Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 13/8/2013)
Sáng 12/8, Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế- xã hôi.
Sau khi nghe Thành ủy báo cáo tình hình phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng, an sinh xã hội...
Đại tướng Trần Đại Quang thay mặt đoàn công tác nhiệt liệt chúc mừng và chia vui với Đảng bộ, chính quyền Hải Phòng về những thành tựu đã đạt được trên các mặt, các lĩnh vực.
Đại tướng nhấn mạnh, Hải Phòng có vị trí địa chính trị- kinh tế chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, do đó nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng đặt ra hết sức nặng nề đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố cần tập trung chỉ đạo đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng thành phố phát triển bền vững, trở thành pháo đài thép bên bờ biển Đông...; xây dựng lực lượng công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; chủ động giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp nảy sinh về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo, phòng chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh - trật tự, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của thành phố theo Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị đề đề ra. (Giang Chinh, An Ninh Thủ Đô Online 12/8; Báo Hải Phòng 13/8, tr1+2; Bản tin thời sự tối 12/8, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; LMT, An Ninh Hải Phòng 13/8, tr1+3)
Ngày 12/8, thành phố chính thức công bố Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô-tô hai bánh, xe mô-tô ba bánh, xe gắn máy trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện mô-tô trên địa bàn thành phố phải nộp phí bảo trì đường bộ. Cụ thể: 50.000 đồng/chiếc/năm đối với loại có dung tích xy lanh đến 100cm3; 100.000 đồng/chiếc/năm đối với loại có dung tích xy lanh hơn 100cm3; 2,16 triệu đồng/chiếc/năm đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ một xy lanh. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2013.
Trong đó, đối với xe mô-tô phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013. Đối với xe mô-tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 trở đi, nếu thời điểm phát sinh từ ngày 1/1-30/6, chủ phương tiện phải khai, nộp 1/2 mức thu năm; thời điểm phát sinh từ 1/7-31/12, thì chủ phương tiện chỉ phải khai, nộp phí của năm sau và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm đăng ký.
Các trường hợp miễn phí theo quy định tại Thông tư số 197/2012 của Bộ Tài chính, gồm: Mô-tô của lực lượng Công an, Quốc phòng, các hộ nghèo (theo quy định của pháp luật về hộ nghèo) và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Việc thu phí sử dụng đường bộ do UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố và UBND huyện Bạch Long Vĩ thực hiện. Mức phí này đã được thông qua kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khoá XIV cuối tháng 7 vừa qua. (Ngô Quang Dũng, Nhân Dân Điện Tử 12/8)
Ngày 12/8, huyện Bạch Long Vĩ tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Chủ tịch thành phố phê chuẩn kết quả bầu ông Đào Minh Đông giữ chức vụ Phó Chủ tịch huyện nhiệm kỳ 2011- 2016.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Bạch Long Vĩ Bùi Đức Quang thừa ủy quyền của UBND thành phố trao quyết định, chúc mừng và giao nhiệm vụ cho ông Đào Minh Đông.
Trước đó, ngày 12/7, tại kỳ họp thứ 7, HĐND huyện Bạch Long Vĩ khóa 4 bầu bổ sung ông Đào Minh Đông - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện giữ chức vụ Phó Chủ tịch huyện, nhiệm kỳ 2011 – 2016. (Báo Hải Phòng 13/8, tr2; T.P, An Ninh Hải Phòng 13/8, tr1)
Sáng 12/8, Quận ủy Đồ Sơn tổ chức hội nghị cán bộ quận quán triệt triển khai các Kết luận, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11) và Quy định số 181 của Bộ Chính trị đến cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các Chi, Đảng bộ và cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Bí thư Quận ủy Đồ Sơn Đinh Duy Sinh trực tiếp truyền đạt Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Các đại biểu được các báo cáo viên truyền đạt các Nghị quyết của Trung ương khóa 11 về: Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Các Kết luận của Ban chấp hành Trung ương khóa 11: Về việc tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sử đổi Hiến pháp năm 1992; về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020. Quán triệt thực hiện Quy định số 181 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm…
Quận phổ biến kế hoạch của Ban Thường vụ Quận ủy về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 7 khóa 11 từ quận đến cơ sở, đảng viên.
Huyện ủy Bạch Long Vĩ vừa tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11) và Quy định số 181 của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên trên toàn huyện.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch huyện Bạch Long Vĩ Bùi Đức Quang và các tuyên truyền viên truyền đạt các nội dung quan trọng như: Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; các Nghị quyết của Trung ương khóa 11 về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Quán triệt thực hiện Quy định số 181 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Bên cạnh đó, các kết luận của Ban chấp hành Trung ương khóa 11: về việc tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sử đổi Hiến pháp năm 1992; về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020 được truyền đạt đến các đại biểu. (Báo Hải Phòng Online 12/8)
Chủ tịch huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn, huyện tổ chức 22 Hội nghị tiếp xúc, đối thoại nhân dân tại các xã, thị trấn, tiếp nhận được 846 lượt ý kiến, kiến nghị của công dân.
Trong đó, có 550 lượt ý kiến, kiến nghị được tiếp nhận trước Hội nghị, 296 ý kiến được trình bày trực tiếp tại Hội nghị. Kết quả, có 788 ý kiến được các cơ quan chức năng giải đáp và trả lời cụ thể tại Hội nghị, 58 ý kiến được trả lời bằng văn bản sau Hội nghị.
Đây là hoạt động do UBND huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức trên địa bàn. Các Hội nghị tiếp xúc với nhiều nội dung kinh tế- xã hội liên quan, chủ yếu tập trung vấn đề được nhân dân quan tâm như: Bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, di dời, sắp xếp, giải tỏa lồng bè…
Các cơ quan chức năng của huyện tập trung nghiên cứu và trả lời rõ các ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Những vấn đề bức xúc của nhân dân được kịp thời giải quyết, đồng thời quán triệt, phổ biến những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức về quyền và thực hiện nghĩa vụ của công dân…, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế- xã hội huyện Cát Hải. (Báo Hải Phòng Online 13/8)
Sáng 12/8, Đoàn kiểm tra của thành phố làm việc với quận Lê Chân về việc thực hiện chủ đề năm 2013 “Du lịch và Đô thị”. Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch thành phố, Trưởng Đoàn kiểm tra chủ trì cuộc làm việc.
Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam chỉ đạo: Quận Lê Chân cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh; đề xuất tổ chức cấp thành phố Lễ hội đền Nghè - Nữ tướng Lê Chân 5 năm một lần; quy hoạch xây dựng khách sạn 3 sao trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đô thị trên địa bàn, chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự đường hè, văn minh đô thị.
Cùng với đó, tăng cường rà soát, kiểm tra về xây dựng không phép, trái phép, xử lý ngay từ đầu để hạn chế thiệt hại cho nhà nước và người dân. Đẩy nhanh, sớm có quy hoạch 1/2000 quận Lê Chân làm cơ sở quản lý quy hoạch, kiến trúc và cấp phép xây dựng. Quận tập trung hơn nữa giải phóng mặt bằng các dự án đô thị như mở rộng nút giao thông Quán Mau; tăng cường đấu giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chủ tịch quận Lê Chân Phạm Tiến Du cho biết: Thực hiện chủ đề năm 2013, quận tập trung thông tin, tuyên truyền kết hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia – Hải Phòng 2013. Quy hoạch, phát triển du lịch, đô thị chú trọng, trong đó hoàn chỉnh hồ sơ và lấy ý kiến cộng đồng điều chỉnh quy hoạch 1/2000 quận Lê Chân.
Lê Chân hiện có 36 Dự án các loại với tổng diện tích đất quy hoạch Dự án phát triển nhà là 91,95ha, nhà ở thương mại 42,49ha, nhà ở xã hội 3,343ha. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch và đô thị hiệu quả với việc lập các Đoàn kiểm tra liên ngành lĩnh vực du lịch; ban hành các kế hoạch, hướng dẫn về quản lý Nhà nước về xây dựng, nhà chung cư; tạo hiệu quả công tác chỉnh trang đô thị; bảo đảm an toàn giao thông với việc giảm 3 tiêu chí, trật tự đường hè, đặc biệt là các tuyến đường kiểu mẫu Tô Hiệu, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Linh.
Quận cũng triển khai có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng với nhiều công trình, Dự án lớn, quan trọng triển khai trên địa bàn như: Mở rộng nút giao thông Quán Mau; cầu đường bộ Tam Bạc. (Báo Hải Phòng 13/8, tr1+7; Bản tin thời sự tối 12/8, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; Haiphong.gov.vn 12/8)
Dù một số lãnh đạo ngành, địa phương còn dè dặt bởi khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng lãnh đạo thành phố đang quyết liệt chỉ đạo với quyết tâm rất cao, mục tiêu cụ thể, rõ ràng, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013.
Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền yêu cầu: Phải tìm mọi giải pháp, biện pháp, tranh thủ thời cơ, tận dụng lợi thế để tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng không thấp hơn năm 2012, ít nhất phải đạt từ 8,12% đến 8,5%.
Khai thác mọi khả năng
Tại cuộc họp rà soát tình hình thực hiện kế hoạch năm 2013, sau khi nghe báo cáo, số liệu của các ngành và đối chiếu với thực tế, các đồng chí lãnh đạo thành phố cho rằng, kết quả như vậy là tương đối khả quan, tình hình không quá khó khăn, những nỗ lực của thành phố thời gian qua không phải là duy ý chí. Vấn đề là phải nhìn ra tiềm năng, thế mạnh của thành phố và tập trung khai thác, tạo ra hiệu quả.
Theo Chủ tịch thành phố, chưa bao giờ Hải Phòng có nhiều Dự án công nghiệp lớn đi vào hoạt động, có nhiều Dự án hạ tầng quan trọng được thực hiện như hiện nay. 2 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng hoạt động hết công suất, đóng góp khá lớn về giá trị sản xuất công nghiệp cũng như doanh thu. Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Polyester Đình Vũ dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, đang chạy thử nhưng cũng đạt hơn 50% công suất, bước đầu có đóng góp vào sản xuất công nghiệp. DAP Đình Vũ ổn định về sản lượng, đạt 20.000 tấn sản phẩm/ tháng, đang cố gắng đẩy mạnh tiêu thụ. Nhà máy Kyocera Mita đưa 2 dây chuyền vào hoạt động trong quý 2, với khoảng 12.000- 15.000 sản phẩm/ tháng. Xi măng khá hơn so với trước. Sắt thép cũng bước đầu có chuyển biến về tiêu thụ sản phẩm…
Theo phân tích của lãnh đạo thành phố, các ngành, các địa phương, các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp có thể hoàn thành, năng suất lúa ở mức “khó có thể cao hơn được nữa”; chăn nuôi, trồng trọt có bước chuyển quan trọng. Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng cùng một loạt sự kiện lớn quy mô Quốc gia, Quốc tế được tổ chức tại Hải Phòng tạo đà cho sự bứt phá, tăng trưởng của du lịch.
Theo Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng Bùi Văn Minh, năm 2013, sản lượng hàng hóa qua cảng khu vực Hải Phòng có khả năng đạt 54 triệu tấn. Sắp tới đây, khi Dự án cho tàu lớn vào cảng được nghiệm thu, tàu 50.000 tấn có thể vào được cảng chính, tàu 55.000 tấn vào cảng Đình Vũ, sẽ giảm được đáng kể việc phải chuyển tải tại Hạ Long, tiết kiệm chi phí đồng thời cũng có thể đóng góp cho tăng trưởng.
Ngoài ra, khi các Dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn thành phố được đẩy nhanh tiến độ như Cảng cửa ngõ Quốc tế Lạch Huyện, Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, 2 tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng 2 hòa lưới điện quốc gia, Nhà máy lốp xe ô tô Bridgestone Đình Vũ đi vào hoạt động, cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện được khởi công…, khả năng hướng mở cho kinh tế Hải Phòng là khá lớn. Trong đó, đáng chú ý là có thêm nhiều yếu tố mới bổ sung cho tăng trưởng. Nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu hồi phục, có mức tăng trưởng cao hơn. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi thành phố, các ngành rà soát lại, tính toán đủ, thể hiện rõ để thấy được sức bật, sự phát triển của thành phố trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
Chủ động, trách nhiệm, kỷ cương
Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng, lợi thế, các yếu tố thuận lợi mới xuất hiện, đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm, kỷ cương của các cấp, các ngành. Theo Chủ tịch thành phố Dương Anh Điền, thuận lợi là chủ yếu, khó khăn chỉ là tạm thời và có thể vượt qua nếu quyết tâm. Do đó, các ngành, các địa phương cần loại bỏ ngay tư tưởng bi quan, buông xuôi; tập trung, chủ động với tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ năm 2013.
Mục tiêu lãnh đạo thành phố đề ra là thực hiện bằng được chỉ tiêu tăng trưởng năm 2013, không được thấp hơn năm 2012. Để có được kết quả này, một số ngành, lĩnh vực cần phấn đấu nhiều hơn như chỉ số phát triển công nghiệp phải đạt 8% ( kế hoạch từ 6,5-7,5%); dịch vụ phải tăng cao hơn, nhất là sản lượng hàng hóa qua cảng, dịch vụ kho bãi, vận tải; thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch; hoàn thành các chỉ tiêu của nông nghiệp.
Đặc biệt, trong thu ngân sách, Chủ tịch thành phố yêu cầu phải phấn đấu đạt 100% (dự báo của các ngành năm 2013 chỉ đạt khoảng gần 90%) mức dự toán năm…
Để đạt mục tiêu này, thành phố bàn và đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo riết róng, đề xuất với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực và yêu cầu các ngành, doanh nghiệp liên quan bảo đảm cấp điện ổn định cho Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, bởi chất lượng điện có ý nghĩa quyết định sự vận hành của Nhà máy. Thành phố kỳ vọng Dự án sản xuất công nghiệp lớn này, vì nếu Nhà máy hoạt động khoảng 70% công suất, sẽ đóng góp đáng kể cho tăng trưởng. Theo Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Bùi Văn Minh, để thu hút hàng qua cảng, cần cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, giảm thiểu các thủ tục, nhanh chóng xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý tại cảng để tạo điều kiện tối đa cho chủ hàng, chủ tàu, không để tàu phải chờ …
Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp phân tích, ngoài việc khai thác các yếu tố mới trong công nghiệp, xây dựng, việc tập trung cho nông nghiệp và dịch vụ rất quan trọng bởi đầu tư vào 2 ngành này tạo ra hiệu quả ngay. Lãnh đạo thành phố ủng hộ đề xuất của Sở NN&PTNT về hỗ trợ sản xuất cây vụ đông; thực hiện ngay đề án chăn nuôi theo nền sinh hóa; chuyển mạnh từ nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến sang thâm canh để tăng năng suất, sản lượng; phát triển các mô hình sản xuất giống rau, giống thủy sản… Ngành Du lịch cần quyết tâm cao hơn, tận dụng mọi lợi thế của thành phố để đưa du lịch bứt phá.
Chỉ tiêu thu ngân sách được coi là ngặt nghèo nhất bởi theo Cục Thuế, năm 2013 có nhiều nguồn thu sụt giảm trong khi dự toán được giao quá cao. Đây là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố chỉ đạo sát sao, liên tục từ đầu năm tới nay và tới thời điểm này yêu cầu các ngành, các địa phương phải dốc sức, quyết liệt hơn nữa, vượt qua khó khăn, quyết tâm thu đạt 100% dự toán được giao. Trong đó, ngoài việc động viên, trực tiếp tháo gỡ nhanh các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, thành phố chỉ đạo tập trung khai thác các nguồn thu từ đất. Điều này có cơ sở khi nhiều địa phương triển khai được việc đấu giá đất, hợp thức hóa đất ở phù hợp với quy hoạch như các huyện Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên…, thu về hàng trăm tỷ đồng.
Giám đốc Sở TN&MT Bùi Quang Sản cho hay, đã chỉ đạo giảm tối đa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp ký hợp đồng thuê đất và một số Dự án đấu giá đất có tín hiệu khả quan. Ngoài ra, tiếp tục thành lập các Đoàn đôn đốc, thu hồi nợ đọng; thu thuế nhà thầu trên địa bàn. Việc đẩy nhanh quá trình thu phí xe máy cũng có thể mang lại nguồn thu hơn 50 tỷ đồng trong năm 2013…
Rõ ràng, dù có nhiều khó khăn nhưng các yếu tố tạo ra sự tăng trưởng là có và cần nhanh chóng nắm bắt, tạo ra hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện bằng việc hoàn thành, thậm chí là vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo Chủ tịch thành phố, đây không phải là chạy theo thành tích mà là vấn đề sát sườn với mỗi đơn vị, mỗi địa phương và thành phố. Bởi vì, không tạo ra sự tăng trưởng thì không có việc làm, không có phát triển; không thu đủ ngân sách thì không có nguồn để chi. Với tinh thần đó, cần sự quyết tâm, quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành với nỗ lực cao nhất. (Hồng Thanh, Báo Hải Phòng 13/8, tr1+2)
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại tại buổi kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy (Khóa XII) về công tác bảo vệ môi trường đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 tại quận Hải An chiều 12/8.
Theo báo cáo của UBND quận Hải An, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận đã bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng cao, việc thu gom xử lý rác thải được triển khai rộng rãi, công tác quản lý môi trường từng bước đi vào nề nếp; các cơ sở sản xuất kinh doanh mới xây dựng đã thực hiện theo đúng quy hoạch, thực hiện việc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo quận, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn còn một số tồn tại, nổi bật là tình trạng ô nhiễm cục bộ từ bãi rác Tràng Cát, Đình Vũ và các doanh nghiệp như: DAP, thép Đình Vũ, gây bức xúc cho các hộ dân quanh khu vực. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Thống kê cho thấy, trên địa bàn quận có 246 cơ sở sản xuất kinh doanh ở quy mô phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường, song hiện còn 120 cơ sở chưa lập Đề án bảo vệ môi trường theo quy định.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính sống còn và càng trở nên cấp bách trên địa bàn quận Hải An.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; các Sở, ngành chức năng thành phố khẩn trương hoàn thiện các vấn đề quy hoạch, trong đó có quy hoạch môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc xử lý các nguồn nước thải, rác thải.
Phó chủ tịch chỉ đạo quận phối hợp chặt chẽ với sở, ngành chức năng tăng cường thanh tra, hậu kiểm, giám sát và xử phạt nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. (Đ.H, An Ninh Hải Phòng 13/8, tr1+4; Báo Hải Phòng 13/8, tr1)
Cách đây 20 năm, đảo Cát Bà còn hoang sơ. Phải mất năm giờ đồng hồ trên con tàu "chợ" chạy như rùa bò, chứ không phải là 50 phút lướt sóng bằng tàu cao tốc như bây giờ. Nay cảnh quan thay đổi rất nhiều. Những con phố ngang dọc với những dãy nhà khang trang, lạ đến nỗi không "định vị" nổi "cảnh cũ người xưa" nữa. Nhưng, vẻ đẹp nguyên sơ với khí hậu trong lành, những khu rừng nguyên sinh, bãi cát trắng mịn mát gan bàn chân dường như vẫn còn nguyên vẹn. Ðảo Cát Bà (hay còn gọi là đảo Ngọc) thuộc quần đảo Cát Bà (gồm hơn 300 đảo nhỏ) giữa Vịnh Bắc Bộ.
Viên ngọc xanh tuyệt đẹp này là nơi hội tụ giữa rừng với biển, với phong cảnh nên thơ và khí hậu vô cùng trong lành. Phải chăng vì thế, mỗi khi Hè về, Cát Bà trở thành địa danh du lịch nổi tiếng, điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước: Từ bình dân cho đến cao cấp, từ đi bụi theo kiểu "phượt" đến nghỉ dưỡng, hưởng thụ.
Những ai yêu thích không gian yên bình, mầu xanh của biển, của trời như hòa quyện vào nhau thì đã có nơi tuyệt vời với những resort, khách sạn năm sao. Còn với những vị khách lãng du, đam mê khám phá thì Trekking (đi bộ) xuyên khu rừng Quốc gia Cát Bà để leo lên đỉnh Ngự Lâm, hay mạo hiểm leo các vách núi dựng đứng, lặn biển ngắm san hô... luôn có sức cuốn hút mãnh liệt.
Sau khi đi một vòng theo những con đường trải nhựa tuyệt đẹp quanh đảo, du khách nên tìm đến khu Pháo đài Thần Công để được ngắm toàn cảnh đảo từ trên cao, tìm một góc đẹp, vươn tầm mắt ra bao la biển, trời, núi non trước mắt. Giữa phong cảnh tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng đó, cuộc sống vẫn hiện hữu, sôi động bởi các làng chài, sự tấp nập ngược xuôi của du thuyền. Tất cả hòa quyện tạo thành một bức tranh tuyệt đẹp.
Chưa bằng lòng với những gì được nhìn, được cảm từ vẻ đẹp của vịnh đảo Cát Bà, du khách tìm đến Khu bảo tồn sinh quyển thế giới - Vườn Quốc gia Cát Bà. Sau hai tiếng đi bộ xuyên rừng, qua những khu rừng già, thỉnh thoảng lại "bắt gặp" những chú thằn lằn, rắn đang phồng miệng nuốt mồi, hay những giò phong lan hoang dại cheo leo nơi vách vực.
Dù sợ độ cao, lấy hết can đảm, run run nắm chặt từng bậc thang của chòi canh mà trong lòng thầm cầu trời khấn Phật, bởi các bậc thang ở đây - về mặt an toàn thì chịu thua, rất chênh vênh! Song, khi đứng trên điểm cao nhất của đỉnh Ngự Lâm tại Khu rừng quốc gia Cát Bà - phóng tầm mắt ra bốn phương, tám hướng, bao trọn tầm mắt ngút ngàn chỉ có rừng với rừng, cây với cây, một mầu xanh của lá. Giờ phút phiêu linh của chặng đường xuyên rừng lý thú.
Còn nhiều lắm những điểm cần đến, muốn đến. Hẹn có ngày trở lại, để tiếp tục hành trình khám phá các hang động với những nhũ đá muôn hình muôn vẻ, không giống bất cứ nơi đâu, hay lặn biển ngắm san hô đỏ... Và chắc chắn, sẽ có cả chèo thuyền Kayak trên vịnh biển Lan Hạ hoang sơ, lãng mạn trong ánh chiều buông trên những rặng núi lớn, nhỏ. (Chu Thu Hảo, Nhân Dân Điện Tử 13/8)
Người dân sinh sống ở đường Đà Nẵng, phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền phản ánh: Số nhà 246 Đà Nẵng, phường Cầu Tre căng phông, bạt bày bán sản phẩm mũ bảo hiểm và đồ chơi trẻ em, lấn chiếm toàn bộ vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn cho người đi bộ.
Đề nghị UBND phường Cầu Tre tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định để trả lại vỉa hè cho người đi bộ và mỹ quan đô thị khu vực. (An Ninh Hải Phòng 13/8, tr4)
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này, mặc dù nhiều cơ quan báo chí đã dẫn nguồn tin từ Công an thành phố khẳng định người điều khiển chiếc xe Lexus 350 gây ra vụ tai nạn là Nguyễn Duy Đốc – một trùm giang hồ đất Cảng thì vào ngày 10/8, trên Trang báo điện tử của một tờ báo thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại đưa tin rằng, đối tượng gây ra vụ tai nạn là một người khác. Phải chăng đây là dấu hiệu của việc chạy tội cho Nguyễn Duy Đốc?
Theo thông tin từ trang báo điện tử này, đối tượng gây ra vụ tai nạn kinh hoàng được xác định là Nguyễn Ngọc Duy (17 tuổi, trú tại quận Dương Kinh). Ngay sau khi thông tin về “người tài xế” lạ hoắc này được đăng tải, nhiều phóng viên theo dõi vụ việc vô cùng ngạc nhiên, đặt câu hỏi phải chăng đã có “bàn tay vô hình” can thiệp vào vụ việc và Đốc đã thực hiện kế “ve sầu thoát xác”, đưa một đối tượng khác “thế” mình để nhận tội.
Một phóng viên thường trú tại thành phố đặt vấn đề: “Điều này cũng có thể xảy ra, bởi trước đây, trên địa bàn thành phố Hải Phòng từng có vụ việc một người gây tai nạn giao thông đã thuê một người khác nhận tội thay”.
Còn phóng viên thường trú tại thành phố của một tờ báo ở miền Nam thì trăn trở: “Không thể nói trang báo điện tử này đưa tin sai sự thật, được bởi tờ báo này là cơ quan ngôn luận của cơ quan bảo vệ pháp luật, nguồn tin của báo này thường là rất đáng tin cậy”.
Trước sự việc, phóng viên Pháp Luật & Xã Hội liên lạc với phóng viên Đg.H.- người được xác định là tác giả của bản tin nói trên, phóng viên Đg.H. khẳng định, nguồn tin để phóng viên này viết bản tin nói trên là do chính lãnh đạo Công an thành phố cung cấp.
Để nâng cao tính thuyết phục, phóng viên này còn lập luận rằng: Cơ quan Công an đã cung cấp đủ và chính xác danh tính cả bốn nạn nhân trong vụ tai nạn, vậy thì càng không thể có chuyện nhầm lẫn danh tính người gây ra vụ tai nạn giao thông, nhầm từ Nguyễn Duy Đốc sang Nguyễn Ngọc Duy được. Tuy nhiên, dù vô tình hay xuất phát từ nguyên nhân khác thì bản tin của phóng viên Đg.H nói trên đã thông tin sai về danh tính của kẻ lái chiếc “xe sang, biển độc” này.
Phóng viên Báo Pháp Luật & Xã Hội phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần và được lãnh đạo Công an thành phố, lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Dương Kinh và phía Viện KSND quận Dương Kinh khẳng định, thủ phạm gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này vẫn là Nguyễn Duy Đốc, như thông tin được nhiều báo công bố ngay từ đầu.
Một vị đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn thành phố khẳng định: “Hung thủ gây ra vụ tai nạn giao thông được xác định là Nguyễn Duy Đốc, thông tin tờ báo của ngành bảo vệ pháp luật đưa tin Nguyễn Ngọc Duy là người gây tai nạn là không chính xác”.
Đến nay, chưa ai biết vì đâu lại có cái tên “Nguyễn Ngọc Duy, 17 tuổi” để gắn vào hành vi lái chiếc “xe điên” thay cho Nguyễn Duy Đốc, chỉ biết rằng đó là thông tin sai sự thật vì ý đồ gì thì chưa rõ. Do vậy, đây vẫn là vấn đề gây băn khoăn cho nhiều người. Sự nghi ngại về việc Đốc “điên” dùng kế “ve sầu thoát xác” không phải không có cơ sở bởi Đốc mặc dù là “đại ca” giang hồ nhưng có mối quan hệ với một số cán bộ cơ quan công quyền. Trong đó, cũng có quan hệ khá thân mật với một số phóng viên thường trú trên địa bàn thành phố.
Ngay tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này, nhiều phóng viên có mặt tại hiện trường, nhưng sau đó lại không thấy đưa thông tin trên báo của họ về vụ việc, trái ngược với lẽ thường.
Đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, khiến 2 người chết, 2 người khác bị thương nặng, gây ách tắc cả một đoạn đường dài trong nhiều giờ đồng hồ, thế nhưng cơ quan chức năng rất chậm trong việc cung cấp thông tin. Một số “anh chị” đất Cảng cũng thẳng thắn chia sẻ, vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, nếu muốn, bằng “quan hệ” và tiền bạc của mình, Đốc “thừa sức” yêu cầu một đàn em thực hiện kế “Lê Lai cứu chúa” nếu như được sự “giúp sức” của các cá nhân thoái hóa biến chất đang làm việc tại các cơ quan công quyền.
Những đại gia trên địa bàn đất Cảng như Tr “dầu” vừa là bạn thân, vừa là người “chịu ơn” Đốc sẵn sàng đứng ra “lo liệu” mọi việc cho đối tượng này. Trên địa bàn Hải Phòng cũng từng xảy ra vụ việc có tính chất nghiêm trọng tương tự. Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này xảy ra trên đường Trần Nhân Tông, quận Kiến An khi chiếc xe ô tô du lịch bốn chỗ ngồi đã điên cuồng lao vào dòng người đang lưu thông trên đường vào một buổi chiều trước Tết nguyên đán khiến hai người bị tử vong, hai người bị thương, chiếc “xe điên” chỉ chịu dừng lại khi đâm đổ một cây bên đường, bị nổ lốp, chết máy. Tuy nhiên, hết thời hạn điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra của thành phố cũng không thể tìm ra hung thủ vụ án.
Dự kiến, ngày 12/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Dương Kinh sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng đối với Nguyễn Duy Đốc để điều tra đối tượng này về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ tai nạn giao thông này, người điều khiển chiếc “xe điên” sẽ phải đối diện với mức án từ 7 đến 15 năm tù. (Đông Bắc – NK, Pháp Luật & Xã Hội Online 12/8)
Theo báo cáo của TAND thành phố, thời gian qua, tòa án các quận huyện Hải An, Lê Chân, Thủy Nguyên… là những Tòa án cấp quận, huyện dẫn đầu công tác xét xử lưu động của TAND thành phố.
Bà Nguyễn Thị Mai – Chánh án TAND thành phố nhấn mạnh, việc xét xử lưu động nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tội phạm đến toàn dân.
Trong số hơn 3.266 vụ việc, vụ án được hai cấp TAND của Hải Phòng thụ lý trong 6 tháng đầu năm có đến 862 vụ án hình sự với 1.467 bị cáo phạm các tội giết người; tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy; tội hiếp dâm… được đưa ra xét xử. Đáng nói, trong số 16 bị can bị đưa ra xét xử trong 12 vụ án giết người có hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng, là vụ án xảy ra hồi 19 giờ ngày 14/2, tại thôn Hòa Nhất, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Vũ Duy Hiến (SN 1985, trú tại thôn Tiền Anh, xã Ngũ Đoàn) dùng xăng tưới lên hai cô con gái mới được 3 và 5 tuổi khiến hai con của Hiến bị thiệt mạng do bỏng.
Khủng khiếp hơn cả phải kể đến vụ án xảy ra hồi 20 giờ ngày 17/3, Trần Đình Điệp (SN 1987, trú tại thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, huyện An Dương) dùng xăng phóng hỏa, đốt cả bố, mẹ vợ và cùng hai con gái mới được 4 và 5 tuổi. Hậu quả vụ án là bố đẻ và hai con gái của Điệp tử vong, mẹ và vợ của Điệp bị bỏng nặng.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều làm rõ nguyên nhân phạm tội của Điệp. Ngoài ra, số vụ án các đối tượng phạm tội hiếp dâm trẻ em; các loại án về tội phạm lợi dụng chức vụ quyền hạn, án về tội trộm cắp; tội cướp, cướp giật trên địa bàn thành phố cũng tăng hơn năm trước. Bà Mai nhận định, qua công tác xét xử nhận thấy, đối với nhóm bị cáo phạm tội giết người, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn trong gia đình hết sức nhỏ nhặt, không đáng có.
Còn lại, hầu hết các vụ án giết người khác, giữa bị hại và nạn nhân đều có quan hệ bạn bè, người quen, mâu thuẫn chủ yều từ những quan hệ xã hội như nợ nần, cờ bạc. Các đối tượng thực hiện tội phạm giết người phần lớn đều trong độ tuổi trẻ, phạm tội lần đầu nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội đều côn đồ, hung hãn, thể hiện sự coi thường pháp luật với quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng.
Trong số 2.456 vụ án đã được hai cấp tòa của TAND thành phố đưa ra xét xử có đến 862 vụ án hình sự, 289 vụ án liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, 152 vụ án dân sự…
Theo ghi nhận của ngành TAND thành phố, số vụ án được các cấp Toà án của Hải Phòng đưa ra xét xử tăng gần 500 vụ án so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ lệ xét xử các vụ án hình sự đạt hơn 85%, án hôn nhân gia đình đạt hơn 80% các vụ án do ngành tòa án thụ lý.
Bà Mai cho biết, trong số các vụ án toàn ngành tòa án Hải Phòng đưa ra xét xử, TAND các quận Hải An, Lê Chân, Thủy Nguyên … là những tòa án cấp quận, huyện của Hải Phòng dẫn đầu các tòa án có tỷ lệ đưa các vụ án ra xét xử lưu động tại các nơi xảy ra tội phạm. Trong sáu tháng đầu năm, đã có 39 phiên tòa lưu động được tòa án các quận, huyện của Hải Phòng tổ chức xét xử lưu động.
Theo bà Mai, việc đưa các vụ án xét xử lưu động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thông qua hoạt động xét xử, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng ngừa tội phạm cho một bộ phận dân cư được nâng cao.
Tuy nhiên, bà Chánh án cũng thẳng thắn thừa nhận, việc xem xét, thụ lý các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại của một số tòa án thuộc ngành tòa án Hải Phòng chưa cao, nguyên nhân được xác định do các thẩm phán được giao thụ lý vụ án còn để quá thời hạn xét xử, còn nếp nghĩ ngại việc khó, ngại đổi mới. (Linh Nhâm, Pháp Luật Việt Nam 12/8, tr5)
Môi trường hành nghề an toàn của luật sư đang bị đe dọa bởi những hành vi bạo lực, đôi khi cả những trò “lật lọng” của khách hàng dẫn đến “rủi ro nghề nghiệp của luật sư làm cho luật sư chịu áp lực, ngại tham gia sâu vào quá trình giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội”.
Chiều 24/11/2012, tại cổng trường Tiểu học Ngô Gia Tự, luật sư Nguyễn Văn Thuộm (Văn phòng luật sư Á Đông) bị ông ĐVL (Giám đốc chi nhánh một Công ty kim khí) chặn đầu xe và bị các thanh niên đi cùng ông L. nhảy vào đánh khiến luật sư bị chấn thương sọ não hở, đa chấn thương vùng đầu, mặt chỉ vì luật sư “tham gia tư vấn pháp lý cho Công ty TNHH Thống Nhất trong việc thanh toán công nợ với chi nhánh Công ty của ông L”.
Trước đó, luật sư Trần Hồng Lĩnh (Hải Phòng) bị tạt axit, Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng (Hà Nội) bị khóa cổng, tưới xăng và châm lửa đốt, luật sư Nguyễn Văn Vượng (Hải Phòng) bị đánh tổn hại 8% sức khỏe, luật sư Phạm Văn Khánh (Hải Dương) bị đánh gây đa chấn thương vùng đầu, mặt.
Đó là chưa kể đến một số hành vi ném chất thải, chất bẩn vào văn phòng luật sư, liên tiếp bị nhắn tin dọa giết luật sư, cho biết đã đặt cọc 100 nghìn đồng ở cơ sở dịch vụ quan tài, đặt vòng hoa “Kính viếng bác luật sư”.
Đa số các việc đều được cho là có liên quan đến hoạt động hành nghề của luật sư. Từ tháng 9/2009 đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được 54 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư. Ngay sau khi những vụ việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng của luật sư, Liên đoàn đã có cùng Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư địa phương có văn bản kiến nghị, trực tiếp đề xuất, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền điều tra, làm rõ kẻ chủ mưu và thủ ác, động cơ đằng sau các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến việc hành nghề và sự an toàn trong cuộc sống cá nhân của các luật sư.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng khẳng định: “Việc các luật sư bị hành hung cần phải được giải quyết”. Tuy nhiên, ngoài trường hợp Công an quận Hồng Bàng đình chỉ điều tra đối với vụ việc của luật sư Nguyễn Văn Vượng (Hải Phòng) do luật sư có đơn xin dừng điều tra vì hai bên đã thỏa thuận được, trường hợp Cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự đối với các vụ việc của luật sư Bùi Đình Ứng, luật sư Trần Hồng Lĩnh, luật sư Phạm Văn Khánh dù vẫn chưa làm rõ thủ phạm... thì phần lớn các đơn tố cáo, kêu cứu của luật sư đã được gửi đi nhiều nơi, nhiều cấp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả điều tra, kết luận, trả lời kịp thời, thỏa đáng.
Theo Liên đoàn luật sư Việt Nam, sở dĩ các sự việc xâm phạm đến quyền hành nghề hợp pháp và quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của giới luật sư có chiều hướng gia tăng, mức độ ngày càng quyết liệt và nghiêm trọng, có nguyên nhân một phần từ việc xử lý không nghiêm, không kiên quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh nhấn mạnh: “Nếu quyền và lợi ích hợp pháp khi hành nghề của luật sư mà không bảo vệ được, thậm chí bị xâm phạm không được giải quyết công bằng, hợp lý thì quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có bảo đảm được hay không trở thành thách thức to lớn cho yêu cầu phát triển nghề luật sư ở Việt Nam hiện nay”. (Hải Nhật, Pháp Luật Việt Nam 12/8, tr8)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tiên Lãng vừa khởi tố vụ án hủy hoại rừng phòng hộ ven biển tại xã Đông Hưng.
Ngày 10/8, cơ quan Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và khám xét khẩn cấp nơi ở đối với Nguyễn Văn Toán (SN 1950) và Nguyễn Văn Tuyên (SN 1980, cháu ruột của Toán, cùng trú tại xã Đông Hưng) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản rừng.
Lực lượng Công an đã thu giữ 1 máy xúc được coi là phương tiện phục vụ việc phá hoại rừng. Hai đối tượng Toán và Tuyên được xác định đã hủy hoại 5.000m2 rừng phòng hộ ven biển tại xã Đông Hưng.
Theo tài liệu điều tra, vào khoảng cuối tháng 3, trong nhiều ngày, hai chú cháu Toán, Tuyến đã tự ý thuê máy xúc đào đắp luồng lạch, phá 5.000m2 rừng phòng hộ. (Mạnh Thắng, Dân Việt 10/8, B.Diệp, Công An Nhân Dân 12/8, tr8)
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I vừa bắt giữ 6,2 tấn tê tê nhập lậu. Số hàng này được đóng trong 1 container 40 feet vận chuyển từ Indonesia về cảng Hải Phòng.
Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I cho biết, ngày 1/8, Công ty L.T (có trụ sở tại Móng Cái, Quảng Ninh) - doanh nghiệp đứng tên nhận hàng trên vận đơn mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I cho lô hàng theo loại hình tạm nhập tái xuất.
Trên tờ khai, hàng hóa được thể hiện là cá, vẩy cá, xương cá và dạ dày cá đông lạnh. Tuy nhiên, qua nguồn thông tin nghiệp vụ, cơ quan Hải quan nghi vấn trong container có chứa hàng cấm nên lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I quyết định kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng. Kết quả kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện trong container có 6,2 tấn tê tê.
Đây là mặt hàng nằm trong danh mục cấm buôn bán theo Công ước Cites (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động thực vật hoang dã nguy cấp). Hải quan Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ để xử lí tang vật và doanh nghiệp vi phạm.
Ngoài vụ việc trên, từ đầu năm đến nay, Hải quan Hải Phòng còn tịch thu 1.287,2 kg vẩy tê tê và 10.646,2 kg thịt tê tê được vận chuyển trái phép qua khu vực cảng Hải Phòng. (T.Bình, Báo Hải Quan Online 12/8; Lam Khê, Tiền Phong 13/8, tr2; Thiên Bình, Thanh Niên 13/8, tr2; Thân Hoàng, Tuổi Trẻ 13/8, tr5; Trọng Đức, Người Lao Động 13/8, tr2; H.Hoan, Lao Động 13/8, tr7)
Công ty TNHH Một thành viên Cảng Hải Phòng là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, đảm trách vai trò là cảng quốc tế quan trọng bậc nhất của khu vực phía Bắc. Với năng lực bốc xếp trên 30 triệu tấn hàng hóa một năm, Cảng Hải Phòng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiều năm qua, cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Cảng Hải Phòng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với an ninh kinh tế, được Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đánh giá là điểm sáng trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương.
Tổng Giám đốc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Cảng Hải Phòng Nguyễn Hồng Việt cho biết: “Chúng tôi xác định, an ninh quốc phòng có vững thì sản xuất kinh doanh mới hiệu quả. Đảng uỷ, chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự Cảng Hải Phòng tập trung xây dựng lực lượng tự vệ, tổ chức huấn luyện tự vệ, lực lượng dự bị động viên, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng”.
14 đầu mối trực thuộc Công ty được biên chế thành 14 đầu mối đơn vị tự vệ gồm 9 Đại đội, 2 Trung đội và 3 Tiểu đội. Năm 2012, 100% đầu mối tự vệ, được tổ chức huấn luyện với sự tham gia của 426 chiến sĩ tự vệ.
Theo Phó trưởng Ban Tham mưu, chuyên trách tự vệ Ban Chỉ huy quân sự Cảng Trần Chí Hiếu, trong quá trình huấn luyện, đơn vị lồng ghép luyện tập các phương án chiến đấu trị an; phương án đánh địch tấn công bằng đường không, đường thuỷ... Những phương án này sát thực tế nhiệm vụ của cảng, giúp chiến sĩ tự vệ nâng cao ý thức, nhận diện nhanh tình huống, nắm chắc các vị trí chiến đấu... không để bị động, bất ngờ khi tình huống xảy ra.
Công tác huấn luyện năm 2013 được triển khai ngay sau khi Công ty tham gia lễ ra quân huấn luyện của lực lượng vũ trang thành phố. Theo bà Nhâm Thị Thanh Hằng - Bí thư Đảng ủy Công ty kiêm Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự Cảng Hải Phòng, phần đông chiến sĩ tự vệ chưa trải qua quân ngũ, hiểu biết về quân sự, quốc phòng còn hạn chế nên Đảng uỷ xác định ưu tiên thời gian cho huấn luyện, trước hết là học tập chính trị tạo tiền đề cho chiến sĩ tự vệ định hình rõ thái độ, trách nhiệm đối với công tác huấn luyện tự vệ.
Đơn vị gắn trách nhiệm của lãnh đạo chủ chốt với nhiệm vụ tự vệ, đưa vào tiêu chí thi đua hằng năm khi đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, chi bộ được công nhận trong sạch vững mạnh thì phải đạt tiêu chí đơn vị tự vệ quyết thắng. Đồng thời, thực hiện chi trả lương chiến sĩ tự vệ trong thời gian huấn luyện gần bằng lương lao động bình quân theo ngày. Nhờ đó, việc triển khai nhiệm vụ huấn luyện tự vệ khá thuận lợi.
“Tự bảo vệ mình trước khi có sự hỗ trợ của các lực lượng khác” trở thành phương châm hành động của mỗi chiến sĩ tự vệ cảng. Nhiều năm liền cảng không có vụ việc mất an toàn nghiêm trọng xảy ra.
Theo anh Vũ Đức Hiệu - chiến sĩ tự vệ cảng Đoạn Xá (1 trong 6 Công ty Cổ phần trực thuộc Cảng Hải Phòng) thì công tác huấn luyện được triển khai toàn diện từ học chính trị, điều lệnh đội ngũ, bắn súng đến huấn luyện kỹ, chiến thuật và luyện tập các phương án chiến đấu, giúp chiến sĩ tự vệ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện tác phong làm việc, kỷ luật lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. (Đàm Tuấn Đạt, Báo Hải Phòng 13/8, tr4)
Sau khi li dị vợ, Tăng Quốc Trung (SN 1984, ở phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân) bập vào ma tuý nên tháng 6, Trung bị TAND quận Lê Chân phạt 30 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”.
11 giờ 30 ngày 1/6, Trung mượn xe máy BKS: 16S6-0670 của chị gái là Tăng Thị Mỹ Hoa đi đưa cơm cho bố đẻ là ông Tăng Quốc Hùng nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt - Tiệp.
Nhân tiện, Trung phóng xe sang quận Kiến An và huyện An Lão rình mò trộm cắp tài sản. 13 giờ 30 cùng ngày, Trung đi qua cửa hàng quần áo Cương Thúy (ở thôn Quyết Tiến 2, An Thắng, An Lão) thì thấy chủ nhà là chị Nguyễn Thị Phương Thúy đang nằm trên chiếu giữa cửa hàng, đầu quay vào trong nhà.
Thấy “ngon ăn”, Trung dừng xe, nhẹ nhàng lẻn vào trong cửa hàng, nhấc 12 chiếc quần bò nam rồi quay ra. Đúng lúc này, chồng chị Thuý từ trong nhà đi ra, phát hiện kẻ trộm liền cầm gậy vụt. Trung hốt hoảng nhảy lên xe máy bỏ chạy. Vợ chồng anh Cương cùng nhân dân đuổi theo đến khu vực An Tràng, thị trấn Trường Sơn thì tóm được Trung cùng tang vật, giao cho Công an huyện An Lão.
Hội đồng định giá tài sản huyện An Lão kết luận 12 chiếc quần bò nam mà Trung lấy được của vợ chồng Trần Văn Cường trị giá 3,590.000 đồng. Chiếc xe máy BKS: 16S6-0670 là tài sản hợp pháp của Tăng Thị Mỹ Hoa nên Công an An Lão đã trả lại xe cho chủ nhân.
Ngày 1/7 vừa qua, trước vành móng ngựa của TAND huyện An Lão, bị cáo Tăng Quốc Trung đã phải lĩnh 18 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 điều 138 BLHS. (Thành Đồng, An Ninh Hải Phòng 13/8, tr7)
Muốn kiếm tiền ăn Tết nên Đào Văn Bền (SN 1958); Vũ Văn Tuấn (SN 1986) và Nguyễn Đức Tới (SN 1980, cùng trú xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên) bàn nhau chung tiền mở sới đánh bạc.
Cả ba bàn bạc đến thuê nhà Nguyễn Văn Thành (SN 1966, ở cùng xã) với giá 100.000 đồng/ngày để làm địa điểm đánh xóc đĩa. Thành đồng ý và tham gia đóng tiền tẩy với Bền, Tuấn, Tới, mỗi người góp 500.000 đồng được 2 triệu đồng, đưa cho Bền cầm.
Đến 14 giờ ngày 2/2, sới bạc bắt đầu hoạt động; bát đĩa, 4 quân vị hình tròn được cắt ra từ bài tú lơ khơ ở nhà Thành. Tuấn và Bền thay nhau xóc cái, giam tiền cùng với Tới, còn Thành ngồi quan sát canh chừng người chơi. Hình thức chơi là xóc đĩa ăn tiền, tỷ lệ ăn thua là 1/1, không bắt sâu. Đám bạc thu hút nhiều con bạc đến chơi và người đến xem.
Thấy có đám bạc ở nhà Thành, vui quá nên Đặng Thị Tuyết (SN 1988, ở xã Hòa Bình); Trần Thị Vượng (SN 1960) và Nguyễn Thị Lúa (SN 1959, đều trú xã Thủy Đường) đã đến chơi. Khi đang sát phạt, bất ngờ, lực lượng Công an huyện Thủy Nguyên ập vào bắt quả tang, thu tại chiếu bạc số tiền 2.750.000 đồng, các đồ nghề đánh bạc, thu của Tuấn 1.030.000 đồng, của Tuyết 1,3 triệu đồng, của Thành 300.000 đồng.
Trong vụ án này, công an còn bắt giữ 10 đối tượng khác có mặt tại đám đánh bạc, qua phân loại sàng lọc thì đều là người đến xem, không tham gia đánh bạc nên không khởi tố. Khám nhà Thành, Công an thu giữ 2 khẩu súng hơi.
Các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được gia đình và chính quyền địa phương bảo lãnh. Do đó, mới đây đưa vụ án ra xét xử TAND huyện Thủy Nguyên chỉ tuyên phạt: Nguyễn Văn Thành và Đào Văn Bền mỗi bị cáo 24 tháng cải tạo không giam giữ, phạt tiền 5 triệu đồng; Nguyễn Đức Tới và Vũ Văn Tuấn mỗi bị cáo 18 tháng cải tạo không giam giữ, phạt tiền 4 triệu đồng; Đặng Thị Tuyết, Trần Thị Vượng và Nguyễn Thị Lúa mỗi bị cáo từ 9 tháng đến 12 tháng cải tạo không giam giữ, phạt tiền 3 triệu đồng cùng về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 và khoản 3 điều 248-BLHS. (N.P, An Ninh Hải Phòng 13/8, tr6)
Tại trường Quân sự, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố vừa khai giảng lớp đào tạo sĩ quan dự bị Chỉ huy tham mưu binh chủng hợp thành năm 2013.
50 học viên là các hạ sĩ quan dự bị hạng 1 được đào tạo tập trung trong thời gian 3 tháng (từ 6/8-30/10). Chương trình đào tạo gồm 2 khối kiến thức: Khối kiến thức chung và khối kiến thức chuyên ngành cung cấp nội dung kiến thức về tâm lý học quân sự; giáo dục quân sự; công tác Đảng; công tác chính trị; kiến thức quân sự cơ bản… (Báo Hải Phòng 13/8, tr3)
Trong 7 tháng qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan triển khai tuyên truyền, phổ biến tài liệu bản đồ Việt Nam nhằm phản bác yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đơn vị đã lắp đặt 4 bộ bản đồ cổ tại những khu vực du lịch – nơi tập trung đông người, đặc biệt là người nước ngoài, góp phần tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nằm trong các hoạt động tuyên truyền, đơn vị phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, trường Quân sự Hải Phòng, quận Ngô Quyền và Tiên Lãng tổ chức thông tin về tình hình và phương thức bảo vệ biển đảo trong tình hình mới, kết hợp tuyên truyền Luật Biển Việt Nam cho hơn 413 lượt cán bộ chủ chốt; tuyên truyền pháp luật cho 9.846 lượt người khu vực biên giới biển… (Báo Hải Phòng 13/8, tr3)
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố vừa tổ chức Hội thi Phó Đồn trưởng quân sự, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng năm 2013.
Tại Hội thi, 25 Phó Đồn trưởng quân sự, Chính trị viên phó các đơn vị trực thuộc và các Đồn Biên phòng tham gia ở 2 phần thi điều lệnh đội ngũ và xử lý tình huống thực tế.
Hội thi giúp Ban tổ chức cũng như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đánh giá trình độ, năng lực công tác lãnh đạo, tổ chức chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời giúp thí sinh trau dồi thêm kiến thức thực tế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (Báo Hải Phòng 13/8, tr3)
Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container được Chính phủ quy định là loại hình kinh doanh có điều kiện. Để được hoạt động trong lĩnh vực này, ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp còn phải có giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, hiện nay, việc thẩm định cấp phép chưa chặt chẽ, các trường hợp vi phạm chưa bị xử phạt quyết liệt nên xuất hiện nhiều “lỗ hổng” trong việc quản lý loại hình vận tải này.
Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe container chở hàng từ Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại. Nhìn những chiếc xe kềnh càng, trọng lượng chưa tính hàng hóa đã nặng hơn hai mươi tấn/xe, vừa chạy vừa lắc lư trên đường, ai cũng nhận thấy rõ sự nguy hiểm.
Chưa kể, xe container thường xuyên chạy với tốc độ cao, rất dễ khiến xe văng ra khỏi trục đường đang chạy, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.
Theo Thanh tra Bộ GTVT, Hải Phòng hiện có 1.300 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải xe container; trong đó chỉ có 46 doanh nghiệp, với khoảng hơn 600 xe được cấp đăng ký kinh doanh vận tải. Trong khi đó, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ, đường sắt Hải Phòng, thành phố hiện có hơn 7.000 xe container đang hoạt động.
Kết quả thanh tra của Bộ GTVT cho thấy, công tác quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bằng container ở nhiều địa phương bị buông lỏng, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp hoạt động trái quy định, tiếp tay cho lái xe chở hàng quá tải, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu, bia, ma túy khi tham gia giao thông... trực tiếp gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm hư hại kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương… là những địa phương tập trung nhiều xe container nhất, nhưng việc cấp phép hoạt động còn thả nổi. Điều này thể hiện qua việc các sở GTVT chỉ cấp phép và quản lý được từ 5-10% số xe container đang hoạt động.
Từ năm 2000, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2000 bãi bỏ các loại giấy phép trái với quy định của Luật Doanh nghiệp (84 loại giấy phép) thì giấy phép vận tải hàng hóa cấp cho các phương tiện vận tải cũng bị bãi bỏ. Điều này khiến cho hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nói chung, xe container nói riêng thiếu các công cụ pháp lý để quản lý.
Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường quản lý công tác kinh doanh vận tải hàng hóa, hoàn thiện các quy định để sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 và 93 trình Bộ xin ý kiến Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng kinh doanh có điều kiện đối với cả kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường. Hiện có khoảng 600.000 phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, trong đó khoảng 20.000 phương tiện vận tải container.
Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 91 quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container phải có giấy phép kinh doanh vận tải, nhưng lại không quy định phương tiện vận chuyển container phải được gắn phù hiệu.
Để khắc phục lỗ hổng quản lý này, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009, quy định các phương tiện vận chuyển container phải được gắn phù hiệu.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GTVT vẫn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 93/2012, nên các địa phương, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo Nghị định 91/2009. Do thiếu chế tài xử lý, xe container không được gắn phù hiệu nên các cơ quan chức năng cũng rất khó quản lý hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký ban hành Chỉ thị 12/2013) yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê số xe, số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, báo cáo Bộ trước ngày 31/8; hướng dẫn và hoàn thành thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container có đủ điều kiện, báo cáo Bộ trước ngày 15/9.
Bên cạnh đó, các Sở GTVT phải chủ động phối hợp liên ngành, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 95/2013 về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ chở quá tải, quá khổ, quá số người cho phép và Chỉ thị 12/2013 thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, bao gồm kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe container.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến cho rằng, doanh nghiệp vận tải container cần phải có giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa để giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm được các thông tin về doanh nghiệp, kịp thời có các biện pháp quản lý, chấn chỉnh khi cần thiết.
Với doanh nghiệp, việc đáp ứng các điều kiện để được cấp phù hiệu sẽ giúp họ có ý thức hơn trong việc đảm bảo an toàn, xây dựng thương hiệu, đổi mới công tác quản lý...
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải thống nhất trong việc xử lý vi phạm, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp. Hiện nay, do chưa có các chế tài xử phạt, nên doanh nghiệp cứ mua xe về, ai thuê thì chạy mà không đăng ký với Sở GTVT. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ có 1 - 2 đầu xe/doanh nghiệp. (Tin Tức 13/8, tr5)
Hậu quả khôn lường từ sự chủ quan
Tối 2/8, tàu H29– BP chở một số cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam) đi từ Tiền Giang về Vũng Tàu, khi đến sông Soài Rạp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ TPHCM) thì gặp nạn và chìm, làm 9 người tử vong.
Bãi biển Cồn Ngựa - nơi xảy ra vụ tai nạn là một bãi cạn, nguy hiểm. Ngay cả khi điều kiện thời tiết bình thường, các phương tiện cũng phải cẩn trọng khi ngang qua đây chưa nói đến thời tiết xấu như tối 2/8. Trời tối đen như mực, mưa lớn, sóng to, thông tin cung cấp không đầy đủ, nên rất khó khăn để các đơn vị chức năng tiếp cận, cứu trợ.
Bên cạnh sự khắc nghiệt của thời tiết, lý do không thể phủ nhận chính là sự chủ quan của những người điều khiển và cả những người ngồi trên phương tiện. Một trong những giả thuyết về nguyên nhân của vụ việc đang được các cơ quan chức năng đưa ra là tàu chở quá số lượng người cho phép. Tàu H29-BP bị sự cố kỹ thuật và đang được Công ty cổ phần Công nghệ Việt Séc (đơn vị đóng) sửa chữa.
Vào thời điểm tàu gặp nạn, tính cả người cầm lái, trên tàu có 30 người, trong khi tải trọng cho phép của tàu không quá 18 người. Tất nhiên số áo phao trên tàu không đủ sử dụng cho tất cả người gặp nạn. Anh Trần Hữu Hiệp (SN 1988, trú tỉnh Thanh Hóa) sau khi cứu 4 người đã nhường áo phao cho một phụ nữ đang mang thai. Sau đó, do đuối sức, anh Hiệp bị sóng đánh dạt ra xa, và anh nằm trong số 9 người tử vong.
Mới đây, tại Hải Phòng, lúc 9 giờ ngày 8/8, Thuyền trưởng tàu HP-3663 (Catba Horizon06) tự ý rời khỏi bến trong khi UBND thành phố đã có văn bản đình chỉ tất cả các tuyến vận tải đường thủy nội địa do Hải Phòng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 6. Rất may, vụ việc không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động các phương tiện thủy
Tại Hải Phòng, khu vực thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải) được coi là trọng điểm hoạt động của các phương tiện thủy nội địa. Trên địa bàn hiện có hơn 300 tàu, thuyền. Ngoài ra, còn có hơn 400 phương tiện của các địa phương khác thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch trên biển.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cát Bà cho biết: “Đối với những phương tiện của địa phương, việc quản lý tương đối thuận lợi, bởi hầu hết chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên đều là người dân địa phương. Các Tổ công tác nắm rõ cả hoàn cảnh gia đình, người thân của các chủ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên nên việc kiểm tra, cập nhật thông tin hoạt động của phương tiện được duy trì thường xuyên”.
Ngược lại, với những phương tiện của địa phương khác hoạt động trên địa bàn, việc kiểm tra khó khăn hơn nhiều. Hiện tượng phương tiện hoạt động quá hạn đăng ký kiểm chứng, không khai báo khi rời bến vẫn diễn ra.
Trước khi hoạt động, một con tàu cần được cấp một số giấy tờ cơ bản như đăng kiểm, giấy phép an toàn phòng cháy, chữa cháy, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên. Kèm theo đó cần hàng loạt các trang thiết bị bảo đảm an toàn như ra-đa liên lạc, bình chữa cháy, phao cứu sinh, pháo hiệu nhưng thực tế, hầu hết các tàu chỉ có hệ thống ra đa liên lạc và một vài cái áo phao cũ kỹ. Bình cứu hỏa trên các phương tiện không có hoặc ở tình trạng không thể hoạt động.
Nguyên nhân tình trạng này được ông Vũ Thành Trung (trú Thanh Hóa) - chủ tàu TH09758 cho biết: “Là người làm ngư nghiệp, chúng tôi phải tiết kiệm từng chút một. Chi vài chục triệu trang bị, thay thế thường xuyên các thiết bị an toàn là một việc khó khăn. Sẽ thuận lợi hơn nếu chúng tôi được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí hoặc hỗ trợ mua trả góp các thiết bị bảo đảm an toàn”.
Để bảo đảm an toàn cho phương tiện, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra thường kỳ và đột xuất, giám sát hoạt động của các phương tiện hoạt động trên địa bàn. Theo Đồn trưởng Nguyễn Tiến Dũng, công tác tuyên truyền về an toàn hàng hải đối với chủ phương tiện, thuyền trưởng là việc quan trọng, cần phải tiến hành thường xuyên. Đây chính là nền tảng để thay đổi ý thức của người dân.
Được biết, đơn vị cũng tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các chủ phương tiện ngoài địa bàn để có kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, các đơn vị biên phòng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký, kiểm chứng phương tiện, giúp các chủ phương tiện hoàn thành thủ tục xuất bến nhanh chóng, tiết kiệm thời gian”. (Như An, Báo Hải Phòng 13/8, tr3)
Chiều 11/8, Quỹ Khuyến học tổ dân phố 36 phường Vạn Mỹ (Ngô Quyền) tổ chức Lễ tuyên dương, phát thưởng cho các em học sinh giỏi, tiên tiến, đạt giải cao trong các kỳ thi Đại học, thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố năm học 2012-2013.
Có 83 em đã được khen thưởng trong dịp này. Đây là hoạt động thường niên được địa phương tổ chức nhằm cổ vũ, động viên phong trào khuyến học khuyến tài, kịp thời giúp đỡ những học sinh nghèo vượt khó vươn lên học giỏi. (Thái Bình, An Ninh Hải Phòng 13/8, tr2)
20.749,9 tỉ đồng là số thu ngân sách Nhà nước của Cục Hải quan Hải Phòng tính đến hết tháng 7, tương đương 50,22% chỉ tiêu được giao. Như vây, 5 tháng còn lại, Cục phải thu gần bằng số thu trong 7 tháng đầu năm, một nhiệm vụ đầy thách thức trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn bộn bề khó khăn gây tác động tiêu cực đến công tác thu ngân sách.
Dù công tác thu tại Hải quan Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, nhưng Cục đã có đơn vị đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này là Chi cục Hải quan Hưng Yên. Hết tháng 7, Chi cục thu được 1.005,9 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu được giao 0,9 tỉ đồng. Dù số thu tại Chi cục Hải quan Hưng Yên so với tổng thu của Hải quan Hải Phòng khá khiêm tốn nhưng đây là kết quả rất đáng khích lệ.
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Hưng Yên, để đạt được thành quả trên, nguyên nhân quan trọng là việc tập trung các giải pháp tạo thuận lợi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và thu hút thêm doanh nghiệp mới về làm thủ tục, giúp tăng thu cho đơn vị.
Theo Phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Hải Phòng, kết quả thu những tháng đầu năm có những khởi sắc nhất định so với cùng kì. Trong 6 tháng đầu năm, kết quả thu của Hải quan Hải Phòng tăng trưởng 15,3% so với cùng kì năm 2012. Và có 5/6 tháng số thu đều cao hơn cùng kì năm ngoái, chỉ riêng tháng 3 số thu giảm 0,62% so với tháng 3 năm 2012.
Đặc biệt, trong tháng 7 vừa qua khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế có hiệu lực (từ 1/7), Hải quan Hải Phòng thu được gần 4.500 tỉ đồng - số thu cao nhất trong vòng 1 tháng từ trước đến nay.
Lãnh đạo Phòng Thuế xuất nhập khẩu cho biết, kết quả dù có khả quan hơn so với năm 2012, nhưng so với chỉ tiêu thu năm nay vẫn còn khoảng cách khá xa. Năm 2013, Hải quan Hải Phòng được giao chỉ tiêu thu 41.320 tỉ đồng, tăng 28,8% so với số thực thu năm 2012.
Để đạt chỉ tiêu này trung bình một tháng Hải quan Hải Phòng phải thu trên 3.443 tỉ đồng. Nhưng với số thu gần 20.750 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm, trung bình mới đạt được trên 2.964 tỉ đồng/tháng (20.750 tỉ đồng/7 tháng), thấp hơn gần 500 tỉ đồng/tháng so với mức phải thu trung bình hàng tháng theo chỉ tiêu.
Về số thu cao đột biến trong tháng 7 vừa qua, đại diện Phòng Thuế xuất nhập khẩu lí giải, sở dĩ số thu tháng 7 cao vì ngoài những khoản thuế đã được ân hạn trước tháng 7, đơn vị còn thu cả các khoản thuế phát sinh trong tháng này vì không được ân hạn theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế. Do đó, về thực chất có thể xem số thu của tháng 7 là số thu của 2 tháng cộng lại nên mới cao như vậy. Nhưng bắt đầu từ tháng 8 trở đi số thu sẽ quay trở về mức bình quân của những tháng trước khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lí thuế có hiệu lực.
Nhìn vào số thu những tháng đầu năm và tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu qua địa bàn Hải Phòng thời gian gần đây, Phòng Thuế xuất nhập khẩu dự báo, việc thực hiện chỉ tiêu thu năm nay là hết sức khó khăn và khả năng hụt thu gần như hiển hiện đối với Hải quan Hải Phòng. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, trong 5 tháng còn lại (từ tháng 8) Hải quan Hải Phòng phải thu trung bình khoảng 4.114 tỉ đồng/tháng, cao hơn số thực thu trong 7 tháng đầu năm 1.150 tỉ đồng/tháng. Điều này rất khó xảy ra vì qua theo dõi số thu tại Hải quan Hải Phòng những năm gần đây, có thể nhận thấy trừ trường hợp đột biến như số thu tháng 7 vừa đề cập ở trên thì những tháng khác không có sự chênh lệnh tới hơn 1.000 tỉ đồng giữa số thu 2 tháng liên tiếp.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, trường hợp có sự chênh lệch lớn nhất cũng chỉ là 591 tỉ đồng giữa tháng 4 và tháng 3 (tháng 4 thu 2.864 tỉ đồng, tháng 3 thu 2.255 tỉ đồng). Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, ngay từ đầu năm Hải quan Hải Phòng xác định một mặt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, mặt khác đơn vị tăng cường các biện pháp chống thất thu và thu hồi nợ thuế.
Đối với công tác chống thất thu, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng chỉ đạo tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại theo các chuyên đề có tính chất trọng tâm, trọng điểm với những mặt hàng, doanh nghiệp có nguy cơ gian lận cao.
6 tháng đầu năm, thông qua biện pháp nghiệp vụ này, Hải quan Hải Phòng đã thu về ngân sách gần 218 tỉ đồng. Trong đó, tổng số thuế điều chỉnh qua kiểm tra, xác định trị giá tính thuế 98,9 tỉ đồng; qua công tác kiểm tra sau thông quan thu 57,5 tỉ đồng; thu từ xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa 21,2 tỉ đồng; thu thuế Giá trị gia tăng đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, nguyên liệu sản xuất xuất khẩu quá hạn thanh khoản hoặc chưa xuất khẩu 15 tỉ đồng; công tác phân loại áp mã thu 13,4 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực đôn đốc, thu hồi nợ thuế, Hải quan Hải Phòng tập trung đôn đốc các trường hợp nợ trây ỳ, cưỡng chế. Đơn vị đã lập nhiều đoàn công tác đi xác minh tại các cục thuế địa phương và phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan Công an trong thực hiện thu hồi nợ. Trong 6 tháng đầu năm, Hải quan Hải Phòng đã ban hành 184 quyết định trích số dư từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế và thu hồi được 2,7 tỉ đồng. (T.Bình, Báo Hải Quan Online 12/8)
Lựa chọn một số vị trí khu đất thực hiện đấu giá phù hợp với nhu cầu thị trường, nhanh chóng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá,... là giải pháp của quận Hồng Bàng đang thu hút nhiều người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Lựa chọn khu đất phù hợp thị trường
Năm 2013, quận Hồng Bàng đặt ra mục tiêu thu về số tiền 30-40 tỷ đồng từ đấu giá đất. Thế nhưng, trong những tháng đầu năm, số tiền thu về đạt thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tăng nguồn thu ngân sách...
Nguyên nhân chủ yếu là thị trường bất động sản đang trong giai đoạn trầm lắng, giá giao dịch sụt giảm, dẫn đến nhiều dự án tổ chức bán hồ sơ nhưng không đủ số lượng người tham gia theo quy định. Làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ dự án đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách địa phương?
Phó Chủ tịch quận Trần Quang Tuấn cho biết: Để tháo gỡ vướng mắc này, quận xác định lựa chọn một số vị trí khu đất đấu giá phù hợp với nhu cầu thị trường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Quận xây dựng mức giá khởi điểm dao động từ 6-30 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Mức giá này phù hợp cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những ai có nhu cầu mua đất để xây dựng nhà ở.
Hiện, quận Hồng Bàng chuẩn bị đưa vào đấu giá 3 khu đất, gồm 23 lô của khu chợ Quán Toan cũ, khu đất 108 An Trân, phường Sở Dầu và khu 97 Bạch Đằng. Điểm đáng chú ý về những lô đất được đưa ra đấu giá lần này là vị trí thuận lợi về giao thông, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
Khu đất chợ Quán Toan cũ nằm liền kề Quốc lộ 10, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, gồm: đường giao thông nội bộ có mặt cắt rộng 5,8 m, vỉa hè rộng 1,5 m, hệ thống thoát nước, điện... Khu đất này có giá khởi điểm 6,5-7,5 triệu đồng/m2, tùy vị trí; diện tích mỗi lô đất vào khoảng 60-80m2. Khu đất khá gần chợ, các trường Mẫu giáo, Tiểu học...
Quận chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ đưa thêm 2 khu đất vào đấu giá, gồm khu 108 An Trân và 97 Bạch Đằng. Khu đất 108 An Trân (phường Sở Dầu) có diện tích hơn 720 m2, giá khởi điểm 3,9 tỷ đồng. An Trân là tuyến đường nhánh đường Tôn Đức Thắng, gần ngã 3 Sở Dầu. Khu đất này được quy hoạch làm nhà ở, đáp ứng người có nhu cầu mua đất xây biệt thự hoặc xây nhà theo lô. Dự kiến, cuối tháng 8, khu đất này sẽ bán hồ sơ đấu giá. Khu đất 97 Bạch Đằng có diện tích 91,15m2 có giá khoảng 3,2 tỷ, dự kiến tháng 9 sẽ bán hồ sơ. Ngoài ra, quận đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục đưa vào đấu giá khu đất ngõ Quang Đàm, Hồ Đá (phường Sở Dầu), khu đồng Đống Hương (phường Hùng Vương).
Những tín hiệu tích cực
Đến tháng 7, có 2/25 lô của khu đất chợ Quán Toan cũ được bán với giá trúng đấu giá gần 500 triệu đồng/lô, tăng thêm 1 bước giá so với giá khởi điểm. Hiện nay, khu đấu này vẫn đang tiếp tục bán hồ sơ, chọn thời gian đấu giá.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Nguyễn Ích Sơn, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hồng Bàng, trung tâm vừa tiếp nhận thêm 4 hồ sơ tham gia đấu giá khu đất chợ Quán Toan cũ. Quận đang tiếp tục tiếp nhận hồ sơ của người có nhu cầu đấu giá. Khi tập hợp đủ số hồ sơ cần thiết sẽ mở phiên đấu giá. Cũng để tạo thuận lợi cho người mua đất, sau 1 tháng trúng đấu giá người mua nộp tiền 50% giá trị khu đất, tối đa sau 2 tháng, kể từ ngày trúng đấu giá sẽ phải hoàn tất thủ tục tài chính. Trên cơ sở đó, quận hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá trong thời gian 3 ngày, kể từ ngày hoàn tất thủ tục tài chính.
Có thể nói, từ lâu nay, việc mua đất Dự án đấu giá được nhà đầu tư và người có nhu cầu mua đất làm nhà ở yên tâm vì tính pháp lý chặt chẽ. Người trúng đấu giá, nhận đất xong là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay, hạ tầng lại hoàn thiện; đồng thời được quy hoạch xây dựng nhà ở nên thủ tục cấp phép xây dựng đơn giản,nhanh chóng. Cùng với đó, sự tạo thuận lợi về các thủ tục sau trúng đấu giá, cùng những khu đất phù hợp với nhiều phân khúc thị trường sẽ là những giải pháp đẩy nhanh tiến độ các Dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. (Nguyên Mai, Báo Hải Phòng 13/8, tr4)
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Nguyễn Văn Toản, Chi nhánh Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A tại Hải Phòng thu hồi gần hết các sản phẩm sữa Abbott Laboratories S.A bị nhiễm khuẩn. Tính đến 17 giờ ngày 12/8, trên thị trường Hải Phòng còn lưu hành 75 hộp sữa Similac loại 400g.
Trước thông tin về sản phẩm sữa Abbott Laboratories S.A bị nhiễm khuẩn Clostridium Botilium, chiều 6/8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố tiến hành kiểm tra tại Văn phòng Chi nhánh Công ty Dinh dưỡng 3A tại Hải Phòng (địa chỉ P210, tầng 2 tòa nhà Sholega số 275 phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền) về việc thu hồi sản phẩm sữa nhiễm khuẩn sau khi có thông báo của nhà sản xuất.
Đại diện chi nhánh cho biết: Sản phẩm sữa của Abbott có nguy cơ bị nhiễm khuẩn được nhập về Hải Phòng từ cuối tháng 7-2013. Sản phẩm này được phân phối cho 104 đại lý và cửa hàng bán lẻ thuộc nội thành Hải Phòng. Tuy nhiên, khi nhận được Công văn số 1588/2013 của Cục An toàn thực phẩm về việc báo cáo kết quả thu hồi các lô sản phẩm nêu trên, Công ty yêu cầu chi nhánh tại Hải Phòng khẩn trương kiểm tra thu hồi sản phẩm nghi nhiễm khuẩn. Tính đến 15 giờ ngày 6/8, chi nhánh xác nhận thu hồi được 58 thùng loại 4 hộp Similac GainPlus Eye-Q loại 400g (24 hộp/thùng) và 173 thùng Similac GainPlus Eye-Q loại 900g (12 hộp/thùng). So với số hàng đã đưa ra thị trường, sản phẩm Similac loại 400g đang lưu thông trên thị trường còn 145 hộp và 4 hộp loại 900g.
Đại diện chi nhánh Công ty Dinh dưỡng 3A tại Hải Phòng cho biết: Chi nhánh tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi triệt để thông qua các kênh tư vấn trực tiếp hoặc giúp đổi trả sản phẩm nhanh chóng. Đến nay, một số trường hợp đến đổi, trả sản phẩm. Theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn và quản lý tại Hải Phòng, hiện chưa có phản hồi nào của người tiêu dùng về biểu hiện do bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulium.
Được biết, vào thời điểm cuối tháng 7, Công ty Dinh dưỡng 3A nhập về 720 thùng sữa Similac, loại trọng lượng 400g và 900g. còn 2 lô có thể bị nhiễm khuẩn được nhập về Việt Nam, nhưng chưa được đưa ra thị trường, hiện được giữ lại trong kho của Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (nhà phân phối chính thức sản phẩm mang nhãn hiệu Abbott Laboratories S. A tại Việt Nam) có số hiệu là 2676G54121 và 2678G54121.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thịnh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe thành phố: Clostridium Botulium là một loại vi khuẩn yếm khí, rất độc hại, có thể tồn tại dưới dạng nha bào (tạo vỏ) hoặc sinh độc tố, gây độc thần kinh chỉ sau khoảng nửa giờ bị nhiễm. Khi bị nhiễm độc bởi vi khuẩn này, người bệnh có biểu hiện buồn nôn, tiêu chảy nhẹ hoặc đi nhiều lần; khô miệng, ăn uống kém, mệt mỏi toàn thân. Sau đó, có thể dẫn tới nhìn mờ, giãn đồng tử, khó nuốt, khó nói, khó thở, táo bón, chướng bụng. Người bệnh không sốt, không có hội chứng màng não và hoàn toàn tỉnh táo. Nếu nhiễm độc nặng có thể tử vong do liệt cơ hô hấp. Người có biểu hiện trên cần đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm, khám và tư vấn cụ thể. (Hoàng Dũng, Báo Hải Phòng 13/8, tr5)
Theo Chi cục bảo vệ thực vật, hiện nay, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang vũ hoá rộ. Sâu non sẽ nở rộ và gây hại tập trung từ 20/8 đến cuối tháng 8 trên các trà lúa làm đòng - trỗ bông.
Diện tích lúa có khả năng bị sâu gây hại ước hơn 33.500 ha, tương đương 85% diện tích gieo cấy vụ mùa. Trong đó, các huyện Vĩnh Bảo có 9.000 ha, Tiên Lãng 7.000 ha; Thủy Nguyên 6.000 ha; Kiến Thụy, Dương Kinh, Đồ Sơn 5.000 ha; An Lão 4.500 ha; An Dương 2.000 ha...So với vụ mùa năm trước, diện tích cần phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 năm nay tăng hơn 2.500 ha.
Chi cục bảo vệ thực vật đang phối hợp với các địa phương bám sát đồng ruộng, xác định những diện tích lúa có mật độ sâu non cuốn lá từ 20 con/m2 trở lên trên lúa đang làm đòng để hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Đợt phun trừ tập trung của thành phố bắt đầu từ 18-25/8.
Trong quá trình chỉ đạo nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, Chi cục bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học để bảo vệ môi trường. Thanh tra chuyên ngành bảo vệ thực vật phối hợp với lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý các trường hợp bán thuốc ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng... (Báo Hải Phòng 13/8, tr1)
Tiền Phong đưa tin: Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều 12/8, ông Lê Thanh Hải - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trưa 12/8, sau khi đi qua đảo Luzon (Philippines), siêu bão Utor vào biển Đông và trở thành cơn bão số 7 từ đầu năm tới nay ở vùng biển này.
Đến 16 giờ 12/8, bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 690 km về phía Đông Đông Bắc, với cường độ cấp 13 (từ 134 đến 149 km/h), giật cấp 14, 15. Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, với cấp độ mạnh hơn. 16 giờ ngày 13/8, bão cách quần đảo Hoàng Sa 280 km về phía Bắc Đông Bắc.
Theo ông Hải, sau đó, bão đổi hướng, đi theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc. Đến chiều 14/8, bão vẫn giữ cấp độ mạnh, đi vào khu vực biển phía đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó đi vào vùng Quảng Tây (Trung Quốc).
Chuyên gia khí tượng cho hay, vẫn có khoảng 30% xác suất siêu bão sẽ bẻ hướng vào vịnh Bắc bộ. Điều đáng lo ngại là vùng ảnh hưởng của bão có gió mạnh cấp 10 sẽ bao trùm hết vùng biển đông bắc nước ta và một phần tỉnh Quảng Ninh. Còn gió cấp 6 sẽ bao phủ hết toàn vịnh Bắc bộ, khu các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến chiều 12/8, đã thông báo cho trên 68.450 tàu thuyền/hơn 295.600 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để phòng tránh.
Trước sự nguy hiểm của siêu bão, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương, tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, nhất là trong khu vực vịnh Bắc bộ. Riêng Quảng Ninh, Hải Phòng cần xem xét lệnh cấm biển. Các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất, sớm khắc phục các sự cố đê, kè, hồ chứa do đã “no” nước trong mấy ngày qua.
Bộ Ngoại giao có công hàm, đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ ngư dân tránh, trú bão và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Còn theo Báo Hải Phòng, để chủ động phòng chống cơn bão số 7, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đài Thông tin duyên hải Hải Phòng thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và bão cho các ngành, địa phương và phương tiện hoạt dộng trên bển để chủ động phòng tránh.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, trong ngày 12/8, các đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.267 phương tiện và 4.476 lao động đang hoạt động trên biển biết thông tin về siêu bão Utor để chủ động phòng tránh.(Phạm Anh, Tiền Phong 13/8, tr4; TTN, Tin Tức 13/8, tr3; PV, Nhân Dân 13/8, tr7; Quân Đội Nhân Dân 13/8, tr1+4; Nhóm PV, Người Lao Động 13/8, tr4; Ngọc Yến – CL, Công An Nhân Dân 13/8, tr2; Thiên Tú, Kinh Tế & Đô Thị 13/8, tr10; Lê Bền, Nông Nghiệp Việt Nam 13/8, tr3; PV-CTV, Văn Hoá, 12/8, tr5; Thái Bình, Sức Khỏe & Đời Sống 13/8, tr3; Báo Hải Phòng Online 13/8)
Văn phòng Báo Công Thương tại Hải Phòng vừa nhận được đơn của bà con khu 1, tổ 4, đường Nguyễn Văn Linh kiến nghị về việc Công ty TNHH Đức Thuận đang xây dựng trạm bán lẻ xăng dầu ngay giữa khu dân cư.
Công trình vẫn đang thi công mà chưa có cơ quan nào giải đáp thắc mắc của người dân. Căn cứ trên thực địa và so sánh với quy định TCVN 2622:1995 về yêu cầu thiết kế phòng, chống cháy cho nhà và công trình, trạm xăng Đức Thuận (đường Nguyễn Văn Linh) không đáp ứng được một số tiêu chuẩn.
Cụ thể: Không có lối thoát hiểm, vi phạm tiêu chuẩn 7.1 và 7.2 bởi xung quanh công trình hoàn toàn là tường cao, kín, phòng điều hành được đặt phía cuối cùng tựa lưng vào sát vách nhà dân, không thể trổ cửa thoát hiểm. Theo quy định, trạm xăng phải cách những nhà xung quanh 9m nhưng thực tế, xung quanh trạm xăng này là nhà dân sát tường, phía bên phải (nhìn từ mặt đường) là ngõ riêng của khu dân cư chỉ rộng khoảng 2m.
Công trình này cũng không đảm bảo yêu cầu giao thông cho xe phòng cháy chữa cháy bởi đường chạy cho xe chữa cháy bên ngoài công trình không đủ rộng tối đa 3,5m chạy dọc theo một phía (ở đây chiều rộng mặt tiền của cây xăng tạm tính là dưới 18m) vi phạm tiêu chuẩn 8.10 , 8.11.
Trong tình huống có hỏa hoạn, xe cứu hỏa chỉ đứng ở mặt trước của trạm xăng (phía đường Nguyễn Văn Linh) thì khoảng cách từ tường phòng điều hành tới mép đường nơi đỗ của xe cứu hỏa cũng lớn hơn 25m, vi phạm vào tiêu chuẩn 8.12 (không đủ điều kiện về khoảng cách tối đa để thiết bị cứu hỏa khống chế toàn bộ đám cháy).
Đặc biệt, ngõ 586 là ngõ cụt, nếu xảy ra hỏa hoạn từ trạm xăng Đức Thuận chặn ngày đầu ngõ, thì toàn bộ cư dân phía trong sẽ không có lối thoát ra ngoài. Đại diện khu dân cư cho biết, khi Công ty Đức Thuận tiến hành đào sâu trên khu đất rộng ngay sát vách từng nhà dân, bà con đã có thắc mắc và được cán bộ phường giải thích là doanh nghiệp này phải đào móng sâu như vậy để xây nhà…7 tầng, vì thế không ai có ý kiến phản đối gì. Đến khi doanh nghiệp tiến hành thả bồn chứa xăng dầu thì người dân ở đây “tá hỏa” lên khi biết Công ty đang đặt “bom” ngay cạnh nhà mình và đã viết đơn kiến nghị, gửi tới các cấp quản lý.
Lá đơn đã trích dẫn các điều luật hiện hành nhằm vạch ra những yếu tố không đảm bảo tiêu chuẩn được phép xây dựng của trạm xăng này trong nội đô. Tuy nhiên, gần hai tháng nay, người dân ở đây vẫn chưa nhận được bất cứ một phản hồi chính thức nào từ phía các cấp chính quyền. Còn Công ty Đức Thuận vẫn tiếp tục xây dựng trạm xăng như không có gì xảy ra.
Trong cuộc họp tự tổ chức để viết đơn kiến nghị lần hai của người dân vào ngày 31/7, chỉ có tổ trường tổ dân phố (được cho là đại diện của chính quyền) tham dự.
Dư luận đang đặt câu hỏi: “Liệu chính quyền đang “tảng lờ” để đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên sự an nguy của người dân”? Thiết nghĩ, kiến nghị của bà con khu dân cư số 1, tổ 4, ngõ 586 đường Nguyễn Văn Linh khi phản đối việc Công ty TNHH Đức Thuận xây trạm xăng trong khu dân cư này có cơ sở pháp lý. Bởi vậy, các cấp chính quyền có liên quan cần có sự quan tâm thích đáng, nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng. (Quốc Cường, Báo Công Thương 12/8, tr10)
Sáng 12/8, Cục Quản lý Môi trường Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết Dự án “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khoẻ mạnh năm 2012” và triển khai hoạt động năm 2013-2014. Dự án được tổ chức tại 24 xã thuộc 12 tỉnh, trong đó có Hải Phòng. Tổng mức kinh phí do Quỹ Unilever tài trợ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga – Cục Trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án, đặc biệt có sự hỗ trợ của lực lượng y tế xã và ngành giáo dục trong việc nâng cao nhận thức của người dân.
Theo đó, có trên 80% người dân, học sinh trong vùng Dự án được tuyên truyền về việc thực hiện hành vi vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tăng 3% hộ gia đình so với trước khi triển khai Dự án. (Trần Lâm, Sức Khỏe & Đời Sống 13/8, tr12)
Bé Nguyễn Hải Phong (SN 2011, ở thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) có hoàn cảnh rất éo le. Bé có 1 tinh hoàn, nhưng đi tiểu lại giống con gái.
Khi bé 4 tháng tuổi, bố bé mất vì ung thư. Sau 3 ngày bố mất, mẹ em mắc bệnh thần kinh, phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Giờ đây bé Phong sống với ông bà nội hết sức khó khăn. Ông nội bé Phong gần chục năm nay, do di chứng chiến tranh để lại ảnh hưởng tới thần kinh nên hay đánh đập, thậm chí còn cầm dao đuổi chém bà Hậu - bà nội bé Phong.
Ngày ngày, bà Hậu tần tảo sớm hôm, lúc tờ mờ sáng tranh thủ ruộng nương rồi về chăm cháu. Do nỗi lo cơm áo ghì sát nên bà không để ý là cháu mình bị mắc chứng lỗ tiểu thấp và bộ phận sinh dục bất thường.
Bệnh tình của cháu Phong chỉ được phát hiện khi bà Hậu gửi cháu ở nhà bà con ở ngoài Kiến An để bà về gặt hái. Tại đây, người bà con của bà Hậu mới phát hiện cấu tạo bộ phận sinh dục của Phong không bình thường. Nhiều người biết chuyện khuyên bà nên sớm cho bé đi thăm khám và phẫu thuật trước lúc bé 3 tuổi là tốt nhất để tránh tâm lý bị mặc cảm về sau.
Bà Hậu nói: “Gia đình nghèo, lo miếng ăn cho gia đình và chăm cháu đã vất vả lắm rồi. Giờ cháu Phong như vậy, tiền phẫu thuật cũng phải lên tới 30-40 triệu đồng, tôi biết lấy ở đâu?”. (Trần Phượng, Danviet.vn 12/8)
Xác định công tác tìm kiếm cứu nạn xa bờ là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hải đội 4 thuộc Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân điều động tàu cứu nạn hàng chục lượt tàu cá với hàng trăm lượt ngư dân bị nạn trên biển.
Thiếu tá Trần Quốc Huy - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Hải đội 4 cho biết, với phương châm “Phòng là chính; tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”; “Cơ động nhanh, hiệp đồng tốt, cứu người trước, phương tiện sau” và triệt để thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), thời gian qua, đơn vị xây dựng phương án sẵn sàng cho cả hướng bờ, hướng biển, trước và sau bão nhằm huy động tổng lực về người và phương tiện để cứu người, cứu tài sản.
Theo phương án, Hải đội 4 tổ chức 2 tàu sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn trên khu vực sông Cấm và khu vực Cát Bà (huyện Cát Hải); 1 tàu cứu hộ, cứu nạn trên biển xa; 1 tàu cứu hộ cứu nạn khu vực nam Vịnh Bắc bộ; 1 tổ cơ động xử lý tình huống tại khu vực Hải Phòng và 8 tàu, 10 xuồng sẵn sàng chi viện cứu hộ, cứu nạn tại Hà Nội… với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, dầu, mỡ cung cấp cho ngư dân, sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh trước, trong và sau bão; các lực lượng còn lại của đơn vị tập trung phòng, chống bão tại đơn vị và sẵn sàng lên đường đến các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn phân công phụ trách được ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Hải đội 4 luôn duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt, các biên đội trực nhiều lần cứu người trên sông Hồng, sông Cấm. Trưa 5/3, trong khi làm nhiệm vụ, phát hiện một thanh niên nhảy cầu Bính tự tử, Hải đội 4 điều xuồng HQ 1130 do Thiếu tá Nguyễn Văn Vĩ phụ trách cứu, vớt nạn nhân.
Sau 5 phút triển khai, đơn vị vớt được nạn nhân và đưa lên tàu HQ 551 để sơ cứu, thông báo và bàn giao cho gia đình. Trước đó, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 4 cứu được anh Bùi Đức Sinh (sinh năm 1987 trú tại số 5/22 Phú Viên, phường Bồ Đề, Hà Nội). Sau gần 1 giờ đồng hồ vật lộn trên sông, Biên đội tàu trực đưa được nạn nhân Bùi Đức Sinh vào bờ tiến hành sơ cứu, trợ sức, đồng thời báo cho chính quyền địa phương, phối hợp cùng gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu...
Hải đội còn làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Chuyến cứu hộ, cứu nạn đặc biệt đối với ngư dân Trung Quốc bị nạn trên vùng biển vịnh Bắc Bộ còn in đậm trong tâm trí Thiếu tá Huy.
Anh kể: Biên đội tàu HQ 797, HQ 786 nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Vùng, khẩn cấp xuất phát tìm kiếm cứu nạn tàu cá Trung Quốc trên tuyến Long Châu - đảo Bạch Long Vĩ. Nhận lệnh, hai Biên đội tàu báo động rời bến khẩn cấp, anh em chỉ chuẩn bị thêm chục củ chuối làm thực phẩm thay rau xanh, lương thực, thực phẩm còn lại sử dụng vào lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu. Do ảnh hưởng của bão, sóng biển giật cấp 7, trên cấp 7, trời mưa như trút nước, việc quan sát, phát hiện ngư dân bị nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Song, với tinh thần trách nhiệm cao, dù bị ngấm lạnh, 2 Tổ quan sát vẫn bám 2 bên mạn tàu, bật đèn pha tìm kiếm suốt một ngày đêm. Sáng hôm sau, phát hiện một vật trôi nổi cách tàu 1 hải lý, Biên đội quyết định tiếp cận và xác định đó là xác một nạn nhân của tàu cá Trung Quốc đã bắt đầu phân hủy. Ngay lập tức, Biên đội tổ chức vớt xác nạn nhân lên tàu. Nhưng vì sóng to, gió lớn và xác bắt đầu phân hủy nên việc đưa lên gặp nhiều khó khăn. Trước tình thế đó, tàu HQ 786 quyết định cắt lưới kéo cá trị giá 75.000.000 đồng để kéo thi thể nạn nhân lên tàu, tổ chức khâm liệm, hương khói theo nghi lễ dân tộc Việt Nam. Ngày hôm sau, phía Trung Quốc đưa tàu Hải giám cùng người thân của nạn nhân sang nhận xác trong sự trân trọng biết ơn và cảm động trước tinh thần tận tình của cán bộ, chiến sĩ trên tàu cũng như tình cảm giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Thiếu tá Huy khẳng định: Công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ nhân dân trong phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh trái tim của người lính. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng vượt qua sóng gió, hiểm nguy, kịp thời có mặt trên biển, để kìm kiếm cứu nạn hàng trăm tàu thuyền và ngư dân gặp nạn giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phòng chống thiên tai…
Những hành động vì nhân dân quên mình của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 4 nói riêng, Vùng 1 Hải quân nói chung để lại ấn tượng, tình cảm sâu nặng với ngư dân cũng như nhân dân địa phương. (Báo Hải Phòng 13/8, tr3)
Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình thì một người từng bị chồng bạo hành thể xác, tinh thần hoặc tình dục. Đây là số liệu từ kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Chính phủ và Liên hợp quốc thực hiện…
“Giáo dục” vợ bằng bạo lực?
Các cán bộ tư vấn Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố một phen thót tim khi đang tư vấn cho một phụ nữ bị bạo lực thì từ phía ngoài anh chồng xộc vào tay lăm lăm con dao khống chế vợ về nhà. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, đồng thời, mời công an phường đến giải quyết, anh chồng mới chịu buông dao. Đó là một trường hợp phụ nữ thường xuyên bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ở quận Hồng Bàng. Mỗi lần uống rượu say hoặc chị làm điều đó không vừa lòng là anh ta lại dùng vũ lực để “giáo dục” vợ.
Câu chuyện buồn của người phụ nữ bất hạnh nêu trên không phải điển hình. Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Chính phủ và Liên hợp quốc thực hiện với sự tham gia của 5 nghìn phụ nữ từ 18-60 tuổi, 54% số phụ nữ bị bạo lực tinh thần, 34% bị bạo hành thể xác hoặc tình dục.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng Phạm Hải Yến cho biết, phần lớn nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ. Bên cạnh sự xấu hổ khiến phụ nữ phải giấu giếm việc mình bị bạo lực, không ít chị em quan niệm “một điều nhịn, chín điều lành”, phụ nữ phải bao dung, nhẫn nhịn, chịu đựng để giữ gìn hòa khí trong gia đình. Vì vậy, có người bị chồng đánh thâm tím mặt mày khi đến nơi làm việc, mọi người hỏi thăm lại bao biện rằng “em bị ngã”. Thậm chí, nhiều người, nhất là người cao tuổi có quan niệm cổ hủ, đánh đồng bạo hành với việc “giáo dục” nên khi con dâu bị con trai bạo hành, nhiều bậc cha, mẹ lại cho rằng “hư thì phải đánh để giáo dục”, “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Trong gia đình, việc bạo hành phụ nữ không được quan niệm đó là chuyện gia đình thì xã hội thờ ơ và coi bạo hành gia đình là “chuyện sau cánh cửa” cũng là điều dễ hiểu.
Cũng do quan niệm bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình, “xấu chàng hổ ai” nên có tới 87% số chị em chọn giải pháp im lặng khi bị bạo lực, trong khi vấn đề bạo lực gia đình chỉ được giải quyết khi người phụ nữ lên tiếng. Tuy sự can thiệp ở cấp độ cộng đồng có tác động kịp thời nhưng chưa phổ biến và bạo lực gia đình vẫn được coi là vấn đề của phụ nữ nên việc can thiệp chủ yếu dựa vào Hội Phụ nữ, khó lôi cuốn nam giới tham gia.
Tăng sức “đề kháng” trước nguy cơ bạo lực
Theo Luật sư Lê Nguyên Bằng - Đoàn luật sư Hải Phòng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành cùng Nghị định 110 của Chính phủ quy định rõ các hình thức xử lý đối với các hành vi bạo lực gia đình. Trong đó, 17 hành vi có chế tài xử phạt cụ thể từ cảnh cáo, phạt tiền đến buộc phải xin lỗi. Từ UBND cấp xã, phường đến thành phố, chiến sĩ công an, biên phòng đều có thể xử lý hành vi vi phạm.
Điều đó cho thấy, thẩm quyền xử lý hành vi bạo lực gia đình rất rộng, nhưng đến nay những điều quy định trong luật chưa biến thành hành động cụ thể, vì thế hiếm gặp trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực được đưa ra xử lý. Chỉ đến khi vợ chồng đánh nhau gây thương tích trên 10%, cơ quan chức năng mới được xử lý, nhưng lúc đó, hành vi này lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Hình sự… Rõ ràng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thực hiện được chức năng phòng ngừa, ngăn chặn…
Mặt khác, các hình thức xử lý chủ yếu chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, khuyên răn, giáo dục. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phạt tiền người chồng đánh vợ, song người vợ phải đứng ra nộp tiền thay vì chồng không có khả năng kiếm tiền.
Nhằm hạn chế bạo lực gia đình đối với phụ nữ, ngoài tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao hiểu biết pháp luật và nhận thức của cán bộ và người dân về bạo lực gia đình, bình đẳng giới, xây dựng các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, quan trọng nhất là mỗi phụ nữ cần nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng sống. Chị em chủ động học hỏi, đọc tài liệu, sách báo, hiểu biết về bình đẳng giới, biết cách ứng xử với chồng, gia đình chồng hài hoà hơn, biết cách kiềm chế bản thân và cơn nóng giận của chồng.
Chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, tổ hòa giải khu dân cư giữ vai trò quan trọng trong hạn chế bạo lực gia đình thông qua việc tiếp cận, khuyên nhủ, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức của người chồng về hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ chị em học nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, xử lý tình huống trong quan hệ vợ chồng…nhằm tạo sức “đề kháng” cho họ trước nguy cơ bạo lực gia đình. (Thanh Thủy, Báo Hải Phòng 13/8, tr5)
Thành Đoàn Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng công tác phòng, chống ma túy dành cho đội ngũ cán bộ Đoàn xã, thị trấn tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Hải Phòng.
Thông qua tập huấn, giúp cán bộ Đoàn cơ sở được cập nhật những kiến thức mới về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động đoàn viên, thanh niên tránh xa tệ nạn ma túy; xây dựng Chương trình giúp đỡ người cai nghiện ma tuý cai nghiện và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng; nghiên cứu, triển khai các phương thức thăm quan học tập phòng, chống ma túy; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa – văn nghệ; mở các lớp dạy nghề, cho vay vốn và giải quyết việc làm cho những đối tượng thanh thiếu niên cai nghiện ma túy đã hoàn lương, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống… Từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. (Báo Hải Phòng Online 12/8)
Công tác xã hội là một nghề “đặc biệt” bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, bảo vệ nếp sống lành mạnh. Thực tế cho thấy đây là một nghề cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội và có nhiều triển vọng trên thị trường lao động…
Kỳ 1. Những vất vả “khó nói thành lời”
Chị Phạm Thị Minh (38 tuổi, quê xã An Đồng, An Dương) đã có hơn 4 năm làm công việc chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV tại Mái ấm Thanh Xuân (trường Giáo dục lao động Thanh Xuân). Hàng ngày, công việc của chị Minh và các nhân viên là chu đáo chăm lo từng bữa cơm, tắm giặt, vệ sinh cá nhân và giáo dục… cho hơn 20 đứa trẻ tại đây.
Khi hỏi về công việc, chị Minh tâm sự: “Bản thân các em bị nhiễm HIV đã là thiệt thòi nhưng nhiều em còn không có người thân, ốm đau, bệnh tật có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do đó ngoài kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ thì với những người làm công tác này là trái tim nhân hậu, biết cảm thông và thực sự kiên trì”.
Tương tự là chị Nguyễn Thị Na (40 tuổi) - một nhân viên nhiều năm làm công tác chăm sóc người khuyết tật tại một cơ sở bảo trợ xã hội thành phố. Chị Na cho biết: Học viên ở đây đủ dạng khuyết tật và hầu hết là có hoàn cảnh rất khó khăn. Như đối với người khuyết tật lang thang, khi đưa họ vào đây, nhân viên phải đút cho họ ăn, vệ sinh tắm giặt cho họ.
Hàng ngày, nhân viên phải đi thăm, hỏi han giấc ngủ, tình hình sức khỏe xem có vấn đề gì khác biệt để báo với bộ phận y tế chăm sóc, điều trị kịp thời. “Có trường hợp khi được đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội không có áo quần lành lặn, chúng tôi phải đi tìm quần áo cho họ mặc. Có những việc mà không tiện kể ra đây nhưng phải là người tâm huyết, yêu nghề mới có thể gắn bó, bám trụ nổi...”, chị chia sẻ.
Có thể nói, công tác xã hội là một nghề “đặc biệt” bởi nó giúp giải quyết những tác động xã hội, bảo vệ nếp sống lành mạnh. Các đối tượng tác động của nghề công tác xã hội là những đối tượng đặc biệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội như: bảo vệ chăm sóc trẻ em, phụ nữ, người già yếu không nơi nương tựa, người tàn tật, người mắc tệ nạn xã hội (nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS), nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/điôxin...
Do đó đòi hỏi người làm nghề phải có những phẩm chất và nghiệp vụ cũng phải rất “đặc biệt”. Lấy ví dụ tại trường Giáo dục lao động Thanh Xuân (thuộc Sở LĐ-TB&XH), đơn vị có chức năng tiếp nhận, phân loại và giáo dục các đối tượng là nữ giới bán dâm, người lang thang và nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn. Công việc khá nhiều nhưng số lượng cán bộ, nhân viên của trường lại không đủ để thực hiện các công việc chuyên trách.
Bà Phạm Bích Thủy - Giám đốc nhà trường cho biết: Gần đây nhất, trong đợt thành phố thu gom người lang thang, có những đối tượng còn bốc mùi hôi và cáu bẩn đầy người, nhưng về đến trường, các cán bộ, nhân viên ở đây không nề hà, làm vệ sinh, tắm giặt, thay quần áo sạch sẽ cho họ, rồi khám và chăm sóc tận tình như đón người thân về nhà...
Chưa kể trường có nhiều học viên là những đối tượng đặc biệt thuộc nhóm tệ nạn xã hội nên việc phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm “nghẹt thở” là điều không ít lần. Những lúc như thế, cán bộ và nhân viên không những cần giữ bình tĩnh, mà còn phải có kỹ năng thuyết phục, nhẹ nhàng khuyên nhủ các đối tượng.
Thực tế trên cũng là thực trạng chung ở hầu hết trung tâm khác bảo trợ khác trên địa bàn thành phố. Điều này cho thấy sự cần thiết, cấp bách phải phát triển công tác xã hội thành một nghề thực sự theo đúng nghĩa. Những tác động của quá trình phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó là sự gia tăng của số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, người khuyết tật và các tệ nạn xã hội.
Trong khi đó theo thống kê của các cơ quan chức năng thành phố, hiện Hải Phòng có khoảng hơn 30 nghìn người cao tuổi, 35 nghìn người khuyết tật, 6 nghìn trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 5 nghìn người nghiện ma túy, nhiễm HIV, 40 nghìn hộ nghèo, gần 60 nghìn người cần được trợ cấp, trợ giúp… (Đ.H, An Ninh Hải Phòng Online 13/8)
Nhằm phổ biến văn hóa, ngôn ngữ Nhật, thúc đẩy phong trào học tiếng Nhật tới học sinh, sinh viên và người lao động thành phố, góp phần vào việc đón đầu làn sóng đầu tư, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản, từ 10/8-12/10, UBND thành phố phối hợp với Hiệp hội thương gia Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), tổ chức JICA tại Hải Phòng tổ chức cuộc thi Diễn thuyết tiếng Nhật.
Tăng cường quan hệ hợp tác
Thành phố Hải Phòng đã có quan hệ hợp tác với rất nhiều tỉnh, thành phố lớn của Nhật Bản như thành phố Kitakyushu và tỉnh Kagawa... Trong đó, Hải Phòng chính thức thiết lập quan hệ hợp tác với thành phố Kitakyushu từ tháng 4/2009, sau khi lãnh đạo hai thành phố ký thoả thuận hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của Kitakyushu như: cảng biển, quy hoạch đô thị, môi trường, cấp thoát nước...
Từ đó đến nay, hai địa phương đã thường xuyên tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác mà hai thành phố đã ký bao gồm: Giáo dục - đào tạo, môi trường, xử lý nước sạch …
Với tỉnh Kagawa, Hải Phòng đã có nhiều hoạt động giao lưu thiết thực như duy trì thường xuyên việc trao đổi đoàn công tác, trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, hỗ trợ thu hút đầu tư góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương ngày càng trở nên gắn bó. Năm 2006, Đoàn đại biểu Hải Phòng do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Nghĩa (nay là Phó Bí thư Thành ủy) làm Trưởng Đoàn sang thăm Kagawa; năm 2007, tỉnh Kagawa tiếp nhận 1 cán bộ Hải Phòng sang học tập kỹ năng quản lý hành chính trong thời gian 6 tháng; năm 2008, hỗ trợ đào tạo về cải cách hành chính và thu hút đầu tư cho 15 cán bộ lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành trong thời gian 10 ngày…
Trong giai đoạn 2011-2013, Kagawa tiếp tục hợp tác và tiếp nhận đào tạo cán bộ của Hải Phòng trong lĩnh vực y tế dự phòng. Từ năm 2010 đến nay, đoàn giáo viên và học sinh trường Cấp 2 Utazu cũng đã tổ chức đến thăm, giao lưu với giáo viên và học sinh các trường THCS Hồng Bàng, trường THCS Chu Văn An của thành phố.
Những năm gần đây, các trường Đại học trên địa bàn Hải Phòng cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học… với các đơn vị, tổ chức, trường học của Nhật Bản. Điển hình như: Trường Đại học Y Hải Phòng hợp tác nghiên cứu khoa học với trường Đại học Kanazawa; Tập đoàn Brigdestone Nhật Bản có Chương trình làm việc với trường Đại học Hải Phòng về một số ngành nghề đào tạo mà tập đoàn đang quan tâm tuyển dụng; trường Đại học Dân lập Hải Phòng phối hợp với trường Đại học Okayama Shoke mở các Chương trình đào tạo tiếng Nhật tại trường, hợp tác, trao đổi giảng viên, sinh viên… giữa 2 trường nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập…
Đến với cuộc thi diễn thuyết tiếng Nhật
Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, tại các thành phố lớn của nước ta đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật Nhật Bản.
Ở Hải Phòng, ngày 24/8, Đoàn nghệ thuật Sugenami thành phố Iwaki sẽ đến giao lưu và biểu diễn nghệ thuật múa truyền thống phục vụ khán giả thành phố Cảng. Cũng trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, thành phố đã tổ chức cuộc thi diễn thuyết tiếng Nhật dành cho học sinh, sinh viên và người lao động.
Theo đó, cuộc thi sẽ diễn ra từ 10/8-12/10. Vòng Sơ khảo (từ 10/8-10/9), Ban tổ chức sẽ nhận các bài viết về các chủ đề tự chọn (mỗi bài viết không quá 500 từ). Căn cứ vào chất lượng bài viết, Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 thí sinh cho vòng thi Chung kết, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/10 tại Trung tâm hội nghị thành phố.
Đây là lần đầu tiên một cuộc thi diễn thuyết ngoại ngữ quy mô lớn được tổ chức tại Hải Phòng, dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn thành phố vì bên cạnh việc giảng dạy, đào tạo của các trường Đại học, hiện nay, các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố cũng có một lượng học viên theo học tiếng Nhật.
Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ, để nâng cao chất lượng của cuộc thi, sở sẽ tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền tới các Sở, Ban, ngành, Khu công nghiệp và trường học, phổ biến rộng rãi cuộc thi tới cán bộ công chức, viên chức thành phố, cán bộ, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Từ cuộc thi này, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người dân thành phố Hải Phòng hiểu thêm về đất nước, con người Nhật Bản, thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Hoa Phượng đỏ với những địa phương khác của đất nước Hoa anh đào. (Vân Anh, An Ninh Hải Phòng Online 13/8)
Chiều 12/8, giải Bóng đá Hoa Phượng dành cho lứa tuổi nhi đồng bước sang lượt trận thứ hai với 3 trận đấu. Sau lượt trận đầu tiên mang tính khởi động, lượt trận thứ hai các đội nhi đồng thực sự vào guồng. Các cầu thủ nhí thi đấu thanh thoát và khí thế hơn trong sự cổ vũ của đồng đội, các bậc phụ huynh và người xem.
Ở trận đầu tiên, á quân mùa giải 2012 là tuyển nhi đồng quận Lê Chân giành chiến thắng trước đội nhi đồng Tiên Lãng 4-0. Bốn bàn thắng của đội Lê Chân do công của Đặng Phương Nam (11) ghi ở phút thứ 7, Nguyễn Cảnh Thái Dương (7) ghi ở phút 16, Nguyễn Tuấn Hiệp (9) ghi 2 bàn ở phút 14 và 38, đưa đội giành vé vào Bán kết cùng với tuyển nhi đồng An Dương. Thua 2 trận, đội nhi đồng Tiên Lãng chính thức bị loại.
Trận thứ hai, đội Ngô Quyền thua đậm Thủy Nguyên. Đội Thủy Nguyên thi đấu bài bản, tấn công có miếng, nhưng các cầu thủ nhí Ngô Quyền thi đấu kiên cường trụ vững trên sân. Tuy nhiên với bàn thua ở phút 14, đội nhi đồng Ngô Quyền vỡ trận và thua liền 8 bàn. Tuy thua nhưng rất đáng khen tinh thần thi đấu của các cầu thủ Ngô Quyền, bởi các em nhiệt tình chơi đến những phút cuối, vẫn biết tạo lập cơ hội ghi bàn, chỉ tiếc các chân sút thiếu chuẩn xác mà thôi. Với chiến thắng này, đội Thủy Nguyên giành vé đầu tiên của bảng A vào Bán kết.
Ở trận đấu cuối cùng, đội nhi đồng Kiến Thụy hòa đội Kiến An 2-2. (Báo Hải Phòng 13/8, tr1+8)./.