/10, tr1+2; Nguyễn Quang Vinh, Bienphong.com.vn 24/10)
Sáng 24/10, tại trường Đại học Hải Phòng công bố Quyết định của Chủ tịch thành phố về việc bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng đối với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cương.
Đây cũng là Hiệu trưởng trường Đại học đầu tiên của cả nước được bổ nhiệm thông qua hình thức thi tuyển chức danh và là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức công khai việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo một đơn vị thuộc diện Thành ủy quản lý.
Trước đó, ngày 20/8, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng. Tham dự kỳ thi tuyển chức danh này có 4 ứng viên với các nội dung thi: Xây dựng và bảo vệ đề án công tác, ngoại ngữ.
Kết quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Cương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã trúng tuyển với số điểm cao nhất. (Đoàn Minh Huệ, Tin Tức Online 24/10)
Sáng 23/10, hưởng ứng phong trào “Xây dựng Hải Phòng xanh, sạch, đẹp, văn minh và an toàn”, UBND quận Hồng Bàng triển khai kế hoạch tổng dọn vệ sinh môi trường dải trung tâm thành phố.
Lực lượng tham gia tổng vệ sinh dải trung tâm thành phố có 265 người, chia thành các Tổ công tác. Các tổ công tác đã tổ chức vệ sinh vỉa hè, ghế đá, cột điện, thân cây, thu gom các loại rác thải, cắt tỉa và làm đẹp cây xanh, sắp xếp, trưng bày lại hàng hóa các ki - ốt, quán hoa, điểm vui chơi, tháo dỡ mái che, mái vẩy, ô dù, bạt che nhà tạm gây mất mỹ quan… (Báo Hải Phòng 24/10, tr2; An Ninh Hải Phòng 24/10, tr2)
Tô Hiệu, Lê Lợi, Lạch Tray và Trần Nguyên Hãn là những tuyến phố có chợ đêm vỉa hè mua bán đông đúc nhất. Không ai bảo ai, kẻ bán người mua cứ thế tấp nập. Ban đầu xuất hiện vài hàng bán quần áo, thời gian sau, người nọ nối người kia, hàng quán bày la liệt, vỉa hè không còn chỗ “thở”. Từ 17 giờ chiều, các quầy hàng lần lượt được dọn ra cho đến tận nửa đêm.
Các chợ đêm tự phát ở vỉa hè ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông và môi trường sạch đẹp của thành phố. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần sớm chấn chỉnh, trả lại nguyên trạng để “đường thông, hè thoáng”. (Báo Hải Phòng 24/10, tr3)
Thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống cây xanh thị trấn Vĩnh Bảo”, huyện Vĩnh Bảo triển khai nhiều giải pháp cải tạo không gian cây xanh đường phố chính, khu trung tâm thị trấn để làm điểm cho thị tứ Tam Cường và các xã, góp phần tạo môi trường trong lành, cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp.
Để có không gian đô thị hợp lý, hài hòa, các cấp, ngành, địa phương cần xác định việc phát triển hệ thống cây xanh đô thị thị trấn Vĩnh Bảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khẩn trương thực hiện, tránh tình trạng lập Đề án để đấy!
Theo ông Nguyễn Trọng Nhưỡng – Chủ tịch huyện Vĩnh Bảo, để Đề án được triển khai, huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều giải pháp có hiệu quả thiết thực… (Báo Hải Phòng 24/10, tr3)
Thực hiện Chuyên án 116M, lúc 11 giờ 45 phút, ngày 23/10, Đội Đặc nhiệm số 2 -Cụm Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 1, Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra Phòng, chống tội phạm ma túy - Công an quận Hồng Bàng bắt giữ Nguyễn Duy Bình (SN 1988, trú tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng) thu 30 gói hêrôin.
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận hành vi vận chuyển, sử dụng chất ma túy. Trước đó, lúc 19 giờ 45 phút, ngày 22/10, nhận được tin báo của quần chúng về đối tượng vận chuyển, buôn bán chất ma túy xuất hiện tại bến đò Dinh, huyện Thủy Nguyên, Đội Đặc nhiệm số 1 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an huyện Thủy Nguyên bắt quả tang Lê Đức Hiền (SN 1992, trú tại Quảng Thanh, Thủy Nguyên) buôn bán chất ma túy.
Tang vật lực lượng chức năng thu được gồm một túi ni - lông chứa 50 viên ma túy tổng hợp, 3 gram ma túy đá, một xe gắn máy, một điện thoại di động. (Phạm Ngọc Tuyển, Quân Đội Nhân Dân 24/10, tr8)
Công an thành phố vừa kết hợp với Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra 5 container hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng Đình Vũ, người nhận hàng là Công ty TNHH Hùng Thắng (trụ sở Quảng Ninh), phát hiện nội tạng động vật thuộc danh mục hàng hóa tạm ngừng, tạm nhập, tái xuất. (Nhân Dân 24/10, tr8)
Do có họ hàng nên Vũ Đình Hà (SN 1983, ở quận Ngô Quyền) thường mượn xe máy của anh Vũ Trọng Linh (SN 1993, ở Lê Chân) để đi lại.
Ngày 15/7, Hà lại đến nhà anh Linh hỏi mượn xe, song lần này hắn phóng một mạch đến ngã tư Quán Mau gặp một thanh niên có biệt danh là “Bờm”, nhờ làm giả một đăng ký xe máy có số khung, số máy và biển kiểm soát giống hệt xe của anh Linh nhưng mang tên Vũ Đình Hà. Xong việc, Hà trả công cho Bờm 2 triệu đồng và mang chiếc xe trên về trả anh Linh như không có chuyện gì xảy ra.
Đến ngày 22/7, Hà lại mượn xe của anh Linh và dùng đăng ký xe giả đến gặp anh Trần Đức Phong (SN 1982, ở Lê Chân) thỏa thuận bán với giá 20 triệu đồng nhưng sau đó Hà đặt vấn đề thuê lại chiếc xe trên để làm phương tiện đi lại, hẹn đến 22/8 sẽ trả xe cho anh Phong...
Để làm tin, Hà đã viết giấy mượn xe ở mặt sau của giấy bán xe. Tuy nhiên, một tháng trôi qua không thấy Hà quay lại trả xe, mọi liên lạc với Hà đều “ngoài vùng phủ sóng”, anh Phong kiểm tra giấy tờ xe mới tá hỏa phát hiện toàn bộ số giấy tờ là giả.
Đến ngày 13/10, tình cờ anh Phong bắt gặp Hà gần nhà số 57 Tôn Đức Thắng nên đưa về trụ sở Công an phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân trình báo. Tại cơ quan công an, Hà đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và cho biết số tiền 20 triệu đồng có được khi lừa bán xe của anh Linh, hắn đã ăn tiêu hết. Còn chiếc xe máy Exciter Hà đã mang trả lại cho anh Linh.
Công an quận Lê Chân đã tạm giam Vũ Đình Hà về hành vi làm giả giấy tờ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (PV, An Ninh Hải Phòng 24/10, tr1+7)
Thời gian gần đây, trên địa bàn quận Lê Chân xuất hiện một số đối tượng giả làm khách đến mua hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại các đại lý, cửa hàng tạp hóa. Các đối tượng thường giả dạng phụ nữ mang bầu đi mua sữa, mua bỉm hoặc dùng người già, trẻ em đi mua thuốc bổ, thực phẩm chức năng với số lượng lớn, sau đó lợi dụng sơ hở cuỗm hàng biến mất…
Mới đây, vào ngày 20/10, chị Đường Thị Bích Hạnh (SN 1962) - chủ cửa hàng sữa, bánh kẹo Hải Hạnh (ở phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân) đang trông hàng thì thấy một phụ nữ trạc 35-40 tuổi, đeo kính đen, ăn mặc lịch sự, ngồi trên xe máy đi tới hỏi mua 3 hộp sữa bột trẻ em.
Sau khi mang sữa ra theo yêu cầu khách, người này lại hỏi mua thêm 3 bịch bỉm trong khi tay cầm sẵn một tập tiền như thể chỉ đợi thanh toán. Khi chị Hạnh chạy vào lấy bỉm, vị khách bất ngờ phóng xe biến mất…
Đến 18 giờ cùng ngày, chị Nguyễn Thị Lan, hàng xóm của chị Hạnh tình cờ phát hiện vị “khách sộp” vừa cuỗm đồ nhà chị Hạnh đang tiếp tục “diễn kịch” ở cửa hàng bánh kẹo gần đó nên đã cùng gia đình chị Hạnh và bà con quanh đó ập đến bắt giữ, giao Công an phường sở tại.
Tại cơ quan Công an, đối tượng khai là Lê Mai Hòa (SN 1970, ở đường Thiên Lôi). Qua kiểm tra, cơ quan Công an đã thu giữ trong cốp xe của Hòa 3 hộp sữa mà thị đã lừa được tại cửa hàng nhà chị Hạnh. Khi cơ quan Công an lưu giữ Hòa tại trụ sở, có khá nhiều bà con kinh doanh đến khai báo là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo này. (Pv, An Ninh Hải Phòng Online 24/10)
Thông qua biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Đội 9, Phòng PC45 – Công an thành phố đã phát hiện một nhóm đối tượng có nhiều dấu hiệu trộm cắp xe máy do Trần Trung Dũng (SN 1967, ở Hồng Bàng) cầm đầu.
Dũng là một đối tượng từng phải vào cơ sở giáo dục, đã có 3 tiền án về các tội trộm cắp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy. Dũng có hai đệ tử đắc lực giỏi nghề là Đồng Văn Tuấn (SN 1980, ở Hồng Bàng) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1986, hiện ở tỉnh Thái Bình). Các đối tượng thường mò đến các chợ cóc hoặc các tuyến đường giáp ranh nội thành tăm tia, nếu chủ xe quên rút chìa khóa hoặc sơ hở không trông coi là dùng vam bẻ khóa để trộm cắp...
Đi sâu giám sát, trinh sát phát hiện Dũng đang sử dụng 1 chiếc xe máy không có giấy tờ. Chiều 9/10, phát hiện tên Dũng đang điều khiển xe máy Airblade BKS: 15D1-069.61 (giả), một Tổ công tác của Đội 9 đã kịp thời kiểm tra và tạm giữ xe. Từ điểm đột phá này, qua đấu tranh, điều tra viên đã buộc Trần Trung Dũng phải khai nhận chiếc xe máy trên có BKS thật là 15G1-153.84, do Dũng cùng với Đồng Văn Tuấn trộm cắp vào ngày 30/8, tại Thủy Nguyên (chủ xe là chị Phan Thị Lan, SN 1982, ở xã Dương Quan, Thủy Nguyên).
Sau khi trộm cắp xe, Dũng “thanh toán” cho Tuấn 4 triệu đồng rồi nhờ Nguyễn Thanh Tùng làm 1 bộ đăng ký xe có BKS: 15D1-069.61 (giả) để sử dụng. Khẩn trương mở rộng án, ngay trong đêm 9/10, Đội 9, Phòng PC45 đã có đủ cơ sở bắt khẩn cấp Tuấn và Tùng cùng với 2 đối tượng chuyên tiêu thụ tài sản trộm cắp là Lê Hoài Nam (SN 1977) và Ngô Như Hưng (SN 1979, cùng ở Lê Chân).
Quá trình đấu tranh với các đối tượng, cơ quan điều tra làm rõ nhóm đối tượng này đã gây ra 8 vụ trộm cắp xe máy, hiện đã thu giữ 6 chiếc xe tang vật. Mỗi khi trộm cắp được xe, chúng đều đem về nhà Dũng để lục soát cốp xe, tháo gương và thay biển kiểm soát giả rồi mới đem đi tiêu thụ. Trong đó, Dũng cùng với Tuấn còn gây ra 2 vụ trộm cắp xe máy khác.
Phòng PC45 tiếp tục điều tra mở rộng án và truy bắt các đối tượng đang lẩn trốn. (KĐ, An Ninh Hải Phòng 24/10, tr7)
Năm 2008, mô hình liên kết “Trường - Phường” đảm bảo an ninh trật tự giữa trường Đại học Hải Phòng và các phường giáp ranh ra đời. Sau 5 năm triển khai, mô hình dã thực sự là một trong những giải pháp hữu hiệu giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn...
Hiệp đồng chặt chẽ
Trường Đại học Hải Phòng có 4 cơ sở đào tạo nằm trên địa bàn 5 phường của 2 quận gồm: Ngọc Sơn, Trần Thành Ngọ (quận Kiến An); Đồng Quốc Bình, Lương Khánh Thiện và Cầu Tre (quận Ngô Quyền). Các cơ sở này cách nhau hàng chục km, trong khi đó lượng sinh viên của nhà trường ngày càng đông (trung bình mỗi ngày có hơn 10 nghìn lượt học sinh sinh viên đến học tập và công tác).
Để đảm bảo an ninh trật tự học đường, được sự tham mưu, hướng dẫn của các đơn vị chức năng Công an thành phố và các quận, Đảng ủy, Ban giám đốc của trường đã chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai mô hình liên kết đảm bảo an ninh trật tự.
Theo đó, trường cùng chính quyền, Công an các phường và các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương đã xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể, tăng cường công tác quản lý giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và học sinh sinh viên trong công tác bảo vệ an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, thường xuyên kiểm tra, quản lý sinh viên nội, ngoại trú ở các phường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; giữ gìn an ninh nội bộ; chú trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động của mô hình và tổ chức ký giao ước thi đua xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự trong tình hình mới.
Hàng ngày, lực lượng bảo vệ, các tổ chức đoàn thể, thanh niên xung kích của trường trực 24/24 giờ, chủ động phát hiện và thông báo với công an phường các hiện tượng, vụ việc liên quan đến an ninh trật tự trong trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền luật giao thông đường bộ, luật phòng cháy chữa cháy, phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn mại dâm, ma túy…
Củng cố thế trận liên hoàn
Qua 5 năm thực hiện, mô hình liên kết bảo vệ an ninh trật tự “Trường - Phường” do trường Đại học Hải Phòng và 4 phường của 2 quận Kiến An, Ngô Quyền xây dựng đã mang lại kết quả tích cực, tạo nên một môi trường sư phạm lành mạnh, làm điểm tựa vững chắc để trường phát triển nhanh, toàn diện và trở thành một đơn vị nhiều năm giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các phường có cơ sở của trường như phường Ngọc Sơn, Đồng Quốc Bình… cũng là điểm sáng của phong trào, an ninh trật tự luôn được giữ vững…
Câu lạc bộ Tuổi trẻ sinh viên, Đội an ninh xung kích và Ban phát thanh học đường của Trường đại học Hải Phòng đã có sự phối hợp hiệu quả cùng các phường trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.
Cụ thể, 5 năm qua, các mô hình Câu lạc bộ tự quản đã thực hiện gần 600 buổi phát thanh tuyên truyền đạo đức lối sống và chính sách, pháp luật cho học sinh, sinh viên; cùng lực lượng bảo vệ tổ chức hàng trăm cuộc tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự của trường; cung cấp cho công an nhiều nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự và phối hợp bắt giữ 4 đối tượng tàng trữ, sử dụng ma túy; 3 đối tượng có lệnh truy nã; 6 đối tượng cướp giật tài sản; 20 đối tượng trộm cắp tài sản; xóa 1 tụ điểm cờ bạc…, tạo niềm tin trong nhân dân và cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên.
Việc triển khai tốt mô hình cũng góp phần nần cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu “3 giảm, 2 không” và “5 không” để trường đạt tiêu chuẩn “Nhà trường an toàn về an ninh trật tự”.
Có thể khẳng định, mô hình liên kết đảm bảo an ninh trật tự “Trường - Phường” đã tạo được hiệu ứng tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài trường Đại học Hải Phòng cũng như các phường giáp ranh và cần được nhân rộng trong toàn thành phố. (Huyền Trâm, An Ninh Hải Phòng 24/10, tr1+3)
Sáng 23/10, UBND huyện Tiên Lãng tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân”; biểu dương 15 tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Qua 5 năm thực hiện “Ngày biên phòng toàn dân”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tiên Lãng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý điều hành nhà nước của chính quyền được nâng cao; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân gắn bó mật thiết hơn.
Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, quân và dân đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày một nâng cao, phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được củng cố, kinh tế xã hội địa phương ngày một phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện.
Trong 5 năm qua, người dân cung cấp cho Đồn Biên phòng Vinh Quang hàng trăm thông tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; giúp cơ quan chức năng tổ chức bắt giữ 5 vụ mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; 3 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới, 3 vụ buôn lậu, gian lận thương mại; an ninh trật tự tại 4 xã biên phòng ven biển: Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang được ổn định hơn…
Thời gian tới, huyện Tiên Lãng tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, lực lượng, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững mạnh, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành, lực lượng; củng cố kiện toàn cơ sở chính trị địa phương; xây dựng Đồn biên phòng Vinh Quang vững mạnh toàn diện.. (Báo Hải Phòng Online 23/10)
Là nơi hàng ngày có rất đông phương tiện qua lại, tuy nhiên từ lâu trên cầu Tiên Cựu (thuộc Quốc lộ 10, xã Quang Trung, huyện An Lão) có rất nhiều bóng đèn chiếu sáng bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. (Xuân Nhuận, Nhà Báo & Công Luận 25-31/10, tr15)
Ngày 27/10, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Yamaha Motor Việt Nam tổ chức Chương trình: “Quà tặng mũ bảo hiểm Yamaha 2013 – Ngày gia đình đi bộ hưởng ứng mũ bảo hiểm trẻ em” và trao tặng mũ bảo hiểm chất lượng cho các em học sinh Tiểu học tại Hải Phòng. (PV, Giaoduc.net.vn 24/10)
19. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Chiều 22/10, Công an thành phố sơ kết việc thực hiện chuyên đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông và kế hoạch số 119 của Công an thành phố. Đại tá Nguyễn Trọng Phượng - Phó Giám đốc Công an thành phố, Phó Ban an toàn giao thông thành phố chủ trì Hội nghị.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, thành phố và Ban An toàn giao thông thành phố, Công an thành phố đã chủ động phối hợp với các Ban ngành chức năng thành phố tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, lực lượng Công an các đơn vị và địa phương, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tập trung kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm; kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới đông đảo nhân dân.
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 1077 của Giám đốc Công an thành phố, từ ngày 1/7-30/9, các lực lượng Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý 8.134 trường hợp vi phạm tốc độ; xử phạt gần 7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 670 trường hợp, góp phần hạn chế tai nạn giao thông do vi phạm tốc độ gây ra.
Bên cạnh đó, các Tổ công tác 119 của Công an thành phố đã kiểm tra, xử lý hơn 34.000 trường hợp vi phạm; phạt hơn 15 tỷ đồng. Cũng qua tuần tra kiểm soát về trật tự an toàn giao thông, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ 41 vụ phạm pháp hình sự với 66 đối tượng; kịp thời ngăn chặn 21 trường hợp gây mất trật tự công cộng…
Tuy nhiên, theo Ban An toàn giao thông thành phố, tính từ ngày 16/12/2012-15/10/2013, đã xảy ra 87 vụ tai nạn giao thông làm 88 người chết, 70 người bị thương, tăng cả về số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ. Riêng trong 3 tháng (từ ngày 1/7-30/9), toàn thành phố xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông làm 23 người chết và 32 người bị thương.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Phượng đề nghị để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những tháng cuối năm, các đơn vị cần làm tốt công tác triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập trung vào những địa bàn, tuyến đường trọng điểm gắn với việc xây dựng tuyến đường kiểu mẫu; xóa các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội và tấn công trấn áp tội phạm. (Đ.H, An Ninh Hải Phòng 24/10, tr5)
Trong ngày, Phòng Cảnh sát giao thông xử lý 300 trường hợp, thu phạt 259 triệu đồng.
Đoạn đường từ Cảng cá Mắt Rồng đến Trạm y tế Lập Lễ hư hỏng nặng, nhiều hố trũng sâu, đọng nước khi trời mưa, gây khó khăn cho người dân khi di chuyển. (Báo Hải Phòng 24/10, tr5)
Hơn 10 năm xây dựng và phát triển, trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Thương hiệu của nhà trường được biết đến rộng rãi không chỉ trong thành phố mà trên toàn quốc với những giá trị cốt lõi như: “ngôi trường công nghệ”, “ngôi trường đào tạo gắn liền với doanh nghiệp”, “ngôi trường học thật - thi thật- làm thật”, “ngôi trường không tiêu cực”.
Hiện, trường đào tạo 7 ngành khác nhau gồm: Ngành Công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá; công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; kế toán; quản trị kinh doanh; tài chính - ngân hàng; Việt Nam học. Bên cạnh công tác giảng dạy, hoạt động nghiên cứu, khoa học được nhà trường đầu tư mạnh và đạt hiệu quả.
Năm học 2012-2013, lần đầu tiên nhà trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh cao đẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Công tác quảng bá phục vụ tuyển sinh với nhiều hình thức, biện pháp mới như: tổ chức các Chương trình giao lưu kết nghĩa, hướng nghiệp, trao học bổng tại trường THPT…
Đây cũng là năm đầu, nhà trường tổ chức cho sinh viên cao đẳng khóa 8 làm khóa luận tốt nghiệp và bảo vệ tốt nghiệp. Những giá trị cốt lõi đó được tập thể cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên nhà trường cùng đồng tâm xây dựng, tích lũy trong suốt những năm qua bằng sự sáng tạo, đột phá với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, làm nên thương hiệu Viettronics. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ trung, năng động chuyên nghiệp, sáng tạo, có trình độ chuyên môn cao, đầy trách nhiệm, nhiệt huyết. Trường có 108 cán bộ, giảng viên, trong đó có hơn 70 cán bộ, giảng viên có trình độ sau Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Giảng viên của trường không chỉ được sinh viên đánh giá cao mà còn khẳng định chất lượng ở thành phố và trên toàn quốc.
Trường luôn nỗ lực tìm hướng đi mới và những giải pháp như cải tiến Chương trình đào tạo theo hướng hiện đại trên cơ sở tham khảo các Chương trình giáo dục Đại học của các trường Đại học Quốc tế; áp dụng mô hình đào tạo “2+1”, đào tạo gắn kết nhà trường với doanh nghiệp. Theo đó, tăng thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo và bảo đảm học sinh, sinh viên được thực tập, thực tế hai lần trong một khoá học thay cho việc chỉ đi thực tập một lần trước khi tốt nghiệp. Ngoài ra, sinh viên được huấn luyện những kỹ năng sống, kỹ năng mềm ngay trong khóa học…
Mới đây, lãnh đạo nhà trường ký kết các thỏa thuận với khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP (Việt Nam-Xingapo) Hải Phòng, các Công ty TNHH: Fujitsu Việt Nam và Toyota Boshoku Hải Phòng. Nhà trường ký hợp tác toàn diện với các khu công nghiệp, các Công ty, Tập đoàn như khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Nhà máy Canon - Nhật Bản, Nhà máy Brother - Nhật Bản, Tập đoàn Viễn thông Viettel, Tập đoàn FPT Telecom và nhiều doanh nghiệp khác.
Đây là hoạt động gắn kết doanh nghiệp và nhà trường nhằm hiện thực hóa mô hình 2 + 1 mà nhà trường đang triển khai. Những nỗ lực này tạo điều kiện nâng cao chất lượng học tập, cơ hội việc làm cho sinh viên, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ và cơ sở thực hành đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp.
Điểm nhấn của nhà trường là tăng cường hợp tác Quốc tế, với các mục tiêu cụ thể như: trao đổi khoa học, phổ biến những công nghệ mới… Chương trình này giúp cán bộ, giảng viên tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến. Nhà trường đã và đang tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác với các trường, Học viện và các Tập đoàn, Công ty nước ngoài như: Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Xingapo, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc...
Với những đóng góp thiết thực đó, nhiều năm qua, nhà trường nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương (2011), Bộ Công nghiệp (2005), UBND thành phố Hải Phòng. Khai giảng năm học 2013-2014, nhà trường vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng 3.
Một số kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường được ứng dụng vào thực tiễn và chuyển giao cho doanh nghiệp như: Bảng LED điện tử; LED 3D; đồng hồ 7 thanh cơ điện từ; hệ thống cân điện tử Hải Phòng - cung cấp cho Công ty TNHH thương mại và điện tử HAPEC; máy tự động ráp trục máy in - cung cấp cho Công ty TNHH SYNZTEC; bộ điều khiển giá SUB - cung cấp cho Công ty TNHH YAZAKI… (Thảo Anh, Báo Hải Phòng 24/10, tr1+5)
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vừa tổ chức Lễ tuyên dương sinh viên tiêu biểu năm học 2012 – 2013.
Buổi Lễ biểu dương, khen thưởng 206 sinh viên tiêu biểu đạt các thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực: Học tập, nghiên cứu khoa học, thi Olympic, đỗ thủ khoa đầu vào khóa 54, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, bí thư , lớp trưởng, sinh viên tình nguyện tiêu biểu. (Báo Hải Phòng Online 23/10)
Ngành GD&ĐT quận Hải An vừa tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng học sinh thi vào lớp 10 THPT”. Đây là cuộc đánh giá, tìm hiểu kinh nghiệm từ gia đình, nhà trường và giáo viên trong việc đào tạo học sinh thi vào lớp 10 THPT. Qua đó, phát hiện những điểm chưa phù hợp trong quá trình ôn tập của học sinh, hướng đến nâng cao tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT quốc lập trên địa bàn thành phố.
Để học sinh thi tốt vào các trường THPT, ngành GD&ĐT Hải An chú ý công tác chỉ đạo của các trường; khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao ý thức học tập của học sinh và nâng cao nhận thức của gia đình đối với việc học tập của học sinh. (Báo Hải Phòng 24/10, tr1)
Theo ông Dương Anh Điềm – Chủ tịch thành phố, để đảm bảo tình hình thu ngân sách địa phương và chống thất thu ngân sách, UBND thành phố đã có Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách Nhà nước để tăng cường các giải pháp chống thất thu về thuế trên địa bàn.
Theo đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành thuế trên địa bàn thành phố… (Linh Nhâm, Pháp Luật Việt Nam 24/10, tr10)
Để tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng, hiệu quả của thủ tục hải quan điện tử, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng sẽ chính thức triển khai áp dụng Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là hệ thống VNACCS/VCIS) từ ngày 1/4/2014 trên phạm vi toàn quốc.
Để giúp cho doanh nghiệp hiểu và sử dụng được hệ thống mới, từ ngày 15/11/2013 - 15/02/2014, Cục Hải quan thành phố sẽ tổ chức đợt chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS cho tất cả doanh nghiệp làm thủ tục Hải quan và các bên liên quan nhằm giúp cho doanh nghiệp và công chức hải quan thực hành sử dụng thành thạo các quy trình, nghiệp vụ hải quan trên hệ thống VNACCS/VCIS, góp phần giảm thiểu các khó khăn, vướng mắc khi hệ thống vận hành chính thức.
Hệ thống VNACCS/VCIS được phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ của hệ thống thông quan tự động NACCS/CIS đang được áp dụng rất thành công tại Nhật Bản. Việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS sẽ mang lai nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp như thời gian thông quan nhanh hơn, độ chính xác cao hơn, ổn định hơn. (Khánh Linh, Pháp Luật Việt Nam 24/10, tr11)
Theo Nghị quyết Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP), quý III, Công ty đạt hơn 132 tỷ đồng doanh thu, 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt kế hoạch đã đề ra.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu công ty đạt 390 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tương đương năm ngoái, đạt gần 163,8 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch năm.
Với kết quả đạt được sau ba phần tư chặng đường, Cảng Đình Vũ đặt mục tiêu 120 tỷ đồng doanh thu và 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý cuối năm. Như vậy, dự kiến cả năm công ty đạt khoảng 203,8 tỷ đồng, vượt kế hoạch đã đề ra (180 tỷ đồng). (Phương Linh, Vnexpress.net 24/10)
Các nguồn đầu tư cắt giảm, nhiều công trình, Dự án bị đình hoãn, giãn tiến độ, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn vốn vay khó khăn… tiếp tục thử thách sức khỏe của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ở Hải Phòng.
Tận dụng cơ hội
Mặc dù thị trường xây dựng ngày càng cạnh tranh gay gắt nhưng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bạch Đằng (Bimexco) tiếp tục đứng vững. Các mục tiêu và kế hoạch của năm nay đề ra cơ bản hoàn thành trong 9 tháng.
Giám đốc Công ty Vũ Thành Phong cho biết, 9 tháng qua, doanh nghiệp thực hiện đạt giá trị sản lượng gần 544 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 29% và tăng 79% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt gần 364 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch, tăng 29% so với cùng kỳ; thu hồi vốn gần 340 tỷ đồng cũng vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, công ty ký tiếp các hợp đồng mới, với tổng giá trị hơn 330 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho người lao động trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Theo ông Phong, trên cơ sở kinh nghiệm và thương hiệu xây dựng từ nhiều năm qua, ngoài các bạn hàng truyền thống, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng mối quan hệ trên các lĩnh vực để nắm bắt các dự án đầu tư xây dựng, tăng cường liên danh, liên kết. Từ đó, Công ty ký được các hợp đồng lớn như: Công trình khu đua thuyền ở huyện Thủy Nguyên liên danh với Công ty Cổ phần Xây dựng số 5; chung cư mẫu 1A/lô CH3 của Dự án nâng cấp đô thị; công trình nạo vét hồ Khe Rè (tỉnh Quảng Ninh); Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp… nguồn vốn cũng khá đa dạng như JICA, WB, trái phiếu Chính phủ, của các Bộ và một số ít là ngân sách.
Bên cạnh đó, Công ty tăng cường quản lý chất lượng, an toàn lao động. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã bàn giao đúng tiến độ 4 công trình bao gồm: Dự án mở rộng nâng công suất khu Tràng Khê, Hồng Thái thuộc mỏ Tràng Bạch (Quảng Ninh); Dự án xây dựng dây chuyền 2 Nhà máy bột mỳ Bảo Phước, phường Đông Hải (quận Hải An); xây dựng và lắp đặt thiết bị dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu tái định cư thuộc Dự án thoát nước mưa, nước thải, quản lý chất thải rắn Hải Phòng và trụ sở làm việc Ngân hàng Vietcombank Hưng Yên…
Là doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xây dựng của Hải Phòng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Đào Văn Nghiêm cũng thừa nhận những khó khăn mà các doanh nghiệp xây dựng của Hải Phòng đang phải đối mặt. Vì vậy, năm nay, doanh nghiệp xây dựng mục tiêu phù hợp.
Đến hết 9 tháng, Công ty hoàn thành kế hoạch năm, với doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Công ty mở rộng thị trường, tìm kiếm được các hợp đồng mới tại Huế, Hà Nội. Công tác quản trị doanh nghiệp được doanh nghiệp luôn chú trọng để ổn định sản suất theo hướng bền vững.
Cũng với mục tiêu ổn định để vượt qua khó khăn, Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng và một số đơn vị thành viên tích cực chủ động tìm việc làm, coi trọng công tác điều hành, quản lý các dự án, nhất là những Dự án trọng điểm do Tổng Công ty làm thầu chính và các dự án do các công ty thành viên ký hợp đồng có quy mô lớn, phức tạp, yêu cầu tiến độ thực hiện gấp rút.
Nợ nần chiếm hết vốn của doanh nghiệp
Các doanh nghiệp xây dựng của Hải Phòng hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các khoản nợ từ việc chậm thanh toán hợp đồng những năm trước làm nguồn vốn của doanh nghiệp bị chiếm dụng, khiến cho không ít đơn vị bế tắc khi tìm kiếm cơ hội dự thầu mới.
Giám đốc Công ty Cổ phần và Phát triển nhà Hải Phòng Nguyễn Đức Thường cho biết, đến thời điểm này, còn 3 công trình công ty đã hoàn thành bàn giao, nhưng còn nợ tiền thanh toán tới hơn 40 tỷ đồng. Đó là công trình ký túc xá sinh viên của trường Đại học Hải Phòng, thực hiện từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Công trình bảo đảm đúng tiến độ và bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng từ tháng 12/2011 năm trước, nhưng 2 năm qua công trình còn nợ khoảng 18 tỷ mà chưa quyết toán. Dự án khu tái định cư đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 với 2 đơn nguyên 5 tầng, bàn giao từ tháng 5/2011, hiện còn nợ 15 tỷ đồng. Công trình khối kỹ thuật của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, bàn giao tháng 11/2011, còn nợ hơn 7 tỷ đồng…Nợ nần, thủ tục thanh toán phức tạp khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Một số doanh nghiệp xây dựng phản ánh, những công trình thực hiện từ nguồn vốn ngân sách càng gặp khó khăn hơn, có công trình được ghi vốn từ 1-2 năm trước vẫn chưa thanh toán được. Để giảm bớt thiệt hại, các nhà thầu thường cố gắng huy động mọi nguồn vốn để hoàn thành công trình dang dở, giảm bớt thiệt hại do bị đứt đoạn đầu tư. Nhiều doanh nghiệp xây dựng thực sự lao đao, dẫn đến nợ xấu là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều quyết tâm tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn, chờ khởi sắc. (Quốc Minh, Báo Hải Phòng 24/10, tr3)
Hải quan Hải Phòng vừa áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với 10 doanh nghiệp nợ thuế.
Trong số 10 doanh nghiệp có 2 đơn vị còn số nợ thuế trên 1 tỉ đồng là Công ty Cổ phần ô tô Hyundai Nam Việt nợ hơn 2,12 tỉ đồng; Công ty TNHH Hòa Bình nợ hơn 1 tỉ đồng. Các doanh nghiệp nợ thuế khác bị dừng làm thủ tục hải quan lần này là: Công ty TNHH Lê Hiệp; Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng Tràng An; Công ty Cổ phần chế tạo điện cơ Hà Nội; Công ty xuất nhập khẩu và đầu tư; Công ty TNHH Thăng Long; Công ty TNHH Minh Châu (Nay là Công Ty TNHH đầu tư phát triển Minh Châu); Công ty TNHH IC Việt Nam; Công ty TNHH điện - điện tử Hồng Hải.
Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan, Hải quan Hải Phòng đã nhiều lần có thông báo nợ cho doanh nghiệp và áp dụng cả biện pháp trích tiền gửi từ tài khoản ngân hàng nhưng chưa thu hồi đủ số nợ. (N.Quốc, Báo Hải Quan Online 24/10)
Ngày 23/10 tại Hải Phòng, Thacokia đã giới thiệu mẫu xe mới K3. Mẫu xe này tại Việt Nam, cũng như trên thế giới được đánh giá là bước ngoặt lớn về thiết kế so với những gì mà KIA Forte đã để lại dấu ấn trước đó.
Mức giá dành cho bản thấp cấp nhất K3 1.6MT là 638 triệu đồng. Bản 1.6AT là 688 triệu đồng. Bản cao cấp K2 2.0AT giá 749 triệu đồng và K3 hatchback 1.6AT là 770 triệu đồng. (Trung Thành, Báo Công Thương Điện Tử 24/10)
9 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện An Lão đạt hơn 90,9 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn duy trì nhịp độ phát triển ổn định. Các mặt hàng công nghiệp chủ yếu như may mặc, da giày, gạch đất nung, vật liệu xây dựng, máy nông nghiệp phát triển, từng bước có mặt trên thị trường trong nước… (Báo Hải Phòng 24/10, tr2)
Theo Chi cục Thuế An Dương, đến 30/9, trên địa bàn huyện có 26 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, trong đó có 15 đơn vị do Cục Thuế Hải Phòng quản lý, 6 đơn vị do các Chi cục Thuế khác quản lý.
Do các đơn vị kinh doanh thua lỗ, một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh cố tình chây ỳ không nộp tiền thuê đất, sử dụng một phần hoặc bỏ không diện tích đất thuê. Đáng nói, hầu hết các khoản nợ tiền thuê đất kéo dài từ 4-5 năm trước, thậm chí có doanh nghiệp nợ tiền thuê đất từ năm 2007 đến nay chưa thanh toán. (Báo Hải Phòng 24/10, tr3)
32. Huyện Tiên Lãng: Đưa vụ Đông thành sản xuất chính
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, tranh thủ gặt lúa đến đâu, bà con nông dân Tiên Lãng khẩn trương đưa máy vào làm đất, kịp thời đưa các giống cây trồng vụ đông vào sản xuất đúng lịch thời vụ. Với hiệu quả mang lại, trồng cây vụ Đông hiện trở thành vụ sản xuất chính của huyện Tiên Lãng.
Ông Cao Xuân Quýnh ở thôn Phương Lai, xã Cấp Tiến cho biết, vụ đông năm nay gia đình trồng hơn 1 sào dưa chuột 266. Điều đáng mừng, 100% diện tích dưa chuột 266 đều có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Hiện dưa chuột của gia đình ông Quýnh và nhiều hộ dân liền kề đều xanh tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
Qua nhiều năm trồng cây vụ Đông, so với cấy lúa, trồng cây vụ đông đem lại hiệu quả gấp 4-5 lần. Cụ thể, một sào dưa chuột 266 trừ chi phí thu lãi hơn 2 triệu đồng. Nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên, có cuộc sống ổn định cũng nhờ trồng cây vụ Đông. Thôn Phương Lai, có gần 100 hộ trồng cây vụ Đông, trong đó hơn 40 hộ trồng ớt, 20 hộ trồng dưa chuột 266.
Cây vụ Đông góp phần đem lại đời sống no ấm cho nhiều gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Cường Dương Hoàng Hướng cho biết, 1 ha cây vụ Đông trồng khoai tây, cà chua, hành tỏi trung bình cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng. Mỗi năm, cây vụ Đông mang lại cho xã từ 40-50 tỷ đồng. Năm 2013, ước giá trị cây vụ Đông toàn huyện đạt 400 tỷ đồng.
Các xã có diện tích cây trồng lớn gồm: Vinh Quang, Đông Hưng, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Tiên Cường... Trước hiệu quả những vụ Đông vừa qua mang lại, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển, mở rộng diện tích cây vụ Đông.
Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng Vũ Đức Cảnh khẳng định: Ngoài 2 vụ sản xuất lúa, đến nay, cây trồng vụ Đông của huyện đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, được bà con các địa phương tích cực mở rộng diện tích. Một số vùng chuyên canh chỉ cấy 1 vụ lúa, còn lại trồng 3 vụ màu. Đáng chú ý, từ 5 năm nay, vụ đông ở Tiên Lãng được các hộ nông dân hưởng ứng tích cực, tạo thành phong trào mạnh ở địa phương, bởi hiệu quả kinh tế mang lại cao, hơn nữa từ trồng cây vụ đông đã thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ trước đây, nay xuất hiện hàng trăm hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, khẳng định sự khát khao làm giàu của bà con nông dân trên chính mảnh đất quê hương.
Niên vụ sản xuất vụ Đông năm 2013-2014, huyện Tiên Lãng trồng 3.500 ha, trong đó có 600-700 ha hành, tỏi, hơn 700 ha khoai tây, 550 ha ngô, 250 ha cà chua, 100 ha ớt, gần 200 ha dưa hấu, hơn 350 ha khoai lang.
Ông Nguyễn Văn Thấm - Phó Phòng NN&PTNT cho hay: Vụ Đông năm nay, huyện mở rộng diện tích tại các vùng có truyền thống về sản xuất hàng hóa có hợp đồng tiêu thụ. Thời điểm này, dù chưa có cơ chế hỗ trợ vụ Đông của thành phố, nhưng huyện vẫn quy vùng sản xuất hàng hóa cây vụ Đông, đặc biệt ưu tiên cây trồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Toàn huyện phấn đấu có 17 vùng sản xuất cây vụ Đông quy mô lớn, từ 30-40 ha/vùng, triển khai sản xuất theo phương thức cánh đồng mẫu lớn, ưu tiên quy vùng chuyên trồng dưa, khoai tây, cà chua quy mô lớn tại các xã Cấp Tiến, Kiến Thiết, Tiên Cường… Ngay từ đầu vụ, huyện chủ động mời 6 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Để tạo cú hích thúc đấy phát triển sản xuất vụ Đông này, huyện Tiên Lãng trích ngân sách hơn 500 triệu đồng mua 10 tấn ngô giống hỗ trợ các địa phương.
Quyết tâm trước vụ đông thắng lợi, huyện khắc phục khó khăn về diện tích cây vụ Đông còn nhỏ, phụ thuộc thị trường, đồng thời chấn chỉnh việc tranh mua, tranh bán nông sản… Huyện đề nghị thành phố sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông, xây dựng cánh đồng mẫu lớn 20 ha sản xuất cây vụ Đông ở xã Toàn Thắng.
Đến 20/10, huyện Tiên Lãng trồng hơn 1.400 ha cây vụ Đông, gồm: Ngô, khoai tây, dưa chuột, ớt và các loại cây màu khác. Toàn huyện có hơn 800 ha cây vụ Đông có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Với diện tích gieo trồng cây vụ Đông lớn, Tiên Lãng tiếp tục trở thành địa phương có quy mô vụ Đông lớn nhất Hải Phòng. (Tiến Đạt, Báo Hải Phòng 24/10, tr5)
Theo ông Nguyễn Văn Đàn - Trường Phòng NN&PTNT Vĩnh Bảo, tính đến 23/10, toàn huyện thu hoạch hơn 60% diện tích lúa mùa, năng suất ước đạt 60,5 tạ/ha.
Các xã đạt năng suất lúa đạt cao là Nhân Hưng, Cộng Hiền, Cao Minh, Liên Am, Nhân Hòa... Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy gần 10.000 ha lúa, trong đó một số địa phương đưa vào trồng một số giống lúa mới như: Lúa thuần hương biển 3, lúa lai HYT 100, lúa thuần BC 15, lúa đặc sản ĐS 1, lúa chất lượng HT 9. Năng suất các giống lúa mới ước đạt 65-70 tạ/ha.
Huyện tập trung chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa mùa còn lại, chuẩn bị tốt diện tích đất, vật tư, phân bón, giống cây trồng để triển khai trồng cây vụ đông. (Báo Hải Phòng Online 23/10)
Huyện Cát Hải vừa tổ chức Hội thao kỹ thuật chữa cháy cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy thị trấn Cát Bà năm 2013 với sự tham gia của hơn 40 đội viên phòng cháy chữa cháy của 12 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Các đội tham gia hai nội dung thi gồm: Cầm bình bọt, vượt chướng ngại vật, dập tắt khay xăng đang cháy; vượt chướng ngại vật, dùng chăn chiên thấm nước dập tắt phuy xăng đang cháy. Với sự luyện tập kỹ càng, kỹ năng thành thạo và quyết tâm cao, các đội hoàn thành xuất sắc các phần thi. Khách sạn Mỹ Ngọc giành giải nhất; khách sạn Holiday View giải nhì và khách sạn Hoàng Gia Minh giải ba.
Là trọng điểm du lịch, tập trung hàng trăm khách sạn, nhà hàng, chợ, nên khu du lịch Cát Bà tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Hội thao nhằm rèn luyện nâng cao thể chất, trình độ kỹ thuật chữa cháy của lực lượng Phòng cháy chữa cháy cơ sở, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ chữa cháy, xây dựng lực lượng Phòng cháy chữa cháy các cơ quan doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (Báo Hải Phòng Online 23/10)
UBND thành phố vừa có Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Phục hồi chức năng cho người khuyết tật thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia y tế giai đoạn 2012 – 2015
Mục tiêu chung của Kế hoạch hành động nhằm củng cố, phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng; tăng cường phát hiện sớm, can thiệp sớm và phòng ngừa khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật về mọi mặt để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, khuyến khích đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, góp phần giảm gánh nặng cho xã hội.
Cụ thể, đến năm 2015, có 80% người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp; 80% trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện sớm, can thiệp sớm để ngăn ngừa và điều trị phục hồi khuyết tật; 60% trẻ em khuyết tật được cải thiện chức năng, tăng cường năng lực để có thể tham gia vào học tập, tạo việc làm, có thu nhập và hòa nhập cộng đồng.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa khuyết tật; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng trong công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật; duy trì và đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi chức năng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cần thiết cho khoa phục hồi chức năng; phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa phục hồi chức năng; thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng…
UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì triển khai thực hiện Kế hoạch, đề xuất thành lập Ban quản lý dự án phục hồi chức năng cho người khuyết tật thuộc Sở Y tế; chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện các nhiệm vụ như đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến, đầu tư trang thiết bị cần thiết và dụng cụ luyện tập phục hồi chức năng cho người khuyết tật… (Lan Hương, Haiphong.gov.vn 23/10)
Ngày 25/10/1948, với chiến dịch phá tề trừ gian, tấn công đồn giặc, phát động chiến tranh du kích “đã đưa toàn thể nhân dân Thủy Nguyên đứng lên giết giặc, dân chúng phất cờ đi diễu phố, đàn bà cầm đòn gánh đi đánh Tây” (theo báo Cứu Quốc ra ngày 6/12/1948) là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ, trân trọng và tự hào.
Trong dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống quật khởi 25/10 (1948-2013), về Thủy Nguyên, đi đâu cũng gặp cờ, hoa rực rỡ xen lẫn những ánh mắt, nụ cười hân hoan, rạng rỡ. Đi giữa các làng xã, thị trấn của Thủy Nguyên có thể dễ dàng nhận thấy những thành tựu rất cụ thể của quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển nên người dân càng thêm yêu, tin tưởng và tự hào về truyền thống quê hương.
Huyện Thủy Nguyên như đang bừng sáng lên trong một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới với hàng loạt các dự án, công trình, như: Cổng chào Cầu Kiền, Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ và Công viên 25-10 ở trung tâm huyện lỵ - thị trấn Núi Đèo, Khu di tích lịch sử hồ Lâm Động; khu đô thị - công nghiệp và dịch vụ Vsip Hải Phòng; khu công nghiệp Nam Cầu Kiền; khu công nghiệp Minh Đức; khu reort và sân golf Sông Giá; cụm công nghiệp làng nghề đúc Mỹ Đồng…
Những năm vừa qua, kinh tế của huyện tăng trưởng đạt tốc độ khá cao: Giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2006-2010 đạt 16,7%/năm; năm 2012 tăng 14,2% so với năm 2011 (nông - lâm - thủy sản tăng 5,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 16,4%, dịch vụ tăng 16,7%).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng, giảm dần tỷ trọng giá trị lĩnh vực nông - lâm - thủy sản. Năm 2012 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 46,5%, dịch vụ 32,3%, nông - lâm - thủy sản chỉ còn 21,2%...
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: Toàn huyện hiện có 122 trường học (39 trường Mầm non, 38 trường Tiểu học, 36 trường THCS, 9 trường THPT - trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên), trong đó có 61 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm nhanh, chỉ còn 3,93%, tương đương 3.212 hộ (giảm 845 hộ, bằng 1,12% so với năm 2011)…
Tiếp tục mở rộng Chương trình xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn”, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo phương thức luân canh từ 3-4 vụ/năm: dưa tại Kỳ Sơn; rau tại Hợp Thành, Phục Lễ; khoai tây tại Quảng Thanh; thâm canh 4 vụ (lúa Xuân - lúa mùa cực sớm - bí xanh - su hào) ở Minh Tân…
Bí thư Huyện ủy Lê Minh Luật cho biết: Kỷ niệm 65 năm truyền thống Thủy Nguyên quật khởi 25-10 là sự kiện quan trọng, thiêng liêng. Kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, quân và dân Thủy Nguyên đã đoàn kết một lòng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trên nền tảng thành tựu của hơn 20 năm đổi mới và trong nhiệm kỳ 2006-2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định: Phấn đấu hoàn thành thắng lợi những mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủy Nguyên, cùng thành phố và cả nước hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020.
Đảng bộ huyện Thủy Nguyên quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng và của Thành ủy, gắn với tình hình cụ thể của địa phương: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội; đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; bảo đảm an ninh, quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu. Hai khâu đột phá được chọn là tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thủy Nguyên đã hoàn thiện quy hoạch và mô hình phát triển nông thôn mới theo định hướng giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và các vấn đề dân sinh bức xúc; giảm khoảng cách giàu nghèo.
Theo Chủ tịch huyện Nguyễn Trần Lanh, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19/2004 của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa XII) về xây dựng và phát triển huyện Thủy Nguyên đến năm 2020, huyện Thủy Nguyên đang phát huy tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng phát triển, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng hiện đại gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái, môi trường bền vững. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là nguồn lực gắn với tài nguyên, làng nghề, vốn, nguồn nhân lực, mở rộng liên kết văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, không gian kiến trúc của làng văn hóa. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển…
Thủy Nguyên là vùng đất cổ, có tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Núi đồi, đồng bằng và sông nước là tiềm năng để huyện khai thác, phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự. Những năm tới là chặng đường phát triển quan trọng và đầy ý nghĩa với Thủy Nguyên.
Nhìn về tương lai, triển vọng, thời cơ cũng như khó khăn, thách thức đều lớn. Với truyền thống đoàn kết nhất trí, Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên phát huy truyền thống Quật khởi 25/10, quyết tâm tạo ra thế và lực mới cho đầu tư phát triển. (An Ninh Hải Phòng Online 24/10)
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, hiện trên địa bàn huyện An Lão có 5 điểm xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ gồm: Công ty TNHH Nhật Phát, xưởng sản xuất gỗ, Bệnh viện Đa khoa An Lão, khu dân cư và nghĩa trang thị trấn An Lão.
Công ty Đa Độ đề nghị thành phố, các ngành chức năng bằng mọi biện pháp nhanh chóng xử lý dứt điểm những trường hợp xả thải, nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt sông Đa Độ, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, góp phần hạn chế suy giảm chất lượng nguồn cung cấp nước. (Báo Hải Phòng 24/10, tr3)
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 17 giờ ngày 23/10, Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật vê thanh tra” đã nhận được 4.095 bài dự thi.
Các Bộ, ngành, địa phương có số lượng bài nhiều gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thanh tra Giám sát Ngân hàng; miền Bắc có các tỉnh, thành phố: Yên Bái, Thái Bình, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai; miền Trung - Tây Nguyên có các tỉnh: Hà Tĩnh và Quảng Ngãi; miền Nam có các tỉnh: An Giang, Long An và Tiền Giang…
Nhằm khuyến khích, động viên và nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Thanh tra, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 68 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2013), Báo Thanh tra tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về thanh tra”. Dự kiến, thời gian công bố giải thưởng, trao giải được tổ chức vào ngày 14 và 15/11. (Thanh Tra 24/10, tr2)
Xóm Thượng là một phần của thôn Lô Đông (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo) bị sông Hóa chia cắt nằm tách biệt ở bên bờ huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình). Bao đời nay, hơn trăm hộ dân của xóm muốn vào xã phải qua đò.
5 năm trở lại đây, người dân chỉ biết trông chờ vào chiếc đò nhỏ cùng sự nhiệt tình chở khách sang sông miễn phí của ông lái đò Trần Văn Khương (53 tuổi). Ngày nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng, ông Khương lại bắt đầu công việc quen thuộc của mình, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa bão.
Ông Khương tâm sự: “Sau nhiều ngày trăn trở, mình là người có bằng lái tàu thuyền trên sông nước, lại được bà con nhờ cậy, tôi quyết tâm nhận chiếc đò cũ của xã rồi sửa sang lại để chở bà con đi đồng áng, chợ búa, các cháu học hành…”.
Với 60 - 70 chuyến/ngày, chiếc đò nhỏ của ông Khương cũng tiêu tốn đến 50.000 đồng tiền dầu. Rồi mỗi tháng ông lại phải đóng cho hợp tác xã 150.000 đồng tiền tu sửa thuyền. Mặc dù vậy ông vẫn chở đò miễn phí, may mắn có khách lạ đi đò, họ trả 2 - 3 nghìn đồng/lượt, ông mới có thêm chút ít bù vào tiền dầu cho mỗi chuyến đi. Biết được việc làm nghĩa tình của ông Khương, năm 2012, thành phố đã khen thưởng và Thành đoàn đã trao tặng 1 chiếc thuyền mới cùng 30 áo phao và 20 chiếc phao cho ông Khương và người dân nơi đây để những chuyến đò ông Khương chở được an toàn hơn.
Ông Khương trầm ngâm: "Tôi chỉ ao ước quê nghèo của tôi có được cây cầu nho nhỏ để bà con đỡ khổ, và cũng để bà nhà tôi không phải trông ngóng tôi hàng ngày nữa. Vì vậy mỗi lần các cháu qua đò đi học, tôi đều dặn là phải học thật giỏi để sau này về xây dựng cây cầu cho quê hương". (Bùi Hương, Danviet.vn 24/10)
Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội vừa tổ chức khám , tư vấn miễn phí các bệnh về mắt và cấp thuốc miễn phí trị giá 300.000 đồng/người cho trên 1.500 người cao tuổi phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền.
Những bệnh thông thường được tiểu phẫu ngay tại Trạm Y tế phường. Đối với các trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Mắt Trung ương chữa trị miễn phí. (Sỹ Thoại, Người Cao Tuổi 25/10, tr2)
Những đàn lợn chạy trong đêm hay những đứa trẻ con bị chôn sống là những câu chuyện mà nhiều người dân xã Tiên Tiến (huyện Tiên Lãng) rỉ tai nhau suốt mấy chục năm qua.
Đó là lời đồn đại và phỏng đoán về những “kho báu” của người Tàu và người ngày xưa đã được trấn yểm bằng “thần giữ của”, chỉ có những người hóa giải được mới có thể lấy được những của cải đó, nếu cố ý chiếm giữ thì sẽ rước họa vào thân.
Mặt khác, cả nghìn năm đô hộ nước ta nên những câu chuyện truyền miệng dị thuật vẫn còn ở nhiều nơi trên mảnh đất chúng ta sống hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người vẫn tin rằng: Nhiều nơi vẫn còn những của cải mà người Tàu cất giấu cho con cháu họ, chỉ những người trong dòng tộc mới có thể hóa giải dị thuật để lấy về.
Ông Nguyễn Văn Thời (hơn 50 tuổi, người dân thôn Rỗ, xã Tiên Tiến) nói rằng: “Tôi nghe ông bà kể lại, khi còn dưới thời Bắc thuộc, những nhà giàu có trong vùng thường hay cất giấu những của cải quý giá cho con cháu họ, đề phòng khi sau này gặp chuyện bất trắc. Hết thời kỳ đó, những địa chủ nước mình cũng áp dụng cách này để giữ của”.
Theo ông, người ta chỉ có cách là chôn giấu của cải dưới đất mới có thể để được thời gian dài. Để tránh bị đào trộm hoặc vô tình bị người khác đào thấy, những người giàu thường sử dụng “thần giữ của” để bảo vệ tài sản của mình. Một trong những lời đồn phổ biến nhất là nơi chôn giấu của cải của người thời xưa, thường có hình ảnh những đàn lợn trắng xuất hiện rồi đột ngột biến mất.
Những câu chuyện có đàn lợn trắng xuất hiện có nhiều điểm chung. Những người được nhìn thấy đàn lợn trắng chỉ biết là khu vực đó có chôn giấu của cải, nhưng không mấy ai có ý định tìm kiếm số tài sản đó vì họ nghĩ: Không ai có thể lấy của cải được canh giữ bởi “thần giữ của”.
Tuy nhiên, trả lời những lời đồn đại và những câu chuyện được người dân thêm mắm muối về “thần giữ của” và những kho báu của người xưa, ông Vũ Hồng Phương - Trưởng Ban văn hóa UBND xã Tiên Tiến khẳng định: “Không hề có chuyện đàn lợn trắng xuất hiện như lời người ta nói”.
Theo ông, những chuyện liên quan đến đàn lợn trắng chỉ là những chuyện vô căn cứ được truyền miệng lại, còn việc liên quan đến gia đình ông Bảo, tại làng Vòng chỉ là sự trùng hợp, rất có thể, do gen di truyền mà thần kinh của gia đình ông không ổn định. Ông Phương không phủ định việc người ta chôn của cải từ ngày xưa. (Hữu Bắc, Pháp Luật & Xã Hội 24/10, tr5)
Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) tổ chức định kỳ ba năm một lần.
Qua đó, nhằm tổng kết, đánh giá chất lượng nghệ thuật, hiệu quả hoạt động của các đơn vị, nhà hát. Đồng thời, đây cũng là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi những hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.
Cuộc thi năm nay có 17 đơn vị nghệ thuật chèo trên toàn quốc đăng ký tham gia với hai mươi bốn vở diễn thuộc nhiều đề tài, lĩnh vực. Đây là con số lớn nhất trong số các cuộc thi, hội diễn chèo từ trước tới nay. Chủ yếu vẫn là các vở diễn khai thác đề tài lịch sử.
Điểm đáng chú ý được xem là khởi sắc ở kỳ Liên hoan lần này là rất ít vở kịch nói “gắn mác” chèo. Đó là sự khác biệt rõ rệt so với cuộc thi năm 2009 và được giới chuyên môn đánh giá là điều đáng mừng cho bộ môn nghệ thuật chèo trong tình hình hiện nay, cho thấy sự tìm tòi, sáng tạo của các đạo diễn, nghệ sĩ đã không đi quá đà, phát triển theo xu hướng hiện đại mà vẫn bảo tồn được những chân giá trị của nghệ thuật chèo truyền thống. (Xuân Tiến, Công An Thành phố Hồ Chí Minh Online 24/10; Nguyễn Sơn, Sức Khoẻ & Đời Sống 24/10, tr10)
Nhằm chuẩn bị cho mùa giải mới, Ban lãnh đạo Câu lạc bộ V.Hải Phòng đã quyết định chọn Đà Lạt làm nơi rèn quân. Dù chưa có những chuyển biến mạnh mẽ về nhân sự, nhưng đội bóng đất Cảng đang đặt mục tiêu lớn ở mua giải tới. Mùa giải trước, dù được đầu tư mạnh mẽ nhưng V.Hải Phòng đã không thể hoàn thành mục tiêu có huy chương.
Đáng tiếc nhất là nhiều thời điểm, đội bóng đất Cảng đã nằm trong nhóm có thể cạnh tranh ngôi vô địch. Tuy nhiên, những bất đồng nội bộ đã khiến bóng đá đất Cảng đánh mất giấc mơ của mình. Để chuẩn bị cho V-League 2014, V.Hải Phòng đã tập trung trở lại tại đại bản doanh Thủy Nguyên từ giữa tháng 10.
Để xây dựng nền tảng thể lực cho đội bóng, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn và ban lãnh đạo đội bóng đã quyết định chọn Đà Lạt làm nơi rèn thể lực. Mục tiêu của ông Tuấn là sau chuyến tập huấn này, V.Hải Phòng sẽ có được một nền tảng thể lực dồi dào nhằm nuôi tham vọng lớn.
Về nhân sự, V.Hải Phòng vẫn chưa công bố những bản hợp đồng mới dù đã thể hiện sự quan tâm đến nhiều ngôi sao. Phước Tứ cũng là cầu thủ được đội bóng này nhắm tới. Có thông tin cho rằng, Bật Hiếu cũng ngỏ ý muốn được quay lại đất Cảng. Tuy nhiên, vướng mắc hiện tại là điều khoản giải phóng hợp đồng của Bật Hiếu tại Thanh Hóa rất tốn kém về tiền bạc.
Bên cạnh đó, V.Hải Phòng và trung vệ trẻ Tiến Thành vẫn chưa thống nhất được quan điểm về vấn đề gia hạn hợp đồng. V.Hải Phòng chỉ trả một số tiền lót tay khiêm tốn, trong khi Tiến Thành dù muốn ở lại quê hương nhưng muốn được đánh giá đúng năng lực của mình. (Khắc Sơn, Bongdaplus.vn 24/10)./.