Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 16/3/2023)

KINH TẾ

Ngành Thuế tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quyết toán thuế​

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) trong việc thực hiện thủ tục quyết toán thuế năm 2022, nhiều cục thuế trên cả nước đã vào cuộc tích cực để tuyên truyền, hỗ trợ NNT có thể thực hiện quyết toán thuế năm 2022 nhanh và đúng quy định.

Theo Cục Thuế Hải Phòng, để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong việc thực hiện thủ tục quyết toán thuế năm 2022, đơn vị sẽ triển khai hỗ trợ NNT đồng loạt tại văn phòng cục và 9 chi cục thuế quận, huyện và khu vực với 3 chức năng hỗ trợ: Hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ về công nghệ thông tin và hỗ trợ về kê khai thuế.

Trong tháng quyết toán thuế, Cục Thuế chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và hỗ trợ của văn phòng cục thuế, chi cục thuế các khu vực, thành phố sẽ tổ chức làm việc thêm cả ngày thứ 7, nhằm hỗ trợ NNT các thủ tục hành chính thuế nhanh nhất, thuận lợi và tiết kiệm nhất. Các đơn vị bố trí bộ phận thường trực là những cán bộ có năng lực, nghiệp vụ giỏi để kịp thời giải đáp, hướng dẫn tất cả các vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ khai quyết toán thuế.

Cục Thuế sẽ tổ chức hỗ trợ NNT dưới hình thức trực tiếp và điện tử; các nội dung tuyên truyền về quyết toán thuế của cục thuế cũng được đăng tải tại các trang mạng xã hội của cục thuế như Facebook, Youtube, Zalo… cùng với đó, tích cực đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, giải quyết thủ tục hành chính qua Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT qua hệ thống thuế điện tử (eTax).

Cục Thuế Hải Phòng lưu ý, khi NNT thực hiện quyết toán thuế năm 2022 cần chú trọng: Về thời hạn khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp có năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 và quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức trả thu nhập năm nay vào thứ 6, ngày 31/3/2023; còn thời hạn khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế là vào thứ 5, ngày 4/5/2023. (Thanhtra.com.vn 15/3, Uyên Uyên)

PC Hải Phòng: Đầu tư xây dựng các TBA mới tại quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng

Tháng 1/2023, PC Hải Phòng đã khởi công Dự án Xây dựng mới các TBA nâng cao độ tin cậy cung cấp điện quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng.

Quận Dương Kinh được thành lập theo Nghị định số 145/2007/NĐ-CP ngày 12/9/2007 của Chính phủ, gồm 6 phường trực thuộc. Quận nằm ở đầu mối giao thông liên vùng với các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ như Tỉnh lộ 353 (đường Phạm Văn Đồng), Tỉnh lộ 355, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc ven biển...

Với vị trí như vậy Dương Kinh có mối liên hệ mật thiết với các trọng điểm phát triển của Hải Phòng như khu vực trung tâm thành phố, các quận Đồ Sơn, Kiến An, Hải An, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và các trọng điểm phát triển trong vùng Duyên hải Bắc bộ. Đây là khu vực có khả năng đô thị hoá cao, có tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp; là khu vực có quỹ đất chưa xây dựng khá lớn và môi trường sinh thái tốt, đáp ứng nhu cầu dãn dân và thu hút dịch cư của thành phố.

Nguồn điện 22kV cung cấp cho khu vực quận Dương Kinh đa dạng và linh hoạt, nguồn cấp từ các trạm biến áp (TBA) 110kV Kiến An, Lê Chân, Đồ Sơn, Hải An. Với tổng số 86 TBA công cộng trải đều trên 6 phường trên địa bàn cơ bản đã đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên năm 2021, thời điểm nắng nóng cục bộ, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến dẫn đến nhiều TBA bị quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Để chủ động trong việc cấp điện ổn định ngoài việc tuyên truyền nhân dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả cần thực hiện các giải pháp như: Nâng công suất máy biến áp, xây dựng các TBA mới, thay dây cáp hạ thế đường trục, nhánh. Với tốc độ tăng trưởng phụ tải khoảng 11%/năm, việc xây dựng mới các trạm biến áp để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định là nhu cầu cấp thiết.

Việc xây dựng thêm các TBA để san tải giảm bán kính cấp điện, nâng cao điện áp cuối nguồn, giảm tổn thất điện năng và chống quá tải cho các MBA, xây dựng các TBA mới cũng là đón đầu sự tăng trưởng phụ tải tại các khu dân cư phát triển mới lân cận các TBA đã đầy tải, hệ số dự phòng thấp đồng thời chủ động ứng phó với sự tăng tự nhiên của phụ tải khi thời tiết cực đoan, nắng nóng.

Trên cơ sở phân tích và căn cứ quy hoạch “Danh mục trạm biến áp trung áp quận Dương Kinh giai đoạn đến năm 2025”, Điện lực Dương Kinh lập đề xuất xây dựng mới 04 trạm biến áp gồm: TBA Hưng Đạo 1, Anh Dũng 7, Anh Dũng 9, Hoà Nghĩa 2 để cấp điện linh hoạt và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho nhân dân các phường Hưng Đạo, Anh Dũng, Hòa Nghĩa quận Dương Kinh.

Tháng 1/2023, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã khởi công Dự án Xây dựng mới các TBA nâng cao độ tin cậy cung cấp điện quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng năm 2023 với quy mô: Xây dựng mới 03 đường cáp ngầm 22kV, 04 TBA phân phối 22kV và các tuyến đường dây hạ thế để cấp điện, san tải cho lưới điện ha thế các TBA hiện có khu vực 03 phường Hòa Nghĩa, Hưng Đạo, Anh Dũng, quận Dương Kinh.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nhiều dự án điện trên địa bàn quận Dương Kinh đang được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Để việc xây dựng dự án Xây dựng mới các TBA nâng cao độ tin cậy cung cấp điện quận Dương Kinh đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công, ngoài nỗ lực của Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Công ty giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ủng hộ xây dựng các công trình điện vì mục tiêu, lợi ích chung của toàn xã hội. (Congthuong.vn 15/3, Thu Hiền)

Điện lực Kiến Thụy (PC Hải Phòng): Báo động nạn trộm cắp dây cáp điện và thiết bị điện lực

Vừa qua ngày 13/3/2023, trạm biến áp Ngọc Liễn 4 xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng đã bị kẻ trộm lợi dụng vắng người đã cắt trộm dây cáp mặt máy biến áp trong lúc máy biến áp đang mang điện. Hành động trên rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà sẽ gây mất điện diện rộng trong nhân dân đồng thời sẽ gây điện giật chết người.

Điện lực Kiến Thụy đã khẩn trương thay thế dây cáp điện đã bị cắt trộm, kịp thời khôi phục cấp điện phục vụ nhân dân. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản và trình báo cơ quan Công an. Hiện cơ quan Công an Huyện đang khẩn trương tập trung mở rộng điều tra truy bắt kẻ cắt trộm cắp dây cáp điện, xử lý nghiêm kẻ trộm cắt dây cáp điện và thiết bị điện lực theo quy định của pháp luật.

Vụ việc trên lại tái diễn rất đáng báo động. Cách đây khoảng 6 tháng cũng trên địa bàn huyện Kiến Thụy và các vùng lân cận cũng đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp cắt trộm dây cáp điện, sau đó đã được ngăn chặn do có sự nhiệt tình, cảnh giác bảo vệ tài sản lưới điện của ngành Điện lực. Hiện nay lại tái diễn nạn trộm cắp dây cáp điện và thiết bị điện lực gây nhức nhối bức xúc trong nhân dân làm ảnh hưởng thiệt hại nhiều đến quá trình sản xuất kinh doanh của ngành điện lực. Thiết nghĩ đây là sự việc đáng báo động mà cần có sự vào cuộc ngăn chặn kịp thời của các cấp chính quyền, công an địa phương, các cơ quan chức năng phối hợp kịp thời điều tra, ngăn chặn chấm dứt nạn trộm cắp dây cáp điện và thiết bị điện lực không tái diễn.

Để phòng ngừa hiệu quả hơn, bên cạnh việc điều tra, phá án thì công tác bảo vệ hệ thống lưới điện cần phải đặt lên hàng đầu, và phải xác định đây là nhiệm vụ nằm trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các ngành liên quan cũng cần tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, tổ chức giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ tài sản hệ thống lưới điện, tố cáo, phát giác cho Công an, lực lượng Điện lực các đối tượng có hành vi xâm hại đến hệ thống lưới điện; tham mưu cho chính quyền các xã, thị trấn phát động ký cam kết với từng hộ gia đình trong công tác bảo vệ hệ thống lưới điện đi qua địa bàn. Về phía các nhà trường cần tuyên truyền nội dung bảo vệ hệ thống lưới điện trong các giờ ngoại khoá để hệ thống lưới điện vận hành ổn định, liên tục, an toàn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. (Npc.com.vn 15/3, Phạm Ngọc Tải)

Lượng tờ khai tại Hải quan Hải Phòng tăng hơn 47%

Tháng 2 tổng tờ khai toàn Cục Hải quan Hải Phòng là 163.643 tờ khai, tăng 47,28% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 2,05%so với tháng trước.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu của lượng tờ khai trong tháng 2 của Hải quan Hải Phòng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do tháng 2/2022 có dịp nghỉ tết Nguyên đán dài ngày.

Trong tháng 2, toàn Cục Hải quan Hải Phòng có 84.379 tờ khai nhập khẩu và 79.264 tờ khai xuất khẩu. Trong các chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng Chi cục Hải quan khu chế xuất và khu công nghiệp có lượng tờ khai lớn nhất với 41.193 tờ khai.

Trong khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 có lượng tờ khai ít nhất với 4.002 tờ khai.

Trước đó, tháng 1/2023, tại Cục Hải quan Hải Phòng có 137.421 tờ khai được đăng ký làm thủ tục, giảm 26,86% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, nhập khẩu là 72.604 tờ khai, xuất khẩu là 64.817 tờ khai.

Như vậy, qua 2 tháng đầu năm, toàn Cục Hải quan Hải Phòng đã giải quyết thủ tục cho hơn 300.000 tờ khai. (Haiquanonline.com.vn 15/3, Thái Bình)

Khắc phục khó khăn, ngư dân Hải Phòng vươn khơi sau hơn 6 tháng tàu nằm bờ

Sau thời gian bị nằm bờ do không tuyển được các thuyền viên có đủ chứng chỉ chức danh theo quy định, đến nay nhiều tàu đánh cá của ngư dân tại cảng Mắt Rồng (xã Lập Lễ, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã khắc phục khó khăn để tiếp tục ra khơi bám biển.

Những tháng sau Tết, hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) - xã có số lượng tàu lớn đánh bắt cá nhiều nhất trên địa bàn TP Hải Phòng phải nằm bờ do các chủ tàu không thể tuyển được thuyền viên có các chức danh theo quy định.

Cụ thể, theo Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022, quy định đối với tàu cá có chiều dài từ 12–15 m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng III, máy trưởng tàu cá hạng III; nhóm tàu cá có chiều dài từ 15–24 m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng tàu cá hạng II và nhóm tàu cá có chiều dài trên 24 m phải có thuyền trưởng tàu cá hạng I, thuyền trưởng tàu cá hạng II, máy trưởng tàu cá hạng I và thợ máy tàu cá.

Những trường hợp tàu không có đủ các thuyền viên có chứng chỉ trên, sẽ không được ra khơi. Các quy định trong thông tư này cũng nhằm đảm bảo một trong số các tiêu chí để Việt Nam được gỡ thẻ vàng EC, dự kiến diễn ra vào tháng 4/2023.

Suốt hơn 6 tháng liên hệ khắp nơi tìm thuyền viên để cùng tàu của gia đình vươn khơi, ông Vũ Văn Nhỏ (trú tại xã Lập Lễ) - thuyền trưởng tàu cá HP-90375-TS kể: "Gần 38 năm nay gắn bó với biển, coi biển là nhà để kiếm kế sinh nhai nên tôi vẫn cố gắng tìm kiếm, liên hệ cả các vùng xung quanh, kiếm thuyền viên có đủ chứng chỉ. Tàu nhà tôi có chiều dài 15m nên phải tìm đủ thuyền trưởng và máy trưởng tàu hạng II.

Khoảng thời gian này, hàng trăm tàu cá của ngư dân bị thiếu thuyền viên do không đủ chứng chỉ nên việc tìm kiếm không hề dễ chút nào. Thậm chí tàu dài 24,3m; muốn vươn khơi còn phải tìm kiếm được đủ 4 chức danh theo quy định mới, còn khó khăn hơn nữa".

"Tàu nhà tôi được đóng theo Nghị định 67 với số tiền hơn 25 tỉ đồng dài 34,1m nên ngoài tôi có chứng chỉ thuyền trưởng hạng I, còn phải tuyển thêm 3 chức danh nữa mới đủ quy định" - anh Đinh Văn Thắng cho biết.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Lập Lễ xác nhận, thời gian vừa qua, nhiều tàu cá của ngư dân tại địa phương, do thuyền viên không có đủ chứng chỉ nghề nên dẫn đến tình trạng bị nằm bờ, không thể ra khơi đánh bắt.

Cũng theo ông Quyết, việc tàu nằm bờ nhiều tháng gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân địa phương. Đối với những phương tiện lớn, nhiều ngư dân phải vay vốn, thế chấp ngân hàng, nên tàu phải nằm bờ sẽ ảnh hưởng đến việc trả lãi xuất hàng tháng.

Ngoài ra, còn liên quan đến thu nhập hàng năm, việc phát triển kinh tế chung của địa phương. Ghi nhận của Lao Động chiều 14/3, tại khu vực tập kết tàu thuyền cảng Mắt Rồng (xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên), nhiều ghe tàu ngư dân đang tất bật, người chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm,… người vá lưới, sẵn sàng cho những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển sau hơn 6 tháng nằm bờ.

Ông Nguyễn Đức Văn - chủ tàu HP-90615-TS cùng các thuyền viên cũng đang chuẩn bị lưới và ngư cụ cho lần ra khơi đầu tiên sau thời gian dài nằm bờ.

Theo ông Văn, với chiều dài 23,8 m, để tàu của gia đình được ra khơi, anh và con trai anh có đủ chứng chỉ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá hạng II, gia đình cũng tìm thêm 5 thuyền viên đi cùng. Hầu hết, các thuyền viên đều là người từ Nghệ An, được mọi người trong vùng giới thiệu cho gia đình anh.

"Suốt hơn 6 tháng, các hộ gia đình có tàu vươn khơi phải đầu tư kinh phí cho các thành viên trong gia đình mình đi học để được cấp chứng chỉ, nếu không tàu không được ra khơi. Tìm người lại khó, nên mọi người phải xoay xở đủ mọi cách" - ông Nhỏ nói.

Ngoài việc lo đủ chứng chỉ theo tiêu chuẩn, nhiều chủ tàu còn lo lắng về sản lượng khai thác được, không biết có đủ chi phí trang trải và trả thù lao cho thuyền viên sau thời gian dài nằm bờ hay không.

"Một lần đi biển như thế này chi phí rất lớn, 20 ngày đi biển chi phí có khi đến 350 triệu/chuyến, nhưng việc thu nhập còn phụ thuộc vào tình hình thực tế. Chúng tôi đi biển, tìm đủ thuyền viên rồi mà đánh bắt không có sản lượng thì không đủ chi trả các chi phí đầu tư" - ông Nguyễn Đức Văn nói. (Laodong.vn 15/3, Lương Hà)

GIAO THÔNG

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng: Bộ Xây dựng lưu ý việc điều chỉnh cục bộ một số hướng tuyến

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng dài 109km, thuộc nhóm các tuyến đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc, Điểm đầu dự án giao cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại TP Ninh Bình, điểm cuối giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại Hải Phòng.

Theo Thông báo 195/TB-VPCP ngày 4/7/2022 của Văn phòng Chinh phủ về Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này; đã giao UBND Hải Phòng tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục và đoạn tuyến cao tốc còn lại, bảo đảm kết nối tốt đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình. Trong khi đó, đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giao UBND Thái Bình là cơ quan thẩm quyền.

Được biết, đoạn tuyến qua Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình dài khoảng 80km, điểm đầu Km0+000 trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông (địa phận xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), điểm cuối khoảng Km80-000 tại nút giao QL37B và đường ven biển (địa phận xã Thụy Trinh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Theo đề xuất của nhà đầu tư, đoạn tuyến đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, ngày 15/12/2022, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập và giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản, triển khai theo hình thức đầu tư công, dài khoảng 26 km; thời gian thực hiện 2024 - 2026; nguồn vốn thực hiện gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Thái Bình cũng đề nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

Về phía Hải Phòng, theo báo cáo gần đây của UBND TP, việc triển khai đầu tư các hạng mục và đoạn tuyến cao tốc còn lại đoạn qua địa bàn Hải Phòng gặp khó khăn, vướng mắc liên quan hình thức, nguồn vốn đầu tư.

Vướng mắc này, sau đó Bộ GTVT có ý kiến, việc đầu tư xây dựng các hạng mục và đoạn tuyến cao tốc còn lại trên địa bàn Hải Phòng cần thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết - 29/2021/QH15.

Với kiến nghị điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn qua Ninh Bình, về phía Bộ Xây dựng, lưu ý: Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Nên việc điều chỉnh hướng tuyến phải thực hiện trên cơ sở rà soát, thống nhất giữa Ninh Bình và Bộ GTVT. Đồng thời phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch mang lưới giao thông đường bộ đã được phê duyệt theo pháp luật về quy hoạch để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Với chủ trương tách các hạng mục đoạn tuyến cao tốc còn lại đoạn qua địa bàn Hải Phòng và kiến nghị giao Ninh Bình là cơ quan chủ quản dự án đoạn qua địa phương này, theo Bộ Xây dựng, Chính phủ cũng cần báo cáo Quốc hội cho phép; tương tự cơ chế đặc thù với các dự án đường cao tốc thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 43/2022/QH15. (Pháp Luật Việt Nam 16/3, tr10, Phi Hùng)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Hải Phòng: Xử lý trường hợp chia sẻ video xuyên tạc trên mạng xã hội

Chiều 15/3, Công an TP.Hải Phòng thông tin, cơ quan chức năng vừa xử lý trường hợp chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Cụ thể, vừa qua, sự việc về trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Bảo hiểm nhân thọ Manulife liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn khiến người dân tụ tập khiếu kiện gây phức tạp về an ninh trật tự tại các trụ sở Ngân hàng TMCP Sài Gòn trên địa bàn TP.Hải Phòng. Chủ tịch UBND thành phố và các cơ quan, ban, ngành đã gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp người dân có liên quan để cùng tìm cách tháo gỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc giữa các bên.

Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, trên không gian mạng xuất hiện một số tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ các bài viết, video và bình luận có nội dung xuyên tạc, sai sự thật, chưa được kiểm chứng xúc phạm, hạ uy tín của các cơ quan, tổ chức gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tiền tệ và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Công an thành phố đã tiến hành nắm tình hình, rà soát các bài viết, bài chia sẻ và bình luận có nội dung xuyên tạc, sai sự thật để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, ngày 10/3, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hải Phòng đã triệu tập và làm việc với ông P.T.V. (37 tuổi, cư trú tại phường Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng) có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ video có nội dung xuyên tạc, sai sự thật xúc phạm uy tín của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước liên quan vụ việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh tiền tệ.

Tại cơ quan Công an, ông P.T.V. đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm, tự xóa bài chia sẻ vi phạm và cam kết không tái phạm. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hải Phòng đang củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (Laodong.vn 15/3, Băng Tâm; Nhandan.vn 15/3; Cand.com.vn 15/3; Kinhtedothi.vn 15/3)

Hải Phòng: Nhân dân tự giác giao nộp trên 400kg pháo, 130 quả pháo và 2,63kg thuốc pháo

Ngày 15/3, Công an TP Hải Phòng cho biết, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP đã huy động tối đa các lực lượng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ký cam kết, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo.

Từ ngày 15/2/2022 đến 14/2/2023, Công an TP đã tổ chức lồng ghép 338 buổi tuyên truyền VK, VLN, CCHT và pháo, thu hút sự tham gia của 5.407 người dân; 55 buổi tuyên truyền, vận động cá biệt cho đối tượng nghi vấn tàng trữ, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT và pháo.

Công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai việc tổ chức ký cam kết tới 100% các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn về việc nghiêm túc thực hiện các quy định trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo.

Nhờ đó, 1 năm qua, trên địa bàn thành phố quần chúng Nhân dân đã tự giác giao nộp 411,321kg pháo; 130 quả pháo và 2,63kg thuốc pháo.

Đáng chú ý, nhờ làm tốt công tác nắm địa bàn, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp tục rà soát, lập danh sách 24 đối tượng có biểu hiện nghị vấn hoạt động mua bán, vận chuyển pháo trái phép trên tuyến biên giới, không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông để quản lý, gọi hỏi răn đe và có đối sách đấu tranh cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng.

Trong công tác đấu tranh, xử lý vi phạm, từ ngày 15/2/2022 đến 14/2/2023, lực lượng chức năng Công an thành phố đã kịp thời phát hiện, xử lý 65 đối tượng trong 51 vụ việc liên quan đến pháo. Trong đó, thời điểm xảy ra các vụ việc hầu hết đều tập trung vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tang vật thu giữ gồm: 288.967kg pháo; 10,461kg thuốc pháo. Cụ thể, Công an các đơn vị, địa phương đã bắt, khởi tố 8/11 đối tượng trong 5/6 vụ sản xuất, chế tạo pháo nổ; bắt, khởi tố 1 đối tượng trong 1 vụ mua bán trái phép pháo; bắt, khởi tố 1/3 đối tượng trong 1/3 vụ vận chuyển trái phép pháo, xử phạt vi phạm hành chính 2/3 đối tượng trong 2/3 vụ còn lại.

Đồng thời, bắt, khởi tố 6/15 đối tượng trong 6/13 vụ tàng trữ trái phép pháo nổ; bắt, xử phạt hành chính 11 đối tượng trong 8 vụ, phạt cảnh cáo 9 đối tượng trong 7 vụ sử dụng trái phép pháo nổ… (Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 15/3, HP)

Hải Phòng: 3 đối tượng làm giả giấy khám sức khỏe bán cho người xin việc

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đang thụ lý điều tra vụ án hình sự: Làm giả tài liệu, sử dụng con dấu giả của cơ quan, tổ chức, quy định tại điều 314 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, có quan chức năng xác định: Từ tháng 3/2022 đến tháng 8/2022, đối tượng Phạm Đình Hậu (Sinh năm 1995; thường trú tại tổ dân phố Quý Kim, phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn), Lưu Thị Hợi (sinh năm 1995; thường trú tại tổ dân phố Quý Kim và Đỗ Thị Duyên (sinh năm 1996; thường trú tại tổ dân phố Trung Nghĩa, phường Hợp Đức) đã có hành vi sử dụng con dấu giả của Trung tâm y tế quận Đồ Sơn và Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, làm giả giấy khám sức khỏe giả. Các đối tượng bán giấy khám sức khỏe giả cho công nhân có nhu cầu xin việc làm trong các công ty thuộc khu công nghiệp ở Đồ Sơn.

Căn cứ yêu cầu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đồ Sơn thông báo ai là bị hại, người có liên quan trong vụ án biết, liên hệ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sau 45 ngày, kể từ ngày ra thông báo, nếu bị hại và những người có liên quan không liên hệ, có đơn trình báo thì mọi khiếu kiện hoặc thắc mắc về sau sẽ không được cơ quan tố tụng xem xét giải quyết trong vụ án này. (Tuoitrethudo.com.vn 16/3, Quốc Tấn; Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn 16/3)

Hình ảnh chi tiết 24 ô tô quá cảnh vi phạm tại cảng Hải Phòng

Như tin đã đưa, Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang phối hợp xử lý 24 ô tô quá cảnh có dấu hiệu vi phạm tại khu vực cảng Hải Phòng. Toàn bộ ô tô đã qua sử dụng thuộc hai lô hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, trong đó có 9 xe thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Nhiều xe trong hai lô hàng là các nhãn hiệu xe Hàn Quốc như: Hyundai Tucson; Hyundai Santafe; Kia Sorento; Kia Sportage…  (Haiquanonline.com.vn 15/3, Thái Bình)

VĂN HÓA – XÃ HỘI

Khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41

Tối 15/3, Lễ khai mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 đã diễn ra tại thành phố Hải Phòng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tới dự.

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng khẳng định, trong những năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố có sự phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng từ 12-13%. Năm 2022 đánh dấu thu ngân sách thành phố đạt trên 100.000 tỷ đồng.

Vì vậy, Hải Phòng có điều kiện đầu tư cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức nhiều sự kiện của quốc gia và quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, sự gắn bó, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn quốc là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng. Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 là sự kiện lớn của những người làm truyền hình cả nước.

Thành phố xác định đây là dịp để thành phố chào đón, tri ân các nhà báo và là dịp để các nhà báo hiểu rõ hơn về vùng đất và con người Hải Phòng, giúp thành phố quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Ông Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 nhấn mạnh, Liên hoan Truyền hình toàn quốc từ lâu đã trở thành ngày hội của những người làm truyền hình trên cả nước.

Hơn hai năm qua, ngành Truyền hình có sự thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất và cách tiếp cận khán giả do tác động của dịch COVID-19 và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, truyền thông mới.

Thích nghi với sự thay đổi của ngành, Liên hoan năm nay trở lại với nhiều đổi mới trong thể lệ, vừa phù hợp với xu thế chung, vừa góp phần tôn vinh hơn nữa các tác phẩm báo hình xuất sắc nhất cả trên sóng và nền tảng số. Đây cũng là kỳ Liên hoan đánh dấu sự trở lại của thể loại phóng sự ngắn, vốn là thế mạnh của các đài trong cả nước.

Liên hoan còn mở rộng thể loại video trên nền tảng số, bổ sung hạng mục tiểu phẩm truyền hình, video ca nhạc, điều chỉnh thời lượng tác phẩm và quy định về một số thể loại khác để phù hợp với thực tế sản xuất truyền hình hiện nay. Ông Lê Ngọc Quang khẳng định, đây còn là cơ hội vô cùng quý báu để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, để học hỏi và khơi dậy những ý tưởng mới, cách làm hay.

Theo Ban Tổ chức, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 là kỳ liên hoan có số lượng tác phẩm đăng ký tham dự lớn nhất từ trước tới nay với 714 tác phẩm thuộc 11 thể loại, trong đó nhiều nhất là hai thể loại phóng sự ngắn và phóng sự.

Trong khuôn khổ Liên hoan, một số hoạt động bên lề sẽ diễn ra như: triển lãm, hội thảo. Ba chủ đề hội thảo được lựa chọn trong Liên hoan là "Sản xuất và phân phối tin tức trong thời đại số", "Đồ họa truyền hình - Thực tiễn và xu thế phát triển," "Hội thảo về kỹ thuật công nghệ truyền hình."

Đây đều là những vấn đề được các đài quan tâm, bám sát sự thay đổi về công nghệ, thói quen, tâm lý của người xem truyền hình hiện nay, phù hợp với bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số.

Lễ trao giải, bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 diễn ra vào lúc 20 giờ 10, ngày 18/3, được tường thuật trực tiếp trên VTV, một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương và các nền tảng mạng xã hội. (TTXVN/Vietnamplus.vn 15/3, Minh Thu; Vtv.vn 15/3; Cand.com.vn 15/3; Nhandan.vn 15/3; Baophapluat.vn 15/3; Congdankhuyenhoc.vn 15/3; Laodongthudo.vn 16/3; Nhandan.vn 16/3, tr3; Quân đội nhân dân 16/3, tr8; Kênh VTV1 – Chào buổi sáng lúc 05h35 ngày 16/3; Kênh VTV1 – Thời sự 19h36 ngày 15/3; Moitruongvadothi.vn 16/3)

Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ: Điểm sáng phát huy sức trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong 2 ngày 14 - 15/3, tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng), T.Ư Đoàn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thanh niên xung phong tham gia xây dựng đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ.

Dự chuỗi hoạt động có anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn; lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư; Bộ chỉ huy quân sự và lãnh đạo TP.Hải Phòng; lãnh đạo huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Chị Vương Toàn Thu Thủy, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hải Phòng cho biết: 30 năm về trước, ngày 26/3/1993, 62 thanh niên Hải Phòng đã xung phong tình nguyện vượt sóng gió đến với Bạch Long Vĩ vào đúng ngày thành lập huyện đảo.

Lúc đó, đảo rất hoang sơ, chưa có dân cư sinh sống, cơ sở hạ tầng chỉ là các công trình phục vụ cho công tác quốc phòng; điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai canh tác và nguồn nước sinh hoạt thiếu. Nhưng với lòng quyết tâm vượt khó và tinh thần đoàn kết, lực lượng thanh niên xung phong đã "biến những bãi cát sỏi đá cằn cỗi thành những dãy nhà, những hộ gia đình, khu chăn nuôi, vườn rau xanh tươi để ổn định cuộc sống". Sau 5 năm xây dựng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép xây dựng Bạch Long Vĩ thành đảo thanh niên.

Từ 62 đội viên Đội thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ ban đầu, lớp lớp các thế hệ thanh niên xung phong sau này đã tình nguyện tham gia xây dựng đảo, để Bạch Long Vĩ trở thành ngôi nhà chung ở nơi đảo xa, gắn kết tình cảm quân dân, quyết tâm bám biển giữ đảo, bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đến nay Tổng đội thanh niên xung phong đã thực hiện 12 công trình, dự án quan trọng, với tổng mức đầu tư trên 261 tỉ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân huyện đảo.

Phát biểu tại chương trình, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn nhấn mạnh, đảo Bạch Long Vĩ có ý nghĩa đặc biệt là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Hải Phòng.

30 năm qua thanh niên xung phong Hải Phòng nói chung và thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ nói riêng đã phát huy được vai trò của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ. Nhờ sự đóng góp quan trọng của lực lượng thanh niên xung phong, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã trở thành một điểm sáng của tổ chức Đoàn trong phát huy thanh niên xung kích tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 30 năm thanh niên xung phong đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó có buổi giao lưu xúc động với các nhân chứng lịch sử gồm: ông Lê Vũ Thành (68 tuổi), nguyên Bí thư Thành đoàn Hải Phòng khóa VIII, nhiệm kỳ 1992 - 1997, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy; bà Vũ Thị Hải Yến (48 tuổi), Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Huyện uỷ Bạch Long Vĩ, nguyên đội viên thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên đi tham gia xây dựng Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ; anh Phạm Văn Phòng (36 tuổi) Liên đội phó Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ.

Bên cạnh đó, có các hoạt động an sinh xã hội trên đảo với tổng trị giá gần 800 triệu đồng. Các hoạt động nổi bật gồm: khánh thành công trình Công viên Thanh niên xung phong; khánh thành công trình thanh niên Cổng chào khu TNXP Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ; sửa chữa, cải tạo nhà trẻ thanh niên xung phong và sân, khuôn viên nhà trẻ; trao tặng 1.000 giống cây dừa biển 3.000 con giống vịt, gà và 1 tấn thức ăn chăn nuôi; trao tặng quà cho thanh niên xung phong và học sinh có hoàn cảnh khó khăn…

Dịp này, T.Ư Đoàn và Thành Đoàn Hải Phòng khen thưởng cho 1 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia xây dựng đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ. (Tienphong.vn 15/3, Xuân Tùng; Toquoc.vn 15/3)

Sức sống mới ở đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ

Từ khi đưa tàu vào khai thác, sử dụng, Bạch Long Vỹ đã kết nối được với đất liền trong giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo.

Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong Vịnh Bắc Bộ, địa giới hành chính thuộc thành phố Hải Phòng, cách đất liền khoảng 110 km, có diện tích khoảng 2,5 km2 (khi thủy triều lên) và khoảng 4 km2 (khi thủy triều xuống). Bạch Long Vĩ thuộc một trong tám ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, đảo có tầm quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển, là “phên giậu tiền tiêu” trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Trải qua 30 năm, từ hòn đảo hoang sơ, không có bất cứ một công trình nào mang tính kiên cố, đảo Bạch Long Vĩ ngày nay đã có hồ chứa nước ngọt, điện gió dư sức cung cấp cho quân dân trên đảo, có âu cảng và nhiều công trình khác không chỉ để phục vụ phát triển kinh tế đời sống quân dân huyện đảo mà còn sẵn sàng cho tương lai nhằm phát triển du lịch và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo lời Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường, hòn đảo này từng có tên gọi là đảo Thanh niên, bởi cách đây 30 năm (25/3/1992), theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS, 62 đoàn viên lên tàu ra đảo làm công tác phát triển kinh tế đảo Bạch Long Vỹ cùng lực lượng biên phòng. Vào thời điểm đó, nơi đây như một hoang đảo. Bằng ý chí quật cường, lòng yêu Tổ quốc và sự lạc quan của tuổi trẻ…, những con người quả cảm đã biến vùng đất hoang vu này thành đảo xanh, sạch, đầy sức sống.

Trải qua 30 năm, hàng nghìn lượt thanh niên xung phong thuộc Tổng Đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đã lần lượt tình nguyện ra xây dựng đảo, tạo những đổi thay cho hòn đảo tiền tiêu giữa Vịnh Bắc Bộ.

Còn nhớ chỉ vào khoảng năm 2004-2005, khi đến thăm đảo, tôi hỏi chuyện mọi người, chính quyền, quân và dân trên đảo được biết, họ chỉ mong có một âu cảng, mong có điện sức gió, sản xuất được nước ngọt (bởi đảo chỉ có nước ngọt thiên nhiên ban tặng là... mưa).

Nhưng hôm nay, cuối tháng 2 âm lịch, sóng yên biển lặng, sau 6 giờ đi tàu từ đất liền, tàu đã đưa chúng tôi cập âu cảng Bạch Long Vĩ. Điều đáng ngạc nhiên đầu tiên là âu cảng có sức chứa và làm hàng cho hàng trăm con tàu (loại tàu đánh cá) cùng với 2 đường giao thông bao âu cảng như cánh chim hải âu. Đây có lẽ là nơi thú vị nhất khi đặt chân lên đảo Bạch Long Vĩ, bởi mọi người sẽ được ngắm bình minh nơi âu tàu, cảm nhận rất rõ sức sống của biển đảo bằng sự nhộn nhịp của tàu cá vào, ra mang theo những khoang cá, tôm, mực lấp lánh. Đã có nhiều khách du lịch ra tận bến tàu, hít hà vị mặn mòi của biển, tận tay chọn mua hải sản và đóng thùng đưa xuống tàu chuyển về đất liền.

Lên khỏi âu tàu, đi thêm một đoạn, chúng tôi rẽ sang phải là hồ nước ngọt, có sức chứa 43.000 m3. Anh công nhân trực máy sản xuất nước sạch (lọc từ nước mưa và nước từ trong khe núi) khoe rằng: “Dù mưa chưa khi nào đầy hồ, chỉ đạt đến 70%-80% nhưng vẫn đủ cho nhân dân sử dụng để đợi đến mùa mưa tiếp sau. Như vậy cũng là quá tốt so với trước kia khi dân chỉ hứng nước mưa vào bể của mỗi nhà, dùng vài ngày đã hết”.

Điện sức gió có lẽ là công trình “vượt" sức tưởng tượng nhất. Nếu trước đây, khi chúng tôi ra đảo, dù là khách quý nhưng cũng chỉ được sử dụng điện từ 16h30 đến 23h đêm, bởi máy phát điện cho toàn đảo được chạy bằng dầu diezen tốn kém. Nhưng từ cuối năm 2020, Nhà nước đã đầu tư xây dựng dự án gồm: xây dựng mới 1 tua bin gió 800 KW, xây dựng mới trang trại điện mặt trời với công suất lắp đặt 504kWp; lắp đặt mới 2 máy phát điện 1.000 KVA; hệ thống ắc quy lưu trữ 630kVA/2.000kVAh; hệ thống tủ phân phối 0,4kV, hệ thống hòa đồng bộ máy phát, hệ thống microgrid...

Ông Trần Quang Tường khoe: Công trình điện gió đảo Bạch Long Vỹ bảo đảm cung cấp điện ổn định liên tục 24/24h và không hạn chế, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và dịch vụ sản xuất, du lịch của các hộ dân, doanh nghiệp và các đơn vị khác trên đảo Bạch Long Vỹ; tạo động lực cho việc phát triển các ngành nghề, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch biển. Đồng thời, dự án cũng đáp ứng điều kiện trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh ven biển Bắc bộ, bảo đảm việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển.

Tiếp đến, như thành một quần thể di tích, đến với đảo Bạch Long Vỹ không thể không đến thắp hương ở đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chùa Bạch Long Tự là ngôi chùa duy nhất trên cả nước mà nền gạch trong sân chùa có hình và tên tổ quốc trên mỗi viên gạch. Chùa được xây dựng với vẻ ngoài cổ kính, uy nghiêm trên mảnh đất rộng đến hơn 1.000m2, nằm ngay bên bờ biển, mang đến cho mọi người những giây phút bái Phật, vãn cảnh chùa thanh tịnh. Cùng với ngọn hải đăng, quần thể di tích đền chùa trên đảo Bạch Long Vĩ đã khẳng định chủ quyền Tổ quốc.    

Hiện, phương tiện ra đảo Bạch Long Vỹ duy nhất là tàu biển. Ngoài tàu Bạch Long do Tổng đội thanh niên xung phong quản lý và tàu Hoa Phượng Đỏ của UBND huyện Bạch Long Vỹ quản lý thì còn có tàu cá. Vào mùa biển lành, trung bình mỗi tháng có 3 chuyến tàu ra khơi đưa các đoàn tham quan đảo, mua sắm hải sản. Việc ra đảo Bạch Long Vỹ hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Thời gian lênh đênh trên biển trung bình từ 6-8 tiếng (tùy từng loại tàu). Do vậy, người có sức khỏe không tốt phải rất cân nhắc khi chọn thời điểm ra đảo Bạch Long Vỹ, dẫn đến lượng khách ra đảo không nhiều.

Thời tiết ở đảo Bạch Long Vĩ được chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, còn mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Cá biệt có những năm, hơn 8 tháng Bạch Long Vĩ không có mưa. Như vậy, đồng nghĩa với việc đảo sẽ bị thiếu nước. Trong khi đó, nếu để phát triển khách du lịch (thời tiết lý tưởng nhất để ra đảo Bạch Long Vỹ là tháng 2- 3 dương lịch vì mùa này biển hiền hòa êm đềm) và cung cấp nước ngọt, nước đá cho các tàu cá thì việc xây dựng thêm hồ để dự trữ nước ngọt là khâu đầu tiên cần phải nghĩ tới để xây dựng.

Hiện nay, đảo Bạch Long Vỹ vẫn chưa được khai thác nhiều về du lịch, chính vì thế nên các dịch vụ lưu trú ở đảo cũng tương đối ít. Khách ra đảo chỉ có thể nghỉ ngơi tại nhà khách Tổng đội Thanh niên xung phong Bạch Long Vỹ, hoặc nhà khách Huyện đội. Ngoài ra, khách cũng có thể xin tá túc qua đêm tại nhà của người dân trên đảo. Tuy nhiên, việc nghỉ ở những điểm trên chỉ là đi trải nghiệm, còn theo đúng nghĩa của khách du lịch là chưa đủ điều kiện.

Theo ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ: Kể từ khi đưa tàu vào khai thác, sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết về giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa huyện đảo Bạch Long Vỹ với đất liền, góp phần thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế xã hội huyện đảo.

Tuy nhiên, để sớm đưa huyện đảo Bạch Long Vĩ trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư trường vịnh Bắc Bộ, qua đó giúp cho huyện đảo phát huy được thế mạnh du lịch biển, du lịch sinh thái thì còn rất nhiều việc phải làm. (Vnbusiness.vn 15/3, Vũ Trang)

Hải Phòng: Hàng nghìn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được chăm sóc, hỗ trợ

Ngày 15/3, Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hải Phòng tổ chức triển khai Kế hoạch hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố năm 2023.

Theo đó, năm 2022, bên cạnh nguồn ngân sách thành phố cấp cho hoạt động tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã vận động được hơn 3,9 tỷ đồng, đạt 102,7% so với Kế hoạch năm.

Qua đó, Quỹ đã hỗ trợ kịp thời cho 3.836 lượt trẻ em với tổng kinh phí trị gần 3,83 tỷ đồng, thông qua nhiều hình thức như: chăm sóc dinh dưỡng, phẫu thuật tim bẩm sinh, trao học bổng, tặng xe đạp cho trẻ em đến trường, tặng quà cho trẻ em nhân dịp lễ tết, hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Những hoạt động này thực sự có ý nghĩa đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, giúp các em và gia đình vơi đi phần nào những khó khăn trong cuộc sống, đồng thời phát huy được tinh thần tương thân, tương ái trong xã hội, tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Năm 2023, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố phấn đấu vận động nguồn lực đạt từ 4,3 tỷ đồng trở lên (bao gồm tiền mặt, hiện vật, trang thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em), thực hiện hỗ trợ cho 4.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trong đó hỗ trợ phẫu thuật cho 100% trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên địa bàn thành phố.

Theo ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng: Chủ trương của thành phố là công tác an sinh xã hội luôn đi trước một bước. Công tác chăm lo người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm thực hiện, mức tặng quà năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính sách miễn học phí cũng thể hiện rõ vai trò động viên, khích lệ, thúc đẩy phong trào học tập, quan tâm chăm lo cho trẻ em trên địa bàn thành phố.

Để đạt được mục tiêu kết quả năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tiếp tục là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; phân công rõ trách nhiệm thành viên Hội đồng Bảo trợ; xem xét tăng mức trợ cấp cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; đề xuất danh sách khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích trong năm 2022; kịp thời biểu dương, ghi nhận đối với các nhà tài trợ có nhiều đóng góp cho Quỹ Bảo trợ trẻ em. Qua đó góp phần động viên, hỗ trợ các cháu vươn lên trở thành công dân có ích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố. (Congly.vn 15/3, Vũ Ba; Nhandan.vn 16/3; Nhân dân 16/3, trang Đồng bằng sông Hồng)

Hải Phòng chiếu phim Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam

Sáng 15/3, tại Rạp Lê Văn Tám, Sở VHTT phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng tổ chức đợt chiếu phim miễn phí phục vụ nhân dân thành phố nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2023).

Cách đây 70 năm tại thôn Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Điện ảnh Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, góp phần tích cực trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Điện ảnh Cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng luôn làm tròn nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cùng với sự phát triển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Điện ảnh Hải Phòng đã không ngừng phát triển, phát huy tốt vai trò tuyên truyền những tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao gửi tới nhân dân. Trải qua các thời kỳ lịch sử, ngành Điện ảnh của thành phố Hải Phòng đã tổ chức tốt các hoạt động chiếu phim để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Các nhà làm phim người Hải Phòng, dù cư trú và làm việc ở bất cứ đâu cũng đều mang hết tâm sức của mình sáng tạo tác phẩm, phục vụ quê hương, đất nước, từng bước xác lập được vị thế trong đời sống văn học - nghệ thuật đất nước và tạo nên vị thế của Điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế vì một nền điện ảnh tiên tiến, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dịp này, các đại biểu cùng nhân dân thành phố cùng thưởng thức phim tài liệu “Bác Hồ với điện ảnh” do Bộ VHTTDL đặt hàng, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất nhân Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. (Baovanhoa.vn 15/3, Q.Vy)

Sáng kiến của nữ công nhân làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng

Về Công ty TNHH Lihitlab Việt Nam (Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng) làm việc từ năm 2008, chị Trần Thị Bích, Tổ trưởng chuyền DGTATA chuyên sản xuất hàng hàn gáy đã có trong tay “bộ sưu tập” sáng kiến, cải tiến, trong đó có sáng kiến mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng. Sáng kiến “Cải tiến máy hàn Nilon gáy tự động” giúp tăng năng suất, giảm nhân công là một ví dụ.

Chị Bích chia sẻ, trên sản phẩm hàng bìa kẹp tài liệu có gắn phụ kiện là nilon để cho giấy thuyết minh vào sản phẩm. Để làm được công đoạn này phải sử dụng máy hàn nilon gáy. Hiện công ty đang sử dụng 2 dòng máy là máy hàn tự động và máy hàn dùng tay. Để hàn được nilon gáy, mỗi máy sẽ lắp thanh ray có chức năng giữ cố định trước khi mỏ hàn hàn vào sản phẩm.

Hiện tại, tại máy hàn nilon gáy tự động chỉ có 2 thanh ray hàn và đang thực hiện hàn những mã hàn nilon gáy có kích thước rộng 304 mm. Trong khi đó, có 3 mã hàng có kích thước nhỏ không thể hàn tự động mà phải làm tại máy hàn nilon gáy bằng tay, mất đến 3 người thao tác (1 người thao tác máy, 1 người đặt giấy gáy vào máy và người còn lại cho giấy gáy vào bìa).

“Nhận thấy những mã hàng có kích thước nilon gáy nhỏ làm tại máy hàn tay mất nhiều nhân công và thời gian sản xuất nên tôi đã đưa ra ý tưởng cải tiến làm ở máy tự động và chỉ cần một người làm công đoạn kiểm tra cho giấy gáy. Từ đó, giảm nhân công tại vị trí này, chuyển sang chuyền sản xuất khác đang thiếu nhân lực” - chị Bích cho biết.

Sau tìm hiểu về thiết lập máy, chị Bích bàn với bộ phận kỹ thuật xem xét chế tạo thêm 2 thanh ray nhỏ 182 mm, 184 mm để lắp vào máy hàn nilon gáy tự động, chỉnh sửa căn chỉnh máy để sản xuất những mã hàng có kích thước nilon gáy nhỏ. Từ đó, tại vị trí máy hàn gáy nilon bằng tay không cần nhiều nhân lực, mà bố trí nhân lực sang vị trí khác đang thiếu. Sáng kiến được thử nghiệm thành công và áp dụng vào thực tế sản xuất từ tháng 4/2021; giá trị làm lợi 225 triệu đồng/năm. Với sáng kiến này, chị Bích nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trong 15 năm làm việc tại công ty, nhiều năm liền, chị Bích được công ty đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và được công đoàn công ty xếp loại đoàn viên công đoàn xuất sắc. (Laodong.vn 15/3, Mai Dung)

Văn hóa làng quê Nữ Anh hùng khai mở vùng đất Cảng

Hai nghìn năm trước, đất Cảng Hải Phòng hôm nay vẫn là vùng đất hoang vu. Nữ tướng Lê Chân đã khai hoang, lập ấp, tạo nên một vùng đất trù phú. Bà còn trở thành Nữ tướng dưới quyền Hai Bà Trưng, trấn giữ vùng đất ven biển. Ở trung tâm thành phố Hải Phòng hôm nay, có tượng đài Lê Chân sừng sững, có lễ hội tưởng nhớ công lao của bà.

Nữ tướng Lê Chân không sinh ra ở đất Hải Phòng, nhưng từ xa xưa, người dân luôn coi bà là niềm tự hào của đất Cảng. Người Hải Phòng thường nhận mình là "con cháu nữ tướng Lê Chân". Theo thần tích, bà vốn sinh ra tại xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Thái thú Tô Định ép bà làm tì thiếp không thành, đã hãm hại cha bà. Nợ nước, thù nhà chồng chất. Lê Chân đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới, đặt tên là làng Vẻn, sau đổi thành trang An Biên. Đó chính là tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, đánh đuổi quân Đông Hán, Lê Chân cùng với đội nghĩa binh của mình đã gia nhập đội quân khởi nghĩa đánh đuổi xâm lăng. Khởi nghĩa thắng lợi, bà được phong Thánh Chân Công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (duyên hải đông bắc).

Nữ tướng Lê Chân quay về vùng An Biên, tiếp tục mở mang đất đai, phát triển sản xuất, xây dựng làng mạc trù phú và tiếp tục luyện rèn lực lượng, trấn giữ vùng trọng yếu phía đông đất nước... Sau này, Mã Viện đem thêm quân tới tấn công, bà đã phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Nhân dân An Biên dựng đền thờ Thánh mẫu Lê Chân, còn gọi là An Biên cổ miếu - đền Nghè ngày nay.

Năm 1999, thành phố Hải Phòng đã dựng Tượng đài nữ tướng Lê Chân trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, được hoàn thành vào cuối năm 2000. Tượng đài nữ tướng Lê Chân đã trở thành là một trong những biểu tượng của thành phố Cảng. Mỗi ngày, tượng đài bà đều có hoa tươi và những nén hương thơm của người dân thành kính dâng lên người có công lập ấp, khai sinh mảnh đất tươi đẹp này.

Và cứ đến ngày mồng 8 tháng Hai âm lịch hằng năm, người dân đất Cảng lại tưng bừng với Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân. Lễ hội được khởi đầu với đoàn rước từ đền Nghè và đình An Biên đến quảng trường Tượng đài nữ tướng Lê Chân với nghi lễ truyền thống: múa lân, trống, chiêng, bát biểu, kiệu Long đình, đoàn nhạc bát âm, đội tế nữ quan, đoàn dâng lễ cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân… Phần lễ chính có màn đánh trống khai hội, đọc chúc văn, lễ dâng hương, lễ tế, cùng nhiều tiết mục hát ca trù, chèo cổ, nhạc cụ dân tộc, kịch… Năm 2016, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2023, Lễ hội nữ tướng Lê Chân được diễn ra với quy mô lớn. Điểm nhấn trong Lễ hội năm nay chính là hai đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người, đoàn rước kéo dài cả cây số, thể hiện tấm lòng của người Nữ Anh hùng có công lập nên đất Cảng. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách trong nước và nước ngoài về các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài nữ tướng Lê Chân, về đền Nghè linh thiêng thờ nữ tướng Lê Chân và ngôi đình cổ An Biên. (Nhandan.vn 16/3, Ngô Quang Dũng)

Y TẾ

Hải Phòng: Phát hiện 58 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng đã xử lý vi phạm hành chính 58 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực y tế, với tổng số tiền xử phạt trên 966 triệu đồng.

Chánh Thanh tra Sở Y tế Phạm Thị Trà cho biết, năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã triển khai 21 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 441 đơn vị trong lĩnh vực: Khám, chữa bệnh tư nhân; kinh doanh dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; dịch vụ thẩm mỹ; sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng.

Qua thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 58/441 tổ chức và cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tổng số tiền xử phạt trên 966 triệu đồng, trong đó tổ chức 449 triệu đồng, cá nhân 517 triệu đồng.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phần lớn các cơ sở đã thực hiện nghiêm các quy định trong công tác khám, chữa bệnh, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Thanh tra Sở gặp không ít khó khăn, vướng mắc do số lượng cơ sở được thanh tra chuyên ngành chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn thành phố; đối với các cá nhân vi phạm, quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn vướng mắc.

Về công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, Thanh tra Sở đã triển khai 2 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 2 đơn vị, phát hiện 1 đơn vị vi phạm, đã kiến nghị xử lý vi phạm: Hoàn trả và truy thu số tiền thu dịch vụ kiểm nghiệm sai quy định trên 17 triệu đồng và kiến nghị đơn vị hoàn thiện thủ tục theo các quy định. Kiến nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi giá dịch vụ kiểm nghiệm quy định tại Thông tư số 35/2017/TT-BYT ngày 18/8/2018.

Năm 2023, căn cứ phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở đã tham mưu lãnh đạo Sở phân công nhiệm vụ các phòng chuyên môn Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thanh tra Sở đã tham mưu tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế, đặc biệt là thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thực phẩm chức năng.

Công tác phòng, chống tham nhũng, triển khai đầy đủ các văn bản do Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố ban hành, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Sở đã phân công cán bộ thường trực tiếp dân và cán bộ tiếp nhận, giải quyết thông tin đường dây nóng. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, không để đơn thư, vụ việc kéo dài.

Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục cho biết thêm: Việc xử phạt vi phạm hành chính tại các cơ sở đã mang tính răn đe cao, các cơ sở bị xử phạt đã nhận thức được sai phạm, chấp hành các quyết định xử phạt.

Năm 2023, Sở Y tế tiếp tục thanh tra, kiểm tra công tác khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc và kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thanh tra Sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ số hóa hồ sơ, tài liệu trong công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn thanh tra doanh nghiệp theo phê duyệt của Thanh tra thành phố, nhằm đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra doanh nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục tham mưu lãnh đạo Sở Y tế theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Sở Y tế, thường xuyên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm túc các giải pháp, quy định của ngành về công khai, minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập.

Ngoài ra, thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo chỉ đạo của UBND thành phố, lãnh đạo sở giao, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. (Thanhtra.com.vn 16/3, Kim Thành; Thanh tra 16/3, tr15)

Y tế Bạch Long Vĩ, Hải Phòng: Vượt khó, cứu người bệnh nơi trùng khơi

Được thành lập trên cơ sở kết hợp toàn diện giữa Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo và Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vĩ, năm 2016, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ ra đời.

Theo đó, nhiệm vụ chính của Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ chủ yếu thực hiện khám, chữa bệnh cho lực lượng vũ trang, nhân dân và ngư dân tại huyện Bạch Long Vĩ; phòng chống bệnh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn và ngư dân tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ; đồng thời phối hợp đảm nhiệm công tác cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển bệnh nhân trên biển.

Là trung tâm y tế xa bờ nhất của Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền hơn trăm cây số nên hoạt động khám chữa bệnh nơi trùng khơi gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về nhân lực chuyên môn cao và phương tiện cấp cứu, thiết bị y tế hiện đại ...

Bác sỹ Đinh Duy Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ chia sẻ: Cả trung tâm hiện có 3 bác sỹ, trong đó 1 bác sỹ chuyên khoa 1, 2 bác sỹ đa khoa, 1 bác sỹ quân y và 4 y sĩ, 3 điều dưỡng. Do nguồn nhân lực y tế của trung tâm còn hạn chế nên đa phần y bác sỹ nơi đây đều phải làm kiêm nhiệm mọi việc. Bác sỹ của trung tâm không thể mỗi người làm một việc mà một người vừa phải khám, vừa phải mổ, vừa lo điều trị từ ngoại tới sản, tới gây mê, hồi sức… Hầu hết bác sỹ của trung tâm phải biết khám chữa bệnh đa khoa, xử lý sơ cấp cứu các loại bệnh.

"Với những bệnh quá phức tạp, có thể phải chuyển người bệnh vào đất liền bằng tàu hoặc trực thăng, tuy nhiên, do chi phí di chuyển bằng trực thăng quá cao (khoảng 400 triệu đồng/chuyến, thời gian bay khoảng 1 tiếng) nên việc cấp cứu này không diễn ra thường xuyên. Việc cấp cứu những ca bệnh nặng bằng tàu biển (tàu của huyện đảo hoặc tàu cá của ngư dân) thường áp dụng đối với những mặt bệnh phức tạp, cầm cự được để chờ xử lý trong đất liền và trong điều kiện thời tiết thuận lợi.

Mỗi lần di chuyển bằng tàu biển, người bệnh và kip cấp cứu phải lênh đênh 6-8 tiếng, có tàu cá phải đi hơn 10 tiếng. Việc cấp cứu đưa người bệnh vào đất liền bằng phương tiện tàu biển vô cùng vất vả. Người bình thường ngồi tàu gặp sóng đã say, mệt lử huống chi người làm cấp cứu bệnh nhân trên tàu", bác sĩ Thanh cho biết thêm.

Theo bác sỹ Thanh, những dạng bệnh thông thường có thể thực hiện, xử lý tại đảo được như mổ ruột thừa, chửa ngoài tử cung, đỡ đẻ, gẫy xương. Tuy nhiên, với mặt bệnh gẫy xương thì hiện trung tâm chỉ có thể bó bột, chưa thể mổ kết hợp nẹp vì thiếu dụng cụ, trình độ tay nghề chuyên môn chưa đảm bảo. Tương tự, nếu ca đau ruột thừa, chửa ngoài tử cung mà phức tạp cũng phải chuyển vào đất liền xử lý, điều trị.

Bác sỹ Phạm Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ cho hay: "Tuy điều kiện phục vụ công tác tại Trung tâm y tế huyện đảo gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự sáng tạo, chủ động của các y, bác sĩ nơi đây, việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân vẫn được đảm bảo. Các giải pháp như hội chẩn từ xa, đưa đón người bệnh bằng máy bay, ngân hàng máu sống trên đảo… đã cứu được rất nhiều ca bệnh trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc. Mỗi lần có dịp về đất liền, các bác sỹ của trung tâm lại vào bệnh viện Việt Tiệp, Phụ Sản Hải Phòng học thêm Ngoại, Sản, Hồi sức cấp cứu để có thêm kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn trong cấp cứu ngoài đảo.

Kể từ đó, các ca mổ đã được thực hiện ngay tại đảo, hạn chế phải di chuyển bệnh nhân vào đất liền. Cái khó nhất, trung tâm chỉ tuyển được trình độ trung cấp với cao đẳng, rồi tiếp đến cho đi đào tạo lên bác sĩ và học chuyên khoa. Đến nay, Trung tâm Y tế quân dân y đã đảm bảo thực hiện mổ an toàn các ca trung phẫu như viêm ruột thừa cấp, chửa ngoài tử cung vỡ, thủng dạ dày, vết thương thấu tạng, đa vết thương do tai nạn... Trung bình mỗi năm đơn vị mổ cấp cứu từ 10-20 ca, tất cả đều thành công".

Cũng theo bác sỹ Hải, việc hội chẩn từ xa qua hệ thống Telmedicine và Telehealth với các bệnh viện tuyến trên đã giúp công tác khám chữa bệnh trên đảo đạt hiệu quả cao, cứu sống nhiều người bệnh và phát hiện ra bệnh sớm. Ngoài ra, cứ 3 tháng, 3 bệnh viện lớn như BV Việt Tiệp, BVĐK Kiến An, BV Phụ sản Hải Phòng lại cử 1 bác sỹ (chủ yếu ngoại khoa) ra trung tâm 3 tháng, hỗ trợ tăng cường trong việc chăm sóc, khám và điều trị sức khỏe cho quân và dân, ngư dân trên đảo.

Hàng năm, Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ thực hiện khám và điều trị cho 3000 đến 10.000 lượt bệnh nhân trên đảo, trong đó, điều trị nội trú khoảng 500 lượt bệnh nhân, mổ cấp cứu từ 2 đến 20 lượt. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã phối hợp với các bệnh viện Trung ương, thành phố đưa đoàn y bác sỹ của bệnh viện ra đảo, khám tư vấn và phát thuốc miễn phí cho quân dân đảo.

Vào 2 ngày 14 và 15/03/2023, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Hải Phòng tổ chức khám sàng lọc, liên quan đến các bệnh về mắt cho cán bộ và nhân dân huyện đảo.

Trong 2 ngày, đã có 155 trường hợp tới khám, trong đó đo thị lực 155 lượt, khám và soi mắt bằng máy sinh hiển vi 155 lượt. Qua thăm khám, đoàn bác sỹ đã phát hiện có 44 ca mắc bệnh về mắt như viêm tuyến bờ mi; viêm kết mạc; tắc lệ đạo, viêm kết mạc dị ứng; đục thủy tinh thể 6 ca, các bệnh về mộng thịt ở mắt 12 ca.

Theo đó, những trường hợp bệnh lý về mắt đã được các y, bác sỹ chuyên khoa đầu ngành của Bệnh viện Mắt tư vấn và cấp thuốc miễn phí.

Trong thời gian ra đảo, các bác sỹ của đoàn Bệnh viện Mắt Hải Phòng đã tập huấn cho các Y, bác sỹ huyện đảo về các chấn thương về mắt, cách xử trí; hướng dẫn khám mắt bằng máy sinh hiển vi; cách đo nhãn áp. (Suckhoedoisong.vn 15/3, Minh Lý; Nhandan.vn 15/3)

THỂ THAO

Thanh niên Hải Phòng rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại

Sáng ngày 12/3, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố phối hợp với Công đoàn - Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức Chương trình “Đạp xe công nghệ, phát động phong trào Thể lực tốt 4.0”.

​Hoạt động nổi bật trong Chương trình là Hành trình Roadshow di chuyển qua các tuyến đường quanh khuvực trung tâm thành phố với sự tham gia của hơn 60 đoàn viên, thanh niên sử dụng xe đạp công cộng có gắn cờ biểu ngữ nhằm tuyên truyền trực quan và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên về lợi ích của việc rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao; sử dụng xe đạp công cộng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, giao thông công cộng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin - chuyển đổi số.

​Cũng trong dịp này, Thành đoàn - Hội Sinh viên thành phố đã phát động Giải đạp xe 4.0 năm 2023. Giải được triển khai từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023 thông qua ứng dụng “TNGo” kết hợp sử dụng xe đạp công cộng. Tất cả đoàn viên, thanh niên từ 16 đến 35 tuổi đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hải Phòng đều được tham gia và có cơ hội nhận được nhiều phần quà, giải thưởng hấp dẫn. (Doanthanhnien.vn 14/3, Minh Hương)

Vỡ oà giây phút chàng trai Hải Phòng giành chiến thắng Giải Vô địch Vật quốc gia

Bằng tinh thần chiến đấu hết mình cùng kinh nghiệm “chinh chiến” ở trong nước lẫn quốc tế với kỹ thuật đưa đòn đánh dứt khoát, Hoàng Văn Nam đã nhanh chóng hạ gục đối thủ ở trận đấu để giành chức vô địch.

Hoàng Văn Nam – vận động viên bộ môn Vật của thành phố Hải Phòng không còn là cái tên xa lạ đối với người hâm mộ thể thao Hải Phòng nói riêng và cổ động viên vật nói chung. Anh từng giành nhiều chiến thắng ở các giải đấu trong nước và quốc tế như: 2 Huy Chương Vàng Giải Vô Địch trẻ Đông Nam Á tại Thái Lan (2020); Huy Chương Vàng vô địch SEA Games 31 (2022)…

Tại Giải Vô địch các câu lạc bộ Vật cổ điển, Vật tự do quốc gia năm 2023 diễn ra tại Thanh Hoá vào ngày 14/3, Hoàng Văn Nam đã đại diện đoàn thể thao Hải Phòng tham gia thi đấu với đối thủ của nội dung vật tự do và vật cổ điển. Sự có mặt của anh trong trận đấu đã thu hút sự quan tâm của các cổ động viên tỉnh Thanh Hoá lẫn các đoàn tham dự giải.

Bằng tinh thần chiến đấu hết mình cùng kinh nghiệm thi đấu ở trong nước lẫn quốc tế với kỹ thuật đưa đòn đánh dứt khoát, Hoàng Văn Nam đã nhanh chóng hạ gục đối thủ ở trận đấu để giành chức vô địch, đứng trên bục cao nhất của vinh quang nhận Huy chương Vàng. Đặc biệt anh được ban tổ chức phong đẳng cấp, có cơ hội tham dự SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5 tới và Asiad tại Trung Quốc.

Chia sẻ sau chiến thắng, vận động viên vật đến từ đoàn thể thao thành phố Hải Phòng cho biết: “Tôi rất vinh dự và tự hào khi đã đại diện cho đoàn thể thao Hải Phòng thi đấu và đạt Huy chương Vàng Giải vô địch các câu lạc bộ Vật cổ điển, tự do Quốc gia năm 2023. Tôi sẽ cố gắng tập luyện và giành những chiến thắng tiếp theo trong các giải đấu sắp tới”.

Giải đấu năm nay có sự tham dự của gần 300 vận động viên thuộc 19 câu lạc bộ đến từ các tỉnh, thành phố, ngành trên cả nước như: Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hoá… Các vận động viên tranh tài ở các hạng cân nam – nữ của nội dung vật tự do và vật cổ điển với tổng số 33 bộ huy chương.

Đây là giải đấu cấp quốc gia đầu tiên của năm 2023 được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các vận động viên xuất sắc, tiêu biểu nhất của các tỉnh, thành, ngành trên cả nước có dịp được thi đấu, cọ xát, chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng trong năm nay. (Tcdulichtphcm.vn 15/3)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Đảng ủy Bộ đội Biên phòng hành phố tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư

Sáng 14/3, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Đồng chí Đại tá Phạm Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Thành phố dự và chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị, có các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ BĐBP Thành phố; chỉ huy các Phòng, Văn phòng; cấp trưởng, chính trị viên các Đồn Biên phòng, Hải đội 2, Biên phòng cửa khẩu cảng; Trưởng ban Chính trị, Trạm trưởng, Chính trị viên các trạm trực thuộc Biên phòng Cửa khẩu cảng; Trưởng các ban, đội, trợ lý chủ chốt cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Thành phố; Trợ lý công tác quần chúng, chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa.

Hội nghị đã tiến hành đánh giá kết quả đạt được, tìm ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư; xác định những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đặt ra và đề xuất phương hướng, giải pháp, để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 23 trong BĐBP Thành phố nói chung, trong từng cơ quan, đơn vị nói riêng trong những năm tiếp theo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đồng chí Đại tá Phạm Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy, chính ủy BĐBP Thành phố nhấn mạnh: 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quán triệt, giáo dục, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích cực trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến ”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời gian qua được các cấp ủy, chỉ huy các cấp, các tổ chức quần chúng quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Đảng ủy BĐBP Thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đổi mới phương pháp nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phương pháp công tác… (Anhp.vn 15/3, Vũ Duyên)

Để huyện Kiến Thụy trở thành khu vực phát triển năng động trong tương lai của Hải Phòng: Phát huy nội lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế

Tại cuộc làm việc mới đây của đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy với Đảng bộ huyện, Kiến Thụy được xác định là khu vực phát triển năng động của thành phố trong tương lai và trở thành đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2030. Đây chính là niềm mong mỏi, là khát vọng của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân Kiến Thụy.

Nhưng để vươn tới mục tiêu này còn rất nhiều việc phải làm, cần sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhất là sự chủ động, nhạy bén, phát huy nội lực, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế cùng sự đồng hành, hỗ trợ của thành phố.

Mặc dù có rất nhiều tiềm năng lợi thế nhưng đã từng có hàng chục năm, huyện Kiến Thụy nằm trong tình trạng “ngủ yên” với thế “huyện cụt”, huyện thuần nông. Đây là điều trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Kiến Thụy. Với một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi phát tích Vương triều nhà Mạc (1527-1592); nơi có tiếng trống Kim Sơn kháng Nhật; nơi khởi đầu của cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp thì không có lý gì huyện lại đi sau trong phát triển kinh tế.

 Nhất là khi Kiến Thụy có bờ biển dài tới 6,76 km; có 2 con sông lớn chảy qua là Văn Úc (12,8 km), Đa Độ (20 km), đã hình thành  hơn 2000 ha đất bãi bồi ven sông, ven biển, tiềm năng kinh tế vô cùng rộng mở. Chính vì thế, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế là nỗi niềm đau đáu bấy lâu nay của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện. Khát vọng phát triển luôn bùng cháy và điều đầu tiên Kiến Thụy nghĩ tới là nỗ lực phá thế thuần nông.

Theo Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy Đỗ Đức Hòa, nghị quyết đại hội lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ huyện đã xác định 3 khâu đột phá mà cụ thể là phát triển hệ thống giao thông kết nối; phát triển các khu, cụm công nghiệp cùng với chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao theo vùng sản xuất hàng hóa.

Sau nửa nhiệm kỳ nhìn lại, với sự quan tâm của thành phố, huyện đã triển khai thực hiện được nhiều công việc. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông thực sự khởi sắc với nhiều dự án được triển khai như đường kênh Hòa Bình; đường nối từ tỉnh lộ 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển cùng một loạt đường giao thông nội huyện được mở mang, nâng cấp, kéo theo sự phát triển rất nhanh của các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Các khu, cụm công nghiệp; khu đô thị trên địa bàn huyện cũng đã được quy hoạch và xúc tiến triển khai. Nông thôn, nông nghiệp của huyện thực sự bứt phá,  đã được công nhận là huyện nông thôn mới, có 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, 8 xã đang thực hiện. Huyện tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, áp dụng công nghệ tiên tiến với nhiều mô hình phù hợp, hiệu quả, tạo nên sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, năng suất cao, giá trị lớn với 37 vùng lúa chất lượng cao, 4 vùng sản xuất rau và 32 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP…

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức bình quân chung của thành phố; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách tăng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đến nay đã ngang bằng với các huyện trên địa bàn.

Có thể coi đây là bước tiến vượt bậc của Kiến Thụy và Bí thư Huyện ủy Đỗ Đức Hòa tự tin đến năm 2025, Kiến Thụy đạt được mục tiêu cơ cấu kinh tế có 41% công nghiệp xây dựng; 45% thương mại dịch vụ và nông nghiệp thủy sản còn 14%. Điều quan trọng là Kiến Thụy từng ngày đổi mới, khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Khát vọng đi lên bằng công nghiệp, thương mại, dịch vụ song song với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trở thành đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2030 là rất lớn lao và Kiến Thụy hoàn toàn có đủ cơ sở để hiện thực hóa. Tuy nhiên, để đi lên, Kiến Thụy cũng cần phải nhìn lại chính mình để bứt phá hơn, tăng tốc hơn, có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn, thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra.

 Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đánh giá rất cao kết quả đạt được của huyện Kiến Thụy trong nửa nhiệm kỳ qua nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, lực cản mà huyện cần phải vượt qua. Đó là phải thực sự bứt phá để có được hiệu quả rõ rệt, nhìn thấy được của 2/3 khâu đột phá là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và thành lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Hiện tiến độ thực hiện một số dự án còn chậm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; một số nhiệm vụ đề ra theo nghị quyết, theo kế hoạch chưa thực hiện được. Thu ngân sách tuy tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào tiền thu từ đất. Công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, còn để xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý;  một số vụ việc giải quyết chưa dứt điểm, kéo dài; thời gian gần đây còn một vài vụ việc có nguy cơ tiềm ẩn trở thành điểm nóng…

Đáng chú ý, huyện Kiến Thụy chưa phát huy cao lợi thế kinh tế biển, năng lực khai thác hải sản xa bờ hạn chế, chưa khai thác được lợi thế cửa sông Văn Úc trong phát triển cảng biển, logictics. Việc phát triển đô thị nông thôn theo hướng đô thị sinh thái, hài hòa, có bản sắc riêng, gắn với phát triển du lịch cũng chưa đạt được mục tiêu; huyện chưa có các khu đô thị mới, nhà ở thương mại…

Có thể thấy, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ ra như vậy  cũng chính là định hướng những việc phải làm cho huyện Kiến Thụy trong thời gian tới. Rất đáng mừng là các quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố đã xác định cụ thể diện mạo, quy mô của Kiến Thụy trong tương lai, là nền tảng để huyện xốc tới, đi lên.

Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chỉ rõ: huyện Kiến Thụy đã tới thời kỳ phát triển. Trong đó, đường  bộ ven biển và đường 354 qua khu công nghiệp Kiến Thụy tới đường bộ ven biển là con đường chiến lược để hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kéo theo đó là sự phát triển rất nhanh của toàn huyện.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, huyện cần quy hoạch lại khu công nghiệp bảo đảm tính khả thi. Hiện diện tích quy hoạch lên tới hơn 900 ha nhưng có một phần lớn diện tích lại nằm ở ngoài đê, kéo theo rất nhiều phiền lụy về thủ tục và chắc chắn bị kéo dài.

Do đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế đang tham mưu, đề xuất với thành phố, phổi hợp với huyện trước mắt mời gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp với diện tích khoảng 200 ha đã đủ điều kiện, sau đó sẽ thực hiện tiếp các giai đoạn 2,3. Có khu công nghiệp Kiến Thụy sẽ là nền tảng, là bệ đỡ cho Cảng nam Đồ Sơn sau này.

Đồng chí Lê Trung Kiên mong muốn huyện Kiến Thụy phải đặt mục tiêu cao hơn trong thu hút tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bởi mức 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020- 2025 là chưa tương xứng, chưa đủ tiềm lực để huyện phát triển bứt phá.

Theo đồng chí Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT, tương lai phát triển của Kiến Thụy rất rộng mở khi quy hoạch cảng nam Đồ Sơn và luồng Văn Úc đang được triển khai, Hải Phòng xin phép Thủ tướng Chính phủ lập quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước Cảng nam Đồ Sơn, luồng sông Văn Úc, trong đó có nhiều diện tích thuộc huyện Kiến Thụy.

Như vậy, Kiến Thụy chắc chắn sẽ là khu vực phát triển năng động của Hải Phòng trong tương lai. Cùng với đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành phố đang xem xét một số dự án phát triển đô thị trên địa bàn huyện, trong đó có một số dự án quy mô lớn, thuộc xã Đông Phương, xã Đại Đồng, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn. Giám đốc Sở NN và PTNT Đỗ Gia Khánh nhấn mạnh, thành phố tập trung cao hỗ trợ để 17 xã của huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2025, đồng thời đề xuất chuyển đổi đất lúa ở một số  khu vực để phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Tất cả những tín hiệu đó cho thấy Kiến Thụy đang tiềm tàng nhiều cơ hội bứt phá trên nền tảng tiềm năng, lợi thế phong phú. Vấn đề còn lại chính là hành động quyết liệt của  huyện cùng sự hỗ trợ, quan tâm của thành phố. Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhất trí cao với định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ của huyện nhưng nhấn mạnh phải có quy hoạch hợp lý, phát triển hài hòa, cân đối và ở một số thời điểm, một số khu vực phải có sự lựa chọn chuẩn xác phát triển công nghiệp hay du lịch mới bảo đảm yếu tố bền vững, mang lại lợi ích kinh tế.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu dành nhiều thời gian phân tích và khẳng định đoàn kết chính là sức mạnh để huyện Kiến Thụy hiện thực hóa các khát vọng phát triển. Định hướng đã rõ, Kiến Thụy có thể đi lên bằng thế kiềng 3 chân vững chắc: công nghiệp; dịch vụ; nông nghiệp…

Mỗi lĩnh vực, huyện cần chọn ra các điểm đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; khơi thông mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực đầu tư toàn xã hội, biến tiềm năng lợi thế thành nguồn lực và đặc biệt là nguồn lực con người với đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, có khát vọng, tâm huyết, trách nhiệm, chắc chắn Kiến Thụy sẽ vững vàng phát triển, trở thành khu vực năng động, hấp dẫn của Hải Phòng và là đơn vị hành chính cấp quận vào năm 2030. (Anhp.vn 15/3, Hồng Thanh)

Ban chỉ huy quân sự quận Hồng Bàng tổ chức Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023

Ngày 15/3, Ban chỉ huy quân sự quận Hồng Bàng tổ chức Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023; đồng thời tổ chức tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị số 124-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị; tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”.

Các đồng chí: Đỗ Việt Hưng, Phó Bí thư thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hồng Bàng; Cao Thị Thanh Xuân, Ủy viên Ban thường vụ quận ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Hồng Bàng; Đại tá Nguyễn Văn Sử, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy quân sự thành phố dự, chỉ đạo.

Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị trong lực lượng vũ trang quận Hồng Bàng năm 2023 được tổ chức nhằm đánh giá trình độ nhận thức, khả năng, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kiến thức toàn diện cho đội ngũ chính trị viên, chính trị viên phó  Ban chỉ huy quân sự các phường về nhiệm vụ quốc phòng địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tham gia hội thi có 17 thí sinh là chính trị viên, chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự quận Hồng Bàng và các phường trong quận. Sau khi trải qua các phần thi theo quy định, Ban giám khảo hội thi đã chấm chọn 17/17 thí sinh đạt yêu cầu, trong đó có 9/17 thí sinh đạt loại giỏi, 8/17 thí sinh đạt loại khá.

Kết quả chung cuộc, đồng chí Nguyễn Thị Liu, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự phường Minh Khai đoạt giải nhất; các đồng chí: Nguyễn Thị Tâm, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự phường Thượng Lý; Phạm Thị Lý, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự phường Minh Khai đoạt giải nhì; Lâm Thị Thùy Dương, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự phường Minh Khai và Phạm Quốc Hiệp, Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự phường Hoàng Văn Thụ đoạt giải ba. Ban giám khảo cũng lựa chọn 3 đồng chí tham gia Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023 do Bộ chỉ huy quân sự thành phố tổ chức. (Anhp.vn 15/3, Thế Khoa)

Công an quận Hồng Bàng thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, giải quyết phản ánh về công tác xác nhận thông tin cư trú, cấp Căn cước công dân

Từ đầu năm đến nay, Công an quận Hồng Bàng đã chỉ đạo quyết liệt công tác cấp CCCD và xác nhận thông tin cư trú, theo đúng phương châm :“Đúng, đủ, sạch, sống”, tạo thuận lợi nhất cho công dân và các cơ quan, tổ chức…

Thượng tá Nguyễn Thành Thuyến, Phó trưởng Công an quận Hồng Bàng cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, Công an quận Hồng Bàng đã ban hành Văn bản số 92/BC-CAHB-QLHC ngày 5/3/2023 để tổng rà soát, xác định rõ những bất cập, vướng mắc trong công tác cấp CCCD và xác nhận thông tin cư trú, qua đó yêu cầu Đội Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội và Công an 9 phường tích cực, chủ động khắc phục khó khăn về máy móc, thiết bị, vật tư, tập trung giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những phần việc còn tồn đọng, vướng mắc, nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất.

Cụ thể là tiến hành phân loại nhanh các trường hợp công dân  trùng, thiếu thông tin (trong và ngoài thành phố); hộ không có chủ hộ;  công dân đóng bảo hiểm tại Khu công nghiệp nhưng không có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc bị sai, lệch dữ liệu và sai cấu trúc số định danh cá nhân; thông tin phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tổng hợp, cập nhật dữ liệu theo quy định.

Cùng với đó, đơn vị chỉ đạo Công an các phường khẩn trương phân loại,  cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin trong dữ liệu CCCD bị sai lệch, Công an phường có trách nhiệm giải thích, vận động công dân làm thủ tục thu thập lại thông tin CCCD theo quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo Công an quận còn giao Công an các phường quán triệt đến 100% cán bộ, chiến sỹ triển khai nghiêm túc Nghị định số 104/2022/NĐ-CP. Các bộ phận có thẩm quyền, chức năng tra cứu thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, tuyệt đối không được yêu cầu người dân xuất trình Giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Trong những trường hợp đặc biệt, Công an các phường phải tạo mọi điều kiện tối đa, giải quyết trong thời gian sớm nhất cho công dân trong việc cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú. Công an quận sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà cho công dân khi thực hiện thủ tục trên.

Trong trường hợp chưa tiếp nhận và giải quyết được ngay do lỗi đường truyền; lỗi, máy móc, thiết bị bị, Công an phường phải tiếp nhận, giải quyết ngay bằng hình thức thủ công (bao gồm cả công dân nộp hồ sơ cấp giấy xác nhận qua Cổng dịch vụ công và công dân nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan Công an. Tuyệt đối không để công dân đi lại nhiều lần.

Thượng tá Nguyễn Thành Thuyến cho biết thêm, lãnh đạo Công an quận đã giao Đội Cảnh sát quản lí hành chính về trật tự xã hội thiết lập đường dây nóng (tại số điện thoại: 0829.172.388) để tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của công dân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính yêu cầu sử dụng thông tin về cư trú, cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Công an quận cũng đã chỉ đạo toàn đơn vị tuyên truyền rộng rãi để người dân biết việc không yêu cầu cung cấp giấy tờ xác nhận thông tin về cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; bố trí cán bộ hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID mức 1 để thực hiện tra cứu thông tin.

Nhờ vậy, riêng trong quý 1 năm nay, Công an quận Hồng Bàng đã cấp 461 phiếu xác nhận thông tin cư trú đúng quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thời gian cấp phục vụ công dân. Công an quận cũng rà soát, thu nhận 655/785 hồ sơ để cấp CCCD gắn chip điện tử cho đối tượng học sinh THCS trên địa bàn, đạt 75%, phấn đấu sẽ hoàn thành 100% trước ngày 30/4/2023. (Anhp.vn 15/3, Thế Khoa)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Bí thư Thành ủy Hải Phòng tiếp và làm việc với Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam

Vừa qua, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Karl Van den Bossche - Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam. (Doanhnghiephoinhap.vn 15/3, P.V)

Hải Phòng: Tịch thu 9 ô tô trong lô hàng 24 xe nhập cảnh qua cảng

Ngày 15/3, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng thông tin, Cục Hải Quan Hải Phòng vừa ra quyết định tịch thu 9 xe ô tô đã qua sử dụng nhập cảnh qua Cảng Hải Phòng. Đồng thời Cục Hải quan Hải Phòng đang xem xét, xử lý đối với 15 chiếc ô tô còn lại của lô hàng vừa nhập cảnh vào Việt Nam. (Daidoanket.vn 15/3, Hải Dương)

Hải Phòng nghiêm cấm việc ép học sinh bỏ thi vào lớp 10 THPT công lập

Sở GD&ĐT TP Hải Phòng vừa có công văn chấn chỉnh một số nội dung về tuyển sinh đầu cấp và định hướng phân luồng học sinh tham gia tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024. (Giadinhonline.vn 15/3)./.

 

QR Code
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố