Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 21/12/2015)
Đó là 1 trong 15 chỉ tiêu quan trọng được Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tiên Lãng lần thứ 28, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Theo đó, hằng năm, huyện phấn đấu có từ 90% trở lên số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; cả nhiệm kỳ, kết nạp 750 đảng viên. Để thực hiện mục tiêu, Huyện ủy Tiên Lãng tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11), nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng bộ. Cùng với đó đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, nhất là ở các địa bàn thôn, khu dân cư và trong các doanh nghiệp.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Chiều 20-12, tại Văn phòng Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp và làm việc với Đoàn Ban liên lạc cựu cán bộ Hải Phòng tại Hà Nội về thăm thành phố quê hương. Cùng làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND thành phố.
Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy thông tin đến các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ kháng chiến Hải Phòng những kết quả nổi bật của thành phố năm 2015 và thành công của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 trong đó nhấn mạnh năm 2015, cả 15/ 15 chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành vượt mức là một kết quả rất đáng ghi nhận. Nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 10,17%, cao nhất trong 4 năm gần đây.
Đặc biệt, thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước thực hiện nhiều công trình, dự án lớn; các công trình kết cấu hạ tầng được tập trung cao, bám sát tiến độ như sân bay Cát Bi, cảng quốc tế Lạch Huyện, cầu Tân Vũ và đường ô tô cao tốc Hà Nội– Hải Phòng, cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng – Quảng Ninh. Về những định hướng phát triển năm 2016, thành phố ưu tiên, dồn mọi nguồn lực sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, tạo động lực để phát triển, thu hút các nhà đầu tư lớn; tiếp tục tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; tạo chuyển biến rõ rệt về môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ kháng chiến Hải Phòng tại Hà Nội bày tỏ vui mừng trước một Hải Phòng ngày càng phát triển với nhiều công trình hạ tầng chiến lược mới, phát triển kinh tế-xã hội thành phố đạt được trong năm 2015 có nhiều khởi sắc. Các đồng chí hy vọng trong thời gian tới, thành phố tiếp tục nỗ lực phát huy truyền thống, sáng tạo, xây dựng Hải Phòng ngày càng phát triển, vững vàng cả về chính trị và kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đi đầu trong phát triển văn hóa.
Đồng chí Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ tình cảm và sự tri ân của thành phố đối với đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ thành phố; kính chúc các đồng chí và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc; mong các đồng chí tiếp tục tham gia ý kiến với thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cổ vũ và dõi theo mỗi bước phát triển của thành phố Cảng.
Nhân dịp này, Đoàn các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ kháng chiến Hải Phòng tại Hà Nội tham quan dự án sân bay quốc tế Cát Bi và dâng hương tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc ở xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy).
( Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Quận ủy Đồ Sơn vừa tổ chúc tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2015 cho gần 200 đai biểu, gồm: lãnh đạo, chuyên viên các Ban Xây dựng Đảng, Văn phòng Quận ủy; Bí thư, Phó bi thư vả cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy các chi, đảng bộ trực thuộc Quận ủy; Bí thư các chỉ bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Quận ủy, UBND, ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngô Quyền vừa tổ chức kỷ niệm trọng thể 71 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 26 năm ngày hội quốc phòng toàn dân.
Những năm qua, quận Ngô Quyền hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Năm 2015, quận hoàn thành xuất sắc công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự; công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ. Sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang quận, tiềm lực QPAN được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố vững chắc; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi phát triển KTXH của quận và thành phố. Lực lượng vũ trang quận được Bộ Tư lệnh Quân khu Ba tặng Bằng khen và được đề nghị tặng Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố.
Nhân dịp này, quận Ngô Qụyền tổ chức đi thăm, tặng quà các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn và viếng nghĩa trang liệt sĩ. Tại huyện Cát Hải, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam Các đại biểu ôn lại truyền thống anh dũng của 'Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang huyện Cát Hải. Đảng bộ, quân và dân huyện Cát Hải phối hợp chặt chẽ bộ đội chủ lực đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoạỉ và phong tỏa của địch, độc lập bắn rơỉ 3 máy bay Mỹ, phốỉ hợp bộ đội chủ lực bắn rcti 21 máy bay và 4 tàu chiến Mỹ, tô thắm truyền thống “Hà Sen anh dũng - Đôn Lương kiên cường”.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hải An vừa tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015, bàn và quyết định phương hướng năm 2016.
Năm 2015, Đảng bộ quận Hảỉ An lãnh đạo địa phương thực hiện tốt chủ đề năm của quận và thành phố. Trong phát triển kinh tế, quận Hải An đạt tảng trường 28,8% so vái năm 2014; thu ngân sách hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó riêng thu, tạm nhập tái xuất đạt 5Ọ0 tỷ dồng, vượt 90 tỷ đồng so vớỉ kế hoạch được giao. Phát trỉen hạ tầng đi đôi với quản lý ttật tự xây dựng được Đảng bộ quận xác định là nhiệm vụ quan ưọng và chỉ đạo làm tốt. Nhiều công trình, dự án trên địa bàn được triển khai tốt, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều bước phát triển mới, coi ttọng chất lượng và nâng cao các chỉ tiêu đánh giá; quốc phòng-an ninh được gỉữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính qụyền, vận động nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thưc hiên tốt nhiêm vị chính trị của quận.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Chiều 17-12, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố dự và chỉ đạo hội nghị…
Năm 2015, Đảng ủy BĐBP Hải Phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Chủ động tham mưu cho Thành ủy và Đảng bộ Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác xây dựng BĐBP thành phố vững mạnh; lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển đảo và cửa khẩu cảng của thành phố; chủ động tấn công, đấu tranh với các loại tội phạm; làm tốt công tác phòng chống thiên tai, phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác biên phòng, củng cố xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế xã hội, góp phần tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp.
Đảng ủy quán triệt cán bộ, đảng viên, chiến sỹ thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 4 khóa 11 về xây dựng Đảng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2016, Đảng ủy BĐBP Hải Phòng đề ra 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Phát huy vai trò tham mưu với Thành ủy và Bộ Tư lệnh BĐBP trong xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, cửa khẩu cảng của thành phố; xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn thành phố.
Phó chủ tịch thường trực Lê Khắc Nam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Đảng ủy BĐBP TP đạt được trong năm 2015, đóng góp đáng kể vào những tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Đồng chí yêu cầu Đảng bộ cần tập trung bám sát thực hiện chủ đề năm 2016 của thành phố là “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”; tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan giữ vững chủ quyền biển đảo, tăng cường trấn áp, phòng chống tội phạm dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016; cụ thể hóa và đưa nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội cùa thành phố trong năm 2016.
(Hồng Hải - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Quận ủy Hồng Bàng vừa đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2015; xác định nhiệm vụ năm 2016.
Năm 2015, các cấp ủy đảng từ quận đến cơ sở thường xuyên quan tâm thực hiện quy che dân chủ ở cơ sử, quy chế đối thoại giữa ngườỉ đứng dầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được thực hiện hiệu quả. 11/11 Đảng bộ phường thực hiện nghiêm quy trình tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy với nhân dân. UBND quận to chức 248 buổi tiếp công dân, ƯBND phường tổ chức 768 buổi tiếp công dân. Chủ tịch ƯBND quận va phường thực hiện 36 cuộc đối thoại trực tiếp với người dân chung quanh việc thực hiện các quyết định liên quan đời sống của nhân dân như giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật,...MTTQ va các đoàn thể chính trị tích cực tuyên truyền, vận động, nắm tình hình, tư tường của nhân dân, kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhân dân…
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Chiều 18-12, Công an thành phố tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016 từ ngày 16-12-2015 đến 25-2-2016. Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP chủ trì hội nghị. Cùng dự còn có các đồng chí phó giám đốc CATP: đại tá Nguyễn Văn Sóng, đại tá Trần Đình Vang, đại tá Đào Anh Tuấn, đại tá Nguyễn Quốc Hùng và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố…
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hoạt động phạm tội; không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, nhà nước và thành phố; ổn định ANCT-TTATXH trên địa bàn, Giám đốc CATP yêu cầu: các đơn vị, địa phương cần chủ động nắm, phân tích đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo CATP và địa phương đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động, biểu tình, gây rối ANTT của các thế lực thù địch, không để các phần tử xấu lợi dụng, kích động, chống phá; triển khai phương án bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, các sự kiện trọng đại của đất nước và thành phố, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí “nóng” để gây án; tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; đấu tranh hiệu quả với tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ANTT; tăng cường quản lý cư trú, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp VK-VLN-CCHT, pháo và đèn trời; tăng cường lực lượng xuống cơ sở, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; làm tốt công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành quy chế làm việc, quy trình công tác, điều lệnh CAND, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sỹ khi thi hành công vụ, chấp hành nghiêm chế độ trực ban, thường trực chiến đấu và chế độ thông tin, báo cáo; đẩy mạnh tuyên truyền cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các phương tiện thông tin, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phòng chống tội phạm…, đảm bảo tuyệt đối an toàn về ANTT để nhân dân vui xuân, đón tết bình yên, hạnh phúc.
(Bảo Nguyên - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Do nghiện nên Đinh Văn Hoan, sinh 1982, ở thôn Đường Trưỡng, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, thường mua ma túy về sử dụng và bán lấy tiền ăn tiêu.
Sáng 1-6-2015, Hoan sang khu vực đường tàu nội thành Hải Phòng mua của một người không quen biết 70 gói ma túy với giá 2,1 triệu đồng. Tính ra chỉ mua 30 nghìn đồng 1 gói ma túy nhưng Hoan bán cho người có nhu cầu với giá 50 nghìn đồng, lãi gần gấp đôi nên hắn ham hố lắm. Khoảng 7h30 cùng ngày, khi Hoan đang ở nhà thì có bạn ở cùng thôn là N. Đ.P đến chơi, Hoan đã cho 1 gói ma túy để sử dụng. Đến khoảng 8h thì Đ.C.H, sinh 1979, ở xã Phả Lễ, đến hỏi Hoan mua 2 gói ma túy. Đây là khách hàng quen, hôm qua mới đến mua ma túy nên Hoan đồng ý bán và đưa cho H. 2 gói ma túy với giá 100 nghìn đồng.
Đúng lúc hai bên đang trao đổi tiền - hàng thì tổ công tác của Cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển kết hợp với CAH Thủy Nguyên bắt quả tang; thu trong người Hoan 100 nghìn đồng tiền bán ma túy mà có, thu của H. 2 gói giấy chứa ma túy (nặng 0,02 gam). Tiến hành khám xét nơi ở và khu vực có liên quan của Hoan, Cơ quan điều tra thu giữ 67 gói giấy chứa ma túy (nặng 2,49 gam). Qua giám định, số ma túy thu trong vụ án đều chứa heroin, hàm lượng là 62,1%.
Với tình tiết định khung hình phạt là “phạm tội nhiều lần”, ngày 16-11 vừa qua, TAND huyện Thủy Nguyên đưa vụ án ra xét xử đã tuyên phạt Đinh Văn Hoan 9 năm tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm b khoản 2 điều 194-BLHS.
(NP - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Khi đoàn rước dâu gần về đến nhà thì bất ngờ bị chặn lại. Bỏ cô dâu ở giữa đường, chú rể cố gắng thoát thân trước sự truy đuổi của đám người lạ mặt với hung khí trong tay…
Khi trai tơ vớ phải gái có chồng
Sau khi bươn trải với đủ nghề, Nguyễn Văn Th., sinh 1982, ở xã Hồng Thái, huyện An Dương, đầu quân cho Công ty L.H, làm nhân viên bán hàng đa cấp. Sẵn có tài ăn nói nên Th. đã tranh thủ những mối quan hệ lôi kéo được rất nhiều người thân, bạn bè tham gia và nhanh chóng trở thành một trong những người có doanh thu cao ngất ngưởng trong công ty.
Công việc của dân kinh doanh đa cấp cứ nay đây, mai đó, hết đi thuyết trình lại hội thảo đã cho Th. gặp và quen biết Đậu Thị N., sinh 1982, quê ở Thanh Hóa. N. đã bỏ chồng, mang con nhỏ ra Hải Phòng sống bằng nghề cắt tóc gội đầu. Quen nhau không lâu, Th. chết mê, chết mệt người đàn bà xứ Thanh bởi sự khéo léo và sắc sảo. Bỏ qua những lời tham gia, góp ý của gia đình, bạn bè, Th. một mực tìm đến với N. Tình cảm của người đàn ông chưa vợ lập tức được người mẹ đơn thân đón nhận.
Dù gì thì cũng đã qua một đời chồng nên tuổi tác ngang nhau nhưng N. có thừa kinh nghiệm chăm sóc, chiều chuộng khiến gã trai tân càng như điếu đổ. Cũng từ đây, Th. không còn phải đi đi về về quê như trước nữa mà ở lại luôn thành phố sống chung với mẹ con N. Những tưởng sau khi đã vượt qua mọi dị nghị thì tình yêu của Th. với N. sẽ không thể chia cắt.
Tuy nhiên khi các mối quan hệ không còn để lôi kéo tham gia vào kinh doanh đa cấp thì cũng là lúc công việc của Th. trở nên khó khăn. Thời gian sau đó Th. nghỉ hẳn làm ở Công ty L.H, chuyển vào Nam để làm một công việc khác. Th. thỉnh thoảng mới trở ra Bắc ghé qua thăm mẹ con N. chốc lát rồi lại đi luôn. Thậm chí có thời gian Th. đi biền biệt, chỉ liên hệ với N. qua điện thoại.
Trong thời gian đi làm ở phía Nam, Th. đã kịp quen và yêu một cô gái gốc Bắc. Đến đầu năm 2015, Th. có ý định làm đám cưới với cô người yêu mới. Không nói thẳng với người tình cũ, Th. bắn tin cho N. biết để rút ra nhường chỗ cho người vợ sắp cưới của mình. Thế nhưng không phải dạng vừa, khi biết tin này, N. sôi sục tìm gặp bằng được Th. để tính chuyện. N. đồng ý cho người yêu của mình đi lấy vợ nhưng với điều kiện Th. phải có trách nhiệm “bồi hoàn danh dự” cho mình với giá 10 triệu đồng. N. cũng tuyên bố nếu Th. không bồi hoàn thì sẽ không thể lấy ai khác làm vợ ngoài mình.
Và phi vụ đòi nợ… tình
Sau khi đưa ra giá buộc Th. phải “thanh toán” cho mình, N. còn chủ động tìm đến tận nhà gặp bố mẹ của Th., yêu cầu được bồi hoàn. Tuy nhiên sau khi không được Th. và gia đình anh chấp nhận, N. đã rắp tâm gặp bằng được Th. để đòi… nợ. Biết được Th. sẽ từ Sài Gòn bay ra Hải Phòng để chuẩn bị làm đám cưới, N. cùng anh trai mình đón lõng ở sân bay Cát Bi. Gặp Th. khi vừa từ máy bay xuống, N. xông ra chặn rồi lu loa ngay giữa sân ga đòi “bồi thường danh dự” bằng được.
Sau nhiều lần đòi nợ không được, N. kéo theo hàng chục người đến nhà Th. để gây sức ép. Những lần sau đó, N. lấy lý do anh Th. nợ tiền mình và nâng dần số tiền từ 10 triệu lên đến 50 triệu, rồi sau đó là 200 triệu đồng. N. cho rằng anh Th. phải trả số tiền cao như vậy là do N. đã phải chí phí… thuê người đi đòi.
Trong khi chuyện với người tình cũ chưa giải quyết xong thì ngày cưới đã đến, Th. vẫn phải tiến hành tổ chức đám cưới vì cho rằng mình không có nợ nần gì N. Khi đoàn rước dâu về gần đến nhà thì xuất hiện một xe máy chở 3 thanh niên ép chiếc xe hoa, bắt phải dừng lại. Lúc này xuất hiện thêm một chiếc xe ô tô 7 chỗ, chở theo gần chục thanh niên nhảy xuống chặn trước đầu xe chở cô dâu và chú rể. Như để khẳng định mình phải dạy cho kẻ phụ tình bài học, N. ra mặt cùng với 2 người anh em trai của mình chỉ đạo đám người lạ xông vào tấn công.
Th. biết gặp chuyện chẳng lành nên đã “cố thủ” trong xe. Tuy nhiên, đám người lạ đe dọa, buộc lái xe phải mở cửa. 2 người xông vào giật cửa sau xe và nhằm mặt Th. đấm túi bụi. Tranh thủ lúc mọi người vào can ngăn, Th. kịp thoát thân về nhà lánh nạn. Thấy cháu bị đánh, ông Vũ Bá X., sinh 1968, là cậu ruột của Th., đi phía sau chạy lên can ngăn thì bất ngờ cũng bị cả nhóm người lạ mặt này dùng gậy sắt, dao kiếm giấu sẵn trong xe tấn công. Chứng kiến cảnh đánh đấm hỗn loạn, nhiều người trong đoàn rước dâu sợ hãi bỏ chạy. Sự việc chỉ dừng lại khi ông X. bị đánh nằm gục xuống đường. Sau khi đám người lạ mặt hò nhau lên xe bỏ đi thì mọi người mới dám quay lại đưa ông X. đi cấp cứu tại Bênh viện Kiến An trong tình trạng bị đa chấn thương, trong đó nặng nhất là vết thương ở đầu làm chấn thương sọ não và vết cứa ở cổ dài khoảng 15cm… Do thương tích nặng nên ông Xuân được bệnh viện chỉ định chuyển lên tuyến trên để điều trị, sau đó may mắn đã ổn định trở lại.
Sau khi ra tay dằn mặt người tình, N. tiếp tục nhắn tin cho Th. đe dọa, yêu cầu được giải quyết hậu quả vụ xô xát bằng… tình cảm, nếu không sẽ phải tiếp tục lãnh hậu quả nặng hơn. Th. đã báo vụ việc lên cơ quan công an. CAH An Dương đang tiến hành điều ra, làm rõ…
(Trần Văn - An ninh Hải Phòng 21/12/2015; Đức Nguyên - Soha News 21/12/2015)
Khi sa chân sòng bạc, không ít “mỹ nhân” trở thành “bà trùm” khét tiếng điều hành “thế giới ngầm”, từ tổ chức cờ bạc, cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi đến bảo kê, đâm thuê chém mướn… thậm chí cả giết người.
Theo hồ sơ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an TP Hải Phòng), từ năm 2013 đến nay, riêng PC45 đã xác lập triệt phá 15 băng, ổ nhóm cờ bạc, trong đó có gần 50 đối tượng là nữ, chiếm hơn nửa số con bạc.
Đáng chú ý, trong 15 ổ nhóm này thì có đến 6 “mỹ nhân” bị khỏi tố vì tội tổ chức đánh bạc.
Từ “bà trùm” cờ bạc
Thượng tá Bùi Hải Nam, Đội trường Đội Phòng chống tệ nạn của PC45, cho biết khi đã cờ bạc đã dính vào máu thì những phụ nữ vốn “yếu liễu đào tơ” lại chẳng kém cạnh gì đàn ông, rất “khát nước”, sẵn sàng xuống hết tay.
Đối tượng cờ bạc không chỉ là những phụ nữ vô công rỗi nghề mà thậm chí còn có cả cán bộ công chức hoặc nữ doanh nhân thành đạt.
Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng PC45, cho biết vào đầu những năm 1990, cái tên Vũ Hoàng Dung (tức Dung “Hà”,1965, ở 23 Trạng Trình, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng), được đám lưu manh Hải Phòng nhắc đến một cách nể sợ.
Dưới trướng có hàng chục đàn em, Dung “Hà” tác oai, tác quái đủ trò, bảo kê, đòi nợ thuê, đặc biệt là tổ chức đánh bạc...
Sau khi Dung “Hà” bị Nam “Cam” chỉ đạo đàn em sát hại, Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”, chị của Dung “Hà”) tuy không nổi tiếng bằng cô em nhưng được “thừa hưởng” từ tên tuổi của em gái, đã thu nạp thuộc hạ, chủ yếu là dân lưu manh từ Hải Phòng và nhanh trở thành “bà trùm” trong các hoạt động của thế giới ngầm như tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, cho vay lãi nặng, hoạt động bảo kê, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê...
Trong đó, Oanh “Hà” tập trung vào lĩnh vực cờ bạc, cá độ bóng đá và vươn dài địa bàn hoạt động từ TP HCM, và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Nhiễm vào máu, nên sau mỗi lần “chân ướt chân ráo ra tù”, nữ quái đất Cảng này lại tiếp tục cùng đàn em tổ chức “lập sòng”.
Đến lạnh lùng xuống tay
Đến giờ, Đại tá Lê Hồng Thắng vẫn chưa thể quên được vụ án anh Nguyễn Điều Độ, nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng, bị Lưu Thế Nhương (SN 1972, trú tại phường Gia Thụy, quận Long Biên,TP Hà Nội) cùng đồng bọn dùng súng sát hại một cách dã man trên đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Ít ai có thể ngờ rằng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, lại có 2 “bóng hồng” là 2 chị em ruột, gồm:
Vũ Thị Diệu Tiên (SN 1974, trú tại Phạm Ngũ Lão, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Vũ Thị Ánh Tuyết (tức Tuyết “Băng cốc”, chị ruột Tiên, SN 1965, trú tại Phạm Ngũ Lão).
Trước khi bị bắt giữ, cả 2 chị em Diệu Tiên và Ánh Tuyết cũng khá nổi tiếng trong giới cờ bạc đất cảng vì thường xuyên góp mặt tại Casino Đồ Sơn, đánh bạc với số tiền lên đến hàng chục ngàn USD.
Tháng 11-2007, trong một lần đến Casino Đồ Sơn, phát hiện anh Nguyễn Điều Độ là người đang nợ tiền cờ bạc của “bồ” của mình là Lưu Thế Nhương 35 ngàn USD không trả mà còn dọa giết cả nhà Nhương, Diệu Tiên liền nhắn tin cho Nhương biết.
Gần sáng, khi anh Độ cất xe ô tô, đi xe ôm về đến trước cửa số nhà 119, Lương Khánh Thiện, thì Nhương cùng đồng bọn đi xe máy áp sát, chĩa súng nhằm thẳng đầu anh Độ bóp cò. Nạn nhân trúng đạn, gục xuống chết ngay tại chỗ.
Trong vụ án này, Diệu Tiên bị Viện KSND TP Hải Phòng truy tố về tội giết người và đánh bạc; Vũ Thị Ánh Tuyết bị truy tố về tội đánh bạc và không tố giác tội phạm.
Một điều tra viên Phòng PC45 - Công anTP Hải Phòng cho hay nhắc đến “trùm” cờ bạc đất cảng cũng không thể không nhắc đến Nguyễn Thị Bích Thủy (29 tuổi, trú tại Đằng Lâm quận Hải An, Hải Phòng) là vợ của Long “tuýp”, một tay đại ca đất Cảng, đã bị bắn chết do ân oán chốn giang hồ.
Sau khi chồng bị bắn chết (tháng 1-2009), Thủy kế thừa “sự nghiệp” của chồng và mở sòng bạc tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Trong lúc sòng bạc đang hoạt động, đàn em của Nguyễn Quang Mạnh, tức Mạnh “Nuôi”, một tay anh chị khác, đến càn quấy và bị đàn em của Thủy chém trọng thương.
Sau đó, Thủy và Mạnh “nuôi” đã hẹn nhau quyết phen “sống mái”. Khi cả 2 băng nhóm gồm hàng chục đối tượng, mang theo “hàng nóng” để thanh toán thì bị Công an quận Lê Chân phát hiện bắt giữ.
Đến nay dư luận cả nước vẫn còn chưa quên vụ án mạng xảy ra tại Hải Dương mà nạn nhân là chị Trần Thị L. (SN 1977, ở huyện Sơn Động, Bắc Giang).
Mặc dù đã có chồng con nhưng chị L. vẫn quan hệ tình cảm với Đặng Xuân Lợi (SN 1965, trú tại thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương).
Cùng chung sở thích “mở bát” nên Lợi và chị L. thường thuê xe ô tô đến các điểm cờ bạc ở một số tỉnh lân cận Hải Dương. Do nhiều lần đi đánh bạc với chị L., Lợi đều trắng tay ra về.
Cho rằng bị người tình “ám quẻ” và bản thân Lợi cũng đang nợ một số tiền lớn. Trong một lần hỏi vay tiền chị L. không được, Lợi đã dùng chiếc kéo chuẩn bị từ trước đoạt mạng người tình.
Lãnh đạo Phòng PC45 cho rằng “máu đỏ đen” một khi đã ngấm thì không ít phụ nữ cũng “khát nước” chẳng kém gì nam giới và có thể có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Vì thế, PC45 bên cạnh việc triệt phá các ổ nhóm cờ bạc cũng rất coi trọng những biện pháp cảnh báo, răn đe với các đối tượng cờ bạc là nữ giới.
(Soha News 21/12/2015)
Thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm trong và sau Tết Nguyên đán 2016, ngày 18-12, Công an quận Kiến An đã bắt đối tượng Bùi Huy Thông, sinh 1994, ở thôn Bùi Đông, xã Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Đỉnh, là kẻ thứ 3 thực hiện vụ cướp tài sản của lái xe hãng taxi Mai Linh, trên đường Trần Nhân Tông, Văn Đẩu, Kiến An.
Trước đó, Công an quận Kiến An nhận được đơn trình báo của anh Phạm Đình Thắng, sinh 1972, ở số 3, Lưu Trọng Lư, Trần Quang Khải, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, về việc ngày 28-8-2015, anh (là lái xe taxi của hàng taxi Mai Linh, trụ sở ở TP Nam Định) lái xe chở 3 nam thanh niên từ đường Trần Bích San, TP Nam Định đến khu vực trước cửa nhà 1030 Trần Nhân Tông, Văn Đẩu, Kiến An, thì bị bọn chúng khống chế cướp đi 800.000 đồng trong ví, sau đó bỏ chạy vào ngõ 1057 Trần Nhân Tông để tẩu thoát.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, CAQ Kiến An đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc CATP xác lập chuyên án mang bí số 915C để đấu tranh làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 17-9, CAQ Kiến An đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Phạm Văn Hiệp, sinh 1986, ở Bắc Phong, Kiến Thiết, Tiên Lãng (có 1 tiền án về tội “Cướp tài sản”), về hành vi “Cướp tài sản”. Đến ngày 20-11, CAQ Kiến An đã bắt đối tượng Đặng Đức Lực (tức Quân), sinh 1988, ở xã Tam Đa, Vĩnh Bảo.
Căn cứ vào lời khai của Lực, cơ quan xác định đối tượng thứ 3 chính là Bùi Huy Thông đã cùng đồng bọn cướp tài sản của anh Thắng. Tuy nhiên, Thông bỏ trốn khỏi địa phương và bị Công an quận Kiến An ra quyết định truy nã. Ngày 18-12, Thông đã bị bắt theo lệnh truy nã. Tại cơ quan điều tra, Thông khai nhận có quen biết Hiệp và Lực qua bạn bè ngoài xã hội.
Tối 28-8-2015, sau khi ăn sinh nhật bạn tại quán Lá, chợ Phiên, TP Nam Định, Lực cùng Hiệp và Thông thống nhất về Hải Phòng. Hiệp gọi taxi đến quán đón 3 người. Anh Thắng lái xe đến đón và chở bọn chúng về Hải Phòng. Trên đường đi, bọn chúng yêu cầu anh Thắng dừng xe để ăn tối tại địa phận tỉnh Thái Bình. Ngồi trên xe, 3 đối tượng cùng bàn bạc bằng cách nhắn tin qua điện thoại, thống nhất ăn quỵt tiền của lái xe và xem lái xe có tiền trong người thì ra tay cướp. Sau khi anh Thắng dừng xe trước cửa số nhà 1030 Trần Nhân Tông, Hiệp và Thông xuống xe đi vào ngõ 1057, còn Lực ở lại trên xe.
Lợi dụng sơ hở của anh Thắng, Lực đã khống chế còn Hiệp và Thông giữ anh Thắng để Hiệp lục soát lấy tiền trong ví. Cướp được tiền, Hiệp và Thông bỏ chạy vào trong ngõ. Sau đó, Cao Đức Nghiêm, sinh 1989, ở tổ Gò Công 5, Phù Liễn, Kiến An, sử dụng xe máy BKS: 16M1-4446, đến đón 3 đối tượng trên rồi phóng vào trong ngõ 1057 Trần Nhân Tông.
Công an quận Kiến An đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can: Lực, Hiệp và Thông về tội “Cướp tài sản” theo điều 133 BLHS để tiếp tục điều tra làm rõ.
(Hồng Hải - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Dũng cho đàn em đứng ở các đầu đường nối giao nhau, buộc hàng của doanh nghiệp phải qua đó, nếu chủ hàng không “làm luật” với Dũng, Dũng cho đàn em quậy tới bến.
Sau khi trở thành “ông trùm” giang hồ vùng biên thực thụ, oai hơn cả đại ca mình đã lật kèo, bội nghĩa, tự thấy cái sự mafia có thể làm được tất cả,Dũng “mặt sắt” bất chấp những cảnh báo, hệ luỵ khó lường và cả chuyện có thể “ăn cơm nhà lạnh” vươn cái ''vòi bạch tuộc'' về Hải Phòng, nơi mà theo Dũng làm thủ tục tạm nhập hàng hóa để tái xuất đi nước thứ ba dễ như trở bàn tay.
Mục tiêu của Dũng “mặt sắt” là dựa vào lực lượng giang hồ sẵn có và mối quan hệ giang hồ của em rể tại đất Cảng cộng với tiền để hình thành một quy trình tạm nhập, tái xuất hàng lậu khép kín. Dũng muốn thu bộn tiền, còn đàn em phục vụ được ban chút nghĩa, tý tiền lẻ để sống, chơi bời, cán bộ làm công cụ kiếm tiền, VIP là nấc thang để tiền của Dũng chồng cao hơn.
Khó chịu với “mắt cú” của giang hồ
Người thạo tin nói rằng, nếu Dũng là một doanh nhân thực thụ thì hay biết bao. Tên này có “cái nhìn ra tiền” rất nhanh nhưng phương pháp để đạt được tiền thì đúng là giang hồ cộm cán nên phải vào khám cũng chẳng lạ.
Điều đáng lưu tâm, mặc dù trên địa bàn Hải Phòng có rất nhiều chi cục hải quan làm thủ tục tạm nhập tái xuất nhưng trong những năm vừa qua, doanh nghiệp do Dũng “mặt sắt” và em rể hoạt động, chỉ chủ yếu làm thủ tục tạm nhập rồi tái xuất ở cửa khẩu Hải quan KV3 - cục Hải quan Hải Phòng.
Về tâm lý, đã có sự giới thiệu, được giang hồ bảo kê, lại có “tiền thù lao” hàng tháng, chẳng vị cán bộ nào không giúp; mà không giúp cũng chẳng được, lý do chính đáng không bao giờ được giang hồ chấp nhận.Dũng chỉ làm thủ tục ở đây vì nhiều lý do. Thứ nhất, giang hồ đất Cảng đã tìm được “phốt” của cán bộ để khống chế. Thứ hai, giang hồ và những doanh nghiệp khác, làm thủ tục ở đây rất khó nhưng lại phải dễ với hàng của Dũng nên càng thuận lợi cho Dũng và đàn em. Thứ ba, VIP của Dũng ở đất Mỏ thân quen với VIP ở đây nên đã có sự giới thiệu từ trước.
Thực tế, thời gian đầu, Dũng “mặt sắt” cũng chưa được tin tưởng, bị khước từ làm thủ tục nhiều chuyến hàng. Thấy thế, Dũng đưa giang hồ “cài cắm” vào các chủ hàng làm thủ tục khác, thậm chí ép họ khi làm thủ tục phải cho giang hồ đi theo để giám sát. Thế là bao nhiêu những thủ thuật ở đây bị lộ, bị đàn em của Dũng “nắm chắc như chân tơ, kẽ tóc”. Khi đã có “tài liệu” trong tay, Dũng “mặt sắt” dùng nó để khống chế.
Người thạo tin thừa nhận, biết Dũng và em rể là những tên giang hồ cộm cán, bội nghĩa, bạc tình, họ không muốn hợp tác nhưng không được. Dũng cho đàn em chặn xe, tắc cả một hàng dài, gây lộn xộn giao thông. Ai vào làm thủ tục hải quan đều bị đàn em của Dũng bảo, đi nơi khác làm, cán bộ ở đây quan liêu, hách dịch lắm. Người nào cố tình vào, bị đàn em của Dũng đứng chặn ngay trước mặt, không đi được. Tóm lại, con “mắt cú” của giang hồ thật lợi hại và thường đi trước một bước nên chúng khống chế cán bộ hải quan thật đơn giản.
Tư “điếc”, một giang hồ cũng dính dáng ít nhiều đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng tạm nhập, tái xuất, cùng thời với Dũng “mặt sắt” cho biết: “Anh em nhà Dũng hành động nhanh, gọn, dùng tiền đè chết người không được thì dùng thịt đè chết người. Chúng xuống tay tàn độc nên không ai muốn hợp tác, trừ những trường hợp bất đắc dĩ.
Giang hồ đất Cảng chỉ làm giá, không được thì làm kiểu khác chứ không có kiểu triệt hạ, trừ trường hợp phát hiện ra đối phương chuẩn bị hoặc ra tay trước thì đối phó tàn độc ngay. Nhưng Dũng thì khác, chúng kiếm tiền bằng mọi giá, bắt đàn em nhập vai, tạo ra các cơ hội để cán bộ vi phạm rồi dùng chính “phốt” ấy khống chế họ. Sự trắng trợn này của Dũng không được bền, Dũng đã “vô khám” cũng với đại ca trước thời hạn mà giang hồ dự tính khá nhiều”.
Theo Tư “điếc”, những người đi làm thủ tục xuất hàng ở Hải quan Hải Phòng phần lớn là cán bộ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Họ làm theo chỉ đạo của sếp chứ có phải hàng của họ đâu.
Họ phải bỏ công sức ra mới kiếm được đồng tiền để lo lắng cho gia đình, thế mà Dũng cho đàn em quậy họ, làm họ mất việc làm, mất miếng cơm, manh áo. Dũng quá hợm nên mới phải mua xe chống đạn để đi, vì sợ giang hồ trả thù, bắn tỉa.
Ăn chặn trắng trợn
Sau khi đã khống chế được một số cán bộ hải quan dưới nhiều hình thức, Dũng tuyên bố đầy tự tin rằng, doanh nghiệp, cá nhân nào muốn xuất, nhập hàng lậu vào Việt Nam, tái xuất đi nước thứ ba đến gặp Dũng là an toàn, hiệu quả nhất. Nếu Dũng phát hiện, doanh nghiệp “dám đi đêm” với cán bộ hải quan để “qua mặt” Dũng thì chủ hàng cứ bình tĩnh nhận những hậu quả không thể lường trước được.
Dũng cho đàn em đứng ở các đầu đường nối giao nhau, buộc hàng của doanh nghiệp phải qua đó, nếu chủ hàng không “làm luật” với Dũng, Dũng cho đàn em quậy tới bến để hàng của chủ hàng đó không còn nguyên vẹn; báo cơ quan chức năng kiểm tra; rồi thì khi vào đến cửa khu làm thủ tục, sẽ có người gây khó khăn, xảy ra chuyện bất ngờ, không thể làm thủ tục được. Dũng còn trắng trợn đến mức, sai đàn em vứt hàng cấm, hàng lậu vào hàng của chủ hàng không “qua tay” Dũng, báo cơ quan bảo vệ pháp luật kiểm tra, bắt hàng...
Người thạo tin nhận định: Những kiểu hàng tạm nhập, tái xuất, nếu có tin báo, kiểm tra thì thường bị ách lại, vì có nhiều vấn đề. Nhiều chủ hàng đã bỏ hàng để chạy lấy người khi lô hàng tạm nhập, tái xuất ấy có vấn đề thực khi cơ quan chức năng kiểm tra. Còn hàng xuất trực tiếp của doanh nghiệp đi nước ngoài bình thường thì Dũng có “nổ” đến mấy cũng không làm gì được họ. Dũng chỉ trắng trợn đòi “bảo kê” hàng lậu, hàng tạm nhập, tái xuất. Vì Dũng “thám” được rằng, những lô hàng tạm nhập, tái xuất và hàng lậu mới có vấn đề. Để ăn chặn tiền của doanh nghiệp một cách trắng trợn mà lại có gì đó hợp pháp (theo suy nghĩ của giang hồ – PV), Dũng cho thành lập chi nhánh công ty tại Hải Phòng.
Đàn em của Dũng là nhân viên công ty. Ngoài ra, để hoạt động ăn chặn được “thường xuyên” và “thông thương”, Dũng “bắt tay” với một cán bộ hải quan thải hồi, trả lương cao cho người này để người này chỉ việc ngồi, rồi chỉ điểm và vạch lỗi của hải quan để Dũng “hành” họ.
Từ đó, Dũng lùa hết các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất phải qua chi nhánh công ty làm “thủ tục bảo lãnh”, đóng phí. Sau đó, chỉ cần một đàn em của Dũng hoặc một cú điện thoại là hàng của chủ đã đóng phí, làm “thủ tục bảo lãnh” được thông thương. Dũng đã “sử dụng” nhân viên hải quan như công cụ để kiếm bộn tiền cho mình.
Theo đàn em của Dũng “mặt sắt”, Dũng luôn mơ ước thành “ông trùm” buôn lậu ô tô, nhất là xe siêu sang. Đã sống trên núi tiền nhưng Dũng vẫn thích phải sống trên cả một xưởng xe ô tô siêu sang. Thế là một công ty mới được thành lập chỉ phục vụ cho mục đích nhập lậu siêu xe.
Đàn em của Dũng thừa nhận, cái xe ô tô chống đạn của Dũng cũng là xe nhập lậu, là xe trong “công” hàng tạm nhập, tái xuất. Một số phụ kiện khác thì trên phà, qua cửa khẩu Lục Chắn, vào Móng Cái. Nhiều siêu xe khác của Dũng cũng về Móng Cái qua cửa khẩu này.
Người thạo tin thừa nhận, Dũng sử dụng đồng tiền rất đúng mục đích. Tại đất Mỏ, Dũng đưa VIP vào ma trận của mình để đạt mục đích, tại đất Cảng, ngoài tiền, Dũng còn dùng giang hồ để đối phó. Tất cả những siêu xe, xe ô tô nhập lậu đến cả trăm chiếc mà cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ ấy là hàng nhập lậu. Nó ở trên phà, được phủ bằng vải bạt (che mưa, che nắng – PV) đơn sơ rồi qua cửa khẩu Lục Chắn, lượn lờ trên sông, vào Móng Cái, về kho của Dũng.
Thực chất, những lô hàng ô tô lậu của Dũng vẫn có tỳ vết nhưng được cán bộ công ty nguyên là cán bộ hải quan bị sa thải “phù phép”. Tên người làm công ăn lương của Dũng đã chỉ đạo cán bộ hải quan, bỏ qua các lỗi - thực chất là làm sai quy trình thủ tục hải quan đối với các lô hàng nhập lậu.
Hàng hóa tạm nhập-tái xuất gửi kho ngoại quan phải được niêm phong kẹp chì tại kho ngoại quan trước khi làm thủ tục tái xuất. Đối với những lô hàng nhập lậu của Dũng “mặt sắt”, mặc dù được khai báo là hàng gửi kho ngoại quan nhưng vẫn được niêm phong kẹp chì ngay tại bãi cảng, rồi được nhân viên thi hành nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ sau.
Vì thế, những siêu xe do doanh nghiệp của Dũng làm thủ tục tạm nhập tái xuất bị phát hiện cũng là những lô xe ôtô tạm nhập-tái xuất lậu. Số xe này đã được tân trang lại tình trạng kỹ thuật cũng như hồ sơ pháp lý từ nước ngoài trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức tạm nhập, rồi tái xuất lậu đi nước thứ ba qua khu vực TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
(Thành Nam - Báo điện tử Người đưa tin 21/12/2015)
Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói chung và địa bàn quận Ngô Quyền nói riêng, xảy ra một số vụ đối tượng đe dọa cưỡng đoạt tài sản của người dân và doanh nghiệp gây hoang mang lo sợ trong quần chúng, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, mất ANTT cơ sở. Trước tình hình đó, ngày 5-12-2015, CAQ Ngô Quyền đã xác lập chuyên án 125.T đấu tranh với loại tội phạm này, đồng thời tập trung các lực lượng tổ chức mật phục, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành xác minh điều tra để làm rõ vụ án và bắt giữ đối tượng…
Từ cuộc đòi nợ thuê 3,4 tỷ đồng
Anh Nguyễn Quang Trung, sinh 1973, ở phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, có cho chị Tám ở huyện Tiên Lãng vay 3,4 tỷ đồng nhưng mãi không đòi được. Khoảng tháng 6-2015, do quen biết nên anh Trung có gặp anh Nguyễn Văn Đạo, sinh 1972, ở xã Bát Trang, huyện An Lão, làm ở Công ty bảo vệ Kiên Cường, để nói chuyện và nhờ anh này tìm người đòi nợ hộ số tiền trên. Anh Đạo có kể chuyện trên với Nguyễn Chí Hiếu (tức Hiếu “trình”), sinh 1980, ở chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An.
Hiếu đã nhận “làm” và hẹn gặp anh Trung để bàn bạc cụ thể. Sau khi nghe anh Trung nói chuyện, trình bày xong thì Hiếu “trình” nhận là sẽ làm được. Sau khi sang Tiên Lãng do thám, Hiếu “trình” nói một tuần nữa sẽ lấy được tiền về cho anh Trung, đồng thời đề nghị anh viết giấy ủy quyền cho anh ta đi đòi nợ. Tuy nhiên anh Trung cho biết đã viết giấy ủy quyền cho anh Đạo về việc đòi nợ trên và thỏa thuận miệng với nhau khi nào đòi được tiền thì Hiếu sẽ được hưởng 30%. Hiếu “trình” nói cần tiền chi phí đi lại cho việc đòi nợ thuê trên nên yêu cầu được ứng trước 10 triệu đồng. Do anh Trung không có tiền nên đã nhờ anh Đạo đưa cho Hiếu 10 triệu đồng.
Khoảng 3 ngày sau, Hiếu “trình” gọi điên thoại bảo anh Đạo lên quán Big Men trên đường Trần Hưng Đạo để trả tiền ăn và tiền công cho 5 “anh em” đi đòi nợ về là 5 triệu đồng. Anh Đạo lên trả tiền ăn cho nhóm Hiếu hết 1,3 triệu đồng, còn tiền công đòi nợ là 5 triệu đồng anh Đạo nói không có đủ mà chỉ có 4 triệu đồng và đưa cho Hiếu số tiền trên. Thấy nhóm Hiếu “trình” chưa làm gì mà đã “làm tiền” khổ chủ, anh Đạo nói với Hiếu là dừng lại, không đòi nợ nữa vì anh Đạo không có tiền trả công cho nhóm Hiếu 1 triệu đồng 1 ngày 1 người. Nhưng Hiếu “trình” không đồng ý và nói với anh Đạo là “anh em” của Hiếu đang làm và sắp đòi được 3,4 tỷ đến nơi rồi.
Khoảng 3 ngày sau, Hiếu “trình” lại gọi cho anh Đạo lên quán bia ở ngã 5 trả tiền bia cho Hiếu và trả tiền công đòi nợ là 3,5 triệu đồng. Anh Đạo buộc phải đi vay đủ số tiền để đưa cho Hiếu và nói là chấm dứt việc đòi nợ một lần nữa. Nhưng Hiếu “trình” vẫn lạnh lùng bảo anh Đạo là không làm cũng phải trả tiền công cho “anh em” của hắn đi đòi nợ?!
“Đứt tay” vì “chơi dao”
Sử dụng “dân xã hội”, bọn lưu manh giang hồ đi đòi nợ thuê thường hiếm đem lại kết quả tốt đẹp. Những dạng người này thường không công ăn việc làm tử tế, có tiền án, tiền sự, kết thành băng nhóm, sẵn sàng làm những việc phi pháp, do đó “nhờ vả” chúng đi đòi nợ thuê chả khác gì chơi dao 2 lưỡi. Có đòi được nợ thì thân chủ cũng phải chi trả một món tiền lớn ngang ngửa với số nợ đã đòi được, lại còn bị sách nhiễu mè nheo, vòi vĩnh dây dưa một thời gian dài. Còn không đòi, hoặc chưa đòi được thì chính khổ chủ phải “giơ thân” ra chịu “phạt vạ” theo những điều khoản đã giao ước, dù đó chỉ là hợp đồng miệng. Và, anh Đạo đang lâm vào tình cảnh này…
Khi anh Đạo nhận ra sự nguy hiểm của việc “chơi dao” thì đã quá muộn. Mặc dù đã hai lần đề nghị không mượn nhóm Hiếu “trình” đòi nợ thuê nữa nhưng Hiếu vẫn nhiều lần cho người đến công ty anh Đạo quấy rối và đe dọa anh phải đóng cửa công ty. Do sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của công ty nên anh Đạo đã nhiều lần đưa tiền cho nhóm Hiếu “trình”, tổng cộng là 34 triệu 650 nghìn đồng.
Vẫn chưa hết, Hiếu còn tiếp tục gặp anh Đạo yêu cầu anh phải đưa cho nhóm hắn thêm 60 triệu đồng tiền công đi đòi nợ thuê bên Tiên Lãng nhưng anh Đạo nói đã chấm dứt việc đòi nợ thuê. Cuối cùng, Hiếu chốt lại với anh Đạo là lấy nốt 7 triệu đồng tiền công, còn nếu không thì công ty anh sẽ phải đóng cửa! Anh Đạo buộc phải đồng ý và hẹn đến ngày 15-12-2015 sẽ đưa tiền cho Hiếu “trình”.
Thế nhưng chưa đến ngày hẹn, vì “thèm” tiền tiêu nên ngày 7-12, bọn Hiếu “trình” vẫn xuất quân. Trước khi đi chúng nhóm họp bàn, trong đó Nguyễn Danh Chung (tức Chung “tình”), sinh 1985, ở phố Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, đề xuất: Đã bắt thóp được anh Đạo nhát nên khi đến nơi, thằng Thi (tức Lê Đình Thi, sinh 1989, ở phố Lê Thánh Tông, phường Máy Chai) cứ chửi cật lực và dọa thì anh này ắt phải “nôn” tiền ra cho chúng. Với kịch bản ấy nên khi cả bọn vào công ty gặp anh Đạo, tên Thi đã thực hiện đúng như những gì đã thống nhất. Anh Đạo rất sợ và đã phải hẹn Chung “tình” và Thi đến ngày 17-12 sẽ thu xếp tiền đưa cho chúng.
Khoảng 9h30 ngày 17-12-2015, Chung “tình”, Thi và một đối tượng nữa đến công ty của anh Đạo ở số 33 Lê Lai để đòi tiền công đi đòi nợ thuê. Anh Đạo nói việc này đã nói chuyện với Hiếu “trình”. Chung “tình” nói: “Hôm nay không lấy được tiền sẽ không về”. Vì muốn được yên ổn làm ăn, anh Đạo bảo Chung “tình” và Thi đến chiều bảo cả Hiếu “trình” đến sẽ giải quyết.
Trước khi về, Thi còn chửi bới dọa dẫm: “Hôm nay anh tao không có tiền thì mày cứ ra khỏi cửa là bị chém”. Đến khoảng 14h30 cùng ngày, Chung “tình” và Thi đi xe máy đến công ty của anh Đạo để lấy tiền. Sợ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, anh Đạo bảo bọn chúng đi ra quán cà phê 44 Lê Lai nói chuyện.
Một lúc sau, Hiếu “trình” cùng hai tên đàn em nữa đến. Anh Đạo xin Chung “tình” là không có tiền nên chỉ đưa 4 triệu đồng nhưng hắn không nghe mà nói: “Phải có đủ 5 triệu chứ 4 triệu 9 cũng không được”. Thi bèn chửi: “Loại này phải cho 2 cái non vào mặt mới chừa”. Hiếu “trình” bảo anh Đạo: “Anh làm sao cho hợp lý thì làm”. Cuối cùng hai bên thống nhất: Anh Đạo đưa cho Chung “tình” 5 triệu đồng, đưa cho Hiếu “trình” 7 triệu đồng.
Cùng với đó, Thi còn đe dọa anh Đạo: “Hôm nay không có tiền thì ra khỏi cửa là cắt gót”. Anh Đạo buộc phải đi xe máy về lấy tiền. Khi anh Đạo đưa tiền cho Hiếu “trình” và Chung “tình” cầm ở tay chưa kịp đếm thì bị lực lượng CSĐT hình sự - CAQ Ngô Quyền từ điểm mật phục đã ập tới bắt quả tang, thu giữ vật chứng là 12 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT-CAQ Ngô Quyền đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng trên về hành vi phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định tại điều 134-BLHS.
Vụ án tạm thời khép lại nhưng là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những ai còn có ý định mượn tay bọn lưu manh côn đồ đi đòi nợ hộ hoặc làm những việc khuất tất, bởi những kẻ ẩn mình hoạt động trong bóng tối sẽ không lường hết được có ngày chúng quay đầu “cắn” trả chính những người nhờ vả chúng…
(Xuân Ngọc - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Nằm ở trung tâm và là một trong các cửa ngõ ra vào thành phố, trong những năm vừa qua, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn quận Hồng Bàng diễn biến phức tạp. Không chỉ là những con nghiện mua bán sang tay kiếm chút lời, nhiều đối tượng hình sự cộm cán cũng chuyển sang lĩnh vực… kinh doanh ma túy với các thủ đoạn cực kỳ tinh vi…
Chặn đứng đầu mối cung cấp ma túy cho lái xe
Ngã tư Metro (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) càng về đêm càng nhộn nhịp bởi hàng dài xe container dừng, đỗ. Một lần được theo chân trinh sát đội CSĐTTP về ma túy (Công an quận Hồng Bàng) nắm tình hình, tôi hỏi chuyện người dân ở đây nhưng chẳng ai biết khu vực này trở thành điểm dừng, đỗ của cánh lái xe container từ bao giờ. Chỉ thấy khi lượng xe container tăng lên thì quán xá ở đây mọc lên ngày càng nhiều. Khi xe container lấy hàng từ trong cảng ra đến khu vực này hầu hết đều dừng lại để các lái, phụ xe nghỉ ngơi, mua sắm đồ ăn, nước uống để chuẩn bị cho một quãng đường dài tiếp theo…
Tuy nhiên, từ khi ngã tư Metro trở thành “chợ” cho cánh lái xe container thì cũng là lúc tiềm ẩn nguy cơ về mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, một trinh sát cho biết. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an phát hiện nhiều lái, phụ xe dừng lại không chỉ mua sắm vật dụng sinh hoạt mà còn lợi dụng tìm mua ma túy để sử dụng. Do thường xuyên phải chịu áp lực chở quá tải, chạy tăng chuyến cả ngày lẫn đêm nên các lái, phụ xe đã “mượn” ma túy để giảm bớt căng thẳng, tránh buồn ngủ. Trước đây dân lái xe chủ yếu sử dụng heroin thì nay để tiện lợi và tăng thêm độ… phê đã chuyển sang ma túy “đá”. Không ít người do lạm dụng đã trở thành nghiện, mặc dù lái xe vẫn tỉnh táo, nhưng các giác quan bị hạn chế, phản ứng không được linh hoạt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe container khiến dư luận đang vô cùng bức xúc.
Đội trưởng đội CSĐTTP về ma túy trung tá Nguyễn Mạnh Cường cho biết, trước tình trạng này Ban chỉ huy Công an quận Hồng Bàng đã chỉ đạo đội CSĐTTP về ma túy lên kế hoạnh triệt phá các đầu mối cung cấp ma túy cho lái xe, đảm bảo an ninh trật tự tại ngã tư Metro. Tuy nhiên do khu vực này thường xuyên tập trung đông người, lúc cao điểm có đến hàng chục chiếc xe container đỗ thành hàng dài cùng vài chục lái, phụ xe xuống ăn, nghỉ, các đối tượng cung cấp ma túy trà trộn vào trao đổi mua bán một cách chóng vánh nên rất khó khăn cho công tác phát hiện đấu tranh.
Qua công tác nắm tình hình, đến cuối tháng 6/2015, trinh sát mới bắt quả tang được Nguyễn Thị Thảo, sinh 1989, ở xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên đang có hành vi bán trái phép chất ma túy cho lái xe container. Khác với thủ đoạn của nữ quái Nguyễn Thị Thảo là lợi dụng lúc đang mang thai phạm tội, Vũ Mạnh Hoàng, sinh 1984, ở xã An Hưng, huyện An Dương, bán ma túy bằng cách… rải dọc trên đường. Khi Hoàng nhận được tiền rồi thì đứng ở xa theo dõi hướng dẫn con nghiện là những lái xe qua điện thoại đến chỗ giấu ma túy để lấy. Tinh vi là vậy nhưng Hoàng không thể qua mắt được lực lượng công an, khi đang núp trong con ngõ sâu trên Quốc lộ 5, thuộc địa bàn phường Quán Toan sử dụng điện thoại chỉ dẫn chỗ giấu thì bị bắt giữ cùng tang vật là 16 gói đựng 53,380 gram ma tuý đá, trị giá hơn 50 triệu đồng.
Giống như những chiếc vòi bạch tuộc, đầu mối cung cấp ma túy này bị chặt thì sau đó lại mọc thêm cái đầu mối khác, thậm chí thủ đoạn còn tinh vi hơn rất nhiều. Với kinh nghiệm của kẻ mang tiền án hơn 20 năm tù về mua bán trái phép chất ma túy, Nguyễn Thị Tuyết, sinh 1966, ở 145 Hai Bà Trưng, quận Lê Chân vừa mãn hạn tù trở về liền sang thuê nhà ở gần ngã tư Metro để tiếp tục hành nghề kinh doanh… ma túy.
Không để hình thành tụ điểm phức tạp
Mặc dù bị què một bên chân, phải di chuyển bằng nạng, nhưng Tuyết vẫn “quyến rũ” được Đinh Mạnh Cường, sinh 1965, ở 162 Sở Dầu, quận Hồng Bàng bằng cách “cung phụng” cho ma túy để sử dụng. Vừa làm người tình, Cường còn làm tay sai đắc lực cho Tuyết, hàng ngày đi tìm mối bán ma túy. Không giống như những kẻ mới vào nghề, khách đến mua “hàng” của cặp vợ chồng “hờ” này nếu là lần đầu thì phải sử dụng ma túy ngay trước mặt chúng để chứng minh là… nghiện. Nhiều lái, phụ xe khi đã trở thành khách quen rồi, cứ dừng xe là chạy thẳng vào trong nhà đưa tiền rồi nhận hàng mà không cần phải kiểm tra. Sau thời gian dài theo dõi, lực lượng công an đã bắt quả tang 2 đối tượng này cùng vật chứng là 1,93 gam ma túy đá và 6,47 gam heroin.
Nằm ở trung tâm và là một trong những cửa ngõ ra vào thành phố, quận Hồng Bàng còn có vị trí giáp ranh với nhiều quận, huyện khác nên tội phạm ma túy thường hay lợi dụng để hoạt động. Sau khi gây dựng được “số má” cho mình trong đám lưu manh, Bùi Tiến Dũng, sinh 1980, ở 26/8 Nguyễn Tường Loan, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân chuyển địa bàn sang khu vực phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng để hoạt động mua bán ma túy. Đây cũng là địa bàn giáp ranh với quận Lê Chân từ lâu đã phức tạp về tội phạm ma túy. Với những thủ đoạn tinh quái cùng với những “ảnh hưởng” của mình, Bùi Tiến Dũng đã nhanh chóng khẳng định được vị trí trong giới buôn “hàng trắng”.
Qua công tác nắm tình hình, Công an Hồng Bàng xác định căn hộ của Dũng được xây dựng kiểu “boong ke”, được bảo vệ bằng 2 lần cửa, bên ngoài có nhiều vòng cảnh giới. Ngôi nhà của Dũng cũng thường xuyên khóa kín cửa, chỉ bán “hàng” qua cửa xếp sắt, Dũng không trực tiếp giao dịch mua bán ngay. Mỗi khi có người nghiện tới mua ma túy, Dũng bố trí “đệ tử” ở bên ngoài kiểm tra xem có đúng người quen mua ma túy hay không, sau đó gọi điện vào trong nhà cho Dũng chuyển ma túy qua cửa xếp sắt.
Sử dụng đồng bộ các lực lượng, phương tiện thu thập củng cố tài liệu chứng cứ, lực lượng công an đã lên phương án triệt xóa tụ điểm này. Phát hiện Dũng cùng vợ ra khỏi nhà, lợi dụng sự mất cảnh giác của đám đàn em chuyên cảnh giới, trinh sát lập tức bắt giữ đối tượng. Khám xét ngôi nhà của Dũng, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 14,36g methaphetamin cùng một số tiền mặt và nhiều vật dụng liên quan khác. Đáng chú ý, tại thời điểm khám xét nhà Dũng có mặt vợ là Lê Vinh Nga, sinh 1984, cùng đối tượng Hoàng Việt Hùng, sinh 1988, ở số 9 Lô 2, Xi Măng, Thượng Lý và Lê Văn Tùng, sinh 1966, ở 8C78, phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng. Tại cơ quan điều tra, lúc đầu các đối tượng tìm mọi cách quanh co, chối tội nhưng bằng lý lẽ sắc bén cùng các tài liệu chứng cứ rõ ràng, sát thực buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi phạm tội.
Trung tá Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, kết quả đấu tranh không chỉ triệt xóa tận gốc 1 đường dây cung cấp trái phép chất ma túy với quy mô lớn mà còn góp phần làm giảm mạnh tệ nạn ma túy trên địa bàn, khẳng định niềm tin với nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mới đây lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an quận Hồng Bàng tiếp tục phối hợp lập chiến công bắt giữ Lò Văn Bốn, sinh 1995, ở bản Hiệu, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu đang trên đường vận chuyển trái phép gần 1 kg ma túy đá đi tiêu thụ.
Cùng với đó, thời gian qua, đội CSĐTTP về ma túy còn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quận, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm về ma túy và Công an quận Hồng Bàng về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy; đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và Ban chỉ đạo của các phường trên địa bàn quận làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm… Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị triển khai kế hoạch công tác của lực lượng phòng chống ma túy và phối hợp với các phường làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình địa bàn, rà soát, phân loại đối tượng, kịp thời phát hiện, lập kế hoạch xóa phá ổ nhóm tội phạm, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy…
(Trần Văn - An ninh Hải Phòng 19/12/2015)
Ủy ban ATGT quốc gia vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố dọc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) đề nghị xử lý nghiêm hành vi rải đinh trên cao tốc.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, sau một thời gian ngắn thông xe tuyến cao tốc này, đã có một số phản ánh trường hợp xe đi trên tuyến đường cán phải đinh, vỡ lốp. Thông tin này cũng được Ban Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng xác nhận. Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng chỉ đạo lực lượng công an điều tra, xác minh hiện tượng nêu trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp vi phạm để răn đe.
(Ngân Tuyền - Báo An ninh thủ đô 21/12/2015)
Ngày 1-12, Bộ GTVT ra thông báo số 1005 quy định tất cả xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không đi vào QL5 (đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh dài hơn 10km), phải đi theo đường cao tốc mới Hà Nội - Hải Phòng. Điều này đồng nghĩa với việc DN vận tải sẽ mất thêm phí qua trạm BOT. Quy định phi lý trên đã vấp phải sự phản đối của các DN vận tải.
“Kêu trời” vì phát sinh chi phí
Lý do để Bộ GTVT ban hành “quy định” như trên, được cho là để phục vụ Tập đoàn Sơn Hải sửa chữa QL 5, đoạn từ cảng Đình Vũ tới QL10. Dự án sửa chữa QL5 đang triển khai trong thời điểm lượng phương tiện lưu thông tăng cao, hay xảy ra ùn tắc. Được biết, thời gian áp dụng “quy định”, kể từ sau ngày thông xe đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (5-12) cho đến thời điểm dự kiến sửa chữa xong QL5 là ngày 25-2-2016.
Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 xe tải các loại ra vào cảng Đình Vũ. Nếu đi theo lộ trình cũ để vào QL5 thì sẽ mất phí từ 80.000-160.000 đồng/lượt, nhưng theo lộ trình mới vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo yêu cầu của Bộ GTVT, thì mỗi xe container sẽ mất khoảng 500.000 đồng/2 lượt đi và về phí cao tốc. Đó còn chưa kể, lộ trình mới sẽ phải di chuyển xa hơn lộ trình cũ khoảng 20km, kéo theo chi phí xăng dầu.
“Ngoài ra, 2 bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Văn Linh đang có hàng trăm DN vận tải, bãi đỗ container, với việc cấm hoàn toàn xe tải từ 15 tấn trở lên lưu thông vào đây gây thiệt hại rất lớn cho các DN. Một quyết định ảnh hưởng đến hàng nghìn DN, lẽ ra Bộ GTVT phải họp, trao đổi ý kiến với đại diện DN, với Sở GTVT địa phương để có phương án tối ưu. Nhưng không hiểu vì sao, Bộ GTVT lại có một quyết định mang tính áp đặt như vậy?”, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng thắc mắc.
DN xin miễn phí BOT…
Như vậy, theo lãnh đạo Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, công văn yêu cầu của Bộ GTVT có nội dung nhằm tạo thuận lợi cho 1 đơn vị thi công, nhưng vô tình lại gây khó khăn, thiệt hại rất lớn lên tới cả nghìn tỷ đồng cho hàng nghìn DN vận tải khác.
Được biết, ngày 11-12 vừa qua, Sở GTVT Hải Phòng đã họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đưa ra phương án giải quyết vấn đề theo cách: QL 5 sẽ thi công từng chiều, phân làn cho các phương tiện lưu thông trên chiều còn lại; đồng thời, với những xe tải thuộc diện phải phân luồng đi vào cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng thì sẽ không tính phí chiều về.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng: Các DN vận tải cũng phải thông cảm với đơn vị thi công vì nếu không cấm đường thì không thể thi công được dự án.
“Bộ GTVT sẽ chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện trước Tết Nguyên đán 2016. Còn khi xe đi vào cao tốc sẽ tiết kiệm thời gian và nhiên liệu vì đường rộng và đẹp hơn, do vậy phải trả phí cao là hợp lý. Không thể có chuyện miễn phí chiều xe về cho các xe chạy vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đường cao tốc là sản phẩm đầu tư theo hình thức BOT, DN đầu tư đường và bán sản phẩm của mình. Phương tiện đã đi vào cao tốc thì phải trả phí theo quy định”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Nhiều điểm bất thường…
Xung quanh vấn đề trên, ông Bùi Danh Liên cho rằng: Trong bối cảnh việc thu phí đường BOT vẫn còn nhiều vấn đề đang khiến người dân bày tỏ nhiều băn khoăn, và chưa đồng thuận. Thì cơ quan chức năng nên xem xét lại “mệnh lệnh” của mình trong việc yêu cầu DN vận tải phải chia sẻ khó khăn với đơn vị thi công theo kiểu như trên.
Thực tế, việc nâng cấp tu sửa, phát triển hạ tầng giao thông, trong đó xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc là một đòi hỏi của phát triển kinh tế xã hội. Những nước có nền công nghiệp phát triển đều là những nước có hạ tầng giao thông rất tiên tiến, hiện đại.
Tại Việt Nam, những năm do kinh tế xã hội có những bước phát triển tương đối mạnh mẽ nên rất nhiều tuyến đường cao tốc đã được hoàn thiện theo hình thức BOT. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn đối với những dự án giao thông BOT.
“Tôi từng tham dự nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này, và thấy rằng có nhiều ý kiến cho rằng phí đường bộ BOT của Việt Nam cao hơn phí đường cao tốc của nhiều nước khác trên thế giới, ví dụ cụ thể phí BOT của ta hiện cao hơn Thái Lan. Một điểm bất thường nữa là phí BOT của Việt Nam hiện nay cũng cao hơn chi phí nhiên liệu. Theo tính toán cơ cấu giá thành vận tải thì một chiếc xe 4 chỗ đi 1km đường mất khoảng 1.200đ tiền xăng, nhưng phí BOT hiện lại tính 1.500đ/km. Cụ thể, tôi đi xe 4 chỗ từ Hà Nội về Phủ Lý qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quãng đường chỉ khoảng hơn 100 km chi phí tiền xăng hết 126 nghìn, nhưng chi phí cho cầu đường hết 150.000đ - điều này là bất hợp lý (không có nước nào như vậy) vì phí nhiên liệu thường chiếm 40 đến 45% cơ cấu giá thành vận tải, nếu phí đường cao hơn phí nhiên liệu sẽ phá vỡ quy luật cấu thành giá cước vận tải”, ông Bùi Danh Liên nói.
Mặt khác, theo quy định cứ 70km bố trí 1 trạm thu phí, nhưng hiện tại không khó để có thể chỉ ra những tuyến đường “dày đặc” trạm BOT. Ví dụ tuyến QL 14 có tới 7 hoặc 8 trạm BOT; hay một số tuyến đường ở TP HCM nhiều trạm thu phí đã khiến người dân… kêu trời. Hiện tượng thu phí đường này, nhưng lại lập trạm ở đường khác (trạm Nam Hải Vân); hoặc hết thời hạn vẫn thu phí… cũng từng xảy ra.
“Tôi có cảm giác khá băn khoăn trước thực trạng nhiều DN đều rất “say sưa” với các dự án BOT. Phía ngân hàng thì cấp vốn cho các dự án BOT rất nhanh; các DN thì hăng hái tham gia đấu thầu, thậm chí có DN không thuộc chuyên môn làm đường cũng “lao vào” dự án đường giao thông BOT. Việc phê duyệt dự án cũng rất nhanh chóng…”, ông Bùi Danh Liên bày tỏ.
Nâng cấp cải tạo QL 5 là cần thiết bởi đây là dự án sử dụng phí bảo trì đường bộ theo quy định. Và việc khai thông tuyến cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng cũng nhằm giảm mật độ giao thông qua đường QL5. Tuy nhiên trong vấn đề này, ông Bùi Danh Liên cũng chỉ ra rằng, có những điều rất bất thường, cụ thể như sau:
“Thứ nhất, Bộ GTVT cũng vừa cho tăng thêm 13 nốt xe chạy từ Hải Phòng đi Yên Nghĩa đã làm mật độ giao thông tại QL5 tăng lên. Trong khi, Bộ GTVT và các Sở GTVT Hà Nội; Hải Phòng, “tốn” rất nhiều thời gian “lo” giảm mật độ phương tiện tại QL5, mà vẫn tăng thêm 13 nốt xe mới là điều… rất khó hiểu.
Thứ hai, việc thi công đường cần phải tính toán tổ chức để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân và DN, lẽ ra cần phải phân luồng thi công từng phần, thì lại ra văn bản cấm đường cũng không hợp lý, khó nhận được sự đồng thuận của người dân”, ông Bùi Danh Liên nói.
Lật lại vấn đề thì có thể thấy, nếu không có tuyến đường cao tốc mới Hà Nội – Hải Phòng, thì đơn vị thi công đương nhiên phải khắc phục khó khăn thi công từng phần. Do vậy, Bộ GTVT không thể ra văn bản cấm đường như thế được. Rõ ràng phí làm đường do người dân đóng góp, việc thi công đường đương nhiên người dân cũng đã chia sẻ, khi phải cam chịu tắc đường, hít khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, tốn kém thời gian, tổn hại sức khỏe… suốt thời gian thi công. Thế nên trong việc thi công QL5 hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng đặt ra vấn đề người dân cần “chia sẻ” khó khăn cũng là… không cần thiết.
(Sỹ Hào - Báo Pháp luật & Xã hội 21/12/2015)
Theo Ban quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đã thực hiên được thời gian 18 tháng/tổng số 36 tháng hợp đồng.
Liên danh Sumitomo Mitsui - Trường Sơn I Cienco4 thực hiện khối lượng đạt khoảng 4.230,52 tỷ đồng/ 7.632 tỷ đồng, tương ứng khoảng 55,43% giá trị hợp đông, vượt trên 5% kế hoạch đặt ra.
Hiện tại, đơn vị chủ đầu tư và cơ quan tư vấn Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị cho việc đầu tư nút giao thông Tân Vũ (nút giao giữa đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện với các đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường vành đai 3 và đường nối Hải Phòng với TP Hạ Long, Quảng Ninh). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nút giao thông này phải hoàn thiện trước tháng 5-2017, cùng thời điểm khánh thành toàn tuyến đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.
(Đoàn Lanh - An ninh Hải Phòng 20/12/2015)
Sáng 18-12, quận Hồng Bàng tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch ra quân đảm bảo TTATGT, TTĐH, VSMT dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Từ nay đến tết và sau Tết Nguyên đán, quận Hồng Bàng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT, TTĐH, VSMT, xây dựng nếp sống văn minh đô thị (NSVMĐT), hưởng ứng tổng dọn vệ sinh, giữ gìn môi trường, mỹ quan đô thị. Các lực lượng chức năng sẽ ra quân quyết liệt giữ vững trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý TTĐH, VSMT, NSVMĐT theo các tiêu chí của thành phố, quận đảm bảo đường thông, hè thoáng, giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách.Quận tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành bảo trì, khắc phục các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; bố trí chốt điểm kiểm tra, cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, nhất là các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông như: ngã 3 Thượng Lý, ngã 4 đền Liệt sĩ Hồng Bàng, đường Bạch Đằng, ngã 4 Hùng Vương phường Thượng Lý, ngã 4 Quán Toan...
(KC - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
GIÁO DUC - ĐÀO TẠO
Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020" của Chính phủ được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tích cực triển khai với nhiều đổi mới, bảo đảm chuẩn đầu ra cho người học.
Phát triển năng lực cho giảng viên
Mới đây, Trường đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tổ chức tập huấn xây dựng chương trình tài liệu và cách thức tổ chức phát triển nghề nghiệp cho giảng viên tiếng Anh các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc. PGS-TS Nguyễn Lân Trung, Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, chuyên gia chiến lược của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết: Những năm đầu triển khai, đề án tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực, trinh độ chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh phổ thông theo 6 bậc tương đương khung tham chiếu châu Âu. Từ năm 2014, Ban quản lý đề án đặt mục tiêu hoàn thiện khung chương trình và tài liệu bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bám sát khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam, khung năng lực ứng dụng công nghệ thông tin theo định hướng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực hiện chương trình mới và nâng cao chuẩn trên diện rộng.
PGS-TS Nguyễn Lân Trung cho rằng: Thực tế có không ít giáo viên hiện nay không tự tin khi được cử đi học tập, bồi dưỡng nâng cao. Các trường cần nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ và động viên khích lệ họ. Thời gian tới, công tác bồi dưỡng đội ngũ sẽ được xác định không thể tách rời hoạt động đào tạo giáo viên mới ở các trường, các khoa chuyên ngữ, bảo đảm mục tiêu của mọi hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và phải hướng tới việc phát triển năng lực nhằm nâng cao giá trị nghề nghiệp cho giáo viên, giảng viên. Đồng thời, để họ chủ động, tự tin, tích cực triển khai chương trình dạy học mới cụ thể.
Chú trọng công tác bồi dưỡng giảng viên nhằm phát triển kỹ năng, nghề nghiệp cũng như chuẩn đầu ra cho sinh viên được Trường đại học Y Dược Hải Phòng, Trường đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện nghiêm túc, có chất lượng… quan tâm. Theo tiến sĩ Lê Quốc Tiến, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải, từ năm 2012 đến nay, nhà trường quyết liệt trong công tác chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Theo đó, điều bắt buộc với các giảng viên trẻ, sinh sau năm 1980 đến thời điểm 31-12-2015 là phải đạt chuẩn ngoại ngữ IELTS 6.0 hoặc tương đương để đủ điều kiện học tập, giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài. Nếu giảng viên không đạt chuẩn ngoại ngữ quy định, nhà trường sẽ tạm ngừng hợp đồng lao động đến khi đạt chuẩn mới ký lại.
Nâng chuẩn đầu ra đối với sinh viên
Cũng theo Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020", sinh viên các trường đại học, cao đẳng không chuyên ngữ sau tốt nghiệp phải đạt trình độ tiếng Anh bậc 3 (tương đương cấp độ B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung của châu Âu). Cụ thể TOEIC: 450 điểm, TOEFL PBT: 450 điểm hoặc IELTS phải đạt 4.5, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh chuẩn đầu ra IELTS 6.0.
Tại Trường đại học Hàng hải đối với sinh viên từ khóa 50 (tốt nghiệp năm 2014), nhà trường áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh. Theo đó, sinh viên đạt tối thiểu 350 điểm TOEIC chuẩn quốc tế mới đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp. Nhà trường nâng dần chuẩn tiếng Anh đầu ra trong những năm tiếp theo. Cụ thể, sinh viên khóa 51 đạt 370 điểm TOEIC, khóa 52 đạt 400 điểm TOEIC và từ khóa 53 trở về sau sinh viên phải đạt 450 điểm TOEIC.
Trường đại học Hải Phòng áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh từ 400 đến 500 điểm TOEIC tùy từng chuyên ngành. Chẳng hạn, đối với các chuyên ngành kinh tế, ngoại thương có mức yêu cầu trình độ tiếng Anh cao hơn, còn lại tất cả các ngành đều công nhận tốt nghiệp cho sinh viên có trình độ tiếng Anh đạt 400 điểm TOEIC.
Theo Nhà giáo nhân dân, PGS, TS Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng Trường đại học Hàng hải, năm 2014, nhà trường áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên, kết quả đạt 49% trung bình toàn khóa. Tuy nhiên, kết quả được tăng dần qua những đợt thi tốt nghiệp tiếp theo do ý thức của sinh viên chuyển biến rõ rệt, đồng thời nhà trường quyết liệt trong chuẩn đầu ra tiếng Anh. Hiện còn một số ít sinh viên không đạt chuẩn tiếng Anh từ khóa 50, nhưng do học theo hệ tín chỉ nên các em vẫn có cơ hội tập trung học tiếng Anh để đạt chuẩn và nhận bằng tốt nghiệp. Đối với những sinh viên chưa đạt chuẩn tiếng Anh, nhà trường chỉ cấp giấy chứng nhận đã học xong chương trình. Khi sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh mới được cấp bằng tốt nghiệp.
Để tạo điều kiện cho sinh viên thi chuẩn đầu ra đạt yêu cầu tốt nhất, các trường tổ chức các lớp ôn tập, bồi dưỡng kiến thức thường xuyên. Đồng thời, tổ chức liên tiếp các đợt thi khảo sát đánh giá chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Qua khảo sát, những sinh viên chưa đạt yêu cầu tiếp tục được bồi dưỡng kiến thức bảo đảm chất lượng sinh viên tốt nghiệp có trình độ chuyên ngành đào tạo và ngoại ngữ khi làm việc ban đầu.
(Thảo Anh - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Năm 2016, thành phố đật mục tiêu phấn đấu có thêm 25 xã đạt 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt 19 tiêu chí là 74 xã (chiếm 53,23% tổng số xã trên địa bàn Hải Phòng).
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Theo Sở Tài chính, thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 25- 7- 2013 của HĐND thành phố về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2013- 2015, kế hoạch ngân sách hằng năm luôn ưu tiên dành nguồn đầu tư phù hợp cho các địa phương. 2 năm qua, đặc biệt là năm 2015, nguồn lục xây dựng NTM đa dạng, phong phú, hiệu quả, góp phần quan trọng để nhiều xã về đích.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Kỳ cuối: Gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới
Tiêu chí về cơ cấu lao động và tăng thu nhập cho người lao động nông thôn là 1/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Có mối quan hệ tương hỗ khá mật thiết, tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương chưa gắn thiết thực đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động và sử dụng
Thời gian qua, Phòng Dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố tổ chức khảo sát nhiều xã ở các huyện An Dương, Vĩnh Bảo, cho thấy nhu cầu học nghề của bà con rất thiết thực. Riêng ở huyện Vĩnh Bảo, người dân có nhu cầu cao học các nghề như dệt chiếu, sửa máy may công nghiệp, sửa máy cấy, máy gặt để phục vụ cơ giới hóa canh tác theo mô hình cánh đồng lớn. Trên cơ sở khảo sát thực tế đó, Phòng tham mưu, đề xuất với Sở, UBND thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch về nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương, đặc biệt là gắn với chương trình xây dựng NTM, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và các làng nghề truyền thống. Những xã dự kiến về đích NTM sớm hơn sẽ được ưu tiên mở lớp dạy nghề và chỉ dạy những nghề theo yêu cầu của chính người dân .
Phó chủ tịch UBND xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) Lê Văn Ứng cho biết, hiện cụm công nghiệp Tân Liên có 14 doanh nghiệp. Sắp tới, tập đoàn Vingroup triển khai dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với 25 ha đất tại xã Tân Liên, tuyển dụng số lượng lớn lao động, nên việc chuyển đổi nghề và cũng như cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Để đón đầu, UBND xã đề xuất, đăng ký với UBND huyện điều chỉnh các nghề đào tạo lao động nông thôn tập trung vào các nghề công nghiệp cơ khí, sửa máy may công nghiệp và sử dụng nông cụ kỹ thuật như máy gặt, cấy… để người lao động có cơ hội tìm việc tại chỗ, góp phần đưa xã Tân Liên về đích NTM sớm.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Phạm Văn Đương, chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp lại được cơ giới hóa đồng bộ như hiện nay. Xã được hỗ trợ 5 máy cày, 3 máy gặt, 3 máy cấy, nên mùa gặt lúa chỉ diễn ra trong mấy ngày là xong. Xã ưu tiên cử một số lao động tham gia đăng ký học nghề sửa máy gặt, máy cấy. Đồng thời, xã có nghề dệt chiếu truyền thống nên tập trung mở lớp dạy dệt chiếu để bà con có thêm nghề phụ những ngày nông nhàn, nhất là dịp cuối năm. Ngoài ra, trên địa bàn xã có cơ sở may công nghiệp nên cũng phối hợp với đơn vị này tạo việc làm cho hàng chục chị em.
Đầu tư trang thiết, công nghệ hiện đại cho dạy và thực hành
Thực hiện đề án 1956 giai đoạn tiếp theo, nếu chỉ để hoàn thành kế hoạch về số lượng người học thì không khó. Vấn đề đặt ra là làm sao để nửa chặng đường còn lại, việc thực hiện đề án dạy nghề nông thôn thực sự đạt hiệu quả cao và thiết thực với người dân nông thôn. Đây là điều trăn trở của các địa phương và các ngành liên quan.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể tăng cường phối hợp hơn nữa trong việc nắm bắt nhu cầu thực tế và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nông dân. Ưu tiên tổ chức dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện chính sách, hộ nghèo, người khuyết tật, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đến lao động nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được tăng cường, lồng ghép với các chương trình, đề án như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; dự án đổi mới và phát triển dạy nghề, đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm; khuyến công… để huy động nhiều nguồn lực khác nhau cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề cần chú trọng đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đổi mới phương pháp giảng dạy; tập trung đào tạo các nghề, bà con cần, doanh nghiệp chờ đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Thực tế cho thấy hiện nay, thị trường lao động rất cần các nghề kỹ thuật cao như hàn điện, sửa chữa ô-tô, sửa các loại máy nông cụ phục vụ phát triển cơ giới hóa canh tác… Việc này đòi hỏi các trường nghề quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên giỏi, chuyên sâu hơn nữa, nhất là tuyển dụng các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Thay vì dạy các nghề một cách dàn trải, hình thức, nặng về lý thuyết, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn nên được tổ chức bài bản, chuyên sâu, tăng nhiều thời gian thực hành. Có như vậy, người lao động sau được học nghề có thể tự tạo việc làm tại ngay địa phương hoặc thêm nhiều cơ hội được tuyển dụng vào các doanh nghiệp. Để triển khai các giải pháp trên, các địa phương phải nghiêm túc quán triệt và thực hiện nguyên tắc: “Địa phương phải phê duyệt quy hoạch sản xuất, quy hoạch nhân lực, làm cơ sở để triển khai. Không tổ chức dạy và học nghề khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề”, như báo cáo kết quả 5 năm thực hiện đề án 1956 và phương hướng giai đoạn 2016-2020 đã nêu.
Dự kiến trong 5 năm từ 2016 đến 2020, số lao động trên địa bàn thành phố được hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp nghề theo chính sách của đề án 1956 là 20.000 người; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt hơn 80%.
(Minh Quang - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Báo Hải Phòng và huyện Cát Hải vừa tổ chức hội nghị phối hợp tuyên truyền du lịch Cát Bà năm 2016.
Trong những năm qua, Báo Hải Phòng và huyện Cát Hải phối hợp tuyên truyền hiệu quả về các lĩnh vực chính trị, KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là các hoạt động phát triển du lịch Cát Bà trên các ấn phẩm của Báo Hải Phòng, góp phần vào sự phát triển KTXH của huyện và thành phố.
Trước yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, lãnh đạo Báo Hải Phòng và UBND huyện Cát Hải thống nhất đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên hơn trên các ấn phẩm Hải Phòng hằng ngày, Hải Phòng cuối tuần và Hải Phòng điện tử về các lĩnh vực phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện. Theo đó, hai bên thống nhất ký kết thỏa thuận phối hợp tuyên truyền chuyên đề hằng tháng về lĩnh vực du lịch trên Báo Hải Phòng cuối tuần; đẩy mạnh phát hành các ấn phẩm của Báo trên địa bàn huyện. Hai bên thống nhất hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn trong thông tin, quảng bá về sự phát triển của huyện đảo, nhất là về thương hiệu du lịch Cát Bà xanh trên phương tiện thông tin đại chúng, các điểm du lịch, các khu vực công cộng, trung tâm du lịch, cơ sở khách sạn, nhà hàng trên địa bàn huyện Cát Hải và thành phố góp phần xây dựng và phát triển huyện đảo trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ cảng biển.
(Văn Lượng - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng – CTCP vừa tiến hành khởi công xây dựng Tổ máy số 1 thuộc khu vực Nhà máy chính - Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 là Nhà máy điện đốt than thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú có quy mô công suất 2 x 600MW. Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng thực hiện toàn bộ phần móng tổ máy 1 và khu vực dùng chung, bao gồm: móng lò hơi/ tuabine, móng khu vực lọc bụi ESP, móng khu vực FGD, nhà điều khiển trung tâm, nhà điều khiển ESP, nhà điều khiển thải tro xỉ, băng tải than,... với tổng giá trị hợp đồng dự kiến sau khi điều chỉnh khoảng 250 tỷ đồng.
Ngay sau ngày khởi công, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng triển khai thi công móng lò hơi tổ máy 1: khối lượng chính gồm 11,000.0 m3 bê tông; 1,200 tấn thép các loại.
Dự án do Tập đoàn đầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng thầu EPC: Liên danh Power Machines và Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Đây là một trong các công trình trọng điểm quốc gia nằm trong Quy hoạch Điện 7 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 của Nhà máy sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2018.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Vừa qua, nhà đầu tư Bỉ Rent-A-Port đã làm lễ động thổ xây dựng KCN Nam Đình Vũ II/Deep C II. Dự án này nằm kế bên dự án KCN Đình Vũ của Cty CP KCN Đình Vũ đã đầu tư trước đó và đây là dự án do Rent-A-Port đầu tư 100% vốn.
Đi trước đón đầu
Ông Marc Stordiau - Chủ tịch Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II, khẳng định, Rent-A-Port sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển Khu công nghiệp Nam Đình Vũ/Deep C II, tạo nên một tổ hợp Deep C, cung cấp tiện ích và dịch vụ tin cậy giống như tại Khu công nghiệp Đình Vũ mà Rent-A-Port và UBND TP Hải Phòng đã triển khai. Dù đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu nhưng Khu công nghiệp Deep C II rất tự hào đón Tập đoàn quốc tế CDC, một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Qatar vào đầu tư tại đây.
Khi Công ty liên doanh TNHH phát triển Đình Vũ (nay là Công ty CP KCN Đình Vũ DVIZ) được cấp phép vào năm 1997, rất nhiều ý kiến nghi ngại về tính khả thi của dự án, và cho rằng nhà đầu tư này định “ném tiền ra biển”? Bởi khi đó dự án nằm ở một bán đảo còn hoang sơ, toàn bộ diện tích dự án là đầm lầy cửa sông, cây cỏ, sú vẹt um tùm, hạ tầng giao thông gần như chưa có chưa nói đến các hạ tầng kết nối khác như điện, nước… lại rất xa vùng dân cư.
Tuy nhiên, do nắm bắt được những điểm đột phá trong chính sách đổi mới của Việt Nam là khuyến khích phát triển KCN để đón làn sóng đầu tư nước ngoài và những ưu đãi trong các chính sách về thuế, về giá mặt bằng… cùng với tầm nhìn chiến lược từ vị trí địa lý của khu vực này là gần biển, sát cửa sông, gần sân bay và hệ thống giao thông thủy nội địa cũng như xác định được quy luật tất yếu trong phát triển kinh tế sẽ hướng ra biển, liên doanh quyết định đầu tư và định hướng xây dựng, phát triển KCN Đình Vũ thành KCN tổng hợp, đa ngành.
Trong 1 bài luận của bà Đỗ Thị Kim Thanh - nguyên Phó tổng giám đốc DVIZ chia sẻ, do dự án xa trung tâm thành phố, xa các công trình tiện ích, hạ tầng, giao thông khó khăn bởi các điểm đấu nối tiện ích ngoài hàng rào còn chưa sẵn có…, phải cấp điện bằng máy phát điện diesel, cấp nước bằng xe téc... nên vô cùng khó khăn. Trên cơ sở nghiên cứu thị trường, tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, liên doanh đã quyết định phát triển KCN hóa chất hóa dầu trước để làm tiền đề cho phát triển các lĩnh vực khác. Hệ thống cảng tổng hợp và cảng hàng lỏng dùng chung nằm ngay trong KCN là nét độc đáo, tạo sự khác biệt cho KCN Đình Vũ.
Đón những thành công chung
Hãng Caltex đã đầu tư xây dựng nhà máy dầu nhờn với tổng vốn đầu tư 14 triệu USD, đây chính là khách hàng đầu tư sớm nhất vào KCN Đình Vũ. Theo ông Mai Xuân Hòa - Phó BQL Khu kinh tế Hải Phòng, KCN Đình Vũ là dự án đầu tiên xây dựng hạ tầng KCN tại bán đảo Đình Vũ (trước khi thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải), đây là KCN tiêu biểu của TP Hải Phòng, việc DVIZ đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở dịch vụ KCN theo đúng mục tiêu dự án đề ra như: cho thuê đất có hạ tầng cơ sở, dịch vụ cầu cảng, giá đỡ đường ống đến tận nhà máy (mô hình 3 trong 1) đã tạo sức hút lớn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hàng loạt nhà đầu tư lớn như Nakashima, Bridgestone, Shell, Chevron, Petrolimex, PVOIL, PVTEX, Shin-etsu… đã đầu tư vào KCN này. Tính đến thời điểm hiện tại, KCN Đình Vũ đã thu hút được hơn 3 tỉ USD với 55 dự án đa quốc gia, chiếm gần 30% vốn FDI vào TP Hải Phòng và giải quyết được trên 6.000 việc làm cho người lao động. Tiếp nối sự thành công đó, nhà đầu tư Bỉ Rent-A-Port quyết định mở rộng dự án, phát triển KCN Nam Đình Vũ II/Deep C II có tổng diện tích gần 650ha tạo nên tổ hợp công nghiệp Deep C, đây là dự án được đầu tư bởi 100% vốn của Rent-A-Port chứ không có cổ phần của UBND TP Hải Phòng như cty liên doanh trước đây.
Tại buổi họp báo, ông Marc Stordiau - Chủ tịch Khu công nghiệp Nam Đình Vũ II/Deep C II cho biết, một trong những lý do mà dự án này không có sự tham gia của UBND Hải Phòng là dự án này không liên quan đến các vấn đề về xã hội, không có dân cư nên không phải lo đến việc giải phóng mặt bằng và xây dựng tái định cư, tuy nhiên các dự án kế tiếp mà liên quan đến các vấn đề trên sẽ có sự tham gia, đồng hành của Hải Phòng.
Bên cạnh đó, đây là dự án mà Rent-A-Port tiếp nhận lại của 1 nhà đầu tư khác nên không phải xin giấy phép đầu tư. Ông cho biết thêm, KCN Deep C II sẽ nhanh chóng hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng và bàn giao 40ha đất cho khách hàng vào năm 2017, 2 hợp phần còn lại của tổ hợp công nghiệp Deep C là Khu công nghiệp cửa ngõ (Deep C III) với diện tích gần 500ha tại đảo Cát Hải và Khu công nghiệp Tiền Phong (Deep C IV) tại khu vực đầm Nhà Mạc, 4 KCN này có tổng diện tích 2.000ha và tạo thành 1 tổ hợp công nghiệp nằm gần nhất cảng nước sâu Lạch Huyện, sân bay Cát Bi và kết nối trực tiếp với đường cao tốc mới Hà Nội - Hải Phòng và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Mô hình thành công của Khu công nghiệp Đình Vũ sẽ được áp dụng và phát triển tại tổ hợp KCN Deep C.
Tại lễ động thổ đã diễn ra lễ khởi công Dự án xây dựng trung tâm dịch vụ thương mại và logistics cảng cửa ngõ - CDC Hải Phòng do Tập đoàn quốc tế CDC (Qatar) đầu tư với số vốn 2,2 triệu USD, ông Khalil Boutros Al Sholy - Giám đốc tập đoàn cho biết, CDC cam kết đặt ra kế hoạch phát triển dài hạn tại Việt Nam.
(Trần Phương - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Sáng 16-12, tại Xí nghiệp đóng tàu Nam Triệu - Cty Nam Triệu (Bộ Công an) diễn ra lễ hạ thủy tàu hậu cần nghề cá Thiện Hải 09 do ông Nguyễn Xiêm, ngư dân đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu.
Đây là loạt tàu được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng; Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; thiêu tướng Nguyễn Văn Dư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần kỹ thuật - Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn; các sở, ngành TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ngãi….
Tàu hậu cần nghề cá Thiện Hải 09 được Cty Nam Triệu khởi công đóng mới vào 30-3-2015 với chiều dài 34,86m, chiều rộng 7,2m, chiều cao mạn là 3,5m với công suất máy 940 KW và tải trọng 275 tấn với biên chế 12 thuyền viên hoạt động trên tàu. Toàn bộ thép đóng tàu được nhập khẩu từ Hàn Quốc, đảm bảo những quy định nghiêm ngặt của trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Trong quá trình thi công, Cty Nam Triệu xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí đội ngũ thợ có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm thực hiện.
Tàu được đóng theo đúng thiết kế, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy phạm đóng tàu biển, chủng loại, chất lượng vật liệu, vật tư dùng để đóng tàu theo đúng quy định cũng như đảm bảo an toàn về lao động, phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công. Với tinh thần khắc phục khó khăn, trách nhiệm và sáng tạo của cán bộ chiến sỹ và công nhân Cty Nam Triệu, tàu Thiện Hải 09 được hoàn thành sớm trước 15 ngày. Đây là con tàu đầu tiên được Cty Nam Triệu hoàn thành trong chuỗi 40 hợp đồng trị giá trên 700 tỷ đồng đóng mới tàu cá và tàu hậu cần nghề cá cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Phát biểu tại lễ hạ thủy, các đồng chí Phạm Trường Thọ và thiếu tướng Nguyễn Văn Dư ghi nhận những nỗ lực của Cty Nam Triệu trong việc hoàn thành những tàu cá và hậu cần nghề cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, đồng thời hứa sẽ tạo điều kiện tối đa giúp cty hoàn thành nhiệm vụ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực đóng mới tàu cá cho ngư dân.
Sau khi phát hiệu lệnh, tàu Thiện Hải 09 hạ thủy tiếp nước an toàn và sẽ được bàn giao cho chủ tàu trong vài ngày tới sau khi hoàn thiện những công đoạn còn lại.
(Phan Tuấn - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Thực hiện “Chiến dịch” 60 ngày đêm (từ ngày 1-11 đến ngày 31-12) phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2015” phấn đấu hoàn thành 132,1 tỷ đồng giá trị sản xuất, doanh thu 152 tỷ đồng. Đến nay, công ty cơ bản hoàn thành sửa chữa tàu các tàu Thuận Phát 88, Hoàng Phương VIGO, Hoàng Minh, Nasico, Transco Sky. Đồng thời thực hiện đóng mới: Tàu Roro 5612, theo đó hoàn thiện gia công phần ống, điện, 22 Block, tổ chức đấu đà hoàn thiện 15 Block gồm: từ block 101 đến 107; 202 đến 206; 301 đến 303. Lắp đặt và hạ thủy 2 tàu kiểm ngư KN750; Gia công, lắp ráp đạt 900 tấn vỏ 4 Sà lan 2100 DWT.
Bên cạnh đó, công ty tập trung gia công kết cấu thép giá đỡ ống Lilama với khối lượng 240 tấn, hàn 14400 m ống Lilama. Riêng hợp đồng cẩu 30 Tấn Vilalif thực hiện gia công lắp dựng 2 bộ cần và giá chữ A đạt khoảng 40 Tấn; Đấu lắp khung cổng trục bộ cẩu 30T số 2 khoảng 63 Tấn. Trước đó, Công ty Đóng tàu Phà Rừng bàn giao tàu lai mang tên Đa Phước cho Công ty Cổ phần Tàu lai Cảng Đà Nẵng.
( Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Chiều 18- 12, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố kiểm tra tiến độ và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec tại phường Vĩnh Niệm( quận Lê Chân)
Dự án thu hồi khoảng gần 103.800 m2 trong đó có hơn 87.270 m2 là đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản do các hộ dân quản lý, hơn 16.500 m2 là đất giao thông, thủy lợi, nghĩa trang do UBND phường quản lý. Tổng số hộ dân nằm trong chỉ giới thu hồi là 129 hộ. Đến hết ngày 15- 12- 2015, UBND quận Lê Chân đã hoàn thành việc GPMB đối với hơn 16.500 m2 đất giao thông thủy lợi, nghĩa trang, tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai hoàn thành việc khoan thăm dò địa chất; thực hiện kiểm kê được 128/129 hộ dân trong đó có 8 hộ dân có đất nuôi trồng thủy sản và 120 hộ dân có đất nông nghiệp, đồng thời phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 4 đợt với tổng diện tích 8,2 ha. Còn 1 hộ là hộ ông Nguyễn Đình Vũ đang có hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 3.400 m2 chưa chấp hành việc kiểm kê. Theo chủ đầu tư ( Tập đoàn Vingroup), sau lễ khởi công, đang tiếp tục triển khai thiết kế cơ sở, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và từ năm 2016 sẽ xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 quy mô 7- 9 tầng, 200 giường bệnh. Chủ đầu tư mong muốn thành phố sớm có quyết định về miễn giảm tiền thuê đất cho dự án.
Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu quận Lê Chân phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường, Tài chính và các ngành liên quan kiểm tra, rà soát, tính toán thật kỹ các chế độ chính sách để người dân đồng tình, ủng hộ với phương án bồi thường, hỗ trợ, tự nguyện bàn giao mặt bằng. Đối với hộ duy nhất không chấp hành kiểm kê, đồng chí chỉ đạo chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, nếu vẫn cố tình không chấp hành, quận sẽ phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế kiểm kê, bảo đảm trong tháng 12- 2015 phải hoàn thành. Đồng chí giao Sở Xây dựng, Giao thông vận tải lập phương án xử lý hệ thống thoát nước của đường Hồ Sen- Cầu Rào 2 với đường World Bank báo cáo thành phố.
( H. Thanh - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Bạch Long Vĩ là huyện đảo tiền tiêu, cách Hòn Dấu, Đồ Sơn (Hải Phòng) 110 km. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, song những năm qua, cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh, góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Có mặt tại huyện đảo vào mùa huấn luyện, trên khắp các thao trường, bãi tập, các chiến sĩ dân quân vẫn miệt mài hăng say luyện tập với từng động tác kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu bộ binh, bắn súng AK, trung liên, súng máy phòng không... Trên bãi tập của Đại đội DQTV, mới 13 giờ 30 phút, còn 30 phút nữa buổi huấn luyện mới bắt đầu, nhưng 123 chiến sĩ dân quân đã có mặt đông đủ để làm công tác chuẩn bị mô hình, học cụ phục vụ bài thực hành khoa mục huấn luyện. Sắc phục mầu xanh của các chiến sĩ dân quân như tô điểm thêm cho mầu xanh bạt ngàn của rau muống biển, xương rồng gai nơi đây thêm sức sống và dịu đi cái nắng khô hanh đầu đông. Tuy ngày đầu động tác thực hành khoa mục huấn luyện của các chiến sĩ dân quân chưa thuần thục, nhưng ai nấy đều nêu cao trách nhiệm “vượt nắng, thắng mưa” để đạt kết quả cao nhất. Điều đáng nói là, đợt huấn luyện này, Đại đội có 42 nữ dân quân của Liên đội thanh niên xung phong và các khu dân cư trên đảo tham gia, nhưng các nữ dân quân tỏ rõ quyết tâm vượt khó, thục luyện từng động tác. “Là năm đầu tham gia huấn luyện, em gặp nhiều khó khăn, nhất là khi học các nội dung: điều lệnh, bắn súng, nhưng được các anh, chị chỉ bảo, giúp đỡ, nên em thấy tự tin hơn. Em sẽ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đợt huấn luyện để sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...” - chiến sĩ dân quân Nguyễn Thị Như, vừa gạt mồ hôi trên trán vừa bộc bạch.
Chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Khánh, ngay từ buổi đầu huấn luyện đã chăm chú nghe giảng để nắm chắc nội dung kiến thức cơ bản, miệt mài luyện tập; thực hành các động tác kỹ thuật, chiến thuật nhanh nhẹn, chuẩn xác, biết vận dụng linh hoạt các tư thế vận động trên chiến trường vào quá trình luyện tập, lại thường xuyên tham gia phát biểu xây dựng bài, được Chỉ huy đơn vị đánh giá là người có tố chất quân sự. Nguyễn Văn Khánh chia sẻ: “Em thích nhất là các môn học bắn súng và võ thuật. Bởi thế, khi học sử dụng súng máy cao xạ, em sẽ cố gắng luyện tập thật tốt để giành kết quả giỏi trong đợt kiểm tra sắp tới”. Được biết, anh Khánh ra đảo công tác nhiều năm, đã tham gia dân quân gần 5 năm, nhưng mỗi lần ra bãi tập, anh Khánh luôn nỗ lực học tập và thực hành thuần thục các động tác kỹ thuật, chiến thuật. Mỗi đợt huấn luyện, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ, anh Khánh còn hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình đồng đội luyện tập. Là người chững chạc, tác phong nhanh nhẹn, nên mới đây anh Khánh được đơn vị giao nhiệm vụ giữ chức Tiểu đội trưởng của Trung đội súng máy cao xạ 12,7 mm.
Chị Phạm Thị Nhung, quê ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), là nữ thanh niên xung phong trên đảo, tâm sự: “Gần 15 năm tôi gắn bó với mảnh đất này. Ngày quyết định lên đường xây dựng đảo, tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, nhiều người can ngăn tôi, nhưng tuổi trẻ nhiệt huyết, thích xông pha, tôi vẫn tới đây và gắn bó đến bây giờ. Thật khó kể hết những gian nan đã trải qua, nhưng tôi chưa bao giờ nuối tiếc với sự lựa chọn của mình".
Bạch Long Vĩ là huyện đảo trọng điểm về an ninh, quốc phòng. Vào mùa huấn luyện năm nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia lực lượng dân quân đúng, đủ về thời gian quy định, đạt chỉ tiêu và biên chế trên giao về chiến sĩ dân quân nữ, phấn đấu quân số tham gia huấn luyện đạt 100% theo kế hoạch. Kết thúc đợt huấn luyện này, đơn vị sẽ lựa chọn hạt nhân, thành lập tiểu đội dân quân thường trực theo quyết định của UBND thành phố. Đây là lực lượng nòng cốt sẵn sàng cơ động và chiến đấu; góp phần cùng quân và dân huyện đảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sẵn sàng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Văn Thanh - Báo Nhân dân 21/12/2015)
Chi cụ bảo vệ" thực vật (BVTV) Hải Phòng vừa kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật Hải Phòng (1965- 2015). Năm 1965, Trạm BVTV được thành lập trực thuộc Phòng trồng trọt ủy ban Nông nghiệp Hải Phòng. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, các cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật tham mưu với thành phố, các địa phương phòng trừ dịch hại ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp như dịch bệnh đạo ôn, dịch bệnh vàng lụi, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân....
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Mặc dù triển khai chiến thuật và lực lượng, phương tiện một cách nhanh chóng, hiệu quả; đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các đám cháy hóa chất, nhưng đáng tiếc, trong vụ chữa cháy container phốt pho tại cảng Nam Hải ngày 27/11 vừa qua, hơn 50 cán bộ chiến sỹ cảnh sát PCCC TP Hải Phòng đã phải nhập viện điều trị do nhiễm khí độc.
Vụ việc một lần nữa bộc lộ những thiếu hụt trong việc trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn cũng như phương tiện chữa cháy dành cho lực lượng cảnh sát PCCC. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, thì sẽ rất khó khăn cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trong công tác cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp như hiện nay.
Các chiến sĩ Phòng cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường và tiếp cận đám cháy phốt pho tại cảng Nam Hải. Gần 50 cán bộ chiến sĩ nhưng chỉ có vỏn vẹn 3 bộ mặt nạ cách ly phòng độc và bình dưỡng khí.
Với đặc thù chữa cháy hóa chất, lượng khói khí độc từ đám cháy tỏa ra rất lớn. Các trang thiết bị bảo hộ cá nhân quá thiếu như vậy, không đảm bảo an toàn cho lực lượng chữa cháy khiến công tác triển khai cứu chữa gặp nhiều khó khăn.
Thượng úy Hoàng Tiến Thành, Phòng cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cho biết, đối với mặt nạ cách ly này thì thời gian sử dụng chỉ có 15 phút là anh em phải rút ra ngoài. Nhưng tại đơn vị không có máy để nạp dưỡng khí nên bắt buộc chúng tôi phải gọi cứu viện từ nhiều đơn vị khác mà không thể nạp bổ sung tại hiện trường. Thứ hai là với số lượng 3 mặt nạ dưỡng khí như thế này không thể đủ để cán bộ chiến sĩ trực tiếp tiếp cận với đám cháy...
Lo ngại hơn, khi mà những thiếu hụt trong công tác trang bị phương tiện, bảo hộ đảm bảo an toàn cho lực lượng PCCC lại là tình trạng phổ biến tại nhiều đơn vị.
Theo cảnh sát PCCC Hải Phòng, số lượng cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy phốt pho tại cảng Nam Hải là hơn 300 cán bộ, chiến sỹ nhưng cũng chỉ huy động được tất cả 20 bình dưỡng khí và mặt nạ phòng độc.Không chỉ là những thiếu hụt về thiết bị an toàn cá nhân, phục vụ chữa cháy chuyên nghiệp mà phương tiện xe chữa cháy của nhiều đơn vị cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tế.
Theo Trung tá Lê Thanh Quang, Phó trưởng Phòng cảnh sát PCCC số 3, Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cho rằng, hiện nay phòng chúng tôi được trang cấp 3 xe, trong đó có 2 xe chữa cháy có tuổi thọ hàng chục năm, rất khó khăn cho công tác chữa cháy. Với chức năng quản lý địa bàn về công tác PCCC tại quận Ngô Quyền, là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ cao. Với trang thiết bị phương tiện như hiện tại, rất khó để tổ chức chữa cháy, đặc biệt là với những vụ cháy lớn và thời gian chữa cháy lâu dài.
Trao đổi ANTV, Thiếu tướng Lê Quốc Trân, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng cho biết, hiện nay PCCC TP Hải Phòng có 44 phương tiện chữa cháy các loại, nhưng một nửa trong số đó đã sử dụng từ 20 đến 30 năm. Nghĩa là các phương tiện quá cũ, không thể đáp ứng được tình hình thực tế, diễn biến hiện nay trên địa bàn TP Hải Phòng. Đối với riêng cảng biển Hải Phòng, chúng tôi đang đề nghị với thành phố, trang bị thêm tàu chữa cháy để phục vụ cho công tác cứu nạn cứu hộ đối với các tàu vận tải .
Cứu nạn cứu hộ thành công, không để xảy ra thương vong về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại tài sản cho nhân dân đó là mục tiêu mà cảnh sát PCCC đặt ra trong mỗi lần xuất xe đi chữa cháy. Tuy nhiên, đảm bảo an toàn tính mạng cho mỗi cán bộ chiến sĩ tham gia cứu nạn cứu hộ cũng là yêu cầu phải đặt lên hàng đầu.Nếu các trang thiết bị, phương tiện, bảo hộ cá nhân không đảm bảo và thiếu hụt như hiện nay thì hậu quả sẽ rất khó lường.
(Báo điện tử Công an nhân dân 21/12/2015)
Người dân huyện An Dương phản ánh, có nhiều cơ sở sản xuất nằm trên trục đường 10 thường xuyên xả khí thải về đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của nhân dân. Ngay khi nhận được thông tin, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì cùng các ngành, địa phương kiểm tra và đề xuất phương án giải quyết.
Theo đó, có 5 đơn vị gồm Công ty TNHH Hưng Thịnh, Công ty CP mực in Á Châu, Công ty TNHH Xây lắp Nhật Minh, Công ty TNHH Phước Hồng, Công ty TNHH Tân Thuận Phong được kiểm tra. Kết quả, chỉ có công ty Tân Thuận Phong chuyên vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường; nước thải qua kiểm tra được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; khí thải phát sinh cũng đạt quy chuẩn. Còn lại, Công ty Hưng Thịnh hoạt động không có hồ sơ môi trường, không có hệ thống xử lý bụi, khí thải phát sinh từ các thiết bị sản xuất, trừ phân xưởng sơn được xử lý bằng màng nước. Công ty CP mực in Á Châu thuê nhà xưởng của Công ty CP Cân Hải Phòng sản xuất kinh doanh mực in bao bì từ các nguyên liệu là chất tạo màng, bột màu, dung môi, phụ gia tuy có đủ hồ sơ về môi trường nhưng chưa có hệ thống thu gom, xử lý khí thải như cam kết. Công ty Phước Hồng không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải chảy trực tiếp ra mương tưới tiêu nông nghiệp; hoạt động sản xuất tuy không phát sinh khí thải nhưng vệ sinh công nghiệp trên mặt bằng không bảo đảm. Công ty cũng chưa thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo quy định…
Đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm. Riêng Công ty Hưng Thịnh bị yêu cầu dừng sản xuất và chỉ được phép hoạt động trở lại khi có hệ thống xử lý khí thải, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn cho phép. Công ty Á Châu buộc phải khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý khí thải ngay trong quý 4- 2015. Còn Công ty Phước Hồng phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải và quan trắc môi trường định kỳ. Công ty Tân Thuận Phong tuy không vi phạm nhưng cũng được yêu cầu thường xuyên có biện pháp kiểm soát hệ thống xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn quy định.
Như thế, từ sự phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng và có kết luận rõ ràng, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, đây mới chỉ là 5 doanh nghiệp nằm tại xã Nam Sơn và trên trục đường 10 qua huyện An Dương, còn lại trên địa bàn thành phố, có biết bao cơ sở sản xuất trong tình trạng thiếu các thủ tục và các hệ thống bảo vệ môi trường như vậy? Kiểm tra, kết luận sai phạm, xử phạt hành chính chỉ là bước đầu. Việc cần thiết hơn là phải thường xuyên theo dõi về hiệu lực trong thực hiện kết luận của đoàn kiểm tra, giám sát doanh nghiệp có tiếp tục vi phạm, có thực hiện đúng cam kết mới có thể xử lý được tận gốc của vấn đề. Doanh nghiệp hoạt động liên quan tới lĩnh vực hóa chất thường xuyên xả khí thải về đêm là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới môi trường và sức khỏe người dân. Sở Tài nguyên Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cần tiếp tục quan tâm, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý nghiêm vi phạm và bảo vệ người dân có được môi trường sống trong lành.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Chiều 18-12, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 2371/2015 của UBND thành phố về hỗ ượ thí điểm kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các Trung tâm Giáo dục-Lao động-Xã hội trên địa bàn thành phố.Theo Quyết định 2371/2015 của UBND thành phố, từ 1-12- 2015 đến 30-12-2016, thành phố hỗ trợ thí điểm kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các trung tâm giáo dục lao động xạ hội. Múc hỗ trợ mỗi học viên một đợt cai nghiên (3 tháng) là 2,66 triệu đồng đối với học viên nam và 3,02 triệu đòng đối với hợc viên nữ Mỗi học viên chỉ được áp dụng nhiều nhất 2 lằn/năm. Người thuộc diện được hỗ trợ kinh phí là người nghiên ma túy có đăng kỹ hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, được cơ quan có thẩm quyền xác định rõ tình trạng nghiện ma túy và loại ma túy sử dụng, tự nguyện xỉn được cai nghiện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội trên địa bàn thành phố.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Sau 2 năm chuẩn bị, năm 2016, Sở Y tế sẽ thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình trên địa bàn thành phố. Người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào từ mô hình và tiến độ triển khai mô hình hiện nay tại Hải Phòng có thuận lợi, khó khăn gì. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Thị Lý, Phó giám đốc Sở Y tế chung quanh vấn đề này.
- Theo đề án “Xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình” được Bộ Y tế phê duyệt, giai đoạn 2013-2015, Hải Phòng là một trong 7 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm 5 phòng khám bác sĩ gia đình. Đến nay, công tác chuẩn bị được triển khai như thế nào?
- Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND thành phố, ngành y tế triển khai một số việc cần thiết như: đào tạo định hướng bác sĩ gia đình cho các bác sĩ tuyến quận, huyện và xã, phường; thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật tổ chức tập huấn công nghệ thông tin trong khám và điều trị bệnh, quản lý bệnh án… cho các bác sĩ; tổ chức thăm quan, học tập mô hình bác sĩ gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa; đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về bác sĩ gia đình.
Sắp tới, 5 phòng khám được thành lập gắn với trạm y tế xã, phường. Phòng khám sẽ tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có của trạm y tế, được trang bị thêm thiết bị công nghệ thông tin và cài đặt phần mềm quản lý bệnh án điện tử kết nối với các cơ sở y tế tuyến trên và các phòng khám bác sĩ gia đình khác. Về nhân lực, mỗi phòng khám có 2-3 bác sĩ cùng đội ngũ y tá, điều dưỡng, kỹ thuật viên, quản lý toàn bộ dân số trên địa bàn.
Việc quản lý được thực hiện bằng hệ thống bệnh án điện tử kết hợp bệnh án giấy. Hồ sơ bệnh án sẽ quản lý theo nhóm bệnh và theo hộ gia đình, gồm: tiền sử bệnh tật, quá trình điều trị, các cơ sở y tế đã và đang điều trị. Bác sĩ gia đình theo dõi và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, đưa ra hướng điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, có thể chuyển vượt tuyến trong các trường hợp cấp tính, bệnh nan y… và tiếp tục chăm sóc khi người bệnh điều trị khỏi, hạn chế những diễn biến tăng nặng của người bệnh.
- Nhiều người dân Hải Phòng vẫn mơ hồ với khái niệm bác sĩ gia đình. Họ cho rằng: “Khi bị bệnh, gọi bác sĩ đến nhà điều trị thì được gọi là bác sĩ gia đình” hoặc “Có bệnh thì nên điều trị tại bệnh viện hơn là ở gia đình”. Đồng chí có suy nghĩ gì về những quan niệm này?
- Đó là sự hiểu biết chưa đầy đủ. Chỉ những bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về y học gia đình và bảo đảm 6 nguyên lý trong chữa bệnh mới được gọi là bác sĩ gia đình. Việc gọi bác sĩ đến điều trị cho người bệnh tại nhà chưa phải là bác sĩ gia đình vì việc điều trị chỉ kéo dài trong một thời điểm hoặc giai đoạn ngắn. Sau điều trị, người bệnh không nhận được sự chăm sóc y tế liên tục của bác sĩ. Trong khi, nhiệm vụ của bác sĩ gia đình là vừa chăm sóc, điều trị cho người bị bệnh, đồng thời vừa quản lý theo dõi sức khỏe cho mọi thành viên khác trong gia đình.
Nếu mọi người cứ có bệnh là đi bệnh viện, chúng ta xây dựng bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ. Với những người mắc bệnh mạn tính, thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị thì dù có điều kiện kinh tế cũng sẽ có nguy cơ khánh kiệt. Thực tế cho thấy, những quan niệm lệch lạc, hay sự hiểu biết chưa đầy đủ của người dân khiến việc triển khai mô hình này tại Hải Phòng chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
- Người dân được hưởng lợi gì từ mô hình bác sĩ gia đình, thưa đồng chí?
- Bác sĩ gia đình là bác sĩ được đào tạo cả về y học lâm sàng đa khoa, y học dự phòng, tâm lý học và khoa học hành vi. Trong khi, đa số bác sĩ thông thường chỉ được đào tạo theo chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, ngoại, nhi, sản, răng, mắt…).
Chăm sóc sức khỏe của bác sĩ gia đình dựa trên 6 nguyên lý: chăm sóc liên tục (quản lý sức khỏe suốt cuộc đời con người), chăm sóc toàn diện (mọi bệnh tật, mọi lứa tuổi), chăm sóc phối hợp (liên kết với bệnh viện tuyến trên để giải quyết cho người bệnh), quan tâm đến dự phòng (tư vấn phòng bệnh), gia đình và cộng đồng (xem xét bệnh tật trong mối liên quan với gia đình và cộng đồng của người bệnh). Trong khi, bác sĩ thông thường chỉ chăm sóc sức khỏe người bệnh tại một thời điểm hoặc giai đoạn ngắn nên thiếu tính liên tục.
Nhiều người mắc bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời, khi có vấn đề sức khỏe cấp tính, họ nhập viện và được bác sĩ thông thường điều trị. Khi họ ra viện, họ vẫn phải tiếp tục được điều trị và chăm sóc y tế. Đây sẽ là phần việc do bác sĩ gia đình đảm đương. Một nhiệm vụ quan trọng khác của bác sĩ gia đình là chăm sóc và tư vấn để mọi người phòng, không mắc bệnh. Việc chăm sóc y tế thường xuyên bởi bác sĩ gia đình tại cộng đồng vừa kiểm soát tốt bệnh tật, vừa đỡ tốn kém, vừa giảm tải bệnh viện. Bác sĩ gia đình gần gũi, gắn bó với người bệnh lâu dài, thậm chí suốt đời. Vì vậy, dễ phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể là nguyên nhân gây bệnh. Khi phát hiện bệnh sớm, việc điều trị sẽ đơn giản, đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc.
- Chi phí điều trị theo mô hình bác sĩ gia đình có cao hơn điều trị tại bệnh viện không? Người tham gia bảo hiểm y tế có được điều trị theo mô hình bác sĩ gia đình?
- Bác sĩ gia đình chỉ khám chữa bệnh ngoại trú, do vậy chi phí thấp hơn nhiều so với điều trị nội trú tại bệnh viện, vì điều trị nội trú tại bệnh viện phải chi trả thêm nhiều dịch vụ khác (giường bệnh, ăn uống, sinh hoạt, người chăm sóc…). Tuy nhiên, có những vấn đề sức khỏe cấp tính và chuyên sâu, bác sĩ gia đình không thể điều trị ngoại trú, bác sĩ gia đình sẽ liên hệ với cơ sở y tế tuyến trên để đưa người bệnh vào điều trị nội trú. Nếu phòng khám bác sĩ gia đình có đăng ký khám bệnh BHYT, người bệnh hoàn toàn được hưởng chế độ BHYT như ở bệnh viện.
- Cảm ơn đồng chí!
(Thanh Hà - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Tổ chức cưới văn minh là tiêu chí bình xét “làng văn hóa”
Từ đầu năm đến nay, Đoàn Thanh niên xã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương vận động tổ chức 15 đám cưới văn minh, gấp 3 lần so với năm 2014. Trong thời gian tới sẽ vận động tổ chức 21 đám cưới, tiến tới mục tiêu 7 thôn trong xã đạt tiêu chí tổ chức 3 đám cưới văn minh mỗi năm. Đây là một trong những tiêu chí để bình xét “làng văn hóa”.
Chúng tôi triển khai việc tìm hiểu, tiếp xúc với đoàn viên, thanh niên chuẩn bị lập gia đình, tiến hành 2 đợt tuyên truyền. Vào thời điểm 1 tháng trước khi tổ chức đám cưới, chúng tôi phổ biến những tiêu chí và cách tổ chức đám cưới văn minh, vận động người dân thực hiện mô hình. Thực tế cho thấy, đoàn viên, thanh niên hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhiệt tình hưởng ứng và cam kết thực hiện mô hình vì nhận thấy những lợi ích của đám cưới văn minh. 3 ngày trước khi đám cưới diễn ra cũng là lúc các gia đình tổ chức họp họ, chúng tôi đến tuyên truyền lần thứ 2, hỗ trợ công tác chuẩn bị đám cưới như địa điểm, loa đài, phông bạt… Đồng thời, đôn đốc nhắc nhở gia đình hai họ cam kết không sử dụng thuốc lá, hạn chế số lượng cỗ và rượu bia… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đa số đám cưới được tổ chức đúng các tiêu chí văn minh, tiết kiệm, tạo dư luận tốt đẹp trong cộng đồng. Vừa qua, Thành Đoàn biểu dương Đoàn Thanh niên xã có thành tích xuất sắc trong vận động tổ chức đám cưới văn minh. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị địa phương, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức đám cưới.
Cô Vũ Thị Loàn, giáo viên Trường tiểu họcNguyễn Đức Cảnh: Cưới hỏi văn minh mang đến niềm vui trọn vẹn
Khi con trai nói ý tưởng tổ chức hôn lễ theo hình thức văn minh, tiết kiệm, gia đình tôi rất hưởng ứng. Tâm lý của bậc làm cha mẹ, ai cũng muốn tổ chức tiệc cưới văn minh cho con cái bởi hình thức tổ chức rất đơn giản, gọn nhẹ, không hề tốn kém mà vẫn lịch sự và sang trọng. Hơn nữa, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, có những gia đình công nhân, thu nhập hằng tháng chỉ đủ để trang trải cuộc sống, tiền học hành cho con cái, bây giờ còn phải lo cả tiền mừng cưới, quả thật là khó. Vì vậy, tổ chức tiệc cưới văn minh là một hình thức hợp lý và tiết kiệm nhất cho tất cả mọi người. Khi gia đình tôi tổ chức đám cưới cho con, mọi người đều phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình và cùng đến chung vui. Nhiều người cao tuổi đánh giá cao về hình thức tổ chức vừa tiết kiệm, mà vẫn bảo đảm không khí vui tươi, đầm ấm.
Hiện, đám cưới văn minh không còn xa lạ với nhiều người và trở thành phong trào có ý nghĩa, cùng với sự nỗ lực của tổ chức Đoàn, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hình thức tổ chức đám cưới văn minh trong đoàn viên, thanh niên, nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức đám cưới”.
Anh Nguyễn Đức Long, cán bộ Quận Đoàn Lê Chân: Sẽ vận động thêm nhiều đoàn viên, thanh niên tổ chức cưới văn minh
Được sự vận động và giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Đoàn Thanh niên quận Lê Chân, vợ chồng tôi tổ chức tiệc cưới văn minh, vui vẻ và ý nghĩa. Lễ cưới tổ chức tại Nhà văn hóa quận nên khâu chuẩn bị, dựng rạp, kê bàn ghế, sắp bánh kẹo, tiếp khách … đều được đoàn thanh niên cùng gia đình 2 bên chuẩn bị, cô dâu, chú rể không phải lo lắng nhiều. Buổi lễ diễn ra trong không khí tươi vui, không rượu bia, không thuốc lá…, chỉ đơn giản với tiệc ngọt, nhưng vẫn trang trọng theo đúng nghi lễ của đám cưới truyền thống, có đủ bạn bè, người thân tới chung vui cùng cô dâu, chú rể. Chính vì vậy, chi phí tiết kiệm hơn so với tổ chức tiệc mặn, mang đến không khí vui vẻ cho khách mời. Trong ngày vui trọng đại, tôi vui mừng nhận nhiều lời chúc phúc từ Thành Đoàn, các đoàn thể địa phương, đoàn phường.
Theo kinh nghiệm của bản thân, muốn tổ chức đám cưới hoàn hảo nhất, không mất nhiều thời gian trong khâu tổ chức, bạn nên chọn địa điểm tại nhà hàng hoặc khách sạn, có sẵn dịch vụ tổ chức tiệc cưới văn minh, để bạn và gia đình không phải chuẩn bị nhiều. Tôi thấy khách sạn Công Đoàn, số 8, phố Hồ Sen, là một trong những địa điểm hợp lý để các bạn có thể tổ chức tiệc cưới văn minh. Thời gian tới, tôi sẽ vận động thêm các đoàn viên, thanh niên, đồng nghiệp, bạn bè và người thân tổ chức đám cưới văn minh.
(Thanh Thanh - Báo Hải Phòng cuối tuần 21/12/2015)
Sáng 18-12, Phường Thượng Lý và gia tộc họ Lê, Cty TNHH Lê Quốc đã tổ chức khánh thành nhà tình nghĩa tằng bà Ngô Thị Phố, mẹ liệt sỹ Trần Văn Tuấn ở tổ dân phố Nguyễn Hồng Quân 4. Công trình được hoàn thành trên tổng kinh phí 150 triệu, đây là 1 trong 9 công trình nhà tình nghĩa trên địa bàn phường.
(KC - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Sáng 18-12, Hội từ thiện thành phố tổ chức đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. Tới dự có các đồng chí: Phạm Văn Mợi - Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ VN thành phố; Lê Khắc Nam - Ủy viên BTV Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.
Nhiệm kỳ qua, phát huy vai trò là cầu nối nhân ái, Hội từ thiện thành phố Hải Phòng đã vận động các doanh nghiệp, đơn vị, nhà tài trợ, hảo tâm cùng chung tay chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Trong đó, hội tập trung vào các chương trình từ thiện nhân đạo như: trợ dưỡng thường xuyên hàng tháng giúp người già cô đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trợ dưỡng 5 bà mẹ VNAH với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Hơn 18.000 người nghèo, người gặp rủi ro bất hạnh và người nghèo ở vùng sâu, vùng xa được trợ cấp, tặng quà với tổng trị giá hơn 5,8 tỷ đồng.
Chương trình tặng học bổng, xe đạp giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học được triển khai sâu rộng, đã có hơn 3.900 học sinh được thụ hưởng với giá trị gần 1,8 tỷ đồng. Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức nhiều chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí, thay thủy tinh thể cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, giúp đỡ trẻ bị bệnh tim bẩm sinh có cơ hội điều trị; tặng chăn ấm cho người già cô đơn, hộ nghèo; xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật với số tiền hơn 555 triệu đồng; triển khai các chương trình cấp vốn hỗ trợ hộ nghèo sản xuất, vươn lên thoát nghèo…
Phát biểu tại đại hội, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Khắc Nam ghi nhận, biểu dương những thành tích mà Hội từ thiện TP đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí đề nghị trong nhiệm kỳ mới (2015-2020), hội tiếp tục phát huy vai trò, tranh thủ sự giúp đỡ ủng hộ của các nhà tài trợ, hảo tâm để giúp đỡ nhiều hơn nữa người nghèo, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố vượt qua khó khăn, xóa đi mặc cảm, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực cho hoạt động của Hội từ thiện các cấp trong nhiệm kỳ qua đã được biểu dương, khen thưởng.
Đại hội lần thứ VI, Hội từ thiện TP đã bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Đình Then giữ chức chủ tịch hội.
(MH - An ninh Hải Phòng 21/12/2015)
Doanh Nghiệp và Hội Nhập vừa nhận được đơn kêu cứu của 11 hộ kinh doanh cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du dải Trung tâm TP Hải Phòng về việc bị cưỡng chế thu hồi mặt bằng ki-ốt kinh doanh khi chợ cũ chưa thể đi và chợ mới thì không thể đến.
Sẽ cưỡng chế chợ cũ?
Qua trao đổi, ông Dương Đình Ổn, Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết : “Chúng tôi không hỗ trợ cho các hộ vì trong hợp đồng thuê số 06/2011/HDKT ghi rõ về điều 7 khoản c là nếu thành phố hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định thu hồi mặt bằng cho thuê sử dụng vào mục đích khác theo quy hoạch chung của thành phố. Bên A có trách nhiệm thông báo cho bên B trước 15 ngày. Bên B phải bàn giao lại nguyên trạng mặt bằng và không yêu cầu bồi thường hoặc đền bù. Ngày 31/12/2011 đã chấm dứt hợp đồng và đã ký biên bản thanh lý hợp đồng”
“Chúng tôi sẽ cưỡng chế thực hiện đúng nhiệm vụ, chỉ đạo của thành phố, không ai muốn phải cưỡng chế, mong sao các hộ kinh doanh chấp hành theo pháp luật để chúng tôi không cần sử dụng đến biện pháp cuối cùng là cưỡng chế.” Lãnh đạo Công an quận Hồng Bàng tiếp tục cho chúng tôi biết.
Theo đơn kêu cứu, thì năm 2008 các hộ kinh doanh được Công ty công viên Hải Phòng cho thuê mặt bằng kinh doanh bán cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du, Hải Phòng theo hợp đồng số 01/HDKT. Sau khi nhận được thông báo từ UBND quận Hồng Bàng về chủ trương di rời để bàn giao trả lại mặt bằng theo định hướng phát triển đô thị của thành phố họ hoàn toàn ủng hộ. Họ không muốn mình phải làm trái, phải bị cưỡng chế thi hành chỉ tha thiết mong mỏi UBND quận bồi thường hỗ trợ phần nào cho những hộ gia đình kinh doanh để họ có thể tự nguyện di rời. Bên cạnh việc đề nghị UBND bồi thường tài sản trên đất và hỗ trợ do thu hồi đất cùng chi phí di rời, các hộ kinh doanh cũng mong muốn được hỗ trợ theo lộ trình trả dần tiền thuê mặt bằng theo từng năm một nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế, áp lực khó khăn , tạo điều kiện cho họ tới nơi mới tiếp tục kinh doanh ổn định nuôi sống gia đình.
Có mặt tại ki-ốt số 5, chị Vũ Thị Huệ nói : “Do không có tiền nên tôi đã phải bán nhà, bán hết tài sản của cả gia đình để đầu tư thiết bị vào việc buôn bán hàng cá cảnh. Hiện gia đình tôi vẫn phải sinh hoạt tại ki-ốt, cuộc sống bấp bênh do kinh tế không ổn định.Giờ phải tháo dỡ coi như là phá tan toàn bộ tiền của công sức đã đầu tư vào đây rồi lại có vài trăm triệu ở nơi chợ mới chúng tôi biết làm sao? Mong các cấp đừng ép chúng tôi vào chân tường!”
Gia đình chị Hoàng Thị Hồng chủ ki-ốt số 7 và 8 nhiều năm nay đã làm đơn đề nghị tới các cấp chính quyền yêu cầu về việc bồi thường tài sản trên đất và hỗ trợ do thu hồi đất. Ngày 15/12 vừa qua chị đã làm đơn khởi kiện hành chính tới TAND quận Hồng Bàng, gặp chúng tôi chị trần tình chia sẻ:“ Hiện tôi đang phải cầm cố nhà cửa để có vốn kinh doanh giờ UBND quận Hồng Bàng yêu cầu cưỡng chế phải di rời sang ki-ốt mới với số tiền thuê cửa hàng quá lớn, chưa kể toàn bộ cá, bể cá, dụng cụ nuôi cá…đều phải thay thế mất mà việc gián đoạn kinh doanh mất cả vài trăm triệu đồng.Không những chúng tôi thiệt hại hữu hình mà còn thiệt hại những thứ vô hình như cơ hội kinh doanh, hỏi rằng bao giờ chúng tôi mới lấy lại được sự ổn định cân bằng?Nhất định chúng tôi sẽ không di rời nếu thành phố không xem xét đến những khó khăn chồng chất cho chúng tôi.”. Éo le không kém là trường hợp của chị Vũ Thị Liên :“Tôi đang bị bệnh hiểm nghèo phải chạy thận, con trai thì bị thiểu năng trí tuệ, mẹ già bệnh tật, nên cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Mong thành phố và các cấp chính quyền hãy quan tâm vì đằng sau ki- ốt kinh doanh cá là cuộc sống an sinh của tất cả chúng tôi những người bệnh tật đang gắng gượng từng ngày” .
Chợ mới thì không thể tới
11 hộ kinh doanh không những như ngồi trên đống lửa thấp thỏm lo âu trước quyết định cưỡng chế “lạnh băng” của UBND Quận Hồng Bàng. Về được chợ mới để tiếp tục kinh doanh cũng là cả một thách thức đối với họ. Được biết, giá của mỗi ki-ốt ở chợ mới mỗi hộ kinh doanh phải thuê với giá hơn 105tr/3 năm; cơ sở hạ tầng thiếu thốn,tổng số tiền để lắp đặt hệ thống điện nước ở chợ mới ước tính chi phí tới vài tỷ đồng. Một hộ đã mua ki-ốt ở Lạch Tray xong do chưa có điện nước, đường thoát nên họ không thể chuyển đến do đặc thù của việc kinh doanh cá cảnh phải luôn duy trì sự sống cho cá . Theo ông Trần Hữu Xuân, phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền thì :“Vấn đề điện nước các hộ kinh doanh phải cử đại diện ra thì chúng tôi sẽ làm chứ thành phố không cho chúng tôi tiền để làm.Việc thuê cửa hàng thì ba năm trả một lần với số tiền hơn 105 triệu đồng không thể giảm được. Công trình này do chủ đầu tư họ bỏ vốn ra xây dựng ki- ốt giờ họ phải thu hồi về chứ.”
Vừa gặp PV, một chủ kinh doanh ki- ốt cá cảnh bức xúc: “Chúng tôi ra đây được sự cho phép của lãnh đạo UBND thành phố từ năm 2008. Chúng tôi đầu tư cả tỷ đồng vào đây để mưu sinh, giờ bắt chúng tôi ra đi tay trắng lại chồng hàng tỷ vào nơi mới. Chỉ vì lợi ích của một số cá nhân đã bỏ tiền đầu tư các ki-ốt không phù hợp lại ép chúng tôi vào đó để thu lợi lớn. Chỉ vì lợi ích nhóm núp bóng định hướng của thành phố cho chỉnh trang đô thị mà ép 11 hộ kinh doanh và phía sau không biết bao nhiêu con người của chúng tôi vào chỗ khốn cùng!”
Việc di rời các hộ kinh doanh cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du dải trung tâm thành phố dường như càng ngày càng trở nên căng thẳng bế tắc. Họ chưa biết đi đâu về đâu bởi khó khăn chồng khó khăn khi nơi cũ chưa thể đi nơi mới không thể đến. Họ chỉ mong mỏi các ban ngành có chức năng, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho họ để họ có thể tự nguyện di rời, ổn định kinh doanh và cuộc sống.
(Báo Diễn đàn doanh nghiệp 21/12/2015)
Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhãn dân Việt Nam (22-12), Phòng khám đa khoa chữ thập đỏ Vĩnh Bảo tố chức chương trình khám bệnh và chăm sóc sức khỏe các cựu chiến binh trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo.
Theo đó, 1.200 cựu chiến bỉnh thuộc 30 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Bảo được khám bệnh, tư vấn miên phí các dịch vụ như: khám bệnh nội ngoại khoa, khám mắt, răng hàm mặt, tai múi họng, siêu âm ổ bụng. Đặc biệt, Phòng khám giảm giá 30% các dịch vụ khác như: làm thủ thuật mất, răng hàm mặt, taỉ mũi họng, chụp x.quang, xét nghiệm, siêu âm...Chương trình khám bệnh và tư vắn miền phí dược thục hiện từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, bắt đầu tử 1 đến 31-12-2015.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Hiện nay, “phòng vắt sữa” vẫn là điều xa vời với nhiều nữ công nhân tại các khu công nghiệp. Vì vậy, quyền lợi của nhiều nữ lao động nuôi con nhỏ trong thời gian đi làm đang bị “bỏ ngỏ”.
Trên địa bàn thành phố, trước khi có Nghị định 85 của Chính phủ, một số công ty tiên phong trong việc xây dựng phòng vắt sữa cho nữ công nhân. Chị Đặng Thị Hà Xuyên - công nhân Công ty Fuji Xerox thuộc Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ VSIP Hải Phòng cho biết: đơn vị lắp đặt phòng vắt sữa trong phòng y tế nên rất thuận tiện cho người lao động trong thời kỳ cho con bú. Tôi thường sử dụng giờ nghỉ giải lao để vắt sữa cho con. Công ty Fuji Xerox Hải Phòng là một trong ít những công ty “chủ động” xây dựng “phòng vắt sữa” cho nữ lao động. Ông Nabeta Masaaki - Tổng giám đốc công ty cho biết: Công ty có 1643 công nhân, trong đó có 1097 lao động nữ, 60-70% số nữ công nhân trong độ tuổi sinh con. Hiện, công ty có 35 nữ lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, 161 nữ lao động đang mang thai. Phòng vắt sữa được xây dựng với đủ trang thiết bị, yêu cầu vệ sinh theo quy định. Công ty tạo điều kiện các nữ lao động mang thai và nuôi con nhỏ về thời gian, công việc. Ngoài phòng vắt sữa, công ty còn có mô hình “Nơi để xe cho nữ lao động mang thai”. Đây là những mô hình rất thiết thực bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Minh Tính - Phó trưởng Ban nữ công LĐLĐ Hải Phòng cho biết: theo quy định, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản 6 tháng. Do đó khi đi làm, hầu hết chị em vẫn nuôi con bằng sữa mẹ. Từ năm 2012, được sự tài trợ của “Tổ chức nuôi dưỡng và phát triển”, LĐLĐ phối hợp cùng các khu công nghiệp thí điểm xây dựng mô hình “phòng vắt sữa” đặt tại 8 công ty trong các KCN lớn trên địa bàn thành phố.
Theo thống kê của LĐLĐ, sau 3 năm hoạt động. Mô hình “phòng vắt sữa” thể hiện rõ ưu điểm, sự thuận tiện. Một số phòng vắt sữa tại các công ty còn trong tình trạng quá tải. Như Công ty Yazaki thuộc Khu công nghiệp Nomura-Hải Phòng, Công ty Kyocera thuộc Khu đô thị - công nghiệp – dịch vụ VSIP Hải Phòng… Tại Công ty Yazaki, một ngày có từ 50-70 nữ lao động sử dụng phòng vắt sữa và nhu cầu ngày một tăng. Tuy nhiên số doanh nghiệp xây dựng mô hình phòng vắt sữa chỉ chiếm tỷ lệ kiêm tốn trong khoảng 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Điều này cho thấy quyền lợi của nữ lao động chưa được bảo đảm đầy đủ. Chị Nguyễn Thúy Ngà, công nhân cụm công nghiệp Vĩnh Niệm đang nuôi con 8 tháng tuổi chia sẻ: tôi thường vào nhà vệ sinh vắt sữa cho con. Vắt sữa tại nhà vệ sinh rất bất tiện, không bảo đảm vệ sinh, không có tủ trữ sữa nên khó khăn trong việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ. Đây là hoàn cảnh chung của nhiều chị em đi làm khi muốn nuôi con bằng sữa mẹ.
Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của nữ lao động trên toàn thành phố về tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ. Đồng thời, các chủ sử dụng lao động tại doanh nghiệp cần quan tâm và xây dựng mô hình phòng vắt sữa, nhằm bảo đảm quyền lợi cho nữ lao động đang nuôi con bú theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
(Vân Quang - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Huyện Cát Hải vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với nhân dân xã Hoàng Châu, Văn Phong và Phù Long, phục vụ tiếp nhận, giải trình, làm rõ các ý kiến, kiến nghị của nhân dân các xã trong quá trình phát triển KTXH trên địa bàn.
Tại hội nghị, có 47 ý kiến, trong đó có 19 ý kiến được nhân dân nêu trực tiếp nêu trong cuộc đối thoại tập trung chủ yếu vào những vấn đề đang được quan tâm như: việc khám chữa bệnh cho nhân dân; hoạt động của các công ty khai thác tài nguyên trên đảo Cát Hải; chính sách bảo trợ xã hội; xây dựng nông thôn mới; thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội; công tác tái định cư, đền bù, giải phóng mặt bằng và ngăn chặn săn bắt thủy hải sản trái phép…
Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hà yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện nhanh chóng đề xuất giải quyết các ý kiến của nhân dân các xã: Hoàng Châu, Văn Phong và Phù Long. Đây là các xã nằm trong vùng phát triển kinh tế của huyện đảo, đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT), Công án thành phố vừa ký quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn NN - PTNT.
Theo đó, 2 bên tổ chức quán triết thực thiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ NN- PTNT về cồng tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin có dấu hiệu nghỉ vấn hoạt động xâm phạm an nính quốc gia, lấy cắp bí mật nhà nước, phá hoại nội bộ, tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết; 2 đơn vị tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, hệ thống đê điều, thúy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, công tác thanh, tra, kiềm tra về nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phát triển kinh tế nồng thồn: Bảo vệ an ninh, trật tự đối với các công trình trọng điểm của ngành NN- PTNT; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, trang bị các phương tiện cần thiết cho lực lượng bao vệ; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
“Bánh sắn làm tại thiên đình, Ngọc Hoàng ăn thấy giật mình khen ngon”, đó là câu thơ mà một khách thưởng thức bánh sắn Cát Hải (Hải Phòng) làm tặng.
Chị Lê Thị Phượng (40 tuổi, bán nước ở bến phà Gót thuộc Cát Hải) chuyên làm món bánh độc đáo này cho biết: “Bánh sắn là truyền thống của gia đình tôi. Trước đây nhà nghèo không có gạo, toàn ăn sắn, ông tôi làm để ăn đỡ chán. Sau này tôi ra bến phà bán nước, làm thử bán cho khách thì được khen ngon”. “Bánh chỉ bán từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm. Vì vậy, chỉ có ai đi chơi đảo Cát Bà mùa này thì ghé bến phà Gót để thưởng thức cho biết”, chị Phượng vừa làm bánh vừa nói.
Vỏ và nhân bánh đều được làm từ củ sắn (dân gian gọi là sắn bở). Sắn được làm sạch, tách vỏ, luộc chín rồi chia làm hai phần để làm vỏ và nhân. Vỏ bánh được giã nhuyễn hơn, đến độ mịn như bột mì và rất dẻo. Sau đó chị Phượng dùng vỏ chai nước ngọt cán mỏng vòng bánh ra. Vỏ bánh sau khi cán mỏng được thoa chút dầu ăn, cắt thành những miếng hình chữ nhật dài khoảng 20cm, rộng 10cm.
Nhân bánh giã vừa phải không nhuyễn như làm võ bánh rồi trộn thêm một ít đường trắng. Nhân bánh được vo thành những thanh hình trụ đặt vào vỏ bánh rồi cuộn tròn lại. Chỉ khoảng hơn 10 phút chị Phượng đã làm xong hơn chục cái bánh thơm phức. Chị Phượng cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 70 cái bánh sắn (20 nghìn một cái). Bánh để được khoảng hai ngày nếu bảo quản trong tủ lạnh, bánh có thể ăn lúc đói, không bị say như ăn củ sắn luộc.
Độ dẻo của vỏ bánh, vị bùi bùi, ngọt ngọt của nhân bánh quyện với vị thơm đặc trưng của sắn khiến người thưởng thức cảm thấy ấm lòng trước cái lạnh tê tái nơi cửa biển. Và như thế, bánh sắn Cát Hải với sự đơn giản mà tinh tế dần dần trở thành một hương vị quen thuộc trên đường tới đảo Cát Bà vào những ngày đông.
(Lê Tân - Báo Thanh niên 21/12/2015)
Đã 3 tháng kể từ khi UBND huyện An Dương tổ chức họp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực sản xuất của Công ty CP luyện gang Vạn Lợi ở xã An Hồng, với sự tham gia của các ban, ngành thành phố, chính quyền xã, doanh nghiệp và đại diện người dân 2 thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh. Tại cuộc họp, công ty cam kết khẩn trương khắc phục ô nhiễm tại khu vực sản xuất, song đến nay vẫn chưa thực hiện. Tình hình an ninh, trật tự tại khu vực này vẫn có nguy cơ phức tạp.
Chưa có chuyển biến
Đầu tháng 12-2015, phóng viên Báo Hải Phòng có mặt tại khu vực sản xuất của Công ty gang Vạn Lợi. Trong nhà máy im lìm; hàng chục thiết bị của công ty nằm phơi giữa trời chịu mưa, nắng. Nhiều ống khói, nhà xưởng sau gần 2 năm không được vận hành có dấu hiệu hoen gỉ, hư hại. Các cổng vào nhà máy vẫn bị một số người dân xếp gạch, đá chặn lại; tại 2 cổng chính là các lều bạt án ngữ ngay giữa lối vào. Trong tiết trời lạnh giá, mưa rét, một số người vẫn ăn, ngủ ở các lều bạt dựng tạm này.
Theo ông Lâm Hồng Diễn, trưởng thôn Phạm Dùng, so với thời điểm 3 tháng trước, số người dân tập trung ở các lều bạt này giảm nhiều. Tuy nhiên, người dân vẫn tiếp tục ăn, ngủ tại chỗ để ngăn các phương tiện ra vào khu vực sản xuất của Công ty Vạn Lợi. Trong khi đó, tại nhiều cuộc họp với người dân và chính quyền xã An Hồng, huyện An Dương, phía doanh nghiệp hứa sẽ khắc phục ô nhiễm, song chỉ làm qua loa, đại khái.
Theo đại diện Công ty Vạn Lợi, doanh nghiệp có gây ô nhiễm môi trường, song cơ quan chức năng chưa có văn bản kết luận chính thức mức độ ô nhiễm. Thời điểm Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và Đoàn chuyên gia của Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra, đánh giá vào cuối năm 2014, công ty đã dừng sản xuất. Do vậy, các cơ quan chuyên môn cũng chỉ dừng ở việc khuyến cáo doanh nghiệp thay thế, lắp đặt bổ sung các máy móc, thiết bị để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại khu vực các phân xưởng nghiền vôi, thiêu kết, lò cao, các bãi than ngoài trời… Công ty lập phương án khắc phục theo kiến nghị của đoàn công tác với số tiền đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Đến nay, Tổng cục Môi trường mới xét duyệt 7/10 hạng mục cần đầu tư, thay thế, 3 hạng mục còn lại doanh nghiệp đang tiếp tục sửa chữa, bổ sung phương án. Tuy nhiên, thực tế 7 hạng mục khắc phục được xét duyệt vẫn đang “trên giấy”, mỗi hạng mục cần đầu tư số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Sau gần 2 năm ngưng hoạt động, Công ty Vạn Lợi hiện gặp nhiều khó khăn về tài chính. Do đó, việc đầu tư dây chuyền, công nghệ khắc phục môi trường sẽ khó thực hiện trong ngày một, ngày hai.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Theo ông Lê Văn Cường, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã An Hồng, sau cuộc họp giữa các bên vào tháng 9 vừa qua, tại khu vực sản xuất của doanh nghiệp vẫn chưa có động tĩnh gì. Trong quá trình chờ đợi doanh nghiệp triển khai giải pháp khắc phục, Đảng ủy, UBND xã An Hồng tổ chức nhiều cuộc họp với đảng viên, cán bộ các đoàn thể và người dân 2 thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh để giải thích, thuyết phục bà con tự nguyện tháo dỡ lều bạt. Mới đây, đầu tháng 12-2015, tại cuộc họp giữa Thường vụ Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Hồng và các tổ chức chính trị - xã hội xã với cán bộ chủ chốt, đảng viên sinh sống ở 2 thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh, người dân thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp, song vẫn kiên quyết chặn đường vào cho đến khi doanh nghiệp triển khai phương án cụ thể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện An Dương cho biết: trước thông tin phản ánh của người dân thôn Khánh Thịnh, Phạm Dùng về việc Công ty Vạn Lợi sản xuất gây ô nhiễm môi trường, UBND huyện chỉ đạo các ngành, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Huyện tiếp tục chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xã An Hồng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích tới người dân địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các giải pháp khắc phục bảo đảm môi trường và vận hành chạy thử.
Sự việc kéo dài không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, giải quyết dứt điểm, công tâm của cấp có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn. UBND huyện An Dương cần tăng cường trách nhiệm, kiên quyết hơn nữa trong việc hướng dẫn, giám sát doanh nghiệp thực hiện các quy trình xử lý, lắp đặt máy móc, thiết bị khắc phục ô nhiễm môi trường. Thành phố nên xem xét khả năng khắc phục ô nhiễm của Công ty Vạn Lợi; ấn định khoảng thời gian nhất định để công ty thực hiện. Nếu doanh nghiệp vẫn không khắc phục được ô nhiễm, cần kiên quyết di dời khỏi khu dân cư, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện An Dương thu được nhiều kết quả nổi bật trên mọi lĩnh vực. Qua đó xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, thúc đẩy phát triển KTXT, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
(Tiến Đạt - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Sáng 18-12, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH) tổ chức tập huấn về nâng cao năng lực trong phòng chống TNXH. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở LĐTB&XH cùng học viên là cán bộ ngành LĐTB&XH cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu tiếp tục được giới thiệu, cập nhật những văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và kế hoạch triển khai thực hiện đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Riêng với nội dung đổi mới công tác cai nghiện ma túy, đề án nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng chính quyền và các tầng lớp nhân dân; 100% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện; nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý lên 75%, giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại các Trung tâm GDLĐXH còn 6%...
Liên quan đến cai nghiện ma túy, được biết xét đề nghị của các Sở LĐTB&XH, Tài chính, UBND thành phố vừa có quyết định hỗ trợ thí điểm kinh phí cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các trung tâm GDLĐXH (áp dụng từ ngày 1-1-2015) nhằm vận động người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, hạn chế phức tạp về ANTT trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mức hỗ trợ cho mỗi học viên 1 đợt (3 tháng) là 2.660.000 đồng/học viên nam và 3.020.000 đồng/học viên nữ. Mỗi đối tượng chỉ được áp dụng tối đa 2 lần.
(ĐH - An ninh Hải Phòng 21/12/2015; Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Càng gần đến ngày lễ Nô-en, không khí Giáng sinh càng háo hức, rộn ràng, không chỉ trong những người theo đạo mà cả các gia đình không theo đạo, có điều kiện kinh tế. Đặc biệt, đây cũng là dịp để thanh niên, trẻ em vui chơi. Nắm bắt tâm lý này, mùa Giáng sinh 2015, các cơ sở du lịch, dịch vụ đua nhau tổ chức các chương trình tiệc giáng sinh....
Đi đầu trong trào lưu tiệc Giáng sinh là các khách sạn với nhiều chương trình hấp dẫn, thu hút khách hàng. Cùng với nhiều khách sạn lớn có truyền thống tổ chức dạ tiệc Giáng sinh như khách sạn Hữu Nghị trên phố Điện Biên Phủ, khách sạn Habourview trên đường Trần Phú, khách sạn Camela trên phố Hùng Vương…, năm nay người dân có nhu cầu dự tiệc Giáng sinh sẽ có thêm nhiều lựa chọn mới. Hầu hết, các khách sạn đều bán vé, tổ chức bữa tiệc Giáng sinh cho các gia đình tham gia vào tối 24-12. Mức giá trung bình khoảng 400.000 đồng/suất trẻ em từ 4 đến 12 tuổi (miễn phí với trẻ dưới 4 tuổi), 700.000 đồng/suất người lớn. Chương trình bữa tiệc Giáng sinh dành cho các gia đình đều là ăn tiệc kiểu buffet, với hàng chục món đa dạng, để phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Tùy từng khách sạn, sẽ có các chương trình ca múa nhạc khác nhau, nhưng không thể thiếu hình ảnh của ông già Nô-en, bà chúa Tuyết tặng quà trẻ nhỏ. Tại khách sạn Sea Star trên đường Lê Hồng Phong, khách sẽ được thưởng thức các tiết mục, tiểu phẩm hài với sự tham gia của danh hài Quang Thắng, Vân Dung; các tiết mục ca nhạc đặc sắc với sự góp mặt của nhiều ban nhạc, ca sĩ nổi tiếng; chụp ảnh cùng chú hề tạo hình bóng bay nghệ thuật… Khách sạn Pearl River trên đường Phạm Văn Đồng dành một phòng vui chơi riêng cho trẻ, tổ chức chương trình ca nhạc với các bài hát Giáng sinh được nhiều người yêu thích cùng chương trình ảo thuật hấp dẫn. Công ty cổ phần khách sạn du lịch Hải Đăng với hai cơ sở là Hải Đăng Plaza trên đường Trần Khánh Dư và Cát Bi Plaza trên đường Lê Hồng Phong, còn tổ chức cho khách hàng tham dự chương trình bốc thăm trúng thưởng. Bữa tiệc Giáng sinh ở các khách sạn thường tổ chức với quy mô khoảng từ 120 đến 200 khách. Còn nếu ưa thích không gian ngoài trời, các gia đình có thể lựa chọn địa chỉ tại nhà hàng Gia Viên (quận Hồng Bàng).
Cùng tham gia vào trào lưu tiệc Giáng sinh phục vụ các gia đình trong mùa này còn phải kể đến các trung tâm giáo dục, trung tâm tiếng Anh trên địa bàn thành phố.
Chị Đào Thu Giang, nhân viên truyền thông Trung tâm giáo dục toàn diện iLiving (86 Quán Nam, quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, nhằm tri ân các học viên, Trung tâm phối hợp với Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố tổ chức chương trình “Merry Chrismas with MathFun” vào chiều 19-12. Chương trình được tổ chức miễn phí dành cho các em nhỏ từ 4 đến 8 tuổi. Với không gian tổ chức ngoài trời, chương trình cho phép các bậc cha mẹ cùng tham gia thi đấu với các con trong các phần thi “Cặp đôi ăn ý”, “Đấu trường MathFun”. Chương trình cũng giành nhiều phần quà hấp dẫn cho các em nhỏ và cả phụ huynh. Cũng theo chị Giang, đến nay, có hơn 100 gia đình đăng ký tham dự chương trình.
Trung tâm Anh ngữ Apolo trên đường Lê Hồng Phong tổ chức chương trình ngoại khóa với sự tham gia của các học sinh đang theo học tại Trung tâm. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Tháng Tám vào ngày 20-12 với nhiều tiết mục văn nghệ. Tuy nhiên theo chị Hoàng Lê Hương, nhân viên phụ trách chương trình ngoại khóa, do số lượng học viên tại trung tâm quá đông nên chắc chắn không phải tất cả các học viên đều được tham dự. Chị Trần Thị Vinh, ở phố Cát Cụt (quận Lê Chân), phụ huynh một học viên đang theo học tại Trung tâm tiếng Anh Apolo cho biết, cứ mỗi dịp Nô-en, chị lại cố gắng đăng ký sớm cho con gái tham gia chương trình ngoại khóa do Trung tâm tổ chức. “Trong thời buổi công nghệ, trẻ em ít được tham gia các hoạt động cộng đồng ý nghĩa đúng tính chất của tuổi thơ học mà chơi – chơi mà học. Chính vì vậy, những hoạt động vui chơi kết hợp tư duy này rất ý nghĩa, đáp ứng đúng nguyện vọng của phụ huynh và được các em nhỏ háo hức mong chờ”.
Song, để Nô-en và theo đó là năm mới đến mang ý nghĩa với tất cả mọi người, nhất là trẻ nhỏ có hoàn cảnh còn khó khăn, rất cần sự quan tâm của xã hội, các đoàn thể, tổ chức từ thiện để có những “bữa tiệc” miễn phí, tặng quà, động viên các em.
(Minh Ngọc - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Tiếp xúc đại biểu cử tri Hải Phòng sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: những năm tới, phải giữ cho đất nước hòa bình, ổn định; bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tăng cường đối ngoại, hội nhập mạnh mẽ hơn nữa để phát triển. Đây là điều trước tiên Thủ tướng khẳng định khi đề cập tới những việc phải làm trong năm 2016 và 5 năm tới. Lấy dẫn chứng từ Mi- an- ma, từ Pháp…, những nơi mà Thủ tướng vừa tham dự các hội nghị quốc tế, khu vực đang phải có rất nhiều biện pháp thắt chặt an ninh, Thủ tướng nhấn mạnh, càng thấy yêu quý và tự hào về môi trường hòa bình, ổn định tại Việt Nam.
Chính bởi thế, đây cũng là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong năm 2015 và 5 năm 2010- 2015. Vượt qua bao khó khăn, thách thức, từ khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu; kinh tế trong nước hết sức khó khăn, lạm phát tăng cao tới những diễn biến phức tạp, căng thẳng ở biển Đông; một số thế lực thiếu thiện chí chống phá, rồi thiên tai, dịch bệnh…, Việt Nam đạt nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và bình quân 5 năm 2010- 2015 đạt gần 6% là mức tăng cao của thế giới, chỉ có số ít nước đạt được. Không những thế, nước ta cũng thành công trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành nguồn lực xứng đáng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH và tập trung phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng phúc lợi xã hội, chăm lo chu đáo các gia đình chính sách và cải thiện đời sống nhân dân, tích cực giảm nghèo… Nếu không giữ được hòa bình, ổn định, không làm được như vậy. Và cũng chính từ sự ổn định đó mà một làn sóng đầu tư mới liên tục đổ vào Việt Nam, trong đó Hải Phòng là một trong những trọng điểm. Trong nước, cũng huy động được nguồn lực lớn từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân bỏ vốn đầu tư. Càng ý nghĩa hơn khi từ nền tảng đó, bạn bè quốc tế càng yêu quý, ủng hộ để Việt Nam bảo vệ chủ quyền kết hợp với sự giúp đỡ, hỗ trợ rất tích cực về mọi mặt để phát triển KTXH, nâng cao vị thế Việt Nam.
Do đó, đây cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 và 5 năm tới. Theo đó, Chính phủ xác định tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và môi trường hoà bình để xây dựng, bảo vệ đất nước, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại nhanh ở những lĩnh vực cần thiết là đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hoà bình và bảo vệ chủ quyền quốc gia, tham gia phù hợp hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên hợp quốc, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và tăng cường phòng chống tội phạm, không để hình thành các tổ chức trái pháp luật chống phá đất nước, tăng cường an ninh an toàn thông tin mạng… Cùng với đó là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc. Đồng thời, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài cho phát triển.
Từ chủ trương, quyết tâm đó, mỗi người dân Việt Nam càng phải trân trọng, tự hào về những thành tựu đạt được hôm nay và có trách nhiệm đóng góp sức mình, giữ hòa bình, ổn định đất nước để phát triển.
(Trọng Nhân - Báo Hải Phòng cuối tuần 21/12/2015)
Sáng 18-12, Công an thành phố phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức hội thảo khoa học nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư đáp ứng yêu cầu củng cố quốc phòng, bảo đảm an, ninh trật tư, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Các đại biểu dự hội thảo khẳng định, Hải Phòng là thành phố phát triển, đang không ngừng mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với việc mở cửa hội nhập, Hải Phòng trở thành nơi nhiều đối tượng tội phạm tập trung, nhất là ở vùng giáp ranh. Công tác quản lý công dấn đóng vai trò quan trọng trong báo đảm an nính trật tự, an toàn xã hội địa bàn.
(Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Vào trưa 16-12, tại khu vực cổng 3 Bệnh viện Phụ sản (BVPS) Hải Phòng bỗng trở nên náo loạn do có thông tin bắt cóc trẻ tại đây. Đám đông vây quanh 2 đối tượng, 1 nam, 1 nữ trước cửa phòng bảo vệ. Một số người bức xúc định hành hung họ nhưng đã được lực lượng bảo vệ ngăn chặn. Vậy điều gì đã xảy ra?
Hành trình “tác nghiệp” của 2 phóng viên
Khoảng 10h45’ ngày 16-12-2015, anh Nguyễn Văn Tân - nhân viên Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Thăng Long, Hải Phòng, là Đội trưởng bảo vệ tại BVPS Hải Phòng nhận được thông báo của nhân viên y tế Khoa Sản I BVPS Hải Phòng về việc có 2 người (1 nam, 1 nữ) xưng là phóng viên, tự vào phòng sản phụ có hành vi bất thường.
Lập tức, anh Tân đi vào Khoa sản I. Khi tới chân cầu thang tầng 1, được nhân viên y tế Khoa Sản I chỉ từ phía sau các đối tượng, anh Tân đã chặn 2 đối tượng này và mời về phòng bảo vệ của bệnh viện để làm việc. Tại đây, đôi nam nữ trên đã xuất trình thẻ nhà báo mang tên: Phạm Thị Nhung (sinh 1985) và Bùi Huy Quang (sinh 1982), đều công tác tại Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Qua làm việc sơ bộ, cả 2 phóng viên đều cho biết đến bệnh viện để thực hiện phóng sự an ninh cho người bệnh. Tuy nhiên, do cả 2 đều không có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản tới BVPS Hải Phòng làm việc nên bộ phận bảo vệ bệnh viện đã lập biên bản và bàn giao vụ việc cho CAP Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, giải quyết.
Tại CAP Hoàng Văn Thụ, anh Trần Ngọc Giang, sinh năm 1991, hộ khẩu thường trú tại Vũ Thư, Thái Bình, hiện sinh sống tại số nhà 90/143 Tôn Đức Thắng, Lê Chân, Hải Phòng, đã cho cơ quan công an biết: Khoảng 10h30’ ngày 16-12-2015, trên đường bế con mới sinh đi tiêm xong quay trở lại phòng 24, tầng 3, Khoa Sản I, thì có 2 người, 1 nam, 1 nữ, gọi anh Giang dừng lại, nói họ đang thực hiện chương trình camera giấu kín và muốn sự hợp tác của anh. Tuy nhiên do trời lạnh, anh Giang nói cho con về phòng thì 2 người này tiếp tục đề nghị muốn được bế em bé để xem phản ứng của những người có thẩm quyền của bệnh viện như thế nào. Anh Giang vẫn không đồng ý và đưa con về phòng 24.
Cũng tại CAP Hoàng Văn Thụ, sau khi trình thẻ nhà báo và thẻ biên tập viên của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, chị Phạm Thị Nhung cho biết cùng với anh Bùi Huy Quang, đều làm tại VTC14 Đài Truyền hình VTC có gặp anh Giang tại BVPS Hải Phòng nói qua nội dung chuẩn bị thực hiện phóng sự và đề nghị anh hỗ trợ ê kíp.
Đầu giờ chiều 16-12, phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có mặt tại Khoa Sản I - BVPS Hải Phòng. Nữ hộ sinh Vũ Thị Hải Ninh là người trực tiếp cùng anh Giang đưa con anh đi tiêm rồi quay trở lại phòng 24, cho biết: Khi nhìn thấy một người phụ nữ vẫy anh Giang lại nói chuyện, chị Ninh có linh cảm không bình thường.
Chị tiến đến hỏi người phụ nữ này “có việc gì” thì nhận được trả lời “chị đang chuẩn bị có người nhà đẻ nên muốn hỏi thôi”…, sau đó nữ hộ sinh Ninh yêu cầu anh Giang bế con quay về phòng. Khi chị Ninh lùi lại thì thấy người phụ nữ tay xách túi cam đi theo anh Giang nên chị Ninh lập tức theo lên và vờ gọi anh Giang bế con xuống phòng thủ thuật để kiểm tra vết tiêm nhằm hỏi anh Giang có biết người phụ nữ kia không nhưng anh Giang trả lời không biết và không có quan hệ.
Sản phụ Trịnh Thiên Trang, sinh năm 1991, ở 90/143 Tôn Đức Thắng, Lê Chân, Hải Phòng, là vợ anh Trần Ngọc Giang, cho biết: Khi chồng chị bế con về phòng, thấy có đôi nam, nữ thập thò ngoài cửa. Sau đó, người nữ vào gặp chị Trang và nói “em là phóng viên đang có chương trình thử bệnh viện xem an ninh bệnh viện như thế nào và nhờ anh cho bế em bé, có cả bố đi cùng…” rồi người này đưa cho chị Trang một túi cam và 200 nghìn đồng.
Chị Trang đang bối rối vì tưởng là bạn của chồng thì Điều dưỡng trưởng Khoa Sản I Phạm Kim Chi đi vào, yêu cầu chị Trang nói rõ việc đang diễn ra, nhằm bảo vệ bệnh nhi. Lúc bấy giờ chị Trang mới biết 2 người này không có quan hệ gì với chồng mình và khi anh Giang bế con quay trở lại thì chị Trang cũng cho anh biết sự thể. Cả 2 vợ chồng anh Giang đều từ chối nhận quà của người phụ nữ. Lúc bấy giờ, mọi người trong phòng nhao lên về việc có phóng viên chụp ảnh, ghi hình thì đôi nam, nữ kia lẳng lặng đi ra ngoài cửa và rút đi rất nhanh ra phía cầu thang - Điều dưỡng trưởng Chi cho biết. Nhưng đến chân cầu thang tầng 1 thì bị anh Tân - Đội trưởng Đội bảo vệ bệnh viện giữ lại.
Điều không bình thường
Đến nay, bạn đọc vẫn còn nhớ, sau “Bản tin cuộc sống 24h” ngày 27-3-2015 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC do VTC14 phát sóng chương trình “Khi áo trắng học trò chìm trong khói trắng shisha” gây bức xúc trong dư luận, ngày 4-4-2015, Báo Tuổi trẻ đã trích đăng nguyên văn phần xin lỗi về phóng sự nêu trên của đại diện VTC14 trong chương trình “Góc nhìn khán giả”.
Theo đó, VTC14 khẳng định phóng sự trên không phải là một phóng sự điều tra ghi lại hình ảnh bắt gặp các em học sinh đang hút shisha một cách tự nhiên. Vì lẽ đó, Ban Biên tập VTC14 đình chỉ công tác của ê kíp chương trình và gửi lời xin lỗi tới các em học sinh. VTC14 cũng rất lấy làm tiếc vì quá trình thực hiện sản xuất, chương trình đã chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường khiến chương trình chưa đạt được ý nghĩa đầy đủ như mục đích đã đề ra.
Trên thực tế, sau khi cơ quan quản lý giáo dục vào cuộc thì mới hay ê kíp thực hiện phóng sự này đã mời các em học sinh cộng tác và trả lời phỏng vấn. Nhưng tới khi chương trình phát sóng, dư luận lo lắng về tư cách đạo đức của các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đang ở độ tuổi vị thành niên cũng như sự buông lỏng quản lý của nhà trường, dẫu shisha không phải là sản phẩm bị cấm theo quy định của pháp luật nhưng khiến đông đảo phụ huynh đứng ngồi không yên. Sau khi biết được bản chất tác nghiệp của nhóm phóng viên VTC14, dư luận đã có những ý kiến gay gắt đối với việc sử dụng hình ảnh của các em học sinh trên sóng truyền hình như vậy. Hơn thế, dư luận cho rằng phóng sự trên là dàn dựng.
Cũng theo bản tin của Báo Tuổi trẻ ngày 4-4-2015, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và ban lãnh đạo VTC14 đã kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc ở tất cả các khâu, từ ghi hình hiện trường, biên tập hình ảnh, hậu kỳ cho đến duyệt phát sóng của lãnh đạo đơn vị về sự non kém nghiệp vụ một cách đáng tiếc của cả ê kíp.
Quay trở lại vụ việc cũng của phóng viên VTC14 tại BVPS Hải Phòng ngày 16-12 vừa qua. Có lẽ hậu quả từ phóng sự shisha chưa làm các phóng viên ở đây phải giật mình, phải dừng lại cách làm ẩu, thiếu tâm với nghề (?). Đặt giả thiết hôm ấy, nếu như nhân viên y tế Khoa sản I BVPS thiếu sự quan tâm, lơ là trách nhiệm trong công tác phối hợp bảo vệ bệnh viện, hay nếu như vợ chồng anh Giang, chị Trang do thiếu nhận thức thì chắc chắn rằng nay mai sẽ xuất hiện trên VTC một phóng sự về an ninh bệnh viện tồi tệ tại Hải Phòng (?!).
Hình ảnh đó, câu chuyện đó nếu được phát đi, chắc chắn sẽ tiếp tục gây một tác động xấu trong dư luận về BVPS Hải Phòng nói riêng và ngành Y tế Hải Phòng nói chung trong công tác giữ gìn ANTT bệnh viện. Bởi, những người thực hiện chương trình đã cố tình tạo ra “hiện trường”, “câu chuyện” giả để đạt được mục đích thật của mình. Đứng về góc độ làm nghề, đấy là một cách làm thiếu cái tâm. Chưa nói đến, “tác nghiệp” của các phóng viên Phạm Thị Nhung, Bùi Huy Quang đã gây sự hiểu lầm tại chỗ khiến sự việc trở nên rắc rối, khiến phóng viên Phạm Thị Nhung đã bị một số người nhà của sản phụ túm tóc đe dọa hành hung.
(An ninh Hải Phòng 20/12/2015)
Hơn một năm đi vào hoạt động, Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố tạo điều kiện cho hàng trăm CNVCLĐ nghèo vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của tổ chức công đoàn đến người lao động, mà còn góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo trên địa bàn thành phố.
Hỗ trợ thiết thực cho người lao động
Trang trại chăn nuôi của anh Hồ Văn Dũng, cán bộ môi trường xã An Thái nằm ngay cạnh đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tranh thủ ngày nghỉ, anh Dũng cùng vợ là chị Nguyễn Thị Loan, nhân viên nấu ăn Trường tiểu học Nguyễn Đốc Tín của xã gia cố chuồng trại, cho gia súc trong đợt rét đậm kéo dài. Năm 2014, anh Dũng là một trong 5 công nhân viên chức lao động trên địa bàn xã được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo. Với số vốn vay 20 triệu đồng, anh Dũng đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn, ao cá phát triển kinh tế. Đến nay, chuồng lợn nhà anh có hơn 30 con, ao cá diện tích hơn 1 mẫu, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Phấn khởi bên ao cá gần đến ngày thu hoạch, anh Dũng cho biết: “Số tiền vay từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo không chỉ hỗ trợ gia đình tôi về vật chất mà còn là nguồn động viên lớn lao, giúp chúng tôi có thêm niềm tin vào các cấp công đoàn, quyết tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình”.
Trở về nhà sau ngày làm việc, chị Đỗ Thị Hiếu, giáo viên Trường THCS Quốc Tuấn (huyện An Dương) tất bật với công việc tại trang trại nhỏ của gia đình. Từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến nay, đời sống gia đình chị Hiếu cải thiện rõ rệt. Chị Hiếu vui mừng: “Năm 2014, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo. Ngay sau khi nhận kinh phí, tôi phát triển trang trại nuôi gà quy mô hơn 1 nghìn con. Thắng lợi lứa gà đầu tiên, gia đình tôi tiếp tục đầu tư phát triển đầm cá với diện tích gần 500 m2. Có thêm trang trại, đời sống kinh tế gia đình nâng cao, vợ chồng tôi yên tâm công tác, phát triển sản xuất”.
Bảo đảm trợ vốn đúng người, đúng mục đích
Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện An Lão Phạm Thị Nga cho biết, năm qua, Liên đoàn Lao động huyện tổ chức hướng dẫn CNVCLĐ huyện tiếp nhận nguồn vốn vay từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố. Từ tháng 7-2014 đến nay, có 73 CNVCLĐ huyện tiếp cận nguồn vốn vay với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động huyện, các trường hợp được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát triển sản xuất đem lại hiệu quả cao. Nhiều gia đình thoát nghèo, đời sống vật chất tinh thần được cải thiện rõ rệt. Hoạt động Qũy trợ vốn không chỉ thể hiện sự động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp công đoàn với người lao động mà còn góp phần đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại các địa phương. Các cấp công đoàn, người lao động trên địa bàn huyện mong muốn thời gian tới có nhiều người lao động nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Theo Giám đốc Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thành phố Dương Đức Quang, năm qua, với mục đích thiết thực, quy trình, thủ tục triển khai đơn giản, thuận tiện, Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo thu hút đông người lao động vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2016, Quỹ tiếp tục xem xét, thẩm định hồ sơ cho vay vốn từ 300-350 CNVCLĐ nghèo thành phố. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án đang trong giai đoạn hoạt động bảo đảm sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các dự án sắp hết hạn trả vốn vay, nắm bắt thông tin, tránh và ngăn ngừa vốn nợ quá hạn…
(Mai Dung - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Sáng 18-12, Thường trực Đảng uỷ Quân chủng Hải quân tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đối với 7 cá nhân nguyên là cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số địa phương có lực lượng hải quân đóng quân, địa phương nơi cư trú của các Anh hùng LLVT nhân dân được phong tặng trong đợt này.
Các cá nhân vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân là cán bộ, chiến sĩ hải quân từng công tác tại Lữ đoàn Đặc công 126, Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân), gồm các ông: Trần Quang Khải, Trần Xuân Hỗ, Phạm Văn Nhạn, Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Đức, Phan Hải Hồ và Lê Văn Tiếu. Đây là những cá nhân xuất sắc, tích cực tham gia chiến đấu, tiêu diệt tàu dầu neo ngoài biển Cửa Việt, tham gia đoàn tàu không số, chuyên chở trang bị, vũ khí cho miền Nam, đánh đuổi tàu khu trục Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc năm 1964.
Phó đô đốc Đinh Gia Thật, Chính uỷ Quân chủng Hải quân khẳng định, đây là sự ghi nhận, tôn vinh, tri ân của Nhà nước và nhân dân đối với đóng góp, cống hiến của các đồng chí có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đồng thời là vinh dự chung cho tập thể quân chủng hải quân. Các cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân trong đợt này là những tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân tiếp tục noi gương học tập, góp phần xây dựng quân chủng hải quân Anh hùng ngày càng vững mạnh bảo vệ chủ quyền trong tình hình mới.
(Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Chiều 17 -12, Đoàn Thanh niên huyện An Dương tổ chức hội nghị tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2015, triển khai kế hoạch công tác năm 2016.
Năm 2016, Đoàn thanh niên huyện đề ra mục tiêu: mỗi chi đoàn, Đoàn cơ sở thực hiện ít nhất 1 công trình, phần việc thanh niên và 1 phần việc tình nguyện hằng tháng; mỗi xã, thị trấn vận động ít nhất 2 cặp vợ chồng tổ chức cưới, hỏi theo nếp sống văn minh; giới thiệu 120 đến 140 đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp…
Trong năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên huyện An Dương được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Tập trung đổi mới, từng bước nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn; đẩy mạnh các phong trào thi đua trong học tập, lao động, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp; các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Cùng với đó là nhiều việc làm cụ thể như: đăng ký đảm nhận 35 công trình phần việc thanh niên các cấp; thăm tặng hàng nghìn suất quà cho các đối tượng; hỗ trợ xây dựng tuyến đường bê tông nội đồng dài 268m với kinh phí 183 triệu đồng; cứng hóa tuyến mương nội đồng dài 500m tại xã Đặng Cương; bồi dưỡng giới thiệu 117 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp...
Với thành tích đó, Trung ương Đoàn tặng bằng khen 5 tập thể, 6 cá nhân; UBND thành phố tặng 1 bằng khen; Thành Đoàn tặng bằng khen 7 tập thể, 7 cá nhân; UBND huyện An Dương tặng giấy khen tới nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành Đoàn trao quyết định công nhận đồng chí Đỗ Khắc Tiến là Bí thư Đoàn thanh niên huyện An Dương.
(Văn Cường - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Với đặc điểm nhanh, tiện lợi… dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ này có thể nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêm, truyền.
Đua nhau tiêm, truyền tại nhà
Làm công việc dịch vụ ăn uống, bà Ngô Thị N., ở phố Bùi Thị Từ Nhiên, phường Đông Hải 1, quận Hải An thường xuyên thức khuya, dậy sớm, ăn uống thất thường nên hay cảm thấy uể oải, mệt mỏi trong người. Dịp giáp Tết hay những khi có nhiều đám xá, đơn hàng nhiều, để có sức khỏe làm việc, bà N. thường mời thầy thuốc tới nhà truyền nước, đạm cho đỡ mệt. Cũng giống như bà N., chị Bùi Thị V., ở phố Ngô Gia Tự, phường Cát Bi, quận Hải An cũng thường nhờ y tá thân quen đến nhà truyền nước, truyền “đạm” mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.
Không chỉ “thích” truyền dịch ngay tại nhà, gần đây, nhiều bà mẹ còn chuộng dịch vụ tiêm vắc-xin tại nhà. Chị Hoàng Thị Y., (ở tổ 10 phường Đằng Hải, quận Hải An) có con gái gần 2 tuổi. Chị Y., cho biết, cuối tháng trước trời mùa đông giá rét, con lại nhỏ, hay đau ốm nên chị rất ngại bế bé ra trạm y tế phường tiêm vắc-xin. Do quen biết nên chị thường hay nhờ y tá tới nhà tiêm vắc-xin cho bé. “Dù giá có đắt hơn nhưng bù lại, con không phải xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi. Bố mẹ không mất công, mất buổi, xin nghỉ làm đưa con đi tiêm nên rất tiện”, chị Y., chia sẻ.
Trong điều kiện công việc ngày càng bận rộn, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh thường xuyên quá tải, nhu cầu người dân muốn sử dụng các dịch vụ y tế nói chung, dịch vụ tiêm, truyền tại nhà nói riêng ngày càng tăng cao. Đáp ứng nhu cầu này, trên địa bàn thành phố có không ít cơ sở y tế tư nhân và y, bác sĩ làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế cung cấp dịch vụ tiêm, truyền tại nhà. Theo y sĩ T. ở phố Chợ Hàng, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, giá mỗi lần truyền dịch từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/chai. Khi người bệnh có nhu cầu, y sĩ T. sẽ đến tận nhà thăm khám và quyết định việc truyền nước hoặc tiêm thuốc tùy thuộc tình trạng bệnh. Một địa chỉ cung cấp dịch vụ tiêm, truyền tại nhà trên đường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền lại nhận truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ với mức giá 70.000 đồng/lần tiền công, chưa kể tiền dịch; tiêm tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ với giá 60.000 đồng/lần không kể tiền thuốc. Ngoài ra, người bệnh còn phải trả chi phí đi lại 20.000 – 30.000 đồng/lần, tùy khoảng cách xa, gần.
Nhiều nguy cơ
Bên cạnh mặt tích cực là đáp ứng nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là với những gia đình neo người, không có điều kiện đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế nhưng dịch vụ tiêm, truyền tại nhà tiềm ẩn không ít nguy cơ. Theo bác sĩ Trương Minh Hải, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp, một bộ phận không nhỏ người dân chưa hiểu đúng về tác dụng, nguyên tắc bảo đảm an toàn của việc truyền dịch hay tiêm thuốc, tiêm vắc-xin nên không tránh khỏi tình trạng lạm dụng các kỹ thuật này trong điều trị, chăm sóc sức khỏe. Nhiều người cho rằng, truyền dịch tức là truyền “thuốc bổ” nên thường yêu cầu cho thêm các loại vitamin tổng hợp như Becozym vào dịch truyền khiến nguy cơ sốc phản vệ tăng cao. Đó là chưa kể, không ít nhân viên y tế vì hám lợi nên tư vấn người dân sử dụng dịch vụ tiêm, truyền khi chưa cần thiết. Trong khi đó, trình độ chuyên môn, tay nghề của nhiều y, bác sĩ thực hiện các dịch vụ tiêm, truyền tại nhà không vững nên khả năng xử lý các tình huống xấu không tốt, dễ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Riêng với việc tiêm vắc – xin cho trẻ tại nhà, bác sĩ Hải cho rằng, đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì nguy cơ sốc phản vệ khi tiêm bất cứ loại vắc – xin nào đều có. Tiêm tại nhà, không có đầy đủ các phương tiện, thiết bị để xử trí chống sốc kịp thời sẽ đe dọa tính mạng của trẻ. Bên cạnh đó, khi nhân viên y tế mang vắc-xin đến nhà tiêm sẽ khó bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ cũng như việc bảo quản chất lượng vắc-xin.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, nhiều bệnh viện đa khoa tư nhân lớn cũng bắt đầu triển khai thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sức khỏe, người dân cần tìm hiểu và thực hiện đúng quy định của ngành y tế trong việc tiêm, truyền. Khi có nhu cầu được tiêm, truyền tại nhà, người dân nên cân nhắc, lựa chọn các địa chỉ cung cấp dịch vụ được cấp phép, có uy tín, an toàn. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần siết chặt quản lý hoạt động y tế tư nhân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác khám, chữa bệnh. Với các bệnh viện, cơ sở y tế cần siết chặt công tác quản lý đồng thời tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ song song với việc giáo dục, nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
(Thành Lê - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Chiều 18-12, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tổng kết công tác dạy nghề năm 2015.
Năm 2015, tổng số tuyển sinh mới dạy nghề đạt 48.500 người, đạt 100% mức kế hoạch năm. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề 5880 người, trung cấp nghề 2570 người, sơ cấp nghề dưới 3 tháng 40050 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng theo hướng xã hội hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân thành phố và một số tỉnh, thành phố lân cận. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề được đầu tư tập trung, trọng điểm. Đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên dạy nghề được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng từng bước đạt chuẩn. Kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên nghề tốt nghiệp các cơ sở dạy nghề được nâng lên, khoảng 85% sinh viên hệ cao đẳng nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Năm 2016, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố dự kiến tuyển mới dạy nghề 48.500 người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề 8500 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng 40500 người; hỗ trợ dạy nghề khoảng 2900 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%.
Nhân dịp này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tặng Cờ thi đua xuất sắc Trường Cao đẳng nghề số 3 Bộ Quốc phòng; UBND thành phố tặng bằng khen 4 tập thể, 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dạy nghề năm 2015.
( Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Mặc dù thị trường luôn “khát” lao động kỹ thuật, có tay nghề, song mỗi năm lại có một lượng lớn sinh viên trình độ cao đẳng, đại học ngành kỹ thuật chưa tìm được việc làm phù hợp. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Để giải quyết vấn đề trên, việc nâng cao chất lượng đào tạo và xã hội hóa dạy nghề là yêu cầu bức thiết…
Huy động nguồn lực xã hội
Do công tác xã hội hóa dạy nghề bước đầu được quan tâm nên các cơ sở dạy nghề công lập, dân lập, tư thục trên địa bàn thành phố phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện, trên địa bàn thành phố có 18 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, trong đó có 3 trường cao đẳng. Hải Phòng có nhiều cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp nhà nước, những mô hình này hoạt động hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho chính công ty, tập đoàn và đáp ứng nhu cầu xã hội như Trường trung cấp nghề kỹ thuật-nghiệp vụ Cảng thuộc Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, Trường trung cấp nghề Kỹ thuật xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam…
Theo Trưởng Phòng Dạy nghề (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Ngân, cùng với sự đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, quy mô tuyển sinh đào tạo nghề ngày càng tăng nhanh từ 45% năm 2011 tăng lên 52,3% năm 2015. Đặc biệt, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn được các địa phương triển khai đạt nhiều kết quả. 9 tháng năm 2015, các địa phương mở 54 lớp dạy nghề thủ công truyền thống như mây tre đan, thêu, mộc, mỹ nghệ và các ngành nghề khác như kỹ thuật trồng rau, hoa, cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản, với tổng số gần 2 nghìn học viên, góp phần đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cùng với việc trang bị cho người học nghề kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp, maketing, các ngành nghề phi nông nghiệp cũng được đẩy mạnh như cơ khí, dệt may, dịch vụ…
Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, hình thức đào tạo nghề đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ của doanh nghiệp ngày càng được nhiều cơ sở dạy nghề thực hiện và mang lại hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chủ động làm việc với các cơ sở dạy nghề để học sinh, sinh viên thực tập sản xuất tại doanh nghiệp của mình như Công ty TNHH chế tạo máy EBA; Công ty cổ phần cơ khí chế tạo Hải Phòng; Công ty TNHH MTV 189; Công ty TNHH Cơ khí Trang Minh; Công ty TNHH Cơ khí 2018...
Đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề
Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đỗ Văn Bình, để đạt mục tiêu 76% lao động qua đào tạo nghề vào năm 2016, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xã hội hóa dạy nghề, từ đó huy động các nguồn lực tham gia phát triển sự nghiệp dạy nghề. Song song với đó là việc đổi mới, thực hiện đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong thành lập cơ sở dạy nghề ngoài công lập trên cơ sở quy định chặt chẽ, hướng dẫn chi tiết điều kiện thành lập, nghiêm túc thực hiện cơ chế hậu kiểm. Mặt khác, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề; đồng thời tạo mối quan hệ liên thông và gắn kết giữa 3 nhân tố: trường đào tạo, cơ sở sản xuất và trung tâm giới thiệu việc làm, nhằm thiết lập một “kênh phân phối” với nguồn thông tin rõ ràng, chính xác bảo đảm việc nắm bắt và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nguồn nhân lực.
Cùng với xã hội hóa là nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Theo ông Đỗ Văn Bình, thành phố sắp xếp lại hệ thống dạy nghề trên cơ sở dự báo nhu cầu của thị trường lao động và khả năng đào tạo nghề của các trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương. Các cơ sở dạy nghề chú trọng tuyển dụng, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo hướng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Cùng với đó là hiện đại hóa thiết bị giảng dạy, thực hành; đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề để sinh viên sau khi được đào tạo thích ứng ngay với công việc. Nội dung đào tạo theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Các cơ sở dạy nghề huy động đội ngũ chuyên gia làm việc tại các cơ sở sản xuất, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học - công nghệ tham gia xây dựng nội dung chương trình và đánh giá kết quả đào tạo. Với giải pháp này, mới đây 20 sinh viên Trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng ngay sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp tiếp nhận bố trí công việc với mức thu nhập ổn định. Mô hình này đang được xem xét nhân rộng trong các cơ sở dạy nghề.
(Thanh Giang - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Tối 18-12, chương trình Gala Tôi yêu Hải Phòng do Thành đoàn phối hợp với Công ty dịch vụ Mobifone khu vực 5 tổ chức đã diễn ra sôi động tại khu vực quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Tới dự chương trình có đồng chí Lê Khắc Nam, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.
Bất chấp thời tiết giá lạnh, các ca sĩ nổi tiếng cùng các bạn sinh viên, học sinh thành phố Cảng đã thực sự "cháy" hết mình để mang đến những tiết mục biểu diễn xuất sắc trong đêm Gala Tôi yêu Hải Phòng. Đặc biệt, tiết mục nhảy tập thể Flashmob do hàng trăm bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại TP. Hải Phòng thể hiện dưới nền nhạc ca khúc Bến cảng quê hương tôi đã khuấy động không khí và thu hút hàng nghìn người dân tới xem tại khu vực Nhà hát lớn thành phố.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các bạn học sinh, sinh viên TP Hải Phòng đã có cơ hội được giao lưu với nhiều ca sĩ khách mời nổi tiếng như Mỹ Tâm, Lê Hiếu, Lưu Hương Giang, Đức Phúc, Anh Duy, Phượng Vũ... đồng thời được thưởng thức nhiều tiết mục hát múa đặc sặc ca ngợi thành phố Hải Phòng, ca ngợi tình cảm trong sáng tuổi học trò, cùng những bài hát đậm chất sinh viên. Khán giả cũng đặc biệt ấn tượng với cô ca sĩ Họa my tóc nâu Mỹ Tâm trình bày hát liên tiếp 10 ca khúc sôi động trong đêm diễn, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Nhân dịp này, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Khắc Nam đã trao tặng 30 suất học bổng “Thắp sáng ước mơ” cho 30 sinh viên vượt khó học giỏi.
(An ninh Hải Phòng 21/12/2015; Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Những ngày này, thông tin về việc Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được các thành viên Hội đồng di sản, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhất trí tán thành công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp bằng xếp hạng, khiến người dân thành phố Cảng thêm tự hào, phấn khởi. Bên cạnh công tác chuẩn bị lễ kỷ niệm 430 Ngày mất của Danh nhân văn hóa, các phương án giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích càng được quan tâm.
Vì sao khu di tích Đền Trạng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt ?
Năm 1991, khu di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến nay, sau nhiều lần được thành phố mở rộng quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, khu di tích tiếp tục được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Ghi nhận công lao góp phần mở mang bờ cõi và đào tạo nhân tài của Trạng Trình
Tại hai hội nghị khoa học toàn quốc về Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1985 nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của ông, mới đây nhất là hội thảo “Di sản văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tư tưởng và khuynh hướng thẩm mỹ” do UBND thành phố phối hợp Viện Văn học Việt Nam tổ chức, đều khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà tư tưởng, nhà thơ lớn trong lịch sử dân tộc, có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong thế kỷ 16 - “cây đại thụ”, học giả, triết gia của thế kỷ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu: công lao lớn nhất của Trạng Trình chính là khả năng tiên tri, góp phần mở mang bờ cõi và đào tạo nhân tài.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, tầm ảnh hưởng và công lao của Trạng Trình được các nhà nho, nhà nghiên cứu trong nước và cả một số chuyên gia đến từ Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…dày công tìm hiểu, phân tích, đánh giá. Trong đó nhấn mạnh Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến là một nhà Lý học chính thống. Trạng nguyên Giáp Hải thời Mạc Thái Tông làm Thượng thư Bộ Lại đã viết: “Sau Chu Liêm Khê có Trình Y Xuyên. Ngày nay, Lý học đã có người truyền thụ chính thống”. Các nhà nho nổi tiếng của Việt Nam như Phan Huy Chú, Vũ Khâm Lân, Lê Quý Đôn cũng thừa nhận điều này. Đến sứ giả nhà Thanh Chu Xán Nhiên sang nước ta năm 1863, khi về viết trong “Giao Châu ký sự” cũng khẳng định: “An Nam Lý học hữu Trình Tuyền” (Về Lý học, ở nước Nam có Trình Tuyền - tức Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Trong các tài liệu ghi chép lại của Tiến sĩ Vũ Khâm Lân thời vua Lê Dụ Tông nhấn mạnh khả năng tiên tri của Trạng Trình, chẳng những dự báo được nắng mưa, hạn lụt, mà cả điềm lành điềm dữ, nguy cơ suy, thịnh của các triều đại. Sự hình thành thế cuộc “tam phân” đương thời, người xưa cũng cho rằng có sự tác động, hướng dẫn của cụ Trạng. Cụ thể có 4 sự kiện, một là Trạng bóng gió mách nước cho Trịnh Kiểm “Tìm giống cũ để gieo mạ”, “Cứ thờ Phật thì được ăn oản”. Hai là giục Phùng Khắc Khoan về thời cơ “Gà gáy rồi đấy, sao không dậy nấu ăn mà còn nằm ỳ ở đó”. Ba là khuyên Nguyễn Hoàng một cách ứng xử an toàn “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi phân tích: Chính việc Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên của Trạng Trình, xin vào trấn thủ phía Nam đã mở mang bờ cõi nước ta thời phong kiến từ Thuận Hóa đến Hà Tiên, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa). Đó cũng chính là công lao lớn của Trạng Trình và các đời chúa Nguyễn. Khả năng tiên tri của Trạng Trình cũng thể hiện sự toan tính cho nhà Mạc: “Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ cũng giữ thêm được mấy đời”. Và chính việc nhà Mạc đến trấn ải Cao Bằng đã giúp nước ta giữ vững biên thùy.
Bên cạnh đó, sau năm 1542, ông dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần không được chấp thuận, đành treo mũ từ quan về ẩn quê nhà. Về quê ông dựng quán Trung Tân, lập am Bạch Vân làm trường dạy học, sáng tác thơ ca, lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Học trò theo học rất đông. Vì thế, am Bạch Vân trở thành trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước lúc đó với rất nhiều tên tuổi lưu danh sử sách như: Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Đinh Thời Trung, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải…Tuy nhiên, không giống các bậc đại nho khác, Trạng Trình còn là một ông thầy của người nông dân nông thôn bình dị Việt Nam. Trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi” của ông có rất nhiều bài dạy làm người, từ cách sống thanh cao, liêm khiết đến cư xử bao dung, hòa ái, hiếu thuận, nhân hậu, thủy chung trong gia đình, giữa cộng đồng làng xóm và xã hội.
Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích
Theo Phó giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Đỗ Xuân Trung, tại hồ sơ đề nghị công nhận khu di tích đền Trạng Trình là di tích quốc gia đặc biệt, cũng như đánh giá của các chuyên gia, nhà sử học nhất trí cho rằng di tích đền Trạng có nhiều giá trị quý. Về giá trị lịch sử, văn hóa, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có nguồn gốc lịch sử lâu đời, được xây dựng cách đây hơn 400 năm tại nơi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở, dạy học, tiếp kiến sứ giả của các thế lực phong kiến Mạc - Trịnh - Nguyễn đến tham vấn ông về việc quân quốc, trọng sự. Di tích được các thời đại quan tâm tu bổ, tôn tạo và bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc công trình thời Nguyễn đầu thế kỷ 20. Có thể nói, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại làng Trung Am, xã Lý Học là di tích gốc gắn liền với thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Quần thể khu di tích đền Trạng Trình bao gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ thân phụ, thân mẫu; am Bạch Vân; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định (thân phụ Nguyễn Bỉnh Khiêm); quảng trường, tượng đài. Về giá trị kiến trúc nghệ thuật, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có quy mô vừa phải, gồm 5 gian tiền tế, 2 gian hậu cung, kết cấu của bộ khung chịu lực và các bộ vì không có gì khác biệt so với các ngôi đền truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc bộ, song để mở rộng diện tích sử dụng của di tích, cũng như tạo điểm nhấn nghệ thuật cho công trình, những người thợ xưa đã tạo thêm các bộ vì hiên kiểu vì vỏ cua (mang phong cách cung đình Huế). Tại các vì nách, vì hiên tòa tiền tế, các nghệ nhân xưa sử dụng các thủ pháp nghệ thuật chạm nổi, chạm bong kênh tinh xảo, sáng tạo ra nhiều đề tài phong phú như: rồng mây, ngư long hí thủy (rồng và cá chép), tùng - cúc - trúc - mai hóa long, vân mây, hoa lá sen, thủy ba, các con vật quen thuộc chim chích, nai… tạo nên một thế giới điêu khắc sống động. Các đề tài chạm khắc này phản ánh tư duy nông nghiệp, với ước vọng mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở. Có thể nói, các mảng chạm khắc tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là những tác phẩm điêu khắc đẹp, mang phong cách tiêu biểu triều Nguyễn.
Về giá trị văn hóa phi vật thể, lễ hội đền Trạng được tổ chức trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 11 âm lịch. Lễ hội là một hoạt động văn hoá đặc sắc, với các nghi lễ truyền thống. Đặc biệt phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: vật truyền thống, cờ tướng, múa rồng, múa tứ linh, đua thuyền, pháo đất, đu sòng, múa rối cạn, múa rối nước… mang bản sắc riêng của vùng đất Vĩnh Bảo. Ngoài ra, trong những năm gần đây, vào dịp 2-9, thành phố tổ chức lễ biểu dương học sinh - sinh viên tiêu biểu xuất sắc để báo công lên trước anh linh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về thành tích học tập của ngành Giáo dục thành phố.
(Đông Hải - Báo Hải Phòng 20/12/2015)
Tối 19-12, tại Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật Chào mừng 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2015) với sự tham gia biểu diễn của Câu lạc bộ văn nghệ Chiến sĩ Trường Sơn Trung đoàn 13 khu vực Hải Phòng.
Đêm giao lưu văn nghệ tràn ngập không gian nghệ thuật đặc sắc với nhiều tiết mục của Câu lạc bộ văn nghệ Chiến sĩ Trường Sơn Trung đoàn 13 khu vực Hải Phòng biểu diễn với những bài ca đi cùng năm tháng: “Tổ quốc gọi tên mình”, “Bài ca không quên”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, “Bước chân trên dải Trường Sơn”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”... Các tiết mục thể hiện hình ảnh người chiến sĩ kết hợp những điệu múa ca ngợi mừng Đảng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ hy sinh vì Tổ quốc.
Chương trình là hoạt động văn hóa ý nghĩa sâu sắc, nhằm động viên và phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng của thành phố phát triển, thu hút hàng trăm người dân tới dự./.
(Thanh Nhàn - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Triển lãm khai mạc sáng 18-12 tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng (số 19 phố Trần Hưng Đạo) thu hút sự quan tâm của đông đảo giới hội họa và công chúng yêu mỹ thuật thành phố. Đây là lần đầu hai họa sĩ đến từ Hà Nội này tổ chức triển lãm riêng tại thành phố Cảng.
Trước triển lãm lần này, Hoàng Phượng Vỹ và Đinh Ý Nhi – hai tên tuổi quen thuộc của mỹ thuật đương đại cả nước từng có nhiều tranh tham gia triển lãm chung với các họa sĩ khác tại Hải Phòng. Lần này, hai họa sĩ giới thiệu tới công chúng đất Cảng những bức tranh mới sáng tác của mình trong đó có 14 bức của Hoàng Phượng Vỹ và 6 bức của Đinh Ý Nhi.
Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng cho biết, là những họa sĩ thành danh sớm, Đinh Ý Nhi và Hoàng Phượng Vỹ có nhiều triển lãm riêng, tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm chung trong nước và nước ngoài và có những thành công được ghi nhận. Triển lãm lần này là sự thể hiện tình cảm với Hải Phòng của hai họa sĩ Hà Nội sẽ góp phần làm sôi động không khí mỹ thuật ở Hải Phòng; đồng thời đưa những thông tin về quan niệm nghệ thuật của mỹ thuật Việt Nam đương đại đến với công chúng và giới mỹ thuật Hải Phòng, qua đó thúc đẩy sức sáng tạo của các họa sĩ thành phố trong hoạt động chuyên môn.Triển lãm tranh của 2 họa sĩ Hà Nội mở cửa phục vụ công chúng yêu mỹ thuật trong giờ hành chính các ngày làm việc từ nay đến hết 28-12./.
(Thùy Linh - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Cách đây 1 năm, Sport Aerobic (SA) Hải Phòng cạnh tranh quyết liệt ngôi vị số 1 với đơn vị SA thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sau một năm, tại giải vô địch SA châu Á tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ 11 đến 13-12 SA Hải Phòng gần như đứng ngoài cuộc chơi…
SA Hải Phòng không còn khả năng cạnh tranh
Thời điểm, kết thúc Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2014, đội tuyển SA Hải Phòng đứng vị trí thứ 2 toàn quốc. Có cùng số huy chương vàng, huy chương bạc với đơn vị thành phố Hồ Chí Minh, chỉ thua đơn vị này 1 chiếc huy chương đồng. Xa hơn, các vận động viên SA Hải Phòng luôn là những vận động viên chủ lực của đội tuyển SA Việt Nam. Các vận động viên SA Hải Phòng, gồm Bá Đông, Thu Hà, Việt Anh, Tiến Phương, Bích Ngà là 5 vận động viên chủ lực trong các bài thi đấu đôi nam nữ, nhóm 3 người, nhóm 5 người của SA Việt Nam, giúp SA Việt Nam từng giành rất nhiều huy chương tại các giải đấu quốc tế.
Bắt đầu tại giải vô địch SA quốc gia năm nay diễn ra ngày 8-12, SA Hải Phòng đã cho thấy sự sa sút. 4 trong số 5 vận động viên chủ lực của đội tuyển SA Hải Phòng nghỉ thi đấu, còn duy nhất vận động viên Nguyễn Việt Anh. Vì vậy, đội tuyển SA Hải Phòng tham gia giải với 3 vận động viên, thi đấu ở 3 nội dung gồm 2 đơn nam (1 nội dung lứa tuổi trên 18 và 1 nội dung lứa tuổi 15-17) và 1 nội dung đôi nam nữ (lứa tuổi 15-17). Kết quả, đội tuyển SA Hải Phòng chỉ giành 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, đứng cuối cùng trong số 4 đơn vị tham gia. Nguyễn Việt Anh vẫn chưa thể vượt lên so với thành tích của mình tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2014. Năm đó, Việt Anh không thể vượt qua Quang Anh (đơn vị Hà Nội), giành huy chương bạc và năm nay cũng vậy. 2 tấm huy chương đồng chưa thể khẳng định được điều gì vì giải đấu chỉ có 4 đơn vị tham gia.
Tại giải vô địch SA châu Á 2015 tổ chức sau giải vô địch SA toàn quốc ít ngày, SA Hải Phòng gần như nằm ngoài cuộc chơi. Tham gia giải với 5 vận động viên ở nhóm tuổi 12-14, SA Hải Phòng thi đấu ở 2 nội dung gồm nhóm 3 người và nhóm 5 người. Ở nội dung nhóm 3 người, các vận động viên Trần Phương Thủy Linh, Phạm Ngọc Phương Anh, Hoàng Thúy An giành huy chương bạc. Ở nội dung nhóm 5 người, vẫn 3 vận động viên ở nhóm 3 cùng với 2 vận động viên Trịnh Yến Vy, Mai Nhật Ánh chỉ giành huy chương đồng. Tuy giành được huy chương, nhưng nếu nhìn vào thành tích tại giải này của đội tuyển SA Việt Nam, có thể thấy vị trí của SA Hải Phòng hiện nay. Kết thúc giải, SA Việt Nam giành trọn 5 huy chương vàng, 5 huy chương bạc ở lứa tuổi 12-14 với phần lớn là các vận động viên của đơn vị SA thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Hụt hẫng lực lượng vận động viên
Sự đầu tư cho SA Hải Phòng không phải không có, thậm chí, SA Hải Phòng còn là một trong số ít bộ môn được Trung tâm đào tạo vận động viên Hải Phòng thuê chuyên gia nước ngoài huấn luyện. Thế nhưng, SA Hải Phòng vẫn yếu trong công tác đào tạo trẻ và tuyển chọn vận động viên. Đây không phải lần đầu SA Hải Phòng được cảnh báo về điều này. Kết thúc Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2010, đội tuyển SA Hải Phòng quá mạnh ở lứa tuổi trên 18 với Bá Đông, Thu Hà, Tiến Phương, Bích Ngà. Tuy nhiên, vấn đề về công tác đào tạo trẻ còn yếu của SA Hải Phòng được phát hiện từ khi đó. Gần như giành trọn bộ huy chương ở lứa tuổi trên 18 thế nhưng ở lứa tuổi từ 15-17, SA Hải Phòng khi đó cũng chỉ có 3 vận động viên thi đấu, trong đó có Nguyễn Việt Anh hiện nay. 4 năm sau, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2014, vấn đề đó lần nữa bộc lộ. Nguyễn Việt Anh lên thi đấu ở lứa tuổi trên 18 với bộ 4 vận động viên chủ lực của Hải Phòng, thế nhưng ở lứa tuổi 15-17, SA Hải Phòng không có quá 5 vận động viên có thể thi đấu. Việc Bá Đông, Thu Hà, Tiến Phương, Bích Ngà nghỉ thi đấu là điều có thể dự báo trước, thế nhưng sau 5 năm, SA Hải Phòng vẫn chưa có sự quyết liệt trong việc đào tạo lực lượng vận động viên trẻ của mình.
Điều cần làm với SA Hải Phòng hiện nay là đội tuyển xác định rõ hướng đi của mình, đẩy mạnh về công tác đào tạo trẻ. Phong trào Aerobic tại thành phố đang phát triển sẽ là điều kiện không thể tốt hơn để đội tuyển SA Hải Phòng có thể tuyển chọn vận động viên. Thời gian từ nay đến Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc 2018 còn khá xa, đủ để SA Hải Phòng xây dựng lại lứa vận động viên mạnh, có thể thi đấu ăn ý với nhau. Không nên để SA Hải Phòng đi vào vết xe đổ như nhiều bộ môn khác của Hải Phòng hiện nay để rồi mãi nuối tiếc về quá khứ.
(Ngọc Sơn - Báo Hải Phòng 21/12/2015)
Đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đã kết thúc cúp Toyota 2015 tại Nhật Bản mà không có tấm HCV, nhưng bù lại các VĐV đều giành huy chương.
Ở chung kết vòng treo nam, VĐV Đặng Nam thi đấu tốt, giành 14,650 điểm. Bằng số điểm với Nam còn có Marcel Nguyễn của tuyển Đức (từng đoạt HCB Olympic London 2012). Kết quả Đặng Nam và VĐV người Đức gốc Việt cùng giành HCĐ. HCV nội dung vòng treo nam thuộc về Koji Yamamuro (Nhật Bản – 15,250 điểm) và Keishuke Ogura (Nhật Bản – 14, 750 điểm) giành HCB. Bên cạnh HCĐ vòng treo của Đặng Nam, Lê Thanh Tùng đoạt HCB nhảy ngựa nam với 14,950 điểm và Hoàng Cường đoạt HCB xà kép với 15,450 điểm.
Nữ VĐV Phan Thị Hà Thanh thi đấu ở 3 nội dung đơn môn là nhảy ngựa, cầu thăng bằng và thể dục tự do. Nội dung nhảy ngựa sở trường, Hà Thanh về thứ 4 với 14,255 điểm. Nội dung cầu thăng bằng, Hà Thanh xếp thứ 11 với 12,100 điểm. Tuy nhiên, ở bài thi cuối cùng, thể dục tự do, Thanh đạt 13,650 điểm, giành HCĐ.
Giải cúp Toyota là giải đấu quốc tế cuối cùng của thể dục dụng cụ trong năm 2015 và hôm nay 17-12, đội thể dục dụng cụ Việt Nam sẽ trở về./.
(Báo Hải Phòng 19/12/2015)
Hôm nay, đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng lên đường thi đấu giải đấu kiếm trẻ vô địch quốc gia năm 2015 diễn ra tại Bắc Ninh từ ngày 21 đến 25-12. Đấu kiếm Hải Phòng tự tin giành nhiều huy chương cho thể thao thành phố.
Đấu kiếm là bộ môn đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, vì thế, nhiều năm qua, ít có đơn vị đầu tư đấu kiếm. Cuộc chơi giải trẻ năm nay vẫn là những cái tên vừa “chinh chiến” tại giải vô địch quốc gia tháng 11 vừa qua gồm Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Phước. Tại giải trẻ, các vận động viên chia làm 2 lứa tuổi, dưới 20 tuổi và dưới 17 tuổi, cùng thi đấu ở 12 bộ huy chương gồm kiếm chém nam nữ, kiếm liễu nam nữ, kiếm ba cạnh nam nữ và các nội dung đồng đội.
Đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng tham gia giải với 24 vận động viên, là một trong những đoàn đông nhất. Hải Phòng sẽ thi đấu ở 6 nội dung thế mạnh, gồm kiếm chém nam, kiếm chém nữ, đồng đội kiếm chém nam và đồng đội kiếm chém nữ. 2 nội dung kiếm liễu và kiếm 3 cạnh, đội sẽ xem xét tình hình lực lượng để đăng kí thi đấu.
Có mặt tại buổi tập cuối cùng của đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng trước khi lên đường thi đấu, có thể nhận thấy toàn đội đang có tâm lý thoải mái và sự tự tin rất lớn. Nhiều vận động viên trẻ mới tập luyện từ mùa hè vừa qua nhưng tự tin thực hiện những động tác kĩ thuật, thi đấu đối kháng sòng phẳng với đàn anh đàn chị trong đội. Trưởng bộ môn đấu kiếm Hải Phòng, huấn luyện viên Đinh Văn Hào cho biết: “Lực lượng của đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng hiện nay phần lớn là các vận động viên trẻ và tham gia tất cả các giải đấu trong năm. Được cọ xát nhiều, các vận động viên tiến bộ rất nhanh. Các vận động viên đang luyện tập ở Hải Phòng chiếm một nửa số lượng vận động viên tham gia giải năm nay. Đội tuyển hiện còn 10 vận động viên đang tập luyện tại đội tuyển trẻ quốc gia, trong thời gian này, các em đang tập huấn với đội tuyển đấu kiếm Hàn Quốc. Ngày 19-12, các em sẽ tập trung tại Bắc Ninh để sẵn sàng cho giải đấu.
Huy chương vàng hoàn toàn có thể đặt vào kiếm thủ Vũ Văn Hùng, người vừa giành huy chương đồng nội dung kiếm chém nam tại giải vô địch quốc gia. Hùng cũng sẽ là đầu tàu dẫn dắt các vận động viên thi đấu ở các nội dung đồng đội. Ở nội dung của nữ, Đỗ Thị Tâm đang tiến bộ rất nhanh trong thời gian vừa qua cũng sẽ là niềm hy vọng của đấu kiếm Hải Phòng. Chỉ đặt chỉ tiêu 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng nhưng theo huấn luyện viên Đinh Văn Hào, đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng chắc chắn giành thành tích cao hơn thế. Việc đặt chỉ tiêu thấp sẽ giúp các vận động viên không bị đè nặng tâm lý, điều mà gần như các vận động viên trẻ đều yếu. Huấn luyện viên Đinh Văn Hào cho rằng, đấu kiếm Hải Phòng tự tin sẽ có ít nhất 3 trận chung kết tranh huy chương vàng tại giải.
“Chúng tôi đang rất tự tin. Đây cũng là giải đấu cuối cùng của năm, không chỉ là của bộ môn đấu kiếm mà còn của thể thao thành tích cao Hải Phòng. Chúng tôi quyết tâm thi đấu tốt để khép lại năm rất thành công tại các giải trẻ của thể thao Hải Phòng” – huấn luyện viên Đinh Văn Hào bày tỏ quyết tâm.
(Anh Tuấn - Báo Hải Phòng 19/12/2015)
14 giờ chiều nay 19-12, Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức lễ bốc thăm và xếp lịch thi đấu 3 giải gồm: Giải vô địch quốc gia (V-League), Hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia.
Mùa giải 2016 có 14 CLB tham dự giải V-League gồm: Becamex Bình Dương, Hà Nội, Hà Nội T&T, Hải Phòng, Hoàng Anh Gia Lai, Long An, QNK Quảng Nam, Sanna Khánh Hòa, SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An, Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa, Đồng Tháp, XSKT Cần Thơ.
Giải hạng Nhất quốc gia 2016 có 10 CLB tham dự gồm: Bình Phước, Cà Mau, Huế, Đắk Lắk, Đồng Nai, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Viettel, XM Fico Tây Ninh.
Giải Cúp QG 2016 có sự tham dự của 24 CLB gồm 14 CLB của V-League và 10 CLB hạng Nhất. Năm nay, thể thức thi đấu Cúp quốc gia có đổi mới. Ở vòng loại và vòng 1/8 các CLB thi đấu theo thể thức loại trực tiếp một trận theo lịch thi đấu đã bốc thăm. Vòng tứ kết đến vòng Chung kết, các CLB thi đấu theo thể thức loại trực tiếp 2 trận lượt đi – lượt về.
Quy định lên xuống hạng được công bố. Theo đó, đội xếp thứ Nhất được thắng hạng V-League, 3 đội có thứ hạng kế tiếp sẽ cùng với đội áp chót của giải V-League thi đấu các trận play-off để xác định đội thứ 14 được quyền thi đấu tại giải V-League 2017. Đội xếp thứ 14 của V-League 2016 sẽ bị xuống hạng Nhất 2017.
Tại lễ bốc thăm, V-League 2016 sẽ khởi tranh vào ngày 20-2-2016, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ở lượt trận đầu tiên này, CLB Hải Phòng sẽ thi đấu tại sân Vinh gặp Sông Lam Nghệ An. Đây là cuộc đối đầu y hệt mùa giải 2015 giưuã hai đội.
Trong mùa giải mới, các cầu thủ sẽ được mua bảo hiểm thân thể và VPF sẽ mời công ty Sportrada để chống tiêu cực tại V-League 2016.
(Đỗ Hân - Báo Hải Phòng 19/12/2015)