THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng tại buổi họp nghe báo cáo về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 3/2022, tổng vốn đầu tư công của TP năm 2022 là 18.143,026 tỷ đồng.
Tính sơ bộ giải ngân đến ngày 15/5, vốn giao kế hoạch năm 2022 đã giải ngân được trên 2.316 tỷ đồng, bằng 12,8% kế hoạch TP giao là 18.143,026 tỷ đồng, bằng 18,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 12.720,72 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước hết tháng 5/2022, ước giải ngân của Hải Phòng là 3.231,42 tỷ đồng, bằng khoảng 17,8% kế hoạch, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành và là 1 trong 21 địa phương giải ngân 5 tháng dưới 20%.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang nêu rõ, về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công Hải Phòng luôn đứng trong tốp đầu cả nước, chưa bao giờ ở mức thấp như hiện nay.
Bí thư Thành ủy đề nghị cần làm rõ nguyên nhân khiến cho vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng ở mức thấp như hiện nay, vướng ở khâu nào? do quy định hay do công tác phối hợp?
Bí thư chỉ đạo cần phải có cách nghĩ khác, cách làm khác, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tiêu chí đánh giá người đứng đầu. Đồng thời, lưu ý các cấp, ngành, địa phương TP cần xem xét kỹ về công tác đấu thầu, nguyên tắc đấu thầu phải làm đúng quy định, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng ghi nhận, thời gian vừa qua các chủ đầu tư, các địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch, song đến thời điểm này công tác giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu đề ra, thấp hơn so với các năm trước và hiện đang ở mức trung bình của cả nước.
Một số địa phương như Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng, Cát Hải, Ngô Quyền… hiện kết quả giải ngân thấp.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, đối với các địa phương, Chủ tịch TP yêu cầu tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Giải ngân, đấu thầu và lập chủ trương đầu tư các dự án mới, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch TP cho biết, đến tháng 9/2022, TP sẽ thực hiện rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.
Đồng thời, sẽ kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, người đứng đầu và cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra.
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, liên quan đến công tác đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, vừa qua công tác đấu thầu chưa thực sự tốt, phần chấm thầu có sự can thiệp, cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh để thay đổi nhận thức.
Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công, thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.
Tới đây, TP sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. (Thanhtra.com.vn 17/5, Kim Thành)
Sở Xây dựng TP. Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch số 50 về Chuyển đổi số Sở Xây dựng năm 2022.
Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính, cụ thể: Mục tiêu về phát triển chính phủ số, phấn đấu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 60 % hồ sơ công việc tại các Sở được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo TP; hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.
Mục tiêu về phát triển dữ liệu, tập trung xây dựng 4 cơ sở dữ liệu về: quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, tiếp tục số hóa văn bản quy phạm pháp luật, quy trình và thủ tục xử lý văn bản, định dạng mã cho các hồ sơ, tài liệu phục vụ chuyển đổi số được ban hành. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở các thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm. Các thông tin về chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị, vật liệu xây dựng tiếp tục được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở.
Mục tiêu về hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu số văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn; định mức và giá xây dựng; nhà ở, thị trường bất động sản; quy hoạch xây dựng; nâng cấp đô thị; thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng; nghiệm thu các công trình đưa vào sử dụng; thanh tra, kiểm tra; Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức và cá nhân; Chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Để đạt được các mục tiêu trên, Sở Xây dựng đề ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu: Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hoàn thiện thể chế, chính sách trong thực hiện chuyển đổi số; Phát triển dữ liệu; Phát triển Chính quyền số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch đã đề ra; Tổng hợp, báo cáo kịp thời để có cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện… (PhapluatPlus.vn 17/5, Nguyên An)
Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã khai mạc Chợ công nghệ và thiết bị Hải Phòng năm 2022 (Techmart Haiphong 2022), đây là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hoạt đông liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ diễn ra từ ngày 15/5 đến hết ngày 20/5 tại Hải Phòng.
Với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế xã hội” Techmart Haiphong 2022 đã thu hút được hơn 40 gian hàng trưng bày trực tiếp và hơn 300 gian hàng trực tuyến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Hàng nghìn sản phẩm công nghệ, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã được trưng bày, giới thiệu tại khu chợ này, từ các thiết bị công nghệ số như: Internet vạn vật IoT, trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) đến các sản phẩm, thiết bị công nghiệp như máy xử lý nước thải, thiết bị điện, tự động hóa..
Điểm nhấn của Techmart Haiphong 2022 là sự có mặt của sản phẩm công nghệ thực tế ảo (VR), bằng sản phẩm này, các doanh nghiệp có thể số hóa đa chiều hình ảnh của nhà máy, công xưởng, dây chuyền, thiết bị của mình để quảng bá, giới thiệu với khách hàng, đối tác qua môi trường trực tuyến.
Ông Nguyễn Đình Vinh – Giám đốc Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng cho biết, hàng năm đã có hàng trăm giao dịch được thực hiện thành công thông qua Techmart Hải Phòng, với công nghệ thực tế ảo(VR) các đối tác cung cầu sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với sản phẩm đồng thời tiết kiệm được thời gian và chi phí tài chính.
Được biết, trong khuôn khổ của sự kiện còn có hàng loạt các cuộc hội thảo khoa học liên quan đến ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số như: Hội thảo "Giới thiệu giải pháp, công nghệ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ", Hội thảo "Giới thiệu giải pháp, công nghệ xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng", “Nâng cao năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ phát triển doanh nghiệp TP. Hải Phòng” và tổ chức Phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Đài Loan.
Tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mang lại những thách thức to lớn, đồng thời cũng là là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp mới, đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ theo hướng công nghệ cao, đi tắt đón đầu thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Đây có thể coi là chìa khóa, là cơ hội để tạo bước phát triển mang tính đột phá cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia đông đảo, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Techmart Haiphong 2022, “Techmart Hải Phòng đã tạo thêm cơ hôi cho các doanh nghiệp trong cả nước tiếp cận được với các sản phẩm, dịch vụ dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, nhất là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, robot... qua đó, sẽ giải quyết được các bài toán liên quan đến nền kinh tế hạn chế tiếp xúc, một nền kinh tế sáng tạo vượt lên mọi nghịch cảnh”, Thứ Trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh. (Vneconomy.vn 18/5, Trần Kỳ)
Tận dụng nội dung xu hướng của người dùng mạng xã hội, du lịch các địa phương đã đưa ra nhiều hình thức quảng bá mới hấp dẫn giới trẻ.
Ngày 9/5, Sở Du lịch TP. Hải Phòng đã phát hành bản đồ món ngon Hải Phòng và phát tận tay cho người dân tại các nhà ga, bến xe để du khách thuận tiện trong việc tham quan, thưởng thức đặc sản ở thành phố Cảng. Tấm bản đồ nhận được nhiều lời khen ngợi bởi sự nhanh chóng bắt kịp trào lưu “foodtour” (tour khám phá ẩm thực) được nhiều người trẻ trải nghiệm thời gian gần đây.
Theo đó, các món ăn nổi tiếng của Hải Phòng như bánh đúc tàu, bánh đa cua, bánh mì cay, cà phê cốt dừa, cháo lòng, bánh bèo, nem chua Bà Cụ, giá bể xào... đều được giới thiệu chi tiết. “Đây là thống kê, giới thiệu ban đầu về các món ăn ngon cũng như địa chỉ để du khách ở xa về thuận tiện trong việc đi lại, thưởng thức ẩm thực địa phương. Sở sẽ xem xét và có điều chỉnh về các món ăn trong những lần xuất bản sau” – ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc sở Du lịch TP. Hải Phòng chia sẻ. Nhờ xu hướng foodtour Hải Phòng, các món ăn đường phố ở đây ngày càng trở thành nét văn hóa độc đáo thu hút khách du lịch.
Không chỉ trào lưu foodtour, với sự phổ biến của “trend review” du lịch, nhiều địa điểm du lịch trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều người đến khám phá. Theo khảo sát gần đây, chỉ riêng trên ứng dụng TikTok, các nội dung có gắn hashtag "#du lịch" thu hút gần 75 tỷ lượt xem. Trên mạng Instagram, hiện có tới khoảng 624 triệu bài đăng với từ khóa ''du lịch''. Còn trên mạng Facebook theo trang thông tin L'Écho Touristique của Pháp, các chuyên trang như ''Paris Je t'aime'', hoặc ''Géo France'' tạo ra hàng chục triệu lượt tương tác liên quan đến các điểm tham quan thú vị nhất. Điển hình, tại điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, các điểm dịch vụ du lịch như resort, quán ăn, cà phê hay chỗ vui chơi được nhiều review tốt trên các nền tảng mạng xã hội đều trở nên đông đúc khách hơn.
Cao Bằng cũng là một địa phương nổi lên trong cộng đồng du lịch Việt Nam thời gian gần đây nhờ những video review của người dùng mạng xã hội. Trên TikTok, Facebook, Instagram gần đây, dòng nước xanh ngọc bích của Suối Lê Nin hay những thảo nguyên bao la, thác Bản Dốc ở Cao Bằng liên tục xuất hiện trên xu hướng. Nhờ hiệu ứng lan toả tốt, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn Cao Bằng làm địa điểm du lịch khám phá mới, bên cạnh những địa điểm quen thuộc như Hà Giang hay Sa Pa.
Trào lưu du lịch được tạo nên bởi những người dùng trẻ tuổi, có xu hướng tiếp cận nhiều hơn với chính những người dùng trẻ khác. Theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch hướng đến người trẻ đang trở thành một xu thế mạnh mẽ. Nghiên cứu chỉ ra, sẽ có hàng trăm triệu chuyến đi do người trẻ trên khắp thế giới thực hiện mỗi năm. Đáng nói hơn, nếu so sánh với các độ tuổi khác, thì người trẻ có xu hướng chi tiêu hơn cho các chuyến đi. Đồng thời, khả năng họ quay trở lại điểm du lịch nơi từng ghé qua, cũng sẽ cao hơn. Nhiều người ngày càng quan tâm về các nội dung tương tác, đánh giá về chất lượng điểm đến và có xu hướng “được” dẫn dắt bởi những người có tầm ảnh hưởng như nghệ sĩ hay các blogger nổi tiếng. Vì vậy, tận dụng các trào lưu du lịch để quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch là phương thức tốt để các địa phương phát triển du lịch theo xu hướng mới.
Trong số những nền tảng xã hội, Tiktok nhanh chóng chiếm lĩnh và trở thành kênh quảng bá du lịch dưới hình thức video ngắn hữu hiệu. Tiktok Việt Nam cũng từng thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá du lịch địa phương rất thành công như: #HelloVietnam, #HelloDanang, #HelloNinhbinh và mới nhất là #HelloQuangNam. Các trào lưu khác như triển khai chương trình #ancungtiktok, quảng bá cho ẩm thực Việt Nam cũng được tiếp cận rộng rãi.
Cơ hội quảng bá du lịch thông qua những trào lưu của người trẻ về du lịch, nhất là với du lịch địa phương rất lớn. Hiểu rõ tiềm năng, mới đây, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với kênh TikTok Đông Nam Á quảng bá du lịch các địa phương trong thời gian tới. Chương trình sẽ khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hóa, ẩm thực, phong cách sống của Việt Nam và chia sẻ trên nền tảng TikTok. Qua mỗi chuyến đi, người trẻ sẽ mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm du lịch của bản thân như một phần của văn hóa truyền thông xã hội. Nhờ những trải nghiệm thực tế khách quan và những giá trị thật được họ chia sẻ - thay vì những bài quảng cáo được “thổi” quá đà – người trẻ sẽ đưa ra quyết định lựa chọn điểm đến du lịch cho bản thân.
Với nền tảng công nghệ, TikTok tiếp tục tận dụng các ứng dụng thông minh, các hiệu ứng bắt mắt, tính năng tương tác mới lạ, kho sticker đa dạng, trẻ trung... cùng với cộng đồng người dùng và nhà sáng tạo nội dung năng động để mang đến nguồn cảm hứng mới cho du lịch. Thông qua nền tảng mới này, TikTok sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời cung cấp trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng và cơ hội phát triển cho các nhà sáng tạo nội dung. (Baophapluat.vn 18/5, Hà Trang)
Công an quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) vừa phát hiện 10 đối tượng dương tính ma túy và một nhóm đối tượng đang sử dụng trái phép chất ma túy tại quán Pub Mlem.
0h15 ngày 15/5, Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) phối hợp Công an các phường Máy Tơ và Cầu Đất kiểm tra hành chính quán Pub Mlem (số 75 Lương Khánh Thiện, phường cầu Đất) do Bùi Quốc Khanh (SN 1997, ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng) làm quản lý.
Tại thời điểm kiểm tra, trong quán có 64 người; trong đó 43 khách, còn lại là quản lý, nhân viên.
Lực lượng Công an thu giữ 1 túi nilon chứa 3 viên nén màu tím, hình bầu dục (thuốc lắc), 1 túi nilon chứa 2 cục thảo mộc khô (cần sa), 1 bình khí NO2 (khí cười), 60 chai rượu ngoại các loại.
Qua test nhanh, xác định có 10 đối tượng dương tính với chất ma túy, 1 bàn 5 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, 1 bàn phát hiện 1 đối tượng giấu ma túy trong người.
Vụ việc đang được Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy hoàn chỉnh hồ sơ, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Ngô Quyền khởi tố vụ án hình sự “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” để tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc. (Vov.vn 17/5, Thanh Nga; Cand.com.vn 17/5; Saostar.vn 17/5; Baogiaothong.vn 17/5; Giadinhvietnam.vn 17/5; Danviet.vn 17/5)
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT và các đơn vị liên quan xử lý vướng mắc đối với việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và các dự án BOT sáng 17/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nghiêm túc nhắc nhở, phê bình việc xảy ra sự cố đứt cáp trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến người dân phải chờ cả tiếng đồng hồ.
"Nếu có sự cố tương tự xảy ra, sau 10 phút xử lý nhưng không khắc phục được phải xả trạm để tạo thuận lợi cho người dân di chuyển, tránh ùn tắc kéo dài gây ảnh hưởng đến nhân dân. Không chỉ vì thu một vài đồng phí mà để người dân chờ đợi cả tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến công việc của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nhấn mạnh thu phí không dừng là hình thức thu phí văn minh, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian và đặc biệt tạo tính minh bạch, chống tiêu cực, ích nước lợi nhà và giúp người dân phấn khởi khi tham gia giao thông.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về thu phí không dừng đến người dân để nâng cao nhận thức của nhân dân về hình thức thu phí văn minh này, nhằm tăng lượng phương tiện dán thẻ ETC di chuyển qua các trạm thu phí, trong đó có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Trước đó, ngày 24/4/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chiều về Hà Nội đã xảy ra ùn tắc nghiêm trọng do hệ thống thanh toán điện tử thu phí không dừng (ETC) bị tê liệt. Nguyên nhân được xác định, do nhân viên cắt cỏ phát quang bụi rậm 2 bên tuyến đường đã sơ ý làm đứt cáp quang.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo VIDIFI khảo sát và triển khai đường truyền dự phòng bảo đảm tính dự phòng và việc truyền dữ liệu an toàn, thông suốt khi gặp sự cố đối với các đường truyền hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, ngoài đường truyền chính sẽ có thêm 2 đường truyền dự phòng để đảm bảo khi đường truyền chính gặp sự cố sẽ có phương án dự phòng, đảm bảo đường truyền thông suốt liên tục.
Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN cũng chỉ đạo rà soát, xử lý các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí điện tử không dừng trên tuyến để có phương án xử lý khắc phục trước khi tiến hành thí điểm.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chính thức triển khai thí điểm 100% thu phí không dừng từ ngày 1/6/2022. Việc thí điểm sẽ thực hiện tại 32/62 làn thu phí trên 6/6 trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tại mỗi trạm sẽ duy trì 1 làn/chiều xe chạy để xử lý các phương tiện gặp sự cố trong quá trình thu phí.
Các xe không dán thẻ ETC di chuyển vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ ngày 1/6 sẽ bị xử lý nghiêm bằng hình thức phạt nguội nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và đảm bảo minh bạch. (Baogiaothong.vn 17/5, Trần Duy - Yến Chi; Tienphong.vn 17/5; Nld.com.vn 17/5; Nhandan.vn 17/5; Chinhphu.vn 17/5; TTXVN/VietnamPlus.vn 17/5; Vov.vn 17/5; Taichinhdoanhnghiep.net.vn 17/5; Laodong.vn 17/5)
Sáng 17/5, Liên đoàn Lao động quận Hồng Bàng (Hải Phòng) tổ chức khám sức khoẻ hậu COVID-19 cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động.
Tại Phòng khám đa khoa Hải Phòng, hơn 70 cán bộ công đoàn, người lao động quận Hồng Bàng (Hải Phòng) được khám sức khoẻ hậu COVID-19.
Mỗi gói khám trị giá hơn 400.000 đồng gồm xét nghiệm tổng quát phát hiện các bệnh lý về máu và cơ quan tạo máu, xét nghiệm chẩn đoán ung thư, xét nghiệm miễn dịch; chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng phát hiện, theo dõi, điều trị các bệnh lý về phổi... Kinh phí khám bệnh hậu COVID-19 cho người lao động do Liên đoàn Lao động thành phố chi trả.
Anh Phạm Ngọc Huy - Công nhân Công ty OSR Việt Nam cho biết - "Tôi bị COVID-19 vào tháng 3/2022. Vốn có bệnh lý nền là áp xe phổi, sau khi khỏi COVID-19, đến nay, đôi lúc tôi vẫn cảm thấy chóng mặt, khó thở. Tuy nhiên do hoàn cảnh, công việc nên tôi chưa đi kiểm tra sức khoẻ hậu COVID-19. Nay được các cấp Công đoàn quan tâm cho đi khám sức khoẻ, tôi cảm thấy rất vui, mong có kết quả tốt để tiếp tục làm việc, gắn bó với công ty".
Trước đó, ngày 15/5, Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức khám sức khoẻ hậu COVID-19 cho hơn 500 công nhân, lao động các khu công nghiệp. Anh Lê Văn Công - Công ty TNHH điện tử Chilisin cho biết: "Bản thân là người khuyết tật, lại mắc COVID-19 từ tháng 2.2022 nên sức khoẻ hiện tại của tôi cũng giảm sút khá nhiều. Được các bác sĩ khám bệnh, tư vấn, tôi yên tâm hơn về sức khoẻ bản thân, có kiến thức về bổ sung dinh dưỡng để nâng cao đề kháng, thể lực hậu COVID-19". (Laodong.vn 17/5, Mai Dung)
Ngày 17/5, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hải Phòng, Sở Giáo dục & Đào tạo, công ty SAVIS đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực Giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) TP. Hải Phòng”.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức là trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 800 điểm cầu tại các trường Đại học, Cao đẳng, THPT, THCS, Tiểu học, Mầm non, các Phòng Giáo dục quận, huyện.
Thời gian qua, Hải Phòng đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ CĐS, phát triển kinh tế số với mục tiêu đến năm 2025, TP nằm trong “top” các tỉnh, thành dẫn đầu về CĐS. Hải Phòng đặt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Vũ Đại Thắng cho biết: Ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU của về CĐS TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030. Mục tiêu chính của Nghị quyết nhằm hiện thực hoá CĐS trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, CĐS lĩnh vực GD&ĐT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong lộ trình phát triển xã hội số.
Hiện có trên 800 cơ sở giáo dục, trên 32.000 giáo viên và hơn 521.000 học sinh có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập. Việc sử dụng văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, hồ sơ tài liệu giấy. Khi cơ sở dữ liệu sổ điểm, học bạ của mỗi học sinh được số hóa và ký số, chỉ với mã số học sinh, phụ huynh cũng có thể tra cứu được tình hình điểm số của con em mình và quan trọng hơn sẽ chủ động đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến cho các em.
Theo đánh giá của Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hải Phòng, cùng với sự phát triển của CNTT và truyền thông, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Hạn chế lớn nhất trong các giao dịch điện tử chính là việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan và đảm bảo tính xác thực của các giao dịch. Chữ ký điện tử ra đời nhằm ký các văn bản điện tử để khắc phục các hạn chế trên và đẩy mạnh việc sử dụng các giao dịch điện tử.
Do đó, để sổ điểm điện tử, học bạ điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số thì cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn chính xác, toàn vẹn của dữ liệu, đó chính là vai trò của chữ ký số.
Trong quá trình CĐS, chữ ký số và lưu trữ, liên thông điện tử đóng vai trò là xương sống. Tài liệu được ký số giúp hình thành tài liệu điện tử có giá trị pháp lý, sau đó được đưa vào lưu trữ, chia sẻ, kết nối, liên thông trên các hệ thống giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến giúp tạo nên những quy trình số hoàn chỉnh. Trước sự phát triển của công nghệ, các công cụ số thay thế dần giấy tờ truyền thống. Trong Giáo dục, hệ thống hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, học bạ điển tử, bảng điểm điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… trở thành những thay đổi căn bản và thiết yếu. Vì thế, xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử sẽ tạo nền tảng vững chắc để CĐS sâu rộng trong lĩnh vực GD&ĐT.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Bộ GD&ĐT, Phó Cục trưởng Cục CNTT Tô Hồng Nam đã đưa ra những khuyến nghị dành riêng cho Hải Phòng. Theo đó, Hải Phòng cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện CĐS; đảm bảo 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản trị trường học đồng bộ với cơ sở dữ liệu toàn ngành và chuẩn bị nguồn lực tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định tại Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 16/5/2021), kho học liệu số.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng cần tăng cường năng lực số cho cán bộ, giáo viên, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn giáo viên trực tuyến kết nối TEMIS. Đối với học sinh, thế hệ công dân số tương lai, cần thông qua các hoạt động ngoại khóa, tự chọn về lập trình, Robotics, STEM để song hành với Chương trình chính khóa. Hải Phòng cũng cần nhanh chóng thí điểm chữ kí số xác thực hồ sơ điện tử trong phạm vi quản lý của Sở.
Bày tỏ quan điểm cốt lõi trong CĐS GD&ĐT, ông Nam nhấn mạnh: “CĐS sẽ khai thác tối đa tiến bộ công nghệ để giúp thầy dạy tốt hơn, trò học dễ hơn, quản lý nhẹ nhàng hơn”.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng Bùi Văn Kiệm chia sẻ thẳng thắn: Xác định CĐS là nhiệm vụ chiến lược, năm 2022, ngành GD&ĐT xây dựng 04 mục tiêu cụ thể. Trong đó, để tìm hướng đi phù hợp nhất cho việc triển khai chữ ký số đáp ứng yêu cầu số hóa sổ điểm điện tử, học điện tử, ngành GD&ĐT sẽ thực hiện thí điểm ký số đối với 05 trường THCS và 05 trường THPT. Trong tháng 5/2022, các giáo viên sẽ ký trên bản thể hiện sổ điểm, học bạ trên cơ sở dữ liệu ngành, hồ sơ số trên Hệ thống quản lý hồ sơ.
Tuy nhiên, việc triển khai ban đầu cũng vấp phải những khó khăn liên quan đến tính pháp lý của chữ ký số đối với hồ sơ điện tử đã được công nhận. Các thông tư mới ban hành của Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng hồ sơ điện tử nhưng không đề cập đến vấn đề xác thực hồ sơ.
Tại hội thảo, ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch HĐQT công ty SAVIS cho rằng: “Với những phương thức ký số thông thường đang được sử dụng phổ biến hiện nay, tài liệu điện tử không được bảo vệ. Chứng thư số thường chỉ có giá trị trong khoảng từ 3 năm. Sau thời gian này, nếu không được ký lại thì tài liệu sẽ không thể xác thực được và trở thành file rác”.
Do đó, trong trường hợp yêu cầu lưu trữ dài hạn, toàn vẹn dữ liệu, tra cứu xác thực lâu dài thì việc triển khai chữ ký số cơ bản sẽ ko đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Thêm nữa, thời gian ký số là thời gian của thiết bị hoặc server ký số, có thể dễ dàng bị thay đổi bởi những công cụ đơn giản, khiến những tài liệu, chứng từ nhạy cảm về thời gian như học bạ điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… có khả năng dễ bị giả mạo, gian lận, dẫn đến việc không chứng minh được mốc thời gian tài liệu chính xác về hiệu lực chữ ký số khi xảy ra tranh chấp bất cứ vấn đề gì về pháp luật.
Để giải quyết bài toán này, theo ông Vân, nhiệm vụ xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử chuẩn chỉnh ngay từ đầu để tránh lãng phí thời gian và chi phí khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, hội thảo đã có những trao đổi cởi mở, sâu sắc giữa các diễn giả và hơn 800 điểm cầu. Việc triển khai chữ ký số sớm là thách thức đặt ra, nhưng cũng là cơ hội để ngành GĐ&ĐT TP. Hải Phòng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu quá trình CĐS. (PhapluatPlus.vn 17/5, Phương Thanh; Giaoducthoidai.vn 17/5; Giáo dục & Thời đại 18/5, tr2; Quân đội nhân dân 18/5, tr8)
Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan nghị quyết 81 của Chính phủ về tăng học phí, ông Bùi Văn Kiệm - giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng - cho biết đơn vị chủ động tham mưu mức học phí theo hướng dẫn của trung ương để HĐND TP thông qua hằng năm và vẫn đề xuất việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp theo chủ trương đã được HĐND TP thông qua từ cuối năm 2019.
“Quan điểm ngành giáo dục Hải Phòng là vấn đề xuất thực hiện hỗ trợ 100% học phí, việc tăng học phí không tác động lớn đến ngân sách TP”, ông Kiệm nêu.
Theo chủ trương đã được HĐND TP thông qua từ cuối năm 2019 nói trên, năm học 2020 - 2021, đánh dấu việc học sinh mầm non và THCS ở TP. Hải Phòng chính thức được miễn 100% học phí. Riêng học sinh THPT được hỗ trợ 100% học phí từ năm học 2021 - 2022.
Như vậy, Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng việc miễn 100% học phí cho học sinh các bậc học. Nguồn kinh phí để hỗ trợ miễn học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn Hải Phòng được lấy từ nguồn ngân sách TP.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hải Phòng, trong năm học 2020 - 2021 khối mầm non có 96.449 học sinh và khối THCS có 125.159 học sinh, ngân sách TP thực hiện hỗ trợ miễn học phí Với tổng số tiền trên 226 tỉ đồng. Trong năm học 2021 2022, nguồn ngân sách TP. Hải Phòng dự kiến chi thêm trên 300 tỉ đồng để hỗ trợ 100% học phí cho học sinh khối THPT và giáo dục thường xuyên.
“Nghị quyết về hỗ trợ 100% học phí của TP giúp giải quyết tốt chủ trương không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, không học sinh nào phải bỏ học”, ông Kiệm nêu. (Tuổi trẻ 18/5, tr3, Tiến Thắng)
TP. Hải Phòng đang diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện lớn về chính trị, văn hóa, thể thao, trong đó nổi bật là SEA GAMES 31. Công an TP. Hải Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch tập trung cao nhất về lực lượng, phương tiện; triển khai các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bộ môn thi đấu diễn ra trên địa bàn.(Kênh ANTV – Thời sự 18h06 ngày 17/5)
Kỳ họp chuyên đề HĐND quận Hồng Bàng: Quyết định nhiều nội dung quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 17/5, Hội đồng nhân dân quận Hồng Bàng khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để bàn để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận. Các đồng chí: Lê Ngọc Trữ, Ủy viên BTV Thành ủy, Bí thư Quận ủy; Phạm Văn Đoan, Phó Bí thư thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng tham dự kỳ họp.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND quận đã thảo luận, thống nhất và biểu quyết thông qua các Nghị quyết gồm: Điều chỉnh Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (lần thứ nhất); về việc quyết định phê duyệt Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 (lần thứ nhất); điều chỉnh chủ trương đầu tư Công trình xây bộ phận một cửa hiện đại và sửa lại bộ phận 1 cửa thành 3 phòng chuyên môn trụ sở UBND phường Quán Toan; phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu đi bộ kết nối đường Tam Bạc, phường Phan Bội Châu với đường Thế Lữ, phường Hạ Lý; phê duyệt chủ trương đầu tư Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC); phê duyệt chủ trương đầu tư Hầm Trung tâm Chỉ huy trong căn cứ hậu phương quận Hồng Bàng tại phường Quán Toan.
Kỳ họp cũng tiến hành công tác nhân sự theo thẩm quyền. Theo đó, HĐND quận đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND quận, miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND quận đối với Thượng tá Đinh Trọng Chiềm, nguyên Trưởng Công an quận Hồng Bàng do được điều động công tác khác; bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND quận đối với Thượng tá Vũ Xuân Bảo, Trưởng Công an quận Hồng Bàng. (Anhp.vn 17/5, Thế Khoa)
Chiều 17/5, Quận ủy Lê Chân tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng đợt 19/5 tặng các đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng bộ quận Lê Chân. Tới dự có Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố.
Đợt này, Quận ủy Lê Chân có 214 đảng viên được nhận Huy hiệu Đảng. Trong đó, có 5 đồng chí được nhận Huy hiệu 75 tuổi Đảng, 1 đồng chí được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, 3 đồng chí nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng, 17 đồng chí nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, 65 đồng chí nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, 22 đồng chí nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, 18 đồng chí nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, 58 đồng chí nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và 25 đồng chí nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Trong đó, có 81 đồng chí thuộc diện trao tặng tại hội nghị. Các đồng chí không tham dự được do sức khoẻ yếu sẽ được Quận uỷ Lê Chân tổ chức trao tặng tại gia đình. (Baohaiphong.com.vn 17/5, Hiệp Lê)
Sáng 17/5, đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố nghe báo cáo về việc triển khai chuyển đổi số và hạ tầng viễn thông tại Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng năm 2022, giai đoạn 2023 – 2025. Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đồng chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường ghi nhận, đánh giá cao Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng triển khai từ sớm công tác chuyển đổi số và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt là Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp eHEZA do Ban tiên phong triển khai mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ các hoạt động quản lý điều hành.
Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, để công tác chuyển đổi số đạt hiệu quả cao, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cần tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng số trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; đẩy mạnh số hoá, ký số và lưu trữ điện tử đối với các hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phấn đấu phát triển kinh tế số trong các khu công nghiệp, khu kinh tế… Các cơ quan quản lý thành phốcó cơ chế phối hợp minh bạch, tăng cường tháo gỡ vướng mắc trong phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, Khu kinh tế.
Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, năm 2022, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đặt mục tiêu 100% số cán bộ công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế sử dụng và tương tác với Ban thông qua Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành điện tử tích hợp (eHEZA); 100% công việc được xử lý toàn bộ trên Hệ thống phần mềm Văn phòng điện tử; 60% số cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng yêu cầu chuyển đổi về nhận thức, nhân lực, hạ tầng, nền tảng, ứng dụng, dữ liệu…; 80% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 70% thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu sử dụng khai thác của cơ quan, các đơn vị trực thuộc, người lao động và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp… Phấn đấu đến quý 3 năm 2022 các khu công nghiệp, khu kinh tế không còn điểm lõm sóng.
Đến năm 2025, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phấn đấu phát triển kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP của thành phố; triển khai 100% dịch vụ 5G tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; 80% các hoạt động giám sát, kiểm tra của Ban được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; 100% dịch vụ công trực tuyến thực hiện từ mức độ 3; 100% số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chuyên gia của doanh nghiệp áp dụng hình thức đặt, mua vé, nhận đơn hàng, sổ khám bệnh điện tử thông qua các phương tiện điện tử và chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… (Baohaiphong.com.vn 17/5, Hiệp Lê)
Quý I, triển khai công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, lực lượng chức năng Công an quận Kiến An đã phát hiện, xử lý 3 vụ việc về kinh tế. Trong đó, Công an quận đã tiến hành khởi tố 3 bị can trong 2 vụ làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, buôn bán hàng cấm (pháo); xử lý hành chính 1 vụ kinh doanh hàng hóa không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo lĩnh vực y tế, mua bán thuốc không có giấy đăng kí lưu hành.
Đáng chú ý, trong quý, Công an quận đã xác lập, xoá phá thành công thành công chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với 2 đối tượng.
Cùng với đó, lực lượng chức năng Công an quận đã kịp thời phát hiện, xử phạt hành chính 5 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế, môi trường với các lỗi vi phạm: khai thác trái phép đất ruộng, làm suy giảm chất lượng đất (1 vụ); 4 vụ tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng (so với quý I/2021 tăng 2 vụ).
Cũng trong quý, các lực lượng chức năng Công an quận đã bắt 5 đối tượng, vận động thành công 2 đối tượng có Quyết định truy nã ra đầu thú (so với quý I/2021 tăng 3 đối tượng). Phát hiện, bắt giữ, xử phạt hành chính 26/33 đối tượng trong 13/15 vụ đánh bạc, tang vật thu giữ gồm: 4.605.000đ, 5 tích kê, 3 điện thoại di động, 2 gà chọi; khởi tố 8 bị can trong 2 vụ đánh bạc. (Anhp.vn 17/5, KC)./.