Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 12/12/2013)
Sáng 11/12, ông Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Bí thư Đảng ủy quân sự thành phố chủ trì Hội nghị Đảng ủy quân sự thành phố ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng bộ năm 2014.
Dự và chỉ đạo Hội nghị có Trung tướng Nguyễn Thanh Thược - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu Ba. Cùng dự có ông Dương Anh Điền - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Thanh Thược ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Đảng ủy quân sự thành phố đạt được trong năm 2013.
Ông nhấn mạnh: Năm 2014, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng ủy quân sự thành phố hết sức nặng nề. Vì vậy, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Đảng ủy quân sự thành phố cần tập trung cao độ tinh thần cảnh giác cách mạng; thường xuyên bám sát cơ sở, bám sát địa bàn; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng, nắm chắc, phân tích chính xác, kịp thời tình hình, chủ động và thường xuyên rà soát, bổ sung phương án tác chiến, tổ chức huấn luyện, duy trì và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; có các biện pháp ngăn ngừa hiện tượng đảng viên, cán bộ, chiến sĩ vi phạm về đạo đức lối sống; chủ động tham gia có hiệu quả phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"...
Thay mặt Đảng ủy quân sự thành phố, Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy quân sự thành phố Nguyễn Văn Thành cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy Quân khu Ba và mong rằng: Thời gian tới, Đảng ủy Quân khu Ba tiếp tục quan tâm tạo điều kiện giúp Đảng ủy quân sự thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự- quốc phòng địa phương trong năm 2014.
Ông Thành yêu cầu Đảng ủy quân sự thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nâng cao tinh thần cảnh giác, nắm chắc mọi tình hình diễn biến không để bị động bất ngờ, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra; thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng bảo bảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố; nâng cao chất lượng nền nếp, chế độ, quy định trực sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia giải quyết có hiệu quả những vụ việc phức tạp khi có tình huống thiên tai, lũ lụt xảy ra… Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng của Quân khu Ba. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đã định hướng các giải pháp quan trọng bổ sung vào nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy quân sự thành phố năm 2014.
Năm 2013, Đảng ủy quân sự thành phố bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác quân sự- quốc phòng và công tác xây dựng Đảng; chủ động nắm và dự báo đúng tình hình, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội; quân sự-quốc phòng năm qua của thành phố. (Báo Hải Phòng Online 12/12; Bản tin thời sự tối 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Chiều 11/12, Phó Chủ tịch thành phố Lê Khắc Nam chủ trì buổi làm việc với Ban chỉ đạo số hóa truyền hình Việt Nam về việc triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng, truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố.
Tới dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng; Cục trưởng Cục tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan; lãnh đạo các Sở, ngành thành phố và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng.
Mục tiêu của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 là chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, bảo đảm 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương tiện khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình; phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh Chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.
Thực hiện kế hoạch Đề án đến tháng 6/2014, Hải Phòng phải được phủ sóng truyền hình số mặt đất để tải không hóa mã các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông tin tuyên truyền thiết yếu, UBND thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở TT&TT, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng nghiên cứu triển khai Đề án, trong đó giao Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Công ty TNHH MTV truyền thông Hải Phòng.
UBND thành phố cũng đã báo cáo Thủ tướng, Bộ TT&TT cho phép Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội hợp tác thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (gồm 14 tỉnh, thành phố). Đồng thời quyết định đầu tư xây dựng trạm phát sóng phát thanh, truyền hình đồi Thiên Văn (Kiến An) với cột ăngten cao 240m trong năm 2014, bảo đảm bán kinh phủ sóng hiệu quả 100km.
Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam đề nghị Bộ TT&TT sớm đồng ý chủ trương cho phép Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội hợp tác thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; cho phép xây dựng cột ăngten cao 240m tại đồi Thiên Văn. Đồng thời yêu cầu Sở TT&TT đẩy mạnh tuyên truyền đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận; rà soát quy hoạch để triển khai đề án một cách thuận tiện nhất.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá cao Hải Phòng chủ động tích cực triển khai Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng, truyền hình. Bộ ủng hộ việc hợp tác thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng, truyền hình số mặt đất cho 14 tỉnh, thành phố khu vực Đông Bắc Bộ. Thứ trưởng đề nghị thành phố giao các ngành chức năng, đơn vị nghiên cứu phương án thực hiện bảo đảm hiệu quả đề án. (Báo Hải Phòng 12/12, tr1+7; Bản tin thời sự tối 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Chiều 11/12, Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc thực hiện Công điện 1966/2013 về tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ.
Đồng chủ trì Hội nghị có ông Đinh La Thăng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Tại đầu cầu Hải Phòng, ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch thành phố, lãnh đạo các Sở, ngành liên quan dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tình trạng xe quá tải đang tàn phá đường bộ Việt Nam hiện ở mức báo động với khoảng 50% số lượng xe tải vi phạm, khiến hàng loạt tuyến đường bị xuống cấp nặng nề. 11 tháng năm 2013, các lực lượng, địa phương trong toàn quốc xử lý hơn 26.000 lượt xe, bắt buộc hạ tải 76.534 tấn, tước giấy phép lái xe hơn 22.000 trường hợp. Để triển khai có hiệu quả Công điện 1966 của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong năm 2014, sẽ thành lập các trạm cân, có quy hoạch hạ tải và đẩy mạnh phối hợp thực hiện kiểm soát tải trọng xe giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, tới đây, sẽ triển khai kiểm soát tải trọng xe tại tất cả địa phương trong toàn quốc, bảo đảm công khai, minh bạch. Bộ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí cùng vào cuộc kiểm soát tải trọng xe; tuyên truyền người tốt việc tốt, cách làm hay; đồng thời, kiểm tra, giám sát, đưa ra công luận những hành vi tiêu cực của các bộ phận, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang yêu cầu lực lượng công an toàn quốc phối hợp với ngành GTVT đẩy mạnh kiểm soát tải trọng xe dịp cuối năm và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan đến tai nạn giao thông. (Báo Hải Phòng Online 12/12; Bản tin thời sự tối 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; An Ninh Hải Phòng 12/12, tr3)
Tối 11/12, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế thành phố Hải Phòng. bế mạc Hội chợ Triển lãm công nghiệp - thương mại vùng Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2013.
Tới dự có ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch thành phố; lãnh đạo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương); lãnh đạo các ngành thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Hội chợ…
Diễn ra từ 6/12, Hội chợ thu hút sự tham gia tích cực của các Sở Công Thương 26 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, với gần 500 gian hàng của hơn 250 tổ chức, cá nhân tham gia quảng bá, Triển lãm, giới thiệu và hoạt động thương mại trong lĩnh vực 8 ngành nghề chủ yếu.
Tại Hội chợ còn có nhiều hoạt động bổ trợ như Hội thảo giới thiệu thị trường Đông Bắc Á; trình diễn kỹ thuật tay nghề, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề vùng đồng bằng sông Hồng do các nghệ nhân, thợ giỏi thực hiện với các nghề như gốm, sứ, thêu tay… tuyên truyền, giới thiệu kiến thức nhận biết về hàng thật, hàng giả tổ chức các “Điểm vàng khuyến mại”; tổ chức khu không gian ẩm thực…
Hội chợ thu hút gần 50.000 lượt người trong và ngoài thành phố tới tham quan, tham dự, mua sắm; 22 hợp đồng, biên bản ghi nhớ về mua bán sản phẩm, hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ được ký kết giữa các địa phương và doanh nghiệp.
Hội chợ đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, triển lãm, giới thiệu thành tựu phát triển ngành Công Thương, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp nông thôn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực có dịp giao thương, mở rộng hợp tác kinh tế; tìm kiếm đối tác, khách hàng để mở rộng thị trường, từng bước khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong giai đoạn tiếp theo ...
Đánh giá cao sự cố gắng và tham gia tích cực của các đơn vị, địa phương, các tổ chức và doanh nghiệp, Bộ Công Thương, UBND thành phố, Sở Công Thương tặng bằng khen, giấy khen cho 52 tập thể. UBND thành phố trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 11 sản phẩm của Hải Phòng được bình chọn năm 2013. (Báo Hải Phòng Online 12/12; Bản tin thời sự tối 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Ngày 11/12, tại Hải Phòng, UBND thành phố phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản ( JICA) tổ chức Hội thảo lần 1 tại Hải Phòng trong khuôn khổ Dự án đánh giá rủi ro thiên tai và thiết lập kế hoạch kinh doanh liên tục vùng cho các Dự án Khu công nghiệp tập trung thuộc khối ASEAN.
Tới dự có Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại; Tiến sĩ Masakazu Takahashi - đại diện JICA, Trưởng Đoàn nghiên cứu; lãnh đạo các ngành thành phố và nhiều tổ chức, doanh nghiệp…
Theo đó, nghiên cứu của JICA hướng tới việc hỗ trợ những nỗ lực của các địa phương trong khối ASEAN để giảm thiểu những thiệt hại hoặc tổn thất về kinh tế của những khu vực nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp (Khu công nghiệp tập trung) khi xảy ra những thảm họa thiên nhiên lớn. 3 khu công nghiệp tập trung được lựa chọn để triển khai thí điểm nghiên cứu tại In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin và Việt Nam. Nghiên cứu được tiến hành 18 tháng, từ tháng 2/2013-8/2014.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại nhấn mạnh, Hải Phòng là một trong những trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với nhiều Khu công nghiệp, Khu kinh tế lớn.
Do vị trí địa lý, có 125 km bờ biển, địa hình trũng, thấp nên Hải Phòng là nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Vì thế, thành phố có nhiều giải pháp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ cam kết xây dựng thành phố an toàn trước thiên tai. Vì thế, việc JICA chọn Hải Phòng là một trong những thành phố thực hiện Dự án thí điểm có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi quyết định đầu tư vào Hải Phòng.
Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện và có sự phối hợp tốt với JICA để thực hiện có hiệu quả kế hoạch và dự án thí điểm, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và thực hiện cam kết của Hải Phòng về xây dựng thành phố an toàn trước thiên tai. (Báo Hải Phòng 12/12, tr2; Bản tin thời sự tối 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng; T.P, An Ninh Hải Phòng 12/12, tr2)
Sáng 11/12, quận Đồ Sơn tổng kết Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2013-Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Lễ hội.
Tới dự có ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch thành phố, Phó trưởng Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Hải Phòng 2013 và lãnh đạo các Sở, ngành thành phố.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay là một trong các hoạt động chính thức của Năm Du lịch Quốc gia 2013 để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân và du khách. Cùng với những trận đấu quyết liệt, hấp dẫn tại vòng Chung kết, Lễ đón nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là sự kiện văn hóa ý nghĩa.
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá hoạt động lễ hội được các cơ quan thông tấn, báo chí chú trọng. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội từ tuyển chọn, chăm sóc, huấn luyện trâu đến chuẩn bị cơ sở vật chất, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; quản lý giết mổ và bán thịt trâu chọi được các phòng, đơn vị chức năng quan tâm làm tốt.
Nhân dịp này, các đơn vị, cá nhân tiêu biểu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, chăm sóc, huấn luyện trâu chọi… để lễ hội ngày càng thu hút sự tham gia của người dân, du khách.
Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam chỉ đạo: Chuẩn bị cho Lễ hội năm 2014, năm thứ 25 khôi phục Lễ hội, quận Đồ Sơn nâng cao trách nhiệm để công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, ổn định.
Lễ hội 2014, quận Đồ Sơn quy định mỗi phường có 4 trâu tham gia và không tổ chức đấu loại cấp phường; công tác chuẩn bị mang tính chuyên nghiệp; một số hoạt động đặc sắc như trưng bày truyền thống, giao lưu về tổ chức tế lễ các đình làng bảo tồn văn hóa cổ, tổ chức Chương trình văn nghệ quần chúng với sự tham gia của các phường, vinh danh các nghệ nhân dân gian, trao kỷ niệm chương tặng các cá nhân có công trong khôi phục, phát triển Lễ hội. (Báo Hải Phòng 12/12, tr1+7; Bản tin thời sự 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng 11/12)
Người tham gia giao thông trên đường 359C, đoạn qua xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên phản ánh: Trên đoạn đường này có rất nhiều bãi rác nhỏ nằm hai bên đường gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, vào các buổi chiều tối, một số người còn đốt rác gây khói, bụi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua đây.
Đề nghị UBND xã Thiên Hương kiểm tra, xử lý, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường khu vực. (An Ninh Hải Phòng 12/12, tr7)
Huyện Kiến Thụy vừa tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cấp giấy phép xây dựng công trình, quản lý trật tự xây dựng, q uản lý kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông đường bộ cho hơn 60 cán bộ thuộc các Phòng chức năng của huyện, các cán bộ địa chính xã, thị trấn và một số doanh nghiệp xây dựng đóng trên địa bàn. (Báo Hải Phòng 12/12, tr3)
9. Công nhân viên chức lao động Hải Phòng chung tay xây dựng nông thôn mới: Giúp nhà nông bao tiêu sản phẩm
Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Thành ủy Hải Phòng, Liên đoàn lao động thành phố đã triển khai đề án “công nhân, viên chức lao động thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”.
Bà Nông Thị Kim Nguyệt – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố cho biết: Đề án chỉ ra nhiệm vụ cụ thể để các đơn vị trực thuộc Liên đoàn lao động thành phố phải hỗ trợ cho 7 huyện ngoại thành thực hiện 9 mục tiêu từ nay đến hết 2015.
Những mục tiêu quan trọng của Đề án gồm: Đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của công nhân viên chức để chuyển giao ít nhất 20 đề tài, giải pháp sáng kiến được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; vận động 30% đơn vị kinh doanh liên quan đến nông nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp...
Sau 2 tháng triển khai, Đề án đã được công nhân, viên chức lao động thành phố tích cực hưởng ứng… (H.Hoan, Lao Động 12/12, tr4)
Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng được triển khai hơn 3 năm qua. Việc thực hiện tại các địa phương còn một số khó khăn, vướng mắc. Nỗ lực vào cuộc, chung tay tháo gỡ vướng mắc, khắc phục trở ngại để rút ngắn chặng đường xa, về đích đúng kế hoạch là mong đợi của người dân, lãnh đạo các địa phương và thành phố.
Kỳ 1: Trăn trở nguồn lực lao động ngày càng khan hiếm
Triển khai xây dựng nông thôn mới, sẽ có những vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn được hình thành. Song, để tổ chức sản xuất nông nghiệp với thực tế khan hiếm nguồn lực lao động nông nghiệp hiện nay là vấn đề nhiều lo ngại với các địa phương.
Khi ruộng đồng trông chờ vào các “lão” nông
Thực tế, nguồn lực lao động nông thôn, nhất là các vùng quê ven đô, hiện thiếu nghiêm trọng. Lãnh đạo các xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới băn khoăn, trăn trở về vấn đề này nhưng chưa tìm được giải pháp cụ thể, thiết thực.
Hơn 5 giờ chiều, trên cánh đồng thôn Kiến Phong, xã Đồng Thái (huyện An Dương) bà con vẫn hối hả làm đất sau vụ mùa vừa gặt để trồng cây vụ Đông. Ông, bà Đỗ Văn Du, Phạm Thị Tư năm nay ngoài 70 tuổi vẫn gắng sức cuốc ruộng làm đất để trồng cà chua. Ông Du than thở: “Ở thôn này, công việc đồng áng bây giờ hầu hết đặt lên vai người cao tuổi. Chi phí cho sản xuất cao nên thu nhập từ nông nghiệp chẳng còn là bao”. Gia đình ông Du có 5 người con đều đi làm tại các doanh nghiệp. Vì vậy, mọi công việc đồng áng đều do ông bà gánh vác.
Ở thôn 1, xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên), Trưởng thôn Vũ Thị Sinh cho hay: “90% số lao động trẻ đi làm các doanh nghiệp, số người ở nhà, chủ yếu là lao động trung tuổi trở lên. Tuy nhiên, người phải trông cháu, người sức khỏe yếu, do vậy địa phương khó thực thực hiện được kế hoạch sản xuất vụ Đông”. Theo bà Sinh, thôn có 1 mẫu sản xuất cây vụ đông nhưng gần đây chỉ thực hiện được 50% kế hoạch.
Tại thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão), sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây không còn là nghề chủ yếu của người dân địa phương như trước. Theo lãnh đạo thị trấn, hiện hầu hết hộ dân ven đường đều mở cửa hàng dịch vụ buôn bán nhỏ, cuộc sống hằng ngày của họ trông chờ vào thu nhập kinh doanh, buôn bán. Một số gia đình giữ ruộng sản xuất nhưng thuê người làm lúc mùa vụ. Không ít hộ cho thuê lại diện tích đất canh tác của gia đình hoặc sản xuất cầm chừng để giữ đất. Hầu hết, thanh niên trưởng thành hối hả theo guồng quay sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Từ thực tế khan hiếm nguồn lực lao động, nên một số địa phương trong quá trình xây dựng các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, gặp khó khăn. Phó chủ tịch UBND thị trấn Trường Sơn (An Lão) Hoàng Văn Thúy cho biết, do thiếu nhân lực trong nông nghiệp, việc xây dựng các vùng sản xuất tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại khu vực thị trấn Trường Sơn gặp nhiều trở ngại. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở địa phương chủ yếu độc canh cây lúa, chưa có cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao phát triển tại địa phương.
Theo ông Phạm Văn Biển - Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) cho rằng, sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp nên lực lượng lao động trẻ không muốn gắn bó với đồng ruộng. Công việc đồng áng ở địa phương do người lao động cao tuổi đảm đương nên khó tiếp thu mô hình mới năng động, hiệu quả cao hơn. Bà con áp dụng phương pháp sản xuất và cây trồng truyền thống, chủ yếu là lúa. Bởi vậy, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của địa phương những năm gần đây không cao. Ông Biển lo xa, khi nguồn lực lao động ngày càng khan hiếm, có thể sản xuất nông nghiệp các vùng ven đô hoặc các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ không duy trì được.
Không dễ giải bài toán lao động
Để canh tác hiệu quả theo mô hình sản xuất nông thôn mới, không thể trông chờ vào nguồn lực lao động nông thôn ít ỏi, chủ yếu là người già và trung tuổi, bởi nhóm lao động độ tuổi này hạn chế về trình độ và sức khỏe… Những lao động này chủ yếu chỉ có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp truyền thống theo thói quen.
Song, việc gỡ khó về nguồn nhân lực hiện nay không dễ. Phó Chủ tịch xã An Đồng (huyện An Dương) Đỗ Văn Hiện cho rằng: “Trước mắt, địa phương chưa thể giải quyết vấn đề về nguồn nhân lực cho lao động nông thôn bởi thực tế khi doanh nghiệp đầu tư về địa phương, lao động có sức khỏe làm việc trong các doanh nghiệp có thu nhập cao hơn hẳn sản xuất nông nghiệp nên không dễ gì thuyết phục họ”. Vì vậy, theo ông Hiện, trước mắt, để bảo đảm sản xuất ở địa phương, nhiều gia đình phải thuê nhân công lao động khi mùa vụ. Chi phí thuê lao động cao nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chẳng còn là bao.
Phó Chủ tịch xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) Lê Văn Khương cho biết: “Để bảo đảm sản xuất nông nghiệp của địa phương vào thời điểm này, xã triển khai kế hoạch dồn điền đổi thửa, với mục tiêu diện tích vùng sản xuất của mỗi hộ dân chỉ còn 1 - 2 thửa, dễ dàng đưa máy móc vào sản xuất, giảm bớt lao động. Người dân có thể tranh thủ công việc đồng ruộng khi mùa vụ; đồng thời có thể tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp”.
Để giải quyết vấn đề về khan hiếm nguồn lao động nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, các địa phương mong thành phố và các ngành chức năng sớm có giải pháp quy hoạch tổng thể nguồn lực lao động nông thôn; khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu nhập, tạo điều kiện thu hút nguồn lực lao động gắn bó với sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của lao động nông thôn trong việc gắn bó với sản xuất nông nghiệp, đồng thời năng động, sáng tạo hơn để sản xuất hiệu quả, làm giàu trên chính đồng đất quê hương. (Hải An, Báo Hải Phòng 12/12, tr1+4)
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa 10) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, huyện Vĩnh Bảo nỗ lực khắc phục khó khăn, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 – Nghị quyết “Tam nông”, những năm qua, huyện Vĩnh Bảo triển khai đúng và trúng nhiều giải pháp trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Bức tranh toàn cảnh nông nghiệp, nông thôn của huyện Vĩnh Bảo thể hiện rõ nét tại các địa phương như Nhân Hòa, Tân Liên và Hòa Bình. Nhân Hội nghị báo cáo viên tuyên truyền chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới vừa tổ chức tại huyện, các đại biểu hết sức phấn khởi khi được tận mắt chứng kiến sự “thay da, đổi thịt” của xã Nhân Hòa.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nhân Hòa Nguyễn Văn Chí, Nghị quyết “Tam nông” thiết thực với các địa phương nên trong quá trình thực hiện, xã có nhiều thuận lợi. Sau 5 năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với trước khi thực hiện nghị quyết. Hệ thống đường giao thông được nhựa hóa, bê tông đến tận ngõ xóm. Trên cánh đồng, người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu gieo cấy đến thu hoạch; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ nét; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ.
Năm 2008, xã Tân Liên là xã thuần nông với 90% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người là 850 nghìn đồng/người/tháng. Xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá là nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy, chính quyền địa phương lập kế hoạch với lộ trình cụ thể thực hiện nghị quyết Trung ương 7, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đến nay, các công trình kết cấu hạ tầng phúc lợi được đầu tư hoàn chỉnh với cụm công nghiệp Tân Liên thu hút 16 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh; thu nhập bình quân đầu người đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng (tăng hơn 3 lần so với năm 2008)…
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Bảo Nguyễn Văn Quyn cho biết, cái “được” lớn nhất trong suốt quá trình thực hiện nghị quyết chính là nhận thức của người nông dân về sản xuất hàng hóa, chuyển giao khoa học công nghệ. Người dân từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ sang canh tác tại các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn huyện phát triển 146 vùng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Cùng với đó, kinh tế nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó xã Cộng Hiền là điển hình. Cơ cấu lao động trong nông thôn chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động trong ngành xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Ngoài ra, lĩnh vực cơ giới hóa, thủy lợi hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được tập trung đầu tư đồng bộ. Các khâu làm đất, vận chuyển, trồng, chăm sóc, thu hoạch cơ bản được cơ giới hóa. Hệ thống thủy lợi được cứng hóa, phục vụ kịp thời cho ngành nông nghiệp.
Thời gian tới, huyện Vĩnh Bảo đề ra nhiều giải pháp thực hiện gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân việc thực hiện Nghị quyết; tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới của các xã, vùng sản xuất tập trung; triển khai kịp thời, hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành phố đối với nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Sau 5 năm, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Vĩnh Bảo đạt 239 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,1 lần so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình đạt 6,31%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 19 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch, trong đó ngành nông nghiệp giảm từ 57,4% năm 2008 xuống còn 48,9% năm 2012. (Lã Tiến, Báo Hải Phòng 12/12, tr4)
Những ngày này, về xã Việt Tiến (huyện Vĩnh Bảo) có thể cảm nhận rõ nét không khí sôi nổi xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Từ việc bê tông hóa đường giao thông nội đồng, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, khai thông hệ thống kênh mương đến chăm sóc cánh đồng sản xuất ớt, rau màu tập trung, tất cả đều như ngày hội. (Tiến Dũng, An Ninh Hải Phòng 12/12, tr5)
Qua đợt kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng của Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại Hải Phòng vừa qua, các ngành chức năng thành phố và Đoàn công tác phòng chống tham nhũng Trung ương đã xác định và đi vào “tầm ngắm” 4 “đại án” tham nhũng tại thành phố song đến nay, tiến độ điều tra, xử lý 4 vụ “đại án” này xem ra còn khá chậm.
“Đại án” thứ nhất được các ngành chức năng xác định là vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Công ty TNHH một thành viên Điện máy và Đầu tư. “Đại án” thứ 2 được xác định là vụ một số cán bộ huyện Kiến Thụy và xã Hưng Đạo (nay là phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh) đã bán đất khống (bán trên giấy) cho 86 hộ dân tại 4 thôn của xã Hưng Đạo, thu trên 4 tỷ đồng nộp ngân sách và chi tiêu trái quy định của pháp luật. “Đại án” tham những thứ 3 tại thành phố là vụ việc chuyển nhượng 2,2ha đất nông nghiệp tại phường Hải Thành (quận Dương Kinh).
Hiện tại, vụ việc này đã giao cho Cơ quan điều tra Công an thành phố tiến hành điều tra. “Đại án” tham nhũng thứ 4 là vụ làm “cụt vốn” 300 tỷ đồng của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin khi góp cổ phần vào Công ty Cổ phần Thép Cửu Long Vinashin. (Phương Thanh, Bảo Vệ Pháp Luật 13/12, tr3)
Đó là khẳng định của Chủ tịch quận Lê Chân trong văn bản 957 gửi báo Pháp Luật Việt Nam về vụ bà Nguyễn Thị Chanh (trú số 294 Trần Nguyên Hãn) tố cáo bà Trần Thị Nguyệt Nga (302 Trần Nguyên Hãn), ông Phan Thế Vũ – cán bộ địa chính phường và Chủ tịch phường Niệm Nghĩa năm 2005 đã giả mạo hồ sơ, chữ ký để chiếm đoạt 23m2 đất của gia đình.
Chủ tịch Du cho biết: Bà Chanh đã nhiều lần gửi đơn đến UBND quận Lê Chân. Trên cơ sở tài liệu, hồ sơ của UBND phường Niệm Nghĩa, nhận thấy kiến nghị của bà Chanh là không có căn cứ, UBND quận Lê Chân đã ban hành 2 văn bản trả lời bà Chanh. Ngày 16/8/2011, bà Chanh có đơn xin rút khiếu kiện.
“Nay bà Chanh lại tiếp tục gửi đơn, tuy nhiên nội dung đơn không thay đổi... Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 20 Luật Tố cáo, UBND quận Lê Chân sẽ không thụ lý giải quyết đơn của bà Chanh”, ông Du khẳng định. (Võ Tuấn, Pháp Luật Việt Nam 11/12, tr12)
Không rõ mục đích gì, từ tháng 10/2013, một doanh nghiệp đã thu thập hồ sơ xin trợ cấp chính sách của 80 hộ dân trên gần 10 xã huyện Tiên Lãng…
Đáng nói, Công ty “bí ẩn” trên thu thập hồ sơ của các gia đình thương - bệnh binh, gia đình liệt sỹ và nạn nhân chất độc da cam là chủ yếu. Ngoài những giấy tờ công chứng như chứng minh thư, hộ khẩu, còn có giấy chứng nhận các hộ là gia đình chính sách thương bệnh binh…do chính quyền địa phương xác nhận và đơn xin trợ cấp đến Công ty này… mà không có địa chỉ cụ thể cũng như không có gì liên lạc ngoài... số tài khoản.
Theo ghi nhận của phóng viên, tất cả đơn của các hộ đều có mẫu giống nhau: Đều kính gửi cho “Ban cố vấn và Ban lãnh đạo Khối liên doanh các Công ty; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Hiển Vinh”. Trong đơn, sau khi trình bày tên, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, nơi thường trú, chứng minh thư, tình trạng bản thân và cuối đơn đều có nguyện vọng ủy quyền cho ông Vũ Văn Điềm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Thắng nhận số tiền hỗ trợ của mình. Tuy nhiên, mọi thông tin về ông Điềm có trong đơn và hồ sơ của các hộ chỉ là tên cùng một số tài khoản được mở tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội – chi nhánh Bắc Hải – Hải Phòng.
Khi phóng viên hỏi một số người làm hồ sơ Công ty Hiển Vinh là Công ty ở đâu, như thế nào? thì mọi người đều trả lời là…không biết. Để tìm hiểu thêm về doanh nghiệp này, phóng viên đã thử tìm hiểu trên internet thì Công ty Hiển Vinh (có địa chỉ tại Khánh Hòa, điện thoại 058****909). Nhưng điều đáng “giật mình” là đây là doanh nghiệp đang có dấu hiệu lừa đảo với những dự án “từ thiện” đáng ngờ.
Ông Vũ Văn Khoát – Phó Chủ tịch xã Hùng Thắng cho biết: “Khoảng cuối tháng 9, một số hộ dân trong xã mang bộ hồ sơ có đơn xin trợ cấp từ Công ty Hiển Vinh đến UBND xã xin xác nhận. Đến giữa tháng 10/2013, UBND xã đã tiếp nhận gần 20 hồ sơ như thế xin xác nhận. Chúng tôi đã hỏi các hộ dân về tính thực hư của những lá đơn này thì hầu hết người dân đều trả lời là có người bảo làm đơn sẽ được Công ty Hiển Vinh hỗ trợ nên các gia đình... cứ làm vì chẳng mất gì. Để hỗ trợ người dân, xã đã đồng ý xác nhận các cá nhân này có hộ khẩu thường trú tại xã vào đơn”.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Chi hội nạn nhân chất độc da cam xã Hùng Thắng cho hay: “Nghe những người trong xóm truyền tai nhau xin trợ cấp, tôi cũng làm theo. Ở đây, chúng tôi toàn thế! Nếu được trợ cấp thì tốt, không được cũng không sao! Chúng tôi cũng chỉ tốn khoảng 15 nghìn cho việc phô tô và công chứng các giấy tờ. Nếu được, có thể chúng tôi sẽ nhận từ 5 – 10 triệu, thậm chí hơn? ”.
Ông Chủ tịch Chi hội này cũng khẳng định mình không biết gì về Công ty Hiển Vinh và không quen biết gì ông Vũ Văn Điểm, người mà ông đồng ý nhận ủy quyền hỗ trợ trong đơn.
Cùng “ý tưởng”, các hộ dân ở Hùng Thắng làm đơn xin xác nhận của UBND xã và công chứng các loại giấy tờ liên quan xong thì nộp về cho ông Vũ Văn Khắc. Ông này có trách nhiệm tập hợp hồ sơ, người của “Công ty” sẽ đến nhận hồ sơ. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm gặp ông Khắc - chủ cửa hàng vàng bạc trang sức tại thôn 9 xã Hùng Thắng thì được khẳng định: “Tôi có làm hồ sơ và đã được gặp người môi giới. Người đó vào tận nhà tôi trò chuyện và lấy đơn đi…”.
Khi phóng viên hỏi ông Khắc người lấy hồ sơ có phải ông Điềm không, ông Khắc một mực khẳng định không biết đó có phải ông Điềm hay không? “Tôi không hỏi tên, địa chỉ, số điện thoại của người ta làm gì. Họ biết mình thì đến và sau khi xong việc thì đi. Tôi chỉ biết đó là một người đàn ông 60 tuổi, cao, mái tóc trắng, rất hiểu biết”. Không chỉ xã Hùng Thắng, nhiều hộ gia đình chính sách tại xã Tiên Cường, xã Vinh Quang… cũng làm như vậy. Những bộ hồ sơ họ đã gửi đi, sau hơn 1 tháng, vẫn chưa hộ gia đình chính sách nào ở Tiên Lãng đã gửi hồ sơ cho Công ty Hiển Vinh nhận được thông tin gì về số tiền trợ cấp mà Công ty đã “hứa” sẽ trợ cấp cho các hộ! Các hộ dân ở Tiên Lãng cũng làm hồ sơ theo tâm lý không mất gì và cũng không biết Công ty Hiển Vinh sẽ làm gì với hồ sơ của mình.
Ông Lương Văn Thắng – Phó Chủ tịch xã Đoàn Lập cho biết: “Xã đã ký xác nhận hồ sơ cho 2 hộ gia đình. Sau đó có 3 - 4 trường hợp nữa mang đơn đến nhưng xã không xác nhận cho nữa”. Đem những thắc mắc này hỏi các cơ quan chức năng thì ngay cả các cơ quan chức năng cũng chưa... xác minh thông tin.
Bà Hoàng Thị Thúy - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Lãng cho biết: “Chúng tôi có nhận được thông tin một số đối tượng người có công đến phòng chúng tôi xin xác nhận hồ sơ như thế. Qua xem xét đơn của các đối tượng này, chúng tôi đã báo cáo ngay với UBDN huyện và không xác nhận các đơn thuộc loại này. Công ty Hiển Vinh nếu có hỗ trợ cho đối tượng thì phải về làm việc trực tiếp với UBND huyện hoặc phòng chúng tôi để chúng tôi xác minh tư cách pháp nhân. Mới có một vài đơn gửi lên đây, chúng tôi phát hiện ra và đã dừng ngay việc đó”.
Còn theo ông Phạm Văn Hòe – Trưởng Phòng Tư pháp Tiên Lãng: “Theo quy định của pháp luật, quan hệ giao dịch dân sự cũng như quan hệ giao dịch hành chính khi mà cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức có nhu cầu một công dân nộp hồ sơ mặc dù đó là bản sao các giấy tờ thì phải rõ ràng địa chỉ; trụ sở; tên tổ chức, cơ quan; người đứng đầu tổ chức, cơ quan; mục đích và quyền lợi, trách nhiệm của người nộp hồ sơ... Nếu không biết những điều đó mà ta gửi hồ sơ, rất có thể chúng ta bị ăn cắp thông tin cá nhân. Những thông tin về giấy tờ liên quan có khả năng bị lợi dụng để trục lợi bằng tài sản hoặc thông tin phục vụ cho mục đích khác của những người cầm hồ sơ…”. (Mỹ Lương, Diễn Đàn Doanh Nghiệp 11/12, tr13)
Khoảng 40 m3, quý hiếm trọng lượng khoảng 80 tấn, có nguồn gốc từ khu vực Trung Á vận chuyến trái phép về cảng Hải Phòng bị lực lượng Kiểm soát Hải quan Hải Phòng kịp thời phát hiện, bắt giữ.
Theo lãnh đạo Đội Kiểm soát, Cục Hải quan Hải Phòng, từ thời điểm tháng 9 và đầu tháng 10/2013, trinh sát của đơn vị phát hiệt thông tin về đường dây vận chuyển trái phép một lượng lớn gỗ quý hiếm có nguồn gốc từ một số nước Trung Á về cảng Hải Phòng.
Xác định đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Cục Hải quan Hải Phòng đã lập chuyên án và giao Đội Kiểm soát Hải quan chủ trì. Liên tiếp trong tháng 10, tháng 11 và đầu tháng 12, Đội Kiểm soát Hải quan tổ chức "cất vó" bằng việc khám xét 8 container nghi vấn. Kết quả trong các container này chứa tổng số khoảng 40 m3 gỗ tròn, trọng lượng khoảng 80 tấn.
Theo kết quả giám định sơ bộ của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) các mẫu vật gỗ này có tên gọi là cây Đàn hương đỏ Ấn Độ hay Dáng hương santa (tên khoa học là Pterocarpus santalinus). (T.Bình, Báo Hải Quan Online 12/12)
Trung tá Phạm Văn Tá - Chính trị viên Hải đội 2 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố) cho biết, trong 2 ngày 7-8/12, Biên đội tuần tra số 2 của đơn vị lập biên bản 8 tàu cá, với 62 thuyền viên quốc tịch Trung Quốc, gồm tàu Quế Bắc Ngư số hiệu 31688, 15068, 15078, 00193, 66006, tàu Quế Khâm Ngư 00002 và C3350, C3345, vi phạm quy định Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là không treo quốc kỳ, không có nhật ký đánh bắt hải sản, thuyền viên không có giấy tờ tùy thân. Biên đội tuần tra lập biên bản, nhắc nhở các lỗi vi phạm, sau đó thả ngay trên biển. Toàn bộ danh sách tàu, thuyền viên được đơn vị chuyển cấp trên đề nghị xử lý.
Cùng thời điểm trên, các tàu tuần tra thuộc Biên đội 2 cũng xua đuổi 14 tàu cá quốc tịch Trung Quốc vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam. (Báo Hải Phòng 12/12, tr8)
VKSND thành phố vừa có hồi đáp thông tin của một số bài báo phản ánh liên quan đến cán bộ ngành Kiểm sát Hải Phòng với nội dung cơ bản như sau: Sau khi nắm được thông tin một số báo nêu về việc ông Đồng Xuân Thép tố cáo hành vi nhận tiền “bôi trơn” của thẩm phán, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án kinh doanh thương mại giữa ông Thép (nguyên đơn) khởi kiện Công ty Cổ phần xây dựng 204 (bị đơn) đòi tiền thi công 3 công trình, lãnh đạo VKSND thành phố chỉ đạo kiểm tra lại những nội dung mà một số bài báo nêu, kiểm tra lại quy trình giải quyết vụ án, đồng thời yêu cầu Phòng 12 và ông Nguyên Tuấn Khanh - kiểm sát viên tham gia phiên tòa báo cáo.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra quá trình giải quyết vụ án, báo cáo của Phòng 12, của đồng chí Khanh, căn cứ quy định Bộ luật Tố tụng dân sự, chức năng, nhiệm vụ của kiểm sát viên tại phiên tòa chỉ có thẩm quyền phát biểu những vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng, không được phát biểu những vấn đề liên quan đến nội dung vụ án…
Do vậy, bước đầu cho thấy quá trình giải quyết vụ án nêu trên, kiểm sát viên thực hiện đúng quyền hạn, nhiệm vụ, chấp hành đúng pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành, không liên quan đến vấn đề tiêu cực như nội dung một số bài báo nêu.
VKSND thành phố đang phối hợp với các đơn vị chức năng của VKSND Tối cao tiếp tục xác minh, làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Thép. Khi nào có kết quả xác minh, VKSND thành phố sẽ thông tin đến các cơ quan báo chí. (Báo Hải Phòng 12/12, tr8)
Ngày 10/12, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), đơn vị vừa triệt phá đường dây mua bán trái phép ma túy nguy hiểm do Văn Hiếu Dũng (SN 1980, trú tại phố Lê Lợi, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền) cầm đầu, thu hơn 500 g ma túy “đá”, gần 200 viên thuốc “lắc” và nhiều tang vật khác.
Sau thời gian xác lập chuyên án, tối 5/12, tại tầng 2, quán “Café Nam” (ở xã Tân Tiến, huyện An Dương), Đội 5-Phòng PC47 phục kích bắt quả tang Văn Hiếu Dũng, cùng Trần Thị Thu Hương (SN 1983, bạn gái của Dũng) đang có hành vi mua bán trái phép chất ma túy cho một đối tượng lạ mặt.
Vật chứng thu được gồm 2 loa nghe nhạc, trong có 5 gói ni lông chứa ma túy đá (Methamphetamine) trọng lượng 500,07 g, 3 túi ni lông chứa 195 viên nén màu xanh (thuốc lắc) trọng lượng 76,06 g, cùng 5 điện thoại di động và 1 xe mô tô là phương tiện vận chuyển ma túy. (Báo Hải Phòng 11/12, tr8)
Báo An Ninh Hải Phòng nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Kha (SN 1934, ở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng) đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải xem xét giải quyết và có biện pháp xử lý theo pháp luật đối với ông Trần Văn Khởi (SN 1969, ở thị trấn Tiên Lãng) về hành vi xâm hại tình dục đối với con gái bà là Đoàn Thị Nguyện (SN 1960, cùng ở khu 5, thị trấn Tiên Lãng).
Phóng viên đã xác minh, được biết nội dung sự việc như sau: Vào 10 giờ ngày 8/7, ông Khởi vào nhà anh vợ là ông Nguyễn Văn Lá (SN 1958, ở khu 5 thị trấn Tiên Lãng) chơi. Lúc này, nhà ông Lá chỉ có ông Lá và vợ là bà Nguyện bị mắc bệnh tâm thần cách đây 7 năm, không có khả năng nhận thức.
Tại đây, ông Khởi kêu khát nước và đưa tiền cho ông Lá đi mua bia ở một quán cách nhà khoảng 200m để cùng uống. Khi ông Lá đi xe đạp mua bia trở về phát hiện ông Khởi đang ôm vợ mình thì chặn cổng lại, hô hoán và gọi điện cho một số người thân đến chứng kiến. Thấy vậy, ông Khởi giằng co rồi trèo qua tường thoát ra ngoài. Sau khi sự việc xảy ra, Công an thị trấn Tiên Lãng đã ghi lời khai những người chứng kiến, có liên quan và chuyển hồ sơ đến Công an huyện Tiên Lãng.
Theo Công an huyện Tiên Lãng: Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, ông Lá khai không nhớ chính xác là Khởi đã có hành vi giao cấu với vợ mình hay chưa và có đơn từ chối yêu cầu giám định, đề nghị cơ quan điều tra dừng việc điều tra, không khởi tố vụ việc để giữ uy tín, danh dự cho gia đình ông. Còn ông Khởi khai nhận: Do thấy bà Nguyện đi lang thang về phía sau nhà nên đã ra ôm đưa vào trong nhà, không hề có ý định xâm hại tình dục bà Nguyện. Sau khi bị ông Lá nhìn thấy, truy hô, cầm gạch đuổi, Khởi buộc phải bỏ chạy. Ông Lá và ông Khởi đều phủ nhận việc Khởi giao tiền bồi thường danh dự cho ông Lá.
Căn cứ vào các tài liệu đã thu thập được, Công an huyện Tiên Lãng nhận thấy hành vi Khởi ôm bà Nguyện không có dấu hiệu tội phạm nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối vụ việc trên. (An Ninh Hải Phòng 12/12, tr5)
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội vừa tổ chức lớp tập huấn công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người cho 150 cán bộ lãnh đạo làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của Phòng LĐ-TB&XH, UBND các xã, phường, thị trấn, các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được phổ biến các văn bản pháp luật về công tác mua bán người như: Luật Phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng chống mua bán người. Lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, phường, xã trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, giảm thiểu và tiến tới đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố. (Báo Hải Phòng 12/12, tr2)
Thời gian gần đây, cầu vượt Lương Quán tại vị trí Km 88+500 Quốc lộ 5 đoạn thuộc xã Nam Sơn, huyện An Dương, liên tục gặp sự cố do xe ô tô tải chở hàng chuyên dùng đâm va, gây hư hỏng nặng, rất cần phải sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn giao thông.
Trước sự cố liên tiếp tại cầu vượt Lương Quán, Sở GTVT đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố, động thời giao cho Công ty TNHH MTV Đường bộ Hải Phòng phối hợp lập phương án gia cố tạm thời dầm D4 đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến; phối hợp với Công ty TNHH Giao thông vận tải thuộc Trường đại học Giao thông vận tải kiểm định, đánh giá chất lượng cầu và lập phương án khắc phục thiệt hại.
Theo Công ty TNHH MTV Đường bộ Hải Phòng, việc thay thế các dầm D4, D2 D1 phải được triển khai ngay. Vì lẽ, cầu bị hư hỏng nghiêm trọng, lực đâm va tác động vào thân cầu theo chiều từ 2 bên sườn và trụ cầu. Trong khi đó, cầu vượt Lương Quán được thiết kế chịu tải phương thẳng đứng. Sẽ không tránh khỏi tình trạng sau khi bị đâm va nhiều lần, cầu vượt Lương Quán bị biến dạng, làm thay đổi hiện trạng ban đầu, mất đi sức chịu tải.
Về các vụ đâm va vào cầu vượt Lương Quán, Công an huyện An Dương đang thụ lý, xử lý theo luật định. (Đoàn Lanh, An Ninh Hải Phòng Online 12/12)
Ngày 11/12, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị giao ban về công tác triển khai Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020. Qua 3 năm triển khai (2011-2013), việc thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn.
Nhiều đại biểu dự Hội nghị bày tỏ sự lo lắng về chất lượng giáo viên tiếng Anh. Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng Đề án cần hướng tới là phải tập trung cho bậc Tiểu học. Thế nhưng, giáo viên tiếng Anh bậc học này lại có trình độ đạt chuẩn quá thấp, trong đó chủ yếu là 2 kỹ năng nghe và nói, nên rất chú trọng rèn luyện 2 kỹ năng này. (Bích Vân, Người Lao Động 12/12, tr3; Diệu Hiền, Thanh Niên 12/12, tr8)
Thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa”, bằng rất nhiều nỗ lực, ngành Công Thương thành phố đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Tiếp đó, đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc.
Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố tăng trưởng liên tục, từ 15.580,6 tỷ đồng năm 2003 lên 50.456 tỷ đồng năm 2012- gấp 3,8 lần so với trước khi có Nghị quyết số 32, đứng thứ 7 về giá trị sản xuất công nghiệp so với công nghiệp cả nước, đứng thứ 3 so với vùng kinh tế Bắc bộ và cả khu vực miền Bắc.
Giai đoạn 2003 -2013, thực hiện Nghị quyết số 32, song song với hoạt động ngoại thương thì các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - dịch vụ thu ngoại tệ (dịch vụ cảng biển, Logistic và dịch vụ cung ứng tầu biển; du lịch, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng) đã có bước đột phá và phát triển mạnh, đặc biệt là dịch vụ Logistic… với mức tăng trưởng cao hàng năm (10-15%), góp phần đẩy nhanh quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố và chuyển đổi cơ cấu trong GDP theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành kinh tế dịch vụ. (Thu Hoài, Báo Công Thương Điện Tử 11/12)
Cục Thuế vừa đôn đốc các đơn vị, chi cục thuế trực thuộc triển khai nhanh các giải pháp thu thuế tháng 12 và thu nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu năm 2013 ở mức cao nhất.
Theo đó, Cục Thuế giao chỉ tiêu tháng 12 cho từng đơn vị thu và yêu cầu các đơn vị có giải pháp quyết liệt để hoàn thành. Các giải pháp thu nợ được Cục Thuế chỉ đạo tập trung vào việc phân tích đầy đủ các khoản nợ thuế, giao chỉ tiêu thu nợ tới từng cán bộ công chức; thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc người nộp thuế nộp hết số tiền thuế nợ đọng vào ngân sách Nhà nước; kết hợp với các ngân hàng thương mại để thu hồi nợ thuế; thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế…
Đến nay, số nợ thuế của thành phố còn nhiều trong khi số thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Cục Thuế xác định thu nợ và cưỡng chế nợ thuế là một trong những biện pháp chủ yếu, trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước nên chỉ đạo quyết liệt, riết róng tới từng đơn vị thu. (Báo Hải Phòng Online 11/12)
Cục Hải quan thành phố vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố về tình hình tồn đọng và xử lý các container quá thời hạn làm thủ tục hải quan tại cảng.
Theo đó, số liệu tính đến trước ngày 1/1/2013 ghi nhận hơn 4.370 container tồn đọng. 9 tháng đầu năm có thêm hơn 500 chiếc loại này. Đa số đơn vị đứng tên là các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất, chủ yếu là quần áo, nông sản, lốp cao su, nhựa phế liệu, sắt thép...
Đây đều là những mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu được đưa vào Việt Nam để thực hiện kinh doanh tạm nhập tái xuất (đi Trung Quốc). Đến nay, theo chỉ thị của Thủ tướng thì các mặt hàng nêu trên cũng thuộc danh mục hàng cấm và tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Bên cạnh đó, theo Cục Hải quan, chủ thể vi phạm là người gửi hàng, chủ sở hữu ở nước ngoài hoặc không có ý kiến phản hồi khi hải quan yêu cầu đến làm việc. Vì thế, hải quan không thể lập biên bản vi phạm mà chỉ có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu sung công quỹ hoặc tiêu hủy.
Cục Hải quan thành phố cho biết, đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trên với Tổng cục và nhận được phương án hướng dẫn. Do đó, việc xử lý hàng nghìn container này đang được tiến hành. (Ngọc Tuyên, Vnexpress.net 12/12)
Chương trình phát triển nhà ở xã hội thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2015 được thành phố chuẩn bị khá kỹ, được cụ thể hóa trong các nội dung của Chương trình.
Có thể thấy, để xây dựng Chương trình nhà ở xã hội có 2 yếu tố quan trọng cần xem xét kỹ, đó là nhu cầu và thị trường. Trong đó, nhu cầu xác định từ định hướng phát triển kinh tế của Hải Phòng đến phát triển các lĩnh vực khác, trong đó có phát triển đô thị, từ đó đặt ra các yêu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội.
Trong Chương trình phát triển nhà ở xã hội, dựa trên kết quả khảo sát tương đối đầy đủ về nhu cầu nhà ở xã hội, theo đó đến năm 2025, xây dựng 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách của thành phố thuê, thuê mua.
Yếu tố thứ 2 hết sức quan trọng là thị trường. Thị trường được xác định dựa trên 3 nội dung. Trước hết là mối quan hệ cung-cầu, hiện nguồn cung về nhà ở xã hội quá nhỏ so với yêu cầu, nên dẫn đến mất cân bằng giữa cung và cầu. Tiếp đó là đánh giá sức mua thực tế trên thị trường. Thực tế, Hải Phòng hiện có 2 Dự án dành cho người thu nhập thấp là Khu chung cư Cát Bi 180 căn hộ và Khu chung cư Bắc Sơn với 464 căn hộ. Nhưng sức mua của thị trường yếu, không tạo ra sự sôi động. Đây là 2 yếu tố quan trọng để xác định phương án thực hiện.
Nhằm tăng sức mua, những quy định về đối tượng, điều kiện được mua nhà ở xã hội ở Hải Phòng cần mở rộng hơn, vì nhiều người có nhu cầu nhưng không thể đáp ứng các tiêu chuẩn. Phải có các giải pháp để giảm giá thành sản phẩm hơn nữa để có thể phù hợp với đối tượng tiêu dùng của Hải Phòng. Đặc biệt, đối với Hải Phòng các nhà đầu tư phải đưa ra được mô hình sản phẩm đủ sức thuyết phục người tiêu dùng, với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, để người tiêu dùng được hưởng các lợi ích từ cơ sở hạ tầng, tiện ích xã hội, dịch vụ… mà nhà đầu tư cung cấp.
Với Chương trình phát triển nhà ở xã hội được ra tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố vừa qua, là cơ sở để tổ chức, thực hiện Chương trình phát triển nhà ở nói chung và phát triển nhà ở xã hội nói riêng. Chương trình cung cấp những thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư để hoạch định phương án đầu tư của mình.
Hải Phòng có dân số tập trung, người lao động trong đô thị cao, nhu cầu nhà ở cao, đó là yếu tố tiềm năng để thực hiện Chương trình nhà ở xã hội trong thời gian tới. (Nguyễn Ngọc Thành – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng, Báo Hải Phòng Online 12/12)
Kết thúc năm 2013, huyện Kiến Thụy triển khai đấu giá được 151 lô đất với tổng kinh phí 45,6 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm, là địa phương đạt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất cao nhất trên địa bàn thành phố.
Cụ thể từng giải pháp tháo gỡ
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy Bùi Thành Nhân cho biết: “Cả năm 2013, thành phố giao kế hoạch cho huyện đấu giá quyền sử dụng đất khoảng hơn 40 tỷ đồng. Đến đầu tháng 12, huyện triển khai đấu giá được 151 lô đất với diện tích hơn 2,2 ha, đã nộp ngân sách 45,6 tỷ đồng, cao nhất thành phố. Trong đó, phần lớn là đấu giá đối với diện tích xen kẹt.
Có được kết quả trên là nhờ ngay từ đầu năm, huyện Kiến Thụy xác định việc triển khai đấu giá đất là hướng tạo nguồn thu ngân sách lớn nhất của địa phương nên triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã thực hiện nghiêm túc các quy định đấu giá, phối hợp tích cực với UBND các xã, thị trấn liên quan, trong đó coi trọng công tác quảng cáo, thông tin tuyên truyền để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất đủ điều kiện; thu nộp kịp thời số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Các phiên đấu giá thực hiện công khai, minh bạch, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia…Các dự án hoặc khu đất xen kẹt trước khi đấu giá đều được Trung tâm phát triển quỹ đất soạn văn bản cụ thể, dễ hiểu đọc trên hệ thống loa truyền thanh các xã.
Đối với các Dự án tồn đọng cũ, trung tâm chủ động rà soát lại từ quy hoạch đến hồ sơ thủ tục, xem xét việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đề xuất xây dựng giá khởi điểm bám sát bảng giá, khung giá đất và giá trị thực tế của lô đất, thửa đất nên định giá đất cơ bản sát giá thị trường, người mua chấp nhận được…
Tăng tốc thực hiện kế hoạch năm 2014
Từ cuối năm 2013, huyện Kiến Thụy đã chủ động một bước cho việc chuẩn bị nguồn đấu giá, đổi mới phương pháp chỉ đạo thực hiện công tác đấu giá đất năm 2014. Trên cơ sở kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất thành phố đã phê duyệt, năm 2014, huyện trình thành phố tiếp tục đấu giá đất với số lượng hơn 400 lô, diện tích 9 ha thuộc 8 xã. Theo Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kiến Thụy Bùi Thành Nhân, hiện nay, trung tâm xuống các xã, khảo sát nguồn và xây dựng lộ trình đấu giá đất cho từng khu vực. Cuối tháng 12 này, huyện tiếp tục đấu giá 5000 m2 đất xen kẹt tại 8 điểm, thuộc 5 xã. Đến đầu năm 2014, dự kiến huyện sẽ nộp ngân sách khoảng 4 tỷ đồng từ tiền đấu giá đất.
Cùng với đó, huyện chủ động khắc phục 2 khó khăn mới nảy sinh đầu tư cơ sở hạ tầng cho dự án đấu giá mới và vướng giải phóng mặt bằng. Hiện các Dự án cũ được đầu tư sẵn về cơ sở hạ tầng đã hết, các Dự án mới và điểm đấu giá mới đều phải đầu tư kinh phí để làm cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng cho 1 ha là khoảng 15 tỷ đồng, địa phương không có nguồn để đầu tư. Vì vậy, huyện đang tích cực xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà thầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm đấu giá đất mới với cơ chế ưu đãi.
Trong số các xã có đất xen kẹt để tiến hành đấu giá năm 2014 hiện xã nào cũng vướng về giải phóng mặt bằng do một số hộ dân so sánh giá đền bù đất nông nghiệp với giá khởi điểm đất tại phiên đấu giá đã kèm kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng cố ý trây ỳ không bàn giao mặt bằng. Mỗi điểm vướng về mặt bằng, Trung tâm phát triển quỹ đất đang phối hợp với các địa phương, các đoàn thể tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng.
Xác định tình hình thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng, huyện chủ động tăng cường khâu tuyên truyền, các thủ tục hành chính, công tác đấu giá được huyện thực hiện công khai, minh bạch. Từng Dự án đấu giá đất được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các buổi họp dân, cử cả cán bộ địa phương xuống thông báo cho người dân. Trong quá trình người dân làm thủ tục, hồ sơ đấu giá, cán bộ của trung tâm phát triển quỹ đất và địa chính xã hướng dẫn họ làm thủ tục bảo đảm quy định. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 12/12, tr3)
Công ty gas Petrolimex Hải Phòng vừa quyết định giảm giá bán gas cho khách hàng. Theo đó, bình gas 48 kg được giảm 40.000 đồng/bình; bình gas 12 kg giảm 10.000 đồng/bình. Thời gian thực hiện từ ngày 10/12.
Theo lãnh đạo Công ty, sau khi giá gas trên thị trường tăng đột biến với mức khá cao do giá gas thế giới tăng nhanh, sản lượng tiêu thụ của Công ty cũng bị ảnh hưởng, giảm sút so với trước khi tăng giá.
Công ty đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích tới các khách hàng công nghiệp cũng như tiêu dùng, tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững uy tín của một doanh nghiệp có thị phần kinh doanh gas lớn trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh khó khăn chung, sau khi bàn bạc, cân nhắc, Công ty quyết định tiết kiệm tối đa chi phí và giảm giá bán cho khách hàng. Qua đó thể hiện sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm giảm bớt một phần khó khăn chung. (Báo Hải Phòng Online 11/12)
Năm 2013, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động tại 10 xã thuộc huyện Vĩnh Bảo.
Trong năm 2013, Hợp tác xã cung ứng ra thị trường hơn 3.000 chiếu cói các loại. Một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã còn được xuất khẩu sang nước ngoài. (Báo Hải Phòng 12/12, tr4)
Công ty TNHH VIC vừa tổ chức cuộc Hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm tập trung cho người chăn nuôi trên địa bàn Hải Phòng. Anh Vũ Trọng Hòa - cán bộ Công ty VIC cho biết để sản xuất, chăn nuôi gia cầm tập trung thành công, người chăn nuôi phải có kiến thức về chuồng trại, con giống, thức ăn, cách chăm sóc vật nuôi và đặc biệt là phải chú trọng khâu thú y.
Về chuồng trại, người chăn nuôi phải đảm bảo được nguyên tắc ấm áp về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, bố trí dụng cụ ăn uống hợp lý và phải tiện lợi trong công tác vệ sinh thú y. Chuồng trại chăn nuôi có kiểu chuồng kín, chuồng hở, kiểu chuồng kiên cố và đơn giản. Người chăn nuôi phải xác định được hướng sản xuất là thương phẩm hay làm giống để có cách lựa chọn con giống cho phù hợp. Chọn con giống phải đủ tiêu chuẩn chất lượng từ lúc gia cầm 1 ngày tuổi. Thức ăn, phải dùng loại tốt, đúng chủng loại theo yêu cầu phát triển từng giai đoạn của vật nuôi. (Trần Phượng, Danviet.vn 12/12)
Sau nhiều ngày tìm hiểu, nhóm phóng viên phát hiện Công ty TNHH giày Aurora Việt Nam (xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên) xả trực tiếp nước thải hôi thối ra môi trường nên đã báo cho cơ quan chức năng. Khi đoàn cán bộ Chi cục Thủy lợi tiến hành kiểm tra đã phát hiện ra nhiều sai phạm của Công ty này.
Ngày 5/12, phóng viên báo Lao Động cùng một số đồng nghiệp có mặt tại khu vực doanh nghiệp Aurora chứng kiến tại bờ bao doanh nghiệp này những mạch nước chỗ màu đen, chỗ màu vàng rỉ ra cánh đồng của người dân xóm 8, xã Thiên Hương. Tại họng nước từ trong doanh nghiệp, dòng nước đen ngòm hôi thối chảy vào kênh thoát nước để từ đây chảy thẳng ra kênh Hòn Ngọc - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân mấy xã lân cận.
Sau khi nhận được thông tin từ phóng viên cung cấp, tới 17h cùng ngày, đoàn công tác gồm cán bộ Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Thủy Nguyên và Chi cục Thủy lợi tiến hành kiểm tra đột xuất việc xả nước thải ra môi trường của Công ty TNHH giày Aurora Việt Nam. Mặc dù có đầy đủ giấy tờ công tác, đề nghị được tham gia đoàn kiểm tra nhưng phóng viên bị từ chối, thậm chí còn bị bảo vệ doanh nghiệp này đẩy ra khỏi cổng Công ty.
Sau hơn 1 giờ kiểm tra, trước những chứng cứ không thể chối cãi, các ông Chang Wen Xin và Yi Wen Wei - đại diện Công ty đã phải ký vào biên bản kiểm tra hiện trường với nội dung: “Tại cửa xả nước thải ra mương thoát nước chung với khu dân cư, nước xả ra của Công ty khi quan sát bằng mắt thường có màu trắng đục và có mùi hôi. Tại khu vực ngoài tường bao của Công ty (sau trạm xử lý), các bên cũng phát hiện có một số điểm rò rỉ nước từ phía trong nhà máy ra khu ruộng canh tác của nhân dân cũng có màu trắng đục và mùi hôi”.
Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty dừng ngay việc xả nước thải ra môi trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân khi chưa được phép. Tuy vậy, ngày 6/12, phóng viên báo Lao Động tiếp tục tới đây quan sát và vẫn phát hiện tình trạng doanh nghiệp này để nước thải có màu đen, mùi hôi thối chảy ra mương thoát nước chung với khu dân cư.
Ngày 9/12, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Trần Lanh – Chủ tịch huyện Thủy Nguyên cho biết, đã cử cán bộ Phòng TN&MT xuống hiện trường tìm hiểu về vụ việc. Theo ông Lanh, Công ty này có hệ thống xử lý nước thải khá tốt, sự việc xảy ra rất có thể là do vỡ đường ống nước thải.
Ông Lại Đức Long – Trưởng Phòng TN&MT khẳng định: “Công ty giày Aurora là một doanh nghiệp lớn, thành lập năm 2008 với 100% vốn nước ngoài, có diện tích 89.000m2. Những năm qua, nhiều người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại doanh nghiệp này. Từ khi xây dựng, doanh nghiệp này không có hệ thống xử lý nước thải và kênh xả thải riêng. Toàn bộ nước thải đều theo kênh dẫn chảy thẳng ra kênh Hòn Ngọc. Công ty này đã đầu tư hệ thống lọc nước thải khá tốt. Tuy vậy, sự cố này có thể do vỡ đường ống, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương khắc phục sự cố này”.
Không có hệ thống kênh xả thải riêng, trong suốt những năm qua, Công ty giày Aurora vô tư xả nước thải ra kênh Hòn Ngọc. Đây là con kênh cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân 7 xã của huyện Thủy Nguyên.
Mới đây, ngày 15/10, Công ty giày Aurora nộp hồ sơ lên Sở NN&PTNT xin cấp phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi. Hồ sơ này hiện vẫn đang trong quá trình xem xét. Tuy vậy, suốt nhiều năm qua, dù chưa được cấp phép nhưng doanh nghiệp này vẫn vô tư xả nước thải ra con kênh cung cấp nước ăn của hàng nghìn hộ dân địa phương. (Việt Hòa, Lao Động 12/12, tr7)
Trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm Dự án đang triển khai. Trong đó, có một số Dự án thực hiện chậm trễ, dở dang kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, khiến cho người dân trong vùng Dự án “đi không được mà ở cũng không xong”.
Ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch
Đó là tình cảnh chung của các hộ dân ở xóm Lựng, tổ dân phố Phú Hải 3, phường Anh Dũng (quận Dương Kinh). Nằm ngay sát cầu Rào và cầu Rào 2, nhưng ngõ vào các nhà đều gập ghềnh, lổn nhổn gạch đá.
Bà Đỗ Thị Thu - một người dân ở đây cho biết: “Gia đình tôi dành 1,2 mẫu ruộng cho các Dự án phát triển nhà ở trên địa bàn phường. Sau khi hết đất nông nghiệp, cả nhà lúng túng vì không biết tìm việc làm như thế nào? Đến năm 2003, toàn bộ khu vực đất ở, nhà ở lại nằm trong quy hoạch của 2 Dự án nhà ở khác. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình tôi cũng như các hộ dân ở đây chỉ thấy 1 lần được Dự án mời lên họp, thông báo chuẩn bị kiểm kê, áp giá đền bù. 10 năm trôi qua, chưa thấy các Dự án triển khai thực hiện. Cũng như các hộ ở đây, nhà xuống cấp không được sửa chữa, ngõ xóm xuống cấp có muốn tự góp kinh phí để nâng cấp cũng không được chính quyền đồng ý. Thế là cả xóm Lựng này trở thành vùng trũng, thấp hơn đường Phạm Văn Đồng và các khu vực Dự án chung quanh. Do vậy, cứ động mưa là xóm bị ngập đến 5-7 ngày liền mới tiêu thoát nước”.
Theo Phó Chủ tịch phường Anh Dũng Đàm Văn Viến, xóm Lựng là một trong những khu vực điển hình của phường bị ảnh hưởng lớn do triển khai Dự án dở dang. Cả phường, hiện có 8 Dự án nhà ở thương mại đang triển khai. Trong đó, Dự án Anh Dũng 5 thực hiện hơn 10 năm nay của một chủ đầu tư phía Nam vẫn còn xóm Lò gạch thuộc tổ dân phố Phú Hải 1 chưa kiểm kê, liên quan đến hơn 10 hộ dân. Các hộ dân cũng đang sống chung với ngập lụt, điều kiện sống xuống cấp như khu vực xóm Lựng. Tính chung trong 8 Dự án của phường mới có khoảng 30-40% diện tích đưa vào sử dụng.
Tình trạng trên cũng đang diễn ra với nhiều khu dân cư của phường Đằng Giang, Đông Khê (quận Ngô Quyền). Tại Tổ dân phố số 3, phường Đằng Giang, nếu mặt trước là các trung tâm thương mại hiện đại như TD Plaza, Big C… từ ngay phía sau là cảnh tượng ngược lại: đường ngõ, ngách gập ghềnh, nhà ở xuống cấp, không xa là đường vào khu tái định cư với những bãi rác chất cao, dọc lối vào.
Ông Nguyễn Văn Diễm - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 3, phường Đằng Giang cho biết: “Đây là mặt bằng của các lô tái định cư 20, 21, các hộ dân ở đây được tái định cư tại chỗ, liên quan đến khoảng 100 hộ. Trước đây đường đi lại trong khu vực thuận tiện, nhưng từ khi các Dự án vào, đường giao thông xuống cấp nặng, trong khi việc thi công khu tái định cư rất chậm trễ. Từ tháng 7/2012 đến nay việc thi công này cũng dừng lại, nên đường vào khu tái định cư trở thành nơi tập kết chất thải, môi trường bị ô nhiễm”.
Quản lý khó, đất bỏ hoang?
Phần lớn các Dự án đang thực hiện dở dang, chưa thể bàn giao gây khó khăn cho công tác quản lý, an ninh trật tự. Đó là là hiện trạng của khá nhiều khu dân cư trong vùng Dự án, Phó Chủ tịch phường Anh Dũng Đàm Văn Viến cho hay, do các Dự án mới chỉ lấp đầy 30-40% nên toàn bộ các hộ đã xây nhà ít có liên hệ gì với phường, mặc dù, phường đều phân công các cán bộ quản lý địa bàn. Vì vậy, ở những nơi này, phường không thành lập được mô hình các tổ dân phố, không tổ chức được các phong trào, các cuộc vận động đóng góp xây dựng địa phương.
Trong số 8 Dự án nhà triển khai tại phường chỉ có 1 Dự án có tỷ lệ lấp đầy cao, nên các hộ dân chủ động liên hệ với phường để đăng ký tạm trú. Đối với các hộ đã có “sổ đỏ”, thuế đất phi nông nghiệp do phường thu, trong khi hầu hết các hộ đều chưa có “sổ đỏ”, nên nguồn thuế này gần như thất thu, nợ thuế đất phi nông nghiệp. Người dân ở nằm trong khu vực Dự án thiệt thòi nhiều bề, do hạ tầng không được đầu tư; nhất là các công trình cấp nước, thoát nước, đường giao thông.
Theo Phó Chủ tịch quận Dương Kinh Bùi Trọng Toàn, với địa phương có nhiều Dự án triển khai dở dang kéo dài, quận và các phường đều thất thu các nguồn thu về đất; người dân bức xúc dẫn đến khiếu kiện, địa phương phải dành nhiều thời gian để giải quyết nhưng hiệu quả không cao. Do vậy, thành phố và các ngành chức năng cần tiến hành rà soát các Dự án, xem xét khả năng của nhà đầu tư. Cần thu hồi những Dự án không khả thi, chuyển đổi cho những nhà đầu tư có đủ năng lực. Với những khu vực người dân tự nguyện đóng góp cải tạo cơ sở hạ tầng, chủ Dự án và địa phương cần tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư các cơ sở thiết yếu như đường ngõ ngách, nước sạch, điện chiếu sáng. (Thủy Kim, Báo Hải Phòng 12/12, tr3)
Đó là kiến nghị của Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính qua công tác thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược của Sở Y tế và việc thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố.
Thanh tra tại Sở Y tế cho thấy, việc tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt, cấp Chứng nhận thi hành nghề dược, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt nhà thuốc (GPP) còn một số hạn chế như: Thiếu Giấy xác nhận thời gian thực hành, thiếu Sơ yếu lý lịch của người hành nghề; 18 hồ sơ được cấp Chứng chỉ hành nghề dược, Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP nhưng chưa được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; hồ sơ GPP chưa ghi rõ diện tích quầy thuốc, biên bản thẩm định chưa ghi đầy đủ ngày, tháng, năm.
Thanh tra việc tuân thủ, duy trì các nguyên tắc, tiêu chuẩn GDP tại 7 nhà thuốc bán buôn, Đoàn Thanh tra đã phát hiện có 3 cơ sở bán buôn thuốc nhưng lại bố trí khu vực trưng bày và thực hiện bán lẻ thuốc khi chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp phép hoạt động là quá phạm vi hành nghề; 1 cơ sở hết thời hạn sử dụng chứng chỉ hành nghề nhưng chưa làm thủ tục xin gia hạn; 1 cơ sở chưa lưu đầy đủ hồ sơ, tài liệu GDP; 1 sơ sở lưu giữ tờ rơi quảng cáo thuốc không thể hiện số phiếu tiếp nhận hồ sơ thông tin quảng cáo do Cục Quản lý Dược cấp.
Từ những hạn chế trên, Chánh Thanh tra Đặng Văn Chính kiến nghị Sở Y tế xem xét xử lý các hành vi vi phạm của các đối tượng thanh tra đã được Đoàn Thanh tra lập biên bản; tăng cường quản lý Nhà nước trên địa bàn về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc; tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, chấn chỉnh và chú trọng việc kê đơn thuốc gây nghiện; rà soát, chấn chỉnh lại các mặt tồn tại, hạn chế… (Nguyễn Dung, Thanh Tra 12/12, tr4)
Sáng 11/12, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với trường Chính trị Tô Hiệu tổ chức lớp tập huấn “Mặt trận Tổ quốc với công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay”.
Cán bộ chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các quận, huyện; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố tham gia và được quán triệt nội dung Pháp lệnh số 21/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố.
Qua lớp tập huấn, giúp nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận về công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình hiện nay, cán bộ chuyên trách Mặt trận nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, quy định của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Qua đó, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh, làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, chung sức xây dựng thành phố và đất nước ngày càng phát triển. (Báo Hải Phòng 12/12, tr2; Bản tin thời sự tối 11/12, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)
Chiều 11/12, tại Trung tâm Văn hóa huyện An Lão, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố, Tập đoàn Trung Nguyên và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức diễn đàn “Thanh niên nông thôn nghĩ giàu làm giàu”.
Diễn đàn thu hút hơn 200 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố tham gia.
Tại diễn đàn, các bạn trẻ đã được lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm nghề nghiệp và được giải đáp những thắc mắc, khó khăn trong việc lập nghiệp với nhà báo Trần Nguyên hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vinamit và họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng; được giải đáp những thắc mắc về chính sách vốn vay, những cơ hội được tiếp cận về vốn của thanh niên, thông qua sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở với anh Nguyễn Hoàng Minh, Phó Bí thư Thành Đoàn…
Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa với thanh niên nông thôn trên con đường lập thân, lập nghiệp làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội cũng như tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương. (Báo Hải Phòng Online 11/12; An Ninh Hải Phòng Online 12/12)
Thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững ở các xã, phường biên giới, 5 năm qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kiến Thụy phối hợp với Đồn Biên phòng Đoàn Xá vận động cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ vì người nghèo gần 480 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng mới 25 nhà đại đoàn kết giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Báo Hải Phòng 12/12, tr3)
Thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, huyện Vĩnh Bảo huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng các trạm, hệ thống cấp nước sạch tập trung.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT Vĩnh Bảo, toàn huyện xây dựng 26 trạm, hệ cấp nước sạch, trong đó có 25 trạm cấp nước với tổng công suất 5.300 m3/ngày đêm và 1 hệ thống cấp nước sạch công suất 5.000 m3/ngày đêm. (Báo Hải Phòng 12/12, tr4)
Những ngày qua, dư luận Hải Phòng vẫn đang xôn xao bàn tán về một chuyện thật như đùa, ông bố trên đường đưa con trai 4 tuổi đi nhà trẻ đã quên mất đứa con sau khi dừng đổ xăng. Đến buổi chiều khi đến trường đón cháu, người bố mới chợt nhớ ra mình đã lỡ bỏ quên con ở cây xăng lúc sáng. Rất may, cháu bé đã được người dân phát hiện và đưa đến Công an nên gia đình đã tìm thấy cháu.
Mặc dù sự việc đã trôi qua nhưng từ đó đến nay, cuộc sống gia đình người đàn ông này bị đảo lộn bởi những lời đồn thổi ác ý về người bố cố tình bỏ rơi con.
Theo cô H - giáo viên của cháu bé bị bố làm thất lạc: "Cháu Tr từ một cháu bé ngoan, hiếu động nhưng từ hôm ấy đến giờ, cháu ít nói, sợ hãi khi thấy người lạ. Ngồi trong lớp học lúc nào Tr cũng thấp thỏm mong bố mẹ đến đón, có lẽ cháu sợ sẽ bị bố làm thất lạc lần nữa". (Lê Nguyễn, Gia Đình & Xã Hội Online 12/12; Tiền Phong Online 12/12)./.