Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 22/10/2013)
Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh vừa ký ban hành Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị khoá IX "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Tại phiên họp ngày 19/9, sau khi nghe Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2003 của Bộ Chính trị khóa IX "Về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước," ý kiến của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã kết luận: Mười năm qua, trong bối cảnh vừa có thuận lợi, vừa có thách thức chung của cả nước, với nỗ lực và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, GDP bình quân giai đoạn 2003-2012 tăng 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.064 USD; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2012 tỉ trọng dịch vụ và công nghiệp chiếm gần 90%, dịch vụ cảng biển phát triển nhanh; huy động đầu tư toàn xã hội khá cao, từ năm 2011 thu hút FDI đã phục hồi và tăng nhanh. Từng bước khẳng định Hải Phòng là một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước.
Công tác quy hoạch và xây dựng đô thị được quan tâm, các dự án lớn như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải... được khởi công tạo động lực mới cho sự phát triển. Bộ mặt thành phố đã có khởi sắc, từng bước phát huy vai trò đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển, trung tâm phát triển trên lĩnh vực vận tải biển của các địa phương phía Bắc.
Văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; giáo dục và đào tạo phát triển tốt, lao động qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao; an sinh xã hội được bảo đảm, năm 2012 tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,2%. Quốc phòng, an ninh được củng cố.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, vận động quần chúng được tiến hành thường xuyên, có nền nếp; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, so với mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 32, Hải Phòng vẫn còn những mặt hạn chế.
Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa bảo đảm tính bền vững. Phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ tài chính, thương mại và xây dựng đô thị, giao thông để trở thành trung tâm lớn chưa rõ nét, có mặt còn chậm. Nhiều Dự án quan trọng xác định tại Nghị quyết 32, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và các quyết định của Chính phủ triển khai còn chậm hoặc chưa được triển khai. Quản lý Nhà nước có mặt còn hạn chế, nhất là quản lý đất đai.
Phát triển văn hoá - xã hội trên một số mặt chưa tương xứng với yêu cầu. Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Chất lượng công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng có nơi còn thấp; quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa bảo đảm tính liên tục, một bộ phận chưa được chuẩn hóa. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Chuyển hướng phát triển chủ yếu từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh, mang tính đột phá là các ngành dịch vụ cảng biển, sân bay, du lịch, kinh tế biển và vận tải biển, logicstics, tài chính, xuất nhập khẩu...
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn, có năng suất, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Nâng cao tỉ lệ nội địa trong sản phẩm, chuyển dần từ gia công, lắp ráp sang chế tạo và chế tác. Phấn đấu đến năm 2020 đạt một số chỉ tiêu chủ yếu sau: Tăng trưởng kinh tế gấp từ 1,5-2 lần bình quân cả nước, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900-5.000 USD, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm 63%, công nghiệp-xây dựng 33,5% và nông, lâm, thuỷ sản 3,5%. Xây dựng và phát triển đô thị thành phố theo hướng đô thị cảng biển xanh, văn minh, hiện đại... (TTXVN 21/10; PV, Gafin.vn 21/10; VietnamPlus.vn 21/10; Báo Hải Phòng 22/10, tr1+2)
Sáng 21/10, Chủ tịch Dương Anh Điền thành phố tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Niigata (Nhật Bản) do ông Mori Kunio - Phó Thống đốc làm Trưởng Đoàn về tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương.
Phó Thống đốc Mori Kunio bày tỏ sự vui mừng được dẫn đầu Đoàn đại biểu tỉnh Niigata tới thăm Hải Phòng. Ông cho biết, ngay khi đặt chân tới thành phố đã cảm thấy có sự gần gũi và thân thiết.
Đoàn đã đi thăm Cảng Hải Phòng, sân bay và nhiều địa điểm khác của Hải Phòng, nhận thấy giữa Hải Phòng và tỉnh Niigata có nhiều điểm tương đồng. Do đó, Đoàn đại biểu tỉnh Niigata sang Hải Phòng lần này có nhiều thành viên hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông, thương mại, giáo dục, truyền hình… rất mong muốn được tìm hiểu, trao đổi về khả năng hợp tác giữa hai bên.
Theo ông Mori Kunio, Niigarta là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nằm ở phía Tây Bắc Nhật Bản, diện tích 12.582 km2, dân số 2,4 triệu người, GDP đầu người khoảng 35.000 USD/năm. Thế mạnh hàng đầu của tỉnh là nông nghiệp và các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất máy nông nghiệp, kim khí, hóa chất, linh kiện điện tử…, đồng thời có thế mạnh về giáo dục và y tế… Ông Mori Kunio cho rằng, Hải Phòng và tỉnh Niigata có nhiều tiềm năng hợp tác và mong muốn sớm thiết lập quan hệ giữa hai địa phương.
Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Niigata sang thăm Hải Phòng. Ông cho biết, cách đây 16 năm đã có thời gian học tập ở Niigata và sau này có nhiều dịp sang thăm, làm việc ở Nhật Bản nên có ấn tượng rất sâu sắc đối với đất nước Nhật Bản nói chung và tỉnh Niigata nói riêng.
Những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hải Phòng và các địa phương của Nhật Bản ngày càng bền chặt, thể hiện bằng sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với nhiều công trình, dự án phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ tại Việt Nam và thành phố Hải Phòng.
Đến nay, tại Hải Phòng có 105 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động; Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu của thành phố cả về số lượng dự án cũng như nguồn vốn đầu tư. Với nền tảng đó, Hải Phòng mong muốn được mở rộng mối quan hệ hợp tác với tỉnh Niigata, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các ngành của 2 địa phương cùng nhau trao đổi về triển vọng, khả năng hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, cảng, sân bay, trường học… (Báo Hải Phòng 22/10, tr1; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; An Ninh Hải Phòng 22/10, tr1+11)
Sáng 21/10, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, UBND thành phố phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Hội thảo cơ hội đầu tư và các công cụ hỗ trợ kết nối giao thương Việt Nam – Phần Lan.
Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp đồng chủ trì cùng Đại sứ Phần Lan Kimmo Lahdevirta.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Phần Lan, Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu chính sách, thị trường lao động, môi trường và các cơ hội đầu tư tại Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam, tạo cơ sở để các doanh nghiệp hai nước mở rộng quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp nhấn mạnh, Hải Phòng là một trong những địa phương tại Việt Nam có quan hệ giao thương với Phần Lan từ rất sớm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có Dự án đóng tàu Phà Rừng, cấp nước và các hoạt động giao thông, y tế, giáo dục… Với vị trí cửa ngõ Quốc tế quan trọng, Hải Phòng có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, cơ sở hạ tầng, xã hội, con người cũng như chính sách năng động của chính quyền thành phố.
Thay mặt Chính phủ Phần Lan, Ngài đại sứ Kimmo Lahdevirta giới thiệu sơ lược về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế, xã hội của Quốc gia Bắc Âu này. Thông qua phần trình bày của Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngài đại sứ cho rằng, Phần Lan có thể hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ sạch, đóng tàu cơ khí, logistics, dịch vụ hàng hải…
Bà SivAhlberg - Giám đốc Chương trình Đối tác Phần Lan FP tiếp tục làm rõ thêm về Chương trình xuất nhập khẩu sang Phần Lan, triển khai trang web về kết nối giao thương đến các doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố đưa ra nhiều câu hỏi và được bà SivAhlberg giải đáp cụ thể. (Báo Hải Phòng 22/10, tr2; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 21/10, Đoàn đại biểu Hải Phòng do ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố làm Trưởng Đoàn đến viếng trung úy Đinh Văn Nam tại phường Thành Tô (quận Hải An), hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại đảo Phan Vinh B, quần đảo Trường Sa.
Cùng dự Lễ viếng có ông Nguyễn Đình Bích - Phó Chủ tịch HĐND thành phố; ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch thành phố.
Tại Lễ viếng, Bí thư Thành ủy và các lãnh đạo thành phố thắp hương viếng, tri ân người chiến sĩ Hải quân đã hy sinh quên mình. Bí thư Thành ủy đã ân cần thăm hỏi sức khỏe người thân của Trung úy Đinh Văn Nam, mong gia đình vượt qua đau thương mất mát, sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương anh.
Trước đó, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng; Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật - Chính ủy Quân chủng Hải quân gửi vòng hoa viếng Trung úy Nam. Các cơ quan, Ban ngành, đoàn thể của thành phố, quận Hải An, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, bà con lối xóm cũng đã đến viếng Trung úy Nam tại gia đình.
Theo thông tin từ Quân chủng Hải quân, Thiếu úy Nam hy sinh trong lúc cứu hộ tàu HQ 626 bị mắc cạn tại đảo Phan Vinh B ngày 16/10. Với chiến công của anh, Bộ Quốc phòng đã truy phong anh vượt cấp từ Thiếu úy lên Trung úy và truy tặng Bằng khen. Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị Nhà nước truy tặng liệt sĩ Trung úy Đinh Văn Nam. Thi thể anh đã được đồng đội và gia đình đưa về Hải Phòng an táng. (Báo Hải Phòng 22/10, tr1+2; Hoàng Tùng – Minh Đức, Haiphong.gov.vn 21/10; Thân Hoàng, Tuổi Trẻ Online 21/10; Trần Quyết, Nhân Dân 22/10, tr7; Việt Cường, VOVNews 21/10; Đức Trọng, Nguoiduatin.vn 21/10; Việt Hòa, Lao Động 22/10, tr1; Đăng Hùng, Công An Nhân Dân 22/10, tr2; Báo Hải Phòng Online 22/10; An Ninh Hải Phòng 22/10, tr1+2)
Chiều 21/10, tại thị trấn Tiên Lãng diễn ra Lễ khánh thành Dự án thoát nước và vệ sinh thị trấn Tiên Lãng do Chính phủ Phần Lan tài trợ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Giám đốc Chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn ở Việt Nam Cao Lại Quang; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích; Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp và lãnh đạo các Sở, ngành chức năng, huyện Tiên Lãng dự Lễ khánh thành.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang và Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp nhấn mạnh, việc khánh thành và đưa vào sử dụng Dự án cải thiện thực trạng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải của nhân dân Tiên Lãng; góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu về môi trường; kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Phần Lan...
Đây là mô hình cần nhân rộng nhằm phát triển Chương trình nước và vê sinh tại các thị trấn của Việt Nam. Để Dự án đi vào hoạt động hiệu quả, các Sở, Ban, ngành chức năng thành phố cần phối hợp với huyện Tiên Lãng đề xuất cơ chế, mô hình quản lý phù hợp.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và vệ sinh thị trấn Tiên Lãng được thành phố phê duyệt năm 2010, khởi công xây dựng tháng 12/2012 với tổng vốn đầu tư 20,7 tỷ đồng, trong đó viện trợ không hoàn lại của Chỉnh phủ Phần Lan 14,1 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách thành phố 6,6 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục xây dựng hệ thống thoát nước mưa dài 950m, hệ thống thu gom nước thải sử dụng ống nhựa PVC có đường kính 110 - 400m, chiều dài 7843m; xây dựng 1 trạm bơm nước thải công suất 600m3/ngày đêm và lắp đặt 2 máy bơm chìm, thoát nước với công suất 50m3/giờ; xây dựng 1 trạm xử lý nướ thải tập trung diện tích 3ha, công suất xử lý nước thải 700m3/ngày.
Sau khi Dự án hoàn thiên, đến nay đã có 827/857 hộ dân đấu nối vào hệ thống, đạt 96,5%. Hạt quản lý đường bộ huyện Tiên Lãng được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành Dự án. (Báo Hải Phòng 22/10, tr2; Bản tin thời sự tối 21/10, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, tăng cường trang bị hiện đại cho các lực lượng quan trọng cấp thiết, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm... Đây là những điểm chính về quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, sáng 21/10.
Phát biểu tại buổi họp, ông Trần Ngọc Vinh - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhấn mạnh: “Tôi kỳ vọng sẽ thực hiện được những kế hoạch Chính phủ và Quốc hội đề ra”.
Ông Vinh cho biết: “Năm nay dù kinh tế rất khó khăn nhưng Chính phủ vẫn đầu tư cho an sinh xã hội và hỗ trợ một số chính sách với gia đình nghèo, cận nghèo, giải quyết những vấn đề phát sinh như cứu trợ đồng bào bị bão lụt. Chúng tôi đánh giá rất cao vấn đề này. Tôi cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Kinh tế của chúng ta đang có những khởi sắc, lãi suất cho doanh nghiệp vay đã thấp, một số doanh nghiệp đã làm ăn trở lại được, thu hút được lao động. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu và thực hiện tốt các giải pháp cũng đã đưa ra cho 3 tháng cuối năm và năm 2014, chúng ta phải bám sát vào tình hình thực tế để chỉ đạo và làm một cách quyết liệt...”.
“Kỳ họp lần này quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng, như là thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)… Chúng ta vẫn nói rằng 70 – 80% khiếu nại, tố cáo của dân là do khúc mắc về luật, vậy thì việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) hi vọng sẽ giải quyết được một phần lớn tồn tại. Cùng với đó là việc bổ sung nhân sự cho cả Quốc hội và Chính phủ để chúng ta chỉ đạo cho tốt hơn. Tôi rất kỳ vọng những kế hoạch của Chính phủ cũng như Quốc hội đề ra sẽ thực hiện được”, ông nói. (V.Hân, Công An Nhân Dân 22/10, tr3)
Khu du lịch Đồ Sơn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” và trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều du khách.
Đến Đồ Sơn du khách được tận hưởng không khí trong lành cùng các dịch vụ, tắm biển, đi mô tô nước, dù bay bãi biển, câu cá, thăm đảo Hòn Dấu, khu du lịch Hòn Dấu, ngọn Hải đăng.
Ngoài ra, hệ thống các di tích, danh thắng Quốc gia, biệt thự, công viên, rừng nguyên sinh là đặc trưng của du lịch Đồ Sơn, tăng sức hút và thêm sự lựa chọn cho du khách. (Dulichvn.org.vn 22/10)
Người dân sinh sống ở khu vực đường Máng, thôn Vĩnh Khê, xã An Đồng, huyện An Dương phản ánh: Khu vực ven đường Máng, đoạn trước cửa nhà văn hóa thôn Vĩnh Khê có rất nhiều ô tô chở rác thải xây dựng đến đổ trộm.
Tình trạng này đã được cán bộ thôn Vĩnh Khê nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không hề thuyên giảm. Gần đây, UBND xã An Đồng còn cắm biển với nội dung “cấm đổ đất vôi thầu rác thải” nhưng một số phương tiện vẫn cố ý đổ trộm.
Đề nghị UBND xã An Đồng kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện, cá nhân vi phạm để đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị khu vực. (An Ninh Hải Phòng 22/10, tr4)
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Tân (Thủy Nguyên) vừa tổ chức Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác vận động, giám sát của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cơ sở thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Đây là 1 trong 7 xã của thành phố được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chọn chỉ đạo điểm trong Chương trình phối hợp xây dựng nông thôn mới.
Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Minh Tân, các tổ chức thành viên và người dân đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các ý kiến trao đổi cũng tập trung nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát thực hiện xây dựng nông thôn mới, bảo đảm công khai, công bằng và đúng quy định. (Báo Hải Phòng 22/10, tr2)
Theo ông Nguyễn Tiến Lộc - Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng, chiều tối 21/10, Cục Hải quan thành phố đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an thành phố tiến hành kiểm tra, bắt giữ một khối lượng lớn lô hàng ngà voi nhập lậu.
Theo đó, lô hàng đứng tên chứng từ vận tải là Công ty Cổ phần Hoàng Gia Exim (trụ sở tại Hải Phòng) được khai báo trên vận đơn là vỏ ốc nhập khẩu.
Tuy nhiên, lực lượng hải quan và cảnh sát môi trường đã kiểm tra bằng máy soi, phát hiện trong các bao ốc nhập khẩu cất giấu khoảng 2,4 tấn ngà voi. Lô hàng này được hãng tàu P.T.L (Singapore) vận chuyển từ Malaixia về cập cảng Nam Hải. Hiện toàn bộ lô hàng cùng 2,4 tấn ngà voi đã bị tạm giữ tại Kho của Hải quan Hải Phòng để điều tra, làm rõ. (Thiên Bình, Baophapluat.vn 22/10; Văn Thịnh, Công An Nhân Dân 22/10, tr1; PV, Thanh Niên 22/10, tr2; Nhân Dân 22/10, tr8; H.Hoan, Lao Động 22/10, tr7; VTV1 – Bản tin Thời sự lúc 19h ngày 21/10; Hà Linh, Phunutoday.vn 22/10; Báo Hải Phòng 22/10, tr7)
TAND huyện An Dương vừa tuyên phạt Nguyễn Văn Cảnh (SN 1990) và Bùi Huy Tân (SN 1991, cùng ở cùng thôn Phương Chử Đông, xã Trường Thành, huyện An Lão) mỗi bị cáo 18 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ điều tra, 10 giờ 30 ngày 11/6, Cảnh gọi điện cho Tân rủ rê: “Có đi làm đề không”. Tân hiểu ý Cảnh nói là đi lừa những người bán số đề để lấy tiền nên đồng ý. Đến 12 giờ 30 cùng ngày, Cảnh đi xe máy đến đón Tân sang nhà bạn là Phạm Văn Kha (SN1983, ở thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương). Sau đó, các đối tượng ra quán nước ở cổng làng Đồng Xuân gần đó bàn bạc và phân công vai cho từng người.
Thủ đoạn của chúng là ghi sẵn các con số đánh “đề, bao lô, ba càng” và số tiền tương ứng với mỗi số vào tờ tích kê, rồi đưa tờ tích kê cho người bán số đề cầm; sau khi có kết quả xổ số thì đến mượn lại tờ tích kê, vờ đọ số đã ghi trong tích kê với số trúng thưởng của giải đặc biệt, rồi tìm cách ghi thêm 3 số cuối của giải đặc biệt vào tờ tích kê, sau đó “đè nghiến” người bán đề phải trả tiền trúng thưởng “ba càng”. (Tiền Phong Online 22/10)
Thời gian gần đây, trên các tuyến đường địa bàn quận Ngô Quyền, đặc biệt là tuyến đường Lê Hồng Phong xảy ra tình trạng phá hủy, trộm cắp các biển tuyên truyền treo trên cột đèn cao áp.
Theo phản ánh của cơ quan chủ quản là Công ty CPN, trên tuyến đường Lê Hồng Phong bị mất 90 biển, mỗi biển trị giá 200.000 đồng. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Công an quận Ngô Quyền đã chỉ đạo Công an các phường và đội nghiệp vụ triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn…
Kết quả, đến ngày 20/10, Tổ công tác của Công an phường Lạc Viên kết hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Lê Hồng Phong đã bắt quả tang Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1968) và Nguyễn Văn Khanh (SN 1974, trú phường Đông Khê, quận Ngô Quyền) đang trộm cắp 20 tấm cốp pha và 2 thanh chống bằng gỗ tại nhà anh Trần Văn Long (SN 1990, ở Lê Hồng Phong, Ngô Quyền).
Tại cơ quan điều tra, Hùng và Khanh thú nhận cả nhóm gồm 4 người, đều nghiện ma túy nặng nên tìm mọi cách kiếm tiền. Vào ngày 20/10, Khanh phóng xe máy 6269 chở Hùng đi dọc tuyến đường Lê Hồng Phong. Khi đến nhà số 3B Lê Hồng Phong đang xây dựng, thấy có đống cốp pha chưa sử dụng, cả hai cùng nhau trộm cắp thì bị bắt.
Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Ngô Quyền đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trộm cắp tài sản. Cơ quan điều tra kêu gọi Khanh sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật. (Phúc Dũng, An Ninh Hải Phòng Online 22/10)
Phạm Thị Huyền Trang (SN 1986, ở xã An Đồng, huyện An Dương) đã từng phải trả giá cho những tháng ngày lông bông, lêu lổng bằng 2 tiền án, tiền sự. Thế nhưng, Trang lại phạm sai lầm để rồi một lần nữa phải ngồi bóc lịch…
Vào chiều 31/7, Trang phóng xe máy đến khu vực miếu thờ ở ngõ 12 Trần Phú, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền. Sau khi gửi xe vào khách sạn Harbour View ở gần miếu, Trang mang theo túi xách rộng, đi lẫn vào khách hành hương đến miếu chờ cơ hội trộm cắp.
Ngó trước, ngó sau không có người chú ý, Trang nhanh tay thó luôn hai chiếc bình cắm hoa bằng đồng đặt trên ban thờ, bỏ vào túi xách và nhanh chân bước ra ngoài. Đến nơi gửi xe, Trang bị anh Nguyễn Văn Lợi - bảo vệ của khách sạn nghi ngờ nên kiểm tra và bắt giữ cùng tang vật, sau đó giao cho bà Đinh Thị Liên là người trông coi miếu. Lợi dụng sơ suất, Trang đã bỏ xe chạy lấy người. Đến 20 giờ cùng ngày, bà Liên đến Công an phường Máy Tơ trình báo sự việc.
Biết không thể trốn tội, ngày 5/8, Trang đến Công an phường Máy Tơ đầu thú. Ngoài ra Trang còn khai vào giữa tháng 7 đã thực hiện một vụ trộm cắp bình hoa tại miếu này, sau đó mang đi bán được 150.000 đồng để mua ma túy.
Theo định giá, tổng tài sản mà Trang trộm cắp trị giá 1.600.000 đồng. Vừa qua, TAND quận Ngô Quyền đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Trang 15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. (TD, An Ninh Hải Phòng 22/10, tr7)
Phường Hùng Vương (Hồng Bàng) có 22 Tổ dân phố, 2.288 hộ dân và 10.092 nhân khẩu cùng hơn 50 cơ quan doanh nghiệp và nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện đứng chân trên địa bàn…
Để đảm bảo an ninh trật tự, tạo điểm tựa để phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nhiều năm qua, Công an phường đã tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường tập trung chỉ đạo các Ban ngành, đoàn thể của địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh việc thực hiện “Quy chế phối hợp bảo vệ an ninh trật tự giữa lực lượng Công an - Bảo vệ dân phố - Quân sự - lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn”.
Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, cùng với việc tích cực tham mưu, Công an phường đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tích cực nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung lực lượng thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội.
Theo Đại úy Hà Ngọc Dũng - Trưởng Công an phường Hùng Vương, cùng với việc nắm chắc tình hình địa bàn, trao đổi thông tin liên quan đến an ninh trật tự, tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm, các lực lượng còn phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội dọc tuyến Quốc lộ 5 (cũ), bờ sông Cấm, qua đó bắt quả tang 7 đối tượng trộm cắp tài sản, thu giữ nhiều phương tiện vi phạm và tài sản giá trị hàng trăm triệu đồng, chuyển cơ quan chức năng xử lý nhiều đối tượng… Do vậy, tình hình an ninh trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học và tổ dân phố tiếp tục được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự hàng năm giảm từ 8-11%, nhiều tụ điểm, ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội đã bị triệt xóa...
Ông Hoàng Văn Tiến - Trưởng Ban bảo vệ, bảo hộ lao động – Công ty Lisemco ghi nhận, thời gian qua, công tác phối hợp bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn phường Hùng Vương đã phát huy hiệu quả tốt, tạo thế trận an ninh liên hoàn bủa vây tội phạm.
Có thể nói, 5 năm qua (2008-2013), lực lượng Công an, quận sự, bảo vệ dân phố, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp phường Hùng Vương đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác giữ gìn an ninh trật tự. Các lực lượng đã phối hợp, phân công trách nhiệm và tổ chức nhiều biện pháp thực hiện hiệu quả. Trong đó đã tập trung lực lượng, củng cố các mô hình phong trào, như: Khu dân cư, Tổ dân phố tự quản, Tổ an ninh công nhân, Tổ công nhân tự quản…, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội địa phương. (PĐT, An Ninh Hải Phòng 22/10, tr3)
Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2013 của Thanh tra Chính phủ gửi Chính phủ cho thấy, các cơ quan hành chính Nhà nước tiếp 370.649 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, có 4.092 lượt đoàn đông người; tiếp nhận 102.569 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong số đó có 65.408 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước với 47.060 vụ việc.
Các tỉnh, thành phố có số lượt người khiếu nại, tố cáo nhiều là TP HCM, Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thanh Hóa... Các địa phương có nhiều đoàn đông người là: Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Cà Mau.
Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 40.206/47.060 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,44% (tăng 1,14% so với năm 2012). Kết quả trên cho thấy, công tác tiếp công dân thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân; từng bước gắn tiếp dân với xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Phương Hiếu, Thanh Tra 22/10, tr10)
UBND huyện Cát Hải vừa tổ chức khởi công xây dựng công trình kéo dài cầu tàu khách Cát Bà với tổng mức đầu tư 20,488 tỷ đồng. Công trình do UBND huyện Cát Hải làm chủ đầu tư; Ban quản lý Dự án khu vực Cát Hải làm đại diện với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cấp theo Chương trình đầu tư hạ tầng du lịch, gồm các hạng mục: Cải tạo cầu tàu, nối dài cầu tàu thêm 40m ra biển, rộng 11 m, cao độ bằng cao độ mặt cầu tàu cũ; nạo vét xung quanh cầu tàu đến cao độ -3m.
Theo Ban quản lý Dự án khu vực Cát Hải, đơn vị thi công hoàn thành đúc cọc bê tông cốt thép và đang tập trung nhân lực, máy móc thi công công trình để hoàn thành trước ngày 20/3/2014, chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá (31/3/1959 – 31/3/2014), Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam và khai trương du lịch Cát Bà năm 2014.
Công trình kéo dài cầu tàu khách Cát Bà để tăng chiều dài cập tàu, đáp ứng cùng lúc 4 tàu cập bến, giảm ách tắc giao thông và thời gian chờ đợi tại bến, bảo đảm an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Cát Hải. (Báo Hải Phòng Online 21/10; An Ninh Hải Phòng 22/10, tr5)
Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Công điện yêu cầu 2 sân bay Hải Phòng và Đà Nẵng cử người truy tìm trên quy mô lớn chiếc lốp văng ra từ máy bay ATR 72 gặp sự cố ngày 21/10 khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.
Nội dung Công điện nêu rõ, Cảng vụ Hàng không Hải Phòng, Cảng vụ Hàng không Đà Nẵng phối hợp với hãng hàng không tổ chức kiểm tra toàn bộ khu vực cảng để tìm mảnh vỡ, bánh máy bay để phục vụ công tác điều tra nguyên nhân sự cố.
Một chuyên gia Cục Hàng không cho biết, việc truy tìm này đã được thực hiện từ chiều 21/10, ngay khi phát hiện máy bay ATR 72 bị mất chiếc lốp phải càng mũi nhưng vẫn chưa tìm thấy, ngày 22/10 tiếp tục phải truy tìm ở quy mô lớn hơn.
Vì chưa xác định được thời điểm gẫy chốt càng, văng lốp xảy ra khi nào nên không thể khoanh vùng tìm kiếm. Nếu lốp máy bay văng ra trong quá trình thu/hạ càng lúc cất/hạ cánh thì vị trí tìm kiếm phải cách đường băng 2 - 3 km. (T. Hà, Người Lao Động Online 22/10; Thu Phương - N.Anh, Giao Thông Online 22/10; Sài Gòn Giải Phóng Online 22/10)
Ngày 26/10, gần 500 sinh viên thuộc 160 đội tuyển từ 53 trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước sẽ dự thi trực tuyến vòng thi Quốc gia cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC 2013.
Vòng thi Quốc gia được tổ chức tại 11 điểm thi trên toàn quốc với hệ thống thi trực tuyến (online) do Đại học FPT thiết lập. Đây là lần thứ hai Đại học FPT đăng cai tổ chức cuộc thi online ACM/ICPC cấp Quốc gia.
11 điểm thi tập trung của vòng thi Quốc gia gồm 3 điểm tại Hà Nội (Đại học FPT, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ Hà Nội), 4 điểm thi tại TP.HCM (Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, Đại học Sài Gòn), 4 điểm còn lại tại Đại học Duy Tân - Đà Nẵng, Đại học Nha Trang - Khánh Hòa, Đại học Hàng hải - Hải Phòng, Đại học Cần Thơ. (Việt Hà, ICTNews.vn 21/10; Nguyễn Hoài, Tiền Phong 22/10, tr6)
Tập Đoàn Bridgestone vừa chính thức thông báo Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone tại Việt Nam đã quyết định đẩy mạnh năng lực sản xuất của nhà máy lốp radial mới cho xe ô tô (PSR) đang được xây dựng tại Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư tăng thêm của nhà máy là 41 tỷ 600 triệu yên.
Dự kiến, tới nửa cuối năm 2017, năng lực sản xuất mỗi ngày sẽ tăng khoảng 24.000 lốp và năng lực sản xuất mỗi ngày sẽ đạt tới 49.000 lốp sau khi hoàn thành quá trình đẩy mạnh năng lực sản xuất. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào tháng 3 năm 2014. (24h.com.vn 22/10)
Công ty Cổ phần sơn Hải Phòng (mã HPP-UPCoM) thông báo: 12/11 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 1/2013 bằng tiền mặt. (M.Kiều, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 22/10, tr8)
21. Xử lý Dự án treo, Dự án kém hiệu quả: Vẫn thiếu chế tài, quy định cụ thể
Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 80 Dự án với diện tích hơn 1200 ha bị thu hồi. Song, việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong quản lý sử dụng đất ở các dự án thường muộn, chậm. Tại sao lại có tình trạng này ?
Nhiều sai phạm, nhưng chậm phát hiện
Theo Quyết định 1573/2003, UBND thành phố có quyết định giao đất cho doanh nghiệp để để thực hiện Dự án xây dựng khu trung chuyển hàng hóa và bãi đỗ xe. Nhưng, doanh nghiệp lại sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, phải tới 4 năm, năm 2007, UBND thành phố có quyết định thu hồi hơn 21,5 nghìn m2 đất của Công ty Thương mại và đầu tư giao thông vận tải (trước đây là Công ty môi giới thương mại và đầu tư phát triển giao thông, ở phường Hùng Vương, Hồng Bàng) do vi phạm khoản 12 điều 38 Luật Đất đai, tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong Dự án đầu tư.
Thực tế cho thấy, số Dự án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai nhưng chậm phát hiện và xử lý khá nhiều. Năm 2001, Xí nghiệp Đức Thiết, có quyết định được thuê hơn 2,4 nghìn m2 đất tại cụm công nghiệp Vĩnh Niệm. Sau khi được giao đất doanh nghiệp không triển khai Dự án mà tự ý chuyển nhượng cho tổ chức khác. Song, phải 4 năm sau, năm 2005, sai phạm này mới bị phát hiện và xử lý. Đáng chú ý, hiện trên địa bàn thành phố có không ít Dự án được giao đất từ 5, 6 năm nay, cá biệt có Dự án tới cả 9-10 năm nhưng chưa bị thu hồi.
Theo phản ánh cử tri phường Đa Phúc (quận Dương Kinh): Năm 2004, trên địa bàn phường có Công ty dệt Đức Hoàng được thuê đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất, song sau gần 10 năm, Dự án mới xây dựng tường bao. Tình trạng này được cử tri phường phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng cơ quan chức năng chưa kiểm tra, xử lý.
Theo kết quả khảo sát của quận Dương Kinh, tính đến tháng 5, trên địa bàn quận có 7 Dự án được giao đất, cho thuê đất từ 5-10 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện. Đáng kể là Dự án Công ty Cổ phần xây dựng 573 (Khu nhà ở Anh Dũng 1) được giao đất từ năm 2003 với diện tích hơn 124 nghìn m2, hiện vẫn chưa khởi động.
Dự án Công ty TNHH Bông Sen ở phường Anh Dũng với diện tích gần 30 nghìn m2 được giao từ 2003, Dự án Công ty TNHH Liên Thành (Hưng Đạo) được giao đất từ năm 2004 cũng chưa có “động tĩnh”...
Thiếu quy định cụ thể
Có tình trạng này là do các quy định pháp luật về đất đai hiện chỉ quy định những hành vi vi phạm bị xử lý thu hồi đất. Còn quy trình thu hồi đất đai vi phạm lại thiếu các quy định cụ thể, công tác thu hồi luôn gặp khó khăn. Như trường hợp thu hồi đất của công ty TNHHH Việt Mỹ.
Ngày 3/8/2011, UBND thành phố có Công văn về việc thu hồi đất thuê của Công ty Việt Mỹ. UBND huyện Tiên Lãng được giao nhiệm vụ kiểm kê, lập, thẩm định và phê duyệt phương án hoản trả giá trị đầu tư hợp pháp khi thu hồi đất của Công ty. UBND huyện thành lập Tổ công tác kiểm kê, lập phương án hoàn trả. UBND huyện có văn gửi phía Công ty đề nghị cử cán bộ tham gia Tổ công tác; có Văn bản gửi Công ty đề nghị cung cấp tài liệu, phục vụ cho việc kiểm kê, lập, thẩm định và phê duyệt giá trị đầu tư hợp pháp của Công ty.
Sau 3 lần gửi Công văn, Tổ công tác chưa nhận được hồi âm từ phía Công ty. Công ty Việt Mỹ chưa cung cấp tài liệu có liên quan đến giá trị đầu tư hợp pháp của Công ty tại xã Tiên Hưng khiến việc kiểm kê gặp khó khăn, tiến độ bị chậm. Trong khi đó, khối lượng công việc còn nhiều, địa phương thiếu kinh phí phục vụ công tác kiểm kê. Những khó khăn, trở ngại trong quá trình thu hồi đất thuê của Công ty Việt Mỹ là tình trạng chung của nhiều Dự án khác.
Tại cuộc làm việc của Thường trực HĐND thành phố với Sở TN&MT, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Vũ Văn Kiền cho rằng, việc thu hồi đất Dự án doanh nghiệp chậm đưa vào sử dụng gặp nhiều khó khăn. Riêng huyện Cát Hải có 5 Dự án, kiến nghị nhiều năm đã đưa vào nghị quyết của UBND huyện. Thế nhựng, qua nhiều năm, việc không thu hồi chưa hoàn tất. Thực tế này đặt ra đối với các ngành chức năng cần có những biện pháp quản lý đất đai hiệu quả hơn.
Quả vậy, từ lúc xác định được đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích đến khi thu hồi được là một quá trình khá dài, liên quan đến rất nhiều Sở, ngành, địa phương. Song do không có quy trình, thủ tục thu hồi đất một cách cụ thể, nên thiếu sự phân công trách nhiệm rõ ràng các bên liên quan. Như việc lập phương án bồi thường đối với phần kiến trúc được xây dựng trên đất. Đây là quy định bắt buộc để các địa phương và Sở ngành chức năng triển khai thu hồi đất.
Nếu trong trường hợp không thỏa thuận được phương án đền bù, các Sở ngành chức năng cùng các địa phương buộc phải ngừng công việc của mình. Có trường hợp, cả hai bên thu hồi và bị thu hồi đất đều rất thiện chí, thế nhưng lại mất thời gian thẩm định giá. Trong khi đó, hình thức, mức độ vi phạm quy định Luật đất đai buộc phải thu hồi đối với các dự án khá đa dạng với nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả lỗi của các doanh nghiệp và cả của cơ quan quản lý.
Thực tế này cho thấy cần làm rõ hơn trách nhiệm các bên liên quan để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng đất của mỗi doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. (Nguyên Mai, Báo Hải Phòng 22/10, tr5)
Việc sử dụng quỹ đất sau thu hồi đối với các dự án treo, dự án kém hiệu quả thực hiện như thế nào, liệu có bảo đảm sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Đây là vấn đề người dân quan tâm?
Thực tế cho thấy, cùng với việc tăng cường xử lý các sai phạm, việc quản lý quỹ đất sau thu hồi được thành phố, các ngành chức năng và chính quyền địa phương chú trọng bảo đảm hiệu quả, đúng quy hoạch và đúng mục đích.
Năm 2005, có 5 Dự án tại khu vực Tràng Cát (Hải An) bị thu hồi, gồm các Dự án của Công ty TNHH Tùng Giang diện tích hơn 14 triệu m2, Công ty Cổ phần Biển Xanh diện tích thu hồi hơn 927 nghìn m3, Công ty TNHH AE gần 20 ha, rồi Công ty TNHH 27/7, Cổ phần thương mại dịch vụ Asean...
Nguyên do, các doanh nghiệp này sử dụng đất không đúng quy hoạch được giao. Khu đất được giao cho các doang nghiệp thuộc quy hoạch trồng rừng chắn sóng. Tuy nhiên, các cơ sở này chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Sau khi phát hiện doanh nghiệp sai phạm, UBND thành phố có quyết định thu hồi đất, giao UBND quận Hải An thực hiện quy hoạch trồng rừng chắn sóng.
Căn cứ quy hoạch sử dụng đất, không ít Dự án được tiếp tục giao cho doanh nghiệp khác có năng lực hơn để sử dụng mục đích sản xuất, kinh doanh như trường hợp Công ty TNHH Nam Hoa - cụm công nghiệp Quán Trữ.
Năm 2006, UBND thành phố có quyết định thu hồi với hơn 17 nghìn m2 của công ty Nam Hoa, do vi phạm Luật Đất đai sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả. Phần diện tích này được chuyển cho Công ty TNHH Hoa Phương và Công ty Hifen. Hiện nay, 2 cơ sở này xây dựng nhà xưởng đi vào sản xuất ổn định.
Năm 2006, UBND thành phố có quyết định thu hồi hơn 4,5 m2 đất của Hợp tác xã xí nghiệp thương binh Tân Hải ở xã Tân Tiến (An Dương) do cơ sở này vi phạm Luật Đất đai, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện Dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong Dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
Phần diện tích này được giao lại UBND xã Tân Tiến sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất thuộc quy hoạch khu công nghiệp Tràng Duệ nay được chuyển vào Công ty Cổ phần công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ.
Vừa qua, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 134/2010 của Thủ tướng về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở TN&MT xác định 49 Dự án chậm triển khai sẽ tiếp tục lập hồ sơ thu hồi trong năm 2013. Với việc tăng cường xử lý các Dự án treo, Dự án kém hiệu quả, đưa về sử dụng đúng mục đích là cơ sở góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố. (Bảo Châu, Báo Hải Phòng Online 22/10)
9 tháng qua, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận Ngô Quyền đạt gần 293,7 tỷ đồng, ước cả năm đạt khoảng 413,7 tỷ đồng, bằng 70% dự toán và bằng 99% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo quận, số thu thấp là do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên đại bàn tiếp tục gặp khó, số doanh nghiệp bỏ, ngừng hoạt động tăng cao, hàng hóa tiêu thụ chậm cùng với việc thực hiện các chính sách về giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 13 của Bộ Tài chính ảnh hưởng rất lớn đến khoản thu. (Báo Hải Phòng 22/10, tr2)
Với thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng, củng cố nền biên phòng toàn dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của huyện Cát Hải, Đại úy Ngô Danh Phương - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cát Hải là một tấm gương sáng trong công tác dân vận ở khu vực biên giới biển, đảo.
Thành lập 3 Tổ tàu thuyền đoàn kết
Nằm ở khu vực cửa ngõ từ biển Đông vào thành phố, Cát Hải giữ vị trí chiến lược về cả quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế.
Đầu năm 2013, Dự án Cảng nước sâu Lạch Huyện được khởi công với 2 hợp phần chính. Khi hoàn thành sẽ góp phần thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đưa nước ta trở thành Quốc gia mạnh về biển.
Tuy nhiên, trước khi Dự án chính thức được khởi công, một số người dân có ý kiến ra, vào, sợ Dự án làm mất đất sản xuất, phá hủy môi trường. Đại úy Phương cho biết: “Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và thành phố nên ngay khi xuất hiện những thông tin phản hồi của người dân địa phương, với cương vị người phụ trách công tác vận động quần chúng của đơn vị, tôi thành lập ngay Tổ công tác đột xuất, xuống từng hộ, lắng nghe tâm tư, ý kiến của người dân, đồng thời cung cấp thêm thông tin về dự án, giải thích về vai trò, ý nghĩa cũng như lợi ích dự án mang lại cho người dân địa phương”. Từ đó, dân hiểu, dân đồng tình và chia sẻ. Trước ngày khởi công Dự án, nhiều người dân tự vận động, rủ nhau phát quang những bụi cây, cỏ dại giúp chính quyền chuẩn bị tốt công tác hậu cần của buổi Lễ.
Theo Đại úy Phương, yếu tố then chốt để đạt hiệu quả trong công tác vận động người dân chấp hành thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố là phải gần dân, hiểu dân. Chỉ có nắm vững tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân mới xây dựng được hình thức vận động phù hợp.
Người dân ở 5 xã thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Cát Hải quản lý chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác hải sản ven bờ. Một bộ phận khác nuôi trồng thủy sản, buôn bán nhỏ ven bờ. Trên địa bàn có hơn 100 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ.
Thượng tá Nguyễn Quốc Toản - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Hải kể, trước kia, do trình độ dân trí chỉ ở mức trung bình nên những hộ ngư dân chỉ hoạt động riêng lẻ, mạnh ai người đó làm, không có tổ chức. Thậm chí nhiều hộ còn ngang nhiên xả rác thải, dầu mỡ bừa bãi trên biển hay sử dụng te kích điện, tận diệt hải sản, phá hủy ngư trường.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, với sự tham mưu của Đại úy Phương, chính quyền địa phương xây dựng và duy trì hoạt động thành công 3 tổ tàu thuyền đoàn kết tại xã Phù Long. Qua đó, giúp hình thành mô hình đánh bắt thủy sản theo lối “buôn có bạn, bán có phường”. Ở đâu có luồng hải sản nhiều, phong phú, ở đó có Tổ tàu thuyền đoàn kết của huyện Cát Hải, xóa sổ hoàn toàn tình trạng dùng te kích điện khai thác hải sản.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Không chỉ giúp nhau làm kinh tế, mô hình Tổ tàu thuyền đoàn kết với 125 thành viên là chủ các phương tiện được Chính trị viên phó Ngô Danh Phương vận động tham gia, cũng trở thành những kênh tuyên truyền kiến thức về chủ quyền biển, đảo.
Dễ dàng tìm thấy những tờ rơi in màu với nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam, Nghị định 161 về quy chế biên giới biển và cả bản đồ chủ quyền khu vực biển, đảo của Việt Nam. Đại úy Phương cho hay: “Cứ tính đơn giản, một tàu có 3-5 thuyền viên, chỉ cần những chủ phương tiện nắm vững kiến thức, tuyên truyền cho những người còn lại, chặng đường nâng cao nhận thức của người dân đi biển đã đi được một quãng dài. Bởi thế, tờ rơi là thứ không thể thiếu trên mỗi con tàu. Bên cạnh những buổi tuyên truyền cố định, trước mỗi chuyến tàu đi, tôi cùng anh em trong đơn vị thường xuyên xuống các tàu, gửi thêm tờ rơi để ngư dân đọc”.
Nhận thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền cho người dân địa phương trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo của thành phố, Đại úy Phương tiếp tục đề xuất kết nghĩa 2 đơn vị Đồn biên phòng Cát Hải và trường THPT Cát Hải, từ đó thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho giáo viên, học sinh của trường. Ngoài ra, phát huy khả năng viết lách của bản thân, Đại úy Phương cho ra lò các bài viết tuyên truyền biển, đảo, phát thường xuyên trên hệ thống loa phóng thanh.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, những phương án này đã phát huy tác dụng. Ông Bùi Hữu Sản - Trưởng Ban quản lý cụm di tích lịch sử văn hóa Gia Lộc (huyện Cát Hải) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi đứa cháu đọc vanh vách các quy định pháp luật về quản lý biên giới biển, đảo và trách nhiệm của người dân khu vực biên giới trong hỗ trợ lực lượng chức năng giữ gìn an ninh trật tự. Kỳ thực, tôi cũng không nhớ hết nhưng với kênh tuyên truyền “người nhà” này, kiến thức đó nhanh chóng được phổ biến trong gia đình”. (Như An, Báo Hải Phòng 22/10, tr3)
Mặc dù có doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc song theo đánh giá của các ngành chức năng thì số này chỉ đếm “đầu ngón tay”. Ước tính hằng năm, thành phố có không dưới 1.500 người cai nghiện tại cộng đồng, tại các trung tâm, khi trở về nhà không tìm được việc làm...
“Cai” bằng… dạy nghề
Chỉ tính riêng tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng, hàng năm tiếp nhận, chữa trị cai nghiện, phục hồi cho hơn 1.000 người nghiện ma túy. Ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc Trung tâm luôn trăn trở, tâm niệm rằng người nghiện ma túy không nên xem là thứ “bỏ đi”. Thế nhựng, làm thế nào để họ trở thành là người hữu ích, trở về với cộng đồng sống như bao người khác là điều không dễ dàng. Vì thế, Trung tâm đặc biệt coi trọng công tác lao động trị liệu và hướng nghiệp dạy nghề cho học viên, nhằm giúp họ rèn luyện ý chí, kỹ năng lao động và tiếp cận việc làm.
Từ phương pháp này, bằng nguồn kinh phí tự tạo, tự huy động, đơn vị đã liên kết với một số cơ sở đào tạo mở các lớp dạy nghề: khâu bóng, làm vàng mã, thêu, may công nghiệp, làm gốm, hàn cơ khí… cho hàng trăm lượt học viên. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2012, trung tâm đã liên kết đào tạo trình độ chính quy trung cấp nghề xây dựng cho trên 300 học viên. Sau đó, Ban lãnh đạo Trung tâm tổ chức liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu để giới thiệu việc làm cho học viên trước khi về nhà. Những người mong muốn tìm việc làm phải qua sự kiểm tra, sàng lọc cả về sức khỏe, ý chí lẫn ý thức quyết tâm làm lại cuộc đời, sinh sống bằng sức lao động của chính mình.
Kết quả, đến nay, đã có hàng trăm người nghiện sau cai được tin tưởng giới thiệu, tìm được việc làm tại một số doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần nhựa thiếu niên Tiền phong, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, Công ty đúc Tân Long, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty TNHH Đức Việt Anh…
Cũng theo ông Toàn, đối với các học viên sau khi được tuyển dụng, trung tâm vẫn thường xuyên đến nơi làm việc để thăm hỏi, động viên và có thể xét nghiệm bất kỳ lúc nào, nếu dương tính với ma túy sẽ bị trả về gia đình. Việc gắn kết 4 yếu tố là trung tâm, đơn vị tuyển dụng, gia đình và chính bản thân học viên là điều rất quan trọng, cần thiết nhằm tạo việc làm bền vững và cuộc sống ổn định cho người sau cai nghiện ma túy.
Còn tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 (xã Đại Thắng, Tiên Lãng), nhiều hoạt động dạy nghề kết hợp lao động trị liệu cũng được tổ chức như may công nghiệp, khâu bóng, làm vàng mã, kinh tế trang trại…, giúp cho các học viên rèn luyện khả năng, tinh thần lao động và tiếp cận việc làm khi về gia đình.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù có doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc song theo đánh giá của các ngành chức năng thì số này chỉ đếm “đầu ngón tay”. Ước tính hằng năm, thành phố có không dưới 1.500 người cai nghiện tại cộng đồng, tại các trung tâm, khi trở về nhà không tìm được việc làm.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tỉ lệ tái nghiện cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cái khó này, đáng kể là đặc điểm tâm lý của người sau cai, dù tạm thời không dùng ma tuý nhưng để duy trì những hành vi, nếp sống hàng ngày như ăn, ngủ, sinh hoạt như người bình thường rất khó khăn, sức khoẻ suy giảm, khó đáp ứng được yêu cầu công việc. Mặc khác, sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với người từng nghiện ma túy là một “rào cản” lớn bởi phần lớn người nghiện có trình độ văn hoá, tay nghề thấp, hoặc từng có tiền án tiền sự, khiến chủ sử dụng lao động băn khoăn, nghi ngại…
Trên thực tế, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện thì cần có cơ chế cụ thể. Đại diện một số doanh nghiệp phản ánh: Chính phủ ban hành Quyết định số 212/2006 về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý. Theo đó, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng chính sách xã hội. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, sau gần 7 năm quyết định có hiệu lực, đến nay vẫn chưa quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện xác định việc giảm thuế, tiêu chí xác định doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người nhiễm HIV và người sau cai nghiện ma túy. Điều này khiến doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.
Bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người sau nghiện ma túy, việc hỗ trợ vốn vay, giúp họ phát triển kinh tế gia đình cũng là giải pháp bền vững, khả thi. Theo ông Đỗ Văn Bình - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH, người sau cai nghiện ma túy có thể làm việc hoặc tự tạo việc làm phù hợp trong khu vực phi chính thức với những công việc tại gia đình hoặc tổ, nhóm làm nghề thủ công như: may, mây tre, đan lát hoặc kinh doanh nhỏ, sửa chữa xe máy, điện tử...
Được biết, Hải Phòng đang thực hiện Dự án hỗ trợ hòa nhập, phát triển kinh tế cho người nhiễm HIV, trong đó có người sau cai nghiện ma túy do Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (Viện Khoa học lao động xã hội - Bộ LĐ-TB&XH) tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 12/2012, đến nay, bước đầu đã có gần 30 hộ gia đình có người nghiện, nhiễm HIV ở huyện An Lão và một số thành viên nhóm Sóng biển ở quận Đồ Sơn được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Công Diễn - Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong Hải Phòng (đơn vị trực tiếp quản lý Trung tâm giáo dục lao động xã hội Hải Phòng) đánh giá: Tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện đang gặp khó khăn do còn nhiều “rào cản” khác nhau. Tổng đội luôn tạo mọi điều kiện để những học viên cai nghiện tìm được việc làm sau khi cai nghiện.
Anh Diễn cho hay, nhiều công việc của đơn vị trong Dự án xây dựng trên huyện đảo Bạch Long Vĩ đang thiếu lao động và rất phù hợp với những người nghiện sau cai như thợ xây, thợ làm sắt, nuôi trồng thủy sản... hoặc chỉ tiêu tiếp nhận xuất khẩu lao động từ Trung ương Đoàn thanh niên. (Đ.H, An Ninh Hải Phòng 22/10, tr1+4)
Sáng 19/10, nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc quận Hồng Bàng phối hợp với UBND phường Quán Toan tổ chức làm điểm ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Tổ dân phố” tại Tổ dân phố Phố Cảng.
Đến dự có ông Lê Văn Nhã - Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Nguyễn Hải Bình - Phó Bí thư Quận uỷ Hồng Bàng.
Qua 1 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở tổ dân phố”, cán bộ, nhân dân Tổ dân phố Phố Cảng đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Tổ dân phố đã vận động nhân dân tự nguyện tháo dỡ các công trình phục vụ giải phóng mặt bằng, hiến đất nâng cấp ngõ, cải tạo hệ thống thoát nước thải, làm điện chiếu sáng với tổng số tiền 80 triệu đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho 100% các cháu dưới 6 tuổi; vận động cán bộ, nhân dân trong Tổ dân phố tích cực hưởng ứng cuộc vận động xây dựng quỹ “vì người nghèo”, giúp nhau phát triển kinh tế.
Nhờ đó, trên địa bàn Tổ dân phố Phố Cảng hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, 80% hộ gia đình đã có mức sống khá, 15% có mức sống trung bình; 96/100 hộ đạt gia đình văn hoá; an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, không để xảy ra trọng án, cháy nổ, không có người nghiện ma tuý phát sinh...
Tại Hội nghị, nhiều cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, UBND phường biểu dương, khen thưởng. Nhân dịp này, các đại biểu đã cùng nhau ký giao ước thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở Tổ dân phố” năm 2014, phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: 95% hộ đạt gia đình văn hoá, 100% hộ không vi phạm tệ nạn xã hội, 100% hộ tự giác nộp các loại quỹ vận động, quỹ pháp lệnh, thuế và làm đầy đủ nghĩa vụ với địa phương đúng hạn.
Sáng 19/10, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tổ chức làm điểm ngày hội “đại đoàn kết ở khu dân cư” và phát động ký giao ước thi đua năm 2014 tại Tổ dân phố Bắc Sơn, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Đến dự có ông Nguyễn Văn Tạo - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; ông Đinh Duy Sinh - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Đồ Sơn.
Năm 2013, Tổ dân phố Bắc Sơn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chọn làm đơn vị thực hiện điểm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Dưới sự hỗ trợ của các đoàn thể và Tổ dân phố, các Chi hội đã giúp hội viên vay vốn ngân hàng chính sách mua ngư lưới cụ, tàu thuyền vươn khơi, trang bị máy móc chế biến hải sản tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho nhân dân; Tổ dân phố tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các nội dung quy ước, hương ước và nếp sống văn minh đô thị, không để phát sinh người nghiện ma túy; kết hợp với các tổ chức đoàn thể tặng quà cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với tổng kinh phí gần 6 triệu đồng.
Nhân dịp này, Tổ dân phố phát động nhân dân tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt. (Nhóm PV, An Ninh Hải Phòng 22/10, tr10)
Sở TN&MT vừa phối hợp với huyện An Lão tổ chức xin ý kiến tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt sông Đa Độ, phục vụ kỳ họp thứu 7 – HĐND thành phố khóa 14.
Sông Đa Độ chảy qua 12 xã, thị trấn của huyện An Lão. Hiện nay, nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt, hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, chất thải y tế, hoạt động sản xuất nông nghiệp, bãi rác, nghĩa trang và các trường hợp lấn chiếm hành lang sông… (Báo Hải Phòng 22/10, tr2)
Tại trụ sở UBND quận Dương Kinh, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố vừa tổng kết phong trào thi đua các đơn vị lực lượng vũ trang khối quận năm 2013.
Năm 2014, khối thi đua đơn vị lực lượng vũ trang các quận tiếp tục quán triệt, triển khai toàn diện phong trào thi đua quyết thắng, đồng thời chú trọng sơ kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích cao trong thực hiện phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn phong trào thi đua quyết thắng với đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… (Báo Hải Phòng 22/10, tr3)
Từ đầu năm đến nay, các huyện hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 31 thửa đất thuộc Dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đã phê duyệt, năm 2013, khu vực ngoại thành có 46 điểm đấu giá, chiếm 71% tổng số điểm của toàn thành phố. Nhằm tạo nguồn thu ngân sách địa phương, các huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các điểm đấu giá với diện tích hơn 3ha được tổ chức đấu giá thành công với số tiền trúng đấu giá hơn 72 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 22/10, tr5)
UBND quận Kiến An vừa phối hợp Sở Xây dựng rà soát, xác định được 39 hộ dân cư chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch đất ở, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số diện tích được xét cấp giấy là hơn 6,6 nghìn m2. (Báo Hải Phòng 22/10, tr45)
Ban nhạc khiêu vũ Phần Lan Jari và Taika sẽ biểu diễn phục vụ khán giả Việt Nam miễn phí trong bốn ngày liên tục từ 21- 24/10. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Phần Lan - Việt Nam.
Buổi biểu diễn đầu tiên sẽ dành tặng khán giả thành phố Cảng Hải Phòng vào lúc 20 giờ ngày 21/10 tại Nhà hát Thành phố. Sau đó, ban nhạc sẽ trở lại Hà Nội và trình diễn trong ba ngày liên tiếp tại sân khấu Nhà bát giác, rạp Công Nhân và khách sạn Metropole. Khán giả Hà Nội và Hải Phòng đều có thể nhận vé miễn phí xem tất cả các buổi biểu diễn của Jari và Taika.
Vé được phát tại Đại sứ quán Phần Lan (31 Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Sở Ngoại vụ (15 Trần Quang Khải). (Nguyễn Hà, Tuổi Trẻ Online 21/10; Q.N, Tin Tức 22/10, tr10)
Sáng 21/10, tại Nhà hát Tháng Tám, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang diễn vở “Nắng quái chiều hôm” ( kịch bản: Đăng Chương, chuyển thể Bùi Đức Hạnh, đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú Hà Quốc Minh).
Đây là đơn vị thứ tư kế tiếp các Đoàn chủ nhà Hải Phòng, Nhà hát Chèo Hải Dương, Nhà hát Chèo Hà Nam thi tài kể từ tối khai mạc 19/10 đến nay
Mặc dù mới khởi động chặng đầu nhưng cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp thu hút sự quan tâm của giới làm nghề, các nghệ sĩ, diễn viên đã nghỉ hưu, cũng như khá đông người dân đến xem. Tất cả các đoàn tham dự đều có mặt không chỉ mỗi đêm khai mạc mà còn đến xem các đoàn bạn diễn.
Rầm rộ nhất là Nhà hát Chèo Hà Nội mang đi 3 vở. Tiếp đó là Nhà hát Chèo Việt Nam dự thi 2 vở “ Đền thiêng Bắc Lệ” và “ Đường trường duyên phận”. Đây còn là Nhà hát sử dụng tối đa nguồn nội lực trong tập thể nghệ sĩ diễn viên, không phải đi thuê mượn đạo diễn ngoài. Trong số 13 người trong ê kíp sáng tạo, có 3 đạo diễn của chính Nhà hát đảm nhận công việc dàn dựng là Ngọc Minh, Lê Tuấn Cường, Đoàn Đình Vinh.
Với tư cách đơn vị khai mạc, Đoàn Chèo Hải Phòng nâng cao vở diễn “Ông vua hóa hổ” (tác giả: Lưu Quang Vũ, chuyển thể Vũ Huy Thành, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ - Lại Đình Ngọc). Đoàn 2 Nhà hát Chèo Hải Dương diễn vở “ Chuông ngân rừng trúc” (kịch bản: Trần Đình Ngôn, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Bùi Đắc Sừ) khai thác đề tài lịch sử, cụ thể về giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm mà nhân vật chính là Thiền sư Pháp Loa.
Vở chèo “Bài thơ treo dải yếm đào” (kịch bản: Trần Đình Ngôn, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Lê Huệ) mang bóng dáng nỗi oan khiên của người thiếu phụ Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục của danh sĩ Nguyễn Dữ...
Những vở đã công diễn và có trong danh mục dự thi cho thấy vở diễn khai thác đề tài lịch sử, dã sử chiếm ưu thế tại cuộc thi lần này. Song, vấn đề giữ gìn, kết hợp giữa bản sắc dân tộc với yếu tố tiên tiến, hiện đại thông qua quá trình tiếp thu tinh hoa nghệ thuật Chèo thật không đơn giản. (Báo Hải Phòng Online 21/10)
33. Họa thư “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ”: Bức tranh lịch sử đặc biệt quý giá
Mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc tặng Câu lạc bộ Hải Phòng học bức ảnh sao chụp tranh “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” (Đại sĩ Trúc Lâm rời núi). Đây là bức tranh dài 3,1m, rộng 0,4m; trong tranh có 82 nhân vật, đủ cả tăng sĩ, nho sĩ và đạo sĩ...
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (người dự Lễ trao tặng bản sao bức họa thư cho Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Harvard - Hoa Kỳ) cho biết: Bức “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” vẽ nội dung vua Trần Nhân Tông dời núi Vũ Lâm được Trần Giám Như vẽ năm 1363, sau được các doanh họa thời Minh thêm vào lời bình dẫn, tôn vinh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh - Trung Quốc.
Bức họa thư bỗng nhiên được nhiều người biết đến là nhờ Công ty đấu giá Quốc tế Poly (Bảo Lợi - Bắc Kinh) tổ chức cuộc đấu giá bức Trúc Lâm Đại sĩ (do một Công ty ở Bắc Kinh phối hợp với Bảo tàng Liêu Ninh phục chế để triển lãm năm 2006). Tuy là bản phục chế nhưng đã được một người Việt Nam giấu tên mua với giá cao bất ngờ 1,8 triệu USD, gây chấn động, xôn xao dư luận, nhất là đối với các nhà nghiên cứu và giới thương gia.
Bức tranh “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về, vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón.
Về nguồn gốc bức họa thư, có ý kiến cho rằng: Vào giữa thế kỷ XV, nhà Nguyên suy thoái, đại loạn, dân Hán nổi lên chống lại khắp nơi. Từ năm 1345 có 3 cuộc khởi nghĩa lớn chống lại nhà Nguyên là các cuộc nổi dậy của Trần Hữu Lượng, Trương Hữu Thành và Chu Nguyên Chương. Trần Hữu Lượng nổi lên ở Bái Trạch năm 1354, sau khi chiếm cứ một vùng Giang Tô, Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) rộng lớn, bèn sai sứ xin hòa thân với Đại Việt (Toàn thư, tập II, tr 134). Trần Hữu Lượng tự nhận mình là con trai thứ hai Trần Ích Tắc, cháu ruột vua Trần Nhân Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Anh Tông đã sai người lên phía Bắc để dò la xem hư thực.
Việc Trần Hữu Lượng giấu gốc tích, hoàng tộc Việt của mình khi khởi nghĩa được lý giải: Trần Ích Tắc đem gia quyến và quân đội đến đầu hàng nhà Nguyên năm 1295, được phong làm An Nam quốc vương. Khi Nguyên Thế Tổ chết (1294), con nối ngôi là Nguyên Thành Tông thấy vai trò lịch sử của Ích Tắc đã hết nên đã hạ chỉ thu hồi ruộng đất đã cấp cho Ích Tắc và đưa toàn bộ gia quyến về Ngạc Châu. Sự thay đổi đột ngột khiến đời sống thiếu thốn, con cái li tán nhưng cha con Ích Tắc vẫn tin vào giấc mộng làm vua nước Việt. Lúc bấy giờ, giới thầy bùa lan truyền giai thoại: Khi vua Thái Tông sinh Ích Tắc, vị thần ba mắt từ trên trời xuống nói bị thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau lại trở về phương Bắc. Khi Ích Tắc ra đời, giữa trán có vết lờ mờ hình con mắt, hình dáng giống hệt người trong mộng… (Toàn thư, tập II, tr 55).
Sau khởi nghĩa, tháng 6/1360, Trần Hữu Lượng xưng đế, lấy quốc hiệu là Hán, đặt niên hiệu Đại Nghĩa, đóng đô ở Nam Kinh, chiếm cứ một vùng rộng lớn Chiết Giang, Hồ Quảng (Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông). Trần Giám Như ở Hàng Châu thuộc vùng đất của Trần Hữu Lượng nên mới có thể vẽ tranh ca ngợi vua Trần Nhân Tông - vị anh hùng đã hai lần chiến thắng giặc Nguyên xâm lược Đại Việt. Năm 1363, Trần Giám Như vẽ bức họa thư “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” nhằm ca ngợi hào khí Đông A (họ Trần) để cổ vũ tinh thần cho quân sĩ của Trần Hữu Lượng. Trần Giám Như là họa sĩ nổi tiếng vẽ chân dung ở Hàng Châu nhưng giữ kín gốc tích của mình. Theo giới nghiên cứu mỹ thuật cổ Trung Quốc, bức chân dung danh sĩ Lý Tế Hiền nổi tiếng của nước Cao Ly (Triều Tiên) là do Trần Giám Như vẽ vào năm 1319, đời Nguyên Nhân Tông.
Sau khi Trần Hữu Lượng thất bại, bức họa thư “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” là báu vật ngầm truyền trong hậu duệ họ Trần lưu lạc ở Trung Nguyên. Khoảng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420), bức tranh được tái xuất với chủ nhân là Trung thư xá nhân Trần Đăng và Giao Chỉ học nhân (nhà sư già người Giao Chỉ) Trần Quang Chỉ, đều là hậu duệ nhà Trần. Đặc biệt, Trần Quang Chỉ đã viết bài tán dưới tranh như sau: “Đại sĩ là con vua Trần Thánh Tông, trước khi sinh, vua cha đã mơ thấy Thượng đế ban cho thanh bảo kiếm. Khi sinh, vua đẹp đẽ thông thái, khi lớn lên thông tam giáo nhưng yêu thích đạo phật. Vương thông hiểu lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, các môn đều thấu hiểu đến chỗ uyên bác.
Trong việc trị nước, lấy tinh thần nhân ái để giải quyết mọi việc, lấy lòng thành thực đối đãi với bề tôi, coi họ như tay chân, phủ dụ trăm họ như con ruột, nhẹ hình phạt, thuế má, giữ chữ tín trong việc thưởng công, phạt tội. Tuổi hơn 40 thì “siêu nhiên”, bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho thế tử, vào động Vũ Lâm tu đạo, mặc áo sư, rồi làm am trên đỉnh núi Yên Tử ở 6 năm không xuống núi, mặc áo cỏ, ăn lá cây cần khổ tích hạnh chân tu “các độ”. Sau đó đi khắp nơi trong nước, nay các danh sơn thắng cảnh đâu cũng còn lưu dấu vết “trác tích” (tu hành) của người...
Sự tích Đại sĩ đã có sách truyền đăng lục ghi chép, người Giao Chỉ có thể truyền đạt. Tôi nhận thấy bức tranh này, dám biểu đạt một vài điều đại quát dưới tranh, may chi mọi người xem được khiến cho công hạnh của Đại sĩ không bị mai một - Vĩnh lạc năm 18, ngày thượng nguyên năm Canh tý - Người học Phật ở Lô Giang Trần Quang Chỉ - Tích phủ lạy hai lạy kính cẩn ghi...”.
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam thì Trần Quang Chỉ là người sở hữu bức tranh cho đến thời điểm năm 1420. Nguyên tác họa phẩm Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ đã từng lưu lạc chìm nổi trong tao loạn cho đến đời Thanh, bức họa được sưu tập và đưa vào lưu giữ trong cung đình. Sau cách mạng Tân Hợi (1911) của Trung Quốc, Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của nước này thoái vị nhưng vẫn được cho lưu trú trong cung đình 11 năm. Phổ Nghi đã bí mật chuyển hơn ngàn cổ tịch, tác phẩm danh họa, thư pháp, lịch đại... ra khỏi hoàng cung.
Bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ là một trong số các họa thư quý đã bị thất thoát khỏi cung khi ấy. Năm 1964, bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ được Dương Nhân Khải thu mua lại và cũng nhân đó được lưu giữ trong Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) cho đến nay. (Trần Phương, An Ninh Hải Phòng Online 22/10)
Cách đây hơn một tuần khi về Nha Trang thăm gia đình, Huấn luyện viên trưởng Hoàng Anh Tuấn đã bị tai nạn khá hy hữu, khiến anh không thể có mặt trong các buổi tập của đội V.Hải Phòng trong những ngày qua.
Hôm đó, do loay hoay lau chùi trang trí căn nhà vừa mới xây dựng cách đây chưa lâu, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đã va phải chiếc độc bình trong nhà khiến nó bị ngã, đồng thời mảnh vỡ của chiếc bình đã đâm sâu vào chân.
Tai nạn khiến vị Huấn luyện viên trưởng của đội V.Hải Phòng phải vào bệnh viện may hơn 10 mũi, đồng thời phải nằm lại nhà ở Nha Trang để dưỡng thương. Vì thế, việc huấn luyện lẫn ra giáo án cho đội bóng đất Cảng tập luyện trong những ngày qua phải giao cho các trợ lý và anh chỉ góp ý qua điện thoại. (Tuấn Thành, Bongdaplus.vn 21/10)
Không được thi đấu nhiều ở mùa giải 2013, trung vệ Như Thành đang muốn tìm bến đỗ mới. Đội bóng Như Thành muốn đầu quân ở mùa giải 2014 là Đà Nẵng - đương kim á quân V-League.
Nhiều người nghĩ ở độ tuổi Như Thành khó có thể thi đấu đỉnh cao, nhưng dưới con mắt của nhiều chuyên gia, cựu cầu thủ Thể Công hoàn toàn có thể thi đấu 2-3 năm nữa, với kinh nghiệm và sự tinh quái của mình.
Ở mùa giải vừa qua, Như Thành chơi không thành công khi khoác áo đội bóng đất Cảng. Cựu trung vệ tuyển Việt Nam không được lòng Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, khiến anh thường xuyên phải ngồi trên băng ghế dự bị. Đến giai đoạn lượt về, Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn loại 3 cầu thủ Như Thành, Trần Thanh Tuấn và Nguyễn Ngọc Điểu khỏi đội hình. Đó được xem là quyết định mạnh tay nhằm giải quyết những vấn đề nội bộ xảy ra tại V.Hải Phòng.
Ông Tuấn giải thích rõ rằng cả ba đều không đáp ứng được chuyên môn, không có khao khát trong thi đấu. Ông Tuấn phải thiết quân luật sau 6 trận liên tiếp của đội nhà. Như Thành là một trong những cầu thủ có ảnh hưởng lớn tới các cầu thủ còn lại trong đội, đặc biệt là những cầu thủ gốc Hải Phòng. Chính vì thế, việc thẳng thay “trảm” Như Thành như một tối hậu thư gửi tới những cầu thủ có biểu hiện bất phục hay chống đối.
Lãnh đạo Câu lạc bộ V.Hải Phòng cho biết, do họ bỏ tiền ra mua lại hai năm hợp đồng với Ninh Bình, Như Thành muốn ra đi phải đền bù hợp đồng một năm còn lại. Ngoài ra, anh phải hoàn lại số tiền lót tay sau khi đã trừ đi một năm vừa qua.
Phản ứng lại, Như Thành cho hay, V.Hải Phòng phải thanh toán 600 triệu đồng cho mình ở giữa mùa giải, nếu không, anh có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng từ thời điểm đó. Hiện chưa có giải pháp cho việc này, nhưng chắc chắn Như Thành sẽ tìm mọi cách để tháo chạy khỏi V.Hải Phòng, bởi đơn giản anh muốn tìm cơ hội thi đấu đỉnh cao trong thời gian cuối cùng của sự nghiệp. (Mai Hương, Ngoisao.net 22/10)
Giải vô địch cờ Vua là giải đấu đầu tiên của 12 môn thi đấu Đại hội thể dục thể thao thành phố Hải Phòng lần thứ 7. Giải kết thúc với chức vô địch toàn đoàn về tay đội tuyển Ngô Quyền.
Trong 5 ngày thi đấu ở 3 nội dung gồm cờ tiêu chuẩn, cờ chớp và cờ nhanh của giải, cuộc đấu là sự cạnh tranh Huy chương Vàng giữa hai đơn vị mạnh nhất cờ vua thành phố là Ngô Quyền và Lê Chân.
Nếu Lê Chân thể hiện sức mạnh ở đội nam, thì Ngô Quyền lại thể hiện sự vượt trội của các kỳ thủ nữ. Ngôi vô địch nam, nữ của từng nội dung thi đấu đều về tay hai đơn vị này. Tại nội dung cờ tiêu chuẩn, Nguyễn Thị Hạnh (Ngô Quyền) giành Huy chương Vàng cá nhân, Trần Đỗ Khoa (Lê Chân) giành Huy chương Vàng cá nhân nam. Đồng đội nữ quận Ngô Quyền và đồng đội nam quận Lê Chân giành Huy chương Vàng cờ tiêu chuẩn.
Nội dung cờ chớp, Nguyễn Thu Trang và Nguyễn Thành Lâm đã mang cả 2 Huy chương Vàng cá nhân nam, nữ về Ngô Quyền nhưng ở đồng đội, Lê Chân đã đoạt Huy chương Vàng cả đồng đội nam và đồng đội nữ. Tại nội dung cờ nhanh, Nguyễn Thị Hạnh tiếp tục mang về Huy chương Vàng cho Ngô Quyền, còn Đỗ Quang Tùng sau thất bại ở cờ tiêu chuẩn lấy lại vị thế khi vô địch cờ nhanh. Đội nữ Ngô Quyền giành Huy chương Vàng đồng đội, nam Lê Chân đoạt Huy chương Vàng đồng đội.
Xếp hạng toàn đoàn, đội tuyển cờ Vua quận Ngô Quyền đoạt giải Nhất; huyện Kiến Thụy đoạt giải Nhì toàn đoàn. (Báo Hải Phòng 22/10, ,tr8)./.