Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 21/11/2014)
Phát biểu trong phiên thảo luận tại Quốc hội vào sáng 20-11 về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng (ĐBQH TP Hải Phòng) tán thành sự cần thiết phải ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29, Hội nghị TW 8, BCH TW khóa XI.
Ông Trường cũng tán thành điểm đổi mới của đề án này là chương trình nhiều sách giáo khoa, như vậy phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại, tránh được sự độc quyền trên nhiều bình diện như: kinh doanh, phát hành, in ấn, biên soạn, tổ chức thực hiện…
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường cho biết: Trong thực tế giáo dục Việt Nam đã có thử nghiệm để thực hiện chương trình nhiều sách giáo khoa với nhiều hình thức khác nhau, còn đối với các nước phát triển như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc thì vấn đề một chương trình nhiều sách giáo khoa đã được thực hiện từ lâu. Chủ trương này, theo ông Trường, sẽ huy động được đội ngũ các tác giả viết sách giáo khoa, các nhà giáo, các chuyên gia khoa học, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh lựa chọn một cách thoải mái và cần thiết, phù hợp với trình độ và đặc điểm vùng miền.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần tiến hành tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa một cách minh bạch, rõ ràng và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để xã hội, nhân dân, phụ huynh học sinh và các cấp, các ngành theo dõi, giám sát. Ông Trường cho rằng, Bộ GD&ĐT cũng cần tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng tất cả các bộ sách đều phải thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường đề nghị dịch một số loại sách của các nước tiên tiến để đưa vào tham khảo trong quá trình viết sách cũng như quá trình thực hiện đối với giảng dạy, học tập. Ông Trường đặt vấn đề có nên đề nghị Việt kiều, người nước ngoài tham gia viết sách giáo khoa hay không?
Hôm nay, 21-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam; thảo luận ở hội trường về dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Thế Khoa,An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 19-11, Thanh tra thành phố tổ chức hội nghị tập huấn một số văn bản pháp luật phòng, chống tham nhũng và hướng dẫn triển khai thực hiện công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập năm 2014.
Tại hội nghị, ông Phí Ngọc Tuyển, Cục phó Cục chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ giới thiệu một số nội dung cơ bản Thông tư số 04/2014/TT-TTCP ngày 18-9-2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Theo đó, thông tư gồm 4 chương và 20 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc nhận định đánh giá và thu thập thông tin, dữ liệu báo cáo kết quả; nhận định tình hình tham nhũng; đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng và tổ chức thực hiện.
Đối với công tác kê khai, minh bạch tài sản, để thống nhất thực hiện, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 thay thế các thông tư trước đó về hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.
Theo báo cáo của Thanh tra thành phố, hàng năm trên địa bàn thành phố có khoảng 11.000 công chức, viên chức thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, công tác này còn một số hạn chế như có nơi còn triển khai hình thức; một số đơn vị, cơ quan áp dụng chưa đúng các quy định của pháp luật về biểu mẫu, đối tượng, quy trình kê khai, chưa có kế hoạch được thủ trưởng đơn vị phê duyệt, thiếu thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kê khai tài sản…
Do đó, hội nghị tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức về phòng chống tham nhũng, thống nhất cách làm thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, từ đó đề ra các giải pháp, góp phần ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng hữu hiệu, phù hợp với từng đơn vị, địa phương. (ĐH, An ninh Hải Phòng Online 21/11; Báo Hải Phòng 21/11 Tr1)
Sáng 20/11, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế Hải Phòng tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp luật liên quan tới toàn thể cán bộ, nhân viên.
Tại buổi tập huấn, các cán bộ, nhân viên được tìm hiểu về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, thực trạng hút thuốc của người dân Việt Nam hiện nay, được giới thiệu, phổ biến một số điều khoản của Luật PCTHTL và quy định xử phạt hành vi vi phạm. (MH, An ninh Hải Phòng 21/11 Tr2)
4. Hội nghi tập huấn nghiệp vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 14/11/2014, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho các đại biểu là đại diện các Sở, Ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Lãnh đạo Phòng Pháp chế và cán bộ đầu mối pháp chế các Sở, Ngành ở thành phố; đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp các quận, huyện; Lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ và đơn vị thuộc Sở Tư pháp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu 02 chuyên đề về Trách nhiệm của Ủy ban nhân cấp tỉnh trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xửlý vi phạm hành chính và nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dâncấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ này; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhiệm vụ của Phòng Tư pháp trong việc giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương và nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại cấp xã. Hội nghị cũng là dịp các đại biểu trao đổi những khó khăn, vướng mắc và cách khắc phục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, đơn vị. (haiphong.gov.vn 19/11; An ninh Hải Phòng 21/11 Tr3; Báo Hải Phòng 21/11 Tr2)
Sáng 21-11, UBND quận Hải An tổ chức cuộc họp đối thoại với 5 hộ dân đang chiếm giữ đất trái phép trên diện tích đất của Sư đoàn 371, thuộc Dự án nâng cấp mở rộng Khu bay - CHK quốc tế Cát Bi. Đồng chí Phạm Văn Hưởng, Chủ tịch UBND quận Hải An chủ trì cuộc họp. Lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng thành phố và quận Hải An; lãnh đạo Tiểu đoàn đảm bảo kỹ thuật sân bay Kiến An - Cát Bi thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng PK-KQ cùng dự.
Được biết, mặc dù các hợp đồng thuê đất đã hết hiệu lực từ ngày 31-12-2012, nhưng đến nay các hộ không chấp hành biên bản đã ký với Tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An - Cát Bi trả đất để đơn vị này bàn giao đất cho Dự án nâng cấp mở rộng Khu bay - Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi. Hiện 5 hộ dân đang chiếm dụng trái phép tổng diện tích đất gồm: hộ bà Huyền có 3 chòi canh, diện tích xây dựng 155m2; hộ ông Ninh có 2 nhà chòi, diện tích 36,25m2; hộ ông Thao, 2 nhà chòi, diện tích 112,41m2; hộ bà Tươi 1 chòi diện tích 10m2; hộ bà Lan, 1 nhà chòi, diện tích 48,65m2. Đây đều là các diện tích nằm trong khu vực mặt bằng để làm đường cất hạ cánh nên hiện nay buộc các nhà thầu phải thi công xôi đỗ do phải trừ lại những vật cản trên.
Do vậy, ngày 5-6-2014, ông Phạm Chí Bắc, Phó chủ tịch UBND quận Hải An đã ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, quốc phòng. Tại các quyết định này, UBND quận Hải An xác định: Đã hết thời hạn trả đất nhưng các hộ không trả lại đất là vi phạm pháp luật với hành vi chiếm đất theo quy định tại khoản 3 Điều 3 và khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 105/2009/NĐ-CP ngày 11-11-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Với hành vi này, các hộ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng”. Hình thức áp dụng xử phạt chính là phạt tiền các hộ như sau: 1-Nguyễn Thị Huyền: 37.500.000 đồng (ba bảy triệu năm trăm nghìn đồng); 2 - Nguyễn Thị Tươi: 12.500.000 đồng (mười hai triệu năm trăm nghìn đồng); 3 - Nguyễn Thị Lan: 37.500.000 đồng (ba bảy triệu năm trăm nghì đồng); 4 - Vũ Đức Ninh: 12.500.000 đồng (mười hai triệu năm trăm nghìn đồng); 5 - Nguyễn Trọng Thao: 12.500.000 đồng (mười hai triệu năm trăm nghìn đồng). Ngoài ra, các hộ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc tháo dỡ, di chuyển công trình, vật kiến trúc, cây cối hoa màu, khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại diện tích đất chiếm giữ trái phép.
Do các hộ không chấp hành, ngày 21-7-2014, Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Văn Hưởng đã ký 5 quyết định cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt hành chính về vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đại, quốc phòng.
Và để tiếp tục giải quyết vụ việc theo hướng có lý có tình, ngày 21-11, UBND quận Hải An tổ chức thêm buổi đối thoại với các hộ dân nhằm tuyên truyền, giải thích vận động các hộ dân tự giác chấp hành, tháo dỡ công trình lấn chiếm trả lại mặt bằng cho dự án. Ngay từ 8h sáng ngày 21-11 đại diện của 5 hộ dân đã có mặt tại cuộc họp đối thoại. Tuy nhiên, sau khi nghe đại diện UBND quận Hải An giải thích nguyên nhân có buổi đối thoại này thì ông Vũ Đức Ninh thay mặt cho 5 hộ dân đọc và trình “Đơn không tham dự cuộc đối thoại của UBND quận Hải An...” (có chữ ký của 5 hộ dân), sau đó các hộ dân bỏ dở, không tiếp tục tham dự họp đối thoại nữa, cũng không đưa ra thêm được căn cứ chứng minh, hay lý do chính đáng nào khác. Chủ tọa cuộc họp ông Phạm Văn Hưởng đã chỉ đạo lập biên bản về thái độ bất hợp tác của các hộ dân nói trên, xác định các hộ dân không có thêm căn cứ chứng minh nội dung khiếu kiện, cố tình gây khó khăn cho chính quyền, cơ quan, đơn vị quân đội trong việc thu hồi đất cho Dự án mở rộng Khu bay Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Theo trình tự, sau cuộc họp này, UBND quận Hải An sẽ báo cáo UBND thành phố và ấn định ngày thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với các hộ nói trên. (Đoàn Lanh, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 19/11, tại hội trường Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Ban tuyên giáo Thành ủy phối hợp với BCHQS TP tổ chức hội nghị báo cáo viên tháng 11, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2014).
Việc tuyên truyền cho kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất tháng 12. Hội nghị cũng nghe thông báo kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN lần thứ 8; những thông tin cơ bản về tình hình trong nước và thế giới; triển khai nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm trong tháng 12. (LMT, An ninh Hải Phòng 21/11 Tr2; Báo Hải Phòng 21/11 Tr2)
Bộ Công an vừa thông báo cho Kiến Thức kết quả xác minh, xử lý thông tin về clip CSGT Hải Phòng đánh người vi phạm chảy máu mồm lan truyền trên mạng.
Ngày 16/10/2014, Báo điện tử Kiến Thức có bài: “CSGT Hải Phòng đánh chảy máu mồm người vi phạm?”, phản ánh: Trên mạng xã hội Youtube đang lan truyền đoạn video clip dài hơn 3 phút, với tiêu đề “CSGT Hải Phòng vụt gậy vào mồm dân xong gọi xe ôm trốn khỏi hiện trường”... Bài viết đăng tải và mô tả cụ thể nội dung đoạn clip trên.
Ngày 18/11/2014, Báo điện tử Kiến Thức nhận được Thông báo kết quả xác minh, xử lý thông tin mà bài báo nêu từ Bộ Công an.
Chúng tôi xin đăng tải nội dung thông báo này để độc giả hiểu rõ hơn bản chất sự việc.
Dưới đây là nội dung bản thông báo.
Sau khi báo điện tử Kiến Thức phản ánh, Công an TP Hải Phòng đã thành lập tổ công tác khẩn trương thẩm tra xác minh làm rõ vụ việc. Kết quả cụ thể như sau:
Ngày 15/10/2014, thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng của Công an quận Hồng Bàng, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự quận Hồng Bàng phân công tổ tuần tra gồm 6 đồng chí: Thượng úy Phạm Văn Hạnh – tổ trưởng, Trung tá Đàm Văn Thành – cán bộ, Thượng úy Đỗ Đăng Dũng – cán bộ, Thiếu úy Phạm Thanh Bình – cán bộ, Trung úy Hoàng Văn Điệp – cán bộ, Trung úy Trần Đình Thăng – cán bộ, thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng trên các tuyến, địa giới hành chính thuộc quận Hồng Bàng.
Vào lúc 15h cùng ngày, khi Tổ tuần tra làm nhiệm vụ trên đường Hùng Vương (phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng), phát hiện một nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô đi không đúng phần đường quy định, đồng chí Đỗ Đăng Dũng đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra. Nhưng do đang đi với tốc độ cao, nam thanh niên trên không làm chủ được tốc độ, đồng thời phanh gấp nên cả người và phương tiện đều bị đổ xuống đường. Trong lúc ngã xe, nam thanh niên bị tay lái của xe va đập vào phần mặt gây chảy máu tại phần môi trên, đầu gối bên phải bị trầy xước do va chạm với mặt đường. Đồng chí Dũng cùng với các đồng chí trong tổ công tác đã đưa nam thanh niên cùng phương tiện vào lề đường để giải quyết, tránh gây ùn tắc giao thông. Trong lúc tổ tuần tra đang giải quyết, một số người dân qua đường không nắm rõ được nội dung sự việc, cho rằng cán bộ của tổ tuần tra gây thương tích cho người vi phạm nên đã tụ tập đông người, sử dụng điện thoại quay clip và có những lời lẽ, thái độ, cử chỉ thiếu tôn trọng cán bộ, chiến sĩ tổ công tác.
Nhận thấy người dân tập trung đông, có biểu hiện quá khích gây phức tạp về trật tự công cộng, ùn tắc giao thông, tổ tuần tra đã báo cáo ban chỉ huy đội tăng cường lực lượng xuống hiện trường giải quyết, đồng thời đưa nam thanh niên trên và phương tiện về trụ sở Đội Cảnh sát giao thông – trật tự giải quyết theo quy định.
Đội Cảnh sát giao thông – trật tự đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với nam thanh niên trên (tên là Đinh Ngọc Hưng, sinh năm 1979, ở số 188 Phan Bội Châu, phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; phương tiện vi phạm: Xe mô tô nhãn hiệu Honda Airblade, BKS: 15B1-004.74) với các lỗi vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, không mang theo giấy phép lái xe, đăng ký xe, không có bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe mô tô cơ giới. Đinh Ngọc Hưng đã có bản tường trình về vụ việc, thừa nhận các lỗi vi phạm như biên bản đã lập, khẳng định các thương tích là do quá trình tự ngã xe gây ra, không liên quan đến cán bộ, chiến sĩ của tổ tuần tra, đồng thời cam đoan không có ý kiến, khiếu nại gì. Đinh Ngọc Hưng cũng khẳng định không có quan hệ với người quay clip vụ việc trên và đăng tải lên mạng, cơ quan công an cũng chưa xác định được danh tính người này.
Tổ công tác công an thành phố cũng đã trực tiếp làm việc với đối tượng Đinh Ngọc Hưng, xác định nội dung vụ việc xảy ra đúng như đã nêu trên. Tại buổi làm việc với tổ công tác của công an thành phố, Đinh Ngọc Hưng đã làm bản tường trình thừa nhận hoàn toàn các lỗi vi phạm theo quy định cũng như đã nhận lại phương tiện của mình và cam đoan không có thắc mắc, khiếu nại gì thêm. (Minh Hiếu, kienthuc.net.vn 21/11)
Sáng 20-11, tại Nhà văn hóa thôn Tân Cả, xã Quảng Thanh, TAND huyện Thủy Nguyên xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Văn Phương, sinh năm 1988, trú tại thôn Giếng, xã Quảng Thanh về tội mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tham dự phiên tòa có đông đảo người dân xã Quảng Thanh và các vùng lân cận.
Tại phiên tòa, Phương khai nghiện ma túy từ tháng 3-2014 nên thường đến khu vực đường tàu nội thành Hải Phòng mua ma túy về chia thành nhiều túi nhỏ bán kiếm lời và sử dụng cho bản thân. Phương bán ma túy cho nhiều đối tượng nghiện nhưng không biết rõ tên tuổi, địa chỉ. Trong đó có một người tên Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1988, trú tại xã Kỳ Sơn. Chiều ngày 2-7-2014, Phương bán cho Hiệp một gói ma túy đá với giá 300 nghìn đồng tại nơi ở của Phương. Khoảng 9 giờ sáng ngày 4-7-2014, Hiệp lại gọi điện cho Phương hỏi mua 300 nghìn đồng ma túy đá. Sau đó, Nguyễn Văn Hiệp đi cùng với Trần Văn Hiệp (sinh năm 1987, trú tại xã Lại Xuân) đến nhà Phương. Khi hai bên vừa trao đổi ma túy xong thì bị bắt. Cơ quan điều tra thu 300 nghìn đồng, 2 điện thoại di động và một túi nylon có tinh thể màu trắng. Khám nhà Phương, công an huyện Thủy Nguyên thu giữ các đồ vật gồm: 1 cân điện, 1 camera, 1 khẩu súng tự chế không có số hiệu, 3 viên đạn và một số dụng cụ dùng để đóng gói ma túy.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Phương 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ vũ khí trái phép quân dụng, phạt tiền 5 triệu đồng. (Báo Hải Phòng Online 21/11)
12h30’ ngày 14-11, chị Nguyễn Thị Liên Nga, sinh 1969, ở thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, đi xe máy đến gần Bệnh viện đa khoa huyện An Dương mua cháo cho con. Khi trở về nhà, chị Nga đi qua khu cổng Cty giầy Phúc Đạt, thôn Lương Quy, xã Lê Lợi thì bị 2 đối tượng đi xe máy áp sát phía bên phải, giật chiếc điện thoại Iphone 4S để túi quần phía sau. Mặc dù bị bất ngờ nhưng ngay sau đó, chị Nga lấy lại bình tĩnh, vừa phóng xe máy đuổi theo bọn cướp vừa truy hô.
Đuổi suốt quãng đường gần 2km, khi đến khu chợ Tràng Duệ, xã Lê Lợi, chị Nga đuổi kịp bọn cướp và đạp đổ xe của bọn chúng làm hai tên ngã xuống đường. Nhưng ngay sau đó, tên ngồi sau vứt lại chiếc điện thoại vừa cướp rồi lao qua mương An Kim Hải tẩu thoát vào khu vực dân cư xóm 5, thôn Tràng Duệ. Còn tên thứ hai bị chị Nga và một số người dân cùng Công an xã Lê Lợi tóm gọn, thu giữ chiếc điện thoại tang vật và chiếc xe máy Sirius BKS: 16R7-4824 là phương tiện gây án.
Tại cơ quan công an, đối tượng bị bắt giữ khai là Đinh Văn Trường, sinh 1995, ở cùng thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, An Dương và đồng bọn của hắn là Nguyễn Tiến Đạt, sinh 1997, ở xóm 5, thôn Tràng Duệ, Lê Lợi. Trước đó, Đạt và Trường bàn nhau sử dụng chiếc xe máy trên để đi cướp tài sản của những người đi đường.
Sau khi thống nhất, hai tên đi từ xã Lê Lợi xuống thị trấn An Dương để tìm cơ hội gây án. Khi đi đến khu vực cổng Bệnh viện đa khoa An Dương, chúng phát hiện chị Nga đang ngồi trên xe máy trước một quầy cháo, có chiếc điện thoại Iphone 4S trên (trị giá 8.400.000 đồng), hai tên mới quay đầu xe đứng chờ cơ hội cướp giật. Lát sau, chị Nga nổ máy xe ra về thì tên Trường điều khiển xe bám theo cho tên Đạt ra tay hành động.
Đến 15h cùng ngày, sau 2 giờ truy xét, Đội CSĐT TP về TTXH - Công an huyện An Dương đã bắt giữ Nguyễn Tiến Đạt trên địa bàn xã Lê Lợi. Ngày 20-11, Công an huyện An Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Trường và Đạt cùng về tội cướp giật tài sản.
Tinh thần dũng cảm phối hợp truy bắt nhóm cướp giật của chị Nguyễn Thị Liên Nga được nhân dân địa phương khen ngợi. (KĐ, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 20-11, TAND TP Hải Phòng xét xử phúc thẩm vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo đơn kháng cáo của 4 bị cáo Phạm Duy Việt, sinh 1954, ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ FLAI (gọi tắt là trung tâm FLAI); Phạm Duy Tài (em ruột Việt), sinh 1963, ở Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, là nhân viên Trung tâm FLAI; Nguyễn Đức Cảnh, sinh 1986, ở tổ 1, phường Bắc Sơn, Kiến An, là nhân viên hợp đồng của UBND phường Bắc Sơn và Nguyễn Trung Kiên, sinh 1987, ở số 3/45 Nguyễn Lương Bằng, Văn Đẩu, Kiến An, Hải Phòng.
Trung tâm FLAI do Trung ương Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á - Việt Nam thành lập, có chức năng tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ trình độ tin học ngoại ngữ các trình độ A, B, C theo quy định như sau: khi người có nhu cầu cấp chứng chỉ trình độ tin học, ngoại ngữ nộp hồ sơ xin cấp, trung tâm sẽ tổ chức đào tạo hoặc không cần đào tạo nhưng bắt buộc phải tổ chức thi, kiểm tra trình độ của người xin cấp. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì sẽ gửi công văn xin cấp chứng chỉ về Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT).
Căn cứ vào đó, Bộ GD-ĐT cấp bản phôi chứng chỉ do bộ phát hành cho Trung tâm FLAI. Trung tâm nhận số lượng các bản phôi về in các nội dung như: họ tên người được cấp chứng chỉ, trình độ, kết quả kiểm tra và dán ảnh lên bản phôi. Sau đó, giám đốc trung tâm ký tên, đóng dấu vào chữ ký và đóng dấu nổi vào ảnh rồi cấp cho người đã có điểm kiểm tra đạt yêu cầu. Trung tâm có 15 cơ sở trực thuộc và ký hợp đồng liên kết đào tạo với 18 tổ chức, cá nhân.
Trong quá trình hoạt động, nhận thấy việc quản lý, cấp phôi chứng chỉ của Bộ GD- ĐT có sự lỏng lẻo, Phạm Duy Việt đã thực hiện việc cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho những người không học, không thi để thu tiền. Việc sử dụng các phôi chứng chỉ do Bộ GD- ĐT phát hành và bằng cả phôi do Việt tự in. Việt quy định cho đội ngũ nhân viên thu của khách hàng 200.000 đồng/1 chứng chỉ loại phôi của Bộ GD- ĐT; 15.000 đồng/1 chứng chỉ tin học và 35.000 đồng/1 chứng chỉ ngoại ngữ loại phôi của Trung tâm FLAI. Trước khi bị phát hiện, Việt đã ký cấp chứng chỉ giả cho nhiều người không qua học và thi.
Phạm Duy Tài là nhân viên Trung tâm FLAI, là em ruột của Việt đã tham gia việc làm giả chứng chỉ bằng việc nhận thông tin của khách hàng từ các đầu mối qua email, hoặc đến trực tiếp trung tâm. Tài in các thông tin của khách hàng vào các phôi chứng chỉ đã có sẵn, sau đó dán ảnh của họ vào chứng chỉ, đóng dấu nổi, chuyển cho Việt ký rồi đưa lại cho các đầu mối chuyển cho khách hàng.
Nguyễn Trung Kiên và Nguyễn Đức Cảnh do tình cờ biết được việc một số cán bộ Trung tâm FLAI có thể cấp các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mà không cần thi, đã đăng tin quảng cáo trên mạng, nhận làm các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà người được cấp không cần thi. Kiên và Cảnh là bạn nên đã cùng làm ăn và chia lời. Kiên và Cảnh kết nối với nhân viên Trung tâm FLAI, làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả cho những khách hàng có nhu cầu…
Nhưng việc làm ăn phi pháp của Công ty FLAI đã bị cơ quan công an phát hiện và ngày 30-6-2013, tại nhà số 1 Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, Hải Phòng, khi Kiên đang giao giấy phép lái xe (GPLX) giả cho Nguyễn Văn Hải, sinh 1986, ở phường Trại Chuối, Hồng Bàng, thì bị tổ công tác của CAQ Hồng Bàng bắt quả tang, thu giữ 1 GPLX (giả) mang tên Nguyễn Thị Hoa, sinh 1976, ở thị trấn Vĩnh Bảo; 1 chứng chỉ ngoại ngữ phôi của Bộ GD- ĐT do Trung tâm FLAI cấp cho Nguyễn Thị Hân và 1,5 triệu đồng.
Sau khi Kiên bị bắt, một số nhân viên của Công ty FLAI đã đến CAQ Hồng Bàng trình diện. Ngày 18-7-2013, Tài và Việt bị bắt theo lệnh bắt khẩn cấp của cơ quan điều tra. Các nhân viên trung tâm khai nhận đã thu lời bất chính từ việc cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ giả, với mức giá từ 50.000 đến 310.000 đồng/chứng chỉ, phôi do Bộ GD- ĐT và phôi của trung tâm…
CAQ Hồng Bàng đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, với nội dung thu hồi các chứng chỉ do Trung tâm FLAI cấp sai quy định, đồng thời khuyến khích người dân phát hiện, tố giác tội phạm và nộp lại chứng chỉ giả.
Ngày 15-7-2014, Phạm Duy Việt, Phạm Duy Tài, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Trung Kiên đã cùng 8 bị cáo khác trong vụ án đã phải ra đứng trước vành móng ngựa của TAND quận Hồng Bàng. Trong đó, Việt lĩnh 30 tháng tù; Tài 24 tháng tù; Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Đức Cảnh cùng lĩnh 18 tháng tù, do đồng phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo giữ nguyên kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Sau khi xem xét bản án sơ thẩm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, ý kiến của đại diện Viện KSND TP, luật sư bào chữa cho các bị cáo, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, tuyên phạt bị cáo: Việt 24 tháng tù, Tài 20 tháng tù; Cảnh và Kiên 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điều 267 BLHS. (NTH, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Phường Văn Đẩu, Kiến An, tiếp giáp 3 phường của quận là Trần Thành Ngọ, Nam Sơn, Phù Liễn và phường Đa Phúc của quận Dương Kinh. Cùng với sự phát triển đô thị, số người tỉnh ngoài đến địa bàn làm ăn, sinh sống tăng nhanh đã tác động không nhỏ đến TTATXH trên địa bàn phường.
Để giữ vững ANTT, cùng với việc tập trung lực lượng tăng cường QLHC về TTXH; triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, TNXH, Công an phường Văn Đẩu đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố đẩy mạnh các biện pháp phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị và các chủ trương của Đảng, nhà nước và thành phố về ANTT, qua đó tạo thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh với tội phạm. Trong đó, phường đã chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản và liên kết bảo vệ ANTT.
Điển hình như các mô hình “Tô dân phố 5 không”; “liên kết bảo vệ ANTT khu vực giáp ranh” giữa phường Văn Đẩu và Đa Phúc (Dương Kinh); “Toàn dân tham gia phòng chống tệ nạn xã hội”… Bên cạnh đó, CAP đã tham mưu cho UBND phường kiện toàn 25 Ban bảo vệ dân phố với 50 thành viên làm lực lượng nòng cốt, hỗ trợ đắc lực CAP trong giữ gìn ANTT tại cơ sở.
Qua phong trào, cán bộ và nhân dân phường Văn Đẩu tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, TNXH. Ở các tổ dân phố, đã xuất hiện nhiều cá nhân cùng CAP và BVDP truy bắt tội phạm. Trong 10 tháng năm 2014, trên địa bàn phường, phạm pháp hình sự giảm hơn 40% so với năm 2013. Quần chúng đã cung cấp trên 70 nguồn tin, giúp CAP bắt giữ 5 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; bắt 50 vụ cờ bạc, số đề; bắt 3 đối tượng truy nã. Bên cạnh đó, CAP phối hợp với các đội nghiệp vụ CAQ Kiến An làm rõ 6 vụ phạm pháp hình sự, bắt 9 đối tượng…
Điển hình: ngày 24-7-2014, Công ty TNHH Đoàn Xuân, ở số 1207 Trần Nhân Tông bị kẻ gian đột nhập trộm cắp 2 màn hình, 1 cây vi tính, 2 laptop và 2 điện thoại di động. CAP đã phối hợp Đội CSĐT tội phạm hình sự - CAQ truy xét và chỉ sau 24 giờ đã bắt gọn thủ phạm là Vũ Trọng Tuân, sinh 1981, ở tổ Hòa Bình 1, Tràng Minh. Tiếp đó, vào lúc 12h30 ngày 1-10-2014, CAP phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về ma túy CAQ bắt đối tượng Phạm Anh Tuấn, sinh 1987, ở Đẩu Sơn 1, Văn Đẩu đang bán trái phép ma túy “đá” cho con nghiện, tang vật thu giữ 1 cân tiểu ly, 7.610.000 đồng, 4,4982g ma túy “đá” cùng nhiều dụng cụ sử dụng ma túy “đá”. (Hồng Hải, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Ngày 20/11, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, đang xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ xà lan số hiệu HD-1995 bị chìm trên luồng Bạch Đằng khiến một thuyền viên tử vong.
Trước đó, trưa 19/11, xà lan HD-1995 chở 200 tấn đất từ bến Đụn (huyện Thủy Nguyên) tới khu vực ngã 3 sông Bạch Đằng đã gặp một tàu biển nước ngoài chạy qua. Sóng do tàu biển tạo ra đã tràn vào khoang khiến cho xà lan HD-1995 bị lật, chìm tại chỗ.
Khi gặp nạn, trên xà lan có 2 thuyền viên là ông Trương Văn Điền (49 tuổi) và ông Vũ Ngọc Bàn (57 tuổi, cùng trú huyện Kinh Mông, Hải Dương). Ông Điền may mắn thoát ra ngoài được cứu vớt kịp thời, riêng ông Bàn ở trong buồng lái đã bị chìm theo tàu, tử vong. (Đỗ Hoàng, Tiền Phong Online 21/11; Gia đình & Xã hội Online 21/11)
Cục Quản lý đường bộ 1 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, để phục vụ công tác sửa chữa cầu Kiền (Km20+590 quốc lộ 10) từ ngày 25 -11 đến 4 -1 -2015, đơn vị này sẽ tổ chức thực hiện phương án phân luồng giao thông trên tuyến quốc lộ 10.
Việc phân luồng diễn ra từ 20 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian phân luồng sẽ cấm toàn bộ ô tô có tải trọng trên 3,5 tấn lưu thông trên quốc lộ 10 qua cầu Kiền.
Cầu Kiền nằm trên Quốc lộ 10, nối TP.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh với cả khu vực Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Cầu nằm giữa 2 xã An Hồng (huyện An Dương) Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên) của TP Hải Phòng. Cầu được khánh thành vào năm 2003, mặt cầu Kiền được thi công theo kỹ thuật dùng giấy dầu chống trượt đặt dưới và phủ nhựa đường phía trên. Sau hơn 10 năm sử dụng, giấy dầu bị trôi khiến nhiều mảng nhựa đường trồi trượt, xuống cấp nghiêm trọng, nhiều tảng nhựa đường gồ lên rồi lún nứt thành những rãnh sâu. Nhiều đoạn mặt cầu không còn lớp nhựa đường, chỉ còn trơ bê tông trơn trượt, nhiều ổ gà, ổ voi nối tiếp nhau khiến xe máy phải đánh võng để tránh, còn xe khách, xe tải, xe container thì luôn lắc lư như chực đổ. Những cú xóc khi xe trọng tải lớn đi qua cũng khiến cây cầu rung lên bần bật.
Để thuận lợi cho việc lưu thông phương tiện, Cục Quản lý đường bộ đưa ra các phương án điều tiết: ô tô có tải trọng trên 3,5 tấn từ Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương…đi Quảng Ninh sẽ di chuyển theo Quốc lộ 5 đến nút giao với đường 388 sẽ rẽ trái, đến nút giao với Quốc lộ 18 rẽ phải đi theo Quốc lộ 18 đi Quảng Ninh và ngược lại.
Đối với ô tô từ Hải Phòng đi Quảng Ninh các phương tiện sẽ đi về đường Hùng Vương, qua cầu Bính đi theo đường 359 đến nút giao với đường 359C. Tới đây, các phương tiện rẽ trái đi theo đường 359C đến nút giao Quốc lộ 10 - nút giao Kênh Giang rẽ phải đi theo Quốc lộ 10 đi Quảng Ninh và ngược lại.
Các ô tô từ Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Quảng Ninh sẽ đi theo lịch trình tương tự như ô tô từ Hải Phòng đi Quảng Ninh.
Đơn vị này cũng đưa ra khuyến cáo đối với chủ phương tiện tham gia giao thông tuyến từ Hà Nội đi Quảng Ninh nên đi theo Quốc lộ 1 đến nút giao Đại Phúc (TP Bắc Ninh) rẽ phải đi theo Quốc lộ 18. (Văn Cường, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT thành phố, Chi cục Đăng kiểm số 10 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố tổ chức Đoàn công tác liên ngành thành phố thực hiện Đợt cao điểm kiểm tra các bến cảng thủy nội địa trên các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy nội địa nằm trên luồng hàng hải; kiểm tra điều kiện an toàn luồng tuyến đường thủy nội địa trên các tuyến sông Cấm (khu vực cửa Nam Triệu, Bến Gót), sông Đá Bạc và sông Lạch Tray.
Trong đó, nội dung kiểm tra bến, cảng thủy nội địa là hồ sơ thủ tục đăng ký mở bến, các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường theo quy định.
Đối với phương tiện, nội dung kiểm tra là tình trạng đăng ký, đăng kiểm phương tiện, bằng cấp thuyền viên người lái phương tiện; các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; tình trạng hoạt động của các phương tiện chở bùn đất tham gia duy tu bảo dưỡng luồng lạch.
Thông qua việc kiểm tra, Đoàn công tác liên ngành thành phố sẽ tuyên truyền Luật Giao thông đường thuỷ nội địa và các văn bản hướng dẫn cho các đối tượng chịu sự quản lý và tổ chức, cá nhân tham gia giao thông đường thuỷ nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp chở quá tải, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; tham mưu, đề xuất Ban ATGT thành phố có biện pháp chỉ đạo công tác quản lý nhà nước.
Theo kế hoạch, đợt kiểm tra diễn ra trong 5 ngày từ ngày 24 đến 28-11-2014. (DL, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố khóa 14 vừa qua, cử tri huyện An Lão tiếp tục kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc thi công Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng phá vỡ hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh tưới nước và thoát nước của 5/6 xã có đường cao tốc đi qua. Song đến nay, đơn vị thi công chậm xây dựng hoàn trả công trình thủy lợi thay thế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chia cắt diện tích đất canh tác và một số tuyến kênh mương của 6 xã: Quang Trung, Quốc Tuấn, Tân Viên, An Thái, Mỹ Đức, An Thắng, làm giảm công suất của hầu hết các trạm bơm điện của địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Xã Mỹ Đức là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi 2 gói thầu EX7, EX8 do nhà thầu GS và Tập đoàn Sơn Đông (Trung Quốc) thực hiện trên địa bàn, làm 6 trạm bơm gồm: Kim Châm, Tiến Lập, Chùa Tứ, Minh Khai, Quán Rẽ và trạm bơm Đồng Đỏ làm nhiều đoạn kênh, mương cứng bị phá vỡ. Điều đáng lo ngại, 6 trạm bơm này cung cấp nước cho gần 400 ha, chiếm hơn 70% diện tích gieo cấy của toàn xã. Nghiêm trọng nhất phải kết đến trạm bơm Đồng Đỏ ở thôn Biều Đa, được thiết kế với công suất 2.500 khối/giờ. Trước đây, khi trạm bơm vận hành đúng công suất cung cấp đủ nước cho 170 ha lúa ở các thôn Biều Đa, Lang Thượng, Kim Châm. Việc thi công đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã chặn dòng chảy từ nhánh sông Văn Úc cung cấp nước chính cho trạm bơm, làm sụt lún cát lấp dòng chảy. Hiện, trạm bơm phải sử dụng nguồn nước từ rãnh thoát nước của đường cao tốc, nhưng cứ bơm được 15 phút thì nguồn nước lại cạn kiệt. Tại nút giao thông quán Rẽ, xã Mỹ Đức, nhà thầu thi công gói thầu EX8 đã phá hủy toàn bộ 180 m kênh xây sau trạm bơm Cầu Nguyệt, khiến trạm bơm không còn khả năng tưới tiêu nước cho khoảng 100 ha lúa mùa của thôn Tân Nam và Tiến Lập.
Tại xã Quang Trung, quá trình thi công nhà thầu GS làm tràn cát lấp tuyến kênh cứng kẹp với đường công vụ và kênh cấp 1 phục vụ tưới tiêu của trạm bơm Đồng Hống. Bên cạnh đó, khu vực cánh đồng thôn Đông Nham 1 bị cô lập khỏi các nguồn nước; trạm bơm thôn Bạch Câu, xã Quốc Tuấn và trạm bơm Sẽ xã Tân Viên cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão Nguyễn Văn Nhất cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp do các trạm bơm không phát huy được công suất, các địa phương vận động nhân dân dùng các máy bơm mini và máy hút bùn để bơm nước. Song đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, để có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, yêu cầu cấp bách của nhân dân các xã có công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do thi công đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là đơn vị thi công khẩn trương hoàn trả công trình thay thế. Đồng thời giải tỏa ách tắc, khơi thông dòng chảy để dẫn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. (Anh Kiệt, Báo Hải Phòng Online 20/11)
Sau 10 năm thực hiện dự án Nâng cấp đô thị VN cho bốn TP gồm TP.HCM, Cần Thơ, Nam Định và Hải Phòng đã có hơn 6 triệu người dân được hưởng lợi.
Thông tin này được Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TP.HCM và Công ty TNHH Giải pháp quản trị tổng thể (I.S.M) đưa ra trong cuộc họp với báo chí vào ngày 20-11.
Theo đó, có hơn 2,5 triệu người dân được hưởng lợi trực tiếp.
Các công trình xây dựng đã nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng cho 300 khu dân cư thu nhập thấp, 28. 267 hộ dân được cấp nước, 91.392 hộ dân được cấp điện, 511.815 hộ dân được đấu nối hệ thống thoát nước, 373,1km đường hẻm được nâng cấp mở rộng, hơn 26.849 m kênh rạch được cải tạo…
Dự án Nâng cấp đô thị VN được đầu tư 382,5 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng thế giới và 4.000 tỷ đồng từ vốn đối ứng ngân sách của 4 TP cho việc đền bù, hỗ trợ di dời và tái định cư.
Mục tiêu của dự án là nhằm giảm nghèo tại các khu vực đô thị bằng cách cải thiện điều kiện sống và môi trường cho người nghèo. TP.HCM nhận được vốn vay nhiều nhất là 266,7 triệu USD.
Trong đó công trình có qui mô lớn nhất là cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm giúp chống ngập cho các quận 6, 11, Tân Phú và Tân Bình, hoàn thành vào cuối năm 2014. (N.Ẩn, Tuổi trẻ Online 21/11)
Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng có tổng số vốn đầu tư lên đến 276,6 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 175 triệu USD . Theo đó, dự án có các hợp phần xây dựng tuyến đường trục đô thị dài 20km, nâng cấp hạ tầng giao thông thành phố và tăng cường năng lực vận tải. Tuy nhiên, do vướng mắc trong GPMB, tiến độ dự án triển khai rất chậm…
Hầu hết gói thầu xây lắp đều chậm
Ông Phạm Đức Hiệu, Giám đốc Ban quản lý dự án khu vực các công trình giao thông vận tải (GTVT- đại diện chủ đầu tư Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng) cho biết, hầu hết gói thầu thi công xây lắp của dự án hiện đều chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể, gói thầu CW1A, xây lắp đoạn đường từ xã Bắc Sơn (huyện An Dương) đến Quán Trữ (quận Kiến An), toàn bộ phần đất ở kiểm kê xong, nhưng chưa phê duyệt phương án đền bù, nhiều phần diện tích đã GPMB, nhưng không có đường vào khu vực thi công. Ngoài ra, 40 hộ dân có đất nông nghiệp thuộc xã Đồng Thái (huyện An Dương), chưa thể thực hiện đền bù do phải điều chỉnh lại, vì phương án cũ có sai sót. Cũng tại huyện An Dương, phần diện tích mở rộng nghĩa trang Đường Rõ, Cây Sanh (xã Đặng Cương) rộng 9.081m2, tuy được lập phương án, nhưng chưa phê duyệt vì chưa hoàn thiện hồ sơ xác minh nguồn gốc đất.
Trên công trình thi công cầu Đồng Khê, từ cuối tháng 10-2014 đến nay, huyện An Dương mới hoàn thành xong GPMB theo hạn cuối chỉ đạo của thành phố. Hiện, khó khăn phát sinh tại quận Kiến An. Các trụ cầu mang số hiệu P7, P8, P9 và mố cầu A11 nằm trên địa bàn phường Quán Trữ chưa được đền bù và bàn giao nhà thầu thi công. Công trình cầu Niệm 2 cũng gặp vướng mắc trong GPMB. Mố cầu A0 và các trụ từ P1 đến P4 thuộc quận Kiến An chưa được GPMB. Bên phía quận Lê Chân, phần mở rộng diện tích nghĩa trang Gốc Găng (phường Vĩnh Niệm) rộng 4.097m2 được thông qua, nhưng đến nay chưa lập được phương án đền bù do chưa có giá đất cụ thể, việc xác định nguồn gốc đất cũng chưa hoàn thiện. Ngoài ra, một số gói thầu khác như xây lắp hầm chui cầu Rào và đường dẫn, xây lắp đoạn đường từ cầu Rào đến phường Nam Hải, còn nhiều hộ dân không hợp tác. Vì vậy, tuy có được 20% mặt bằng, nhưng do “xôi đỗ”, nên nhà thầu không thể triển khai thi công.
Tại cuộc làm việc với UBND thành phố mới đây, đại diện WB sau khi khảo sát tại một số gói thầu tỏ ý quan ngại về vướng mắc trong GPMB ở cầu Đồng Khê, cầu Niệm 2 và tuyến đường trục. Vướng mắc GPMB khiến việc thi công các gói thầu bị chậm tiến độ và WB cảnh báo việc bố trí vốn và giải ngân khó khăn nếu mặt bằng không được giải quyết dứt điểm. Thêm nữa, các nhà thầu đưa máy móc, vật liệu đến công trình, nhưng khó thi công sẽ phát sinh thêm chi phí do phương tiện khai thác không đạt hiệu quả. Như vậy, không loại trừ khả năng chủ đầu tư dự án sẽ bị phạt theo hợp đồng ký kết với nhà thầu vì không đáp ứng đủ mặt bằng sạch.
Quyết liệt hơn trong giải phóng mặt bằng
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, công tác GPMB không thể chậm trễ. Theo ông Phạm Đức Hiệu, trên địa bàn huyện An Dương đang vướng mắc một số diện tích đất ở (chiếm 30% mặt bằng gói thầu CW1A) cần tháo gỡ. Huyện An Dương khẩn trương lập, thẩm định và phê duyệt phương án theo khung chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng 40 hộ dân ở xã Đồng Thái phải bàn giao đất nông nghiệp, cần sớm điều chỉnh phương án đền bù, đẩy nhanh tiến độ GPMB gắn với bảo đảm quyền lợi người dân. Tại khu vực xây dựng cầu Đồng Khê, trong trường hợp người dân không bàn giao mặt bằng (đầm, ao), cần có phương án bảo vệ nhà thầu thi công. Cũng tại hạng mục cầu Đồng Khê phía quận Kiến An, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhanh chóng lập, thẩm định và phê duyệt phương án GPMB, bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công trong quý 1-2015.
Đối với gói thầu CW2 lô 2 xây lắp cầu Niệm 2 và đường dẫn, quận Kiến An khẩn trương lập, thẩm định và phê duyệt phương án đền bù theo khung chính sách đối với 60 hộ dân tại khu phố Tân Khê, thi công mố cầu M1 và các trụ từ P1 đến P4. Liên quan đến đường dẫn đi qua nghĩa trang Gốc Găng (phường Vĩnh Niệm), quận Lê Chân tập trung xác minh nguồn gốc đất, phục vụ di chuyển các ngôi mộ ra khỏi mặt bằng đường dẫn...
Theo BQL dự án khu vực các công trình GTVT, dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng được thực hiện trong giai đoạn 2011- 2016, có thể được gia hạn đến 2017. Đến nay, 100% gói thầu xây lắp chính được ký hợp đồng, trong đó có hợp đồng ký từ nhiều tháng qua, song chưa thi công vì vướng mắc về mặt bằng. Vì vậy, công tác GPMB đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương có dự án đi qua quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, tổ chức GPMB. Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển giao thông- đô thị thành phố Hải Phòng.
Dự án phát triển giao thông đô thị có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển thành phố Hải Phòng, bởi ngoài tuyến đường trục đô thị dài 20km, nối các khu công nghiệp ra cảng biển, mở rộng thành phố theo trục Đông- Tây, một số tuyến đường cũ được cải tạo theo hành lang Tam Bạc- Kiến An. Cầu Niệm cũ được nâng cấp, tới đây, nhiều xe buýt mới sẽ được khai thác phục vụ nhân dân đi lại. Dự án hoàn thành, giao thông đô thị Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, KTXH và nâng cao điều kiện sống của người dân. (Mai Lâm, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Là một trong những người đầu tiên của xã Tân Viên (huyện An Lão) thực hiện mô hình trang trại, ông Nguyễn Ngọc Bồi, sinh năm 1958 được mọi người nể phục vì tinh thần dám nghĩ dám làm.
Ông Bồi cho biết, gia đình ông xây dựng trang trại từ năm 2002. Khi đó, kinh tế gia đình khó khăn, bản thân ông là một đảng viên nên suy nghĩ phải làm gì để thoát nghèo luôn thường trực trong ông. Trong thời gian đó, kinh tế trang trại còn khá mới lạ, trong xã chỉ có một hộ gia đình làm theo mô hình này. Qua tìm hiểu, học hỏi, thấy kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tận dụng được tối đa diện tích sản xuất nên ông quyết tâm đầu tư xây dựng trang trại. Năm 2002, ông dồn đổi được 5.400m2 đất canh tác. Ông dành 1000m2 để xây trại gà (quy mô 8000-9000 con/lứa), 2000m2 để trồng cây lâu năm và kho bãi, 2400m2 ông đào ao thả cá. Để có số vốn đầu tư xây dựng trang trại, ông và mọi người trong gia đình chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Thời gian đầu, chăn nuôi không đơn giản như ông nghĩ. Do chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi gà, thả cá nên hiệu quả kinh tế thấp. Song, bằng cách lấy công làm lãi, không chịu lùi bước trước khó khăn, một lần thất bại ông rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như việc nuôi gà. Vốn quen với cách nuôi gà thả tự do nên lần đầu làm quen kỹ thuật nuôi gà theo quy cách chuồng trại hiện đại gặp không ít bỡ ngỡ. Khó khăn từ cách tiêm phòng cho gà, phương pháp cho gà uống thuốc, nhỏ mắt đến cách điều chỉnh nhiệt độ từng ngày phù hợp với thân nhiệt của gà. Chính vì vậy, lứa đầu tiên không tránh khỏi rủi ro, tỷ lệ gà chết cao. Nhưng với sự kiên trì, vừa làm vừa học hỏi, những lứa tiếp theo, ông dần rút được kinh nghiệm. Với mô hình này, trung bình mỗi năm ông thu lãi trên 500 triệu đồng.
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, ông tuyên truyền, giúp đỡ nhiều gia đình xây dựng trang trại. Ông tham gia phong trào Hội Nông dân, tích cực đóng góp các cuộc vận động từ thiện. Ông đã được tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, các kỷ niệm chương của Hội Nông dân các cấp. (Hà Minh, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 20-11, Trường chính trị Tô Hiệu Hải Phòng tổ chức kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982). Các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Thuận, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Hữu Doãn, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường tới dự.
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên cùng nhau ôn lại truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam, quá trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường. 64 năm qua, Trường Chính trị Tô Hiệu góp phần tích cực trong huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng hàng chục vạn cán bộ của thành phố. Trong đó, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cơ sở, quận, huyện, thành phố và trung ương. Nhà trường góp phần quan trọng tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây còn là trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham mưu với thành phố hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Chung vui với các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức, học viên nhà trường, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành chúc tập thể nhà trường luôn đoàn kết, đổi mới, tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng chí nhấn mạnh: Thực tế đặt ra yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo “vừa hồng vừa chuyên”. Do đó, nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn lý thuyết với thực tiễn; tích cực tổ chức các cuộc tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cộng tác viên ngoài nhà trường nhằm trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, chuẩn hóa chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cùng đội ngũ giảng viên nhà trường căn cứ nhu cầu thực tế để truyền đạt kiến thức phù hợp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thành phố và đất nước.
Tối 19-11, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Trường Chính trị Tô Hiệu tổ chức liên hoan văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Tham gia liên hoan có 23 tiết mục văn nghệ của học viên 15 lớp học, được tuyển chọn từ vòng sơ tuyển.
Sáng 20-11, Trường đại học Hàng hải Việt Nam kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Nguyễn Đình Then, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cùng đông đảo các thế hệ nhà giáo và sinh viên nhà trường.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Thành ghi nhận và biểu dương những thành tích nhà trường đạt được trong thời gian qua, đồng thời chúc mừng các tập thể, cá nhân vừa nhận danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước; 3 cá nhân, 5 tập thể được nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học Neptune của trường. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập và phát triển, nhà trường có những đóng góp tích cực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực kinh tế biển cho thành phố và đất nước. Đây là tiền đề để nhà trường thực hiện mục tiêu đào tạo theo tinh thần Kết luận số 72 của Bộ Chính trị, phấn đấu trước năm 2020 xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.
Trong không khí ấm áp, vui tươi, các đại biểu ôn lại truyền thống 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trải qua 58 năm xây dựng và phát triển, Trường đại học Hàng hải Việt Nam đạt được những thành tích đáng tự hào góp phần hoàn thành nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Nhà trường có 36 thầy, cô giáo được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và Nhà giáo Ưu tú cùng 29 GS, PGS. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học theo hướng hiện đại; chăm lo đời sống đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học; chú trọng phát hiện và hỗ trợ tài năng trẻ, bồi dưỡng nhân tài, đưa hoạt động nhà trường phát triển toàn diện.
Nhân dịp này, PGS-TS Lương Công Nhớ, Hiệu trưởng nhà trường vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; Huân chương Lao động hạng nhì; PGS-TS Nguyễn Cảnh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường được tặng Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước; 3 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 cá nhân, 5 tập thể được nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học Neptune.
Sáng 20-11, Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp (Sở Giáo dục-Đào tạo) tổ chức kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Những năm qua, cán bộ, giáo viên của trung tâm tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Hai tốt”, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sáng kiến, cải tiến, tự học, tự đào tạo. Hiện đơn vị có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, 19,2% số cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ và sau đại học; 50% số cán bộ, viên chức là đảng viên. Cơ sở vật chất của trung tâm khang trang, hiện đại với 60 phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng, nhà xưởng thực hành, 142 máy vi tính nối mạng Internet, hơn 80 máy may công nghiệp và dân dụng. Những năm qua, trung tâm phối hợp chặt chẽ với các trường học, duy trì và mở rộng quy mô giáo dục dạy nghề phổ thông, đa dạng hóa các ngành, nghề. Hiện trung tâm tổ chức dạy 9 nghề phổ thông và các lớp dạy nghề ngắn hạn từ 3-6 tháng gồm 10 ngành, nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề sơ cấp của người dân trên địa bàn.
Sáng 20-11, lãnh đạo Hội Nhà báo thành phố đến chúc mừng tập thể, cán bộ, nhân viên Sở Giáo dục – Đào tạo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Trong không khí vui tươi, phấn khởi, lãnh đạo Hội Nhà báo chúc mừng những kết quả ngành giáo dục thành phố đạt được trong năm qua, chúc tập thể cán bộ, nhân viên sở tiếp tục phát huy truyền thống, làm tốt công tác dạy và học, đóng góp thêm nhiều thành tựu cho sự phát triển giáo dục- đào tạo thành phố. Đại diện 2 cơ quan mong muốn tiếp tục phối hợp, làm tốt công tác tuyên truyền về kết quả công tác, đổi mới của ngành giáo dục trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Hội Nhà báo thành phố trao 30 cuốn sách “Báo chí Hải Phòng với Trường Sa” tặng tập thể cán bộ ngành giáo dục Hải Phòng. Cuốn sách gồm hơn 20 tác phẩm báo chí của những nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí của Hải Phòngsáng tác trong những chuyến công tác, tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. (Báo Hải Phòng Online 21/11; Bản tin thời sự tối 20/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 20-11, Trường đại học Hàng hải Việt Nam kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông- vận tải; Nguyễn Đình Then, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cùng đông đảo các thế hệ nhà giáo và sinh viên nhà trường.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Thành chúc mừng và biểu dương những thành tích nhà trường đạt được trong thời gia qua. Chúc mừng các tập thể, cá nhân vừa nhận danh hiệu, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, đồng chí đánh giá cao và ghi nhận thành tích của 3 cá nhân, 5 tập thể được nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học Neptune của trường. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, trong quá trình hội nhập và phát triển, nhà trường đóng góp tích cực trong đào tạo cung cấp nguồn nhân lực kinh tế biển cho thành phố và đất nước. Đây cũng là một trong những tiền đề để nhà trường thực hiện mục tiêu đào tạo theo tinh thần Kết luận số 72 của Bộ Chính trị phấn đấu trước năm 2020 Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, giàu sức cạnh tranh.
Hiện nhà trường có 36 thầy, cô giáo được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú cùng 29 GS, PGS. (Thu Anh, Báo Hải Phòng Online 21/11; Bản tin thời sự tối 20/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Sáng 20-11, đại diện Hội Nhà báo thành phố chúc mừng tập thể, cán bộ, nhân viên Sở Giáo dục – Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Nhân dịp này, Hội Nhà báo thành phố trao 30 cuốn sách Báo chí Hải Phòng với Trường Sa tặng tập thể cán bộ ngành giáo dục Hải Phòng. Cuốn sách gồm hơn 20 tác phẩm báo chí của những nhà báo Hải Phòng sáng tác trong những chuyến công tác, tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. (Mai Dung, Báo Hải Phòng Online 21/1
Cô giáo Nguyễn Thị Đại, giáo viên trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngô Quyền) vừa được Microsoft công nhận là Chuyên gia Giáo dục sáng tạo Microsoft. Thông tin trên được công bố tại diễn đàn Toàn cầu của Microsoft vừa diễn ra tại Miami (Mỹ)
Theo đó, các giáo viên được công nhận là Chuyên gia Giáo dục sáng tạo được nhận công cụ và công nghệ miễn phí, bao gồm cả Office 365 Pro Plus (cùng với một chứng nhận học viện công nghệ thông tin – IT Academy certification); tham gia vào các nghiên cứu điển hình, xây dựng nội dung và có cơ hội tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu của Microsoft tại Redmond (Washington, Mỹ) vào tháng 4/2015, do Microsoft tài trợ toàn bộ kinh phí.
Hằng năm, Microsoft tổ chức cuộc thi trên toàn cầu nhằm tìm kiếm và vinh danh những hạt nhân giúp đổi mới giáo dục. Những người được vinh danh là những người nhiệt luôn làm việc và sáng tạo không ngừng để đổi mới phương pháp giảng dạy trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm giúp học sinh, sinh viên tiếp thu bài học nhanh nhất, hào hứng nhất. (Văn Cường, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Từ ngày 1/12/2014, xăng E5 RON 92 sẽ được tiêu thụ ở 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ra quân đồng loạt
Theo báo cáo của Bộ Công thương với Chính phủ trong cuộc họp kiểm điểm tình hình chuẩn bị tiêu thụ xăng E5 RON 92 mới đây, các địa phương và doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đã và đang tích cực chủ động đưa xăng E5 RON 92 vào lưu thông rộng rãi trên thị trường.
Tại Quảng Ngãi, xăng E5 bắt đầu được bán rộng rãi từ tháng 7/2014, trước 6 tháng so với lộ trình và tới đầu tháng 9/2014, toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai phân phối xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng (sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch) RON 92. Sản lượng phân phối đến nay đạt hơn 12.000 m3.
Đà Nẵng, địa phương gần với nguồn cung cấp xăng E5 RON 92 cũng đã học tập kinh nghiệm của Quảng Ngãi để có kế hoạch thay thế dần, không bị gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên thị trường.
Đặc biệt, Quảng Nam, địa phương không nằm trong diện phổ cập xăng E5 RON 92 như Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống công bố, nhưng do nằm kề với Quảng Ngãi - nơi có nguồn cung cấp xăng E5, nên cũng đã quyết định thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 từ ngày 1/12/2014.
Để phục vụ cho việc phổ cập xăng E5 từ ngày 1/12/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị có đầu tư các nhà máy nhiên liệu sinh học tại Quảng Ngãi và Bình Phước - cũng đã sẵn sàng đảm bảo nguồn cung ethanol cho thị trường. Công suất của 2 nhà máy này hiện là 200.000 m3 ethanol/năm, đảm bảo phối trộn khoảng 4 triệu m3 xăng E5 ra thị trường.
Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), một công ty thành viên của PVN có 276 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống đã sẵn sàng bán xăng E5 tại 52 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đại diện PVOil cho biết, có 5 trạm pha chế theo mẻ đặt tại kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Thắng Nhất (Vũng Tàu), Nhà Bè (TP.HCM), Cổ Chiên (Vĩnh Long) và 4 - 5 trạm pha chế liên tục, với tổng công suất gần 600.000 m3/năm.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty đầu mối khác cũng đã nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phối trộn xăng sinh học tiên tiến và phù hợp, phê duyệt các dự án đầu tư lắp đặt hệ thống phối trộn, trang bị bồn bể, phương tiện vận chuyển tại các điểm kho, phục vụ nhu cầu tiêu thụ xăng E5 theo đúng lộ trình của Chính phủ.
Trên thế giới, nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Philipines… đã đưa xăng sinh học vào sử dụng từ nhiều năm qua và đến nay, vẫn tiếp tục bán sản phẩm này. Thực tế tại Việt Nam, đơn vị cung cấp xăng E5 RON 92 là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng đã sử dụng xăng sinh học cho các loại xe siêu trường, siêu trọng chở xăng dầu của mình trong hơn 1 năm qua và không hề gặp phải bất cứ vấn đề gì về kỹ thuật.
Vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ
Cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn đều cho thấy, xăng sinh học E5 an toàn với môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia, xăng E5 giúp giảm sự phụ thuộc vào xăng khoáng, giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Nếu tăng lượng sử dụng xăng E5 lên quy mô cả nước và sau đó, lên mức 10%, sẽ giảm được 10% lượng xăng khoáng, tương ứng với nhiều triệu USD bỏ ra để nhập khẩu xăng hàng năm.
Hiện tại, Mỹ là nước xuất khẩu ethanol lớn nhất thế giới và tỷ lệ phối trộn ethanol trung bình trên cả nước Mỹ là 8-8,5%. Còn tại Brazil, sản xuất ethanol chủ yếu từ mía, có giá rất rẻ và được phối trộn hàng loạt. Brazil cũng không quy định tỷ lệ bắt buộc phối trộn ethanol, nhưng quy định tối thiểu 25% và các công ty có thể tăng lên 26% hoặc cao hơn nữa. Tại Thái Lan, nhiên liệu sinh học hiện cũng là lựa chọn duy nhất cho người tiêu dùng và đang chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sử dụng ethanol toàn thế giới.
Kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Philippines, đặc biệt là Thái Lan từ những năm 2000 đã sử dụng xăng E5, tới năm 2005 đã chuyển sang xăng E10 cũng cho thấy, phải có hệ thống hành lang pháp lý (tiêu chuẩn, chất lượng, hệ thống quản lý, tiêu chuẩn ngành) những công bố tiêu chuẩn quốc gia về xăng E5, về hệ thống tàng trữ phân phối và các quy chuẩn kèm theo. Tiếp theo, cần tới các chính sách về ưu đãi, chính sách để thúc đẩy quá trình sản xuất cũng như phân phối và kinh doanh.
Ở một khía cạnh khác, việc phổ cập xăng E5 tới người sử dụng vẫn còn gặp những trở ngại nhất định.
Ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc BSR nhận xét, nhiều người tiêu dùng còn chưa biết, chưa hiểu và nghi ngại về độ an toàn và cho rằng, động cơ, máy móc có thể hao mòn do xăng sinh học gây nên.
Bởi vậy, khi kiểm điểm việc triển khai lộ trình áp dụng xăng E5 đầu tháng 11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận định, trong khi thời hạn thực hiện từ ngày 1/12/2014 là rất gấp, thì công tác tuyên truyền mới chỉ tập trung thực hiện ở một số địa phương có quan tâm; còn chương trình tuyên truyền bài bản, rộng khắp trên toàn quốc chưa được triển khai; một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo triển khai tiêu thụ xăng E5…
Cũng để xăng E5 không gặp phải sự kỳ thị và được sử dụng nhiều trong cộng đồng theo lộ trình đã định, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về quản lý sản xuất, bảo quản, vận chuyển và phân phối xăng nhiên liệu sinh học (xăng E5, E10), bảo đảm cho việc thực hiện đúng lộ trình. Đồng thời, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính công bố phương án giá sản phẩm xăng sinh học để các đơn vị liên quan chủ động tính toán phương án kinh doanh và phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng. (Hoàng Minh, Đầu tư Online 21/11)
Phó chủ tịch Thường trực UBND quận Đồ Sơn Vũ Đình Hưng cho biết: quận vừa tổ chức đấu giá thành công 8 lô đất xen kẹt ở phường Ngọc Xuyên cho các tập thể, cá nhân có nhu cầu với tổng giá trị hơn 4,4 tỷ đồng.
Trong đợt đấu giá này, quận Đồ Sơn dự kiến tổ chức đấu giá 31 lô đất ở khu dân cư Đầm Ngọc, phường Ngọc Xuyên, với diện tích mỗi lô từ 150 đến 200m2. Một số trường hợp đăng ký tham gia đấu giá tiếp các lô còn lại và quận Đồ Sơn có kế hoạch tổ chức đấu giá trong thời gian tới. Quận thuê đơn vị doanh nghiệp chuyên về đấu giá để thực hiện đấu giá các lô đất xen kẹt trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các tập thể và cá nhân. (Văn Lượng, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 21-11, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tiến độ và tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Dự án Nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm Shin- Etsu (Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Đình Vũ, phường Đông Hải 2 (quận Hải An). Cùng dự có đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Công ty hóa chất Shin-Etsu được thành lập vào năm 1926 tại Nhật Bản, sản xuất các sản phẩm như: Nhựa PVC, silicon và các sản phẩm đất hiếm. Hiện tại, Tập đoàn Shin-Etsu là một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản và xếp thứ 9 trên toàn cầu trong lĩnh vực này. Chỉ tính riêng năm 2013, Tập đoàn Shin-Etsu đạt doanh thu 11 tỷ đô-la và lãi suất là 1,1 tỷ đô-la với tổng số lao động là 17.700 người.
Từ cuối năm 2010, sau khi Chính phủ hai nước Việt Nam- Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác thiện chí về khai thác và tinh luyện đất hiếm, Tập đoàn Shin-Etsu tiến hành khảo sát và quyết định đầu tư vào thành phố Hải Phòng. Đến tháng 9-2011, Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam được thành lập và trong năm 2013 tiến hành xây dựng, hoàn thành, bắt đầu sản xuất các sản phẩm đất hiếm từ hợp kim đất hiếm, hay còn gọi là bột nam châm đất hiếm. Tổng số vốn đầu tư là 31,5 triệu đô-la, vốn điều lệ là 15,5 triệu đô-la với tổng số cán bộ, nhân viên là 96 người.
Do nhu cầu ngày càng cao nên lãnh đạo Tập đoàn quyết định xây dựng Nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm thứ hai trên diện tích hơn 49.000m2 với tổng vốn đầu tư là 100 triệu đô-la, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 10-2014, đến tháng 9-2015 hoàn thành. Sau khi lắp đặt máy móc, thiết bị thì đến tháng 10-2015 sẽ bắt đầu chạy thử với các công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11-2015, vẫn chưa khởi công dự án giai đoạn 2. Theo lãnh đạo công ty, việc chậm khởi công so với dự kiến xuất phát từ những khó khăn về bảo đảm nguồn cung điện ổn định, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thẩm định về phòng cháy chữa cháy...
Sau khi phía lãnh đạo công ty trình bày những khó khăn, vướng mắc, đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan có mặt tại buổi gặp gỡ giải đáp trực tiếp và đưa ra hướng giải quyết.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, cần lưu ý đến vấn đề, yêu cầu tiêu chuẩn nguồn cung điện phía Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản cao hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Về nguồn cung điện, hiện Trạm điện 220KV Đình Vũ mới lắp đặt 1 máy với công suất 63MVA, trong khi đó, tổng công suất đăng ký của các khách hàng trong khu công nghiệp hiện lên tới 110MVA. Do vậy, khó đáp ứng nhu cầu về nguồn điện năng ổn định với công suất 29MVA của phía Công ty Shin-Etsu. Do đó nên xây dựng một trạm điện và lắp đặt đường dây riêng cho Công ty Shin-Etsu. Về giấy phép xây dựng cho dự án giai đoạn 2, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khẳng định, sẽ sớm cấp nếu có đánh giá tác động môi trường và thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên- Môi trường cam kết, trong tuần tới, phía Sở sẽ hoàn thành đánh giá tác động môi trường.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND, đề nghị Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng... xem xét sớm cấp các loại giấy phép giúp triển khai và đẩy nhanh tiến độ của dự án. Đối với những khó khăn về nguồn cung cấp điện, cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, đồng chí Dương Anh Điền hoan nghênh thiện chí, quyết tâm và sự nghiêm túc từ phía Công ty Shin-Etsu trong triển khai dự án đưa công nghệ cao đến thành phố Hải Phòng. Theo đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, những “trục trặc” trong việc khiển khai giai đoạn 2 chủ yếu do thủ tục. Các sở, ban, ngành cần ngồi lại để rút kinh nghiệm và bàn thảo cùng nhau tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng chí Dương Anh Điền chỉ đạo, trước 30-12-2014 hoàn thành giấy phép phòng cháy, chữa cháy để đến trước 15-1-2015 cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Về việc bảo đảm cung cấp điện năng cho công ty, đồng chí Dương Anh Điền chỉ đạo, cần căn cứ vào Luật Điện lực làm cơ sở để giải quyết. Từ nay đến cuối tháng 11-2014, lãnh đạo UBND thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan sẽ họp với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương... xem xét, tháo gỡ khó khăn, giải quyết vấn đề một cách căn bản. (Thái Phan, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 18-11, tại sàn giao dịch Công nghệ và Thiết bị Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo: "Giải pháp đổi mới công nghệ trong lĩnh vực dệt may, da giày".
Hai ngành dệt may và da giày tại Hải Phòng đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, các cơ sở dệt may và da giày tại Hải Phòng sản xuất chủ yếu theo hình thức hợp tác gia công, nguyên phụ liệu, mẫu mã, thương hiệu, nhãn hiệu, thị trường tiêu thụ phụ thuộc lớn vào đối tác; chưa đầu tư cho khâu thiết kế sản phẩm, thụ động trước các biến động của thị trường xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường tiêu thụ trong nước, do đó hiệu quả kinh tế thấp, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động còn khó khăn, chậm được cải thiện; rác thải của ngành giày dép là loại chất thải khó phân huỷ, đang là vấn đề bức xúc về môi trường...
Hội thảo đã giới thiệu một số nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dệt may và da giày của Viện Dệt may, Da giày và Thời trang Việt Nam; Công ty TNHH Daco giới thiệu về Áp dụng hệ thống giám sát trạng thái cảnh báo dây chuyền may; Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Hải Phòng giới thiệu về giải pháp tiết kiệm điện chiếu sáng bằng đèn led công nghiệp cho các xưởng may; Công ty CP công nghệ Nam Sơn giới thiệu về Ứng dụng công nghệ cắt, khắc laser trong sản xuất sản phẩm may mặc và da giày. (Hải Hậu, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng cho biết, 10 tháng đầu năm, Hải Phòng đã giao hơn 4.164 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Nguồn vốn này đã góp phần đưa GDP của Hải Phòng tăng gần 9%; góp phần kích cầu, đưa tổng nguồn vốn đầu tư của toàn xã hội trên địa bàn đạt hơn 45 nghìn tỷ đồng.
Năm 2014, Hải Phòng triển khai một loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, như dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, dự án xây dựng mở rộng trục đường qua khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ, dự án xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ, đặc biệt là dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cảng hàng không quốc tế Cát Bi... Phó chủ tịch Hiệp cho hay, trong số hơn 4.164 tỷ đồng được Hải Phòng quyết định giải ngân cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, hơn 2.124 tỷ đồng được tập trung giải ngân cho các dự án trọng điểm kể trên.
Ông Đan Đức Hiệp tin tưởng, với nhiều giải pháp huy động nguồn lực cho đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kinh tế Hải Phòng sẽ bứt phá mạnh trong những năm tới. (Quốc An, Pháp luật Việt Nam 21/11 Tr12)
Từ đầu năm đến nay, UBND huyện An Dương kiện toàn Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách, thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc thu nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, chỉ đạo chi cục thuế huyện tích cực đôn đốc, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ thu hồi các khoản nợ đọng thuế từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ vậy, tổng thu nợ đọng thuế tính đến 31/8/2014 của toàn huyện là 15,9 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 21/11 Tr7)
Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và Hải đảo) vừa hoàn thiện lắp đặt thiết bị xong cho 3 trạm radar biển ở 3 địa phương: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hà Nội.
Đây hệ thống radar biển tần số cao do Chính phủ đầu tư, nhằm dự báo sóng biển, hoàn lưu bề mặt biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, xác định dầu tràn, cảnh báo sớm sóng thần, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh hải đảo. (Đình Thắng, Nông thôn ngày nay Online 21/11)
Vì vỡ đường ống, 300 tấn hóa chất đã tràn ra biển tại khu vực Cảng Cửa Cấm. Hóa chất được xác định là Linear Ankyl Benzen (LAB) - một trong những sản phẩm từ dầu mỏ.
Tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho biết, vào khoảng 8h ngày 20/11, ông Minh - quản lý bãi vật liệu xây dựng tại cống máy điện - thông báo cho Công ty hóa chất Soft-SCC (địa chỉ số 110, đường Ngô Quyền, phường Máy Chay, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) sự việc chảy tràn hóa chất ra kênh Đông Bắc thuộc phường Máy Chai.
Nhận được thông tin, công ty đã tiến hành rà soát đường ống ngầm từ Cảng Cửa Cấm vào nhà máy và xác nhận nguyên nhân xảy ra xự việc trên là do bị bục đường ống dẫn hóa chất từ Cảng Cửa Cấm vào nhà máy. Vị trí bục cách đường Ngô Quyền 30m. Đường ống dẫn hóa chất của công ty hóa chất Soft-SCC bị bục vỡ khiến cho khoảng 300 tấn hóa chất bị tràn ra cảng Cửa Cấm. Hóa chất trên được xác định là Linear Ankyl Benzen (LAB), là một trong những sản phẩm từ dầu mỏ.
Số hóa chất trên do Công ty hóa chất Soft-SCC thuê một đơn vị cung ứng xăng dầu ở Ngô Quyền, Hải Phòng chuyển bằng 2 sà lan từ Hòn Gai, Quảng Ninh đến Cảng Cửa Cấm, với khối lượng 1.100 tấn.
Việc bơm chuyển hóa chất đã hoàn tất nhưng nhiều tiếng sau mới xảy ra sự cố bục đường ống. Đến 10h cùng ngày, Công ty hóa chất Soft-SCC đã liên hệ với Công ty 128 Hải quân- Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phía Bắc tiến hành thả phao quây tại các vị trí cửa kênh Đông Bắc tiếp giáp với sông Cấm và cửa cống máy đèn để hạn chế hóa chất phát tán rộng ra môi trường, sau đó hút hóa chất phía trong phao quây. Dự kiến trong hai ngày việc vớt, hút hóa chất sẽ hoàn thành.
Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các cơ quan, đơn vị, nhân dân phường Máy Chai, quận Ngô Quyền tập trung khắc phục sự cố và đã tổ chức lấy mẫu nước kênh Đông Bắc để phân tích; yêu cầu Công ty TNHH MTV 128 Hải Quân và công ty hóa chất Soft-SCC tiếp tục vớt, thu gom hết toàn bộ lượng hóa chất đã chảy tràn ra kênh. Ngoài ra kểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống ống dẫn hóa chất của công ty để xác định vị trí vỡ, xử lý triệt để.
Vụ việc đã được Công an thành phố vào cuộc điều tra làm rõ. (Thu Hằng, Dân Trí Online 21/11; vnexpress.net 21/11; Người lao động Online 21/11; Thanh niên Online 21/11; vtv.vn 21/11; Hà Nội mới Online 21/11; Nhân dân Online 21/11; Kinh doanh & Pháp luật Online 21/11; vov.vn 21/11; Giao thông vận tải Online 21/11; 24h.com.vn 21/11; xahoi.com.vn 21/11; bptv.vn 21/11; Tin tức Online 21/11; TTXVN 21/11; Tuổi trẻ Online 21/11; Báo Hải Phòng Online 21/11; Lao động 21/11 Tr7)
Chiều 20-11, đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo việc khắc phục sự cố vỡ đường ống hóa chất tại khu vực cửa cống Máy Điện thuộc hệ thống kênh Đông Bắc, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền.
Theo báo cáo ban đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, khoảng 8 giờ ngày 20-11, một số người dân khu vực kênh Đông Bắc phát hiện có hóa chất chảy ra kênh và lập tức phản ánh đến các cơ quan chức năng, cũng như Công ty hóa chất Soft-SCC. Ngay sau khi nhận được tin báo, Sở tài nguyên Môi trường phối hợp với các phòng chức năng của Công An thành phố, quận Ngô Quyền, Cảng vụ Hải Phòng, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng có mặt tại hiện trường và làm việc với doanh nghiệp. Sau khi tiến hành rà soát, công ty xác nhận nguyên nhân của sự việc trên là do vỡ đường ống dẫn hóa chất từ Cảng Cửa Cấm vào nhà máy, vị trí vỡ cách đường Ngô Quyền khoảng 30m. Hóa chất nêu trên có tên gọi là Linear Ankyl Benzen (LAB) là một trong những sản phẩm từ dầu mỏ. Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 19-11, sà lan số HP 3329 chở số hóa chất trên đã bơm vào bồn chứa qua hệ thống ống dẫn hóa chất ngầm với chiều dài khoảng 1,2km.
Sau khi sự việc xảy ra, công ty phối hợp Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc tiến hành thả phao quây tại các vị trí cửa kênh Đông Bắc tiếp giáp với sông Cấm và cửa cống Máy Điện hạn chế không cho hóa chất phát tán rộng ra môi trường. Đến 15 giờ 30 phút ngày 20-11, các lực lượng đã cơ bản khắc phục và bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong khu vực công ty. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.
Trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn chỉ đạo: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan khắc phục triệt để sự cố vỡ đường ống hóa chất nêu trên; Trung tâm quan trắc môi trường khẩn trương quan trắc mẫu nước, đất khu vực bị ảnh hưởng hóa chất; Công an thành phố khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân; Công ty hóa chất Soft-SCC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thu gom, xử lý lượng hóa chất còn sót lại, bảo đảm môi trường, môi sinh trong khu vực. (Báo Hải Phòng Online 21/11; An ninh Hải Phòng Online 21/11; Bản tin thời sự tối 20/11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)
Mặc cảm về quá khứ tội lỗi, đối mặt với nhiều thách thức của cuộc sống sau ngày trở về khiến nhiều người sau khi chấp hành án phạt tù luôn day dứt, buồn nản, không ít người dễ tái vi phạm pháp luật. Bằng sự cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cộng đồng dân cư… đã giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống đời thường
Gần đây, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Phương ở đường Lán Bè, phường Lam Sơn (quận Lê Chân) kinh doanh hiệu quả, phát đạt, giải quyết việc làm cho 20 lao động, trong đó có một số người hoàn cảnh khó khăn. Ít ai biết rằng, ông chủ cơ sở kinh doanh này là anh Nguyễn Thế Hùng, trước đây từng vi phạm pháp luật và chịu án phạt tù. Anh Hùng cho biết: “Khi trở về, tôi luôn dằn vặt làm cách nào xóa bỏ được quá khứ lầm lỗi để bắt đầu cuộc sống mới”. Sau đó, được sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, cảnh sát khu vực, đoàn thể địa phương, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh đã sống bằng nhiều nghề khác nhau như đạp xích lô, lái xe ô tô… Tích góp, tiết kiệm được chút vốn, anh mạnh dạn mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Hiện nay, công việc, cuộc sống ổn định hơn, anh Hùng thường xuyên giúp đỡ các trường hợp lầm lỗi hoặc có hoàn cảnh khó khăn làm việc trong cơ sở kinh doanh của gia đình.
7 năm thi hành án phạt tù tại Trạm giam Xuân Nguyên là bài học thấm thía của anh Trần Đại Hàn ở xã Quốc Tuấn (huyện An Lão). Khi trở về, anh hối hận và mong nhận được sự bao dung, thiện cảm hơn của gia đình, bà con làng xóm, địa phương. Bản thân anh cố gắng cùng gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Trên diện tích gần 10 nghìn m2 đất, anh xây dựng trang trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trang trại của gia đình anh hiện cho thu nhập ổn định 160 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thời vụ cho 10 lao động địa phương.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, toàn thành phố hiện có 4822 người chấp hành xong án phạt tù, trong đó có 4377 nam, 445 nữ. Trở về địa phương, họ đều chấp hành nghiêm các quy định của địa phương, tích cực vươn lên trong cuộc sống, có việc làm ổn định. Theo thống kê, trong số người chấp hành xong án phạt tù đến hết tháng 7-2014, có 3195 người tìm được việc làm. Một số người năng động phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh, dịch vụ đem lại thu nhập cao.
Đồng hành cùng người trở về sau lầm lỗi
Trở về với cuộc sống đời thường, cùng với nỗ lực của bản thân, những người trước đây từng vi phạm pháp luật phải chịu án phạt tù đều khẳng định vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng, địa phương giúp họ sớm hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Trong đó, lực lượng Công an thành phố rà soát, hướng dẫn, làm thủ tục, tổ chức cấp giấy chứng minh nhân dân cho 505 người do chưa được cấp hoặc bị mất, hỏng, cũ nát; hướng dẫn đăng ký hộ khẩu, cấp phiếu lý lịch tư pháp giúp họ sớm đổn định cuộc sống. Chính quyền các địa phương, một số ban, ngành đoàn thể tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm cho những người trở về sau án phạt tù.
Một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm bắt nguồn từ đời sống kinh tế. Khi những người chấp hành xong án phạt tù trở về, họ không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn sẽ dễ nảy sinh tái phạm tội. Vì vậy, họ rất cần sự chia sẻ, tạo điều kiện học nghề, tìm việc làm ổn định của các tổ chức doanh nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố. Tại Trường cao đẳng nghề Bắc Nam, các xưởng học thực hành của trường tạo điều kiện thuận lợi cho người trở về sau án phạt tù học các nghề phù hợp. Theo ông Đỗ Văn Việt, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu và xây dựng Quyết Tiến, xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên), trong những năm qua, doanh nghiệp giải quyết khá nhiều việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù, đồng thời cho 3 trường hợp vay vốn để ổn định cuộc sống gia đình, yên tâm làm việc cho doanh nghiệp.
Phó giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Trọng Phượng khẳng định, thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng với những người sau án phạt tù không chỉ thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà còn là truyền thống của dân tộc giúp những người trở về sau khi phạm tội sẽ xóa bỏ mặc cảm, hướng thiện và trở thành công dân tốt trong xã hội. Những người lầm lỡ trở về cần được chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng thường xuyên, tích cực hơn của các ban, ngành đoàn thể địa phương, cộng đồng dân cư.
Theo báo cáo của Công an Hải Phòng, thời gian qua, các ban, ngành đoàn thể giới thiệu việc làm cho 1806 người thi hành xong án phạt tù. Các cơ quan, doanh nghiệp, tạo điều kiện giới thiệu, tiếp nhận, bố trí việc làm cho 534 người. Ngân hàng Chính sách xã hội và một số quỹ tín dụng cho 25 người vay vốn phát triển sản xuất. (Hải An, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Trang trại tổng hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi cho thu nhập ổn định ở thôn Tiểu Trà, phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh) là của gia đình anh Đồng Tú Bình. Mọi người dân trong thôn, xóm đều ngạc nhiên, thán phục quyết tâm hoàn lương, vươn lên cuộc sống đời thường của anh.
Từ nhỏ bố mất sớm, anh Bình sống lam lũ, vất vả cùng bà nội. Anh bỏ nhà đi lang thang kiếm sống và nhiều lần phạm tội phải thi hành án phạt tù. Sau mỗi lần trở về, anh đối mặt với bao khó khăn của cuộc sống. Đến tuổi lập gia đình, có người phụ nữ trong làng yêu thương động viên giúp anh xóa bỏ mặc cảm quyết tâm vun đắp hạnh phúc gia đình. Để bảo đảm cuộc sống, anh Bình phiêu bạt đi nhiều nơi để làm thuê. Khi đi làm ở Móng Cái, do hoàn cảnh, điều kiện xa gia đình, bạn bè rủ rê, lôi kéo, anh mắc nghiện ma túy. “Biết tôi tiếp tục sa chân vào con đường tội lỗi, vợ con tôi rất buồn, họ yêu cầu tôi cai nghiện và cách ly với bạn bè xấu” - anh Bình cho biết. Tuy nhiên, thật khó cai nghiện, anh Bình cố gắng nhưng sau đó tái nghiện khiến vợ con lo lắng, mất niềm tin.
Anh Bình được các ngành chức năng tạo điều kiện cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Hải Phòng ở Gia Minh (Thủy Nguyên) và quyết tâm cai nghiện thành công. Anh khẳng định rằng, đó là cơ hội cuối cùng trong đời để chuộc lỗi với vợ con và mong muốn được trở thành một công dân tốt trong xã hội. Sau một thời gian cai nghiện ở trung tâm, năm 2008, anh trở về với gia đình.
“Về địa phương, ban đầu tôi ái ngại bởi không ít người nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị. Nhưng niềm tin và động lực giúp tôi vươn lên trong cuộc sống chính là bà xã”, anh Bình tâm sự. Anh thấy vợ lam lũ, tần tảo lo toan kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trong bao năm anh phải thi hành án phạt tù nên quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh bàn với vợ mượn các vùng ruộng hoang của bà con địa phương trồng dưa, cấy lúa. Chăm chỉ làm ăn, tích góp, anh tích lũy được vốn và tiếp tục mở rộng diện tích canh tác. Gần đây, tại địa phương có nhiều bà con đi làm trong doanh nghiệp, anh Bình tiếp tục mượn đất, cùng vợ cải tạo thành trang trại. Năm 2009, được biết anh làm ăn hiệu quả, Trung tâm Lao động Xã hội Hải Phòng cho vợ chồng anh vay đôi bò để phát triển sản xuất. Lấy ngắn nuôi dài, anh kết hợp trồng lúa, chăn nuôi, dịch vụ làm đất thuê cho bà con địa phương. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định và cải thiện hơn
Hiện nay, trang trại của gia đình anh Bình làm ăn hiệu quả, thu lãi ổn định từ các loại gia súc, gia cầm, cây trồng 150 triệu đồng/năm. Anh Bình có niềm tin khi trang trại phát triển ngày càng phát triển sẽ là nguồn thu nhập chính giúp gia đình anh ổn định cuộc sống. (Hồ Hương, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Do thiếu hiểu biết, vì lợi ích trước mắt, nhiều ngư dân sử dụng các phương pháp, ngư cụ, xung điện, chất độc đánh bắt mang tính huỷ diệt. Tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm khó khăn, nhiều năm qua chưa khắc phục được tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”.
Vô tư tận diệt nguồn lợi thủy sản
Ông Nguyễn Văn Khà, một người dân sống ven sông Rế, huyện An Dương cho biết: “Tại khu vực ven sông Rế, khá nhiều người đánh cá bằng kích điện, đánh suốt cả ngày lẫn đêm, bất kể nước lớn hay nước cạn. Nhiều khi mấy ông ấy đi qua mà các loại cá con chết nổi đầy trên mặt nước”.
Đây cũng là hình ảnh khá phổ biến tại nhiều địa phương khác. Cứ nơi nào có kênh rạch, sông hồ tự nhiên là bắt gặp hình ảnh người dân dùng kích điện để bắt cá. Có những đoạn kênh rạch ngắn tại xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo) mà 5-7 người bắt cá bằng kích điện. Một người bắt cá bằng kích điện ở xã Hòa Bình (Vĩnh Bảo) cho biết: Chỉ cần đầu tư khoảng 1,7 triệu đồng là có thể mua một bình ắc quy 12V và một bộ kích điện, cộng với một bình nhựa và hai cần tự chế là có ngay một bộ kích điện “ngon lành”. Do vậy, khá nhiều người tranh thủ làm thêm bằng nghề này.
Theo ông Lê Khả Tạo, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hải Phòng, ngoài tình trạng sử dụng kích điện khai thác theo kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản, lực lượng thanh tra còn phát hiện nhiều ngư dân sử dụng kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản tại các ngư trường biển xa như vùng biển Bạch Long Vỹ và Long Châu. Điển hình, qua kiểm tra tàu khai thác của ông Bùi Văn Thanh, có hộ khẩu thường trú tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Thanh tra Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng phát hiện ông Thanh sử dụng kích điện công suất lớn để khai thác hải sản. Lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt hành chính 6 triệu đồng đối với hành vi sử dụng kích điện để khai thác hải sản và thu toàn bộ tang vật gồm bộ kích điện, dây dẫn điện sử dụng trái phép theo quy định.
Ngoài ra, có khá nhiều ngư dân sử dụng lưới mắt nhỏ, khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản. Hiện, trên địa bàn thành phố có 562 hộ ngư dân với 643 phương tiện đang khai thác thủy sản bằng lồng bát quái, tăng 1,65 lần so với năm 2010. Trong đó, đại đa số ngư dân sử dụng lồng bát quái có kích thước mắt lưới nhỏ 2a (8 đến 12mm), vi phạm về kích thước cho phép khai thác theo Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20-5-2008, của Bộ Nông nghiệp- PTNT. Đây không phải là loại lưới thông thường mà là những cái lồng hình chữ nhật, có cửa kiểu như hom giỏ (hom lồng), các loài thủy sinh chui vào là không có đường thoát.
Chưa quan tâm xử lý
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục phó phụ trách Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Hải Phòng cho biết, việc sử dụng các phương pháp, ngư cụ, xung điện, chất độc đánh bắt mang tính huỷ diệt trong đánh bắt thủy sản vẫn còn phổ biến ở các địa phương, tuy nhiên để kiểm soát được việc này rất khó khăn. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng, chính quyền cấp huyện, xã chưa thực sự vào cuộc. Tình trạng khai thác thủy sản bằng xung điện vẫn xảy ra nhưng thường vào buổi chiều và tối hoặc sau khi trời mưa vì vậy khó cho cơ quan quản lý. Chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng bộ kích điện quá thấp nên không đủ sức răn đe. Hằng năm, công tác tuyên truyền đã được chú ý, song số lượng người dân được cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn còn ít. Thậm chí một số người dân còn không thấy được tác hại của việc sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản. Đối với việc phát hiện và xử lý ngư dân sử dụng thiết bị khai thác tận diệt tại vùng biển luôn trong tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”. Khi phát hiện tàu kiểm ngư áp sát phương tiện của mình, một số chủ phương tiện đã phi tang toàn bộ thiết bị khai thác hủy diệt xuống biển và cho tàu bỏ chạy. Khi nào lực lượng chức năng không kiểm tra họ lại hoạt động.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng này, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, triển khai tuần tra, xử lý việc sử dụng chất nổ, xung điện khai thác thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản. Xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 103/2013/NĐ-CP, ngày 12-9-2013 của Chính phủ về xử phạt đối với việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, mỗi năm các địa phương cần thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả giống bổ sung vào nguồn lợi tự nhiên để bù lại lượng cá do người dân đánh bắt cá bằng xung điện. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp- PTNT nghiên cứu, đề xuất với thành phố chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ phương tiện làm nghề khai thác thủy sản bằng lồng bát quái, xung/kích điện, có cam kết và có giám sát của chính quyền địa phương nơi cư trú; phối hợp chính quyền cơ sở rà soát lại các phương tiện hoạt động nghề cá trên địa bàn, tổ chức quy hoạch phân tuyến khai thác, điều chỉnh cơ cấu nghề cho hợp lý.
10 tháng năm 2014, toàn thành phố có 55/925 lượt tàu thuyền được thanh, kiểm tra bị xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định của nhà nước về khai thác thuỷ sản và quản lý tàu cá. Trong đó, có 11 trường hợp vi phạm Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng Online 21/11)
“Đối với những người lầm lỡ, thi hành xong án phạt tù trở về địa phương, nếu công tác giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ không kịp thời dễ tái phạm tội. Vì vậy, địa phương xác định việc quản lý, giáo dục luôn song hành với giúp đỡ họ ổn định việc làm, bảo đảm đời sống” - ông Vũ Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết.
Theo thống kê, gần đây trên địa bàn xã Đồng Thái có 30 trường hợp thi hành xong các án phạt tù trở về địa phương. Nắm chắc tình hình, lực lượng công an xã căn cứ các kế hoạch của công an thành phố và công an huyện, sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương trong việc quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp họ hòa nhập cộng đồng. Đến từng gia đình có người chấp hành xong án phạt tù để nắm tình hình thực tế, công an xã sau đó hướng dẫn các thủ tục về cư trú, cấp đổi đổi chứng minh thư nhân dân giúp họ ổn định cuộc sống. Anh Mai Văn Thành, Phó trưởng Công an xã Đồng Thái cho biết: “sau khi trở về địa phương, cuộc sống của người thi hành xong án phạt tù gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giúp họ có việc làm ổn định, yên tâm sinh sống là việc làm thiết thực”. Gần đây, công an xã cùng với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đến gia đình bà Đinh Thị Hạnh ở thôn Minh Kha, có con trai vừa thi hành xong án phạt tù để nắm bắt hoàn cảnh thực tế, tạo điều kiện giúp gia đình bà kết nối với quỹ tín dụng vay vốn trồng hoa, cây cảnh.
Các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực vào cuộc cùng với lực lượng công an giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Một số ban, ngành đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc... phối hợp chặt chẽ cùng gia đình, dòng họ kịp thời động viên tinh thần giúp những người trở về sau lầm lỗi không mặc cảm trước cuộc sống, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ khi trở về để tạo việc làm ổn định. Thực tế, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ban đầu có biểu hiện phân biệt, kỳ thị người chấp hành xong án phạt tù, không tiếp nhận, bố trí việc làm khiến những người thực hiện xong án tù luôn tự ti, mặc cảm. Vì vậy, cán bộ các ban ngành, đoàn thể của xã đã vận động, thuyết phục, trực tiếp liên hệ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn sắp xếp công việc phù hợp giúp đỡ họ. Gần đây, xã có 3 trường hợp người thực hiện xong án phạt tù được doanh nghiệp địa phương nhận vào làm việc. Một số trường hợp chưa có việc làm được địa phương thông tin, liên hệ các trung tâm tư vấn việc làm, đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ nhóm lao động giúp họ tìm việc làm.
Theo ông Vũ Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND xã, những người trở về sau án phạt có thể tranh thủ điều kiện đồng đất quê hương để phát triển kinh tế tại gia đình sẽ thuận lợi hơn. Bởi thực tế, nhiều năm qua, nông dân xã Đồng Thái không chỉ canh tác lúa mà còn năng động phát triển trồng hoa, cây cảnh đem lại thu nhập cao. Vì vậy, để khuyến khích một số trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương phát triển kinh tế tại gia đình, các đoàn thể của xã kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho họ phát triển sản xuất. Thời gian qua, trên địa bàn xã có 5 trường hợp được vay vốn để trồng hoa, cây cảnh, phát triển chăn nuôi...
Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, những năm gần đây, xã Đồng Thái không có trường hợp người trở về sau khi thực hiện án phạt tù tái phạm tội. Hầu hết, các trường hợp chấp hành nghiêm sự quản lý của địa phương, dần ổn định cuộc sống, trở thành những công dân có ích góp phần xây dựng làng xóm, quê hương ngày càng giàu, đẹp. (Hương An, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Hải Phòng, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn Hải Phòng đã tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, chiếm 40% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của thành phố, đóng góp ngân sách mỗi năm hàng chục triệu đô-la Mỹ và hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, số lao động phổ thông chưa qua đào tạo tại khu vực này chiếm trên 70%, trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp của người lao động còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt trong các doanh nghiệp FDI.
Tính đến nay, thành phố Hải Phòng có 9 KCN đã đi vào hoạt động với khoảng 225 dự án đầu tư (hơn 150 dự án FDI), trong đó, có hơn 155 doanh nghiệp hiện đang hoạt động và giải quyết việc làm cho 42.127 người. Phần lớn lao động tập trung làm việc trong các doanh nghiệp tại KCN, KKT.
Lực lượng lao động trong các KCN chủ yếu là lao động trẻ, có độ tuổi trung bình từ 18-35, thường từ khu vực nông thôn hoặc các vùng lân cận Hải Phòng di chuyển đến, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ý thức nghề nghiệp còn yếu, tùy tiện, dễ vi phạm kỷ luật lao động. Qua thống kê, số lao động đã qua đào tạo từ cao đẳng trở lên chiếm 12%, công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp trở lên chiếm 17,2%.
Do các doanh nghiệp FDI hiện nay chủ yếu là gia công, lắp ráp, thực hiện các thao tác đơn giản nên tuyển chọn lao động phổ thông là chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị… lại đòi hỏi có tay nghề thì lại đang rất thiếu lao động.
Qua tìm hiểu, hầu hết các doanh nghiệp tuyển công nhân chưa qua đào tạo, sau đó mới tổ chức đào tạo một thời gian ngắn ngay tại dây chuyền sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Trên thực tế, kỹ năng làm việc của lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, do đó đa số lao động sau khi được tuyển dụng đều được doanh nghiệp đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.
Mặt khác, công tác đào tạo chưa gắn liền với nhu cầu thực sự của doanh nghiệp, nội dung đào tạo không phù hợp với công nghệ doanh nghiệp hiện có. Trong khi doanh nghiệp tại các KCN, KKT hầu hết là sản xuất lắp ráp thì lao động lại chưa được giới thiệu đến các cơ sở đào tạo nghề tin cậy, nhiều doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp cận các cơ sở dạy nghề này.
Tại cuộc làm việc mới đây giữa BQL Khu Kinh tế HP với cơ quan chức năng về việc tiếp tục xây dựng đội ngũ công nhân lao động Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, lãnh đạo BQL đã không khỏi băn khoăn khi bày tỏ về sự thiếu mặn mà của doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo lao động cho các KCN, KKT hiện nay.
Mặc dù BQL đã tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với một số cơ sở dạy nghề như: Trường cao đẳng nghề bách nghệ, Trường đại học Hàng Hải… để đưa người lao động vào thực tập hoặc đặt hàng đào tạo lao động, nhưng số lượng doanh nghiệp hợp tác không nhiều. Hoặc ngược lại, các cơ sở dạy nghề cũng chưa chủ động tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của khu vực này để đào tạo cho phù hợp. Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có quyền tự tuyển lao động hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm.
Trên thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp FDI cũng chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông qua trung tâm giới thiệu việc làm hoặc tự tuyển, nhưng đối với các vị trí cần tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao như: quản lý, nhân viên kỹ thuật, lao động có chuyên môn nghiệp vụ, có trình độ đại học trở lên (phiên dịch, kỹ sư, kế toán trưởng), thì hầu hết các doanh nghiệp này đều tuyển dụng thông qua các trang web hoặc công ty môi giới việc làm có uy tín.
Tuy nhiên cách tuyển dụng này vẫn chưa thể đảm bảo chất lượng đầu vào như nhu cầu của các doanh nghiệp mong muốn, trong khi với mức thu nhập còn khá khiêm tốn của người lao động trong các KCN, KKT hiện nay thì trừ chi phí cho việc duy trì cuộc sống, người lao động không tích lũy được bao nhiêu để tự đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề.
Vì vậy, để tuyển dụng được lao động chất lượng cao, bên cạnh kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các doanh nghiệp cần “bắt tay” với các cơ sở đào tạo để đào tạo một số tiêu chí cần có khác cho người lao động, đó là: kinh nghiệm làm việc; trình độ ngoại ngữ, vi tính; kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm; khả năng trình bày vấn đề rõ ràng, thuyết phục… Ngược lại, đối chiếu với thông tin của nhà tuyển dụng, các đơn vị đào tạo cần đào tạo ngành nghề lao động cho phù hợp. (Thạch Thảo, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
37. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Sáng kiến hiệu quả của công nhân Bùi Tiến Sinh
Phấn khởi, vui mừng vì công việc bây giờ đã đơn giản, thuận tiện hơn trước nhiều lần nhờ có công cụ hỗ trợ mới, những người công nhân ngành điện còn thấy rất tự hào bởi đây chính là sáng kiến của một đồng nghiệp mà họ yêu mến. Đó là bộ thiết bị đọc chỉ số công tơ từ xa do anh Bùi Tiến Sinh, công nhân Công ty Điện lực Hải Phòng sáng chế. Học Bác từ những điều giản dị nhất, sáng kiến nhỏ của anh Sinh đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công việc.
Sáng kiến nhỏ
Giới thiệu chúng tôi đến gặp anh Sinh, chủ nhân của sáng kiến này, đồng nghiệp dành nhiều lời khen ngợi cho anh, một người công nhân cần cù, chịu khó của Điện lực Lê Chân. Năm 2004, sau khi học xong hệ trung cấp của Trường cao đẳng nghề Điện Sóc Sơn, anh Bùi Tiến Sinh về công tác tại Điện lực Lê Chân từ đó đến nay.
Làm việc tại đội kinh doanh bán điện phường Niệm Nghĩa trong một quãng thời gian dài, anh Sinh trực tiếp đảm nhận công việc đọc chỉ số công tơ của khách hàng mỗi khi đến kỳ chốt hóa đơn. Gắn bó với một công việc được cho là khá vất vả và nguy hiểm, anh Sinh luôn mong tìm ra được cách nào đó để giảm bớt khó khăn cho mình và đồng nghiệp.
Với tinh thần ham học hỏi của tuổi trẻ, cộng với sự cần cù, chịu khó, năm 2011, anh Sinh đã tự mày mò làm ra bộ sản phẩm mà chỉ cần đứng ở dưới đất cũng có thể đọc được chỉ số công tơ ở trên cao. Bộ sản phẩm cấu tạo rất đơn giản, chỉ với mắt camera nhỏ (webcam), một màn hình led, một ắc quy công suất nhỏ, tín hiệu trên cao được truyền từ camera đến màn hình và người công nhân sẽ ghi lại chỉ số hiện trên màn hình led, thay cho việc phải trèo lên cột điện để đọc trực tiếp.
Chi phí cho một bộ sản phẩm khoảng 3 triệu đồng. Một sáng kiến giản đơn nhưng trong đó chứa đựng tình yêu nghề, lòng nhiệt tình vì công việc, vì đồng nghiệp. Khi đưa vào sử dụng, anh Sinh vẫn tiếp tục tìm cách để bộ đọc chỉ số công tơ này ngày càng nhỏ gọn, giản đơn, thuận tiện hơn.
Hiệu quả lớn
Hơn hai năm trở lại đây, hình ảnh những người công nhân ngành điện phải bắc thang tre để trèo cột điện đọc chỉ số công tơ, bất kể ngày trời mưa trời nắng không còn xuất hiện nhiều tại Hải Phòng nữa. Bởi họ đã có một công cụ hỗ trợ tiện ích là bộ thiết bị đọc chỉ số công tơ từ xa do anh Sinh chế tạo. Hiện tại, tất cả các điện lực trong khu vực nội thành Hải Phòng đã áp dụng sáng kiến này trong việc đọc, ghi chỉ số công tơ.
Ông Nguyễn Khắc Đông, Phó giám đốc Điện lực Lê Chân cho biết: “Điện lực Lê Chân và Công ty Điện lực Hải Phòng đánh giá rất cao sáng kiến của anh Sinh trong công việc. Hiệu quả nhìn thấy rất rõ, tiết kiệm được nhiều công sức, đảm bảo an toàn cho công nhân lao động, đồng thời giảm được sai số trong quá trình ghi chép, người dân xem trực tiếp được chỉ số tiêu thụ điện năng của gia đình…”.
Nhiều công ty Điện lực khác trên cả nước đã cử người xuống nghiên cứu, học hỏi sáng kiến của anh Sinh để về áp dụng. Điều này như càng tiếp thêm động lực để anh Sinh nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công việc, trở thành người công nhân gương mẫu tiêu biểu.
Vừa làm, vừa tiếp tục học nâng cao trình độ chuyên môn, năm 2011, anh Bùi Tiến Sinh đã hoàn thành chương trình đại học tại Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tuổi còn trẻ chính là kết quả xứng đáng cho quá trình phấn đấu không ngừng với nhiều năm liên tục đạt lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua cơ sở của anh.
Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn, Điện lực Lê Chân nói riêng và Công ty Điện lực Hải Phòng tự hào về những công nhân lao động bằng nhiệt huyết và sự thông minh của mình đã đem lại lợi ích lớn cho tập thể người lao động. Lao động phải có sáng tạo để đạt mục đích là năng suất và chất lượng cao, anh Sinh đã vận dụng lời dạy của Bác trong cuộc sống và chính là tấm gương tiêu biểu của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang triển khai sâu rộng trên cả nước. (Huyền Trâm, An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Sáng 20-11, đại tá Nguyễn Văn Sóng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an thành phố trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác của CATP đến lắng nghe ý kiến của nhân dân về Công an phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo công an địa phương đã báo cáo với đoàn công tác của CATP và đại diện cán bộ, nhân dân phường về những khó khăn, thuận lợi trong công tác công an và kết quả các mặt công tác năm 2014 của công an phường…
Sau khi lắng nghe 11 ý kiến xây dựng của đại diện nhân dân, doanh nghiệp và đơn vị đóng trên địa bàn phường về các mặt công tác, tinh thần trách nhiệm, thái độ tác phong của CBCS Công an phường Lạc Viên, đại tá Nguyễn Văn Sóng đánh giá cao và xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân. Trên cơ sở những thông tin quý báu đó, CATP sẽ có kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng CATP phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANCT - TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, yêu cầu Công an quận Ngô Quyền và Công an phường Lạc Viên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường công tác XDLL, bố trí cán bộ chiến sĩ nắm chắc địa bàn, tăng cường xuống cơ sở; công khai số điện thoại của lãnh đạo công an phường và cảnh sát khu vực để nhân dân phản ánh kịp thời tình hình ANTT trên địa bàn; tăng cường lực lượng phối hợp cùng bảo vệ dân phố tuần tra kiểm soát, giữ vững ANTT trên địa bàn...
Cũng trong sáng 20-11, đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó giám đốc Công an thành phố đã đến lắng nghe ý kiến nhân dân về lực lượng công an cơ sở tại phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến của đại diện nhân dân trong phường đánh giá, nhận xét về tinh thần phục vụ nhân dân và các hoạt động bảo vệ ANTT, xây dựng lực lượng của công an địa phương. Trong đó, hầu hết ý kiến đều đánh giá cao hiệu quả các mặt công tác của lực lượng công an cơ sở, nhất là từ khi xã Hợp Đức trở thành phường, lực lượng công an chính quy thì tình hình an ninh trật tự ở địa bàn tốt lên rõ rệt.
Nếu như lúc trước, ở Hợp Đức có tình trạng thanh niên tụ tập rượu chè, cờ bạc, hút chích, đánh nhau… thì nay hiện tượng đó đã được ngăn chặn triệt để. Đặc biệt, tình hình trật tự an toàn giao thông đã đi vào nề nếp, địa bàn không xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngoài ra, nạn trộm cắp hầu như không xảy ra, trên địa bàn cũng không có tụ điểm ma túy, tệ nạn xã hội cũng được ngăn chặn.
Nhiều ý kiến còn bày tỏ sự kính phục đối với lực lượng công an trong việc bám sát địa bàn, giúp nhân dân giải quyết nhanh gọn các vụ việc phát sinh, nhất là giải quyết kịp thời các loại giấy tờ khi nhân dân yêu cầu. Bên cạnh đó, một số ý kiến còn nêu lên hiện tượng lộn xộn, mất an toàn giao thông giờ cao điểm ở cổng các trường học, chợ cóc nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết…
Đại tá Nguyễn Trọng Phượng trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết của nhân dân phường Hợp Đức, coi đây là động lực để lực lượng công an nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với công tác phục vụ nhân dân và thể hiện được vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư. Đồng chí Phó giám đốc CATP yêu cầu lực lượng công an quận và phường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai có hiệu quả các phương án bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, trong đó nghiên cứu phương án để cùng với chính quyền phường tăng cường công tác an toàn giao thông tại khu vực cổng trường học, chợ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tuần tra, chốt điểm ở các địa bàn trọng điểm nhằm ngăn chặn nạn trộm cắp, tàng trữ, sử dụng ma túy, tổ chức tụ tập đánh bài, uống rượu… Đồng chí cũng yêu cầu lực lượng công an quận cần tăng cường xuống cơ sở, cùng với công an phường giải quyết nhanh và thấu tình các vụ việc xảy ra trong nhân dân, để nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. (An ninh Hải Phòng Online 21/11)
Trong 4 ngày, từ 17 đến 20-11, tại Trường Đại học Hải Phòng, Thư viện Nhà Văn hóa, Cục Chính trị Quân khu 3 phối hợp với Thư viện Trường Đại học Hải Phòng tổ chức triển lãm sách với chủ đề “55 năm đồng hành và phát triển”, tập trung vào một số nội dung chính như: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam; Biển đảo Việt Nam; Quân khu 3 trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. (Quân đội nhân dân Online 21/11)
Hải Phòng không chỉ có Đồ Sơn, Cát Bà, thành phố cảng xinh đẹp còn có rất nhiều món ngon níu chân du khách. Với nguồn tài nguyên hải sản phong phú, ẩm thực Hải Phòng đa dạng, đa sắc màu và mang đậm hương vị biển.
Cùng chúng tôi điểm danh những món ăn nổi tiếng của thành phố hoa phượng đỏ được nhiều người biết đến.
Bánh đa cua
Nói đến Hải Phòng là nghĩ ngay đến Bánh đa cua, một món ăn đã làm nên tên tuổi cho ẩm thực đất cảng. Món ăn này là sự kết hợp tinh túy của rất nhiều nguyên liệu như: cua, cà chua, rau rút, rau muống, chả cá, chả lá lốt,... đặc biệt là bánh đa đỏ. Bánh đa cua muốn ngon phải dùng chính bánh đa đặc sản của làng Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) nổi tiếng dẻo dai, không nát. Khi đến Hải Phòng bạn rất dễ dàng tìm ăn được món ăn hấp dẫn này vì nó có mặt ở khắp nơi: những chợ cóc, chợ lớn, con phố lớn, nhỏ,... Hiện nay, bánh đa cua Hải Phòng cũng vi vu đến nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.
Bánh mỳ cay
Bánh mì que hay còn gọi là bánh mì cay cũng là một đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng sau bánh đa cua. Chiếc bánh mì nhỏ xinh được phết patê, rau thơm và tương ớt Chí Chương - thứ làm nên vị cay đặc trưng của bánh mì Hải Phòng luôn hấp dẫn thực khách.
Đây cũng là món ăn tiện lợi và nhanh gọn được nhiều người ưa chuộng trong các bữa sáng, đặc biệt là học sinh, sinh viên Hải Phòng. Bạn có thể tìm mua bánh mì cay trên ngõ Khánh Lạp - một địa chỉ nổi tiếng đất cảng. Chỉ cần bạn đi dọc phố Hàng Kênh, đến gần ngã ba Nguyễn Công Trứ là có thể phát hiện ra nơi này bởi mùi thơm cay cay của patê quyện tương ớt.
Bánh bèo
Bánh bèo được làm từ bột tẻ, bên trong nhân gồm thịt nạc băm nhuyễn, xào chung với củ đậu và mộc nhĩ, trộn thêm với 1 ít hành phi băm nhỏ để có vị thơm nồng. Bánh được hấp chín, khi ăn chấm với loại nước chấm đặc biệt được làm từ nước ninh xương, chế với nước mắm, ớt bột, hạt tiêu, thêm 1 vài miếng thịt viên.
Bánh bèo đất cảng từ hình dáng đến mùi vị đều khác hoàn toàn với bánh bèo miền Trung. Ở Hải Phòng có các quán bánh bèo ngon nằm trên các con phố như: Cát Dài, chợ Cát Bi, Đường Lê Đại Hành,…
Nem cua bể
Nem cua bể Hải Phòng khác với nem dài truyền thống vì nó được gói vuông, to, khi rán xong sẽ được cắt thành 4 miếng. Nem được làm từ thịt cua bể, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, giá đỗ trộn cùng nhau, thêm chút gia vị và gói vào bánh đa, sau đó đem rán vàng.
Nem cua bể ăn kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm,… làm nên sức hấp dẫn của đặc sản biển nem cua bể. Nem cua bể Hải Phòng nổi tiếng nhất là ở đường Trần Nhật Duật.
Sủi dìn
Đây là món ăn vặt đường phố dân dã ở Hải Phòng có nguồn gốc từ những người Hoa sống tại TP.HCM. Sủi dìn tương tự bánh trôi tàu nhưng viên nhỏ hơn. Vỏ sủi dìn được làm từ bột nếp, nhân có đỗ xanh, ngoài ra món này còn ăn kèm với vừng đen, lạc, cùi dừa nạo rắc lên trên. Cũng tương tự bánh trôi tàu, nước dùng của món này được nấu từ mật mía sánh vàng, thơm vị cay của gừng. Món sủi dìn thích hợp ăn vào mùa đông hơn cả. Chính vì thế, sủn dìn từ lâu đã trở thành món ăn vặt khoái khẩu của người dân Hải Phòng vào mùa lạnh. N(Cường Min, Đất Việt Online 21/11; tiin.vn 21/11)
Sáng 21-11, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng khai mạc trại sáng tác VHNT với chủ đề “Lê Chân 2014”. Trại sáng tác do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng và UBND quận Lê Chân phối hợp tổ chức.
Trại sáng tác VHNT “Lê Chân 2014” là trại sáng tác thứ 6 trong năm của giới văn nghệ sĩ Hải Phòng. Tham dự trại sáng tác có 26 văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành. Giới nghệ sĩ tham dự trại sáng tác này phần lớn đang sinh sống và làm việc trên địa bàn quận Lê Chân sẽ thể hiện tình cảm nơi mình đang sống, công tác qua những chuyến đi thực tế do quận Lê Chân giúp đỡ, tạo điều kiện. Quận Lê Chân với những đền Nghè, đình Kênh, chùa Hàng…, những lễ hội, những trường đại hoc, cao đẳng, bệnh viện, những con đường mới mở, sự phát triển kinh tế - xã hội và con người của quận Lê Chân sẽ là đề tài cho các văn nghệ sĩ đất Cảng tìm hiểu và sáng tạo ra những tác phẩm về vùng đất này.
Trại sáng tác Lê Chân 2014 sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 12. Hy vọng với tinh thần trách nhiệm công dân người nghệ sĩ, qua trại sáng tác sẽ có những tác phẩm đi vào cuộc sống. (Đỗ Hân, Báo Hải Phòng Online 21/11)
Từ đường dòng họ Phạm Đức, ở thôn Hội Am, xã Đồng Minh được biết đến là một trong những từ đường to, đẹp ở thành phố Cảng hiện nay, đây cũng là địa chỉ du lịch đồng quê và giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.
Từ đường họ Phạm Đức thờ Tiến sĩ Phạm Đức Khản, người có công ơn đối với dân làng. Theo sử sách ghi lại, Tiến sĩ Phạm Đức Khản quê ở làng Cối, phủ Hạ Hồng (tỉnh Hải Dương), nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh (Vĩnh Bảo). Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp thời Hậu Lê, ứng thi năm Mậu Thìn (1448), khoa thi Hội thứ 2 do nhà Lê tổ chức và đỗ Tiến sĩ đệ nhị giáp, được giữ các chức: Hàn lâm đãi chế, Tả thị Lang kiêm đề lĩnh tứ thành. Vì vậy ông được coi là vị tiến sĩ đầu tiên của đất Cảng (tiến sĩ khai khoa). Ông làm quan tại triều đến 65 tuổi rồi cáo lão về quê dạy học, hướng dẫn dân làng ươm nuôi cá giống, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải. Hai nghề này trở thành nghề truyền thống của làng Hội Am, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây. Ông tạ thế vào ngày 16-12 âm lịch (chưa rõ năm mất). Gần 600 năm nay, phần lăng mộ của ông được tôn tạo nhiều lần, lần gần đây nhất là năm 2002.
Đến từ đường dòng họ Phạm Đức, du khách được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc nghệ thuật mang đậm bản sắc Việt. Điểm nhấn của từ đường chính là ngôi nhà làm bằng gỗ lim được lắp dựng theo kiểu truyền thống, xây dựng theo lối “chéo đạo tầu góc”, công trình được tu tạo nhiều lần, đại tu vào các năm 1959, 1990 và 2010. Cổng nhỏ xây kiểu nhất môn, hai tầng tám mái, góc mái đao cong theo kiểu Khuê Văn Các của Quốc Tử Giám (Hà Nội). Nơi đây còn lưu lại một số hiện vật quý từ thế kỷ 18, 19 như: cuốn thư kiểu trái đào, các đồ thờ tự, bộ ngũ sự bằng đồng, đôi bình sứ… được làm thủ công, chạm khắc tinh xảo.
Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ, từ đường họ Phạm là nơi thành lập Đội nhi đồng cứu quốc thôn Hội Am- tiền thân của lực lượng vũ trang địa phương, sau này là trụ sở HTX nông nghiệp đầu tiên của Vĩnh Bảo và từng là nơi làm việc của Sở Địa chính Hải Phòng (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. (Hoa Trần, Báo Hải Phòng Online 20/11)
Đó là kết quả bình chọn của tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietkings được công bố ngày 19-9-2014 và vừa được tổ chức trao bằng xác lập trong chương trình Hội ngộ kỷ lục gia lần thứ 29 và Diễn đàn du lịch Việt Nam lần thứ nhất năm 2014 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà có những tiềm năng, giá trị sinh thái đa dạng, phong phú và quý hiếm. Ở đó có những dãy núi đá vôi, hệ thống tùng áng, vụng vịnh, hang động kỳ bí và có nhiều bãi tắm mini cùng với không khí trong lành, thoáng mát hấp dẫn du khách. Quần đảo Cát Bà có 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển, trong đó có 130 loài quý hiếm đưa vào sách Đỏ để bảo vệ. Nơi đây có 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN. Voọc Cát Bà hiện trên thế giới chỉ có ở Cát Bà với hơn 60 cá thể. Nơi đây có 6 loài thực vật cực kỳ nguy cấp là Dó bầu, Mun, Táu muối, Chò Chỉ, Sao hồng gai, Dầu nàng song; 1 loài thú ở cấp nguy cấp là Tê tê và nhiều loài động, thực vật nguy cấp, sắp nguy cấp khác. (Văn Lượng, Báo Hải Phòng Online 21/11)
44. CLB Hải Phòng: Nhận bàn giao xong rồi… chờ
UBND TP Hải Phòng vừa có công văn số 8933/ UBND-VH ngày 19-11-2014 về việc cải tạo, sửa chữa khu nhà 3 tầng của trung tâm đào tạo VĐV và SVĐ Lạch Tray.
Nội dung công văn nêu rõ: yêu cầu Sở VH-TT-DL chỉ đạo Trung tâm đào tạo VĐV và Trung tâm quản lý và khai thác các công trình TDTT thực hiện đúng chỉ đạo của UBND TP tại thông báo kết luận số 289/TB-UBND ngày 13-10-2014 và công văn số 8429/ UBND-VH ngày 5-11-2014. Kiểm điểm lãnh đạo trung tâm đào tạo VĐV và Trung tâm quản lý và khai thác các công trình TDTT về sự chậm trễ thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại các văn bản trên.
Giao cho Cty cổ phần thể thao Hải Phòng khẩn trương tiến hành cải tạo, sửa chữa các phòng tại khu nhà 3 tầng của Trung tâm đào tạo VĐV để bố trí nơi ăn, nghỉ của các cầu thủ, BHL, hoạt động của CLB bóng đá. Nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng một số hạng mục công trình tại SVĐ Lạch Tray để CLB bóng đá Hải Phòng tham gia Cup Châu Á và V. League 2015.
Mặc dù được chính thức bàn giao từ ngày 7-11-2014 nhưng đến nay CLB bóng đá Hải Phòng vẫn chưa thể triển khai việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình nêu trên. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo đáp ứng yêu cầu của Liên đoàn bóng đá Châu Á của CLB Hải Phòng về các phòng chức năng của SVĐ Lạch Tray. Việc chậm trễ trong sửa chữa, nâng cấp khu nhà 3 tầng gây tốn kém và lãng phí về tài chính bởi toàn bộ cầu thủ, BHL đội bóng vẫn đang phải ở khách sạn Công Đoàn.
Việc nhận bàn giao xong rồi chờ đang gây khó khăn cho CLB Hải Phòng trong việc ổn định nơi ăn, ở và luyện tập chuẩn bị cho mùa giải mới. (Phan Tuấn, An ninh Hải Phòng Online 21/11)