Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 21/11/2012)
Theo kế hoạch thanh tra năm 2013, Bộ TN&MT sẽ thực hiện thanh tra diện rộng trên toàn quốc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước thực hiện dự án đầu tư của Tổng cục Quản lý đất đai.
Trong lĩnh vực môi trường, sẽ kết hợp chương trình thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở các dự án cơ sở sản xuất, kinh doanh với việc thanh tra tình hình nhập khẩu quá cảnh và lưu giữ phế liệu, chất thải tại Cảng Hải Phòng và Cảng Quảng Ninh… (Hữu Tuấn, Đầu Tư 21/11, tr14)
Thường trực HĐND thành phố đã làm việc với Sở NN&PTNT để xem xét công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão số 8 đối với nông nghiệp, thủy sản, nông thôn.
Ngay sau khi bão tan, ngành NN&PTNT đã xuống các địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo tập trung tiêu thoát nước nhanh ở những diện tích lúa bị ngập úng, huy động tối đa nhân lực tập trung thu hoạch nhanh lúa mùa chín, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông, đồng thời chủ động tiếp nhận và cung ứng kịp thời hạt giống rau màu cho nông dân đưa vào sản xuất thay thế cây vụ đông bị thiệt hại.
Ngành đề nghị thành phố có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân tái sản xuất; khôi phục nhanh các công trình đê điều, thủy lợi bị hư hại...
Thường trực HĐND thành phố yêu cầu ngành NN&PTNT khẩn trương thống kê cụ thể, chi tiết thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy sản để triển khai ngay công tác cứu trợ, hỗ trợ cho nông dân theo quy định; phối hợp với các ngành chức năng đề xuất với thành phố cơ chế chính sách chi trả cứu trợ, hỗ trợ thiệt hại thiên tai có tính đặc thù của thành phố; quan tâm triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, thủy sản đến nông dân... (Thanh Lâm, Đại Biểu Nhân Dân 21/11, tr3)
Sáng 20/11, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an thành phố tổ chức Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với các đồng chí ủy viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Bích yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, cầu thị, trung thực và thẳng thắn trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Theo kế hoạch, các đồng chí Ủy viên trình bày bản kiểm điểm, thông qua nhận xét của chi bộ nơi công tác và cư trú, tiếp thu ý kiến phê bình. (KĐ, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr1+2)
Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố kết quả điều tra xã hội học “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức, người dân và doanh nghiệp” do hai bên phối hợp thực hiện.
Cuộc khảo sát được tiến hành ở 10 tỉnh, thành phố và các vùng đô thị của Việt Nam, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và cũng là nơi được cho là có nguy cơ tham nhũng cao: Hà Nội, TPHCM, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Cán bộ công chức của 5 bộ (Bộ GTVT, Xây dựng, Công Thương, TN&MT, Tài chính) được mời tham gia khảo sát.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, có tất cả 2.601 người dân, 1.058 doanh nghiệp và 1.802 cán bộ công chức được khảo sát. Kết quả cho thấy, trên 75% số đối tượng trong cả 3 nhóm được phỏng vấn cho rằng tham nhũng trong ngành Cảnh sát giao thông, Quản lý đất đai, Hải quan và Xây dựng là phổ biến nhất.
Bốn ngành, lĩnh vực ít tham nhũng nhất là Bưu điện, Báo chí, Kho bạc và Cảnh sát khu vực. Lý giải cho việc đưa hối lộ, các doanh nghiệp cho rằng cán bộ công chức đã cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc; cố tình soi xét, bắt lỗi để từ chối giải quyết hoặc bám vào các quy định không chặt chẽ, không rõ ràng để bắt bí.
Ngoài những doanh nghiệp chọn cách tiếp tục chờ đợi hoặc đưa ra các lý lẽ thuyết phục cơ quan quản lý giải quyết thì có tới 51% doanh nghiệp cho biết phải nhờ cậy người có ảnh hưởng tác động để giải quyết; 59% doanh nghiệp chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết công việc.
Trong số các ngành được khảo sát thì quản lý thị trường đứng đầu danh sách các cơ quan đòi phí ngoài quy định, thứ hai là Cảnh sát giao thông, sau đó đến Công an kinh tế, quản lý tài nguyên môi trường và xây dựng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy người dân phải trả nhiều khoản phí ngoài quy định, nhiều nhất cho Cảnh sát giao thông và sau đó là việc xin học của con cái, xin việc trong các cơ quan Nhà nước, dịch vụ Y tế, xin giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà cửa…
Kết quả khảo sát cũng phản ánh những địa phương tuân thủ đầy đủ hơn các chính sách về công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, luân chuyển cán bộ có mức độ tham nhũng thấp hơn. (Thế Kha-Nguyễn Quyết, Người Lao Động 21/11, tr3; Quốc Huy, Công Lý 21/11, tr12; N.P, Thanh Niên 21/11, tr3)
Tối 19/11, tại UBND phường Đồng Quốc Bình (Ngô Quyền), các đồng chí: Đỗ Trung Thoại, Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch thành phố và đồng chí Đoàn Văn Chương – thường trực HĐND thành phố đã có buổi tiếp xúc với cử tri nơi cư trú, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016.
Tối 19/11, tại UBND phường Đông Hải (quận Lê Chân), đồng chí Nguyễn Thị Mai – Chánh án TAND thành phố, đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri phường Đông Hải. (Nhóm PV, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr1+2)
Sáng 19/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, đồng chí Lê Vũ Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Tổ trưởng Tổ công tác của Thành ủy trực tiếp chỉ đạo Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với các đồng chí lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố theo Nghị quyết Trung ương 4.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, sau khi ghi nhận sự chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm của Văn phòng UBND thành phố, đồng chí Thành cho rằng, đây là dịp để các đồng chí lãnh đạo Văn phòng cùng suy ngẫm những khuyết điểm và cùng nhau tìm cách khắc phục, sửa chữa. (TP, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr2; Báo Hải Phòng 21/11, tr1+7)
Sáng 19/11, Ban Tổ chức thành ủy tổ chức kiểm tra kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân lãnh đạo Ban theo tinh thần nghị quyết Trung ương IV (khóa 11) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban tổ chức Thành ủy chủ trì hội nghị. Dự và giám sát việc kiểm tra việc phê bình và tự phê bình có Tổ công tác của Thành ủy do đồng chí Đỗ Trọng Tuấn, Thành ủy viên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy làm tổ trưởng.
Tổ công tác ghi nhận công tác chuẩn bị các tài liệu phục vụ hội nghị kiểm điểm đầy đủ, bảo đảm theo hướng dẫn của Thành ủy và ba nội dung của Nghị quyết Trung ương IV (khóa 11). Với vai trò là đơn vị chủ công trong tham mưu với Thành ủy về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, Tổ công tác đề nghị lãnh đạo Ban tổ chức, Thành ủy với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, phân tích làm rõ những ưu điểm, nhất là những mặt hạn chế trong công tác tham mưu với Thành ủy về công tác cán bộ và công tác quản lý, điều hành ở đơn vị, từ đó xây dựng biện pháp và xác định những nhiệm vụ cần làm ngay, để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Đây là dịp để mỗi đồng chí lãnh đạo cùng nhìn lại, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt hạn chế thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao. (Báo Hải Phòng 21/11, tr1+7)
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố vừa làm việc với Sở Y tế thẩm tra đề án, tờ trình, dự thảo Nghị quyết về giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng.
Đến thời điểm này, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các tờ trình, đề án điều chỉnh giá thu một số loại dịch vụ chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn thành phố. Ngành Y tế đề nghị tăng giá 439/447 loại dịch vụ theo quy định của Thông tư 04/2012 liên Bộ Y tế - Tài chính, với mức tăng bình quân bằng 72% so với khung giá quy định của Thông tư 04. Mức tăng này thấp hơn so với các địa phương lân cận như Quảng Ninh, Hải Dương.
Khi tăng giá các loại dịch vụ, các hộ nghèo sẽ được ngân sách hỗ trợ không phải chi trả 5% giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Như vậy, khi mức viện phí tăng, người nghèo có cơ hội tiếp cận với các loại dịch vụ kỹ thuật cao nhiều hơn (khoảng 12 loại dịch vụ kỹ thuật cao). ( Báo Hải Phòng 21/11, tr2)
Năm 2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư quán triệt Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến tất cả các chi bộ Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức; ban hành chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng.
Cơ quan Sở thực hiện công khai, minh bạch thủ tục thành lập doanh nghiệp được rút ngắn, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở với nhiều hình thức phù hợp; hoàn thiện định mức quản lý kinh tế, chuyển đổi định kỳ vị trí công tác công chức; kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng thuộc diện phải kê khai theo quy định. Toàn cơ quan tiết kiệm được gần 400 triệu đồng, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi tham nhũng.
Tại buổi kiểm tra sáng 20/11, Thường trực Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng đề nghị cơ quan Sở nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế của thành phố…(Báo Hải Phòng 21/11, tr2)
Sáng 15/11, Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão tổ chức Hội nghị cán bộ, phổ biến tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 6.
Sau khi thông báo những nội dung liên quan đến Hội nghị Trung ương 6, Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Mơi yêu cầu: Các cấp ủy, chính quyền cần bám sát nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, bám sát thực tiễn yêu cầu của huyện, tổ chức tuyên truyền để toàn thể cán bộ và nhân dân nắm rõ tư tưởng, tinh thần những vấn đề đã được Hội nghị đề cập. (LMT, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr4)
Công an thành phố vừa triệu tập ông Hoàng Văn Hiển (ngụ xã An Thọ, An Lão) để làm rõ sổ hộ khẩu do ông làm chủ hộ bị Vũ Văn Sáu - trưởng Công an xã An Thọ lợi dụng vào việc làm chứng minh nhân dân mang tên Hoàng Văn Linh nhưng dán ảnh Đồng Xuân Phong - nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng.
Sáu là người “giúp sức” cho Phong (là đối tượng có lệnh truy nã của Công an TPHCM về tội buôn lậu) và Phong chính là người che giấu, giúp nguyên cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Ông Hiển cho biết, không cho ai mượn hộ khẩu. Gần đây nhất là năm 2009, trong đợt cấp lại sổ hộ khẩu, ông mang nộp cho trưởng thôn để đối chiếu. Theo sổ hộ khẩu mà Sáu làm giả thì tên Hoàng Văn Hiển (SN 1944) đã bị đổi thành Hoàng Văn Hiến (SN 1946); vợ ông Hiển là Phùng Thị Vinh (SN 1947) bị đổi thành Hoàng Thị Loan (không rõ năm sinh); con gái Hoàng Thu Thủy (SN 1971), được đổi là Hoàng Văn Linh (SN 1975). (Tr.Đức; Người Lao Động 21/11, tr2; Mạnh Thắng, Nông Thôn Ngày Nay 21/11, tr7)
Ngày 20/11, trao đổi với Pháp Luật & Xã Hội, lãnh đạo Công an thành phố cho biết, vụ ông Vũ Văn Sáu – trưởng Công an xã làm giả chứng minh nhân dân cho đối tượng trốn truy nã, Công an thành phố đang rà soát quy trình cấp chứng minh thư, nếu các cán bộ có liên quan bị phát hiện có hành vi “tiếp tay” cho ông Sáu sẽ bị xử lý cương quyết, không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự của những đối tượng liên quan.
Sau khi ông Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải bị bắt theo lệnh truy ãn, cơ quan tố tụng đã làm rõ Đồng Xuân Phong (SN 1974, trú quận Hồng Bàng) – nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng, đối tượng trốn lệnh truy nã của Công an TPHCM về tội buôn lậu là người đã giúp ông Dũng bỏ trốn trước khi Bộ Công an thực hiện lệnh bắt.
Cơ quan Công an xác định: Phong đã móc nối với ông Sáu – Trưởng Công an xã An Thọ (huyện An Lão) để làm giả chứng minh thư của một người có tên Hoàng Văn Linh (SN 1975, hộ khẩu thường trú tại xã An Thọ). Sau khi nhận được yêu cầu, ngày 2/11, ông Sáu đã dán ảnh của Phong vào tờ khai xin cấp chứng minh thư với tên Hoàng Văn Linh. Tờ khai được Trưởng Công an An Lão xác thực.
Theo quy định, đơn cấp chứng minh thư được nộp tại Đội quản lý hành chính, Công an huyện An Lão, người xin cấp chứng minh xuất trình hộ khẩu, thực hiện thủ tục lăn tay tại Đội này trước khi hồ sơ được gửi tới Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội để Phòng làm thẩm tra, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng minh nhân dân cho công dân. Kết quả, Phong đã được cấp chứng minh thư giả.
Từ đó, Phong lại được cấp hộ chiếu để có thể ra vào Việt Nam, tổ chức cho Dũng bỏ trốn. Lãnh đạo Công an Hải Phòng cho biết thêm, liên quan đến cuốn sổ hộ khẩu giả được ông Sáu xuất trình làm thủ tục cấp chứng minh thư giả cho Phong, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ được cuốn sổ này. Rất có thể, Hoàng Văn Linh cũng là đối tượng “giả” trong cuốn sổ hộ khẩu mà ông Sáu xuất trình. (Nam Khánh, Pháp Luật & Xã Hội 21/11, tr7)
Nội thành Hải Phòng gần đây xuất hiện một nhóm côn đồ chuyên dùng dao, kiếm, ống tuýp sắt, bình xịt hơi cay… hành hung nhân viên dịch vụ vệ sinh môi trường. Không chỉ vậy, nhóm này còn đe dọa về tinh thần, hủy hoại tài sản của họ gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư.
Anh Đặng Ngọc Cương (32 tuổi, trú phường Quán Trữ, quận Kiến An, chủ một cơ sở dịch vụ vệ sinh môi trường) cho biết, chiều 9/11, trong lúc đang cùng đồng nghiệp là các anh: Đoàn Mạnh Văn, Vũ Văn Chương và Đặng Ngọc Tiệp đến hút bể phốt tại số nhà 77, ngõ 122, đường Đình Đông (phường Đông Hải, quận Lê Chân) đã bất ngờ bị 4 đối tượng dùng bình xịt hơi cay xịt thẳng vào mặt. Các đối tượng này dùng tuýp sắt tấn công họ. Khi thấy mọi người bỏ chạy, nhóm côn đồ còn dùng tuýp sắt đập vỡ kính chiếc ôtô mang BKS 16H-9715 rồi lên xe máy bỏ chạy.
Đáng nói, trước đó ít ngày, các anh Cương, Văn, Chương đến nhà số 30, ngõ 170, Phạm Hữu Điều (cùng quận Lê Chân) thông tắc bể phốt cũng bị 4 đối tượng dùng bình xịt hơi cay xịt vào mặt. Mới đây nhất, trong lúc đang hút bể phốt tại đường Nguyễn Văn Linh, anh Nguyễn Văn Kiều (27 tuổi, trú xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) – một công nhân vệ sinh môi trường cũng đã bị hành hung với tỷ lệ thương tích 12%.
Theo anh Cương, 4 đối tượng hành hung nhân viên của anh có tên: Sơn, Trường, Lăng, Dũng, đều trú tại khu dân cư Quán Nam, phường Kênh Dương (quận Lê Chân). Cả bọn hành sự theo chỉ đạo của một số chủ cơ sở dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn Hải Phòng.
Mới đây, anh Phạm Văn Duy (30 tuổi, trú tại phường Đằng Hải, quận Hải An) cùng nhân viên Nguyễn Thành Luân đến số 127, ngõ Chùa Hàng, phường Hồ Nam (quận Lê Chân) thông tắc bể phốt và cũng bị 4 đối tượng dùng dao nhọn chọc thủng lốp xe. Anh Luân còn bị chúng dùng ống tuýp sắt vụt thẳng vào bụng, lưng gây thương tích.
Đây là thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở dịch vụ vệ sinh môi trường ở nội thành Hải Phòng cần sớm được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật. (Đ.H, Công An Nhân Dân 21/11, tr8)
Qua phát động, đến nay, đã có 980 chi hội thuộc Hội Nông dân thành phố đăng ký xây dựng mô hình “Chi hội không có tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội”.
Bà Ngô Thị Minh Hà – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Thành hội đã chỉ đạo các cấp hội cùng phối hợp với Công an trên địa bàn và các ban ngành, đoàn thể xây dựng mô hình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tính đến nay, toàn thành phố có 167 cơ sở hội duy trì tốt mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào thi đua nói chung và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc nói riêng; giữ vững an ninh nông thôn… (TK, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr3)
Chiều 20/11, đồng chí Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch thành phố kiểm tra tiến độ xây dựng cầu Tam Bạc.
Thời gian qua, UBND các quận Hồng Bàng, Lê Chân đã rất tích cực thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho việc thi công công trình đường bộ Tam Bạc theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc về mặt bằng thi công: Hai bên đầu quận Hồng Bàng còn vướng mắc một phần đất và công trình trạm biến áp của Nhà máy đóng tàu Sông Cấm. Tại địa bàn quận Lê Chân, phần nhà kho của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Hải Phòng vướng đường ống cấp nước, dây điện, dây thông tin liên lạc…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các quận Lê Chân, Hồng Bàng cam kết thời gian cuối cùng hoàn thành công tác này và bàn giao mặt bằng sạch phục vụ thi công đến trước ngày 10/12. (Đoàn Lanh, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr1+5)
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố khóa 13, Ban Pháp chế HĐND thành phố vừa làm việc với Ban An toàn giao thông thành phố về tình hình, kết quả thực hiện chủ đề năm 2012 “Đô thị và an toàn giao thông”.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Kiền – Trưởng ban pháp chế HĐND thành phố ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; đồng thời yêu cầu Ban An toàn giao thông thành phố tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp Chủ tịch thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện công tác này; đảm bảo duy trì nhịp độ giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và vượt yêu cầu của chủ đề năm “Đô thị và an toàn giao thông”… (Đoàn Lanh, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr3)
Phòng khám đa khoa chữ thập đỏ Quán Toan là Trạm cấp cứu chữ thập đỏ được Chính phủ Thụy Sỹ giúp đỡ xây dựng năm 1987 và năm 1999 được Chính phủ Nhật Bản tài trợ kinh phí thực hiện cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông. Đến năm 2006, Hội Chữ thập đỏ thành phố đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn phòng khám khu vực.
Bác sĩ Đỗ Tuấn Lâm – Trưởng Phòng khám cho biết: “Phòng khám cũng tiếp nhận các nạn nhân tai nạn giao thông do các tình nguyện viên Chữ thập đỏ chuyển đến và bất cứ trường hợp nào cũng được đội ngũ bác sĩ, y tá ưu tiên cấp cứu, chăm sóc”…
Bình quân mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận từ 30-35 ca, trong đó khoảng hơn nửa là nạn nhân tai nạn giao thông. Nhiều nạn nhân bị chấn thương sọ não, không nhớ gì về vụ việc xảy ra, không có tiền bạc, giấy tờ tùy thân nhưng vẫn được cấp cứu kịp thời, chu đáo. Không ít bệnh nhân được cứu chữa, chuyển lên tuyến trên an toàn mà phòng khám không biết tên tuổi, địa chỉ; tất cả chi phí cấp cứu, thuốc men… đều tính vào quỹ nhân đạo của đơn vị.
Phòng khám cũng đặc biệt quan tâm xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, tạo dựng mối quan hệ phối hợp nhân đạo với các cơ quan, doanh nghiệp, chính quyền cơ sở và nhân dân trong khu vực. Hiện, đã có gần 200 tình nguyện viên Chữ thập đỏ là những người làm nghề xe ôm, xích lô, lái xe taxi… sinh sống dọc theo các tuyến đường trong khu vực được phòng khám tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật sơ cấp cứu tai nạn giao thông, mỗi năm tập trung sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm từ 1-2 lần.
Hàng năm, phòng khám còn phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức tập huân trang bị kiến thức về an toàn giao thông, kỹ thuật sơ cấp cứu tai nạn giao thông cho 300-500 công nhân lao động trong các Công ty, khu công nghiệp trên địa bàn… (Minh Ngọc, Bạn Đường 21/11,tr4)
Ông Nguyễn Hồng Nam – Tổng Giám đốc Ban quản lý các dự án cầu Hải Phòng cho biết, đến ngày 20/11, mọi công việc sửa chữa, khôi phục cầu Bính đã cơ bản hoàn tất. Ban quản lý đã báo Chủ tịch thành phố quyết định cho phép lưu thông xe, đưa cầu vào khai thác trở lại bắt đầu từ ngày 21/11. (ĐL, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr12; Báo Hải Phòng 21/11, tr7)
Sáng 20/11, trường Đại học Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và biểu dương cán bộ, giảng viên tiêu biểu.
Nhân dịp này, Thủ tướng tặng bằng khen cho Tiến sĩ Vũ Thị Loan – Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ; Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho 8 cá nhân; trường Đại học Hải Phòng biểu dương 6 cán bộ, giảng viên và 12 sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và giảng dạy. (VA, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr2)
Sáng 17/11, trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nhân dịp này, trường được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và đồng chí Vũ Đức Huần – Hiệu trưởng nhà trường được nhận bằng khen của Thủ tướng; nhiều tập thể và cá nhân của trường được UBND thành phố khen thưởng. (HT, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr5)
Sở LĐ-TB&XH vừa tổng kết công tác dạy nghề năm 2012. Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam dự hội nghị.
Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao với số lượng tuyển sinh ước đạt 51.000 học sinh, sinh viên, đạt 99% kế hoạch năm.
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở dạy nghề mở 136 lớp với 4648 học viên, trong đó 35% học nghề nông nghiệp, 65% học nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt 85%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng dạy nghề nói chung, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề nói riêng được quan tâm đúng mức.
Tại hội giảng, giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2012, lần đầu giành giải nhất toàn đoàn với 2 giải nhất, 5 giải nhì, 2 giải ba và 5 giải khuyến khích. Việc xây dựng chương trình dạy nghề được đầu tư tập trung, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm 2013, ngành dạy nghề phấn đấu tuyển sinh học nghề đạt 51 nghìn học sinh, sinh viên, trong đó tuyển 8.500 sinh viên hệ cao đẳng nghề, 4.000 học sinh hệ trung cấp nghề và 38.500 học sinh hệ sơ cấp nghề nhằm đạt chỉ tiêu 72% lao động qua đào tạo, trong đó 51% qua đào tạo nghề.
Nhân dịp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng cờ thi đua xuất sắc 2 tập thể; tặng bằng khen 5 tập thể và 11 cá nhân, UBND thành phố tặng cờ thi đua xuất sắc 2 tập thể năm học 2011-2012. (Báo Hải Phòng 21/11, tr2)
Chiều 15/11, trường THPT Hàng hải tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng” dành cho học sinh hai khối 10 và 11.
Cuộc thi thu hút sự tham gia của 50 thí sinh. Trải qua 2 vòng thi với 20 câu hỏi xung quanh kiến thức văn hóa lớp 10 và lớp 11, giải nhất cuộc thi thuộc về em Nguyễn Thanh Phượng – học sinh lớp 11A2.
Được biết, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, trong những năm gần đây, trường THPT Hàng hải thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa bổ ích, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh. (VA, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr10)
Tăng trưởng nóng, đầu tư ồ ạt vào đóng tàu, nhưng ngờ đâu thị trường tàu biển lại tụt dốc thảm hại. Giờ đây, các ông chủ đóng tàu chưa tìm ra lối thoát, đành phải nhìn khối tài sản trăm tỷ, nghìn tỷ nằm chết.
Dùng âu tàu nuôi cá
Đường dẫn vào Nhà máy đóng tàu của xí nghiệp đóng tàu tư nhân Trung Hải vẫn lổn nhổn đá dăm, đất bùn và ổ gà. Tiếng là nhà máy đóng tàu tới 1 vạn tấn mới đầu tư, có hơn 1.000 lao động nhưng giờ chẳng thấy bóng công nhân nào.
Năm 2006, Xí nghiệp đóng tàu Trung Hải bắt đầu xây dựng nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển. Năm 2010, Nhà máy phải tạm dừng thi công vì thị trường vận tải biển, đóng tàu suy thoái. Trên bãi, hàng trăm cọc bê tông, vật liệu để gia cố nền móng, cầu tàu trị giá hàng chục tỷ đồng nằm phơi sương.
Ông Đoàn Lê Trung – chủ Xí nghiệp xót xa: “Khối tài sản trăm tỷ han gỉ dần. Đây là âu tàu với 5 cầu có thể đóng mới, sửa chữa tàu cỡ 5.000 tấn, giờ đang cho thuê chỗ neo tàu, kiếm 1-2 triệu đồng/ngày. Bên kia là âu tàu lớn để đóng tàu trọng tải 1 vạn tấn, đang thi công dở. Hai năm nay, do không có hợp đồng đóng mới tàu nên mình cho bơm nước vào âu tàu này để nuôi cá, tranh thủ đánh mẻ cá lấy tiền ăn Tết. Nhưng trận bão số 8 vừa qua, nước sông dâng tràn âu tàu cuốn trôi phần lớn số cá trong âu thuyền”.
Tiếc công sức san lấp nền đất, diện tích rộng lớn bỏ hoang, vợ chồng ông Trung quyết định trồng chuối, sắn củ, nuôi gà, ngỗng để…gỡ gạc thêm. Nhà máy đóng tàu Trung Hải giờ biến thành một trang trại với vườn chuối rộng hơn 1 ha, 200 con gà, 6.000 con cá giống… Giờ, các công nhân gọi ông Trung là chủ tá điền Nam Bộ, thay vì ông chủ đóng tàu.
Nằm bên bờ sông Văn Úc, nhà máy đóng tàu của Công ty Cổ phần Đóng tàu Đại Dương cũng trong cảnh nằm không. Theo một lãnh đạo Công ty, từ năm 2008, Công ty này đã dừng đóng tàu do nhu cầu thị trường giảm sút mạnh. Trong 3 năm qua, nhà máy cũng không có đơn hàng đóng tàu mới nào. Thiếu việc làm, Công ty cho 800 công nhân nghỉ việc, chỉ giữ lại hơn 100 người.
Dọc Quốc lộ 5, nhiều nhà máy đóng tàu tư nhân như Đông Á, Hoàng Gia, Thái Sơn… cố cầm cự với vài dự án tàu đóng dở. Chủ đóng tàu tư nhân đã lao đao thế, nhưng các đơn vị đóng tàu chủ lực của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại Hải Phòng còn thê thảm hơn.
Từ Bạch Đằng, Phà Rừng, Nam Triệu, Bến Kiền đến các Công ty đóng tàu nhỏ như Tam Bạc, An Đồng đều lao đao vì đói việc.
Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy đóng tàu Phà Rừng do Công ty TNHH Một thành viên đóng tàu Phà Rừng (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Phà Rừng) làm chủ đầu tư để đóng tàu 3,4 vạn tấn. Theo một cán bộ của Tổng Công ty, đến thời điểm này, Công ty đóng tàu Phà Rừng đã giải ngân hơn 700 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 4.876 tỷ đồng. Hiện, dự án mới chỉ xong phần san lấp nền (diện tích hơn 92 ha), làm móng, nhà xưởng, thiết bị vẫn dở dang nhưng đã tạm dừng. Bên cạnh đó, dự án nâng cao năng lực đóng tàu chở dầu với tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng cũng đang thiếu vốn để hoàn thiện.
Năm 2008, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu khởi công hai dự án đầu tư xây dựng ụ tàu 70.000 tấn và đà tàu 100.000 tấn với tổng mức đầu tư hơn 2.876 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án có thể đóng tàu trọng tải tới 7 vạn tấn, công suất đóng mới 3 tàu/năm, sửa chữa 2 tàu/năm. Đến tháng 9/2009, Tổng Công ty đã xin giãn, hoãn tiến độ, năm 2012 mới xong phần san lấp mặt bằng và tạm dừng cho đến nay.
Trong khi đó, hai nhà máy lắp ráp động cơ diesel Man B&W, Mitsubishi (tổng mức đầu tư hai dự án là 560 tỷ đồng) của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng đã cơ bản hoàn thành từ năm 2010 nhưng phải tạm dừng sau khi xuất xưởng được một máy tàu Mitsubishi. Trên bãi đóng tàu, lác đác chỉ có vài công nhân làm việc giữa những khối cấu kiện, sắt thép, xương, vỏ tàu… đã hoen gỉ.
Một chủ đóng tàu có hơn 25 năm kinh nghiệm cho biết: “Từ năm 1992 đến nay, đã có 3 lần ngành đóng tàu Việt Nam khủng hoảng. Nhưng lần suy thoái này là khủng khiếp nhất do chịu thêm tác động kép của thị trường thế giới.
Trong 5 năm qua, các nhà máy đóng tàu của nhà nước và tư nhân tăng trưởng quá nóng, đầu tư ồ ạt, không lường điểm rơi của thị trường đóng tàu nên bị thiệt hại nặng nề”. (Thu Hằng, Tiền Phong 21/11, tr5)
Báo cáo của Cục thuế thành phố tại buổi làm việc với Ban Kinh tế và ngân sách HĐND thành phố về tình hình thu ngân sách năm 2012 cho thấy, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến 11.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 41,57% tổng số doanh nghiệp của thành phố…
Do đó, tính đến hết tháng 10, tổng số thu ngân sách thành phố chỉ dạt 5.699 tỷ đồng, đạt 61,6% dự toán pháp lệnh và 60,3% dự toán HĐND thành phố giao (bằng 93%) so với cùng kỳ. (ĐH, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr1+4)
Trung tâm hỗ trợ phát triển kinh tế Hợp tác xã và doanh nghiệp ngoài quốc doanh (Liên minh Hợp tác xã và doanh nghiệp thành phố) vừa phối hợp Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức và quản lý doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. (Báo Hải Phòng 21/11, tr3)
Trong 2 ngày 17-18/11, Big C Hải Phòng tổ chức đưa nhiều hàng hóa về phục vụ tại thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên) phục vụ công nhân các nhà máy, xí nghiệp và nhân dân trong khu vực.
Hàng hóa đưa về à hàng thiết yếu trong đời sống hàng ngày, được áp dụng nhiều mức giá ưu đãi của Tháng khuyến mại và các chương trình riêng của Big C, bảo đảm chất lượng và giá rẻ. (Báo Hải Phòng 21/11, tr3)
Tham gia Tháng khuyến mãi Hải Phòng 2012, Coop Mart Hải Phòng tổ chức chương trình đặc biệt “Cảm ơn khách hàng và đồng hành cùng hàng Việt”với nhiều “ngày vàng” mua sắm.
Trong đó, siêu thị tặng 2.000 phiếu mua hàng trị giá 10.000 đồng cho khách hàng mua sắm thực phẩm tươi sống chế biến nấu chín, bánh mì; tặng 1.000 áo đi mưa cho khách hàng thân thiết; nhân đôi số tiền thưởng tích lũy trên hóa đơn mua hàng; tổ chức rút thăm trúng thưởng… (Báo Hải Phòng 21/11, tr3)
Hơn 10 tháng qua, Công ty Cổ phần Xây dựng Tiên Lãng đạt tổng giá trị sản lượng xây dựng 25 tỷ đồng, bằng 90% ké hoạch năm 2012.
Công ty cũng giải quyết việc làm ổn định cho hơn 30 lao động và hàng trăm lao động thời vụ với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. (Báo Hải Phòng 21/11, tr3)
Theo các chuyên gia và nhà đầu tư du lịch, trong năm 2012, đầu tư bất động sản du lịch tại Việt Nam trầm lắng, giá phòng và công suất thuê phòng giảm, du khách tăng không đáng kể. Trước năm 2011, du lịch Việt Nam thu hút rất nhiều dự án nghỉ dưỡng, biệt thự , khách sạn ven biển từ Nam ra Bắc như dự án Sanctuary Hồ Tràm, Crown Land Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), Casalle Hill, Ocean Vista (Bình Thuận), Cát Giá, Cát Bà (Hải Phòng)…
Thế nhưng, ông Kenneth Atkinson – Giám đốc điều hành Grant Thornton Việt Nam cho rằng, đến thời điểm này, đầu tư vào lĩnh vực này không có sức hấp dẫn nữa, du lịch và khách sạn là ngành có mức hấp dẫn cao (50%) trong năm 2011 nhưng bước sang quý IV năm nay, chỉ số này giảm xuống còn 38%...
Ông Andrew Langdon – Phó Chủ tịch cao cấp khách sạn Thailand anh Indochina Jones Lang LaSallle khuyến cáo, khủng hoảng kinh tế thế giới và mỗi quốc gia còn kéo dài. Vì vậy, với Việt Nam, việc tháo rỡ gào cản khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng là cần thiết… (Thanh Giang, Đại Đoàn Kết 21/11, tr5)
Để đẩy nhanh tiến độ dự án thi công đê biển 2, UBND thành phố vừa bố trí nguồn kinh phí 2,7 tỷ đồng hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Ban quản lý các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chi trả cho các hộ dân thuộc phạm vi giải tỏa đê 2,5 tỷ. Công tác hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ thi công đê biển đang được tăng cường.
Dự kiến đến hết tháng 11/2012, toàn bộ nguồn vốn bố trí cho công tác giải tỏa hành lang phục vụ thi công công trình đê biển 2 sẽ được tri chả cho nhân dân địa phương.
Dự án đầu tư cải tạo và nâng cấp tuyến đê biển 2 thuộc địa phận quận Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy được thành phố phê duyệt và triển khai thi công từ cuối năm 2009. Việc giải tỏa hành lang để phục vụ thi công công trình tác động đến 200 hộ dân cư khu vực ven đê. Do nhiều hộ chưa thống nhất phương án hỗ trợ đền bù về tài sản và hoa màu, công trình trong phạm vi dự án nên công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chậm. Đến tháng 10/2012 vẫn còn nhiều đoạn đê chưa được giải phóng mặt bằng phục vụ thi công. (Báo Hải Phòng 21/11, tr2)
Chiều 19/11, đồng chí Lê Văn Thành – Phó Chủ tịch thành phố dẫn đầu đoàn tới thăm, động viên và tặng quà nhà giáo ưu tú Đỗ Thu Hà – giáo viên môn Toán, trường THCS thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên. Cùng đi có đại diện các ban, ngành liên quan.
Tại đây, Phó Chủ tịch chúc mừng cô Hà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; biểu dương, ghi nhận những đóng góp tích cực của cô cho sự nghiệp Giáo dục và mong cô tiếp tục truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, đóng góp vào sự nghiệp trồng người. (TC, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr2)
Theo những kết quả khảo sát mới đây cho thấy, tại nhiều làng nghề trên cả nước, do ý thức về an toàn lao động chưa cao, người làm nghề “ngại” mất thì giờ, ngại phải đầu tư tiền bạc cho việc giảm thiểu ô nhiễm ở quy mô cơ sở và cả làng nghề nên sức khỏe của các thợ làng hiện trong tình trạng báo động.
Chẳng hạn như ở làng nghề tái chế nylon (phường Tràng Minh, quận Kiến An) số người làm nghề và cả người dân quanh vùng thường xuyên phải hít khói đốt nylon độc hại gây bệnh phổi, chịu đựng nguồn nước bị ô nhiễm (nhất là các con mương). Số liệu quan trắc nước thải ở đây cho thấy, hàm lượng nitơ tổng, NH3-N, coliform đều vượt chỉ tiêu cho phép, đặc biệt hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép tới 800 lần.
Tuy nhiên, người làm nghề chưa quan tâm tới xử lý khói và nước thải vì chi phí lớn. Hiện, các dịch vụ y tế làng nghề được tiếp cận từ Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường. Cán bộ 2 cơ quan này sẽ tham gia nghiên cứu đặc trưng nghề nghiệp của lao động nông nghiệp, làng nghề và cơ sở y tế; giám sát môi trường lao động, giám sát sức khỏe người lao động và các phương pháp cải thiện điều kiện lao động.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Bích Diệp – chuyên gia của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), chương trình sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của thợ làng.
Chương trình gồm các nội dung: Tư vấn an toàn vệ sinh môi trường lao động; Hướng dẫn trạm y tế về khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động làng nghề; Tổ chức đánh giá yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động; Tổ chức vận động các hộ gia đình thực hiện vệ sinh lao động. (Nguyễn Trang, Bưu Điện 21/11, tr11)
Trên thao trường huấn luyện chiến thuật tổng hợp của Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố) không khí luyện tập trong đợt huấn luyện chiến sỹ lần 2 trong năm nay rất hăng say.
Trung úy Nguyễn Đình Duy - Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 cho biết: “Thời gian qua, cán bộ từ Tiểu đội đến Đại đội luôn gần gũi bám nắm, hướng dẫn chiến sỹ các nội dung học tập, chú trọng động tác thực hành; phân loại chất lượng tới từng chiến sỹ, trên cơ sở đó đơn vị lập kế hoạch phân công cán bộ kèm cặp, giúp đỡ những đồng chí yếu…
Sau 2 tháng huấn luyện, kiểm tra đánh giá của Trung đoàn ở các nội dung, Đại đội xếp thứ nhất trong các đơn vị huấn luyện chiến sỹ mới của Trung đoàn. Theo Thiếu tá Vũ Ngọc Đại - Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn: Trước khi huấn luyện, từ tháng 7, đơn vị tổ chức tập huấn và bồi dưỡng cán bộ, đồng thời tổ chức Hội thi cán bộ Đại đội, Trung đội trưởng giỏi, tập trung vào những nội dung còn hạn chế trong huấn luyện chiến sỹ mới đợt 1. Quá trình huấn luyện thực hiện và vận dụng tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp sát yêu cầu nhiệm vụ đơn vị; tổ chức huấn luyện theo qui trình từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, tập trung trọng tâm vào các nội dung khó, lấy động tác thực hành là chính.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Huấn luyện giỏi - kỷ luật nghiêm - an toàn tuyệt đối” được các cơ quan, đơn vị thực hiện có nền nếp, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị. Kiểm tra huấn luyện tháng thứ hai đối với chiến sỹ đợt 2 năm 2012 có 100% đạt khá, giỏi; trong đó tỷ lệ giỏi gần 80%. Đây là cơ sở để trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ mới năm 2012. (Duy Đông-Minh Thiện, Quân Đội Nhân Dân Online 20/11)
Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông”, trong 3 ngày (từ 16-18/11), Thành đoàn Hải Phòng phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức thăm, tặng quà (tổng trị giá 14 triệu đồng) cho 14 nạn nhân và người nhà nạn nhân bị tai nạn giao thông. (MP, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr2)
Sáng 18/11, tại hội trường Nhà hát thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp Thương bệnh binh – Cựu chiến binh thành phố tổ chức lễ kỷ niệm 4 năm ngày thành lập và tổng kết công tác năm, phát triển thành viên mới, trao tiền hỗ trợ xóa nghèo cho các hội viên cựu chiến binh.
Với những thành tích đã đạt được trong phát triển sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, UBND thành phố trao tặng 6 bằng khen, Hội Cựu chiến binh thành phố tặng 16 bằng khen, Hiệp hội trao tặng 5 giấy khen cho các doanh nghiệp thành viên tiêu biểu của Hiệp hội. (Tiến Dũng, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr3)
Chiều 15/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đồ Sơn tổ chức họp mặt các thành viên Mặt trận nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Đồ Sơn tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong các phong trào thi đua sản xuất, an sinh xã hội, các phong trào yêu nước… và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ… (TC, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr10)
Trong quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông thành phố đến năm 2020 dặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015 phát triển mới 1.000 vị trí trạm thu phát sóng, bảo đảm mỗi vị trí có thể sử dụng cho từ 1-3 doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung.
Hiện, các doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng những kinh nghiệm thế giới về thiết kế trạm BTS tiên tiến, hiện đại, bảo đảm mỹ quan đô thị và sức khỏe cộng đồng. Các doanh nghiệp viễn thông đều chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện nâng cấp mạng lưới 3G, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ mới… (Báo Hải Phòng 21/11, tr4)
Theo Viễn thông Hải Phòng, từ ngày 20/11, MyTV thay đổi cấu trúc và hình ảnh giao diện trang chủ.
Theo đó, với số lượng dịch vụ ngày càng gia tăng, MyTV cải tiến giao diện trang chủ màn hình hướng dẫn dịch vụ để giúp khách hàng thuận tiện hơn trong tìm kiếm và thưởng thức nội dung trên MyTV. Các dịch vụ được phân theo 7 nhóm, giúp khách hàng giảm thao tác trong quá trình lực chọn dịch vụ muốn xem. (Báo Hải Phòng 21/11, tr4)
Xí nghiệp Quản lý lưới điện cao thế (Công ty Điện lực Hải Phòng) vừa phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố tổ chức thực tập phương án phòng cháy chữa cháy tại máy biến áp T1 của xí nghiệp.
Buổi diễn tập góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm và kiến thức phòng cháy chữa cháy cũng như phương án tác chiến kỹ thuật, kỹ năng chữa cháy của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, bảo vệ tính mạng và tài sản doanh nghiệp. (TH, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr3)
Sáng 15/11, TAND thành phố khai mạc chương trình tập huấn nghiệp vụ cho các hội thẩm nhân dân, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký năm 2012.
Thời gian qua, TAND thành phố và các quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết các vụ án trọng điểm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế, trong công tác này vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khuyết điểm: Án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; việc thụ lý vụ án, việc cấp, gửi, tống đạt các văn bản tố tụng cũng như chấp hành trình tự thủ tục giải quyết vụ án… còn hạn chế…
Tại đợt tập huấn này, các học viên sẽ được truyền đạt về các kiến thức và kỹ năng g quyền sử dụng đất án dân sự, hình sự, hành chính và được thông qua cac văn bản pháp luật mới nhất… (Thu Duyên, An Ninh Hải Phòng 21/11, tr3, Báo Hải Phòng 21/11, tr2)
Liên hoan phim Khoa học 2012 với chủ đề Nước tại Việt Nam sẽ diễn ra tại 11 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, vinh, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Phú Yên, Đắc Lắc, An Giang, Bạc Liêu và Kiên Giang từ nay cho đến hết ngày 30/11.
Liên hoan giới thiệu 20 bộ phim đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, được chia thành 3 thể loại: Giải trí giáo dục cho gia đình; sinh thái và môi trường, khoa học tự nhiên, khoa học đời sống và công nghệ.
Cùng với trình chiếu phim, Ban tổ chức còn hướng dẫn thảo luận, có các thí nghiệm, trò chơi được tạo riêng cho từng bộ phim để giúp bạn trẻ đào sâu kiến thức qua hình thức giải trí. Đồng thời, hướng tới cách tiếp cận mới để đưa tri thức khoa học đến đông đảo học sinh bằng cách hợp tác với các nhà trường tặng phim, đĩa hướng dẫn thí nghiệm, trò chơi để các trường tổ chức thực hiện trong năm học này. (P.V, Văn Hóa 20/11, tr10)
Hàng loạt Hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyên ngành cho cán bộ thông tin, truyền thông cơ sở xã, phường, thị trấn đã được Sở TT&TT tổ chức trong thời gian qua.
Cụ thể, người phát ngôn của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được tập huấn nghiệp vụ phát ngôn và cung cấp thông tin. 300 cán bộ văn hóa, cán bộ phụ trách đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn được tập huấn tuyên truyền nội dung cải cách hành chính.
Gần đây nhất, Sở phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho kỹ thuật viên phát hanh, truyền thanh ở đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở còn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở năm 2012 tại 13 xã của huyện Cát HẢi và Thủy Nguyên, đạt kết quả khả quan. (Báo Hải Phòng 21/11, tr4)
Ngày 20/11, trên sân Bách Khoa (Hà Nội) tiếp tục diễn ra vòng chung kết Giải Bóng đá sinh viên toàn quốc VTC-Yamaha Cup 2012 với 4 cuộc so tài trong khuôn khổ bảng C và D. Kết quả: Đại học Hải Phòng thắng Đại học Công nghiệp TPHCM với tỷ số 3-0. Bên cạnh đó, trận đấu giữa Đại học Thủy lợi và Đại học Lâm nghiệp có tỷ số 3-0, Đại học Công nghệ Sài Gòn thua Đại học FPT với tỷ số 1-2.
Như vậy, Đại học Thủy lợi là đội đầu tiên ghi tên mình vào vòng tứ kết. Ngày 21/11, trên sân Bách Khoa, Giải sẽ tiếp tục với loạt trận cuối các bảng A,B, trong đó có trận Đại học Dân lập Hải Phòng đấu với Đại học Sư phạm Hà Nội. Đại học Dân lập Hải Phòng và Cao đẳng Công nghiệp Huế giành nhiều ưu thế khi chỉ cần thêm 1 điểm là vào tứ kết. (V.P, Thể Thao & Văn Hóa 21/11, tr5)
Giải do Liên đoàn Bắn súng Việt Nam phối hợp cùng bộ môn bắn súng, bắn cung (Tổng cục Thể dục thể thao) tổ chức, khởi tranh ngày 19/11 tại Trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, quy tụ 187 vận động viên thuộc 12 đội, bao gồm Hải Phòng, Quân đội, Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bộ Công an, Đà Nẵng, Đồng Nai và Đội tuyển trẻ.
Chủ nhà Hà Nội tham dự đông nhất với 30 VĐV nam, 15 vận động viên nữ. Theo điều lệ, các vận động viên sẽ thi đấu cá nhân, đồng đội ở 24 nội dung (14 nội dung của nam, 10 nội dung của nữ). Giải kết thúc vào ngày 28/11. (Mai Hoa, Hà Nội Mới 21/11, tr5)
Giải Bóng đá Vô địch thành phố Cúp Báo An Ninh Hải Phòng năm 2012 là giải thể thao truyền thống của Hải Phòng. Năm nay, dù điều kiện kinh tế khó khăn, Giải vẫn thu hút 13 Câu lạc bộ tham dự.
Sáng 20/11, Ban tổ chức Giải tiến hành bốc thăm và xếp lịch thi đấu. 13 đội bóng được chia vào 4 bảng. Giải sẽ kết thúc vào ngày 9/12. (Báo Hải Phòng 21/11, tr5)./.