Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 13/11/2018)

Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 13/11/2018)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

Phấn đấu hoàn thành và vượt mức các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018

UBND TP. Hải Phòng vừa tổ chức họp phiên thường kỳ đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 10/2018, bàn bổ khuyết nhiệm vụ những tháng tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì phiên họp. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 10 và 10 tháng năm 2018 tiếp tục có những bước phát triển tích cực, toàn diện trên nhiều mặt như: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2018 tăng 29,34% so với tháng 10/2017, 10 tháng tăng 25,62% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 725,6 triệu USD, tăng 28,88%; 10 tháng ước đạt 6.754,2 triệu USD, tăng 25,96% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa qua cảng tháng 10 ước đạt 9,4 triệu tấn, tăng 13,29%, 10 tháng ước đạt 87,9 triệu tấn, tăng 17,75% so với cùng kỳ.

Tổng khách du lịch ước đạt 693,1 nghìn lượt, tăng 15,78%, trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 74,2 nghìn lượt, tăng 0,88%; 10 tháng ước đạt 6,6 triệu lượt, tăng 18,67% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư đạt 2.368,77 triệu USD, trong đó 84 dự án được cấp mới và 37 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn; thực hiện 28 lượt đăng ký đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn đạt 43,47 triệu USD; tổng số vốn thu hút đạt 2.411,84 triệu USD, tăng 215,34% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Về thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố giao, tháng 10, số nhiệm vụ được giao: 2.006 nhiệm vụ, số nhiệm vụ hoàn thành: 1.122 nhiệm vụ, số nhiệm vụ đang thực hiện: 645 nhiệm vụ, số nhiệm vụ quá hạn: 239 nhiệm vụ. 10 tháng tổng số nhiệm vụ được giao: 15.533 nhiệm vụ, đã hoàn thành: 13.119 nhiệm vụ (84,46%), đang thực hiện: 2.056 nhiệm vụ (13,29%), quá hạn: 349 nhiệm vụ (2,25%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn một số khó khăn thách thức: tiến độ triển khai một số dự án giao thông, đô thị còn chậm, một số dự án trọng điểm của năm 2018 chưa được khởi công.

Để thoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội các tháng còn lại năm 2018, phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, UBND thành phố đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong 2 tháng cuối năm: Tiếp tục rà soát từng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã thực hiện trong 10 tháng, tổ chức đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Tập trung tháo gỡ  khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tiếp tục hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch; chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; chuẩn bị tốt các nội dung Đề án, báo cáo phục vụ kỳ họp thứ 8 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV và các Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Hội nghị Thành ủy. (Thương Hiệu & Công Luận Online 12/11, Vũ Duyên)

13 Đội Quản lý thị trường trực thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng là tổ chức trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, được tổ chức, sắp xếp lại trên cơ sở Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng theo mục tiêu, lộ trình thực hiện tại Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định pháp luật trên địa bàn thành phố Hải Phòng; thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Có trụ sở chính tại thành phố Hải Phòng, Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và là đơn vị dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật; được mở các tài khoản giao dịch, tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, được trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng có cơ cấu tổ chức đứng đầu là Cục trưởng và các Phó cục trưởng, 3 phòng tham mưu tổng hợp, chuyên môn, nghiệp vụ và 13 Đội Quản lý thị trường. (Thương Hiệu & Công Luận Online 12/11, Vũ Duyên)

Bốn kinh nghiệm phát triển đảng viên ở Đảng bộ quận Hồng Bàng

Đảng bộ quận Hồng Bàng hiện có 82 tổ chức cơ sở đảng (giảm 16 tổ chức so với đầu nhiệm kỳ) chia làm 9 loại hình tổ chức đảng với 7.332 đảng viên. Thời gian qua, trong khi kết nạp đảng viên ở một số tổ chức cơ sở đảng gặp khó khăn, xác định vai trò quan trọng của công tác kết nạp Đảng, Quận ủy Hồng Bàng đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới quy trình tạo nguồn, xét kết nạp đảng viên, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Thành ủy Hải Phòng giao cho.

 Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng làm việc với Quận ủy Hồng Bàng về tình hình thực hiện công tác phát triển đảng viên từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XXII Đảng bộ quận đến nay, Hồng Bàng kết nạp được 833/1.000 đảng viên mới, bằng 83,3% chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đề ra; trung bình hằng năm vượt 13,5% kế hoạch; 9 tháng đầu năm 2018 đã kết nạp được 158 đảng viên, bằng 79% kế hoạch của quận, bằng 69,6% kế hoạch của Thành ủy giao. Trong đó, phải kể đến công tác kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, đạt kết quả quan trọng, từ năm 2016 đến nay, đảng bộ quận kết nạp được 100 đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, bằng 17,2% tổng số đảng viên được kết nạp trong toàn Đảng bộ quận. Đặc biệt có 20 tổ chức đảng thành lập theo Nghị quyết số 28-NQ/TU, đến nay đã kết nạp được 66 đảng viên mới. Chất lượng đội ngũ đảng viên được kết nạp trong những năm qua luôn được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. 98% đảng viên có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Nhiều đảng viên sau khi được kết nạp vào Đảng, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành đã khẳng định phẩm chất, năng lực, phát huy tốt tác dụng, được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và tạo được uy tín với quần chúng.

Với tư duy đổi mới, khoa học trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quận ủy Hồng Bàng đã mạnh dạn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001: 2015 trong công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy với 46 quy trình (gồm 6 quy trình chung, 21 quy trình công tác tổ chức xây dựng đảng, 6 quy trình công tác tuyên giáo, 4 quy trình công tác kiểm tra, giám sát; 2 quy trình công tác dân vận và 7 quy trình công tác văn phòng). Trong đó quy trình kết nạp đảng viên mới (QT-TC.07) với 5 bước, từ tiếp nhận hồ sơ đến khi tổ chức kết nạp, hoàn thành khai lý lịch và phiếu đảng viên, tổng thời gian là 60 ngày (Tiếp nhận hồ sơ – Thụ lý hồ sơ – Báo cáo – Xét duyệt – Kết thúc hồ sơ) đã đem lại những hiệu quả quan trọng, giúp cán bộ, công chức, viên chức tổ chức việc hướng dẫn, thẩm định, trình duyệt và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết thủ tục các thủ tục nhanh chóng, đúng thời gian (trước đây không xác định được thời gian; mỗi kỳ họp Ban Thường vụ xét duyệt khoảng từ 8 – 10 hồ sơ, đến nay có thể xét duyệt từ 25 – 30 hồ sơ).

Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện các quy trình nghiệp vụ nói chung và quy trình Kết nạp đảng viên mới nói riêng giúp cho Ban Thường vụ Quận ủy, thủ trưởng các đơn vị và cán bộ nắm vững hơn nội dung, yêu cầu và cách thức xem xét, xử lý công việc theo quy trình, xác định ranh giới trách nhiệm trong nội bộ đơn vị và giữa đơn vị với tổ chức, cơ quan bên ngoài, đảm bảo thực thi nhiệm vụ và xử lý công việc theo đúng quy định của Điều lệ Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên, Đảng bộ Quận  Hồng Bàng đã rút ra 4 kinh nghiệm sau:

Một là, Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy phải có quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt công tác kết nạp đảng viên, phải coi trọng công tác xây dựng kế hoạch hằng năm ở từng tổ chức cơ sở đảng; phát huy manh mẽ vai trò của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên qua các phong trào thi đua, các chương trình hoạt động để phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt; nhắc nhở, chấn chỉnh những đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Hai là, luôn luôn có tư duy đổi mới, khoa học trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kết nạp đảng viên, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào công tác kết nạp đảng viên. Đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Điều lệ Đảng, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quy trình xét kết nạp đảng viên.

Ba là, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ bí thư các cấp ủy cơ sở đối với công tác kết nạp đảng viên.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các khâu tạo nguồn, bồi dưỡng, lập hồ sơ, thẩm tra xác minh lý lịch quần chúng của người xin vào Đảng, xét duyệt, tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ.

Với cách làm là giao nhiệm vụ cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch kết nạp đảng viên của đơn vị; gắn kết qủa thực hiện chỉ tiêu kết nạp đảng viên của chi, đảng bộ với kết quả đánh giá, phân loại tổ chức đảng hằng năm; cố gắng tìm ra những khâu yếu, khó khăn, những điểm vướng trong công tác kết nạp đảng viên từ cơ sở để tìm cách khắc phục; các cấp ủy nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình với công tác phát triển đảng, khắc phục dần tính hình thức, đơn giản, tùy tiện trong công tác kết nạp đảng viên ở một số cơ sở...; Quận ủy Hồng Bàng đã làm tốt công tác phát triển đảng, xứng đáng là đơn vị được Thành ủy Hải Phòng biểu dương. (Xaydungdang.org.vn 13/11, Đinh Thị Thúy Hải)

PHÁP LUẬT – AN NINH QUỐC PHÒNG

Thu hơn 70 tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu

Trong tháng 10 năm 2018, lực lượng chức năng TP. Hải Phòng đã xử lý 821 vụ vi phạm; thu ngân sách nhà nước gần 74 tỷ 678 triệu đồng.  

Cụ thể, phạt vi phạm hành chính gần 20 tỷ 352 triệu đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế 54 tỷ 40 triệu đồng; bán hàng tịch thu gần 286 triệu đồng; khởi tố 03 vụ vi phạm, thông tin từ Ban chỉ đạo 389.

Vụ việc điển hình: Ngày 10/8/2018, tại khu vực dự án Vinhome Cầu Rào II, thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng: Công an TP. Hải Phòng phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I tiến hành kiểm tra, bắt giữ tàu HP-1488, HP-2951, BN-1488 có hành vi vận chuyển khoảng 1.300 m3 cát đen không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Hồi 00h15’ ngày 14/9/2018, Công an huyện Thủy Nguyên kết hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an TP. Hải Phòng và Trạm Cảnh sát giao thông Lưu Kiếm tiến hành kiểm tra 01 xe tải, phát hiện trên xe có 1.400kg cá sủ, cá chim không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Công an huyện Thủy Nguyên đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên ra Quyết định phạt hành chính 29 triệu đồng.

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hảỉ Phòng đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Uỷ ban nhân dân thành phố về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng hoá kém chất lượng, an toàn thực phẩm, xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới biển, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, các cửa sông, cửa lạch, cửa khẩu cảng… Đẩy mạnh công tác nắm tình hình thị trường; kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện chế độ thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời. (Thời Báo Chứng Khoán Việt Nam Online 12/11, Minh Dương)

KINH TẾ

Lê Chân: Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại

Cùng với sự phát triển của TP. Hải Phòng, quận Lê Chân đã và đang bước vào thời kỳ phát triển mới, có nhiều đột phá, tăng trưởng cao, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Ông Lê Trung Kiên - Bí thư Quận uỷ Lê Chân cho biết: Hiện nay, đô thị quận Lê Chân được hình thành với 3 khu: Khu đô thị cũ; khu đô thị mới; khu kết nối giữa khu cũ và khu mới, lấy trục đường Nguyễn Văn Linh làm trung tâm của đô thị quận.

Công tác quản lý đô thị, đất đai, xây dựng thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Dải trung tâm hành chính quận (đường Hồ Sen) được chỉnh trang tạo điểm nhấn về đô thị, cảnh quan môi trường.

Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như toà nhà Bạch Đằng Tower, chung cư U19 Lam Sơn, dải cây xanh tại khuôn viên 128 Nguyễn Đức Cảnh, công viên cây xanh Tam Bạc, đường Nguyễn Bình… và một số dự án đang được triển khai như Bạch Đằng Luxury, khu đô thị nối đường Lạch Tray - Hồ Sen - Cầu Rào 2… tiếp tục triển khai cải tạo chung cư cũ A48, A49 Lán Bè, phố đi bộ sông Tam Bạc…

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch 46/KH-UBND ngày 27/2/2017 của UBND thành phố về triển khai xây dựng phong trào thi đua “Xây dựng TP Hải Phòng: Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Văn minh”; Nghị quyết 03-NQ/QU ngày 30/6/2016 và Kết luận 90-TB/QU ngày 30/7/2018 của Ban Thường vụ Quận uỷ về công tác đường hè, vệ sinh môi trường, quận đã tập trung quyết liệt trong công tác chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đường hè, vệ sinh môi trường tại các tuyến đường Tô Hiệu, Tôn Đức Thắng (từ ngã tư Thành Đội đến chân cầu An Dương) và nhân rộng ra các tuyến đường Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Linh, Trần Nguyên Hãn và một số tuyến đường khác; tổ chức thực hiện tốt đề án “góc phố xanh” do Đoàn Thanh niên tổ chức.

Quận cũng tổ chức thực hiện hiệu quả trồng cây xanh trang trí một số tuyến đường, nút giao thông và hỗ trợ vật tư để cải tạo, nâng cấp hè, đường ngõ đã xuống cấp trên địa bàn quận theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá XV.

Tính hết tháng 9/2018, toàn quận đã cải tạo 177/257 ngõ đăng ký; lắp 266/291 bóng điện chiếu sáng; trồng mới được 642/1.200 cây đăng ký, tạo cảnh quan; đường hè, ngõ xóm trở nên khang trang, sạch đẹp, người dân phấn khởi ủng hộ chính sách của quận và thành phố.

Chị Trần Thị Thơm - Người dân ngách 187, ngõ 52 Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh phấn khởi nói: “Ngách 187 của chúng tôi xuống cấp, gồ ghề rất khó đi lại và lại ngách thấp hơn các ngõ ngách khác nên cứ mưa là bị ngập úng, nước cống tràn cả vào nhà.

Nhờ chính sách hỗ trợ xi măng của thành phố mà con ngách 187 của chúng tôi được cải tạo cao ráo, sạch sẽ không còn xảy ra tình trạng ngập úng, mất vệ sinh nữa. Đây là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, tôi mong sẽ có nhiều con ngõ khác được cải tạo khang trang, sạch đẹp như ngách này”.

Cùng với sự phát triển của TP. Hải Phòng, quận Lê Chân đã và đang bước vào thời kỳ phát triển mới, đô thị quận Lê Chân đang có sự phát triển đột phá, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng làm thay đổi diện mạo đô thị quận như: Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Lạch Tray - Waterfont City, khu tổ hợp bệnh viện, trường học của Tập đoàn Vingroup, khu nhà ở Singapore, làng Việt kiều Anh…;

Các dự án đang triển khai như cầu vượt Nguyễn Văn Linh với đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, Vinhome Cầu Rào 2, khu nhà ở Hoàng Huy Mall, khách sạn Nikko Hải Phòng, trung tâm thương mại Aeon Mall (Nhật Bản)…

Đây là điểm đột phá quan trọng cho đô thị quận Lê Chân trong những năm tiếp theo, mở ra những ô mới về không gian đô thị và phát triển kinh tế - xã hội trong toàn quận cũng như trong toàn thành phố.

Trong đó, Vinhome Cầu Rào 2 là khu đô thị kiểu mẫu ven sông có vị trí đắc địa bậc nhất tại Hải Phòng. Đây là khu đô thị đẳng cấp với hệ thống hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị hiện đại ở khu vực cửa ngõ phía Nam của TP Hải Phòng. Cùng với Bệnh viên Đa khoa quốc tế Vinmex Hải Phòng, trường học liên cấp Vinschool, trung tâm mua sắm Vincom, khu vui chơi giải trí, thể thao tạo thành khu phức hợp đẳng cấp và hiện đại nhất Hải Phòng.

Nói về kế hoạch phát triển đô thị quận Lê Chân trở thành quận văn minh - hiện đại, ông Lê Trung Kiên - Bí thư Quận uỷ Lê Chân cho rằng: Cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án khu đô thị mới văn minh - hiện đại; huy động và tập trung nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự đường hè, vệ sinh môi trường.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch; tăng cường quản lý trật tự xây dựng và công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên nhất là tài nguyên đất đai. (Xây Dựng Online 12/11, Đại Vũ)

Phê duyệt nhiều danh mục kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nhằm không ngừng phát triển mạnh mẽ toàn diện trên địa bàn thành phố, vừa qua UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt nhiều danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2018-2025.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, những năm vừa qua Hải Phòng đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn thông qua đầu tư nước ngoài. Kết quả bước đầu đã góp phần quan trọng làm cho bộ mặt thành phố Cảng ngày càng đổi thay đáng tự hào.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa chiến lược phát triển chung của thành phố những năm tiếp theo. UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt nhiều danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2018-2025, bao gồm các lĩnh vực như: Du lịch, Văn hóa- Thể thao, Điện tử, Điện lạnh, Tin học; Cơ khí, Chế tạo; Công nghiệp hóa chất, Lọc dầu; Luyện kim; Thông tin, Truyền thông; Nông nghiệp; Y tế...

UBND thành phố Hải Phòng đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Ban quản lý các khu kinh tế, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch, các đơn vị liên quan triển khai, tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng quy định và đạt hiệu quả đồng thời thường xuyên báo cáo kết quả về UBND thành phố.

Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2018-2025 là những dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển chung của thành phố.

Thành công của các dự án này chắc chắn sẽ tiếp tục tạo đà để Hải Phòng không ngừng phát triển đi lên trên tầm cao mới. (Nhà Báo & Công Luận Online 12/11, Kim Cương)

Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại tăng cao

Trong 9 tháng năm 2018, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng luôn tăng cao hơn so với bình quân chung của cả nước; So với cùng kỳ, 9 tháng/2018 IIP của Hải Phòng ước tăng 25,15%, cao hơn kế hoạch thành phố giao là tăng 22%; Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi tính tăng trưởng công nghiệp theo IIP.

Trong 51 nhóm ngành kinh tế cấp 4, có 29 ngành có IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó, có 09 ngành tăng trên 15% và 20 ngành tăng dưới 15%, tăng cao nhất là ngành sản xuất thiết bị truyền thông (tăng 212,4%), tiếp đến là ngành sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao (tăng 88,61%), ngành may trang phục (tăng 61,9%); Có 22 ngành có IIP giảm so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tiếp tục suy giảm: ngành đóng tàu và cấu kiện nổi (giảm 52,26%), tiếp đến là một số ngành như sản xuất đồ chơi (giảm 32,08%), ngành sản xuất thức ăn gia súc (giảm 20,69%), ngành sản xuất máy văn phòng (giảm 14,31%).

Hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố được duy trì ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng/2018 ước đạt 87.292,2 tỷ đồng, tăng 15,01% so với cùng kỳ và đạt 73,81% kế hoạch năm. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tập trung chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường, trong 9 tháng năm 2018 đã tiến hành kiểm tra 2.906 vụ; xử lý 1.466 vụ với tổng số tiền xử lý là 5.144,8 triệu đồng, trong đó: tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước là 4.640,5 triệu đồng; trị giá hàng tiêu hủy là 504,4 triệu đồng.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố 9 tháng/2018 duy trì ở mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố 9 tháng/2018 ước đạt 6.038,4 triệu USD, tăng 25,82% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 78,48% kế hoạch năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ước 9 tháng/2018: Hàng thủy sản (43,97 triệu USD), sản phẩm plastic (330,1 triệu USD), hàng dệt may (380,8 triệu USD), giầy dép (1.278,7 triệu USD), hàng thủ công mỹ nghệ (100,5 triệu USD), hàng điện tử (320,9 triệu USD), dây và cáp điện (469,5 triệu USD), hàng hóa khác (3.113,7 triệu USD). (Thương Hiệu & Công Luận Online 12/11, Vũ Duyên)

Tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa năm 2018

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Thành vừa giao Sở Công Thương đăng ký các nội dung tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018 kết hợp trưng bày, quảng bá sản phẩm.

Đồng thời chủ trì cùng Sở NN&PTNT, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố lựa chọn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của thành phố tham dự Hội nghị, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018, kết hợp trưng bày, quảng bá sản phẩm sẽ được UBND thành phố Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Hội nghị MIPEC PALACE, số 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội vào chiều  21/11/2018.

Dự Hội nghị sẽ có khoảng 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nông nghiệp năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2018, dự kiến kế hoạch năm 2019. Kết nối đưa các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, nông sản an toàn thực phẩm vào kênh phân phối của thành phố Hà Nội. Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông sản; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Hội nghị sẽ diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác về khai thác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sản phẩm. (Thương Hiệu & Công Luận Online 12/11, Vũ Duyên)

Cục Hải quan Hải Phòng đạt 43.341 tỷ đồng

Thống kê đến 5/11, Cục Hải quan Hải Phòng đã thu được 43.341 tỷ đồng, đạt 86,6% chỉ tiêu dự toán và 85,59% chỉ tiêu phấn đấu cả năm.

Nhằm đảm bảo chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách của toàn Cục là 590 tỷ đồng do Tổng cục Hải quan giao (từ 50.050 tỷ đồng lên 50.640 tỷ đồng), Cục Hải quan Hải Phòng đã giao thêm chỉ tiêu thu cho một số Chi cục Hải quan trọng điểm.

Cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ được điều chỉnh tăng nhiều nhất thêm 380 tỷ đồng (từ 5.920 tỷ đồng lên 6.300 tỷ đồng); Chi cục Thái Bình thêm 150 tỷ đồng (từ 850 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng); Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I thêm 60 tỷ đồng (từ 13.430 tỷ đồng lên 13.490 tỷ đồng). (Thời Báo Tài Chính Việt Nam 12/11, tr5, Diệu Linh)

Hải Phòng sẽ thành lập phố đi bộ dọc sông Tam Bạc

UBND thành phố Hải Phòng có Dự thảo báo cáo tóm tắt “Đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc” sẽ trình tại kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15 tới đây.

Theo đó, Hải Phòng sẽ tổ chức tuyến phố đi bộ dọc hai bên bờ sông Tam Bạc, thuộc địa bàn quận Hồng Bàng. Đây là quận trung tâm của Hải Phòng, nơi tập trung các công trình văn hóa, du lịch lớn như: Dải trung tâm thành phố, công viên Tam Bạc, Nhà hát thành phố, Bưu điện thành phố,... Ngoài ra có sông Tam Bạc là con sông cảnh quan của khu vực trung tâm, gắn với vai trò du lịch, văn hóa của thành phố Hải Phòng.

Trước đó, ngày 14/5/2018, thành phố Hải Phòng đã tiến hành khởi công Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc) với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến đầu năm 2019 công trình này sẽ hoàn thành.

“Đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc” được xem là góp phần khai thác các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch, thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng, tạo nét đẹp về văn hoá và văn minh đô thị đặc trưng của Hải Phòng.

Để tổ chức phố đi bộ, Hải Phòng sẽ cấm tất cả loại phương tiện lưu thông trên hai tuyến đường dọc sông Tam Bạc; Cấm các loại xe ô tô lưu thông trên tuyến đường Lý Thường Kiệt, đường Tôn Đản, đường Hạ Lý trong thời gian tổ chức phố đi bộ tại hai tuyến đường dọc sông Tam Bạc, cụ thể từ 19 giờ - 23 giờ cấm lưu thông hai chiều, thời gian còn lại cấm lưu thông một chiều; Triển khai cắm biển cấm, biển thông báo, biển hướng dẫn phân luồng giao thông phục vụ công tác tổ chức phố đi bộ tại hai tuyến đường dọc sông Tam Bạc.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe cách khu vực phố đi bộ khoảng 500 – 1000m, có phương án kết nối với vận tải hành khách công cộng.

Ngoài ra, Hải Phòng sẽ định hướng phát triển không gian văn hóa, nghệ thuật và các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tại khu vực phố đi bộ như: Nghiên cứu, xem xét thả chim Thiên Nga và một số loại chim cảnh quan khác trên sông Tam Bạc; Cải tạo, nâng cấp Trung tâm thương mại chợ Sắt theo hướng gìn giữ những đặc điểm, nét văn hóa, lịch sử truyền thống lâu đời của chợ đầu mối thành phố; Thiết kế, xây dựng cầu đi bộ cảnh quan tại vị trí cầu Quay cũ, với hình thức cầu treo, màu sắc nổi bật, thiết kế ánh sáng, tái hiện khung cảnh xưa của dòng sông Tam Bạc,…

Theo đề án, lộ trình tổ chức tuyến phố đi bộ tại tuyến hai bờ sông Tam Bạc giai đoạn 1 (năm 2019), chỉ tổ chức phố đi bộ từ 19 giờ thứ sáu đến 23 giờ chủ nhật. Giai đoạn 2 (từ năm 2020), nếu có hiệu quả, tổ chức phố đi bộ từ 19 giờ đến 23 giờ hằng ngày (từ thứ hai đến thứ năm) và từ 19 giờ  thứ sáu đến 23 giờ Chủ nhật. (Diễn Đàn Doanh Nghiệp Online 12/11, Trung Thành; Thoidai.com.vn 12/11)

NÔNG NGHIỆP

Căng sức diệt cỏ kế đồng

Số lô hàng lúa mì nhập khẩu về Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng vi phạm quy định kiểm dịch ngày càng gia tăng không chỉ đặt ra nhiều thách thức, áp lực cho đội ngũ cán bộ kiểm dịch mà cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự hợp tác để kiểm soát, ngăn chặn loại cỏ nguy hại này.

Khảo sát tại cảng Vật Cách (TP. Hải Phòng) trong ngày 8/11 cho thấy mỗi chiếc sà lan chở lúa mì về đây luôn có hàng chục cán bộ kiểm dịch giám sát chặt chẽ khâu bốc dỡ vận chuyển. Đi bộ dọc chiếc sà lan đầy ắp lúa mì, một nhân viên quản lý kho hàng dễ dàng nhặt được hàng chục bông cỏ kế đồng. Nguy cơ cỏ phát tán ra ngoài môi trường rất cao nên thay vì được múc thẳng lên container, giờ đây buộc phải đưa qua phễu rót để hạn chế tối đa lúa mì lẫn bông cỏ kế đồng rơi vãi, phát tán ra môi trường xung quanh. Trong khi đó, phía dưới đất cán bộ kiểm dịch cũng yêu cầu phải trải bạt, quây bạt toàn bộ khu vực bốc hàng. Sau mỗi ngày bốc hàng, công nhân tại cảng quét dọn, dùng máy hút công nghiệp hút sạch sẽ khu vực này rồi đem rác thải nghi ngờ có bông cỏ kế đồng đi đốt, tiêu hủy.

Tại một doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương, anh Nguyễn Bá Tuấn, cán bộ kiểm dịch Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 (trụ sở tại Lào Cai), được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) điều động tăng cường tham gia giám sát, xử lý các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng. Chỉ trong 2 ngày nhận nhiệm vụ, anh Tuấn chạy đôn đáo qua 3 DN khác nhau kiểm soát từng xe hàng nhập. Cũng giống như ở cảng, lúa mì đưa vào khu chế biến phải được quây kín bạt khi đưa vào kho nguyên liệu, đưa qua các dây chuyền, để lọc bỏ tạp chất, thu lại những bông cỏ.

“Để giám sát toàn bộ quy trình loại bỏ cỏ kế đồng, mình cũng phải làm việc như công nhân nhập hàng vào kho. Riêng bao chứa tạp chất trong lúa mì phải tự tay mang đi tiêu hủy chứ công nhân không thể tự xử lý, đề phòng tình huống họ đem đi chôn lấp, đổ ra môi trường sẽ làm phát tán, lây lan cỏ kế đồng ra tự nhiên”, anh Tuấn nói.

Bà Trần Thị Nhinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1, cho biết lô hàng đầu tiên phát hiện có cỏ kế đồng vào tháng 5, đến cuối tháng 10 cơ quan kiểm dịch thực vật vùng đã ghi nhận 1.783 lô lúa mì 877.934 tấn nhập khẩu từ Nga, Rumani, Canada, Mỹ nhiễm loài thực vật đặc biệt nguy hại này. Khối lượng hàng lớn đã vượt quá khả năng giám sát xử lý của lực lượng cán bộ tại chỗ. Trong hơn 5 tháng qua, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 đã 4 lần có công văn đề nghị Cục Bảo vệ thực vật điều động tăng cường lực lượng từ các đơn vị bạn về hỗ trợ xử lý. “Mỗi đợt đề xuất đều có 10 cán bộ kiểm dịch đến hỗ trợ nhưng DN thì có hàng chục, hàng trăm điểm nhận hàng nên anh em đi lại làm việc đêm ngày rất vất vả để đảm bảo kiểm soát tất cả các lô hàng, nhưng có những DN không chịu hợp tác triển khai quy trình kiểm dịch. Dù rất cố gắng, nỗ lực để xử lý nhưng cứ đà này, phải đến tết chưa chắc đã xử lý hết các lô hàng”, bà Nhinh lo lắng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật - Cục Bảo vệ thực vật, cho biết dù đã có cảnh báo từ tháng 5 khi phát hiện lô hàng đầu tiên nhưng thống kê đến cuối tháng 10 đã có khoảng 1,8 triệu tấn lúa mì nhập khẩu về Việt Nam nhiễm cỏ kế đồng.

Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật đã ưu tiên tối đa nhân lực để xử lý các lô hàng nhiễm cỏ nhưng vẫn không đủ người làm việc. Có thời điểm, Cục điều động 30 - 40 cán bộ kiểm dịch đến các địa bàn trọng điểm như Hải Phòng, TP.HCM để kiểm soát khâu vận chuyển, bốc dỡ lúa mì vì đây là những công đoạn có nguy cơ cao phát tán cỏ kế đồng. Nhưng thực tế, cường độ làm việc của cán bộ kiểm dịch đang quá tải. “Bất kể ngày đêm, tàu cập cảng, xe đến chở hàng nhập vào kho của DN là cán bộ kiểm dịch phải có mặt kiểm soát chặt chẽ. DN buộc phải tuân theo quy trình xử lý cỏ kế đồng, có sự hướng dẫn của cán bộ kiểm dịch, nếu không tuân thủ, kiên quyết không cho bốc dỡ hàng”, ông Hà nói.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Cục liên tục có văn bản thông báo đến cơ quan kiểm dịch thực vật các nước Úc, Canada, Nga, Mỹ về tình trạng các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng. Đến nay, Nga và Mỹ đã có động thái tích cực phối hợp để xử lý dứt điểm các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng trong tháng 12, đồng thời kiểm soát chặt chẽ từ khâu kiểm dịch xuất khẩu trong nước.

“Thực tế kiểm tra ở Mỹ, cơ quan kiểm dịch nước này đều có riêng hệ thống kiểm soát cỏ kế đồng, các lô hàng xuất đi Hàn Quốc, Argentina đều không có cỏ kế đồng. Thế nhưng, các lô hàng về Việt Nam lại nhiễm rất nhiều. Vấn đề ở đây là DN nhập khẩu ham hàng giá rẻ, phẩm cấp thấp, không kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu”, ông Trung nhìn nhận.

Cũng theo ông Trung, trong những tháng tới nếu tình hình vi phạm lô hàng nhiễm cỏ kế đồng không giảm, có chiều hướng tăng, Cục sẽ yêu cầu tái xuất các lô hàng vi phạm, đồng thời kiến nghị dừng nhập khẩu lúa mì từ các quốc gia có nhiều lô hàng phát hiện cỏ kế đồng để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam sẽ gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất nông nghiệp trong nước. (Thanh Niên 13/11, tr14, Phan Hậu; Thanh Niên Online 13/11, Phan Hậu)

GIAO THÔNG

Hơn 2.000 tỷ đồng sửa chữa Quốc lộ 5

Quốc lộ 5 - tuyến đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với Hải Phòng, đi qua các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương với lưu lượng khoảng 30 nghìn lượt xe/ngày lưu thông đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông bởi mặt đường xuống cấp, vạch sơn, biển báo ở một số vị trí chưa phù hợp Quy chuẩn 41...

PV Báo Giao thông đã nhiều lần thực tế ghi nhận trên tuyến Quốc lộ 5. Theo đó, nhiều vị trí mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, nắp cống thoát nước gãy, vạch sơn phân làn đường bị mờ; hàng rào phân cách hỏng… Một số vị trí trên tuyến, hệ thống biển báo, sơn kẻ chưa đồng bộ, không đúng với Quy chuẩn 41:2016 của Bộ GTVT. Cụ thể, hệ thống biển báo hiệu lệnh trên tuyến không gắn trên giá long môn theo quy chuẩn mà gắn ở thành các cây cầu vượt như: Quán Toan, Quán Nam, chợ Hàng, Đông Hải…

Trên tuyến, biển báo phân chia làn đường vẫn dùng biển R403 (là biển làn đường dành cho xe ô tô) chứ không phải biển làn đường dành riêng cho xe ô tô, hơn nữa biển này không đúng quy chuẩn, vạch kẻ đường cũng không phải vạch 2.3. Vì vậy, tại các tuyến đường huyết mạch như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm xảy ra tình trạng bát nháo, xe container, xe khách tràn sang làn đường dành cho xe mô tô, xe thô sơ mà Cảnh sát giao thông không thể xử lý lỗi đi sai làn đường được.

Đại tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Công an tỉnh Hải Dương) cho biết, mặt đường xuống cấp là một nguyên nhân khiến nhiều năm qua, Quốc lộ 5 là tuyến đường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất trong số các tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Ông Hoàng Triệu Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng đề xuất, một số vị trí biển báo trên Quốc lộ 5 qua Hải Phòng không thống nhất theo Quy chuẩn 41 khiến công tác đảm bảo an toàn giao thông, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng gặp khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án sửa chữa Quốc lộ 5 với tổng kinh phí lên tới 2.040 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017-2021.

Phương án sửa chữa Quốc lộ 5 chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ năm 2017-2018, tập trung sửa chữa một phần mặt đường, một phần cầu và các hạng mục an toàn giao thông như hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước… từ Km 11+135 - Km 76+000 với kinh phí 840 tỷ đồng. Đợt 2 từ năm 2019 -2021 thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến gồm sửa chữa mặt đường, nâng cấp các hạng mục phụ trợ (hộ lan, dải phân cách giữa, sơn kẻ vạch, hệ thống thoát nước...) với chi phí khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019-2021.

“Trong năm 2018, Vidifi đã tiến hành thi công khôi phục vạch sơn kẻ đường đoạn Km 104 - Km 106 qua Hải Phòng, vạch sơn kẻ đường tại 7 nút giao địa bàn Hưng Yên, lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ xe tải qua nút giao Quốc lộ 5 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sửa chữa đột xuất một số biển báo phân làn theo Quy chuẩn 41 tại một số điểm.... Từ nay tới cuối năm, Vidifi sẽ triển khai hệ thống tổ chức giao thông tại khu vực từ cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm tới cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khôi phục vạch sơn kẻ đường, lắp hộ lan tại một số điểm tại Hải Dương, Hưng Yên”, ông Tỉnh thông tin. (Giao Thông 12/11, tr6, Việt Hòa; Giao Thông Online 12/11, Việt Hòa; Nông Thôn Ngày Nay 13/11, tr13)

Những vướng mắc trong xử lý tang vật, phương tiện vi phạm giao thông ở Hải Phòng

Tại Hải Phòng, số lượng phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ thời gian vừa qua ngày càng lớn, dẫn tới tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm; công tác quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 12/11, UBND TP. Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 31/8/2018, tổng số các phương tiện được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm thuộc Công an TP. Hải Phòng là 2.640 phương tiện, bao gồm 16 ôtô; 2.359 môtô; 99 xe máy điện; 35 xe thô sơ các loại, 131 xe tự chế. Trong đó, số phương tiện quá thời hạn tạm giữ là 2.443 xe, gồm: 15 ôtô, 2.165 môtô, 97 xe máy điện, 35 xe thô sơ các loại, 131 xe tự chế.

Trong số này, phương tiện quá thời hạn tạm giữ đủ điều kiện để trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý và sử dụng hợp pháp là 34 xe mô tô; phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước là 306 xe môtô; phương tiện đang được xử lý theo phương thức khác là 1.683…

Số phương tiện quá thời hạn tạm giữ còn tồn đọng, chưa được xử lý là 420 phương tiện, trong đó có 368 môtô, 19 xe máy điện, 5 xe thô sơ và 28 xe tự chế.

Tuy nhiên theo Công an thành phố, khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính hiện nay là việc xác minh phương tiện tồn đọng mất rất nhiều thời gian. Các phương tiện giao thông bị thu giữ đều cũ nát, số khung, số máy bị tẩy xóa, phương tiện chuyển nhượng qua nhiều người, chủ sở hữu ở các địa phương khác hoặc người vi phạm khai không đúng tên tuổi, địa chỉ, không ký biên bản…

Bên cạnh đó, việc gửi thông báo tới chủ phương tiện bằng thư bảo đảm khó thực hiện do địa chỉ người vi phạm không cụ thể, rõ ràng; một số hành vi vi phạm có mức xử phạt cao, phương tiện cũ có giá trị thấp nên người vi phạm không đến xử lý.

Mặt khác, thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu hiện cũng chưa rõ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hay thuộc Bộ Công an để UBND thành phố có cơ sở triển khai thực hiện. (Lao Động Online 12/11, Phạm Đông)

Cấm xe ô tô vào một số tuyến phố nội đô giờ cao điểm

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường nội đô thành phố,  Sở Giao thông vận tải Hải Phòng vừa tổ chức họp với một số ngành chức năng và địa phương thống nhất phương án nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đó, thống nhất phương án cấm xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở trên 3,5 tấn lưu thông 2 chiều trên các tuyến Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Bạch Đằng vào các giờ cao điểm sáng từ 6h00 đến 8h00, chiều từ 16h30 đến 18h30; cấm xe ô tô taxi trên đường Nguyễn Bình chiều từ đường Văn Cao đến đường Lạch Tray vào các giờ cao điểm sáng từ 6h00 đến 8h00, và chiều từ 16h30 đến 18h30. (Giao Thông 13/11, tr6, Hải Quỳnh)

MÔI TRƯỜNG

Hội thảo về các giải pháp xử lý nguồn nước thải

Sở NN&PTNT TP. Hải Phòng vừa phối hợp với Dự án nghiên cứu Việt-Đức về các giải pháp xử lý nguồn nước thải tổng hợp cho các khu công nghiệp Việt Nam (Dự án TAKIZ) tổ chức Hội thảo Dự án TAKIZ với chủ đề “khái niệm giám sát về ô nhiễm môi trường nước và không khí”.

Tham dự hội thảo có đại diện các lãnh đạo các công ty Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố, Công ty cấp nước Hải Phòng, Khu công nghiệp VSIP. Tại hội thảo, giáo sư Wolfgang Genthe cựu Trưởng phòng nghiên cứu Công ty LAR Process Anlysers AG (Đức) giới thiệu tổng quan về quan trắc giám sát trong các hệ thống xử lý nước thải; ứng dụng của phòng thí nghiệm di động (Mobilab) thu thập thông tin, xử lý các thông số về môi trường.

Các đại biểu được giới thiệu kết quả quan trắc ở Bạc Liêu và một số tỉnh của Việt Nam; quản lý nước hiệu quả, mặt bằng năng lượng cho các khu công nghiệp ở Việt Nam. Các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các khu công nghiệp tham khảo những kinh nghiệm trong quan trắc, xử lý nước nguồn nước thải ở các khu công nghiệp trên thế giới và một số tỉnh bạn để có thể ứng dụng, trên địa bàn thành phố. (Tài Nguyên & Môi Trường Online 12/11, Đăng Hùng)

XÃ HỘI

Hải Phòng đạt 99,83% dân số tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hải Phòng, tính đến ngày 31/10/2018, số người tham gia BHXH bắt buộc toàn thành phố là 374.979 người đạt 99,83% so với số kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2018, tăng so với cùng kỳ năm trước là 40.307 người (12,04%).

BHXH thành phố cũng cho biết, tính đến ngày 31/10/2018, số người tham gia BHYT là 1.697.639 người (đã bao gồm số người thuộc lực lượng vũ trang và thân nhân quân nhân) đạt 100,26% so với số kế hoạch BHXH Việt Nam giao, đạt 84,3% tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn thành phố, trong đó số người chỉ tham gia BHYT (không bao gồm đối tượng tham gia BHXH, BHTN) là 1.322.660 người, tăng so với cùng kỳ năm trước là 22.948 người (1,76%).

Tích cực triển khai thực hiện việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, tính từ đầu năm đến ngày 31/10/2018, toàn thành phố đã phát triển mới được 1.073 đơn vị với 6.367 lao động tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Nhằm gấp rút triển khai hiệu quả công việc những tháng cuối năm, BHXH TP. Hải Phòng sẽ đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong đó số đối tượng tham gia BHYT đạt 100,26% kế hoạch được giao. (Website Đảng Cộng Sản Việt Nam 12/11, Khôi Nguyên)

Khắp nơi tưng bừng hưởng ứng Ngày Pháp luật

Tuần qua, cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật, nhiều địa phương trong cả nước tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

Tại Hải Phòng, với vai trò chủ chốt trong việc triển khai các hoạt động hướng tới Ngày Pháp luật năm 2018, Sở Tư pháp TP. Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch về việc hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2018.

Theo đó, tập trung vào đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh và các văn bản mới liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hoặc liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp từ ngày 1/10/2018 đến ngày 30/10/2018, tuần lễ cao điểm kéo dài từ ngày 5/11 đến ngày 11/11/2018.

Ngày Pháp luật 2018 tại Hải Phòng được triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng. Thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng dành kinh phí khá lớn để phục vụ hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật, tổ chức treo áp phích, băng rôn, cờ phướn trên khắp 15 quận, huyện trên địa bàn. Sở Tư pháp TP. Hải Phòng đã biên soạn sách pháp luật dưới dạng hỏi – đáp để chuyển hóa tinh thần và nội dung các văn bản pháp luật vào đời sống dưới các hình thức dễ nhớ, dễ thuộc và dễ tuyên truyền. (Pháp Luật Việt Nam 12/11, tr5, Nhóm PV; Pháp Luật Việt Nam Online 12/11, Nhóm PV)

Hội Nông dân TP. Hải Phòng: Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội

Sáng 12/11, Hội Nông dân (HND) TP. Hải Phòng phối hợp với Trường cán bộ HND Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tại Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân Hội nông dân TP. Hải Phòng. Tại lễ khai giảng, 70 học viên là những cán bộ chủ chốt, tham gia công tác quản lý HND cấp cơ sở trên địa bàn Hải Phòng tham dự.

Được biết, lớp học được tổ chức thực hiện theo Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HND Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/11/2015.

Tại buổi lễ khai giảng, bà Phạm Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng trường Cán bộ HND Việt Nam cho biết: Trước yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp (NN), nông thôn và hội nhập quốc tế với những tác động mạnh mẽ đến sản xuất NN và đời sống của nông dân như: Biến đổi khí hậu; Khâu sản xuất NN nhỏ lẻ, tự phát, manh mún và tiêu thụ nông sản khó khăn; Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, gia cầm kém chất lượng và thực phẩm bẩn vẫn chưa được kiểm soát chặt; … Trong bối cảnh mới đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cho công tác vận động nông dân, xây dựng ổ chức Hội và tổ chức phong trào nông dân.

Chính vì vậy, HND Việt Nam xác định đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội là nhiệm vụ đặc biệt nghiêm trọng với nội dung đổi mới theo hướng bám sát nhiệm vụ của Hội với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ, tư vấn, hỗ trợ nông dân và xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị phát triển bền vững trong nông dân, xây dựng Hội xứng đáng với vai trò nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Chương trình bồi dưỡng sẽ diễn ra trong thời gian 1 tháng. Nội dung quá trình học, học viên sẽ được nghiên cứu 21 chuyên đề. Chương trình khóa học sẽ hệ thống hóa, trang bị kiến thức về những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác Lenin – Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động nông dân; Công tác xây dựng tổ chức Hội và tổ chức các phong trào nông dân; Rèn các kỹ năng về công tác lãnh đạo, quản lý, diễn thuyết, giám sát phản biện xã hội và tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. (Danviet.vn 12/11, Trần Phượng)

“Mái nhà chung” của những người sau cai

Hơn 10 năm qua, Câu lạc bộ “S-A” của Đoàn phường Gia Viên (quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) đã trở thành mái nhà chung của nhiều người sau cai. Ngôi nhà ấy không chỉ giúp họ đoạn tuyệt với ma túy mà còn có việc làm ổn định.

Kể từ khi thành lập cho tới nay, Câu lạc bộ đã giúp đỡ được 89 người cai được ma túy; cảm hóa được nhiều thanh niên hư hỏng và người có quá khứ lầm lỡ. Hiện Câu lạc bộ có hơn 300 thành viên và cộng tác viên, trong đó Ban điều hành gồm 19 người. (Tuổi Trẻ Thủ Đô 12/11, tr8, Nguyễn Dũng)

Đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ở nhà trông trẻ đang nguy kịch

Bị mẹ bỏ rơi khi mới 1 tuổi, cậu bé Đức Anh không giấy khai sinh, không hộ khẩu, không nhà cửa... trở thành con nuôi của gia đình ông Quân. Vừa qua khi Đức Anh nhập viện, rất nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ em chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của Đức Anh hiện đang nguy kịch, tiên lượng xấu.

Câu chuyện cậu bé Nguyễn Đức Anh (6 tuổi) bị mẹ bỏ rơi từ năm 1 tuổi tại nhà người trông trẻ ở thôn Hoàng Xá, thị trấn An Lão, Hải Phòng, vừa bị ngã nguy kịch đang nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các nhà hảo tâm.

Theo lời kể của gia đình ông Nguyễn Văn Quân, SN 1963, và vợ là Đỗ Thị oan, SN 1966, (thôn Hoàng Xá, thị trấn An Lão), cách đây vài năm, vợ chồng ông có nhận trông mấy đứa trẻ để kiếm thêm thu nhập, trong đó có bé Đức Anh.

Được một thời gian ngắn, bỗng mẹ Đức Anh bỏ bẵng không đoái hoài gì tới bé. Mọi thông tin liên lạc về mẹ bé bị cắt đứt từ đó. Lúc đấy Đức Anh được 1 tuổi. Đức Anh trở thành thành viên mới trong gia đình ông Quân từ đó đến nay.

Vào tối ngày 6/11/2018 vừa qua, cháu Đức Anh không may bị ngã cầu thang tại nhà ông Quân nhưng lúc đó cả gia đình đều ngủ say nên không ai hay biết.

Đến sáng hôm sau, gia đình gọi Đức Anh dậy ăn cơm thì thấy cậu bé nôn và kêu đau bụng. Nghĩ ốm sơ sơ, ông bà Quân lấy thuốc cảm và thuốc đau bụng cho cậu bé uống nhưng không đỡ. Đến 12 giờ trưa ngày 7/11, thấy sức khỏe Đức Anh có nhiều biểu hiện xấu đi, ông Quân vội đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa An Lão cấp cứu.

Tại đây, trước tình trạng bệnh của cháu, phía Bệnh viện An Lão đã làm thủ tục chuyển Đức Anh sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Đến 14 giờ ngày 7/11, sau khi chụp citi cho Đức Anh, thấy bệnh nhân bị xuất huyết não, tụt kẹt thành não, các bác sĩ đã hội chẩn tình trạng sức khỏe của Đức Anh.

Cùng ngày, phía hội từ thiện đã đến bàn với gia đình ông Quân xin bệnh viện cho cháu chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Thương hoàn cảnh của Đức Anh, nhiều người đã đăng tin kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ, giúp đỡ cháu bé.

Về tình trạng sức khỏe của Đức Anh, ông Quân cũng cho biết: "Hiện tại, Đức Anh đã mổ xong và đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình neo người, công việc không thể bỏ bê mà đi hết nên cắt cử bà Loan trông nom cháu. Tôi ở nhà lo quán xuyến công việc.

Khổ nhất là khi nhập viện cho thằng bé, nó chẳng có giấy tờ gì. Bảo hiểm không, giấy khai sinh không..., cái gì cũng không nên mọi thứ rất tốn kém. Rất may, phía UBND thị trấn An Lão cùng các ban ngành chia sẻ và quan tâm, làm giấy khai sinh và BHYT cho cháu rồi".

Về sự xuất hiện của bé Đức Anh trong gia đình ông Quân, một người hàng xóm chia sẻ: "Tôi thương Đức Anh vì bị mẹ bỏ rơi từ lúc mới biết bò khi gửi ở nhà ông Quân. Hàng ngày, ông Quân lùa vịt ra đồng cho Đức Anh trông. Thằng bé không được đi mẫu giáo vì cái gì cũng không có (không chứng sinh, không khai sinh, không hộ khẩu, không cha mẹ...).

Bà Loan hàng ngày đi thu gom rác thải, không có thời gian dạy bảo, kèm cặp Đức Anh nên tôi phải thường xuyên tắm gội cho nó. Mỗi khi Tết đến, thương thằng bé, tôi đi sắm quần áo mới cho nó mặc. Khi Đức Anh ngã, phải vào viện, tôi còn cho ông Quân vay 10 triệu đồng lo viện phí".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổ trưởng tổ dân phố Hoàng Xá, cho biết: "Vợ chồng ông Quân làm nghề thuần nông, chăn nuôi vịt. Cách đây vài năm, ông Quân có nuôi 1 đứa trẻ bị bỏ rơi nhưng không thông báo với tổ dân phố. Trong đợt đi kê khai dân số, thấy có đứa trẻ đang chơi ở khu vực nhà ông Quân, tôi hỏi thì người dân cho biết đó là con nuôi của ông ấy.

Tôi có gọi bà Loan ra nhà văn hóa viết đơn trình báo địa phương và thị trấn An Lão để làm giấy tờ thủ tục cho cháu đi học nhưng không hiểu sao hai vợ chồng lại không thực hiện".

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hưng - Chủ tịch thị trấn An Lão - cho hay: “Cách đây vài tháng, tôi có nghe tin có cháu bé bị bỏ rơi ở nhà ông Quân và chưa có giấy khai sinh. Bản thân tôi cũng đã chỉ đạo cán bộ tư pháp, công an thị trấn gọi ông Quân lên làm thủ tục cho cháu bé còn đi học nhưng do ông này không có chứng minh nhân dân, cháu bé cũng không có chứng sinh nên thủ tục khai sinh cho cháu bị vướng mắc. Chúng tôi chưa xác định được cháu đã được khai sinh ở nơi cháu sinh ra chưa vì lúc cháu bị bỏ rơi cháu đã được 1 tuổi.

Hiện tại, chính quyền xã đã làm giấy khai sinh cho bé Đức Anh. Vừa qua, hay tin cháu bị ngã tình trạng rất nguy kịch, Hội Chữ thập đỏ thị trấn An Lão đã quyên góp được 20 triệu đồng lo viện phí cho cháu. Theo thông tin từ phía gia đình ông Quân, tình trạng sức khỏe của cháu đang nguy kịch, khó qua khỏi”. (Gia Đình & Xã Hội Online 12/11, Minh Thư)

THỂ THAO

Hải Phòng thử việc vua phá lưới giải vô địch Quốc gia Myanmar 2018

Nhân vật được chúng tôi đề cập ở trên chính là tiền đạo Joseph Mpande đến từ Uganda. Cầu thủ này sinh năm 1994, sở hữu chiều cao 1m83 và mùa trước từng "làm mưa làm gió" ở giải vô địch Quốc gia Myanmar trong màu áo CLB Hanthawady (19 bàn thắng).

Trước đó, cựu tuyển thủ Quốc gia Uganda khoác áo City Yangon trong giai đoạn 2016-2017, và trở thành cây săn bàn số 1 ở giải hạng Nhì Myanmar (31 bàn thắng). Ở quê nhà, anh từng có thời gian khoác áo đội bóng từ thuở ấu thơ Joogo và Vipers FC.

Theo đánh giá của ban huấn luyện, Joseph Mpande đang để lại những dấu ấn tích cực sau đôi ngày tập thử. Màn thể hiện này khiến lãnh đạo CLB không thể ngồi yên. Có nguồn tin cho rằng Hải Phòng đã ký nháy với chân sút 24 tuổi.

Thương vụ này nếu thành công sẽ là sự thay thế trực tiếp cho Errol Stevens. Ở đoạn cuối V.League 2018, tiền đạo 32 tuổi đã bất ngờ nổi loạn với một loạt chiêu trò để rồi cuối cùng phải nhận án kỷ luật nội bộ từ CLB.

Theo tìm hiểu, Stevens rất muốn tìm kiếm bến đỗ mới trong chương cuối sự nghiệp. Song để làm được việc này, anh cần sự cấp phép từ Hải Phòng. Nơi mà cầu thủ người Jamaica vẫn còn 2 năm hợp đồng.

Ngoại binh về cơ bản đã tạm ổn, bởi chí ít Hải Phòng vẫn giữ chân được Andre Fagan, giờ chỉ còn lo đôi chút về nội binh. Sau mùa giải vừa qua, đội bóng đã chia tay Thành Long, Hoàng Nam, Thành Đồng (trở lại HAGL), Việt Phong và mới nhất là Anh Hùng.

Trong buổi tập sáng 12/11, hậu vệ sinh năm 1992 đã đến Lạch Tray để chào từ biệt đồng đội. Anh sẽ cập bến Quảng Nam theo bản hợp đồng 3 năm. Còn Việt Phong sẽ trở lại "bến cũ" Viettel. Sự ra đi của loạt cầu thủ khiến lực lượng Hải Phòng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Dự kiến, thời gian tới họ sẽ tiến hành chiến dịch chiêu quân mạnh mẽ. "Đầu vào" rất có thể sẽ được tận dụng từ mối quen HAGL. Nơi mà bầu Đức sẵn lòng nhả Thành Long cho Hải Phòng, nhưng lại muốn đổi Vũ Hải. Tuy nhiên Hải Phòng vẫn chưa "quyết" phi vụ này.

Thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đã hội quân từ ngày 10/11. Tuy nhiên phải đến sáng hôm sau, đội mới tiến hành ra sân tập luyện. Do ông Hoàng "bộp" vẫn đang bị đau chân nên nhiệm vụ điều hành buổi tập được giao cho các trợ lý. (Vnreview.vn 12/11)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Chuẩn bị họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15: Siết chặt hoạt động thu ngân sách, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sáng 12/11, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì hội nghị tiếp xúc giữa Thường trực HĐND thành phố với cử tri nguyên là lãnh đạo chủ chốt thành phố về nội dung kỳ họp thứ 8, HĐND thành phố khóa 15. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. (Baohaiphong.com.vn 12/11)

Phòng, tránh tai nạn lao động: Siết chặt kỷ luật, an toàn lao động

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 85 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) các loại, làm 8 người chết, 16 người bị thương nặng. Đây mới là những vụ do doanh nghiệp báo cáo, thực tế số vụ TNLĐ xảy ra nhiều hơn, nhất là trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ TNLĐ cao như xây dựng, khai thác vật liệu, cơ khí… (Baohaiphong.com.vn 12/11)

Bảo đảm trật tự, an toàn đường thủy nội địa: Mô hình chuẩn từ cách làm hay

Thành phố Hải Phòng và tỉnh Kiên Giang là 2 địa phương dẫn đầu cả nước về mô hình góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, gìn giữ nét văn hóa giao thông, thực hiện tốt cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”- đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tại Hội nghị mô hình điểm về văn hóa giao thông đường thủy nội địa toàn quốc. (Baohaiphong.com.vn 12/11)

Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh hướng tới đạt chuẩn quốc gia

Sáng 12/11, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (huyện Kiến Thuỵ) hân hoan chào mừng Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường. Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố chúc mừng và biểu dương những thành tích mà thầy và trò nhà trường đạt được trong 40 năm qua. (Baohaiphong.com.vn 12/11)

Phường Nghĩa Xá (Lê Chân): Hoàn thành cải tạo ngõ, ngách theo cơ chế thành phố hỗ trợ 100% xi măng

Thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND thành phố hỗ trợ vật tư (xi măng, gạch lát vỉa hè, pha đèn chiếu sáng và cây xanh), thời gian qua phường Nghĩa Xá, Lê Chân đã tổ chức họp với các tổ dân phố để quán triệt Chủ trương và bàn các biện pháp triển khai thực hiện. (Anhp.vn 12/11).

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố