Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 22/10/2014)
Sáng 21-10, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố tiếp đoàn khảo sát của Bộ Đất đai- Cơ sở hạ tầng- Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản (sau đây gọi là Bộ Giao thông – Vận tải GTVT) do ông Yonadu Masafumi, Ban Chính sách quốc tế làm trưởng đoàn, làm việc về quy hoạch phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền thông tin với đoàn những đổi mới của thành phố Hải Phòng thời gian qua có sự đóng góp rất lớn của các tổ chức, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Chủ tịch Dương Anh Điền cho rằng, giao thông phải là yếu tố dẫn dắt KT-XH thành phố nên thời gian qua Hải Phòng nỗ lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, song chưa đạt như mong muốn. Hải Phòng là đầu mối giao thông của cả vùng duyên hải Bắc bộ, là cửa ngõ chính ra biển của miền Bắc Việt Nam, nên cần có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là hệ thống giao thông công cộng yếu, xuất hiện các điểm ùn tắc giao thông, tình hình TNGT giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Chủ tịch Dương Anh Điền mong muốn Bộ GTVT Nhật Bản vận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp thành phố quy hoạch giao thông- đô thị và đề nghị giúp xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
Thay mặt đoàn công tác, ông Yonadu Masafumi đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của thành phố Hải Phòng về giao thông- đô thị. Đoàn công tác sẽ trực tiếp nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề liên quan tại Sở GTVT và Sở Xây dựng Hải Phòng để giúp Hải Phòng quy hoạch giao thông- đô thị dựa theo kinh nghiệm từ Nhật Bản. (Báo Hải Phòng Online 22/10; An ninh Hải Phòng Online 22/10; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, trong buổi làm việc, nghe tình hình triển khai thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban bí thư TW “về chức năng, nhiệm vụ, biên chế và nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện”, tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Hồng Bàng chiều 20-10.
Cùng dự có các đồng chí: Lê Văn Thành - Phó bí thư Thành ủy; Nguyễn Hữu Doãn - Ủy viên thường vụ Thành ủy, Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy; thường trực các quận, huyện ủy trên địa bàn thành phố…
Sau khi nghe Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận Hồng Bàng báo cáo điểm về tình hình thực hiện Quyết định 185, đồng chí Nguyễn Văn Thành ghi nhận những nỗ lực của Quận ủy Hồng Bàng đã quan tâm lãnh đạo, kiện toàn hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Trong 5 năm thực hiện quyết định, đã thực hiện tốt các chương trình: bồi dưỡng đảng viên mới, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, cán bộ chính quyền và đoàn thể quần chúng; học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng; sơ cấp lý luận chính trị… Cụ thể từ năm 2009 đến nay đã mở được 324 lớp cho 59.519 lượt học viên, riêng 9 tháng đầu năm 2014 mở 36 lớp cho 8.602 học viên.
Với tinh thần thẳng thắn cởi mở, các đại biểu dự họp đã có nhiều ý kiến trao đổi, phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trong việc triển khai thực hiện Quyết định 185. Trên cơ sở này, đồng chí Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong 5 năm qua, hệ thống các trung tâm bồi dưỡng chính trị đã có nhiều cố gắng, từng bước đưa hoạt động bồi dưỡng lý luận chính trị vào nề nếp và phát huy hiệu quả. Đồng chí nêu rõ những vấn đề bất cập cần phải khắc phục, yêu cầu cấp ủy các quận huyện, phối kết hợp tốt với các Ban xây dựng Đảng, rà soát đánh giá lại toàn bộ quá trình, quy trình hoạt động của các trung tâm bồi dưỡng chính trị, từ đó bám sát 5 nhiệm vụ của Quyết định 185, xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo cho phù hợp.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành chỉ đạo, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cần tập trung đổi mới phương pháp, hình thức bồi dưỡng, giảng dạy, nghiên cứu đưa các kiến thức mới vào chương trình, đặc biệt những kiến thức thực tiễn, gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố; cần tính toán, xây dựng các tiêu chí chuẩn hóa các mô hình… Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Phải hết sức chú ý đến chất lượng đội ngũ giảng viên”. (LMT, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Huyện ủy Tiên Lãng vừa tổ chức quán triệt đến các cán bộ chủ chốt của huyện về việc triển khai thực hiện kế hoạch của Ban thường vụ Huyện ủy về đại hội các chi, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 – 2020; Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 28, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Theo đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 28, nhiệm kỳ 2015 – 2020, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7/2015, với 250 đại biểu tham dự. (TK, An ninh Hải Phòng Online 22/10 Tr2)
Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo đảm số lượng, chất lượng hàng hóa, góp phần bình ổn giá cả, thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm của quận Hồng Bàng quý 4/2014. Để kích cầu tiêu dùng, quận tổ chức tốt công tác quản lý, hoạt động các chợ. Trong đó, có việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Hòa Bình; tổ chức hoạt động chợ đêm trên tuyến đường Tam Bạc, Lý Thường Kiệt. (Báo Hải Phòng 22/10 Tr3)
“Đấu trường 100" là tên gọi mà cánh xe ôm hay người dân sở tại vẫn gọi khi nhắc đến một cung đường chỉ dài chừng 300m ở khu II, Đồ Sơn, Hải Phòng. Đoạn đường tuy không dài song tập trung cả trăm nhà nghỉ với đủ các loại biển hiệu quảng cáo dịch vụ ăn nghỉ, lưu trú qua đêm.
Sở dĩ gọi tên đường là “đấu trường 100” bởi đây là khu hoạt động mại dâm rất náo nhiệt. Phòng nghỉ mà mỗi một cặp đôi tham gia mua bán dâm được gọi là một "đấu trường". Khu vực này hoạt động mại dâm nhộn nhịp nhất về đêm, cảnh tắc đường còn diễn ra thường xuyên vì đối diện bên kia là sòng bạc hoành tráng.
Theo lời V., khách đến "đấu trường 100", ngoài những người đi du lịch Đồ Sơn còn là người từ các tỉnh khác đến công tác Hải Phòng ghé qua. Nhiều nhất vẫn là thanh niên ở các huyện, tỉnh lân cận.
Ghé tai tôi, V. nói nhỏ: “Bây giờ mới bắt đầu thôi. Thức đến đêm mới thấy hết được sức hấp dẫn. Khu này tập trung nhiều em gái xinh nhất, cao nhất, trẻ nhất, trong khi giá cả cũng chỉ như các khu vực ngoài kia, tàu nhanh thì 250.000 đồng, qua đêm là 1 triệu".
"Đấu trường 100" gây choáng ngợp bởi đủ thứ ánh sáng từ những bóng đèn trang trí màu sắc xanh, đỏ, lấp lóa từ trong khách sạn san sát đổ ra đường. Tiếng nhạc công suất lớn như vỡ tan lồng ngực. Nhưng ngỡ ngàng nhất là cảnh tượng hàng trăm cô gái xinh đẹp khoác trên mình những bộ đồ khêu gợi, đi lại như mắc cửi. Tôi có cảm giác nơi này giống như một sàn diễn thời trang ngoài trời chứ không còn là chốn ăn chơi trụy lạc như những gì người ta vẫn nói!
Cảnh mời chào, níu kéo khách cũng là điều khiến khách đến đây lần đầu không khỏi ngạc nhiên. Trước mỗi nhà nghỉ hay khách sạn luôn có vài cô gái chân dài đứng "chào hàng". Kế đó là vài gã thanh niên nhanh nhảu tiếp thị: “Anh ơi, vào đây em xếp cho một em xinh tươi, biết chiều!”, “Vào đây em lấy giá mềm hơn để các anh thoải mái!". Trên đường mục sở thị "đấu trường 100", V. vanh vách kể: “Các chân dài đều có mã số theo điện thoại, chỉ cần ưng em nào, bảo lễ tân xếp phòng rồi lên đấu luôn!".
Giữa đường "tác nghiệp" với tôi, V. gặp người quen. Đó là một cô gái có nước da trắng bóc, cao dong dỏng. V. hỏi: “Thế nào, tối đến giờ mấy "cuốc" rồi?". Cô gái đáp: "Em vừa mở hàng xong, may vớ được khách "sộp" lắm anh ạ. Thấy em phục vụ nhiệt tình, "đi" xong em không yêu cầu gì nhưng ông khách "bo" cho 200 nghìn (đồng)".
Lân la hỏi chuyện, tôi được biết cô gái tên L., mới 19 tuổi và đến Đồ Sơn được vài tháng nay. L. hồn nhiên khoe: "Ở nơi khác em đi được khoảng hơn 10 khách, nhưng đến khu này có những hôm đông thì 20 đến 30 khách là chuyện bình thường anh ạ". Nói chuyện một lúc, điện thoại của L. lại đổ chuông. Cô vội chào rồi đi về phía những nhà nghỉ, khách sạn lập lòe ánh điện. (Nguyên Sơn, Người đưa tin Online 21/10)
16h ngày 12-1-2014, tại nhà Nguyễn Văn Ngọc, sinh 1986, ở thôn Giữa, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, tổ công tác của Đội CSĐT tội phạm ma túy - CAH kết hợp với CAX Quảng Thanh bắt quả tang Ngọc bán ma túy cho Trần Văn Phúc, sinh 1995, ở thôn Hạ Côi, xã Kỳ Sơn và Lê Văn Thành, sinh 1991, ở thôn 2, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên. Công an thu giữ của Phúc 1 túi nilon chứa 2,1679 gam cần sa thực vật, thu của Ngọc 850 nghìn đồng. Khám xét nơi ở của Ngọc, cơ quan điều tra thu giữ trong tủ quần áo 1 túi cần sa (1,2745 gam).
Quá trình điều tra, Ngọc khai chiều 12-1-2014, Phúc và Thành đến nhà Ngọc chơi. Sau khi nói chuyện và hút thuốc lào được một lúc thì về. Ngọc không biết túi nilon chứa cần sa khô trong người Phúc và trong tủ quần áo nhà Ngọc từ đâu mà có?! Và Ngọc cũng chưa từng bán cần sa cho Thành và Phúc.
Tuy nhiên, căn cứ tài liệu thu thập được, đã có đủ cơ sở xác định: Do biết Nguyễn Văn Ngọc có bán cần sa nên chiều 12-1-2014, Lê Văn Thành và Trần Văn Phúc rủ nhau đến mua về sử dụng. Đến nơi, Phúc trực tiếp mua 1 túi cần sa với giá 150 nghìn đồng. Ngọc nhận tiền rồi đưa cho Phúc 1 túi cần sa. Khi Phúc và Thành vừa ra khỏi nhà Ngọc thì bị lực lượng công an bắt giữ cùng vật chứng. Việc trao đổi mua bán cần sa giữa Ngọc và Phúc, có Thành và vợ Ngọc là Trần Thị Dung biết.
Trong vụ án này, Phúc khai đã nhiều lần đến mua cần sa của Ngọc về sử dụng nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. Thành cũng khai trước đó đã 2 lần đến nhà Ngọc mua cần sa, mỗi lần 1 túi với giá 150 nghìn đồng. Còn Ngọc, tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa được mở vào ngày 19-9-2014 vẫn quanh co chối tội. Mặc dù Ngọc không thừa nhận hành vi bán cần sa cho Phúc và Thành nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đủ căn cứ kết luận: Ngày 12-1-2014, Ngọc đã bán cho Phúc và Thành 1 gói cần sa, tổng trọng lượng cần sa thu giữ được trong vụ án là 3,4424 gam; hành vi đó đã cấu thành tội phạm.
Do không thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội nên bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Ngọc có mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi và có bố đẻ là bộ đội xuất ngũ nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Áp dụng khoản 1 và khoản 5 điều 194-BLHS, TAND huyện Thủy Nguyên đã tuyên phạt Nguyễn Văn Ngọc 30 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; phạt tiền bị cáo 5 triệu đồng sung quỹ nhà nước. (NP, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Công an huyện Kiến Thụy vừa bắt giữ Nguyễn Văn Long, sinh 1959, ở thôn Đại Trà, xã Đông Phương, Kiến Thụy, theo Quyết định truy nã số 02, ngày 26-2-2014 của Công an quận Dương Kinh, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào ngày 11-12-2013, Công an quận Dương Kinh nhận được đơn trình báo của 5 người dân ở tổ dân phố Thủy Giang, phường Hải Thành, Dương Kinh gồm các chị: Lê Thị Huệ, sinh 1975; Nguyễn Thị Hương, sinh 1972; Đỗ Thị Mơ, sinh 1985; Lê Thị Lan, sinh 1978 và anh Lê Văn Cành, sinh 1971, về việc Nguyễn Văn Long lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công an quận Dương Kinh đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ và làm rõ: Nguyễn Văn Long từng có 2 tiền án và 1 tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Sau khi chấp hành các bản án phạt tù, Long lang thang ở nhiều nơi, giở trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản lấy tiền ăn tiêu.
Cụ thể, ngày 11-10-2013, Long đến nhà người quen là ông Nguyễn Văn Uông, sinh 1948, ở tổ dân phố Thủy Giang, phường Hải Thành. Tại đây, Long giới thiệu “đang làm việc tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố”, do đó có khả năng giúp vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp. Nghe vậy, ông Uông giới thiệu Long với chị Lê Thị Huệ.
Tại nhà chị Huệ, khi nghe Long giới thiệu có thể giúp vay vốn, chị Huệ gọi thêm một số người thân là các chị Lê Thị Lan, Đỗ Thị Mơ và Nguyễn Thị Hương đến cùng nhờ một thể. Long vui vẻ nhận lời và đặt điều kiện mỗi hộ chỉ được vay 300 triệu đồng, nhưng phải đưa trước cho Long 10 triệu đồng để “nộp lệ phí” và bồi dưỡng, kèm theo sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân.
Sau khi mọi người cùng đồng ý, Long đã nhận của 4 gia đình trên 35 triệu đồng cùng 4 chứng minh nhân dân và 4 sổ hộ khẩu. Tiếp đó, anh Lê Văn Cành cũng nhờ Long vay vốn giúp. Anh Cành giao cho Long 19 triệu đồng, 1 sổ hộ khẩu và 1 chứng minh nhân dân với hy vọng Long sẽ vay giúp 600 triệu đồng.
Ngày 13-10-2013, Long quay lại nhà chị Huệ, trả toàn bộ sổ hộ khẩu cùng chứng minh nhân dân đã nhận của các hộ, đồng thời tuyên bố đã hoàn tất thủ tục vay vốn. Long hẹn mọi người chờ thêm 2 đến 3 ngày nữa, khi nào gọi thì đến nhận tiền. Tuy nhiên qua ngày hẹn mà không thấy tin tức gì của Long, mọi người mới giật mình kéo nhau đi tìm "cán bộ" Long thì mới ngã ngửa khi biết Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng không có cán bộ nào là Nguyễn Văn Long. Sau nhiều ngày săn lùng, cuối cùng anh Lê Văn Cành túm được Long thì hắn chỉ trả được hơn 16 triệu đồng. Số tiền còn lại của anh Cành và các gia đình khác, Long hứa sẽ hoàn trả toàn bộ, nhưng sau đó bỏ trốn.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 24-2-2014, Công an quận Dương Kinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ngày 26-2-2014, ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn Long về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Long thú nhận đã giả danh “cán bộ của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố”, lừa giúp vay vốn với lãi suất thấp để chiếm đoạt tài sản của các gia đình trên.
Công an quận Dương Kinh vừa kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ đến VKSND cùng cấp đề nghị truy tố kẻ lừa đảo này trước pháp luật. (KĐ, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Mặc dù không tham gia đánh nhau nhưng với vai trò đồng phạm, Phạm Anh Tuấn, sinh 1979, ở 96/262 Trần Nguyên Hãn, Lê Chân, vẫn bị HĐXX sơ thẩm TAND TP Hải Phòng xét xử về tội Cố ý gây thương tích.
Theo cáo trạng, 19h30 ngày 12-5-2010, Phạm Anh Tuấn được Đào Văn Thắng rủ đi giải quyết mâu thuẫn trong việc nợ tiền giữa Thắng với Lương Ngọc Anh và Vũ Minh Đức. Tuấn rủ thêm Bùi Trọng Tiến sang An Đồng, An Dương gặp Thắng cùng một số người đang ở đó gồm Nguyễn Như Hiệp, Trịnh Văn Dương, Nguyễn Đức Hùng, Phạm Khánh Duy và một số thanh niên chưa xác định rõ lai lịch. Thắng cũng chỉ đạo cả nhóm đi đòi tiền của Đức, nếu không đòi được thì đánh. Đồng thời Thắng cũng lấy một túi “đồ nghề” trong cốp xe ô tô để xuống đường, mỗi người cầm một thanh kiếm hoặc dao phạt rừng. Khi đi Tuấn chở Tiến cầm theo 1 thanh kiếm dài.
Cả nhóm đi đến đường Tôn Đức Thắng, xã An Đồng thì gặp Vũ Minh Đức và Lương Ngọc Anh. Hai bên lời qua tiếng lại rồi cãi nhau, Đức và Ngọc Anh rút súng bắn 2, 3 phát về phía nhóm Thắng nhưng không ai trúng đạn. Sau đó cả nhóm của Thắng cầm hung khí đuổi đánh Đức và Ngọc Anh. Thắng dùng súng colt bắn vào chân làm Ngọc Anh bị ngã ra vỉa hè. Đúng lúc này, Tiến và 3, 4 thanh niên lao vào dùng dao kiếm chém Ngọc Anh, còn Đức chạy dưới lòng đường thì bị một số thanh niên khác dùng dao, kiếm chém. Đức rút súng bắn lại vài phát nhưng không ai trúng đạn.
Sau khi phạm tội, Hiệp chở Thắng, Tuấn chở Tiến cùng đồng bọn bỏ chạy, Đức và Ngọc Anh được quần chúng nhân dân đưa đi bệnh viện cấp cứu, thương tích khiến Ngọc Anh bị giảm 29% sức lao động.
Từ tháng 3-2011 đến tháng 9-2013, TAND TP lần lượt xử phạt Bùi Trọng Tiến 15 tháng tù, Đào Văn Thắng 36 tháng tù và Nguyễn Như Hiệp 24 tháng tù treo về cùng tội Cố ý gây thương tích. Về phần Phạm Anh Tuấn sau khi phạm tội đã bỏ trốn, song do biết không tránh được sự truy lùng ráo riết của lực lượng công an nên đến ngày 27-2-2014 đã ra đầu thú. Tại cơ quan điều tra, Tuấn thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Vừa qua, sau khi xem xét tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra và kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt Phạm Anh Tuấn 18 tháng tù giam về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS. (Thu Ninh, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Do nghiện và không có việc làm nên từ cuối tháng 5-2014, Bùi Xuân Toàn, sinh 1989, ở xóm Trại, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, đã mua ma túy về chia thành các túi nhỏ để bán lại cho những người nghiện kiếm lời.
Ngày 2-6-2014, Toàn đến khu vực cầu Xưa thuộc xã An Lư mua của một người không quen biết 4 triệu đồng được 1 túi ma túy đá và 1 cục heroin, mang về nhà chia thành nhiều gói nhỏ. 14h ngày 4-6, Toàn đang ở nhà thì nhận được điện thoại của một người hỏi mua 1 gam ma túy đá và 1 túi ma túy loại 500 nghìn đồng. Hôm trước Toàn cũng đã bán 1 gói ma túy đá giá 300 nghìn đồng cho một đối tượng tại khu vực ngã ba Đồng Môn thuộc xã Thủy Đường. Lần này vớ được món khách sộp, Toàn hí hửng giao dịch với khách. Hai bên thỏa thuận sẽ mua bán với giá 1,7 triệu đồng và hẹn gặp nhau tại khu vực ngã ba Đồng Môn để giao nhận tiền - "hàng".
Sau đó, Toàn lấy ma túy cất giấu trong người, điều khiển xe máy đến chỗ hẹn. Đang lúc Toàn ngáo ngơ tìm khách thì lực lượng công an phát hiện điệu bộ khả nghi đã kiểm tra, thu 2 túi nilon chứa ma túy đá (nặng 1,27 gam). Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Toàn, cơ quan điều tra đã thu 1 cục heroin (nặng 0,05 gam) tại phòng thờ, 2 túi nilon chứa ma túy đá (nặng 5,16 gam) trong phòng ngủ của Toàn; đều có thành phần methamphetamine.
Ngày 30-9-2014, TAND huyện Thủy Nguyên đưa vụ án ra xét xử đã tuyên phạt Bùi Xuân Toàn 42 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 1 điều 194-BLHS; phạt tiền bị cáo 5 triệu đồng sung quỹ nhà nước… (NP, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Theo báo cáo của Công an tỉnh Hải Dương và sở GTVT Hải Dương, đoàn 20 xe của công ty TNHH TM vận tải Trung Thành (trụ sở ở quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) đã vi phạm nghiêm trọng luật Giao thông trên quốc lộ 5 và ngang nhiên chống người thi hành công vụ vào đêm 13/9/2014.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Công an lập chuyên án điều tra làm rõ cơ quan bảo kê cho công ty TNHH Trung Thành. Hài hước là, ngay sau đó, chính đơn vị này lại có văn bản xin lỗi vì "kiến nghị chỉ vì bức xúc"(!).
Lái xe chống đối lực lượng chức năng?
Theo nội dung báo cáo số 2071/BC- CAT-SGTVT của Công an tỉnh Hải Dương và sở GTVT Hải Dương, vào hồi 0h15 ngày 13/9, cơ quan chức năng nhận được tin đoàn xe 20 chiếc của công ty Trung Thành (địa chỉ 57Km5 Lâm Sản, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) có dấu hiệu chở hàng quá tải. Các xe này tụ tập gần khu vực thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương (Km72 trên Quốc lộ 5), đỗ liền nhau theo chiều Hải Phòng đi Hà Nội để đồng loạt vượt qua trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đặt tại Km58+400 Quốc lộ 5. Khi lực lượng chức năng tới địa điểm trên, yêu cầu các lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra, các lái xe đã không chấp hành mà nổ máy bỏ chạy.
Các lực lượng đã tiến hành truy đuổi. Xe đi đầu mang BKS 15C-07242 liên tục chèn ép xe ô tô công vụ của các lực lượng không cho vượt lên. Đến Km32 Quốc lộ 5 (thuộc địa phận xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), sau gần 25km truy đuổi, xe của lực lượng chức năng vượt lên dừng được 5 xe và yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng chỉ có xe đi đầu xuất trình được đăng kiểm và đăng ký xe - bản phô tô có chứng nhận của ngân hàng.
Các lái xe còn lại ngồi trên xe cố thủ, hoặc khóa cửa bỏ lại xe. Lúc này, xuất hiện một số đối tượng tự xưng là chủ phương tiện, trong đó đối tượng tên Cường đã chỉ đạo các lái xe của công ty Trung Thành cứ điều khiển xe bỏ chạy kể cả đâm vào các lực lượng chức năng đang đứng ở đầu xe.
Công an tỉnh Hải Dương đã phải huy động trên 50 cán bộ, chiến sỹ cơ động, giao thông đến hiện trường hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Đến khoảng 3h30 ngày 13/9, các lực lượng đã giải tỏa xong ùn tắc đồng thời cưỡng chế đưa 2 xe còn lại của công ty Trung Thành về trạm cân để kiểm tra tải trọng. Kết quả kiểm tra cả hai xe đều chở hàng quá tải (có xe quá tải trên 180%)... Riêng xe đi đầu bỏ chạy (BKS 15C-07242) bị tạm giữ giấy tờ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Công an tỉnh Hải Dương và Sở GTVT Hải Dương đề nghị với Bộ GTVT rút giấy phép kinh doanh của công ty Trung Thành. Hai đơn vị này cũng đề nghị bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối. Sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, sẽ thanh tra công ty Trung Thành vào ngày 17/10.
Hài hước trong việc thanh tra và xử lý vi phạm
Ngày 9/10, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản số 080/HHVT-TV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Công an lập chuyên án điều tra làm rõ cơ quan bảo kê cho công ty TNHH Trung Thành (Hải Phòng). Theo VATA, sau khi tìm hiểu thực tế, theo phản ảnh của các đơn vị vận tải hàng hóa tại Hải Phòng, VATA xác định công ty Trung Thành hoạt động vận tải cạnh tranh không lành mạnh, coi thường các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ trên đường, thường xuyên chở quá tải, tổ chức chống đối các lực lượng thực thi pháp luật. Phía VATA cũng cho biết, công ty Trung Thành lộng hành như vậy là do có sự bảo kê từ các cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP. Hải Phòng.
Một tuần sau, VATA có văn bản số 082/HHVT-TV V/v Đính chính văn bản số 080/HHVT-TV với nội dung: "Xin lỗi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan" do hậu quả của văn bản 080/HHVT-TV gây ra. Theo đó, VATA trần tình: "Do bức xúc với vấn nạn xe quá tải gây mất trật tự an ninh, mất an toàn giao thông và phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ, khi nhận được văn bản số 12188/BGTVT-VT ngày 29/9/2014 của bộ GTVT tải đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng xử lý vi phạm của công ty TNHH vận tải Trung Thành - Hải Phòng. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản số 080/HHVT-TV ngày 09/10/2014 về việc xử lý xe quá tải. Tuy nhiên, do chưa tìm hiểu đầy đủ thực tế và dư luận nên văn bản số 080/HHVT-TV có những điểm chưa chính xác...".
Trao đổi với PV, ông Lê Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH TM vận tải Trung Thành cho biết: "VATA đã vi phạm tiêu chí hoạt động của Hiệp hội là bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Quy trình làm việc của VATA cũng không tiếp xúc với thực tế, đưa ra một văn bản có tính chất quy chụp mang tính buộc tội. Hậu quả của văn bản 080 là rất lớn với doanh nghiệp. Đầu tiên là nội bộ lộn xộn, nháo nhác, khách hàng nghi ngại.
Đối tác nghĩ mình có sai phạm nên bị thanh tra và sẽ bị xử lý nên họ tìm đối tác khác; ngân hàng đến làm việc vì nghi ngại doanh nghiệp bị ảnh hưởng xấu. Đặc biệt, ảnh hưởng tới lực lượng Công an TP. Hải Phòng. Chúng tôi có đầy đủ chứng cứ để chứng minh Công an TP. Hải Phòng không thể bảo kê cho doanh nghiệp chúng tôi. Hiện tại hàng hóa của công ty đều qua cảng Quảng Ninh, chúng tôi bốc hàng qua xà lan, thực hiện vận chuyển qua cảng nội địa ở Hải Dương và một số tỉnh khác. Hàng của chúng tôi không vận chuyển qua khu vực Hải Phòng. Những vi phạm liên quan không tránh khỏi đều xảy ra ở Hải Dương và các tỉnh khác mà không vi phạm ở Hải Phòng. Chiều 16/10, chúng tôi đã có Đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, bộ Công an, bộ GTVT".
Giải thích về nội dung báo cáo số 2071/BC- CAT-SGTVT của Công an tỉnh Hải Dương và sở GTVT Hải Dương có đề cập về những sai phạm nghiêm trọng của đoàn xe của công ty Trung Thành đêm 13/9, ông Lê Thành Trung cho biết: "Trong đoàn xe hôm đó chỉ có 5 xe của công ty Trung Thành. Lúc đó là ban đêm, các xe đỗ bên đường cùng nhau. Xe của thanh tra đi đến nơi là lúc anh em xuất phát. Đêm, anh em chạy nhanh, xe của thanh tra lại không có tín hiệu ưu tiên như xe của CSGT nên lái xe không biết. Công ty Trung Thành không có lái xe nào tên Cường. Trong 5 xe vi phạm của công ty Trung Thành, có 2 xe vi phạm về tải trọng. Công ty đã họp xử lý lái xe chống đối người thi hành công vụ với hình thức cho thôi việc. Hai lái xe của xe quá tải cũng bị xử lý nghiêm". (Đặng Tuyền, Đời sống & Pháp luật Online 22/10)
Ngày 20-10, UBND thành phố tổ chức hội thảo lần 2 về “Báo cáo Kế hoạch xây dựng đô thị Hải Phòng giảm thiểu các-bon, hướng tới thành phố Cảng xanh”. Đồng chí Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố và ông Kengo ISHIDA, Giám đốc điều hành Trung tâm giảm thiểu khí các-bon châu Á, Cục Môi trường Kitakyushu đồng chủ trì hội thảo.
Trong khuôn khổ dự án hợp tác với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ, hội thảo nhằm thu thập các ý kiến, đề xuất giải pháp, huy động nguồn vốn thực hiện kế hoạch xây dựng đô thị Hải Phòng giảm thiểu các-bon.
Tại hội thảo, những vấn đề quan trọng được thảo luận, tập trung đề cập 7 lĩnh vực lớn về: xử lý rác thải, năng lượng, giao thông, giữ gìn môi trường đảo Cát Bà; cấp nước, thoát nước, thoát nước thải, nước mưa và sản xuất sạch... và triển khai các dự án thí điểm trong từng lĩnh vực. Đây cũng là những vấn đề thành phố Hải Phòng quan tâm và chú trọng thực hiện.
Hải Phòng - đô thị lớn thứ ba của Việt Nam, là đô thị cảng lớn nhất miền Bắc. Bộ Chính trị có Kết luận số 72- KL/TƯ chỉ đạo xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng xanh. Với sự hỗ trợ của thành phố Kitakyushu, quy hoạch tăng trưởng xanh, cùng kế hoạch hành động được xác lập. Theo đó, định hướng cơ bản tập trung xử lý rác thải theo hướng xây dựng xã hội xử lý thích hợp rác thải và tái sử dụng làm tài nguyên; quản lý năng lượng hiệu quả và thúc đẩy sử dụng đa dạng năng lượng xanh; xây dựng hệ thống giao thông công cộng ít các-bon; thúc đẩy bảo vệ môi trường và du lịch sinh thái đảo Cát Bà; cấp nước an toàn, bảo đảm năng lực thoát nước, xây dựng môi trường sống chất lượng cao, bảo tồn môi trường tự nhiên, hướng tới giảm thiểu khí các-bon nhờ nâng cao khả năng sản xuất và đổi mới công nghệ.
Phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại nhất trí với đề xuất của đơn vị tư vấn Kitakyushu, đồng thời đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện dự thảo theo đúng kế hoạch. (Báo Hải Phòng Online 22/10)
12. Sở GD-ĐT chấn chỉnh lạm thu tại các cơ sở giáo dục
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT vừa có công văn số 1002/SGDĐT-TTr triển khai tới các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu Thanh tra Sở GD-ĐT, Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi theo đúng quy định hiện hành; yêu cầu các trường học tuyệt đối không được thu các loại phí phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: Chi phí công tác dạy học, khen thưởng cho giáo viên, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tiền bảo vệ trường; không được thu tiền để chăm sóc cây cảnh, tiền làm vệ sinh lớp, vệ sinh trường, tiền lao động đối với học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. Các trường phải hướng dẫn học sinh làm vệ sinh, lao động để rèn luyện kỹ năng sống và ý thức lao động; nếu đã thu thì phải trả lại cho học sinh.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh của tất cả các trường, các cơ sở giáo dục hoạt động đúng theo Thông tư 55/2011/TT-BGD-ĐT ngày 22-11-2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Công văn số 783/HD-SGD-ĐT-TTr ngày 19-9-2013 của Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện.
Nghiêm cấm Hiệu trưởng các nhà trường, thủ trưởng các cơ sở giáo dục lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh thu góp trái quy định, ép học sinh may (mua) đồng phục trái quy định, mua bảo hiểm toàn diện, mua sách vở và các tài liệu tham khảo. Các đơn vị, trường học được phép vận động đóng góp tự nguyện để sửa chữa hoặc mua sắm trang thiết bị theo nguyên tắc phải có hạch toán chi tiết, không ép buộc, không bình quân mức đóng góp.
Các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến học sinh như Bảo hiểm thân thể (là bảo hiểm tự nguyện) không được đưa vào khoản thu của nhà trường, không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu. Với các loại quỹ Đoàn, Đội, Hội chữ thập đỏ thu theo quy định và có sự phối hợp, kiểm tra giám sát của lãnh đạo các đơn vị, trường học.
Các nhà trường, cơ sở giáo dục tổ chức dạy thêm, học thêm đúng văn bản hiện hành. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ có yếu tố người nước ngoài trong các nhà trường phải được tổ chức, quản lý theo đúng quy định, không ép buộc học sinh, không xếp thời khóa biểu học các tiết này vào thời khóa biểu chính khóa, mức thu học phí phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và phải có đánh giá hiệu quả việc dạy và học. (PV, An ninh Hải Phòng Online 21/10; Báo Hải Phòng 22/10 Tr1)
Khu 3A Sài Gòn hay Area21 Hải Phòng ra đời đã làm cho những người yêu thích không gian sáng tạo cảm thấy phần nào nguôi ngoai sau sự việc Zone 9 phải đóng cửa.
Sau 10 tháng đóng cửa, nhiều chủ cửa hàng cà phê, quán ăn… đầu tư vào Zone 9 trên mặt bằng của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (Hà Nội) chắc hẳn vẫn chưa thể lấy lại giá trị đã mất tại đây. Tọa lạc trên khu đất rộng hơn 11 nghìn m2, Zone 9 từng rất nhanh chóng trở thành nơi vui chơi, giải trí của nhiều người trẻ Thủ đô, nhưng cũng nhanh chóng phải đóng cửa vào cuối năm 2013, sau một sự cố hỏa hoạn đáng tiếc làm 6 người thiệt mạng.
Nhưng, mô hình kinh doanh đầy sáng tạo của Zone 9 không mất đi cùng sự cố đáng tiếc nói trên. Ngày 6/4/2014, một không gian nghệ thuật mới, mang tính ứng dụng cao chính thức được mở cửa giới thiệu với công chúng tại TP. Hồ Chí Minh, mang tên khu 3A.
Lấy cảm hứng từ những khu nghệ thuật đương đại trong trào lưu quốc tế, khu nghệ thuật đương đại ứng dụng 3A, dự án do Công ty TNHH MTV Mân Nghi khởi xướng và thực hiện, được xây dựng trên khuôn viên gần 2 nghìn m2, nằm ngay trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Sau đó 5 tháng, khu Area21 Hải Phòng ra đời vào ngày 6/9/2014, được thiết kế trên không gian khu tập thể cũ với mong muốn lưu giữ lại những kỷ niệm tinh thần trong khu tập thể này.
Có thể nói khu 3A Sài Gòn hay Area21 Hải Phòng ra đời đã làm cho những người yêu thích không gian sáng tạo cảm thấy phần nào nguôi ngoai sau sự việc Zone 9 phải đóng cửa. Thậm chí, nêu chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ông Bùi Hoài Sơn, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) cho rằng, ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam sẽ trở thành sức mạnh mềm, hay sức mạnh tổng hợp của quốc gia, không thể chậm trễ phát triển hơn nữa so với các quốc gia trên thế giới.
Ông Michael Waibel, Đại học Humburg (Đức) cũng cho rằng, Hà Nội được đánh giá là có tiềm năng nhưng chưa được khai thác đầy đủ trong việc thúc đẩy tiềm năng xây dựng không gian sáng tạo. Và Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên cần xây dựng, phát triển một khung quản lý, đi xa hơn nữa là cấp chứng nhận cho các trung tâm sáng tạo.
Bên cạnh đó, rất nhiều thách thức khác đang đặt ra, khi không ít người vẫn nhìn những không gian sáng tạo này với ánh mắt ngại ngần. Bởi không thể phủ nhận rằng trung tâm sáng tạo có thể làm ra nhiều việc làm mới, phát triển kinh tế nhưng tương lai không cao do có thể nhanh chóng trở nên không còn lạ lẫm và bị cạnh tranh mạnh bởi các mô hình mới. Đồng thời, những nơi này vẫn còn rình rập nguy hiểm do được thiết kế từ những không gian cũ và kịch bản Zone 9 một lần nữa có thể xảy ra.
Bà Trương Uyên Ly, chuyên gia tư vấn truyền thông cho rằng, Zone 9 là tổ hợp quy tụ của 64 DN với hơn 1.000 nhân viên, nhưng sau thời gian ra đời, phát triển và thu hút quan tâm của khách hàng thì nó lại bị đóng một cách đáng tiếc. Đây chính là việc trả giá cho sự non nớt, yếu kém trong quản lý của nó. Zone 9 tạo ra giấc mơ, cơ hội cùng nhau sáng tạo nhưng lại không giải quyết được thách thức từ khâu tổ chức.
Ông Đoàn Kỳ Thanh, kiến trúc sư dự án thành phố sáng tạo, người từng thiết kế Zone 9 và X98 cũng thừa nhận, sản phẩm sáng tạo không chỉ một ngành nghề mà nó là sự kết hợp, cộng hưởng giữa âm nhạc, thiết kế, độ mở không gian... Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn tìm kiếm các mặt bằng có đủ không gian sáng tạo.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) chia sẻ: “Tôi có cảm nhận rằng một số cơ quan địa phương vẫn còn lúng túng trong việc hoạch định chính sách văn hóa riêng cho thành phố của mình, chưa nói đến việc họ sẽ lắng nghe tiếng nói của DN văn hóa nói chung và người làm sáng tạo nói riêng”. (Tú An, Thời báo Ngân hàng Online 22/10)
Tháng 9, giá trị sản xuất công nghiệp do quận quản lý đạt 22 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện trong 9 tháng đạt 201 tỷ đồng, bằng 72,04% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn, 3 tháng cuối năm, quận tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhất là về mặt bằng và vốn; phối hợp với các sở, ban, ngành làm tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các làng nghề TTCN phát triển; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. (Báo Hải Phòng Online 21/10; Đại biểu nhân dân 21/10)
10 tháng qua, huyện Kiến Thụy tổ chức đấu giá thành công 112 lô đất với diện tích 15.278 m2, thu được gần 25 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch năm, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2013.
Tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất chậm do nguồn kinh phí phục vụ hoạt động này hạn chế, các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất còn thấp, số tiền đấu giá tăng so với giá khởi điểm không cao. Từ nay đến cuối năm, huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thành phố, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thu tiền sử dụng đất, tổ chức cấp đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng, thực hiện tốt công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn theo kế hoạch năm 2014 và xây dựng kế hoạch năm 2015. (Báo Hải Phòng Online 22/10)
Theo thông lệ, khi tháng Ngâu kết thúc cũng là chấm dứt mùa mưa, khởi đầu thuận lợi cho nhu cầu xây dựng. Nhưng năm nay, dù đã chớm tháng 11, cơn "bĩ cực" của thị trường vật liệu vẫn kéo dài, thậm chí chìm sâu vào thê thảm.
Vật liệu thô "cầm cự"…
Khảo sát tại một số đầu mối kinh doanh vật liệu xây dựng thô trên thị trường thành phố, giá bán lẻ của xi măng từ 1,4 triệu đồng đến 1,42 triệu đồng/tấn tùy theo thương hiệu; thép cuộn 15,8 triệu đồng và thép cây 16 triệu đồng/tấn… Với mức giá này thì vật liệu xây dựng thô cơ bản ngang giá với mùa mưa và thấp hơn cùng kỳ năm 2013. Một số mặt hàng tăng giá như cát vàng, đá bê tông với mức khoảng 10%, nhưng không phải vì lý do tiêu thụ tốt.
Ông T. - một chủ bến bãi ở quận Dương Kinh cho biết, tình trạng vật liệu thô tiêu thụ yếu đã kéo dài mấy năm nay, nhưng so với những năm trước, mức tiêu thụ năm nay giảm mạnh hơn. Bình quân mỗi ngày, bãi vật liệu của ông T. chỉ xuất được gần 3 chục mét khối cát vàng, hơn chục mét khối đá, khoảng 20 chục xe cát san lấp và vài vạn viên gạch xây. Ông T. than thở: “Cách đây 5 năm, mức tiêu thụ được 10 phần, thì bây giờ không nổi hai phần, đã thế lại bán chịu nhiều…”.
Về nguyên nhân giá cát, đá, cọc tre tăng những ngày qua, trong khi xi măng, sắt thép cơ bản ổn định, ông T. cho biết, giá xi măng, sắt thép ổn định vì nằm trong danh mục điều chỉnh của chính sách, riêng cát đá ngoài tác động của thị trường còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện khác.
Chẳng hạn hiện nay, do việc khai thác các mỏ đá tại Hải Phòng đang được thắt chặt nên một lượng lớn đá và cát phải chuyển từ địa phương khác, chủ yếu theo đường sông. Vào mùa khô, nước thượng nguồn cạn nên việc vận chuyển khó khăn hơn do phải lựa theo thủy triều, thời gian vận chuyển kéo dài, đội thêm chí phí.
Tuy nhiên, cũng theo ông T., so với thời điểm đỉnh thì giá vật liệu thô còn kém rất xa, ví dụ lúc cao nhất, giá thép đã từng lên tới 21,5 triệu đồng/tấn, cát xây dựng 400.000 đồng/m3, gạch xây 1.700 đồng/viên… Còn hiện giá cát vàng dù tăng cũng mới khoảng 300 nghìn đồng/m3, đá bê tông 330 nghìn đồng/m3, gạch xây loại đẹp khoảng 1.300 đồng/viên… Với mức giá này, nhà cung cấp miễn phí vận chuyển trong bán kính 10km.
Hàng nội thất cũng ngậm ngùi
Trên đây là khái quát diễn biến của thị trường nguyên vật liệu cho xây dựng, còn thị trường liên quan với những sản phẩm công nghệ thì sao? Chị D. - nhân viên bán hàng tại một đại lý sơn trên đường Ngô Gia Tự cho biết, việc tiêu thụ sơn hiện rất chậm, có bán được cũng chủ yếu là loại rẻ tiền. So với năm trước, giá sơn tăng khoảng 5% nhưng là tích hợp các đợt tăng nhẹ từ đầu năm, còn kể từ đầu vụ giá sơn vẫn ổn định.
Theo bảng giá tham khảo của cửa hàng này, một số loại sơn được niêm yết như sau: với loại thùng 18 lít, Maxilite trong nhà 680.000 đồng/thùng, Maxilite ngoài trời 870.000 đồng/thùng, Kova chống nóng 1,55 triệu đồng/thùng, Kova chống thấm 1,8 triệu đồng/thùng, Dulux chống kiềm 1,55 triệu đồng/thùng… Còn sơn dầu Dulux 310.000 đồng/thùng 3 lít, loại in mờ 5 trong 1 giá 620.000 đồng/thùng 5 lít…
Tại các đường Tô Hiệu, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm - nơi tập trung nhiều cửa hàng nội thất xây dựng lớn của thành phố, giá các mặt hàng đều tăng nhưng dường như khó để so sánh cụ thể. Ông N. - Giám đốc Cty kinh doanh nội thất BN trên đường Tô Hiệu than thở: “Giá đầu vào thì tăng nhưng việc tiêu thụ đầu ra rất chậm, chủ yếu là bán lẻ…”.
Trong đó mặt hàng gạch lát tạm coi là ổn định, còn sứ vệ sinh, đèn trang trí chỉ bán được đồ rẻ. Theo tính toán của ông Ngọc thì giai đoạn này, doanh thu chỉ cần đạt được mấy tiêu chí: chi trả lãi suất ngân hàng, chi phí bán hàng, vận chuyển…, còn lợi nhuận không được bao nhiêu. Tình trạng này cũng lan sang cả các cửa hàng bán đồ cao cấp cho xây dựng khác như đồ gỗ, đồ phong thủy, thiết bị điện, nhôm, kính, ống nhựa…
Từ kết quả khảo sát trên thấy rõ, thị trường vật liệu xây dựng vẫn "ì ạch" do thị trường bất động sản còn đóng băng, đầu tư công tiếp tục được thắt chặt, kinh tế dân sinh chưa có nhiều cải thiện… Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm thì hiện một trong những nguyên nhân tác động đến lĩnh vực này là nhiều gia đình “kiêng” nhuận hai tháng 9 âm lịch nên chưa dám động thổ xây nhà. Rất có thể, tình hình thị trường vật liệu xây dựng sẽ thay đổi theo hướng tích cực vào những tháng cuối năm. (Lê Minh, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
17. Hội thảo "chương trình hỗ trợ cho dự án cơ chế tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản"
Chiều 21-10, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, các sở Công thương, Ngoại vụ phối hợp cùng chính quyền thành phố Kitakyushu tổ chức hội thảo “Chương trình hỗ trợ cho dự án cơ chế tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Tham dự hội thảo có đại diện Trung tâm giảm thiểu Các-bon Châu Á Kitakyushu; Viện nghiên cứu quản lý dữ liệu NTT; Trường đại học Kitakyushu; các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản; doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, đại diện Viện nghiên cứu quản lý dữ liệu NTT và các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu khái quát về cơ chế tín chỉ chung (JMC); chương trình hỗ trợ dự án JMC; sản phẩm lò nung điện của công ty TNHH Fuji Electric Việt Nam và công ty CP Taichiku Nhật Bản. Theo đó, cơ chế tín chỉ chung là phương pháp tiếp cận mới được đề xuất bởi Nhật Bản, còn gọi là cơ chế tín chỉ bù trừ song phương. Phía Nhật Bản sẽ cung cấp tài chính, công nghệ để thực hiện các dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đối tác. Các dự án này được thực hiện chuyển đổi thành tín chỉ các –bon và Nhật Bản có thể sử dụng tín chỉ này. Khi tham gia cơ chế tín chỉ, doanh nghiệp được Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ về công nghệ và tài chính, lên tới 50% tổng chi phí đầu tư.
Hiện, sở Công thương, Ngoại vụ và Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng đang phối hợp với trường Đại học Kitakyushu, các tổ chức, chính quyền thành phố Kitakyushu triển khai thực hiện dự án cơ chế tín chỉ chung trên địa bàn thành phố. Thực hiện cơ chế tín chỉ nhằm thiểu việc tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất sạch hơn tại các công ty “công nghiệp phụ trợ” và cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. (Minh Châm, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
9 tháng năm 2014, các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 7 dự án có vốn đầu tư trong nước được BQL Khu Kinh tế Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư tương đương 482,279 triệu USD và 2.982 tỷ đồng. Tính lũy kế đến hết tháng 9, trong các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải tại Hải Phòng có 159 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 6,616 tỷ USD; 76 dự án có vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 35.729 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 22/10 Tr1)
Ngày 23/10/1959 Xí nghiệp công tư hợp doanh nước mắm Cát Hải (nay là Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải) được thành lập. Năm 1995, UBND thành phố Hải Phòng có quyết định đổi tên Xí nghiệp nước mắm thành Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải.
55 năm qua, từ một xí nghiệp công tư hợp doanh, trải qua những thử thách của lịch sử, Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải với thương hiệu “Nước mắm Cát Hải” lớn mạnh không ngừng. Sản phẩm nước mắm Cát Hải luôn đứng vững trong cơ chế thị trường với những cạnh tranh khốc liệt. Sản xuất kinh doanh của DN ngày càng mở rộng, phát triển. mong muốn thành phố tạo điều kiện để công ty tiếp tục giữ diện tích và từng bước mở rộng nhà xưởng trên đảo, bảo đảm ổn định sản xuất. (Vũ Văn Cao, Báo Hải Phòng 22/10 Tr3)
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn về tài chính, các DN Hải Phòng vẫn hoàn thành và đưa các dự án, công trình mở rộng sản xuất vào hoạt động góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Ngày 24/10, Công ty TNHH Vico khánh thành Nhà máy bột giặt công suất 100.000 tấn/năm. Đây là một bước phát triển vượt bậc của công ty, một mốc son đáng nhớ sau 20 năm xây dựng và phát triển. Có được điều đó là do công ty luôn chú trọng sản xuất sản phẩm để người Việt Nam dùng và từng bước chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Sản phẩm của Vico phủ khắp cả nước, công ty còn thực hiện gia công cho nhiều khách hàng, trong đó có 4 khách hàng quan trọng là Tập đoàn P&G của Mỹ, Metro của Đức, Toyota và Công ty Kao của Nhật Bản.
Nhiều sản phẩm khác của NG Hải Phòng khá nổi tiếng như ống nhựa Tiền Phong, ắc quy Tia Sáng, bia Hải Phòng, xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon, giấy Hải Phòng, nước mắm Cát Hải cùng nhiều sản phẩm tiêu dùng khác đã và đang chiếm lĩnh thị phần khá lớn trong nước. Uy tín, thương hiệu DN, chất lượng sản phẩm, giá thành và chất lượng dịch vụ của DN Hải Phòng ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. (Hồng Thanh, Báo Hải Phòng 22/10 Tr3)
Từ ngày 16 đến 21.10, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức hội thi thuyền trưởng lần thứ 7 và chính trị viên tàu giỏi lần thứ 2. Tham dự hội thi có 108 cán bộ tiêu biểu đến từ 13 đầu mối đơn vị trực thuộc quân chủng.
Các cán bộ phải tham gia thực hành thi ở 16 nội dung. Trong đó, thuyền trưởng thi 9 nội dung bao gồm: Công tác tham mưu huấn luyện, tham mưu tác chiến; chiến thuật Hải quân; hàng hải; vũ khí; thông tin - cơ yếu; chính trị; điều lệnh, thể thao, bắn súng K-54 và hậu cần; kỹ thuật. Chính trị viên thi 7 nội dung chính bao gồm: Công tác tham mưu huấn luyện, tham mưu tác chiến; vũ khí; thông tin - cơ yếu; chính trị; điều lệnh, thể thao, bắn súng K54; hậu cần; kỹ thuật.
Hội thi là dịp sát hạch về chuyên môn, trình độ tay nghề; khả năng vận dụng kiến thức vào thực hiện nhiệm vụ, chức trách của thuyền trưởng, chính trị viên tàu. Qua đó giúp Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đánh giá thực chất trình độ, năng lực toàn diện, sự sáng tạo, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong xử lý các tình huống. Thông qua hội thi giúp cho cấp ủy các cấp lựa chọn những đồng chí tiêu biểu, xuất sắc để tạo nguồn, bổ nhiệm công tác; đồng thời định hướng cho công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.
Sau 5 ngày tranh tài, Hội thi Thuyền trưởng giỏi lần thứ 7 và Chính trị viên tàu giỏi lần thứ 2 Quân chủng Hải quân năm 2014 kết thúc tốt đẹp với 3 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 9 giải khuyến khích tặng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc. 3 nội dung thi bao gồm: thuyền trưởng giỏi tàu chiến đấu, thuyền trưởng giỏi tàu phục vụ và chính trị viên giỏi. 3 giải nhất các nội dung thuộc về đại úy Hà Sơn Quý, thuyền trưởng tàu HQ 356, Hải đội 132, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân (nội dung tàu chiến đấu); thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, thuyền trưởng tàu Trường Sa 21, Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân (nội dung tàu phục vụ) và đại úy Nguyễn Huy Luyện, chính trị viên tàu HQ 267, Hải đội 4, Vùng 1 Hải quân (nội dung chính trị viên tàu). Ban tổ chức trao 16 giải nhất cho các cá nhân giành thành tích xuất sắc trong 16 môn thi.
Kết quả hội thi phản ánh đúng thực trạng về công tác lãnh đạo, chỉ huy, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; về hiệu quả công tác quản lý bộ đội và hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở các đơn vị tàu thuyền. Cũng như trình độ, phẩm chất, năng lực của đội ngũ thuyền trưởng và chính trị viên tàu trong Quân chủng hiện nay. Đó cũng là cơ sở thực tiễn thu nhận để cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng cán bộ tàu thuyền trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. (Duy Khánh - Vũ Hưởng, Thanh niên Online 22/10; Báo Hải Phòng Online 22/10)
22. Đánh giá chất lượng huấn luyện lực lượng công an các tỉnh phía Bắc
Ngày 21-10, tại TP Hải Phòng, Bộ Công an tổ chức vòng chung kết Hội thi điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân khu vực phía Bắc.
Tham gia vòng chung kết có gần 600 cán bộ, chiến sĩ thuộc 12 đội, gồm: Công an TP Hải Phòng, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy TP Hải Phòng, Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh Điện Biên, Công an tỉnh Hà Nam, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Hải Dương, Học viện An ninh nhân dân, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1, Bộ tư lệnh Cảnh vệ, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động. Cán bộ, chiến sĩ dự thi phần lý thuyết với hình thức trắc nghiệm; thi thực hành các nội dung: Điều lệnh đội ngũ, nghi lễ Công an nhân dân; võ thuật; tháo lắp súng; bắn súng các bài bắn ứng dụng chiến đấu; kiểm tra khả năng thao tác, sử dụng vũ khí được trang bị.
Trước đó, hội thi được tổ chức từ vòng thi ở 6 cụm, chọn ra 12 đội tuyển xuất sắc nhất tranh tài ở vòng chung kết khu vực phía Bắc. Hội thi bế mạc vào ngày 23-10. (Chu Anh, Quân đội nhân dân Online 22/10; Công an nhân dân Online 21/10; Tuổi trẻ Online 21/10; Tin tức 22/10 Tr3; Báo Hải Phòng Online 21/10; An ninh Hải Phòng Online 22/10; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Tối 19/10, Cảnh sát Phòn cháy chữa cháy thành phố tổ chức hội thi “Công an nhân dân làm theo lời Bác” trong toàn lực lượng năm 2014. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố; thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giấm đốc Cảnh sát PCCC thành phố.
Đến với hội thi, các thành viên của 4 đổi tuyển đại diện cho CBCS đang công tác tại 17 đơn vị trong lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã cùng đua tài ở 4 nội dung: Chúng tôi nói về mình; Điều chúng tôi biết; Kỹ năng giao tiếp; Tài năng và sáng tạo. Sau những phần thi sôi nổi, đầy sáng tạo của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC thành phố, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho Đội tuyển số 3, giải nhì cho Đội tuyển số 1. (MP, An ninh Hải Phòng Online 22/10 Tr3)
Đặng Thị Bảo Lan sinh năm 1978 tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Năm 1996, Bảo Lan trúng tuyển vào khoa Điều tra, Đại học CSND. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp, nữ chiến sỹ trẻ nhận nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng. Đến năm 2004, đồng chí được điều động về công tác tại Phòng CSĐT tội phạm kinh tế.
Từ thực tế đấu tranh với các loại vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực này cho thấy có những khó khăn, vướng mắc nhất định, bởi những người vi phạm có trình độ, chức vụ trong xã hội, có mối quan hệ rộng. Để làm sáng tỏ nội dung vụ việc, đề ra các giải pháp xử lý hiệu quả, đồng chí luôn học tập trau dồi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật, tin học, ngoại ngữ và tu dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trì đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật. Nhận thức rõ vấn đề đó, đồng chí chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của cấp trên, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, đồng thời, dành nhiều thời gian nghiên cứu các vụ việc đã giải quyết để có thêm kinh nghiệm; phân tích, đánh giá các hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, manh mối, vật chứng liên quan đến các vụ án đơn vị đang điều tra, đồng thời cập nhật thông tin về các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trong thời gian công tác tại đơn vị, Đặng Thị Bảo Lan đã điều tra, xác minh, làm sáng tỏ hàng chục vụ án về kinh tế, hoàn chỉnh hồ sơ truy tố nhiều đối tượng… Các vụ án do đồng chí điều tra đã đảm bảo đúng pháp luật, đáp ứng được yêu cầu chính trị, yêu cầu nghiệp vụ đề ra, không oan sai, bỏ lọt tội phạm, thu hồi nhiều tài sản và hạn chế thấp nhất hậu quả thiệt hại. Không chỉ điều tra, xử lý vụ việc theo quy định, mà vấn đề quan trong hơn cả, Bảo Lan làm rõ được nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, qua đó tham mưu với lãnh đạo đơn vị đề ra các giải pháp phòng ngừa, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, công nghệ cao...
Với những thành tích đạt được trong công tác, được sự giúp đỡ, tín nhiệm của đồng chí, đồng đội, Thiếu tá Đặng Thị Bảo Lan được Đảng ủy Giám đốc Công an TP Hải Phòng bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng cơ quan CSĐT, Công an TP Hải Phòng. Với cương vị công tác mới, đi liền với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo đơn vị chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng, phát triển Đảng, công tác xây dựng lực lượng. Chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở và Chi đoàn thanh niên hoạt động có hiệu quả. Tham mưu và đề xuất với Giám đốc và Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Công an TP quyết định các kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình công tác bắt, khám xét, giam giữ, xử lý người phạm tội, thu giữ bảo quản, xử lý tang vật của các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện thuộc Công an TP.
Qua công tác kiểm tra, đồng chí tham mưu với cấp trên kịp thời giải quyết một số vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn hoạt động điều tra. Từ khi nhận vị trí công tác tại đơn vị, đồng chí đã cùng lãnh đạo đơn vị chỉ đạo xác minh các vụ án đảm bảo đúng người đúng tội đúng pháp luật. Ngoài ra, đồng chí còn thẩm định và hướng dẫn các phòng nghiệp vụ và Công an các quận, huyện giải quyết các vụ án, xác minh đơn thư tố giác tội phạm, khiếu nại phức tạp. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đợt cao điểm truy bắt đối tượng truy nã đạt hiệu quả cao.
Là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an TP Hải Phòng, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, trực tiếp phụ trách Hội Phụ nữ khối CSND, đồng chí cùng Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Công an TP Hải Phòng chỉ đạo Hội Phụ nữ các đơn vị cơ sở thực hiện tốt công tác phong trào. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng mái ấm tình thương trong các đơn vị khối cảnh sát. Trong các năm 2012, 2014, đồng chí đã chỉ đạo Hội Phụ nữ Phòng CSĐT tội phạm kinh tế vận động các nhà hảo tâm, bạn bè, đồng nghiệp chung tay xây dựng 2 mái ấm tình thương cho 2 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn là chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng và bà Nguyễn Thị Khiếu ở phường An Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng.
Với những thành tích trong công tác chuyên môn và các hoạt động phong trào, đồng chí được công nhận là “Gương mặt trẻ Công an TP Hải Phòng xuất sắc tiêu biểu, được Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Giám đốc Công an TP Hải Phòng tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đồng chí được Ban Giám đốc Công an TP, thủ trưởng đơn vị và các đồng nghiệp đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ, được các hội viên Hội Phụ nữ Công an TP quý mến. (Đăng Hùng, Công an nhân dân 22/10 Tr3)
Việc BĐBP Hải Phòng triển khai Cổng thông tin điện tử Biên phòng đang tạo bước tiến dài trong việc cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC). Theo đó, thủ tục hoàn thành một bộ hồ sơ xuất, nhập cảnh (XNC), chuyển cảng đến, đi tại cửa khẩu cảng biển cho một con tàu được rút ngắn tối đa, tiết kiệm được thời gian, tiền của, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Từ 4 giờ xuống còn 2 phút
Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Hải Phòng là đơn vị thí điểm áp dụng Cổng thông tin điện tử Biên phòng làm thủ tục XNC, sau 5 tháng triển khai, đã tạo được bước chuyển lớn trong việc giảm thiểu thời gian, chỉ mất 2 phút hoàn thành thủ tục cho một con tàu cập cảng bốc dỡ hàng hóa. Qua Cổng thông tin điện tử Biên phòng tạo thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa và các đại lý hàng hải, bởi nhân viên làm thủ tục khai báo hồ sơ XNC cho người và phương tiện chỉ cần ở văn phòng vẫn có thể khai báo nhanh gọn, không phải đi lại nhiều lần, giảm được chi phí, thời gian tàu nằm chờ tại cầu cảng.
Trung tá Bùi Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội thủ tục Biên phòng, Ban Chỉ huy BPCK cảng Hải Phòng cho biết, gần 10 năm trở lại đây, việc thực hiện CCTTHC được đơn vị tiến hành liên tục. Ngoài những quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, đơn vị đã có nhiều sáng tạo trong việc CCTTHC nhằm giảm thiểu những vướng mắc cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục XNC.
Theo Trung tá Bùi Ngọc Thắng, trước đây, khi chưa thực hiện Cổng thông tin điện tử Biên phòng, việc tiến hành thủ tục XNC cho một con tàu ra vào cửa khẩu cảng Hải Phòng rất phức tạp, phải qua nhiều bước, nhiều cửa và nhiều loại giấy tờ. Các đại lý hàng hải trước khi tàu vào cảng phải xuất trình 27 loại giấy tờ và nộp 36 loại giấy tờ cho 6 cơ quan khác nhau ở cảng, kê khai và niêm phong 16 loại dụng cụ cấm dùng tại cảng.
Để làm thủ tục cho 1 con tàu, phải thành lập đoàn công tác gồm đầy đủ các thành viên thuộc cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định gồm Cảng vụ, Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch y tế. Đối với thủ tục Biên phòng lúc đó, việc kiểm tra giấy tờ và kiểm soát người, phương tiện diễn ra nhiều nơi, nhiều lúc, mất nhiều thời gian, gây phiền hà, phức tạp, hạn chế hoạt động lưu thông qua cảng.
Khi bắt đầu thực hiện chủ trương CCTTHC, BPCK cảng Hải Phòng tập trung rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động XNC, thủ tục đăng ký, quản lý người, phương tiện hoạt động tại cửa khẩu cảng để có đánh giá hợp lý, từ đó mạnh dạn tham mưu cho cấp trên và các cơ quan liên quan tiến hành cải cách, loại bỏ những thủ tục không cần thiết. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đồng thời, cải cách lề lối làm việc của đơn vị, tác phong công tác, chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Nhờ những nỗ lực, cố gắng của BPCK cảng Hải Phòng nên đã rút ngắn được thời gian hoàn thành thủ tục XNC cho 1 con tàu xuống. Từ năm 2008 đến 2013, BPCK cảng TP Hải Phòng phối hợp với Cảng vụ Hải Phòng xây dựng quy trình làm thủ tục cho tàu, thuyền ra vào khu vực cảng biển Hải Phòng và tiến hành làm thủ tục XNC cho tàu, thuyền theo cơ chế "một cửa", thời gian hoàn thành thủ tục cho 1 con tàu chỉ hết 10 phút và đến tháng 5 -2014, đơn vị triển khai áp dụng Cổng thông tin điện tử Biên phòng, việc làm thủ tục rút xuống chỉ còn 2 phút.
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển tháng 5-2014, BPCK cảng Hải Phòng đã tiến hành triển khai tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy chứng nhận tham gia thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển, tài khoản truy cập Cổng thông tin điện tử Biên phòng cho các doanh nghiệp đại lý hàng hải, cá nhân đại lý viên theo đúng quy định.
Theo Trung tá Bùi Ngọc Thắng, đến nay đã có 52 doanh nghiệp đại lý hàng hải tham gia thực hiện, cấp tài khoản truy cập cho 94 người là nhân viên đại lý hàng hải. Sau hơn 5 tháng, đơn vị thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử cảng biển cho 1.165 lượt tàu XNC, chuyển cảng. Đây là một chương trình ưu việt, có nhiều tiện ích trong công tác thủ tục XNC cho người và phương tiện, cấp các loại giấy phép tại cửa khẩu. Công tác XNC đến, đi cho người và phương tiện qua cửa khẩu được thực hiện nhanh chóng. Việc truy cập, khai thác sử dụng vào hệ thống giúp cho Trạm BPCK cảng nắm được tình hình tàu, kế hoạch tàu đến, đi trong địa bàn quản lý sau khi cán bộ thủ tục hoàn thành thủ tục Biên phong điện tử XNC, chuyển cảng đi, đến cho tàu.
Đối với các doanh nghiệp cũng nhận thấy rất rõ tiện ích của chương trình này và họ cho rằng, đây là bước tiến dài trong CCTTHC, bởi các đại lý hàng hải có thể khai báo thủ tục bất cứ ở đâu, khi tàu cập cảng có thể tiến hành bốc dỡ hàng hóa, công nhân và những người có nhu cầu làm việc không phải chờ đợi, giảm thời gian bốc dỡ hàng tại cảng cũng như việc đi lại của đại lý tàu.
Anh Trần Hùng Bôn, Công ty TNHH tàu biển Lê Phạm, cho biết: "Trước đây, mỗi khi tàu nước ngoài vào cảng Hải Phòng, chúng tôi phải lên tàu lấy toàn bộ hồ sơ tàu đến BPCK cảng Hải Phòng khai báo. Sau khi hoàn thành thủ tục, được đồng ý, tàu mới được phép cập cảng làm hàng, riêng thời gian đi lại mất từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Tới nay, thủ tục được khai báo qua thư điện tử, khi tàu nước ngoài đang hành trình vào cảng, họ gửi thư điện tử thông báo cho đại lý tàu biển, chúng tôi tiếp tục gửi thư này tới BPCK cảng để làm thủ tục. Việc khai báo thủ tục XNC qua thư điện tử chỉ hoàn thành các thủ tục trong vòng 2 phút và tàu có thể bốc dỡ hàng hóa, rút ngắn được thời gian neo đậu, chờ làm hàng đối với các tàu đến cảng, giảm chi phí cho các doanh nghiệp tàu biển. Có thể nói, CCTTHC trong lĩnh vực quản lý, kiểm soát XNC tại BPCK cảng Hải Phòng góp phần nâng cao vị thế cảng biển Hải Phòng trong hệ thống cảng biển quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng BĐBP hội nhập, từng bước chính quy, hiện đại...". (Viết Hà, Biên phòng Online 21/10)
Công đoàn ngành Y tế vừa tổ chức tổng kết phong trào nữ công nhân viên chức và hoạt động nữ công năm 2014; biểu dương nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau khẳng định vai trò, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Phát huy phẩm chất “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, phụ nữ Việt dù ở lĩnh vực công tác nào cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn đồng thời đảm đương, thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Công đoàn ngành Y tế biểu dương và trao danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho 88 nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc ngành có thành tích xuất sắc trong công tác, thực hiện tốt quy tắc ứng xử của người cán bộ y tế. (Hồng Châm, Báo Hải Phòng Online 22/10)
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy, đến giữa tháng 10-2014, huyện lập và hoàn thiện 119 hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, tham vấn Sở Xây dựng phê duyệt 68 lô, diện tích 13.057m2. Huyện cấp 925 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, trong đó cấp lần đầu 627 giấy, đạt gần 23% kế hoạch. Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp tăng so với cùng kỳ năm 2013, song thấp so với kế hoạch năm 2014.
2 tháng cuối năm, huyện Kiến Thụy tăng cường kiểm tra, rà soát việc cấp giấy CNQSDĐ có nhà ở do tự chuyển đổi từ đất nông nghiệp; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân còn tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất; nâng cao trình độ cán bộ địa chính 18 xã, thị trấn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2014. (Báo Hải Phòng Online 21/10)
28. UBMTTQVN thành phố: Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
Nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập MTDTTNVN (18-11-1930 * 18-11-2014), sáng 19-10, Ban thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQVN huyện Kiến Thụy tổ chức làm điểm “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” tại thôn Đức Phong, xã Đại Đồng.
Tới dự có các đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư thường trực Thành ủy; Bùi Thanh Tùng, Ủy viên thường trực HĐND TP; Nguyễn Đình Then, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố cùng các sở, ban, ngành và đông đảo nhân dân làng Đức Phong xã Đại Đồng.
Làng Đức Phong xã Đại Đồng có 603 hộ, 1.762 nhân khẩu. Năm 2014 cán bộ và nhân dân trong làng đã tích cực thi đua lao động sản xuất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần xóa đói giảm nghèo địa phương. Kết quả: làng Đức Phong hoàn thành 12/19 tiêu chí trong chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã.
Đến nay 100% đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ, nhựa hoá và có điện chiếu sáng nơi công cộng; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, các đoàn viên, hội viên trong làng gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện phong trào gia đình văn hóa, các dòng họ đều có quỹ khuyến học; Đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái "với tổng kinh phí hoạt động gần 40 triệu đồng/năm...
Phát biểu tại Ngày hội, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư thường trực Thành ủy đánh giá cao những kết quả làng văn hóa Đức Phong đạt được trong thời gian qua. Mong muốn, thời gian tới cán bộ nhân dân thôn Đức Phong tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, cùng giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh, nhân rộng mô hình tiên tiến, tiêu biểu; toàn dân chung tay xây dựng NTM, xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, góp phần xây dựng thành phố Hải Phòng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tổ chức tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố...
Nhân dịp này Ủy ban MTTQVN thành phố tặng Bằng khen cho cán bộ, nhân dân làng Đức Phong, xã Đại Đồng đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” năm 2014; nhiều tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu được huyện Kiến Thụy và xã biểu dương khen thưởng; UBND thành phố tặng quà cho 10 hộ nghèo; Ban công tác MTTQVN làng Đức Phong phát động thi đua năm 2015. (An ninh Hải Phòng Online 20/10; Báo Hải Phòng 22/10 Tr1)
Các đồng chí lãnh đạo huyện Cát Hải: Bùi Trung Nghĩa - Bí thư Huyện ủy; Vũ Thị Kim Bích - Phó chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện vừa có cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân xã Hiền Hào, huyện Cát Hải.
Tại cuộc tiếp xúc, đối thoại, lãnh đạo các đơn vị chức năng của huyện đã trực tiếp báo cáo, giải trình, làm rõ 19 ý kiến, kiến nghị của nhân dân xã Hiền Hào. Trong đó tập trung vào những vấn đề: hỗ trợ trông coi bảo vệ rừng; bổ sung kinh phí hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Quốc tế GIICO Cát Bà; việc lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép tại khu vực xóm Bến - xã Hiền Hào; chế độ, chính sách cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn; vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em; việc cấp đất cho cán bộ, công chức có thời gian dài công tác tại địa phương; hệ thống công trình phúc lợi xuống cấp… được nhân dân xã Hiền Hào cho là thỏa đáng và đáp ứng được nguyện vọng bấy lâu.
Bí thư Huyện ủy Cát Hải Bùi Trung Nghĩa đề nghị chính quyền và nhân dân xã Hiền Hào tiếp tục tăng cường tinh thần đoàn kết, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng chí yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các khúc mắc của người dân; cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung, kịp thời giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, nhanh chóng có biện pháp triển khai xử lý những vấn đề bất cập trên địa bàn để người dân yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống… (PĐT, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Ngày 19-10, Thành đoàn Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20-10-1914 * 20-10-2014).
Trong không khí trang nghiêm, đoàn viên thanh niên thành phố cùng nhau ôn lại cuộc đời, thân thế và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng - người Đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tuổi trẻ thành phố tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp như: phát động đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi với chủ đề “Con đường cách mạng của thanh niên trong thời kỳ mới”; kết nạp lớp đoàn viên Lý Tự Trọng; tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước, định hướng đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên...
Qua việc tham gia các hoạt động đã giúp tuổi trẻ Hải Phòng hiểu thêm truyền thống của Đảng, Đoàn, từ đó phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích, tình nguyện để tổ chức Đoàn thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa, là đội quân xung kích cách mạng, đội dự bị tin cậy của Đảng. Nhân dịp này, Thành đoàn đã trao quà tặng 3 đơn vị và các cá nhân tiêu biểu của lớp đoàn viên Lý Tự Trọng.
Tham gia lễ kỷ niệm, đoàn viên thanh niên còn được hòa mình vào không khí sôi động của các tiết mục đồng diễn, nhảy flasmod, dân vũ, trò chơi vận động, thư pháp... (MP, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Sáng 21-10, hưởng ứng chủ trương phát triển bền vững, chương trình phát triển xanh, xây dựng thành phố cảng xanh của thành phố, Ban quản lý dải Trung tâm thành phố phối hợp với Cty CPDV Minh Châu triển khai thí điểm thả cá tại hồ Tam Bạc để cân bằng và làm sạch môi trường nước, chống ô nhiễm tại hồ bằng phương pháp sinh học.
Theo kế hoạch, để đảm bảo chất lượng, tránh hiện tượng cá chết, gây sốc, ô nhiễm môi trường, việc thả cá ra hồ Tam Bạc sẽ được chia thành 5 đợt, kéo dài trong 3 tháng, tổng khối lượng là 5 tấn cá; ưu tiên thả các loại cá như: chép, trắm, trôi và một số loại cá lớn khác có trọng lượng từ 0,5kg đến 2kg/con.
Đợt 1 ra quân, các đơn vị chức năng đã tiến hành thả 1 tấn cá các loại, trong đó có: 100 kg cá trắm đen, trọng lượng 0,5kg/con; 500kg cá chép, trọng lượng từ 1 đến 2kg/con; 400 cá trôi, trọng lượng 1 kg đến 2kg/con ra hồ Tam Bạc.
Sau lễ thả cá, Ban quản lý dải Trung tâm thành phố phối hợp với Cty CPDV Minh Châu và các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm ANTT-TTATGT-VSMT và nếp sống VMĐT trên toàn bộ dải Trung tâm thành phố; tổ chức lực lượng bảo vệ, đảm bảo ANTT, an toàn và VSMT trên hồ Tam Bạc; có trách nhiệm duy trì lượng cá cân bằng nước, nghiên cứu thí điểm để hoàn thành đề án “Cân bằng nước, làm sạch môi trường hồ Tam Bạc bằng phương pháp sinh học”. (KC, An ninh Hải Phòng Online 22/10; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 17-10, ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng giám đốc Cty cổ phần tập đoàn Container Việt Nam cùng đại diện công đoàn, đoàn thanh niên đến thăm, tặng quà và nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngỡi, sinh năm 1928, là mẹ của hai liệt sỹ Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Văn Thắng, hiện ở tại nhà số 162 Ngô Quyền, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền.
Cùng dự có lãnh đạo quận đoàn Ngô Quyền, phường Máy Chai và gia đình. Cty đã nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngỡi 2 triệu đồng/tháng.
Thay mặt lãnh đạo cty, ông Nguyễn Văn Tiến thăm hỏi sức khỏe mẹ Nguyễn Thị Ngỡi và tỏ lòng tri ân đến sự hi sinh, cống hiến của mẹ trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc. Đây là trách nhiệm, vinh dự để các thế hệ CBCNV cty tiếp tục với các hoạt động thiết thực đền đáp lại sự hy sinh của những người Mẹ Việt Nam anh hùng. (Phan Tuấn, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
Qua 3 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/PL-QH ngày 30-6-2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, phường Sở Dầu đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng trong thực hiện pháp lệnh của quận Hồng Bàng...
Là địa bàn giáp ranh với các huyện An Dương, Thủy Nguyên và phường Thượng Lý, Trại Chuối, Hùng Vương (Hồng bàng), lại có nhiều đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy cùng hàng chục bến bãi, cầu cảng, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học đóng chân, phường Sở Dầu thực sự là một trong những địa bàn trọng điểm của quận Hồng Bàng.
Để đảm bảo ANTT trên địa bàn phường, trong thời gian qua, Công an phường đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, lãnh đạo các ban ngành, tổ chức, đoàn thể phát động nhân dân tại 26 tổ dân phố trên địa bàn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, giữ gìn TTATGT-VSĐT thông qua các mô hình tự quản, liên kết an toàn về ANTT như: 5 không, quản lý, thu giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, nhiều tổ dân phố đã đạt thành tích xuất sắc trong các đợt thực hiện cao điểm, điển hình như các tổ dân phố: An Lạc 5, đường 5/2, Mặt Bằng 2 và Tôn Đức Thắng 2…
3 năm qua, Công an phường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp VK-VLN-CCHT. Trong đó, lực lượng Cảnh sát khu vực đã bám sát địa bàn, phối hợp cùng các tổ chức, đoàn thể tổ chức 504 lượt tuyên truyền qua loa truyền thanh; phát trên 1.000 tờ rơi; treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức họp trên 300 lượt tổ dân phố, vận động 100% hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, trường học ký cam kết tích cực chấp hành và tham gia thu hồi VK-VLN-CCHT.
Bên cạnh đó, thông qua kiểm tra, Công an phường đã xử lý nghiêm 10 vụ với 15 đối tượng tàng trữ vũ khí trái phép; vận động nhân dân giao nộp 10 khẩu súng các loại; 80 hung khí và hàng trăm viên đạn… Do vậy, địa bàn phường không xảy ra cháy nổ và không có vụ việc đối tượng sử dụng vũ khí nóng gây án.
Ông Phạm Việt Hùng, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện pháp lệnh của phường Sở Dầu, cho biết: Với sự vào cuộc của Đảng ủy, UBND, MTTQ, Công an phường và các tổ chức đoàn thể khác, chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý VK-VLN-CCHT, phường Sở Dầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhiều điểm nóng về ANTT như tuyến đường tàu, khu vực ven sông, bến bãi, cầu cảng đã được giải tỏa, góp phần ổn định ANTT, phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội. (Tiến Dũng - Khắc Đoàn, An ninh Hải Phòng Online 22/10)
34. Chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian thu hút đông đảo người xem
Tối 20- 10, tại Nhà hát Tháng Tám, đông đảo người xem đã đến thưởng thức chương trình nghệ thuật dân gian đặc sắc do Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) tổ chức. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng (1964-2014)
Gần 70 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của các CLB trực thuộc Hội VNDG Hải Phòng và lực lượng văn nghệ dân gian cấp cơ sở giới thiêu các tiết mục ở các loại hình VNDG được bảo tồn và phát huy trên địa bàn Hải Phòng và đoạt giải thưởng cao tại các cuộc liên hoan toàn quốc và thành phố từ năm 2011-2014.
Mở đầu là màn múa Tứ linh giới thiệu loại hình múa rối cạn - sản phẩm đặc sắc của vùng quê lúa Vĩnh Bảo qua nghệ thuật điều khiển con rối của nhóm diễn viên Minh Tuân, Văn Ngoan, Vũ Dung, Thế Chuyên, Đức Mạnh (CLB Múa rối Minh Tân). Ca trù với hai tiết mục dành HCV và HCĐ cùng các đào nương, kép đàn đoạt giải xuất sắc tại liên hoan Ca trù toàn quốc 2014. Đó là Thu Hằng, Hoàng Khoa, Tô Văn Tuyên biểu diễn bài Tỳ bà hành và các diễn viên nhí (CLB ca trù Đông Môn, Thủy Nguyên) với múa hát Bỏ bộ. Diễn viên Đan Thi (CLB Dân ca và chèo -Hội VNDG) hát các làn điệu sa lệch chênh, đào liễu. Một số làn điệu xẩm như xẩm huê tình, xẩm chợ qua nghệ thuật biểu diễn “Nhị tình em ở nhất tâm” của nghệ sĩ chèo Kim Oanh (CLB Dân ca và chèo - Hội VNDG) và “Mục hạ vô nhân” của diễn viên Bạch Linh, Thanh Huyền, Văn Điều, Đỗ Tâm, Thu Hương (CLB Hát xẩm Hội VNDG). Diễn xướng Chầu văn với sự tham gia của các thanh đồng Đinh Xuân Thiệu, Trần Thị Thanh Hải cùng các ban cung văn trình tấu các giá chầu tiêu biểu như giá Quan lớn Đệ Tam, giá chầu Lục, giá Cô Sáu Lục cung, giá Quan Hoàng Mười, giá Cô Chín Sòng Sơn, giá Cô Bé Suối ngang...
Với 10 tiết mục tiêu biểu, chương trình giới thiệu một phần thành tựu phục hồi, bảo lưu và phát huy các loại hình ca trù, hát xẩm, chèo, nghi lễ Chầu văn trong đời sống mà VNDG thành phố và hội chuyên ngành duy trì gần 20 năm qua. Tại đêm biểu diễn, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố khen thưởng 9 tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa. UBND huyện Thủy Nguyên tặng quà nhóm ca nương nhí của CLB Ca trù Đông Môn đạt thành tích tại liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 vừa qua. (Anh Thơ, Báo Hải Phòng Online 22/10; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)