THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Hải Phòng, hướng tới kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản của Huyện và 185 năm thành lập huyện Vĩnh Bảo (1838-2023), Đảng bộ, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Việt Tiến kỷ niệm 75 năm ngày thành Chi bộ Đảng.
Việt Tiến là vùng quê giàu truyền thống văn hoá và cách mạng, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Nhân dân Việt Tiến luôn khẳng định được sức mạnh đại đoàn kết của mình trong lao động sản xuất, chế ngự thiên nhiên và anh dũng đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Từ khi có Đảng lãnh đạo, những truyền thống tốt đẹp đó được nhân lên gấp bội, đồng thời trở thành ngọn nguồn to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.
Cách đây 75 năm, ngày 15/05/1948 Chi bộ Đảng Cộng sản xã Đoàn Thượng, tiền thân của Đảng bộ xã Việt Tiến ngày nay được thành lập. Từ khi có Chi bộ Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng của quê hương liên tiếp giành được nhiều thắng lợi quan trọng: kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, Đảng ủy, chính quyền, mặt trận và các ban ngành, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương làm cho nhịp độ kinh tế tăng lên nhanh chóng; năm 2022 đạt trên 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm... có giá trị ngày càng cao.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 58 triệu đồng. 100% số hộ có nhà ngói, nhà xây kiên cố. Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã làm thay đổi hẳn diện mạo quê hương; đến năm 2019 Việt Tiến hoàn thành mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Văn hóa - xã hội có những bước phát triển, toàn diện, bền vững. Công tác quân sự địa phương, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
Năm 2023 Việt Tiến hoàn thành vượt chỉ tiêu giao quân, được UBND huyện biểu dương khen thưởng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được tăng cường. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ được củng cố. Thành tựu của giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp- nông thôn và xây dựng nông thôn mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo mà Việt Tiến đạt được như ngày hôm nay là do tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, thông qua chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tạo thành.
Qua 75 năm, với 30 kỳ Đại hội, từ lúc Chi bộ thành lập năm 1948 có 20 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã đã có 293 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ. Có 367 lượt đồng chí được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên, trong đó có 11 đồng chí được tặng Huy hiệu 60 đến 75 năm tuổi Đảng. Đảng bộ luôn đoàn kết, thống nhất, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, giữ vai trò tiền phong gương mẫu, gắn bó với Nhân dân hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Hàng năm có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 2022 có 3 tập thể, 46 cá nhân được khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; chính quyền xã trải qua 20 cuộc bầu cử; quyền dân chủ của Nhân dân, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân tiếp tục được phát huy. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội của xã luôn thể hiện được vai trò của mình trong tập hợp, đoàn kết đoàn viên và hội viên, là cầu nối quan trọng giữa Đảng với dân, góp phần làm nên những thành tựu to lớn qua từng giai đoạn cách mạng.
Sự trưởng thành và sự lãnh đạo đúng đắn của Chi bộ, Đảng bộ trong suốt 75 năm qua là nhân tố quan trọng quyết định mọi thắng lợi của phong trào cách mạng ở quê hương. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là:
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù sáng tạo để xây dựng quê hương. Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Phải chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Đảng bộ thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân, coi đó là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh vượt lên mọi khó khăn giành thắng lợi.
Những thành tựu và những bài học kinh nghiệm qua 75 năm của Chi bộ, Đảng bộ và Nhân dân mãi mãi là những tài sản vô giá, pho sử bằng vàng để Việt Tiến tiếp bước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”. (Doanhnghiephoinhap.vn 16/5)
Sáng 16/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) 4 tháng năm 2023 trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Theo báo cáo của ngành chức năng, tổng thu NSNN trong tháng 4/2023 là 7.789 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng là 31.831,9 tỷ đồng, đạt 30,4% dự toán Trung ương giao, đạt 27,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 88,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa thực hiện trong tháng 4 là 2.470,9 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng là 10.602,9 tỷ đồng, đạt 33,8% dự toán Trung ương giao, đạt 24,9% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 80,6% so với cùng kỳ (tương ứng hụt 3.563,7 tỷ đồng so với tốc độ bình quân 4 tháng). Thu hải quan trong tháng 4 là 5.306,3 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng là 19.929,8 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán Trung ương giao và HĐND thành phố giao và bằng 92,5% so với cùng kỳ (tương ứng hụt 3.370,1 tỷ đồng so với tốc độ bình quân 4 tháng).
Ngoài ra, một số chỉ tiêu thu nội địa chưa đạt tiến độ là khoản thu khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực đầu tư nước ngoài; thuế bảo vệ môi trường; lệ phí trước bạ; thu tiền sử dụng đất. Riêng thu tiền sử dụng đất, theo dự toán HĐND thành phố giao năm 2023 là 13.000 tỷ đồng, nhưng lũy kế 4 tháng mới thu đạt 1.161,7 tỷ đồng; có 11/14 quận, huyện chưa đạt tốc độ bình quân thu tiền sử dụng đất.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương phải quán triệt, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.
Đối với kết quả thu tiền sử dụng đất chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu một số Sở, ngành liên quan và các địa phương chủ động phối hợp, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục, hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ một số dự án, triển khai đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng kế hoạch, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm soát các khoản thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ; tăng cường đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tiếp tục đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; tăng cường chống gian lận hóa đơn; chống thất thu thuế, nhất là thu thuế từ hộ kinh doanh, thuế tài nguyên, từ hoạt động thương mại điện tử, thuế nhà thầu xây dựng vãng lai. (Baoxaydung.com.vn 16/5, Vĩnh Bảo; Daidoanket.vn 16/5)
Ngày 16/5, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam thực địa kiểm tra tiến độ triển khai dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và dự án Đầu tư xây dựng Nhà điều trị bệnh nhân 7 tầng tại Bệnh viện Kiến An.
Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hải Phòng được xây dựng trên diện tích đất 2.605,9 m2, thời gian thực hiện từ năm 2016 – 2024, với tổng mức đầu tư gần 142 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương là 90 tỉ đồng, ngân sách thành phố là gần 52 tỉ đồng.
Dự án xây dựng 2 khối nhà 9 tầng với tổng diện tích sàn 9.087 m2 cùng các hạng mục phụ trợ gồm: nhà chứa rác 1 tầng, bể nước sinh hoạt, bể nước cứu hỏa, bể xử lý nước thải, sân đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom nước thải, cấp điện, chiếu sáng ngoài nhà...
Đến thời điểm hiện nay, nhà thầu đã thi công đạt 35% khối lượng hợp đồng (đang triển khai xây dựng phần thô đến tầng 9), vượt kế hoạch đề ra 45 ngày, dự kiến hoàn thành dự án trong tháng 12/2023.
Tỉ lệ giải ngân năm 2022 đạt 100%, tương đương 38,8 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Năm 2023, chưa phân bổ nguồn vốn. Hiện, Ban Quản lý dự án và nhà thầu thi công đề nghị thành phố cho phép điều chỉnh tỉ lệ thanh toán giai đoạn của hợp đồng lên 95% giá trị hợp đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết, trong tuần này, UBND thành phố sẽ có quyết định phân bổ vốn cho công trình, đề nghị nhà thầu tập trung nhân lực, trang thiết bị, triển khai lắp đặt đường điện, nước,… đẩy nhanh tiến độ, phải hoàn thành dứt điểm công trình trước ngày 31/12/2023.
Với tiến độ công trình nêu trên, và xét nguồn vốn được phân bổ, lãnh đạo thành phố nhất trí với đề xuất điều chỉnh tỉ lệ thanh toán giai đoạn của hợp đồng lên 95% giá trị hợp đồng. Trong quá trình xây dựng, đề nghị nhà thầu lưu ý công tác phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, đảm bảo kết cấu bê tông, thép, thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra chất lượng công trình theo quy định.
Cùng ngày, Đoàn thực địa kiểm tra tiến độ dự án đầu tư xây dựng nhà điều trị bệnh nhân 7 tầng tại Bệnh viện Kiến An. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Quản lý dự án và Nhà thầu thi công hoàn thành các công trình theo tiến độ nêu trên, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường. (Laodong.vn 16/5, Mai Dung; Daidoanket.vn 16/5)
Hàng năm, TP. Hải Phòng đều đón nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến thăm và làm việc. Chỉ riêng trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, hàng chục đoàn khách từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hải Phòng. Đây tiếp tục là tín hiệu vui, mở ra cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng như logistics, năng lượng sạch, chuyển giao công nghệ, tăng trưởng xanh…
Dịp này, Tập đoàn Sao Đỏ đã tận dụng cơ hội xúc tiến đầu tư tại chỗ khi có mặt trong các cuộc làm việc của chính quyền TP. Hải Phòng với các đoàn khách nước ngoài.
Ngày 14/4/2023 Tập đoàn Sao Đỏ đã làm việc với đại diện của gần 80 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tại Việt Nam đến thăm và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hải Phòng. Đoàn đã đến thăm quan khu công nghiệp (KCN), cảng nội khu KCN Nam Đình Vũ và trung tâm công nghiệp GNP Nam Đình Vũ.
Chia sẻ tại chuyến thăm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá cao những lợi thế, cũng như tiềm năng thu hút đầu tư của KCN Nam Đình Vũ.
Ông Michael Chiu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) nhận định: “Hải Phòng là một thành phố phát triển, chính quyền Hải Phòng rất cởi mở và có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, KCN Nam Đình Vũ đang có rất nhiều lợi thế như nằm trong khu vực phi thuế quan, có cơ sở hạ tầng tốt và đặc biệt có cảng biển quốc tế nội khu, rất dễ dàng kết nối chuỗi cung ứng. Với những lợi thế này, KCN Nam Đình Vũ sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại đây”.
Còn ông David Jackson - Tổng giám đốc Công ty Colliers Việt Nam cho hay: “Sau khi khảo sát tại KCN Nam Đình Vũ, tôi nghĩ rằng KCN Nam Đình Vũ còn rất nhiều tiềm năng phát triển, với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư dài hạn tại đây”
Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết: “Các cuộc xúc tiến đầu tư của Hải Phòng với các doanh nghiệp quốc tế sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các bên. Về phía khu KCN Nam Đình Vũ, chúng tôi có cơ hội quảng bá trực tiếp về hình ảnh và những lợi thế của KCN, về hạ tầng và cơ sở vật chất của khu đến trực tiếp các nhà đầu tư. Trước đây, chúng tôi xúc tiến qua thư mời, qua phần mềm công nghệ thực tế ảo (VR) - tái hiện hình ảnh của KCN và các tiện ích trong khu trong không gian 3D ảo. Do đó, đây là cơ hội để họ kiểm chứng thực tế những thông tin mình đưa đến cho nhà đầu tư và qua đó, họ đánh giá được cơ hội cũng như tiềm năng xem KCN có phù hợp với điều kiện để họ đầu tư hay không”.
“Chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Tập đoàn Sao Đỏ sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để đón dòng vốn mới vào KCN Nam Đình Vũ”, ông Nguyễn Thành Phương - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ khẳng định.
Ông Phương còn cho biết thêm, khi đến thăm KCN Nam Đình Vũ thông qua các cuộc làm việc với thành phố, các nhà đầu tư không chỉ tìm hiểu về hạ tầng, mà họ còn tìm hiểu cả chuỗi cung ứng trong KCN, liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu với nhau.
KCN Nam Đình Vũ có tổng diện tích 1.329 ha, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, hiện đã thu hút được trên 50 dự án FDI đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… Với cảng biển nội khu, cùng hệ sinh thái logistics được đầu tư hiện đại và đồng bộ đã tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho Nam Đình Vũ. Đó là KCN duy nhất tại Hải Phòng có cảng biển quốc tế nội khu. Khu vực này hiện có 7 cầu cảng container và hàng tổng hợp, kho bãi ngoại quan cùng nhiều tiện ích khác.
Đại diện Tập đoàn Sao Đỏ cho biết hiện giai đoạn I của KCN Nam Đình Vũ rộng 370 ha đã lấp đầy. Giai đoạn II với diện tích 959 ha đã được triển khai đầu tư hạ tầng từ năm 2019 với 3 phân khu. Trong đó phân khu 1 rộng 220 ha đã hoàn thành cơ sở hạ tầng, hiện đang thu hút đầu tư và tỷ lệ lấp đầy đã đạt 85%. Phân khu 2 rộng 280 ha đang tiến hành san lấp và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2023. Phân khu còn lại rộng 459 ha đang tiến hành san lấp và sẽ hoàn thành trong quý IV/2025 để kịp phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Thời gian tới Tập đoàn Sao Đỏ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư tập trung vào các khách hàng tiềm năng cao như chuỗi cung ứng của Pegatron, các công ty thuộc tập đoàn lớn có tên tuổi như GE, Doosan, SKC, Mitsubishi, Flat… (Vietnamnet.vn 16/5, Hồng Nhung)
Hải Phòng vốn được biết đến là mảnh đất với nhiều truyền thống lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và tiềm năng về du lịch sinh thái cộng đồng. Để mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với Hải Phòng, thời gian qua, địa phương này đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới. Hải Phòng CityTour (Du lịch nội đô) là một trong những sản phẩm được địa phương này xây dựng để làm đa dạng, hấp dẫn hơn du lịch thành phố trong mắt du khách.
Tuy nhiên, sau khi ra mắt sản phẩm này, phần lớn khách du lịch đến Hải Phòng theo hướng đơn lẻ thông qua Foodtour, đến các điểm tham quan trên địa bàn thành phố đơn thuần là để check-in; chưa thu hút được các đoàn khách lớn, hay các du khách muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa – lịch sử thành phố.
Các chuyên gia nhận định, thời gian qua, khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện, Hải Phòng có thêm các điểm check-in, tham quan, tuy nhiên điều đó là chưa đủ. Đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường 2 bờ sông Tam Bạc từng được đưa ra, nhưng đến giờ vẫn chưa thể hình thành phố đi bộ ban đêm, khiến thiếu đi sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Vì vậy, muốn xây dựng được các sản phẩm lữ hành CityTour, cần sớm liên kết các điểm, sản phẩm du lịch để tạo ra chuỗi các điểm đến.
Theo ông Hoàng Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, muốn xây dựng được các sản phẩm lữ hành CityTour, Sở Du lịch Hải Phòng cần thể hiện rõ vai trò định hướng, hỗ trợ xúc tiến các tour du lịch nội đô mang nét đặc trưng riêng của Hải Phòng. Đồng thời, cần bảo đảm sự kết nối giữa công ty lữ hành với các điểm đến, đơn vị biểu diễn nghệ thuật…
Được biết, mới đây, Sở Du lịch Hải Phòng đã phối hợp với Vietravel chi nhánh Hải Phòng tổ chức chương trình quảng bá du lịch Hải Phòng và giới thiệu sản phẩm du lịch mới “Free Walking Tour”.
Theo đại diện Sở Du lịch Hải Phòng, sản phẩm du lịch "Hải Phòng - Free Walking tour" sẽ đưa du khách đến thăm các di tích và thắng cảnh nổi tiếng tại khu vực trung tâm TP. Hải Phòng, như: Hồ Tam Bạc, Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Nhà hát Thành phố, Quán hoa, Bảo tàng, Bưu điện trung tâm, cầu Hoàng Văn Thụ và trải nghiệm những món ăn nổi tiếng của Hải Phòng, như: bánh mì cay, trà cúc… Tham gia sản phẩm du lịch mới này, du khách hoàn toàn không mất chi phí, được hướng dẫn viên giới thiệu, thông tin chi tiết về các công trình, kiến trúc và hiểu hơn về lịch sử, văn hóa và con người Hải Phòng. Mỗi điểm đến trong tour du lịch này sẽ là một câu chuyện thú vị về Hải Phòng để du khách trải nghiệm và khám phá.
Ông Vũ Huy Thưởng – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Thông qua sản phẩm mới này, Sở Du lịch Hải Phòng kỳ vọng sẽ bổ sung thêm một sản phẩm du lịch chất lượng, góp phần hoàn thiện Hải Phòng City tour, gia tăng trải nghiệm của du khách khi tham quan khu vực nội đô TP. Hải Phòng”.
Ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, các sản phẩm du lịch sẽ được Sở Du lịch hoàn thiện để mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, níu chân du khách khi đến với Hải Phòng. Với sản phẩm du lịch mới sản phẩm du lịch Free Walking Tour sẽ được tổ chức vào mỗi thứ 7 hàng tuần và được quảng bá trên các nền tảng số của Sở, nhằm giới thiệu đến rộng rãi người dân và du khách. Khi tham gia “Free walking tour”, du khách hoàn toàn không mất chi phí, được tặng kèm mũ, nước, được hướng dẫn viên giới thiệu thông tin tại các điểm đến.
Tham gia đi bộ trải nghiệm các điểm đến trong chương trình Free Walking Tour, anh John Durham – Du khách Mỹ cho biết, thông qua các bạn hướng dẫn viên, anh biết Hải Phòng là thành phố có nhiều dấu tích lịch sử như Tượng đài Nữ tướng Lê Chân là biểu tượng của vị nữ anh hùng có công khai khẩn, lập nên làng An Biên (Hải Phòng ngày nay). Người dân Hải Phòng rất thân thiện, món ăn ngon, đặc biệt là bánh mỳ. Đây là thành phố đáng yêu và anh sẽ đưa người thân tới thăm nơi này trong thời gian tới.
Theo Sở Du lịch TP. Hải Phòng, tính hết tháng 4/2023, Du lịch Hải Phòng ước đón và phục vụ hơn 1,9 triệu lượt khách, tăng 23,78% so với cùng kỳ 2022. Trong đó khách quốc tế gần 325 nghìn lượt, hơn 493% so cùng kỳ 2022. Doanh thu ước đạt hơn 1,7 tỷ đồng. Năm 2023, Hải Phòng phấn đấu đón khoảng 7,5 triệu lượt khách.
Do vậy, việc nhiều sản phẩm mới của du lịch Hải Phòng đã và đang được xây dựng, hoàn thiện sẽ góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Vân Anh - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Với mong muốn tìm đến một địa điểm gần với Hà Nội, tôi và nhóm bạn đã chọn Hải Phòng để tham quan, trải nghiệm vào đúng dịp địa phương này tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ. Khi đi trên tàu, tôi đã được nghe giới thiệu về sản phẩm du lịch mới "Hải Phòng- Free Walking Tour". Và khi đặt chân đến Ga Hải Phòng, chúng tôi hoàn toàn choáng ngợp với không khí trẻ trung, sôi động, náo nhiệt ở đây.
Tôi đã được trải nghiệm Foodtour Hải Phòng, tham quan một số địa điểm nổi tiếng theo gợi ý của bản đồ Check-in và đắm mình trong đêm hội Hoa Phượng đỏ. Sau chuyến đi này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn bè và quay lại Hải Phòng trong dịp gần nhất để tiếp tục thưởng thức các món ngon của Hải Phòng, trải nghiệm các điểm du lịch nội đô mà tôi chưa kịp đến dịp này. Tôi cũng hy vọng Hải Phòng tiếp tục có những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước”.
Ông Nguyễn Nam Phương - Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hải Phòng cho biết: "Sản phẩm Hải Phòng - Free Walking tour sẽ mang đến một trải nghiệm mới, thú vị, không ô nhiễm môi trường, giúp người dân, du khách hiểu thêm về giá trị văn hóa lịch sử của Hải Phòng. Chúng tôi chọn chủ đề là “Free walking tour - Hải Phòng một thoáng xưa”, để những du khách thi tham gia chương trình sẽ có những trải nghiệm ôn lại ký ức, kỷ niệm của Hải Phòng xưa, cũng như hiểu hơn về sự phát triển của Hải Phòng ngày nay".
Cũng theo ông Phương, Hải Phòng có rất nhiều điểm du lịch đẹp, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Trong thời gian tới, phía doanh nghiệp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan cho ra mắt từ 2-3 sản phẩm du lịch nữa để giới thiệu thêm cho du khách về các điểm đến hấp dẫn của Hải Phòng. (Diendandoanhnghiep.vn 17/5, Hải Ngân - Minh Phương)
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về việc tiếp tục triển khai thực hiện xác thực sinh trắc học, xác thực và sử dụng căn cước công dân, hộ chiếu gắn chip điện tử đối với hành khách đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế).
Cụ thể, Cục Hàng không cho biết tiếp tục triển khai xác thực sinh trắc học, xác thực và sử dụng căn cước công dân, hộ chiếu có gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đối với hành khách đi tàu bay; thí điểm ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong làm thủ tục tại sân bay Phú Bài theo phương án do ACV đề xuất. Thời gian thí điểm trong 13/5-13/6.
Đối với việc thí điểm tại Cảng HKQT Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài, Cục Hàng không đề nghị ACV thực hiện phương án thí điểm theo phương án tại Cảng HKQT Phú Bài, chỉ điều chỉnh những chi tiết để phù hợp đặc điểm riêng của mỗi cảng hàng không.
Trước đó, việc sử dụng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục hàng không được thí điểm tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Hành khách qua cửa an ninh sẽ đưa căn cước công dân gắn chip qua máy quét. Camera quét nhận diện khuôn mặt của khách và đối chiếu với hình ảnh gốc trong kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trao đổi với Zing, ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không), cho biết giải pháp công nghệ này chỉ khả thi khi Cơ sở dữ liệu về dân cư được ngành công an kết nối, chia sẻ tốt, đồng thời thông tin, hình ảnh về công dân phải có sẵn trong kho dữ liệu này.
Ông Hùng cho biết tương lai, camera và máy quét thay thế nhiệm vụ của nhân viên an ninh. Công nghệ này giúp tăng tốc độ kiểm tra an ninh, giảm ùn tắc và nhanh chóng phát hiện các trường hợp công dân bị cấm bay, cấm xuất cảnh, sử dụng giấy tờ giả... (Zingnews.vn 15/5; Pháp Luật Việt Nam 17/5, tr10)
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên tuyến vận tải đường thủy Hải Phòng - Bắc Ninh hiện có khoảng 56 khu công nghiệp (chiếm 65-68% lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, đạt 4 triệu Teus/năm) là tiềm năng rất lớn để có thể khai thác.
Hiện tại, loại sà lan trọng tải 128 Teus có thể hoạt động thông suốt với chiều dài toàn tuyến đạt 120km từ cảng biển Hải Phòng đến cảng cạn (ICD) Tân Cảng Quế Võ (Bắc Ninh), qua các tuyến sông Cấm - sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống.
Theo ước tính của Cục Đường thủy nội địa, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang - Thái Nguyên sẽ chiếm tới 40% tổng sản lượng hàng xuất nhập khẩu khu vực phía Bắc. Tuyến vận tải đường thủy từ cảng biển Hải Phòng đến Bắc Ninh cùng các tỉnh lân cận chính là tuyến huyết mạch.
Tuy nhiên, tỉ lệ vận tải container bằng đường thủy nội địa đi, đến cảng biển Hải Phòng hiện nay chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng hàng hóa.
Chủ trương phát triển tuyến vận tải đường thủy kiểu mẫu từ ICD Tân Cảng Quế Võ đến cảng biển Hải Phòng đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo xây dựng từ năm 2020. Cụ thể, tỉnh Bắc Ninh đã được Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư hệ thống cảng cạn Quế Võ, cảng thủy nội địa với kho bãi 9,6ha (giai đoạn mở rộng sẽ đạt 100ha).
Còn tại TP. Hải Phòng, bến cảng Lạch Huyện rộng 41ha, có thể tiếp nhận cùng lúc hai phương tiện 160 Teus vào. Ngoài ra, Hải Phòng còn có Tân Cảng với diện tích rộng 2ha, cầu tàu có thể dành riêng để tiếp nhận tàu.
Cục Đường thủy nội địa dự kiến lộ trình tuyến vận tải đường thủy nội địa kiểu mẫu từ khu vực cảng biển Hải Phòng đến ICD Tân Cảng Quế Võ bao gồm: cảng Lạch Huyện - kênh Cái Tráp - sông Cấm - sông Hàn - sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống - ICD Quế Võ.
Theo UBND TP. Hải Phòng, để xây dựng tuyến vận tải đường thủy Hải Phòng - Bắc Ninh, việc cần làm là phải cải tạo, nâng cấp hệ thống luồng tuyến đường thủy với đầy đủ đèn báo hiệu, thiết bị phụ trợ đảm bảo giao thông thông suốt từ cảng Hải Phòng đến ICD Tân Cảng Quế Võ, Bắc Ninh.
Cùng với đó là việc hình thành đội tàu với những tàu vận chuyển container bằng đường thủy trọng tải khoảng 128 Teus. Ngoài ra, các ICD, bến thủy nội địa, kho bãi là đầu mối giao thông kết hợp phương thức thủy - bộ, đồng thời cũng là điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện Cục Đường thủy nội địa đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng luồng tuyến, hệ thống báo hiệu để sà lan trọng tải lớn có thể hoạt động. Đặc biệt là việc triển khai dự án xây mới, nâng tĩnh không của cầu Đuống.
Dự kiến khi hoàn thành có thể nâng chiều dài toàn tuyến đạt 220km, kết nối thuận lợi từ Hải Phòng đến các tỉnh, thành: Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Theo tính toán của chuyên gia, nếu vận tải bằng đường thủy thì chi phí vận tải chỉ bằng khoảng 1/3 so với đường bộ. Cụ thể, nếu đi bằng đường thủy thì chủ hàng chỉ phải chi từ 700.000 - 1,3 triệu đồng/container, trong khi đó nếu vận tải bằng đường bộ sẽ mất khoảng 2,5 - 4 triệu đồng/container.
Mục tiêu trong năm 2023 sẽ hoàn thành triển khai các giải pháp về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian vận tải trên tuyến đạt 5% và giảm chi phí vận tải cho mỗi container thêm khoảng 5%. (Tuoitre.vn 16/5, Tiến Thắng)
Sở Giao thông - Vận tải thành phố vừa có Quyết định 482/QĐ-SGTVT ngày 15/5/2023 về việc đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu xe của 6 đơn vị không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến vận tải khách theo tuyến cố định trong thời gian 60 ngày liên tục.
Các đơn vị, gồm: Công ty TNHH vận tải Kết Đoàn, Công ty Cổ phần XK Thành Long, Công ty TNHH vận tải Đại Dương, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Anh Kiên, Công ty TNHH Thương mại vận tải Sơn Trường Phát và Công ty CP DK Trường Anh.
Theo đó, Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng yêu cầu các đơn vị tải vận tải vi phạm vi chậm nhất sau 7 ngày kể từ khi Quyết định cấm hành động phải thu hồi phù hiệu về Sở. Đồng thời, tổ chức kiểm tra chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận điều hành vận tải đường bộ; điều chỉnh lại phương án kinh doanh cho phù hợp.
Nếu có nhu cầu tiếp tục khai thác tuyến và sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì đơn vị kinh doanh vận tải phải làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và cấp lại hiệu lực theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 của Nghị định số 47/2022/NĐ-CP.
Quyết định cũng yêu cầu, bến xe hai đầu tuyến không làm thủ tục cho xe ra, vào bến xe đối với các giờ và phương tiện thuộc diện đình chỉ khai thác tuyến nêu trên. (Daibieunhandan.vn 16/5, Khôi Nguyên; TTXVN/Baotintuc.vn 16/5; Doanhnghiephoinhap.vn 16/5; Ngaymoionline.com.vn 16/5)
HĐND TP. Hải Phòng khóa XVI vừa ra nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo vỉa hè, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Lợi và một số tuyến đường nội đô thành phố.
Tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ đường Văn Cao đến Trạm bơm Kiều Sơn, chiều dài khoảng 0,83km) sẽ được cải tạo, mở rộng phía phải tuyến; Kết cấu hè đường bằng gạch bê tông giả đá; Thay thế toàn bộ bó vỉa; Đan rãnh cũ bằng đan rãnh mới kết hợp bó vỉa bê tông xi măng giả đá.
Đồng thời, cải tạo hệ thống thoát nước mặt, nước thải trên tuyến, di chuyến và thay thế các cây xanh; Đầu tư xây dựng dải vườn hoa, cây xanh trong phạm vi giữa vỉa hè được xây mới đến hè đường Bạch Thái Bưởi.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ cải tạo, mở rộng tuyến đường Lê Lợi (điểm đầu giao với đường Cầu Đất, điểm cuối tại Ngã 6 Máy Tơ, chiều dài khoảng 1,36km). Quy mô chủ yếu cải tạo, mở rộng mặt đường sang mỗi bên trung bình 2m để đảm bảo bề rộng mặt đường tối thiếu 12m, chiều rộng tối thiểu của hè đưòng mỗi bên là 3m.
Đối với các đoạn từ ngõ Đội Cấn đến nút giao Phạm Minh Đức và từ ngõ 182 đến ngõ 212, mở rộng trung bình mặt đường bên trái tuyến 5m, mặt đường bên phải tuyến 2m. Cải tạo hè hiện trạng hai bên tuyến bằng gạch bê tông giả đá, thay thế toàn bộ bó vỉa, đan rãnh cũ bằng đan rãnh mới kết họp bó vỉa bê tông xi măng giả đá.
Đồng thời, hạ ngầm hệ thống điện, điện chiếu sáng trên tuyến, lắp đặt các thiết bị điện. Cải tạo hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nâng ga hiện trạng trên hè, thay thế nắp ga hư hỏng. Di chuyển và thay thế một số cây xanh trên tuyến.
Hải Phòng cũng sẽ chỉnh trang 16 tuyến đường nội đô thành phố với tổng chiều dài 11,18km; Tổng mức đầu tư dự án là 434.008 triệu đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.
Địa điểm thực hiện dự án trên địa bàn các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An. Thời gian thực hiện năm 2023-2026.
Các hạng mục tại dự án bao gồm chỉnh trang khu đô thị, giải phóng mặt bằng khu đất có tổng diện tích 14.543 m2.
Cũng trong kỳ họp vừa qua, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành chủ trương đầu tư dự án chỉnh trang đô thị khu vực bến xe Lạc Long cũ với tổng mức đầu tư hơn 196 tỷ đồng trên địa bàn phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024. (Baogiaothong.vn 17/5, Lê Dũng)
Sáng 16/5, thông tin từ Công an TP. Hải Phòng, Đội Cảnh sát giao thông số 1- Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt vừa phát hiện 1 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả.
Hồi 9h30 ngày 4/5, Tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt trong khi làm nhiệm vụ kiểm soát vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã tiến hành dừng xe ôtô đầu kéo mang biển kiểm soát 26C-034.50 kéo rơ- moóc biển kiểm soát 29R-027.99 để kiểm tra hành chính. Lái xe là Dương Văn Thắng (sinh năm 1988, trú tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), chấp hành và xuất trình giấp phép lái xe.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, tổ công tác nghi vấn giấy phép lái xe của Dương Văn Thắng xuất trình là giả nên đã lập biên bản ghi nhận sự việc, bàn giao người và tang vật cho Công an phường Nghĩa Xá (quận Lê Chân) để xử lý theo quy định.
Theo kết luận giám định sau đó, giấy phép lái xe trên là giả. Công quận Lê Chân đã tạm gjữ hình sự Dương Văn Thắng về hành vi sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức và tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Đội Tham mưu, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an thành phố về tổng kiểm soát phương tiện xe ôtô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, rơ-moóc, lực lượng CSGT được phép dừng xe kiểm tra hành chính bất kỳ trường hợp nào, kể cả những trường hợp không phát hiện vi phạm. Mục đích của việc này nhằm xử lý nghiêm những lỗi vi phạm chỉ qua kiểm tra mới có thể được phát hiện. (Laodong.vn 16/5, Mai Dung)
Sáng 16/5, Công an TP. Hải Phòng cho biết, lực lượng chức năng vừa cứu hộ 2 nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra tại số 657 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Hải 1 (quận Hải An).
Hồi 0h14 ngày 16/5, Trung tâm 114 - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an TP. Hải Phòng nhận được thông tin cần cứu hộ tai nạn giao thông xảy ra tại số 657 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đông Hải 1, quận Hải An.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận 1 nạn nhân là nam giới, một nửa người và 2 chân cùng xe máy mắc kẹt tại phía phần đầu trên xe container đầu kéo biển kiểm soát 15C 15790 (rơ móc 15R 08171).
Chỉ huy tổ công tác đã nhanh chóng động viên nạn nhân và ra lệnh triển khai khoanh vùng, kê bánh xe và triển khai kích tay, đội hình kích thủy và gối nâng, kết hợp với xe nâng hàng của người dân gần đó nhấc một phần đầu xe lên, nhanh chóng đưa nạn nhân ra ngoài khu vực an toàn, sau đó phối hợp cùng người thân của nạn nhân đưa nạn nhân lên xe cấp cứu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.
Thông tin sơ bộ, nạn nhân nam được đưa ra khỏi đầu xe công được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện là Đỗ Thành L. (sinh năm 2010, trú tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng), bị thương ở phần chân và tay. Ngoài ra, lực lượng Công an cũng đưa một nạn nhân nữ bị thương phía bên ngoài đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp. (Laodong.vn 16/5, Mai Dung; Cand.com.vn 16/5; Vtv.vn 16/5; Doisongphapluat.com 16/5; Zingnews.vn 16/5; Công an nhân dân 17/5, tr1; Kênh ANTV – Nhật ký an ninh lúc 22h08 ngày 16/5)
Ngày 16/5, Công an TP. Hải Phòng cho biết, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt vừa bắt đối tượng chống người thi hành công vụ.
Hồi 19h35 ngày 8/5, Tổ công tác của Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. Hải Phòng thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến đường Bùi Viện, đoạn khu vực gần ngã ba Bùi Viện - Đồng Xá thuộc phường Thành Tô, quận Hải An.
Tại đây, Tổ công tác Đội CSGT số 2 đã ra tín hiệu dừng phương tiện, để kiểm tra hành chính đối với người điều khiển phương tiện là xe ôtô đầu kéo mang biển kiểm soát 15C-162.34 kéo rơ-moóc biển kiểm soát 15R- 089.53. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện là Mai Văn Tám (sinh năm 1986, đăng ký hộ khẩu tại xã Nga An, huyện Nga Sơn, tĩnh Thanh Hoá) không chấp hành tín hiệu dừng xe để kiểm tra mà tiếp tục đi về hướng cầu Rào.
Tổ công tác đã buộc Tám phải điều khiển xe ôtô dừng lại và lập biên bản vụ việc ban đầu, bàn giao đối tượng, phương tiện cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hải An xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ tài liệu điều tra, ngày 9/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hải An đã ra quyết định tạm giữ hình sự Mai Văn Tám về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, theo Điều 330 Bộ Luật hình sự 2015. (Laodong.vn 16/5, Băng Tâm; Baogiaothong.vn 16/5)
Ngày 17/5, Công an TP. Hải Phòng cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng thông báo tìm người chứng kiến vụ tai nạn giao thông.
Công an quận Hồng Bàng, Công an TP. Hải Phòng đang điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra khoảng 5h5 ngày 6/5/2023 tại cầu Bính thuộc địa phận phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng.
Cụ thể, vào thời điểm trên, anh Mai Văn Trịnh, SN 1980, trú tại xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, là lái xe của Công ty TNHH vận tải Kỷ Nguyên, điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS 29C - 558.27 kéo theo rơ mooc xi téc BKS 29R - 500.59 chở xi măng đi theo hướng từ Thủy Nguyên - cầu vượt nút giao Nam Cầu Bính.
Khi xe ô tô do anh Trịnh điều khiển qua cầu Bính, đang di chuyến xuống dốc cầu Bính thuộc địa phận phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng thì xảy ra va chạm với ông Phạm Văn D, SN 1945, trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng, đang đi bộ. Hậu quả ông Phạm Văn D tử vong tại hiện trường.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng đề nghị người dân nào chứng kiến hoặc biết thông tin liên quan đến vụ việc trên cung cấp thông tin cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng, Hải Phòng địa chỉ: Số 55 Bến Bính, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng hoặc liên hệ Điều tra viên Phạm Thế Duyệt số điện thoại: 0942.224.868. (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 17/5)
Vào ngày 19-20/5 tới, Yamaha Motor Việt Nam sẽ đem đến một chương trình đặc sắc dành riêng cho các bạn sinh viên Hải Phòng mang tên Campus Tour 2023.
Với chủ đề “Shine Your Style - Tỏa sáng phong cách riêng” thể hiện tinh thần của ba mẫu xe: Yamaha Janus, Yamaha Grande và xe điện Yamaha NEO’S, sự kiện hứa hẹn mang lại sân chơi bùng nổ cho các bạn trẻ. Tại đây các bạn sinh viên có thể thư giãn sau giờ học và chuỗi ngày thi cử căng thẳng, thể hiện cá tính và ghi dấu kỷ niệm với bạn bè thông qua loạt hoạt động đặc sắc.
Cùng nhìn lại các hoạt động hấp dẫn Yamaha Campus Tour đã từng mang đến các trường đại học trên cả nước và sắp tới là Đại học Hàng hải Việt Nam. Đặc biệt, Yamaha Motor Việt Nam sẽ chiêu đãi các bạn sinh viên một đêm gala nhạc hội ngập tràn màu sắc và âm thanh sống động, với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tài năng hàng đầu: Isaac, Lyly, Hoàng Duyên, Đinh Tùng Huy cùng DJ Huy DX và DJ Bunnie. (Vietnamnet.vn 16/5, Bích Đào)
Chiều 16/5, Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Công an thành phố (CATP) thay mặt Giám đốc CATP khen thưởng đột xuất thành tích của Công an quận Ngô Quyền trong công tác "làm sạch" dữ liệu dân cư, thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD), định danh điện tử.
Theo đó, trong 11 ngày đầu triển khai kế hoạch cao điểm 20 ngày cao điểm cấp CCCD gắn chíp và định danh điện tử cho học sinh tham gia các kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT 2023 và công dân đủ điều kiện nhưng chưa được cấp CCCD trên địa bàn quận, toàn Công an quận thực hiện làm sạch dữ liệu là 2.388 trường hợp (trong đó 1.511 trường hợp thu nhận CCCD gắn chíp).
Phát biểu động viên cán bộ, chiến sĩ Công an quận Ngô Quyền, Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc CATP ghi nhận và biểu dương kết quả mà lực lượng Công an quận đạt được trong công tác thu nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử; đồng thời đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an quận, đặc biệt là sự quyết tâm, sát sao trong chỉ đạo của đồng chí Trưởng Công an quận. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc CATP đề nghị Công an quận Ngô Quyền tiếp tục duy trì những cách làm hay, hiệu quả để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu Giám đốc CATP giao theo đúng kế hoạch. (Anhp.vn 16/5, Tú Quyên)
Sáng 16/5, UBND xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện mô hình “Vùng giáo bình yên thôn Xuân Hòa”; triển khai mô hình “Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự địa bàn xã Bạch Đằng thông qua hệ thống Camera an ninh”.
Mô hình đảm bảo an ninh trật tự “Vùng giáo bình yên thôn Xuân Hòa” được triển khai từ tháng 11/2018, đến nay sau 5 năm đi vào hoạt động mô hình đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo được thế trận liên hoàn, chặt chẽ trong công tác giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự xã hội; đồng thời tăng cường xây dựng gắn kết mối đại đoàn kết toàn dân đặc biệt nhân dân theo lương giáo trên địa bàn.
Qua 5 năm, Tổ an ninh tự quản của thôn và nhân dân đã cung cấp cho công an xã 39 nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự, kết hợp với công an xã tuần tra kiểm soát chốt điểm trên 215 buổi.
Trong công tác vận động và thu hồi vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các tổ đã vận động nhân dân giao nộp 7 kiếm tự tạo, dao các loại; 12 tuýp sắt, 2 khẩu súng tự chế, 10kg pháo nổ. Bên cạnh đó tổ hòa giải của thôn đã hòa giải nhiều mâu thuẫn tại địa bàn thôn không để nhân dân có đơn thư khiếu kiện vượt cấp.
Để tiếp tục đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tại hội nghị Công an xã Bạch Đằng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai mô hình “Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã Bạch Đằng thông qua hệ thống camera an ninh”.
Theo kế hoạch, hệ thống camera an ninh của mô hình sẽ được lắp đặt tại 20 địa điểm với tổng số 31 mắt camera, mỗi địa điểm lắp đặt từ 1 đến 3 mắt camera trong đó các khu vực trọng điểm của xã, nơi hẻo lánh dễ phát sinh tội phạm được bố trí lắp đặt các camera dấu kín.
Tại hội nghị đã công bố các quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, quy chế phối hợp và ký kết giao ước thi đua trong triển khai thực hiện mô hình “Phối hợp bảo đảm an ninh trật tự địa bàn xã Bạch Đằng thông qua hệ thống camera an ninh”.
Nhân dịp này, Giám đốc công an thành phố tặng giấy khen cho 1 tập thể, 2 cá nhân, UBND huyện Tiên Lãng tặng giấy khen cho 5 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm triển khai thực hiện mô hình “Vùng giáo bình yên thôn Xuân Hòa”. (Anhp.vn 16/5, Trung Kiên)
Hiện nay, ở ngoại thành, nhiều nông dân tranh thủ ruộng cấy lúa kém hiệu quả hoặc ruộng bỏ hoang để chuyển đổi sang nuôi thủy sản nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để phát triển các mô hình này, nhiều nông dân mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển đổi đất đai và tạo nguồn vốn vay ưu đãi để yên tâm sản xuất.
Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Chinh ở xã Lê Lợi (huyện An Dương) thường xuyên đón nhiều nông dân ở các huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Trang trại này vốn là ruộng cấy lúa năng suất thấp được ông Chinh cải tạo thành vườn trồng thanh long. Tận dụng các rãnh thanh long, ông lót bạt, xả nước sạch vào nuôi một số thủy sản nước ngọt như cá rô đồng, ốc, ếch… Ông còn tự nhân giống các loài thủy sản nước ngọt này để chủ động nguồn giống thủy sản. Đây là một trong nhiều mô hình chuyển đổi từ sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao hơn trên địa bàn thành phố.
Theo Hội Nông dân và Hội Làm vườn Hải Phòng, hiện nay, ở ngoại thành nhiều nông dân năng động, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi đất sản xuất lúa sang nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Các mô hình này đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa. Tại những địa phương như: Chiến Thắng (An Lão), Tây Hưng (Tiên Lãng)…, người dân học hỏi kinh nghiệm để chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên các ruộng lúa năng suất bấp bênh. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng, trong giai đoạn 2020-2022, ở các huyện có 494 ha đất canh tác chuyển từ cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản.
Phần lớn các hộ cải tạo ruộng lúa nuôi thủy sản đều áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tế như: Lót bạt trong các ao nuôi, sử dụng quạt nước, giữ nguồn nước sạch bảo đảm nồng độ PH cho các ao nuôi. Có hộ còn sử dụng công nghệ hiện đại như "sông trong ao" để nuôi cá lăng. Để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả, các hộ tự học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố bạn; đồng thời được các cán bộ khuyến nông hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm hoặc tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật.
Trên thực tế, việc đầu tư, cải tạo từ đất ruộng lúa sang nuôi trồng thủy sản hiện các hộ dân gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Theo ông Nguyễn Văn Chinh ở xã Lê Lợi, việc chuyển đổi của ông mới được chính quyền địa phương cho phép, chứ chưa hoàn thành thủ tục, giấy tờ, vì diện tích chuyển đổi chưa đủ theo quy định.
Một số hộ đủ điều kiện về diện tích, nhưng quá trình chuyển đổi liên quan đến nhiều thủ tục, trong khi nông dân chưa được hướng dẫn cụ thể nên làm chưa đúng yêu cầu của cơ quan chức năng. Mặt khác, theo quy định, việc chuyển đổi phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch của thành phố về chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi trồng thủy sản muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng phải có kế hoạch, phương án hoặc dự án phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều hộ sản xuất nhỏ, lẻ rất khó để bảo đảm thủ tục này theo quy định. Chính vì vậy, một số hộ chỉ có hợp đồng thuê đất 20 năm với chính quyền các địa phương, chứ chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, toàn thành phố có 27 hộ nuôi thủy sản đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 15 của HĐND thành phố về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn thành phố, nhưng mới có 3 hồ sơ đủ điều kiện để được chấp thuận…
Qua khảo sát thực tế các hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang nuôi trồng thủy sản ở một số huyện, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tuất cho biết, để hỗ trợ các hộ sản xuất hiệu quả hơn trong năm 2023, Sở phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các địa phương tuyên truyền sâu rộng về Nghị quyết 15 của HĐND thành phố thống nhất cách triển khai hiệu quả, tạo điều kiện để nhiều hộ nông dân, trong đó có những hộ nuôi trồng thủy sản trên đất lúa được hỗ trợ theo nghị quyết này.
Các ngành chức năng tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn cụ thể giúp người dân có thể hoàn thiện các thủ tục, đủ điều kiện tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kế hoạch chuyển đổi đất lúa của Trung ương để tham mưu thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi đất lúa trên địa bàn, từ đó yêu cầu các quận, huyện căn cứ kế hoạch để triển khai.
Về phía chính quyền địa phương, cần tích cực phối hợp cơ quan chức năng để triển khai Nghị quyết 15 của HĐND thành phố, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới trong việc thu gom diện tích ruộng bỏ hoang hoặc ruộng canh tác lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản… Thêm vào đó, quy hoạch hợp lý vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên từng địa bàn; phối hợp cơ quan chức năng của thành phố hỗ trợ người có nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản làm thủ tục chuyển đổi nhanh gọn; hướng dẫn người dân xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất để bảo đảm điều kiện, yêu cầu thủ tục chuyển đổi…(Baohaiphong.com.vn 16/5, Hương An)
Thường trực HĐND TP. Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị thống nhất nội dung trình Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2023) của HĐND thành phố Khóa XVI. Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập chủ trì hội nghị. (Daibieunhandan.vn 16/5, Tuấn Nguyên)
Vừa qua, Đoàn công tác thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại TP. Hải Phòng. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường giới thiệu một số nét cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. (Baoxaydung.com.vn 16/5, Vĩnh Bảo)./.