Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 20/6/2014)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 20/6/2014)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Đoàn đại biểu TP.Hải Phòng chúc mừng Báo Pháp luật Việt Nam

Nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2014), hôm nay (19/6), Đoàn đại biểu TP Hải Phòng do đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Thành ủy Hải Phòng làm trưởng đoàn đã tới thăm và chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam.

Đi cùng đoàn còn có Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, ông Đoàn Văn Chương - Giám đốc Đài truyền hình Hải Phòng, ông Hoàng Duy Đỉnh - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hải Phòng cùng một số cán bộ Thành ủy Hải Phòng.

Thay mặt lãnh đạo TP Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Pháp luật Việt Nam đồng thời đánh giá cao những nỗ lực và sự đóng góp của Báo Pháp luật Việt Nam trong công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân cả nước nói chung và người dân TP Hải Phòng.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng mong muốn đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để có nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần chuyển tải những thông tin hữu ích nhất về công tác tư pháp, pháp luật tới người dân. Đồng thời thực hiện tốt những định hướng của Đảng và Nhà nước trong công tác báo chí, tuyên truyền góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin về các sự kiện quan trọng trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước.

Thay mặt cán bộ, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Tổng Biên tập TS. Đào Văn Hội cảm ơn sự quan tâm, động viên, khích lệ của đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng nói riêng và lãnh đạo TP Hải Phòng nói chung.

Đồng thời Tổng Biên tập Đào Văn Hội cũng vui mừng thông báo tới Đoàn đại biểu TP Hải Phòng những cải tiến, nâng cao chất lượng, nội dung tin bài của Báo Pháp luật Việt Nam để báo ngày càng tới gần hơn với bạn đọc cả nước. TS. Đào Văn Hội cũng cảm ơn những ý kiếm góp ý chân thành của đồng chí Nguyễn Văn Thành đối với Báo Pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng Biên tập Đào Văn Hội cũng mong muốn trong thời gian tới TP. Hải Phòng tiếp tục đồng hành cùng Báo Pháp luật Việt Nam trong việc đẩy mạnh đưa thông tin chính sách, tình hình kinh tế, chính trị trong cả nước cũng như phản ảnh tình hình TP. Hải Phòng một cách đa chiều, chính xác để thông tin tới bạn đọc. (Pháp luật Việt Nam 20/6 Tr2; Báo Hải Phòng 20/6 Tr1+8)

2.     Rà soát nhiều văn bản pháp luật để bảo đảm các hiến định về quyền con người

Chiều 19-6, tại TP Hải Phòng, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) đã tổ chức cuộc hội thảo “Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 - Rà soát pháp luật, bảo đảm các quy định của Hiến pháp về quyền con người”. Hội thảo diễn ra trong hai ngày, với sự tham gia của gần 100 đại biểu.

Theo ông Phạm Văn Ba, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền, để hiện thực hóa các quyền hiến định trong Hiến pháp năm 2013, nội dung triển khai thi hành Hiến pháp có một việc rất quan trọng là rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp thực hiện.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết: Ngày 13-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 251/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch của Chính phủ về tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp. Thực hiện quyết định trên, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, rà soát, đánh giá các luật, pháp lệnh hiện hành so với các quy định về quyền con người của Hiến pháp. Qua kết quả rà soát bước đầu với tổng số 180 văn bản luật, pháp lệnh có quy định liên quan đến quyền con người, có 39 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới. (Nguyên Minh, Quân đội nhân dân Online 20/6)

3.     Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6: Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành chúc mừng Ban tuyên giáo Trung ương

Ngày 19-6, tại thủ đô Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố đến chúc mừng Ban tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và Truyền thông, một số cơ quan báo chí trung ương. Cùng đi có các đồng chí Ủy viên thường vụ Thành ủy: Nguyễn Hữu Doãn - Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy; thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP… và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành thành phố.

Tại Ban tuyên giáo TW và Bộ TT&TT, đồng chí Nguyễn Văn Thành đã thông tin những thành tựu nổi bật về tình hình thành phố, trong đó điển hình là kết quả 10 năm thực hiện NQ32 của Bộ Chính trị “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước". Bày tỏ sự cảm ơn của thành phố đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng về công tác tư tưởng, tuyên truyền của Ban tuyên giáo TW và Bộ TT&TT, đồng chí Nguyễn Văn Thành khẳng định: Đây là nguồn cổ vũ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thời gian qua. Sự chỉ đạo sát sao của Ban tuyên giáo TW và Bộ TT&TT đối với công tác tư tưởng và tuyên truyền sẽ góp phần quý báu cho thành phố Hải Phòng tích lũy kinh nghiệm, phát triển ổn định và bền vững…

Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban tuyên giáo TW và đại diện lãnh đạo Bộ TT&TT đánh giá cao những kết quả tích cực mà Hải Phòng đã đạt được trong thời gian qua, mở ra hướng phát triển vững chắc trong tương lai cho thành phố. Trong đó nêu bật vai trò của lãnh đạo thành phố với tinh thần cầu thị cao, đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trung ương, chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương tuyên truyền hiệu quả cho các quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

Đồng chí Đinh Thế Huynh chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục phát huy thành tích đạt được, triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận 72 của Bộ Chính trị, xây dựng và phát triển Hải Phòng thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại… Nhân dịp này, đồng chí Đinh Thế Huynh gửi lời chúc mừng tới đội ngũ những người làm báo Hải Phòng, tiếp tục phát huy cao độ bản lĩnh chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, làm chủ các phương tiện hiện đại, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Thành đã dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố, đến thăm và chúc mừng các cơ quan: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, báo Quân đội nhân dân… (LMT, An ninh Hải Phòng Online 20/6)

4.     Liên chi hội nhà báo Đài PT và TH Hải Phòng ra mắt CLB Những người làm báo trẻ

Sáng 19-6, Liên chi hội nhà báo Đài PT và TH Hải Phòng tổ chức lễ kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2014) và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Những người làm báo trẻ.

Trong không khí phấn khởi, các hội viên ôn lại truyền thống và những bước phát triển của Liên chi hội, những đóng góp tích cực vào sự phát triển báo chí thành phố. Hiện, Liên chi hội có hơn 170 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội. Các hội viên không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nêu cao bản lĩnh của người làm báo cách mạng, đồng thời phát huy tính chiến đấu của báo chí, thường xuyên phản ánh một cách sinh động những vấn đề nóng của đời sống xã hội như: phòng, chống tham nhũng, lãng phí, những bất cập trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường… Nhiều hội viên giành giải báo chí trong và ngoài thành phố.

Nhân dịp này, Liên chi hội ra mắt CLB “Những người làm báo trẻ” của Đài PT và TH Hải Phòng, thông qua quy chế hoạt động và bầu Ban chủ nhiệm của CLB. (Báo Hải Phòng Online 19/6; Bản tin thời sự tối 20/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

5.     Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6: Để luôn giữ được "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"

Trong xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên thế giới như hiện nay, hoạt động thông tin nói chung và báo chí nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Báo chí không chỉ là phương tiện tạo lập và định hướng dư luận, mà còn tạo những điều kiện cần thiết để mọi người dân có thể tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, nhà nước, của các tổ chức, đoàn thể xã hội và diễn đàn của nhân dân; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, phản ánh toàn diện những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và sự suy thoái đạo đức, lối sống; góp phần vào việc bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước, thực hiện dân chủ xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt về tình hình Biển Đông gần đây, báo chí đã góp phần quan trọng thể hiện ý thức bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam, đồng thời định hướng cho nhân dân thể hiện lòng yêu nước một cách chân chính, phù hợp pháp luật, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tại Hải Phòng, báo chí đã tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và chính quyền thành phố nhằm phục hồi kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, xây dựng phát triển thành phố. Thông tin trên báo chí đã góp phần quảng bá hình ảnh và những thành tựu của thành phố với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trên lĩnh vực đảm bảo ANTT, phần lớn các cơ quan báo chí, đại diện các báo đã kết hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, các ngành nội chính để chung sức đấu tranh chống cái ác, chống các quan điểm sai trái, xây dựng cuộc sống an bình cho nhân dân thành phố. Nhiều phóng viên đã sát cánh cùng lực lượng Công an Hải Phòng và các cơ quan chức năng trong phản bác quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và tấn công, trấn áp tội phạm, truy quét tệ nạn xã hội. Có trường hợp các nhà báo đã cùng Công an hóa trang vào trinh sát để phá những vụ án quan trọng, trực tiếp cùng lực lượng Công an xoá phá các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; thậm chí có phóng viên đã hoá trang làm phạm nhân để tiếp cận phạm nhân trong trại tạm giam (điển hình như phóng viên Báo Pháp luật, Pháp luật và Đời sống, phóng viên thời sự VTV1, báo VOV…) và hiện nay nhiều phóng viên đang cùng các chiến sĩ quần đảo với lũ tàu ngoại bang để bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Hình ảnh đó thật là cao đẹp trong con mắt của các chiến sĩ và đồng bào, đồng chí.

Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần nhìn thẳng vào một số hạn chế đã và đang tồn tại trong báo chí, đó là:

Một số tờ báo có lúc chưa chấp hành định hướng tuyên truyền, đăng bài bình luận một chiều, lợi dụng phản biện, lấy danh nghĩa bảo vệ quyền lợi người dân để phê phán, công kích chính quyền. Vẫn có tình trạng bài báo, phóng viên đưa thông tin không khách quan, không chuẩn xác, giật gân, gây hiệu ứng xã hội không tốt, ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức. Việc cải chính đối với những thông tin không chính xác chưa theo đúng quy định, thậm chí không cải chính. Có tình trạng một số cộng tác viên lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí để hoạt động không đúng quy định của Luật Báo chí và tôn chỉ, mục đích của báo.

"Có bài báo, tờ báo thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không khách quan, mang tính một chiều. Đơn cử, liên quan vụ cưỡng chế, thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), mặc dù đã được Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông 4 lần nhắc nhở, định hướng nhưng có một số tờ báo vẫn thông tin dồn dập, quá liều lượng cần thiết, mất cân đối với những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Đáng lưu ý, trong khi nhấn mạnh sai phạm của chính quyền ở Tiên Lãng, Hải Phòng, lại thông tin “nương nhẹ” về những vi phạm, sai phạm của ông Đoàn Văn Vươn theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng. Một số báo thông tin, bình luận có tính suy diễn, cho rằng, gốc của vấn đề, vụ việc là do sở hữu toàn dân về đất đai trong khi thực ra, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức, thực hiện sai các quy định pháp luật đất đai về cho thuê đất, thu hồi đất, cưỡng chế đất cũng như do các quy định về quản lý đất đai thiếu đồng bộ, chồng chéo, phức tạp" (trích Báo cáo Đánh giá toàn diện về báo chí Việt Nam 2011 của Bộ Thông tin Truyền thông đăng trên Thông tấn xã VN).

Không chỉ dừng ở "nương nhẹ" sai phạm của Đoàn Văn Vươn, có bài báo còn viết theo xu hướng “biến tội phạm thành anh hùng”, ca ngợi tên tội phạm như người hùng tiêu biểu, có công xây dựng quê hương, tấm gương khởi nghĩa nông dân chống áp bức... Tệ hại thay có báo lại gán ghép hình ảnh, đánh lộn sòng giữa việc cưỡng chế hành chính với việc truy bắt tội phạm của lực lượng Công an, Quân đội, đem ảnh chỗ này ghép vào chỗ khác, lấy người này thay người khác rồi bình luận chủ quan... làm lệch lạc nhận thức người đọc, gây những tác hại tiêu cực cho đời sống xã hội. Việc thông tin kiểu này thể hiện sự thiếu nhạy cảm về chính trị, hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin, có tác động xấu đến dư luận xã hội, chia rẽ chính quyền với nhân dân, là kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, chống phá.

Vụ "liệt sỹ trở về sau 40 năm", nhiều phóng viên đã đưa tin một chiều, phiến diện, viết bừa, viết ẩu, sai sự thật, chạy theo thành tích nhằm đánh bóng tên tuổi và có dấu hiệu trục lợi, đã biến một kẻ đầu hàng phản bội trở thành anh hùng, gây hiểu lầm trong dư luận, để lại hậu quả xấu. Việc viết bài như trên đã tạo ra làn sóng truyền thông, tác động mạnh đến tâm lý xã hội dẫn đến một chuỗi các sai sót của các cơ quan, ban, ngành.

Có báo thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu hoặc xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, nhân phẩm của công dân, làm cho người ta điêu đứng, thậm chí có người phải tự sát.

Có không ít tờ báo thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vô bổ, chạy theo thị hiếu tầm thường của độc giả. Tình trạng đưa tin quá nhiều, miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác trên nhiều báo một lúc gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội...

Báo chí cách mạng của chúng ta không những nhằm thoả mãn nhu cầu thông tin cho xã hội, mà còn giúp cho mọi người tiếp cận cái chân, thiện, mỹ, cảm được cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, giúp cho người ta yêu cuộc sống, lớn mạnh hơn, cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng xã hội tươi đẹp hơn. Nhà báo, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã có câu: "Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ - chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi" (Nói với mình và các bạn, 1970).

Trong thời gian tới, yêu cầu của cách mạng và cuộc sống xã hội đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với báo chí. Để phát huy được những tiến bộ và thành tựu, khắc phục được những hạn chế, vượt qua được những khó khăn và thách thức đang đối mặt, để báo chí thực sự là vũ khí sắc bén chống lại “âm mưu diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, bảo vệ cuộc sống yên lành của nhân dân chúng tôi mạnh dạn đề xuất:

1. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông cần có cơ chế, chính sách để các cơ quan báo chí có đủ thông tin, kịp thời, đúng định hướng để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tạo thế áp đảo các luồng tư tưởng và hoạt động của các đối tượng có hành vi sai trái, tiêu cực trong xã hội.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện, duy trì quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an các cấp với các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền. Qua đó tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong định hướng tuyên truyền, nhất là đối với các vấn đề xã hội nổi cộm, nhạy cảm.

3. Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ phát hành báo chí tới các cơ quan, tổ chức đoàn thể… để mở rộng và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đặc biệt là đối với các báo đã phát huy tốt vai trò định hướng, tuyên truyền.

4. Bên cạnh việc xử lý nghiêm những phóng viên, biên tập viên vụ lợi và động cơ cá nhân mà "bẻ cong ngòi bút" cần phải có chế độ khen thưởng thật xứng đáng với những người dũng cảm, có bản lĩnh chiến đấu chống cái ác, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân, phát hiện và nhân rộng những cái hay, cái tốt, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

5. Thật sự coi trọng, đề cao công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cả về nhận thức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần rà soát quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn để chủ động tránh các sai sót đáng tiếc. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên để luôn giữ được "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc" của người viết báo như tâm nguyện của lão nhà báo Hữu Thọ mong mỏi. (Khánh toàn, An ninh Hải Phòng Online 20/6)

6.     Ban pháp chế HĐND thành phố làm việc với Công an quận Kiến An và huyện Thủy Nguyên

Chiều 18-6, Ban pháp chế HĐND thành phố làm việc tại Công an quận Kiến An về Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2014 và việc thực hiện các chính sách đối với lực lượng bảo vệ dân phố.

6 tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Kiến An được giữ vững và ổn định, không để xảy ra bị động, bất ngờ; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, trong 2 ngày 14 và 15-5-2014 Công an quận nắm bắt tình hình kịp thời và kiểm soát chặt chẽ, không để một số người từ Thái Bình tuần hành qua địa bàn quận có các hành động lôi kéo quá khích. Trong 6 tháng, địa bàn quận xảy ra 24 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có: 6 vụ trộm cắp tài sản, 4 vụ cố ý gây thương tích, 2 vụ hủy hoại tài sản, 4 vụ đánh bạc, 6 vụ án ma túy, 1 vụ gây rối và 1 vụ chứa mại dâm; bắt giữ 58 đối tượng. So với cùng kỳ 2013, số vụ án giảm 8 vụ. Công an quận thu hồi 4 khẩu súng tự chế, 472 viên đạn các loại, 131 dao kiếm, 3,4kg pháo... Trên địa bàn quận xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông làm chết 1 người, bị thương 2 người; xử lý 2.655 trường hợp vi phạm TTATGT. Công an quận tiếp tục triển khai các mô hình “Bờ sông an toàn”, “Dòng họ Lê tự quản”, “Toàn dân phòng chống tệ nạn xã hội”... Thời gian tới, Công an quận Kiến An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bám sát địa bàn, thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ, nhằm hướng tới xây dựng địa bàn an toàn, vững về an ninh trật tự, bảo đảm ATGT.

Tại buổi làm việc, Công an quận kiến nghị thành phố lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông Ngã 5 và Ngã 6 Quán Trữ; hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở làm việc công an các phường Tràng Minh, Lãm Hà, Ngọc Sơn, Trần Thành Ngọ, Phù Liễn. Về thực hiện các chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ dân phố, đề nghị thu gọn, ghép các tổ dân phố để giảm chi ngân sách và tăng mức phụ cấp cho lực lượng bảo vệ dân phố.

Tại huyện Thủy Nguyên, Ban Pháp chế HĐND thành phố quan tâm tới tình hình thực hiện chính sách công an xã.

6 tháng qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định, hoạt động của các loại tội phạm được kiềm chế, giảm cả số vụ việc và đối tượng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường bộ hậu quả 11 ngườ chết. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người, sử dụng vũ khí nóng, cướp tài sản; tội phạm kinh tế… (Báo Hải Phòng 20/6 Tr2)

7.     TP Hải Phòng: Một số chuyên đề quan trọng sẽ được bàn thảo tại Kỳ họp thứ Chín

Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức họp liên tịch để thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp thứ Chín, HĐND thành phố. Tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách thành phố năm 2013; xem xét, quyết định một số nội dung chuyên đề thuộc Chương trình hoạt động của HĐND thành phố Khóa XIV và một số nội dung quan trọng khác theo luật định… Thường trực HĐND thành phố yêu cầu các cơ quan được phân công chuẩn bị nội dung, phục vụ kỳ họp cần tập trung cao, bám sát nội dung kỳ họp, chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các nội dung cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo của UBND thành phố cần chỉ rõ kết quả của việc thực hiện chủ đề năm 2014 Phục hồi kinh tế - Đổi mới mô hình tăng trưởng; các văn bản phục vụ kỳ họp phải bảo đảm chất lượng, đúng quy trình, thời gian. (Thanh Lâm, Đại biểu nhân dân Online 20/6)

PHỤC HỒI KINH TẾ, ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG

8.     KT-XH thành phố phát triển toàn diện, có sự đột phá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2014

Sáng 19-6, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền chủ trì phiên họp thường kỳ (trực tuyến) đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, bổ khuyết nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố; các Phó chủ tịch UBND thành phố Đan Đức Hiệp, Lê Văn Thành, Đỗ Trung Thoại, Lê Khắc Nam, Nguyễn Xuân Bình; cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND; các sở, ngành, quận, huyện.

Dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2014 nêu rõ: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế thành phố giữ ổn định và tiếp tục phát triển. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng ước đạt 34.141,3 tỷ đồng, tăng 7,52% so với cùng kỳ, bằng 42,74% kế hoạch năm, trong đó:  nhóm nông, lâm, thủy sản ước tăng 0,23%; nhóm công nghiệp – xây dựng ước tăng 9,61%; nhóm dịch vụ ước tăng 7,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 11,81% so với cùng kỳ. Có 24 ngành kinh tế cấp 4 tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có tốc độ tăng cao như: sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng, sản xuất mô tơ và máy phát, thiết bị điều khiển điện…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước tăng 11,51% so với cùng kỳ (bằng 47,28% kế hoạch năm). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5 tăng 0,05 %; so với tháng 12 năm trước tăng 1,13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước tăng  18,34% so với cùng kỳ (bằng 45,15% kế hoạch). Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng ước tăng 16,85% (bằng 44,4% kế hoạch). Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trên địa bàn ước đạt 29,44 triệu tấn, tăng 14,65% so với cùng kỳ (bằng 55,%% kế hoạch năm). Vận tải hàng hóa 6 tháng ước tăng 7,26% về tấn và tăng 0,77% về km so với cùng kỳ. Vận tải hành khách 6 tháng ước tăng 15,8% về người…Tổng lượng khách du lịch đến với thành phố 6 tháng đầu năm đạt 2,397 triệu lượt khách tăng 7,1%  (bằng 46,1% kế hoạch). Doanh thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đạt 1.049,71 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 21.993,2 tỷ đồng, tăng 14,3% (bằng 47,2% dự toán) HĐND thành phố giao, trong đó: thu nội địa 4,689,4 tỷ đồng, tăng 15,7%; thu hải quan 16.468,8 tỷ đồng, tăng 12%. Về chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước 4.620,9 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn huy động đến tháng 6 ước tăng 20%; tổng dư nợ cho vay tăng 3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố 6 tháng ước 15.012,4 tỷ đồng, tăng 15,6% (bằng 35,3% kế hoạch). Đến hết 10-6, thành phố tiếp nhận mới 24 dự án đầu tư mới, 12 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng thu hút vốn đạt 637,8 triệu USD. Cũng trong 6 tháng, số doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới gần 900 doanh nghiệp, giảm 0,33% so với với năm 2013, tuy nhiên tổng vốn đăng ký tăng 27,9% với gần 3000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có 795 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tạm đóng mã số thuế trong 5 tháng đầu năm 2014, lũy kế đến hết tháng 5-2014 có 13.457 doanh nghiệp, chiếm 48,17% số doanh nghiệp toàn thành phố…

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố trong 6 tháng được đánh giá có nhiều cố gắng, sâu sát, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh quốc phòng thành phố. Ngoài ra, hội nghị chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, địa phương được nghiêm túc rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo, điều hành đạt hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và cả năm 2014 cũng như các năm tiếp theo.

Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, UBND thành phố yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp, giải pháp như: chủ động nắm tình hình, chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó với mọi tình huống phát sinh; khẩn trương rà soát, giải quyết tối đa các vụ việc tồn đọng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết công việc; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích tiêu dùng, thực hiện tốt chủ đề năm “ Phục hồi kinh tế - Đổi mới mô hình tăng trưởng”. Khẩn trương xử lý tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng trên địa bàn thành phố; tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp tạo thuận lợi thu hút đầu tư…

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích, các Phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các ngành, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm với sự phát triển toàn diện và có sự đột phá. Trong thời gian từ nay đến hết năm, đồng chí yêu cầu các cấp, ngành cần chủ động phối hợp đồng bộ các giải pháp thực hiện vượt mức chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2014. Để hiện thực nhiệm vụ, đồng chí yêu cầu: các ngành, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền các cấp theo hướng chủ động, quyết liệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu KT-XH đề ra trong năm 2014 ở mức cao nhất; tổ chức nghiên cứu, nắm bắt các cơ hội phát triển, tạo ra bước đột phá mới cho sự phát triển của kinh tế - xã hội thành phố trong những năm tiếp theo; đẩy mạnh hơn nữa việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục thu hút đầu tư; quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển văn hóa xã hội; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tư pháp; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy vai trò của hoạt động đối ngoại quốc tế trong quá trình xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố quốc tế. (Báo Hải Phòng Online 19/6; Bản tin thời sự tối 19/6, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng; haiphong.gov.vn 20/6; An ninh Hải Phòng Online 20/6)

9.     UBND thành phố họp phiên thường kỳ trực tuyến tháng 6: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đạt mức cao nhất từ năm 2011 tới nay

Sáng 19- 6, UBND thành phố họp phiên thường kỳ trực tuyến tháng 6. Đồng chí Dương Anh Điền, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì. Cùng dự có các đồng chí Lê Văn Thành, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các địa phương.

6 tháng, kinh tế thành phố có sự phục hồi tăng trưởng rõ nét. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,52%, cao nhất trong 3 năm gần đây. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ năm 2011 tới nay. Một số ngành, lĩnh vực có sự tăng trưởng khá như kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư toàn xã hội, sản lượng hàng qua cảng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài; năng suất lúa xuân đạt khá cao; dư nợ tín dụng bước đầu được cải thiện. Thành phố thực hiện tốt công tác quản lý giá cả, thị trường, chỉ số giá tiêu dùng ổn định. 6 tháng qua, các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố tiếp tục được triển khai bảo đảm tiến độ. Thành phố hoàn thành và đưa vào quản lý, khai thác 2 vị trí đỗ máy bay tại dự án mở rộng khu bay Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; khởi công dự án đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện. Các hoạt động đối thoại, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp được đẩy mạnh. Lĩnh vực VHXH có nhiều chuyển biến; CCHC được tăng cường, QPAN được giữ vững…

Ghi nhận thành tích, kết quả nhưng lãnh đạo thành phố, các ngành, các địa phương cũng phân tích làm rõ một số hạn chế, yếu kém như tổng cầu tăng chậm, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ chậm lại; khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tăng trưởng thấp và có xu hướng giảm dần; hàng hóa bị tồn đọng tại cảng; một số ngành công nghiệp giảm; tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp chậm lại; khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn ngân hàng còn hạn chế; đấu giá đất chậm; một số tồn tại, vướng mắc giải quyết chưa triệt để ; nhiều tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác tối đa…

Kết luận phiên họp, đồng chí Dương Anh Điền nhấn mạnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn cũng rất lớn,  trong đó có những khó khăn không lường trước được. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ngành, địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế xã hội thành phố đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi và có những đột phá, điểm nhấn trong 6 tháng đầu năm. Chủ đề năm 2014 thực hiện khá tốt với nhiều kết quả ấn tượng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trong 6 tháng cuối năm, hệ thống chính quyền thành phố cần quyết tâm thực hiện vượt mức các chỉ tiêu mà nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố  đề ra, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội phát triển, tăng cường khả năng tạo đột phá mới… Trong đó, tập trung cao cho việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, quyết liệt hơn trong công tác  thu ngân sách và  GPMB để thu hút đầu tư cũng như phục vụ những dự án lớn; làm tốt công tác an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại - tố cáo, bảo đảm quốc phòng an ninh và quan tâm hơn nữa đến vấn đề quan hệ quốc tế…

Chiều 19- 6, UBND thành phố tổ chức họp báo về tình hình KTXH, QPAN 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Đại diện nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố tới dự.

Đồng chí Phạm Hữu Thư, Chánh Văn phòng UBND thành phố thông tin một số nét chủ yếu về kết quả phát triển kinh tế, thực hiện các chỉ tiêu văn hóa xã hội của thành phố, nhấn mạnh điểm nổi bật về sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố và những cố gắng trong giữ ổn định về quốc phòng an ninh… Đồng thời, trả lời một số câu hỏi của các nhà báo về tình hình ách tắc hàng hóa tại cảng, về bảo đảm an ninh trật tự cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, về việc tiếp cận vốn ngân hàng và một số vấn đề khác... (Báo Hải Phòng Online 20/6)

AN NINH – PHÁP LUẬT

10.            Hàng lậu

Ngày 19-6, Công an quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) kiểm tra xưởng sửa chữa ô-tô Hùng Cường, 314 Ðà Nẵng, Vạn Mỹ, phát hiện ô-tô Lexus RX350, không BKS, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chưa xác định được chủ xe; đã tạm giữ xe, lập hồ sơ xử lý. (Nhân dân Online 20/6)

11.            Thiếu nữ 17 tuổi tiết lộ về khẩu súng đại náo vũ trường

Thiếu nữ 17 tuổi khai nhận, khẩu súng rulô đã sử dụng để uy hiếp đối thủ gây náo loạn vũ trường là do một “đại ca” Hải Phòng nhờ giữ giùm.

Tin từ Công an quận 1 (TPHCM), ngày 19/6, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố đối tượng Lê Thị Yến Linh (SN 1997, quê Đồng Tháp, tạm trú TPHCM) về tội “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Trước đó, rạng sáng 15/6, Linh cùng một nhóm bạn vào quán bar 030 trên đường Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1 để ăn chơi.

Đến khoảng 3 giờ 30 phút cùng ngày, Linh phát sinh mâu thuẫn với một nhóm khác trong quán. Để chứng tỏ mình không thua ai, vài phút sau, Linh rút ra khẩu súng Rulo để thị uy.

Phát hiện vụ việc, một số bảo vệ của quán bar lao đến khống chế Linh rồi tước súng.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu Linh khai, chỉ xảy ra cãi vã nhau với nhóm thanh niên kia tại vũ trường chứ không hề có mâu thuẫn từ trước.

Khi được hỏi về nguồn gốc cây súng, lúc đầu, Linh né tránh trả lời, tuy nhiên sau đó thiếu nữ này khai khẩu súng rulô đã sử dụng để uy hiếp đối thủ là do một “đại ca” Hải Phòng nhờ giữ giùm. (thethaovietnam.vn 20/6)

12.            Bắc Giang: Đi taxi mang súng đến bắn “con nợ”

Công an tỉnh Bắc Giang đã tạm giữ Giang Thanh Liên (21 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) để điều tra về hành vi giết người.

Theo tài liệu điều tra của Công an tỉnh Bắc Giang, khoảng tháng 3/2013, Liên nhận được điện thoại của một người quen tên Tuấn (trú tại Bắc Giang) nhờ về Bắc Giang dằn mặt một “con nợ”. Liên lập tức nhận lời và rủ thêm Hà Văn Đại (cùng trú tại Hải Phòng) đi taxi lên Bắc Giang gặp Tuấn. Sau mấy câu trao đổi với Tuấn, Liên bảo Đại đưa cho khẩu súng colt quay tự chế, rồi bảo Tuấn nhờ người chở đến nhà đối tượng nợ tiền. Khi đến nơi, nhìn thấy trong nhà có mấy thanh niên đang ngồi, Liên giương súng nổ liền 3 phát. Sau khi gây án, Liên và Đại đi taxi về Hải Phòng. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ Tuấn và Đại. Riêng Liên tiếp tục lẩn trốn và bị Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Biết sẽ bị lực lượng công an truy tìm gắt gao nên Liên di chuyển liên tục giữa các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang và xuất hiện nhiều ở các địa bàn vùng biên. Với sự tinh quái của mình, Liên luôn chọn khu vực biên giới để lẩn tránh sự truy bắt của cơ quan công an. Cuối tháng 5/2014, Công an TP Hải Phòng nắm được thông tin Liên đã mò về đất Cảng, tá túc ở các nhà nghỉ, nhà trọ cùng đám bạn xã hội, hàng đêm vào vũ trường, quán bar. Tiến hành rà soát các địa chỉ Liên có thể lui tới, chiều muộn 4/6, Công an TP Hải Phòng đã phát hiện Liên đang ngồi sau xe máy của một đối tượng di chuyển trên đường. Các trinh sát đã tiến hành đeo bám, tìm cơ hội bắt giữ. Khi sang đến địa phận xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), Liên cùng đối tượng đi cùng rẽ vào một quán cóc ven đường, lập tức lực lượng trinh sát đã ập tới bắt gọi đối tượng.

Ngày 19/6, Công an TP Hải Phòng cho biết đã bàn giao đối tượng Liên cho Công an tỉnh Bắc Giang để điều tra theo thẩm quyền. (Thanh Sơn, Gia đình & Xã hội Online 20/6)

13.            Chủ nợ đất Cảng bị chém thiệt mạng

Ngày 19/6, công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) vẫn đang truy lùng thủ phạm gây ra cái chết của anh Lương Tiến Công (36 tuổi, ở Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng). Sáng trước đó một ngày, Công cùng vợ sang nhà Nguyễn Thị Thanh Yến (43 tuổi) để đòi khoản nợ 17 triệu đồng. Hai bên đã xảy ra cãi vã. Yến gọi điện thoại cho 3 người lạ mặt đến. Chúng dùng vật sắc nhọn đâm chém liên tiếp vào người anh Công. Sau khi gây án, nhóm tội phạm bỏ trốn khỏi hiện trường, riêng người phụ nữ 43 bị dân giữ lại giao cho công an điều tra. Được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương nặng, Công tử vong sáng 19/6. Theo kết quả khám nghiệm pháp y, nạn nhân bị chém nhiều nhát vào vùng cổ, hốc nách và mạng sườn. Tổ trưởng nơi Yến sinh sống cho hay, người phụ nữ này không phải là người địa phương, chỉ tạm trú nơi đây. Yến sống với con gái hơn 10 tuổi, không nghề và có quan hệ phức tạp. Trong ngôi nhà Yến thuê ở có nhiều người nghiện hay lui tới đây. (Thùy Linh, Zing.vn 20/6; Nông thôn ngày nay Online 20/6; An ninh Hải Phòng 20/6 Tr12)

14.            Hội tổ tôm "vỡ đĩa"

Có thể nói, trong thú đánh bài lá thì tổ tôm thuộc dạng hút người chơi nhất, đặc biệt khi có chút “màu” trong đó thì các con bạc có thể bỏ bê mọi công việc, ngồi thâu đêm suốt sáng để sát phạt nhau. Ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, có một nhóm người ở các thôn An Thắng, An Tiến, An Trại, rất thú món đánh bài lá ăn tiền dưới hình thức tổ tôm này, cứ sểnh ra là họ nhấm nháy lập hội sát phạt.

13h30 ngày 22-1-2014, các đối tượng Trần Văn Mạnh, sinh 1977; Trần Văn Động, sinh 1960; Trần Văn Lai, sinh 1977; Trần Văn Phước và Nguyễn Thành Lâm, sinh 1988, rủ nhau đến nhà Bùi Văn Chín chơi và được Chín rủ đánh bài ăn tiền. Tất cả đồng ý và thống nhất đánh gom: Mỗi hội mỗi người gom 50.000đ, số tiền gom sẽ là 250.000đ; nếu ù xuông được 20.000đ, dịch 5.000đ, hết tiền lại tiếp tục gom để đánh tiếp; mỗi tiếng bỏ ra 5.000đ tiền thuốc nước và tiền công chia bài. Thống nhất xong, Chín lấy 2 bộ bài tổ tôm, 1 đĩa nhựa, 1 khay inox đã có sẵn và bảo Lâm ngồi chia bài cho Chín, Mạnh, Động, Phước chơi.

Khi tham gia đánh bạc, Chín có 300.000đ để ở chiếu bạc, Mạnh có 1,1 triệu đồng để ở trên chiếu bạc (bị thua 540.000đ ), Lai có 580.000đ để trong người đã bỏ ra 90.000đ, Động có 2.050.000đ đã bỏ ra 50.000đ để đánh bạc. Quá trình đánh bạc, các đối tượng đều sử dụng số tiền lấy trong ví hoặc trong người đem theo để chơi. Lâm không tham gia đánh bạc mà chỉ ngồi chia bài và phục vụ người chơi. Đám bạc chơi đến 16h15 cùng ngày thì bị tổ công tác của Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAH Thủy Nguyên ập vào bắt quả tang; thu giữ tại chiếu bạc 2 bộ bài tổ tôm (mỗi bộ 120 cây bài), 1,3 triệu đồng ở giữa chiếu, tiền để dưới chiếu cạnh người và trong ví các đối tượng, 1 triệu đồng trong ví Trần Văn Phước vứt lại trên chiếu bạc khi bỏ chạy; tổng số tiền được sử dụng vào mục đích đánh bạc, cơ quan công an thu được là 5.350.000đ.

Ngày 19-5 vừa qua, TAND huyện Thủy Nguyên đưa vụ án trên ra xét xử. Các bị cáo đều thực hành tội phạm tích cực, riêng bị cáo Lâm thực hiện với vai trò giúp sức nên áp dụng hình phạt thấp hơn các bị cáo còn lại. Do các bị cáo có nhiều tình tiết được giảm nhẹ nên tòa đã lượng hình, chỉ xử phạt: Trần Văn Mạnh, Trần Văn Động, Trần Văn Lai cùng chung mức án 15 tháng cải tạo không giam giữ và Nguyễn Thành Lâm 12 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Đánh bạc”, theo điều 248-BLHS; phạt tiền mỗi bị cáo 3 triệu đồng sung quỹ nhà nước. Trong vụ án này còn có Trần Văn Phước bỏ trốn, Bùi Văn Chín không có mặt khi tòa triệu tập, Cơ quan CSĐT-CAH Thủy Nguyên đã ra quyết định truy nã… (NP, An ninh Hải Phòng Online 20/6)

15.            Bóc gỡ đường dây ma túy cực lớn của "ông trùm xuyên Việt"

Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc công an thành phố, Ban chuyên án hạ quyết tâm bắt cho được tên trùm Nguyễn Viết Huỳnh để kết thúc chuyên án, mang lại bình yên cho người dân thành phố.

Sau thời gian dài đeo bám, đêm 10-5, trinh sát Phòng PC47 phát hiện Huỳnh đang vận chuyển ma tuý đi giao hàng cho khách nên tiến hành chặn bắt tại giao lộ Trường Sơn - Hồ Bá Kiệm, phường 15, quận 10, thu giữ trong người của Huỳnh 50 viên thuốc lắc. Cùng thời điểm, trước số 15C Nguyễn Giản Thanh (phường 15, quận 10), một tổ trinh sát tiến hành bắt quả tang Nguyễn Hoàng Anh Tuấn (tự Quốc, sinh 1980, ở phường 9, quận 3) cùng tang vật là hai túi nylon chứa hơn 166,9 gram thuốc lắc.

Khám xét nơi ở của Huỳnh tại phòng 4 lầu 3 nhà 15C Nguyễn Giản Thanh, phường 15, quận 10, lực lượng chức năng thu giữ 25 túi nylon chứa ma túy, trong đó có 5 túi đựng 272 viên nén các loại và 5 gói nylon chứa tinh thể không màu. Kết quả giám định có trọng lượng 973,9 gram ma túy “đá”, 66,15 gram thuốc lắc và 719,5 gram chất phức tạp (tổng cộng gần 1,8kg ma tuý dạng bột, viên... các loại). Ban chuyên án cũng bắt giữ bồ nhí của Huỳnh tại căn hộ trên là Nguyễn Thị Thuỳ Dương (22 tuổi, quê Quảng Ngãi) với vai trò giúp sức cho Huỳnh trong việc buôn bán ma túy.

Mở rộng điều tra, ban chuyên án tiến hành bắt giữ khẩn cấp hai nghi can chuyên cung cấp ma tuý cho trùm Huỳnh là: Nguyễn Trí Thức (30 tuổi, ở quận 7) và Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, quê Hải Phòng).

Qua đấu tranh, Huỳnh khai tham gia mua bán ma túy từ đầu năm 2014, nguồn lấy từ nhiều đối tượng ngoài Hải Phòng. Trong đó, nhiều lần Huỳnh lấy hàng của Nguyễn Trí Thức và Nguyễn Sơn Tùng, mỗi lần từ 100 gram đến 0,5kg ma túy “đá” và thuốc lắc. Huỳnh khai mỗi khi bận công chuyện thì mọi giao dịch mua bán đều nhờ cô bồ Thùy Dương thay mình điều hành. Ngoài cô bồ nhí, Huỳnh còn sử dụng Nguyễn Hoàng Anh Tuấn làm “đệ tử” với tiền công mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Không bằng lòng với khoản thù lao mà với nhiều người là “trong mơ” đó, Tuấn còn nhiều lần trực tiếp lấy hàng của “ông chủ” rồi bán cho các đầu mối khác để kiếm lời, làm một ông “trùm” con.

Đạt “ma” sau khi biết tin nhiều đồng bọn sa lưới, đã liên tục thay đổi chỗ ở, đổi số điện thoại, trốn chạy. Vốn có nhiều tiền án, tiền sự về các tội cướp giật tài sản, tàng trữ hung khí… và đã ăn cơm tù nhiều lần nên hắn tỏ ra hết sức tinh ranh - dù tuổi đời chưa bước qua con số 30. Số tiền thu từ việc buôn bán thứ hóa chất chết người, hắn mang đi hùn hạp mở một quán càphê trên đường Lê Đình Thụ, phường Tân Thành, quận Tân Phú và biến quán này thành nơi giao dịch an toàn, nhằm qua mắt công an.

Tuy nhiên, dù có “ma” đến cỡ nào thì hắn vẫn không thể thoát được tai mắt nhân dân và các trinh sát. Sau nhiều ngày đeo bám, các trinh sát Đội 3 đã chạm trán với tay giang hồ lọc lõi này tại căn hộ chung cư Nhiêu Lộc (phường Tân Quý, quận Tân Phú) vào đêm 29-5. Biết không thể thoát, Đạt đành ngoan ngoãn tra tay vào còng cùng tên đàn anh cũng không kém phần ranh ma là Vũ Phi Hùng (sinh 1973, ở phường 6, quận 4) với những tang vật liên quan.

Kết thúc chuyên án, Phòng PC47 đã bắt, khởi tố 16 người, thu giữ gần 6kg ma túy, 3.729 viên ma tuý tổng hợp các loại. (TB, An ninh Hải Phòng Online 20/6)

16.            Kẻ trộm dính "đòn" của công an viên

Cả tháng nay, không đêm nào anh Đào Hữu Hót, Công an viên thôn Tê Chử, xã Đồng Thái, huyện An Dương, ngủ trọn giấc. Điều làm anh trăn trở là từ khi làm công an viên tại thôn đến nay, chưa bao giờ lại xảy ra trình trạng trộm cắp như gần đây.

Bọn trộm đột nhập vào nhà bà con bất kể ngày hay đêm, cuỗm đi từ bộ cánh cửa, con gà, con chó đến chiếc xe đạp, xe máy để hớ hênh trước cửa hoặc ngoài đồng, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng lớn tới tình hình ANTT tại địa phương...

Đã nhiều năm lăn lộn với công tác đảm bảo ANTT tại địa phương, anh Hót không chỉ thông thuộc từng đường đi lối lại mà còn nắm chắc từng hộ gia đình, từ đối tượng đã có tiền án, tiền sự hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Lẽ nào anh phải chịu bó tay để cho đối tượng ngang nhiên hoành hành…

Với quyết tâm lật mặt tội phạm, anh Hót đề xuất với Ban Công an xã tập trung lực lượng nắm tình hình, lật lại hồ sơ từng vụ trộm, phát động quần chúng tố giác tội phạm và rà soát đối tượng trên địa bàn. Qua đó, thấy nổi lên Vũ Văn Vinh, sinh 1977, ở cùng thôn Tây Chử, Đồng Thái. Đã có vợ và con, nhưng do Vinh nghiện ma túy nên đã chia tay. Bản thân Vinh từng bị địa phương 2 lần đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mặc dù đang sống chung với bố mẹ già nhưng hàng ngày hắn không chịu lao động mà chỉ vật vờ quanh làng xã hòng “tăm tia, chôm chỉa”. Qua các tài liệu thu thập về đối tượng, Công an xã Đồng Thái nhận định Vinh chính là đối tượng gây ra các vụ trộm cắp trên. Tuy nhiên do đối tượng thường “trộm vặt” lại dùng nhiều thủ đoạn để che mắt sự phát hiện nên việc “bắt tận tay, ray tận tóc” rất khó khăn.

Qua nhiều ngày cùng với lực lượng Công an xã mật phục, tuần tra, đón lõng đối tượng không có kết quả, anh Hót không nản lòng mà hàng đêm vẫn kiên trì theo dõi các biến động trong thôn. Quả nhiên những nỗ lực, quyết tâm của anh Hót đã được đến đáp. Rạng ngày 9-6, cũng như mọi sớm, anh Hót ngồi trước cửa nhà đang đăm đăm quan sát tuyến đường thôn thì phát hiện một bóng người dắt chiếc xe máy đi từ hướng thôn Hoàng Mai về phía trụ sở UBND xã Đồng Thái có nhiều biểu hiện đáng ngờ. 

Ngay lúc đó, anh Hót rời vị trí, áp sát và phát hiện đối tượng trên chính là Vũ Văn Vinh. Khi được hỏi về chiếc xe máy, Vinh lúng túng không trả lời nên anh Hót yêu cầu y đứng lại, đồng thời gọi điện cho Ban Công an xã đến phối hợp đưa đối tượng cùng chiếc xe máy BKS: 14F5-9913 về trụ sở UBND xã để làm rõ. Trên đường áp giải, tên Vinh lợi dụng sơ hở bỏ chạy nhưng vẫn không thoát được sự truy đuổi của anh Hót.

Qua đấu tranh, Công an xã Đồng Thái và Công an huyện An Dương làm rõ: Đêm trước đó, tên Vinh đi lang thang tìm cơ hội trộm cắp. Đến địa bàn thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, Vinh phát hiện chiếc xe BKS: 14F5-9913 của anh Bùi Hữu Thịnh, sinh 1984, để trước cửa nhà, không có người trông coi đã vào dắt ra ngoài. Do không nổ được máy nên Vinh buộc phải dắt bộ, định đem về nhà cất giấu thì bị anh Hót phát hiện, bắt giữ.

Vừa qua, Công an huyện An Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với Vũ Văn Vinh về tội trộm cắp tài sản.

Nghe tin kẻ chuyên trộm cắp trong thôn bị lật tẩy, bà con không chỉ trong thôn Tê Chử mà cả xã Đồng Thái, huyện An Dương, rất phấn khởi và ca ngợi tinh thần cảnh giác, quyết tâm đấu tranh với tội phạm phục vụ nhân dân công an viên xã Đồng Thái Đào Hữu Hót. (KĐ, An ninh Hải Phòng Online 20/6)

GIAO THÔNG

17.            Xe container phanh gấp gây tai nạn, tài xế bị thương nặng

Vào hồi 14h hôm qua 18/06, trước của nhà số 23, đường Nguyễn Văn Linh, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng.

Xe container biển số 88R-06098 (thuộc công ty Thép Việt Đức) do anh Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1972) và anh Đỗ Đình Lũy điều khiển khi đi đến ngã tư Cầu Rào 2 đã đâm mạnh vào xe ô tô bốn chỗ mang biển số 15A-12931 do anh Nguyễn Chí Thắng điều khiển. 

Nghiêm trọng hơn, vụ tai nạn đã khiến cho 2 cuộn thép (mỗi cuộn có trọng lượng 2,4 tấn) tuột đứt xích văng ra. Một cuộn lao lên cabin đè bẹp cabin khiến anh Nguyễn Ngọc Sơn bị thương nặng. Cuộn còn lại văng xuống đường khoảng 20 mét đè bẹp 2 xe đạp điện và 4 xe máy đang đỗ trên vỉa hè. Ngoài ra bình xăng và một số bộ phận của chiếc xe container cũng văng tung tóe ra đường. Rất may đã không có ai bị những vật thể trên gây thương tích.

Theo công an phường Dư Hàng Kênh, nguyên nhân vụ tai nạn là do lái xe container không làm chủ được tốc độ khi đến gần ngã tư, phanh gấp nên gây tai nạn. (Lê Tân, Pháp luật Việt Nam Online 20/6; Gia đình & Xã hội Online 20/6)

18.            Rà soát biển báo tốc độ dưới 40km/g

Ban ATGT thành phố sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, chuẩn bị tổng rà soát biển hạn chế tốc độ dưới 40km/g, nghiên cứu lắp đặt biển hạn chế tốc độ trên một số tuyến đường trọng điểm theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Theo rà soát bước đầu, ngoại trừ một số đoạn gần nút giao thông hoặc đường cua gấp thực hiện cắm biển báo 40km/g, một số tuyến đường hạn chế tốc độ đã góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn thành phố. (Báo Hải Phòng 20/6 Tr4)

19.            Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng: Xây dựng khu dịch vụ cuối tuyến tầm cỡ

Theo báo cáo của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi)- chủ đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đến thời điểm này, đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang được tích cực thi công, theo đúng tiến độ đến cuối năm 2014 sẽ thông xe. Bên cạnh đó, một dự án thành phần quan trọng khác đang được xúc tiến triển khai. Đó là khu dịch vụ cuối tuyến đặt tại Đình Vũ.

Nút giao thông và khu dịch vụ hoàn chỉnh

Điểm nút cuối cùng của đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng (gọi là đường cao tốc) đặt tại khu vực Đình Vũ, giao cắt tại đường 356 và là điểm cuối của đoạn 2A đường 356. Riêng nút giao thông, đất dành cho xây dựng có đường kính lên đến 500m.

Vidifi cho biết, đoạn cuối tuyến đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nút giao thông cắt qua trục đường 356 có tới hơn 20 cảng biển ở ven đường, lượng hàng hóa qua cảng ở khu vực này chiếm đến 70% tổng lượng hàng hóa nói chung và 85% lượng công ten nơ trên địa bàn thành phố. Không chỉ giải quyết vấn đề giao thông đường bộ qua đường cao tốc, nút giao thông còn hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trên trục đường 356 và đây cũng là điểm cuối của tuyến đường ven biển Quảng Ninh- Hải Phòng. Có thể nói, đây là nút giao thông đối ngoại vô cùng quan trọng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, bởi ngoài việc tạo thông thoáng cho các phương tiện, nút giao thông dự kiến sẽ đón khoảng 80% lượng hàng hóa trung chuyển sau hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Nhận thấy tầm quan trọng của nút giao thông này, Vidifi đề xuất dự án xây dựng khu dịch vụ cuối tuyến tại đây, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa, đồng thời sẽ góp phần thu hồi một phần vốn cho dự án đường cao tốc. Phó tổng giám đốc Vidifi Chu Văn Mẫn cho biết, dự án có tổng diện tích đất quy hoạch 82,5ha, diện tích đất khai thác 62,64ha, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện 44,48ha; giai đoạn 2 thực hiện 17,79ha. Về tổng thể, dự án có 4 khu dịch vụ, gồm: khu dịch vụ hỗ trợ vận tải, khu thương mại và văn phòng, khu đỗ xe và kho bãi, khu đỗ xe tải kèm bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ, cứu nạn…Cũng theo ông Mẫn, khu dịch vụ gắn liền với đường cao tốc sẽ giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của các phương tiện. Đây sẽ là nơi nghỉ ngơi chờ nhận hàng của lái xe, nhằm bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến đi…

Tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công

Dự án khu dịch vụ cuối tuyến là dự án thành phần của đường cao tốc được đầu tư đồng bộ. Do vậy, dự án được Bộ Giao thông-Vận tải đặt rất nhiều kỳ vọng, bởi từ dự án này sẽ bảo đảm thông suốt- an toàn trên tuyến đường dài hơn 100km nối Hà Nội với Hải Phòng. Dự án cũng nhận được sự ủng hộ của thành phố Hải Phòng và thành phố đã chỉ đạo quận Hải An và các cơ quan khẩn trương GPMB, giao mặt bằng sạch để chuẩn bị thi công.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác GPMB đoạn cuối tuyến vẫn gặp nhiều khó khăn, phần vì kiểm kê đền bù chưa đạt yêu cầu, phần vì doanh nghiệp và cá nhân chưa chấp thuận cho cơ quan chức năng vào kiểm kê. Theo báo cáo của Công ty CP đầu tư Vidifi Duyên Hải (đại diện của Vidifi), tổng diện tích đất thu hồi giai đoạn 1 của dự án theo thông báo của UBND thành phố là hơn 448,5 nghìn m2, nhưng mới kiểm kê đạt 55,6%, trong đó tại phường Đông Hải 2 còn 84.753,7m2, phường Nam Hải còn 114.303,80m2. Công tác phê duyệt lập phương án bồi thường đối với doanh nghiệp cũng chỉ đạt 31,04%. Ngoài ra, còn vướng mắc trong kiểm kê đối với HTX Nam Hải (nay là Công ty TNHH đầu tư Hàng hải Việt Nam) và đầm nhà ông Thuật, với lý do hợp tác và ủy quyền cho Công ty CP thương mại Phượng Hoàng. Trước những khó khăn này, UBND thành phố chỉ đạo quận Hải An và các cơ quan cần quyết liệt, thực hiện đúng nguyên tắc trong GPMB, sớm bàn giao diện tích cho chủ đầu tư.

Theo Vidifi, dự án khu dịch vụ cuối tuyến có ý nghĩa quan trọng với những hạng mục cấp bách, phải hoàn thành trong năm 2015- thời điểm đường cao tốc thông xe, nên việc triển khai phải tiến hành khẩn trương, chuẩn bị mặt bằng thi công giai đoạn 1 trong tháng 9-2014. (Mai Lâm, Báo Hải Phòng Online 20/6)

ĐÔ THỊ

20.            Quận Đồ Sơn: Kiểm tra trật tự xây dựng đối với 88 trường hợp

5 tháng đầu năm nay, quận Đồ Sơn cấp phép xây dựng cho 43 trường hợp, kiểm tra trật tự xây dựng đối với 88 trường hợp trong đó có 39 trường hợp có giấy phép xây dựng, 38 trường hợp đang xin cấp phép xây dựng; xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 trường hợp. Quận kịp thời sửa chữa, khắc phục các hạng mục hè, đường, công trình đô thị bị các cơn bão tàn phá trong năm 2013, kịp thời phục vụ các hoạt động trong mùa du lịch hè 2014. (Báo Hải Phòng 19/6 Tr3)

21.            Huyện Kiến Thụy: Đầu tư xây dựng cơ bản đạt gần 33 tỷ đồng

6 tháng đầu năm, đầu tư xây dựng cơ bản của huyện Kiến Thụy ước đạt gần 33 tỷ đồng, mới bằng 36,4% kế hoạch năm 2014. Huyện tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp và các công trình bằng nguồn vốn sự nghiệp, trong đó có Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Quán Chánh, Dự án đường 403 giai đoạn 3 và các công trình vốn sự nghiệp theo kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện thực hiện tập trung chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm huyện, tiếp tục đầu tư xây dựng, khai thác chợ trên địa bàn theo Đề án 630 của UBND huyện Kiến Thụy về phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

22.            Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo cảm ơn lãnh đạo và nhân dân thành phố

Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 thành công, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế,  Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận gửi thư cảm ơn tới đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố và đồng chí Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND thành phố.

Nội dung thư nhấn mạnh: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là kỳ thi đầu triển khai theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết số 29-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã thành công, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đồng chí Bộ trưởng ghi nhận và cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát, sự giúp đỡ hiệu quả của Thành ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội tại thành phố đối với kỳ thi này. Đồng chí Bộ trưởng mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, chỉ đạo, giúp đỡ của thành phố đối với các hoạt động của ngành GD-ĐT, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo, góp phần đưa nền GD-ĐT của nước ta và thành phố lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

23.            Tỷ lệ huy động trẻ em độ tuổi mầm non đến trường của Hải Phòng thấp hơn mức chung cả nước

Sáng 19-6, Ban Văn hóa-xã hội HĐND thành phố do Trưởng ban Phạm Từ Thứ làm trưởng đoàn làm việc với Sở GD-ĐT thành phố về công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục mầm non từ năm 2010 đến nay.

4 năm qua, mặc dù quy mô trường, lớp mầm non tại thành phố ngày càng phát triển, số trẻ em trong độ tuổi huy động đến trường tăng, chế độ, chính sách cho giáo viên các trường mầm non được cải thiện, nhưng giáo dục mầm non tại thành phố còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về quy mô và chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đến trường mới đạt 58,3%. Trong đó, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi nhà trẻ đạt 23%; tỷ lệ trẻ em độ tuổi mẫu giáo đạt 83,8%, thấp hơn so với tỷ lệ huy động chung của cả nước. Đáng lo ngại là, tình trạng quá tải về sĩ số, thiếu phòng học, thiếu diện tích, thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giáo dục, chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách cho giáo viên chưa kịp thời và chưa bảo đảm theo quy định khiến nhiều giáo viên chưa yên tâm làm việc, thậm chí phải bỏ nghề. Thống kê của Sở GD-ĐT, hiện thành phố thiếu hơn 120 phòng học mầm non. Trong số các phòng học của bậc mầm non hiện nay, còn 72 phòng học nhờ, học tạm và 79 phòng học đã xuống cấp, không an toàn cho trẻ em nhưng chưa có kinh phí để cải tạo, sửa chữa.

Các thành viên đoàn công tác quan tâm, đề nghị Sở GD-ĐT phân tích, làm rõ thêm vấn đề  quy hoạch trường mầm non, trách nhiệm của ngành GD-ĐT trong công tác tham mưu với thành phố về vấn đề này; vấn đề kinh phí của các trường mầm non công lập tự chủ; số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; công tác khám sức khỏe cho trẻ em trường mầm non...

Đến nay, thành phố có 299 trường mầm non với 3264 nhóm lớp, tăng 35 trường với 741 nhóm lớp so với năm 2010. Hệ thống trường mầm non tư thục ngày càng mở rộng với 53 trường, tăng 30 trường so với năm 2010. Tính đến tháng 5-2014, thành phố huy động được gần 98 nghìn trẻ em đến trường, đạt tỷ lệ 58,3%, tăng hơn 15.500 trẻ so với năm 2010. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

24.            Tập huấn nghiệp vụ thanh tra thi cho 120 cộng tác viên thanh tra

Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, sáng 19-6, Sở GD-ĐT tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho 120 cộng tác viên thanh tra là giáo viên các trường phổ thông tại thành phố.

Các cộng tác viên thanh tra được quán triệt quy chế và những điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10, THPT công lập và trường THPT chuyên Trần Phú, năm học 2014-2015; tập huấn nghiệp vụ tranh tra, giám sát các khâu kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm thanh tra, giám sát về điều kiện cơ sở vật chất các hội đồng thi, các điều kiện an toàn cho kỳ thi, quy chế thi, điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ, giáo viên tham gia các khâu ra đề, in, sao đề thi, coi thi và chấm thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2014-2015 tổ chức trong các ngày 21, 24 và 25-6. Trong đó, ngày 21-6, các thí sinh dự thi vào trường THPT; ngày 24, 25-6, các thí sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Trần Phú. Sở GD-ĐT thành lập 41 hội đồng coi thi với 747 phòng thi.  Theo quy định của Bộ GD-ĐT, cứ 7 phòng thi bố trí 1 cán bộ thanh tra; từ 7 phòng thi trở lên, bố trí 2 cán bộ thanh tra làm nhiệm vụ giám sát hoạt động của giám thị và thí sinh tại khu vực phòng thi. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

25.            Hội Cựu sinh viên AIT thăm, động viên các gia đình chiến sĩ cảnh sát biển

Hội Cựu sinh viên AIT (tổ chức tự nguyện của những người học ở Học viện Công nghệ châu Á) vừa tổ chức thăm, động viên các gia đình cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển cư trú trên địa bàn thành phố, đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam.

Đoàn đi thăm, động viên 5 gia đình thuộc quận Hải An, xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên), xã Quốc Tuấn (huyện An Lão), xã Toàn Thắng và Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng). Đoàn trao 5 suất quà, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng và 1 chiếc quạt cây tặng các gia đình. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, để các gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc đối với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

26.            Chương trình tiên tiến - Trường đại học Hàng hải Việt Nam: Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Học bằng tiếng Anh theo chương trình chuẩn của các trường ĐH đạt chất lượng hàng đầu trong ngành hàng hải trên thế giới, được làm quen những công nghệ và thiết bị mới nhất… là những ưu điểm nổi bật khi học tập trong chương trình tiên tiến tại Viện đào tạo quốc tế, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam. Đây thực chất là một hình thức du học tại chỗ của các sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước.

Đào tạo theo chuẩn quốc tế

Thành lập ngày 6-8-2012, Viện đào tạo quốc tế (ISE), trực thuộc Đại học Hàng Hải hiện đang tổ chức, quản lý các chương trình đào tạo với nước ngoài bao gồm nhập khẩu các chương trình tiên tiến hệ cử nhân, thực hiện các dự án liên kết đào tạo với nước ngoài hệ cử nhân và thạc sỹ, hỗ trợ sinh viên đi du học và trao đổi sinh viên quốc tế; cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức trong và ngoài nước. Nói đến mô hình đào tạo theo chương trình tiên tiến được thực hiện bởi nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam, không thể không nhắc đến Viện đào tạo quốc tế với những chương trình đào tạo đang áp dụng hiệu quả tại đây.

Năm 2010, Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam triển khai chương trình đào tạo tiên tiến bậc cử nhân khóa đầu tiên, ngành “Kinh tế hàng hải và Toàn cầu hóa” và tuyển sinh liên tục hàng năm. Đây là chương trình được sự hỗ trợ từ Chính phủ lên đến 85% kinh phí học tập, được nhập khẩu từ Học viện Hàng hải Carlifornia, Hoa Kỳ. Toàn quốc chỉ có 16 trường đại học được Chính phủ hỗ trợ loại hình đào tạo theo chương trình tiên tiến này. Đến năm 2012, Viện đào tạo quốc tế (ISE) ra đời, tiếp tục triển khai chương trình và mở rộng thêm ngành mới: “Kinh doanh quốc tế và Logistics”, đào tạo khóa đầu tiên từ năm học 2013-2014. Các chương trình này được mở nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành logistics tại Việt Nam cũng như khu vực châu Á.

Đây chính là tiền đề cho phát triển cảng biển, kinh tế biển, các ngành giao thông vận tải, kho bãi, thương mại dịch vụ và các ngành kinh tế liên quan hoạt động thương mại quốc tế. Cho đến nay, cả hai chương trình đào tạo tiên tiến mà viện đang triển khai đều được đánh giá cao. Cả hai chương trình đều thực hiện liên kết với Học viện Hàng hải California, Hoa Kỳ - là trường công thứ 2 tốt nhất Tây Mỹ theo đánh giá của USNews năm 2013 và là một trong số 7 học viện hàng hải duy nhất được công nhận trên toàn nước Mỹ.

Lấy học viên làm trung tâm

Khi theo học chương trình tiên tiến, sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng Anh do các giáo sư của các trường đối tác sang giảng dạy, điều kiện học tập nghiên cứu được đảm bảo thông qua cơ sở vật chất hiện đại theo chuẩn quốc tế. Một điều kiện khá khắt khe đối với sinh viên ra trường là phải đạt tối thiểu từ 5.5 điểm IELTS hoặc tương đương, chứng chỉ tin học MOS và các chứng chỉ kỹ năng mềm. Trong quá trình học, sinh viên có cơ hội tham gia các trại hè quốc tế và các chương trình trao đổi sinh viên thực hiện tại các quốc gia khác nhau. Giữa Viện đào tạo quốc tế và Học viện Hàng hải California hàng năm đều thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên, gửi sinh viên sang trường của nhau học tập trong 1 kỳ học. Ngoài ra viện còn có các chương trình giao lưu văn hóa, hữu nghị giữa sinh viên hai trường, đã tổ chức thành công 4 lần đón tiếp tổng cộng 85 sinh viên của Học viện Hàng hải California sang giao lưu học hỏi.

Chương trình cũng hấp dẫn các sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế theo học. Trong thời gian thực hiện chương trình, Viện đào tạo quốc tế đã và đang thực hiện tốt tiêu chí mở rộng liên kết đào tạo quốc tế mà Bộ GD&ĐT khuyến khích thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình học, sinh viên liên tục nhận được sự hỗ trợ của các cố vấn học tập để giải đáp các thắc mắc, tư vấn và là cầu nối giữa nhà trường với gia đình. Các sinh viên theo học chương trình có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn học bổng trong nước và quốc tế, nhất là cơ hội chuyển tiếp sang học tại Học viện Hàng hải California, Hoa Kỳ dành cho các sinh viên xuất sắc.

Quy trình giảng dạy tại viện tuân theo các chuẩn đào tạo quốc tế, luôn lấy học viên làm trung tâm. Sau mỗi môn học đều thực hiện lấy ý kiến khảo sát của sinh viên để đánh giá toàn diện về giảng viên và môn học, chỉ khi giảng viên đạt mức yêu cầu mới được tiếp tục mời giảng dạy. Tại các hoạt động ngoại khóa, các buổi gala sinh viên, giải bóng đá, các hoạt động thiện nguyện sinh viên Viện đào tạo quốc tế thể hiện rõ bản lĩnh, tài năng và sự tự tin với các kỹ năng mềm đã được trang bị: kỹ năng thuyết trình và hoạt động nhóm. Cùng với sinh viên toàn trường, sinh viên viện tham gia tích cực công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền giữ gìn và bảo vệ môi trường; hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi; thăm và tặng quà các hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 10 triệu đồng mỗi lần tổ chức. Đây là các hoạt động chứng minh trách nhiệm cộng đồng trong ý thức của các sinh viên chương trình tiên tiến.

Xây dựng nền kinh tế xanh

Nhấn mạnh về chiến lược đào tạo của viện trong thời gian tới, Viện trưởng, PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy cho biết: “Viện đào tạo quốc tế cùng Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Các môn học của chương trình tiên tiến không chỉ đơn thuần về nghiệp vụ chuyên môn kinh tế mà còn dành sự quan tâm đến môi trường và các chính sách vĩ mô thông qua việc đưa vào chương trình học một số môn liên quan đến môi trường như Luật môi trường, quản lý môi trường đại dương, chính sách môi trường, chính sách kinh tế của các quốc gia phát triển…”. Có thể khẳng định rằng, chiến lược này đã nắm bắt đúng xu thế chung của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu.

Không những thế, Viện đào tạo quốc tế còn luôn xây dựng, củng cố và duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp hoạt động liên quan tới đặc thù đào tạo của viện nhằm tạo mọi sự hỗ trợ cần thiết cho sinh viên. Nhiều doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có cơ sở ở Hải Phòng hoặc các địa phương lân cận sẵn sàng hỗ trợ sinh viên của chương trình tiên tiến đi thực tập và trao học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động đoàn thể. Thực tế khoảng 40% sinh viên của khóa đầu tiên chuẩn bị tốt nghiệp trong thời gian tới đã được các doanh nghiệp đăng kí tiếp nhận. Có thể kể đến các doanh nghiệp đối tác tiêu biểu của viện hiện nay: Công ty TNHH một thành viên Cảng Hải Phòng, Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản Á Châu Ashico, Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng GE, Khu Công nghiệp Nomura, Công ty International Mascot...

Đầu năm 2015, viện tiếp tục mở chương trình đào tạo thạc sĩ quản lý, là chương trình liên kết với Trường đại học Khoa học ứng dụng IMC Krems - Áo, với mục tiêu đào tạo các thạc sỹ quản lý có khả năng làm việc trong môi trường doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với sự cạnh tranh cao, khả năng thích ứng với công việc nhanh chóng nhờ có kiến thức quản trị kinh doanh vững vàng và khả năng giao tiếp, làm việc bằng tiếng Anh tốt.

Tin rằng từ cơ sở thành công của các khóa tuyển sinh và chất lượng đầu ra của khóa cử nhân đầu tiên, Viện đào tạo quốc tế - Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến chất lượng, đóng góp tích cực cho nguồn cung ứng nhân lực chất lượng cao của thành phố, góp phần hiện thực hóa chiến lược xây dựng thành phố Cảng xanh, nền kinh tế xanh, phát triển nhanh bền vững. (Huyền Trâm, An ninh Hải Phòng Online 20/6)

KINH TẾ

27.            Khu nông nghiệp công nghệ cao khó thu hút đầu tư

Cả nước hiện có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cấp tỉnh đã đi vào hoạt động, gồm khu NNCNC tại TP.HCM, Sơn La, Hải Phòng, Khánh Hòa và Bình Dương.

PGS-TS Mai Thành Phụng - Trưởng bộ phận thường trực Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, cả nước hiện có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) cấp tỉnh đã đi vào hoạt động, gồm khu NNCNC tại TP.HCM, Sơn La, Hải Phòng, Khánh Hòa và Bình Dương.

Tuy nhiên, do vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các khu NNCNC này khá lớn nên theo ông Phụng, khả năng thu hồi vốn sẽ rất chậm. Ngoài ra, khu NNCNC không phù hợp với các đối tượng cây, con, đòi hỏi diện tích sử dụng đất, không gian cách ly lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp có nguồn vốn thấp cũng khó có thể tham gia đầu tư vào khu NNCNC. Bù lại, các doanh nghiệp tham gia sản xuất tại khu NNCNC sẽ có sản lượng hàng hóa tập trung, kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng, giảm được chi phí đầu tư về hạ tầng trên một đơn vị diện tích… (Thuận Hải, Nông thôn ngày nay Online 20/6)

28.            Quảng Ninh: Khu công nghiệp 500 triệu USD sắp “đổi phận”

Việc làm “hàng xóm” với Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng) đã khiến tương lai của khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Quảng Ninh) rẽ sang một hướng khác.

Khu công nghiệp 530 triệu USD

Khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên) được Thủ tướng chấp thuận đầu tư vào năm 2009 với tổng diện tích lên đến 3.710 ha.

Khu công nghiệp này được xây dựng với mục tiêu là khu công nghiệp cảng biển, khu đô thị kinh tế tổng hợp với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật đồng bộ, là khu dịch vụ cảng cửa ngõ quốc tế, đầu mối thương mại, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu bằng tàu biển có tải trọng lớn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh khu vực phía Bắc.

Từ đó đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “nhòm ngó” khu công nghiệp này như Tập đoàn SE (Nhật Bản), Công ty Ecorem - đơn vị hợp tác với Tập đoàn Rent A Port (Vương quốc Bỉ)…

Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công bố Danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020, trong đó có dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc với tổng vốn đầu tư khoảng 11 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 530 triệu USD). Mục tiêu là đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và khu dịch vụ kèm theo, trong đó diện tích khu công nghiệp là 1.500 ha.

Nhưng thời gian tới, khu công nghiệp này hứa hẹn sẽ có một con đường phát triển mới bởi có vị trí liền kề Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.

Sáp nhập vào khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải?

Hiện nay, Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải đang được áp dụng cơ chế chính sách theo quy định tại Nghị định 29/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và Nghị định 164/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 29.

Do vậy để phát huy hiệu quả của khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc cũng như tăng cường liên kết và phát huy lợi thế của vùng, của Quảng Ninh và Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ hai phương án phát triển cho khu Đầm Nhà Mạc.

Phương án 1 là phát triển khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc theo hướng được hưởng các cơ chế chính sách đang áp dụng cho Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng: Theo quy định tại Nghị định 29 và Nghị định 164, chính sách áp dụng cho khu công nghiệp và khu kinh tế là khác nhau. Do vậy việc quyết định cho khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc được hưởng chính sách của khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải là thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

Phương án 2 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý điều chỉnh địa giới Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải theo hướng bao hàm cả khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc.

Với định hướng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh phối hợp lập đề án điều chỉnh địa giới khu kinh tế trình Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định.,chức năng quản lí phần khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm.

Bộ Tư pháp cho rằng phương án này là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về khu công nghiệp, khu kinh tế. Do vậy Bộ Tư pháp nhất trí với phương án 2. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ sự thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình thêm rằng: Điều chỉnh địa giới hành chính khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải theo hướng mở rộng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chức năng quản lí khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải do UBND thành phố Hải Phòng và chức năng quản lí khu công nghiệp và dịch vụ Đầm Nhà Mạc do UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm. Do đó việc mở rộng địa giới hành chính cần được 2 địa phương phối hợp lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. (Hải quan Online 20/6)

29.            Huyện Vĩnh Bảo: Giá thuốc lào tăng hơn 20%

Vụ xuân năm nay, toàn huyện Vĩnh Bảo trồng 1.110ha thuốc lào, tăng gần 200ha so với năm 2013, tập trung nhiều ở các xã: Hòa Bình, Lý Học, Tam Cường, Giang Biên, Thắng Thủy… Bình quân mỗi sào cho thu hoạch 50kg thuốc lào khô, ước tính sản lượng thuốc lào vụ xuân 2014 đạt hơn 1.500 tấn.

Khảo sát tại một số xã như Hòa Bình, Tam Cường, Giang Biên, giá thuốc lào năm nay tăng hơn 20% so với năm ngoái, dao động ở mức từ 150-250 nghìn đồng/kg thuốc lào khô; một sào thuốc lào cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng. (PV, An ninh Hải Phòng Online 20/6) 

30.            Dự án đầu tư xây dựng khu bay Cảng hàng không quốc tế Cát bi: Chuẩn bị cưỡng chế 5 trường hợp không bàn giao mặt bằng

Tin từ các cơ quan chức năng cho biết, sau khi có ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Xây dựng, UBND quận Hải An đã hoàn thành các bước theo trình tự quy định, chuẩn bị cưỡng chế 5 trường hợp không bàn giao mặt bằng (5,1 ha) phục vụ dự án. (Báo Hải Phòng 20/6 Tr4)

31.            Xây dựng thương hiệu nông sản Tiên Lãng: Bí quyết để vang xa

Với những vùng cây đặc sản nức tiếng nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao sản xuất tại địa phương đem lại cho nông dân huyện Tiên Lãng thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, để giúp nông dân sản xuất ổn định, bền vững, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu tập thể các nông sản này được địa phương quan tâm.

Từ năm 2010, được sự giúp đỡ của các sở, ngành chức năng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, xã Kiến thiết triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây thuốc lào trồng ở địa phương. Chính quyền và địa phương tích cực vào cuộc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, chọn mẫu đất, mẫu cây để các nhà khoa học nghiên cứu, thẩm định, đánh giá, vận động bà con nông dân áp dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm… Năm 2011, cây thuốc lào Tiên Lãng chính thức được công nhận chỉ dẫn địa lý.

Từ hiệu quả xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây thuốc lào, các vùng trồng cây đặc sản, nông sản chất lượng cao khác tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của quê hương mình. Tại xã Đại Thắng, nơi có vùng nếp cái hoa vàng nức tiếng thơm, ngon, từ cuối năm 2013 đến nay địa phương tích cực phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu tập thể cho nông sản này. (Hải An, Hải Phòng cuối tuần 20/6 Tr24+25)

32.            Phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong mùa nắng nóng: Tránh chủ quan, làm theo thói quen

Tính đến ngày 24-5, diện tích tôm nuôi bị bệnh trên địa bàn thành phố là 38,7ha trong tổng số 3.571,48ha diện tích thả nuôi, trong đó phần lớn ở quận Dương Kinh. Ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương có diện tích tôm nuôi bị bệnh đang triển khai các biện pháp phòng ngừa, khoanh vùng, xử lý. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được khống chế. Tuy nhiên điều cần quan tâm là thực hiện phòng chống dịch bệnh đúng cách, tránh chủ quan, làm theo thói quen.

Dịch lây lan

Hộ ông Bùi Đình Học ở phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) có hai đầm nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích hơn 1,5 ha đang thả nuôi tôm được hơn một tháng. Cuối tháng 4 vừa qua, đầm thứ nhất rộng 0,7ha xuất hiện tôm nuôi bị bệnh. Sau đó, đầm thứ 2 rộng 0,81ha cũng bị lây bệnh từ đầm nuôi thứ nhất. Hậu quả, tôm chết hàng loạt và toàn bộ số tôm nuôi chết hết cuốn theo nguồn vốn, công sức cải tạo đầm nuôi, mua con giống, chăm sóc trong gần một tháng. Chưa dừng lại ở đó, theo ông Học, việc cải tạo đầm ao sau dịch bệnh “ngốn” thêm của gia đình hàng chục triệu đồng và nếu thời tiết thuận lợi, phải sau hơn một tháng ông mới có thể nuôi thả tôm trở lại. Đó là những khó khăn mà ông Học và nhiều hộ nuôi thủy sản đang gặp phải. Theo Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn Hoàng Đình Mỹ, trên địa bàn quận Đồ Sơn có 4 hộ với tổng diện tích hơn 2ha bị dịch bệnh và bệnh xuất hiện một phần do lây lan từ nguồn nước của các đầm lân cận chảy ra ngoài, chảy vào đầm khác và mang theo dịch bệnh.

Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thành phố xuất hiện dịch bệnh từ cuối tháng 4 tại khu vực Đồ Sơn, Dương Kinh và chủ yếu lây lan ở các đầm, ao liền kề. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Thú y thu mẫu gửi xét nghiệm, trong đó có một số mẫu cho kết quả dương tính với vi rút đốm trắng (WSSV). Phó trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) Đỗ Đức Trung cho biết, bệnh dịch thường xuất hiện vào khoảng thời gian tôm thả nuôi từ hai tháng trở lên và bùng phát mạnh khi thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ nước hạ xuống dưới 28 độ C. Theo nhiều nghiên cứu, vi rút đốm trắng có độc lực cao và gây chết tôm rất nhanh, tỷ lệ chết lên đến 100% sau 3 đến 7 ngày. Mặt khác, vi rút dạng tự do có thể tồn tại trong nước 4 ngày ở cả nước lợ và nước mặn và tồn tại phổ biến trong cơ thể các sinh vật mang mầm bệnh là các giáp xác hoang dã như tôm, cua, ghẹ….

Theo ông Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch- Kỹ thuật, Xí nghiệp Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, ngoài nguyên nhân dẫn đến tôm chết do thời tiết năm nay diễn biến tiết thất thường, thay đổi đột ngột, một lý do cơ bản khác là chất lượng nguồn con giống không bảo đảm dẫn đến “sức khỏe” con giống yếu, không chống chịu được với thời tiết nắng, nóng, thay đổi đột ngột. Bởi thực tế, có đầm tôm chết toàn bộ, nhưng cũng có đầm tôm chết một phần trong khi quy trình xây dựng, cải tạo đầm và nguồn nước, khu vực nuôi thả cơ bản giống nhau.

Cốt yếu là phòng bệnh đúng cách

Thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa bất thường sẽ làm các yếu tố môi trường trong ao, đầm nuôi biến đổi đột ngột, tăng nguy cơ phát sinh bệnh cho thủy sản các vùng nuôi. Đặc biệt, các bệnh vi khuẩn, trên tôm và cá nước ngọt phát triển như là bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng trên tôm, bệnh nhiễm khuẩn streptococcus sp. trên cá nước ngọt…

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Tự Trọng cho biết: bệnh đốm trắng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nghề nuôi tôm, trong khi đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả. Vì vậy người nuôi tôm phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh, coi phòng bệnh đúng cách là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm môi trường nuôi không nhiễm dịch.

Để hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người nuôi thủy sản, theo  khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, công tác chuẩn bị ao, đầm phải được thực hiện theo đúng quy trình như tẩy dọn, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy, sau đó mới tiến hành lấy nước qua lọc, xử lý và gây màu nước. Để hạn chế những bệnh vi rus nguy hiểm đối với thủy sản nuôi, người nuôi cần mua giống có nguồn gốc, mua theo tổ, nhóm, thực hiện xét nghiệm giống và kiểm dịch trước khi thả. Mặt khác,  duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m và tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt hoặc khi mưa lớn giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi. Cùng với biện pháp bảo vệ, cách ly ao, đầm với nguồn nước thải hữu cơ bên ngoài, người nuôi cần chủ động rải vôi quanh bờ ao để tránh giảm độ pH đột ngột. Một trong yếu tố quan trọng là mật độ, kích cỡ giống thả nuôi phù hợp, đồng thời, định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi và định kỳ lấy mẫu kiểm tra xác định mức độ nhiễm khuẩn trên tôm, nước nuôi và bùn đáy để kịp thời xử lý. Đặc biệt, cần tuyệt đối không được xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm, cá chết ra ngoài môi trường, tránh hiện tượng lây lan.

Vi rút gây bệnh đốm trắng ở tôm nuôi có độc lực mạnh, tấn công tôm ở nhiều mô tế bào khác nhau và thường là trên tế bào biểu mô da. Khi nhiễm bệnh, tôm có biểu hiện giảm ăn đột ngột và đối với tôm chân trắng thì có hiện tượng ăn nhiều hơn trước khi giảm ăn. Sau đó, tôm lờ đờ, tấp vào bờ và chết, cơ thịt hơi đục. Đốm trắng nằm trong vỏ tôm ở giáp đầu ngực, đốt bụng cuối hoặc lan khắp cơ thể. (Phạm Lượng, Báo Hải Phòng Online 20/6)

33.            Cách phòng trừ dịch bệnh ở diện tích đang thả tôm giống

- Bác Hoàng Xuân Quang, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn hỏi, cách thức, giải pháp phòng trừ dịch bệnh tôm nuôi ở diện tích đang thả tôm giống?

- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đối với diện tích đã thả tôm giống bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

Theo dõi chặt chẽ và quản lý yếu tố môi trường ao nuôi, rải vôi ở chung quanh bờ ao trước và sau khi mưa để làm giảm độ đục, ổn định pH của ao nuôi. Duy trì độ kiềm từ 120mg/l trở lên bằng cách đánh CaCO3 hoặc dolomite vào ban đêm từ 3 đến 5 lần. Sử dụng các loại men vi sinh, chế phẩm sinh học (trong danh mục được phép) trong quá trình nuôi để làm giảm khí độc, giúp tăng cường chất lượng nước trong ao nuôi;

Sử dụng thức ăn chất lượng tốt và cho ăn theo ba nguyên tắc: đúng cách, đúng loại và đúng số lượng. Định kỳ trộn vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa và vi sinh đường ruột vào thức ăn nhằm phòng trị bệnh cho tôm;

Tăng thời gian quạt nước và lắp thêm hệ thống sục khí đáy ao nuôi để tăng lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi, bảo đảm hàm lượng ôxy hòa tan hơn 5mg/l;

Định kỳ 7 đến 10 ngày, người nuôi nên dùng các thuốc diệt khuẩn tạt đều xuống ao nhằm ngăn chặn và làm mất khả năng cảm nhiễm của các vi thể virus tự do trong nước, đặc biệt khi các ao khác trong vùng nuôi bị bệnh đốm trắng;

Bổ sung, tu sửa lưới chắn chung quanh bờ ao nhằm ngăn cản sự xâm nhập của các ký chủ trung gian như cua, cáy, còng… mang vi rút đốm trắng vào ao nuôi; dụng cụ sản xuất như lưới, vợt, thuyền… cho các ao nuôi phải sử dụng riêng biệt;

Xua đuổi các loài chim ăn động vật thủy sản xuất hiện ở các khu vực nuôi, vì chúng có thể mang mầm bệnh từ các ổ dịch xâm nhập vào vùng nuôi;

Trong thời gian bệnh đang diễn biến phức tạp, hạn chế lấy nước ở ngoài môi trường vào ao nuôi. Nếu lấy nước cần xử lý bằng chlorine 30ppm (30g/m3), chạy quạt nước liên tục đến khi kiểm tra hết chlorine mới bơm vào ao nuôi. (Phạm Văn, Báo Hải Phòng Online 20/6)

34.            Phường Tân Thành, quận Dương Kinh: Tôm nuôi chết hàng loạt

Những ngày qua, hầu hết đầm nuôi tôm ở khu Tân Tiến, phường Tân Thành, quận Dương Kinh xảy ra tình trạng tôm nuôi chết hàng loạt. Thiệt hại nặng nhất là tôm thẻ chân trắng nuôi theo phương pháp công nghiệp.

Hộ ông Nguyễn Đức Lĩnh (khu Tân Tiến, phường Tân Thành) là hộ có kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm thẻ và tôm sú. Vụ này, ông Lĩnh thả 5 ao tôm thẻ chân trắng, diện tích mỗi ao 3.000 m2, mật độ 100-130 con/m2. Lúc mới thả, tôm phát triển rất tốt nhưng đến tuần thứ 7 có biểu hiện giảm ăn lạ thường, bơi yếu, kiểm tra thấy trên vỏ tôm xuất hiện những đốm trắng có kích cỡ 1-2 mm. Thân tôm có màu đỏ, sau 3-4 ngày chết hàng loạt. Được biết, ao của các hộ nuôi tôm chung quanh cũng trong tình trạng tương tự. Ông Lĩnh cho biết: “So với những năm trước, có sự chuẩn bị khá tốt nhưng chưa năm nào tôm chết nhanh, đột ngột, khó kiểm soát và thiệt hại như năm nay”. Gia đình ông thả 145 vạn con giống trên diện tích 1,5 ha ao có tới 120 vạn con ở 4 ao nuôi bị mắc bệnh chết, thiệt hại lên tới hơn 100 triệu đồng. Mặc dù, quy trình nuôi tôm he chân trắng theo phương pháp công nghiệp hoàn toàn khép kín. Tất cả đầm nuôi đều cùng chung một hệ thống thủy nông, cùng sử dụng một loại thức ăn, nguồn giống… chỉ khác lứa nhau nhưng không hiểu vì lý do gì khiến tôm nuôi chết hàng loạt như vậy. Gia đình ông đang tiến hành thu hoạch toàn bộ sản phẩm và xử lý ao nuôi theo quy trình kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Văn Giảo, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản phường Tân Thành, vào trung tuần tháng 4 đến đầu tháng 5, tình hình tôm nuôi của HTX diễn biến phức tạp. Chỉ trong 7-10 ngày, có khoảng 60- 70% số lượng tôm thẻ chân trắng trong các đầm bị chết. Thiệt hại đợt này không nhỏ bởi chi phí cho con giống, vật tư, hóa chất để đầu tư vào ao đầm khá tốn kém. HTX có 35 hộ nuôi tôm với diện tích 37 ha, trừ 2,5 ha ao nuôi của 2 hộ gia đình cho thu hoạch, còn lại 34,5 ha tôm nuôi đều bị thiệt hại, ước tính có tới 330 vạn con giống bị chết. Không những năng suất, sản lượng bị ảnh hưởng mà sản phẩm phải thu hoạch sớm, giá sụt giảm đáng kể. Phần lớn tôm chết khi chỉ cách thời điểm thu hoạch 1 tháng. Hiện tại có 24 ha được bà con tiến hành biện pháp xử lý ao nuôi để chuẩn bị cho vụ tôm mới.

Điều đáng quan tâm là đa số hộ nuôi đều tự tìm nguồn giống mà không qua kiểm dịch. Ngay khi thả được 1 tuần, người dân phát hiện lô giống lấy từ miền Trung kém chất lượng nên trả lại. Trước tình hình đó, nhiều công ty, đại lý cung cấp giống có uy tín như Công ty CP Việt Nam, Công ty TNHH Khoa - Kỹ - Sinh vật Thăng Long tiến hành hỗ trợ 30% con giống mới cho các hộ tiếp tục nuôi thả.

Hiện tại, UBND phường Tân Thành khuyến cáo các hộ nuôi chuẩn bị kỹ ao nuôi, nguồn nước, xử lý nền đáy ao để diệt vi khuẩn, giáp xác; hướng dẫn các hộ thiệt hại xử lý môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, hạn chế thả tôm mới, chọn mua giống sạch ở những cơ sở có uy tín. Đồng thời thả tôm vào những thời điểm, mật độ thích hợp, để bệnh không lây lan diện rộng, động viên các hộ yên tâm duy trì sản xuất trong các vụ sau. (Vân Nga, Báo Hải Phòng Online 20/6)

XÃ HỘI

35.            Tuổi trẻ thành phố tích cực ủng hộ quỹ "Vì Trường Sa thân yêu"

Chiều 19-6, Thành Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác vận động ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”.Tại hội nghị, cán bộ, đoàn viên thanh niên thành phố được thông tin chi tiết về tình hình, diễn biến mới nhất trên biển Đông; quan điểm giải quyết của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền và hòa bình, độc lập của Tổ quốc; đồng thời phản đối hành động sai trái, ngang ngược, bất chấp Luật pháp quốc tế khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 và các hành động gây hấn trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Tại hội nghị, Thành Đoàn trao 20 triệu đồng ủng hộ quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”; các đơn vị, nhà tài trợ trao hơn 63 triệu đồng tặng tuổi trẻ thành phố để giúp Đoàn tổ chức các hoạt động hướng về biển đảo quê hương. BTC cũng trao 5 suất quà, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng tặng gia đình cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và vùng biển Hoàng Sa.

Trước đó, Đoàn thanh niên thành phố trao 2 suất quà, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng tặng gia đình Cảnh sát biển, Kiểm ngư tại huyện Tiên Lãng và quận Ngô Quyền.

Anh Đào Phú Dương, Phó bí thư Thành Đoàn cho biết: trước sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thành Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị về tình hình biển Đông như: tổ chức báo cáo chuyên đề, diễn đàn, thông tin về kiến thức biển đảo, chủ quyền biển đảo; quyên góp tiền để góp phần xây dựng Trường Sa và ủng hộ ngư dân; phát tờ rơi tuyên truyền đến đoàn viên thanh niên hãy tỉnh táo và yêu nước theo đúng cách, không bị kẻ xấu lợi dụng tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Những ngày tới, Thành Đoàn sẽ tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên ủng hộ quỹ. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

36.            Thành Đoàn trao 10 triệu đồng tặng 2 gia đình chiến sĩ cảnh sát biển

Sáng 19-6, Thành Đoàn phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và truyền thông Nam Hương, Quỹ OPENARMS tới thăm và tặng quà hai gia đình chiến sĩ cảnh sát biển có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Tiên Lãng và quận Ngô Quyền.

Gia đình trung úy Trần Văn Hiếu, thuyền phó tàu 2013 (Vùng Cảnh sát biển 2) thuộc diện hộ nghèo của xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng). Bố mẹ trung úy Hiếu già yếu, vợ đang mang thai và chưa có việc làm, em gái bị tai nạn giao thông. Đại diện tuổi trẻ thành phố và nhà tài trợ trao 5 triệu đồng và phần quà hỗ trợ gia đình trung úy Hiếu vượt qua hoàn cảnh, tiếp tục là hậu phương vững chắc, động viên chồng, con yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Tới thăm gia đình thượng úy Nguyễn Văn Nam, hiện đang công tác trên tàu Cảnh sát biển 8003, thuê trọ tại khu tập thể phát hành sách, phường Cầu Đất (quận Ngô Quyền), đại diện tuổi trẻ thành phố và nhà tài trợ chia sẻ khó khăn với chị Vũ Thị Thu Huyền- vợ thượng úy Nam. Với số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng, Đoàn Thanh niên thành phố mong muốn góp phần giúp gia đình thượng úy Nam ổn định cuộc sống. (Báo Hải Phòng Online 19/6; Lao động Online 20/6)

37.            Chú trọng triển khai các hoạt động tình nguyện của thanh niên

Sáng 18-6, Đoàn công tác Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh làm việc với Thành Đoàn Hải Phòng về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; kiểm tra việc triển khai thực hiện Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè và Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện lề lối tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”.

Cùng với các hoạt động khởi động Năm Thanh niên tình nguyện và Tháng thanh niên, trong 6 tháng đầu năm, các cấp bộ Đoàn thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà, tặng con giống, vật nuôi, phương tiện sản xuất 73 gia đình người có công, hộ nghèo; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 2.044 lượt người, tổng trị giá 267 triệu đồng…Đoàn Thanh niên thành phố cũng tập trung tổ chức tốt các hoạt động hướng về biển đảo quê hương, tích cực giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần, lối sống vì cộng đồng cho thanh thiếu nhi.

Phát huy kết quả đạt được, 6 tháng cuối năm, Đoàn Thanh niên thành phố chú trọng triển khai các hoạt động tình nguyện của thanh niên như Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, chương trình “Tuổi trẻ Hải Phòng chung tay xây dựng nông thôn mới” và Đề án 500... Tính đến thời điểm hiện tại, Thành Đoàn làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức Chiến dịch “Hoa phượng đỏ”, “Tiếp sức mùa thi” và “Tình nguyện xanh”, nhằm huy động lực lượng là học sinh, sinh viên, giảng viên trẻ hỗ trợ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng tại các địa điểm thi và giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ neo đơn, hộ nghèo tại các xã về tình nguyện.

Thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện lề lối tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”, các cấp bộ Đoàn chủ động lựa chọn những nội dung cụ thể, phù hợp với yêu cầu rèn luyện đội ngũ cán bộ của từng đơn vị để thực hiện quy định về “8 điều nên làm” và “8 điều không nên làm”. Việc mặc áo xanh thanh niên vào sáng thứ hai hằng tuần và trong các hoạt động do Đoàn tổ chức, không uống rượu bia vào buổi trưa và trong giờ làm việc, làm thêm giờ được cán bộ Đoàn thành phố thực hiện nghiêm túc…

Trên cơ sở báo cáo và những đề xuất, kiến nghị về cơ chế hoạt động, chế độ ưu tiên đối với đội ngũ các bộ Đoàn cơ sở của Thành Đoàn, đại diện Đoàn công tác Trung ương Đoàn ghi nhận những kết quả đạt được của công tác Đoàn và phong trào thanh niên thành phố; tổng hợp, báo cáo với Ban Bí thư Trung ương Đoàn tiếp tục có phương hướng chỉ đạo hoạt động. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

38.            Quận Ngô Quyền ủng hộ ủng hộ Quỹ "Vì Trường Sa thân yêu" hơn 800 triệu đồng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban vận động Quỹ vì Trường Sa thân yêu thành phố, từ ngày 30-5 đến nay trên địa bàn quận Ngô Quyền, có 47 tập thể và cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.

Trong dịp này, lãnh đạo Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đi thăm, tặng quà Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam và 15 gia đình cán bộ, chiến sĩ cư trú trên địa bàn hiện công tác tại quần đảo Trường Sa và tàu Cảnh sát biển 8003 với tổng số tiền 65 triệu đồng. Đây là việc làm thiết thực thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc tới các gia đình, đồng thời, chia sẻ khó khăn, vất vả với quân, dân huyện đảo Trường Sa, đang ngày đêm bám trụ kiên cường, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Báo Hải Phòng Online 19/6)

39.            Người phụ nữ hơn 10 năm chống lại "căn bệnh thế kỷ": Kỳ 2: Hướng tới tương lai

Ngoài 30 tuổi, nhưng chị Khuyên đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời. Chị thấm thía, cuộc sống vốn rất công bằng, nếu có nghị lực, biết vươn lên, sẽ có tất cả. Quá khứ, dù khổ đau đến mấy, nếu biết vượt qua, ắt có tương lai tốt đẹp…

Sự “giải thoát” đau đớn

Khi bố, mẹ và anh trai của chồng (sống cùng nhà) có ý đưa anh N. đi cai nghiện, chị Khuyên lại thấy không nỡ. Bởi chồng quá gầy yếu, lại bị bệnh tật hành hạ, nhiều khi đi lại còn chẳng vững. Vì thế, chị làm tất cả những gì có thể để giữ anh ở nhà với 2 mẹ con. Tiền mua ma túy của chồng mỗi ngày mất 100 nghìn đồng, chị Khuyên chỉ dám nói với bố mẹ chồng và xin họ 30 nghìn đồng, 70 nghìn đồng còn thiếu, chị cố gắng tìm cách lo. Thậm chí, có khi chờ lúc mọi người đi vắng, chị rón rén xuống dưới nhà mà cạy, mà móc tiền trong con lợn đất để dành của đứa cháu. Có người quen biết thương tình, mỗi tháng cho chị Khuyên 1,2 triệu đồng mua thuốc uống lấy sức khỏe chăm sóc gia đình và có sữa nuôi con. Số tiền này bố mẹ chồng quản lý. Lần đầu, chị Khuyên mua 1 hộp thuốc giấu đi không uống. Cứ sau một quãng thời gian, chị lại giấu hộp thuốc dưới lớp áo, trong cái bụng lúc nào cũng lép kẹp của mình, rồi hỏi bố mẹ chồng đưa tiền đi mua thuốc. Chị cầm tiền đi ra khỏi nhà một lúc, khi trở về, lấy hộp thuốc từ trong bụng, giơ ra cho họ biết, mình đã mua thuốc. Số tiền đáng ra để mua thuốc uống cho mình, chị dùng để mua thức ăn, mua thuốc cho chồng, con và cho anh.

Cuối năm 2004, khi cậu con trai vừa tròn 1 tuổi, chồng chị qua đời. Sau khi làm lễ 49 ngày cho con trai, bố mẹ chồng chị Khuyên tuyên bố sẽ cho mẹ con chị 1/3 giá trị của ngôi nhà đang ở. Lúc đó, định giá là 180 triệu đồng, mặc dù không bán nhà, gia đình nhà chồng đưa cho chị 60 triệu đồng, cùng chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Chị Khuyên sang quận Kiến An mua đất, xây nhà. Thiếu tiền chị phải bán tài sản có giá trị nhất là chiếc xe máy. Căn nhà nhỏ xây xong thì cũng là lúc 2 mẹ con chị hoàn toàn tay trắng. Rồi chị Khuyên quyết định bán xổ số. Những ngày đầu, nhiều người biết chuyện còn ngại ngần, dần dà nhiều người thương mến 2 mẹ con. Vì thế, vé số bán chạy hơn, cuộc sống cũng phần nào bớt cơ cực. Chị có tiền cho con nằm viện điều trị.

Ngã rẽ mới của cuộc đời

Trong thời gian vừa chăm con, vừa bán vé số, chị Khuyên được nhân viên y tế của phường Phù Liễn (quận Kiến An) mời tham gia câu lạc bộ Hoa Hải Đường tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.  Kể từ khi tham gia câu lạc bộ, cuộc đời chị, tưởng chừng bất hạnh tiếp nối bất hạnh không dứt, bỗng thấy thấp thoáng ánh sáng của hy vọng, thêm tin vào tương lai tươi sáng. Sau vài tháng sinh hoạt chung, chị Khuyên được mọi người tín nhiệm bầu làm trưởng câu lạc bộ Hoa Hải Đường. Tìm lại niềm vui trong cuộc sống bên cạnh cậu con trai, chị hăng hái tham gia tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng trên thành phố quê hương cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác.

Trong một lần tham dự hội thảo về điều trị trẻ em mắc HIV, năm 2009, chị Khuyên gặp anh Đỗ Văn Hải, ở xã Anh Dũng, huyện Kiến Thụy (nay là phường Anh Dũng, quận Dương Kinh). Trước đây, anh Hải cũng có gia đình riêng đầm ấm, hạnh phúc. Nhưng do nghiện ma túy, anh bị nhiễm HIV và lây sang vợ. Khi vợ không may qua đời, để lại cho anh cậu con trai cùng sự tuyệt vọng đến cùng cực. Cũng may, anh sớm nhận ra tác hại của ma túy, đủ dũng cảm để đoạn tuyệt với nó. Dần dần, anh lấy lại niềm tin thông qua việc tham dự tích cực công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng. Và cũng thêm tin, có thể tìm lại hạnh phúc đã đánh mất.

Gặp người cùng cảnh ngộ, lại xinh xắn đáng yêu, đặc biệt khi nghe chị Khuyên thuyết trình, anh Hải “chết đứ đừ” từ cái nhìn đầu tiên. Rồi anh tìm mọi cách để gặp riêng, rồi làm quen với cái cớ rất “chính đáng” là học hỏi kinh nghiệm làm việc. Ban đầu, chị Khuyên tâm niệm rằng, sẽ ở vậy nuôi con suốt phần còn lại của cuộc đời. Thế nhưng, phần vì thương con thiếu mái ấm gia đình, phần vì anh Hải “không giỏi, không giàu nhưng rất chân thành, gia đình anh ai cũng sống có tình cảm” (lời của chị Khuyên), chị nảy sinh tình cảm và dần mở lòng đón nhận tình yêu chân thành từ phía anh. Chẳng bao lâu, được sự động viên, ủng hộ của người thân, bạn bè, anh chị nên duyên. Hai trái tim vốn cô đơn và tưởng như khép lại vĩnh viễn sau tai biến khủng khiếp của cuộc đời, bỗng mở ra. Và khi được ở cạnh nhau, lại một lần nữa đơm hoa kết trái. Một con đường mới, chân trời mới, niềm tin mới, hy vọng mới ngày càng rõ hơn. Họ cùng nhau lo toan, thu vén không những cho hạnh phúc gia đình riêng, mà còn vì những việc có thể làm có ích cho cộng đồng trong cuộc chiến chống lại ma túy và HIV/AIDS.

Phép màu kỳ diệu

Trước khi lấy anh Hải, năm 2008, chị Khuyên trở thành cán bộ dự án Cesvi do một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Trong quá trình làm việc tại đây, chị cùng một số bạn bè có cùng quyết tâm, chung mục tiêu hoạt động, đã thống nhất thành lập “Nhóm sống tích cực tại Hải Phòng”, do chị làm trưởng nhóm. Từ 10 người sáng lập ban đầu, đến nay, nhóm có hơn 100 thành viên. Chị Khuyên không ngừng vận động gây quỹ sinh kế cho nhóm, được số vốn hơn 100 triệu đồng, hỗ trợ 35 thành viên vượt qua khó khăn. Nhóm có các mô hình chăn nuôi, buôn bán nhỏ, may mặc… phù hợp năng lực, tay nghề, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng thành viên, phấn đấu ai cũng có thể tự nuôi sống mình.

Năm 2010, nhóm được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ thành phố lựa chọn là nhóm triển khai dự án: “Hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Việt Nam” do Hội Chữ thập đỏ Mỹ tài trợ. Cũng trong năm này, nhóm được Tổ chức Chemonics Việt Nam lựa chọn mô hình sinh kế “Nuôi gà theo quy trình sinh học”. Nhận được sự giúp đỡ, năm 2011, chị Khuyên mở trang trại nuôi gà thịt. Vào lúc cao điểm, trang trại có hơn 3.000 con gà cung cấp cho thị trường thành phố. Bên cạnh đó, do có tay nghề may, chị Khuyên mở thêm xưởng may gần nhà dành cho những người bị HIV, người sau cai nghiện ma túy và cả những người không bị HIV nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, xưởng có 15 lao động với mức thu nhập ổn định từ 2 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, vợ chồng chị Khuyên đang sống hạnh phúc cùng các con trong ngôi nhà 2 tầng khang trang rộng hơn 200 m2 ở tổ dân phố Trà Khê 1, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh). Trong căn nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Tình yêu, sự chia sẻ, cảm thông và chân thành của 2 người đã đơm hoa, kết trái. Tháng 5-2013, bé trai cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui cũng như sự lo lắng, hồi hộp của 2 vợ chồng. Hơn 1 tháng sau, 2 người đưa bé đi xét nghiệm. Kết quả, cháu âm tính với vi-rút HIV. Niềm hạnh phúc vô bờ bến này tiếp thêm cho vợ chồng chị nghị lực sống, vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật, vững tin vào tương lai tươi sáng ở phía trước… (Thái Phan, Báo Hải Phòng Online 19/6)

40.            Đối thoại – lợi cả đôi đường

Một trong các hoạt động nổi bật của Đoàn Thanh niên Viện kiểm sát nhân dân thành phố 6 tháng đầu năm 2014 là tổ chức chương trình giao lưu về truyền thống của ngành giữa lãnh đạo với đoàn viên, thanh niên. Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát thành phố chia sẻ truyền thống vẻ vang của ngành, kinh nghiệm xẻ lý trong công tác kiểm sát, đoàn viên, thanh niên, định hướng lý tưởng, khát vọng cuộc sống. Qua đó góp phần giáo dục, rèn luyện và nâng cao phẩm chất, bản lĩnh của tuổi trẻ ngành kiểm sát Hải Phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cơ sở Đoàn không ngừng đổi mới phương thức sinh hoạt, trong đó có tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo ngành, cơ quan, đơn vị và đoàn viên, thanh niên là một trong những mô hình cần được nhân rộng. Hình thức này lợi cả đôi đường. Thông qua trao đổi, đối thoại trực tiếp, lãnh đạo ngành, cơ quan, đơn vị lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để có những điều chỉnh phù hợp trong công tác lãnh đọa, chỉ đạo thực hiện, định hướng phát triển các phong trào Đoàn thanh niên. Đoàn viên thanh niên cũng có cơ hội để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, chia sẻ những băn khoăn, suy nghĩ về những vấn đề thanh niên quan tam như: môi trường làm việc, đào tạo bồi dường, kinh phí hoạt động… (Việt Hoàng, Báo Hải Phòng 19/6 Tr5)

41.            Hải Phòng: Mâu thuẫn với chồng, vợ uống thuốc sâu tự tử

Chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, chị Lê Thị Lợi (SN 1978, trú tại xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đã uống thuốc sâu tự tử. Cái chết của chị Lợi khiến nhiều người dân thương cảm.

Nạn nhân là một phụ nữ đảm đang

Theo người dân địa phương, chị Lợi là người hiền lành, chịu thương, chịu khó, sống được lòng mọi người. Dù vất vả với nghề nông và thu lượm đồng nát nhưng chị vẫn nuôi 3 con nhỏ, chăm chồng trong suốt thời gian chồng đi cai nghiện. Nhiều người cho rằng một người phụ nữ mạnh mẽ như thế, đã từng trải qua sóng gió cuộc đời thì không thể dễ dàng từ bỏ cuộc sống, nhất là khi các con vẫn còn nhỏ.

Bà Nguyễn Thị H (hàng xóm) cho biết, mặc dù vất vả trăm bề nhưng chị Lợi chưa bao giờ kêu ca phàn nàn nửa lời. Suốt ngày chị chỉ biết cặm cụi làm việc, những lúc nông nhàn, người phụ nữ này lại đi nhặt đồng nát bán để kiếm thêm thu nhập. Chính sự chịu thương, chịu khó ấy đã giúp chị Lợi đủ sức nuôi được các con ăn học đàng hoàng cho dù chồng không ở bên cạnh. “Chị ấy chẳng được hưởng lấy một ngày sung sướng. Lấy phải chồng nghiện ngập nên suốt ngày chị Lợi phải nai lưng ra làm, không nề hà bất cứ công việc gì. Cái chết của chị khiến hàng xóm rất thương xót. Thực sự đến giờ chúng tôi cũng không biết nguyên nhân gì khiến chị Lợi lại hành xử như vậy”, bà H chia sẻ.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, khoảng 11h ngày 7/6, anh Nguyễn Văn Đức (SN 1972, chồng chị Lợi) vào trong phòng tắm và phát hiện vợ đang trong trạng thái bất tỉnh, mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặc. Gia đình lập tức đưa chị Lợi đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Bảo. Đến 5h sáng 8/6, do chất độc ngấm sâu vào cơ thể, phá hủy các cơ quan nội tạng nên chị Lợi đã tử vong. Nhận được tin báo, Công an huyện Vĩnh Bảo đã khám nghiệm tử thi, xác định thân thể chị Lợi không có dấu vết tác động ngoại lực nên khả năng nạn nhân bị sát hại được loại trừ. Qua giám định, các cơ quan chức năng xác định chị Lợi tử vong do uống thuốc sâu.

Ông Hoàng Đức Dung, Trưởng thôn 2 (xã Giang Biên) cho biết, nhận được tin báo của người dân, ông Dung vội chạy đến nhà chị Lợi thì thấy mọi người đang đưa nạn nhân đi cấp cứu. Khi đó, một số người dân nói rằng, hai vợ chồng cãi nhau, chị Lợi giận dỗi nên đi mua 3 gói thuốc sâu về tự tử. “Ngay sau đó tôi đã gọi điện báo cho Công an xã Giang Biên và Công an huyện Vĩnh Bảo đến giải quyết”, ông Dung nói.

Do mâu thuẫn gia đình

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Viễn- Trưởng Công an xã Giang Biên cho biết, hoàn cảnh gia đình chị Lợi khá bi đát. Chị Lợi kết hôn với anh Đức, sinh được 3 người con (1 trai, 2 gái). Anh Đức là đối tượng nghiện ma túy đã lâu năm, Ban Công an xã Giang Biên đã lập sổ theo dõi, đưa đi cai nghiện và mới về địa phương thời gian gần đây. Sống với người chồng nghiện ngập, chị Lợi phải lo đời sống cho gia đình, nuôi con ăn học, tiếp tế cho chồng.

Nói về nguyên nhân chị Lợi tự tử, ông Viễn cho biết, thường ngày, vợ chồng vẫn hay xảy ra cãi vã nên nhiều khả năng chị Lợi tự tử là do mâu thuẫn với chồng. “Nguyên nhân khiến chị Lợi uống thuốc sâu tự tử đang được Công an huyện Vĩnh Bảo điều tra. Cá nhân tôi cho rằng, dù bất cứ nguyên nhân nào thì hành động của chị Lợi là dại dột, thiếu suy nghĩ”, ông Viễn chia sẻ.

Được biết, cách đây khoảng 2 tháng, anh Đức đã bàn với chị Lợi là muốn vào Lâm Đồng để làm ăn với bố. Nghĩ chồng thay đổi suy nghĩ, tu chí làm ăn, chị Lợi đã bán cả ruộng thuốc lào chưa thu hoạch với giá 1 triệu đồng rồi gom góp tiền đưa cho chồng làm lộ phí đi lại. Nhưng vào Lâm Đồng được gần một tháng, anh Đức lại quay ra Hải Phòng.

Từ ngày anh Đức trở về, vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Sáng 7/6, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, chị Lợi ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua 3 gói thuốc sâu mang về nhà với ý định tự tử. Bà Dương Thị Thi (mẹ anh Đức) nhìn thấy nên đã giằng lấy cất đi. Hai vợ chồng sau đó lại dàn hòa, ngồi nói chuyện với nhau một lát rồi đi luộc ngô cho cả nhà ăn. Đến 11h cùng ngày, người con trai lớn gọi chị Lợi ăn cơm nhưng không thấy mẹ đâu nên cùng bố đi tìm. Khi tìm đến khu vực nhà tắm, thấy cửa phòng khép kín, anh Đức đẩy cửa vào thì phát hiện chị Lợi đang thoi thóp. (Xuân Thắng, Anh Bùi, Gia đình & Xã hội Online 19/6)

42.            Điều trị Methadone xã hội hóa - một mô hình hay

Năm 2008, TP Hải Phòng là địa phương được Chính phủ chọn thí điểm điều trị bệnh nhân ma túy bằng Methadone. Bước đầu liệu pháp này đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên còn một số hạn chế do bao cấp, khiến một số bệnh nhân chỉ ngậm Methadone rồi sau đó nhổ ra ngoài.

Thậm chí có người đem bán lấy tiền mua heroin. Từ tháng 6/2011, cùng với nhiều biện pháp quản lý, khắc phục tồn tại trên, TP Hải Phòng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ của Tổ chức FHI, đã thí điểm xây dựng mô hình điều trị Methadone xã hội hoá đầu tiên trên toàn quốc. Mô hình giao cho Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai và có địa chỉ tại số 127/109 đường Trường Chinh, quận Kiến An.

Về bản chất, đây vẫn là phác đồ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhưng sự khác biệt của mô hình xã hội hoá là thực hiện cơ chế Nhà nước quản lý, bệnh nhân và gia đình đóng góp một phần kinh phí.

Số tiền này được nộp kho bạc Nhà nước và quản lý, sử dụng chặt chẽ. Mô hình ràng buộc trách nhiệm kinh tế của người bệnh, nên họ không bỏ tiền ra đóng góp để rồi lại vứt bỏ thuốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm đặt vị trí, vai trò tư vấn lên hàng đầu, nên đã lôi cuốn bệnh nhân tự nguyện điều trị. Hiện cơ sở này có 245 bệnh nhân, theo thống kê của Chi cục PCTNXH, sau 6 tháng điều trị chỉ còn 9% bệnh nhân dương tính với heroin, số còn lại đang tiến triển tốt.

Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm cũng tăng lên 67% với mức thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Điển hình là anh Nguyễn.V.A., 44 tuổi, ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng, nghiện heroin gần 20 năm. Anh A. cho biết: Trước đây, mỗi ngày phải chích heroin 2 đến 3 trăm nghìn đồng/ngày, hết tiền thì chỉ có phạm tội, chứ không thể vượt qua được cơn “vã”.

Từ khi điều trị tại Trung tâm, anh A không bị ràng buộc bởi heroin, không bị sức ép kiếm tiền, tinh thần anh thoải mái, khỏe mạnh và đã đi làm đều. Đặc biệt là anh Đồng X.T., 42 tuổi, trú tại phố Trường Chinh, phường Lãm Hà, quận Kiến An. Anh T. điều trị Methadone xã hội hóa từ ngày 11/11/2011, kết thúc ngày 26/3/2014 với thể trạng khỏe mạnh, tinh thần phấn khởi và hiện đã mở một xưởng sửa chữa ô tô, xe máy, thu hút 4 công nhân tới làm việc. Còn anh Đinh.C.H., 35 tuổi, trú tại thôn Bảo Kiếm, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, trước đây không thể lao động do yếu.

Nhờ điều trị bằng thay thế Methadone, anh đã có việc làm trở lại. Mặc dù có thời gian gặp khó khăn trong cuộc sống, phải bỏ dở điều trị. Thấy rõ lợi ích của mô hình này, năm 2014 anh H đã quay trở lại Trung tâm và hiện nay kết quả điều trị của anh có tiến triển tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Phan, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH TP Hải Phòng cho biết: Qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình điều trị bệnh nhân ma túy bằng thay thế Methadone xã hội hóa, càng cho thấy đây là một mô hình mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Trước hết là góp phần giảm số người nghiện ma túy, số người còn lại giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp và số vụ phạm pháp do họ gây ra. Khi điều trị, sức khỏe bệnh nhân tăng, đồng thời giảm lây truyền HIV, giảm viêm gan và giảm tử vong. Bên cạnh đó, chức năng xã hội và tình trạng kinh tế bệnh nhân cũng được cải thiện.

Một ưu điểm khác là tổng chi phí điều trị cho 250 người/năm trong chương trình Methadone xã hội hóa, chỉ bằng 44% cho lượng bệnh nhân trên trong cơ sở cai nghiện tập trung. (Q.Phòng - V.­Thịnh, Công an nhân dân Online 20/6).

43.            Hải Phòng: Hỗ trợ thiết bị liên lạc tầm xa có vệ tinh cho ngư dân

Đây là thông tin ông Phạm Văn Hà, phó GĐ Sở NN&PTNT Hải Phòng công bố trong buổi họp báo thường kỳ của UBND TP Hải Phòng tổ chức chiều nay 19.6. 

Theo ông Hà, hiện Hải Phòng có 3.396 tàu đánh cá các loại, tập trung ở huyện Thủy Nguyên, Cát Hải, Đồ Sơn và Kiến Thụy, tuy nhiên, trong số này, chỉ có khoảng 500 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Năm ngoái, thành phố đã hỗ trợ cho 40 tàu được trang bị phương tiện liên lạc tầm xa có định vị vệ tinh (50% trong số 60 triệu đồng/bộ) bằng nguồn vốn ngân sách. 

Tuy nhiên, theo ông Hà, còn rất nhiều các tàu cần được trang bị phương tiện liên lạc hiện đại để có thể trao đổi với đất liền, với bạn tàu khi gặp sự cố. Vì vậy, đã có phương án đề xuất trang bị phương tiện liên lạc định vị vệ tinh cho những tàu lớn 90 CV trở lên để vươn khơi bám biển. 

Còn về gói 10.000 tỉ đồng của chính phủ dự định hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu, do chưa có thông tư hướng dẫn của các bộ ngành, thành phố cũng chưa có quyết định nên chưa thể triển khai cho ngư dân vay vốn được. 

“Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi sẽ tổ chức một đoàn ngư dân ở huyện Thủy Nguyên đến miền Trung trong cuối tháng này để tham quan mô hình đóng tàu vỏ sắt và có thể là tàu composite để bà con lựa chọn” – ông Hà nói. (H.Hoan, Lao động Online 20/6)

44.            Bệnh viện phụ sản Hải Phòng: Khám bệnh tình nguyện hè 2014

Thực hiện kế hoạch Năm Thanh niên tình nguyện 2014 do TW Đoàn và Thành đoàn Hải Phòng triển khai, trung tuần tháng 6, BCH Đoàn Thanh niên Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã khám bệnh và phát thuốc miễn phí tại xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. 19 cán bộ nhân viên gồm (3 bác sỹ chuyên khoa 1, 3 thạc sỹ, 5 điều dưỡng viên, 5 nữ hộ sinh và 3 kỹ thuật viên xét nghiệm) đã triển khai 79 lượt khám bệnh cho người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, đã phát hiện được 6 ca u xơ tử cung, 2 ca u nang buồng trứng và 1 ca u theo dõi ung thư cổ tử cung. Sau phân loại, các bệnh nhân được hướng dẫn chuyển lên Bệnh viện Phụ sản tiếp tục khám, thăm dò và điều trị tiếp. (Tg, An ninh Hải Phòng  20/6)

45.            Tháng hành động vì trẻ em Hải Phòng 2014: Hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật nghèo, tim bẩm sinh

Trẻ em có quyền được chăm sóc sức khỏe. Để hiện thực hóa quyền cơ bản này, trong Tháng hành động vì trẻ em Hải Phòng đã huy động mọi nguồn lực, vận động gây quỹ và phối hợp với các bệnh viện khám sàng lọc và phẫu thuật cho các trẻ bị khuyết tật vận động và trẻ bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn.

Trong tháng hành động vì trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng đã kết hợp với Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng cho sàng lọc 72 trẻ em bị khuyết tật vận động và chỉ định phẫu thuật 44 ca. Trong đó, quỹ hỗ trợ 3,72 triệu đồng/ca phẫu thuật và 600.000 tiền ăn, tiền đi lại cho mỗi cháu.

Bác sỹ Vũ Công Trường, Trưởng khoa Y học phục hồi Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cho biết: Các trẻ trong diện phẫu thuật, có trẻ bị khuyết tật vận động như chân khoèo bẩm sinh, chân biến dạng do bại não, di chứng bệnh lý về não, do chấn thương, một số trẻ bị dị tật như ngón thừa, ngón dính, co rút, dính khớp.

Bà Nguyễn Anh Thư, Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng bo biết, trong Tháng Hành động vì trẻ em 2014, có 134/184 trẻ được khám sàng lọc, trong đó có 31 cháu được chỉ định mổ. Quỹ sẽ tiếp tục kêu gọi các tấm lòng hảo tâm đóng góp để hỗ trợ cho các trẻ còn lại được phẫu thuật tim trong năm 2014. (Thu Duyên, An ninh Hải Phòng 20/6)

46.            Phát động giải thưởng Top 100 phong cách doanh nhân tại Hải Phòng

Đánh dấu chặng đường 5 năm, giải thưởng Top 100 Phong cách doanh nhân đã chính thức khởi động trở lại bằng lễ phát động quy mô lớn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ngày 19/6 ra mắt tại Hải Phòng với sự tham gia của 300 doanh nhân, khách mời.

Giải thưởng Top 100 Phong cách doanh nhân do Tạp chí Phong cách doanh nhân, CLB Phong cách doanh nhân, mạng cộng đồng doanh nhân bstyle.vn tổ chức với sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI. Hơn 5 năm qua, trong hành trình chọn lựa các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Top 100 Phong cách doanh nhân đã kết nối gần 500 doanh nhân tiêu biểu trong nước và quốc tế, qua đó, thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa xã hội thiết thực; xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nhân đối với cộng đồng trong nước và quốc tế. (Báo Hải Phòng 20/6 Tr1+2)

47.            Dòng họ Phạm ở huyện Tiên Lãng: Thi đua sản xuất, chăm lo “trồng người”

Trên địa bàn huyện Tiên Lãng hiện có 129 dòng họ Phạm với khoảng 20.640 người, chiếm 13% dân số toàn huyện. Những năm qua các thế hệ con cháu dòng họ Phạm tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong 3 năm 2011 – 2013, dòng họ Phạm có 2.380 hộ, chiếm 17% số hộ trong toàn huyện đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp. Trong đó cấp trung ương 7 hộ, cấp thành phố 53 hộ, cấp huyện có 670 hộ. Tiêu biểu là hộ ông Phạm Đức Tẩn, ở xã Tây Hưng được tặng 2 bằng khen của Chính phủ; ông Phạm Thái Học, ở xã Tiên Minh là hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân thành phố được chọn tham dự Hội nghị toàn quốc sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân Việt Nam.

Cùng với tích cực thi đua sản xuất, các dòng họ Phạm thường xuyên chăm lo khuyến học, khuyến tài, động viên các gia đình dành những điều kiện tốt nhất để con em học tập. Những năm qua, hàng trăm con em họ Phạm thi đỗ và học tập ở các trường đại học trong và ngoài nước, nhiều người có học hàm, học vị cao, là những cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Nhiều người trở thành những chủ doanh nghiệp góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Năm học 2012 – 2013, họ Phạm có 68 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia và thành phố trong tổng số 110 cháu toàn huyện đạt danh hiệu này, 2 cháu đạt giải học sinh giỏi quốc gia là Phạm Vĩnh Nguyên và Phạm Văn Hưng, ở xã Tự Cường. Ông Phạm Viết Hát, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Matexim Hải Phòng tài trợ máy vi tính cho 3 trường học tại xã Bắc Hưng, tặng xe đạp học sinh nghèo vượt khó, khen thưởng giáo viên và học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong xã. Ông tài trợ 400 triệu đồng cho quỹ khuyến học của huyện. Đại đức Thích Quảng Minh (ông Phạm Văn Mải) trụ trì chùa Thắng Phúc phát tâm giúp các phong trào địa phương, ủng hộ quỹ khuyến học của huyện 200 triệu đồng.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhiều con em trong dòng họ tham gia cách mạng, còn lưu danh tên tuổi, như anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Đa; chiến sĩ thi đua toàn quốc, liệt sĩ Phạm Đình Nguyên; con cháu họ Phạm không ngừng phấn đấu trong sản xuất, học tập, cống hiến cho đất nước. Trong các cuộc kháng chiến và bảo vệ biên giới, hàng nghìn người con dòng họ Phạm lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hiện dòng họ có 32 mẹ Việt Nam anh hùng; 678 liệt sĩ; 340 thương binh. Nhiều gia đình, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương và bằng chứng nhận có công với nước. Gia đình cụ Phạm Văn Lế - Vũ Thị Với thuộc dòng họ Phạm Đình, ở xã Hùng Thắng có 4 con liệt sĩ, trong đó có liệt sĩ Phạm Đình Nguyên, 1 người là thương binh.

Ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm huyện cho biết: Các ông, bà trong hội đồng họ Phạm từ huyện đến xã, nhất là các ông trưởng họ phát huy tinh thần đoàn kết, làm tốt công tác khuyến học, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các dòng họ Phạm trong huyện tích cực tham gia xây dựng dòng họ bình yên, điển hình là dòng họ Phạm xã Kiến Thiết. Một số dòng họ ở các xã đăng ký xây dựng dòng họ văn hóa như dòng họ Phạm Ngọc ở thôn Hà Đới, xã Tiên Thanh; dòng họ Phạm ở thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng; dòng họ Phạm ở thôn An Dụ, xã Khởi Nghĩa… Năm 2014 – 2015, hội đồng họ Phạm huyện Tiên Lãng tập trung xây dựng dòng họ Phạm công giáo đạt “dòng họ văn hóa”,  dòng họ Phạm bình yên thuộc xã biên giới biển để rút kinh nghiệm chung trước khi nhân rộng trong các dòng họ Phạm toàn huyện. Qua đó góp phần dựng xây huyện Tiên lãng ngày càng phát triển, giàu mạnh, xứng danh là quê hương “Tiên Lãng Anh hùng”. (Nhật Minh, Báo Hải Phòng 20/6 Tr2)

48.            Lạ lùng ngôi miếu răn đời

Hàng trăm năm qua, miếu Bà thờ vợ thì vững chãi với thời gian, còn miếu Ông thờ chồng, cứ dựng lên lại bị sét san phẳng. Có người cho rằng, đó là sự răn dạy lẽ sống trên đời, đừng vì tham tiền tham bạc mà bỏ mặc tình thân…

Truyền thuyết miếu Bà, miếu Ông

Miếu Bà cách miếu Ông chưa đến 1 cây số, nằm chênh vênh giữa cánh đồng lúa thuộc thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy). Theo lời kể của các bậc cao niên nơi đây, trước kia, thôn Phong Cầu cùng các thôn Đức Phong, Lạng Côn, Đại Trà, đều thuộc tổng Đại Trà (gồm 2 xã Đại Đồng và Đông Phương hiện nay). Xưa, biển chưa lùi xa như bây giờ mà sát với cánh đồng lúa của tổng Đại Trà, được ngăn cách bởi con đê. Năm nào cũng vậy, cứ đến dạo tháng 5, tháng 6 âm lịch, vào mùa mưa bão, có một đoạn đê, cứ đắp lên lại bị sạt lở. Do đó, nước mặn tràn vào phá hoại phần lớn diện tích cày cấy làm đời sống của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn. Có một vị chức sắc trong tổng nằm mộng thấy thần biển hiện về báo, phải “cúng” một người con  gái xinh đẹp, mới hóa giải nạn này. Thế nhưng, tìm mãi vẫn chưa được ai. Bởi, có người đồng ý thì lại xấu. Còn với những phụ nữ xinh đẹp, thì bản thân họ hoặc gia đình kiên quyết không chấp nhận.

Một hôm, có vợ chồng ông Tơ, vốn chuyên đi hát thuê cho các lễ hội trong vùng, đi ngang qua. Người chồng thì chuyên đàn, vợ xinh đẹp, hát hay, múa giỏi. Thấy “ứng cử viên sáng giá” để “làm dâu Hà Bá”, đại diện dân làng đã có buổi “họp kín” với người chồng. Hoa mắt với món tiền là 1 tay nải đầy bạc nén, sau phút lưỡng lự, ông Tơ liền đồng ý. Thế rồi, một “sân khấu” sơ sài được dựng lên ngay tại chỗ đê thường hay vỡ. Trong lúc người vợ mải hát, mải múa, ông Tơ nhanh tay rút thanh ván gỗ. Thật lạ kỳ, chỗ người vợ rơi xuống, sau khi xoáy nước cuốn đi, đất liền đùn lên thành gò. Từ đó về sau, dù sóng to, gió lớn đến đâu, cũng không bao giờ bị sụt, lún. Tưởng nhớ công đức của bà, dân làng góp tiền xây miếu để muôn đời nhang khói thờ phụng, gọi là miếu Bà.

Còn về phía người chồng, sau khi nhanh tay rút ván, hí hửng bỏ đi với chiếc tay nải đầy bạc trắng, vừa đi vừa nghĩ về tương lai giàu sang ở phía trước. Bỗng có một tiếng sét vang trời, đánh trúng đầu người chồng bạc tình bạc nghĩa, vì tham tiền mà đang tâm làm hại người vợ ngày ngày “đầu gối, tay ấp”. Sau cái chết của ông Tơ, dân làng thương tình bàn nhau góp tiền xây miếu thờ. Thế nhưng, miếu xây xong, bị sét đánh sập. Sau, mấy lần có tổ chức xây lại, nhưng lần nào cũng bị sét san phẳng. Vết tích miếu Ông còn, nhưng do không có miếu, người dân trong vùng thường gọi là gò Ông.

Người phụ nữ tự nguyện trông coi miếu

Trải qua thời gian, đặc biệt là qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, miếu Bà dần bị tàn phá. Câu chuyện về số phận hẩm hiu của người phụ nữ khi xưa cũng dần rơi vào quên lãng. Thế nhưng, có một người phụ nữ, phần vì cuộc sống quá khổ, nhưng chủ yếu là do chữ “Duyên”, ra “làm bạn” và coi sóc miếu thờ bà Tơ. Đó là cụ Phạm Thị La, 85 tuổi, ở thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, hiện tại làm thủ nhang quản lý miếu Bà.

Cụ La kể lại, trước kia, để nuôi cả chục người con, không việc gì là không làm. Từ đẩy xẻo bắt tép, ngâm mình mò ốc, nhiều khi trời rét căm căm mà nước ngập đến ngang miệng, đến chạy chợ, rồi học nghề bốc thuốc. Thế nhưng, chẳng bao giờ đủ ăn. Có bữa nhà hết gạo, phải lần mò ra tận cánh đồng thôn Đại Trà, xã Đông Phương để đào củ chuối. Bữa ăn chỉ có mỗi món củ chuối luộc. Mấy mẹ con vừa ăn, vừa nước mắt lưng tròng. Còn khi chạy chợ, có khi kiếm đủ tiền đong ống gạo, thế nhưng về nhà thì chẳng còn củi để đun. Ra vườn nhặt được nắm củi, thì âu muối trắng vẫn dùng để ăn với cơm chẳng còn hạt nào.

Cách đây 38 năm, cụ La ra nương tựa tại miếu Bà. Ngày cụ ra đây, miếu chỉ còn lại là bộ khung loang lổ rêu mốc. Vừa lo kiếm gạo nuôi con, cụ vừa cóp nhặt từng đồng, nhặt nhạnh từng viên ngói, viên gạch về sửa sang lại miếu. Rồi các con lớn có gia đình riêng, cụ dành toàn bộ tâm sức lo cho miếu. Đến nay, nhờ công sức của cụ La, cùng sự chung tay, góp sức của bà con trong vùng, miếu Bà được tôn tạo, sửa sang xứng với tầm vóc khi xưa. Cụ La kể, thỉnh thoảng vẫn “trò chuyện” với bà Tơ trong giấc mơ. Khi được nghe bảo, giờ bà Tơ thấy vui hơn, đỡ cô đơn hiu quạnh, là cụ vui lắm.

Đến thăm tổng Đại Trà, ngoài thưởng thức các món ẩm thực truyền thống (mọc hấp, nem thính chua…), tận mắt xem các nghệ nhân ở đây biểu diễn cách làm diều, khoét sáo và thả diều sáo, vãn cảnh chùa Lạng Côn…, du khách rất thích thú khi ghé thăm miếu Bà và được nghe cụ La kể chuyện bà Tơ “hồng nhan bạc phận”, ông Tơ tham tiền bạc bỏ mặc tình thân. Đặc biệt, miếu Bà thì vững chãi với thời gian, miếu Ông cứ dựng lên lại bị sét đánh đổ. Càng thấm thía, trong nếp nghĩ của người Việt khi xưa, chẳng hề có chuyện “trọng nam, khinh nữ” và cũng chẳng ai đồng tình với tính gia trưởng cùng sự bạc bẽo của một số đức ông chồng… (Thái Phan, Báo Hải Phòng Online 20/6)

VĂN HÓA

49.            Đình, chùa Kiều Hạ: Cụm di tích lịch sử kháng chiến

Cụm di tích đình, chùa Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố, điểm du lịch tâm linh của người dân Hải Phòng.Theo các cụ cao niên trong làng, đình, đình Kiều Hạ thờ bốn vị thành hoàng làng là Cao Sơn – Quý Minh thượng đẳng thần; Hoàng Triều – Hoàng Bá tôn Thần, đều là những danh tướng có công chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước dưới triều Vua Hùng Duệ Vương 18. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình chùa Kiều Hạ là nơi nuôi dấu cán bộ của Đảng ta. Trong đó có nhiều cán bộ cao cấp của thành phố Hải Phòng, huyện An Dương. Tháng 11/1946, tại chùa Kiều Hạ, đội quyết tử do đồng chí Đặng Cương thành lập ra đời, đồng chí Nguyễn Dần làm chính trị viên. Cũng tại đây, lực lượng vũ trang huyện An Dương đặt làm cơ quan chỉ huy, nhiều chiến sĩ người xã Quốc Tuấn như các ông Nguyễn Văn Ly, Nguyễn Văn Cơ, Trần Văn Thủy, Ngô Văn Đảo… gắn bó trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thời điểm đó, nhân dân làng Kiều Hạ cung cấp chủ yếu lương thực, thực phẩm cho bộ đội cơm no đánh giặc. Huyện ủy An Dương cũng đóng tại thôn Kiều Hạ để lãnh đạo phong trào cách mạng của huyện. Trong suốt 9 năm kháng chiến, đội cảm tử huyện An Dương sau này là Đại đội Đặng Cương lập nhiều chiến công xuất sắc. Với những giá trị về mặt lịch sử, năm 2007, cụm đình, chùa Kiều Hạ được UBND thành phố công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. (Tiến Anh, Báo Hải Phòng 19/6 Tr4)

50.            Đông đảo người dân Hải Phòng tới tham quan Triển lãm: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những chứng cứ lịch sử”

Ngày 20-6, tại Bảo tàng Hải Phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hải Phòng phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-Những chứng cứ lịch sử”.

Tham dự lễ khai mạc có ông Lê Văn Thành, Phó Bí thư thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; các lực lượng vũ trang thành phố, các đơn vị kết nghĩa cùng đông đảo nhân dân và học sinh trên địa bàn. 

Các tư liệu trưng bày trong Triển lãm được chia thành 3 nhóm nội dung chính: nhóm tư liệu văn bản; nhóm tư liệu bản đồ và nhóm tư liệu hình ảnh. Các châu bản của nhà Nguyễn (từ năm 1802-1945), đặc biệt là các châu bản thời Minh Mạng ra chỉ dụ về việc cử các đội đi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Trường Sa;  Bộ sưu tập bản đồ cổ chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, các nước phương Tây gọi là quần đảo Hoàng Sa Việt Nam do triều đình nhà Nguyễn, các nước phương Tây và 8 bản đồ do chính người Trung Quốc như triều đình nhà Thanh, Trung hoa Dân quốc xuất bản công bố trên toàn thế giới từ thế kỷ XVI đến nay.

Triển lãm cũng trưng bày bộ bản đồ sưu tầm tại Hoa Kỳ, bộ Atlas bản đồ thế giới gồm 6 tập xuất bản năm 1872 sưu tầm tại Vương Quốc Bỉ ghi nhận chủ quyền biên giới lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; Bộ ảnh tư liệu phản ánh về đời sống sinh hoạt của cư dân và lính Bảo an người Việt tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Các tư liệu tại triển lãm khẳng định Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong hơn 5 thế kỷ qua.

Ngoài ra, Triển lãm còn trưng bày 120 ảnh tư liệu về 15/29 đảo, nhà giàn DK trên quần đảo Trường Sa ngày nay, đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho quân đội ta các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, biển đảo quốc gia...và chiếu phim tư liệu, khoa học về biển đảo Việt Nam...

Đây là 1 trong 3 cuộc triển lãm cùng chủ đề được Bộ Chỉ huy BĐBP 3 tỉnh vùng Duyên hải Bắc Bộ là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình phối hợp với các Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn những tư liệu, hình ảnh, những thước phim tài liệu, ký sự về biển, đảo Việt Nam là những bằng chứng lịch sử, những chứng cứ pháp lý chân thực, khách quan khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay trong ngày khai mạc, Triển lãm đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tới tham quan. Triển lãm tại Hải Phòng sẽ kéo dài đến hết ngày 21-6. (Khánh Ngọc, Biên phòng Online 20/6)

51.            Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm: Người làm báo ngoài tòa soạn của Báo Hải Phòng

Tháng 6/1955, sau khi Hải Phòng được giải phóng, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ từ Hà Nội xuống thăm Hải Phòng. Khi đó, hải Phòng chưa có cơ quan ngôn luận riêng. Đến năm 1958, một năm sau khi báo Hải Phòng kiến thiết ra mắt bạn đọc (năm 1957), nhà thơ Nguyễn viết Lãm đưa một đoàn nhà văn đi thực tế tại thành phố Cảng. Vui mừng khi Hải Phòng có tờ báo chính thức xuất bản hàng ngày, ngay sau đó, nhà thơ trở thành cộng tác viên tích cực và chung thủy với cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cho đến cuối đời.

Bài thơ đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đăng trên Báo Hải Phòng là bài “Máu chảy về tim”, một bài thơ dài được sáng tác nhân dịp bà con Việt kiều ở Thái Lan về nước chuyến thứ nhất.

Lần cộng tác gần đây nhất của nhà thơ với Báo Hải Phòng trước khi ông qua đời là vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 55 năm Báo Hải Phòng hằng ngày xuất bản số đầu. Trong ấn phẩm đặc biệt chào Xuân Tân Mão năm 2011, nhà thơ kể lại một kỷ niệm công tác với Báo Hải Phòng. Đó cũng là bài cuối cùng của nhà thơ đăng trên Báo Hải Phòng, đánh dấu hơn nửa thế kỷ sinh sống, làm việc, sáng tác tại thành phố Cảng; cũng là hơn 50 năm cộng tác với các ấn phẩm của Báo Hải Phòng. (Kim Toàn, Hải Phòng cuối tuần 20/6 Tr8+9)

DU LỊCH

52.            Tháo gỡ vướng mắc giúp doanh nghiệp du lịch khẳng định thương hiệu

Những năm qua du lịch Hải Phòng có nhiều đột phá trong thu hút, khai thác tiềm năng và khẳng định thương hiệu đối với du khách trong và ngoài nước. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp du lịch mong muốn được thành phố quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu.

Ông Trần Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hoàng, đơn vị sở hữu khách sạn Camela mong muốn, thành phố tính toán giá thuê đất đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hợp lý hơn.

Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Đồ Sơn Trần Văn Thành chia sẻ, làm du lịch là phải quan tâm từ những việc nhỏ nhất để không mất lòng du khách, trong đó có việc bảo đảm an ninh trật tự tại các khu du lịch, quy hoạch lại hệ thống nhà vệ sinh tịa các bãi biển, khu du lịch, điểm di tích lịch sử văn hóa… Ông Thành cho biết, rất nhiều lần công ty dẫn khách đi tua, nhất là khách nước ngoài rất không hài lòng khi đến tham quan các khu di tích lịch sử. Đến các địa điểm này hầu hết du khách đều khen di tích đẹp, hấp dẫn, có bản sắc, thế nhưng rất bất tiện khi không có nhà vệ sinh.

Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Điền khẳng định, với tiềm năng đa dạng, phong phú, những năm qua ngành du lịch thành phố có nhiều nỗ lực cải thiện hình ảnh du lịch thành phố, cũng như khai thác và thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố. Song thẳng thắn nhìn nhận, ngành du lịch thành phố phát triển chưa vững chắc, lượng khách quốc tế đến Hải Phòng chưa cao, chi tiêu của khách du lịch còn ở mức thấp, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu những cơ sở lưu trú đẳng cấp quốc tế… Vì thế, để du lịch thành phố tạo sức bật trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực đồng chí khẳng định những khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sẽ được các ngành xem xét giải quyết kịp thời, hợp lý. Thành phố luôn đồng hành với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cố gắng tìm ra những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị kinh doanh du lịch. (Kiều Chinh, Hải Phòng cuối tuần 20/6 Tr30+31)

53.            Đưa cây di sản vào tua du lịch: Đa dạng sản phẩm du lịch địa phương

Tính đến thời điểm này TP. Hải Phòng có hơn 10 cây và cụm Cây di sản. Qua đó không chỉ khẳng định truyền thống lịch sử vùng đất mà còn giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo tồn giá trị thiên nhiên góp phần tăng thêm sự hấp dẫn, đánh thức tiềm năng du lịch ở những nơi sở hữu các “cụ cây” quý này.

Việc được coogn nhận là Cây di sản không chỉ khẳng định truyền thống, lịch sử vùng đất sở hữu cây quý, nâng cao giá trị về mặt bảo tồn giá trị sinh thái tự nhiên mà còn đánh thức tiềm năng du lịch. Đến nay hầu hết số cây được công nhận là Cây di sản trên địa bàn thành phố đều gắn với những địa chỉ tâm linh, địa danh liên quan du lịch như: cây gạo tại khu vực chùa Thắng Phúc (huyện Tiên Lãng), quần thể cây đa búp đỏ (đảo Dấu, quận Đồ Sơn)…

Chị Minh Anh cho biết, điểm đến là các Cây di sản gắn với di tích độc đáo là lựa chọn mới, khá đặc biệt. Nhưng để đánh thức tiềm năng du lịch từ Cây di sản, các cơ quan chức năng cần tập hợp tài liệu liên quan gửi tới các cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị lữ hành phối hợp tuyên truyền, quảng bá. Có được thông tin đầy đủ, hấp dẫn sẽ giúp các đơn vị chủ động lên kế hoạch xây dựng tua, tuyến kết nối đến những địa danh này. “Với những người làm du lịch, có điểm đến mới, hấp dẫn sẽ góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch cũng như kích thích sự tò mò của du khách, nhất là khách nước ngoài” – chị Minh Anh khẳng định. (Long Giang, Hải Phòng cuối tuần 20/6 Tr32+33)

THỂ THAO

54.            Giải vô địch bơi vượt sông Đại hội TDTT Hải Phòng lần thứ 7 năm 2014: Thủy Nguyên nhất toàn đoàn

Sáng 19/6, giải vô địch bơi vượt sông Đại hội TDTT Hải Phòng lần thứ 7 Khai mạc tại Cung đua thuyền sông Giá, Giải do Sở VHTTDL và huyện Thủy Nguyên phối hợp tổ chức. Tham gia dự giải năm nay là các VĐV đỉnh cao cảu các quận, huyện; Ngô Quyền, Hồng Bàng, Tiên Lãng, Cát Hải, Kiến thụy và chủ nhà Thủ Nguyên.

Trên đường bơi 2000m nữ, hai VĐV của Kiến Thụy là Đỗ Thị Loan và Nguyễn Thị Lương Băng về đích khá sớm để đoạt HCV và HCB. Trên đường bơi 3000m nam, cậu học sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An, Phạm Đức Anh bức tốp sớm và về đích đầu tiên, giành HCV cho đội quận Ngô Quyền. (Báo Hải Phòng 20/6 Tr8)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố