THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19
Hải Phòng điều chỉnh quy định phòng chống dịch ở các khu công nghiệp
Ngày 20/12, Ủy ban Nhân dân TP. Hải Phòng ban hành văn bản 9984/UBND-VX về việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo văn bản này, thành phố yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, không tổ chức tụ tập đông người tại nhà và nơi công cộng, không di chuyển đến vùng dịch khi không cần thiết.
Đối với các hội nghị, phải tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với người tham dự. Ủy ban Nhân dân các quận, huyện áp dụng các biện pháp hành chính phòng chống dịch theo quy mô cấp độ dịch.
Đối với các địa phương (quy mô cấp xã, phường) ở cấp độ 4, không tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; ngừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện đường bộ (trừ xe chở bệnh nhân đi cấp cứu, xe công vụ); không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Đối với chợ dân sinh, chợ đầu mối, siêu thị và các khu vực lưu trú, ăn uống, hạn chế số lượng người mua, bán cùng một thời điểm, thực hiện 50% công suất của các khu vực này.
Đối với khu vực tập trung đông công nhân lao động, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng phối hợp với các đơn vị chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ (3-5 ngày/lần) cho tối thiểu 20% người lao động (ưu tiên đối với nhóm người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao).
Đối với các doanh nghiệp đang có ca bệnh dương tính, thực hiện xét nghiệm định kỳ 100% người lao động của đơn vị (tần suất 5-7 ngày/lần) cho đến khi dịch được kiểm soát và khống chế.
Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thành lập các khu cách ly các trường hợp F1, F0 để sẵn sàng cách ly đối với người lao động ngoại tỉnh, công nhân ở khu nhà trọ không đủ điều kiện cách ly.
Doanh nghiệp xem xét các trường hợp lao động đang cư trú tại các địa phương cấp độ 4 được nghỉ làm (có hưởng lương), nếu đi làm phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, tính từ 18 giờ ngày 19/12 đến 18 giờ ngày 20/12, số ca nhiễm mới trên địa bàn là 324 ca; tích lũy số trường hợp ghi nhận tại Hải Phòng là 4.457ca, trong đó có 59 ca khỏi bệnh, 1.348 ca phục hồi xuất viện.
Các cơ sở y tế đang điều trị 3.103 người, không có ca nguy kịch; tích lũy số ca tử vong là 6 ca. (TTXVN/VietnamPlus.vn 20/12, Minh Thu; Tienphong.vn 20/12; Vov.vn 20/12; Daidoanket.vn 20/12; Suckhoedoisong.vn 20/12; Laodong.vn 20/12; Thanhnien.vn 20/12; Vtv.vn 20/12; Phapluatplus.vn 20/12; Kinhtenongthon.vn 20/12; Baodautu.vn 21/12; Tuoitrethudo.com.vn 20/12; Thuonghieucongluan.com.vn 20/12; Kênh VTV1 – Bản tin Chào buổi sáng + Tngày 21/12)
Hải Phòng: Thêm ổ dịch tại doanh nghiệp, 324 người nhiễm bệnh
Ngày 20/12, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng thông tin, tính từ 18h ngày 19/12 đến 18h ngày 20/12, trên địa bàn Hải Phòng ghi nhận tới 324 ca nhiễm mới.
Trong số ca nhiễm mới trong ngày, chỉ tính riêng Công ty Sj Vina (trên địa bàn xã An Hoà, huyện Vĩnh Bảo) đã ghi nhận 75 người bị nhiễm bệnh thông qua xét nghiệm sàng lọc. Ổ dịch tại công ty Aurora (huyện Thuỷ Nguyên) cũng ghi nhận thêm 62 ca nhiễm bệnh mới.
Các ca nhiễm mới còn lại là những trường hợp tự nguyện đi xét nghiệm; trường hợp có các biểu hiện nghi ngờ như bị ho, bị sốt phải thực hiện test nhanh và các F1 của các ca bệnh trước đó. Tổng số ca nhiễm bệnh trên địa bàn Hải Phòng trong giai đoạn 4 của dịch (tính từ ngày 27/4 đến nay) lên đến 4.451 người bị nhiễm SARS-CoV-2.
Hải Phòng cũng ghi nhận đã có 1.348 ca đã hồi phục và xuất viện. Hiện, trên địa bàn Hải Phòng đang có 3.103 người nhiễm bệnh được điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế và không có trường hợp nào nguy kịch. (Daidoanket.vn 20/12, Hải Dương; Laodong.vn 20/12; Qdnd.vn 20/12)
Ngày 20/12, ghi nhận 14.977 ca mắc mới COVID-19, Hà Nội cao nhất cả nước
Ngày 20/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.977 ca nhiễm mới với 11 ca nhập cảnh và 14.966 trường hợp trong nước tại 61 tỉnh, thành, có 9.000 ca trong cộng đồng.
Cụ thể: Hà Nội (1.612), Bến Tre (985), Cà Mau (967), Tây Ninh (947), Đồng Tháp (786), Cần Thơ (773), Khánh Hòa (709), TP. Hồ Chí Minh (687), Vĩnh Long (596), Bạc Liêu (552), Sóc Trăng (448), Bình Định (411), Tiền Giang (347), Hậu Giang (342), Trà Vinh (329), Kiên Giang (302), Đồng Nai (284), Hưng Yên (276), Bà Rịa - Vũng Tàu (273), An Giang (270), Thanh Hóa (246), Phú Yên (237), Thừa Thiên Huế (228), Bình Thuận (222), Bắc Ninh (212), Lâm Đồng (174), Bình Dương (155), Đà Nẵng (142), Quảng Ninh (136), Quảng Nam (129), Nghệ An (116), Gia Lai (97), Hải Phòng (95), Hà Giang (85), Bình Phước (78), Đắk Nông (63), Hòa Bình (59), Lạng Sơn (52), Ninh Thuận (50), Thái Bình (46), Long An (46), Nam Định (45), Vĩnh Phúc (44), Ninh Bình (39), Sơn La (34), Quảng Ngãi (31), Hải Dương (31), Quảng Bình (29), Quảng Trị (24), Hà Nam (21), Bắc Giang (21), Hà Tĩnh (16), Phú Thọ (16), Kon Tum (12), Thái Nguyên (10), Yên Bái (10), Tuyên Quang (9), Lào Cai (3), Cao Bằng (3), Điện Biên (3), Lai Châu (1). (Tienphong.vn 20/12, Hà Minh; Baogiaothong.vn 20/12; Plo.vn 20/12; Vnews.gov.vn 20/12; Vtc.vn 20/12; Suckhoedoisong.vn 20/12)
Tạm thời chưa thành lập Bệnh viện dã chiến tại Hải Phòng
Chiều ngày 20/2, tại cuộc họp về mua sắm vật tư y tế, phương tiện phòng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng quyết định tạm chưa thành lập bệnh viện dã chiến, thay vào đó bổ sung thêm trạm y tế lưu động, đặc biệt là các địa phương có khu, cụm công nghiệp, đông dân cư. Đồng thời, thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng để hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm cho các F0, F1 cách ly tại nhà; thực hiện nghiêm việc phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà theo chỉ đạo của thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao Sở Y tế mua sắm thuốc, vật tư y tế cấp phát cho các trạm y tế lưu động và làm việc cụ thể với các doanh nghiệp sản xuất oxy để cung cấp oxy cho các trạm y tế lưu động; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Sở Y tế rà soát, tiếp tục mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ 300 giường điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch (100 giường hồi sức tích cực – ICU và 200 giường bệnh nhân nặng); đề xuất mua sắm vật tư tiêu hao cấp cho các trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, hoàn thiện phương án nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.
Trước đó, ngày 10/12, đồng loạt tại 14 quận, huyện trên địa bàn TP. Hải Phòng đã đưa Trạm Y tế lưu động vào hoạt động, phục vụ giảm tải chăm sóc, điều trị F0 tại nhà giúp các bệnh viện tuyến trên.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, tại quận Hải An, Hồng Bàng (Hải Phòng), hệ thống y tế lưu động được đặt tại trụ sở nhà văn hóa các phường với nhân sự cứng là 5 người. Hầu hết các trạm y tế lưu động đều thiếu nhân lực dù đã huy động từ khối bệnh viện tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu... nên phải lấy nhân viên các bệnh viện, TTYT quận, huyện.
Tại trạm y tế lưu động phường Đằng Hải, Đằng Lâm (quận Hải An), chính quyền phường đã vận động được các y, bác sỹ nghỉ hưu tham gia. Hàng ngày, công việc của Trạm Y tế lưu động là tiếp nhận thông tin từ người dân phản ánh về tình trạng sức khỏe, kết quả xét nghiệm test nhanh tại nhà, xuống nhà F0 không triệu chứng phát thuốc, tư vấn cách chăm sóc .v.v... và lập sổ theo dõi sức khỏe người bệnh. (Suckhoedoisong.vn 20/12, Minh Lý; Laodong.vn 20/12; Congluan.vn 20/12; Pháp Luật Việt Nam 21/12, tr16)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Cơ chế đặc thù với Hải Phòng: Một vận hội - Triệu niềm tin
Tại đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Riêng với Hải Phòng, nghị quyết của Quốc hội lần này chính là một bước thể chế hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là niềm vui lớn với Hải Phòng nói riêng và một số tỉnh thành miền Bắc nói chung bới sự phát triển của TP Cảng còn tạo ra động lực và sức lan tỏa với các địa phương bạn. Hàng triệu công dân đang tin tưởng đón chờ vận hội mới này trong kì vọng về một năm mới, một chặng đường đầy lạc quan phía trước. (Truyền hình Quốc hội – Chuyên mục Quốc hội với cử tri ngày 20/12)
HẢI QUAN
Hơn 15.000 xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 11
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2021 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu vẫn ở mức cao và tương đương với lượng nhập khẩu của tháng trước.
Trong đó, số xe được đăng ký tờ khai nhập khẩu chủ yếu ở khu vực cửa khẩu, cảng TP. Hải Phòng với 6.002 chiếc, giảm 7,7% và thành phố Hồ Chí Minh với 5.125 chiếc, giảm 0,9% so với tháng trước.
Xe ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống được đăng ký nhập khẩu trong tháng 11/2021 chủ yếu là xe xuất xứ từ thị trường Thái Lan với 6.809 chiếc, giảm 8,4%; từ Indonesia với 3.688 chiếc, tăng 19,7% so với tháng trước.
Chỉ có 28 xe ô tô trên 9 chỗ ngồi được làm thủ tục nhập về Việt Nam trong tháng 11/2021, với xuất xứ từ Trung Quốc (20 chiếc) và Thái Lan (8 chiếc).
Lượng xe ô tô tải làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 11/2021 là 2.623 chiếc, với trị giá đạt 68,7 triệu USD; tăng 5,3% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với tháng trước.
Trong đó, có tới 1.272 chiếc xe có xuất xứ từ Thái Lan, tăng 55,5% so với tháng trước. Tiếp theo, có 873 chiếc xuất xứ từ Thái Lan, tăng 36,8% và có 442 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc, giảm 47,7% so với tháng trước .
Xe ô tô vận tải được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tháng 11/2021 chủ yếu tại khu vực cửa khẩu, cảng thành phố Hồ Chí Minh với 1.323 chiếc, giảm 8,4%; Lạng Sơn với 851 chiếc, tăng 35,7% và TP. Hải Phòng với 427 chiếc, tăng 16% so với tháng trước.
Trong tháng 11/2021, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 1.540 chiếc xe chuyên dụng với trị giá khai báo 75,2 triệu USD, tăng mạnh 43,5% về lượng và tăng mạnh 35,4% về trị giá so với tháng trước. Trong đó, có tới 1.242 chiếc xuất xứ từ Trung Quốc, tăng 37,5% so với tháng trước và chiếm tỷ trọng 81% tổng số xe loại này nhập khẩu về Việt Nam.
Xe ô tô loại khác được đăng ký tờ khai nhập khẩu trong tháng 11/2021 chủ yếu tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn với 1.178 chiếc, tăng 38,6% so với tháng trước.
Tính đến hết tháng 11/2021, lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu đạt 144.971 chiếc, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 101.193 chiếc, tăng 47,9%; ô tô vận tải đạt 30.996 chiếc, tăng 71,4%. (Vneconomy.vn 20/12, Trần Minh; Plo.vn 20/12)
Thêm cửa khẩu được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ
Theo Bộ Công Thương, từ ngày 24/1/2022, doanh nghiệp được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi về Việt Nam qua 6 cửa khẩu cảng biển thay vì 5 cửa khẩu cảng biển như hiện nay.
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BCT quy định cửa khẩu nhập khẩu đối với ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi. Theo đó, ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển: Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Thanh Hóa (Nghi Sơn), Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tục nhập khẩu thực hiện theo các quy định pháp luật có liên quan.
Thông tư 21/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/1/2022; thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cửa khẩu nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi.
So với Thông tư số 06/2019/TT-BCT, danh sách các cửa khẩu cảng biển được nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi theo Thông tư mới bổ sung cửa khẩu cảng biển Thanh Hóa (Nghi Sơn).
Thông tư 21/2021/TT-BCT không áp dụng đối với các trường hợp sau:
-Nhập khẩu, tạm nhập tái xuất của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
-Nhập khẩu phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhập khẩu phục vụ các mục đích cá biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
-Tạm nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm và sau đó tái xuất khẩu; nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, thử nghiệm;
-Quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu. (Baochinhphu.vn 20/12, Khánh Linh)
KINH TẾ
PVOIL Hải Phòng: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững
Mặc dù từ đầu năm đến nay diễn biến của dịch Covid-19 hết sức phức tạp, khó lường nhưng với sự hồi phục của giá dầu thô và các sản phẩm xăng dầu cộng với sự linh hoạt trong điều hành kinh doanh nên kết quả kinh doanh của PVOIL Hải Phòng rất khả quan.
Tính đến hết năm 2021, đơn vị đã cơ bản hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch được giao cả năm 2021 gồm: Sản lượng kinh doanh xăng dầu, chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo thu nhập ổn định cho cán bộ, công nhân viên, ngoài ra còn đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn hoạt động.
Cụ thể, ước tính đến hết năm 2021, sản lượng kinh doanh của công ty ước đạt 176.317 m3; doanh thu đạt 2.146,19 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế thực hiện cả năm đạt 8,581 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 313,98 tỷ đồng.
Song song với công tác chuyên môn, PVOIL Hải Phòng luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chăm lo tốt cho đời sống cán bộ, công nhân viên, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, dân chủ và cởi mở. PVOIL Hải Phòng luôn giáo dục về tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên về trách nhiệm đối với cộng đồng.
Bên cạnh đó, các hoạt động an sinh xã hội của PVOIL Hải Phòng được tổ chức thường xuyên, có chất lượng và trên nhiều mặt như: Xóa đói, giảm nghèo, khuyến học, chăm lo cho các đối tượng còn khó khăn trong ngành dầu khí. Điều đó được thể hiện bằng các hành động cụ thể như phong trào ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung, tham gia Quỹ PVOIL chung một tấm lòng, Quỹ tương trợ dầu khí…
Phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực nội sinh, khắc phục những điểm hạn chế, trong thời gian tới, PVOIL Hải Phòng phấn đấu trở thành đơn vị hàng đầu cung cấp các sản phẩm xăng dầu chất lượng, mang đến dịch vụ tối ưu cho khách hàng là mục tiêu PVOIL Hải Phòng hướng tới.
Đặc biệt, để xây dựng công ty ngày một vững mạnh, POIL Hải Phòng tiếp tục xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo định hướng chung của Tổng công ty. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên có chất lượng chuyên môn cao, kỷ luật tốt, nhiệt huyết với công việc. Tiếp tục chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản trị; tinh giản gọn nhẹ, nâng cao chất lượng bộ máy điều hành; tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện tại, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ trẻ tiềm năng kế cận.
Đồng thời, thực hiện kế hoạch sắp xếp bố trí lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ quản lý và kỹ năng bán hàng cho đội ngũ cửa hàng trưởng, nhân viên bán hàng. Từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, chiếm lĩnh tốt hơn lòng tin của khách hàng.
Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn - phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho con người và tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động, trong năm 2022, PVOIL Hải Phòng dự kiến tuyển dụng và ký hợp đồng lao động với các vị trí lao động cần thiết, kế hoạch định biên lao động của đơn vị là 211 người. Trong đó, tổng số người lao động tại công ty hiện nay là 201 người. Số lao động dự kiến, năm 2022 PVOIL Hải Phòng sẽ tuyển thêm 10 nhân sự để phục vụ cho 2 cửa hàng xăng dầu mới. Một trong những điểm sáng của công ty, là dù còn nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn nỗ lực đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động
Dù biết, trong thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức đặt ra đối với các đơn vị thành viên PVOIL nói chung và PVOIL Hải Phòng nói riêng, khi chịu tác động hậu đại dịch Covid - 19, kèm theo đó là giá dầu thô và các mặt hàng xăng dầu biến động, ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, đặc biệt là cạnh tranh về chiết khấu.
Phát huy những gì đã đạt được, PVOIL Hải Phòng sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm đạt mục tiêu sản xuất, kinh doanh bằng hàng loạt các hoạt động. Theo đó, công tác phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu luôn được công ty quan tâm. Công tác này được đánh giá là cốt lõi trong sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nói chung, PVOIL Hải Phòng nói riêng ở thời điểm hiện tại và trong nhiều năm tới, bởi hoạt động bán lẻ đang là kênh mang lại hiệu quả bền vững cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hình thức bán hàng ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để gia tăng sản lượng kênh khách hàng công nghiệp. (Công thương 20/12, tr9, Hương Chi)
Doanh nghiệp logistics còn nhiều động lực tăng trưởng
Kết quả khả quan đạt được của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng tạo động lực kích cầu cho ngành logistics Việt Nam trong năm 2021, vượt qua những khó khăn từ đại dịch.
Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp cảng biển, vẫn duy trì và phát triển mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Giới chuyên gia nhận định ngành logistics vẫn có nhiều động lực để tăng trưởng vững chắc trong tương lai.
Trong đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP), 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp này có doanh thu 1.687 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về đạt gần 526 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 21,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH), đây là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng container trên các tuyến đường thủy nội địa, nội vùng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng vận hành cảng Hải An (tại sông Cấm, Hải Phòng) với công suất bốc dỡ 250.000 TEU/ năm và có khả năng đón tàu lên tới 20.000 DWT. Điều này giúp HAH trở thành một trong số ít doanh nghiệp vận tải nội thủy sở hữu cảng luân chuyển cho hoạt động kinh doanh.
Do vậy, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An có lợi thế lớn nhờ khả năng gom hàng tập trung, tiết kiệm thời gian chờ hàng và quay vòng đội tàu.
Nhờ đó 9 tháng năm 2021, doanh thu của công ty tăng 55% lên 1.284 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 284 tỷ, tăng hơn 100% so với cùng kỳ. (TTXVN/VietnamPlus.vn 20/12, Văn Giáp)
Hải Phòng: Thuỷ Nguyên tạo cú hích mới về xây dựng nông thôn kiểu mẫu
Nhiều năm qua, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng luôn vượt mục tiêu, duy trì ở mức phát triển kinh tế cao. Trong đó có phát triển nhanh về quy hoạch đô thị để tạo đà thành lập “ Thành phố”. Đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đã xác định rõ tầm quan trọng của Chương trình này nên dày công tập trung mọi nguồn lực để đưa huyện đi đầu trong sự nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn.
Thuỷ Nguyên luôn vượt mục tiêu, chuyển dịch các ngành nhanh theo hướng dự án được xây dựng mới, các doanh nghiệp (DN) cũng phát triển cả về số và chất lượng, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Bên cạnh đó là việc phát triển nhanh đô thị cũng được tập trung cao, Các dự án đang được triển khai như Khu đô thị Bắc Sông Cấm, khu đô thị Minh Đức, Núi Đèo…Do vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp và không đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nên việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thuỷ Nguyên là phù hợp xu thế phát triển, xứng đáng với vị thế chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội.
Nắm bắt được các tiêu chí đó, đội ngũ lãnh đạo tại huyện đã nỗ lực đưa Thuỷ Nguyên đạt được các mục tiêu về phát triển nông thôn kiểu mẫu và tạo sự đột phá rõ rệt, diện mạo nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo nên sự phấn khởi và niềm tin rất lớn trong nhân dân.
Cụ thể, trong năm 2020, UBND TP. Hải Phòng triển khai thực hiện xây dựng thí điểm 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu trên toàn địa bàn TP, trong đó huyện Thủy Nguyên có 2 xã là Gia Minh và Gia Đức được TP đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng đô thị và phấn đấu hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong quí III/2021.
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Thủy Nguyên đến ngày 23/9/2021 việc thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Gia Minh và Gia Đức đã đạt được những kết quả nhất định.
Trong quá trình triển khai thực hiện năm 2020 với tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 91,3 tỷ đồng, Gia Minh được đánh giá là địa phương có tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhanh nhất cả TP. Ở giai đoạn 1, xã Gia Minh đã hoàn thiện xây dựng 6 tuyến đường với tổng chiều dài là 2,74km.
Đối với xã Gia Đức, đã hoàn thành 30 tuyến đường có tổng chiều dài là 12,116km với kinh phí gần 130,000 tỷ đồng. Để triển khai thực hiện 30 công trình đường giao thông nông thôn, địa phương đã vận động 981 hộ dân hiến 14.062,1 m2 đất. Đến nay, các công trình đã hoàn thành với một diện mạo mới xanh, sạch, đẹp.
Để phát huy hiệu quả các công trình nông thôn mới kiểu mẫu đã xây dựng, tạo sự lan tỏa cho các xã tiếp theo, TP. Hải Phòng đã quan tâm, tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới năm 2021 (Thủy Đường, Hòa Bình, Kênh Giang, Lưu Kiếm, Liên Khê).
Theo đó, thời gian khởi công thực hiện công trình/dự án từ ngày 25/10/2021 với tổng 852 hộ. Quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 5 xã tiếp tục nâng cấp đường giao thông: đường trục chính từ trung tâm xã đến đường huyện, đường liên xã; đường trục chính từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn và đường liên thôn. Nâng cấp các đường trục thôn, đường ngõ, xóm: mở rộng đường, làm vỉa hè, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, trồng cây xanh. Bên cạnh, đó hỗ trợ vật kiến trúc trên đất hiến tặng của nhân dân để mở rộng các tuyến đường giao thông; cải tạo và mở rộng bãi rác.
Trao đổi về nội dung nói trên, ông Nguyễn Văn Viển – Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết “ để đạt được những thành quả trong thời gian qua, huyện tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, hiến đất để xây dựng các hạng mục công trình. Hơn cả mong đợi đó là người dân đã tin tưởng vào chính quyền nên các phương án hỗ trợ, di dời, hiến đất hay bồi thường đều được người dân chung sức, đồng lòng. Đây cũng là điểm tựa vững chắc để huyện Thuỷ Nguyên tiếp tục hoàn thành các phần việc tiếp theo.”
Thời gian tới UBND huyện Thủy Nguyên vẫn tiếp tục tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công và cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát để chất lượng thi công công trình hoàn thành một các tốt nhất, đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Trước đó, năm 2012 có 100% số xã (35/35 xã) đã được UBND huyện Thủy Nguyên phê duyệt quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Từ năm 2013 đến hết năm 2019 toàn huyện Thủy Nguyên có 35/35 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn 35 xã huyện Thủy Nguyên có 1.614,4km đường giao thông nông thôn; trong đó 304,9 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; 439,1km đường trục chính nội đồng.
Không xa nữa huyện Thuỷ Nguyên sẽ trở thành trung tâm hành chính – chính trị nơi hội tụ đầy đủ của một thành phố trong đó có công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, dịch vụ…của TP. Hải Phòng cũng như khu vực duyên hải Bắc Bộ. (Kinhtedothi.vn 20/12, Nhóm PV)
EVNGENCO2 ký kết hợp đồng ủy quyền Người đại diện phần vốn tại các công ty con
Từ 15 - 17/12/2021, tại Hà Nội, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng ủy quyền Người đại diện phần vốn của EVNGENCO2 tại tại 5 công ty con.
Cụ thể đó là: Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn; Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty CP Thủy điện Thác Mơ; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu.
Các Lễ ký kết do ông Trần Phú Thái – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) EVNGENCO2 chủ trì, cùng sự tham gia của ông Trương Hoàng Vũ – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Đình Hải – Thành viên HĐQT, đại diện lãnh đạo, các Ban chức năng, Văn phòng Tổng công ty cùng Người đại diện phần vốn tại 5 công ty con.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, đại diện Người đại diện phần vốn của EVNGENCO2 tại các đơn vị cảm ơn Lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2 đã tin tưởng, giao nhiệm vụ, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ điều hành các đơn vị một cách linh hoạt, hợp lý, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Tổng công ty giao. (Tapchicongthuong.vn 20/12, M.Lương)
DU LỊCH
Du lịch nội địa sẵn sàng bùng nổ trong năm 2022
Năm 2022, thị trường du lịch nội địa hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ, khi hàng loạt hoạt động kết nối, xây dựng hành lang an toàn giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp đã diễn ra gần đây.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động chương trình du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Bên cạnh giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch; mục tiêu của chương trình là khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn trong thời gian tới.
Vừa qua, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của 12 tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đã ký kết thực hiện các giải pháp phát triển du lịch an toàn giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch cũng tích cực triển khai mô hình hợp tác trên tuyến du lịch Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Phú Thọ, Hà Nội - Bình Định...
Tại Hải Phòng, lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng khẳng định tất cả chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào địa phương đã dừng hoạt động từ đầu tháng 12. Vì vậy hiện nay các đoàn khách du lịch có thể đến Hải Phòng thuận lợi. Các cơ sở lưu trú đã sẵn sàng đón tất cả du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm tại Hải Phòng.
Nhằm giữ cho hành lang du lịch thông suốt trong thời gian tới, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương rà soát, thống nhất các quy định về đi lại, tham quan, du lịch tại các điểm đến cụ thể để doanh nghiệp và du khách chủ động lên kế hoạch, tổ chức chuyến đi một cách an toàn, hiệu quả. "Cần tránh trường hợp vì quá khắt khe trong công tác phòng, chống dịch mà mất đi cơ hội phục hồi du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung". (Vov.vn 20/12, Hải Nam)
Tìm giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội thảo Du lịch năm 2021 chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức, sẽ diễn ra vào ngày 25.12.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trong đó điểm cầu chính tại Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, cùng các điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Cần Thơ…
Khoảng 300 đại biểu là đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước đã đăng ký tham dự Hội thảo. Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Du lịch là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng có thể là ngành phục hồi nhanh nhất, thậm chí bứt phá nếu có chính sách phù hợp, tạo thuận lợi trong trạng thái bình thường mới. Hội thảo Du lịch năm 2021 nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn; cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Hội thảo sẽ gồm 2 phiên. Phiên chuyên đề gồm: Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch; Xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch; ý kiến của một số địa phương và doanh nghiệp. Phiên toàn thể ngoài các báo cáo của Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao, Bộ Y tế, sẽ có báo cáo đánh giá độc lập về tác động của dịch Covid-19 và đề xuất giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023…
Ban tổ chức tin tưởng, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp tại Hội thảo sẽ góp phần làm rõ cơ hội, thách thức và đề xuất những giải pháp hiệu quả, nhằm phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đất nước chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại; đồng thời tạo đà đưa du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. (Daibieunhandan.vn 20/12, Nhật Linh)
Note ngay điểm check in xịn sò mùa lễ hội tại đảo ngọc Cát Bà
Nằm trong top đầu điểm đến hot nhất Việt Nam trên Google, quần đảo Cát Bà luôn duy trì sức hút với các tín đồ “xê dịch”. Chào đón mùa Giáng sinh và năm mới 2021, nhiều bạn trẻ lựa chọn đảo ngọc làm nơi để tận hưởng chuyến vi vu vui hết nấc nơi biển xanh, cát trắng.
Hội tụ vẻ đẹp hòa quyện của rừng và biển, đảo Cát Bà nổi bật như một viên ngọc xanh lấp lánh, là nơi lý tưởng để cả nhóm bạn cùng tận hưởng kỳ nghỉ “bung lụa” giữa thiên nhiên.
Không phải ngẫu nhiên mà Cát Bà được xưng tụng là viên ngọc xanh của vịnh Bắc Bộ. Nơi đây, du khách được hòa mình vào không gian vừa hoang sơ, huyền bí, vừa hùng vĩ nhưng cũng đầy thơ mộng với biển xanh, nắng vàng, những bờ cát dài cùng hệ thống rừng nguyên sinh xanh thẳm...
Cát Bà chào đón người lữ khách với những “hương vị” đặc trưng của biển cả. Bạn có thể thỏa sức chơi đùa cùng những con sóng, thử thách chèo kayak giữa vịnh Lan Hạ - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới; để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của tạo hóa, khám phá hệ thống hang động hay núi đá vôi sừng sững.
Cát Bà là một chốn dừng chân đủ để “team xê dịch” thỏa mãn khát khao khám phá, nhưng cũng đủ để khiến cho tâm hồn hướng nội có những khoảng lặng bình yên.
Gạt đi những bộn bề của cuộc sống, còn điều gì tuyệt vời hơn khi được cùng homies thả dáng trên bờ cát, lặng nghe tiếng sóng vỗ rì rào, đắm chìm vào không gian thiên nhiên trữ tình và nên thơ?
Mùa lễ hội cuối năm, đảo Cát Bà sôi động hơn bởi những sắc màu lung linh, bởi những giai điệu rộn rã của mùa Giáng sinh, và đặc biệt bởi chuỗi hoạt động vui chơi giải trí bất tận tại Flamingo Cát Bà – Quần thể nghỉ dưỡng lớn nhất miền Bắc.
Cách Hà Nội khoảng 2 giờ di chuyển, Flamingo Cát Bà có vị trí tuyệt mỹ trên bãi biển Cát Cò 1 và 2, nơi từng được tạp chí Thrillist bình chọn là bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Quần thể nghỉ dưỡng 5 sao này mang đến những khoảnh khắc khó quên cho những ai kiếm tìm giây phút thư giãn thảnh thơi nơi biển đảo.
Mùa Giáng sinh và năm mới 2022, Flamingo Cát Bà chào đón du khách với vô số những hoạt động vui chơi giải trí đặc sắc. Trong không gian nghỉ dưỡng chuẩn 5 sao ôm trọn vịnh Lan Hạ thiên đường, cả team sẽ được cùng nhau lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ và “quẩy” cực chất.
Xuyên suốt mùa lễ hội, “hội cây khế” sẽ được phiêu cùng âm nhạc, vui nhộn với các hoạt động “funky beach” bên ánh lửa bập bùng, bật tung cảm xúc với hàng loạt hoạt động ngoài trời ở bãi biển Cát Cò, vui chơi tại tổ hợp Flamingo Play World, Công viên thực tế ảo VR Game độc đáo, hay trải nghiệm tắm khoáng nóng Ruriko Onsen kiểu Nhật lần đầu tiên xuất hiện tại Cát Bà…
Hành trình ẩm thực ở đảo ngọc được dẫn dắt dưới bàn tay chế biến điêu luyện của Bếp trưởng Lawrence Tay đến từ Singapore sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác với những hương vị mới lạ, độc đáo.
Đó có thể là bộ sưu tập cocktail hội tụ đầy đủ những yếu tố “sắc, hương, vị” của đội ngũ bartender hàng đầu; là đại tiệc đêm Noel với những món ngon mang đậm không khí lễ hội như gà tây, cải Brussel hay mực nướng Sambal; là những hương vị nước sốt tinh tế từ Bếp trưởng, hay những loại bánh độc đáo mang chủ đề Giáng sinh và năm mới.
Đặc biệt, trong không gian thoáng đạt với tầm nhìn ôm trọn vịnh Lan Hạ thiên đường, dạ tiệc countdown chào đón năm mới sẽ mang lại những khoảnh khắc khó quên cho mọi du khách đến với Flamingo Cát Bà.
Ai đó đã nói rằng ở đảo Cát Bà, mỗi m2 lại là một góc sống ảo “xịn sò”. Quả thực đây là thiên đường cho “team filter”, nơi bạn thỏa sức tạo dáng để có những bức ảnh “bão like” bên background đẹp mê hồn.
Thả bước giữa không trung ở đường dạo trên cao Cầu Mây hay ngắm vịnh biển đẹp nhất hành tinh từ Lan Hạ Panorama sẽ là những khoảnh khắc check-in ấn tượng mà bạn không thể bỏ qua.
Vào ngày Giáng sinh 24/12, Flamingo Cát Bà dành tặng du khách món quà đặc biệt với gói ưu đãi nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm: chỉ từ 1.500.000 VNĐ++/khách/đêm để tận hưởng những đặc quyền dành riêng như phòng lưu trú 5 sao ngắm trọn vịnh Lan Hạ, thăng hoa vị giác với đại tiệc Buffet kèm rượu vang hoặc Set menu món Âu, hòa mình vào chuỗi hoạt động vui chơi bãi biển sôi động...
Trong không khí rộn ràng mùa lễ hội cuối năm, Flamingo Cát Bà mang lại thêm lựa chọn nghỉ dưỡng đẳng cấp cùng loạt trải nghiệm chưa từng có bên vịnh biển đẹp nhất hành tinh. Hãy tận hưởng mùa lễ hội một cách khác biệt ở đảo ngọc! (Thoidai.com.vn 20/12, Anh Đức)
PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG
Truy bắt 4 người cắt trộm cáp viễn thông bán phế liệu
Ngày 20/12, Công an TP. Hải Phòng cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải An đã tạm giữ hình sự Vũ Văn Vĩ (SN 1984, trú huyện Tiên Lãng) để điều tra về tội trộm cắp tài sản, đồng thời tổ chức truy bắt 3 người cùng thực hiện hành vi cắt trộm cáp viễn thông với Vĩ.
Trước đó, trưa 10/12, Công an quận Hải An nhận được đơn trình báo của anh Võ Thế Hùng, công nhân Công ty cáp viễn thông Hải Phòng về việc phát hiện đoạn cáp dài 200m (trị giá khoảng 40 triệu đồng) tại khu vực ngõ 95 Kiều Hạ (phường Đông Hải 2) bị kẻ gian cắt trộm.
Công an quận Hải An đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập lời khai của nhân chứng, rà soát những người có dấu hiệu tình nghi. Công an đã triệu tập Vũ Văn Vĩ để điều tra, ban đầu Vĩ chối tội. Tuy nhiên, khi công an đưa ra các chứng cứ, Vĩ đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Công an xác định Vĩ đã cùng Phạm Đức Phi (SN 1983), Vũ Văn Vị (SN 1986), Nguyễn Văn Giang (SN 1988, cùng trú huyện Tiên Lãng) đã cùng nhau thực hiện hành vi cắt trộm cáp viễn thông. Sau khi cắt trộm, nhóm này đã mang đoạn cáp viễn thông bán cho cơ sở thu mua phế liệu ở phường Lãm Hà (quận Kiến An). Công an quận Hải An đã thu hồi vật chứng là 200m dây cáp đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hải An đã tạm giữ hình sự đối vỡi Vũ Văn Vĩ để điều tra về tội trộm cắp tài sản và tiếp tục tổ chức truy bắt những người liên quan để xử lý theo quy định. (Plo.vn 20/12, Đỗ Hoàng; Vov.vn 20/12; Laodong.vn 20/12; Congluan.vn 20/12)
PC Hải Phòng được trao tặng giấy chứng nhận điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia Phòng cháy chữa cháy năm 2021
Vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP. Hải Phòng tổ chức buổi lễ trao giấy chứng nhận đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia PCCC năm 2021 cho Công ty Điện lực Hải Phòng. Chương trình có sự tham dự của Thượng tá Đoàn Mạnh Hùng – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thành phố, cùng một số cán bộ phòng. Về phía Công ty Điện lực Hải Phòng có Ông Nguyễn Hữu Hưởng – Giám đốc Công ty, Ông Phùng Hữu Đương – Phó Giám đốc Công ty, cùng Trưởng một số phòng ban liên quan.
Theo đó trong năm 2021 Công ty đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Công an TP. Hải Phòng tổ chức lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC; Tập huấn, huấn luyện kỹ năng CNCH và cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH cho 273 CBCNV là đội viên đội PCCC và thành viên BCH PCCC.
Các đơn vị trực thuộc đã xây dựng phương án chữa cháy, phương án CNCH theo đặc điểm tình hình sản xuất của đơn vị, tổ chức thực tập định kỳ phương án chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ. Chủ động kiểm tra phát hiện sớm và củng cố ngay các thiếu sót vi phạm an toàn phòng chống cháy, nổ, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: các trụ sở làm việc, nhà cao tầng, thiết bị tại các TBA 110kV, mương cáp, hầm cáp, phòng ắc quy, kho bãi vật tư, phòng lưu trữ hồ sơ lài liệu …
Qua công tác tập huấn và huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ PCCC cho các đội viên PCCC của các phòng ban, đơn vị đã nâng cao tính chủ động trong công tác phát hiện và phòng ngừa những tình huống và nguy cơ cháy nổ, do đó trong năm 2021 Công ty không có vụ cháy, nổ nào xảy ra.
Tại buổi lễ, Thượng tá Đoàn Mạnh Hùng – Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Thành phố đánh giá cao công tác PCCC tại đơn vị, thời gian tới đề nghị Công ty Điện lực Hải Phòng tiếp tục phát huy công tác PCCC tại công ty và các đơn vị để luôn được giữ vững và đạt hiệu quả tốt. (Npc.com.vn 20/12)
XÃ HỘI
BHXH TP. Hải Phòng: Vượt chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHYT năm 2021
Theo báo cáo của BHXH TP. Hải Phòng, tính đến hết tháng 11/2021, số người tham gia BHXH trên địa bàn là 476.105 người, đạt tỷ lệ 42,7 % so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), BHXH TP. Hải Phòng là một trong những đơn vị đã đạt và vượt chỉ tiêu BHXH bắt buộc với 101% kế hoạch, tương ứng với 453.348 người tham gia, vượt 4.384 người so với mục tiêu đặt ra, vượt 31.564 người so với năm 2020.
BHXH TP. Hải Phòng cũng là một trong những đơn vị đã sớm đạt và vượt chỉ tiêu về phát triển người tham gia BHYT năm 2021. Cụ thể, đã đạt 100,1% kế hoạch, tương ứng với 1,85 triệu người tham gia, vượt 2.568 người so với kế hoạch, tăng thêm 35.640 người so với năm 2020. Tỷ lệ bao phủ tham gia BHYT hiện đạt 89,54% dân số thành phố.
Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021, BHXH TP. Hải Phòng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để tiếp tục gia tăng số tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, trong đó chú trọng để tăng trưởng mạnh hơn nữa số tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. (Suckhoedoisong.vn 19/12, Thái Bình)
GIÁO DỤC
Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục: Nhìn từ văn hóa học đường
Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc...
Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) - cho biết: Ngành GD-ĐT đã triển khai thành công việc giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Thủ đô, góp phần giáo dục các em về thái độ và hành vi ứng xử.
Nội dung các bài giảng được thiết kế phù hợp với từng lớp học, tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Nên, theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ giữa người với người như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông… đều có sự chỉn chu hòa nhã hơn.
Các trường học trên địa bàn thành phố đã thực hiện lồng ghép giảng dạy những nội dung của bộ tài liệu trong các môn học khác, kết hợp trong giáo dục đạo đức, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt Đoàn, Đội, giúp các em ý thức được trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội. Đây cũng chính là nền tảng của mô hình văn hóa ứng xử của các trường học trên địa bàn.
Do đặc thù của thành phố cảng, người Hải Phòng thường được coi là “ăn sóng, nói gió”. Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Thuý Liễu - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Hải Phòng) - cho hay: “Quá trình xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học cũng phải dựa trên những đặc trưng này để giúp học sinh vừa giữ được bản sắc của mình, vừa đạt được những chuẩn mực chung”.
Trong năm học vừa qua, ngành GD-ĐT Hải Phòng đã quan tâm, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ góp phần giáo dục đạo đức lối sống, truyền thống cách mạng, tăng cường cho học sinh, sinh viên đọc sách…
Tương tự, là tỉnh miền núi với 80% học sinh là dân tộc thiểu số, Lai Châu có những đặc thù riêng để xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc. Theo ông Phạm Xuân Dưỡng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Lai Châu), 100% các đơn vị trường trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực. Sở đã xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả với 6 đặc trưng là: Trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo.
Để xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT, đại diện các sở GD&ĐT, nhà trường đều nhấn mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn hóa học đường, về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học gắn với việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, tạo ra môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Điều này được thể hiện qua việc bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các trường học, thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử.
Đội ngũ giáo viên cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn do tỉnh, địa phương tổ chức về chuyên môn, văn hóa học đường. Qua đó, để giáo viên có thể hiểu sâu, hiểu rộng về những kiến thức văn hóa cũng như xã hội để giáo dục học sinh.
Đại diện Sở GD&ĐT An Giang lại nhấn mạnh đến việc tích cực đổi mới phương pháp, hình thức trong giáo dục văn hóa ứng xử. Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, trong đó có các môn học Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Cùng với đó là đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, câu lạc bộ, cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại. Ngoài ra là tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa ứng xử như thi tìm hiểu bản sắc văn hóa nhân dịp Tết dân tộc hàng năm, các cuộc thi nói lời hay làm việc tốt, mỗi ngày một hành động đẹp.
Tăng cường giáo dục, định hướng để học sinh sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, giải trí lành mạnh và thể hiện ứng xử văn hóa trong môi trường Internet, mạng xã hội; triển khai thực hiện tốt Luật An ninh mạng.
Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng trong các trường học, giúp cán bộ, giáo viên và học sinh định hướng một cách rõ ràng mục tiêu học tập và lý tưởng nghề nghiệp, hình thành ở cán bộ, giáo viên và học sinh những ấn tượng sâu sắc, giá trị tình cảm tốt đẹp đối với nhà trường. Từ đó, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, bồi dưỡng niềm tin của cán bộ, giáo viên và học sinh vào đường lối lãnh đạo của Đảng. (Giaoducthoidai.vn 20/12, Lan Anh)
Thầy giáo tổ chức học biển báo giao thông bằng trò chơi cuốn hút các em tiểu học
Nhằm nâng cao ý thức về an toàn giao thông, Công ty Honda Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an tổ chức Hội nghị giao lưu “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”.
Sau nhiều năm tích cực tham gia hội thi đến năm học 2020 – 2021, thầy giáo Đặng Thanh Thắng (sinh năm 1987, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã xuất sắc đoạt giải Nhất chung cuộc với tiết dạy “Biển báo hiệu giao thông đường bộ”.
Theo thầy Thắng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng về số vụ tại nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của học sinh chưa cao, nhiều em khi tham gia giao thông còn chưa nắm rõ về luật giao thông đường bộ hay kỹ năng tham gia giao thông còn hạn chế.
Đặc biệt, với tâm lý tuổi mới lớn nhiều em nảy sinh những hành động bồng bột, thiếu kiểm soát khi tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, vượt đèn đỏ. Trước thực trạng trên, việc nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trở thành vấn đề bức thiết.
“Việc học sinh có hành vi vi phạm như lạng lách, đánh võng, gây tai nạn giao thông xuất phát từ việc các em chưa có nhận thức đúng đắn. Vài phút trước các bạn có thể vi phạm rồi gây tai nạn giao thông nhưng đó chỉ là sự bộc phát chứ trong tiềm thức các bạn không muốn điều ấy xảy ra. Thời điểm đó, các bạn nhận thức không đứng đắn và cho rằng việc lạng lách, đánh võng là hành động anh hùng, thể hiện bản thân. Nếu ý thức được việc mình làm sẽ gây ảnh hưởng tới tính mạng của người khác chắc chắn các bạn sẽ không làm” thầy Thắng chia sẻ.
Với nhận định mọi hành vi đều xuất phát từ nhận thức, nhận thức đúng đắn sẽ có hành vi đúng đắn và ngược lại, thầy Thắng luôn tích cực đầu tư giảng dạy, nâng cao kiến thức về an toàn giao thông cho học sinh.
Thầy Thắng cho biết: “Mỗi một cấp học đều có phương pháp giáo dục về an toàn giao thông khác nhau nhưng tôi thấy rằng "Tại sao có quy định trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông?" Điều đó cho thấy ngay từ 6 tuổi các em đã phải chấp hành luật giao thông bằng nhiệm vụ đội mũ bảo hiểm và cần được trang bị kiến thức sớm về an toàn giao thông.
Tham gia hội thi tôi mong muốn đề cao sự an toàn đối với thế hệ mầm non tương lai. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh việc giáo dục văn hoá giao thông sớm từ cấp tiểu học sẽ mang lại hiệu quả rất cao. Mọi hành vi đều xuất phát từ nhận thức, nhận thức đứng đắn sẽ có hành vi đúng đắn và ngược lại. Nếu học sinh ý thức được sự an toàn và văn minh khi tham gia giao thông thì trong tương lai các em sẽ bảo vệ được bản thân cũng như góp phần tạo nên một cộng đồng văn minh. Không riêng việc tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông, trong những tiết dạy hằng ngày tôi cũng lồng ghép kiến thức cho học sinh như tiết giáo dục tập thể, tiếng Việt”.
Để học sinh dễ dàng tiếp cận với kiến thức về giao thông, thầy Thắng chia sẻ thêm: “Trước mỗi tiết học, tôi nghiên cứu kỹ các hoạt động có trong bài học. Mỗi hoạt động tôi sẽ xây dựng hình thức dạy học phù hợp như tổ chức trò chơi, xử lý tình huống, diễn tiểu phẩm. Ở lứa tuổi tiểu học, đa số các em thích được trải nghiệm hơn nên tôi hướng đến tổ chức các tiết học vui nhộn, tạo hứng thú học tập cho học sinh”. Điển hình, trong tiết học “Biển báo giao thông đường bộ” mà thầy Thắng gửi tới hội thi, ngay từ phần khởi động học sinh được tham gia trò chơi “Thỏ tìm nhà”.
Mỗi học sẽ có 1 chiếc mũ có in hình biển báo giao thông, học sinh sẽ tự nhận biết biển của mình thuộc nhóm biển giao thông nào và tìm về nhà của mình. Tiếp đó, xuyên suốt tiết học, học sinh được thảo luận, trao đổi và đưa ra ý kiến cá nhân để xử lý các tình huống mà thầy giáo đưa ra. Học sinh hào hứng khi được cạnh tranh giữa các nhóm, được diễn vai các nhân vật trong tình huống giao thông. Từ đó, học sinh vừa nhận biết được các biển báo giao thông vừa tăng cường các kỹ năng làm việc nhóm, trình bày vấn đề và tự tin, năng nổ hơn. (Giaoduc.net.vn 20/12, Phạm Linh)
GIAO THÔNG
Hải Phòng "cải tiến" vỉa hè 6 tuyến phố trung tâm
Sở GTVT Hải Phòng đang cải tạo vỉa hè 6 tuyến đường: Hoàng Văn Thụ, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung. Dự án có nhiều điểm mới giúp đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Thực hiện chủ trương của TP. Hải Phòng, Sở Giao thông vận tải tiếp tục cải tạo hè 6 tuyến đường trung tâm. Hiện nhà thầu đang gấp rút thi công để kịp phục vụ nhân dân đón tết Nguyên đán 2022.
Theo ghi nhận của PV báo Nhà báo và Công luận, nhà thầu đã hoàn thành phần lớn khối lượng công trình. Gạch granit nhà thầu sử dụng có chất lượng tốt, màu sắc đẹp mắt. Nhưng tại một số vị trí, gạch granit có cao độ không đồng đều. Điển hình như đoạn vỉa hè trước cửa nhà số 5 đường Trần Hưng Đạo, vỉa hè cao hơn mặt đường chỉ khoảng 3cm.
Theo ông Trần Văn Cao - Giám đốc Trung tâm Bảo trì, quản lý giao thông công cộng và Đăng kiểm thủy (Sở GTVT Hải Phòng), cao độ trung bình từ đỉnh bó vỉa hè đến mép đường giao thông của 6 tuyến phố đang cải tạo là 8cm.
“Đường cũ, vỉa hè mới nên có chỗ cao, chỗ thấp không thể đồng đều như làm mới đồng bộ được. Nhà thầu đang thi công đúng theo hồ sơ thiết kế đã được Sở Xây dựng Hải Phòng đã thẩm định”, ông Cao nói.
Ông Cao ví dụ như thành phố đang làm đường 359 là làm mới hoàn toàn nên vỉa hè và đường sẽ đồng bộ, không có chỗ cao, chỗ thấp.
Còn theo ông Hoàng Triệu Hùng – Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng, Sở rút kinh nghiệm làm bó vỉa hè quá cao ở thành phố Hồ Chí Minh khiến người dân có nhà mặt đường không thể đi xe máy vào nhà. Nhiều trường hợp dân đã tự vạc vỉa hè thấp xuống hoặc đổ bê tông làm lối vào nhà gây ra tắc rãnh thoát nước, xấu mỹ quan đô thị.
Đồng thời, Sở cũng rút kinh nghiệm sau khi cải tạo thí điểm đường Hoàng Văn Thụ, vỉa hè làm xong đã gây bất tiện cho người dân, không dắt xe máy lên được. Người dân đã phải bắc cầu để đi xe lên vỉa hè vào nhà.
“Hạ thấp bó vỉa xuống mà vẫn đảm bảo an toàn, mỹ thuật lại tiện lợi, an toàn cho người dân thì nên làm”, ông Hùng nói. (Congluan.vn 20/12, Mai Lương Ngọc)
BÁO ĐỊA PHƯƠNG
Cử tri quận Lê Chân: Kiến nghị các vấn đề về chỉnh trang đô thị, đời sống dân sinh
Chiều 20/12, đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cùng Tổ đại biểu HĐND thành phố số 4 và 5 tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri quận Lê Chân thông báo kết quả kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa 16, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cử tri quận Lê Chân bày tỏ sự nhất trí cao và vui mừng, phấn khởi với những nội dung, kết quả của kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa 16. Kỳ họp ban hành nhiều nghị quyết đúng, trúng, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân thành phố nói chung, quận Lê Chân nói riêng.
Cử tri quận Lê Chân đề nghị thành phố trong thời gian tới đầu tư, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã xuống cấp nhiều năm; hỗ trợ, giải quyết một số vướng mắc chung quanh công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trên địa bàn phường Vĩnh Niệm; có biện pháp giải quyết tình trạng ùn tắc, thường xuyên xảy ra tai nạn ở khu vực vòng xuyến giao giữa đường Bùi Viện và đường Võ Nguyên Giáp; xúc tiến việc triển khai đề án phát triển chợ Hàng thành địa điểm du lịch-văn hóa; tiếp tục quan tâm đến cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo hộ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các phường, tổ dân phố trong tình hình hiện nay... (Baohaiphong.com.vn 20/12, Hiệp Lê)
Quận ủy Dương Kinh: Phấn đấu lãnh đạo hoàn thành vượt mức 16 nhóm chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2022
Sáng 20/12, Quận ủy Dương Kinh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022. Đồng chí Nguyễn Đình Chuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Chuyến ghi nhận Đảng bộ quận Dương Kinh đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2021. Đồng chí Nguyễn Đình Chuyến nhấn mạnh, để thực hiện thành công chủ đề năm 2022 "Giải phóng mặt bằng- Chỉnh trang đô thị- Kỷ cương hành chính", Quận ủy Dương Kinh cần phân tích, làm rõ yêu cầu, kế hoạch, đề ra những giải pháp cụ thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; chú trọng công tác xây dựng Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung cao vào các lĩnh vực: phòng, chống dịch COVID-19, thu ngân sách, giải phóng mặt bằng, phát triển đô thị; quyết liệt giảm 3 tiêu chí về tai nạn giao thông trên địa bàn quận... Trước mắt, quận cần làm tốt công tác an sinh xã hội, tổ chức cho nhân dân đón Tết nguyên đán 2022 đầm ấm, vui tươi, an toàn.
Năm 2021, quận Dương Kinh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/17 chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, đặc biệt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước về đích trước 2 tháng, đạt hơn 770 tỷ đồng, tăng gần 60% so với mức kế hoạch thành phố giao.
Năm 2022, Quận ủy Dương Kinh xác định 16 nhóm chỉ tiêu trọng tâm phấn đấu thực hiện. Trong đó, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 13,7 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm mới cho hơn 2 nghìn lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,25%; thành lập mới 2 tổ chức Đảng theo Nghị quyết số 28 của Thành ủy; 80% số tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ…
Tại hội nghị, Quận ủy Dương Kinh công bố Quyết định của Thành ủy chỉ định đồng chí Nguyễn Xuân Biếc, Trưởng Công an quận Dương Kinh tham gia Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Quận ủy Dương Kinh nhiệm kỳ 2020-2025. (Baohaiphong.com.vn 20/12, Nguyễn Cường)
HĐND huyện An Dương quyết định thông qua nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng
Sáng 20/12, HĐND huyện An Dương tổ chức kỳ họp đánh giá những kết quả thực hiện năm 2021; thảo luận thông qua nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng thực hiện trong năm 2022.
Tới dự và phát biểu tại kỳ họp, đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị, HĐND huyện An Dương có nhiều quyết sách đột phá hơn, mạnh mẽ hơn để đưa huyện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu mục tiêu đưa huyện An Dương trở thành đô thị trong thời gian tới. Đồng chí cũng ghi nhận sự chủ động tích cực của huyện trong việc triển khai các dự án đầu tư công trong năm 2021 và 5 năm tới.
Năm 2021, huyện An Dương tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế -xã hội. Nhờ vậy, phần lớn các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của huyện đều hoàn thành. Một số chỉ tiêu đạt cao như: thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 648,284 tỷ đồng, tăng 44% so với dự toán thành phố giao; huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đồng Thái; đang triển khai thi công 8 công trình xây dựng nông thôn mới tại 3 xã Đặng Cương, An Hòa, Quốc Tuấn, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2021. Huyện tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...
Tại kỳ họp, HĐND huyện quyết định thông qua chủ trương đầu tư các dự án quan trọng như: Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch sử dụng đất huyện năm 2022; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách huyện năm 2022; dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2022... HĐND huyện tiến hành miễn nhiệm, bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND huyện và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND huyện đối với một số đồng chí cán bộ. (Baohaiphong.com.vn 20/12, Tiến Đạt)
Kịp thời cứu người dân gặp nạn tại khu vực đồi Thiên Văn (quận Kiến An)
Khoảng 13 giờ 31 phút ngày 19/12, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố) nhận được tin báo tại khu vực gần Trường tiểu học Trần Thành Ngọ, sát rừng đồi Thiên Văn thuộc phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An) có người gặp nạn khi leo núi.
Ngay sau đó, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Kiến An (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) điều 1 xe chữa cháy, 1 xe máy cá nhân đến hiện trường, đồng thời thông báo tới Công an quận Kiến An phối hợp gọi xe cứu thương. Khi tiếp cận hiện trường, các chiến sĩ phát hiện người già nằm phía dưới khoảng 10 m, bên cạnh có thanh niên đang giữ. Ngay lập tức, cán bộ, chiến sĩ xuống khu vực người bị nạn, động viên ổn định tâm lý. Sau gần 15 phút sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cùng với sự hỗ trợ của Công an phường Trần Thành Ngọ và người dân, lực lượng Công an đưa người bị nạn lên khu vực an toàn và đưa đến bệnh viện Kiến An.
Được biết, người gặp nạn là ông Nguyễn Quang T, 70 tuổi, khi tập thể dục sáng bị trượt chân ngã xuống sườn đồi Thiên Văn, hiện sức khoẻ của ông đã ổn định. (Baohaiphong.com.vn 19/12, Lê Oanh)
Ngày 11/1/2022: Tổ chức lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu thành phố năm 2021
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 307/KH-UBND về tổ chức lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu TP. Hải Phòng năm 2021.
Với chủ đề “Tâm trong, trí sáng – Khát vọng vươn xa”, Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu TP. Hải Phòng năm 2021 được tổ chức ngày 11/1/2022 tại Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt Tiệp nhằm biểu dương, tôn vinh các em học sinh, sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm học 2020-2021. Thông qua lễ biểu dương nhằm động viên, khuyến khích các em học sinh, sinh viên tiếp tục thi đua học tập và rèn luyện; góp phần đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài trong toàn thành phố; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đối với công tác giáo dục, đào tạo nhân tài cho thành phố và đất nước.
Học sinh, sinh viên được biểu dương là các em đạt giải trong các kỳ thi quốc tế, khu vực (Đông Nam Á, châu Á…) các môn văn hoá, Khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021; giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hoá, Khoa học kỹ thuật, viết thư UPU lần thứ 50 cấp quốc gia năm học 2020-2021. Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa loại giỏi trở lên các trường đại học, học viên trên toàn quốc năm 2021 (sinh viên có hộ khẩu Hải Phòng) và sinh viên tốt nghiệp thủ khoa loại giỏi trở lên các trường đại học trên địa bàn TP. Hải Phòng năm 2021 (đạt điểm trung bình toàn khoá từ 8,5 trở lên tính theo thang điểm 10). Học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP. Hải Phòng tham dự (lần đầu) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hải Phòng, đạt tổng điểm 3 môn thi (theo tổ hợp xét tuyển đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm chưa nhân hệ số, không tính điểm ưu tiên), đạt từ 28,50 điểm trở lên và đỗ vào các trường đại học, học viện trong và ngoài nước. Những học sinh, sinh viên được biểu dương sẽ nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố, mức khen thưởng 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên.
Các hoạt động tại lễ biểu dương bao gồm: tổ chức dâng hương tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân (quận Hồng Bàng), tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận Kiến An), Đền thờ danh nhân văn hoá Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), Đài tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (khuôn viên Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt Tiệp). Lễ biểu dương, báo công kết hợp biểu diễn nghệ thuật tại Cung văn hoá lao động hưu nghị Việt Tiệp.
Lễ biểu dương được tổ chức trang trọng, ấn tượng, tạo không khí thi đua hăng say học tập trong học sinh, sinh viên thành phố và bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19. (Baohaiphong.com.vn 20/12, Bùi Hạnh)
ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA
Hải Phòng tăng trưởng kinh tế ước 12,38%, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước
Ngày 19/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với cán bộ chủ chốt TP. Hải Phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tại cuộc làm việc, các ý kiến đều đánh giá cao vị trí, vai trò chiến lược và tiềm năng, lợi thế phát triển rất lớn của Hải Phòng, khẳng định giai đoạn 2015-2020, thành phố phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. (Giaoduc.net.vn 20/12, Nhật Minh; Cand.com.vn 20/12; Thanhnienviet.vn 20/12; Doanhnghiephoinhap.vn 20/12; Baokiemtoannhanuoc.vn 20/12; Đại biểu nhân dân 20/12, tr4)./.