Điểm báo hằng ngày về Hải Phòng (ngày 11/8/2020)

THÔNG TIN VỀ DỊCH COVID -19

Bệnh nhân 816 ở Đà Nẵng đã đi dạo phố cổ Hà Nội và Cát Bà, Hải Phòng

Chiều 10/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng thông tin về kết quả điều tra dịch tễ trường hợp bệnh nhân 816 là L.T.T. làm nghề giáo viên tại Đà Nẵng. Theo đó, bệnh nhân di chuyển đến nhiều điểm tại Hà Nội, Hải Phòng...

Cụ thể, bệnh nhân sống cùng gia đình tại tòa A3 Chung cư Vicoland, phường Nại Hiến Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, chồng bệnh nhân là ca bệnh số 751. Ngày 16/7, bệnh nhân chở con gái đi học cờ vua tại trường tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà. Sau đó bệnh nhân đi chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà (phía sau cổng chợ).

Từ ngày 17/7 đến 19/7, bệnh nhân làm giám thị coi thi tuyển sinh lớp 10 tại điểm thi Nguyễn Chí Thanh, (nhiều phòng ở tầng 2, 3 trong đó có phòng 13). Trong quá trình coi thi có tiếp xúc gần với: cô N.H.K.O (giáo viên trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê), cô P.T.H (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), cô N.T.B (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà).

Từ ngày 19/7 đến 20/7, bệnh nhân ở tại phòng, tòa A3 Chung cư Vicoland, không tiếp xúc với ai. Chiều 21/7, bệnh nhân cùng con gái đi chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà mua quần áo. Sáng 22/7, bệnh nhân đi chợ Cồn và đến cửa hàng Duy Nhân ở sát cổng chợ Cồn để mua đồ khô.

Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 22/7, bệnh nhân đến bưu điện tại ngã 5 đường Ngô Quyền (không rõ địa chỉ) để gửi bưu phẩm và đến nhà ngoại ăn trưa tại đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, sau đó bệnh nhân cùng con trở về Chung cư Vicoland. Những người trong gia đình nhà ngoại tiếp xúc với bệnh nhân: L.T.H (1955); N.T.H (1957); L.Ng.H (1990); L.Th.L.A (1992); L. Th. Ng. Ph (2019).

Chiều 22/7, bệnh nhân chở con gái đi học cờ vua tại trường tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà, tiếp xúc với N. V. H (là bệnh nhân số 736).

Khoảng 18 giờ 30 phút ngày 22/7, bệnh nhân đến trường tiểu học Ngô Gia Tự để đón con gái. Sau khi đón con đi học về, bệnh nhân ghé đến chào 1 bạn (ở Đồng Nai) sau đó trình bày lí do, xin phép về. Mấy bạn bảo chụp ảnh nên ngồi xuống, vừa lúc đó bạn bệnh nhân là bệnh nhân số 680 đến, cùng ngồi xuống chụp ảnh và sau đó đi về luôn không tham dự cùng các bạn.

Khoảng 7 giờ ngày 23/7, bệnh nhân cùng con ăn sáng tại quán Miến lươn tại khu Chung cư A2 Vicoland. Khoảng 8 giờ 30 ngày 23/7, bệnh nhân cùng con đi xe máy đến sân bay Đà Nẵng để đi Hà Nội trên chuyến bay BN7162 (số ghế 27K và 27H). Khoảng 14 giờ ngày 23/7, em bệnh nhân Ng.X.B (Hà Nội) lái xe chở bệnh nhân và con về chung cư Vinacomex 21, ngã ba Bala ngõ 804 đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội.

Sáng 24/7, bệnh nhân cùng con và cháu gái (là con của Ng.X. đi xe máy dạo chơi phố cổ Hà Nội. Trong quá trình đi có dừng lại mua nước ở Highland coffee đối diện công viên Lê Nin. Sau đó đến phố hàng Đào - phố cổ Hà Nội, nhưng vì đi ngược chiều nên được một công an phường và một dân quân phường nhắc nhở (có tiếp xúc) và chỉ đi đến hồ Hoàn Kiếm.

Tại đây bệnh nhân gửi xe (tiếp xúc với một người giữ xe) và có nhờ một người chụp ảnh dạo chụp ảnh, sau đó cả ba người quay về chung cư Vinacomex 21.

Tối 24/7, bệnh nhân cùng con và gia đình Ng.X.B, bố và mẹ của Ng.X.B, đi ăn tối tại nhà hàng Pao quán, Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Tại đây, bệnh nhân gặp chồng (là bệnh nhân số 751, lúc này vẫn chưa được xét nghiệm với virus SARS-CoV-2). Sau đó, khoảng 21 giờ cùng ngày, mọi người cùng nhau đi uống cà phê ở quận Hà Đông, Hà Nội (không nhớ rõ địa chỉ).

Sáng 25/7, bệnh nhân cùng chồng và con đi tàu hỏa đến TP Hải Phòng lúc 9 giờ 20 (toa số 11, không nhớ số ghế). Sau đó cả gia đình đón taxi về khách sạn Zen đường Mạc Quyết, Dương Kinh, TP Hải Phòng.

Sáng 26/7, bệnh nhân cùng chồng và con đến thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng bằng xe đơn vị Sư đoàn 363 (đi cùng 1 người lái xe). Trên đường đi có uống cà phê nhưng không nhớ rõ địa chỉ.

Trưa ngày 26/7, bệnh nhân cùng chồng, con (và người lái xe) ăn trưa tại nhà hàng Viễn Dương, đường Núi Ngọc, thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Tối ngày 26/7, bệnh nhân cùng chồng, con (và người lái xe) ăn tối tại quán Bánh đa Bà Cụ, Hải Phòng, sau đó trở về khách sạn.

Ngày 27/7, chồng bệnh nhân đi máy bay về TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Bệnh nhân và con đi máy bay về Đà Nẵng trên chuyến bay VJ721 số ghế 16 (trên chuyến bay chỉ có 9 hành khách). Sau khi về Đà Nẵng, bệnh nhân cùng con về nhà ngoại ăn tối, khoảng 19 giờ cùng ngày, bệnh nhân đến cửa hàng Nongpro tại 815 - 817 đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà mua bún (chỉ đứng ngoài đường, tiếp xúc 1 nhân viên, có đeo khẩu khang), sau đó trở về Chung cư Vicoland.

Sáng ngày 28/7, bệnh nhân và con ăn sáng tại quán Miến lươn ở khu Chung cư A2 Vicoland (lúc này quán không có khách), sau đó đi siêu thị Coopmart ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, sau đó trở về Chung cư Vicoland. Khoảng 17 giờ cùng ngày, bệnh nhân đến quán tạp hóa trên đường Nguyễn Trung Trực (không rõ địa chỉ) mua gạo.

Ngày 28/7 đến 29/7 (không nhớ rõ ngày), bệnh nhân đến hai nhà thuốc, một nhà thuốc nằm tại ngã tư Dương Văn Nga - Vân Đồn và một nhà thuốc bên cạnh chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Khoảng 9 giờ ngày 30-7, bệnh nhân đến trường Phan Châu Trinh lấy hai hộp khẩu trang (không tiếp xúc với ai) sau đó trở về Chung cư Vicoland. Từ ngày 30-7 đến 06-8, bệnh nhân tự cách ly ở nhà.

Ngày 7/8, sau khi chồng bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân được đưa đi cách ly tại 232 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng Ngày 8/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng nhận được mẫu xét nghiệm dịch hầu họng của bệnh nhân và ngày 9-8 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. (Nhandan.com.vn 10/8, Đặng Luân; Vietnamnet.vn 10/8; Zingnews.vn 10/8; Vtc.vn 10/8; Nld.com.vn 10/8; Plo.vn 10/8; Baotintuc.vn 10/8; Kinhtedothi.vn 10/8; Baotainguyenmoitruong.vn 10/8; Tuoitrethudo.com.vn 10/8; Thanhnien.vn 10/8; Vietnambiz.vn 10/8; Laodong.vn 10/8)

Hải Phòng: Chủ động phòng chống dịch Covid-19, không để tình trạng găm hàng

Ngày 10/8, UBND TP Hải Phòng đã ban hành văn bản số 5036/UBND-VX yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung để chống dịch Covid -19.

Thực hiện Thông báo kết luận số 283/TB-VPCP ngày 08/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP Hải Phòng yêu cầu, mọi cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tập trung đông người không cần thiết; khuyến cáo người dân khai báo y tế điện tử tự nguyện.

Tăng cường rà soát, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân lơ là, vi phạm quy định về phòng, chống dịch (như không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang...); người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

Sở Y tế chỉ đạo toàn ngành y tế tiếp tục duy trì chế độ báo động đỏ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh; tăng cường chỉ đạo, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế, bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ cán bộ y tế, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tăng cường đào tạo, tập huấn trực tuyến cho nhân viên y tế ở tất cả các cơ sở y tế để bất cứ khi nào và ở đâu có ca nhiễm đều biết cách xử lý phù hợp, kịp thời.

Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí… trên địa bàn thành phố và các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nhân dân đề cao cảnh giác, nâng cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Kêu gọi mọi người dân có điện thoại thông minh tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone để kịp thời phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Giao Sở Công Thương chủ trì, cùng các cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị phương án bảo đảm dự trữ các loại hàng hóa, lương thực thực phẩm cần thiết, đề phòng trường hợp dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TP.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng tại Văn bản số 4931/UBND-VX ngày 5/8/2020 về việc tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cocid-19 trong tình hình mới. (Kinhtedothi.vn 10/8, Vĩnh Quân)

Các thầy thuốc Hải Phòng, Bình Định sẽ làm việc tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn

Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn. Tại đây, thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hài lòng về tiến độ của bệnh viện dã chiến, đề nghị ngành Y tế Đà Nẵng khẩn trương rà soát và phối hợp thật chặt chẽ với các nhà thầu để sớm nhận bàn giao.

Thứ trưởng yêu cầu Đội Điều trị ngay trong chiều nay, sớm làm việc với Sở Y tế Đà Nẵng để tiến hành các bước thẩm định.

Tại buổi thăm Bệnh viện Dã chiến, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã động viên các bạn sinh viên tình nguyện của Đại học Y Dược Đà Nẵng, đang có mặt tại đây.

Chiều 10/8, tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn, Sở Y tế Đà Nẵng đã tổ chức họp thẩm định các điều kiện Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn. Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến làm Chủ tịch Hội đồng.

Th.s Nguyễn Trọng Khoa, Đội trưởng Đội Điều trị của Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng tham dự cuộc họp.

Báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, Bệnh viện Dã chiến Đà Nẵng hiện nay được kê 500 giường. Trong đó, có 480 giường điều trị bệnh nhân nhẹ. 20 gường cấp cứu.

Nguồn nhân lực được dự kiến huy động từ các bác sĩ tăng cường từ Hải Phòng và Bình Định. Cùng 400 sinh viên tình nguyện đến từ trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng. Số sinh viên tình nguyện này đã được xét nghiệm PCR và đều cho kết quả âm tính.

TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai được Bộ Y tế cử làm phó giám đốc chuyên môn, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn cho biết, bước đầu bệnh viện sẽ điều trị ở mức cơ bản, có 1 phác đồ điều trị cơ bản để các bác sĩ có thể cùng sử dụng. Tuy nhiên, trong phương án điều trị của bệnh viện luôn sẵn sàng cho phương án xấu như bệnh nhân bất ngờ có diễn biến nặng.

Hiện nay, các bộ phận thẩm định của Bộ Y tế và các ngành chức năng vẫn đang tiếp tục thẩm định. Theo dự kiến, ngày 12/8, Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn sẽ được bàn giao và tiến hành vận hành thử, trước khi chính thức đón bệnh nhân. (Tuoitrethudo.com.vn 10/8, Phương Thu)

KINH TẾ     

Phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trị giá gần 21.000 tỷ đồng

Ngày 10/8/2020, tại quyết định số 1212/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT: Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư. Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài khoảng 115 km, điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34 tỉnh Cao Bằng.

Dự án với quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 20.939 tỷ đồng với cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km với từ cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng; giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22km từ huyện Quảng Hoà đến cửa khẩu Trà Lĩnh và mở rộng hoàn thiện mặt các ngang đoạn còn lại.

Tiến độ triển khai thực hiện dự án: giai đoạn 1 trong năm 2020 - 2024 và giai đoạn 2 của dự án được thực hiện sau năm 2025. Về phương án tài chính của dự án, chủ trương đầu tư dự án của Chính phủ cũng chỉ ra nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án và nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.

Dự án cũng tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng; thay đổi tình trạng quốc lộ 4A là đường độc đạo nối giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. (Bnews.vn 10/8, Quang Toàn; Vietnamfinance.vn 10/8; Baotainguyenmoitruong.vn 10/8; Enternews.vn 11/8; Người lao động 11/8, tr2)

Hải Phòng: Doanh nghiệp vận tải hành khách thêm lần nữa lao đao vì COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát lại ngày càng phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách Hải Phòng vừa lo sợ dịch vừa lo phá sản.

Sau thời gian lao đao vì dịch bệnh vừa mới tạm thời vực dậy, nay ngành vận tải hành khách lại phải đối mặt với khó khăn mới. Chia sẻ với DĐDN, ông Khúc Hữu Thanh Hải giám đốc Công ty CP vận tải thương mại dịch vụ Đất Cảng cho biết: Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Lượng xe chạy tuyến liển tỉnh chỉ đạt 30% công suất, nhưng vì mục tiêu chung về phòng, chống dịch bệnh chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng với nhà nước để ngăn chặn dịch.

Ông Hải chia sẻ rằng: Hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách thời điểm này  rất ít khách chỉ chạy được 1/3 công suất. Nhiều hôm trên một chuyến xe chỉ có 1 hoặc 2 khách. Mặc dù nhà xe cũng đã có nhiều phương pháp phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, đối với những tuyến xe đi qua liên tỉnh toàn bộ hành khách lên xe đều phải đeo khẩu trang, trước khi vào ghế ngồi đều phải rửa tay khử khuẩn. Hơn nữa, các xe cũng được phun thuốc khử trùng để bảo đảm an toàn cho hành khách nhưng số lượng khách di chuyển cũng chỉ tính bằng đầu ngón tay.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Trong tháng 6-7/2020, số lượng các chuyến bay giữa Hải Phòng đi các tỉnh tăng nhanh, bình quân hàng ngày đi và đến Hải Phòng 5.800 - 5.900 khách; đối với đường bộ, khoảng 8.000 khách đến thành phố mỗi ngày, với 800 lượt xe; đường sắt trung bình vận chuyển 700-800 khách/ngày.

Hiện nay có khoảng 30 chuyến xe mỗi ngày xuất phát từ Hải Phòng đi đến và đi qua thành phố Đà Nẵng, trong đó gần một nửa là xe đối lưu (xe của các địa phương khác có đăng ký chạy tại Hải Phòng). Xe của doanh nghiệp Hải Phòng xuất phát từ Hải Phòng đi các tuyến miền Trung, miền Nam chủ yếu xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý.

Vừa qua, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định dừng tất cả các tuyến đến thành phố Đà Nẵng, các tuyến đi qua không được dừng đón trả khách để thực hiện mục tiêu giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải. Các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành; yêu cầu  các phải có danh sách hành khách để truy nguồn gốc trong trường hợp cần thiết, đồng thời thực hiện ngay việc vệ sinh phun khử khuẩn, đeo khẩu trang đối với các hành khách.

Theo lãnh đạo bến xe khách Thượng Lý cho chia sẻ: lượng khách qua bến hiện nay đã sụt giảm đáng kể. Trước khi có dịch COVID-19, mỗi ngày bến có trên 140 lượt xe xuất bến phục vụ khoảng 1,5 đến 2 nghìn lượt khách, nhưng từ khi có dịch đến nay, trung bình mỗi ngày bến chỉ còn khoảng hơn 100 lượt xe xuất bến, và số lượng hành khách giảm hơn 50% mỗi ngày.

Cá biệt chuyến xe đi Đà Nẵng là dừng hẳn, còn các tuyến đi miền trung có ngày có những lượt xe phải chỉ có lác đác vài khách. Đặc biệt là những tuyến xe khách đến những tỉnh có qua các địa bàn có dịch và các tuyến đến những vùng du lịch. Tại các tuyến này, số lượt xe khách chạy mỗi ngày đã giảm 50%. Theo các lái xe, lượng khách đi xe hiện nay giảm xuống chỉ còn khoảng 50% - 60%  so với trước khi có dịch COVID-19.

Theo phản ánh của nhà xe tại bến xe Niệm Nghĩa: Từ khi công bố dịch, bến xe khách vắng tanh, hành khách ngày càng vơi dần đi. Cả chuyến xe chỉ có mấy khách, chỉ đủ tiền xăng dầu chứ chưa đủ tiền nhân công, khấu hao xe, lệ phí,…việc chúng tôi bù lỗ các khoản từ Tết đến giờ, nhiều khi phải cắn răng chịu đựng”.

Một chủ xe có tuyến Hà Nội – Hải Phòng cho biết: Cho đến thời điểm này nếu chẳng may lái xe có nghi ngờ về dịch bệnh, coi như cả doanh nghiệp đó đóng cửa luôn. Thời điểm hiện tại, tìm được lái xe có giấy phép lái xe hạng E, nếu chỉ 1 lái xe bị cách ly cũng khiến doanh nghiệp lao đao, vừa không có người lái, vừa vẫn phải trả lương. Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp vận tải hành khách phải chi phí khá lớn để khử trùng, mua khẩu trang dự phòng, dung dịch sát khuẩn trên xe, thậm chí mua cả máy đo thân nhiệt. Đặc điểm của các chuyến xe đường dài là phải tổ chức ăn uống dọc đường (tiền ăn cộng cả vào tiền vé), nên lựa chọn các điểm ăn uống thế nào vừa bảo đảm an toàn, vừa chi phí hợp lý cũng là bài toán đau đầu với các nhà xe. Nếu dịch COVID-19 kéo dài thì chắc chắn sẽ có nhiều nhà xe phá sản. Bao nhiêu khoản vay mượn để đầu tư kinh doanh sau dịch, chưa kịp gượng dậy, lại là có dịch thì chúng tôi biết cậy nhờ vào đâu. Tôi rất muốn Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ những doanh nghiệp vận tải để cố gắng vực dậy, cứ như thế này thì nguy cơ phá sản hàng loạt đang hiển hiện trước mắt. (Enternews.vn 11/8, Minh Huệ)

XÃ HỘI     

Công đoàn và DN: Đồng hành chống dịch, ổn định việc làm cho người lao động

Đến thời điểm này, Hải Phòng chưa xuất hiện ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, các cấp Công đoàn Hải Phòng “kích hoạt” trạng thái tối đa phòng dịch bệnh, quyết tâm không để công nhân viên chức lao động nhiễm bệnh.

Trong những ngày gần đây, không khí lao động tại xưởng may Công ty (Cty) TNHH Thái Anh hăng say. 100% người lao động (NLĐ) đeo khẩu trang, khoảng cách giữa các công nhân bảo đảm quy định tối thiểu về phòng dịch COVID-19.

Theo anh Lê Văn Anh - Trưởng phòng Tổ chức kiêm Chủ tịch Công đoàn Cty, từ tháng 2.2020 đến nay, Cty vẫn duy trì công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc. Tuy nhiên, từ sau khi xuất hiện ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và tình hình dịch bệnh tại Việt Nam ngày càng phức tạp, Cty thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Cụ thể, NLĐ bắt buộc đeo khẩu trang trong khuôn viên nhà máy, đo thân nhiệt 2 lần/ngày và rửa tay sát khuẩn trước khi bắt đầu ca làm việc.

“Cty hiện tạo việc làm cho hơn 350 lao động, trong đó, lao động sản xuất trực tiếp là gần 280 người. Mặc dù không có công nhân lao động (CNLĐ) về từ Đà Nẵng, Quảng Nam từ ngày 1-28.7, tuy nhiên, Cty vẫn yêu cầu công nhân khai báo trung thực về việc có tiếp xúc với người về từ các địa phương có dịch. Ngoài ra, vị trí làm việc từ văn phòng đến nhà xưởng, nhà ăn đều được kê giãn cách theo quy định, hạn chế NLĐ tụ tập đông người…” - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Cty cho biết.

Tại Cty CP Cáp điện và Hệ thống LS Vina, ngoài những biện pháp áp dụng từ những tháng trước khi mới bùng phát dịch COVID-19 như đeo khuẩn trang, sát khuẩn tay, lắp đặt bàn ăn có vách ngăn... ở “giai đoạn 2”, mọi CNLĐ hoặc khách hàng đến liên hệ công tác đều phải khai báo đầy đủ lịch sử di chuyển từ ngày 14.7 đến nay. Các trường hợp về từ vùng có dịch đều được Cty yêu cầu cách ly theo dõi tại nhà. Cùng với đó, Cty yêu cầu 100% cán bộ, CNLĐ cài đặt ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần...

Bên cạnh sự chủ động của công đoàn cơ sở (CĐCS), LĐLĐ TP.Hải Phòng, CĐ cấp trên cơ sở thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện biện pháp phòng chống dịch trên tinh thần không để COVID-19 xâm nhập vào cơ quan, nhà xưởng. Sau nhiều ngày kiểm tra, hầu hết đơn vị thực hiện tốt biện pháp phòng dịch, có nhiều sáng kiến phòng, chống dịch bệnh...

Song song với nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, CĐ phối hợp doanh nghiệp quan tâm, chăm lo NLĐ bị ảnh hưởng việc làm bởi dịch bệnh. Điển hình như tại Cty TNHH Yazaki Hải Phòng, sau một thời gian phải cho công nhân nghỉ chờ việc, giảm giờ làm bởi dịch COVID-19, cuối tháng 7 vừa qua, Cty và CĐ trao gần 7.000 suất quà hỗ trợ CNLĐ. Mỗi phần quà bằng hiện vật gồm 5kg gạo và nhu yếu phẩm như dầu ăn, hạt nêm, nước tương… với tổng giá trị hơn 200.000 đồng/suất.

Chung tay với CĐCS, vừa qua, CĐ ngành Công Thương Hải Phòng phối hợp Mobifone Hải Phòng trao 1 tấn gạo, 500 khẩu trang vải tặng 100 CNLĐ hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng việc làm bởi dịch tại Cty TNHH Thái Anh. Nhận phần quà từ các đơn vị, chị Phạm Thị Mão - công nhân tổ Nhặt chỉ, bộ phận May - xúc động: “Mặc dù thời gian qua, việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng phần nào bởi dịch bệnh, nhưng sự quan tâm, chăm lo của các cấp CĐ giúp chúng tôi có thêm động lực, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Ông Tống Văn Băng - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng - cho hay, hiện LĐLĐ TP yêu cầu CĐCS rà soát, lập danh sách CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để có cơ chế hỗ trợ phù hợp, kịp thời động viên NLĐ đồng hành với doanh nghiệp và tổ chức CĐ. Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách CĐ, các cấp CĐ vận động các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường các biện pháp chăm lo cho CNLĐ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp...   (Lao động 11/8, tr5; Laodong.vn 11/8, Mai Dung)

Công an đồng hành cùng sỹ tử đất Cảng

Để đảm bảo an toàn giao thông cũng như phòng chống dịch bệnh, các lực lượng Công an TP Hải Phòng luôn đồng hành cùng các sỹ tử…

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 tại Hải Phòng có 18.586 thí sinh và được bố trí dự thi tại 41 điểm thi. Trong số các điểm thi, ở khu vực nội thành luôn tiềm ẩn nguy cơ ách tắc, mất an toàn giao thông và hơn nữa năm nay các em học sinh trải qua kỳ thi khó khăn vì dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn giao thông cũng như phòng chống dịch bệnh, các lực lượng Công an TP Hải Phòng luôn đồng hành cùng các sỹ tử… (Cand.com.vn 10/8, V.Huy)

Mời xem thêm hình ảnh tại đây: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-tp-hai-phong-dong-hanh-cung-sy-tu-vuot-vu-mon-606692/

Lớp học sức khoẻ của người phụ nữ từng bại liệt

Tại huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng có 1 người phụ nữ vì đã từng trải qua rất nhiều nỗi đau đớn do bệnh tật đang giang tay chia sẻ, đồng cảm với người khác.

Đó là chị Nguyễn Thị Giang Tâm - một huấn luyện viên yoga đặc biệt. Vượt qua bệnh tật nhờ yoga, bởi thế chị Giang Tâm quyết định trở thành huấn luyện viên để chia sẻ những bài tập tốt cho sức khoẻ tới tất cả mọi người. Trong đó có lớp học miễn phí dành cho người cao tuổi.

Bằng những bài tập thở, các tư thế, điều tức và thiền, những buổi học yoga trị liệu sẽ mang đến hiệu quả cho tim mạch và xương khớp.

Bên cạnh lớp học yoga trị liệu cho người cao tuổi, chị Giang Tâm còn sẵn sàng tìm đến tận nhà những hoàn cảnh đặc biệt để chia sẻ. Chị mong rằng sẽ có nhiều người vượt qua được chính mình, đến với lớp học của chị, họ sẽ cùng nhau sẻ chia và vươn lên trong cuộc sống. (VTV1, bản tin Chuyển động 24h tối ngày 10/8; Vtv.vn 11/8)

https://vtv.vn/tam-long-viet/lop-hoc-suc-khoe-cua-nguoi-phu-nu-tung-bai-liet-20200810190122589.htm

Đảm bảo an toàn khu vực cảng Hải Phòng trong đại dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng đã triển khai lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra phát hiện, ngăn chặn triệt để các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; kiểm soát, giám sát chặt chẽ dịch tễ mọi hoạt động trong khu vực cảng.

Thực hiện các biện pháp về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng đã tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, ngăn chặn triệt để các đối tượng trà trộn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tại cảng, tăng cường kiểm soát, giám sát, kiểm tra y tế, yêu cầu khai báo y tế đối với các thuyền viên, người lao động trên các phương tiện đang neo đậu bốc dỡ hàng hóa tại các khu vực cảng Hải Phòng.

Đối với thuyền viên của các phương tiện đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và vùng có dịch nghiêm cấm không cho thuyền viên rời tàu lên bờ đi ra khỏi khu vực cảng để vào nội địa.

Đồng thời, đơn vị cũng phân công 4 đồng chí cán bộ giám sát một tàu và chia thành 4 ca trong ngày, thời gian mỗi ca là 6 giờ.

Trong quá trình đảm nhiệm ca trực cán bộ làm nhiệm vụ giám sát phải kiểm soát chặt chẽ thuyền viên, người lao động lên, xuống tàu; tuyên truyền cho mọi người hiểu về sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách an toàn trong khi làm việc. (Bienphong.com.vn 10/8, Nguyễn Quang Vinh)

14,9 triệu lượt người đã tải ứng dụng Bluezone

Thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TTTT), tính đến 11h ngày 10/8, đã có tổng cộng 14,9 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone. Như vậy, tỷ lệ người sử dụng Bluezone trên tổng dân số cả nước tính tới ngày 10/8 chiếm khoảng 15%.

Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lạng Sơn, Thừa Thiên-Huế tiếp tục là các địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ người dùng Bluezone trên tổng số thuê bao điện thoại có dùng điện thoại thông minh, với tổng số người dùng Bluezone 5,7 triệu người. ư

5 tỉnh dẫn đầu gồm Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, Bắc Ninh với tổng số người dùng là 4,6 triệu người. 5 tỉnh có số người tải dưới 5% tổng số dân có máy điện thoại thông minh là Bạc Liêu, Sơn La, Điện Biên, Trà Vình, Hà Giang.

Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dân trong trường hợp họ từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Chức năng của Bluezone là phát hiện người tiếp xúc gần thông qua sóng Bluetooth.

Lịch sử tiếp xúc của mỗi người sẽ được mã hóa và lưu trữ trên chính bộ nhớ trong của máy. Khi phát hiện một người dùng Bluezone nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, các thành viên trong cộng đồng Bluezone sẽ ngay lập tức nhận được thông tin nếu bản thân từng tiếp xúc gần với người mang bệnh. (Daidoanket.vn 11/8, tr2; Đại đoàn kết 11/8, tr2, C.Xuân)

Loại na đặc biệt ở Hải Phòng, dân buôn về tận vườn canh mua

Na bở Hải Phòng đang được dân Hà Nội lùng mua dù có giá vô cùng đắt đỏ. Dân buôn cho biết, khách đặt mua na bở quá nhiều, 1 tuần bán cả cả tấn, song đầu mùa hàng hiếm, họ phải về tận vườn canh mua.

Gần 9 giờ sáng ngày thứ 2 đầu tuần, đón được 4 thùng na từ bến xe Nước Ngầm về, chị Đào Thị Bích – chủ một cửa hàng trái cây sạch ở Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Được 1,5 tạ vẫn chưa đủ trả đơn cho khách”.

Chị cho biết, na bở vừa mới bước vào đầu vụ thu hoạch được khoảng nửa tháng nay, song nguồn hàng từ các nhà vườn chưa nhiều vì na còn xanh, chưa chín rộ. Trong khi, dân Hà Nội lại rất chuộng loại na này, danh sách khách đặt hàng hôm nào cũng dài dằng dặc.

Theo đó, để nhập được đủ nguồn na trả đơn cho khách đặt trước đó, một tuần nay thay vì đợi nhà vườn gửi na lên cho mình, chị Bích cử hẳn nhân viên về vùng Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) canh mua từng quả rồi đưa hàng lên Hà Nội.

“Nhà vườn có ít hàng, lại nhiều mối đặt sỉ, không về tận nơi thì không thể gom đủ hàng bán”. Chị nói và cho biết, trước kia na bở giá rất rẻ, thậm chí rẻ bằng nửa giá na dai, ít người mua ăn nên nhà vườn chặt bỏ nhiều.

Vài năm trở lại đây, vào mùa của loại trái cây này, na bở là mặt hàng đặc biệt hút khách. Giá thời điểm hiện tại lên tới 165.000-180.000 đồng/kg tuỳ loại, tức đắt gấp khoảng 4-5 lần na dai, song cửa hàng chị Bích vẫn không đủ hàng để bán.

Anh Trần Văn Hào – chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội), thừa nhận, giá na bở vốn đã cao hơn na dai rất nhiều, vào đầu vụ giá lại càng đắt đỏ hơn. Ví như loại na bở 4-5 quả/kg đang được anh bán với giá 165.000 đồng/kg, còn loại 3 quả/kg giá 180.000 đồng. Riêng hàng VIP 2 quả/kg giá 210.000 đồng/kg, nhưng loại này cực hiếm, rất khó để nhập được hàng về bán.

Anh tiết lộ, na bở anh mới bán được khoảng hơn chục ngày, song lượng na khách đặt đã lên tới con số gần 2 tấn.

Na này có vị ngọt thanh, không ngọt ngắt như na dai nên mọi người rất chuộng ăn. Có người chỉ đặt 1kg, cũng có người đặt 3-5kg vừa ăn vừa đem biếu tặng. Song, thời điểm đầu mùa này, nguồn hàng còn khan hiếm nên đa phần khách đặt na nhanh thì 1 ngày có hàng, không thì phải đợi 2-3 ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà vườn thu hái quả.

Hiện, na nhập về hàng ngày đều không đủ số lượng khách đặt nên cửa hàng sẽ ưu tiên khách đặt trước được trả hàng trước, anh cho hay.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc HTX Liên Khê (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, Liên Khê là thủ phủ của trái na bở với diện tích trồng lên tới 100ha. Loại cây này trồng ở đây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên quả na tương đối to (trọng lượng 300-600gram/quả), mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được dân buôn chuộng mua.

Theo ông Hùng, từ năm 2017 trở về trước, na bở không được giá như thời điểm hiện tại. Khi ấy, mỗi cân na bở giá chỉ 30.000-40.000 đồng/kg loại đẹp quả to. Thậm chí nhiều người chở na bở đi bán không ai mua lại chở về.

Song, từ năm 2017 đến nay, na bở bỗng nhiên được ưa chuộng, giá tăng vọt. Đặc biệt, tại HTX của ông, na bở được trồng theo phương thức VietGap, có tem truy xuất nguồn gốc, hàng được tiêu thụ không chỉ ở tỉnh mà khách Hà Nội còn tranh nhau về mua.

“Bây giờ giá na bở loại 3-4 quả/kg tại vườn đã lên tới 120.000 đồng/kg mà vẫn không đủ hàng bán”. Ông nói và cho biết, hiện mỗi ngày HTX của ông chỉ hái được khoảng 6-7 tạ na bở vì na mới chín điểm, dân buôn đặt rất nhiều nên họ về tận nơi cân hàng rồi đem đi. Đến giữa mùa, quả chín rộ lúc đó mỗi ngày có thể xuất bán đầu tấn.

Nhờ cơn sốt giá kéo dài suốt mấy năm nay mà người trồng na bở tại xã Liên Khê có cơ hội làm giàu. Bởi, na bở nếu là cây đã trưởng thành sản lượng quả đạt khoảng 9 tấn/ha. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ đi chi phí, mỗi 1ha người nông dân trồng na bở có thể thu lãi khoảng 0,5 tỷ đồng. Năm nay, na bở trúng mùa lớn, quả sai trĩu cành, dự kiến doanh thu còn tăng cao hơn năm ngoái, ông Hùng cho hay.

Tại xã Liên Khê, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn na bở. Người nông dân trồng na ở đây cho biết, trồng một cây na bở tiền thu được có thể ngang ngửa với cấy 1 sào lúa vì loại na này đang rất được giá, năng suất lại cao.

Theo lãnh đạo xã Liên Khê, dựa vào hiệu quả kinh tế thiết thực từ việc trồng na, địa phương đang đề xuất với huyện chuyển đổi hơn 90ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, với cây na sẽ chuyển đổi thành vùng trồng lớn, mở rộng diện tích VietGAP để bao tiêu sản phẩm cho bà con, quản lí sản xuất được tốt hơn. (Vietnamnet.vn 11/8, Châu Giang)

GIÁO DỤC  

Đề thi phù hợp điều kiện dạy và học

Nhận xét đề thi môn Ngữ văn, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng: Đề thi không khó, không gây bất ngờ, vừa sức học sinh và nằm trong trọng tâm của học kỳ I. Đây là một đề khá hay, học sinh có thể liên hệ thực tiễn trong phần nghị luận xã hội. Đề cũng mang tính giáo dục cao về tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm, lòng tự tôn của thế hệ trẻ với đất nước, phù hợp và ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong phần nghị luận văn học hơi dài, nếu học sinh không tập trung sẽ không đủ thời gian làm bài…

Thí sinh Vũ Hoàng, học sinh Trường THPT Hàng Hải (Hải Phòng) cho biết, đề Ngữ văn năm nay không khó và nằm trong nội dung đã được ôn tập. Nội dung đề đã khơi dậy niềm tự hào, cũng như trách nhiệm xã hội trong bản thân mỗi học sinh chúng em, nhất là trong thời điểm cả nước đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19. (Nhandan.com.vn 10/8, Quỳnh Nguyễn)

Thí sinh F1 duy nhất của Hải Phòng sẽ được thi đợt 2 ngay tại Hải Phòng

Thí sinh thuộc diện F1 duy nhất của Hải Phòng sẽ được tổ chức thi đợt 2 ngay tại Hải Phòng mà không phải di chuyển tới địa phương khác.

Trao đổi với P.V Văn Hóa sáng nay 10/8, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, Hải Phòng có 1 thí sinh thuộc diện F1. Em này cùng gia đình đi du lịch tại Đà Nẵng, khi về đã được cách ly cùng cả gia đình. Mắc dù xét nghiệm hiện vẫn âm tính nhưng chưa đủ thời gian hết cách ly. Ông Trà chia sẻ, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã báo cáo lãnh đạo Bộ GD&ĐT về trường hợp này. Đại diện Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng cho biết, tại các hội đồng thi THPT Phạm Ngũ Lão và THPT Quang Trung, có hai thí sinh bị tại nạn, trong đó có một em phải đến điểm thi bằng xe lăn, một em không thể nói được. Lãnh đạo các điểm thi đã bố trí thí sinh ngồi tại phòng riêng trong khu vực điểm thi để thi và có giám thị coi thi, giám sát như các phòng thi khác.

Tại cuộc họp báo chiều nay, trả lời câu hỏi của P.V Văn Hóa về việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh F1 tại Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc đảm bảo quyền lợi cho thí sinh phải được đặt lên hàng đầu. Đối với thí sinh F1 tại Hải Phòng, quan điểm của Bộ GD&ĐT là để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, địa phương sẽ tổ chức thi riêng cho em này, cùng đợt, cùng đề với các thí sinh thi đợt 2 do ảnh hưởng của Covid 19. Việc tổ chức thi phải đảm bảo nghiêm túc, minh bạch như các đợt thi khác.  (Baovanhoa.vn 10/8, Quốc Hùng)

Hải Phòng: Kỳ thi THPT quốc gia 2020 diễn ra an toàn, nghiêm túc

Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục & Đào tạo, kỳ thi THPT quốc gia 2020 tại Hải Phòng diễn ra nghiêm túc, an toàn, không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế.

Diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng tâm lí thi cử, các thí sinh tại Hải Phòng đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cán bộ coi thi thực hiện khai báo y tế, theo dõi, kiểm tra sức khỏe trước khi vào trường thi. Kỳ thi này, Hải Phòng có trên 18.500 thí sinh tham dự và không có học sinh phải thi đợt 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tất cả thí sinh tham gia kỳ thi đều được tiến hành đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào phòng thi. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ thi, 41 điểm thi tại Hải Phòng đã được tổ chức phun khử khuẩn, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch như nước rửa tay, nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng y tế… Các phòng thi đảm bảo thông thoáng và giãn cách cho thí sinh. Sở Y tế cung cấp đến mỗi điểm thi 2 bộ quần áo bảo hộ phòng chống dịch để sử dụng cho cán bộ coi thi trong trường hợp cần thiết.

Để tiếp sức cho các thí sinh tham gia kỳ thi, tại một số điểm thi, thanh niên tình nguyện Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phát đồ uống miễn phí các thí sinh, thanh niên tình nguyện Công an TP phát khẩu trang miễn phí thí sinh. Không chỉ tiếp nhắc nhở đeo khẩu trang, phát đồ uống, lực lượng thanh niên tình nguyện còn cùng cán bộ phục vụ điểm thi đo thân nhiệt cho thí sinh.

Ông Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, dự kiến ngày 11/8, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT TP Hải Phòng sẽ tiến hành làm phách, sau đó tiến hành tập trung cán bộ chấm thi và thực hiện chấm thi theo đúng tiến độ và Quy chế thi. Dự kiến, Hải Phòng huy động khoảng 700 người tham gia chấm thi, phục vụ đề thi. (Baophapluat.vn 10/8, PT)

GIAO THÔNG

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thu phí không dừng

Ngày 10/8, Tổng cục Đường bộ VN kiểm tra các điều kiện để triển khai thu phí tự động không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cách đây hai tháng, tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã áp dụng thu phí không dừng. Số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ tăng từng ngày với khoảng 16.000 xe/ngày.

“Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ATGT với hệ thống giao thông thông minh (ITS) để quản lý, điều hành. Khi áp dụng thu phí không dừng sẽ đồng bộ với hệ thống ITS. Việc thu phí không dừng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà còn giúp phương tiện lưu thông nhanh chóng, thuận tiện. Việc không phải dùng tiền mặt, cũng như ít chạm vào thẻ thanh toán còn giúp phòng tránh dịch Covid-19”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, cùng với Pháp Vân - Cầu giẽ - Ninh Bình, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng áp dụng thu phí không dừng sẽ giúp người sử dụng dịch vụ thu phí không dừng ngày càng tăng cao. Từ ngày mai, khi bắt đầu triển khai thu phí không dừng, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) cần tập trung nhân lực để phân luồng giao thông, phối hợp lực lượng chức năng như: CSGT xử lý các sự cố có thể xảy ra trong ngày đầu đi vào khai thác, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ thuận lợi nhất.

"Hiện tuyến đã có 32/62 làn được lắp thu phí không dừng. Theo tính toán, việc lắp 32 làn là đủ cho các phương tiện lưu thông. Trước mắt, chỉ khai thác thuần 1 làn thu phí không dừng, các làn còn lại sẽ cho phép chạy hỗn hợp, sau đó sẽ tăng làn thuần thu phí không dừng, cấm tuyệt đối xe không dán thẻ đi vào làn này. Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ khuyến cáo chủ phương tiện dán thẻ và có tiền trong tài khoản chạy vào làn thu phí không dừng, tránh ảnh hưởng đến phương tiện khác", ông Thắng cho biết thêm.

Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, từ ngày 12/3 đã áp dụng thu phí không dừng trên tuyến QL5, cho đến nay, trung bình hàng ngày có khoảng 2.500 lượt xe sử dụng dịch vụ. Hiện mới áp dụng 1 làn thu phí không dừng mỗi chiều xe chạy, tháng 10 tới đây sẽ tăng thêm mỗi trạm 3 làn.

Cũng theo ông Tú, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 62 làn thu phí, đã lắp đặt 32 làn, theo tính toán sẽ đáp ứng đủ cho phương tiện sử dụng thu phí không dừng, kể cả ngày cao điểm. Tùy thuộc lưu lượng xe trên tuyến sẽ mở số làn thuần thu phí không dừng cho phù hợp.

"VIDIFI đã tích cực phối hợp với nhà thầu lắp đặt thiết bị cũng như kết nối đường truyền, chạy thử. Qua thời gian đào tạo nhân viên và chạy thử, VIDIFI quyết định thu phí theo hình thức tự động không dừng trên toàn tuyến vào ngày mai trên với 6 trạm thu. Hệ thống biển báo, chỉ dẫn và nhiều hình thức tuyên truyền cho chủ phương tiện đã được VIDIFI triển khai", ông Tú nói. (Baogiaothong.vn 10/8, Trần Duy; Congluan.vn 10/8)

BÁO ĐỊA PHƯƠNG

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 816 đã đến ăn tại quán Bánh đa Bà Cụ, số 179 đường Cầu Đất

Ngày 10/8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng cung cấp thông tin về kết quả điều tra, giám sát, xử lý đối với 6 trường hợp bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. (Anhp.vn 11/8, Xuân Hạ)

Ngày 10/8, Hải Phòng có 46 mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, ngày 10/8, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 161 mẫu của các trường hợp cách ly y tế, có 46 trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2; còn 115 mẫu chờ kết quả xét nghiệm. (Anhp.vn 10/8)

Huyện Tiên Lãng: Ra quyết định hợp nhất 4 trường THCS

UBND huyện Tiên Lãng vừa ra quyết định hợp nhất Trường THCS Quyết Tiến và Trường THCS Tiên Tiến; Trường THCS Vinh Quang và Trường THCS Tiên Hưng. (Anhp.vn 10/8)

Xử phạt hành chính 12 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng

Từ ngày 6/8 đến nay, UBND thị trấn Cát Bà phối hợp với lực lượng Công an huyện Cát Hải, các đoàn thể thị trấn ra quân tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kết hợp xử phạt việc không đeo khẩu trang khi ra đường, chấn chỉnh tình trạng người dân lơ là không đeo khẩu trang tại nơi công cộng. (Anhp.vn 10/8)

BHXH thành phố Hải Phòng: Ủng hộ thành phố Đà Nẵng 60 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19

Phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành BHXH trong việc hưởng ứng các cuộc vận động xã hội, nhằm “tiếp sức” cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Đà Nẵng kết nghĩa có thêm nguồn lực, sau 3 ngày phát động trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động BHXH Hải Phòng, Công đoàn cơ quan BHXH thành phố đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ với số tiền 60 triệu đồng. (Anhp.vn 10/8)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Hải Phòng tôn vinh 9 gương mặt tiêu biểu năm 2019

9 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ thành phố Hải Phòng sẽ được trao tặng danh hiệu cao quý “Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng” năm 2019. (Baoxaydung.com.vn 10/8, Mỹ Hạnh) ./.

 

 

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố