Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 16/5/2014)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 16/5/2014)

            THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri TP Hải Phòng

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, chiều 15-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tiếp xúc với đông đảo đại biểu cử tri quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng).

Các đại biểu cử tri TP Hải Phòng được thông báo tình hình kinh tế- xã hội đất nước và TP Hải Phòng trong bốn tháng đầu năm 2014 và định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian còn lại của năm 2014; dự kiến nội dung kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII; Hoạt động của Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng từ kỳ họp thứ sáu đến nay.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ niềm phấn khởi tin tưởng sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự điều hành của Nhà nước, Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của toàn dân đã tạo đà cho kinh tế - xã hội của đất nước ổn định và từng bước phát triển. Các cử tri đề nghị Ðảng, Chính phủ cần có các giải pháp tích cực hơn nữa trong hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ để ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cử tri tin tưởng vào các chính sách cụ thể của Ðảng, Nhà nước đang được thực thi sẽ đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế của Hải Phòng và cả nước...

Vấn đề Biển Ðông được các đại biểu cử tri đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cử tri cực lực phản ứng trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Hoàng Sa và khẳng định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam. Việc làm trên của nhà cầm quyền Trung Quốc là phi pháp, không thể chấp nhận được. Cử tri TP Hải Phòng cũng bày tỏ tinh thần đoàn kết chung sức đồng lòng ủng hộ Ðảng, Chính phủ trong đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thay mặt Chính phủ và các thành viên trong Ðoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cảm ơn và trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu cử tri quận Hồng Bàng để chuyển tới Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Với trách nhiệm của mình, Thủ tướng sẽ làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó; tiếp tục giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri trong lĩnh vực thẩm quyền của mình. Thủ tướng cũng khẳng định: Những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời gian qua là kết quả của sự nỗ lực chung của nhân dân cả nước, trong đó có TP Hải Phòng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số tăng giá tiêu dùng dự báo cả năm chỉ khoảng 6%, thấp hơn mức dự kiến 7%; lạm phát được kiềm chế, tỷ giá được giữ ổn định, lãi suất tín dụng và huy động tiếp tục giảm, dự trữ ngoại tệ tăng, cán cân thanh toán ổn định... Ðây là tiền đề quan trọng để đất nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng tổng cầu của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm các thủ tục hành chính..., phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,8% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Ðể thực hiện điều đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với ba đột phá chiến lược đã đề ra; các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi và an sinh xã hội được bảo đảm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên (đất đai, khoáng sản, nước) và bảo vệ môi trường phát triển bền vững; thực hiện cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc...

Thủ tướng khẳng định rõ, việc bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã xác định và kiên quyết thực hiện. Về hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), đi ngược lại thỏa thuận giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc về giải quyết tranh chấp trên Biển Ðông... Ðảng, Nhà nước ta đã kiềm chế, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép và ngừng ngay các hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Thủ tướng cũng lưu ý TP Hải Phòng và các địa phương khác trong đấu tranh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc cần vận động nhân dân tỉnh táo, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục phá tài sản, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, gây mất an ninh trật tự. Ðồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội... Thủ tướng đã trực tiếp trả lời và làm rõ nhiều băn khoăn, kiến nghị khác của cử tri. (PV, Nhân dân Online 16/5; chinhphu.vn 16/5; Tin tức Online 16/5; Thanh niên Online 16/5; Tuổi trẻ Online 16/5; Tiền Phong Online 16/5; Nhân dân Online 15/6; VnExpress 16/5; Người lao động Online 16/5; Nông thôn ngày nay Online 16/5; vov.vn 16/5; vtc.vn 16/5; motthegioi.vn 16/5; lao động Online 16/5; Thời báo kinh tế Việt Nam Online 16/5; vietnamnet.vn 16/5; Đại đoàn kết Online 16/5; Báo Bắc Giang Online 16/5; nguyentandung.org 16/5; Quân đội nhân dân Online 16/5; Hà Nội mới Online 16/5; Báo Phụ nữ Online 16/5; Công an nhân dân 16/5 Tr1+2)

2.     Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại vừa lên tiếng phê phán Trung Quốc trong lúc hai nước căng thẳng vì vụ giàn khoan trên Biển Đông

“Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường: trước là hơn 80 tàu, bữa nay là hơn 90 tàu, vòng mấy vòng bảo vệ giàn khoan, không cho tàu của ta tiếp cận.

“Trong khi tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của ta tiếp cận là để yêu cầu rút giàn khoan chứ không phải dùng vũ lực. Thế mà Trung Quốc lại còn đổ lỗi là Việt Nam quấy rối," ông Nguyễn Tấn Dũng được trích lời trên báo điện tử VietnamNet.

"Hiện chưa xảy ra xung độ lớn mà đã ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng hải rồi", Thủ tướng Dũng nhận định.

Thủ tướng cũng nói “đánh giá cao” sự đồng lòng của người dân trong việc ủng hộ chính phủ đấu tranh chủ quyền, nhưng phê phán các “hành động sai và vi phạm pháp luật”.

Ông Dũng khẳng định Việt Nam chỉ phản đối “nhà cầm quyền Trung Quốc”, còn với người dân, doanh nghiệp Trung Quốc và các nước khác hợp tác làm ăn thì phải bảo vệ họ.

“Phải bảo đảm an ninh an toàn cho mọi người dân, mọi doanh nghiệp. Bất cứ ai khi ta đã mời vào đầu tư thì phải đảm bảo tính mạng, tài sản theo đúng luật pháp,” Thủ tướng Dũng nói.

Trong cuộc gặp mặt cử tri, ông Dũng cũng cho biết thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam vừa đối thoại với người đồng cấp ở Bắc Kinh và nói Việt Nam đang “kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ”.

“Tới hôm nay rất mừng là quốc tế đã lên tiếng phê phán Trung Quốc, kêu gọi họ không dùng vũ lực. Chưa thấy chính phủ nước nào lên tiếng ủng hộ Trung Quốc," Thủ tướng Dũng được báo trong nước dẫn lời. (bbc.co.uk 16/5)

3.     Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc đại biểu cử tri Hải Phòng: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Chiều 15- 5, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp xúc đại biểu cử tri quận Hồng Bàng, chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13. Cùng dự có các đồng chí: Dương Anh Điền, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố; đại diện Ủy ban MTTQ thành phố; các ngành, địa phương, đơn vị và một số doanh nghiệp…

Từ sau kỳ họp thứ 6 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tổ chức triển khai nhiều hoạt động, tập trung thực hiện chức năng xây dựng pháp luật; giám sát; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; tiếp xúc cử tri và nhiều hoạt động khác. Đoàn và các đại biểu Quốc hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu của nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động theo chương trình của Đoàn và của từng đại biểu, chuẩn bị tốt các nội dung cần thiết cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13. Đã có 48 văn bản của 17 bộ, ngành trung ương trả lời 81 ý kiến, kiến nghị của cử tri Hải Phòng, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: công tác xây dựng pháp luật, đầu tư xây dựng nông thôn mới, chế độ chính sách đối với người có công; đào tạo nghề cho thanh niên; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; chất lượng giáo dục; chất lượng giảng dạy của giáo viên, chất lượng sách giáo khoa, chính sách hỗ trợ thị trường, quản lý giá và chất lượng hàng hóa…

Tiếp tục có những quyết sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

Đại biểu cử tri quận Hồng Bàng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả mà cả nước và thành phố Hải Phòng đạt được trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Cử tri đánh giá cao các giải pháp nhanh nhạy, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân một cách thiết thực;  cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và cá nhân đồng chí Thủ tướng đối với thành phố Hải Phòng, thể hiện qua nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của thành phố như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện, đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi…

Các kiến nghị của cử tri Hải Phòng tập trung nhiều vào các giải pháp tháo gỡ vướng mắc,  khó khăn cho doanh nghiệp. Theo phản ánh của Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai Nguyễn Bích Hòa, lãi suất ngân hàng giảm xuống mức hợp lý, nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, đầu ra của sản phẩm còn rất khó khăn, sức mua giảm sút; thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển động… Vì thế, Chính phủ cần có các gói kích cầu phù hợp, kích thích sức mua, khơi thông nguồn vốn ngân hàng. Ngoài ra, chủ trương siết tải trọng xe là cần thiết nhưng đã bộc lộ một số bất cập; chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng quá cao; việc thực hiện thiếu đồng bộ, còn có tình trạng lách quy định, gây mất công bằng. Bà Nguyễn Bích Hòa kiến nghị đánh giá lại và có lộ trình phù hợp, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp gắn với an toàn giao thông, đồng thời phát triển nhanh các loại hình vận tải đường thủy, đường sắt để giảm áp lực cho đường bộ.

Theo cử tri Trần Việt Khánh, Tổng giám đốc Lisemco, cộng đồng doanh nghiệp rất vui vì Chính phủ có những quyết sách đúng đắn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp cơ khí chế tạo. Tuy nhiên, mong Chính phủ có sự quan tâm thích đáng hơn tới chính sách phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các doanh  nghiệp lớn trong nước đủ năng lực được là tổng thầu của các dự án lớn.

Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Trần Quang Tuấn kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, quan tâm phê duyệt việc mở rộng địa giới hành chính cho quận Hồng Bàng, tạo điều kiện để  quận phát triển. Chủ tịch UBND phường Phạm Hồng Thái đề nghị sớm tổng kết việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường và xây dựng mô hình quản lý phù hợp.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đại diện Hội Cựu chiến binh, phường Hoàng Văn Thụ, phường Minh Khai… bày tỏ thái độ phẫn nộ trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan  tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đây là hành động ngang ngược đáng lên án và bày tỏ quyết tâm của nhân dân sẽ làm tất cả những gì có thể để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan về nước. Cử tri cũng phản đối một số việc làm quá khích của một số người trong những ngày qua, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự và môi trường đầu tư của đất nước. Cử tri mong muốn Trung ương, Chính phủ tiếp tục đầu tư, quan tâm, nâng cao năng lực về mọi mặt cho các lực lượng chấp pháp trên biển để giữ vững chủ quyền quốc gia.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, gìn giữ hòa bình

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe  ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của cử tri đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; gửi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp tới toàn thể đồng chí, đồng bào và cử tri Hải Phòng. Thủ tướng nêu rõ: Năm 2014, đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng 4 tháng qua vẫn đạt được thành tựu đáng tự hào. Trong đó, đáng ghi nhận là 2 mục tiêu quan trọng hàng đầu thực hiện được là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Từ đó, tỷ giá ổn định, bảo đảm sức mua đối ngoại của đồng tiền Việt Nam; đẩy mạnh xuất khẩu;  bảo đảm thặng dư cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế;  duy trì tốc độ tăng trưởng GDP; lãi suất tín dụng tiếp tục giảm... Đáng chú ý là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được giữ vững; gia đình chính sách được quan tâm. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến và  đạt kết quả bước đầu. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Quốc phòng- an ninh được bảo đảm; giữ được ổn định xã hội, chủ quyền quốc gia. Thủ tướng khẳng định, trong kết quả chung của cả nước, có phần đóng góp rất quan trọng của thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nghiêm túc chỉ rõ một số yếu kém, khuyết điểm, cụ thể là kinh tế-xã hội chuyển biến còn chậm, chưa vững chắc; lạm phát còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ; thị trường bất động sản chưa có nhiều chuyển biến;  đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…

Từ kết quả đó, Thủ tướng khẳng định, thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện 7 nhóm giải pháp. Cụ thể là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ ổn định tỷ giá, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam; tăng thu ngân sách… Thủ tướng nhấn mạnh các biện pháp tháo gỡ vướng mắc,  khó khăn trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,8%. Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể tăng tổng cầu của nền kinh tế thể hiện qua việc tăng thêm tín dụng; giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đồng vốn; giảm chi phí tiếp cận đất đai… Cùng với đó là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược theo hướng hiệu quả hơn, sức cạnh tranh cao hơn. Các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng… cũng được Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định, tăng cường  bảo đảm QPAN, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu, thường xuyên của nước ta. Việc Trung Quốc  hạ đặt giàn khoan tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam  là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta sẽ làm tất cả để giữ vững hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, vừa qua có một số hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại cơ sở sản xuất, buộc phải xử lý. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương bằng mọi biện pháp ngăn chặn những hành vi vi phạm này, xử lý nghiêm minh những người có hành vi manh động; bảo đảm an ninh, an toàn cho doanh nghiệp, người dân làm ăn tại Việt Nam. Việt Nam luôn duy trì chính sách nhất quán, tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo đảm an ninh, an toàn cho tất cả nhà đầu tư tới Việt Nam.

Về các kiến nghị của cử tri, Thủ tướng trân trọng tiếp thu, đồng thời làm rõ thêm một số vấn đề cử tri quan tâm. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri Hải Phòng sẽ được tổng hợp, chuyển tới Quốc hội. Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng cũng sẽ xem xét, ghi nhận các kiến nghị, tùy theo thẩm quyền sẽ chỉ đạo giải quyết. Thủ tướng cảm ơn tình cảm tốt đẹp của cử tri và nhân dân Hải Phòng dành cho Thủ tướng và hứa sẽ làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. (Báo Hải Phòng Online 16/5; An ninh Hải Phòng Online 16/5; Bản tin thời sự tối 15/5, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

4.     Hải Phòng: Tổ chức Kỳ họp thứ Tám

Tại Kỳ họp thứ Tám (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố Khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận và thông qua 2 nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ, giải pháp phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng và nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tinh thần phục vụ trong khám, chữa bệnh đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế vùng duyên hải Bắc bộ. Các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp đã góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định về chế độ, chính sách của địa phương trên cơ sở các chủ trương, chính sách và quy định do Trung ương ban hành, góp phần thúc đẩy KT- XH phát triển. Cũng tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã tiến hành kiện toàn một số chức danh. Kết quả: nguyên Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND thành phố; nguyên Bí thư Huyện ủy Cát Hải Bùi Thanh Tùng được bầu giữ chức Ủy viên Thường trực HĐND thành phố; nguyên Chủ tịch UBND quận Dương Kinh Nguyễn Văn Thành được bầu giữ chức Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố; Phó trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thu Hương được bầu làm Thư ký các kỳ họp HĐND thành phố, nhiệm kỳ 2011- 2016. (Thanh Lâm, Đại biểu nhân dân Online 13/5)

5.     Ban vận động quỹ vì Trường Sa thân yêu thành phố Hải Phòng: Thư vận độngỦng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu

Những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước, trong đó có Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng thường xuyên tổ chức các đoàn ra thăm, tặng quà động viên vật chất, tinh thần quân, dân huyện đảo Trường Sa. Đây là việc làm có ý nghĩa chính tị - xã hội sâu sắc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào trong và ngoài nước. Phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước; chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày với quân, dân huyện đảo Trường Sa, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thực hiện Quyết định số 557/QĐ-TTg ngày 19-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và hoạt động Quỹ vì Trường Sa thân yêu, Ban vận động Quỹ vì Trường Sa thân yêu thành phố Hải Phòng kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội, tôn giáo, các đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, sinh viên... trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng, quyên góp ủng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu, thể hiện nghĩa cử cao đẹp thiết thực của người Việt Nam nói chung và người dân thành phố Hải Phòng nói riêng.

Ban vận động Quỹ vì Trường Sa thân yêu thành phố Hải Phòng xin đón nhận và trân trọng cảm ơn tất cả tấm lòng hảo tâm của các cơ quan, đơn vị, của mọi tầng lớp nhân dân thành phố và có trách nhiệm chuyển tới quân, dân huyện đảo Trường Sa nhanh chóng và đầy đủ.

Mọi quyên góp, ủng hộ của tập thể, cá nhân xin gửi về Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng (số 2, đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) hoặc chuyển về tài khoản: 3713.1 – Mã số ĐVQHNS: 9000163; tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hải Phòng. Nội dung: Ủng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu. Thời gian tiếp nhận đến ngày 31-7-2014. (Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Báo Hải Phòng Online 16/5)

6.     Đưa Luật Đất đai 2013 vào đời sống: Giải pháp cần chi tiết, cụ thể

Dự thảo đề cương Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể, thiết thực gồm tuyên truyền nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai; hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật; năng lực quản lý thực thi chính sách pháp luật đất đai; phát huy nguồn lực tài nguyên đất, hiệu quả sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo chương trình do Sở Tài nguyên – Môi trường tổ chức mới đây, một số cán bộ các ngành chức năng cho rằng một số giải pháp trong đề cương còn chung chung, chưa chi tiết, cụ thể, tập trung vào những vấn đề phát sinh trong thực tế của thành phố.

Nhóm giải pháp về năng lực quản lý đất đai được khá nhiều đại biểu quan tâm, nêu thực trạng tồn tại, đồng thời góp ý kiến bổ sung. Ông Bùi Văn Vi, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên nhận xét việc giao đất cho các hộ nghèo, người có công hiện nay các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa tiếp cận được những hướng dẫn cụ thể về Luật Đất đai về vấn đề này. Vì vậy, nên chăng trong dự thảo đề cương bổ sung hướng dẫn điều kiện thuận lợi để các địa phương thực thi.

Ông Tô Quang Vĩnh, Phó trưởng Ban nội chính Thành ủy cho rằng trong dự thảo đề cương chương trình hành động chưa đề cập cụ thể việc giải quyết những vấn đề bất cập trong công tác quản lý đất đai liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây dựng nhà ở. Vì vậy, cần đưa ra các giải pháp cụ thể về hướng giải quyết các vấn đề bất cập, bức xúc còn tồn tại với tiến độ thời gian nhất định, khả năng giải quyết vấn đề này của các ngành chức năng (An Hương, Hải Phòng cuối tuần 16/5 Tr10+11)

7.     Đẩy nhanh xây dựng quy hoạch, đề án phòng chống thiên tai, lụt bão

Sáng 15-5, Thường trực HĐND thành phố làm việc với Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN thành phố về  triển khai nhiệm vụ công tác năm 2014; Việc sử dụng kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2013. Đồng chí Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc làm việc.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN thành phố, mùa mưa bão năm 2014 dự kiến từ 3-4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hải Phòng. Từ đầu năm, thành phố ban hành Chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, lụt bão- TKCN; phê duyệt đầu tư kinh phí tu bổ đê điều; xây dựng kế hoạch PCLB cũng như phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu cấp thành phố. Các ngành, địa phương xây dựng phương án riêng và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ theo đặc thù từng địa phương; các đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ". Năm 2013, thành phố được Trung ương hỗ trợ 65 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp và khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu sau bão số 2 và số 14, nguồn kinh phí này được phân bổ đúng hướng dẫn. Hiện, thành phố còn 5% tuyến đê, kè xung yếu; 27% tuyến đê và 34% tuyến kè kém ổn định, không bảo đảm an toàn; 59 cống dưới đê (chiếm 15%) xung yếu và hơn 150 cống (chiếm 40%) kém an toàn. Do nguồn vốn tu bổ công trình PCLB hạn chế, nhiều dự án thi công kéo dài, dự án tu bổ đê điều khẩn cấp và thường xuyên năm 2014 triển khai chậm. Đến nay, mới có 3 địa phương diễn tập phương án PCLB-TKCN.

Đồng chí Nguyễn Đình Bích lưu ý cơ quan Thường trực BCH Phòng chống lụt bão và TKCN thành phố sớm hoàn thành xây dựng các quy hoạch hệ thống đê điều, hành lang thoát lũ; đề án phát triển rừng ngập mặn, phương án di dân khỏi hành lang đê...Bám sát sự chỉ đạo của thành phố, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong PCLB-TKCN; tham mưu UBND thành phố, các ngành, địa phương sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí của Trung ương, thành phố đầu tư cho các công trình PCLB; Tập trung tập huấn kỹ năng phòng chống thiên tai tới người dân; quan tâm củng cố hệ thống đê điều; rà soát lại phương án, kế hoạch PCLB của các ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện tốt công tác PCLB-TKCN năm 2014.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) huyện Kiến Thụy vừa tổng kết công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2014.

Năm 2013, các cơn bão diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới các công trình phòng chống lụt bão, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trên địa bàn huyện Kiến Thụy. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện chủ động bố trí nhân lực, vật lực, phương tiện, thực hiện nghiêm túc công tác sơ tán dân, kêu gọi, bố trí neo đậu tàu thuyền, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về đê điều, triển khai xây dựng một số công trình PCLB: nâng cấp 70% khối lượng đê Tả Văn Úc, hoàn thành 80% dự án khu neo đậu tránh trú bão Quan Chánh (xã Đại Hợp).

Năm 2014, huyện Kiến Thụy nêu cao sự chủ động phòng chống lụt bão, đối phó kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; triển khai các giải pháp phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hoàn thành tu bổ đê kè, cống theo quy định, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, phục vụ phòng chống lụt bão; tổ chức thường trực PCLB và TKCN theo quy định; tập trung các điểm xung yếu trên tuyến đê Tả Văn Úc; cống Đồng Thẻo 1,2, cống Ngũ Đoan, cống Thống; quy hoạch bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông Văn Úc, bảo đảm an toàn đê điều, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. (Báo Hải Phòng Online 16/5)

8.     Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên

Ngày 14-5, đồng chí Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố kiểm tra tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Cùng đi có lãnh đạo các Sở, ngành địa phương liên quan.

Đoàn công tác kiểm tra thực địa tại các khu vực các núi Ngà Voi, Hang Ốc (xã Minh Tân), Bụt Mọc, Thành Dền và Quỳ Khê (xã Liên Khê), khu vực núi đá Trại Sơn C. Tại các điểm mỏ, đoàn kiểm tra phát hiện hoạt động khai thác trái phép, đặc biệt nghiêm trọng là khu vực núi Trại Sơn C, khu núi Ngà Voi (xã Minh Tân)…Đáng chú ý, một số doanh nghiệp, cơ sở được cấp phép khai thác, nhưng không tuân thủ quy trình; tại một số điểm mỏ chưa được cấp phép khai thác hoặc hết thời hạn cấp phép nhưng vẫn tổ chức khai thác. Việc tuân thủ quy định hoàn nguyên, đóng cửa mỏ chưa được doanh nghiệp tuân thủ. Thời gian qua, huyện Thủy Nguyên có nhiều biện pháp kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác trên địa bàn, phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm, thu giữ nhiều phương tiện vi phạm khai thác, vận chuyển khoáng sản; xử phạt hàng trăm triệu đồng. 

Qua kiểm tra thực tế, nghe ý kiến các ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại yêu cầu các ngành, huyện Thủy Nguyên làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tới người dân, doanh nghiệp, chính quyền cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo trách nhiệm từng ngành, địa phương, đơn vị; các doanh nghiệp xem xét giải pháp cắm mốc, lập hàng rào quản lý, bảo vệ đối những điểm mỏ được cấp phép, chuẩn bị được cấp phép; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, chính quyền xã, huyện, lực lượng công an, quân đội để làm tốt công tác này. UBND thành phố xem xét việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm khai thác không bảo đảm yêu cầu. (Báo Hải Phòng Online 16/5)

9.     Đại hội công đoàn viên chức thành phố nhiệm kỳ 2014 – 2018: Phát động ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả

Trong 2 ngày 14 – 15/5, Công đoàn viên chức Hải Phòng đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2014 – 2018. Các đồng chí: Lê Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Chủ tịch LĐLĐ TP; Đào Văn Ngọc, Phó chủ tịch công đoàn viên chức Việt Nam đã đến dự, phát biểu chỉ đạo.

Bước sang nhiệm kỳ 2014 – 2018, mục tiêu và phương hướng tổng quát của công đoàn viên chức Hải Phòng là tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tăng cường thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBCNVCLĐ. (TK, An ninh Hải Phòng 16/5 Tr2; Báo Hải Phòng 16/5 Tr7)

10.            Huyện ủy An Dương: Biểu dương 37 tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Huyện ủy An Dương vừa sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị; biểu dương 37 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013.

3 năm qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện An Dương quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, đạt được nhiều kết quả nổi bật.  Qua đó, tác động tích cực, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện. Tinh thần tự giác, tự phê bình, tự nhận những khuyết điểm, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của nhiều tập thể, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được khắc phục kịp thời; Nhiều thủ tục hành chính được cải cách thông thoáng; kỷ luật công vụ, chấp hành nội quy, quy chế làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Thời gian tới, Huyện ủy An Dương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao ở các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. (Báo Hải Phòng 16/5 Tr1+2)

AN NINH – PHÁP LUẬT

11.            Trả nợ cho mẹ, nữ sinh 17 tuổi bán "cái ngàn vàng"

Được bạn gợi ý bán "cái ngàn vàng" để trả nợ cho mẹ, nữ sinh 17 tuổi "nhắm mắt" làm liều bán trinh với giá 20 triệu đồng.

Mới đây, người dân địa phương ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đang xôn xao việc một nữ sinh 17 tuổi rao bán trinh tiết để giúp mẹ trả nợ thua bài bạc. Sự bồng bột của tuổi trẻ cũng như hoàn cảnh khốn cùng của hai mẹ con khiến cô gái này nhận được nhiều sự thương cảm hơn là chê trách từ dư luận.

Được biết, nữ sinh này là Phạm Thị H. (sinh năm 1997, trú tại huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) hiện đang theo học tại một trường THPT của địa phương. Hiền là một người ngoan ngoãn, hiền lành, có ngoại hình xinh xắn, cao ráo, trắng trẻo, thân hình phổng phao hơn so với các bạn cùng trang lứa. 

Câu chuyện đưa H. đến việc bán trinh bắt đầu từ khi mẹ H. nợ nần chồng chất vì thua bạc. Sau khi ly hôn với chồng, mẹ cô là bà Phạm thị L. (sinh năm 1972, còn gọi là L. "voi") đưa H. lên thành phố Hải Phòng sinh sống. Vốn nhạy bén, bà L. đã tích cóp được vốn, mở cửa hàng, công việc làm ăn phát đạt.

Thế nhưng, khi bắt đầu có của ăn của để cũng là lúc bà dần sa chân vào cờ bạc, lô đề vì bạn bè rủ rê. Dần dần, bà càng chơi càng thua lỗ, cửa hàng phá sản nên bà đành bán căn hộ 4 tầng khang trang để trả nợ và đưa H. đến ở các căn nhà tồi tàn. Thế nhưng, ngôi nhà trọ không một ngày bình yên vì chủ nợ, xã hội đen tìm tới phá phách, đòi nợ.

Vì muốn trả nợ cho mẹ, khi một người bạn học cũ gợi ý việc bán "cái ngàn vàng" lấy tiền, H. băn khoăn, sợ sệt nhưng rồi cũng đồng ý. Sau đó, H. lên các trang web đên để rao bán trinh tiết của mình.

Khi có một người đàn ông gọi điện vào số máy H. "mua" với giá 20 triệu đồng, H. đồng ý giao dịch tại một khách sạn trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Đang trong quá trình mua bán dâm, lực lượng công an đã bắt quả tang vụ việc. Người đàn ông bị bắt giữ, còn H. được công an lấy xong lời khai rồi trả về gia đình trong sự tủi nhục, ê chề.

Nói về hành động dại dột của mình, H. khóc nói: “Em thấy thương mẹ lắm! Không biết mẹ nợ người ta bao nhiêu tiền, mà ngày nào cũng có chủ nợ, rồi những người xăm trổ đầy mình tìm tới nhà hăm dọa, phá phách. Nhìn thấy cảnh đó, em chỉ muốn làm cách nào để có tiền cứu mẹ”.

Sau khi biết chuyện, bà L. không khỏi chua xót, đau lòng và tự trách mình. "Tôi lại là một người mẹ tồi. Chỉ vì tôi mà các con gái tôi giờ đây phải chịu bao cay đắng, ê chề, tủi nhục, bị người đời khinh bỉ, rẻ rúng, tương lai phía trước chẳng biết thế nào…", bà L. ngậm ngùi nói.

Chưa biết câu chuyện này sẽ tiếp tục diễn ra như thế nào nhưng dù sao đó cũng là việc làm xuất phát từ sự bồng bột, thiếu suy nghĩ của một cô gái mới lớn. Bởi vậy, hầu hết mọi người đều bày tỏ sự xót xa.

Chị Tuyết, một người hàng xóm, thở dài chua chát nói: “Có trách thì nên trách mẹ H. vì cờ bạc làm cho mờ mắt khiến con cái đã bị dồn vào thế chân tường, rồi có những hành động dại dột. Giờ đây chỉ mong sao H. sớm vơi đi mọi chuyện để tiếp tục sống trong những ngày dài phía trước”.

Đây không không phải lần đầu tiên ở nước ta xảy ra những vụ việc đắng lòng như thế này. Trước đó, Nguyễn Thị Thanh Tr. quê ở Phú Thọ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bị suy thận nặng, cô đã bán trinh tiết với giá 10 triệu đồng lấy tiền chữa trị cho mẹ. (Thanh Ngân, phunutoday.vn 16/5)

12.            TAND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng: Một ngày xét xử lưu động 3 vụ án ma túy

Sáng 15/5, TAND quận Đồ Sơn mở phiên xét xử lưu động bị cáo Đặng Mạnh Chuẩn, sinh năm 1989, trú tại thôn Quần Mục I, xã Đại hợp, huyện Kiến Thụy, Tp Hải Phòng về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Tại phiên xét xử, Chuẩn đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình,  HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Mạnh Chuẩn 36 tháng tú.

Theo cáo trạng, Chuẩn là đối tượng nghiện ma túy từ tháng 2/2013. Sáng ngày 9/1/2014, chuẩn đi xe máy cùng Hoàng Văn Sang, sinh năm 1989, trú tại thôn Đại Lộc, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, Tp. Hải Phòng đến bến cá Nam Hải, thôn Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng để làm thuê. Khoảng 9h sáng cùng ngày, Chuẩn mượn xe máy của anh Sang nói đi có việc, rồi đi đến khu vực đường tàu Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Tp. Hải Phòng mua 01 gói heroin có trọng lượng 0,3932. Khoảng 12h30, khi Chuẩn trên đường đi về đến khu vực đường Vạn Lê, thuộc tổ 8, phường Vạn Hương thì bị lực lượng Đồn biên phòng Đồ Sơn kiểm tra, phát hiện bắt quả tang.

Sáng cùng ngày, TAND quận Đồ Sơn tiếp tục mở phiên xét xử bị cáo Phạm Văn Công, sinh năm 1973, trú tại thôn Phúc Xá, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Tp. Hải Phòng cũng về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phạm Công 30 tháng tù.

Tại phiên xét xử, Công khai nhận mình nghiện ma túy từ năm 2006, hiện đang làm thuê trên tàu đánh cá của ông Nguyễn Văn Cước, sinh năm 1964, trú tại thôn Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Khoảng 10h ngày 2/01/2014, khi tàu đang neo đậu tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng, Công đã lên bờ thuê xe ôm đi đến ngõ 380 Tô Hiệu, quận Lê Chân mua 01 gói heroin có trọng lượng 0,1824 gam với giá 100.000 đồng, rồi chia thành 2 gói nhỏ rồi quay về sử dụng. Khi đến khu vực Đài tưởng niệm bến tàu không số thì bị lực lượng Đồn biên phòng Đồ Sơn bắt quả tang.

Hai bị cáo Đinh Xuân Quyền, sinh năm 1983, trú tại tổ 5, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng và Đinh Duy Vĩnh, sinh năm 1982, trú tại tổ 3, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Tp Hải Phòng cũng bị đưa ra xét xử về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Quá trình điều tra, Quyền và Vĩnh là hai đối tượng nghiện chất ma túy từ năm 2012. Khoảng 13h ngày 25/3/2014, Vĩnh từ Đồ Sơn đi xe buýt đến TP Hải Phòng mua ma túy để sử dụng. Đến khu vực ngã tư Thành Đội, quận Lê Chân, Vĩnh xuống xe đi bộ thì gặp Quyền. Do cùng là con nghiện ở Đồ Sơn và quen biết nhau từ trước nên cả hai bàn nhau góp tiền mua ma túy về sử dụng. Sau khi bàn bạc, Quyền đưa cho Vĩnh 100.000 đồng, còn Vĩnh bỏ ra 50.000 đồng rồi đi vào khu vực đường tàu mua 3 gói heroin có trọng lượng 0,3064 gam. Sau đó, Quyền bảo Vĩnh cầm mang về Đồ Sơn sử dụng chung. Vĩnh cất giấu 3 gói ma túy vào túi quần rồi cùng Quyền lên xe buýt về Đồ Sơn. Khoảng 16h cùng ngày, khi hai đối tượng đến khu vực tổ 3, phường Ngọc Xuyên thì bị lực lượng Đồn biên phòng Đồ Sơn bắt quả tang.

Tại phiên xét xử, các đối tượng đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Quyền và Vĩnh mỗi bị cáo 27 tháng tù. (Phương Thảo, Công lý Online 16/5)

13.            Hải Phòng: Bắt một nữ quái và nhóm đối tượng mua bán ma tuý và vũ khí quân dụng nguy hiểm

Ngày 10.4, Công an huyện An Dương (Hải Phòng) phá chuyên án 314M, làm rõ đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn liên tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng, bắt 2 đối tượng, thu 6,03kg ma túy đá và ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật liên quan.

Qua điều tra mở rộng vụ án, Ban chuyên án đã phát hiện vợ chồng Nguyễn Trọng Minh, sinh 1972 và Nguyễn Thị Huệ, sinh 1972, cùng ở thôn Trang Quan, xã An Đồng, An Dương, liên quan đến vụ án. Theo đó, Nguyễn Trọng Minh không chỉ nằm trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy mà còn là nghi can cung cấp vũ khí nóng cho một số đối tượng trên địa bàn Hải Phòng và vùng lân cận.

Tiếp tục xác minh mối quan hệ của các đối tượng trên, trinh sát thấy nổi lên một đối tượng khác là Hoàng Văn Luân, sinh 1970, ở thôn Phí Xá, xã Lê Thiện, đã có 2 tiền án và đến 4h30’ ngày 14.5, Ban chuyên án đã phối hợp với Ban Công an xã Lê Thiện bắt quả tang Hoàng Văn Luân tàng trữ 1 khẩu súng K54 và 8 viên đạn (1 viên đã lên nòng) tại nhà nghỉ Thùy Linh 2, thôn Phí Xá.

Cùng ngày, Công an huyện An Dương đã tiến hành bắt khám xét khẩn cấp Nguyễn Trọng Minh và Nguyễn Thị Huệ tại nhà riêng. Phát hiện thấy công an, vợ chồng Minh cố thủ trong nhà hòng phi tang ma túy, buộc lực lượng làm nhiệm vụ phải phá cửa. Khám xét, công an thu giữ: 6 viên đạn, 3 cân tiểu ly, 600 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều gói ma túy đá và tang vật liên quan.

Hiện, Công an huyện An Dương đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ CATP tiếp tục điều tra mở rộng án. (K.Đ, An ninh Hải Phòng Online 15/5; Lao động Online 16/5)

14.            Trả giá sau 9 năm trốn truy nã

21h ngày 9-9-2005, tại quán nước gần Trường đại học dân lập Hải Phòng, Đặng Tuấn Anh, sinh 1982, ở 64/40/72 Lạch Tray, Hàng Kênh, Lê Chân, bị một nhóm thanh niên đi xe máy cầm dao truy sát. Sau đó, do nghi ngờ nhóm của Hoàng Xuân Trường (tức Trường Sinh), sinh 1993, ở 73/179 Lê Lợi, Ngô Quyền, tấn công nên 23h cùng ngày, tại nhà của Lưu Thanh Tùng, ở số 34/267 Hàng Kênh, Lê Chân, Đặng Tuấn Anh cùng các đối tượng: Lưu Thanh Tùng (tức Tùng mít), Đỗ Duy Hưng (Hưng lùn), Trần Mạnh Hùng (Hùng cà rát), Nguyễn Quốc Vương (Vương lợn), Dương Văn Vinh, Phạm Mạnh Hà, Hoàng Bảo Giáp (tức Giáp điếc), Phạm Văn Thành (tức Thành gió), Nguyễn Đức Thắng (tức Cún ngọng), Nguyễn Văn Cường, Đặng Tuấn Anh (tức Tuấn em), Hoàng Việt Hưng, Nguyễn Văn Tiến (tức Tiến sứt), bàn nhau đi tìm nhóm Hoàng Xuân Trường để đánh trả thù.

Trước khi đi, Đỗ Duy Hưng, Phạm Mạnh Hà, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Văn Thành… đều lấy dao từ gầm giường nhà Lưu Thanh Tùng mang theo, còn Đặng Tuấn Anh cầm khẩu súng săn, đựng trong vợt tennis.

Đi 5 xe máy sang đến quận Kiến An nhưng không gặp Trường nên nhóm của Tuấn Anh quay lại. Khi chúng đến gần BV Nhi Đức thì gặp Trần Mạnh Hùng và Hoàng Thanh Tuấn (tức Tuấn “hông”), sinh 1982, ở 63 Lạc Xuân Đài, Lạc Viên, Ngô Quyền, đi xe ôm đến. Vậy là Tuấn “hông” sang cầm lái chở Giáp và Tuấn Anh, còn Hùng sang xe Vương cầm lái.

Khi phát hiện nhóm của Trường đi xe máy ngược chiều, nhóm của Tuấn Anh quay xe đuổi theo. Khi xe của Trường chở Nguyễn Sỹ Đảm, sinh 1981, ở Trung Hành, Đằng Lâm, Hải An và 2 người khác chạy đến gần BV Kiến An thì Tuấn Anh rút súng bắn. Đến khu vực cầu Nguyệt, Tuấn Anh băn nhiều phát về phía xe của Trường…

Bị truy đuổi đến bến phà Khuể, Trường buộc phải lao cả người và xe xuống sông. Nhóm Tuấn Anh chạy đến đầu dốc phà thì dừng lại, nhưng tên ngồi sau xe cầm dao tiếp tục truy đuổi xuống phà. Khi thấy nhóm của Trường không ai bơi trở lại nữa thì chúng mới lên xe quay về nội thành Hải Phòng. Đến 9h50 ngày 10-9-2005, nhân dân phát hiện anh Nguyễn Sỹ Đảm chết dưới sông tại khu vực bến phà Khuể, thuộc xã Chiến Thắng, An Lão.

Kết quả giám định cho thấy nạn nhân chết ngạt do hít nước vào đường hô hấp. Ngay sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc và lần lượt các đối tượng: Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Đức Thắng, Đỗ Duy Hưng, Phạm Mạnh Hà, Dương Văn Vinh, Hoàng Bảo Giáp, Nguyễn Quốc Vương, Phạm Văn Thành, Đặng Tuấn Anh, Nguyễn Văn Tiến, Hoàng Việt Hưng đã bị bắt và phải trả giá trước pháp luật. Đối với Hoàng Thanh Tuấn, sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 16-9-2013, Tuấn bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt theo lệnh truy nã. Tuấn đã tác động gia đình thăm và bồi thường cho gia đình nạn nhân 5 triệu đồng. Đại diện người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Tuấn.

Ngày 14-5 vừa qua, sau 9 năm gây án, Hoàng Thanh Tuấn đã phải hầu tòa, bị TAND TP Hải Phòng xử phạt 7 năm tù về tội “Giết người” theo điều 93 khoản 1 BLHS. (Thành Đồng, An ninh Hải Phòng Online 16/5) 

15.            Một công đôi "việc"

Giang Thị Tiệm (tức Hương), sinh 1982, ở khu Hạ Đoạn 2, phường Đông Hải 2, quận Hải An, từng có 1 tiền án (tháng 4-2010, Tiệm bị TAND huyện An Dương xử phạt 30 tháng tù giam về tội "mua bán trái phép chất ma túy") nhưng chưa thi hành án phạt do đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng, Tiệm đâu có sáng mắt ra…

12h45 ngày 16-1-2014, Nguyễn Thế Anh, sinh 1987 và Nguyễn Duy Hướng, sinh 1991, cùng đến khách sạn Wien ở số 759 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hải An, thuê phòng nghỉ. Vốn chỗ quen biết nên Thế Anh gọi Giang Thị Tiệm đến phòng 302 của khách sạn để bán dâm với giá 600.000 đồng. “Vui vẻ” xong, Tiệm và Thế Anh nằm ềnh trên giường thì Hướng từ phòng 301 sang bảo Tiệm: “Em xem có bạn nào giới thiệu lên đây chơi, hết bao nhiêu anh trả”. Tiệm lấy điện thoại gọi một gái bán dâm khác là Đặng Thị Tuất đến khách sạn Wien để “chiều” khách rồi quay sang nói với Hướng: “Có rồi anh ạ, nhưng hơi già!” rồi ra giá 600.000 đồng/ lượt (trong đó 500.000 tiền mua dâm và 100.000 đồng tiền đi taxi).

Tỏ ra hào phóng, Hướng liền đưa cho Tiệm 1.000.000 đồng rồi về phòng 301. Sau đó, khi Tuất đến khách sạn thì được Tiệm hướng dẫn lên phòng số 301 bán dâm cho Hướng, còn Tiệm và Thế Anh mua bán dâm tại phòng 302 của khách sạn. Đến 15h cùng ngày, tổ công tác Công an phường Đông Hải 1 kiểm tra, bắt quả tang Hướng và Tuất đang có hành vi quan hệ tình dục tại phòng 301, Thế Anh và Tiệm đang nằm trên giường tại phòng 302; thu giữ 2 bao cao su đã qua sử dụng và số tiền 1.600.000 đồng.

Sáng 14-5, tại phường Đông Hải 2, TAND quận Hải An mở phiên tòa lưu động xét xử đối với Giang Thị Tiệm về tội “môi giới mại dâm”, quy định tại Điều 255 khoản 1 BLHS.

Dáng người cao ráo, thêm nước da trắng sáng, đứng trước vành móng ngựa, Giang Thị Tiệm thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Gia đình có 5 chị em, Tiệm là chị gái lớn nhất song bỏ học sớm và lấy chồng nhưng đã ly hôn. “Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải nuôi 3 con nhỏ, trong thời gian đang nợ án, hàng ngày bị cáo mở tiệm cắt tóc gội đầu song mỗi khi có điện thoại của khách, bị cáo đi “nhà nghỉ” bán dâm” - Tiệm bao biện. Vị hội thẩm nhân dân trong HĐXX nghiêm giọng: “Bị cáo đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng trong cuộc sống có rất nhiều công việc có thể kiếm sống bằng chính sức lao động chân chính của mình. Tương lai các con bị cáo sẽ thế nào khi biết hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo?”. Đáp lại, Tiệm chỉ biết cúi đầu im lặng.

Sau khi xem xét, HĐXX vụ án tuyên phạt Giang Thị Tiệm 24 tháng tù giam về tội “môi giới mại dâm”, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tổng hợp của 2 bản án là 54 tháng tù, đồng thời phạt 3 triệu đồng sung công quỹ. (ĐH, An ninh Hải Phòng Online 16/5) 

16.            Xảo thuật “hô biến” nông dân thành “Chuyên viên kinh doanh” của công ty Thiên Ngọc Minh Uy

Ông Nguyễn Trung Sự, SN 1958, thường trú tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng gọi điện đến báo ĐS&PL phản ánh: Đầu tháng 3/2014, ông Sự được một người bạn là bà Hoàng Thị Thập, ở thôn Hòa Bình, xã Đại Thắng huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng rủ đến dự liên hoan mừng thành công trong kinh doanh của chị Thập. “Chị Thập có nói với tôi là chị đang làm công việc kinh doanh thời thượng với mức thu nhập khủng. Tháng đầu tiên chị ấy làm đã có thu nhập trên 60 triệu đồng rồi. Chị ấy mời anh em, bạn bè thân đến ăn mừng cho công việc của chị ấy. Sau đó chị ấy bảo muốn chia sẻ cơ hội tốt với tôi và mời tôi đến công ty chị ấy một lần cho biết không khí”.

Sau buổi ăn mừng của người bạn, ông Sự được bà Vũ Thị Hồng mời đến địa điểm công ty TNMU (ở khu chợ Hòa Bình, xã Tự Cường, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) để tham dự buổi trả thưởng và mức thù lao cho những người làm việc tại công ty. Tham dự xong, người ta xoa bóp, giác hơi cho tôi rồi tư vấn cho những người mới như tôi mua hàng. Vì tin tưởng bà Thập nên tôi mua 2 mã hàng là máy lọc Ozone với giá 7.800000 đồng/một mã hàng (giá thực của sản phẩm là 8.000.000 – 150.000 đồng/1 sản phẩm), ông Sự được cấp: Một hóa đơn do công ty TNMU tự thiết kế; một hợp đồng bán hàng đa cấp. Khi mang các mã hợp đồng về, ông Sự và một số người khác không hề biết máy lọc Ozone của công ty TNMU là gì. (ĐT, Đời sống & Pháp luật 16/5 Tr6)

17.            Phạt tù chung thân người đàn ông thiêu sống cả gia đình

Ngày 12/5, TAND Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Đình Điệp (27 tuổi, ở An Dương, Hải Phòng) tội Giết người.

Trước đó, trung tuần tháng 12/2013, do bị cáo Điệp thay đổi toàn bộ lời khai so với kết quả điều tra ban đầu nên HĐXX phải hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung.

Điệp cùng vợ là Nguyễn Thị Luyến, có 2 con gái là Ngọc và Huyền, sống chung với bố mẹ đẻ tại thôn Xích Thổ. Quá trình chung sống, cặp vợ chồng này có vay của bố mẹ là ông Trần Đình Hậu và bà Nguyễn Thị Lên một chỉ vàng.

Theo cáo trạng, 20h30 ngày 17/3/2013, tại buồng ngủ của vợ chồng Điệp, ông Hậu có đòi số vàng cho vay. Hai bên lời qua tiếng lại, ông Hậu và cô con dâu lao vào giằng co, vật lộn nhau trên giường. Thấy vậy, Điệp và bà Lên vào can ngăn, nhưng không được. Người đàn ông 27 tuổi bức xúc đe dọa: "Còn đánh nhau nữa thì tôi đốt nhà".

Nói rồi, Điệp mở can xăng 1,5 lít dưới gầm giường vẩy vào khu vực ông Hậu và vợ mình đang giằng co. Lúc này, hai cháu Ngọc và Huyền cùng bà Lên đang ngồi trên giường.

Cầm chiếc bật lửa quay lại phòng, Điệp bật châm vào thành giường khiến lửa bùng cháy. Dù trước đó bà Lên có ngăn cản.

Hậu quả vụ việc khiến ông Hậu, bà Lên, chị Luyến và hai cháu Ngọc, Huyền bị bỏng nặng. Ba ngày sau, ông Hậu cùng 2 cháu Ngọc và Huyền tử vong. Bà Lên và chị Luyến từ chối giám định thương tích và không yêu cầu Điệp phải bồi thường chi phí cấp cứu, điều trị, chi phí mai táng cho ông Hậu và các cháu Ngọc, Huyền.

Tại phiên xét xử, bị cáo Điệp thay đổi lời khai, cho rằng ông Hậu là người đổ xăng và châm lửa đốt nhà. Để đảm bảo tính khách quan, HĐXX đã tách riêng từng người khi xét hỏi.

Bà Lên và chị Luyến, đại diện người bị hại cho rằng, ông Hậu là người châm lửa đốt. Nhưng khi HĐXX xét hỏi thì cả 2 đều nói, không nhìn thấy việc ông Hậu bật lửa vào thời điểm xảy ra vụ án thương tâm trên.

Theo lời khai của bà Lên và chị Luyến thì ông Hậu thường có thói quen cất bật lửa trong túi quần. Lời khai của bị cáo và 2 người thân cho thấy có nhiều tình tiết mâu thuẫn nhau.

Căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tai phiên tòa, lời khai của bị cáo và người làm chứng và bị hại, HĐXX khẳng định bị cáo Điệp là thủ phạm đổ xăng, châm lửa đốt, gây ra cái chết cho ông Hậu và hai cháu Ngọc, Huyền. Hành vi của bị cáo Điệp đã phạm tội Giết người quy định tại điều 93, khoản 1, các điểm a, c, đ: giết nhiều người, giết trẻ em và giết cha.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Điệp mức án chung thân về tội Giết người.
Nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ án đau lòng là cha ruột và 2 đứa con nhỏ của bị cáo, gồm: ông Trần Đình Hậu (52 tuổi), bé Trần Như Ngọc (6 tuổi) và bé Trần Thu Huyền (5 tuổi). (Thùy Linh, vntimes.com.vn 13/5; Đời sống & Pháp luật 16/5 Tr15)

GIAO THÔNG

18.            Huyện Vĩnh Bảo: Tập trung xóa các "điểm đen" giao thông

Hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo có  nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT). Trước thực tế  này, huyện tập trung rà soát, xác định nguyên nhân hình thành các “điểm đen” để có biện pháp khắc phục.

Xe vượt ẩu, lòng đường bị lấn chiếm

Trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo có 2 tuyến quốc lộ (QL) 10 và QL 37 chạy qua và nhiều tỉnh lộ kết nối, đan xen. Theo thống kê của Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vĩnh Bảo, hiện tại trên địa bàn huyện có gần 20 điểm thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và TNGT.. Tại nút giao giữa QL 37 với tỉnh lộ 354, đoạn rẽ vào xã Cổ Am, lòng đường hẹp do nhà dân xây sát lòng đường, làm khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Vào giờ tan tầm, công nhân Xí nghiệp phụ liệu da giày Tam Cường (thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng) ùa ra đường như “ong vỡ tổ” gây ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc mất trật tự ATGT. Tại nút giao giữa QL 37 và đường 17B thuộc xã Trung Lập, hằng ngày nhiều phương tiện giao thông dừng đỗ tùy tiện, che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông, gây mất trật tự ATGT, làm xấu cảnh quan và vệ sinh môi trường. Nhiều trường hợp người tham gia giao thông qua đây va chạm với người đi ngược chiều, hậu quả người bị thương, phương tiện giao thông bị hỏng.

Đối với tuyến QL 10 qua địa bàn huyện, mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải, xe khách, xe công- ten- nơ… qua lại. Đây cũng là điểm “nóng” mất trật tự ATGT với 4 “điểm đen” giao thông gồm: nút chợ Cầu (xã Vĩnh An); nút ngã 3 Cụm công nghiệp Tân Liên; ngã 3 cổng chợ thị trấn Vĩnh Bảo và khu vực cây xăng Hoa Phượng (xã Hưng Nhân). Theo phản ánh của một số bà con tham gia giao thông trên tuyến QL 10, mỗi lần qua các điểm đen trên, mọi người đều lo ngại và phải tập trung cao để tránh xảy ra tai nạn. Nguyên nhân do xe tải, xe khách, xe công- ten- nơ chạy nườm nượp trên đường, thường xuyên dừng đỗ bất thường, không đúng quy định. Có xe bắt khách, chạy nhanh, vượt ẩu lấn hết phần đường ngược chiều… Trong khi đó, lòng đường bị thu hẹp do người dân bày bán hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ cóc, xây dựng lều quán trái phép trên hành lang đường bộ tại các khu vực như:  đoạn từ chân cầu Quý Cao (xã Giang Biên) đến cầu An Ninh (xã Vĩnh An); đoạn qua thị trấn Vĩnh Bảo, điểm ngã ba Quán Cháy (xã Hưng Nhân), khu dân cư thị tứ cầu Nghìn...

Nhân rộng các mô hình tự quản

Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vĩnh Bảo Đào Nguyên Nghiêm cho biết, UBND huyện Vĩnh Bảo có văn bản trình UBND thành phố và các sở, ngành liên quan về việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến QL 10, QL 37. Theo đó, huyện đề nghị Ban ATGT thành phố cắm biển cấm dừng, đỗ và sơn gờ giảm tốc tại các vị trí trước cửa Xí nghiệp phụ liệu Da giầy Tam Cường, ngã tư xã Cổ Am, khu vực nút giao QL37 và đường 17 B; đồng thời, đề nghị lắp đặt hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc tại ngã tư chợ Cầu (xã Vĩnh An), ngã 3 cụm công nghiệp Tân Liên trên tuyến QL10. 

Huyện Vĩnh Bảo thành lập, duy trì mô hình tự quản về ATGT, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện có 10 mô hình tự quản về ATGT hoạt động khá tốt . Đơn cử như mô hình “Hướng dẫn giao thông trên QL 10” do Huyện Đoàn phối hợp Hội Cựu chiến binh huyện thực hiện.  Hai lực lượng trên đã huy động 16 đội tình nguyện của 12 xã, thị trấn ra quân 12 đợt,  với sự tham gia của 720 lượt tình nguyện viên hướng dẫn giao thông vào ngày chủ nhật tuần thứ nhất và tuần thứ 3 hằng tháng.  Thông qua mô hình “Bảo đảm trật tự hành lang ATGT trên tuyến QL10”, Ban ATGT và Hội Cựu chiến binh huyện Vĩnh Bảo đã tổ chức xây dựng 62 đoạn đường tự quản ở 30 xã, thị trấn, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn trật tự hành lang ATGT , góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.  Đặc biệt mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được duy trì hiệu quả tại 21 trường học như: THPT Nguyễn Khuyến, Tô Hiệu, Vĩnh Bảo, Cộng Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo… Bên cạnh đó, thông qua mô hình “Phụ nữ thực hiện ATGT”, “Tổ phụ nữ đội mũ đạt chuẩn cho trẻ em khi đi xe máy” tại xã Cao Minh công tác  tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy định ATGT được tăng cường tới các hội viên. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ đăng ký tự quản 133 tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện.

Phó trưởng Công an huyện Vĩnh Bảo Vũ Văn Tuân cho biết, để bảo đảm  ATGT trên địa bàn huyện, địa phương thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền ATGT bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tác động trực tiếp tới người tham gia giao thông. Lực lương Công an huyện đồng loạt ra quân, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT; xây dựng và thực hiện các chuyên đề tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm như: xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quy định; không đội mũ bảo hiểm… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả các mô hình, công tác tuần tra, kiểm soát được chú trọng, từ đầu năm đến nay cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương do TNGT gây ra không tăng so với cùng. Các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng khi tham gia giao thông giảm hẳn. (Lã Tiến, Báo Hải Phòng Online 16/5)

19.            "Vô hiệu hóa" trạm cân tải trọng xe

Chiều 13-5, trạm kiểm soát tải trọng xe đặt tại đường 356 Đình Vũ (QL5 kéo dài) phát hiện xe đầu kéo BKS 29C-318.47 chở một xe bánh xích nặng đặt trên moóc phoọc khiến moóc oằn xuống. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng đành phải để chiếc xe này đi tiếp vì không thể cân nổi và  không thể xử phạt.

Có mặt tại điểm kiểm soát tải trọng xe, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của lực lượng chức năng, song cũng thừa nhận không thể cân được chiếc xe phoọc này. Trạm cân xe được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa về Hải Phòng là trạm cân chỉ có thể cân được 2 dàn bánh xe, đây là những xe thông thường vốn hoạt động nhiều ở Việt Nam, tuy nhiên đối với moóc phoọc có tới 4 dàn bánh ngang thân thì không thể đưa xe qua trạm cân. Bởi, nếu cố đưa xe này qua trạm thì chỉ cân được 2 dàn bánh, 2 dàn bánh sau sẽ phá nát hệ thống dây dẫn và đương nhiên sẽ không đưa ra số liệu chính xác về tải trọng xe.  Do thiết kế loại xe phoọc này, nên chiếc xe cùng loại chở hàng nặng đến 100 tấn đi từ Bắc vào Nam mà không bị xử phạt quá tải?. Lý do đơn giản vì cân tải trọng xe trên tuyến không thiết kế để cân xe có 4 dàn bánh ngang được.

Sự thiếu đồng bộ trong thiết kế trạm cân đã nảy sinh những bất cập khi xử lý những loại xe đặc chủng. Nhiều người lo rằng tới đây sẽ xuất hiện hàng loạt xe moóc phoọc 4 dàn bánh thay thế cho moóc 2 dàn bánh chở hàng hóa nhằm vô hiệu hóa các trạm cân tải trọng xe. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung cho trạm cân thiết bị để kiểm soát loại phương tiện có 4 dàn bánh. Nếu không, những chiếc xe phoọc chở hàng “khủng” sẽ lại phá nát hạ tầng giao thông. (Quỳnh Chi, Báo Hải Phòng Online 16/5)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

20.            Ôn thi tốt nghiệp: Chạy đua với khó khăn, thời gian

4 môn thành 8 môn

Hiệu trưởng Trường THPT An Lão Nguyễn Ngọc Thịnh chia sẻ, trường năm nay có 11 lớp 12 với 438 học sinh. Ngoài hai môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn, tiếp đến nhiều học sinh đăng ký thi các môn vật lý và hóa học. 4 môn còn lại là địa lý, ngoại ngữ, sinh học và lịch sử số lượng đăng ký rất ít, đặc biệt là môn lịch sử vẻn vẹn chỉ có 20 học sinh. Do học sinh đăng ký chọn môn thi khác nhau khiến ban giám hiệu khá vất vả trong việc sắp xếp thời khóa biểu ôn tập. Bởi nếu sắp xếp không khoa học, học sinh rất dễ trùng giờ học với các môn khác trong trường, có khi trùng với cả giờ luyện thi đại học của các em.

Theo ông Hoàng Xuân Khóa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, việc sắp xếp lớp ôn tập theo kết quả học tập và năng lực của từng học sinh sẽ tránh được tình trạng ngồi nhầm lớp. Cùng với việc tổ chức lớp ôn theo năng lực của học sinh, nhiều trường còn tổ chức các lớp phụ đạo miễn phí, đốc thúc trong việc kiểm tra bài vở ôn tập, giải đáp các thắc mắc của học sinh, giúp các em có thể đạt “điểm rơi phong đôi” đúng vào thời điểm quyết định. (Kiều Chinh, Hải Phòng cuối tuần 16/5 Tr12+13)

KINH TẾ

21.            Không cần xuất trình tờ khai XK cho bộ phận giám sát cơ động

Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu Hải quan Hải Phòng chấn chỉnh công tác giám sát hải quan đối với hàng hóa XK tại khu vực cửa khẩu cảng biển.

Theo đó, Cục Hải quan Hải Phòng bãi bỏ ngay quy định yêu cầu DN phải xuất trình hàng hóa XK cùng tờ khai XK cho bộ phận giám sát cơ động của Chi cục hải quan cửa khẩu để xác nhận trên tờ khai XK trước khi chuyển tờ khai XK cho Văn phòng Đội giám sát xác nhận hàng hóa XK đã qua khu vực giám sát.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động tại Văn phòng Đội giám sát và bộ phận giám sát cổng cảng, kho bãi, thực hiện đúng các quy định về giám sát hải quan quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BTC, Quyết định 988/QĐ-TCHQ và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan; Tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ và kiểm điểm, xử lí nghiêm các công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu DN.

Trong quá trình thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, một số DN phản ánh đến Tổng cục Hải quan, khi hàng hóa XK đã hoàn thành thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, đưa hàng hóa qua các khu vực cửa khẩu cảng biển tại Cục Hải quan Hải Phòng để XK, các Chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển thuộc Cục Hải quan Hải Phòng yêu cầu DN phải xuất trình hàng hóa cho bộ phận giám sát cơ động của Chi cục để xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan. Điều này gây khó khăn cho DN, tăng thêm thủ tục, thời gian chờ đợi, dẫn đến tăng chi phí cho DN, nhiều trường hợp bị chậm tàu. (N.Q, Báo Hải quan Online 16/5)

22.            Ngày 14/5, IPO Cảng Hải Phòng với giá bình quân là 13.507 đồng/cổ phần

17.669.000 cổ phần này đã được bán cho 78 nhà đầu tư với giá bình quân là 13.507 đồng/cổ phần, tổng giá trị thu về 238,7 tỷ. Tỷ lệ thành công của đợt đấu giá này là 47%.

Ngày 14/5/2014, tại Sở GDCK Hà Nội, Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng đã đấu giá bán 37.635.600 cổ phần lần đầu ra công chúng với giá khởi điểm 13.500 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá đã thu hút sự tham dự của 78 nhà đầu tư trong đó có 1 nhà đầu tư tổ chức.

Số lượng cổ phần đặt mua hợp lệ là 17.669.000 cổ phần, được bán với giá bình quân là 13.507 đồng/cổ phần, tổng giá trị thu về là 238,7 tỷ. Giá đấu thành công cao nhất là 17.000 đồng/cổ phần. Giá đấu thành công thấp nhất là 13.500 đồng/cổ phần. Khối lượng đặt mua cao nhất là 5.000.000 cổ phần. Như vậy, tỷ lệ thành công của đợt đấu giá này là 47%.

Không có nhà đầu tư nước ngoài nào trúng giá.

Ngày 15/6 tới đây, công ty sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông để thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, đổi mới về hình thức sở hữu, đổi mới về quản trị, quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh theo chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ.

Theo phương án cổ phần hóa, Cảng Hải Phòng sẽ chào bán 33.561.300 cổ phần cho các đối tác chiến lược. Công ty đưa ra tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược khá cao về năng lực tài chính như vốn chủ sở hữu tối thiểu 700 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng và hoạt động có lãi trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Đối tác chiến lược cũng phải có định hướng gắn bó lâu dài, không được chuyển nhượng cổ phiếu trong thời hạn 5 năm…

Theo thông tin từ công ty, tính đến thời điểm 3/4/2014, Cảng Hải Phòng đã nhận được đề nghị của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam để trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty. (Hà Phương, cafef.vn 16/5)

23.            Hải Phòng: Sớm xử lý vi phạm ở Xưởng đóng tàu số 1 phường Ngọc Hải

Văn phòng thường trú Báo Xây dựng tại Hải Phòng nhận được đơn của ông Đàm Văn Thê, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Xí nghiệp Dịch vụ và Xây dựng thủy sản Đồ Sơn (XN DV&XD thủy sản Đồ Sơn), đại diện cho tập thể người lao động tại đơn vị kiến nghị xử lý đối với những việc làm sai quy chế, quy định và vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của XN và tình hình an ninh trật tự ở địa bàn.

Nội dung đơn nêu về những tồn tại chưa được giải quyết cùng một số việc mới phát sinh liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất tại Xưởng sửa chữa & đóng mới tàu thuyền số 1 (XN DV &XD thủy sản Đồ Sơn) ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn.

Theo Quyết định số 3302/QĐ-UB ngày 23/12/2002 của UBND thành phố Hải Phòng thì XN DV&XD thủy sản Đồ Sơn (thuộc Cty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng) được giao quản lý và sử dụng mặt bằng đất có diện tích 5.630m2.

Trên phần đất đó, Cty Chế biến thủy sản xuất khẩu Hải Phòng thành lập Xưởng sửa chữa và đóng mới tàu thuyền số 1 (Xưởng đóng tàu số1), chủ yếu là các tàu đánh bắt cá biển.

Tháng 6/2011, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Cty đã tạm thời bàn giao diện tích đất cùng tài sản của Xưởng đóng tàu số 1 cho Trung tâm Dịch vụ hậu cần thủy sản quản lý.

Song, đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức của UBND thành phố do các bên chưa thống nhất giải quyết được những vướng mắc trong việc bàn giao tài sản, đất đai, nguồn vốn… theo đúng quy định của pháp luật.

Vì vậy, Xưởng đóng tàu số 1 bỗng dưng bị lửng lơ nằm giữa 2 đơn vị chủ quản suốt mấy năm qua, mà chưa xác định được chính thức là đơn vị nào. Trong khi đó, nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước vẫn chỉ cột trách nhiệm vào XN DV&XD thủy sản Đồ Sơn mặc dù không còn quản lý, sử dụng Xưởng và việc làm của người lao động rất bấp bênh.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ hậu cần thủy sản đã tự ý ký hợp đồng cho một số tổ chức, cá nhân thuê, khoán diện tích mặt bằng Xưởng đóng tàu số 1, trong đó có Cty TNHH Đầu tư phát triển Hải Long Sơn, gây nên nhiều khiếu kiện và diễn biến phức tạp về an ninh trật tự tại địa bàn.

Về việc Trung tâm Dịch vụ hậu cần thủy sản ký hợp đồng cho thuê mặt bằng của Xưởng đóng tàu số 1, cơ quan chuyên môn thuộc Sở NN-PTNT Hải Phòng căn cứ Điều 43 Nghi định số 52/2009/ NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và Điều 5 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012 của HĐND thành phố Hải Phòng, khẳng định: Trung tâm Dịch vụ hậu cần thủy sản không có quyền cho thuê các tài sản gắn liền với đất, mà thẩm quyền này thuộc về UBND thành phố. Như vậy, việc làm của Trung tâm đối với Xưởng đóng tàu số 1 là hoàn toàn sai thẩm quyền.

Trước những diễn biến phức tạp nảy sinh từ việc làm sai trái này, ngày 27/02/2014, UBND phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn đã làm việc với các bên liên quan và đi đến thống nhất: Cty TNHH Hải Long Sơn chỉ được tập kết gỗ tại Xưởng đóng tàu số 1, không được làm bất cứ công việc gì khác, chờ xác định rõ đơn vị chủ quản.

Thông báo số 44/TB-SNN ngày 24/4/2014 của Sở NN&PTNTcũng nêu rõ: Trong khi chờ quyết định của UBND thành phố về việc bàn giao tài sản, yêu cầu Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần thủy sản tạm thời giãn, hoãn không thực hiện các hợp đồng đã ký kết để tránh xảy ra những khiếu kiện, tranh chấp phức tạp liên quan đến quản lý, sử dụng đất tại Xưởng đóng tàu số 1.

Tuy nhiên, các bên tham gia hợp đồng đã không chấp hành đúng yêu cầu của chính quyền phường sở tại và Sở NN&PTNT. Cụ thể là, Cty TNHH Hải Long Sơn vẫn đang khẩn trương tổ chức thi công san lấp mặt bằng, xây dựng cầu cảng… bất chấp cả việc không cần có giấy phép xây dựng, thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định. Thậm chí còn có thể vi phạm hành lang bảo vệ đê điều.

Nhưng không hiểu vì sao chính quyền phường, quận, Thanh tra xây dựng, lực lượng bảo vệ đê điều và các cơ quan chức năng ở thành phố Hải Phòng vẫn chưa có động thái nào để ngăn chặn kịp thời trường hợp xây dựng trái phép này? (Nguyễn Duy, Xây dựng Online 16/5)

24.            Hải Phòng: Công bố quy hoạch chung Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải

UBND TP Hải Phòng cùng Bộ Xây dựng vừa công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành phố Hải Phòng đến năm 2025.

Theo đồ án quy hoạch, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, hướng tới mục tiêu hình thành cửa ngõ logistic quốc tế với vai trò là trung tâm kinh tế biển của Đông Nam Á thông qua việc xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có tổng diện tích khoảng 22.540 ha, bao gồm phần diện tích khu kinh tế hiện hữu là 22.140 ha và phần diện tích mở rộng khoảng 400 ha toàn bộ diện tích khu công nghiệp Tràng Duệ.

Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có 2 phân khu chức năng chính là khu phi thuế quan và khu thuế quan, trong đó:

Khu phi thuế quan có tổng diện tích đất tự nhiên là 1258 ha được bố trí tại khu vực Nam Đình Vũ và cảng Lạch Huyện với các chức năng chính như chế xuất, kho tàng, quảng bá, trưng bày sản phẩm dịch vụ, điều hành, hải quan và an ninh quốc phòng…

Khu thuế quan có tổng diện tích đất tự nhiên 12.932 ha gồm các khu chức năng chính như:

Hệ thống cảng có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.046 ha, bao gồm: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) 640 ha, cảng Đình Vũ 251 ha, cảng Nam Đình Vũ 144 ha, cảng Cát Hải (cảng cá) 11 ha;

Các khu công nghiệp có tổng diện tích đất tự nhiên là 4.150 ha, bao gồm: Khu công nghiệp Bến Rừng 319 ha, VSIP 698 ha, Nam Tràng Cát 138 ha, Đình Vũ 681 ha, Nam Đình Vũ 867 ha, Cát Hải và Lạch Huyện 1.447 ha, Tràng Duệ 400 ha;

Kho tàng có tổng diện tích đất tự nhiên là 209 ha, bố trí gắn với các cảng và khu công nghiệp;

Các trung tâm phục vụ công cộng có tổng diện tích đất tự nhiên là 761 ha, bao gồm: Trung tâm phục vụ công cộng của Khu kinh tế bố trí tại khu vực Nam sân bay quốc tế Cát Bi quy mô 22 ha. Các trung tâm phục vụ công cộng khu vực được bố trí tại các đô thị mới, khu dân cư trong Khu kinh tế quy mô 739 ha;

Các trung tâm chuyên ngành có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.105 ha, gồm: Trung tâm y tế, chữa bệnh, Trung tâm giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học, Các cơ sở du lịch – nghỉ dưỡng,...

Các khu đô thị và khu dân cư có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.062 ha, bao gồm: Khu đô thị Bến Rừng 390 ha, VSIP 364 ha, Nam sông Giá (từ sông Giá đến ranh giới khu VSIP và khu Bến Rừng) 371 ha, Nam Tràng Cát 629 ha, Nam sân bay quốc tế Cát Bi (từ sân bay quốc tế Cát Bi đến đường kéo dài sang phía Tây của đường Tân Vũ – Lạch Huyện) 221 ha và khu dân cư Cát Hải 87 ha;

Hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.196 ha, bao gồm: Đất giao thông đối ngoại (trừ cảng) khoảng 557 ha, đất giao thông đối nội trong Khu kinh tế khoảng 1474 ha, đất các công trình hạ tầng kỹ thuật là 165 ha.

Ngoài 2 phân khu chức năng chính, phần diện tích đất còn lại của Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải dành cho cây xanh sinh thái, cây xanh cách ly với diện tích 3.133 ha và đất mặt nước có diện tích 5.217 ha.

Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có phía Đông giáp sông Bạch Đằng, cửa Lạch Huyện và biển; Phía Tây giáp xã Hòa Bình và phần còn lại của các xã Thủy Sơn, Thủy Đường, Tân Dương, Dương Quan huyện Thủy Nguyên, phường Đông Hải 1, Nam Hải, một phần phường Đông Hải 2, quận Hải An và sông Lạch Tray; Phía Bắc giáp sông Giá; Phía Nam giáp biển. (N.Đăng, cafeland.vn 16/5; Đại biểu nhân dân Online 15/5)

25.            Ưu tiên bố trí vốn các công trình trọng điểm

Chiều 14-5, Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích chủ trì buổi làm việc với Sở Kế hoạch và đầu tư về tình hình triển khai các dự án, công trình trọng điểm năm 2014.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, danh mục các dự án trọng điểm của thành phố đã được HĐND thành phố quyết định bao gồm 12 công trình. Do một số công trình trọng điểm gồm nhiều dự án đầu tư nên tổng số dự án trọng điểm năm 2014 là 18 dự án, gồm 3 dự án thuộc các bộ, doanh nghiệp TW (nhà ga sân bay Cát Bi, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vu - Lạch Huyện) và 15 dự án thuộc thành phố.

Tính đến hết tháng 4-2014, sở đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn cho 15 dự án với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng (bằng 46,3% tổng kế hoạch vốn xây dựng cơ bản đã giao); trong đó trái phiếu Chính phủ là 181,1 tỷ đồng, vốn hỗ trợ 379,5 tỷ đồng và ngân sách thành phố 518,5 tỷ đồng. Một số dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng được khởi công hoặc chuẩn bị khởi công như: dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, đường trục qua KCN Đình Vũ, tuyến đê biển Nam Đình Vũ, Trung tâm huấn luyện và tổ chức thi đấu môn bắn súng, bắn cung.

Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư lớn nên việc cân đối vốn đầu tư từ ngân sách thành phố gặp khó khăn, nhất là vốn đối ứng các dự án ODA. Ngoài ra, việc khai thác, huy động các nguồn vốn đầu tư chậm; năng lực quản lý hạn chế đã ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn và tiến độ thực hiện của nhiều dự án như: Trường THPT chuyên Trần Phú, cảng và khu vực neo đậu tàu phía Tây bắc đảo Bạch Long Vĩ (giai đoạn 1), dự án trụ sở quận Dương Kinh, Bệnh viện Việt Tiệp cơ sở 2.

Một số dự án đã được quan tâm bố trí vốn song vẫn chưa đạt yêu cầu, trong số các dự án trọng điểm thì chỉ có dự án xây dựng nông thôn mới tại các xã được lựa chọn dự kiến cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí trong năm 2014...

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Đình Bích nhấn mạnh, việc bố trí vốn đối với một số dự án, công trình trọng điểm năm 2014 của thành phố là chưa đạt yêu cầu. Do đó, Phó chủ tịch HĐND thành phố đề nghị thời gian tới, Sở Kế hoạch đầu tư cần tham mưu cho thành phố xác định rõ các tiêu chí về dự án, công trình trọng điểm và có cơ chế chính sách tập trung, ưu tiên cho các công trình này; tích cực và khẩn trương rà soát thực hiện 12 danh mục đề án được HĐND thành phố thông qua, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc các dự án dang dở, trong đó xác định rõ hạng mục nào cần tập trung hoàn thành để đưa vào sử dụng. Đối với các dự án TW, cần xác định rõ các đầu việc của thành phố, kiến nghị chủ đầu tư có biện pháp đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ… (ĐH, An ninh Hải Phòng Online 16/5; Bản tin thời sự tối 15/5, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng)

26.            Cấp giấy chứng nhận trang trại: Người dân kém mặn mà vì chưa thiết thực

Năm 2011, chính sách về trang trại theo tiêu chí mới theo thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT được ban hành, trong đó có quy định về cấp giấy chứng nhận (GCN) trang trại nhằm tạo sự chuyển biến, bứt phá trong khu vực kinh tế nông thôn, nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nông sản, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Song, thực tế triển khai trên địa bàn thành phố, nhiều chủ trang trại không mặn mà làm hồ sơ xin cấp GCN. Bởi, theo họ chứng nhận này chỉ “có tiếng mà không có miếng”.

"Có cũng như không" ?

Gia đình bà Lương Thị Bình (xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy) xây dựng trang trại hơn 10 năm nay. Với diện tích hơn 2ha, gia đình bà vừa đào ao thả cá, chăn nuôi gia cầm và trồng các loại cây ăn quả. Nếu so với tiêu chí trang trại theo thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, gia đình bà đủ tiêu chuẩn trang trại theo tiêu chí mới. Tuy nhiên, gia đình bà lại làm hồ sơ đề nghị cấp GCN trang trại. Bà Bình cho rằng, hiện có giấy chứng nhận và không có giấy chứng nhận không khác gì nhau. Thậm chí, có giấy chứng nhận trang trại còn "thiệt thòi" hơn. Bởi, khi có giấy chứng nhận trang trại, theo quy định sẽ không được cấp phát và tiêm vắc -xin miễn phí cho đàn vật nuôi mỗi khi xuất hiện dịch bệnh. "Ví dụ, trang trại có đàn vật nuôi khoảng 2000 con. Hiện, giá tiêm vắc -xin dịch vụ trên đầu con vật nuôi khoảng 500-1.000 đồng. Làm phép tính đơn giản, số tiền trang trại bỏ ra mất khoảng 2 triệu đồng. Nếu tiết kiệm được số tiền này có thể sử dụng vào nhiều việc khác" - bà Bình cho biết.

Trang trại gia đình ông Hoàng Văn Điều ở phường Đa Phúc (quận Dương Kinh) đã được cấp giấy GCN. Tuy nhiên, từ khi có GCN đến nay, ông không tiếp cận được nguồn vốn vay nào. Điều này trái ngược với những gì ông được thông tin và biết về GCN trang trại. "Theo như tôi được biết, khi có  GCN trang trại, người dân thuận lợi hơn khi tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ. Thế nhưng khi mang GCN này đến các ngân hàng, họ yêu cầu phải có tài sản thế chấp, GCN này không có giá trị pháp lý. Nếu như thế có khác gì không có" - ông Điều chia sẻ.

Chia sẻ của ông Điều, bà Bình là tâm lý chung của nhiều chủ trang trại trên địa bàn thành phố. Chính bởi thế, qua 3 năm thực hiện, số lượng trang trại được cấp GCN trên địa bàn thành phố không đạt như mong muốn. Theo thống kê, đến hết năm 2013, toàn thành phố có 780 trang trại đạt tiêu chí mới theo thông tư 27. Trong đó có 547 trang trại chăn nuôi, 142 trang trại nuôi trồng thủy sản, 80 trang trại tổng hợp, 4 trang trại trồng trọt và 2 trang trại lâm nghiệp. Nhưng đến nay, mới có hơn 1/4 số trang trại này có CGN.

Cần gắn với lợi ích thiết thực

Theo ông Dương Chí Nghĩa, Phó Phòng Kinh tế hợp tác Chi cục PTNT thành phố, mục đích của Bộ NN-PTNT khi ban hành Thông tư 27 quy định về việc cấp GCN trang trại là muốn vinh danh thành quả lao động của người dân. Đồng thời góp phần mở rộng quy mô và giá trị sản xuất trang trại lên mức cao, tạo sự chuyển biến tích cực trong cách làm kinh tế trang trại so với trước đây. Tuy nhiên, thực tế hiện nay mục đích đó không đạt được như mong muốn. Người dân  không mặn mà với GCN này vì chưa thấy lợi ích thiết thực. Cũng bởi thế, để quy định này thực sự đi vào cuộc sống cần có sự điều chỉnh lại. Trước hết cần làm rõ giá trị của GCN trang trại là gì? Phải phân biệt rõ các trang trại chưa và có GCN bằng cách tạo các quyền lợi cho các trang trại có GCN. Trên cơ sở đó xây dựng chế tài xử lý các trang trại khi không có GCN. Đồng thời cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho trang trại, không nên chung chung như hiện nay. 

Theo nguyện vọng của người dân, để việc sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả và GCN mang lại ý nghĩa thiết thực, Nhà nước cần sửa đổi các quy định về cho vay và các chính sách hỗ trợ cho người dân. "Nhà nước nên quy định GCN trang trại có thể thay thế sổ đỏ hoặc tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Theo quy định của Thông tư 27, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Như vậy, phải là những người có đầu óc thì mới làm được số tiền lớn như vậy. Nếu vay ngân hàng mà không trả được, ngân hàng có thể tịch thu tài sản và lấy trang trại của chúng tôi để chuyển nhượng cho người khác. Nhà nước cũng nên có chính sách ưu tiên hơn đối với những người được cấp GCN trang trại khi có các chương trình, dự án hỗ trợ. Có như vậy mới khuyến khích được người dân đầu tư chăn nuôi quy mô lớn” - ông Trần Văn Mẫn, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) nêu ý kiến.  Đồng thời, Bộ NN-PTNT bỏ bớt các thủ tục cấp GCN. Nên chăng, mỗi năm 1 lần, các cơ quan nhà nước tiến hành thẩm định và cấp GCN trang trại cho người dân giống như việc tuyên dương gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi...Người dân không phải tự mình làm đơn và các thủ tục khác. Như vậy, việc cấp GCN trang trại mới đúng ý nghĩa, mục đích và cũng không phiền phức. (Hà Minh, Báo Hải Phòng Online 16/5)

27.            Huyện Thủy Nguyên: Sản lượng rau màu đạt 19.500 tấn

4 tháng đầu năm 2014, huyện Thủy Nguyên duy trì 910 ha rau màu các loại, bằng 53,5% kế hoạch, sản lượng rau màu đạt hơn 20 nghìn tấn. Thời gian tới, huyện tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị thu mua bao tiêu sản phẩm, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân huyện. (Báo Hải Phòng  16/5 Tr3)

28.            Huyện An Dương: Phát triển 102 trang trại chăn nuôi

Theo phòng Nông nghiệp PTNT huyện An Dương, đến nay, trong đó 76 trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung chủ yếu ở các xã: Hồng Phong, An Hòa, Lê Lợi, Đặng Cương, Hồng Thái, Đồng thái. Các trang trại duy trì ổn định với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn. (Báo Hải Phòng  16/5 Tr3)

XÃ HỘI

29.            BV Điều dưỡng VNPT mong muốn được “ở lại” Bộ TT&TT

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho chuyển về TP Hải Phòng nhưng lãnh đạo BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1 – VNPT vẫn thể hiện mong muốn được "ở lại" Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Chiều 15/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1, thuộc tập đoàn VNPT trước khi đơn vị này chuyển về TP Hải Phòng quản lý theo đề án tái cơ cấu.

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Văn Kiểm cho biết, từ khi được hình thành từ năm 1977 đến nay, cùng với sự thay đổi thời cuộc, BV luôn đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong thời gian qua, lãnh đạo BV luôn thay đổi nhận thức, tăng cường nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động y tế, sắp xếp lao động, điều chỉnh phương thức kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra…

Nằm tại vị trí đắc địa ở Đồ Sơn, Hải Phòng, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1 được Bộ Y tế công nhận là đơn vị duy nhất có BV chuyên chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong ngành.

Ông Kiểm cho biết, mong muốn lớn nhất của 93 cán bộ công nhân viên trong bệnh viện là được “ở lại” với Tập đoàn VNPT, hoặc trực thuộc Bộ TT&TT.

Theo TGĐ Tập đoàn VNPT Trần mạnh Hùng, trong thời gian qua BV luôn bị lỗ, mặc dù được VNPT cấp bù. Ông Hùng cũng thể hiện mong muốn, nếu chuyển BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1 thuộc quyền quản lý của TP Hải Phòng thì vẫn giữ nguyên cái tên như hiện nay.

Ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của BV trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng đánh giá cao vai trò của Tập đoàn VNPT đã xây dựng lên một cơ ngơi hiện đại, đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và khai thác hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của lãnh đạo BV cũng như ngành bưu chính viễn thông Việt Nam, mong muốn giữ được tên BV như hiện nay để cán bộ trong ngành mỗi lần về như được về chính ngôi nhà của mình.

Trong đề án tái cơ cấu tập đoàn VNPT gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ vẫn đưa ra phương án BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1 trực thuộc Bộ, sau năm 2015 sẽ tính tiếp. Nhiều anh em trong ngành cũng có nguyện vọng như vậy.   

Tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chủ trương chuyển BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1 trực thuộc TP Hải Phòng. Trong đề án chỉnh sửa gần đây nhất gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ vẫn đưa ra phương án để BV trực thuộc Bộ.

Bộ TT&TT sẽ có buổi làm việc với TP Hải Phòng trước khi Thủ tướng đưa ra kết luận cuối cùng. Trong trường hợp TP Hải Phòng “không nhận” thì BV Điều dưỡng phục hồi chức năng 1 “vẫn còn cơ hội được ở lại Bộ TT&TT” .

Ghi nhận tâm tư nguyện vọng của cán bộ công nhân viên trong BV, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, khi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng sẽ phản ánh lại. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định để BV trực thuộc TP Hải Phòng thì sẽ cố gắng đề xuất duy trì tên gọi như hiện nay. (Nguyễn Dũng, infonet.vn 16/5; ictpress.vn 16/5; vietnamnet.vn 16/5)

30.            Hải Phòng: Cán bộ CĐ đồng hành cùng DN Trung Quốc, Đài Loan

Ngày 15.5, tại một số địa phương của Hải Phòng vẫn xuất hiện một số đoàn mittinh của thanh niên, công nhân. Từ lúc 9h sáng, đoàn công nhân từ Thái Bình đã tập trung diễu hành tại KCN Nomura Hải Phòng, sau đó diễu hành đến KCN Tràng Duệ, tập trung ở cổng một số đơn vị có vốn đầu tư của Trung Quốc. Tại đây các công nhân diễu hành ôn hòa, sau đó giải tán vào lúc 14h cùng ngày.

Ông Nguyễn Đức Châu - Chủ tịch CĐ ngành Công thương Hải Phòng - cho biết: “CĐ ngành quản lý 13 DN có vốn đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan với tống số trên 20.000 LĐ. Hiện tại, hầu hết các DN vẫn đi làm bình thường, riêng 2 có sở của Cty TNHH Sao Vàng (An Lão và Tiên Lãng) vẫn cho CN nghỉ việc đến hết chủ nhật (18.5).

Cty này cũng tạm rút hơn 200 chuyên gia người Trung Quốc về nước. Các đơn vị của Cty TNHH Đỉnh Vàng bắt đầu cho CN đi làm lại vào hôm nay (16.5). 15 DN Trung Quốc và 8 DN Đài Loan thuộc Khu Kinh tế Hải Phòng hầu hết vẫn hoạt động bình thường.”

Ngày 15.5, Ban thường vụ LĐLĐ TP Hải Phòng đã có cuộc họp khẩn, yêu cầu các cán bộ thuộc ban của LĐLĐ phải tăng cường, phối hợp với các LĐLĐ quận huyện để xuống tận cơ sở, trấn an chủ DN người Trung Quốc, Đài Loan.

Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, tuyên truyền, vận động NLĐ không tham gia vào việc tuần hành gây mất trật tự, không bị kẻ xấu kích động, dẫn tới vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới DN và chính cuộc sống của NLĐ. Các cán bộ CĐ trực thường xuyên với DN để sẵn sàng giải quyết những phát sinh. (H.Hoan, Lao động Online 16/5)

31.            LĐLĐ Hải Phòng: Khai trương cổng thông tin điện tử của tổ chức Công đoàn

Ngày 14.5, LĐLĐ TP Hải Phòng đã chính thức khai trương công thông tin điện tử của đơn vị với tên miền là hppt://www.ldldhaiphong.vn. Cổng thông tin chính sẽ là nơi đăng tải các hoạt động của các cấp Công đoàn, CNLĐ TP Hải Phòng. 

Website cũng là nơi đăng tải các văn bản về chính sách pháp luật, các văn bản chỉ đạo mới để các đơn vị và NLĐ có thể truy cập tiện lợi, dễ dàng, giảm thiểu kinh phí trong việc in ấn tài liệu tuyên truyền, nâng cao hiệu quả của công tác cải cách hành chính. Trang thông tin của LĐLĐ TP Hải Phòng cũng sẽ dành dung lượng thích hợp để thông tin tổng hợp về tình hình lao động việc làm, chế độ chính sách cho NLĐ, việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ…

Trưởng Ban Biên tập của website là ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch thường trực của LĐLĐ TP Hải Phòng. (H.Hoan, Lao động Online 16/5)

32.            Xung quanh việc khiếu kiện về ô nhiễm môi trường tại Cty CP luyện gang Vạn Lợi: Nghiêm túc thực hiện các cam kết để lấy lại lòng tin của dân

Sau khi hoạt động trở lại, từ đầu năm đến nay, đã hai lần nhiều hộ dân tại hai làng Phạm Dùng và Khánh Thịnh, thuộc xã An Hồng, huyện An Dương, tiến hành lập trạm phía ngoài Cty CP luyện gang Vạn Lợi, không cho xe chở nguyên vật liệu vào nhà máy vì cho rằng hoạt động sản xuất ở đây gây ô nhiễm. Trước sự việc trên, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã vào cuộc giải quyết kiến nghị của người dân. Tuy nhiên DN có nghiêm túc chấp hành các quy định, cam kết về bảo vệ môi trường? Báo An ninh Hải Phòng phản ánh một số thông tin để rộng đường dư luận.

Người dân nhiều lần bức xúc

Như Báo An ninh Hải Phòng đã có bài viết, sau thời gian khủng hoảng dừng hoạt động sản xuất gần 3 năm thì đến tháng 11-2013, khi tìm được đối tác mới, các dây chuyền sản xuất của Cty CP luyện gang Vạn Lợi đặt tại hai làng Phạm Dùng và Khánh Thịnh, thuộc xã An Hồng, huyện An Dương, chính thức khởi động trở lại.

Tuy nhiên, sau khi đi vào sản xuất chưa được bao lâu thì xuất hiện những dấu hiệu bất ổn về môi trường. Theo phản ánh của các hộ dân xung quanh khu vực nhà máy thì tiếng ồn, rung phát ra từ khu vực đặt đầu máy quạt gió thiêu kết và dây chuyền nghiền quặng suốt ngày đêm. Đặc biệt là bụi thoát ra từ khu vực lò cao, ống khói, rồi từ các phương tiện vận chuyển ra vào nhà máy làm xáo trộn sinh hoạt của các hộ dân. 

Vào những ngày trời nồm, gió quẩn, mùi tanh nồng, rồi khét khiến không khí trong khu vực vô cùng ngột ngạt. Cực chẳng đã, những ngày đầu tháng 1-2014, một số dân của hai làng nói trên đã dựng lều bạt, chặn đường không cho xe chở nguyên vật liệu vào nhà máy và yêu cầu doanh nghiệp phải khẩn cấp thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trước tình hình trên, dưới sự chủ trì của UBND xã An Hồng, sự có mặt của đại diện các hộ dân hai làng Phạm Dùng, Khánh Thịnh, ngày 13-1, Cty CP luyện gang Vạn Lợi đã ký bản cam kết về việc thực hiện 9 nội dung liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trực tiếp là ông Nguyễn Cao Bằng - Chủ tịch HĐQT cty ký.

Tuy vậy, những ngày đầu tháng 5 vừa qua, lại một lần nữa những hộ dân nói trên lập trạm, vây không cho xe chở nguyên liệu vào nhà máy để sản xuất và tiếp tục kiến nghị về việc doanh nghiệp vẫn gây ô nhiễm môi trường. Sự việc trở nên căng thẳng khi đêm 8-5, có khoảng 60 đối tượng lạ mặt xuất hiện và dùng máy ủi xúc gạt gạch đá, lều bạt của người dân. Lực lượng Công an huyện An Dương đã có mặt kịp thời để ổn định tình hình tại địa phương.

Đừng đánh mất lòng tin của người dân!

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cường - Chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân hai làng Phạm Dùng, Khánh Thịnh bức xúc là do doanh nghiệp đã chậm trễ trong việc thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường.

Qua tìm hiểu, sau bản cam kết của ông Chủ tịch HĐQT cty, doanh nghiệp đã tiến hành gia cố, che phủ cho hệ thống đường ray xe kíp, lắp đặt thêm một động cơ hút bụi tại sàn ra gang để hạn chế lượng bụi thoát ra ngoài; xây tường cách âm tại khu vực đầu máy quạt gió để giảm tiếng ồn; trồng 1.100 cây xanh xung quanh khuôn viên nhà máy… Song, một trong những nội dung cam kết quan trọng nhất đó là di dời dây chuyền nghiền quặng ra khỏi nhà máy vào tháng 2-2014 thì DN không những không thực hiện mà vẫn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm.

Tiếp đến, trước bức xúc của người dân, cơ quan chức năng mà cụ thể là Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường đã cho tiến hành quan trắc môi trường. Song cũng theo phản ánh thì ngay cả trong cách thức lấy mẫu đến kết quả phân tích các thông số liên quan đến môi trường đã khiến người dân chưa tâm phục, khẩu phục?!

Để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại Cty CP gang Vạn Lợi, ngày 12-5 vừa qua, Sở TNMT đã có văn bản số 797 gửi và đề xuất UBND TP thành lập Đoàn công tác liên ngành có cả sự tham gia của đại diện các ngành như KH&CN, Công Thương, Y tế, Xây dựng, CATP…; đồng thời yêu cầu Cty CP gang Vạn Lợi lập kế hoạch quan trắc môi trường đảm bảo quan trắc đủ những điểm cần quan trắc và quan trắc bổ sung các điểm theo đề nghị của các hộ dân.

Đặc biệt, phải đảm bảo những thông số cần quan trắc, số và vị trí quan trắc, thời điểm quan trắc, các điều kiện bắt buộc trong quá trình quan trắc, nhất là chạy hết công suất, từ đó đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, minh bạch. Kế hoạch quan trắc cũng phải được thông qua giữa các sở, ngành và các bên liên quan trước khi tiến hành quan trắc.

Được biết, mới đây, ngày 13-5, cũng dưới sự chủ trì của lãnh đạo xã An Hồng, ông Nguyễn Cao Bằng - Chủ tịch HĐQT Cty CP luyện gang Vạn Lợi đã xin lỗi các hộ dân và xin nhân dân cho doanh nghiệp cơ hội để tiếp tục khắc phục việc ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ông Bằng hứa DN hoạt động trở lại hay không, chỉ khi được phép của Hội đồng giám sát về môi trường và người dân.

Còn về phía các hộ dân bày tỏ quan điểm: Doanh nghiệp muốn hoạt động phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường và đề nghị các cơ quan hữu quan về quan trắc môi trường làm việc công minh, chính xác, đảm bảo đúng tiến độ và công khai trước nhân dân.

Dân ta có câu “một sự bất tín, vạn sự bất tin” mong rằng, một lần nữa công ty hãy đừng đánh mất lòng tin của nhân dân! (Kim Oanh, An ninh Hải Phòng Online 16/5)

33.            Tăng cường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Tại nhiều địa phương trên cả nước có số mắc bệnh cao hơn năm 2003 và có nguy cơ dịch bùng phát.

Đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 2 người tử vong và 7.931 trường hợp mắc bệnh SXH với 4 người tử vong. Tại Hải Phòng, tính đến ngày 11-5, toàn thành phố có 229 ca mắc bệnh TCM và 29 ca mắc bệnh SXH.

Để chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế thấp nhất số người mắc, tử vong do 2 bệnh TCM và SXH, ngày 13-5, UBND TP ra công điện số 06/CĐ-CT, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch UBND các quận, huyện tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TCM và SXH.

Theo đó, Sở Y tế tập trung chỉ đạo việc cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế; tổ chức phân tuyến điều trị, cách ly nhằm ngăn chặn lây chéo trong bệnh viện; đảm bảo đủ trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất cần thiết; theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch…

Tại các trường học, đặc biệt nhà trẻ, trường mẫu giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh cá nhân, phát hiện sớm các trường hợp trẻ em mắc bệnh… UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. (TG, An ninh Hải Phòng Online 16/5)

34.            Quy định về ATVSLĐ – PCCN: Các DN và NLĐ Hải Phòng chưa thực hiện nghiêm túc

Trong thời gian qua, nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ tại TP.Hải Phòng đã được chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng NLĐ mong muốn có việc làm bằng mọi giá; không được đào tạo nghề và học tập nghiên cứu pháp luật lao động trước khi làm việc, thực có tác phong công nghiệp và tinh thần kỷ luật lao động còn tồn tại ở nhiều DN.

Chỉ tính riêng trong năm 2013, đã có gần 100% cán bộ quản lý nhà nước của các quận, huyện, phường xã toàn TP.Hải Phòng được tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về ATVSLĐ – PCCN; 3 lớp tập huấn cho mạng lưới ATVS viên cơ sở và 5 lớp về công tác ATVSLĐ.

Sở Cảnh sát PCCC đã mở 385 lớp tuyên truyền cho 24.755 người tham gia, tổ chức 127 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ hàng năm cho 6.981 người, huấn luyện nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận cho 5.671 người. Riêng về công tác PCCN, Sở Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã chủ trì tổ chức kiểm tra gần 11.000 lượt cơ sở theo quy định, lập 10.898 biên bản kiểm tra an toàn PCCC.

Tình trạng NLĐ mong muốn có việc làm bằng mọi giá; không được đào tạo nghề và học tập nghiên cứu pháp luật lao động trước khi làm việc, chưa có tác phong công nghiệp và tinh thần kỷ luật lao động còn tồn tại ở nhiều DN. Chính vì vậy, trong năm 2013, toàn Thành phố vẫn xảy ra 70 vụ cháy, 8 vụ TNLĐ chết người làm 10 người chết (trong đó có 1 vụ làm chết 2 người). Bên cạnh đó, theo con số thống kê chưa đầy đủ, hiện Thành phố có trên 2.000 người bị mắc bệnh nghề nghiệp.  

Để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho NLĐ, giảm ô nhiễm của môi trường lao động, phòng tránh TNLĐ ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ…điều quan trọng là trước hết các DN và NLĐ phải coi việc thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ – PCCN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình.

Các DN đóng trên địa bàn cần tích cực triển khai thực hiện phong trào quần chúng làm công tác bảo hộ lao động thông qua tổ chức có hiệu quả phong trào “Bảo đảm ATVSLĐ”; củng cố, phát triển mạng lưới ATVS viên tại cơ sở. (Ngọc Cầm, Thời báo kinh doanh 16/5 Tr11)

35.            Công ty 128 Hải quân: Thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam

Tối 6/5, tại Hải Phòng, Đoàn cơ sở Công ty 128 Hải Quân đã tổ chức Hội thi tìm hiểu biển, đảo Việt Nam năm 2014. 4 đội thi đại diện cho các chi đoàn, Liên chi đoàn ở cả hai khu vực Hải Phòng và Thanh Hóa về dự. Kết thúc Hội thi Ban tổ chức trao giải cho các đội đoạt thành tích cao. Giải nhất thuộc về Chi đoàn Công ty cổ phần Tân cảng 128 Hải Phòng; giải nhì thuộc về Chi đoàn khối cơ quan Công ty; giải ba thuộc về Chi đoàn Xí nghiệp cơ khí Tàu thuyền kinh doanh Tổng hợp. (Đào Hữu Sáng, Báo Hải quân 16/5 Tr8)

36.            Những người thầy thuốc làm việc tại Khoa cấp cứu: Nỗi niềm, ước mơ và hy vọng

Nói về lương tâm và trách nhiệm, mỗi người thầy thuốc từ khi xác định đi theo ngành Y ai cũng có. Để trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân, các bác sĩ cần tâm huyết và trí tuệ, học tập không ngừng để vượt qua “vũ môn” của trường đại học y khoa mà bao giờ điểm đầu vào cũng cao ngất ngưởng. Chưa ngành học nào có thời gian học tập, nghiên cứu dài hạn như ngành y và cũng học liên tục một cách đại trà như ngành y. Bao nhiêu ước mơ và hoài bão chúng tôi đều dồn vào công tác chữa bệnh cứu người, sự nghiệp y tế.

Là những người trực tiếp làm công tác khám chữa bệnh, chúng tôi nhận thấy: Chữa bệnh khó nhưng làm hài lòng người nhà người bệnh còn khó hơn nhiều. Lời dạy của người xưa “lương y như từ mẫu” ai cũng hiểu, nhất là những người thầy thuốc càng thấu hiểu hơn. Chúng tôi cũng biết đau với nỗi đau của người bệnh, cũng biết buồn khi chứng kiến những người bệnh đau đớn, vật vã. Nhưng có điều, các thầy thuốc không thể hiện tình cảm như người nhà của người bệnh, bởi chúng tôi còn dành thời gian và tâm trí tìm cách chữa trị, làm giảm nhẹ nỗi đau, chăm sóc, giành giật cuộc sống cho người bệnh. Có ai đó từng chứng kiến đêm trực cấp cứu ở Khoa Cấp cứu (Bệnh viện hữu nghị Việt-Tiệp) mới thấy sự “tấp nập” trong khoa, nhưng không ồn ào như họp chợ hay sôi động như trận bóng mà là tấp nập trong yên lặng, với bầu không khí căng thẳng và mệt mỏi bao trùm” (lời chia sẻ của người bệnh trên trang mạng xã hội). Song với các thầy thuốc là đêm yên ả may mắn.

Hằng đêm, các thầy thuốc trong Khoa Cấp cứu triền miên trải qua những đêm dài căng thẳng với những ồn ào, huyên náo mà chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng trở nên ầm ĩ. Các thầy thuốc phải làm việc với áp lực lớn: cần nhanh chóng cấp cứu người bệnh trong khi yêu cầu phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục hành chính, quy chế hồ sơ, quy chế chuyên môn, quản lý thuốc men và các vật tư tiêu hao; giao tiếp tốt. Nhưng bên cạnh đó, các thầy thuốc tôn trọng người bệnh, khám và làm thủ thuật một cách kín đáo, trong khi người nhà vây quanh vì muốn ở bên người bệnh; thân thiện với người nhà, nhưng cũng cần có không gian thông thoáng để làm việc, hơn nữa chúng tôi còn cần đề phòng các trường hợp xô xát có thể đến bất cứ lúc nào…

Chúng tôi cố gắng hết mình, luôn cần mẫn phục vụ người bệnh ngay cả khi bị lăng mạ, cả khi bị tấn công vẫn kiên trì cấp cứu bất kể người bệnh là ai; sẵn sàng giúp đỡ người bệnh khi không hoặc chưa có gia đình của họ, thậm chí chia sẻ cả máu của mình để cứu sống họ. Dù mệt mỏi hay mưa bão, chúng tôi vẫn giữ vị trí trực 24/24 giờ như người chiến sĩ đảm nhận nhiệm vụ canh giữ nơi tiền tiêu của Tổ quốc, để lại phía sau những đứa con thiếu hơi ấm của mẹ, thiếu sự che chở của cha. Các thầy thuốc làm việc miệt mài bất chấp nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm cũng như tai bay vạ gió có thể đến bất cứ lúc nào. Chúng tôi quên mình cấp cứu người bệnh ngay cả khi ốm đau, bụng mang dạ chửa.

Trong 5 năm (2008-2013) khoa Cấp cứu có 12 nữ thầy thuốc mang thai nhưng 5 người bị doạ sẩy, 1 người phải đẻ non, 2 người sẩy thai và thai chết lưu, 1 người dọa đẻ non; 2 người bị nhiễm lao khi còn làm cấp cứu; 2 người bị đánh trọng thương và chúng tôi phải cấp cứu chính đồng nghiệp của mình (trong đó 1 thầy thuốc bị giảm 17% sức khoẻ).

Nhiều người bệnh và người nhà của họ khi chứng kiến các thầy thuốc bị tấn công có nhiều người cảm kích, bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với thầy thuốc vì sự nhiệt tình và khả năng đáp ứng với tình thế, công việc. Thậm chí một số người còn khen ngợi “bị chửi mắng thế mà vẫn làm”. Nhưng cũng có người chửi bới không có lý do hoặc với những lý do không chính đáng. Một số trường hợp còn thường xuyên doạ nạt. Họ đòi hỏi những điều chúng tôi không thể đáp ứng và thậm chí còn bịa đặt khiến thầy thuốc mang tiếng oan.

Trong năm 2013, tại khoa xảy ra 10 vụ gây rối, các bác sĩ bị hành hung, bị đập phá tài sản và vụ việc chỉ dừng lại sau khi có sự can thiệp của  lực lượng công an và bảo vệ, chưa tính các vụ chửi bới, lăng mạ. Đã từng có 2 vụ mang súng đe doạ, 2 vụ sử dụng dao đàn áp y bác sĩ, 2 vụ đánh nhau có vũ khí gây lộn xộn trong buồng bệnh, phá hỏng các trang thiết bị. Đã hai lần chúng tôi phải cho y bác sĩ nghỉ trực để bảo toàn tính mạng. Những vụ việc như vậy gây tổn hại về tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của thầy thuốc. Nhưng các thầy thuốc gạt bỏ tất cả, lặng lẽ làm việc, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. (Trần Thị Thanh Thủy, Báo Hải Phòng Online 16/5)

37.            Phát triển kỹ thuật sản khoa tại Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên: Lợi cả đôi đường

Sự hân hoan trên nét mặt sản phụ Phạm Thị Minh Châm, ở xóm Cống Chu, xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên) cũng chính là niềm vui lớn của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Sản (Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên).

27 tuổi, sản phụ Phạm Thị Minh Châm bước vào lần “vượt cạn” thứ hai. Sau khi bác sĩ thông báo khả năng sẽ tiếp tục phải mổ đẻ do thai nhi khá to và người mẹ không xuất hiện cơn co, cảm giác sợ hãi, lo lắng luôn thường trực trong đầu chị Châm. Tuy nhiên, đến khi được biết bệnh viện có triển khai phương pháp gây tê mới, giảm đau trong đẻ, chị Châm cùng gia đình có phần yên tâm hơn. Và thực tế, sau khi kết thúc ca mổ, tình trạng sức khỏe của cả hai mẹ con tiến triển nhanh. Chị nhanh chóng tập đi sau 3 ngày mổ mà không có cảm giác tê, buốt như lần mổ đẻ trước. Đây là một phương pháp mới được áp dụng tại Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên từ cuối năm 2012, thể hiện sự tiến bộ của đội ngũ y, bác sĩ Khoa Sản Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quốc Trinh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên cho biết: “Cùng với phương pháp này, các bác sĩ sản của bệnh viện có thể thực hiện nhiều thủ thuật sản khoa khó khác như cắt tử cung toàn phần, mổ u xơ tử cung, mổ đẻ lần 2. Qua đó, giúp các sản phụ và người nhà thuận tiện hơn trong việc sinh sản, đồng thời giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên”. Tính riêng trong năm 2013, với đội ngũ 7 bác sĩ, 23 điều dưỡng, hộ lý, Khoa Sản của bệnh viện thực hiện gần 3.000 ca, trong đó có hơn 900 ca mổ đẻ. Hơn 300 ca mổ đẻ được thực hiện thủ thuật gây tê ngoài màng cứng, giảm đau trong đẻ (đẻ không đau).

Với dân số gần 33 vạn người (tính cả số công nhân đang làm tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn) và tỷ suất sinh gần ngưỡng 1%, mỗi năm, huyện Thủy Nguyên có khoảng 3.500 đến 4.000 ca đẻ. Do nhu cầu của người dân lớn nên ban lãnh đạo bệnh viện xác định sản khoa là một trong những chuyên khoa cần tập trung phát triển. Bác sĩ Trần Quốc Trinh cho biết: “Để làm được việc đó, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác chuyên môn. Năm 2012, tất cả bác sĩ của Khoa Sản được chia làm 3 kíp, cử đi đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Được đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc” nên khi kết thúc thời gian học, các bác sĩ phát huy ngay năng lực theo phương pháp chuyên môn mới”.

Mặt khác, do địa bàn huyện Thủy Nguyên rất rộng, nếu chỉ tập trung phát triển kỹ thuật sản khoa tại bệnh viện, sẽ khó đáp ứng nhu cầu của người dân trong huyện. Bệnh viện cắt cử một bác sĩ định hướng sản khoa và 2 nữ hộ sinh xuống Phân viện Quảng Thanh (Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên) phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe sản phụ. Bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa Sản cho biết: “Do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nên lãnh đạo Khoa Sản xây dựng quy chế hoạt động riêng biệt đối với cơ sở này. Chỉ những ca đẻ thường và thăm khám thai nhi định kỳ mới được thực hiện ở đây. Những ca tiên lượng đẻ khó, hoặc phải mổ sẽ được chuyển về cơ sở chính, tránh xảy ra rủi ro cho sản phụ. Cùng với đó, hằng tháng, Khoa Sản đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn để các bác sĩ ở phân viện cũng như cơ sở chính được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm thực tế”. (Như An, Báo Hải Phòng Online 16/5)

38.            Cựu chiến binh mát tay chăn nuôi

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông Chu Trọng Tại, Ủy viên Hội Người cao tuổi phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) vẫn hăng say lao động. Hiện, ông Tại  quản lý trang trại chăn nuôi tổng hợp 14.000 m2 với hơn 6000 con gà công nghiệp, hàng trăm con chim bồ câu, lợn, cá các loại…

Năm 2001, ông Tại vận động gia đình mạnh dạn chuyển đổi 14.000 m2 đất canh tác kém hiệu quả sang xây dựng mô hình trang trại tổng hợp. Nhờ áp dụng KHKT, tính trung bình 42-45 ngày, gia đình ông Tại xuất 6000 con gà công nghiệp cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, trừ các chi phí thu lãi 30 triệu đồng/lứa. Gia đình ông còn nuôi 200 con chim bồ câu, cho thu nhập 2 triệu/tháng và hàng trăm con chim cu gáy. Với 1800m2 diện tích ao, ông nuôi thả các giống cá chim, trắm đen, rô phi… Gia đình ông tận dụng diện tích mặt ngoài của ao để trồng cây ăn quả và rau màu làm thức ăn cho lợn, gà, sau đó lấy phân chuồng cho cá ăn, quay vòng nguồn thức ăn tại chỗ cho trang trại.

Ông Tại cho biết, ban đầu khi triển khai mô hình, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình ông gặp không ít khó khăn, từ khâu cải tạo đất, tìm kiếm vật liệu xây dựng chuồng trại, đường điện chiếu sáng cho đến lựa chọn con giống, nguồn nước sạch… Thời điểm đó, nhiều hộ sản xuất theo mô hình trang trại do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai nên bị phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Song, với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông động viên con cháu bình tĩnh, quyết tâm đầu tư, ổn định sản xuất. Tận dụng số vốn ít ỏi của gia đình, sự hỗ trợ của địa phương, ông vay mượn, thế chấp ở các cửa hàng, huy động con cháu tự làm từ việc đóng cọc tre, làm bờ kè, xây tường bao đến khâu chọn giống, vệ sinh phòng dịch chuồng trại… Sau 3 năm, gia đình ông trả hết nợ, từ đó đến nay, duy trì và phát triển đa dạng mô hình, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ.

Thời gian tới, ông dự định mở rộng chăn nuôi các con giống đặc sản như bồ câu Pháp, gà Đông Tảo, cá sấu, trăn, ba ba… Ông luôn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con địa phương xây dựng mô hình mới có giá trị kinh tế cao. (Vân Nga, Báo Hải Phòng Online 16/5)

VĂN HÓA

39.            Qua lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ 3: Mong những mùa hội sau trọng vẹn hơn

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 3 vừa khép lại trong tâm trạng nhiều cảm xúc của người dân thành phố. Vui có, náo nức có, cảm động có, nhưng cũng còn không ít bâng khuâng.  Dường như, những gì diễn ra kết thúc quá nhanh, chưa thực sự trọn vẹn ý nghĩa ngày “Tết truyền thống” thứ 2 trong năm của người đất Cảng.

Năm nay là năm thứ 3 lễ hội được tổ chức, song với mỗi người Hải Phòng, dường như sự kiện này diễn ra lâu hơn từ trước đó. Bởi mỗi mùa hoa đỏ về, lòng người dân đất Cảng lại náo nức, tưng bừng. Mùa hoa phượng nở cũng là mùa vui, mùa hội của người dân thành phố ở khắp nơi nơi. Những người con Hải Phòng xa quê đều muốn tìm về thành phố dịp này như một lời hẹn trở lại quê hương khi tháng 5 về.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 3 – Hải Phòng 2014 và đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà khép lại sau 3 ngày diễn ra (từ 9 đến 11/5) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi nổi, mang đặc trưng riêng Hải Phòng.

Chị Hà Thị Mai Hoa, người dân của khu dân cư Thư Trung 1, phường Đằng Lâm (Hải An) đầy luyến tiếc khi chưa kịp cảm nhận không khí lễ hội. Được nghỉ ngày chủ nhật, chị đưa các con lên khu vực trung tâm thành phố. Những gì còn lại là các gian hàng ẩm thực, hội chợ vẫn đông đúc, nhộn nhạo. Và sự hiện diện của… rác ở khắp nơi nơi. Ấn tượng của chị Hoa là: “Những gì tôi có thể thấy là khá nhiều điểm vui chơi có thưởng, ném phi tiêu vào bóng bay dọc theo hai bên bờ hồ Tam Bạc”.

Hội tan. Người Hải Phòng lại trở về guồng quay cuộc sống thường ngày. Cảm xúc bâng khuâng về một lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 3 chưa trọn vẹn đặt nhiều người vào tâm tư mong đợi. Hy vọng vào một mùa hội sau sẽ trọn vẹn hơn. (Phong Phong, Hải Phòng cuối tuần 16/5 Tr30+31)

40.            Ngày hội giới thiệu ẩm thực thành phố Hoa Phượng Đỏ: “Đại tiệc” thỏa lòng du khách

Nhiều người ví, “Ngày hội giới thiệu ẩm thực thành phố Hoa Phượng Đỏ” như “chợ quê” giữa lòng thành phố, bởi phần lớn các món ăn tại hơn 20 gian hàng của 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố là những món truyền thống, dân dã, thường bắt gặp tại những vùng quê.

Huyện Thủy Nguyên đem đến các món miến chim bồ câu Thủy Đường, thịt đốt ốp thân cau, nem chạo Dương Quan, món cuốn Thiên Hương, bánh chưng Thủy Đường… làm nhiều thực khách mê mẩn. Huyện Kiến Thụy đem đến lễ hội lần này những con ba ba hoa đánh bắt trên sông Đa Độ, ốc bươu quê, món cá mòi kho niêu đất trứ danh, bánh đa nướng Lạng Côn…

Chị Đặng Minh Tần, du khách Hà Nội, cho biết: Khi biết tin thành phố tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 3, chị về từ trưa 8/5 và ở lại đến hết lễ hội. Mặc dù rất thông thuộc các địa danh và món ăn ở Hải Phòng, nhưng lần này chị thực sự bị choáng ngợp trước số lượng các món ăn. Món nào cũng mang đậm chất vùng miền độc đáo mà không nơi nào có được. (Thái Phan, Hải Phòng cuối tuần 16/5 Tr31+32)

DU LỊCH

41.            Cứu hộ bờ biển: Vì sự an toàn của du khách

Để bảo vệ du khách đến tắm biển ở bãi biển Đồ Sơn, đội cứu hộ khách tắm biển (thuộc Trung tâm Dịch vụ và Phát triển du lịch quận Đồ Sơn) luôn túc trực trên bãi biển từ 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc 20 giờ hằng ngày. Ông Phạm Văn Bình, Đội trưởng đội cứu hộ khách tắm biển quận Đồ Sơn cho biết, đội được trang bị ca nô, phao cứu sinh, loa tay, ống nhòm, cờ báo hiệu… Để quan sát, ứng cứu kịp thời những khách tắm biển gặp tình huống nguy hiểm, đội chia làm 2 tổ: tổ một trực ở bãi biển đoàn 259, tổ 2 trực ở bãi biển khu 2. Các nhân viên bố trí luân phiên trực tại các bãi tắm, có nhân viên đi dưới bờ biển, có nhân viên trên  trạm quan sát du khách tắm biển. Cứ 15 đến 20 phút đội lại thông báo trên hệ thống loa truyền thanh công cộng tại bãi tắm về các quy định tắm biển. (Phạm Văn, Hải Phòng cuối tuần 16/5 Tr35+36)

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố