Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 16/12/2015)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 16/12/2015)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.             Tích cực chuẩn bị xây dựng nút giao thông Tân Vũ

Sáng 15-12, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn chủ trì cuộc họp với Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng nút giao khác mức Tân Vũ thuộc Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện. Lãnh đạo các sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, UBND quận Hải An; Cơ quan tư vấn và Liên danh nhà thầu xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch huyện cùng dự.

Nút giao thông nói trên thuộc địa bàn quận Hải An, là điểm giao cắt giữa các đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện, đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường vành đai 3 Hải Phòng, đường 50m thuộc quận Hải An và đường dẫn cầu Bạch Đằng - TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trước đây, nút này được quy hoạch giao thông đồng mức, tổ chức giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu. Song nhận thấy những bất cập cho công tác tổ chức giao thông sau này nên Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu, đầu tư xây dựng quy mô nút giao thông khác mức.

Ngoài cầu chính vượt đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là hệ thống cầu vượt nhánh phục vụ phương tiện lưu thông. Nguồn vốn xây dựng dự kiến gần 2.000 tỷ đồng lấy từ vốn dư xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện.

Ban quản lý 2, Bộ Giao thông vận tải (đơn vị quản chủ đầu tư Dự án đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện) và Cơ quan tư vấn nước ngoài đưa ra 2 phương án triển khai nút giao thông khác mức Tân Vũ. Phương án 1, đầu tư xây dựng nút giao thông Tân Vũ phân kỳ và phương án 2 là đầu tư hoàn chỉnh. Đối với phương án đầu tư phân kỳ, giai đoạn hiện tại cần giải phóng mặt bằng rộng 8,5ha đất, mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Phương án đầu tư hoàn chỉnh thì việc GPMB đòi hỏi 11ha, mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Cả 2 phương án đều có quy mô, kết cấu cầu vượt chính (vượt đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và các cầu vượt nhánh đều giống nhau.

Đó là, cầu vượt chính sử dụng kết cấu dầm hộp, bê-tông cốt thép dự ứng lực, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng và dầm Super T bê-tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp tường chắn trên móng cọc. Cầu vượt nhánh sử dụng kết cấu dầm Super T, bê-tông dự ứng lực, kết hợp tường chắn hộ. Thời gian thi công hoàn thành đảm bảo trùng với thời gian hoàn thành toàn tuyến đường ô tô Tân Vũ - Lạch huyện (vào tháng 5-2017).

Ban quản lý dự án 2 kiến nghị, thành phố đưa đất xây dựng nút giao thông khác mức Tân Vũ vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016 để sớm triển khai công tác này, phục vụ dự án.

Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn đã chỉ ra các bước chuẩn bị cho công tác triển khai thi công nút giao thông. Cụ thể, Ban quản lý dự án 2 sớm hoàn thiện hồ sơ dự án một cách chi tiết, trình UBND thành phố xem xét trước khi thành phố có văn bản chính thức báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ. Trong đó, phương án lựa chọn báo cáo Chính phủ là nút giao thông khác mức xây dựng hoàn chỉnh. UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối, chủ trì công tác phối hợp giữa các ban, ngành, thành phố trong giai đoạn chuẩn bị triển khai dự án.

UBND quận Hải An chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án 2, kiểm tra, rà soát cọc mốc chỉ giới GPMB của nút giao thông đã bàn giao trước đó. UBND TP và Ban quản lý dự án 2 sẽ có buổi kiểm tra thực địa trước ngày 25-12-2015 để chỉ đạo công tác GPMB sát sao.

(Đoàn Lanh - An ninh Hải Phòng 16/12/2015, Báo Hải Phòng 16/12/2015)

2.             Huyện Vĩnh Bảo: Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Đây là chủ đề nảm 2016 được Ban chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo thống nhất tai hội nghị tổng kết công tác năm 2015; triển khai phương hướng, nhiệm vụ giải pháp năm 2016, tổ chức sáng 14-12.Năm 2015, việc triển khai Nghị quyết số 09 Huyện ủy Vĩnh Bảo vị phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nám 2015 đat được kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Cu thể, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định và có mức tăng trưởng cao, giá trị sản xuất tăng 19,28% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đat 102,8% kế hoạch, tăng 42,5% so với dự toán thành phố giao, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Binh quân toàn huyện đạt 13,5 tiêu chí nông thôn mới, trong đó xả Nhân Hòa đả được thành phố công nhâjn về đích. Toàp huyện đón và phục vu 270.000 lượt khách về tham quan và du lịch tai huyện, trong đó khách quốc tế lả 1.700 khách (tăng 10 % so với năm 2014). ..

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

AN NINH - PHÁP LUẬT

3.             CAQ Lê Chân liên tiếp phá các ổ nhóm đòi nợ thuê trá hình

Cơ quan CSĐT - CAQ Lê Chân đã điều tra 5 ổ nhóm gồm 60 đối tượng gây ra 9 vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn thành phố; bắt giữ 7 đối tượng, triệu tập 25 đối tượng trong các ổ nhóm trên để đấu tranh làm rõ các hành vi liên quan...

Qua công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn, CAQ Lê Chân phát hiện, thời gian gần đây, không chỉ ở quận Lê Chân mà ở các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền và huyện An Dương xuất hiện nhiều ổ nhóm đối tượng chỉ tầm từ 14 đến 20 tuổi, sống tập trung theo kiểu bầy đàn (cả nam và nữ), chuyên tụ tập tại các điểm kinh doanh dịch vụ internet, game bắn cá…, có biểu hiện hoạt động vi phạm pháp luật như tổ chức cờ bạc, đòi nợ thuê, cầm cố tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối TTCC, đua xe... Đi sâu tìm hiểu, trinh sát phát hiện, để lấy thanh thế, mỗi nhóm đều có tên riêng và cử ra đối tượng cầm đầu. Các nhóm này hoạt động vô cùng manh động, nguy hiểm, đe dọa đến ANTT thành phố.     
Trước tình hình đó, để đảm bảo giữ vững ANTT, BCH CAQ Lê Chân đã tăng cường lực lượng, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh được biết: Có 5 ổ nhóm với hàng chục đối tượng ở tuổi vị thành niên đang lén lút hoạt động theo hình thức này, trong đó nổi lên là nhóm có tên gọi là Hội Dân Lập ở Dư Hàng Kênh, do Ngô Ngọc Chiến, tức Chiến “đầu nhọn”, sinh 1989, ở Dư Hàng Kênh, Lê Chân, cầm đầu. Chiến đã có 1 tiền án về tội Cướp tài sản. Nhóm này thường xuyên tụ tập tại một số quán điện tử trên đường Dân Lập Hải Phòng. Ngoài hoạt động cờ bạc, đàn em của Chiến còn tham gia các vụ đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích.        

Ngay sát nách địa bàn của Chiến đầu nhọn là đại bản doanh của nhóm Xóm 8 hay còn gọi là Hội Cái Bang. Hội này gồm 10 đối tượng do Hoàng Đại Việt (Việt Cồ), sinh 1994, ở Chợ Hàng, cầm đầu. Việt đã có 1 tiền án về tội Cướp tài sản. Nhóm Việt Cồ thường tụ tập tại quán điện tử Game Center đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân.    
Ngoài ra, cơ quan công an còn nắm được một số ổ nhóm có hoạt động tương tự như 2 ổ nhóm trên, đang hoạt động ở địa bàn các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng và huyện An Dương. Phương thức hoạt động của các ổ nhóm này chủ yếu là tụ tập tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố tài sản, tiến hành hoạt động đòi nợ thuê, gây sức ép người vay nợ để đòi nợ tiền, tụ tập tại các quán game bắn cá, internet về đêm…, sau đó sống kiểu bầy đàn tại các nhà trọ. Để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, mỗi lần cần trao đổi thông tin hay tập trung lực lượng hành động, chúng chỉ sử dụng các trang mạng xã hội như: face book, zalo, Line. 
Nhận định đây là ổ nhóm tội phạm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, các đối tượng tuy còn ở tuổi thành niên nhưng hoạt động rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng ra tay tàn bạo theo kiểu xã hội đen để “tạo số”, đe dọa nghiêm trọng đến tình hình ANTT, BCH CAQ Lê Chân đã quyết định xác lập chuyên án mang bí số 116G, chỉ đạo Đội CSĐTTP về TTXH CAQ phối hợp với công an các phường và các đơn vị nghiệp vụ CATP lên kế hoạch đấu tranh triệt phá.      

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban giám đốc CATP và BCH CAQ, Ban chuyên án đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng công nghệ thông tin, khai thác hệ thống mạng xã hội. Sau thời gian ngắn điều tra xác minh, Ban chuyên án đã dựng được “chân dung” một số đối tượng liên quan đến các vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian qua và tiến hành triệu tập để đấu tranh làm rõ.    
Các đối tượng gồm: Bùi Quang Trọng, sinh 1988, ở Tràng Cát, Hải An; Đỗ Hoài Nam, sinh 1998, ở Lực Hành, Đằng Lâm, Hải An; Bùi Doãn Cường, sinh 1997, ở Đà Nẵng, Đông Hải 1, Hải An; Nguyễn Tùng Dương, sinh 1998, ở Đà Nẵng, Cầu Tre, Ngô Quyền; Bùi Lê Anh, sinh 1998, ở 34/175 Phương Lưu, Vạn Mỹ, Ngô Quyền; Ngô Ngọc Quân, sinh 1997, ở Đà Nẵng, Lạc Viên, Ngô Quyền và Trần Hồng Tuấn, sinh 1998, ở 5/48 Phương Lưu 1, Đông Hải 1, Hải An.    

Qua xét hỏi, các đối tượng khai nhận đã gây ra 9 vụ cố ý gây thương tích, đòi nợ thuê trên địa bàn các quận Hải An, Lê Chân và Hồng Bàng, khiến các bị hại giảm từ 19% đến 35% sức khỏe. Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT CAQ Lê Chân đã khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích xảy ra vào ngày 19-11-2015, tại quán Game Center số 61A/215 Miếu Hai Xã, Dư Hàng Kênh, Lê Chân, làm Tiến “tony” giảm 35% sức lao động. 

Cơ quan CSĐT - CAQ Lê Chân đã tạm giữ hình sự đối với Bùi Quang Trọng, Đỗ Hoài Nam, Trần Hồng Phúc về hành vi Cố ý gây thương tích. Đấu tranh khai thác mở rộng, cơ quan điều tra tiếp tục bắt giữ Ngô Ngọc Chiến, sinh 1989, ở 27/29 Dân Lập, Dư Hàng Kênh; thu giữ 1 dao bầu, 1 áo giáp chống đạn… là tang vật trong các vụ cố ý gây thương tích xảy ra ở địa bàn phường Đông Khê và Đằng Giang, quận Ngô Quyền; phường Đằng Hải, quận Hải An.    

CAQ Lê Chân đã ra lệnh bắt khẩn cấp, lệnh truy nã đối với các đối tượng trong ổ nhóm Chiến “đầu nhọn” gồm: Ngô Ngọc Chiến, Nguyễn Trường Sơn về hành vi cố ý gây thương tích và đang tích cực truy bắt các đối tượng còn lại.      

Nhằm kịp thời động viên chiến công xuất sắc của CBCS CAQ Lê Chân, chiều 14-12, đại tá Nguyễn Văn Coỏng - Thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó giám đốc CATP đã đến biểu dương và khen thưởng Ban chuyên án.

(Thái Bình - An ninh Hải Phòng 16/12/2015)

4.             Chủ, tớ đều no tù

Do nghiện ma túy nên Nguyễn Văn Lâm, sinh 1975, ở thôn 5, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, thường sang khu vực đường tàu nội thành Hải Phòng mua ma túy về sử dụng và bán lại cho các đối tượng nghiện để kiếm lời. Lợi dụng nơi ở là địa bàn giáp ranh, tụ điểm ma túy của Lâm hoạt động khá liều lĩnh, hằng ngày có một lượng không nhỏ khách từ Hải Phòng, huyện An Dương sang, các xã lân cận và tỉnh Quảng Ninh mò về “ăn hàng”. Biểu hiện buôn bán ma túy của Lâm có nhiều dấu hiệu rất “nét” và CAH Thủy Nguyên đã từng lên kế hoạch đấu tranh triệt phá. Nhưng hôm phá án, Lâm không có nhà và vợ Lâm bán thay đã “chịu trận” khi bị bắt cùng tang vật.

Sau lần bị “chết” hụt, Lâm co vòi lại một thời gian. Tuy nhiên, do nghiện ma túy nặng, cộng với lợi nhuận từ ma túy đem lại khiến hắn không cưỡng được nên quay về nghề cũ. Lần này, Lâm thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động, khôn ngoan, tinh ranh hơn, cẩn trọng hơn và chỉ giao dịch bán “hàng” với khách quen. Mặt khác, để đỡ phải chường mặt ra dễ bị công an bắt bài, Lâm thuê Hoàng Đạo Mạnh, sinh 1983, ở cùng xã là một tên lưu manh đã có 2 tiền án với 69 tháng tù về các tội “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản”, một con nghiện mạt hạng lúc nào cũng thiếu tiền để chích choác, đi bán ma túy thuê cho hắn và trả công cho Mạnh bằng việc được sử dụng ma túy miễn phí. Tụ điểm ma túy của Lâm lại ráo riết hoạt động, gây nhức nhối trong dư luận nhân dân trên địa bàn. 

Khoảng cuối tháng 4-2015, H. Đ.V., sinh 1986, ở thôn 4, xã Kiền Bái đến nhà Lâm hỏi mua ma túy. Lâm đồng ý bán cho V. 1 gói heroin với giá 100 nghìn đồng. Ngày 2-5, V. tiếp tục đến nhà Lâm mua 1 gói với giá 100 nghìn đồng để sử dụng. Sáng 20-5, N.V.T, sinh 1990, ở thôn 5, xã Mỹ Đồng, đến hỏi mua 1 gói heroin, Lâm đồng ý bán với giá 100 nghìn đồng. Cùng ngày, L.V.G., sinh 1993, ở xã Lại Xuân và H.V.T, sinh 1992, ở xã Hòa Bình, hỏi mua ma túy để sử dụng. Lâm đã bán cho G. 1 gói heroin với giá 100 nghìn đồng và bán cho T. 1 túi ma túy đá với giá 300 nghìn đồng.       
Chiều 21-5, Lâm sang khu vực đường tàu nội thành mua của người không quen biết 3 triệu đồng ma túy đá và 1 triệu đồng heroin, mang về chia thành nhiều túi nhỏ để bán lại cho các đối tượng nghiện. Khoảng 23h cùng ngày, Lâm và Mạnh đang sử dụng ma túy đá tại nhà thì N.V.T và H. Đ.V. đến hỏi mua ma túy để sử dụng. Lâm bảo Mạnh đi ra cổng để giao dịch với “khách”. Tại đây, T. hỏi mua 2 gói heroin với giá 150 nghìn đồng/1 gói. Mạnh đồng ý và nhận 400 nghìn đồng từ T. và V. rồi vào nhà đưa cho Lâm để lấy ra 2 gói heroin và 100 nghìn đồng tiền thừa trả lại cho hai đối tượng nghiện.

Khoảng 13h ngày 22-5, N.P.H., sinh 1981, ở xã Gia Đức, đến nhà Lâm mua 1 túi ma túy đá với giá 200 nghìn đồng để sử dụng. Tiếp đó, L.V.G. và H.V.T. đến hỏi mua ma túy để sử dụng. Lâm đã bán cho G. 1 túi ma túy đá giá 150 nghìn đồng, bán cho T. 1 túi ma túy đá giá 300 nghìn đồng. Sau đó, N.V.T. đến hỏi Lâm mua 1 gói heroin giá 100 nghìn đồng. Khi cả hai đang trao đổi tiền-hàng thì bị tổ công tác của Đội CSĐT tội phạm về ma túy - CAH Thủy Nguyên kết hợp với CAX Kiền Bái phát hiện, bắt quả tang; thu của Mạnh 1 gói heroin (nặng 0,04 gam), của T. 1 túi ma túy đá (nặng 0,01 gam), của H. 1 túi ma táy đá (nặng 0,04 gam), của G. 1 gói heroin (nặng 0,04 gam); thu tại nhà Lâm 12 gói heroin (nặng 1,37 gam, hàm lượng 60,8%), 17 túi ma túy đá (nặng 5,36 gam, hàm lượng methamphetamine là 75,9%), 50 túi nilon để đóng gói ma túy, 2 cân điện tử, 1 kéo cắt giấy, 5 dao lam, 1 bật lửa dạng khò, 3 bộ đồ sử dụng ma túy đá tự chế và 780 nghìn đồng.  
Mới đây, TAND huyện Thủy Nguyên đưa vụ án ra xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Văn Lâm 9 năm 6 tháng tù giam, Hoàng Đạo Mạnh 8 năm 6 tháng tù giam cùng về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo điểm b khoản 2 điều 194-BLHS.

(An ninh Hải Phòng 16/12/2015)

5.             Giang hồ Hải Phòng mua cả áo chống đạn, đi xử đối thủ

Công an quận Lê Chân (TP Hải Phòng) cho biết vừa triệt phá 5 ổ nhóm gồm 60 đối tượng chuyên tổ chức cờ bạc, cầm cố tài sản, đòi nợ thuê, gây rối trật tự công công, đua xe trái phép…  

Theo điều tra của cơ quan công an, các ổ nhóm này tụ tập các đối tượng tuổi từ 14 – 20, gồm cả nam và nữ, sống theo kiểu bầy đàn trong các nhà trọ. Nổi lên trong số các ổ nhóm này là Hội dân lập, do Ngô Ngọc Chiến, tức Chiến “đầu nhọn” sinh 1989, ở Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân cầm đầu.

“Hội trưởng” Chiến “đầu nhọn” từng có 1 tiền án về tội Cướp tài sản, thường xuyên “hội quân” tại khu vực Trường ĐH Dân lập Hải Phòng nên đặt tên cho băng nhóm của mình là “Hội Dân lập”.            Các đối tượng dưới sự chỉ huy của Chiến “đầu nhọn” thường xuyện tụ tập tại các cửa hiệu cầm đồ, quán điện tử, tổ chức đánh bạc và cầm cố tài sản. Sau đó cũng chính các đối tượng này tiến hành các hoạt động đòi nợ, gây sức ép người vay nợ, đồng thời tham gia đòi nợ thuê nếu có người thuê mướn.      

Để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, mỗi lần cần trao đổi thông tin hoặc tập trung lực lượng, các đối tượng thường sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo, line…         
Một hội nữa hoạt động không kém phần manh động là Hội Cái Bang, do Hoàng Đại Việt, tức Việt “cồ”, sinh 1994, ở Chợ Hàng, quận Lê Chân cầm đầu. Việt “cồ” cũng từng có 1 tiền án về tội cướp tài sản. Hội của Việt “cồ” thường xuyên tụ tập tại quán điện tử Game Central, đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân.

Hội Cái Bang của Việt “cồ” tỏ ra khá hiếu chiến, trang bị cả áo giáp chống đạn, sẵn sàng ra tay một cách tàn bạo để…lấy số với các bang hội khác. Cũng do mâu thuẫn trong việc tranh giành lãnh địa, Việt “cồ” đã chỉ đạo đàn em tìm gặp kẻ cầm đầu bang hội khác là Tiến “Tony” chém xả vai, làm giảm 35% sức lao động    .
Cơ quan công an làm rõ, trước đó băng nhóm của Chiến “đầu đinh” và Việt “cồ” đã gây ra 9 vụ đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê trên địa bàn quận Lê Chân, Hải An và Hồng Bàng khiến nhiều bị hại thương tích nặng nề.     

Hiện cơ quan công an đã bắt giữ 7 đối tượng, triệu tập 25 đối tượng và đang truy bắt một số đối tượng bỏ trốn để đấu tranh làm rõ các hành vi liên quan.

(Báo Lao động Thủ đô 16/12/2015)

6.             Lý giải vụ thang máy rơi khiến lớp trưởng ĐH Hàng Hải tử vong        

Sau sự việc nam sinh tử vong vì thang máy rơi tự do ở ĐH Hàng Hải, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia kiểm định thang máy để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này.   

Sự việc sinh viên tử vong do rơi thang máy từ tầng 6 trường Đại học Hàng Hải (Ngô Quyền- HP) vào chiều qua đang khiến dư luận xã hội vô cùng sửng sốt.         

Theo tin tức PV thu nhận được, chiếc thang máy "tử thần" đó vẫn đang trong thời gian kiểm định (còn bảo hành). Vậy tại sao lại có thể xảy ra sự cố đáng tiếc như vậy?         
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Chi, chuyên viên tư vấn Kiểm định Thiết bị công nghiệp TP. Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này, ông cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố xảy ra trong thang máy như: Do bi đứt cáp, đứt phích, đứt phanh hoặc hệ thống điện bị hỏng…

Trên phương diện lý thuyết, thang máy không thể rơi. Bởi vì, khi thang máy chạy quá vận tốc quy định cho phép thì bộ khống chế chống rơi sẽ giữ thang dừng lại trên dây. Nếu thang máy rơi, chỉ có thể rơi 1m đến 2m sau đó sẽ dừng lại trên dây”. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thang máy bị rơi là do bộ phận chống rơi không hoạt động”, ông Chi khẳng định.           Vị này cũng cho biết thêm: “Nhân viên kiểm định phải đánh giá trực tiếp trên thang máy tùy thuộc vào tình trạng thực tế của thiết bị.       

Nếu theo đúng quy định của nhà nước thì hạn kiểm định của một thang máy mới tối đa là 9 năm/lần. Nhưng với những thang máy sử dụng lâu (trên 20 năm) thì hạn kiểm định là 1 năm/lần”.   

Những lưu ý tránh rủi ro trong thang máy

Để đảm bảo được rủi ro xảy ra hạn chế nhất đối với người đang trong thang máy, ông Chi đưa ra lời khuyên: “Khi thang máy xảy ra sự cố thì người trong thang máy mất bình tĩnh và không biết xử lý thế nào. Tuy nhiên, một lời khuyên tốt nhất khi xảy ra sự cố trong thang máy là hãy bấm chuông cứu hộ cảnh báo. 

Bên cạnh đó, chúng ta nên nằm xuống, vì khi rơi, vận tốc thang máy sẽ dừng lại rất đột ngột. Nếu chúng ta đứng thì toàn bộ cơ thể bị dồn ép xuống đôi chân. Nhưng khi nằm thì lực sẽ tác động đều lên cơ thể.       
Nếu đứng, thì chúng ta không nên đứng ở giữa. Vì giữa thang có một thiết bị giảm trấn để giảm tốc độ tiếp đất. Nếu chúng ta đứng ở giữa thì rất nguy hiểm”, ông cho biết thêm.    

Vụ việc rơi thang máy dẫn đến chết người xảy ra vào chiều 14/12 tòa nhà C2 Đại học Hàng hải Việt Nam (quận Ngô Quyền, Hải Phòng).      

Theo một số bạn cùng trường, 15h30 cùng ngày, nam sinh năm nhất tên Th. đứng đợi thang máy ở tầng 6. Lúc sinh viên này đang tựa vào cửa thang máy thì bất ngờ cánh cửa mở ra, trong khi đó cabin vẫn còn ở phía trên. Sự cố khiến Th. rơi tự do xuống đất.       

Một lãnh đạo trường Đại học Hàng hải xác nhận vụ việc này và cho biết, nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp trong tình trạng nguy kịch và đã tử vong vào khoảng 19h cùng ngày. Thi thể Th. được người thân đưa về nhà ở xã An Đồng, huyện An Dương.          

Nam sinh là lớp trưởng lớp Kỹ thuật cầu đường khóa 56, hệ Đại học.     Thang máy này vẫn còn thời gian kiểm định.     

(Cù Hiền- Báo điện tử Người đưa tin 16/12/2015)

7.             Phát hiện thêm một "lò" sản xuất giấy khám sức khỏe giả

Ngày 15-12, Công an huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bảy đối tượng trong đường dây sản xuất và tiêu thụ giấy chứng nhận sức khoẻ giả.

Các đối tượng gồm: Phạm Văn Tuấn, SN 1971, ở thôn Xuân Lai và Nguyễn Thị Thủy, SN 1979, ở thôn Phúc Xuyên cùng xã Bạch Đằng; Nguyễn Thị Phương SN 1986, ở khu 3 và Hoàng Thị Hiền SN 1987, ở khu 8 cùng thị trấn Minh Đức; Nguyễn Thanh Nhàn, SN 1950, ở thôn Tiên Đôi Nội, xã Đoàn Lập; Nguyễn Quốc Vương, SN 1978, ở xã Tiên Thanh; Phạm Văn Dẫn, SN 1975, ở xã Nam Hưng cùng huyện Tiên Lãng.

Theo tài liệu điều tra, trong thời gian từ tháng 10 đến nay, các đối tượng trên đã mua giấy chứng nhận sức khỏe giả do Vũ Văn Hậu, SN 1982, ở tại thôn Đông Xuyên Nội, xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) để đem bán, hưởng chênh lệch.

Công an khám xét nhà Hậu đã thu giữ máy in, máy tính xách tay và một số tang vật khác dùng để “sản xuất” giấy chứng nhận khám sức khỏe giả cùng 24 giấy khám sức khoẻ, qua giám định công an xác định là các giấy giả.

Các đối tượng tự tổ chức chế bản, in và ghi sẵn kết quả các mục trong nội dung khám sức khoẻ, cùng ký tên và đóng dấu của Bệnh viện đa khoa huyện sở tại, chỉ để trống phần ghi tên tuổi, địa chỉ, chiều cao, cân nặng... của người khám và dễ dàng điền vào các mục này để bán kiếm lợi từ 70 đến 100 nghìn đồng/tờ cho những người có nhu cầu giấy chứng nhận sức khoẻ để đi học, đi làm, đổi bằng lái xe... “Lò” sản xuất” giấy chứng nhận sức khoẻ giả cừa bị Công an huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) phát giác và đánh sập.

Hiện, Công an đang tiến hành truy bắt kẻ trực tiếp sản xuất là Vũ Văn Hậu đang bỏ trốn để xử lý trước pháp luật.

(Ngô Quang Dũng - Báo Nhân dân 16/12/2015)

8.             Thầy giáo nhảy từ tầng 20 tự tử

Buồn chuyện gia đình, một thầy giáo tại Hải Phòng đã tìm đến cái chết bằng cách nhảy từ tầng 20 một tòa chung cư đang xây dựng xuống đất.    

Khoảng 16h30, ngày 14/12, bảo vệ tòa nhà chung cư 20 tầng đang xây dở do một công ty nước ngoài làm chủ đầu tư trên đường Hồng Bàng, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) phát hiện thi thể một người đàn ông trung tuổi dưới chân công trường.

Quá trình điều tra khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, công an Hải Phòng xác định nạn nhân là ông Nguyễn Ngọc Sáng (42 tuổi), giáo viên trường tiểu học Hùng Vương, thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng. Nguyên nhân thầy giáo chết bước đầu được nhận định là do tự tử. Thời gian vừa qua, thầy Sáng bị trầm cảm do gia đình có chuyện buồn. Khoảng 13h chiều ngày 14/12, người dân phát hiện thầy Sáng đi vào tòa nhà nhưng sau đó không thấy ra.          

Ngày 15/12, ông Vũ Xuân Hiếu, Chủ tịch UBND phường Hùng Vương cho biết, thầy Sáng là giáo viên dạy giỏi và có thâm niên 21 năm gắn bó với trường. Hiện gia đình thầy đang sinh sống trên địa bàn phường.

(VnExpress - 16/12/2015)

9.             Cửa hàng xe đạp điện cháy rụi hàng trăm triệu đồng khi chủ đi vắng

Khói đen nghi ngút và tiếng nổ lốp đốp phát ra từ một cửa hàng xe đạp điện khoá trái cửa, ngọn lửa nhanh chóng lan rộng cháy sang cả căn nhà bên cạnh.

Vụ cháy nổ lớn xảy ra vào khoảng 20h tối 15/12 tại một cửa hàng xe đạp điện ở số 331 đường Trường Chinh, quận Kiến An, TP Hải Phòng.  

Một số nhân chứng cho biết, vào thời điểm trên, người dân đi đường phát hiện khói đen và tiếng nổ lốp đốp phát ra từ căn nhà nói trên nên hô hoán nhau phá cửa, dập lửa tuy nhiên ngọn lửa lớn đã nhanh chóng lan rộng, cháy sang cả quán cà phê bên cạnh. 

Nhận được tin báo, hàng chục cảnh sát PCCC Hải Phòng cùng 3 xe cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường, thực hiện các biện pháp dập lửa. Hơn 1 tiếng sau, đám cháy đã được khống chế.

Vụ cháy đã khiến giao thông trên tuyến đường Trường Trinh tắc nghẽn cục bộ hàng giờ đồng hồ.  Bước đầu, chủ nhà cho biết, vụ cháy gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.Hiện, cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường, thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn nói trên.

(Báo điện tử VTC News 16/12/2015)

GIAO THÔNG

10.          Thứ trưởng Bộ GTVT lên tiếng vụ “ép” xe đi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Sau khi Bộ GTVT ra thông báo 1005 ngày Ngày 1/12, quy định tất cả xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không đi vào QL5 cũ (đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh dài hơn 10 km), phải đi theo đường cao tốc mới Hà Nội - Hải Phòng. Nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng cho rằng điều này sẽ khiến cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó vào dịp cuối năm này.

Trao đổi với PV ANTT.VN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện tại QL.5 cũ bị hỏng khá nặng, Bộ GTVT đang tập trung cho sửa chữa từ nay đến trước Tết Nguyên Đán phải xong để cho người dân Tp.Hải Phòng đi lại thuận lợi.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cũng lý giải, mật độ phương tiện lưu thông trên QL.5 hiện tại rất lớn từ 8 – 10 nghìn xe/ngày đêm, cho nên, trước đây khi chưa có cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì sửa chữa QL.5 rất khó khăn, thậm chí không sửa chữa được.

“Vừa rồi Tp.Hải Phòng cần sửa đường QL.5 trước Tết thì việc tạm phân luồng sang đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng Bộ thấy hoàn toàn hợp lý, bởi điều đó là phục vụ cho mục đích chung của toàn xã hội mà việc phân luồng cũng trong thời gian ngắn, theo chủ trương chung thì Bộ thấy cần thiết. Nếu không phân luồng như vậy thì QL.5 không thể sửa chữa được ” – Thứ trưởng Trường nói.Thứ trưởng Trường trao đổi thêm: Về phía doanh nghiệp vận tải, mục tiêu của việc làm đường cao tốc là để tăng cường vận tải hạng nặng, bây giờ có đường cao tốc mà không đi, đi theo đường cũ thì cũng không phù hợp. Bộ hoàn toàn tôn trọng việc lựa chọn của doanh nghiệp nhưng thành phố cũng chỉ phân luồng trong thợi gian ngắn để sửa chữa QL.5, Bộ đã chỉ đạo phải xong trước Tết Nguyên Đán, cũng chỉ trong vòng  1 tháng nên doanh nghiệp cũng cần phải thông cảm với Tp và Bộ GTVT để thực hiện nhiệm vụ chung của quốc gia.Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải Hải Phòng cho rằng việc sửa chữa 10km QL.5 phải mất 3 tháng sẽ làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của doanh nghiệp và việc đi lại của người dân vào những tháng cuối năm. Thứ trưởng Trường cho biết 3 tháng là dự phòng, còn Bộ GTVT chỉ đạo là phải xong trước Tết âm lịch để bà con đi lại thuận lợi hơn trong dịp Tết, nếu không làm bây giờ thì tình hình môi trường trên QL.5 vào dịp Tết Nguyên Đán không thể chấp nhận được.Việc sửa chữa QL.5 khiến tình hình giao thông diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường liên quan đến cảng biển cũng bị ùn tắc, không những vậy còn xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông khiến 5 người thiệt mạng. Trước tình hình đó, hồi cuối tháng 11 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc với UBND Tp.Hải Phòng về biện pháp tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công mặt đường QL.5. Sau cuộc họp này, Bộ GTVT ra Thông báo 1005/TB-BGTVT nêu rõ ý kiến chỉ đạo về giải pháp phân luồng giao thông từ xa.  Theo đó quy định sau khi thông tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng  phân luồng loại xe ô tô tải có tải trọng trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ đi vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhằm tránh đoạn QL.5 đang thi công cải tạo mặt đường,  giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến đường của thành phố, góp đẩy nhanh tiến độ thi công cải tạo mặt QL.5.

Tuy nhiên, sau khi thông báo này đưa ra, nhiều doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng cho rằng phí giao thông trên đường cao tốc đắt trong khi doanh nghiệp chưa kịp đàm phán với chủ hàng đã ký trước đó, không những vậy nhiều mối hàng vận chuyển trái chiều đường cao tốc nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

(Thiên Di - Báo điện tử Người đưa tin 16/12/2015)

11.          Va chạm với ô-tô bồn trên đường

Khoảng 17 giờ ngày 15-12, trên đường Văn Cao, đoạn trước số nhà 323 xảy ra va chạm giao thông. Theo một số người dân chứng kiến cho biết, phụ nữ khoảng 20 tuổi đi xe đạp điện rẽ từ Vườn 22 ra đường Văn Cao, va chạm với ô-tô bồn BKS 15C-14975 đang lưu thông theo hướng từ ngã ba Văn Cao-Ngô Gia Tự về ngã ba Văn Cao-Nguyễn Bỉnh Khiêm.  
Hậu quả, người phụ nữ bị xe bồn kéo khoảng 10 mét trên đường và được người dân đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

( Báo Hải Phòng 16/12/2015)

12.          Xe tải nặng phải đi trên cao tốc: Doanh nghiệp bất ngờ

Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng thông báo bắt buộc xe trọng tải trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ phải đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thay vì QL5 là vội vàng và duy ý chí.

Chiều 15.12, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tiến – Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết các doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng rất bất ngờ khi biết thông tin Bộ GTVT có thông báo quy định tất cả xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không được đi vào QL5 mà phải đi theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Ông Tiến cho hay, Hiệp hội biết thông tin sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc phân luồng giao thông kể trên chứ không trực tiếp nhận được văn bản, thông báo của Bộ GTVT, UBND TP Hải Phòng hay Sở GTVT Hải Phòng.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đã phải liên hệ với Sở GTVT Hải Phòng và tiếp cận được thông báo 1005/TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường sau buổi làm việc với UBND TP Hải Phòng.

Theo thông báo này, do dự án sửa chữa, nâng cấp QL5 đang triển khai hay xảy ra ùn tắc, đã xảy ra 5 vụ TNGT làm 5 người thiệt mạng. Vì vậy, cần phân luồng giao thông như trên kể từ sau ngày thông xe đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (ngày 5.12) đến thời điểm dự kiến sửa chữa xong QL5 (ngày 25.2.2016).

Theo nội dung thông báo trên, cũng chỉ có các xe tải trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ mới phải đi theo đường cao tốc. Các xe tải dưới 15 tấn từ các Cảng Hải Phòng, Cảng Chùa Vẽ, Cảng Hải An, Cảng Đông Hải… vẫn được đi theo QL5.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho rằng việc thông báo thực hiện ngay việc phân luồng như trên là quá vội vàng, duy ý chí, đẩy các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn càng chồng chất khó khăn khi phải tăng đột biến chi phí vận tải với mức quá lớn. Thậm chí, làm tê liệt hoạt động của một số doanh nghiệp dọc theo tuyến QL5 có hệ thống kho bãi chứa hàng, bán hàng.

Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng nói: “Chúng tôi kiến nghị biện pháp hợp lý là sửa chữa đường một bên, một bên vẫn lưu thông được chứ không thể cấm tiệt”.

Ông Tiến cũng đề nghị nếu cần phân luồng ngay, các cơ quan chức năng cần chỉ đạo các đơn vị quản lý thu phí đường cao tốc miễn thu phí từ Cảng Đình Vũ đến nút giao QL10 hoặc giảm phí qua trạm bằng mức thu phí trên đường QL5 đối với xe tải trên 15 tấn.

Theo ông Tiến, hiện nay các doanh nghiệp vận tải vẫn đang phản đối kịch liệt thông báo kể trên và vẫn lưu thông trên QL5 cũ do các cơ quan chức năng chưa thực hiện việc phân luồng xe trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc tạm thời phân luồng sang đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là hoàn toàn hợp lý. Bởi điều đó phục vụ cho mục đích chung của toàn xã hội, thời gian phân luồng chỉ trong thời gian ngắn, nếu không thực hiện phân luồng sẽ không sửa chữa QL5 được.

(Danviet.vn 16/12/2015; Báo Xã luận 16/12/2015)

13.          Doanh nghiệp vận tải gặp khó khi cấm đường 5 cũ

Việc tạm cấm đường 5 đoạn qua nội thành Hải Phòng để thi công giúp giảm ùn tắc, tai nạn nhưng cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.

Trước thông tin tất cả các xe tải trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ – thành phố Hải Phòng phải đi theo hướng cao tốc mới từ ngày 5/12/2015 - 25/2/2016 để phục vụ việc sửa chữa nâng cấp tuyến đường 5 (đoạn qua nội thành Hải Phòng) khiến hàng trăm doanh nghiệp vận tải không khỏi lo lắng.

Theo thông báo số 1005 ngày 1/12/2015 của Bộ giao thông vận tải, kể từ ngày thông xe toàn tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, tất cả xe ô tô có trọng tải trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ phải đi đường cao tốc để tạo điều kiện cho đơn vị thi công dự án cải tạo, nâng cấp sửa chữa mặt đường 5 đoạn qua nội thành Hải Phòng. Điều này đã khiến cho hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh vận tải, kho bãi, xăng dầu lo lắng. 
Ông Phùng Như Lai, Giám đốc công ty TNHH Anh Kiệt cho biết: "Dọc hai bên đường có rất nhiều nhà máy, công ty và các bãi container. Thậm chí có cả kho ngoại quan và các kho ngoại quan này rất quan trọng. Khi hàng hóa cần kiểm hóa thì phải qua bãi container đó để soi hải quan. Nhưng nay cấm các xe tải trên 15 tấn đi qua đoạn đường này thì thực sự khó khăn cho tất cả các lĩnh vực".      

Theo Hiệp hội vận tải Hải Phòng, nếu cấm xe trên 15 tấn lưu thông thì cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp này phải ngừng hoạt động vì xuất hiện những khó khăn mới. Đơn cử như Công ty CP vận tải & TM Xuân Trường Hai, doanh nghiệp có 2 kho cho thuê hàng dài hạn tại số 783 và 687 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, lượng hàng gửi lên đến 20.000 tấn hàng các loại, nếu không cho xe lưu thông và cho lấy hàng, trả hàng thì chủ hàng phạt hợp đồng, rút hợp đồng, vậy là thiệt hại về kinh tế.  

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho hơn 100 đối tác vận tải, nếu đoạn đường bị cấm thì không biết doanh nghiệp sẽ xoay sở ra sao, đó là chưa kể doanh nghiệp có hàng trăm xe container đang nằm trong bãi của công ty.

Một vấn đề khác được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện quá cao, nếu lưu thông trên tuyến đường này doanh nghiệp không có lãi thậm chí còn thua lỗ.            
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tuy nhanh, an toàn nhưng phí thu cao khiến các doanh nghiệp vận tải phải tăng chi phí.           

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng chia sẻ:          "Lô hàng anh không tăng cước thì chi phí đội lên, lãi suất anh không còn. Các doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp cuối cùng là đi đường 5 cũ. Biết là đường 5 mới rất đẹp, an toàn, nhanh thì giảm chi phí về nhiên liệu... Nhưng hiện nay tất cả các chi phí giảm đó không bù lại phí đang thu. Quan điểm của Hiệp hội là làm sao Nhà nước có chính sách với nhà thầu và các công ty đường cao tốc có điều chỉnh một mức thu, mức phí nào đó phù hợp với các đường lân cận".

Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp chở hàng theo tuyến đường cao tốc thì khoảng cách từ lối rẽ đường cao tốc đến các khu công nghiệp dọc quốc lộ 5 mất thêm trung bình là 30 km cả đi và về. Như vậy, thời gian, xăng dầu cũng không giảm so với đi quốc lộ 5, đó là chưa kể liệu các tuyến đường tỉnh lộ có bị quá tải về tải trọng cầu đường hay không.

Một vấn đề khác, Trung tâm máy soi container của Cục hải quan Hải Phòng nhằm mục đích kiểm soát hàng xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Hải Phòng cũng nằm trong khu vực cấm đường. Điều đó dẫn đến tình trạng hàng lậu, gian lận thương mại, thậm chí là hàng cấm sẽ khó được kiểm soát chặt chẽ.       
Chủ trương tạm cấm đường 5 đoạn qua nội thành Hải Phòng để tạo điều kiện cho đơn vị thi công cải tạo, sửa chữa mặt đường 5 là chủ trương đúng, hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông khu vực nội thành Hải Phòng. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kinh doanh kho bãi Hải Phòng mong muốn Bộ GTVT, UBND thành phố Hải Phòng, Sở GTVT xem xét việc phân luồng nên lui lại để các doanh nghiệp vận tải thương thảo với chủ hàng điều chỉnh mức giá cước vận tải cho phù hợp với mức phí thu trên đường cao tốc.

Đồng thời, nên giảm mức phí thu trên đường cao tốc sao cho bằng mức thu phí trên đường 5 đối với xe tải trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ đi Hà Nội trong suốt thời gian phân luồng sửa chữa. Có như vậy, các doanh nghiệp vận tải Hải Phòng mới có thể tránh được những thiệt hại về kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.

(Đông Bắc - Báo điện tử VOV 16/12/2015)

14.          Điều chỉnh lệnh cấm đường, hơn 1.000 DN ‘thở phào’

Sở GTVT TP Hải Phòng vừa ra thông báo gửi các doanh nghiệp vận tải phương án phân luồng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tôn Đức Thắng như sau: Cấm xe ô tô tải trên 15 tấn lưu thông (trừ các xe có bãi đỗ trong khu vực đường cấm, xe vào trạm soi).

Xe ô tô tải từ 15 tấn trở xuống, xe khách, xe con, xe máy, xe đạp được phép lưu thông. Chiều đường không thi công: Cho phép các loại ô tô, xe đạp, xe máy lưu thông.

Đối với các tuyến đường khác trên trục đường từ ngã tư Đình Vũ tới Quán Toan: Cấm các loại xe trên 13 tấn lưu thông hai chiều từ 5 giờ đến 22 giờ.        

Các phương tiện vận tải trên 15 tấn lưu thông trong thời gian cấm đường đi theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Từ 22 giờ đến 5 giờ, các phương tiện vận tải đi theo lộ trình đường Hà Nội - Bạch Đằng - Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu.    

Sở GTVT TP Hải Phòng cũng đề nghị Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - đơn vị đang quản lý, thu phí cả tuyến đường QL5 và đường cao tốc mới Hải Phòng - Hà Nội) báo cáo Bộ Tài chính, Bộ GTVT hoãn thu phí đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đoạn từ Đình Vũ đến QL10 trong thời gian phân luồng phục vụ thi công QL5. Điều này để tạo điều kiện thuận lợi cũng như giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hải Phòng. Phía Vidifi sẽ có lộ trình tăng phí QL5 và đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội để các doanh nghiệp vận tải hàng hóa có thời gian đàm phán với các chủ hàng điều chỉnh giá cho phù hợp.

Thông báo này đã làm cho các doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm.          
Trước đó, ngày 12-12, Pháp Luật TP.HCM đưa thông tin: Hơn 1.000 doanh nghiệp vận tải, kinh doanh kho, bãi có nguy cơ tê liệt vì thông báo cấm đường của Bộ GTVT trên tuyến đường từ cảng Đình Vũ (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) ra đến ngã tư Quán Toan (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng). Theo đó, các xe tải trên 15 tấn sẽ phải đi từ cảng Đình Vũ đi theo đường cao tốc mới đến ngày 25-2-1016 để sửa chữa tuyến đường này. Các doanh nghiệp đóng trên trục đường bị cấm phản đối quyết liệt vì cấm như thế sẽ làm họ bị thiệt hại nặng nề...

(Tuyền Đặng - Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh 16/12/2015)

GIÁO DUC - ĐÀO TẠO

15.          Tập trung xây dựng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 khẳng định quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng Duyên hải Bắc bộ, hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại. Để đạt mục tiêu tổng thể của thành phố giai đoạn 2015-2020, thành phố cần xây dựng lộ trình, cách làm, giải pháp cụ thể xây dựng nguồn nhân lực y tế trình độ cao, tay nghề giỏi, giàu y đức.       

Thành phố Hải Phòng sau 30 năm đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn, đáng tự hào. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng ở mức cao, với GDP tăng bình quân hơn 11%/năm, gấp 1,5 lần mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng nâng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp, quy mô nền kinh tế thành phố phát triển mạnh. Đứng trước những thuận lợi đó, để phát triển thành phố theo hướng lâu dài và bền vững, ngày càng đặt ra những nhiệm vụ và thách thức lớn cho Hải Phòng, một trong số đó là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.        

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng Hải Phòng hiện trong tình trạng “khan hiếm” nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu cả “thầy giỏi” và “thợ giỏi” trong tất cả ngành, lĩnh vực, trong đó có cả ngành y tế. Cụ thể, Hải Phòng đang đối mặt với một số thách thức về nhân lực y tế như: thiếu nhân lực y tế cả về chất lượng và số lượng; phân bố nhân lực không đồng đều giữa các tuyến cấp thành phố và các tuyến cơ sở quận, huyện, nhất là các huyện đảo. Nhu cầu nhân lực y tế của thành phố ngày càng tăng do phát triển dân số, phát triển kinh tế, mở rộng bảo hiểm y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung, khám chữa bệnh nói riêng của người dân ngày càng cao, hệ thống y tế tư nhân phát triển với sự ra đời của một số bệnh viện lớn, có chính sách đãi ngộ tốt thu hút một lực lượng nhân lực có tay nghề, có chất lượng cao từ các bệnh viện công lập chuyển dịch sang. Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực y học, đòi hỏi các cán bộ y tế phải thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, số cán bộ y tế có khả năng này ở Hải Phòng không nhiều, do hạn chế về khả năng ngoại ngữ và một số nguyên nhân khác.    

Mặc dù thành phố quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ các cán bộ y tế từ tuyến xã - huyện - thành phố học tập, nâng cao trình độ, tuy nhiên còn gặp một số khó khăn như việc bố trí, sắp xếp lực lượng thường trực tại đơn vị để các cán bộ đi học. Nhiều trạm y tế xã chỉ được phân bổ 1 y sĩ, do đó việc học tập nâng cao trình độ trong thời gian dài sẽ khó khăn. Ở một số bệnh viện tuyến huyện, giám đốc kiêm quản lý nhiều khoa chuyên môn, kiêm công tác điều trị. Tình trạng quá tải xảy ra tại một số bệnh viện như Bệnh viện Hữu nghị Việt- Tiệp, Bệnh viện đa khoa Kiến An, áp lực công việc lớn gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ đi học. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế chưa có sự gắn kết với việc quy hoạch và sử dụng cán bộ sau khi đào tạo, cũng như quyền lợi của người đi học, do đó ảnh hưởng nhiều đến chính sách khuyến khích học tập nâng cao trình độ. Nhiều cán bộ sau khi được cử đi đào tạo trong và ngoài nước chưa được đãi ngộ và sử dụng thỏa đáng, dẫn đến tình trạng chuyển công tác sang khu vực bệnh viện tư hoặc đi làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương…

Những thách thức nêu trên đòi hỏi công tác đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao đóng vai trò quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành y tế nói riêng, phát triển bền vững thành phố Hải Phòng nói chung.  
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng Duyên hải Bắc bộ, trước hết thành phố cần xây dựng quy hoạch tổng thể về việc đào tạo, sử dụng, quản lý đội ngũ nhân lực y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, cần đánh giá thực trạng nguồn nhân lực của thành phố và quy hoạch trong tương lai, đặc biệt ban hành các chính sách đãi ngộ khuyến khích người đi học, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm đặc thù riêng đối với ngành y tế. Cần bổ sung biên chế cho các tuyến y tế cơ sở để bảo đảm tỷ lệ y, bác sĩ/người dân; có chính sách và kế hoạch tuyển dụng những bác sĩ giỏi được đào tạo bài bản về làm việc tại tuyến y tế cấp huyện. Đặc biệt, quan tâm nhân lực y tế biển đảo, do điều kiện địa bàn rộng lớn, di chuyển khó khăn, việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân tại các huyện đảo gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, bố trí ngân sách dành riêng cho công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực y tế, lập kế hoạch, theo dõi, giám sát các cán bộ đi học, bảo đảm sau khi hoàn thành khóa học phải trở về thành phố đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói riêng và xây dựng thành phố Hải Phòng nói chung.           

Thành phố tập trung nguồn lực dành cho phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao của thế giới, chuyển giao kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực y học về Hải Phòng, góp phần nâng cao tay nghề cho các cán bộ y tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng môi trường làm việc tốt để đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao, có tay nghề giỏi được đào tạo ở trong và ngoài nước của thành phố hoặc đến từ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, có cơ hội thể hiện mình, cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Đặc biệt quan tâm và có cơ chế gắn kết, tạo điều kiện thuận lợi cho Trường đại học Y Dược Hải Phòng phát triển thành nơi đào tạo nhiều ngành, nhiều cấp về y -dược đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, trở thành trung tâm khoa học y - dược học, là địa chỉ uy tín, chất lượng của thành phố, vùng, trong cả nước và quốc tế. 

Để góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Hải Phòng xứng đáng là trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ, đáp ứng nhu cầu và bảo đảm quyền được chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân thành phố và vùng, trong thời gian tới Trường đại học Y Dược Hải Phòng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:     
Thứ nhất, để có nguồn nhân lực y tế chất lượng cao trong thời gian tới, nhà trường tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo những cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, giỏi cả tay nghề, kiến thức thực hành, thực tế, có ngoại ngữ tốt đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, có phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy tích cực cho sinh viên, học viên và luôn là tấm gương sáng về đạo đức người giảng viên, y đức của người thầy thuốc để sinh viên học tập và noi theo.           

Thứ hai, tăng cường các trang thiết bị, vật liệu dạy học cho các phòng thực tập, labo nghiên cứu, như trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu dược liệu biển. Thường xuyên, rà soát các trang thiết bị dạy học tại giảng đường thuộc trường và các khu giảng đường thuộc các bệnh viện thực hành. Tận dụng các nguồn vốn đầu tư, viện trợ từ các chương trình, dự án của các tổ chức nước ngoài, để nâng cấp trang bị, mua sắm thêm các thiết bị mới, góp phần đổi mới và hiện đại hóa phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng cho giảng viên. Phát huy hiệu quả công nghệ thông tin trong việc tiếp cận của giảng viên, sinh viên, học viên với các thành tựu, phát minh trong lĩnh vực y học trên phạm vi quốc tế.           

Thứ ba, đầu tư và sử dụng các kỹ thuật khoa học tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị vào hoạt động thường quy của bệnh viện trường để phát huy vai trò của bệnh viện trường trong công tác đào tạo. Áp dụng các kỹ thuật mới, đặc biệt là các kỹ thuật thăm dò, kỹ thuật sinh học, nhằm hiện đại hóa bệnh viện trường, tiến tới phát triển bệnh viện nhà trường trở thành cơ sở khám chữa bệnh uy tín trong thành phố và khu vực, đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trong học tập và nghiên cứu của sinh viên, học viên.       

Thứ tư, tập trung mọi nguồn lực phát triển đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành y - dược kỹ thuật cao cho Hải Phòng. Xây dựng các kế hoạch, tầm nhìn chiến lược phục vụ sự phát triển của thành phố, có nghiên cứu đánh giá về cơ cấu bệnh tật của thành phố. Từ đó xây dựng chương trình đào tạo các chuyên ngành phù hợp nhu cầu xã hội của Hải Phòng. Cập nhật những công nghệ mới, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị cho người bệnh, kèm theo đó là đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện các gói kỹ thuật đó và hệ thống máy móc, các trang thiết bị hỗ trợ, để Hải Phòng trở thành một trung tâm y tế công nghệ cao uy tín, thậm chí đi đầu trong cả nước về một số phương pháp được áp dụng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân thành phố nói riêng và vùng Duyên hải Bắc Bộ nói chung.       

Thứ năm, chú trọng nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực y học biển và dược liệu biển. Trường đại học Y Dược Hải Phòng là cơ sở đào tạo đi đầu trong cả nước đào tạo, nghiên cứu, phát triển chuyên ngành y học biển - đảo phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ đối với lao động biển và nhân dân sống ở ven biển, hải đảo. Lĩnh vực đào tạo dược sĩ lâm sàng và nghiên cứu về dược liệu biển cũng là một trong những hoạt động mang tính đặc thù của nhà trường hiện nay. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ quan tâm thực hiện các dự án đầu tư, nghiên cứu các loại cây, con sinh sống trong môi trường biển để phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu; tập trung phát triển Trung tâm Dược liệu biển trở thành Viện nghiên cứu Dược liệu biển, là nơi tham gia đầy đủ vào quá trình nghiên cứu, bào chế và sản xuất dược phẩm từ cây, con dưới biển. Đây là điểm sáng đi đầu trong cả nước góp phần xây dựng Hải Phòng xứng đáng là trung tâm y tế của vùng.           

Thứ sáu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo hướng hội nhập và có thế mạnh của nhà trường; ký kết hợp tác bền vững song phương với các trường đại học thuộc các quốc gia có nền y học phát triển trên thế giới, đẩy mạnh công tác đón tiếp, điều phối việc giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm của các giáo sư nước ngoài với các đồng nghiệp và sinh viên, học viên Trường đại học Y Dược Hải Phòng; tập trung xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển chiến lược về hợp tác quốc tế của nhà trường và thường xuyên cập nhật bổ sung hằng năm. Chủ động đăng cai các hội nghị khoa học quốc tế, tầm cỡ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới; thông qua các hội nghị khoa học đó, góp phần không chỉ khẳng định vị thế của Trường đại học Y Dược Hải Phòng, mà còn nâng cao vị thế thành phố Hải Phòng trong nước và quốc tế.

(Nhà giáo nhân dân, GS-TS Phạm Văn Thức (Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Hải Phòng) - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

16.          Sân chơi bổ ích cho những người yêu tiếng Hàn

Cuộc thi tiếng Hàn lần thứ nhất - Hải Phòng 2015 đã khép lại, ngôi vị quán quân cũng đã dành cho người xứng đáng nhất. Nhưng dư âm về một sân chơi chuyên nghiệp, bổ ích vẫn còn đọng lại. 

Vạn sự khởi đầu nan     

Không giống như các cuộc thi vô địch tiếng Anh, tiếng Nhật đã được tổ chức thường niên tại Hải Phòng, đây là lần đầu tiên Cuộc thi tiếng Hàn được tổ chức. Việc khó nhất của ban tổ chức (BTC) là tìm kiếm, tuyển chọn thí sinh vì hiện nay tại Hải Phòng rất ít người học tiếng Hàn và còn rất hiếm những khóa học, lớp học tiếng Hàn thực sự bài bản, chất lượng cao.  

Nguồn thí sinh chủ yếu trông đợi vào những người lao động tại các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn thành phố. Thời gian tổ chức cuộc thi lại gấp gáp, tính từ thời điểm phát động cuộc thi đến vòng chung kết chỉ vẻn vẹn hơn 1 tháng.

Trong lúc đây lại là dịp cuối năm, đúng vào thời điểm các doanh nghiệp đang thời kỳ nước rút để cán đích hoàn thành kế hoạch lao động sản xuất nên các thí sinh không có nhiều thời gian để đầu tư cho cuộc thi.         

Thành công hơn mong đợi         

Được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của Hội người Hàn tại Hải Phòng, của các đơn vị tài trợ nên Cuộc thi tiếng Hàn lần thứ nhất - Hải Phòng 2015 với chủ đề “Nối dài nhịp cầu hữu nghị” đã thu hút được đông đảo người tham gia, đặc biệt là những bạn trẻ có đam mê. Qua vòng sơ khảo, BTC đã tìm ra được 5 thí sinh xuất sắc tham dự vòng chung kết. Tại vòng thi này, các thí sinh đã chinh phục được Ban giám khảo và khán giả bằng kỹ năng hùng biện tiếng Hàn khá tốt với vốn kiến thức rộng về văn hóa, đất nước, con người Hàn Quốc, cũng như mảnh đất, con người Hải Phòng, về mối quan hệ hữu nghị, hợp tác hai bên…          
Với bài dự thi xuất sắc về chủ đề “Những thiên thần của gia đình đa văn hóa - nhịp cầu kết nối hữu nghị”, thí sinh Lê Thị Thúy Hoa đến từ Công ty Dong Yang đã xứng đáng dành chức quán quân và nhận giải thưởng là 1 chuyến du lịch Hàn Quốc trị giá 25 triệu đồng.

Trao đổi với Thúy Hoa sau cuộc thi, em cho biết: “Đến với cuộc thi lần đầu, lại là người đầu tiên trình bày bài dự thi nên em rất lo lắng, nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo từ mọi khâu của BTC đã giúp em tự tin hơn. Để hoàn thành được bài dự thi như hôm nay, em đã phải trao đổi thực tế rất nhiều với những người bạn của em đang sinh sống tại Hàn Quốc và tìm hiểu qua các trang thông tin của nước bạn. Đặc biệt, em còn nhận được nhiều sự ủng hộ, đóng góp xây dựng ý kiến của các lãnh đạo nhà máy nơi em làm việc”.

Qua vòng thi chung kết cho thấy chất lượng thí sinh khá cao. Thí sinh tham gia diễn thuyết, vấn đáp tương đối tự tin và hiểu biết. Mỗi thí sinh với vốn hiểu biết và thế mạnh riêng đã mang đến vòng thi chung kết cuộc thi năm nay phần tranh tài gay cấn, hấp dẫn, thu hút được sự cổ vũ nhiệt tình của mọi tầng lớp tham dự, chinh phục được cả những vị giám khảo khó tính đến từ “xứ kim chi”. Bà Phạm Thanh Mai - Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế - Sở Ngoại vụ Hải Phòng cho biết: “Ban giám khảo cuộc thi là những người đại diện cho Hội người Hàn tại Hải Phòng đã đánh giá cao về những bài dự thi có chuyên môn, chất lượng tốt của các thí sinh và đặc biệt ngạc nhiên, vui mừng vì đã có những bạn trẻ của thành phố lại yêu Hàn Quốc đến thế”.     

Vượt lên tầm một cuộc thi ngoại ngữ      

Được biết, hiện nay Hàn Quốc là nước đứng thứ 2 về đầu tư tại Hải Phòng. Số lượng các công ty Hàn Quốc đến với Hải Phòng được ví như một làn sóng và tiêu biểu là sự đầu tư lớn của Tập đoàn LG. Vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động biết tiếng Hàn là rất lớn. Trong khi đó nhân lực tiếng Hàn của thành phố còn mỏng, các trung tâm, các điểm, lớp dạy tiếng Hàn ở Hải Phòng phần lớn mang tính tự phát, chưa có hệ thống, bài bản.         
Do đó đến với cuộc thi, các thí sinh không chỉ được học hỏi kinh nghiệm, trau dồi vốn ngôn ngữ, hiểu biết mà còn có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp Hàn Quốc với mức lương cao hàng nghìn USD mỗi tháng. Từ đó mỗi cá nhân tham gia cuộc thi sẽ có nhiều đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng học tập, trở thành những hạt nhân nòng cốt, thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ tại thành phố, gỡ bỏ rào cản về ngôn ngữ, góp phần tăng cường sự hiểu biết, mối giao lưu văn hóa, quan hệ hữu nghị, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế.    

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuân - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Cuộc thi tiếng Hàn lần thứ nhất - Hải Phòng 2015 là hình thức giao lưu văn hóa Việt - Hàn, Hải Phòng - Hàn Quốc, từ đó sẽ nâng đỡ và tạo điều kiện phát triển bền vững về ngoại giao kinh tế. Các đơn vị, các nhà trợ Hàn Quốc rất cảm ơn thành phố Hải Phòng đã tổ chức cuộc thi và mong muốn sẽ được tổ chức thường niên trong những năm tới với quy mô lớn, chuyên nghiệp, “rộn rã” như sự đầu tư từ phía Hàn Quốc tại thành phố”.

(Xuân Hạ - An ninh Hải Phòng 16/12/2015)

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

17.          Xây dựng đường giao thông nông thôn tại Huyện Thủy Nguyên: Làm hết khả năng, chú trọng chất lượng

Từ tháng 8 đến nay, dù khó khăn về vật liệu xây dựng, song nhân dân, chính quyền các xã trên địa bàn huyện Thủy Nguyên gấp rút hoàn thành xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn theo đề án hỗ trợ xi măng của thành phố. Phấn đấu đến hết năm 2015, 100% các xã  trên địa bàn huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí đường giao thông  nông thôn mới. 

Cát, đá khan hàng làm chậm tiến độ 

Năm 2015, xã Trung Hà đăng ký xây dựng 8,6km đường thôn, xóm và nội đồng theo đề án hỗ trợ xi măng của thành phố. Theo dự kiến ban đầu, đến đầu tháng 12-2015 địa phương hoàn thành xây dựng. Tuy nhiên, đến nay, xã mới hoàn thành 70% kế hoạch. Cũng như Trung Hà, tiến độ xây dựng các tuyến đường ở các địa phương khác trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đều chậm so với kế hoạch. Theo phản ánh của các địa phương, nguyên nhân chính của tình trạng này do nguồn cung cát, đá làm đường không đủ. 

Chia sẻ tình trạng này, Quyền trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trịnh Trọng cho biết, khi có chương trình hỗ trợ xi măng xây đường giao thông của thành phố, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đăng ký tham gia. Sau khi có quyết định phê duyệt của thành phố, từ tháng 8-2015, các địa phương đều đồng loạt triển khai xây dựng. Vào  thời điểm này, tính trung bình một ngày, trên địa bàn huyện cần 1500 mét khối đá để phục vụ xây dựng đường. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng trên thị trường tăng cao vào dịp cuối năm. Do đó, tình trạng khan nguồn cung về đá, cát để xây đường là điều dễ hiểu. Cũng vì thế giá vật liệu này cũng tăng. Cụ thể, đá tăng từ 230.000 đồng m3 tăng 250.000 đồng/m3; cát tăng từ 320.000 đồng/m3 tăng 360.000 đồng/m3. Có thời điểm, phải sang Quảng Ninh để lấy vật liệu về xây dựng.

Không chỉ khan hiếm cát, đá, vào thời điểm này, còn thiếu cả máy trộn bê tông và nhân công. Chính vì thế, tiến độ xây dựng đường giao thông trên địa bàn huyện bị chậm so với kế hoạch. Theo kế hoạch, trong năm 2015, cả 3 đợt các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đăng ký nhận hơn 63.000 tấn xi măng để xây dựng 460km đường giao thông các loại. Nhưng do ảnh hưởng nguồn cung vật liệu nên kế hoạch này khó hoàn thành.

Tập trung thi công bảo đảm chất lượng 

Theo ông Nguyễn Trịnh Trọng, trước tình trạng nêu trên, thay vì thúc giục các địa phương triển khai bảo đảm kế hoạch, huyện Thủy Nguyên khuyến khích làm hết “tầm”, khả năng của mỗi địa phương, chú trọng bảo đảm chất lượng các công trình. UBND huyện, các địa phương  chỉ đạo các đơn vị cung cấp vật liệu trên địa bàn sớm có phương án bảo đảm nguồn cung để các địa phương thực hiện. Riêng tình trạng  khan hiếm máy trộn bê tông đến nay cơ bản được khắc phục. Ngoài ra, theo quy định, để hỗ trợ các địa phương xây dựng đường, huyện hỗ trợ các địa phương 50% kinh phí cát, đá xây đường thôn, xóm và 100% kinh phí cát, đá xây đường nội đồng. Khi giá vật liệu tăng, huyện điều chỉnh hạn mức giao cho các địa phương sát giá thị trường, giảm bớt áp lực đóng góp cho các hộ dân. Chính vì thế, tuy khó khăn song nhân dân, chính quyền các địa phương không bị động, tiếp tục dồn lực thực hiện xây dựng các tuyến đường. 

Phó chủ tịch UBND xã Cao Nhân Nguyễn Đình Hách cho biết, đợt 2 năm 2015, xã đăng ký làm 75 tuyến đường (khoảng 12km) với hơn 14.000 tấn xi măng hỗ trợ. Đến nay, địa phương hoàn thiện 70% tuyến đường và đang tiếp tục hoàn thiện 30 hồ sơ để triển khai thi công. Thời gian qua, giá vật liệu, nhân công trộn bê tông tăng khiến đóng góp của người dân tăng, nhưng không vì thế nhân dân “ngại” tham gia. Tại xã Lưu Kiếm, nhân dân và chính quyền địa phương cũng đang gấp rút hoàn thành 3.598m đường thôn xóm và 4741m đường nội đồng còn lại. Ông Lê Sinh, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiếm cho biết, hoàn thành xong các tuyến đường này, gần 100% các tuyến đường thôn, xóm, nội đồng trên địa bàn xã được bê tông, cứng hóa, giúp địa phương hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn mới. 

(Minh Châm - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

18.          Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại quận Dương Kinh: Xuống cấp nghiêm trọng

Do không được quan tâm đầu tư, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: kênh mương tưới tiêu, đường giao thông nội đồng… một số phường trên địa bàn quận Dương Kinh xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.

Hạ tầng phục vụ sản xuất xuống cấp 

Từ xã lên phường cách đây đã 8 năm, nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của phường Đa Phúc ổn định, với hơn 340 ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng chậm, người dân không mặn mà với đồng ruộng, do hệ thống mương máng phục vụ tưới tiêu xuống cấp. Trạm bơm Đồng Xi cung cấp nước cho 50 ha trồng lúa của Tổ dân phố Phúc Hải, được xây dựng từ những năm 1970, đã lâu chưa được cải tạo, không phát huy hiệu quả cung cấp nước phục sản xuất. Bà Nguyễn Thị Thủy, người dân ở đây chia sẻ, trạm bơm xuống cấp, mương máng bồi lắng không được nạo vét, năng suất lúa giảm đáng kể. Trước gia đình bà cấy hơn 3 sào, vụ nào cũng thu hơn 2 tạ/sào. Nhưng nay, chỉ thu hơn một tạ/sào. 

Cùng với hệ thống thủy lợi xuống cấp, nhiều tuyến đường nội đồng trên địa bàn phường Đa Phúc chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Đường Trống Quảng Luận dài 1,5km, phục vụ hơn 500 hộ sản xuất nông nghiệp, nhưng mặt đường hẹp, xuống cấp. Dù thành phố có cơ chế hỗ trợ xi măng, song do chi phí lớn, việc cải tạo tuyến đường chưa được triển khai. Ông Trần Văn Quyết, Tổ dân phố Quảng Luận cho biết, hiện gia đình canh tác gần 10 sào ruộng, nhưng đường ra đồng nhỏ hẹp, máy làm đất, máy tuốt lúa không vào được; khi thu hoạch người dân phải gánh lúa lên đường lớn, rồi vận chuyển về nhà tốn nhiều công sức. 

Cũng như phường Đa Phúc, phường Hòa Nghĩa còn hơn 540 ha đất trồng lúa, song hệ thống mương máng mới kiên cố hóa gần 2km, nhiều đoạn mương sạt lở, ảnh hưởng cung cấp nước cho sản xuất. Trong đợt mưa kéo dài giữa tháng 7- 2015, phường có nhiều ha lúa bị ngập úng, giảm năng suất. Cùng với hệ thống thủy lợi xuống cấp, kéo theo gần 50ha đất canh tác bị bỏ hoang vì thiếu nước. 

Cần áp dụng cơ chế đặc thù 

Phó chủ tịch UBND phường Hòa Nghĩa Trần Văn Bằng, băn khoăn, từ ngày địa phương lên phường, kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hầu như không có. Trong khi nông dân phải bỏ ra nhiều chi phí như mua vật tư, giống, thuê nhân công, nhưng một sào ruộng được mùa cũng chỉ lấy công làm lãi được hai, ba trăm nghìn đồng, vì thế nhiều người “chán ruộng”. Trong năm 2015, quận Dương Kinh được thành phố hỗ trợ xi măng xây dựng đường thông nội đồng phục vụ sản xuất và đường trong khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay phường, tổ dân phố chủ yếu vận động nhân dân làm đường bê tông trong khu dân cư. Các tuyến đường giao thông nội đồng chưa triển khai được nhiều. Để khuyến khích người dân tích cực canh tác, phường mong muốn nhận được sự hỗ trợ như các xã xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quan tâm hỗ trợ cải tạo nâng cấp các tuyến kênh, mương, bảo đảm cấp, thoát nước phục vụ sản xuất. Mặt khác, cho phép và hỗ trợ địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đối với diện tích khó cấp nước. Có như vậy, mới huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia cứng hóa các tuyến đường nội đồng phục vụ đi lại thuận tiện hơn. 

Theo Trưởng Phòng Kinh tế quận Dương Kinh Nguyễn Văn Thạnh, thời gian tới quận phối hợp các địa phương rà soát, đánh giá lại năng lực nhu cầu sử dụng thực tế, từ đó đề ra chương trình nâng cấp và hoàn chỉnh các công trình thủy lợi phục vụ hoạt động sản xuất. Tập trung huy động nhân dân nạo vét, đào đắp kênh mương thủy lợi nội đồng để trữ nước, cũng như tiêu úng kịp thời khi có mưa, lụt xảy ra. Ngành Nông nghiệp –PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp về giống, chuyển giao KHKT, nâng cao hiệu quả canh tác đất nông nghiệp. Dù trở thành đô thị, song quận Dương Kinh còn nhiều đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế các phường. Vì thế, địa phương mong muốn được hưởng các chính sách ưu tiên của nhà nước từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để cải thiện, nâng cao chất lượng sản xuất, từ đó nâng cao đời sống nhân dân. 

(Văn Cường - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

KINH TẾ

19.          Xây dựng công trình xanh: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Xây dựng công trình xanh, tiết kiệm năng lượng được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp (DN). Theo đó, DN vừa có thể tiết kiệm chi phí cho nhu cầu tiêu dùng năng lượng, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN chưa thật sự quan tâm vấn đề này. 

Theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), công trình xanh là công trình sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường. 

Lợi ích công trình xanh mang lại có ý nghĩa là vậy, nhưng theo thống kê, đến nay, trên địa bàn thành phố mới có 12 công trình áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, trong đó có 7 công trình văn phòng và 5 công trình công cộng, quá ít so với số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Lý giải về tình trạng này, theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Vũ Hữu Thành; do đầu tư ban đầu cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng thường cao hơn so với các giải pháp sử dụng năng lượng truyền thống. Trong khi đó, nhận thức của DN về vấn đề tiết kiệm năng lượng chưa đầy đủ. Phần lớn, DN ưu tiêu chi phí đầu tư, lợi nhuận cao rồi mới xét đến các vấn đề khác. Trong khi đó, cơ quan quản lý thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư xây dựng công trình xanh. Nguồn vốn vay ở lãi suất thấp dành riêng cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, xây dựng công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng hạn chế, thiếu các chế tài xử lý các trường hợp sử dụng năng lượng lãng phí. Được biết, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà và hộ dân chiếm 30% tổng lượng tiêu thụ điện năng của cả thành phố. Với thực tế trên, việc khuyến khích các chủ đầu tư, doanh nghiệp tham gia các công trình xây dựng áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng thực sự cần thiết. 

Tại Hải Phòng, tòa nhà TD Plaza (Thùy Dương Plaza) là một trong số ít công trình xây dựng áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp tiết giảm điện trước tiên tập trung áp dụng cho hệ thống điều hòa không khí, thông gió, hệ thống chiếu sáng và thang máy. Tại khối nhà 9, tầng, hệ thống điều hòa được lắp đặt có hiệu suất năng lượng (COP) gần bằng 4, tiết kiệm điện đến 29% so với các loại máy theo thiết kế cũ. Mặc dù chi phí đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng ban đầu lớn, nhưng bù lại, DN tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện năng. Với việc  tích hợp biến tần điều khiển cho bơm thứ cấp trong khâu phân phối lạnh từ 2 cụm máy tổng đến các máy điều hòa bố trí khắp nơi bên trong,  tòa nhà TD Plaza tiết giảm lượng điện tiêu thụ khoảng hơn 314 kWh/bơm/năm. 

Tiết kiệm chi phí cho việc tiêu thụ, tiêu hao điện năng là lợi ích kinh tế thấy rõ nhất ở công trình xanh. Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (Sở Công Thương): 12 công trình áp dụng giải pháp tiết kiệm năng tại Hải Phòng, tiết kiệm được hơn 2 triệu Kwh/năm, tương được gần 3,77 tỷ đồng/ năm. Đây là cơ sở, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư công trình xây dựng cân nhắc, lựa chọn phương án tiết kiệm năng lượng. Để đẩy mạnh việc triển khai công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, thành phố quan tâm áp dụng cơ chế ưu đãi về nguồn đầu tư như nguồn vốn, thuế với các giải pháp công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức để các cấp, ngành và người dân tích cực tham gia; các ngành phối hợp chính quyền địa phương trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn từ khâu lập, thẩm định đến phê duyệt, thực hiện dự án.

 (Nguyên Mai - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

20.          Hải quan Hải Phòng thu ngân sách 42.406 tỷ đồng

Lãnh đạo Phòng Thuế XNK, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hết ngày 14-12, số thu toàn Cục đạt 42.406 tỷ đồng, số thu cao nhất của Cục từ trước đến nay.      

Với kết quả trên, Hải quan Hải Phòng thu vượt chỉ tiêu dự toán 406 tỷ đồng (chỉ tiêu dự toán cả năm 2015 là 42.000 tỷ đồng).           

Số thu đến ngày 14-12, cũng vượt 153 tỷ đồng so với số thu của cả năm 2014 (cả năm 2014 đạt 40.253 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện nay đơn vị vẫn đang dồn lực để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu 46.000 tỷ đồng.    
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phấn đấu, Hải quan Hải Phòng yêu cầu toàn thể CBCC thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm “Tận tình hướng dẫn - Thái độ lịch sự - Tác phong nhanh nhẹn” tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.           

Tăng cường truyền, hỗ trợ, động viên, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với nhà nước.            Đẩy mạnh công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế, giải quyết dứt điểm các khoản nợ, không để phát sinh nợ đọng mới; kiểm soát chặt chẽ số thu nộp ngân sách nhà nước, tránh bỏ sót nguồn thu, tích cực đề ra các biện pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu nộp ngân sách; tăng cường, rà soát giải quyết dứt điểm công việc, hồ sơ tồn đọng.                  
Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại tại đơn vị trên cơ sở đánh giá rủi ro, dấu hiệu gian lận thương mại có khả năng gây thất thu thuế đã được nhận diện. Tập trung kiểm soát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp, đặc biệt là các lô hàng có thuế suất cao, trị giá lớn, tần suất lớn...        

Đặc biệt, 4 chi cục hải quan cửa khẩu ở Hải Phòng gồm: Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I, II, III và Đình Vũ thực hiện làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật theo chủ trương của Tổng cục Hải quan để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách.

(Báo Hải quan 16/12/2015)

21.          Doanh nghiệp với việc phát triển nhà ở xã hội: Vừa làm vừa ngóng

Sau 5 năm qua thực hiện các chính sách về phát triển nhà ở xã hội (NOXH) theo Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của HĐND thành phố về chương trình phát triển NOXH đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, đến nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chưa mặn mà tham gia. Theo đó quỹ NOXH đưa ra thị trường còn hạn chế. 

Mới có 1/7 dự án hoàn thành 

Trên địa bàn thành phố, một số doanh nghiệp (DN) chủ động tham gia, đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển NOXH của thành phố, đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ. Trong đó có các DN: Công ty CP Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng, Công ty TNHH  PRUKSA Việt  Nam, Công ty CP Đầu tư Hồng Bàng, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đầu tư Xây dựng SCV Sài Gòn, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng PG, Công ty CP Xây dựng Phát triển nhà và Công ty TNHH Bình Khánh. Đây là những DN đầu tiên lập dự án tham gia chương trình phát triển NOXH theo tinh thần Nghị quyết 22 của HĐND thành phố.

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, đến đầu tháng 12 năm nay, toàn thành phố có 7 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp với tổng số 5.300 căn hộ. Trong 7 dự án này, hiện tại, duy nhất dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng là khu chung cư Bắc Sơn (quận Kiến An ) với 464 căn hộ, đạt 15% chỉ tiêu đề ra. 3 dự án chưa khởi công tại khu đô thị mới phường Đằng Hải, khu chung cư phường Cát Bi (quận Hải An), khu chung cư PG (huyện An Dương); 3 dự án đang xây dựng tại khu đô thị Hùng Vương (quận Hồng Bàng), khu chung cư Trường Sơn (huyện  An Lão ) và khu nhà ở An Đồng (huyện An Dương), với tổng số 3.953 căn hộ.

Lý giải về tình trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, các DN đều có sự chuẩn bị đầy đủ trong kế hoạch đầu tư, nhưng do ảnh hưởng từ việc thị trường bất động sản “đóng băng” kéo dài trong những năm qua tác động trực tiếp đến tiến độ đầu tư các dự án phát triển nhà ở nói chung và dự án nhà ở thu nhập thấp nói riêng. Vì vậy mới có tình trạng chủ đầu tư vừa làm vừa trông chừng diễn biến thị trường. Mặc dù  số lượng sản phẩm hoàn thành còn thấp, nhưng kết quả đầu tư từ dự án khu chung cư Bắc Sơn góp phần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống với những thành công bước đầu. 

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Thị trường bất động sản ấm lên cùng với các chính sách hỗ trợ đối với cả DN và người tiêu dùng của Chính phủ, đang là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 22. Tuy nhiên, ngoài những khó khăn vĩ mô, thực tế triển khai thực hiện các cơ chế chính sách phát triển NOXH nói chung và nhà ở thu nhập thấp nói riêng tại Hải Phòng gặp không ít khó khăn. Trước hết, đó là quỹ đất để phát triển dự án. 

Đại diện một số DN cho biết, theo quy định tại Nghị định 71/2010 của Chính phủ, quỹ đất xây dựng NOXH do UBND cấp tỉnh (thành phố) xem xét quyết định theo nhu cầu của địa phương, các dự án phát triển nhà ở có quy mô hơn 10ha có trách nhiệm dành 20% diện tích xây dựng nhà ở để đầu tư xây dựng NOXH. Trong khi đó, hầu hết các dự án phát triển nhà ở và đô thị tại Hải Phòng được phê duyệt trước năm 2010, không thể sử dụng 20% diện tích đất xây dựng nhà ở tại các dự án này để xây dựng NOXH. Quỹ đất để xây dựng NOXH hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình khai thác và phương án kinh doanh của các chủ đầu tư. Cùng với đó là địa điểm xây dựng còn nhiều điểm đáng bàn như: Trong đô thị hiện tại, việc khai thác các địa điểm thuận lợi gần trung tâm để làm dự án NOXH không khả thi vì chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn. Nếu phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất để có mặt bằng khu trung tâm, giá thành căn hộ không bảo đảm mức giá quy định đối với NOXH là dưới 15 triệu đồng/m2. 

Bên cạnh đó, phương án khai thác các địa điểm xa trung tâm đô thị có thể bảo đảm chi phí giá thành, nhưng lại khó tiêu thụ hơn trên thị trường, có nhiều rủi ro và không hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó theo quy định, các dự án nhà ở thu nhập thấp được miễn 100% tiền sử dụng đất để giảm giá thành, nhưng thực tế các dự án nhà ở thu nhập thấp vẫn phải gánh chịu khoản chi phí đền bù GPMB, vì thế giá thành căn hộ khó hạ thấp. Mặt khác, chính sách ưu đãi về tín dụng còn bất cập, điều kiện vay vốn từ ngân hàng rất khó thực hiện đối với người được vay, đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà không thể vay được tiền ngân hàng theo chính sách ưu đãi đối với nhà ở thu nhập thấp. 

Những vướng mắc từ thực tế triển khai thời gian qua cần được các cấp, ngành chức năng tiếp tục tháo gỡ để chương trình phát triển NOXH giai đoạn tiếp theo, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân, như vậy mới có thể thu hút ngày càng nhiều DN tham gia chương trình nhiều ý nghĩa này. 

(Quốc Khánh - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

22.          Quận Hồng Bàng: Giá trị sản xuát công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng 8,3%

Năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của quận Hồng Bàng ước đạt 233 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái.Sản xuất công nghiệp-TTCN trên địa bàn quận tiếp tục đà phục hồi: công nghiệp chế biến, ché tạo tăng trưởng khá; có thêm nhiều DN, hộ kinh doanh được thảnh lập, đi vào hoạt động đóng góp vào sự tăng trưởng giá trí sản xuất công nghiệp-TTCN của quận. 

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

23.          “Săn” mặt bằng cho thuê Vincom Shophouse Hải Phòng

Sau đợt sóng mở bán Vincom Shophouse Hải Phòng hồi đầu tháng 9/2015, thị trường bất động sản thành phố cảng lại bước vào cơn sốt mới khi nhu cầu thuê mặt bằng dự án này ngày một tăng, mở ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

“Cơn sóng” shophouse Hải Phòng          

Thị trường tăng nhiệt, giao dịch cũng có xu hướng tăng vọt. Tất cả nhờ sự xuất hiện của một mô hình bất động sản “lạ mà quen” đối với người dân Hải Phòng – mô hình nhà phố thương mại Vincom Shophouse. 
Dù mới ra mắt thị trường nhưng dự án nhà phố thương mại Vincom Shophouse Hải Phòng lại khá “được lòng” giới đầu tư. Lý giải cho hiện tượng này, ông NQB, đại diện đơn vị đang phân phối dự án Vincom Shophouse Hải Phòng cho biết, khu nhà phố thương mại đầu tiên tại thành phố này sở hữu những ưu điểm vượt trội nh vị trí đắc địa, hạ tầng đồng bộ, công năng sử dụng tối ưu và là sản phẩm của chủ đầu tư uy tín Vingroup. Bởi vậy, dự án mang lại tiềm năng thương mại lớn và tính thanh khoản cao. Trong những ngày gần đây, khi các căn shophouse bắt đầu được bàn giao theo tiến độ cam kết, nhu cầu tìm mua hoặc thuê lại mặt bằng thương mại cũng tăng đột biến. Trên thị trường thứ cấp, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều căn Vincom Shophouse đã được giao dịch chênh đến vài trăm triệu đồng so với mức giá chủ đầu tư mở bán. Giới đầu tư bất động sản lại tiếp tục săn lùng nhà phố thương mại Vincom Shophouse Hải Phòng đã tạo nên một cơn sóng mới trên thị trường bất động sản thành phố.

Săn lùng mặt bằng cho thuê      

Nhận định về cơn sốt mặt bằng tại Vincom Shophouse Hải Phòng, ông NQB cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu về mặt bằng kinh doanh đẹp tại thị trường Hải Phòng lớn trong khi nguồn cung tương đối hạn chế. Hiện tại Vincom Shophouse Hải Phòng là dự án tiên phong giải quyết bài toán này.   
“Người Hải Phòng khá nhanh nhạy với các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Thấy cơ hội tốt là họ làm luôn. Ở dự án này cũng vậy, khi nhiều người không thể mua được nhà do số lượng hạn chế thì họ quay sang tìm thuê mặt bằng ngay”, ông NQB nói.

Vợ chồng anh Tú, chủ một phòng khám có tiếng tại Hà Nội từng có ý định mua 2 căn liền nhau tại dự án Vincom Shophouse Hải Phòng để mở phòng khám cao cấp. Tuy nhiên, chỉ vì chậm chân, vợ chồng anh không chọn được căn nào phù hợp nên phải mua sang tên 01 căn và thuê 01 căn bên cạnh tại khu Phú Gia PG02: “Dự án này nằm trong khu TTTM hiện đại, được quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi rất ưng. Dù không mua được nhưng tôi vẫn muốn mở cơ sở mới tại khu này. Nghe nói nhiều chủ shophouse muốn cho thuê nên vợ chồng tôi liên hệ để thuê lại mặt bằng”, anh Tú cho biết. Theo anh Tú, khoảng vườn đứng ngay trước nhà tạo nên một không gian thư giãn độc đáo, rất phù hợp với ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe của gia đình.

Không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước, Vincom Shophouse Hải Phòng còn được nhiều người nước ngoài tìm thuê do tính ứng dụng linh hoạt: vừa có thể tận hưởng không gian sống tiện nghi vừa có mặt bằng kinh doanh thuận lợi. Ông Phạm Hải Đăng, đại diện Công ty Keller Williams - một trong những công ty tư vấn cho thuê bất động sản hàng đầu thế giới, cho biết chỉ trong hai tuần qua, Keller Williams đã nhận được hàng chục cuộc gọi hỏi thuê mặt bằng tại Vincom Shophouse Hải Phòng, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Hải Phòng tìm thuê nhà ở cho chuyên gia. Đối tượng khách hàng này có tiêu chuẩn khá “khắt khe”, đặc biệt chú trọng đến tiện nghi và an ninh, nhưng bù lại, thời hạn thuê lại dài và “chịu chi” nên được nhiều chủ nhà ưu ái. Theo ông Đăng, tiềm năng của một thị trường năng động, đang phát triển không ngừng sẽ là tín hiệu khả quan cho thị trường mua bán và cho thuê bất động sản tại Hải Phòng.

(Báo Hải Phòng 16/12/2015, An ninh Hải Phòng 16/12/2015, Vân Phương - Báo điện tử VOV 16/12/2015)

24.          Công bố Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng BRG Coastal City

CTCP Du lịch và Thương mại Ngân Anh, thành viên của Tập đoàn BRG vừa công bố, đã hoàn thiện công tác nâng cấp toàn diện Sân golf Đồ Sơn Seaside Golf Resort nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các gôn thủ tại Việt Nam, đồng thời đổi tên sân gôn này thành BRG Ruby Tree Golf Resort. 

BRG Ruby Tree Golf Resort là sân gofl 18 hố tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại khu vực Đồ Sơn (Hải Phòng), đi vào hoạt động từ năm 2008. Không chỉ thay đổi tên thương hiệu và nâng cấp các hạ tầng kỹ thuật của sân, một trong những mục tiêu hàng đầu của sân gôn này là nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, trọng tâm là mang đến nhiều quyền lợi hơn cho các hội viên.    

Công ty cũng công bố Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng BRG Coastal City, với mục tiêu đưa quần thể gôn và du lịch nghỉ dưỡng này trở thành một điểm đến hấp dẫn tại khu vực phía Bắc. Lãnh đạo BRG cho biết, Tập đoàn đang làm việc với Hilton - tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới, để tham gia quản lý phân khu nghỉ dưỡng.

(Báo Đầu tư 16/12/2015)

XÃ HỘI

25.          Đối thoại trực tuyến, giải đáp 35 câu hỏi về bảo hiểm xã hội

Sáng 15-12, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố phối hợp tổ chức phiên đối thoại trực tuyến “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân” trên Cổng thông tin điện tử thành phố.

Lãnh đạo BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện trả lời 35 câu hỏi trong tổng số hàng trăm thắc mắc, băn khoăn của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân được gửi đến cuộc đối thoại về các vấn đề liên quan đến quy định trong thực hiện Luật BHXH năm 2014; trách nhiệm, quyền và lợi ích của các tổ chức, đơn vị, cá nhân khi tham gia BHXH; cải cách hành chính và những điểm mới về giao dịch điện tử; các trường hợp cụ thể, vướng mắc về thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ về BHXH; bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Nguyễn Ngọc Toan cho biết, cuộc đối thoại có ý nghĩa quan trọng nhằm thông tin đến các tầng lớp nhân dân thành phố về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và thành phố về các vấn đề liên quan đến lộ trình tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tửu trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. (Văn Lượng, Báo Hải Phòng 16/12; An ninh Hải Phòng 16/12; Báo Nhân dân 16/12; Báo Pháp luật Việt Nam 16/12)

26.          Tổng kết huấn luyện chiến sĩ mới tại Trung đoàn 50

Sáng 15-12, Trung đoàn 50 (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố) tổ chức tổng kết chương trình huấn luyện chiến sĩ mới đợt 1-2015 và lễ tuyên thệ cho các chiến sĩ mới. 

Đợt 2-2015, Trung đoàn 50 huấn luyện 240 chiến sĩ mới là con em của thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình. Quá trình huấn luyện thực hiện đúng, đủ nội dung, thời gian, duy trì nghiêm chế độ tổ chức hội thi, hội thao, rút kinh nghiệm từng khoa mục. Trung đoàn 50 làm tốt công tác chính trị tư tưởng, 100% số cán bộ, chiến sĩ mới yên tâm công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không có quân nhân vi phạm kỷ luật. Kết quả kiểm tra kết thúc huấn luyện, 100% số chiến sĩ đạt yêu cầu, tỷ lệ đạt khá, giỏi tăng 0,45% so với đợt 1-2015.

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

27.          Quận Lê Chân biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích trong cứu nạn cứu hộ năm 2015

Sáng 15-12, UBND quận Lê Chân tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634 ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Quyết định 1110 ngày 17- 8- 2012, Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ,  phổ biến nội dung Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và tổng kết công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) năm 2015. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình; các đồng chí đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố đến dự.

 5 năm qua (2011-2015), thực hiện Chỉ thị số 1634, quận Lê Chân đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, CNCH; xây dựng, củng cố, nhân rộng các điển hình tiên tiến  trên địa bàn quản lý, không để xảy ra cháy, nổ tại các chợ, TTTM, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ an toàn PCCC các địa bàn, đơn vị trọng điểm, kiềm chế các vụ cháy lớn trên địa bàn;  góp phần  bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung. 

Nhân dịp này, 16 lượt tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC  được các cấp biểu dương, khen thưởng. 

 Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh, các cấp, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác PCCC và CNCH; phải lấy phòng ngừa là chính, nhằm  đẩy lùi nguy cơ cháy, nổ xảy ra. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC. Đặc biệt, lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp luôn đề cao trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chương trình hành động về PCCC và CNCH, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên và quần chúng nhân dân;  bảo đảm an toàn PCCC, giữ vững  ANCT-TTATXH của thành phố.          

(Hồng Thanh - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

28.          Đối thoại trực tuyến, giải đáp 35 câu hỏi về bảo hiểm xã hội

Sáng 15-12, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố phối hợp tổ chức phiên đối thoại trực tuyến “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; hướng tới Bảo hiểm y tế toàn dân” trên Cổng thông tin điện tử thành phố.          
Lãnh đạo BHXH thành phố và BHXH các quận, huyện trả lời 35 câu hỏi trong tổng số hàng trăm thắc mắc, băn khoăn của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân được gửi đến cuộc đối thoại về các vấn đề liên quan đến quy định trong thực hiện Luật BHXH năm 2014; trách nhiệm, quyền và lợi ích của các tổ chức, đơn vị, cá nhân khi tham gia BHXH; cải cách hành chính và những điểm mới về giao dịch điện tử; các trường hợp cụ thể, vướng mắc về thủ tục tham gia và giải quyết các chế độ về BHXH; bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…    
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hải Phòng Nguyễn Ngọc Toan cho biết, cuộc đối thoại có ý nghĩa quan trọng nhằm thông tin đến các tầng lớp nhân dân thành phố về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và thành phố về các vấn đề liên quan đến lộ trình tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tửu trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

(Văn Lượng - Báo Hải Phòng 16/12/2015; An ninh Hải Phòng 16/12/2015; Ngô Quang Dũng – Báo Nhân dân 16/12/2015)

29.          Ấm tình sắc nắng bên sông Cấm

Thong dong trên con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, bà Trần Thị Nghiêm vẫn ngỡ như mình đang trong một giấc mơ khi ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà và các con cháu lại được an cư trên bờ như thế.   
Đến giờ, bà chẳng thể nhớ được mình đã lênh đênh trên thuyền từ năm bao nhiêu tuổi, đã đi bao nhiêu năm nữa. Hết đêm rồi ngày, hết ngày đến đêm, thời gian trôi đi vô định bên những phận đời mong manh, sa cơ như bà. Quẩn quanh trên chiếc thuyền nhỏ, gia đình hai người con trai đi đâu, bà đi theo đấy. Ngày cơm nước, phụ giúp các con bán hàng trên sông, tối cắm sào neo thuyền tiện đâu, đỗ đó, bên những bờ lạch sình lầy của con sông Cấm để nghỉ ngơi, trú ẩn, tránh mưa giông, gió bão. 5-6 người chen chúc trên thuyền, cái đói, cái nghèo còn đeo đẳng, nói gì đến phim ảnh, ti vi, thế nên bà chẳng biết đến thời gian, điều còn đọng lại trong bà chỉ còn là quê quán ở Hải Dương.       

Ấm áp làng chài

Cuộc sống cực khổ, đói nghèo đeo đẳng, đôi khi còn phải nhịn để dành cho con, cháu ăn trong lúc phong ba bão táp, thuyền cũ nát, ăn cơm cũng phải cúi xuống tát, múc nước đổ ra, không dám đỗ chỗ sóng to mà phải vào ngòi lạch nhỏ trú ẩn… những hình ảnh ấy vẫn ám ảnh bà Nghiêm đến bây giờ. Ngẫm lại, bà rưng rưng: “đúng ra mà nói, mình là người sông nước, theo đuôi con cá, cứ dựa vào bờ sông, bãi sú. Nếu không được các bác ở đây hỗ trợ thì cũng không được trên phường quan tâm vì người ta biết mình ở đâu, có đáng tin không, hay trộm cắp, nghiện hút, quấy rối an ninh trật tự… Không nhờ các bác ở đường thủy nhân đạo bố trí tụ tập về đây, chúng tôi cũng chả bao giờ được ở như thế này. Được các bác giúp đỡ mọi mặt, cuộc sống của chúng tôi đỡ hơn nhiều rồi, sung sướng quá… Chúng tôi rất biết ơn đồng chí Tuệ, các đồng chí trong đội và các cấp, các ngành”.    

Người mà bà nói đến, đó là Trung tá Ngô Minh Tuệ, Phó Thủy đội trưởng Phòng cảnh sát đường thủy, Công an thành phố Hải Phòng. Quả chẳng ngoa khi nói anh là người có công khai sinh ra làng chài khu cống Máy Chai trên sông Cấm (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Anh Tuệ nhớ lại năm 2005, khi được phân công làm trinh sát khu vực này, anh đã thấy các hộ dân sống trên thuyền, nơi những lạch nước từ bao giờ. Đơn vị của anh lúc đó cũng chỉ ở trên một con tàu neo phía bên kia bờ. Ở bên sông, bên bến phà, mỗi lần bão gió ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, anh lại xuống phát áo phao, nhắc các hộ đưa trẻ con lên bờ trú ẩn nhờ. Chẳng đành lòng khi chứng kiến những gia cảnh khốn khó, chấp chới, thường xuyên bị thiên tai đe dọa, chàng trai 31 tuổi đã chủ động đề xuất với chỉ huy và cán bộ lãnh đạo Phòng cảnh sát đường thủy tìm hướng an cư cho các hộ dân mà điểm an cư được anh chọn chính là cái bãi bồi ven bờ lạch bị bỏ hoang này.     

Nhen nhóm ý tưởng tới hơn 6 năm trời, anh mới thực hiện được dự án mà người dân nơi đây gọi là việc làm nhân đạo, phần vì giữa năm 2006 anh chuyển công tác mất gần 2 năm mới trở lại đội, phần do việc làm của anh không chỉ không được người dân sở tại và chính quyền địa phương ủng hộ mà ngay chính các hộ làng chài cũng không đồng tình. Chỉ cho tôi xem những tấm hình vàng vọt anh tự chụp trong tập hồ sơ dày đến nửa gam giấy, những chiếc thuyền nan nhỏ bé được neo trên bãi sình lầy, anh bảo trước người dân chỉ sống trên thuyền như thế. Nhiều nhà còn chẳng nhớ nổi tên con mình, chồng hỏi vợ “em ơi thằng này tên gì?”. 6 năm anh đôn đáo xuôi ngược, lập dự án, hết vận động người dân và chính quyền địa phương, lại lo vận động các hộ thuyền chài lên bờ.         

“Đầu tiên, chính quyền địa phương và người dân trong khu không đồng ý, nhất là doanh nghiệp bên cạnh, họ muốn lấy bãi lầy này nên khi đưa các hộ về đây, chúng tôi không được ủng hộ. Sau nhiều thời gian thuyết phục, vận động, báo chí, các nhà từ thiện về ủng hộ, các hộ dân mới được thế này” – anh Tuệ kể.       
Không được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ, âu cũng là điều dễ hiểu. Là người dân tứ xứ tụ về, công ăn việc làm không ổn định, sinh đẻ không kế hoạch, nhà nào cũng 4-5 con trở lên, thành phần phức tạp, trộm cắp cũng có, đi đâu, người làng chài cũng bị “tẩy chay”, sợ làm mất an ninh trật tự, mất thành tích thi đua của khu phố. Bản thân Trung tá Ngô Minh Tuệ cũng nhận thấy rõ điều này. Nhớ về những ngày cơ hàn của người dân vạn chài, anh cho biết, vì nghèo, vì đói khổ, có những người đã đi cắt dây neo, ăn cắp thiết bị của các phương tiện để bán kiếm lấy miếng cơm qua ngày và bị anh bắt. Thấm thía câu “an cư, lạc nghiệp”, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, an ninh trật tự, phải an cư cho các hộ dân, anh quyết tâm làm bằng được. 

Anh nhớ lại, khi bắt đầu đưa các hộ lên bờ, nước không có, điện thì không, người dân sử dụng luôn nguồn nước dùng để xúc xạc bình ga của nhà máy kế bên, rất mất vệ sinh. Không muốn bị quản lý, không muốn sống bó buộc, thích cuộc sống tự do sông nước, ban đầu rất ít hộ muốn lên bờ, anh buộc phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế, ép các thuyền phải nằm lại khu vực này, ngày người lớn đi làm, trẻ em lên bờ đi học. Anh dùng ảnh hưởng, uy tín của mình đi xin từng món đồ chơi cho trẻ, từng tấm áo, manh quần, từng túi gạo, viên gạch, tấm tôn để hỗ trợ các gia đình. Hết huy động trong đội, anh kêu gọi các tổ chức, cơ quan bên ngoài. Được các nơi quyên góp hỗ trợ tiền mặt, sợ người dân tiêu xài lãng phí, anh lại mua từng cân gạo, gói đường, mỳ chính, từng chai nước mắm, can dầu phát cho các hộ. 

Dần dần từng bước, hộ nọ nhìn hộ kia, nhận thấy lợi ích thiết thân, họ chung tay cùng anh làm đường. Ngày ngày anh đóng từng bao cát, xin từng xe đất đổ làm đường và nền nhà cho người dân. Đến bây giờ, tuổi đã cao, khó để nhớ hết những gì đã diễn ra trong cuộc đời nhưng bà Nghiêm vẫn nhớ mồn một câu chuyện “dựng làng, lập ấp” vài năm trước. Ngày ấy, bãi sình này thụt sâu lút một thân người bà (khoảng 1,5 mét), sức còn khỏe, hàng ngày bà đi chở đò, vớt những cây gỗ chống cảng, chống đò dài tới 1,2m dìu về, bắc từ mép sông nối vào tận khu dân cư. “Các bác đứng lên nhận làm đường, bà con ai cũng sung sướng. Bác Tuệ gọi cát về, đóng vào bao chất lên, chúng tôi già trẻ lớn bé đều tham gia phụ với các bác” – bà Nghiêm hào hứng.         
“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”, qua nhiều năm đổ, đắp, năm 2012, hình hài con đường bê-tông dài tới 100 mét và một làng chài trên bờ với những mái nhà tôn nho nhỏ thay cho con thuyền mỏng manh, dần hiện hữu. Sóng to, gió lớn, tàu bè ra vào nhiều, khó sống bằng nghề đánh bắt ven sông, nhiều người đã lên bờ làm thủy sản, da giày, kinh tế đỡ chật vật và dần có tích cóp, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, ít phải trông chờ đến sự trợ giúp của xã hội. Gia đình hai con trai bà Nghiêm có vẻ như khá giả nhất trong số 22 hộ neo về an cư nơi con lạch này. Cũng tivi, tủ lạnh, xe máy, bàn ghế, giường tủ đàng hoàng. Do chưa được chính quyền địa phương công nhận nên tất cả 22 hộ vẫn phải sống trong những căn nhà tạm quây tôn nhưng quy củ, gọn gàng chẳng khác nào một khu dân cư trong phố xá. Thủy đội của anh cũng quyết định chuyển về đây để quản lý các hộ dân tốt hơn. Nhờ sự kêu gọi của anh Tuệ, đến nay, người dân nơi đây đã có nước sạch để dùng, cuộc sống văn minh hơn.           

Trong số 76 khẩu của 22 hộ ngày đó, hơn chục trẻ trong độ tuổi đã được lên bờ đi học. Để cho bọn trẻ được đi học cũng không phải là điều dễ dàng. Anh phải can thiệp với chính quyền địa phương, làm hồ sơ xin xác nhận hộ nghèo cho các gia đình rồi mới can thiệp trường học để cho trẻ tới lớp. Việc làm của anh đã khiến người dân thay đổi hẳn nhận thức. Từ chỗ không coi trọng việc học hành, đến giờ, các gia đình đều mong cho con được đi học. 3 năm trước, đã có 2 cháu đỗ đại học, niềm vui ấy khiến nhiều người dân làng chài rơi nước mắt. Để an ủi, anh Tuệ cùng đồng đội bỏ tiền túi ra thưởng cho các cháu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, một cháu đi học được 2 năm đã phải rời ghế giảng đường dù anh vận động lên xuống nhiều lần.            
Không phải lo cảnh “sống vô gia cư, chết vô địa táng”, đó là niềm ao ước của bao đời người dân làng chài, nhất là những người sắp nhắm mắt, xuôi tay. Do quan niệm mê tín, người dân địa phương tối kỵ việc cho người chết ở dưới làng chài lên bờ. Thế nên, sống đã khổ, nằm xuống cũng chẳng sung sướng gì. Những người làng chài mất thường phải đóng thuyền, kéo về quê hoặc đi nơi khác, đến cái bát hương cũng không được yên lành, một cơn sóng làm nghiêng thuyền có thể làm bát hương lật úp. Ông Lý – một người dân làng chài khu cống Máy Chai chỉ có một tâm nguyện duy nhất cuối đời mình, đó là làm sao chết có bát hương trên bờ. Con đường nối vào trong xóm hoàn thành được 2 tháng rưỡi thì ông chết. Đám tang của ông có sự xót thương, chia sẻ của người dân làng chài nhưng thiếu sự đồng cảm của người dân địa phương, họ không cho đưa thi hài ông đi qua khu dân cư, anh Tuệ và chính quyền xã lại phải xuống tận nơi vận động nhân dân cho đi nhờ để đưa ông trở về quê.

Màu sắc phục cảnh sát đường thủy như ánh nắng nhẹ mang tình cảm ấm áp về với làng chài. Tôi hỏi, “anh có nhận đỡ đầu cháu nào trong làng không?”, anh cười “tất cả, ở phường vẫn trêu xóm này toàn con ông Tuệ”! Anh thuộc làu gia cảnh của từng hộ trong làng. Thấy anh, người dân kéo bằng được vào uống chén nước, hỏi han dăm câu chuyện. Chị Nguyễn Thị Phượng tâm sự “20 năm sống lang thang sông nước trôi dạt, mấy bác đi đường sông thấy bọn em nghèo khổ bảo vào đây cắm cái lều lên cho trẻ con đi học, biết cái chữ, bọn em mừng lắm. Hai cái Tết được ở trên bờ yên ổn, gia đình đoàn tụ, con cái không phải đi gửi”.  

Với bà Nghiêm, bà chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình lại có hậu đến thế, nếu không nhờ Trung tá Ngô Minh Tuệ và các đồng đội của anh, chắc hẳn bà đã không có được cuộc sống như hôm nay. Không thể diễn tả hết tấm lòng của mình, bà Nghiêm thực thà “cám ơn thì nói thực là cứ để trong bụng ghi nhớ những người giúp mình được lên bờ. Sung sướng vô cùng không gì bằng. Các bác làm việc cho Đảng, Nhà nước nhưng có tấm lòng cao cả, nhân hậu… Tôi già rồi, không làm gì được, chỉ biết bảo ban con cháu sống đoàn kết, giữ gìn yên ấm, an ninh trật tự”. Hộ bà Nghiêm là một trong 4 hộ may mắn đã được đăng ký tạm trú tại phường Máy Chai này. Các hộ dân khác do không còn giấy tờ tùy thân, không nhớ quê quán nên vẫn chưa được nhập cư.
Nhiệt huyết là vậy, song cũng có lúc Trung tá Ngô Minh Tuệ không tránh khỏi tâm tư. Việc làm của anh, không phải ai cũng hiểu, có người nói “ông này hấp”, “thích thể hiện”, người trong đơn vị còn không đồng tình, trách anh không lo cho anh em, chỉ đi lo việc đâu đâu. Dù rằng giờ đây, người dân đã yên tâm lạc nghiệp nhưng trong anh vẫn còn nhiều điều trăn trở. Người dân vẫn chưa có điện lưới để dùng, phải mua lại của các hộ và doanh nghiệp trên địa bàn. Vệ sinh môi trường không đảm bảo. Là lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy nhưng Thủy đội kiêm cả công việc của chính quyền, đó là quản lý các hộ dân làng chài, mọi việc khó khăn của dân, anh và đồng đội phải xắn tay giải quyết.     

“Cái tầm chúng tôi chỉ biết tạo điều kiện đến đó. Đã đưa vào đây thì liên quan đến chính quyền địa phương là phải thực hiện biện pháp an sinh cho người dân chứ bọn tôi cũng chỉ đưa vào đây là hết quyền. Nhưng nay chuyển giao giữa đường thủy và đường bộ chưa có, chúng tôi và lực lượng biên phòng vẫn đang quản lý” – giọng anh trùng xuống.   

Khắc tinh của tội phạm  

Không ai nghĩ một khắc tinh của tội phạm như anh lại rất hiền trước một câu bông đùa của ai đó. Trong anh có một trái tim nhân hậu và một ý chí sắt đá, cứng rắn, chẳng tội phạm ranh ma nào khiến anh dừng bước. Những câu chuyện anh kể chẳng khác nào một bộ phim hành động.         
Dọc tuyến sông Cấm trước đây, có rất nhiều băng, ổ nhóm trộm cắp, cướp bóc hung hãn. Những tên thủy tặc chẳng khác gì đặc công nước, leo qua mạn những con tàu cao đến 4 - 5 mét lên boong để trộm cắp tài sản, cắt những dây cáp to bằng bắp tay. Điển hình là băng nhóm của Sơn “vổ” (tức Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1977, ở bờ đê Bến Bính, huyện Thủy Nguyên). Chúng khá tinh vi, thường bố trí đàn em quan sát động tĩnh trước khi hành động. Khi có điều kiện, Sơn “vổ” cùng đồng bọn chèo thuyền nan áp sát mạn leo lên boong trộm cắp. Chỉ cần vài phút cắt đứt dây neo, chúng đã lấy được chiếc mỏ neo nặng hàng trăm kg mang đi bán sắt vụn. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng dùng gậy gộc và mái chèo chống cự hoặc nhanh chóng lao xuống sông lặn mất.

Để bắt được Sơn “vổ”, Trung tá Ngô Minh Tuệ phải cho trinh sát phục hàng tháng trời để nắm quy luật hoạt động rồi bài binh, bố trận khiến chúng không kịp trở tay, giữ toàn bộ người và tang vật vừa trộm cắp được.          
Từ năm 2013 đếnnay, anh và đồng đội đã bắt được 3 nhóm trộm cắp, có nhóm phải phục đến 3 tháng mới bắt được. Trung tá Ngô Minh Tuệ cho biết, sông nước mênh mông, tội phạm hoạt động vô cùng tinh vi khiến cho công tác đấu tranh của lực lượng công an không ít khó khăn. Phát hiện dấu vết nhưng không nhanh trí xử lý kịp thời, chúng sẽ nhanh chóng phi tang.           

Quản lý địa bàn không chỉ phức tạp về an ninh trật tự mà an toàn giao thông cũng luôn là vấn đề nóng bỏng, xung đột giữa luồng hàng hải và đường thủy nội địa, trong khi luật lệ mỗi luồng lại khác nhau, bất cập trong điều tiết, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông, anh phải tự học các quy định của Luật hàng hải. Bản thân anh và đồng đội thậm chí nhiều lúc phải làm thay cả công việc của Cảng vụ, khi phân luồng phải ra hướng dẫn trực tiếp cho các tàu. Công việc khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chẳng bao giờ anh nề hà gian khó.

(Chu Thanh Vân - Thông tấn xã Việt Nam 16/12/2015)

30.          Quận Lê Chân: Đẩy mạnh xã hội hóa chống tác PCCC tại địa phương

Sáng 15-12, UBND quận Lê Chân tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Quyết định n 10/QP-TTg ngày 17-8-2012, Quyết đtnh số 44/2012/QP- TTg của Thủ tướng Chính phủ, phổ biến nội dung Chỉ thị số 47-CT/TƯ ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và tổng kết công tác PCCC và CNCH năm 2015. Đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phổ dự hộỉ nghị.

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

31.          TAND quận Hải An: Đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua

Với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ công chức TAND quận Hải AN đã ra sức phấn đấu, phát huy mọi  nguồn lực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 đã đề ra. 
Năm 2015, TAND quận Hải An đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước theo lời dạy của Bác Hồ; lãnh đạo đơn vị thường xuyên kiêm tra thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

(Báo Công lý 16/12/2015)

32.          Kiểm tra 80 đơn vị về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Đó là số liệu đưa ra tại cuộc họp “Giao ban cán bộ chủ chốt tham gia công tác phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2015” của Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá thành phố tổ chức vào sáng 11-12. Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố kiểm tra 20 khách sạn, nhà hàng, quán bar; 10 cơ sở kinh doanh thuốc lá; 5 bến xe, nhà ga; 7 công ty tắc-xi; 5 UBND quận, huyện, xã, phường; 8 cơ sở y tế; 10 cơ sở giáo dục; 15 công ty, nhà máy. Qua kiểm tra cho thấy dù có nhiều chuyển biến nhưng công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn gặp khó khăn. Tỷ lệ người hút thuốc có giảm nhưng chưa nhiều, lãnh đạo một số đơn vị chưa tích cực, nghiêm túc thực hiện quy định về phòng, chống thuốc lá... 

Đoàn liên ngành thành phố đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống tác hại thuốc lá các cấp tăng cường kiểm tra và xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực: bày bán và kinh doanh thuốc lá sai quy định; không phổ biến quy định Luật; không treo lắp biển báo cấm tại nơi quy định; hút thuốc tại nơi làm việc và nơi công cộng. Đồng thời tập trung kiểm tra, giám sát những đơn vị thực thi Luật khó khăn như bến xe, nhà hàng khách sạn, cơ sở kinh doanh thuốc lá, phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng.

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

33.          Cục Hải quan Hải Phòng quy định làm th tục hải quan ngoài giờ

Cục Hải quan Hải Phòng vừa ban hành quyết định quy định cụ thể việc làm thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính tại các Chi cục và Đội kiểm tra hàng hóa qua máy soi công-ten-nơ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với hàng hóa là nguyên liệu phục vụ sản xuất, hàng hóa của các dự án đầu tư, hàng hóa xuất khẩu. Đối với các trường hợp đặc biệt, cấp bách thì không giới hạn thời gian làm ngoài giờ và trưởng các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan Hải Phòng phải căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động giải quyết linh hoạt theo thẩm quyền đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

34.          Diễn tập vận hành cơ chế xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn

Sáng 15/12, tại Hải Phòng, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã tổ chức buổi diễn tập vận hành cơ chế xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn. Tham gia diễn tập có lực lượng của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an Hải Phòng), Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền bắc, Hải Phòng Radio, Viện Y học biển Việt Nam...

Tình huống giả định theo kịch bản, tàu hàng Hải Phòng 68 (HP68) trên đường hành trình từ Singapore vào cảng Hải Phòng chở theo 3.000 tấn giấy cuộn, trên tàu có 16 thuyền viên xảy ra đâm va với sà lan NĐ 105 chở 800 tấn xi măng với 10 thuyền viên và có khoảng 50 tấn dầu DO đang trên hành trình từ Hải Phòng đi Nam Định.

Vụ tai nạn xảy ra gần khu vực phao số 0 luông Lạch Huyện trong điều kiện thời tiết biển gió đông bắc cấp 5-6 biển động, sóng cao 2,5- 3 m, thủy triều đâng cao. Sà lan NĐ 105 bị mũi tàu HP68  đâm vào phía lái tàu và bị thủng, nước tràn vào và có nguy cơ chìm, 5 thuyền viên đã rơi xuống biển. Tàu HP68 bị móm một phần mũi và thủng 1 lỗ bên mạn phải, nước tràn vào làm tàu bị nghiêng, tàu bị hỏng máy chính, có 3 thuyền viên bị thương...

Nhận được tin báo, trực ban Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện việc xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn, thông tin về vụ tai nạn được chuyển đi nhanh và chính xác nhất đến các đơn vị chức năng liên quan.

Đến 10h20 phút, cuộc diễn tập kết thúc, lực lượng tham gia đã bám sát nội dung kịch bản của tình huống giả định. Nạn nhân trên tàu HP 68 đã được sơ cứu kịp thời, tìm thấy và cứu vớt 5 thuyền viên rơi xuống biển của tàu NĐ 105, lượng dầu tràn cũng được thu gop vào thiết bị chuyên dụng, các phao quây đã được thu lại và cuộc diễn tập đã hoàn thành.

Chỉ đạo tại buổi diễn tập, ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phát biểu, diễn tập xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn là một mục tiêu quan trọng trong tìm kiếm cứu nạn. Sự phối hợp hiểu quả giữa các lực lượng sẽ tìm và cứu được người và phương tiện nhanh hơn.

(Hoàng Long - Báo điện tử atgt.vn 16/12/2015)

35.          Xã hội hóa dụng cụ xét nghiệm Sàng lọc sơ sinh: Tạo cơ hội để nhiều trẻ tiếp cận

Sàng lọc sơ sinh (SLSS) giúp phát hiện sớm 3 bệnh ở trẻ ngay khi trẻ vừa chào đời là: suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận, thiếu men G6PD. Với các bệnh này, nếu được can thiệp kịp thời, trẻ sẽ phát triển bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên hiện nay, việc sàng lọc còn gặp khó khăn do thiếu mẫu thẻ xét nghiệm vốn được cung cấp miễn phí.

Muốn sàng lọc cũng khó

Đề án SLSS triển khai tại Hải Phòng từ năm 2007 với 10 quận, huyện, 180 xã, phường, thị trấn tham gia. Năm 2012, UBND thành phố phê duyệt thực hiện đề án giai đoạn 2010-2015 và đến nay có 14 quận, huyện với 223 xã, phường, thị trấn triển khai. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số-KHHGĐ, trong các năm từ 2011 đến 2014, toàn thành phố có 11.802 trẻ được làm xét nghiệm SLSS, qua đó phát hiện 628 trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD, 5 trường hợp suy giáp trạng bẩm sinh. Hải Phòng có thuận lợi qua 7 năm thực hiện đề án, công tác tuyên truyền thực hiện tốt nên ý thức của nhiều bà mẹ mang thai, nhiều gia đình chuẩn bị đón con chào đời đã được nâng lên. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế lấy máu gót chân trẻ làm xét nghiệm cũng được triển khai rộng khắp tại các bệnh viện, cơ sở y tế tham gia với đội ngũ gần 400 người.
Tuy nhiên đến năm 2015, chương trình SLSS không tiếp tục thực hiện được trên toàn thành phố, nguyên nhân chính là do thiếu mẫu thẻ xét nghiệm. Do đó nhiều người dân có nhu cầu nhưng không thể SLSS cho con dù rất muốn. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Hương Giang, ở phường Bắc Sơn (quận Kiến An) vừa sinh con đầu lòng cuối tháng 10 tại Bệnh viện đa khoa Kiến An. Trước và sau khi sinh ở bệnh viện, chị không thấy các bác sĩ khoa sản tư vấn về SLSS. Chị Giang cho biết: "Tôi rất mong có thể làm xét nghiệm cho con. Nếu cháu bình thường là điều tuyệt vời nhất, còn nếu phát hiện ra bệnh thì sẽ biết sớm để có cách chăm sóc, điều trị phù hợp". Qua tìm hiểu được biết bệnh viện Kiến An không tham gia chương trình SLSS.   
Nhưng ngay cả bệnh viện có tham gia chương trình SLSS như bệnh viện đa khoa huyện An Dương, sản phụ có nhu cầu làm xét nghiệm sàng lọc cho con cũng không thể thực hiện được. Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện An Dương cho biết, các năm 2013, 2014, khoa sản bệnh viện tổ chức tư vấn cho 2000 lượt bà mẹ mang thai về SLSS, lấy máu gót chân 1.342 trẻ gửi đi làm xét nghiệm. Qua đó phát hiện 34 trường hợp có bệnh lý. Năm 2015, bệnh viện không có mẫu thẻ làm xét nghiệm nên trẻ sinh ra không có cơ hội sàng lọc bệnh tật ngay từ khi vừa chào đời. Việc không có mẫu thẻ xét nghiệm cũng khiến cho quá trình tuyên truyền thực hiện đề án giảm hiệu quả bởi khi người dân đã có ý thức thực hiện sàng lọc cho con thì muốn thực hiện cũng khó.         

Cần thiết xã hội hóa      

Trưởng phòng Truyền thông Chi cục Dân số-KHHGĐ Lê Thị Mây cho biết, theo chương trình của đề án SLSS, mẫu thẻ xét nghiệm lấy máu gót chân của trẻ tại khu vực phía bắc do Trung tâm chẩn đoán trước sinh (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cung cấp. Thẻ xét nghiệm là điều kiện bắt buộc phải có vì trên thẻ lưu giữ các thông tin về trẻ, gia đình trẻ. Trong đó, phần quan trọng nhất là chỗ thấm 3 giọt máu lấy ở gót chân trẻ trong vòng từ 48 đến 72 giờ sau khi sinh để làm xét nghiệm. Năm 2015 thành phố Hải Phòng không thực hiện được sáng lọc sơ sinh do không nhận được mẫu thẻ xét nghiệm do Trung tâm chẩn đoán trước sinh cung cấp. Theo bà Lê Thị Mây mẫu thẻ xét nghiệm là miễn phí nên có hạn, các đơn vị tham gia SLSS không chủ động được. Trước nhu cầu của các gia đình mong muốn sàng lọc cho con để phát hiện bệnh ngay từ khi vừa chào đời mà không phụ thuộc vào mẫu xét nghiệm miễn phí của đề án, cần xã hội hóa chương trình sàng lọc để những gia đình có nhu cầu trả tiền. Việc mua mẫu thẻ thấm máu, phí xét nghiệm 250.000 đồng/lần 3 bệnh, công lấy máu gót chân, tư vấn bà mẹ,        phong bì, tem thư... tổng cộng sơ bộ báo giá dịch vụ SLSS là 286.450 đồng/trường hợp, song chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế để thực hiện.      

Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ, Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Quang Ngọc cho biết: Để chương trình SLSS tiếp tục được triển khai góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm nguy cơ bệnh tật, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ cao mắc 3 bệnh thông qua SLSS có thể phát hiện sớm, cần có các biện pháp tích cực hơn như: khuyến khích các bệnh viện tư chuyên về sản khoa tham gia chương trình; tiến tới đưa quy trình SLSS thành yêu cầu bắt buộc trong hệ thống y tế công, đưa các xét nghiệm SLSS vào xét nghiệm thường quy. Từng bước xã hội hóa thu phí SLSS giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và bảo đảm cho sự bền vững của chương trình.

(Phương Nam - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

THỂ THAO

36.          Giải vô địch trẻ đấu kiếm toàn quốc 2015: Hơn 20 kiếm thủ Hải Phòng tham dự

Giải vô địch trẻ đấu kiếm toàn quốc 2015 sẽ được tổ chức vào tuần tới tại Bắc Ninh. Đây là đợt có xát quý báu cho các kiếm thủ trẻ Việt Nam khẳng định đẳng cấp của mình và sẵn sàng cho mục tiêu bước lên sàn đấu giải vô địch toàn quốc năm tới.

Tới giải đấu này, đội tuyển đấu kiếm trẻ Hải Phòng lên đường với đội quân hùng hậu, hơn 20 VĐV. HLV trưởng Đinh Văn Hào cho biết: Đấu kiếm Hải Phòng tham dự đủ các nội dung, các VĐV sẽ được trải nghiệm và thể hiện trình độ của mình sau thời gian dài rèn luyện. Thực tế, đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng năm nay hoàn toàn là các VĐV trẻ, được thi đấu giải vô địch quốc gia 2015 với 1 tấm HCV. Mục tiêu của bộ môn là lấy sân chơi giải vô địch quốc gia 2015 hồi tháng 10 là cữ dượt quan trọng cho các VĐV bước vào giải trẻ năm nay.          

Ngày 19-12, đội tuyển đấu kiếm Hải Phòng lên đường tham dự giải.

(Đỗ Hân - Báo Hải Phòng 16/12/2015)

37.          16 đội tham gia Giải bóng đá lực lượng CSHS

Chiều 15-12, tại trung tâm thể thao Đằng Lâm (quận Hải  An), Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố khai mạc Gìảì bóng đá lực lượng Cảnh sát hình sự Hảỉ Phòng.Tham gia giải có 16 đội bóng, trong đó 14 đội đến từ các đơn vị cảnh sảt hình sự quận, huyện 2 đội bóng khách mời là liên quân các phòng PA81, PA63, PA69, PA71 của Công an thành phô. Các đội bóng được chia làm 4 bảng, thi đấu vòng'tròn 1 lượt để chọn ra 2 đội bóng xuất sắc nhất mỗỉ bảnff tham gỉa vòng tứ két. Gỉải đấu dỉễn ra từ ngày 15-12 đến ngày 8-1-2016. 

(Báo Hải Phòng 16/12/2015)

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố