Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 18/01/2022)

THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID-19

Ngày 17/1, Hải Phòng không còn quận, huyện "vùng đỏ"

Ngày 17/1, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hải Phòng thông tin về cấp độ dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, trong đó, Hải Phòng không còn quận, huyện thuộc vùng đỏ - nguy cơ rất cao.

Cụ thể, theo thông tin từ CDC Hải Phòng, ngày 17/1, Hải Phòng vẫn thuộc cấp độ dịch 3 - nguy cơ cao. 13/15 quận, huyện thuộc vùng cam gồm: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên, An Dương. Huyện Cát Hải cấp độ dịch số 2 - vùng vàng. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn cấp độ 1 - bình thường mới.

Về cấp độ xã, phường, thị trấn, Hải Phòng chỉ còn 4 xã, phường thị trấn cấp độ 4, 149 xã, phường thị trấn cấp độ 3, 53 địa phương cấp độ 2 và 11/218 xã, phường thị trấn vùng xanh - cấp độ 1.

Đến 18h ngày 16/1, Hải Phòng có 11.767  ca hồi phục, xuất viện, đang điều trị: 15.781 ca. Tổng số ca tử vong tích lũy là 31 ca.

Trước đó, theo cập nhật của CDC Hải Phòng ngày 12/1, 6/15 quận, huyện là "vùng đỏ" gồm: Quận Lê Chân, Hồng Bàng, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện Kiến Thuỵ, An Dương. 8 quận, huyện cấp độ nguy cơ cao gồm quận Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn thuộc cấp độ 1 - bình thường mới.

Về cấp độ xã, phường, Hải Phòng có 80/218 xã, phường thị trấn nguy cơ rất cao (vùng đỏ), 85 xã, phường thị trấn nguy cơ cao (vùng cam), 35 xã phường cấp độ 2 (vùng vàng) và 17 xã, phường vùng xanh. (Laodong.vn 17/01, Mai Dung; Nhandan.vn 17/01; Suckhoedoisong.vn 17/01; Kênh VTC14 – Thời sự ngày 17/01; Daidoanket.vn 17/01; Kinhtedothi.vn 17/01; Baodautu.vn 18/01)

Hải Phòng đang có 98 F0 nặng, nguy kịch

TP. Hải Phòng hiện đang điều trị cho 15.781 F0, trong đó 98 ca nặng, nguy kịch.

CDC Hải Phòng cho biết, ngày 16/01/2022, địa phương này ghi nhận 621 ca mắc mới COVID-19 tại 14/15 quận, huyện. Trong số này có 569 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 31 trường hợp F1, 18 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của Dương Kinh, An Dương và Thủy Nguyên, còn lại là Test nhanh dương tính.

Tuy nhiên, cùng ngày Hải Phòng cũng có 700 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, tổng số đã có 11.767 bệnh nhân COVID-19 tại Hải Phòng đã hồi phục.

Hiện toàn TP. Hải Phòng đang điều trị cho 15.781 F0, trong đó số bệnh nhân nặng/nguy kịch là 98 ca.

Các ca nặng bao gồm 73 ca phải thở marsk, gọng kính; 14 ca nặng thở HFNC; 11 ca nguy kịch phải thở máy xâm lấn.

Trong ngày 16/01, Hải Phòng có thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì COVID-19 ở Hải Phòng lên con số 31.

Đến 18h ngày 16/01/2022, Hải Phòng đang cách ly tập trung 374 người; cách ly tại các khách sạn 460 người; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 32.961  người. (Vnmedia.vn 17/01, Xuân Hưng)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

10 thành tựu nổi bật của Hải Phòng năm 2021

Năm 2021, với nhiều các làm sáng tạo, hiệu quả, TP. Hải Phòng đã bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đột phá, tăng trưởng cao, bền vững hơn..

Trong năm 2021, TP. Hải Phòng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chung sức đồng lòng của Đảng bộ và UBND thành phố đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, điều hành với nhiều các làm sáng tạo, hiệu quả, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều đột phá, tăng trưởng cao, bền vững hơn...

Sau đây 10 thành tựu nổi bật tiêu biểu của Hải Phòng năm 2021.

1. Dẫn đầu Top 10 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước

Hải Phòng vươn lên dẫn đầu top 10 tỉnh thành hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.  Hải Phòng đã chuẩn bị sẵn cho kế hoạch năm 2022 mục tiêu thu hút tối thiểu 5 tỉ USD. Trong đó, Khu kinh tế Hải Phòng tập trung chuẩn bị xây dựng các khu công nghiệp mới, chuẩn bị sẵn mặt bằng, quỹ đất, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trước hết, tập trung cho các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập để giải phóng mặt bằng, trong đó có giải phóng mặt bằng cho KCN Deep C3, các khu công nghiệp như VSIP, An Dương, mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 để đủ quỹ đất, tạo ra thu hút đầu tư…

2. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức cao

Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38% là mức tăng trưởng cao nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 90.421,01 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 54.000 tỷ đồng, đạt 109,1% dự toán trung ương giao và 101,9% dự toán HĐND thành phố giao; thu nội địa ước 35.000 tỷ đồng, đạt 133,1% dự toán trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,5%; kim ngạch xuất khẩu 25,11 tỷ USD, sản lượng hàng qua cảng 150,16 triệu tấn, tăng 7,36%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 173.975 tỷ đồng, tăng 1,32%. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân.

3. Đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại

Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Thông qua chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Phê duyệt 08 đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ; Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố năm 2021.

Khởi công 10/31 dự án, công trình, khánh thành 11/23 dự án, công trình theo danh mục các dự án, công trình dự kiến khởi công, khánh thành năm 2021 theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 của HĐND thành phố; Hoàn thành, trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 14 dự án hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng.

Đưa vào khai thác một số công trình: Trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5; tuyến đường trục đô thị nối đường liên phường với đường 356, quận Hải An; cải tạo, mở rộng nút giao thông ngã 5 Kiến An; đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải.

Nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường nối tỉnh lộ 354 qua KCN Kiến Thụy đến đường bộ ven biển tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy; đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún, quận Đồ Sơn; xây dựng mở đường ĐT363 (đoạn kênh Hòa Bình, từ ĐT đến ĐT 361.

4. Đầu tư, xây dựng, nâng cấp cảng biển

Với vị trí là một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, hạ tầng cảng biển thành phố Hải Phòng được nâng cấp và đầu tư xây dựng mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Tổng lượng hàng hóa qua Cảng nước sâu Nam Đình Vũ và cảng Container quốc tế Hải Phòng năm 2021, đạt 150,16 triệu tấn tăng 7,36% so với năm 2020. Trong đó, hàng container cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt hơn 5 triệu teu, tăng 15% so với cùng kỳ năm2021. Với mức tăng trưởng này, lượng container qua cảng biển Hải Phòng dự kiến đạt khoảng 6 triệu teu trong năm 2022.

5. Công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được chú trọng

Thành phố Hải Phòng phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cho huyện Cát Hải. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại 14 quận, huyện. Chỉ đạo thực hiện cưỡng chế đối với các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng… Thực hiện thu hồi đất để phục vụ các dự án, công trình, nhất là mặt bằng phục vụ phát triển các khu công nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Hoàn thành công tác tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại khu đất 9,2 ha thuộc phường Thành Tô, quận Hải An. Bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

6. Xây dựng “Chính quyền điện tử”

Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố, xây dựng “Chính quyền điện tử”, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hệ thống Một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện, 217/217 xã, phường, trị trấn; hệ thống cung cấp 871 dịch vụ công trực tuyến, gồm: 641 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

7. Đột phá trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Hải Phòng đến nay đã hoàn thành việc thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại 8 xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), Tân Dân (huyện An Lão), Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), Đồng Thái (huyện An Dương), Gia Minh và Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), Xuân Đám (huyện Cát Hải) với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Xây dựng NTM kiểu mẫu tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, được nhân dân ủng hộ cao.

Thành phố cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách thành phố ưu tiên bố trí trực tiếp khoảng 18.290,6 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của thành phố là 16.510,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp, lồng ghép và ngân sách huyện là 1.780 tỷ đồng.

8. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có nhiều điểm sáng

Tăng cường công tác quản lý địa bàn khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng, không để xảy ra hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Xử lý, giải quyết kịp thời, ổn định các vụ việc về an ninh, trật tự; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hải Phòng.

9. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19

Đến hết năm 2021, Hải Phòng đã có 3.226.581 mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 được tiêm, cập nhật trên nền tảng là 2.763.940 mũi, đạt hơn 85,6%.

Sở Thông tin và truyền thông Hải Phòng cũng đã đưa hệ thống Tổng đài tư vấn điều trị F0 sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào vận hành. Đến hết năm 2021 đã tiếp nhận và hỗ trợ gần 1.000 lượt gọi vào của người dân. Thực hiện gần 3.800 cuộc gọi ra sử dụng công nghệ AI để thông báo số tổng đài. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai xây dựng kịch bản gọi điện dùng AI để tư vấn, chăm sóc, tổng hợp và thống kê tình hình sức khỏe F0. Hoàn thiện kết nối 167 camera tại 14/23 cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn thành phố…

10. Văn hóa xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao

Các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, các ngày lễ lớn được tổ chức chu đáo, an toàn, văn minh. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, tri ân các gia đình có công, gia đình thương binh liệt sĩ, đối tượng chính sách có nhiều đổi mới, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tặng quà người có công trong các ngày lễ lớn, với tổng số tiền 338,212 tỷ đồng. (Diendandoanhnghiep.vn 17/01, Minh Huệ)

KINH TẾ   

Xi măng Vicem Hải Phòng: Bảo đảm lương bình quân người lao động 19,3 triệu đồng/tháng

Ngày 17/1, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2021, mục tiêu nhiệm vụ năm 2022.

Năm 2022, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng đề ra mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất thông qua các chương trình tối ưu hoá sản xuất, mở rộng quy mô thị trường trong nước và xuất khẩu, ổn định việc làm, thu nhập của người lao động.... Trong đó, chỉ tiêu cụ thể là sản lượng sản xuất Clinker 1.352.000 tấn; tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 3 triệu tấn; nộp ngân sách 80,583 tỉ đồng...

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, mặc dù nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm 5% so với cùng kỳ nhưng các mục tiêu của Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng vẫn đạt mức tăng trưởng cao: Tổng sản phẩm tiêu thụ ước đạt 2,952 triệu tấn (tăng 6% so với kế hoạch và cùng kỳ), trong đó xi măng tiêu thụ nội địa đạt 2,567 triệu tấn - là đơn vị có mức tăng trưởng xi măng nội địa cao nhất Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Sản lượng clinker sản xuất cao nhất từ trước đến nay là 1.293.823 tấn....

Nhờ ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm, đời sống người lao động được chú trọng, nâng cao. Năm 2021, năng suất lao động theo tổng doanh thu trừ chi phí chưa có lương ước đạt gần 330 triệu đồng/người/năm, tăng 27% so với kế hoạch và 65% so với năm 2020. Tiền lương bình quân tính riêng cho người lao động là 19,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 17% so với kế hoạch, 31% so với năm 2020, là mức lương cao nhất từ trước đến nay.

Trong năm, công ty điều chỉnh hệ thống thang bảng lương theo chức danh, tăng mức tiền lương chức danh đóng BHXH của người lao động lên 12% so với trước. Công ty giải quyết chế độ chấm dứt hợp đồng lao động tự nguyện cho 39 trường hợp với tổng số tiền trợ cấp và hỗ trợ thêm là gần 6,7 tỉ đồng... Ngoài ra, trợ cấp từ quỹ tình thương 112 lượt gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thưởng động viên từ Quỹ khuyến học cho 662 con em cán bộ công nhân viên có thành tích học tập tốt.

Về công tác an toàn vệ sinh lao động, năm 2021, công ty xây dựng phương án ứng phó và kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiêm vaccine cho 100% cán bộ công nhân viên; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho toàn thể cán bộ công nhân viên. Trong năm, công ty bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh chính trị nội bộ, con người, phòng chống cháy nổ và môi trường.

Tại hội nghị, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng biểu dương 3 tập thể đạt danh hiệu Rồng Vàng, 4 tập thể danh hiệu Rồng Bạc, 5 tập thể danh hiệu Rồng Đồng và 6 đơn vị Khuyến khích. (Nld.com.vn 17/01, Mai Dung)

DU LỊCH

Hải Phòng phấn đấu đón 4,53 triệu lượt khách du lịch năm 2022

Năm 2022, Hải Phòng mục tiêu đón và phục vụ được 4,53 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 3,7 nghìn tỉ đồng.

 Để từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch góp phần vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCĐ phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là khôi phục các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Phấn đấu năm 2022, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ được 4,53 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3,7 nghìn tỉ đồng.

Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố yêu cầu điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong bối cảnh sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch thành phố dựa theo tiềm năng, thế mạnh của các loại hình sản phẩm phù hợp với thị trường có tiềm năng như: du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon…) kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm thu hút đối tượng khách có khả năng chi trả cao; du lịch trải nghiệm (nông nghiệp nông thôn, ẩm thực) và chăm sóc sức khỏe (suối khoáng nóng, khám chữa bệnh) thu hút đối tượng khách gia đình, học sinh, sinh viên và người lớn tuổi; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo thu hút đối tượng khách gia đình, giới trẻ, khách đi theo đoàn; du lịch MICE thu hút đối tượng khách doanh nhân, chính trị gia và văn nghệ sĩ; du lịch văn hóa tâm linh thu hút đối tượng khách là phụ nữ và người lớn tuổi. (Laodong.vn 17/01, Đặng Luân)

Hải Phòng đẩy mạnh du lịch biển đảo và hướng đi mới cho nhà đầu tư

Vừa đón trúng định hướng phát triển, vừa góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược của Hải Phòng, Flamingo Cát Bà là tài sản đầu tư "có tiếng, có miếng" trên thị trường bất động sản miền Bắc.

Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, một trong 3 đột phá chiến lược của Hải Phòng là: "Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với biển đảo và các di tích lịch sử, văn hóa".

Trong đó, Cát Bà là mũi nhọn được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh việc thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trọng điểm phục vụ phát triển du lịch, thành phố còn đang xúc tiến các điều kiện cần thiết đề xuất UNESCO công nhận các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên Thế giới cùng với vịnh Hạ Long. Tầm nhìn đến 2050, Cát Bà sẽ là điểm đến du lịch "xanh" đẳng cấp quốc tế.

Song hành với quyết tâm của chính quyền thành phố, các tập đoàn bất động sản danh tiếng cũng vào cuộc. Nổi bật trong số những nhà đầu tư tầm cỡ đồng hành cùng Hải Phòng nói chung và Cát Bà nói riêng là tập đoàn Flamingo. Với Flamingo Cát Bà, đảo Ngọc đã đánh dấu bước chuyển mình, cung cấp dịch vụ lưu trú cao cấp đi kèm những trải nghiệm thú vị, hút khách.

Điểm lại tiềm năng của Cát Bà, quần đảo có nhiều điểm khác biệt so với các danh lam thắng cảnh trên cả nước. Cát Bà là nơi hội tụ ba danh hiệu quốc gia và quốc tế gồm Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển và Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chưa dừng lại ở đó, vịnh Lan Hạ bao quanh quần đảo còn thuộc Top vịnh đẹp nhất thế giới, mang vẻ đẹp yên bình, thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Năm 2020, Cát Bà dẫn đầu trong Top từ khóa địa điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên Google.

Hưởng trọn những gì đắt giá nhất của đảo Ngọc, Flamingo Cát Bà nằm bên khu rừng nguyên sinh trù phú, trước mặt là bãi biển Cát Cò 1, Cát Cò 2 đẹp bậc nhất Đông Nam Á và vịnh Lan Hạ thiên đường. Không chỉ có vị trí tuyệt đẹp, quần thể còn hội tụ những căn biệt thự trên cao với kiến trúc rừng xanh trên cao độc đáo và hệ thống tiện ích 5 sao, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp của chủ nhân và du khách. Nổi bật trong số đó là khu tắm khoáng Onsen 6000m2; siêu tổ hợp chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp SEVA Spa & Beauty Destination lớn bậc nhất Việt Nam; phòng tập Gym, Yoga hiện đại; Khu vui chơi trong nhà công nghệ cao; Hệ thống bể bơi 4 mùa, bể bơi ngoài trời công nghệ Ý… Từ quy mô và những trải nghiệm phong phú mang tới cho du khách, năm 2021 Flamingo Cát Bà đã giành giải thưởng Best Traveller’s Choice do TripAdvisor trao tặng, góp phần giúp đảo Ngọc gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Theo các chuyên gia bất động sản, biệt thự trên cao Flamingo Cát Bà hội tụ đủ mọi yếu tố trở thành tài sản đầu tư sáng giá: vị trí độc tôn giữa khu vực trọng điểm, sở hữu lâu dài, kiến trúc độc đáo, tiện ích đồng bộ. Không chỉ đưa Cát Bà trở thành điểm đến xứng tầm với tiềm năng vốn có, Flamingo Cát Bà còn mang tới trải nghiệm nghỉ dưỡng đáng giá và khả năng sinh lời chắc chắn cho các nhà đầu tư.

Hiện tại, quỹ căn biệt thự cuối cùng đang được mở bán. Cơ hội sở hữu những căn biệt thự trên đỉnh vịnh Lan Hạ, hưởng trọn tiềm năng và hệ thống hạ tầng ngày càng được đầu tư tại Cát Bà đang dần thu hẹp. Theo đại diện Chủ đầu tư, mua biệt thự tại thời điểm này, khách hàng sẽ đón sóng du lịch phục hồi sau dịch cùng những ưu đãi hiếm có: thẻ "All In Passport Diamond" với đặc quyền sử dụng toàn bộ dịch vụ tại Flamingo Group trong 3 năm, 5 đêm nghỉ miễn phí trước bàn giao, chương trình chia sẻ lợi nhuận lên đến 85%... (Cafef.vn 17/01, Ánh Dương)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Hải Phòng: Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thanh tra Sở NN&PTNT TP. Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị chuyên đề về “Thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU)”.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Vũ Văn Đốc cho biết: Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Cùng năm 2017, có 21 quốc gia bị EC rút thẻ vàng, 6 quốc gia bị rút thẻ đỏ. Đến nay, chỉ còn 3 quốc gia chưa gỡ được thẻ đỏ, 7 quốc gia chưa gỡ được thẻ vàng trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân bị EC rút thẻ vàng chống khai thác IUU đối với ngành Thủy sản Việt Nam, đó là: Việt Nam còn thiếu một hệ thống pháp lý quy định đầy đủ, thống nhất về quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển hiện nay.

Việc EC rút thẻ vàng đã gây ra nhiều tổn thất và hệ lụy không chỉ đối với ngành Thủy sản Việt Nam, mà còn gây ra những thiệt hại và tổn thất khác khó đo đếm bằng giá trị vật chất.

Cho dù đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU chưa bị dừng hẳn, nhưng đang có dấu hiệu giảm khá rõ.

Trước khi thẻ vàng IUU được áp dụng, EU là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị nhập khẩu khoảng gần 1 tỷ USD.

Sau hơn 4 năm EC áp dụng thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp giảm theo. Giá trị xuất khẩu hải sản vào EU liên tục giảm năm 2017 giảm 6%, 2019 giảm 12%, 2020 giảm 6%. Thị trường EU nhập khẩu hải sản của Việt Nam đang từ vị trí thứ 2 nay đứng thứ 5 trong các thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

Nếu thẻ vàng không được gỡ, giá trị xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ còn giảm tiếp, do các biện pháp kiểm tra ngày càng nghiêm ngặt của EU. Cùng với đó, các nhà nhập khẩu EU cũng không muốn tiếp tục nhập khẩu hàng từ Việt Nam do lo ngại về nguồn gốc, cũng như các rắc rối pháp lý khác có thể vướng phải từ hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Việt Nam.

Còn nếu trong tình huống xấu nhất mà EC áp dụng thẻ đỏ, mọi hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU sẽ bị cấm và thị trường EU sẽ đóng cửa nhập khẩu hải sản của Việt Nam, nguy cơ gây hiệu ứng “Domino” trong hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường khác trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tích cực hành động một cách quyết liệt theo khuyến cáo, yêu cầu của EC, qua đó mong muốn EC gỡ thẻ vàng với hải sản Việt Nam.

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017 và 2 nghị định của Chính phủ, 8 thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT đã quy định khá đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU.

28 tỉnh và thành phố đã tiến hành rà soát và lắp đặt các thiết bị giám sát tàu cá. Tuy nhiên, theo báo cáo và thực tế kiểm tra thì tốc độ lắp đặt ở các địa phương là không đồng đều, có nhiều địa phương chưa hoàn thành theo quy định.

Theo Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hoàng Thị Mai, Hải Phòng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, thị trường tiêu thụ và chế biến sản phẩm thủy hải sản là rất lớn, có nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển; thủy hải sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, xã hội, chính trị an ninh quốc phòng của địa phương.

Hải Phòng có 6 cảng và 8 khu neo đậu tránh trú bão, kết hợp cảng cá, rất thuận tiện cho tàu của Hải Phòng và các tàu của các địa phương khác khai thác tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ vào neo đậu tránh trú bão.

Hiện nay, Hải Phòng đã thành lập 70 tổ, đội khai thác, dịch vụ hậu cần thủy sản trên biển, 01 tập đoàn đánh cá, 01 nghiệp đoàn nghề cá với tổng số 11.420 lao động, 50 cơ sở chế biến thủy sản, 74 kho lạnh chuyên bảo quản nông, lâm thủy sản…

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản đến 18/10/2021, Hải Phòng có 1.061 tàu cá hoạt động khai thác thủy hải sản, trong đó tàu từ 6 -12 m là 331 tàu; tàu từ 12 m đến dưới 15 m là 367 tàu; tàu trên 15 m là 363 tàu.

Để gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản; kiện toàn Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU. Ban hành Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 22/12/2020 về chính sách hỗ trợ lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.

Chia sẻ về công tác thanh tra, kiểm tra chống khai thác IUU, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Trần Huy Toản cho biết: Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tác động tích cực tới công tác quản lý thực thi Luật Thủy sản, góp phần vào công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo và không theo qui định IUU.

Tại các cơ sở kinh doanh, sơ chế nông sản, thủy sản, các cơ quan, đơn vị quản lý kiểm tra việc chấp hành các qui định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Nhà xưởng, trang thiết bị an toàn không gây ô nhiễm, gây độc hại, yêu cầu cơ sở khắc phục tồn tại nếu có.

Tại các cảng cá, kiểm tra trách nhiệm của cảng cá và ngư dân trong việc tiếp nhận, ghi chép, thu nộp nhật ký, báo cáo khai thác, sản lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là nội dung trong chống khai thác IUU. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá trên địa bàn thành phố.

Phối hợp với Phòng Kỹ thuật Sở NN&PTNT, Bộ đội biên phòng, quận, huyện kiểm tra ngăn chặn, xử lý tàu mất kết nối. Làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp thiết bị, của ngư dân trong việc duy trì kết nối, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, ngư dân nhận thức và thực hiện đúng các qui định của pháp luật để thực hiện khai thác đánh bắt hải sản bền vững có trách nhiệm theo luật pháp Việt Nam và các qui định quốc tế. Qua đó, các nội dung chống khai thác IUU sẽ được thực hiện tích cực. (Thanh tra 18/01, tr12, Kim Thành; Thanhtra.com.vn 18/01)

GIAO THÔNG

Hải Phòng khôi phục hoạt động 2 bến xe lớn từ 18/1

Sở Giao thông Vận tải TP. Hải Phòng vừa có công văn số 178 /SGTVT-QLVT về việc điều chỉnh phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ trên địa bàn TP. Hải Phòng kể từ ngày 18/1.

 Căn cứ bảng đánh giá cấp độ dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. Hải Phòng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố công bố ngày 17/1, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng thông báo khôi phục hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh tại Bến xe khách Vĩnh Niệm và Bến xe khách phía bắc Hải Phòng kể từ ngày 18/1.

Ngoài ra, cũng từ 18/1, Hải Phòng khôi phục hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện theo hướng dẫn văn bản số 05 ngày 4/1/2021 (Đối với địa bàn các xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp 3, hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt nội tỉnh, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch chỉ được hoạt động không quá 50% số phương tiện của đơn vị vận tải và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng đối với xe giường nằm).

Đối với địa bàn công bố mức độ dịch cấp 1, 2 được phép hoạt động bình thường.

Theo thông tin từ CDC Hải Phòng, ngày 17/1, Hải Phòng vẫn thuộc cấp độ dịch 3 - nguy cơ cao. 13/15 quận, huyện thuộc vùng cam gồm: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thuỵ, Thuỷ Nguyên, An Dương. Huyện Cát Hải cấp độ dịch số 2 - vùng vàng. Riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ vẫn cấp độ 1 - bình thường mới.

Về cấp độ xã, phường, thị trấn, Hải Phòng chỉ còn 4 xã, phường thị trấn cấp độ 4, 149 xã, phường thị trấn cấp độ 3, 53 địa phương cấp độ 2 và 11/218 xã, phường thị trấn vùng xanh - cấp độ 1.

 

Đến 18h ngày 17/1, Hải Phòng ghi nhận thêm 671 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc tích lũy trên địa bàn là hơn 28.000 ca.

Trước đó, từ 12/1, Sở GTVT Hải Phòng khôi phục hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại Bến xe khách Thượng Lý và Bến xe khách Đồ Sơn. (Laodong.vn 17/01, Mai Dung; VTV.vn 17/01; Nhandan.vn 17/01; Danviet.vn 18/01)

Hải Phòng khởi động Dự án Cầu Bến Rừng 1.940 tỷ đồng

Mới đây, UBND TP. Hải Phòng phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.940,931 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách TP. Hải Phòng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Hiện tại, Dự án bước vào giai đoạn đấu thầu gói thầu đầu tiên - Gói thầu số 5 Khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán (dự toán 42,498 tỷ đồng) thông qua đấu thầu rộng rãi, qua mạng, dự kiến mở thầu ngày 30/1/2022. Cùng trong Quý 1/2022, Dự án sẽ chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu: Xây lắp (giá dự toán 1.825,01 tỷ đồng); Bảo hiểm; Kiểm tra thử tải…

Cầu Bến Rừng có chiều dài khoảng 1.857,6 m, sau khi hoàn thành vào năm 2024, sẽ thay thế cho phà Bến Rừng hiện tại, là cửa ngõ chính thứ 3 kết nối trực tiếp Hải Phòng - Quảng Ninh bằng đường bộ. (Đấu thầu 18/01, tr2, Minh Khuê; Baodauthau.vn 18/01)

VĂN HÓA - XÃ HỘI     

Trao tặng học bổng, tủ sách, sân chơi cho trẻ em trên đảo Bạch Long Vỹ

Tham gia chương trình "Xuân tình nguyện - Hành trình vì biển đảo quê hương" do TW Đoàn phát động, nhiều đơn vị, nhà tài trợ đã trao tặng sân chơi, tủ sách, học bổng, hàng trăm cuốn sách vở cho trẻ em, học sinh trên huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng).

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Trung ương Đoàn) vừa phát động chương trình "Xuân tình nguyện - Hành trình vì biển đảo quê hương" năm 2022 tại huyện đảo thanh niên Bạch Long Vỹ (TP. Hải Phòng).

Tham gia chương trình có 50 đại biểu thuộc TW Đoàn; Đoàn thanh niên Đại học quốc gia Hà Nội; Đoàn thanh niên Bộ KH&CN; các quận huyện đoàn, đoàn trực thuộc Thành đoàn Hải Phòng; các hội, nhóm thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và các đơn vị tài trợ.

Sau khi hoàn tất xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR), đoàn thiện nguyện tới đảo Bạch Long Vỹ trên chuyến tàu Hoa Phượng Đỏ trung tuần tháng 1/2022, tức tháng 12/2021 âm lịch.

Các đơn vị, nhà tài trợ đã vận chuyển hàng nghìn con vịt, gà giống, bò giống, cây giống, máy lọc nước, cờ tổ quốc, áo phao... trao tặng cho ngư dân; tủ sách, cặp sách, thiết bị học tập, phòng học thông minh, đồ chơi cho học sinh trường mầm non, tiểu học và Liên đội thanh niên xung phong trên đảo. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng hỗ trợ vận chuyển quà tặng.

Cành đào, cây quất, bánh chưng, hoa, trứng gà tươi cũng được các đơn vị tài trợ tặng quà cho UBND huyện, người dân trên đảo nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tham dự chương trình "Xuân tình nguyện - Hành trình vì biển đảo" năm 2022 do TW Đoàn phát động, Đoàn thanh niên Bộ KH&CN đã trao tặng sân chơi thiếu nhi, thiết bị tập luyện thể dục thể thao ngoài trời, phòng học thông minh cho trẻ em, học sinh trên đảo.

Đoàn thanh niên Đại học quốc gia Hà Nội trao tặng cặp, sách vở, tủ sách cho học sinh tiểu học và Liên đội thanh niên xung phong Bạch Long Vỹ.

Nhiều em nhỏ trên đảo tiền tiêu vui mừng khi được tặng cặp, sách vở, có tủ sách và đồ chơi mới trước Tết Nguyên đán 2022.

Ngoài ra, Đoàn thanh niên Bộ KH&CN, VOSCO trao 30 suất học bổng (tổng trị giá 15 triệu đồng) cho các em học sinh tiểu học, trung học trên huyện đảo. (Tienphong.vn 17/01; Thoidai.com.vn 17/01; Doanthanhnien.vn 17/01)

Hải Phòng sẽ trồng gần 1.500 cây vào dịp Tết Trồng cây Xuân Nhâm Dần

Nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân và cộng đồng tham gia trồng cây, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch tổ chức phát động Tết Trồng cây Xuân Nhâm Dần 2022.

Theo đó, Tết Trồng cây tại TP. Hải Phòng sẽ đồng loạt diễn ra tại các địa phương vào lúc 9h30, ngày 7/2/2022 (tức ngày 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần), với số lượng gần 1.500 cây, gồm các loài: bằng lăng, sấu, bàng Đài Loan, hoa ban, Osaka, điệp vàng, phượng vỹ, xà cừ….

UBND TP. Hải Phòng yêu cầu mỗi quận, huyện chọn 1 địa điểm để đồng loạt tổ chức Lễ phát động Tết Trồng cây, ưu tiên trồng tại các tuyến đường kiểu mẫu, sân vận động, công trình văn hóa, khu đô thị mới theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị…

Việc tổ chức Tết Trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, tạo không khí phấn khởi để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu xuân. Gắn với công tác chăm sóc, bảo vệ cây, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng mùa hanh khô, đặc biệt trong những ngày lễ, Tết…

Lễ phát động Tết Trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022 được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích nhân dân, cộng đồng tham gia trồng cây, bảo vệ cây xanh, nâng cao tỷ lệ diện tích cây xanh trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. (Laodongthudo.vn 17/01, Phạm Trang)

Hải Phòng: Hơn 700 cán bộ diễn tập phương án chữa cháy trên biển quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 17/1, tại Công ty TNHH Cầu Cảng Euro, KCN Đình Vũ thuộc địa phận phường Đông Hải 2 (quận Hải An, TP. Hải Phòng), UBND TP. Hải Phòng tổ chức diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông, biển quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Các đơn vị tham gia diễn tập gồm: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1; Bộ Chỉ huy Quân sự TP; Bộ đội Biên phòng TP; UBND quận Hải An; Công ty TNHH Cầu cảng EURO (Việt Nam); Xí nghiệp Tổng kho xăng dầu Đình Vũ; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc - Công ty TNHH MTV 128 Hải quân; Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Quảng Ninh và các sở, ban, ngành TP… Theo thống kê, lực lượng trực tiếp tham gia diễn tập lên đến 700 người.

Ban Chỉ đạo diễn tập do Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Minh Cường làm Trưởng ban; Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố; Đinh Đình Trường, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP làm Phó Trưởng ban Thường trực.

Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết: Mục đích lớn nhất của đợt diễn tập này là kiểm tra năng lực, sự hợp đồng tác chiến và thực hiện quy chế phối hợp của các đơn vị trong quá trình phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ quy mô lớn trên sông, biển. Đợt diễn tập để lực lượng phòng cháy chữa cháy rút kinh nghiệm quý báu, xây dựng lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tình hình mới.

Bắt đầu từ 9h30 sáng 17/1, buổi diễn tập diễn ra trong thời tiết mưa lạnh. Hơn 700 cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị đã nỗ lực hết mình để buổi diễn tập thành công. Theo đó, tình huống giả định là một tàu chở xăng trọng tải 7.000 tấn, chở 5.000m3 xăng A95 đang bơm hàng vào kho xăng dầu của Xí nghiệp Tổng kho xăng dầu Đình Vũ tại cầu tàu 10.000 DWT - cầu Cảng Euro thì máy bơm bị kẹt.

Sau đó, sự cố hệ thống điện gây cháy tại khu vực mũi tàu xuất hiện. Chỉ trong tích tắc, lửa lan sang khoang chứa hàng 1 với trữ lượng khoảng 900m3 xăng A95 gây nổ hỗn hợp hơi xăng ở khoảng không tự do bên trong khoang làm vỡ mạn trái của tàu. Ngoài ra, một lượng lớn xăng chảy tràn xuống mặt sông gây cháy lớn, đe doạ gây cháy các tàu đang làm hàng tại các cầu cảng lân cận.

Đầu tiên, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ đã khẩn cấp báo cháy với Công an thành phố, đồng thời vừa chữa cháy tại chỗ vừa tổ chức sơ tán mọi người ra khu vực an toàn; di chuyển tài sản, sơ cứu người bị nạn.

Ngay sau đó, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã huy động 5 xe chỉ huy, 23 xe chữa cháy, 2 xe cứu hộ, 3 xe cứu thương, 5 tàu chữa cháy, 2 tàu lai dắt; 9 tàu, xuồng, 8 xe chuyên chở để thực hiện nhiệm vụ. Tất cả các phương tiện đã phối hợp triển khai 3,5km đường vòi, chia thành 4 khu vực để dập lửa.

Báo cáo kết quả diễn tập, Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố cho biết, ở Hải Phòng trước đây đã xảy ra một số vụ cháy, nổ lớn phương tiện chở xăng, dầu khi đang làm hàng như vụ tàu Hải An (năm 2017), tàu Hải Hà (năm 2018). Do đó, cuộc tổng diễn tập lần này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, khẳng định sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng cháy chữa cháy, phục vụ cho sự phát triển hệ thống cảng biển của Hải Phòng. Cuộc diễn tập đã đưa Tàu Hải Phòng 01 trị giá 200 tỷ đồng - con tàu lớn nhất, hiện đại nhất về chữa cháy, cứu nạn ở Việt Nam – vào hoạt động thử nghiệm.

Tại buổi diễn tập, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Minh Cường đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác diễn tập. (Pháp Luật Việt Nam 18/01, tr16, An Thi; Baophapluat.vn 18/01; Truyền hình Nhân dân – Thời sự ngày 18/01)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Quan tâm, chăm lo Tết người có công, gia đình chính sách

Chiều 17/1, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng chí Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo tiêu biểu trên địa bàn huyện An Dương và quận Lê Chân. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội; lãnh đạo huyện An Dương, quận Lê Chân.

Tại các nơi đến thăm, thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Lê Anh Quân ân cần thăm hỏi sức khỏe, chúc Tết các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo. Đồng chí yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của các gia đình chính sách, hộ nghèo. (Baohaiphong.com.vn 17/01, Tiến Đạt)

Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng: Trao hơn 500 suất quà Tết tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Thực hiện các hoạt động chăm lo đối với trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chiều 17/1, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tổ chức chương trình “Tết ấm tình thương 2022”; trao 515 suất quà Tết tặng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố.

Dịp này, 110 trẻ em được nhận quà Tết của UBND thành phố, mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt; 415 trẻ em được tặng quà từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Tổng kinh phí tặng quà đạt gần 320 triệu đồng. Để phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng thực hiện trao quà tới đại diện Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các quận, huyện, đại diện lãnh đạo các trường. Các đơn vị chủ động, linh hoạt thực hiện trao quà tới các em trong điều kiện, thời điểm phù hợp.

Căn cứ tình hình thực tế, mỗi quận, huyện được phân bổ từ 22- 42 suất quà, riêng huyện Bạch Long Vĩ có 11 trẻ em được tặng quà. 5 đơn vị gồm: Làng nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Phượng, Làng trẻ em SOS Hải Phòng, Trường lao động xã hội Thanh Xuân, Trường khiếm thính Hải Phòng, Trường khiếm thị Hải Phòng được trao tặng tổng cộng 120 suất quà từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng. (Baohaiphong.com.vn 17/01, Mai Lê)

Ngày 17/1, huyện An Dương ghi nhận 296 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Phó chủ tịch UBND huyện An Dương Lương Thế Quý thông tin, trong ngày 17/12, toàn huyện phát sinh 296 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, Khu Công nghiệp Tràng Duệ (186 ca); xã Hồng Phong (108 ca); Đại Bản (48 ca); xã An Đồng (30 ca); xã Lê Lợi (21 ca); xã Lê Thiện (11 ca); xã An Hòa (13 ca); xã An Hồng (2 ca); Hồng Thái (25 ca). Liên quan đến các trường hợp, huyện bước đầu truy vết được 90 F1.

Như vậy, từ ngày 2/11/2021 đến ngày 17/1, toàn huyện ghi nhận tổng số 4.591 ca F0, trong đó, trên địa bàn các xã, thị trấn: 2.088 ca; Khu công nghiệp: 2. 393 ca (KCN An Dương 1.185, KCN Nomura 824, KCN Tràng Duệ 384). Tổng số 8.487 ca F1. Toàn huyện có 2.271 ca F0 khỏi bệnh; 2 273 ca điều trị tại nhà; 28 ca F0 điều trị tuyến thành phố.

Do số ca F0 những ngày gần đây có chiểu hướng gia tăng nên huyện An Dương chỉ đạo, yêu cầu các xã, thị trấn chủ động tìm kiếm, bố trí thêm địa điểm phục vụ việc cách ly, điều trị tại địa phương được thuận lợi hơn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát việc chấp hành của các trường hợp cách ly tại nhà và xét nghiệm theo đúng quy định; thường xuyên tập huấn, tập huấn lại cho các cán bộ y tế và các tổ chức, đoàn thể để phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch tại cơ sở. (Baohaiphong.com.vn 17/01, Tiến Đạt)

Quận Đồ Sơn: 606 trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh

Chiều 17/1, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn thông tin: Tính đến 16 giờ cùng ngày, trên địa bàn quận có 1.007 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong đó, 375/401 ca bệnh được điều trị tại cộng đồng, số còn lại được điều trị tại Trung tâm Y tế quận và các bệnh viện tuyến thành phố quản lý.

Tính riêng đợt dịch thứ 4 (ngày 30/4/2021 đến 17/1), toàn quận có 606 ca bệnh được điều trị khỏi bệnh. Về công tác tiêm chủng, toàn quận tiêm 86.628 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong đó có 40.979 mũi 1; 41.477 mũi 2 và 4.172 mũi bổ sung.

Trước đó, trong ngày 16/1, trên địa bàn quận Đồ Sơn phát sinh 45 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tập trung tại các phường: Hợp Đức 20 ca; Minh Đức 9 ca; Bàng La 10 ca…Toàn quận có 848 trường hợp thực hiện cách ly y tế tại nhà; 1.136 trường hợp đang thực hiện theo dõi sức khỏe, giám sát y tế tại địa phương. Có 9.612 người thực hiện ký cam kết và khai báo y tế bằng phầm mềm QR Code của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Đối với các phường phát sinh nhiều ca F0, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận kịp thời bổ sung nhân lực đối với các Trạm Y tế lưu động để bảo đảm việc hướng dẫn, chăm sóc F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà và đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm công nghệ thông tin và thành lập các nhóm Zalo để tư vấn, chăm sóc sức khỏe người bệnh. (Baohaiphong.com.vn 17/01, Văn Cường)

Công an quận Hải An: Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 87,5%

Sáng 17/1, Công an quận Hải An tổ chức tổng kết công tác năm 2021 và triển khai công tác năm 2022. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an thành phố và lãnh đạo Quận ủy, UBND, HĐND quận Hải An.

Năm 2021, tội phạm hình sự trên địa bàn quận Hải An giảm 4 vụ so với năm 2020 (tương ứng giảm 5,9%). Các lực lượng công an quận đã điều tra khám phá 56/64 vụ, đạt 87,5%; xác lập 2 chuyên án; bắt giữ, xử lý 135 vụ việc liên quan đến hành vi đánh bạc, bán đề thuê; 49 vụ vi phạm pháp luật về ma túy với 56 đối tượng; thu giữ tang vật là trên 15,2g ma túy các loại…

Đến hết năm 2021, Công an quận Hải An thụ lý 118 vụ án với 103 bị can; đã tiến hành điều tra, xử lý 92 vụ với 81 bị can, đạt tỷ lệ 82%. Trong năm 2021, trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an quận Hải An đạt danh hiệu “Đơn vị Tiên tiến”; có 6 đơn vị trực thuộc Công an quận đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” của Công an thành phố.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an thành phố ghi nhận đánh giá cao những kết quả Công an quận Hải An đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời yêu cầu Công an quận Hải An tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp Giám đốc Công an thành phố về giữ gìn an ninh trật tự địa bàn; tham mưu Quận ủy, UBND quận về công tác Công an; phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội địa bàn.

Trong đó, tập trung bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của quận trong mọi tình huống; kiềm chế và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy; nâng cao chất lượng xử lý tố giác, tin báo tội phạm. Trước mắt, Công an quận Hải An tập trung cao cho đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông phục vụ Tết nguyên dán Nhâm Dần 2022 và lễ hội Xuân 2022. (Anhp.vn 17/01, Đoàn Lanh)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng - Điểm sáng thu hút đầu tư

Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hải Phòng đạt 5,149 tỷ USD, cao nhất cả nước, tăng gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước (thu hút FDI năm 2020 là 1,531 tỷ USD). Trong đó, Hải Phòng thu hút được 29 dự án FDI mới với số vốn 327,45 triệu USD; 52 dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm là gần 2,63 tỷ USD. (Truyền hình Nhân dân – Thời sự ngày 17/01)

Hải quan Hải Phòng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2022

Phát huy thành tích vượt thu ngân sách ấn tượng trong năm 2021, ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động có các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước. Năm 2022, đơn vị phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách của năm 2022 là 66.630 tỷ đồng; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... (Hải quan 18/01, tr7, Thái Bình)

Hải Phòng: Tổ chức 18 điểm chợ hoa Xuân năm 2022 trong dịp Tết

UBND TP. Hải Phòng vừa đồng ý với chủ trương của UBND các quận, huyện: Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Kiến Thụy và Cát Hải về tổ chức chợ hoa Xuân năm 2022. Theo đó, TP. Hải Phòng sẽ tổ chức 18 điểm chợ hoa Xuân năm 2022 tại các địa phương trên trong dịp Tết từ ngày 12-31/01/2022 (tức từ ngày mùng 10-29 tháng Chạp). (Baoxaydung.com.vn 17/01, Hải Nguyên)

Hải Phòng: Xem xét hỗ trợ quyền lợi của tiểu thương chợ Sắt theo quy định của pháp luật

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa thực địa kiểm tra tiến độ xây dựng Khu chợ tạm tại khu đất số 20 đường Trường Chinh, quận Kiến An để phục vụ việc di chuyển các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Sắt hiện nay trong khi chờ xây dựng chợ Sắt mới. Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định thành phố sẽ xem xét kỹ lưỡng các kiến nghị của hộ kinh doanh và hỗ trợ quyền lợi của tiểu thương theo quy định của pháp luật. (Baoxaydung.com.vn 17/01, Đăng Hùng)

Hải Phòng: “Siêu thị mini Tết 0 đồng” giúp người lao động khó khăn đón Tết đầm ấm

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ gia đình, người lao động khó khăn được mua sắm các nhu yếu phẩm để chuẩn bị đón Tết và vui xuân, Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Hải Phòng, Hội Nữ doanh nhân TP. Hải Phòng tổ chức “Siêu thị mini Tết 0 đồng” tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu. (Congthuong.vn 17/01)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố