Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 13/8/2014)
Sáng 12-8, UBND thành phố tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) chương trình MTQG xây dựng NTM thành phố; Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch HĐND thành phố; các Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại, Nguyễn Xuân Bình; Nguyễn Đình Then, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan.
Theo báo cáo BCĐ chương trình MTQG xây dựng NTM thành phố, sau 3 năm xây dựng NTM, Hải Phòng đạt được kết quả bước đầu khả quan. Nổi bật là bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình được hình thành khá đồng bộ; nhận thức của phần lớn cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung chương trình chuyển biến rõ rệt; xác định rõ vai trò chủ thể của người dân nông thôn, trách nhiệm của chính quyền các cấp; xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn thành phố; bộ mặt nông thôn đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện...Những kết quả trên được thể hiện bằng các con số cụ thể. Sau 3 năm, bình quân số tiêu chí NTM toàn thành phố đạt được tăng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19,4 triệu đồng (năm 2011) lên 24,3 triệu đồng/người/năm (năm 2013); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 7,53% (năm 2011) xuống còn 5,57% (năm 2013); 94,5% số dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; hệ thống giao thông được cải tạo nâng cấp, 100% các tuyến đường liên huyện được rải nhựa đạt chuẩn đường cấp 5 đồng bằng, trên 90% đường liên xã được trải nhựa hoặc bê tông đạt chuẩn đường loại A; ...
Qua 3 năm xây dựng NTM, bài học kinh nghiệm thành phố rút ra là quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động sáng tạo, sâu sát, liên tục của cấp ủy, chính quyền; khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân thật sự làm chủ thể; nắm vững mục tiêu và hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí NTM để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân; phát huy cao nguồn lực tại chỗ; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin vào chương trình...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Diền nhấn mạnh: 3 năm qua thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng NTM, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đúc rút nhiều bài học quý trong quá trình thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Từ chỗ lúng túng trong triển khai, Hải Phòng xác định rõ mục tiêu, cách làm, hướng xây dựng NTM. NTM Hải Phòng mang bản sắc của thành phố cảng xanh, có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển. Xây dựng NTM Hải Phòng trở thành phong trào quần chúng, rộng khắp, sôi nổi, mạnh mẽ, khơi dậy được sức sáng tạo, trí tuệ của nhân dân ở cơ sở. Công cuộc xây dựng NTM góp phần củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; tăng cường sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân...Để nâng cao hiệu quả chương trình, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương tổ chức sơ kết, đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những tồn tại do nguyên nhân chủ quan trong quá trình thực hiện. Xây dựng NTM cần được đặt trong tổng thể chung của đất nước, thành phố, do đó, xây dựng NTM phải bám sát nhiệm vụ “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”. Bên cạnh đó cần chú ý làm rõ, sâu sắc hơn nữa bản sắc nông thôn mới Hải Phòng. Các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm ưu tiên đầu tư cho xây dựng NTM, cắt những khoản chi không cần thiết, tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; phấn đấy xây dựng 1 huyện có 1 xã cơ giới hoá đồng bộ 100%...
Nhân dịp này, 4 xã hoàn thành xây dựng NTM năm 2013 gồm Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy); Đông Sơn, Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên); An Hồng (huyện An Dương) được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; UBND thành phố biểu dương 35 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. (Báo Hải Phòng Online 12/8)
Chiều 12-8, đồng chí Lê Văn Thành, Phó bí thư Thành ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thủy Nguyên về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy (khóa 12) về xây dựng và phát triển huyện Thủy Nguyên đến năm 2020; kết quả thực hiện nhiệm vụ KTXH, an ninh- quốc phòng 6 tháng đầu năm 2014; công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện từ đầu nhiệm kỳ 2010- 2015, và việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng các cấp; các nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ, công tác chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ 2015- 2020.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Bùi Thanh Tùng, Ủy viên Thường trực HĐND thành phố; lãnh đạo các Ban và Văn phòng Thành ủy, HĐND, UBND; các sở, ngành thành phố.
Thực hiện Nghị quyết số 19 của BTV Thành ủy ngày 25-10-2004 về “Xây dựng và phát triển huyện Thủy Nguyên đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, huyện Thủy Nguyên đạt được những kết quả bước đầu, với nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 10 năm 2004- 2013 là 16,2%, tăng gấp hai lần so với thời kỳ 1994- 2003. Tổng giá trị sản xuất tăng gấp 4,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 6,3 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiêp- xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp theo Nghị quyết đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 28 của BTV Thành ủy, BTV huyện Thủy Nguyên thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp gồm 5 chi bộ với 45 đảng viên. Sau 4 năm hoạt động, Đảng bộ khối Doanh nghiệp huyện hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ đề ra, vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng tại các doanh nghiệp được tăng cường. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị 10 của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 09 của Ban Tổ chức Trung ương được các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy Thủy Nguyên thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa 11) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, BTV Huyện Thủy Nguyên xác định 15 vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Đến nay, huyện giải quyết dứt điểm 6/15 vấn đề, các vấn đề còn lại cơ bản hoàn thành.
6 tháng đầu năm 2014, tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH, an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt hơn 6000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2013.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Bí thư Thành ủy biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tựu của huyện Thủy Nguyên đạt được trong thời gian qua, đặc biệt tốc độ phát triển kinh tế của huyện có những bước đột phá. Công tác xây dựng Đảng của huyện tạo được sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên. Đồng chí yêu cầu Huyện ủy Thủy Nguyên sớm hoàn thiện báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 của BTV Thành ủy (khóa 12). Thời gian tới, huyện tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng khu đô thị Bắc sông Cấm, quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH của địa phương. Bên cạnh đó, huyện tập trung triển khai Nghị quyết Trung ương 9 (khóa 11); Kết luận số 72 của Bộ Chính trị và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của BTV Thành ủy (khóa 12), làm tốt các khâu chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. (Báo Hải Phòng 13/8, An ninh Hải Phòng 13/8, haiphong.gov.vn 13/8)
Chiều 12-8, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thành phố do đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại Trung tâm thương mại Parkson Hải Phòng.
Phát biểu tại cuộc kiểm tra, đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình nhấn mạnh: Cùng với sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn ai hết mỗi cơ quan, đơn vị cần đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan trong công tác PCCC, từ đó chủ động phòng, chống hiệu quả, tránh những thiệt hại đáng tiếc. Để tăng cường các biện pháp PCCC thời gian tới, đồng chí yêu cầu lãnh đạo đơn vị chủ quản là công ty đầu tư thương mại Thùy Dương, Trung tâm thương mại Parkson Hải Phòng và đơn vị, cá nhân thuê kinh doanh cần phân định cụ thể, rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong công tác này. Đối với Trung tâm thương mại Parkson Hải Phòng, đơn vị cần thường xuyên tổ chức huấn luyện cho lực lượng PCCC cơ sở; chủ động xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy với nhiều tình huống, sát thực tiễn; lắp đặt thêm đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn sự cố; tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC và có kế hoạch khắc phục bảo đảm về PCCC theo đúng quy định, nhất là cần trang bị kỹ năng, hiểu biết cơ bản cho những người làm việc ở trung tâm để ngăn chặn các nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. (Báo Hải Phòng 13/8, An ninh Hải Phòng 13/8)
Ngày 11-8, Huyện ủy Vĩnh Bảo tổ chức hội nghị cán bộ quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị khóa 11; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa 11) tới gần 200 cán bộ chủ chốt của các phòng, ban, đơn vị và 30 xã, thị trấn trên địa bàn. Tại hội nghị, các cán bộ, đảng viên nghe đồng chí Nguyễn Văn Quyn, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo giới thiệu Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, đi sâu vào nội dung sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đánh giá tình hình 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về văn hóa; mục tiêu quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới; đề cương văn kiện trình Đại hội 12 của Đảng, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp; quy chế bầu cử trong Đảng; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm; thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; các công việc quan trọng Bộ chính trị giải quyết từ hội nghị Trung ương lần thứ 8 đến hội nghị Trung ương lần thứ 9 và một số vấn đề quan trọng khác./. (Báo Hải Phòng Online 12/8, An ninh Hải Phòng 13/8)
Tại Trường Chính trị Tô Hiệu, Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa 11) tới hơn 300 cán bộ chủ chốt, báo cáo viên thuộc Đảng bộ Khối.(Báo Hải Phòng 13/8)
Sáng 12-8, Ủy ban kiểm tra Quận ủy Kiến An tổ chức chung kết hội thi “Nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát năm 2014”. Đến dự có đồng chí Lê Vũ Thành, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy.
Vượt qua vòng sơ khảo, 8 đội thi từ 5 phường và 3 cơ quan, đơn vị về tham gia chung kết, gồm: UBKT Đảng phường Văn Đẩu, phường Quán Trữ, phường Đồng Hòa, phường Lãm Hà, phường Tràng Minh, Công an quận, Ban chỉ huy quân sự quận và Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Hải Phòng. Các đội trải qua 3 vòng thi: chào hỏi, nghiệp vụ và năng khiếu. Với sự chuẩn bị chu đáo, các đội thi thể hiện khả năng nắm bắt các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát cũng như việc triển khai thực tế và xử lý các tình huống trong việc thực thi nhiệm vụ tại cơ sở.
Đây là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng; 20 năm Ngày thành lập quận Kiến An./. (Báo Hải Phòng Online 12/8)
Ngày 12-8, 1. Quận ủy Hồng Bàng tổ chức quán triệt NQ hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hàng TW khóa XI. Qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên nắm chắc nội dung, quan điểm của Đảng trong NQTW9 khóa XI về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể chính trị, xã hội (An ninh Hải Phòng 13/8)
Tháng 3-2014, qua công tác nắm tình hình địa bàn, xác minh các nguồn tin do quần chúng cung cấp, trinh sát Đội 4, Phòng PC46 - CATP Hải Phòng phát hiện một nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế do Nguyễn Bảo Anh, sinh 1978, ở số nhà 7 đường ven hồ Lâm Tường, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, cầm đầu. Căn cứ vào tài liệu đã thu thập được, ngày 4-7, Phòng PC46 xác lập chuyên án mang bí số 714H để đấu tranh.
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã làm rõ: Từ tháng 11-2012 đến nay, Nguyễn Bảo Anh đã tự thành lập và mua lại nhiều công ty TNHH trên địa bàn thành phố nhằm tạo vỏ bọc để mua bán hóa đơn GTGT, thu lợi bất chính.
Do vậy, cứ sau khi thành lập hoặc mua lại được doanh nghiệp, Bảo Anh lại thuê người làm giám đốc, trong đó có: Đỗ Anh Văn (sinh 1983, ở khu Trà Khê, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, hiện là thợ sửa xe máy tại cửa hàng Dũng Hiền, ở 147C Ngô Gia Tự, quận Hải An), làm giám đốc Cty TNHH Vũ Khánh, trụ sở tại 202 Lê Lợi, Ngô Quyền; Trần Thị Bích Ngà (sinh 1978, hiện ở 8/7 Lạch Tray, Ngô Quyền, nghiện nặng ma túy, đang được điều trị methadone tại địa phương), làm Giám đốc Cty TNHH thương mại và sản xuất Quang Vinh Phát, trụ sở đặt ngay tại nhà của Bảo Anh ở số 7 đường ven hồ Lâm Tường.
Tiếp đó, Bảo Anh thuê Nguyễn Thị Nhàn, sinh 1985, ở Mỹ Khê, Tự Cường, Tiên Lãng và Vũ Thị Hương, sinh 1989, ở 21A, lô 5/317C Đà Nẵng, làm kế toán cho các công ty trên. Sau đó, Bảo Anh trực tiếp thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời chỉ đạo Nguyễn Thị Nhàn và Vũ Thị Hương cùng bán hóa đơn của các cty trên tại nhà của Bảo Anh cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng với số lượng đặc biệt lớn.
Trong số các đối tượng thường xuyên mua hóa đơn của nhóm Bảo Anh với số lượng lớn có: vợ chồng Lê Công Khởi, Nguyễn Bích Diệp, ở 3/16 Hồ Sen, phường Hàng Kênh, Lê Chân; Nguyễn Thị Sâm, sinh 1987, ở Phú Hải, phường Anh Dũng, Dương Kinh. Nhằm che mắt cơ quan chức năng về các hoạt động phạm tội của mình và đồng bọn, Bảo Anh đã mua hóa đơn khống của đối tượng khác đem giao cho Nhàn viết làm hóa đơn đầu vào rồi đem kê khai báo cáo thuế với cơ quan quản lý thuế sở tại.
Ngày 5-8, sau 30 ngày đấu tranh, Ban chuyên án 714H quyết định phá án. Cùng ngày, lực lượng chuyên án được chia làm nhiều mũi đồng loạt bắt giữ Nguyễn Bảo Anh, Nguyễn Thị Nhàn và Vũ Thị Hương và triệu tập các đối tượng Đỗ Anh Văn, Trần Thị Bích Ngà. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Bảo Anh, trụ sở Cty TNHH Quang Vinh Phát (nơi các đối tượng sử dụng hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT), cơ quan công an đã thu giữ nhiều quyển hóa đơn GTGT của nhiều công ty TNHH (đã sử dụng, chỉ còn lại liên lưu và liên nội bộ), nhiều sổ sách, giấy tờ ghi chép việc mua bán hóa đơn và con dấu công ty, dấu chức danh giám đốc cùng lượng lớn tiền mặt.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội nêu trên. Ngày 11-8, Phòng PC46 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Bảo Anh và Nguyễn Thị Nhàn cùng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn (theo Điều 164a BLHS). Phòng PC46 đang tiếp tục điều tra mở rộng án.
Ngay sáng 11-8, thay mặt lãnh đạo CATP, đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó giám đốc CATP đã đến biểu dương và trao thưởng chiến công CBCS Phòng PC46 vừa lập được. (An ninh Hải Phòng Online 13/8)
Sau khi đánh bố phải nhập viện, nam thanh niên hối hận để lại lá thư tuyệt mệnh rồi treo cổ tự tử…
Mấy ngày nay, người dân thôn Phong Cầu (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) vẫn chưa hết bàng hoàng về việc anh Lương Huy Hoàng (SN 1990) trú trên địa bàn treo cổ tự vẫn chết để lại một người vợ trẻ và một đứa con thơ dại mới hai tuổi và một đứa con vẫn còn trong bụng mẹ.
Sự việc xảy ra vào lúc 16h ngày 5/8, chị Lê Thị Uyên vợ anh Hoàng về nhà không thấy chồng đâu. Linh cảm có chuyện chẳng lành, chị chạy khắp nơi tìm chồng và bàng hoàng phát hiện anh Lương Huy Hoàng treo cổ tự vẫn gần nhà bằng sợi dây nilon vẫn dùng để buộc lúa. Sau đó, chị Uyên chạy ra ngoài ngõ kêu gào thảm thiết và gọi mọi người quanh xóm đến ứng cứu. Người dân gọi bác sĩ đến cấp cứu nhưng anh Hoàng đã tử vong.
Ngay sau khi sự việc trên xảy ra, lực lượng công an xã Đại Đồng cùng công an huyện Kiến Thụy đã có mặt để tiến hành điều tra nguyên nhân. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có một bức thư tuyệt mệnh anh Hoàng để lại với nội dung anh tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình, cảm thấy có lỗi khi gây thương tích cho bố, anh chọn cái chết để giải thoát gánh nặng tinh thần. Trên thi thể anh Hoàng, không có dấu vết của tác động ngoại lực. Cơ quan công an từ đó lấy làm cơ sở để kết luận anh Hoàng đã tự tử. Gia đình không đề nghị giám định pháp y nên thi thể anh Hoàng được giao cho gia đình để tổ chức an táng theo nghi thức của địa phương.
Theo người dân địa phương cho biết, chiều 5/8, họ vẫn thấy anh Hoàng ra cửa hàng tạp hóa để mua một cây bút và đổi bình nước lọc cho gia đình.
Đánh bố vì bố nghiện rượu hay đánh mẹ
Để tìm hiểu vụ việc, chiều ngày 11/8, PV Kiến Thức đã về địa phương. Nói về chuyện gia đình Hoàng, người dân địa phương cho biết, Hoàng lập gia đình nhưng vẫn sống chung với bố mẹ mình là ông Lương Công Nhàng, SN 1962 và bà Tạ Thị Hiền. Kinh tế gia đình Hoàng và bố mẹ không thuộc hàng giàu có nhưng cũng có của ăn của để. Tuy nhiên ông Nhàng lại hay uống rượu nên hay hành hạ, chửi bới, đánh đập vợ con không thương tiếc. Vợ con ông cũng là người giỏi nhẫn nhịn nên vẫn cứ nhắm mắt cho qua.
Người thân Hoàng cho biết, do ông Nhàng uống rượu, nên bà Hiền đã dọn đến ở nhờ một nhà người quen cách nhà mình khoảng hơn 100 mét, sống ly thân với ông Nhàng. Còn vợ chồng anh Hoàng thì vẫn sống chung trên mảnh đất với ông Nhàng như ở nhà dưới. Ngăn cách giữa hai ngôi nhà được dựng tạm bằng một hàng rào bằng gỗ. Ông Nhàng bị vợ con cô lập trong chính ngôi nhà của mình cũng vì thói nghiện rượu của ông gây ra. Khi cả gia đình còn chung sống, mọi người còn khuyên nhủ ông uống ít rượu, nay chẳng còn ai, ông lại ngập chìm vào rượu.
Đầu tháng 8/2014, sau khi đã nhậu say, ông Nhàng đã đi từ phía nhà mình sang bên nhà mà bà Hiền đang ở nhờ, trên tay cầm một cây gậy, định đánh bà Hiền. Thấy có chuyện không hay sắp xảy ra, anh Hoàng đã lao ra ngăn cản ông Nhàng. Hai bố con vật lộn với nhau một lúc. Cuối cùng, sức trẻ của Hoàng đã thắng người bố nát rượu. Tuy nhiên, có thể do hơi quá tay, nên anh Hoàng đã làm ông Nhàng bị thương, phải đi điều trị tại bệnh viện và bà Hiền đi theo để chăm sóc. Từ hôm đó, Hoàng trở nên ít nói, luôn đăm chiêu. Nhưng cả người thân và hàng xóm đều không thể ngờ rằng, chỉ vì suy nghĩ chuyện đã đánh bố mà anh Hoàng lại tiêu cực tìm đến cái chết. (Hải Ninh / Báo điện tử Kiến thức 13/8)
Mỗi xe có trọng tải 15 tấn, thế nhưng “tập đoàn” xe “siêu trường” của Hiệp “gạo” thường xuyên chở quá tải lên tới 50-65 tấn/xe, cày xới đoạn đường đang thi công trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hòng tránh các trạm cân.
Công an đã phát hiện việc Giám đốc Hiệp móc ngoặc, đưa hối lộ để “lót tay” cho các công nhân bảo vệ “làm ngơ” khi xe đi qua. Tuy nhiên, khi bị bắt, Hiệp “gạo” vẫn loanh quanh khai không chính xác về một số thông tin nhân thân cũng như vẫn còn “ba hoa” khoe về “tiềm lực” của mình.
Sự thật về “liên minh bảo kê”
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiện tượng tiêu cực tại các trạm kiểm tra tải trọng xe và hiện tượng ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” thao túng, “bảo kê” xe quá tải đi qua nhiều địa phương. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo Bộ Công an tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tích cực vào cuộc điều tra, chỉ sau thời gian ngắn, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với cục Cảnh sát Hình sự (C45 Bộ Công an) đã phát hiện việc đưa, nhận hối lộ, “bảo kê” cho xe quá tải lộng hành trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Cầm đầu vụ việc này là đối tượng Nhữ Văn Hiệp (còn gọi là Hiệp “gạo”), Giám đốc công ty cổ phần đầu tư thương mại Hiệp Hương, một doanh nghiệp kinh doanh gạo thuộc diện có “máu mặt” ở đất Hải Phòng.
Các đối tượng trong vụ án.
Sau khi xác minh, làm rõ vai trò của các đối tượng, chiều ngày 5/8, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ Nhữ Văn Hiệp về hành vi đưa hối lộ. Ngay sau đó, các mũi công tác cũng đồng loạt triển khai bắt giữ các đối tượng: Nguyễn Hoàng Thắng (SN 1989, trú tại TP.Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Tuấn Hoàng (SN 1993, trú tại huyện Cẩm Khê, Phú Thọ); Hà Nghĩa Hạnh (SN 1955, quê ở huyện Ninh Giang, Hải Dương); Đào Hữu Quân (SN 1980, trú tại huyện Ninh Giang, Hải Dương). Cả năm đối tượng này đều bị bắt khi đang ở nhiều địa điểm khác nhau tại tỉnh Phú Thọ. Khai thác nóng các đối tượng, trong buổi tối cùng ngày, cơ quan điều tra tiếp tục xuống Hải Dương, bắt giữ đối tượng thứ sáu có liên quan đến vụ án. Ngoài đối tượng Hiệp bị bắt khẩn cấp về tội đưa hối lộ thì các đối tượng còn lại bị bắt về hành vi nhận hối lộ. Đây chính là những nhân viên bảo vệ, nhân viên vận hành đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai đoạn đang thi công qua tỉnh Phú Thọ, thuộc công ty LICOGI 18.6 và công ty VEC 08M.
Lời khai ban đầu cho thấy, Nhữ Văn Hiệp làm nghề kinh doanh gạo và thuộc diện doanh nghiệp lớn ở đất Hải Phòng nên có tên là Hiệp “gạo”. Tuyến đường vận chuyển hàng để kinh doanh của Hiệp chủ yếu từ Hải Phòng lên Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Mỗi tháng, Hiệp xuất hàng sang Trung Quốc khoảng 30.000 tấn gạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp của Hiệp chỉ có 6 xe trọng tải lớn nên anh ta phải thuê thêm khoảng trên 100 xe ở các tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc để vận chuyển gạo. Trong đó, mỗi xe có trọng tải cho phép là 15 tấn, thế nhưng Hiệp vẫn ép lái xe chở quá tải lên tới 50-65 tấn/xe và nói rằng, “mọi việc sẽ được xử lý”.
Trong khi đó, khoảng thời gian từ 28/6/2014 đến cuối tháng 7/2014, đoạn đường từ xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đến hết huyện Hạ Hòa, Phú Thọ thuộc cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang được thi công, cấm các phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn thi công và chất lượng công trình đường cao tốc. Mặc dù biết việc này, nhưng để xe chở gạo quá trọng tải của mình tránh các trạm cân, Hiệp đã thông qua một “đàn em” ở Hà Nội để lên Phú Thọ, thỏa thuận, đưa hối lộ cho các nhân viên bảo vệ, nhân viên vận hành đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Ngoài ra, “đệ tử” của Hiệp còn đảm nhận nhiệm vụ đi dẫn đoàn xe chở gạo qua các chốt cầu và ra tín hiệu cho bảo vệ mở rào chắn để đoàn xe của Hiệp được lưu thông. Thời gian xe đi từ 0h30 đến 3h để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Ban đầu, các đối tượng khai, chốt bảo vệ thu 300 nghìn đồng/xe, nhưng có chốt thu phí tới 1 triệu đồng/xe nhưng có chốt thì chỉ thu khoảng 200 nghìn đồng/bảo vệ/lượt mở rào chắn, không cần tính đầu xe là bao nhiêu.
Chân dung Hiệp “gạo”
Được biết, trước khi bị cơ quan điều tra ra lệnh bắt khẩn cấp, Hiệp “gạo” đã bị Công an tỉnh Phú Thọ triệu tập lên lấy lời khai một số lần. Lúc đầu, thái độ của Hiệp khá bình tĩnh, hắn cứ loanh quanh chối tội. Thậm chí, hắn còn khua môi múa mép, khoe rằng, có nhiều mối quan hệ nọ, kia. Thế nhưng, khi các điều tra viên đưa ra chứng cứ, tài liệu xác đáng, Hiệp “gạo” mới chùng giọng, thừa nhận hành vi đưa hối lộ của mình.
Ban đầu, tại cơ quan công an, Hiệp khai hắn tuổi Giáp Dần, tức là sinh năm 1974, tuy nhiên, khi cán bộ điều tra tiến hành xác minh thì thực chất hắn lại sinh năm 1985. Hiệp nói quê Hải Phòng và có nhà ở Hải Phòng nhưng khi xác minh để tiến hành khám xét nơi ở của hắn thì thực tế, hắn quê ở huyện Thanh Miện, Hải Dương và không hề có nhà ở Hải Phòng.
Qua tìm hiểu được biết, Hiệp có vợ ở quê Hải Dương và hiện tại đang “cặp” với một phụ nữ nhà ở Hải Phòng. Thỉnh thoảng, Hiệp thường qua nhà “người yêu” ở. Hiệp khai, nhiều đêm, hắn cũng bí mật bám theo đoàn xe chở gạo của mình từ Hải Phòng lên Lào Cai để giám sát lái xe và nắm bắt tình hình thực tế, từ đó hắn sẽ vạch ra hướng giải quyết “uyển chuyển”.
Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho biết, các nhân viên của đơn vị này bị bắt, gồm: Nguyễn Tuấn Hoàng, SN 1993, thường trú khu 9 Cẩm Khê (Phú Thọ) và Nguyễn Hoàng Thắng, SN 1989, tại khu 5, Hùng Lô, TP. Việt Trì (Phú Thọ), đều là những nhân viên mới được tuyển dụng, vừa hết hạn thử việc, được chuyển về phục vụ công tác vận hành dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo chính sách của VEC là ưu tiên tuyển dụng con em gia đình mất đất do GPMB làm đường cao tốc. (Đời sống & Pháp luật 13/8)
Theo hồ sơ tại cơ quan công an, Lê Bách Hậu, sinh 1985, ở thôn 2, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, cũng có tí “máu mặt” với 2 tiền án. Năm 2008, Hậu bị TAND huyện Thủy Nguyên xử phạt 15 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”. Đến năm 2010, Hậu tiếp tục bị TAND huyện An Dương xử phạt 15 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản” và “Xâm phạm mồ mả”. Tuy nhiên sau khi ra tù, rồi lấy vợ sinh con nhưng hắn vẫn không chí thú lao động…
Vào 11h30 ngày 30-4-2014, Hậu mò sang nhà người cậu là anh Phạm Văn Thuyên, sinh 1971, ở cùng xóm chơi. Trong lúc ngồi uống nước tại bàn kê ngoài sân, Hậu nhìn thấy 1 chiếc ĐTDĐ nhãn hiệu Sony-Xperia màu đen của anh Thuyên để trên bàn gỗ cách bàn uống nước khoảng 50cm. Lợi dụng lúc gia đình anh Thuyên không ai để ý, Hậu nhanh tay lấy chiếc điện thoại đút vào túi quần. Rồi không nói không rằng, Hậu lẳng lặng đứng dậy đi một mạch đến hiệu cầm đồ của anh Lâm Văn Hiệu, ở số 61 Hải Triều, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng. Khi Hậu bán điện thoại, anh Hiệu trả 1 triệu đồng, hắn thấy rẻ quá nên cất điện thoại vào túi quần.
Ngay sau khi bị mất điện thoại, anh Thuyên đã nghi ngờ thằng cháu quý tử vừa lảng vảng qua nên đã phóng xe đi tìm và bắt gặp Hậu đang ở trước cửa hiệu cầm đồ của anh Hiệu. Anh Thuyên gọi nhưng Hậu vội bỏ chạy nên đã hô hoán cùng quần chúng nhân dân bắt giữ. Kiểm tra trong túi quần của Hậu, mọi người phát hiện chiếc điện thoại của anh Thuyên bị mất nên đã đưa Hậu cùng tang vật đến trụ sở CAP Quán Toan lập biên bản. Sau đó, CAP Quán Toan đã bàn giao Hậu cùng tang vật về CAH An Dương giải quyết theo thẩm quyền. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện An Dương đã kết luận chiếc ĐTDĐ Sony Xperia màu đen của anh Thuyên trị giá 4 triệu đồng.
Đã có 2 tiền án chưa được xóa án tích, lại phạm tội do cố ý nên lần phạm tội này của Hậu là “tái phạm nguy hiểm”. Áp dụng điểm c, khoản 2 điều 138-BLHS, ngày 29-7 mới đây, khi đưa vụ án ra xét xử, TAND huyện An Dương đã tuyên phạt Lê Bách Hậu 36 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”. (An ninh Hải Phòng Online 13/8)
Lúc 13 giờ ngày 12-8, tại km 380 QL1A (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), tổ công tác TTKS của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an Thanh Hóa) phát hiên, bắt giữ xe khách BS: 16H 8523 do Lê Đình Vững (SN 1973, ngụ huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) điều khiển, vận chuyển số lượng lớn thuốc kích dục nam và mĩ phẩm không rõ nguồn gốc.
Phương tiện vận chuyển và tang vật
Tổ công tác đã lập biên bản và yêu cầu lái xe đưa số hàng hóa nói trên về Trạm CSGT QL1A để kiểm tra, làm rõ. Bước đầu, thống kê số lượng thuốc kích dục nam là 11.400 viên; gần 500 lọ mỹ phẩm các loại như: kem làm trắng da nhanh, kem chống nám, sữa tắm, thuốc nhuộm tóc
đều có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có giấy tờ hợp pháp. Lực lượng CSGT đã bàn giao số hang hóa nói trên cho Đội QLTT số 9 - Chi cục QLTT Thanh Hóa xử lý.
Theo ông Lê Đăng Thắng Đội phó QLTT số 9, đây là lần đầu tiên Thanh Hóa bắt giữ một lượng lớn thuốc kích dục nam, mỹ phẩm lậu. ( Công An nhân dân 13/8)
Đội Kiểm soát Hải quan, cục Hải quan TP Hải Phòng vừa kiểm tra một container hàng hoá loại 20 feet có nhiều nghi vấn, bên trong là hàng tấn san hô đen quý hiếm. Qua kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện hơn 3,5 tấn san hô đen quý hiếm nhập lậu được che giấu tinh vi bởi hàng tấn rong biển. San hô đen thuộc diện hàng hóa quý hiếm cấm nhập khẩu. (Diễn đàn Doanh nghiệp 13/8)
Trước vấn nạn xe khách "đầu gấu", UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu công an thành phố khẩn trương báo cáo Bộ Công an, Cục C45, Cục C67...phối hợp các tỉnh thành lập chuyên án điều tra lực lượng "xã hội đen" bảo kê, đe dọa, hành hung lái xe trên Quốc lộ 5.
UBND TP Hải Phòng đã có kết luận của Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến những lộn xộn do nạn dùng côn đồ, "xã hội đen" bảo kê, chèo kéo khách, đe dọa hành hung lái xe, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội.
Từ kiến nghị của Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long, một trong những hãng vận tải thường xuyên trở thành nạn nhân của các đối tượng côn đồ, UBND TP Hải Phòng kết luận: Trong thời gian qua, trên tuyến Quốc lộ 5 Hải Phòng - Hà Nội đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp vận tải hành khách cạnh tranh không lành mạnh, dùng lực lượng côn đồ lộng hành, bảo kê, chèo kéo khách, đe dọa, hành hung lái xe các doanh nghiệp khác, ảnh hưởng đến trật tự án toàn giao thông.
Xe khách các hãng nối đuôi nhau trên Quốc lộ 5 nằm chờ cho xe "đầu gấu" vượt lên rồi mới dám chạy thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 5.
Năm 2013, dưới dự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Công an và Sở GTVT các tỉnh, thành phố có tuyến Quốc lộ 5 chạy qua đã vào cuộc xử lý những vi phạm, các doanh nghiệp vận tải hành khách ký Bản cam kết ngày 23/5/2013 chấp hành các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tạo ra chuyển biến tích cực song kết quả đạt được chưa bền vững, có hiện tượng tái diễn, biến tướng tinh vi hơn.
Quan điểm của UBND TP Hải Phòng là kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không cho phép tình trạng côn đồ, xã hội đen trong hoạt động vận tải khách tái diễn, xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm pháp luật, hành hung lái xe.
Trên cơ sở kết luận, UBND TP Hải Phòng yêu cầu Công an TP Hải Phòng khẩn trương điều tra, làm rõ những trường hợp lái xe của Công ty TNHH vận tải Hoàng Long bị hành hung trong những ngày qua, đấu tranh, xử lý dứt điểm báo cáo UBND TP Hải Phòng.
Đồng thời, yêu cầu Công an TP Hải Phòng báo cáo Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Cục CSGT đường bộ đường sắt (C67), phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố liên quan lập chuyên án để điều tra, làm rõ lực lượng "xã hội đen" bảo kê, chèo kéo khách, đe dọa, hành hung lái xe trên Quốc lộ 5 tuyến Hải Phòng - Hà Nội, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Trước đó, báo Dân trí đã đăng tải loạt bài về vấn nạn xe khách "đầu gấu" lộng hành trên Quốc lộ 5 gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về tình hình an ninh trật tự và an toàn cho hành khách.
Mặc dù, ngày 23/5/2013, dưới sự chủ trì của Sở GTVT TP Hà Nội, Hải Phòng và Công an TP Hà Nội, Hải Phòng, các đơn vị vận tải tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã ký nội dung cam kết cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty Hoàng Long đang kêu cứu vì ngay sau đó đến tận thời điểm hiện tại, đơn vị này đang là nạn nhân của những hành vi côn đồ, bất chấp pháp luật của một số hãng xe “đầu gấu”.
Thực tế, hành khách đi xe khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng không hiểu tại sao cứ hết cầu Thanh Trì, xuống QL5 là các xe Hải Âu, Hoàng Long, Đất Cảng, Anh Huy, Hoàng Ngân... lại phải dừng lại chờ 10-15 phút. Khi một chiếc xe của hãng T.L., Đ.X. hoặc những chiếc xe khách không mang tên hãng vượt lên, các xe kia mới ùn ùn nối đuôi nhau chạy tiếp.
Đó là "luật rừng" của các xe "đầu gấu". Phân trần với PV Dân trí, anh N. một tài xế, cho biết: "Bà con thông cảm, luật của giang hồ do đầu gấu đặt ra, tất cả xe Hải Âu hay Hoàng Long, Đất Cảng, Anh Huy... đều phải dừng lại chờ xe “đầu gấu” lên trước rồi mới được đi. Nếu tài xế nào không dừng sẽ bị đầu gấu chặn xe hành hung. Đã có nhiều trường hợp tài xế bị đánh gãy tay, sưng mặt rồi nên bây giờ ai cũng phải chờ thôi".
Không chỉ đe dọa, hành hung tài xế các hãng vận tải để “cướp” khách, những đối tượng côn đồ núp bóng nhân viên các hãng xe “đầu gấu”còn thách thức, hành hung cả cán bộ công nhân viên bến xe Lương Yên khi bị nhắc nhở về vi phạm nội quy bến. (Dân trí 13/8)
Công ty CP T.G và Công ty TNHH Chí Linh trên địa bàn Hải Dương chỉ vì nhẹ dạ cả tin đã mất tiền tỷ cho đối tượng Lê Long Cổn, ở Hải Phòng chuyên làm giả con dấu. Đây là hồi chuông cảnh báo cho tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Câu chuyện tội phạm chuyên nghiệp làm giấy tờ giả không có gì mới, nhưng cùng với sự phát triển công nghệ in ấn phổ thông hiện tại, ngay cả những kẻ nghiệp dư cũng có thể thiết kế được những bộ hồ sơ giả hoàn hảo.
Năm 2010, Lê Long Cổn (sinh năm 1973, tru tại quận Hải An), được Công ty CP Cao Thắng giao lập dự án thu gom, khai thác đất, đá thải tại khu vực Eo Bùa trên địa bàn xã Hiền Hào, huyện Cát Hải. Thực tế, khu vực khai thác đất đá thải này đã bị chính quyền địa phương ra quyết định tạm dừng khai thác từ năm 2011.
Tuy nhiên, dù biết dự án do mình “chạy” đã bị đình chỉ, bằng cách tự thiết kế hồ sơ giả, Cổn vẫn đem dự án “ma” này bán được cho 2 doanh nghiệp để lấy hơn 1,8 tỷ đồng.
Khoảng đầu năm 2012, Cổn làm quen với anh Trịnh Văn Giám - Giám đốc Công ty CP T.G- rồi tự nhận mình có quyền khai thác đá ở Eo Bùa. Do không có tư cách pháp nhân nên Cổn đã mượn danh Công ty Cao Thắng để xin cấp phép và đang có nhu cầu chuyển nhượng hoặc liên doanh để khai thác. Anh Giám đồng ý liên doanh khai thác đá với Cổn với điều kiện phải chuyển quyền khai thác đó sang cho Công ty CP T.G và đưa cho Cổn 360 triệu đồng để làm thủ tục.
Công nghệ in ấn hiện đại đã biến thành một thứ vũ khí hữu hiệu cho tội phạm, thậm chí một kẻ không chuyên cũng có thể thiết kế được những bộ hồ sơ giả qua mặt không ít doanh nghiệp.
Tất nhiên, việc làm thủ tục hợp pháp không thể thực hiện được. Bằng phương pháp in lưới, in lasez với mẫu chữ ký, mẫu con dấu của các cơ quan quản lý mà Cổn có được trong quá trình hoạt động kinh doanh, Cổn đã làm giả một bộ hồ sơ có nội dung bàn giao mặt bằng thu gom, khai thác đá thải của UBND huyện Cát Hải cho Công ty CP T.G
Tháng 6/2012, Cổn tiếp tục làm quen với anh Đỗ Văn Chí - Giám đốc Công ty TNHH Chí Linh - và nói rằng đang khai thác đá thải chung với Công ty CP T.G ở Eo Bùa và đang có nhu cầu chuyển nhượng hoặc liên doanh để khai thác. Khi tận mắt xem bộ hồ sơ khai thác đá thải của UBND huyện Cát Hải giao cho Công ty CP T.G, anh Chí tin tưởng, tạm thỏa thuận nhận chuyền nhượng với số tiền cả bãi đá khoảng 1,5 tỷ đồng, với điều kiện phải chuyển quyền khai thác đá thải đó cho Công ty TNHH Chí Linh. Lại một lần nữa với cách thức, thủ đoạn tương tự, Cổn tiếp tục làm giả biên bản bàn giao mặt bằng thu gom, khai thác đá thải của UBND huyện Cát Hải bàn giao cho Công ty TNHH Chí Linh.
Đến khi Công ty TNHH Chí Linh thực hiện khai thác đất, đá thải và bị các cơ quan chức năng của Hải Phòng xử phạt với lý do khu vực Eo Bùa đã bị đình chỉ khai thác, anh Chí mới nhận ra là mình bị lừa đảo và làm đơn tố cáo Lê Long Cổn tới cơ quan bảo vệ pháp luật.
Căn cứ vào những chứng cứ rõ ràng, mới đây, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã tuyên phạt Lê Long Cổn mức án 14 năm tù và phải hoàn trả lại số tiền đã lừa đảo, chiếm đoạt của hai doanh nghiệp. (Báo Công thương 13/8)
Thực hiện chủ đề năm 2014 của quận Đồ Sơn “Phát triển kinh tế- tăng cường quản lý đô thị”, quận Đồ Sơn chỉ đạo, hướng dẫn các hộ kinh doanh, dịch vụ dọc các tuyến đường và một số điểm như: đường Đình Đoài, Sơn Hải thuộc phường Vạn Sơn,Ngọc Hải; khu du lịch thuộc phường Vạn Hương ký cam kết không sử dụng mái che, mái vẩy, lấn chiếm lòng hè đường để kinh doanh, dịch vụ gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Theo đó, các tuyến đường Yết Kiêu, đường phía đông và phía tây khu du lịch và đường ra khu 3 Đồ Sơn luôn có lượng người và phương tiện tham gia giao thông, đến các điểm du lịch rất đông. Do vậy, các hộ kinh doanh nâng cao ý thức chấp hành, không bày bán, kê đặt bảng hiệu, quảng cáo lấn chiếm lòng, hè đường, không để khách đỗ xe dưới lòng đường. Bên cạnh đó, quận Đồ Sơn. Đồng thời duy trì việc sắp xếp, chỉnh trang việc họp chợ tại tuyến đường Sơn Hải, Đình Đoài thuộc các phường Vạn Sơn, Ngọc Hải, bảo đảm nhu cầu kinh doanh của hộ dân, nhu cầu mua hàng hải sản của du khách và mỹ quan đô thị khu du lịch./.(Báo Hải Phòng Online 12/8)
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa có Quyết định phê duyệt Đề án “Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai".
Theo đó, kết hợp hài hòa các phương thức vận tải từ Hải Phòng đến Lào Cai nhằm phát huy tối đa thế mạnh từng phương thức vận tải; tập trung nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, giảm thị phần vận tải đường bộ cự ly vận chuyển trên 300 km.
Đồng thời tăng cường sự kết nối giữa các phương thức vận tải tại các đầu mối vận tải lớn như các cảng biển, ga đường sắt, cảng cạn (ICD); các trung tâm sản xuất, khai thác và tiêu thụ hàng hóa lớn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các đầu mối.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tận dụng tối đa năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có để tăng năng lực, nâng cao chất lượng vận tải.
Ngoài ra phải có chính sách tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hiệu quả, chất lượng; đẩy mạnh tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để có đủ khả năng cung cấp dịch vụ vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
Đề án triển khai cụ thể hóa các mục tiêu của “Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên hành lang từ Hải Phòng đến Lào Cai để phát triển hợp lý các phương thức vận tải theo hướng tăng thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt và đường thủy nội địa; từng bước giảm thị phần vận tải hàng hóa đường bộ có cự ly vận chuyển trên 300 km.
Đề án cũng chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp của từng lĩnh vực vận tải trong giai đoạn 2014 - 2015; giai đoạn 2016 - 2020 cùng các nhiệm vụ và giải pháp khác. (Thời báo ngân hàng 13/8)
Việc thay thế cầu vượt bằng cống chui đoạn đi qua huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ giúp chủ đầu tư "lời" 67 tỷ đồng.
Hàng trăm hộ dân huyện Yên Mỹ, Hưng Yên vừa có đơn tố chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng “ăn bớt” một cầu vượt so với thiết kế được duyệt, khiến người dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì phải… đi đường vòng ra cánh đồng.
Trong khi đó, theo thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về thống nhất các giải pháp thiết kế kỹ thuật đường gom, cầu vượt, cống chui dân sinh… thuộc đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua đoạn tỉnh Hưng Yên do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên ký ngày ngày 28/7/2008 cho biết: Do cầu vượt đường cao tốc B-39 (Km14+886) trên đường 206 và cầu vượt B39 (Km15+333) trên đường tỉnh 199 (ĐT.199) gần nhau cần nghiên cứu phương án cải tuyến, bố trí một cầu vượt, một cống chui dân sinh để kết nối bảo đảm giao thông.
Công văn ngày 19/11/2011 của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông báo: Do cầu vượt đường cao tốc B-39 (Km14+886) trên đường 206 và cầu vượt B39 (Km15+333) trên đường 199 gần nhau cần nghiên cứu phương án cải tuyến, bố trí một cầu vượt, một cống chui dân sinh để kết nối bảo đảm giao thông.
Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, tư vấn thiết kế đã lựa chọn phương án làm 2 cầu vượt trên DDT206 và DDT199 thay vì phương án như khuyến cáo của UBND tỉnh Hưng Yên vì lý do trắc dọc đường cao tốc đều phải điều chỉnh đắp cao thêm gần 2m nữa so với hiện tại trên phạm vi gần 1m.
Ngày 18/10/2012, Sở GTVT Hưng Yên có công văn số 1992/SGTVT-KCHT gửi VIDIFI, nêu rõ: Sở GTVT Hưng Yên nhận thấy đề nghị của nhân dân 2 thôn Từ Hồ và Mễ Thượng của xã Yên Phú huyện Yên Mỹ là cần thiết. Để đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi trong sản xuất và phát triển kinh tế, Sở GTVT Hưng Yên đề nghị VIDIFI nghiên cứu, thiết kế dịch chuyển vị trí công chui theo thiết kế cũ về vị trí ĐT.1999.
Theo đó, biên bản hội nghị về thống nhất phương án tổ chức giao thông của đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua khu vực xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên ngày 08/11/2012 như sau: Giữ nguyên vị trí cống chui dân sinh tại thôn Mễ Thượng; Bổ sung thêm 1 cống chui dân sinh trên ĐT.199.
Ngày 20/11/2012, Bộ GTVT cũng có thông báo số 701/TB-BGTVT kết luận của thứ trưởng Lê Mạnh Hùng tại buổi kiểm tra hiện trường và rà soát thiết kế các nút giao Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó nêu rõ: Đối với giao cắt với ĐT.199 (Km15+331): thống nhất phương án thay thế cầu vượt trên ĐT.199 bằng hầm chui với tĩnh không đảm bảo lưu thông cho người và phương tiện thô sơ phục vụ sản xuất nông nghiệp (Số kinh phí sau khi thực hiện phương án thay thế sẽ tiết kiệm được 70 tỷ đồng).
Ngày 2/4/2013, VIDIFI có công văn số 130402.01/TCT-PMB HNHP trả lời đươn thư khiếu nại về điều chỉnh, bổ sung cống chui dân sinh trên Đường tỉnh 199 thuộc gói thầu EX-2, dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho hay: VIDIFI đã có văn bản số 1111119.01/TCT-PMB HNHP ngày 19/11/2011 đề xuất phương án điều chỉnh không xây dựng cầu vượt trên ĐT.199, bổ sung đoạn đường nối nhập ĐT.199 vào ĐT.206 theo quy mô đường cấp III đồng bằng và không bố trí cống chui dân sinh trên ĐT.199 (do cách vị trí ĐT.199 hiện tại về phía Hải Phòng 366m đã có bố trí cống chui dân sinh Bxh=4,0x2,7m để đảm bảo giao thông dân sinh).
Trên cơ sở đó, VIDIFI viện dẫn nhiều lý do làm cống chui đủ tiêu chuẩn (4mx 3,25m) không thích hợp và để tiết kiệm chi phí chỉ có thể thiết kế cống chui phi tiêu chuẩn (rộng 4m, cao 2m).
Tại buổi đối thoại với người dân vừa qua, đại diện VIDIFI, ông Đỗ Đình Định một lần nữa khẳng định việc doanh nghiệp này làm cống chui phi tiêu chuẩn là do ảnh hưởng đến thiết kế của tuyến cao tốc, không thể nâng cao hơn được, chứ hoàn toàn không phải vấn đề kinh phí!
Tuy nhiên, khi người dân tính toán, nếu chiều cao 3,25m, rộng 4m thì tổng chi phí để nâng nền, tạo độ dốc kỹ thuật và các chi phí các hạng mục liên quan chỉ mất khoảng 3 tỷ đồng. Như vậy, 70 tỷ đồng – 3 tỷ đồng = chủ đầu tư tiết kiệm được 67 tỷ đồng.
Điều khiến người dân bức xúc là dù họ đã chấp nhận thiệt thòi làm “cống dân sinh” thay vì “cầu vượt” để tiết kiệm hàng chục tỷ đồng kinh phí cho nhà nước, nhưng không hiểu vì lý do gì chủ đầu tư dự án vẫn "phớt lờ" quyền lợi chính đáng này của người dân.
Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ chia đôi cánh đồng 300 ha canh tác thâm canh của hai thôn Từ Hồ, Mễ Thượng, xã Yên Phú huyện Yên Mỹ. (Ngọc Vy, VTCNews 13/8)
Năm học 2013 -2014, trường tiểu học Hoa Động vinh dự là trường tiểu học đầu tiên của huyện Thủy Nguyên được Sở Giáo dục&Đào tạo Hải Phòng lựa chọn triển khai thí điểm chương trình giáo dục công nghệ cho học sinh lớp 1. Với sự quyết tâm cao của Ban giám hiệu và tập thể cán bộ giáo viên nhà trường, chương trình đã đạt được nhiều hiệu quả rõ rệt.
Ngay từ đầu hè tháng 6/2013, nhà trường đã lựa chọn bố trí các giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm giảng dạy CNGD những năm trước vào khối lớp 1. 5 đồng chí giáo viên cùng với 2 đồng chí trong BGH đã được tập huấn 6 ngày tại Đồ Sơn về nội dung chương trình, và phương pháp dạy học theo tài liệu tiếng Việt lớp 1 giáo dục công nghệ. Ngày học tập, tối về tự nghiên cứu, bắt đầu từ 19/8, giáo viên bắt đầu triển khai 6 mẫu cơ bản trên lớp, giúp học sinh bắt đầu làm quen và tiếp cận kiến thức.
Sau mỗi giờ lên lớp, toàn thể giáo viên và giáo viên lớp 1 trao đổi thảo luận và rút kinh nghiệm. BGH nhà trường thường xuyên dự giờ, kiểm tra mức độ học tập của các em. Tiến độ học tập và chất lượng học của các lớp được theo dõi chặt chẽ. Trong các đợt khảo sát, đồng chí hiệu phó chuyên môn trực tiếp chỉ đạo và theo dõi sát sao ngày kiểm tra để đánh giá chính xác chất lượng của các em.
Qua một năm triển khai, kết quả đạt được tương đối khả quan, 147/150 em được xếp loại khá giỏi kỹ năng đọc, đạt 97%. Kỹ năng viết 129/150 em khá giỏi, đạt 86%. So với học sinh học chương trình đại trà, tỷ lệ học sinh khá giỏi CNGD tăng 3-5%. Hầu hết học sinh nắm chắc cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt, được luyện chính tả ngay từ buổi đầu, nắm chắc tri thức cơ bản của tiếng Việt và hình thành đồng thời các kỹ năng nghe – nói - đọc - viết. Thông qua hình thức tự luyện tập và tăng cường thực hành các kỹ năng, các em cũng được tăng cường khả năng tự học nhiều hơn. Phụ huynh rất phấn khởi và tin tưởng.
Cô giáo Đào Thị Hương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những ngày đầu giáo viên đều lúng túng, phụ huynh thì lo lắng vì thấy con đọc không đúng theo cách học trước kia. Song qua một năm tích cực triển khai, với những kết quả thu được, năm học này trường tiểu học Hoa Động nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía phụ huynh hơn, giáo viên cũng đã có kinh nghiệm hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình năm học 2014-2015, kết quả môn tiếng Việt khối lớp 1 sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!” (Hồng Giang - Bùi Hạnh- Thương Hiệu & Công Luận13/8)
Trường THCS Ngũ Lão tiền thân là trường Phổ thông Nông nghiệp xã Ngũ Lão, được thành lập ngày 20/8/1960 theo QĐ của UBND huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Nửa thế kỉ qua, bằng sự nỗ lực cố gắng của nhiều thế hệ các thầy cô giáo và các em học sinh, nhà trường đã trưởng thành về mọi mặt. Trường đã nhiều năm là đơn vị tiên tiến, tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng. Đặc biệt năm 2006, trường được đón bằng công nhận trường chuẩn quốc gia giai đoạn I và nhận bằng khen của UBND thành phố Hải Phòng. Đến năm 2010 kỉ niệm 50 năm thành lập trường và năm học 2012 – 2013 được đón nhận bằng khen của UBND thành phố Hải Phòng.
Năm học 2013 - 2014 là năm học đánh dấu một chặng đường 54 năm xây dựng và trưởng thành. Năm học tiếp tục thực hiện chủ đề “Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng giáo dục” . Năm học cụ thể hóa NQ 19 của huyện ủy Thủy Nguyên về công tác giáo dục và đào tạo.
Với 42 cán bộ giáo viên, chi bộ đảng 25 đồng chí cùng một cơ ngơi khá thuận lợi, Có 38/42 đồng chí ( tỉ lệ 90,1%) là giáo viên trẻ, là một tập thể khá đoàn kết, trách nhiệm, tự trọng nghề nghiệp, có ý thức học hỏi và gương mẫu về mọi mặt, tự giác hoàn thành tốt nhiệm vụ; trường có bầu không khí làm việc tích cực, có ý thức thi đua mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, tỉ lệ giáo viên giỏi của trường tăng cao. Năm 2009 – 2010, trường chỉ có 1 giáo viên đạt giáo viên giỏi trong tổng số 14 giáo viên dự thi. Năm 2013 – 2014, trường có 7/15 giáo viên dự thi giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố đạt giải, chiếm tỉ lệ 46,7%, được phòng giáo dục huyện Thủy Nguyên đánh giá xếp thứ 6 toàn huyện.
Ở trường THCS Ngũ Lão, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng. Trong 3 năm trở lại đây, kết quả thi học sinh giỏi của trường luôn đứng trong tốp đầu của huyện. Năm học 2013 – 2014, trường có 80 em học sinh giỏi cấp huyện trong tổng số 117 em dự thi chiếm tỉ lệ 68,3%, 5 em học sinh giỏi cấp thành phố, đạt 4,3%, xếp thứ 4 toàn huyện. Trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi phải kể đến các cô Nguyễn Bích Liên, cô Đinh Ngọc Hà, cô Bùi Ánh Nguyệt, thầy Trần Văn Bắc, thầy Đỗ Văn Mười, cô Đỗ Ngọc Hà và nhiều thầy cô khác đã không kể ngày giờ để bồi dưỡng và ôn luyện cho các em học sinh.
Cô giáo Lê Thị Thúy Nga – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường THCS Ngũ Lão ở địa bàn nông thôn, nhiều gia đình còn nghèo nhưng đa phần đều quan tâm, chăm lo tới việc học của con em. Các thầy cô giáo trong nhà trường khi phát hiện được những nhân tố học sinh giỏi, ai cũng đều nhiệt tình tận tụy bồi dưỡng cho các em với tất cả khả năng và tâm huyết của mình. Từ chỗ chất lượng học sinh giỏi được nâng cao, chất lượng đại trà cũng được cải thiện rõ rệt. Kết quả thi vào THPT năm học 2013 – 2014, tỉ lệ học sinh đạt điểm trên 5 hai môn Toán và Văn đứng thứ 3 toàn huyện, 83% học sinh dự thi đỗ THPT là niềm tự hào của toàn thể nhà trường, động viên thầy trò tiếp tục cố gắng xây dựng nhà trướng ngày càng vững mạnh.” (Thương Hiệu & Công Luận 13/8)
Chiều 12-8, ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Trường THPT Kiến Thụy về tình hình thực hiện, sư dụng các khoản thu của nhà trường năm học 2013-2014, dự kiến các khoản thu năm học 2014-2015. Theo báo cáo của nhà trường, các khoản thu đều được công khai, sử dụng đúng mục đích và quy định pháp luật (Báo Hải Phòng 13/8)
Đại học Y Hải Phòng đã chính thức công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2014, trong đó, ngành Răng hàm mặt có điểm chuẩn cao nhất là 24,5 điểm.
Năm nay, trường có 9700 thí sinh đăng kí dự thi, tuy nhiên chỉ tiêu trường đưa ra chỉ ở mức 720 thí sinh nên tỉ lệ chọi theo số thí sinh đăng kí dự thi là khá cao 1/13,47. (Đời sống & Pháp luật 13/8)
Sáng 12-8, Công ty CP KCN Sài Gòn- Hải Phòng khánh thành Nhà máy xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương). Tới dự có các đồng chí lãnh đạo sở, ban ngành thành phố, huyện An Dương.
Theo ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng, Nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 1500m3/ngày đêm là hạng mục cuối cùng phục vụ giai đoạn 1 của Dự án Khu công nghiệp Tràng Duệ. Nhà máy được vận hành theo quy trình khép kín, chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn A của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau gần 1 năm triển khai xây dựng, hiện Nhà máy đang vận hành thử nghiệm, sau đó lắp đặt hệ thống điều khiển và quan trắc tự động. Dự kiến, tháng 10 năm nay, sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép xả thải, nhà máy sẽ đi vào vận hành chính thức, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. (Báo Hải Phòng 13/8)
Đề án số 5079/ĐA-UBND ngày 14-7-2014 của UBND thành phố về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020 đã được HĐND thành phố khóa 14, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 17-7-2014. Việc phát hành trái phiếu lần này nhằm tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố; góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, cần lắm sự hưởng ứng của nhân dân trong và ngoài thành phố…
Vốn để hoàn thành nhiều dự án hạ tầng
Bộ Chính trị có Kết luận số 72-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5-8-2003 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó, xác định nhiệm vụ của thành phố Hải Phòng là phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Hải Phòng thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại... Cho nên, việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và vùng, huy động mọi nguồn lực đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trọng.
Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của Hội đồng nhân dân thành phố đã xác định danh mục 19 dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020, trong đó có 7 dự án về phát triển giao thông kết nối đường biển - đường bộ - đường hàng không có vị trí đặc biệt quan trọng: Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường Tân Vũ - Lạch Huyện, đường 356 (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đình Vũ).
Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, một số dự án phát triển hạ tầng giao thông sử dụng nguồn ngân sách trung ương được chủ động và tích cực triển khai như: đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, đường Tân Vũ - Lạch Huyện.
Để đảm bảo việc kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát triển, thành phố cần thiết đẩy nhanh tiến độ của một số dự án giao thông quan trọng như hàng không, đường bộ kết nối khu vực Tân cảng, trong đó dự án đầu tư mở rộng khu bay Cảng hàng không Cát Bi là dự án trọng điểm ưu tiên đang trong quá trình đầu tư... Tuy nhiên, với nhu cầu đầu tư khá lớn, nguồn ngân sách dành cho đầu tư phát triển hàng năm chỉ đáp ứng phần nhỏ yêu cầu, xây dựng và triển khai Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020 là giải pháp cần thiết, cấp bách để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển của thành phố.
Khả năng hoàn trả của ngân sách thành phố
Để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng - kỹ thuật trên địa bàn, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, UBND TP dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư ngân sách thành phố năm 2014-2015 là 9.740 tỷ đồng, trong đó đối ứng cho các dự án ODA về phát triển kết cấu hạ tầng khoảng 2.700 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm là gần 5.000 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư phát triển của thành phố chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tối thiểu (khoảng 2.000 tỷ đồng).
Cho nên cùng với các biện pháp huy động nguồn lực khác, việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là rất cần thiết. Song điều phải tính đến là việc hoàn trả của ngân sách thành phố sẽ như thế nào?
Theo Đề án 5079, tính chung cả giai đoạn 10 năm vừa qua, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt tốc độ tăng trưởng lớn, bình quân 18,83%/năm, đặc biệt trong giai đoạn 2003-2011 đạt 25%/năm. Thu nội địa bình quân tăng 22,25%/năm. Với mức tăng trưởng dự kiến, trên cơ sở đánh giá tiến độ của các dự án sản xuất kinh doanh đang triển khai, đi vào hoạt động, dự kiến thu ngân sách nội địa của thành phố giai đoạn 2016-2020 có mức tăng thu bình quân 15%/năm.
Cụ thể, năm 2016 thu ngân sách khoảng 11.000 tỷ đồng, năm 2017 là 12.500 tỷ đồng, năm 2018 thu khoảng 14.500 tỷ đồng, năm 2019 là 17.000 tỷ đồng và năm 2020 thu khoảng 20.000 tỷ đồng tiền thuế nội địa..., trừ các khoản chi ngân sách hàng năm vẫn đảm bảo khả năng hoàn trả cho gốc và lãi cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến hạn thanh toán.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, căn cứ tình hình thực tế và cân đối ngân sách, tổng mức vốn đầu tư, thành phố có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ, giảm áp lực thanh toán tại thời điểm hoặc cơ cấu lại nợ (quy trình, thủ tục mua lại trái phiếu được thực hiện theo quy trình, thủ tục mua lại trái phiếu Chính phủ)...
Theo dự kiến, Ngân hàng TMCP Quân đội được UBND TP Hải Phòng ủy quyền phát hành trái phiếu. Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn phát hành trái phiếu từ 5 - 10 năm. Thời điểm phát hành trong quý 1/2015, trái phiếu được phát hành từng đợt, số tiền gốc hoàn trả 1 lần khi đáo hạn, lãi trái phiếu được thanh toán theo định kỳ mỗi năm/lần.
Trên cơ sở đó, UBND TP cam kết sử dụng nguồn vốn huy động qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo đúng đề án đã được phê duyệt; bố trí nguồn vốn để thanh toán lãi, gốc đúng hạn ghi trong chứng chỉ trái phiếu, bút toán ghi sổ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sở hữu trái phiếu. (An ninh Hải Phòng Online 13/8)
Ngành Xây dựng Hải Phòng có 8 doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014 và 2015, trong đó có 4 doanh nghiệp phải hoàn thành trước quý 2 năm 2015, còn lại hoàn thành trước 31-10-2015. Đến thời điểm này, tiến trình cổ phần hóa ở các đơn vị cơ bản bảo đảm tiến độ.
Cơ bản bảo đảm tiến độ
Ông Vũ Huy Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng, công tác cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp công ích do ngành Xây dựng quản lý được triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, thành phố, trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành sớm 3 tháng so với tiến độ của UBND thành phố. Ngành tổ chức giao ban thường xuyên với các doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các ngành để giải đáp và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.
Theo kế hoạch, 3 công ty THHH một thành viên (MTV) sẽ hoàn thành cổ phần hóa trước quý 1 năm 2015, gồm: Công ty Cấp nước, Công ty phục vụ Mai táng, Công ty Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng. Hiện, Công ty Cấp nước xây dựng xong phương án sử dụng đất, xác định xong giá trị doanh nghiệp và phương án sắp xếp lao động được các ngành thẩm định trình thành phố phê duyệt, đồng thời, hoàn tất phương án CPH doanh nghiệp. Công ty phục vụ Mai táng xác định xong giá trị doanh nghiệp, xây dựng xong phương án sử dụng đất, cơ bản hoàn tất phương án sắp xếp lao động và đang xây dựng phương án CPH. Công ty Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng (trụ sở tại quận Kiến An); Công ty Công trình Công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng (trụ sở tại quận Đồ Sơn) đã ký hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp; triển khai trích đo sử dụng đất và xây dựng phương án sử dụng đất; đang triển khai phương án sắp xếp lao động... Với các doanh nghiệp CPH của ngành, phương án sắp xếp lao động cơ bản thuận lợi.
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc
Tuy tiến trình cổ phần hóa ở các đơn vị ngành Xây dựng cơ bản bảo đảm tiến độ, song khi triển khai, một số doanh nghiệp gặp những vướng mắc về tài sản, tài chính, đất đai. Cụ thể, Công ty Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng và Công ty Công trình công cộng và xây dựng là những đơn vị cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích tại quận Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An đang “vướng” trong việc xác định giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với bãi đỗ xe, các ga rác; cổng, tường rào công viên; cổng, tường rào, đường vào nghĩa trang.
Một số công ty có khoản nợ khó đòi từ ngân sách nhà nước như Công ty Cấp nước, Công ty Công viên cây xanh, Công ty Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng. Một số khác có hệ thống tài sản dưới lòng đất lớn khó khăn trong việc đánh giá tài sản. Kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính để xây dựng phương án sử dụng đất cũng là khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý, Công ty phục vụ Mai táng được thành phố giao quản lý và sử dụng không thu tiền sử dụng đất hằng năm 2 khu đất nghĩa trang, gồm: Nghĩa trang Ninh Hải và đài hóa thân hoàn vũ, Nghĩa trang Phi Liệt. Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện Thông tư 26 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp để CPH tổng diện tích đất được giao không thu tiền sử dụng đất đối với 2 khu nghĩa trang là hơn 17.200m2 và hơn 187.200 m2 đất trả tiền thuê đất hằng năm. Như vậy, diện tích đất thuê lớn, chi phí trả tiền hàng năm nhiều, trong khi, công ty chỉ thu các chi phí trông và chăm sóc các ngôi mộ.
Theo ông Nguyễn Hồng Lê, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty phục vụ Mai táng: Theo Nghị định số 35/CP về xây dựng và quản lý nghĩa trang “Các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng nghĩa trang được nhà nước cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất”. Để bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm mọi công dân khi mất đều được an táng tại nghĩa trang thành phố khi có nhu cầu, Công ty phục vụ Mai táng đề nghị được xác định lại diện tích đất được giao không thu tiền sử dụng đất( 204.400m2) tại 2 nghĩa trang trên. Về vấn đề này, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thành phố Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, trong đó nêu rõ, Công ty phục vụ mai táng là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh mang tính chất đặc thù, phục vụ nhu cầu tang hiếu của nhân dân thành phố. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước kinh doanh ngành nghề đặc thù này thực hiện CPH. Thông tư 26 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Nghị định 35/CP của Chính phủ có điểm chưa thống nhất, nên doanh nghiệp và các ngành gặp vướng mắc khi xây dựng phương án sử dụng đất của doanh nghiệp.
Tương tự, vướng mắc của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng tiến hành CPH được các ngành Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kịp thời để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo. Với các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành thành phố cũng được giải đáp, hướng dẫn kịp thời tại các cuộc giao ban kiểm điểm tiến độ CPH do ngành Xây dựng tổ chức hằng tháng, phấn đấu bảo đảm tiến độ CPH theo Quyết định của UBND thành phố. (Báo Hải Phòng 13/8)
Từ ngày 10/07 đến 06/08, Công ty TNHH MTV Xổ số và Đầu tư Tài chính Hải Phòng - tổ chức có liên quan đến bà Lê Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hải Phòng (HNX: HPC) đã bán được 259,000 cp trong tổng số 500,000 cp đăng ký trước đó.
- Tên tổ chức thực hiện giao dịch: Công ty TNHH MTV Xổ số và Đầu tư Tài chính Hải Phòng
- Mã chứng khoán: HPC
- Số lượng cổ phiếu nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch: 980,000 CP (tỷ lệ 2.47%)
- Tên của người có liên quan tại TCNY: Lê Thị Thu Hương
- Chức vụ hiện nay của NCLQ tại tổ chức niêm yết: Phó Chủ tịch HĐQT
- Chức vụ hiện nay của NCLQ tại tổ chức thực hiện giao dịch: Chủ tịch Hội đồng thành viên
- Số lượng cổ phiếu NCLQ đang nắm giữ: 0 CP (tỷ lệ 0%)
- Số lượng cổ phiếu đăng ký bán: 500,000 CP
- Số lượng cổ phiếu đã bán: 259,000 CP
- Số lượng cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch: 721,000 CP (tỷ lệ 1.82%)
- Ngày bắt đầu giao dịch: 10/07/2014
- Ngày kết thúc giao dịch: 06/08/2014. (HNX 13/8)
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Chủ tịch TNHH Sản xuất – Thương mại Hoàng Thành để thực hiện Dự án Kho bãi Hoàng Thành tài KCN Nam Đình Vũ với tổng số vốn 850 tỷ đồng (Đầu tư 13/8)
HĐND thành phố Hải Phòng vừa phê duyệt Đề án Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương thành phố Hải Phòng nhằm huy động nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đề án, tổng trái phiếu phát hành sẽ có giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng (Đầu tư 13/8)
Việc mở tuyến vận tải ven biển sẽ góp phần thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng và có cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức, đặc biệt là giải quyết hàng hóa ứ đọng tại cảng biển, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập khiến một số chủ tàu đang hoạt động không được phép, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và các cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được vận tải biển… (Diễn dàn doanh nghiệp 13/8)
Sáng 12-8, CT CP Khu CN Sài Gòn – Hải phòng (Tràng Duệ) đã khánh thành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Hiện tại KCN đã thu hút 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD (An ninh Hải Phòng 13/8)
Sáng 12-8, UBND TP tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Thành - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Đình Bích - Phó chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Đình Then - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng các Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại, Nguyễn Xuân Bình.
Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã bố trí tổng số vốn đầu tư ngân sách cho chương trình xây dựng NTM đạt 3.189,266 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn trực tiếp 600,558 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.826,714 tỷ đồng, vốn huy động do nhân dân đóng góp 761,994 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6-2014, toàn thành phố đã có 139/140 xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch NTM; bình quân toàn thành phố đạt 11,39 tiêu chí/xã, tăng 5,63 tiêu chí/xã so với tháng 6-2011. Trong đó, có 4 xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt 2,88%; 18 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, đạt 12,95%; không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
Trong 3 năm, thành phố đã chỉ đạo thực hiện 6 chương trình, đề án, 41 mô hình phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,53% năm 2011 xuống còn 5,67% năm 2013...
Từ nay đến cuối năm, thành phố phấn đấu bình quân đạt 11 đến 12 tiêu chí/xã; có thêm 8 đến 10 xã hoàn thành xây dựng NTM, đưa tổng số xã hoàn thành chương trình là 12 đến 14 xã.
Tại hội nghị, 4 tập thể đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đạt chuẩn NTM gồm: Nhân dân, cán bộ xã An Hồng (An Dương), xã Đông Sơn và Phục Lễ (Thuỷ Nguyên), Đoàn Xá (Kiến Thuy)å. 35 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” được thành phố biểu dương, khen thưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Từ những bước đi lúng túng ban đầu, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, đến nay thành phố đã rõ về mục tiêu, cách làm, hướng đi, xây dựng NTM của Hải Phòng là nông thôn của thành phố cảnh xanh, dịch vụ. Phong trào đã phát triển sôi nổi, mạnh mẽ, khơi dậy được sức sáng tạo, trí tuệ của nhân dân ở cơ sở. Thông qua xây dựng NTM đã củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tăng cường sự gắn bó giữ Đảng, chính quyền với nhân dân...
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị: Sau hội nghị này, các quận/ huyện, xã/phường tổ chức sơ kết, đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ những tồn tại của địa phương; quán triệt phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, phấn đấu đạt mục đích cuối cùng là nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân. Đặc biệt coi trọng phát triển thị trường hàng nông sản, chú ý làm sâu sắc hơn nữa bản sắc Hải Phòng khi xây dựng NTM. Các ngành, địa phương phải ưu tiên đầu tư cho xây dựng NTM, cắt những khoản chi không cần thiết, tập trung đầu tư cho nông nghiệp; phấn đấy xây dựng 1 huyện có 1 xã cơ giới hoá đồng bộ 100%... (An ninh Hải Phòng Online 13/8)
Huyện đoàn Tiên Lãng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhân ngày “Tuổi trẻ cùng hành động chung tay xây dựng NTM” góp phần thúc đẩy phong trào của địa phương (An ninh Hải Phòng 13/8)
Sáng 11-8, UBMTTQVN xã Ngũ Đoan tổ chức hội nghị phát động đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM tại xã Ngũ Đoan năm 2014. Theo đó, xã Ngũ Đoan phấn đấu hoàn thành 8 tiêu chí còn lại đưa xã về đích xây dựng NTM năm 2014 (An ninh Hải Phòng 13/8)
Chiều 7-8, Bênh viện Việt Tiệp và Phòng Cảnh sát PCCC số 1 tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác hướng dẫn, kiếm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hàng ngày tại Bệnh viện Việt Tiệp (An ninh Hải Phòng 13/8)
Ngày 8-8, Phòng PC 14 CATP tổ chức tổng kết hoạt động hè năm 2014 và trao phần thưởng tặng các cháu con CBCS của đơn vị đạt thành tích xuất sắc năm 2013 -2014 (An ninh Hải Phòng 13/8)
Ngày 7-8, Hội LHPN thanh niên VN huyện Vĩnh Bảo tổ chức đại hội đại biểu lần thứ 9, nhiệm kỳ 2014-2019 (An ninh Hải Phòng 13/8)
Chiều 7-8, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Hội Khuyến học quận Hồng Bàng, UBND phường Minh Khai tổ chức hội nghị tọa đàm, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học (An ninh Hải Phòng 13/8)
Sáng 12-8, tại Cát Bà, UBND huyện Cát Hải, Sở Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo “Năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong các tòa nhà”.
Tại hội thảo, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (Sở Công thương) giới thiệu các văn bản pháp luật về sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó có quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; các thông tư về sử dụng năng lượng... Đồng thời, giới thiệu về hiện trạng và giải pháp sử dụng năng lương tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng.
Các đại biểu thảo luận, tham khảo một số ý kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm, tái tạo trong các tòa nhà của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện như: điện lực Cát Hải, khách sạn Hùng Long, công ty Trường Bình Minh. Đồng thời, giới thiệu về thực trạng và giải pháp tiết kiệm năng lượng các tào nhà, năng lượng điện của các đơn vị. Công ty Mặt Trời Đỏ giới thiệu công nghệ và các thiết bị tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong các tòa nhà và ở hải đảo./. (Báo Hải Phòng Online 12/8)
Sáng 12-8, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố làm việc với Trường THPT chuyên Trần Phú về tình hình thực hiện, quản lý, sử dụng các khoản thu của trường năm học 2013-2014, dự kiến các khoản thu năm học 2014-2015 và tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường.
Theo lãnh đạo nhà trường, năm học 2013-2014, nhà trường thực hiện thu một số khoản gồm học phí, tiền dạy học, học thêm trong nhà trường, BHYT học sinh, tiền trông xe đạp, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài và quỹ Ban đại diện học sinh (do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý). Việc thu và sử dụng các khoản này đều thu theo quy định của UBND thành phố và hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Về dự án xây dựng trường tại phường Đằng Hải (Hải An), sau 4 năm thực hiện, từ năm 2009 đến năm 2012, các gói thầu của dự án đã thực hiện xong phần thô và một phần khối lượng trát, ước đạt 50%. Tổng kinh phí cấp cho dự án đến nay đạt hơn 163 tỷ đồng, đạt khoảng 68% tổng mức đầu tư dự án. Từ năm 2013 đến nay, dự án không được cấp kinh phí xây dựng do nguồn ngân sách thành phố gặp khó khăn. Do phụ huynh và học sinh có ý kiến không đồng tình với việc xây dựng trường tại địa điểm mới, nhà trường đề xuất với HĐND, UBND thành phố và các Sở, ngành liên quan chọn phương án xây dựng trường mới tại số 12 Trần Phú, địa điểm của trường hiện nay.
Các thành viên đoàn công tác cơ bản nhất trí với đánh giá của trường về việc quản lý, sử dụng các khoản thu của trường năm học 2013-2014, dự kiến các khoản thu năm học 2014-2015. Đối với dự án xây dựng trường, đoàn công tác cho rằng, đây là dự án công trình trọng điểm cấp thành phố, khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và khu vực. Đoàn công tác đề nghị nhà trường làm rõ tính khả thi việc chuyển đổi địa điểm xây dựng trường để thành phố và các sở, ngành chức năng xem xét, cân nhắc. Trong khi chờ quyết định của thành phố, Sở GD-ĐT, Trường THPT chuyên Trần Phú tham mưu với thành phố đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học của thầy, trò nhà trường./. (Báo Hải Phòng Online 12/8)
UBND thành phố vừa có công điện chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola.
Theo đó, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh do vi-rút Ebola gây ra trên thế giới và các nước trong khu vực, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường giám sát dịch tại khu vực cửa khẩu cảng, nắm chắc thông tin về người nhập cảnh vào thành phố đến từ các vùng có dịch. Ngành Y tế cần chủ động tập huấn chuyên môn, kỹ thuật giám sát, phát hiện, chẩn đoán, điều trị cho đội ngũ cán bộ y tế, đồng thời bảo đảm đủ nguồn thuốc, hóa chất, sinh phẩm sẵn sàng xử lý, khoanh vùng dập dịch, điều trị cách ly khi xuất hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh.
Sở Ngoại vụ, Công an thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Cảng vụ và các đơn vị liên quan chủ động phối hợp cung cấp thông tin người nhập cảnh đến từ vùng có dịch cho ngành y tế, triển khai thực hiện công tác khai báo y tế, giám sát tại của khẩu cũng như bố trí phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, địa điểm khám sàng lọc, cách ly tạm thời đối với trường hợp nghi mắc bệnh. (Báo Hải Phòng Online 13/8, haiphong.gov.vn 13/8)
Đến với CBCS Đội Quản lý hành chính về TTXH Công an huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) vào một ngày trời mưa song chúng tôi thấy dường như thời tiết không hề làm ảnh hưởng đến công việc cấp phát CMND cho người dân mà họ đang tiến hành như thường lệ.
Được biết, ngay sau khi CATP phát động toàn lực lượng thi đua thực hiện các cuộc vận động “Chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” và “Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân để dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ công an nhiều hơn”, Đội QLHC về TTXH - Công an huyện Kiến Thụy dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, BCH Công an huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung làm tốt công tác CCHC, nâng cao chất lượng cấp phát CMND.
Đại úy Vũ Thị Trang, Đội trưởng đội QLHC về TTXH chia sẻ với chúng tôi: Huyện Kiến Thụy có 18 xã, thị trấn, trong đó có những xã ở vùng xa, nhiều nơi dân trí còn thấp. Lực lượng QLHC về TTXH đã đến tận nơi tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của người dân và tiến hành cấp phát CMND miễn phí tại địa phương. Đặc biệt, đối với thương, bệnh binh, người cao tuổi và người mắc bệnh hiểm nghèo, CBCS không quản ngại khó khăn đến tận nhà thăm hỏi, động viên và thực hiện cấp phát CMND miễn phí. Do đó, người dân địa phương luôn tin tưởng, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Còn tại trụ sở làm việc, chúng tôi luôn tiếp đón bà con chu đáo, tận tình hướng dẫn, hoàn thành các thủ tục một cách nhanh nhất...
Bà Hoàng Thị Xinh, ở xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, đang làm thủ tục xin cấp CMND tâm sự: “Tôi năm nay đã 82 tuổi, con trai ở nước ngoài, mỗi lần gửi tiền về đều phải nhờ đứa cháu đi lấy hộ bởi không có CMND. Nhiều lúc tôi nghĩ, sắp về với tổ tiên rồi thì cần gì phải làm CMND nữa, nhưng quả thật không có CMND cũng bất tiện. Hôm nay ra làm CMND, được các cô chú công an hướng dẫn tận tình, thật là quý hóa…”.
Trong thời gian gần đây, đội QLHC về TTXH còn tập trung tuyên truyền, thu thập dữ liệu dân cư, và cấp phát CMND theo công nghệ mới. Là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân nên các CBCS trong đội luôn tích cực phấn đấu, rèn luyện lễ tiết tác phong, chấp hành nghiêm Điều lệnh CAND và các quy trình công tác để góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an tại cơ sở.
Cũng vì lẽ đó, từ năm 2014 đến nay, đơn vị đã hoàn thành cấp phát 23.370 CMND. Trong đó, hỗ trợ kinh phí và phối hợp với Phòng PC64-CATP tổ chức cấp CMND miễn phí tại cơ sở cho 590 trường hợp, cấp miễn phí tại nhà cho 65 trường hợp. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, đội đã cấp mới, cấp đổi và cấp lại 3.340 CMND, đăng ký chuyển đến 135 trường hợp, chuyển đi 235 trường hợp, tách hộ 275 trường hợp, nhập sinh 510 trường hợp, thay đổi đính chính 123 trường hợp… Tất cả những con số biết nói đó đã thể hiện sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của mỗi CBCS trong nỗ lực cải cách hành chính.
Không chỉ làm tốt công tác cấp phát CMND, đăng ký quản lý nhân, hộ khẩu, trong thời gian qua, đơn vị còn đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về TTXH. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, đội đã kiểm tra, nhắc nhở 16 cơ sở kinh doanh có điều kiện, xử lý 4 trường hợp vi phạm, vận động nhân dân giao nộp 5 khẩu súng các loại, 56 viên đạn, 55 dao kiếm, 7kg pháo. Bên cạnh đó, đội còn phối hợp với lực lượng PCCC kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh trên địa bàn về PCCC, góp phần cùng toàn lực lượng CAH Kiến Thụy giữ vững ANCT-TTATXH trên địa bàn. (Dũng Đoàn- An ninh Hải Phòng 13/8)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, những ngày qua, nắng nóng xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ với nền nhiệt cao nhất trong ngày phổ biến 33-36 độ C, nhưng từ ngày 13-8 nắng nóng sẽ chấm dứt.
Ở các tỉnh Bắc Bộ, do ảnh hưởng rìa phía Nam của rãnh áp thấp kết hợp với hoạt động của đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên những ngày qua, ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra trên diện rộng với nhiệt độ phổ biến ở khoảng 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C... (Báo Hải Phòng 13/8)
43. Nhà máy nước An Dương chuẩn bị được nâng cấp bằng nguồn vốn viện trợ của JICA.
Nhà máy nước An Dương nhiều năm nay là nguồn cung cấp nước sạch cho nhân dân 4 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và vùng phụ cận (Hải Phòng), với gần 800.000 người. Nhưng theo kết quả phân tích của Cty Cấp nước Hải Phòng, nguồn nước mặt các con sông dùng để sản xuất nước sạch ở thành phố đang bị ô nhiễm, hàm lượng chất hữu cơ cao, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở nuôi trồng thủy sản, những khu dân cư… chưa được xử lý và xả thẳng ra sông, mương. Bên cạnh đó, việc sử dụng tràn lan, tùy tiện hóa chất không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người nông dân, mà còn gây khó khăn cho các nhà máy sản xuất nước sạch ở Tp.Hải Phòng.
Thực tế, nhu cầu về nước sạch tại Tp.Hải Phòng đòi hỏi ngày càng lớn, song nguồn nước thô đang bị ô nhiễm và có khả năng ngày càng tăng cao hơn. Vì vậy, mục tiêu của chương trình, dự án do Cty Cấp nước Hải Phòng hợp tác với sự tài trợ của JICA bằng phương pháp ứng dụng công nghệ U-BCF từ Nhật Bản có ý nghĩa thiết thực về xử lý chất hữu cơ trong nước sinh hoạt, đối phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; chủ động sản xuất và từng bước áp dụng công nghệ mới trong xử lý nước sạch. Đặc biệt, Tp.Hải Phòng đang là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất và cung cấp nước sạch đô thị, cũng chính là thành phố đầu tiên của cả nước chủ động hợp tác, ứng dụng công nghệ tiên tiến này từ Nhật Bản, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ nhân dân. (Báo Xây dựng 13/8/14)
Thực hiện Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo", qua khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cấp ủy các cấp đã có những chủ trương, giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp với từng loại cán bộ, sát với tình hình thực tiễn. Đề cập đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự TP Hải Phòng, Chính ủy Bộ CHQS TP Hải Phòng cho chúng tôi biết:
- Nghị quyết của Quân ủy Trung ương không những xác định rõ mục tiêu chung, mà còn đề cập đến từng mục tiêu cụ thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây là cơ sở rất quan trọng để cấp ủy từng cấp chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và xác định các biện pháp triển khai thực hiện phù hợp với tình hình từng địa phương, đơn vị. Đối với Hải Phòng, Thường vụ Đảng ủy Quân sự thành phố không những chủ động xây dựng kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả nghị quyết của Quân ủy Trung ương, mà chúng tôi còn chủ động tham mưu, đề xuất với Thành ủy và cấp ủy các cấp coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ ở các cơ quan quân sự địa phương. Theo đó, cấp ủy các cấp tập trung lựa chọn, bồi dưỡng những cán bộ thuộc diện quy hoạch, điều chỉnh, luân chuyển, thử thách qua thực tế để đủ điều kiện tham gia cấp ủy ở địa phương nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo.
Cũng đề cập về vấn đề nói trên, Đại tá Bùi Minh Hoàn, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh Tuyên Quang, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang, khẳng định: Đối với Tuyên Quang, việc lựa chọn để bồi dưỡng cán bộ các cấp, nhất là cán bộ ở cơ sở còn được Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh đặc biệt chú trọng đến cơ cấu thành phần các dân tộc. Thực tiễn của Tuyên Quang minh chứng, ở một tỉnh có nhiều dân tộc anh em chung sống thì việc lựa chọn cán bộ là người các dân tộc, đảm nhiệm nhiệm vụ ở những vị trí, vùng miền có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế, nhiều việc, nhiều chuyện nếu cán bộ không phải người địa phương, không phải người cùng dân tộc thì việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chủ trương chung của Tỉnh ủy cũng như Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh là tập trung lựa chọn, bồi dưỡng số cán bộ là người dân tộc thiểu số đủ khả năng đảm nhiệm và giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp.
Tìm hiểu kinh nghiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ ở nhiều địa phương, đơn vị khác như: Thanh Hóa, Lào Cai, Binh chủng Pháo binh, Sư đoàn 316 (Quân khu 2), Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), cấp ủy từng cơ quan, đơn vị cũng có những cách làm sáng tạo, phù hợp và xác định được rõ trọng tâm, trọng điểm. Ví như ở Sư đoàn 316, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ năm 2014 được Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn xác định trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp đại đội và tương đương. Lý giải với chúng tôi về việc lựa chọn trọng tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ cấp đại đội và tương đương, Thượng tá Đỗ Xuân Tụng, Chính ủy Sư đoàn 316, giải thích:
- Đây là số cán bộ chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu đội ngũ cán bộ ở đơn vị. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cấp đại đội và tương đương có ý nghĩa quyết định đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Cán bộ cấp đại đội vừa là người trực tiếp cùng tham gia hoạt động huấn luyện, sinh hoạt, học tập công tác với bộ đội hằng ngày, vừa là “cầu nối” chuyển tải những chủ trương, biện pháp của cấp trên thành hành động thực tiễn. Mặt khác, cán bộ cấp đại đội tuổi đời khá trẻ, tuy có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các tình huống phát sinh...
Vẫn là công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, Đảng ủy Binh chủng Pháo binh đặc biệt coi trọng việc thực hiện luân chuyển cán bộ giữa cơ quan, đơn vị và nhà trường; giữa các đơn vị đóng quân ở phía Bắc với các đơn vị đóng quân ở phía Nam. Chủ trương của Đảng ủy Binh chủng là ở cấp nào cũng có cán bộ luân chuyển. Đánh giá năng lực cán bộ; xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ ở Binh chủng Pháo binh phụ thuộc vào chất lượng công tác trong thời gian luân chuyển.
Ở từng cấp, từng đơn vị, việc xây dựng đội ngũ cán bộ được triển khai linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nhưng đều hướng vào mục tiêu chung đã được Quân ủy Trung ương xác định rõ trong Nghị quyết 769-NQ/QUTW. Theo Trung tướng Nguyễn Văn Động, Cục trưởng Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị) thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 là cấp ủy các cấp tập trung kiện toàn cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, nhất là cán bộ chủ trì cấp chiến dịch-chiến lược; cán bộ cấp sư đoàn và tương đương, gắn với chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, cấp ủy các đơn vị cần đặc biệt lưu ý: Việc bổ nhiệm cán bộ nhìn chung phải theo quy hoạch, gắn với xây dựng cấp ủy, đơn vị; mạnh dạn bổ nhiệm cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, qua thực tiễn chỉ huy, quản lý đơn vị. Việc bổ nhiệm lại phải xem xét chặt chẽ; mỗi thời hạn bổ nhiệm là 5 năm; thời gian giữ một chức ở một đơn vị không quá 10 năm. Đối với cán bộ chỉ huy, quản lý ở đơn vị cơ sở, nói chung chỉ giữ một chức ở một đơn vị không quá 5 năm. Trường hợp cán bộ còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng không có vị trí bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương ở đơn vị khác. Đây là những điểm rất mới trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ năm 2014 và những năm tiếp theo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị. Thực hiện tốt chủ trương nói trên chính là tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ các cấp phát huy tốt năng lực, khả năng của mình, đồng thời khắc phục được sức ỳ trong thực hiện nhiệm vụ; tạo ra các lớp cán bộ kế tiếp nhau ở từng đơn vị và toàn quân một cách vững chắc. (Quân đội nhân dân 13/8)
Đi tìm sự thực "nhà ngoại cảm" 9X tự nhận tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
LTS: Mộ phần của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, các nhà khoa học, các sử liệu hiện chưa chắc chắn bất cứ địa điểm nào. Nhiều nhà ngoại cảm thi nhau thi thố tài năng đi tìm kiếm, và người nào cũng khẳng định mình đúng. Trong số đó nổi lên Nguyễn Văn Tùng, "nhà ngoại cảm" trẻ sinh năm 1994, tự nhận là "học trò trong mơ" của cụ Trạng Trình, được bà Nhữ Thị Thục, thân mẫu của cụ Trạng dẫn đi tìm mộ? Những chuyện ly kỳ từ cuộc đời cậu thanh niên này khiến dư luận xôn xao. Liệu "nhà ngoại cảm" 9X này có thực sự tìm được mộ cụ Trạng Trình không hay đó chỉ là trò lừa đảo trong sự hoang tưởng của cậu thanh niên mới lớn?
Bài 1: Nhìn thấu cõi âm và tìm mộ Trạng Trình bằng sách Thái ất thần kinh?!
Đang thi tốt nghiệp môn Địa lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Tùng xin gặp một giáo viên nói về khả năng ngoại cảm siêu phàm của mình khi được thân sinh cụ Trạng... dẫn đi tìm mộ.
Sự việc đã gây xôn xao một vùng quê đất Cảng, khiến trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người vào cuộc, còn phóng viên thì tìm ra một sự thật khác...
Người được cụ Trạng chọn làm học trò (?!)
Anh Hùng, trú tại An Dương, Hải Phòng (vì một số lý do nhạy cảm nên chúng tôi đổi tên nhân vật) đang muốn tìm lại mộ người thân của mình trong kháng chiến chống Pháp bằng phương pháp ngoại cảm. Anh tìm kiếm khắp nơi nhưng chưa gặp được nhà ngoại cảm ưng ý, bởi có nhà ngoại cảm đưa ra cái giá quá đắt, có nhà ngoại cảm thì chưa đến đã nghe dân làng nói về quá khứ "bất hảo"... Sau nhiều lần tìm kiếm, anh được tư vấn đến "nhà ngoại cảm trẻ" từng được quảng cáo là tìm được mộ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghe anh Hùng "thao thao bất tuyệt" về "nhà ngoại cảm trẻ" này, chúng tôi nảy sinh ý định muốn tìm hiểu "khả năng siêu phàm" của cậu ta
Sau nhiều lần dò hỏi đường, chúng tôi đã có mặt tại thôn Thái Lai, thế nhưng, khi vừa hỏi về "cậu Tùng" có khả năng ngoại cảm, nhiều người dân đều lắc đầu khẳng định, cậu ta không hề có khả năng đó. Tuy nhiên, tránh tình trạng "gần nhà gọi bụt bằng anh" chúng tôi vẫn tìm đến nhà "cậu Tùng". Đón tiếp chúng tôi là cậu thanh niên trẻ tự nhận mình là Nguyễn Văn Tùng (SN 1994) trú tại thôn Thái Lai, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) có năng lượng "dị biệt", có thể nhìn thấy cõi âm (?!). Theo Tùng, không chỉ nhìn thấy cõi âm, Tùng còn có khả năng tìm hài cốt ẩn sâu trong lòng đất, nói chuyện với vong hồn bằng suy nghĩ, nhìn thấy âm hồn đi ngoài đường... Khả năng của Tùng đã được đồn đoán khắp khu vực Tiên Lãng, thậm chí trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã phải vào cuộc xác minh.
Theo Tùng kể, Tùng trở thành "nhà ngoại cảm" trong tình huống ngẫu nhiên khi tham gia dâng hương tại lễ xây dựng khu tưởng niệm Thượng thư, tiến sỹ Nhữ Văn Lan là thân phụ bà Nhữ Thị Thục (mẹ của trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Sau buổi lễ, tự nhiên, Tùng nghe thấy những tiếng nói từ đâu đó vang vọng đến. "Em nghe thấy trao đổi như bình thường, nhưng không nhìn thấy người", Tùng giải thích. "Một hôm em vào ngôi chùa cổ gần nhà thì nghe thấy tiếng nói: "Đến xin học mà không thắp hương à?". Em vội thắp ba nén hương, sau đó, em nhìn thấy tất cả tượng trong chùa là người thật. Sau đó, em được Phật A di đà dạy học. Học ba ngày liên tiếp thì em được dẫn đến gặp một người cao tầm 1m7, râu tóc bạc và tự nhận là cụ Trạng Trình và bảo đó là thầy giáo mới của em", Tùng kể.
Chúng tôi hỏi cách học như thế nào? Tùng nói: "Cách học là ngồi nhập thiền, hoặc lúc ngủ thì cụ Trạng đến và trước mắt có một quyển sách mở ra. Khi học hết trang quyển sách đó, tự lật sang trang mới. Những bài mà em đang học là viết chữ, tập dự đoán và nghiên cứu "Thái ất thần kinh". Tùng cũng khẳng định trước kia mình viết được chữ Nho, tuy nhiên chúng tôi muốn ngỏ ý xin chữ thì Tùng không viết và giải thích rằng, Tùng không chuyên tâm viết chữ Nho nữa mà chuyển sang phần tìm mộ, nói chuyện với vong linh?!
"Ly kỳ" chuyện tìm ra mộ Trạng Trình
Tùng kể cho chúng tôi về các địa điểm mà Tùng khẳng định đó là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo "nhà ngoại cảm" này, thì sở dĩ cậu ta biết được mộ Cụ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - PV) là do Cụ chỉ bảo riêng cho Tùng bằng "Thái ất thần kinh" do Cụ truyền dạy và năng lượng trực tiếp được nhận từ Phật A di đà để tự tìm mộ của Cụ. Theo lời Tùng kể: "Em đã tính toán nhưng không dám chắc, chỉ xin Cụ một điểm báo. Cụ nói: "Đó là khu công thổ quốc gia, không ai dám phá. Nơi đây có chim và chuột ở, nếu gặp đàn chim bay lên thì đúng". Tuy nhiên, Tùng chưa kịp đi tìm mộ Cụ thì vào một đêm cậu ta đang học bài thì có một người phụ nữ bước vào và nói: "Còn lâu cháu mới biết được mộ ông ấy, thôi theo ta, ta sẽ chỉ cho". Lập tức, Tùng đứng dậy theo (đi bằng vong - Tùng giải thích). Trên đường, người phụ nữ này hé lộ cho Tùng biết bà là Nhữ Thị Thục (thân mẫu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Tùng kể tiếp: "Đi đến khu vực góc tây quán Trung Tân, tại đây, em thấy có một hòm đựng đồ châu báu. Cách quán Trung Tân khoảng 500m theo đường bờ đê lối ra cầu phao Đăng (hiện tại), phía trong đê là một hòm gỗ dày trát một loại nhựa gì đó, trong đựng nhiều thư tịch, đặc biệt có cuốn "Thái ất thần kinh". Đi khoảng 100m từ vị trí này, phía tay trái đê, tức bờ sông, tại đây theo cụ Trạng nói là Bạch Vân Am (?!)". Nhưng theo cách mà Tùng nói, trong cái đêm bà Nhữ Thị Thục đưa Tùng đi thì: "Em nhìn rõ gần phần bến có một ngôi nhà (gọi là Am Bạch Vân) nằm gần hai bụi tre nhỏ, dưới hai bụi tre có đặt một tấm bia và một tấm đặt ở Am Bạch Vân. Ngoài ra còn một số cột lim và dăm hòn đá tảng kê chân cột cùng gạch cổ bị chôn vùi".
Khu di tích quán Trung Tâm mà Tùng nhắc đến trong giấc mơ.
Đi vòng qua cầu Chiến Lược sang bờ đê phần đất Tiên Lãng chừng 3km, theo chỉ dẫn của Tùng: "Khi nào thấy một khoảng cách từ bờ sông bên này sang bên kia chừng 300m, xe có thể gặp sự cố, nhưng quan trọng hơn khi ấy phải có được linh cảm gần đến mộ Cụ, thì sẽ tự nhìn thấy. Đặc biệt, nếu không có chim hoặc chuột chạy ra, bay lên thì không phải". Vị trí ấy, theo Tùng kể: "Khi vong của em đi, bà Nhữ Thị Thục có chỉ rõ và dặn phải nhớ kỹ, vì tại đây còn có ngôi mộ của một vị Hoàng tử mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã an táng trước khi Cụ qua đời".
"Dòng sông lúc bấy giờ rộng gần 300m, buổi sáng nước ra, buổi chiều nước vào, 9h sáng nước dữ, 4h chiều nước lành, nước trong có màu vàng nhạt, chiều nước đục màu đỏ. Giữa sông có một bãi bồi nhô lên khỏi mặt nước, trên bãi bồi có một tấm bia. Phần bên sông Tiên Lãng có một tấm bia đặt dưới cây cổ thụ, gần bến cũng có một con kênh nhỏ. Do bồi lở gần 500 năm, phần bên Vĩnh Bảo bị nước khoét sâu, phần Tiên Lãng được bồi. Như vậy, phần mộ của Cụ không di chuyển mà do sông bị khoét vào đất Vĩnh Bảo thành dòng mới...", Tùng nói như một "siêu nhân".
Sau khi có câu chuyện trở thành học trò cụ Trạng, ngay lập tức danh tiếng của Tùng "nổi như cồn" khắp vùng. Không những vậy, Tùng còn "bổ sung" cho mình khả năng ngoại cảm và chuyển sang "nghề" gọi hồn, tìm hài cốt liệt sỹ. Những câu chuyện cậu ta kể về khả năng "siêu phàm" của mình, càng khiến chúng tôi quyết tâm tìm hiểu thực hư...
Nói vanh vách về ngày mất, lễ táng cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Khi chúng tôi hỏi về ngày mất và về lễ an táng của Trạng Trình, Tùng tường thuật khá chi tiết: Cụ mất ngày 15/11/1585 vào hồi 20h. Ngày đưa Cụ về nơi an nghỉ vào ngày 17 tháng 11 năm 1585. Lễ tang được phát vào hồi 7h35 ngày 16 tháng 11 năm 1585 (?).
Cụ Trạng dặn con cháu đem chọn hai nơi bằng hai quan tài khác nhau, một cái thật và một cái giả. Quan tài thật được đưa vào lúc 1h sáng ngày 16 tháng 11 năm 1585. Số lượng người đưa Cụ về nơi an nghỉ chỉ có 5 người trực tiếp biết và 4 người khác tham gia. Quan tài được đưa xuống thuyền chuyển đi đến địa điểm Cụ chọn để mai táng. Phần quan tài không có xác cụ được đưa vào lúc 9h sáng 17 tháng 11 năm 1585. Xung quanh khu vực chôn có đóng những cọc gỗ và quan tài được đặt ở giữa, đây là quan tài được làm bằng nguyên thân cây cổ thụ. (Đời sống & Pháp luật 13/8)
Ngày 12/8, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có thư khen ngợi và biểu dương lực lượng làm nhiệm vụ an ninh hàng không tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đã phát hiện đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không.
Trong thư, Bộ trưởng Đinh La Thăng viết: Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, tôi gửi lời khen ngợi và biểu dương tới tập thể cán bộ, nhân viên Tổ an ninh soi chiếu, Phòng an ninh - an toàn, Cảng Hàng không Cát Bi, Tổng công ty Cảng hàng không VN và đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại Cảng hàng không Cát Bi đã có thành tích trong việc phát hiện và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời đối tượng vận chuyển khối lượng lớn ma túy đá tổng hợp bằng đường hàng không tại Cảng hàng không Cát Bi trong hai ngày 7/8 và 12/8/2014.
Thành tích trên đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh hàng không và ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép qua đường hàng không. Đây là tấm gương sáng đối với tập thể, cán bộ nhân viên ngành hàng không, là nhân tố góp phần xây dựng ngành hàng không phát triển bền vững.
Tôi mong các đồng chí tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác an ninh hàng không, đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng và phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng trong đấu tranh, phòng chống các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép vật phẩm, hàng cấm bằng đường hàng không.
Xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, hành phúc và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. (Giao thông vận tải 13/8)
Cát Hải là huyện biên giới biển đảo thuộc thành phố Hải Phòng. Địa hình nơi đây phức tạp, tổng diện tích khoảng 345km2, rừng núi chiếm 2/3 diện tích. Huyện có 2 đảo hợp thành. Đảo Cát Hải là đảo cát sa bồi và quần đảo Cát Bà chủ yếu núi đá vôi. Quần đảo Cát Bà có 336 hòn đảo, trong đó đảo Cát Bà là đảo lớn nhất.
Trước đây huyện Cát Hải không có điện lưới quốc gia, năm 1991 Công ty điện lực Hải Phòng chính thức cấp điện lưới ra đảo Cát Hải, năm 1998 cấp điện lưới ra đảo Cát Bà, kể từ khi có điện đời sống người dân dần được ổn định, đồng thời dịch vụ du lịch, sản xuất của huyện ngày càng được mở rộng và nâng cao, bộ mặt của huyện đảo hoàn toàn đổi mới. Sản lượng điện hằng năm tăng liên tục khoảng 9%. Dự kiến năm 2014 sản lượng điện đầu nguồn đạt 34,4 triệu kWh.
Tại đảo Cát Bà công tác bán điện nông thôn có nét đặc thù riêng vì địa hình phức tạp, chia cắt, việc cấp điện đến các xã rất khó khăn, những năm đầu tiên có điện huyện Cát Hải đã đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế các xã, riêng xã Việt Hải là xã vùng sâu, vùng xa duy nhất của huyện chưa có điện, với sự quyết tâm của Công ty điện lực Hải Phòng, năm 2009 Công ty điện lực Hải Phòng đã đầu tư trên 13 tỉ đồng để xây dựng lưới điện cấp cho xã Việt Hải, đến tháng 9.2009 đã chính thức đóng điện cấp điện cho trên 60 hộ dân của xã Việt Hải, đây cũng là xã cuối cùng trên địa bàn thành phố Hải Phòng có điện lưới quốc gia.
Việc quản lý điện các xã trên địa bàn đảo Cát Bà như xã Trân Châu, Xuân Đám, Gia Luận, Hiền Hào từ khi có điện năm 1998 đến năm 2012 huyện Cát Hải giao cho Xí nghiệp Cấp nước Cát Bà kinh doanh theo hình thức mua tổng bán lẻ, thực tế kết cấu đường trục hạ thế chủ yếu là 3 pha 4 dây cáp đơn bọc nhựa PVC, kể từ khi vận hành chưa được sửa chữa lớn. Các cột điện được dùng nhiều loại cũ và yếu, hộp côngtơ điện còn nhiều hộp côngtơ tự gia công bằng các loại chất liệu như tôn, nhựa, hệ thống dây ra sau côngtơ do dân tự mua tiết diện nhỏ, khoảng cách từ côngtơ đến hộ tiêu thụ dài, đường dây cũ nát, trạm biến áp đặt xa trung tâm phụ tải, tổn thất điện năng tại các xã rất lớn khoảng trên 10%; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và thiết bị rất cao, đặc biệt trong những mùa mưa bão.
Nhận thức rõ vai trò quản lý kinh doanh và dịch vụ khách hàng, tháng 3.2012 Công ty điện lực Hải Phòng chính thức tiếp nhận lưới điện hạ thế và giao Điện lực Cát Hải trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn 4 xã trên để kinh doanh bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Sau tiếp nhận, Điện lực Cát Hải bố trí cán bộ đến từng xã tổ chức ký lại toàn bộ hợp đồng mua bán điện với các khách hàng, tuyên truyền việc sử dụng điện an toàn tiết kiệm trong nhân dân. Để chủ động trong công tác quản lý điện lực không thuê dịch vụ bán lẻ điện năng mà giao Đội Quản lý tổng hợp Cát Bà thực hiện, bố trí công nhân trực 24/24 giờ để kịp thời phục vụ điện cho nhân dân và quản lý kinh doanh bán điện trực tiếp trên địa bàn được sát sao hơn.
Kể từ khi điện lực trực tiếp quản lý lưới điện nông thôn, chất lượng điện năng đã được cải thiện đáng kể, lưới điện đã dần được sửa chữa lớn, những sự cố điện trong dân được kịp thời khắc phục không còn hiện tượng mất điện kéo dài, tổn thất điện năng dần đi xuống góp phần giảm tổn thất điện năng chung của điện lực. Đồng thời tạo sự an tâm, phấn khởi trong nhân dân các xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn biên giới. (Đinh Minh Thiện, Giám đốc Điện lực Cát Bà) / laodong.com.vn 13/8)
Đến 16h15 ngày 12/8, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy thuyền viên Phan Văn Sáng rơi xuống biển mất tích.
Tối 12/8, Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng nhận được thông tin về tàu BN 0412 trong hành trình từ Quảng Ninh về Bắc Ninh đến khu vực đèn Ba Lăng, cửa sông Lạch huyện Cát Hải, Hải Phòng thì thuyền viên Phan Văn Sáng bị rơi xuống biển.
Thông tin này đã được Đài Thông tin duyên hải Việt Nam thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương. Đồng thời phát quảng bá thông tin cấp cứu – khẩn cấp – an toàn bằng các phương thức nghiệp vụ trên sóng vô tuyến, yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát hỗ trợ tàu BN 0412 và thuyền viên bị nạn.
Đơn vị tìm kiếm cứu nạn đã điều động 1 tàu, 1 xuồng máy cùng 3 phương tiện hoạt động trong khu vực đèn Ba Lăng tìm kiếm thuyền viên bị nạn nhưng đến 16h15 ngày 12/8 vẫn chưa tìm thấy thuyền viên bị mất tích. Hệ thống Đài TTDH Việt Nam tiếp tục thông tin trợ giúp tìm kiếm thuyền viên của tàu BN 0412./. (VOVNews 13/8)
Chưa được UBND thành phố Hải Phòng bàn giao mặt bằng nhưng Cty TNHH Agape Việt Nam đã tự ý thỏa thuận với Cty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An, có đất bị thu hồi thuộc Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray, để xây dựng nhà điều hành tạm thời. Tuy nhiên, nhìn tổng thể khối nhà tạm này giống với một quán cà phê hơn một nhà điều hành dự án.
Chưa được phép đã xây xong
Ngày 13/09/2011, UBND thành phố Hải Phòng đã có văn bản số 5353/UBND-XD chấp thuận cho Cty TNHH Agape Việt Nam (Cty Agape) đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray. Sau đó, ngày 04/03/2013, UBND thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 438/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Dự án.
Sau đó, Cty Agape bắt tay ngay vào xây dựng cái gọi là nhà điều hành tạm với diện tích 619 m2, nằm trên mặt đường Thiên Lôi khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Nhân dân quanh đây cho biết, khối nhà này bắt đầu xây dựng vào khoảng tháng 4/2014 trên phom nhà cũ trước đây là nhà kho (cấp 4) của Cty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An. Nhà kho này có một phần lợp tôn. Và chẳng biết Cty này xây để làm gì nhưng nhìn tổng quan thì đây rất giống một quán bán cà phê, buffet. Ngay cán bộ địa chính phường Vĩnh Niệm cũng cho rằng: Cty họ xin làm nhà trưng bày mô hình Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray, nhưng bên cạnh đó họ lách luật làm thêm quầy cà phê hay ăn uống để phục vụ khách đến thăm quan thì ai làm gì được họ.
Theo quan sát của phóng viên Báo Xây dựng thì ngày 24/7/2014, công trình nhà điều hành tạm của Cty Agape đã cơ bản hoàn hoàn thành. Đáng ngạc nhiên khi đây là đất quy hoạch thuộc Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray và Dự án hiện đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng Cty Agape đã xây gần xong một công trình hơn 600m2, phóng viên Báo Xây dựng đã gọi điện trao đổi với ông Khánh - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm về vấn đề này, ông Khánh cho biết, Cty Agape hiện đang xây dựng nhà khung để triển lãm toàn bộ dự án. Hiện tại phường không có tài liệu nào về việc xây dựng này, chỉ có mỗi công văn báo cáo của Cty Agape về việc Cty xin xây dựng nhà tạm.
Công văn báo cáo này gửi ông Bí thư Quận ủy Lê Chân và ông Chủ tịch UBND quận Lê Chân, ngày 25/4/2014 với nội dung: “Trong quá trình quản lý điều hành việc thi công hạ tầng kỹ thuật và trưng bày sản phẩm của dự án, chúng tôi cần thiết phải xây dựng tạm một nhà điều hành”.
Cứ xây vì đã được đồng ý về chủ trương
Ngày 25/7/2014, chúng tôi đến trụ sở Cty Agape trên đường Mê Linh, nhân viên Cty này cho biết, Cty đã xin phép và đã được phép mới làm, nhưng không cho biết cụ thể ai cho phép làm.
Trao đổi với ông Lê Thanh Sơn - Bí thư Quận ủy Lê Chân về sự việc trên thì được biết: Cty này kinh doanh bất động sản nên họ cần sửa chữa nhà làm nhà điều hành. Quận đồng ý về chủ trương để doanh nghiệp chủ động làm và xin giấy phép xây dựng tại Sở Xây dựng Hải Phòng.
Tuy nhiên ông Phạm Tiến Du - Chủ tịch UBND quận Lê Chân lại khẳng định: Đây là đất trong quy hoạch dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray, việc xin phép xây dựng của Cty Agape nằm ngoài thẩm quyền của UBND quận. Hiện quận đang soạn thảo văn bản để trình Sở Xây dựng Hải Phòng cấp phép cho doanh nghiệp xây dựng nhà điều hành tạm.
Điều đáng nói ở đây là kể từ khi Cty Agape có văn bản báo cáo quận Lê Chân xin xây dựng nhà tạm cho đến khi phóng viên Báo Xây dựng nhận thấy sự bất thường tại khu đất Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray là 3 tháng, UBND phường Vĩnh Niệm biết, nhưng không hề có biện pháp ngăn chặn hay xử lý. Phải chăng lãnh đạo quận Lê Chân cũng cố tình lờ đi cho doanh nghiệp tùy ý xây dựng? (Báo Xây dựng 13/8)
Mùa tựu trường sắp đến, các gia đình tấp nập sắm sửa cho con em đồ dùng học tập cần thiết trong năm học mới. Nếu như mọi năm, đồ dùng học tập Trung Quốc tràn ngập thị trường thì năm nay hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì giá cả phù hợp, mẫu mã đẹp, phong phú, chất lượng đảm bảo.
Tham khảo một số trung tâm sách và thiết bị trường học lớn trên địa bàn thành phố mới thấy sự phong phú, đa dạng của thị trường đồ dùng học tập trước thềm năm học mới 2014-2015. Đại diện quản lý tại Nhà sách Tiền Phong cho biết: Có thể khẳng định, mùa tựu trường năm nay, hàng Việt đang thắng thế. Chưa có năm nào các doanh nghiệp sản xuất tập vở đưa ra thị trường nhiều mẫu mã thiết kế có ý nghĩa như năm nay.
Các nhân vật gắn liền với lịch sử dân tộc như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo... hay hình ảnh về chủ quyền biển đảo như Trường Sa, Hoàng Sa được đưa lên bìa tập học sinh. Trong đó, sản phẩm của các thương hiệu như Vĩnh Tiến, Vĩnh Thịnh, Hồng Hà... chiếm ưu thế. Đồ dùng học tập thì Thiên Long, Bến Nghé... đã thay thế hoàn toàn hàng Trung Quốc. Do giá hàng nhập gấp 2-3 lần hàng trong nước nên hàng Việt được tiêu thụ mạnh.
Theo khảo sát tại nhiều cửa hàng, siêu thị sách trên phố Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Đà Nẵng…, các mặt hàng phục vụ năm học mới made in Việt Nam chiếm khoảng 70% thị phần. Các sản phẩm xuất xứ nước ngoài cũng có số lượng nhất định nhưng sức mua kém hơn. Quản lý cửa hàng sách Fahasa tại Siêu thị Co.opmart Hải Phòng chia sẻ: “Năm học mới này cửa hàng nhập chủ yếu các sản phẩm của Việt Nam sản xuất, hạn chế đồ Trung Quốc vì chất lượng khá mập mờ.
Hàng Việt được cải thiện nhiều nên sức mua cũng tăng hơn mọi năm, ví dụ các sản phẩm giấy vở từ các doanh nghiệp như Hải Tiến, Hồng Hà đã sử dụng công nghệ phun UV trên bề mặt bìa vở, đảm bảo an toàn cho người dùng”. Năm nay, các doanh nghiệp trong nước sản xuất đồ dùng học tập, sách vở, bút, mực đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nhưng vẫn giữ được mức giá phù hợp với khả năng của nhiều người tiêu dùng.
Một điều đáng mừng là nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi trong việc lựa chọn sản phẩm. Các bậc cha mẹ đã thận trọng hơn trong việc lựa chọn đồ dùng học tập từ các thương hiệu uy tín trong nước. Chị Bùi Thị Hoa, ở Vạn Mỹ, Ngô Quyền, chia sẻ: “Trước những thông tin hàng Trung Quốc chứa nhiều hóa chất độc hại, năm nay tôi không để ý nhiều đến kiểu dáng và giá cả nữa mà quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chọn cho con những đồ dùng được sản xuất bởi những nhãn hàng tên tuổi trong nước”.
Chị Ngô Phương Lan, chủ cửa hàng bán đồ dùng học sinh trên đường Phan Bội Châu cho biết: “Đa phần phụ huynh tìm mua hàng công ty do Việt Nam sản xuất. Hàng Việt bây giờ đẹp và bền hơn hàng Trung Quốc nhiều. Đa số cửa hàng toàn nhập hàng nội địa về bán”.
Đây là tín hiệu vui, kết quả của một thời gian dài cả người bán và người mua hưởng ứng chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. (An ninh Hải Phòng Online 13/8)
Số dầu trên đã từng được dư luận đề cập tới cách đây 7 năm, nhưng dần lắng xuống và mới đây lại được các bộ, ngành, địa phương sốt sắng quan tâm vì… báo chí vào cuộc. Tuy nhiên, “quả bóng trách nhiệm” cứ được chuyền một cách vòng vèo: Địa phương chờ bộ và bộ lại chờ… doanh nghiệp (DN). Cái vòng luẩn quẩn đó cũng chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, trong khi mối an nguy không chỉ đối với vịnh Hạ Long hiển hiện từ 7 năm trước.
Khoảng 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa hóa chất PCB – một loại chất siêu độc chỉ sau dioxin – hiện đang được lưu giữ trong các container tại cảng Cái Lân, bên bờ vịnh Hạ Long.
Năm 2007, Cty CP đầu tư Cửu Long – Vinashin (nay là Cty CP đầu tư Cửu Long) nhập về các máy biến thế đã qua sử dụng từ Hàn Quốc cho dự án NM nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định, do Vinashin làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do một trong 3 máy biến thế bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa chất PCB trong dầu biến thế, nên đã yêu cầu Cty trên tái xuất nhưng bất thành. Sau gần 7 năm nằm phơi sương gió, nắng mưa tại cảng Cái Lân, mới đây do có hiện tượng rò rỉ, Cty CP đầu tư Cửu Long và các cơ quan liên quan mới tiến hành đóng gói tại chỗ lô máy biến thế trên, đồng thời hút hơn 7.000 lít dầu có chứa PCB từ máy biến thế ra để bảo quản.
Tuy nhiên, nguy cơ vỡ container và 7.000 lít dầu siêu độc trên tràn xuống vịnh Hạ Long luôn nằm trong tình trạng báo động do cách thức, phương tiện bảo quản và sự tác động của thiên nhiên, thời tiết.
Di dời lô hàng thiết bị trên và 7.000 lít dầu ra khỏi khu vực cảng Cái Lân là một nhiệm vụ hết sức cấp bách, nhưng di dời đi đâu và ai là người thực hiện, cho đến bây giờ các bộ, ngành, địa phương vẫn còn bàn luận.
Cty CP đầu tư Cửu Long sau thời điểm nhập số hàng trên về cũng gặp muôn vàn khó khăn, có lãnh đạo rơi vào vòng lao lý. Phóng viên đã cố liên hệ với ban lãnh đạo của Cty này để tìm lời giải, nhưng không thể tiếp cận được.
Đã có chủ ý: Yêu cầu Cty phải đưa số hàng trên về kho của mình ở Hải Phòng để bảo quản. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng chẳng dại gì mà nhận “kho thuốc độc” trên.
Ông Hoàng Danh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Quảng Ninh – cho biết, sở đã có công văn gửi Bộ TNMT xin ý kiến, và quyết định đưa số hàng trên về địa phương nào thì chỉ có bộ mới quyết định được.
Chiều 12.8, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, một phó giám đốc của Sở TNMT TP.Hải Phòng phải soạn công văn trả lời để Giám đốc sở Bùi Quang Sản ký, trong đó khẳng định không đồng ý cho vận chuyển 7.000 lít dầu độc trên về Hải Phòng. Lý do: Hải Phòng có 7 DN được Bộ TNMT cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải, nhưng vị trí kho chứa hàng của các DN không phù hợp cho xử lý chất thải nguy hại...
Tuy nhiên, văn bản soạn xong, chờ mãi giám đốc Bùi Quang Sản không ký, phóng viên gọi điện thì ông Sản nói đã về nhà. Sau đó, mọi liên lạc: Nhắn tin, gọi điện cho vị giám đốc này đều vô vọng.
Một phương án khác – đem đi tiêu hủy – cũng gặp khó khăn bởi giá thành (có thể lên tới hàng triệu USD) và công tác vận chuyển, bởi hiện cả nước mới chỉ có một nơi xử lý được, lại ở tận Kiên Giang.
Trong khi cả Quảng Ninh và Hải Phòng đang chờ câu trả lời của Bộ TNMT, thì bộ này vẫn đang... chờ phương án xử lý của DN. (Nguyễn Hùng – Hoàng Hoan / laodong.com.vn 13/8)
34 tuổi, mang dáng hình của một đứa trẻ lên 2, lại bị liệt bẩm sinh nhưng cô gái Nguyễn Thị Hòa ở thôn 5, Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) không chịu đầu hàng trước số phận.
Chính sự khắc nghiệt của số phận ấy đã khiến cô có thể làm nên những điều kỳ diệu. Cô có thể tự mình đọc sách, viết chữ... như một người bình thường. Thậm chí, cô còn sáng tác thơ, viết truyện, gửi gắm những tâm sự, nỗi niềm của lòng mình vào từng con chữ...
34 năm sống trên giường
Từ đầu đường vào thôn 5, Tú Đôi, hỏi đến gia đình ông Nguyễn Đình Nghĩa, bà Đào Thị Hậu, ai cũng xót xa bởi gia cảnh khó khăn lại có cô con gái bị liệt bẩm sinh. Căn nhà nhỏ của ông bà nằm lọt thỏm cuối xóm như nói lên tất cả nỗi buồn tủi bao năm qua. Nhưng ít ai có thể ngờ, nơi đây lại nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ của cô gái nhỏ, làm nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường...
Ngồi trong căn nhà cũ với những mảng tường và đồ đạc nhuốm màu thời gian, ông Nghĩa (bố của Hòa) không giấu nổi sự khắc khổ trên khuôn mặt. ông kể: Năm 1980, ngày cháu nó (Hòa-PV) cất tiếng khóc chào đời, cả gia đình ai cũng vui sướng. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, thời gian ngắn sau đó, những trận ốm đau kéo dài khiến cơ thể cháu ngày càng yếu ớt. Càng lớn, chân tay cháu càng teo lại không phát triển, các ngón tay ngắn ngủn và hai cánh tay dần dần bị khoèo. Mỗi lúc chuyển trời, cơn đau lại hành hạ cơ thể cháu. Thương con nhưng nhà nghèo quá, không có tiền đưa con đi khám chữa kịp thời, vợ chồng tôi chỉ biết đứng nhìn con dần bị liệt trong sự bất lực...". Nói đến đây, ông Nghĩa trầm tư nhìn xa xăm, khóe mắt ngân ngấn nước. ông bảo, làng trên xóm dưới thấy nhà ông như vậy đều bàn tán, xì xào lời ra tiếng vào. Nhiều người nói nhà "vô phúc", sinh "quái thai", có người còn bảo đem vứt bỏ. Nhưng vợ chồng ông chỉ biết nín lặng, nhất quyết không thể làm thế vì đó là "khúc ruột" mang nặng đẻ đau. Vợ chồng ông đành giữ biệt con ở trong nhà, cũng không xin cho con đi học, bởi điều mà ông bà lo nhất là ánh mắt mọi người dành cho Hòa sẽ khiến cô mặc cảm.
Vậy là, 34 năm có mặt trên đời, cũng chừng ấy năm cô gái Nguyễn Thị Hòa "giam" mình trên chiếc giường ọp ẹp. Năm nay ngoài 30 tuổi nhưng Hòa chỉ bé như một đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi: Cao 70cm và nặng 12kg. Cô không ngồi được, không đi lại được, tay chân cứ mềm như sợi bún. Từ khi sinh ra cho đến lúc nhận thức được, thế giới của cô chỉ thu gọn trong không gian chật hẹp ấy. Mỗi khi nhà có khách, Hòa thường trốn trong chăn, ai gợi chuyện cũng đều câm lặng. Dù biết ước mơ không thể thành hiện thực nhưng khát khao được tới trường, tới lớp, khát khao được học cái chữ và trở thành người có ích vẫn luôn cháy trong trái tim cô bé tật nguyền.
Hòa hiểu rằng, mình là kẻ mù chữ, một người "vô dụng", đau khổ khi nhìn thấy bố mẹ và các em vất vả công việc đồng áng trong khi mình chỉ nằm một chỗ. Đến năm 19 tuổi, điều kỳ diệu đã đến với cô. Sau trận ốm thập tử nhất sinh kéo dài hàng tháng trời, Hòa nhận thấy khả năng tiếp thu mặt chữ của mình tăng lên nhanh chóng. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, chẳng bao lâu, cô có thể đọc thành thạo sách, báo... Hòa thường xuyên nhờ người đi thuê sách, truyện cũ về đọc. Niềm vui sướng như vỡ òa, Hòa tranh thủ học mọi lúc, thậm chí thức trắng đêm đọc sách. Cô đọc ngấu nghiến, ham mê đọc như để thỏa cơn "khát chữ" bao nhiêu năm.
Biết đọc thôi chưa đủ, Hòa cố gắng tập viết chữ. Để viết được một dòng chữ, cô phải mất thời gian hơn người bình thường gấp cả chục lần. Thấy vậy, bố mẹ khuyên Hòa đừng tự làm khó bản thân. Thế nhưng, Hòa bản lĩnh hơn ông bà nghĩ rất nhiều. Hòa muốn học chữ, tự học để biết đọc, biết viết. Nhìn con vất vả kê đầu lên hộp cao, dùng đôi tay yếu ớt nắn nót viết từng chữ như trẻ con tập viết, bố mẹ cô dần thay đổi suy nghĩ và bắt đầu quan tâm hơn đến con. ông bà đã mua sách cho Hòa tự học.
Hiện cô tự mình học xong chương trình lớp 5. Hàng tháng, cô dùng toàn bộ số tiền trợ cấp khuyết tật của mình để mua sách. Với cô, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Đôi tay kỳ diệu. Nét chữ kỳ diệu. Nếu không tận mắt chứng kiến thì không ai nghĩ đó là chữ do cô gái nhỏ bé này viết lên.
Chuyện tình đẫm nước mắt
Nhờ đọc nhiều, Hòa cảm thấy mình như dần được hồi sinh, càng ý thức được mình không phải là kẻ "bỏ đi". Cô tập sáng tác thơ, viết truyện, chia sẻ những tâm sự, nỗi niềm của lòng mình vào từng con chữ. Sáng tác của cô tuy còn non nớt về câu chữ nhưng lại là những cảm xúc chân thành, tự nhiên của một tâm hồn đa sầu, đa cảm. Nhưng vượt lên trên tất cả là khao khát được yêu thương, được nhìn nhận như một người bình thường.
Hòa cũng chia sẻ, cô từng được một người con trai cùng làng đem lòng yêu mến. Nhưng tình yêu dù rất đẹp cũng không vượt qua nổi rào cản gia đình, dư luận xã hội. Hiện giờ, anh có cuộc sống riêng, còn cô vẫn mang trong mình nỗi đau của kẻ cô đơn. Truyện ngắn "Bước chân" chính là hồi ức của cô về mối tình đẹp này: "Hôm nay nhà người ta đón dâu. Đoàn rước dâu đi ngang qua ngõ, nó vô tình nhìn thấy... Sao nó lại không buồn khi mà chú rể là người nó yêu suốt 8 năm. Trong suốt thời gian yêu nhau, nó và người yêu chưa từng cãi nhau hoặc xa nhau bao giờ. Nó là người khuyết tật, còn anh là người bình thường... Nếu gia đình anh không miệt thị những người như nó thì nó và anh đâu phải chịu cảnh kẻ cười người khóc... Anh từng thề sẽ mãi mãi yêu thương, chăm sóc nó cho dù nó không xinh đẹp, không được đi học hay không được bay nhảy. Nhưng nó lại có một tấm lòng trong sáng... Hôm nay anh đi hỏi vợ phải không?... Nó dùng hết sức mình đẩy chiếc xe lăn nặng nhọc vào nhà, mặc cho anh đứng đó với nỗi đau. Anh lặng lẽ bước đi trong cơn mưa nặng hạt bất chợt ào đến...".
Giờ đây, khi nhắc tới cô con gái nhỏ, ông bà Nghĩa Hậu bộc bạch: "Chúng tôi kỳ vọng về một gia đình bình thường như mọi gia đình khác. Nhưng sự thật không như chúng tôi mong muốn, thậm chí là quá sức chịu đựng. Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng đó là sự nghiệt ngã của số phận, rằng cháu cả đời sẽ chỉ có thể nằm một chỗ. Nhưng chính cháu đã chứng minh cho chúng tôi tin rằng, con người sinh ra dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu có nghị lực thì cũng có thể làm được rất nhiều điều không ngờ tới. Cháu nó luôn tìm cách đối mặt với mọi khó khăn thay vì bỏ cuộc...".
Cuộc sống dường như có sự bù đắp. Tuy thiếu thốn tình yêu đôi lứa nhưng bù lại, ai tiếp xúc với Hòa cũng đều quý mến cô. Cô lấy tình yêu ấy làm niềm tin vào cuộc sống còn nhiều khó khăn và thử thách. Dù con đường sáng tác thơ, truyện trong tương lai của Hòa còn rất nhiều chông gai. Nhưng với sự lạc quan và tinh thần ham học hỏi, hy vọng tương lai tươi sáng sẽ mở ra với cô gái tật nguyền mang hình hài đứa trẻ này.
Gửi tâm sự vào thơ
Không chỉ viết truyện, Hòa còn có tài làm thơ. Những vần thơ của cô mộc mạc, giản dị nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm mạnh mẽ với những suy nghĩ, trăn trở về "sự phụ thuộc" đầy cay đắng, về thái độ của mọi người đối với mình: "Em sinh ra đâu phải là cái tội/ Mà sao mọi người cứ đổ lỗi cho em/ Thế gian này đâu chỉ riêng em/ Mang trong mình hình hài như vậy/ Vì chiến tranh gieo chất độc da cam/ Mong mọi người và cả thế gian/ Hãy thương em như thương chính họ". (Đời sống &Pháp luật 13/8)
Thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý tổ chức vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, UBND TP. Hải Phòng vừa ra quyết định thu hồi 17 khu đất, với tổng diện tích bằng 249.000 m2, do 16 tổ chức sử dụng.
Đây là những khu đất mà các tổ chức để hoang hóa lâu ngày, chậm đưa vào sử dụng, tự ý chuyển đổi hoặc sử dụng sai mục đích, để đất bị lấn chiếm, đầu tư xây dựng công trình sai quy hoạch, không có giấy phép, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất không đầy đủ…
Thành phố chỉ đạo các ngành, cấp chức năng tiếp tục kiểm tra rà soát, hoàn thiện hồ sơ để có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những tổ chức vi phạm về quản lý, sử dụng đất. ( báo Xây dựng 13/8)
Hiện thành phố có 37 làng nghề, gồm 23 làng nghề truyền thống và 14 làng nghề mới thuộc 30 xã, phường, thị trấn. Các làng nghề thu hút 15.000 hộ và 100 cơ sở tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 33.000 lao động với thu nhập bình quân từ 2.5-4tr đồng/tháng (Báo Hải Phòng 13/8)
Sáng 11-8, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng tổ chức hội nghị phổ biến chiến dịch kiểm tra tập trung đối với tàu biển (CIC-2014) và hướng dẫn một số quy định liên quan đến hoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển Hải Phòng đến các chủ tàu, đại lý, doanh nghiệp vận tải biển trên địa bàn thành phố.
Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Ủy ban kiểm tra nhà nước về cảng biển họp tại Xin-ga-po năm 2013 thống nhất tiến hành chương trình kiểm tra tập trung (CIC) với chủ đề “thời giờ nghỉ ngơi” đối với tàu biển theo quy định của Công ước về tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ và trực ca (STCW 78/95), bắt đầu từ 1-9 đến 30-11-2014. Vì vậy, các tàu cần thiết phải bảo đảm thời gian ngoài thời gian làm việc trên tàu vẫn có đủ các điều kiện theo công ước này. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cũng soạn một số câu hỏi và gợi ý giúp các thuyền trưởng, chủ tàu thực hiện theo đúng quy định nhằm tránh bị lưu giữ tàu biển tại nước ngoài. Tại hội nghị, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng giới thiệu về đặc điểm vùng nước cảng biển Hải Phòng, hoạt động tàu thuyền những năm gần đây, những lưu ý đối với các tàu đến cảng biển Hải Phòng và các phương án tổ chức giao thông, giúp tàu thuyền cập cảng an toàn, giải phóng hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện. (Báo Hải Phòng 13/8)
Đến nay, CTCP Công nghệ Toàn Thắng đầu tư xây dựng 13 trạm cấp nước tập trung tại các xã huyện Vĩnh Bảo, cung ứng nước hợp vệ sinh tới hơn 4.000 hộ dân các đại phương. Đây là Doanh nghiệp đầu tiên tham gia góp vốn đầu tư cung ứng nước sạch teo Dự án đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn Hải Phòng (Báo Hải Phòng 13/8)
Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2014 góp phần sàng lọc ra những doanh nghiệp năng lực hạn chế., lựa chọn những Doanh nghiệp có năng lực, chuyên môn (Báo Hải Phòng 13/8)
Những năm gần đây, số đơn vị được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải nguy hại tăng. Tuy nhiên, kết quả này chưa phản ánh đúng thực tế công tác quản lý chất thải nguy hại, bởi không ít doanh nghiệp kê khai một đằng, nhưng làm một nẻo. (Báo Hải Phòng 13/8)
Hải Phòng đứng thứ 9 (đạt 673,97/1.000 điểm) trong Bảng xếp hạng mức độ Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) tổng thể của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013, tăng 1 bậc so với năm 2012, đạt mức chung là Khá, theo công bố mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, trong năm 2013, công tác ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được các cơ quan quan tâm triển khai. Nhìn chung, mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ quan tăng nhẹ so với năm 2012, tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị phía cuối.
Năm 2013, 3 địa phương dẫn đầu Bảng Xếp hạng là Đà Nẵng, Hà Nội và Nghệ An. 3 đơn vị đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng.
Theo kết quả đánh giá tổng thể, một số tỉnh có sự thay đổi nhiều về thứ hạng so với năm 2012. Các tỉnh tăng hạng: tỉnh Quảng Bình (2013: 12, 2012: 40) tăng 28 bậc; tỉnh Thái Bình (2013: 24, 2012: 48) tăng 24 bậc. Các tỉnh giảm hạng: tỉnh Phú Yên (2013: 54, 2012: 30) giảm 24 bậc; tỉnh Kon Tum (2013: 61, 2012: 38) giảm 23 bậc.
Các tỉnh được tăng hạng là do đã chú ý đầu tư cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn và việc triển khai ứng dụng được thực hiện đồng đều trên cả các mục tiêu chí đánh giá. Còn việc giảm hạng của tỉnh không có nghĩa là mức độ ứng dụng CNTT giảm so với năm trước mà do các tỉnh khác đã có sự phát triển ứng dụng CNTT đồng đều hơn theo các tiêu chí đánh giá đã quy định.
Hàng năm, nhằm thúc đẩy triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành và phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đều có Báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2013, công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước được thực hiện đối với 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước được tiếp tục được đánh giá trên 5 nhóm tiêu chí là: Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Triển khai Ứng dụng CNTT; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT và Nhân lực và Đầu tư cho ứng dụng CNTT. (haiphong.gov.vn 13/8)
UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo trên địa bàn thành phố năm 2014 với mục đích nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển; ý nghĩa, vị trí vai trò, chiến lược biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố. Từ đó khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo sẽ diễn ra từ đầu tháng 8 đến 15/10/2014. Theo đó, thời lượng tin bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, truyền thanh lưu động… được tăng cường. Thành phố sẽ tổ chức nhiều buổi tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề pháp lý liên quan đến biển, đảo; các hội diễn văn nghệ, thông tin lưu động có lồng ghép tuyên truyền, các hội thi tìm hiểu pháp luật về biển, đảo; xây dựng pano, áp phích, phát hành miễn phí các tài liệu, tờ rơi, tờ gấp tại các vùng ven biển, các đảo, các điểm du lịch biển…
Theo kế hoạch này, đợt cao điểm tuyên truyền huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, đảo; gắn nội dung phổ biến pháp luật về biển, đảo với việc tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, kêu gọi, ủng hộ, đoàn kết quốc tế trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia có biển, lên án các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế về biển, đảo; phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. (haiphong.gov.vn 13/8)
Từ ngày 7 đến 12-8, tại Đắc Lắc diễn ra hội thi thể thao gia đình toàn quốc năm 2014 thu hút 350 vận động viên đến từ 26 tỉnh, thành phố. Đoàn HP tham dự gồm 1 trưởng đoàn và 10 VĐV thi đáu ở 2 môn bóng bàn và cầu lông. Với sự nỗ lực, đoàn HP đã giành được giành 1HCV, 1HCB và 4HVĐ (An ninh Hải Phòng 13/8)