THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Ngày 17.5, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường do Phó Chủ nhiệm UB Trần Văn Minh làm Trưởng đoàn
đã khảo sát về công tác quản lý chất thải trên địa bàn TP Hải Phòng.
Tại cuộc làm việc, báo cáo với Đoàn khảo
sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho biết,
trong thời gian qua, tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn và đô thị trên địa bàn
TP ngày càng cao, đạt 80-97%; xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ
sinh có chi phí thấp, phù hợp với khả năng của ngân sách TP. Các chính sách hỗ
trợ đầu tư, kinh phí ngân sách TP đầu tư cho các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh
môi trường đô thị được TP quan tâm. Tuy nhiên, tình hình thực hiện quy hoạch xử
lý chất thải rắn còn chậm, chưa đáp ứng kế hoạch đề ra do khó khăn, vướng mắc
về giải phóng mặt bằng, nguồn kinh phí thực hiện. Người dân nhiều địa phương có
điểm quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn chưa đồng thuận. Giá dịch vụ
thu gom, vận chuyển thấp, thu không đủ bù chi, cần được hỗ trợ kinh phí khá
lớn. Bãi rác chôn lấp còn hoạt động kém, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường, ít
nơi có trạm cân, chưa có thu gom khí, công suất xử lý nước rỉ rác chưa bảo
đảm...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ
và Môi trường Trần Văn Minh ghi nhận những kết quả Hải Phòng đạt được, tốc độ
đầu tư quy mô của TP trong những năm gần đây rất lớn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ
và Môi trường cho rằng, liên quan đến quản lý chất thải sinh hoạt, Hải Phòng
cần làm rõ thực trạng ban hành chính sách, pháp luật về quản lý chất thải sinh
hoạt; việc thực thi chính sách, pháp luật về quản lý chất thải sinh hoạt, trong
đó nêu rõ thực trạng phòng ngừa, phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất
thải sinh hoạt. Đồng thời, cần làm rõ kết quả công tác chỉ đạo, điều hành,
thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đào tạo nguồn nhân lực, phí, lệ phí, giá,
thuế, kinh tế - tài chính, ngân sách cho quản lý chất thải sinh hoạt; nêu rõ
những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể…
Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và
Môi trường cho rằng, qua khảo sát thực tế, số khu xử lý chất thải rắn được xây
dựng và đưa vào khai thác chưa nhiều, bắt đầu xuất hiện tình trạng quá tải; đề
nghị Hải Phòng cần xem xét điều chỉnh quy hoạch và xây dựng các khu xử lý chất
thải rắn mới. Đồng thời, quan tâm hơn đến việc nghiên cứu, áp dụng các công
nghệ tiên tiến, vừa tiết kiệm quỹ đất, vừa tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và
sản xuất phân hữu cơ cho hiệu quả.
+ Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công
tác đã khảo sát thực địa việc xử lý chất thải rắn tại khu Tràng Cát thuộc quận
Hải An và khu xử lý nước thải sinh hoạt của TP tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê
Chân. (Đại Biểu Nhân Dân 18/5, tr1+2, Đông Bắc - Sĩ Nghiêm; Đại Biểu Nhân Dân
Online 17/5, Đông Bắc - Sĩ Nghiêm)
Nâng cao hiệu quả đấu tranh,
phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam
Ngày 17.5, tại Hải Phòng, Ủy ban Tư pháp
phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo
Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật
hoang dã quý hiếm ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nêu rõ: Những năm gần đây, tài nguyên đa dạng sinh
học của Việt Nam đang trên đà suy giảm, nhất là nhiều loài động vật nguy cấp,
quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao. Việt Nam đã và đang trở thành thị trường
tiêu thụ cũng như trung chuyển của nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm. Pháp
luật Việt Nam đã có nhiều quy định cụ thể cũng như sửa đổi, bổ sung để phù hợp
với việc đấu tranh với loại tội phạm này trong tình hình mới. Bộ luật Hình sự
1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 trước đây, Bộ
luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015
hiện đã có các quy định cụ thể về tội phạm, hình phạt, các quy trình, thủ tục
tố tụng cụ thể, chặt chẽ để xử phạt cũng như răn đe đối với loại tội phạm này.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo vệ cũng như xử lý, xử phạt các vi phạm
pháp luật về động vật hoang dã quý hiếm vẫn chưa đồng bộ và đầy đủ, nhiều văn
bản còn mâu thuẫn, chồng chéo...
Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, do
lợi nhuận cao từ việc mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã lớn nên
vi phạm pháp luật về động vật hoang dã và quý hiếm thời gian qua ngày càng gia
tăng, với các thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng đã lợi dụng hoạt động nuôi sinh
trưởng để hợp thức hóa thủ tục giấy tờ che dấu hành vi vận chuyển, buôn bán,
giết mổ trái phép động vật hoang dã…
Các đại biểu cũng chỉ rõ, pháp luật hiện
hành đã có quy định vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì
ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành
có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có
văn bản nào quy định cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy
định của pháp luật đối với tang vật là động vật hoang dã. Điều này gây khó khăn
trong việc bàn giao vật chứng…
Nhiều đại biểu đề nghị, cần thường xuyên
tuyên truyền, giáo dục người dân có ý thức phòng, chống vi phạm, tội phạm về
bảo vệ động vật hoang dã. Tòa án Nhân dân Tối cao sớm ban hành văn bản hướng
dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015; các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành
văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự về vấn đề vật chứng là động
vật hoang dã. Theo đó, trong trường hợp các cơ quan chức năng bắt được tang vật
là động vật hoang dã còn sống cần hướng dẫn cho phép các cơ quan chức năng
nhanh chóng tổ chức giám định, sau đó chuyển cho cơ quan quản lý chuyên ngành
để tái thả vào rừng, hoặc giao cho các hoạt động cứu hộ sớm nhất… (Đại Biểu
Nhân Dân 18/5, tr1+7, Hà An; Đại Biểu Nhân Dân Online 17/5, Hà An)
Thêm các loại phí liên quan
đến quyền sử dụng đất
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố
Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, Kỳ họp thứ Bảy, HĐND thành phố Khóa XV (dự
kiến diễn ra trung tuần tháng 7) sẽ xem xét, thông qua mức phí cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và
tài sản gắn liền với đất.
Theo dự thảo của HĐND thành phố Hải
Phòng, mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xác định cụ
thể như phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối
với hộ gia đình, cá nhân là 170.000 đồng/hồ sơ, phí thẩm định cấp đổi giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân là 100.000 đồng/hồ
sơ; phí thẩm định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với tổ chức, cơ
sở tôn giáo là 2.200.000 đồng/hồ sơ. Phí thẩm định cấp đổi giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo là 1.100.000 đồng/hồ sơ.
Đối với phí đăng ký giao dịch bảo đảm
bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có các mức phí từ 20.000 -
80.000 đồng/hồ sơ cho các trường hợp đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký văn bản
thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm. Xóa đăng ký giao dịch bảo đảm và đăng
ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký.
Các loại phí này được Văn phòng đăng ký
đất đai thành phố, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đặt tại các quận, huyện
thu. Cơ quan thu phí được trích lại 80% số thu, 20% còn lại nộp về ngân sách
thành phố.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố
Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết thêm, Hải Phòng thực hiện thu các loại phí này
căn cứ vào Luật Phí và lệ phí, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Việc
quyết định thu các loại phí này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố.
Việc thu các loại phí mới sẽ được áp dụng ngay sau khi HĐND thành phố thông
qua. (Đại Biểu Nhân Dân 18/5, tr5; Đại Biểu Nhân Dân Online 17/5)
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy
hoạch chung TP Hải Phòng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký
quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng
đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm
vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành
phố Hải Phòng, với diện tích 156.176 ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm nâng cao vai trò
vị thế của thành phố Hải Phòng trong khu vực và thế giới. Phát triển thành phố
Hải Phòng thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc.
Phát triển phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí
hậu; xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của
cả nước, là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch,
giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên
hải Bắc Bộ.
Những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong
nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng gồm: Rà soát tổng thể
về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn
phát triển đô thị tại thành phố Hải Phòng; rà soát định hướng phát triển các
khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các
khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực
tế của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, bổ sung các nội dung mới về
thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và
nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị,
chiếu sáng trang trí đô thị; nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát
triển đô thị dựa trên hệ thống các phương pháp khoa học và cơ sở hiểu biết toàn
diện về bảo tồn cảnh quan đô thị, khả năng cung ứng về hạ tầng kỹ thuật.
Đảm bảo tính toàn diện, sáng tỏ và gợi
mở về bức tranh phát triển để triển khai các công tác tiếp theo về lập Quy chế
quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị thành phố Hải Phòng; xây dựng các kế
hoạch, chương trình phát triển đô thị; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện
hữu, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn thành phố; tạo sự
hấp dẫn đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển vào những mục tiêu ưu tiên; rà
soát, định hướng phát triển đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I; nghiên cứu đề
xuất định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao trong đô thị.
Về yêu cầu về nội dung hồ sơ điều chỉnh
quy hoạch chung thành phố Hải Phòng, cần phân tích vị trí và mối quan hệ vùng.
Cụ thể, phân tích các lợi thế và hạn chế do vị trí tạo ra. Phân tích mức độ
khai thác lợi thế vị trí mà thành phố đã và chưa đạt được; phân tích bối cảnh
quốc tế, khu vực, trong nước, vùng duyên hải Bắc Bộ và những ảnh hưởng qua lại
của nó đối với vận hội phát triển đô thị tại Hải Phòng.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá điều
kiện tự nhiên và hiện trạng, trong đó, phân tích các chỉ tiêu về hiện trạng
kinh tế - xã hội; các cơ sở kinh tế kỹ thuật chủ yếu trong thành phố, mức độ
phát triển của các ngành kinh tế chủ lực của thành phố; phân tích mô hình,
không gian hoạt động và nhu cầu không gian để phát triển cho các ngành kinh tế,
các lĩnh vực sản xuất, cùng các không gian liên quan. Rà soát các chỉ tiêu kinh
tế kỹ thuật theo quy hoạch kinh tế - xã hội mới nhất của thành phố; các chỉ
tiêu đánh giá đô thị loại 1.
Thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề
nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động (5 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển
dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị - nông thôn), các hiện tượng dịch cư,
các vấn đề do đô thị hóa; thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình sử dụng đất
đai; phân tích đánh giá tình hình sử dụng đất tại các khu vực lập quy hoạch,
đặc biệt là quỹ đất đã xây dựng đô thị, công nghiệp, du lịch, hạ tầng....; rà
soát, đánh giá quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn thành phố.
Đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng xã
hội trên các lĩnh vực: Hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch,
vui chơi giải trí. Đặc biệt các công trình mang tính phục vụ cấp vùng: trung
tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, du lịch.
Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội, đề xuất bổ sung
hoặc tôn tạo trên cơ sở hiện trạng, tập trung chủ yếu về khía cạnh quỹ đất và
xây dựng công trình....
Quy hoạch cũng cần định hướng phát triển
không gian đô thị; quy hoạch sử dụng đất đai; định hướng xây dựng khung hạ tầng
kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược;... (Báo Chính Phủ Điện Tử 17/5, Chí Kiên)
Điều chỉnh quy hoạch TP Hải
Phòng
Lần quy hoạch này sẽ phải rà soát lại
tổng thể quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2009 và tình hình phát triển đô thị
tại Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký
quyết định phê duyệtnhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến
năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu
bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng, với diện tích 156.176
ha.
Ở lần quy hoạch này, Chính phủ yêu cầu rà
soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình
hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Hải Phòng.
TP Hải Phòng cũng cần rà soát định hướng
phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất,
quy mô các khu vực chức năng. Từ đó, bản nghiên cứu phải đánh giá tính phù hợp
của các quy hoạch trên với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố
Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng cần bổ sung
các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó
biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống
không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị.
Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phải có thống
kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động trong 5 năm gần
nhất và phân tích xu hướng phát triển, các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô
thị hóa.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng đất đai
phân tích đánh giá tại các khu vực lập quy hoạch, đặc biệt là quỹ đất đã xây
dựng đô thị, công nghiệp, du lịch, hạ tầng... Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh
giá quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn thành phố.
Hiện nay, theo dự báo, đến năm 2025,
toàn TP Hải Phòng có có 2,4 - 2,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 60 - 65%. Đến
năm 2030, dân số tăng lên 3,5 - 4,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%.
Về đất đai, năm 2025, quy mô đất xây
dựng đô thị hóa sẽ là 22.200 ha, với chỉ tiêu 150 m2/người. Dự báo năm 2030 tỷ
lệ này là 56.700 ha và chỉ tiêu 180 m2/người.
Chính phủ cho biết mục tiêu của lần điều
chỉnh này để xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả
nước. Cùng với đó, Hải Phòng cũng sẽ là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công
nghệ cao, trung tâm du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục
đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. (Ndh.vn 17/5, Nam Anh; Báo Chính Phủ
Điện Tử 17/5)
Khánh thành Đền Liệt sỹ quận
Lê Chân
Ngày
15.5, tại đường Hồ Sen - Cầu Rào II, Quận ủy, UBND quận Lê Chân đã tổ chức Lễ
khánh thành Đền Liệt sĩ quận Lê Chân. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng về lịch sử, văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của trên 22
vạn nhân dân quận Lê Chân nói riêng và của người dân TP Cảng nói chung.
Trên
địa bàn quận Lê Chân có 13/15 phường không có khu tưởng niệm nghĩa trang liệt
sỹ. Trong thời gian qua, việc tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được Đảng
bộ, chính quyền các phường thờ cúng, quy gửi tại các cơ sở tín ngưỡng (đình,
đền, chùa, từ, miếu...). Điều này đã thôi thúc sâu sắc thêm niềm khát khao mong
muốn về một ngôi đền tri ân anh linh các liệt sĩ chung của quận.
Công
trình có tổng diện tích 5.679 m2, tổng mức đầu tư trên 85 tỷ đồng, được xây
dựng với 162 cột gỗ lim, Chính cung là nơi thờ Bác Hồ, Hậu cung là nơi thờ Phật
và 15 vị trí bàn thờ liệt sĩ của 15 phường. Công trình được xây dựng bằng nguồn
ngân sách quận, thành phố và nguồn xã hội hóa ủng hộ, đóng góp của các tầng lớp
nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong, ngoài quận. Công trình khi hoàn
thành sẽ là nơi để lãnh đạo và nhân dân quận Lê Chân bày tỏ sự tri ân, lòng
biết ơn sâu sắc đến những anh hùng liệt sỹ, những người đã hiến dâng cả tuổi
thanh xuân hy sinh cho Tổ quốc vì nền độc lập dân tộc. (Đại Biểu Nhân Dân Online 16/5)
Khen thưởng học sinh nghèo
trả nhặt được của rơi trả lại người đánh mất
Mấy ngày gần đây, tấm gương của em học
sinh nghèo Phạm Hải Long, học lớp 6B Trường THCS thị trấn Núi đối, huyện Kiến
Thuỵ, TP Hải Phòng nhặt được của rơi trả lại người đánh mất được người dân cũng
như học sinh trên địa bàn huyện Kiến Thuỵ hết lời khen ngợi.
Trước đó vào 11h ngày 8-5-2018, trên
đường đi học về Hải Long phát hiện một phụ nữ đi xe máy đánh rơi một chiếc túi
xách màu đen. Ngay lập tức, em đã chạy vội theo để gọi người phụ nữ trên
nhưng không được.
Trên đường lúc này rất vắng không có ai,
Hải Long đã chủ động nhặt túi đồ trên và mở ra xem thì thấy trong đó là một số
tiền lớn. Ngay lập tức Long mang chiếc túi trên đến Công an thị trấn Núi Đối
nộp cho các chú Công an.
Qua kiểm tra, Công an thị trấn đã xác
định bên trong túi xách có: 1 điện thoại Iphone 6plus, 16 triệu đồng tiền mặt,
1 thẻ ATM và một số giấy tờ quan trọng khác.
Cơ quan Công an đã tìm được chủ tài sản
là chị Vũ Thị Nga, trú tại Hồ Sen, thuộc thị trấn Núi Đối, Kiến Thụy, Công an
thị trấn đã liên lạc mời chị đến bàn giao lại toàn bộ tài sản cho chị trước sự chứng kiến của Hải Long và gia
đình.
Được biết, hoàn cảnh gia đình em Phạm
Hải Long đặc biệt khó khăn, bố đẻ em là nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, trong
cuộc sống cũng như học tập, Hải Long luôn mạnh mẽ vượt qua khó khăn, luôn ý
thúc được trách nhiệm của người học sinh, đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ
Chí Minh.
Ngoài ra, đưọc sự động viên, chỉ bảo tận
tình từ gia đình và nhà trường, bản thân em đã tự tạo cho mình ý thức trách
nhiệm cao trước cộng đồng. Với hành động đẹp trả lại của rơi cho người bị mất,
vừa qua, Phạm Hải Long đã được Giám đốc CATP ký quyết định khen thưởng đột
xuất. (Công An Nhân Dân Online 17/5, Văn Thịnh)
LĐLĐ TP.Hải Phòng: Nỗ lực vì
lợi ích đoàn viên
Cùng với việc làm tốt công tác bảo vệ
quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ), những năm
qua, LĐLĐ TP.Hải Phòng luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ, xây dựng nhà “Mái ấm
CĐ”, ổn định cuộc sống đoàn viên. Trong đó, sáng 16.5, LĐLĐ TP.Hải Phòng đã
trao tiền hỗ trợ xây, sửa nhà cho 3 đoàn viên huyện Tiên Lãng.
Chúng
tôi có mặt tại nhà ông Trần Văn Đợi (sinh 1968, ở thôn Cổ Duy, xã Quyết Tiến,
huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Tiếng cười rộn vang trong căn nhà cấp 4 khang
trang vừa xây dựng xong. Khuôn mặt đen sạm với nhiều nếp nhăn của người đàn ông
ngoại ngũ tuần trở nên rạng ngời hơn, bởi từ hôm nay, ông đã có căn nhà của
riêng mình, là nơi che mưa, che nắng cho quãng đời còn lại của ông.
Kể về hoàn cảnh cuộc đời mình, ông Đợi
trầm tư: “Đó là chuỗi ngày buồn của gia đình tôi. Cách đây 7 năm, vợ chồng tôi
vì phát sinh nhiều mâu thuẫn không giải quyết được nên đã ly hôn. Từ đó, tôi
phải sống nhờ tại Phòng Giáo dục huyện Tiên Lãng. Ở cái tuổi này, đồng lương
bảo vệ hơn 3 triệu, lại không làm thêm được việc gì khác, chỉ đủ nuôi thân, tôi
đâu dám mơ về căn nhà của riêng mình”. Thế nhưng, được sự hỗ trợ của LĐLĐ
TP.Hải Phòng mà cụ thể là Quỹ “Mái ấm CĐ”, LĐLĐ huyện Tiên lãng và CĐ ngành
Giáo dục huyện Tiên Lãng, ông đã mạnh dạn xây dựng căn nhà cấp 4 diện tích 40m2
trên mảnh đất được người anh ruột cho.
Tương tự hoàn cảnh của ông Đợi, chị
Nguyễn Thị Hồi (SN 1970, cùng thôn Cổ Duy, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng) có
thâm niên 22 năm cống hiến cho ngành giáo dục (là cô nuôi Trường Mầm non Bạch
Đằng), nhưng cuộc sống hết sức khó khăn. Cả gia đình 5 người gồm 1 mẹ già và 2
đứa con đều trông cậy vào đồng lương ít ỏi của chị. Trong khi đó, chồng chị mắc
bệnh hiểm nghèo, thuốc thang chữa trị tốn kém. Thế nên, căn nhà cấp 4 mái tôn
chắp vá, bức tường vôi vữa bong tróc nham nhở hết mà không có tiền để sửa chữa.
Trời nắng thì cả nhà 5 người ngồi trong nhà cũng ngắm được mặt trời, trời mưa
thì nước dột thấm đất, không có nơi ăn nghỉ.
Nắm được hoàn cảnh cơ hàn của đoàn viên,
Quỹ “Mái ấm CĐ” LĐLĐ TP.Hải Phòng đã hỗ trợ gia đình chị Hồi 20 triệu đồng để
sửa chữa nhà, đồng thời kêu gọi các đoàn viên tham gia ủng hộ, đến nay chị Hồi
đã sửa chữa xong căn nhà, ổn định cuộc sống. Trong sự xúc động vô hạn, chị Hồi
rơm rớm nước mắt, chỉ biết cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo LĐLĐ TP.Hải Phòng và
lãnh đạo các đơn vị, chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình chị trong lúc
khó khăn này.
Có
mặt trực tiếp trao số tiền hỗ trợ xây nhà “Mái ấm CĐ” cho các đoàn viên: Trần
Văn Đợi, Nguyễn Thị Hồi và Phạm Văn Viên (SN 1963, thôn Phú Xuân, xã Cấp Tiến,
huyện Tiên Lãng - giáo viên Trường Tiểu học Liên Hào), ông Hoàng Đình Long -
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng - xúc động: “Các đoàn viên, NLĐ đã làm việc,
cống hiến hết mình, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố và cả nước.
Tuy nhiên, nhiều người có cuộc sống còn hết sức khó khăn, vất vả, thậm chí lo
cơm bữa hằng ngày chứ chưa nói đến việc xây sửa nhà cửa. Hôm nay, được trao số
tiền hỗ trợ từ quỹ “Mái ấm CĐ”, chứng kiến những giọt nước mắt vui mừng khi ước
mơ bao năm qua của họ đã trở thành hiện thực, tôi rất xúc động. Tôi mong muốn
các đoàn viên tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát
nghèo” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, thực hiện Nghị quyết
của đại hội về việc xây nhà “Mái ấm CĐ” cho đoàn viên, CNLĐ. Những năm qua,
LĐLĐ TP.Hải Phòng đã nỗ lực chăm lo đời sống đoàn viên, CNLĐ, hỗ trợ hàng trăm
người có nơi ở mới khang trang, sạch đẹp hơn, vượt chỉ tiêu mà đại hội đề ra.
Bên cạnh đó, thường xuyên chăm lo sức khỏe cho NLĐ, quan tâm tặng quà gia đình
mắc bệnh hiểm nghèo và nỗ lực trong công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
của đoàn viên.
Thời gian tới, LĐLĐ TP.Hải Phòng tiếp
tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên,
NLĐ, Quỹ “Mái ấm CĐ” sẽ hỗ trợ xây, sửa nhiều ngôi nhà hơn nữa cho đoàn viên,
NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, để họ yên tâm công tác, lao động, học tập. (Lao Động
18/5, tr5, Tiến Dũng; Lao Động Online 18/5, Tiến Dũng)
Kịp thời cứu 4 thuyền viên
tàu cá bị chìm do sóng to
Sáng 18.5, trao đổi với báo chí, lãnh
đạo Bộ đội Biên phòng Hải Phòng - cho biết, Đồn Biên phòng Cát Bà vừa kịp thời
cứu sống 4 thuyền viên trên tàu đánh cá gặp nạn do đắm tàu trên biển.
Thông tin ban đầu, vào 15h40 ngày 17.5,
Đồn Biên phòng Cát Bà – Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, nhận được tin báo cứu nạn
khẩn cấp của thuyền trưởng tàu cá HP 90099TS Đinh Khắc Quyền (SN 1987, ở xã Lập
Lễ, huyện Thủy Nguyên).
Theo tin báo của anh Quyền: Khoảng 14h30
ngày 17.5, anh cùng các thuyền viên tàu HP 90099TS (có tải trọng 7 tấn/290cv)
làm nghề kéo lưới giã, hành trình từ Đồ Sơn đến khu vực đảo Long Châu để khai
thác thủy sản.
Do
điều kiện thời tiết trên biển không thuận lợi, sóng to, gió lớn, tàu bị va vào
đá ngầm tại khu vực phao số 7 (20°44’080’’ vĩ độ Bắc - 106°57’528’’ kinh độ
Đông, cách đảo Cát Bà khoảng 7 hải lý về hướng Đông Đông Nam), làm tàu bị chìm.
Cả 4 thuyền viên trên tàu rất lo lắng, hoảng sợ.
Nhận được tin báo, Đồn Biên Phòng Cát Bà
đã nhanh chóng báo cáo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đồng thời điều
động tàu BP 02.06.02 và xuồng CQ - 01 cùng 8 cán bộ, chiến sỹ do trung tá Đoàn
Bá Tú - Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ trực tiếp chỉ huy, khẩn trương cơ động đến khu
vực trên để cứu nạn.
Đến 17h00 cùng ngày, lực lượng cứu nạn
đã tiếp cận được phương tiện bị nạn, triển khai cứu 4 thuyền viên tàu HP
90099TS đang bị trôi dạt trên biển, tiến hành chăm sóc sức khỏe.
17h30 cùng ngày, 4 thuyền viên gặp nạn
đã được đưa về đảo Cát Bà an toàn. Tinh thần, sức khỏe 4 thuyền viên đã ổn
định.
Đồn Biên phòng Cát Bà phối hợp với
thuyền trưởng tiến hành thả phao đánh dấu khu vực tàu bị chìm và liên hệ phương
tiện để trục vớt. (Lao Động Online 18/5, Tiến Nguyễn)
Phiên họp thứ nhất Ban chỉ
đạo Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND
Ngày 17/5, TANDTC tổ chức Phiên họp thứ
nhất Ban chỉ đạo Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải
quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND. Phó Chánh án
Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp.
Ban chỉ đạo Đề án do Phó Chánh án TANDTC
Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng ban và trực tiếp nghiên cứu, xây dựng Đề án. Các
thành viên Ban chỉ đạo gồm Thẩm phán TANDTC, Chánh án TAND TP Hải Phòng; lãnh
đạo Vụ Pháp chế- Quản lý khoa học, Vụ Hợp tác quốc tế, các Vụ giám đốc kiểm
tra, Học viện Tòa án; đại diện VKSNDTC, Bộ Tư pháp...
Phát
biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền nêu rõ: thực hiện chủ trương
của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, lãnh đạo TANDTC đã xây dựng thí
điểm kế hoạch về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các
tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TP Hải Phòng. Từ cuối tháng 3/2018
đến nay, việc thí điểm kế hoạch về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại
9 TAND cấp huyện thuộc TP Hải Phòng và tại TAND TP Hải Phòng đã thu được những
kết quả đáng khích lệ. Trên cơ sở thành công đó, lãnh đạo TANDTC có Quyết định
số 40/QĐ-TANDTC ngày 19/4/2018 ban hành kế hoạch xây dựng Đề án về đổi mới,
tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu
kiện hành chính tại TAND; đồng thời ban
hành Quyết định số 634/TANDTC-TCCB ngày 14/5/2018 thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ
giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Sau một thời gian nghiên cứu, Ban chỉ đạo đã xây
dựng dự thảo Đề án và tổ chức đóng góp ý kiến và dự thảo.
Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải,
đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại
TAND đã nêu rõ thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về hòa giải
các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính tại TAND; thực tiễn
về hòa giải và những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết tranh chấp dân sự,
hôn nhân và gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động; đối thoại các khiếu
kiện hành chính.
Bên
cạnh đó, Đề án nêu những kinh nghiệm hòa giải tại Tòa án của Ấn Độ, Mỹ, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đề án cũng đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ
thể, quan điểm chỉ đạo; việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa
án; thẩm quyền, thời điểm, chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại; thù lao của
Hòa giải viên, Đối thoại viên; việc công nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Để
tổ chức thực triển khai chủ trương trên, Đề án cũng nêu lên các giải pháp để
thực hiện. Theo đó cần phải xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;
sửa đổi, bổ sung một số quy định về hòa giải của Bộ luật TTDS; sửa đổi, bổ sung
một số quy định về đối thoại của Luật TTHC; củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn
đội ngũ Hòa giải viên, Đối thoại viên...
Tại
phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản đồng tình với dự thảo Đề án, đồng
thời đóng góp nhiều ý kiến đối với nội dung Đề án. Các ý kiến cho rằng Đề án về
đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự,
khiếu kiện hành chính tại TAND là vấn đề mới, khó, khối lượng công việc rất
lớn. Vì vậy, Đề án cần được kết cấu cụ thể hơn, nêu rõ hơn về cơ sở khoa học,
chính trị pháp lý, cơ sở thực tiễn, nguồn kinh phí, công tác tổ chức cán bộ, mô
hình thực hiện...
Kết luận phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề
án, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp
việc tổng hợp các ý kiến đóng góp để bổ sung, sửa đổi dự thảo Đề án. Theo lộ
trình, Ban chỉ đạo sẽ cử các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm về hòa giải,
đối thoại tại những nước tiên tiến, tổ chức các hội thảo để đóng góp ý kiến
nhằm hoàn thiện Đề án trong tháng 8/2018. Theo kế hoạch, tháng 9/2018, TANDTC
sẽ trình Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Đề án về đổi mới, tăng cường
hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành
chính tại TAND để xem xét thông qua.
(Công Lý Online 17/5, Trần Quang Huy)
Đoàn công tác Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Hải Phòng
Ngày 17-5, Đoàn công tác Ủy ban Khoa
học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có cuộc khảo sát và làm việc về công
tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Đồng chí Trần Văn Minh,
Phó chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn. Đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch
Thường trực UBND thành phố tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự làm việc có đồng
chí Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng. (Báo Hải Phòng
18/5)
Hội Sinh viên Trường đại học
Hàng hải Việt Nam - Điểm sáng phong trào “Sinh viên 5 tốt”
Rèn đức, luyện tài, xung kích, tình
nguyện, sáng tạo và hội nhập là những mục tiêu Đại hội đại biểu Hội Sinh viên
Trường đại học Hàng hải Việt Nam lần thứ 19, nhiệm kỳ 2018 - 2020 đề ra. Trường
đại học Hàng hải Việt Nam có 11.565 sinh viên tham gia sinh hoạt tại 462 chi
hội thuộc 13 Liên Chi hội các khoa, viện. Trong bối cảnh hiện nay, Hội Sinh
viên nhà trường chọn mục tiêu đột phá là xây dựng thế hệ “Sinh viên 5 tốt” gồm
5 tiêu chí: đạo đức tốt- học tập tốt - thể lực tốt - tình nguyện tốt - hội nhập
tốt. (Báo Hải Phòng 18/5)
Kho bạc Nhà nước thành phố:
Hoàn thành sửa chữa nhà tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Sáng 17- 5, Kho bạc Nhà nước thành phố
hoàn thành sửa chữa nhà tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trịnh Thị Chẹn ở xã Tiên
Minh (huyện Tiên Lãng). (Báo Hải Phòng 17/5)
Triển lãm ảnh “Hải Phòng
vươn ra biển lớn”: NSNA Vũ Dũng có 25 tác phẩm trưng bày
Đây đều là các tác phẩm mới của ông, thể
hiện và ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Hải Phòng, những thành tựu
phát triển của thành phố hôm nay. (Báo Hải Phòng 16/5)
Quận ủy Hồng Bàng: Thành lập
thêm hai chi bộ Đảng trường mầm non tư thục
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày
10-11-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về “củng cố, xây dựng, phát
triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước,
hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập", chiều 17-5 tại phường Minh
Khai, Quận ủy Hồng Bàng tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Chi bộ
Đảng tại Trường mầm non tư thục Sunrise. (An Ninh Hải Phòng 18/5)
Sơ kết điểm và nhân rộng mô
hình “Liên kết bảo đảm ANTT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”
Sáng 16-5, UBND quận Lê Chân phối hợp
với Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tổ chức hội nghị sơ kết điểm và nhân rộng mô
hình “Liên kết bảo đảm ANTT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp”. (An Ninh Hải
Phòng 16/5)
Hải
Phòng có thêm đại lý 3S thứ 2 của Toyota Việt Nam
Từ
15/5, Toyota Nankai Hải Phòng đã chính thức trở thành cơ sở kinh doanh thứ 50
của Toyota Việt Nam (TMV) và là đại lý Toyota đạt chuẩn 3S (Bán hàng, dịch vụ
và phụ tùng) thứ 2 tại thành phố Hải Phòng, một trọng điểm, đầu tàu của vùng
kinh tế phía Bắc. (Viettimes.vn 17/5)
Nằm trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 63 năm giải phóng
Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2018), chiều 14/5/2018, UBND TP Hải Phòng long
trọng tổ chức khởi công 2 dự án hạ tầng giao thông đô thị Hải Phòng là cầu vượt
nút giao Nguyễn Văn Linh và Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc. Đây là những dự án
trọng điểm của TP Hải Phòng sử dụng ngồn vốn từ ngân sách thành phố. (Xây Dựng
17/5, tr7)./.