Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 16/8/2016)
THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội và các vị khách quý;
Kính thưa các vị đại biểu HĐND thành phố;
Kính thưa toàn thể cử tri và nhân dân thành phố !
Hôm nay, HĐND thành phố khai mạc kỳ họp thứ 2 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2016, là kỳ họp đầu tiên xem xét, đánh giá và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Thay mặt Thường trực HĐND thành phố, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND thành phố, các vị khách quý đã về dự phiên họp. Xin chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu, cử tri và nhân dân thành phố sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính thưa các vị đại biểu
Kính thưa cử tri và nhân dân thành phố
Tại kỳ họp này, chúng ta sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, tiến hành phiên chất vấn 5 thành viên Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm, phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2015, quyết sách phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian còn lại của năm 2016 và quyết định một số nội dung quan trọng khác.
Như quý vị đã biết, từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV tới nay, và đặc biệt là sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, thành phố chúng ta đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tinh thần đổi mới từ phương pháp quản lý, chỉ đạo đến phong cách làm việc đã và đang lan tỏa trong bộ máy Đảng, chính quyền các cấp.
Những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đem lại thành quả rất tích cực thể hiện qua những con số ấn tượng của tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong nhiều năm lại đây, thu hút đầu tư trong và ngoài nước có bước đột phá mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng được tập trung triển khai quyết liệt, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố được cải thiện, an ninh quốc phòng được bảo đảm. Chúng ta đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, những kết quả kinh tế - xã hội của thành phố 6 tháng qua mới chỉ là bước đầu, dư địa phát triển của thành phố vẫn còn rất lớn. Kinh tế - xã hội thành phố còn nhiều vấn đề tồn tại, khiếm khuyết. Qua đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp này, chúng ta đều nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh mà chúng ta phải quan tâm giải quyết.
Những tồn tại, khuyết điểm từ sự chỉ đạo, quản lý đến thực thi nhiệm vụ của bộ máy hành chính, là những nội dung mà quý vị đại biểu cần quan tâm thảo luận để chúng ta có giải pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
Kỳ họp này là kỳ họp đầu tiên sau khi chúng ta hoàn thành xây dựng bộ máy lãnh đạo chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Do vậy, đây phải là kỳ họp đổi mới. Tôi đề nghị quý vị phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trao đổi đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri thành phố. Theo chủ trương của Thành ủy, phiên chất vấn sẽ được đổi mới một cách căn bản, không khuôn phép một chiều mà được tiến hành một cách cởi mở, chân thành giữa đại biểu và người trả lời chất vấn.
Do vậy, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố và các đồng chí giám đốc các Sở, ngành phải chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề, đi thẳng vào nội dung chất vấn của đại biểu, trả lời rõ ràng, làm rõ tồn tại, phạm vi trách nhiệm, tiến độ và thời gian khắc phục các khuyết điểm yếu kém.
Về phía các vị đại biểu, tôi đề nghị quý vị - trong thảo luận và chất vấn tập trung vào những vấn đề tồn tại lớn của thành phố, những điểm nghẽn trì trệ, cản trở sự phát triển của thành phố, nhằm mục đích đề ra các giải pháp tạo bước đột phá cho Hải Phòng trong thời kỳ phát triển mới.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND thành phố đề nghị cử tri và nhân dân thành phố tiếp tục thể hiện sự quan tâm, dành thời gian theo dõi và tham gia ý kiến, góp phần tạo nên thành công chung của kỳ họp.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa 15.
Xin trân trọng cảm ơn ! ( Báo Hải Phòng 16/08/2016)
2. Kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa 15: 6 tháng năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất từ năm 2010 đến nay
Đúng 8 giờ sáng nay 16-8, tại Trung tâm hội nghị thành phố kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa 15 chính thức khai mạc.
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ưởng Đảng, Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Mợi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó chủ tịch HĐND, UBND thành phố.
Trước đó, các đại biểu dự kỳ họp viếng đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ thành phố và Tượng đài đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Khuôn viên Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Tiệp.
Kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố khóa 15 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18-8, với các nội dung chủ yếu: xem xét tình hình thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố khóa 14 (nhiệm kỳ 2011-2016) về nhiệm vụ KT-XH, QP-AN thành phố 6 tháng đầu năm 2016, quyết định bổ khuyết nhiệm vụ, biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước thành phố năm 2015; điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; ban hành chương trình hoạt động giám sát 6 tháng cuối năm 2016 và chương trình hoạt động giám sát năm 2017 của HĐND thành phố khóa 15; chất vấn, xem xét trả lời chất vấn, báo cáo giải trình và một số nội dung khác.
Đổi mới phương thức và dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động chất vấn
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐND nhấn mạnh: Đây là kỳ họp đầu tiên sau khi thành phố kiện toàn các chức danh của bộ máy chính quyền. Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung quan trọng, quyết định chủ trương, giải pháp đúng đắn đối với các nội dung đã đề ra; đổi mới phương thức và dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bảo đảm tập trung, ngắn gọn, chính xác, rõ trách nhiệm tổ chức cá nhân, rõ nguyên nhân, rõ mục tiêu, giải pháp khắc phục.
Đồng chí cũng mong muốn, trong thời gian diễn ra kỳ họp, HĐND thành phố đề nghị toàn thể cử tri và nhân dân thành phố tiếp tục thể hiện sự quan tâm, dành thời gian theo dõi và tham gia ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 297% so với cùng kỳ, dẫn đầu cả nước
Báo cáo về tình hình thực hiện KT-XH và QP-AN 6 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố 6 tháng cuối năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: tình hình KT-XH thành phố 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả phấn khởi, khá toàn diện; phần lớn các chỉ tiêu đều đạt hoặc vượt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016. Trong đó, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước đạt 10,63%, cao nhất từ năm 2010 đến nay. Phần lớn các ngành, lĩnh vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, vốn đầu tư toàn xã hội, dư nợ tín dụng, lượng hàng qua cảng, thu ngân sách, khách du lịch. Lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều khởi sắc, thu hút vồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt kế hoạch năm đề ra, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín trong nước. Đến hết tháng 6 năm 2016, thành phố có 25 dự án được cấp mới, 18 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng số vốn thu hút trên địa bàn thành phố đạt 2.002 triệu USD, tăng 297% so với cùng kỳ, vượt 5,4% kế hoạch năm. Thành phố khánh thành, khởi công nhiều công trình, dự án lớn có ý nghĩa chiến lược phát triển giao thông đối ngoại, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Để hoàn thành và hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển KT-XH của năm 2016, những tháng cuối năm, thành phố tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tập trung thực hiện hiệu quả chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”; Khẩn trương thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong kế hoạch năm 2016; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích tiêu dùng; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, trọng điểm của thành phố như: dự án phát triển đô thị, khu đô thi xi măng, đường Đông Khê 2, công viên cây xanh Tam Bạc; phát triển văn hóa xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Tiếp đó, HĐND thành phố nghe Phó chủ tịch HĐND thành phố Dương Ngọc Tuấn báo cáo tổng hợp trả lời ý kiến cử tri chung của cử tri tham gia vào nội dung kỳ họp. Cử tri thành phố cho rằng, những tháng đầu năm 2016, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thành phố tập trung chỉ đạo nhiều việc lớn, quan trọng sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, tham gia Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Song với sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ
Tuy nhiên các cử tri cho rằng, tiền năng phát triển KT-XH thành phố còn lớn, thu ngân sách còn thất thoát, cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị còn hạn chế; kế hoạch xây dựng nông thôn mới còn chậm; còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, cháy nổ ở một số địa phương, đơn vị; tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông gia tăng….
Các đại biểu HĐND thành phố nghe đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố đọc tờ trình của UBND thành phố về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước thành phố năm 2015.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu HĐND thành phố nghe đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đọc tờ trình của UBND thành phố về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
HĐND thành phố nghe các tờ trình của Thường trực HĐND thành phố về: Nội dung kỳ họp HĐND thành phố khóa 15, nhiệm kỳ 2016- 2021; chương trình giám sát 6 tháng cuối năm 2016 và chương trình hoạt động giám sát năm 2017 của HĐND thành phố khóa 15; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Phạm Văn Mợi thông báo về công tác Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.
Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách thành phố Phạm Văn Phương trình bày báo cáo thẩm tra về việc: Thực hiện nhiệm vụ kinh tế- ngân sách 6 tháng đầu năm 2016; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước thành phố Hải Phòng năm 2015; điều chỉnh, bổ sung một số quy chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
Báo Hải Phòng điện tử tiếp tục cập nhận nội dung kỳ họp. (Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Mới đây, tại Sở KH&CN Hải Phòng đã diễn ra buổi làm việc giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) với TP Hải Phòng về việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật đối với hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại TP Hải Phòng.
Về phía TP Hải Phòng có: Ủy viên Ban thường vụ TU, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Bình, đại diện một số phòng, ban thuộc Thành ủy Hải Phòng, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Hải Phòng, Chi cục TCĐLCL Hải Phòng. Về phía Tổng cục TCĐLCL có Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cùng đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL.
Tại buổi làm việc, các đại biểu được nghe báo cáo hoạt động về TCĐLCL trên địa bàn TP Hải Phòng từ năm 2014 đến nay. Theo đó, thời gian qua, Chi cục TCĐLCL đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tốt về quản lý nhà nước về TCĐLCL sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP Hải Phòng theo Quy chế UBND TP đã ban hành, nhờ đó đảm bảo tăng cường hiệu quả, hiệu lực thống nhất quản lý nhà nước và tránh được những hạn chế, bất cập trong phân công nhiệm vụ; Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, quy hoạch, kế hoạch hoạt động TCĐLCL. Đồng thời tổ chức triển khai nhanh chóng các Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn về TCĐLCL ngay sau khi có hiệu lực…
Tham dự buổi làm việc, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cũng đã đề nghị cần đẩy mạnh công tác kiểm tra từ cấp xã, huyện để bám sát và nâng cao hoạt động này trên địa bàn TP Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Bình đã cảm ơn sự quan tâm của Tổng cục TCĐLCL tới hoạt động TCĐLCL tại TP Hải Phòng, đồng thời nhấn mạnh: việc thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác TCĐLCL là hết sức quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc hơn nữa để góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. (vietq.vn 16/08/2016)
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 2 tỷ USD. Trong đó, có 27 dự án được cấp mới và 19 dự án điều chỉnh tăng vốn. Trong thời gian tới, dự kiến có thêm 2 dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD. Đây sẽ trở thành điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư của Hải Phòng.
Đến nay, trong các khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải tại Hải Phòng có 217 dự án có vốn đầu tư FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 9,898 tỷ USD. Các dự án FDI tại Hải Phòng tập trung vào công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo các thiết bị điện tử, chi tiết và linh kiện công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, các sản phẩm đất hiếm... Chẳng hạn, Dự án sản xuất linh phụ kiện cho máy giặt, tủ lạnh và xe có động cơ với tổng vốn đầu tư 42,25 triệu USD của nhà đầu tư SL Electronics Co., Ltd. (Hàn Quốc) và mới đây là Dự án Nhà máy kính năng lượng mặt trời Flat Việt Nam của Công ty TNHH Flat (Hồng Kông) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD...
Hiện tại, Tràng Duệ là khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn vào Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư trong 2 năm 2015 - 2016 đạt gần 3,8 tỷ USD. Giai đoạn I của khu công nghiệp này với diện tích 187 ha đã được lấp đầy các dự án. Giai đoạn II với diện tích 214 ha cũng đã lấp đầy 70% diện tích.Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân dành cho khu kinh tế ven biển (miễn 4 năm, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân) để đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Nổi bật nhất trong năm 2016 là việc thu hút được dự án 1,5 tỷ USD của LG Display Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng. Đây là dự án tỷ USD thứ hai của Tập đoàn LG đầu tư vào Hải Phòng.
Cũng trong 2 năm (2015 – 2016), Khu công nghiệp Đình Vũ và Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng thu hút được nhiều dự án lớn, với vốn đầu tư tương ứng là 2,1 tỷ USD và 1,6 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia đổ vốn đầu tư nhiều nhất vào khu công nghiệp, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với gần 3,7 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản, với hơn 3,3 tỷ USD.
Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp như Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Khu công nghiệp Tràng Duệ, Khu công nghiệp Đình Vũ, Khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, TP. Hải Phòng đang tiếp tục chuẩn bị mặt bằng sạch tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng để đón nhà đầu tư mới. Cùng với đó, Thành phố đang tiến hành mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn III.
“Song song với việc thu hút nhà đầu tư, Thành phố đang tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật, công nghệ, tổ chức quản lý đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ và quản lý tiên tiến đầu tư vào các khu công nghiệp. Đồng thời, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư một cách chuyên nghiệp, có hiệu quả; thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn các dự án có suất đầu tư cao, vốn lớn, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo phát triển bền vững”, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chia sẻ quan điểm trong thu hút FDI. (Thanh Sơn - Báo Đầu tư 16/08/2016)
Thời gian qua, việc thực hiện khai báo thủ tục Biên phòng qua hệ thống biên phòng điện tử cảng biển trên địa bàn thành phố tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, đại lý hàng hải, chủ tàu trong việc khai báo, làm thủ tục. Tháng 7 vừa qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức lễ khai trương Cổng thông tin một cửa Bộ Quốc phòng chính thức kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia hướng đến bảo đảm tính thống nhất trong kết nối hệ thống xử lý thủ tục hành chính biên phòng cửa khẩu trong toàn quốc
Tiết kiệm chi phí, giảm đi lại
Đến Biên phòng Cửa khẩu cảng không khí làm việc không ồn ào, tấp nập người ra vào làm thủ tục xuất nhập cảnh. Các cán bộ Đội Thủ tục tập trung nhận số liệu các tàu từ các doanh nghiệp, đại lý hàng hải gửi về qua mạng nhập vào máy vi tính. Tốc độ hàng hóa qua cảng những năm qua tăng nhanh vì thế, Biên phòng Cửa khẩu cảng thành phố tập trung cao công tác cải cách hành chính trong công tác xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển, tạo hành lang thông thoáng cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới biển là ưu tiên hàng đầu. Chỉ trong 7 tháng năm 2016, sản lượng hàng hóa qua cảng trên địa bàn thành phố đạt trên 44 triệu tấn, tăng 13,5% so với năm 2015. Kết quả này có sự đóng góp thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Cửa khẩu cảng
Trước, thông thường khi tàu bắt đầu nhập cảnh, chủ phương tiện, các đại lý, doanh nghiệp khai thác đường biển thực hiện việc khai báo đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về phương tiện, thuyền viên, hành khách, hàng hóa, thời gian cập cảng sau đó mang chuyển đến Biên phòng Cửa khẩu cảng trình xem xét thông qua. Vì thế, doanh nghiệp rất vất vả trong việc đi lại. Trong trường hợp không đầy đủ giấy tờ, tàu phải neo đậu, chờ đến khi bổ sung đầy đủ giấy tờ mới được cập cầu. Nhưng từ khi thực hiện thủ tục biên phòng điện tử, các thủ tục được thực hiện qua các giao dịch điện tử rất thuận lợi, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều vừa tiết kiệm về chi phí, giảm đi lại. Tàu không còn cảnh chờ đợi mà khi cập cầu tầu được làm hàng, thuyền viên có thể lên bờ ngay - anh Đặng Tuấn Long, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Minh Long nhận xét.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại Hải Phong cho biết, một doanh nghiệp thường xuyên đón tàu du tàu du lịch biển cho biết, với việc triển khai thủ tục biên phòng điện tử, du khách đến với thành phố Cảng luôn được bộ đội biên phòng tạo điều kiện thuận lợi hoàn tất nhanh thủ tục nhập cảnh để khách lên bờ tham quan. Không chỉ riêng Hải Phong mà nhiều công ty đón khách du lịch biển khác cũng hài lòng với việc áp dụng thủ tục biên phòng điện tử cũng như phong cách làm việc của các chiến sĩ Biên phòng cảng.
Hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp
Theo quy trình, sau khi thông tin của các tàu được khai báo gửi về hòm thư điện tử của Biên phòng Cửa khẩu cảng, cán bộ làm công tác thủ tục nhanh chóng kiểm tra, xác báo hoàn thành thủ tục cho phép tàu cập cảng. Khi tàu cập cầu, thuyền viên, hành khách có thể lên bờ và tiến hành các hoạt động xếp dỡ hàng hóa ngay mà không cần phải chờ đợi hoàn thành thủ tục như trước đây. Thiếu tá Bùi Quang Tiến, Đội trưởng Đội thủ tục (Biên phòng Cửa khẩu cảng) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp, đại lý hàng hải truyền tải thông tin về tàu bè đến bằng thư điện tử nên rất thuận lợi. Thời gian hoàn thành thủ tục được rút ngắn từ 3 giờ như trước đây xuống còn 20 phút.
Để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đại lý hàng hải trong khai báo thủ tục, thời gian qua, Biên phòng Cửa khẩu cảng được đầu tư, nâng cấp nhiều loại máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý xuất nhập cảnh. Các dữ liệu về xuất nhập cảnh được mã hóa trên hệ thống máy tính. Khi cần thông tin, cán bộ quản lý xuất nhập cảnh có thể truy cập mà không cần các văn bản báo cáo rườm rà như trước đây. Từ việc khai báo thông qua hệ thống Biên phòng điện tử cảng biển giảm thời gian neo đậu, tiết kiệm chi phí đi lại; đẩy nhanh tiến độ xếp, dỡ hàng hóa, tạo sự thông thoáng, hấp dẫn đối với khách du lịch đến thành phố Cảng.
Đây là bước tiếp theo nhằm tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện tốt quy trình cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, kiểm soát hành chính, Đảng ủy, chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên trách làm công tác kiểm soát, xuất nhập cảnh có bản lĩnh chính trị vững vàng; nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiệp ước, hiệp định có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới và kiến thức nghiệp vụ cửa khẩu, đối ngoại biên phòng; có trình độ về ngoại ngữ, am hiểu về công nghệ thông tin; sử dụng hiệu quả các loại trang bị kỹ thuật phục vụ công tác làm thủ tục kiểm soát xuất nhập cảnh...Cùng với đó, tuyên truyền phổ biến những quy định, hướng dẫn mới về thủ tục biên phòng điện tử đối với các doanh nghiệp, đại lý hàng hải để các đơn vị tiếp cận. Qua đó để công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu đối với người, phương tiện và hàng hóa tại khu vực cửa khẩu cảng biển được thuận lợi, đạt hiệu quả cao, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế -xã hội thành phố. (Long Giang - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, quán triệt Chỉ thị 09 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, Công an TP Hải Phòng đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ ANTQ; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Theo ghi nhận từ các cơ quan chức năng TP Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị trên thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá, kinh tế thế giới phục hồi chậm, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến lợi ích, an ninh quốc gia, đến an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn TP Hải Phòng.
Theo đánh giá của Công an TP Hải Phòng, các đối tượng hình sự thời gian qua hết sức manh động, liều lĩnh, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó, nổi lên tình trạng những nhóm thanh niên tụ tập thành băng nhóm, càn quấy, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê.
Ngoài ra, tại Hải Phòng, xuất hiện hiện tượng xúi giục, tư vấn, kích động của một số cá nhân khiếu kiện đông người cũng gây phức tạp về an ninh trật tự. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trốn thuế; sản xuất, kinh doanh hàng giả; hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép heroin, ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Hải Phòng rồi đưa đi các địa phương khác tiêu thụ còn tiềm ẩn phức tạp.
Tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy với các chuyên đề xóa, phá các băng ổ nhóm tội phạm trên địa bàn; 6 tháng đầu năm, Công an TP Hải Phòng đã xác lập, phá 12 chuyên án hình sự, xóa 17 ổ nhóm tội phạm; bắt giữ 356 đối tượng phạm tội ma túy, thu giữ 1,7kg heroin, 10,6kg ma túy tổng hợp, 2,2kg cần sa; điều tra, xác minh, xử lý 135 vụ việc về vi phạm môi trường, 127 vụ việc về kinh tế, 1.298 vụ đánh bạc dưới các hình thức…Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca cho biết, trước tình trạng trên, Công an TP Hải Phòng đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Hải Phòng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự, phối hợp cùng với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành để quản lý chặt chẽ các đối tượng trọng điểm. Các đối tượng kích động biểu tình trên địa bàn với tinh thần không để “bị động, bất ngờ” trong mọi tình huống.
Hoạt động tuần tra vũ trang, vây ráp, kiểm tra hành chính các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự đã kéo giảm tỷ lệ tội phạm về phạm pháp hình sự giảm 2,45% so với cùng kỳ. Tỷ lệ điều tra khám phá trọng án đạt trên 90% án phạm pháp hình sự, bắt giữ 611 đối tượng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, trên địa bàn Hải Phòng đã không xảy ra tội phạm giết người, cướp tài sản.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, Công an TP Hải Phòng đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND TP Hải Phòng tập trung giải quyết ngay tại cơ sở các khiếu nại kéo dài của công dân tại một số dự án thu hồi đất để TP Hải Phòng không phải ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất như tại các dự án mở rộng, cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; dự án mở rộng Cụm công nghiệp Tân Liên, dự án Khu đô thị sinh thái đảo Vũ Yên…
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca nhấn mạnh, quán triệt Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, Công an TP Hải Phòng đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ ANTQ; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ngay tại địa bàn cơ sở, góp phần đưa Hải Phòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. (Đông Bắc - Báo Đại biểu nhân dân 16/08/2016)
Chiều 15-8, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại thành phố chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay; lấy ý kiến tham gia dự thảo Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo. Thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan dự.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình khẳng định, công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn thành phố thời gian quan bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, giới thiệu truyền thống lịch sử văn hóa của Hải Phòng, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư ở Hải Phòng đến đối tác, người dân, du khách và bạn bè quốc tế. Các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố chủ động, sáng tạo trong hoạt động đối ngoại thông qua bản tin, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài được xuất bản và phát sóng như Đài PTTH Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố... Đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình lưu ý, thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại thành phố tiếp tục bám sát chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước và thành phố, bảo đảm thông tin đối ngoại, chính xác, kịp thời, nội dung ngày càng sinh động, hấp dẫn hơn. (Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Sự cố an ninh mạng của Vietnam Airlines ngày 29-7 vừa qua được các chuyên gia nhận định là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng của cơ quan, đơn vị mình. Phóng viên Báo Hải Phòng có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Chỉ đạo lực lượng phản ứng nhanh, xử lý an ninh, an toàn thông tin mạng thành phố (Ban 114) Phạm Văn Tuấn, chung quanh các nội dung liên quan.
-Được biết thành phố rà soát và kiểm tra hệ thống an ninh mạng của các cơ quan, đơn vị, trong đó có hệ thống mạng của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Vậy thực trạng về an toàn, an ninh mạng trên địa bàn thành phố thế nào?
Ngày 29-7-2016, hệ thống thông tin thuộc sự quản lý của VietnamAirlines tại sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và một số đơn vị liên quan khác bị tấn công. Ngay sau đó, Ban Chỉ đạo lực lượng phản ứng nhanh về ứng phó, xử lý an ninh, an toàn thông tin mạng thành phố Hải Phòng (Ban 114) triển khai giải pháp, rà soát và kiểm tra hệ thống an ninh mạng của các cơ quan, đơn vị, trên địa bàn thành phố, trong đó có hệ thống mạng tại sân bay Cát Bi. Quá trình kiểm tra phát hiện website catbiairport.vn của Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng dẫn đến tin tặc có thể tấn công chiếm toàn bộ quyền quản trị, thay đổi nội dung website. Bộ phận kỹ thuật thực nghiệm khai thác chiếm quyền quản trị, thay đổi nội dung một số tin bài trên website và hướng dẫn Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi khắc phục.
Ngoài hệ thống website của Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Ban 114 nhận thấy nhiều website của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều lỗi nghiêm trọng đã bị tin tặc tấn công hoặc có nguy cơ tấn công rất cao. Hiện, Ban 114 đang tiếp tục rà roát và hướng dẫn các đơn vị khắc phục.
Lực lượng phản ứng nhanh về ứng phó, xử lý an ninh, an toàn thông tin mạng chủ động kiểm tra, hỗ trợ xử lý nhưng do các thiết bị công nghệ mạng phát triển nhanh, mạng internet kết nối toàn cầu, mạng xã hội, ứng dụng giả mạo trên di động, lây nhiễm qua USB, nguy cơ từ mã độc, nguy cơ từ tấn công DDoS, tấn công có chủ đích APT, internet of Things bùng nổ, …Trong khi đó, nguồn lực và trang thiết bị của Ban 114 còn hạn hẹp nên công tác rà soát và kiểm tra an toàn thông tin mạng của thành phố Hải Phòng còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
-Vậy với Hải Phòng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần có giải pháp gì để bảo đảm an ninh mạng?
-Qua vụ việc của Vietnam Airlines và tình hình an ninh mạng trong thời gian vừa qua cho thấy, bất kỳ website của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… nào cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của các tin tặc. Để bảo đảm an ninh mạng trong thời gian tới, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hết sức quan tâm tới công tác an toàn thông tin, chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá, nâng cao biện pháp phòng ngừa hệ thống, nâng cao chất lượng và đạo đức đội ngũ nhân lực, hoàn thiện quy trình bảo mật để giảm thiểu và ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp dựa vào tình hình cụ thể của đơn vị mình thực hiện các bước sau theo hướng dẫn khuyến cáo của VNCERT - Bộ TT&TT:
Cần có nhân viên/bộ phận chuyên trách hoặc thuê ngoài dịch vụ giám sát an ninh thông tin cho tổ chức. Các sự kiện hệ thống cần được lưu trữ tập trung hệ thống độc lập nhằm thuận tiện theo dõi, đồng thời lưu trữ thông tin cần thiết hỗ trợ truy vết sự cố, hạn chế việc tin tặc xâm nhập hệ thống, sau đó cố tình xóa dấu vết.
Thực hiện sao lưu các dữ liệu hệ thống đầy đủ, định kỳ và bản lưu trữ phải ở vị trí an toàn về mặt vật lý nhằm bảo đảm khả năng phục hồi dữ liệu trong tình huống xấu nhất khi hệ thống dữ liệu chính bị phá hủy hoàn toàn.
Đối với các hệ thống quan trọng cần thay đổi thường kỳ mật khẩu đăng nhập của các tài khoản đặc quyền - các tài khoản hệ thống có quyền hạn cao. Tránh sử dụng chung các định danh truy cập hệ thống.
Về lâu dài, cần có quy trình định kỳ thường xuyên rà soát các rủi ro có khả năng gây mất ANTT trên hệ thống và có phương án xử lý kịp thời; thường xuyên tiến hành các diễn tập, đào tạo ANTT để nâng cao tính sẵn sàng và tinh nhuệ của đội ngũ quản trị hệ thống CNTT; đầu tư các phương án tăng cường, gia cố về ANTT.
Trong trường hợp phát hiện hệ thống CNTT có dấu hiệu bị tấn công, cần thực hiện một số bước cơ bản như sau: Ghi nhận và cung cấp các hiện tượng, dấu hiệu ban đầu cho đơn vị chuyên trách xử lý sự cố an ninh thông tin. Ví dụ: chụp màn hình thể hiện hệ thống bị nhiễm mã độc, thu thập log và gửi cho đội ngũ chuyên gia; nhanh chóng cách ly hệ thống có dấu hiệu bị tấn công, đồng thời giữ nguyên hiện trường hệ thống đang bị nhiễm, tạm thời sử dụng hệ thống máy chủ dự phòng cho các hệ thống chính; tiến hành thay đổi mật khẩu toàn hệ thống, nhất là các hệ thống quan trọng như domain, cơ sở dữ liệu, ứng dụng core… . Backup dữ liệu mới nhất sang các bộ lưu trữ ngoài. Mặt khác, liên lạc ngay với đơn vị chuyên trách xử lý sự cố ANTTnhư: Ban chỉ đạo lực lượng phản ứng nhanh về ứng phó, xử lý an ninh, an toàn thông tin mạng thành phố Hải Phòng (Ban 114); Sở Thông tin và Truyền Thông Hải Phòng; VNCERT, Hiệp hội ATTT Việt Nam - VNISA, Cục An ninh mạng - Bộ Công An. (Phạm Lượng - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Vào 14h15’ ngày 15-8, nhà thầu thực hiện gác thành công dầm chính cầu Niệm 1, hạng mục quan trọng gói thầu CWA5 (nâng cấp cầu Niệm 1 và đường Trường Chinh), thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. Dầm chính cầu Niệm 1 kết cấu thép vòm với chiều dài 63,46m, chiều rộng 16,6m, đỉnh vòm cao trên 12m.
Còn theo Văn phòng điều hành gói thầu CWA5, khối lượng công việc thi công nâng cấp cầu Niệm 1 đạt trên 90% giá trị công trình. Hạng mục chính còn lại là việc gác dầm bê-tông cốt thép khoang cuối cùng (hợp long) bên đầu phía bờ Bắc (quận Lê Chân) với thời gian dự kiến thực hiện công việc này vào ngày 16 và 17-8 tới.
Hiện tại, trên công trường, nhà thầu đang tổ chức 5 mũi thi công 3 ca liên tục để rải thảm bê-tông nhựa mặt cầu, lắp đặt lan can, điện chiếu sáng, thi công đường dẫn bên phía bờ Nam (quận Kiến An).
Nhà thầu cam kết đảm thực hiện đến ngày 31-8 sẽ thực hiện thông xe kỹ thuật cầu Niệm 1, đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố. ( An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Với hệ thống camera được lắp đặt tại các ngõ phố, mọi hình ảnh dữ liệu nhất cử nhất động tại đây đều được truyền tải một cách sắc nét, cụ thể về trụ sở CAP 24/24h để phục vụ công tác bảo đảm ANTT. Kết hợp với việc sử dụng bộ đàm cầm tay trong tuần tra, kiểm soát, 1 năm qua, mô hình “Bảo đảm ANTT tại ngõ phố qua hệ thống camera” đã giúp các lực lượng chức năng phường Minh Khai (Hồng Bàng) phối hợp nhuần nhuyễn, hoạt động hiệu quả trong phát hiện, điều tra, khám phá nhanh các vụ việc phạm pháp...
Tính năng ưu việt
Trước thực trạng, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp; công tác bảo đảm ANTT ở các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, cơ sở lưu trú còn nhiều sơ hở, nạn trộm cắp tài sản trong các ngõ phố có dấu hiệu không ngừng gia tăng, gây tâm lý bức xúc trong nhân dân, để bảo đảm ANTT địa phương, từ giữa năm 2015, phường Minh Khai triển khai mô hình “Bảo đảm ANTT tại ngõ phố qua hệ thống camera” và mô hình này đã thực sự đem lại hiệu quả, trở thành “khắc tinh” của các loại tội phạm.
Thiếu tá Cao Tuấn Anh - Trưởng CAP Minh Khai cho biết: Sau khi tiến hành khảo sát, xin ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, CAP phối hợp với ban bảo vệ dân phố (BVDP) tiến hành lắp đặt hệ thống camera ở các vị trí xung yếu tại các ngõ phố. Các mắt camera giám sát này được kết nối với “Trung tâm chỉ huy” là CAP. Từ đây, hàng ngày, cán bộ trực ban CAP có thể quan sát diễn biến tại các ngõ phố liên tục 24/24h. Thông qua hệ thống camera, lực lượng chức năng có thể phát hiện kịp thời các sự cố xảy ra như cháy nổ, gây nguy hiểm đến tính mạng, thiệt hại về tài sản của người dân.
Đặc biệt, thông qua hệ thống camera giám sát, bất kể ngày hay đêm, cơ quan công an đều có thể nhận diện được nhanh các đối tượng lạ mặt, có biểu hiện khả nghi xuất hiện hoặc các vụ việc phạm pháp xảy ra trong các ngõ phố, từ đó nhanh chóng thông báo cho lực lượng đang tuần tra, kiểm soát qua hệ thống bộ đàm cầm tay và lực lượng BVDP để kịp thời triển khai phương án truy bắt đối tượng, phối hợp giải quyết. Nguồn dữ liệu mà hệ thống thu được cũng chính là nguồn tài liệu quý phục vụ quá trình điều tra, khám phá, giải quyết các vụ việc của cơ quan chức năng.
Đẩy lùi tội phạm
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, CAP đã triển khai đồng bộ các giải pháp tương trợ nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống camera mang lại. Hàng ngày, từ 0h đến 5h sáng, CAP phối hợp với lực lượng BVDP, bảo vệ các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, thanh niên xung kích và một số cá nhân tích cực trong các tổ dân phố, chia làm 2 tổ, mỗi tổ từ 3 đến 5 người tiến hành tuần tra, kiểm soát trên địa bàn; phối hợp với các đội nghiệp vụ CAQ Hồng Bàng tổ chức các buổi phục kích chống trộm cắp, cướp giật.
Từ khi có hệ thống camera giám sát 24/24h, nạn trộm vặt không còn tái diễn, ANTT tại các khu phố trên được giữ vững, ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị và tình cảm xóm phố của người dân lại được nâng lên, thắt chặt. Nhà nhà, người người truyền tai nhau về lợi ích mô hình mang lại. Việc gắn camera giám sát nhanh chóng lan rộng ra các khu phố khác. Đến nay, CAP đã vận động thêm người dân ở ngõ Phù Đổng tự nguyện đóng góp kinh phí, lắp đặt hệ thống camera. Toàn phường đã có 3 đầu ghi hình, 16 mắt camera, 2 tivi, 2 đầu CPU với tổng kinh phí gần 100 triệu đầu tư cho mô hình do người dân tự nguyện đóng góp.Ngoài ra, CAP còn tiến hành gắn các biển cảnh báo phòng ngừa tội phạm như: “Ngõ phố có gắn camera an ninh quan sát”, lập bảng treo “đường dây nóng” số điện thoại trực ban của CAP ở các khu dân cư để người dân dễ dàng liên hệ.
Với những tính năng vượt trội, hệ thống camera giám sát đã trở thành “trợ thủ” đắc lực cho CAP Minh Khai trong qua trình điều tra, phá án. Cũng từ đó, các đạo chích chuyên nghiệp nói riêng, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung đều sờn lòng, không dám hoạt động tội phạm trên địa bàn.
Theo đó, trong năm qua, số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn phường Minh Khai đã dần được kiểm soát. Nếu như, năm 2015 trên địa bàn phường xảy ra 23 vụ phạm pháp hình sự với 19 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản, 2 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Thì 6 tháng đầu năm 2016, toàn phường chỉ xảy ra 6 vụ trộm cắp, cướp giật tài sản. Các vụ việc phát sinh chủ yếu là do các đối tượng vãng lai gây ra.
Đơn cử như, vào 1h30’ ngày 26-2-2016, thông qua hình ảnh từ hệ thống camera thu được, CAP Minh Khai đã phát hiện Trần Đăng Hỏa, sinh 1979, ở tổ 8 khu 2 Dư Hàng Kênh, Lê Chân, đang điều khiển xe mô tô BKS: 16M7-9073 chở Đinh Thành Chung đến khu vực ngõ Phù Đổng, Hồng Bàng, có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác CAP đã nhanh chóng có mặt, yêu cầu hai đối tượng dừng xe để kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, phát hiện trong cốp xe của 2 đối tượng có 1 kìm, 1 mỏ lết và nhiều chìa khóa các loại để phục vụ cho việc bẻ khóa, trộm đạo. CAP đã đưa hai đối tượng trên về trụ sở tiến hành răn đe, kiểm điểm, thông báo và phối hợp cùng địa phương nắm tình hình, quản lý đối tượng.
Và một điều rất đáng ghi nhận là, nhờ đi sâu đi sát địa bàn nên hiện nay, người dân ở các khu phố có việc đi đâu vắng vài ngày cũng đều báo cho CAP để có biện pháp giám sát, bảo vệ tài sản giúp dân. Tinh thần cảnh giác, ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ vật tư tài sản của người dân được nâng cao. Mô hình đã thực sự góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình ANTT, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và lực lượng công an. (Khánh Chi - An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Đây là nội dung cuộc họp bàn biện pháp tổ chức phân làn tạm thời trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phục vụ thi công hạng mục khoan cọc bê - tông cốt thép (BTCT) các mố, trụ cầu và tường chắn thuộc Dự án cải tạo nút giao thông khác mức Lê Hồng Phong - Nguyễn Bỉnh Khiêm do Sở Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức ngày 12-8.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức giữa đường Lê Hồng Phong và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với mục đích xây dựng cầu vượt đường Lê Hồng Phong có quy mô cầu vĩnh cửu tuổi thọ 100 năm, kết cấu dạng vòm thép. Đây là công trình được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đầu tư theo cơ chế đặc biệt vừa thiết kế - vừa thi công. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, dự án phải hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ giao thông đô thị trước ngày 15-1-2017.
Đến nay, Liên danh nhà thầu (nhà thầu) đã thực hiện hoàn thành khoan nhồi bê-tông 20/24 cọc thuộc các trụ P1, P2, P3; tiến hành xén thu nhỏ đảo giao thông, trải bê-tông nhựa được 883m2; xén vỉa hè 1.670m2, xén thu nhỏ dải phân cách giữa được 442m2…
Giai đoạn tiếp theo, nhà thầu đưa ra biểu đồ thời gian thực hiện nhiều hạng mục công việc khác nhau và ở mỗi phân khúc thi công đòi hỏi yêu cầu về phương án điều chỉnh phân làn đường, cấm xe tạm thời khác nhau với mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Cụ thể, từ ngày 12 đến 28-8, công việc dự kiến là thi công cọc ép thử BTCT kích cỡ 350mm x 350mm và nén tĩnh thí nghiệm cọc tại 4 vị trí. Giai đoạn này, các loại máy móc thiết bị phục vụ thi công ép cọc và thí nghiệm cọc được tập kết chiếm bề mặt đường giao thông lớn, phần còn lại 5-7m dành cho các loại phương tiện lưu thông, nguy cơ dẫn đến ùn tắc giao thông rất lớn. Nhà thầu đề nghị cơ quan quản lý giao thông cho phép phương án cấm tạm thời xe công-ten-nơ, xe tải trên 15 tấn lưu thông bên trái tuyến theo hướng Hà Nội - Đình Vũ từ ngày 19 đến 28-8 tới.
Trong thời gian cấm đường, dự kiến việc tổ chức phân làn từ xa đối với loại xe công-ten-nơ và xe tải trên 15 tấn đi theo hướng Hà Nội - Đình Vũ thực hiện theo hướng: Nguyễn Văn Linh - Cầu Rào II - Phạm Văn Đồng - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Đình Vũ.
Tiếp theo từ ngày 29-8 đến 12-9-2016, công việc dự kiến là thi công ép cọc 350mm x 350mm đại trà của sàn giảm tải và tường chắn các nguyên đơn thuộc mố A0. Trong thời gian thi công hạng mục này, diện tích mặt đường dành cho các loại xe cơ giới lưu thông chỉ còn từ 4,5-8m. Do đó yêu cầu phương án tổ chức phân làn đường tạm thời từ xa, chỉ cho phép mỗi bên có 1 làn xe công-ten-nơ, xe tải trên 15 tấn lưu thông.
Tương tự, từ ngày 13-9 đến 15-10-2016, sẽ thi công đại trà ép cọc BTCT 350mm x 350mm và thi công tường chắn các nguyên đơn cầu vượt còn lại của cả 2 đầu cầu (mố A0 và mố A5). Mặt đường dành cho các loại xe cơ giới đường bộ lưu thông rộng 3,5m, chỉ đủ cho 1 làn phương tiện lưu thông. Do đó, nhà thầu kiến nghị cấm toàn bộ xe công-ten-nơ và xe tải trên 15 tấn lưu thông cả 2 hướng Hà Nội - Đình Vũ và ngược lại, mỗi bên chỉ cho 1 làn xe con, xe buýt, xe mô tô và xe thô sơ hoạt động với thời gian cấm 24/24h.
Việc phân làn từ xa đối với loại xe công-ten-nơ, xe tải trên 15 tấn của cả 2 chiều đường Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại được tạm điều chỉnh di chuyển Nguyễn Văn Linh - Cầu Rào II - Phạm Văn Đồng - Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Đình Vũ và ngược lại.
Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ đều đứng trước khó khăn chung là do không khai thác hết công suất phương tiện và tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên trục đường dẫn xuống cảng Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ xảy ra với mật độ dầy, thời gian ùn tắc ngày một dài hơn. Việc nhà thầu kiến nghị Sở GTVT tạm điều chỉnh phân làn từ xa khi cấm xe công-ten-nơ, xe tải trên 15 tấn đi theo hướng Nguyễn Văn Linh - Cầu Rào II - Phạm Văn Đồng - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Đình Vũ và ngược lại sẽ gây ra nhiều khó khăn khác cho doanh nghiệp vận tải. Cụ thể, hiện trạng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - đường Hồ Sen - Cầu Rào II (đường Võ Nguyên Giáp) rất hẹp.
Đối với loại xe đầu kéo công-ten-nơ, xe tải trên 15 tấn đều có chiều dài thân xe lớn, sẽ khó khăn khi vào cua, khó thoát xe và dễ gây ra ùn tắc cục bộ. Hoặc việc thi công khắc phục mặt đường Nguyễn Văn Linh kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông vận tải hàng hóa xuống cảng và giao thông đô thị.
Đặc biệt, phương án điều chỉnh phân luồng tạm thời nói trên sẽ làm cho chi phí vận tải tăng lên do đoạn đường xa và nhất là phí đường bộ lưu thông trên đường cao tốc quá đắt, doanh nghiệp khó có thể chịu nổi. Doanh nghiệp vận tải kiến nghị, Sở GTVT điều chỉnh phân luồng tạm thời trên trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ vào thời gian nhất định trong ngày, nhất là vào ban đêm.
Ngoài ra, cho phép các loại xe công-ten-nơ, xe có tải trọng trên 15 tấn được phép lưu thông trên trục Hoàng Diệu - Lê Thánh Tông vào các giờ thấp điểm, ban đêm. Hoặc kiến nghị cơ quan quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng áp dụng giảm cước phí đối với phương tiện qua lại trong thời gian tạm điều chỉnh phân làn giao thông phục vụ thi công dự án này.
Theo lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an thành phố làm nhiệm vụ trên tuyến, đã có bài học đắt giá từ việc thi công khắc phục gồ mặt đường trên trục đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà thầu thi công (Tập đoàn Sơn Hải) thi công chậm, kéo dài; nhiều khi cấp phép tạm điều chỉnh phân làn đường, cấm xe nhưng nhà thầu không thi công, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Do vậy, cơ quan quản lý chuyên ngành cần phải xem xét quy trình cấp phép thi công, quy trình ra thông báo cấm đường và đặc biệt là việc giám sát nhà thầu thi công thực hiện thông báo cấm đường.
Thực tế đã có tình trạng thời gian từ lúc ban hành đến khi có hiệu lực thông báo cấm đường rất ngắn. Việc tuyên truyền không thấu đặc biệt đối với chủ doanh nghiệp, lái xe ở các tỉnh, thành khác gây ra thắc mắc, khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên tuyến. Quan trọng hơn, lực lượng chức năng chuyên ngành kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm đối với nhà thầu thi công trong quá trình thực hiện lệnh điều chỉnh phân làn tạm thời phục vụ thi công trên công trường.
Sở Giao thông vận tải đã tiếp thu, bảo lưu các ý kiến để đưa ra phương án điều chỉnh phân làn giao thông tạm thời trên tuyến nhằm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng từ việc thi công dự án đối với giao thông đô thị cũng như đảm bảo tiến độ thi công dự án theo chỉ đạo của UBND thành phố. (Đoàn Lanh - An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Hiện nay, lượng khách du lịch đến Cát Bà tăng mạnh nên nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông trên đảo cũng tăng cao. Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, các doanh nghiệp vận tải nhằm ổn định giao thông, giảm thiểu rủi ro.
Tính đến tháng 7/2016, lượng khách du lịch đến với Cát Bà đạt 1.302.000 lượt khách, tăng 115% so với cùng kỳ. Đặc biệt, vào các ngày cao điểm, tổng lượng khách đến với Cát Bà đã lên đến 12.000 lượt và trung bình từ 8000 đến 9000 lượt khách mỗi ngày. Mặc dù, về cơ bản, hạ tầng cơ sở đáp ứng được nhu cầu ăn nghỉ và đi lại của du khách nhưng lượng khách thường tăng đột biến vào các ngày cuối tuần dẫn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ cũng tăng cao. Do đó, lượng phương tiện giao thông qua lại trên các tuyến đường chạy xuyên từ các bến phà Ninh Tiếp và Gia Luận tới trung tâm du lịch của đảo khá đông đúc. Đây là hai tuyến đường xuyên đảo dài hơn 20km, chiều rộng lòng đường từ 6-7m và có địa hình đồi núi, nhiều nơi có độ dốc lớn và khuất lái nên rất dễ xảy ra tai nạn. Tại khu trung tâm du lịch của đảo, số lượng du khách có nhu cầu di chuyển từ các nhà hàng, khách sạn tới chợ Cát Bà hay tới các bãi tắm (và ngược lại) rất lớn nên cần có một mô hình phương tiện chở khách phù hợp.
Trước tình trạng đó, các công ty xe điện phục vụ đưa đón khách trên đảo ra đời và đi vào hoạt động một cách hiệu quả, tránh tình trạng xe ôm chèo kéo khách. Đó là 03 công ty: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triên 69 (45 xe), Công ty TNHH Thương mại Quốc Hưng (17 xe), Trung tâm xe điện EG-Công ty CP Điện tử tin học Hải Phòng (18 xe).
Hơn 80 xe điện của 03 công ty trên hoạt động hết công suất vào các tháng cao điểm và cơ bản đã giải quyết được hầu hết nhu cầu đi lại của khách du lịch trên đảo, với giá 10.000 đồng/ lượt. Xe điện là phương tiện được các du khách lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, xe điện hoạt động nếu không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng cũng như các lãnh đạo công ty, rất dễ xảy ra sự hỗn loạn, tranh giành khách và dừng đỗ xe đón khách không đúng nơi quy định.
Để kiểm soát, ngày 14/7/2014, Sở Giao Thông Vận tải Hải Phòng ra thông báo số 198/TB-SGTVT quy định, xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện và động cơ xăng chỉ được hoạt động trên 2 tuyến: Quảng trường trung tâm du lịch đến chợ Cát Bà (và ngược lại); Quảng trường trung tâm Cát Bà - phố Núi Ngọc - đường 1-4 đến bãi tắm Cát Cò 1,2,3 (và ngược lại). Bởi đây là hai tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm và các bãi tắm nên nhu cầu sử dụng xe điện của du khách rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Cường, lãnh đạo Cty xe điện 69 cho biết: Cty có 45 xe điện hoạt động liên tục vào các tháng cao điểm của mùa du lịch. Lãnh đạo Cty thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các lái xe chấp hành đúng quy định, không tranh giành, chèo kéo khách, đi đúng các tuyến đường được Sở GTVT cho phép. Sở GTVT quy định cho phép xe điện chạy thử nghiệm trên đảo đến hết ngày 30/8/2016, sau đó những xe điện không có đăng kí sẽ không được đưa vào hoạt động. Cty xe điện 69 đã có 20 chiếc được đăng kí, còn lại sẽ gấp rút hoàn thành trước thời hạn.
Theo ông Phạm Văn Hợp, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cát Hải cho biết: Vào những ngày cuối tuần, lượng khách tăng đột biến, khách tắm biển đông, UBND huyện đã chỉ đạo Công an cấm các phương tiện lên bãi tắm Cát Cò 1 và 2 thời gian từ 15h đến 18h30 các ngày thứ 6 và thứ 7. Bởi đường vào vừa hẹp vừa dốc, lượng người đông, phương tiện giao thông qua lại rất dễ xảy ra ùn tắc và tai nạn.
Để kịp thời điều chỉnh phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên đảo, UBND huyện Cát Hải đã giao cho Công an huyện cùng Phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu về phương án và ban hành các Thông báo phân làn xe, cấm xe tại một số vị trí tuyến đường và điều phối giao thông khi có hiện tượng ách tắc giao thông xảy ra.
Công an huyện Cát Hải luôn bố trí cán bộ, chiến sỹ trực, tuần tra, tổ chức phân làn tại các vị trí có nguy cơ xảy ra ách tắc giao thông và các điểm có nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn giao thông trên các tuyến đường chạy xuyên đảo và các tuyến đường khác, xử lý hành chính với tất cả các phương tiện vi phạm. Cùng với đó, UBND huyện thường xuyên tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đảm bảo trật tự giao thông.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cát Hải, đặc thù đường xá có độ dốc lớn và các hệ thống đèn báo hiệu giao thông chưa được lắp đặt nhưng công tác lắp dựng, bảo dưỡng duy tu đường, sửa chữa các biển báo hiện luôn được thực hiện thường xuyên theo tháng và đột xuất khi có sự cố bởi Công ty Quản lý Công trình công cộng và Dịch vụ đô thị Cát Hải. Đặc biệt, trên các tuyến đường chạy xuyên đảo, các biển báo, gương cầu tại các khúc cua được lắp đặt đầy đủ, cùng hệ thống đường luôn sửa chữa, bảo dưỡng để tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn đảo Cát Bà, Sở GTVT đã phối hợp với UBND huyện Cát Hải tiến hành nâng cấp, cải tạo hệ thống đường tỉnh lộ 356 từ Đình Vũ đến thị trấn Cát Bà, UBND huyện cũng đề xuất cải tạo các Bến phà và phương tiện phà tại các Bến nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. UBND huyện cũng phối hợp cùng Sở GTVT, Công an thành phố đề xuất công tác quản lý đối với hoạt động xe điện, kiểm tra xử lý nghiêm các xe điện hoạt động trái phép, không đảm bảo an toàn, vi phạm trật tự giao thông.
Nhờ sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông trên Đảo đã giảm qua từng năm rõ rệt. Theo thống kê của Đội CSGT huyện Cát Hải, số vụ tai nạn giao thông trên đảo Cát Bà năm 2012 là 6 vụ, năm 2013 là 4 vụ, năm 2014 là 3 vụ, năm 2015 là 2 vụ, sáu tháng đầu năm 2016 là 2 vụ.
Tới đây, Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch huyện sắp hoàn thành, lượng du khách đến nghỉ mát sẽ tăng, được sự chỉ đạo của Sở GTVT TP Hải Phòng, Huyện ủy, UBND huyện đã đề ra các giải pháp để ổn định giao thông đó là: cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu vực bãi đỗ xe, tăng cường tổ chức phân làn, phân tuyến các phương tiện tham gia giao thông, cùng với đó là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người tham gia giao thông theo đúng quy định.
Rất mong trong thời gian tới, dưới sự nỗ lực của các cấp các ngành, đảo Cát Bà sẽ không có những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc nào xảy ra, để hòn đảo thực sự là địa điểm lý tưởng cho du khách tới nghỉ mát cũng như những người dân sinh sống tại đây.(Thanh Tùng - Ngọc Phương - Báo Công lý 16/08/2016)
Không để ý khi băng qua đường giao nhau với đường sắt, một xe Vios bị tàu hỏa húc văng 10 m, tài xế mắc kẹt trong xe, trọng thương.
Lúc 15 giờ 30 phút ngày 15/8, tại km 62+500, đoạn giao giữa đường bộ với tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (thuộc phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô khiến một người bị thương nặng.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, xe ô tô Vios mang biển kiểm soát 34A-157.56 do Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1984, trú tại Đồng Chè, xã Thượng Đạt, thành phố Hải Dương, điều khiển đi từ cổng làng Vũ Thượng, phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương ra Quốc lộ 5.
Khi băng qua đường sắt do thiếu quan sát nên ô tô đã bị tàu hỏa chạy chiều Hải Phòng - Hà Nội đâm vào. Cú đâm mạnh khiến xe ô tô văng xa khoảng 10 m và rơi xuống ruộng lúa ven đường. Tài xế mắc kẹt trong xe, trọng thương, xe ô tô bị hư hỏng nặng.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông và điều tra làm rõ vụ việc. Đoạn giao nhau giữa đường bộ và đường sắt nói trên không có rào chắn, chỉ có biển báo nhưng đã bị cây cối che khuất. (Mạnh Tú - Báo Tin tức 16/08/2016)
2 năm gần đây, trước thực tế vài chục vạn cử nhân, thạc sĩ trên toàn quốc tốt nghiệp mà chưa tìm được việc làm, lãng phí thời gian học và tiền của, nhiều gia đình bắt đầu thay đổi suy nghĩ, thay vì "bằng mọi giá phải vào đại học" thì động viên con đi học nghề.
Lợi cả đôi đường
Lợi ích dễ thấy nhất của học nghề là cơ hội có việc làm đối với học viên rất cao, tốt nghiệp xong có thể đi làm, có thu nhập ngay, thay vì lo lắng đi xin việc và thất nghiệp. Có nhiều cách lựa chọn học nghề, có thể học trung cấp hoặc cao đẳng nghề với thời gian 2-3 năm, hoặc học sơ cấp nghề dưới 12 tháng. Học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đều có thể lựa chọn nghề học phù hợp.
Giám đốc Trung tâm dạy nghề-Giáo dục thường xuyên huyện Kiến Thụy Phạm Hữu Kiên cho biết: "Từ năm 2013, sau khi sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường tổ chức tuyển sinh hệ vừa học văn hóa vừa học nghề. Tháng 6-2016, 2 lớp đầu với 52 học sinh tốt nghiệp nghề điện công nghiệp, cơ bản có việc làm. Thậm chí, học sinh chưa tốt nghiệp, đã có đơn vị đăng ký "bao" đầu ra". Để có điều này, Trung tâm dạy nghề-Giáo dục thường xuyên huyện Kiến Thụy liên kết đào tạo nghề với Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Hải Phòng (trước đây thuộc Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, nay trực thuộc Bộ Xây dựng). Với mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp xây dựng luôn "khát" lao động có tay nghề cao, lao động được đào tạo nên cơ hội đầu ra cho học sinh luôn rộng mở. Tương tự, tại Trung tâm dạy nghề-Giáo dục thường xuyên huyện An Lão, giám đốc Phan Hữu Thành cho biết: " Hiện trung tâm có 2 lớp với 64 học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề. Tháng 6-2017 các em sẽ tốt nghiệp". Trường cao đẳng nghề VMU hiện cũng tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vừa học nghề vừa học văn hóa với 4 lớp, hơn 130 em với các nghề điện, hàn, kế toán, cắt gọt kim loại.
Tiến sĩ Nguyễn Công Vịnh, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề VMU phân tích: " học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề sẽ có "lợi ích kép". Đó là khi ra trường học sinh sẽ có 2 bằng: bằng tốt nghiệp THPT về văn hóa và bằng trung cấp nghề. Các em hoàn toàn tự tin đi làm và có thu nhập. Thậm chí, năm cuối khi thực tập, các em đã có thể có thu nhập và có cơ hội lựa chọn nơi làm việc sau khi tốt nghiệp". Làm phép tính đơn giản, nếu tốt nghiệp THCS các em vừa học văn hóa, vừa học nghề, khi tốt nghiệp THPT đi làm sẽ tiết kiệm 2-3 năm học so với học sinh học xong THPT mới đi học nghề. Tính trung bình lương tháng 3 triệu đồng, các em sẽ có thu nhập 72-108 triệu đồng, trong khi học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề 2-3 năm sẽ phải chi phí khoảng 20-30 triệu đồng. Nếu đích cuối cùng là học nghề, ra nghề và đi làm thì rõ ràng việc học THPT theo cách vừa học văn hóa, vừa học nghề sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của.
Cần sự phân luồng rõ nét hơn
Qua tham khảo ý kiến của hiệu trưởng một số trường dạy nghề cũng như giám đốc Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên quận, huyện, nhiều ý kiến cho rằng để thu hút học sinh học nghề, tránh tình trạng “Thừa thầy, thiếu thợ”, cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp rất cần sự phân luồng rõ nét ngay từ bậc học THCS. Điều này rất quan trọng cho các em khi xác định được phương hướng, mục tiêu việc học tập của mình. Giám đốc Trung tâm dạy nghề-giáo dục thường xuyên huyện Kiến Thụy Phạm Hữa Kiên cho rằng, để thay đổi tâm lý trọng thầy hơn trọng thợ là quá trình tuyên truyền kết hợp với thực tế của đời sống xã hội. Việc định hướng cần sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương với các bậc cha mẹ, nhưng quan trọng nhất là nhà trường. Bởi hơn ai hết, các thầy cô giáo là người thường xuyên dạy dỗ các em sẽ biết được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh của mình. Theo Giám đốc Trung tâm dạy nghề-Giáo dục thường xuyên huyện An Lão Phan Hữu Thành, việc định hướng, phân luồng nên tập trung vào nhóm học sinh gia đình có hoàn cảnh kinh tế trung bình trở xuống; những học sinh có học lực ở mức trung bình; những học sinh thuộc các địa phương thuần nông, vùng xa trung tâm thành phố. Bởi mục tiêu cuối cùng của việc học nghề là đi làm và có thu nhập cải thiện điều kiện kinh tế cho bản thân và gia đình.
Đối với việc vừa học văn hóa vừa học nghề, học sinh cũng có nhiều sự lựa chọn, đó là có thể học tại Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên các quận, huyện nơi có liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề đào tạo các ngành nghề phù hợp để thuận tiện cho việc đi lại, song cũng có thể học tại trụ sở của các trường nghề. Việc phân luồng học sinh học nghề có thể thực hiện ngay cả khi học sinh học tại các trường THPT khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường THPT với các cơ sở dạy nghề. (Ví dụ mỗi năm lựa chọn một số lớp có điểm chuẩn đầu vào thấp để liên kết vừa học văn hóa vừa học nghề). Làm được điều này cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo của các sở, ngành liên quan, đồng thời là sự tâm huyết, nhiệt tình của lãnh đạo trường THPT vì tương lai “trọng thợ, trọng thầy”, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cho địa phương, thành phố. (Phương Nam - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Với người Hải Phòng, khi nhắc về bưởi, người ta nghĩ ngay đến bưởi Lâm Động (huyện Thủy Nguyên). Tuy nhiên, những năm gần đây, do hệ thống tưới tiêu kém, bà con lại chăm bón không đúng cách nên nhiều vườn bưởi diện tích bị thu hẹp.
Về xã Lâm Động ( huyện Thủy Nguyên) đúng vào giai đoạn “đeo quả” (“bao quả”) bưởi. Nhiều vườn bưởi, một cây có đến trăm quả. Trái bưởi xanh tròn, lúc lỉu được bao bọc bởi túi nilon ngăn các loại côn trùng tấn công. Nhưng có vườn, trái bưởi héo đang dần ngả màu do thiếu nước tưới. Có vườn bưởi, có cây ra nhiều hoa nhưng lại không có quả. Nếu như trước đây, bưởi được trồng khắp nơi trong xã, nay số lượng ngày càng giảm sút.
Ông Lê Ngọc Vân (75 tuổi, ở đội 6, thôn Sú 2, xã Lâm Động) cho biết: “Bưởi Lâm Động có 2 loại. Loại vỏ và ruột màu hồng đào, vị ngọt. Loại ruột trắng, vị chua. Cả hai loại ngon theo một kiểu riêng, khẳng định “tên tuổi” bưởi làng Lâm. Bình quân, một quả bưởi bán vào dịp Tết Nguyên đán bình quân có giá 400 – 700 nghìn đồng. Nhưng hiện nay, nhiều cây bưởi có hiện tượng thoái hóa, sinh trưởng kém nên nhiều trái không thể chờ đến mùa thu hoạch mà phải bán sớm với giá 40-50 nghìn đồng”. Những người trồng bưởi trong xã lâu năm đều sử dụng phương pháp chiết cành. Sau 1-2 năm, cành cho quả và đến năm thứ 4, quả đạt chất lượng tốt nhất.
Nỗi trăn trở bảo tồn sản vật quê hương không chỉ riêng đối với gia đình ông Lê Ngọc Vân mà còn là nỗi niềm của nhiều hộ dân khác trong xã. Ông Đàm Văn Nhi (đội 4, thôn Hầu, xã Lâm Động), một người trồng bưởi lâu năm chia sẻ: “Bưởi chất lượng tốt chỉ còn lại một số nhà. Phần lớn, vườn bưởi trong xã ngày càng thu hẹp, cây bưởi nhiều nhà bị thoái hóa cộng với nạn mất mùa trong nhiều năm qua khiến hiệu quả kinh tế không cao làm người dân không còn mặn mà chăm sóc”. Bưởi Lâm Động có 1 vụ duy nhất. Bưởi ra hoa vào tháng giêng âm lịch. Từ tháng 3-6 âm lịch là giai đoạn bao quả bằng túi nilon, ngăn các loại sâu gây hại. Bởi, khi sâu đẻ trứng, trứng không bám được trên bề mặt túi nilon. Tháng 9-10 âm lịch là giai đoạn bao quả bằng vải và đến tháng 12 âm lịch là giai đoạn thu hoạch. Bưởi Lâm Động chất lượng tốt nhưng không đồng đều. Cùng trên một cây, có trái ngon, vị thơm nhưng cũng xuất hiện những quả hỏng. Diện tích bưởi làng Lâm ngày càng thu hẹp là nỗi trăn trở của nhiều hộ dân, nhất là các cụ cao niên trong làng.
Bưởi Lâm Động không chỉ là đặc sản của Hải Phòng mà còn là cây chủ lực tăng thu nhập cho nhiều bà con trong xã. Từ thực tế giống bưởi gốc ít, nhiều cây bị thoái hóa, cách chăm sóc của nhiều hộ dân không còn phù hợp, bà con xã Lâm Động nói riêng và bà con huyện Thủy Nguyên nói chung có nguyện vọng được hỗ trợ giống và kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn. Ông Đàm Văn Nhi cho biết: “Chúng tôi mong muốn người trồng bưởi được ngành nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng bưởi và thu nhập của người dân”. (Vân Anh - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Đây là số tiền huyện Cát Hải dự kiến đề nghị UBND thành phố hỗ trợ đầu tư phục vụ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở 6 xã theo kế hoạch số 867/KH-UBND của UBND huyện Cát Hải.
Từ đầu năm đến nay, huyện Cát Hải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 6 xã xây dựng NTM một cách bền vững. Theo đó, huyện Cát Hải triển khai các giải pháp hỗ trợ các xã: Gia Luận, Xuân Đám, Trân Châu, Phù Long, Việt Hải, Hiền Hào về vốn, công nghệ cho nông dân sản xuất, phát triển kinh tế. Đây là các xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Huyện Cát Hải tiếp tục đầu tư hạ tầng sản xuất tập trung, hạ tầng văn hóa - xã hội để phát triển nông thôn toàn diện, đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương; xây dựng thành công mô hình 14 ha chanh leo; 240 hộ nhà sạch vườn đẹp; 5 thôn tiêu biểu xây dựng NTM trên địa bàn. Huyện Cát Hải đề nghị UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình sản xuất, củng cố các tiêu chí xây dựng NTM một cách bền vững. (Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Đến đầu tháng 8, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng thực hiện đạt hơn 66% giá trị hợp đồng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. 25 trong tổng số 29 hạng mục của Nhà máy chính được triển khai thi công, trong đó có 19 hạng mục đã hoàn thiện và bàn giao cho tổng thầu; 6 hạng mục dự kiến hoàn thành và bàn giao trong tháng 9 năm nay, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chủ đầu tư về chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối về an toàn vệ sinh lao động được Tổng thầu TOA, Tư vấn giám sát và chủ đầu tư đánh giá cao.
Tại cuộc kiểm tra tiến độ vừa qua, lãnh đạo công ty yêu cầu ban điều hành dự án chủ trì phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn giám sát nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thi công; chủ động về nhân lực, thiết bị sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ thi công khi các phần việc còn lại ngay khi có mặt bằng để bám sát từng mốc tiến độ, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của dự án. ( Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Nếu đem so sánh kết quả thu ngân sách nội địa 7 tháng qua là 10.100,8 tỷ đồng với con số 11.735 tỷ đồng (chưa tính các khoản ghi thu, ghi chi) của cả năm 2015, cho thấy sự chênh lệch là rất đáng kể. Điều này chứng tỏ sự vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách - Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” của thành phố đã đi đúng hướng và đạt hiệu quả khả quan.
Kỳ 1. Lường trước khó khăn
Cục trưởng Cục thuế thành phố Lê Ngọc Trữ cho rằng, thành công trong công tác thu ngân sách những tháng đầu năm có được là do hội tụ nhiều yếu tố. Tác động trước hết phải kể đến kinh tế Hải Phòng đang trên đà phục hồi, phát triển và có những bước tăng trưởng đáng kể, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả đã đẩy số thuế nộp lên cao.
Cùng với đó, những thay đổi trong chính sách thuế bảo vệ môi trường, thuế xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cũng đã làm tăng nguồn thu cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Quan trọng nhất đó là sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, sự hoạt động hiệu quả của các Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách từ thành phố đến các địa phương... cũng đã tạo ra số thu lớn, đặc biệt là các khoản thu từ đất.
Tuy nhiên, theo ông Trữ thì công tác thu ngân sách thực tế vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại. Tình trạng thất thu thuế vẫn còn nhiều, hiện tượng mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp vẫn chưa giải quyết triệt để. Trong khi đó, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại một số quận, huyện (Kiến Thụy, An Dương, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Lão, An Dương, Kiến An, Dương Kinh...) vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thuế dù đã được triển khai quyết liệt từ đầu năm, tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu.
Mới chỉ thanh tra, kiểm tra 1.020 doanh nghiệp, đạt 42% kế hoạch; kiến nghị tăng thu thuế 102,6 tỷ đồng, đôn đốc thu nộp ngân sách 101,5 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch. Ngoài ra công tác thu nợ cũng không thành công do một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, kinh doanh thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ thuế. Chỉ tính riêng Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam VINASHIN nợ thuế và tiền chậm nộp lên tới 407 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Hòa, Chi cục trưởng Chi cục thuế Dương Kinh chia sẻ, so với các địa phương khác, năm nay Dương Kinh có lẽ là đơn vị gặp khó khăn nhất trong công tác thu ngân sách, 2 quý đầu năm chỉ mới đạt 45,7% kế hoạch pháp lệnh (KHPL). Trong đó có một số chỉ tiêu khá thấp như: phí và lệ phí chỉ đạt 9,3% KHPL; thu tiền sử dụng đất đạt 29,15 KHPL; thu thuế ngoài quốc doanh cũng chỉ đạt 39,6 KHPL. Lý giải kết quả bết bát này, theo ông Hòa, Chi cục thuế chỉ hiện quản lý 300 doanh nghiệp hoạt động địa bàn quận.
Đáng nói là các doanh nghiệp này đa phần la doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên quá trình phát sinh thuế không đáng kể. Trong khi đó, chi cục được giao kế hoạch thu quá cao so với khả năng. Hơn nữa, việc thu thuế tài nguyên trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn, 6 tháng đầu năm mới chỉ thu đạt 3,7% kế hoạch. Số thu này đạt thấp bởi vì sản lượng khai thác của các doanh nghiệp đạt thấp và theo Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 2-10-2015 về việc hướng dẫn thuế tài nguyên thì doanh nghiệp không kê khai, nộp thay cho các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua nên thuế tài nguyên đi mua của các cá nhân khai thác nhỏ lẻ không còn. Việc hụt nguồn thu này đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả chung đối với công tác thu ngân sách tại quận Dương Kinh.
Dù không ở tình cảnh khó khăn như ở quận Dương Kinh nhưng Chi cục trưởng Chi cục thuế quận Lê Chân Hà Văn Trường cũng nhận thấy áp lực nặng nề với nhiệm vụ hoàn thành dự toán được giao. Bởi thực tế theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thu nhập doanh nghiệp ngày 19-6-2013, từ ngày 1-1-2016 thuế suất thu nhập doanh nghiệp phổ thông giảm từ 22% năm 2015 xuống còn 20%.
Như vậy nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bị giảm sút, ước cả năm 2016 quận Lê Chân bị giảm sắc thuế này là 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dự thảo Luật số 106/QH13 ngày 6-4-2016 thực hiện từ ngày 1-7-2016, bổ sung một số điều Luật thuế GTGT các đơn vị do âm hàng hóa, tài sản sẽ được khấu trừ sang kỳ sau, do đó khoản thu ngân sách sau hoàn thuế của các đơn vị này sẽ khiến chi cục thuế Lê Chân bị hụt thu khoảng 4,6 tỷ đồng...
Còn Chi cục thuế quận Hồng Bàng, năm nay được giao dự toán pháp lệnh là 827,9 tỷ đồng, tăng 191,5% so với dự toán 2015 và tăng 150% so với thực hiện năm 2015. Trong đó, thuế ngoài quốc doanh giao tới 260 tỷ đồng, bằng 117% so với thực hiện năm 2015. Riêng về tiền sử dụng đất giao tăng 560% so với thực hiện năm trước. Thêm nữa, UBND quận Hồng Bàng lại đặt ra chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2016 phải từ 1.000 tỷ đồng trở lên (mức cao nhất thành phố khối quận huyện).
Theo ông Đào Đình Cường, Chi cục trưởng Chi cục thuế Hồng Bàng, việc hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu đang đặt ra không ít thách thức đối với ngành thuế quận. Thực tế thì chi cục thuế được phân cấp quản lý hơn 1.600 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp có doanh nghiệp có số vốn trên 20 tỷ chỉ chiếm 3,4%, còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, đã vậy, một số doanh nghiệp "trụ cột" đang gặp khó trong sản xuất kinh doanh...
Thế nên, trong 2 quý đầu, thu thuế ngoài quốc doanh của Hồng Bàng chỉ đạt 47%, hụt thu khoảng 10 tỷ đồng do một số đơn vị có sô thuế giảm so với cùng kỳ như: Cty XNK Nam Hải giảm 5 tỷ đồng so với năm 2015; Cty Cảng biển Việt Nam không phát sinh thuế, giảm 10,2 tỷ so với năm trước; Cty TNHH Đại Dương giảm 929 triệu đồng; Cty Đầu tư thương mại XNK Việt Phát giảm 1 tỷ đồng; Cty vận tải Bus Hải Phòng giảm 1,5 tỷ đồng. (Đức Tùng - An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Theo Sở Nông Nghiệp - PTNT Hải Phòng, mỗi năm, sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu của Hải Phòng đạt khoảng 70 nghìn tấn, trong đó có khoảng 17.500 - 18.000 tấn có chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao.
Nguồn nguyên liệu chế biến chủ yếu từ các nguồn chính gồm: từ khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng và từ các địa phương khác đến. Nguồn nguyên liệu từ khai thác hải sản có biến động không lớn, nhưng các loại thủy sản có giá trị xuất khẩu như tôm, mực… thường xuyên phải cạnh tranh với các tư thương Trung Quốc thu mua ngay tại các ngư trường. Trong khi nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản của địa phương tuy khá dồi dào, nhưng giá trị kinh tế chưa cao. Nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác được thu mua về Hải Phòng khoảng 4000 - 5000 tấn, chủ yếu là chượp cá cơm phục vụ sản xuất nước mắm và rong câu để chế biến a-ga. Sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu của Hải Phòng là nước mắm, cá khô, chả tôm, chả cá và nem thủy sản…hầu hết được tiêu thụ cho thị trường khu vực các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. (Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Từ ngày 15-8, chính thức ngừng phát sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog tại 4 thành phố là Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM. Cụ thể, các kênh truyền hình ngừng phát sóng analog chương trình: VTV6, H2, VTV9 tại Hà Nội, Hải Phòng; VTV6, VTV9, VTC9, HTV7 tại TP.HCM; VTV6, VTV Cần Thơ 1, VTV Cần Thơ 2, VTC9 tại Cần Thơ…
Người dân tại 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố này sẽ bị ảnh hưởng đến việc xem truyền hình, cụ thể là: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai và Long An.
Người dân không cần phải quá lo lắng và hoang mang khi các kênh truyền hình này bị ngưng phát sóng analog. Cụ thể, với những chiếc TV mua từ năm 2014 trở về sau này (được trang bị chuẩn kết nối DVB-T2), người dân có thể xem truyền hình mà không cần đầu thu kỹ thuật số và cũng không phải trả phí hàng tháng.
Hiện, các kênh truyền hình này đã được phát trên hệ thống truyền hình số mặt đất của Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Truyền dẫn phát sóng Đồng bằng sông Hồng (RTB), Công ty TNHH truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV). Số lượng kênh chương trình truyền hình miễn phí mà người dân có thể thu xem lên tới hơn 70 kênh, trong đó có 6 kênh chương trình HD (gồm VTV1, VTV3, VTV5, VTV6, VTV7, VTV9). Tại Hà Nội, Hải Phòng có thể thu xem 45 kênh SD; tại TPHCM và Cần Thơ là 65 kênh SD.
Bên cạnh đó, cũng có thể đăng ký sử dụng các dịch vụ truyền hình trả tiền (chi phí cho một tháng hiện nay không đến 100 nghìn đồng).
Nếu vẫn đang sử dụng một chiếc TV đời cũ thì hoặc là mua một chiếc TV mới, còn nếu không thì có thể mua đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB-T2 với giá khá rẻ chỉ khoảng từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng là có thể xem các kênh truyền hình bình thường.
Để bảo đảm không ảnh hưởng tới người dân khi thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ, người dân nên chủ động mua đầu thu số truyền hình mặt đất, tránh tình trạng khi ngừng phát sóng đổ xô đi mua cùng thời điểm, các cửa hàng kinh doanh sẽ có cơ hội ép giá cao.
Riêng với đối tượng là gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, BCĐ Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã hoàn thành việc thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho các đối tượng này (theo tiêu chuẩn cũ về hộ nghèo, cận nghèo) tại 4 thành phố trên và địa bàn bị ảnh hưởng của 19 tỉnh lân cận các thành phố này. Còn các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn mới về nghèo đa chiều sẽ thực hiện xong hỗ trợ trước ngày 15-8. ( An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Đến đầu tháng 8, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng thực hiện đạt hơn 66% giá trị hợp đồng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. 25 trong tổng số 29 hạng mục của Nhà máy chính được triển khai thi công, trong đó có 19 hạng mục đã hoàn thiện và bàn giao cho tổng thầu; 6 hạng mục dự kiến hoàn thành và bàn giao trong tháng 9 năm nay, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chủ đầu tư về chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối về an toàn vệ sinh lao động được Tổng thầu TOA, Tư vấn giám sát và chủ đầu tư đánh giá cao.
Tại cuộc kiểm tra tiến độ vừa qua, lãnh đạo công ty yêu cầu ban điều hành dự án chủ trì phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn giám sát nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về mặt bằng thi công; chủ động về nhân lực, thiết bị sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ thi công khi các phần việc còn lại ngay khi có mặt bằng để bám sát từng mốc tiến độ, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của dự án. (Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Theo các chuyên gia, thực hiện đối thoại tại nơi làm việc là một trong phương pháp tốt nhất nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong từng doanh nghiệp...
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với hơn 7.000 công nhân lao động, Cty TNHH Yazaki Hải Phòng (KCN Nomura) thường xuyên chú trọng, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; trong đó có hoạt động đối thoại định kỳ 3 tháng/lần. Liên tục nhiều năm trở lại đây, trước khi buổi đối thoại diễn ra, Công đoàn cty nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để từ đó đề xuất ban giám đốc xây dựng chính sách chăm lo, đãi ngộ phù hợp. Mọi nguyện vọng của công nhân nếu xét thấy chính đáng, hợp lý hợp tình đều được công ty giải quyết thấu đáo.
Đại diện Công đoàn Cty TNHH Yazaki cho biết: Ngoài đối thoại định kỳ, thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp người lao động từ tổ công đoàn, phát phiếu thăm dò sau đó tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của người lao động để phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại đột xuất. Qua các buổi đối thoại định kỳ và đột xuất đã giúp xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho người lao động như các ngày nghỉ trong năm, các ngày nghỉ đặc biệt được hưởng lương, chế độ lao động nữ, tổ chức đi du lịch, nghỉ hè. Ngoài ra, công đoàn thương lượng với công ty điều chỉnh tiền ăn giữa ca, tiền ăn tăng ca phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại, lắp đặt hệ thống điều hòa mới, xe buýt cho người lao động...
Tương tự, Cty TNHH công nghiệp giày Aurora Việt Nam (xã Thiên Hương, Thủy Nguyên) cũng là đơn vị duy trì, tổ chức tốt hoạt động đối thoại định kỳ hằng tháng ngay tại nơi làm việc. Bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Công đoàn cty cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016, công đoàn đã tổ chức 6 cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động. Mỗi cuộc đối thoại tập trung giải đáp từ 5-7 vấn đề người lao động đưa ra, nội dung xung quanh việc thực hiện chế độ về lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc và một số phúc lợi cho người lao động. Qua đó, bản thân người lao động thấy thỏa mãn những thắc mắc và thêm tâm lý thoải mái gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, thực hiện đối thoại tại nơi làm việc là một trong phương pháp tốt nhất nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong từng doanh nghiệp. Thông qua đối thoại sẽ giúp cho người sử dụng lao động và người lao động hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ thông tin để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra, đồng thời làm giảm đình công tại các doanh nghiệp.
Được biết, không chỉ riêng những đơn vị trên mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện thường xuyên, định kỳ việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, nhất là khi Nghị định số 60/2013/NĐ-CP (quy định chi tiết về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc) có hiệu lực. Có thể kể tên các doanh nghiệp với việc sử dụng số lượng lớn lao động như: Cty Toyoda Gosei Hải Phòng, Cty TNHH LG Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Y-tec, Công ty TNHH Tamada Việt Nam...
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng thông tin, trong gần 140 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đến nay hầu hết doanh nghiệp thực hiện đối thoại định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời giải quyết bức xúc, kiến nghị hay đóng góp của người lao động. Đặc biệt, chủ trương quan tâm, giải quyết rốt ráo mọi kiến nghị của người lao động qua đối thoại đã giúp nhiều doanh nghiệp ngay cả trong những thời điểm khó khăn giữ ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn hiểu sai lệch, thiếu thiện chí, thậm chí trốn tránh việc đối thoại, hay chỉ đối thoại khi có tranh chấp. Họ cho rằng làm như vậy chỉ mất thời gian, ảnh hưởng sản xuất, công nhân hay đòi hỏi trong khi công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách lao động theo quy định của luật. Do đó thường dẫn đến mâu thuẫn, người lao động thiếu gắn bó với doanh nghiệp...
Chưa kể, tại một số doanh nghiệp, việc thực hiện quy chế dân chủ nói chung và triển khai đối thoại tại nơi làm việc còn gặp khó khăn như kỹ năng của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, ngại đối thoại với đoàn viên, hay về phía người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, có tâm lý e ngại khi nêu ý kiến, kiến nghị. Theo thống kê của các cơ quan chức năng thành phố, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 10 cuộc đình công với trên 5.000 lao động tham gia (tăng 4 cuộc so với cùng kỳ). Bà Phạm Thị Hằng cho rằng, vấn đề thường gây ra xung đột và mâu thuẫn trong các doanh nghiệp đó là xoay quanh lợi ích, còn về quyền lợi theo luật pháp là rất ít.
Do đó, gặp gỡ trực tiếp là giải pháp tốt nhất để công nhân kiến nghị lãnh đạo giải quyết quyền lợi và lãnh đạo cũng trực tiếp triển khai các yêu cầu công việc trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là quy định được ghi rõ trong Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ. Ngoài ra người lao động có thể nhắn tin, điện thoại, email, facebook, góp ý vào hòm thư cho lãnh đạo công ty bất kỳ lúc nào để các bên hiểu nhau, chia sẻ công việc nhanh nhất.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Phạm Hữu Thư cho biết, thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, quan tâm đối thoại đột xuất và những vấn đề bức xúc liên quan đến người lao động. Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cán bộ công đoàn cơ sở trong tuyên truyền, vận động và phối hợp doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại đúng quy trình, kịp thời giải đáp tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động, hạn chế các vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn. (Đỗ Hiếu - An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Bốn thành phố trực thuộc Trung ương (TƯ) là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện tắt sóng truyền hình công nghệ tương tự mặt đất (analog) để chuyển sang phát truyền hình công nghệ số từ 24h ngày 15-8.
Việc tắt sóng truyền hình analog không chỉ tác động đến người dân - chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo dùng ti vi thế hệ cũ của 4 địa phương trên, mà còn liên quan đến các hộ gia đình của 19 tỉnh lân cận. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực bảo đảm cho các hộ dân xem được truyền hình công nghệ số, nắm bắt kịp thời thông tin, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Tặng đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam, khi ngừng phát sóng truyền hình analog tại 4 thành phố nói trên sẽ có 10 triệu hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Ở thời điểm tháng 4-2016, tại Hà Nội tỷ lệ hộ gia đình chỉ xem được truyền hình analog là 10,7%, Hải Phòng 10%, Cần Thơ 27,9%, TP Hồ Chí Minh 3,9%. Trên cơ sở này Bộ TT-TT chuẩn bị phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số (ký hiệu là DVB-T2) cũng như kiểm chuẩn thiết bị bán ra thị trường.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg (ngày 27-12-2011) của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương (lấy kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích). Có tổng số 413.542 hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ; cụ thể Hà Nội có 34.409 hộ, Hải Phòng 27.706 hộ, Cần Thơ 25.102 hộ và 327.324 hộ ở 19 tỉnh lân cận 4 thành phố. Sau khi trừ số lượng đầu thu mà Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố, tỷ lệ số hộ chỉ xem truyền hình analog (các hộ dùng ti vi thế hệ cũ không thuộc diện được hỗ trợ, phải tự mua thiết bị thu truyền hình số) tại Hà Nội còn 4,08%, Hải Phòng: 2%, Cần Thơ: 3,62%, TP Hồ Chí Minh: 2%).
Cùng với đó, các đơn vị phát sóng tại các thành phố cũng đã triển khai các máy phát sóng kỹ thuật số. Cụ thể, Đài Truyền hình Việt Nam có 10 máy phát sóng DVB-T2 tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, 5 máy phát sóng số tại khu vực Nam Bộ, 1 máy phục vụ khu vực biển đảo ở Kiên Giang. Các doanh nghiệp là Công ty CP Truyền dẫn phát sóng Đồng bằng sông Hồng (RTB), Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cũng đã triển khai các trạm phát sóng tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ để truyền tải các kênh chương trình truyền hình thiết yếu...
Trở lại việc Nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn Trung ương), việc lắp đặt tại các địa phương đã được các đơn vị trúng thầu triển khai từ tháng 5-2016 để bảo đảm cho các hộ có thể xem truyền hình số khi tắt sóng truyền hình analog. Bộ TT-TT khẳng định đến thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog, hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới được hỗ trợ đầu thu.
Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị cho hộ nghèo
Hà Nội có 65.377 hộ chịu ảnh hưởng khi chuyển đổi sang truyền hình số, trong đó có 34.409 hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn cũ), 18.700 hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn mới). Tập đoàn Viettel cam kết lắp đặt truyền hình cáp cho 12.018 hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ.
Để triển khai, Hà Nội chia làm hai giai đoạn hỗ trợ lắp đặt. Đợt 1 lắp đặt cả hỗ trợ đầu thu và truyền hình cáp cho 46.427 hộ, đợt 2 là 21.900 hộ (gồm toàn bộ 18.700 hộ nghèo theo chuẩn mới; 3.000 hộ tại các địa bàn mà Viettel chưa có cáp, đang nợ cước của Viettel và còn lại khoảng 200 hộ không có nhu cầu lắp đặt).
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 15-8, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Quỹ và nhà thầu đã lắp đặt xong đầu thu cho 34.409 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ tại 135 xã, phường, thị trấn thuộc 16 huyện, thị xã. Việc lắp đặt cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới sẽ sớm được hoàn thành tại các địa phương còn lại.
Còn theo đại diện Sở TT-TT Hà Nội, tính đến hết ngày 12-8, Viettel đã lắp đặt truyền hình cáp cho gần 9.000 hộ gia đình trong tổng số 12.018 hộ mà đơn vị này cam kết. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quá trình hỗ trợ lắp đặt truyền hình cáp cho các hộ nghèo có một số khó khăn, Viettel cũng gặp một vướng mắc là do tại một số địa bàn xã, phường chưa có hạ tầng và đề nghị lập danh sách để hỗ trợ đầu thu. Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, sáng 16-8, Sở TT-TT chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa bàn về việc lắp đặt, nhằm bảo đảm các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ được xem ti vi truyền hình số. (Việt Nga - Báo Hà Nội mới 16/08/2016)
Thay vì trông chờ sự đồng ý của chủ doanh nghiệp để thành lập công đoàn, giờ đây, việc thành lập công đoàn bắt đầu từ chủ động tiếp cận người lao động, thành lập nhóm nòng cốt (ban vận động) nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo sự tin tưởng để người lao động hiểu về công đoàn và tự nguyện viết đơn xin gia nhập công đoàn. Phương pháp thành lập công đoàn mới này đang được triển khai có hiệu quả tại nhiều đơn vị doanh nghiệp của thành phố.
Tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn
Mới đây, trong hội nghị tuyên truyền về thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại Công ty TNHH Bluecom Vina (thuộc khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương), đa số công nhân công ty bỏ phiếu tán thành việc thành lập CĐCS. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất tai nghe bluetooth với những công nghệ hiện đại, tân tiến vào bậc nhất thế giới. Ngay sau hội nghị, hơn 1.000 công nhân lao động của công ty viết đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn. Đây là một trong những bước thành lập tổ chức CĐCS theo phương pháp mới không thông qua sự đồng ý của chủ doanh nghiệp. Phương pháp này được quy định tại điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đang áp dụng trong cả nước.
Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Phạm Thị Hằng cho biết, sau hội nghị tuyên truyền, hội nghị thành lập sẽ được tổ chức để công nhận đoàn viên, bầu các thành viên tham gia ban chấp hành công đoàn và các chức danh lãnh đạo công đoàn. Từ đó tạo thành sức ép buộc chủ doanh nghiệp phải công nhận tổ chức công đoàn cơ sở. Phương pháp này hiện đang được thí điểm thành công trong khu công nghiệp Nomura Hải Phòng.
Thông tin tổng hợp từ Công đoàn Khu Kinh tế thành phố cho biết, trước năm 2011, trung bình mỗi năm, Công đoàn Khu Kinh tế thành lập được từ 5-6 CĐCS, phát triển gần 5000 đoàn viên. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm thành lập 14 CĐCS, phát triển 10.000 đoàn viên. Có 49/58 đơn vị được thành lập theo phương pháp mới quy định tại điều 17. Tỷ lệ người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn đạt 98,2% trong tổng số lao động. Số còn lại chủ yếu là lao động có hợp đồng thử việc và hợp đồng thời vụ.
Trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu hơn 90% CĐCS của khu kinh tế trong thời gian tới sẽ được thành lập theo phương pháp này. Đó cũng là một trong những giải pháp khẳng định vai trò đại diện và tiếng nói của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi người lao động.
Củng cố vị trí đại diện của tổ chức công đoàn
Việc áp dụng phương pháp thành lập CĐCS này góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác phát triển đoàn viên của công đoàn các cấp. Trên thực tế, những CĐCS được thành lập theo phương pháp này đều hoạt động hiệu quả trong bảo đảm các chức năng của tổ chức công đoàn.
Lãnh đạo Công đoàn Khu Kinh tế cho biết, trong số 49 tổ chức CĐCS thành lập theo phương thức mới, có 42 CĐCS duy trì tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng. 7 đơn vị tổ chức đối thoại theo quý. 28 đơn vị ký thỏa ước lao động tập thể chất lượng cao với nhiều điểm có lợi cho người lao động. 11 đơn vị trong số này đang tiến hành thương lượng. Tỷ lệ người lao động được ký hợp đồng lao động và hợp đồng thử việc đạt 100%. Tỷ lệ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện đạt 89,75%. Số chưa được đóng bảo hiểm chỉ là lao động mùa vụ. Thu nhập bình quân của người lao động cũng ổn định ở mức 5,4 triệu đồng/người/tháng. Mức ăn ca bình quân là 20.000 đồng/người. Các hoạt động chăm lo Tết, hoạt động nữ công, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo đều được tổ chức có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu người lao động. Quan hệ lao động tại các đơn vị đều ổn định.
Kết quả trên càng khẳng định hiệu quả của phương pháp thành lập CĐCS mới góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn tại đơn vị doanh nghiệp. Củng cố vị trí đại diện của tổ chức công đoàn trong bảo vệ hợp pháp quyền lợi người lao động trong giai đoạn hiện nay.(Việt Ly - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Một số hộ dân ở xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) có đơn kiến nghị gửi Báo Hải Phòng về việc năm 2013 huyện Tiên Lãng có quyết định hỗ trợ trồng khoai tây giống Atlantic với số tiền 100 triệu đồng cho gần 200 hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa có hộ nào được nhận khoản tiền hỗ trợ trên.
Phóng viên Báo Hải Phòng làm việc với ông Phạm Văn Suốt, Chủ tịch UBND xã Quang Phục. Được biết, căn cứ kế hoạch, thông báo của UBND huyện về việc hỗ trợ sản xuất vụ đông năm 2013, trong đó có hỗ trợ trồng khoai tây giống Atlantic, HTX nông nghiệp Quang Phục ký hợp đồng với Công ty TNHH phát triển công nghệ và vật tư kỹ thuật Hương Quê (gọi tắt là Công ty Hương Quê), trụ sở tại xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Theo hợp đồng, Công ty Hương Quê có trách nhiệm cung cấp cho HTX nông nghiệp Quang Phục khoai tây giống Atlantic cho diện tích trồng 20 ha, đồng thời sẽ tổ chức thu mua khoai tây thương phẩm của các hộ dân tham gia mô hình sản xuất. HTX Quang Phục nhận và phát khoai tây giống cho 185 hộ dân trồng trên diện tích 20 ha. Khi nhận khoai tây giống, cán bộ HTX phát hiện một số giống không đạt chất lượng, nhưng vẫn phát cho các hộ dân. Sau đó, một số hộ thay thế những cây giống hỏng bằng giống khoai tây khác và dẫn đến việc trồng khoai không bảo đảm chất lượng.
Tháng 12-2013, đoàn nghiệm thu của huyện tổ chức thẩm định diện tích các cây trồng vụ đông năm 2013 có hỗ trợ của thành phố tại xã Quang Phục. Việc hỗ trợ đối với cây khoai tây giống Atlantic theo cơ chế của thành phố là 5 triệu đồng/ha. Căn cứ hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hợp đồng tiếp nhận giống, danh sách các hộ nhận giống và diện tích gieo trồng do địa phương nghiệm thu và kiểm tra kết quả thực tế một số hộ sản xuất, đoàn thống nhất lập biên bản, xác định diện tích trồng khoai tây giống Anlantic được hỗ trợ của thành phố năm 2013 tại xã Quang Phục là 20 ha, số hộ trồng là 185 hộ. Ngày 28-12-2013, UBND huyện Tiên Lãng có quyết định cấp kinh phí hỗ trợ sản xuất vụ đông năm 2013, theo đó, xã Quang Phục được nhận hỗ trợ 100 triệu đồng cho 20 ha trồng khoai tây.
Việc nghiệm thu thực hiện vào thời gian trước khi người dân thu hoạch. Khi hết thời vụ, Công ty Hương Quê từ chối thu mua với lý do nhiều hộ dân chuyển sang trồng giống cây khoai tây khác, không đúng chủng loại ký trong hợp đồng. Do đó, việc chi trả hỗ trợ của thành phố đối với các hộ dân cũng không thể thực hiện. UBND xã Quang Phục báo cáo với UBND huyện đề nghị trả lại khoản tiền hỗ trợ 100 triệu đồng vào ngân sách. Tháng 4-2014, UBND huyện có quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ cây vụ đông năm 2013 của UBND xã Quang Phục. Sau đó, HTX Quang Phục đã trả lại ngân sách toàn bộ số tiền 100 triệu đồng.
Như vậy, số tiền hỗ trợ đã được trả lại ngân sách do không đủ điều kiện cấp cho các hộ trồng khoai tây. Không có việc UBND xã sử dụng số tiền trên vào mục đích khác. Tuy nhiên, đây cũng là bài học đối với các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chưa thực hiện trách nhiệm cao giám sát việc tổ chức kế hoạch sản xuất, cũng như thẩm định chi trả hỗ trợ cây trồng theo quy định của thành phố. (Minh Nam - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Năm 2016, công tác an sinh xã hội chăm lo gia đình chính sách, người có công, người nghèo, cận nghèo được thành phố quan tâm chỉ đạo. Hàng chục vạn người được thụ hưởng từ sự quan tâm đó, thêm niềm vui, sự tin tưởng vào các cấp chính quyền thành phố.
Tặng tiền, quà lớn nhất từ trước đến nay
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, thành phố chi hơn 78 tỷ đồng chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bằng 216 % so với Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015. Đối với gia đình chính sách, người có công được tặng quà mức 1,2 triệu đồng/người, gấp 4 lần so với Tết Ất Mùi 2015, trong đó 1 triệu tiền mặt và 200 nghìn tiền quà. Với hộ nghèo, thành phố trích kinh phí hỗ trợ 500 nghìn đồng/hộ, gấp 1,66 lần; hộ cận nghèo được hỗ trợ 400 nghìn đồng, bằng 1,33 lần so với Tết năm 2015. Toàn thành phố có gần 5 vạn người có công, gia đình chính sách và gần 5 vạn hộ nghèo, cận nghèo được thành phố chăm lo khi Tết đến xuân về. Bên cạnh quà Tết của trung ương, thành phố, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều trích kinh phí từ ngân sách, xã hội hóa vận động các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị tặng quà gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ côi, người tàn tật, cô đơn bảo đảm ai cũng có tết. Một số đoàn thể vận động được kinh phí lớn tặng quà hội viên nghèo, khó khăn như Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, với hơn 8600 suất quà, trị giá trên 2,1 tỷ đồng.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27-7) năm nay, thành phố trích ngân sách hơn 58 tỷ đồng tặng quà 46.621 gia đình chính sách, người có công, với mức 1 triệu 220 nghìn đồng, tăng gấp 2,45 lần so với năm 2015. Các địa phương tổ chức tặng quà, tiền gia đình chính sách, người có công một cách trang trọng trước ngày 20-7, khiến các gia đình rất phấn khởi. Thành phố còn tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà 6 tập thể, 14 cá nhân thương, bệnh binh tiêu biểu và 4 trung tâm điều dưỡng thương binh nặng có con em Hải Phòng đang điều trị, điều dưỡng, với tổng kinh phí 87 triệu đồng. Chủ nhiệm Hợp tác xã thương binh Tiến Đạt (quận Kiến An) Vũ Văn Hiệp cho biết: “Lần đầu hợp tác xã được Chủ tịch UBND thành phố đến thăm, tặng quà và 10 triệu đồng khiến anh em rất xúc động. Đó là sự ghi nhận, động viên của thành phố với cơ sở sản xuất của thương bệnh binh”. Đây không chỉ thể hiện sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền thành phố, mà còn là sự quan tâm rất nhân văn tới đời sống dân sinh. Cũng trong dịp này, các địa phương thực hiện xã hội hóa, vận động kinh phí tặng hàng nghìn suất quà tới gia đình chính sách, người có công, giúp các gia đình vơi bớt thiệt thòi, khó khăn.
Thêm lòng tin từ sự chăm lo thiết thực
Với mức tặng quà vào dịp Tết Nguyên đán 2016 và Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 năm nay, Hải Phòng được đánh giá là địa phương “mạnh tay” chi cho công tác an sinh xã hội. Bà Bùi Thị Nguyện, thương binh mất 21% sức khỏe ở phường Gia Viên (quận Ngô Quyền) xúc động cho biết: “Dịp 27-7 vừa qua, tôi được nhận quà của thành phố, với trị giá hơn 1,2 triệu đồng. Trước đó, dịp Tết tôi cũng nhận được chế độ tiền, quà chu đáo khiến tôi rất cảm động về sự quan tâm của thành phố, quận, phường”. Anh Phạm Văn Kiên, cán bộ chính sách xã Chiến Thắng (huyện An Lão) phấn khởi nói: “Nhiều gia đình chính sách, người có công của xã có hoàn cảnh khó khăn, rất xúc động trước sự quan tâm của thành phố, nhất là năm 2016, cả 2 đợt tặng quà đều có giá trị lớn, gấp từ 2 đến 4 lần những năm trước. Người dân càng thêm tin tưởng hơn vào chính sách an sinh xã hội của thành phố”.
Làm được điều này có nhiều lý do, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, còn là sự chung sức, đồng thuận của các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở nỗ lực không ngừng trong công tác thu ngân sách. Năm 2016, kinh tế thành phố từng bước phục hồi và tăng trưởng rõ nét, giúp thành phố có điều kiện tốt để chăm lo nhiều hơn đến công tác an sinh xã hội. Dư luận nhân dân đánh giá cao việc chăm lo gia đình chính sách, người có công, cũng như những người trong xã hội của thành phố thời gian qua. Đồng thời tin tưởng vào các chủ trương, chính sách thành phố đang triển khai hướng tới xây dựng thành phố phát triển toàn diện. (Phương nam - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Ở bộ phận bọc da 2, Công ty TNHH Toyoda Gosei Hải Phòng, chị Đàm Thị Tuyết, tổ trưởng sản xuất được cán bộ, đồng nghiệp yêu mến bởi tính tình cởi mở sự nhiệt tình trong công việc, ham mê sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Năm 2015, với sáng kiến “Cải tiến trục gá sản phẩm vô lăng ô tô”, chị Đàm Thị Tuyết được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Nhiều năm làm việc tại bộ phận bọc da, chị Tuyết cho rằng, để làm ra sản phẩm vô lăng bọc da hoàn chỉnh đòi hỏi sự khéo léo của người thao tác và dụng cụ dễ dàng thao tác mới làm ra được sản phẩm tốt. Do phụ thuộc vào sự khéo léo của người thợ nên năng suất công việc chưa cao, mất nhiều thời gian và vẫn xảy ra tình trạng hàng lỗi. “Từ những điểm chưa hợp lý trong thực tế sản xuất, tôi luôn trăn trở làm sao để rút ngắn thời gian thao tác để tăng năng suất sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, dễ dàng cho người thao tác. Từ đó, tôi đưa ra giải pháp sử dụng đầu trục được tạo rãnh khớp với rãnh boss (phần này có chức năng giữ cố định vô lăng trên trục theo hướng vặn xoắn), tiếp theo là phần cố định vô lăng theo hướng ngang (vô lăng không trôi ra ngoài) sử dụng bộ cupla khí. Với cấu tạo như vậy, khi cố định sản phẩm vào trục, người thao tác cho sản phẩm vào sao cho rãnh boss khớp với rãnh trên trục, tiếp đó là ấn cupla khí vào để cố định vô lăng không cho vô lăng trôi ra. Qua đó, nâng cao được năng suất lao động, thuận tiện cho người thao tác” – chị Tuyết chia sẻ.
Sáng kiến của chị Tuyết ngay sau khi thử nghiệm thành công được áp dụng tại xưởng Vô lăng từ tháng 6-2015, mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu như trước đây, công nhân mất thời gian thao tác vặn vào tháo ra, phải dùng lực của tay để vặn bulong cho chặt, phải làm thêm giờ nhiều để đáp ứng được sản lượng, thì sau cải tiến, thời gian thao tác giảm, công nhân không phải vặn, giảm thời gian làm thêm giờ cho người thao tác. Giá trị làm lợi của sáng kiến được tính chủ yếu ở việc tăng năng suất do giảm thời gian gá, lắp sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp hơn 376 triệu đồng/năm.
Không chỉ thường xuyên đóng góp sáng kiến cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, là tổ trưởng sản xuất bộ phận bọc da 2, chị Tuyết thường xuyên giúp đỡ những công nhân mới vào nghề, yếu kỹ năng, chưa có kinh nghiệm làm chủ công nghệ. Chị Tuyết luôn gương mẫu trong thực hiện nội quy an toàn lao động, tích cực tham gia phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo” và các phong trào do công đoàn công ty phát động, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.(Nhật Huy - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Đoàn kiểm tra của Chi cục kiểm lâm thành phố do Chi cục trưởng Phạm Văn Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra thực địa tại khu rừng ngập mặn ven biển xã Phù Long, huyện Cát Hải (ảnh).
Đoàn đã kiểm tra các khu vực Cái Viềng 1, Cái Viềng 2, khu rừng ngập mặn Đồng Công, khu cửa Áng Dài và khu hòn Thoi Dê. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các khu rừng này được quản lý bảo vệ khá tốt, nhiều khu rừng bị chặt do người dân nuôi trồng thủy sản phá từ những năm 2000 đã được trồng mới. Tiêu biểu như khu đầm của các ông Nguyễn Văn Tính khu Đồng Công, Phạm Văn Bình khu Thoi Dê, ông Lê Văn Thành khu cửa Áng Dài.
Theo ông Nguyễn Quang Thành, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Cát Hải thì từ năm 2002 đến nay, trong tổng số 627ha hệ thống rừng ngập mặn ven biển tại xã Phù Long thì đã có 60ha rừng được trồng mới. Và do làm tốt công tác tuyên truyền bằng các hình thức nên người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng.
Rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của rất nhiều loại thủy sản và nó làm phong phú thêm cho hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc quần đảo Cát Bà, vì thế công tác bảo vệ rừng luôn được các cấp chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.
Thay mặt lãnh đạo Chi cục kiểm lâm TP, ông Phạm Văn Hiển đã biểu dương những cố gắng mà lực lượng kiểm lâm VQG Cát Bà, lực lượng kiểm lâm huyện Cát Hải và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ tốt khu rừng ngập mặn ven biển xã Phù Long trong thời gian qua. (An ninh Hải Phòng 16/08/2016)
Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa công đoàn và đoàn viên; tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của người lao động; chuyển đổi cách thức phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo cách từ dưới lên... Đó là những giải pháp được đề xuất trong lộ trình tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Quan tâm hơn đến đời sống văn hóa
Nội dung này được thảo luận, trao đổi trong Hội thảo “Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động các cấp công đoàn thành phố trong tình hình mới” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức diễn ra sáng 26-7 vừa qua tại Trung tâm hội nghị thành phố. Với sự tham gia của đại diện công đoàn các ngành, địa phương và một số đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hải Phòng, giải pháp quan tâm đến đời sống văn hóa của người lao động được lưu tâm với kiến nghị xây dựng thiết chế văn hóa trong khu công nghiệp, khu chế xuất.Chủ tịch LĐLĐ thành phố Phạm Hữu Thư cho biết, LĐLĐ thành phố đang đề nghị chọn khu công nghiệp Nomura để xây dựng thí điểm thiết chế văn hóa là cụm sinh hoạt giải trí, siêu thị, nhà trẻ phục vụ gần 26.000 lao động đang làm việc tại đây. Đây cũng là 1 trong 15 thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp được đề xuất xây dựng dịp này trong cả nước. Thực tế, đến nay, chưa có khu công nghiệp nào của Hải Phòng có thiết chế văn hóa như mô tả. Mong muốn có nhà trẻ, chuỗi siêu thị và khu sinh hoạt văn hóa của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn nằm trong các kiến nghị của nhiều công đoàn cơ sở các đơn vị, doanh nghiệp. Vì thế, kế hoạch xây dựng thí điểm thiết chế văn hóa dành cho người lao động trong khu công nghiệp Nomura được công đoàn các cấp và người lao động quan tâm. Nếu được triển khai đúng kế hoạch, công trình thiết chế văn hóa ấy sẽ được khởi động trong năm nay và sớm hoàn thành để đi vào hoạt động.
Sâu sát với đời sống người lao động
Việc quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người lao động trong các khu công nghiệp qua xây dựng thiết chế văn hóa chỉ là 1 trong những hạng mục của lộ trình đổi mới phương thức hoạt động công đoàn trong tình hình mới hiện nay. Với thực tế chất lượng lao động và hoạt động của hệ thống các cơ quan, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, cần có thêm những giải pháp đồng bộ trong cải thiện chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp. Các giải pháp được đề xuất tại hội thảo này đều tập trung từ cơ sở với tính thực tế cao.
Theo ý kiến trao đổi của Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương thành phố Nguyễn Đức Châu, trong lộ trình nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cần chú ý tới 6 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó quan tâm đến việc chuyển đổi từ phương thức chỉ đạo hành chính sang phương thức trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để CĐCS chủ động thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ông Châu đề nghị xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa Ban chấp hành CĐCS với đoàn viên, người lao động, tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Đồng thời, tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan công đoàn cấp trên xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Đề xuất về tuyển chọn và sử dụng cán bộ công đoàn chuyên trách cũng được Chủ tịch LĐLĐ quận Hồng Bàng Đinh Thúy Hà đưa ra hội thảo với kiến nghị cần bảo đảm yêu cầu công tác thực tiễn. Bà Hà cho rằng, cán bộ công đoàn chuyên trách cần am hiểu pháp luật, năng động, xử lý tình huống nhạy bén để đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới, đặc biệt là khi nước ta gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Còn theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Vĩnh Bảo Trần Thị Nguyệt, với tình hình mới khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực sẽ có nhiều khó khăn tác động tới hoạt động công đoàn. Đặc biệt trong lĩnh vực giải quyết quan hệ lao động. Vì thế, bà Nguyệt kiến nghị các cấp công đoàn cần thực sự đổi mới nội dung, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan để có biện pháp linh hoạt khi xử lý các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động. Đặc biệt trong giải quyết tranh cấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể.
Những giải pháp trong lộ trình nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn thời gian tới được đề xuất trong hội thảo đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là làm nổi bật hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn và tiêu chí về người lao động Việt Nam trong thời kỳ mới. ( Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ vừa cứu sống một ngư dân bị mất máu cấp do vết thương sâu vùng cổ gáy.
Vào 2 giờ 30 phút ngày 12-8, Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vỹ tiếp nhận trường hợp ngư dân Nguyễn Thành Chung, 33 tuổi ở Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nhập viện trong tình trạng sốc mất máu: mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, vết thương ngang gần đốt sống cổ 7, dài 15cm, sâu 7cm, máu chảy thành tia, nứt gai sau đốt sống cổ 7. Tổng lượng máu mất khoảng 1.500ml. Trước tình trạng nguy kịch của người bệnh, các y bác sĩ tiến hành hồi sức chống sốc, gây mê đặt nội khí quản, kiểm tra đáy vết thương để xử lý kẹp, thắt mạch máu, đồng thời khâu bảo tồn vết thương 2 lớp. Do bị mất máu cấp, người bệnh luôn trong tình trạng huyết áp tụt, có nguy cơ tử vong. Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ báo cáo và xin ý kiến cấp trên về việc huy động Ngân hàng máu sống tại đảo để kịp truyền máu cấp cứu người bệnh.15 phút sau, các cán bộ, chiến sĩ của Ban Chỉ huy quân sự huyện Bạch Long Vỹ, Liên đội Thanh niên xung phong và các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ tình nguyện có mặt để kiểm tra và cho máu. Sau khi sàng lọc các tình nguyện viên, anh Bùi Văn Thành thuộc Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ có nhóm máu O đủ điều kiện an toàn để lấy 250ml truyền máu trực tiếp cho người bệnh. Sau truyền máu, người bệnh qua cơn nguy kịch, mạch, huyết áp ổn định, vết thương tại chỗ đã cầm máu. Hiện tại người bệnh đang được các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ theo dõi sát và điều trị tích cực. ( Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất đá viên dùng liền (đá giải khát) trên địa bàn thành phố. Trong quá trình kiểm tra, không có cơ sở nào bị xử phạt hành chính do vi phạm ATVSTP. Tuy nhiên, một số cơ sở chưa đạt yêu cầu về vệ sinh ngoại cảnh, người lao động không được kiểm tra sức khoẻ, thiếu các phương tiện bảo hộ lao động …
Trong không khí oi ả, nắng nóng của ngày hè, nhu cầu sử dụng đá giải khát của người dân tăng cao. Đá viên giải khát trở nên “hút khách” bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ. Thế nhưng, nhiều người chưa quan tâm chất lượng của sản phẩm có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không.
Khắp các chợ hay những con phố từ nội thành, đến ngoại thành, đều có những cửa hàng, đại lý bán nước đá. Đá được bày bán phong phú, từ đá cây, đá viên, cho đến đá xay. Giá khoảng 7.000 đồng/túi 5 kg nên hầu hết các hàng nước từ vỉa hè bình dân đến các quán cà phê giải khát, nhà hàng sang trọng đều sử dụng. Những túi đá viên được vận chuyển bằng những chiếc xe máy, xe đạp điện, xe ba bánh tới khắp các hang cùng, ngõ hẹp trong thành phố. Quán lớn tiêu thụ vài tạ, quán nhỏ vài chục cân, chưa kể đến những quán tạp hóa lấy đá về bán lẻ. Song đa số chủ hàng, quán, người dân đều không biết rõ loại nước đá mà họ đã và đang sử dụng được sản xuất chất lượng ra sao, có bảo đảm an toàn sức khỏe?
Chủ đại lý bán đá viên tinh khiết trên đường Ngô Gia Tự cho biết: những ngày nắng nóng, cửa hàng bán đến vài trăm túi đá các loại. Khi được hỏi vì sao các túi đá của cửa hàng không dập mép kín mà chỉ buộc túm 2 đầu, chủ cửa hàng phân trần: “Trước đây, túi đá cũng được dập mép, nhưng nay không làm thế nữa cho đỡ tốn công, người bán lấy đá cũng tiện”.
Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở sản xuất nước đá giải khát phải thực hiện đúng “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước đá dùng liền” ban hành năm 2011. Cụ thể, nguồn nước sản xuất đá đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước uống; hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết bằng inox, không bị gỉ sét; quy trình sản xuất khép kín, tự động; nước đá dùng liền được đóng gói trong bao bì kín và ghi nhãn theo đúng quy định…
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nguyễn Văn Toản cho biết: hiện thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh nước uống tinh khiết và đá viên dùng liền. Ông khuyến cáo, người dân khi sử dụng đá viên dùng liền, cần chọn những túi đá có dập mép kín của những cơ sở có uy tín, có chứng nhận ATVSTP trên bao bì để bảo đảm sức khỏe khi tiêu dùng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thành, phụ trách Trung tâm Y học gia đình – Bệnh viện đại học Y Dược Hải Phòng cho biết: nước đá là môi trường dễ nhiễm vi sinh. Nguồn nhiễm có thể từ bất cứ khâu nào như: nguồn nước ô nhiễm, quy trình sản xuất, người lao động, khâu vận chuyển, bảo quản… Nước đá nhiễm vi sinh có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa có trong nước đá “bẩn” nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Ngoài ra, sản xuất nước đá bằng nguồn nước chưa xử lý, còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất như: thủy ngân, chì, asen, kẽm...Đây là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Có thể thấy, quy định của pháp luật rất rõ ràng, nhưng việc quản lý chất lượng ATVSTP của mặt hàng này hiện vẫn chưa được chú trọng. Cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất hay bán hàng sử dụng đá giải khát không bảo đảm VSATTP. (Tuệ Minh - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Dự án Đầu tư xây dựng lại chung cư U19 Lam Sơn, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước trong tháng 8 này.
Dự án được đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BT) với tổng vốn đầu tư hơn 36,5 tỷ đồng. Mục tiêu là xây dựng lại chung cư để đảm bảo an toàn sử dụng, tái định cư trở lại cho khoảng 43 hộ gia đình đang sinh sống tại Khu tập thể U19 cũ và một số căn hộ dôi dư sẽ phục vụ nhu cầu nhà ở của Thành phố. Hiện tại, TP. Hải Phòng đã thực hiện công tác di chuyển, tạm cư và hoàn thành công tác phá dỡ công trình. Nhà đầu tư đầu tư toàn bộ vốn để thực hiện Dự án và Thành phố thanh toán bằng quỹ đất có giá trị tương đương giá trị dự án BT.
Hiện nhiều chung cư đang xuống cấp khác tại Hải Phòng dự kiến cũng sẽ được đầu tư cải tạo, xây dựng lại theo hình thức BT. (Việt Thăng - Báo Đấu thầu 16/08/2016)
Cho đến trưa ngày 16/8/2016, 12 giờ sau khi tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, lãnh đạo các địa phương này đều ghi nhận tình hình thu xem truyền hình số rất ổn định. Các Sở TT&TT chưa nhận được bất cứ phản hồi trái chiều nào của người dân về số hóa truyền hình.
Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, trong mấy ngày sát thời điểm tắt sóng truyền hình analog (15/8), số lượng cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành gọi về số 0511 1022 để hỏi thông tin tăng lên khá nhiều so với trước đây. Đây là Tổng đài hỗ trợ thông tin về số hóa truyền hình trên cả nước.
Trong ngày 15/8/2016, số lượng cuộc gọi đến Tổng đài 0511 1022 về số hóa truyền hình là 1.200 cuộc gọi. Con số này tăng khá nhiều so với hồi tắt sóng “mềm” truyền hình analog vào ngày 15/6, khi đó Tổng đài đã tiếp nhận 821 cuộc gọi đề nghị giải đáp thông tin liên quan đến số hóa truyền hình. Trong buổi sáng hôm nay 16/8/2016, số lượng cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành gọi đến tổng đài để hỏi về thông tin tắt sóng truyền hình tăng lên đáng kể so với ngày hôm qua. Sở TT&TT Đà Nẵng đã chủ động tăng số lượng bàn tiếp nhận và đáp ứng nhu cầu giải đáp thông tin cho người dân.
Rất nhiều người dân sau khi nhận được tin nhắn của Bộ TT&TT thông báo về thời hạn ngắt sóng truyền hình qua điện thoại đã gọi đến tổng đài đề nghị giải đáp thêm thông tin về số hóa truyền hình. Người dân hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực như: hỏi địa chỉ mua đầu thu ở đâu, đang dùng truyền hình IPTV hay cáp có phải mua đầu thu khác không, nếu đã mua tivi đời mới rồi thì thu xem truyền hình bằng cách nào… Nhiều nhất là số lượng cuộc gọi hỏi về việc khu vực người dân đang sinh sống có bị ngắt sóng truyền hình không và phải thu xem thế nào, đi mua đầu thu ở đâu, số lượng các kênh truyền hình sẽ bị ngắt sóng…
Cho đến trưa ngày 16/8/2016, 12 giờ sau khi tắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog ở 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, lãnh đạo các địa phương này đều ghi nhận tình hình rất ổn định, yên ắng và các Sở TT&TT chưa nhận được bất cứ phản hồi trái chiều nào của người dân về số hóa truyền hình.Từ ngày 13-15/8/2016, phóng viên ICTnews đã trực tiếp khảo sát thực tế chất lượng thu xem truyền hình số của một số hộ dân ở xã Đông Hà, Đông Giang (Đông Hưng, Thái Bình), một số hộ dân ở hai huyện Quốc Oai, Thanh Oai (Hà Nội), tất cả các hộ gia đình được hỏi đều cho biết: Chất lượng xem truyền hình số tốt hơn hẳn truyền hình analog, nhiều kênh hơn, hình ảnh đẹp, âm thanh hay hơn. Việc lắp đặt và sử dụng đầu thu truyền hình cũng dễ dàng đối với người dân, họ không thấy có bất cứ khó khăn nào khi chuyển sang thu xem truyền hình số.
Địa phương đi chậm nhất trong việc triển khai hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo là Hà Nội, tính đến 16h chiều 15/8 đã triển khai lắp đặt hoàn thành 17.267 đầu thu số DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo theo dự án của Bộ TT&TT; 9.400 hộ nghèo, cận nghèo cũng đã được lắp đặt dịch vụ truyền hình cáp của Viettel. Tổng số hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội được Bộ TT&TT trang bị thiết bị thu xem truyền hình số là 61.038 hộ, còn hơn 400 hộ còn lại chưa lắp đặt được do các hộ này đi vắng sẽ được triển khai chậm nhất là hết ngày 18/8/2016.
Trong sáng ngày 16/8/2016, Sở LĐ-TB&XH và Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Hoài Đức. Đoàn kiểm tra tổng thể việc trang bị đầu thu, công tác lắp đặt xem có cấp đúng, cấp đủ cho các đối tượng được hỗ trợ hay không. Kiểm tra tín hiệu thu xem truyền hình số quảng bá, kiểm tra tín hiệu truyền hình cáp Viettel xem có đạt chuẩn hay không. Đối với số lượng hơn 2.000 hộ nghèo, cận nghèo từ chối nhận dịch vụ truyền hình cáp của Viettel, đoàn kiểm tra xác minh thực tế nguyên nhân vì sao các hộ nghèo này từ chối không tiếp nhận.
“Đoàn sẽ kiểm tra tổng thể, xác thực lại mọi thông tin liên quan đến việc trang bị cho hộ nghèo, cận nghèo của TP.Hà Nội thu xem truyền hình số”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho hay.
Ông Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng chia sẻ rằng Sở TT&TT chưa nhận được thông tin phản hồi nào của người dân về mặt trái hay là phàn nàn về hạn chế của truyền hình số. “Từ đêm qua, sau khi sóng truyền hình analog đã tắt toàn bộ. Mọi việc vẫn diễn ra yên ả và tốt đẹp”, ông Đỉnh cho biết.Cũng theo lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội, tổng đài tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về số hóa truyền hình tại Sở TT&TT trong những ngày qua chưa tiếp nhận được bất cứ phản ánh không tốt nào của người dân khi thu xem truyền hình số. “Tình hình tắt sóng truyền hình số rất tốt”, vị lãnh đạo này cho hay.
Tại Cần Thơ, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ cho hay, Sở TT&TT luôn theo dõi diễn biến sau khi tắt sóng truyền hình analog, nhưng chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân về chất lượng thu xem truyền hình số. Việc thu sóng số trên địa bàn khá tốt và nhiều người hài lòng với chất lượng thu xem truyền hình. Sau khi tắt sóng, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con đang dùng tivi analog có thể chuyển sang xem truyền hình số bằng nhiều phương thức khác. Ví dụ, nhà có điều kiện thì mua tivi mới có tích hợp tính năng thu truyền hình số hoặc xem truyền hình trả tiền, người chưa có điều kiện thì mua đầu thu DVB-T2 để xem truyền hình. Sở TT&TT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị khác kiểm tra chất lượng thiết bị thu xem truyền hình số để đảm bảo cho người dân xem truyền hình số đạt chất lượng tốt. (Khôi Nguyên - ICT News 16/08/2016)
Lễ kỷ niệm 84 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân, công bố Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân diễn ra trang trọng, thiêng liêng sáng 31-7 với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thành phố, người thân các liệt sĩ và đông đảo nhân dân.
Đoàn đại biểu Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình, tỉnh Bắc Ninh cùng các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, gia đình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng nhân dân thành kính dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân. Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và nhân dân thành phố tổ chức nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1946 – 27-7-2016); 87 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 – 28-7-2016), nhằm tưởng nhớ công lao, sự hy sinh to lớn và tri ân các thế hệ tiền bối cách mạng, các Anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng; các thương binh, bệnh binh, các gia đình cách mạng... anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong diễn văn kỷ niệm, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khẳng định: “…Cuộc đời hoạt động cách mạng và sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân mãi mãi là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản chân chính. Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân là nơi tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, trở thành nơi chở che, hun đúc hồn thiêng dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng của người cộng sản chân chính cho các thế hôm nay và mai sau”.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trao Quyết định và Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố công trình Nhà tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân. UBND thành phố quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mở rộng khuôn viên Nhà tưởng niệm thành khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2016 và hoàn thành dự án vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2-2-1908 - 2-2-2018). (Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Đêm chung kết hoành tráng, rực rỡ của cuộc thi Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 vừa khép lại vào tối 7-8 với vương miện Hoa Hậu thuộc về Trần Thi Thu Ngân – Người đẹp quê Hải Phòng và hiện đang học tập tại Thụy Sỹ.
Điểm khác biệt của cuộc thi “Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016” so với những cuộc thi sắc đẹp khác là chọn lựa những thiếu nữ Việt đang học tập – làm việc và sinh sống tại Việt Nam và các nước trên thế giới hội tụ đủ các tiêu chí: sắc đẹp, tài năng, trí tuệ và lòng nhân ái, đặc biệt là sự năng động, chủ động và tự tin trong hội nhập quốc tế. Vòng chung kết cuộc thi hội tụ 40 người đẹp trong và ngoài nước, trong đó có 14 người đẹp xuất sắc vượt qua các vòng casting ở Mỹ, Úc để về nước tham dự cuộc thi.
Vượt qua các thí sinh có mặt tại đêm chung kết, sự đăng quang của Trần Thu Ngân được nhận xét là cái kết đẹp cho mùa nhan sắc mới – Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016. Hoa hậu Trần Thị Thu Ngân sinh năm 1996 tại Hải Phòng, hiện là sinh viên ngành quản trị khách sạn tại Thụy Sỹ. Trước khi đoạt ngôi Hoa hậu, Thu Ngân đã đoạt giải phụ Người đẹp Ảnh trong đêm bán kết thế giới diễn ra tại Quy Nhơn. Danh hiệu Á hậu 1 và 2 của Hoa hậu bản sắc Việt lần lượt thuộc về Phạm Thúy Hằng và Quynh Giao Vo.
Thành công của cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu mùa đầu tiên, ngoài nỗ lực của Ban Tổ chức, các thí sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, còn có sự đồng hành của của các Nhà tài trợ gồm: Áo tắm Xuân Thu, Chăn ga gối đệm Hanvico, Yan Tv & Yan News; Trang điểm Cao Tuấn Đạt, lụa Thái Tuấn, dạ hội Cory Trần, dạ hội Cai’s Bridal, nước khoáng Đảnh Thạch, thời trang Hà Duy...
Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016 đã khép lại với nhiều ấn tượng tốt đẹp của công chúng dành cho cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia và toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức. Đây là cuộc thi do Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort tổ chức. Dự kiến Cuộc thi sẽ diễn ra định kỳ 2 năm một lần. (Thanh Hằng - Báo điện tử Tầm nhìn 16/08/2016)
Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Vũ Huy Thành nhận xét, nghệ sĩ Trần Quốc Kiên (sinh năm 1977), là diễn viên có sở trường, thế mạnh diễn hề và có thiên hướng viết kịch bản chèo. Một số tác phẩm của anh được tiến sĩ, “vua chèo” Trần Đình Ngôn đánh giá cao.
4 tháng tình nguyện làm việc không hưởng lương
Sinh ra và lớn lên ở làng tuồng nổi tiếng Kim Lớn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) và là em ruột NSND Trần Hồng Khiêm, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam nhưng con đường đến với nghệ thuật chèo truyền thống của nghệ sĩ Trần Quốc Kiên lại không hề dễ dàng. Năm 1997, khi ấy Trần Quốc Kiên là sinh viên Khoa Kịch hát dân tộc, Trường đại học Sân khấu điện ảnh, vô tình được xem vở diễn “Canh bạc cuối cùng” của Đoàn Chèo Hải Phòng trên ti vi, anh cảm thấy vô cùng thích thú. Không chỉ thích các lớp nang vở diễn, mà anh còn ấn tượng với cách diễn, cách hát của các diễn viên trong đoàn, nhất là màn diễn trò của diễn viên hề chèo. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, Trần Quốc Kiên đi một mạch xuống Hải Phòng xin tuyển dụng. Đi dự tuyển không chỉ một mình, anh còn kéo “cô bạn cùng khoa” Vũ Thị Huế, nay là nghệ sĩ chèo Hương Huế theo cùng. Tuy nhiên, trong khi Hương Huế sớm bộc lộ khả năng và được hưởng các chế độ đãi ngộ, “duyên phận” của Trần Quốc Kiên với Đoàn Chèo Hải Phòng lại long đong. 4 tháng, kể từ khi được tuyển (tháng 10-1999 đến tháng 1-2010), anh tình nguyện làm việc không hưởng lương để khẳng định mình. Trong suốt thời gian đó, anh chủ yếu đóng vai quần chúng hoặc nhắc vở cho bạn diễn. Tình cờ một lần Đoàn diễn một vở chèo ngắn, do kíp 1 vì lý do khách quan không đảm nhận được, kíp 2 được lựa chọn thay thế và Trần Quốc Kiên có cơ hội khẳng định được mình.
Trong quá trình tham gia hoạt động nghệ thuật tại Đoàn Chèo Hải Phòng, Trần Quốc Kiên có xu hướng đóng các vai hề chèo và khá thành công ở dạng vai này trong một số tác phẩm chèo truyền thống, như: vai Cả sứt trong vở “Kim Nhang”, vai hề trong vở “Lưu Bình- Dương Lễ”, các vai Nô, Hương Câm trong vở “Quan âm Thị Kính”. Trần Quốc Kiên từng được giao vai hề bếp trong “Định phúc táo quân”, hề Thức trong “Của thiên trả địa”, Thạch Tỵ trong “Thạch Sùng”…Đối với nghệ thuật chèo, các vai hề đi vào lòng người xem và được nhân dân yêu mến bởi tiếng cười trong hề chèo không chỉ là tiếng cười dẫn truyện, mà đôi lúc còn là tiếng cười châm biếm, mỉa mai. Tuy nhiên, đất diễn cho các vai hề chèo không nhiều. Các tác giả kịch bản chèo ít ưu ái vai hề mà thường xoáy vào nhân vật chính. Một sự kiện ghi dấu ấn trong sự nghiệp của Trần Quốc Kiên là trong hội diễn chèo toàn quốc năm 2009, vai hề áo dài trong vở “Vùng sáng Dương Kinh” của anh được trao tặng huy chương bạc. Ban giám khảo đánh giá cao khả năng diễn tròn vai hề có tính cách, có số phận rõ ràng cũng như khả năng đài từ, cách buông câu, nhả chữ cũng như khả năng duy trì tiếng cười của công chúng qua các lớp diễn của anh.
“Làm nghệ thuật là phải yêu nghề”
Nghệ sĩ Vũ Huy Thành, Trưởng đoàn và cũng là tác giả của các vở diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng những năm gần đây nhận định, hề chèo là một dạng vai khó, không phải ai cũng diễn được. Bởi qua nội dung, cách thức biểu đạt gây cười của diễn viên sẽ giảm bớt “sức nặng” cho vở diễn, tạo nên tiếng cười thú vị nơi người xem. Bởi vậy, tìm được người hiểu nghề, yêu nghề, có trách nhiệm và khả năng sáng tạo khi đảm nhận vai hề chèo như Trần Quốc Kiên không dễ. Không chỉ vậy, Trần Quốc Kiên còn nắm các vai mẫu trong các trích đoạn để truyền nghề cho diễn viên trẻ. Tháng 7 - 2015, anh được lãnh đạo Đoàn tin tưởng, bổ nhiệm là Tổ trưởng tổ diễn viên. Trên cơ sở khả năng diễn hề chèo của Trần Quốc Kiên, trong sáng tác vở kịch “Thạch Sùng” vừa ra mắt người xem mới đây, nghệ sĩ Vũ Huy Thành giao cho anh mảnh đất màu mỡ để trổ tài. Đó là đảm nhận vai Thạch Tỵ, con trai Thạch Sùng, một nhân vật có tính cách và số phận riêng. Không phụ lòng mong mỏi của lãnh đạo Đoàn, vai diễn của Trần Quốc Kiên ghi dấu ấn trong lòng người xem ở khả năng đài từ, múa hát chèo và giải phóng hình thể. Đây cũng là vai diễn được anh kỳ vọng có giải thưởng trong Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại Ninh Bình trong tháng 9 tới đây.
Bên cạnh trình độ chuyên môn, Trần Quốc Kiên cũng bộc lộ khả năng viết kịch bản. Trong đó, tác phẩm “Giọt máu rồng lưu lạc” với thông điệp đề cao chính nghĩa của anh được tiến sĩ, “vua chèo” Trần Đình Ngôn đánh giá cao về bố cục và sức sống của nghệ thuật chèo. Trần Quốc Kiên cũng đang trong quá trình hoàn thành tiếp kịch bản “Ông Thiên Lôi- anh hùng thời tao loạn” viết về Phạm Tử Nghi, một danh tướng thời nhà Mạc. Đối với đề tài lịch sử này, anh không chỉ đơn thuần viết về cuộc đời, sự nghiệp, mà còn bỏ ngỏ câu hỏi về số phận của danh tướng sau khi ông đại thắng quân giặc, để người xem suy ngẫm. Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Vũ Huy Thành cho biết, kịch bản của Trần Quốc Kiên là một bước tiếp lối đề tài lịch sử về mảnh đất, con người Hải Phòng, từng được Đoàn dàn dựng thành công, như: “Tấm vóc đại hồng”, “Người con gái sông Cấm”, “Trần Thành Ngọ, “Vùng sáng Dương Kinh”, “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân”, “Âm vang Bạch Đằng”… “Sau khi tác phẩm hoàn thiện, Hội đồng nghệ thuật của Đoàn sẽ xem xét, dựng vở”, nghệ sĩ Vũ Huy Thành nói.
Phát huy truyền thống gia đình, yêu nghệ thuật truyền thống và tự khẳng định bản thân qua các vai diễn hề chèo, sáng tác kịch bản, nghệ sĩ chèo Trần Quốc Kiên bảo: “Làm nghệ thuật phải yêu lấy nghề”. Anh luôn tâm niệm, là nghệ sĩ trẻ không nên đứng núi này, trông núi nọ, phải có lòng yêu nghề, ý thức gắn bó với Đoàn và không ngừng ôn luyện, rèn luyện nghề. (Tường Minh - Báo Hải Phòng 16/08/2016)
Nếu Venezuela được mệnh dh là đất nước sản sinh ra Hoa hậu Thế Giới, thì Hải Phòng chính là vùng đất tập trung nhiều Hoa hậu đăng quang nhất tại Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên Hải Phòng là quê hương của nhiều mỹ nhân đình đám của showbiz Việt đến vậy. Trên đấu trường nhan sắc, Hải Phòng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất hiện nay.
1. Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2015 – Phạm Hương
Nhắc đến Hải Phòng không thể không nhắc đến Phạm Hương - Hoa hậu hoàn vũ 2015 với vẻ đẹp hoàn hảo. Người đẹp sinh năm 1991, cao 1m74 với thân hình đồng hồ cát quyến rũ cùng khuôn mặt rất “tây”.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để Phạm Hương trở thành người đẹp đứng đầu trong lòng khán giả.
Cuối năm 2015, cô tham gia cuộc thi Miss Universe 2015 đã được các chuyên gia sắc đẹp đánh giá rất cao. “Bà trùm Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới” - Ines Ligron rất kỳ vọng Phạm Hương sẽ đem vinh quang về cho Việt Nam.
Tuy kết quả không như mong muốn, nhưng Phạm Hương đã thành công trong việc để lại dấu ấn với bạn bè thế giới và đưa nhan sắc Việt lên tầm cao mới.
Hiện nay, cô đang làm huấn luyện viên “đóng vai ác” trong chương trình truyền hình thực tế “The Face 2016”. Scandal xoay quanh vị huấn luyện viên này rất nhiều nhưng không thể phủ nhận nhan sắc và tài năng của chị trong quá trình dạy dỗ.
2. Trần Thị Thu Ngân - Tân hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016
Trong thời gian gần đây, Trần Thị Thu Ngân là cái tên được công chúng nhắc đến nhiều nhất bởi cô vừa giành được vương miệng quý giá trong cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2016, cũng là người đẹp đến từ Hải Phòng.
Trần Thị Thu Ngân sinh năm 1994, cao 1m70. Cô có số đo 3 vòng được nhiều người mơ ước 87-59-92 và sở hữu khuôn mặt khả ái. Vì thế không có gì bất ngờ khi cô là ứng cử viên sáng giá nhất cho danh hiệu tân hoa hậu.
Thu Ngân đang theo học quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ. Trong thời gian sắp tới, cô sẽ khá vất vả để vừa hoàn thành việc học và trọng trách của 1 đương kim hoa hậu.
3. Nguyễn Thị Huyền - Hoa hậu Việt Nam 2004
Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền được coi là hoa hậu đẹp nhất trong các hoa hậu Việt Nam. Bất ngờ thay, cô cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất cảng Hải Phòng.
Nguyễn Thị Huyền đăng quang khi đang theo học tại Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Sau đó cô gây bất bất ngờ khi không chọn con đường nghệ thuật mà sang Anh quốc du học ngành báo chí - truyền thông.
4. Mai Phương - Hoa hậu Việt Nam 2002
Hoa hậu Mai Phương đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2002 khi là nữ sinh lớp 12 trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng.
Người đẹp sinh năm 1985, với số đo 3 vòng hoàn hảo và được nhận xét là có gương mặt không góc chết. Sau khi đăng quang hoa hậu, Mai Phương tiếp tục tham gia cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới và cô đã xuất sắc lọt top 20, mang vinh quang về cho đất nước.
Tuy nhiên sau khi tham gia các cuộc thi lớn, cô không theo đuổi showbiz mà đi du học ở Luton ngành Quản trị kinh doanh. Tốt nghiệp, Mai Phương về nước và trở thành cán bộ hải quan của Cục Hải Quan Hải Phòng.
5. Nhật Mai - Hoa hậu Biển Việt Nam 1999
Hoa hậu biển Việt Nam là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Nha Trang. Sau đó, Hoàng Nhật Mai - cô gái xinh xắn đến từ Hải Phòng đã đăng quang và giành được danh hiệu quý giá.
Với chiều cao không quá nổi bật, nhưng số đo 3 vòng lý tưởng cùng gương mặt đẹp thanh thoát người đẹp đã giành được vị trí top 20 trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1998, người đẹp ảnh năm 1999.
Sau khi đăng quang, Nhật Mai không tham gia nhiều vào các hoạt động nghệ thuật, nhưng cô từng đóng một số vai diễn trong các bộ phim: Hà Nội 12 ngày đêm, Ngã ba Đồng Lộc… Hiện tại, công việc chính của Nhật Mai là quản lý một số kênh truyền hình. (24h.com.vn 16/08/2016)
Những hành động cổ vũ không đẹp của CĐV Hải Phòng đang khiến cho SVĐ Lạch Tray đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, cấm khán giả.
Ở vòng đấu thứ 20 của V-League 2016, Hải Phòng đã đánh bại Hà Nội T&T để củng cố ngôi đầu bảng. Tuy nhiên niềm vui của thầy trò HLV Trương Việt Hoàng lại không trọn vẹn vì những hành động của các CĐV. Cụ thể, khán đài sân Lạch Tray tràn ngập pháo sáng và băng-rôn mang tính miệt thị đội khách, cùng với đó là những lời lẽ bất lịch sự vốn được biết đến như "đặc sản" của CĐV Hải Phòng.
Chính vì điều này, CLB Hải Phòng và ban tổ chức sân Lạch Tray đang đối mặt với một án phạt nặng từ Ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Thậm chí khả năng đóng cửa sân vận động và cấm khán giả vào sân trong các trận đấu sân nhà của đội bóng này là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu như vậy, thầy trò HLV Trương Việt Hoàng sẽ mất một lợi thế không nhỏ bởi từ lâu sân Lạch Tray đã nổi tiếng là nơi đi dễ khó về với các đội khách vì sức ép kinh khủng từ khán đài.
Việc CĐV Hải Phòng gây rối là điều không còn xa lạ ở V-League qua nhiều mùa giải. Cuối tháng 7 vừa qua, đội bóng này cũng bị phạt 20 triệu đồng do để khán giả có những lời lẽ thô tục với trọng tài và ném chai lọ xuống sân trong trận đấu ở vòng 17 với XSKT Cần Thơ.
Dù vậy vào lúc này, chưa có án phạt cụ thể nào được đưa ra. Trong 6 vòng đấu còn lại của V-League 2016, đội bóng của HLV Trương Việt Hoàng còn 3 trận trên sân nhà gặp FLC Thanh Hóa, QNK Quảng Nam và Sông Lam Nghệ An. ( vntinnhanh.vn 16/08/2016)
Chiến thắng của Hải Phòng trước Hà Nội T&T là câu chuyện về một đội bóng đã vượt qua lịch sử, đã bất chấp những sự tổn thất khủng khiếp về lực lượng, đã lật nhào các quy luật về tiền bạc và đẳng cấp. Bây giờ, Hải Phòng mới thực sự là ứng cử viên số một cho ngôi vô địch V-League 2016.
Màn ngược dòng trước Hà Nội T&T tại vòng 20 Toyota V-League 2016 vừa qua đã mang về cho Hải Phòng quá nhiều điều. Trước hết, nó giúp Hải Phòng đánh bại đối thủ trực tiếp, giành 3 điểm chiến lược, bảo vệ ngôi đầu, nâng cách biệt với nhóm bám đuổi lên 5 điểm. Quan trọng hơn, qua thắng lợi này, Hải Phòng lần đầu tiên thể hiện được cốt cách của một ứng viên thực thụ.
5 lần gặp nhau gần nhất trước Hà Nội T&T tại các giải chính thức, Hải Phòng nhận 4 thất bại. Trong đó, trận thua 0-5 trước Hà Nội T&T tại bán kết Cúp QG 2015 tố cáo sự chênh lệch “một trời một vực” giữa 2 đội. Với đoàn quân đất cảng, Hà Nội T&T là biểu tượng cho sức mạnh của đỉnh cao V-League, là giá trị đẳng cấp mà Hải Phòng chưa thể vươn tới.
Nhưng tại Lạch Tray, bức tường đẳng cấp ấy đã lần đầu tiên bị Hải Phòng xô đổ. Đội bóng đất cảng - không có bộ đôi tiền đạo tốt nhất, bị dẫn bàn, vẫn chơi quật khởi và giành thắng lợi. Họ phá tan cái dớp 5 năm không thắng trước đối thủ. Chiến thắng trước Hà Nội T&T mang tới niềm tin rằng Hải Phòng có thể làm được và chức vô địch là điều hoàn toàn có thể.
Trước đấy, ngay cả khi đang dẫn đầu V-League với cách biệt 9 điểm, HLV Trương Việt Hoàng cũng chưa từng nói về ngôi vô địch. Nhưng sau trận thắng Hà Nội T&T, chiến lược gia trẻ đã tuyên bố: “Lãnh đạo thành phố đã khẳng định quyết tâm nếu năm nay Hải Phòng vô địch, năm sau chúng tôi sẽ dự AFC Champions League”.
Sự trở lại mạnh mẽ của Hải Phòng, thật bất ngờ, lại tới trong giai đoạn họ vắng bộ đôi ngoại binh quan trọng Errol Stevens-Andrea Fagan. 2 trận gần nhất không có bộ đôi này, Hải Phòng đều thắng. Bại tướng của họ là Bình Dương và Hà Nội T&T - nhà vô địch và á quân mùa trước.
HLV Việt Hoàng nói đúng. Sự vắng mặt của các ngoại binh chính là lý do khiến Hải Phòng mạnh mẽ hơn: “Khi chúng tôi đá với 2 cầu thủ ngoại, các cầu thủ nội hơi ỷ lại. Nhưng khi không có ngoại binh, cầu thủ nội đã phải cố gắng hơn. Họ phải chứng minh rằng khả năng chuyên môn của mình không thua kém người ta. 2 trận vừa qua, họ đã làm được điều đó”.
Hải Phòng hiện là đội có cặp tiền đạo nội hay nhất V-League, là bộ đôi hiếm hoi ghi nhiều bàn hơn ngoại binh ở đội bóng của mình. Cặp Đình Bảo - Văn Thắng đã có 13 bàn, nhiều hơn Fagan - Stevens 1 bàn. Ấy là còn chưa kể Xuân Hùng - chủ nhân của 5 pha lập công khác.
3 nội binh ấy có điểm gì thú vị? Họ đều đang trải qua mùa giải đầu tiên ở đội bóng đất cảng. Ngoài Văn Thắng đã khẳng định được đẳng cấp với danh hiệu Vua phá lưới nội 2015, Đình Bảo và Xuân Hùng đều còn vô danh. Người đầu tiên ngồi dự bị ở SLNA, người thứ hai từng phải phiêu bạt sang Lào tìm cơ hội chơi bóng.
Với những nguồn lực rất hạn hẹp, Hải Phòng vẫn đang vươn tới đỉnh cao thành công. Vị trí của họ khiến các CĐV kinh ngạc. Nhưng nó không khiến các nhà chuyên môn bất ngờ. Năm ngoái, Hải Phòng cũng từng đứng nhất bảng sau 5 vòng đầu, giành vị trí á quân lượt đi V-League trước khi sa sút ở nửa sau mùa bóng. Đoàn quân của HLV Việt Hoàng không đi lên từ “zero”, họ đã có những trải nghiệm ở đỉnh cao, họ hiểu cảm giác phải đối mặt với áp lực như thế nào. Họ từng thất bại và do đó, đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.
Lượt đi V-League 2016 là màn trình diễn ấn tượng nhưng lượt về mới là khả năng thực sự của Hải Phòng. Hải Phòng giành nhiều điểm hơn ở giai đoạn 1 nhưng giai đoạn 2 mới là lúc họ cho thấy sự tiến bộ và lột xác thật sự.
Đối thủ lớn nhất của Hải Phòng lúc này chỉ còn là chính họ. Đội bóng đất cảng chỉ cần duy trì phong độ hiện tại là quá đủ để bước tới đỉnh vinh quang. Ngai vàng đang nằm trong tầm tay Hải Phòng. ( Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam 16/08/2016)
Từng là thần đồng bóng đá xứ Nghệ, Đình Bảo phải khăn gói vào đất Cảng và khẳng định cái tên tại V.League 2016 trong vai người người hùng thầm lặng.
Từ "sát thủ" đến kẻ bị quên lãng
Nhắc đến Đình Bảo, tiền đạo đang giúp Hải Phòng bay cao trên bảng xếp hạng và tràn đầy cơ hội vô địch V.League 2016, nhiều người dân xứ Nghệ vừa mừng cho đứa con tha hương vừa xót xa vì SLNA không thể trở thành mảnh đất giúp "Tiểu phi cơ" cất cánh.
Không phải ngẫu nhiên mà Đình Bảo gắn liền với biệt danh "Tiểu phi cơ". Chàng trai sinh ở Thanh Chương từng là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, với những chiến tích lẫy lừng ở các giải đấu trẻ cùng phong cách ăn mừng giang rộng tay như phi cơ cất cánh rất bắt mắt.
Gia nhập lò SLNA ở tuổi 12, Đình Bảo nổi lên như một ngôi sao trẻ đầy triển vọng trong tương lai với cú đúp danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới VCK U.17 quốc gia năm 2008. Đó là giải đấu mà Đình Bảo đã có 8 bàn thắng, trong đó có 2 cú hat-trick.
Cái tên Đình Bảo được nhắc đến nhiều nhất là màn trình diễn ấn tượng tại U.21 quốc gia và U.21 quốc tế báo Thanh Niên năm 2012. Sau khi tỏa sáng giúp U.21 SLNA vô địch U.21 quốc gia, Đình Bảo ghi dấu ấn lớn trong màu áo U.21 Việt Nam với 6 bàn thắng và giành danh hiệu Vua phá lưới.
Với sự khẳng định tài năng ở các giải đấu trẻ, Đình Bảo được HLV Hữu Thắng cất lên đội 1 SLNA. Nhiều người đã chờ đợi Đình Bảo sẽ tiếp bước những đàn anh như Văn Quyến, Công Vinh để tỏa sáng ở sân chơi V.League.
Thế nhưng, áp lực lớn ở sân chơi chuyên nghiệp và không có nhiều cơ hội ra sân, tất cả khiến cho một cầu trẻ như Đình Bảo không thể "chín" nhanh như sự kỳ vọng và chưa thể tìm được chỗ đứng ở đội 1.
Sau đó, Đình Bảo được đem cho Hà Nội ACB mượn. Đến đầu năm 2013, đội bóng Thủ đô giải tán và Đình Bảo tiếp tục được đem cho XSKT.Cần Thơ mượn.
Hành trình tha hương của Đình Bảo chấm dứt vào năm 2014, khi SLNA gọi tiền đạo này trở về. Tuy nhiên, "sát thủ" của các giải đấu trẻ vẫn không thể tỏa sáng trong 2 mùa bóng liên tiếp góp mặt cùng SLNA ở V.League, với vỏn vẹn 740 phút thi đấu, không có nổi 1 bàn thắng và trở thành cái tên bị quên lãng.
6 bàn thắng và màn tái sinh nơi đất Cảng
Trước thềm mùa bóng 2016, Đình Bảo khăn gói đến đất Cảng thử việc và nhận được cái gật đầu của HLV Trương Việt Hoàng. Một cánh cửa mới mở ra để cho Đình Bảo có cơ hội được tái sinh và tìm về đúng với tài năng được thừa nhận ban đầu.
Đến với đất Cảng, Đình Bảo được HLV Trương Việt Hoàng tin dùng và trao cho nhiều cơ hội thi đấu. Bằng chứng là tiền đạo người xứ Nghệ đã có 868 phút thi đấu ở V.League 2016, một sự khác biệt rất lớn so với thời gian 2 mùa bóng 2014 và 2015 chơi cho đội bóng quê hương.
Đáp lại niềm tin của HLV Việt Hoàng, Đình Bảo thi đấu ấn tượng với 6 pha lập công ở V.League 2016. Đây cũng là 6 bàn thắng đầu tiên mà tiền đạo này có được sau 3 năm liên tiếp thi đấu ở V.League. Nó giống như một cột mốc vô cùng đáng nhớ cho sự nỗ lực tột bật của Đình Bảo.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hải Phòng mất 2 ngoại binh vì án phạt, Đình Bảo có 3 bàn thắng trong 2 chiến thắng gần nhất trước B.Bình Dương và Hà Nội T&T. Nói như HLV Việt Hoàng, Đình Bảo đang chơi rất tốt trong thời điểm quan trọng để giúp Hải Phòng trở lại ngôi đầu bảng xếp hạng.
Trong khi đó, Đình Bảo từ tốn cho biết cảm giác thật sự rất vui khi ghi được 6 bàn thắng ở mùa này. Một trong những nguyên nhân chính giúp cho tiền đạo này có thể thi đấu tốt là được HLV Việt Hoàng tạo cơ hội cho thi đấu thường xuyên.
Từ một cầu thủ bị lãng quên và có nguy cơ bị thui chột tài năng, Đình Bảo đang tái sinh ngoạn ngục trong màu áo đội bóng đất Cảng. Thậm chí, tiền đạo này đang sắm vai người hùng thầm lặng để đưa Hải Phòng tiến gần ngôi vô địch V.League 2016. (Báo Thể thao Việt Nam 16/08/2016)