Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 11/6/2013)

Điểm báo hàng ngày về Hải Phòng (ngày 11/6/2013)

THỜI SỰ - CHÍNH TRỊ

1.     Chuẩn hóa cán bộ địa chính cơ sở: Coi trọng khâu tuyển dụng

Xuất phát từ tầm quan trọng, vị trí của công chức địa chính, đặc biệt đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã, phường, việc tuyển dụng công chức địa chính cấp xã cần tuân thủ quy định theo Luật Đất đai là cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn do UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm. Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần nữa khẳng định cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm. Song chất lượng đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở còn nhiều hạn chế.

Vừa thiếu, vừa yếu

Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các quận, huyện đang thực hiện khối lượng việc không nhỏ, ngoài việcc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn phải chỉnh lý biến động đất đai, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đất đai... Tuy nhiên, do nhân lực mỏng, nên việc thực thi công việc thiếu trôi chảy, chất lượng công việc hạn chế.

Chủ tịch quận Kiến An Trần Văn Quý cho biết: Quận thiếu nhân lực phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của quận có 5 biên chế, quận phải hợp đồng thêm 15 người. Việc nhiều, người ít nên phải tuyển thêm lao động hợp đồng cũng là thực trạng chung của các địa phương.

Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Kiến Thụy có 4 người, trong đó có 1 cán bộ phụ trách, 1 kế toán, chỉ còn 2 người làm công tác chuyên môn, do đó việc tuyển thêm lao động hợp đồng là cần thiết.

Huyện Thủy Nguyên phải tuyển tới 15 lao động hợp đồng, song vẫn không đáp ứng yêu cầu công tác, nhiệm vụ của ngành. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp (Sở TN&MT) cũng không khá hơn, với 15 biên chế, còn lại là lao động hợp đồng.

Không chỉ thiếu nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ địa chính cơ sở cũng là vấn đề cần bàn. Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT, trong đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở hiện có tới  47 cán bộ địa chính cơ sở chưa có trình độ chuyên môn, như vậy khó đòi hỏi chất lượng công tác?.

Công tác quản lý đất đai là lĩnh vực đòi hỏi cán bộ địa chính ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn vững, có kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp; đặc biệt, quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, quản lý các di biến động, mốc địa giới, công tác giao đất, cho thuê đất... Với thực tế chất lượng cán bộ địa chính như vậy, công tác quản lý đất đai là lĩnh vực nhạy cảm và luôn nóng bỏng như hiện nay, việc phát sinh khiếu kiện và các vụ vi phạm là khó tránh khỏi. Điển hình như vụ việc sổ mục kê địa chính năm 1980 của 3 tổ dân phố tại phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) “bị mất”, khiến việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp khó khăn là điều tất yếu.

Chưa tích cực nâng cao trình độ

Để đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ của ngành, Sở TN&MT có nhiều giải pháp, trong đó tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại cả về nghiệp vụ chuyên môn và phẩm chất chính trị. Song, giải pháp này vướng mắc từ chính ý thức cán bộ địa chính cơ sở.

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Quang Sản nêu: Sở đang tích cực triển khai Đề án kiện toàn đội ngũ cán bộ toàn ngành. Một số giải pháp được tập trung thực hiện là xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Sở đề nghị Bộ TN&MT lập kế hoạch đào tạo để chuẩn hóa nhận thức, kiến thức đội ngũ cán bộ quản lý đất đai. Đồng thời, tăng cường việc tổ chức các lớp, Chương trình tập huấn, để tạo sự thống nhất trong nhận thức, thực thi, hạn chế thiếu sót trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, cũng theo ông Sản, việc chuẩn hóa, nâng cao trình độ vấp phải rào cản từ chính ý thức, sự chủ động của đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở. Cuối năm 2012, Sở TN&MT phối hợp trường Đại học Tài nguyên-Môi trường mở lớp đào tạo cán bộ địa chính cơ sở nhưng đáng tiếc, không thực hiện được do không tuyển đủ số lượng học viên. Trong khi đó, ý thức tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở hạn chế.

Trong các năm gần đây, Sở TN&MT phối hợp các Bộ, ngành trung ương tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng theo chuyên đề dành cho đội ngũ cán bộ địa chính quận, huyện và các xã, phường. Thế nhưng, thực tế này có thể thấy rõ khi số học viên tham gia những Chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn không đều, không đủ, chưa nghiêm túc.

Được biết, để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý đất đai ở cơ sở cho cả trước mắt và lâu dài, Sở TN&MT phối hợp với các quận, huyện xem xét việc bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ địa chính cơ sở. Theo đó, sẽ xem xét xin bổ sung định biên sự nghiệp và cả lao động hợp đồng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiếu sai sót, công tác tuyển dụng cần được coi trọng, thực hiện chặt chẽ hơn; đồng thời có Chương trình, kế hoạch đào tạo lại đội ngũ cán bộ. (Nguyên Mai, Báo Hải Phòng 11/6, tr4)

2.     Giới thiệu một Hải Phòng năng động, thân thiện và mến khách

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch thành phố Đan Đức Hiệp - Trưởng Ban chỉ đạo Hội nghị ISSS Hải Phòng 2013 tại cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị Hội nghị thế giới thường niên lần thứ 57 của Hiệp hội Khoa học hệ thống Quốc tế tại Hải Phòng, do UBND thành phố tổ chức sáng 10/6.

Sau khi nghe lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương báo cáo kết quả công tác chuẩn bị cho ISSS Hải Phòng 2013, Phó Chủ tịch Đan Đức Hiệp đánh giá cao công tác chuẩn bị của các Sở, ngành, địa phương thời gian qua. Ông nhấn mạnh, từ nay đến 15/7 - ngày tổ chức Hội nghị Quốc tế ISSS Hải Phòng 2013, các Sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xem xét lại từng khâu công việc theo chức trách, nhiệm vụ được phân công nhằm chuẩn bị thật chu đáo, góp phần để Hội nghị thành công tốt đẹp. Qua đó, quảng bá, giới thiệu với bạn bè Quốc tế về một Hải Phòng năng động, thân thiện và mến khách.

Giáo sư Okie Bosch - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học tư duy hệ thống Quốc tế cho rằng, việc các Sở, ngành, địa phương của thành phố tham gia các khâu chuẩn bị cho Hội nghị Quốc tế, nhất là việc triển khai Chương trình trò chơi phát triển bền vững trong nhiều trường Đại học, THPT thể hiện sự quan tâm của thành phố với tư duy khoa học hệ thống khi phát triển bền vững đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Giáo sư Okie Bosch cũng trao đổi, làm rõ hơn một số vấn đề chung quanh việc tổ chức Hội nghị, giúp các Sở, ngành, địa phương trong công tác chuẩn bị từ nay đến khi Hội nghị diễn ra. (Báo Hải Phòng 11/6, tr1; Hải Hậu, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr1+4; Bản tin thời sự tối 10/6, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng)

3.     Huyện An Lão: 12 Phòng, Ban áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001-2008 vào hoạt động

Đến nay, huyện An Lão hoàn thiện và ban hành hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 tới 12 Phòng, Ban thuộc UBND huyện.

Quá trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, các đơn vị có nhiều cố gắng trong việc duy trì cải tiến hệ thống. Áp dụng tiêu chuẩn trên, việc tổ chức, thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản, hồ sơ, tài liệu được ngăn nắp và có hệ thống hơn; cán bộ, công chức được phân công trách nhiệm rõ ràng trong xử lý công việc, tinh thần trách nhiệm được quy định rõ ràng hơn…

Thời gian tới, huyện chỉ đạo các Phòng chức năng tiếp tục khảo sát tình hình hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001-2008, đồng thời xây dựng kế hoạch đưa hệ thống tiêu chuẩn ISO vào hoạt động tại UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. (Báo Hải Phòng 11/6, tr2)

NĂM DU LỊCH QUỐC GIA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG – HẢI PHÒNG 2013

4.     Gần 60 hướng dẫn viên du lịch được bồi dưỡng kiến thức định kỳ

Sở VH-TT&DL vừa phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Du lịch dịch vụ Hải Phòng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho gần 60 hướng dẫn viên thuộc các Công ty du lịch, hãng lữ hàng và đơn vị kinh doanh, dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Trong 3 ngày, các hướng dẫn viên đã được giảng viên là các chuyên gia, nhà quản lý, nghiên cứu về du lịch truyền đạt, trao đổi các nội dung liên quan đến bối cảnh du lịch trong và ngoài nước; tình hình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của cả nước và Hải Phòng; quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; một số sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch của cả nước và thành phố…

Các học viên được trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác lữ hành, hướng dẫn… Sau khóa học, các học viên viết bài thu hoạch và được cấp chứng chỉ.

Đây là một trong những điều kiện để cơ quan chức năng xét cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch cho các học viên, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức hấp dẫn cho các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố. (Dulichvn.org.vn 10/6)

5.     Khu nghỉ dưỡng Cát Bà Beach Resort chính thức hoạt động

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hùng Vương Trịnh Ngọc Dũng cho biết, Công ty vừa đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng Cát Bà Beach Resort tại bãi biển Cát Cò 2.

Đây là khu nghỉ dưỡng nằm trong quần thể núi non, bãi biển đẹp, hang động đan xen các công trình nhân tạo và các dịch vụ nghỉ dưỡng ở Cát Bà. Hệ thống nhà sàn, nhà gỗ với nội thất hiện đại, dịch vụ vui chơi, giải trí tại Resort đáp ứng nhu cầu thư giãn của du khách. Bên cạnh đó, các môn thể thao dưới nước, bar bên bãi biển, nature spa & sauna duy nhất bên biển gắn kết con người với thiên nhiên.

Cát Bà Beach Resort triển khai nhiều dịch vụ miễn phí cho khách lưu trú tại Resort bao gồm dịch vụ ăn sáng, cocktail bãi biển, dịch vụ spa; các môn thể thao bãi biển như thuyền kayak, lướt ván buồm, dịch vụ tham quan khu du lịch Pháo đài Thần công. Với mỗi bungalow (nhà gỗ), du khách được tặng vé giảm giá 10% các dịch vụ tại câu lạc bộ thể thao bãi biển như: Cano thăm vịnh Lan Hạ, Áng thảm, dịch vụ sử dụng phao chuối… (Báo Hải Phòng 11/6, tr2)

6.     Từ thành công của Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng 2013: Hiện thực hóa vai trò trung tâm của thành phố Cảng

Với việc tổ chức thành công chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hải Phòng 2013 và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ hai, Hải Phòng đã tạo một tiếng vang lớn trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Đây là điểm nhấn ấn tượng, khẳng định vị thế đầu tàu, là cực tăng trưởng trọng điểm của cả khu vực, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng trở thành thương hiệu của vùng, dựa trên các giá trị nổi bật về môi trường tự nhiên và văn hóa điểm đến.

Thành phố củng cố, xác định lại các sản phẩm du lịch truyền thống, xây dựng mới các sản phẩm du lịch nội và liên vùng, khuyến khích hình thành các nhóm sản phẩm mới. Các hoạt động quảng bá du lịch cũng được mở tại website vanminhsonghong.gov.vn, mở chuyên trang, chuyên mục tên các phương tiện thông tin đại chúng, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương và các địa phương bạn.

Các Đoàn công tác của thành phố đã khảo sát, nghiên cứu thực tế và ký Chương trình phối hợp phát triển du lịch với 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng, tăng cường các hoạt động xúc tiến, tham dự các Hội chợ Du lịch trong nước và Quốc tế…

Có thể khẳng định, Tuần Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng lần thứ 2 vừa được tổ chức thành công đã mở ra một không gian tiếp diễn cho Hải Phòng để từ đây, thành phố vững tin thực hiện các mục tiêu cao hơn, tầm vóc, quy mô, diện mạo cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế, văn hóa – xã hội, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước. (Trần Lê, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr1+4)

7.     Ngăn chặn tình trạng “chặt chém” tại khu du lịch Cát Bà

Nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chấn chỉnh hiện tượng “chặt chém”, nâng giá, ép giá làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh Cát Bà trong mắt du khách, ngay khi bước vào mùa du lịch 3013, huyện Cát Hải chỉ đạo Phòng VH-TT&DL phối hợp với Phòng Tài chình – Kế hoạch và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn huyện đăng ký niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch phải đăng ký giá dịch vụ lưu trú với Phòng  Tài chính – Kế hoạch và thực hiện theo giá đã đăng ký. Bảng giá đăng ký này sẽ được niêm yết công khai tại quầy lễ tân của các cơ sở để du khách có thể dễ dàng nắm bắt thông tin, tránh bị ép giá. Mức giá đăng ký phải là giá mà các doanh nghiệp, chủ cơ sở lưu trú bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy cách cũng như chất lượng dịch vụ của cở… (PĐT, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr4)

 

NÔNG THÔN MỚI

8.     Dân vận khéo, góp sức xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới, việc làm đường giao thông là tiêu chí quan trọng hàng đầu nhưng cũng là tiêu chí khó thực hiện do kinh phí lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi của nhiều hộ dân. Nếu không được nhân dân đồng thuận, nhất trí cao, sẽ rất khó thực hiện.

Ý thức được điều này, cán bộ, hội viên cựu chiến binh xã Quang Trung (An Lão) đã làm tốt việc phát huy vai trò, vận động nhân dân xây dựng đường giao thông thôn xóm.

Đi đầu trong phong trào này là Chi hội Cựu chiến binh thôn Cát Tiên. Với cách làm chọn một xóm làm điểm, cán bộ, hội viên cựu chiến binh gương mẫu tham gia hiến đất, mở đường, đồng thời tới từng nhà tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân cùng chung tay góp sức.

Cựu chiến binh Tạ Văn Khan gương mẫu hiến một phần diện tích ao để nhân dân xây kè dài 40m, rộng ra 1,5m làm đường. Từ đó, nhiều người dân noi theo tự nguyện hiến đất, mở đường sang hai bên, mỗi bên rộng 1m – 1,5m. Những nhà không phải hiến đất thì tự nguyện đóng góp kinh phí phục vụ việc làm đường, mức thấp nhất là 500.000 đồng, có hộ đóng 2 triệu đồng.

Quá trình thi công, các cựu chiến binh đều trực tiếp tham gia. Do thiếu lao động, các xóm tổ chức làm đường vào ngày chủ nhật, huy động các thành viên trong các gia đình cùng tham gia. Để có thêm kinh phí, các cựu chiến binh thôn Cát Tiên còn tích cực phối hợp tổ chức các đoàn đi vận động các doanh nghiệp, các cá nhân có điều kiện trên địa bàn ủng hộ. Số kinh phí thu về được sử dụng xây kè bờ ao, rãnh thoát nước… Sau 1 tháng, 25 tuyến đường của thôn Cát Tiên với tổng chiều dài 7.800m đều được xây mới, mặt đường rộng 4m – 5m, khoảng 800m rãnh thoát nước, 800m bờ ao được xây kè chắc chắn, với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng.

Từ thành công của thôn Cát Tiên, Hội Cựu chiến binh xã tiếp tục, nhân rộng mô hình ra nhiều thôn khác. Xuất hiện nhiều cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong hiến đất, mở đường, vận động bà con như cựu chiến binh Đỗ Xuân Bằng, Đỗ Xuân Liệu…

Cùng với việc góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường giao thông, cán bộ, hội viên cựu chiến binh xã Quang Trung còn triển khai phong trào tự đóng góp kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa và cải tạo cảnh quan, môi trường ở địa phương. Như ở thôn Câu Hạ A, Câu Hạ B, hội viên cựu chiến binh đóng góp 100.000 đồng – 200.000 đồng/người xây dựng 2 sân khấu ngoài trời phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, với tổng kinh phí hơn 20 triệu đồng.

Với những việc làm thiết thực, lực lượng cựu chiến binh xã Quang Trung, huyện An Lão góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tại hội nghị biểu dương học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức vừa qua, những đóng góp của cựu chiến binh xã Quang Trung, An Lão được biểu dương và ghi nhận là một trong những gương điển hình cần được nhân rộng thời gian tới. (Báo Hải Phòng 11/6, tr3)

9.     Xã Đặng Cương, huyện An Dương: Người dân hiến 1.700m2 đất thổ cư xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, xã Đặng Cương duy trì hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết chúng sức xây dựng nông thôn mới”. Xã đã huy động nhân dân đóng góp nhiều công, của xây dựng cơ sở hạ tầng.

Từ năm 2012 đến nay, xã có gần 100 hộ dân hiến 1.700m2 đất thổ cư, 25 hộ hiến 521m2 đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh mà không đòi hỏi bồi thường…

Thời gian tới, Đặng Cương tiếp tục phát huy hiệu quả sức dân trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành 7 tiêu chí còn lại để đạt 19/19 tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. (Báo Hải Phòng 11/6, tr2)

AN NINH – PHÁP LUẬT

10.            Bố vợ 89 tuổi bắn con rể trọng thương

Chiều tối 10/9, ông Lê Đức Trang (89 tuổi, trú phố Chợ Hàng, quận Lê Chân) mâu thuẫn với con rể là anh Nguyễn Văn Huân nên hai bố con đã xảy ra “khẩu chiến”. Từ mâu thuẫn bố con, ông Trang đuổi đánh con rể khiến người này bỏ chạy ra ngoài ngõ. Lát sau, anh Huân quay lại lấy xe máy ra về.

Khi anh Huân vừa dắt xe ra khỏi cổng, ông Trang vác súng hoa cải đuổi theo nhằm bắn anh Huân. Nhiều viên đạn hoa cải găm vào người anh Huân, khiến anh vừa dắt xe vừa chạy được một đoạn thì gục xuống.

Lúc súng nổ, chị Đàm Thị Lan (SN 1984, nhà đối diện cống nhà ông Trang) đi làm về, khi nhìn thấy ông Trang cầm súng chĩa về phía anh Huân bắn nên vội xuống xe, ép sát người vào tường nhưng vẫn bị 2 viên đạn găm vào đùi và sườn trái.

Sau khi sự việc xảy ra, người dân đưa anh Huân và chị Lan đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, đồng thời báo Cảnh sát 113 và Công an phường Dư Hàng Kênh bắt giữ ông Trang. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Trật tự - Công an thành phố cử một tổ công tác đến hiện trường.

Tại nhà ông Trang, sau một thời gian thuyết phục, ông chỉ chỗ cất khẩu súng bắn đạn hoa cải cùng 10 viên đạn cho lực lượng Cảnh sát 113. Vụ việc sau đó được bàn giao cho Công an quận Lê Chân tiếp tục điều tra, xử lý. Sau khi nhận bàn giao vụ việc từ lực lượng Cảnh sát 113, Công an quận Lê Chân tiến hành khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai của những người liên quan.

Tuy nhiên, cho đến 22 giờ cùng ngày, ông Trang vẫn chưa bị dẫn giải về cơ quan Công an để điều tra làm rõ vụ việc. (Minh Khang, VTCNews 11/6; Nguyễn Đại, Danviet.vn 11/6; Citinews.net 11/6; Giang Chinh,An Ninh Thủ Đô Online 11/6; Báo Hải Phòng vo 11/6)

11.            Từ nông dân chân đất thành tội phạm tự chế thuốc nổ

Chỉ bằng những vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm trên thị trường như: mùn cưa, phân đạm, dầu luyn…, các “kỹ sư”- vốn là những nông dân thuần chất- mày mò, chế tạo ra hàng tấn… thuốc nổ. Đây là vấn đề đáng báo động về quản lý vũ khí, vật liệu nổ ở Hải Phòng, đang đặt ra yêu cầu với các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán trái phép vật liệu nổ.

Chế tạo mìn bằng… mùn cưa, phân đạm

Nhiều năm nay, huyện Thủy Nguyên được coi là "điểm nóng" về tình trạng sản xuất, buôn bán vật liệu nổ. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, Công an huyện Thủy Nguyên phát hiện, bắt giữ hơn chục vụ sản xuất, mua bán thuốc nổ tự chế.

Mới đây nhất, chiều 6/5, trên tuyến đường liên thôn Phi Liệt (xã Lại Xuân), Công an huyện bắt quả tang Đỗ Văn Úy (SN 1968, ở xã Cao Nhân) điều khiển ô-tô tải vận chuyển 43 bao tải chứa chất bột vón cục mầu nâu. Kết quả giám định cho thấy đó là 1.279 kg thuốc nổ tự chế được Úy chở đi bán cho các máng khai thác đá khu vực xã Lại Xuân.

Qua điều tra, Công an xác định, số thuốc nổ trên do Đỗ Thị Huyền (35 tuổi, ở Lại Xuân) tổ chức sản xuất, với nguyên liệu gồm phân đạm, mùn cưa và dầu nhờn phế thải, đều là những thứ dễ kiếm. Với 2 lò nấu, Huyền có thể chế tạo 100-200kg thuốc nổ mỗi ngày, bán cho các máng khai thác đá “thổ phỉ”. Giá phân đạm chỉ khoảng 20.000 đồng/kg nhưng thuốc nổ có thể bán 30.000-33.000 đồng/kg, lợi nhuận cao như vậy nên dù đã khối kẻ vào tù nhưng Huyền vẫn bị lóa mắt đi vào vết xe đổ ấy.

Trước đó, Công an huyện Thủy Nguyên đánh sập 1 lò sản xuất thuốc nổ được núp bóng là trang trại chăn nuôi do Nguyễn Đức Vinh (SN 1968, trú xã Minh Tân) là chủ đồng thời là "chuyên gia" chế tạo thuốc nổ. Quá trình khám xét nhà Vinh, cơ quan Công an thu 13kg thuốc nổ thành phẩm, 1 tạ phân đạm, 1 bao mùn cưa, 1 can dầu ma - dút là những nguyên liệu chính sản xuất thuốc nổ.

Vinh khai: Cứ 5kg phân đạm, đối tượng này pha trộn với phụ gia (như mùn cưa, dầu madút...) để cho ra lò 13kg thuốc nổ thành phẩm, nói cách khác, cứ mỗi kg phân đạm sẽ cho ra lò 2,6kg thuốc nổ. Kíp nổ sẽ được nhét vào giữa thỏi hỗn hợp này và chỉ kích nổ là "bùm".

Là người từng triệt phá nhiều vụ sản xuất, chế tạo mìn, một trinh sát Công an huyện Thủy Nguyên cho biết, việc đánh phá các vụ sản xuất mìn tự chế là quá trình trinh sát công phu, vì công an không thể bắt khi đối tượng cất giữ trong nhà vài tạ phân đạm, chục lít dầu thải và một ít mùn cưa. Chỉ khi họ dùng để pha chế và làm rõ hành vi này nhằm sản xuất mìn tự chế, cơ quan chức năng mới có cơ sở để tiến hành bắt giữ.

Hậu quả khôn lường

Sử dụng làm phương tiện gây án, trả thù do mâu thuẫn làm ăn hoặc mâu thuẫn cá nhân. Người dân thôn Niêm Ngoại, xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên vẫn kinh hoàng khi nhớ lại vụ nổ xảy ra vào đêm 29/6/2010. Thời điểm đó, hai bố con Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Đôn dùng xe ôtô chở 120kg thuốc nổ, 1.000 kíp mìn và 26kg dây cháy chậm từ nhà đi tiêu thụ. Giữa đường, do gặp lực lượng Công an, bố con Lâm vứt khối thuốc nổ, kíp mìn, dây cháy chậm xuống rãnh nước bên đường. Sau khi chạy thoát thân về nhà, bố con Lâm quay trở lại, lấy rơm phủ lên khối thuốc nổ đốt khiến mìn phát nổ.

Sức công phá của hơn 100kg mìn tự chế khiến con đường nhựa dẫn vào thôn Niêm Ngoại bị cắt ngang bởi 1 hố rộng khoảng 8m, sâu gần 2m, hơn 10 người bị thương và hơn 100 ngôi nhà trong vòng bán kính 1km hư hỏng nặng. Những hậu quả đau lòng trên gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý vật liệu nổ hiện nay.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ được triển khai đến các gia đình. Tại các trụ sở Công an xã, phường và các cấp chính quyền địa phương đều có địa điểm để người dân đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, công tác này chỉ có tác động đối với người dân có ý thức, còn đối với bọn tội phạm thì chúng luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật…

Từ những sự việc xảy ra, có thể nói đây là những bài học cảnh báo về tình trạng sử dụng vật liệu nổ trái phép trong bộ phận người dân, cũng là biểu hiện cho thấy việc quản lý về thuốc nổ của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, nhiều kẽ hở ?! (Thảo Nguyên, Báo Hải Phòng 11/6, tr3)

12.            Không thể để các đối tượng, băng nhóm kiểu "xã hội đen" lộng hành (Tiếp theo)

Đe dọa, bắt cóc, hành hung, sử dụng vũ khí nóng, thậm chí phóng hỏa, giết người là những thủ đoạn mà nhiều đối tượng côn đồ, băng nhóm giang hồ dùng để giải quyết mâu thuẫn, đòi nợ thuê. Những thông tin liên tiếp về các vụ việc đòi nợ, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực qua các nhóm đối tượng côn đồ xảy ra trên địa bàn thành phố trong thời gian qua khiến nhiều người dân cảm thấy bất an.

Từ đe dọa, khủng bố bằng..."bom bẩn"

Để lấy được “món nợ khó đòi”, nhiều chủ nợ thuê côn đồ đòi nợ. Nhẹ nhàng nhất là túc trực thường xuyên trước cửa nhà con nợ và đeo bám dai dẳng như hình với bóng. Kiểu đòi khác là lén lút đổ chất bẩn vào nhà con nợ, hoặc vào tận nhà con nợ để dằn mặt, khủng bố, dọa… giết cả nhà nếu không thanh toán. Những kiểu đòi trên nhằm uy hiếp tinh thần con nợ, thậm chí tìm cách khống chế, đưa con nợ đến địa điểm vắng tra tấn.

Nhắc tới việc đòi nợ bằng thứ hỗn hợp, gồm dầu nhớt thải trộn mắm tôm lẫn phân người, hay còn gọi là “bom bẩn”, nhiều người rùng mình khi nhắc tới trường hợp của gia đình ông Trần Quang D - chủ shop thời trang Dũng Nga (phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền).

Vào một buổi sáng tháng 12/2012, bất ngờ 2 thanh niên bịt mặt ập đến, ném "bom bẩn" vào cửa hàng của gia đình ông. Được biết, từ năm 2011, vợ chồng ông bà có vay nợ hơn 2 tỷ đồng của một người cùng quận. Do chưa kịp trả tiền, nên nhà riêng, đồng thời là Shop Dũng Nga của ông bà liên tục bị khủng bố bằng “bom bẩn”. Theo đó, trong gần 1 tháng, gia đình ông bà bị nhóm người lạ ném bom bẩn vào nhà tới 5 lần. Vợ chồng ông phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo lắng cực độ.

Cách đây ít lâu, nhà riêng (ở phố Đông Trà, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) của một Tổng Giám đốc trong lĩnh vực tàu biển cũng bị kẻ xấu quăng hỗn hợp cá mực thối trộn lẫn dầu nhớt, khiến cả nhà khốn khổ bởi thứ mùi thối khẳn. Gia đình thuê người tẩy rửa, nhưng do chất gây mùi khó chịu trộn lẫn dầu nhớt không thể tẩy sạch được mùi. Gia đình nạn nhân nhận định, sự việc có thể xuất phát từ mâu thuẫn trong làm ăn.

Đến đập phá, phóng hỏa, bắt, đánh người...

Mới đây nhất, Báo Hải Phòng liên tiếp nhận được đơn tố cáo liên quan đến 2 vụ án xảy ra trên địa bàn xã Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo). Đơn ký tên anh Phạm Văn Hồi (ở xã Giang Biên) tố cáo: Từ việc mâu thuẫn, nghi ngờ do mất tiền mà một số đối tượng côn đồ đã bắt giữ anh trái phép, cưỡng đoạt tài sản và phóng hỏa thiêu rụi 2 gian hàng, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Đáng nói là việc bắt giữ anh trái phép rồi đe dọa cưỡng đoạt tiền của anh xảy ra trong nhiều ngày và ngay khi cơ quan Công an đang xác minh làm rõ thì các đối tượng coi thường pháp luật, ra tay phóng hỏa đốt nhà anh. Đến nay, Công an huyện Vĩnh Bảo đã ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại tài sản nhưng do giá trị tài sản thiệt hại lớn nên chuyển vụ án để Công an thành phố điều tra theo thẩm quyền.

Đơn ký tên bà Ngô Thị Bắc (xã Giang Biên) tố cáo một số đối tượng có liên quan đến cái chết của con trai bà là Phạm Hồng Sơn (SN 1995) mà nguyên nhân vụ án xuất phát từ những mâu thuẫn tranh giành địa bàn, ép buộc những người buôn bán, thu mua nông sản phải nộp lệ phí.

Cũng theo đơn tố cáo ký tên bà Bắc, sau khi gây án, các đối tượng còn dàn dựng thành vụ tai nạn giao thông. Điều đáng nói, xã Giang Biên có Quốc lộ 10 đi qua, địa bàn giáp ranh với huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Dương, nơi tập trung bến bãi kinh doanh vật liệu, các cửa hàng cầm đồ… Liên tiếp từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Giang Biên xảy ra nhiều vụ va chạm, cướp giật tài sản, mất an ninh trật tự. Và chỉ trong một thời gian ngắn, 2 vụ việc nghiêm trọng xảy ra, khiến người dân không khỏi lo lắng về an ninh trật tự.

Liên quan đến những tiêu cực tại khu Di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo), một số đối tượng côn đồ hành hung, phá hoại tài sản liên quan đến việc “cho chữ, xin chữ”. Vụ việc khiến nhà thư pháp Lê Thiên Lý -Giám đốc Trung tâm thư pháp, câu đối và Hán Nôm học thành phố Hải Phòng, cực chẳng đã phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng điều tra, xử lý.

Gần đây, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản, nhiều người buôn bán thua lỗ, vay nợ "tín dụng đen" không có khả năng trả nên hoạt động đòi nợ thuê, siết nợ, bắt giữ người trái pháp luật gia tăng. Các đối tượng gây án rất manh động, sẵn sàng sử dụng bạo lực đánh đập con nợ, thậm chí giữa ban ngày, ở nơi đông người.

Như trường hợp mới đây của anh Đỗ Văn Cường - cán bộ phụ trách tài chính của xã Hồng Thái do vay nợ chưa trả đã bất ngờ bị một nhóm người ngang nhiên xông vào sân UBND xã, chửi bới, đánh đập. Rồi vụ một Giám đốc thiếu nợ hơn 700 triệu đồng bị nhóm "côn đồ" bắt giữ, đánh đập rồi lấy tông-đơ gọt đầu thành… 3 chỏm hình trái đào. Các đối tượng còn chụp ảnh, dọa sẽ tung lên mạng nếu không chịu trả nợ.

Theo dư luận, Thông thường, giá của mỗi phi vụ đòi nợ thuê của các băng nhóm côn đồ thường từ 20-30% trên tổng số nợ mà chúng đòi được. Đối với những con nợ chây ỳ, khó đòi thì tỉ lệ này lên đến 50%. Cũng chính vì những khoản lợi nhuận phần trăm kếch xù từ số tiền đòi nợ mà các đối tượng côn đồ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào.

Hiện nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện các tổ chức tội phạm lớn, có tổ chức chặt chẽ, phân chia địa bàn hoạt động rõ ràng nhưng các băng nhóm tội phạm hiện thực hiện các hành vi đặc trưng của tội phạm có tổ chức như đòi nợ thuê, bắt giữ người tráipháp luật, sử dụng đối tượng lưu manh côn đồ để đâm thuê, chém mướn. Điều khiến dư luận thắc mắc nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng dùng “đầu gấu” đòi nợ ngày càng gia tăng, và vì sao nạn côn đồ, đầu gấu vẫn lộng hành? (Báo Hải Phòng Online 11/6)

13.            Quân chủng Hải quân: Thành lập Phòng tàu ngầm Hải quân

Quân chủng Hải quan vừa thành lập Phòng tàu ngầm Hải quân. Trước đó, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra quyết định thành lập Phòng tàu ngầm, trực thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân.

Phòng có chức năng tham mưu giúp Bộ Tham mưu và Bộ Tư lệnh Hải quân trong chỉ huy, quản lý, điều hành công ta s huấn luyện, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng tàu ngầm Quân chủng Hải quân. (Báo Hải Phòng 11/6, tr3)

14.            Trung đoàn 50: 100% chiến sĩ mới đạt kết quả khá, giỏi

Sáng 29/5, Trung đoàn 50 tổ chức Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới, đánh giá kết quả đợt huấn luyện đợt I/2013.

Đợt I/2013, Trung đoàn đón nhận và huấn luyện 500 chiến sĩ mới. Kết quả kiểm tra các nội dung: Điều lệnh, kỹ thuật, chiến đấu bộ binh, chiến thuật, thể lực, hậu cần… cho thấy, 100% cán bộ, chiến sĩ đạt loại khá, giỏi. (Báo Hải Phòng 11/6, tr3)

15.            Huấn luyện lực lượng dự bị động viên năm 2013 cho gần 300 chiến sĩ

Thực hiện kế hoạch tập huấn, huấn luyện và kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật năm 2013 của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Trung đoàn 836 vừa khai mạc huấn luyện lực lượng dự bị động viên tại Trung đoàn 50.

Trong thời gian 15 ngày (từ 2-16/6), học viên tham gia Chương trình huấn luyện cán bộ chuyên môn kỹ thuật đại đội cối 100 ly được thực hành huấn luyện theo điều lệnh, chuyên ngành cối 100 ly; nhiệm vụ bảo đảm hậu cần tron chiến đấu; nội dung bảo quản, bảo dưỡng các loại vũ khí trang bị khí tải được biên chế ở đơn vị… (Báo Hải Phòng 11/6, tr3)

16.            Kiểm tra công tác quân sự tại Viễn thông Hải Phòng

Sáng 5/6, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam tổ chức kiểm tra toàn diện công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2013 tại Viễn thông Hải Phòng.

Tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ huấn luyện, phương pháp tổ chức huấn luyện và kết quả huấn luyện; đồng thời biểu dương tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, quốc phòng an ninh với kinh tế của tự vệ Viễn thông Hải Phòng thời gian qua. (Tống Trọng, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr3)

GIAO THÔNG

17.            Tàu Mê Kông Hoàng Yến không được chạy vì chở quá số người quy định

Sáng 10/6, cơ quan chức năng yêu cầu tàu Mê Kông Hoàng Yến của Công ty Cổ phần Vận tải du lịch Hải Phòng không được xuất bến (tuyến Bến Bính-Cát Bà) vì chở quá số người quy định, không bảo đảm an toàn. Sự việc trên khiến gần 200 hành khách bức xúc vì phải bỏ tiền mua vé tàu của hãng khác để đi Cát Bà.

Được biết, liên tục trong những ngày gần đây, tàu Mê Kông Hoàng Yến nhiều lần vi phạm chở quá số người so với quy định khi hoạt động tuyến Bến Bính- Cát Bà và ngược lại.

Cụ thể, ngày 2/6, tàu này từ Cát Bà về Bến Bính chở quá 200% số người so với quy định và ngày 8/6, tàu lại tiếp tục chở quá 80 người so với quy định.

Vụ việc trên cho thấy, Công ty Vận tải du lịch Hải Phòng cố tình vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường thủy nội địa, thiếu trách nhiệm trước tính mạng của hành khách. Mặt khác, cơ quan chức năng thiếu kiên quyết ngay từ đầu, để doanh nghiệp này tái phạm nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch của thành phố, cần phải được chấn chỉnh. (Báo Hải Phòng Online 10/6)

GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

18.            Xử phạt tám trường Đại học, Cao đẳng vi phạm  liên kết đào tạo

Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa tiến hành xử phạt hành chính tám trường Đại học, Cao đẳng. Trong đó, có năm trường đại học: Dược Hà Nội, Nông nghiệp Hà Nội, Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Dân lập Hải Phòng, Công nghệ Vạn Xuân; ba trường Cao đẳng: Xây dựng số 2 (TPHCM),  Sư phạm Lào Cai và trường cao đẳng ASEAN.

Các trường bị xử phạt do tuyển sinh Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sai đối tượng theo quy định; tuyển sinh liên thông trình độ Cao đẳng lên Đại học chính quy khi không được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo liên thông; tuyển sinh đào tạo hệ vừa làm vừa học khi không được phép; thu nhận hồ sơ, tổ chức thi tuyển sinh để đào tạo liên thông trình độ Trung cấp, Cao đẳng, Cao đẳng nghề lên trình độ Đại học hệ chính quy; vi phạm về quản lý, cấp phát văn bằng... Các trường bị phạt hành chính từ 4-100 triệu đồng, tùy từng trường hợp vi phạm. Ngoài ra, một số trường còn phải buộc thôi học, trả lại học phí cho sinh viên đào tạo sai quy định.

Theo đó, trường Đại học Dân lập Hải Phòng bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do năm 2010 trường đã tuyển sinh và đào tạo 225 sinh viên (khóa 4) từ trình độ Cao đẳng liên thông lên trình độ Đại học chính quy tại trường khi không được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo liên thông. (Nhân Dân Điện Tử 10/6; Phan Thảo, Sài Gòn Giải Phóng 11/6, tr7)

19.            Sinh viên nghiên cứu khoa học 2013: Phát hiện và bồi dưỡng năng lực sinh viên

Công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên, được coi như một nhiệm vụ trọng tâm của quá trình đào tạo. Các trường Đại học ở Hải Phòng đã rút kinh nghiệm thực tiễn, cải tiến phương pháp hướng dẫn, nhờ đó Chương trình đạt được những kết quả khả quan.

Thực tiễn công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên hiện nay

Nghiên cứu khoa học trong sinh viên là một hoạt động quan trọng trong mục tiêu đào tạo của các trường Đại học nói chung và Đại học ở Hải Phòng nói riêng. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Thị Minh - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Đại học Hải Phòng), trong một thời gian dài, có thực trạng hướng nghiên cứu của một số Đề tài chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của các chuyên ngành, còn mang nặng tính hàn lâm; các kỹ năng nghiên cứu và trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu cập nhật quốc tế; sự thiếu chủ động, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học trên tổng số sinh viên toàn trường còn thấp.

Tại các Hội thảo của trường Đại học Hàng hải, Đại học Hải Phòng, các chuyên gia xác định, nguyên nhân căn bản là việc nghiên cứu của sinh viên chưa được đặt trong một không gian thực sự khoa học. Từ trước tới nay, chưa có sự phối hợp giữa việc sinh viên nghiên cứu khoa học và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học, bởi thế Đề tài nghiên cứu không mang tính thực tiễn và tính ứng dụng cao. Sinh viên gặp khó khăn khi tiếp xúc với các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp để nghiên cứu thực tế. Mặt khác, do quan niệm nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ là hoạt động phong trào nên vai trò định hướng của người thầy trong nghiên cứu khoa học đối với sinh viên còn hạn chế.

Nắm bắt thực trạng này, các trường Đại học ở Hải Phòng có những giải pháp chỉ đạo đổi mới. Nhờ đó, Chương trình nghiên cứu khoa học trong sinh viên đạt được những thành quả bước đầu.

Những kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên Hải Phòng

Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên của trường Đại học Hải Phòng có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mỗi năm, nhà trường có 30 - 35 Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đoạt giải cấp trường và cấp khoa, gần 20 Đề tài cấp Bộ, giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.

Trường vừa tổ chức Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2013 với tổng số 43 công trình nghiên cứu khoa học và 57 bài báo khoa học của các sinh viên và nhóm sinh viên tham dự. Nội dung các công trình nghiên cứu khoa học khá đa dạng, phong phú, phản ánh rõ năng lực nghiên cứu khoa học và khả năng tiếp cận những hướng nghiên cứu mới, bảo đảm tính thực tiễn cao. Một số báo cáo được Hội đồng khoa học trường đánh giá có tính ứng dụng cao như: “Xây dựng mô hình cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại phường Ngọc Sơn, quận Kiến An” (Sinh viên Nguyễn Thị Kim Đoan, Đại học Công tác xã hội K10); “Giải pháp kiến trúc - kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường của nhà biệt thự tại Hải Phòng” (Sinh viên Nguyễn Thế Hưng, Đại học Xây dựng BK9)…

Tại Đại học Hàng hải, Chương trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được tổ chức hướng dẫn bài bản theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT. Các tiêu chí đánh giá được thực hiện chặt chẽ, có sự tham gia của các chuyên gia cấp Bộ. Năm 2013, có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được gửi đến ban tổ chức. Qua đánh giá, có 14 đề tài được xét trao giải và 7 trong số 14 công trình được Hội đồng khoa học nhà trường chọn gửi tham dự cuộc thi Tài năng khoa học trẻ Việt Nam. Trong đó, công trình “Nghiên cứu chế tạo la bàn từ số đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn tín hiệu hàng hải có ghép nối với máy tính PC để giám sát và ghi nhật ký hướng đi” của cặp tác giả Đào Mạnh Hân, Phạm Duy Đại, ĐTT5ĐH do Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn hướng dẫn đạt 87,67/100 điểm, được xếp vị trí số 1.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn Thuyên - Hiệu trưởng Đại học Hải Phòng: “Việc thúc đẩy sinh viên nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu cho sinh viên đồng thời góp phần đào tạo, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ giảng viên”. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong trường đại học, trong đó có đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là cả một quá trình, cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều khoa, của cả giảng viên và sinh viên, của nhà trường và xã hội.

Qua việc tổ chức thành công Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học 2013 của các trường Đại học ở Hải Phòng, có thể thấy, nghiên cứu khoa học là hướng đi đúng, thiết thực của tuổi trẻ. Hoạt động này thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, góp phần đưa các trường Đại học ở Hải Phòng sớm trở thành các trường Đại học đạt chuẩn Quốc gia và Quốc tế. (Báo Hải Phòng 11/6, tr5)

20.            Kết thúc kỳ thi Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc 2013: Đội Hải Phòng giành cúp Đồng thi tiếp sức đồng đội cấp THCS

Ngày 10/6, tại Vĩnh Phúc, kỳ thi Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc lần thứ 9 kết thúc thành công sau 2 vòng thi cá nhân và tập thể với 372 học sinh Tiểu học, THCS của 62 đội, đến từ 35 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong cuộc thi này, về giải tiếp sức đồng đội ở bậc THCS, đội Hải Phòng giành cúp Đồng. (Báo Hải Phòng 11/6, tr1)

KINH TẾ

21.            Khó khăn trong việc tìm đầu ra cho vải thiều Bát Trang

Việc tìm đầu ra cho vải Bát Trang (huyện An Lão) hiện vẫn là vấn đề khó khăn đối với địa phương, thậm chí một số hộ dân đã buộc phải chặt bỏ cây vải để trồng giống cây khác. Hiện đang là chính vụ vải thiều tại xã Bát Trang - vùng đất trồng vải lớn nhất của thành phố Hải Phòng tại thời điểm này.

Tuy nhiên, cũng như mọi năm, đầu ra cho sản phẩm nông sản này đang là bài toán khó đối với chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, vải thiều Bát Trang còn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của vải Hải Dương, Bắc Giang khiến giá vải giảm mạnh.

Tình trạng tiểu thương ép giá thường xuyên diễn ra khiến bà con nông dân không còn mặn mà với cây vải. Vài năm trở lại đây, không ít gia đình đã lựa chọn chặt bỏ cây vải để trồng cây khác khiến diện tích trồng vải ở Bát Trang giảm đáng kể. (Radiovietnam.vn 9/6)

22.            Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 2.63%

Theo Cục Thống kê Hải Phòng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2013 của thành phố tăng 2.63% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ngành sản xuất sản phẩm ống nhựa và sản phẩm plastic có chỉ số phát triển công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành chiếm tỉ trọng lớn như xi măng tăng hơn 20%, thép giảm hơn 16%. Đáng chú ý, ngành sản xuất phương tiện vận tải có mức giảm tới hơn 34% so với cùng kỳ. (Radiovietnam.vn 10/6)

23.            Tập đoàn Nhật khánh thành Nhà máy 190 triệu USD tại Hải Phòng

Theo Cổng thông tin điện tử Hải Phòng, Tập đoàn Kyocera (Nhật Bản) vừa khánh thành Nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam tại Khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

 

Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 187,5 triệu USD với 100% vốn của Kyocera Mita. Nhà máy chuyên sản xuất các loại máyphotocopy, máy in bình dân, các sản phẩm đa chức năng và thiết bị ngoại vi sử dụng cho văn phòng. Nhà máy chính thức khởi công từ tháng 11/2011. Dự kiến từ tháng 8, Nhà máy sẽ sản xuất sản phẩm gói linh kiện dán bề mặt (SMD package) để cung cấp cho thị trường toàn cầu. (Gafin.vn 10/6; T.P, Thời Báo Kinh Doanh 11/6, tr4)

24.            VIS: Vợ Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Thanh Hà đăng ký bán 82,696 cổ phiếu

Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS) thông báo: Bà Nguyễn Thị Thu Hà - vợ Giám đốc Chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Thanh Hà đăng ký bán 82,696 cổ phiếu từ ngày 15/6 - 14/7 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. (Duy Hoàng, Vietstock.vn 10/6)

25.            Để chặn đà tụt hậu nghề khai thác thủy sản Hải Phòng

Ngư dân không bám biển thì không có cá, tôm không có sinh kế. Đặc trưng sinh kế này buộc ngư dân phải gắn bó rất chặt chẽ với biển. Muốn ra được biển trong bối cảnh phức tạp hiện nay họ cần được đầu tư hỗ trợ. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân; tuy nhiên, vì nhiều lý do, các chính sách này chưa đến được ngư dân. Không được tiếp sức kịp thời, hiệu quả khi đang ở giai đoạn khó khăn nhất, ngư dân ngày càng đuối sức, khai thác thủy sản Hải Phòng vì thế ngày càng tụt hậu.

Tàu nằm bờ vì nguồn lợi cạn kiệt

Nhiều thời điểm chính vụ khai thác cá Nam hoặc cá Bắc nhưng ngư dân vẫn ngần ngại ra khơi vì… không có cá, lo thua lỗ. Nỗi lo ngày càng lớn khi nguồn thủy sản của Hải Phòng đang giảm dần. Trong khi đó lại có một nghịch lý là do không có chi phí đi biển dài ngày, nhiều tàu cá Hải Phòng chuyển từ khai thác xa bờ sang khai thác ven bờ, tận thu sản phẩm, khiến nguồn lợi thủy sản càng cạn kiệt.

Ra khơi nhưng không có cá

Ông Đinh Như Sửa - chủ tàu khai thác thủy sản ở thôn Láng Cáp, xã Lập Lễ, Thuỷ Nguyên than thở: “Tôi có tàu 250 CV, riêng tiền dầu cho một chuyến đi biển khoảng 150 triệu đồng, trong khi đó, một số vụ cá Bắc tàu thường xuyên trong tình trạng ra khơi không khai thác được con mực nào. Có chuyến tàu phải đánh bắt cá nhỏ làm chượp mắm, nhưng hơn 20 tấn cá này đành để thối vì không tìm được người mua. Sau những chuyến đi biển về tay trắng, tôi quyết định cho tàu nằm bờ, chỉ khi nào có thông tin có luồng cá từ các tàu bạn thì mới nhổ neo ra khơi”.

Theo ông Vũ Văn Cự - Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Lập Lễ: “2 vụ cá Bắc gần đây, tới hơn 60% số tàu cá của Tập đoàn nằm bờ. Thê thảm là vụ cá Bắc năm 2011, tập đoàn có 80% số tàu đánh cá nằm bờ, 15% số tàu ra khơi, nhưng hoạt động cầm chừng; sản lượng khai thác thủy sản của Lập Lễ khoảng vài tấn, mất mùa nghiêm trọng”.

Ông Nguyễn Đình Soành - chủ tàu HP 90075 và là Cụm trưởng cụm tàu an toàn số 4 của Tập đoàn đánh cá Đại Hợp (Kiến Thụy) lại cho hay, đang thời điểm chính vụ của vụ cá Nam nhưng chỉ có khoảng 50% số tàu vươn khơi của Đại Hợp đi khai thác. Nguyên do là các tàu đều chờ tìm được luồng cá thì mới ra khơi, vì chi phí tăng gấp đôi, nếu vươn khơi mà không có sản phẩm như thời gian vừa qua cầm chắc lỗ vốn. Một số tàu ở xã chuyển sang đánh ven bờ và sử dụng mắt lưới nhỏ, tận thu cả các loại cá tạp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Long - Viện Nghiên cứu Hải sản, khai thác thuỷ sản ở vùng biển Hải Phòng, vịnh Bắc Bộ đang ở tình trạng “gặm”vào chính nguồn lợi tự nhiên của mình, khai thác quá mức cho phép. Đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng cho thấy, vùng vịnh Bắc Bộ có trữ lượng khoảng hơn 680 nghìn tấn, đều là những loại cá có giá trị kinh tế không cao. Khả năng khai thác tối đa của vịnh Bắc Bộ khoảng 270.000 tấn, trong đó lượng cá nổi nhỏ có thể khai thác tối đa khoảng 150.000 tấn. Tuy nhiên, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã khai thác ở ngư trường này khoảng 170.000 tấn/năm và hàng năm hàng nghìn tàu di chuyển ngư trường của các tỉnh Nam Trung Bộ ra khai thác ở vịnh Bắc Bộ.

Việc dịch chuyển ngư trường này khiến năng suất khai thác của các tàu cá Hải Phòng sụt giảm nhiều sau mỗi năm. Năm 1999, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hải sản cứ 1CV công suất, tàu cá Hải Phòng khai thác 1 năm được 1 tấn cá, thì hiện nay, 1 CV công suất chỉ khai thác được 0,3 tấn, giảm gấp 4 lần.

Liên kết tìm kiếm ngư trường

Ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng tập đoàn đánh cá Đại Hợp, Kiến Thụy cho biết: “để tiếp tục bám biển, bám nghề trong điều kiện nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, chủ tàu cá ở Đại Hợp đã hợp tác sản xuất theo tổ, nhóm; tổ chức trung chuyển nhiên liệu, sản phẩm... nhằm giảm chi phí”.

Một số chủ tàu ở Lập Lễ (Thủy Nguyên) thì chọn cách cho tàu... nằm biển thay vì nằm bờ để giữ chân lao động, tức tàu cũng ra khơi nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, khi nào phát hiện được luồng cá thì tàu mới hoạt động. Trong tình thế này, việc hợp tác đi biển sẽ hỗ trợ nhau tìm ra ngư trường khai thác mới, giúp tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày. Nếu làm ăn cá thể, các chủ tàu phải tự đánh bắt, tự vận chuyển, ra vào như vậy rất tốn nhiên liệu, chưa nói nếu không có cá sẽ tổn thất nhiều hơn bởi giá xăng dầu tăng cao.

Theo ông Đỗ Quý Thạc - Chi cục Phó chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng, ngành NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hải sản và các đơn vị khoa học thuộc Bộ NN&PTNT nâng cao năng lực dự báo ngư trường và đưa được thông tin ngư trường, luồng cá đến ngư dân. Trong tương lai, thành phố sẽ xây dựng đề án tổng thể về khai thác hải sản, trong đó các khâu như hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần, thông tin liên lạc… đều được chi tiết hóa, có chương trình thực hiện cụ thể, sẽ xây dựng một bản đồ ngư trường chi tiết.

Cùng với đó, Chi cục phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân đối với những tàu công suất nào thì phân định đánh bắt ở vùng biển đó, tránh vi phạm Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp đã tính đến phương án thay đổi ngành nghề cho những lao động đang sở hữu những phương tiện nhỏ hành nghề khai thác ven bờ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm kiếm mô hình cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững, hướng chuyển đổi, giảm tàu thuyền công suất nhỏ mà không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Việc thực hiện giảm lượng tàu khai thác ven bờ phải làm đồng bộ trong cả nước, bởi sẽ khó thực hiện riêng lẻ ở từng địa phương.

Điều quan trọng hơn nữa là Nhà nước cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan để hạn chế số lượng tàu thuyền tham gia vào khai thác và quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, đưa ra những quy định đánh bắt cụ thể ở mỗi vùng biển liên quan đến hạn mức, phương pháp khai thác cũng như mùa, vùng đánh bắt..., đặc biệt là phát triển mạnh hoạt động quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng. (Hoàng Yên, Báo Hải Phòng 11/6, tr1+4)

26.            Quỹ đất 10% ở vị trí không thuận lợi: Thiếu quy định ràng buộc nhà đầu tư

Thành phố đang chỉ đạo riết róng việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm phát triển quỹ đất (Sở TN&MT) mới thực hiện đấu giá 36 lô đất thuộc quỹ đất 10% của 2 Dự án phát triển nhà của Công ty Cổ phần Vipco (Anh Dũng) và công ty TNHH Việt Vương và chỉ có 5 lô đất với diện tích hơn 1000 m2 đấu giá thành công, số tiền đấu giá 4 tỷ đồng. Đây không phải lần đầu việc đấu giá đối với quỹ đất 10% của dự án phát triển nhà đạt kết quả không cao.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng là quỹ đất 10% nằm ở vị trí không thuận lợi, khó hấp dẫn người mua. Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất, phần lớn quỹ đất 10% các Dự án dành lại đều nằm ở vị trí bất lợi, giáp nghĩa trang, đền, miếu hoặc ở các khu vực chéo méo, hạn chế chiều cao công trình, vướng đường điện… Chưa kể khu vực bàn giao chưa thi công hoàn thiện các phần hạ tầng còn lại theo hồ sơ thiết kế được duyệt… nên đấu giá quyền sử dụng đất ở những nơi này hiệu quả không cao. Quỹ đất này thường quy hoạch thành những lô lớn, chỉ phù hợp xây dựng biệt thự, trong khi đó, nhu cầu người sử dụng đất hiện chủ yếu là nhà chia lô. Đáng chú ý, có nhà đầu tư giao lại phần diện tích 10% ở khu vực chưa giải phóng mặt bằng, khiến việc đấu giá càng khó khăn hơn.

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc đấu giá quyền sử dụng đất đạt hiệu quả chưa cao là thiếu văn bản hướng dẫn, quy định, ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với việc bàn giao quỹ đất 10%. Cũng chưa có văn bản nào quy định nhà đầu tư giao  quỹ đất 10% vào thời điểm nào, giao ở vị trí nào? Vì thế mới có tình trạng cơ quan chức năng thành phố mất nhiều thời gian kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thì doanh nghiệp mới bàn giao đất 10%. Song, đến khi thu hồi được quỹ đất này việc khai thác, sử dụng phục vụ cho mục đích xã hội hiệu quả hạn chế.

Từ thực tế công tác đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất 10%, các ngành chức năng thành phố sớm xem xét, đề xuất quy chế phù hợp đối với việc thu hồi quỹ đất 10% để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết HĐND thành phố đề ra.

Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có 57 Dự án nhà do 31 chủ đầu tư thực hiện, trong đó có 39 Dự án phải giao nộp 10% diện tích đất ở theo Nghị quyết số 47/2003/HĐND thành phố. Theo đó, tổng diện tích đất giao cho 39 Dự án là hơn 637 ha (có hơn 219,5ha đất xây dựng nhà ở) tương ứng với diện tích đất ở phải thu hồi 10% là 21,95ha. (Báo Hải Phòng 11/6, tr4)

27.            Gần 10.789 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng mã số thuế

Đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có 10.789 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng mã  số thuế. Trong khi đó, toàn thành phố có 22.184 doanh nghiệp tồn tại ở tình trạng pháp lý đang hoạt động.

Theo Sở KH&ĐT, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, đóng mã số thuế đã giảm hơn so với thời gihan trước nhưng số thành lập mới chưa tăng. Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do tốc độ luận chuyển vốn chậm, hàng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn đặt hàng mới… (Báo Hải Phòng 11/6, tr2)

28.            Trung tâm Phát triển quỹ đất: Triển khai thêm 3 Dự án đấu giá quyền sử dụng đất

Dự kiến từ nay đến cuối năm, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở TN&MT) triển khai thêm 3 Dự án đấu giá quyền sử dụng đất đối với trụ sở cũ Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng (199 Tô Hiệu), 14 Trần Quang Khải và khu đất Tượng đài chiến thắng Cát Bi.

3 khu đất này có tổng diện tích 2,4 ha. Mức giá bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hậ tầng kỹ thuật khoảng 47 tỷ dồng, giá khởi điểm hơn 610 tỷ đồng, mức thu từ đấu giá được khoảng 200 tỷ đồng. (Báo Hải Phòng 11/6, tr4)

29.            Quận Dương Kinh: Chưa có hồ sơ thỏa thuận quy hoạch

Quận Dương Kinh hiện có 94 diểm với diện tích hơn 22 nghìn m2 đất, nhà ở người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phù hợp quy hoạch đất ở và được xem xét cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến nay, quận chưa có hồ sơ xin thỏa thuận quy hoạch. Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, quận lập hồ sơ để xét duyệt điểm phù hợp quy hoạch, trên cơ sở đó xem xét cấp sổ đỏ cho các thửa đất. (Báo Hải Phòng 11/6, tr4)

30.            Quận Kiến An: 5 điểm đất xen kẹt đưa vào kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2013

Theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt năm 2013, quận Kiến An có 6 điểm với tổng diện tích hơn 4,3 nghìn m2. Qua khảo sát của Sở Xây dựng, quận có 5 điểm với diện tích hơn 4 nghìn m2 phù hợp quy hoạch đất ở để đưa vào kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất. (Báo Hải Phòng 11/6, tr4)

XÃ HỘI

31.            Đoàn Thanh niên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tặng tủ sách pháp luật cho công nhân lao động Hải Phòng

Ngày 8/6, Đoàn Thanh niên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động tại Khu kinh tế Hải Phòng. Toàn bộ số tiền bán hàng được quyên góp cho Công đoàn các khu kinh tế Hải Phòng để trao lại cho công nhân lao động mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn lao động.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên tổ chức giao lưu văn nghệ kết hợp tư vấn pháp luật, tặng báo Lao Động cho công nhân lao động  và tặng quà cho 30 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhân dịp này, Đoàn Thanh niên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng tủ sách pháp luật gồm trên 10 đầu sách với khoảng 200 cuốn về Luật Công đoàn, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm y tế, Luật bảo hiểm xã hội... cho Công đoàn các Khu kinh tế Hải Phòng và 1 Công đoàn cơ sở tại đây. Toàn bộ kinh phí mua hàng và sách đều do các đoàn viên thanh niên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ, quyên góp. (Lao Động Điện Tử 10/6)

32.            Tri ân những người chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc

Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, thể hiện lòng biết ơn, tri ân các anh hùng, thương binh, liệt sĩ và những người có công chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Giải quyết chu đáo các chế độ, chính sách

Là địa phương có số người có công với nước, người thuộc diện chính sách đông đảo, Hải Phòng luôn quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, với vai trò là cơ quan thường trực làm tốt công tác tham mưu với thành phố chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 290 của Thủ tướng về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 142 của Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62 của Chính phủ về chế độ, chính sách với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ hoặc thôi việc; Thông tư số 158/2011 của Bộ Quốc phòng về thực hiện một số chế độ, chính sách góp phần chăm sóc cán bộ quân đội nghỉ hưu…

Tổng hợp của Ban Chính sách (Bộ Chỉ huy quân sự thành phố) trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013 cho thấy, hơn 53.000 người được chi trả trợ cấp 1 lần theo các Quyết định 290, 142 và 62 với tổng số tiền chi trả gần 200 tỷ đồng.

Theo Đại tá Phùng Văn Chải - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, việc thực hiện các chính sách này thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những người đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc triển khai các văn bản chính sách nhanh chóng, chính xác đúng người, đúng chế độ cũng là cách thể hiện tấm lòng tri ân của người đi sau đối với thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Quan tâm kịp thời các đối tượng chính sách, người có công

Trong những ngày cuối tháng 4, khi cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình Thiếu tá Phạm Duy Nguyên - Chính trị viên đảo Đá Thị, quần đảo Trường Sa vui mừng đón Đoàn đại biểu của Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tới thăm, động viên. Cùng với sự động viên, khích lệ về mặt tinh thần, tình cảm, gia đình Thiếu tá Nguyên còn được Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tặng suất quà trị giá 5 triệu đồng, giúp khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thiếu tá Nguyên chỉ là một trong nhiều trường hợp người có công với nước, cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài hải đảo được quan tâm, thăm hỏi, động viên trong những ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và thành phố.

Trong các dịp Tết Nguyên đán, ngoài hoạt động thăm hỏi các đối tượng chính sách, người có công của các đơn vị lực lượng vũ trang, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố còn tham mưu với UBND thành phố tặng quà, động viên các tập thể, cá nhân công tác trong quân đội, gia đình cán bộ, chiến sĩ làm việc tại quần đảo Trường Sa, đảo Bạch Long Vỹ, các đồn biên phòng, với tổng kinh phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố đóng góp, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tạo nguồn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa tặng các thương binh, thân nhân liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn…

Thượng tá Đỗ Hữu Liên - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố cho biết, thời gian tới, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, báo cáo hồ sơ theo Quyết định 62; xét duyệt, thẩm định và báo cáo hồ sơ thương binh, liệt sĩ theo hướng dẫn của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng); thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội; chương trình toàn quân xây 5.000 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở…

Với những việc làm thiết thực, công tác chính sách hậu phương quân đội giúp các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc hôm nay và mai sau. (Thành Lê, Báo Hải Phòng 11/6, tr3)

33.            Sẽ thu gom 343 đơn vị máu trong Ngày hiến máu tình nguyện

Bác sỹ Hoàng Văn Phòng – Giám đốc Trung tâm Huyết học truyền máu Hải Phòng cho biết: Đây là con số được thống nhất sẽ thực hiện trong Ngày Hiến máu tình nguyện của Ngành Y tế Hải Phòng với sự tham gia của toàn thể cán bộ công chức ngành.

Được biết, hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành việc làm thường xuyên, liên tục của ngành Y tế, cũng là nét đẹp được ghi nhận của những người làm công tác y tế ở Hải Phòng. (TG, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr1+3)

34.            Nghiệm thu 8 xuồng máy huấn luyện do Công ty Nam Triệu (Công an thành phố) đóng

Sáng 6/6, Thiếu tướng Bùi Bá Định – Phó tổng cục trưởng Tổng cục II Bộ Công an cùng lãnh đạo trường Đại học Cảnh sát nhân dân và trường Trung cấp Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đến kiểm tra và nghiệm thu 8 xuồng huấn luyện do Công ty Nam triệu – Công an Hải Phòng đóng mới.

Dự kiến, 8 xuồng huấn luyện TKT 699 này sẽ được bàn giao cho Đại học Cảnh sát nhân dân và trường Trung cấp Cảnh sát giao thông, Bộ Công an trong tháng 7. (Thái Bình, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr3)

35.            Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cảnh sát khu vực: Tập huấn nghiệp vụ

Sáng 10/6, tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Công an thành phố diễn ra Lễ khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát khu vực năm 2013.

Trong 5 ngày tập huấn, 176 học viên sẽ được giảng viên trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 1 truyền đạt những nội dung cơ bản về: Văn hóa giao tiếp và ứng xử; quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; công tác nắm tình hình và giải quyết vụ việc liên quan đến an ninh trật tự; công tác đăng ký và quản lý lưu trú… (PTH, An Ninh Hải Phòng 11/6, tr3)

VĂN HÓA

36.            Huyện Tiên Lãng: 23/23 xã, thị trấn thành lập đội văn nghệ xung kích

Đến nay, 23/23 xã, thị trấn và nhiều Làng văn hóa, khu dân cư trên địa bàn huyện Tiên Lãng thành lập đội văn nghệ xung kích.

 Các đội văn nghệ xung kích hoạt động biểu diễn thường xuyên, phục vụ nhân dân địa phương với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ hấp dẫn, đậm đà bản sắc quê hương… (Báo Hải Phòng 11/6, tr5)./.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
image advertisement
image advertisement
image advertisement

Cổng Thông tin điện tử thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Chánh Văn phòng Trần Huy Kiên

 
 

Liên hệ

  18 Hoàng Diệu, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng

  0225.3821.055 -   0225.3747.352

  congthongtindientu@haiphong.gov.vn

  fb.com/www.haiphong.gov.vn

  Zalo Cổng Thông tin điện tử thành phố