THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ
Sáng 11/12, tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Đoàn Giám sát
liên ngành do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì đã làm việc với Ban Quản
lý Khu Kinh tế Hải Phòng liên quan đến vấn đề giám sát việc thực hiện chính
sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp 2018
đối với Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Đoàn Giám sát liên ngành do Tổng Liên đoàn lao động
Việt Nam chủ trì gồm có các đồng chí Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban quan hệ lao
động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Phó Trưởng đoàn); đồng chí Đặng Văn
Khánh - Trưởng Phòng Bảo hộ Lao động (Ban Quan hệ Lao động); đồng chí Trần Thị
Lệ Anh - đại điện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc – Tổng cục Môi trường (Bộ Tài
nguyên và Môi trường); đồng chí Phạm Văn Vinh - Cán bộ Ban Quan hệ Lao động và
các lãnh đạo Sở, ngành thành phố…
Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Đình Quảng cho biết, Tổng
liên đoàn có quyết định thành lập đoàn giám sát việc thực hiện các chính sách
pháp luật về quản lý và xử lý chất thải công nghiệp tại các tỉnh, thành phố tại
5 tỉnh, trong đó có Hải Phòng.
Về nội dung giám sát, đồng chí Lê Đình Quảng nhấn mạnh, đoàn
giám sát sẽ kiểm tra vấn đề quản lý, xử lý chất thải công nghiệp. Mục đích nhằm
nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các chính sách tại các công ty về các
vấn đề liên quan đến môi trường tại Khu công nghiệp, các nơi chế suất; xem và
kiểm tra vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong đó có các cơ quan cấp trên,
vai trò của Ban Quản lý Khu công nghiệp đối với vấn đề bảo đảm môi trường, xử
lý chất thải.
Qua giám sát này, đoàn giám sát sẽ xem lại các vấn đề chế độ
chính sách về môi trường nói chung có những vấn đề gì tồn tại, bất cập để sửa
đổi nhằm mục tiêu mang lại một môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Trong buổi làm việc, đoàn giám sát đã được nghe đại diện Ban
Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng báo cáo kết quả triển khai việc thực hiện pháp
luật về bảo vệ môi trường đối với Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố trong
đó có các nội dung sau: Tình hình hoạt động của bộ phận chuyên trách bảo vệ môi
trường; tình hình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
tình hình quản lý nước thải tại Khu công nghiệp; tình hình kiểm soát khí thải;
tình hình quản lý chất thải rắn; việc thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất
thải rắn; việc đầu tư, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, giảm thiểu tiếng ồn,
quan trắc khí thải tự động…
Sau khi nghe Ban Quản lý báo cáo tình hình thực hiện chính
sách pháp luật về quản lý, xử lý chất thải rắn thì các thành viên trong Đoàn sẽ
đặt ra những vấn đề cần trao đổi, làm rõ và từ đó đặt ra những câu hỏi để đánh
giá vấn đề. Sau đó, đoàn giám sát đã trực tiếp xuống hiện trường những nơi cần
thiết để từ đó đưa ra kết luận trong buổi làm việc chung với thành phố chiều
11/12.
Kết thúc buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải
Phòng, đồng chí Lê Đình Quảng đánh giá sự lỗ lực của doanh nghiệp cũng như Ban
Quản lý Khu kinh tế. Đoàn công tác ghi nhận những nội dung đạt được, khó khăn,
kiến nghị của Ban Quản lý Khu Kinh tế liên quan đến UBND thành phố.
Đồng chí Lê Đình Quảng đề nghị đơn vị xác định vấn đề về môi
trường nói chung, xử lý chất thải nói riêng là vấn đề luôn tiềm ẩn các rủi ro,
đây là vấn đề thường xuyên, liên tục và không được lơ là, là vấn đề phát triển
bền vững, có thể thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài. (Lao Động
Online 11/12, Phạm Đông)
Chiều 11/12, Đoàn Giám sát liên ngành do Phó Chủ tịch Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Ngọ Duy Hiểu làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND
TP. Hải Phòng về vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản
lý, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn TP. Hải Phòng năm 2018.
Tại buổi làm việc, UBND TP. Hải Phòng và Sở Tài nguyên và
Môi trường đã có báo cáo về công tác quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành
ủy, UBND thành phố triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi
trường; công tác ban hành các quy định, chính sách liên quan đến hoạt động quản
lý chất thải công nghiệp, bao gồm chất thải rắn công nghiệp thông thường và
chất thải rắn nguy hại; công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng
cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về bảo vệ
môi trường của các cấp, các ngành, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Về kết quả kiểm tra, giám sát tại Cty Nhiệt điện Hải Phòng
và Ban quản lý khu Kinh tế, Đoàn giám sát liên ngành đánh giá cao 16 nhóm vấn
đề đã được các đơn vị làm tốt, 8 vấn đề cần tiếp tục khắc phục như kiểm soát
khí thải, chất thải...
Đoàn giám sát đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về môi
trường trong sản xuất công nghiệp tốt, nhận thức về bảo vệ môi trường của doanh
nghiệp nâng cao. Trong đó, việc xử lý nước thải công nghiệp trong Khu công
nghiệp rất tốt vì nguồn nước này có thể nuôi được cá. Tiếp đó, cả 2 đơn vị đã
về sự cộng sinh công nghiệp, giải quyết được vấn đề rác thải, có được nguồn
nguyên liệu mới để tái sử dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý trong
các Khu công nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp phép. Chưa có
sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban quản lý khu Kinh
tế về vấn đề giám sát quản lý, xử lý chất thải rắn.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch
Tổng Liên đoàn Lao động Việt - đánh giá cao Thành ủy, UBND đã nghiêm túc chuẩn
bị đầy đủ tài liệu trong việc báo cáo, đánh giá, giám sát việc quản lý, xử lý
chất thải để bảo vệ môi trường. Lãnh đạo chính quyền địa phương đều nhìn nhận 3
vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường rất hài hòa. Qua đó, Hải Phòng đang hướng
tới mục tiêu không cho phép các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lạc hậu có chỗ
đứng, từ đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
"Hải Phòng đã ban hành hệ thống, chủ trương liên quan
đến vấn đề bảo vệ môi trường đầy đủ, vậy nên ít có điểm nóng về môi trường. Tuy
nhiên, cán bộ môi trường ở địa phương chưa sâu về kiến thức nên cần đào tạo và
bồi dưỡng thêm.
Cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra xử phạt những
vi phạm liên quan đến môi trường và có biện pháp khắc phục, làm tốt công tác
quy hoạch và tái chế chất thải. Nâng cao nhận thức của cộng đồng và phân loại
rác tại nguồn. UBND thành phố hoàn thành báo cáo trong thời hạn 1 tuần để gửi
về Đoàn giám sát" - đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh. (Lao Động Online
11/12, P.Đ)
Chỉ với một chiếc thẻ chi trả nhỏ gọn thay thế phiếu lĩnh
lương hưu, trợ cấp BHXH, người hưởng hoàn toàn có thể nhận lương hưu hay trợ
cấp BHXH một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Đó là những tiện ích nhằm góp phần cải cách hành chính,
hướng đến sự thuận tiện nhất cho người dân mà ngành Bưu điện và bảo hiểm xã hội
(BHXH) ghi nhận tại Hội nghị tổng kết thí điểm và mở rộng phương án ứng dụng
CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sáng 11/12/2018.
Tại Hội nghị tổng kết thí điểm và mở rộng phương án ứng dụng
CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, đa số ý kiến đều đánh
giá cao việc thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chi trả các
chế độ BHXH hàng tháng đã mang lại hiệu quả rõ nét trong thực hiện cải cách
hành chính, ứng dụng CNTT, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng. Bưu điện
Việt Nam đã ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quản lý
người hưởng đảm bảo chi trả nhanh chóng, chính xác, kịp thời, phù hợp với chủ
trương cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong các quy trình nghiệp vụ của
Ngành BHXH và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính
phủ điện tử.
Theo lộ trình, từ tháng 4 đến tháng 5/2019, Phương án này sẽ
được triển khai tại 10 tỉnh/thành phố: Vĩnh Phúc, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh,
Quảng Ninh, Thừa Thiện Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa, Phú Yên, Đồng Tháp.
Từ tháng 6 đến tháng 8/2019, triển khai tại 20 tỉnh/thành
phố: Đắk Lắk, Nghệ An, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cần Thơ, Bình Dương, Bắc Ninh, An
Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Long An, Bình Định, Đắk Nông, Lào Cai, Bà
Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng,
Lạng Sơn.
Từ tháng 9 đến tháng 11/2019, triển khai tại 31 tỉnh/thành
còn lại gồm: Ninh Thuận, Phú Thọ, Hưng Yên, Trà Vinh, Bến Tre, Cao Bằng, Hà
Nam, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền
Giang, Yên Bái, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Điện Biên, Hậu Giang,
Kon Tum, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hà Giang, Khánh Hòa, Sơn La,
Nam Định, Vĩnh Long.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty
Bưu điện Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp sát sao với BHXH trong việc chỉ đạo
các địa phương xây dựng phương án cụ thể triển khai. Đặc biệt tiếp tục nghiên
cứu cải tiến quy trình, đầu tư nguồn lực cả về con người và ứng dụng CNTT. “Tôi
yêu cầu Bưu điện các tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh sớm triển khai phương án, đặc
biệt chú trọng công tác tuyên truyền để người hưởng hiểu đúng về cách thức chi
trả này, nhằm mang đến sự thuận tiện nhất cho người dân”, Chủ tịch Phạm Anh
Tuấn nhấn mạnh.
Về phía BHXH Việt Nam, để việc triển khai mở rộng trên phạm
vi toàn quốc sắp tới đạt hiệu quả, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình
Khương cho biết sẽ phối hợp với Bưu điện để kết nối mạng CNTT của hai ngành
nhằm trao đổi dữ liệu chung một cách thuận lợi.
BHXH Việt Nam kiến nghị Bưu điện Việt Nam sớm tổ chức hướng
dẫn quy trình thực hiện phương án chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ chi
trả và đẩy mạnh hướng dẫn công tác tuyên truyền cho các địa phương. Đồng thời,
sớm đầu tư trang thiết bị cho Bưu điện tỉnh và tập trung đào tạo, tập huấn cho
đội ngũ nhân viên Bưu điện thực hiện công việc này. “Cả hai ngành sẽ cùng phối
hợp chặt chẽ trên tinh thần địa phương nào xây dựng phương án khả thi thì sẽ
triển khai trước.”, ông Nguyễn Đình Khương cho hay. (Vnmedia.vn 11/12, Hoàng
Hải; Website Đảng Cộng Sản Việt Nam 11/12, Kim Thanh; Infonet.vn 12/12)
Cục Thuế Hải Phòng cho biết, đến tháng 11/2018, qua thanh
tra, kiểm tra, đơn vị này đã kiến nghị tăng thu vào ngân sách trên 323 tỷ đồng.
Tính đến tháng 11/2018, Cục Thuế Hải Phòng đã thực hiện
thanh tra, kiểm tra tại 1.790 doanh nghiệp (DN), đạt 77,8% kế hoạch được giao.
Qua thanh tra, kiểm tra cơ quan thuế đã kiến nghị tăng thu ngân sách trên 323
tỷ đồng, đạt 71,7% kế hoạch được giao, giảm lỗ 841,5 tỷ đồng, giảm khấu trừ 31
tỷ đồng; qua kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, đơn vị đã đề nghị điều
chỉnh khai bổ sung tổng số thuế là 117,7 tỷ đồng.
Với kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đối với 2.300 doanh
nghiệp trong năm 2018, số tiền tăng thu ngân sách từ hoạt động này trong cả năm
dự kiến đạt 450 tỷ đồng. (Baodauthau.vn 11/12, Xuân Yến)
Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng vừa được Cục
trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc đưa ra đối với các đơn vị thuộc,
trực thuộc trong thực hiện công tác quản lý rủi ro.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2018, Cục trưởng Cục Hải quan
Hải Phòng yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
như: Tăng cường phối hợp với các đơn vị trong công tác chống buôn lậu, gian lận
thương mại, đặc biệt phối hợp với các đơn vị ngoài ngành để đảm bảo tiến độ,
thời hạn, thời hiệu xử lý theo quy định của pháp luật.
Xác định việc nâng cao hiệu quả soi chiếu trước là nhiệm vụ
trọng tâm. Qua đó, cần tăng cường soi chiếu trước nhằm phòng ngừa, phát hiện
các lô hàng vi phạm đồng thời nâng cao sự tuân thủ pháp luật hải quan của doanh
nghiệp. Nâng cao hiệu quả thiết lập tiêu chí để đảm bảo việc kiểm soát tình
hình buôn lậu và gian lận thương mại qua địa bàn.
Chủ động nghiên cứu các văn bản, chế độ chính sách mới; tiếp
tục duy trì và đẩy mạnh công tác xác định nguy cơ rủi ro qua nghiên cứu văn bản
pháp luật. Qua đó, các đơn vị nhận diện rủi ro và áp dụng các biện pháp kiểm
soát phù hợp.
Phòng Quản lý rủi ro về hải quan phối hợp với các đơn vị như
Phòng Giám sát quản lý, các chi cục hải quan để đẩy mạnh việc ký kết thỏa thuận
phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp thông qua việc cung cấp thông
tin, cài đặt các chỉ dẫn trên hệ thống.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa được Cục trưởng Cục Hải quan Hải
Phòng chỉ đạo Phòng quản lý rủi ro về hải quan và các đơn vị thực hiện là kiểm
soát, xử lý tờ khai treo, tờ khai hủy toàn Cục.
Liên quan đến hiệu quả sử dụng may soi container, theo Đội
máy soi container (Phòng Quản lý rủi ro, Cục Hải quan Hải Phòng), tính từ đầu
năm đến cuối tháng 11, 2 hệ thống máy soi của đơn vị soi chiếu được 15.750
container, trong đó hệ máy soi di động 8.930 container; máy soi cố định 6.820
container.
Qua soi chiếu phát hiện 73 container vi phạm, tổng số tiền
phạt vi phạm hành chính là 366,4 triệu đồng; tổng số thuế điều chỉnh tăng thêm
sau soi chiếu 951,9 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là khai sai số lượng,
chủng loại…
Mới đây, Tổng cục Hải quan quyết định trang bị thêm 2 máy
soi container cho Cục Hải quan Hải Phòng để phục vụ công tác tại cảng Đình Vũ
và cảng Nam Đình Vũ. Với 2 máy soi mới
được trang bị, Cục Hải quan Hải Phòng sẽ có 4 máy soi container, trong đó có 3
máy soi di động và 1 máy soi cố định. (Hải Quan Online 11/12, Thái Bình)
Cục Hải quan TP. Hải Phòng xây dựng Kế hoạch và thực hiện
nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt mặt hàng này, trong đó đã chỉ đạo Đội Kiểm
soát Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong toàn Cục triển khai việc kiểm
soát và xử lý đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng Hải Phòng.
Theo đó, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã chỉ đạo các Chi cục
Hải quan cửa khẩu tập trung nguồn lực, giải quyết thông quan nhanh chóng cho
các lô hàng phế liệu nhập khẩu, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất liên tục cho
các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng như tránh ách tắc hàng hóa tại các cảng
biển.
Trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng, Hải quan Hải Phòng
gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp đứng tên nhận hàng tại Việt Nam không
cung cấp thông tin, thậm chí không phối hợp làm việc; một số các đại lý hãng
tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng không xuất trình các lô hàng tồn đọng để cơ
quan Hải quan kiểm tra theo đúng các quy định hiện hành...
Không lùi bước trước khó khăn và với việc triển khai đồng bộ
nhiều giải pháp, Cục Hải quan TP.Hải Phòng đã kiểm tra, phân loại được 1.215
container nhựa phế liệu. Hầu hết hàng hóa trong các container có kết quả kiểm
tra sơ bộ là nhựa phế liệu các loại (dạng túi nylon, màng PE, bao bì…), không đáp
ứng quy chuẩn Quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu. Đối với các lô hàng phế liệu
không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu này, Hải quan Hải Phòng đã có
nhiều văn bản yêu cầu và thường xuyên đôn đốc các đại lý hãng tàu khẩn trương
vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hiện Cục Hải quan TP. Hải Phòng đang tiếp
tục thực hiện việc kiểm tra, phân loại các container phế liệu tồn đọng khác.
Ngoài ra, Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã thu thập toàn bộ
thông tin liên quan và có văn bản gửi các doanh nghiệp đứng tên nhận hàng tại
Việt Nam khẩn trương đến làm thủ tục cho các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Hiện
đơn vị đã nhận được phản hồi của nhiều doanh nghiệp về lý do chưa làm thủ tục
(đang chờ quy chuẩn nhập khẩu, khó khăn về tài chính…) hoặc cam kết sẽ làm thủ tục
hải quan khi có đủ các điều kiện cần thiết.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 23/11/2018, tại
cảng Hải Phòng hiện đang có 2.639 container phế liệu tồn đọng (quá 90 ngày kể
từ ngày đến cảng nhưng chưa có người đến nhận hàng). Trong đó có 2.044 container
khai báo trên hệ thống Emanifest hàng hóa là nhựa phế liệu, 43 container sắt
thép phế liệu, 146 container Giấy phế liệu và 406 container container Phế liệu
khác (nhôm, đồng …). (Thương Hiệu & Công Luận Online 11/12, PV)
Việc phát hiện, đấu tranh để doanh nghiệp thừa nhận hành vi
sai phạm thông qua công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã khó, việc đôn
đốc, buộc doanh nghiệp phải chấp hành nộp thuế từ các quyết định ấn định thuế
còn khó hơn, nhất là với những trường hợp có số tiền truy thu lớn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục
KTSTQ (Cục Hải quan Hải Phòng) Trần Mạnh Cường cho biết: Điểm nổi bật trong
thực hiện nhiệm vụ KTSTQ của đơn vị trong năm 2018 là phát hiện các dấu hiệu vi
phạm và tổ chức truy thu hiệu quả từ những chuyên đề kiểm tra lớn, điển hình là
chuyên đề liên quan đến mặt hàng gỗ nhập khẩu.
Theo Chi cục KTSTQ Hải Phòng, bám sát các quy định của pháp
luật (Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối
với hàng hoá nhập khẩu), chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, đơn vị tập
trung rà soát đối với hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa từ các quốc gia,
vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận tối huệ quốc trong hoạt động thương mại với
Việt Nam.
Trong 236 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với
Việt Nam còn 64 quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận tối huệ quốc trong
hoạt động thương mại với Việt Nam. Trong số này, nước ta có hoạt động XNK với
50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Từ cơ sở nêu trên, Đội 4 (Chi cục KTSTQ Hải Phòng) tổ chức
rà soát hoạt động XNK với các quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có thỏa thuận tối
huệ quốc. Qua đó, đơn vị thấy nổi lên mặt hàng gỗ có kim ngạch nhập khẩu lớn từ
một số quốc gia, vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu, doanh
nghiệp vẫn khai thuế suất thuế Nhập khẩu 0% (giống thuế suất từ các quốc gia có
thỏa thuận tối huệ quốc trong hoạt động thương mại với Việt Nam). “Thực tế thuế
suất thuế nhập khẩu mặt hàng gỗ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ chưa có có thỏa
thuận tối huệ quốc trong hoạt động thương mại với Việt Nam là 5%”- lãnh đạo Đội
4 cho biết.
Dù căn cứ pháp lý, thực tế hàng hóa nhập khẩu tương đối rõ
ràng, nhưng theo Chi cục KTSTQ Hải Phòng, quá trình kiểm tra đơn vị vẫn gặp
không ít khó khăn, vì có nhiều trường hợp doanh nghiệp khai báo xuất xứ hàng
hóa chưa cụ thể. Đơn cử như một số doanh nghiệp khai báo nhập khẩu gỗ từ
Ghi-nê, nhưng trên thế giới có một số quốc gia, vùng lãnh thổ có tên bắt đầu
bằng từ Ghi-nê (Ghuinea). Trong đó có Ghi-nê-xích đạo (thuộc châu Phi) chưa có
thỏa thuận tối huệ quốc với Việt Nam. Quá trình làm việc Chi cục KTSTQ Hải
Phòng đã chứng minh hàng hóa thực nhập của doanh nghiệp ghi xuất xứ Ghi-nê thực
chất là xuất xứ Ghi-nê-xích đạo và có thuế suất thuế Nhập khẩu 5%. “Với các tài
liệu, căn cứ pháp lý được chúng tôi nêu ra, doanh nghiệp tâm phục khẩu phục
thừa nhận sai sót trong quá trình khai báo”- lãnh đạo Đội 4 trao đổi.
Lãnh đạo Chi cục KTSTQ Hải Phòng cho biết: Chứng minh được
hành vi sai sót của doanh nghiệp đã khó, nhưng để doanh nghiệp chấp hành quyết
định của cơ quan Hải quan nộp đủ tiền thuế ấn định, tiền chậm nộp còn khó hơn.
Trong đó, doanh nghiệp thường nại nhiều lý do để chây ỳ nộp thuế như hàng hóa
đã được thông quan và bán theo mức thuế suất 0%; thời gian truy thu, ấn định
lâu nên gặp khó khăn về tài chính; một số trường hợp có số tiền ấn định lớn
nhiều tỷ đồng cũng là trở ngại trong chấp hành quyết định của cơ quan Hải quan…
Nhưng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
đốc thu của Chi cục KTSTQ Hải Phòng, đến nay, khoảng 30 doanh nghiệp liên quan
đã chấp hành, nộp đủ tổng số tiền thuế ấn định và chậm nộp (trong chuyên đề
liên quan đến mặt hàng gỗ) hơn 58 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Điển hình như trường hợp Công ty N. (TP. HCM). Dù thừa nhận
sai sót nhưng doanh nghiệp này lại chây ỳ trong thực hiện nộp thuế theo quyết
định của cơ quan Hải quan. “Trước sự chống chế, chây ỳ của doanh nghiệp, Chi
cục đã kiên trì đấu tranh buộc Công ty phải chấp hành để khắc phục các sai sót
khi nhập khẩu hàng hóa. Với sự kiên quyết của cơ quan Hải quan, đến nay, Công
ty N. đã nộp đủ hơn 9 tỷ đồng tiền ấn định thuế và tiền chậm nộp vào ngân
sách”- lãnh đạo Chi cục KTSTQ Hải Phòng chia sẻ thêm.
Bên cạnh thực hiện hiệu quả thu nộp ngân sách từ kiểm tra
theo chuyên đề, một điểm sáng trong công tác KTSTQ tại Cục Hải quan Hải Phòng
trong năm 2018 là hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Cụ thể, quá trình
thực hiện nhiệm vụ, Chi cục KTSTQ Hải Phòng đã chủ động ban hành nhiều công văn
hướng dẫn doanh nghiệp chủ động rà soát, kiểm tra các khoản phí phải cộng vào
trị giá tính thuế, đơn cử như phí bản quyền.
Thông qua công tác hướng dẫn của Chi cục, các doanh nghiệp
đã chủ động rà soát và nộp bổ sung về ngân sách nhiều tỷ đồng”- lãnh đạo Chi
cục KTSTQ Hải Phòng nói. (Hải Quan Online 11/12, Thái Bình)
Viện Khoa học Hình sự bộ Công an đang tiến hành khám nghiệm
hiện trường vụ nổ lò luyện thép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 12
người thương vong ở Hải Phòng.
Chiều ngày 11/12, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, lãnh
đạo Công an huyện An Dương, TP. Hải Phòng cho biết, đơn vị vẫn đang tích cực
phối hợp với các lực lượng chức năng để tiến hành điều tra, làm rõ vụ nổ lò
luyện thép thuộc công ty CP thép Dragon.
“Vụ án đang được điều tra bước đầu, nhưng chưa thể tiến hành
khởi tố. Viện Khoa học Hình sự - bộ Công an đang tiến hành giám định hiện
trường, chúng tôi còn đang chờ kết quả.
Về tiến trình điều tra, chúng tôi đã gọi đại diện công ty CP
thép Dragon đến cơ quan công an làm việc theo quy trình”, lãnh đạo Công an
huyện An Dương nói.
Ngày 10/12, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải
Phòng đã cùng với đại diện các sở, ban ngành đế kiểm tra hiện trường vụ nổ lò
luyện thép tại công ty CP thép Cửu Long (tại thôn Khánh Thịnh, xã An Hồng,
huyện An Dương).
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và nghe báo cáo của
lãnh đạo Công an thành phố, Công an huyện An Dương, các sở, ngành và đại diện
công ty CP thép Dragon (đơn vị kế thừa dây chuyền sản xuất thép của công ty CP
thép Cửu Long), ông Nguyễn Văn Thành chỉ đạo doanh nghiệp khẩn trương báo cáo
cơ quan chức năng liên quan về việc chuyển giao, kế thừa lại dự án của công ty
CP thép Cửu Long.
Các sở, ngành, địa phương liên quan tổng hợp báo cáo cụ thể
bằng văn bản về tình hình quản lý theo chuyên ngành chức năng liên quan tới
hoạt động của công ty CP thép Cửu Long như: việc chuyển nhượng dự án, công tác
quản lý sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, đặc
biệt các thủ tục về việc khởi động lại dự án sau thời gian dài tạm dừng hoạt
động, báo cáo UBND thành phố.
Ông Thành cũng yêu cầu phía doanh nghiệp tập trung cao nhất
việc chăm lo sức khỏe, hỗ trợ người lao động bị nạn trong thời gian điều trị,
thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng. Doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với cơ
quan công an để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra tai nạn.
Sau khi có ý kiến từ cơ quan chức năng cho phép đủ điều kiện
giải tỏa hiện trường, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục hậu quả liên quan đến
tài sản, thiết bị, nhà xưởng để ổn định tình hình. Các sở, ngành chức năng
hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục cần thiết, đầy đủ.
Công an thành phố chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ
nổ, báo cáo UBND thành phố và tham mưu xử lý theo quy định. Đối với doanh
nghiệp chỉ được phép hoạt động khi có đủ các điều kiện cần thiết theo đúng quy
định.
Trước đó, vào khoảng 12h30 ngày 7/12, tại công ty CP thép
Dragon (nằm trong khuôn viên công ty CP thép Cửu Long) xảy ra nổ lò luyện thép trong
khi tiến hành chạy thử 2 cặp lò luyện thép. Hậu quả vụ tai nạn khiến 2 người
thiệt mạng và 10 người bị thương.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an TP. Hải Phòng phối
hợp các cơ quan chức năng dập tắt đám cháy, khắc phục bước đầu, đưa người bị thương
đi điều trị và phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên
nhân của vụ việc nghiêm trọng này. (Nguoiduatin.vn 11/12, Minh Sơn)
Sáng 10/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn
Thành đã kiểm tra hiện trường vụ nổ lò luyện thép tại Công ty Cổ phần Thép
Dragon (địa chỉ Km9, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) và yêu cầu phía doanh
nghiệp tập trung cao nhất cho việc chăm lo sức khỏe, hỗ trợ người lao động bị
nạn và thăm hỏi gia đình có người thiệt mạng.
Sau khi kiểm tra thực tế hiện trường và nghe báo cáo của
lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng, Công an huyện An Dương, các sở, ngành và
đại diện Công ty Cổ phần thép Dragon - đơn vị kế thừa dây chuyền sản xuất thép
của Công ty Cổ phần công nghiệp nặng Cửu Long (Công ty Cửu Long), Phó Chủ tịch
UBND thành phố Nguyễn Văn Thành chỉ đạo: Công ty Dragon khẩn trương báo cáo cơ
quan chức năng về việc chuyển giao, kế thừa lại Dự án của Công ty Cửu Long.
Các sở, ngành, địa phương liên quan tổng hợp báo cáo cụ thể
bằng văn bản về tình hình quản lý theo chuyên ngành chức năng liên quan tới
hoạt động của Công ty Cửu Long như: việc chuyển nhượng dự án, công tác quản lý
sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, đặc biệt
các thủ tục về việc khởi động lại dự án sau thời gian dài tạm dừng hoạt động,
báo cáo UBND thành phố trước 15 giờ chiều 10/12/2018...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu phía doanh
nghiệp hợp tác chặt chẽ với cơ quan công an để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm
để xảy ra tai nạn. Sau khi có ý kiến từ cơ quan chức năng cho phép giải tỏa
hiện trường thì doanh nghiệp phải khẩn trương khắc phục hậu quả liên quan đến
tài sản, thiết bị, nhà xưởng để ổn định tình hình.
Các sở, ngành chức năng hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các
thủ tục cần thiết, đầy đủ theo quy định. Công an thành phố cần chỉ đạo khẩn
trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ, báo cáo UBND thành phố và tham mưu xử lý theo
quy định. Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động khi có đủ các điều kiện cần
thiết theo đúng quy định.
Trước đó, khoảng 12 giờ 30 phút ngày 7/10, tại Công ty Cổ
phần Thép Dragon (nằm trong khuôn viên Công ty Cổ phần công nghiệp nặng Cửu
Long) xảy ra vụ nổ lò luyện thép trong khi tiến hành chạy thử 2 cặp lò luyện
thép. Vụ tai nạn khiến 2 người thiệt mạng và 10 người bị thương.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an thành phố Hải
Phòng phối hợp các cơ quan chức năng dập tắt đám cháy, khắc phục bước đầu, đưa
người bị thương đi điều trị và phong tỏa hiện trường để phục vụ công tác điều
tra làm rõ nguyên nhân của vụ nổ. (TTXVN/Tin Tức 10/12, Hoàng Ngọc;
VietnamPlus.vn 11/12; Pháp Luật & Xã Hội 11/12, Ngọc Dũng; Công An Nhân Dân
12/12, tr5, Văn Thịnh)
Công ty Cổ phần Đường bộ vừa có văn bản Thông báo về việc
thay đổi giá vé xe buýt theo Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Theo đó, việc quy định giá vé các tuyến xe buýt được trợ giá
từ nguồn ngân sách trên địa bàn thành phố như sau: Đối với tuyến xe buýt có cự
ly dưới 15km vé lượt là 8000 đồng/lượt; vé tháng là 200.000 đồng/tháng. Tuyến
có cự ly từ 15km đến dưới 25km vé lượt là 12.000 đồng/lượt; vé tháng là 200.000
đồng/tháng. Tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 35km vé lượt là 13.000 đồng/lượt;
vé tháng là 250.000/tháng. Tuyến có cự ly trên 35km vé lượt là 25.000
đồng/lượt; vé tháng là 300.000 đồng/tháng.
Trước đó, tại Công văn số 4119/VP-GT ngày 11/12/2017, UBND
thành phố chấp thuận đặt hàng Công ty Cổ phần Đường bộ Hải Phòng thực hiện dịch
vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ Bến xe buýt An Lão đi thị trấn
Tiên Lãng (cự ly 16km). (Giao Thông 11/12, tr6, Quỳnh Anh)
Tối 10/12, tại Cung điền kinh Hà Nội, Đại hội Thể thao toàn
quốc lần thứ tám- 2018 đã chính thức bế mạc sau gần một tháng tổ chức các môn
thi đấu.
Tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Trung Hải trao cờ lưu niệm tặng
đại diện 10 đoàn có thành tích dẫn đầu trên bảng xếp hạng huy chương của Đại
hội là: Hà Nội (176 HCV), TP Hồ Chí Minh (118 HCV), Quân đội (59 HCV), Thanh
Hóa (36 HCV), Đà Nẵng (31 HCV), An Giang (24 HCV), Công an nhân dân (23 HCV),
Hải Dương (22 HCV), Hải Phòng (22 HCV), Bình Dương (18 HCV). Đồng chí Nguyễn Ngọc
Thiện trao cờ lưu niệm tặng đại diện đơn vị chủ nhà Hà Nội và cờ thi đua tặng
năm đoàn thể thao dẫn đầu khu vực miền núi là Bắc Giang, Thái Nguyên, Đác Lắc,
Sơn La, Phú Thọ.
Lễ bế mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ tám - 2018 kết
thúc với những màn biểu diễn nghệ thuật sôi động để lại nhiều ấn tượng cho các
huấn luyện viên và vận động viên tham dự. (Nhân Dân 11/12, tr7, Minh Giang;
Nhân Dân Online 11/12, Minh Giang; Nhân Dân 11/12, tr7; Kinh Tế & Đô Thị
Online 10/12; Hà Nội Mới Online 10/12)
Cổ động viên
Hải Phòng “tiếp lửa” tuyển Việt Nam qua màn hình 150m2
Đến chiều 11/12, Hội cổ động viên Hải Phòng đã hoàn thành
dựng một màn hình khổng lồ rộng 150m2 tại sân vận động Lạch Tray để phục vụ
người hâm mộ theo dõi và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt
đi AFF Cup 2018.
Bất chấp trời mưa và gió rét hàng trăm cổ động viên Hải
Phòng đã chuẩn bị áo cờ đỏ sao vàng tập trung tại Sân vận động Lạch Tray và đi
diễu hành khắp các tuyến phố để cổ vũ cho đội tuyển nước nhà thi đấu.
Để chủ động trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trước,
trong và sau trận chung kết, cũng như ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, cổ
vũ quá khích, phản cảm có thể xảy ra,Ban An toàn giao thông thành phố Hải Phòng
đã có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan, địa phương, đơn vị về việc bảo đảm trật
tự an toàn giao thông cho các loạt trận đấu cổ vũ đội tuyển bóng đá quốc
gia.
Theo đó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng đã yêu cầu các
đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, bố trí lực lượng, phương tiện tăng
cường công tác tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông,
trật tự công cộng, tập trung vào những tuyến, địa bàn phức tạp để kịp thời phát
hiện, xử lý nghiêm hoạt động vi phạm.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt là lực lượng
chủ công đã xây dựng kế hoạch chi tiết, huy động tối đa lực lượng, phương tiện
đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông. (Công An Nhân Dân Online 11/12, V.
Huy - Phú Lương; Lao Động Online 11/12; Toquoc.vn 11/12; TTXVN 11/12)
Đây là một trong nhiều nghiên cứu được công bố tại hội thảo
quốc tế “Nghiên cứu phát triển thuốc mới từ thảo dược và dược liệu biển” do
Trường đại học Y- Dược Hải Phòng phối hợp Trung tâm Khoa học và Công nghệ của
các nước thuộc phong trào không liên kết và các nước đang phát triển (viết tắt
NAM S&T Centre) tổ chức từ ngày 10/12 đến ngày 12/12. (Baohaiphong.com.vn
11/12)
Chiều 10/12, Liên đội Trường THCS Ngô Quyền tổ chức Lễ chào
cờ điểm cấp quận Lê Chân với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”. Đến dự có đại diện
lãnh đạo Sở GD-ĐT, UBND quận Lê Chân, hội cựu chiến binh quận, Hội Nạn nhân
chất độc da cam đi-ô-xin phường An Biên; cùng sự tham gia của hơn 1.000 học
sinh nhà trường. (Baohaiphong.com.vn 11/12)
Sáng 10/12, thực hiện quy chế đối thoại giữa người đứng đầu
cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, các đồng chí Lê Trung Kiên - Bí thư
Quận ủy và Phạm Tiến Du – Chủ tịch UBND quận Lê Chân đã có buổi đối thoại với
nhân dân phường Dư Hàng Kênh. (Anhp.vn 11/12)
Sáng 10/12, UBND quận Ngô Quyền tổ chức hội nghị tổng kết
công tác Quốc phòng, quân sự địa phương năm 2018. Nhân dịp này, 17 tập thể và
18 cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa
phương năm 2018 được Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền tặng giấy khen. (Anhp.vn
11/12)
Thực hiện Dự án cải tạo, thu hồi mặt bằng xây dựng lại khu
chung cư cũ Đ1, Đ3, Đ5, Đ7, Đ4, Đ6, Đ8, Đồng Quốc Bình, thời gian qua UBND quận
Ngô Quyền đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án,
trong đó tiến hành lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
theo đúng quy định pháp luật; tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các
hộ gia đình; tiếp nhận và bàn giao mặt bằng ngay cho Chủ đầu tư để đảm bảo tiến
độ thực hiện Dự án. (Anhp.vn 11/12).