THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng năm 2022; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Năm 2022, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp trong toàn Đảng bộ đã quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tổ chức thực hiện các cuộc tra, giám sát đảm bảo đúng Chương trình, Kế hoạch đã đề ra. Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng tiến hành kiểm tra đối với 40 tổ chức Đảng, 35 đảng viên là cấp uỷ viên; tiến hành giám sát đối với 9 tổ chức Đảng, 10 đảng viên là cấp uỷ viên.
Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đã được nâng lên, góp phần phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ thành phố, ổn định tình hình, xây dựng nội bộ Đảng đoàn kết, phát huy trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tổ chức thực hiện toàn diện, đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng. Chủ động nắm tình hình, phát hiện và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm; sau kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm theo thẩm quyền; không phát sinh việc giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.
Tại Hội nghị, các đại biểu tiến hành thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định, quy trình, quy chế phù hợp với các quy định mới về công tác kiểm tra, giám sát, phù hợp với tình hình chính trị địa phương; xây dựng Chương trình, Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm; triển khai thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát theo Chương trình năm 2023 đúng tiến độ, chất lượng hiệu quả; nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; tiếp tục tham mưu cho cấp ủy các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai các quy định mới của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng…
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, hội nghị thống nhất, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cấp uỷ Đảng và Uỷ ban Kiểm tra các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai quy định mới của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, phù hợp với tình hình chính trị của địa phương. Cấp uỷ Đảng và Uỷ ban Kiểm tra các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như: xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, quản lý đất đai, tài nguyên, công sản, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, công tác tổ chức cán bộ… (Baophapluat.vn 20/12, Mạnh Toàn)
Hải Phòng: Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Bảo tổ chức kỳ họp cuối năm 2022
Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Bảo khóa XIX vừa tổ chức Kỳ họp thứ 15, tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch công tác năm 2023.
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện năm 2022; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về một số vấn đề cử tri quan tâm. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân huyện thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm: Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2023; dự toán và phân bổ ngân sách huyện năm 2023; kế hoạch sử dụng đất năm 2023; điều chỉnh, bổ sung (lần 2) Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2023… và thực hiện một số nội dung quan trọng khác theo luật định.
Theo báo cáo tại kỳ họp, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Bảo đạt được nhiều kết quả quan trọng, một số chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ: tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,64%; năng suất lúa cả năm đạt 13,24 tấn/ha; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.300 tỷ đồng; thu ngân sách có nhiều cố gắng, ước cả năm đạt 1.728 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ; thu thường xuyên trên địa bàn đạt trên 285 tỷ đồng, tăng 12,66% so với kế hoạch, tăng 4,83% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 63,39 triệu đồng; hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025 còn 1,44%.
Huyện cũng hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện 2 dự án trọng điểm trên địa bàn (Quốc lộ 37 mới và đường nối từ cầu Lạng Am đến Quốc lộ ven biển); văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được đảm bảo và giữ vững; diện mạo nông thôn tiếp tục có nhiều chuyển biến, khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao…
Năm 2023, huyện Vĩnh Bảo tiếp tục chọn chủ đề năm: “Thực hiện chuyển đổi số gắn với đẩy mạnh Cải cách hành chính - Chỉnh trang đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”; đồng thời đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. (Baoxaydung.com.vn 19/12, Vĩnh Bảo
Sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, cộng với môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Hải Phòng có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Hải Phòng là địa phương có truyền thống, nền tảng phát triển công nghiệp. Thành phố đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp, hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, sản xuất các mặt hàng mũi nhọn.
Trong 11 tháng của năm 2022, Hải Phòng có 80 dự án cấp mới với số vốn đầu tư đạt hơn 1,037 tỷ USD, trong đó, dự án cấp mới trong các KCN, KKT đạt 920,89 triệu USD (chiếm 88,74%). Bên cạnh đó, Thành phố đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 36 dự án, với số vốn tăng là 881,52 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Lũy kế hết tháng 11/2022, trên địa bàn Thành phố có 853 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư còn hiệu lực là 24,502 tỷ USD.
Cùng với dòng vốn liên tục đổ vào Hải Phòng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố đã đạt được những con số ấn tượng. Năm 2021, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng kinh tế 12,38%, cao gấp 4 lần mức tăng GDP của cả nước. Năm 2022 này, Hải Phòng ước đạt tăng trưởng 12,32%, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước và thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.
Trước những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Phòng, lãnh đạo Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng - một trong những nhà đầu tư chiến lược của địa phương - chia sẻ, đầu tư vào Hải Phòng của Công ty không dừng lại ở con số 4,65 tỷ USD, mà sẽ tiếp tục tăng.
Không có lời quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư nào hiệu quả và đáng tin cậy bằng những minh chứng cụ thể từ các doanh nghiệp FDI đã thành công tại Hải Phòng. Với các nhà đầu tư, khi đến với một quốc gia mới, những đánh giá, nhận xét, kết quả từ các doanh nghiệp “đồng hương” luôn có tác động rất quan trọng.
Tại Hải Phòng, có nhiều doanh nghiệp FDI lớn có sức ảnh hưởng cao. Đơn cử, Tập đoàn Pegatron - đơn vị sản xuất 30% linh kiện cho Apple - mới đây đã tăng vốn thêm 300 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 800 triệu USD. Đi cùng với việc mở rộng hoạt động sản xuất sẽ là sự gia tăng nhu cầu về chuỗi cung ứng và các đơn vị phụ trợ. Theo đó, Hải Phòng sẽ là địa điểm ưu tiên hàng đầu đối với các đơn vị phụ trợ của Pegatron khi đến Việt Nam.
Điển hình, Tập đoàn LG với tổng vốn đầu tư các dự án hơn 7,24 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ đã hình thành mạng lưới hơn 50 doanh nghiệp vệ tinh (tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD).
Việc nhiều doanh nghiệp FDI rót vốn vào Hải Phòng đã cho thấy sức hút ngày càng lớn của địa phương. Dù vậy, trong bối cảnh mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng cao, thì cách thức xúc tiến đầu tư cũng cần được đổi mới.
Nhấn mạnh việc triển khai xây dựng các KCN mới là một trong những giải pháp để đón dòng vốn FDI quan trọng vào Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban, Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, từ nay đến năm 2025, Hải Phòng sẽ phát triển và mở rộng thêm 15 KCN với tổng diện tích 6.148 ha. Theo ông Kiên, nhờ hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, KCN được đầu tư mạnh mẽ, Hải Phòng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Để duy trì vị trí trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, giai đoạn tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, các công trình hạ tầng giao thông liên kết vùng. Cùng với đó, phát triển kinh tế tuần hoàn, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ người lao động; tăng cường kết nối các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, các trường đại học, trường dạy nghề với các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển nguồn lao động chất lượng cao có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
TP. Hải Phòng nói chung và Ban Quản lý KKT nói riêng sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư trong các công tác liên quan; thường xuyên theo sát, nắm bắt và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong suốt thời gian xây dựng cũng như khi dự án đi vào hoạt động. (Baodautu.vn 19/12, Thanh Sơn; Đầu tư 20/12, tr16)
Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng vừa chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc tiếp tục triển khai quyết liệt các nội dung công việc liên quan đến góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của địa phương.
Ngày 30/11/2022, UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND về kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) giai đoạn 2022-2025 của TP. Hải Phòng, với mục tiêu: giữ vững vị trí xếp hạng PCI của TP. Hải Phòng trong Top dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; điểm số PCI luôn đạt từ 71 điểm trở lên.
Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch của UBND TP. Hải Phòng, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai đồng loạt nhiều nhiệm vụ liên quan.
Đó là, quán triệt đến toàn toàn thể cán bộ, công chức (CBCC) trong đơn vị nội dung của Kế hoạch 268 của UBND TP. Hải Phòng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCC về tầm quan trọng của Chỉ số PCI là vì sự phát triển và vị thế của TP. Hải Phòng.
Thường xuyên nâng cao nhận thức về thực Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) cho CBCC, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số DDCI của đơn vị và của Cục Hải quan Hải Phòng.
Xây dựng đội CBCC thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tăng tính chủ động, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần: “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình”.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan tại Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 tại Cục Hải quan Hải Phòng (ban hành kèm theo Quyết định số 278/QĐ-HQHP ngày 1/3/2022 của Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng).
Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ được phân công liên quan đến các kế hoạch triển khai nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PCI và Chỉ số DDCI. (Haiquanonline.com.vn 19/12, Thái Bình)
Chiều 19/12, tại Hải Phòng, Công ty đóng tàu Phà Rừng (Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đã ký kết hợp đồng đóng mới lô tàu 3 chiếc chở dầu, hóa chất trọng tải 13 nghìn tấn xuất khẩu sang Hàn Quốc và thỏa thuận sẽ tiếp tục đóng mới 2 tàu khác sau khi hoàn thành series 3 chiếc tàu nói trên.
Năm chiếc tàu đóng mới có ký hiệu vỏ theo thiết kế YN-01; YN-02; YN-03; YN-04 và YN-05 được đóng mới cho Công ty Y-ENTEC (Hàn Quốc). Tàu đóng mới có chiều dài toàn bộ 128,6m; rộng 20,4m; chiều cao mạn 11,5m; mớn nước 8,7m.
Tàu được thiết kế bởi nhà thiết kế FAR EST SHIP DESIGN & ENGINEERING (Hàn Quốc) và phân cấp Đăng kiểm KR (Hàn Quốc). Công ty đóng tàu Phà Rừng (Pharung shipyard company) là đơn vị có thế mạnh trong đóng mới các tàu chở dầu và hoá chất dòng Handysize.
Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho hay, việc ký kết hợp đồng đóng mới hàng loạt tàu chuyên dùng chở dầu, hóa chất cho Công ty Y-ENTEC (Hàn Quốc) đã đánh dấu sự tin tưởng của doanh nghiệp Hàn Quốc với trình độ, tay nghề của những người thợ đóng tàu Phà Rừng.
Kết quả này cũng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp, tin tưởng giữa 2 đơn vị trong hơn chục năm qua kể từ năm 2006, khi 2 bên hợp tác cùng nhau đóng mới series tàu chở dầu và hóa chất FM 6.500 tấn BS 6.500 tấn tại Phà Rừng.
Sự kiện này cũng đánh dấu sự hiện thực hóa mối quan hệ giữa Việt Nam-Hàn Quốc được nâng tầm từ “quan hệ đối tác chiến lược” lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thống nhất đầu tháng 12 vừa qua. Sự hợp tác tốt đẹp giữa Phà Rừng với Yentec, BS Tanker… đã và sẽ là một minh chứng đóng góp cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Chủ tịch Công ty Y-ENTEC, ông Park Yong Ha chia sẻ: Từ năm 2006, Y-ENTEC đã có đặt hàng đóng mới tàu tại Phà Rừng. Và trong suốt những năm qua, mối quan hệ giữa 2 đơn vị ngày càng trở nên gắn bó. Phà Rừng đã thể hiện là đối tác tin cậy và có thể hợp tác lâu dài đối với doanh nghiệp chúng tôi. Việc ký hợp đồng hôm nay là dấu mốc quan trọng trong hợp tác, cùng phát triển.
Tổng Giám đốc Công ty đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến khẳng định, Công ty sẽ nỗ lực thực hiện bảo đảm tiến độ thi công và bàn giao series tàu nói trên cho khách hàng theo cam kết từ năm 2023 đến năm 2025. Với hợp đồng này, Công ty đóng tàu Phà Rừng cũng đã bảo đảm được 60% việc làm và sản phẩm đóng mới của doanh nghiệp đến hết năm 2025. (Nhandan.vn 19/12, Ngô Quang Dũng)
Đầu tư vào Việt Nam 80 tỷ USD thì 10 tỷ USD được các doanh nghiệp Hàn Quốc rót vào TP. Hải Phòng.
Hàn Quốc đang ngày càng khẳng định vai trò đối tác đầu tư chiến lược của Việt Nam, với lý do không chỉ vì số lượng vốn lớn, mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Tổng doanh thu hàng năm của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam có thể lên đến cả 100 tỷ USD. Trong đó, nhóm các công ty Samsung Electronics và LG Electronics đã có tổng doanh thu năm 2021 đạt khoảng 80 tỷ USD. Nhiều đơn vị khác cũng có quy mô doanh thu khoảng 1 tỷ USD/năm như MCNEX Vina, CJ Vina Agri, Hyosung, Chang Sin, TKG Taekwang…
Để đạt được con số doanh thu trên, đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 80 tỷ USD. Đáng chú ý trong số đó, có tới gần 10 tỷ USD là đầu tư vào TP. Hải Phòng.
Cụ thể, trên địa bàn TP. Hải Phòng đang có 178 dự án đến từ Hàn Quốc (chiếm 21% tổng số dự án FDI của thành phố) và tổng vốn đầu tư là 9,7 tỷ USD (chiếm 39,6% tổng số vốn FDI của thành phố).
Trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, Hàn Quốc đang chiếm vị trí số một về số dự án và tổng vốn đầu tư với 106 dự án (chiếm 60% tổng dự án Hàn Quốc tại Hải Phòng); tổng vốn đầu tư là 8,65 tỷ USD chiếm 37,6% tổng vốn đầu tư FDI toàn KCN, KKT (tổng thu hút đầu tư FDI toàn KCN, KKT là 23 tỷ USD).
Doanh nghiệp Hàn Quốc có sự hiện diện nổi bật nhất tại Hải Phòng là Tập đoàn LG. Tập đoàn này đang có 3 dự án đầu tư thuộc top 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam gồm LG Display, LG Electronics, LG Innotek, tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD.
Tổ hợp này đã tạo ra gần 25.000 việc làm cho người lao động, doanh thu ước đạt 14,5 tỷ USD, nộp ngân sách hơn 95 triệu USD trong năm 2021.
Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ được xem là ''cứ điểm'' của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Hải Phòng khi không chỉ là địa bàn chính của LG tại Việt Nam, mà còn thu hút hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư như GS E&C, Doosung Heavy Industries, Halla Electronics Vina,...
Với hiệu quả kinh doanh tốt, các doanh nghiệp Hàn Quốc hàng năm cũng đóng góp lớn vào ngân sách TP. Hải Phòng. 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong KCN, KKT đạt 11,5 tỷ USD; nộp ngân sách 2.685 tỷ đồng.
Về lao động, 10 tháng 2022, DN Hàn Quốc giải quyết việc làm cho 40.940 người, trong đó có 39.230 lao động Việt Nam và 1.710 lao động nước ngoài (lao động người Hàn Quốc: 1.530 người), thu nhập bình quân khoảng 11 triệu đồng/người/tháng. (Markettimes.vn 20/12, Nhuận Hoa)
Chiều 16/12, UBND quận Đồ Sơn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về du lịch năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Năm 2022, công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn quận đã hoàn thành tốt chương trình, nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Quận đã triển khai đồng bộ các giải pháp, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nên hoạt động du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Lượng khách du lịch ước 1.930.000 lượt, đạt 120% kế hoạch, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Công tác quản lý trật tự đường hè tại khu du lịch đã vào nề nếp, hạn chế tối đa việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi bán hàng. Quận đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ đoạn từ ngã ba Con Hươu đến nhà nghỉ Ngô Quyền thuộc tuyến đường Vạn Hương khu II, khu du lịch Đồ Sơn đã thay đổi diện mạo, tạo điểm nhấn mới trong mùa du lịch năm 2022. Tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật, trong đó nổi bật nhất là Liên hoan du lịch 2022 “Đồ Sơn – Sắc màu của biển”, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2022 và hoạt động xếp hình bản đồ Việt Nam với sự tham gia của 1.900 xe.
Công tác quản lý, phát huy giá trị di tích trên địa bàn quận được quan tâm, đẩy mạnh góp phần phát triển du lịch tâm linh, lễ hội của địa phương. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị được đảm bảo, cơ sở vật chất được đầu tư, giá cả bình ổn, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng cao.
Nhân dịp Hội nghị, UBND quận Đồ Sơn trao tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân có thành tích hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch quận Đồ Sơn năm 2022.
Tại Hội nghị, lãnh đạo quận Đồ Sơn triển khai Kế hoạch Quản lý nhà nước về du lịch năm 2023, phấn đấu thu hút tổng lượt khách du lịch đạt 2,5 triệu lượt người với các hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao trải dài từ đầu năm đến cuối năm. Như Quý I với chủ đề “Lễ hội mùa Xuân”, quận Đồ Sơn tổ chức chợ hoa xuân, chương trình nghệ thuật “Sắc Xuân Đồ Sơn”, Lễ hội đua thuyền Rồng trên biển, Lễ hội khai bút Xuân Quý Mão 2023.
Quý II tập trung các hoạt động tổ chức Liên hoan du lịch 2023 “Đồ Sơn – Điểm đến bốn mùa” với hoạt động khai trương Cổng du lịch thông minh Smart Tourist kết hợp với giải pháp mạng không dây tại tuyến đường Vạn Hương, Lễ hội đua thuyền Rồng trên biển, Lễ hội bia và ẩm thực… Quý III – “Đồ Sơn vào Thu” với Đại lễ vu lan với chủ đề “Hiếu nghĩa vẹn tròn”, Lễ hội chọi trâu, Múa lân sư rồng Đông Nam Á… Quý IV, tại quận Đồ Sơn sẽ diễn ra giải chạy marathon “Dragon Ocean Đồ Sơn 2023”. (Moitruongdulich.vn 19/12, Hồng Nhung)
Từ phản ánh của người dân về mức giá thuê nhà ở chung cư thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn TP. Hải Phòng tăng gấp gần 10 lần, gây khó khăn cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, chiều 19/12/2022, Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú đã ký văn bản số 149/TB-VP, thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng về nội dung liên quan.
Theo đó, ngày 19/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, tập thể lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng đã họp, nghe báo cáo về việc thu tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư mới xây dựng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng, tập thể lãnh đạo UBND thành phố thống nhất ý kiến như sau:
Tạm thời chưa thực hiện thu tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư: N1-N2 Lê Lợi, U19 Lam Sơn, Đ2 Đồng Quốc Bình và HH3-HH4 Đồng Quốc Bình trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 63/2022/QĐ- UBND ngày 04/11/2022 của UBND thành phố cho đến khi có chỉ đạo mới.
UBND TP. Hải Phòng giao Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng thông báo nội dung trên tới các hộ dân thuê nhà tại các chung cư nêu trên.
Đồng thời giao Sở Xây dựng Hải Phòng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết của HĐND TP. về cơ chế hỗ trợ giá thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, cùng với đó, tính toán và đề xuất UBND TP. phê duyệt giá thuê nhà ở đối với các chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, báo cáo UBND TP. trong tháng 2/2023.
Trước đó, như Báo Công an nhân dân đã có bài phản ánh, vừa qua UBND TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 63/2022/QĐ-UBND, có hiệu lực từ 1/12/2022 về việc “Ban hành Bảng giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại các chung cư mới sau khi cải tạo xây dựng lại trên địa bàn TP. Hải Phòng”.
Theo Quyết định trên, người dân phải trả tiền thuê chung cư theo bảng giá mới cao gấp từ 7 đến 9 lần so với mức thuê trước ngày 1/12. Điều đáng lưu ý là, rất nhiều hộ dân sống từ trước tại các khu chung cư được cải tạo, xây mới đều là người cao tuổi, không còn sức lao động, nhiều người trong số đó có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bị bệnh tật và không có nguồn thu nhập kể cả lương hưu.
Nhiều hộ dân cho rằng, với mức giá áp dụng mới, cộng thêm chi phí điện chiếu sáng, thang máy, gửi xe... là quá khả năng thanh toán so với thu nhập của họ, vì vậy mong muốn chính quyền thành phố cân nhắc, xem xét lại mức giá phù hợp với hoàn cảnh thực tế. (Cand.com.vn 19/12, Văn Minh; Baodautu.vn 19/12; Laodong.vn 19/12; TTXVN/Baotintuc.vn 19/12; Thuonghieucongluan.com.vn 19/12; Congdankhuyenhoc.vn 20/12; Danviet.vn 19/12; Công an nhân dân 20/12, tr7; Pháp Luật Việt Nam 20/12, tr10)
Sáng ngày 19/12, ông Nguyễn Ngọc Tú – Chánh Văn phòng UBND TP. Hải Phòng – cho biết: Thành phố đang xây dựng phương án trợ giá thuê nhà cho những người được chuyển về ở các chung cư mới được cải tạo, xây dựng mới vừa qua trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng lên phương án xây dựng giá cho thuê nhà ở những chung cư mới xây dựng trên nguyên tắc xây dựng giá đúng giá đủ. Từ đó, thành phố mới xây dựng phương án trợ giá cho các hộ dân, để trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.
Được biết, thành phố cũng đã có lịch để họp bàn và có phương án cụ thể, thống nhất về mức giá người dân phải trả tiền thuê nhà sau này.
Trước đó, theo quyết định số 63/2022/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 về việc “Ban hành giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại các chung cư mới sau khi cải tạo xây dựng lại trên địa bàn TP. Hải Phòng”, từ ngày 1.12.2022, giá thuê chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố tăng gần 10 lần so với trước. Thông tin này khiến nhiều người dân lo lắng.
Cụ thể, theo Quyết định trên, giá thuê tại các chung cư mới sau khi cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn TP. Hải Phòng được áp dụng như sau: Tại chung cư N1 –N2 Lê Lợi có tổng giá thuê nhà ở là 94.674 đồng/m2/tháng (trong đó bao gồm tiền thuê nhà là 93.421 đồng và 1.253 đồng chi phí bảo trì); Chung cư U19 Lam Sơn có tổng giá thuê là 51.480 đồng/m2/tháng; Chung cư Đ2 Đồng Quốc Bình có tổng giá thuê là 70.611 đồng/m2/tháng; khu HH3-HH4 Đồng Quốc Bình có tổng giá thuê là 65.128 đồng/m2/tháng.
Theo bảng giá trên, mỗi căn nhà tầm 50 m2 sẽ có giá thuê từ 3,3 – 4,7 triệu đồng/tháng, cao gấp 7 - 9 lần mức giá thuê nhà ở mà các hộ dân nộp từ trước đến nay. Nhiều hộ dân cho rằng, với mức giá áp dụng mới, cộng thêm chi phí điện chiếu sáng, thang máy, gửi xe... còn cao hơn giá thuê một căn nhà 2 tầng trong các ngõ xóm.
Người dân sống trong các khu chung cư trên đều cho rằng, mức giá mới này quá khả năng thanh toán so với thu nhập của họ. Bởi rất nhiều hộ dân sống từ trước tại các khu chung cư được cải tạo, xây mới đều là người cao tuổi, không còn sức lao động, nhiều người trong số đó có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bị bệnh tật và không có nguồn thu nhập. Rất nhiều người ở đây không có lương hưu.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng người dân lo lắng cũng diễn ra tại các khu chung cư thuộc sở hữu nhà nước trong danh mục kèm theo Quyết định 63/2022/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng. Trên mạng xã hội, người dân bàn luận, nhiều ý kiến cho rằng mức giá thuê nhà như trên là quá cao, người dân không thể chi trả nổi. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ mong muốn chính quyền thành phố cân nhắc, xem xét lại mức giá phù hợp với hoàn cảnh thực tế của họ.
Từ năm 2016 đến năm 2022, UBND TP. Hải Phòng đã tổ chức triển khai các Dự án xây dựng các chung cư mới U19 Lam Sơn, N1-N2 Lê Lợi (thay thế cho các chung cũ U1, U2, U3 Lê Lợi), HH1 - HH2 và HH3 - HH4 Đồng Quốc Bình (thay thế cho 48 chung cư cũ trên địa bàn phường Đồng Quốc Bình). Đến nay, thành phố đã xây dựng hoàn thành chung cư U19 Lam Sơn, N1 – N2 Lê Lợi và HH3-HH4 Đồng Quốc Bình.
Để xây dựng các chung cư trên, thành phố đã phải tổ chức di chuyển và bố trí tạm cư chp 1.323 hộ dân. Sau khi hoàn thành xây dựng, đến nay thành phố đã tổ chức đưa các hộ dân quay trở lại sinh sống tại các khu chung cư trên với tổng số 850 hộ dân (U19 Lam Sơn và N1 – N2 Lê Lợi đã có 100% các hộ dân quay về). Chung cư HH4 Đồng Quốc Bình đã bố trí 690/728 căn cho các hộ dân từ 47 Lê Lai và Đồng Quốc Bình về sinh sống. Những hộ còn lại, thành phố cũng đang triển khai các thủ tục để đưa các hộ dân về sinh sống tại đây. (Laodong.vn 19/12, Mai Chi)
Xác định vai trò quan trọng của đê điều trong công tác phòng chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Hải Phòng đã đầu tư tu bổ, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho 334 km trong tổng số gần 420 km đê. Bên cạnh đó, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng tuyến đê biển.
Hải Phòng là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố bão, lũ, triều cường, mưa lớn, gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác đầu tư, nâng cấp, tu bổ hệ thống đê điều là việc làm cần thiết, được Thành phố đặc biệt quan tâm và quyết liệt triển khai.
Thống kê cho thấy, hiện tại, Hải Phòng đang có 24 tuyến đê với tổng chiều dài 416,928km, trong đó đê biển 58,225km, đê cửa sông có tổng chiều dài 127,933km, đê sông có tổng chiều dài 230,77km và có 90,668km kè các loại, cùng 387 cống dưới đê.
Về kè bảo vệ đê, có 62,49km kè ổn định, đảm bảo an toàn (chiếm 68,9%), 23,11km kẻ kém ổn định chưa đảm bảo an toàn (chiếm 25,4%) và 5,07km kè xung yếu có nguy cơ mất an toàn cao (chiếm 5,7%). Về công trình cống qua đê, có 215 cống đảm bảo an toàn (chiếm 55,5%) 114 cống kém an toàn (chiếm 29,5%) và 58 cống xung yếu (chiếm 15%).
Xác định vai trò quan trọng của đê điều trong công tác phòng chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng đã phối hợp với các huyện, quận tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đê điều và phòng chống lụt bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố cũng theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, kịp thời kiểm tra, phát hiện, tham mưu xử lý các sự cố đê điều cũng như xử lý các vị trí đê điều xung yếu, đê không đảm bảo an toàn trước mùa lũ bão, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều.
Bên cạnh đó, với phương châm “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”, thời gian qua, Hải Phòng đã đầu tư tu bổ, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho 334km trong tổng số gần 420 km đê. Trong đó, đầu tư nâng cấp 30km đê biển trên tổng số gần 60km đê biển trên địa bàn. Thành phố đã và đang triển khai đầu tư xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão tại huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, từng bước đảm bảo sức chứa tàu thuyền tránh trú khi có bão.
Ngày 17/11 vừa qua, Hải Phòng đã tiến hành khởi công xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ để đảm bảo an toàn cho khoảng 2.000ha đất lấn biển với tổng vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tuyến đê nằm trên địa bàn phường Đông Hải 2 và phường Tràng Cát (quận Hải An) có chiều dài hơn 12km, điểm đầu tuyến từ K2+253 tiếp giáp với tuyến kè cảng Nam Đình Vũ và điểm cuối tuyến tại K15+022 điểm giao với đường Tân Vũ - Lạch Huyện.
Theo đó, đây là công trình đê điều cấp IV, thuộc nhóm A, có kết cấu đê dạng mái nghiêng, thân đê đắp bằng cát và đất theo công nghệ đê mềm bằng ống địa kỹ thuật Geotube, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Theo thiết kế, chân kè và mái đê phía biển gia cố bằng đá phủ và cấu kiện bê tông đúc sẵn, mái đê phía khu công nghiệp gia cố bằng cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn và bố trí kênh tiêu tại chân mái, mặt đê gia cố bằng bê tông rộng 5m.
UBND TP. Hải Phòng cho biết, tuyến đê khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho khoảng 2.000ha đất lấn biển xây dựng Khu công nghiệp phía nam bán đảo Đình Vũ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động, đảm bảo an toàn cho toàn bộ bờ biển phía nam của bán đảo Đình Vũ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đánh giá, đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phòng chống lụt bão, nước biển dâng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các công trình của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kinh doanh, hoạt động tại bán đảo Đình Vũ, tạo điều kiện phát triển bền vững Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
“Việc đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển là chủ trương, quyết tâm của Thành phố nhằm chủ động phòng chống thiên tai, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển của Hải Phòng. Qua đó, từng bước hoàn thiện quy hoạch TP. Hải Phòng - vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, ông Thọ nhấn mạnh. (Daibieunhandan.vn 19/12, Thảo Anh)
Ngày 19/12, Công an TP. Hải Phòng thông tin, lãnh đạo quận Hồng Bàng vừa khen thưởng chiến công xuất sắc của Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự (CSGT-TT) Công an quận, đã mưu trí truy bắt đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn quận.
Trước đó, vào ngày 13/12, tổ công tác số 7 Đội CSGT-TT Công an quận Hồng Bàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, trên tuyến đường Hồng Bàng, phường Sở Dầu đã phát hiện nam giới điều kiển xe mô tô BKS: 15C1- 478.40 vi phạm Luật Giao thông (đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều và chạy với tốc độ cao).
Các đồng chí trong tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện nhưng đôi tượng không chấp hành, tiếp tục phóng xe vượt qua tổ công tác về phía ngã tư Hồng Bàng - Tôn Đức Thắng. Nhận thấy đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã sử dụng mô tô chuyên dụng nhanh chóng tiếp cận và khống chế đối tượng.
Trong quá trình khống chế, đối tượng này có ý định ném 2 túi nilon trong túi đi nhưng đã bị tổ công tác kịp thời ngăn chặn. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 2 túi nilon trên có chứa 75,49 gam heroin. Tổ công tác Đội CSGT-TT đã đưa đối tượng, phương tiện cùng tang vật về trụ sở Công an phường Sở Dầu để bàn giao đối tượng, phối hợp, đấu tranh làm rõ.
Tại Công an phường Sở Dầu, đối tượng khai tên là Phạm Tiến Mạnh (Sinh 1975; trú tại xã Đại Bản, huyện An Dương). Mạnh khai các túi giấy mà công an thu giữ trên người đối tượng là ma túy do hắn đang vận chuyển đi bán cho các con nghiện trên địa bàn. Tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với Công an phường Sở Dầu để hoàn thiện hồ sơ ban đầu, tiếp tục điều tra làm rõ. (Tuoitrethudo.com.vn 19/12)
Sáng 19/12, Công an TP. Hải Phòng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuỷ Nguyên đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Mạnh Sơn (sinh năm 1994, ở xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) để điều tra, xử lý về hành vi buôn bán hàng cấm.
Trước đó, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ- Công an huyện Thủy Nguyên phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy và Công an xã Gia Đức kiểm tra, phát hiện bắt quả tang đối tượng Sơn có hành vi buôn bán pháo nổ tại nhà, ở xã Gia Đức, huyện Thuỷ Nguyên.
Theo đó, tang vật thu giữ gồm: 5 hộp pháo hoa nổ, loại 49 quả (tổng khổi lượng 7,39 kg); 1 bánh pháo nổ (1,1kg); 16 quả pháo nổ tự quấn (0,1kg) và 1 tập giấy.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Sơn đã thừa nhận hành vi buôn bán pháo nổ nhằm kiếm lời. Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuỷ Nguyên đã tạm giữ hình sự đối với Phạm Mạnh Sơn để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. (Laodong.vn 19/12, Thiên Hà; Vov.vn 19/12)
Ngày 19/12, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát đường thủy – Công an TP. Hải Phòng cho biết, đơn vị vừa phát hiện và bắt giữ , phương tiện NB8821 vận chuyển khoảng 1.600 tấn than xít nghiền không có giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc hàng hóa là hợp pháp đang trong quá trình chở đi tiêu thụ.
Cụ thể, trước đó vào hồi 01 giờ 15 ngày 15/12/2022, tại sông Văn Úc, thuộc xã Quang Trung, huyện An lão, TP. Hải Phòng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng Cảnh sát đường thủy – Công an TP. Hải Phòng gồm Đội Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm và Phân đội 4, Thủy đội đã tiến hành kiểm tra phương tiện NB8821 (trọng tài 1538 tấn, máy 520CV) đang hành trình theo hướng từ Hải Dương đi Ninh Bình, trên phương tiện có 04 thuyền viên (đều có hộ khẩu thường trú tại Gia Trung, Gia Viễn, Ninh Bình).
Qua kiểm tra, phương tiện NB8821 vận chuyển khoảng 1.600 tấn than xít nghiền không có giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc hàng hóa là hợp pháp, đồng thời người điều khiển phương tiện không xuất trình được Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng theo quy định.
Hiện Phòng Cảnh sát đường thủy đã lập hồ sơ, tạm giữ phương tiện, hàng hóa để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. (Phapluatplus.vn 19/12, Nguyễn Quang)
Ngày 19/12, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng khóa XIV tổ chức Hội nghị lần thứ 27 tổng kết phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn, công tác kiểm tra, giám sát năm 2022.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo về kết quả lãnh đạo của thường trực giữa 2 kỳ họp; thông qua dự thảo báo cáo tổng kết phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn thành phố năm 2022, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Đồng thời, đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XV Công đoàn thành phố, nhiệm kỳ 2023-2028; thông qua dự thảo báo cáo công tác kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn thành phố năm 2022 và chương trình công tác năm 2023; thông qua chương trình công tác của Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố năm 2023.
Tính đến tháng 12.2022, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng quản lý 2.964 công đoàn cơ sở với 335.378 công nhân viên chức lao động. Tổng số đoàn viên công đoàn 314.609 người, nữ 190.318 người (chiếm 61,6%), trong đó có trên 185.000 công nhân lao động làm việc trong các cụm, khu công nghiệp.
Thu nhập bình quân của người lao động thành phố đạt khoảng 7,02 triệu đồng/người/tháng, khối hành chính sự nghiệp 6,5 triệu đồng/người/tháng; khối doanh nghiệp nhà nước là 8,7 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp FDI 11,5 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp ngành Xây dựng, Da giầy 6,7 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp ngành Vận tải, Du lịch 7,4 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng tập trung tổ chức tốt Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết” năm Quý Mão 2023 an toàn, hiệu quả, thiết thực. Đổi mới công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích cho công nhân viên chức lao động trên App “Hướng Công” trên điện thoại thông minh.
Kết hợp với đó, tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XV Công đoàn thành phố tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Đặc biệt, năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động TP. Hải Phòng sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn; tài chính công đoàn; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp; giám sát tổ chức công đoàn, ủy viên ban chấp hành, cán bộ công đoàn cấp dưới về thực hiện điều lệ, nghị quyết, chỉ thị quyết định và các quy định của tổ chức công đoàn và quy định của Đảng, Nhà nước. (Laodong.vn 19/12, Thiên Hà)
Sau 5 ngày thi đấu sôi nổi, ngày 19/12, bộ môn đua thuyền Canoeing trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 đã chính thức bế mạc.
Trong ngày thi đấu cuối cùng, các vận động viên tranh tài ở 8 nội dung. Đối với nội dung 200m Kayak hai chèo nữ, Đỗ Thị Thanh Thảo và Hoàng Thị Hường đã mang về cho Hải Phòng Huy chương Vàng với thành tích 00:42.75. Ở nội dung 200m Canoe một chèo nữ, Nguyễn Thị Ngân (Thái Nguyên) giành Huy chương Vàng với thành tích 00:50.28. Ở nội dung cuối cùng 200m Canoe bốn chèo nữ, Bùi Thị Yến, Diệp Thị Hương, Nguyễn Thị Hải Ánh và Nguyễn Thị Hương đoàn Vĩnh Phúc đoạt Huy chương Vàng với thành tích 00:44.17.
Kết thúc môn thi đấu, đoàn Vĩnh Phúc đã dẫn đầu đoàn với 6 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Đoàn Hải Phòng đứng thứ hai với 6 Huy chương Vàng. Đứng thứ ba là đoàn Thái Nguyên với 5 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng.
Tham dự bộ môn Canoeing trong khuôn khổ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 có 258 vận động viên đến từ 26 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng đăng ký thi đấu nhiều nhất là 31 vận động viên, tiếp đến là Hải Dương, Đà Nẵng với 20 vận động viên. Hải Phòng có 9 vận động viên tham gia thi đấu, chủ yếu là các vận động viên trẻ. (TTXVN/Baotintuc.vn/Vnanet.vn 19/12, Hoàng Ngọc)
Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023 theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Trung ương và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao kết quả của ngành Tư pháp toàn quốc đạt được trong năm 2022. Năm tới, toàn ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt và thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đề nghị các ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành mà Chính phủ giao; Tập trung làm tốt hơn nữa công tác thi hành pháp luật, tăng cường quản lý trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, cải cách tư pháp, thi hành án dân sự…; yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện các đề án số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu quản lý, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp…
Trong năm 2022, ngành Tư pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sở Tư pháp các địa phương tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người “gác cổng” về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các VBQPPL trên các lĩnh vực.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được thực hiện bài bản, nền nếp, đồng bộ và ngày càng hiệu quả, sát thực tiễn hơn với việc thẩm định 32 đề nghị xây dựng VBQPP, 251 dự thảo VBQPPL, 28.000 văn bản được rà soát, kiến nghị xử lý hơn 5.700 văn bản… Công tác quản lý nhà nước về hành chính- tư pháp, nhất là lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi tiếp tục được chú trọng và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được tăng cường, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Vai trò, tính chuyên nghiệp của trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong chỉ đạo, điều hành được đặc biệt chú trọng. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành.
Năm 2023 là năm tăng tốc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025. Toàn ngành Tư pháp xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu như: Tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính Trị và Ban Bí thư; tham gia xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành hiệu quả VBQPPL.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 4 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; tập trung thực hiện hiệu quả đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, nhất là đẩy mạnh công tác thanh, tra kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện đầu tư công, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của bộ, ngành Tư pháp; thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đăng ký biện pháp bảo đảm. (Baohaiphong.com.vn 19/12, Hải Vân)
Sáng 19/12, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Nội chính Thành uỷ tổ chức hội nghị tổng kết công tác nội chính đảng năm 2022; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Năm 2022, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ và Ban Nội chính Trung ương, tập thể cán bộ, công chức, người lao động Ban Nội chính Thành uỷ đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng chi bộ, xây dựng cơ quan tiếp tục được quan tâm; công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục được tăng cường, chặt chẽ, có hiệu quả cao, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ban Nội chính Thành uỷ ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu của Thành uỷ về công tác nội chính Đảng, là cơ quan thường trực của các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp của thành phố. (Baohaiphong.com.vn 19/12, Hoàng Huế)
Sáng 19/12, Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân quận Ngô Quyền long trọng tổ chức gặp mặt kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Cáp Trọng Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Ngô Quyền nêu rõ:cùng với sự lớn mạnh và trưởng thành không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng vũ trang (LLVT) quận Ngô Quyền có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển quận, thành phố, đất nước.
Trong công cuộc đổi mới, LLVT quận phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, truyền thống “Trung dũng, quyết thắng”, luôn là lực lượng xung kích đi đầu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp công sức, tâm huyết cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang xây dựng quận Ngô Quyền ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT và nhân dân quận Ngô Quyền vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo đồng chí Cáp Trọng Tuấn, hiện nay toàn quận có 68 mẹ Việt Nam Anh hùng, 4 Anh hùng LLVT, trên 1.300 liệt sỹ, trên 1.200 thương binh và gần 400 nạn nhân chất độc da cam. Cuộc gặp mặt 641 đồng chí cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn, các cán bộ, chiến sỹ LLVT quận là để ôn lại truyền thống vẻ vang của QĐND Việt Nam anh hùng, cũng là dịp tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những hy sinh, cống hiến của LLVT quận đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thông tin về những thành tựu nổi bật của quận Ngô Quyền năm 2022; các nhiệm vụ chủ yếu năm 2023, đồng chí Cáp Trọng Tuấn mong muốn LLVT quận tiếp tục có nhiều đóng góp để quận hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra.
Thượng tá Nguyễn Văn Hào, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự quận Ngô Quyền khẳng định: LLVT quận sẽ luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, tuyệt đối trung thành, luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tham mưu cho quận lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng LLVT quận vững mạnh toàn diện, cùng Đảng bộ và nhân dân quận thực hiện thắng lợi nghị quyết 23 của Đảng bộ quận, xây dựng quận Ngô Quyền ngày càng giàu mạnh, hiện đại, văn minh. (Anhp.vn 19/12, Hồng Thanh)
Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, kỷ niệm 437 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn ra trong 3 ngày 20, 21 và 22/12/2022 với các nghi lễ truyền thống trang trọng cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động, hấp dẫn. Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo trả lời phỏng vấn Báo Hải Phòng về công tác tổ chức lễ hội cũng như nỗ lực, quyết tâm phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng chí cho biết, thời gian qua, huyện Vĩnh Bảo bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung như thế nào?
Vùng đất Vĩnh Bảo nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khoa bảng. Truyền thống này bắt nguồn từ tấm gương nhiều bậc danh sĩ nổi tiếng trong lịch sử, nổi bật là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Đền thờ danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Đền thờ Trạng Trình vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày mất của ngài nhằm tri ân, tưởng nhớ người con kiệt xuất của quê hương.
Để bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên quê hương, huyện Vĩnh Bảo tiếp tục quan tâm sưu tầm, phục dựng các nghi lễ, truyền thống cổ cũng như các trò chơi dân gian có trong lễ hội nhằm gắn kết cộng đồng, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh. Đồng thời, yêu cầu ngành Giáo dục – Đào tạo huyện nghiên cứu, đề xuất tăng cường các tiết học, học ngoại khóa giúp các học sinh hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp, tài năng, đức độ của Trạng Trình. Chú trọng tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như Khu di tích quốc gia đặc biệt, những điểm di tích liên quan đến Trạng Trình.
Bên cạnh đó, UBND huyện Vĩnh Bảo xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2022 và những năm tiếp theo với những nhiệm vụ, lộ trình cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan phối hợp với Sở Du lịch thành phố xây dựng những tour, tuyến du lịch, du khảo đồng quê trên địa bàn huyện. Trong đó, lấy Khu di tích Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm làm trung tâm, liên kết với những điểm đến, làng nghề nổi tiếng khác như: Khu lưu niệm Danh y Đào Công Chính dự kiến hoàn thành đầu năm 2023, miếu Bảo Hà, chùa Mét, đình Nhân Mục, nghề múa rối nước xã Nhân Hòa, nghề làm bánh trôi ở xã Liên Am, nghề ươm cá giống ở thôn Hội Am (xã Cao Minh), nghề tạc tượng ở thôn Bảo Hà (xã Đồng Minh)…
Lễ hội kỷ niệm 437 năm ngày mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm năm nay có những hoạt động chủ yếu nào?
So với các kỳ lễ hội trước, kỳ lễ hội lần này Ban Tổ chức tiếp tục chú trọng bảo đảm không khí trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng, gắn các nghi lễ truyền thống với các hoạt động văn hóathể thao vui tươi, lành mạnh, giữ gìn an ninh- trật tự, an toàn, tiết kiệm theo đúng quy định. Các nghi lễ truyền thống gồm: Lễ mộc dục, lễ rước văn, lễ cáo yết, lễ dâng hương, lễ kỷ niệm, lễ tạ… Trong khuôn khổ phần hội, có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch hấp dẫn, như: trình diễn chèo giới thiệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Trạng Trình; các giải vật truyền thống, pháo đất, đua thuyền…
Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, năm 2022, du lịch Vĩnh Bảo trở lại mạnh mẽ với tổng lượt du khách hơn 1,5 triệu, gấp 3 lần so với năm 2021. Năm 2023, huyện phấn đấu đón 2 triệu lượt khách trở lên. Lễ hội lần này là cơ hội để huyện giới thiệu, quảng bá đến du khách những giá trị quý báu của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Đền thờ Trạng Trình cũng như tuyên truyền, quảng bá những hình ảnh hấp dẫn của du lịch huyện.
Với danh tiếng và tầm ảnh hưởng của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu ứng tích cực từ giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, sự hấp dẫn của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh trên địa bàn, sự độc đáo của các làng nghề truyền thống, điều kiện giao thông thuận lợi, tin tưởng trong thời gian tới, lượng du khách đến với Vĩnh Bảo sẽ tiếp tục tăng cao. (Baohaiphong.com.vn 19/12)
Ngày 16/12, đồng chí Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng kiểm tra và làm việc với quận Ngô Quyền về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện tại Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dự án đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn phường Đồng Quốc Bình (giai đoạn 1). (Baoxaydung.com.vn 19/12)
Ngày 18/12, tại TP. Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 85 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 19/12, An Nhiên; Congly.vn 19/12; Truyền hình Nhân dân – Chương trình thời sự 11h30 ngày 19/12; Kênh VTV1 – Thời sự 23h01 ngày 19/12; Pháp Luật Việt Nam 20/12, tr13; An ninh Thủ đô 20/12, tr12)
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La vừa phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ thương mại, du lịch và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Hải Phòng năm 2022. Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện nội dung hợp tác, phát triển giữa 2 tỉnh, thành phố giai đoạn 2022-2025... (Vneconomy.vn 19/12, Nguyễn Hiền)./.